Tin khắp nơi – 10/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 10/03/2017

Nhiều tiểu bang phản đối sắc lệnh mới của TT Trump

Thêm một số tiểu bang ngày 9/3 loan báo sẽ xúc tiến các vụ kiện chống lại sắc lệnh điều chỉnh Tổng thống ký trong tuần này tạm ngưng nhận người tị nạn và những du khách đến từ 6 nước có đa số dân theo Hồi giáo.

Sắc lệnh mới có hiệu lực từ ngày 16/3 có một số chỉnh sửa để thay thế cho lệnh cấm ông Trump ban hành hôm 27/1 vốn gây ra tình trạng hỗn loạn tại phi trường và các cuộc biểu tình ở nhiều nơi trên đất Mỹ.

Hơn hai chục đơn kiện chống lại sắc lệnh ngày 27/1 và thẩm phán James Robart ở Seattle tháng trước đã ra lệnh đình chỉ khẩn cấp lệnh này. Phán quyết đó được giữ nguyên bởi tòa phúc thẩm ở San Francisco.

Tổng chưởng lý Robert Ferguson của bang Washington ngày 9/3 cho biết ông định yêu cầu thẩm phán Robart xác nhận rằng phán quyết vừa kể cũng sẽ được áp dụng đối với sắc lệnh sửa đổi của ông Trump hầu ngăn việc thực thi.

Phát ngôn nhân Bộ Tư pháp Mỹ từ chối đưa ra bình luận về việc này.

Chính quyền nói Tổng thống có quyền thực thi chính sách di dân và rằng các quy định về du hành này rất cần thiết để bảo vệ Mỹ trước nguy cơ tấn công khủng bố.

Tổng chưởng lý các bang New York và Oregon cũng cho hay sẽ tham gia cùng với bang Washington trong vụ kiện chống lại sắc lệnh mới.

Trước đó, bang Haiwaii đã tuyên bố sẽ điều chỉnh đơn kiện để bao gồm không chỉ sắc lệnh đầu mà cả sắc lệnh sửa đổi của ông Trump.

Các bang này và giới bảo vệ di dân cho rằng lệnh cấm mới của Tổng thống cũng như lệnh cấm ban đầu, kỳ thị người Hồi giáo.

Sắc lệnh hành pháp thứ nhì loại Iraq ra khỏi lệnh cấm đầu tiên. Lệnh lần này có hiệu lực từ ngày 16/3 cấm trong thời gian 90 ngày các công dân từ 6 nước Iran, Libya, Somalia, Syria, Sudan và Yemen không được vào Mỹ.

Như sắc lệnh trước, lần này Tổng thống Trump cũng đóng cửa chương trình người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày để chính phủ liên bang có thời gian triển khai các thủ tục ‘rà soát cao độ’ ngăn các phần tử khủng bố nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, khác với lệnh cấm ban đầu, sắc lệnh lần này không còn chỉ định cấm cửa vô thời hạn người Syria vào Mỹ.

Công dân 6 nước trong danh sách mà đã có thẻ xanh (đã là thường trú nhân tại Mỹ) thì không bị ảnh hưởng. Những người có visa hợp lệ tính tới ngày 6/3 cũng không bị rơi vào các trường hợp bị cấm vào Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/them-nhieu-bang-phan-doi-sac-lenh-moi-cua-tong-thong-trump/3758306.html

 

Thù ghét gia tăng từ khi Trump nhậm chức

Một cuộc thăm dò mới phát hiện rằng 63% cử tri Mỹ tin rằng mức độ thù ghét và kỳ thị chống lại các nhóm thiểu số ở Hoa Kỳ gia tăng từ khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái.

Theo cuộc thăm dò công bố bởi Đại học Quinnipiac tại Connecticut hôm 9/3, 32% số người được hỏi cảm thấy không có thay đổi gì, 2% tin rằng mức độ kỳ thị đã giảm, 3% còn lại không có ý kiến.

Hơn 3/4 những người được khảo sát, tức 77%, cảm thấy thành kiến đối với các nhóm thiểu số ‘rất’ hoặc ‘tương đối’ nghiêm trọng. 48% cho rằng mức độ kỳ thị ‘cực kỳ nghiêm trọng’, so với 41% có đánh giá tương tự trong cuộc thăm dò tháng sáu năm ngoái.

Chỉ trong tháng rồi, mức độ bài Do Thái được cảm nhận tăng đáng kể, 70% cảm thấy thành kiến chống người Do Thái là ‘rất’ hoặc ‘tương đối’ nghiêm trọng, tỷ lệ này tăng mạnh từ 49% của cuộc khảo sát ngày 8/2.

Những người thực hiện khảo sát nói người Mỹ lo ngại rằng thành kiến và tinh thần bài Do Thái đang quanh quẩn trong tâm trí của họ.

Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu hôm 28/2 tuyên bố rằng ‘Chúng ta có thể là một quốc gia chia rẽ về chính sách, nhưng là một đất nước đoàn kết lên án sự thù ghét và tội ác trong mọi hình thức ghê tởm của chúng.’

http://www.voatiengviet.com/a/my-thu-ghet-tang-ke-tu-khi-ong-trump-nham-chuc/3758298.html

 

Gia tăng nguy cơ Trung Quốc tấn công tin tặc

Các giới chức liên bang Mỹ đang lưu trữ các tài liệu nhạy cảm trong những cao ốc do nước ngoài làm chủ sở hữu, đề ra nguy cơ dễ bị tấn công tin tặc và bị thăm dò tình báo, theo khuyến cáo của các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.

Khuyến cáo được đưa ra sau thông tin rằng Cơ quan quản lý các dịch vụ thông dụng GSA để cho các đặc vụ FBI và các giới chức chính phủ được bảo vệ an ninh cao cấp làm việc trong các cao ốc do nước ngoài làm chủ tại Trung Quốc và các nước khác. Theo báo cáo của chính phủ, GSA không báo cho bên thuê mướn các trụ sở biết cho nên các giới chức không có thêm các biện pháp đề cao cảnh giác an ninh bổ sung.

Thư cảnh báo đề ngày 9/3 của Thượng nghị sĩ Steve Daines và Tammy Duckworth gửi lãnh đạo GSA viết rằng ‘Do các thông tin hết sức nhạy cảm thường lưu trữ tại các trụ sở thuê mướn được tăng cường an ninh, chúng tôi quan ngại về tình trạng thiếu chính sách và phương thức liên quan đến sở hữu chủ tại các địa điểm đó.’

Các cao ốc do nước ngoài làm chủ có những chỉ định về an ninh quốc gia và quyền riêng tư vì đây là nơi làm việc của các cơ quan từ văn phòng của FBI và Cơ quan Thực thi Chống Ma túy cho tới văn phòng của Cơ quan An sinh Xã hội tại Seattle, Washington. Thậm chí Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ cũng thuê mướn văn phòng làm việc từ các công ty có trụ sở tại Đức và Trung Quốc, theo Cơ quan thẩm định trách nhiệm của chính phủ (GAO), nhánh nghiên cứu của Quốc hội Mỹ.

GAO khuyến cáo, đặc biệt ám chỉ Trung Quốc, rằng các văn phòng thuộc sở hữu nước ngoài mà chính phủ thuê mướn đề ra nguy cơ an ninh, nhất là về mặt an ninh mạng. Phúc trình cũng lưu ý ‘các công ty ở Trung Quốc có phần chắc có liên hệ với chính phủ Trung Quốc.’

GAO cũng nói thêm rằng ‘Trung Quốc là nghi phạm hàng đầu trong vụ đột nhập mạng vào hệ thống của Văn phòng Quản lý Nhân sự OPM, làm ảnh hưởng tới các hồ sơ điều tra lý lịch của 21,5 triệu cá nhân mà OPM báo cáo vào tháng 7 năm 2015.’

Các Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi phải có báo cáo cập nhật cho biết GSA sẽ thay đổi thủ tục thuê mướn cơ sở và phải báo cho người thuê biết cơ sở họ thuê là sở hữu của nước ngoài.

http://www.voatiengviet.com/a/my-canh-bao-them-nguy-co-trung-quoc-tan-cong-tin-tac-va-tham-do-tinh-bao/3758295.html

 

Tòa Bạch Ốc soạn kế hoạch $1 ngàn tỷ xây hạ tầng

Tòa Bạch Ốc tuần này bị Tổng thống Donald Trump áp lực phải đề ra kế hoạch trị giá 1 ngàn tỉ đô la chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Đây là một trong những lời hứa của ông Trump đưa ra khi vận động tranh cử, theo báo The Wall Street Journal.

Nguồn tin này cho biết kế hoạch này sẽ thúc đẩy các tiểu bang hệ thống hóa việc cấp phép ở địa phương, ưu tiên chú trọng tu sửa đường sá và các dự án có thể khởi công sớm.

Ông Trump từng hứa sẽ thúc đẩy một chương trình hạ tầng cơ sở nhằm tái thiết cầu đường, sân bay và các công trình công cộng khác, nhưng chưa đưa ra một kế hoạch rõ rệt.

Báo The Wall Street Journal cho biết trong một buổi họp riêng với các phụ tá và các giám đốc điều hành, ông Trump đề ra thời hạn chót là 90 ngày cho các tiểu bang khởi sự các dự án.

Phát biểu trước một nhóm Thống đốc tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng rồi, ông Trump hứa sẽ chi tiêu “lớn” cho hạ tầng cơ sở.

Tuy nhiên, kế hoạch của ông có thể gặp một số trở ngại ngay từ các đảng viên cùng đảng Cộng hòa với ông

Các đảng viên Dân chủ từng bị cản trở nỗ lực đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng dưới thời Tổng thống Obama hoan nghênh sự lưu tâm của tân Tổng thống Trump về vấn đề này. Tuy nhiên, họ yêu cầu liên bang chi tiêu trực tiếp vào các dự án hơn là sử dụng những đặc miễn về thuế khóa để thu hút đầu tư tư nhân, như các cố vấn của ông Trump đề nghị.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-ap-luc-toa-bach-oc-soan-ke-hoach-ha-tang-co-so/3758282.html

 

TT Trump ‘xoay sở’ ngân sách xây tường Mexico

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang cân nhắc cắt giảm ngân quỹ của lực lượng tuần duyên, cơ quan khẩn cấp về thiên tai và an ninh phi trường để có tiền bắt đầu xây dựng bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico, cũng như trấn áp việc nhập cư bất hợp pháp.

Trong suốt thời gian chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, ông Trump cam kết xây dựng một bức tường dài 3.200 km để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ Mexico và Trung Mỹ. Nhưng hiện ông đang phải đối mặt với việc kiếm đủ tiền để tài trợ cho dự án khổng lồ này. Ông Trump ước tính chi phí xây dựng bức tường là khoảng 12 tỷ USD, trong khi Cơ quan An ninh Nội địa nói chi phí xây dựng có thể lên tới 21,6 tỷ USD.

Số liệu do các giới chức Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ cho thấy số vụ vượt biên giới bất hợp pháp ở khu vực miền Nam Hoa Kỳ giảm 40% tính từ tháng 1 đến tháng 2. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly cho biết có một sự sụt giảm mạnh về số người vượt biên trái phép sang Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào ngày 20/1.

Mặc dù ông Trump chưa trình đề xuất ngân sách chính phủ cho Quốc hội, nhưng bản dự thảo về các ưu tiên chi tiêu của ông có liên quan tới bức tường này đang lưu hành trong giới quan chức Washington để lấy ý kiến. Dự kiến cũng sẽ có những ý kiến phản đối từ các cơ quan bị nhắm mục tiêu cắt giảm ngân sách.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-xoay-so-ngan-sach-xay-buc-tuong-mexico/3757346.html

 

Mỹ đề cử cựu đại sứ ở Trung Quốc làm đại sứ tại Nga

Các kênh tin tức cho hay ông Jon Huntsman, người từng là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, sẽ được Tổng thống Donald Trump đề cử làm đại sứ Mỹ ở Nga.

Các nguồn tin thân cận với Tòa Bạch Ốc nói ông Huntsman đã chấp nhận đề nghị của Tổng thống Trump để phục vụ trong chức vụ này. Ông Huntsman, một đảng viên Cộng hòa, từng là thống đốc của bang Utah từ năm 2005 đến năm 2009, trước khi từ chức để đảm nhiệm chức vụ tại Bắc Kinh. Ông đã từng ra tranh cử tổng thống vào năm 2012. Ông cũng là đại sứ Mỹ tại Singapore dưới thời Tổng thống George H.W. Bush.

Đề cử ông Huntsman xảy ra vào thời điểm đang có sự gia tăng căng thẳng và nhiều phản đối giữa Washington và Moscow. Các cơ quan tình báo Mỹ buộc tội Nga tấn công trụ sở của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ và công bố những email nguy hại để giúp ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái.

Cuộc tranh cãi đã tạo một bóng mây u ám bao phủ lên chính quyền Trump, đặc biệt là những cáo buộc cho rằng những nhân vật thân cận quan trọng của tổng thống có thể đã gặp các giới chức Nga trong thời gian vận động tranh cử.

http://www.voatiengviet.com/a/my-de-cu-cuu-dai-su-o-trung-quoc-lam-dai-su-tai-nga/3757256.html

 

Trung Quốc trả đũa thương mại với Hàn Quốc vì THAAD

Bill Ide

Joyce Huang

BẮC KINH —

Ngày càng rất nhiều công ty Hàn Quốc đang cảm thấy bị ảnh hưởng từ phản ứng dữ dội của Trung Quốc đối với quyết định của Seoul bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Các nhân viên Trung Quốc làm việc cho các công ty Hàn Quốc và những người làm việc cho các ngành liên quan cũng đang bị cuốn vào cuộc đối đầu ngoại giao.

Tập đoàn Lotte, một tập đoàn của Hàn Quốc cung cấp cho chính phủ ở Seoul một lô đất để lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến THAAD (tên kỹ thuật là hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn Cuối), đã bị Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa hơn 50 cửa hàng tại Trung Quốc.

Một phát ngôn viên tập đoàn Lotte nói với VOA rằng 55 cửa hàng của Lotte đã bị đóng cửa và khoảng 7.000 nhân viên người Trung Quốc của công ty bị ảnh hưởng. Tập đoàn Lotte cho biết họ thuê khoảng 20.000 nhân viên ở Trung Quốc. Tập đoàn có khoảng 115 cửa hàng và cơ sở ở Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của Hàn Quốc và tập đoàn Lotte không phải là công ty duy nhất bị ảnh hưởng.

Phản ứng dữ dội của Trung Quốc đang tác động đến ngành mỹ phẩm, du lịch và các lĩnh vực khác khi Bắc Kinh gia tăng các biện pháp liên quan đến hành chính và đằng sau đó là tăng áp lực lên Seoul.

Hồi đầu tuần này, một liên doanh Hàn Quốc – Mỹ giữa Tập đoàn Lotte và hãng kẹo khổng lồ Hershey của Mỹ xác nhận rằng họ đã bị đình chỉ sản xuất do vi phạm về qui tắc an toàn.

Hãng lữ hành Royal Caribbean của Mỹ cho biết trên một trang web tiếng Hoa rằng họ đã thay đổi các chuyến hải hành được tổ chức ở Trung Quốc, và cắt các tuyến du lịch phổ biến đến các khu nghỉ mát Hàn Quốc vì có những điều được gọi là “các diễn biến liên quan đến tình hình ở Hàn Quốc”.

Một số hãng hàng không tại Trung Quốc đã đột ngột dừng tuyến bay đến Hàn Quốc. Theo một tuyên bố trên trang web của hãng hàng không Eastar Jet của Hàn Quốc, bắt đầu từ thứ Tư tới, các chuyến bay giữa một số thành phố Trung Quốc như Cáp Nhĩ Tân, Thẩm Dương và Ninh Ba – và thành phố Cheongju của Hàn Quốc và đảo Jeju, một điểm nóng du lịch, sẽ bị huỷ bỏ.

Thông báo cho biết các chuyến bay sẽ ngưng cho đến ngày 28 tháng 10 năm nay. Thông báo nói lý do của những thay đổi này là vì “mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.”

Người đứng đầu hãng hàng không Xiamen Airlines, Che Shanglun, nói với các phóng viên bên lề các cuộc họp chính trị cao cấp ở Bắc Kinh rằng một số hành khách đã hủy hoặc hoãn chuyến bay đến Hàn Quốc.

Ông Che nói: “Chúng tôi không giảm chuyến bay, nhưng số lượng hành khách đã giảm khoảng 10-20% mỗi ngày.”

Cho đến nay, các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc đang đẩy mạnh “chiến dịch” trừng phạt chống Hàn Quốc. Chính phủ Trung Quốc cảnh báo rằng công chúng có thể phản ứng, nhưng cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ hoan nghênh và bảo vệ các công ty nước ngoài nào biết tuân thủ luật lệ.

Quan điểm không rõ ràng của chính phủ Trung Quốc dường như là một sự che chở cho những nỗ lực tích cực phía sau hậu trường nhằm làm cho Hàn Quốc cảm thấy mệt mỏi và làm cho công chúng Trung Quốc tin rằng sự phẫn nộ đang dâng trào.

http://www.voatiengviet.com/a/tq-tra-dua-thuong-mai-voi-han-quoc-vi-thaad/3760152.html

 

Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất

Brian Padden

SEOUL —

Tòa bảo hiến Nam Triều Tiên hôm thứ Sáu 10/3 ra phán quyết chính thức phế truất Tổng thống Park Geun Hye. Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn sẽ định ngày bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày.

Tòa bảo hiến Nam Triều Tiên biểu quyết nhất trí ủng hộ đề nghị luận tội Tổng thống Park Geun Hye.

Quyền Chánh thẩm Lee Jung-mi đọc phán quyết của Tòa bảo hiến tại Seoul hôm thứ Sáu:

“Với kết quả biểu quyết nhất trí của các thẩm phán, chúng tôi tuyên bố giữ quyết định luận tội. Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất.”

Chánh thẩm Lee Jung-mi nói “hành động vi phạm Hiến pháp và luật lệ của bà Park phản bội sự tin tưởng của công chúng.

Cáo buộc chính đối với bà Park là bà đã thông đồng với người bạn lâu năm Choi Soon-sil tống tiền các tập đoàn Hàn Quốc, buộc họ đóng góp 70 triệu đôla cho hai quỹ mờ ám để đổi lại những ưu đãi.

Cũng có những cáo buộc khác liên quan đến việc bà Park bị cho là không sát sao khi xử lý với thảm họa chìm phà Sewol trong đó có hơn 300 người thiệt mạng, và bà Choi đã sử dụng những mối quan hệ với tổng thống để đưa con gái vào học tại một trường đại học uy tín.

Bà Park luôn nhất mực phủ nhận các cáo buộc đó.

Tòa án cũng nói rõ rằng phán quyết của tòa tập trung xác định tính hợp pháp của việc Quốc hội phế truất tổng thống, chứ không phải để xác định có tội hay vô tội.

Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn nói: “Chúng tôi phải bảo đảm ổn định và trật tự xã hội nhằm tránh gây thêm mâu thuẫn trong nước và giải quyết những lo ngại trong và ngoài nước bằng việc quản lý đất nước ổn định.”

Phản ứng của các thủ lãnh chính trị

Bà Park, 64 tuổi, trở thành tổng thống dân cử đương chức đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất. Tuy nhiên bà là tổng thống thứ hai của nước này trải qua tiến trình luận tội. Năm 2004, cựu Tổng thống Roh Moo-hyun bị Quốc hội ngưng chức nhưng hai tháng sau ông được tòa án phục chức.

Ông In myung-jin, quyền lãnh đạo Ðảng Tự do theo chủ trương bảo thủ của bà Park nói rằng đảng của ông tôn trọng “giá trị lớn lao của hiến pháp và dân chủ” và “tôn trọng phán quyết” của tòa án. Ông nói:

“Từ thời điểm này, Đảng Tự do Triều Tiên không còn là đảng cầm quyền nữa.”

Ông Choo Mi-ae, thủ lãnh của Ðảng Dân chủ đối lập hoan nghênh phán quyết của tòa như là một chiến thắng lịch sử của sức mạnh dân chủ nhân dân, đánh bại một chính phủ vi phạm luật pháp và doanh nghiệp độc quyền.

Phản ứng của Mỹ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner ra một thông cáo rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Thủ tướng Hwang trong thời gian cầm quyền còn lại của ông trong tư cách là quyền tổng thống, và chúng tôi hy vọng về một quan hệ hữu ích tích cực với bất cứ lãnh đạo mới nào mà nhân dân Nam Triều Tiên sẽ bầu lên sắp tới.”

Ông Toner nhấn mạnh rằng quyết định luận tội tổng thống là “một vấn đề nội bộ của Nam Triều Tiên mà Hoa Kỳ không xen vào,” và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một “một nước bạn, một đối tác, một đồng minh kiên định” của Nam Triều Tiên.

Quân đội Nam Triều Tiên được đặt trong tình trạng cảnh giác cao sau phán quyết của tòa để đề phòng Bắc Triều Tiên có thể lợi dụng tình hình xáo trộn chính trị đang diễn ra tại Nam Hàn.

Bầu cử tổng thống mới

Theo Hiến pháp, Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn phải định ngày bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày.

Các thủ lãnh đối lập kêu gọi ngưng thực thi các chính sách của tổng thống bị luận tội cho đến khi có tổng thống mới.

Ðảng Dân chủ Triều Tiên cũng kêu gọi ngưng lại việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ.

Nhiều thủ lãnh chính trị cấp tiến muốn đi theo hướng tiếp cận ít đối đầu hơn để giải quyết những căng thẳng với Bắc Hàn về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Luận tội

Trong khi đương chức tổng thống, bà Park được miễn tố, nhưng sau khi bị phế truất, bà có thể bị truy tố hình sự. Hồi đầu tuần, một thẩm phán đặc trách được chỉ định để điều tra vụ bê bối bà Park bị cáo buộc đã sai phạm với nhiều tội danh, trong đó có tội thông đồng tham nhũng với tập đoàn Samsung.

Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong và 9 giới chức lãnh đạo khác của tập đoàn này bị truy tố liên quan đến việc đóng góp hơn 37 triệu đôla cho hai quỹ của bà Choi để được chính phủ tiếp tay cho một vụ sáp nhập doanh nghiệp quan trọng. Nếu bị kết tội, ông Lee có thể lãnh án tù đến 20 năm.

Biểu tình

Hai người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình với hàng ngàn người ủng hộ và chống đối bà Park tập trung bên ngoài tòa án. Hơn 21.000 cảnh sát được triển khai để ngăn bạo động giữa các nhóm biểu tình. Đường phố gần tòa án đã bị đóng lại.

Những người chống bà Park hoan nghênh phán quyết của tòa. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 79% người dân Nam Triều Tiên nói họ ủng hộ quyết định luận tội bà Park.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-han-quoc-park-geun-hye-chinh-thuc-bi-phe-truat/3759849.html

 

Bắc Kinh ‘trả miếng’ Mỹ về tố cáo nhân quyền

Trung Quốc ngày 9/3 ‘trả miếng’ Mỹ về các tố cáo Bắc Kinh vi phạm nhân quyền.

Báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền tại gần 200 nước trên thế giới công bố tuần trước cáo buộc Trung Quốc tra tấn, xử tử tù nhân không qua tiến trình tố tụng thỏa đáng, đàn áp quyền tự do chính trị và các sắc tộc thiểu số, cùng nhiều vấn đề khác.

Đáp lại, Nội các Trung Quốc ngày 9/3 tố cáo bạo lực súng ống tại Mỹ lan tràn trong khi các đợt không kích của Mỹ tại Syria, Iraq cướp mạng sống của hàng ngàn thường dân, và rằng “Hoa Kỳ đã nhiều lần chà đạp nhân quyền ở các nước khác và cố ý giết các nạn nhân vô tội.”

Nhân quyền lâu nay là đề tài gây căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung, đặc biệt kể từ sau năm 1989, khi Mỹ ban hành chế tài đối với Trung Quốc vì cuộc đàn áp đẫm máu người biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn.

Bắc Kinh bác các chỉ trích về vi phạm nhân quyền và khoe thành tích nhân quyền trong việc đưa hàng triệu dân thoát đói nghèo.

Tuy nhiên, đảng cộng sản Trung Quốc không chấp nhận đối kháng chính trị và chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đã trấn áp hàng loạt các nhà hoạt động và các luật sư nhân quyền.

http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-tra-mieng-my-ve-to-cao-nhan-quyen/3758310.html

 

Putin đang tìm cách ‘làm suy yếu phương Tây’

Các nhà phân tích của Mỹ và cựu tổng thống Estonia nói với một ủy ban quốc hội hôm thứ Năm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm mọi cách làm suy yếu nền dân chủ ở Hoa Kỳ và châu Âu và liên minh quân sự phương Tây nhằm gia tăng ảnh hưởng của Nga trên thế giới. Zlatica Hoke ghi nhận từ Washington.

Đảng Dân chủ tin rằng ông Putin đã tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ năm 2016. Cộng đồng tình báo Mỹ cũng đã đưa ra một đánh giá tương tự.

Dân biểu Dân chủ Eliot Engel, đại diện tiểu bang New York, phát biểu tại buổi điều trần.

“Những hành động này là một cuộc tấn công vào đất nước của chúng ta, và nếu chúng ta không phản ứng hiệu quả, ông Putin sẽ thậm trí trở thành một mối đe dọa lớn hơn đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta.”

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Donald Trump nói ông muốn cải thiện quan hệ của Mỹ với Nga. Nhưng những thành viên cùng đảng Cộng hòa với ông không nhiệt tình với quan điểm đó của ông Trump.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, đại diện tiểu bang Kentucky ở đảng Cộng hòa là thủ lãnh khối đa số ở Thượng viện Mỹ, nói.

“Nga không phải là bạn của chúng ta. Họ xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine.”

Tại phiên điều trần hôm thứ năm, một nhà phân tích nói với các thành viên của Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện rằng Moscow đang đẩy mạnh tuyên truyền để làm suy yếu nền dân chủ phương Tây và liên minh quân sự Mỹ-Âu.

Peter Doran, nhà nghiên cứu của Trung tâm phân tích chính sách châu Âu, nói tại buổi điều trần.

“Một trong những điều chúng ta đã chứng kiến là Nga đã thử nghiệm nhiều kỹ thuật tuyên truyền của họ từng được sử dụng ở phương Tây – trong các nền dân chủ phương Tây hiện nay. Họ cũng đã thử nghiệm các khái niệm và kỹ thuật này ở Trung Âu, ở những quốc gia tuyến đầu. Những gì mà chúng ta đang thấy không phải là mới. Một trong những điểm tôi muốn nhấn mạnh với ủy ban là sự khẩn cấp và tốc độ mà những kỹ thuật này đang phát triển.”

Các nhà phân tích đưa ra ví dụ rằng việc tuyên truyền tin tức giả mạo là nhằm gây ra xung đột chính trị để hướng sự chú ý ra khỏi Nga.

Cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng Nga hiện đang can thiệp vào các chiến dịch bầu cử ở Pháp, Đức và Hà Lan như họ đã làm ở Hoa Kỳ.

“Người Hà Lan đã phải đi đến quyết định quay lại bỏ phiếu bằng giấy tờ vì họ sợ những gì có thể xảy ra.”

Và họ có lý khi phải cẩn trọng, theo nhà khoa học chính trị Peter Eltsov của Đại học Quốc phòng Mỹ.

“Bởi vì Nga thực sự muốn tìm cách chia rẽ Liên minh châu Âu, tìm cách chia rẽ NATO, và để hỗ trợ các chính trị gia, những người sẽ có khả năng từ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.”

Ông Eltsov nói rằng Nga đang cung cấp tài chính cho một số chính trị gia ở châu Âu, đặc biệt là ứng cử viên cánh hữu của Pháp, Marine le Pen.

“Bà ấy rất hâm mộ ông Putin và bà ấy thậm chí muốn công nhận (sự sát nhập) Crimea.”

Ông Eltsov nói rằng Nga đang hỗ trợ các chính trị gia cánh tả cũng như cánh hữu bên trong Liên minh châu Âu nhằm tìm cách chia rẽ liên minh này.

Các chuyên gia đã thúc giục Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu thực hiện một nỗ lực được phối hợp tốt hơn để ngăn chặn điều đó.

http://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-tt-putin-dang-tim-cach-lam-phuong-tay-suy-yeu/3760170.html

 

Xem xét cho đàn ông có vợ được làm linh mục

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng Giáo Hội Công giáo nên bắt đầu xem xét liệu có nên cho phép những người đàn ông đã kết hôn làm linh mục để giải quyết tình trạng thiếu giáo sĩ, đặc biệt là ở những vùng xa xôi.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Die Zeit của Đức, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Chúng ta phải suy nghĩ liệu việc người đàn ông đã kết hôn có đức tin tôn giáo có khả thi hay không. Sau đó, chúng ta phải quyết định xem những nhiệm vụ nào họ có thể thực hiện – ví dụ như ở các cộng đồng xa xôi. “

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết việc để cho những người sắp trở thành linh mục quyết định liệu họ có muốn sống độc thân hay không, không phải là điều mà ngài ủng hộ, nhưng đề nghị rằng đó là một vấn đề cần thảo luận thêm.

Nhiều người Công giáo La Mã tin rằng mở ra một con đường mới để truyền chức linh mục cho những người đàn ông đã lập gia đình sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu giáo sĩ ở nhiều nơi trên thế giới. Một số trường hợp ngoại lệ đối với luật độc thân vẫn tồn tại: Tòa thánh Vatican chấp nhận các linh mục đã kết hôn trong các giáo phái Đông Rite của giáo hội, và cũng đã công nhận linh mục hợp lệ đối với các giáo sĩ đã kết hôn của các nhà thờ Anh giáo hay Cơ Đốc chuyển đạo sang Công giáo.

Các tu sĩ thuộc Hiệp hội Linh mục Công giáo Mỹ hoan nghênh những ý tưởng của Đức Giáo Hoàng như báo Crunow đưa tin hôm thứ Năm.

Trong cuộc phỏng vấn quan trọng đầu tiên của ngài với một ấn bản tiếng Đức, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được hỏi liệu ngài có bao giờ nghi ngờ sự tồn tại của Thiên Chúa, ngay cả khi chỉ thoáng qua trong đầu. Ngài nói: “Tôi cũng vậy, tôi biết có những khoảnh khắc của sự trống rỗng.”

Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng những lúc khủng hoảng như vậy thường làm cho người ta nghĩ nhiều đến tâm linh, và nói thêm rằng ngài nghĩ rằng bất kỳ tín đồ nào không trải qua những khoảnh khắc nghi ngờ đều có đức tin tôn giáo “sơ khai”.

Đức Giáo Hoàng đã lên tiếng chống lại sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy ở phương Tây, như ông đã từng lên tiếng trước đây. Tạp chí Die Zeit dẫn lời ngài nói: “như thế kỷ vừa qua cho thấy chủ nghĩa dân túy là điều tà ác và có kết thúc tệ hại,” khi dường như ngài có ý nói đến chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản Xô-viết.

http://www.voatiengviet.com/a/duc-giao-hoang-giao-hoi-nen-xem-xet-cho-phep-dan-ong-da-ket-hon-duoc-lam-linh-muc/3759953.html

 

Nga bác bỏ cáo buộc vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí

Điện Kremlin của Nga vừa lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ cho rằng nước này đã vi phạm “tinh thần và mục đích” của hiệp định kiểm soát vũ khí.

Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói trong một cuộc họp báo rằng “Nga đã, đang và sẽ tuân thủ tất cả các nghĩa vụ quốc tế, kể cả các quy định của Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)… ngay cả khi điều đó không hoàn toàn vì lợi ích của Nga”.

Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, ông Paul Selva, hôm thứ Tư nói Nga đã triển khai một tên lửa hành trình trên đất liền, vi phạm “tinh thần và mục đích” của hiệp định kiểm soát vũ khí và đề ra một mối đe dọa cho NATO.

http://www.voatiengviet.com/a/nga-bac-bo-cao-buoc-vi-pham-hiep-uoc-kiem-soat-vu-khi/3757458.html

 

Trung Quốc nói Mỹ ‘đạo đức giả’

Báo cáo nhân quyền hàng năm của Trung Quốc cáo buộc tình trạng đạo đức giả, tàn bạo và tham ô ở Mỹ.

“Năm 2016, chính trị tiền bạc và các thỏa thuận đổi tiền lấy quyền đã kiểm soát cuộc bầu cử tổng thống, một sự kiện đầy dối trá và hài hước.”

“Không có bảo đảm cho các quyền chính trị.”

Mỹ vẫn thường tố cáo Trung Quốc bỏ qua quyền con người.

Tuần trước báo cáo hàng năm của Mỹ về nhân quyền ở gần 200 nước được công bố.

Khi đó Mỹ nói các nhóm xã hội dân sự Trung Quốc bị “đàn áp và đe dọa”, tố cáo Bắc Kinh hạn chế tự do ở Hong Kong và Macau.

Nay đến lượt báo cáo của Trung Quốc nêu bật các trường hợp bạo lực và phân biệt sắc tộc của cảnh sát, dựa theo truyền thông Mỹ.

Bắc Kinh hạn chế tự do ngôn luận, và thường bị phê phán vì các vụ bắt giữ tùy tiện, bạo hành, tham ô, thiếu minh bạch và dân chủ.

Trung Quốc rất nhạy cảm trước sự chỉ trích và đã có thái độ cứng rắn với các nhà chỉ trích trong nước.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-39221512

 

Giải pháp mới cho vấn đề hạt nhân Bắc Hàn

Châu Bảo NguyễnViết từ London

Những đồn đoán và giả thiết gần đây về cái chết của người được cho là Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un, không chỉ hé lộ những bất ổn chính trị nội bộ Bắc Hàn.

Mấu chốt dẫn đến cuộc khủng hoảng mang tên Bắc Hàn đến từ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của quốc gia này.

Với gần 20 tên lửa đạn đạo được bắn lên hồi năm 2016, cùng như các vụ thử liên tiếp vào trung tuần tháng 2 và tháng 3 năm 2017, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga và Trung Quốc can thiệp chặt chẽ tình hình bán đảo Triều Tiên bởi đây là địa bàn tranh giành ảnh hưởng sau khi cấu trúc hai cực tan rã.

Đan xen lợi ích khiến các giải pháp hiện thời, đặc biệt là tiến trình ‘Đàm phán 6 bên’ dần trở nên bế tắc.

Kinh nghiệm từ Thỏa hiệp Trại David năm 1978 cho thấy, đã đến lúc cần có một sự thay đổi trong các tiếp cận giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn.

Zero sum game

Năm 2003, tiến trình ‘Đàm phán 6 bên’ – Six Party Talks ra đời (bao gồm Mỹ, hai nước Triều Tiên, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc).

Tới nay đã có sáu vòng đàm phán diễn ra song không mang lại kết quả mong đợi.

Đối thoại Bắc Hàn – Nam Hàn dừng lại ở cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dưới tác động của chính sách Ánh Dương do cựu Tổng thống Kim Dae Jung khởi xướng.

Nỗi ám ảnh “ai thống nhất ai”, dường như luôn là chướng ngại bất khả thi với cả hai miền Triều Tiên trên con đường tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Đặc biệt vụ nổ tàu Cheonan năm 2010 đã khiến quan hệ hai bên trở lại vạch xuất phát – vĩ tuyến 38.

Bắc Hàn phóng bốn tên lửa đạn đạo

Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Thaad ở Nam Hàn

Mỹ bác đề xuất của Trung Quốc về Bắc Hàn

Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye bị phế truất

Dù có sự dính líu nhiều bên, nhưng quan hệ Bắc Hàn-Mỹ có tính chất then chốt để giải quyết vấn đề hạt nhân.

Song, các điều kiện tiên quyết mà Mỹ và Bắc Hàn đưa ra trong ‘Đàm phán 6 bên’ luôn hoàn toàn có tính triệt tiêu lẫn nhau.

Bình Nhưỡng muốn Mỹ tôn trọng những điều kiện tiên quyết là chủ quyền và khả năng hạt nhân của Bắc Hàn. Còn Mỹ khẳng định chỉ chấp nhận đàm phán đa phương và kêu gọi Bắc Hàn xóa bỏ chương trình hạt nhân.

Trong khi đó, Trung Quốc đưa ra chính sách không thống nhất, lúc mềm dẻo khi cứng rắn đối với Bắc Hàn, nhưng tựu chung là để chứng tỏ vai trò ‘cường quốc trách nhiệm’ của mình trong hòa giải quốc tế.

Trong đàm phán hạt nhân, Nhật Bản dường như lại tập trung nhiều hơn vào việc quy trách nhiệm Bắc Hàn bắt cóc công dân của mình từ thời kỳ Thế chiến.

Trong khi đó lập trường trung dung thực dụng của Nga chỉ làm sự chia rẽ các bên thêm đậm nét, và giúp Nga tranh thủ ký một số thương vụ dầu lửa.

Nghịch lý là, trong khi các cường quốc như Mỹ và Nga kiên quyết giữ lại một số lượng vừa đủ kho vũ khí hủy diệt của mình, chính họ, nhân danh các tổ chức quốc tế, lại xử ép và gây áp lực lên những nước có tham vọng sở hữu hạt nhân.

Tóm lại, Đàm phán 6 bên về hạt nhân Bắc Hàn đi vào vòng luẩn quẩn à do tư duy lối mòn từ Chiến tranh lạnh, mang nặng tính đối đầu, áp đặt theo kiểu “Zero sum game” – trò chơi tổng bằng không.

Bài học Cam David

Trong lịch sử, đã không ít vấn đề tưởng chừng không có lối thoát nhưng cuối cùng vẫn được giải quyết nhờ một bước đột phá.

Một trường hợp điển hình là việc ký kết hiệp ước Camp David năm 1978 giữa Israel và Ai Cập (còn gọi là Thỏa hiệp Trại David).

Trước đó, quan hệ hai bên luôn căng thẳng không chút khoan nhượng, do phản ứng của các nước Ả Rập chống lại quyết định phân trị mảnh đất Palestine của Liên Hợp Quốc.

Hậu quả của chính sách đối đầu này là bốn cuộc chiến tranh Trung Đông đẫm máu vào các năm 1948, 1956, 1967 và 1973.

Bước ngoặt đến khi Tổng thống Anwar Sadad nắm quyền tại Ai Cập ký Thỏa hiệp Trại David quyết định công nhận ngoại giao Israel,.

Sau đó, một hiệp định hòa bình ký kết giữa hai bên vào năm 1979 và quan trọng hơn là mở ra một cục diện hoàn toàn mới tại Trung Đông.

Hòa bình được thiết lập song cái giá cho chính sách “đổi đất lấy hòa bình” thật đắt: Ai Cập bị các nước Ả Rập tẩy chay và bản thân ông Sadad bị ám sát năm 1981.

Mỹ không là ‘cảnh sát toàn cầu’

Từ kinh nghiệm Thỏa hiệp Camp David, có lẽ đã đến thời điểm thích hợp để Mỹ và Bắc Hàn ký một hiệp định hòa bình.

Mặc không theo đuổi chính sách ôn hòa như người tiền nhiệm ông Obama, chính sách ngoại giao dân túy của Tổng thống Donald Trump đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không mạo hiểm lợi ích quốc gia giải quyết xung đột quốc tế.

“Chúng ta nhận được gì từ điều đó?”, ông Trump từng nói khi bình luận về khả năng đụng độ vì tên lửa hạt nhân giữa Nhật Bản – Bắc Hàn.

“Chúc (hai bạn) may mắn!”, ông Trump nói trong bài vận động tranh cử của mình, “Hoa Kỳ không phải là ‘cảnh sát toàn cầu’ (policeman of the world)”.

Vụ Kim Jong-nam: Bắc Hàn đưa giả thuyết mới

Biến cố chính trị pháp lý: từ Hàn Quốc nhìn về VN

Hướng đi mới

Một hiệp định hòa bình Mỹ – Bắc Hàn cũng mang lại hy vọng về cách tiếp cận khác đối với công nghệ hạt nhân nhằm phục vụ dân sinh.

Đây là đòi hỏi bức thiết của nhiều quốc gia trên thế giới do các nguồn năng lượng hóa thạch hay dầu lửa đang dần cạn kiệt.

Không thể sử dụng bất cứ một cơ chế quốc tế hay hành động bạo lực nào để ngăn cản nhu cầu chính đáng này.

Bản thân Mỹ, chắc chắn sẽ bao giờ chịu tiêu hủy hết kho vũ khí hạt nhân của mình, mặc dù năm 2010, Mỹ và Nga đã ký kết hiệp ước START cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Dĩ nhiên, hiệp định hòa bình chỉ là bước khởi đầu cho một sự thay đổi chứ chưa phải là tất cả.

Lòng kiêu hãnh của người Mỹ, sự nghi kỵ của Bắc Hàn vẫn là bài toán học búa.

Do đó, cơ hội mở ra cho một chủ thể trung gian (ngoài Đàm phán 6 bên) như Asean đứng ra diễn giải về lợi ích ích của một hiệp định hòa bình như vậy.

Đặc biệt khi Asean sở hữu một công cụ là diễn đàn an ninh khu vực ARF mà cả Mỹ và Bắc Hàn đều là các bên đối thoại.

Tóm lại, tạo dựng lòng tin, xóa đi những nghi kỵ lịch sử là hướng đi khả dụng cho vấn đề hạt nhân Bắc Hàn, dù cái giá phải trả có thể là rất đắt.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nghiên cứu viên sống tại London.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-39232090

 

Mục tiêu mới của Mỹ tại Syria :

Daech, Bachar al Assad hay Iran ?

Tú Anh

Từ Irak cho đến Syria, tổ chức thánh chiến Hồi Giáo Daech bị đẩy lùi trên khắp các mặt trận. Thủ phủ tự xưng Mossoul bị quân đội Irak chiếm lại hơn phân nửa còn thủ phủ tự xưng Raqqa ở Syria đang bị áp lực mạnh. Hoa Kỳ tăng quân số lên gấp đôi, với pháo binh và trực thăng võ trang, để tái chiếm hai căn cứ địa cuối cùng của Daech ở Syria là Manbiji và Raqqa. Nhưng đâu mới là mục tiêu thực sự của Washington ?

Theo các phóng viên quốc tế, từ Chủ Nhật vừa qua ở miền bắc Syria, một đơn vị biệt động quân Mỹ cố tình chuyển quân ồn ào và tung ảnh lên internet với xe bọc thép treo cờ Mỹ kéo về thành phố Manbiji. Đó là để thế giới biết mục đích chung là « tiêu diệt Daech » theo tuyên bố của Joe Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc.

Ba hôm sau, tổng tham mưu trưởng quân đội của Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau ở Antalya. Do vậy, không phải là chuyện tình cờ mà tới thứ Năm 09/03/2017 Washington đưa thêm 400 thủy quân lục chiến vào Syria để chuẩn bị đánh chiếm Raqa. John Dorrian, phát ngôn viên của liên quân quốc tế chống Daech do Hoa Kỳ lãnh đạo, khẳng định : chiến dịch bao vây Raqa diễn ra rất tốt và sẽ hoàn tất trong vài tuần.

Trong lãnh vực ngoại giao, ngày 22/03/2017, Hoa Kỳ triệu tập hội nghị 68 nước thành viên của liên quân để « chuẩn bị dứt điểm Daech » theo thông báo của bộ Ngoại Giao Mỹ.

« Đuổi Iran, chia cắt Syria để làm suy yếu Damas »

Mục tiêu của Hoa Kỳ tại Syria là gì sau một thời gian dài bị mang tiếng do dự ? Theo L’Orient Le Jour, báo mạng có uy tín ở Liban, khi đưa thêm quân, pháo binh và trực thăng Apache vào Syria chuẩn bị đánh Raqqa, kế hoạch của Mỹ không khác gì chiến thuật đang tiến hành ở Mossoul : lực lượng Kurdistan-Syria chiến đấu trên bộ, Mỹ yểm trợ phi cơ, pháo binh. Các « cố vấn » đã vượt qua nhiệm vụ « huấn luyện ». Kế hoạch này dường như do tổng thống Obama quyết định từ trước, để phục vụ mục tiêu chiến lược lâu dài, chứ không phải xuất phát từ chủ nhân mới ở Nhà Trắng. Donald Trump chưa bao giờ đề cập đến chính sách Trung Đông của ông mà chỉ nói đến mục đích diệt khủng bố.

Thế nhưng Raqqa lại không phải là chiến trường quyết định. Một viên chức Mỹ, cách đây hai hôm tuyên bố Daech đang « xếp hành trang » rút vào sa mạc ẩn náu. Do vậy, theo suy đoán của L’Orient Le Jour, chiến lược lâu dài của Washington không phải là thành phố Raqqa, không phải là Bachar al Assad mà là « trục xuất Iran » ra khỏi khu vực. Chính đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikky Haley, thứ Tư vừa qua, đã thổ lộ mục tiêu này với một nhóm phóng viên: Syria không còn là sào huyệt của Daech. Iran và đồng minh (Hezbolah Liban) phải bị đuổi đi.

Để làm gì ? Để chuẩn bị thời hậu chiến với một lực lượng vừa phải để không bị sa lầy, nhưng đủ mạnh để « thuyết phục » Thổ Nhĩ Kỳ không xung đột với sắc tộc Kurdistan do Mỹ ủng hộ. Còn theo nhà báo Anh John Wight, bình luận viên thuộc xu hướng phản chiến của BBC và Russia Today, khi đưa quân đến Raqqa trước quân đội Syria, Hoa Kỳ làm một công mà được đôi ba việc.

Về chính trị, khi lãnh thổ Syria bị chia cắt, uy thế của tổng thống Bachar al Assad yếu dần, ảnh hưởng của Iran và Hezbollah-Liban, các lực lượng vốn đã trả giá rất đắt về nhân mạng trong cuộc chiến, sẽ suy yếu theo. Vai trò của Nga cũng giảm theo trong tình huống mới, cho phép Hoa Kỳ mở rộng ảnh hưởng « đế quốc » tại Trung Đông bên cạnh đồng minh truyền thống Ả Rập Xê Út và Israel mà Bachar al Assad bị xem là cản lực.

Dứt điểm được Raqqa, đẩy tàn quân Daech lui vào sa mạc, số phận Trung Đông cũng sẽ theo mô hình châu Âu và một phần thế giới sau khi chế độ Đức Quốc Xã sụp đổ : Hoa Kỳ trở thành lãnh đạo số một trong cuộc chiến tranh lạnh nối tiếp. Phần bên kia là Matxcơva.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170310-muc-tieu-moi-cua-my-tai-syria-daech-bachar-al-assad-hay-iran

 

Syria : Hoa Kỳ tăng cường quân cho mặt trận Raqqa

Tú Anh

Washington đưa sang chiến trường Syria 400 Thủy quân lục chiến và một pháo đội 155 ly tiếp sức cho 500 chiến binh lực lượng đặc nhiệm tại chỗ. Nhiệm vụ của các đơn vị này là « yểm trợ » cho lực lượng địa phương Kurdistan-Syria (FDS) tái chiếm Raqqa, thủ phủ tự xưng của Daech.

Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio phân tích :

« Lực lượng Mỹ đến Syria với nhiều mục đích. Trước hết là chuẩn bị tốt cho các chiến binh địa phương trước khi tung ra trận phản công cuối cùng vào Raqqa, thành phố lớn ở miền bắc Syria hiện vẫn còn nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech. Thứ hai là cố vấn cho các cấp chỉ huy vào thời điểm quyết định bảo vệ hậu phương và yểm trợ không quân.

Các chiến binh Mỹ đã bắt đầu bố trí trên diện địa. Đây không phải là một cuộc chuyển quân bí mật mà được hành động công khai với xe bọc thép mang cờ Mỹ.

Sự kiện đưa thêm 400 quân vào chiến trường Syria nâng con số « cố vấn » Mỹ tại Syria lên gấp đôi.

Quyết định này, theo Lầu Năm Góc, đã được chuẩn bị từ trước. Kế hoạch đã được hoàn tất trước bầu cử tổng thống. Trước khi mãn nhiệm, tổng thống Obama cho phép triển khai trực thăng võ trang Apache. Những trực thăng này sẽ tham gia vào trận tái chiếm Raqqa. »

Theo AFP, bộ Ngoại Giao Mỹ vừa cho biết sẽ triệu tập một hội nghị cấp ngoại trưởng 68 nước trong liên quân chống Daech vào ngày 22/03/2017 tới đây. Hội nghị do ngoại trưởng Rex Tillerson chủ trì nhằm « thúc đẩy nỗ lực chung để đánh thắng thánh chiến Hồi Giáo tại Irak và Syria ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170310-syria-hoa-ky-tang-cuong-quan-cho-mat-tran-raqqa

 

Hungary bị chỉ trích vì giam giữ người xin tị nạn

tại “khu vực quá cảnh” ngoài biên giới

RFIHoàng Nguyễn

Ngày 07/03/2017, Quốc Hội Hungary đã chỉnh lý đạo luật về người tị nạn với những điều khoản mới được coi là ngặt nghèo hiếm thấy ở châu Âu, theo đó người xin tị nạn sẽ bị giam giữ tại “khu vực quá cảnh” ngoài biên giới, chừng nào đơn của họ chưa được chấp nhận hoặc bác bỏ.

Từ Budapest, thông tín viên RFI Hoàng Nguyễn cho biết:

“Khu vực quá cảnh” trong thực tế ở ranh giới Hungary và Serbia, là nơi đặt hàng loạt những thùng container làm nhà, với những điều kiện tiện nghi tối thiểu, và dần dần tất cả những ai xin tị nạn ở Hungary – cũ cũng như mới – sẽ được dồn hết vào đó, các trại tị nạn trong nội địa Hung sẽ bị giải thể.

Là một nước theo đường lối và quan điểm rất hà khắc với người xin tị nạn, Hungary thuộc hàng những quốc gia tại khu vực Trung Âu trước sau vẫn cự tuyệt việc tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch mà Liên Âu quy định, nhằm ít nhiều giảm gánh nặng cho những nước tiền tuyến như Hy Lạp và Ý.

Với thái độ như vậy, Hungary và các nước cùng quan điểm đã góp phần khiến vấn đề tị nạn không được xử lý ở tầm Liên Hiệp Châu Âu, kế hoạch san sẻ người tị nạn tới giờ vẫn đi vào ngõ cụt và Ủy Ban Châu Âu có thể phải thực thi biện pháp trừng phạt với những quốc gia vẫn tiếp tục “lỳ lợm” trong hồ sơ này.

RFI: Như vậy là trẻ vị thành niên cũng bị giam cầm?

Thông tín viên RFI Hoàng Nguyễn:Đó là quan ngại lớn mà Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã buộc phải lập tức lên tiếng ngay sau những điều khoản thắt chặt được Quốc Hội Hungary thông qua, cho phép giam giữ cả trẻ em ở độ tuổi 14-18 không có người lớn đi cùng, tại “khu vực quá cảnh” ngoài biên giới với Serbia và Croatia.

Đề xuất của bộ trưởng Nội Vụ Pintér Sándor vừa được Nghị Viện Hungary chấp thuận với số phiếu rất áp đảo của các dân biểu cầm quyền cùng các nghị sĩ thuộc đảng đối lập cực hữu JOBBIK, khiến số phận của người xin tị nạn tại Hungary có thể trở nên hết sức bần cùng trong thời gian tới.

Các đạo luật về tị nạn và bảo vệ trẻ em vừa được bổ sung những điều khoản được coi là cần thiết trong cái gọi là “tình trạng khẩn cấp do di dân hàng loạt” mà chính quyền Hungary ban bố từ 2,5 năm nay, theo đó, người xin tị nạn chỉ có thể đệ đơn, và sau đó bị giam tại vùng biên giới để chờ đợi.

Thêm vào đó, những điều luật mới này còn được áp dụng đối với bất cứ di dân hay người xin tị nạn nào đang cư trú trong lãnh thổ Hungary: họ sẽ đều bị đưa ra khu biên giới, và vạ vật ở đó trong những điều kiện sống rất tệ hại chừng nào quy chế tị nạn của họ chưa được chính quyền xử lý rốt ráo.

Một yếu nhân của đảng cầm quyền FIDESZ, bộ trưởng phụ trách văn phòng thủ tướng Lázár János tự hào phát biểu rằng, như vậy không một di dân nào có thể đi lại tự do tại nước Hungary, và đây là điều hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Nhà nước Hungary, không ai khác có quyền nói năng, can thiệp.

Người xin tị nạn chỉ có thể rời “khu vực quá cảnh” ở biên giới trong một trường hợp duy nhất: rời Hungary về hướng Serbia hay Croatia. Luật mới sẽ có hiệu lực 8 ngày sau khi được công bố, và theo nội các Hung thì như vậy “sẽ không ai có thể nhập cảnh bất hợp pháp Hungary và Liên Âu”.

Cần biết là những biện pháp thắt chặt gắt gao này được đưa ra khi con số những người muốn tị nạn ở nước Hung là không đáng kể: hiện chỉ có chừng 500 người chờ đợi tại các trại tị nạn trong Hungary, phần còn lại đều đã tìm cách qua Tây Âu, nhiều khi với sự hỗ trợ của chính quyền Hungary.

RFI: Đạo luật này liệu có đi ngược lại chuẩn mực quốc tế?

Thông tín viên RFI Hoàng Nguyễn:Cần nói là việc giam cầm người xin tị nạn trong các trại kín không phải là điểm mới đối với Hungary, mà là điều đã được nước này thực thi cho tới năm 2012. Cho dù Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1951 về vị thế của người tị nạn cấm điều đó, và nước Hungary cũng là thành viên của Công ước này.

Không được hạn chế quyền tự do đi lại của người tị nạn quá mức cần thiết – đó là một điều khoản nhìn chung được quốc tế tuân thủ. Việc Hungary chủ trương giam cầm người xin tị nạn khiến nước này bị Ủy Ban Châu Âu và Cao Ủy Tị Nạn lên án, và buộc chính quyền nước này phải thay đổi.

Thậm chí, nhiều người xin tị nạn ngay sau khi đăng ký tại Hungary đã lập tức lẩn tránh đi nước khác để tránh bị giam, và nhiều nước Tây Âu không gửi họ lại Hungary, cho dù Hiệp ước Dublin cho phép gửi trả lại – lý do là vì Tây Âu coi Hungary là nơi đối xử vô nhân đạo và làm nhục người xin quy chế tị nạn.

Dưới sức ép của các định chế quốc tế, năm 2013 Hungary phải tạm rút lại biện pháp tự động giam giữ người xin tị nạn, nhưng Thủ tướng Orbán Viktor thì không hề thích điều này. Ông cho rằng không thể bắt giữ một di dân bất hợp pháp vì người ấy nói rằng mình là tị nạn, là điều dớ dẩn.

“Thế là nổ ra cảnh loạn lạc. Thế là hàng vạn di dân bất hợp pháp tràn ngập Hung, bảo rằng mình là người tị nạn, nhưng ai cũng biết đó là di dân kinh tế” – ông Orbán nói vào mùa xuân 2015, và bày tỏ ý muốn thay đổi luật quốc tế để có thể bắt giam người xin tị nạn không có giấy tờ hợp thức.

Tuy nhiên, Ủy Ban Châu Âu thì vẫn có quan niệm ngược lại, coi việc tự động bắt giam người đệ đơn tị nạn khi không có lý do gì thật đặc biệt là điều đi ngược lại những chuẩn mực chung. “Chúng tôi yêu cầu mọi nước thành viên phải tuân thủ và tôn trọng luật chung”, một quan chức Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh.

Trả lời báo chí về trường hợp Hungary, phó chủ tịch thứ nhất Ủy Ban Châu Âu Frans Timmermans cho hay, việc xét đơn và cư xử với người đệ đơn tị nạn được quy định bởi các chuẩn mực quốc tế và Liên Âu, và bất cứ thay đổi nào cũng phải thông qua sự đồng thuận của các thành viên Liên Hiệp Châu Âu khác.

RFI: Trong khi chính quyền Hungary bị quốc tế coi là dùng hình ảnh người tị nạn như bóng ma để hù dọa người dân, và kiếm phiếu bởi những ngôn từ và hành động mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa cực đoan và kỳ thị đối xử, thì việc xử lý làn sóng tị nạn ở châu Âu vẫn gặp phải nhiều khó khăn lớn.

Thông tín viên Hoàng Nguyễn cho biết thêm chi tiết:

Dự án phân bổ người tị nạn theo hạn ngạch của Liên Âu, được các bộ trưởng Nội Vụ Liên Hiệp Châu Âu đề xuất vào tháng 9/2015 nhằm giảm tải cho hai nước Ý và Hy Lạp bằng cách nhận 100 ngàn người tị nạn trong 2 năm, giờ vẫn tỏ ra bế tắc khi gặp phải sự phản đối quyết liệt của khối các nước Trung Âu.

Các quốc gia còn lại, dù không phản đối, cũng chỉ nhận rất nhỏ giọt. Thống kê mới đây nhất cho thấy, trung bình chỉ mới có chưa tới 15% chỉ tiêu được thực hiện, và ngay các nước tích cực nhất – Phần Lan và Ireland – cũng chỉ mới nhận trên dưới 50% con số mà họ đã cam kết, và được phân bổ.

Một vấn đề quan trọng mang tính sống còn nữa, là việc trục xuất càng nhanh càng tốt những di dân không đủ tiêu chuẩn để được chấp nhận quy chế tị nạn, như ý một lãnh đạo Đức nói, không thể để thế giới có một “thông điệp sai trái”, là cứ ai qua tới Liên Hiệp Châu Âu là được ở lại, và còn được nhận tiền nữa.

Là nước nhận nhiều người xin tị nạn nhất, Đức trong năm 2016 đã trục xuất và cho dẫn độ 80.000 người tị nạn và đây là một con số kỷ lục. Con số này trong năm nay sẽ còn tăng nữa, bởi lẽ thủ tướng Angela Merkel và các đồng sự muốn giành lại niềm tin của các cử tri trước kỳ bầu cử tháng 9 tới.

Một quan chức của nội các Đức cho hay, năm 2016 có 700.000 đơn xin tị nạn được đệ lên chính quyền, và 300.000 đơn đã bị bác. Vị này phát biểu rằng: “Giờ đây chúng tôi sẽ cho về nước càng nhanh càng tốt những người bị bác đơn, vì nếu không sự xác tín của chúng tôi sẽ bị thuyên giảm”.

Để làm được điều đó, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Đức còn muốn thỏa thuận với Bắc Phi về việc tiếp nhận di dân bất hợp pháp. Áo thì đề xướng việc Cao ủy Tị nạn và Liên Âu cho hoạt động những trung tâm tiếp nhận ở ngoài Châu Âu, như tại Ai Cập, Georgia hay một nước nào đó thuộc vùng Tây Balkans.

http://vi.rfi.fr/phap/20170310-giam-giu-nguoi-xin-ti-nan-tai-%E2%80%9Ckhu-vuc-qua-canh%E2%80%9D-ngoai-bien-gioi-hungary-di-nguoc-lai-

 

Syria : Thổ Nhĩ Kỳ muốn loại

phe Kurdistan khỏi liên quân chiếm lại Raqqa

Thu Hằng

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đến thủ đô Matxcơva ngày 10/03/2017. Đây là chuyến viếng thăm Nga lần thứ hai của nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi hai nước nối lại quan hệ vào mùa hè năm 2016.

Một phái đoàn hùng hậu tháp tùng tổng thống Erdogan nhân cuộc họp của ban kinh tế hỗn hợp giữa hai nước. Đối với Ankara, điều quan trọng là phải đạt được mức trao đổi thương mại mà hai nước đã từng có trước cuộc khủng hoảng ngoại giao.

Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Muriel Pomponne tại Matxcơva, chuyến công du lần này còn mang ý nghĩa chính trị, nổi cộm với hồ sơ Syria trong khi các bên đang chuẩn bị cuộc phản công nhắm vào Raqqa, thành trì của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria.

« Syria sẽ là chủ đề nổi cộm trong các cuộc đàm thoại giữa hai tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Vladimir Putin. Cùng với Iran, hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh trong cuộc phản công vào Aleppo và tìm cách đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Syria.

Nhưng hiện nay, các bên bắt đầu giai đoạn phản công chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Thứ Ba (07/03), một cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) giữa các bộ tham mưu Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thống nhất về tiến trình tấn công Raqqa, thành trì của Daech tại Syria, và ít nhất, để tránh xảy ra đụng độ giữa các bên liên quân tham chiến. Hiện tại có ba nhóm đang hoạt động tại miền bắc Syria : quân đội Nga cùng với lực lượng của chính phủ Syria, quân đội Mỹ cùng với Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS), lực lượng người Ả Rập-Kurdistan và cuối cùng là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng Quân Đội Tự Do Syria (ALS).

Thổ Nhĩ Kỳ muốn loại phe Kurdistan ra khỏi kế hoạch tấn công. Nhưng vì nhiều lý do trên thực địa, yêu cầu của Ankara ít có cơ hội được thỏa mãn. Tuy nhiên, tổng thống Erdogan vẫn sẽ nêu đề nghị của mình với phía Nga. Trong mọi trường hợp, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra đòi hỏi rằng lực lượng người Kurdistan chiếm ít vị trí nhất có thể được trong quá trình chuyển tiếp chính trị tại Syria và trong dự thảo Hiến Pháp ».

Thủ tướng Israel cảnh báo Nga âm mưu « hủy diệt dân tộc Do Thái » của Iran

Nga đang cố duy trì mối quan hệ hữu hảo với các nước ở khu vực Trung Đông. Ngày 09/03/2017, nhân chuyến công du Nga, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gay gắt chỉ trích Iran, một đồng minh của Nga tại Trung Đông, vì nước Cộng Hòa Hồi Giáo này muốn tiếp bước cha ông « hủy diệt dân tộc Do Thái ». Tuy nhiên, tổng thống Putin lại khuyên Israel lật sang trang mới vì « chuyện đó xảy ra vào thế kỷ V trước công nguyên ». Người đứng đầu điện Kremlin nhấn mạnh : « Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới khác. Vậy chúng ta hãy nói về thế giới này ».

Iran bị Israel coi là kẻ thù số một. Nước Cộng Hòa Hồi Giáo không công nhận sự tồn tại của Israel. Trong khi đó, theo AFP ngày 09/03, lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran đã bắn thử thành công một quả tên lửa Hormuz-2, trúng mục tiêu cách 250 km ngoài biển Oman. Loại tên lửa mới này của Iran có thể bắn trúng mục tiêu cách 300 km. Vụ thử trên được tiến hành vào đúng thời điểm quan hệ giữa Iran và Hoa Kỳ trở nên căng thẳng hơn từ khi Teheran cáo buộc Mỹ gây « căng thẳng » ở vùng Vịnh sau loạt sự cố vào tuần trước.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170310-syria-tho-nhi-ky-muon-loai-phe-kurdistan-khoi-lien-quan-chiem-lai-raqqa-0