Tin khắp nơi – 10/04/2019
TT Trump sắp sa thải thêm
các quan chức cao cấp tại Bộ Nội an
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump gia tăng áp lực lên Bộ An ninh Nội địa (DHS) hôm thứ Ba, 9/4, làm tăng khả năng ông có thể sa thải thêm các quan chức cấp cao vào lúc bộ này phải vật lộn với sự gia tăng di dân ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico.
Hai ngày sau khi Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen tuyên bố rời chức vụ, một quan chức cấp cao trong chính quyền cho biết những người khác tại DHS đã không làm đủ nhiều để thực hiện lời hứa của ông Trump về trấn áp nạn nhập cư, một ưu tiên hàng đầu của ông kể từ khi ông tuyên bố ứng cử vào Nhà Trắng 4 năm trước.
Thứ trưởng DHS Claire Grady đã thông báo từ chức với ông Trump, có hiệu lực vào thứ Tư, 10/4, sau 28 năm phục vụ tại các bộ Quốc phòng và An ninh Nội địa. Thông tin này được bà Nielsen loan báo trên Twitter vào tối 9/4.
Sự ra đi của bà Grady, người kế nhiệm hợp pháp sau khi bà Nielsen từ nhiệm hồi đầu tuần, đã được dự báo sau khi ông Trump chọn Cục trưởng Cục Bảo vệ Biên giới và Hải quan Hoa Kỳ Kevin McAleenan sẽ làm quyền bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa.
Một số quan chức khác của DHS có thể bị buộc thôi việc sớm, một quan chức nắm vấn đề này cho hay.
Trong số đó là vụ trưởng vụ pháp lý của bộ, John Mitnick, và Giám đốc Cục Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) Francis Cissna, nguồn tin cho biết.
Ông Trump phủ nhận việc ông đang “đại tu” DHS và nói rằng chính quyền của ông đang đấu tranh với những “luật lệ tồi tệ” về vấn đề nhập cư và một hệ thống tòa án “không bao giờ phán quyết có lợi cho chúng tôi” – những lời chỉ trích ông thường dùng khi một loạt các chính sách nhằm ngăn chặn việc nhập cảnh vào Mỹ đã bị kiện bởi những người ủng hộ quyền công dân.
Bà Nielsen tuyên bố từ chức hôm 7/4 sau cuộc gặp với ông Trump. Tại cuộc gặp, hai bên không nhất trí được về cách thức tốt nhất để xử lý vấn đề an ninh biên giới.
Những thay đổi nhân sự có thể làm mất ổn định hơn nữa tại Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ khi bộ cố ngăn chặn số lượng người nhập cư gia tăng đến biên giới, trong số đó là nhiều gia đình chạy trốn nạn bạo lực và nghèo đói ở Trung Mỹ.
DHS cho biết họ đã bắt giữ hoặc từ chối nhập cảnh đối với hơn 103.000 người dọc biên giới vào tháng trước, nhiều hơn gấp đôi con số của tháng 3 năm 2018.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền, nói với điều kiện giấu tên, cho biết DHS đã quá chậm chạp trong việc soạn thảo các quy định mới về thắt chặt nhập cư.
Quan chức này lưu ý riêng đến USCIS, nói rằng cục này đã hành động không đủ mau lẹ để thắt chặt thị thực H-1B cho những người lao động có tay nghề cao và duyệt một số lượng lớn vô lý các đơn xin tị nạn.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-sap-sai-thai-them-quan-chuc-bo-noi-an/4869647.html
Đề xuất giảm ngân sách Bộ Ngoại giao
của TT Trump bị bác bỏ
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham hôm 9/4 đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Tổng thống Trump về việc cắt giảm hơn 23% ngân sách của Bộ Ngoại giao.
Reuters đưa tin, dẫn lời ông Graham, Chủ tịch Tiểu ban Phân bổ ngân sách của Thượng viện Mỹ, vốn giám sát Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phát biểu khai mạc buổi điều trần với sự tham dự của Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Thượng nghị sĩ hàng đầu của phe Dân chủ tại Tiểu ban này, ông Patrick Leahy, nói rằng chính quyền đã đề xuất “cắt giảm ngân sách gây tổn hại, với ít, thậm chí là không có sự giải thích logic”.
TT Trump nêu ý tưởng về chi tiêu quân sự của Mỹ, TQ và Nga
Chính quyền của Tổng thống Trump đã đề xuất ngân sách 40 tỷ đôla cho Bộ Ngoại giao và cơ quan cứu trợ trực thuộc viết tắt là USAID cho năm tài khóa bắt đầu vào tháng 10.
Các dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Hạ viện cũng cho biết rằng họ sẽ bác bỏ kế hoạch cắt giảm ngân sách, tạo tiền đề cho một cuộc chiến về ngân sách với Nhà Trắng.
Ông Pompeo nói rằng cuộc điều trần diễn ra vài ngày trước khi tròn một năm ông làm ngoại trưởng thứ hai dưới thời kỳ nắm quyền của ông Trump.
Ông Graham sau đó đùa rằng ông Pompeo là thành viên tại vị lâu nhất trong nội các của ông Trump. Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ chỉ mỉm cười và không đáp lại.
Mỹ: Thêm tội danh ‘rửa tiền’ với các cha mẹ ‘chạy trường’
Các công tố viên hôm 9/4 đã thông báo các tội danh mới, trong đó có tội rửa tiền, đối với 16 cha mẹ bị cáo buộc hối lộ để con cái họ được nhận vào các trường danh tiếng trong vụ lừa đảo tuyển sinh lớn nhất bị phát hiện trong lịch sử Mỹ.
Trong số các ông bố, bà mẹ có nữ diễn viên Lori Loughlin và chồng, nhà thiết kế thời trang, Mossimo Giannulli.
Theo Reuters, các cha mẹ này trước đó đã bị truy tố trong vụ lừa đảo mà họ đã trả khoảng 25 triệu đôla tiền hối lộ để con cái được vào các trường đại học như Yale, Georgetown và Đại học Nam California.
Vụ bê bối ‘chạy trường’ ở Mỹ: Nữ diễn viên Hollywood nhận tội
Một nữ diễn viên khác là Felicity Huffman và 13 người khác hôm 8/4 đã nhận tội tham gia vào vụ lừa đảo tuyển sinh đại học với sự chủ mưu của ông William “Rick” Singer, nhà tư vấn tuyển sinh đại học ở California.
Theo Reuters, tháng trước, ông này đã nhận tội lừa đảo và hối lộ.
Các công tố viên chưa truy tố bất kỳ sinh viên nào. Họ nói rằng trong một số trường hợp, các cha mẹ liên quan đã tìm cách ngăn con mình không biết chuyện lừa đảo của họ.
Các trường đại học đã bắt đầu hủy bỏ việc cho nhập học và tìm cách đuổi học những sinh viên được nhận vì vụ lừa đảo này.
Mỹ: Số di dân bị bắt ở biên giới tăng đột biến
Các quan chức di trú Mỹ đã bắt giữ hay từ chối cho nhập cảnh trên 103.000 người ở dọc biên giới với Mexico hồi tháng Ba – tức là tăng 35% so với tháng trước, nhiều hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu do Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ công bố hôm 9/4.
Việc số lượng di dân, vốn đã tăng lên trong vòng vài tháng qua, tăng đều chủ yếu là do ngày càng có nhiều di dân là trẻ em và gia đình, nhất là đến từ các nước Trung Mỹ.
Trẻ em và di dân đi cùng gia đình chiếm 67% số lượng những người bị các nhân viên tuần tra biên giới Mỹ bắt giữ tại các đoạn biên giới nằm giữa các cửa khẩu hồi tháng Ba, các quan chức cho biết. Hồi tháng Ba năm 2018, những di dân dạng này chỉ chiếm một phần ba các vụ bắt giữ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng bực bội với số di dân ngày càng tăng đến từ các quốc gia Trung Mỹ vốn tìm cách băng qua biên giới phía nam, và cơn giận của ông đã được trút lên các quan chức trong chính quyền ông, Quốc hội và các nước Mỹ Latin mà ông cáo buộc đã không làm đủ để ngăn công dân của họ tìm đường đến Mỹ.
Trước đó, Bộ trưởng An ninh Nội địa của chính quyền Trump là bà Kirstjen Nielsen đã từ chức và một quan chức cấp cao trong chính quyền nói các lãnh đạo các cơ quan khác đã không làm đủ để trấn áp làn sóng di dân.
Các chuyên gia về di trú cho rằng sẽ có thêm nhiều di dân tìm cách vượt biên qua Mỹ trong những tháng tới do số lượng di dân thường đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 5.
Trump hứa không dùng lại
chính sách chia cắt gia đình di dân
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/4 nói ông không có ý định áp dụng trở lại chính sách chia cắt trẻ em di dân Trung Mỹ với cha mẹ khi các em vượt biên vào biên giới phía nam của Mỹ để tìm quy chế tị nạn.
“Chúng tôi không muốn làm điều đó,” ông Trump phát biểu ở Nhà Trắng.
Nhưng ông nói thêm: “Một khi không làm như vậy thì quý vị sẽ thấy nhiều di dân đến đây. Họ đến đây như là đi chơi dã ngoại bởi vì họ nói ‘Hãy đi Disneyland’ nào.”
Theo chính sách ‘không khoan nhượng’ để bắt giữ tất cả di dân không có giấy tờ khi họ băng qua biên giới, chính quyền Trump hồi năm ngoái đã chia cắt hàng trăm gia đình và tách trên 2.700 trẻ em khỏi bố mẹ. Những người lớn bị truy tố vi phạm luật di trú và những người khác bị trục xuất về lại Mexico, Guatemala, Honduras và El Salvador trong khi con cái họ vẫn bị giam ở Mỹ với hy vọng cuối cùng cũng được cấp quy chế tị nạn.
Sau khi bị quốc tế lên án về chính sách chia cắt gia đình, ông Trump đã phải ngừng biện pháp này hồi tháng Sáu năm ngoái. Nhiều gia đình đã được đoàn tụ với gia đình nhưng cũng có gia đình chưa được. Tin tức ở Mỹ trong tuần này cho biết ông Trump đang xem xét áp dụng lại chính sách này, nhưng ông Trump đã nói là không có chuyện đó.
Ông Trump, ngồi cạnh Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi trong Phòng Bầu dục, đã giận dữ đả kích các nhà lập pháp Đảng Dân chủ về điều mà ông cho là từ chối thông qua những biện pháp kiểm soát di dân chặt chẽ hơn.
“Họ muốn biên giới mở,” ông Trump nói. “Họ thậm chí còn không muốn biết những di dân đang đến là ai. Chúng tôi đang phải chặn họ lại.”
“Chúng ta có một Quốc hội của Đảng Dân chủ luôn gây cản trở. Quý vị nói về cản trở ư? Đó là cản trở lớn nhất mà bất cứ ai từng gặp phải.”
“Tất cả những việc họ cần phải làm là bỏ ra 20 phút và họ có thể giải quyết toàn bộ vấn đề… Chúng ta có di dân đến đây, xin tị nạn. Họ đọc y chang những gì mà các luật sư đã hướng dẫn cho họ. Họ có một mảnh giấy, họ đọc nội dung trên đó rồi đùng một cái họ được cấp quyền tị nạn. Và một vài người trong số này là những người mà quý vị không muốn có mặt trong đất nước này.”
Ông cũng đả kích quyết định của một thẩm phán hôm 8/4 ngăn chặn chính sách của chính quyền Trump yêu cầu người xin tị nạn phải quay trở lại qua bên kia biên giới Mexico trong khi chờ đợi hồ sơ xin tị nạn của họ được phía Mỹ thụ lý.
Tội ác thù hận tăng,
Quốc hội mở điều trần tìm cách giải quyết
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ Jerry Nadler hôm 9/4 thừa nhận rằng tội ác thù hận ở Mỹ đã tăng lên trong những năm gần đây, và rằng các hành động bạo lực gần đây được thúc đẩy bởi sự thù ghét được thực hiện nhắm vào những người “được coi không phải là người da trắng.”
“Trong mỗi trường hợp, thủ phạm được thúc đẩy bởi niềm tin rằng những người được xem là không phải người da trắng, cho dù họ là người Mỹ gốc Phi, người Do Thái, người Hồi giáo hoặc thành viên của các cộng đồng thiểu số khác, đang âm mưu làm suy yếu chủng tộc da trắng như một phần của sự thay thế quy mô lớn,” nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ nói trong phát biểu khai mạc tại phiên điều trần của ủy ban về chủ nghĩa dân tộc da trắng.
Phiên điều trần được tổ chức sau vụ xả súng hàng loạt vào tháng trước tại một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, nơi tay súng đã phát trực tiếp video chiếu một phần vụ thảm sát trên mạng xã hội.
Eileen Hershenov thuộc Liên đoàn Chống Phỉ báng cho biết những kẻ thượng đẳng da trắng ở Mỹ “chịu trách nhiệm về hơn phân nửa” tất cả các vụ giết người liên quan đến tư tưởng cực đoan trong nước trong 10 năm qua,” con số mà bà nói đã tăng vọt lên mức 78 phần trăm vào năm 2018.
Vẫn theo bà Hershenov, nghiên cứu của Liên đoàn Chống Phỉ báng cho thấy “những lời lẽ gây phân cực và đầy thù hận do các ứng cử viên và các nhà lãnh đạo dân cử thốt ra” chỉ là một phần của vấn đề.
“Động lực khác cho sự hồi sinh của tư tưởng thượng đẳng da trắng là vai trò của mạng xã hội trong việc tạo điều kiện cho sự thù hận này lan rộng.”
Bà ví các mạng xã hội này là “các cuộc tập hợp thượng đẳng da trắng kĩ thuật số diễn ra 24/24, tạo thành các cộng đồng trực tuyến khuếch đại những ảo tưởng thù hận của họ.”
Đáp lại, giới lãnh đạo chính sách từ các công ty công nghệ lên án các tội ác thù hận và bênh vực cá chính sách của công ty họ về lời lẽ kích động thù địch.
“Facebook bác bỏ tất cả các hệ tư tưởng thù hận,” giám đốc chính sách công cộng của Facebook, Neil Potts, nói.
“Các quy định của chúng tôi luôn nêu rõ rằng những kẻ thượng đẳng da trắng không được phép lên nền tảng này trong mọi trường hợp.”
Còn Alexandria Walden của Google thì nói rằng Google đã “đầu tư rất nhiều vào máy móc và con người để nhanh chóng xác định và xóa các nội dung vi phạm chính sách của chúng tôi chống lại kích động bạo lực và lời lẽ thù hận.”
Nhưng trong lúc bà Walden bênh vực những nỗ lực của công ty trong việc kiểm duyệt nội dung, công ty con YouTube của Google đã tắt tính năng ‘chat’ trên video đang phát trực tiếp phiên điều trần.
“Vì sự hiện diện của những bình luận mang tính thù hận, chúng tôi đã vô hiệu hóa các bình luận trên video phát trực tiếp phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm nay,” một phát ngôn viên của YouTube nói trong một thông cáo.
Thẩm phán Mỹ ngăn chính sách trả lại người xin tị nạn
về Mexico của TT Trump
Một thẩm phán liên bang Mỹ hôm 8/4 ra phán quyết ngăn chặn chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đưa người xin tị nạn qua biên giới phía nam về lại Mexico để chờ xét duyệt hồ sơ. Quyết định này sẽ chấm dứt một chương trình mà chính phủ dự định sẽ kéo dài để chặn đứng làn sóng người di cư nổi mạnh lên hồi gần đây.
Phán quyết dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 12/4, theo lệnh của Thẩm phán Richard Seeborg ở San Fancisco, và sẽ áp dụng trên toàn quốc.
Trong một dòng tweet đăng vào khuya hôm 8/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Một thẩm phán liên bang Khu vực 9 vừa phán quyết rằng Mexico rất nguy hiểm cho các di dân. Thật là bất công cho Hoa Kỳ. MẤT HẾT KIỂM SOÁT!”
Chương trình của chính quyền Trump được khởi động hồi tháng 1 và là một trong nhiều chính sách nhằm giảm số lượng người di dân đang gia tăng tại biên giới, nhiều người trong số đó từ các nước Trung Mỹ. Tháng trước, số di dân này tăng cao nhất trong một thập kỷ qua.
Do có thời gian chính quyền được quyền giam giữ trẻ em có giới hạn ở Mỹ, nhiều gia đình được thả tự do để chờ tòa di dân xử lý, một quy trình có thể mất nhiều năm bởi sự ùn tắc về đơn xin tị nạn tăng cao nhanh chóng.
Tuần trước, chính quyền Trump nói họ dự định kéo dài chương trình đưa một số người di dân chờ ra tòa giải quyết đơn xin tị nạn về lại các thành phố giáp biên giới ở Mexico.
Tuy nhiên, thẩm phán Seeborg nói rằng Đạo luật Di cư và Nhập tịch không cho phép chính quyền đưa những người xin tị nạn về lại Mexico theo cách mà chính phủ đã tiến hành.
Vị thẩm phán liên bang ở San Francisco nói chính sách này thiếu sự bảo vệ đối với người tị nạn khỏi những mối đe dọa tới các quyền tự do hay cuộc sống của họ.
Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp từ chối bình luận về phán quyết hôm 8/4. Nhà Trắng không ngay lập tức phản hồi đề nghị bình luận của Reuters.
Bộ Ngoại giao Mexico xem phán quyết này là “một quyết định nội bộ” của Mỹ, theo người phát ngôn của bộ cho biết.
Symantec Đa số khách sạn
không bảo mật thông tin cá nhân của khách
Cứ mỗi 3 khách sạn trên thế giới thì có tới hai khách sạn vô tình tiết lộ chi tiết cá nhân của khách đặt phòng cho các bên thứ ba, kể cả các hãng quảng cáo và phân tích dữ liệu, theo một cuộc nghiên cứu mà kết quả vừa được tập đoàn Symantec công bố hôm 10/4.
Những chi tiết cá nhân bị tiết lộ gồm đầy đủ tên họ, địa chỉ email, chi tiết của thẻ tín dụng và số hộ chiếu của khách hàng, những thông tin có thể bị những kẻ tội phạm trên mạng sử dụng,
Tạp đoàn nghiên cứu rủi ro an ninh toàn cầu Symantec
Cuộc nghiên cứu xem xét hơn 1.500 trang web của các khách sạn tại 54 quốc gia, từ khách sạn 2 sao tới 5 sao, được tiến hành sau khi tập đoàn Khách sạn Marriott tiết lộ một trong các vụ rò rỉ thông tin tệ hại nhất trong lịch sử. Symantec cho biết khách sạn Marriott không được tham gia trong cuộc nghiên cứu này.
Những chi tiết cá nhân bị tiết lộ gồm đầy đủ tên họ, địa chỉ email, chi tiết của thẻ tín dụng và số hộ chiếu của khách hàng, những thông tin có thể bị những kẻ tội phạm trên mạng sử dụng, hoặc những kẻ chuyên theo dõi sự đi lại của các nhân vật có tiếng tăm hay có nhiều ảnh hưởng trên thương trường hoặc trong hệ thống công vụ của các chính phủ.
Symantec là một công ty phần mềm của Hoa Kỳ có trụ sở tại Mountain View, California, chuyên sản xuất phần mềm bảo mật, lưu trữ, và cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp để hỗ trợ cho phần mềm của công ty. Công ty này có chi nhánh tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Người dẫn đầu cuộc nghiên cứu này là ông Candid Wueest, nhà nghiên cứu chuyên về các mối đe dọa an ninh toàn cầu làm việc tại Dublin, Ireland. Ông nói:
“Trong khi ai cũng biết là các hãng quảng cáo thường theo dõi thói quen lướt mạng của người sử dụng, trong trường hợp này, những thông tin được chia sẻ có thể giúp cho các bên thứ ba truy cập hồ sơ đặt phòng, xem chi tiết cá nhân, và ngay cả hủy bỏ giao dịch đặt phòng khách sạn.”
Cuộc nghiên cứu cho thấy thông tin bị rò rỉ khi khách sạn gửi email xác nhận giao dịch với khách, kèm theo đường nối kết có chi tiết của khách đặt phòng. Mã số đi kèm có thể được chi sẻ với 30 công ty cung cấp dịch vụ khác nhau, kể cả các hệ thống mạng xã hội, công cụ dò tìm thông tin, và các dịch vụ quảng cáo hoặc phân tích dữ kiện.
Nhà nghiên cứu Wueest nói 25% các nhân viên đặc trách về quyền bảo mật và quyền riêng tư tại các khách sạn nơi xảy ra rò rỉ thông tin, không trả lời Symantec trong vòng 6 tuần từ khi được loan báo vấn đề, trong khi những khách sạn khác trung bình chờ tới 10 ngày mới phản hồi.
Ông Wueest nói một số khách sạn thừa nhận là họ vẫn đang cập nhật hệ thống của mình để thực thi đầy đủ luật mới về bảo vệ quyền riêng tư theo tinh thần Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), đã có hiệu lực khoảng 1 năm nay. Quy định này đề ra những quy tắc nghiêm ngặt về cách các tổ chức phải xử lý vấn đề bảo mật, tránh nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân.
https://www.voatiengviet.com/a/4870111.html
Chính quyền Trump cảnh báo:
TQ là thách thức lớn nhất của NATO
Thách thức lớn nhất đối với các đồng minh của Hoa Kỳ và Châu Âu là sự gây hấn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố trong kỷ niệm 70 năm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo The BL.
“Xác định làm thế nào để giải quyết các vấn đề của công nghệ 5G của Trung Quốc, giải quyết vấn đề về tiền dễ vay được cung cấp cho sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, [đó] là một thách thức mà các đồng minh châu Âu phải đối mặt hàng ngày”, ông Pence nói trong sự kiện ở Washington hôm thứ Tư (3/4).
Tuyên bố này củng cố một bình luận khác của ông Pence trên Twitter trong cùng một ngày: “Tầm ảnh hưởng đang lan rộng của Trung Quốc sẽ đòi hỏi nhiều sự chú ý và nguồn lực hơn từ phía Hoa Kỳ. Khi chúng ta giải quyết các vấn đề đó, các đồng minh châu Âu của chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì sức mạnh và sự răn đe của Liên minh NATO”.
Trong một bài phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Tư, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thừa nhận “tác động thực sự” của Tổng thống Trump trong việc thúc đẩy các đồng minh mở rộng chi tiêu quốc phòng.
“Các đồng minh NATO phải chi nhiều hơn cho quốc phòng. Đây là thông điệp rõ ràng từ Tổng thống Trump và thông điệp này đang có tác động thực sự”, ông St Sttenten nói. “Tất cả các đồng minh đã tăng chi tiêu quốc phòng của họ. Trước kia họ đã cắt giảm hàng tỷ đô, và bây giờ họ đang bổ sung vào hàng tỷ đô”.
NATO Jens StoltenbergTổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp chung của Quốc hội Hoa Kỳ với Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lắng nghe tại Phòng Nhà trên đồi Hill ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 3 tháng 4 năm 2019. (Ảnh: REUTERS / Carlos Barria)
Cảnh báo từ Phó Tổng thống Pence đã được gửi tới NATO trong khi chính quyền Tổng thống Trump đang đẩy lùi sự hiếu chiến của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, theo The BL.
“Dưới thời Tổng thống Trump, Hoa Kỳ cuối cùng đã nhận ra tính toàn diện của thách thức từ Trung Quốc và đang hành động trên một số mặt trận cùng lúc”, cựu Thượng nghị sĩ Jim Talent từ Missouri viết trên Fox News. “Tổng thống Trump hiểu rằng Trung Quốc khao khát trở thành bá chủ khu vực và họ đang tích lũy của cải và quyền lực to lớn thông qua các chiến thuật bất hợp pháp: hung hăng về kinh tế, ép buộc quân sự và tham nhũng và lật đổ quy trình quản lý ở các quốc gia khác”.
Lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc của Thổng thống Trump, vốn không được nhìn thấy trong nhiều thập niên, đang thúc đẩy Bắc Kinh tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại quốc tế, mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ và thế giới.
“Chẳng hạn, Trung Quốc đang vội vã thông qua một đạo luật mới chấm dứt hành vi chuyển giao công nghệ bắt buộc và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài – Là điều mà Hoa Kỳ đã ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đàm phán thương mại hiện nay”, Tiến sĩ Gina Loudon, Ph.D., đã viết trên Washington Examiner.
Chính sách ứng phó đối với Trung Quốc đã được chính quyền của Tổng thống Trump công bố rõ ràng trong một bài phát biểu mạnh mẽ của Phó Tổng thống Mike Pence tại Viện Hudson vào ngày 4/10/2018.
“Trong chiến lược này, Tổng thống Trump đã nói rõ rằng Hoa Kỳ đã áp dụng một cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc”, ông Pence nói trong bài phát biểu. “Thông điệp của chúng tôi gửi đến những người cầm quyền Trung Quốc là thế này: Vị Tổng thống này sẽ không lùi bước”.
Phó Tổng thống tuyên bố: “Chính quyền của chúng tôi sẽ tiếp tục hành động quyết đoán để bảo vệ lợi ích của Mỹ, công việc của Mỹ và an ninh của Mỹ”, theo The BL.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2 lần
chỉ là sự bắt đầu cho tiến trình hòa bình
Tuyên bố chung kết thúc tình trạng thù địch trên bán đảo Triều Tiên và đến lúc xây dựng nền hòa bình lâu dài là khởi đầu của tiến trình đa dạng về hình thức.
Ngày 6/4/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 đã không tiến xa như thế giới đang đòi hỏi nhưng các lãnh đạo đã rời hội nghị với sự hiểu biết sâu sắc hơn về nhau.
Ông Pompeo dự đoán với lập trường mà hai bên đã có, hai lãnh đạo có thể đạt được những tiến triển mới.
Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người dân Mỹ ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên.
Phần lớn mọi người đều hiểu rằng hoạt động ngoại giao là khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn để xây dựng lòng tin từ hai phía.
Hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã làm sáng tỏ thách thức an ninh quốc gia và địa chính trị phức tạp trong việc ngăn chặn và đảo ngược các năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Nếu một cuộc chiến nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, nó sẽ dẫn đến hàng triệu người thương vong và sự tàn phá khủng khiếp.
Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ ước tính 300.000 người sẽ thiệt mạng trong những ngày chiến sự đầu tiên, khiến ít nhất 100.000 công dân Mỹ ở Hàn Quốc có khả năng bị thương vong.
Nhật Bản, Trung Quốc và Nga cũng có thể tham gia, nâng con số thương vong lên đến hàng triệu người và khiến thiệt hại do Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) gây ra trở nên nhỏ bé.
Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội cho thấy bất chấp sự cổ vũ nhiệt liệt của người dân đối với nỗ lực ngoại giao này, nguy cơ chiến tranh với một Triều Tiên vũ trang hạt nhân vẫn tồn tại.
Dẫu vậy, một tuyên bố chung kết thúc tình trạng thù địch trên bán đảo Triều Tiên và đến lúc xây dựng một nền hòa bình lâu dài là sự khởi đầu của một tiến trình đa dạng về hình thức tổ chức và các bên tham gia.
Thứ nhất, lấy hai miền Triều Tiên là trung tâm, có thể dành riêng cho việc định hình lại tương lai của quan hệ liên Triều, trong đó có một hiệp ước hòa bình, vấn đề biên giới và liên minh thống nhất.
Thứ hai, có thể cần thêm sự can dự của các thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để giải quyết vấn đề về kinh tế và tương lai của các biện pháp trừng phạt.
Theo đó, sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ phải gắn với sự tiến triển trong lĩnh vực an ninh hạt nhân
Thứ ba, cần phải giải quyết các câu hỏi về an ninh. Bên cạnh việc xây dựng lòng tin quân sự, hướng đi này sẽ tính đến cả quy mô và việc triển khai lực lượng vũ trang thông thường trên bán đảo.
Một ví dụ có thể xem xét là hiệp ước năm 1990 về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu. Kho vũ khí hóa sinh của Triều Tiên cũng có thể được đề cập đến như một phần của hướng đi này.
Thứ tư, khi có tiến triển đầy đủ ở tất cả các hướng đi trên, các bên liên quan cần phải giải quyết các câu hỏi về an ninh khu vực và có thể tiếp nối từ các cuộc đàm phán.
Cho dù quá trình đàm phán có diễn ra chính xác theo các hướng đi này hay không, điều quan trọng là nó có tính đa chiều và kết nối các vấn đề như chế độ hòa bình, quan hệ Mỹ-Triều, giải trừ vũ khí, kiểm soát vũ khí và phi hạt nhân hóa, vốn là một quá trình lâu dài như nhiều quá trình khác.
Tùy thuộc vào chủ đề, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên được đưa vào vị trí có liên quan cùng với Mỹ và Triều Tiên.
Chỉ khi đó, việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận mới có thể tiến hành được, bao gồm cả việc lựa chọn quay trở lại chiến lược gây sức ép tối đa nếu đàm phán thất bại.
Điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán không nên là chấm dứt toàn bộ các hoạt động hạt nhân, kho vũ khí tên lửa và các cơ sở liên quan của Triều Tiên.
Điều này khó khả thi về mặt kỹ thuật và cũng không thể chấp nhận được ở phía Triều Tiên vì nó sẽ báo hiệu việc Triều Tiên đầu hàng vô điều kiện và tiết lộ cho quân đội Mỹ danh sách các mục tiêu.
Thay vào đó, việc giải giáp vũ khí và thực hiện các biện pháp kiểm soát tiếp theo có thể tập trung vào những lĩnh vực đã được xem xét, đàm phán cụ thể theo quy trình.
Ví dụ, tiến trình giải giáp vũ khí và kiểm soát riêng rẽ có thể chấp nhận được đối với: (i) vật liệu phân hạch hạt nhân và tạm dừng sản xuất; (ii) giảm dần và chuyển giao đầu đạn hạt nhân; (iii) hạn chế và từ bỏ hoàn toàn các hệ thống tên lửa.
Tiến trình phi hạt nhân hóa và kiểm soát vũ khí tập trung từng bước vào việc hạn chế kho vũ khí và khả năng Triều Tiên sẽ không thỏa mãn những người theo chủ nghĩa tối đa nhưng nó có thể hạn chế nguy cơ không kiểm soát được vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Do đó, các cuộc đàm phán nên được sử dụng để xác định bước đi về hạt nhân và tên lửa cần được thực hiện để đổi lấy việc nới lỏng dần các lệnh trừng phạt, thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều.
Liên quan đến việc nới lỏng lệnh trừng phạt, Viện Nghiên cứu vấn đề toàn cầu và khu vực của Đức (GIGA) nhận định, việc phân biệt giữa các lệnh trừng phạt song phương do Mỹ áp đặt và các lệnh trừng phạt đa phương có ý nghĩa quan trọng.
Về lộ trình, các dự án hợp tác liên Triều linh hoạt có thể được triển khai trước tiên nếu có tiến triển phù hợp trong đàm phán.
Có thể nói, hai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua chính là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán về sau dưới nhiều hình thức khác nhau.
IMF nói kinh tế thế giới
đang đứng trước ‘thời điểm nhạy cảm’
Andrew WalkerPhóng viên kinh tế, BBC World Service
Kinh tế toàn cầu đang ở ‘thời điểm nhạy cảm’, kinh tế trưởng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói.
Bà Gita Gopinath nói rằng bà không dự đoán là sẽ có cuộc suy thoái toàn cầu, nhưng hiện “có nhiều rủi ro dẫn tới nguy cơ suy yếu”.
Mỹ và TQ nhất trí về một số vấn đề thương mại chính
Mỹ: Trump thua đau vì thâm hụt thương mại tăng vọt
Thương mại suy yếu của TQ phải làm tất cả lo ngại
IMF vừa công bố nội dung đánh giá định kỳ về tình hình kinh tế thế giới, dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu năm nay đạt 3,3% và năm 2020 đạt 3,6%.
Đó là mức tăng trưởng thấp hơn so với năm ngoái. Mức dự đoán cho 2019 bị hạ xuống so với dự đoán trước đây.
Việc điều chỉnh giảm đi 0,2% đối với tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu là điều đã được nhắc tới nhiều.
Các nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng gồm có Mỹ, Anh và khối sử dụng đồng tiền chung euro.
Kinh tế Anh được dự đoán sẽ tăng 1,2% trong 2019, giảm 0,3% so với dự đoán mà IMF đưa ra hồi tháng Giêng. Mức dự đoán tăng trưởng cho 2020 cũng được giảm xuống.
Đức và Italy cũng được đặc biệt điều chỉnh. Hai nước này đã đang trong tình trạng suy thoái.
IMF cho rằng tình hình tại Mỹ-Latin cũng như Trung Đông và Bắc Phi sẽ đạt mức yếu hơn dự đoán.
Với Trung Quốc, có những điều chỉnh nhỏ, mà cụ thể là tăng trong năm nay và giảm vào năm tới. Việc chững lại ở nước này, vốn bắt đầu từ hồi đầu thập niên, được trông đợi là sẽ tiếp tục.
Phục hồi ‘không ổn định’
Việc dự đoán tình hình kinh tế yếu kém phản ánh việc tăng trưởng đã chững lại trong nửa cuối 2018, và IMF đánh giá là tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm nay.
Sau đó, mức tăng trưởng sẽ trở nên nhanh hơn, và tiếp tục tăng trong năm sau.
Nhưng bà Gopinath mô tả tình trạng phục hồi đó là ‘không ổn định’.
Bà nói điều này phụ thuộc vào sự phục hồi ở một số nền kinh tế đang phát triển, vốn đang bị khó khăn, mà đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.
Bà Gopinath cũng đánh giá là khu vực eurozone sẽ phục hồi từng phần.
Tuy nhiên, kinh tế Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ tiếp tục trì trệ, chỉ tăng gần 2% trong năm tới do tác động của việc cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump.
Vì sao kinh tế Anh có vẻ tốt bất chấp lo lắng Brexit?
Trung Quốc thời Tập Cận Bình sắp đi về đâu?
Trước giờ bắt tay, EU gọi TQ là ‘đối thủ hệ thống’
TQ đang tạo gánh nặng nợ cho Châu Phi?
Trong blog của bà cũng như trong bản phúc trình của IMF không thấy có bất kỳ tín hiệu nào hay sự cảm thông này đối với quan điểm của ông Trump, theo đó nói vấn đề chính hiện đang kìm hãm kinh tế Mỹ là do Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất trong thời gian hai năm qua.
Nguy cơ gây gián đoạn?
Trong những rủi ro mà bà Gopinath cảnh báo, có một số nội dung quen thuộc.
Điều đầu tiên bà đề cập đến là việc các căng thẳng thương mại toàn cầu có thể lại bùng lên và lan ra những mảng mới.
Bà nhắc tới cụ thể là xe hơi, lĩnh vực mà Tổng thống Trump đang cân nhắc áp biểu thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu.
Bà nói rằng điều đó có thể dẫn tới “những gián đoạn to lớn đối với các dây chuyền cung ứng toàn cầu”.
Bà nói rằng tình trạng leo thang căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đã góp phần kéo kinh tế thế giới năm ngoái phát triển chậm lại.
Bà cũng nhắc tới các nguy cơ gắn với Brexit. Dự đoán tình hình kinh tế Anh được đưa ra dựa trên giả định là nước Anh sẽ ra đi trong trật tự, đạt được thỏa thuận với EU vào năm nay. Một cuộc ra đi không đạt thỏa thuận nào sẽ gây tốn kém hơn.
Các rủi ro khác gồm có việc các thị trường tài chính bị suy yếu, dẫn đến việc chi phí đi vay sẽ tăng cao.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47879421
Châu Âu họp thượng đỉnh về việc triển hạn Brexit
Hôm nay, 10/04/2019, tại Bruxelles, các lãnh đạo 28 nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu họp lại để bàn về việc triển hạn Brexit. Chủ tịch Nghị Viện Châu Âu trình bày lập trường của các nghị sĩ và thủ tướng Theresa May nói về tình hình Anh Quốc.
Sau khi thủ tướng May rời cuộc họp, các lãnh đạo của 27 nước thành viên còn lại sẽ xem xét đề nghị của bà triển hạn Brexit thêm lần nữa. Rất có nhiều khả năng là họ sẽ đạt đồng thuận về việc cho Luân Đôn dời ngày ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nhưng với một số điều kiện.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :
“Trong bức thư mời dự thượng đỉnh, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk lập lại đề nghị của ông về việc triển hạn Brexit đến tháng 04/2020. Trong khi vào tuần trước, đề nghị này được đón nhận một cách bi quan, thì nay nó lại phù hợp với xu hướng chung trong 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Ngay cả nước Pháp, vào thứ Sáu tuần trước cho là còn quá sớm để đề nghị như vậy, nay cũng không chống lại việc triển hạn Brexit vài tháng với một số điều kiện.
Sau chuyến đi của thủ tướng Theresa May đến Paris và Berlin, Pháp và Đức nay có lập trường tương hợp nhau. Trong cuộc họp trù bị giữa 28 bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu tại Luxembourg, các nước cũng đã có thái độ mềm dẻo hơn về khả năng dời ngày Brexit nhưng với một số điều kiện. Ngay cả ông Donald Tusk cũng đặt điều kiện : trước hết, sẽ không có chuyện thương lượng lại, trừ phi bàn về quan hệ tương lai giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu. Tiếp đến, Luân Đôn phải hợp tác một cách chân thành, đúng với vị thế của một quốc gia xin ra khỏi Liên Hiệp.
Nước Pháp thì rất muốn thêm một điều kiện : Anh Quốc không được tham gia bầu chọn chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tương lai và không được tham gia họp bàn về ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190410-lien-hiep-chau-au-hop-thuong-dinh-ve-viec-trien-han-brexit
Thương mại Âu-Trung : Bắc Kinh hứa mở cửa,
Bruxelles thận trọng
Trung Quốc cam kết hé mở thêm thị trường, không phân biệt đối xử, qua tuyên bố chung được Liên Hiệp Châu Âu chào mừng như là một « bước đột phá » trong quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Liên Âu vẫn giữ thái độ thận trọng không cả tin vào lời hứa đối tác.
Trong cuộc họp tại Bruxelles chiều hôm qua 09/04/2019, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, đã ký một văn kiện dài 7 trang. Trong tuyên bố chung , hai bên cam kết phát huy một nền thương mại dựa trên « những quy định rõ ràng », hợp tác chống lại chủ trương « đơn phương, bảo hộ mậu dịch ».
Một trong những điều kiện mà châu Âu xem là « sinh tử » bảo đảm tính cạnh tranh công bằng cũng được phía Trung Quốc, đến phút cuối cùng, chấp nhận ghi vào văn bản : đó là củng cố các quy định quốc tế về tài trợ công nghiệp trong khuôn khổ tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Đối với Liên Âu, lãnh vực xí nghiệp quốc doanh của Trung Quốc được nhà nước tài trợ là một hình thức cạnh tranh bất chính.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu gọi đây là « một bước đột phá », vì lần đầu tiên Bắc Kinh nhìn nhận quy tắc « chống cạnh tranh bất chính » để cải cách WTO.
Theo AFP từ Bruxelles, cuộc đàm phán về bản tuyên bố chung này rất gay go có lúc tưởng đâu thất bại, vì phái đoàn Trung Quốc không chịu cam kết dứt khoát. Cuối cùng, trước thái độ cứng rắn của Liên Âu, họ đã đồng ý nhượng bộ, ký văn kiện cam kết « điều phối mở cửa thị trường dễ dàng hơn và không có phân biệt đối xử ».
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố sau đó là « sẽ thực hiện lời hứa, xí nghiệp đôi bên được đối xử công bằng, mở cửa hai chiều, công ty nước ngoài không bị cưỡng bách chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc ».
Cũng theo AFP, trong khuôn khổ chính sách mới đối phó với những ẩn ý, đặc biệt là của đối tác Trung Quốc, chính sách kiểm soát đầu tư nước ngoài vào châu Âu sẽ được thi hành trong tháng Tư này.
Trước mắt, tuyên bố chung Bruxelles cho phép Liên Âu và Trung Quốc lập một mặt trận chung, trong lãnh vực thương mại, chống lại các đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190410-thuong-mai-au-trung-bac-kinh-hua-mo-cua-bruxelles-than-trong
Bà May gặp lãnh đạo Đức và Pháp
đề nghị trì hoãn thêm Brexit
Thủ tướng Anh đang tổ chức các cuộc đàm phán Brexit vào phút cuối với các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp, với nước Anh theo lịch trình sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu trong ba ngày.
Bà Theresa May đã gặp Thủ tướng Đức ở Berlin và sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris, khi bà kêu gọi cả hai nhà lãnh đạo ủng hộ yêu cầu trì hoãn Brexit một lần nữa cho đến ngày 30/6/2019.
Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng trì hoãn kéo dài đến cuối năm hoặc đầu năm 2020 là một khả năng.
Brexit: Thủ tướng Anh tìm cách giải thế bế tắc trong nước và EU
Brexit: Đàm phán liên đảng chưa có điểm chung
EU đồng ý cho dân Anh ‘miễn visa’ sau Brexit
Thủ tướng Anh sẽ đề nghị EU gia hạn Brexit
Hôm thứ Tư, sẽ diễn ra một hội nghị thượng đỉnh khi tất cả các quốc gia EU bỏ phiếu về gia hạn thời hạn Brexit.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove nói các cuộc đàm phán liên đảng Bảo Thủ – Lao Động nhằm phá vỡ thế bế tắc là “cởi mở và mang tính xây dựng”, nhưng hai bên khác nhau “trong một số lĩnh vực”.
Rebecca Long Bailey, người giữ ghế bộ trưởng kinh doanh trong nội các đối lập của đảng Lao Động, nói rằng họ “hy vọng sẽ có tiến bộ” và các cuộc thảo luận với chính phủ sẽ tiếp tục trong “những ngày tới”.
Trong một bức thư bị rò rỉ mà báo Anh Telegraph đọc được, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liam Fox đã cảnh báo rằng việc đồng ý với đảng Lao động về yêu cầu liên minh hải quan là “điều tồi tệ nhất của cả hai bên” và sẽ khiến nước Anh không thể đưa ra chính sách thương mại của riêng mình.
Nước Anh sẽ rời EU vào lúc 23:00 ngày thứ Sáu, theo thời hạn cuối đã được gia hạn một lần, nếu không có gia hạn thêm.
Phủ Thủ tướng Anh nói bà May và bà Merkel đã thảo luận yêu cầu của Anh về việc gia hạn Điều 50 – quá trình nước Anh rời khỏi EU – đến ngày 30/6.
Linh hoạt trong vòng một năm?
Hai thủ tướng đã đồng ý “về tầm quan trọng của việc đảm bảo nước Anh rút ra khỏi khối có trật tự”, một tuyên bố cho biết.
Anh sẽ dùng lại hộ chiếu xanh dương sẫm
Vì sao kinh tế Anh có vẻ tốt bất chấp lo lắng Brexit?
Brexit: Anh được hai ‘hạn chót’ treo trên đầu
Tháng 3/2019 dừng tự do lưu trú Anh-EU
Bà Merkel nói các lãnh đạo EU sẽ thảo luận về “độ linh hoạt” – một gia hạn linh hoạt trong vòng một năm – tại hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Tư của khối.
Sau một cuộc họp của Hội đồng các vấn đề chung của EU tại Luxembourg, các nhà ngoại giao cho biết “khá nhiều” các quốc gia thành viên đã nói ủng hộ việc trì hoãn đến ngày 30/6 và đa số ủng hộ gia hạn dài hơn.
Phóng viên của BBC tại Brussels, Adam Fleming, cho biết chưa có mốc tối đa gia hạn nào được đồng ý, mặc dù tháng 12/2019 và tháng 3/2020 đã được đề cập.
Các lãnh đạo EU đang tò mò muốn nghe về Kế hoạch B của Thủ tướng Anh. Họ hy vọng có một kế hoạch, mặc dù họ không bị thuyết phục.Biên tập viên BBC Katya Adler
Các điều kiện trì hoãn đã được thảo luận bao gồm sự tham gia của Vương quốc Anh trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng Năm, không mở lại thỏa thuận rút ra và làm thế nào để đảm bảo cam kết “hợp tác chân thành” của Anh trong hoạt động kinh doanh tại EU.
Cho đến nay, các nghị sĩ tại Quốc hội Anh đã từ chối thỏa thuận rút khỏi khối mà bà May đạt được với các nhà lãnh đạo châu Âu khác vào năm ngoái.
Một trong những phần gây tranh cãi nhất của kế hoạch là vấn đề đường biên giới với Ireland (còn gọi la backstop) – một chính sách bảo đảm nhằm ngăn chặn việc đưa trở lại một đường biên giới cứng với Ireland.
Vào tối thứ Hai, Nghị viện Anh đã thông qua dự luật do Nghị sĩ đảng Lao động Yvette Cooper đưa ra, nhằm buộc thủ tướng yêu cầu gia hạn Brexit – thay vì rời EU mà không có thỏa thuận vào thứ Sáu.
Chính phủ phản đối dự luật, nói rằng điều này là không cần thiết vì bà May đã tìm cách gia hạn. Nhưng những người ủng hộ đề nghị của Yvette Cooper muốn đảm bảo này trở thành luật để ngăn chặn mọi thay đổi trong chiến lược của Thủ tướng.
Do đó, các nghị sĩ đang thảo luận về một động thái của chính phủ yêu cầu các nghị sĩ phê chuẩn yêu cầu của Thủ tướng đặt ra với EU để trì hoãn Brexit.
Quyết định cuối cùng về việc gia hạn thuộc về EU – và các nhà lãnh đạo của tất cả 27 quốc gia EU khác phải quyết định trao hay từ chối gia hạn.
Muốn EU ‘làm thay’khi gia hạn?
Nếu Anh vẫn là thành viên của EU vào ngày 23/5, nước này sẽ phải tham gia các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao của Luxembourg Jean Asselborn nói Anh “chắc chắn sẽ không” rời đi mà không có thỏa thuận vào thứ Sáu.
Nhưng Phó Thủ tướng Ireland Simon Coveney nói rằng Brexit không có thỏa thuận vẫn có thể xảy ra – mặc dù nó sẽ đại diện cho “một thất bại chính trị phi thường”.
Biên tập viên châu Âu của chúng tôi, Katya Adler, bình luận:
“Các lãnh đạo EU đang tò mò muốn nghe về Kế hoạch B của Thủ tướng Anh.
“Họ hy vọng có một kế hoạch, mặc dù họ không bị thuyết phục.
“Họ muốn biết, nếu họ nói đồng ý với một gia hạn Brexit khác, thì nó sẽ được dùng để làm gì.
“Và họ nghi ngờ rằng bà Theresa May muốn họ làm “công việc bẩn thỉu” của bà thay cho bà.
“Các nguồn tin ngoại giao của EU mà tôi đã nói chuyện gợi y’ rằng thủ tướng Anh có thể đã chính thức yêu cầu EU gia hạn ngắn (cho đến ngày 30/6) vì điều đó dễ dàng hơn về mặt chính trị cho bà ở quê nhà, trong khi bà tin và hy vọng (về mặt lý thuyết) thay vào đó sẽ nhấn mạnh vào một gia hạn linh hoạt dài hạn mà bà thực sự cần.
“Và điểm mấu chốt là các nhà lãnh đạo EU cực kỳ khó từ chối tiếp tục nới rộng quá trình Brexit,” vấn theo biên tập viên Katya Adler.
Còn trưởng đoàn đàm phán EU, ông Michel Barnier thì nói EU có “hy vọng và kỳ vọng” từ các cuộc đàm phán liên đảng diễn ra ở Westminster và ông sẽ sẵn sàng “cải thiện” tuyên bố chính trị “trong vài giờ”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47870963
Lại dời ngày Brexit, nhưng đến khi nào?
Nếu đúng theo dự đoán của các nhà phân tích, lãnh đạo 27 nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, họp thượng đỉnh hôm nay 10/04/2019, sẽ một lần nữa chấp nhận cho dời lại ngày Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, để tránh kịch bản đáng sợ “no deal “ ( Brexit không thỏa thuận ). Nhưng nội bộ Liên Hiệp Châu Âu cho tới nay vẫn bất đồng với nhau về thời hạn dời Brexit.
Thủ tướng Theresa May tối nay sẽ “năn nỉ” các đồng nhiệm châu Âu xin gia hạn Brexit cho đến ngày 30/06, để bà có thêm thời gian thuyết phục các nghị sĩ Anh Quốc, vốn đã ba lần bác bỏ thỏa thuận, mà bà đã thương lượng với Bruxelles. Nhưng bà May cũng yêu cầu cho nước Anh được miễn tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu ( 23-26/05 ), trong khi đây lại là nghĩa vụ của Luân Đôn, nếu nước Anh vẫn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu sau cuộc bầu cử này.
Lãnh đạo của 27 nước thành viên kia hiện vẫn chưa đồng ý với nhau về thời hạn dời Brexit. Trong bức thư mời dự thượng đỉnh hôm nay, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, kinh nghiệm cho đến nay cùng với những bất đồng sâu rộng tại Hạ Viện Anh, cho thấy thỏa thuận Brexit của thủ tướng Theresa May khó mà được phê chuẩn trước ngày 30/06.
Để tránh một Brexit “no deal” và cũng để các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu khỏi phải họp liên miên, ông Donald Tusk đề nghị gia hạn Brexit một cách “linh động”, với thời hạn không quá một năm. Như vậy là khi nào cả hai bên, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, phê chuẩn xong thỏa thuận Brexit, thì việc gia hạn chấm dứt ngay.
Đề nghị của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu được thủ tướng Đức Angela Merkel nhiệt liệt hưởng ứng, vì bà cũng đồng ý là có thể gia hạn Brexit đến đầu năm 2020. Nhưng tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tuy không chống việc gia hạn Brexit, cho rằng thời hạn một năm là “quá dài”. Ông Macron nay coi như là cầm đầu phe chủ trương cứng rắn với Luân Đôn, sợ rằng nếu tiếp tục là thành viên, Anh Quốc sẽ gây xáo trộn cho sự vận hành của Liên Hiệp Châu Âu. Điện Elysée ( phủ tổng thống Pháp ) đã nêu rõ lập trường: thời hạn dời ngày Brexit càng dài, thì những điều kiện đặt ra với Anh Quốc phải càng nghiêm ngặt, để không ảnh hưởng đến hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu.
Nếu như lãnh đạo 27 nước thành viên kia chưa nhất trí với nhau về thời hạn dời Brexit, họ đồng ý với nhau ở một điểm: Anh Quốc sẽ phải tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu, vì đây là một nghĩa vụ của một nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Theo bản dự thảo kết luận cuộc họp thượng đỉnh Bruxelles, mà tờ Le Monde có được, nếu Luân Đôn vẫn không chấp nhận tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu, thì hai bên sẽ phải chia tay ngay từ ngày 01/06/2019.
Theo tờ nhật báo này, Paris sợ rằng việc Anh Quốc vẫn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm hao tốn sức lực và các phương tiện của khối này, vào lúc mà tổng thống Macron muốn thúc đẩy các dự án lớn cho Liên Hiệp. Từ 10 năm qua, hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu gần như đã bị tê liệt do cuộc khủng hoảng đồng euro, và tiếp đến là khủng hoảng di dân. Bây giờ không thể để cho vấn đề Brexit khiến khối này tiếp tục bị tê liệt.
Nguy cơ đó là có thật, vì theo hãng tin AFP, các nghị sĩ bảo thủ ủng hộ Brexit trong Quốc Hội Anh dự tính : nếu Anh Quốc buộc phải ở lại Liên Hiệp Châu Âu thêm nhiều tháng nữa, họ sẽ làm mọi cách để được bầu vào Nghị Viện Châu Âu, rồi từ bên trong mà phá rối hoạt động của định chế này.
Tóm lại, cho dù thượng đỉnh Bruxelles hôm nay ra quyết định như thế nào, có vẻ như hãy còn lâu mới đến hồi kết của Brexit.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190410-lai-doi-ngay-brexit-nhung-den-khi-nao
Pháp : Phe đối lập chống tư nhân hóa các sân bay Paris
Trong một hành động hiếm hoi trên chính trường nước Pháp, các nghị sĩ thuộc các đảng đối lập từ cánh hữu đến cực tả hôm qua, 09/04/2019, đã liên kết với nhau khởi động thủ tục trưng cầu dân ý để ngăn chận việc tư nhân hóa công ty quản lý các sân bay Paris (Aéroports de Paris-ADP).
Được đưa ra thảo luận từ hơn 6 tháng nay ở Quốc Hội, dự luật mang tên Kế hoạch hành động vì tăng trưởng và chuyển đổi doanh nghiệp (Pacte) dự trù là Nhà nước không còn bắt buộc phải nắm đa số vốn của ADP (hiện nay đang nắm 50,63%). Kể từ khi luật được xem xét biểu quyết lần đầu tiên vào tháng 10/2018, việc tư nhân hóa ADP đã trở thành vấn đề chính gây bất đồng.
Trước khả năng các sân bay Paris bị tư nhân hóa, nhiều nghị sĩ ở Hạ Viện và Thượng Viện, thuộc các đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa, Đảng Xã Hội, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, đảng Cộng Sản…. đã thu thập được hơn số chữ ký cần thiết để khởi động thủ tục “trưng cầu dân ý theo sáng kiến chia sẻ” ( référendum d’initiative partagée – RIP ). Thủ tục này đã được đưa vào Hiến pháp của Pháp từ năm 2008, nhưng chưa bao giờ được áp dụng. Cụm từ “sáng kiến chia sẻ” có nghĩa là trưng cầu dân ý theo đề nghị của các nghị sĩ lẫn người dân. Theo quy định của Hiến pháp, chỉ cần 185 chữ ký của các nghị sĩ là đủ để khởi động thủ tục này và cho đến nay, các nghị sĩ đã thu thập được đến 218 chữ ký của các dân biểu thuộc 10 khối nghị sĩ ở cả Hạ Viện và Thượng Viện.
Dự luật mà các nghị sĩ đệ trình chỉ có một điều khoản duy nhất ghi rằng “việc quy hoạch, khai thác và phát triển các sân bay Paris (Roissy – Charles de Gaulle, Orly và Le Bourget ) là mang tính chất dịch vụ công của quốc gia.
Dự luật còn phải chờ được Hội Đồng Bảo Hiến chuẩn y và thu thập đủ chữ ký của 10% tổng số cử tri (khoảng 4,5 triệu công dân) thì mới có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc tư nhân hóa các sân bay Paris.
Nhưng đối với chính phủ Pháp, hành động của các nghị sĩ nói trên chỉ là một “đòn chính trị”. Còn bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire bảo vệ dự án của ông về tư nhân hóa các sân bay Paris, dưới hình thức nhượng quyền khai thác với thời hạn 70 năm.
http://vi.rfi.fr/phap/20190410-phap-phe-doi-lap-chong-tu-nhan-hoa-cac-san-bay-paris
Thổ Nhĩ Kỳ dọa mua vũ khí của Nga
nếu Mỹ không bán Patriots, F-35
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/4 nói sẽ mua máy bay phản lực và các hệ thống phòng không của Nga, nếu Ankara không mua được lá chắn tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ.
Hãng tin Reuters nói động thái này nêu bật mối nguy là Moscow ngày càng thắt chặt các quan hệ quốc phòng với một nước thành viên của NATO.
Kế hoạch hiện nay của Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, mua các hệ thống chống tên lửa S-400 của Nga đã gây lo ngại cho Hoa Kỳ. Phía Mỹ nói các hệ thống đó không tương hợp với các hệ thống của NATO, và sẽ phương hại tới an ninh của các chiến đấu cơ tàng hình F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ sắp sửa tiếp nhận.
Đáp lại, Washington đã dùng lối tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” đối với Ankara, đề nghị bán cho Thổ Nhĩ Kỳ các hệ thống chắn tên lửa Patriot của công ty Raytheon thay vì Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga, trong khi cùng lúc, cảnh giác sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt, và ngưng bán máy bay chiến đấu F-35, nếu Ankara tiến hành mua vũ khí của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ chưa cho thấy có dấu hiệu gì là sẽ nhượng bộ. Ông Erdogan đã thảo luận với Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại Moscow trong tuần này, và hôm 10/4 ông được dẫn lời nói rằng ngày bàn giao các hệ thống S-400 đầu tiên, dự kiến cho tháng 7 tới đây, có thể sẽ tới sớm hơn.
Reuters dẫn lời Ngoại Trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, lặp lại với đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ NTV:
“Nếu Hoa Kỳ sẵn lòng bán, chúng tôi sẽ mua các hệ thống Patriots. Nhưng nếu người Mỹ không muốn bán, chúng tôi có thể mua thêm S-400 và các hệ thống khác.”
Ông Netanyahu tái đắc cử, với đa số ghế tại quốc hội
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hầu như chắc chắn được bảo đảm sẽ tái đắc cử hôm thứ Tư,với các đảng tôn giáo cánh hữu sẵn sàng trao cho ông thế đa số tại quốc hội, bất chấp một cuộc đua sít sao với đối thủ chính của ông, theo kết quả cuộc kiểm phiếu.
Với hơn 97 phần trăm phiếu bầu được kiểm, đảng Likud bảo thủ của ông Netanyahu đã chiếm được đủ sự hậu thuẫn để kiểm soát 65 ghế trong quốc hội Israel gồm tất cả 120 ghế, và trong tư cách đó, có thể chỉ định người đứng đầu chính phủ liên minh kế tiếp– trong một nhiệm kỳ thứ năm kỷ lục, theo Reuters.
Cuộc đua sát nút với hai đối thủ thường xuyên công kích nhau dữ dội được nhiều người ở Israel xem như một cuộc trưng cầu dân ý về nhân cách của ông Netanyahu cũng như quá trình của ông phải đối mặt với nhiều cáo trạng về tham nhũng. Ông Netanyahu có thể bị truy tố về tội tham ô trong ba vụ khác nhau. Ông đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Mặc dù vậy, ông Netanyahu đã giành được 4 ghế nhiều hơn so với chính phủ liên minh sắp mãn nhiệm của ông, theo một bảng tính được công bố bởi Ủy ban bầu cử trung ương của các đảng đã giành đủ số phiếu để vào quốc hội mới.
Trong một bài phát biểu tại trụ sở của Likud vào đêm thứ ba sau cuộc bỏ phiếu, ông Netanyahu, 69 tuổi, nói với những người ủng hộ: “Đây là một đêm chiến thắng vĩ đại.”
Đám đông reo hò: “Ông ấy là một nhà ảo thuật!”, giữa lúc pháo bông bùng nổ và Netanyahu hôn vợ.
Phản ứng của Tổng thống Hoa Kỳ
Phát biểu với các phóng viên tại Toà Bạch Ốc, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư nói rằng thắng lợi của Thủ tướng Benjamin Netanyahu là một ‘dấu hiệu tốt cho hòa bình’.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Netanyahu nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết giữa ông với ông Trump, người đã làm hài lòng người Israel và khiến người Palestine tức giận khi ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào năm 2017 bằng cách chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv tới Jerusalem vào tháng 5 năm 2018. Jerusalem vẫn được coi như một thánh địa của nhiều tôn giáo.
Vòng đàm phán cuối cùng trong các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian giữa Israel và Palestine đã tan vỡ vào năm 2014.
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Tel Aviv tăng 0,5% vào giờ mở cửa hôm thứ Tư, thể hiện niềm tin vào một thủ tướng đã ngự trị trên một nền kinh tế phát triển trong khi kiềm chế được các thách thức về an ninh.
Đối thủ chính trị thách thức ông Netanyahu là cựu tướng lãnh Benny Gantz thuộc chính đảng mới tên Đảng Xanh và Trắng, cũng tuyên bố thắng lợi sau khi giành được 35 ghế, ngang hàng với đảng Likud.
Trừ phi ông tham gia một liên minh lớn với ông Netanyahu, đảo ngược cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử, là không hợp tác với ông này, ông Gantz hầu như chắc chắn sẽ lãnh đạo một phe đối lập trung tả trong quốc hội.
Ơng Gantz, 59 tuổi, viết trong một thư ngỏ gửi đến các ủng hộ viên: “Bầu trời có thể vẫn u ám … nhưng không che được tia mặt trời hy vọng mà chúng ta đã mang lại cho người dân và xã hội Israel.”
Nếu duy trì quyền lãnh đạo, ông Netanyahu sẽ trở thành Thủ tướng Israel phục vụ lâu năm nhất trong lịch sử nước này vào tháng 7 tới đây, qua mặt David Ben-Gurion, vị cha già dân tộc đã sáng lập đất nước. Điều này sẽ không thành sự thật nếu ông Netanyahu bị tuyên có tội trong các cáo trạng hình sự đang được tiến hành, khiến ông mất chiếc ghế Thủ Tướng.
Vẫn theo Reuters, một số nhà phân tích chính trị dự đoán ông Netanyahu có thể tìm cách thông qua một đạo luật cho phép ông được miễn tố trong cương vị Thủ Tướng đương nhiệm, viện lý do là “vì lợi ích quốc gia.”
Trong chiến dịch vận động, ông Netanyahu đã gây phẫn nộ cho người Palestine khi ông hứa sẽ sáp nhập các khu định cư của người Do Thái trên Bờ Tây, nếu được bầu lại. Người Palestine vẫn mang ước nguyện sẽ thành lập một quốc gia độc lập tại vùng Bờ Tây và Dải Gaza, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Bình luận về cuộc bầu cử, trưởng ban đàm phán của Palestine Saeb Erekat nói:
“Người Israel đã bỏ phiếu để giữ nguyên trạng. Họ đã nói Không với hòa bình và Có với thế lực chiếm đóng.”
https://www.voatiengviet.com/a/netanyahu-tai-dac-cu-voi-da-so-ghe-tai-quoc-hoi/4869630.html
Algeri : Bị đường phố tẩy chay,
quyền tổng thống hứa bầu cử “minh bạch”
Quyền tổng thống Algeri, Abdelkader Bensalah, cam kết sẽ tổ chức bầu tổng thống trước kỳ hạn 90 ngày, một cuộc bầu cử « minh bạch và hợp lệ ».
Nhân vật bị xem là thuộc phe nhóm của tổng thống từ nhiệm còn hứa hẹn bảo đảm « quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo » của nhân dân Algeri, trong diễn văn nhậm chức được truyền hình trưa hôm qua 09/04/2019.
Trong khi đó, người dân Algeri tiếp tục kêu gọi sang trang chế độ. Ông Bensalah được bổ nhiệm quyền tổng thống đúng vào ngày thứ Ba, cũng là ngày biểu tình hàng tuần của sinh viên thủ đô. Hàng ngàn sinh viên xuống đường yêu cầu « Bensalah từ chức ». Theo AFP, lần đầu tiên từ khi phong trào phản kháng phát khởi cách nay hai tháng, cảnh sát Algeri sử dụng lựu đạn cay và xe vòi rồng giải tán.
Sáng nay, dân chúng lại xuống đường, hàng ngàn người tập trung ở hai nơi được xem là « lá phổi phản kháng » : quảng trường 01 tháng 05 và nhà Bưu điện thủ đô, đối mặt với một lực lượng cảnh sát đông đảo.
Nghiệp đoàn luật gia, sinh viên hôm nay kêu gọi tiếp tục biểu tình.
Trong bối cảnh thời sự nóng bỏng, giám đốc của AFP tại Alger bị chính quyền Algeri trục xuất. Visa nghề nghiệp của Aymeric Vincemot hết hạn hồi cuối năm 2018, nhưng đơn xin tái triển hạn giấy cư trú bị chính quyền Bouteflika từ chối. Nhà báo Pháp phải rời Algeri ngày hôm qua, ngày giấy tạm trú do cảnh sát tạm cấp hết hạn.
Chính trị Libya 2012 – 2017 : Một số diễn biến chính
Ngày 7/7/2012, cử tri Libya lần đầu tiên bỏ phiếu bầu một Quốc Hội dân chủ (Hội Nghị Toàn Quốc – CGN) hậu Kadhafi. Tháng 4/2014, Quốc Hội đầu tiên, có trụ sở tại Tripoli, giao cho thủ tướng lâm thời Abdallah Al-Theni trách nhiệm lập chính phủ phụ trách tiến trình quá độ sang dân chủ. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời đã không hoàn thành được sứ mạng, trong bối cảnh các nhóm thánh chiến Hồi Giáo nổi lên ở khắp nơi, tình trạng khủng bố, cát cứ sứ quân phổ biến.
Hai Quốc Hội cạnh tranh
Tháng 6/2014, cử tri Libya bầu Quốc Hội mới (tỉ lệ tham gia 42%). Quốc Hội mới của Libya đặt trụ sở tại Tobrouk (miền đông), trong bối cảnh Tripoli rơi vào hỗn loạn. Quốc Hội có 200 thành viên được quốc tế công nhận, phe Hồi Giáo không còn chiếm đa số. Đông đảo thành viên của Quốc Hội này ủng hộ tướng Haftar. Ngày 18/8, Quốc Hội mới kêu gọi can thiệp nước ngoài để bảo vệ thường dân, trước nạn thánh chiến và băng đảng. Ngày 23/8/2014, Quốc Hội cũ (CGN), với đa số thành viên theo Hồi Giáo chính trị, quyết định không từ nhiệm, và không thừa nhận Quốc Hội mới, đặc biệt với lý do kêu gọi nước ngoài hỗ trợ. Tòa Án Tối Cao, trụ sở tại Tripoli, cũng bác bỏ tư cách hợp pháp của Quốc Hội mới.
Thánh chiến, bạo loạn
Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các phe phái Libya hòa giải, trong bối cảnh xung đột vũ trang bùng phát tại nhiều nơi. Ngày 17/12/2015, các phe phái ký thỏa thuận chính trị Skhrit (tên thành phố Macroc, nơi diễn ra sự kiện), dự kiến thành lập một Chính phủ đoàn kết quốc gia, dưới sự bảo trợ của LHQ. Chính phủ đoàn kết quốc gia, do ông Fayez al-Sarraj làm thủ tướng, được quốc tế ủng hộ, chính thức thành lập tháng 1/2016. Tuy nhiên, Quốc Hội mới, đóng ở miền đông, nhiều lần tuyên bố chưa thừa nhận.
Thỏa thuận hòa giải Skhirat và hỗ trợ quốc tế
Ngày 7/3/2017, Quốc Hội mới – được Liên Hiệp Quốc công nhận, nhưng nhiệm kỳ kết thúc với tháng 10/2016 – tuyên bố bác bỏ thỏa thuận Skhirat 2015, đồng thời đình chỉ các hoạt động của Ủy ban đối thoại, có nhiệm vụ xem xét việc sửa đổi thỏa thuận nói trên. Quyết định nói trên nhằm phản ứng lại vụ nhóm vũ trang Hồi Giáo « Lữ đoàn bảo vệ Benghazi / BDB » tấn công vào nhiều cảng dầu ở vịnh Syrte (đây là các cảng đã bị lực lượng của tướng Haftar chiếm lĩnh hồi tháng 9/2016, theo lệnh của Quốc Hội ở Tobrouk). Thủ tướng Chính phủ đoàn kết quốc gia Sarraj lên án cuộc tấn công của BDB, nhưng một số thành viên chính phủ Tripoli, như bộ trưởng Quốc Phòng, lại tỏ ra thiện cảm với nhóm này.
Hồi Giáo cực đoan, Skhirat bị khai tử
Thỏa thuận Skhirat có thời hạn hai năm. Ngày 17/12/2017, đúng hai năm sau ngày Thỏa thuận Skhirat được ký kết, tướng Haftar tuyên bố thỏa thuận này là vô nghĩa, chính phủ Tripoli « ngay từ đầu đã không có tính chính đáng ». Theo tướng Haftar, quân đội có thể là định chế duy nhất đáp ứng được « nguyện vọng của nhân dân Libya tự do ». Haftar cho biết sẵn sàng tham gia vào các cuộc bầu cử mới, nhưng đòi hỏi Ủy ban bầu cử không được đóng trụ sở tại Tripoli, một thành phố mà ông cho là nằm dưới sự thao túng của phe Huynh Đệ Hồi Giáo.
http://vi.rfi.fr/tong-hop/20190410-chinh-tri-libya-2012-2017-mot-so-dien-bien-chinh
Libya : Các thế lực nước ngoài nào
đằng sau trận chiến Tripoli ?
Chiến dịch tấn công thủ đô Libya của tướng Khalifa Haftar, thủ lĩnh quân sự hùng mạnh miền đông Libya, khởi sự ngày 04/04/2019, gây chấn động. Mọi nỗ lực quốc tế từ nhiều năm nay tìm kiếm hòa giải giữa phe miền đông và chính phủ Tripoli ở miền tây, được cộng đồng quốc tế công nhận, có nguy cơ tan thành mây khói. Câu hỏi nhiều người đặt ra là cuộc chiến này sẽ đi đến đâu ?
Để trả lời cho câu hỏi này cần hiểu rõ các thế lực nước ngoài nào đằng sau trận chiến Tripoli. RFI xin giới thiệu phần tổng hợp nhận định của một số nhà quan sát.
1. Các lực lượng nào đối đầu trực tiếp trên thực địa ?
Kể từ năm 2014, nước Libya hậu Kadhafi chia thành hai khu vực chính. Miền tây (Cyrenaica) nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ đoàn kết quốc gia (GNA) đứng đầu là thủ tướng Fayez al-Sarraj, có trụ sở tại thủ đô Tripoli. Miền đông (Tripolitania) nằm dưới sự kiểm soát của thống chế Khalifa Haftar, lãnh đạo lực lượng bán vũ trang mang tên Quân Đội Quốc Gia Libya (ANL).
Đọc thêm : Chính trị Libya 2012 – 2017 : Một số diễn biến chính
Liên minh với Chính phủ đoàn kết quốc gia, có nhiều lực lượng vũ trang khác nhau, trong đó có các đơn vị dân quân địa phương Hồi Giáo Salafiste, một số nhóm vũ trang ở Misrata, thành phố lớn thứ ba của Libya… Lực lượng của tướng Haftar kiểm soát phần lớn miền đông, nhưng cũng hiện diện ở miền trung và miền nam, được sự hậu thuẫn của nhiều bộ tộc. Cũng giống như các lực lượng vũ trang miền tây, « Quân đội » miền đông cũng bao gồm nhiều cựu sĩ quan chế độ cũ, và kể cả các tín đồ Hồi Giáo Salafiste.
Kể từ đầu tháng 2/2019, tướng Haftar khởi sự chiến dịch chiếm lĩnh vùng tây nam (Fezzan), khu vực giáp giới với Tchad và Algeri, một vùng dầu mỏ quan trọng của Libya, nhưng cũng là nơi tình hình được coi là bất ổn định. Lý do chính thức mà tướng Haftar đưa ra là nhằm loại trừ « các nhóm khủng bố và tội phạm ». Vùng tây nam Libya là địa bàn cư trú của nhiều bộ tộc không trung thành với chính quyền Tripoli.
Sau khi kiểm soát được một phần khu vực tây nam, quân đội của tướng Haftar chuyển qua phía bắc, nhắm vào thủ đô Tripoli. Chiến dịch này đã gặp phải sự kháng cự mạnh của nhiều lực lượng trung thành với Chính phủ đoàn kết quốc gia GNA. Ngày 7/4, GNA tuyên bố khởi sự chiến dịch « Núi lửa nổi giận », có mục tiêu giải phóng toàn bộ các thành phố Libya khỏi các lực lượng « bất hợp pháp » của tướng Haftar.
2. Những thế lực nước ngoài nào đằng sau các lực lượng tham chiến ?
Trước hết phải khẳng định là rất khó đưa ra một tổng hợp đầy đủ về các thế lực nước ngoài đằng sau các lực lượng tham chiến, bởi có nhiều nhóm tham chiến, và nhiều thế lực bên ngoài, với sự ủng hộ khi thì công khai, khi thì ngấm ngầm. Điểm đáng chú ý thứ hai : Đây không phải là một cuộc chiến phân rõ thành hai phe, một số thế lực hoàn toàn ủng hộ bên này để chống lại bên kia, được một số thế lực khác hậu thuẫn.
Pháp hay Nga dành sự ủng hộ cho cả hai bên, với các mức độ khác nhau, trong lúc một số quốc gia Trung Cận Đông, như Qatar hay Ả Rập Xê Út đứng về một trong hai phe.
Cụ thể là, chiến dịch đánh xuống miền tây nam của tướng Haftar, là bàn đạp cho cuộc tấn công về Tripoli sau đó, đã được sự ủng hộ, hoặc công khai, hoặc ngầm ẩn, của Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Pháp, nhưng Nga và Ý cũng ủng hộ chiến dịch này. Mục tiêu của nhiều quốc gia là không để cho miền tây nam Libya trở thành thánh địa của các lực lượng khủng bố (1). Chính phủ Pháp cũng ủng hộ chiến dịch này, với một trong các lý do chính là chiến dịch này cho phép đẩy lùi các nhóm đối lập vũ trang Tchad. Cộng Hòa Tchad là quốc gia đồng minh số một của Paris trong các hoạt động bảo đảm an ninh tại vùng Sahel, phía nam sa mạc Sahara, chống lại các lực lượng thánh chiến Hồi Giáo, trong đó có nhiều nhóm Salafiste.
Về phần mình, Nga coi thủ lĩnh quan sự Haftar là một đồng minh tự nhiên, cho dù không ủng hộ một cách chính thức. Matxcơva vốn tìm kiếm một chân đứng tại Libya, sau khi bị đánh bật khỏi quốc gia này, vào lúc chế độ độc tài Kadhafi sụp đổ. Mà, tướng Haftar lại là người nói tiếng Nga, và có nhiều điểm gần gũi với chính quyền Nga « về mặt ý thức hệ » (2). Theo báo chí Anh, nhiều lính đánh thuê Nga thuộc tổ chức tư nhân Wagner đã được cử đến Libya. Nhóm này cũng cung cấp cho lực lượng của tướng Haftar nhiều trọng pháo, thiết giáp, máy bay không người lái, đạn dược. Matxcơva chưa bao giờ chính thức thừa nhận điều này.
Cũng như Pháp và nhiều quốc gia khác, Matxcơva tìm cách duy trì quan hệ với chính quyền Tripoli, chính phủ duy nhất được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, quan hệ với Tripoli của Nga chỉ là vỏ bọc, tướng Haftar mới là đối tác chính của Nga tại Libya. Đầu tuần này, Nga ngăn chặn một dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, do nhiều nước phương Tây chủ trì, yêu cầu tướng Haftar ngừng chiến dịch đánh Tripoli.
3. Liệu có phải chính trận chiến Tripoli cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các thế lực, ủng hộ và chống tướng Haftar ?
Về trận chiến Tripoli, sự phân hóa giữa các thế lực nước ngoài dường như đang trở nên rõ nét hơn. Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ chính quyền Tripoli. Vùng Tripolitania (tức miền tây Libya) vốn là khu vực trung tâm của xứ Libya, thuộc địa của Ý trước Thế chiến Hai. Nước Ý hiện nay có nhiều quan hệ làm ăn với chính quyền Tripoli trong lĩnh vực dầu khí, hay trong việc khống chế luồng dân tị nạn châu Phi vượt biển sang nước Ý qua ngả Libya. Ngày 09/04, trong lúc Washington vừa tuyên bố rút quân khỏi Libya, do tình hình diễn biến phức tạp, bộ Quốc Phòng Ý khẳng định Roma sẽ duy trì các đơn vị quân đội tại Tripoli và Misrata, nhằm hỗ trợ chính quyền Libya về an ninh. Ý là quốc gia phương Tây duy nhất mở lại sứ quán tại Tripoli, sau khi chế độ Kadhafi sụp đổ.
Còn động lực chính của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, khi đứng về phía Tripoli, là để chống lại các ảnh hưởng của Ả Rập Xê Út và Ai Cập tại miền Đông Libya. Bộ ba Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hậu thuẫn tướng Haftar, nhân danh cuộc chiến chống tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo (một phong trào Hồi Giáo chính trị hệ phái Sunni có ảnh hưởng rộng lớn được Thổ Nhĩ Kỳ hay Qatar ủng hộ) và các phong trào Hồi Giáo bị coi là cực đoan nói chung.
Theo nhiều nhà quan sát, rất có thể tại Libya sẽ tái diễn dưới một hình thức khác cuộc chiến tàn khốc tại Yemen giữa Ả Rập Xê Út và các đồng minh với phe Iran, trong đó các lực lượng tại chỗ chỉ là những con tốt trong cuộc cờ (3).
Nhà báo Frédéric Bobin, trong một bài nhận định trên Le Monde (4), cho biết, theo một nguồn tin phương Tây, cuộc gặp gỡ của tướng Haftar với quốc vương Ả Rập Xê Út Salman hồi cuối tháng 3, có ý nghĩa quan trọng đối với quyết định tấn công Tripoli. Theo nguồn tin này, « không có sự bảo đảm » của Riyad, tướng Haftar sẽ không bao giờ dám mạo hiểm mở một chiến dịch như vậy.
4. Phải chăng trận chiến Tripoli là thời điểm quyết định buộc các thế lực quốc tế phải chọn bên ?
Hiện còn sớm để khẳng định điều này. Tuy nhiên, một kết luận chung mà nhiều nhà quan sát rút ra là nỗ lực ngoại giao của các chính trị gia châu Âu, đặt niềm tin vào tướng Haftar đã không mang lại kết quả. Viên tướng – từng là người hùng trong cuộc chiến đẩy lùi các lực lượng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) tại Libya trong những năm 2015-2016 – đang trở trên đường trở thành một nhà độc tài mới, với tham vọng chinh phục toàn bộ lãnh thổ Libya bằng vũ lực.
Vẫn theo nhà báo Frédéric Bobin (5), thủ lĩnh quân sự Haftar trên thực tế chưa bao giờ thực sự dấn thân vào các thương thuyết chính trị, nhằm tìm kiếm lối thoát hòa bình cho khủng hoảng Libya, như hy vọng của cộng đồng quốc tế. Bành trướng thế lực không ngừng tại Libya với mục tiêu danh nghĩa là tiêu diệt Hồi Giáo cực đoan, tướng Haftar ngày càng thể hiện rõ quan hệ gần gũi với các mạng lưới Hồi Giáo Salafiste thuộc giáo phái Madkhali. Thủ lĩnh của giáo phái này, nhà thần học Ả Rập Xê Út, ông Rabia ben Hadi al-Madkhali, chủ trương thực thi triệt để luật Charia của đạo Hồi và đòi hỏi người dân phải trung thành với các thế lực cầm quyền.
Ghi chú
Trong chuyến công du hồi tháng 3 tại Libya, tại Tripoli, ngoại trưởng Pháp khẳng định là « có nhiều tiến bộ đáng kể tại miền nam, đang phải đối mặt với các nhóm khủng bố, các tổ chức tội phạm, và các băng nhóm vũ trang nước ngoài, từ lâu nay gây bất ổn định tại khu vực », bài « Libye : derrière la bataille de Tripoli, des influences étrangères ? », Le Point, 09/04/2019.
Theo nhà chính trị học Alexei Malachenko, Trung tâm phân tích về xung đột Trung Đông, có trụ sở tại Matxcơva, AFP, ngày 09/04/2019.
« Washington và Paris kêu gọi Riyad ngưng cuộc chiến ở Yemen », 01/11/2018.
5. « En Libye, le pari perdu des diplomaties européennes sur le maréchal Khalifa Haftar », Le Monde, ngày 07/04/2019.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190410-libya-cac-the-luc-nuoc-ngoai-nao-dang-sau-tran-chien-tripoli
Tìm thấy mảnh chiến đấu cơ F-35 của Nhật Bản bị rơi
Những mảnh vụn của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Nhật Bản đã được tìm thấy, một ngày sau khi nó biến mất khỏi radar trên Thái Bình Dương.
Phi công của máy bay, tuy nhiên, hiện vẫn mất tích, các quan chức quân đội Nhật Bản cho biết.
Các phần của máy bay đã được phục hồi trong các hoạt động tìm kiếm trên biển.
Vẫn chưa biết tại sao chiếc máy bay, mới chưa đầy một năm, đã bị mất liên lạc và bị rơi.
Indonesia: Vì sao Boeing 737 mới tinh đã rơi?
Ethiopian Airlines: ‘Không ai sống sót’ khi Boeing 737 rơi trên đường tới Kenya
Chiến đấu cơ mất tích lúc 19:27 pm (10:27 GMT) hôm thứ ba khi nó đang bay 135km (84 dặm) về phía Đông của Misawa, một thành phố ở phía Đông Bắc Nhật Bản.
Máy bay bị mất liên lạc khoảng 30 phút sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Misawa.
Trước đó không có báo cáo nào là máy bay có vấn đề, theo đài truyền hình Nhật NHK.
Các đội cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm nam phi công đang ở độ tuổi 40, theo trang tin Kyodo.
Nhật Bản đã triển khai F-35, trị giá ít nhất 90 triệu đôla, để thay thế máy bay chiến đấu F-4 đã cũ.
Hiện tại, nước này đã tạm ngừng bay 12 chiến đấu cơ F-35 còn lại tại căn cứ Misawa, Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya cho biết.
Đây mới là lần thứ hai một chiếc F-35 bị rơi kể từ khi máy bay phản lực bắt đầu bay, theo Reuters.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47876558
Bắc Hàn bàn cải cách đất nước trong ‘tình hình căng thẳng’
Ủy ban Trung ương đảng Lao động Bắc Hàn họp phiên toàn thể để bàn cách cải tiến đất nước trong ‘tình hình căng thẳng’ hiện tại, theo Reuters.
Phiên họp toàn thể diễn ra vào thứ Tư 10/4, một ngày sau khi lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp của Bộ chính trị để thảo luận đường hướng nhằm đạt được những tiến bộ trong tình hình căng thẳng hiện nay, theo Thông tấn xã Bắc Hàn KCNA.
Phiên họp toàn thể, vốn thường xuyên được tổ chức, diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai vào tháng Hai tại Hà Nội, nơi hai nhà lãnh đạo không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về việc Bắc Hàn ngừng chương trình vũ khí hạt nhân hay Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Bắc Hàn: ‘Mỹ vứt đi cơ hội vàng’
Bắc Hàn đuổi phóng viên ‘phạm thượng, che mặt’ Kim Jong-un
Thứ trưởng Choe: ‘Hoa Kỳ vứt bỏ cơ hội vàng’
Ai tấn công Đại sứ quán Bắc Hàn ở Tây Ban Nha?
Giới chức thuộc đảng Lao động cầm quyền Bắc Hàn sẽ thảo luận và quyết định định hướng và cách thức đấu tranh mới phù hợp với nhu cầu của đất nước trong tình hình hiện tại, KCNA cho biết hôm thứ Tư 10/4.
Trong một cuộc họp với Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hôm thứ Ba, ông Kim nói với các quan chức rằng họ cần phải làm việc có trách nhiệm hơn để thực hiện chiến lược của ông trước áp lực quốc tế.
Nhà lãnh đạo tối cao kêu gọi các quan chức thể hiện đầy đủ ý thức trách nhiệm và sáng tạo cao, cùng tinh thần cách mạng tự lực, kiên trì, kèm một thái độ phù hợp với các bậc thầy cách mạng và xây dựng, trong tình hình căng thẳng hiện nay, và do đó thông qua đường lối chiến lược mới của đảng, KCNA cho biết.
Tại phiên họp toàn thể năm ngoái, ông Kim chính thức công bố một chiến lược mới, tập trung vào phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân Bắc Hàn, thay vì cách tiếp cận hai mục tiêu như trước đây là phát triển vũ khí hạt nhân và kinh tế.
Mặc dù thất bại trong việc dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, ông Kim vẫn tiếp tục nhấn mạnh những nỗ lực kinh tế của Bắc Hàn trong những tuần gần đây.
Trong tuần qua, truyền thông Bắc Hàn đã công bố những hình ảnh và báo cáo về chuyến thăm trong 5 ngày của ông Kim tới ít nhất bốn dự án kinh tế, bao gồm một cửa hàng bách hóa, khu du lịch và một trung tâm kinh tế gần biên giới với Trung Quốc.
Quốc hội Bắc Hàn dự kiến sẽ họp vào thứ Năm 11/4.
Phiên họp toàn thể của đảng cầm quyền Bắc Hàn diễn ra vào thứ Tư 10/4, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bay tới Washington để gặp ông Trump và cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ.
“Trong một tình huống khó khăn để đi một con đường hoàn toàn mới, Bắc Hàn nhấn mạnh sự tự lực để cho Hoa Kỳ thấy rằng họ có thể đi theo con đường của riêng mình,” ông Lil Beom-chul, một thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul nói.
“Bắc Hàn đang nhắm mục tiêu đến Hoa Kỳ, gửi một thông điệp rằng chúng tôi sẽ không lùi bước, vì vậy Hoa Kỳ phải thay đổi lập trường của mình.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47876568
Chủ tịch Kim Jong-un cảnh báo về ‘tình hình căng thẳng’
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên kêu gọi các quan chức theo đường lối chiến lược mới và phát huy tinh thần tự lực.
Hãng Yonhap ngày 10.4 đưa tin phát biểu của Chủ tịch Kim Jong-un tại cuộc họp Bộ chính trị đảng Lao động Triều Tiên mở rộng cho thấy ông sẽ tiếp tục theo đường lối phát triển kinh tế trong lúc đàm phán về giải giới hạt nhân với Mỹ chưa có nhiều tiến triển.
“Lãnh đạo tối cao kêu gọi những quan chức hàng đầu cần thể hiện tinh thần trách nhiệm và sáng tạo cao, cũng như tinh thần tự lực và phát huy thái độ làm chủ trong cách mạng và xây dựng dưới tình hình căng thẳng”, theo bản tin của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA).
Đường lối chiến lược mới có thể liên quan đến quyết định của đảng Lao động Triều Tiên đưa ra vào tháng 4.2018 về việc tập trung nhiều hơn vào phát triển kinh tế, thay vì chính sách trước đó là phát triển song song kinh tế và hạt nhân.
Cuộc họp diễn ra trước thềm kỳ họp Hội đồng nhân dân tối cao (Quốc hội) lần thứ 14 diễn ra vào ngày 11.4 sau khi các đại biểu được bầu vào tháng trước.
Theo KCNA, phiên họp toàn thể Ủy ban trung ương đảng sẽ diễn ra vào ngày 10.4 nhằm “thảo luận và quyết định về định hướng, đường lối phấn đấu mới”.
Các cuộc họp này thu hút sự chú ý vì Bình Nhưỡng có thể đưa ra các bước tiếp theo kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội vào tháng 2.
Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận đổi lại việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyong. Trong khi đó, Mỹ muốn nước này phải có những bước tiến giải giới hạt nhân lớn trước.
Trong khi đó tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo chỉ trích Chủ tịch Kim với những từ ngữ trước đó ông đã phát biểu về Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Trả lời câu hỏi về quan điểm của Mỹ khi thỏa thuận với Triều Tiên, ông Pompeo cho biết mục tiêu là bán đảo Triều Tiên giải giới hạt nhân hoàn toàn, có thể xác nhận, và hy vọng vào tương lai tươi sáng của người dân nước này.
Liên quan đến tình hình Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ đến Washington để thảo luận với người đồng cấp Donald Trump vào ngày 11.4 (giờ địa phương).
http://biendong.net/bi-n-nong/27323-chu-tich-kim-jong-un-canh-bao-ve-tinh-hinh-cang-thang.html
Hồng Kông sửa đổi luật, cho phép dẫn độ sang Trung Quốc
Chính quyền Hồng Kông vừa đưa ra một dự luật, theo đó trưởng đặc khu có quyền ra lệnh cho dẫn độ các nghi phạm bị Trung Quốc, Macao, Đài Loan truy lùng, cũng như các quốc gia khác hiện chưa có hiệp định dẫn độ với Hồng Kông. Tuần trước hàng ngàn người Hồng Kông đã xuống đường để phản đối.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy cho biết thêm chi tiết :
« Đối với chính quyền Hồng Kông, đây là việc lấp một lỗ hổng pháp luật, bởi vì quy định dẫn độ hiện nay không áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan, Macao. Nhưng ngược lại, những người phản đối việc sửa đổi giải thích, lỗ hổng pháp luật này là cố ý, đã được tính toán vì nhiều lý do, đặc biệt là do không bảo đảm có được một phiên tòa công bằng tại Trung Quốc.
Bà Ngô Ái Nghi (Margaret Ng), luật sư nổi tiếng và là cựu dân biểu cho rằng dự luật này là nguy hiểm. Bà nói : Như quý vị đã biết, hệ thống pháp luật Hồng Kông rất khác biệt so với Trung Quốc. Chúng tôi rất tin tưởng vào pháp luật Hồng Kông nhưng không tin chút nào về hệ thống ở Hoa lục. Mọi người được an toàn tại Hồng Kông vì không có nguy cơ bị dẫn độ sang Trung Quốc. Nay bỗng nhiên chính quyền Hồng Kông muốn thay đổi luật, hủy bỏ sự an toàn này, theo đó bất kỳ ai – chứ không chỉ công dân Hồng Kông – đều có thể bị dẫn độ. Điều này sẽ làm thay đổi tất cả.
Để trấn an giới kinh doanh, chính quyền đã bỏ khỏi văn bản một số tội danh như trốn thuế. Những nghi can liên quan đến các tội danh về chính trị và tín ngưỡng cũng sẽ không bị dẫn độ. Một chủ nhà xuất bản bị mất tích năm 2015, bị giam giữ tại Hoa lục trong 8 tháng cho biết nếu dự luật này được thông qua, ông sẽ phải rời khỏi Hồng Kông ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190410-hong-kong-sua-doi-luat-cho-phep-dan-do-sang-trung-quoc
Nhà sáng lập hãng công nghệ Xiaomi
được khoản thưởng khổng lồ
Người sáng lập hãng Xiaomi vừa được hãng sản xuất điện thoại thông minh này của Trung Quốc “thưởng” với khoản trị giá khoảng 962 triệu đô la Mỹ.
Khoản chi thưởng này được xác nhận trong báo cáo thường niên 2018 của hãng.
Xiaomi vén màn điện thoại gập 3
Tại sao công ty Huawei gặp quá nhiều rắc rối?
Mỹ truy tố Huawei và bà Mạnh Vãn Chu
iPhone X giá ngàn đô: Internet nói gì?
Hãng trước đó nói rằng họ dự định trao cho ông Lôi Quân (Lei Jun) khoản thưởng tính bằng cổ phiếu để ghi nhận sự “cống hiến” của ông trong tám năm qua cho công ty.
Về phần mình, ông Lôi hứa hẹn sẽ đóng góp khoản này cho “các mục đích từ thiện” sau khi trừ thuế.
Lượng 636,6 triệu cổ phiếu dành cho ông có trị giá 7,54 tỷ đô la Hong Kong (735,6 triệu bảng Anh, 962 triệu đô la Mỹ), tính theo mức giá khi đóng cửa giao dịch hôm thứ Ba, sau khi cổ phiếu này tăng 1% trong ngày.
Khoản này không kém bao nhiêu so với khoản 8,6 tỷ nhân dân tệ (980 triệu bảng Anh, 1,3 tỷ đô la Mỹ), là khoản được công bố là lãi ròng đã được điều chỉnh của Xiaomi trong năm ngoái.
Khoản cổ phiếu này nằm ngoài các khoản chi trả khác của công ty cho ông Lôi, gồm lương và chia lãi cổ phần, là các khoản không được nêu rõ con số cụ thể.
Việc chi trả được thực hiện sau khi công ty được đưa lên giao dịch trên sàn chứng khoán Hong Kong hồi tháng Bảy.
Tăng trưởng nhanh chóng
Hãng Xiaomi có trụ sở chính tại Bắc Kinh là hãng điện thoại thông minh lớn thứ tư thế giới trong năm 2018, theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, chỉ sau Samsung, Apple và Huawei.
Số lượng điện thoại di động hãng vận chuyển đi toàn cầu tăng 32,2% trong lúc thị trường chung giảm 4,1%, IDC nói.
Được thành lập từ chín năm trước, Xiaomi bắt đầu bán điện thoại vào thị trường Anh từ tháng Mười Một, bên cạnh các sản phẩm khác như xe scooter điện và thiết bị đeo tay theo dõi sức khỏe và mức độ tập thể dục.
Tại thị trường nội địa ở Trung Quốc, các sản phẩm của hãng phong phú hơn nhiều.
Trong số các mặt hàng mới ra mắt có máy hút bụi không dây, robot quét nhà, và giày tập chạy thông minh với dây buộc tự động.
Tuy nhiên, Xiaomi vẫn được biết đến nhiều nhất với các sản phẩm điện thoại di động. Trong tháng qua, hãng đã gặp các vấn đề trong việc tung ra các sản phẩm chính, mới nhất – dòng điện thoại series Mi 9 – khi việc sản xuất không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có thời điểm ông Lôi – người hiện giữ chức chủ tịch Xiaomi – được cho là đã tuyên bố ông sẽ “đến nhà máy và tự mình vặn ốc”, nếu như tình hình không được cải thiện.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47879424
TQ tăng tốc thử nghiệm, sử dụng pháo điện từ cho tàu chiến
Qua nhiều thông tin được báo chí Trung Quốc tiết lộ vừa qua cho thấy nước này đang muốn đẩy nhanh thử nghiệm, sử dụng pháo điện từ, một loại vũ khí mới trên tàu chiến. Nhiều khả năng, những tàu gắn thiết bị này sẽ được Trung Quốc khoe mẽ tại cuộc duyệt tàu chiến sắp tới nhằm 70 năm kỷ niệm ngày thành lập hải quân. Khi được triển khai ở Biển Đông, sẽ là bước quân sự hóa tiếp theo của Trung Quốc.
Pháo điện từ, bước đi quân sự hóa tiếp theo của TQ
Mạng xã hội Trung Quốc gần đây lan truyền video một tàu đổ bộ lớp Type 072-II của hải quân nước này có gắn khẩu pháo điện từ lớn phía trước mũi di chuyển trên một khúc sông Trường Giang. Sự xuất hiện của con tàu cho thấy quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh việc thử nghiệm vũ khí điện từ lắp trên tàu chiến trong môi trường tác chiến thực tế. Hồi đầu tháng 1 năm nay, các diễn đàn quân sự Trung Quốc cũng công bố nhiều bức ảnh cho thấy tàu đổ bộ này đang thử nghiệm ngoài biển. Trước đó, tháng 3/2018, giới chức quân sự Trung Quốc cũng xác nhận đang thử nghiệm pháo điện từ do Bắc Kinh tự phát triển, đồng thời khẳng định đã đạt được đột phá mới, giúp vũ khí này hoạt động một cách ổn định trên tàu chiến.
Pháo điện từ không sử dụng chất nổ mà tận dụng năng lượng của các đường ray điện từ để đẩy đầu đạn lao đi với vận tốc tới 7.200 km/h, gấp gần 6 lần âm thanh và nhanh hơn nhiều so với đạn pháo thông thường. Tầm bắn lớn và tốc độ phản ứng nhanh của pháo điện từ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho những tàu chiến được trang bị vũ khí này. Theo giới quan sát, Trung Quốc dường như đã đạt được thành tựu thực sự khi đang lên kế hoạch triển khai pháo điện từ lên các mẫu tàu khu trục tối tân như Type-055. Trong khi đó, mặc dù đã khởi động dự án từ hơn 10 năm trước, quân đội Mỹ vẫn chưa thể lắp pháo điện từ lên chiến hạm như Bắc Kinh.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể khẳng định quốc gia nào đang dẫn đầu về công nghệ pháo điện từ, bởi Trung Quốc chưa từng công khai quá trình thử nghiệm cũng như thông số cụ thể của loại vũ khí này. Một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh vẫn chưa thể khắc phục được những hạn chế về nguồn điện và độ bền của nòng pháo để biên chế vũ khí điện từ trên tàu chiến.
Ngoài pháo điện từ, TQ cũng rao riết nghiên cứu thử nghiệm các loại vũ khí mới
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 6/3 công bố hình ảnh về một mẫu máy bay mới, được loan báo là sử dụng cho “sứ mệnh đặc biệt” song không cung cấp thêm chi tiết về loại máy bay này. Dựa trên những hình ảnh được công bố, máy bay này dường như được phát triển từ vận tải cơ chiến thuật Y-9 có tầm hoạt động khoảng 4.000 km. Loại máy bay mới được trang bị vòm radar hình bán cầu dưới mũi, hai ăng ten lớn ở hai bên thân, hai ăng ten ở hai bên đuôi và một hệ thống tác chiến điện tử trên đầu cánh đuôi đứng. Đây là một loại máy bay tác chiến điện tử mới của quân đội Trung
Quốc và các thiết bị gắn trên phi cơ có thể thực hiện nhiệm vụ giám sát liên lạc vô tuyến và chặn tín hiệu radar. Giới chuyên gia cho rằng máy bay mới có thể tiến hành tác chiến điện tử và hỗ trợ các phi đội tiêm kích của Trung Quốc, bằng cách gây nhiễu và làm tê liệt hệ thống phòng không đối phương. Với tầm hoạt động 4.000 km, máy bay mớ của Trung Quốc có thể thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và dữ liệu điện tử của bất cứ phương tiện và khí tài nào đến gần Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trước đó, theo các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 22/2, Trung Quốc đang phát triển một hệ thống vũ khí “không gây chết người” dựa trên công nghệ radar/vi sóng nhằm mục đích cải thiện khả năng chống khủng bố, phòng thủ biên giới trên bộ và trên biển. Dự án có tên chính thức là “Microwave Active Denial System”, hoạt động bằng cách bắn vi sóng milimet vào các mục tiêu, có thể khiến dây thần kinh dưới da bị đau, để ngăn chặn các mục tiêu và phân tán đối phương. Hệ thống này có hai chế độ làm việc, một chế độ phóng điểm được thiết kế để tấn công các mục tiêu xác định trong các bộ phận cơ thể cụ thể và chế độ quét khu vực cho các khu vực lớn hơn phục vụ các nhiệm vụ, bao gồm các chống khủng bố. Truyền thông Trung Quốc ca ngợi, hệ thống vũ khí mới sẽ không gây chết người nhưng hiệu quả cao có thể được áp dụng cho các tình huống bao gồm các hoạt động chống khủng bố, bảo vệ mục tiêu quan trọng trong các sự kiện lớn, nhiệm vụ đoàn tàu hàng hải và phòng thủ biên giới trên bộ. Hệ thống này sẽ được trang bị cho lực lượng chấp pháp Trung Quốc, trong đó có lực lượng cảnh sát biển, thậm chí có thể cho cả ngư dân, lực lượng vốn được mạnh danh là “dân quân biển” của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay. Hiện nay, các nhà phân tích quân sự cho biết Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các loại vũ khí hiện đại, lưỡng dụng vừa có tính chiến đấu, lại vừa có tính “dân sự” để triển khai tại Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/27346-tq-tang-toc-thu-nghiem-su-dung-phao-dien-tu-cho-tau-chien.html
TQ chuẩn bị đóng siêu tàu tuần tra 10.000 tấn đầu tiên
Thời báo Hoàn Cầu (27/3) cho biết, Cơ quan An toàn Hàng hải Quảng Đông vừa ký hợp đồng chế tạo tàu tuần tra 10.000 tấn đầu tiên của Trung Quốc.
Công ty đóng tàu Huangpu Wenchong thuộc Tổng công ty đóng tàu quốc gia Trung Quốc cho biết tàu sẽ do Trung Quốc thiết kế, có chiều dài 165 mét và rộng hơn 20 mét.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu trích lời các chuyên gia Trung Quốc đánh giá tàu trên sẽ giúp “cứu hộ tàu của Trung Quốc và nước ngoài ở vùng nước quốc tế” và nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược trở thành một cường quốc biển của Trung Quốc.
Sáng kiến Vành đai Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2013 với mục tiêu kết nối Trung Quốc với các nước ở khu vực châu Âu, châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi qua các dự án đường bộ và cảng biển. Những nhà quan sát quốc tế đánh giá đây là chiến lược để phục vụ mục đích trở thành cường quốc thống trị thế giới của Trung Quốc. Trong khi đó, tỉnh Quảng Đông, thuộc miền Nam Trung Quốc, là một điểm khởi đầu quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con Đường của Trung Quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng hải quân, chấp pháp Trung Quốc đang có được biên chế nhiều loại tàu tuần tra hiện đại như:
Tàu khu trục lớp Type 051: Lượng giãn nước từ 3.250 – 7.100 tấn; dài 132m – 150m, rộng 12,8m – 17m, mớn nước 4m – 6m; các tàu Type 051 được trang bị động cơ 2 turbine hơi nước; vận tốc các tàu từ 28 – 32 hải lý/h; tầm hoạt động từ 2.900 – 5.000 hải lý; quân số biên chế trên tàu từ 260 – 300 binh lính, trong đó sỹ quan chỉ huy chiếm 7% tổng binh lính biên chế trên tàu. Các tàu Type 051 được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn và khả năng sát thương cao như: Trang bị 02 bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-83 có tầm bắn khoảng 150km, 06 bệ phóng tên lửa phòng không S-300FM, 02 bệ phóng ngư lôi chống ngầm, trang bị trực thăng săn ngầm… Đa phần các tàu Type 051 được trang bị hệ thống radar cảnh giới có tầm quan sát tối đa 300km, có khả năng bám sát 40 mục tiêu; radar quan sát trên không và trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar điều khiển pháo và nhiều hệ thống sóng âm sonar. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã biên chế 5 trong tổng số 13 tàu Type 051 cho Hạm đội Nam Hải.
Tàu khu trục lớp Type 052: Lượng giãn nước từ 4.200 – 7.000 tấn; dài 144m – 157m, rộng 16m – 19m, mớn nước 5,1m – 6m; các tàu Type 052 được trang bị động cơ 2 turbine hơi nước 67.000 mã lực và 2 động cơ diesel 10.420 mã lực; vận tốc các tàu từ 28 – 32 hải lý/h; tầm hoạt động từ 4.500 – 6.000 hải lý; quân số biên chế trên tàu từ 280 – 300 binh lính, trong đó sỹ quan chỉ huy chiếm 7% tổng binh lính biên chế trên tàu. Các tàu Type 052 được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn và khả năng sát thương cao như: Trang bị 08 bệ phóng tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, 01 bẹ phóng phòng
thủ tầm gần Type 730, 1 bệ phóng tên lửa HQ-10, 02 bệ phóng ngư lôi chống ngầm, trang bị trực thăng săn ngầm… Đa phần các tàu Type 052 được trang bị hệ thống radar phòng không đa công dụng 3D, hệ thống radar tầm xa Type 71H, hệ thống radar đối không, chốmg hạm, hệ thống vệ tinh, hệ thống radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực có tầm quan sát tối đa 450km, có khả năng bám sát 50 mục tiêu; radar quan sát trên không và trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar điều khiển pháo và nhiều hệ thống sóng âm sonar. Trung Quốc đã biên chế 06 tàu Type 052 cho Hạm đội Nam Hải.
Tàu Type 053 vốn là tàu khu trục hạm hạng nhẹ nhưng sau đó được Trung Quốc chuyển đổi mục đích sử dụng, cải tiến chúng thành các loại hình tàu hộ vệ. Đa phần các tàu thuộc lớp Type 053 có thiết kế gần giống nhau: Lượng giãn nước 1.660 tấn – 2.000 tấn; dài 105m, rộng 10,8m, mớn nước 3m; trang bị động cơ diesel 18.000 mã lực; vận tốc tàu khoảng 26-28 hải lý; tầm hoạt động trong phạm vi 4.000 – 5.000 hải lý; tàu được biên chế 180 – 200 binh lính. Các tàu Type 053 được trang bị nhiều loại vũ khí như 02 bệ phóng tên lửa chống hạm SY-1A có tầm băn 100 km hoặc YJ-83 có tầm bắn 150km, pháo cao xạ, 02 hệ thống phóng bom chống ngầm, hệ thống phóng ngư lôi, hệ thống phóng bom gây nhiễu điện từ… Các tàu Type 053 thường được trang bị hệ thống thông tin vệ tinh, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống sonar và radar quan sát trên không tầm xa, radar quan sát trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar hàng hải.
Tàu Type 054A là thế hệ tàu hộ vệ đầu tiên của Trung Quốc có khả năng tàng hình và tác chiến biển xa, Hiện Trung Quốc có 26 tàu được chế tạo và biên chế cho hải quân, trong đó Hạm đội Nam Hải được biên chế 10 tàu. Các tàu Type 054A có lượng giãn nước 4.000 tấn, dài 134m, rộng 16m, mớn nước 4,5m; trang bị động cơ diesel 25.300 mã lực; tốc độ 27 hải lý/h; tầm hoạt động 4.000 hải lý. Trên các tàu Type 054A được trang bị 2 bệ phóng tên lửa YJ-83, 1 bệ phóng tên lửa HQ-16, pháp cao xạ, 2 bệ phóng ngư lôi, 2 bệ phóng bom nhiễu điện tử, 01 trực thăng săn ngầm. Ngoài ra, Type 054A được trang bị hệ thống khí tài điện tử tiên tiến, trong đó có hệ thống dữ liệu chiến đấu, hệ thống thông tin vệ tinh, radar cảnh giới 3D, radar quan sát mặt biển, radar điều khiển hỏa lực, radar hàng hải…
Tàu Type 056 là loại tàu hộ vệ tàng hình do Trung Quốc tự nghiên cứu, chế tạo, được triển khai trong việc tuần tra, phòng ngự biển gần và thực hiện các nhiệm vụ chấp pháp khác. Type 056 được sản xuất nhằm thay thế các tàu hộ vệ Type 053 và tàu săn ngầm Type 037 đã lỗi thời. Trung Quốc hiện đã đưa vào sử dụng 30 tàu Type 056 và có kế hoạch chế tạo thêm 60-70 tàu nữa. Hạm đội Nam Hải được biên chế 12 tàu Type 056. Các tàu Type 056 có lượng giãn nước 1.500 tấn, dài 90m, rộng 12m, mớn nước 4m; trang bị 02 động cơ diesel, vận tốc 25 hải lý/h, tầm hoạt động 3.500 hải lý; trên tàu được biên chế 78 binh lính. Hệ thống vũ khí trên tàu chủ yếu là pháp, tên lửa phòng không tầm ngắn HQ-10, tên lửa chống hạm, hệ thống phòng thủ tầm gần, ngư lôi, roket đa nòng và 01 trực thăng. Ngoài ra, tàu Type 056 được hệ thống khí tài điện tử tiên tiến, trong đó có hệ thống dữ liệu chiến đấu, hệ thống thông tin vệ tinh, radar cảnh giới 3D, radar quan sát mặt biển, radar điều khiển hỏa lực, radar hàng hải và hệ thống định vị thủy âm…
http://biendong.net/bien-dong/27345-tq-chuan-bi-dong-sieu-tau-tuan-tra-10000-tan-dau-tien.html
Không dễ để Philippines
kiện Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ra ICC
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Philippines Conchita Carpio Morales đã gửi đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) do những hành động “tàn bạo” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, khả năng ICC thụ lý vụ kiện còn là một ẩn số khó đoán trước.
Nội dung đơn kiện của Philippines
Đơn kiện cáo buộc ông Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao Trung Quốc đã phạm tội “gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng, gần như tàn phá vĩnh viễn môi trường biển ở Biển Đông”; cho rằng thiệt hại về môi trường xảy ra khi ông Tập Cận Bình và các quan chức khác thực hiện “kế hoạch mang tính hệ thống nhằm chiếm lấy Biển Đông”.Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác đã có những hành vi vi phạm luật quốc tế khi gây ra tổn hại nghiêm trọng cho các thế hệ ngư dân Philippines và ngư dân các nước khác đánh bắt cá ở Biển Đông; cáo buộc hành động trên của Chính quyền Trung Quốc đã đẩy nhanh sự sụp đổ nghề cá và dẫn tới tình trạng thiếu lương thực ở một số quốc gia”; nhấn mạnh “mặc dù được công bố rộng rãi, những hành động vô nhân đạo và tàn bạo này của các quan chức Trung Quốc ở Biển Đông và trong lãnh thổ Philippines vẫn chưa bị trừng phạt; khẳng định chỉ ICC mới khiến Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp”.
Không những vậy, trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales kêu gọi Công tố viên Fatou Bensouda của ICC khởi xướng “cuộc khảo sát sơ bộ” nhằm “đánh giá các hành vi phạm pháp của Trung Quốc chống lại người dân Philippines và các quốc gia khác”.
ICC có thẩm quyền xét xử những vụ án nào
ICC là tòa án hình sự quốc tế thường trực, độc lập đầu tiên của cộng đồng quốc tế. Tòa án có thẩm quyền điều tra và xét xử các cá nhân chịu trách nhiệm về các tội ác nghiêm trọng nhất như: tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội xâm lược. Năm 2016, ICC ra tuyên bố mới, cho biết tòa án này sẽ bắt đầu thụ lý và xét xử cả những tội phạm liên quan đến hành vi hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và chiếm đoạt đất đai phi pháp. ICC nhấn mạnh hành động hủy hoại môi trường và chiếm đoạt đất đai có thể dẫn tới việc khởi tố các vụ án về tội ác chống lại loài người. ICC hiện có 116 quốc gia thành viên, bao gồm tất cả các quốc gia Nam Mỹ, gần như toàn bộ châu Âu và gần một nửa các quốc gia ở châu Phi.
Tòa án này đặc biệt ở chỗ được hình thành từ sự kí kết của một hiệp ước mà không phải do Liên Hợp quốc lập. ICC gồm bốn cơ quan: Ban chánh án; Ban thẩm phán có 18 vị thẩm phán được chia làm 3 bộ phận: dự thẩm, sơ thẩm và kháng cáo; Văn phòng công tố: cơ quan độc lập với tòa án, chuyên tiến hành điều tra và đưa vụ việc ra xét xử trước tòa; Hội đồng lục sự, có chức năng hỗ trợ hành chính để đảm bảo tòa vận hành trơn tru.
Về phạm vi tài phán, ICC chỉ xét xử cá nhân, không xét xử tổ chức hoặc quốc gia. ICC có quyền xét xử các tội phạm quốc tế đặc biệt nghiêm trọng, gồm bốn tội danh: diệt chủng, tội phạm chiến tranh, tội phạm chống loài người và tội phạm xâm lược. Tuy nhiên, vì thành lập vào 7/2002 và không có quyền tài phán hồi tố, ICC không thể xét xử những tội phạm được thực hiện trước tháng 7/2002. ICC có quyền tài phán với những vụ việc sau: Xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia thành viên đã chấp nhận quyền tài phán của ICC; Người phạm tội mang quốc tịch của quốc gia thành viên hoặc của nước đã chấp nhận quyền tài phán của ICC; Do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông báo cho công tố viên của ICC theo thẩm quyền quy định tại Chương VII Hiến chương LHQ.
Ngoài ra, ICC không thay thế mà chỉ có tác dụng bổ sung cho tòa án quốc gia. ICC sẽ đưa vụ việc ra xét xử khi và chỉ khi một quốc gia không tự nguyện hoặc không thể tiến hành xét xử một cách thực chất. Dù có thẩm quyền xuyên biên giới, ICC không thể ra lệnh cho các quốc gia thành viên thực hiện theo yêu cầu hoặc phán quyết của mình. ICC chỉ có thể hợp tác và tranh thủ sự trợ giúp của các quốc gia để hoàn thành những công việc như bắt giữ và thuyên chuyển phạm nhân tới trại giam của ICC ở The Hague (Hà Lan), phong tỏa tài sản của nghi phạm và thực thi bản án.
Tính pháp lý của vụ kiện
Đầu tiên, về thời điểm kiện: Lá đơn kiện đã được hai cựu quan chức cao cấp Philippines gửi cho ICC vào ngày 15/03, tức là trước khi Manila chính thức rút khỏi Hiệp ước thành lập tòa án ICC 02 ngày (17/03/2019). Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định rút Philippines khỏi Hiệp ước thành lập ICC sau khi Tòa án này (02/2018) tiến hành “xem xét sơ bộ” về tội ác chống nhân loại mà Tổng thống Duterte bị cáo buộc, do đã có quá nhiều người bị sát hại ở Philippines trong chiến dịch bài trừ ma túy mà ông phát động. Ngoài ra, ngay cả trong trường hợp không là thành viên của ICC, một quốc gia cũng có thể phải chịu ảnh hưởng của việc thực hiện thẩm quyền của tòa án. Trường hợp phổ biến là nếu công dân của nước đó phạm tội trên lãnh thổ của quốc gia là thành viên của ICC thì hành vi này thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án. Một trường hợp nữa là hành vi phạm tội diễn ra trên lãnh thổ một nước không phải thành viên của ICC, nhưng lại do công dân của một nước thành viên tiến hành, thì ICC vẫn có thẩm quyền xét xử công dân đó. Như vậy, vụ kiện thỏa mãn điều kiện quan trọng của ICC, nghĩa là vụ kiện liên quan đến nước là thành viên của ICC.
Thứ hai, về địa điểm diễn ra tranh chấp, khởi kiện. Trong đơn kiện, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Philippines Conchita Carpio Morales đã khéo léo kiện ông Tập Cận Bình và một số quan chức cấp cao về các tội ác mang tính hủy diệt môi trường, đe dọa đời sống người dân do thực hiện các hành động phi pháp, phá hoại môi trường trong vùng biển của Philippines. Theo đó, nội dung đơn kiện đã đáp ứng được yêu cầu “xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia thành viên đã chấp nhận quyền tài phán của ICC”.
Thứ ba, đơn kiện chỉ kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một số quan chức cấp cao khác. Không những vậy, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Philippines Conchita Carpio Morales đã tái khẳng định mình chỉ là đại diện cho người dân Philippines kiện ông Tập Cận Bình, cũng như một số quan chức khác. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 40.000 người dân Philippines tuyên bố ủng hộ vô điều kiện đối với vụ kiện trên. Điều này nghĩa là đơn kiện trên không kiện một chủ thể là quốc gia hay tổ chức, mà chỉ là kiện các cá nhân đơn lẻ trong Chính quyền Trung Quốc. Nó hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền của ICC.
Thứ tư, nội dung kiện xoay quanh các hoạt động của Trung Quốc (dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình) đã phá hủy môi trường sinh thái ở Biển Đông, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân ven biển trong quá khứ, hiện tại và tương lại. Như vậy, nội dung vụ kiện sẽ phù hợp với thẩm quyền xét xử của Tòa về những tội phạm liên quan đến hành vi hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, chiếm đoạt đất đai phi pháp và tội ác chống lại loài người.
Thứ năm, bản thân nội bộ Philippines đang bất đồng, mâu thuẫn sâu sắc liên quan chủ trương, chính sách trong vấn đề Biển Đông và quan hệ giữa Philippines – Trung Quốc. Do đó, Tòa án Philippines sẽ không đủ điều kiện, cũng như không có khả năng xét xử các vụ án liên quan ông Tập Cận Bình. Vì vậy, nó phù hợp với quy định của ICC về việc sẽ đưa vụ việc ra xét xử khi và chỉ khi một quốc gia không tự nguyện hoặc không thể tiến hành xét xử một cách thực chất.
Khó khăn và thách thức
Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển tại Đại học Philippines Jay Batongbacal đánh giá lúc này hành động đó chưa được gọi là vụ kiện, mới chỉ là yêu cầu công tố viên tiến hành điều tra. Theo Batongbacal, cựu ngoại trưởng Del Rosario và bà Morales sẽ gặp phải thách thức lớn khi theo đuổi vụ kiện. Trước tiên, họ cần thuyết phục được công tố viên xem xét sơ bộ vấn đề, mục tiêu duy nhất trong giai đoạn này là để công tố viên nhận định rằng có thể có tội danh theo quy định của ICC hay không. Từ đó, công tố viên mới tính đến việc đề nghị bộ phận Tiền xét xử (Pre-Trial Chamber – PTC) của ICC cho phép tiến hành việc điều tra đầy đủ. Ở bước tiếp theo của quy trình tại ICC, nếu nhận thấy có căn cứ hợp lý để kết luận có tội danh trong quyền tài phán của ICC, PTC sẽ mở vụ án hình sự, ra lệnh triệu tập hoặc lệnh bắt giữ người bị kiện. Khi nghi phạm bị giam, phiên tòa có thể bắt đầu. Phiên tòa sẽ kết thúc khi nghi phạm bị kết tội hoặc được tha bổng.
Đáng chú ý, Jay Batongbacal cho rằng vụ kiện sẽ mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn và hành động của cựu ngoại trưởng Del Rosario và bà Morales nhắc dư luận không quên những gì Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông suốt từ năm 2012 đến nay. Trong giai đoạn gần 7 năm này, Trung Quốc đã cải tạo nhiều thực thể ở Trường Sa, biến thành các đảo nhân tạo. Bắc Kinh xây dựng các đường băng, căn cứ quân sự, triển khai nhiều vũ khí hiện đại đến khu vực. Trong bối cảnh đó, vụ kiện “ghi dấu phản ứng mạnh mẽ của người dân Philipines”, kể cả khi chính quyền đương nhiệm không muốn làm vậy. Hành động đưa Trung Quốc ra tòa là nhằm lên án tất cả mọi điều Bắc Kinh thực hiện ở Biển Đông, gồm cả việc quân sự hóa các đảo nhân tạo. Khi tuyên bố gửi yêu cầu lên ICC, ông Del Rosario và bà Morales đã khiến vấn đề được thảo luận sôi nổi trước dư luận.
Tiến sĩ luật Markus Gehring, Đại học Cambridge, Anh, cũng cho rằng vụ kiện mới ở giai đoạn đầu, song hồ sơ này sẽ thu hút sự chú ý của công tố viên ICC. Nhưng trước tiên họ cần quyết định có tiến hành điều tra hay không và vấn đề chính cần quan tâm là vì sao chính quyền Manila hiện nay không thể/không sẵn lòng theo đuổi một vụ kiện quốc tế.
Phản ứng của Trung Quốc
Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila Tan Qingsheng cho rằng hành động của ông del Rosario và bà Morales “không đại diện cho quan điểm của chính phủ và người dân Philippines” và sẽ “không ngăn chặn sự phát triển quan hệ song phương”; nhấn mạnh Trung Quốc không có kế hoạch phản hồi đơn kiện của hai cựu quan chức Philippines.
Phản ứng này của Trung Quốc là không mới. Vào năm 2016, Trung Quốc cũng đã phớt lờ PCA khi tòa này thụ lý, xét xử và ra phán quyết liên quan việc Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
TQ đang tìm cách
hướng lái dư luận về tiến trình đàm phán COC
Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đầu tháng 3 vừa qua loan báo rằng ngày càng nhiều nước ASEAN đồng ý với đề xuất của Trung Quốc nhằm đẩy nhanh các cuộc đàm phán COC, đồng thời tiếp tục đe nạt các quốc gia khác không can thiệp vào quá trình này cho thấy nước này đang tìm cách hướng lái dư luận về đàm phán COC theo cách có lợi cho mình.
Phát biểu họp báo bên lề Kỳ họp Lưỡng Hội của Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 8/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị loan tin rằng ngày càng nhiều nước ASEAN đồng ý với đề xuất của Trung Quốc nhằm đẩy nhanh các cuộc đàm phán cho một hiệp ước trên Biển Đông, đồng thời ông này tiếp tục cảnh
báo các quốc gia khác không can thiệp vào quá trình này. “Chúng tôi hoan nghênh những lời khuyên có thiện chí, nhưng không chấp nhận sự bôi nhọ hay can thiệp chính trị. Các quốc gia trong khu vực nên nắm trong tay chính chìa khóa của chúng ta cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, Ngoại trưởng Vương Nghị nói. Ông Vương Nghị nói rằng các nước trong khu vực nên tự phát triển và tôn vinh một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trung Quốc đang bị dư luận lên án gay gắt về hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, nước này đã xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo và rạn san hô mà theo họ là cần thiết để tự vệ. Trong khi đó, Mỹ và các nước thường xuyên triển khai tàu chiến, máy bay vào tuyến đường thủy đang tranh chấp để thực thi “quyền tự do hàng hải, hàng không”.
Các nước ASEAN mong muốn các cuộc đàm phán về COC sẽ đưa ra các chuẩn mực hành vi trong vùng biển bị tranh chấp. Tiến trình đàm phán bắt đầu vào tháng 3/2018 sau khi Dự thảo khung về COC được các bên thông qua năm 2017. Vòng đàm phán mới nhất bắt đầu vào cuối tháng 2/2019. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore (11/2018), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất sẽ kết thúc các cuộc đàm phán về COC vào năm 2021. Ngoại trưởng Vương Nghi rêu rao rằng điều này cho thấy “sự nghiêm túc và cam kết” của Trung Quốc trong việc đạt được thỏa thuận. “Trung Quốc và các thành viên ASEAN sẽ tập trung bảo vệ các cuộc đàm phán khỏi sự can thiệp và cố gắng đẩy nhanh nó trên cơ sở đồng thuận”, ông Nghị nói.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải khẳng định lại rằng quá trình đàm phán COC đã kéo quá dài và gặp nhiều khó khăn, không phải do sự can thiệp của bên thứ 3 mà do chính Trung Quốc. Hiện nước này tích cực tuyên bố về việc “đang đẩy nhanh đàm phán COC với ASEAN” nhằm phục vụ ý đồ của nước này chứ không phải vì lợi ích chung của các nước hay vì hòa bình khu vực như những gì nước này tuyên bố. Rõ rằng từ sau khi “thất bại” trước Phán quyết của Tòa Tòa Trọng tài (7/2016), Trung Quốc muốn cứu vãn uy tín và đánh lạc hướng sự chỉ trích việc nước này bác bỏ phán quyết của Tòa. Trung Quốc tìm cách lống ghép các nội dung có lợi cho mình và không ngừng gây sức ép để buộc các nước khác trong ASEAN phải thuận theo ý muốn của Trung Quốc và theo dẫn dắt của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng COC vẫn là một văn kiện chính trị, trong khi đó, một số thành viên ASEAN, đặc biệt là các nước có liên quan trực tiếp đến vấn đề tranh chấp Biển Đông đã đề nghị COC phải là một thỏa thuận ràng buộc pháp lý và phải được đề cập một cách toàn diện và hiệu quả hơn DOC, vốn chỉ là một tuyên bố chính trị. Điều quan trọng nhất là hiện nay Trung Quốc đã không ngừng tiến hành các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia xung quanh Biển Đông, đặc biệt là đối với Việt Nam và Philippines. Theo các báo cáo gần nhất, Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động quân sự hóa, xây dựng đảo khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Vì vậy, việc Trung Quốc nhiều lần tuyên bố thể hiện thiện chí tron đàm phán COC chỉ là hình thức, nhằm che đậy hướng lái dư luận cho âm mưu và hành động thực sự của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông.
‘Hồng bảo thư’ thời đại số:
TQ dùng công nghệ tuyên truyền tư tưởng Tập Cận Bình
Nếu như đảng Cộng sản Trung Quốc từng khiến người dân ngán ngẩm khi bắt họ học những lí thuyết và tư tưởng từ những trang sách khô khan, thì giờ đây đảng đang tích cực tận dụng công nghệ số để đưa những tuyên truyền của mình tới mọi cá nhân trong xã hội bằng điện thoại di động. Và đối với nhiều người, dù muốn dù không, những tuyên truyền đó bám theo họ mọi lúc mọi nơi.
Một ứng dụng điện thoại thông minh nhằm cổ xúy tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình và đảng Cộng sản cầm quyền đã trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất trên cửa hàng kĩ thuật số trực tuyến của Apple ở Trung Quốc.
Được đặt tên là “Học Tập Cường Quốc” – chữ Hán nghĩa là học tập để làm đất nước hùng mạnh mà cũng có thể hiểu là học Tập Cận Bình để làm đất ước hùng mạnh – đã có hơn 100 triệu người sử dụng đã đăng kí kể từ đầu năm nay, theo truyền thông nhà nước, một con số mà có thể khiến bất cứ công ty chế tạo ứng dụng nào ganh tị.
Nhưng những con số đó chủ yếu được thúc đẩy bởi đảng Cộng sản với 90 triệu thành viên và nhiều công nhân viên của các công ty quốc doanh. Báo The New York times đưa tin đảng đã ra lệnh cho hàng ngàn quan chức khắp Trung Quốc đảm bảo rằng ứng dụng này thâm nhập mọi sinh hoạt hàng ngày của nhiều người dân nhất có thể, dù họ có thích hay không.
Người sử dụng ứng dụng được yêu cầu đọc tin tức hoặc video về Tập Cận Bình, người cũng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, học những tư tưởng của ông Tập về “chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Trung Quốc trong thời đại mới” và làm những bài kiểm tra kiến thức mang tính bắt buộc và được chấm điểm.
Nỗ lực tuyên truyền này được xem là một sự cập nhật công nghệ số từ một phiên bản thời Cách mạng Văn hóa những năm 1960 và 1970 vốn gắn liền với “hồng bảo thư” (cuốn sách quý màu đỏ), tên chính thức là “Mao Chủ Tịch Ngữ Lục.” Ấn phẩm này chứa đựng những phát biểu được coi là cốt lõi của tư tưởng Mao và được người Trung Quốc mang theo bên mình.
Nó cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy chủ nghĩa sùng bái cá nhân đang lớn dần xung quanh Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao.
“Ông ấy đang dùng truyền thông mới để củng cố sự trung thành đối với ông ấy,” Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh nói với The New York Times.
Với ứng dụng này, nhà chức trách có thể biết được điều mà trước đây họ khó có thể biết được chính xác: thành tích và thái độ học tập tư tưởng của mỗi một cá nhân.
Tờ Times cho biết các trường học đang công khai danh tính của những học sinh đạt điểm thấp. Các quan chức chính phủ tổ chức các buổi học nhóm và buộc nhân viên học kém phải viết kiểm điểm. Các công ty tư nhân, hi vọng được các quan chức đảng chiếu cố, đang đánh giá nhân viên của mình dựa trên việc họ sử dụng ứng dụng này và khen thưởng những người đạt điểm cao với danh hiệu “ngôi sao học tập.”
Nhiều chủ lao động giờ bắt nhân viên của họ phải nộp hình chụp màn hình điện thoại hàng ngày để ghi nhận họ đã đạt được bao nhiêu điểm, theo tờ Times. Ví dụ, xem một video về chuyến công du gần đây của ông Tập tới Pháp thì được một điểm. Trả lời đúng hết các câu hỏi trong bài kiểm tra về các chính sách kinh tế của ông được 10 điểm.
Reuters tháng trước dẫn lời một nhân viên tại một đại học ở miền nam Trung Quốc cho biết họ bị bắt phải hoàn tất 160 giờ học tập tư tưởng trên mạng hàng năm.
“Việc đó không quá nhàm chán, nhưng đảng từng là một phần công việc của tôi,” nhà nghiên cứu họ Lưu 35 tuổi tại một trường đại học ở Bắc Kinh nói với Reuters. Bà này từ chối cung cấp tên đầy đủ vì tính chất nhạy cảm của chủ đề.
“Giờ đảng là một phần trong đời tôi mọi giờ trong ngày.”
Trước đó trong tháng 2, Reuters cho biết công ty công nghệ Alibaba của Chủ tịch Jack Ma, người mà gần đây được tiết lộ là đảng viên Đảng Cộng sản, đứng đằng sau việc phát triển ứng dụng này. Alibaba từ chối bình luận.
Không rõ ngay tức thì liệu Alibaba có kiếm tiền từ ứng dụng này hay không, hay ai là người khởi xướng việc phát triển ứng dụng, Reuters nói.
Tiết lộ này là ví dụ mới nhất cho thấy một công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc bắt tay với chính phủ trong bối cảnh những liên hệ đó đang bị săm soi khắp toàn cầu.
Việc phổ biến rộng rãi ứng dụng “Học Tập Cường Quốc này” diễn ra vào lúc ông Tập, người lên nắm quyền vào năm 2012, đang dẫn đầu một cuộc đàn áp rộng lớn hơn nhắm vào tự do ngôn luận ở Trung Quốc, bỏ tù hàng chục nhà hoạt động, luật sư và trí thức và áp đặt các hạn chế mới lên truyền thông tin tức. Ông Tập thường xuyên nói về điều mà ông gọi là sự cần thiết phải đề phòng các mối đe dọa trên mạng. Ông đã cảnh báo rằng đảng có thể mất quyền kiểm soát nếu không làm chủ truyền thông kĩ thuật số.
“Không có an ninh quốc gia nếu không có an ninh internet,” ông Tập nói trong một bài phát biểu trong năm nay. “Nếu chúng ta không thể thành công trên internet, chúng ta sẽ không thể duy trì quyền lực lâu dài.”
David Bandurski, đồng giám đốc Dự án Truyền thông Trung Quốc, nói rằng ứng dụng này là một cách để ông Tập đảm bảo rằng các gia đình Trung Quốc chú tâm vào sự sống của đảng vào lúc mà nhiều người bác bỏ tuyên truyền là giáo điều và vô bổ.
“Trung thành với đảng nghĩa là trung thành với Tập Cận Bình,” ông Bandurski nói tờ Times.
Trong khi đó tuyên truyền cũng được đẩy mạnh với những công dân nhỏ tuổi, với việc Bộ Giáo dục và Đội Thiếu niên Tiền phong của Trung Quốc tung ra một ứng dụng và website mới được thiết kế để giúp học sinh tiểu học và trung học “học về tư tưởng chủ nghĩa xã hội mới và những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc như một phần trong chiến dịch củng cố niềm tin của các em vào đảng và gợi cảm hứng để các em trở thành những người kế nghiệp chủ nghĩa xã hội đáng tin cậy,” theo Hoàn Cầu Thời Báo.
Những bài học trên nền tảng này – được vận hành bởi Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản – bao gồm “Tôi là người Trung Quốc,” giới thiệu cho các em biết “56 dân tộc chung sống hòa hợp như một nhà” của Trung Quốc, và “Xây dựng xã hội giàu có.”
Một bài học khác giải thích cách mà “Ông nội Tập đã dẫn dắt chúng ta tiến vào thời đại mới,” với đầy những hình ảnh ông bên cạnh những em nhỏ tươi cười.
Đức Đạt Lai Lạt Ma phải nhập viện
Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng 83 tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma, phải nhập viện ở New Delhi hôm 9/4 vì nhiễm trùng ở ngực.
Một trợ lý của ông cho biết như vậy, theo Reuters, và nói thêm rằng ông hiện trong tình trạng ổn định.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Ấn Độ đầu năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành chống Trung Quốc và hiện sống lưu vong tại thị trấn Dharamshala ở miền bắc Ấn Độ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma: Người kế nhiệm do Trung Quốc đề cử sẽ không được tôn trọng
Ông Tenzin Taklha, thư ký riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cho biết rằng ông “cảm thấy khó chịu” và đã được đưa tới New Delhi để kiểm tra sức khỏe.
“Các bác sĩ chuẩn đoán rằng ông bị nhiễm trùng ở ngực và đang được chữa trị chuyện đó. Hiện ông ổn định. Ông sẽ được chữa trị hai tới ba ngày tại đây”, ông Taklha nói thêm.
Theo Reuters, nhiều người trong số khoảng 100 nghìn người Tây Tạng sống ở Ấn Độ lo ngại rằng cuộc chiến vì một quê hương tự trị thực sự sẽ chấm dứt một khi Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời.