Tin khắp nơi – 10/11/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 10/11/2019

Mỹ muốn gì từ Trung Quốc?

Và thế cờ chót của Mỹ là gì?

David GrossmanBBC Newsnight

Ngày càng có nhiều hy vọng là Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được một thỏa thuận giúp giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhưng cạnh tranh giữa hai siêu cường không chỉ đơn thuần là thương mại, mà còn là kinh tế, quốc phòng, văn hóa và công nghệ.

Mỹ-Trung sẽ bỏ thuế quan nếu đạt bất cứ thỏa thuận thương mại nào

Thương chiến Mỹ – Trung: Mỹ dừng áp thuế bổ sung sau hai ngày đàm phán

Vậy Mỹ muốn gì từ Trung Quốc? Và thế cờ cuối cùng của Mỹ là gì?

Câu trả lời ngắn gọn là thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bắt tay trong Phòng Bầu dục vào tháng trước.

Nhưng căng thẳng giữa hai nước đi sâu nhiều hơn chỉ giao thương và không ai tôi từng nói chuyện với ở Washington nghĩ rằng thỏa thuận phác thảo này sẽ tự nó tạo ra được nhiều khác biệt.

Mỹ nhìn nhận mối quan hệ của mình với TQ như thế nào?

Thái độ về Trung Quốc đã có một sự thay đổi tiêu cực rất rõ rệt tại Mỹ trong những năm gần đây và điều quan trọng là phải nhận ra rằng sự thay đổi này có từ trước khi ông Trump đến Nhà Trắng.

“Tôi nghĩ rằng nếu bà Hillary Clinton, hoặc một thành viên đảng Dân chủ khác, hoặc đảng Cộng hòa khác lên làm tổng thống vào năm 2016, bạn sẽ thấy bước ngoặt sắc nét này”, Daniel Kliman, cựu cố vấn cấp cao của bộ quốc phòng Mỹ nói.

“Đã có một suy nghĩ rằng cách tiếp cận của chúng ta với Trung Quốc không có hiệu quả”, Tiến sĩ Kliman, hiện là giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nói.

Có nhiều lý do cho sự gia tăng căng thẳng này.

Những lợi ích kinh tế kỳ vọng từ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 không bao giờ trở thành hiện thực, Ray Bowen, người từng làm việc cho chính phủ Mỹ với tư cách là nhà phân tích kinh tế từ năm 2001 đến năm 2018, nói.

Trung Quốc không bao giờ có ý định tuân theo luật, ông nói. “Đúng ra thì là Trung Quốc dự định tham gia các diễn đàn đa phương để bắt đầu thay đổi cách các diễn đàn đa quốc gia điều chỉnh thương mại toàn cầu.” Nói cách khác, Trung Quốc tham gia có ý định tạo sự thay đổi thay vì phải thay đổi.

Kết quả là một làn sóng mất việc lớn và đóng cửa nhà máy ở Mỹ, được gọi là “cú sốc Trung Quốc”. Các tiểu bang được mệnh danh là “các tiểu bang vành đai rỉ sét” đã dồn phiếu cho Tổng thống Trump vào năm 2016 là số nạn nhân lớn nhất của cú sốc này.

Nhiều công ty Mỹ chuyển sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng chi phí lao động thấp hơn. Tuy nhiên, theo Daniel Kliman, các công ty chuyển đến Trung Quốc phải trả một giá rất đắt: “Trung Quốc đã buộc những công ty này phải bàn giao công nghệ và tài sản trí tuệ cho họ.” Ông nói.

Và, ngay cả những công ty không mang sản xuất qua Trung Quốc cũng thấy rằng Trung Quốc bằng cách nào đó đã lấy được bí mật thương mại của họ. Các cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ có một danh sách dài những cáo buộc các cá nhân và công ty Trung Quốc tội gián điệp và hack máy tính.

Giám đốc FBI, ông Christopher Wray, gần đây nói với Quốc hội Hoa Kỳ rằng có ít nhất 1.000 cuộc điều tra đang tiến hành về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ có xuất xứ từ rung Quốc.

Chính phủ Hoa Kỳ ước tính rằng tổng giá trị tài sản trí tuệ bị Trung Quốc đánh cắp trong bốn năm tính tới 2017 là 1,2 triệu đôla.

Theo ông Dean Cheng thuộc Tổ chức Di sản, một nhóm chuyên gia tư tưởng bảo thủ của Mỹ, đây là lý do chính khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên tồi tệ.

“Khi các công ty khám phá ra rằng bằng sáng chế của họ bị cuỗm mất, sản phẩm của họ bị cho qua một tiến trình ‘kỹ thuật đảo ngược’ (reverse engineering), các quy trình R & D của họ bị hack, ngày càng nhiều công ty kết luận rằng việc hợp tác với Trung Quốc không mang lại lợi nhuận, và thực sự có thể hoàn toàn tiêu cực,” ông nói.

Từ bên trong chính phủ, nhà phân tích kinh tế Ray Bowen nói rằng ông nhận thấy sự thay đổi tâm trạng vào cuối năm 2015. Những người trước đây ủng hộ sự tham gia với Trung Quốc giờ đã hoảng hốt khi thấy Trung Quốc bắt kịp nhanh như thế nào.

Đồng thời, tại Lầu năm góc, Chuẩn Tướng Robert Spalding đang lãnh đạo một nhóm người cố gắng hoạch định một chiến lược an ninh quốc gia mới để đối phó với sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ông Spalding đã rời quân đội và viết một cuốn sách có tên “”Stealth War, How China Took Over While America’s Elite Slept” (Chiến tranh Tàng hình, Trung Quốc đã thống lĩnh ra sao khi giới tinh hoa của Mỹ đang say ngủ).

Khi được hỏi về mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho Mỹ, câu trả lời của Tướng Spalding rất rõ ràng. “Đó là mối đe dọa cho sự sinh tồn quan trọng nhất kể từ Đức Quốc xã trong Thế chiến Thứ hai.

“Tôi nghĩ đó là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với mối đe dọa từ Liên Xô. Là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, tầm với của nó, đặc biệt là vào các chính phủ và trong tất cả các tổ chức của phương Tây, vượt xa những gì Liên Xô có thể làm.”

Kết quả nỗ lực của Tướng Spalding tại Lầu năm góc là Chiến lược An ninh Quốc gia xuất bản vào tháng 12 năm 2017.

Chiến lược này được xem là tài liệu chính cho chính phủ Mỹ, được làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi cơ quan, và thể hiện sự thay đổi sâu sắc của Mỹ trong cách tiếp cận với Trung Quốc, theo Bonnie Glaser, giám đốc của Dự án điện Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.”

Hiện nay có một khuynh hướng không chú tâm vào cuộc chiến chống khủng bố. Cạnh tranh giữa các cường quốc là mối đe dọa lớn với Hoa Kỳ, thay cho chủ nghĩa khủng bố trước đây.” Bà Glaser nói.

Bộ quốc phòng Mỹ hiện tin rằng giải quyết sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những mục tiêu quân sự lớn của Hoa Kỳ trong những thập niên tới. Tốc độ mà Trung Quốc xây cất, và sau đó quân sự hóa, một chuỗi các đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế đã khiến nhiều người ở Washington hoảng sợ.

Theo ông Dean Cheng, 5,3 triệu đôla của giao thương đi qua khu vực này mỗi năm. “Hành động của Trung Quốc là một nỗ lực để có thể cắt đứt động mạch của thương mại toàn cầu,” ông Dean Cheng nói.

Trung Quốc đã rất rõ ràng trong tham vọng dẫn đầu thế giới về các công nghệ quan trọng của tương lai, như robot và AI. Bonnie Glaser nói:

“Điều này rất cốt lõi đối với sự cạnh tranh, bởi vì nếu Trung Quốc thành công trong các lĩnh vực này, thì có lẽ nó sẽ thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.”

Đó là những gì đang bị đe dọa. Quyền lực tối cao của quân đội Mỹ không dựa trên một đội quân thường trực khổng lồ, mà dựa trên các hệ thống vũ khí công nghệ cao. Nếu Trung Quốc dẫn đầu các công nghệ quan trọng này, thì Mỹ có lẽ không thể theo kịp trong tương lai gần.

Daniel Kliman tin rằng cuộc đua công nghệ phi quân sự cũng rất quan trọng. “Trung Quốc không chỉ hoàn thiện các công nghệ giám sát và kiểm duyệt tại nhà, mà ngày càng xuất khẩu các công nghệ này cũng như tài chính và bí quyết ra nước ngoài.”

Ông Kliman tin rằng cuộc chiến với cái mà ông gọi là “chủ nghĩa độc đoán công nghệ cao” là một cuộc chiến sẽ ngày càng trở thành trọng tâm trong những thảo luận về Trung Quốc.

Vì vậy, đừng hy vọng lập trường của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc thay đổi trong nhiệm kỳ gần, ngay cả khi Tổng thống Trump thất cử trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tâm trạng ở Washington đã khác đi. Câu chuyện chính trị duy nhất không phải là về việc có nên đối đầu với Trung Quốc hay không mà là làm thế nào để đối đầu tốt nhất với Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50342254

 

Mỹ, Trung Quốc sẵn sàng đình chiến thương mại

Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí dỡ bỏ thuế quan đánh vào hàng hóa của nhau, coi đây là một phần trong giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại giữa hai nước, giới chức hai bên cho biết ngày 7/11.

Reuters dẫn thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí dỡ bỏ thuế quan đánh vào hàng hóa của nhau theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu tiến trình cụ thể.

Một quan chức giấu tên của Mỹ cũng xác nhận kế hoạch dỡ bỏ thuế quan theo thỏa thuận giai đoạn 1 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc dự định ký kết trước cuối năm nay.

Đánh thuế vào hàng hóa của nhau vốn là “vũ khí” trong cuộc thương chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới thời gian qua. Tổng thống Trump hồi tháng trước đã phác thảo ra giai đoạn một của thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nước, đồng thời hoãn tăng thuế với hàng hóa Trung

Quốc. Tuy nhiên, triển vọng dỡ bỏ thuế quan theo từng giai đoạn giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại tuy nhiên cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ chính các cố vấn của Tổng thống Trump.

Giới chức hai bên cũng cho rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi hoàn tất thỏa thuận thương mại. Nếu hoàn tất, Mỹ có thể cam kết xóa bỏ thuế quan với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12, trong đó có các hàng hóa như điện thoại di động, máy tính, đồ chơi.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nhấn mạnh, hai bên cần ngay lập tức xóa bỏ một số loại thuế quan đánh vào hàng hóa của nhau. “Chiến tranh thương mại khởi phát bằng thuế quan thì cũng phải chấm dứt bằng xóa bỏ thuế quan”, người phát ngôn này nói.

Một nguồn tin cho biết với Reuters rằng, các nhà đàm phán Trung Quốc muốn Mỹ bỏ thuế 15% đánh vào khoảng 125 tỷ USD hàng hóa của nước này, một chính sách vốn có hiệu lực từ ngày 1/9 năm nay. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn Washington xóa bỏ thuế 25% đánh vào khoảng 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của nước này từ máy móc đến nội thất. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận về tiến triển đàm phán.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận thương mại trong tháng này, song hiện chưa rõ địa điểm ký kết. Buổi ký kết ban đầu được lên kế hoạch diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương vào giữa tháng 11 này tại Chile nhưng đã bị hủy.

Một nguồn thạo tin của Reuters cho hay, nhiều khả năng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc sẽ diễn ra ở London bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO từ ngày 3-4/12.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31392-my-trung-quoc-san-sang-dinh-chien-thuong-mai.html

 

Những con số biết nói với ông Trump

về thương chiến Mỹ-Trung

Tổng thống Trump từng viện cớ thâm hụt thương mại Mỹ- Trung là lý do khiến Mỹ phát động chiến tranh thương mại.

RT thống kê giá trị nhập khẩu từ cả Mỹ và Trung Quốc cho thấy thiệt hại từ thương chiến đổ lên cả hai quốc gia là rất lớn, song cũng ghi nhận một tin tức tốt với ông Trump rằng, thâm hụt thương mại giữa hai nước có chiều hướng giảm.

Theo đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã giảm xuống còn 263 tỷ USD từ mức gần 302 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm ngoái.

Cụ thể, hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 53 tỷ USD, xuống còn gần 342 tỷ USD. Trong tháng 9, Mỹ chỉ nhập khẩu hàng hóa trị giá hơn 40 tỷ USD, giảm gần 48 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc cũng giảm còn gần 78,7 tỷ USD so với mức 93,3 tỷ USD vào năm 2018, tức chỉ giảm 14,5 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước, nhiều hơn so với mức giảm 13,5% từ chiều ngược lại.

So với 9 tháng đầu năm 2017, trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu, xuất khẩu khoáng sản và quặng từ Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 65% trong năm 2019. Xuất khẩu giảm 39% đối với lâm sản và 35% đối với chăn nuôi.

Trong khi đó, từ phía Trung Quốc, mặt hàng máy móc và thiết bị truyền thông văn phòng bị ảnh hưởng nặng nề nhất với lượng giao dịch giảm 55% và chịu mức giảm 15 tỷ USD trị giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.

Báo cáo từ một công trình nghiên cứu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) được công bố hôm 5/11 cho thấy, Trung Quốc đã mất khoảng 35 tỷ USD do hàng hóa không còn xuất sang Mỹ.

Trị giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ phải chịu thuế quan đã giảm xuống còn 95 tỷ USD trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay. So với cùng kỳ năm ngoái, số hàng nhập khẩu đạt 130 tỷ USD.

Dù Trung Quốc chịu thiệt từ hoạt động xuất khẩu, điều này đồng thời đẩy giá cả tiêu dùng ở Mỹ tăng lên.

Thương chiến là điều tác động mạnh mẽ đến cả hai quốc gia, song cho đến thời điểm này, các dữ liệu cho thấy Bắc Kinh chịu phần thiệt hơn.

Dẫu vậy, CNBC bình luận, trên cơ sở tương đối, tổn thất của Mỹ có vẻ nghiêm trọng hơn: xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhiều hơn so với mức giảm 13,5% của hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Khó có thể đánh giá thắng- thua trong cuộc chiến thương mại nhưng cả hai đều sẽ là bên thua cuộc cho đến khi họ thống nhất một thỏa thuận thương mại cuối cùng.

CNBC cho rằng, nếu các khách hàng Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Mỹ có thể tìm được thị trường mới, người chịu thiệt về lâu dài sẽ là các nhà xuất khẩu Mỹ.

Thương chiến giữa hai cường quốc trên đã kéo dài hơn một năm nay, dẫn đến nhiều vòng trả đũa thuế quan và trừng phạt kinh tế. Cả Mỹ và Trung Quốc đã cùng bày tỏ tín hiệu lạc quan về vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Hiện nay, hai nước vẫn chưa đạt được quyết định cuối cùng về nội dung, thời gian, địa điểm sẽ diễn ra lễ ký kết thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/31390-nhung-con-so-biet-noi-voi-ong-trump-ve-thuong-chien-my-trung.html

 

Trump muốn thỏa thuận thương mại thích hợp

giữa Mỹ và TQ

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy nói rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn tiến “rất suôn sẻ,” nhưng Mỹ sẽ chỉ đạt thỏa thuận với Bắc Kinh nếu đó là thỏa thuận thích hợp đối với Mỹ.

Ông Trump nói với các phóng viên tại Căn cứ Hỗn hợp Andrew trước khi rời đi để đến thăm thành phố Tuscaloosa, bang Alabama, rằng các cuộc đàm phán diễn tiến chậm hơn so với mong muốn của ông, nhưng Trung Quốc muốn đạt một thỏa thuận hơn là ông muốn.

“Các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn tiến rất suôn sẻ và nếu chúng tôi đạt được thỏa thuận mà chúng tôi muốn thì nó sẽ là một thỏa thuận tuyệt vời và nếu nó không phải là một thỏa thuận tuyệt vời, tôi sẽ không kí,” ông nói.

“Tôi muốn đạt một thỏa thuận, nhưng nó phải là một thỏa thuận thích hợp,” ông nói.

Ông Trump nói đã có những tường trình không chính xác về việc Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ thuế quan, mà theo lời ông đã mang lại hàng chục tỉ đôla cho Mỹ và không lâu nữa sẽ là “hàng trăm tỉ đôla.”

“Mức thuế quan được dỡ bỏ là không chính xác,” ông Trump nói khi nhắc đến các bản tin. Anh không cung cấp chi tiết cụ thể hơn.

Các quan chức của cả hai nước hôm thứ Năm nói rằng Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí giảm bớt thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong một thỏa thuận thương mại “giai đoạn một.” Nhưng ý tưởng về việc giảm bớt thuế quan đã vấp phải sự phản đối gay gắt trong chính quyền Trump, Reuters đưa tin.

Hôm thứ Sáu, ông Trump, nói ông chưa đồng ý việc giảm bớt thuế quan. “Tôi chưa đồng ý bất cứ điều gì cả,” ông nói với các phóng viên vào lúc đó.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-muon-thoa-thuan-thuong-mai-thich-hop-giua-my-va-trung-quoc/5159483.html

 

Mỹ ‘rất tích cực’ thuyết phục

Triều Tiên trở lại bàn đàm phán

Hoa Kỳ “rất tích cực” tìm cách thuyết phục Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc nói hôm 10/11, theo Reuters.

Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un hồi tháng Tư ra hạn chót cuối năm nay để Mỹ cho thấy sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán hạt nhân.

Tin cho hay, các quan chức Triều Tiên cũng cảnh báo Hoa Kỳ không phớt lờ thời hạn này.

Reuters dẫn lời cố vấn Chung Eui-yong nói rằng Hàn Quốc “rất nghiêm túc” cân nhắc thời hạn chót của Triều Tiên, trong bối cảnh nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ liên Triều đã chựng lại.

XEM THÊM:

Triều Tiên chỉ trích ‘chính sách thù nghịch’ của Mỹ

Bà Chung nói rằng Hàn Quốc đã lập ra các kế hoạch dự phòng khác nhau nếu thời hạn chót qua đi mà không có bất kỳ kết quả tích cực nào.

“Chỉ khi nào các cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao diễn ra và dẫn tới tiến bộ đáng kể, hội thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần ba mới có thể xảy ra”, bà Chung nói với các phóng viên, theo Reuters.

“Như quý vị đã biết, phía Triều Tiên đã cho biết thời hạn chót cuối năm, và chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ về điều đó”.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-r%E1%BA%A5t-t%C3%ADch-c%E1%BB%B1c-thuy%E1%BA%BFt-ph%E1%BB%A5c-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-tr%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-b%C3%A0n-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n/5160044.html

 

Anh dự kiến áp dụng chế tài

trừng phạt vi phạm nhân quyền ở TQ sau Brexit

Sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, Chính phủ Anh có kế hoạch về dự luật cho phép nước này có quyền hạn pháp lý để áp đặt lệnh trừng phạt với các vi phạm nhân quyền với một số quốc gia như Trung Quốc.

Theo báo Politicalite, tại cuộc họp của Thượng Nghị viện Anh vào cuối tháng 10, dự thảo luật về áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các vi phạm nhân quyền đã được thông qua và thúc đẩy ban hành thành văn bản pháp lý chính thức. Theo Nghị viên, Nam tước Lord Alton, sau khi Anh đạt thỏa thuận rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chính phủ Anh cho rằng họ cần có đạo luật về Nhân quyền riêng mà không phải theo luật của EU.

Ông Lord Alton nói thêm, điều này sẽ đảm bảo chính phủ Anh có quyền tự chủ trong việc xử phạt những vi phạm nhân quyền của các quốc gia toàn cầu và phản ứng lại kịp thời với các vi phạm nghiêm trọng.

Tờ Politicalite liệt kê một số vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc, bao gồm bỏ tù những người theo Kitô giáo, người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo và các học viên Pháp Luân Công – môn khí công tu luyện an hòa theo Phật gia được các quốc gia trên thế giới ủng hộ nhưng lại bị đàn áp tại Trung Quốc, cùng với các dân tộc thiểu số khác. Theo Lord Alton, cả thế giới cần “hướng mắt dõi theo và học hỏi” các bài học kinh nghiệm của Hồng Kông.

Theo Politicalite, Trung Quốc với các trại cải tạo khét tiếng ở tỉnh Tân Cương đã giam giữ khoảng 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, Trung Quốc không thừa nhận việc vi phạm nhân quyền, và cho rằng các “chương trình dạy nghề” của họ tại các trại cải tạo này sẽ ngăn chặn được các phần tử khủng bố. Trong khi đó, các bằng chứng khác đã chỉ ra những mẫu DNA lấy từ những tù nhân bị giam cầm tại đây có liên quan với nạn thu hoạch cưỡng bức nội tạng.

Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ phản đối Cảnh sát Chống bạo động Trung Quốc, trong một cuộc đàn áp của chính phủ đối với sắc tộc thiểu số này (ảnh: Radio Free Europe/Radio Liberty).

Ông Geoffrey Nice Q.C cho biết, Anh có những bằng chứng xác thực cho thấy rất nhiều người Trung Quốc giàu có và những người nước ngoài “du lịch” tới Trung Quốc để thực hiện cấy ghép tạng, thậm chí họ có thể đặt trước “đơn hàng”.

Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc về con số 4.080 người hiến tạng tự nguyện không khớp với hơn 10.500 ca cấy ghép trong năm 2016. Thực tế, theo các nguồn thông tin được xác thực, ước tính khoảng 60.000 ca cấy ghép có thể đã được thực hiện ở Trung Quốc. Ông Geoffrey Nice Q.C cho biết, sự thật về các tù nhân biến mất không dấu vết tại các trại cải tạo này vẫn còn là nghi vấn.

10 năm điều tra các bác sỹ Trung Quốc giết người vô tội, các chuyên gia quốc tế nói gì?

Nghị viên Lord Alton cho rằng, chính phủ Anh đã có tên của các quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề vi phạm nhân quyền này và sẽ đề xuất lên Thượng nghị viện để có thể áp dụng Đạo luật Magnitsky xử phạt các quan chức chính phủ nước ngoài liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc cũng như bất cứ đâu trên thế giới.

Trước đó, Hoa Kỳ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với 28 văn phòng và công ty an ninh Trung Quốc. Thêm vào đó, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật chính sách nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ vào tháng 9.

Cùng với những nỗ lực chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền, chính phủ Anh đã gặp gỡ các đại biểu quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 8, Hội đồng Nhân quyền và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9. Thủ tướng Boris Johnson đã viết thư cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Bên cạnh đó, ông Dominic Raab – Bộ trưởng Ngoại giao Anh đã gặp bà Carrie Lam – Trưởng đặc khu của Hồng Kông để trao đổi về các vấn đề này.

Vào năm 2016, một sinh viên Hồng Kông đã hỏi ông Lord Patten, lúc đó là Thống đốc Hồng Kông: “Sẽ như thế nào nếu chính phủ Trung Quốc tiếp tục chèn ép chúng tôi? Phần còn lại của thế giới sẽ làm gì? Người Anh sẽ làm gì? Mỹ sẽ làm gì? Đích thân cá nhân ông sẽ làm gì?”. Để trả lời cho câu hỏi trên, những động thái mạnh mẽ gần đây mới chỉ là bước đầu mà chính phủ Anh cũng như các quốc gia khác phản ứng và lên án với các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hiện nay trên thế giới, đặc biệt đối với Trung Quốc.

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31383-anh-du-kien-ap-dung-che-tai-trung-phat-vi-pham-nhan-quyen-o-tq-sau-brexit.html

 

Kỷ niệm Bức tường Berlin: Thủ tướng Đức

cảnh báo nền dân chủ không ‘tự dưng mà có’

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo việc coi nền dân chủ như một điều hiển nhiên trong một buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ.

“Không có bức tường nào giam giữ con người và hạn chế tự do có thể cao … đến nỗi không thể bị phá vỡ,” bà Merkel nói.

Bức tường đã ngăn cách Đông Berlin do Liên Xô kiểm soát và Tây Berlin tư bản trong Chiến tranh Lạnh.

Mùa thu năm 1989 được coi là một chiến thắng cho nền dân chủ tự do và dẫn đến sự thống nhất nước Đức một năm sau đó.

Những cảm xúc và hồi ức từ Berlin

Berlin sơ tán để gỡ bom từ Thế chiến II

Những nhà đấu tranh đã lật đổ chính quyền Đông Đức

Sự sống kinh ngạc trên ‘dải đất tử thần’ ở châu Âu

Tuy nhiên, bà Merkel đã cảnh báo hôm thứ Bảy rằng “các giá trị nền tảng của châu Âu- tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp trị, nhân quyền – chúng là bất cứ điều gì ngoài sự hiển nhiên và chúng phải được hồi sinh và bảo vệ thời kỳ này sang thời kỳ khác” .

“Chúng ta không có bất kỳ cái cớ nào và buộc phải thực hiện bổn phận tự do và dân chủ của mình,” bà nói trong một buổi lễ tại đài tưởng niệm Bức tường Berlin.

Gần đây, tư tưởng cực hữu đang gia tăng mạnh mẽ ở nhiều nước châu Âu, trong khi chính phủ của các nước EU như Ba Lan và Hungary đã bị cáo buộc làm xói mòn nền pháp quyền.

Bức tường Berlin sụp đổ trong các cuộc cách mạng năm 1989 ở trung và đông Âu, trong đó một số chế độ cộng sản do Liên Xô áp đặt đã bị lật đổ sau các cuộc biểu tình và các phong trào chính trị.

Phát biểu hôm thứ Bảy, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã bày tỏ sự kính trọng đối với các nước láng giềng của Đức, nói: “Nếu không có sự can đảm của ý chí tự do của người Ba Lan và Hungary, Czech và Slovakia, các cuộc cách mạng hòa bình để thống nhất Đông Âu và Đức sẽ không khả thi.”

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng “nền dân chủ tự do đang bị thách thức và bị nghi ngờ”, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas nói: “Quyền lực đang dịch chuyển khỏi Châu Âu, các mô hình độc đoán đang gia tăng, Hoa Kỳ đang ngày càng hướng nội”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo không có mặt tại buổi lễ, nhưng đã đến thăm Berlin vào đầu tuần này.

Trong bài phát biểu vào thứ Sáu, ông Pompeo cảnh báo rằng “tự do không bao giờ được bảo đảm”.

Ông chỉ trích các hồ sơ nhân quyền của chính phủ Nga và Trung Quốc và nói: “Ngày nay, chủ nghĩa độc đoán lại một lần nữa trỗi dậy”.

Thứ bảy cũng là ngày kỷ niệm của Kristallnacht – đêm của kính vỡ – khi hàng ngàn ngôi nhà, giáo đường và doanh nghiệp của người Do Thái bị tấn công ở trong thời kỳ Đức Quốc xã và ở Áo vào năm 1938.

Khoảng 200 người đã tham gia một cuộc biểu tình cực hữu ở Bielefeld ở tây bắc Đức để ủng hộ một người chối bỏ Holocaust, trong khi hàng ngàn nhóm chống phát xít và cánh tả đã tổ chức một cuộc biểu đối kháng, truyền thông địa phương đưa tin.

Bức tường Berlin bị sụp đổ như thế nào?

Sau Thế chiến thứ hai, châu Âu bị chia rẽ giữa Liên Xô và các đồng minh phương Tây.

Liên Xô cuối cùng đã dựng lên một “Bức màn sắt” chia cắt phương Đông khỏi phương Tây.

Đức bị chia cắt – với phần phía đông do Liên Xô chiếm đóng, và phía tây do Mỹ, Anh và Pháp kiểm soát. Bức tường Berlin được xây dựng vào năm 1961 – để ngăn mọi người rời Đông Berlin đến Tây Berlin.

Trong các cuộc cách mạng năm 1989, một số chế độ cộng sản do Liên Xô áp đặt ở Đông u đã bị lật đổ khi người dân đòi độc lập hoặc nhiều tự do hơn.

Một loạt các cuộc biểu tình rầm rộ ở Đông Đức – và một thông báo sai lầm của người phát ngôn chính phủ – đã dẫn đến đám đông lớn tụ tập tại biên giới. Bộ đội biên phòng cuối cùng đã mở các rào cản – dẫn đến hàng ngàn người ào ạt đi qua, và phá vỡ bức tường bằng búa.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50365825

 

Cuộc rút quân chưa từng có ở miền đông Ukraina

Thùy Dương

Một cuộc rút quân chưa từng có đang diễn ra tại miền đông Ukraina. Vào giữa ngày hôm qua, 09/11/2019, quân đội Ukraina và bên kia là lực lượng ly khai thân Nga và binh lính Nga cùng bắt đầu rút khỏi một số vị trí sát chiến tuyến.

AFP cho biết một trong những chỉ huy quân sự của Ukraina, Bogdan Bondar, đã thông báo với báo giới như trên. Việc rút quân là một nỗ lực mới của Ukraina và Nga nhằm làm giảm căng thẳng tại khu vực dọc chiến tuyến.

Từ Kiev, thông tín viên RFI Sébastien Gobert cho biết chi tiết:

“Pháo hiệu đã được bắn lên bầu trời và lực lượng tham chiến ở cả hai bên bắt đầu rút đại liên, súng cối và các loại vũ khí tấn công khác. Việc rút vũ khí và phá dỡ công sự sẽ kéo dài 25 ngày. Tổng cộng, một vùng đất trải dài 1 km quanh làng Petrivske sẽ được phi quân sự hóa hoàn toàn.

Việc này là ý tưởng của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nhằm hạn chế các cuộc đọ pháo vốn thường nổ ra vào ban đêm trong vùng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc rút quân và vũ khí hạng nặng không hề dễ dàng và đã bị trì hoãn hai lần do bạo lực tiếp diễn dai dẳng. Dân chúng và binh lính Ukraina lo sợ rằng việc rút quân và vũ khí như vậy sẽ tạo cơ hội cho lực lượng nổi dậy thân Nga và quân đội Nga tổ chức các cuộc tấn công mới. Phía Nga cũng có thể có những mối lo tương tự.

Tiến trình rút quân và vũ khí hạng nặng càng trở nên bấp bênh vì ba khu vực được phi quân sự hóa lần này chỉ là những điểm nằm rất tách biệt trên tổng số 400 km chiến tuyến. Chiến sự vẫn tiếp diễn ở những nơi khác và trong vòng 48h qua, có thêm hai lính công binh Ukraina thiệt mạng”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191110-cuoc-rut-quan-chua-tung-co-o-mien-dong-ukraina

 

Mỹ-Hàn sắp tập trận, Kim Jong Un cảnh báo

‘hết kiên nhẫn, không ngồi im’

Chính quyền Kim Jong Un vừa đưa ra những lời lẽ gay gắt lên án Washington về các kế hoạch tổ chức tập trận chung với Seoul vào tháng tới, giữa lúc đàm phán về chương trình hạt nhân Triều Tiên tiếp tục bế tắc.

“Chúng tôi sắp hết kiên nhẫn và sẽ không ngồi im chứng kiến hành động quân sự liều lĩnh của Mỹ”, hãng thông tấn KCNA dẫn lời quan chức Kwon Jong Gun thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Ông này mô tả các cuộc tập trận chung trên không – mà Bình Nhưỡng coi như một sự tập dượt xâm lược – “đang dội nước lạnh” vào đàm phán với Washington.

Ông Kwon tuyên bố, thông báo tập trận chung chẳng khác nào tuyên bố đối đầu đẩy tiến trình ngoại giao vào nguy hiểm.

“Chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng các cuộc tập trận chung quân sự sẽ buộc chúng tôi phải xem lại những bước đi quan trọng mà chúng tôi đã thực hiện”, ông này nói thêm.

Kwon Jong Gun là một thành viên trong phái đoàn Triều Tiên tham gia đàm phán hạt nhân cấp độ làm việc với Mỹ ở Thụy Điển, khi các đại diện Bình Nhưỡng bước ra khỏi phòng họp với cáo buộc Washington không có các giải pháp “mới và sáng tạo”.

Đàm phán Mỹ – Triều rơi vào bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un ở Hà Nội hồi tháng 2/2019, khi hai bên không dàn xếp được bất đồng về nới lỏng cấm vận của Washington để đổi lại những gì Bình Nhưỡng cần từ bỏ. Sau đó, Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử vũ khí, mới nhất là tuần trước với “một máy phóng đa tên lửa siêu lớn”.

Mỹ-Hàn sắp tập trận, Kim Jong Un cảnh báo ‘hết kiên nhẫn, không ngồi im’

Chủ tịch Kim Jong Un đã định ra hạn chót vào cuối năm nay cho việc nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.

Hôm 4/11, Reuters dẫn lời một quan chức Hàn Quốc tiết lộ Mỹ – Triều có thể sẽ tổ chức một vòng đối thoại khác bắt đầu từ giữa tháng 11 khi ông Kim ý định có một hội nghị thượng đỉnh nữa với ông Trump trong tháng 12.

Mỹ-Hàn tổ chức nhiều cuộc tập tận chung hàng năm.

Năm ngoái, Mỹ và Hàn Quốc đã hủy cuộc tập trận chung trên không quy mô lớn có tên Vigilant Ace cùng một số cuộc tập trận chung khác giữa lúc ngoại giao với Triều Tiên tan băng nhanh. Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc David Eastburn mới đây khẳng định Mỹ “không có kế hoạch bỏ qua các cuộc tập trận chung sắp diễn ra” trong năm nay.

http://biendong.net/bi-n-nong/31389-my-han-sap-tap-tran-kim-jong-un-canh-bao-het-kien-nhan-khong-ngoi-im.html

 

Hàn Quốc lần đầu

có nữ tướng hai sao chỉ huy Không quân

Duy Anh

Hàn Quốc thăng hàm tướng hai sao cho nữ sĩ quan Kang Sun Yong. Bà Kang cũng được bổ nhiệm vào vị trí chỉ huy lực lượng Không quân nước này.

Theo Yonhap, tướng chỉ huy cấp lữ đoàn Kang Sun Yong, 53 tuổi, đã được thăng hàm tướng hai sao trong ngày 8/11. Bà Kang sau đó được Tổng thống Moon Jae In bổ nhiệm vào vị trí Tư lệnh Không quân Hàn Quốc.

“Tướng Kang có đầy đủ năng lực và phẩm chất chuyên nghiệp để đảm nhận vị trí”, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn cho biết.

Tướng Kang nhập ngũ năm 1990 và được đánh giá là có thành tích xuất sắc trong lực lượng phòng không. Tướng Kang hiện cũng là Giám đốc Học viện Hàng không Hàn Quốc.

Trong buổi lễ ngày 8/11, hai sĩ quan nữ khác cũng được thăng hàm, gồm đại tá Kim Joo Hee và Jeong Eui Sook. Hai sĩ quan này đều được thăng hàm lên tướng 1 sao. Ngoài 3 sĩ quan nữ, quân đội Hàn Quốc cũng thăng hàm cho 100 sĩ quan khác gồm 5 tướng 2 sao.

“Quân đội sẽ tiếp tục theo đuổi sự công bằng và cân bằng quản lý cá nhân để lựa chọn những người tài năng nhất bất kể hoàn cảnh, giới tính và đơn vị phục vụ”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định.

https://news.zing.vn/han-quoc-lan-dau-co-nu-tuong-hai-sao-chi-huy-khong-quan-post1011525.html

 

Triều Tiên có thể phóng tên lửa

qua vùng trời Nhật Bản nếu cần thiết

Theo Đại sứ Triều Tiên phụ trách các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Nhật, Triều Tiên có thể phóng tên lửa qua vùng trời Nhật Bản nếu cần thiết.

“Mối đe dọa” trên của ông Song Il Ho được đăng tải một cách “ẩn ý” trên trang Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay (7/11) và được cho là có liên quan đến những phát biểu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc và Hàn Quốc (ASEAN+3)  vừa qua tại Thái Lan khi lên án việc phóng tên lửa đạn đạo liên tục của Triều Tiên kể từ hồi tháng 5.

Ông Song Il Ho phản ứng “gay gắt” với lời khẳng định của Shinzo Abe rằng Bình Nhưỡng rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc bằng cách phóng tên lửa. Đồng thời nhắc lại lập trường của Triều Tiên rằng việc phóng tên lửa là một hành động tự vệ chính đáng.

Đại sứ Triều Tiên nói thêm rằng thật “nực cười” khi ông Shinzo Abe muốn tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Hồi tháng 9 vừa qua, Nhật Bản đã cử một phái đoàn sang Bình Nhưỡng hội đàm với Đại sứ Triều Tiên Sông In hô về đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhật-Triều, tuy nhiên đã không mang lại kết quả.

Quan hệ Nhật Bản- Triều Tiên lâu nay vẫn bế tắc trong vấn đề giải quyết công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc những năm 1970-1980. Nhật Bản chính thức liệt kê 17 người bị Triều Tiên bắt cóc trong đó có 5 người đã được hồi hương năm 2002. Ngoài ra, Nhật Bản cũng nghi ngờ Triều Tiên có liên quan tới nhiều vụ mất tích khác trong khi phía Triều Tiên luôn cho rằng vấn đề bắt cóc “đã được giải quyết”

http://biendong.net/bi-n-nong/31381-trieu-tien-co-the-phong-ten-lua-qua-vung-troi-nhat-ban-neu-can-thiet.html

 

Hàng ngàn người Hong Kong tụ tập tưởng niệm ‘liệt sĩ’

Những người biểu tình ở Hong Kong đã tổ chức một buổi tưởng niệm những “liệt sĩ” vào thứ Bảy và nhiều người đòi “báo thù” sau khi một sinh viên chết trong bệnh viện trong tuần này sau khi bị ngã từ trên cao, khơi lên sự phẫn nộ của những người biểu tình ủng hộ dân chủ.

Hàng ngàn người tụ tập ôn hòa trung tại Công viên Tamar bên cạnh các văn phòng chính quyền trung ương ở Hong Kong sau khi họ được cảnh sát cho phép tổ chức cuộc tập hợp vào buổi tối trong một dịp hiếm hoi, Reuters đưa tin.

Những người biểu tình hát những bài hát tưởng niệm và cầm hoa trong khi nhiều người hô vang “báo thù.” Lời kêu gọi này được nghe thấy ngày càng thường xuyên tại các cuộc tập hợp và được tiếp thêm động lực kể từ khi một sinh viên tử vong vào ngày thứ Sáu sau khi rơi từ một bãi đậu xe nhiều tầng trong một cuộc biểu tình, theo Reuters.

Cảnh sát ước tính 7.500 người tham dự buổi tưởng niệm ngày thứ Bảy.

Chow Tsz-lok, 22 tuổi, sinh viên Đại học Khoa học Kĩ thuật Hong Kong (UST) bị ngã hôm thứ Hai khi những người biểu tình đang bị cảnh sát giải tán.

Các cuộc tập hợp thường biến thành xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình, gây nên cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở lãnh thổ này từ hàng thập niên qua.

Buổi tưởng niệm tối thứ Bảy thu hút sinh viên học sinh, người già và một vài em nhỏ và không có vụ xáo động nào.

Sinh viên học sinh và những người trẻ tuổi đã đi đầu trong số hàng trăm ngàn người Hong Kong xuống đường biểu tình từ hồi tháng 6 để đòi hỏi quyền tự do lớn hơn, trong số những yêu sách khác, và phản đối điều mà họ xem là sự can thiệp của Trung Quốc vào trung tâm tài chính Châu Á này.

Trung Quốc phủ nhận can thiệp vào Hong Kong, lãnh thổ mà Anh đã trao trả lại cho Bắc Kinh cai trị vào năm 1997, và đã quy trách các nước phương Tây kích động biểu tình.

https://www.voatiengviet.com/a/hang-nguoi-nguoi-hong-kong-tu-tap-tuong-niem-liet-si/5159355.html

 

Hồng Kông: Biểu tình khắp đặc khu,

Bắc Kinh đòi siết chặt an ninh

Tú Anh

Ban hành các biện pháp kiểm soát an ninh nghiêm ngặt để trấn áp tình trạng biểu tình đòi dân chủ ngày càng dữ dội tại Hồng Kông là « nhiệm vụ khẩn cấp » hiện nay. Lời tuyên bố của đại diện Trung Quốc có thể gây thêm căng thẳng sau vụ một sinh viên 22 tuổi thiệt mạng, vào thứ Sáu tuần trước, sau một vụ đàn áp.

Sau đêm canh thức và tham gia tang lễ sinh viên Alex Chow, giới trẻ phản kháng lại kêu gọi xuống đường trong ngày Chủ nhật 10/11/2019, hôm nay, trên toàn đặc khu Hồng Kông.

Theo Reuters, cảnh sát dùng lựu đạn cay để giải tán một cuộc tập họp ở quận Thuyên Loan (Tsuen Wan). Trong khi đó, người biểu tình tấn công một nhà ga ở Sa Điền (Sha Tin). Nhiều cuộc biểu tình khác được dự trù ở các trung tâm thương mại trên khắp đặc khu.

Vào lúc Hồng Kông bước vào tuần lễ xung đột bạo động thứ 24, Trương Tiểu Minh, đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông và Macao, đe dọa là cần phải khẩn cấp ban hành một đạo luật nghiêm ngặt về an ninh.

Trước tiên, giám đốc văn phòng Hồng Kông-Ma Cao nhìn nhận là chính quyền Hồng Kông cần phải cải tiến cách thức cai trị. Giá cả nhà cửa đắt đỏ, cách biệt giàu nghèo quá lớn là hai nguyên nhân làm cho dân chúng nổi loạn. Tuy nhiên, viên chức này cũng cho rằng cần phải sử dụng luật lệ nghiêm khắc để trấn áp mọi hành động thách thức sự kiểm sóat của chính quyền trung ương. Gián tiếp chỉ trích bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không dám mạnh tay đàn áp, Trương Tiểu Minh nhấn mạnh ”lãnh đạo Hồng Kông phải là người ”yêu nước” và tuyệt đối trung thành với Bắc Kinh”.

Theo AFP, phát biểu này có thể sẽ châm dầu vào cơn lửa tức giận của người Hồng Kông, nhất là sau cái chết của sinh viên Alex Chow mà chính cảnh sát phải nhìn nhận có lỗi chậm cấp cứu.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20191110-hong-kong-bieu-tinh-khap-dac-khu-bac-kinh-doi-siet-chat-an-ninh

 

Chuyên gia Mỹ: TQ có hành vi

“sự việc đã rồi” trên Biển Đông

Chuyên gia Mỹ Stanley B. Weeks cho rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật “vùng xám” để thực hiện hành vi “bắt nạt và cưỡng ép” các quốc gia tại Biển Đông.

Trả lời báo chí bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” tổ chức tại Hà Nội, chuyên gia Stanley B. Weeks đến từ Tập đoàn Ứng dụng Khoa học Quốc tế (Mỹ) ngày 7/11 đã có nhận định về chiến thuật “vùng xám” mà Trung Quốc đang thực thi trên Biển Đông.

Ông Weeks cho rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật nói trên nhằm thực hiện hành vi “bắt nạt và cưỡng ép” đối với các quốc gia trong khu vực để phục vụ cho yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển giàu tài nguyên.

Chiến thuật “vùng xám” được áp dụng khi một quốc gia muốn đạt được lợi ích về mặt lãnh thổ nhưng muốn tránh dùng vũ lực trực tiếp và quy mô lớn. Chiến thuật này thường duy trì các hành động nhỏ liên tục tránh để xung đột leo thang thành chiến tranh căng thẳng, tuy nhiên lại được thực hiện dần dần để tạo nên sự chuyển hóa có lợi cho quốc gia đó.

Ông Weeks nhận định rằng về mặt bản chất, đây là một chiến thuật khó để đối phó. Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ cho rằng việc các quốc gia lên tiếng thể hiện quan điểm rõ ràng là cần thiết. Ông Weeks nhận định không chỉ các nước trong Biển Đông mà các quốc gia ở khu vực khác quan tâm đến tự do hàng hải ở khu vực này như Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ… cũng cần phải bày tỏ rõ ý kiến với hành động của Trung Quốc.

Ngoài ra, chuyên gia Mỹ cũng cho rằng các quốc gia cũng cần hợp tác chặt chẽ với nhau để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Ông Weeks cũng đánh giá Việt Nam là quốc gia có quan điểm rõ ràng và nhất quán trong việc nêu ra các vấn đề cũng như bày tỏ quan điểm phản đối hay quan ngại với các hành vi của Trung Quốc trên khu vực tranh chấp.

“Đó là luật pháp, luật biển và luật quốc tế nói chung. Việt Nam rất hiệu quả trong việc chỉ ra những điều đó trong những trường hợp cụ thể”, chuyên gia Mỹ nhận xét về phản ứng về mặt ngoại giao của Việt Nam với các hành động sai trái của Trung Quốc.

Ông Weeks, người từng phục vụ trong hải quân Mỹ hơn 20 năm, cũng nhận dịnh rằng hải quân Mỹ đang có những hành động cụ thể để đối phó với chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm việc thực hiện tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực.

“Theo luật pháp quốc tế, nếu bạn không thách thức một tuyên bố, nó sẽ tồn tại ở đó từ 10 tới 15 năm và nó sẽ biến thành tập quán pháp. Khi đó, bạn sẽ không thể thách thức nó được”, ông Weeks cho biết, nhấn mạnh ngoài các hoạt động tuần tra, Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích những tuyên bố và hành động phi pháp của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, ông Weeks nhận định hải quân Mỹ đang phải làm nhiệm vụ trên khắp toàn cầu ở các khu vực như Địa Trung Hải, Vịnh Ba Tư…vì vậy, số lượng tàu chiến Mỹ ở Biển Đông cũng có giới hạn nhất định.

Vì vậy, ông cho rằng việc hợp tác với hải quân và cảnh sát biển các nước trong khu vực và các nước lớn khác như Anh, Pháp là việc Mỹ cần làm.

http://biendong.net/bi-n-nong/31391-chuyen-gia-my-tq-co-hanh-vi-su-viec-da-roi-tren-bien-dong.html

 

Bắc Kinh có thể gây chiến với Đài Loan

để chuyển hướng áp lực trong nước ra bên ngoài

Bắc Kinh có thể lựa chọn xung đột quân sự với Đài Loan để chuyển hướng áp lực trong nước, nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục ảm đạm trong bối cảnh thương chiến với Mỹ, đe dọa uy tín của lãnh đạo Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) phát biểu hôm 6/11.

“Nếu sự ổn định nội bộ được đặt lên trước, hay suy thoái kinh tế trở càng ngày càng nghiêm trọng, khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu (Trung Quốc) phải xử lý, đó là lúc chúng ta cần hết sức thận trọng. Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra … đó là xung đột quân sự”, ông Ngô cho biết trong buổi phỏng vấn với Reuters.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2019 dự kiến ​​sẽ giảm xuống mức thấp trong gần 30 năm, đặt ra thách thức cho Bắc Kinh trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế, vốn là nền tảng cho uy tín chính trị của các nhà cầm quyền.

“Có lẽ, Tập Cận Bình đang bị suy giảm uy tín, hiện ông không có khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế đất nước. Đây là một yếu tố có thể khiến lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc quyết định thực hiện một hành động hướng ra các nước láng giềng để chuyển hướng sự chú ý trong nước”, ông Ngô phát biểu.

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan cho biết, việc Trung Quốc gia tăng bành trướng quân sự tại khu vực đã trở thành vấn đề “rất nghiêm trọng”, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, tuy vậy Đài Loan vẫn đang nỗ lực để đảm bảo hòa bình trên eo biển.

Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sẽ diễn ra vào tháng 1/2020. Nên Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch “thống nhất”, giành giật một số đồng minh của Đài Loan, điều máy bay ném bom thường xuyên tuần tra trên vùng biển giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Bắc Kinh đã nhiều lần đề xuất mô hình “Một quốc gia, Hai chế độ” với Đài Loan, nhưng Tổng thống Thái Anh Văn đều thẳng thừng từ chối.

“Công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc để đổi lấy một số lợi ích ngoại giao nhất định, tôi cho rằng, điều này là không thể chấp nhận được”, ông Ngô nói.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/31386-bac-kinh-co-the-gay-chien-voi-dai-loan-de-chuyen-huong-ap-luc-trong-nuoc-ra-ben-ngoai.html

 

Quan sát Cuộc sống Đó đây

Hồ sơ Trung Quốc-Mỹ đồng ý xóa bỏ thuế quan bổ sung

Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý về việc xóa bỏ thuế quan đã được bổ sung trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hoàn thành một thỏa thuận thương mại tạm thời.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/11, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết: “Trong hai tuần qua, các nhà đàm phán thương mại chính của hai bên đã thảo luận nghiêm túc về cách giải quyết đúng các mối quan tâm cốt lõi của nhau và đã đồng ý loại bỏ các mức thuế quan bổ sung đã được áp dụng trong các giai đoạn khi thỏa thuận được tiến hành. Điều này sẽ có lợi cho cả nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và cả thế giới và cũng có lợi cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng”.

Cụ thể, nếu Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận ở giai đoạn 1, cả hai bên sẽ cùng quay ngược lại mức thuế quan bổ sung hiện có theo cùng một tỷ lệ. Tỷ lệ này sẽ được đàm phán và quyết định trong nội dung thỏa thuận.

Theo hãng tin Reuters của Anh, các nhà đàm phán Trung Quốc mong muốn phía Mỹ giảm 15% thuế quan đối với 125 tỷ USD giá trị hàng xuất khẩu bị đánh thuế có hiệu lực ngày 1/9 vừa qua cũng như kỳ vọng “cứu” 250 tỷ USD khỏi mức thuế 25% trước đó.

Cho đến nay, thời gian và địa điểm của việc ký kết thỏa thuận thương mại một phần của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thể được đưa ra chính thức sau nhiều lần bị trì hoãn

http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31379-quan-sat-cuoc-song-do-day-ho-so-trung-quoc-my-dong-y-xoa-bo-thue-quan-bo-sung.html

 

Cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ: TQ sẽ ‘hung hăng hơn’

Cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell dự đoán Trung Quốc sẽ ‘hung hăng hơn’ để khẳng định vị thế ở châu Á và trong cạnh tranh với Mỹ.

“Tôi rất lo lắng rằng Trung Quốc sẽ liều lĩnh và hành xử theo cách hung hăng hơn, gây lo ngại lớn ở khắp khu vực”, ông Kurt Campbell, cựu trợ lý của Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và được cho là kiến trúc sư trưởng chính sách “Xoay trục” sang châu Á của chính quyền Obama, nói với VnExpress trong cuộc gặp riêng tại Hà Nội cuối tháng 10/2019.

Ông Campbell nói về hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc điều tàu Khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng nam Biển Đông của Việt Nam, vi phạm Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).

Đánh giá ý đồ của Trung Quốc khi để tàu Hải Dương 8 khảo sát phi pháp gần 4 tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019, Campbell cho rằng có sự kết hợp của ba giả thuyết. Thứ nhất, Bắc Kinh muốn báo hiệu sẽ tăng cường các hoạt động ở trong khu vực “đường lưỡi bò”, không chỉ với Việt Nam, mà còn với các bên khác cùng có tranh chấp. Đây được coi là động cơ chính và là thách thức lâu dài với các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippines. Thứ hai, Trung Quốc thể hiện tín hiệu “rất không hài lòng” khi Việt Nam khai thác dầu ở Biển Đông, dù khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hà Nội. Thứ ba, Trung Quốc muốn “nhắc nhở” Việt Nam về việc hợp tác với các nước khác.

Campbell cho rằng các tín hiệu của Bắc Kinh đưa “rất nghiêm trọng”. Theo đó, Trung Quốc không chỉ có các hoạt động trong khu vực thuộc “đường lưỡi bò” tự vẽ ra để đòi yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông, mà còn tăng cường nhắc đến các thực thể, dù chúng không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo luật quốc tế. Campbell cho rằng các nước cần phải thận trọng khi Trung Quốc gia tăng các các hoạt động ở khu vực thuộc “đường lưỡi bò” và đòi EEZ cho các đảo nhân tạo.

Trước thực tế Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế, Cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ vẫn tin tưởng vào sức mạnh của cơ chế này.

“Điều quan trọng nhất là chúng ta duy trì tuân thủ luật quốc tế và thể hiện rằng các nước đồng lòng về vấn đề này”, Campbell nói.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/31369-cuu-tro-ly-ngoai-truong-my-tq-se-hung-hang-hon.html

 

Sam Rainsy đến Malaysia, tìm cách quay về Campuchia

Lãnh đạo đối lập Campuchia Sam Rainsy đã có mặt ở Malaysia hôm 9/11, vẫn nói rằng sẽ về nước để dẫn dắt nổi dậy chống Thủ tướng Hun Sen.

Bầu cử Campuchia: Dân chủ trong sợ hãi?

Thân phận trôi nổi của người Việt ở Campuchia

“Hãy giữ hy vọng,” ông Sam Rainsy, lâu nay sống lưu vong, nói với người ủng hộ sau khi hạ cánh xuống sân bay ở Kuala Lumpur.

Sam Rainsy, 70 tuổi, sáng lập đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đang bị cấm hoạt động ở Campuchia.

Ông tuyên bố muốn về nước ngày 9/11, ngày Độc lập của Campuchia, để lập phong trào nổi dậy.

Nhưng chính phủ Campuchia nói đây là âm mưu đảo chính chống ông Hun Sen.

Hôm thứ Năm, ông Sam Rainsy tuyên bố ông không được cho lên máy bay Thai Airways đi Bangkok ở Paris, nơi ông đã sống từ 2015.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha nói sẽ không cho Sam Rainsy nhập cảnh.

Không rõ liệu làm thế nào Sam Rainsy có thể về nước.

Người phát ngôn cho chính phủ Campuchia nói ông Sam Rainsy còn đối diện các hồ sơ truy tố nếu quay về nước.

Trong diễn biến liên quan, Campuchia đã trả tự do cho một lãnh đạo đối lập khác, Kem Sokha, sau hai năm quản thúc tại gia.

Nhưng Kem Sokha vẫn không được tham gia chính trị và bị cấm xuất cảnh.

Suốt nhiều thập niên, Sam Rainsy và Hun Sen, 67 tuổi, là đối thủ của nhau.

Ông Hun Sen đã cầm quyền suốt 34 năm tại đất nước có 16 triệu dân.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50366534

 

Cam Bốt: Dỡ lệnh quản thúc nhà đối lập Kem Sokha

Thùy Dương

Sau hai năm bị giam giữ, rồi bị quản thúc tại gia, Kem Sokha, một trong hai nhà đồng sáng lập đảng đối lập Cam Bốt, chống thủ tướng Hun Sen, đã được trả tự do vào sáng hôm nay 10/11/2019. Trong khi đó, nhà đối lập Sam Rainsy đang sống lưu vong hôm qua đã không thể nhập cảnh hồi hương, dù có thể ông đã về đến Malaysia.

Quân đội Cam Bốt đã được huy động ở biên giới và trong cả nước để đối phó với tình hình.

Từ Phnom Penh, thông tín viên RFI Juliette Buchez cho biết chi tiết:

“Theo lệnh tòa án đưa ra sáng hôm nay (Chủ Nhật), ông Kem Sokha từ nay được tự do đi lại, nhưng với điều kiện không được rời khỏi Cam Bốt. Đây là lần đầu tiên Kem Sokha được tự do đi lại sau hai năm, trong đó có một năm ông bị giam giữ và một năm bị quản thúc tại gia. Tuy nhiên, Kem Sokha vẫn bị cấm tham gia các hoạt động chính trị và ngày diễn ra phiên tòa xét xử ông cũng không được thông báo.

Bị tố cáo là phản bội, Kem Sokha bị bắt hồi tháng 09/2017. Đảng đối lập chính tại Cam Bốt, do Kem Sokha và Sam Rainsy đồng sáng lập, bị tố cáo muốn lật đổ chính phủ. Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt đã bị Tòa Tối Cao giải tán 8 tháng trước cuộc bầu cử lập pháp. Phiếu bầu sẽ được dồn cho đảng của thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền lãnh đạo suốt 34 năm qua.

Việc ông Kem Sokha được trả tự do diễn ra vào ngày hôm nay. Đây là một thời điểm mấu chốt. Tuần tới, Ủy Ban Châu Âu sẽ phải ra quyết định có duy trì hay đình chỉ thỏa thuận mang tên « Tất cả trừ vũ khí » hay không. Theo thỏa thuận này, Liên Hiệp Châu Âu miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Cam Bốt, với điều kiện Phnom Penh phải tôn trọng nhân quyền. Việc trả tự do cho ông Kem Sokha là một phần đòi hỏi rõ ràng để Liên Âu chấp nhận duy trì thỏa thuận với Cam Bốt.

Chính phủ Cam Bốt cũng đang trong tình trạng lo ngại khi Sam Rainsy, nhà đối lập chính trị lâu năm của thủ tướng Hun Sen vẫn thông báo ông sẽ trở về nước”.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20191110-cam-bot-do-lenh-quan-thuc-tai-gia-nha-doi-lap-kem-sokha