Tin khắp nơi – 10/07/2017
Trung Quốc, Nga bắt tay làm ‘Con đường tơ lụa trên băng’
Trung Quốc và Nga vừa đạt được thỏa thuận để cùng nhau xây dựng “Con đường tơ lụa trên băng” dọc theo tuyến đường biển phía Bắc nước Nga.
Theo truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đồng ý về dự án này trong cuộc họp tại Moscow vào ngày 4/ 7.
Nhấn mạnh Nga là một đối tác quan trọng trong việc thực hiện sáng kiến “Vành đai và Con đường”, ông Tập bày tỏ hy vọng hai nước sẽ cùng hợp tác trên tuyến đường biển phía Bắc để có thể biến nó thành “con đường tơ lụa trên băng” và thực hiện các dự án kết nối khác.
Các tuyến đường ở Bắc cực bao gồm hai tuyến chính: Tuyến Đông Bắc, còn gọi là Tuyến Biển Bắc của Nga, và Tuyến Tây Bắc.
Tuyến Đông Bắc, với hầu hết các tuyến đường ôm quanh bờ biển phía Bắc của Nga, là tuyến đường ngắn nhất cho nhiều khu vực ở Trung Quốc. Khoảng cách đường biển giữa các cảng miền Bắc Trung Quốc và tây Âu, Biển Bắc và Biển Baltic ngắn hơn các tuyến vận tải truyền thống từ 25% đến 55%.
Tuyến Bắc Cực vẫn là cơ hội hợp tác giữa các quốc gia dọc theo tuyến đường này. Tuyến đường có thể giúp nâng tầm quan trọng cho các cảng ở miền bắc Trung Quốc như cảng Đại Liên và cảng Thiên Tân.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình nói:
“Trung Quốc và Nga cần tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và năng lượng, triển khai các dự án sản xuất lớn, tăng cường hợp tác về đường sắt cao tốc và đẩy nhanh việc khởi công sớm tuyến đường sắt cao tốc Moscow-Kazan”.
Ông Tập nói thêm rằng quan hệ hợp tác Nga-Trung cũng “nên phát triển để bao gồm các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch và báo chí”.
Ông Tập còn nói với Thủ tướng Medvedev của Nga rằng Trung Quốc mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác với Nga và tự tin là có thể cùng với Nga giải quyết những thách thức toàn cầu.
Về phần mình, ông Medvedev nói quan hệ hai nước đang ở thời điểm tốt nhất trong lịch sử, và mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung phục vụ lợi ích của cả hai dân tộc, đồng thời có lợi cho hòa bình và phát triển thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-nga-bat-tay-lam-con-duong-to-lua-tren-bang/3935756.html
Hồng y George Pell sắp ra tòa tại Úc
Người phụ trách ngân sách của Vatican, Hồng y George Pell, trở lại Úc để chuẩn bị cho việc tự bào chữa trước cáo buộc lạm dụng tình dục.
Vị hồng y 76 tuổi, cố vấn hàng đầu của Giáo hoàng Francis, được nhìn thấy tại sân bay Sydney sáng 10/7 sau chuyến bay từ Vatican.
Cảnh sát nói cáo buộc nhắm vào ông liên quan đến những vụ diễn ra “trong quá khứ”.
Hồng y Úc phủ nhận cáo buộc lạm dụng tình dục
Thỉnh cầu Vatican ‘minh xét’ về cựu TGM Kiệt
Giáo hoàng Francis nỗ lực cải tổ Vatican
Hồng y Pell, người mạnh mẽ phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, dự kiến ra tòa ở Melbourne hôm 26/7.
Ông không đưa ra bình luận gì khi đến Sydney, báo địa phương cho hay.
Cảnh sát bang Victoria cho biết các cáo buộc đến từ “nhiều người tố cáo”.
Tòa thánh Công giáo trên khắp thế giới đã phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc liên quan đến lạm dụng tình dục do các thầy tu gây ra. Có nguồn tin nói rằng những trường hợp này bị che đậy.
Phóng viên James Reynolds của BBC nói những cáo buộc này đưa Tòa thánh Công giáo, và Giáo hoàng, vào tình thế khó khăn.
Sau khi nhậm chức năm 2013, Giáo hoàng Francis lập ra một ủy ban để xử lý các cáo buộc lạm dụng tình dục. Giờ đây, một trong những cố vấn gần gũi nhất của ông lại bị cáo buộc.
Hồng Y Pell là ai?
Hồng y Pell luôn là người ủng hộ mạnh mẽ những giá trị Công giáo truyền thống, có quan điểm bảo thủ về hôn nhân đồng giới và tránh thai, và ủng hộ thầy tu sống độc thân.
Nhưng sự nghiệp của ông bị phủ bóng bởi nhiều cáo buộc rằng ông đã che đậy nhiều trường hợp các thầy tu lạm dụng tình dục, và sau đó còn có cáo buộc chính ông đã là kẻ lạm dụng. Ông luôn luôn phủ nhận mình đã làm điều sai trái.
Năm 2014, Hồng y Pell được triệu đến Rome để làm người phụ trách tài chính của Vatican, một vị trí mới do Giáo hoàng Francis lập ra sau khi có vụ scandal ở Ngân hàng Vatican.
Năm 2016, kênh ABC của Úc đưa tin những cáo buộc của hai người đàn ông. Họ nói Hồng y Pell đã sờ soạng họ vào những năm 1970.
Hồng y Pell phủ nhận mọi cáo buộc và miêu tả chúng là một “chiến dịch bôi nhọ nhục nhã”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40546885
Con trai Trump ‘gặp luật sư Nga về thông tin của bà Clinton’
Con trai của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đồng ý gặp một luật sư người Nga liên quan đến Kremlin năm ngoái sau khi được hứa có thông tin bất lợi cho bà Hillary Clinton, theo báo New York Times.
Donald Trump Jr nói ông gặp Natalia Veselnitskaya nhưng “không có thông tin nào đáng giá” về bà Clinton được chia sẻ.
Cuộc gặp này cũng có sự hiện diện của con rể ông Trump, Jared Kushner, và người đứng đầu chiến dịch tranh cử thời điểm ấy, Paul J Manafort.
Ivanka Trump ‘ngồi thế chỗ bố’ tại G20
5 điều cần biết về con gái tổng thống Mỹ
Các quan chức Mỹ đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
FBI và Quốc hội Mỹ đang tìm hiểu liệu các giới chức vận động tranh cử của Trump có thông đồng với cáo buộc về âm mưu của Kremlin.
Cuộc điều tra vẫn chưa đưa ra bằng chứng về việc thông đồng.
Cuộc gặp với bà Veselnitskaya diễn ra vào ngày 9/6/2016 tại tháp Trump ở New York, chỉ hai tuần sau khi ông Donald Trump giành được đề cử của đảng Cộng hòa.
Đây được coi là cuộc gặp riêng tư đầu tiên được xác nhận giữa một người Nga với một người thân tín của ông Trump.
Tờ New York Times công bố về cuộc gặp này hôm 8/7.
Thời điểm đó, cả ông Trump Jr lẫn bà Veselnitskaya đều xác nhận có cuộc gặp này nhưng cho biết họ không bàn về chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Hôm 9/7, New York Times cho biết, ông Trump Jr đã đồng ý đến cuộc gặp sau khi được hứa hẹn cung cấp thông tin có khả năng gây bất lợi cho bà Clinton, ứng viên đảng Dân chủ.
Tờ báo dẫn lời ba cố vấn của Nhà Trắng được báo cáo về cuộc gặp và hai người khác biết về sự kiện này.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40546884
Lệnh ngừng bắn ở Syria về phần lớn vẫn được duy trì
Một tổ chức chuyên theo dõi tình hình chiến sự Syria hôm thứ Hai 10/7 cho biết lệnh ngưng bắn ở ba tỉnh miền nam Syria về phần lớn vẫn đứng vững dù tin tức cho biết bạo lực lẻ tẻ vẫn tiếp diễn, giữa lúc chính phủ Syria và các lực lượng nổi dậy chuẩn bị mở vòng đàm phán mới nhất do LHQ đứng trung gian, nhằm chấm dứt xung đột đã kéo dài sáu năm na
Đài quan sát Nhân quyền Syria- có trụ sở ở Anh, cho biết các vụ vi phạm ngừng bắn xảy ra rải rác ở các tỉnh Daraa và Quneitra.
Thỏa thuận ngừng bắn này do Hoa Kỳ, Nga và Jordan làm trung gian điều giải, còn bao gồm tỉnh Sweida.
Các nhà ngoại giao Mỹ, Nga và Jordan đã cùng nhau soạn thỏa thuận ngừng bắn bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào tuần trước ở thành phố Hamburg, Đức.
Trong khi chính quyền Syria và phe đối lập không tham gia đàm phán ngừng bắn, một viên chức Syria nói với Reuters rằng chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad hoan nghênh bất kỳ bước nào có thể “mở đường cho một giải pháp hòa bình.”
Một tuyên bố của các lực lượng nổi dậy Syria, đối thủ của ông Assad, nói họ không cảm thấy an tâm về “các cuộc họp bí mật và thỏa thuận giữa Nga, Jordan và Hoa Kỳ về miền nam Syria, tách ra khỏi khu vực miền bắc”.
Đại diện phe đối lập và chính quyền Syria tham gia các cuộc hòa đàm của LHQ hôm Thứ Hai ở Geneva.
Các thỏa thuận ngưng bắn trước đây đã nhanh chóng tan rã, và các vòng đàm phán trước đó của LHQ trước khi tan vỡ, cũng không đạt bao nhiêu tiến bộ hướng tới một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn.
Tuy nhiên, ông Ramzi Ezzedine Ramzi, phó đặc sứ LHQ cho Syria, nói rằng lệnh ngừng bắn mới đã tạo ra một “bầu không khí thuận lợi” cho các cuộc họp hôm thứ Hai ở Geneve.
https://www.voatiengviet.com/a/lenh-ngung-ban-o-syria-ve-phan-lon-van-duoc-duy-tri/3935742.html
Đánh bom tự sát ở Pakistan, giết chết cảnh sát trưởng
Một vụ nổ tình nghi là do đánh bom tự sát ở vùng Tây nam Pakistan hôm thứ Hai đã giết chết một cảnh sát trưởng địa phương cùng với người bảo vệ của ông và một thường dân qua đường.
Lực lượng Taliban ở Pakistan lập tức lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom ở thị trấn Chaman gần biên giới với Afghanistan, nói rằng người đánh bom là một thành viên của họ.
Vụ tấn công xảy ra khi cảnh sát trưởng Sajid Khan Mohmand đang trên đường đến văn phòng, xe của ông đang chạy chậm lại vì đường hẹp và kẹt xe, thì kẻ đánh bom tự sát trên xe mô-tô ra tay, theo lời các nhân chứng.
Nhà chức trách đã thu hồi những bộ phận thi thể của nghi can tấn công nhưng chưa xác định được chi tiết.
Phụ tá cảnh sát trưởng khu vực Kashif Bukhari nói:
“Một cuộc điều tra đang được tiến hành nhưng có phần chắc đây là một cuộc tấn công tự sát.”
Ông cho biết trong số mười mấy người bị thương trong vụ tấn công, có nhân viên làm việc cho cảnh sát và người qua đường.
https://www.voatiengviet.com/a/danh-bom-tu-sat-o-pakistan-giet-chet-canh-sat-truong/3935714.html
Giao tranh tiếp diễn
giữa lúc quân đội Iraq ăn mừng chiến thắng tại Mosul
Lực lượng Iraq tiếp tục chiến đấu để dành từng tấc đất, từng ngôi nhà từ tay của tàn quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố Mosul giữa lúc các giới chức chính quyền ăn mừng chiến thắng.
Binh sĩ Iraq miêu tả các trận giáp chiến giờ chót là ác liệt nhất trong trận chiến với phiến quân IS, khi họ xông vào từng ngôi nhà nơi tàn quân IS đang ẩn trốn, trong tư thế sẵn sàng tự sát với áo vét cài bom trên người.
Chiều tối hôm Chủ nhật ở thành phố Mosul, đoàn xe của Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi rời khỏi “thành phố Mosul vừa được giải phóng.” Một số dân địa phương hào hứng tụ tập để mừng chuyến thăm của thủ tướng al-Abadi, và dùng điện thoại di động sẵn sàng ghi hình.
Phần lớn thành phố Mosul đang nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng Iraq, trong khi phiến quân IS bị dồn lại trong một khu vực chừng 200 mét vuông. Các binh sĩ Iraq cho biết tàn quân IS còn cố thủ là những kẻ cuồng tín; đa số không phải là người Iraq, và đối với họ, mỗi cuộc đụng độ là một trận chiến cho đến chết.
Từ tuyến đầu mặt trận hôm Chủ Nhật Barak Razaq, một quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt Iraq, báo cáo:
“Họ hét lớn với chúng tôi: hãy ra khỏi lãnh thổ Hồi giáo này, những kẻ vô đạo! Rồi chúng tôi trông thấy họ mặc áo gài bom để tự sát, chúng tôi ném lựu đạn về phía họ, rồi rút lui và cầu viện không kích.”
Theo các binh sĩ Iraq thì ước tính có khoảng từ 100 đến 150 phần tử IS vẫn đang quyết chiến ở Mosul. Các binh sĩ chính phủ nói họ đang tập trung tìm cách triệt hạ càng nhiều phiến quân IS càng tốt. Họ hy vọng trận chiến sẽ hoàn toàn chấm dứt trong những ngày tới, để tiếp tục tiến vào các thành phố và thị trấn khác còn do IS kiểm soát. Ngoài ra, quân đội Iraq phải tiếp tục truy quét những tổ khủng bố đang ẩn mình trong thường dân ở Mosul, để chờ được kích hoạt.
Hàng ngàn thường dân đã bị sát hại trong trận chiến này, 900.000 người đã bị buộc phải dời cư. Nhiều dải đất rộng lớn của thành phố Mosul và các thị trấn và làng mạc xung quanh đã bị bỏ trống, nhiều người nói họ không cảm thấy an toàn khi trở về nhà.
Tại một số khu vực ở Đông Mosul, được lực lượng Iraq tái chiếm hồi tháng 1, tiến trình phục hồi có vẻ hứa hẹn hơn. Người tiêu thụ tràn ngập các đường phố, một số con đường vừa được lát gạch, phần lớn do bị không kích. Chính phủ đã khôi phục dịch vụ cung cấp điện và nước ở nhiều thành phố.
Vùng Tây Mosul về phần lớn bị phá hủy nhưng quân đội Iraq hy vọng công cuộc tái thiết sẽ bắt đầu ngay khi trận chiến kết thúc.
Cựu đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey giờ là một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chính sách Cận Đông ở Washington nói với VOA rằng các nỗ lực cứu trợ và khôi phục chỉ là bước đầu sau khi tái chiếm thành phố Mosul.
Ông nói: “bước thứ nhì,tất nhiên là chính trị, như vẫn thường xảy ra ở Iraq. Làm thế nào để ngăn, không cho ISIS quay trở lại hoặc một tình huống tương tự nào đó, và làm thế nào để thống nhất thành phần Ả Rập Sunni và giữ người Kurd lại, là lực lượng tham gia đóng một vai trò tích cực trong cuộc chiến nhưng vẫn là một thế lực riêng rẽ. Đó là những vấn đề lớn mà chúng ta đã phải đối mặt từ năm 2003 tới bây giờ.”
“Nghĩa địa” trên Thái Bình Dương của mảnh vỡ thiết bị vũ trụ
Khi không còn được sử dụng, các vật thể vũ trụ có riêng một nơi trên Trái Đất để về “yên nghỉ”. Một “nghĩa trang” nằm sâu thẳm giữa Thái Bình Dương, cách xa khu vực có người ở, là nơi “trút hơi thở cuối cùng” của hơn 260 thiết bị của những chiếc vệ tinh và phi thuyền sau nhiều năm hoạt động trong không gian.
“Nghĩa trang” này nằm cách phía bắc châu Nam Cực chừng 1.500 km và cách bờ đông của New Zealand khoảng 2.500 km. Phần lớn các vật thể này được lập trình để rơi sâu 4 km trong lòng đại dương ở “khu vực không thâm nhập” được, hay còn gọi là “điểm Nemo”, lấy tên thuyền trưởng trong cuốn truyện khoa học viễn tưởng của Jules Vernes.
Từ Skylab đến trạm vũ trụ Mir (trạm vũ trụ Hòa Bình), chính tại khu vực rộng lớn này, những cựu ngôi sao của không gian tỏa sáng lần cuối. Thế nhưng, ngay cả những con tầu vũ trụ nổi tiếng nhất cũng không được quyền “chôn” trong cùng một “khu mộ” theo đúng nghĩa, đơn giản là vì khi rơi xuống Trái Đất, tất cả đều vỡ tan thành nghìn mảnh.
Nghĩa địa lớn nhất thế giới
Trong một hội thảo năm 2013 về chủ đề này, ông Holger Krag, giám đốc ban phụ trách mảnh vỡ vũ trụ của Cơ Quan Vũ Trụ Châu Âu, giải thích đó là cả một “vùng rộng hơn là một điểm hạ cánh chính xác”. Và khu vực này được ấn định ở phía nam Thái Bình Dương.
Ông khẳng định : “Điểm chính dĩ nhiên là được ấn định chính xác nhưng các vật thể không gian vỡ thành nhiều mảnh khi rơi vào bầu khí quyển. Vì thế, chúng tôi phải dự phòng một phạm vi rộng để tất cả các mảnh vỡ đều rơi xuống một vùng đã được vạch ra trước”.
Theo trang Mashable, chỉ 25 trên tổng số 142 tấn của trạm vũ trụ Hòa Bình rơi xuống Thái Bình Dương, sau khi nổ tung khi đang bay. “Ngôi sao” Nga phục vụ hơn 15 năm trong vũ trụ, sau đó được cố tình đưa ra khỏi quỹ đạo để rơi xuống đáy Thái Bình Dương vào năm 2001. Cũng tại khu vực này, phần lớn vật thể rơi xuống, gồm 190 mảnh vỡ, là của Nga, 52 mảnh của Mỹ, 8 của châu Âu và 6 của Nhật Bản.
Ông Holger Krag cho biết là các cơ quan vũ trụ được tự do sử dụng vùng này. Nhưng khu vực nằm dưới sự quản lý chung của các cơ quan hàng hải và hàng không Chilê và New Zealand. Họ được thông báo trước vài ngày trước khi có một vật thể được đưa ra khỏi quỹ đạo và chịu trách nhiệm thông báo cho các phi công hay thủy thủ tránh khu vực đó càng xa càng tốt.
Sau khoảng 60 năm phát triển nghiên cứu không gian, hơn 29.000 vật thể có kích thước lớn hơn 20 cm bay trong quỹ đạo quanh Trái Đất. Ngoài một số vệ tinh, trạm không gian và những phi thuyền khác có ích, phần lớn các vật thể trong không gian không còn được sử dụng (hết tuổi thọ) và khiến bãi rác vũ trụ ngày càng lớn bay quanh Trái Đất. Những sọt rác di động này mỗi ngày lại bị hút thêm một chút về phía địa cầu vì lực hấp dẫn của Trái Đất và có rất nhiều khả năng nằm ngoài tầm kiểm soát.
Từ khoảng 20 năm nay, các cơ quan hàng không đã thống nhất với nhau về việc giảm lượng rác thải không gian với hai giải pháp : đưa một mođun kéo rác về Trái Đất và kiểm soát được quá trình rác rơi, hoặc đẩy chúng ra khỏi quỹ đạo để mãi mãi biến mất trong thiên hà.
Đối với những thiết bị được đưa về Trái Đất, rất nhiều khả năng chúng rơi vào “nghĩa địa”ngoài khơi Thái Bình Dương. Thế nhưng, một số khác lại không “tuân” theo chỉ dẫn của các nhà khoa học và trở nên mất kiểm soát. Nếu phần lớn bị biến thành tro bụi khi xuyên qua bầu khí quyển, thì những vật thể lớn nhất đôi khi vẫn rơi xuống mặt đất thành những mảnh vỡ lớn.
Khoảng tháng 11/2015, một chủ trang trại Tây Ban Nha giật mình vì phát hiện một hình cầu kim loại kỳ lạ có đường kính 1 mét rơi trong vườn. Và đây không phải là trường hợp duy nhất. Đối với những mảnh vỡ bị “lạc đường”, chúng luôn có một chỗ trong một viện bảo tàng nào đó.
Nga-Trung : Một liên minh bề nổi ?
Liên minh giữa Nga và Trung Quốc dường như vững chắc đến mức có thể kết nạp được hai nước láng giềng thù nghịch Ấn Độ và Pakistan cùng làm thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào ngày 09/06/2017. Như vậy, khoảng 40% dân số thế giới nằm trong một tổ chức quốc tế không do phương Tây quản lý.
Hình ảnh liên minh Nga-Trung mang tính biểu tượng lớn, theo đánh giá trên trang The Conversation (26/06/2017) của giảng viên đại học Cyrille Bret, trường Khoa học Chính trị Sciences-Po nổi tiếng của Pháp.
Tuy nhiên, ông cũng đặt câu hỏi : Liên minh này gắn bó đến mức nào ? Liệu liên minh này có bị tan vỡ ở Trung Á ? Vì chính tại khu vực này, nằm trong tầm ảnh hưởng Nga, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn xây dựng một “con đường tơ lụa mới”. Chẳng lẽ liên minh này lại không vấp phải sự bất cân bằng về kinh tế và dân số giữa các nước đối tác? Tác giả bài viết cho rằng đằng sau liên minh bề nổi, xuất hiện nhiều vết rạn nứt.
Quan điểm chung về đối ngoại
Sau những lần căng thẳng và xích lại gần nhau trong thời kỳ Sa hoàng và Cộng sản, quan hệ Nga-Trung nhanh chóng được bình thường hóa. Năm 1996, hai nước ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược và năm 2001 cùng ký một hiệp định hữu nghị thể hiện quan điểm chung về đối ngoại : Chặt chẽ trong việc tôn trọng chủ quyền quốc gia, áp dụng đúng từng từ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và mỗi nước có quyền thảo ra mô hình phát triển của riêng mình. Cuối cùng, vào năm 2004, hai nước giải quyết dứt điểm mọi tranh chấp lãnh thổ.
Sự đồng nhất về chính trị của hai nước được thể hiện rõ trong việc chống lại quyền bá chủ của Hoa Kỳ. Vì thế, việc Mỹ can thiệp vào Kosovo (1999) và Irak (2003) đồng loạt bị Bắc Kinh và Matxcơva lên án là hành động xâm phạm chủ quyền của những nước đó.
Đối với Matxcơva và Bắc Kinh, cần phải cảnh cáo mọi ý định can thiệp vào Đài Loan, Bắc Triều Tiên, vùng Kavkaz hay Ukraina. Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga có thể thường xuyên dựa vào Trung Quốc vì từ năm 2007, Bắc Kinh đã 7 lần sử dụng quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An và luôn phủ quyết cùng với Nga.
Tương tự, cả Nga và Trung Quốc khẳng định quan điểm gần giống nhau về vấn đề hạt nhân Iran, cuộc nội chiến ở Syria hay chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo quốc tế. Một hành động được đánh giá mang tính biểu tượng cao cho liên minh hai nước : Vào tháng 05/2014, khi cuộc khủng hoảng tại Ukraina vẫn căng thẳng, tổng thống Nga đến Thượng Hải ; về phần mình, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Thế Chiến II tại Matxcơva ngày 08/05/2015. Liên minh giữa hai nước cũng tỏ ra vững chắc trên các diễn đàn đa phương.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, mối liên kết an ninh
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), được thành lập năm 2001, nhằm hình thành một liên minh về an ninh. Nga và Trung Quốc liên kết quanh mình các nước thuộc liên bang Xô Viết cũ ở Trung Á và hiện trở thành các nước chủ chốt của châu Á.
Các đối tác trong khối muốn cản trở các cuộc cách mạng mầu tại Trung Á ; họ muốn kiềm chế sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, tại Afghanistan và ở Trung Đông với thành công là đóng cửa các căn cứ không quân của Mỹ tại Uzbekistan và Kyrgyzstan, sau thượng đỉnh SCO tại Astana (thủ đô của Kazakhstan) năm 2005.
Quan hệ hợp tác Nga-Trung được thúc đẩy nhất trong lĩnh vực quân sự. Vào các năm 2005, 2007, 2009, 2010 và mùa hè 2017, Trung Quốc và Nga cùng tiến hành các cuộc tập trận hàng hải và trên bộ có quy mô lớn trong vùng biển Baltic với tên gọi “Sứ mệnh Hoà Bình” dưới sự bảo trợ của SCO.
Quan hệ hợp tác song phương đặc biệt mạnh mẽ trong lĩnh vực vũ khí đạn đạo. Sau năm 1989, do liên tiếp bị trừng phạt vì vụ thảm sát Thiên An Môn, Trung Quốc chuyển sang nhập vũ khí của Nga. Vì vậy, trong những năm 1990, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ của 50% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga.
Năm 2005, sau cuộc tập trận chung “Sứ mệnh Hoà Bình 2005”, Trung Quốc đã đặt mua rất nhiều chiến đấu cơ và máy bay vận tải của Nga. Trong lĩnh vực tên lửa cũng vậy, Trung Quốc thường xuyên đặt mua từ ngành công nghiệp Nga, dù mới đây, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia hàng đầu nhập khẩu vũ khí của Nga.
Hợp tác kinh tế mới được chú trọng
Từ lâu, trao đổi kinh tế là điểm yếu trong mối quan hệ Nga-Trung. Nhưng từ đầu những năm 2010, Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Nga, với mục tiêu được hai nước đề ra là nâng trao đổi thương mại từ 90 tỉ đô la lên thành 200 tỉ đô la mỗi năm.
Mặt hàng trao đổi bên phía Nga lại không đa dạng lắm : chỉ riêng dầu khí (hydrocarbon) đã chiếm đến 80% lượng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Nhưng vì vẫn bất đồng về giá bán và thái độ dè chừng từ phía Matxcơva nên việc xây dựng hệ thống ống dẫn khí và ống dẫn dầu bị chậm trễ nghiêm trọng.
Phải đến năm 2010, Nga mới mở đường ống dẫn dầu đầu tiên sang Trung Quốc và đến năm 2014, dự án đường ống dẫn khí “Sức mạnh Siberia” mới thành hình. Nhờ đó, Bắc Kinh và Matxcơva đã ký một thoả thuận cung cấp 38 triệu mét khối khí đốt mỗi năm kể từ năm 2018 với tổng trị giá được thẩm định là 400 tỉ đô la và thời hạn hợp đồng kéo dài 30 năm.
Trong lĩnh vực tài chính, thông qua tổ chức BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Trung Quốc và Nga tìm cách phát triển một hệ thống ngân hàng và tài chính song song với thị trường tài chính của các nước phương Tây. Nhưng trên thực tế, liên minh kinh tế lại khập khiễng vì tình trạng chênh lệch kinh tế giữa các nước đối tác.
Một liên minh bị hạn chế vì các chủ đề căng thẳng về cơ cấu
Liệu liên minh Nga-Trung có thể đối chọi được sức mạnh phối hợp của Mỹ và châu Âu không ? Không có gì là chắc chắn vì quan hệ đối tác vấp phải nhiều trở ngại về cơ cấu.
Quan điểm địa chính trị của hai cường quốc không hẳn liên kết với nhau. Hiện Nga đi theo chiến lược việc đã rồi, với mục đích thay đổi thế cân bằng tại châu Âu và Trung Đông. Trong khi đó, Trung Quốc lại tỏ ra bảo thủ hơn và chú ý đến việc đối xử khéo léo với một Hoa Kỳ hung hăng hơn của Donald Trump.
Tương tự, về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée, Trung Quốc không nhiệt tình ủng hộ Nga vì điều này tác động xấu đến đường hướng chung của hai nước trong việc bảo vệ nguyên tắc không can thiệp.
Ngoài ra, Nga cũng nhận thấy Trung Quốc là một đối thủ tại Trung Á, nên viễn cảnh về tương lai của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có thể trái ngược nhau. Mở rộng thẩm quyền của SCO sang cả phạm vi kinh tế là ý muốn của Bắc Kinh, nhất là để tăng thêm ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua dự án con đường tơ lụa mới. Đây lại là điều Matxcơva dè chừng.
Để giảm bớt trọng lượng của Trung Quốc trong tổ chức, Nga đã ủng hộ hai nước Ấn Độ và Pakistan gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Như vậy, đằng sau sự nhất quán bề ngoài đó còn ẩn giấu những cạnh tranh đáng ngờ.
Trong lĩnh vực quân sự, Matxcơva không ngần ngại cung cấp trang thiết bị quốc phòng cho các đối thủ của Trung Quốc trong vùng (Ấn Độ, Việt Nam…). Và Matxcơva cũng ngày càng thận trọng hơn trong việc chuyển giao công nghệ trọng điểm cho Trung Quốc.
Năm 2004, chính quyền Nga đã ngừng xuất khẩu chiến đấu cơ Sukhoi SU-35 và oanh tạc cơ Tupolev Tu-22M cho Trung Quốc vì bất đồng trong việc bảo vệ công nghệ đối với máy bay Sukhoi Su-27SK, được Trung Quốc gọi là Thẩm Dương (Shenyang) J-11. Nói tóm lại, Nga sợ các phiên bản sao chép của Trung Quốc.
Trong lĩnh vực kinh tế, Nga tỏ ra ngập ngừng tham gia vào chính sách “xoay trục của Trung Quốc”. Thực vậy, chính quyền Matxcơva giám sát hạn chế các nguồn đầu tư Trung Quốc vào Nga. Như năm 2002, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (China National Petroleum Corporation), được cho là sẽ thắng thầu tập đoàn Slavneft của Nga, cuối cùng lại bị chính quyền Nga loại khỏi thương vụ.
Tóm lại, rất nhiều bất trắc đang đè lên tương lai của liên minh này. Tình đoàn kết giữa Trung Quốc và Nga trước chính quyền của Donald Trump sẽ đi đến đâu ? Trong khi nền kinh tế Nga lại không đa dạng lắm, thì liệu hợp tác kinh tế được định hình bởi dự án “Sức mạnh Siberia” có đạt đến tầm cao như trong hợp tác quân sự và trong các hình ảnh đầy tính tượng trưng trên truyền thông hay không ? Nếu như cơ cấu liên minh Nga-Trung có vẻ vững chắc vẻ bề ngoài, thì lại dễ vỡ khi nhìn từ bên trong.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170710-nga-trung-mot-lien-minh-be-noi
Đảng Cộng Hòa phản đối
đề nghị hợp tác với Nga chống tin tặc của TT Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump trở về Hoa Kỳ sau G20. Hơn hai giờ đối thoại trực tiếp với tổng thống Nga Putin nhận được nhiều phản ứng tại Washington. Trong một thông điệp trên Twitter sáng 09/07/2017, ông Trump nêu lên khả năng hợp tác với Nga chống tin tặc. Tuyên bố của tổng thống Mỹ ngay lập tức bị phản đối mạnh.
Theo thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio, trên chuyến máy bay trở về Washington, trước báo giới, bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin đã hết lời ca ngợi thành công của chuyến đi và đặc biệt là sáng kiến nói trên của tổng thống Trump. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng thống Mỹ « khó thuyết phục được nội bộ đảng Cộng Hòa ».
« Chuyên gia Corentin Sellin nhận định :« Liên quan đến các trừng phạt, dù gì đi chăng nữa, tổng thống Trump không muốn ngay lập tức xung đột với các dân biểu Cộng Hòa, chiếm đa số tại Quốc Hội. Cần chú ý là, Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ đang xem xét thông qua một luật nhằm ngăn cản tổng thống đơn phương dỡ bỏ các trừng phạt Nga. Để các trừng phạt được dỡ bỏ phải thông qua Quốc Hội, với các thủ tục phức tạp.
Trên thực tế, một điều oái oăm là phe Cộng Hòa chiếm đa số tại Quốc Hội rất đối kháng với Matxcơva. Ông Trump không muốn ngoài vấn đề trừng phạt Nga lại còn gặp thêm rắc rối khác với Quốc Hội.
Thông điệp trên Twitter mới đây về khả năng hợp tác với Nga về an ninh mạng đã khiến một số nghị sĩ Cộng Hòa bất bình. Sáng 09/07, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Graham, tiểu bang Nam Carolina, nhận xét là ý tưởng hợp tác về an ninh mạng với Nga là một điều ngu xuẩn nhất mà ông từng nghe ».
Vụ Lưu Hiểu Ba :
Trung Quốc bị tố cáo xuyên tạc ý kiến bác sĩ nước ngoài
Giới bảo vệ nhân quyền tiếp tục kêu gọi và hy vọng Bắc Kinh sẽ cho phép người tù lương tâm Lưu Hiểu Ba ra nước ngoài điều trị ung thư gan giai đoạn cuối. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn bảo vệ quan điểm điều trị tại Trung Quốc là tối ưu. Ngày 09/07/2017, chuyên gia của Ân Xá Quốc Tế lên án bệnh viện Thẩm Dương (Shenyang) đã xuyên tạc quan điểm của hai bác sĩ phương Tây được mời đến thăm bệnh cho giải Nobel Hòa Bình.
AFP dẫn lời ông Patrick Poon, nhà nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), theo đó, bệnh viện Trung Quốc cho rằng các chuyên gia phương Tây khẳng định « không có phương pháp nào tốt hơn » các điều trị cho ông Lưu Hiểu Ba hiện nay. Nhà nghiên cứu Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh là bản thông báo được hai bác sĩ Mỹ và Đức đưa ra Chủ nhật 09/07 cho thấy bệnh viện « đã nói dối ». Nhà nghiên cứu Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Bắc Kinh đối mặt với sự thật, « hơn là che giấu và tiếp tục ngụy tạo thông tin ».
Theo báo Anh The Guardian ra ngày 09/07, luật gia Mỹ Jared Genser, một nhà tư vấn tình nguyện cho ông Lưu Hiểu Ba, khẳng định : Nếu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối để cho ông được ra nước ngoài để hưởng các điều trị y tế bổ sung, ông Tập sẽ bị coi như là người đã cố tình rút ngắn cuộc đời của giải Nobel Hòa Bình. Luật gia Jared Genser nói thêm : « Bắc Kinh có thể thể hiện sức mạnh trước thế giới và khả năng tự bảo đảm an ninh của mình bằng việc không sợ hãi một con người đã từng nhiều lần đứng lên chống lại chế độ độc đảng tại Trung Quốc ».
Chủ tịch Trung Quốc có để Lưu Hiểu Ba được chăm sóc tại nước ngoài ?
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Elodie Goulesque cho biết, trái ngược với quan điểm của các bác sĩ Trung Quốc, cho rằng yêu cầu của gia đình để ông Lưu Hiểu Ba ra nước ngoài là quá mạo hiểm, các chuyên gia phương Tây được mời lại khẳng định việc đưa giải Nobel Hòa Bình sang Mỹ hoặc Đức trong thời điểm hiện tại vẫn còn là điều có thể :
« Bác sĩ Mỹ Joseph Herman và bác sĩ Đức Marcus Buchler ra một thông báo chung, khẳng định ông Lưu Hiểu Ba có thể được đưa ra nước ngoài một cách an toàn, nhờ các biện pháp vận chuyển y tế phù hợp. Như vậy, hai bác sĩ nước ngoài, được Bắc Kinh mời đến khám bệnh cho nhà tranh đấu nhân quyền Lưu Hiểu Ba, đứng về phía gia đình của người bệnh hơn 60 tuổi, nhưng ngược lại ý kiến của các bác sĩ Trung Quốc.
Cho dù thừa nhận là giải Nobel Hòa Bình, được ra tù vì lý do y tế, đã nhận được các chăm sóc chất lượng tốt tại bệnh viện Thẩm Dương, miền bắc Trung Quốc, thế nhưng hai bác sĩ vẫn cho rằng ông Lưu Hiểu Ba có thể nhận được các chăm sóc khác, ở nước ngoài, như xạ trị.
Đối với chủ tịch Trung Quốc, việc chấp nhận để nhà ly khai nổi tiếng này ra nước ngoài, người mà Trung Quốc coi là một kẻ tội phạm, không phải là đơn giản, bởi trường hợp ông Lưu Hiểu Ba gây chấn động ở nước ngoài.
Bị kết án 11 năm tù vào năm 2009, vì tội ‘‘kích động lật đổ chính quyền’’, Lưu Hiểu Ba là một trong những hình tượng tiêu biểu nhất cho sự đàn áp tàn bạo của chính quyền Trung Quốc nhắm vào giới tranh đấu nhân quyền.
Chính quyền Trung Quốc hiện giờ có khả năng thỏa mãn nguyện vọng cuối cùng của nhà ly khai, hiện đang bị ung thư gan giai đoạn cuối, đó là được chết trong tự do ».
Qatar “đủ tiền” chịu đựng trừng phạt của các nước Ả Rập
Doha có thể huy động 340 tỷ đô la để đương đầu với chính sách phong tỏa kinh tế của các nước láng giềng, đứng đầu là Ả Rập Xê Út. Trên đây là thẩm định của thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Abdallah ben Saoud al Sani vào lúc Washington tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các đồng minh khu vực.
Trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình CNBC được phát ngày 10/07/2017, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Qatar khẳng định là Qatar có đủ tiền mặt để phòng ngừa mọi tình huống. Tổng cộng trữ lượng ngoại tệ, vàng của ngân hàng quốc gia cộng với Quỹ đầu tư nhà nước, Qatar nắm trong tay 340 tỷ đô la.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước Suni vùng Vịnh bắt đầu từ ngày 05/06/2017 và có nguy cơ kéo dài. Cáo buộc Doha ủng hộ khủng bố quốc tế và bao dung chế độ Hồi Giáo Shia của Iran, vương triều Ả Rập Xê Út và các nước Ả Rập, trừ Koweit và Bahrain, cắt đứt quan hệ ngoại giao, cấm vận kinh tế và đưa ra 13 yêu sách buộc Qatar tuân thủ.
Cuộc đọ sức giữa các nước đều là đồng minh của Mỹ xảy ra vài hôm sau chuyến công du vùng Vịnh của tổng thống Mỹ Donald Trump làm cho Washington bối rối, không thể ngồi yên. Theo thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ, trong vòng bốn ngày kể từ thứ Hai 10/07, ngoại trưởng Rex Tillerson thăm ba nước Koweit, Qatar và Ả Rập Xê Út.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170710-qatar-du-tien-chiu-dung-trung-phat-cua-cac-nuoc-a-rap
Irak : Liên Hiệp Châu Âu
ca ngợi chiến thắng “quyết định” tại Mossul
Tin quân đội Irak đẩy lui Daech ra khỏi Mossul hôm Chủ Nhật 09/07/2017 được Bruxelles và Paris chào mừng như một giai đoạn « quyết định » trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ủy Ban Châu Âu khen ngợi tinh thần « can đảm » của quân đội và người dân Irak giành lại thành phố từ tay Daech sau 9 tháng gian lao. Iran cũng lên tiếng chào mừng chiến thắng và đề nghị tham gia tái thiết.
Từ tột đỉnh của sức mạnh vào mùa hè 2014, kiểm soát ít nhất 6 triệu dân trên một diện tích rộng lớn từ Irak đến Syria, lãnh thổ « đế chế Hồi Giáo » thu hẹp dần chỉ còn vài thành phố nhỏ.
Từ Beyrouth, thông tín viên khu vực Paul Khalifeh tường thuật :
« Califat » tự xưng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, vào năm 2014, chiếm gần một phần tư Irak, tức vào khoảng 140.000 cây số vuông và phân nửa lãnh thổ Syria, tức 90.000 cây số vuông. Daech kiểm soát những thành phố lớn như Mossul, Ramadi, Falluja, Tikrit của Irak và Deir Ezzor, Raqqa, Bukamal, Palmyra ở Syria.
Trong ba năm qua, lãnh thổ của Daech thu hẹp dần như tuyết dưới ánh mặt trời. Tháng 04/2017, tướng Yehia Rassoul, một phát ngôn viên của quân đội Irak tuyên bố Daech chỉ còn kiểm soát độ 7% lãnh thổ Irak. Mất Mossul, diện tích kiểm soát còn thu hẹp hơn nữa với vỏn vẹn hai khu vực là Tall Afar ở tây bắc và Houeija trong tỉnh Kirkouk, Irak.
Ở Syria, liên minh Kurdistan-Ả rập được Mỹ yểm trợ đã vào được Raqqa, thủ phủ của Daech. Trong khi đó, quân đội Syria và các lực lượng hỗ trợ (Iran và Hezbollah-Liban) đã chiếm lại được thành phố cổ Palmyra hồi tháng Ba cùng với 25.000 cây số vuông sa mạc hai tháng sau đó.
Dầu hỏa, nguồn kinh tài của Daech cũng giảm mạnh. Từ 40.000 đến 100.000 thùng mỗi ngày, nay chẳng có là bao. Thiếu tiền, guồng máy tổ chức của Daech bị rối loạn.
Về quân sự, vào năm 2015, Daech thống lĩnh một đạo quân 120.000 chiến binh. Thủ lĩnh Abou Bakr Al-Badghdadi, giờ đây, còn trong tay chừng vài ngàn tay súng, phân tán đó đây trong những nơi ẩn náu khó phòng thủ.
Syria : Một nhóm Al-Qaida cũ bắt hàng chục chiến binh Daech
Ngày 09/07, lực lượng Tahrir al-Cham, tham chiến tại Syria, với thành phần chính là một chi nhánh của Al-Qaida, vừa bắt được khoảng 100 quân Daech, tại tỉnh miền tây bắc Idleb, do đối lập kiểm soát.
Theo một thông tín viên của AFP có mặt tại chỗ, lực lượng này triển khai nhiều trạm kiểm soát tại các đường phố lớn và trên nhiều quảng trường thủ phủ Idleb để khám xét xe hơi và người qua lại. Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria khẳng định vụ bắt giữ hàng chục chiến binh và người ủng hộ Daech.
Daech không có mặt chính thức tại Idleb, nhưng theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, tại tỉnh này có nhiều cơ sở ngầm của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, đây cũng là nơi chiến binh Daech thường tìm nơi ẩn nấp, sau khi thất thủ tại các địa bàn khác.
Vẫn theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, ngừng bắn tại miền nam Syria có hiệu lực từ ngày 09/07, được tôn trọng về cơ bản. Cuộc ngừng bắn được Nga, Hoa Kỳ và Jordani bảo trợ, được áp dụng tại ba tỉnh Deraa, Qouneitra và Soueida. Trong 24 giờ vừa qua, riêng tại tỉnh Deraa, chỉ có vụ quân chính phủ bắn bốn trái đạn pháo, một vài đợt bắn qua bắn lại tại một ngôi làng, một số vụ đụng độ ngắn ngủi trong đêm tại thủ phủ tỉnh này.
Trong khi đó, ngày 10/07 tại Genève, đối lập và chính quyền Syria bắt đầu đợt thương thuyết thứ bảy, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn 6 năm nay.
Đợt thương thuyết, do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, tập trung vào bốn điểm : Thảo ra một Hiến pháp mới cho Syria, chuẩn bị một quá trình chuyển tiếp chính trị, tổ chức bầu cử và chống khủng bố.
Mỹ-Ấn-Nhật rầm rộ tập trận ở vịnh Bengal
với Trung Quốc trong tầm nhắm
Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản vào ngày 10/07/2017 đã chính thức khai mạc cuộc tập trận hải quân chung mang tên Malabar ngoài khơi Vịnh Bengal, nhìn ra Ấn Độ Dương. Đây không phải là lần đầu tiên mà Hải Quân ba nước diễn tập chung, nhưng cuộc tập trận năm 2017 nổi bật với quy mô cực kỳ lớn và với thông điệp được cho là nhắm tới Trung Quốc.
Theo các thông tin báo chí, cuộc tập trận Malabar dự kiến kéo dài 10 ngày, với nội dung quan trọng nhất là diễn tập kỹ thuật và chiến thuật chống tàu ngầm.
Tham gia cuộc tập trận là một lực lượng tầu thuyền và máy bay hùng hậu chưa từng thấy từ trước đến nay. Lần đầu tiên, mỗi nước đều cử một chiếc tàu sân bay đến tham gia : Hoa Kỳ với siêu hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Ronald Reagan, Ấn Độ với tàu sân bay INS Vikramaditya, thuộc lớp Kiev của Nga và Nhật Bản với « khu trục hạm chở trực thăng » JS Izumo, chiến hạm lớn nhất trong hạm đội nước này. Ngoài ba chiếc mẫu hạm kể trên, các nước đã phái ít nhất là 14 chiến hạm và tàu ngầm tham gia tập trận.
Về phần Ấn Độ, nước này còn cho một phi cơ tuần tra biển P8I tham gia tập trận để phối hợp với một chiếc P8A Poseidon của Mỹ, cùng với hai khinh hạm săn ngầm lớp Kamorta, loại tàu tàng hình săn ngầm đầu tiên do Ấn Độ sản xuất.
Các phương tiện được huy động đã nêu bật trọng tâm chống tàu ngầm của cuộc tập trận Malabar năm 2017. Ngoài các loại tàu chuyên săn ngầm, phi cơ tuần tra biển P8 cũng được trang bị phương tiện truy tìm, thậm chí tấn công tàu ngầm. Tàu Izumo với khả năng chở được 9 trực thăng mà chức năng chính là chống tàu ngầm.
Theo nhật báo Ấn Độ Times of India, nội dung chống tàu ngầm của cuộc tập trận Malabar 2017 đã được nhấn mạnh vào lúc Hải Quân Ấn Độ ghi nhận một « sự tăng vọt khác thường »của tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc trong vùng Ấn Độ Dương trong hai tháng vừa qua, cho thấy là Trung Quốc đang dồn sức vào nơi này sau khi gần như đã hoàn thành mục tiêu khống chế Biển Đông.
Trung Quốc đã không che giấu thái độ quan ngại trước cuộc tập trận ba bên Mỹ-Ấn-Nhật. Ngay từ tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lưu ý rằng cuộc tập trận chung giữa Hải Quân ba nước Mỹ, Nhật, Ấn không nên có mục đích nhằm vào các quốc gia khác.
Ý nghĩa cuộc gặp ‘tay đôi’ Putin-Trump
Dù không có tuyên bố trịnh trọng nào sau cuộc gặp riêng đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng nhiệm Mỹ Trump, song các nhà phân tích chính trị đều cho rằng kết quả cuộc gặp chính là đột phá thực sự cho cuộc xung đột Syria.
Trung Quốc cắt đứt quan hệ quân sự với Triều Tiên
Hé lộ cách Qatar dùng ‘lá bài Mỹ’ trong khủng hoảng
Vì sao ông Trump không đứng gần bà Merkel trong ảnh lãnh đạo G20?
Trong cuộc gặp tay đôi đầu tiên tại thành phố cảng Hamburg của Đức, người đứng đầu Nga và Mỹ đã cam kết thực thi lệnh ngừng bắn ở tây nam Syria, bắt đầu từ 9/7.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, khi thông báo cho các phóng viên về kết quả cuộc gặp trên nói, cả hai nhà lãnh đạo đều cố kéo dài một cách logic những gì đã có tại hòa đàm Syria, vốn kết thúc một ngày trước. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ dự kiến chỉ kéo dài 30 phút song cuối cùng đã diễn ra trong 2h.
Các quốc gia bảo đảm cho việc ngừng bắn ở Syria là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, với sự giúp đỡ của Jordan và Mỹ trên tư cách quan sát viên, đã cố điều phối để thiết lập 4 khu vực giảm căng thẳng ở Syria.
“Các chuyên gia của Nga, Mỹ và Jordan đã hoàn tất công việc ở thủ đô Amman của Jordan. Các bên đã nhất trí về bản ghi nhớ liên quan tới thành lập các khu vực giảm căng thẳng ở tây nam Syria: tại Daraa, Quneitra và tỉnh As-Suwayda. Tại những nơi này, ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ buổi trưa, giờ Damascus – ngày 9/7”, Sputniks dẫn lời ngoại trưởng Nga Lavrov nói với các phóng viên ngay sau cuộc gặp Trump-Putin.
An ninh quanh khu vực tây nam của Syria sẽ do quân cảnh Nga phối hợp với lực lượng Mỹ và Jordan bảo đảm.
Sergei Balmasov, chuyên gia Viện Trung Đông tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga lý giải rằng, mặc dù ý tưởng thành lập các khu giảm căng thẳng ở Syria là của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran song trên thực tế Mỹ là một trong những thành phần của dự án này. Thỏa thuận giữa Mỹ và Nga đã vấp phải khá nhiều phản đối.
Nhiều nền quân chủ ở vùng Vịnh đã phản đối thỏa thuận vì họ chính là những nước bảo trợ chính cho phe đối lập ở Syria, nhà phân tích chính trị trên nói. Thỏa thuận đó không mang lại lợi ích nào cho họ, với tư cách là người bảo trợ mà thực tế giúp Tổng thống Syria Assad nắm chắc quyền lực. Thỏa thuận trên đặt dấu chấm hết cho bất kỳ kế hoạch nào nhằm lật đổ Tổng thống Assad trong vài năm tới.
Stanislav Tarasov, nhà phân tích, chuyên gia chính trị về Trung Đông, cho rằng việc thiết lập các khu giảm căng thẳng ở tây nam Syria liên quan tới lập trường của Israel. Trong khi đó, Israel lại không muốn quân Hezbollah và Iran hiện diện ở biên giới nước này. Theo chuyên gia Stanislav, khu vực tương tự phải được lập ở bắc Syria, theo sáng kiến của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ những quan điểm này, thỏa thuận về Syria giữa Tổng thống Putin và Trump được coi là bước đột phá thực sự và có thể được coi là thành công của cuộc gặp tay đôi giữa hai nhà lãnh đạo, các chuyên gia trên kết luận.
Hoài Linh