Tin khắp nơi – 11/02/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 11/02/2017

TT Trump đang cân nhắc môt sắc lệnh di trú mới

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông đang cân nhắc “một sắc lệnh di trú hoàn toàn mới” sau khi một toà phúc thẩm ra phán quyết chống lại lệnh cấm nhập cảnh của ông áp dụng cho thành phần tị nạn và công dân 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo.

Nói chuyện với các nhà báo trên chiếc chuyên cơ của Tổng thống hôm thứ Sáu, ông Trump cho biết sẽ sớm công bố sắc lệnh mới, có lẽ vào ngày thứ Hai hoặc thứ Ba tới, nếu chính phủ của ông quyết định theo đuổi hướng tiếp cận này.

Tổng thống Trump nói làm như vậy có thể sẽ nhanh hơn là bảo vệ sắc lệnh hiện thời tại toà án. Ông giải thích:

“Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng vì lý do an ninh.”

Trước đó trong ngày thứ Sáu, ông Trump nói ông “không có nghi hoặc nào” về việc các luật sư của chính phủ sẽ dành phần thắng để lật ngược phán quyết của toà phúc thẩm.

Trong khi đó, một vị thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ không được nêu danh tính, đã yêu cầu toàn thể 25 thẩm phán tại toà này biểu quyết xem liệu sắc lệnh cấm du hành của Tổng thống có nên được đưa ra tái xét trước một ban thẩm phán gồm 11 vị, hay không. Cả hai bên vụ tranh tụng đã được yêu cầu hãy đệ nạp hồ sơ vào tuần tới.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-dang-can-nhac-mot-sac-lenh-di-tru-moi/3719321.html

 

Trung Quốc trục xuất 32 nhà truyền giáo Hàn Quốc

Trung Quốc trục xuất 32 nhà truyền giáo người Hàn Quốc trong bối cảnh ngoại giao của hai nước đang căng thẳng do việc thiết đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THADD tại miền Nam Hàn quốc.

Theo Reuters cho biết 32 nhà truyền giáo đã làm việc tại vùng Yanji đông bắc Trung Quốc gần với biên giới với Bắc Triều Tiên, nhiều người đã làm việc ở đó trong hơn một thập niên.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng nhóm các nhà truyền đạo Kitô đã bị trục xuất vào tháng Giêng vừa qua.

Truyền thông Hàn Quốc nói số lượng các nhà truyền giáo Hàn Quốc làm việc tại Trung Quốc có thể lên đến 1.000 người, nhất là ở phía đông bắc, nơi giáp biên giới với Bắc Triều tiên.

Vụ trục xuất mới nhất này được Seoul cho rằng là phản ứng của Trung Quốc đối với việc thực hiện hệ thống THADD

Nhiều người Hàn Quốc cũng tin rằng Bắc Kinh đang trả thù, qua các biện pháp chống lại một số công ty Hàn Quốc và hủy bỏ các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ Hàn Quốc.

Hôm thứ tư, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cho biết chính quyền Trung Quốc đã tạm dừng thi công một dự án bất động sản trị giá nhiều tỷ đồng.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/philippines-dismisses-about-hundred-policemen-for-using-drugs-02112017084832.html/six-dead-after-strong-quake-shakes-southern-philippines-02112017085216.html/china-expels-south-korea-missionaries-amid-missile-defence-tension-02112017085505.html

 

Động đất mạnh tại Philippines

Một trận động đất mạnh tại miền Nam Philippines giết ít nhất 6 người và hàng chục người khác vẫn còn mất tích.

Trận động đất 6,5 độ Richter xảy ra tại miền nam Surigao ở đảo Mindanao vào khuya ngày hôm qua.

Hàng ngàn người dân sợ hãi rời bỏ nhà cửa của họ đề chạy đến vùng đất cao hơn, do tin rằng sau cơn chấn động sóng thần sẽ tấn công thành phố ven biển của hơn 152.000 người.

Rosauro Arnel Gonzales, viên chức trưởng một văn phòng chính phủ cho biết một số ngôi nhà đã sụp đổ các đội tìm kiếm và cứu hộ đã được phái đi để đảm bảo rằng không còn ai ở bên trong.

Philippines nằm trên Vành đai lửa, một khu vực rộng lớn tại Thái Bình Dương nơi có nhiều trận động đất và phun trào núi lửa.

Trận động đất gây chết người cuối cùng đo được 7,1 độ Richter giết chết  hơn 220 người và phá hủy hàng ngàn ngôi nhà vào tháng 10 năm 2013 tại Philippines

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/philippines-dismisses-about-hundred-policemen-for-using-drugs-02112017084832.html/six-dead-after-strong-quake-shakes-southern-philippines-02112017085216.html

 

Một nghi phạm bị đưa về Trung Quốc từ Mỹ sau đầu thú

Thêm một nghi phạm tham nhũng của Trung Quốc trốn sang Hoa Kỳ đã ra đầu thú và về lại Hoa Lục. Cơ quan Chống tham nhũng của Đảng Cộng sản cho biết tin này hôm thứ Sáu 10 tháng 2.

Đây được xem là một chiến thắng nữa của cơ quan chống tham nhũng  Trung Quốc trong chiến dịch săn lùng những cán bộ cấp cao tham nhũng trốn sang nước ngoài.

Theo Reuters, bà Vương Trình Kiện, cựu viên chức tài chính hàng hải ở Thượng Hải, đã bỏ trốn sang Hoa Kỳ hồi tháng 5 năm 2005. Người này ở vị trí 67 trong danh sách 100 nghi phạm tham nhũng của Trung Quốc bị truy nã gắt gao. Danh sách do Interpol đưa ra năm 2015. Bà này cũng là nghi phạm thứ 38 trong danh sách 100 bị đưa về lại Hoa Lục. Năm ngoái có một người sau 13 năm trốn ở Mỹ cũng bị bắt về lại Trung Quốc.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo trên website rằng bà Vương bị điều tra tham nhũng và không đưa ra thêm chi tiết nào khác.

Cũng theo Reuter chưa thể thể tiếp cận với bà Vương hoặc gia đình hay người đại diện hợp pháp cho bà này.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/cn-say-get-another-graft-suspect-back-fr-us-02102017124139.html

 

Ngày càng nhiều người Mỹ từ bỏ quốc tịch

Hơn 5.400 người Mỹ sinh sống ở nước ngoài đã từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình vào năm ngoái, theo một danh sách hàng quý được Bộ Tài chính Mỹ công bố trong tuần này mà trong đó có tên của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson.

Số liệu do công ty luật Andrew Mitchel LLC ở bang Connecticut thu thập cho thấy mức tăng 26 phần trăm so với năm 2015, khi mà số người từ bỏ quốc tịch Mỹ là 4.279 người, và tăng 58 phần trăm so với năm 2014 với 3.415 tên trong danh sách.

Được tổng hợp từ số liệu của Bộ Ngoại giao và Sở Thuế vụ Hoa Kỳ, số liệu của Mitchel cho thấy dù số người Mỹ li hương gần như không tăng trong những năm 1960 và thậm chí sụt giảm trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, song năm năm qua đã chứng kiến một sự tăng vọt.

Vào năm 2010, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một luật có tên là Đạo luật Tuân thủ Thuế Tài khoản Nước ngoài (FATCA) bắt buộc người đóng thuế phải tiết lộ các tài khoản nước ngoài khi họ khai thuế, tăng đáng kể mức tiền phạt đối với những ai không tuân thủ, và gây áp lực lên các ngân hàng khắp thế giới để họ giúp đỡ Sở Thuế vụ (IRS) trong việc tuân thủ bằng cách đe dọa giữ lại 30 phần trăm những khoản thanh toán như cổ tức bằng cổ phiếu từ những nguồn ở Mỹ.

“Bắt những ngân hàng ở nước ngoài báo cáo với Sở Thuế vụ về số tiền gửi ngân hàng của công dân Mỹ ở nước ngoài, rất nhiều người không muốn như vậy bởi vì họ đã phải đóng thuế rồi,” luật sư Ted Laguatan, một chuyên gia về luật di trú ở California, nói với VOA.

“Họ cảm thấy đó là áp lực vì vậy họ thà từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình.”

Trong số những người từ bỏ quốc tịch của họ trong năm 2016 có ông Boris Johnson, Ngoại trưởng Anh và cựu thị trưởng thành phố London. Ông Johnson sinh ra tại Thành phố New York, nơi cha mẹ ông đang sinh sống vào thời điểm đó, và rời Mỹ khi ông 5 tuổi. Là công dân song tịch Anh-Mỹ vào thời điểm năm 2014, ông phàn nàn rằng bắt ông phải đóng thuế cho chính phủ Mỹ về ngôi nhà mà ông bán ở London là chuyện “hết sức bực mình.”

Mỹ là một trong số hai nước duy nhất trên thế giới bắt buộc công dân và thường trú nhân của mình phải khai thuế ngay cả khi họ sống ở nước ngoài. Eritrea là nước còn lại có chính sách tương tự như vậy. Chính sách bất thường này là bắt nguồn từ Đạo luật Nội chiến và Nguồn thu năm 1862 kêu gọi đánh thuế công dân Mỹ ở nước ngoài – một phần là để trừng phạt những người đàn ông bỏ trốn khỏi đất nước để tránh phải gia nhập quân đội của Liên bang miền Bắc.

Luật sư Laguatan cho biết hơn một năm trước ông giúp đỡ những thân chủ mang hai quốc tịch Philippines-Mỹ từ bỏ quốc tịch Mỹ của họ. “Họ không thích chính sách cụ thể này,” ông nói.

Tuy nhiên số người trở thành công dân Mỹ mỗi năm nhiều hơn rất nhiều so với những người từ bỏ quốc tịch Mỹ. Theo Sở Di trú Hoa Kỳ, có 729.995 người trở thành công dân Mỹ trong năm tài khóa 2015.

Một số chuyên gia luật đặt câu hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Donald Trump có góp phần thúc đẩy làn người Mỹ li hương hay không trong những năm tới.

“Nhiều người Mỹ thường trú ở nước ngoài lâu nay vẫn tự hào về quê hương của mình, và đó là lý do vì sao họ vẫn giữ quốc tịch của mình dù bị phiền nhiễu về thuế,” giáo sư luật Peter Spiro của Đại học Temple nói với báo The Washington Post. “Nhưng nếu tính thêm sự chán ghét đối với ông Trump nữa thì có thể có thêm nhiều người nữa quyết định dứt áo từ bỏ.”

http://www.voatiengviet.com/a/ngay-cang-nhieu-nguoi-my-tu-bo-quoc-tich/3719124.html

 

Thăm dò:

Dân chúng vẫn ủng hộ lệnh cấm di trú của ông Trump

Dù ông Donald Trump đang bị sụt điểm ủng hộ xuống mức thấp nhất đối với một tân Tổng thống, nhưng sắc lệnh của ông cấm người du hành, ngăn người tị nạn tới Mỹ vẫn đang được đa số dân Mỹ tán đồng, theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất.

Hôm 9/2, ông Trump vừa bị ‘đánh bại’ sau khi tòa phúc thẩm không chịu phục hồi sắc lệnh cấm cửa người tị nạn và giới hạn người từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo du hành tới Mỹ.

Lệnh của ông Trump đã bị đưa ra tòa, bị nhiều người chỉ trích, và gặp phải các cuộc biểu tình cả trong lẫn ngoài nước Mỹ, nhưng đồng thời cũng là một trong những sắc lệnh được dân chúng ủng hộ nhiều nhất, gây chia rẽ nhiều nhất.

Trên phân nửa số người được hỏi ý kiến tán đồng lệnh này, chỉ 38% không đồng ý.

Sắc lệnh gây tranh cãi cấm người từ Syria, Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen vào nước Mỹ trong vòng 90 ngày, không nhận người tị nạn vào Hoa Kỳ trong vòng 120 ngày.

Một trong những cuộc thăm dò được thực hiện đầu tiên khi sắc lệnh vừa ban hành cũng cho thấy phân nửa dân chúng Mỹ ủng hộ quyết định của ông Trump.

Bên ngoài nước Mỹ, dù các nhà chính trị Châu Âu nằm trong số những người chỉ trích lệnh cấm của ông Trump mạnh mẽ nhất, nhưng khảo sát cho thấy đa số dân chúng ở châu lục này sẽ tán đồng các biện pháp tương tự, nếu có, tại EU.

55% trong tổng số 10.000 người được thăm dò ý kiến tại 10 nước Châu Âu cho biết họ ủng hộ ý kiến rằng nên chấm dứt nhận thêm những di dân từ các nước chủ yếu theo Hồi giáo, theo kết quả cuộc khảo sát mới được thực hiện bởi Chatham House, một tổ chức nghiên cứu về quan hệ đối ngoại có uy tín đặt trụ sở tại London.

http://www.voatiengviet.com/a/tham-do-dan-chung-van-ung-ho-lenh-cam-di-tru-cua-ong-trump/3718762.html

 

Ông Trump: Mỹ-Nhật là trụ cột của an ninh khu vực

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/2 tuyên bố liên minh Mỹ-Nhật là trụ cột của hòa bình-ổn định khu vực.

Ông Trump bắt đầu 2 ngày hội đàm với Thủ tướng Nhật bằng một cái ôm chầm thân thiết khi ông Shinzo Abe bước vào Tòa Bạch Ốc. Trong Phòng Bầu Dục, lãnh đạo hai nước đồng minh đã tươi cười ‘tay bắt mặt mừng’ trước khi ngồi xuống thảo luận.

Tại cuộc họp báo chung với ông Abe, ông Trump tránh không nhắc lại luận điệu lúc tranh cử khi ông tố cáo Nhật lợi dụng viện trợ an ninh của Hoa Kỳ và đánh cắp công ăn việc làm của dân Mỹ.

“Chúng tôi cam kết với an ninh của Nhật, tất cả những khu vực thuộc quyền kiểm soát hành chính của Nhật và tăng cường hơn nữa liên minh thiết yếu của chúng tôi,” Tổng thống Trump tuyên bố.

Thông cáo báo chí chung của đôi bên nêu rõ cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật bằng các khả năng quân sự truyền thống và khả năng hạt nhân không thay đổi.

Đây là một thắng lợi cho ông Abe, người trông đợi chuyến thăm Washington lần này sẽ phát huy sự tin cậy lẫn nhau và hữu nghị với tân Tổng thống Mỹ cũng như gửi ra một thông điệp rằng đồng minh Mỹ-Nhật mấy chục năm nay không hề lay chuyển trước một nước Trung Quốc trỗi dậy.

Vẫn theo thông cáo, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật xác nhận rằng Điều khoản 5 trong hiệp ước an ninh song phương có tính luôn cả quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, gọi là Điếu Ngư.

Sau cuộc gặp ở Tòa Bạch Ốc, ông Trump và ông Abe đã lên đường đi Florida, nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump.

http://www.voatiengviet.com/a/my-nhat-la-tru-cot-cua-an-ninh-khu-vuc/3718697.html

 

Mỹ cản TTK LHQ đề cử

cựu Thủ Tướng Palestine dẫn đầu sứ mạng Libya

Hoa Kỳ chặn việc bổ nhiệm một cựu Thủ Tướng Palestine ra lãnh đạo sứ mạng chính trị của Liên Hiệp Quốc tại Libya.

Trong một bức thư hôm thứ Năm vừa rồi, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres loan báo ý định đề cử một kinh tế gia được đào tạo ở phương tây là ông Salam Fayyad, người từng lãnh đạo Chính quyền Palestine, vào chức vụ vừa nêu.

Nhưng tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley chiều tối hôm qua, thứ Sáu 10/2, ra thông báo nói rằng Hoa Kỳ lấy làm “thất vọng” về sự chọn lựa này.

Hoa Kỳ có tên trong số ít ỏi các nước thành viên LHQ không thừa nhận Palestine như một nhà nước độc lập mà chỉ có tư cách quan sát viên tại cơ quan quốc tế này.

Tháng 12 năm ngoái, trong những ngày cuối của chính phủ Tổng thống Obama, Hoa Kỳ quyết định không phủ quyết một nghị quyết nhằm kiềm hãm các dự án xây cất của Israel tại các khu định cư Do thái, và cho phép nghị quyết ấy được thông qua.

Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu sắp lên đường sang thăm Hoa Kỳ vào ngày thứ Tư tới, cùng ngày LHQ khai mạc phiên họp hàng tháng để bàn về các vấn đề Trung đông.

http://www.voatiengviet.com/a/my-can-ttk-lhq-de-cu-cuu-thu-tuong-palestine-dan-dau-su-mang-libya/3719262.html

 

Putin sẵn sàng gặp Trump tại Slovenia

Trọng Nghĩa

Tiếp đón đồng nhiệm Slovenia Borut Pahor tại Nga vào hôm qua, 10/02/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng có cuộc tiếp xúc đầu tiên với tân tổng thống Mỹ Donald Trump tại Ljubljana thủ đô Slovenia. Tuy nhiên, ông Putin cũng cho rằng khả năng đó tùy thuộc vào quyết định từ phiá Mỹ.

Ý tưởng về một cuộc gặp thượng đỉnh Nga Mỹ tại Ljubljana đã được chính tổng thống Slovenia nêu lên. Ông Borut Pahor hiện đang viếng thăm chính thức nước Nga.

Phát biểu sau cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Slovenia, tổng thống Nga đã cảm ơn vị khách mời về ý tưởng đó, xác định rằng thủ đô Ljubljana và Slovenia nói chung, chắc chắn là một địa điểm tốt để thực hiện cuộc đối thoại Nga-Mỹ, nhưng điều đó không chỉ tùy thuộc vào Matxcơva.

Ông Putin còn nhắc lại rằng trước đây, ông cũng đã từng gặp cựu tổng thống Mỹ Barack Obama tại thủ đô Slovenia.

Riêng về quan hệ với tân tổng thống Mỹ, ông Putin đã hoan nghênh quyết định của ông Trump muốn khôi phục quan hệ tốt với Nga. Ông cho biết là Matxcơva đang chờ Washington chuẩn bị nối lại đối thoại, và hai bên có thể cùng nhau chống khủng bố và đối phó với nhiều thách thức toàn cầu khác.

Theo giới phân tích, Slovenia không xa lạ gì với tân tổng thống Mỹ, vì đó là quê quán của vợ ông, bà Melania Trump.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170211-putin-san-sang-gap-trump-tai-slovenia

 

Sự cố trên không Mỹ-Trung:

Lầu Năm Góc giảm nhẹ mức nghiêm trọng

Trọng Nghĩa

Sau khi xẩy ra vụ một phi cơ tuần thám Mỹ bị một máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc áp sát trên Biển Đông, Lầu Năm Góc hôm qua, 10/02/2017, đã xem đấy là một hành động « nguy hiểm », nhưng « không cố ý ». Theo phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ Jeff Davis, cả hai phi công Mỹ và Trung Quốc đều duy trì liên lạc vô tuyến điện một cách chuyên nghiệp.

Theo hãng tin Mỹ AP, trong một sự cố đầu tiên loại này dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 08/02, một chiếc máy bay Trung Quốc loại KJ-200 đã cắt đường một phi cơ dọ thám loại P-3C của Hải Quân Mỹ khi chiếc đang tuần tra trên vùng không phận quốc tế trên bãi Scarborough Shoal ở phía bắc Biển Đông, gần Philippines.

Đây là một động thái nguy hiểm vì máy bay Trung Quốc chỉ cách mũi phi cơ Mỹ khoảng 1.000 feet – tức là hơn 300 mét một chút – buộc máy bay Mỹ phải lập tức bẻ lái để đổi hướng. Tuy nhiên phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết là phía Mỹ không thấy một bằng chứng nào cho thấy đó là một hành vi cố ý, và sự cố chỉ xẩy ra một lần duy nhất.

Phía Trung Quốc thì đã thông qua tờ Hoàn Cầu Thời Báo để yêu cầu Mỹ « có biện pháp cụ thể để giải quyết gốc rễ của những sự cố trên biển và trên không giữa hai nước ».

Nếu bộ Quốc Phòng Mỹ có dấu hiệu giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự cố, thì giới quân đội Mỹ đã có phản ứng tương đối gay gắt hơn.

Theo hãng tin Pháp AFP, một phát ngôn viên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã nhấn mạnh đến tính chất « không an toàn » của sự cố do Trung Quốc gây ra trong vùng không phận quốc tế trên Biển Đông. Cũng theo nguồn tin trên, phía Mỹ sẽ xử lý vấn đề « theo các kênh ngoại giao và quân sự ».

Bộ Quốc Phòng Philippines cũng có phản ứng vì vụ việc xảy ra gần bãi cạn Scarborough, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc lấn chiếm từ năm 2012.

Trả lời hãng tin Mỹ AP qua điện thoại, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Philippines Arsenio Andolong xác nhận rằng Manila quan ngại trước nguy cơ xẩy ra tính toán sai lầm. Phát ngôn viên này cũng hàm ý than phiền rằng đây là một vụ việc xẩy ra trong không phận Philippines, mà Manila lại không được thông báo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170211-su-co-tren-khong-my-trung-lau-nam-goc-giam-nhe-muc-nghiem-trong