Tin khắp nơi – 11/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 11/03/2017

Lệnh cấm di trú mới của ông Trump

bị tòa án liên bang tạm đình chỉ

Một thẩm phán liên bang ở bang Wisconsin thuộc miền bắc của Mỹ đã ngăn chặn việc thi hành lệnh cấm du hành đã được sửa đổi của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngăn chặn một người mẹ Syria và đứa con thoát chết của mình không được vào Mỹ.

Người phụ nữ và bé gái này sống ở thành phố Aleppo bị chiến tranh tàn phá. Người chồng đã được chấp thuận bảo hộ tị nạn ở Wisconsin.

Thẩm phán Khu vực tư pháp liên bang Hoa Kỳ, William S. Conley, hôm thứ Sáu đã ban hành lệnh cấm tạm thời chỉ áp dụng đối với người phụ nữ và đứa bé.

Lệnh cấm mới của ông Trump có hiệu lực từ ngày 16 tháng 3. Tuy nhiên người mẹ theo lịch trình sẽ đi tới Jordan để phỏng vấn xin thị thực tại Đại sứ quán Mỹ và quá trình này có thể kéo dài quá ngày 16 tháng 3.

Thẩm phán Conley nói rằng người chồng đã “chứng minh được một số khả năng thành công” dựa trên chính trường hợp của ông và gia đình ông có “nguy cơ đáng kể phải chịu tổn hại không thể khắc phục được” nếu bị buộc phải ở lại Syria.

Đầu năm nay, ông Trump đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với công dân của bảy nước mà người Hồi giáo chiếm đa số, bao gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.

Lệnh cấm này đã bị hủy bỏ sau khi bang Washington giành chiến thắng trong vụ kiện yêu cầu tòa án liên bang ban hành một sắc lệnh trên toàn quốc ngăn chặn việc thực thi lệnh cấm.

Lệnh cấm được sửa đổi loại Iraq ra khỏi danh sách các nước bị cấm nhập cảnh Mỹ và cũng có những thay đổi khác.

http://www.voatiengviet.com/a/lenh-cam-di-tru-moi-cua-ong-trump-bi-toa-an-lien-bang-tam-dinh-chi/3761362.html

 

Bộ Tư pháp Mỹ

đề nghị 46 trưởng công tố viên liên bang từ chức

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu đã yêu cầu 46 công tố viên liên bang do chính quyền Obama bổ nhiệm từ chức ngay lập tức.

Một chính quyền mới thường yêu cầu những người được bổ nhiệm dựa trên quan điểm chính trị từ chức. Tuy nhiên, yêu cầu được đưa ra đột ngột và số lượng người bị yêu cầu từ chức đông như vậy là rất bất thường.

Sarah Isgur Flores, phát ngôn viên Bộ Tư pháp, cho biết chính quyền yêu cầu những vụ từ chức này, có hiệu lực trước cuối ngày thứ Sáu, để “đảm bảo một sự chuyển tiếp đồng đều.”

Bà nói: “Cho tới khi những công tố viên liên bang Hoa Kỳ mới được chuẩn thuận, các công tố viên chuyên nghiệp tận tụy thuộc Văn phòng Công tố viên Hoa Kỳ của chúng tôi sẽ tiếp tục công tác quan trọng của bộ trong việc điều tra, truy tố và răn đe những người phạm tội bạo lực nhất.”

Công tố viên Hoa Kỳ là công tố viên liên bang chịu trách nhiệm tố tụng những tội cấp liên bang trong khu vực tư pháp mà họ giám sát. Họ báo cáo với cấp trên là Bộ Tư pháp ở Washington và những ưu tiên của họ nhất quán với bộ trưởng tư pháp.

Sau đó trong ngày thứ Sáu, ông Trump từ chối chấp nhận đơn xin từ chức của hai công tố viên: Dana Boente, quyền phó bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ, và Công tố viên Hoa Kỳ bang Maryland, Rod Rosenstein, người đã được chọn để thay thế ông Boente.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Chuck Schumer đại diện bang New York cho biết ông “lo ngại” về những vụ từ chức hàng loạt này và nói rằng hành động này không được thực hiện “một cách có trật tự.” Ông Schumer nói ông đặc biệt lo ngại về vụ từ chức của công tố viên nổi tiếng Preet Bharara, là công tố viên liên bang đặc trách khu vực Manhattan của thành phố New York. Không lâu sau cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, ông Bharara cho biết chính quyền Trump đã yêu cầu ông tại nhiệm.

http://www.voatiengviet.com/a/bo-tu-phap-my-de-nghi-46-truong-cong-to-vien-lien-bang-tu-chuc/3760841.html

 

Tổng thống Trump bị các chủ quán bar kiện

Hai nhà hoạt động chính trị thuộc đảng Dân chủ đồng thời làm chủ quán bar đang kiện Tổng thống Donald Trump rằng khách sạn Trump International của ông làm phương hại bất công đến hoạt động kinh doanh tại quán rượu của họ.

Ông Khalid Pitts và bà Diane Gross, chủ sở hữu quán Cork Wine Bar ở Washington, D.C., không yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ kiện ông Trump, nhưng tìm cách ngưng hoạt động khách sạn của ông Trump cho đến khi hoặc là ông từ chức tổng thống hoặc phải rút đầu tư hoàn toàn khỏi doanh nghiệp đó.

Hai người này nói khách sạn mới của ông Trump, tọa lạc ở một khu phố khác, cách quán bar khoảng gần 2,4 km, đã khiến quán bar của họ bị mất doanh thu. Họ không chỉ ra những ví dụ cụ thể để biện hộ cho đơn kiện của họ và cho biết rằng nhà hàng 70 chỗ của họ bị cạnh tranh gay gắt từ các quán bar và nhà hàng khác gần vị trí phố 14 nổi tiếng, nơi có khách sạn của ông Trump.

Ông Gross nói với The Washington Post: “Chúng tôi có những sự kiện tổ chức ở đây cho các quan chức dân cử, các tổ chức phi lợi nhuận, các quan chức nước ngoài, Ngân hàng Thế giới, và các công ty luật. Thế mà giờ đây những vị khách này được yêu cầu đến đó và muốn tới đó [khách sạn Trump] bởi vì họ cảm thấy như vậy thuận lợi hơn để tỏ niềm ưu ái với tổng thống.”

Đơn kiện của họ nói rằng vài trò tổng thống của ông Trump xung đột với điều khoản trong hợp đồng cho thuê của khách sạn nói rằng không có quan chức liên bang nào có thể hưởng lợi từ hợp đồng cho thuê. Cục Quản lý Dịch vụ, cơ quan quản lý hợp đồng cho thuê, vẫn chưa xác nhận liệu ông Trump có vi phạm hợp đồng hay không.

Khi Trump trở thành tổng thống, ông đã từng bước rút khỏi các hoạt động kinh doanh khách sạn và đưa hai con trai là Eric và Donald, Jr., phụ trách hoạt động kinh doanh. Ông cũng hứa sẽ hiến tặng bất kỳ khoản lợi nhuận nào thu được từ khách hàng nước ngoài cho Kho bạc Hoa Kỳ để tránh vi phạm luật về đạo đức.

Ông Eric Trump nói với báo Washington Post rằng vụ kiện là “một hành động nguy hiểm, thu hút sự chú ý của báo giới.”

Ông nói: “Chắc là họ không có gì tốt hơn để làm, nên họ đi quấy rối và tòa sẽ vất đơn kiện sang một bên … Thật là buồn cười.”

Ngoài việc sở hữu Cork Wine Bar, ông Pitts còn là đối tác của tổ chức Đối tác Dân chủ, lý lịch của ông cho biết ông là “một nhà lãnh đạo chính trong phong trào tiến bộ với 20 năm kinh nghiệm quản lý các chiến dịch chính trị và lập pháp”.

Dữ liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang cho thấy ông đã tặng hơn 3.000 đô la cho các chiến dịch chính trị của đảng Dân chủ kể từ năm 2007, bao gồm đối thủ của ông Trump là Hillary Clinton vào năm 2015.

Bà Gross là một cựu luật sư về quyền công dân và là cố vấn cho Thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Mikulski.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-tong-trump-bi-cac-chu-quan-bar-kien/3760348.html

 

Hoa Kỳ trục xuất 68 người Somali

Lần thứ hai trong năm nay, Hoa Kỳ đã trục xuất một nhóm người nhập cư Somali về nước.

Một chiếc máy bay chở 68 người Somali đã đáp xuống sân bay quốc tế Aden Adde ở thủ đô Mogadishu. Các quan chức cho biết những người bị trục xuất được các các nhân viên Cơ quan Nhập cư và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) hộ tống và trao trả cho nhà chức trách Somali.

Ông Nur Mohamed Mohamud, một trong số những người bị trục xuất, nói với VOA Tiếng Somali rằng ông đã đi qua hơn 10 quốc gia trong hai tháng để đến được Hoa Kỳ.

Ông nói ông bị giam 20 tháng ở bang Florida trước khi bị đưa về nước. Ông nói: “Họ đã từ chối đơn xin tị nạn của tôi, tôi không phải là tội phạm”.

Ông Mohamud cho biết sứ quán Somali ở Washington đã cấp các giấy tờ thông hành để họ quay trở lại Somalia.

Quyền Bộ trưởng An ninh Somalia Abdirizak Omar Mohamed nói với truyền thông nhà nước rằng chính phủ Somali được thông báo về vụ trục xuất trước khi họ về đến Mogadishu.

Ông nói: “Giữa chính phủ Somali và Hoa Kỳ không có thoả thuận nào về trục xuất, nhưng những người bị trục xuất lần này là người Somali gặp vấn đề về trong việc giam giữ và yêu cầu được trở về Somalia.”

Đây là lần thứ hai Hoa Kỳ trục xuất người nhập cư Somali kể từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 1. Nhóm đầu tiên gồm 90 người Somali bị trục xuất bằng máy bay vào cuối tháng 1.

Đại sứ Somalia tại Hoa Kỳ Ahmed Isse Awad nói với bang tiếng Somali của đài VOA rằng những người nhập cư đã gửi thư đến Đại sứ Somalia tại Washington xin trở về nước. Tất cả những người này trước đó đã ở trong các trung tâm giam giữ hoặc các nhà tù.

Somalia là một trong 6 quốc gia có tên trong lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đã sửa đổi của Tổng thống Trump.

Tổng thống Somali Mohamed Abdullahi Farmajo đã kêu gọi Tổng thống Trump hủy bỏ những hạn chế nhập cảnh Mỹ đối với người Somali.

http://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-truc-xuat-68-nguoi-somali/3760255.html

 

Bộ trưởng TQ: Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ

‘chỉ gây đau đớn mà thôi’

Một cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ gây đau đớn mà thôi, theo lời bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết hôm thứ Bảy, trong khi các nhà phân tích nhận định rằng mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ làm giảm niềm tin của các nhà xuất khẩu và các nhà đầu tư khắp thế giới.

“Một cuộc chiến thương mại sẽ không có lợi cho cả hai nước hoặc người dân của cả hai nước, bạn có thể nói nó chẳng đem lại lợi thế nào cả,” Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn nói với các phóng viên bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hàng năm ở Bắc Kinh.

“Nhiều người bạn Mỹ và phương Tây nghĩ rằng Trung Quốc không thể sống mà không có Mỹ, nhưng điều đó chỉ đúng phân nửa.”

“Đồng thời, Mỹ cũng không thể sống mà không có Trung Quốc,” ông Chung nói. Ông nói thêm rằng trong 10 năm qua, tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã vượt qua tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Ông Chung nói rằng ông mong muốn gặp người đồng nhiệm Wilbur Ross của Mỹ.

Nhà đầu tư tỉ phú Ross đã tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Thương mại Mỹ vào tháng 2 sau khi giúp định hình lập trường chống đối của Tổng thống Donald Trump đối với những thỏa thuận thương mại đa phương.

Ông dự kiến sẽ bắt đầu công tác tái thương lượng các mối quan hệ thương mại với Trung Quốc và Mexico.

“Tôi biết ông Ross là một doanh nhân nổi tiếng và là một nhà đàm phán giàu kinh nghiệm, một người xuất sắc,” ông Chung nói với các phóng viên bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội.

“Tôi sẵn sàng làm việc với những người xuất sắc bởi vì những người xuất sắc biết tính kế lâu dài và có tư duy chiến lược.”

Triển vọng ngoại thương của Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn, ông Chung nói thêm.

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 cộng lại tăng 4,0 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu tăng 26,4 phần trăm. Điều này cho thấy có sự cải thiện đáng kể về nhu cầu trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc và những nền kinh tế khác lệ thuộc vào thương mại đang bị che khuất bởi những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang lớn dần ở Mỹ.

Ông Chung cũng nói về đầu tư ngoài nước ngày càng tăng của Trung Quốc, lưu ý rằng một số nhỏ các công ty Trung Quốc đã đầu tư ở nước ngoài “một cách mù quáng và phi lý” theo những cách mà Trung Quốc không khuyến khích. Ông nói rằng chính phủ sẽ tăng cường quản lý các khoản đầu tư như vậy.

http://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-tq-chien-tranh-thuong-mai-trung-mai-trung-my-chi-gay-don-dau-ma-thoi/3761431.html

 

Tức giận vì THAAD,

Trung Quốc ‘trả đũa’ cắt tour đi Hàn Quốc

Áp lực tại Trung Quốc đối với các công ty lữ hành khiến các hãng hàng không và các công ty tàu du lịch cắt tour đưa khách tham quan Hàn Quốc trong bối cảnh Trung-Hàn đang tranh cãi ngoại giao gay gắt về kế hoạch của Seoul cho triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Tập đoàn hàng không China Eastern Airlines và Spring Airlines kể từ tuần sau ngưng các chuyến bay nối liền thành phố Ninh Ba, miền Đông Trung Quốc, với đảo du lịch nổi tiếng Jeju của Hàn Quốc.

Hãng hàng không Eastar Jet của Hàn Quốc loan báo tạm ngưng các chuyến bay giữa thành phố Cheongju và điểm nóng du lịch Jeju với các thành phố Trung Quốc bao gồm Ninh Ba, Cát Nhĩ Tân, và Tấn Giang.

Các tập đoàn kinh doanh tàu du lịch như Carnival, Costa, và Royal Caribbean Cruises trước đó cũng bỏ các tour đưa khách tới Hàn Quốc. Lý do được công ty Royal Caribbean đưa ra là do ‘các diễn tiến gần đây liên quan đến tình hình ở Hàn Quốc.’

Một văn kiện nội bộ của chính phủ Hàn Quốc mà Reuters có được nói rằng nhà chức trách Trung Quốc ban hành chỉ đạo ‘7 bước’ yêu cầu các công ty lữ hành cắt bớt hoặc hủy bỏ tour đi Hàn Quốc.

Trong đó cấm các nhóm du lịch đưa khách sang Hàn Quốc từ giữa tháng 3, các tàu du lịch không được cập cảng Hàn Quốc, với cảnh cáo rằng ai vi phạm hướng dẫn sẽ bị ‘trừng phạt đích đáng.’

Ngành du lịch là lĩnh vực nhạy cảm. Số liệu thống kê chính thức của Hàn Quốc cho thấy gần phân nửa du khách tới Hàn Quốc là khách Trung Quốc.

http://www.voatiengviet.com/a/tuc-gian-vi-thaad-trung-quoc-tra-dua-cat-tour-di-han-quoc/3761135.html

 

Tranh cãi về những chiếc áo in chữ ‘xúc phạm’ Trung Quốc

Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin yêu cầu một doanh nghiệp bán lẻ của Đức ngưng kinh doanh dòng sản phẩm áo thun có in các dòng chữ bị Bắc Kinh xem là xúc phạm Trung Quốc.

Trong số các sản phẩm áo thun in chữ của nhà bán lẻ Spreadshirt.de có những chiếc áo in các khẩu hiệu như “Cứu một con chó, xơi thịt một người Trung Quốc” , “Cứu một con cá mập, ăn thịt một người Trung Quốc” cũng như hình ảnh các ký tự tiếng Hoa được xếp tượng trưng tư thế giao hợp của con người kèm dòng chữ chú thích bằng Anh ngữ rằng “Giờ tôi đã hiểu tiếng Trung.”

Thịt chó và vây cá mập là món ăn khoái khẩu tại Trung Quốc.

Trong thông cáo ngày 10/3, đại sứ quán Trung Quốc cho hay họ đã than phiền với chính phủ Đức, đề nghị “doanh nghiệp liên quan ngưng kinh doanh những chiếc áo thun xúc phạm Trung Quốc” và có lời xin lỗi và giải thích.

Sứ quán Trung Quốc cảnh báo vụ này có thể gây phương hại đến quan hệ song phương.

Thông cáo cũng cho biết là giới chức kinh tế-thương mại đã họp với đại diện doanh nghiệp vừa kể để bày tỏ ‘sự bất bình cao độ.’

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn của doanh nghiệp có trụ sở ở Leipzig nói rằng công ty không chịu trách nhiệm về những mặt hàng này vì họ chỉ là một trang mạng chào bán sản phẩm của các nhà thiết kế.

Tranh cãi diễn ra sau vụ một chính trị gia người Đức, Gunther Oettinger, buộc phải xin lỗi vì trong một đoạn video bị rò rỉ ông bình phẩm rằng người Hoa có ‘mắt xếch’.

http://www.voatiengviet.com/a/tranh-cai-ve-nhung-chiec-ao-in-chu-xuc-pham-trung-quoc/3761126.html

 

Trung Quốc chế tạo máy bay tàng hình không người lái

Tin cho hay Trung Quốc đang chế tạo máy bay tàng hình không người lái có thể tránh ra-đa và các loại vũ khí chống máy bay.

Tờ China Daily ngày 9/3 loan tin tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ CASIC đang tập trung chế tạo máy bay tàng hình không người lái siêu bền và phi cơ không người lái bay cận vũ trụ.

Ông Wei Yiyin, Phó Tổng quản trị CASIC, tập đoàn chế tạo phi đạn lớn nhất của Trung Quốc, cho biết công ty sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để sản xuất công nghệ cho những máy bay không người lái tàng hình có độ bền lâu dài, hoàn tất thiết kế loại máy bay không người lái chiến đấu, do thám tốc độ cao,và sử dụng những sản phẩm mới của thị trường địa phương và nước ngoài.

CASIC cũng chế tạo các máy bay tàng hình đa dụng dùng cho huấn luyện. Những máy bay không người lái của công ty được phóng từ một phương tiện cơ giới và được thu hồi sau khi đáp xuống bằng dù. CASIC là công ty duy nhất sản xuất phi đạn hành trình tại Trung Quốc.

Trung Quốc đang phân bổ hàng tỉ đô la để nâng cấp các trang bị quân sự và sản xuất vũ khí mới như máy bay chiến đấu tàng hình và tàu sân bay. Bắc Kinh đang gia tăng nghiên cứu về máy bay không người lái dùng cho quân sự, hy vọng sẽ thu hút khách hàng tiềm năng bằng công nghệ giá rẻ và sẵn lòng bán hàng cho các lãnh thổ mà các nước phương Tây do dự.

Viện Thiết kế và Nghiên cứu Máy bay Thành Đô của Trung Quốc đã khởi động chuyến bay đầu tiên của một máy bay không người lái chiến đấu có thể so sánh với máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ. Đầu tuần này, tin nói Trung Quốc cũng đã cho bay thử máy bay không người lái Wing Loong II.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-che-tao-may-bay-tang-hinh-khong-nguoi-lai/3760806.html

 

‘Hà Lan là tàn dư của Quốc xã’

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi chính quyền Hà Lan là ‘tàn dư của Quốc xã và những kẻ phát xít’, trong tranh cãi về việc hủy bỏ cuộc tuần hành ở Rotterdam.

Trước đó, chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép hạ cánh đối với chiếc máy bay chở Ngoại trưởng Melvut Cavusoglu, theo lịch trình, là người sẽ phát biểu tại cuộc tuần hành vào hôm thứ Bảy nhằm ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý với mục đích tăng thêm quyền lực cho ông Erdogan.

Cuộc tuần hành cũng bị cấm vì lý do an ninh, Thị trưởng Rotterdam cho biết.

“Hà Lan có thể cấm bay đối với ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng từ bây giờ, hãy đợi xem làm cách nào những chuyến bay của Hà Lan hạ cánh xuống Thổ Nhĩ Kỳ,” Tổng thống Erdogan nói tại cuộc tuần hành ở Istanbul.

Ông Cavusoglu cũng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trừng phạt nặng nề nếu chuyến thăm của ông bị cấm.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói trong thông cáo (bằng tiếng Hà Lan) rằng Thổ Nhĩ Kỳ dọa trừng phạt khiến ‘việc tìm kiếm một giải pháp hợp lý gần như không khả thi’.

Do đó, Hà Lan sẽ thu lại quyền hạ cánh, ông nói.

Áo, Đức và Thụy Sĩ cũng ban hành lệnh cấm những buổi tụ họp tương tự, nơi những quan chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những bài diễn văn.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt người hàng loạt sau đảo chính

Thổ Nhĩ Kỳ đưa thêm xe tăng vào Syria

Thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb nói vào hôm đầu tuần rằng chủ nhân của hội trường, nơi sẽ tổ chức buổi tụ họp có sự góp mặt của ông Cavusoglu, đã thu lại giấy phép, nhưng ngoại trưởng vẫn có thể đến thăm.

“Ông ta có quyền miễn trừ ngoại giao nên chúng tôi sẽ vẫn đối xử với ông một cách trân trọng, nhưng chúng tôi có những phương tiện khác để ngăn cản mọi việc diễn ra ở nơi công cộng,” hãng thông tấn Reuters trích lời ông Aboutaleb cho hay.

Một cuộc tụ họp tương tự, dự định tổ chức vào Chủ nhật tại Thụy Sĩ, cũng chưa có gì chắc chắn, sau khi một địa điểm đã từ chối cho tổ chức.

Một sự kiện khác tại Zurich, được lên kế hoạch tổ chức vào hôm thứ Sáu, với sự tham dự của một quan chức cao cấp đã bị hủy bỏ, tương tự như các cuộc tuần hành tại những thành phố của Áo như Hoerbranz, Linz và Herzogenburg.

Chính phủ Hà Lan và Áo cũng chỉ trích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc vận động cho cuộc trưng cầu dân ý tại các nước thuộc khối EU.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu trở nên xấu đi sau cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ vào hồi tháng Bảy 2016. Đức chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch trấn áp sau đó- với gần 100.000 nhân viên nhà nước bị bãi nhiệm.

Nhiều quốc gia châu Âu lo ngại về việc trả đũa của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc đảo chính và sự độc tài dưới bàn tay của Tổng thống Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng trong việc giảm số lượng người nhập cư vào châu Âu, nhưng đe dọa sẽ ‘mở tung cửa’ nếu EU nuốt lời hứa về viện trợ, đồng ý miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và thúc đẩy tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối EU.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39242216

 

Thẩm phán từ chối chặn sắc lệnh của TT Hoa Kỳ

Một thẩm phán Hoa Kỳ đã từ chối ban hành lệnh khẩn cấp để chặn sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới của Tổng thống Donald Trump.

Quyết định được thẩm phán James Robart từ tòa cấp quận khu vực Seattle đưa ra. Đây cũng là thẩm phán ra quyết định ngăn chặn sắc lệnh hạn chế nhập cảnh lần trước.

Ông James Robart nói các luật sư cần bổ sung thêm hồ sơ.

Các luật sư ở tiểu bang Washington đã yêu cầu thẩm phán James Robart gia hạn phán quyết đối với sắc lệnh hạn chế nhập cảnh thứ nhất để áp dụng cho sắc lệnh thứ hai.

Nhưng thẩm phán nêu lý do về thủ tục pháp lý và không đồng ý.

Ông cũng nói một bản kiến nghị hoặc một bản khiếu kiện phải được nộp trước khi ra phán quyết.

Bộ Tư pháp lập luận rằng kể từ khi sắc lệnh hạn chế nhập cảnh đầu tiên bị hủy bỏ, phán quyết trước đây của thẩm phán đã không còn hiệu lực. Những người chống đối thì cho rằng sắc lệnh mới có ảnh hưởng giống như sắc lệnh ban đầu và nói quyết định mới của thẩm phán là không hợp hiến và gây thiệt hại cho doanh nghiệp ở bang Washington.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói vào hôm thứ Năm rằng chính phủ tin sắc lệnh mới sẽ thách thức mọi sự xoi mói về pháp lý.

Nhiều bang đã tiến hành khiếu nại về pháp lý đối với sắc lệnh mới.

Những bang đã khiếu nại và lý do

Oregon – cho rằng sắc lệnh mới ảnh hưởng không tốt đến người dân, người đi làm, hệ thống bảo hiểm y tế và kinh tế.

Washington – nói sắc lệnh mới ‘có cùng động cơ bất hợp pháp như sắc lệnh trước’ và gây thiệt hại cho người dân, dù ít hơn sắc lệnh đầu tiên.

Minnesota – chất vấn về tính hợp pháp, cho rằng chính phủ của ông Trump không thể phủ nhận phán quyết ngăn chặn sắc lênh cũ bằng một sắc lệnh mới.

New York – ‘một sắc lệnh cấm người Hồi giáo dưới tên gọi khác’, theo lời tổng chưởng lý.

Massachusetts – sắc lệnh mới ‘vẫn là sự phân biệt đối xử và vi hiến nhằm đáp ứng lời hứa khi còn tranh cử về chuyện cấm người Hồi giáo’.

Hawaii – lập luận rằng gây thiệt hại cho cộng đồng Hồi giáo, du lịch và sinh viên ngoại quốc.

Giải đố ngoài sân bay để nhập cảnh Mỹ

Trump kêu gọi kiểm tra biên giới ‘cẩn trọng’

Sắc lệnh mới có gì khác?

Công dân các nước Iran, Libya, Syria, Somalia, Sudan và Yemen, tức sáu nước còn lại, tiếp tục bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày.

Iraq được đưa ra khỏi danh sách cấm vì chính phủ nước này tăng cường kiểm tra thị thực và chia sẻ dữ liệu, các quan chức Nhà Trắng cho biết.

Theo lệnh mới, những người tỵ nạn đã được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận có thể vào Mỹ.

Sắc lệnh lần này không còn chỉ định cấm cửa vô thời hạn đối với người tỵ nạn Syria.

Những người đã có thẻ xanh (thường trú nhân hợp pháp của Hoa Kỳ) đến từ các quốc gia trong danh sách cấm sẽ không bị ảnh hưởng.

Lệnh mới không ưu tiên cho các tôn giáo thiểu số, không như sắc lệnh trước.

Những người chỉ trích Trump lập luận rằng sắc lệnh ban đầu là chính sách bất hợp pháp thể hiện sự ưu tiên cho những người tỵ nạn Kitô hữu.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39242213

 

Hàn Quốc: Phe chỉ trích ‘đòi bắt’ bà Park Geun-hye

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc bị phế truất Park Geun-hye giữ im lặng trong lúc đang có thêm các áp lực, kêu gọi bắt giữ bà.

Bà Park bị buộc phải rời khỏi chức vụ hôm thứ Sáu, sau khi các thẩm phán nhất trí tán thành quyết định của Quốc hội buộc tội bà về vai trò trong vụ tai tiếng tham nhũng liên quan đến người bạn thân, Choi Soon-sil, của bà.

Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye bị phế truất

Người thừa kế Samsung Lee Jae-yong bị bắt

Samsung bị bố ráp trong cuộc điều tra tham nhũng

Mặc dù có phán quyết, bà vẫn còn ở bên trong dinh thự của Tổng thống.

Hàng ngàn người biểu tình ở Seoul hôm thứ Bảy, một ngày sau khi ba người tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối bị chết.

Nhiều người đã kêu gọi bắt bà Park, mặc dù một số lượng nhỏ hơn những người ủng hộ bà cũng tập trung ở các đường phố gần đó.

Có các lo ngại hai bên có thể va chạm và cảnh sát hiện diện đông đảo.

Phát ngôn viên của những người biểu tình vốn ủng hộ quyết định của tòa án, nói với hãng Reuters rằng họ yêu cầu bắt giữ thủ lĩnh của họ.

Bà Park đã mất quyền miễn trừ của tổng thống và có thể bị buộc tội.

‘Tự do và công bằng’

Trong khi đó, ủy ban bầu cử của Hàn Quốc công bố một cuộc bỏ phiếu “tự do và công bằng” sẽ được tổ chức chậm nhất vào 9 tháng Năm.

Hiện tại, ứng viên Moon Jae-in của Đảng Dân chủ đang dẫn đầu cuộc thăm dò, với một cuộc khảo sát cho thấy ông có tỷ lệ khoảng cách gần 22% cao hơn so với đối thủ gần nhất của ông, quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn, người trung thành với bà Park.

Ông Hwang kêu gọi bình tĩnh, nói rằng chính phủ nên duy trì ổn định để ngăn ngừa xung đột nội bộ lan rộng.

Tuy nhiên, cảnh sát đang tăng cường trước nguy cơ có thêm bạo lực sau cái chết của hai người ủng hộ bà Park vào hôm thứ Sáu.

Theo Reuters, người thứ ba, 74 tuổi, bị nhồi máu cơ tim trong một cuộc biểu tình hôm thứ Sáu, và chết vào ngày thứ Bảy.

Văn phòng của bà Park nói bà sẽ không rời khỏi dinh thư tổng thống vào hôm thứ Sáu và cũng không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào.

Tin cho hay bà sẽ không rời khỏi dinh thự cho đến khi nhà riêng của bà ở Seoul được sửa chữa và dọn dẹp.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39242483

 

Mỹ: ngộ độc vì uống trà dược thảo Trung Quốc

Hai người bị ngộ độc trầm trọng tại San Francisco sau khi uống trà do một nhà thảo dược Trung Quốc cung cấp

Hãng tin AP dẫn lời Bộ Y Tế công cộng Hoa kỳ nói rằng các lá trà mua tại Công ty Thương mại Sun Wing Wo có chứa chất độc Aconite trên thực vật.

Hai nạn nhân một nam 50 tuổi và một nữ 30 tuổi vẫn còn đang nằm viện các bác sĩ cho biết cả hai đã trở nên đuối sức vì nhịp tim bất thường nguy hiểm đến tính mạng, Họ đang được hồi sức và chăm sóc đặc biệt.

Các chuyên viên về độc chất cho biết Aconite được sử dụng trong các loại thảo dược châu Á nhưng nó phải được xử lý đúng cách để được an toàn.

Các quan chức y tế đang tìm nguồn gốc của lá chè và Tiến sĩ Tomas Aragon, nhân viên y tế của thành phố San Francisco cho biết: “Bất cứ ai mua trà từ địa điểm này cũng không nên tiêu thụ nó và nên vất bỏ ngay lập tức. Độc chất Aconite tấn công trái tim và có thể gây tử vong cho người sử dụng nó.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/two-critically-ill-in-san-francisco-after-drinking-toxic-tea-03112017082012.html

 

Trung Quốc bị cáo buộc đã chèn ép công ty nước ngoài

Bắc Kinh bị EU cáo buộc đã chèn ép các công ty nước ngoài và nâng đỡ các doanh nghiệp Trung Quốc gây ra sự bất công trong cạnh tranh kinh doanh nghiêng về phía nước chủ nhà.

Mặc dù Trung Quốc nhiều lần nói rằng họ hoan nghênh sự đầu tư của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đã dựng lên các rào cản trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ ô tô sang tài chính đồng thời trợ cấp cho các công ty trong nước.

Một bản phúc trình của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EC) công bố ở Trung Quốc cho biết như vừa nói.

Ông Miao Wei, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng những lời chỉ trích của Phòng Thương mại Châu Âu là “hiểu sai” về ý định của chính phủ.

Ông Miao cũng bác bỏ các cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang đặt “áp lực mạnh” lên các công ty nước ngoài buộc phải chuyển giao công nghệ tiên tiến để đổi lấy việc tiếp cận thị trường.

Trung Quốc đứng thứ 84 trên toàn cầu, đứng sau A rap Saudi và Ucraina  trong chỉ số kinh doanh dễ dàng của Ngân hàng Thế giới đưa ra vào năm 2016 và đứng thứ hai cuối bảng trong một báo cáo của OECD về hạn chế đối với đầu tư nước ngoài.

Không phải chỉ một mình EU là có sự bất bình đẳng, trong một báo cáo của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc 80% trong tổng số 462 doanh nghiệp Mỹ khi trả lời một khảo sát cho biết họ cảm thấy các công ty nước ngoài ít được hoan nghênh hơn so với công ty bản xứ.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/china-says-industrial-policy-not-aimed-at-foreign-firms-03112017081657.html

 

Quốc tế lên án

việc sử dụng vũ khí hóa học để ám sát Kim Jong Nam

Anh Vũ

Theo AFP, hôm qua 10/03/2017, từ trụ sở tại La Haye, Tổ Chức Quốc Tế Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC) đã lên án việc sử dụng vũ khí hóa học trong vụ sát hại Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/02 vừa qua.

Trong thông cáo ra hôm qua, cơ quan quốc tế về vũ khí hóa học tỏ « lo ngại sâu sắc về việc chất độc thần kinh VX, một loại vũ khí hóa học, đã được dùng trong vụ sát hại ngày 13/02/2017 tại Kuala Lumpur, theo như thông báo của chính phủ Malaysia ».

Ban lãnh đạo của Tổ Chức Quốc Tế Cấm Vũ Khí Hóa Học cũng bày tỏ mong muốn hỗ trợ kỹ thuật cho chính quyền Malaysia, nếu họ yêu cầu trong khuôn khổ điều tra vụ án mạng tại sân bay Kuala Lumpur vừa qua. OIAC cũng rất mong nhận được các kết quả chính thức của vụ việc này khi cuộc điều tra kết thúc.

Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un, lãnh đạo Bắc Triều, hôm 13 /02 vừa qua đã tử vong sau khi bị hai phụ nữ, một mang quốc tịch Việt Nam và một mang quốc tịch Indonesia, xịt vào mặt một loại hóa chất độc. Chính quyền Malaysia đã kết luận đó là loại chất độc thần kinh cực mạnh VX. Chất độc này đã được Liên Hiệp Quốc xếp vào loại vũ khí hóa học, bị cấm tuyệt đối.

Vụ án mạng đã khiến quan hệ ngoại giao hai nước Malaysia – Bắc Triều Tiên trở nên căng thẳng chưa từng có, tới mức phải sử dụng các biện pháp trả đũa nhau như trục xuất đại sứ, bên này cấm xuất cảnh kiều dân của bên kia.

Căng thẳng bắt đầu từ khi Kuala Lumpur bác bỏ yêu cầu của phía Bình Nhưỡng, như phản đối giải phẫu tử thi, đòi trao trả xác nạn nhận vụ án mạng mà họ không thừa nhận đó là Kim Jong Nam.

Vụ việc còn lan sang cả lĩnh vực thể thao. Hôm qua, Liên Đoàn Bóng Đá Châu Á (AFC) thông báo hoãn trận đấu giữa đội tuyển Bắc Triều Tiên và Malaysia vào ngày 28/03 tới trong khuôn khổ vòng loại Cúp châu Á 2019. Lý do là vì leo thang căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170311-mot-to-chuc-quoc-te-len-an-viec-su-dung-vu-khi-hoa-hoc-trong-vu-am-sat-kim-jong-nam

 

Tổng thống Trump mời lãnh đạo Palestine thăm Hoa Kỳ

Anh Vũ

Phải mất hai tháng sau khi bước vào Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump, hôm qua 10/03/2017, mới nhấc điện thoại gọi cho lãnh đạo chính quyền Palestine, Mahmoud Abbas. Nội dung quan trọng được tiết lộ là trong cuộc điện thoại nhạy cảm này, ông Trump đã mời lãnh đạo Palestine tới Mỹ để khởi động lại tiến trình hòa bình Palestine- Israel.

Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tại Washington tường trình :

“Mọi chi tiết về nội dung cuộc nói chuyện điện thoại đều đến từ Ramallah, Palestine. Phía Mỹ không đưa ra bình luận nào. Ông Mahmoud Abbas từng là một trong những lãnh đạo đầu tiên mà ông Obama gọi điện thoại sau khi đắc cử tổng thống. 

Ông Donald Trump, cho đến giờ, vẫn có ít tiếp xúc với những lãnh đạo các nước Ả Rập, ngoài tổng thống Ai Cập al-Sissi và vua Jordani. Cuối cùng tổng thống Donald Trump đã nhấc điện thoại gọi cho tổng thống Palestine, có thể là ông đang có tham vọng chỉ định con rể Jared Kushner làm phái viên tại Trung Đông, với hy vọng giải quyết các vấn đề quan hệ Israel-Palestine. 

Đúng là ông Trump không giấu thiện cảm đối với Israel. Nhưng từ khi nhậm chức, ông đã nhã nhặn đề nghị thủ tướng Netanyahu đừng có cố xây dựng các khu định cư Do Thái mới. Ông cũng tỏ ra kín đáo trong ý định chuyển sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, thành phố đang có tranh chấp với người Palestine. Đại sứ của Mỹ sắp tới, ông David Freeman, nếu được bổ nhiệm chính thức, sẽ là người ủng hộ nhiệt tình cho ý định này.”

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170311-tong-thong-trump-dien-thoai-moi-lanh-dao-palestine-tham-hoa-ky

 

Mặt Trăng, mục tiêu của nhiệm kỳ tổng thống Trump

Thanh Phương

Dưới thời tổng thống Barack Obama, Mặt Trăng đã bị ngành không gian Hoa Kỳ lãng quên. Giờ đây, với tổng thống tỷ phú Donald Trump, vệ tinh của Trái Đất đang trở lại thành mục tiêu của các chuyến bay thăm dò không gian tương lai, với việc khuyến khích các sáng kiến của khu vực tư nhân.

Theo hãng tin AFP, nếu như tổng thống Trump ít nói về chủ đề này, thì những người thân cận và các cựu viên chức cơ quan không gian NASA cố vấn cho ông đã bày tỏ sự quan tâm của họ về việc mở lại các chuyến bay lên Mặt Trăng, trong khuôn khổ đối tác với khu vực tư nhân.

Nhà tỷ phú Elon Musk, chủ công ty SpaceX và Jeff Bezos, chủ tập đoàn Amazon, người đã lập ra công ty không gian Blue Origin, đã nhiều lần gặp các cố vấn của Donald Trump sau khi ông đắc cử tổng thống Mỹ.

Một số cố vấn của tân tổng thống đã từng làm việc trong chương trình Constellation của cựu tổng thống George W. Bush. Chương trình này dự trù việc quay trở lại Mặt Trăng như là bước đầu trước khi mở các chuyến bay đến sao Hỏa.

Vì cho là chương trình Constellation quá tốn kém, tổng thống Obama đã hủy bỏ chương trình này. Ông cho rằng Hoa Kỳ đã từng đặt chân lên Mặt Trăng rồi, và bây giờ nên tập trung vào việc thám hiểm sao Hỏa.

Nhưng nay, khu vực tư nhân của Mỹ có vẻ quyết tâm tham gia vào các chương trình thám hiểm Mặt Trăng. Công ty SpaceX vào cuối tháng 02 thông báo đã ký hợp đồng đầu tiên đưa 2 du khách lên quỹ đạo của Mặt Trăng vào cuối năm 2018, nhưng không cho biết giá vé là bao nhiêu.

Về phần Jeff Bezos, chủ tập đoàn Amazon, vào tháng 01 vừa qua, ông đã gởi cho NASA và êkíp của ông Trump một tài liệu về dự án của công ty Blue Origin hợp tác với NASA chế tạo một phi thuyền và một máy đáp lên Mặt Trăng để bảo đảm dịch vụ cung cấp hàng hóa và các module nhà ở, trong viễn cảnh đưa người lên sống trên vệ tinh của Trái Đất. Đối với ông Bezos, đã đến lúc nước Mỹ quay trở lại Mặt Trăng và lần này là để ở lại trên đó.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170311-mat-trang-muc-tieu-cua-nhiem-ky-tong-thong-trump

 

Liên Hiệp Quốc : Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nghiêm trọng

nhân quyền đối với người Kurdistan

Liên Hiệp Quốc ngày 10/03/2017 ra báo cáo tố các lực lượng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nghiêm trọng nhân quyền trong khi tiến hành các chiến dịch chống phe nổi dậy người Kurdistan ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ sau thỏa thuận hưu chiến hồi mùa hè năm 2015. Theo AFP, Ankara ngay lập tức đã bác bỏ các cáo buộc của Liên Hiệp Quốc.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer cho biết thêm chi tiết :

« Các vụ « phá hủy hàng loạt », « giết người » và « nhiều vi phạm nghiêm trọng khác » khiến hơn 355.000 dân thường phải rời bỏ nhà cửa : Các bằng chứng chi tiết trong bản báo cáo đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về các chiến dịch của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ tại miền đông nam mà đa phần dân chúng là người Kurdistan là không thể chối cãi. 

Báo cáo này liên quan tới giai đoạn 07/2015-12/2016, nhất là trong 13 tháng đầu của giai đoạn này, trong đó các trận đánh ác liệt chưa từng có giữa Lực Lượng Lao Động Người Kurdistan (PKK) và các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tàn phá khu trung tâm của hàng chục thành phố. 

Để có bản báo cáo này, Liên Hiệp Quốc đã dựa vào các hình ảnh vệ tinh, các cuộc trao đổi với nạn nhân hoặc gia đình các nạn nhân, cũng như dựa vào thông tin từ các tổ chức phi chính phủ. Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc không được phép tới các khu vực xảy ra đụng độ.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara bác bỏ mọi cáo buộc là binh lính và cảnh sát vi phạm nhân quyền. Ankara tố cáo đảng Người Lao Động Kurdistan (PKK) sử dụng thường dân làm bia đỡ đạn, khiến 1.200 dân thường và 800 người thuộc các lực lượng an ninh thiệt mạng, cho dù là liên quan hay không liên quan tới bạo lực. 

Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn yêu cầu Ankara mở một cuộc điều tra độc lập, thì lấy làm tiếc là các vụ phá hủy đã xóa đi nhiều dấu vết. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170311-lien-hiep-quoc-tho-nhi-ky-vi-pham-nghiem-trong-nhan-quyen-doi-voi-nguoi-kurdistan