Tin khắp nơi – 10/10/2018
Trump: Cuộc họp với Kim Jong Un
đang được sắp xếp
Tổng thống Donald Trump ngày 9/10 tuyên bố kế hoạch họp thượng đỉnh lần thứ hai với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đang được sắp xếp và ông nghĩ có những tiến bộ “không thể tưởng tượng được” trong việc thương thuyết với quốc gia cô lập lâu nay.
“Việc này đang diễn ra và chúng tôi đang sắp xếp,” ông Trump nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc sau khi loan báo việc từ chức của Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley.
Ông nói Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có những cuộc thảo luận tốt đẹp với ông Kim vào cuối tuần qua và 3 trong 4 địa điểm đã được cứu xét. “Thời điểm sẽ không quá xa,” ông nói.
Ông Pompeo phản ánh nhận xét của ông Trump khi trả lời báo chí trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc chiều ngày 9/10.
“Dù còn một chặng đường dài phải đi và nhiều công việc phải làm, nhưng hiện nay chúng ta có thể thấy một con đường mà chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tối hậu là phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn và có thể kiểm chứng được.”
Ông Trump và ông Kim đã có cuộc họp thượng đỉnh lịch sử đầu tiên tại Singapore vào ngày 12/6 qua đó ông Kim hứa làm việc để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên hành động của ông Kim chưa không đáp ứng được những đòi hỏi của Washington về một danh sách toàn diện các kho vũ khí và các cơ sở của nước này và những bước không đảo ngược được để từ bỏ vũ khí hạt nhân có thể đe dọa nước Mỹ.
Tuy nhiên ông Trump vẫn ca ngợi những tiến bộ đạt được cho đến nay.
Hôm 8/10 Ngoại trưởng Mỹ cho biết hai bên “gần” nhất trí về các chi tiết của cuộc họp thượng đỉnh thứ hai.
Ông cũng tiết lộ rằng ông Kim cho biết sẵn sàng để các thanh tra quốc tế vào địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên và cơ sở thử nghiệm động cơ phi đạn Sohae chừng nào Hoa Kỳ và Triều Tiên nhất trí về hậu cần.
Tuy nhiên các chuyên gia nghi ngờ về những gì ông Pompeo đạt được vào ngày 7/10 trong chuyến đi lần thứ 4 đến Bình Nhưỡng trong năm nay. Các chuyên gia này nói lãnh tụ Triều Tiên dường như chỉ đơn giản là nhắc lại và kéo dài những lời hứa trong quá khứ.
Ông Trump lưu ý rằng Hoa Kỳ chưa dỡ bỏ “những chế tài lớn” đã áp đặt lên Bình Nhưỡng.
Triều Tiên rất quan tâm đến việc đạt được một số những thỏa thuận về phi hạt nhân hóa để nước này có thể tăng trưởng về phương diện kinh tế với những lợi ích của đầu tư nước ngoài mà hiện giờ còn đóng cửa đối với Triều Tiên, ông Trump nói.
Trump: Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn
‘sau bầu cử giữa kỳ’
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hội nghị thượng đỉnh lần hai với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ được tổ chức sau cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 6/11.
Theo Reuters, trả lời phóng viên trong lúc bay tới Iowa để chủ trì một buổi vận động, ông Trump nói: “Sự kiện này sẽ diễn ra sau bầu cử giữa kỳ. Tôi không thể đi vụ đó lúc này. “
Mỹ: Bắc Hàn sẵn sàng chào đón thanh sát viên
Bắc Hàn đồng ý đóng cơ sở thử tên lửa
Bắc Hàn ‘sẽ không giải trừ nếu tiếp tục bị phạt’
Mỹ sẵn sàng ‘tái đàm phán’ với Bắc Hàn
Trước đó, hôm 9/10, Trump nói rằng kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai đã được sắp xếp và ông cho rằng tiến trình đàm phán với quốc gia bị cô lập diễn ra “đáng kinh ngạc”.
Ông cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc đàm phán rất tốt với ông Kim vào cuối tuần trước và rằng “ba, bốn địa điểm đã được cân nhắc”.
Trong lúc đến Nhà Trắng chiều 9/10, ông Pompeo nói: “Trong khi vẫn còn một chặng đường dài để đi và nhiều việc phải làm, bây giờ chúng ta có thể thấy con đường giúp chúng ta đạt được mục tiêu tối thượng, đó là việc phi hạt nhân hoàn toàn và được xác nhận ở Bắc Hàn.”
Bắc Hàn vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân?
Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’
Trump dọa hủy thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm 8/10 rằng lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sẵn sàng cho phép các thanh sát viên quốc tế vào các điểm thử hạt nhân và tên lửa.
Đây là một trong các vấn đề chính còn vướng mắc của cam kết phi hạt nhân trước đó.
Pompeo, người đã gặp ông Kim trong một chuyến đi ngắn đến Bình Nhưỡng hôm 7/10, cho biết các thanh sát viên sẽ đến thăm một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa và điểm thử hạt nhân Punggye-ri ngay sau khi hai bên thống nhất về công tác hậu cần.
“Có rất nhiều việc hậu cần phải hoàn tất trước khi thực hiện điều đó,” Pompeo nói trong cuộc họp báo tại Seoul trước khi đi thăm Bắc Kinh.
Viên chức ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ cũng cho biết cả hai bên “gần” đạt thỏa thuận về chi tiết của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn thứ hai theo đề xuất của ông Kim trong bức thư hồi tháng trước.
Một tuần trước, Ngoại trưởng Bắc Hàn cảnh báo “không đời nào” nước ông giải trừ hạt nhân trong khi Mỹ tiếp tục áp các lệnh trừng phạt.
Ri Yong-ho nói tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng các biện pháp trừng phạt đào sâu thêm sự ngờ vực của Bắc Hàn về Mỹ.
Bình Nhưỡng nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ và điều này được Nga và Trung Quốc ủng hộ.
Nhưng chính quyền Trump nói rằng các biện pháp trừng phạt nên được duy trì cho đến khi Bắc Hàn tiến hành phi hạt nhân.
Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt vào tháng 6/2018, tại sự kiện này ông Kim cam kết nỗ lực hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân.
Có rất ít tiến bộ về điều này từ thời điểm đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45775258
Tổng thống Trump lạc quan
về mục tiêu giải trừ hạt nhân Triều Tiên
Khi bay tới Iowa ngày 9/10, Tổng thống Trump bày tỏ sự lạc quan trước những tiến bộ hướng tới việc gỡ bỏ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên nhưng cho biết các biện pháp trừng phạt vẫn tiếp tục phát huy tác dụng.
Tổng thống Trump cũng cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có cuộc đàm phán hiệu quả với lãnh đạo Kim vào cuối tuần qua. Ông Pompeo nói rằng mặc dù phía trước vẫn còn một chặng đường dài và còn nhiều việc phải làm, nhưng mục tiêu cuối cùng cần hướng đến là giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump rất lạc quan về sự tiến bộ giải giáp hạt nhân vì lãnh đạo Kim sẵn sàng cho phép các thanh tra quốc tế đến thăm địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên và kiểm tra cơ sở tên lửa Sohae.
Mặc dù đã có những tiến bộ nhất định nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn lưu ý rằng Hoa Kỳ không dỡ bỏ “các biện pháp trừng phạt”đối với Bình Nhưỡng.
“Tôi rất muốn dỡ bỏ chúng, nhưng cần phải có cái gì đó để làm việc này”, ông Trump nói.
Tổng thống cũng cho biết thêm, Triều Tiên rất muốn đạt được một số thỏa thuận về việc giải trừ hạt nhân để tập trung phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Ông cho rằng đó là một trong những lý do khiến cuộc thảo luận giữa ông và lãnh đạo Kim rất thành công.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc ngày 9/10 cho biết nguồn cung thực phẩm ở Triều Tiên vẫn còn bấp bênh vì cứ 5 trẻ em thì có 1 em bị còi cọc do suy dinh dưỡng. Trong số hơn 10 triệu người dân Bắc Hàn, có gần 40% dân số đang bị suy dinh dưỡng và cần viện trợ nhân đạo.
TT Trump: Chính quyền Obama
‘bất lực’ về vấn đề Biển Đông
Hôm 101/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama là “bất lực” và không ngăn được Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông. Ông Trump còn nói rằng Hải quân Trung Quốc đang đặt ra thách thức mang tính đối đầu với Hoa Kỳ trong khu vực.
Thời báo Economic Times cho biết Tổng thống Donald Trump đưa ra bình luận trên sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo báo cáo cho ông về kết quả cuộc họp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tại Bắc Kinh trong tuần này.
Ông Trump nói với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One: “Chính quyền Obama đã bất lực về Biển Đông.”
Ông Trump nói rằng Hải quân Trung Quốc hiện đang đặt ra một thách thức mang tính đối đầu cho Mỹ trong khu vực đang có tranh chấp.
Trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm Bắc Kinh, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng Trung Quốc đang gửi cho ông một thông điệp, nhưng những thông điệp đó không có tác dụng. Ông nói thêm rằng trong chuyến thăm Bắc Kinh ông Mike Pompeo được đối xử rất tốt, theo kênh truyền hình NDTV.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nói rằng cuộc họp của ông Pompeo ở Trung Quốc không đạt kết quả lớn.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-chinh-quyn-obama-bat-luc-ve-van-de-bien-dong/4607559.html
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
sẽ khiến thế giới ‘nghèo hơn và nguy hiểm hơn’
Szu Ping ChanPhóng viên mảng kinh doanh
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm cho thế giới trở nên “nghèo và nguy hiểm hơn” trong đánh giá mới nhất của IMF về nền kinh tế toàn cầu.
Theo IMF, dự báo về tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và tiếp theo đều sẽ giảm.
Quỹ này cho rằng một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tác động mạnh đến quá trình phục hồi kinh tế.
Cuộc chiến thương mại: ‘TQ đang lo lắng’
Ông Trump cáo buộc TQ ‘can thiệp’ bầu cử
Trump ký thỏa thuận với Canada, Mexico, từ chối TQ
Nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết các rào cản thương mại sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình, doanh nghiệp và các khu vực kinh tế khác.
“Chính sách thương mại phản ánh chính trị mà chính trị vẫn còn bất ổn ở một số nước, cho nên sẽ tạo ra nhiều rủi ro hơn nữa,” Maurice Obstfeld nói.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã công bố thuế quan thương mại mới trên 60 tỷ USD đối với hàng hóa của Mỹ, bao gồm các sản phẩm như khí tự nhiên hóa lỏng, được sản xuất tại các bang trung thành với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong một dòng tweet, ông Trump cảnh báo Bắc Kinh không nên tìm cách ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ.
“Sẽ có sự trả thù kinh tế lớn và nhanh chóng đối với Trung Quốc nếu họ nhắm vào nông dân, hoặc công nhân công nghiệp của chúng ta!” ông Trump nói.
Thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với 200 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc đã có hiệu lực vào tháng trước.
Những rủi ro gì đối với tăng trưởng toàn cầu?
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay dự kiến đạt 3,7% vào năm 2018 và 2019, giảm so với dự báo trước đó của IMF là 3,9% trong tháng Bảy.
Việc tăng trưởng toàn cầu suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến những dự báo về việc mở rộng khu vực đồng euro cũng như sự bất ổn trong một số nền kinh tế thị trường mới nổi.
Đất nước đang ngập trong khủng hoảng, Venezuela, dự kiến sẽ bước vào năm thứ sáu của cuộc suy thoái năm 2019, với lạm phát dự đoán sẽ đạt 10.000.000% vào năm tới.
Chiến tranh thương mại tồi tệ đến mức nào?
Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dự kiến sẽ ảnh hưởng mức tăng trưởng của cả hai quốc gia vào 2019, khi sự tăng trưởng từ việc cắt giảm thuế của Tổng thống Trump bắt đầu suy yếu.
Ông Obstfeld cho biết thế giới sẽ trở thành một “nơi nghèo và nguy hiểm hơn” trừ khi các nhà lãnh đạo thế giới làm việc cùng nhau để nâng cao mức sống, cải thiện giáo dục và làm giảm sự bất bình đẳng.
IMF cảnh báo rằng thế giới phải chịu một sự tác động vĩnh viễn nếu Mỹ tiếp tục thực hiện lời đe dọa áp đặt 25% thuế lên trên tất cả các xe nhập khẩu, và thuế quan toàn cầu sẽ đạt cực điểm ảnh hưởng đến tín nhiệm, đầu tư và chi phí vay.
Trong kịch bản xấu nhất này, nền kinh tế Mỹ sẽ bị tác động đáng kể, trong khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 5% vào năm 2019, so với dự đoán hiện tại là 6,2%.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45798387
Ông Trump đe dọa áp thuế thêm
nếu Trung Quốc trả đủa
Ngày 9/10, tổng thống Donald Trump nhắc lại lời đe dọa áp thuế lên 267 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nhập vào nước Mỹ nếu Trung Quốc trả đủa các biện pháp mới đây của Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục, cũng cho biết là Trung Quốc chưa sẵn sàng đạt được một thỏa thuận thương mại và một vài cuộc gặp gỡ với nước này đã được hủy bỏ.
Tháng trước, ông Trump đã áp đặt thuế quan lên gần 200 triệu đô la hàng Trung Quốc nhập vào nước Mỹ và đe dọa sẽ đánh thuế thêm nữa nếu Trung Quốc trả đủa. Trung Quốc sau đó trả đủa với thuế quan áp đặt lên 60 tỉ đô la hàng hóa nhập từ Mỹ.
Viện cớ là chiến tranh thương mại đang leo thang, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 5/10 cắt giảm mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến trong năm 2018 và 2019.
Ngoại trưởng Pompeo:
Mỹ-Trung có bất đồng căn bản
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa kết thúc chuyến viếng thăm châu Á với những lời qua tiếng lại khá gay gắt tại Trung Quốc khi cả đôi bên đều cáo buộc lẫn nhau làm leo thang căng thẳng gây hại các mối quan hệ song phương. Chuyến thăm của ông Pompeo tới Bắc Kinh trái ngược với chuyến thăm 2 đồng minh của Hoa Kỳ là Hàn Quốc và Nhật Bản, và cũng khác hẳn với chuyến thăm Bình Nhưỡng, nơi cả hai bên đều ca ngợi là mang tính xây dựng và thành công.
Ngoại trưởng Mike Pompeo bắt tay Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc và Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị nhưng hai ông thẳng thắn và không có vẻ gì là ngoại giao trước mặt các phóng viên lúc bắt đầu cuộc họp tại Bắc Kinh.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị:
“Chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt những hành động sai lầm này. Chúng tôi tin là Trung Quốc và Hoa Kỳ nên gắn kết với con đường đúng đắn hợp tác hai bên cùng có lợi thay vì đi vào con đường sai lầm đầy xung đột và đối đầu.”
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo:
“Tôi rất tiếc là cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước là điều mà quý vị đã chọn không theo. Đáng lẽ đây là một cơ hội quan trọng cho chúng ta thảo luận về những vấn đề rộng rãi, quan trọng hơn tạo cơ hội hiện tại cho nhân dân hai nước.”
Ông Vương cáo buộc Hoa Kỳ leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc và tố cáo Hoa Kỳ đang giao dịch với Đài Loan theo cách “làm hại những quyền lợi căn bản của Trung Quốc.”
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Pompeo “trực tiếp nêu lên những lãnh vực mà Hoa Kỳ và Trung Quốc bất đồng ý kiến, trong đó có vấn đề Biển Đông và nhân quyền.”
Tuy nhiên cả hai Ngoại trưởng cũng nói lên sự cần thiết hợp tác nhiều hơn nữa.
Chuyến đi của ông Pompeo diễn ra chỉ vài ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích Trung Quốc nặng lời.
Phó Tổng thống Mike Pence :
“Nói một cách thẳng thắn, sự lãnh đạo của Tổng thống Trump có kết quả; và Trung Quốc muốn một Tổng thống Mỹ khác. Không nghi ngờ gì cả, Trung Quốc đang can thiệp vào nền dân chủ của nước Mỹ.”
Chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến đi thăm châu Á của ông Pompeo trái ngược với những cuộc thảo luận của ông hôm 7/10 với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un mà đôi bên đều mô tả là thành công và có tính cách xây dựng dù không nêu chi tiết. Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay ông Pompeo và ông Kim “duyệt ngày giờ và địa điểm cho cuộc họp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim.”
Vị hôn thê của nhà báo Ả Rập Xê Út mất tích
kêu gọi TT Trump giúp
Vị hôn thê của nhà báo Ả Rập Xê Út bị mất tích sau khi vào lãnh sự quán của nước này ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước cho biết vị hôn phu của bà trước đó nói rằng “ông lo ngại có thể gặp nguy hiểm,” nhưng ông không sợ bất cứ điều gì xảy ra đối với ông tại tòa lãnh sự.
Trong bài báo đăng trên Washington Post, bà Hatice Cengiz nói rằng chồng sắp cưới của bà, nhà báo Jamal Khashoggi, lần đầu tiên đến lãnh sự quán Ả Rập Xê Út vào ngày 28/9, rồi tuần trước đã trở lại lãnh sự quán theo lịch hẹn để lấy giấy tờ làm thủ tục kết hôn cho hai người. Và kể từ đó ông bị mất tích.
Bà Cengiz bày tỏ tin tưởng rằng nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm rõ chuyện gì đã xảy ra với ông Khashoggi, và tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump “giúp làm sáng tỏ” về sự biến mất của vị hôn phu của bà. Bà cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út công bố hình camera an ninh ở khu vực lãnh sự quán.
Ả Rập Xê Út nói ông Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán và bác bỏ cáo buộc từ các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng ông đã bị ám sát ở trong lãnh sự quán.
Nhà báo Khashoggi từ trước đến nay chỉ trích chính phủ của quốc vương Salman và đã sống lưu vong tại Hoa Kỳ trong vòng một năm qua sau cuộc đàn áp bất đồng chính kiến của giới lãnh đạo ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út.
Hôm 10/10, báo Sabah có lập trường ủng hộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã xác định được một nhóm 15 người Ả Rập Xê Út được cho là đã đến Istanbul vào ngày nhà báo Khashoggi bị mất tích, và sau đó nhóm này đã rời Thổ Nhĩ Kỳ trong cùng ngày.
Hôm 09/10, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhà chức trách sẽ lục soát lãnh sự quán Ả Rập Xê Út, nhưng chưa có thông tin chi tiết khi nào sẽ tiến hành.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng ông dự trù sẽ nói với Ả Rập Xê-út về vụ này.
Bão Michael tăng tốc quét vào Florida
Hôm 10/10, bão Michael mạnh lên thành bão cấp 4 có sức tàn phá lớn có thể gây chết người ngoài khơi bang Florida trong Vịnh Mexico với những con sóng cao 4 mét và gió mạnh 220 km/ giờ.
Hãng tin Reuters cho biết có đến 500 ngàn người bắt buộc phải di tản theo cảnh cáo của chính quyền.
Trung tâm Bão Quốc gia Hoa Kỳ (NHC) cảnh báo rằng bão Michael với sức gió mạnh 140 miles/ giờ (220km/giờ) và có sóng cao 13 feet (4 mét) đổ bộ vào Panhandle hay Big Bend của Florida,
Thống đốc Florida Rick Scott thông báo trên Twitter sáng ngày thứ Tư 10/10: “Đây là cơ hội cuối cùng để quý vị sơ tán trước khi tình trạng trở nên xấu đi trong vòng vài giờ tới.”
Một số tác động ban đầu đáng kể nhất của bão Micheal là ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi. Các nhà sản xuất của Mỹ ở vùng Vịnh đã giảm sản lượng dầu khoảng 40% và sản lượng khí đốt tự nhiên 28% hôm 09/10, Cục An toàn và Môi trường cho biết.
Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho toàn bộ tiểu bang Florida, cấp các nguồn lực của liên bang hỗ trợ cho nỗ lực của tiểu bang và địa phương đối phó với thiên tai.
https://www.voatiengviet.com/a/bao-michael-tang-toc-quet-vao-florida/4607317.html
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc từ chức
Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, loan báo từ chức vào cuối năm nay.
Bà Haley, cựu Thống đốc bang South Carolina, phục vụ trong tư cách Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc kể từ khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017.
Bà Haley bênh vực lập trường của chính quyền Trump đối với Iran và Israel. Tháng trước bà đã phối hợp tổ chức chuyến đi Liên hiệp quốc lần thứ hai của ông Trump trong đó có việc ông chủ trì Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lần đầu tiên.
Bà Haley chính thức loan báo quyết định từ chức ngày 9/10 tại Phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc, bên cạnh Tổng thống. Bà nói không có lý do rõ rệt về việc bà ra đi, chỉ là vì bà thấy đã đến lúc phải rời khỏi chức vụ.
“Tôi nghĩ rất quan trọng cho các giới chức chính phủ hiểu rằng khi nào đến lúc cần từ nhiệm, và tôi trao lại mọi thứ tôi gầy dựng trong 8 năm qua, tôi nghĩ đơn giản là cần phải luân phiên để những người khác có thể dồn hết cùng năng lực và sức mạnh vào công việc này.”
Bà Haley nói , kể cả 6 năm làm Thống đốc, bà đã làm việc cật lực trong 8 năm và bà ủng hộ chuyện giới hạn nhiệm kỳ.
Cha mẹ bà Haley là di dân từ Ấn Độ, và bà là 1 trong 6 phụ nữ trong nội các của ông Trump. Bà được xem như là một ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa cho vị trí Tổng thống.
Tuy nhiên, khi được hỏi bà có ra tranh cử Tổng thống vào năm 2020 hay không, bà cho biết bà sẽ ủng hộ ông Trump tái tranh cử.
Ai sẽ thay thế
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikkei Haley?
Tổng thống Donald Trump ngày 9/10 cho biết ông sẽ cứu xét việc chọn bà Dina Powell, giám đốc điều hành của Goldman Sachs và là một cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc, làm Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc thay thế Đại sứ Nikkei Haley vừa từ chức. Ông Trump bác tin đồn rằng ông chọn con gái Ivanka vào chức vụ này.
Nói chuyện với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc vài giờ sau khi loan báo đương kim Đại sứ Nikki Haley sẽ rời khỏi chức vụ vào cuối năm nay, ông Trump cho biết bà Haley sẽ giúp ông chọn người thay thế bà.
Bà Powell phục vụ trong năm đầu tiên của chính quyền ông Trump với tư cách là Phó Cố vấn An ninh Quốc gia phụ trách về chiến lược và là một người có vai trò quan trọng trong những nỗ lực ngoại giao tại Trung Đông. Bà trở lại Goldman Sachs, nơi bà làm việc hơn một thập niên, trước đây trong năm. Bà cũng là một giới chức cao cấp tại Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Cộng hòa George W. Bush.
Tin đồn về việc con gái ông Trump, cô Ivanka Trump, sẽ đảm nhận chức vụ này nổi lên sau khi bà Haley ca ngợi hai vợ chồng con gái Tổng thống Trump nhân thảo luận về việc từ nhiệm tại Phòng Bầu dục sáng ngày 9/10. Tuy nhiên, ông Trump khẳng định ngay với báo giới rằng dù Ivanka thích hợp trong vai trò này, nhưng ông sẽ đối mặt với những cáo buộc là gia đình trị nếu ông chọn con gái.
Đại sứ Nikki Haley bác tin tranh cử Tổng thống
Ngày 9/10, bà Nikki Haley loan báo rời khỏi chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, nhưng ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa cũng lập tức bác bỏ tin bà đang chuẩn bị thách thức Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Ngồi bên cạnh Tổng thống Trump trong Phòng Bầu dục, bà Haley nói 18 tháng làm việc không ngừng tại Liên hiệp quốc “là một vinh dự trong suốt cuộc đời tôi” và bà nói thêm sẽ ở lại chức vụ này cho đến cuối năm nay.
Cựu Thống đốc South Carolina, con gái của di dân Ấn Độ, bà Haley 46 tuổi, được xem có tiềm năng trở thành một ứng cử viên Tổng thống.
Tuy nhiên, trong lá thơ từ nhiệm gởi Tổng thống Trump, bà nói “chắn chắn bà không phải là ứng cử viên của bất cứ chức vụ nào vào năm 2020” và sẽ ủng hộ nỗ lực tái tranh cử của ông Trump.
Bà Haley nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục ngày 9/10: “Không, tôi không ra tranh cử vào năm 2020.”
Bà Haley nói bà không có dự định nào trong tương lai và không nói lý do từ nhiệm. Tuy nhiên, ông Trump cho biết bà đã nói với ông cách đây 6 tháng là bà nghĩ đến việc rời khỏi chức vụ vào cuối năm “để nghỉ ngơi trong một thời gian.”
Ông Trump hết lời ca ngợi bà Haley và mô tả thời gian phục vụ của bà tại Liên hiệp quốc là “tuyệt vời” và “không thể tin được.” Ông chấp nhận đơn từ chức của bà và nói sẽ cử người kế nhiệm bà trong vòng hai hay ba tuần.
Bà Haley là khuôn mặt của ông Trump trong chính sách “Nước Mỹ Trên Hết” tại Liên hiệp quốc, lèo lái việc Hoa Kỳ rút khỏi một vài chương trình của Liên hiệp quốc và tích cực bảo vệ chính sách cứng rắn chống lại Iran và Triều Tiên về chương trình hạt nhân của 2 nước này.
Tuy nhiên đôi khi bà Haley cũng tách biệt khỏi ông Trump.
Một giới chức chính quyền nói ông Trump đã đề nghị cả hai người cùng nhau loan báo việc ra đi của bà Haley tại Phòng Bầu dục và cho biết bà Haley là nhân vật duy nhất của chính quyền ông Trump được đãi ngộ như vậy.
Để đáp lại đặc ân này, bà Haley ca ngợi sự ủng hộ của ông Trump và gia đình đối với bà.
Bà mô tả ông Jared Kushner, con rể đồng thời là phụ tá của ông Trump, là “một tài năng ẩn mình mà không ai hiểu được” về nỗ lực của ông trong việc tái thương thuyết hiệp ước thương mại NAFTA và chuẩn bị cho một kế hoạch hòa bình Trung Đông được mong đợi lâu nay nhưng chưa được tiết lộ.
Bà Haley được các đối tác tại Liên hiệp quốc xem là một tiếng nói rõ ràng trong chính quyền Mỹ thường đưa ra những dấu hiệu lẫn lộn về chính sách ngoại giao, các nhà ngoại giao nói.
Tuy nhiên trong những tháng gần đây bà bị lu mờ vì việc bổ nhiệm ông Mike Pompeo, một người trung thành với ông Trump trong chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao và ông John Bolton, một nhân vật diều hâu trong chức vụ cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc.
Ông Pompeo là người chỉ đạo chính sách thương thuyết với Triều Tiên, còn ông Bolton đứng đầu trong nỗ lực thi hành chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Iran.
Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Thượng nghị sĩ cao cấp của đảng Dân chủ trong Ủy ban Ngoại giao Thượng viện gọi việc từ nhiệm của bà Haley là “một dấu hiệu khác cho thấy chính sách ngoại giao hỗn loạn của chính quyền Trump.”
Bà Haley là nhân vật cao cấp mới nhất trong một loạt các vụ từ chức trong chính quyền như cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson bị cách chức vào tháng 3 năm nay và ông Steve Bannon, chiến lược gia trưởng của ông Trump rời khỏi Tòa Bạch Ốc vào tháng 8 năm 2017.
Là một người cải đạo sang Cơ Đốc Giáo vào năm khoảng 20 tuổi, bà được sự ủng hộ của các thành phần tôn giáo bảo thủ ở miền Nam.
Tiềm năng của bà trở thành ứng cử viên vào các chức vụ cao cấp được đẩy mạnh vào năm 2015 khi bà ra lệnh hạ cờ của của Liên minh miền Nam tại trụ sở Quốc hội South Carolina sau khi một tay súng theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng bắn chết 9 tín hữu người da đen tại một nhà thờ.
Bà Haley cũng ca ngợi những phụ nữ bước ra tố cáo những lạm dụng tình dục và những hành vi bất hảo của nam giới và nói rằng tiếng nói của những phụ nữ này cần được lắng nghe ngay cả khi họ cáo buộc ông Trump.
Bà Haley có một lập trường cứng rắn đối với Nga hơn là ông Trump, người tìm kiếm những mối quan hệ tốt đẹp hơn với Tổng thống Vladimir Putin.
Bà Haley làm những người trong chính quyền khó chịu khi loan báo vào tháng 4 năm nay là Washington sẽ áp đặt các chế tài đối với Moscow vì Nga ủng hộ chính phủ Syria. Ông Trump sau đó quyết định không xúc tiến các chế tài.
Vụ từ chức của đại sứ Mỹ
gây khó khăn cho Liên Hiệp Quốc
Hôm 09/10/2018, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã gây bất ngờ cho mọi người khi tuyên bố sẽ từ chức vào đầu năm tới. Vụ từ chức này gây khó khăn cho Liên Hiệp Quốc, bởi vì nữ đại sứ gốc Ấn Độ nổi tiếng với những tuyên bố bốc lửa dầu sao cũng đã giúp duy trì một kênh đối thoại giữa Liên Hiệp Quốc với Hoa Kỳ, trong bối cảnh tổng thống Donald Trump luôn bài bác tổ chức quốc tế này.
Khi nhậm chức đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 01/2017, cựu thống đốc bang South Carolina, đã gây sốc cho các đồng nghiệp, khi dọa sẽ là ghi vào sổ bìa đen những quốc gia nào không làm theo đúng các chỉ thị của Washington và sẽ ra các biện pháp trả đũa, nhất là về tài chính, đối với những nước này.
Trong thời gian qua, bà Haley cũng đã thể hiện lập trường rất cứng rắn, nhất là đối với Bắc Triều Tiên và Iran, hai ưu tiên ngoại giao của tổng thống Trump. Vị nữ đại sứ này cũng thường xuyên phụ họa những lời chỉ trích của tổng thống Trump đối với Liên Hiệp Quốc, một tổ chức mà theo chủ nhân Nhà Trắng chỉ là một guồng máy quan liêu, thiếu hiệu quả, mà Hoa Kỳ đổ vào quá nhiều tiền.
Hiện giờ chưa ai biết lý do vì sao bà Nikki Haley lại thông báo từ chức đột ngột như vậy, nhưng một điều chắc chắn là ngôi sao đang lên trên sân khấu quốc tế gần đây đã bị lu mờ với việc hai nhân vật nặng ký tham gia chính phủ Mỹ : Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Có lẽ vì không còn nhiều đất để dụng võ cho nên bà Haley đành phải chia tay với chiếc ghế đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
Người ta cũng nghi ngờ bà Haley đã sử dụng chiếc ghế đại sứ tại Liên Hiệp Quốc như là một nấc thang để vươn tới những vị trí cao hơn trên chính trường Mỹ, thành ra trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, bà chỉ tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất dưới con mắt cử tri Mỹ : Iran, Bắc Triều Tiên, Venezuela, tài chính tốn kém của Liên Hiệp Quốc….Nikki Haley thậm chí được cho là có tham vọng bước vào Nhà Trắng, tuy hôm qua bà tuyên bố sẽ không ứng cử tổng thống Mỹ năm 2020 và sẽ ủng hộ ông Donald Trump.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181010-vu-tu-chuc-cua-dai-su-my-gay-kho-khan-cho-lien-hiep-quoc
Trump không có ý cách chức Rosenstein
Tổng thống Donald Trump nói ông không có ý định cách chức Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, người giám sát cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và có hay không có chuyện ông Trump cản trở công lý bằng cách phá hoại cuộc điều tra.
Một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói ông Trump đã gặp ông Rosenstein trên chuyến bay đến Florida ngày 8/10 để nói chuyện với một nhóm thực thi luật pháp.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói ông Trump và ông Rosenstein, cùng với các giới chức khác thảo luận về việc thi hành luật pháp, an ninh biên giới và những vấn đề khác nữa.
Tháng trước, dường như công việc của ông Rosenstein gặp nguy cơ khi báo chí loan tin rằng trong năm 2017 ông đã khuyến nghị bí mật ghi âm ông Trump bên trong Tòa Bạch Ốc và nêu thắc mắc liệu có thể truất phế Tổng thống Trump vì không đủ khả năng đảm nhậm trách nhiệm hay không. Ông Rosenstein nói không hề đưa ra các ý kiến này. Trong bài diễn văn đọc tại Florida ngày 8/10, ông Trump dường như không chú ý đến sự cố xảy ra giữa hai ông nữa.
Các phụ tá khuyên Tổng thống Trump chớ sa thải ông Rosenstein một phần vì các nhà lập pháp đã thông báo cho Tòa Bạch Ốc biết họ muốn ông Rosenstein tiếp tục trông coi cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Mueller, hiện đã kéo dài gần 1 năm rưỡi.
Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng New York,
về lại với Đảng Dân chủ, cân nhắc ra tranh chức Tổng thống
Ông Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng thành phố New York, thông báo chính thức đổi hồ sơ đăng ký cử tri của ông sang Đảng Dân chủ, thêm một bước hướng tới quyết định ra dự tranh trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Tỷ phú Bloomberg, 76 tuổi, cho biết là đang cân nhắc khả năng ra tranh chức Tổng thống trong tư cách là ứng cử viên của đảng Dân chủ.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông phát biểu:
“Hôm nay, tôi tái đăng ký trong tư cách là thành viên của Đảng Dân chủ bởi vì chúng ta cần Đảng Dân chủ để thực thi nguyên tắc phân chia và cân bằng quyền lực mà đất nước chúng ta đang rất, rất cần.”
Ông Bloomberg nói trong phần lớn cuộc đời mình, ông là thành viên Đảng Dân chủ mặc dù ông trở thành một chính khách độc lập từ khi rút ra khỏi Đảng Cộng hoà hồi năm 2007.
Ông Bloomberg là sáng lập viên và là người sở hữu đa số cổ phần của Bloomberg LP, công ty mẹ của hãng tin tài chính Bloomberg.
“Hôm nay, tôi đăng ký trong tư cách là thành viên của Đảng Dân chủ bởi vì chúng ta cần Đảng Dân chủ để thực thi nguyên tắc phân chia và cân bằng quyền lực mà đất nước chúng ta đang rất, rất cần.”
Tỷ phú Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng tp New York
Ông giành được chức Thị trưởng New York thời còn là thành viên Đảng Cộng hoà hồi năm 2001, và tái đắc cử vào năm 2005. Năm 2007, ông tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng hoà và trong tư cách một ứng cử viên độc lập, giành được thêm một nhiệm kỳ Thị trưởng thứ 3 vào năm 2009.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, ông Bloomberg có lúc đã cân nhắc ra tranh cử trong cương vị ứng viên độc lập, nhưng cuối cùng ông quyết định hậu thuẫn bà Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc với ông Donald Trump, ứng viên Đảng Cộng hoà.
Tháng 9 vừa qua, ông Bloomberg chia sẻ với tờ New York Times rằng giờ thì ông nghĩ chỉ có ứng cử viên đại diện cho một chính đảng lớn mới có thể chiếm được chiếc ghế Tổng thống, và nếu ra tranh cử, ông sẽ ra với tư cách một thành viên của Đảng Dân chủ.
Hãng tin AP đưa tin ông tuyên bố đổi đảng sau khi quyết định chi ra nhiều triệu đô la để tăng cơ may đắc cử cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử năm 2018. Vẫn theo tờ Times, ông Bloomberg đã phê duyệt một ngân khoản ít nhất 80 triệu đôla để giúp các ứng cử viên Dân chủ chiếm lại quyền kiểm soát tại Hạ viện Mỹ.
Trong tháng này, các cố vấn của ông Bloomberg cho báo Washington Post biết ông đã phê chuẩn thêm 20 triệu đôla nữa để giúp các ứng viên Đảng Dân chủ lấy lại quyền kiểm soát Thượng viện giữa lúc đang xảy ra cuộc đấu tranh để chuẩn thuận ông Kavanaugh vào Tòa án tối cao.
Quốc tế yêu cầu Venezuela điều tra
về cái chết một nhà đối lập
Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu, Tổ Chức Các Quốc Gia Châu Mỹ đồng loạt lên tiếng yêu cầu một cuộc điều tra độc lập, minh bạch sau khi ông Fernando Alban, một nhà đối lập Venezuela, bị chết trong tù ngày 18 tháng 10.
Ông Fernando Alban, 52 tuổi, ủy viên hội đồng một quận ở Caracas, bị bắt giam từ thứ Sáu 05/10/2018 vì bị cáo buộc liên quan đến vụ ám sát hụt tổng thống Nicolas Maduro vào ngày 04/08. Chính quyền Venezuela khẳng định ông Alban tự vẫn. Theo phát biểu của chưởng lý Tarek William Saab, « ông Alban yêu cầu đi vệ sinh và khi ở đó, ông đã nhảy từ tầng mười ».
Phát biểu với báo giới, luật sư Joel Garcia của nhà đối lập Alban cho rằng còn quá sớm để khẳng định đây có phải là một vụ tự vẫn hay không. Trong một thông cáo, đảng Primero Justicia của ông Alban lên án « một vụ ám sát » và « quy trách nhiệm cho tổng thống Maduro và chế độ chuyên tra tấn ».
Theo AFP, chiều 09/10, linh cữu ông Alban, phủ cờ Venezuela, được chuyển đến khu vườn của Nghị Viện, nơi duy nhất còn do phe đối lập kiểm soát, để tổ chức tưởng niệm, sau đó được chuyển đến Đại học Trung ương Venezuela.
Cùng ngày, căn cứ vào « những thông tin mẫu thuẫn về những gì xảy ra », Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu « một cuộc điều tra minh bạch » để làm rõ hoàn cảnh xảy ra vụ việc. Liên Hiệp Châu Âu cũng kêu gọi điều tra độc lập. Đại sứ Mỹ tại Caracas thì đánh giá cái chết của nhà đối lập là « khả nghi » và cho đây là « thêm một vụ vi phạm nhân quyền » ở Venezuela.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181010-quoc-te-yeu-cau-venezuela-dieu-tra-ve-cai-chet-cua-mot-nha-doi-lap
Châu Âu lo ngại TQ thâu tóm cảng biển
Giới chuyên gia và nhà chức trách các nước cảnh báo nguy cơ Trung Quốc ồ ạt đầu tư xây dựng, thâu tóm cảng biển ở châu Âu nhằm phục vụ mục đích quân sự.
Trong khuôn khổ chiến lược Vành đai và Con đường, những công ty nhà nước chuyên về xây dựng cảng biển của Trung Quốc như Cosco và Thương cảng (CMPH) ồ ạt đổ tiền mua cổ phần hoặc thuê dài hạn nhằm vào các cảng có vị trí chiến lược ở nước ngoài. Theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực cảng biển ở châu Âu kể từ khi Cosco được trao quyền vận hành cảng container tại TP.Piraeus ở Hy Lạp vào năm 2008 trong bối cảnh nước này đang chìm trong khủng hoảng nợ công. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã sở hữu 35% cổ phần cảng Euromax ở Hà Lan, 20% tại cảng Antwerp (Bỉ) và đang xây dựng cảng mới ở Hamburg (Đức).
“Giới chức từ các quốc gia EU ngày càng lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng hoạt động đầu tư, xây dựng cảng để gây ảnh hưởng lên từng thành viên”, chuyên gia Frans-Paul van der Putten thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Hà Lan nhận định. Hiện EU đang thảo luận về khung pháp lý chung nhằm tăng cường quản lý và kiểm soát nguồn đầu tư nước ngoài. Riêng ở Ý, Chánh văn phòng nội các Giancarlo Giorgetti nhấn mạnh chính phủ hoan nghênh đầu tư Trung Quốc, nhưng khẳng định không có chuyện Bắc Kinh có thể thâu tóm tài sản quốc gia. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc các công ty Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào cảng Trieste. “Chúng tôi sẽ đảm bảo Trung Quốc đóng vai trò xây dựng và chỉ nắm giữ một số ít cổ phần, chứ không thâu tóm, có quyền vận hành cả cảng như ở Piraeus (Hy Lạp) và Hambantota tại Sri Lanka”, ông Zeno D’Agostino, Chủ tịch Công ty nhà nước vận hành cảng Trieste, nói với tờ Asia Times.
Đáng chú ý, trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, chính quyền Trung Quốc đã đặt mục tiêu kết hợp các ngành công nghiệp quốc phòng và dân sự, theo tờ China Daily. Điều này đồng nghĩa tận dụng công nghệ, cơ sở hạt tầng dân sự vào mục đích quân sự. Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc phòng tiên tiến Mỹ cảnh báo Trung Quốc đầu tư xây dựng, thâu tóm cảng biển ở nước ngoài nhằm mục đích gia tăng sức ảnh hưởng chính trị và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự lẫn dân sự, từ đó đẩy mạnh sự hiện diện hải quân ở vùng biển xa. Tương tự, trong một hội thảo tại Đại học Haifa (Israel), cựu Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Gary Roughead nhận định: “Các công ty Trung Quốc vận hành cảng ở châu Âu có thể theo dõi hoạt động tàu dân sự lẫn quân sự Mỹ hoạt động trong khu vực”. Cũng tại hội thảo, cựu Phó tư lệnh hải quân Israel Shaul Chorev cảnh báo: “Trung Quốc vận hành cảng và kiểm soát các phương tiện thông tin liên lạc, điều này trái ngược với lợi ích của nước sở tại. Chính phủ cần phải thiết lập cơ chế pháp lý giải quyết vấn đề này”.
Đức là quốc gia đầu tiên ở EU có biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát hoạt động đầu tư ồ ạt của Trung Quốc. Hồi tháng 7.2018, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel ngăn chặn tập đoàn Trung Quốc Yantai Taihai mua cổ phần nhằm thâu tóm Công ty Leifeld Metal Spinning, chuyên sản xuất thiết bị dùng trong ngành năng lượng và hàng không, vì “lý do an ninh”. Cũng trong cùng tháng, Berlin ban hành quy định cho phép chính phủ có quyền can thiệp, kiểm tra và ngăn chặn nếu cá nhân/công ty nước ngoài đầu tư, mua trên 15% cổ phần công ty Đức, theo tờ DW.
http://biendong.net/bien-dong/24060-chau-au-lo-ngai-tq-thau-tom-cang-bien.html
NATO tập trận lớn nhất trong 2 thập niên
NATO chuẩn bị khởi động cuộc tập trận quy mô nhất trong vòng 20 năm qua của khối liên minh quân sự, và Mỹ sẽ điều nhóm tấn công tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman tham gia.
Phát biểu tại tổng hành dinh NATO ở Brussels (Bỉ), đô đốc James G. Foggo hôm 9.10 tuyên bố “hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman và nhóm tấn công tác chiến sẽ tham gia cuộc tập trận Trident Juncture”. Trong đó, đô đốc Foggo là tư lệnh hải quân Mỹ, đảm nhận vai trò chỉ huy các lực lượng hải quân của NATO, theo trang tin Defense News.
Trident Juncture có sự tham gia của toàn bộ 29 quốc gia thành viên, trong khi Thụy Điển và Phần Lan cũng góp mặt.
Theo đô đốc Foggo, cuộc tập trận bao gồm 3 chủ đề chính, viết tắt là 3D: “NATO là một liên minh phòng thủ, Trident Juncture thể hiện năng lực vượt trội của chúng tôi, và cùng nhau chúng tôi sẽ chống lại bất kỳ thế lực thù địch nào”.
Trident Juncture 2018 sẽ diễn ra tại Na Uy, một vị trí sát sườn Nga, từ ngày 25-10 đến 7.11, theo giới chức NATO. Tổng cộng 50.000 quân nhân được dự kiến sẽ sát cánh trong các hoạt động phối hợp huấn luyện.
Khi được hỏi về lý do tại sao khối quyết định chọn địa điểm diễn tập sát biên giới Nga, trung tướng Na Uy Rune Jakobsen cho biết: “Khu vực trung tâm của cuộc tập trận cách biên giới Nga hơn 1.000 km, và các hoạt động không quân có thể diễn ra cách biên giới đến 500 km, nên phía Nga không có lý do gì phải hoang mang”.
USS Harry Truman trước đó được cắm tại phía Đông Địa Trung Hải, triển khai các chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Trung Đông.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24059-nato-tap-tran-lon-nhat-trong-2-thap-nien.html
UB Nghị viện EU điều trần
về nhân quyền VN gắn với EVFTA
Ủy ban thuộc Nghị viện châu Âu chuyên trách thương mại quốc tế (INTA) thực hiện buổi điều trần công khai hôm 10/10 về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Vietnam, trong đó một chuyên gia nhân quyền Việt Nam được mời phát biểu.
Buổi điều trần, có tên đầy đủ là “Các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam – lợi ích và giá trị”, diễn ra tại Brussels, Bỉ, vào cuối buổi chiều ngày 10/10, và được truyền trực tiếp trên web của Nghị viện châu Âu.
Chương trình do nghị viện công bố cho biết thêm ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Công thương Việt Nam, và bà Helena Konig, Phó Tổng Giám đốc chuyên trách Thương mại, Ủy ban châu Âu, là hai người thuyết trình chính.
Tiếp sau là phiên thảo luận với tiến sĩ Nguyễn Quang A, người được giới thiệu trong tờ chương trình là “Chuyên gia Nhân quyền đến từ Việt Nam”, và các đại diện của Phòng Thương mại châu Âu ở Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, và tổ chức vận động hành lang BUSINESS Europe.
Trước khi bước vào tham gia điều trần, tiến sĩ Quang A nói với VOA về những điểm chính ông sẽ trình bày với INTA:
“Họ mời tôi với tư cách là một chuyên gia về xã hội dân sự. Thế thì tôi chỉ bàn đến những khía cạnh về nhân quyền và dân chủ hóa của EVFTA thôi. Chỉ xoay quanh những điểm đấy thôi, không bàn về kinh tế, không bàn về chính trị”.
Việt Nam và EU khởi động đàm phán về hiệp định thương mại tự do, gọi tắt là EVFTA, vào tháng 6/2012 và hoàn tất đàm phán vào đầu tháng 12/2015.
Tuy nhiên, gần 3 năm trôi qua, hiệp định chưa được hai bên ký kết chính thức và thông qua để đi vào thực thi. Mối quan tâm của EU đến 3 vấn đề gồm nhân quyền, các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường được xem là các trở ngại chính.
Đánh giá về ý nghĩa của buổi điều trần do INTA chủ trì, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân rằng ủy ban này “hiện nắm chìa khóa của EVFTA”.
Ông Tuấn, người cũng là một cây viết bình luận được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, cho rằng phiên điều trần lần này là “dịp quan trọng” để INTA cân nhắc những vấn đề chính yếu kể trên trước khi họ đi đến quyết định có trình ra Nghị viện châu Âu để phê chuẩn trong kỳ họp cuối cùng vào tháng 3/2019 hay không.
Buổi điều trần được tổ chức trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, các tòa án trong hệ thống chính quyền Việt Nam liên tiếp tuyên các bản án nặng nề, thậm chí tới 15 năm tù, đối với hơn 30 người
về các tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hôm 9/10 đã ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại” về xu hướng Việt Nam “gia tăng” bắt giữ và kết án tù lâu năm đối với những người mà Mỹ coi là “các nhà hoạt động ôn hòa”.
Trước đó, hôm 17/9, 32 nghị sĩ Liên hiệp châu Âu đã gửi một bức thư chung đến hai lãnh đạo của khối, đề nghị họ “thúc đẩy để có tiến bộ mạnh mẽ về nhân quyền ở Việt Nam” trước khi phê chuẩn EVFTA.
Một đoạn trong bức thư gửi đến Đại diện Cấp cao đặc trách chính sách Đối Ngoại và An ninh của EU, bà Federica Mogherini, và Ủy viên Thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom, viết rằng điều cấp thiết EU phải làm là “nêu rõ về một loạt các chuẩn mực nhân quyền mà Việt Nam cần đáp ứng” trước khi EVFTA được ký chính thức và phê chuẩn.
Nhóm nghị sĩ cảnh báo rằng Việt Nam cần “nỗ lực một cách thực tâm” để giải quyết các vấn đề nhân quyền cấp bách vừa nêu, đồng thời “cho thấy những cải thiện cụ thể” trước khi nghị viện bỏ phiếu về hiệp định EVFTA. Nếu không, “chúng tôi khó có thể bỏ phiếu thuận để thông qua hiệp định,” nhóm nghị sĩ nói trong thư.
Theo trang web của Nghị viện châu Âu, khối này và Việt Nam mới chỉ đồng ý với nhau về nội dung văn bản EVFTA, còn ba bước lần lượt tiếp theo – gồm ký kết, Nghị viện EU thông qua, và phê chuẩn chung cuộc – hiện vẫn đang bỏ ngỏ.
Trong giới hoạt động vì dân chủ, nhân quyền Việt Nam, hiện có luồng ý kiến giống 32 nghị sĩ EU, đó là khối này cần gây sức ép mạnh mẽ để Việt Nam cải thiện nhân quyền rõ rệt trước khi thông qua EVFTA, và ngược lại, cũng có nhiều người khác cho rằng việc ký kết hiệp định có thể diễn ra trước.
Tiến sĩ Quang A nhận xét với VOA rằng việc này tương tự như vấn đề “con gà hay quả trứng có trước”, nhưng cá nhân ông ủng hộ việc ký kết trước. Ông lý giải:
“Chính kiến của tôi là phải ký, phải thông qua thì lúc đó mới có một cơ chế để mà tiến hành những cái đòi hỏi về cải thiện nhân quyền”.
Trong các bài viết trên Facebook cá nhân, ông Quang A cho hay chính quyền Việt Nam từng lo ngại về việc ông ra điều trần ở Nghị viện châu Âu nên đã tạm giữ và cấm ông xuất cảnh hôm 18/9. Tuy nhiên, dường như chính quyền đã có sự thay đổi về thái độ và cách tiếp cận, khi ông lên đường bay đi Brussels hôm 8/10 mà không bị cản trở.
Một chuyên gia kinh tế kỳ cựu, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng ông mong Việt Nam và EU sẽ tích cực “trao đổi ý kiến” để quan điểm hai bên xích lại gần nhau hơn và đi đến ký kết, thông qua hiệp định vào tháng 3/2019, trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5.
Hồi cuối tháng 7, theo một bản tin trên trang nhadautu.vn, Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, nói ông hy vọng lễ ký kết hiệp định “sẽ diễn ra trong tháng 10” tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), “hoặc muộn hơn vào tháng 11 tới”.
Ông nói thêm rằng “Nếu vì lý do nào đó làm chậm việc ký kết, chẳng hạn chậm 1 năm, không ai có thể biết nó sẽ diễn ra như thế nào trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu”.
Trang web của Nghị viện châu Âu hồi tháng 2/2018 dẫn kết quả một nghiên cứu đánh giá tác động của EVFTA, cho thấy Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong các nước ASEAN với mức tăng 35% về xuất khẩu, 15% về GDP và 13% về lương bổng cho người lao động, so với kịch bản không có EVFTA.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU28) trong năm 2017 đạt 50,46 tỷ đô la, trong đó tổng lượng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU đạt 38,27 tỷ đô la, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đưa ra nhận định trên Facebook cá nhân rằng về lâu dài, EVFTA sẽ giúp Việt Nam “gần hơn với Âu-Mỹ”, và nhờ đó “giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc” cả về kinh tế lẫn chính trị.
https://www.voatiengviet.com/a/ub-nghi-vien-eu-dieu-tran-ve-nhan-quyen-vn-gan-voi-evfta/4607607.html
Liên Hiệp Châu Âu
muốn giảm 35% khí thải CO2 từ xe hơi
Giảm 35% lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030. Đây là mục tiêu được bộ trưởng Môi Trường các nước Liên Hiệp Châu Âu đề ra trong cuộc họp ngày 09/10/2018 tại Luxembourg, trong bối cảnh nhóm GIEC vừa công bố một bản báo cáo báo động về những hậu quả nghiêm trọng nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 1,5°C.
Thông tín viên Quentin Dickinson tường trình từ Luxembourg :
« Theo thỏa thuận Paris về khí hậu, các nước Liên Hiệp Châu Âu cam kết giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2030. Cuộc đàm phán, kết thúc tại Luxembourg sau nửa đêm, nhằm mục đích ấn định việc giảm khí CO2, theo tỉ lệ so với các mức đề ra cho năm 2021, đặc biệt là đối với xe du lịch và xe tải hạng nhẹ.
Về chủ đề này có hai phe rõ ràng. Một bên ủng hộ giảm 30% lượng khí thải CO2, do Đức và Ủy Ban Châu Âu chủ trương và bên kia là 17 nước khác, trong đó có Pháp, ủng hộ giảm 40%. Áo, nước chủ trì cuộc họp, tìm cách đưa ra một thỏa hiệp khá hợp lý là 35%.
Cuối cùng, mức 35% này đã được chấp thuận, nhưng kèm theo một loạt biện pháp nhằm thỏa mãn các nước, theo đó giảm 30% lượng khí thải CO2 đối với xe tải và xe tải nhỏ dưới 3,5 tấn và một điều khoản quy định một cuộc họp giữa kỳ vào năm 2023 để hoàn thiện mục tiêu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181010-lien-hiep-chau-au-muon-giam-35-khi-thai-co2-tu-o-to
Giáo dục Phần Lan: Học và thi ít vẫn nhất thế giới
Claudia WallinBBC News Brazil
Theo Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế (PISA), sinh viên Phần Lan đạt điểm số cao hơn về môn khoa học, toán và đọc so với mức trung bình ở các nước khác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nhưng ở cuối những năm 1960, chỉ có 10% sinh viên Phần Lan hoàn thành bậc trung học.
Giáo dục Singapore: Điểm cao nhưng áp lực lớn
Ưu tiên điểm thi đến mấy đời con cháu
VN-Australia: tiến triển mạnh nhất là giáo dục
Giáo dục tại nhà qua ví dụ nước Anh
Cải cách sáng tạo
Câu chuyện thành công của peruskoulu – hệ thống giáo dục phổ cập và bắt buộc của Phần Lan – bắt đầu vào những năm 1970 và được đẩy mạnh vào những năm 1990 nhờ một loạt cải cách đổi mới.
Ngày nay, khi các đoàn chuyên gia quốc tế đến thăm đất nước này để tìm hiểu cách thức giáo dục “màu nhiệm” của Phần Lan, họ được nghe giáo dục công lập chất lượng cao là kết quả không chỉ của các chính sách giáo dục mà còn nhờ vào chính sách xã hội hiệu quả.
“Hệ thống giáo dục công bằng cao ở Phần Lan không phải chỉ riêng là kết quả của các yếu tố giáo dục”, Pasi Sahlberg, một nhà giáo dục Phần Lan, người vừa là giáo viên, huấn luyện giảng viên, nhà nghiên cứu và cố vấn chính sách, đã viết.
“Cấu trúc cơ bản về hệ thống phúc lợi quốc gia Phần Lan đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện công bằng cho tất cả trẻ em và gia đình một con đường giáo dục thành công ngay ở tuổi lên bảy.”
Nguyên tắc bình đẳng và nền giáo dục
Trong cuốn sách xuất bản năm 2014 ‘Bài học Phần Lan 2.0’ (Finnish Lessons 2.0), ông Sahlberg nói sự bất bình đẳng làm cản trở triển vọng phát triển của mọi người ở nhiều cách hơn là giảm sức mua của họ – vì vậy hệ thống giáo dục ở các xã hội có sự bình đẳng có hoạt động tốt hơn các nơi khác?
Ông đã so sánh dữ liệu thu nhập OECD và kết quả PISA và kết luận:
“Có mối liên quan không mạnh nhưng vẫn dễ nhận biết giữa sự giàu có và học tập của học sinh: trong xã hội bình đẳng hơn, học sinh dường như làm tốt hơn ở trường.”
“Các quốc gia có sự công bằng cao (theo thống kê), thì có nhiều công dân biết chữ hơn, học sinh bỏ học ít hơn, ít béo phì, sức khỏe tâm thần tốt hơn, và tỉ lệ có thai ở tuổi vị thành niên ít hơn so với những quốc gia mà khoảng cách thu nhập giàu nghèo cao. Bất bình đẳng có liên quan đến việc dạy và học ở trường.”
Bình đẳng và công bằng xã hội
Tại trường Viikki ở thủ đô Helsinki, con cái của tầng lớp giàu có và giới công nhân ngồi cạnh nhau trong lớp học.
Trường không hề thu học phí và mọi sách giáo khoa, tài liệu học được phát miễn phí.
Trong nhà ăn rộng rãi, các món ăn lành mạnh được phục vụ cho hơn 940 học sinh từ cấp tiểu học đến trung học.
Tất cả trẻ em đều được chăm sóc y tế, khám chữa răng miễn phí và mọi tiến bộ trong học tập của các em đều có sự hỗ trợ từ các nhà tâm lý học và giáo viên.
“Có thể hiểu rằng sự bất bình đẳng trong thu nhập, sự nghèo đói của trẻ em, và việc thiếu phúc lợi ở trường học, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng của các hệ thống giáo dục”, ông Sahlberg viết.
Ông cho rằng sự thành công về giáo dục của Phần Lan phần lớn là do được củng cố bởi mô hình kinh tế về bồi dưỡng bình đẳng và công lý xã hội, được áp dụng qua sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai ..
Mô hình này cung cấp khám sức khỏe và giáo dục miễn phí, nhà ở giá rẻ, thời gian nghỉ thai sản nhiều hơn để khuyến khích nam giới chịu trách nhiệm hơn về việc chăm sóc trẻ em, học mẫu giáo miễn phí, tạo phúc lợi xã hội phong phú cho công dân của họ.
Giáo viên được đề cao
Triết lý của hệ thống cũng được phản ánh trong lớp học.
Trong một trường học điển hình của Phần Lan, giáo viên dành bốn giờ một ngày cho các bài học.
Họ có thời gian để lên kế hoạch cho lớp học của họ, tái tạo lại kiến thức của họ và chú ý nhiều hơn đến học sinh.
Nghề này được trả lương khá cao và điều kiện làm việc tốt.
Việt Nam và cải cách sách giáo khoa
Xung quanh vụ trường GWIS ‘bám rễ ở Việt Nam’
Tiến sĩ ‘quốc tế’ cần điều kiện và lương quốc tế
Dạy học trở thành một trong những nghề nghiệp phổ biến nhất để hướng tới của các sinh viên Phần Lan – đứng đầu, ngang với y học, luật và kiến trúc.
Giờ học của Phần Lan ngắn so với các nước OECD khác: ví dụ: khoảng 670 giờ mỗi năm ở trường tiểu học.
Costa Rica có gần gấp đôi số giờ.
Học sinh tiểu học ở Hoa Kỳ và Colombia có hơn 1000 giờ học mỗi năm.
Erja Schunk, một giáo viên tại trường Viikki, nói:
“Điều quan trọng là trẻ em có thời gian để trở thành trẻ em.”
“Điều quan trọng nhất là chất lượng, không phải số lượng, và thời gian dành cho lớp học”, cô nói.
Học sinh cũng khi về cũng có ít bài tập về nhà hơn.
Theo OECD, 15 tuổi ở Phần Lan dành trung bình 2,8 tiếng mỗi tuần làm bài về nhà, theo sau là Hàn Quốc với 2,9 tiếng.
Thời gian làm bài tập trung bình ở các nước OECD là 4,9 tiếng mỗi tuần, còn ở Trung Quốc là 13,8 tiếng.
Martti Mery, một giáo viên khác thì nói:
“Học sinh học được những gì họ cần phải học trong lớp. Họ có nhiều thời gian hơn để dành cho bạn bè và làm những việc khác mà họ thích, điều đó cũng rất quan trọng”.
Bầu không khí thư giãn
Tại trường Viikki, bầu không khí yên tĩnh và thân mật.
Các em không mang đồng phục và đi lại trong trường chỉ cần tất, không đi giày.
Ở các trường học ở Scandinavia, không ai mang giày
Học sinh Phần Lan cũng không cần lo lắng về các kỳ thi: không có các kỳ thi trong năm năm đầu tiên của giáo dục, và trong những năm sau đó, học sinh được đánh giá theo hiệu suất của các em trong lớp học.
Nguyên tắc của hệ thống giáo dục là mỗi em nhỏ đều có tiềm năng học tốt nếu g được hỗ trợ và có đủ cơ hội.
Giáo viên tin rằng vai trò của họ là giúp học sinh học mà không phải lo lắng và phát triển sự tò mò tự nhiên – không phải lo thi đậu trong các kỳ kiểm tra
Chỉ có 7% sinh viên Phần Lan lo lắng về việc học toán, dữ liệu PISA cho thấy.
Trong hệ thống giáo dục nghiêm ngặt của Nhật Bản, có được kết quả xuất sắc , sinh viên đã phải hy sinh phúc lợi bản thân, tỷ lệ là 52%.
Lợi ích công
Sự tiến bộ của các chính sách giáo dục của Phần Lan đi đôi với phúc lợi xã hội mà nguồn thu là mức thuế cao nhất thế giới: 51,6%.
Mặc dù mang gánh nặng tài chính, Phần Lan vẫn được coi là quốc gia hạnh phúc nhất trên trái đất, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc năm 2018.
Ông Sahlberg nói rằng với quy mô nhỏ và dân số của đất nước (5,5 triệu người) cùng với tính đồng nhất về cấu trúc xã hội khá cao (đa số là một sắc tộc), “rõ ràng là để đưa ra nhiều khía cạnh thiết lập chính sách giáo dục và thực hiện cải cách có vẻ dễ dàng hơn so với các khu vực rộng lớn hơn, đa dạng hơn”.
“Nhưng những yếu tố này tự chúng không thể giải thích tất cả những tiến bộ của nhiều thành tựu trong giáo dục Phần Lan,” ông viết.
“Công bằng, trung thực, và công lý xã hội bắt nguồn sâu sắc trong cách sống của người Phần Lan. Mọi người có ý thức chia sẻ trách nhiệm mạnh mẽ, không chỉ cho cuộc sống của chính họ, mà còn cho cuộc sống của người khác.”
“Nuôi dưỡng hạnh phúc của trẻ em bắt đầu trước khi chúng được sinh ra và tiếp tục trước khi chúng bắt đầu đi học ở tuổi lên bảy, và dịch vụ y tế công cộng có thể dễ dàng tiếp cận với mọi người trong suốt thời thơ ấu.”
“Giáo dục công được coi là một lợi ích công cộng.”
Bài của Claudia Wallin đã đăng trên trang BBC Brazil và BBC Mundo. Các bạn nhớ chia sẻ với BBC các câu chuyện về chủ đề giáo dục.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-45800943
Cảnh sát Bulgaria bắt giữ một nghi can
trong vụ sát hại nhà báo Viktoria Marinova
Ruse, Bulgaria – Theo tin từ Reuters, vào Thứ Ba (9 tháng 10), cảnh sát Bulgaria đã bắt giữ một người đàn ông được xem là có liên quan tới vụ sát hại nhà báo nữ Viktoria Marinova.
Bà Teodor Atanasov, cảnh sát trưởng của sở cảnh sát thị trấn Ruse, cho biết sở cảnh sát đã bắt giữ một nghi can và đang kiểm tra chứng cứ ngoại phạm của ông ta, nhưng trong thời điểm hiện tại, người này chưa phải là nghi can chính thức của vụ án.
Trước đó, một nguồn tin chính phủ quen thuộc với cuộc điều tra cho biết người đàn ông nói trên đã bị tạm giam trong vòng 24 giờ. Các công tố viên Bulgaria dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo trong ngày vì áp lực từ phía quốc tế đang ngày càng tăng lên.
Thi thể của bà Marinova, một nhà báo 30 tuổi, được phát hiện vào ngày 6 tháng 10 gần sông Danube. Bà tử vong do bị đánh vào đầu và siết cổ, ngoài ra, Bộ Nội vụ Bulgaria còn xác nhận bà bị hãm hiếp trước khi chết.
Trước khi bị sát hại, bà Marinova đang phụ trách một chương trình đối thoại mang tên “Detector”, thảo luận về các cáo buộc tham nhũng đối với nhiều thương gia và chính khách liên quan đến quỹ tiền của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, vụ án dường như không liên quan đến công việc này, và cái chết của bà Marinova đã khiến nhiều người ở Bulgaria phẫn nộ, đặc biệt là khi đất nước đang chìm trong tham nhũng.
Vào Thứ Hai và Thứ Ba (9 tháng 10), nhiều người dân đã đến thắp nến và đặt hoa tại tại Ruse để bày tỏ sự tiếc thương với nữ nhà báo. Bà Marinova có một cô con gái chỉ mới bảy tuổi. (Mộc Miên)
Thỏa thuận Brexit có thể hoàn thành
trong vài tuần tới
Belfast/Brussels – Vào Thứ Ba (9 tháng 10), người đứng đầu đảng Northen Irish ủng hộ Thủ tướng Anh Theresa May cho biết một thỏa thuận Brexit “có thể được hoàn thành” trong vòng vài tuần tới.
Chỉ còn chưa đầy sáu tháng trước khi Anh Quốc rời khỏi Liên minh châu Âu, tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu nước Anh và trung tâm tài chính quốc tế khổng lồ của nước này sẽ thực hiện giao dịch với Liên minh châu Âu (EU) như thế nào.
Chính phủ North Ireland và Cộng Hòa Ireland đang thảo luận phương án để tránh việc thiết lập trạm kiểm soát tại biên giới trong trường hợp Anh Quốc và EU không thể đi đến một “thỏa thuận ly hôn” sau Brexit. Thủ Tướng May và đảng Hợp Nhất Dân Chủ (DUP) đã phản đối đề nghị của EU về việc duy trì đặc quyền kinh tế của North Ireland theo khuôn khổ EU.
Trước cuộc gặp với nhà đàm phán Brexit của EU Michel Barnier ở Brussels, lãnh đạo đảng DUP Arlene Foster đã nhấn mạnh bà sẽ không chấp nhận việc có các rào cản quan thuế giữa vùng lãnh thổ này và phần còn lại của nước Anh, tuy nhiên bà Foster cũng cho biết một thỏa thuận Brexit có thể trở thành hiện thực trong vài tuần tới, chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của các bên.
Các nhà đàm phán Brexit của EU tin rằng họ đang tiến “rất gần” đến một thỏa thuận ly hôn ổn thỏa với Anh Quốc, cho thấy hai bên có thể sẽ đưa ra một vài nhượng bộ liên quan đến vấn đề biên giới trên đảo Ireland. Tuy nhiên, ngay cả khi Thủ tướng May đi đến một thỏa thuận với EU, vẫn còn nhiều lo ngại rằng liệu bà có thể thuyết phục người dân của mình, cũng như tìm được sự đồng tình từ Quốc hội Anh hay không.
Nhà lập pháp Steve Baker cho biết có ít nhất 40 nhà lập pháp trong đảng Bảo Thủ của bà sẵn sàng bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit do bà đề nghị nếu Anh Quốc không thể tách biệt hoàn toàn với EU sau khi Brexit. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thoa-thuan-brexit-co-the-hoan-thanh-trong-vai-tuan-toi/
Thượng đỉnh Pháp ngữ:
Một người Rwanda sẽ thành tổng thư ký
Ngày mai 11/10, thượng đỉnh khối Pháp ngữ, sẽ khai mạc. Trong cuộc thượng đỉnh tại Erevan lần này, lãnh đạo quốc gia thành viên sẽ phải bầu ra tân tổng thư ký của khối. Cuộc chiến giành vị trị tổng thư ký khối Pháp ngữ diễn ra quyết liệt cho đến phút chót. Hôm qua, Canada tuyên bố rút sự ủng hộ đối với ứng viên Michaëlle Jean, người Canada cũng là tổng thư ký mãn nhiệm. Như vậy, chức vụ này chắc chắn sẽ rơi vào tay nữ chính trị gia Rwanda, bà Louise Mushikiwabo, người được đa số các nước châu Phi và Pháp hậu thuẫn.
Đặc phái viên RFI Christophe Boisbouviertại Erevan cho biết cụ thể :
« Từ ba tháng nay, thủ tướng Canada đã làm mọi cách để ủng hộ đồng hương Michaëlle Jean. Ông Trudeau đã gọi điện đến các lãnh đạo châu Phi từng nước một, để tìm cách phá vỡ sự đồng thuận của Liên Hiệp Châu Phi đối với bà Louise Mushikiwabo, người Rwanda, đã đạt được tại thượng đỉnh Nouakchott.
Trên thực tế, một số lãnh đạo châu Phi, như lãnh đạo Tunisia Béji Caïd Essebsi và Mali Ibrahim Boubacar Keïta, đã cổ vũ bà Michaëlle Jean nỗ lực đến cùng. Đến mức mà, theo một đánh giá sơ bộ, tối qua tại Erevan, tổng thư ký mãn nhiệm khối Pháp Ngữ Michaëlle Jean vẫn còn hy vọng có được sự ủng hộ của từ 17 đến 18 nước, trên tổng số 54 quốc gia.
Nhưng cạnh tranh với tổng thư ký mãn nhiệm là ứng cử viên Louise Mushikiwabo, người đã tiến hành một cuộc vận động tranh cử bài bản, với sự hỗ trợ trực tiếp của chính tổng thống Rwanda. Tổng thống một nước Tây Phi đã tuyên bố thẳng : Tôi rất quý thủ tướng Canada, nhưng tôi không thể quay lưng lại với tổng thống Rwanda.
Đối mặt với sự kiên quyết của nhóm các nước châu Phi, ủng hộ nữ chính trị Rwanda Louise Muchikiwabo, thủ tướng Canada bắt đầu mất niềm tin. Đúng vào lúc đó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu gây áp lực.
Một người ủng hộ bà Michaëlle Jean tâm sự, một khi đã muốn thì Paris sẽ làm rất mạnh và gây ấn tượng mạnh. Vậy Pháp đã hứa gì để Canada ngừng hậu thuẫn Michaëlle Jean, chắc chắn đó là việc Canada sẽ có được chiếc ghế thành viên không thường trực tại Hội Đồng Bảo An năm 2019-2020.»
Pháp hoãn cải tổ nội các
Hôm nay, 10/10/2018, điện Élysée (phủ tổng thống Pháp) thông báo là việc cải tổ nội các được dời lại cho đến sớm nhất là thứ Bảy tuần này, tức là cho đến khi tổng thống Emanuel Macron từ Armenia trở về Pháp. Điện Élysée cũng xác nhận là sẽ có nhiều bộ thay đổi lãnh đạo.
Ban đầu, toàn bộ chính giới nước Pháp chờ đợi là tổng thống Macron và thủ tướng Edouard Philippe thông báo hôm nay thành phần chính phủ mới và chính phủ này sẽ họp ngay hội đồng bộ trưởng hàng tuần. Nhưng hôm nay vẫn là chính phủ đương nhiệm họp hội đồng bộ trưởng.
Sau khi bộ trưởng Nội Vụ Gérard Colomb từ chức ngày 02/10 để trở về Lyon tranh chức thị trưởng, phát ngôn viên chính phủ Pháp Benjamin Griveaux đã bảo đảm là chỉ cần vài ngày là chọn được người thay thế. Nhưng từ đó đến nay, không ai rõ tầm mức của cải tổ nội các lần này sẽ là như thế nào và nhất là tác động của cải tổ nội các lên nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron.
Cũng do sắp cải tổ nội các cho nên bộ trưởng Tài Chính Bruno Le Maire đã hủy chuyến đi Bali để dự kỳ họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Từ mấy ngày qua, các cuộc mặc cả vẫn tiếp diễn giữa tổng thống Macron với thủ tướng Philippe. Vốn đã rất tế nhị, việc cải tổ nội các lần này lại càng phức tạp đối với các lãnh đạo hành pháp, sau khi trong 17 tháng qua, nhiều bộ trưởng đã rời chính phủ, trong đó có những nhân vật thuộc xã hội dân sự hoặc đại diện cánh trung.
Phe đối lập cánh hữu cũng như cực tả dĩ nhiên đã không bỏ lỡ cơ hội này để đả kích chính phủ của tổng thống Macron.
http://vi.rfi.fr/phap/20181010-phap-hoan-viec-cai-to-noi-cac-ok
Thượng hội đồng Chính Thống Giáo
họp bàn về tương lai của Giáo Hội Ukraina
Từ ngày 10 đến 11/ 10/2018, Thượng hội đồng Chính Thống Giáo họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong các chủ đề chính được bàn thảo là viễn cảnh Giáo Hội Chính Thống Ukraina hoàn toàn tách khỏi Giáo Hội Chính Thống Nga. Nếu chuyện này xảy ra thì chắc chắn Giáo Hội Nga sẽ phản ứng dữ dội. Chính Thống Giáo Phương Đông có thể lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử.
Từ Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot cho biết cụ thể :
« Khoảng vài chục tín đồ tập hợp trong thánh đường nhỏ, thuộc một trong các tu viện cổ nhất của thủ đô nước Nga. Chính ở đây mà cuộc xung đột giữa thượng phụ Matxcơva với giáo trưởng Kiev được nhiều người buồn rầu nhắc đến.
Một phụ nữ bày tỏ: Tôi cho rằng tất cả chúng tôi thuộc về cùng một gia đình, bất chấp các vấn đề chính trị. Đối với tôi, việc này như thể là một gia đình bị chia tách. Điều này thật khủng khiếp.
Kể từ năm 2014 và xung đột tại miền đông Ukraina, quan hệ giữa giáo quyền Matxcơva và giáo quyền Kiev không ngừng tồi tệ đi. Giờ đây, Giáo Hội Ukraina muốn độc lập hoàn toàn với Giáo Hội Nga. Theo linh mục Ermogene, việc chia tách hoàn toàn sẽ là một bị kịch thực sự: Kiev không chỉ là thủ đô của UKraina. Đối với tôi, đó là một thành phố thiêng, một bộ phận làm nên thân thể mầu nhiệm của Giáo Hội chúng tôi. Khi người ta chia xé nó, kết quả sẽ là một thảm kịch.
Để được công nhận độc lập, Giáo Hội Ukraina đã hướng về phía đức thượng phụ thành Constantinople, người được coi là có thẩm quyền tinh thần cao nhất trong thế giới Chính Thống Giáo. Tuy nhiên, nếu đề nghị này được chấp nhận, Giáo Hội Nga đe dọa sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Constantinople. Và đây sẽ là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nội bộ Chính Thống Giáo Phương Đông, kể từ cuộc phân liệt với Giáo Hội Tây Phương cách nay gần 1.000 năm ».
Thượng đỉnh Nhật-Mekong:
Tokyo tăng viện trợ để đẩy lùi ảnh hưởng TQ
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì, lãnh đạo Nhật Bản và 5 quốc gia Đông Nam Á dọc theo sông Mekong đã đồng ý hợp tác để cổ vũ cho một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở “.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, ông Abe mô tả vùng Mekong, với nguồn nhân lực phong phú, là một cây cầu nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Ông bày tỏ hy vọng có thể thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản với các quốc gia Mekong hầu có thể xây dựng một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở và tự do thúc đẩy phát triển kinh tế.
Các nhà lãnh đạo sau đó đã công bố Chiến lược Tokyo 2018, cung cấp các hướng dẫn cho sự hợp tác trong tương lai.
Qua chiến lược này, Nhật Bản dường như muốn củng cố thế đứng của mình về kinh tế để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Chiến lược Tokyo kêu gọi thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung vào tạo ra công nghệ thông tin và truyền thông cũng như đường xá và đường sắt.
Theo chiến lược này, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước Mekong bằng cách đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực như nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.
Các nhà lãnh đạo còn đồng ý tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên dựa trên nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ để hối thúc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị Hợp tác Nhật Bản-Mekong cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền tự do hàng hải, trên biển và trên không, trong bối cảnh các hoạt động hàng hải ngày càng được tăng cường của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhược Điểm của Trung Quốc
Nguyễn Xuân Nghĩa
Trong trận thương chiến đang bùng nổ với Hoa Kỳ, Trung Quốc lại có những nhược điểm nội tại khiến lãnh đạo Bắc Kinh phải nhìn xa hơn biện pháp trả đũa. Những nhược điểm ấy là gì, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây…
Chặn đứng bành trướng
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tếNguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bùng nổ và mâu thuẫn giữa hai nước còn trở nên gay gắt hơn như người ta có thể thấy qua cuộc gặp gỡ của hai Ngoại trưởng hôm Thứ Hai mùng tám vừa qua trong khi kinh tế Trung Quốc lại có dấu hiệu đình trệ khiến Bắc Kinh phải ra biện pháp kích thích lần thứ tư nội trong năm nay. Nếu như vậy, tình hình có thể xoay chuyển như thế nào, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi cho rằng Hoa Kỳ muốn chặn đứng sự bành trướng của Trung Quốc chứ không chỉ có nhu cầu khôi phục khu vực chế biến của mình, và ngược lại Trung Quốc có nhiều nhược điểm lớn trong cơ cấu kinh tế chính trị nên sẽ bị nhiều tổn thất hơn người ta dự đoán trước đây. Nhìn cách khác thì Bắc Kinh có thể chịu đựng nổi nhiều thiệt hại kinh tế vì trận thương chiến nhưng sẽ bị đẩy lui vì những nhược điểm sẵn có trong cơ cấu kinh tế chính trị của họ. Chúng ta nên nhìn ra những nhược điểm ấy trong trường kỳ chứ không chỉ đếm sự tổn thất sẽ có trong vài ba năm sắp tới mặc dù Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF vửa nhận định rằng kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn kinh tế Hoa Kỳ.
Bắc Kinh có thể chịu đựng nổi nhiều thiệt hại kinh tế vì trận thương chiến nhưng sẽ bị đẩy lui vì những nhược điểm sẵn có trong cơ cấu kinh tế chính trị của họ.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Nói về tổn thất, việc Hoa Kỳ có thể áp thuế nhập nội thêm 10% hay 25% trên một lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có trị giá tương đương với hơn 500 tỷ đô la, tức là cao hơn số xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, nên tất nhiên là gây khó khăn cho Bắc Kinh. Nhưng dường như ông còn thấy ra nhiều vấn đề khác nữa. Thưa ông, những vấn đề ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Kinh tế Trung Quốc vẫn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, lên tới 20% của Tổng sản lượng GDP, và dù có tìm ra thị trường khác thay cho thị trường Hoa Kỳ thì cũng bị thất thâu trong nhiều năm tới. Chưa ai có thể tính ra mức thiệt hại một cách chính xác vì mỗi loại hàng hóa lại có sự đàn hồi hay co giãn khác nhau về cung và cầu, nhưng với đà tăng trưởng chỉ còn ở khoảng 6,5% một năm, là chỉ tiêu khó đạt cho năm nay, kinh tế Trung Quốc có thể mất thêm tới 1% của GDP và đấy là thất nghiệp gia tăng lẫn tiêu thụ suy giảm. Bắc Kinh có thể chống đỡ được sự tổn thất ấy, nhưng nhìn về dài thì sẽ không thể vượt nổi những thách đố vốn đã có sẵn ở bên trong.
Những thách đố đối với Bắc Kinh
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho những thách đố Bắc Kinh đang phải đối đầu như ông vừa nói.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta sẽ khởi đi từ địa dư hình thể là yếu tố gần như bất biến là khó thay đổi. Tôi cứ hay nói đến hiện tượng “nhất quốc tam kinh” là một quốc gia có ba nền kinh tế của xứ này. Tại vùng duyên hải ở miền Đông là các tỉnh tương đối trù phú và mở ra thế giới bên ngoài làm dư luận hiểu lầm như sự thịnh vượng của cả nước. Kế đó là các tỉnh bị khóa trong lục địa và khó thông thương với bên ngoài nên còn chậm tiến và kém phát triển. Sau cùng là các vùng phiên trấn do Bắc Kinh lấn chiếm của các sắc tộc khác thành những đặc khu tự trị về hành chính và trại tù khổng lồ. Con Đường Tơ Lụa Mới mà Tổng bí thư Tập Cận Bình đề xướng qua sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ từ năm năm trước, sẽ tốn tiền bạc và thời gian thực hiện để khai thông sự ách tắc này. Nhưng kế hoạch đó chưa thành thì đã gây phản ứng từ nhiều quốc gia như chúng ta đã thấy.
– Bây giờ, trận thương chiến bùng nổ sẽ gây thiệt hại cho các tỉnh duyên hải, nặng nhất là Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và thành phố Thượng Hải vì khu vực này sống nhờ buôn bán với bên ngoài và xuất khẩu hơn phân nửa số hàng hóa của Trung Quốc cũng là do đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp ngoại quốc vào đây. Khi các nơi trù phú nhất lại là chiến trường của trận đấu mậu dịch thì Bắc Kinh tính sao, có thể làm gì? Mà đấy không là thách đố duy nhất vì còn các khu vực lạc hậu kia ở bên trong. Lẽ hợp tan trong lịch sử Trung Quốc nằm tại đó.
– Khi lên lãnh đạo, Tập Cận Bình thấy ra sự thiếu cân đối và thiếu phối hợp nên thâu tóm quyền lực để trung ương tái phân lợi tức cho các địa phương đói kém. Bây giờ, các tỉnh khá giả vùng duyên hải lại mất nguồn lợi từ bên ngoài thì sẽ nghĩ sao về việc tái phân đó? Đấy là một bài toán chính trị cho nỗ lực chuyển hướng kinh tế lồng trong việc tranh đoạt quyền lực và giải trừ tham nhũng!
Nguyên Lam: Ông nêu ra thách đố đầu tiên và có lẽ thuộc về trường kỳ vì liên hệ tới địa dư và lịch sử Trung Hoa. Xưa nay, các tỉnh duyên hải đều hướng ra ngoài và cần trung ương yểm trợ để chạy theo kịp thế giới nhưng cũng vì vậy mà tách rời khỏi các tỉnh bên trong. Bây giờ mâu thuẫn âm ỉ đó có thể gia tăng khi khu vực duyên hải lại bị tổn thất nặng trong trận thương chiến với Hoa Kỳ. Ngoài ra, thưa ông, Bắc Kinh còn bị những thách đố nào khác nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta chưa biết các tỉnh duyên hải phản ứng thế nào với trung ương vì hai bài toán là 1/ chia sẻ lợi tức cho các tỉnh ở trong rồi 2/ bị thiệt vì trận thương chiến Mỹ-Hoa, nhưng hẳn là họ phải có phản ứng và chưa chắc là đã đồng ý rằng chấp nhận tổn thất trong ngắn hạn thì sẽ đạt kết quả khả quan hơn cho cả nước trong dài hạn. Việc Tập Cận Bình ngày càng có chỉ dấu thiên về xu hướng sùng bái cá nhân như Mao Trạch Đông không hẳn là điều hay. Ông ta đang phải đối phó với hai trận đánh, ở bên trong và với bên ngoài. Đã vậy, Trung Quốc đang ở vào khúc quanh chiến lược sau vài chục năm tăng trưởng cao.
– Nền kinh tế bị chìm dưới một núi nợ, khi môi sinh bị hủy hoại và Trung Quốc có thể trôi vào cái “bẫy xập của lợi tức trung bình”. Chúng ta biết các nước kém mở mang đều có một giai đoạn tăng trưởng cao sau khi áp dụng quy luật thị trường, rồi bị đình trệ nếu không tìm ra một hướng phát triển để thay cho lợi thế nhân công nhiều và rẻ. Hướng phát triển đó phải nhắm vào năng suất, với đà tăng trưởng có phẩm hơn lượng và trình độ sản xuất có trị giá cao hơn để theo kịp các nước tiên tiến. Nếu không lên tới đó thì Trung Quốc vẫn chỉ là một nước nghèo, có lợi tức trung bình thấp khi dân số lại bị lão hóa vì chính sách mỗi hộ một con ban hành 40 năm về trước.
Ta về ta tắm ao ta
Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng vì vậy mà Bắc Kinh đã có kế hoạch chủ động công nghiệp hóa gọi là “Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025”?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa đúng vậy. Nhưng kế hoạch “Made in China 2025” nhằm tìm bước nhảy vọt vượt mặt Hoa Kỳ về công nghệ chỉ là sao chép và thậm chí ăn cắp kiến năng hay “know how” của các nước tiên tiến và đang bị các nước Tây phương than phiền. Trong trận thương chiến hiện nay, Hoa Kỳ còn đặc biệt nhắm vào kế hoạch đó và huy động hậu thuẫn của nhiều xứ khác vì thực chất của kế hoạch này là gì? Là đảng và nhà nước Bắc Kinh thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ tân tiến của thiên hạ, như vật liệu bán dẫn, trí thông minh nhân tạo, robotics, hay thuật lý sinh học là bio-technology, v.v… cho hệ thống quốc doanh để áp dụng cho cả hai lĩnh vực dân sự lẫn quân sự. Trong khi đó, tương lai xứ này tùy thuộc vào tiềm năng của doanh nghiệp tư nhân, loại nhỏ và vừa chứ không nằm trong các tập đoàn kinh tế nhà nước kém hiệu năng mà đầy quyền lực. Các doanh nghiệp tư nhân hiện cũng bị thiệt hại nhất vì không được nhà nước bảo vệ.
Nguyên Lam: Nếu vậy, lãnh đạo Bắc Kinh đang gặp bài toán thứ nhì là tìm ra một chiến lược phát triển khác để vươn lên trình độ sản xuất cao hơn tương tự như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan khi dân số lao động lại thu hẹp. Nhưng đúng vào lúc sinh tử này, họ lại bị tấn công trong trận thương chiến, có phải như vậy không, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Chúng ta nên hiểu lời phát biểu của Tập Cận Bình trong ý đó, khi ông nói rằng “Về mặt quốc tế, Trung Quốc ngày càng khó tiếp nhận công nghệ tiên tiến và kiến năng cao cấp. Chủ nghĩa hành động đơn phương và bảo hộ mậu dịch gia tăng khiến chúng tôi phải tự lực cánh sinh và đấy không là điều dở!” Nôm na là không bám thiên hạ để bơi ra biển thì ‘ta về ta tắm ao ta”! Như vậy, Bắc Kinh đành tìm lấy chiến lược phát triển với nhiều khó khăn hơn và chưa chắc đã thoát khỏi cái bẫy của thu nhập trung bình.
Tổn thất kinh tế của trận thương chiến chỉ là chuyện nhỏ, tổn thất chính trị mới là điều ta nên theo dõi trong nhiều năm tới…
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Như vậy, Bắc Kinh còn bị nhược điểm gì khác nữa, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Nếu đi từ xa tới gần, ta thấy ra ba vấn đề. Thứ nhất là dị biệt về lợi tức và nhận thức giữa các địa phương; thứ hai là tìm một chiến lược phát triển bền vững, hơn là chỉ cậy vào hệ thống quốc doanh và nghề ăn cắp. Thứ ba, gần hơn cả, là giải quyết những bài toán ngay trước mắt. Trung Quốc không thể nào tìm lại đà tăng trưởng 10% như trong 30 năm đầu của thời cải cách sau Đặng Tiểu Bình và hết còn lợi thế nhân công nhiều và rẻ, cứ đầu tư dư thừa và xuất khẩu dưới giá thị trường. Ngày nay, xứ này cần tìm ra lực đẩy khác là sức tiêu thụ nội địa.
– Nhưng mô hình tăng trưởng nhờ chắt bóp và trưng thu tiết kiệm của người dân lại gây hậu quả bất lợi là đánh sụt khả năng tiêu thụ trong khi các hộ gia đình ngày nay lại mắc nợ nhiều hơn, nhất là sau trận Tổng Suy Trầm toàn cầu năm 2008-2009. Để ứng phó, Bắc Kinh đã tăng chi và ào ạt bơm tín dụng vào dự án xây dựng hạ tầng và các khu phố ma lẫn các công ty vỡ nợ, những xác chết chưa chôn, trong khi 60% sản lượng lại xuất phát từ các tiểu doanh thương không được bảo vệ và nay đang khốn đốn vì trận thương chiến. Bài toán kinh tế sẽ là vấn nạn chính trị cho lãnh đạo!
Nguyên Lam: Nếu như vậy, nhìn từ chuyện xa đến gần thì phải chăng trận thương chiến hiện nay bùng nổ vào lúc bất lợi nhất cho Bắc Kinh, thưa ông có phải như thế không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi không nghĩ Hoa Kỳ dự tính chuyện này tử trước để chọn thời điểm tấn công, nhưng các nhược điểm kinh tế chính trị của Trung Quốc cũng chẳng do Hoa Kỳ gây ra. Ba chục năm trước, Nhật Bản đã có sản lượng kinh tế bằng 17% của thế giới rồi suy sụp và phải chuyển hướng trong hai thập niên vửa qua mà chưa xong, khi sản lượng ngày nay chỉ còn là 7% của thế giới. Đi sau thiên hạ, Trung Quốc có sản lượng bằng 15% của toàn cầu, đã vượt nước Nhật để đứng hạng nhì thế giới nhưng cũng phải chuyển hướng với ba nhược điểm tôi vừa tóm lược ở trên. Tổn thất kinh tế của trận thương chiến chỉ là chuyện nhỏ, tổn thất chính trị mới là điều ta nên theo dõi trong nhiều năm tới…
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích những nhược điểm của của Trung Quốc ngay giữa trận thương chiến này.
Tìm hiểu chuyện ‘người Hồi giáo ở TQ bị trấn áp’
Roland HughesBBC News
Trung Quốc đang đối diện với những chỉ trích ngày càng tăng về việc nước này đàn áp một số nhóm Hồi giáo thiểu số.
Có những cáo buộc nói rằng một lượng lớn những người thiểu số này đang bị đưa vào các trại giam giữ.
Trung Quốc chặn các học giả nước ngoài ra sao?
TQ bác bỏ phúc trình ‘vô trách nhiệm’ của Mỹ
TQ: Bắc Kinh phủ nhận giam giữ một triệu người Hồi giáo Uighur
Hồi tháng Tám, một ủy ban của Liên Hiệp Quốc được nghe trình bày rằng có tới một triệu người Hồi giáo Uighur và từ các nhóm Hồi giáo khác có thể đã bị bắt giữ tại vùng Tân Cương ở phía tây Trung Quốc, nói mà họ được cho là đã phải đi “cải tạo”.
Cáo buộc do các tổ chức nhân quyền đưa ra, nhưng Trung Quốc bác bỏ hoàn toàn. Đồng thời, đã có những bằng chứng ngày càng nhiều về tình trạng theo dõi, đàn áp những người sống tại Tân Cương.
Mới đây nhất, giới chức Trung Quốc ra chiến dịch hạn chế các sản phẩm thịt halal tại Tân Cương. Đây là loại thịt được chế biến riêng cho người theo đạo Hồi.
Nhà chức trách coi đây là một phần trong các nỗ lực nhằm tái định hình cuộc sống của người Hồi giáo Uighur ở khu vực miền tây này.
Các đảng viên cộng sản và nhân viên nhà nước cũng được lệnh chỉ nói tiếng Trung ở nơi công cộng thay vì dùng ngôn ngữ địa phương.
Trung Quốc nói họ đang có cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Tân Cương.
Người Uighur là ai?
Người Uighur chủ yếu theo Hồi giáo, là cộng đồng có khoảng 11 triệu người sinh sống tại vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Họ tự coi mình gần gũi với các quốc gia Trung Á về mặt văn hóa và sắc tộc. Ngôn ngữ của họ giống với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
TQ: ‘Giam triệu người Uighur’, phá đền thờ Hồi giáo
Nhóm người Uighur trốn khỏi nhà tù Thái Lan
TQ: cấm râu dài, mạng che mặt ở Tân Cương
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, đã có tình trạng di cư ồ ạt của người Hán tới Tân Cương, và người Uighur cảm thấy văn hóa, đời sống của họ bị đe dọa.
Tân Cương nằm ở đâu?
Ở vùng viễn tây Trung Quốc, và là khu vực lớn nhất của nước này.
Tân Cương giáp biên với một số nước, trong đó có Ấn Độ, Afghanistan và Mông Cổ.
Giống như Tây Tạng, đây là vùng tự trị. Tức là về mặt lý thuyết thì Tân Cương có mức độ tự quản nhất định, tách khỏi sự quản lý toàn diện của Bắc Kinh. Nhưng trên thực tế thì cả hai vùng tự trị này đều bị chính quyền trung ương áp dụng nhiều hạn chế.
Trong hàng thế kỷ, vùng tự trị Tân Cương tập trung vào nông nghiệp và buôn bán; các thị trấn nơi này phát triển thịnh vượng nhờ nằm dọc Con đường Tơ lụa.
Nhóm người Uighur trốn khỏi nhà tù Thái Lan
5 người chết ở Tân Cương, Trung Quốc
Người Tân Cương bị tịch thu hộ chiếu
Hồi đầu Thế kỷ 20, người Uighur có một giai đoạn ngắn ngủi tuyên bố độc lập, nhưng đã bị tân chính quyền từ Bắc Kinh, do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, chiếm toàn bộ quyền kiểm soát vào năm 1949.
Chuyện gì đang xảy ra với người dân Tân Cương?
Vào 8/2018, một ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc được nghe trình bày rằng có những báo cáo đáng tin cậy cho thấy Trung Quốc đã “biến vùng tự trị Uighur thành một trại giam giữ khổng lồ”. Có khoảng một triệu người có thể đã bị giam giữ, ủy ban nhân quyền được cho biết.
Các báo cáo được sự hậu thuẫn của các nhóm hoạt động nhân quyền. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói rằng những người có họ hàng người thân ở 26 quốc gia bị coi là “nhạy cảm” như Indonesia, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị gom lại.
Bất kỳ ai có liên hệ với người ở nước ngoài thông qua WhatsApp cũng bị rơi vào tầm ngắm, theo HRW.
Các nhóm nhân quyền cũng nói những người bị bắt giam bị buộc phải nói tiếng Hoa, phải thề trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình, và phải chê bôi hoặc từ bỏ niềm tin tôn giáo của mình.
HRW nói người Uighur bị giám sát chặt chẽ, từ việc bị theo dõi bằng camera nhận diện cho tới quét mã QR ở cửa nhà để giới chức biết được có ai ở trong nhà vào bất kỳ thời điểm nào.
Tin tức cũng nói người dân bị buộc phải đi làm xét nghiệm sinh trắc.
BBC biết được những gì?
Truyền thông hầu như bị cấm hoàn toàn ở vùng Tân Cương, cho nên việc có được các bản tin tường thuật do phóng viên tự thực hiện là rất khó khăn.
Tuy nhiên, BBC đã tìm cách tới thăm được nơi này một số lần và đã thấy những bằng chứng về các trại giam và sự hiện diện dày đặc của cảnh sát ở mọi cấp độ. Cảnh sát kiểm tra, tìm kiếm các thông tin nhạy cảm trong điện thoại di động của người dân.
Chương trình bản tin đêm của BBC, BBC Newsnight, cũng đã phỏng vấn các cựu tù nhân, những người đã tới được các nước khác. Họ nói như sau:
“Họ không cho tôi ngủ, họ treo tôi lên hàng giờ đồng hồ và đánh tôi. Họ có gậy gỗ và gậy cao su, có roi làm từ dây kẽm xoắn, có mũi kim chọc lên da, có kìm rút móng tay. Tất cả đều được bày trên bàn trước mặt tôi, sẵn sàng đem ra dùng vào bất kỳ lúc nào. Tôi cũng nghe thấy có những tiếng người la hét nữa.” – Omir
“Lúc đó là giờ ăn tối. Có ít nhất 1.200 người cầm trên tay bát nhựa không – họ phải hát các bài ca ngợi người Trung Quốc để được cho ăn. Họ giống như robot vậy. Họ dường như đã mất hết cả tinh thần. Tôi biết rõ nhiều người trong số họ – chúng tôi từng ngồi ăn với nhau, nhưng nay họ xử sự như thể họ không nhận biết được là họ đang làm gì. Giống như người bị mất trí nhớ sau vụ tai nạn xe hơi vậy.” – ‘Azat’
Người Uighur có các hoạt động bạo lực?
Trung Quốc nói họ đang phải đối phó với mối đe dọa từ các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tuy có một số người Uighur Hồi giáo đã gia nhập nhóm tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng các tổ chức nhân quyền nói tình trạng bạo lực ở Tân Cương bắt nguồn từ việc Trung Quốc đàn áp người dân nơi này.
Trong 2009, các cuộc bạo lực ở thủ phủ Urumqi đã khiến ít nhất 200 người thiệt mạng, hầu hết là người Hán. Kể từ đó, đã xảy ra nhiều vụ tấn công, trong đó có vụ nhắm vào một đồn cảnh sát và các văn phòng chính quyền hồi 7/2014, khiến ít nhất 96 người thiệt mạng.
Các vụ tấn công bị quy là do phe ly khai Tân Cương thực hiện cũng đã diễn ra ở bên ngoài khu vực – hồi 10/2013, một chiếc xe hơi đã lao vào đám đông ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh.
Cuộc trấn áp mới nhất của chính quyền diễn ra sau khi có năm người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng dao tại Tân Cương hồi 2/2017. Khi đó, Bí thư Tân Cương là Trần Toàn Quốc thúc giục các lực lượng chính quyền là hãy “chôn xác bọn khủng bố trong cuộc chiến biển người”.
Trung Quốc nói gì?
Tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại Geneva 8/2018, quan chức Trung Quốc Hồ Liên Hợp nói các báo cáo về việc cả triệu người Uighur bị giữ trong các trại cải tạo là “hoàn toàn không đúng sự thực”.
Tuy nhiên, trong tháng Chín, một quan chức Trung Quốc nói với các phóng viên bên lề kỳ họp của Liên hiệp quốc tại Geneva rằng Trung Quốc đã thành lập “các trung tâm huấn luyện, giáo dục chuyên nghiệp”.
Trung Quốc hiếm khi đưa ra những giải thích công khai về việc họ xử lý tình hình ở Tân Cương như thế nào. Và bởi Bắc Kinh kiểm soát việc tới Tân Cương nên mọi người rất khó nhận được thông tin công bằng về những gì đang xảy ra tại đó.
Số phận bí ẩn của một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc
Thế giới làm những gì?
Ngày càng nhiều chỉ trích quốc tế về cách hành xử của Trung Quốc đối với người Uighur Hồi giáo, nhưng vẫn chưa có nước nào có hành động gì ngoài việc ra tuyên bố chỉ trích.
Trước khi thủ tướng Theresa May tới thăm Trung Quốc hồi tháng Giêng và tháng Hai 2018, chính phủ Anh nói sẽ tiếp tục quan ngại về việc người Hồi giáo ở Tân Cương bị đối xử ra sao.
Tại Mỹ, một ủy ban của quốc hội chuyên theo dõi tình hình Trung Quốc thúc giục chính quyền ông Trump hãy áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức và công ty có liên quan tới “cuộc khủng hoảng nhân quyền đang diễn ra” tại Tân Cương.
Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet cũng đòi phải để các quan sát viên tới Tân Cương, là đòi hỏi khiến Bắc Kinh giận dữ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45791660
Trung Cộng giảm nhập cảng
khí đốt hóa lỏng LPG của Hoa Kỳ
Singapore – Theo tin từ Reuters, các thương nhân và giới phân tích cho biết Trung Cộng đã giảm nhập cảng khí đốt hoá lỏng (LPG) từ Hoa Kỳ và chuyển sang thị trường Trung Đông để tìm nguồn cung cấp mới trong bối cảnh tranh chấp thương mại đang leo thang giữa hai nước.
Vào năm 2017, Trung Cộng đã mua gần 3.6 triệu tấn LPG của Hoa Kỳ, nhờ đó Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia cung cấp nhiên liệu lớn thứ hai thế giới. Đây là các nhiên liệu được sử dụng trong hóa dầu, cũng như nấu ăn, vận chuyển và sưởi ấm. Tuy nhiên, mặt hàng này của Hoa Kỳ đã giảm đáng kể trong năm 2018, và hoàn toàn ngừng lại vào cuối tháng 8, sau khi Trung Cộng áp đặt mức thuế bổ sung 25 phần trăm cho hơn 300 hàng hóa của Hoa Kỳ, bao gồm khí hóa lỏng LPG, nhằm trả đũa thuế của Hoa Kỳ.
Theo IHS Markit ước tính, mặt hàng LPG nhập cảng của Hoa Kỳ đã giảm xuống chỉ còn 1 triệu tấn trong tám tháng đầu năm 2018, giảm so với khoảng 2.1 triệu tấn cùng thời kỳ năm ngoái. Năm ngoái, Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% tổng nhập cảng LPG của Trung Cộng.
Dựa trên tính toán của Thomson Reuters, giá trị sản phẩm nhập cảng LPG của Hoa Kỳ hiện nay đang tạo ra khoảng 1 tỷ Mỹ kim một tháng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết Trung Cộng sẽ mua LPG từ các nguồn cung cấp khác, chủ yếu là Qatar, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Kuwait, để thay thế mặt hàng nhập cảng của Hoa Kỳ. Sự thay đổi này sẽ làm cho giá nhiên liệu của Hoa Kỳ tăng lên.
Theo nhận định của công ty IHS, giá LPG có thể sẽ ổn định trong tháng 11 và tháng 12 sắp tới do giá dầu tăng đồng thời nhu cầu của người dân tăng cao vào mùa đông. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-giam-nhap-cang-khi-dot-hoa-long-lpg-cua-hoa-ky/
TQ lợi bao nhiêu khi bơm tiền cho nền kinh tế?
Trung Quốc là nền kinh tế đặc biệt nên về trung hạn, không chịu tác động nghiêm trọng của chiến tranh thương mại.
Ngày 7/10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc khoảng một điểm phần trăm từ ngày 15/10, giải phóng khoảng 110 tỷ USD tại các ngân hàng cho vay.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho biết, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bơm thêm tiền vào nền kinh tế là biện pháp đã được Trung Quốc thực hiện nhiều năm nay. Riêng trong năm 2018, đây là lần thứ 4 Bắc Kinh nới van tín dụng.
“Đây là một hình thức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc về vốn, hạ thấp các chi phí tài chính, từ đó nâng cao khả năng tự túc của nền kinh tế về hàng tiêu dùng, giảm bớt hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý đánh giá.
Ông lưu ý, trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc áp dụng rất nhiều biện pháp nhằm điều chỉnh cơ cấu sản xuất và xuất khẩu, đối phó với các đòn thương mại của Mỹ.
Vì thế, các đòn thương mại, trong đó có đòn thuế quan mà Mỹ liên tục áp vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc chắc chắn có tác động đến nền kinh tế Trung Quốc nhưng tác động đến đâu thì cần phải xem xét, đánh giá kỹ càng.
Trước mắt, đồng USD vẫn lên giá, còn đồng nhân dân tệ mất giá song tác động của chiến tranh thương mại với thị trường Trung Quốc, theo ông Quý, là không lớn vì Trung Quốc là một thị trường đặc biệt.
“Về mặt trung hạn, tác động của chiến tranh thương mại với Trung Quốc không phải là nghiêm trọng. Trung Quốc không tư duy máy móc như của các nước phương Tây, nhất là trong điều kiện hiện nay Trung Quốc ngày càng phát triển các ngành sản xuất những sản phẩm phải nhập khẩu trực tiếp. Trung Quốc đã đưa ra chiến lược Made in China 2025 với mục tiêu tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng điểm lên 40% năm 2020 và 70% năm 2025.
Trung Quốc có rất nhiều thứ đặc biệt. Trong cuộc chiến thương mại này, rất nhiều ý kiến cho rằng kinh tế Mỹ bị thiệt hại nhiều hơn, còn kinh tế Trung Quốc dù ở thế yếu nhưng lại co giãn hơn kinh tế Mỹ.
Trung Quốc có thể tự sản xuất các sản phẩm thuộc ngành kinh tế công nghệ cao vốn phải nhập khẩu từ Mỹ, nhưng Mỹ rất khó thay đổi những sản phẩm trước nay vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa, chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng với Trung Quốc cũng được vận dụng với các nền kinh tế khác và đương nhiên sẽ bị phản ứng lại. Do đó, Mỹ sẽ thiệt hại nhiều hơn.
Trong giao lưu thương mại, Trung Quốc cần Mỹ hơn Mỹ cần Trung Quốc và xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc hơn đối với Mỹ. Nhưng Trung Quốc, ngoài quan hệ với Mỹ, có thể co giãn thị trường xuất khẩu, tăng cường các đối tác thương mại khác và việc điều chỉnh thị trường nội địa Trung Quốc cũng rộng mở hơn Mỹ”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý phân tích.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng, biện pháp thuế quan mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc không hiệu quả như Washington mong đợi. Bằng chứng là trong điều kiện chiến tranh thương mại căng thẳng, thâm hụt của Mỹ trong thương mại hàng hóa với Trung Quốc vẫn tăng.
Theo Cục thống kê dân số Mỹ, tính từ đầu năm, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên thành 338 tỷ USD trong khi con số của 7 tháng đầu năm 2017 chỉ là 316 tỷ USD.
Trung Quốc và EU là 2 trong số những nền kinh tế mà chính quyền Trump đặc biệt nhắm đến trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, mức thâm hụt trong tháng 7 của Mỹ với Trung Quốc và EU đều chạm mốc kỷ lục.
Mỹ bị thâm hụt 36,8 tỷ USD trong cán cân với Trung Quốc và lượng hàng hóa Washington nhập từ Bắc Kinh tăng 5,6%, trong khi xuất khẩu giảm 7,7%. Tương tự, Mỹ thâm hụt 17,59 tỷ USD trong cán cân thương mại với EU, khi nhập khẩu tăng 2,5% còn xuất khẩu giảm 15,7%.
“Có nhiều lý do khiến mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng. Cần lưu ý rằng, thâm hụt thương mại không chỉ bị tác động bởi thuế nhập khẩu mà còn chịu tác động rất lớn của nguồn nhập khẩu”, ông nói.
Cũng theo vị chuyên gia, Tổng thống Trump đe dọa đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng nghĩa với việc toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị tăng giá nhưng đó mới chỉ là tuyên bố.
Từ nay đến tháng 11 tới, khả năng Mỹ sẽ không tiếp tục ra đòn thuế quan vì khi thị trường Mỹ chịu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại, uy tín của ông Trump cũng sẽ suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.
“Vì thế, đồng USD có tăng giá và đồng nhân dân tệ có mất giá thì cũng chỉ ở mức độ nhất định bởi đó là con dao hai lưỡi. Cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ thận trọng trong chính sách tỷ giá.
Nên nhớ rằng, trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tính toán của Tổng thống Trump không hoàn toàn xuất phát từ vấn đề thiệt-hơn trong quan hệ thương mại mà còn nhằm nhiều mục đích địa chính trị, an ninh… khác”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý lưu ý.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24056-tq-loi-bao-nhieu-khi-bom-tien-cho-nen-kinh-te.html
Trung Quốc dùng sông Mêkông
làm công cụ bành trướng tại Đông Nam Á
Nhật Bản và 5 nước khu vực sông Mêkông (Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện) ngày 09/10/2018 đã họp thượng đỉnh tại Tokyo để thúc đẩy một chính sách mới nhằm phát triển toàn vùng theo hướng kết nối khu vực, lấy trọng tâm là cư dân bên sông và bảo vệ môi trường. Dù không nói ra, nhưng đề án do Tokyo chủ trì là một nỗ lực nhằm hạn chế đà bành trướng của Trung Quốc trên vùng lục địa Đông Nam Á. Đài phát thanh Mỹ NPR ngày 06/10/2018 vừa qua đã có một bài phân tích chi tiết về điều được gọi là « Trung Quốc định hình lại sông Mêkông để tăng cường đà bành trướng – China Reshapes The Vital Mekong River To Power Its Expansion ».
Bài viết của NPR nêu bật một loạt hoạt động của Trung Quốc nhằm « chiếm hữu » dòng sông Mêkông, từ việc cho tàu tuần tra xuống đến tận cửa ngõ vào Thái Lan, tiếng là để bảo vệ an ninh cho tàu bè đi lại trên sông, cho đến việc xây đập vô tội vạ để làm điện, bất chấp tổn hại môi trường cho các nước láng giềng ở hạ nguồn.
Nhận xét đầu tiên của phóng viên đài NPR khi đến Thái Lan, một trong những quốc gia ven bờ Mêkông là tình trạng tràn ngập du khách Trung Quốc, được ghi nhận là đông đảo hơn bất kỳ du khách đến từ nơi khác. Đấy cũng là tình trạng chung tại hầu hết các nước Đông Nam Á khác.
Tàu Trung Quốc tuần tra trên sông: Mục tiêu hù dọa
Vấn đề tuy nhiên không chỉ là du khách : Hàng tháng đều có một vài chiếc tàu Trung Quốc có võ trang, từ cảng Quan Lũy (Guanlei) ở Vân Nam (Trung Quốc), xuôi dòng sông, qua Miến Điện và Lào để đến tận khúc vào Thái Lan.
Chiến thuyền Trung Quốc hụ còi inh ỏi để báo trước sự hiện diện, rồi đánh một vòng chữ U dài ngay sát đường ranh giới với Thái Lan, tàu tuần tra Thái Lan có mặt tại chỗ chỉ lặng yên quan sát. Trước khi rời đi, tàu Trung Quốc lại cho còi hụ một tràng dài và lớn. Đôi khi người ta thấy bóng dáng một chiếc tàu tuần giang của Lào tháp tùng theo tàu Trung Quốc.
Đối với phóng viên đài NPR, khu Tam Giác Vàng khét tiếng là một trung tâm buôn bán ma túy, và theo Bắc Kinh, mục tiêu các chiến dịch tuần tra hàng tháng của lực lượng Trung Quốc, quyết định từ năm 2011, sau vụ 13 thủy thủ bị giết chết, chỉ nhằm « giúp cho dòng sông biên giới an toàn hơn ».
Thế nhưng, theo một số nhà phân tích, lý do bảo đảm an ninh chỉ là cái cớ, còn thực ra mục tiêu chính là hù dọa, răn đe các nước trong vùng.
Chuyên gia Elliot Brennan, thuộc Học Viện Chính Sách Phát Triển và An Ninh, có trụ sở tại Bangkok, cho rằng sự hiện diện của chiến thuyền Trung Quốc trên sông Mêkông chỉ nhằm « nhắc nhở các láng giềng về trọng lượng và uy lực cứng cũng như sắc bén ngày càng tăng của Bắc Kinh… Trung Quốc ».
Đập thủy điện giúp Trung Quốc khống chế láng giềng
Bài phân tích của đài NPR không ngần ngại xem vùng Đông Nam Á là sân sau của Trung Quốc : « Ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc đang gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, sân sau của họ. Sáng kiến Một Vành Đai và Một Con Đường đang mở rộng thêm ảnh hưởng của Bắc Kinh, với việc xây dựng đường xá, tàu cao tốc và hải cảng đang được rốt ráo tiến hành ở Đông Nam Á, giúp cho hàng hóa Trung Quốc tiếp cận tốt hơn với các thị trường cả trong khu vực lẫn xa hơn nữa ».
Mặt khác, Trung Quốc cũng đang xây dựng một loạt đập thủy điện trên sông Mêkông, mà theo các nhà phân tích, sẽ sản xuất ra điện cần thiết, nhưng đặt ra các mối đe dọa lớn cho môi trường, và đặc biệt là tiếp tục cho phép Bắc Kinh mở rộng quyền kiểm soát của họ trong khu vực.
Theo NPR, đà bành trướng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, đã được cảm nhận và trong nhiều trường hợp, làm dấy lên sự sợ hãi.
Chuyên gia Brennan nhận định : « Việc Trung Quốc đồng thời kiểm soát cả Biển Đông lẫn sông Mêkông, về mặt chiến lược, sẽ kẹp khu vực Đông Nam Á trong gọng kềm ». Đối với ông Brennan, âm mưu của Bắc Kinh nhằm kiểm soát các dòng sông tại Đông Nam Á là « phần nửa còn lại của cái gọi là chiến lược tằm ăn dâu (hay cắt lát xúc xích – salami-slicing) của Trung Quốc trong khu vực. »
Bắc Kinh không có cản lực trong vùng Mêkông
Theo chuyên gia Brennan, điều đáng ngại là trên đất liền Đông Nam Á, Trung Quốc không có đối thủ, trong lúc tại Biển Đông, Bắc Kinh đang vấp phải cản lực từ Mỹ và các đồng minh.
Chiến lược tằm ăn dâu của Trung Quốc ở Biển Đông thể hiện qua việc từng bước bối đắp và xây dựng trên các rạn san hô trong vùng biển có tranh chấp của Biển Đông. Tuy nhiên Hoa Kỳ và các đồng minh hiện đang nhấn mạnh nhu cầu bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng biển rộng lớn mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Trong hồ sơ Mêkông, Trung Quốc có một lợi thế tự nhiên : Đó là việc con sông – tên tiếng Hoa là Lan Thương Giang – đã bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng thuộc lãnh thổ Trung Quốc, trước khi chảy qua năm nước Đông Nam Á trước khi đổ ra Biển Đông.
Chuyên gia Thitinan Pongsudhirak thuộc Đại Học Chulalongkorn của Thái Lan so sánh như sau : « Không giống như trường hợp Biển Đông, vùng sông Mêkông không có các cường quốc khu vực quan trọng khác… Vì vậy, Trung Quốc không phải tranh đấu với Hoa Kỳ hay Úc hoặc Ấn Độ và tất cả các quốc gia khác, như là ở Biển Đông ».
Từ hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mêkông, trên lãnh thổ của họ. Mười con đập đã được xây xong, với nhiều con đập đã được lên kế hoạch.
Đối với chuyên gia Thitinan, vốn đã nghiên cứu sâu về vấn đề Mêkông và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc dọc theo con sông thì tình trạng đó là một hiểm họa cho các nước Đông Nam Á.
« Tôi thấy rằng đó là một tình huống có thể xấu đi… Nếu có thêm nhiều con đâp được xây dựng, và nước khan hiếm đi thì… Trung Quốc có thể sử dụng vị trí của họ ở thượng nguồn làm phương tiện gây sức ép, thậm chí làm công cụ cưỡng chế » các quốc gia ở hạ nguồn.
Theo ông Thitinan, sinh kế của khoảng 60 triệu người ở khu hạ lưu sông Mêkông – Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam – phụ thuộc vào dòng sông.
Mở rộng con sông để phục vụ lợi ích thương mại
Hiện nay, tác hại của các con đập đã bắt đầu được cảm nhận, nhưng theo NPR, vấn đề không chỉ ngừng ở đó, mà Bắc Kinh còn có kế hoạch mở rộng và đào sâu một số khúc sông để cho tàu bè lớn hơn cho thể di chuyển được, từ Vân Nam xuống đến tận Luang Prabang ở Lào, phục vụ cho lợi ích thương mại của Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa là phải phá ghềnh, nạo vét những đoạn sông hẹp, và các nhà môi trường cảnh báo rằng điều đó sẽ làm thiệt hại nhiều hơn cho dòng Mêkông và số cư dân lệ thuộc vào con sông.
Trước phong trào phản đối việc mở rộng con sông, một số đề án đã bị tạm dừng, nhưng chuyên gia Thitinan cho rằng việc dựng sẽ không lâu do việc chính quyền Thái Lan bị sức ép rất lớn từ phía Trung Quốc.
« Đối với Thái Lan, đó là điều mà Trung Quốc … từng đòi hỏi, và Trung Quốc có một mức giá khá cao buộc (Thái Lan) phải trả nếu không đáp ứng. Áp lực sẽ tiếp tục ».
Vấn đề, theo ông Thitinan, Bangkok hiện đang bị kẹt giữa hai áp lực, vì bản thân các doanh nghiệp Thái Lan cũng muốn có thêm giao dịch với Trung Quốc…
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181010-trung-quoc-dung-song-mekong-lam-cong-cu-banh-truong-tai-dong-nam-a
Đài Loan diễn tập đáp trả đòn tấn công của TQ
Lãnh đạo Đài Loan mời Tổng thống Paraguay thị sát cuộc diễn tập mô phỏng tình huống chống lại lực lượng Trung Quốc tấn công căn cứ.
Lực lượng vũ trang Đài Loan hôm 9/10 tổ chức một cuộc diễn tập phòng thủ tại một căn cứ ở phía bắc hòn đảo với sự chứng kiến của lãnh đạo Thái Anh Văn và khách mời là Tổng thống Paraguay Mario Abdo Benitez, theo AP.
Trong cuộc diễn tập này, lực lượng vũ trang Đài Loan thực hành tình huống bảo vệ căn cứ không quân trước cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc đại lục.
Phát ngôn viên lực lượng phòng vệ Đài Loan Chen Chong-chi khẳng định việc mời ông Benitez tới thị sát cuộc diễn tập cùng bà Thái Anh Văn sẽ giúp tăng cường tình hữu nghị giữa hai quốc cũng như thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác dân sự và quân sự trong tương lai.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và thường xuyên thuyết phục các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. Căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan gia tăng sau khi một loạt quốc gia mới đây quyết định cắt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Hiện Đài Loan chỉ còn quan hệ chính thức với 17 quốc gia, chủ yếu là các nước nhỏ, kém phát triển ở Trung Phi và Thái Bình Dương, bao gồm Paraguay.
Trong chuyến thăm Paraguay hồi tháng 8, bà Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan sẽ không chịu cúi đầu trước những áp lực ngoại giao của Trung Quốc, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục quyết tâm mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
http://biendong.net/bi-n-nong/24057-dai-loan-dien-tap-dap-tra-don-tan-cong-cua-tq.html
Bắc Triều Tiên : Gần 40% dân thiếu ăn,
PAM kêu gọi hỗ trợ khẩn
Người dân Bắc Triều Tiên tiếp tục bị nạn đói đe đọa, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Hôm qua 09/10/2018, Chương trình Lương Thực Thế Giới – PAM – kêu gọi quốc tế gia tăng tài trợ.
Theo PAM, hơn 10 triệu người Bắc Triều Tiên, tương đương gần 40% dân số, hiện bị suy dinh dưỡng. Một phần năm trẻ nhỏ mắc bệnh còi xương, do thiếu ăn. Các định chế nhân đạo của Liên Hiệp Quốc rất cần có thêm nguồn tài chính để duy trì các khẩu phần cứu trợ, vốn đã rất ít ỏi hiện nay.
Các hoạt động nhân đạo của PAM và Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), về nguyên tắc, không bị siết lại do các trừng phạt của Hội Đồng Bảo An (để trừng phạt chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên), tuy nhiên ông Hervé Verhoosel, phát ngôn viên của PAM nhấn mạnh đến các dè dặt của nhiều doanh nghiệp quốc tế, cũng như các quốc gia tài trợ, khiến hoạt động cứu trợ có thể không đạt mục tiêu trong những tháng tới :
« Chúng tôi muốn giúp 600 000 phụ nữ và trẻ em hàng tháng, bao gồm những phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, và trẻ em dưới 5 tuổi. Việc mà chúng tôi có thể làm được chủ yếu tại đất nước này là phân phát bánh bích quy, giàu dinh dưỡng.
Chúng tôi nhập khẩu ngũ cốc từ nước ngoài, qua đường biển. Chúng tôi cũng hợp tác với 11 xí nghiệp tại chỗ, để sản xuất loại bánh nói trên cho trẻ dưới 5 tuổi. Vấn đề của chúng tôi là đôi khi các doanh nghiệp mà chúng tôi muốn hợp tác để vận tải lương thực, hoặc từ chối hoặc lo sợ khi biết được cái đích đến của loại hàng hóa này, tức là Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, cần phải biết viện trợ nhân đạo không nằm trong đối tượng bị các quy định trừng phạt của Hội Đồng Bảo An, theo đó, các doanh nghiệp bị cấm làm ăn hoặc có tiếp cận Bắc Triều Tiên. Như vậy, tất cả hoạt động cứu trợ nhân đạo này là hoàn toàn hợp pháp.
Một vấn đề khác nữa là các quốc gia tài trợ cho các khoản cứu trợ này cũng hơi lo ngại. Cho đến nay, các nước thành viên mới chỉ tháo khoán 37% trong tổng số ngân sách hơn 50 triệu đô la mà chúng tôi hy vọng có được. Số tiền hơn 15 triệu đô la đã chi này thực sự cần thiết đối với số phụ nữ và trẻ em này ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181010-bac-trieu-tien-gan-40-dan-thieu-an-pam-keu-goi-ho-tro-khan
Pakistan đang dối lòng về TQ?
Thủ tướng Pakistan đánh giá lạc quan về hợp tác kinh tế với Trung Quốc giữa lúc nước này sắp phải nhờ IMF cứu giúp để trả nợ.
Ngậm bồ hòn?
Thủ tướng Pakistan Imran Khan ngày 8/10 khẳng định quan hệ song phương vững mạnh với Trung Quốc là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Islamabad.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đưa ra bình luận trên khi chủ trì cuộc họp Nội các và thảo luận về chuyến công du đầu tiên của ông đến Trung Quốc vào tháng tới, nơi ông sẽ thảo luận các vấn đề liên quan dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).
Theo nhà lãnh đạo này, việc sớm triển khai các dự án trong CPEC sẽ không chỉ giúp phát huy tiềm năng thực sự của mối quan hệ kinh tế giữa Pakistan và Trung Quốc mà cho cả khu vực.
Ông Khan cho hay Pakistan đang rà soát lại các dự án trong khuôn khổ CPEC để đảm bảo lợi ích của người dân ở khu vực Balochistan, những người cho rằng các dự án này không mang lại lợi ích gì cho họ.
Giới phân tích gọi Trung Quốc là đồng minh “mọi thời tiết” của Pakistan. Hai nước đã khởi động dự án CPEC gây tranh cãi trị giá 50 tỷ USD này năm 2015.
Bất chấp sự lạc quan của ông Khan, cùng ngày 8/10, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Asad Umar cho biết nước này sẽ khởi động các cuộc đàm phán với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm tìm kiếm một gói cứu trợ giúp ổn định nền kinh tế và nguồn dự trữ đang suy giảm.
Tuy nhiên, Mỹ, một trong những cổ đông lớn nhất của IMF, đã bày tỏ lo ngại khoản tiền hỗ trợ từ IMF có thể được Pakistan dùng để trả nợ Trung Quốc.
Trong một đoạn ghi hình đăng tải trên Facebook và Twitter, Bộ trưởng Umar cho biết Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã quyết định bắt đầu đàm phán với IMF sau khi tham vấn các chuyên gia kinh tế hàng đầu. Theo ông Umar, mục đích chính của các cuộc đàm phán sẽ là một “chương trình khôi phục ổn định” nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Pakistan.
Pakistan dang doi long ve Trung Quoc?
Người dân Pakistan biểu tình phản đối tình trạng nợ công của đất nước
Ông Umar cũng lưu ý, với chương trình này của IMF, Chính phủ Pakistan sẽ cố gắng giảm thiểu tác động đối với các tầng lớp có thu nhập thấp, trong khi chuyển gánh nặng sang cho những người giàu.
Dự kiến, Bộ trưởng Tài chính Pakistan sẽ dẫn đầu một đoàn đại biểu tham dự khóa họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Bali, Indonesia từ ngày 12-14/10, nơi ông sẽ khởi động đàm phán sơ bộ về gói cứu trợ trên.
Đánh giá sơ bộ cho thấy Islamabad cần 11,7 tỷ USD để thanh toán nợ nước ngoài trong tài khóa 2018-2019. Trước đây, Pakistan cũng thường xuyên cần đến sự hỗ trợ của IMF. Lần gần đây nhất vào năm 2013, Pakistan đã vay của IMF 6,6 tỷ USD nhằm giải quyết một cuộc khủng hoảng tương tự hiện nay.
Ngoại giao bẫy nợ
Thủ tướng Imran Khan lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 25/7 vừa qua. Ông đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức để dẫn dắt quốc gia với 206 triệu dân này, trong số đó có “điểm yếu về ngân sách” khiến Pakistan ngày càng xích lại gần Trung Quốc.
Giới phân tích quốc tế đang bày tỏ lo ngại về nguy cơ trong ngắn hạn Pakistan sẽ rơi vào “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh, đồng thời cho rằng sự gần gũi về kinh tế với Trung Quốc (với tư cách là chủ nợ) sẽ gây thiệt hại cho nặng nề cho đối tác Pakistan (ở vị trí là con nợ).
Theo đánh giá, Trung Quốc đã dần dần thay thế Nhật Bản trở thành người cho vay hàng đầu của Islamabad, với nhiều khoản vay lên đến hàng tỷ USD, song điều kiện cho vay “luôn gây bất lợi” cho tài chính công vốn đang thâm hụt nghiêm trọng của Pakistan.
Sự thiếu hụt nguồn tài nguyên trong nước, cộng với sự khan hiếm nguồn vốn từ bên ngoài – chủ yếu là do uy tín của Pakistan ngày càng giảm sút – theo thời gian đã biến Trung Quốc thành đồng minh chiến lược “tự nhiên” của Pakistan. Điều này đặc biệt rõ ràng hơn trong lĩnh vực vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà quốc gia đông dân thứ 2 ở Nam Á – nơi mà Trung Quốc có tham vọng được tài trợ cho các dự án công nghiệp và năng lượng – đang đối mặt.
Pakistan dang doi long ve Trung Quoc?
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được sử dụng thoải mái tại một cửa hàng ở Quetta, Pakistan
Trong trường hợp cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài và nguồn tài trợ khan hiếm, Pakistan có thể dễ dàng “ngã vào” lượng tiền mặt dồi dào của Trung Quốc và tham gia một chuỗi các dự án năng lượng-công nghiệp thuộc dự án Con đường tơ lụa mới đầy tham vọng của Bắc Kinh, hay còn gọi là sáng kiến “Vành đai Con đường” (BRI).
Là một phần của BRI với dự án đang gây nhiều tranh cãi, CPEC có tổng chi phí đầu tư hơn 60 tỷ USD. Đối tác Trung Quốc luôn là bên cung cấp hơn 70% nguồn tài chính cho dự án và Bắc Kinh cũng luôn đề ra các điều kiện có lợi nhất cho mình so với đồng minh chiến lược Pakistan.
CPEC bao gồm nhiều dự án lớn, trong đó nổi bật nhất là dự án Cảng nước sâu và Đặc khu kinh tế Gwadar bên bờ biển Baluchistan, đã được giao cho một doanh nghiệp Trung Quốc quản lý từ năm 2015 với một hợp đồng thuê dài hạn (43 năm).
Bắc Kinh hỗ trợ nguồn tài chính khổng lồ cho Islamabad trong bối cảnh nền kinh tế Pakistan đang trong tình trạng khá “mong manh”, thậm chí ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của nước này ở mức 4,7% – mức tăng trưởng được coi là hoàn toàn phù hợp – trong 3 năm trở lại đây.
Pakistan dang doi long ve Trung Quoc?
Giới phân tích lo ngại Pakistan vay tiền IMF để trả nợ Trung Quốc
Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá nền kinh tế Pakistan có sức khỏe “không tốt” khi Ngân hàng Nhà nước Pakistan đang nợ nước ngoài ở mức đáng lo ngại (khoảng 92 tỷ USD) và mức nợ này có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Các chuyên gia còn cho rằng nền kinh tế Pakistan “đầy rủi ro” khi dự trữ ngoại hối nước này hiện chỉ tương đương với 2 tháng nhập khẩu và nợ công ở mức “không thể chấp nhận được”.
Thủ tướng Pakistan bày tỏ lạc quan về CPEC trong bối cảnh không ít quốc gia trong khu vực gần đây đã bắt đầu tỏ rõ sự lo ngại về các khoản nợ đối với Trung Quốc. Tháng 11/2017, Nepal đã hủy việc xây dựng một đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ và thực hiện, được ký kết theo sáng kiến của Bắc Kinh.
Đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính Myanmar cũng thông báo sẽ xem xét hạ thấp mức đầu tư vào dự án cảng Kyaukphyu ở Arakan do công ty Trung Quốc Citic Group phát triển, để tránh ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia.
Gần đây nhất, ngày 21/8, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad chính thức hủy 2 siêu dự án tốn kém do Trung Quốc cung cấp tài chính là Dự án Đường sắt Vành đai phía Đông và Dự án Đường ống dẫn khí Trans-Sabah với lý do phải nhanh chóng giảm nợ công quốc gia để tránh một khoản thanh toán mặc định có thể xảy ra.
Bản thân Pakistan hồi 12/2017 cũng đã hủy việc nhận tài trợ của Trung Quốc để xây dựng một thủy điện lớn (4.500 MW) với chi phí được cho là lên tới 14 tỷ USD.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24046-pakistan-dang-doi-long-ve-tq.html