Tin khắp nơi – 10/09/2018
Mỹ đe dọa trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế
Ngày 10/9, Hoa Kỳ đưa ra lập trường cứng rắn đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), đe dọa sẽ trừng phạt các thẩm phán ICC nếu họ tiến hành điều tra về tội phạm chiến tranh của người Mỹ ở Afghanistan, theo Reuters.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, John Bolton, dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố trong bài phát biểu vào giữa trưa 10/9 ở Federalist Society, một tổ chức bảo thủ ở Washington. Đây sẽ là bài phát biểu lớn đầu tiên của ông kể từ khi gia nhập chính quyền của ông Trump.
“Hoa Kỳ sẽ sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ công dân và các đồng minh của chúng tôi khỏi bị tòa án bất hợp pháp này truy tố một cách bất công”, Reuters dẫn lại lời ông Bolton sẽ nói dựa theo bài phát biểu mà hãng thông tấn này xem được.
Ông Bolton dự kiến cũng sẽ cho biết việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo đóng cửa văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Washington vì lo ngại về những nỗ lực của Palestine nhằm thúc đẩy ICC điều tra Israel.
“Hoa Kỳ sẽ luôn luôn đồng hành với người bạn và đồng minh của chúng tôi là Israel”, vẫn theo bản thảo bài phát biểu của ông Bolton.
Phía Palestine nói rằng họ không hề nản chí trong vấn đề ICC và Israel. Họ mô tả kế hoạch đóng cửa PLO là chiến thuật gây áp lực mới nhất từ chính quyền của ông Trump. Trước đó, Mỹ cắt giảm tài trợ cho cơ quan của Liên Hiệp Quốc dành cho người tị nạn Palestine và các bệnh viện ở Đông Jerusalem, nơi người Palestine muốn là thủ đô của quốc gia tương lai của mình.
“Chúng tôi lặp lại rằng các quyền của người Palestine không phải là để bán, chúng tôi sẽ không để yên cho những đe dọa và bắt nạt của Hoa Kỳ”, Reuters dẫn lời ông Saeb Erekat, một quan chức Palestine, nói trong một tuyên bố.
“Theo đó, chúng tôi tiếp tục kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế mở cuộc điều tra trực tiếp về tội ác của Israel”.
Israel chưa có phản ứng gì. Các văn phòng chính phủ nước này hiện đang đóng cửa nhân dịp năm mới của người Do Thái.
Theo bản thảo bài phát biểu của ông Bolton, chính quyền của ông Trump “sẽ chống lại” nếu ICC tiến hành mở cuộc điều tra về tội phạm chiến tranh do các binh sĩ và chuyên gia tình báo Mỹ thực hiện trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Nếu một cuộc điều tra như vậy xảy ra, chính quyền của ông Trump sẽ xem xét cấm các thẩm phán và công tố viên ICC nhập cảnh vào Hoa Kỳ, đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ khoản tiền nào mà họ có trong hệ thống tài chính của Mỹ và truy tố họ tại các tòa án Mỹ.
“Chúng tôi sẽ không hợp tác với ICC. Chúng tôi sẽ không hỗ trợ cho ICC. Chúng tôi sẽ không tham gia ICC. Chúng tôi sẽ để ICC tự tàn lụi. Thực ra, ICC đã chết đối với chúng tôi”, bản thảo của ông Bolton nói.
Ngoài ra, Hoa Kỳ có thể đàm phán các thỏa thuận song phương ràng buộc hơn để ngăn cấm các quốc gia tố cáo công dân Mỹ ra tòa án có trụ sở tại La Haye, vẫn theo bản văn.
Mục đích của tòa án quốc tế là xét xử các thủ phạm gây tội ác chiến tranh, tội ác chống lại nhân loại và tội diệt chủng.
Hoa Kỳ đã không phê chuẩn hiệp ước Rome thành lập ICC vào năm 2002 và Tổng thống George W. Bush vào thời điểm đó đã phản đối tòa án này. Người kế nhiệm ông Bush, Tổng thống Barack Obama, đã thực hiện một số bước hợp tác với tòa án.
“Chúng tôi sẽ xem xét các bước trong Hội đồng Bảo an LHQ để hạn chế quyền hạn của tòa án, bao gồm đảm bảo rằng ICC không thực thi thẩm quyền đối với người Mỹ và công dân của các đồng minh chúng tôi, những người không phê chuẩn Quy chế Rome”.
Trong khi đó, người Palestine phản ứng bất bình đối với việc cắt giảm tài trợ của Hoa Kỳ, cảnh báo rằng việc này có thể dẫn đến đói nghèo và thịnh nộ hơn, vốn là hai trong những yếu tố châm ngòi cho nhiều thập niên xung đột với Israel.
Tuần trước, Tổng thống Trump ra lệnh phân bổ 25 triệu đôla dành cho việc chăm sóc người Palestine ở Đông Jerusalem sang mục đích sử dụng khác.
“Quyết định này sẽ gây ra khó khăn nghiêm trọng về tiền bạc cho các bệnh viện và chắc chắn sẽ gây ra chậm trễ trong việc cứu sống và các điều trị khẩn cấp khác”, ông Walid Nammour, người đứng đầu mạng lưới 6 bệnh viện bị ảnh hưởng nói với các phóng viên hôm 10/9. “Nói chung, quyết định này gây ra nguy cơ cho sức khỏe của 5 triệu người Palestine”.
https://www.voatiengviet.com/a/my-de-doa-trung-phat-toa-an-hinh-su-quoc-te/4564913.html
Hồi sinh của chống đối Trump
cho thấy một nước Mỹ phân rẽ
Nick BryantBBC News, New York
Tháng Chín đang nổi lên như là một tháng đầy thách thức, thời khắc quan trọng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, khi các lực lượng ‘chống đối’ khẳng định mạnh mẽ hơn.
Dịp nghỉ lễ Lao động hàng năm của Hoa Kỳ thường mở ra một sự thay đổi chính trị. Tuy nhiên, năm nay, nó là một chuỗi các sự kiện riêng biệt nhưng lồng vào nhau.
Những lễ tưởng niệm tầm vóc quốc gia sau cái chết của John McCain. Việc xuất bản rất thành công cuốn sách mới của Bob Woodward. Bài xã luận ẩn danh được viết bởi một quan chức cao cấp trong chính quyền Trump trên tờ New York Times. Các cuộc biểu tình trên Capitol Hill trong phiên điều trần của ứng cử viên Tòa án tối cao Brett Kavanaugh do Trump đề cử. Ngay cả khởi động chiến dịch quảng cáo mới nhất của Nike trong đó có Colin Kaepernik, ngôi sao NFL người Mỹ gốc Phi đã bắt đầu cuộc biểu tình quỳ gối.
Để phản đối việc ông Trump làm tổng thống, dường như tất cả các lực lượng đối lập trên toàn nước Mỹ đã quyết định rằng đủ qúa rồi, và đây là thời điểm để “tỏ rõ điều đó”.
Bầu cử giữa kỳ Mỹ và cử tri gốc Việt
NV Nguyễn Tâm: ‘Đảng Dân Chủ khó lật ngược thế cờ’
Bảy ngày đầu tiên trong tháng Chín chắc chắn nhuốm màu lịch sử. Những lời điếu văn của hai cựu Tổng thống Barack Obama và George W Bush tại Thánh đường Quốc gia Washington hôm thứ Bảy tuần trước không chỉ nhằm vinh danh John McCain mà còn để tái khẳng định những giá trị đáng quý của người Mỹ.
Meghan McCain, trong bài diễn văn, nói với sức mạnh của nỗi đau buồn, xác định lại ý nghĩa sự vĩ đại của người Mỹ – khi cô diễn tả một cách thẳng thừng, rằng “điều vĩ đại thực sự,” không phải là “lời nói rẻ tiền của những người đàn ông sẽ không bao giờ biết hy sinh là gì.”
Nghi lễ của các buổi tưởng niệm trước tang lễ chính thức cũng chứa đựng đầy ý nghĩa. Sự xuất hiện của Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cùng với Cindy McCain khi đoàn xe tang dừng lại trước Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam trông như một nỗ lực tái khẳng định nghi thức quốc gia, sau biến cố hạ cờ khiếm nhã, và thái độ miễn cưỡng của ông Trump trong việc bày tỏ sự tôn trọng với người tù binh nổi tiếng mà ông từ chối gọi là anh hùng chiến tranh.
John McCain, theo nhiều tường trình, đã dàn dựng một cách tỉ mỉ lời chia tay cuối cùng của mình như một lời khiển trách Donald Trump. Điều đáng chú ý, tuy nhiên, là sự sẵn sàng phát biểu của những người đọc ai điếu, và những tràng vỗ tay tán thưởng vai trò mà John McCain đã trao cho họ. Trong bối cảnh thiêng liêng của Thánh đường Quốc gia, cách hành cử tang lễ dường như là một nỗ lực cộng đồng được phối hợp để cứu chuộc linh hồn nước Mỹ.
Bầu không khí của thủ đô nước Mỹ, rất trang trọng ngày hôm ấy, đột ngột thay đổi khi tờ Washington Post cho đăng trích đoạn đầu tiên trong cuốn sách mới của Bob Woodward, ‘Fear: Trump in the White House’. Kể từ những ngày đầu của vụ bê bối Bill Clinton liên quan đến Monica Lewinsky đến giờ, Washington chưa bao giờ lên cơn sốt cao độ như thế.
Nhưng dù không khí thay đổi, những tiết lộ của Woodward là tiếp nối của sự phản đối ông Trump trong tháng Chín này. Biên tập viên chính của Washington Post, một ngôi sao báo chí trong vụ Watergate, mô tả “một cuộc đảo chính hành chính,” trong đó các quan chức chính phủ âm thầm tìm cách lật đổ tổng thống bằng cách che giấu tài liệu của các chính sách quan trọng và phớt lờ mệnh lệnh của ông.
Nếu cuốn sách của Woodward được thấy như một cơn bão đi xuyên qua thị trấn, thì bài xã luận nặc danh trên New York Times xuất hiện như một cơn lốc xoáy đến vào cuối ngày: “Tôi thuộc phe chống đối bên trong chính quyền Trump.” Chỉ cái tựa thôi đã làm người ta sửng sốt, và chi tiết trong bài là những điều phi thường.
Trump ‘phàn nàn về Trung Quốc’
TQ áp thuế lên 16 tỷ USD hàng hóa để trả đũa Mỹ
Sau đó, cựu Tổng thống Barack Obama kết thúc tuần lễ với những lời phê phán công khai mạnh mẽ nhất với ông Trump từ trước đến nay, chỉ trích việc ông ta không tấn công những kẻ theo chủ nghĩa da trắng siêu việt, và tân Đức quốc xã ở Charlottesville, và cáo buộc chính quyền của mình những “điên rồ”. Sau bài phát biểu, Ủy ban Quốc gia Cộng hòa đã đặt cho Barack Obama là ‘chống đối trưởng’.
Đối với tất cả những sự việc đầy kịch tính sử thi này, Hoa Kỳ đang không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hiến pháp, như cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry tuyên bố vào giữa tuần.
Tam quyền của chính phủ Hoa Kỳ, các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp, không có tranh chấp.
Rối loạn hiến pháp không phải là vấn đề ở đây. Và ngay sau đó, người Mỹ sẽ có thể thực thi quyền kiểm tra và cân bằng hiến pháp của riêng họ, quyền bầu cử trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Cuộc biểu tỏ thái độ chính trị đó vào tháng 11 sẽ là phấn đấu giữa những người chống lại Trump và những người trung thành với Trump. Điều trớ trêu là lãnh đạo đảng Dân Chủ không muốn biến cuộc bầu cử giữa kỳ thành cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống hay lập luận rằng việc giành lại Hạ viện là bước đầu tiên để bãi nhiệm ông.
Tại Thượng Viện, đảng Dân Chủ đang bảo vệ 10 ghế ở các bang mà ông Trump thắng trong năm 2016 – những tiểu bang như North Dakota, West Virginia và Wisconsin, nơi ông Trump vẫn đang được ưa chuộng.
Về phía Hạ Viện, cuộc bầu cử sẽ được quyết định qua lá phiếu của những cử tri trung dung ở ngoại ô cho những chiếc ghế đang ngang ngửa, những người không phải lúc nào cũng đồng cảm với những lời hùng biện chống Trump của bên cánh tả. Đảng Dân Chủ cho rằng nên địa phương hoá các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hơn là có một chiến dịch toàn quốc.
Trump nói đi rồi phải nói lại gây bức xúc ở Mỹ
Cuộc diễu binh của Trump bị trì hoãn ‘đến 2019’
Các sự kiện trong bảy ngày đầu của tháng Chín sẽ kích thích những người đang ủng hộ Donald Trump. Nhiều thăm dò ý kiến sau cái chết của ông John McCain cho thấy ông McCain được giới Dân Chủ yêu mến hơn so với giới Cộng Hòa. Trong tang lễ của ông tại Thánh đường Quốc gia, phe ủng hộ Trump sẽ thấy giới quyền lực của Washington tôn vinh một người trong giới của mình.
Họ sẽ giải thích cuốn sách của Woodward và bài xã luận trên New York Times là giới truyền thông cấp tiến làm việc song song với giới quyền lực để lật đổ ông Trump.
Các bài tường trình trong tuần này được giới ủng hộ Trump chú ý là Brett Kavanaugh dường như đang có triển vọng trở thành thẩm phán của Tối cao Pháp Viện, khiến phe bảo thủ vững chắc hơn.
Trong những sự kiện ngày càng có vẻ giống như đỉnh cao của một cuộc đấu tranh, sự phân chia giữa nước Mỹ – một nước Mỹ tập hợp xung quanh ông Trump, và nước Mỹ dị ứng với ông – đang được biểu hiện rõ nét hơn.
Những lời cổ vũ cho tổng thống tại các cuộc vận động của ông nghe ồn ào hơn bao giờ hết. Và tiếng kêu la của phe phản kháng và chống đối cũng thế.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45468908
Quan chức cấp cao Mỹ thăm Nga
Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Rick Perry sẽ công du Nga từ ngày 11/9 tới 13/9, truyền thông Nga đưa tin hôm 9/9, dẫn nguồn tin ngoại giao.
Theo Reuters, ông Perry sẽ trở thành quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ tới Nga kể từ khi Tổng thống Donald Trump gặp người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Helsinki hồi tháng Bảy để tìm cách cải thiện mối quan hệ được coi là rơi xuống mức thấp sau Chiến tranh Lạnh.
Moscow và Washington đang mâu thuẫn nhau về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ cũng như các vấn đề về Syria, Ukraine và vụ đầu độc một cựu gián điệp Nga ở Anh.
Ông Trump từng tuyên bố rằng ông muốn cải thiện quan hệ với Nga, nhưng chính quyền của ông cũng như Quốc hội Hoa Kỳ đang cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow, theo Reuters.
Ông Perry sẽ hội đàm với đối tác Nga Alexander Novak ngày 13/9, theo hãng tin TASS của Nga.
Nhật báo Kommersant đưa tin rằng hai bộ trưởng dự kiến sẽ thảo luận về dự án đường ống dẫn dầu từ Nga tới Đức qua Biển Baltic.
Đây là sáng kiến từng bị Tổng tống Trump chỉ trích dữ dội, theo Reuters.
Tờ báo này còn đưa tin thêm rằng ông Perry và Novak dự kiến cũng sẽ thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ toàn cầu, tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran và khả năng áp đặt các hạn chế mới đối với Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-cap-cao-my-tham-nga/4564015.html
Tweet của Trump
suýt gây chiến tranh Mỹ – Bắc Triều Tiên
Chiến tranh với Bắc Triều Tiên được ngăn chận kịp thời, nhờ Lầu Năm Góc cản được Donald Trump bắn đi một tin nhắn tai hại trên Twitter. Đó là một trong những tiết lộ mới trong cuốn Fear của Bob Woodward sẽ được chính thức phát hành vào ngày 11/09/2018.
Trả lời đài truyền hình CBS ngày 09/09/2018 tác giả cuốn sách rất được mong đợi, Bob Woodward tiết lộ viễn cảnh Mỹ chiến tranh với Bắc Triều Tiên có lúc đã rất cận kề.
Ai cũng biết tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 điều hành đất nước qua Twitter. Trong cuốn sách sắp được công bố, nhà báo điều tra Bob Woodward kể lại giai thoại, bộ Quốc Phòng Mỹ “lạnh xương sống”, vì một tin nhắn của Donald Trump, chuẩn bị bắn đi. Chủ nhân Nhà Trắng định bắn đi tin nhắn, ra lệnh hồi hương gia đình, thân nhân của 28.500 lính Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc. May mà Lầu Năm Góc cản được ông Trump gửi đi cái Twitt đó.
Nhà báo Woodward kể lại, bộ Quốc Phòng hoảng hốt khi biết về ý định của Nhà Trắng. Bởi vì, theo giải thích của Lầu Năm Góc, Hoa Kỳ “có những thông tin đáng tin cậy là Bình Nhưỡng sẽ diễn giải việc Nhà Trắng cho hồi hương thân nhân 28.500 lính Mỹ tại Hàn Quốc, như một dấu hiệu báo trước là Washington chuẩn bị tấn công Bắc Triều Tiên”.
Vẫn theo tác giả cuốn sách sắp cho ra mắt công chúng, Fear- Sợ Hãi, tổng thống Trump luôn bị ám ảnh vì sự hiện diện của quân đội Mỹ ở bán đảo Triều Tiên. Trong một cuộc họp với bộ Quốc Phòng, Donald Trump tuyên bố “Tôi chẳng hiểu vì sao lính Mỹ phải có mặt ở đó. Hãy đưa họ trở về nhà đi thôi”. Lập tức bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis trả lời : “Sự hiện diện của quân đội Mỹ trong vùng nhằm tránh để nổ ra một cuộc Thế Chiến Thứ Ba”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180910-twitt-cua-donald-trump-suyt-gay-ra-chien-tranh-my-bac-trieu-tien
Anh tuyển lao động phổ thông từ ngoài EU
Các nhà sản xuất trái cây và rau quả ở Anh sẽ được tuyển dụng người từ ngoài khối EU vào làm việc theo mùa vụ khi Anh ra khỏi EU, theo một chương trình thử nghiệm mới được công bố.
Các quan chức nói sáng kiến này sẽ được áp dụng trong thời gian từ mùa xuân 2019 cho đến tháng 12/2020, nhằm giúp xử lý tình trạng thiếu nhân công trong các giai đoạn thu hoạch cao điểm.
Trào lưu mua ‘quyền công dân’ của giới siêu giàu
Theresa May: ‘Ba triệu công dân EU được ở lại Anh’
Trump chê ‘Brexit mềm’ và khen Boris Johnson
Cảnh sát Anh tìm 13 ‘trẻ Việt nhập cư lậu’
Visa sẽ được cấp cho 2.500 lao động mỗi năm và có thời hạn sáu tháng.
Hiệp hội Nhà nông Quốc gia đã bày tỏ lo ngại rằng tình trạng thiếu nhân công có thể ảnh hưởng xấu tới việc thu hoạch.
Các trang trại đã báo cáo về việc dòng lao động từ EU tới chững lại kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit.
Chương trình tuyển dụng, kéo dài trong thời gian chuyển đổi sau khi Anh rời khỏi EU, được Bộ Nội vụ và Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh công bố.
Các bộ trưởng nhấn mạnh rằng việc thử nghiệm sẽ được giám sát chặt chẽ và sẽ đóng lại nếu có bằng chứng cho thấy lao động nhập cư không trở về nước họ sau khi visa hết hạn.
‘Lập luận vững chắc’
Chính phủ Anh nói rằng các giải pháp tự động hóa quá trình thu hoạch sẽ được dùng tại trang trại Anh trong tương lai, nhưng nói ngành công nghiệp này vẫn cần duy trì tính cạnh tranh và hầu hết các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện đều dùng lao động mùa vụ để thu hái trái cây và rau củ.
Bộ trưởng Môi trường Michael Gove nói chương trình thử nghiệm sẽ được xem xét để tìm cách hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu dài hạn của ngành trồng trọt.
“Chúng tôi đã lắng nghe những lập luận vững chắc từ các nhà nông về nhu cầu cần cần có lao động mùa vụ để đảm bảo tính hiệu quả và có lãi cho ngành trồng trọt,” ông nói.
Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid nói: “Chương trình thử nghiệm này sẽ đảm bảo rằng các nhà nông tiếp cận được với lao động thời vụ mà họ cần, để đảm bảo tính hiệu quả và lợi nhuận trong những thời điểm bận rộn trong năm.”
Minette Batters, chủ tịch Hiệp hội Nhà nông Quốc gia, nói rằng các nhà sản xuất hoa quả rau trái sẽ thấy tự tin nếu biết rằng họ sẽ được tiếp cận tới người lao động từ năm tới, sau “những thử nghiệm và những thời gian không chắc chắn”.
Bà nói chương trình này là “sự ghi nhận từ chính phủ rằng ngành trồng trọt của Anh là một lĩnh vực thành công, phát đạt hiện đang phải đối diện với một số những thách thức đặc biệt, nhưng vẫn có khả năng tạo ra các sản phẩm hoa trái, rau quả Anh ngon lành hơn”.
Chương trình tuyển lao động mùa vụ làm việc trong nông nghiệp lần đầu tiên được áp dụng ở Anh là chương trình có sau thời Đại chiến Thế giới II, khi nước Anh rất thiếu lao động.
Chương trình tương tự nhằm thu hút nhân công từ Romania và Bulgaria tới đã chấm dứt cách đây năm năm, khi công dân hai nước này không còn bị hạn chế quyền làm việc tại Anh nữa.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-45466813
Đức: Phe cực hữu
vẫn biểu tình chống người nhập cư
Sau vụ một thanh niên Đức bị thiệt mạng trong một vụ ẩu đả với hai người gốc Afghanistan ngày 08/09/2018 tại Köthen, bang Sachsen-Anhalt, ở miền trung nước Đức, các phần tử cực hữu lại huy động được đến 2.500 người biểu tình tại thành phố này vào hôm qua, 09/09, để tố cáo người nhập cư và đòi « ăn miếng trả miếng ».
Theo thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại Berlin, cuộc tập hợp tại Köthen đã gợi lại những gì xẩy ra hai tuần trước đây tại thành phố Chemnitz, ở Đông Đức cũ.
“Đó là điều người ta có thể gọi là « Hội chứng Chemnitz ». Từ hai tuần nay, cả nước Đức, giới truyền thông cũng như giới chính trị Đức đều chỉ nói đến những gì xẩy ra ở thành phố Chemnitz của bang Sachsen, tại Đông Đức cũ. Thời sự chỉ toàn là những tranh cãi về cách lý giải sự kiện, về những động cơ thúc đẩy phe cực hữu huy động lực lượng, về tuyên bố này hay nọ… Cái chết tối thứ Bảy của một thanh niên Đức không làm tình hình khá lên.
Bối cảnh cuộc ẩu đả chết người ở Köthen, bang Sachsen-Anhalt, trong một cuộc cãi nhau với người Afghanistan, và việc phe cực hữu huy động ngay lập tức lực lượng qua các mạng xã hội, rồi biểu tình vào tối hôm qua, giống một cách lạ lùng những gì xẩy ra ở Chemnitz.
Người ta đã cảm nhận điều này trong những phản ứng đầu tiên của các đại diện dân cử, ở cấp địa phương cũng như cấp vùng. Tất cả đều kêu gọi giữ bình tĩnh, sợ bạo động bùng lên như tại Chemnitz cách nay 2 tuần.
Cuộc tập họp tối qua, kéo theo sự hiện diện đông đảo của lực lượng an ninh, đã không biến thành bạo động, nhưng những lời tuyên bố dữ dội đã gợi lại thời Cộng Hòa Weimar lúc đang suy tàn, mở đường cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít.
Phe cực hữu khai thác những sự cố này. Một cuộc thăm dò dư luận hôm thứ Sáu 07/09, cho thấy đảng cực hữu AfD dường như là đảng đứng đầu ở miền đông nước Đức, nơi mà 3 bang sẽ đi bầu vào năm tới”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180910-duc-phe-cuc-huu-lai-bieu-tinh-chong-nguoi-nhap-cu
Bầu cử Quốc Hội :
Thụy Điển kháng cự trước làn sóng bài ngoại
Theo kết quả kiểm phiếu gần như toàn bộ, trong cuộc bầu cử Quốc Hội Thụy Điển ngày 09/09/2018, hai đảng tả hữu truyền thống ngang ngửa về số phiếu. Đảng cực hữu bài ngoại tiến mạnh, trở thành lực lượng chính trị thứ ba tại quốc gia Bắc Âu này.
Ông Jimmie Åkesson, lãnh đạo đảng cực hữu Thụy Điển, thất vọng với tỷ lệ hơn 17 %, cho dù đảng này đã có một bước tiến đáng kể so với bầu cử Quốc Hội năm 2014. Lãnh đạo đảng Xã Hội Dân Chủ, thủ tướng mãn nhiệm Stefan Löfven, kêu gọi đối lập thuộc cánh bảo thủ cộng tác, thành lập một chính phủ liên minh. Theo đặc phái viên đài RFI Juliette Gheerbrant từ Stockholm đây là nhiệm vụ khó hoàn thành.
“Đảng Dân Chủ Thụy Điển không trở thành lực lượng chính trị lớn thứ nhì trên toàn quốc như mong đợi, cho dù đảng này đã tiến mạnh, thu về được thêm 5 % số phiếu so với cuộc bầu cử lần trước. Đảng Xã Hội Dân Chủ vẫn là tổ chức chính trị mạnh nhất tại Thụy Điển. Thủ tướng Stefan Löfven thở phào nhẹ nhõm nhờ được 28 % cử tri ủng hộ. Kết quả không quá tồi tệ, nhưng đây là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong lịch sử của đảng này.
Cánh bảo thủ bị mất 3,5 % số phiếu, nhưng vẫn là lực lượng chính trị lớn thứ nhì, chinh phục được 19,8 % cử tri. Với những kết quả này, trong Quốc Hội sắp tới, hai phe tả hữu chỉ chênh nhau có 1 ghế. Lợi thế nghiêng về cánh tả. Đảng Dân Chủ cực hữu hy vọng đóng vai trò trọng tài.
Trong mọi trường hợp, chính phủ sắp tới phải tìm kiếm liên minh. Thủ tướng Stefan Löfven đã chìa bàn tay thân thiện với cánh hữu. Ông kêu gọi phe này nên có ý thức trách nhiệm với đất nước. Thế nhưng lãnh đạo của phe bảo thủ Thụy Điển, Ulf Kristersson, đề nghị thủ tướng Löfven từ chức.
Ông Kristersson nhất quyết không liên minh với đảng cực hữu, cho dù lãnh đạo cực hữu là Jimmie Åkesson, trực tiếp muốn đàm phán với bên đảng bảo thủ.
Thương lượng sẽ gay go và sẽ chỉ mở ra trong một vài ngày tới, một khi Thụy Điển có chủ tịch Quốc Hội mới“.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180910-bau-cu-quoc-hoi-thuy-dien-khang-cu-truoc-lan-song-bai-ngoai
Mời láng giềng tập trận Vostok,
Nga muốn khẳng định vị thế tại châu Á
Ngày mai 11/09/2018, Nga mở màn cuộc tập trận tại Siberi, được đánh giá quy mô nhất từ năm 1981. Điểm mới là quân đội Trung Quốc được mời. Một số chuyên gia cho đây là bằng chứng liên minh khăng khít Nga-Trung (1), có người phỏng đoán Matxcơva chuẩn bị « chiến tranh thế giới mới » (2). Báo Hồng Kông South China Morning Post đưa ra một góc nhìn khác, nhấn mạnh hoạt động này nằm trong tham vọng khẳng định vị thế cường quốc châu Á của Nga, nhưng mục tiêu ngắn hạn là tìm khách hàng vũ khí.
Bài tổng thuật « Tầu ngầm, chiến hạm và dịch vụ sau khi bán : Làm thế nào quân đội Nga giúp Matxcơva trở thành một tác nhân chính tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương » (3) lưu ý là quyết định mời Trung Quốc tham gia tập trận Vostok, đã « gây ngạc nhiên » cho không ít nhà quan sát, bởi cuộc tập trận quan trọng hàng đầu với Matxcơva này vốn « đóng cửa với các quân đội nước ngoài », và đôi khi bao gồm cả các kịch bản đối phó với Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai nước.
Khác hẳn với các lo ngại về mưu đồ răn đe, gây hấn của Nga – với cuộc tập trận khổng lồ, huy động đến 300.000 nghìn quân (gấp đôi so với đợt trước), 36 nghìn chiến xa, 1.000 phi cơ – (4), nhà báo Adrew McCormick, tác giả bài viết, nhận xét là việc Nga mời Trung Quốc tham gia tập trận Vostok lần này về cơ bản có thể coi là một dấu hiệu cho thấy Matxcơva đang quyết trở thành « một cường quốc hàng đầu » tại một khu vực, mà sự hiện diện của Nga là tương đối mờ nhạt trong vài chục năm gần đây.
Thế đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang dâng cao, khiến một số quốc gia trong khu vực có xu hướng tìm kiếm một đối tác chiến lược mới, để không bị kẹt vào cuộc đọ sức giữa hai người khổng lồ, Matxcơva chủ trương sử dụng « các sức mạnh quân sự » của mình, trong bối cảnh này, để tìm kiếm cơ hội về ngoại giao và kinh tế.
Tận dụng thế đối đầu Mỹ – Trung
Về mặt ngắn hạn, điều đó có nghĩa là chinh phục thêm các thị trường mới cho xuất khẩu vũ khí. Nga tận dụng ưu thế của mình, với tư cách là một cường quốc quân sự thứ hai thế giới, đứng sau Hoa Kỳ, để chào mời khách hàng châu Á.
Mục tiêu của Nga không chỉ là Trung Quốc. Matxcơva muốn thúc đẩy quan hệ quân sự với hàng loạt quốc gia (như Philippines, Việt Nam), Matxcơva muốn bán vũ khí cho nhiều nước, kể cả đảo quốc tí hon Fidji, nam Thái Bình Dương. Bên cạnh đó là khả năng tiếp cận với các cảng biển, sân bay, và mở cơ hội cho các doanh nghiệp Nga tham gia vào các lĩnh vực khác. Cho đến nay, một số quốc gia trong đó phải kể đến Philippines, đã bị Nga quyến rũ.
Hồi tháng 8/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines thông báo lần đầu tiên tàu chiến Philippines, đến thăm thành phố Vladivostok, nơi trú đóng của hạm đội Thái Bình Dương của Nga, để đáp lại việc hải quân Nga thăm Manila. Cũng vào tháng này, có thông tin là Nga có ý định bán cho Philippines hai tầu ngầm lớp Kilo, chạy bằng diesel, loại vũ khí mà Nga đã xuất khẩu từ năm hơn 30 năm nay. Đây là lần đầu tiên Philippines sắm tầu ngầm, nhưng điều đáng chú ý là Manila là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ. Quốc gia Đông Nam Á này cho đến nay chủ yếu mua vũ khí của Mỹ, các nước châu Âu hay Đông Á.
Indonesia là một khách hàng tiềm năng lớn khác mà Nga nhắm đến. Indonesia đã đặt hàng nhiều chiến đấu cơ Su-35 của Nga (tháng 10 tới, Jakarta sẽ nhận được 11 chiếc Su-35 đầu tiên, và một hợp đồng mua 5 chiếc khác dự kiến sẽ được ký vào cuối năm). Matxcơva có lợi thế Jakarta từng là khách hàng vũ khí của Liên Xô trước đây (quân đội Indonesia hiện vẫn đang sử dụng nhiều máy bay chiến đấu do Nga chế tạo, như Su-27, Su-30, bên cạnh các chiến đấu cơ mua của Mỹ). Indonesia được đánh giá là khách hàng mua Su-35 thứ hai của Nga, sau Trung Quốc.
“Gấu hạt nhân” lần đầu cất cánh tại Indonesia
Không chỉ bán vũ khí, Matxcơva còn muốn tận dụng quan hệ với các khách hàng châu Á, để phô trương lực lượng, gây thanh thế. Hồi tháng 12 năm ngoái, hai oanh tạc cơ Nga Tu-95MS, có biệt danh là « gấu hạt nhân », đã hạ cánh xuống một hòn đảo nhỏ của Indonesia, ở phía bắc Papuasia-New-Guinea, quốc gia châu Đại Dương, nằm cách không xa nước Úc. « Gấu hạt nhân » Tu-95 là oanh tạc cơ chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân, được Nga phát triển từ những năm 1950, và liên tục được cải thiện từ đó đến nay. Thông thường các chuyến bay tương tự của TU-95, cất cánh từ các sân bay của nước Nga, thường xuyên bị Hoa Kỳ và Nhật Bản phản đối. Lần này, việc « gấu hạt nhân » cất cánh từ một sân bay Indonesia, và thực hiện « một vòng tuần tra trên không », đã buộc các căn cứ quân sự miền bắc nước Úc phải đặt vào tình trạng báo động (đây là lần đầu tiên TU-95 cất cánh trên đất Indonesia).
Theo tác giả bài viết, Nga đang thăm dò phản ứng của các cường quốc, để có các bước đi tiếp theo. Một số chuyên gia về quân sự Nga, như ông Alexey Muraviev, tại đại học Curtin, miền tây nước Úc, cho rằng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Matxcơva đang ở trong một bối cảnh « thực sự là thuận lợi », do sự hiện diện không đáng kể của cường quốc này trong vòng vài chục năm gần đây, ít khiến người ta phải cảnh giác. Điều này khác hẳn với tình hình tại biên giới phía tây của Nga, nơi Matxcơva bị phương Tây cô lập do chính sách với Ukraina.
Ông Alexey Muraviev nhấn mạnh là, tại châu Á, Matxcơva có thể vừa cao giọng thách thức Mỹ và các đồng minh, nhưng cũng vừa có thể khẳng định chính mình là một thế lực khác, mà các nước có thể hợp tác, ngoài Mỹ hay Trung Quốc. Nhật Bản được nêu ra như một ví dụ. Việc Tokyo và Matxcơva thường xuyên có những xung khắc về vấn đề quốc phòng, các hoạt động quân sự của Nga tại vùng Viễn Đông không cản trở hải quân Nga – Nhật diễn tập phối hợp, cũng như việc chiến hạm Nga thăm viếng thường xuyên cảng biển Nhật Bản.
Liên minh nhất thời hay đối tác dài hạn ?
Để hiểu ý đồ xét về dài hạn của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo tác giả bài viết trên South China Morning Post, cần phải đối chiếu quan điểm địa chiến lược của Matxcơva với các cường quốc láng giếng. Cho dù kéo Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận Vostok 2018, được coi là có quy mô lớn nhất kể từ năm 1981, nhằm cải thiện sự tin cậy song phương trong thời điểm hiện tại, nhưng rất ít có khả năng Nga sẽ « cột chặt số phận của mình » với cường quốc phương Nam, đang có tham vọng vươn lên đứng đầu thế giới.
Theo chuyên gia Bobo Lo, cựu lãnh đạo một chương trình nghiên cứu về Nga và lục địa Âu-Á ở Chatham House, viện tư vấn về chính trị quốc tế có trụ sở tại Luân Đôn, thế lực mà Matxcơva lo ngại nhất tại châu Á chính là Trung Quốc. Nga sợ nếu Trung Quốc trở nên quá mạnh, Matxcơva sẽ nhanh chóng bị đánh bật khỏi khu vực.
Tác giả bài viết tin rằng đối tác khu vực có nhiều quan điểm tương đồng nhất với Nga là Ấn Độ, một đồng minh lâu đời. Từ hàng chục năm nay, và kể cả hiện nay, New Delhi vẫn mua vũ khí của Nga, cho dù cũng đang hướng sang tìm các nguồn cung cấp khác từ Mỹ, Nhật Bản, hay châu Âu. Nhưng điều quan trọng chủ yếu khác là Ấn Độ cũng có chung quan điểm về một thế giới « đa cực » như Nga, cho dù quan điểm về một thế giới đa cực giữa hai bên không hẳn đã hoàn toàn tương đồng.
Dù sao thì, vấn đề cơ bản với nước Nga là, nếu Matxcơva muốn được đối xử như một « cường quốc thế giới nghiêm túc », thì quốc gia này trước hết phải đẩy mạnh vai trò của mình tại châu Á. Mà sự lựa chọn tốt nhất của nước Nga tại châu Á ắt hẳn là đầu tư cho quan hệ với các đối tác, có chung quyền lợi và quan điểm về dài hạn, hơn là cho các liên minh nhất thời.
Ghi chú
1. Bài « Russia and China in Alliance Conditions » của cựu đại sứ Ấn Độ tại Liên Xô Melkulangara Bhadrakumar, trên trang orientalreview.org, ngày 20/08/2018.
2. « Russia to launch largest military drill on 11 September; 300,000 troops, including China and Mongolia, to participate », trang mạng Ấn Độ firstpost.com, ngày 10/9/2018. Xem thêm : «IISS : Trung Quốc và Nga phá vỡ thế cân bằng quân sự trên thế giới », RFI, 15/02/2018.
3. South Chine Morning Post, ngày 6/9/2018.
4. Bài « Why China, Russia focusing on war games » của Peter Apps (ngày 29/08/2018). Phóng viên chuyên về quân sự quốc tế của Reuters, khi nói về cuộc tập trận Vostok, đã nêu một cảnh báo đáng lưu ý : « các cường quốc thế giới càng huy động nhiều lực lượng cho các cuộc tập trận khổng lồ hơn, thì chính họ càng có nhiều nguy cơ rơi vào xung đột thực sự hơn, xung đột có khi vượt khỏi tầm kiểm soát ».
Iran muốn gì ở Syria ?
Cuộc xung đột tại Syria đang đi vào giai đoạn cuối với trận đánh được cho là tàn khốc nhất đang diễn ra tại Idleb. Dường như Mỹ và phương Tây, trước mắt, đành chấp nhận chế độ Damas là bên thắng cuộc và tổng thống Bachar Al Assad tiếp tục tại vị, nhưng áp lực đòi Syria đuổi Iran ngày càng gia tăng.
Thậm chí, Ả Rập Xê Út và một số nước Ả Rập theo hệ phái Sunni còn ngầm bắn tin sẵn sàng tham gia tái thiết Syria, nếu Damas gạt bỏ Teheran. Tuy nhiên, theo giới quan sát, khả năng này khó có thể xẩy ra bởi vì Iran là đồng minh gần như là « truyền thống » của Syria và nước này lại có một vị trí chiến lược địa chính trị rất quan trọng trong chiến lược của Iran nhằm mở rộng ảnh hưởng của hệ phái Hồi Giáo Shia trong khu vực Trung Đông.
Về mặt địa lý, Syria bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ, đông và nam giáp với Irak, cũng ở phía nam còn có phần biên giới chung với Jordani và Israel, một phần phía tây được bao bọc bởi Liban và biển Địa Trung Hải. Đây chính là điểm mấu chốt để giải thích cho sự hiện diện của quân đội Iran tại Syria.
Đối với các giáo sĩ Téhéran, Syria là một lá chủ bài trong việc hình thành trục Hồi Giáo Shia bao gồm cả Irak, Liban và Yemen để đối đầu với hệ phái Sunni. Syria là chìa khóa để Iran có thể tiếp cận trực tiếp với phe Hezbollah tại Liban và dễ dàng đối đầu với Israel, ngay chân cao nguyên Golan, trên lãnh thổ Syria.
Theo nhận định của nhà báo Patrick Saint-Paul trên tờ Le Figaro, nói đến chiến lược này không thể không kể đến vai trò quan trọng của Qassem Soleimani. Viên chỉ huy lực lượng al-Qods, đơn vị tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng, hiện đang điều hành « trục cách mạng Shia » này.
Dưới sự chỉ đạo của viên tướng này, Iran thật sự cắm rễ sâu vào Syria, vẽ lại bản đồ chiến lược khu vực. Cố vấn quân sự của Iran có mặt khắp nơi tại Syria và tham gia trực tiếp trong các trận đánh. Binh sĩ Iran hiện diện trong các nhóm dân quân tự vệ, nhất là phe Hezbollah ở Liban, đội quân vũ trang có đến 6.000 chiến binh.
Không chỉ hỗ trợ Syria về mặt nhân lực, Iran còn triển khai nhiều loại vũ khí chiến lược : Tên lửa, thiết bị bay điều khiển từ xa có vũ trang hay tàng hình. Quân đội Iran được quyền sử dụng các căn cứ quân sự, nhất là không quân trên khắp lãnh thổ Syria.
Tuy nhiên, việc Nga quyết định can dự vào cuộc xung đột Syria đã làm thay đổi phần nào cục diện, thế độc quyền của Iran bị lung lay. Nhưng không vì thế có thể làm cho Iran từ bỏ ý đồ của mình. Theo một nguồn tin phương Tây, dù đã có được sự ủng hộ đông đảo của nhiều nhóm dân quân tự vệ và các binh sĩ trung thành với Soleimani, nhưng Iran vẫn đang tìm cách thương lượng mở một cảng biển tại Tartous. Và trong dài hạn, cảng biển này có thể nâng cấp thành các cơ sở quân sự.
Trong bối cảnh bị Mỹ gia tăng trừng phạt kinh tế, sau thông báo rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của tổng thống Donald Trump, Syria còn là một lối thoát « thần kỳ » cho phép Iran đi ra Địa Trung Hải, giúp cho ngành xuất khẩu dầu hỏa của Teheran tránh phải đi qua ngả vùng Vịnh Ba Tư và những nước láng giềng thù nghịch.
Tóm lại, như nhận định của một nguồn tình báo phương Tây, « đối với chế độ Iran, việc có mặt tại Trung Đông còn quan trọng hơn cả vấn đề vũ khí hạt nhân. Điều này cho phép Iran hành động chống lại kẻ thù, nhưng vẫn bảo toàn được lãnh thổ trước các hành động đáp trả. Khi gây ra các ung nhọt căng thẳng bên ngoài, Iran đang tự phòng vệ. Đó cũng là một dạng răn đe ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180910-iran-muon-gi-o-syria-0
Trung Quốc dọa đáp trả
nếu Mỹ tiếp tục đánh thuế
Bắc Kinh nói sẽ đáp trả nếu Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp thuế quan mới, hãng tin Reuters trích lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 10/9, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra cảnh báo sẵn sàng áp thuế đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Nếu phía Mỹ cứ khăng khăng và thực hiện biện pháp thuế quan mới chống lại Trung Quốc, thì chắc chắn phía Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền hợp pháp của chúng tôi.”
Trước đó, hôm 7/9, Tổng thống Trump nói ông sẵn sàng áp thuế bổ sung đối với hầu hết hàng nhập từ Trung Quốc, dọa sẽ đánh thuế thêm 267 tỷ đôla giá trị hàng hóa ngoài 200 tỷ đôla hàng nhập khẩu sắp chịu thuế.
Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đã kích hoạt các khoản thuế bổ sung trên 50 tỷ đôla giá trị hàng hóa nhập khẩu của nhau kể từ tháng 7.
Tổng thống Trump chỉ trích việc thặng dư mậu dịch kỷ lục của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ, và đã yêu cầu Bắc Kinh cắt giảm xuất siêu ngay lập tức.
Vào tháng 8, Trung Quốc đã công bố một danh mục đề xuất sẽ áp thuế trả đũa trên 60 tỷ đôla giá trị hàng hóa nhập từ Mỹ, từ khí thiên nhiên hóa lỏng đến một số loại máy bay, nếu Washington kích hoạt việc đánh thuế trên danh mục 200 tỷ đôla giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-doa-dap-tra-neu-my-tiep-tuc-danh-thue/4564662.html
Phe đối lập Ấn Độ biểu tình,
phản đối giá nhiên liệu tăng
Hàng loạt các cuộc biểu tình khắp Ấn Độ phản đối việc giá xăng dầu tăng cao kỷ lục đã buộc các doanh nghiệp, văn phòng chính phủ và trường học ở nhiều nơi phải đóng cửa hôm 10/9, theo hãng tin Reuters.
Các nhà hoạt động thuộc đảng Quốc Đại đối lập đã tuần hành, chặn đường và làm gián đoạn các chuyến tàu ở bang Odisha miền đông Ấn Độ, trong khi các đảng đối lập khác biểu tình phản đối bên ngoài các văn phòng các công ty tiếp thị dầu mỏ.
Ông Rahul Gandhi, lãnh đạo Đảng Quốc Đại, cho rằng các chính sách của đương kim Thủ tướng Narendra Modi là nguyên nhân làm cho giá nhiên liệu cao hơn và đồng rupee bị rớt giá.
Ông Gandhi nói: “Đồng rupee chưa bao giờ yếu như vậy trong 70 năm kể ngày độc lập. Nông dân, người lao động không thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Chỉ có 15-20 các ông lớn trong ngành công nghiệp làm ăn phát đạt.”
Những người biểu tình đốt lốp xe và giao thông bị chặn ở bang Assam phía đông bắc Ấn Độ. Các quan chức cho biết một số người đã bị bắt ở bang Assam và bang Tây Bengal.
Đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi cáo buộc rằng các đảng đối lập “chính trị hóa một cách không cần thiết” việc giá nhiên liệu cao và đồng tiền bị mất giá, mà đảng này đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài như khủng hoảng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đã ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi.
Thuế đánh lên xăng và dầu diesel, chiếm hơn một phần ba giá nhiên liệu bán lẻ, là một trong những nguồn thu nhập lớn nhất cho chính phủ, và cũng là một vấn đề gây bất bình cho cử tri.
Các chính phủ tiền nhiệm thường giảm thuế khi giá dầu quốc tế tăng vọt, nhưng chính quyền của ông Modi thì không làm như vậy, theo Reuters.
https://www.voatiengviet.com/a/phe-doi-lap-an-do-bieu-tinh-phan-doi-gia-nhien-lieu-tang/4564774.html
Người Hồi giáo ở TQ bị
‘nhồi nhét học thuyết chính trị’
Tổ thức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 10/9 lên tiếng việc người dân tộc thiểu số Uighur theo Hồi giáo ở vùng Tân Cương của Trung Quốc bị giam giữ tùy tiện, bị hạn chế sinh hoạt tôn giáo hàng ngày và bị “nhồi nhét học thuyết chính trị,” theo hãng tin Reuters.
Vào tháng trước, Hội đồng nhân quyền LHQ cho biết Trung Quốc được cho là đang giam giữ gần 1 triệu người dân tộc Uighur trong các “trại giam” bí mật ở vùng Tân Cương, và buộc họ phải học tập cải tạo chính trị.
Từ trước đến nay, Bắc Kinh phủ nhận việc “cải tạo chính trị” và nói rằng đây là những trung tâm đào tạo nghề, một phần trong các sáng kiến của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thay đổi xã hội trong khu vực.
Người thiểu số Uighur và những người Hồi giáo khác bị giam giữ trong các trại đều bị cấm chào hỏi nhau theo phong cách đạo Hồi, họ phải học tiếng Trung phổ thông và hát những bài hát tuyên truyền, theo một báo cáo của HRW dựa trên các cuộc phỏng vấn 5 cựu tù nhân.
Tổ chức này còn cho biết rằng người dân ở Tân Cương có thân nhân sinh sống ở một trong 26 “quốc gia nhạy cảm”, bao gồm Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia, bị các nhà chức trách nhắm mục tiêu và bị giam giữ trong vài tháng mà không có lệnh bắt chính thức.
Theo HRW, nếu không thực hiện theo hướng dẫn trong trại thì họ bị phạt, không được cung cấp thực phẩm, bị ép đứng suốt 24 giờ, hoặc thậm chí là biệt giam.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-hoi-giao-o-tq-bi-nhoi-nhet-hoc-thuyet-chinh-tri/4564711.html
Hãng TQ Làm Phụ Tùng Xe Than Trời
Vì Cuộc Chiến Mậu Dịch
Cuộc chiến mậu dịch Mỹ-Trung đe dọa làm cho tháng 9 trở thành tháng chậm nhất tại xưởng chế tạo đồ phụ tùng xe hơi của hãng E.D. Opto Electrical Lighting Co. tại tỉnh Zhenjiang của Trung Quốc.
Với TT Trump áp thuế lên các hàng hóa như đệm xe hơi và hệ thống dây điện đánh lửa trong tháng 7, khách hàng Mỹ mua đèn xe loại LED của công ty gặp khó khăn hơn trong mùa hè để đặt giao hàng của họ sớm trong trường hợp họ muốn có trong chiếc xe kế tiếp. Hiện với mức thuế Hoa Kỳ áp đặt lên hàng hóa TQ trị giá 200 tỉ đôla trong tuần rồi – gồm đèn xe hơi được làm tại hãng E.D. Opto – nhà quản trị xuất khẩu Melissa Shu không biết điều gì sẽ xảy ra cho các doanh nghiệp.
“Nếu các mức thuế được áp dụng, chúng tôi sẽ gặp khó khăn để bán các sản phẩm của chúng tôi,” theo Shu cho biết. “Khách hàng có thể đòi chúng tôi hạ giá nhưng chi phí vật liệu thì đang gia tăng.”
Khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gặp khó khăn, các nhà cung cấp nhỏ như nhà sản xuất đèn xe hơi và khách hàng Mỹ của họ đang kẹt ở giữa. Các nhà chế tạo đồ phụ tụng xe hơi đang vật lộn với sự gia tăng chi phí của thép và nhôm, và hiện nay cuộc chiến thương mại đang đe dọa làm đảo lộn kỹ nghệ mà đã ngày càng lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Xuất cảng đồ phụ tùng Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã gia tăng 18% từ năm 2012 tới 2017 để đạt tới 17.6 tỉ đô la vào năm ngoái, theo tài liệu từ Bộ Thương Mại Hoa Kỳ cho biết.
Các công ty như E.D. Opto đang trực tiếp gặp khó khăn. Công ty cũng bắt đầu hoạt động một chi nhánh Hoa Kỳ tại thành phố Anaheim thuộc tiểu bang California hồi năm ngoái. Công ty sợ rằng trận chiến mậu dịch sẽ cắt giảm nhu cầu đối với họ.
https://vietbao.com/p122a285297/hang-tq-lam-phu-tung-xe-than-troi-vi-cuoc-chien-mau-dich
Lãnh tụ Bắc Hàn: ‘Bóng giờ trên sân của Mỹ’
Một quan chức cấp cao của Nga mới gặp ông Kim Jong Un cuối tuần trước đã dẫn lời lãnh tụ Bắc Hàn nói như vậy hôm 10/9.
Bà Valentina Matvienko, Chủ tịch Thượng viện Nga, hội đàm với ông Kim ở Bình Nhưỡng hôm 8/9, theo Reuters.
Theo hãng tin RIA của Nga, nhân vật được coi là trung thành với Điện Kremlin này dẫn lời nguyên thủ Bắc Hàn nói rằng ông không có kế hoạch thực thi bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm phi hạt nhân hóa, mà vẫn đang đợi hồi đáp của Mỹ về các bước đi ông đã tiến hành.
Bắc Hàn hôm 9/9 đã tổ chức lễ duyệt binh nhân 70 năm ngày lập nước, nhưng không phô diễn các tên lửa xuyên lục địa giống các năm trước.
Reuters nhận định rằng điều đó cho thấy mục tiêu và tuyên bố của ông Kim về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, thể hiện trong các cuộc gặp trước đây với Tổng thống Mỹ, Hàn Quốc và Chủ tịch Trung Quốc.
Bà Matvienko nói rằng ông Kim Jong Un tỏ ra lịch sự và ngoại giao khi nhận xét về Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nữ quan chức này cũng dẫn lời lãnh tụ Bắc Hàn nói rằng ông hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của Nga nhằm làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến khác liên quan, theo Reuters, trợ lý điện Kremlin Yuri Ushakov hôm 10/9 cho biết rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư mời ông Kim thăm Nga.
Ông Ushakov cũng nói rằng hiện chưa có cuộc thương thảo nào về kế hoạch chi tiết cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-tu-bac-han-noi-bong-gio-tren-san-cua-my/4564746.html
Campuchia cho lãnh đạo đối lập Kem Sokha
tại ngoại hầu tra
Lãnh đạo đối lập Campuchia, Kem Sokha, đã bất ngờ được trả ra khỏi nhà tù, nơi ông đang chờ xét xử về tội phản quốc.
Ông Kem Sokha đã được cho tại ngoại và không rõ liệu các cáo buộc tội trạng của ông có được hủy bỏ hay không.
Ông bị bắt vào năm 2017 trong một trường hợp được xem là vì động cơ chính trị.
Đảng của ông sau đó bị giải thể và không còn phe đối lập chính trị nào, đảng cầm quyền đã thắng áp đảo một cuộc bầu cử vào đầu năm nay.
Cuộc đàn áp phe đối lập đã châm ngòi cho sự lên án quốc tế và các mối đe dọa rút viện trợ cho Campuchia.
Hun Sen: “Tôi sẽ cầm quyền thêm 10 năm”
Campuchia: Lãnh đạo đối lập Kem Sokha bị bắt
Bầu cử Campuchia: Không có đảng đối lập chính
Kem Sokha đã bị buộc tội hợp tác với Hoa Kỳ để âm mưu chống lại chính phủ Campuchia. Nếu bị kết tội, ông sẽ phải đối mặt với 30 năm tù giam.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã kêu gọi Campuchia bỏ các cáo buộc chống lại Kem Sokha vô điều kiện và đảo ngược quyết định giải thể đảng đối lập.
“Công lý không được bảo vệ trong việc này, đây chỉ là việc tạm thời trả tự do cho một nhà lãnh đạo chính trị đối lập mà các công tố viên có thể đảo ngược bất cứ lúc nào”, Giám đốc khu vực Châu Á của HRW, ông Phil Robertson nhận định.
“Mặc dù có nhiều phấn khích quanh việc ông Sokha được trả tự do ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi đến mục tiêu phục hồi có ý nghĩa về dân chủ và tôn trọng nhân quyền ở Campuchia.”
“Dọa cấm vận”
Kem Sokha là lãnh đạo Đảng Cứu hộ Quốc gia Campuchia, được xem là ứng cử viên duy nhất đối đầu với đảng cầm quyền do Hun Sen lãnh đạo, người đã nắm quyền hơn 30 năm.
Đảng Đảng Cứu hộ Quốc gia Campuchia bị cấm hoạt động vào tháng 11 năm 2017, cho phép đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP) giành tất cả các ghế trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 7 năm 2018, khiến Campuchia trở thành một quốc gia độc đảng.
Các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền đã mô tả vụ bắt giữ của ông là tùy tiện, kêu gọi Campuchia trả tự do cho ông.
Sau cuộc bầu cử tháng Bảy, Liên Hiệp Âu Châu cho biết đang xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế trong khi Mỹ cho biết họ xem xét việc hạn chế tVisa cho các quan chức chính phủ.
Hun Sen, một cựu chiến binh trong chế độ Khmer Đỏ sau này phản đối họ, đã nắm quyền từ năm 1985. Ông ta được quân đội Việt Nam thiết lập sau khi họ đã lật đổ chế độ diệt chủng.
Ông Hun Sen cầm quyền trong một giai đoạn kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và bền vững, nhưng từ lâu đã bị buộc tội sử dụng các tòa án và lực lượng an ninh để đè bẹp giới bất đồng chính kiến và đe dọa các nhà phê bình.