Tin khắp nơi – 11/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 11/01/2017

Ông Trump sẽ nói gì trong buổi họp báo ngày 11/1?

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sẽ chủ trì cuộc họp báo đầu tiên vào ngày thứ Tư, 11/1. Theo dự kiến, ông chắc chắn sẽ phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về việc Mỹ cáo buộc tình báo rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống mà ông đã giành thắng lợi vào tháng 11 vừa qua, và ông giải quyết xung đột lợi ích liên quan đến việc kinh doanh của ông như thế nào.

Trong cuộc họp báo vào tháng 7 vừa rồi, ông Trump chỉ trích đối thủ của ông là bà Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ vì mấy tháng liền bà lẩn tránh báo chí.

Khi đó ông Trump nói rằng: “Suốt 235 ngày quanh co lẩn tránh, bà Hillary Clinton mới chỉ có một cuộc họp báo.”

Hầu hết các tổng thống Mỹ trong thời gian gần đây đều tổ chức họp báo trong vòng một vài ngày sau ngày đắc cử. Ông Trump chưa tổ chức cuộc họp báo nào sau khi đắc cử, trong lúc đó ông hay dùng Twitter để bình luận và đưa ra các tuyên bố ngắn.

Trước đây ông dự định tổ chức một cuộc họp báo vào giữa tháng 12 để ông nói về kế hoạch ngưng các hoạt động kinh doanh của ông để tránh xung đột lợi ích.

Trong cuộc họp báo hôm nay, có nhiều khả năng ông Trump sẽ trả lời về cáo buộc Nga tấn công tin tặc hệ thống thông tin bầu cử và các nhân sự trong ban tranh cử của ông đã liên hệ với tình báo Nga

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-se-noi-gi-trong-buoi-hop-bao-ngay-11-1/3671944.html

 

Ông Tillerson sẽ điều trần trước Thượng viện

về Nga và NATO

Ông Rex Tillerson, người được Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đề cử làm ngoại trưởng, dự kiến sẽ nêu các vấn đề ngoại giao với Nga và việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông trong buổi điều trần ở Thượng viện vào sáng thứ Tư, ngày 11/1.

Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đã ra phổ biến dự thảo mà ông Tillerson sẽ phát biểu mở đề trước Thượng viện.

Ông Tillerson dự kiến sẽ trình bày với các thượng nghị sĩ rằng đã đến lúc phải báo động với NATO về sự trỗi dậy của Nga, và cho rằng “đối thoại cởi mở và thẳng thắn với Nga về những tham vọng của Nga” là cần thiết để Hoa Kỳ có thể lên kế hoạch đối phó.

Trong bài diễn văn điều trần, ông cho rằng các hành động của Trung Quốc trong việc tranh chấp ở Biển Đông là “bất hợp pháp và phớt lờ các quy định quốc tế”.

Ông Tillerson dự kiến sẽ được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thẩm vấn, bắt đầu lúc 09 giờ, giờ Miền Đông Hoa Kỳ.

Cũng trong ngày thứ Tư, 11/1, Thượng nghị sĩ Jeff Sessions, người được đề cử làm Bộ trưởng Tư pháp cũng sẽ tiếp tục phiên điều trần sang ngày thứ nhì. Cũng trong ngày 11/01, Bộ trưởng Giao thông vận tải Elaine Chao sẽ điều trần trước Uỷ ban Thương mại, Khoa học và Giao thông Vận tải của Thượng viện.

Khi đề cử ông Tillerson vào tháng trước, ông Trump cho biết cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn Exxon Mobil “biết làm thế nào để quản lý một doanh nghiệp toàn cầu, kinh nghiệm này rất quan trọng sẽ giúp ông điều hành Bộ Ngoại giao thành công.”

Theo nội dung dự thảo phát biểu mà hãng tin Reuters có được, ông Tillerson sẽ giải thích vì sao ông Trump ủng hộ một mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga, và chỉ ra tình trạng quan hệ giữa hai nước xấu đi vì các chính sách hiện hành của chính quyền Obama.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-tillerson-se-dieu-tran-truoc-thuong-vien-ve-nga-va-nato/3671894.html

 

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung

sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức

Thế giới sẽ theo dõi khi doanh gia Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 để trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, và có ít quốc gia để tâm theo sát sự kiện này cho bằng Trung Quốc. Hiện kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đạt gần 600 tỉ đôla hàng năm, phần lớn những trao đổi thương mại này, trị giá ước lượng 466 tỉ đôla, là do hàng sản xuất ở Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ. Ông Trump đã đề nghị các biện pháp để giảm tình trạng mất cân bằng mậu dịch, nhưng một số người lo sợ các biện pháp được đề nghị và những lời lẽ cứng rắn của ông Trump có thể phương hại tới các quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, đồng thời làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu. Thông tín viên Mil Arcega của VOA có thêm các chi tiết sau đây.

Về vấn đề thương mại quốc tế, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump rất thẳng thừng.

“Chúng ta sẽ thương thuyết một thoả thuận thương mại thật tốt đẹp, và nếu chúng ta không làm được như vậy, thì đường ai nấy đi.”

Để đối phó với tình trạng thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc, ông Trump đề nghị tăng thuế quan đánh trên hàng hoá do Trung Quốc sản xuất, và bổ nhiệm những nhân vật chỉ trích Trung Quốc để chịu trách nhiệm về chính sách thương mại. Nhưng nhà nghiên cứu Bill Galston thuộc Viện Brookings tỏ ra nghi ngại về những lập luận của ông Trump. Ông Galston phát biểu:

“Ý kiến cho rằng đây chỉ là con đường một chiều, chúng ta có thể đe doạ Trung Quốc nhưng Trung Quốc không thể đe doạ chúng ta để đáp trả, tôi nghĩ là quá thô thiển.”

Ông Galston nói Trung Quốc có thể trả đũa nếu Hoa Kỳ áp đặt các điều kiện mới. Nhưng các giới chức Trung Quốc nói rằng quyền lợi của cả hai nước sẽ bị phương hại nếu hai bên đối đầu nhau.

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải, phát biểu:

“Bất cứ cuộc chiến tranh thương mại nào, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ gây thiệt hại năng nề cho cả hai nền kinh tế và cũng sẽ phương hại tới nền kinh tế toàn cầu.”

Sự thực là, Hoa Kỳ cần tới Trung Quốc cũng tương đương với mức độ Trung Quốc cần Hoa Kỳ.

Ông Justin Urquhart Stewart, thuộc nhóm đầu tư Seven Investment Management, nhận định:

“Ông Donald Trump cần tới người Trung Quốc bởi vì suy cho cùng, họ cũng là chủ nợ lớn thứ nhì của Hoa Kỳ, và có lẽ ông cũng muốn họ mua thêm nữa và đừng bán các khoản nợ đó. Mặt khác, người Trung Quốc cũng cần tới người Mỹ bởi vì Mỹ là một trong những đối tác mậu dịch lớn nhất của Trung Quốc. Họ muốn người Mỹ tiếp tục mua hàng hoá của Trung Quốc.”

Các chuyên gia mậu dịch nói gạt qua thương mại với Trung Quốc hoặc với các nước khu vực Á Châu-Thái Bình Dương khác sẽ không phục hồi những công ăn việc làm đã mất, mà có phần chắc sẽ phương hại tới nền kinh tế Mỹ và tạo ra một môi trường bất định đối với các nền kinh tế mới nổi cũng như các nền kinh tế đã phát triển.

Nhưng ông Chad Bown, một kinh tế gia từng làm việc tại Ngân Hàng Thế giới, nói những lời lẽ cứng rắn của ông Trump có lẽ chỉ là một chiêu trò để thương thuyết hơn là một hành vi thù nghịch đối với một đối tác thương mại quan trọng. Ông Bown nhận định:

“Rõ rệt là như thế về mặt lời lẽ và lập luận, nhưng cũng có thể một phần đó là phong cách của ông Trump, đối phó với những vấn đề như thế theo hướng tiếp cận của một doanh nhân, muốn mặc cả thương thuyết hơn là hướng tiếp cận của một nhà ngoại giao hay của một chính khách lớn.”

Bất chấp nghị trình phản thương mại của ông Trump, gạt sang một bên Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP, cùng lúc đe doạ tái thương thuyết các thoả thuận đã ký kết như hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, tức NAFTA, ông Bown nói hành động chứ không phải là những lời phát biểu, sẽ quyết định số phận của các quan hệ Mỹ-Trung.

http://www.voatiengviet.com/a/quan-he-thuong-mai-my-trung-sau-khi-ong-trump-tuyen-the-nham-chuc/3671857.html

 

Đệ nhất phu nhân Mỹ đầu tiên không phải người bản xứ

Bà Melania Trump sẽ trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ đầu tiên có sinh quán ở nước ngoài trong gần 200 năm qua.

Vào ngày 20 tháng 1 năm nay, phu quân của bà, ông Donald Trump, sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Câu chuyện nước Mỹ tuần này giới thiệu đến quý vị đệ nhất phu nhân sắp tới của Hoa Kỳ qua cái nhìn của người dân Slovenia hiện nay.

Hầu hết người Mỹ không biết gì nhiều về bà Melania Trump, 46 tuổi.

Bà sinh tại nước cộng hòa Slovenia thuộc Nam Tư cũ. Đây là một nước nhỏ bao quanh là Áo, Hungary, Ý và Croatia. Slovenia có một bờ biển nhỏ trên Biển Adriatic. Quốc gia này cũng có nhiều lâu dài cổ hàng trăm năm, những khu rừng rộng lớn và những dòng sông trong vắt.

Ông Jakob Susteric điều hành một công ty y khoa tại Ljubljana, thủ đô Slovenia. Ông nói nước ông không nổi tiếng nhưng ông tin bà Melania Trump sẽ thay đổi điều này:

“Slovenia là cái gì nhỉ? Một món ăn hay một chiếc xe? Không ai biết đó là tên một quốc gia, và không ai biết bà Melania là người Slovenia. Cho nên đây là một cơ hội lớn để quốc gia có hai triệu dân của chúng tôi có một chỗ đứng tại châu Âu và trên thế giới.”

Ông Susteric nói sự hiện diện của một người Slovenia tại Tòa Bạch Ốc cho thấy những cái hay về nước Mỹ:

“Điều này gửi ra thông điệp mà Hoa Kỳ đã làm nhiều năm qua rằng nước Mỹ là một đất nước của cơ hội, nên bất cứ ai sống và tới nước Mỹ đều có thể đạt được những thành quả to lớn.”

Ông Stane Jerko là một nhiếp ảnh gia. Ông nói ông là một trong những người đầu tiên thấy được tài năng của bà Melania Trump trong một buổi trình diễn thời trang tại thị trấn Sevnica, quê nhà của bà, vào năm 1987. Ông cho biết lúc bấy giờ bà là một thiếu nữ 17 tuổi trầm lặng, nổi bật vì sắc đẹp và năng lực.

Bà Melania Trump sanh ngày 26 tháng 4 năm 1970.

Bà tuyên bố khi trở thành đệ nhất phu nhân, bà sẽ nỗ lực chống lại tình trạng sách nhiễu trên mạng. Bà Petra Sedej, bạn học cùng lớp với bà Melania Trump hồi trung học, nói về cách bà Melania Trump đối phó với những thái độ khó khăn thường xảy ra đối với các thiếu nữ trung học:

“Vì bà đẹp, là người mẫu, nhiều thiếu nữ bàn tán chuyện này và cũng ganh tị với bà. Nhưng bà không phản ứng đối với những chuyện vặt vãnh như vậy và tôi nghĩ, đó là sức mạnh nội tại của bà, bà tự biết bản thân mình tốt. Khi anh biết anh tốt, anh không cần phải chứng tỏ việc này bằng lời nói.”

Bà Sedej cho biết chủ nghĩa Cộng sản và Nam Tư sụp đổ tại Slovenia khi bà và Melania Trump học cùng trường và cả hai đều tự hỏi việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tương lai của họ.

“Chúng tôi nói chuyện học hành, chuyện nhìn ra thế giới, và bà, trong vai trò một người mẫu, bà biết là Slovenia quá nhỏ hẹp đối với bà.”

Bà Melania Trump rời Sevnica khi vẫn còn là một thiếu nữ và đến sống với người chị tại thành phố Ljubljana và bắt đầu làm người mẫu tại đây. Sau đó bà đến Milan, Ý và Paris, Pháp.

Kế tiếp, bà tới New York và gặp ông Donald Trump trong một buổi trình diễn thời trang vào năm 1999. Hai người hò hẹn khoảng 1 năm rồi quan hệ trở lại vài năm sau đó.

Vào tháng 4 năm 2004, ông Donald Trump cầu hôn bà Melania.

Tên khai sinh của bà Melania là Melanija Knavs. Sau đó, bà đổi tên thành Melania Knauss. Khi kết hôn với ông Donald Trump vào ngày 22/1/2005 tại Florida, bà lấy tên Melania Trump.

Lúc đó ông Trump 58 tuổi và bà 34 tuổi. Đây là lần đầu bà lên xe hoa, nhưng là lần kết hôn thứ 3 của ông Trump. Có 500 khách mời tham dự đám cưới trong đó có bà Oprah Winfrey, Thái Tử Charles nước Anh, Thống đốc Arnold Schwarzenegger và võ sĩ lừng danh Muhammad Ali.

Ông Donald và bà Melania Trump có một con trai tên là Barron William Trump sanh năm 2006.

Tại thị trấn Sevnica, bạn bè của gia đình Melania Trump cho biết cha của bà, ông Viktor Knavs, có nhiều điểm giống ông Donald Trump.

Ông Zdravko Mastnak cho hay ông Knavs là một người đầy tham vọng và là một doanh nhân thành công. Ông cho biết ông Knavs luôn luôn tìm cách cải thiện cuộc sống tốt hơn số thu nhập kiếm được từ nghề bán xe tại một công ty quốc doanh.

Có khoảng 5.000 cư dân sinh sống tại Sevnica, khu vực chịu nhiều ảnh hưởng vì Thế Chiến Thứ Hai. Sau chiến tranh, nhiều ngôi mộ tập thể được tìm thấy tại đây. Khi Cộng sản nắm quyền kiểm soát Sevnica sau chiến tranh, thị trấn này trở thành một trung tâm sản xuất đồ gỗ.

Trong thị trấn, những xe lửa đầy các hình vẽ chạy nhanh qua những chung cư rộng lớn xây trong thời kỳ Đảng Cộng sản cai trị Nam Tư. Một số tòa nhà rộng lớn, cũng như chế độ Cộng sản đã sụp đổ. Dễ dàng hiểu được tại sao một số người muốn rời thị trấn này dù một vài nơi trong thị trấn rất đẹp.

Bà Nusa Vidmar, chủ một tiệm bánh tại Sevbica gần chung cư bà Melania Trump lớn lên, cho biết:

“Chúng tôi rất hãnh diện về sự thành công của bà Melania. Bà là một người trong chúng tôi và chúng tôi mừng cho bà. Công việc của tôi làm là làm bánh. Chúng tôi làm những cái bánh đơn giản nhưng hảo hạng, chúng tôi muốn có những bánh đẹp như bà.”

Ông Zdravko Mastnak là một người bạn của gia đình bà Melania làm nghề sản xuất rượu vang. Ông nói ông hy vọng bà Melania Trump và phu quân sẽ về thăm Sevnica.

http://www.voatiengviet.com/a/de-nhat-phu-nhan-my-dau-tien-khong-phai-nguoi-ban-xu/3671551.html

 

Nga chỉ trích đề xuất của Mỹ trừng phạt vụ tin tặc

Nga đã bác bỏ việc cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho rằng Moscow đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống theo đó ông Donald Trump đã giành thắng lợi. Một phát ngôn viên Nga cho biết đề xuất luật trừng phạt Nga của Hoa Kỳ sẽ đe dọa mối quan hệ giữa hai nước.

Hãng Reuters cho biết các Thượng nghị sĩ John McCain, Ben Cardin và Robert Menendez đang chuẩn bị đề xuất một dự luật trừng phạt “toàn diện” đối với Nga.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Peskov cho biết động thái này là một sự tiếp nối những hành động nhằm loại trừ đối thoại. Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Peskov cho biết các cáo buộc chống lại Nga “không có gì để chứng minh ” và là hành động mang tính “nghiệp dư”.

Hôm thứ Sáu cộng đồng tình báo Hoa Kỳ cho biết họ “tin chắc ” rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân ra lệnh thực hiện chiến dịch phá hoại cuộc bầu cử tổng thống dân chủ tại Hoa Kỳ.

Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng các hành động của Nga có ý định làm cho bà Hillary Clinton thất cử và giúp nâng cơ hội thắng cử cho ông Trump.

Ông Peskov cho biết Nga “phủ nhận bất kỳ báo buộc nào” và rằng Nga không chịu trách nhiệm về việc xâm nhập hàng ngàn email ở máy tính của ông John Podesta, giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Clinton và phát tán các tài liệu thông qua WikiLeaks.

Hoa Kỳ đã đưa ra một báo cáo tình báo mật trong đó có một nửa đã trình lên cho ông Obama xem vào ngày thứ Năm, và ngày hôm sau đã gửi cho Tổng thống đắc cử Trump.

Phát ngôn viên điện Kremlin cho biết khi ông Trump lên nhậm chức tại Washington thì Nga sẽ thu xếp cho hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ gặp nhau lần đầu tiên.

Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest biện hộ cho bản báo cáo tình báo. Ông nói rằng cơ quan tình báo của Hoa Kỳ tin chắc rằng các kết luận của bản báo cáo nêu rõ các chứng cứ rất toàn diện.

Ông Earnest nói với các phóng viên rằng: “Tôi cho rằng báo cáo này khớp với những gì mà chính quyền và các quan chức an ninh, tình báo quốc gia đã nói trong nhiều tháng qua. Các phân tích đưa ra bởi CIA, FBI và NSA cho thấy rõ ràng hành động vi phạm của Nga. Điều này đã giúp chúng ta biết rõ ý định của Nga là gì.”

Hôm qua ông Reince Priebus, Chánh văn phòng sắp tới của ông Trump cho biết Tổng thống đắc cử “không thể phủ nhận việc Nga đứng đằng sau vụ tấn công tin tặc này.”

Nhưng trong một chuỗi các Twitter bình luận vào cuối tuần qua, ông Trump cho biết “Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đã hết sức sơ suất để bị tin tặc tấn công”. Ông lý giải hậu quả lớn từ việc này đã khiến cho DNC “xấu hổ”

http://www.voatiengviet.com/a/nga-chi-trich-de-xuat-cua-my-trung-phat-vu-tin-tac/3670795.html

 

Ông Jack Ma

bàn chuyện mở rộng bán hàng Mỹ với ông Trump

Ông Jack Ma, chủ tịch hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc hôm thứ Hai, 9/1, đã họp với Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ ở New York để bàn về việc bán các sản phẩm của Mỹ cho người dân ở khắp châu Á trên mạng lưới phân phối trực tuyến của Alibaba, đồng thời tạo ra hàng trăm ngàn việc làm ở Mỹ. Ông Ma gọi đó là một sự dàn xếp mà cả hai bên đều thắng.

Sau đó hai ông đã gặp các phóng viên trong một khoảng thời gian ngắn, và ông Trump mô tả rằng cuộc họp thật tuyệt vời, hứa hẹn sẽ làm một số việc to tát với nhà tỷ phú Trung Quốc mà ông gọi là một doanh nhân lớn.

Theo hãng tin Bloomberg, chiến lược của Alibaba từ lâu là đưa thêm hàng hoá nước ngoài vào thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Hãng đã bán trái anh đào vùng tây bắc Thái Bình Dương, táo của bang Washington và hải sản Alaska.

Giáo sư khoa học chính trị Dali Yang thuộc Đại học Chicago nói với VOA rằng bất chấp một số tuyên bố cứng rắn của ông Trump về Bắc Kinh, quan hệ thương mại vẫn mạnh mẽ với xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc ngày càng tăng và đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ cùng tăng.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-jack-ma-ban-chuyen-mo-rong-ban-hang-my-voi-ong-trump/3670548.html

 

Thời tiết khắc nghiệt tại nhiều nơi ở Mỹ

Hai bang miền tây Hoa Kỳ là California và Nevada đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và bão tuyết trong những ngày gần đây.

Một số trang trại nho nổi tiếng của California đã bị ngập khi nước sông Napa dâng lên cao nhất kể từ năm 2005.

Đường nhỏ và đường cao tốc ở nhiều nơi của bang này bị ngập hoặc bị lở đất cản trở hôm thứ Hai, 9/1. Cây đổ và nước lũ đã làm chết vài người.

Nhưng trời mưa lại là một tin mừng cho California vì bang này đã chịu hạn hán hơn 5 năm qua.

Bang lân cận Nevada cũng có mưa bất thường. Hơn 1.000 hộ dân đã được sơ tán.

Hôm thứ Hai, vùng bắc Nevada vẫn trong tình trạng khẩn cấp.

Gió lớn đã gây hư hại nhà cửa và làm đứt đường dây điện ở Colorado.

Cảnh sát ở Oregon đề nghị các lái xe không ra đường vì số tai nạn trên đường đang tăng cao.

Trong khi đó, một cơn bão tuyết đã trút xuống nửa mét tuyết ở các khu vực miền bắc của Bờ Đông nước Mỹ. Dự báo sẽ có thêm tuyết ở trong vùng vào cuối tuần, trong khi các bang ở tây bắc chuẩn bị tiếp tục đối phó với lũ lụt.

http://www.voatiengviet.com/a/thoi-tiet-khac-nghiet-tai-nhieu-noi-o-my/3670532.html

 

Đánh bom tại Afghanistan, 5 nhà ngoại giao UAE thiệt mạng

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) xác nhận 5 nhà ngoại giao của nước này đã chết trong vụ đánh bom ở tỉnh Kandahar, miền nam Afghanistan vào ngày thứ Ba, 10/1.

Các quan chức cấp cao của chính phủ Afghanistan cho biết vụ nổ bom đã giết chết ít nhất 11 người và làm bị thương 16 người khác. Tỉnh trưởng Homayun Azizi và Đại sứ các Tiểu vương quốc Arab thống nhất tại Kabul, ông Juma Mohammed Abdullah al-Kaabi, nằm trong số những người bị thương.

Hôm thứ tư, 11/1, ông Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Thủ tướng kiêm Phó Tổng thống của các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho biết trên Twitter rằng: “Không một ai, không lý do nào có thể biện minh cho việc đánh bom và giết hại những người đang đi giúp đỡ người khác”.

Hôm thứ Ba, 10/1, Bộ Ngoại giao các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho biết Đại sứ Abdullah al-Kaabi đang công du đến tỉnh Kandahar với một sứ mệnh nhân đạo giúp trẻ em mồ côi Afghanistan và trao học bổng cho các học sinh.

Phe Taliban đã bác bỏ mọi dính líu đến vụ tấn công, và nói rằng Taliban không cài bom, nhưng lại quy vụ tấn công này cho “mâu thuẫn tại địa phương.”

Ông Haroon Chakhansuri, phát ngôn viên của Tổng thống Afghanistan nói với các phóng viên tại Kabul rằng một nhóm viên chức cấp cao do các cố vấn an ninh quốc gia dẫn đầu đã được phái đến Kandahar để điều tra vụ tấn công khủng bố.

Một số nhà bình luận Afghanistan cáo buộc nước giáng liềng Iran đã hậu thuẫn cho vụ đánh bom này. Họ trích dẫn vụ bắt giữ nhiều người Iran ở tỉnh Herat gần đây và cáo buộc tỉnh trưởng láng giềng Farah rằng Taliban có nhận hỗ trợ quân sự của Iran.

Tehran phủ nhận các cáo buộc này, tuy nhiên Tehran thừa nhận có duy trì mối liên hệ “chính trị” với Taliban.

http://www.voatiengviet.com/a/danh-bom-tai-afghanistan-5-nha-ngoai-giao-uae-thiet-mang/3672042.html

 

Trung Quốc siết chặt kiểm soát biên giới Tân Cương

Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát biên giới tại khu vực Tân Cương ở Tây Bắc giữa các mối đe dọa khủng bố gia tăng.

Truyền thông nhà nước ngày 10/1 dẫn lời lãnh đạo khu vực, ông Shohrat Zakir, đầu tuần này đưa ra lời cam kết này, đồng thời cho biết các biện pháp tăng cường áp dụng từ năm ngoái cũng sẽ được củng cố thêm trong năm nay.

Chiến dịch trấn áp nhằm ngăn những người bị nghi là phần tử nổi dậy không được rời khỏi Tân Cương để ra nước ngoài chiến đấu hoặc trở về Tân Cương sau khi được huấn luyện quân sự ở hải ngoại, tờ China Daily cho biết.

Tân Cương lâu nay là nơi âm ỉ phong trào nổi dậy do các phần tử cực đoan trong cộng đồng sắc tộc thiểu số Uygur chống lại sự cai trị của Bắc Kinh. Họ chủ yếu là những người Hồi giáo, văn hóa khác biệt rõ nét với đa số người Hoa.

Nhiều người Uygur bị trở ngại giới hạn nơi làm việc, nơi du hành. Họ cũng rất khó khăn mới xin được passport.

Những người chỉ trích Bắc Kinh cho rằng bạo động ở Tân Cương xuất phát từ những chính sách của nhà nước Trung Quốc gạt ra bên lề những người Uygur tại sinh quán của họ, với làn sóng khổng lồ những người gốc Hán đang chiếm ưu thế trong nền kinh tế địa phương, lực lượng an ninh và dịch vụ dân sự.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-siet-chat-kiem-soat-bien-gioi-tan-cuong/3671489.html

 

Chủ tịch Trung Quốc sẽ dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ trở thành nguyên thủ đầu tiên của Trung Quốc tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos từ ngày 17 đến 20 tháng này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/1 xác nhận tin ông Tập sẽ tham dự sự kiện hằng năm quy tụ lãnh đạo toàn cầu, giám đốc các tập đoàn lớn, và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới.

Diễn đàn kết thúc ngay đúng ngày Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump nhậm chức.

Chủ tịch điều hành WEF, Klaus Schwab, nói ông kỳ vọng ông Tập dịp này sẽ chứng minh Trung Quốc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đầy trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu giữa thời khắc bước ngoặt của lịch sử.

Ông Tập Cận Bình sẽ có mặt tại Thụy Sĩ từ ngày 15 đến ngày 18/1 trong chuyến thăm cấp nhà nước và tham dự thượng đỉnh Davos, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, Lục Khảng, cho biết.

Davos năm nay sẽ vắng mặt một số lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada, Justin Trudeau.

Trong số 3000 người tham dự Davos năm nay có Tổng thống, Thủ tướng, lãnh đạo ngân hàng trung ương các nước cùng 1800 giám đốc điều hành từ 1000 công ty trên toàn cầu.

http://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-trung-quoc-se-du-dien-dan-kinh-te-the-gioi/3670908.html

 

Hàn Quốc đang bị áp lực quốc tế

liên quan đến vụ luận tội tổng thống

Căng thẳng ngoại giao đang gia tăng giữa Hàn Quốc và các cường quốc trong khu vực khi chính phủ Seoul đang suy yếu và bị chia rẻ do việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye.

Bà Park bị đình chỉ chức tổng thống vào tháng 12 sau khi Quốc hội biểu quyết với tỉ lệ áp đảo quyết định luận tội bà dính líu vào một vụ bê bối lạm dụng ảnh hưởng để gây quỹ lên đến hàng triệu đôla.

Thủ tướng hiện nay đảm nhiệm chức vụ đứng đầu nhà nước thay cho bà Park cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết sẽ luận tội bà Park và tổ chức bầu cử tổng thống mới, hay đưa bà lên nắm quyền trở lại.

Mới đây Nhật Bản đã yêu cầu Hàn Quốc loại bỏ bức tượng “an ủy phụ” đối diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul. Trong nhiều năm, các nhà hoạt động đã phản đối và yêu cầu Tokyo xin lỗi và bồi thường chính thức.

Hồi năm 2015, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá về vấn đề “an uỷ phụ”. Theo thoả thuận này, Thủ tướng Shinzo Abe phải chính thức xin lỗi bằng văn bản và Tokyo cam kết tài trợ cho một quỹ từ thiện 1 triệu USD để hỗ trợ những nạn nhân còn sống sót.

Hôm thứ Hai, một lãnh đạo của Đảng Dân chủ trong Quốc hội kêu gọi chính phủ để chấm dứt thỏa thuận và trả lại tiền cho Nhật Bản.

Nhưng vào thứ ba, quyền Tổng thống và Thủ tướng Hwang Kyo-ahn kêu gọi tất cả các bên phải tôn trọng thỏa thuận này và tránh căng thẳng tiếp tục leo thang.

Trong khi đó, Trung Quốc thông báo biện pháp trả đũa để trừng phạt Hàn Quốc vì đã thỏa thuận với Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn (THAAD).

Một số nhà quan sát chính trị cũng đang lo ngại rằng nếu không có sự lãnh đạo mạnh mẽ ở Seoul, quan hệ Hoa Kỳ-Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Nếu như điều này xảy ra, có khả năng Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sẽ gây sức ép lên Hàn Quốc về thương mại và quốc phòng, buộc Seoul phải chia sẻ chi phí an ninh sau khi ông nhậm chức trong tháng này.

http://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-dang-bi-ap-luc-quoc-te-lien-quan-den-vu-luan-toi-tong-thong/3670865.html

 

Viễn ảnh 2017

Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA

Sau một năm 2016 đầy bất ngờ chính trị, tình hình kinh tế thế giới sẽ ra sao trong năm 2017? Người ta có thể lạc quan một cách thận trọng về viễn ảnh kinh tế của Hoa Kỳ với một chính quyền mới, nhưng chờ đợi nhiều sóng gió từ Âu Châu và không mấy yên tâm về kinh tế Trung Quốc trong kịch bản đối đầu với Hoa Kỳ.

Khó đoán

Hòa Ái: Thưa ông, năm 2016 vừa kết thúc đã có quá nhiều bất ngờ chính trị và viễn ảnh 2017 có khi cũng dành cho thế giới nhiều điều bất ngờ khác. Vì vậy, bước vào một năm mới, chương trình chuyên đề của chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu tình hình kinh tế toàn cầu. Theo dõi những biến chuyển vừa qua, ông thấy những yếu tố nào là đáng kể nhất?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin khởi đầu từ Hoa Kỳ, với sản lượng kinh tế gần bằng một phần tư của toàn cầu và vừa bầu lên một chính quyền mới sau tám năm lãnh đạo của một Hành pháp Dân Chủ. Dù là những gì xảy ra tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới, mối quan ngại của các nước lại xuất phát từ những bất trắc của một Chính quyền thành hình trong điều kiện quá đặc biệt của nước Mỹ. Khoa kinh tế có khá nhiều mô thức để dự đoán tương lai, nhưng khi tương lai lại do các chính trị gia quyết định thì người ta nên thận trọng vì khó ai đoán ra sự tính toán bất thường của chính trị.

Trong cảnh ngộ ấy, bản thân tôi thì chỉ có thể lạc quan một cách dè dặt về kinh tế Hoa Kỳ. Sở dĩ lạc quan vì lần đầu tiên từ cả chục năm nay mà đảng Cộng Hòa kiểm soát được Hành pháp lẫn Lập pháp sau nhiều năm gặp hiện tượng “ách tắc chính trị” vì có Tổng thống bên đảng Dân Chủ và một Quốc hội lại chia hai, do đảng Cộng Hòa chỉ chiếm đa số tại Hạ viện. Lý do lạc quan thứ hai là cử tri Mỹ đang trông đợi một chính sách kinh tế mới, cho nên các tiểu bang bầu cho ông Donald Trump là người hứa hẹn sẽ đem lại sức mạnh cho nước Mỹ, nhất là về kinh tế, sau tám năm cầm quyền của Hành pháp Dân Chủ.

Hòa Ái: Trước hết là về lý do vì sao ông có vẻ lạc quan với viễn ảnh lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump?

Trong mọi cuộc tranh cử tại một quốc gia dân chủ, các ứng cử viên đều có thể đưa ra chương trình hành động cho cử tri chọn lựa, nhưng khi đắc cử thì chưa chắc họ áp dụng được những gì đề nghị.
– Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong mọi cuộc tranh cử tại một quốc gia dân chủ, các ứng cử viên đều có thể đưa ra chương trình hành động cho cử tri chọn lựa, nhưng khi đắc cử thì chưa chắc họ áp dụng được những gì đề nghị. Trường hợp của Hoa Kỳ càng cho thấy nghịch lý ấy, vì trái với sự suy nghĩ của nhiều người và khác với hoàn cảnh của nhiều nước dân chủ, Tổng thống Mỹ không có toàn quyền và thật ra còn có ảnh hưởng hạn chế về chính sách kinh tế. Cụ thể thì Hiến pháp cho Hạ viện Mỹ thẩm quyền lớn nhất về ngân sách và tài chính công quyền.

Lần này, với đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại cả Thượng và Hạ viện, người ta có thể hy vọng sự thống nhất ý kiến về chính sách kinh tế giữa Hành pháp và Lập pháp, chứ không có chuyện Tổng thống phủ quyết đề nghị của Quốc hội như đã từng xảy ra từ mấy năm qua. Đi vào thực tế thì Tổng thống Tân cử Donald Trump và Quốc hội Cộng Hoà có ba điểm đồng thuận đáng kể là muốn kích thích sản xuất qua biện pháp giảm thuế và cải cách thuế vụ, giản lược hóa hệ thống kiểm soát thiết lập sau vụ khủng hoảng 2008 và thực thi nhiều dự án xây dựng hạ tầng. Có lẽ vì vậy mà thị trường cổ phiếu vọt tăng giá sau khi ông Donald Trump thắng phiếu.

Hòa Ái: Nhưng vì sao ông lại chỉ lạc quan một cách dè dặt? Lý do của sự thận trọng này là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta vẫn phải dè dặt xem các đề nghị được thảo luận và biểu quyết ra sao trong ba bốn tháng đầu của vị Tổng thống thứ 45. Qua hơn trăm ngày đầu, nếu mọi việc hanh thông thì tình hình sẽ khả quan suốt năm, với đà tăng trưởng có thể từ 2,1% lên tới 2,5% trong quý ba và mấp mé 3% vào đầu năm tới. Đấy là khi hai kế hoạch cải tổ hệ thống An sinh Xã hội và Bảo dưỡng Y tế có hy vọng thành hình cho thập niên tới. Ngược lại, nếu chính trường Mỹ lại nổi sóng ngay từ ba tháng đầu của Tổng thống Donald Trump, thị trường sẽ thất vọng tuột giá và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày sáu Tháng 11 năm 2018 khiến nhiều dân biểu nghị sĩ xét lại việc ủng hộ chính sách của Hành pháp làm chính trường lại bế tắc nữa.

Ta nên nhớ Tổng thống Mỹ không gây ra suy trầm kinh tế nhưng lại bị bó tay vì khó kích thích kinh tế nếu không có hậu thuẫn của Quốc hội. Vả lại, sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, Hoa Kỳ có nhu cầu xây dựng lại một nền móng kinh tế khác, chính là nhu cầu ấy mới khiến một tay ngang như tỷ phú Donald Trump lai thắng cử một cách bất ngờ. Nhìn theo viễn ảnh dài thì sau khi bầu cho một Nghị sĩ có rất ít kinh nghiệm chính trị là ông Barack Obama vào năm 2008 thì Hoa Kỳ tìm đến một nhân vật cũng chưa từng có kinh nghiệm chính trị là doanh gia Donald Trump. Nước Mỹ đang đi tìm một giải pháp khác và phải mất nhiều năm.

Âu Châu không êm ả

Hòa Ái: Như vậy, có lẽ phải đợi đến Tháng Tư năm nay thì chúng ta mới biết Hoa Kỳ có xây dựng được nền móng hay giải pháp của một cuộc cải cách lớn lao cho cả chục năm tới hay không. Thưa ông, còn nhìn ra thế giới bên ngoài thì sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thế giới bên ngoài Hoa Kỳ thì có khối kinh tế Âu Châu với 500 triệu dân có sản lượng kinh tế gần bằng Mỹ mà là một khối thiếu thống nhất, năm nay lại tiếp tục bị nguy cơ phân hóa. Chúng ta không quên trào lưu ưu tiên bảo vệ quyền lợi quốc gia chống lại cơ chế hay thỏa thuận quốc tế xuất phát từ Âu Châu với sự thắng thế của xu hướng cực đoan trước khi người ta nói đến hiện tượng Donald Trump. Hoa Kỳ có 50 tiểu bang sống chung như 50 quốc gia đã chia quyền cho một cơ chế liên bang để bầu ra một Tổng thống lãnh đạo cả nước. Liên hiệp Âu châu chưa được như vậy và mâu thuẫn giữa 28 quốc gia thành viên với cơ chế quốc tế tại thủ đô Bruxelles là mối nguy khiến họ có thể phân hóa thành nhiều mảnh.

Thế giới bên ngoài Hoa Kỳ thì có khối kinh tế Âu Châu với 500 triệu dân có sản lượng kinh tế gần bằng Mỹ mà là một khối thiếu thống nhất, năm nay lại tiếp tục bị nguy cơ phân hóa.
– Nguyễn-Xuân Nghĩa

Hòa Ái: Đã vậy, trong hệ thống Liên Âu có 28 thành viên, người ta còn có khối kinh tế Euro. Thưa ông, năm nay thì tình hình kinh tế của khối Euro sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là trong tập thể Liên Âu có khối Euro dùng đồng bạc thống nhất gồm 19 hội viên lại bị chấn động từ vụ Tổng suy trầm 2008-2009 làm các nước miền Nam bị hại nhất, chưa kể vụ khủng hoảng vì di dân hay nạn khủng bố. Tại miền Nam, hệ thống ngân hàng của nền kinh tế có sản lượng thứ ba của khối Euro đang rung rinh dưới một núi nợ xấu gần 400 tỷ Euro là nước Ý mà Liên Âu không thể tìm ra giải pháp. Năm nay, bốn nước trong sáu quốc gia sáng lập Liên Âu lại có bầu cử, là Pháp, Đức, Hà Lan và cả Ý. Nếu cử tri lại tín nhiệm các chính đảng hoài nghi sự hội nhập Âu Châu thì sau vụ Brexit năm ngoái, năm nay sẽ còn nhiều nước nói đến việc ra khỏi Liên Âu.

Chúng ta gặp một kịch bản đáng sợ là các chính đảng truyền thống đã từng lãnh đạo Âu Châu từ 70 năm nay đều bị thất thế vì không có giải pháp cho các vấn đề mới mà các chính đảng cực đoan ở ngoài lề lại đề nghị xé chiếu ngồi riêng và còn kịch liệt chống di dân và hội nhập nữa. Khi một khối kinh tế lớn như vậy mà gặp bế tắc chính trị không lối thoát thì kinh tế dễ bị suy thoái khiến Hoa Kỳ cũng bị lây, chưa nói đến hậu quả cho các nước đang phát triển cần xuất khẩu vào thị trường Âu Châu. Ta trở lại hiện tượng là mọi mô thức dự đoán kinh tế đều bị nhiệt tình chính trị đưa vào chỗ đoán sai nên càng dè dặt với sự lạc quan về một phép lạ kinh tế tại Hoa Kỳ!

Kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao?

Hòa Ái: Trong khung cảnh ấy, người ta mới nhìn vào nền kinh tế có sản lượng thứ nhì sau Hoa Kỳ, đó là Trung Quốc. Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống với lập trường khá cứng rắn về quan hệ kinh tế với Bắc Kinh thì mọi người đều có thể e ngại một trận chiến mậu dịch giữa hai nước. Thế thì viễn ảnh kinh tế 2017 của Trung Quốc sẽ là gì, thưa ông?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tuần qua, hệ thống thông tin chuyên đề về kinh tế là Bloomberg có trích dẫn một nguồn tin riêng, rằng Chính quyền Bắc Kinh trù tính tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Trung Quốc nếu Tổng thống Tân cử Donald Trump áp dụng các biện pháp chống hàng hóa Trung Quốc. Họ còn cụ thể nói đến khu vực công nghệ cao cấp của Mỹ sẽ bị thiệt, như hãng Apple đã kiếm được hơn 48 tỷ đô la, bằng 21% số thu, nhờ bán hàng vào Trung Quốc. Loại tin tức mang tính chất hăm dọa như vậy không gây ngạc nhiên vì từ năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ không làm ăn theo các điều kiện do Bắc Kinh đặt ra, nhưng dù quan trọng thì đấy không là chuyện chính. Chuyện chính là từ năm nay, Trung Quốc sẽ khó xoay trở như trong mấy năm qua vì những vấn đề nội tại của xứ này.

Thứ nhất, mùa Thu năm nay, đảng Cộng sản Trung Hoa sẽ có Đại hội khóa 19 và nhiều phần thì Chủ tịch Tập Cận Bình có thêm năm năm để tập trung quyền lực như Bắc Kinh vừa thông báo khi tạp chí Cầu Thị loan tải bài diễn văn ông đọc trước Hội nghị Kỳ 6 cỉa Ban Chấp hành Trung ương vào cuối Tháng 10 vừa qua. Tức là họ Tập sẽ tăng cường độc tài vì phải giữ đà tăng trưởng trong ổn định chính trị mà lại gặp sự cưỡng chống của các đảng viên cao cấp. Hai yêu cầu ấy có nghĩa là kinh tế vẫn cứ sản xuất để tạo ra việc làm và tránh động loạn, nhưng sản xuất rồi thì bán cho ai nếu kinh tế Âu Châu còn èo uột và Hoa Kỳ sẽ chẳng mua hàng như xưa?

Suy đi nghĩ lại thì đáng lạc quan hơn cả vẫn là kinh tế Hoa Kỳ mà có lẽ nhiều người Mỹ chưa thấy nên cứ cãi nhau và sợ Tầu!

– Nguyễn-Xuân Nghĩa

Hòa Ái: Trong một kỳ trước, ông có nói kinh tế Trung Quốc cần xuất khẩu qua Mỹ hơn là Hoa Kỳ cần nhập khẩu của Trung Quốc. Như vậy, nếu tranh chấp mậu dịch bùng nổ giữa hai nước thì về dài kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Sự thể có là như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ sự thể còn bất lợi hơn vậy và sẽ được thấy ngay năm nay. Tuần qua, phân lời trái phiếu của đồng Nguyên trao đổi trên thị trường hải ngoại đã có lúc vọt lên mức cực kỳ bất thường là 105%! Điều ấy có nghĩa là Bắc Kinh đang cố giữ giá đồng bạc cho khỏi sụt chứ không tiếp tục chiều hướng phá giá để tìm lợi thế xuất khẩu, và muốn vậy thì đã tốn mấy trăm tỷ đô la chứ không ít. Trước đây, Bắc Kinh còn có thể ứng phó với các biện pháp ngoại hối khi có gần bốn ngàn tỷ dự trữ.

Ngày nay, tuần qua, họ chỉ còn chừng ba ngàn và rơi vào cảnh lưỡng nan, cả hai giải pháp đều nan giải, bất toàn. Hoặc là mất dự trữ bằng đô la để nâng giá đồng Nguyên, hoặc là tăng lãi suất để tránh nạn tầu tán tư bản ra ngoài. Điều mỉa mai ở đây là cả Bắc Kinh lẫn Chính quyền Trump đều không muốn đồng bạc Trung Quốc sụt giá quá mạnh nhưng trong khi Bắc Kinh muốn xuất khẩu hàng hóa thì lại chẳng thể tránh được nạn xuất khẩu tư bản khi giới có tiền chuyển ngân tài sản ra ngoài để khỏi bị mất giá.

Chẳng hạn như hôm Thứ Hai tuần qua, tôi đọc thấy trên trang mạng của Christine Duhaime tại Canada về hiện tượng tham nhũng và rửa tiền thì người ta ước lượng rằng từ năm 1995 tới 2013 đã có hai ngàn tỷ đô la Canada, hay một ngàn 500 tỷ đô la Mỹ, là của tham nhũng được tấu tán qua Hoa Kỳ, Úc, Canada và Hà Lan. Nếu kể thêm các khoản chuyển ngân hợp pháp thì hóa ra tài sản từ Trung Quốc đang thổi lên bong bóng đầu cơ tại các nước kia! Như thế làm sao lãnh đạo có thể tiếp tục xoay trở như trước? Vì vậy, khỏi nói đến trận chiến mậu dịch Mỹ-Hoa, việc kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,5% một năm và Tập Cận Bình có thể cải cách để thoát cơn khủng hỏang là điều khó tin trong năm nay. Suy đi nghĩ lại thì đáng lạc quan hơn cả vẫn là kinh tế Hoa Kỳ mà có lẽ nhiều người Mỹ chưa thấy nên cứ cãi nhau và sợ Tầu!

Hòa Ái: Xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/2017-perspectives-nxn-01102017143949.html

 

Giao tranh tại Miến, hàng ngàn người dân chạy lánh nạn

Tin từ Miến Điện cho hay trong đêm vừa qua, hàng ngàn người cư ngụ ở gần biên giới với Trung Quốc phải chạy lánh nạn, vì những cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và các lực lượng dân quân ở hai bang Shan và Kachin.

Các bản tin đài chúng tôi thu thập được cho biết những cuộc giao tranh kéo dài cho đến ngày hôm nay, mỗi lúc một dữ dội hơn trước. Có tin nói rằng quân đội Miến sử dụng cả chiến đấu cơ để oanh tạc những địa điểm tình nghi lực lượng dân quân trú ẩn.

Giao tranh xảy ra trong lúc báo cáo viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc là bà Yanghee Lee dự định ghé thăm 2 bang Shan và Kachin, để tiếp xúc với những cộng đồng sắc tộc sinh sống tại đó. Chính phủ Miến cho hay vì lý do an ninh, bà Lee phải hủy bỏ ý định này.

Được biết vào ngày thứ Sáu tới đây, bà báo cáo viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ ghé thăm cộng đồng Hồi Giáo Rohingya cư ngụ tại bang Rakhine, để tìm hiểu sự thật về cáo buộc nói là cộng đồng này bị chính phủ đàn áp và bị quân đội bắn giết, hãm hiếp, cướp của.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/thousand-flee-fight-on-myan-border-w-cn-01112017084831.html

 

Tướng John Kelly tin việc hacker Nga tấn công mạng

Washington DC. (Reuters) – Hôm qua 10 tháng 1, Ủy ban Nội An Thượng viện tổ chức điều trần cho tướng về hưu John Kelly, được ông Trump đề cử vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội An.

Trong buổi điều trần, Thượng Nghị sĩ John McCain chất vấn ông Kelly về biện pháp trấn nước nghi can khủng bố, và ông trả lời rằng người Mỹ không nên vượt qua ranh giới được đặt ra, ông cam kết tuân theo điều khoản của kỹ thuật thẩm vấn tù nhân.

Khi được hỏi về bức tường biên giới của ông Trump, tướng về hưu Kelly cho rằng bản thân một hàng rào sẽ không đủ để đảm nhận công việc quốc phòng. Dù xây dựng bức tường dài từ Thái Bình Dương tới Vịnh Mexico, họ vẫn cần có sự tuần tra của con người, dụng cụ cảm ứng và máy móc giám sát. Do đó ông tin rằng việc bảo vệ biên giới Tây Nam nên bắt đầu trong 1,500 dặm về phía Nam, và Hoa Kỳ đang hợp tác với một số quốc gia Nam Mỹ, trong đó có Peru. Ông cho biết Peru đang hợp tác với Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy.

Khi được hỏi về báo cáo trong đó kết luận rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, ông trả lời rằng ông rất tin vào báo cáo này. Năm 2003, ông Kelly là sĩ quan thủy quân lục chiến đầu tiên trong 50 năm được thăng chức chuẩn tướng, ngay tại vùng chiến sự. Nếu được Thượng Viện chấp thuận, ông sẽ phụ trách một cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ biên giới, chống di dân lậu, bảo vệ tổng thống, ứng phó với thiên tai, điều phối tình báo và chống khủng bố. (Mai Đức)

http://www.sbtn.tv/tuong-john-kelly-tin-viec-hacker-nga-tan-cong-mang/

 

Liên Hiệp Quốc: Đường lối mới để tránh chiến tranh

Thùy Dương

Tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm qua 10/01/2017 đã khuyên nên theo một đường lối hoàn toàn mới để tránh mọi nguy cơ xung đột quân sự. Hãng tin AFP cho biết phát ngôn này được đưa ra trong cuộc họp đầu tiên của ông Guterres với Hội Đồng Bảo An.

Tổng thư ký Liên hiệp Quốc Guterres đánh giá là quá nhiều thời gian và nguồn lực đã được huy động chỉ để giải quyết khủng hoảng thay vì để phòng tránh các nguy cơ xung đột. Vì thế, ông Guterres thông báo ý định khởi xướng các biện pháp đẩy mạnh trung gian hòa giải nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Hiện tại, dự định của ông Guterres trong việc thay đổi đường lối hoạt động của Liên Hiệp Quốc đang phải tạm ngưng trong khi chờ đợi tân tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức và thông báo đường hướng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tổng thư ký Liên hiệp Quốc Guterres lấy làm tiếc vì rất nhiều cơ hội ngăn ngừa xung đột bị bỏ lỡ, vì các nước thành viên nghi ngờ động cơ của nhau do lo lắng chủ quyền đất nước bị xâm phạm.

Ông Guterres khẳng định muốn chứng minh khả năng lãnh đạo và đẩy mạnh mức độ đáng tin cậy cũng như quyền lực của Liên Hiệp Quốc, bằng cách đưa hòa bình lên ưu tiên hàng đầu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170111-lien-hiep-quoc-duong-loi-moi-de-tranh-chien-tranh

 

Trung Quốc: Tập Cận Bình chưa ngơi tay “đả hổ diệt ruồi”

Mai Vân

Cuộc chiến chống tham nhũng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2012, đã ngày càng có thêm nhiều nạn nhân : Một báo cáo ngày 09/01/2017 ghi nhận là trong 4 năm qua phải có đến 1,2 triệu người bị kết án. Chiến dịch không có dấu hiệu gì là kết thúc.

Thông tín viên RFI, Angélique Forget tường thuật từ Thượng Hải:

Chính Ủy Ban Kỷ luật Trung Ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã loan báo : Từ 2012 khi mở đầu chiến dịch chống tham nhũng, 1,2 triệu công chức đã bị kết án. Một con số rất lớn trong một đất nước có hơn 7 triệu công chức một chút.

Phát ngôn viên của Ủy Ban tỏ vẻ hài lòng và đảm bảo là chiến dịch chống tham nhũng này không dừng lại ở con số đó : « Chúng tôi sẽ tiếp tục và áp dụng chính sách không dung thứ ». Bằng chứng là có 76 trường hợp ở cấp bộ trưởng.

Cách đây vài ngày, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố là chiến dịch chống tham nhũng đã đến giai đoạn ‘nghiền nát’. Theo ông, căn bệnh này « hiểm họa lớn nhất ‘ mà Đảng duy nhất tại Trung Quốc phải đối phó.

Nhưng chiến dịch này thật ra đã cho phép vị chủ tịch gạt bỏ những đối thủ của ông. Vào mùa thu tới, đảng Cộng Sản sẽ tổ chức Đại Hội và ông Tập Cận Bình sẽ tranh một nhiệm kỳ nữa.

Để đạt mục tiêu ông không từ một thủ đoạn nào : vào tháng 10, một lãnh đạo vùng Vân Nam bị xem là quá ‘cồng kềnh’, và đã bị kết án tử hình vì nhận tiền đút lót.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170111-trung-quoc-tap-can-binh-khong-ngoi-tay-%E2%80%9Cda-ho-diet-ruoi%E2%80%9D

 

Tình báo Mỹ:

Nga nắm nhiều thông tin bất lợi cho Donald Trump

Thùy Dương

Lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ đã báo cáo với tổng thống tân cử Donald Trump về một bản ghi nhớ dài hai trang theo đó Nga đã nắm trong tay nhiều thông tin cá nhân và tài chính bất lợi cho ông. Reuters ngày 11/01/2017 cho biết các thông tin này do một cựu gián điệp đáng tin cậy của cơ quan tình báo Anh MI6 thu thập. Trên trang Twitter, Donald Trump gọi đây là một thông tin sai lệch và cáo buộc một « vụ săn đuổi phù thủy ».

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Boureau giải thích :

« Tổng thống tân cử, người sẽ chính thức chuyển tới làm việc tại phòng Bầu Dục kể từ ngày 20/01 tới đây, không nhìn thấy bản ghi nhớ đó. Ông đã được tình báo Hoa Kỳ báo cáo vắn tắt ngay từ hôm thứ Sáu tuần trước. Cơ quan tình báo đánh giá vụ việc khá nghiêm trọng nên cũng đã báo cáo với tổng thống Obama và nhiều nghị sĩ Quốc Hội.

Các đối thủ của ông Donald Trump đã thuê một cựu gián điệp của tình báo Anh thu thập tin tức và soạn thảo bản ghi nhớ. Các thông tin tình báo về ông Trump đã lan truyền từ nhiều tuần nay trong giới báo chí và chính trị tại Washington.

Bản ghi nhớ với các thông tin bất lợi cho ông Trump chưa được xác minh, dài hai trang và cho thấy Matxcơva đã theo dõi và nắm trong tay hồ sơ chống lại Donald Trump, Nga có trong tay băng video quay cảnh Donald Trump quan hệ tình dục với gái mại dâm tại Matxcơva. Bản ghi nhớ cũng tiết lộ mối liên hệ trước đây giữa các êkíp của ông Trump với điện Kremlin.

Đây không phải lần đầu tiên việc Nga bị cáo buộc can thiệp vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ. Matxcơva đã từng bị tố cáo là tấn công tin tặc để làm hại bà Clinton. Giờ đây, nếu các thông tin tình báo này được xác nhận, thì chúng ta hiểu là Matxcơva có thể tìm cách gây sức ép lên Donald Trump. Và điều này sẽ đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo đất nước của ông Trump. »

Donald Trump đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc

Trong khi đó, hãng tin Pháp AFP cho biết tổng thống tân cử Donald Trump đã ít nhất 45 lần đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc dưới tên của ông và địa chỉ là tòa tháp Trump tại New York.

Bắc Kinh vẫn đang xem xét các hồ sơ này. Nhưng, chắc chắn là quyết định của Trung Quốc sẽ chỉ được đưa ra sau khi ông Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/01. Và điều này có thể sẽ không phù hợp với Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Theo quy định của Hiến Pháp, tổng thống Mỹ bị cấm nhận quà và nguồn lợi của chính phủ nước ngoài. Trong khi đó, nhãn hiệu thương mại lại là một nguồn lợi tiềm tàng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170111-tinh-bao-my-nga-nam-nhieu-thong-tin-bat-loi-cho-donald-trump

 

THAAD có thể gây thêm căng thẳng Nhật – Trung

Thanh Phương

Ngày mai, 12/01/2017, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada sẽ đến thăm căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam, nơi triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ. Hệ thống này có thể gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo hôm qua, bà Inada cho biết là hiện giờ bộ Quốc phòng Nhật chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD ( Terminal High Altitude Air Defense ), nhưng vị nữ bộ trưởng nói thêm rằng việc sử dụng hệ thống này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật.

Theo lời bà Inada, Tokyo hiện đang nghiên cứu kỹ lưỡng các phương tiện tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, bởi vì mối đe dọa từ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên đã lên đến mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, hôm thứ ba, chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga cũng đã tuyên bố là chính phủ Tokyo sẽ thi hành mọi biện pháp cần thiết để đối phó với nguy cơ tên lửa đạn đạo từ Bắc Triều Tiên.

Hiện giờ, Seoul đã đồng ý đặt hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, bất chấp phản đối của Bắc Kinh. Ông Valeri Kistanov, một chuyên gia thuộc Viện Viễn Đông của Nga, được trang Sputnik trích dẫn hôm qua, không loại trừ khả năng Washington gây áp lực lên Tokyo, như đã làm với Seoul, để Nhật chấp nhận triển khai hệ thống THAAD.

Theo lời chuyên gia Kistanov, về mặt chiến lược, hệ thống THAAD là nhằm đối phó với lực lượng hạt nhân của Nga, nhưng nó cũng nhằm đối phó với tiềm năng hạt nhân ngày càng mạnh của Trung Quốc. Đối với Nhật Bản hiện nay, mối đe dọa quân sự chủ yếu cũng chính là Trung Quốc. Cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản đều muốn kềm chế Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Ông Kistanov cho rằng chính quyền Donald Trump sẽ không từ bỏ chiến lược đó của người tiền nhiệm Obama ở châu Á, cho dù ông đã từng tuyên bố rằng các đồng minh của Mỹ là Nhật và Hàn Quốc phải tự mình bảo đảm an ninh cho họ.

Hiện giờ thì Nhật đã có đủ khả năng để chống lại mọi đe dọa tên lửa đạn đạo từ Bắc Triều Tiên, với các dàn tên lửa địa đối không Patriot PCA-3, cũng như các chiến hạm có trang bị hệ thống Aegis. Nhưng hệ thống THAAD có tầm bắn xa hơn so với các hệ thống hiện có ở Nhật Bản, tức là có thể bắn chặn các tên lửa đạn đạo ở giai đoạn bay ra ngoài bầu khí quyển và ở giai đoạn bay trở lại bầu khí quyển.

Sputnik cũng trích lời một chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ không thể ngăn Tokyo triển khai hệ thống THAAD, mà chỉ có thể thi hành các biện pháp chiến lược chống lại hệ thống này.

Theo chuyên gia nói trên, Trung Quốc vẫn kiên quyết phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, cho nên nếu Nhật Bản cũng triển khai hệ thống này thì coi như Tokyo càng gián tiếp thúc đẩy Seoul đối đầu với Bắc Kinh. Như vậy, hệ thống lá chắn chống tên lửa này có thể gây thêm căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc, vào lúc mà quan hệ hai bên không lấy gì là êm thắm, do tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông và cũng do những hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170111-he-thong-chong-ten-lua-thaad-co-the-gay-them-cang-thang-nhat-%E2%80%93-trung

 

Seoul: Bình Nhưỡng có đủ plutonium

để làm 10 quả bom nguyên tử

Mai Vân

Chính quyền Hàn Quốc ngày 11/01/2017 đánh giá là Bình Nhưỡng có đủ chất plutonium để chế tạo 10 quả bom hạt nhân. Thẩm định này được đưa ra 10 ngày sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo sắp thử tên lửa liên lục địa. Hoa Kỳ cho biết sẽ không nhất thiết phải bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên trừ phi đó là một hiểm nguy đối với lãnh thổ Mỹ.

Trong một bản bản báo cáo định kỳ, Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc khẳng định là Bắc Triều Tiên vào cuối năm 2016 đã nắm trong tay có thể là 50 kg plutonium có « chất lượng quân sự », đủ để chế tạo 10 quả bom nguyên tử. Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc còn cho là Bình Nhưỡng có khả năng « rất lớn » là sản xuất bom sử dụng chất uranium được làm giàu.

Các chuyên gia có những đánh giá khác nhau về tiến bộ của chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhưng tất cả đồng ý trên một điểm là Bình Nhưỡng đã có bước tiến rất quan trọng từ ngày Kim Jong Un lên cầm quyền từ tháng 12/2011 sau cái chết của Kim Jong Il.

Tháng Sáu 2016 vừa qua, Viện Khoa Học và An Ninh ISIS, ở Washington đã đánh giá Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất 21 quả bom, cả bom uranium lẫn bom plutonium. Năm 2014, ước tính của viện này chỉ là từ 10 đến 16 quả.

Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã tăng được lượng plutonium sản xuất nhờ cho chạy lại lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt ở Yongbyon, bị đóng cửa vào năm 2007 trong khuôn khổ thỏa thuận phi hạt nhân hóa đánh đổi trợ giúp nhân đạo.

Nhưng Bắc Triều Tiên đã cho sửa sang trung tâm này sau lần thử hạt nhân thứ 3 năm 2013.

Dù đã có bom nguyên tử, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng còn phải gia tăng gấp đôi công sức trong năm 2017 mới hy vọng đạt mục tiêu bắn hỏa tiễn với đầu đạn hạt nhân sang lãnh thổ Mỹ.

Hoa Kỳ: Không nhất thiết phải bắn hạ hỏa tiễn Bắc Triều Tiên

Hoa Kỳ sẽ không nhất thiết phải bắn hạ tên lửa mà Bắc Triều Tiên thông báo muốn bắn thử, trừ phi hỏa tiễn đó cho thấy là một mối hiểm nguy đối với lãnh thổ Mỹ. Lãnh đạo Lầu Năm Góc đã nói như trên, ngày10/01.

Trong cuộc họp báo « từ biệt » tại Lầu Năm Góc, bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter giải thích : « Nếu hỏa tiễn đe dọa (nước Mỹ) thì sẽ bị ngăn chận, bằng không thì sẽ không nhất thiết phải làm ».

Hoa Kỳ có thể để cho hỏa tiễn Bắc Triều Tiên đi hết hành trình « để tiết kiệm tên lửa đánh chặn của Mỹ và cũng để có thêm thông tin về hành trình của tên lửa Bắc Triều Tiên ».

Theo giới quan sát, Bắc Triều Tiên có khả năng trở thành thách thức đầu tiên đối chính quyền mới ở Nhà Trắng.

Ông Donald Trump tuần qua trên Twitter đã cho hiểu là Hoa Kỳ sẽ ngăn chận không để Bình Nhưỡng trang bị loại hỏa tiễn này nhưng không tiết lộ sẽ ngăn chận bằng cách nào.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170111-seoul-binh-nhuong-co-du-plutonium-de-lam-10-qua-bom-nguyen-tu