Tin khắp nơi – 10/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 10/09/2017

Mỹ: Bão Irma đổ bộ vào Florida

với sức gió trên 200km/giờ

Trọng Nghĩa

Đúng với lo ngại, bão Irma đã tăng cường độ khi đổ bộ vào đất liền ở tiểu bang Mỹ Florida, đánh vào vùng quần đảo Keys ở cực nam tiểu bang này vào sáng nay 10/09/2017, với sức gió lên đến 215km/giờ, và biển động dữ dội.

Theo Trung tâm Dự Báo Bão của Mỹ, trong đêm, trận bão Irma đã mạnh lên trở lại ở cấp 4 trên một thang bậc gồm 5 cấp, và di chuyển từ từ về bờ biển phía tây Florida với vận tốc khoảng 15 km/giờ. Cũng theo trung tâm này, các đợt sóng kèm theo bão có thể cao hơn 4,6 mét, đủ để bao trùm cả một ngôi nhà.

Theo tập đoàn điện lực Florida Power and Light, hơn 430.000 hộ gia đình và doanh nghiệp ở Florida đã bị mất có điện.

Điểm chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ là đã có đến 6,3 triệu cư dân bang Florida, tức khoảng 1/3 dân số, được lệnh sơ tán. Lệnh giới nghiêm cũng được ban bố tại nhiều nơi, Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida cũng bị buộc phải đóng cửa để tránh bão.

Ngay từ hôm qua, thành phố Miami, một nơi rất náo nhiệt, đã hoang vắng hẳn đi như một thành phố chết. Từ Miami, Anne Corpet, đặc phái viên RFI tại Florida ghi nhận :

Từ hôm qua, tại thành phố Miami này, trời đã bắt đầu mưa liên tục, gió thổi rất mạnh và những cây cọ dừa dọc theo bờ biển đã phải oằn mình dưới sức gió.

Dân chúng rất cảnh giác, chính quyền địa phương tiếp tục kêu gọi mọi người cẩn thận. Thống đốc bang Florida nhắc lại một lần nữa rằng Irma là một mối nguy hiểm chết người đối với tất cả những ai không tìm nơi trú ẩn.

Trận bão Irma đặc biệt lớn, có thể gây ra thiệt hại đáng kể trong một chu vi rất rộng quanh tâm bão. Chính quyền đã ban hành lệnh giới nghiêm ở Miami, cấm mọi người ra đường trước 7 giờ sáng.

Các đường phố trở nên vắng tanh, chỉ có xe cảnh sát đi tuần để buộc mọi người tuân thủ lệnh giới nghiêm, đồng thời buộc những người vô gia cư phải đến những trung tâm tạm cư.

Hiện có khoảng 75.000 người đang trú ẩn trong các trung tâm này ở bang Florida. Họ chủ yếu là thành phần dân nghèo nhất, nhưng cũng có một số du khách.

Có rất nhiều người không tuân lệnh sơ tán, cố thủ trong nhà, chờ bão đi qua. Những người chọn phương án này đã trữ sẵn thức ăn và nước uống, đủ dùng trong vài ngày.

Sandra Debuire, một phụ nữ Pháp cư ngụ ở Miami, cho rằng điều mà mội người sợ, không phải là lúc bão tràn qua, mà là sau đó, với khả năng xẩy ra tình trạng cướp bóc, hôi của, mà thủ phạm có thể là những người bị mất hết trong trận cuồng phong.

Hai đảo Saint-Barthélemey và Saint-Martin thoát nạn José

Vốn đã bị Irma tàn phá nặng nề, hai hòn đảo thuộc vùng Antilles của Pháp, trong những ngày qua, đang sợ bị thêm một trân bão dữ dội thứ hai là José.

Tuy nhiên, thảm họa đã không tái diễn. Đêm 09/09/2017, bão José đã không quét qua hai đảo này, mà di chuyển cách Saint-Martin  khoảng 125 km, và cách Saint Barthélemy 135 km. Tuy vậy sức gió quanh hai đảo cũng lên đến 80 km/h.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170910-bao-irma-manh-tro-lai-do-bo-vao-florida-voi-suc-gio-tren-200kmgio

 

Thị trưởng Miami Beach vẫn có mặt trong văn phòng

khi bão Irma tấn công Florida

Miami Beach, Florida. (CBS)  – Thị trưởng Miami Beach, ông Philip Levine, nói chuyện từ văn phòng của mình tại City Hill vào sáng nay 10 tháng 9, bất chấp thành phố đang bị bắt buộc phải di tản do bão Irma.

Ông Levine cho biết đang theo dõi tình hình chặt chẽ. Ông nói chưa có báo cáo lũ lụt nghiêm trọng nào vào thời điểm này. và dự trù tới trung tâm hoạt động khẩn cấp của thành phố tại Trung Tâm Y Tế Mount Sinai. Thị trưởng cảm ơn vì rất nhiều cư dân đã tuân thủ lệnh di tản. Ông Levine nói thấy một số cây bị đổ, nhưng điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy ra.

Bão Irma mạnh cấp 4 khi tiến vào Florida. Mắt bão đã tới Florida Keys, Đông Nam nước Mỹ, mang theo những đợt gió mạnh tới 80 cây số giờ. Theo CNN, gần 380,000 người phải chịu cảnh mất điện trên toàn tiểu bang. Ít nhất 36 triệu người dự trù bị ảnh hưởng do siêu bão có thể gây mưa lớn và lũ lụt nguy hiểm.

Tổng Thống Trump cũng đã kêu gọi mọi người tại tiểu bang Florida tìm nơi an toàn. Ông Trump nhắn tin trên Twitter rằng bão Irma có sức hủy hoại lớn, kêu gọi mọi người trên đường đi của bão tuân thủ hướng dẫn của các viên chức chính phủ. Trong một đoạn video từ Trại David, ông Trump kêu gọi mọi người tránh khỏi đường đi của bão.

Irma là siêu bão mạnh nhất từng xuất hiện ở Đại Tây Dương. Nó đã tấn công Barbuda rồi đi qua hai đảo của Pháp là Saint Barts và Saint Martin vào ngày 6 tháng 9, phá hủy các tòa nhà kiên cố nhất, làm tốc mái và mất điện. Ít nhất 24 người chết và nhiều người bị thương. (Nguyên Trân)

http://www.sbtn.tv/thi-truong-miami-beach-van-co-mat-trong-van-phong-khi-bao-irma-tan-cong-florida/

 

Bão Irma lăm le áp sát Florida,

để lại cảnh tàn phá ở Caribe

Bão xoáy Irma tiếp tục đem những trận cuồng phong và mưa xối xả tới bờ biển phía bắc của Cuba trong khi nó chuyển hướng sang bang Florida của Mỹ, sau khi làm thiệt mạng ít nhất 22 người và gây nên tàn phá thảm khốc ở những nơi khác thuộc Đại Tây Dương.

Ngoài Cuba, cảnh báo của Trung tâm Bão xoáy Quốc gia Hoa Kỳ có hiệu lực đối với các đảo Andros, Bimini và Bahama Lớn thuộc quần đảo Bahamas, bán đảo Florida và quần đảo Florida Keys.

Trung tâm Bão xoáy Quốc gia Hoa Kỳ cho biết Irma đã suy yếu từ bão cấp 4 xuống cấp 3 nhưng dự kiến sẽ tăng cường độ khi nó đến gần Florida Keys.

Cơn bão này, là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, dự kiến sẽ bắt đầu ập vào Florida Keys vào Chủ nhật và tiếp cận bờ biển phía tây nam Florida vào chiều Chủ nhật.

Trong khi cơn bão lăm le ập vào Florida, nhà chức trách cảnh báo hàng triệu người rằng không còn nhiều thời gian để họ di tản.

Florida đã yêu cầu 5,6 triệu người – hơn một phần tư dân số của bang – di tản trước khi cơn bão dự kiến đổ bộ vào Chủ nhật.

Thống đốc Florida Rick Scott mô tả Irma là “cơn bão thảm khốc mà bang này chưa từng thấy trước đây,” lưu ý rằng cơn bão này lớn hơn cả diện tích bang Florida.

Ông Scott cảnh báo, “Chúng ta sắp hết thời gian,” và lên Twitter đưa ra lời kêu gọi sự giúp đỡ của 1.000 y tá tình nguyện.

Dự báo cho biết Florida Keys, khu vực tây nam Florida và khu vực Vịnh Tampa có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, phía đông Florida, bao gồm thành phố Miami, vẫn có thể cảm nhận cơn thịnh nộ của cơn bão lớn và mạnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nội các của ông hôm thứ Bảy đã hội họp tại nơi nghĩ dưỡng của tổng thống ở Trại David, bang Maryland, để bàn bạc về cơn bão.

“Cơn bão này rất tệ, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị ở mức cao nhất, hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp,” ông Trump nói với các phóng viên trên Bãi Cỏ Nam của Nhà Trắng hôm thứ Sáu trước khi bay tới Trại David.

Ông Trump hôm thứ Bảy đăng một dòng tweet có chứa những liên kết tới các nơi trú ẩn và các thông tin khác mà sẽ hữu ích cho nạn nhân cơn bão.

Tàn phá ở Caribe

Trên đường tới Cuba và Florida, Irma đã càn quét đảo Barbuda có diện tích 160 km vuông, khiến Thủ tướng Gaston Browne của đảo quốc Antigua và Barbuda tuyên bố hòn đảo này là “đống đổ nát.”

Thủ tướng ước tính khoảng 95% các tòa nhà trên Barbuda đã bị phá hủy hoặc bị hư hỏng.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-irma-lam-le-ap-sat-florida-de-lai-canh-tan-pha-o-caribe/4022062.html

 

Cảnh báo bão Irma sẽ tàn phá một phần nước Mỹ

Dự đoán bão Irma sẽ tàn phá một phần nước Mỹ, các giới chức Hoa Kỳ đang khẩn trương chuẩn bị đáp ứng trên quy mô lớn, trưởng Cơ quan Xử lý Khẩn cấp Liên bang FEMA cho biết ngày 8/9.

Bão Irma dự kiến sẽ đánh vào Florida sớm nhất vào tối thứ bảy, nhiều phần của bang này dự kiến sẽ mất điện dài ngày và hơn 100 ngàn người cần nơi tạm trú, ông Brock Long, một giới chức thuộc FEMA cảnh báo.

“Bão Irma vẫn là mối đe dọa sẽ tàn phá nước Mỹ hoặc tại Florida hoặc vài bang Đông Nam khác,” ông Long cho biết.

Sáng 8/9 Irma từ cấp 5 hạ xuống cấp 4 sau khi gây ra thiệt hại nặng nề tại các đảo ở Ca-ri-bê.

Từ 1851 tới nay, nước Mỹ chỉ ba lần hứng chịu bão cấp 5 và bão Irma lớn hơn nhiều so với bão Andrew ập vào Mỹ năm 1992.

Giới hữu trách khuyến cáo dân cư chớ có phớt lờ lệnh sơ tán.

Hàng ngàn nhân sự trong lực lượng chuẩn bị ứng phó bão đã sẵn sàng, đồ ăn, thức uống viện trợ cho dân sơ tán đã được chuẩn bị, ông Long cho biết thêm.

Thứ sáu là hạn chót dân phải sơ tán trước khi gió mạnh bắt đầu quét vào Florida.

Bệnh viện chính ở St. Thomas, quần đảo Virgin của Mỹ, đã đóng cửa sau khi bị thiệt hại vì Irma, những bệnh nhân cần được săn sóc khẩn cấp được chuyển viện tới Puerto Rico hoặc các hòn đảo khác.

Ngày 8/9, Hạ viện biểu quyết thông qua việc tăng viện trợ hơn gấp đôi lên tới 15,25 tỷ đô la cho FEMA và các nguồn quỹ địa phương để đối phó với thiên tai sau khi Thượng viện đã đồng ý một ngày trước đó.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-irma-se-tan-pha-mot-phan-nuoc-my-/4021349.html

 

Myanmar: Quân nổi dậy tuyên bố tạm ngừng bắn

Nhóm Hồi giáo nổi dậy Rohingya tại Myanmar đã tuyên bố ngừng bắn tạm thời trong vòng một tháng nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân quyền tại khu vực Rakhine.

Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (Arsa) cho biết sẽ ngừng bắn từ Chủ nhật 10/9/2017, đồng thời kêu gọi quân đội Myanmar buông vũ khí.

Quân đội Arkan chống chính phủ Myanmar là gì?

Lính Myanmar giết 25 người Rohingya

Lính Myanmar ‘có dính tới vụ đốt làng Rohingya’

Hiện tại chúng tôi cần khẩn cấp 60.000 chỗ trú ẩn cùng lương thực, nước sạch và dịch vụ y tế, cùng các chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm lý để hỗ trợ những nạn nhân của bạo lực tình dụcRobert Watkins, Đại diện LHQ,

Myanmar: Hàng ngàn bỏ chạy đến biên giới Bangladesh

Việc Arsa tấn công cảnh sát hôm 25/8 đã dẫn tới phản ứng mạnh tay ‘tàn bạo’ của quân đội.

Từ đó tới nay, khoảng 290 ngàn người Rohingya được cho là đã bỏ trốn khỏi Rakhine và trú ẩn tại vùng biên giới với Bangladesh.

Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi cứu trợ khẩn cấp với trị giá khoảng 77 triệu USD bao gồm lương lực, nước và dịch vụ y tế cho những người Rohingya đã rời Myanmar.

Người dân Rohingya, nhóm thiểu số Hồi giáo tại một đất nước đa số theo đạo Phật, cho biết quân đội và những người theo đạo Phật tại Rakhine đã có những chiến dịch chống lại họ một cách tàn nhẫn, thậm chí đốt bỏ những ngôi làng họ sinh sống.

Myanmar phản bác ‎ý kiến này, cho rằng quân đội đang chống lại “quân khủng bố” Rohingya.

Vì sao người Rohingya tràn qua biên giới Bangladesh?

Các tổ chức cứu trợ cho biết số người bỏ trốn khỏi Myanmar quá lớn.

Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Bangladesh, Robert Watkins, cho biết:

“Hiện tại chúng tôi cần khẩn cấp 60.000 chỗ trú ẩn cùng lương thực, nước sạch và dịch vụ y tế, cùng các chuyên viên chăm sóc sức khỏe tâm lý để hỗ trợ những nạn nhân của bạo lực tình dục.”

‘Làng mạc bị đốt cháy’

Những người dân bỏ trốn khỏi Rakhine miêu tả những ngôi làng đã bị đốt cháy, nhiều người bị đánh đập và bị giết bởi những lực lượng an ninh và thanh niên Phật giáo.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thực hư của sự việc này.

Cũng trong thứ bảy vừa rồi, quân đội Myanmar đã bị cáo buộc cài mìn tại vùng biên giới với Bangladesh.

Cáo buộc thanh lọc sắc tộc tại Myanmar

Khủng hoảng Rohingya: Myanmar ‘đặt mìn dọc biên giới’

Cảnh sát Bangladesh cho người tỵ nạn qua biên giới

Các quan chức Bangladesh cho rằng chính phủ Myanmar đã thực hiện hành động này nhằm ngăn chặn người Rohingya quay trở về.

Nguồn tin từ quân đội Myanmar đã phủ nhận cáo buộc này nhưng một đại diện từ chính phủ lại nói rằng thông tin vẫn chưa được làm rõ.

Cuộc khủng hoảng Rohingya đã gây lo ngại tại nhiều quốc gia.

Và người lãnh đạo thực quyền của Myanmar, bà Suu Kyi, khôi nguyên Nobel Hòa Bình, bị chỉ trích là đã không thể bảo vệ và giúp người Rohingya nói lên tiếng nói của mình.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41219313

 

TQ lo ‘nhiễm phóng xạ’ từ Bắc Hàn

Hệ thống cảnh báo của quân đội Mỹ (Defcon) phát hiện phóng xạ từ vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng mới đây.

Tin cho hay hệ thống này phát hiện chất phóng xạ tại Trung Quốc, Nam Hàn và ở chính địa điểm thử hạt nhân.

Người ta cho rằng nguồn phóng xạ là do một đường hầm bị sập tại địa điểm thử hạt nhân ở Punggye dưới Đỉnh Mantap.

Báo cáo mới của Defcon nói hiện khó có thể biết chính xác lượng phóng xạ rò rỉ ra là bao nhiêu.

Vụ thử hạt nhân mà Bắc Hàn tuyên bố là bom nhiệt hạch được thực hiện dưới lòng đất nhưng đường hầm tại đó bị sập do chính phủ thử này gây ra và do các đợt thử nghiệm liên tục, báo cáo cho hay.

Được biết lượng phóng xạ cũng được phát hiện tại một số khu vực của Trung Quốc giáp danh với Bắc Hàn vì vụ thử hạt nhân cách đây một tuần chỉ cách đường biên với Trung Quốc chưa tới 50 km.

Giới chuyên gia lo ngại rằng phóng xạ có thể lan tỏa vào không khí do lòng đất bị xáo trộn.

Trong khi đó các trung tâm thử nghiệm của Trung Quốc nói chưa phát hiện thấy phóng xạ nhưng vẫn tiếp tục thử không khí, đất và nước.

Rò rỉ phóng xạ là mối quan ngại lớn bởi có thể ảnh hưởng tới khoảng 100 triệu người Trung Quốc sống tại khu vực phía đông bắc gần đường biên với Bắc Hàn.

Giới chức Trung Quốc được cho là nói với cựu Tổng thống Park Geun-hye rằng việc Bắc Hàn thử hạt nhân hồi năm 2013 làm sông Yalu, chảy qua biên giới Bắc Hàn và Trung Quốc, bị nhiễm.

Tuy nhiên giới chức Trung Quốc hiện không xác nhận và cũng không bác bỏ điều này mặc dù kể từ năm 2013 đã đặt một loạt trạm giám sát phóng xạ và sẽ bổ sung thêm ít nhất hai trạm nữa sau vụ thử mới nhất.

Hoa Kỳ muốn phong tỏa tài sản Kim Jong-un

Bắc Hàn: ‘Tên lửa bắn qua Nhật là bước đầu’

Trump: ‘Không thể nói chuyện được với Bắc Hàn’

Hoa Kỳ vào tuần trước đã đề xuất một loạt các biện pháp trừng phạt mới với Bắc Hàn, bao gồm lệnh cấm vận xăng dầu và phong tỏa tài sản của lãnh đạo Kim Jong-un.

Hoa Kỳ đã soạn thảo một nghị quyết của LHQ để phản ứng lại vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng, và dự thảo nghị quyết này sẽ được các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ xem xét.

Dự thảo kêu gọi việc cấm bán một loạt các sản phẩm dầu cho Bắc Hàn và cấm mua hàng dệt may Bình Nhưỡng xuất khẩu.

Kim Jong-un cũng sẽ bị phong tỏa tài sản và bị cấm đi lại.

Động thái mới nhất nhằm tăng áp lực với Bắc Hàn sau vụ thử hạt nhân mới nhất.

Bình Nhưỡng tuyên bố đã chế tạo bom nhiệt hạch đủ mạnh và có kích cỡ nhỏ để lắp vừa tên lửa tầm xa.

Chưa rõ liệu những đòi hỏi mới nhất của Hoa Kỳ có được Nga và Trung Quốc hậu thuẫn hay không vì hai nước này đều tỏ ra hoài nghi về việc tăng cường lệnh thanh trừng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41217231

 

Bảo tàng Anh thôi bán địa cầu ‘lưỡi bò’

Một bảo tàng tại Anh Quốc cam kết không bán địa cầu lưu niệm có chi tiết gây tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông sau thư phản ánh của người Việt.

Trong thư trả lời ông Lê Trung Tĩnh, hiện sống và làm việc tại Anh, Bảo tàng Hoàng gia Greenwich hứa sẽ ngưng đặt mua thêm địa cầu được mô tả là “có đường chữ U” và ghi Hoàng Sa,Trường Sa (cách gọi của Việt Nam) theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa và Nam Sa.

Thư điện tử đề ngày 6/9/2017 chia sẻ trên Facebook cá nhân, ông Tĩnh cho rằng bảo tàng này nên chọn quả địa cầu có chú thích “trung tính” bằng tiếng Anh đối với các quần đảo hiện đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông cũng như tránh cái gọi là “đường chữ U” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

“Việc bên thứ ba thể hiện lãnh thổ có tranh chấp với những tên gọi mà mỗi bên tuyên bố có chủ quyền đưa ra có thể là sự ưu ái cho bên đó.

“Tôi không nghĩ rằng đây là mục đích của Bảo tàng Hoàng gia Greenwich cũng như của các quầy hàng lưu niệm,” ông Tĩnh viết.

Ông Tĩnh nói rằng ông mong bảo tàng “nắm được vấn đề này và giải quyết vấn đề nhanh chóng.

Biển Đông: VN phản đối việc TQ tập trận

“Một trong những hành động chúng tôi hy vọng là sản phẩm này sẽ không được tiếp tục bày bán và bảo tàng kiểm tra độ chính xác [của sản phẩm] sau này.”

Ông cũng nói ông ấn tượng về mục tiêu của bảo tàng là “kết hợp di sản đáng tự hào về việc bảo tồn lịch sử với một sự cam kết cho sự hiểu biết tiến bộ” và qua đó hy vọng rằng “trẻ em và người lớn dùng quả địa cầu mua tại đây sẽ có hiểu biết tốt nhất về lịch sử thế giới.”

Bà Rachel Kennedy, Giám đốc Bộ phận Mua sắm của bảo tàng, trong thư trả lời ông Tĩnh, nói họ nghiêm túc giải quyết các khiếu nại chính thức và cam kết “quả địa cầu được nói tới sẽ không được đặt mua lại để bán nữa và bộ phận mua hàng đã được nghe trình bày về thư phản ánh [của ông Tĩnh] để lưu ý sao cho các quả địa cầu mang bán trong tương lai là phù hợp.”

Viết trên Facebook ngày 9/9, ông Lê Trung Tĩnh nói ông rất vui đã nhận thư trả lời của bảo tàng này.

“Tôi đi bảo tàng, nhà sách nào cũng kiếm khu vực bản đồ, địa cầu coi qua. Nếu không thấy đường chữ U và thấy Hoàng Sa và Trường Sa ghi bằng tiếng Anh [Paracels và Spratlys] thì thở phào một cái.

“Tiếc là càng ngày càng thấy nhiều đường chữ U và các tên Hoàng Sa và Trường Sa bằng tiếng Tàu hay của Tàu,” ông Tĩnh viết.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41217582

 

Nga: Luật mới đề nghị cải táng Lenin bị bác

Điện Kremlin bác bỏ luật mới của Viện Duma, cơ quan lập pháp của CHLB Nga, quy định lại cách mai táng Lenin để đưa thi hài ông đi chôn.

Truyền thông Nga hôm thứ Sáu 08/09 đưa tin luật về cải táng do một nhóm dân biểu đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất trình lên Quốc hội đã không được Chánh văn phòng Điện Kremlin Sergei Prikhodko ký thông qua.

Như thế Lenin và không ít các nhân vật nổi tiếng khác của Nga sẽ vẫn nằm ở lăng mộ cho họ chứ không bị đem đi chôn.

Thăm bảo tàng Lenin duy nhất nằm ngoài nước Nga

Sách mới: ‘Lenin – nhà độc tài’

Lenin từng cấm lễ Giáng Sinh không thành

Bộ trưởng Nga đề nghị chôn cất Lenin

Sao khơi chuyện lăng Lenin lúc này?

Dân biểu Ivan Sukharev, một trong số người đưa ra dự luật nói một điều tra dư luận ở Nga, cho hay đa số người dân muốn đưa Lenin ra khỏi Lăng tại Hồng trường ở Moscow để đi mai táng.

Theo trang RT.com của Nga hôm thứ Sáu, 08/09/2017, một cuộc điều tra dư luận hồi tháng Tư trong năm nói 58% dân Nga muốn đưa Lenin đi cải táng một cách đúng đắn.

Một phần dư luận Nga cho rằng cách duy trì xác ướp của người đã quá cố là không phù hợp với phong tục Chính Thống giáo.

Qua đời năm 1924, Vladimir Lenin để lại ý nguyện được chôn bên cạnh ngôi mộ của mẹ ông.

Tôi nghĩ rằng chúng ta nên tôn trọng di chúc đó như mong muốn của ông. Và nếu mà theo phương Đông, thì con người sinh ra từ cát bụi và khi chết đi cũng phải trở về với cát bụiCựu Vụ trưởng Trần Tiến Đức

Đảng cộng sản Nga luôn phản đối việc đưa thi hài Lenin đi chôn.

‘Tôn trọng di chúc’

Ý kiến của ông Trần Tiến Đức

‘Bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh’

Hé lộ chi tiết ướp thi hài Hồ Chủ tịch

Vì sao cha tôi và các trí thức bị cách ly?

Kiểm tra thi hài Hồ Chí Minh

Lăng cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh được xây trong 2 năm, khởi công ngày 2/9/1973 và khánh Một loạt các lãnh tụ cộng sản sau Lenin đã được ướp xác và xây lăng, dù trong đó có một số công trình đã có thay đổi và xác ướp bị hỏa thiêu, hay cải táng, trong khi một số khác vẫn tồn tại.

Nhiều lăng mộ của các lãnh tụ cộng sản được biết đến khá rộng rãi một thời như với Dmitrov (ở Bulgaria), Stalin (ở Nga), Mao Trạch Đông (ở Trung Quốc), Kim Nhật Thành (ở Bắc Hàn), Hồ Chí Minh (ở Việt Nam)…

Chính ông Hồ Chí Minh khi còn sống đã khuyến khích là nên hỏa táng, bởi vì cụ nói rằng đất chật, người đông, cứ chôn nghĩa trang nhiều như thế, làm sao lấy đất mà canh tác, mà sinh sống?Cựu Vụ trưởng Trần Tiến Đức

Hôm 02/9/2017, trong dịp Việt Nam đánh dấu 72 năm quốc khánh, một cựu quan chức Vụ trưởng thuộc một ủy ban của chính phủ Việt Nam trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt từ Budapest, Hungary, có đề cập đến di chúc của cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh.

Nhà quan sát xã hội dân sự Việt Nam, ông Trần Tiến Đức, con trai thứ của ông Trần Duy Hưng, Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội trong thời chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, nói:

“Đúng là trong di chúc Cụ Hồ, di chúc gốc, không có nói đến chuyện xây lăng, thậm chí ông còn đề nghị là hỏa táng và rắc tro của ông ở các miền của đất nước, tôi nghĩ rằng đấy mới là điều mong muốn thực sự của cố Chủ tịch, của cụ Hồ Chí Minh.

“Và tôi nghĩ rằng chúng ta nên tôn trọng di chúc đó như mong muốn của ông. Và nếu mà theo phương Đông, thì con người sinh ra từ cát bụi và khi chết đi cũng phải trở về với cát bụi, thì nên để cho ông được an táng, hoặc là tốt nhất, theo đúng di chúc của cụ Hồ Chí Minh là nên hỏa táng và rắc tro đi. Thì đấy tôi nghĩ sẽ là một điều đúng đắn, còn đây không phải là chống cộng hay không chống cộng, đây trước hết chúng ta phải tôn trọng di chúc của người đã mất.

“Thứ hai, tôi xin nói việc duy trì thi hài của cụ Hồ Chí Minh là một việc rất là tốn kém, có lẽ hiện nay ở trên thế giới chỉ còn có ông Lenin, ông Lenin còn lại thi hài, và người ta cũng bàn đến rất nhiều là đưa ông ra khỏi lăng Lenin, hình như còn ông Mao Trạch Đông, rồi ông nào nữa tôi không biết, nhưng ở Bulgaria, ông Dmitrov, người ta đã cho bỏ lăng đi rồi.

“Tôi nghĩ rằng đấy là một chuyện rất bình thường, vì con người cũng nên làm như thế và chính ông Hồ Chí Minh khi còn sống đã khuyến khích là nên hỏa táng, bởi vì cụ nói rằng đất chật, người đông, cứ chôn nghĩa trang nhiều như thế, làm sao lấy đất mà canh tác, mà sinh sống?”, ông Trần Tiến Đức, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Truyền thông, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam nói với BBC.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41213166

 

Trump ký luật cứu trợ thiên tai và trần nợ

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu ký một dự luật triển hạn nợ chính phủ thêm ba tháng nữa và cấp khoảng 15 tỉ đôla viện trợ thiên tai, hoàn tất thỏa thuận gây kinh ngạc của ông với các nhà lãnh đạo quốc hội bên Đảng Dân chủ trong tuần này.

Dự luật, được Hạ viện Mỹ chấp thuận trong cuộc biểu quyết với tỉ lệ 316-90, đã vấp phải chỉ trích từ một số thành viên bảo thủ ở Quốc hội. Nhưng nó được Thượng viện thông qua hôm thứ Năm và Tổng thống Đảng Cộng hòa ký ban hành ngay sau khi ông đến Trại David ở bang Maryland, cho dịp cuối tuần.

Dù có tranh cãi, các nhà lập pháp đã vội vàng phê chuẩn đạo luật này, cấp 15,25 tỉ đôla tiền cứu trợ thiên tai khẩn cấp, trước khi ngân khoản của chính phủ cạn tiền vào cuối tuần này trong khi người dân Mỹ đang đối phó với hai cơn bão chết người bao gồm cả Irma, một cơn bão có tiềm năng gây thảm họa sắp sửa ập vào bang Florida vào Chủ nhật.

Bão Harvey xảy ra hôm 25 tháng 8 và là cơn bão mạnh nhất ập vào bang Texas trong hơn 50 năm qua, đã làm thiệt mạng khoảng 60 người, hơn 1 triệu người phải tản cư và thống đốc bang này nói rằng thiệt hại lên đến 180 tỉ đôla.

Dự luật khơi lên những câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Trump, một người không làm chính trị lên làm Tổng thống Mỹ đầu năm nay, với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa. Ông thường xuyên chỉ trích Lãnh đạo Khối Đa số ở Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và thỏa thuận của ông hôm thứ Tư với các nhà lãnh đạo quốc hội phe Dân chủ, Lãnh đạo Khối Thiểu số Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo Khối Thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi, là một cú sốc đặc biệt gây choáng váng cho những thành viên bảo thủ.

Mối quan hệ đang xấu đi giữa các nhà lập pháp bảo thủ với chính quyền Trump có thể sẽ vẫn là một nhân tố trong khi Quốc hội và Nhà Trắng giờ phải đối mặt với hạn chót 8 tháng 12 về trần nợ và chi tiêu của chính phủ.

Thời hạn ba tháng của trần nợ và thỏa thuận chi tiêu có thể cho phe Dân chủ cơ hội tốt hơn để giành được mức chi tiêu chính phủ cao hơn vào tháng 12.

Phe Cộng hòa lo sợ rằng phải đối mặt với chi tiêu và nợ sớm như vậy sẽ khiến họ phân tâm khỏi các vấn đề khác, chẳng hạn như cải tổ thuế.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-ky-luat-thien-tai-va-tran-no/4021340.html

 

Nhiều tướng Trung Quốc ‘có thân thế’

bị loại trước Đại hội Đảng 19

Nhiều tướng lĩnh hàng đầu Trung Quốc vừa bị loại khỏi danh sách đại biểu quân đội tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp tới.

Điều này, theo nhận định của giới quan sát quốc tế, chắc chắn sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình, người lên nắm quyền kể từ Đại hội 18 (năm 2012), đưa những người ông tín nhiệm vào các vị trí quan trọng tại Đại hội 19, diễn ra từ ngày 18/10.

Hôm 6/9, tờ báo quân đội Trung Quốc, PLA Daily, công bố danh sách 303 đại biểu quân sự tham dự Đại hội. Trong danh sách này, nhiều tướng lĩnh hàng đầu như Thượng tướng Phòng Phong Huy-Cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Ủy viên Quân ủy Trung ương, và Thượng tướng Trương Dương-Chủ nhiệm Công tác Chính trị của quân đội, lại không nằm trong danh sách đại biểu.

Đây là điều bất ngờ đối với nhiều người Trung Quốc, nhưng theo tờ The Diplomat, lại không mấy ngạc nhiên đối với giới quan sát quốc tế.

Tướng Phòng Phong Huy, 66 tuổi, là người đã tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến đi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida hồi tháng 4.

Cuối tháng trước, Trung Quốc bất ngờ “thay tướng” Lý Tác Thành vào vị trí Tổng tham mưu trưởng của ông Phòng Phong Huy. Bloomberg hôm 23/8 dẫn hai nguồn tin thông thạo cho biết về sự thay đổi này, mặc dù Trung Quốc không hề ra thông báo chính thức.

Ông Từ Quang Dụ, một quan chức cấp cao về hưu và cũng là nhà nghiên cứu cao cấp của Hiệp hội Giải giáp và Kiểm soát Vũ khí Trung Quốc, nhận định với Bloomberg rằng: “Nếu một thành viên trong Quân ủy Trung ương chưa đến tuổi nghỉ hưu mà lại không được tham dự Đại hội đảng, thì phải có một số lý do đặc biệt”.

Sự vắng mặt của hai tướng cấp cao, theo Reuters và báo chí Hồng Kông, là do họ đang phải đối mặt với một cuộc điều tra tham nhũng.

Hôm 8/9, Reuters dẫn nguồn Tân Hoa Xã và PLA Daily bất ngờ đề cập đến Đô đốc Miêu Hoa, Chính ủy Hải quân Trung Quốc trong tư cách Chủ nhiệm công tác chính trị của quân đội, mặc dù không có thông báo chính thức nào về việc Tướng Trương Dương đã bị thay thế.

Tại Đại hội 18, không một tướng cấp cao nào vắng mặt trong danh sách đại biểu.

Trong danh sách đại biểu quân đội của Đại hội 19 còn vắng mặt nhiều tướng lĩnh thuộc diện “con ông cháu cha”, theo tường thuật của tờ Hoa Nam Buổi Sáng ngày 7/9.

Trong số 5 “thái tử Đảng” bị loại khỏi Đại hội 19, đáng chú ý nhất là Thiếu tướng Mao Tân Vũ, cháu nội của Mao Trạch Đông.

Sự vắng mặt của nhiều “thái tử Đảng” trong danh sách đại biểu dự Đại hội 19 có khả năng là do ông Tập Cận Bình không yên tâm và tin tưởng họ có thể đảm trách các vị trí quan trọng, theo nhận định của nhà quan sát quân sự Anthony Wong Dong với Hoa Nam Buổi Sáng.

4 vị tướng “con ông cháu cha” khác không nằm trong danh sách gồm có: Thượng tướng Lưu Nguyên, con trai cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, Đô đốc Lưu Hiểu Giang, con rể cố Tổng bí thư Hồ Diệu Bang, Thượng tướng Trương Hải Dương, con trai Trương Chấn – cố Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Thượng tướng Lưu Á Châu – con rể cố Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm.

Trong những tuần gần đây, ông Tập Cận Bình đã thay thế các chỉ huy của quân đội, hải quân và không quân Trung Quốc.

Tổng cộng sẽ có 2.300 đại biểu tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, trong đó có khoảng 300 đại biểu quân đội.

Hồi tháng 5, Bloomberg dẫn nguồn tin PLA Daily cho biết các đại biểu phải trải qua việc “kiểm tra sức khỏe chính trị” để đảm bảo rằng họ đi theo lý tưởng, trung thành và tôn trọng ông Tập và quyền lực của Đảng trên quân đội.

https://www.voatiengviet.com/a/nhieu-tuong-trung-quoc-co-than-the-bi-loai-truoc-dai-hoi-dang-19/4021659.html

 

Bị đe dọa, nhà báo Nga rời tổ quốc

Một nhà văn và cũng là một người bình luận chính trị nổi bật của Nga, bà Yulia Latynina, đã buộc phải rời đất nước vì lo ngại cho tính mạng của mình.

Reuters dẫn lời ký giả này nói với đài phát thanh Tiếng vọng Moscow cuối ngày 9/9.

Ôtô của bà Latynina đã bị đốt cháy hồi đầu tháng Chín, vài tuần sau khi những kẻ tấn công không rõ danh tính phun chất độc vào nhà cũng như ôtô của bà ở ngoại ô Moscow.

“Tôi khá lo sợ. Tôi sợ rằng những người làm vậy đã sẵn sàng gây chết chóc”, nữ nhà báo nói.

“Tôi đang ở nước ngoài. Bố mẹ tôi cũng ở nước ngoài. Nhiều khả năng tôi sẽ không sớm trở lại Nga”.

Tuy nhiên, nữ ký giả không cho biết rõ rằng bà đang ở quốc gia nào.

Bà Latynina từng làm việc với vai trò bình luận viên tại tờ Novaya Gazeta. Bà từng chỉ trích chính sách của Kremlin ở nước cộng hòa Chechnya ở khu vực Caucasus cũng như chính quyền địa phương.

Năm ngoái, bà Latynina bị tấn công ở trung tâm thủ đô nước Nga, theo hãng tin Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/nha-bao-nga-roi-to-quoc-vi-bi-de-doa/4022572.html

 

Đối lập Campuchia tẩy chay bỏ phiếu tại quốc hội

Đảng đối lập chính ở Campuchia sẽ tẩy chay một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội nhằm tước quyền miễn trừ của thủ lĩnh của họ vào ngày 11/9, và thay vào đó, sẽ tới nhà tù nơi ông Kem Sokha đang bị tạm giam để đòi trả tự do cho ông.

Theo Reuters, vị thủ lĩnh của Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) bị bắt một tuần trước và bị buộc tội phản quốc vì âm mưu giành quyền lực với sự trợ giúp của Mỹ.

Vụ bắt giữ này đã bị các nước phương Tây chỉ trích, nhưng Trung Quốc lại ủng hộ chính quyền của ông Hun Sen.

Quốc hội sẽ bỏ phiếu xem liệu có tước quyền miễn trừ bị truy tố mà ông Kem Sokha hiện có vì là thành viên được bầu của quốc hội hay không.

Thế đa số của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đồng nghĩa với việc động thái trên sẽ được thông qua.

Phó chủ tịch CNRP Mu Sochua nói rằng cuộc bỏ phiếu tại quốc hội là điều bất hợp pháp.

“Chúng tôi không chấp nhận điều này. Chúng tôi sẽ yêu cầu rằng ông Kem Sokha phải được thả vì ông không làm điều gì sai trái”, bà Mu Sochua nói, và cho biết thêm rằng các đại biểu quốc hội đối lập sẽ phản đối tại nhà tù nơi ông đang bị giam giữ gần biên giới với Việt Nam.

Trong khi đó, theo Reuters, phát ngôn viên của CPP, Sok Eysan, nói rằng cuộc tẩy chay này sẽ vi hiến, nhưng CPP có đủ phiếu để tước quyền được miễn trừ của ông Kem Sokha.

https://www.voatiengviet.com/a/phe-doi-lap-campuchia-tay-chay-bo-phieu-tai-quoc-hoi/4022507.html

 

Ả-rập Saudi, Qatar điện đàm hòa giải

nhưng tranh cãi mới lại nổ ra

Ả-rập Saudi hôm thứ Bảy đã đình chỉ bất kỳ cuộc đối thoại nào với Qatar, cáo buộc nước này đã “xuyên tạc sự thật,” ngay sau khi một bản tin về cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo của hai nước gợi ý có sự đột phá trong tranh cãi giữa hai quốc gia vùng Vịnh.

Thái tử Mohammed bin Salman của Ả-rập Saudi đã nói chuyện qua điện thoại với Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani hôm thứ Sáu khi họ bàn về tranh cãi giữa các nước vùng Vịnh, truyền thông nhà nước từ cả hai quốc gia trước đó cho hay.

Ả-rập Saudi, Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả-rập, Ai Cập và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar vào ngày 5 tháng 6, đình chỉ các tuyến đường hàng không và hàng hải với nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới này và là nơi mà Mỹ đặt căn cứ quân sự lớn nhất trong khu vực.

Các nước này nói rằng Doha hỗ trợ cho đối thủ khu vực Iran và những phần tử Hồi giáo cực đoan, một cáo buộc mà các nhà lãnh đạo Qatar phủ nhận. Kuwait vẫn đang cố gắng điều giải tranh cãi này.

“Trong suốt cuộc gọi, Tiểu vương của Qatar bày tỏ mong muốn ngồi xuống bàn đối thoại và thảo luận bề đòi hỏi của bốn quốc gia để đảm bảo lợi ích của tất cả,” thông tấn xã SPA của Saudi Arabia cho biết:

“Các chi tiết sẽ được công bố sau khi Vương quốc Ả-rập Saudi đạt được một sự thông hiểu với Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả-rập, Vương quốc Bahrain và Cộng hòa Ả-rập Ai Cập,” SPA nói.

Cuộc điện đàm là lần liên lạc công khai đầu tiên được báo cáo giữa hai nhà lãnh đạo kể từ lúc khởi sự cuộc khủng hoảng.

Thông tấn xã QNA của Qatar cho biết cuộc điện đàm này diễn ra nhờ sự điều phối của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã nói chuyện với ông Sheikh Tamim trước đó.

Ông Trump hôm thứ Năm nói rằng ông sẵn lòng làm trung gian điều giải tranh cãi nghiêm trọng nhất suốt nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia Ả-rập và Qatar, đều là những nước đồng minh của Mỹ, và nói ông nghĩ rằng một thỏa thuận có thể sắp đạt được.

Cả Tiểu vương Qatar và Thái tử Ả-rập Saudi đều “nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách ngồi xuống bàn đối thoại để đảm bảo sự đoàn kết và ổn định của các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh,” QNA cho hay.

Ông Sheikh Tamim hoan nghênh đề xuất của Thái tử Mohammed “cử hai đặc sứ giải quyết các vấn đề gây tranh cãi theo cách không ảnh hưởng đến chủ quyền của các quốc gia,” QNA nói.

Ả-rập Saudi sau đó ra một thông cáo thứ hai dẫn lời một quan chức giấu tên tại bộ ngoại giao phủ nhận bản tin của QNA.

“Những gì được đăng trên Thông tấn xã Qatar là sự tiếp tục xuyên tạc sự thật của nhà chức trách Qatar,” SPA đưa tin dẫn lời các quan chức Saudi.

“Vương quốc Ả-rập Saudi tuyên bố đình chỉ bất kỳ cuộc đối thoại hoặc liên lạc nào với chính quyền ở Qatar cho tới khi một thông cáo rõ ràng được đưa ra làm rõ lập trường của nước này một cách công khai.”

https://www.voatiengviet.com/a/a-rap-saudi-qatar-dien-dam-hoa-giai-nhung-tranh-cai-moi-lai-no-ra/4022033.html

 

Hạt nhân Bắc Triều Tiên:

Trung Quốc trông đợi vào tiếng nói của Pháp

Thanh Hà

Trong cuộc điện đàm ngày 08/09/2017 với tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kỳ vọng vào thái độ “xây dựng” của Paris để giải quyết khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Pháp và Trung Quốc cùng là 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Thông cáo của phủ tổng thống Pháp về cuộc điện đàm nói rõ là nguyên thủ hai nước “kêu gọi quốc tế lên án hành vi khiêu khích của Bắc Triều Tiên”, đồng thời gia tăng áp lực để “Bình Nhưỡng quay trở lại vòng đàm phán và tránh để căng thẳng leo thang một cách nguy hiểm”. Về phía Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh với tổng thống Emmanuel Macron rằng hồ sơ này chỉ có thể giải quyết bằng những “phương tiện hòa bình, bằng đối thoại và đàm phán”.

Cuộc điện đàm giữa hai thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An diễn ra vài ngày trước khi Liên Hiệp Quốc xem xét dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất đòi tăng cường các biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng thử bom nguyên tử hôm 04/09/2017. Dự thảo nghị quyết mới bao hàm cả khả năng cấm vận dầu hỏa với chế độ Kim Jong Un. Anh và Pháp ủng hộ lập trường của Mỹ. Nga và Trung Quốc thiên về giải pháp đối thoại.

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, Mathieu Duchâtel, phó giám đốc đặc trách khu vực Châu Á thuộc cơ quan Đối Ngoại của Hội Đồng Châu Âu (EFCR) phân tích về nỗ lực của Bắc Kinh thuyết phục Paris ủng hộ một giải pháp “cân bằng” trên hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.

“Trước hết Trung Quốc nhìn nhận vai trò đầu tàu của Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu trên hồ sơ Bắc Triều Tiên và điều này hoàn toàn đúng, trong bối cảnh Anh Quốc vướng bận vì hồ sơ Brexit. Pháp đã đưa ra một lập trường rất rõ ràng, mà thực ra, thì đó cũng là lập trường cứng rắn trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng và trên hồ sơ cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, Paris đang nỗ lực thuyết phục các đối tác còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu để có cùng một tiếng nói chung trên hồ sơ này.

Do vậy theo quan điểm của Trung Quốc, Pháp là một đối tác quan trọng, nếu như Bắc Kinh thuyết phục được Paris đưa ra một giải pháp cân bằng hơn. Trung Quốc đang tìm kiếm một kẽ hở giữa Mỹ và hai thành viên thường trực ở bên này bờ Đại Tây Dương là Anh và Pháp. Chủ trương của Bắc Kinh khác xa với quan điểm của tổng thống Mỹ Donald Trump về cách đối phó với Bắc Triều Tiên. Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề một cách êm thắm. Châu Âu có thể thuyết phục được Hoa Kỳ thiên về giải pháp này. Nếu được như vậy, thì Bắc Kinh sẽ toại nguyện”.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170909-hat-nhan-bac-trieu-tien-trung-quoc-trong-doi-vao-tieng-noi-cua-phap

 

Tổng thống Pháp bàn

việc tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên với Trump, Abe

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Bảy đã bàn về việc gia tăng áp lực và các biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, văn phòng tổng thống Pháp cho biết.

Ba nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải có phản ứng “thống nhất và kiên định” từ cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng, văn phòng của ông Macron nói.

Hàn Quốc hôm thứ Bảy chuẩn bị đối mặt với một vụ thử nghiệm phi đạn khả dĩ nữa của Bắc Triều Tiên vào lúc nước này kỷ niệm ngày lập quốc, chỉ vài ngày sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và cũng là lớn nhất của Bắc Triều Tiên.

Văn phòng tổng thống Pháp nói rằng “những hành vi khiêu khích lặp đi lặp lại” của Bắc Triều Tiên là một “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.” Văn phòng cũng cho biết ông Macron đã thể hiện “sự đoàn kết” của Pháp với Nhật Bản.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang trong khi lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tăng cường phát triển vũ khí, thử nghiệm một loạt phi đạn trong năm nay, trong đó có một phi đạn bay ngang qua Nhật Bản.

Các chuyên gia tin rằng chính quyền Bình Nhưỡng đang gần đạt được mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân hùng mạnh có khả năng vươn tới Mỹ, điều mà Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ ngăn chặn.

https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-phap-ban-viec-tang-ap-luc-len-bac-trieu-tien-voi-trump-abe/4021916.html

 

Nhật Bản nói

đã diễn tập trên không với Mỹ bên trên Biển Hoa Đông

Các máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản hôm thứ Bảy đã tiến hành một cuộc diễn tập trên không với máy bay ném bom B1-B của Mỹ trong vùng trời bên trên Biển Hoa Đông, Lực lượng Tự vệ Hàng không của Nhật Bản cho biết.

Cuộc tập trận này diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc chuẩn bị đối mặt với một vụ thử nghiệm phi đạn khả dĩ của Bắc Triều Tiên khi nước này kỷ niệm ngày lập quốc, chỉ vài ngày sau khi cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu và lớn nhất của Bắc Triều Tiên làm chấn động các thị trường tài chính toàn cầu và gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Cuộc diễn tập có sự tham gia của hai máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ bay từ Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, cùng với hai chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản.

Ngày 31 tháng 8, các máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản cũng tiến hành diễn tập trên không với máy bay ném bom B1-B và chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ tron vùng trời phía nam bán đảo Triều Tiên, hai ngày sau khi Bắc Triều Tiên phóng một phi đạn đạn đạo ngang qua miền bắc Nhật Bản.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-ban-noi-da-dien-tap-tren-khong-voi-my-ben-tren-bien-hoa-dong/4021806.html

 

Donald Trump điện đàm với Erdogan hạ nhiệt căng thẳng

Trọng Nghĩa

Vào lúc quan hệ Washington-Ankara ngày càng xấu đi, vào hôm qua 09/09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Theo Nhà Trắng, hai bên đã đề cập đến nhu cầu hợp tác vì an ninh khu vực Trung Cận Đông.

Trong một bản thông cáo ngắn gọn, phủ tổng thống Mỹ cho biết rằng trong cuộc điện đàm, tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh cam kết chung của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là cùng « hợp tác để tăng cường sự ổn định khu vực ».

Cuộc điện đàm này được tổ chức vào lúc quan hệ giữa hai đồng minh NATO đặc biệt trở nên căng thẳng sau khi Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurdistan ở Syria trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ lại xem lực lượng người Kurdistan là quân « khủng bố ».

Mới hôm qua, ông Erdogan còn lên án việc Mỹ truy tố một cựu Bộ trưởng Kinh Tế Thổ Nhĩ Kỳ trong chính phủ của ông Erdogan, về tội vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quyết định truy tố đó chỉ là một mưu đồ « chính trị » nhằm chống phá nước ông.

Sau cùng, Ankara cũng rất bất bình trước việc bị Washington bác bỏ yêu cầu cho dẫn độ giáo sĩ Hồi Giáo Fethullah Gulen, hiện đang tị nạn ở Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Gulen là kẻ chủ mưu vụ đảo chánh hụt tháng 07 năm 2016.

Tuy nhiên, trong cuộc nói chuyện hôm qua, cả hai nhà lãnh đạo cũng vừa nhất trí sẽ có cuộc gặp trực diện vào cuối tháng này bên lề khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, khai mạc vào ngày 19/09 sắp tới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170910-my-tho-nhi-ky-donald-trump-dien-dam-voi-erdogan-ha-nhiet-cang-thang

 

Quân đội Syria phá vòng vây phi trường Deir Ezzor của Daech

Hôm qua, 09/09/2017, quân đội chính phủ Syria đã có một thắng lợi quân sự quan trọng, phá vỡ vòng vây từ 3 năm nay của quân thánh chiến Daech tại phi trường quân sự Deir Ezzor. Cùng lúc, liên quân Ả Rập-Kurdishtan được Mỹ mở mũi tấn công mới vào sườn đông tỉnh Deir Ezzor, nằm sát biên giới với Irak.

Deir Ezzor là nơi tập trung nhiều mỏ dầu lớn, nằm trong tay của Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo từ 2014. Nếu mất thành phố Raqa và tỉnh Deir Ezzor, coi như Daech đã bị loại khỏi vòng chiến đấu tại Syria.

Thông tín viên Paul Khalifeh tại Beyrouth tóm lược tình hình chiến sự tại Deir Ezzor :

Phi trường quân sự nằm trong một địa bàn rộng 40 km2 ở phía nam Deir Ezzor. Nhóm quân Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã  cô lập được phi trường khỏi khu vực của quân chính phủ, nằm phía tây thành phố, trong một cuộc tấn công dữ dội hồi tháng Giêng năm nay.

Hôm qua, quân đội Syria và đồng minh được không quân Nga yểm trợ đã phá vỡ vòng vây của quân thánh chiến xung quanh sân bay và 3 khu phố khác thuộc quân chính phủ. Giờ đây quân của Nhà Nước Hồi Giáo lại bị bao vây trong các ổ nhỏ đã bị cắt các tuyến đường tiếp viện.

Cùng lúc, quân đội Syria đã lấy lại khu khai thác dầu al-Taym, một trong những điểm dầu mỏ lớn nhất nước. Giờ đây, quân đội chính phủ tiếp tục mở rộng hành lang đã giúp họ phá vây và dọn dẹp bom mìn do quân thánh chiến cài lại.

 Quân thánh chiến hiện nằm giữa hai làn đạn  vì liên quân Ả Rập Kurdistan do Washington yểm trợ,  hôm qua thông báo mở tấn công quân Daech ở phía đông Deir Ezzor. Liên quân được Mỹ hậu thuẫn tác chiến bên tả ngạn sống Eupharate, trong khi đó quân đội chính phủ Syria thì triển khai bên hữu ngạn. Theo phát ngôn viên của liên quân Ả Rập –Kurdistan thì hai lực lượng này không phối hợp tác chiến với nhau.   

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170910-quan-doi-syria-pha-vong-vay-phi-truong-deir-ezzor-cua-daech

 

Bắc Triều Tiên xuất khẩu lậu 270 triệu đô la trong 6 tháng

Thu Hằng

Cộng đồng quốc tế càng gia tăng các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Bình Nhưỡng càng tìm cách lách lệnh cấm vận để duy trì nguồn ngoại hối. Kết luận được các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đưa ra trong bản báo cáo công bố ngày 09/09/2017, trước kỳ họp quyết định về loạt trừng phạt thứ 8 của Hội Đồng Bảo An đối với chế độ Kim Jong Un.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc khẳng định chính thức những thông tin được nhiều nguồn tin ngoại giao ẩn danh cung cấp cho các hãng truyền thông, trong đó có AFP, vào tháng 08/2017.

Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc tiến hành nghiên cứu từ tháng 02 đến tháng 08/2017. Trong thời gian này, Bình Nhưỡng vẫn xuất khẩu hầu hết các loại sản phẩm bị Liên Hiệp Quốc cấm và mang về cho Bắc Triều Tiên ít nhất 270 triệu đô la.

Sau khi Trung Quốc quyết định ngừng nhập than đá của Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã cho xuất các lô hàng đó thông qua một số nước, trong đó có Việt nam và Malaysia, để tái xuất tiếp sang nước thứ 3.

Vẫn theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, « Bắc Triều Tiên tiếp tục vi phạm các trừng phạt về tài chính nhờ đội ngũ tình báo ở nước ngoài tiến hành các giao dịch tài chính cho đất nước ». Nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành về các hồ sơ liên quan đến Syria, một số nước châu Phi.

Theo kết luận của báo cáo, « việc không thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt, cùng với các cách lách luật ngày càng nhiều của Bắc Triều Tiên, đã phá hỏng mục tiêu của các nghị quyết buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ mọi vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hoạt động liên quan ».

Gia tăng trừng phạt buộc Bình Nhưỡng đàm phán

Trong phiên họp ngày 11/09/2017 của Hội Đồng Bảo An liên quan đến loạt trừng phạt thứ 8 sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của chế độ Kim Jong Un, thách thức đối với năm nước thành viên thường trực (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh) là phải « tỏ đoàn kết vì đây là cách duy nhất có thể tiến tới một giải pháp ngoại giao thành công », theo nhận định của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Journal du Dimanche ngày 10/09.

Ông cũng đánh giá vấn đề hạt nhân, vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên là « rất đáng ngại » và đây là « cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà chúng ta phải xử lý từ nhiều năm qua ».

Trong khi đó, trong cuộc điện đàm ngày 09/09 với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng « cần phải đưa ra phản ứng đoàn kết, nghiêm khắc trước những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại » của Bắc Triều Tiên, đồng thời « ưu tiên gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng bằng cách tăng cường trừng phạt ».

Về phía thủ tướng Đức Angela Merkel, trong bài phỏng vấn được đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung ngày 10/09, bà cho biết sẵn sàng tham gia một sáng kiến ngoại giao để chấm dứt chương trình hạt nhân và vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Thủ tướng Đức gợi ý mô hình đàm phán vấn đề nguyên tử của Iran với kết quả là thỏa thuận hạt nhân giữa Teheran và các cường quốc được ký vào tháng 07/2015.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170910-bac-trieu-tien-xuat-khau-lau-270-trieu-do-la-trong-6-thang