Tin khắp nơi -10/10/2019
Ngoại trưởng Pompeo: “Mỹ không ‘bật đèn xanh’
cho cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói Hoa Kỳ không ‘bật đèn xanh’ cho cuộc tấn công của Thổ Nhì Kỳ nhắm vào các khu vực do người Kurd kiểm soát ở Bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ không kích Syria để chặn người Kurd
Mỹ rút quân khỏi Syria: Trump cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Trump ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi Syria
Ông Pompeo bảo vệ quyết định rút quân đội Hoa Kỳ khỏi khu vực biên giới phía bắc Syria của Tổng thống Donald Trump.
Quyết định này làm dấy lên những chỉ trích kịch liệt, cả trong và ngoài nước Mỹ.
Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chiến dịch quân sự, tấn công vào các khu vực do người Kurd kiểm soát tại Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan nói rằng, chiến dịch “nhằm ngăn chặn việc tạo hành lang khủng bố dọc biên giới phía nam của chúng tôi, đem lại hòa bình cho khu vực.”
Thổ Nhĩ muốn tạo ra một “vùng an toàn” không có sự hiện diện của các tay súng người Kurd; đồng thời, đây cũng sẽ là nơi tạm giữ những người Syria tị nạn.
Các lực lượng do người Kurd lãnh đạo tuyên bố sẽ chống lại cuộc tấn công và đã đụng độ với quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), mà nòng cốt là nhóm dân quân người Kurd (YPG), đã giúp Hoa Kỳ đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Hàng ngàn chiến binh IS và thân nhân đang bị giam tại các nhà tù và trại trong khu vực do lực lượng này kiểm soát.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết, họ đã bắt giữ hai tù nhân người Anh Alexanda Kotey và El Shafee Elsheikh, vốn là chiến binh IS khét tiếng bởi đã tra tấn và sát hại gần 30 con tin phương Tây.
Hai người này là thành viên của nhóm người Anh lấy biệt danh là The Beatles.
Hiện họ được đưa ra khỏi nhà tù do lực lượng dân quân người Kurd quản lý ở bắc Syria.
Ông Pompeo nói gì?
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình PBS của Mỹ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã bênh vực quyết định của Tổng thống Trump rút quân Mỹ khỏi bắc Syria.
Ông cũng cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có “mối quan ngại an ninh chính đáng” và “mối đe dọa khủng bố ở khu vực phía Nam.”
Nhưng ông cũng phủ nhận thông tin nói rằng Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công trên.
“Hoa Kỳ không bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ,” ông Pompeo nói.
Trước đó, trong một tuyên bố, Tổng thống Trump – người từng đe dọa sẽ “xóa sổ”nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này “vượt quá giới hạn” – cũng cho biết là Mỹ không “tán thành cuộc tấn công này,” và nói rằng, cuộc tấn công này là “ý tưởng tồi tệ.”
Tổng thống Trump sau đó nói trong một cuộc họp báo rằng, các chiến binh người Kurd “không giúp chúng tôi trong Chiến tranh thế giới thứ hai, họ đã không giúp chúng tôi khi đổ bộ vào Normandy.”
“Với tất cả những gì đã nói, chúng tôi thích người Kurd,” ông Trump nói thêm.
Cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều lên án quyết định rút quân Mỹ khỏi Bắc Syria.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, vốn là đồng minh thân cận của ông Trump, cho rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh của mình “một cách đáng xấu hổ.”
Ông cũng tiết lộ là sẽ cùng Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Chris Van Hollen trình một dự luật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.
“Trong khi Chính quyền không muốn tiến hành các động thái chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, tôi mong đợi vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của lưỡng đảng,” ông viết.
Cập nhật tình hình Bắc Syria
Một số thị trấn và làng mạc ở khu vực này đã bị tấn công bởi các cuộc không kích và pháo binh từ hôm 9/10, khiến hàng ngàn thường dân phải bỏ nhà cửa tháo chạy.
Các lực lượng người Kurd cho biết, ít nhất có năm thường dân đã thiệt mạng và 25 người khác bị thương trong các cuộc không kích và pháo kích này.
Một số người dân phải rời bỏ nhà cửa, giữa khi khói bốc lên mù mịt ở thị trấn vùng biên Ras al-Ain
Sau đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh của họ ở Syria là quân đội quốc gia Syria đã tiến vào khu vực “phía đông Euphrates”.
Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cũng tweet rằng, họ đã tấn công 181 mục tiêu “khủng bố,” trong một phần của cái được gọi là Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình; trong khi một nhóm thân Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng tin AFP rằng, cuộc tấn công đã bắt đầu ở Tal Abyad, một khu vực nằm dưới sự kiểm soát của YPG.
Thông tin cho thấy, quanh thị trấn nói trên đã xảy ra nhiều giao tranh. Người phát ngôn của SDF Mustafa Bali cho biết, họ đã đẩy lùi một vụ đổ bộ tại đó.
Chính quyền người Kurd đã kêu gọi người dân “tiến về phía biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ… để chống lại [cuộc tấn công].”
SDF cũng cho biết, một trong những nhà tù hiện giam giữ các thành viên IS đã bị tấn công trong một cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh những quan ngại liên quan đến vấn đề nhân đạo ngày càng gia tăng, SDF đã yêu cầu liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thiết lập một vùng cấm bay để ngăn chặn “các cuộc tấn công vào những thường dân vô tội.”
Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi YPG – nhóm nòng cốt trong SDF – một phần mở rộng từ Đảng Công nhân người Kurd đã bị cấm, chiến đấu cho quyền tự trị của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ trong ba thập niên qua.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dự tính gửi hai triệu trong số 3,6 triệu người tị nạn Syria hiện sống trên đất Thổ Nhĩ Kỳ đến “vùng an toàn.”
Ủy ban Cứu hộ Quốc tế cho biết, cuộc tấn công có thể khiến 300 ngàn người sống trong khu vực này phải sơ tán.
Đây là chiến dịch quân sự thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria trong ba năm qua.
Ban đầu, cuộc tấn công được cho là tập trung vào khu vực dài 100km giữa Tal Abyad và Ras al-Ain, một khu vực dân cư khá thưa thớt, gồm chủ yếu là người Ả Rập.
Ông Bali cho biết, thị trấn Kobane ở phía tây và Qamishli ở phía đông đã dính pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến về những thị trấn đó, họ sẽ phải di chuyển vào khu vực đông dân cư hơn, gồm chủ yếu là người Kurd.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Liên minh Âu châu cho rằng, “cái gọi là” vùng an toàn” không có khả năng… đáp ứng các tiêu chí quốc tế về người tị nạn; trong khi Bỉ, Pháp, Đức, Ba Lan và Anh đều yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp để thảo luận về cuộc tấn công.
15 thành viên của tổ chức này sẽ nhóm họp hôm nay.
Liên đoàn Ả Rập cũng tuyên bố tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về cuộc tấn công trên vào ngày 12/10 tới tại Cairo (Ai Cập).
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, có “mối quan ngại về chính đáng về an ninh,” nhưng ông hy vọng nước này sẽ “hành động với sự kiềm chế và bảo đảm rằng, bất kỳ hành động nào… đều được cân nhắc kỹ.
Trong tuyên bố của mình, ông Trump cũng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm bảo đảm rằng, những người bị nghi là các chiến binh IS và đang bị giam giữ vẫn ở trong tù và không tạo cơ hội cho IS trỗi dậy.
Nguy cơ IS trỗi dậy?
SDF cho biết, họ đang giam giữ hơn 12 ngàn người bị cho là thành viên IS trong bảy nhà tù. Ít nhất 4.000 trong số họ là người nước ngoài.
Các địa điểm giam giữ chính xác chưa được tiết lộ, nhưng một số được cho là gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai trại – Roj và Ain Issa – hiện đang giam giữ các gia đình của những người bị nghi là thành viên IS hiện ở trong “vùng an toàn”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49995891
Mỹ ‘siết’ Cuba, săm soi Nga về vấn đề Venezuela
Chính quyền Mỹ chuẩn bị áp đặt chế tài mới lên Cuba vì nước này ủng hộ Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, đồng thời cũng đang để ý tới vai trò của Nga trong việc giúp ông Maduro tại vị, đặc sứ Mỹ về Venezuela, Elliott Abrams, nói với Reuters.
Thất vọng của Tổng thống Donald Trump về thất bại của chiến dịch “áp lực tối đa” để lật đổ Tổng thống Maduro đã khiến cho các phụ tá về chính sách ngoại giao sẵn sàng hành động thêm nữa và thúc đẩy các đối tác Châu Âu và Châu Mỹ Latin chế tài mạnh hơn đối với nước thành viên OPEC, Venezuela, một giới chức cao cấp thứ hai trong chính quyền Trump cho biết với điều kiện ẩn danh.
Đặc sứ Abrams cho biết Washington nhìn thấy Cuba và Nga vực dậy ông Maduro, 9 tháng sau khi chính quyền Trump và hơn một chục quốc gia khác quyết tâm không công nhận nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa xã hội này là Tổng thống hợp pháp của Venezuela.
“Chúng tôi luôn luôn tìm cách siết Cuba vì chúng tôi không thấy bất cứ sự cải thiện nào trong hành vi của họ đối với Venezuela hay nhân quyền trong nước,” ông Abrams nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng ông ở Bộ Ngoại giao.
Những chế tài mới đang được cân nhắc đối với Cuba cộng sản dự trù công bố “trong những tuần lễ tới,” chắc chắn sẽ nhắm vào lãnh vực du lịch của đảo quốc cũng như cắt giảm việc cung cấp dầu của Venezuela cho Havana, căn cứ trên danh sách đen của Mỹ về các tàu dầu dùng để chuyển vận dầu, giới chức cao cấp nói.
Trong khi các chế tài của Mỹ đối với Cuba xuất phát từ những cáo buộc là nước này cung cấp huấn luyện, vũ khí và tình báo cho lực lượng an ninh Maduro, chuyện nhắm vào Nga sẽ được căn cứ vào việc Moscow ủng hộ tài chánh cho Caracas.
Công ty dầu khổng lồ Rosneft đã cung cấp dầu thô cho thị trường Venezuela kể từ khi Washington áp đặt chế tài lên công ty dầu quốc doanh PDVSA vào tháng 1 năm nay.
Được hỏi liệu Washington có chuẩn bị chế tài đối với Rosneft hay không, ông Abrams nói chính quyền “đang điều nghiên kỹ cách thức Nga hỗ trợ chế độ Maduro” nhưng ông từ chối nêu tên bất cứ thực thể hay cá nhân nào.
Mỹ sẽ duy trì hiện diện quân sự ở Singapore đến năm 2035
để ngăn chặn các hoạt động phi pháp của TQ
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một văn bản cho phép Không quân và Hải quân Mỹ sử dụng các cảng và sân bay của Singapore đến năm 2035.
Theo thông tin trên, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một văn bản cho phép Không quân và Hải quân Mỹ sử dụng các cảng và sân bay của Singapore đến năm 2035. Tài liệu đã ký là văn bản bổ sung cho bản ghi nhớ về việc Mỹ được phép sử dụng khả năng của Singapore, được ký vào năm 1990. Bản ghi nhớ đã được ký lại vào năm 2005, theo đó định gia hạn thỏa thuận cho đến năm 2020. Thỏa thuận này tạo điều kiện cho các lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân và hải quân Singapore và cung cấp hỗ trợ hậu cần cho binh sĩ, máy bay và tàu quá cảnh của nước này. Theo thỏa thuận này, Mỹ đã luân phiên triển khai máy bay chiến đấu để tập trận, tiếp nhiên liệu và bảo trì, cũng như triển khai các tàu chiến đấu ven biển (LCS) tới Singapore từ năm 2013 và máy bay P-8 Poseidon kể từ năm 2015.
Trang The Straits Time trích lời Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu trước lễ ký kết: “Bản ghi nhớ này phản ánh sự hợp tác rất tốt của chúng tôi trong các vấn đề quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Singapore, và đây cũng là sự hợp tác rộng lớn hơn mà chúng tôi đạt được trong nhiều lĩnh vực khác như – về an ninh, kinh tế, chống khủng bố và trong văn hóa, cũng như giáo dục. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác này sẽ phát triển. Và chúng tôi hy vọng rằng nó cũng sẽ là một phương tiện để Mỹ tăng cường cam kết ở khu vực Đông Nam Á và khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Trước đó, trong thời gian thăm Mỹ (từ 6-10/12/2015) nhân kỷ niệm 25 năm hai nước ký Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng (1990) và 10 năm Hiệp định khung hợp tác chiến lược (2005), Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và lãnh đạo quân đội 2 nước đã ký Hiệp định hợp tác quốc phòng song phương (DCA). Theo đó, Singapore cho phép Mỹ triển khai thiết bị quân sự tại căn cứ quân sự của nước này, đồng thời hỗ trợ hậu cần cho Washington. Hai bên cũng đồng ý để Mỹ triển khai tàu tuần duyên thứ ba ở Singapore vào năm 2016 và chiếc thứ tư vào năm 2017. Và lần đầu tiên, Singapore nhất trí để Hải quân Mỹ triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon ở nước này. Phát biểu trong chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (9/12/2015) thúc giục Mỹ thể hiện “tín hiệu rõ ràng và nhất quán” trong ý định duy trì sự hiện diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ cần đưa ra các tín hiệu rõ ràng và nhất quán, đồng thời cam kết tiếp tục tham gia các vấn đề trong khu vực. Quyết tâm của Mỹ nhằm duy trì vai trò thống trị và ổn định trong khu vực Thái Bình Dương là rất quan trọng.
Hãng Reuters coi đây là phản ứng mới nhất của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền vô lý và bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Và đây cũng là thông điệp của Washington gửi tới Bắc Kinh cho thấy quyết tâm của Mỹ phản đối động thái hung hăng của Trung quốc, cũng như sẵn sàng hỗ trợ đồng minh tại đây. Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, việc triển khai máy bay tuần tra ở Singapore dự kiến sẽ được thực hiện thường xuyên, mỗi quý một lần. Còn theo đánh giá của tờ Foreign Policy, động thái này thể hiện mối quan ngại của Singapore trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc. Trong khi đó, tờ Straits Times nhận định, Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước đều nhất trí tầm quan trọng về sự hiện diện của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương. Việc Singapore cho phép Mỹ triển khai máy bay do thám đang thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia trên thế giới và họ đều có chung nhận định. Theo đó, Singapore muốn tạo sự cân bằng quyền lực tại Đông Nam Á, trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn có tiếng nói quan trọng ở Biển Đông; đồng thời giữ khoảng cách với tất cả các bên tranh chấp trong khu vực, để không bị cuốn vào “dòng chảy” này.
Trái ngược với phản ứng tích cực từ cộng đồng quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, “việc Mỹ tăng cường triển khai quân sự và thúc đẩy quân sự hóa khu vực không phù hợp với lợi ích chung lâu dài của các nước trong khu vực”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn tuyên bố, sẽ theo dõi chặt các chuyến bay do thám của Mỹ sau khi Singapore bật đèn xanh để Washington triển khai máy bay do thám P-8 Poseidon trên Biển Đông.
Tuy không liên quan trực tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông nhưng sự thịnh vượng của Singapore phụ thuộc vào tuyến hàng hải thương mại này. Do đó, Singapore đã tích cực ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, trong đó đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp trong vấn đề này; đồng thời góp phần lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể khái quát về sự tham gia của Singapore trong vấn đề Biển Đông như sau:
Thứ nhất, trong các tuyên bố, phát biểu của lãnh đạo cao của Singapore (Thủ tướng Lý Hiển Long, Ngoại trưởng Shanmugam, Ngoại trưởng Vivian BalaKrishnan…) đều thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền, song khẳng định Singapore có lợi ích và mong muốn các vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS
1982. Singapore cũng cho rằng ASEAN sẽ không phân định và giải quyết vấn đề cụ thể giữa các quốc gia yêu sách chủ quyền. Thay vào đó, ASEAN có thể thiết lập một khuôn khổ mang lại các điều kiện cần thiết để các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thương lượng một giải pháp hòa bình. Tờ The Straits Times dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Singapore Shanmugam khẳng định tự do hàng hải là vấn đề quan trọng đối với sự tồn tại của Singapore với tư cách một quốc gia có chủ quyền. Trước đó (5/2014), khi phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM) tại Myanmar, Ngoại trưởng Shanmugam cũng cho rằng, leo thang căng thẳng ở Biển Đông là vấn đề “gây quan ngại nghiêm trọng” cho ASEAN và cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ hai, tại các diễn đàn song phương và đa phương, Singapore tiếp tục cho rằng ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC mà ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được COC. Phát biểu với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar (5/2014), Ngoại trưởng Singapore Shanmugam chobiết: “Vì lợi ích của toàn khu vực, chúng ta cần có hòa bình chứ không phải biến cố. Những gì đang xảy ra tạo nên yêu cầu khẩn cấp hơn về việc phải có một bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông” giữa ASEAN và Trung Quốc. Singapore và ASEAN thể hiện “sự quan ngại nghiêm trọng” của các quốc gia thành viên ASEAN trước những diễn biến trên Biển Đông. Những diễn biến này “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”; kêu gọi tôn trọng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC mà Trung Quốc đã ký kết với Việt Nam năm 2002. Ngoại trưởng Singapore cũng nhấn mạnh rằng những gì đã xảy ra càng cho thấy tính cấp thiết của việc đưa ra COC. Tại phiên Tham khảo Chính trị lần thứ 9 và giao lưu hai Bộ Ngoại giao lần thứ 5 giữa Việt Nam – Singapore (8/2015), Singapore khẳng định, trong vai trò Điều phối viên (2015 – 2018), sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (12/2015), Singapore đồng ý cho Mỹ triển khai máy bay P-8 Poseidon tới Singapore, theo MOU 1990 và SFA 2005. Hai bên lưu ý rằng việc triển khai máy bay này sẽ thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa quân đội các nước trong khu vực thông qua tham gia một loạt cuộc diễn tập song phương và đa phương, đồng thời hỗ trợ kịp thời các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và thảm họa (HADR) và an ninh biển trong khu vực.
Thứ ba, Singapore phản đối các hành động quân sự hóa và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Phát biểu trước Quốc hội Singapore (4/2016), Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi tất cả các bên cam kết phi quân sự, tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC cũng như COC. Theo ông Balakrishnan, Singapore cũng ủng hộ đề xuất “không sử dụng vũ lực” trong giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam và các nước đưa ra. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông hoàn toàn có thể xử lý và kiềm chế được và kết quả tốt nhất là các bên tuân thủ luật pháp quốc tế. Báo chí, truyền thông và giới nghiên cứu tại Singapore cũng đóng góp tiếng nói tích cực,thường xuyên trong việc lên án những hành động quân sự hóa, mở rộng và bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ những nỗ lực của các nước trong giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thứ tư, Singapore đã tích cực đưa ra các sáng kiến, ủng hộ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp của các nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc (3/2016), với vai trò là Điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết Singapore đã đề xuất một khái niệm mới được gọi là Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển mở rộng (CUES) với các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông nhằm tránh xảy ra những tính toán sai có thể dẫn đến xung đột trên biển. Singapore sẽ đóng vai trò trung lập để tạo thuận lợi cho đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan. Tại buổi thuyết trình do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) tổ chức ở Singapore (6/2014), Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nêu rõ Singapore mong muốn tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết theo cách không để các tàu đối đầu nhau và không để xảy ra nổ súng; khẳng định Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông là giải pháp tốt nhất mà Singapore hy vọng. Theo ông, bộ quy tắc này sẽ không bao giờ đạt được nếu các bên tranh chấp còn cáo buộc lẫn nhau về vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông bởi các bên tranh chấp cứ nghĩ rằng tại sao phải nhất trí thỏa thuận mới khi thỏa thuận cũ đã bị vi phạm.
Thứ năm, Singapore là nước ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (7/2016). Sau khi Tòa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với Biển Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi bản án là “một tuyên bố mạnh mẽ” về luật pháp quốc tế trong tranh chấp hàng hải và khuyến các bên ủng hộ và thực thi. Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh (9/2016) đã phản đối việc Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng chính phủ Singapore đã lên tiếng ủng hộ phán quyết mà Tòa và cho rằng Trung Quốc không có chủ quyền pháp lý lẫn chủ quyền lịch sử ở Trường Sa.
Ngoài ra, Singapore lo ngại về việc cải tạo đảo trái phép mà Trung Quốc đã triển khai tại quần đảo Trường Sa làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Vì vậy, Singapore khuyến khích Mỹ thực hiện những hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải, ví dụ như việc đưa tàu khu trục vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Nhân viên phân tích quốc phòng bị bắt
vì rỏ rỉ thông tin mật
Theo tin từ đài NBC News, vào Thứ Tư (ngày 9 tháng 10), các công tố viên liên bang cho biết một nhân viên của Cơ quan Tình báo Quốc phòng ở miền bắc Virginia đã bị bắt, và bị buộc tội rò rỉ thông tin mật cho hai nhà báo.
Bộ Tư pháp cho biết nhân viên này là Henry Kyle Frese, 30 tuổi, đã tiết lộ bí mật của chính phủ liên quan đến một hệ thống vũ khí của ngoại quốc vào năm 2018 và 2019. Trong một thông cáo báo chí, ông John Demers, phụ tá của bộ trưởng tư pháp, cho biết Frese bị bắt quả tang tiết lộ thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm vì lợi ích cá nhân; gọi hành động của nhân viên này là “phản quốc” và “có nguy cơ gây tổn hại đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ.”
Các nhà báo liên quan không được nêu tên trong các tài liệu của tòa án, nhưng các công tố viên cho biết Frese và một trong những nhà báo đã cùng chung sống trong khoảng thời gian một năm. Lệnh khám xét của tòa án cho biết Frese và nhà báo nói trên đã có một mối quan hệ tình cảm trong khoảng thời gian chung sống. Frese đã bị bắt khi đến văn phòng vào sáng Thứ Tư.
Các tài liệu của tòa án cho biết một trong những nhà báo đã viết tám bài báo vào giữa năm 2018, có chứa thông tin quốc phòng tuyệt mật liên quan đến khả năng của các hệ thống vũ khí của một số quốc gia ngoại quốc. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nhan-vien-phan-tich-quoc-phong-bi-bat-vi-ro-ri-thong-tin-mat/
TQ – Mỹ mất lòng tin, một cuộc “đoạn tuyệt”
đã và đang diễn ra
Chuyên gia nhận định, cuộc “đoạn tuyệt” giữa 2 nền kinh tế, dù ở mức độ nào, sẽ là rạn nứt chưa từng thấy, và là điều tồi tệ với cả công ty Trung Quốc và Mỹ.
Tác động từ thương chiến với kinh tế Mỹ đã hiển hiện
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị mắc kẹt trong cuộc tranh chấp thương mại kéo dài hơn 1 năm qua, với việc cả 2 áp thuế qua lại lên hàng hóa nhập khẩu lẫn nhau. Tuy nhiên, trước thềm cuộc gặp vào giữa tháng này, Mỹ đã miễn trừ thuế các mặt hàng từ Trung Quốc như đèn trang trí cây thông Noel, ống hút nhựa… tổng cộng lên đến 437 mặt hàng và nằm trong số 250 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc mà Mỹ đã đánh thuế vào năm ngoái.
Việc miễn trừ các mặt hàng được đưa ra vào lúc quan chức Mỹ và Trung Quốc có cuộc gặp để chuẩn bị cho cuộc họp cấp cao dự kiến diễn ra vào tháng 10.
“Hành động miễn trừ mới nhất là sự thừa nhận ngầm của Mỹ rằng, việc áp thuế đã gây ra những thiệt hại cho lợi ích trong nước”, Stephen Olson, nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich Foundation tại Hong Kong cho biết.
Động thái này được xem là do tác động từ cuộc chiến thương mại lên kinh tế nội địa Mỹ hơn là một nhượng bộ với Trung Quốc, nhưng điều này cũng giúp tạo ra thiện chí trước các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 10, ông nói thêm, lưu ý rằng các cuộc biểu tình ở Hong Kong và căng thẳng liên quan đến Huawei vẫn có nguy cơ đe dọa bất kỳ một thỏa thuận nào.
Chính quyền Tổng thống Trump đã đặt “ông lớn” viễn thông Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen, ngăn các nhà cung cấp của Mỹ bán thiết bị cho công ty này.
Theo Giáo sư Charles Morrison, Trung tâm nghiên cứu East – West, Hawaii, Mỹ, trái với các nhà kinh tế, Tổng thống Trump cho rằng thương chiến sẽ mang việc làm về Mỹ và phát triển nền kinh tế.
Thực tế, có rất ít dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có lợi từ thương chiến, nhưng cho đến nay, hầu hết người dân Mỹ, trong đó có bản thân tôi, vẫn chưa cảm thấy nhiều ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại. Một số sản phẩm đắt hơn một chút, nhưng tác động đã được làm dịu đi bởi các chính sách tiền tệ và giảm giá, vị GS từ Mỹ chia sẻ với chúng tôi.
Kết quả vòng đàm phán diễn ra mùa thu này dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá tiêu dùng, đó là lý do Trump trì hoãn áp dụng một số mức thuế đối với các mặt hàng tiêu dùng phổ biến hơn cho đến ngày 15/12, thời điểm các công ty mua hàng trước mùa Giáng sinh.
Ngoài ra, theo GS Morrison, nạn nhân chính cho đến nay là nông dân Mỹ, bởi sự trả đũa của Trung Quốc. Nhu cầu giảm từ ngành nông nghiệp vốn đã bị teo tóp bởi việc mất đi thị trường tiềm năng Trung Quốc, giá các sản phẩm đã giảm mạnh, từ ngô cho đến đậu nành, sau khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc chuyển hướng sang các thị trường khác.
Một cuộc “đoạn tuyệt” đã và đang diễn ra
Mặc dù cho rằng, Tổng thống Trump không thể “ra lệnh” cho các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc như ông tuyên bố trên Twitter vài tuần trước, nhưng nhà nghiên cứu của trung tâm East – West cho rằng, dù sao thì một cuộc “đoạn tuyệt” cũng đang diễn ra khi cả công ty Trung Quốc và Mỹ đều lo lắng rằng môi trường chính trị và nhiều động thái trong cuộc chiến thương mại sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Một số công ty Mỹ đã chuyển chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam, Mexico hoặc Bangladesh. Sức mua hàng Trung Quốc từ Mỹ và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm đáng kể. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Stephen Olson cho rằng sẽ khó có khả năng cho một cuộc “đoạn tuyệt” hoàn toàn giữa 2 nền kinh tế diễn ra. Tuy nhiên, sự gián đoạn trong hội nhập kinh tế ở một mức độ nhất định là không thể tránh khỏi và thực tế là đã xảy ra.
Một cuộc “đoạn tuyệt” giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, dù ở mức độ này hay mức độ khác, sẽ là một sự rạn nứt chưa từng thấy trong mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, và là điều tồi tệ đối với cả hai công ty Trung Quốc và Mỹ. Các khoản thuế được áp dụng đã buộc nhiều nhà nhập khẩu phải nhập sản phẩm từ nước thứ ba, và mức độ khó lường ngày càng tăng của cuộc chiến thương mại đã buộc nhiều công ty phải từ bỏ mối quan hệ thương mại lâu dài với các công ty Trung Quốc hoặc Mỹ. Trên hết, ngày càng có nhiều giao dịch bị hạn chế trên cơ sở an ninh quốc gia, ông Stephen Olson cảnh báo.
Về cuộc gặp trong tuần này, GS Morrison không kỳ vọng vào một đột phá lớn. Khả năng cao nhất, sẽ có hy vọng cho một “lệnh ngừng bắn” và có thể là một thỏa thuận “mini” bao gồm việc mua nông sản và rút lại một số khoản thuế. Nhưng vấn đề lớn hơn, thuộc về hệ thống, vẫn rất khó giải quyết.
“Gần như là cả 2 bên đã mất lòng tin với nhau. Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đã “lật kèo” thỏa thuận hồi tháng 5. Trong khi Bắc Kinh cho rằng Washington đã hiểu sai tinh thần thỏa thuận”, ông Charles Morrison lý giải.
Hơn nữa, lời đe dọa áp thuế lên Mexico ngay cả sau khi đạt được một thỏa thuận khiến các đối tác thương mại khác lo lắng về khả năng tương tự, ngay cả khi có thỏa thuận, nhà nghiên cứu Mỹ cho biết.
“Tôi không nghĩ rằng cả Trung Quốc hoặc Mỹ có mong muốn giải quyết cuộc chiến thương mại. Trong khi cả hai nền kinh tế đang bị tổn thương ở một mức độ nào đó, không nhà lãnh đạo nào muốn bị coi là nhượng bộ cho đối phương”, GS Morrison đánh giá.
Trung Quốc bây giờ có thể đang cho rằng, kịch bản tốt nhất là chờ đến lúc nước Mỹ có tổng thống kế tiếp. Trong khi ông Trump sẽ cố gắng sử dụng việc chưa có thỏa thuận để thuyết phục cử tri Mỹ rằng, họ nên bầu lại cho ông để buộc Trung Quốc phải đàm phán.
“Vì vậy, có thể, như tôi đã nói, có thể có một số thỏa thuận nhỏ, nhưng cuộc chiến thương mại và quá trình phân tách giữa 2 nền kinh tế sẽ tiếp tục”, chuyên gia của East – West cho hay.
Lưu ý đến thời điểm đưa ra quyết định miễn thuế, ông Olson cho rằng động thái này thể hiện việc cả 2 bên đều nhận thức rằng, gia tăng căng thẳng không phải là điều họ muốn ở thời điểm này, vì vậy, cả 2 bên đều cố gắng tạo ra bầu không khí tích cực trước vòng đàm phán vào tháng 10, với hy vọng ít nhất có thể hạn chế leo thang.
Các cuộc đàm phán rất biến động và không thể đoán trước. Tuy nhiên, các bước tích cực gần đây dường như chỉ ra rằng cả hai quốc gia đều thấy giá trị – ít nhất là bây giờ – trong việc tránh bất kỳ sự leo thang nào nữa.
Nói thêm về tác động của một cuộc “ly hôn” kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh, nhà nghiên cứu Stephen Olson cho rằng việc bỏ trống thị trường Trung Quốc có lẽ sẽ mở ra cơ hội cho các công ty Trung Quốc lấp đầy khoảng trống
Một cuộc chiến thương mại trường kỳ có lẽ đã thúc đẩy nhanh hơn các bước mà các quan chức Trung Quốc lên kế hoạch thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là, thúc đẩy các khả năng công nghệ trong nước hơn, đặc biệt là trong các công nghệ chip, để các công ty Trung Quốc không còn phụ thuộc vào các nguồn của Mỹ. Và nói rộng hơn, tiếp tục quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế theo nhu cầu trong nước để sự gián đoạn thương mại ít gây thiệt hại hơn.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Sẽ không có đột phá?
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng ông muốn có một thỏa thuận toàn diện giải quyết tất cả các bất đồng thương mại với Trung Quốc, nhưng nhiều nhà quan sát nhận định rằng nhiều khả năng cuộc đàm phán sắp diễn ra ở Washington sẽ chỉ đem đến ‘thỏa thuận nhỏ’.
Vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra trong tuần này. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà đàm phán hàng đầu của hai nước trên đất Mỹ kể từ khi các cuộc đàm phán sụp đổ hồi tháng 5.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc một lần nữa dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới Washington vào ngày 10 và 11/10 để đàm phán, theo tuyên bố chính thức do Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra hôm 8/10.
‘Không lạc quan’
Trao đổi với VOA, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California nói rằng ông ‘không lạc quan về triển vọng cuộc đàm phán vào ngày mai’.
Ông nói mong muốn của Tổng thống Trump về một thỏa thuận toàn diện của Trung Quốc là ‘không thực tế’.
“Thỏa thuận toàn diện đòi hỏi những cải cách về hệ thống xã hội và luật lệ của Trung Quốc,” ông giải thích. “Điều này đối với Bắc Kinh là giống như thay đổi hẳn chế độ của họ.”
Ông lưu ý rằng lần này ông Lưu Hạc đi qua đàm phán ‘nhưng không có nhiều quyền hạn như trước đây nên sẽ khó có khả năng nhượng bộ nhiều vì còn phải đợi chỉ thị từ Bắc Kinh’.
Kết quả mà ông Nghĩa dự đoán là Trung Quốc ‘có nhượng bộ một chút là sẽ mua thêm nông sản của Mỹ’. Trong khi đó ông không cho rằng phía Mỹ sẽ có nhượng bộ gì thêm ngoài việc họ đã hoãn việc tăng thuế từ ngày 1 xuống ngày 15/10 để tránh ngày Quốc khánh Trung Quốc.
Theo ông Nghĩa thì kết quả này ‘có thể được coi là chiến thắng cho chính quyền Trump’.
“Ông Trump phải nhìn về mục tiêu ngắn hạn là cuộc tranh cử vào năm 2020. Trong suốt 3 năm qua ông Trump luôn chú ý đến thành phần cử tri của ông là hơn 40% nông dân và tìm mọi cách bảo vệ thành phần đó,” ông nói.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng lần này chính quyền Trump đã đưa vào các vấn đề nằm ngoài thương mại như Hong Kong và nhất là Tân Cương khi Mỹ đã đưa 28 công ty công nghệ và tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế mua bán với các công ty Mỹ do có liên quan đến hoạt động đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương.
Mỹ trước giờ cứ tưởng rằng trong giao dịch với Trung Quốc nên tránh nêu vấn đề nhân quyền thì họ sẽ giúp cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc và sẽ giúp cải thiện cơ sở chính trị xã hội của Trung Quốc. “Nhưng mọi chuyện sẽ không diễn tiến như người ta nghĩ,” ông Nghĩa nói.
‘Giảm bớt kỳ vọng’
Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc giảm bớt kỳ vọng một cách tinh tế trước cuộc đàm phán này khi hai phía vẫn còn chia rẽ sâu sắc trên các vấn đề cơ bản.
Dấu hiệu mà tờ báo này đưa ra là tại vòng đàm phán này, ông Lưu không còn được gọi là ‘đặc sứ’ của Chủ tịch Tập Cận Bình, dấu hiệu cho thấy ông không nhận được bất cứ chỉ thị cụ thể nào ông Tập.
Ngoài ra, tờ báo này dẫn lời một nguồn tin ẩn danh cho biết phái đoàn Trung Quốc đã lên kế hoạch cắt ngắn một đêm thời gian lưu lại Washington.
Trong một bài xã luận hôm 9/10, tờ Hoàn cầu Thời báo cũng cho biết phái đoàn Trung Quốc sẽ rời đi vào tối ngày 11/10 sau khi hoàn tất chương trình đàm phán, tức là sớm hơn dự định trước đó một ngày.
“Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ rất khó khăn và kết quả rất không chắc chắn,” Hoàn cầu Thời báo dự báo.
Hai bên vẫn mâu thuẫn về những gì đã khiến cuộc đàm phán hồi tháng Năm đổ vỡ. Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc trở cờ vào phút cuối trên những lời hứa trước đó trong khi Bắc Kinh cáo buộc Washington tìm cách xâm phạm chủ quyền kinh tế của Trung Quốc.
Bầu không khí của cuộc đàm phán càng trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 7/10 rằng bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra trong cách xử lý tình hình bất ổn ở Hong Kong của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến kết quả đàm phán.
Trung Quốc đã liên tục mạnh mẽ yêu cầu Mỹ đứng ngoài các vấn đề nội bộ của họ trong vấn đề xử lý các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong.
‘Vừa đánh vừa đàm’
Bên cạnh đó, hôm 7/10, Mỹ đã đưa 28 cơ quan an ninh nhà nước và các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen thương mại do họ bị cáo buộc có dính líu đến việc đàn áp người Uighur theo Hồi giáo ở Tân Cương.
Tình hình càng trở nên thêm phức tạp sau khi ông Trump công khai yêu cầu Bắc Kinh điều tra các hoạt kinh doanh tại Trung Quốc của cựu phó Tổng thống Joe Biden, một ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ và con trai ông là Hunter Biden.
Cho đến tuần này, Taoran Notes – tài khoản trên mạng xã hội của nhật báo Economic Daily vốn được Bắc Kinh sử dụng để quản lý kỳ vọng của công chúng – đã bày tỏ sự lạc quan về các cuộc đàm phán sắp tới. Nhưng vào ngày 8/10, họ cho biết rằng kết quả khả dĩ của cuộc đàm phán là tiếp tục ‘vừa đánh vừa đàm’.
“Một số người có thể hỏi, nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế quan hơn nữa thì liệu có cần tiếp tục đàm phán hay không… câu trả lời là cần phải có biện pháp phản công cũng như cần phải để tiếp tục đàm phán vậy,” một bài đăng trên Taoran Notes được South China Morning Post dẫn lời viết.
Bình luận trên dường như ngụ ý rằng Trung Quốc sẵn sàng trả đũa nếu Mỹ cứ tăng thuế theo kế hoạch vào tuần tới.
Mỹ dự kiến sẽ tăng thuế đối với 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc từ 25 lên 30% vào ngày 15/10 sau khi đã trì hoãn trong hai tuần để tránh trùng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngoài ra, Mỹ đang đe dọa sẽ áp thuế 15% đối với hàng tiêu dùng trị giá 160 tỷ đô la của Trung Quốc vào ngày 15/12, sau khi 115 tỷ đô la hàng tiêu dùng đã bị đánh thuế 15% từ ngày 1/9.
‘Thỏa thuận nhỏ’
Ông Kuijs tại Oxford Economics nhận định với South China Morning Post rằng Mỹ có thể sẽ áp thuế theo kế hoạch vào ngày 15/10 và hành động này sẽ dẫn đến sự trả đũa từ Trung Quốc, nhưng ông hy vọng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận nhỏ để chặn thuế quan vào tháng 12.
“Đòi hỏi cho một thỏa thuận nhỏ dường như không cao cho lắm,” ông nói.
Mặc dù chính thức yêu cầu Mỹ rút lại tất cả thuế quan trừng phạt, hiện đã đánh lên gần như tất cả hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, Bắc Kinh đã tiếp tục đặt hàng mua nông sản Mỹ như đậu nành và thịt lợn để mở dọn đường cho một thỏa thuận nhỏ khả dĩ.
Đổi lại, Mỹ sẽ phải đồng ý hoãn hoặc thu hẹp thuế quan và gạt sang một bên, ít nhất là trong ngắn hạn, vấn đề nhức nhối về cơ chế thực thi trong bất kỳ thỏa thuận lớn nào, các thay đổi mang tính hệ thống trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và hạn chế trợ cấp công nghiệp của chính phủ.
Tổng thống Trump mặc dù nói rằng ông muốn có thỏa thuận toàn diện giải quyết tất cả các yếu tố hơn là một thỏa thuận nhỏ trên các vấn đề tương đối dễ dàng.
“Chúng ta đã đi xa đến mức này. Chúng ta đang làm tốt. Tôi muốn thỏa thuận lớn hơn nhiều,” ông Trump nói hôm 7/10.
Ông Thẩm Kiến Quang, người theo dõi kinh tế Trung Quốc kỳ cựu và hiện là kinh tế gia trưởng tại JD Digit, cho biết vẫn có khả năng cuộc đàm phán ở Washington sẽ dẫn đến thỏa thuận đình chiến.
“Trong các vòng đàm phán trước khi có nhiều kỳ vọng, thỏa thuận luôn nằm ngoài tầm tay; vòng đàm phán kỳ vọng lại thấp, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không có gì cả,” ông Thẩm nói với South China Morning Post.
“Đây sẽ không phải là thỏa thuận toàn diện, nhưng một thỏa thuận đình chiến chính thức là có khả năng khi cả hai nền kinh tế đang dần cảm thấy thiệt hại của cuộc chiến thương mại,” ông nói thêm.
Cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm 7/10 tuyên bố rằng cuộc đàm phán sẽ bao gồm một loạt các chủ đề, trong đó có ‘ép buộc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, các rào cản phi thuế quan, nông nghiệp và cơ chế thực thi’. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã thu hẹp phạm vi của các cuộc đàm phán sắp tới và từ chối đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào về chính sách công nghiệp hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp Nhà nước, theo Bloomberg News.
Tờ National Review cũng nhận định rằng ‘không có khả năng đạt được thỏa thuận vào lúc này’. Tờ báo này dẫn lời ông Riley Walters thuộc Viện Heritage Foundation cho rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều không cảm thấy đủ sức ép để đưa ra những nhượng bộ có ý nghĩa. Đối với Trung Quốc, loại bỏ tất cả thuế quan của Mỹ là điều kiện tiên quyết cho một thỏa thuận, nhưng Nhà Trắng không muốn từ bỏ đòn bẩy thuế quan cho đến khi họ có thể xác nhận rằng Trung Quốc tuân thủ các yêu cầu thỏa thuận. Kết quả cuối cùng sẽ là tiếp tục thế bế tắc với thuế quan gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế.
‘Bước đi sai lầm’
Trong bài viết có tiêu đề ‘Bước đi sai lầm của chính quyền Trump làm suy yếu khả năng của Mỹ khi bước vào vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc’, National Review cho rằng sự bất định thương mại đã khiến GDP Mỹ mất tới 0,8%, theo nghiên cứu của Hội đồng Cục Dự trữ Liên bang.
“Tin tốt là nền kinh tế Mỹ vẫn dẻo dai để tiếp tục tăng trưởng bất chấp thuế quan. Nhưng chỉ số sản xuất của Mỹ ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, cho thấy hậu quả của cuộc chiến thương mại là rõ ràng,” bài báo viết.
Theo tờ báo này thì ngay từ đầu tranh chấp thương mại, các quan chức chính quyền Trump lập luận rằng thuế quan sẽ gây ra tổn thất ngắn hạn để đổi lấy lợi ích lâu dài khi kinh tế Trung Quốc tự do hóa. Hai năm sau, kết cục đó tỏ ra ngày càng hoang đường. Thay vào đó, cả hai bên đều phải trả chi phí thuế quan và quyết không lay chuyển.
National Review dẫn lời ông Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói với National Review rằng thế bế tắc dai dẳng này ‘là kết quả của những sai sót chiến lược trong cách tiếp cận của Nhà Trắng’.
“Khi ông Trump lên nắm quyền, các quan chức chính quyền có cơ hội củng cố sự ủng hộ đối với trật tự thương mại toàn cầu bằng cách tranh thủ các đồng minh trong hành động đa phương chống lại Trung Quốc. Thay vào đó, chỉ ba ngày sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp để rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một thỏa thuận thương mại bao gồm bốn trong số tám đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc,” ông Kennedy được dẫn lời nói.
“Với các điều khoản đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, thỏa thuận đó có thể đem đến cho Mỹ đòn bẩy rất lớn trong việc cô lập Trung Quốc và giảm bớt hậu quả của sự suy giảm trong thương mại song phương,” ông giải thích.
National Review cho rằng ‘Nhà Trắng không biết rõ họ muốn gì’. Theo tờ báo này thì các nhà đàm phán thương mại của Mỹ vẫn chưa nói rõ những cải cách cần thiết mà họ muốn ở Trung Quốc để loại bỏ thuế quan. Thường là họ đã bị xao lãng bởi các mục tiêu tương đối không quan trọng, chẳng hạn như thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc.
“Với việc yêu cầu Trung Quốc mua thêm đậu nành, Tổng thống Trump đã đặt việc giảm thiểu tác hại của chính sách thương mại của mình vào trung tâm cuộc đàm phán, thay vì dùng đòn bẩy thuế quan để áp lực Trung Quốc thực hiện cải cách có ý nghĩa. Do đó, Trung Quốc có thể chỉ ra những nhượng bộ nhỏ thay cho những quan ngại nghiêm trọng,” tờ báo viết.
“Điều này không có nghĩa là không thể có được kết quả tích cực với Trung Quốc. Đối mặt với gánh nợ ngày càng nhiều, các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội ở Hong Kong và nền kinh tế đang chậm lại, chính quyền Trung Quốc có thể nhẹ giọng,” bài báo viết và dẫn lời ông William Schneider thuộc Viện Hudson chỉ ra rằng một số thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc ‘đã chống lại sự hung hăng của Chủ tịch Tập Cận Bình’.
Ứng cử viên Joe Biden kêu gọi luận tội ông Trump
Joe Biden lần đầu tiên kêu gọi việc luận tội Donald Trump và nói trong một cuộc vận động tranh cử là tổng thống đã “tự kết án mình”.
Cựu phó tổng thống Mỹ là một trong những ứng cử viên đứng đầu trong đảng Dân chủ trong cuộc đua chức tổng thống năm 2020.
Đảng của ông đã đưa ra một cuộc điều tra luận tội về những cáo buộc rằng ông Trump gây áp lực bất hợp pháp cho một nhà lãnh đạo nước ngoài để điều tra ông Biden và con trai ông.
Ông Trump phủ nhận hành vi sai trái và đã bác bỏ cuộc điều tra luận tội, nói đó là một “cuộc săn phù thủy”.
Hôm thứ ba, Nhà Trắng cho biết họ sẽ không hợp tác, cho rằng các thủ tục tố tụng là vi hiến.
Phát biểu trước những người ủng hộ ở New Hampshire, ông Biden nói rằng tổng thống đã “vi phạm lời tuyên thệ nhậm chức” và “tự buộc tội mình bằng cách cản trở công lý, từ chối tuân thủ một cuộc điều tra của quốc hội”.
Đó là phản ứng mạnh mẽ nhất của ông từ trước đến nay.
Trước đây, cựu phó tổng thống chỉ đi xa đến mức ủng hộ cuộc điều tra luận tội để tìm hiểu sự thật, ngay cả khi các đối thủ Dân chủ hàng đầu của ông đang kêu gọi luận tội.
Số người Mỹ đòi luận tội ông Trump tăng
Điều tra luận tội Trump: Người tố giác thứ hai xuất hiện
Những nhân vật chính trong cuộc điều tra luận tội Trump
Ngay sau khi ông Joe Biden phát biểu, ông Donald Trump đã phản ứng với “Joe Biden buồn ngủ” và “chiến dịch tranh cử thất bại” của ông.
Tại sao có cuộc điều tra luận tội?
Cuộc điều tra do đảng Dân chủ lãnh đạo đang cố gắng đánh giá xem tổng thống Cộng hòa có giữ lại gần 400 triệu đôla để áp lực tổng thống Ukraine có cuộc điều tra về ông Biden và con trai ông hay không.
Hunter Biden từng ở trong hội đồng quản trị của một công ty năng lượng củ Ukrainia, tên là Burisma.
Trong một cuộc gọi điện vào ngày 25 tháng 7, ông Trump đã yêu cầu ông Volodymyr Zelensky mới đắc cử xem xét kỹ lưỡng cựu phó tổng thống Mỹ.
Một người tố giác nêu lên mối lo ngại về cuộc gọi điện thoại, và nhà lãnh đạo Dân chủ của Hạ viện, Chủ tịch Nancy Pelosi, đã công bố một cuộc điều tra luận tội chính thức vào tháng trước.
Khi Hunter Biden gia nhập công ty vào năm 2014, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về một xung đột lợi ích tiềm năng cho cha ông.
Nhưng không có bằng chứng về việc làm sai trái từ gia đình nhà Biden.
Hôm thứ ba, Nhà Trắng gửi một bức thư dài tám trang cho Chủ tịch Hạ viện đảng Dân chủ, bà Nancy Pelosi, gọi cuộc điều tra là “không hợp lệ về mặt hiến pháp”.
“Để hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với người dân Mỹ … Tổng thống Trump và Chính quyền của ông không thể tham gia vào cuộc điều tra đảng phái và vi hiến của bạn trong những trường hợp này.” Lá thư viết.
Bà Pelosi bác bỏ bức thư là “sai rõ ràng”.
Một vết thương tự gây ra
Phân tích của Jonathan Turley, học giả pháp lý
Bức thư nói trên nêu lên mối lo ngại về việc thiếu thủ tục bầu của Hạ viện và sự bí mật của thủ tục tố tụng. Trong nỗ lực đặt câu hỏi cho các nhân chứng và truy tìm tài liệu một cách an toàn, đảng Dân chủ đã giới hạn đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, đâykhông phải là một cơ sở hợp pháp để từ chối hợp tác hoặc từ chối cung cấp bằng chứng rõ ràng là quan trọng.
Bức thư nhấn mạnh việc thiếu thủ tục trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, hiến pháp không yêu cầu rõ ràng bất cứ điều gì ngoài một cuộc bỏ phiếu của Hạ viện về bản luận tội và ngưỡng đa số cho bất kỳ sự đưa vấn đề lên Thượng viện để xét xử.
Đây là một chức năng hiến pháp cao nhất cho Quốc hội. Có một cơ sở hợp pháp quy định các cuộc điều tra của quốc hội dưới cả thẩm quyền giám sát và luận tội của nó. Nếu được chứng minh, những cáo buộc về sự tự xử lý này có thể là cơ sở cho các bài viết luận tội.
Một tổng thống không thể đơn giản nhặt bi lên và rời khỏi trò chơi vì anh ta không thích những người chơi khác. Việc từ chối hợp tác với một quy trình được hiến pháp quy định có thể tự nó là một sự lạm quyền.
Bức thư là một vết thương tự gây ra khác lẽ ra có thể tránh được bởi một Nhà Trắng dường như đang có ý định tự đưa mình vào một bản luận tội.
Jonathan là giáo sư luật hiến pháp tại Đại học George Washington
Luận tội (Impeachment) là gì?
Điều II của Hiến pháp Hoa kỳ phác thảo quá trình luận tội và bãi nhiệm một tổng thống phạm tội “phản quốc, hối lộ hoặc các tội hình sự và tội nhẹ cao” khác
Hạ viện có thể bỏ phiếu để luận tội tổng thống với số phiếu đa số đơn giản – một hành động tương tự như một bản cáo trạng trong một phiên tòa hình sự
Thượng viện sau đó xúc tiến một phiên tòa xét xử tổng thống bị đưa ra luận tội – cần phải có số phiếu của hai phần ba Thượng viện yêu cầu kết án thì mới bãi nhiệm được tổng thống khỏi chức vụ
Chỉ có hai tổng thống Hoa Kỳ đã bị Hạ viện luận tội, Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998. Cả hai đều được Thượng viện tha bổng. Richard Nixon từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49996566
PG&E cắt điện của 500,000 khách hàng tại Bắc California
nhằm giảm nguy cơ cháy rừng
Theo tin từ đài KTLA5, vào Thứ Tư (ngày 9 tháng 10), hơn một triệu người dân California đã bị cắt điện, sau khi công ty Pacific Gas & Electric (PG&E) quyết định ngừng cung cấp điện nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.
Hành động này được PG&E đưa ra sau khi các nhà dự báo dự đoán rằng thời tiết tại California trong những ngày tới sẽ khô và nhiều gió – điều kiện thời tiết giống năm vừa qua khi mà dây điện của công ty bị đứt gây ra những vụ cháy rừng lớn, buộc PG&E phải đệ đơn phá sản và thực hiện các bước mạnh mẽ hơn để ngăn chặn cháy rừng.
Sau khi PG&E tuyên bố cắt điện, hàng nghìn người đã gấp rút đến các siêu thị để mua đá, máy làm mát, đèn pin và pin trên khắp miền Bắc California. Quyết định cắt điện còn khiến các đoạn đường bị tắc nghẽn do đèn giao thông không hoạt động, các trường học và các đại học buộc phải hủy lớp và nhiều cơ sở kinh doanh đã phải đóng cửa.
Nhân viên tại cửa hàng Friedman’s Home Improvement phải sử dụng đèn pin và đèn pha để dẫn khách hàng đến mua pin, dây nguồn và các nhu yếu phẩm khác để sử dụng trong tình trạng mất điện có khả năng sẽ kéo dài nhiều ngày.
Đài KTLA5 cho biết hành động cắt điện của công ty PG&E được xem là không cần thiết vì thời tiết hiện tại vẫn rất ôn hòa. Để giải đáp thắc mắc của người dân, ông Steve Anderson, một nhà khí tượng học của Cơ Quan Thời Tiết Quốc Gia, cho biết những cơn gió mạnh và khô sẽ xuất hiện trong những ngày tới, và PG&E buộc phải cắt điện trước khi những cơn gió mạnh đến California.
PG&E đã cắt điện nhiều lần trong năm nay. Và việc mất điện có chủ ý có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn, trong thời đại mà các nhà khoa học tin rằng biến đổi khí hậu đang dẫn đến những đợt cháy rừng dữ dội. (Mộc Miên)
Apple thu hồi ứng dụng theo dõi cảnh sát
được sử dụng trong các cuộc biểu tình Hồng Kông
Tin từ SAN FRANCISCO,California – Vào hôm thứ Tư (9/10), công ty Apple gỡ bỏ một ứng dụng mà người biểu tình ở Hồng Kông sử dụng để theo dõi chuyển động của cảnh sát từ ứng dụng trên phone. Apple tuyên bố rằng ứng dụng này vi phạm nhiều luật, vì nó được sử dụng để phục kích cảnh sát.
Apple bị Trung Cộng chỉ trích vì ứng dụng này, với tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Cộng gọi ứng dụng này là “độc hại” và lên án hành vi đồng lõa của Apple trong việc giúp đỡ người biểu tình ở Hồng Kông.
Theo tin từ Reuters, Apple chỉ mới phê duyệt ứng dụng HKmap.live vào tuần trước, thu thập thông tin về các địa điểm của cả cảnh sát và người biểu tình. Apple tuyên bố rằng họ đã bắt đầu một cuộc điều tra tức thời, sau khi “nhiều khách hàng lo sợ ở Hồng Kông” liên lạc với công ty về ứng dụng này. Apple nhận thấy ứng dụng gây nguy hiểm cho cả hành pháp và các cư dân. Apple không bình luận thêm ngoài tuyên bố của họ.
Công ty này cũng gỡ bỏ BackupHK, một ứng dụng riêng biệt đóng vai trò mô phỏng ứng dụng HKlive.map chính. Trên Twitter, một tài khoản được cho là thuộc sở hữu của nhà viết ứng dụng HKlive.map cho biết họ không đồng ý với quyết định của Apple. Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy cảnh sát Hồng Kông tuyên bố rằng ứng dụng này được sử dụng trong các vụ phục kích. (Mộc Miên)
Trump: Quốc hội có thể nhập cuộc nếu Tối cao Pháp viện
từ chối di dân ‘Dreamers’
Tổng thống Donald Trump ngày 9/10 tuyên bố Quốc hội Mỹ có thể nhập cuộc để bảo vệ các di dân “Dreamers” nếu Tối cao Pháp viện Mỹ ủng hộ kế hoạch của ông chấm dứt chương trình bảo vệ hàng trăm ngàn người trẻ Dreamers được mang vào Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ.
Ông Trump viết trên Twitter: “Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ sẽ có thỏa thuận trong một thời gian nhanh chóng để những người này ở lại nước Mỹ.”
Tối cao Pháp viện Mỹ sẽ nghe tranh tụng vào ngày 12/11 tới đây về kế hoạch năm 2017 của ông Trump hủy bỏ chương trình Trì hoãn Hành động đối với Những người đến Mỹ khi còn nhỏ (DACA) do Tổng thống tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ, Barrack Obama, thành lập vào năm 2012. Những di dân được chương trình này bảo vệ thường được gọi là “Dreamers.”
Ông Trump và Quốc hội không thể nhất trí về luật bảo vệ “Dreamers” vì có những khác biệt sâu sắc giữa các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa.
Thất bại của Quốc hội trong việc thông qua luật di dân của lưỡng đảng đã khiến cho Tổng thống Obama thành lập DACA.
Chương trình DACA bảo vệ khoảng 700.000 di dân hấu hết là người trẻ từ Châu Mỹ Latin, khỏi bị trục xuất và cấp giấy phép làm việc cho họ, dù đây không phải là con đường tiến tới nhập tịch.
Kế hoạch của ông Trump muốn hủy bỏ DACA bị các tòa cấp dưới ngăn chặn.
Tối cao Pháp viện Mỹ sẽ phán quyết vào cuối tháng 6 sang năm.
Ông Trump nói trên Twitter là nếu Tối cao Pháp viện Mỹ vẫn giữ DACA thì việc này sẽ cho Tổng thống “quyền lực đặc biệt.” Tuy nhiên, vấn đề pháp lý đưa lên Tối cao Pháp viện không phải là giữ DACA hay không mà là liệu chính quyền ông Trump có tuân theo một đạo luật liên bang mang tên Luật Thủ tục Hành chính trong kế hoạch chấm dứt DACA hay không. Tối cao Pháp viện Mỹ không phải quyết định xem liệu chương trình DACA có hợp pháp hay không.
Chính quyền ông Trump cho rằng Tổng thống Obama đã vượt quyền hiến định khi ông qua mặt Quốc hội và thành lập DACA.
Chính ông Trump cũng đã sử dụng quyền hành rộng rãi của Tổng thống về vấn đề di dân, trong đó có việc cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân của một vài nước có đa số theo Hồi Giáo. Tối cao Pháp viện Mỹ vẫn giữ chính sách này vào năm 2018, công nhận quyền hành rộng rãi của Tổng thống trong lĩnh vực này. Ông Trump đã qua mặt Quốc hội khi áp đặt lệnh cấm vừa kể.
Người dân Ecuador tăng cường biểu tình
chống thắt lưng buộc bụng
Tin từ QUITO, Ecuador – Vào hôm thứ Tư (9/10), lực lượng an ninh Ecuador đã đàn áp những người biểu tình trong một cuộc biểu tình toàn quốc lớn, khi Tổng thống Lenin Moreno duy trì các biện pháp thắt lưng buộc bụng, gây ra tình trạng bất ổn trầm trọng nhất trong một thập kỷ.
Tin tin từ Reuters cho biết: trong đợt bùng phát mới nhất về những cải cách cơ cấu kinh tế bị phản đối của Châu Mỹ Latinh, các cuộc biểu tình đã làm gián đoạn giao thông tại nhiều đường phố. Các trường học và các doanh nghiệp đóng cửa từ thủ đô vùng cao Quito đến thành phố ven biển Guayaquil.
Các cuộc biểu tình do người bản địa lãnh đạo phần lớn là ôn hòa. Nhưng các cuộc đụng độ nổ ra ở một số khu vực của thành phố Quito và các thành phố khác, với thanh niên đeo mặt nạ ném đá và cảnh sát bắn hơi cay.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Maria Paula Romo gửi lời xin lỗi đến cả nước, sau khi cảnh sát bắn hơi cay gần hai trường đại học và một trung tâm văn hóa ở Quito, nơi các khu vực an toàn cho người biểu tình được thiết lập.
Các cuộc biểu tình nổ ra lần đầu tiên ở quốc gia 17 triệu người này một tuần trước, khi ông Moreno cắt giảm trợ cấp nhiên liệu tại đây như một phần của các biện pháp phù hợp với khoản vay IMF trị giá 4.2 tỷ mỹ kim. Nhóm CONAIE bản địa, tổ chức huy động hàng ngàn thành viên đến Quito từ những vùng xa xôi, yêu cầu ông Romo từ chức, và tuyên bố rằng chính quyền đang hành xử như “một kẻ độc tài quân sự” bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đặt lệnh giới nghiêm qua đêm. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nguoi-dan-ecuador-tang-cuong-bieu-tinh-chong-that-lung-buoc-bung/
Hội Đồng Bảo An họp về
chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria
Trong cuộc họp kín ngày 10/10/2019, Hội Đồng Bảo An LHQ sẽ đề cập đến cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền đông bắc Syria. Các thành viên châu Âu của Hội Đồng đã yêu cầu cuộc họp trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ đã gởi một bức thư đến Hội Đồng, nêu điều khoản 51 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc về quyền tự vệ và giải thích là chiến dịch tấn công chỉ nhằm bảo vệ biên giới của mình. Đối với Ankara, lực lượng Kurdistan là quân khủng bố.
Thông tín viên RFI tại New York, Carrie Nooten nhận định :
Dĩ nhiên là mối lo ngại đầu tiên của Hội Đồng Bảo An là cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ló dạng. Chưa gì đã có các cuộc sơ tán thường dân ở vùng bị tấn công tại miền đông bắc Syria. Nhưng câu hỏi là Hội Đồng Bảo An sẵn sàng phản ứng đến đâu đối với Thổ Nhĩ Kỳ ? Điều gây quan ngại cho các nhà ngoại giao quốc tế sáng nay chính là mức độ bạo lực có thể diễn ra.
Chẳng hạn như Hoa Kỳ, đã đàm phán song phương với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từ hơn một năm nay, sẽ không muốn mất sự hỗ trợ của Ankara tại NATO.
Các nước châu Âu, 5 trong số 15 thành viên, biết là Ankara có thể đe dọa để người tỵ nạn ồ ạt tràn sang Hy Lạp, nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị trừng phạt quá nặng.
Mặt khác, các nước trong Hội Đồng Bảo An cũng biết là dồn vào chân tường lực lượng Kurdistan, đồng minh trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, thì cũng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Lực lượng Kurdistan đang canh giữ 10.000 tù nhân thánh chiến. Làm cho họ suy yếu tức là gánh chịu nguy cơ để những tù binh này chạy thoát, và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo có thể tổ chức lại lực lượng. Các nhà ngoại giao ở New York đều nhấn mạnh trên tính mong manh của chiến thắng cách đây vài tháng đối với lực lượng thánh chiến.
Vấn đề đối với Hội Đồng Bảo An là đối phó với cơn chấn động đến từ thông báo rút quân mà tổng thống Mỹ đưa ra cách đây 4 ngày, một điều mà ông đã phần nào đính chính lại.
Thông báo của ông Trump đã làm lu mờ phần nào sự kiện các nước thành viên Hội Đồng Bảo An đã họp lại về Syria và một giải pháp chính trị với bầu cử tại đấy, lần đầu tiên đã rõ nét hơ
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191010-lhq-hoi-dong-bao-an-hop-ve-chien-dich-cua-tho-nhi-ky-o-syriaok
Liên hợp quốc kêu gọi điều tra độc lập
về hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình tại Hồng Công
Từ 1/10 đến nay, tình hình căng thẳng ở Hồng Công tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền đang diễn ra tại Hồng Công.
Tình hình Hồng Công đang rất nghiêm trọng
Kể từ 1/10, tình hình ở Hồng Công đã diễn biến xấu đi, các tuyến đường giao thông ở trung tâm thành phố bị tê liệt trong ngày 5/10, sau khi bạo lực diễn ra trong ngày 4/10. Người biểu tình đã đập phá các cửa hàng và nhà ga tàu điện ngầm. Toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm Hồng Công, vốn vận chuyển 5 triệu lượt khách mỗi ngày, đã bị đóng cửa vào ngày 5/10. Các trung tâm thương mại và siêu thị cũng không hoạt động.
Trước những diễn biến căng thẳng trên, Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công Lâm Trịnh Nguyệt Nga (5/10) đã lên án những người biểu tình ủng hộ dân chủ phá hoại các ga tàu điện ngầm cũng như các cửa hàng vào đêm 4/10. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho rằng “những hành động cực đoan của những đối tượng bạo loạn đã gây ra một đêm vô cùng đen tối cho Hồng Công và khiến xã hội Hồng Công bị tê liệt một nửa vào ngày 5/10”; đồng thời nhấn mạnh “tất cả mọi người đều rất lo lắng và quan ngại, hay thậm chí hoảng sợ. Bạo lực vô cùng kinh hãi đã xảy ra ở tất cả các quận tại Hồng Công. Hành động cực đoan do những phần tử bạo loạn bịt mặt gây ra đều gây sửng sốt”; khẳng định Chính quyền Hồng Công “sẽ không thể khoan dung cho những kẻ bạo loạn phá hoại Hồng Công”. Đáng chú ý, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho rằng tình trạng bạo lực cực đoan xảy ra là nguyên nhân khiến bà phải kích hoạt sử dụng quyền lực khẩn cấp phải kích hoạt điều luật khẩn cấp.
Được công bố vào năm 1922, luật này được sử dụng lần cuối vào năm 1967 trong các cuộc bạo loạn cánh tả, sau đó là một chiến dịch đánh bom khủng bố trên khắp Hồng Công và các cuộc chiến giữa người biểu tình và cảnh sát. Năm mươi mốt người chết trong cuộc hỗn loạn, bao gồm 10 sĩ quan cảnh sát. Điều luật đã không được sử dụng trong hơn nửa thế kỷ qua cho phép bà Lam quyền vượt qua cơ quan lập pháp của thành phố để “đưa ra bất kỳ quy định nào mà ông ta (hoặc bà ta) có thể xem xét vì lợi ích cộng đồng”. Luật mới cấm mọi người mặc đồ che mặt, bao gồm cả việc sử dụng sơn, để che giấu danh tính trong các cuộc biểu tình trái phép cũng như hợp pháp, hoặc các đám tuần hành công cộng. Những người bị kết tội phải đối mặt với án tù một năm và khoản tiền phạt 25.000 dollar Hồng Công (3.100 USD). Tuy nhiên, quy định này miễn trừ đối với những người có lý do chính đáng để đeo khăn che mặt như do các mục đích tôn giáo, y tế hoặc nghề nghiệp. Với quyền lực khẩn cấp trong tay, Trưởng đặc khu Carrie Lam có thể không cần sự cho phép của cơ quan lập pháp khi đưa ra bất cứ quy định nào mà bà cảm thấy là chính đáng vì lợi ích của cộng đồng. Việc đầu tiên bà Lam làm là đưa ra lệnh cấm đeo khẩu trang và mặt nạ trong các cuộc biểu tình công cộng, động thái khiến cho những người biểu tình vô cùng giận dữ vì cho rằng điều này sẽ giúp chính quyền nhận dạng mọi cá nhân tham gia biểu tình thông qua hệ thống camera giám sát ở thành phố.
Trong khi đó, Cảnh sát Khu hành chính đặc biệt Hồng Công đã tổ chức họp báo lên án hành động phá hoại và tấn công cảnh sát của các đối tượng biểu tình quá khích. Người phát ngôn cảnh sát khu hành chính đặc biệt này nêu rõ, mức độ phá hoại của các đối tượng biểu tình nghiêm trọng chưa từng có, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngân hàng, cửa hàng… đe dọa đến sự an toàn của người dân sống gần hiện trường. Toàn bộ hệ thống ga tàu điện ngầm tại Hông Công phải ngừng hoạt động trong ngày 5/10 để khắc phục sự cố sau khi bị người biểu tình tấn công phá hoại bằng bom xăng.
Người đứng đầu cơ quan Tư pháp Hồng Kông John Lee cho biết, những người biểu tình đã hành động quyết liệt hơn khi đeo mặt nạ. Việc đeo mặt nạ cho phép những người có hành vi phạm tội thoát khỏi hành động pháp lý.
Cộng đồng quốc tế có cách nhìn nhận khác nhau
Văn phòng Vấn đề Hồng Công thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (5/10) cho biết, Chính quyền Trung Quốc ủng hộ quyết định của Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông Carrie Lâm trong việc ban hành lệnh cấm người biểu tình đeo mặt nạ, khẩu trang tại các cuộc tuần hành phản đối chính quyền; nhấn mạnh hỗn loạn tại Hồng Công không thể tiếp diễn mãi và tình hình Hồng Công đã đến mức nghiêm trọng.
Cao ủy Liên hợp quốc Michelle Bachelet (5/10) kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền đang diễn ra tại Hồng Công. Bà Bachelet bày tỏ lo ngại trước tình hình trên, đồng thời nhấn mạnh Hồng Công nên nhanh chóng tổ chức điều tra về hành vi bạo lực (kể cả vụ bắn hai thiếu niên và nhà báo) một cách độc lập, công bằng. Đối tượng có trách nhiệm phải chịu hình thức xử lý thích đáng; khẳng định lên án mạnh mẽ mọi hành vi bạo lực từ tất cả các bên, đồng thời kêu gọi các bên liên quan biểu tình/ngăn chặn biểu tình ôn hòa. Đáng chú ý, Cao ủy Bachelet cho rằng khẩu trang không nên được dùng để kích động bạo lực. Tuy nhiên, bà cảnh báo giới chức đặc khu không dùng lệnh cấm trấn áp một nhóm cụ thể nào đó cũng như để hạn chế quyền tự do hội họp.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kêu gọi bà Carrie Lâm từ chức. Theo ông Mahathir Mohamad, trong thâm tâm bà Lâm biết người dân Hồng Công có lý do khi phản đối dự luật dẫn độ, nhưng bà cũng biết hậu quả của việc phản đối dự luật này.
Giới chuyên gia về tình hình Trung Quốc trong nước và quốc tế đánh giá quyết định trên của chính quyền Hồng Công là cần thiết trong nỗ lực chấm dứt tình trạng biểu tình bạo lực kéo dài suốt nhiều tháng qua tại khu hành chính đặc biệt này và khôi phục an ninh trật tự. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng việc này sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm và mở đường cho các quy định khắc nghiệt hơn. Giám đốc Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Sophie Richardson cho biết, Chính quyền Hồng Công nên làm việc để tạo ra một môi trường chính trị để những người biểu tình không cảm thấy cần phải đeo mặt nạ; không nên cấm đeo mặt nạ hay áp đặt các hạn chế sâu hơn về quyền tự do ngôn luận; đồng thời bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cần phải đồng ý kiểm tra lực lượng quá lớn của cảnh sát và tiếp tục quá trình hướng tới quyền bầu cử phổ thông. Những hạn chế bổ sung chỉ gây thêm căng thẳng.
EU kiểm tra việc khắc phục thẻ vàng của Việt Nam
Đoàn thanh tra EU sẽ sang làm việc tại Việt Nam từ ngày 4 đến ngày 12 tháng 11 năm 2019, để kiểm tra về việc khắc phục ‘thẻ vàng’ của thủy sản Việt Nam.
Thông tin vừa nêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra trong công văn gửi các doanh nghiệp chế biến thủy sản yêu cầu rà soát, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Tổng vụ Biển và Thủy sản châu Âu về việc khắc phục những khuyến cáo liên quan đến khai thác bất hợp pháp, không theo quy định (IUU).
Từ năm 2017, EU đã áp dụng “thẻ vàng” cảnh cáo đối với Việt Nam do tình trạng khai thác thủy sản bừa bãi, không tuân thủ các quy định về đánh bắt trên biển.
Theo Bộ NN&PTNT, kết quả của chuyến thanh tra lần này có tính chất quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản vào EU.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp thủy sản cập nhật toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật về IUU, rà soát các quy định đối với nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc trước, trong và sau khi xuất khẩu sản phẩm vào EU và đáp ứng các quy định về IUU.
Đồng thời các doanh nghiệp phải lưu trữ đầy đủ, dễ truy cập các file theo dõi điện tử/hồ sơ thực hiện, bao gồm hồ sơ giám sát nguyên liệu tại cảng, hồ sơ về chứng nhận nguyên liệu khai thác trong nước; hồ sơ nguyên liệu nhập khẩu…
Bộ NN&PTNT cũng giao các cơ quan chức năng liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về IUU và khắc phục khuyến cáo của Đoàn thanh tra EU từ nay cho đến hết tháng 10 năm 2019.
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Nếu tỷ lệ vi phạm các quy định này thấp thì không sao, nhưng nếu tỷ lệ cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất 6 tháng, hay còn gọi là phạt “thẻ vàng”.
Nếu quá thời hạn 6 tháng hoặc qua thời gian được gia hạn mà quốc gia vi phạm chưa khắc phục khuyến cáo trong án phạt “thẻ vàng”, thì có thể sẽ bị phạt “thẻ đỏ” tức cấm xuất khẩu thủy sản vào EU.
Sau đợt kiểm tra đầu tiên vào tháng 5/2018, Việt Nam đã bị gia hạn thẻ vàng thêm 6 tháng, sau khi EU tìm thấy một số thiếu sót trong việc thực hiện các khuyến nghị.
Đức: Hai người chết trong một vụ tấn công bài Do Thái
Halle, một thành phố miền đông Đức, không xa Leipzig, là nơi vừa xẩy ra một vụ tấn công kỳ thị chủng tộc mà nạn nhân là hai người vô can. Nghi phạm là một thanh niên 27 tuổi, ủng hộ luận điểm tân phát-xít.
Hung thủ mang súng không xông vào được một nhà thờ Do Thái Giáo quay sang bắn vào một người đi đường và một khách hàng trong quán ăn Thổ Nhĩ Kỳ kế cận. Công luận Đức bị chấn động trước nguy cơ khủng bố cực hữu gia tăng.
Từ nơi xảy ra án mạng, thông tín viên Pascal Thibaut tường thuật:
Chiều thứ tư 09/10/2019, Halle giống như một thành phố ma, trừ tiếng còi hụ của xe cảnh sát khắp các nẻo đường cho dù lệnh báo động đã chấm dứt từ lâu, sau khi biết chắc hung thủ hành động một mình.
Tại quảng trường chính, trong đêm, nhiều thanh thiếu niên đến thắp nến tưởng niệm hai nạn nhân của một kẻ giết người vì những động cơ kỳ thị chủng tộc và bài Do Thái, theo như đoạn băng video mà chính hung thủ đưa lên mạng xã hội.
Khu phố cạnh nhà thờ Do Thái, nơi mà một phụ nữ bị bắn chết, vẫn còn bị cảnh sát cô lập chặt chẽ, chỉ có dân tại chỗ mới được phép về nhà sau ngày làm việc. Một thanh niên cho biết cảm nghĩ : « Thật là một điều kinh khiếp. Ở nơi khác thì còn đỡ, chứ xảy ra ngay bên cạnh nhà tôi thì không ai có thể ngờ. Tôi biết tin này khi ở sở làm. Bạn bè ai cũng hỏi thăm xem tôi có được bình an ».
Trong đoạn băng video, hung thủ là một thanh niên đầu cạo trọc, nét mặt rất trẻ, phát ngôn toàn những lời bài Do Thái. Anh ta còn khẳng định, bằng tiếng Anh, là không hề có chuyện Đức Quốc Xã thảm sát người Do Thái. Người Do Thái, theo hung thủ, mới là cội nguồn của mọi vấn đề.
Một công dân Israel, đến Halle vì công việc, tỏ ý muốn lưu lại để giúp cộng đồng Do Thái, do đã có kinh nghiệm đối với những hành động cực đoan như thế ở Israel.
Đây là vụ tấn công kỳ thị thứ hai, bốn tháng sau vụ một thành viên tân phát-xít ám sát ông Walter Lubcke, một chính trị gia của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo có lập trường ủng hộ di dân nhập cư.
Vụ thứ hai này khẳng định mối lo của giới chuyên gia : nguy cơ khủng bố cực hữu ngày càng gia tăng tại Đức
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191010-duc-hai-nguoi-chet-trong-mot-vu-tan-cong-bai-do-thai
30 năm Bức tường Berlin sụp đổ:
Cựu TBT Đông Đức oán Gorbachev
Steve RosenbergBBC News, Berlin
Đó là một trong những tour có hướng dẫn viên đi kèm kỳ quặc nhất tôi từng tham gia. Tôi lái xe đi quanh Berlin cùng với Egon Krenz, nhà lãnh đạo cộng sản cuối cùng của Đông Đức.
“Con phố này từng có tên là Stalinallee!” ông nói khi chúng tôi đi vào đường Karl-Marx-Allee. “Họ đặt lại tên sau khi Stalin mất.”
“Còn ở phía kia là Quảng trường Lenin. Trước kia có một bức tượng Lenin rất to. Nhưng họ đã hạ xuống rồi.”
Đòi xử Gorbachev ‘vì để Liên Xô tan rã’
Ông nhìn ra ngoài cửa sổ và mỉm cười.
“Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) xây dựng toàn bộ thứ này.”
Ông Krenz, 82 tuổi, nay sống trong một đất nước khá hơn đất nước mà ông từng cai quản. Cộng hòa Dân chủ Đức – Đông Đức – không còn tồn tại nữa.
Ba mươi năm sau những sự kiện đầy biến động trong năm 1989 và sự sụp đổ của Bức tường Berlin, ông Krenz đồng ý gặp tôi.
Vì sao Krenz yêu Liên Xô
Tôi thì tiếng Đức khá xoàng, còn ông Krenz lại không biết tiếng Anh, cho nên chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga. Đó là thứ ngôn ngữ mà ông ấy rất giỏi. Ông phải giỏi, bởi Đông Đức trước đây là vệ tinh của Moscow.
“Đó là đêm tồi tệ nhất đời tôi”
“Tôi yêu nước Nga, và trước đây tôi yêu Liên Xô,” ông nói với tôi. “Tôi vẫn còn có rất nhiều người quen ở đó. Đông Đức là đứa con của Liên Xô. Liên Xô đứng bên nôi khi Đông Đức chào đời. Và, thật đáng buồn, họ cũng đứng bên giường tử khi Đông Đức chết.”
Mikhail Gorbachev có ân hận vì để mất Liên Xô?
Bộ ba những nhà lãnh đạo khai tử Liên Xô
‘Biết ơn Gorbachev đã khiến Liên Xô sụp đổ’
Với nước Nga cộng sản, Đông Đức giống như một tiền đồn then chốt ở châu Âu. Liên Xô có 800 trại lính ở Đông Đức với nửa triệu quân.
“Dù có phải là lực lượng chiếm đóng hay không thì chúng tôi vẫn coi binh lính Liên Xô là những người bạn,” ông Krenz nói.
Nhưng là một phần của đế chế Xô Viết thì được lợi gì?
“Cụm từ ‘một phần của đế chế Xô Viết’… đó chính là thuật ngữ điển hình của phương Tây,” ông đáp. “Trong Hiệp ước Warsaw, chúng tôi coi mình là đối tác của Moscow. Mặc dù vậy, tất nhiên là với nước chúng tôi thì Liên Xô luôn có tiếng nói quyết định.”
Krenz đã lên đỉnh cao quyền lực như thế nào
Sinh năm 1937, là con trai một thợ may, Egon Krenz nhanh chóng leo lên trong bậc thang quyền lực của cộng sản.
Bên trong căn cứ của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh bị bỏ hoang
“Tôi là Thiếu niên Tiền phong. Rồi là đoàn viên Thanh niên Đức Tự do. Rồi tôi vào Đảng Xã hội Thống nhất. Rồi tôi thành tổng bí thư đảng. Tôi đã trải qua tất cả!”
Trong nhiều năm, ông được coi là “hoàng tử bé” – người sẽ lên kế nhiệm nhà lãnh đạo kỳ cựu của Đông Đức, Erich Honecker.
Nhưng tới lúc ông thay thế Honecker vào tháng 10/1989, đảng cầm quyền đã không còn nắm chắc quyền lực trong tay.
Từ Ba Lan cho tới Bulgaria, quyền lực nhân dân dâng tràn khắp khối Đông Âu. Đông Đức không phải là ngoại lệ.
Krenz sai lầm ở chỗ nào
Một tuần trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, ông Krenz bay tới Moscow họp gấp với nhà lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev.
“Gorbachev nói với tôi rằng nhân dân Liên Xô coi người Đông Đức như anh em,” ông nói.
“Và sau nhân dân Liên Xô thì ông ấy yêu nhân dân Đông Đức nhất. Cho nên khi đó tôi hỏi: ông vẫn coi bản thân mình là một người cha của Đông Đức chứ, thì ông ấy nói, ‘Tất nhiên, Egon.’ Rồi ông ấy nói, ‘Nếu như anh định nói tới khả năng thống nhất Đức, thì đó không phải là chuyện nằm trên nghị trình.'”
“Vào lúc đó, tôi đã nghĩ Gorbachev nói rất thành thực. Đó là sai lầm của tôi.”
Ông có cảm thấy là Liên Xô đã phản bội ông không? Tôi hỏi.
“Có.”
Đông Đức đi đến hồi kết thế nào
Vào ngày 9/11/1989, Bức tường Berlin sụp đổ. Những đám đông người Đông Đức ngây ngất tràn qua đường biên giới mở.
“Đó là đêm tồi tệ nhất đời tôi,” ông Krenz nhớ lại. “Tôi không muốn trải qua cảm giác đó thêm một lần nào. Khi các chính trị gia phương Tây nói rằng đó là sự ăn mừng của người dân thì tôi hiểu. Nhưng tôi chịu toàn bộ trách nhiệm. Tại thời điểm trào dâng cảm xúc đó, nếu như có bất kỳ ai bị giết chết trong đêm thì chúng tôi có lẽ sẽ bị hút vào cuộc xung đột quân sự giữa các cường quốc.”
Chỉ trong vòng một tháng sau khi Bức tường sụp đổ, Krenz từ chức khỏi vị trí lãnh đạo Đông Đức. Một năm sau, Đông và Tây Đức thống nhất. Cộng hòa Dân chủ Đức trở thành chuyện của lịch sử.
Không lâu sau đó, bản thân Liên Xô cũng tan rã. Nhưng khác với Egon Krenz, trên toàn Đông Âu, Mikhail Gorbachev được coi như người hùng, người đã cho phép xé toang Bức màn Sắt.
Nói chuyện với tôi hồi 2013, cựu Tổng thống Liên Xô nói: “Tôi thường bị cáo buộc là đã đem cho đi Trung và Đông Âu. Nhưng tôi đem cho ai? Ví dụ như tôi đã đem Ba Lan trao lại cho người Ba Lan. Đất nước đó còn có thể thuộc về ai được nữa?”
Ông Krenz mất quyền lực, mất đi đất nước mình.
Tiếp đến, ông mất tự do.
Năm 1997, ông bị kết tội ngộ sát đối với những người Đông Đức bị bắn khi tìm cách chạy sang bên kia Bức tường Berlin. Ông phải ngồi tù bốn năm.
‘Chiến tranh Lạnh không bao giờ kết thúc’
Egon Krenz vẫn rất quan tâm đến chính trị. Và ông vẫn ủng hộ Moscow.
“Sau các tổng thống yếu mềm như Gorbachev và Yeltsin, Nga thật cực kỳ may mắn là có [Tổng thống Vladimir] Putin.”
Ông cho rằng Chiến tranh Lạnh không bao giờ chấm dứt, mà thay vào đó là nó “đang được chiến đấu bằng những biện pháp khác”.
Ngày nay, Krenz sống một cuộc đời lặng lẽ ở vùng duyên hải Baltic của Đức.
“Tôi vẫn nhận được rất nhiều thư, điện thoại của cháu chắt các công dân Đông Đức. Họ nói với tôi rằng ông bà họ sẽ rất vui nếu tôi nói lời chúc mừng sinh nhật. Đôi khi có người gặp tôi, đề nghị tôi ký tặng hoặc chụp ảnh selfie cùng.”
Khi chúng tôi bước ra khỏi xe hơi ở trung tâm Berlin, một giáo viên dạy sử cùng nhóm học sinh lớp 10 tới chỗ chúng tôi. Quả là một ngày may mắn đối với họ.
“Thày trò chúng tôi đang có chuyến tham quan từ Hamburg tới để tìm hiểu về lịch sử Cộng hòa Dân chủ Đức,” thầy giáo dạy sử nói với ông Krenz. “Thật tuyệt vời là chúng tôi gặp được ông, một nhân chứng sống. Ông thấy thế nào khi Bức tường đổ xuống?”
“Đó không phải là một lễ hội tưng bừng,” ông Krenz nói. “Đó là một đêm vô cùng kịch tính.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49999494
Thủ đô Séc cắt đứt “tình chị em” với Bắc Kinh
Theo Thị trưởng Prague, ông đã nhiều lần từ chối yêu cầu “trục xuất đại diện ngoại giao Đài Loan” của Bắc Kinh.
Theo hãng Thông tấn xã Séc ČTK, vào ngày 7/10, hội nghị thành ủy thành phố Prague, thủ đô của Cộng hòa Séc hiện đã chính thức quyết định chấm dứt mối quan hệ kết nghĩa “thành phố chị em” với Bắc Kinh.
Thị trưởng Zdeněk Hřib cho biết, thành phố đã nhiều lần đàm phán với phía Trung Quốc về việc xóa bỏ “điều khoản một Trung Quốc” trong thỏa thuận kết nghĩa thành phố chị em nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào của Bắc Kinh.
Văm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Cộng hòa Séc. Chính trong khuôn khổ chuyến thăm, thỏa thuận Prague và Bắc Kinh kết nghĩa thành “thành phố chị em” đã được thực hiện cùng cam kết tuân thủ “chính sách một Trung Quốc” và công nhận rằng “Đài Loan là lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức Thị trưởng Prague vào cuối năm ngoái, ông Zdeněk Hřib đã tiết lộ kế hoạch hủy bỏ điều khoản “một Trung Quốc” đã cam kết trong hiệp định với thành phố chị em Bắc Kinh.
Ông Hřib cũng cho hay, trong thời gian nhậm chức Thị trưởng Prague, ông đã nhiều lần từ chối yêu cầu “trục xuất đại diện ngoại giao Đài Loan” của Bắc Kinh.
Vào tháng trước, Bộ trưởng Văn hóa Cộng hòa Séc Lubomír Zaorálek cũng đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Cộng hòa Séc Trương Kiến Mẫn chỉ trích hành động đơn phương hủy bỏ buổi biểu diễn của dàn nhạc Séc của chính phủ Trung Quốc và cho rằng, điều này “làm tổn thương nghiêm trọng hình ảnh của Trung Quốc”. Trung Quốc trước đó đã hủy bỏ chuyến lưu diễn của bốn dàn nhạc Séc tại nước này gồm Prague Philharmonia, Prazák Quartet, Prague Radio Symphony Orchestra, Guarneri Trio Prague – được coi là một động thái đáp trả quyết định của Prague.
Và mới đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại Séc đã đưa ra phản ứng quyết liệt khi thành phố Prague đưa ra quyết định cuối cùng về việc chấm dứt thỏa thuận thành với kết nghĩa với Bắc Kinh.
Vào ngày 8/10 (giờ địa phương), trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Cộng hòa Séc đã đưa ra một thông báo cho biết, hội nghị thành ủy thành phố Prague đã quyết định đơn phương chấm dứt thỏa thuận “thành phố chị em” đã ký giữa thành phố này và Bắc Kinh và đệ trình lên hội đồng thành phố để xem xét.
“Hành vi này có thể gọi là sự lật lọng, phá hoại mối quan hệ Trung-Séc và bầu không khí hợp tác trao đổi địa phương giữa hai nước. Bắc Kinh đã đưa ra phản kháng nghiêm túc với Prague”, thông báo viết.
Thông báo cũng chỉ ra rằng, Đại sứ Trung Quốc tại Cộng hòa Séc nhấn mạnh nguyên tắc “một Trung Quốc” liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, đồng thời là nền tảng và tiền đề hợp tác trao đổi đối ngoại của Trung Quốc.
Cuối cùng, Đại sứ quán Trung Quốc tại Cộng hòa Séc đã kêu gọi chính quyền thành phố Prague thay đổi lại hướng đi, đồng thời cảnh cáo Prague sẽ tự chịu thiệt hại lợi ích nếu không thay đổi quan điểm này.
Người Kurd Syria bị tấn công, tuyên bố
sẽ gây thiệt hại lớn cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
Tin từ BEIRUT, Lebanon – Các chiến binh người Kurd từng đánh bại Nhà nước Hồi giáo trên khắp Syria với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, nay sẽ đấu tranh một mình để chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh dân quân Syria.
Vào hôm thứ Tư (9/10), liên minh Thổ Nhĩ Kỳ và dân quân Syria tấn công qua biên giới trong một cuộc tấn công họ đã đe dọa từ lâu. Theo tin từ Reuters, trước sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – do lực lượng dân quân YPG người Kurd dẫn đầu – bị áp đảo nặng nề bởi quân đội lớn thứ hai của NATO. Dù Hoa Kỳ trang bị và huấn luyện cho SDF suốt nhiều năm chiến đấu với ISIS, nhưng Washington ngăn cản việc cung cấp cho các đồng minh người Kurd những vũ khí tinh vi hơn.
Chính sách của Washington đối với YPG cho thấy sự phức tạp về vai trò của họ trong cuộc xung đột Syria. Tranh chấp này phát triển từ các cuộc biểu tình chống Tổng thống Bashar al-Assad thành một cuộc chiến đa diện và kéo cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vào vòng chiến. Mặc dù SDF là một đồng minh hiệu quả chống lại ISIS, nhưng việc Hoa Kỳ hỗ trợ cho họ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phẫn nộ. Ankara xem YPG là những kẻ khủng bố, do có liên kết với phong trào PKK của người Kurd gây ra một cuộc nổi dậy kéo dài bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nguồn tin đối lập của Syria cho biết một số người Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi Cơ Quan Tình Báo Trung Ương giám sát một chương trình vũ trang và huấn luyện dân quân chống Assad. (Mộc Miên)
Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch
tấn công người Kurd ở Syria
Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch quân sự tấn công các lực lượng người Kurd, đồng minh của Mỹ, ở đông bắc Syria hôm thứ Năm 10/10, bắn pháo vào các thị trấn và oanh kích các các mục tiêu, khiến hàng ngàn người phải bỏ nhà cửa sơ tán.
Đài quan sát Nhân quyền Syria cho hay ít nhất 23 chiến binh của các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo và tám thường dân, trong đó có hai quản trị viên của SDF, đã thiệt mạng.
Hơn 60.000 người đã sơ tán kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu hôm 9/10, Đài quan sát cho biết thêm. Các thị trấn Ras al-Ain và Darbasiya, cách khoảng 60 km về phía đông của biên giới, hầu như không còn bóng người.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói với Đảng AK của ông ở Ankara rằng 109 chiến binh người Kurd đã bị hạ sát trong hai ngày qua, trong khi người Kurd nói rằng họ đang chống lại các cuộc tấn công.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO, nói họ dự định tạo ra một khu vực an toàn để hàng triệu người tị nạn Syria trở về lại quê hương của họ.
Nhưng các cường quốc thế giới lo ngại chiến dịch này có thể làm tăng cuộc xung đột đã kéo dài 8 năm ở Syria, và có nguy cơ các tù nhân Nhà nước Hồi giáo trốn thoát khỏi các trại tù trong bối cảnh hỗn loạn này.
https://www.voatiengviet.com/a/tho-nhi-ky-day-manh-cuoc-tan-cong-nguoi-kurd-o-syria/5118729.html
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào vùng Kurdistan- Syria
sau một ngày oanh kích
Cho dù bị hầu hết cộng đồng quốc tế lên án, tổng thống Thổ Nhĩ kỳ Recep Erdogan ra lệnh tấn công vào miền đông bắc Syria do lực lượng Kurdistan-Syria kiểm soát.
Bốn cánh quân Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm chiến binh người Kurdistan do Ankara võ trang tràn qua biên giới Syria vào chiều thứ tư 09/10/2019, chỉ hai ngày sau khi phần lớn 1000 quân Mỹ rút đi nơi khác, theo quyết định của tổng thống Donald Trump.
Trong số 20 nạn nhân đầu tiên có 8 thường dân. Lực lượng Kurdistan-Syria FDS tổng động viên và kêu gọi cộng đồng và công luận quốc tế ủng hộ.
Tình hình tại chỗ như thế nào? Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh trong khu vực tường thuật:
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tập trung các mũi tấn công vào các thành phố biên giới Ras a-Ain, tỉnh Hassakê ở đông bắc và Tal Al Yat, tỉnh Raqqa ở phía bắc. Sau các đợt oanh kích và pháo kích, các đơn vị Thổ Nhĩ Kỳ tràn quan biên giới đánh vào thành phố Tall Abyad.
Vài giờ sau, Lực lượng Kurdistan-Syria FDS thông báo « đẩy lùi » được đợt tấn công còn bộ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ loan báo « đánh trúng hơn 180 vị trí của khủng bố ».
Trước cường độ phi pháo và chiến trận, dân cư địa phương bỏ vùng biên giới, khẩn cấp sơ tán về phương nam. Trong khi đó, các đơn vị Kurdistan-Syria, trang bị súng chống tăng, bố trí trên đường phố, quyết chí kháng cự cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ mà mục tiêu là thiết lập một vành đai trái độn rộng 20 km, dài 400 km từ tỉnh Alepo đến Hassakê.
Thổ Nhĩ Kỳ đưa lực lượng phụ thuộc, khoảng 20 ngàn tay súng, với tên gọi là « Quân đội dân tộc Kurdistan » do Ankara huấn luyện và võ trang lên tuyến đầu. Phía sau là các đơn vị Thổ Nhĩ Kỳ với hàng trăm đại pháo, xe tăng và máy bay tối tân nhất trong vùng yểm trợ.
Phía Kurdistan-Syria, họ có thể huy động 50 ngàn chiến binh, kể cả phụ nữ, được tôi rèn trong nhiều năm chiến đấu chống thánh chiến Daech, với vũ khí đủ loại do Mỹ cung cấp từ đại pháo cho đến xe tăng.
Cuộc xung đột sẽ rất gai go cho cả đôi bên.
Về phần chính quyền Syria : Damas khuyến cáo Ankara không được vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Quân đội Syria sẽ phản ứng mạnh với mọi phương tiện. Tuy nhiên, Damas sẽ không yểm trợ người Kurdistan-Syria trừ phi họ từ bỏ dự án lập quốc cũng như tuyên cáo quyền tự trị trên 25% lãnh thổ Syria.
Quốc tế đồng thanh phản đối Ankara
Trước tiên là Hoa Kỳ.Ngoại trưởng Mike Pompeo ngay từ hôm 09/10/2019 cho biết Washington đã « không bật đèn xanh » cho Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công nói trên. Tuy nhiên ngoại trưởng Mỹ cho rằng « lo ngại về an ninh của Ankara là chính đáng ». Mike Pompeo tránh trả lời câu hỏi của hệ thống truyền thông Mỹ PBS, khi được hỏi về nguy cơ tổ chức tự xưng là một Nhà Nước Hồi Giáo cực đoan hồi sinh.
Khác với chính quyền Mỹ, Quốc Hội Hoa Kỳ mạnh mẽ lên án Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào vùng đất của người Kurdistan ở Syria. Đảng Cộng Hòa phối hợp với đảng đối lập Dân Chủ đề xuất một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Ankara. Tại Thượng Viện, thượng nghị sĩ Cộng Hòa, Lindsey Graham, một người thân cận với ông Trump xem việc nguyên thủ Mỹ bỏ rơi người Kurdistan từng sát cánh với cộng đồng quốc tế tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, là điều « nhục nhã ». Về phần Donald Trump, « tiêu diệt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ » nếu như tổng thống Erdogan « đi quá đà ».
Trong khi đó, Matxcơva, điểm tựa của chế độ Bachar al Assad, kêu gọi chính quyền Damas và cộng đồng người Kurdistan tại Syria « mở đối thoại ». Châu Âu đồng thanh kêu gọi Ankara « ngừng chiến dịch tấn công », đe dọa đến an ninh của người Kurdistan tại Syria, thành trì chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo từ 5 năm qua. Berlin lo ngại « tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hồi sinh ». Paris « mạnh mẽ lên án » hành động « xâm phạm chủ quyền quốc gia của một thành viên trong Liên Đoàn ».
Hàn Quốc sắp ra lệnh cấm
đàn ông có tiền sử bạo lực lấy ‘cô dâu ngoại’
Hàn Quốc chuẩn bị ban hành luật cấm những người đàn ông có tiền án, tiền sự về bạo lực gia đình kết hôn với các cô dâu ngoại quốc, sau khi xảy ra vụ một người đàn ông nước này đã đánh vợ người Việt của mình suốt 3 tiếng đồng hồ gây chấn động dư luận, Yonhap dẫn nguồn tin từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết hôm 10/10.
Theo thông báo của Bộ Tư pháp Hàn Quốc hôm 7/10, việc ban hành luật cấm là một phần trong các biện pháp tiếp theo của chính phủ nhằm cải thiện hệ thống hôn nhân nhập cư và ngăn chặn bạo lực đối với những người nhập cư qua con đường kết hôn.
Hồi tháng 7 vừa qua, công chúng Việt Nam và Hàn Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ sau khi một đoạn video cho thấy một người chồng Hàn Quốc liên tục đấm, đá người vợ Việt Nam của mình nhiều giờ liền trước sự chứng kiến của đứa con mới 2 tuổi trong căn nhà của họ ở quận Yeongam.
Sau trận đòn khiến người vợ Việt bị gãy cả xương sườn, người chồng Hàn Quốc 36 tuổi đã bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó và đưa ra tòa vào ngày 8/7.
Tại tòa, người đàn ông này khai nguyên nhân đánh vợ là vì “bất đồng ngôn ngữ và suy nghĩ”. Ông cũng khai nhận đã đánh vợ nhiều lần trước khi vụ tấn công bị đưa lên mạng xã hội.
Với việc bổ sung, sửa đổi Luật kiểm soát nhập cư, Hàn Quốc sắp tới sẽ không cho phép hôn phu/hôn thê có tiền án tiền sự về bạo lực gia đình mời người phối ngẫu của mình nhập cảnh vào nước này cho mục đích kết hôn, bất kể bản án của họ đã kết thúc bao lâu đi nữa.
Luật cấm này cũng áp dụng cho những người có tiền án về tội phạm tình dục đối với trẻ em trong vòng 10 năm qua hoặc bị ngồi tù trong vòng 10 năm qua.
Luật cấm dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 10 năm sau, sau khi chính phủ ban hành luật này vào tháng 4 năm sau.
Mục đích của luật sửa đổi, theo Bộ Tư pháp, là để ngăn chặn bạo lực gia đình diễn ra ngay cả trước khi người nhập cư kết hôn để bảo vệ các quyền lợi cơ bản của họ, Yonhap đưa tin.
Hong Kong nói chỉ muốn ngăn bạo lực
chứ không ngăn biểu tình
Chính quyền Hong Kong hôm 10/10 nói rằng họ sẽ không áp dụng thêm bất kỳ biện pháp nào để ngăn cản các cuộc biểu tình bạo lực và phủ nhận những tin đồn rằng các lực lượng an ninh của Đại lục tham gia vào việc ngăn chặn biểu tình ở thành phố này.
Các trung tâm mua sắm đóng cửa sớm hôm 10/10 để tránh trở thành các mục tiêu đập phá của các cuộc biểu tình đã lên kế hoạch và hệ thống tàu điện ngầm của thành phố, nơi đã chứng kiến tình trạng bất ổn dữ dội, đóng cửa sớm ba tiếng.
Cho tới nửa đêm, không có cuộc biểu tình nào diễn ra với quy mô lớn đáng kể. Khoảng 60 người tụ tập bên ngoài một đồn cảnh sát. Trái ngược với các cuộc biểu tình rầm rộ vào ban ngày, các cuộc biểu tình ban đêm thường chỉ có vài trăm người tham gia ở các sự kiện rải rác, chủ yếu vào đêm khuya.
Hong Kong là một trong những trung tâm mua sắm hàng đầu thế giới, nhưng trong bốn tháng qua các cuộc biểu tình bạo lực đã làm sứt mẻ danh tiếng đó khi hàng loạt cửa hàng bị hư hại và các trung tâm mua sắm đang trở thành địa điểm cho những người biểu tình.
Trung tâm tài chính châu Á đang phải đối mặt với suy thoái đầu tiên trong một thập kỷ qua do tình trạng bất ổn, với ngành du lịch và bán lẻ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
Tình trạng bất ổn bắt đầu từ hơn bốn tháng trước để phản đối dự luật dẫn độ, hiện đã bị rút lại, nhưng đã mở rộng thành một phong trào dân chủ trong bối cảnh có những lo ngại rằng Trung Quốc đang xâm phạm các quyền tự do của Hong Kong.
Những quyền tự do đó được bảo đảm dưới phương thức một quốc gia, hai chế độ khi Anh trả lại Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, cho phép người Hong Kong được hưởng các quyền tự chủ mà người dân Đại lục không được hưởng.
Tuy nhiên, tình trạng bất ổn đã đẩy đặc khu hành chính vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1997 và đặt ra thách thức lớn nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Chính phủ Hong Kong hôm 10/10 cho biết rằng một bài phát biểu về chính sách của trưởng đặc khu Carrie Lam, dự kiến được đưa ra vào ngày 16/10 khi Hội đồng Lập pháp nhóm họp, sẽ không đề cập đến bất kỳ biện pháp nào khác để chống lại bạo lực.
Tổng thư ký hành chính Matthew Cheung nói tại một cuộc họp báo rằng các hoạt động của chính phủ không nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình, mà là nhằm ngăn chặn bạo lực. “Chúng tôi không bao giờ kiềm chế các cuộc biểu tình, chúng tôi chỉ kiềm chế bạo lực,” ông nói.
Ông Cheung nói thêm rằng: “Một cuộc biểu tình nếu nó hợp pháp, nếu nó đúng luật, nếu nó hòa bình … ở Hong Kong, thì các cuộc tập hợp và các cuộc biểu tình là một phần của Hong Kong, một phần của giá trị cốt lõi của chúng tôi.”
Khi Bắc Kinh can thiệp
Nguyễn Xuân Nghĩa
Đúng 30 năm trước, hai biến động tại Đông Âu và Trung Quốc lại dẫn tới hậu quả tương phản. Tại Trung Quốc là vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn khiến mấy ngàn người thiệt mạng. Tại Đông Âu là cuộc cách mạng dây chuyền trong các quốc gia bị Liên bang Xô viết chiếm đóng từ sau Thế Chiến Hai khiến bức tường Bá Linh sụp đổ rồi Liên Xô tan rã. Phải chăng điều ấy mới khiến Bắc Kinh rất nhạy cảm với tình hình Hồng Công ngày nay? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện sâu xa này.
Vì sao Bắc Kinh nhạy cảm?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đi vào một khúc quanh bên lề trận thương chiến, khi Bắc Kinh tỏ vẻ cực kỳ nhạy cảm với những gì xảy ra trong nước Mỹ và bắt Hiệp hội Bóng rổ Hoa Kỳ National Basketball Association phải xin lỗi vì một lời phát biểu liên quan tới Hồng Công, ông nghĩ thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ngày xưa, thời Chiến Tranh Lạnh giữa Liên bang Xô viết và Thế giới Tự do, chủ nghĩa tự do kinh tế và dân chủ chính trị đi song hành cho tới khi Liên Xô sụp đổ và các nước Đông Âu được giải phóng đúng 30 năm trước. Ngày nay, Trung Quốc lợi dụng tự do kinh tế của các nước để trục lợi, lại còn đòi can thiệp vào xứ khác để bảo vệ chế độ độc tài của họ. Vì vậy, khi Tổng giám đốc của một đội bóng rổ tại Houston của tiểu bang Texas tỏ vẻ ủng hộ người dân Hồng Công, Bắc Kinh bắt Hiệp hội Bóng Rổ Quốc gia Hoa Kỳ phải xin lỗi. Chúng ta sẽ phải khởi đi từ đó để nhìn ra toàn cảnh của mâu thuẫn này.
Các nước độc tài như Trung Cộng thì chỉ có chủ nghĩa tư bản nhà nước, dưới sự lãnh đạo của đảng mà rốt cuộc thì định chế hóa bất công xã hội. Trong tinh thần đó, khi Chính quyền Hoa Kỳ đòi Bắc Kinh phải cải tổ hệ thống quản lý và luật lệ để tôn trọng quyền tự do thì đấy cũng là một áp lực đúng về đạo lý.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông nhắc lại biến cố đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Đúng 30 năm trước, Trung Quốc đã có vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn khiến mấy ngàn người thiệt mạng vào ngày mùng bốn Tháng Sáu năm 1989. Cùng lúc đó, tại Đông Âu, các quốc gia bị Liên Xô chiếm đóng sau Thế Chiến Hai, như Ba Lan, Hung và Đông Đức cũng có biến khi người dân không chấp nhận sự cai trị của đảng Cộng sản do Liên Xô bảo vệ.
– Khác với thái độ của Bắc Kinh, giới lãnh đạo cộng sản tại các nước Đông Âu lại không ra tay đàn áp và cuối cùng thì bức tường Bá Linh sụp đổ, dân Đông Âu được giải phóng, hai nước Đông – Tây Đức thống nhất và Liên Xô tan rã. Ngày nay, Bắc Kinh rất sợ kịch bản đó khi thấy Hồng Công rung chuyển và không muốn bất cứ ai lên tiếng ủng hộ người dân Hồng Công. Vì vậy họ mới bắt một hiệp hội thể thao Mỹ phải xin lỗi khi Tổng giám đốc đội bóng rổ Houston Rockets của Hoa Kỳ rất nổi tiếng tại Trung Quốc lại tỏ ý bênh vực dân Hồng Công.
– Chúng ta không quên là nước Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời đúng 70 năm trước, vào ngày bảy Tháng 10 năm 1949, dưới sự thống trị của Hồng quân Liên Xô sau khi Thế Chiến Hai kết thúc vào năm 1945. Biến cố ấy đánh dấu thời Chiến Tranh Lạnh và chỉ chấm dứt 30 năm trước. Vào thời đó, Liên Xô và Đông Đức đã dựng lên bức tường tại Bá Linh để không cho người dân Đông Đức di tản qua Cộng Hòa Liên Bang Đức, là Tây Đức theo chế độ tự do dân chủ. Thủ tướng Tây Đức thời ấy là ông Willy Brandt gọi bức tường đó là “Bức Tường Ô Nhục”.
Nguyên Lam: Và thưa ông, bức tường đó bắt đầu sụp đổ như thế nào đúng 30 năm về trước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Các nước Đông Âu không muốn tái diễn vụ tàn sát người dân Bắc Kinh tại Thiên An Môn và xứ Hungary đã trước tiên cho dân Đông Đức vượt lãnh thổ của mình để qua Tây Đức. Từ đó, dân Đông Đức mới phá tan bức tường phân chia chế độ độc tài với thế giới tự do. Đấy là cuộc cách mạng không đổ máu khiến các nước Đông Âu đã tự giải phóng rồi Liên Xô tan rã. Chúng ta cũng không quên là khi Bắc Kinh mở cuộc tàn sát tại Thiên An Môn thì Ba Lan cho tổ chức bầu cử trong cùng ngày và phong trào Liên Đới hay Solidarnosc đã thắng cử vẻ vang để mở ra một trang sử mới cho cả khu vực.
– Ngày nay, Bắc Kinh rất sợ kịch bản cách mạng đó có thể tái diễn tại Hồng Công và dùng thế lực kinh tế, nôm na là lợi nhuận nhờ quảng cáo, để gây sức ép với hiệp hội bóng rổ Mỹ. Khác với ngày xưa, là việc buôn bán giữa Hoa Kỳ và Liên Xô thật ra không đáng kể, chưa bằng một phần tư của một phần trăm Tổng sản lượng GDP, ngày nay, Hoa Kỳ đã giao dịch kinh tế rất nhiều với Trung Quốc nên dễ bị Bắc Kinh dùng lợi nhận để chi phối.
Hoa Kỳ và các nước tự do sai lầm
Nguyên Lam: Nếu vậy, thưa ông, có lẽ người ta cần nêu một câu hỏi: phải chăng Hoa Kỳ và các nước tự do đã lầm khi giao dịch kinh tế với Trung Quốc mà xứ này lại không cải cách chính trị để theo chế độ dân chủ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Đúng như vậy! Các nước, trước tiên là Hoa Kỳ, đã lầm khi tưởng rằng kinh tế tự do sẽ dẫn tới sự xuất hiện của một thành phần trung lưu và giới trung lưu của Trung Quốc sẽ khiến xứ này tiến hành cải cách chính trị để tiến tới chế độ dân chủ. Sự thật đã xảy ra trái ngược. Trước hết, Bắc Kinh vẫn duy trì ách độc tài chính trị và Tổng bí thư Tập Cận Bình còn trở lại tình trạng toàn trị như thời Mao Trạch Đông, chứ không cần làm bộ ôn hòa theo kiểu “thao quang dưỡng hối” như thời Đặng Tiểu Bình.
– Thứ hai, sau vụ Thiên An Môn, khi thấy khối dân chủ than phiền mà vẫn giao dịch buôn bán, Bắc Kinh kết luận rằng vì lợi nhuận, tư bản chủ nghĩa vẫn sẵn sàng làm ăn với chế độ độc tài. Thứ ba, dùng lợi nhuận làm đòn bẩy, Bắc Kinh còn can thiệp và chi phối các xứ khác để tạo ra hình ảnh tốt đẹp về mình. Họ gọi đó là “hoạt ngữ chiến”, là chiến tranh tuyên truyền nhằm gây ấn tượng sai lạc về chính họ và còn tuyên truyền với thần dân của họ rằng chế độ đã khuất phục bọn tư bản và sẽ vượt qua Hoa Kỳ. Vì vậy, vụ đội bóng Rockets của Houston trong Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia phải xin lỗi là hồi chuông cảnh báo nước Mỹ về thế lực chính trị của Bắc Kinh trong xã hội Hoa Kỳ. Tôi cho rằng đấy là tin vui!
Nguyên Lam: Nếu nhìn rộng ra ngoài thì thưa ông, liệu người ta có thấy ra một mâu thuẫn trầm trọng hơn không? Đó là trào lưu toàn cầu hóa không tất nhiên dẫn tới dân chủ hóa mà yếu tố kinh tế lại còn hủy diệt các giá trị tinh thần của chế độ tự do, như nhân quyền hay dân chủ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi hơi duy tâm nên nghĩ tới cuộc đua giữa Thiện và Ác!
– Trong khi Hoa Kỳ chuẩn bị đàm phán về thương mại với phái bộ Bắc Kinh thì Bộ Thương Mại rồi Bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn ra quyết định trừng phạt các viên chức và doanh nghiệp Trung Quốc có can dự vào vụ đàn áp người Hồi giáo gốc Duy Ngô Nhĩ, gốc Kyrgystan hay Kazhakstan tại Tân Cương. Tôi nghĩ rằng đấy là cái Thiện chống cái Ác. Nếu Chính quyền Mỹ khéo vận động các nước dân chủ khác cùng có biện pháp trừng phạt tương tự thì Bắc Kinh sẽ phải giật mình. Nhưng, và đây là cái Ác, các nước dân chủ cũng có thể nói vì quyền lợi kinh tế quốc gia, họ không muốn làm Bắc Kinh khó chịu! Tôi cũng xin nói thêm ý khác.
– Từ nguyên thủy vào giữa Thế kỷ 18, tư bản chủ nghĩa không hề có mục tiêu đạo lý, nhưng vẫn dẫn tới hậu quả luân lý là tạo ra sự thịnh vượng cho mọi người, trong một thế giới tử tế hơn. Do đó, chẳng phải ngẫu nhiên mà các nước theo tư bản chủ nghĩa đều có dân chủ, là nơi mà người dân có quyền đề cử và phê phán lãnh đạo. Các nước độc tài như Trung Cộng thì chỉ có chủ nghĩa tư bản nhà nước, dưới sự lãnh đạo của đảng mà rốt cuộc thì định chế hóa bất công xã hội. Trong tinh thần đó, khi Chính quyền Hoa Kỳ đòi Bắc Kinh phải cải tổ hệ thống quản lý và luật lệ để tôn trọng quyền tự do thì đấy cũng là một áp lực đúng về đạo lý.
Không đơn thuần là chuyện áp thuế
Nguyên Lam: Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không chỉ giới hạn vào chuyện áp thuế nhập nội mà còn có những vấn đề sâu xa thuộc về cơ chế lãnh đạo chính trị của hai nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ thế và xin nói đến một sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế chính trị.
Việc Bắc Kinh dùng đòn bẩy kinh tế để chi phối nước khác không thể khỏa lấp những vấn đề nội bộ rất trầm trọng của Trung Quốc và đấy cũng là bài học cho Việt Nam khi bị bóng rợp của Bắc Kinh che phủ lên đầu.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
– Hoa Kỳ hay nói đến pháp quyền nhà nước, hay “rule of law”, là nơi người dân tôn trọng luật lệ do giới dân cử mà họ bầu lên soạn thảo ra và chấp hành. Nền dân chủ là sự bình đẳng của mọi người trước luật lệ do mình thiết lập qua giới dân cử. Chế độ cộng sản độc tài lại khác vì chỉ có đảng quyền chứ không có pháp quyền.
– Đó là “rule by law”, không là “rule of law”. Lý do là đảng ra lệnh cho nhà nước làm luật bắt mọi người dân phải theo. Trước mắt thì họ có vẻ ổn định hơn chế độ dân chủ cứ hàng ngày hàng giờ tranh cãi về mọi chuyện như chúng ta đang thấy tại Hoa Kỳ hay nhiều xứ tiên tiến khác. Về thực chất thì đấy là sự ổn định giả tạo của một cái nồi bị bịt vung ở trên, khi bên dưới ngọn lửa kinh tế vẫn bùng cháy và sẽ có ngày bùng nổ thành “cách mạng”. Dù sao, dưới chế độ cộng sản, các nước Đông Âu cũng đã công nghiệp hóa – thậm chí còn tiên tiến hơn Liên Xô, đông dân, có võ khí mà lạc hậu về kinh tế – nên họ chẳng giết dân 30 năm trước mà còn tiến hành cách mạng không đổ máu và trở thành quốc gia tiên tiến.
Nguyên Lam: Nếu vậy, câu hỏi cuối của Nguyên Lam là vì sao một số quốc gia Đông Á như Hàn Quốc hay Đài Loan đã bước vào thành phần kinh tế tiên tiến?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Họ có ý thức tự trọng và chủ trương độc lập dân tộc! Đó là một. Thứ hai, thời Chiến Tranh Lạnh, họ được Hoa Kỳ bảo vệ và nước Mỹ khi ấy cũng gây áp lực cải cách để các nước này trở thành rồng cọp kinh tế, là các nước “tân hưng”, nhưng cũng lần lượt cải tổ chính trị để áp dụng quy tắc dân chủ.
– Trung Quốc và cả Việt Nam thì chỉ học theo họ về kinh tế nhưng thiểu số có chức có quyền lại không dám bước lên trình độ cao hơn về chính trị vì sợ mất phần về kinh tế. Việc Bắc Kinh dùng đòn bẩy kinh tế để chi phối nước khác không thể khỏa lấp những vấn đề nội bộ rất trầm trọng của Trung Quốc và đấy cũng là bài học cho Việt Nam khi bị bóng rợp của Bắc Kinh che phủ lên đầu…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
Máy bay trinh sát không người lái WZ-8:
Công cụ mới để TQ “răn đe Mỹ”
Trung Quốc (1/10) chính thức trình làng máy bay trinh sát không người lái WZ-8, hay còn được gọi là DR-8. Đây được đánh giá là một trong những mâu UAV hiện đại bậc nhất của Trung Quốc, có khả năng răn đe và uy hiếp đối với an ninh của Mỹ và các nước đồng minh.
WZ-8 của Trung Quốc có thực sự nguy hiểm
WZ-8 là UAV trinh sát tốc độ cao được thiết kế để cung cấp chỉ thị mục tiêu cho tên lửa trong tình huống vệ tinh không hoạt động, nhưng hiệu suất của nó vẫn còn là ẩn số.
Tạp chí Military Watch nhấn mạnh, WZ-8 “rất giống với Lockheed SR-71 Blackbird và Lockheed A-12 (máy bay trinh sát tầm cao) của Mỹ, cũng như máy bay tiêm kích đánh chặn tầm cao MiG-25 của Liên Xô”, được thiết kế cho các chuyến bay ở tốc độ và độ cao cực lớn và có khả năng hoàn thành cả nhiệm vụ trinh sát và tấn công. Được biết, Quân đội Trung Quốc (PLA) đã triển khai WZ-8 trong các đơn vị Không quân, kết hợp với các vệ tinh quan trọng của Trung Quốc cung cấp cho Bắc Kinh một hệ thống dẫn đường và thu thập thông tin tình báo đáng tin cậy. Nguồn tin cho rằng máy bay không người lái này có thể vừa bảo vệ và di chuyển ở tốc độ từ 6 đến 7 lần tộc độ âm thanh, điều đó có nghĩa là gần như không thể bắn hạ bằng các phương tiện thông thường, chưa tính đến các yếu tố như tác chiến điện tử. Không những vậy, WZ-8 cung cấp cho PLA khả năng dẫn đường chính xác cho các tên lửa hạng
nặng trong trường hợp vệ tinh nhân tạo của Trung Quốc bị vô hiệu hóa. Điều đó có nghĩa là có cơ hội để tấn công vào các nhóm tàu sân bay Mỹ. Mặc dù WZ-8 không phải là một thiết bị tấn công hạng nặng, nhưng nó có thể góp sức trong tác chiến với Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực và gây khó khăn cho các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ ở Đông Á.
Trong khi đó, nhà phân tích quốc phòng Tyler Rogoway cho rằng 2 mẫu máy bay không người lái (UAV) WZ-8 tại duyệt binh là máy bay thật, không phải mô hình. Người ta vẫn chưa thể xác định chương trình WZ-8 đang ở giai đoạn nào, nhưng đây có thể là nguyên mẫu, hoặc mô hình sản xuất sớm. Theo chuyên gia trên, WZ-8 được xếp loại máy bay trinh sát tốc độ cao có thể thu hồi thông qua đường băng. Thiết kế khí động học của nó tương tự các phương tiện bay siêu thanh mà Trung Quốc từng thử nghiệm, bằng cách thả từ khinh khí cầu trong những năm gần đây. WZ-8 là sử dụng động cơ tên lửa và việc sử dụng động cơ tên lửa tạo ra giải pháp cung cấp lực đẩy đơn giản, có thể giúp WZ-8 bay với tốc độ rất nhanh, nhưng điều đó cũng hạn chế tính linh hoạt và tầm bắn của nó, ông Rogoway nhận định. WZ-8 được trang bị hai động cơ nhiên liệu lỏng. Người ta chưa thể xác định động cơ này có tái sử dụng, hay chỉ dùng một lần. Loại nhiên liệu sử dụng cho động cơ cũng chưa được biết. Giới chuyên gia nhận định, WZ-8 có thể leo lên độ cao gần rìa không gian, sau đó lợi dụng tốc độ cao mà nó có được để bay theo quỹ đạo đạn đạo trước khi hạ cánh bằng cách lướt trong không khí. Tuy nhiên, WZ-8 không có động cơ kiểm soát vector lực đẩy, do đó, độ cao hoạt động của WZ-8 sẽ bị giới hạn dưới 42 km cách mặt đất. Căn cứ vào thiết kế khí động học và sử dụng động cơ tên lửa, ông Rogoway nhận định WZ-8 bay ở tốc độ khoảng Mach 3.5 đến Mach 4.5 (khoảng 4.000 km/h đến 5.286 km/h). Ở tốc độ như vậy, chỉ cần chuyến bay kéo dài 20 phút, WZ-8 có thể trinh sát trong phạm vi 1.770 km.
Ngoài ra, giới phân tích cũng cho biết, với 2 móc lớn phía trên lưng của WZ-8 cho thấy nó còn có thể được phóng từ máy bay ném bom H-6N. Phiên bản này mới được nâng cấp với một vùng bán lõm dưới bụng, nơi có các điểm treo cứng cho phương tiện cỡ lớn. Khả năng phóng từ máy bay H-6N giúp WZ-8 mở rộng tầm trinh sát và tiếp cận nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở sâu trong khu vực phía tây Thái Bình Dương. Phần mũi hơi gù của WZ-8 có thể là nơi chứa thiết bị liên lạc vệ tinh, nhưng nó có thể sử dụng hệ thống điều hướng dựa vào các ngôi sao. Hệ thống này đặc biệt hữu ích khi mạng lưới vệ tinh bị tê liệt và đó cũng là mục tiêu thiết kế của nó. WZ-8 là một tài sản có thể đưa vào hoạt động bí mật và cung cấp thông tin tình báo một cách nhanh chóng cho các khu vực quan trọng. Không chỉ cung cấp thông tin tình báo, WZ-8 có thể sử dụng để đánh giá thiệt hại sau tấn công bằng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình. Thông tin thu được sẽ rất hữu ích trong việc hiệu chỉnh tên lửa cho lần tấn công tiếp theo.
Lockheed SR-71 Blackbird cũng từng huy hoàng và phải “chết yểu”
Chiếc Lockheed SR-71 là một kiểu máy bay trinh sát chiến lược tiên tiến tầm xa, đạt được tốc độ Mach 3, được phát triển từ các kiểu máy bay Lockheed YF-12A và A-12 bởi nhóm Skunk Works của hãng Lockheed. SR-71 là một trong những máy bay đầu tiên được tạo dáng để giảm thiểu mặt cắt radar, cho dù tín hiệu radar của nó vẫn có thể phát hiện được bởi các hệ thống radar hiện đại, không giống như những kiểu máy bay “tàng hình” sau này. Ưu thế để tự vệ của chiếc máy bay này là tốc độ và trần bay cao; khi phát hiện thấy tên lửa đất đối không được phóng ra hướng về phía mình, cách thoát ra đơn giản chỉ cần tăng tốc. Kiểu máy bay SR-71 đã phục vụ từ năm 1964, song bị chỉ trích vì sự không an toàn và độ tin cậy thấp của nó. Đến giữa thập niên 1970, khi Liên Xô cho ra đời tiêm kích đánh chặn MiG-31 có vận tốc Mach 3, SR-71 không còn được sử dụng để do thám không phận Liên Xô nữa và giảm hẳn hoạt động, dù vậy vẫn có thêm 1 chiêc bị rơi năm 1989 ở biển Nam Trung Hoa. Đến năm 1998, những chiếc SR-71 còn lại chính thức ngừng hoạt động.
Tính đến thời điểm hiện tại, SR-71 là loại máy bay có tốc độ nhanh nhất của Không quân Mỹ với vận tốc tối đa đạt 3.300 km/h, trần bay 25,9 km và tầm hoạt động 5.230 km. Trong một giờ, SR-71 có khả năng tiến hành trinh sát và chụp ảnh trên một khu vực rộng 260.000 km2. Theo thiết kế, SR-71 có hai động cơ phản lực và động cơ của nó được gia cố để giúp nó hoạt động thời gian dài khi máy bay di chuyển với tốc độ Mach 3. Nó cũng có khoang chứa khí oxy để bơm vào buồng lái khi máy bay di chuyển ở độ cao 24.400 m. Thiết kế góc cạnh giúp nó lướt đi trong không khí. SR-71 sở hữu thiết kế độc nhất vô nhị trong hàng ngũ phi cơ quân sự của Mỹ. 93% vật liệu cấu thành SR-71 là titan. Nó giúp máy bay nhẹ hơn, bay cao và nhanh hơn so với máy bay từ vật liệu thông thường. Ngoài ra, lớp vỏ máy bay có thể chịu nhiệt độ 482 độ C, giúp nó không biến dạng hoặc hư hại trong quá trình ma sát với không khí khi hoạt động ở độ cao lớn.
Nhà phân tích Dave Majumdar cho biết, mặc dù SR-71 có tính năng “không gì sánh bằng” nhưng mức chi phí hoạt động khổng lồ đã buộc nó phải “về hưu non”. Ngoài ra, Không quân Mỹ có nhiều nghi ngờ về khả năng sống sót của Blackbird trước tên lửa phòng không và máy bay đánh chặn thế hệ mới của Liên Xô – đó chính là tên lửa S-300 (SA-10 Grumble) với nhiều phiên bản và tiêm kích đánh chặn MiG-31 Foxhound. Cũng chính vì những lý do đó mà Không quân Mỹ đã kịch liệt phản đối yêu cầu khôi phục lại chương trình này của Quốc hội Mỹ. Theo tạp chí Không quân Mỹ, SR-71 có chi phí hoạt động từ 200 – 300 triệu USD mỗi năm, riêng loại nhiên liệu đặc biệt trên máy bay đã khiến nó tiêu tốn 18.000 USD/giờ – theo mệnh giá đồng USD năm 1989).
Khủng hoảng đang ‘nảy mầm’ trong góc tăm tối nhất
của hệ thống ngân hàng TQ
Gần như không bị sờ tới khi chính phủ Trung Quốc nỗ lực thanh lọc các sản phẩm tài chính phi ngân hàng, mảng này đã tăng trưởng như vũ bão.
Giới phân tích tìm kiếm những dấu hiệu của cú sốc tài chính tiếp theo có thể ập đến với Trung Quốc đang hết sức chú ý đến góc khuất tăm tối nhất trong hệ thống ngân hàng trong bóng tối (shadow banking) của nước này.
Trung tâm của mối lo ngại là bộ phận được gọi là những sản phẩm “quản lý tài sản độc lập” – loại tài sản đã bùng nổ trong những năm gần đây bằng cách bán các sản phẩm có lợi suất cao cho các nhà đầu tư giàu có. Gần như không bị sờ tới khi chính phủ Trung Quốc nỗ lực thanh lọc các sản phẩm tài chính phi ngân hàng, mảng này đã tăng trưởng như vũ bão, trở thành nguồn cung cấp tín dụng cho các công ty đang rất cần tiền mặt mà không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cho vay khắt khe.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc sâu hơn và tỷ lệ các doanh nghiệp vỡ nợ ngày càng tăng, các nhà đầu tư được cho là sẽ ngày càng thua lỗ nặng. Niềm tin vào mảng này đã sụt giảm mạnh kể từ tháng 7, khi Noah Holdings (công ty lớn nhất trong ngành) tuyên bố các sản phẩm tín dụng trị giá 3,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 477 triệu USD) được quản lý bởi một trong những công ty con của hãng có thể biến mất vì liên quan đến 1 vụ lừa đảo của 1 tập đoàn lớn. Cổ phiếu của Noah niêm yết ở Mỹ đã giảm 38% trong 3 tháng qua.
Hậu quả có thể trở nên nặng nề nếu như sự bất ổn của các sản phẩm này làm dấy lên một đợt giảm giá sâu trong giá của các tài sản có lợi suất cao ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Có một yếu tố khiến các nhà phân tích phải bận tâm: vì chúng quá mơ hồ và chịu sự quản lý rất lỏng lẻo, không ai biết chính xác số tiền đang phải chịu rủi ro là bao nhiêu.
Các báo cáo tài chính của Noah và Jupai Holdings (1 công ty khác cũng niêm yết cổ phiếu ở Mỹ) cho thấy ngành này đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng rất nóng. Số tài sản dưới quyền quản lý của Noah đã tăng trưởng 40% trong 2 năm kết thúc vào tháng 12/2018, lên 169,2 tỷ nhân dân tệ. Đây cũng là giai đoạn mà toàn bộ hệ thống shadow banking của trung Quốc bị siết chặt quản lý và suy yếu.
Trong khi đó tài sản dưới quyền quản lý của Jupai đã tăng hơn gấp 4 kể từ năm 2015 đến cuối năm ngoái, lên 56,8 tỷ nhân dân tệ. Không có con số thống kê chính thức về toàn ngành, nhưng năm 2016 Noah từng ước tính rằng Trung Quốc có trên 8.000 công ty quản lý tài sản độc lập.
Các công ty này cung cấp rất nhiều loại sản phẩm từ những quỹ tương hỗ đơn giản nhất, và phần lớn trong số đó được hậu thuẫn bởi những khoản vay lãi suất cao cho các công ty (thường là công ty bất động sản) không thể tiếp cận với nguồn vốn truyền thống như ngân hàng.
Vì các sản phẩm tín dụng chỉ được bán cho những nhà đầu tư có ít nhất 3 triệu nhân dân tệ tài sản hoặc có thu nhập trung bình 500.000 nhân dân tệ trong 3 năm gần nhất, chúng được loại bỏ khỏi các quy định ngày càng chặt chẽ mà chính phủ Trung Quốc tung ra trong thời gian gần đây để quản lý các sản phẩm quản lý tài sản mà các ngân hàng cung cấp. Trong khi tỷ trọng tài sản tín dụng phi tiêu chuẩn (hầu hết là nợ doanh nghiệp) tại các quỹ quản lý tài sản chỉ được tối đa 35%, các sản phẩm tín dụng được phát hành bởi các công ty quản lý tài sản độc lập không bị ràng buộc bởi mức trần này.
Điều đó cho phép họ cung cấp những khoản vay rủi ro hơn và đem đến cho nhà đầu tư mức lợi suất cao hơn – điều đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi mà lợi suất tại các quỹ truyền thống ngày càng giảm xuống. Một số tài liệu quảng cáo cho các sản phẩm của Noah cho thấy 1 khoản đầu tư 9 tháng có thể đem về mức lợi suất 7,7%/năm – cao gấp 5 lần so với lãi suất huy động cơ bản.
Trong mấy tháng gần đây sự bất ổn ngày càng lớn dần khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất kể từ 1992 và tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp cao kỷ lục. Việc Noah không thể phát hiện rủi ro khi cấp khoản vay cho Camsing International Holding, tập đoàn mà hãng buộc tội là lừa đảo và có Chủ tịch đã bị bắt hồi tháng 6, là bằng chứng cho thấy nhà đầu tư cần cẩn trọng. Hiện cảnh sát vẫn đang điều tra vụ việc ở Camsing.
Vì các công ty quản lý tài sản độc lập tập trung vào những nhà đầu tư giàu có, có thể chúng sẽ gây ra ít rủi ro hệ thống hơn so với các mảng khác của hệ thống shadow banking ở Trung Quốc.
Hơn nữa, giới chức có thể sẽ sớm đưa ra các biện pháp quản lý mảng này. Hồi tháng 2 Ủy ban chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã công bố dự thảo quản lý các công ty quản lý tài sản và các nhà phân phối các sản phẩm đầu tư. Dự thảo hứa hẹn sẽ giúp giảm bớt rủi ro, nhưng theo Liu Shichen, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Z-Ben Advisors, có vẻ như nhà đầu tư không nhận thức được hết mức độ nguy hiểm của những sản phẩm này. Nguyên nhân một phần là do nhiều công ty đã sử dụng chính vốn của họ để đền bù cho khách hàng khi thua lỗ.
Sau TQ, Philippines đang nghiên cứu xây dựng
nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển
Trong chuyến thăm Nga của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Tập đoàn hạt nhân quốc gia Rosatom của Nga và Bộ Năng lượng Philippines (4/10) đã ký thỏa thuận nghiên cứu khả năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi tại Philippines.
Theo thông tin trên, thỏa thuận đã được ký tại Diễn đàn doanh nghiệp Nga-Philippines tại Moskva. Hãng RIA Novosti dẫn lời Giám đốc điều hành Rosatom, Alexei Likhachev, cho biết Nga đã đề xuất với Philippines dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Được biết, Philippines đã xây dựng một nhà máy điện hạt nhân vào thập niên 1980 của thế kỷ trước để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, song nó không bao giờ đi vào hoạt động do lo ngại thảm họa trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, Nga hiện là một trong những nước đi đầu về việc nghiên cứu, chế tạo và đưa vào ứng dụng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Hiện nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga, Viện sỹ Lomonosov đã cập cảng Pevek ở bán đảo Chukotka thuộc Viễn Đông vào tháng trước và dự kiến sẽ bắt đầu phát điện trước cuối năm nay.
Về bản chất, nhà máy điện hạt nhân trên biển là việc đặt các lò phản ứng hạt nhân trên tàu, xà lan lớn để sản xuất điện. Ý tưởng trên được hình thành từ các tàu phá băng, tàu ngầm, tàu sân bay hạt nhân. Về mặt lịch sử, các lò phản ứng hạt nhân đã được sử dụng cho các con tàu di chuyển trên đại dương, bắt đầu với tàu ngầm USS Nautilus của Mỹ từ năm 1955. Theo hiệp hội hạt nhân toàn cầu (WNA), hiện nay thế giới có hơn 140 con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, bao gồm cả tàu phá băng, tàu sân bay cũng như tàu ngầm đang hoạt động.
Liên Xô trước đây và Nga ngày nay nổi tiếng với các tàu phá băng nguyên tử. Tàu phá băng nguyên tử mang tên V.Lenin là tầu sử dụng năng lượng hạt nhân đầu tiên trên thế giới được đóng vào năm 1957 và dừng hoạt động năm 1989. Tháng 6-2016, nhà máy đóng tàu Baltic đã hạ thủy tầu phá băng nguyên tử Arktika lớn nhất thế giới. Tàu Arktika có chiều dài 173m, rộng 34m, trang bị hai lò phản ứng RITM-200 công suất 55 MWe mỗi lò với độ giàu nhiên liệu dưới 20% và chu kỳ thay đảo nhiên liệu 7 năm , thời gian vận hành lò 40 năm có khả năng phá vỡ băng với độ dày hơn 3m. Tiếp theo Arktika, mới đây (22/9/2017) tàu phá băng thứ hai – tàu “Siberi” với hai lò phản ứng cho công suất tổng cộng 175 MW cũng vừa được hạ thủy. Nguyên lý vận hành của các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng các lò phản ứng: Về cơ bản, nước trong bình sinh hơi được đun sôi nhờ trao đổi nhiệt với nước vòng sơ cấp tải nhiệt ra khỏi vùng hoạt lò phản ứng. Hơi nước làm quay tuabin chính dẫn động bánh lái, đồng thời máy phát điện cung cấp điện cho việc bơm nước tuần hoàn làm mát hệ ngưng tụ, bơm nước cấp, bơm tải nhiệt chính và bộ đốt cho bình điều áp. Thuật ngữ nhà máy điện hạt nhân nổi (FloatingNuclear Power Plant -FNPP) hay các trạm phát điện nguyên tử trên đại dương (Ocean Nuclear Power Plant- ONPP) chỉ
các lò phản ứng hạt nhân được lắp đặt trên các con tàu để phát điện có thể di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác trên biển. Chúng được sử dụng cung cấp điện cho các vùng xa xôi hoặc các hòn đảo, các trạm khai thác dầu trên biển.
Trong 25 năm qua, Nga đã làm sống lại ý tưởng xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi. Vào năm 2006, nhà máy đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk đã khởi động dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đặt trên một sà lan, sử dụng một lò phản ứng biến đổi từ tàu phá băng của Nga. Dự án đã được hoãn đi hoãn lại từ những năm 1990 khi Nga bắt đầu đề xuất như là một giải pháp cung cấp năng lượng cho khu vực xa xôi vùng cực Bắc. Sau vài năm, chương trình lại bị hoãn lại một lần nữa tại Sevmash và hiện tại dự án lại được triển khai tại một xưởng đóng tàu ở St Petersburg, với hai nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga đang được xây dựng. Tàu đầu tiên mang tên viện sĩ Lomonosov (Akademik Lomonosov), được trang bị hai lò phản ứng KLT-40S công suất 35MWe, và sẽ được kéo về cảng Bắc cực vùng Pevek, nơi nó sẽ cung cấp cả nhiệt và điện. Thiết kế FNPP Viện sĩ Lomonosov có chiều dài thân tàu 144m, rộng 30 m, sâu 9m và độ choán nước 21500 tấn với khoảng 69 nhân viên làm việc. Độ giàu nhiên liệu trung bình của nhiên liệu lò KLT-40S là 14,1% , đảm bảo yêu cầu quốc tế về chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Thiết kế có khả năng cung cấp 70 MWe, 300MW nhiệt cho thành phố với dân số 200.000 dân.
Thiết kế lò phản ứng tối ưu không gian bố trí các thiết bị chính như các bình sinh hơi và bơm tải nhiệt được gắn trực tiếp vào thùng lò. Các hệ thống an toàn như các bình tích nước cao áp của hệ ECCS hay các van cô lập đường hơi đóng vai trò quan trọng trong trường hợp có sự cố, do các hệ thống bơm cao áp hay thấp áp của hệ ECCS như nhà máy trên đất liền sẽ đòi hỏi nguồn điện dự phòng, một trong những thách thức của thiết kế xa bờ như các FNPP. Thời gian thay đảo nhiên liệu được kéo dài (khoảng 3 năm) giúp việc FNPP ít phải di chuyển. Trung bình khoảng 12 năm FNPP sẽ được đưa trở lại cảng để thực hiện các công việc đại tu, sửa chữa lớn. Mục tiêu của FNPP là cung cấp năng lượng cho các vùng cực Bắc hoặc Viễn Đông, nơi kinh tế đang trên đà phát triển và có khả năng thiếu năng lượng. Ngoài ra, Rosatom còn đặt mục tiêu xuất khẩu, FNPP còn có thể cải biên để khử muối có thể cung cấp khoảng 240.000 m3nước ngọt mỗi ngày. Nhiều nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Algeri, Achentina .v.v. cũng rất quan tâm đến các FNPP. Về mặt đảm bảo an toàn, các lò phản ứng trên FNPP vẫn tuân thủ nguyên tắc bảo vệ theo chiều sâu với các rào chắn an toàn.
Mặc dù tàu phá băng nguyên tử của Nga sử dụng nhiên liệu urani làm giàu cao trong các thiết kế trước đây, nhưng các lò phản ứng sửa đổi cho tàu Viện sĩ Lomonosov sử dụng uranium làm giàu thấp. Điều này giúp làm giảm bớt lo ngại về chống phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng những lo ngại về môi trường và an toàn vẫn là những câu hỏi lớn. Một nhà máy điện hạt nhân nổi có thể sẽ được an toàn từ những trận động đất, nhưng các cơn bão có thể là mối đe dọa tiềm năng, và ứng phó khẩn cấp khi xảy ra tai nạn sẽ rất chậm do vị trí xa và di chuyển khó khăn. Trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân, một nhà máy ở ngoài khơi sẽ có nhiều nước để làm mát. Nhưng một nhà máy điện hạt nhân nổi lại không có nguồn điện dự phòng từ bên ngoài như các nhà máy trên đất liền, và sẽ rất khó khăn trong việc giam giữ phóng xạ so với khi một tai nạn xảy ra tại một nhà máy trên đất liền. Theo tính toán, giá thành sản xuất điện của tàu Viện sĩ Lomonosov vào khoảng 5-6 cents/kW. Giá đầu tư xây dựng cho nhà máy đầu tiên khoảng 10 tỷ Rup (0,42 tỷ USD), các nhà máy sau sẽ có thể hạ giá thành còn 5 – 6 tỷ Rup (0,2 – 0,25 tỷ USD). Các thiết kế hệ thống đảm bảo an ninh nhằm bảo vệ FNPP trước các nguy cơ khủng bố, truy nhập trái phép từ dưới biển hoặc từ trên không cần phải được loại bỏ. Mặc dù, sóng thần rất khó xảy ra trong các vùng lãnh hải của Nga, song khi nhà máy được xuất khẩu, do tàu được neo sát bờ nên khả năng chống đỡ với sóng thần vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Trước Philippines, Trung Quốc cũng đã nghiên cứu, chế tạo nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Theo đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga (5/2014) đã ký thỏa thuận về việc hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Đến cuối tháng 7/2014, Tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) quyết định ký Ý định thư về việc hợp tác phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi với Công ty Rusatom Overseas của Nga. Cũng trong năm 2014, Cục năng lượng quốc gia Trung Quốc thành lập Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật năng lượng hạt nhân để tập trung nghiên cứu chuyên sâu về trạm điện hạt nhân trên biển. Đồng thời, Bộ Khoa học kỹ thuật quốc gia Trung Quốc cũng thành lập “Hạng mục 863” nhằm nghiên cứu tính an toàn và kỹ thuật liên quan tàu động lực hạt nhân và hạng mục nắm bắt kỹ thuật “mô phạm ứng dụng và kỹ thuật sử dụng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ để phát điện”. Tại triển lãm “Phát triển thành quả ứng dụng công nghệ kỹ thuật khoa học quốc phòng quân dụng và dân dụng”, Trung Quốc lần đầu tiên trưng bày mô hình điện hạt nhân trên biển do Bắc Kinh tự nghiên cứu. Tại lần triển lãm này, Trung Quốc đã giới thiệu lò phản ứng cỡ nhỏ ACP100 do Tập đoàn Hạt nhân Trung Quốc tự nghiên cứu. Đến tháng 5/2015, Viện 719 thông báo đã thử nghiệm thành công phương án tàu trở lò phản ứng hạt nhân trên biển tại bể thử nghiệm của Đại học Công nghiệp Đại Liên và Phòng thử nghiệm công trình gần bờ trọng điểm quốc gia. Đến năm 2016 Trung Quốc hoàn thành thiết kế ban đầu và bắt đầu thi công công trình nhà máy điện hạt nhân nổi ACP100S. Tháng 8/2017, Công ty Điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc thông báo góp vốn cùng Tập đoàn Quốc Thịnh Thượng Hải, Tập đoàn Đóng tàu Giang Nam, Công ty Điện khí Thượng Hải và Công ty Điện Triết năng Triết Giang thành lập “Công ty TNHH phát triển năng lượng hạt nhân trên biển”. Công ty trên có vốn điều lệ vào 1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 150 triệu USD), hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, kinh doanh và quản lý trang bị năng lượng hạt nhân biển.
Về mặt chính thống, Trung Quốc cho rằng chế tạo nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển để cung cấp điện cho các vùng duyên hải, vùng biên giới, vùng đảo xa bờ và các giàn khoan dầu khí gặp khó khăn về nguồn điện năng. Trung Quốc cũng biện minh cho rằng hành động của mình chỉ đơn thuần phục vụ mục đích phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân, cũng như cung cấp điện để khử mặn – lọc nước biển thành nước ngọt, làm đá phục vụ ngư dân ướp hải sản đánh bắt trên biển.
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc tìm mọi cách phát triển điện hạt nhân trên biển nhằm cung ứng điện cho các hoạt động quân sự mà Trung Quốc mới triển khai trên các đảo ở Biển Đông, nhất là điện năng dành cho hệ thống radar tối tân của Bắc Kinh. Patrick Cronin, Giám đôc Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới từng nhận định, “các nhà máy điện hạt nhân trên biển sẽ giúp quân đội Trung Quốc có nguồn năng lượng bền vững để thực hiện đầy đủ các hoạt động, từ cảnh báo sớm trên không tới các hệ thống điều khiển vũ khí tấn công và phòng thủ, hay chống ngầm”. Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu Trung Quốc triển khai một trạm điện hạt nhân ở đảo Phú Lâm sẽ khiến Bắc Kinh giải quyết được nhu cầu điện cho “thành phố Tam Sa”, tạo điều kiện để nước này có thể triển khai được các loại hình radar, tên lửa hiện đại và nâng cao năng lực tác chiến cho hải quân Trung Quốc. Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cũng từng cảnh báo sau khi Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân trên biển, Bắc Kinh sẽ viện cớ thực thi các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho những trạm điện trên để tăng cường hiện diện quân sự khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, mất kiểm soát.
Trước âm mưu của Trung Quốc, giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế đã đưa ra nhiều tuyên bố cảnh báo về hậu quả mà các nước ven Biển Đông phải gánh chịu khi xảy ra sự cố đối với nhà máy hạt nhân trên biển. Theo giới chuyên gia, các lò phản ứng hạt nhận đặt trên phao nổi, tàu phá băng, trên tàu ngầm tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm môi trường xung quanh. Dùng nước làm mát thì phải có những biện pháp kỹ thuật để đề phòng việc thất thoát các chất phóng xạ, có thể sinh ra trong quá trình hoạt động của lò phản ứng ra môi trường. Dự án này chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu Trung Quốc không có những kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, công nghệ hạt nhân của Trung Quốc hiện đã có tiến bộ, song vẫn còn hạn chế và chưa đủ trình độ để làm chủ công nghệ điện hạt nhân trên biển. Việc chưa kiểm soát, làm chủ công nghệ mà triển khai chế tạo, hoặc đưa vào sử dụng trạm điện hạt nhân nổi trên biển sẽ đe dọa trực tiếp đến người dân các nước ven biển. Đáng chú ý, nhiều chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc triển khai nhà máy điện hạt nhân trên Biển Đông mà xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ, nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân ven biển, hoạt động tự do hàng hải trong khu vực và trực tiếp phá hủy hệ sinh thái ở Biển Đông: Khi bị rõ rỉ hạt nhân, bão và gió ở Biển Đông sẽ rất nhanh chóng tán phát bui hạt nhân vào đất liền, khiến người dân ven Biển Đông sẽ phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ. Môi trường sinh thái ở Biển Đông, đặc biệt là nguồn hải sản và sinh vật biển sẽ bị tàn phá, hủy diệt hàng loạt. Khi bụi phóng xạ bị tán phát trong không khí cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tự do hàng hải, giao thông thương mại trên Biển Đông sẽ bị tê liệt hoàn toàn.
Trưởng ban Biên giới Campuchia bị truy vấn
về hiệp ước ký kết với Việt Nam
Người đứng đầu Ủy ban Biên giới Campuchia, ông Var Kimhong, vừa được triệu tập đến trước Hội đồng Tư vấn Tối cao nước này vào ngày 10/10 để trả lời những câu hỏi liên quan đến việc ký kết các văn kiện biên giới với Việt Nam vào cuối tuần qua.
Theo tường thuật của Khmer Times, ông Kimhong, người có mặt trong khi lễ ký kết, được yêu cầu tóm tắt kết quả của những thỏa thuận biên giới đã ký kết với Việt Nam cũng như công tác phân định biên giới nói chung.
Trước đó tại Hà Nội, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2006-2019. Tại đây, hai bên đã ký kết hai văn kiện pháp lý mang tính cột mộc trong việc phân định biên giới giữa hai nước, trong đó phê chuẩn đến 84% đường biên giới. Với 16% còn lại, hai bên sẽ yêu cầu Pháp hỗ trợ trong quá trình phân định.
Hội đồng Tư vấn Tối cao (SCC) do Quốc vương Norodom Sihamoni chuẩn thuận thành lập vào tháng 9 năm ngoái, với việc bổ nhiệm 30 đại diện của 16 đảng chính trị Campuchia vào hội đồng để cố vấn cho chính phủ Campuchia, theo yêu cầu của Thủ tướng Hun Sen. Các vị trí cố vấn trong Hội đồng tương đương với cấp vị bộ trưởng.
Nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn Tối cao là đưa kiến nghị lên Thượng viện về các dự thảo luật do Quốc hội Campuchia thông qua và đưa ý kiến cho Thủ tướng về bất kỳ dấu hiệu bất công hay lạm dụng nào của các quan chức.
Khmer Times dẫn thông cáo báo chí của SCC nói rằng cuộc họp với Trưởng ban Biên giới Kimhong là “rất quan trọng” để hội đồng “có những hiểu biết cơ bản về quá trình này nhằm giải thích cho người dân”.
Bản thân ông Kimhong cho biết đã nhận được lệnh của Thủ tướng Hun Sen để điều trần trước SCC và ông “không có gì để giấu diếm cả”, vẫn theo Khmer Times.
Vấn đề tranh chấp biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia từng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ xô xát giữa người dân hai nước trong những năm gần đây, dẫn đến những hệ quả tiêu cực trong cộng đồng người Việt sinh sống tại đất nước Chùa Vàng.
Sự kiện ký kết các văn kiện phân định biên giới giữa hai nước được xem là vấn đề mà công chúng Campuchia rất quan tâm, theo lời Chủ tịch Đảng Thanh niên, ông Pich Sros, nói với Khmer Times.
Theo ông, người dân Campuchia lo ngại về vấn đề minh bạch trong công tác phân định biên giới với Việt Nam.
Ông Sros là người đã đề nghị triệu tập ông Var Kimhong cùng với phái đoàn của ông này đến SCC để giải thích về những điểm tích cực lẫn tiêu cực liên quan đến hai hiệp định biên giới đã ký với Việt Nam.
Trong bài viết trên trang web chính thức của chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng việc ký kết 2 văn kiện về biên giới với Campuchia là một sự kiện trọng đại trong quan hệ hai nước, “là dấu mốc lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình giải quyết biên giới đất liền giữa hai nước sau hơn 36 năm đàm phán”.
Ông cho biết sau khi hai văn kiện pháp lý trên được các cấp có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn và có hiệu lực, hai bên sẽ phải sớm xây dựng và ký kết hiệp định mới thay thế cho Hiệp định về Quy chế biên giới đã ký năm 1983.