Tin Khắp Nơi – 11/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Khắp Nơi – 11/05/2017
Tổng thống Donald J. Trump (T) tiếp ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nhà Trắng, Washington 10/05/2017.HO / RUSSIAN FOREIGN MINISTRY / AFP

 

Tổng thống Mỹ kêu gọi Nga kiềm chế Syria và Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 10/05/2017 đã kêu gọi Nga kiềm chế Syria và Iran đồng thời hợp tác với Mỹ để chấm dứt chiến tranh tại Syria, trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc ngày càng gia tăng.

Hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đón tiếp ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tại Nhà Trắng. Đây là lần đầu tiên ông Donald Trump đón tiếp một quan chức cấp cao của Nga kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ.

Sau cuộc gặp trong phòng Bầu Dục mà theo đánh giá của tổng thống Mỹ là « một cuộc gặp gỡ rất, rất tốt đẹp », ông Donald Trump đã thúc giục ngoại trưởng Nga hành động để « kiềm chế » các đồng minh của Matxcơva là chế độ của tổng thống Syria Bachar Al-Assad, Iran và các nhóm mà Nga hậu thuẫn. Theo AFP, tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh Washington và Matxcơva phải hợp tác để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria.

Về phía ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, sau khi gặp gỡ tổng thống Donald Trump và ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, ông phát biểu với báo chí là hai bên đã sẵn sàng hợp tác trong hồ sơ về các vùng giảm căng thẳng và đã tìm ra hướng đi cụ thể để cùng nhau giải quyết khủng hoảng Syria.

Syria : Liên quân Kurdistan-Ả Rập chiếm thành phố chiến lược Tabqa 

Lực lượng liên quân người Kurdistan và Ả Rập Syria do Hoa Kỳ hậu thuẫn ngày 10/05/2017 đã chiếm được thành phố Tabqa và con đập trên sông Euphrate. Theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria OSDH, đây là khu vực then chốt hướng đến thành phố Raqqa, thủ phủ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Lực lượng liên quân đã vào thành phố từ ngày 24/04, nhưng tổ chức thánh chiến kháng cự quyết liệt với đội quân phục kích, xe cài bom và các thiết bị bay không người lái được trang bị vũ khí.

Trong khi đó, giới chuyên gia và quân sự tại Damas cho biết quân đội chính phủ sẽ tranh thủ thời hạn « tạm ngưng thù nghịch » ở phía tây Syria để tiến về phía đông nhằm ngăn chặn liên quân đối lập do Washington hậu thuẫn chiếm lại những vùng đất từ tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

vi.rfi.fr/quoc-te/20170511-tt-my-keu-goi-nga-kim-ham-che-do-syria-va-iran

 

Tổng thống tân cử Pháp bị áp lực của Bruxelles

Chưa nhậm chức nhưng tổng thống tân cử của Pháp bị sức ép cảnh báo từ Liên Hiệp Châu Âu. Tăng trưởng trong vùng sử dụng đồng euro được dự báo khả quan, nhưng tỉ lệ thâm thủng ngân sách của thành viên Pháp cũng tăng.

Theo bản nghiên cứu của Ủy Ban Châu Âu công bố ngày 11/05/2017, kinh tế vùng đồng tiền chung sẽ vững chắc trong năm 2017 và 2018 với tỷ lệ tăng trưởng 1,9%, hơn năm trước 0,1 điểm.

Ủy viên kinh tế Pierre Moscovici lấy làm tiếc là do tình hình thế giới bất trắc, chính sách thương mại của Mỹ, chương trình điều chỉnh kinh tế của Trung Quốc và Brexit, đã khiến cho kinh tế châu Âu không phất lên mạnh hơn.

Nước Pháp cũng theo đà tăng trưởng này, nhưng tỉ lệ thâm thủng ngân sách cũng tăng nhẹ theo, hơn mức trần 3% của GDP. Công bố điểm đen này, ủy viên kinh tế Pierre Moscovici nhấn mạnh là « không có ý gây áp lực với tổng thống tân cử Pháp ». Tuy nhiên, ông nhắc khéo : Pháp là thành viên duy nhất trong số 19 nước sử dụng đồng euro bị thâm thủng trên 3%. Tổng thống tân cử Emmanuel Macron biết rõ nguyên tắc của Liên Hiệp Châu Âu.

Để tuân thủ nguyên tắc quân bình ngân sách, nước Pháp phải tiến hành nhiều biện pháp « cải cách đớn đau » nhất là về thị trường lao động và an sinh xã hội, theo yêu cầu của Bruxelles.

vi.rfi.fr/quoc-te/20170511-tong-thong-tan-cu-macron-bi-ap-luc-cua-bruxelles

 

Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mục tiêu chung của Tập Cận Bình và Moon Jae In

Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm nay 11/05/2017 đã có cuộc điện đàm đầu tiên với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc khẳng định với báo chí là hai nhà lãnh đạo đặt mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

Cuộc điện đàm của tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng trong những tháng qua do Hàn Quốc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ.

Tổng thống Moon Jae In – vốn là người khá dè dặt trong việc triển khai lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc – đã nói với Tập Cận Bình là ông « ý thức » được những lo ngại của Trung Quốc và đề nghị có thêm thảo luận song phương để có thể hiểu thêm về hồ sơ trên.

AFP trích lời phát ngôn viên của tân tổng thống Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm 40 phút, tân tổng thống Moon Jae In cũng đề xuất cử đoàn đại biểu tới Bắc Kinh để thảo luận về lá chắn tên lửa THAAD và hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Còn chủ tịch Tập Cận Bình đã chính thức mời đồng nhiệm Hàn Quốc sang thăm Bắc Kinh.

vi.rfi.fr/…/20170511-phi-hat-nhan-hoa-bac-trieu-tien-muc-tieu-chung-cua-tap-can-bi.

 

Pháp : Đảng Cộng Hòa Tiến Bước công bố danh sách 450 ứng viên lập pháp

Phong trào Tiến Bước ! (En Marche !) do Emmanuel Macron thành lập năm 2016 công bố ngày 11/05/2017 danh sách ứng viên được lựa chọn tham gia cuộc bầu cử lập pháp được tổ chức vào 11 và 18/06. Tổng thống tân cử Pháp cần có đa số ở Hạ Viện để thực hiện những chương trình cải cách mà ông đã hứa trong lúc vận động tranh cử.

Theo AFP, danh sách ứng viên lập pháp của đảng Cộng Hòa Tiến Bước được hình thành từ hai lời hứa : đổi mới và đa nguyên chính trị. Mục đích này khiến nội bộ các đảng truyền thống bị khuấy động, giữa một bên muốn liên minh và bên kia là tìm cách phục thù cho thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.

Thay vì 577 ứng viên như dự kiến, trong danh sách đầu tiên được đảng Cộng Hòa Tiến Bước công bố chiều 11/05 gồm khoảng 450 ứng viên « chắc chắn ». Tuy nhiên, theo ông Jean-Paul Delevoye, chủ tịch Ban tuyển chọn ứng viên, trong hai ngày 11 và 12/05, ban tiếp tục nghiên cứu nhiều hồ sơ ứng viên nộp vào hạn chót, như trường hợp của cựu thủ tướng Pháp Manuel Valls.

Trước đó, ngày 10/05, chủ tịch Ban tuyển chọn ứng viên của đảng Cộng Hòa Tiến Bước khẳng định trên đài Europe 1 rằng cựu thủ tướng Pháp không đáp ứng đủ điều kiện ứng cử, nên « trong trường hợp cụ thể này, Ban tuyển chọn không thể nghiên cứu hồ sơ ứng cử của ông Valls ». Cụ thể là ông Valls chưa đăng ký gia nhập đảng Cộng Hòa Tiến Bước.

Quyết định của cựu thủ tướng Manuel Valls, hiện là đảng viên Đảng Xã Hội, đăng ký ứng cử trên danh nghĩa đảng Cộng Hòa Tiến Bước khiến đảng Xã Hội tức giận. Ông Jean-Christophe Cambadélis, thư ký Đảng Xã Hội khẳng định trên đài BeurFM rằng tổ chức này đang tiến hành thủ tục có thể dẫn đến việc khai trừ ông Valls.

Phản đối quyết định trên, ngày 11/05, ông Didier Guillaume, chủ tịch nhóm Xã Hội tại Thượng Viện, đánh giá đó là « nỗi hổ thẹn » của đảng Xã Hội. Thay vì đe dọa khai trừ Manuel Valls khỏi đảng, « lãnh đạo đảng Xã Hội, những người đã dồn cánh tả đến chân tường với kết quả 6% trong cuộc bầu cử tổng thống, lẽ ra phải hành động tốt hơn là thách thức nhau ».

Riêng về phía đảng Những Người Cộng Hòa, trả lời đài RFI, chủ tịch đảng Bernard Accoyer khẳng định không một ứng viên nào của đảng cánh hữu hưởng ứng lời kêu gọi của đảng Cộng Hòa Tiến Bước trong cuộc bầu cử lập pháp.

Pháp : thủ tướng Bernard Cazeneuve từ chức và giải tán chính phủ

Hội Đồng Bảo Hiến Pháp hôm qua 10/05/2017 chính thức tuyên bố Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp, với 66,1% số phiếu bầu so với tỉ lệ 33,9% của đối thủ Marine Le Pen tại vòng hai bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 07/05.

Tỉ lệ phiếu bầu mà Hội Đồng Bảo Hiến Pháp thông báo không thay đổi so với con số mà bộ Nội Vụ Pháp công bố hôm thứ Hai 08/05. Lễ chuyển giao quyền lực giữa tổng thống mãn nhiệm François Hollande và tổng thống tân cử Emmanuelle Macron sẽ diễn ra vào ngày Chủ Nhật 14/05 tại điện Elysée.

Sau thông báo chính thức của Hội Đồng Bảo Hiến, theo truyền thống, thủ tướng Bernard Cazeneuve nộp đơn từ chức và giải tán chính phủ. Tổng thống mãn nhiệm François Hollande đã ghi nhận việc thủ tướng Bernard Cazeneuve từ chức, giải tán chính phủ và yêu cầu ông Cazeneuve tiếp tục giải quyết công việc cho tới ngày chính phủ mới được thành lập, theo dự kiến là vào đầu tuần tới.

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống mãn nhiệm François Hollande chủ trì cuộc họp cuối cùng của Hội Đồng Bộ Trưởng.

vi.rfi.fr/phap/20170511-phap-dang-cong-hoa-tien-buoc-cong-bo-danh-sach-450-ung.

 

Tổng thống Nam Hàn đặt mục tiêu phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên

Tân Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-In đã nói chuyện qua điện thoại với Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trước đó, Tổng Thống Moon cũng nhận điện thoại chúc mừng của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump. Bản thông cáo do Nhà Trắng phổ biến cho hay hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn đồng ý cùng hợp tác chặt chẽ hơn, để đạt mục tiêu bán đảo Triều Tiên phải là khu vực phi hạt nhân.

Trong cuộc nói chuyện với lãnh tụ Tập Cận Bình của Trung Quốc, Tân Tổng Thống Nam Hàn và người đang lãnh đạo Bắc Kinh cũng đồng ý với mục tiêu vừa nêu.

Tân Tổng Thống Nam Hàn còn nêu ý kiến Bắc Kinh nên tăng áp lực để buộc Bình Nhưỡng phải ngưng ngay những hành động gây rối, cũng như chấm dứt chương trình chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Các bản tin được phổ biến còn cho thấy Tân Tổng Thống Nam Hàn còn yêu cầu hai chính phủ Seoul và Bắc Kinh thảo luận chi tiết hơn về những biện pháp đối phó với Bình Nhưỡng, kể cả các biện pháp cấm vận, chế tài, và hợp tác gây áp lực với Bắc Hàn.

Trong cuộc điện đàm, Tân Tổng Thống Moon có nói rằng ông hiểu quan ngại của Trung Quốc đối với hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD mà chính phủ tiền nhiệm đồng ý cho Hoa Kỳ đặt trên lãnh thổ Nam Hàn. Vì thế, bước đầu tiên là hai chính phủ sẽ trao đổi đặc sứ chuyên trách vấn đề Bắc Hàn và những vần đề có thể ảnh hưỡng đến mối quan hệ song phương, trước khi Tân Tổng Thống Moon chính thức sang thăm Bắc Kinh.

Về cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Hàn-Nhật, tin tức chúng tôi thu thập được cho hay Tổng Thống Moon và Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đồng ý sẽ sớm gặp nhau, cũng để bàn thảo về sách lược đối phó với Bình Nhưỡng.

Một chuyện quan trọng khác cũng được hai ông nói tới là việc giải quyết vấn đề lịch sử, liên quan đến số phận của hàng trăm ngàn phụ nữ Hàn Quốc bị bắt phải làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản thời thế chiến thứ Hai.

Ở điểm này, Thủ Tướng Nhật Bản nói rằng đã làm tròn trách nhiệm khi đạt được thỏa thuận với Seoul hồi 2015, khi Nhật chính thức xin lỗi và giao cho Nam Hàn khoản tiền để giúp đỡ cho những phụ nữ không may. Tân Tổng Thống Nam Hàn thì nói rằng phần lớn người dân Hàn Quốc không chấp nhận điều đó, đòi hỏi chính phủ Nhật Bản phải làm hơn nữa.

Trong khi đó tại Bình Nhưỡng, hôm 11 tháng 5 Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn đã triệu tất cả các đại diện của những đại sứ quán nước ngoài, để loan báo Bắc Hàn đang điều tra những người liên quan đến âm mưu muốn ám sát lãnh tụ Kim Jong-Un.

Âm mưu này được Bắc Hàn công bố hồi tháng trước, cáo buộc chính phủ Nam Hàn và cơ quan tình báo CIA Mỹ thuê người sử dụng chất độc hóa học để ám sát lãnh tụ Kim Jong Un.

Trong cuộc tiếp xúc với các nhà ngoại giao nước ngoài, đại diện Bắc Hàn nói rằng Bình Nhưỡng sẽ yêu cầu dẫn độ những kẻ can dự vào âm mưu này, gọi đó là âm mưu khủng bố, là hành động gây chiến mà một số nước đang chủ mưu.

Washington và Seoul chưa lên tiếng nói gì về chuyện này.

www.rfa.org/vietnamese/…/new-sk-pre-talk-to-cn-jp-leader-nk-says-it-will-seek-extra-.

 

New Zealand phê chuẩn TPP

New Zealand hôm thứ Năm 11 tháng Năm phê chuẩn Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương- TPP, trở thành quốc gia thứ nhì sau khi Nhật Bản phê chuẩn hiệp ước này.

Bản tin của AP đánh đi từ Wellington, dẫn lời của bộ trưởng Bộ Thương Mại New Zealand, ông Tood McClay, qui định trước đó khi đàm phán TPP thì phải cần có sự phê chuẩn của Hoa Kỳ trước khi thành hiệu lực, thế nhưng nay Mỹ đã rút  ra thì các nước còn lại phải điều chỉnh trong khuôn khổ không có nền kinh tế lớn nhất là Hoa Kỳ can dự vào nữa.

Vẫn theo lời ông McClay, New Zealand muốn gởi một thông điệp rõ ràng đến các nước là khu vực  xuất khẩu và doanh nghiệp đang tìm kiếm mọi phương cách phù hợp và thích ứng theo như những điều khoản đã điều chỉnh khi ký vào hiệp ước này.

Việc phê chuẩn TPP của New Zeland diễn ra trước chuyến công du của thủ tướng nước này, Bill English, sang thăm Nhật vào tuần tới.

Trong khi đó vào cuối tháng này, tại Việt Nam, Bộ trưởng Thương Mại Todd McClay sẽ đồng chủ trì hội nghị bộ trưởng các nước tham gia TPP.

New Zealand là một nước ủng hộ mạnh mẽ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương- TPP. Lý do được cho biết vì nền kinh tế nước này chủ yếu dựa vào xuất khẩu sản phẩm sữa cùng những mặt hàng nông nghiệp khác.

www.rfa.org/…/internationalnews/new-zealand-ratifies-pacific-trade-deal-after-us-with

 

Bắc Triều Tiên dọa ‘nặng tay’ với công dân Mỹ bị bắt

Bắc Triều Tiên ngày 11/5 tuyên bố có quyền “trừng phạt nặng” các công dân Mỹ bị bắt về tội chống hệ thống chính quyền Bình Nhưỡng và nói tin tức Mỹ đưa tin về những trường hợp này như một chiêu bài mặc cả là “thiếu hiểu biết.”

Thông tấn xã KCNA của Bắc Triều Tiên nói sẽ sớm công bố tội của những công dân Mỹ vừa bị bắt.

Hai người Mỹ có liên hệ với một trường đại học tư tại thủ đô Bắc Triều Tiên bị bắt trong tháng qua.

Trong số này có ông Kim Hak Song, một nhà truyền giáo Cơ Đốc đến dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ (PUST) ở Bình Nhưỡng. Trường này do nước ngoài tài trợ.

Ông điều hành một trang trại thí nghiệm của PUST trước khi bị bắt vào ngày thứ Bảy tuần trước.

Đại học PUST nói nhiệm vụ duy nhất của họ là trang bị cho các mầm tài năng ưu tú của Bắc Triều Tiên kỹ năng để hiện đại hóa quốc gia cô lập này và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Các cựu giáo sư của trường nói giảng viên của trường thường dè dặt tránh những công việc trông giống truyền giáo.

Trường này thu hút đều đặn các tín đồ Cơ Đốc giáo từ Mỹ nhiệt tình muốn đóng góp, dù Bắc Triều Tiên có lịch sử kết án nặng bằng hình thức lao động khổ sai những nhà truyền giáo bị tố cáo các tội trạng khác nhau.

Trong quá khứ, Bắc Triều Tiên đã dùng những tù nhân để đổi lấy những sự nhượng bộ, trong đó có những chuyến viếng thăm của những nhân vật tên tuổi tại Mỹ, quốc gia không có liên hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên.

www.voatiengviet.com/a/bac-trieu-tien-doa-nang-tay…cong-dan…-/3848364.htm

Ngoại trưởng Nga ‘lạc quan thận trọng’ sau khi gặp Trump

Một phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm nói rằng cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là “vô cùng tích cực”.

Ông Dmitry Peskov nói với các nhà báo rằng Nga “lạc quan một cách thận trọng” về triển vọng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng còn có rất nhiều việc phải làm.

Phát biểu này được đưa ra một ngày sau khi ông Trump tiếp ông Lavrov tại Tòa Bạch Ốc trong các cuộc thảo luận mà nội dung chủ yếu tập trung vào tình hình ở Syria.

Nói chuyện với báo giới sau cuộc họp, ông Trump nói: “Tôi vừa có một cuộc họp tốt đẹp, rất tốt, với ông Lavrov.”

Ngồi cạnh cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong Phòng Bầu dục, ông Trump không cho biết nhiều chi tiết về cuộc thảo luận giữa ông với nhà ngoại giao Nga. Ông nói:

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được nhiều điều tích cực liên quan tới vấn đề Syria. Tôi nghĩ rằng những gì đang diễn ra thực sự tích cực, hết sức tích cực. Chúng ta sẽ chấm dứt những hành động giết người, ngăn chặn những sự chết chóc.”

Chuyến thăm của ông Lavrov đánh dấu cuộc họp cấp cao nhất với phía Nga mà ông Trump đã tổ chức từ khi lên nắm quyền. Cuộc gặp diễn ra một tháng sau khi tổng thống Trump đánh giá quan hệ giữa Washington và Moscow đang ‘ở mức thấp nhất từ trước đến nay’. Các quan chức Mỹ và Nga cho biết hai bên đang thảo luận để chuẩn bị cho một cuộc gặp có thể diễn ra giữa ông Trump và ông Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức vào tháng 7 sắp tới.

Nói chuyện với các phóng viên tại Đại sứ quán Nga sau cuộc họp, ông Lavrov nói rõ hơn:

“Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về vấn đề Syria, trong bối cảnh các ý kiến đã được đưa ra về việc thiết lập các khu vực giảm chiến sự. Hai bên cùng hiểu rằng đó sẽ là một bước có thể góp phần chấm dứt bạo lực trên khắp lãnh thổ Syria. Đó cũng là một bước để tiếp tay giải quyết các vấn đề nhân đạo.”

Thông cáo do Tòa Bạch Ốc công bố về cuộc họp này cho biết các cuộc thảo luận còn đề cập tới các điểm nóng khác trong khu vực:

“Tổng thống Trump nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria, ông đặc biệt lưu ý về sự cần thiết Nga phải kiềm hãm chế độ Assad, Iran và các nhóm hoạt động theo lệnh của Iran.”

Thông cáo của Tòa Bạch Ốc về cuộc họp hôm thứ Tư lưu ý rằng Tổng thống Trump mong muốn xây dựng một mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn với Moscow liên quan tới nhiều vấn đề khác nhau.

https://www.voatiengviet.com/a/…nga-lac-quan…trong-sau-khi…trump/3847497.html

 

https://www.voatiengviet.com/a/…nga-lac-quan…trong-sau-khi…trump/3847497.html