Tin khắp nơi – 10/06/2018
Thượng đỉnh Trump Kim:
hai nhà lãnh đạo tới Singapore
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vừa tới Singapore cho cuộc gặp lịch sử sắp tới.
Ông Trump tới trên chiếc Air Force One, chỉ vài giờ sau khi ông Kim hạ cánh cùng đoàn đại biểu Bắc Hàn.
Cuộc gặp lần đầu tiên giữa một lãnh đạo Bắc Hàn và một tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ diễn ra hôm thứ Ba ở đảo Sentosa.
Ông Trump mô tả cuộc họp này là “cơ hội duy nhất” cho hòa bình và nói cả hai bên đều trong “lãnh thổ chưa biết tới”.
Trump có thể mời Kim Jong-un sang Mỹ
Trump-Kim: Abe tới Mỹ giữa đợt sóng ngoại giao
Tổng thống Trump sẽ tới Singapore vào tối Chủ Nhật 10/6. Mỹ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh sẽ kích hoạt quá trình ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Hai nhà lãnh đạo đã có mối quan hệ nhiều thăng trầm trong 18 tháng qua, gửi cho nhau nhiều lời xúc phạm và đe dọa chiến tranh rồi bất ngờ đổi chiến thuật và chuyển sang gặp mặt trực tiếp.
Cả hai lãnh đạo sẽ gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trước cuộc gặp thượng đỉnh hôm thứ Ba tới.
Tiến trình dẫn tới cuộc họp
Năm đầu tiên của ông Trump tại Nhà Trắng được đánh dấu bởi những lời qua tiếng lại với ông Trump khi Bắc Hàn tiến hành một số vụ thử tên lửa đạn đạo bất chấp cảnh báo quốc tế.
Tổng thống Mỹ thề sẽ trút “lửa và giận dữ” nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa Mỹ. Ông cũng nói về ông Kim như một “người hỏa tiễn nhỏ bé”.
Về phần mình, ông Kim gọi ông Trump là “kẻ thần kinh” và một “gã ngu”.
Mặc dù có chiến dịch “gây sức ép tối đa” của Nhà Trắng, Bắc Hàn vẫn không nản và tiếp tục có cuộc thử hạt nhân thứ sáu vào hồi tháng 09/2017. Ngay sau đó, ông Kim tuyên bố đất nước của ông đã đạt được sứ mệnh trở thành một quốc gia hạt nhân, sản xuất được tên lửa có thể vươn tới nước Mỹ.
Nhưng vào đầu năm 2018, Bắc Hàn bắt đầu nỗ lực cải thiện quan hệ với Nam Hàn bằng cách cử một đoàn đại biểu tới dự Thế vận hội Mùa đông ở Pyeongchang.
Hồi tháng Ba, ông Trump làm cả thế giới ngạc nhiên bằng cách nhận lời mời từ ông Kim – gửi qua Seoul – để gặp nhau trực tiếp.
Từ đó, con đường dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh đầy trắc trở, với việc ông Trump có thời điểm nói sẽ hủy cuộc họp. Nhưng sau những nỗ lực ngoại giao, hai nhà lãnh đạo sẽ ngồi xuống bàn đàm phán hôm 12/6.
Singapore là nước thứ ba ông Kim từng đến thăm kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2011.
Chuyến đi nước ngoài đầu tiên với tư cách lãnh đạo của ông Kim là tới Trung Quốc, và hồi tháng tư, ông là nhà lãnh đạo Bắc Hàn đầu tiên đặt chân tới Nam Hàn khi ông gặp Tổng thống Moon Jae-in ở Bàn Môn Điếm tại đường biên giới.
Kim, ngôi sao mới nổi trong lớp lãnh đạo 2018
Bắc Hàn: Ai dám cưỡi lên lưng Kim Jong-un?
Hai bên muốn gì?
Mỹ muốn Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách không thể đảo ngược và được quốc tế kiểm chứng. Chỉ khi Bình Nhưỡng có những bước đi theo hướng này, họ mới được nới lỏng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói.
Nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ trông đợi sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng ở Singapore. Tổng thống Trump mô tả cuộc gặp sắp tới là “tình huống để làm quen với nhau”. Ông nói thêm: “Đây sẽ là một quá trình.”
Các nhà phân tích cho rằng ông Kim đã giành được thắng lợi khi ông được nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới đồng ý gặp mặt. Họ cũng đặt câu hỏi vì sao ông Kim có thể muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân sau khi ông nỗ lực rất nhiều để có được.
Có người nói ông Kim sẽ không bao giờ làm chuyện đó, trừ khi tất cả các bên ở bán đảo Triều Tiên giải trừ vũ khí, trong đó có cả Mỹ.
Tuy nhiên, ông Kim cũng nói giờ đây ông muốn tập trung vào xây dựng kinh tế Bắc Hàn – và vì thế ông muốn được nới lỏng cấm vận và nhận đầu tư nước ngoài.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông sẽ đồng ý nhượng bộ những gì, và liệu ông có thực hiện những điều ông hứa hay không. Những người tiền nhiệm của ông Kim đã từng cam kết bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trước đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/44431312
Lãnh tụ Bắc Hàn
tới Singapore bằng máy bay của Trung Quốc
Chuyến bay của Air China chở lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đáp xuống Singapore hôm 10/6 trước cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Kim tới phi trường Changi của Singapore và được ngoại trưởng nước này, ông Vivian Balakrishnan, tiếp đón, theo Reuters.
Ông Balakrishnan đăng một bức ảnh trên Twitter, cho thấy ông bắt tay lãnh tụ Bắc Hàn, kèm theo dòng chữ: “Chào mừng Chủ tịch Kim Jong Un mới tới Singapore”.
Hãng tin của Anh đưa thêm rằng một đoàn xe với một chiếc limousine Mercedes Benz giống với chiếc ông Kim Jong Un thường dùng đã lăn bánh vào trung tâm thành phố trong tình trạng an ninh nghiêm ngặt.
Phái đoàn Mỹ đang trên đường tới Singapore sau khi tham dự cuộc gặp G7 ở Canada, và theo lịch trình, sẽ hạ cánh xuống căn cứ không quân Paya Lebar của Singapore tối 10/6.
Các quan chức trên chuyên cơ Air Force One gồm có Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders.
Tổng thống Trump dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào ngày 11/6.
Khi ông Trump gặp lãnh tụ Bắc Hàn trên hòn đảo nghỉ mát Sentosa vào ngày 12/6, họ sẽ làm nên lịch sử ngay cả trước khi cuộc họp bắt đầu.
Là kẻ thù của nhau kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, lãnh đạo Bắc Hàn và Mỹ chưa từng gặp nhau, thậm chí điện đàm.
Sau một loạt các liên hệ giữa hai miền Triều Tiên, các quan chức Hàn Quốc hồi tháng Ba gợi ý cho ông Trump rằng ông Kim sẵn lòng gặp gỡ trực tiếp.
Cuộc họp thượng đỉnh diễn ra sau vài tuần thương thảo căng thẳng và tạm thời bị hủy sau khi Bắc Hàn tỏ ra phẫn nộ vì các tuyên bố của các cố vấn Mỹ.
Nhiều người vẫn còn nghi ngờ về khả năng ông Kim sẽ từ bỏ hoàn toàn các chương trình vũ khí hạt nhân.
Họ tin rằng thông qua các cuộc giao tiếp mới nhất này, Bình Nhưỡng muốn Hoa Kỳ nới lỏng các biện pháp trừng phạt đang khiến Bắc Hàn rơi vào tình cảnh khốn đốn, theo Reuters.
Còn đối với ông Trump, một cuộc gặp thành công là điều ông muốn được công nhận trên trường quốc tế, nhất là trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.
TT Trump đến Singapore trước cuộc gặp thượng đỉnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Singapore hôm 10/6 trước cuộc gặp lịch sử với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un để bàn về tương lai chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Chiếc chuyên cơ Air Force One đáp xuống căn cứ không quân Paya Lebar của Singapore sau chuyến bay kéo dài 20 tiếng từ Canada.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan là người tiếp đón ông Trump tại căn cứ trên.
Khi được các phóng viên hỏi cảm nghĩ về cuộc gặp sắp tới, ông Trump nói: “Rất tốt”, rồi sau đó chui vào chiếc limousine đang đợi sẵn, theo Reuters.
Nguyên thủ Mỹ tới Singapore vài giờ sau lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
Hai nhà lãnh đạo này dự kiến sẽ gặp nhau tại hòn đảo nghỉ mát Sentosa vào ngày 12/6.
Vài tháng trước, khi ông Trump và ông Kim Jong Un còn có các tuyên bố sỉ nhục nhau, viễn cảnh về cuộc họp như thế là điều không tưởng, theo Reuters.
Là kẻ thù của nhau kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, lãnh đạo Bắc Hàn và Mỹ chưa từng gặp nhau, thậm chí điện đàm.
Sau một loạt các liên hệ giữa hai miền Triều Tiên, các quan chức Hàn Quốc hồi tháng Ba gợi ý cho ông Trump rằng ông Kim sẵn lòng gặp gỡ trực tiếp.
Chuyên gia Mỹ :
TT Trump “đảo ngược” chiến lược Bắc Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 09/06/2018, sau cuộc họp G7 đầy tranh cãi tại Canada, liên quan đến cuộc chiến thương mại do Hoa Kỳ khởi xướng, đã tỏ ra lạc quan về kết quả thượng đỉnh Singapore tới đây với lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Theo AFP, trước báo giới, ông nói : « Tôi có cảm giác là Kim Jong Un muốn làm một điều gì đó quan trọng cho người dân Bắc Triều Tiên và ông ấy đang nắm lấy cơ hội đó. ». Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng cảnh báo « cuộc gặp này là một cơ hội duy nhất, (…) và sẽ không bao giờ có lần thứ hai ».
Tổng thống Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của cuộc hẹn lịch sử này. Đây sẽ là một dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống. Cuộc hẹn này cũng cho thấy có sự thay đổi về chiến lược của Mỹ trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, như phân tích của chuyên gia Bruce Klingner với thông tín viên đài RFI, Anne Corpet tại Washington :
« Tổng thống Trump tuần rồi dường như đã hạ thấp mục tiêu đặt ra. Ông ấy tuyên bố rằng việc thiết lập một mối quan hệ tốt với Kim Jong Un đã là một thành công và theo ông, không nên trông đợi gì nhiều vào lần gặp thượng đỉnh đầu tiên này, và chắc chắn cũng nên có nhiều lần gặp khác nữa.
Tổng thống Trump có lẽ cũng đã giảm bớt mức cứng rắn trong lập trường của Mỹ, lánh xa dần với các ý tưởng của cố vấn John Bolton, người vốn có quan điểm là cuộc gặp này chỉ nên diễn ra một lần duy nhất và tình hình sẽ trở nên căng thẳng, nếu như Bắc Triều Tiên không nhanh chóng tuyên bố chấp nhận phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.
Thậm chí, ông Donald Trump còn nói với Bắc Triều Tiên là « cứ từ từ mà làm ». Điều này hoàn toàn khác hẳn với việc phi hạt nhân hóa nhanh chóng và gây áp lực tối đa, từng là dấu ấn chính trị của ông trong hồ sơ này. Giờ đây, ông ấy còn không muốn dùng cách nói này nữa. Đó thật sự là một sự đảo chiều trong chiến lược của Hoa Kỳ ».
Dân Mỹ quan tâm nhiều đến thượng đỉnh Singapore
Người dân Mỹ có phản ứng như thế nào về thượng đỉnh Singapore ? Theo tường thuật của thông tín viên Grégoire Pourtier tại New York, một kết quả thăm dò trong tuần qua cho thấy đa số người dân Mỹ quan tâm nhiều đến cuộc gặp lịch sử Donald Trump – Kim Jong Un, đặc biệt là phản ứng của tổng thống Mỹ sau cuộc gặp này.
« Người dân Mỹ có vẻ quan tâm đến thượng đỉnh Singapore nhiều hơn là cuộc họp G7 tại Canada. Những ngày qua, bản thân Donald Trump dường như cũng bị ám ảnh trước viễn cảnh sẽ gặp Kim Jong Un, vì ông có những lời lẽ gần như thiện cảm với Bắc Triều Tiên, hơn là với các đồng minh lịch sử của Hoa Kỳ.
Quả thật, tổng thống Mỹ đã tỏ ra giận dữ hơn với các nước đồng minh này, cho dù thái độ bảo hộ mậu dịch của ông chẳng hề gây chút ngạc nhiên nào, bởi vì Donald Trump chỉ thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử.
Theo một thăm dò trong tuần này, thì đa số người dân Mỹ, một mặt mong muốn tránh một cuộc chiến thương mại, nhưng mặt khác, kết quả kinh tế tốt đẹp của Hoa Kỳ đang mang lại uy tín cho Donald Trump, đến mức chưa bao giờ tỷ lệ được lòng dân của ông cao như lúc này.
Dù gì đi chăng nữa, trong lúc chờ đợi các biện pháp cụ thể của bên này và bên kia, một điều chắc chắn là mọi sự chú ý sẽ nhanh chóng dồn về chủ đề nóng bỏng, đó là cuộc gặp Kim Jong Un sắp bắt đầu.
Về cuộc gặp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tổng thống Trump cam kết sử dụng hết tài năng đàm phán của mình, khi khẳng định là ông không cần có các chuẩn bị gì đặc biệt, và chỉ trong vài giây, ông có thể đánh giá được ngay là có thể đạt được một thỏa thuận hay không.
Tối thứ Bảy (09/06), một số người dân tại Mỹ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra, nếu như ông Trump có cách hành xử tại Singapore giống như ông đã làm tại G7, có nghĩa là khi có mặt tại chỗ, bày tỏ một lập trường, nhưng khi lên máy bay thì lại đưa ra một lập trường khác ».
Tổng thống Trump: đồng minh G7 không phải là
khu vực thương mại “không thuế nhập cảng”
Washington DC — Sáng 9 tháng 6, Tổng Thống Trump lên tiếng chỉ trích Nhóm G7, nói rằng các quốc gia công nghiệp hóa giàu có này không thể trở thành khu vực “không thuế nhập cảng,” trước khi ông rời hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018.
Trong một cuộc họp báo riêng tại La Malbaie, Quebec, tổng thống Hoa Kỳ nói rằng nhóm G7 sẽ không được miễn thuế nhập cảng, chính sách trợ giá, cũng như các rào cản thương mại khác.
Ông Trump bác bỏ thông tin cho rằng căng thẳng diễn ra giữa ông với các đối tác G7, sau khi ông quyết định áp đặt mức thuế 15% đối với thép, và 10% đối với nhôm, của các quốc gia đồng minh được cho là thân cận nhất. Ông Trump nhấn mạnh thuế nhập cảng không phải là điều gây tranh cãi, vì giao dịch thương mại thiếu công bằng với Hoa Kỳ không thể tiếp tục diễn ra nữa. Ông Trump mô tả mối quan hệ giữa ông với các lãnh đạo G7 là 10 điểm. Ông đổ lỗi do các chính phủ Mỹ trước đó chấp nhận thỏa thuận xấu, đồng ý để lãnh đạo các nước khác lấn lướt, mang lợi nhiều hơn về cho đất nước họ. Khi trò chuyện với các phóng viên, ông Trump nhận xét từ bao lâu nay, Hoa Kỳ giống như con heo đất, mặc tình để những người khác cướp giật. Ông sẽ không để cho tình trạng đó xảy ra nữa.
Ông Trump đưa ra ý kiến trên trước khi chuẩn bị cho chuyến đi Sigapore, tham dự hội nghị thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un. Khi được hỏi về chuyến đi này, ông Trump nói ông Kim có cơ hội mà ít người có được, và đây là vận may chỉ có một lần để bán đảo Đại Hàn đạt được hòa bình. (Mai Đức)
Tổng thống Trump rời G7 sớm
sau những tranh luận gay gắt về thuế nhập cảng
La Malbaie, Quebec – Reuters cho biết Tổng Thống Donald Trump và các lãnh đạo của Nhóm G7 có một cuộc trao đổi gay gắt vềthuế nhập cảng, làm bầu không khí tại hội nghị thượng đỉnh ở Canada ngày càng căng thẳng.
Sau đó, ông Trump có kế hoạch rời khỏi hội nghị thượng đỉnh sớm, tức là nội trong ngày hôm nay 9 tháng 6, trước khi các phái đoàn đàm phán về biến đổi khí hậu và sức khỏe của đại dương. Theo quan sát của Reuters, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và nhóm 6 quốc gia còn lại gồm Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, và Nhật Bản, khiến họ khó có thể đưa ra một tuyên bố chung. Vì sự chia rẽ quá mạnh về thương mại hoặc môi trường nên hội nghị G7 không thể đạt được sự đồng thuận.
Một viên chức người Pháp nói với các phóng viên rằng trong một cuộc trao đổi giữa tổng thống Hoa Kỳ với các lãnh đạo của nhóm, ông Trump lặp đi lặp lại một danh sách bao gồm những điều than phiền về thương mại, mà ông cho là không công bằng đối với Hoa Kỳ. Phần lớn những điều trong danh sách nhắm vào Liên Minh Châu Âu và Canada.
Theo viên chức người Pháp này, từ lúc xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh, ông Trump không nói gì khác ngoài việc cáo buộc rằng hệ thống giao dịch hiện tại hoàn toàn không thuận lợi cho Hoa Kỳ, cho nền kinh tế Mỹ, công nhân Mỹ, và tầng lớp trung lưu Mỹ. Nói tóm lại, những gì mà ông Trump phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7 chỉ là những lời rên rỉ kéo dài, khiến hội nghị thượng đỉnh lần này không giống với những hội nghị thượng đỉnh trước. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-roi-g7-som-sau-nhung-tranh-luan-gay-gat-ve-thue-nhap-cang/
Trump dọa ngừng giao thương với các đồng minh
khi rời hội nghị G7
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy cáo buộc các nước khác “cướp bóc” Mỹ về vấn đề thương mại và đe dọa đình chỉ giao thương với họ hoàn toàn trong khi ông thúc đẩy chủ trương “Nước Mỹ Trước Tiên” của mình tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm bảy cường quốc kinh tế thế giới (G7).
Ông Trump, người đã khiến các đồng minh hàng đầu của Washington giận dữ vào tuần trước khi ông áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Liên minh Châu Âu và Mexico, đả kích thương mại toàn cầu với những lời lẽ chỉ trích nhắm vào G7 và Ấn Độ.
“Chúng tôi giống như con heo đất mà mọi người cứ cướp bóc,” ông nói tại một cuộc họp báo trước khi rời đi sớm khỏi hội nghị thượng đỉnh hai ngày ở La Malbaie, tỉnh Québec, nơi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo Canada, Anh, Pháp, Ý, Đức và Nhật Bản.
“Không chỉ có G7. Ý tôi là có Ấn Độ nữa, nơi mà một số mức thuế quan là 100 phần trăm … Và chúng tôi chẳng đánh thuế gì cả,” ông nói. “Và chuyện này sẽ chấm dứt. Hoặc là chúng tôi sẽ ngừng giao thương với họ.”
Ông Trump nhắc lại rằng các mức thuế quan của ông có mục đích bảo vệ ngành công nghiệp và người lao động Mỹ khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh của quốc tế. Ông nói ông đã đề nghị với các nhà lãnh đạo khác của G7 là bãi bỏ tất cả các rào cản thương mại, bao gồm thuế quan và các khoản trợ giá.
Ông cũng phủ nhận hội nghị thượng đỉnh diễn ra với nhiều tranh cãi, một phát biểu mâu thuẫn với điều mà một quan chức G7 mô tả là một cuộc trao đổi “hết sức bất thường” hôm thứ Sáu, trong đó ông Trump lại liệt kê một loạt những than phiền về thương mại, chủ yếu liên quan đến EU và Canada, Reuters cho hay.
Nhà Trắng không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu của Reuters bình luận về những phát biểu của quan chức này về ông Trump.
Những người đồng cấp của ông Trump tại G7 vẫn đang hối hả cố gắng tìm một số điều mà có thể được xem là sự đồng thuận với Washington về thương mại và các vấn đề chính yếu khác vốn đã hình thành nên cơ sở của tổ chức 42 năm này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói có sự đồng thuận rộng rãi giữa các nhà lãnh đạo G7 rằng thuế quan và các rào cản thương mại khác nên được giảm bớt, dù bà thừa nhận vẫn còn những khác biệt với Mỹ.
“Đây là những nguyên tắc mà các bên cùng chia sẻ, dù những khó khăn vẫn nằm ở chi tiết,” bà nói trong một cuộc họp báo, và nói thêm rằng bà dự kiến một tuyên bố chung về thương mại sẽ được công bố vào cuối hội nghị.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết thỏa thuận này sẽ là một bước khả quan đầu tiên và thể hiện mong muốn của các quốc gia G7 trong việc bình ổn tình hình.
“Tuy nhiên, tôi không xem mọi chuyện đã đạt được với một tuyên bố và rõ ràng là chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong những tuần tới, những tháng tới,” ông Macron nói với các phóng viên.
Canada và EU đã lên án các mức thuế quan của Mỹ là bất hợp pháp và phi lý và Ottawa đã đề xuất các mức thuế áp lên một loạt mặt hàng của Mỹ vào tháng sau trong khi EU tuyên bố sẽ có những biện pháp trả đũa của riêng mình.
Tổng thống Mỹ rời đi trước khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc và sẽ bay đến Singapore để gặp gỡ lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Ông mô tả chuyến đi này là một “sứ mệnh hòa bình.”
Ngoài thương mại, cũng có bất đồng tại hội nghị thượng đỉnh về lập trường của G7 về biến đổi khí hậu và gợi ý của ông Trump cho Nga được gia nhập lại nhóm này.
Nga đã bị gạt ra vào năm 2014 vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Bà Merkel hôm thứ Bảy nói trước hết phải có tiến bộ về kế hoạch hòa bình ở Ukraine trước khi có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc tái tiếp nhận Moscow.
Quốc hội kiểm tra mối liên hệ
giữa Google và công ty Huawei của Trung Cộng
Washington DC – Một số thành viên Quốc Hội đang bắt đầu quan tâm đến mối liên hệ giữa Google và công ty viễn thông Huawei của Trung Cộng, trong bối cảnh Washington đang đối đầu với Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh lạnh về điện toán.
Các nhà lập pháp đang xem xét hợp đồng hợp tác giữa Google và Huawei, trong đó, các điện thoại của Huawei được dùng dịch vụ Android Message của Google để gởi tin nhắn, hình ảnh, và các nội dung truyền thông. Trong khi đó, hãng Facebook cũng đang bị chất vấn về thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với Huawei và 3 hãng điện tử Trung Cộng khác.
Facebook cho biết hãng sẽ kết thúc hợp đồng với Huawei vào cuối tuần này. Một số nhà lập pháp cũng dự định sẽ lên tiếng chỉ trích việc Google tiếp tục hợp tác với Huawei, trong khi lại quyết định không gia hạn một hợp đồng với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
Quốc Hội đang đứng cùng với chính phủ Trump trong nỗ lực kềm chế các hãng điện tử viễn thông lớn của Trung Cộng như Huawei và ZTE. Nhà chức trách Hoa Kỳ coi cả 2 hãng Trung Cộng này là mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Với cách thức cai trị của chính quyền Trung Cộng hiện nay, Washington lo ngại Huawei và ZTE sẽ dễ dàng nhượng bộ trước các yêu cầu của Bắc Kinh, và dùng các thiết bị của họ để do thám hoặc phá hoại Hoa Kỳ.
Cả Huawei và ZTE luôn bác bỏ cáo buộc này. Huawei khẳng định hãng này là công ty tư nhân, và không có chính phủ nào buộc Huawei phải thăm dò hoặc phá hoại quốc gia khác. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/quoc-hoi-kiem-tra-moi-lien-he-giua-google-va-cong-ty-huawei-cua-trung-cong/
Nga tiêu hủy các tài liệu lưu trữ về trại cải tạo ?
từ trại này.REUTERS/Maxim Shemetov
Tại Nga, một nhà sử học tình cờ phát hiện được nhiều hồ sơ lưu trữ bao gồm các thông tin về tù nhân tại các trại cải tạo thời Liên Xô đã bị tiêu hủy. Phát hiện này đang dấy lên nỗi bất bình của các nhà bảo vệ nhân quyền. Chính quyền Nga thường xuyên bị chỉ trích tìm cách che giấu những năm tháng đen tối thời Liên Bang Xô Viết để củng cố tính thống nhất quốc gia.
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin cho biết thêm chi tiết :
« Chính trong quá trình lục tìm để biết xem có còn ai sống sót từ trại cải tạo Magadan, ở vùng Viễn Đông của Nga hay không mà sử gia Sergueï Proudovski đã phát hiện ra các phiếu ghi số hiệu tù nhân đã bị tiêu hủy.
Như vậy là không thể nào tìm lại được các thông tin về ngày nhập trại, các vụ chuyển trại, ngày ra hay các vụ tù nhân tử vong. Theo như trả lời của bộ Nội Vụ Nga, căn cứ theo các chỉ dẫn được đưa ra cho chính quyền địa phương, các cơ quan an ninh và các cơ quan chính phủ quản lý các hồ sơ lưu trữ thời Xô Viết với nhà nghiên cứu, các phiếu tù nhân chỉ được lưu giữ trong một thời hạn nhất định.
Lệnh hủy hồ sơ mang tính nội bộ nói trên tương phản với nỗ lực của chính quyền trong thời gian gần đây nhằm thừa nhận các tội ác do chế độ Xô Viết gây ra. Hồi cuối tháng 10/2017, một ”bức tường thương tiếc” đã được ông Vladimir Putin khánh thành tại Matxcơva nhằm tưởng niệm nạn nhân của các trấn áp chính trị.
Năm 2015, một bảo tàng về trại lao cải đã được mở tại thủ đô nước Nga cũng nhằm để tưởng niệm nạn nhân của các trại lao cải, nhưng chỉ đến năm 1958… Điều đó cho thấy chính quyền Nga đang xét lại quá khứ một cách dè dặt. Thái độ này sẽ khiến cho nhiệm vụ của những ai muốn đưa ra ánh sáng về giai đoạn trại tập trung này, thêm phần phức tạp. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180610-nga-tieu-huy-cac-tai-lieu-luu-tru-ve-trai-cai-tao