Tin khắp nơi – 10/05/2016
Bắc Hàn diễu hành mừng kết thúc Đại hội
Hàng trăm ngàn người Bắc Triều Tiên tham gia chiến dịch đánh dấu ngày cuối của Đại hội Đảng Lao động – Đại hội đầu tiên trong 36 năm qua.
Đại hội củng cố thêm vai trò của lãnh đạo Kim Jong-un, nâng ông lên vị trí chủ tịch đảng.
Hôm thứ Ba, truyền thông Bắc Hàn thông báo em gái ông Kim, bà Kim Yo-jong, được cử vào Ban Chấp hành của đảng cầm quyền.
Đại hội cũng thông qua chính sách quốc gia phát triển hạt nhân song song với phát triển kinh tế.Hôm thứ Hai 9/5, ba phóng viên BBC đã bị trục xuất khỏi Bắc Hàn do thực hiện phóng sự khiến chính quyền nước này giận dữ.
Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes bị bắt giữ hôm thứ Sáu và bị thẩm vấn trong tám tiếng đồng hồ, trước khi buộc phải ký đơn xin lỗi. Ông và đồng nghiệp được rời Bắc Hàn vào thứ Hai.
BBC nói rất thất vọng trước quyết định của Bắc Hàn.
Trong buổi diễu hành ở Bình Nhưỡng hôm thứ Ba 10/5, ông Kim được nhìn thấy vẫy chào công chúng và nói chuyện với quan chức quân đội và quan chức Đảng.
Hàng trăm ngàn người diễu hành qua quảng trường, tay vẫy hoa giấy hồng, bóng bay màu và cờ đỏ. Đoàn xe cũng đi qua quảng trường, một số mang theo hình nộm tên lửa.
Phóng viên Stephen Evans, BBC News tường thuật từ Bình Nhưỡng Khó có thể ước tính được số người dự buổi diễu hành. Tôi đếm được 50 khối người, mỗi khối có 50 người chiều dọc và 50 người chiều ngang đi qua trong suốt một tiếng, người dẫn đoàn mang theo khẩu hiệu đỏ.
Đến vẫy cờ cũng được dàn dựng cẩn thận. Những người khác mặc quần áo dân thường, phụ nữ mặc trang phục truyền thống và đàn ông mặc complet đeo cà vạt.
Những người này không diễu hành mà nhảy múa trên quảng trường, hò hét một cách hào hứng và ngước mắt lên nhìn về phía ban công nơi có ông Kim Jong-un.
Chúng tôi hỏi họ vì sao lại phấn khởi đến vậy. Câu trả lời giống nhau đồng loạt, rằng họ rất vui mừng được chứng kiến Nguyên soái Kim Jong-un lên lãnh đạo Đảng Lao động.
Rất khó để biết người dân thực sự nghĩ gì, có thể có cảm giác pha trộn. Tôi kín đáo quan sát khuôn mặt của một số người Bắc Triều Tiên và sự hưng phấn của họ dường như là thực lòng. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là người dân không bị đè nén: nhiều người đào tẩu và sự thiếu vắng của các cuộc bầu cử thực sự cho thấy điều đó.
Tin xác nhận vị trí mới của em gái ông Kim đã được nhiều người mong đợi.
Bà đã có nhiều ảnh hưởng trong chức vụ phó giám đốc Sở Tuyên truyền Cổ động, nhưng việc cất nhắc bà lên trung ương được coi là động thái củng cố thêm quyền lực của anh trai bà.
Hơn 100 phóng viên nước ngoài được cấp thị thực để tới đưa tin Đại hội, mặc dù chỉ có một vài người được phép vào xem hội nghị một cách chóng vánh.
Đại hội, bắt đầu hôm thứ Sáu 6/05, cũng bắt đầu kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế, vốn bị ảnh hưởng bởi loạt cấm vận mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, sau khi quốc gia này thực hiện các cuộc thử hạt nhân và tên lửa.
Ông Kim nói trong bài phát biểu rằng Bắc Triều Tiên sẽ chỉ dùng tới vũ khí hạt nhân khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa.
Trung Quốc gửi thông điệp tới chúc mừng lãnh đạo Bắc Hàn với chức vụ mới, mặc dù từ chối gửi đại diện tới đại hội.
Các nhà phân tích cho rằng điều này có thể do Trung Quốc không hài lòng trước chỉ dấu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thực hiện cuộc thử hạt nhân thứ 5.
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160509_north_korea_party_congress_end
Duterte thắng cử tổng thống Philippines
Ông Rodrigo “Digong” Duterte, ứng viên có khuynh hướng chống tội phạm cứng rắn, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines.
Dù kết quả chính thức chưa được công bố, đối thủ chính của ông Duterte là Mar Roxas đã thừa nhận thất bại trong cuộc đua này.
Ông Duterte là ứng viên dẫn đầu trong thời gian dài.
Tổng thống Benigno “Noynoy” Aquino sắp từ nhiệm do hiến pháp giới hạn nhiệm kỳ tổng thống còn sáu năm. Cuộc bầu cử Philippines cũng nhằm chọn một phó tổng thống và các quan chức địa phương.
PPCRV được Ủy ban bầu cử công nhận để giám sát việc kiểm phiếu nhưng báo cáo của tổ chức này không phải là kết quả chính thức.
Tuy nhiên, ông Duterte nói với AFP: “Với sự khiêm nhường, tôi chấp nhận trọng trách mà người dân giao phó.”
‘Tàn sát tội phạm’
Ông nói chính sách pháp luật là chìa khóa dẫn đến sự thành công của mình.
“Những gì tôi có thể hứa với quý vị là tôi sẽ làm hết sức mình không chỉ trong giờ làm việc mà cả trong giấc ngủ” ông nói.
Ông Duterte đã có nhiều phát biểu gây tranh cãi trong chiến dịch tranh cử, chẳng hạn như nói ông sẽ tiêu diệt hàng ngàn tội phạm không qua xét xử
Với biệt danh “Kẻ trừng phạt”, ông là thị trưởng thành phố Davao trong hơn 22 năm.
Chiến dịch tranh cử của ông tập trung vào việc cải cách kinh tế, cơ sở hạ tầng, và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Jonathan Head, phóng viên BBC ở Đông Nam Á tường thuật:
Không khí bầu cử ở đây rất vui vẻ, nhiều nhóm gia đình, hàng xóm rủ nhau cùng đi bầu. Cử tri nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định.
Việc cử tri thể hiện sự nhiệt tình cho ông Duterte cho thấy người Philippines mệt mỏi với những gương mặt chính khách quen thuộc, những người đem lại cải cách kinh tế nhưng ít thay đổi thực sự về nạn nghèo đói và tham nhũng.
Ông Duterte nói rằng sẽ bỏ qua cơ chế “kiềm chế và đối trọng” nếu điều này cản trở việc giải quyết các vấn đề của đất nước.
Thông điệp này thu hút người dân.
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160510_philippines_election_duterte_win
Trung Quốc phá đường dây làm sứa giả
Cảnh sát tại miền đông Trung Quốc bố ráp hai xưởng sản xuất và nói đã có hơn 10 tấn sứa giả có thể đã được tiêu thụ trên các thị trường thực phẩm địa phương.
Cảnh sát nói sứa giả được làm bằng cách trộn các loại hóa chất với nhau, và các xét nghiệm cho thấy có chứa hàm lượng nhôm cao.
Đường dây sản xuất thực phẩm giả này đã thu lời được hơn 170.000 Nhân dân tệ (26.100 đôla Mỹ) trong một năm hoạt động, cảnh sát nói thêm.
Sứa là món ăn rất được ưa chuộng, được thái lát làm món gỏi, nộm, nhất là ở các vùng duyên hải miền nam và miền đông Trung Quốc.
Cảnh sát thị xã Hồ Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, đơn vị dẫn đầu cuộc điều tra, nói rằng họ lần đầu tiên phát hiện ra một xưởng sản xuất do một người đàn ông họ là Nguyên điều hành. Ông này đã làm và bán sứa giả tại một chợ nông phẩm.
Ông Nguyên sau đó đã dẫn các thám tử tới một xưởng sản xuất quy mô hơn tại thị xã Thường Châu thuộc tỉnh Giang Tô kế bên, do một người đàn ông khác tên là Giai, người này đã dạy ông Nguyên “nghệ thuật” làm sứa giả, điều hành.
Ông này đã bị bắt giữ cùng những người khác trong đường dây.
Các vụ bắt giữ diễn ra hồi cuối tháng Tư, nhưng cảnh sát mới chỉ công bố vào cuối tuần trước.
Sứa giả có độc hại không?
Ông Nguyên nói với các nhà điều tra rằng ông làm sứa bằng cách trộn ba loại hóa chất khác nhau gồm acid alginic (còn được gọi là chất algin hoặc alginate, có tính năng tạo chất đông), phèn (ammonium alum, hoặc alum, hoặc ammonium aluminium sulfate), và canxi clorua khan (calcium chloride anhydrous), theo một thông cáo chính thức của cảnh sát Hồ Châu đăng trên mạng xã hội WeChat.
Cảnh sát nói họ tìm thấy “hàm lượng quá mức” nhôm trong sứa giả, tới 800mg/kg, cao gấp tám lần so với định mức hợp pháp theo tiêu chuẩn Trung Quốc.
Bộ phận an toàn thực phẩm và thuốc men của cảnh sát Hồ Châu nói lượng nhôm cao quá mức có thể gây hại tới xương và hệ thống thần kinh, có nguy cơ làm hỏng trí nhớ, và cảnh báo chống chỉ định các sản phẩm có chứa chất này cho phụ nữ có thai, trẻ em và người cao tuổi.
Vì sao làm sứa giả?
Tuy có độc nhưng sứa được coi là một món ngon tại Trung Quốc, bởi vị hấp dẫn và chứa nhiều collagen.
Đặc biệt được ưa chuộng trong mùa hè, sứa được thái mỏng và được trộn với nhiều thứ khác để làm món gỏi, nộm.
Có vẻ như sứa thật không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Báo Chiết Giang có bài tường thuật về các trại nuôi sứa ở tỉnh này, dẫn lời các chủ trại nuôi sứa nói phải mất đến 40 ngày để sứa lớn đạt mức nửa ký lô, và giá bán sỉ đạt được khoảng 30-40 Nhân dân tệ.
Giá làm sứa giả chỉ bằng phân nửa, trong lúc thời gian sản xuất thì ngắn hơn nhiều.
Sứa giả khác sứa thật thế nào?
Cảnh sát Hồ Châu đã ra hướng dẫn cách phân biệt hàng giả, theo đó sứa giả không có mùi vị, khi dùng tay xé thì thấy rắn, hơi giống băng keo, còn sứa thật có mùi cá, trông hơi vàng và có ánh các sắc màu.
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức phát hiện ra vụ làm sứa giả.
Hồi 11/2014, cảnh sát Hồ Châu đã bắt được ba cá nhân bán sứa giả làm từ các hóa chất tương tự như lần này.
Tháng 10/2013, cảnh sát tại tỉnh Hồ Nam ở miền trung Trung Quốc đã phá một đường dây được cho là đã làm 40 tấn sứa giả – kẻ chủ mưu bị án tù sáu tháng.
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160510_china_fake_jellyfish
Biển Đông: Philippines muốn đối thoại?
Người vừa trở thành tổng thống Philippines nói ông muốn giải quyết tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc qua hội đàm đa phương.
Rodrigo Duterte nói ông sẽ đề xuất các nước tuyên bố chủ quyền cùng tọa đàm với sự tham gia của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia.
Ông được Reuters dẫn lời nói Trung Quốc nên tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý thuộc vùng biển mỗi nước theo luật quốc tế và nên cùng khai thác chung dầu và khí đốt với Philippines.
“Nếu người ta muốn liên doanh, tốt thôi, chúng ta có thể có được dầu và khí đốt. Tôi tin vào việc cùng khai thác.”
Ông Duterte, 71 tuổi, được xem là người có một số động thái khó đoán trong cách giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong một cuộc tranh luận khi tranh cử tổng thống, ông nói tôi sẽ kêu gọi đối thoại với Bắc Kinh, nhưng chỉ ngay sau đó ông nói ông sẽ đi tàu cao tốc ra ngay quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và sẽ cắm cờ Philippines ở đó.
Nhưng hôm thứ Hai ông nói rằng cần có hội đàm với các bên tuyên bố chủ quyền tại đây bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Đài Loan và Trung Quốc – cùng với các cường quốc như Hoa Kỳ, Australia và Nhật Bản.
“Họ [các nước phương Tây] sẽ muốn có thảo luận bàn tròn đa phương có lẽ vào năm sau.
“Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai muốn xảy ra chiến tranh.
“Mặc dù chúng tôi là đồng minh với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ đồng ý việc tham gia hội đàm đa phương.”
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160509_philippines_to_calls_for_scs_talks
Báo động hậu quả của động tác gập bụng
Nếu bạn không thích phải tập cho cơ chắc khoẻ thì chúng tôi có tin tốt cho bạn: Các nhà nghiên cứu không chỉ đơn thuần tranh cãi về lợi ích của việc gập bụng, mà họ còn chỉ ra rằng kiểu luyện tập này sẽ có thể có hại.
Liệu việc gập bụng có mang lại cho bạn bụng sáu múi? Hay thật ra ta có thể có được bụng thon nhờ chế độ ăn uống tốt và các bài tập luyện bình thường?
Một báo cáo đánh giá tất cả các nghiên cứu về gập bụng cho thấy bài luyện tập này có giúp tăng độ linh hoạt và sự dẻo dai của cơ bắp.
Các nghiên cứu ở loài chó cũng cho thấy việc giãn xương sống lưng cũng giúp đẩy chất dinh dưỡng tới các đĩa đệm và ngăn ngừa cứng khớp.
Nghe có vẻ ổn! Thế nhưng để có được bụng sáu múi, bạn sẽ phải tập luyện rất vất vả.
Trong một cuộc thử nghiệm nhỏ thực hiện tại Illinois vào năm 2011, một nhóm đã tập luyện rất căng mỗi ngày trong khi một nhóm khác không tập gì.
Sau sáu tuần, kết quả nghiên cứu cho thấy việc tập luyện không làm thay đổi vòng bụng một chút nào.
Nhiều người yêu thích thể thao tập gập bụng để tăng cường thăng bằng, thế nhưng nghiên cứu của Thomas Nesser từ Đại học Bang Indiana cho thấy việc tăng cường độ thăng bằng không nhất thiết sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt hơn trong thể thao.
Vậy gập bụng có khả năng mang lại cho bạn những hậu quả ngoài mong muốn, chẳng hạn như đau lưng, hay không?
Stuart McGill, giáo sư chuyên nghiên cứu về cơ cấu xương sống lưng tại Đại học Waterloo ở Canada, đã nghiên cứu bài tập gập bụng nhiều năm nay và ông cho rằng bài tập này mang lại nhiều tác động xấu.
Ông đã thực hiện hàng chục nghiên cứu trong các phòng thử nghiệm trên loài lợn, liên tục co giãn sống lưng chúng đúng với cách chúng ta tập gập bụng trong nhiều giờ liền.
Sau khi nghiên cứu các sống lưng này, ông thấy chúng đã chịu nhiều áp lực đến mức bị trật khớp. Nếu điều này xảy ra với con người, nó có thể đè lên các dây thần kinh, gây ra đau lưng và thậm chí còn làm đĩa đệm bị thoát vị.
Loài lợn được chọn để nghiên cứu về chủ đề này vì chúng có sống lưng khá giống con người.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng vẫn có nhiều sự khác biệt giữa người và lợn. Các nghiên cứu này cũng đã tác động lên xương sống của những con lợn hàng nghìn lần liên tiếp, trong khi con người lại luôn nghỉ giải lao giữa các bài tập.
Có lẽ những kết quả này cho chúng ta hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta gập bụng hàng nhiều giờ. Điều này khó xảy ra ngoài đời thật, tuy nhiên, chấn thương vẫn có thể xảy ra.
Nghiên cứu công bố năm 2005 đối với các binh sỹ Hoa Kỳ đóng tại Đồn Bragg cho thấy 56% các chấn thương là trong hai năm tại ngũ là do gập bụng.
Nhiều người dễ bị chấn thương lưng vì gập bụng hơn những người khác.
Chúng ta có thể gập bụng 30 lần một ngày trong suốt 10 năm và vẫn không bị gì, hoặc chúng ta có thể nằm trong nhóm những người dễ bị tổn thương hơn. Điều này có thể do gene quyết định.
Theo một nghiên cứu, việc tập luyện với cường độ cao không phải là lý do chính gây thương tích mà là yếu tố di truyền, là điều có trong ba phần tư các trường hợp khác biệt giữa những người bị đau lưng và những người không bị.
Nghiên cứu The Twin Spine viết về các cặp sinh đôi ở Canada và Hoa Kỳ từ năm 1991, theo đó các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng gene di truyền đóng một vai trò quan trọng đối với khả năng tránh bị thoái hoá đĩa đệm của mỗi người.
Dù một người trong cặp sinh đôi làm việc khiêng vác nặng và người kia thì không, cường độ đau lưng của hai người đều giống nhau.
Như vậy, việc gập bụng có thể làm đau lưng, nhưng chỉ ở một số người. Đó là một lý do tốt để không gập bụng.
Nhưng nếu bạn muốn làm cơ chắc khoẻ, cách nào là tốt nhất để giảm thiểu rủi ro?
Giáo sư Stuart McGill cho rằng bạn nên đặt tay ở lưng dưới để nó không phải chạm thẳng xuống sàn nhà. Điều này giúp giảm áp lực lên lưng.
Hoặc bạn có thể duỗi một chân và chân kia gập lại, sau đó nâng đầu và vai cách mặt đất vừa phải. Ông nói hãy tưởng tượng đầu bạn đang đặt lên một cái cân, bạn chỉ cần nhấc đầu đủ cao để cái cân hiện ra số 0.
Trong bài viết về nghiên cứu đối với bài tập gập bụng, Bret Contreras từ Đại học Công nghệ Acukland, New Zeland, khuyến nghị chỉ nên tập các bài tập liên quan tới sống lưng khoảng 60 lần trong mỗi lần tập. Hãy bắt đầu với chỉ 15 lần lặp và tăng dần.
Cuối cùng, khi chúng ta đã nằm suốt đêm hoặc thậm chí chỉ là ngồi trong một lúc lâu, thì có nghĩa là chúng ta tăng một ít cân, và vì vậy sẽ làm việc gập bụng khó hơn và tăng khả năng bị chấn thương.
Vì vậy đừng tập động tác gập bụng ngay sau khi vừa ngồi nhiều giờ trước máy tính hoặc khi vừa ngủ dậy.
Claudia Hammond
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.
Bắc Triều Tiên: Năm điều ghi nhận từ Đại Hội Đảng Lao Động
Đại Hội đảng Lao Động Triều Tiên vừa kết thúc, giới quan sát nước ngoài đã nhanh chóng rút ra một số kết luận về cơ chế quyền hành tối cao của đất nước khép kín này, vốn gây lo ngại không ít cho thế giới vì nắm trong tay vũ khí nguyên tử.
(1) Đảng trở lại vị trí thống lĩnh sân khấu chính trị
Đại hôi đã trao lại quyền hạn cho Đảng Lao Động từng bị buộc phải nhường chỗ cho quân đội vào thời ông Kim Jong Il (1994-2011). Chiến lược gọi là « Songun » – quân đội trước tiên – mà ông áp dụng, đã giao quyền cầm cương cho các tướng lãnh, trong khi quyền hành này ở trong tay các lãnh đạo đảng thời ông Kim Nhật Thành trước đó.
Từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền tháng 12/2011, đảng Lao Động đã trở lại vị trí của mình, lãnh đạo trẻ đã thay thế hàng chục tướng lãnh và liên minh với những cán bộ kỳ cựu nhiều ảnh hưởng trong đảng. Vị thế của đảng càng được khẳng định với việc Kim Jong Un bầu làm chủ tịch đảng.
(2) Chương trình hạt nhân tăng tốc
Bất chấp trừng phạt quốc tế, Đại hội đảng đã cương quyết tiếp tục chương trình hạt nhân. Kim Jong Un đã hoan nghênh lần thử ngiệm thứ tư, các đại biểu kêu gọi phát triển kho vũ khí hạt nhân.
Kim Jong Un cũng đã cam kết tiếp tục trên con đường không phố biến hạt nhân – Bình Nhưỡng đã rút khỏi Hiệp Định Không Phổ Biến Hạt Nhân vào năm 2003. Nhưng các nhà phân tích cho những lời cam kết này chỉ là mánh khóe để gây sự tin tưởng là Bắc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân có ‘trách nhiệm’.
(3) Chức vụ là điều quan trọng
Kim Jong Un đã nắm trong tay nhiều chức vụ: Đã là Lãnh Đạo Tối Cao Bắc Triều Tiên, các đại biểu lại chính thức bầu ông làm chủ tịch đảng Lao Động, một chức vụ mới.
Kim Jong Un còn là chủ tịch Quân Ủy Trung Ương và là lãnh đạo tối cao quân đội Bắc Triều Tiên. Nhưng chức vụ chủ tịch đảng có một âm hưởng đặc biệt vì đó cũng là chức vụ của người ông Kim Nhật Thành. Kim Jong Un muốn thật sự giống ông, từ bề ngoài cho đến chức vụ kiêm nhiệm.
Điều này cho thấy là ông cũng sẽ điều hành đất nước, trị vì như người ông của mình.
(4) Đưa ra kế hoạch 5 năm
Kim Jong-Un đã đưa ra một kế hoạch kinh tế 5 năm. Đây là kế hoạch đầu tiên từ rất lâu. Nhưng ngoài những điều chung chung như cải thiện năng suất và sản xuất, thì ít có yếu tố gì cụ thể. Nhưng việc đưa ra một kế hoạch cho thấy là Kim Jong Un đứng ra đảm nhận trách nhiệm về kinh tế, đã suy sụp dưới thời cha của ông.
Trong phát biểu đầu tiên trước công chúng vào tháng 4/2012, Kim Jong Un đã cho là ông cương quyết không để cho người Bắc Triều Tiên phải ‘thắt lưng buộc bụng nữa’.
(5) Kiểm soát chặt chẽ báo chí nước ngoài
Bình Nhưỡng kiểm soát rất chặt báo chí nước ngoài. Trên phương diện này thì Bắc Triều Tiên chỉ thua có Erythréa trong bảng xếp hạng về quyền tự do báo chí.
30 nhà báo nước ngoài được mời theo dõi Đại Hội, nhưng chỉ tiếp cận được có 5 phút. Thời gian còn lại thì bị các người hướng dẫn kiểm soát rất chặt chẽ.
Có nhà báo đã bị trục xuất như phóng viên của BBC, mà các bài phóng sự bị đánh giá không tốt đối Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên.
Mai Vân
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160510-bac-trieu-tien-5-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-dai-hoi-dang-lao-dong
Biển Đông : Chuyên gia quốc tế tố cáo thủ đoạn “sự đã rồi” của Bắc Kinh
Trong hai ngày 06-07/05/2016, hàng chục nhà nghiên cứu tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đã tề tựu về trường Đại Học Yale (New Haven, bang Conecticut), để tham gia cuộc hội thảo về “Tranh chấp Biển Đông” (Conflict in the South China Sea). Mở ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang gấp rút đẩy mạnh việc áp đặt quyền kiểm soát của họ trên vùng biển mà họ cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc, hầu hết các học giả đều vạch trần các hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt sự đã rồi trong vùng, bất chấp luật lệ quốc tế hay phản đối của nước khác.
Nội dung hai ngày hội thảo khoa học tại Yale được thể hiện rõ qua các chủ đề được đề cập đến tại ba tiểu ban khác nhau:
(1)Các vấn đề lịch sử về tranh chấp Biển Đông;
(2) Biển Đông và các vấn đề địa lý chính trị;
(3) Luật pháp và tranh chấp Biển Đông.
Tham gia hội thảo có khá nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi về Biển Đông, từ Giáo sư Carlyle Thayer, Học Viện Quốc Phòng Úc, Tiến Sĩ Patrick M. Cronin, chuyên gia về an ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại trung tâm nghiên cứu Mỹ Center for a New American Security, cho đến tướng hồi hưu Daniel Schaffer thuộc trung tâm tham vấn Asia 21 tại Pháp, hay giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine Hoa Kỳ.
Để tìm hiểu thêm về cuộc hội thảo về Biển Đông tại Đại Học Yale, RFI đã có bài phỏng vấn nhanh với giáo sư Ngô Vĩnh Long.
RFI :Đâu là yếu tố nổi bật nhất tại cuộc hội thảo ?
Ngô Vĩnh Long : Yếu tố mới nổi bật là đa số những học giả đều nhận định là Trung Quốc đang ráo riết tăng cường các hoạt động ở Biển Đông để đặt các nước trong khu vực và trên thế giới trong tình trạng đã rồi.
Tuy nhiên đối phó với Trung Quốc thế nào thì tôi thấy góc nhìn của các học giả trong các tham luận của họ tuỳ thuộc vào chuyên môn nghiên cứu của từng cá nhân cũng như tuỳ thuộc việc họ đang là công dân của quốc gia nào.
Một ví dụ nổi bật : Học giả Mỹ tên Patrick Cronin của một viện nghiên cứu an ninh và chiến lược tại Hoa Thịnh Đốn và là một người thường gặp các quan chức Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng như Nhà Trắng cho biết rằng ông đã khuyến nghị là Mỹ nên tuyên bố vùng bãi ngầm Scarborough mà Trung Quốc đã chiếm của Phi thuộc sự bảo hộ của Hiệp Ước Phòng Thủ giữa Mỹ và Phi để tránh việc Trung Quốc xây đảo và lập khu quân sự trên đó như Trung Quốc đã cho biết là có ý định làm như thế.
Ông cũng cho biết thêm là tình thế hiện nay, theo ông, rất cấp bách, cho nên tổng thống Obama có thể đưa ra thông cáo đó trước hay trong chuyến đi thăm khu vực Đông Nam Á cuối tháng 5 này.
Ông cũng đồng ý với một số diễn giả khác là Tổng Thống Obama cũng có thể sẽ tuyên bố dỡ bỏ chính sách cấm vận bán vũ khí “sát thương” cho Việt Nam, một phần là để giúp cho các tổng thống Mỹ sắp tới khỏi phải bận tâm hay gặp khó khăn trong vấn đề này trong tương lai.
RFI :Quan điểm chung các nhà nghiên cứu là gì ?
Ngô Vĩnh Long : Như tôi mới vừa đề cập ở trên, quan điểm chung là Trung Quốc sẽ càng ngày càng lấn tới, nhưng cách đối phó như thế nào thì tùy góc nhìn của từng nhà nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu về quân sự và an ninh như tướng về hưu Daniel Schaeffer của Pháp và giáo sư về hưu Carl Thayer của Úc thì nhấn mạnh chiến lược quân sự và an ninh của Mỹ và các nước lớn. Tuy nhiên họ cũng không bỏ qua vấn đề sử dụng luật pháp để đối phó với Trung Quốc.
Về vấn đề sử dụng luật pháp quốc tế thì được đa số các nhà nghiên cứu đồng ý. Tuy nhiên trong các tham luận của các chuyên gia về luật thì họ có những nhận định khác biệt về việc ứng dụng các thứ luật hiện hành như thế nào. Nói chung, phần lớn các diễn giả đồng ý là việc vận dụng luật đối với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông phải đi đôi với các hoạt động ngoại giao và quân sự.
Tiến sĩ Harry Kazianis về chiến lược an ninh tại viện Potomac Foundation ở Hoa Thịnh Đốn có bài tham luận về chiến lược ông gọi là “Shamefare”, tức là Mỹ và các nước trong khu vực phải làm cho Trung Quốc mất mặt trước dư luận quốc tế qua việc sử dụng báo chí và truyền thông.
Ngược lại, theo Tiến sĩ Enrico Fels của Trung tâm Nghiên cứu Toàn Cầu, gọi là Center for Global Studies ở Bonn (Đức), thì theo kinh nghiệm sau Đại Chiến Thứ Hai thì các nước trong khu vực và ngoài khu vực nên giao luôn Hoàng Sa cho Trung Quốc, vì đấy là việc đã rồi, với điều kiện là Trung Quốc đồng ý thương lượng vấn đề Trường Sa và Scarborough.
RFI : Tham luận của giáo sư tập trung nêu bật vấn đề gì ?
Ngô Vĩnh Long : Trước lúc đến hội thảo, tôi biết là các học giả khác chỉ nói đến những vấn đề chung, hoặc những vấn đề theo hướng của đất nước họ. Đối với tôi là người Việt Nam, thì tôi thấy là vấn đề Việt Nam rất quan trọng.
Cho nên tham luận của tôi nêu bật vị trí địa chính trị của Việt Nam, và tại sao cái vị trí này đã làm cho Việt Nam thành nước bị Trung Quốc ảnh hưởng và kiếm chế trên rất nhiều mặt và từ nhiều phía.
Chính quyền Việt Nam đã rất nhân nhượng Trung Quốc trong hơn 40 năm qua trên hồ sơ Biển Đông, nhưng Trung Quốc đã không những không đáp ứng, mà lại càng ngày càng bắt bí và gây tổn thương cho Việt Nam. Việc này đã sinh ra mâu thuẩn rất lớn giữa người dân và chính quyền.
Do đó, nếu chính phủ không có chính sách năng động, khẩn trương, và ráo riết đối với hồ sơ Biển Đông, thì việc đổ vỡ, nếu không nói là sống còn của chế độ, có thể xẩy ra. Ảnh hưởng sẽ rất xấu không những đối với xã hội Việt Nam và một số nước khác.
Để tránh việc này và để giải quyết hồ sơ Biển Đông, tôi có đưa ra một số kiến nghị, trong đó theo tôi, vấn đề quan trọng là vận động sự ủng hộ của nhân dân trong nước và trên thế giới. Tôi có nêu lên chi tiết là phải làm như thế nào.
Trọng Nghĩa
Tổng thống mới của Philippines sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc ?
Hồ sơ biển Đông sẽ được giải quyết qua « đàm phán đa phương », trong đó có đồng minh Hoa Kỳ, Nhật, Úc và các quốc gia tranh chấp. Trên đây là tuyên bố của ông Rodrigo Duterte, tổng thống Philippines mới đắc cử về quan hệ với Trung Quốc, hoàn toàn khác hẳn với những phát biểu gây lo ngại của ứng cử viên Rodrigo Duterte trước bầu cử.
Ngày thứ hai 09/05/2016, vào lúc cử tri Philippines bỏ phiếu chọn lựa người lãnh đạo vận mệnh quốc gia cho 6 năm tới, thì từ Davao, ứng cử viên Rodrigo Duterte tuyên bố với báo chí quốc tế : “Nếu đắc cử tổng thống thì tôi sẽ giải quyết tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc bằng « đàm phán đa phương » trong đó các đồng minh của Philippines là Mỹ, Nhật, Úc và các nước tranh chấp tham gia.”
Bác bỏ lập trường của Bắc Kinh, tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích biển Đông, ông Rodrigo Duterte nhấn mạnh là Trung Quốc phải tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển theo quy định của công pháp quốc tế. Bắc Kinh không có quyền đòi hỏi gì cả mà nên hợp tác khai thác dầu khí với Manila.
Vài giờ sau, kết quả kiểm phiếu xác nhận Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống Philippines.
Theo Reuters, giới ngoại giao quốc tế thắc mắc về lập trường mâu thuẩn của ông Rodrigo Duterte. Lúc thì thế này khi thì thế nọ. Lúc đầu chiến dịch tranh cử, trong một cuộc tranh luận với các đối thủ, ông tuyên bố sẽ « một mình ra Trường Sa cấm cờ Philippines trên các đảo bị Trung Quốc lấn chiếm xây căn cứ quân sự và sẵn sàng chết như một anh hùng ».
Thế rồi, sau đó, nhân vật có lối tuyên bố bốc đồng này lại nói « nếu trong hai năm tới đây chiến lược tìm kiếm một giải pháp đa phương như hiện nay không mang lại kết quả thì, nếu là tổng thống, tôi sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc ». Lập trường này bị giới phân tích chiến lược gọi là “ngây thơ và nguy hiểm”.
Trên báo mạng The Diplomat, John Ford, một luật gia của hải quân Mỹ cho biết, trong quá trình hoạt động, nhà chính trị 71 tuổi này đã nhiều lần chứng tỏ ông ngây thơ, không biết gì về thủ đoạn của Bắc Kinh.
Đem biển Đông ra xử lý tay đôi với Trung Quốc là trúng kế đối phương và cầm bằng từ thua đến thua. Một khi ngồi vào bàn đàm phán song phương với Trung Quốc, Manila bị trói tay, lấy sức ở đâu để mặc cả với Bắc Kinh. Hành động khôn ngoan nhất là phải tay trong tay với các đối tác khác trong ASEAN cùng bị Trung Quốc lấn hiếp. Thêm vào đó, khi ông Duterte đàm phán song phương với Bắc Kinh, thì mặt trận ngoại giao thống nhất đương đầu với tham vọng của Trung Quốc sẽ tan vỡ.
Sự kiện mới nhất gây tiếng vang hôm chủ nhật 08/05 là phe ông Duterte đe dọa kiện tổng thống mãn nhiệm Aquino và thượng nghị sĩ Antonio Trillannes ra toà về tội phản quốc, do đã làm mất đảo Scarborough. Họ tố Thượng nghị sĩ Antonio Trillannes, nhận lệnh của tổng thống Aquino, « mật đàm » với Bắc Kinh 16 lần và thổ lộ với phía Trung Quốc là Philippines « không đủ sức » bảo vệ biển đảo.
Bình luận về những lời tuyên bố bốc lửa về chính trị, ngoại giao và nhân quyền của thị trưởng Davao, nhà phân tích chính trị Earl Parreno, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Cải cách Chính trị và Kinh tế ở Manila, cho rằng Duterte không dại gì gây thêm bất ổn cho Philippines. Vận động tranh cử là diễn kịch, phải phóng đại để loan tải thông điệp. Một khi làm tổng thống, ông ấy sẽ xuống thang.
Một nhân vật từng trải chính trường ở Mindanao vừa đánh bại các đối thủ của tầng lớp ưu tú tại Manila khó có thể là một kẻ ngây thơ và bốc đồng, cho dù có những lời tuyên bố « văng mạng » theo kiểu « Donald Trump ».
Tuy nhiên, còn quá sớm để có thể kết luận là tổng thống tương lai của Philippines sẽ là người góp phần củng cố hay trái lại phá thế liên kết đối phó với tham vọng của Trung Quốc tại vùng biển của Đông Nam Á hay không.
Tú Anh
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160510-tong-thong-moi-cua-philippines-se-cung-ran-hon-voi-trung-quoc
Vụ kiện Biển Đông : Một tổ chức luật của Đài Loan nhập cuộc
Theo Reuters, hôm nay 10/05/2016, một tổ chức luật của Đài Loan, có quan điểm gần với chính quyền Đài Bắc, đã gửi tài liệu đến Tòa Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye. Đây là tòa án đang xử vụ Philippines kiện các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhiều nhà quan sát ghi nhận, quan điểm của tổ chức nói trên có thể ảnh hưởng đến phán quyết của tòa, chỉ ít tuần trước thời hạn ra phán quyết chính thức.
Hồi tháng trước, các thẩm phán đã nhận được hồ sơ của Society International Law, một tổ chức có liên hệ mật thiết với chính quyền Đài Bắc. Theo một nguồn tin gần gũi với hồ sơ này, sau khi nghiên cứu hàng trăm trang tài liệu, các thẩm phán đã yêu cầu Bắc Kinh và Manila gửi thông tin bổ sung, cho dù Đài Loan không phải là quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, hay tham gia ký kết Công Ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Trả lời Reuters, người phát ngôn của tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) cho biết, tổ chức tư nhân đệ nạp hồ sơ nói trên không nhân danh chính phủ Đài Loan, nhưng lập trường của Society International Law không xa với lập trường chính thức của Đài Bắc. Ông Mã Anh Cửu từng đứng đầu tổ chức này.
Trong văn bản gửi đến Tòa Trọng Tài Thường Trực, tổ chức Đài Loan dẫn lại nhiều báo cáo, thông cáo của chính quyền Đài Bắc, theo đó, đảo Ba Bình (Itu Aba hay Thái Bình) do Đài Loan kiểm soát, cần được coi là một hòn đảo có người sinh sống và có đời sống kinh tế độc lập, vì vậy cần phải được hưởng quy chế đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ), theo UNCLOS.
Đây chính là điều mà Philippines hoàn toàn bác bỏ, khi cho rằng Ba Bình chỉ là “đá” (rock), chứ không phải là “đảo” (island), theo định nghĩa của UNCLOS.
Cho đến nay, Trung Quốc không công nhận thẩm quyền của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong việc xét xử vụ kiện của Philipinnes, nhưng lập trường của Đài Bắc có thể có lợi cho Trung Quốc.
Trong một thông báo bằng fax gửi Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh : “Nhân dân hai bên bờ eo biển Đài Loan đều có trách nhiệm phối hợp bảo vệ di sản tổ tiên để lại”.
Hiện tại Tòa Trọng Tài Thường Trực và phía Philippines chưa có trả lời chính thức với Reuters về vụ hồ sơ Đài Loan.
Trọng Thành
Châu Âu hy vọng sớm ra được thỏa thuận về nợ Hy Lạp
Hôm qua 09/05/2016, 19 bộ trưởng Tài Chính châu Âu đã có phiên họp đặc biệt về vấn đề nợ Hy Lạp. Nhóm các quốc gia khu vực đồng euro bắt đầu cuộc thảo luận, được trông đợi từ lâu, về việc giảm món nợ khổng lồ cho Hy Lạp, hiện đã lên tới khoảng 180% GDP.
Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles:
” Cuộc thảo luận về khả năng giảm nợ cho Hy Lạp mới chỉ bắt đầu, tuy nhiên theo một số giới chức của Ủy Ban Châu Âu, Athens có thể sẽ được phép hoãn trả nợ một số khoản tín dụng do Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cấp. Một khả năng khác là Hy Lạp sẽ được giảm lãi suất vay.
Nhìn chung đây là một tin vui, theo bộ trưởng Tài Chính Pháp Michel Sapin : “Chúng tôi mong muốn Hy Lạp ở lại trong khu vực đồng euro, Hy Lạp nối lại được với tăng trưởng, và nhân dân Hy Lạp tìm lại được cuộc sống yên vui sau những năm khó khăn và thắt lưng buộc bụng vừa qua. Chúng ta hài lòng với kết quả đạt được hôm nay”.
Vẫn theo bộ trưởng Pháp, “Chúng ta đã làm được tối đa trong khả năng. Lần đầu tiên chúng ta đã đề cập cùng một lúc đến nợ ngắn hạn và nợ dài hạn. Bởi vì, vấn đề là cần phải mang lại sự ổn định cho Hy Lạp để cho phép chính phủ Hy Lạp quay lại được với thị trường, và có khả năng vay mượn để chi trả cho các nhu cầu của mình, trong những điều kiện chấp nhận được”.
Theo các bộ trưởng Tài Chính khu vực đồng euro, với việc Hy Lạp thông qua loạt cải cách về thuế và lương hưu vừa qua, việc giải ngân khoản trợ giúp mới chắc chắn sẽ diễn ra trong những ngày tới. “
Theo Reuters, nhóm các nước châu Âu sử dụng đồng euro đã ra thông cáo, bày tỏ hy vọng một thỏa thuận về các biện pháp khẩn cấp giúp Hy Lạp sẽ được thông qua trong những ngày tới. Những biện pháp này sẽ được áp dụng trong trường hợp Athens không đạt được các mục tiêu đã cam kết với châu Âu đến năm 2018. Các biện pháp này sẽ có thể giúp Hy Lạp giảm chi được khoảng 2% GDP.
Khả năng châu Âu quyết định trợ giúp thêm Hy Lạp được đưa ra sau khi Quốc Hội nước này thông qua một loạt cải cách về hưu trí và lương bổng, bị phản đối dữ dội trong nước, nhưng Athens không có cách nào khác là phải nuốt viên thuốc đắng, sau cam kết với các chủ nợ.
Trọng Thành
Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160510-chau-au-hy-vong-som-ra-duoc-thoa-thuan-ve-no-hy-lap