Tin khắp nơi – 10/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 10/02/2018

Bắc Hàn mời tổng thống Nam Hàn thăm Bình Nhưỡng

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un mời Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng.

Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong hơn một thập kỷ giữa các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên.

Ông Moon nói rằng các bên Triều Tiên nên “làm cho điều này xảy ra” và khuyến khích miền Bắc quay lại đàm phán với Mỹ.

Pyeongchang khai mạc Olympics ‘lạnh âm độ’

Bắc Hàn diễu binh một ngày trước Olympics

Chiến tranh Bắc Hàn sẽ ‘kinh hoàng’

Thư mời viết tay được bà Kim Yo-jong, người em gái có nhiều ảnh hưởng của lãnh đạo Bắc Hàn, chuyển cho lãnh đạo Nam Hàn trong một cuộc họp mang tính bước ngoặt tại dinh tổng thống ở Seoul, trong dịp Thế vận hội mùa đông khai mạc.

Bà Kim và một lãnh đạo khác của miền Bắc, ông Kim Yong-nam, là hai thành viên hàng đầu, hợp thành đoàn quan chức cao cấp nhất từ miền phía Bắc đến thăm miền Nam kể từ cuộc chiến Triều Tiên vào những năm 1950.

Các nhân vật quan trọng từ hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên chia sẻ món Kimchi (món bắp cải muối truyền thống) và rượu gạo soju, và nói chuyện trong ba giờ.

Bà Kim đã mời ông Moon đến thăm Bắc Hàn “vào thời điểm sớm nhất có thể”, một phát ngôn viên của dinh tổng thống Nam Hàn nói.

Theo thông tin trên Twitter của trưởng văn phòng Washington Post tại Tokyo, bức thư viết tay mà bà Kim chuyển cho lãnh đạo Hàn Quốc tại phủ tổng thống bày tỏ hy vọng rằng “Bình Nhưỡng và Seoul sẽ trở nên gần gũi hơn trong lòng người dân hai miền Triều Tiên” và vì sự “thống nhất và thịnh vượng trong tương lai gần”.

‘Không cho phép tuyên truyền’

Em gái Kim Jong-un sẽ tới Seoul dự Olympic

Bắc Hàn vi phạm lệnh cấm vận, thu lợi 200 triệu đôla

Bắc Hàn cử Chủ tịch Quốc hội tới Nam Hàn

Phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom nói: “Tổng thống Moon trả lời bằng cách nói rằng hai bên nên làm việc để tạo các điều kiện nhằm thực hiện cuộc gặp.”

Tổng thống Nam Hàn yêu cầu cả hai việc là Bắc Hàn mở lại cuộc đối thoại với Hoa Kỳ, và các miền Triều Tiên mở các cuộc đối thoại.

Văn phòng của ông Moon nói rằng hai miền Triều Tiên “đã chia sẻ một sự hiểu biết rằng họ nên tiếp tục tâm trạng tích cực vì hoà bình và thừa nhận lẫn nhau” từ Thế vận hội mùa Đông.

Tuy nhiên, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ còn phủ bóng kéo dài lên bất kỳ nỗ lực nào đưa hai quốc gia trở lại gần nhau hơn.

Về phần mình, cuộc tiếp xúc giữa quan chức hai miền Triều Tiên diễn ra sau khi Hoa Kỳ đã cảnh báo về cuộc tấn công ‘quyến rũ’ của Bắc Hàn trong Thế vận hội.

Các phóng viên nói rằng lời mời trên đặt ông Moon vào một vị trí khó khăn khi ông vận động cho một lời hứa sẽ liên kết với Bắc Hàn, nhưng những động thái của ông theo hướng đó trái với mong muốn của người đồng minh Hoa Kỳ

Trước đó, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã chạm mặt ông Kim Yong-nam trong Thế vận hội nhưng cả hai cố gắng tránh trực tiếp đối diện nhau, theo báo cáo của hãng tin Yonhap.

Tại lễ khai mạc Thế vận hội, ông Pence, bà Kim Yo-jong và ông Kim Yong-nam đã ngồi gần nhau.

Ông Pence vẫn ngồi khi các vận động viên của nước chủ nhà tiến vào đấu trường cùng với những vận động viên từ miền Bắc.

Hôm thứ bảy, ông Pence ra thông điệp trên Twitter rằng Hoa Kỳ sẽ không “cho phép chế độ tuyên truyền của Bắc Hàn không bị thách thức trên trường quốc tế “.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43017368

 

Nơi nào giữa châu Âu vẫn ăn thịt chó?

Ngoài gần 10 nước châu Á và một số vùng đảo Thái Bình Dương, dân vùng Appenzell và St. Gallen thuộc Thụy Sĩ có món thịt chó hun khói.

Theo giới bảo vệ động vật thì phong tục ăn thịt chó khá phổ biến ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam, Lào, Philippines, Đài Loan, Indonesia, một số vùng của Ấn Độ và một vài đảo Thái Bình Dương.

Chợ Hàn Quốc cấm giết mổ chó

‘Giải cứu lợn’ lên cho học sinh vùng cao

Vì sao một thời con người ăn thịt nhau?

Riêng tại châu Âu vẫn có chuyện thịt chó hoặc mèo được hun khói làm món ‘mostbröckli’ ở Thụy Sĩ, nổi tiếng nhất là ở hai vùng Appenzell và St. Gallen.

Món ‘mostbröckli’ thường làm bằng thịt bò hoặc heo, nhưng người ta cũng làm bằng cả thịt chó, mèo.

Ở Thụy Sĩ, ăn chó và mèo là điều hoàn toàn hợp pháp nếu bạn là chủ của chúng, và chúng tôi mở quán ăn thịt chó mèo đầu tiên ở châu Âu để phục vụ kháchMoritz Brunner

Một báo Thụy Sĩ mới năm 2016 còn cho hay quán La Table Suisse giới thiệu bữa tiệc năm món, trong đó có hai món thịt chó và mèo.

Người đầu bếp, Moritz Brunner, ca ngợi công thức bà ông để lại và truyền thống địa phương chế biến thịt chó và mèo.

Brunner được trích lời nói trên báo Thụy Sĩ bản tiếng Anh thelocal.ch hồi tháng 2/2016:

“Ở Thụy Sĩ, ăn chó và mèo là điều hoàn toàn hợp pháp nếu bạn là chủ của chúng, và chúng tôi mở quán ăn thịt chó mèo đầu tiên ở châu Âu để phục vụ khách.”

Tuy thế, có vẻ như quán ăn này bị phản đối, thậm chí tẩy chay và công kích nên họ không đăng địa chỉ và số điện thoại trên trang web.

Nhưng trang web này thì khẳng định:

“Làm món thịt chó và mèo là một phần văn hóa của chúng tôi.”

Theo các báo Anh, việc dân một số vùng Thụy Sĩ ăn thịt chó là có thật.

Hồi 2015, một người về hưu, Martin Buhlmann, 72 tuổi, đã gây ra phản đối vì khoe trên chương trình TV rằng ông yêu thích “nấu thịt chó, mèo và cả cáo, chồn” bắt được gần nhà ở Lucerne.

Nhưng tại chính Thụy Sĩ cũng có phong trào phản đối ăn thịt chó.

Hồi tháng 11/2014, theo BBC News tường thuật từ Bern, có 16 nghìn chữ ký được chuyển đến Nghị viện Thụy Sĩ yêu cầu ra luật cấm giết mổ và ăn chó mèo.

Tê tê, loài vật bị săn lùng nhất thế giới

Khi chuột không còn biết sợ mèo

Khi chuồn chuồn săn ếch và nhện ăn chuột

Nhóm vận động SOS Chats Noiraigue cho hay các vùng Lucerne, Appenzell, Jura và Bern vẫn có phong tục làm thịt chó mèo họ nuôi để ăn.

Một số vùng còn coi thịt mèo là món ăn truyền thống ngày Giáng Sinh, nấu giống hệt như thịt thỏ: với rượu vang trắng và tỏi.

Thịt chó cũng được dân địa phương làm xúc xích và họ tin là mỡ chó chữa được tê thấp.

Truyền thống phải bảo vệ hay phong tục cần bỏ?

Ngoài châu Á, nước Mexico được cho là cũng có phong tục ăn thịt chó, giống như một số vùng của người dân Bắc Cực.

Chừng 30 triệu con chó bị làm thịt hàng năm ở châu Á để ăn, theo ‘Humane Society International’ hồi tháng 4/2017.

Tổ chức từ thiện này cho rằng dù các nhóm vận động muốn kêu gọi các chính phủ châu Á ra luật cấm ăn thịt chó,

Tổ chức bảo vệ chó ở châu Á – Asia Canine Protection Alliance (Acpa) cũng nêu ra vấn nạn bắt trộm hoặc mua chó ở Thái Lan để bán sang Việt Nam làm thịt.

Giới nghiên cứu văn hóa cho hay chó được nuôi và ăn từ thời tiền sử ở vùng Nam Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương.

Có ý kiến nói phong tục ăn thịt chó không mang tính bản địa mà do người di dân Trung Hoa đem đến Việt Nam, Philippines, Đài Loan.

Tại Việt Nam, theo ông Tuấn Bendixsen, Giám đốc của ‘Animals Asia’s Vietnam’ được trích lời trên một trang tiếng Anh thì văn hóa VN thờ tượng chó đá.

Cùng lúc, văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng có món thịt chó.

Tại châu Âu, chó bị ăn thịt ở Hy Lạp thời xa xưa.

Còn tại châu Phi, vùng Tây Phi và Congo là nơi từng có tục ăn thịt chó.

http://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-43008478

 

Trump bênh vực cựu phụ tá bị cáo buộc bạo hành,

thêm phụ tá nữa từ chức

Tổng thống Donald Trump lên tiếng bênh vực cựu phụ tá Rob Porter và chúc ông ta gặp điều tốt lành trong tương lai mà không nhắc gì tới hai người vợ cũ của ông này, những người đã cáo buộc ông Porter bạo hành thể chất và tinh thần.

Phát biểu của ông Trump hôm thứ Sáu đã khơi lên một cơn bão lửa trong bối cảnh đang có một cuộc thảo luận toàn quốc về việc phụ nữ bị ngược đãi.

Ông Trump nói rằng ông Porter, người đã từ chức khi các cáo buộc bạo hành được công khai trong tuần này, đã “làm việc chăm chỉ” tại Nhà Trắng và chúc ông ta gặp điều tốt lành.

“Đây rõ ràng là thời điểm khó khăn cho anh ấy. Anh ấy đã làm việc rất tốt khi ở trong Nhà Trắng. Và chúng tôi hy vọng anh ấy có một sự nghiệp tuyệt vời,” ông Trump nói trong những phát biểu đầu tiên của ông về những cáo buộc nhắm vào ngôi sao đang lên trong Cánh Tây Nhà Trắng này.

“Hôm qua anh ấy đã kiên quyết nói là anh ấy vô tội rồi,” ông Trump nói thêm.

Ông không đả động gì tới cách thức mà ông Porter đối đãi hai người vợ cũ. Việc họ lên tiếng cáo buộc ông ta bạo hành đã dẫn tới quyết định từ chức, nhưng ông Porter kịch liệt phủ nhận những cáo buộc này.

Phát biểu của ông Trump đã ngay lập tức bị các hội phụ nữ và những người theo đảng Dân chủ lên án. Những phát biểu này cũng khơi lên nghi vấn về chuyện tổng thống xem các cáo buộc bạo hành gia đình nghiêm túc tới mức nào.

Cũng trong ngày thứ Sáu, một nhân viên thứ hai của Nhà Trắng, người viết diễn văn David Sorensen, từ chức vì cáo buộc bạo hành gia đình.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Raj Shah cho biết Nhà Trắng biết về các cáo buộc này tối thứ Năm trước khi được giới truyền thông liên lạc. “Chúng tôi ngay lập tức chất vấn nhân viên này, ông ta phủ nhận các cáo buộc và ông ta từ chức hôm nay,” ông Shah nói. Ông Sorensen làm việc cho Hội đồng Chất lượng Môi trường, thuộc Văn phòng Điều hành của Tổng thống.

Báo The Washington Post loan tin đầu tiên về các cáo buộc nhắm vào ông Sorensen và quyết định từ chức của ông ta.

Lời tán dương của tổng thống dành cho nhân viên bị cáo buộc bạo hành phụ nữ tương tự như những lời phủ nhận của ông Trump về những hành vi thiếu đứng đắn của ông khi ông đối diện với các cáo buộc từ hơn một chục phụ nữ.

Ông Trump đã chấp nhận những tuyên bố vô tội từ những người đàn ông đối mặt với các cáo buộc tương tự, trong đó có giám đốc điều hành đài Fox Nex Roger Ailes, người dẫn chương trình Bill O’Reilly và cựu ứng cử viên tranh cử chức thượng nghị sĩ bang Alabama Roy Moore, người bị cáo buộc có quan hệ không đứng đắn với các thiếu nữ.

Phát biểu của ông Trump hôm thứ Sáu tương phản rõ nét với những phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence, người đã nói với người dẫn chương trình Lester Holt của đài NBC rằng “không có sự dung túng trong Nhà Trắng này và không có chỗ ở Mỹ cho nạn bạo hành gia đình.”

Ông Pence nói trong một cuộc phỏng vấn tại Hàn Quốc rằng ông “bàng hoàng” về các cáo buộc này và ông sẽ tìm hiểu vụ việc khi ông quay trở lại Washington.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-benh-vuc-cuu-phu-ta-bi-cao-buoc-bao-hanh-them-phu-ta-nua-tu-chuc/4248036.html

 

Trump ngăn công bố bản ghi chú của phe Dân chủ

về cuộc điều tra Nga

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu đã ngăn chặn công bố một bản ghi chú mật của phe Dân chủ trong Quốc hội bác bỏ một bản ghi chú của phe Cộng hòa mà ông đã cho phép công bố vào tuần trước, trong đó cáo buộc FBI và Bộ Tư pháp thiên vị chống lại ông trong cuộc điều tra liên bang về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Quyết định của tổng thống Cộng hòa – tranh cãi mới nhất liên quan đến một cuộc điều tra đã đeo bám ông suốt năm đầu tiên tại nhiệm – khiến phe Dân chủ phẫn nộ. Lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói, “Hàng triệu người Mỹ đang đặt một câu hỏi đơn giản: ông ta đang giấu giếm cái gì?”

Luật sư của Nhà Trắng Don McGahn nói Bộ Tư pháp đã xác định một số phần của bản ghi chú 10 trang do các thành viên Dân chủ của Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ soạn thảo “sẽ gây nên những lo ngại đặc biệt đáng kể cho an ninh quốc gia và các lợi ích của giới chấp pháp” của đất nước.

Nhà Trắng cũng công bố một bức thư của giám đốc FBI và quan chức cao cấp thứ hai của Bộ Tư pháp bày tỏ lo ngại về việc công bố bản ghi chú này liên quan đến việc bảo vệ các nguồn tin tình báo và phương pháp thu thập tình báo của Mỹ.

Một tuần trước, ông Trump đã bất chấp những phản đối tương tự từ Cục điều tra Liên bang và Bộ Tư pháp để công bố bản ghi chú được viết bởi các thành viên Cộng hòa của ủy ban chĩa mũi dùi vào các quan chức chấp pháp cao cấp.

“Tiêu chuẩn kép của tổng thống khi nói đến sự minh bạch thật hết sức tệ hại,” ông Schumer nói.

Ông Trump hôm 2 tháng 2 cho phép công bố bản ghi chú của phe Cộng hòa mà không bôi đen bất kỳ thông tin nào. Phe Dân chủ nói bản ghi chú của phe Cộng hòa mô tả sai lệch các thông tin mật có tính nhạy cảm cao và nhằm mục đích làm mất uy tín cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump với Nga.

Ông Mueller cũng đang điều tra liệu ông Trump có cản trở công lý hay không trong việc tìm cách ngăn chặn cuộc điều tra này.

Ông McGahn nói tổng thống sẽ sẵn sàng xem xét lại việc công bố bản ghi chú nếu ủy ban quyết định sửa đổi nó “để giảm bớt những rủi ro” được Bộ Tư pháp xác định.

Thành viên Dân chủ cao cấp nhất trong ủy ban, Adam Schiff, cho biết bản ghi chú bị ông Trump chặn lại đưa ra những dữ kiện mà công chúng cần biết, bao gồm việc FBI đã hành động thỏa đáng trong việc xin phép một tòa án đặc biệt để theo dõi Carter Page, một cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump có những liên hệ với Nga.

Ông Schiff nói các thành viên Dân chủ của ủy ban “cân nhắc nghiêm túc” những lo ngại của Bộ Tư pháp và FBI và sẽ xem xét những khuyến nghị bôi đen thông tin mà hai cơ quan này đưa ra. Ông nói ông hy vọng vấn đề này có thể được giải quyết nhanh chóng để ủy ban có thể quay trở lại cuộc điều tra Nga.

Ủy ban Tình báo Hạ viện hôm thứ Hai đã đồng lòng biểu quyết công bố tài liệu này do các thành viên Dân chủ soạn thảo, nhưng việc công bố tùy thuộc vào quyết định của tổng thống Cộng hòa có đồng ý giải mật nó hay không.

Bản ghi chú của phe Cộng hòa mô tả cuộc điều tra Nga là sản phẩm của sự thiên vị chính trị tại FBI và Bộ Tư pháp chống lại ông Trump. Tổng thống nói tài liệu này “hoàn toàn minh oan” cho ông trong cuộc điều tra Nga, một tuyên bố mà phe Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa bác bỏ.

Phe Dân chủ tuần trước cảnh báo ông Trump chớ sử dụng bản ghi chú của phe Cộng hòa như một cái cớ để sa thải ông Rosenstein, người bổ nhiệm ông Mueller và đang giám sát cuộc điều tra Nga, hoặc sa thải chính ông Mueller. Bản ghi chú của phe Cộng hòa nêu đích danh ông Rosenstein và một số quan chức khác, bao gồm cựu giám đốc FBI James Comey, người mà ông Trump đã sa thải vào tháng 5 năm 2017 khi cơ quan này điều tra vụ việc liên quan đến Nga.

Ông Mueller tiếp quản cuộc điều tra từ FBI.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 bằng cách tấn công tin tặc và tuyên truyền nhằm nghiêng cuộc đua về phía có lợi cho ông Trump. Nga phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử và ông Trump phủ nhận thông đồng với Moscow.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-ngan-cong-bo-ban-ghi-chu-cua-phe-dan-chu-ve-cuoc-dieu-tra-nga/4248000.html

 

New York Times:

Quan chức cao cấp thứ ba ở Bộ Tư pháp Mỹ từ chức

Quan chức cao cấp thứ ba của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Rachel Brand, dự định sẽ từ chức sau khi tại nhiệm chỉ chín tháng, báo The New York Times loan tin, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang nhắm mục tiêu đả kích các quan chức chấp pháp cao cấp.

Bà Brand là người nắm quyền ngay sau Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein giám sát cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử tổng thống của ông Trump năm 2016 với Nga, và liệu vị tổng thống Cộng hòa có tìm cách cản trở một cách bất hợp pháp cuộc điều tra đang diễn tiến hay không.

Ông Rosenstein hiện giám sát cuộc điều tra của ông Mueller vì Bộ trưởng Jeff Sessions đã thoái lui khỏi vụ việc này vào năm ngoái.

Việc bà Brand từ chức là dấu hiệu mới nhất về sự hỗn loạn tại các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ, vốn bị ông Trump và các đồng minh Cộng hòa của ông liên tục đả kích trong những tháng gần đây. Tờ Times cho biết bà Brand sẽ từ chức, dẫn lời hai người đã được thông báo về quyết định của bà.

Tin tức về sự ra đi của bà diễn ra một tuần sau khi ông Trump cho phép công bố một bản ghi chú bảo mật do các nhà lập pháp Cộng hòa soạn thảo. Bản ghi chú này mô tả cuộc điều tra Nga, ban đầu do Cục Điều tra liên bang thụ lý và hiện do ông Mueller dẫn đầu, là sản phẩm của thiên kiến chính trị chống lại ông Trump tại Bộ Tư pháp và FBI.

Ông Trump cũng đã chỉ trích ông Sessions vì quyết định rút khỏi cuộc điều tra.

Vào ngày 2 tháng 2, chỉ vài giờ trước khi ông Trump chấp thuận cho công bố bản ghi chú của phe Cộng hòa, ông Sessions khen ngợi ông Rosenstein, quan chức cao cấp thứ hai của Bộ Tư pháp, và bà Brand, nói rằng họ “đại diện cho tố chất và sự lãnh đạo mà chúng tôi muốn có trong bộ.”

Chưa có phát biểu nào từ bà Brand và phát ngôn viên Bộ Tư pháp về vụ việc này.

https://www.voatiengviet.com/a/new-york-times-quan-chuc-cao-cap-thu-ba-o-bo-tu-phap-my-tu-chuc/4247432.html

 

TT Trump:

Đức tin là ‘cốt lõi của tự do và đời sống người Mỹ’

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói các quyền của con người là do Thượng Đế ban cho và “đức tin là cốt lõi của tự do và đời sống người Mỹ”.

Phát biểu hôm 8/2 tại sự kiện Ngày toàn quốc cầu nguyện hàng năm ở thủ đô Washington, ông Trump nói: “Các quyền của chúng ta không do con người mang lại, mà do Đấng Sáng Thế ban cho. Không có điều gì, không có thế lực nào có thể lấy đi các quyền đó”.

Tổng thống Hoa Kỳ nói thêm rằng đức tin đã trở thành động lực thúc đẩy những nỗ lực không mệt mỏi trong năm qua để tìm kiếm “công lý và hòa bình” trong cuộc chiến chống nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo.

Ông nói: “Trong nhiều năm, ISIS đã tra tấn tàn bạo và giết hại Kitô hữu, người Do Thái giáo, các tôn giáo thiểu số và vô số người Hồi giáo”.

Ông Trump ca ngợi nỗ lực của liên minh trong việc đánh bại ISIS trong năm qua, nói rằng nỗ lực đó đã “giải phóng gần 100% lãnh thổ bị chiếm giữ gần đây bởi những kẻ giết người ở Iraq và khắp Syria”.

Đây là lần xuất hiện thứ hai của ông Trump tại Ngày cầu nguyện quốc gia, một sự kiện phi hệ phái do tổ chức The Fellowship Foundation, một tổ chức tôn giáo cổ vũ cho giáo lý về Chúa Giêsu, có trụ sở tại Hoa Kỳ, tổ chức.

Các tổng thống Mỹ, kể từ khi Tổng thống Dwight Eisenhower, người làm việc tại Nhà Trắng từ năm 1953 đến năm 1961, đều tham dự vào buổi cầu nguyện, vốn xưa nay thu hút các nhà truyền giáo và hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về.

Tổng thống Trump được các tín đồ Hội thánh Tin lành Phúc âm ủng hộ nồng nhiệt. Họ cũng là những người đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Các Kitô hữu cũng hoan nghênh nhiều hoạt động của Tổng thống Trump trong năm đầu tiên của ông tại Nhà Trắng, bao gồm các nỗ lực làm suy yếu các quy tắc điều hành hoạt động chính trị của các nhóm tôn giáo nhất định, sự công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của ông, và việc ông bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-duc-tin-la-cot-loi-cua-tu-do-va-doi-song-nguoi-my/4247085.html

 

Trung Quốc nói

dự luật của Mỹ về quan hệ Đài Loan đe dọa ổn định

Một dự luật của Mỹ khuyến khích các chuyến thăm lẫn nhau của các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và Đài Loan đe dọa sự ổn định ở Eo biển Đài Loan và Hoa Kỳ phải rút lại dự luật này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Dự luật này được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ thông qua tuần này và giờ sẽ được đưa ra toàn Thượng viện.

Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh li khai và là một phần không thể tách rời của “một Trung Quốc,” không đủ tư cách có được quan hệ cấp nhà nước, và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để quy phục hòn đảo này về dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Hoa Kỳ không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng bị ràng buộc theo luật phải giúp Đài Loan tự vệ và là nguồn cung cấp vũ khí chính của hòn đảo này. Trung Quốc thường xuyên nói rằng Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ với Washington.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói mặc dù các điều khoản trong dự luật này không ràng buộc về mặt pháp lý, song chúng là một vi phạm nghiêm trọng đối với nguyên tắc “một Trung Quốc.”

“Nếu nó được thông qua và có hiệu lực, nó sẽ gây nên những xáo trộn nghiêm trọng cho quan hệ Trung-Mỹ và tình hình ở Eo biển Đài Loan,” ông Cảnh nói.

“Trung Quốc cực kỳ bất mãn và kiên quyết phản đối điều này và đã đệ trình kháng nghị nghiêm túc với phía Hoa Kỳ,” ông nói thêm.

“Nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ là cơ sở chính trị của quan hệ Trung-Mỹ.”

Hoa Kỳ nên giữ lời hứa mà họ đưa ra với Trung Quốc về Đài Loan, chấm dứt thảo luận về dự luật này và bảo vệ quan hệ giữa hai nước và sự ổn định ở Eo biển Đài Loan, ông Cảnh nói.

Đài Loan đã hoan nghênh dự luật này, nếu thành luật sẽ cho phép các quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ du hành tới Đài Loan để gặp gỡ người tương nhiệm Đài Loan.

Việc ủy ban thông qua dự luật này cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng để tăng cường giao lưu và tương tác hai chiều giữa các quan chức của cả hai bên, Bộ Ngoại giao Đài Loan nói trong một thông cáo.

“Bộ Ngoại giao bày tỏ sự hoan nghênh và cảm tạ,” thông cáo nói.

Trung Quốc ngày càng trở nên thù địch với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến có chủ trương độc lập đắc cử vào năm 2016.

Trung Quốc nghi ngờ bà Thái muốn thúc đẩy độc lập chính thức, một lằn ranh đỏ đối với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, dù bà nói bà muốn duy trì hiện trạng và cam kết bảo đảm hòa bình.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-du-luat-cua-my-ve-quan-he-dai-loan-de-doa-on-dinh/4247485.html

 

Kim Yong Nam,

vị chủ tịch « bù nhìn » của Bắc Triều Tiên là ai ?

Đây là câu hỏi của báo Les Echos đăng trên mạng ngày 09/02/2018. Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, Kim Yong-Nam đại diện cho Bắc Triều Tiên đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang. Ở tuổi 90, sự trường tồn của ông dưới ba đời lãnh đạo họ Kim là một ngoại lệ.

Từ 65 năm qua, ông là chủ tịch Quốc Hội tại một đất nước thường xuyên chiếm trang nhất các báo phương Tây. Ấy vậy mà tên của Kim Yong Nam, và ngay cả chức vụ của ông, cho đến giờ hầu như không ai biết đến.

Tháng Hai này, ông Kim Yong Nam tròn 90 tuổi. Và tuần nay, ông đã gần như thoát khỏi chiếc vỏ bọc ẩn danh khi đến Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang. Điều chưa từng có đối với một lãnh đạo cao cấp như thế của chế độ Bình Nhưỡng.

Về mặt chính thức, ông dẫn đầu đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tại Pyeongchang. Dù rằng trên thực tế, trưởng đoàn thật sự mới chính là Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và là đại diện đầu tiên của dòng họ Kim bước qua biên giới kể từ năm 1950.

Đời thứ ba dòng họ Kim

Theo Seoul, Kim Yong Nam sinh năm 1928. Ông tốt nghiệp trường Đại học Kim Nhật Thành, rồi có bằng Quan Hệ Quốc Tế tại Đại học Matxcơva năm 1953. Sau đó, ông làm việc cho Ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng và từ đó bắt đầu lên từng cấp bậc để cuối cùng nắm giữ vị trí lãnh đạo Ban Đối Ngoại từ năm 1972.

Năm 1983, Kim Nhật Thành, người sáng lập chế độ Bình Nhưỡng, bổ nhiệm ông làm ngoại trưởng. Mười lăm năm sau, ông được Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) nâng cấp, bổ nhiệm làm chủ tich đoàn chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao – tức Quốc Hội Bắc Triều Tiên – một nghị viện do độc đảng kiểm soát. Với chức danh này, Kim Yong Nam được coi là chủ tịch nước, một chức vụ mang tính danh dự.

Do vậy, chính ông là người ký thư ủy nhiệm cho các đại sứ Bắc Triều Tiên và là người tiếp các sứ giả ngoại quốc. Công việc này rất có ích cho ông Kim Jong Il, cha của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay vì ông Kim Jong Il nổi tiếng là người tránh các  tiếp xúc với các quan chức nước ngoài. Và hiện nay, Kim Jong Un là đời lãnh đạo thứ ba của triều đại họ Kim mà ông phục vụ.

Nhân vật thứ hai trong nghi thức lễ tân

Ông cũng đã nhiều lần đại diện cho Bắc Triều Tiên trong các sự kiện quốc tế, như Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh 2008 và Mùa Đông Sotchi ở Nga năm 2014, trước kỳ thế vận Pyeongchang năm nay, cũng như là nhân dịp lễ nhậm chức tổng thống của ông Hassan Rohani tại Iran vào tháng 8/2017.

Tuy vậy, thật khó đánh giá tầm ảnh hưởng chính trị của ông. Chính Kim Jong Un mới là Lãnh đạo tối cao của chế độ và là người nắm quyền lãnh đạo Đảng Lao Động Triều Tiên, với chức vụ chủ tịch Đảng.

Yang Moo Jin, thuộc trường Đại học Nghiên Cứu về Bắc Triều Tiên nhấn mạnh là trong các hoạt động lễ hội, các cơ quan truyền thông chính thống của Bắc Triều Tiên nêu tên các lãnh đạo hiện nay thì tên của Kim Yong Nam « luôn được đặt ngay sau tên của Kim Jong Un. Điều đó có nghĩa ông là nhân vật số hai trong hàng ngũ Đảng ».

« Chiếc máy ghi âm »

Nhưng làm thế nào ông có thể sống sót lâu đến thế trên thượng tầng lãnh đạo tại một đất nước thường xuyên diễn ra các cuộc thanh trừng đẫm máu ? Kim Jong Un đã không ngần ngại trừ khử người chú dượng Jang Song Thaek vì tội phản quốc năm 2013, và gần đây nhất là người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong Nam tại sân bay Kuala Lumpur hồi năm 2017.

Nhưng Kim Yong Nam, vốn không thuộc dòng dõi triều đại lãnh đạo họ Kim, đã tránh được số phận đó. Đối với các chuyên gia về Bắc Triều Tiên, « cụ già 90 tuổi » này có thể sống sót được nhờ vào sự khôn khéo cũng như là sự tận tụy. Chuyên gia Yang Moo Jin giải thích tiếp : « Ông ấy chưa bao giờ bị xem như là một mối đe dọa cho chế độ. Đó là một nhà kỹ trị nhã nhặn luôn trung thành đi theo các chỉ thị của lãnh đạo ».

Tại Hàn Quốc, giới chuyên gia đã đặt cho ông Kim Yong Nam biệt danh là « Chiếc máy ghi âm », bởi vì theo ông Yang Moo Jin « ông ấy luôn lặp lại như là một con vẹt những gì lãnh đạo tối cao nói ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180210-kim-yong-nam-vi-chu-tich-%C2%AB-bu-nhin-%C2%BB-cua-bac-trieu-tien-la-ai

 

Trung Quốc: Ông Quế Dân Hải xuất hiện

sau gần ba tuần giam giữ

Trọng Thành

Hôm qua, 09/02/2018, sau gần ba tuần lễ bị công an Trung Quốc bắt giam, công dân Thụy Điển gốc Trung Quốc Quế Dân Hải (Gui Minhai), 53 tuổi, đã xuất hiện trở lại, qua một đoạn video thú tội. Một bạn thân của đương sự lên án màn thú tội quen thuộc do chính quyền dàn dựng.

Theo AFP, trong đoạn video nói trên, ông Quế bị hai công an áp tải. Nhà phát hành sách tố cáo việc chính quyền Thụy Điển « ép buộc ông phải rời khỏi Trung Quốc », để tránh các vụ kiện cáo đang diễn ra. Ông Quế còn lên án thậm tệ chính quyền Thụy Điển đã sử dụng ông như « con tốt trong một cuộc cờ », và khẳng định không còn tin tưởng vào người Thụy Điển.

Người ta không biết là các tuyên bố nói trên của công dân Thụy Điển là chân thành hay do ép buộc.

Vụ ông Quế Dân Hải bị công an mặc thường phục bắt đi mất tích, khi trên tàu đến Bắc Kinh, cùng với hai nhà ngoại giao Thụy Điển, đã bị chính quyền nhiều nước lên án từ hai tuần nay. Hôm 07/02, chính quyền Trung Quốc chính thức khắng định đang giam giữ nhà phát hành sách.

Ông Quế Dân Hải nổi tiếng sau vụ năm người làm nghề xuất bản tại Hồng Kông bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ hồi 2015. Ông Quế là người phát hành nhiều cuốn sách về đời tư các lãnh đạo chế độ cộng sản Trung Quốc.

Bạn thân của ông Quế, nhà thơ ly khai Bối Lĩnh (Bei Ling) cho rằng trước khi bị bắt, bản thân nhà phát hành sách đã muốn được ra nước ngoài chữa bệnh. Ông cũng bác bỏ tính chân thực của đoạn video thú tội, mà người phát biểu vốn đang trong tình trạng bị cầm tù.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180210-trung-quoc-ong-que-dan-hai-xuat-hien-sau-gan-ba-tuan-giam-giu

 

Trung Quốc:

Cảnh sát đeo kính nhận dạng khuôn mặt để lùng nghi phạm

Thu Hằng

Theo dõi, nhận diện những người khả nghi trong biển người ở nhà ga trung tâm, đặc biệt là vào dịp “Xuân vận” (đợt di chuyển khổng lồ trước và sau Tết Nguyên đán), giờ nằm trong tầm tay của cảnh sát thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Giống như điệp viên James Bond 007, họ được trang bị kính nhận diện khuôn mặt để dễ dàng hoạt động. Kể từ lần đầu tiên sử dụng vào tháng 12/2017, đã có 33 người bị bắt. Theo cổng thông tin điện tử của đảng Cộng Sản Trung Quốc, được Quartz trích lại, chính quyền thông báo đã bắt 7 người dính líu đến tội phạm nghiêm trọng như buôn người và bị truy nã, 26 người khác bị bắt vì dùng giấy tờ tùy thân giả.

Trang Business Insider giải thích : “Để đi tầu hỏa tại Trung Quốc, hành khách phải có thẻ căn cước. Quy định này cho phép ngăn chặn những người nợ quá nhiều đi tầu cao tốc. Nhưng đặc biệt là nhằm hạn chế việc đi lại của các cộng đồng tôn giáo thiểu số. Giấy tờ tuỳ thân của họ bị tịch thu và họ phải chờ nhiều năm để được cấp hộ chiếu”.

Những cặp kính này được nối với một ngân hàng dữ liệu lưu trữ trong bộ nhớ mà các nhân viên cảnh sát mang theo, bao gồm các thông tin của khoảng 10.000 người theo các tiêu chí kể trên. Trả lời nhật báo Wall Street Journal, tổng giám đốc doanh nghiệp sáng chế ra loại kính này cho biết, khi thử nghiệm, chúng có khả năng nhận dạng các cá nhân trong vòng 1/10 giây. Tuy nhiên, trên thực địa, có thể là hiệu năng sẽ bị giảm vì “tiếng ồn xung quanh”.

Một công nghệ hiện đại như vậy nằm trong tay chính quyền Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại. Đối với nhà nghiên cứu William Nee của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), “việc trao cho nhân viên cảnh sát một loại công nghệ nhận diện khuôn mặt gắn trong cặp kính đen có thể khiến tình trạng giám sát ở Trung Quốc càng phổ biến rộng rãi hơn”. Trong khi đó, “Trung Quốc cũng đang lập một hệ thống cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, trong đó chứa các loại thông tin về 1,3 tỉ dân nước này”, theo trang Engadget.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180210-trung-quoc-canh-sat-deo-kinh-nhan-dang-khuon-mat-de-lung-nghi-pham

TVH Pyeongchang: Hàn Quốc vất vả

« lách » trừng phạt để đón đoàn Bắc Triều Tiên

Thu Hằng

Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, diễn ra từ ngày 09 đến 25/02/2018, được cho là cơ hội hâm nóng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, sau quyết định ngày 09/01 của Bình Nhưỡng cử đoàn vận đông viên tham dự.

Theo giới quan sát, đây là chiến lược của Bắc Triều Tiên nhằm đột phá mặt trận « trừng phạt » mà cho đến giờ các quốc gia phương Tây vẫn liên kết với nhau gây áp lực với Bình Nhưỡng.

Vừa bận chuẩn bị « Thế vận Hòa bình », Seoul vừa « đau đầu » tìm cách đón phái đoàn của người anh em láng giềng mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Vậy Hàn Quốc đã « lách » các nghị quyết này như thế nào ? Trang France 24 (08/02/2018) tóm tắt bốn điểm :

1. Máy bay được thuê để đến miền Bắc

Trở ngại đầu tiên phải vượt qua là chính quyền Mỹ. Về lý thuyết, một phi cơ từng đến Bắc Triều Tiên sẽ không được phép hạ cánh ở Hoa Kỳ trong vòng sáu tháng sau đó. Seoul đã phải xin phép Washington miễn cho trường hợp của một phi cơ thuộc hãng Asiana Airlines (Hàn Quốc) để đưa đoàn vận động viên trượt tuyết đến luyện tập cùng với đồng đội phương Bắc ở đỉnh núi Masik (thuộc Bắc Triều Tiên) và sau đó quay về nước chở theo đội tuyển Bắc Triều Tiên. Do vậy, chiếc phi cơ vẫn có thể hạ cánh ở Hoa Kỳ.

Tập luyện chung ở đỉnh núi Masik cũng là nhượng bộ đầu tiên của Seoul và gây ra một cuộc tranh luận ở Hàn Quốc vì sân băng ở đỉnh Masik là dự án quan trọng của Kim Jong Un với trang thiết bị hiện đại, quá đắt so với tình hình kinh tế ảm đạm của Bắc Triều Tiên.

2. Yêu cầu miền Nam tiếp nhiên liệu cho phà miền Bắc cập bến Hàn Quốc

Theo dự kiến, một nhóm nghệ sĩ miền Bắc đến miền Nam qua đường bộ, nhưng cuối cùng Bình Nhưỡng thông báo phái đoàn đến bằng đường thủy. Chiếc phà Man Gyong Bong 92, trọng tải 9.700 tấn, chở 114 nghệ sĩ đã cập bến Hàn Quốc ngày 06/02.

Chính quyền Seoul đã phải vi phạm lệnh cấm mọi tầu bè miền Bắc lưu thông trong vùng biển của Hàn Quốc. Bình Nhưỡng còn nghiễm nhiên yêu cầu người anh em miền Nam tiếp nhiên liệu cho chiếc phà. Nếu tiếp liệu, Seoul sẽ lại vi phạm loạt nghị quyết trừng phạt vì Bắc Triều Tiên bị hạn chế nhập khẩu dầu lửa, chỉ còn 500.000 thùng mỗi năm, tương đương khoảng 65.000 tấn. Hiện bộ Thống Nhất Triều Tiên vẫn chưa cho biết là đã đáp ứng hay không yêu cầu của miền Bắc.

3. Hai nhân vật trong đoàn Bắc Triều Tiên bị liệt vào danh sách đen

Bình Nhưỡng cố tình kéo dài thời hạn công bố danh sách các nhân vật đến tham dự Thế Vận Hội nhằm « nắn gân » các nghị quyết trừng phạt. Và đúng như nhận định của nhật báo New York Times, phái đoàn Bắc Triều Tiên có hai nhân vật nằm trong danh sách đen của Hội Đồng Bảo An và Hoa Kỳ.

Người thứ nhất là Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Kim Jong Un. Nhân vật này được đánh giá là ngày càng có ảnh hưởng trên thượng tầng Nhà nước và vừa mới trở thành ủy viên Bộ Chính Trị đầy quyền lực.

Người thứ hai là ông Choe Hwi, chủ tịch Ủy ban chỉ đạo thể thao quốc gia Triều Tiên. Cả hai đều nằm trong danh sách đen của bộ Tài Chính Mỹ vì bị cho là có vai trò trong « hàng loạt vi phạm hiện tại và nghiêm trọng về nhân quyền và hoạt động kiểm duyệt ». Tuy nhiên, chỉ có ông Choe Hwi là nằm trong danh sách cá nhân bị trừng phạt của Hội Đồng Bảo An.

Người dân Hàn Quốc có phản ứng tích cực khi biết tin Kim Yo Jong tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội vì đây là chuyến công du đầu tiên của một thành viên gia đình họ Kim cầm quyền kể từ năm 1953, khi hai miền đình chiến. Và để đón tiếp phái đoàn cao cấp này, một lần nữa, Seoul lại phải xin phép Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ để « phá luật ».

4. « Đau đầu » vì hàng cao cấp

Biện pháp trừng phạt của Hội Đồng Bảo Anh gây nhiều vấn đề nhất ở Thế Vận Hội Pyeongchang có lẽ là lệnh cấm chuyển giao sản phẩm cao cấp.

Bắt đầu từ túi quà tặng cho mọi vận động viên, bên trong có một chiếc điện thoại thông minh Galaxy Note 8 của Samsung. Hội Đồng Bảo An có thể coi đó là một mặt hàng cao cấp vì theo giá bán, chiếc điện thoại này trị giá 1,09 triệu won (khoảng 817 euro). Ủy Ban Thế Vận (CIO) nảy ra ý kiến là ban tổ chức chỉ cho vận động viên Bắc Triều Tiên « mượn » điện thoại và thu lại sau kỳ thi đấu. Seoul không theo ý tưởng này vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt và theo tin mới nhất thì các vận động viên Bắc Triều Tiên (và Iran – nước cũng bị cấm vận) đã từ chối nhận quà.

Liệu lệnh cấm vận đối với sản phẩm cao cấp có giá trị với… gậy khúc côn cầu trên băng ? Theo New York Times, đây cũng là một thách thức với ban tổ chức.

Nhật báo Mỹ nhắc lại, năm 2017, các vận động viên khúc côn cầu trên băng Bắc Triều Tiên đã tham gia một trận thi đấu quốc tế tại Auckland (New Zealand) với những cây gậy bằng gỗ và đã mòn. Ban tổ chức đã phải cho họ mượn dụng cụ mới bằng sợi cac-bon, sau đó được thu lại khi kết thúc trận đấu. Cách thức này cũng được áp dụng tại Pyeongchang, vì đội hình nữ thi đấu bộ môn khúc côn cầu trên băng bao gồm vận động viên của cả hai miền.

Liệu những nỗ lực của Hàn Quốc có biến được Olypmic Pyeongchang thành « Thế vận Hòa bình » giúp hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau ? Câu trả lời sẽ được kiểm chứng trong thời gian sau Thế Vận.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180210-tvh-pyeongchang-han-quoc-vat-va-%C2%AB-lach-%C2%BB-trung-phat-de-don-doan-bac-trieu-tien

 

Pháp phá vỡ thêm một đường dây

đưa người Việt nhập lậu vào Anh

Trọng Nghĩa

Viện công tố thành phố Béthune vùng Pas-de-Calais miền Bắc nước Pháp vào hôm qua 09/02/2018 cho biết đã truy tố 14 người bị tình nghi thuộc một đường dây đưa người Việt nhập cư lậu từ Pháp sang Anh.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, công tố viên thành phố Béthune xác định rõ là trong số các nghi phạm, có chín người là chính phạm, tổ chức buôn người, và năm người là tài xế tòng phạm, lo việc chuyển vận. Họ đều đã bị truy tố về tội lập băng đảng giúp người nhập cảnh và cư trú bất hợp pháp tại Pháp, và đã bị tống giam.

Theo AFP, một đợt bắt giữ đầu tiên đã diễn ra vào đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba, với một số nghi phạm bị bắt quả tang trên một bãi đậu xe dọc theo xa lộ A26 dẫn đến thành phố Calais, gần trại Angres gần thành phố Lens, nơi tạm cư của những người Việt Nam muốn vượt biên qua Anh.

Công tố viên thành phố Béthune Philippe Peyroux cho biết thêm là song song với nhóm điều tra nói trên, một nhóm khác đã hành động tại khu vực Paris, và tiến hành những vụ câu lưu khác.

Theo viên chức này, đường dây buôn người vừa bị phá vỡ có nhiều chi nhánh tại vùng Paris, và không loại trừ khả năng là họ hoạt động theo lệnh của các ông chủ ở ngoài nước Pháp. Theo ông Peyroux, « Năm nào chúng tôi cũng phải đối phó với một vụ buôn người Việt Nam (…), và cứ mỗi lần mà một nhóm buôn người bị vào tù, là có ngay một nhóm khác xuất hiện ».

http://vi.rfi.fr/phap/20180210-phap-truy-to-14-nghi-pham-trong-mot-duong-day-nhap-cu-lau-vao-anh-quoc

 

Lần đầu tiên

một chiến đấu cơ Israel bị bắn hạ tại Syria

Trọng Nghĩa

Tình hình Cận Đông căng thẳng hẳn lên vào hôm nay, 10/02/2018. Israel đã tiến hành một loạt phi vụ không kích đánh vào các cứ điểm quân sự của cả Syria lẫn Iran trên lãnh thổ Syria. Và lần đầu tiên, một chiến đấu F-16 của Israel bị rơi, sau khi vấp phải mạng lưới phòng không của Syria.

Từ Jerusalem, thông tín viên RFI Michel Paul tường trình :

Hôm nay quả là một ngày bận rộn cho người dân vùng Galilée của Israel. Ngay lúc 4 giờ 25 sáng, còi báo động đã hụ lên yêu cầu mọi người chạy xuống hầm trú ẩn, sau khi một chiếc máy bay không người lái (drone) của Iran phóng đi từ khu vực Palmyra ở miền Trung Syria thâm nhập không phận Israel. Trực thăng chiến đấu Apache của Israel đã kịp thời bắn hạ được chiếc drone này.

Ngay sau đó, quân đội Israel đã tung chiến dịch đáp trả, tấn công vào những vị trí bị Israel cho là « hệ thống giám sát của Iran » trên lãnh thổ Syria. Và lần đầu tiên, một chiếc F-16 của Israel, đã bị trúng tên lửa phòng không của Syria. Máy bay rơi xuống miền bắc Israel, cả hai phi công đều phóng ra được và được cấp cứu.

Phát ngôn viên của quân đội Israel nói vụ tấn công Israel bằng drone là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nhà nước Do thái. Đối với Israel, Iran « đang kéo khu vực vào vòng xoáy bạo lực và sẽ phải trả giá đắt. »

Theo lời quân đội Israel, không lực của họ đã tấn công tổng cộng 12 mục tiêu tại Syria, bao gồm 3 ổ phòng không và bốn mục tiêu của Iran không được nói rõ là gì.

Theo Sana, cơ quan thông tấn xã chính thức của Syria, thì các đơn vị phòng không của họ đã đáp trả « một hành vi xâm lược mới của Israel ».

Đây là lần đầu tiên quân đội Israel tuyên bố công khai là mục tiêu tấn công của họ bao gồm các vị trí của Iran tại Syria kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến vào năm 2011, với việc Iran cử người qua hỗ trợ chế độ Damas.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180210-lan-dau-tien-bi-mot-chien-dau-co-israel-bi-ban-ha-tai-syria

 

Khủng hoảng Venezuela :

Người dân lũ lượt sang Colombia kiếm sống

Thụy My

Cuộc khủng hoảng tại đất nước do ông Nicolas Maduro lãnh đạo đã khiến hàng ngàn người Venezuela phải tha phương cầu thực. Hôm thứ Năm 08/02/2018 vừa qua, tổng thống Santos của nước láng giềng đã phải loan báo các biện pháp nhằm cố gắng kiểm soát luồng người nhập cư vào Colombia.

Thông tín viên RFI tại Cucuta, Marie Eve Detoeuf tường thuật khung cảnh trên chiếc cầu biên giới Simon Bolivar. Nằm cách thành phố Cucuta của Colombia khoảng vài cây số, đây là cửa khẩu chính giữa Venezuela và Colombia.

« Hai cánh cửa lần lượt xoay, đếm số người Venezuela đi qua chiếc cầu Simon Bolivar. Sáng nay, có hàng ngàn người chen chúc trước trạm biên phòng khiêm tốn, với những chiếc túi xách hay va-li cũ kỹ. Một số đi làm việc tại thành phố Cucuta của Colombia. Số khác đi bán thuốc lá chợ đen, hoặc bán chuối để kiếm ít tiền mua thức ăn sống qua ngày. Và cũng có những người đã chọn lựa hẳn cuộc sống nơi xứ người, số này ngày càng nhiều.

Bà Marina, 47 tuổi, đã đến đây từ bốn tháng trước. Ở phía bên kia đầu cầu, bà bán vé xe buýt đi Bogota hoặc Medellin. Bà nói : « Chẳng vui vẻ gì khi để lại gia đình, công việc phía sau và nhất là con cái. Tất cả chỉ vì chúng tôi có một tổng thống bất lực trong việc quản lý đất nước. Thật đáng buồn khi thấy số lượng người Venezuela phải rời bỏ đất nước mỗi ngày, ai cũng khó khăn. Không nên khái quát hóa là tất cả những người Venezuela đều xấu, nhiều người cũng như tôi, chỉ muốn làm việc để có được tương lai tốt đẹp hơn ».

Người Venezuela ngày càng ít được tiếp nhận hơn tại Cucuta. Bà Marina muốn đưa các con sang, nhưng bọn trẻ lại không có hộ chiếu. Bà lo ngại chính phủ Colombia sẽ cứng rắn hơn về chính sách nhập cư. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180210-khung-hoang-venezuela-nguoi-dan-lu-luot-sang-colombia-kiem-song