Tin khắp nơi – 09/11/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 09/11/2018

TT Trump ký quy định mới về di dân xin tị nạn

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm 9/11 rằng ông đã ký một sắc lệnh mà về bản chất sẽ có hiệu lực giúp cấm việc xin tị nạn của những di dân vượt biên trái phép vào Mỹ từ Mexico.

Chính quyền của ông Trump đã công bố các quy định mới hôm 8/11 nhằm hạn chế mạnh việc nộp đơn xin tị nạn của di dân bằng cách ngăn cấm việc xin tị nạn của các cá nhân vượt biên trái phép vào miền nam Hoa Kỳ. Mọi người phải đi vào Hoa Kỳ qua các cửa khẩu nhập cảnh, ông Trump phát biểu trước khi rời Paris.

Kế hoạch mới của chính quyền, vẫn viện dẫn thẩm quyền mà ông Trump đã sử dụng để biện minh cho lệnh cấm du hành của ông đối với công dân của một số quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, có thể sẽ nhanh chóng bị kiện ra tòa.

Chính quyền ông Trump đã thua tại một phiên tòa hôm 8/11, khi một tòa phúc thẩm liên bang ở California phán quyết rằng chính quyền phải tiếp tục thực hiện một chương trình đã bắt đầu dưới thời Tổng thống Barack Obama bảo vệ hàng trăm ngàn di dân bất hợp pháp đã được đưa vào Mỹ khi còn là trẻ em, thường gọi tắt là Dreamers, tức là những người được hưởng lợi từ Đạo luật về Phát triển, Cứu trợ và Giáo dục cho Trẻ Ngoại kiều (DREAM Act).

Ông Trump nói phán quyết về chương trình Trì hoãn Hành động Pháp lý đối với Những người đến Mỹ khi còn là trẻ em (DACA) là tin tốt bởi vì giờ đây chính quyền của ông có thể kháng cáo về vụ này lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-ky-quy-dinh-moi-ve-di-dan-xin-ti-nan/4651589.html

 

Chính quyền TT Trump hành động

nhằm hạn chế di dân xin tị nạn

Chính quyền của ông Trump hôm 8/11 công bố các quy định mới nhằm hạn chế mạnh lượng đơn xin tị nạn của di dân bằng cách cấm những người vượt biên trái phép ở miền nam nước Mỹ nộp đơn xin tị nạn.

Những người ủng hộ di dân đã lên án động thái này, cho rằng nó vi phạm luật pháp hiện hành của Hoa Kỳ cho phép những người chạy trốn sự bức hại và bạo lực ở nước họ được xin tị nạn, bất kể họ nhập cảnh có bất hợp pháp hay không.

Các quy định được công bố hôm 8/11, kết hợp với một sắc lệnh dự kiến sẽ được Tổng thống Donald Trump ký, sẽ có hiệu lực cấm các di dân vượt biên trái phép từ Mexico vào Hoa Kỳ nộp đơn xin tị nạn.

Một khi kế hoạch này có hiệu lực đầy đủ, các di dân đi qua biên giới phía nam của Hoa Kỳ sẽ chỉ được coi là đủ tư cách xin tị nạn nếu họ trình diện tại các cửa khẩu nhập cảnh chính thức, theo lời các quan chức.

“Điều chúng tôi đang cố làm là tìm cách phân luồng để các đơn xin tị nạn đi qua các cửa khẩu nhập cảnh nơi chúng tôi có nguồn lực tốt hơn, có năng lực tốt hơn và nhân lực tốt hơn để thực sự xử lý những đơn đó một cách nhanh chóng và hiệu quả”, một quan chức chính quyền nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 8/11, với điều kiện không nêu tên.

Hiện tại, các quy định về tị nạn của Hoa Kỳ không cấm việc xin tị nạn đối với người nhập cảnh phi pháp. Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch, là luật về hệ thống nhập cư của Hoa Kỳ, cho phép một cách cụ thể là những người đến Hoa Kỳ, cho dù họ có làm như vậy tại một cửa khẩu chính thức hay không, vẫn được xin tị nạn.

Kế hoạch mới của chính quyền, vẫn viện dẫn thẩm quyền mà ông Trump đã sử dụng để biện minh cho lệnh cấm du hành của ông đối với công dân của một số quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, có thể sẽ nhanh chóng bị kiện ra tòa.

Động thái này nói chung sẽ ảnh hưởng đến những di dân từ Tam giác Bắc Trung Mỹ – gồm Guatemala, Honduras và El Salvador – những người vượt biện vào Hoa Kỳ từ Mexico để chạy trốn bạo lực và nghèo đói ở các quốc gia của họ.

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-quyen-tt-trump-hanh-dong-nham-han-che-di-dan-xin-ti-nan/4651443.html

 

Tòa phúc thẩm California

ra lệnh phải tiếp tục DACA

Một tòa án phúc thẩm ở bang California, Hoa Kỳ, ngày 8/11 ra lệnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải tiếp tục chương trình của chính quyền Obama tiền nhiệm qua đó bảo vệ hàng trăm ngàn di dân bất hợp pháp được đưa vào Mỹ từ khi còn nhỏ.

Quyết định của Tòa phúc thẩm khu vực số 9 có trụ sở tại San Francisco duy trì DACA, tức chương trình trì hoãn trục xuất cho các di dân bất hợp pháp tới Mỹ từ khi còn nhỏ, những người này còn được gọi là ‘Dreamers’. Chương trình DACA được đưa ra vào năm 2012 dưới thời Tổng thống Barack Obama giúp họ có giấy phép đi làm dù không cho họ một con đường tiến tới nhập tịch Mỹ.

Ông Trump hồi tháng 9 năm ngoái loan báo kế hoạch xóa bỏ DACA, nói rằng cựu Tổng thống Obama đã vượt quá quyền hạn hiến định khi tạo ra chương trình này mà không thông qua Quốc hội.

Chương trình DACA hiện bảo vệ khoảng 700 ngàn di dân, hầu hết là gốc Mỹ Latin.

Tòa phúc thẩm ở San Francisco bác lập luận phía chính quyền Trump đưa ra rằng các tòa án không thể xét lại quyết định chấm dứt DACA của hành pháp.

Phán quyết xuất phát từ một vụ kiện của các bang California, Maine, Maryland và Minnesota.

Một thẩm phán liên bang ở Washington hồi tháng 8 đã ra lệnh cho chính quyền Trump phục hồi toàn bộ chương trình DACA, kể cả tiếp nhận những đơn xin mới đăng ký. Quyết định này còn đang bị kháng cáo.

Trong năm nay, luật gia hạn bảo vệ cho di dân DACA và mở đường cho họ tiến tới nhập tịch Mỹ không được Quốc hội thông qua.

https://www.voatiengviet.com/a/toa-phuc-tham-california-ra-lenh-tiep-tuc-daca-/4650601.html

 

Chính sách đối ngoại của Trump

sẽ thay đổi thế nào sau bầu cử?

Đảng Dân chủ sẽ sử dụng thế đa số của họ ở Hạ viện để đảo ngược những gì mà họ cho là sự bỏ mặc của Đảng Cộng hòa đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump và thúc đẩy các chính sách hà khắc hơn đối với Nga, Ả Rập Xê-út và Bắc Triều Tiên.

Dân biểu Eliot Engel, ứng viên Dân chủ sẽ lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói rằng họ sẽ tìm kiếm sự cho phép của Quốc hội để sử dụng hành động quân sự ở những nơi như Iraq và Syria. Những trên những hồ sơ nóng bỏng như Trung Quốc và Iran, ông thừa nhận rằng họ không thể làm gì nhiều để thay đổi nguyên trạng.

Là đảng kiểm soát Hạ viện, Đảng Dân chủ sẽ quyết định đạo luật nào sẽ được Hạ viện xem xét và sẽ có vai trò lớn hơn trong việc định hình chính sách chi tiêu và soạn thảo các dự luật.

“Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ xét lại một số vấn đề bởi vì nó được chính quyền Trump đưa ra, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi có nghĩa vụ xem xét các chính sách và thực hiện giám sát,” ông Engel nói.

Nga và can thiệp bầu cử

Đảng Dân chủ đang lên kế hoạch điều tra về Nga, chẳng hạn như về những mối quan hệ làm ăn có thể và xung đột lợi ích giữa ông Trump và Nga.

Từ góc độ chính sách, Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát sẽ thúc đẩy trừng phạt Nga vì can thiệp vào bầu cử Mỹ và các hoạt động như sáp nhập lãnh thổ của Ukraine và sự can dự vào nội chiến ở Syria.

Hạ viện sẽ thúc đẩy thêm lệnh cấm vận. Họ cũng có thể áp lực ông Trump thực thị tất cả các lệnh trừng phạt trong một đạo luật mà ông miễn cưỡng ký thành luật hồi tháng Tám năm 2017.

Các vị dân biểu Dân chủ cũng quyết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nỗ lực có được thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh hồi mùa hè rồi của Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà Trắng cho đến nay vẫn chỉ công bố ít chi tiết về cuộc gặp này.

“Thật lố bịch khi có một cuộc gặp thượng đỉnh như thế giữa hai nhà lãnh đạo mà Quốc hội vẫn còn mù tịt về nó,” ông Engel nói.

Ông còn nói rằng vấn đề Nga can thiệp bầu cử ‘vẫn chưa hề được giải quyết’.

Bắc Triều Tiên

Phe Dân chủ nói họ quyết tâm có được thêm thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và lo lắng rằng ông Trump rất háo hức có được ‘thỏa thuận tuyệt vời’ mà ông nhượng bộ cho ông Kim quá nhiều.

Ông Engel dự định triệu tập các quan chức chính quyền ra điều trần về tình trạng của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên phe Dân chủ cũng sẽ cẩn thận để không bị xem là can thiệp vào ngoại giao và nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến hạt nhân.

“Tôi nghĩ cần phải có sự đối thoại với họ. Nhưng chúng ta không mơ mộng hão huyền rằng họ sẽ có thay đổi nào đó đột phá,” ông Engel nhận định.

Trung Quốc

Dân chủ kiểm soát Hạ viện dự đoán là sẽ không đem lại thay đổi nào lớn trong chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ. Họ sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc điều trần và yêu cầu được báo cáo nhiều hơn, nhưng thái độ của hai đảng lâu nay vẫn là e ngại Trung Quốc và điều đó sẽ không thay đổi.

Các dân biểu Dân chủ hàng đầu, chẳng hạn như ông Adam Schiff, người sẽ lên lãnh đạo Ủy ban Tình báo Hạ viện, đã cùng với các đồng nghiệp Cộng hòa ủng hộ các biện pháp trấn áp Trung Quốc, chẳng hạn như đạo luật xem các công ty công nghệ ZTE và Huawei là đe dọa an ninh mạng hàng đầu.

Tuy nhiên, ông Engel thừa nhận Mỹ cần Trung Quốc như là một đối tác, nhất là trong vấn đề đối phó với Bắc Triều Tiên. “Tôi nghĩ chúng ta cần cẩn thận không đả kích,” Engel nói.

Chiến tranh thương mại

Cũng giống như Đảng Cộng hòa, phe Dân chủ cũng bị chia rẽ về cuộc chiến thương mại của ông Trump. Một số người cho rằng thương mại tự do giúp đem lại công ăn việc làm trong khi một số thành viên khác của đảng Dân chủ muốn bảo vệ công nhân trong những ngành nghề như thép và chế tạo.

Mặc dù Tổng thống Trump có quyền hạn đáng kể trong lĩnh vực thương mại, phe Dân chủ nói rằng họ muốn ông Trump phải giải trình nhiều hơn, trong đó có mức tăng thuế quan quá cao đánh vào Trung Quốc vốn ảnh hưởng đến nông dân và các bang chế tạo, nhất là ở vùng Trung Tây. Ngay cả khi họ không áp lực ông Trump quá mức về thương mại thì Đảng Dân chủ sẽ yêu cầu ông đảm bảo rằng các thỏa thuận thương mại phải có các chuẩn mực lao động và môi trường.

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Đảng Dân chủ bất bình trước việc ông Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà cựu Tổng thống Barack Obama đạt được hồi năm 2015. Nhưng họ không thể làm gì được gì khi nào Đảng Cộng hòa còn nắm giữ Nhà Trắng.

Engel nằm trong số các đảng viên Dân chủ phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng ông nói rằng ông Trump nên làm việc với các đồng minh quan trọng như các nước châu Âu. “Tôi nghĩ điều mà chúng ta nên làm là sửa chữa lại những thiệt hại trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh mà ông Trump đã gây ra,” ông nói.

https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-%C4%91%E1%BB%91i-ngo%E1%BA%A1i-c%E1%BB%A7a-trump-s%E1%BA%BD-thay-%C4%91%E1%BB%95i-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o-sau-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-/4651142.html

 

Bầu cử giữa kỳ Mỹ:

Điều đảng Dân chủ có thể rút tỉa

Anthony ZurcherPhóng viên Bắc Mỹ BBC

Có thể khó tin, nhưng cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2020 đang dần định hình. Đây là những gì chúng ta học được trong tuần lễ vừa qua.

Bạn điều chỉnh đồng hồ đi nhé. Cuộc chạy đua cho bầu cử sơ bộ cho ứng viên tranh cử tổng thống năm 2020 trong đảng Dân chủ đã bắt đầu! Đúng thế, ngay bây giờ. Và những gì xảy ra trong cuộc bầu cử giữa kỳ hôm thứ Ba có thể có ảnh hưởng lớn đến sự định hình của cuộc đua.

Kịch bản sắp đến tận thế của đảng Dân chủ, tình trạng không giành được kiểm soát của một trong hai viện Quốc hội, đã được khắc phục.

Điều đó có thể tránh được tình trạng tuyệt vọng của các cử tri Dân chủ, hoàn toàn vỡ mộng với khả năng của những nhà chính trị đang tại chức trong đảng mình hiện tại, nên phải hướng tới một người hoàn toàn bên ngoài như Oprah hoặc doanh nhân Marc Cuban chẳng hạn.

Thay vào đó, tác động của kết quả bầu cử giữa kỳ đối với đảng Dân chủ – có nhiều sắc thái hơn.

TT Trump ca ngợi ‘thắng lợi lớn’ dù có thất bại

‘Đừng nghe Trump nói, hãy nhìn những gì Trump làm’

Một trở ngại cho cánh tả của đảng

Một trong những điều rõ ràng mà người ta thấy ngay từ kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ là các ứng cử viên cấp tiến sáng giá nhất đã đơn giản là không đắc cử.

Kể từ năm 2016 đảng Dân chủ đã tranh cãi với nhau là liệu những thất bại của đảng có phải là vì ứng cử viên của họ không hấp dẫn đủ với nhiều cử tri độc lập và cử tri đảng Cộng hòa ôn hòa, hay vì họ không quảng bá đúng mức sự hậu thuẫn cho các mục tiêu cấp tiến.

Trong cuộc đua vào chức thống đốc ở hai tiểu bang Florida và Georgia, hai ứng cử viên đảng Dân chủ tranh cử dựa trên những giá trị cấp tiến sau khi đánh bại các ứng cử viên truyền thống, với sự nghiệp lâu dài hơn trong bầu cử sơ bộ.

Andrew Gillum, người thất cử ở tiểu bang Florida trong cuộc chạy đua một ứng cử viên đảng Cộng hòa ủng hộ Trump, đã ủng hộ mức lương tối thiểu 15 đôla/giờ, chăm sóc y tế toàn cầu, cải cách chính sách nhập cư, cùng với các biện pháp khác. Ông Andrew Gillum chỉ thua đối thủ 0.5 phần trăm điểm.

Ứng cử viên Stacey Abrams của tiểu bang Georgia vẫn chưa thừa nhận mình thua – và có nhiều tranh cãi xoay quanh việc bầu cử có công bằng không trong tiểu bang của bà. Bà Abrams cũng bày tỏ quan điểm cấp tiến tương tự.

“Tôi sẽ không dành quá nhiều thì giờ quý báu của mình để mong thuyết phục cử tri theo đảng Cộng hòa, khi có thể đầu tư vào việc nâng cao tiếng nói của những người chia sẻ giá trị của chúng tôi”. Bà nói với tạp chí Rolling Stone hồi tháng Bảy.

Trong các cuộc đua vào Hạ viện, giới cấp tiến đã chiến thắng ở những nơi như Texas, Illinois, Pennsylvania và Kansas. Trong một cuộc đua ở Georgia, Lucy McBath đã giành được ghế Hạ viện, với số phiếu chênh lệch nhỏ, tại nơi mà một ứng cử viên trung dung, Jon Ossoff, đã thua cuộc trong cuộc bầu cử đặc biệt vào năm ngoái.

Nhưng một chiến thắng trên toàn tiểu bang ở Florida hay Georgia sẽ là sự tán thành vang dội của chiến lược tranh cử dựa trên chiến lược khích động giới ủng hộ – ngược lại với cách nghiên cứu và tính toán chính trị theo kiểu của Hillary Clinton.

Nó điều đó đã không xẩy ra. Và điều đó có thể trở thành tin xấu đối với những ứng cử viên tổng thống cấp tiến hàng đầu có triển vọng như Elizabeth Warren của tiểu bang Massachusetts và Bernie Sanders của tiểu bang Vermont.

(Ông Sanders, có lẽ cảm thấy dễ bị tổn thương, gần đây đã nói với Daily Beast rằng hai ứng cử viên bị thất cử không phải vì quan điểm chính trị của họ, nhưng vì cử tri da trắng “không thoải mái” bỏ phiếu cho các ứng cử viên da đen.)

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Con ứng cử viên chỉ trích cha

Đảng ở nước Mỹ và Đảng ở Việt Nam

Midwest một lần nữa lại là chiến trường

Lấy một bản sao của bản đồ bầu cử tổng thống năm 2016 và thay đổi Wisconsin, Michigan và Pennsylvania từ màu đỏ của đảng Cộng hòa sang mầu xanh của Dân chủ. Nếu những tiểu bang này chuyển từ Cộng hòa sang Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020, đảng Dân chủ sẽ giành được Nhà Trắng với từ 278 đến 260 phiếu.

Đây có thể là một trong những thông điệp quan trọng nhất đối với đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018. Con đường dễ nhất quay trở lại Nhà Trắng có thể là qua các tiểu bang Trung Tây bị rơi xuống khi bức tường xanh “bầu cử” của bà Clinton sụp đổ.

Tất cả ba tiểu bang này – hoặc đã bầu lần đầu, hay bầu thêm một lần nữa – cả thượng nghị sĩ và thống đốc đảng Dân chủ hôm thứ Ba. Hai tiểu bang Michigan và Pennsylvania cũng bỏ dân biểu đảng Cộng hoà để bầu cho đảng Dân chủ.

Đảng Dân chủ từng bàn cãi là trong năm 2020 đảng có nên tập trung nỗ lực vào việc cố gắng giành lại vùng Trung Tây thay vì cố gắng áp dụng “chiến lược Sunbelt” để xây dựng đại đa số cử tri từ những tiểu bang như Florida, North Carolina và Arizona . Hãy xem xét kết quả 2018 như phụ lục A để hỗ trợ cho chiến lược Trung Tây.

Nếu đảng Dân chủ bỏ công đi tìm một ứng cử viên có thể giành chiến thắng ở vùng Trung Tây, nơi đầu tiên họ có thể bỏ mắt vào là niềm tự hào của Scranton ở Pennsylvania, ông Joe Biden.

Có rất nhiều lý do cựu phó tổng thống Joe Biden sẽ trở thành một người dẫn đầu, nếu ông quyết định tham dự cuộc đua, khả năng thu hút tầng lớp nhên công ở những tiểu bang vùng Trung Tây – khả năng nói ngôn ngữ của họ và hiểu mối quan tâm của họ của ông – sẽ cao trong danh sách.

Thượng nghị sĩ Sherrod Brown có thể là con kỵ mã, người hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018.

Vị thượng nghị sĩ 65 tuổi với giọng nói khàn khàn này vừa thắng cử tại tiểu bang Ohio, nơi mà Trump đã thắng một cách dễ dàng cách đây hai năm. Ông là một người cấp tiến, nhưng lại hấp dẫn được giới thợ thuyền.

Thượng nghị sĩ tiểu bang Minnesota Amy Klobuchar là một người có nhiều tiềm năng khác với nhiều chú trọng vào miền Trung Tây, cũng như Thượng nghị sĩ tiểu bang Ohio Tim Ryan, người vừa thắng khu vực của mình hơn 20% số phiếu so với đối thủ.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Phòng phiếu ở Bờ Đông bắt đầu mở

Người Việt với bầu cử và Donald Trump

Tương lai của hiện tượng Beto

Trái tim của giới cấp tiến đã tan vỡ khi hiện tượng ứng cử viên dân chủ Beto O’Rourke thất bại trong nỗ lực đánh bại Thượng nghị sĩ Ted Cruz trong tiểu bang có truyền thống bảo thủ Texas.

Sự khác biệt rất nhỏ của số phiếu – ít hơn 3% – và số tiền đáng kinh ngạc mà ứng cử viên của thành phố El Paso đã quyên góp được – hơn 70 triệu đô la – đảm bảo rằng ông sẽ có mặt trên chính trường quốc gia trong nhiều năm tới.

Ông có thể quyết định sử dụng một số trong phần tiền còn lại để làm tiền hạt giống cho một cuộc ứng cử tổng thống năm 2020? Có lẽ! Bento-mania đã nhận được sự chú ý trên toàn quốc của đảng Dân chủ vào thời điểm này và đã chứng minh cho mọi người thấy ông có thể gây quỹ như một ứng cử viên tổng thống.

Nếu Beto O’Rourke quyết định không tranh cử, cử tri đảng Dân chủ có thể tìm kiếm một chút phép thuật Beto trong bất cứ ai bước vào lĩnh vực này – một người trẻ, có sức lôi cuốn và có đầu óc cải cách.

Thượng nghị sĩ của tiểu bang New Jersey Cory Booker có thể đáp ứng hình ảnh này. Thượng nghị sĩ California Kamala Harris là một tiềm năng khác. Nếu một trong hai người này nghĩ rằng chìa khóa cho khả năng gây quỹ của ông O’Rourke là biết chơi trượt ván hoặc tham gia một ban nhạc, họ sẽ làm thế ngay lập tức.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46152807

 

Người Việt với bầu cử và Donald Trump

Bình luận của độc giả người Việt về câu hỏi có khuynh hướng sùng bái Trump và việc ông thắng hay thua sau cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ.

Người Việt có sùng bái Trump?

Về câu hỏi tâm lý sùng bái lãnh tụ của người Việt có biểu hiện trong thiện cảm dành cho ông Trump hay không, luật sư Nguyễn Quốc Lân ở Hoa Kỳ, người ủng hộ đảng Cộng Hòa, trong chương trình Bàn tròn Tối thứ Năm 8/11 của BBC, cho hay:

“Ủng hộ đảng Cộng hòa không có nghĩa là nằm trong khuynh hướng sùng bái ông Trump.”

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Dân chủ thắng Hạ viện

Bầu cử giữa kỳ Mỹ: 5 nhận xét quan trọng

Trump vừa làm hòa vừa dọa đảng Dân chủ

Sóng xanh hay sóng đỏ?

Đảng Cộng hòa hay đảng Trump?

“Những người theo đảng Cộng hòa hỗ trợ Trump cuồng nhiệt vì ông Trump có nhiều chính sách táo bạo mà các chính phủ trước đây không dám làm. Ví dụ ông Trump mạnh tay trong chính sách di dân, hay mạnh tay trong các chính sách giao thương với Trung Quốc.”

“Hay việc chính phủ Mỹ bao nhiêu năm hứa di chuyển tòa đại sứ của Hoa Kỳ sang Jerusalem nhưng không làm, ông Trump làm luôn. Những chính sách đó phản ánh ý kiến chung của một bộ phận người Mỹ muốn có sự mạnh bạo như vậy,” luật sư Nguyễn Quốc Lân nói.

Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ được công bố hôm 6/11, với đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện lần đầu tiên kể từ năm 2010, và đảng Cộng hòa giữ quyền kiểm soát Thượng viện.

Số phụ nữ tranh cử năm nay ở mức cao nhất từ trước đến giờ.

Theo Los Angeles Times, 13 trong số 24 ứng viên gốc Việt tham gia tranh cử tại quận Cam, bang California đã đắc cử.

Trong khi đó, kiến trúc sư Thắng Đỗ từ Hoa Kỳ, người theo đảng Dân chủ, thì khẳng định:

“Nước Mỹ chưa bao giờ chia rẽ đến vậy kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống từ 2016. Đúng là sự sùng bái có thật dưới thời ông Trump.”

“Cứ theo dõi những buổi gặp, họp của những người ủng hộ Trump ở Mỹ thì thấy có nhiều người không nhìn vào chính sách mà họ chỉ nhìn theo một lãnh tụ, coi như đấng toàn năng và đấng đó không làm điều gì sai cả.”

“Tôi không thấy người ta làm thế với cha con ông Bush hay cựu Tổng thống Mỹ Reagan. Đó như một kiểu cuồng tín. Tôi thấy rất nguy hiểm cho xã hội Mỹ.”

Nhà báo tự do Trần Đông Đức hiện đang sinh sống Mỹ, thì lý giải nhiều người Việt thích ông Trump “vì ông ấy là người có cá tính”.

“Đó là nhân vật tương đối lạ, hơi ‘sân khấu’ một chút. Đối với tôi, ban đầu tôi cũng bị thu hút bởi điều đó. Càng về sau tôi càng đồng tình với những chính sách của ông ấy. Tôi cảm thấy tâm lý này chung với hội người Việt Nam thích Trump tại Mỹ.”

Người Việt ở Mỹ theo đảng Cộng hòa?

Luật sư Nguyễn Quốc Lân cho hay có “đa số” người gốc Việt ở Mỹ ủng hộ đảng Cộng Hòa, nhưng không phải “hầu hết”.

Ông Lân giải thích: “Có thể do nhiều người Việt còn nhầm lẫn từ Cộng Hòa trong “đảng Cộng hòa” với chế độ Việt Nam Cộng hòa thời xưa.”

“Quan điểm của đảng Cộng hòa rất mạnh bạo, chống lại liên bang Xô Viết, chống cộng sản, bảo vệ tự do tôn giáo, giá trị gia đình. Nhưng qua thời gian người ta hiểu rằng đảng Dân chủ có lúc này lúc kia cũng chống cộng sản, ủng hộ dân chủ, tùy giai đoạn, tùy theo từng người. Cho nên người ta có khuynh hướng ghi danh theo đảng Cộng hòa nhiều hơn theo đảng Dân chủ.”

“Trong 10 năm trở lại đây, nhiều người có khuynh hướng không ghi là theo đảng nào. Họ nói mình là phe ‘độc lập’, nhưng thực chất họ không tiết lộ đảng của mình.”

“Số này ngày càng đông. Và trong khối cử tri gốc Việt hiện có khuynh hướng chia ba. Phần theo Cộng hòa chia chiếm ưu thế. Nhưng vừa qua đã mất ưu thế, không phải cho dảng Đân chủ, mà cho phe ‘độc lập’ kia.”

Khuynh hướng người Việt bầu cho người Việt

Về việc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ năm 2018 có nhiều ứng cử viên gốc Việt trúng cử nhất từ trước tới nay, luật sư Nguyễn Quốc Lân cho hay bầu cho người của cộng đồng mình là “khuynh hướng bình thường trong xã hội Mỹ”.

“Vừa qua đa số người Việt Nam tại Mỹ bầu ứng cử viên người gốc Việt, do họ nghĩ với người Việt thì họ có thời gian sinh hoạt trong cộng đồng người Việt lâu nên hiểu rõ quan điểm, suy nghĩ của cộng đồng mình, và tiện lợi trong việc đại diện cho cộng đồng ấy.”

“Các cộng đồng người Mỹ La Tinh, người Mỹ da đen đều có khuynh hướng bầu cho người của mình.”

“Do đó khi bầu, người ta chọn dựa trên việc thấy người đó là tốt nhất trong khuynh hướng ưu ái, ưu tiên đó, chứ không phải dựa trên việc người đó có nhiều kinh nghiệm nhất hay đã làm việc nhiều nhất hay tốt nhất.”

“Giống việc anh mình tranh cử thì bầu cho anh mình chứ bầu cho người kia làm gì. Quan điểm đó đơn giản như vậy.”

Kiến trúc sư Thắng Đỗ đồng tình với luật sư Lân, đồng thời cho rằng “có sự khác biệt trong việc bầu các chức vụ địa phương và việc bầu các chức vụ ở liên bang”.

“Đúng là ở địa phương thì người ta bầu cho những người nào người ta cảm thấy giống họ, nói ngôn ngữ của họ. Tôi không nghĩ đó nhất thiết là vấn đề sắc tộc mà đó là khuynh hướng bình thường”.

Ông Trump thật ra đã thắng?

Dù mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ, nhưng theo một số người ủng hộ ông Trump, ông Trump kỳ thực đã giành chiến thắng lớn ở Thượng viện và điều này rất quan trọng trong việc ông có thể ở lại trên cương vị Tổng thống Mỹ thêm nhiệm kỳ nữa hay không.

Facebooker Viet Hai Tran viết: “Tờ Western Journal nói các hãng truyền thông lớn của Hoa Kỳ chỉ đưa tin Hạ viện vào tay đảng Dân chủ mà gần như ‘phớt lờ’ việc ông Trump giành chiến thắng lớn ở Thượng viện.”

“Giành được Hạ Viện, mặc dù vậy, Đảng Dân Chủ đã bị thiệt hại nặng nề trong cuộc đua vào Thượng Viện ở Texas. Cụ thể, ứng cử viên của họ, Beto O’Rourke, đã thua ứng viên Ted Cruz của đảng Cộng Hòa.”Theo trang web www.realclearpolitics.com, ứng cử viên Ted Cruz của đảng Cộng Hòa được 50.9% phiếu, so với 48.3% của Beto O’Rourke, một tỉ số được cho là khiêm nhường.

“Đảng Cộng Hòa cũng giành được ba ghế mới ở Thượng viện với chiến thắng hoàn toàn ở Bắc Dakota, Indiana, Florida và Missouri và có khả năng sẽ thắng ở Florida, nơi ứng viên Rick Scott dường như đã đánh bại thượng nghị sỹ Bill Nelson đương nhiệm, do người chiến thắng đã không chính thức được tuyên bố vào chiều thứ Tư (7/11).” Ông Viet Hai Tran viết tiếp.

“Trong các dòng trạng thái đăng trên Twitter vào sáng thứ Tư, Tổng Thống Trump trích dẫn lời của nhà bình luận chính trị Ben Stein, người đã phân tích ý nghĩa lịch sử chiến thắng của Cộng Hòa hôm thứ Ba trên trang Fox Business Network, ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu.”

“Chỉ có 5 lần trong 105 năm qua, một tổng thống đương nhiệm giành được ghế ở Thượng Viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ,” Stein nói. “Ông Trump đúng là có phép thuật”.

“Theo Western Journal, đó là một chi tiết, một ý kiến, mà người dân Mỹ sẽ không được nghe thấy hoặc nhắc tới ở nhiều trang truyền thông ủng hộ đảng Dân Chủ.”

“Ông Stein nêu quan điểm rằng ông Trump đã thực hiện các cuộc vận động không mệt mỏi cho đảng Cộng Hòa trong mùa bầu cử vừa qua. Ông chủ Tòa Bạch Ốc đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri đầy nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng trên khắp đất nước, với hàng chục ngàn người muốn nhìn thấy ông Trump.”

“Trong khi đó, các ngôi sao của đảng Dân Chủ như cựu Tổng Thống Obama đã không gây được ấn tượng mạnh ở nhiều nơi mà ông ta trổ tài hùng biện.”

Bình luận của Nguyệt Cầm, một cử tri gốc Việt ở California: “Đảng Dân chủ đã giành lại được Hạ viện như dự đoán trước đó. Nhưng điều đặc biệt của mùa bầu cử năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, có một chính trị gia công khai đồng tính luyến ái thắng cử chức Thống đốc (Jared Polis), hai phụ nữ Hồi giáo (Rashida Tlaib & Ilhan Omar) và hai phụ nữ Anh-điêng Mỹ (Deb Haaland & Sharice Davids) vừa giành được ghế ở Nghị viện.”

“Bất chấp việc thái độ công khai kỳ thị (chống người da màu, chống phụ nữ, chống người di dân…) ngày một gia tăng trong hai năm qua kể từ khi Trump lên nắm quyền, tôi vẫn tràn đầy hi vọng vào quê hương thứ hai của mình.”

Ý kiến quốc tế

Bầu cử giữa kỳ của Mỹ không chỉ thu hút sự chú ý của người Việt khắp nơi. Nhà báo Nguyễn Giang của BBC bình luận trong chương trình Bàn tròn Thứ năm hôm 8/11 rằng cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ được dư luận châu Âu, trong đó có Anh quốc, quan tâm vì nhiều lý do:

“Dư luận Anh quan tâm rất nhiều vì nước Anh đang ở giai đoạn quan trọng, Brexit.”

“Một trong những hi vọng của bà Thủ tướng Teresa May là ký được những hiệp định tuyệt vời với chính phủ của ông Trump, và ký với các ‘bạn hàng’ xa hơn như Úc, New Zealand, Canada. Nhưng điều thất vọng là đến thời điểm này là ông Trump cũng không đưa lại hứa hẹn gì cụ thể.”

”Ông Trump từng nói sẽ có ưu tiên đặc biệt cho Anh quốc. Nhưng những công dân Anh như chúng tôi muốn biết ưu tiên đó là gì? Nhìn chung cả châu Âu đang ở trong giai đoạn chính trị có nhiều thay đổi quan trọng, kể cả nước Đức.”

”Vậy câu hỏi là ông Trump, ở hai năm cuối nhiệm kỳ đầu, có thay đổi gì để cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh mà ông đã liên tục xỉ vả trong khi ông sang thăm Eu và Nato trong năm vừa qua, rằng họ phải tăng chi phí quân bị, tăng hỗ trợ cho Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không làm gì miễn phí cả. Ông phát biểu với tính tính thương mại quá rõ rệt khiến người châu Âu bị sốc.”

Bình luận trên The Guardian về kết quả bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, ông Martin Kettle nói rằng ông Trump “không thất bại” và “có khả năng giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai”.

“Đây là những sự kiện quan trọng. Nhưng chúng không ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta hay lợi ích của chúng ta.”

“Đối với người châu Âu, điều quan trọng trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba là không một vấn đề lớn nào về vai trò của nước Mỹ trên thế giới có khả năng thay đổi.”

“Trên thực tế, những kết quả này gợi ý mạnh mẽ rằng cuộc cách mạng về chính sách đối ngoại của Trump sẽ ngày càng sâu rộng và ngày càng trở nên cố thủ, và thậm chí là vĩnh viễn.”

“Trump không thất bại trong tuần này. Ông có nhiều khả năng hơn để giành chiến thắng một nhiệm kỳ thứ hai, đặc biệt là nếu đảng Dân chủ bị chia rẽ.”

Trong khi đó, hầu hết các công ty Nhật Bản vẫn thận trọng về triển vọng hoạt động tại Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ mà họ cho rằng ít có khả năng thay đổi chính sách bảo hộ của ông Trump.

“Tôi cho rằng tác động đối với nền kinh tế Nhật Bản sẽ rất nhỏ,” Akio Mimura, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói trong một cuộc họp báo, đồng thời dự đoán sẽ không có sự thay đổi nào trong chính sách thương mại của Mỹ sau kết quả bầu cử giữa kỳ.

Cùng lúc, Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin rằng hôm 09/11, Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản đã có cuộc điện đàm với ông Trump để ca ngợi các cố gắng của ông này trong kỳ bầu cử vừa qua tại Mỹ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46148119

 

Hoa Kỳ hậu bầu cử:

Khi ‘Làn Sóng xanh vấp phải Bức Tường đỏ’

Jim Malone

Bức tranh chính trị toàn cảnh đã thay đổi ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ trong tuần này tiếp theo sau các cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ năm 2018.

Các thành viên Đảng Dân chủ đối lập đã chiếm lại được quyền kiểm soát tại Hạ viện, trong khi phe Cộng hoà mở rộng hơn nữa thế đa số đã nắm tại Thượng viện. Cuộc bầu cử giữa kỳ như vậy được nhiều người coi là mang lại những kết quả “lẫn lộn” trong cách đánh giá cá nhân Tổng thống Trump. Thông tín viên Jim Malone của VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Tại Toà Bạch Ốc, Tổng thống Trump nêu lên khả năng làm việc với các thành viên Đảng Dân chủ, đảng sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Tổng thống Trump phát biểu:

“Tôi muốn thấy hai đảng làm việc với nhau. Tôi muốn thấy sự đoàn kết và theo tôi, chúng ta có một cơ hội tốt để làm việc này. Có thể không phải đối với tất cả mọi thứ, nhưng tôi tin là chúng ta có một cơ may tốt để chứng kiến việc này xảy ra.”

“Tôi tin rằng các kết quả bầu cử mà tôi biết và có thể xác nhận là: dân chúng thích tôi, và họ thích những việc tôi làm, nói thành thực như thế.”

Tổng Thống Trump

Ông Trump cũng kể công về những thắng lợi của Đảng Cộng hoà tại Thượng viện Mỹ. Ông nói:

“Tôi tin rằng các kết quả bầu cử mà tôi biết và có thể xác nhận là: dân chúng thích tôi, và họ thích những việc tôi làm, nói thành thực như thế.”

Lãnh tụ phe Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, cũng mở ngỏ cơ hội hợp tác với Tổng thống Trump về vấn đề chăm sóc sức khỏe và các vấn đề khác.

Bà Pelosi nói:

“Chúng tôi sẽ cố gắng để đạt được những giải pháp lưỡng đảng. Chúng tôi tin rằng chúng ta có trách nhiệm chung là tìm những điểm đồng thuận khi nào có thể. Nhưng khi nào không thể, chúng tôi sẽ bảo vệ lập trường của mình.”

“Chúng tôi tin rằng chúng ta có trách nhiệm chung là tìm những điểm đồng thuận khi nào có thể. Nhưng khi nào không thể, chúng tôi sẽ bảo vệ lập trường của mình.”

Lãnh tụ phe Dân Chủ tại Hạ Viện Nancy Pelosi

Các thành viên Đảng Dân chủ tỏ ra hài lòng vì đã chiếm được quyền kiểm soát Hạ viện, nhưng mặt khác, họ cảm thấy thất vọng về kết quả không mấy tích cực trong các cuộc chạy đua vào Thượng viện.

Cựu nghị sĩ Patrick Murphy thuộc Đảng Dân chủ, phát biểu trong chương trình Plugged In của VOA:

“Làn sóng xanh lớn mà tôi cũng như nhiều thành viên Đảng Dân chủ khác trông đợi đã không diễn ra, nhưng tôi nghĩ điều đó cho thấy là cuộc bầu cử này không tập trung vào những vấn đề, mà vào cá nhân ông Donald Trump.”

Tiếp theo sau cuộc bầu cử hôm thứ Ba 6/11, đường lối chính trị của Washington để hướng tới phía trước giờ đang bất định, nhà phân tích Karen Tumulty của báo Washington Post nhận định:

“Kết quả bầu cử thực sự lẫn lộn. Có thể ví nó như ‘làn sóng xanh vấp phải bức tường đỏ’ và theo tôi thì kết quả có thể là các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới giờ khó có thể suy đoán những gì đang diễn ra,

Nhà phân tích Karen Tumulty của The Washington Post

“Kết quả bầu cử thực sự lẫn lộn. Có thể ví nó như ‘làn sóng xanh vấp phải bức tường đỏ’ và theo tôi thì kết quả có thể là các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới giờ khó có thể suy đoán những gì đang diễn ra, ngoại trừ khả năng quốc hội Mỹ có thể lâm vào tình trạng dậm chân tại chỗ.”

Ông John Fortier thuộc Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng tin rằng có thể có một mức độ hợp tác giữa Tổng thống Trump và các thành viên Đảng Dân chủ. Ông nói:

“Có những việc có thể hoàn tất, nhưng chúng đòi hỏi sự hợp tác giữa các thành viên Đảng Dân chủ và thành viên Đảng Cộng hoà. Đó là điều khó khăn bởi vì khoảng cách giữa hai phe quá lớn. Nhưng có khả năng làm được một số việc, nhưng nghị trình của Tổng thống Trump thì không.”

Tuy nhiên Tổng thống Trump có thể rút lui nếu các thành viên Đảng Dân chủ tiến hành các cuộc điều tra để giám sát Toà Bạch Ốc, theo nhà phân tích Molly O’Rourke của Đại học American.

“Cuộc sống sẽ rất khác trong Toà Bạch Ốc của Tổng thống Trump với một quốc hội Dân chủ, có quyền thách thức ông về nghị trình làm luật, và ngay cả trong cách điều hành chính phủ của Tổng thống Trump.”

Tiếp theo sau các cuộc bầu cử giữa kỳ, có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump vừa bị bầm dập nhưng tỏ ra táo bạo hơn về mặt chính trị, và chưa gì ông đã hướng nhìn về tương lai để tập trung vào trận chiến để trong hai năm nữa, được bầu lại trong cuộc bầu cử để giành thêm một nhiệm kỳ nữa.

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-hau-bau-cu-lan-song-xanh-gap-buc-tuong-do/4650418.html

 

Hậu Midterms :

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2020 đã khai màn

Trọng Thành

Ngay sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ Hoa Kỳ 2018 kết thúc, trận chiến chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2020 trên thực tế đã bắt đầu. Đối với phe Dân Chủ Mỹ, đây là một chặng đường dài, đầy chông gai, mà một trong những thách thức lớn nhất là đảng Dân Chủ hiện tại thiếu một lãnh đạo tầm cỡ như Bill Clinton và Barack Obama trước đây. Hãng tin Anh Reuters có bài nhận định với tựa đề « Midterms : Cuộc tranh cử tổng thống 2020 đã khai màn ».

Tổng thống Donald Trump hiện tại chỉ được chưa đầy 50% người Mỹ ủng hộ, tỉ lệ thấp nhất kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống. Thế nhưng vị thế của tổng thống Trump được coi là rất vững chắc, bởi tỉ lệ được lòng cử tri Cộng Hòa rất cao khiến cho, trong nội bộ đảng Cộng Hòa, không có bất cứ một thế lực nào có thể trỗi dậy cạnh tranh với đương kim tổng thống.

Thiếu lãnh đạo : Thách thức hàng đầu

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004, phe Dân Chủ không có được một lãnh đạo nổi bật. Theo một số thăm dò dư luận, có đến 20 chính trị gia muốn đảm nhiệm vai trò dẫn dắt đảng Dân Chủ. Ngoài các nhân vật nổi tiếng như cựu phó tổng thống Joe Biden, 75 tuổi, hay thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, 69 tuổi, còn có nhiều người ít được biết đến hơn như ông Steve Bullock, thống đốc tiểu bang Montana, ông Eric Garcetti, thị trưởng Los Angeles, cùng một số thượng nghị sĩ, thống đốc bang, thị trưởng, lãnh đạo doanh nghiệp khác.

Trong cuộc tranh cử để bầu ra ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng Dân Chủ khởi sự từ tháng Giêng 2020 tới, bên Dân Chủ phải tìm ra được một người có thể đối đầu lại được với Donald Trump. Đây là một người được chọn không chỉ để đánh bại Trump, mà phải đưa ra được « một nhãn kiến có thể quy tụ được toàn bộ đất nước » – nhận định của bà Jennifer Palmieri, giám đốc chương trình tranh cử tổng thống năm 2016 của Hillary Clinton.

Chính trị gia được chọn làm lãnh đạo phe Dân Chủ phải là người chống lại được sự hung bạo của Donald Trump, nhưng cũng phải phát triển được một cương lĩnh có sức thu hút, tập hợp được cánh tả và cánh trung của đảng, vốn đang bất đồng trong nhiều hồ sơ chính.

Nhiều dấu hiệu tích cực

Theo nhiều người trong cuộc, cho dù phe Dân Chủ đã không tạo được một « làn sóng xanh » trong cuộc bầu cử lần này, nhưng đã có « nhiều dấu hiệu tích cực », cụ thể là số lượng lớn các ứng cử viên mới tham gia chính trường, cũng như cử tri và xã hội dân sự được huy động đông đảo trong cuộc chiến chống lại đường lối của tổng thống Mỹ.

Ứng cử viên Andrew Gillum thiếu chút nữa là trở thành thống đốc tiểu bang (bang Florida) gốc Phi Châu đầu tiên (49,1% phiếu bầu so với 49,7% của đối thủ Ron DeSantis) hay ứng cử viên gốc Mỹ Latinh Beto O’Rourke thua sát nút đối thủ Ted Cruize (48,3% – 50,9%) tại Texas trong cuộc tranh ghế thượng nghị sĩ tại bang Texas. Tuy nhiên, tỉ lệ ủng hộ cao đối với các ứng cử viên ứng cử, vốn được coi là xuất thân từ các nhóm xã hội thiểu số, ngay tại hai tiểu bang truyền thống của đảng Cộng Hòa, cho thấy nếu vận động cử tri đúng cách, đảng Dân Chủ có thể thành công.

Theo bà Neera Tanden, chủ tịch Center for American Progress, một cơ sở tư vấn theo quan điểm cấp tiến, thì « Mô hình của (cuộc tranh cử) năm 2020 sẽ là những người như Andrew Gillum hay Beto O’Rourke. Ứng cử viên phải là người có được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, phải đi đến khắp mọi nơi, gặp gỡ tất cả mọi người ».

Một dấu hiệu tích cực khác là « số lượng kỷ lục nữ ứng cử viên ». Một nhà điều tra của đảng Dân Chủ giải thích lý do rất nhiều phụ nữ các vùng ngoại vi và phụ nữ dưới 40 tuổi tham gia bầu cử vì họ « hết sức tức giận » với những gì mà ông Donald Trump đã làm.

Hướng đến một liên minh rộng lớn ?

Điều mà nhiều người lo ngại là nhiệt huyết của các ứng cử viên Dân Chủ nếu đi quá đà có thể làm gia tăng các chia rẽ giữa « thành phần tinh hoa » của đảng và « cánh cấp tiến », vốn đã rất xa cách nhau sau cuộc tranh cử sơ bộ 2016 giữa Hillary Clinton và Bernie Sanders.

Nghị sĩ Tim Ryan, người vừa tái đắc cử tại Ohio (một trong số những người có thể ra tranh cử sơ bộ của đảng Dân Chủ năm 2020), đặt câu hỏi : « Phải chăng chìa khóa của năm 2020 sẽ là người nào biết thiết lập được liên minh giữa hai lực lượng và biết cách duy trì nó ? ». Nghị sĩ Tim Ryan nhấn mạnh đến một liên minh mới, bao gồm cả những người có quan điểm độc lập, thành phần ôn hòa của đảng Cộng Hòa, giới công nhân.

Dân Chủ phân tán, Trump trong tư thế sẵn sàng

Tham gia cuộc tranh cử sơ bộ năm 2020 tới của đảng Dân Chủ, dự đoán sẽ có nhiều ứng cử viên hơn là đảng Cộng Hòa hồi 2016 (với 17 người tổng cộng). Đây có thể là một thách thức lớn đối với đảng này, trong lúc phía Donald Trump đã sẵn sàng.

Không có đối thủ trong nội bộ, tổng thống Trump hiện tại đã bước vào cuộc tranh cử tổng thống cho năm 2020. Ông Trump không ngừng đả kích các đối thủ Dân Chủ tiềm năng ngay trong cuộc tranh cử giữa kỳ vừa qua. Donald Trump đã lập ra một khẩu hiệu mới cho năm 2020. Đó là « Keep America Great », tiếp theo « Make America Great Again ». Đồng thời huy động được 100 triệu đô la tiền góp quỹ tranh cử.

Xuất thân là một người giới thiệu « chương trình truyền hình thực tế », tổng thống Trump đã nhiều lần chứng tỏ khả năng mạt sát đối thủ, biến các cuộc tranh luận căng thẳng thành cơ hội hô hào vận động cử tri.

Trước tình thế này, phe Dân Chủ phải hết sức thực tế. Nhiều hy vọng được đặt vào những người vừa giành được chiến thắng rõ nét nhất của phe Dân Chủ trong cuộc bầu cử vừa qua, là cùng một lúc làm được hai việc. Thứ nhất là « kiềm chế » chính sách của tổng thống Trump hiện nay, và thứ hai là đưa ra được một cương lĩnh hoàn toàn khác cho nước Mỹ.

Bà Neera Tanden, chủ tịch Center for American Progress, chuyên về chính sách công (trụ sở tại Washington) cảnh báo : Nếu đợt tranh cử tới bị quy về một cuộc đọ sức giữa Donald Trump với một người bảo vệ các thành quả thời Obama, thì đảng Dân Chủ ắt hẳn sẽ gánh chịu thất bại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181108-hau-bau-cu-giua-ky-my-2018-con-duong-chong-gai-cua-dang-dan-chu

 

Hoa Kỳ : Biểu tình phản đối TT Trump

vượt quá quyền hạn

Mai Vân

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra vào tối qua, 08/11/2018, tại một số thành phố ở Mỹ để ủng hộ công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đang điều tra vụ Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Việc tổng thống Donald Trump cách chức bộ trưởng Tư Pháp, và thay thế ông bằng một người đã từng tuyên bố là vụ điều tra này đi quá xa, cũng làm nhiều người dân lo ngại.

Thông tín viên RFI, Anne Corpet , tại Washington, đã gặp một số người biểu tình ở thủ đô nước Mỹ :

« Chúng tôi ủng hộ Robert Mueller ». Một người trên diễn đàn của cuộc biểu tình đã hô to như trên. Cách Nhà Trắng không xa là một tấm biển với đèn nhấp nháy hàng chữ : « Hãy cứu Mueller »…

Bà Caroline Connor đến biểu tình cùng với con gái và cho biết: Tôi rất lo ngại khi nghĩ là tổng thống tìm cách bãi nhiệm công tố viên Mueller. Và nếu ông ta làm như vậy, thì chúng tôi phải xuống đường thôi, vì đó là một hành vi vượt qua lằn ranh đỏ, bắt đầu một chế độ phát xít.

Cặp vợ chồng Susan và John Cassova cũng lo lắng từ lúc bộ trưởng Tư Pháp Sessions bị cách chức. Bà Susan Cassova giải thích: Ông Trump đã cách chức ông Sessions và chúng tôi nghĩ là ông ta sẽ tìm cách miễn nhiệm ông Mueller. Ông ta không thể làm như vậy được ».

John Cassova thì khẳng định: Nếu tổng thống đúng và không có cấu kết, thì ông không có gì phải lo ngại cả. Ông Mueller là một công tố viên đáng tin cậy. Chúng ta chỉ cần xem kết quả điều tra như thế nào, có thế thôi.

Không khí cuộc biểu tình rất sôi động. Mỗi khi nghe tên tổng thống Trump là đoàn biểu tình la ó: Có tội, Có tội ! Matthew Whitacker, quyền bộ trưởng được tổng thống đề cử cũng đã bị la ó. Jamie Raskin, dân biểu bang Maryland, nói thẳng: Đó là một người không có trình độ nghiệp vụ, ông ta chỉ ở đó để phục vụ tổng thống.

Ông Matthew Whitacker chỉ là bộ trưởng tạm thời, chưa được Thượng Viện phê chuẩn, cho nên, theo các chuyên gia, những quyết định ông không có giá trị ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181109-hoa-ky-bieu-tinh-phan-doi-tt-trump-vuot-qua-quyen-han

 

Mỹ chặn dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL

Một thẩm phán liên bang ở Montana đã chặn việc xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL trị giá 8 tỷ đôla để có thêm thời gian nghiên cứu về tác động môi trường tiềm tàng của dự án.

Hãng thông tấn AP dẫn nguồn tin từ The Great Falls Tribune cho biết phán quyết của Thẩm phán Mỹ Brian Morris hôm 8/11 được đưa ra ngay vào lúc công ty TransCanada có trụ sở tại Calgary đang chuẩn bị khởi công xây dựng giai đoạn đầu của đường ống dẫn dầu ở miền bắc bang Montana. Các nhóm bảo vệ môi trường đã kiện TransCanada và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tòa án liên bang ở Great Falls.

Thẩm phán Morris nói phân tích của chính phủ đã không nghiên cứu đầy đủ các tác động của khí thải nhà kính, ảnh hưởng của giá dầu hiện tại đối với tính khả thi của dự án và chưa cập nhật phương án đối phó với các sự cố tràn dầu tiềm tàng.

Đường ống dài 1.184 dặm dự kiến vận chuyển tới 830.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ tỉnh Alberta và Montana của Canada đến các cơ sở ở bang Nebraska, Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/my-chan-du-an-duong-ong-dan-dau-keystone-xl/4651672.html

 

Mỹ tăng cường trừng phạt Nga

vì sáp nhập Crimea

Hoa Kỳ hôm 8/11 đã áo đặt lệnh cấm vận lên hai công dân Ukraine, một người Nga và chín thực thể ở Ukraine và Nga do liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và các vi phạm nhân quyền có liên quan, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Một trong những thực thể bị cấm vận – Limited Liability Company Southern Project – có liên hệ với Ngân hàng Rossiya và doanh nhân Nga Yuri Kovulchuk, Bộ Tài chính cho biết trong một thông cáo.

“Bộ Tài chính vẫn giữ lập trường trừng phạt các thực thể được Nga hậu thuẫn muốn hưởng lợi từ việc Nga chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea một cách bất hợp pháp,” ông Sigal Mandelker, Thứ trưởng Tài chính phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính cho biết trong một thông cáo.

Các lệnh trừng phạt này nhằm để trừng phạt hơn nữa Moscow cho hành động sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014 và ủng hộ của họ đối với các phần tử ly khai thân Nga ở đông Ukraine.

Những người chỉ trích Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc ông là mềm mỏng với Nga và có nỗ lực phi đảng phái ở Quốc hội để áp đặt thêm lệnh cấm vận đối với Nga, trong đó có trừng phạt hành vi can thiệp bầu cử Mỹ của Nga hồi năm 2016.

Trong số những người bị liệt vào danh sách đen có Andriy Sushko, một sỹ quan của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB). Bộ Tài chính cho biết người này chịu trách nhiệm cho vụ bắt cóc một nhà hoạt động Tatar ở Crimea hồi năm 2017, người này sau đó bị tra tấn ở nơi giam giữ.

Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào các công ty mà Bộ Tài chính Mỹ cho rằng được hưởng lợi từ việc sáp nhập Crimea. Trong số đó có Mriya Resort and Spa, một dự án đầu tư khách sạn được hậu thuẫn bởi ngân hàng lớn nhất nước Nga là Sberbank nằm ở thành phố Yalta thuộc bờ biển phía nam của Crimea.

Cũng được đưa vào danh sách đen là Bộ An ninh Quốc gia của nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-nga-v%C3%AC-s%C3%A1p-nh%E1%BA%ADp-crimea/4651151.html

 

Sau cơ bắp,

Mỹ-Trung « nắn gân » nhau qua đối thoại

Tú Anh

Trong bối cảnh tấn công ngoại giao chống Bắc Kinh, chính quyền Mỹ đón tiếp hai viên chức cao cấp của Trung Quốc trong ngày thứ Sáu 09/11/2018.

Kết quả cuộc đối thoại « ngoại giao và an ninh » Mỹ-Trung lần thứ hai có thể cho phép suy đoán hai bên tìm được đồng thuận xuống thang chiến tranh thương mại hay chưa, ba tuần trước cuộc gặp Donald Trump-Tập Cận Bình tại Achentina.

Theo dự trù, sau cuộc họp tay tư giữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis với hai đồng sự Trung Quốc Dương Khiết Trì (chánh văn phòng đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản) và bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hoà, sẽ có một cuộc họp báo chung tại Washington.

Đây là cuộc đối thoại « ngoại giao và an ninh » Mỹ-Trung lần thứ hai (lần đầu vào tháng 06/2017) trong tiến trình vực dậy quan hệ song phương, theo quyết định của tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình, trong cuộc hội kiến lần đầu vào tháng 04/2017 tại Florida, vốn được tân chủ nhân Nhà Trắng xem là « cơ sở của mối quan hệ thân hữu » với lãnh đạo Trung Quốc.

Thế nhưng, từ đó đến nay, quan hệ hai nước trở thành dầu sôi lửa bỏng. Tổng thống Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và tấn công trên nhiều mặt trận khác: tố cáo Bắc Kinh đánh cắp kỹ năng công nghệ, bành trướng quân sự, đàn áp các quyền tự do của công dân và các sắc dân thiểu số. Trung Quốc còn bị tố « can thiệp vào bầu cử » để triệt hạ tổng thống Donald Trump.

Song song với các biện pháp áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Washington bật đèn xanh bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Đài Bắc với giá khoảng 330 triệu đô la, với lập luận « vì an ninh của nước Mỹ và vì an ninh và thịnh vượng chung trong khu vực ». Cùng lúc, Mỹ giáng đòn trừng phạt – « phong tỏa ngoại hối, cấm giao dịch qua ngân hàng Mỹ, tịch biên tài sản… » – đối với Cục quản lý phát triển vũ khí Trung Quốc, một đơn vị chủ chốt của quân đội và cục trưởng Lý Thượng Phúc, vì mua vũ khí Nga.

Hệ quả là cuộc đối thoại « ngoại giao và an ninh » lần hai, lẽ ra phải được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 10, đã bị « dời lại ». Theo AFP, cuộc họp ngày hôm nay tại Washington có thể xem là tín hiệu « hạ nhiệt ». Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Terry Brandstad, tuyên bố muốn có quan hệ « xây dựng » với Trung Quốc và « hướng về tương lai ». Hoa Kỳ không tìm cách « ngăn chặn Trung Quốc », nhưng muốn đối tác phải ứng xử « công bằng và có qua có lại ». Cũng theo đại sứ Mỹ, cuộc đối thoại hôm nay phải đề cập một cách « thẳng thắng, cởi mở » trên nhiều vấn đề như quân sự hóa biển Đông, Bắc Triều Tiên, nhân quyền tại Trung Quốc, nạn xuất khẩu đại trà ma túy tổng hợp fentanyl cực mạnh gây chết người hàng loạt tại Mỹ…

Còn đối với Trung Quốc, chủ đề chính vẫn là Đài Loan mà Bắc Kinh dứt khoát xem là chuyện nội bộ. Tuy nhiên, trên vấn đề này, Bắc Kinh tỏ ra muốn hợp tác với Mỹ « trong tinh thần đôi bên cùng có lợi » để tránh đụng độ. Trích lời chánh văn phòng đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, sau cuộc gặp của ông với cố vấn an ninh tổng thống Mỹ John Bolton hôm thứ Tư, Tân Hoa Xã cho biết như trên.

Đâu là điểm, đâu là diện ?

Câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh đấu dịu và dịu tới đâu ? Theo chuyên gia Mathieu Duchâtel, đặc trách châu Á của Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (ECFR), các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc là nhằm xóa bỏ chính sách ngoại giao mà hai nước xây dựng trong thời Barack Obama. Hải quân Trung Quốc không được mời tham gia các cuộc tập trận lớn giữa Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương. Những sự kiện này khiến Bắc Kinh lo ngại rằng chiến tranh thương mại chỉ là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Washington nhằm đối đầu với Trung Quốc.

Liệu Bắc Kinh sẽ ký với Washington một « hiệp định thương mại lớn » như tổng thống Donald Trump tuyên bố một cách lạc quan ? Cuộc họp tại Washington sẽ trả lời phần nào câu hỏi này trước cuộc gặp Trump-Tập bên lề G20 tại Achentina vào cuối tháng 11/2018.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181109-sau-co-bap-my-trung-%C2%AB-nan-gan-%C2%BB-nhau-qua-doi-thoai

 

Ganh đua công nghệ cao : Mỹ và Trung Quốc

khó chung sống hòa bình

Thùy Dương

Triển lãm hàng không Trung Quốc được tổ chức tại thành phố ven biển Châu Hải từ ngày 06 đến ngày 11/11/2018. Triển lãm năm nay là dịp để Bắc Kinh phô trương với toàn thế giới các tiến bộ công nghệ hàng không, không gian của Trung Quốc.

Nhân dịp này, trang châu Á The Asialyst có bài “Thời điểm « Spoutnik »này của Trung Quốc làm chính quyền Trump hoảng hốt”. RFI Việt ngữ lược thuật bài viết của Bertrand Hartmann – một giám đốc marketing ở Bắc Kinh, chuyên gia về quản lý trong lĩnh vực sáng chế.

Đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện là mối nguy hiểm công nghệ giống như Liên Xô ở thời Youri Gagarine và vệ tinh Spoutnik. Câu hỏi đặt ra trong những thập niên tới là biết được bằng cách nào Trung Quốc và Mỹ có thể thoát ra khỏi cái bẫy cạnh tranh ngày càng nhiều mâu thuẫn.

Tạo sao Trung Quốc thành công về công nghệ ?

Thành công của Trung Quốc trong việc gia nhập toàn cầu hóa là chính nhờ vào việc nước này thiếu hội nhập trong Cách mạng công nghiệp đầu tiên. Năm 1842, Anh Quốc đánh bại Trung Quốc về quân sự trong chiến tranh nha phiến đầu tiên. Đây là khởi đầu cho một thế kỷ biến đổi về chính trị mà Trung Quốc coi là bị làm nhục. Kể từ đó, Trung Quốc luôn mong muốn phục hận. Không chuyển đổi sang kinh tế thị trường, tự do mậu dịch hay để thị trường tài chính tự điều tiết, trái lại, Bắc Kinh lấy chủ nghĩa tư bản nhà nước làm động lực thúc đẩy cạnh tranh quốc tế.

Nhà nước nắm các lĩnh vực kinh tế chính như ngân hàng, luyện kim, truyền thông, giao thông, năng lượng hay khai thác mỏ. Giao thương với quốc tế được quản lý chặt chẽ nhằm bảo vệ thị trường trong nước. Là quốc gia đón nhận đầu tư nước ngoài trực tiếp nhiều thứ hai trên thế giới, Trung Quốc cũng tận dụng cơ hội để ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ ồ ạt mà không cần viện tới các biện pháp khiến nước này nợ nước ngoài nhiều.

Quỹ đạo phát triển kinh tế của Trung Quốc có tốc độ nhanh, nhưng không kém phần bấp bênh. Trung Quốc nhờ đầu tư mạnh mà đạt tăng trưởng nhanh nhưng hiệu quả sử dụng vốn bị suy giảm. Để tránh rơi vào tình trạng kinh tế đình trệ, Trung Quốc phải thoát khỏi vị thế là công xưởng sản xuất giá rẻ cho phương Tây. Trung Quốc cũng phải tìm luồng sinh khí khác từ tiêu dùng trong nước và nâng cao trình độ công nghệ.

Trong giai đoạn chuyển đổi này, sự điều chỉnh mục tiêu của Nhà Nước theo thị trường đã tạo ra hiệu quả đáng gờm. Trong khi tỉ lệ tiết kiệm tại Hoa Kỳ chỉ khoảng 18%, thì tỉ lệ này của Trung Quốc là hơn 45%, mang lại cho Bắc Kinh sức mạnh tài chính khó nước nào sánh được. Trong những điều kiện như vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể nhanh chóng mở rộng quy mô để vươn ra tầm quốc tế. Trung Quốc hiện đã thống trị các lĩnh vực năng lượng tái tạo, xe hơi điện và trí thông minh nhân tạo.

Trước đây, Trung Quốc coi vị thế mạnh không phải là mục tiêu mà là công cụ phục vụ sự phát triển trong nước. Tuy nhiên, từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông Tập đã đánh thức các tham vọng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Chính sách bảo hộ của Mỹ có liên quan đến kế hoạch “Made in China 2025” của Trung Quốc?

Chính sách bảo hộ của Mỹ nằm trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc. Mục tiêu đầu tiên là ngăn cản Trung Quốc bắt kịp Mỹ về công nghệ. Được công bố năm 2015, kế hoạch “Made in China 2025” – Sản xuất tại Trung Quốc 2025 là nhằm phát triển các lĩnh vực trong tương lai như công nghệ robot, hàng không vũ trụ, xe hơi điện, năng lượng tái tạo, trí thông minh nhân tạo hay vi điện tử. Tham vọng của Bắc Kinh là tăng tỉ lệ linh kiện của Trung Quốc trong các sản phẩm công nghệ từ 40% vào năm 2020 lên thành 70% vào năm 2025. Các cố vấn“diều hâu” của tổng thống Donald Trump đều thấy rõ là Trung Quốc thời Tập Cận Bình đang tấn công nhắm thẳng vào sự thống trị công nghệ cao của Hoa Kỳ, bằng nhiều cách đáng ngờ, từ bán phá giá, cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ, cho tới gián điệp công nghiệp.

Mỹ và Trung Quốc liệu có chung sống hòa bình?

Siêu cường Mỹ, với chi phí cho quốc phòng chiếm tới 40% chi phí quốc phòng toàn thế giới, chuyển sang trạng thái chống đối và lo sợ Trung Quốc sẽ phát triển mạnh đến mức khó lường. Sự ganh đua giữa Trung Quốc và Mỹ dường như sẽ giống như “cú va chạm giữa các nền văn minh”, theo khái niệm của Samuel Huntington.

Cũng giống như Athènes và Sparta trong chiến tranh Péloponnèse (431-404 trước Công Nguyên), hai siêu cường Trung Quốc và Hoa Kỳ có nguy cơ lao vào “mớ bùng nhùng” một cách hiếu chiến, cho dù đó không phải là điều họ thực sự mong muốn. Sử gia Hy Lạp Thucydide thời chiến tranh Péloponnèse đã viết : “Chính việc Athènes mạnh lên và nỗi sợ mà Athènes gieo rắc cho Sparta đã khiến chiến tranh là điều không thể tránh khỏi”. Nước Anh hồi cuối thế kỷ XIX, trước sức mạnh đang lên của nước Đức, cũng sa vào mớ bùng nhùng tương tự để rồi khiến châu Âu lao vào hai cuộc đại chiến thế giới.

Rất có thể giờ lại đến lượt “cái bẫy Thucidide” này khiến các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc lao vào một cuộc leo thăng căng thẳng đầy nguy hiểm. “Cái bẫy Thucidide” là khái niệm được Gram Allison đưa ra năm 2017.

Cuộc ganh đua công nghệ Mỹ – Trung có thể sánh với thời chiến tranh lạnh không ? Tại sao?

Việc so sánh với thời chiến tranh lạnh cũng không phải là vô lý. Tháng 10/1957, Liên Xô phóng vệ tinh Spoutnik lên quỹ đạo Trái đất. Tín hiệu âm thanh “bíp, bíp” nổi tiếng của vệ tinh Spoutnik đã mở ra kỷ nguyên chinh phục không gian. Siêu cường Mỹ choáng váng trước bước tiến khoa học của Liên Xô vốn trước đó bị Mỹ đánh giá thấp. Để đáp lại, tổng thống Mỹ Eisenhower thành lập một cơ quan quản lý sáng chế quân sự để đầu tư tài chính cho các nghiên cứu về công nghệ mới.

DARPA – Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Hoa Kỳ là nơi cho ra đời các phát minh nổi tiếng, chẳng hạn hệ thống ARPANET, tiền thân của mạng Internet ngày nay và chương trình Transit, sau này phát triển thành hệ thống GPS. Từ năm 1960, Cơ quan phụ trách các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Hoa Kỳ cũng tập trung vào máy bay không người lái. Trong các dự án hiện tại của DARPA, đáng nói nhất là dự án về công nghệ robot và trí thông minh nhân tạo. Cơ quan này hoạt động dựa vào mạng lưới các trung tâm thuộc các trường đại học, các phòng thí nghiệm và các doanh nghiệp chuyên về sáng chế.

Thời gian này, sự phát triển lớn mạnh của công nghệ Trung Quốc tạo thành một “thời điểm Spoutnik”. Hiện nay, chỉ có cường quốc công nghệ mới nổi Trung Quốc là có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ. Sự chung sống hòa hình giữa cường quốc mới nổi và cường quốc trị vì từ lâu nay trong lĩnh vực công nghệ chưa bao giờ bấp bênh đến vậy.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181109-ganh-dua-cong-nghe-cao-my-va-trung-quoc-kho-chung-song-hoa-binh

 

Mỹ – Trung đối thoại an ninh,

ngoại giao tại Washington

Anh Vũ

Hôm nay, 09/11/2018, tại Washington, các quan chức cao cấp Mỹ và Trung Quốc gặp nhau trong khuôn khổ cuộc đối thoại thường niên 2+2 về an ninh và ngoại giao. Theo thông báo của đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, tình hình Biển Đông cũng nằm trong nội dung thảo luận.

Trong cuộc họp báo của bộ Ngoại Giao Mỹ tại Washington, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Terry Branstad, cho biết trong cuộc đối thoại lần này, Hoa Kỳ sẽ cố gắng đạt được những bước tiến trong nhiều vấn đề ưu tiên, như hồ sơ giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Đây là cuộc đối thoại 2+2 thường niên lần thứ 2 giữa hai nước. Phiên họp đầu tiên diễn ra năm 2017 tại Bắc Kinh. Theo dự kiến, hai bên gặp nhau vào tháng 10 nhưng đã phải rời lại, do Bắc Kinh và Washington có những căng thẳng về thương mại, về vấn đề Đài Loan hay về những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mike Pompeo và bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis sẽ hội đàm với đại diện Trung Quốc là các ông Dương Khiết Trì, chánh văn phòng đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc, và bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Terry Branstad, nhấn mạnh vai trò hợp tác của Trung Quốc trong nhiều vấn đề quốc tế, đồng thời ông đánh giá Bắc Kinh là “nhân tố quan trọng” để đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181109-my-trung-doi-thoai-an-ninh-ngoai-giao-tai-washington

 

Kinh tế Anh tăng trưởng nhanh nhất

kể từ cuối năm 2016

Kinh tế Anh tăng 0,6% trong ba tháng cho đến tháng Chín, do thời tiết ấm áp thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu, Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết.

Số liệu quý III giống như dự đoán của Ngân hàng Trung ương Anh và các cơ quan dự báo khác.

Liệu Anh quốc sẽ thực sự gia nhập CPTPP?

Anh quốc ‘bỏ lỡ’ sinh viên nước ngoài

Bảng Anh lên giá mức cao nhất hậu Brexit

Tuy nhiên, tăng trưởng trong tháng Bảy đã bù đắp cho sự sụt giảm trong tháng Tám và tháng Chín.

Đây là số liệu tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ quý IV năm 2016, khi nền kinh tế tăng 0,7%.

Các nhà phân tích cảnh báo nền kinh tế có “chút đà cơ bản” và tăng trưởng sẽ giảm trong ba tháng cuối.

ONS cũng đưa ra số liệu thống kê riêng biệt hàng tháng cho tháng Chín, mà giống như tháng trước, cho thấy không có sự tăng trưởng trong tháng này.

Dịch vụ, chiếm 3/4 nền kinh tế, chỉ tăng 0,3% trong ba tháng cho đến tháng Chín.

Sau khởi đầu chậm trong năm, hoạt động xây dựng tăng 2,1% trong quý này. Sản xuất cũng tăng sau quý II chậm chạp, nhờ sản lượng sản xuất xe tăng mạnh trong quý III.

Chi tiêu hộ gia đình tăng 0,5% trong quý này, nhưng đầu tư kinh doanh giảm 1,2%, cho thấy sự không ổn định của các công ty do tác động của Brexit.

Đầu tư kinh doanh được dự kiến sẽ tăng 0,2%, theo các dự báo kinh tế. Con số này đã giảm trong ba quý liên tiếp.

Phân tích

Simon Jack, Trưởng ban Kinh doanh

Bức tranh tổng thể là một nền kinh tế vẫn đang phục hồi từ một khởi đầu vô cùng yếu và bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Xây dựng và sản xuất năng lượng đều có một quý tăng trưởng mạnh và thời tiết lại đóng vai trò trong tháng Bảy, khi nắng hè và World Cup thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu. Đó là quý tăng trưởng mạnh nhất trong gần hai năm qua, nhưng nền kinh tế không theo kịp đà tăng trưởng mạnh trong tháng Bảy, do tháng Tám và tháng Chín không tăng trưởng thêm chút nào.

Đáng lo ngại nhưng có lẽ không ngạc nhiên, đầu tư kinh doanh giảm mạnh phù hợp với bằng chứng thực về sự lo ngại của các công ty trước thềm Brexit. Mặc dù sản xuất xe hơi tăng so với quý II trong năm, con số này vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái và doanh số bán xe trong nước rất thấp – xuất khẩu xe đang khiến ngành công nghiệp ô tô tiếp tục trì trệ.

Rất nhiều lời ca ngợi dành cho thủ tướng về những gì đã đạt được, nhưng sự sụt giảm đầu tư kinh doanh trong quý III – lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính – cho thấy các công ty nghĩ rằng mặt trời đang chiếu sáng, nhưng những đám mây lớn đang hiện ra lờ mờ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46151178

 

Dân biểu Thụy Sĩ: ‘Ông Tô Lâm

nên trả tự do cho bà Trần Thị Nga’

Bà Anne Marie Von Arx-Vernon, Dân biểu tiểu bang Geneve của Thụy Sĩ, nói với VOA rằng Bộ Công an Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tù nhân lương tâm Trần Thị Nga.

Trong lá thư gởi Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm vào tháng trước, Dân biểu Arx-Vernon đã yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động Trần Thị Nga, kêu gọi giới chức trách tôn trọng quy tắc của LHQ trong việc đối xử với tù nhân lương tâm, cũng như yêu cầu ngưng việc chuyển trại bà Nga đến những nơi xa gia đình.

Bà Arx-Vernon trả lời phỏng vấn VOA bằng tiếng Pháp qua lời thông dịch của ông Nguyễn Đăng Khải, thành viên Uỷ ban Thụy Sĩ – Việt Nam Cosunam.

“Tôi đã gửi một bức thư cho ông Bộ trưởng (Bộ Công an Việt Nam) và tôi muốn sẵn sàng dấn thân để giúp đỡ, an thiệp cho mọi trường hợp của tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Mỗi lần họ cần đến tôi thì tôi sẵn sàng can thiệp, làm mọi cách để kêu gọi chính phủ Thụy Sĩ can thiệp, đặc biệt là trường hợp bà Trần Thị Nga.”

Tôi muốn sẵn sàng dấn thân để giúp đỡ, an thiệp cho mọi trường hợp của tù nhân lương tâm tại Việt Nam.

Dân biểu Anne Marie Von Arx-Vernon

Trong thư gửi ông Tô Lâm, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, và ông Phạm Hải Bằng, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ, bà Arx-Vernon nhấn mạnh: “Chúng tôi viết thư ngỏ này đến ông sau khi được biết tin từ những nguồn khả tín về điều kiện giam cầm khắc nghiệt của bà Trần Thị Nga, công dân Việt Nam, người đang chịu mức án 9 năm tù tại trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai, cách nơi thường trú của bà hơn 1300 cây số.”

Dân biểu Tiểu bang Geneve đồng thời là người đại diện Nhóm Bảo vệ quyền con người và Đấu tranh chống hành hung phụ nữlên án việc chính quyền Việt Nam sách nhiễu bà Nga trong trại giam: “Ngày 17/8, qua trung gian người thân, bà (Nga) đã báo cho chúng tôi biết là bà đã bị người cùng phòng giam đánh đập dã man và hăm dọa sát hại.”

Ông Nguyễn Đăng Khải, thành viên Uỷ ban Thụy Sĩ – Việt Nam Cosunam nói:

Cộng đồng Việt Nam tại Thụy Sĩ những năm qua rất quan tâm đến tình hình Việt Nam, nhất là sau thảm họa môi trường Formosa, các vụ cướp đất của dân oan…

Nguyễn Đăng Khải, Uỷ ban Cosunam

“Tôi nghĩ bản án 9 năm tù của bà Nga, bị giam ở nhà tù xa nhà 1300km là bản án phi pháp. Bà Nga không có tội gì mà phải bị bản án quá nặng nề như vậy. Cộng đồng Việt Nam tại Thụy Sĩ những năm qua rất quan tâm đến tình hình Việt Nam, nhất là sau thảm họa môi trường Formosa, các vụ cướp đất của dân oan, an toàn thực phẩm, nền giáo dục bị xuống cấp…”

Bà Trần thị Nga, 41 tuổi, bị bắt ngày 21/1/2017 với cáo buộc là có các hành vi “phỉ báng chính quyền” và “gieo rắc tư tưởng phản động.”

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế hôm 25/10 phát đi thư ngỏ khẩn cấp kêu gọi mọi người trên thế giới viết thư gửi cho tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, người đang gặp nguy hiểm trong trại giam.

Theo Ân Xá Quốc Tế, viên chức trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, gần đây thông báo bằng miệng với gia đình bà Nga rằng bà bị kỷ luật vì “không tuân thủ quy định của trại giam.”

https://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-thuy-si-ong-to-lam-nen-tra-tu-do-cho-ba-tran-thi-nga/4651583.html

 

Pháp : TT Macron bị chỉ trích

vì muốn tưởng niệm thống chế Pétain

Trọng Nghĩa

Vào lúc nước Pháp kỷ niệm trọng thể 100 năm ngày kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm dấy lên tranh cãi khi cho rằng việc tưởng niệm thống chế Pétain ngày 11/11/2018 tới đây, cùng với nhiều thống chế khác có công trong Đệ Nhất Thế Chiến, là một điều chính đáng. Vấn đề là nhân vật Pétain lại là một người về cuối đời đã bị kết án tử hình về tội phản quốc vì đi theo Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến. Trước phản ứng chống đối, tên ông Pétain sẽ không được nhắc đến.

Theo một ý định ban đầu, ngày 11/11 tới đây, sẽ có 8 thống chế Pháp, anh hùng của thời Đệ Nhất Thế Chiến, được tưởng niệm nhân một buổi lễ tại điện Invalides, Paris. Trong số này có nhân vật lịch sử gây tranh cãi là thống chế Pétain.

Đối với tổng thống Pháp, việc tưởng niệm thống chế Pétain là một điều đúng đắn vì ông là một trong những tướng lãnh đã giúp nước Pháp chiến thắng trong cuộc Thế Chiến Thứ Nhất. Phát biểu tại thị xã Charleville-Mezières hôm 07/11, ông Macron biện minh rằng « việc bày tỏ lòng kính trọng với các cựu thống chế đã dẫn dắt quân đội Pháp giành chiến thắng là hoàn toàn chính đáng ». Theo ông, « Thống chế Pétain là một binh sĩ xuất sắc trong Đệ Nhất Thế Chiến ».

Vấn đề tuy nhiên là thống chế Pétain, trong tư cách là lãnh đạo chính phủ Vichy tại Pháp thời Đệ Nhị Thế Chiến, lại là đồng minh của Đức Quốc Xã, và bị kết án tử hình sau Đệ Nhị Thế Chiến về tội phản quốc, bản án sau đó được giảm thành chung thân.

Ý kiến của ông Macron dĩ nhiên đã bị cộng đồng Do Thái, nhiều đảng đối lập và một phần công luận Pháp phản đối. Ông Francis Kalifat, chủ tịch tổ chức CRIF của người Do Thái tại Pháp đã bày tỏ thái độ « chấn động khi nước Pháp tưởng niệm một người bị coi là không xứng đáng là người Pháp ». Còn Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo cực tả thuộc phong trào Nước Pháp Bất Khuất cũng cho rằng « ông Pétain là một kẻ phản quốc và là một người bài Do Thái mà tội ác và sự phản bội không thể bị xóa sạch trong lịch sử. »

Trước làn sóng phản đối gay gắt, tối hôm qua, phủ tổng thống Pháp đã phải cải chính. Trên trang Facebook, phát ngôn viên chính phủ Pháp Benjamin Griveaux cho biết sẽ không có bất kỳ lễ tưởng niệm chính thức nào dành cho Philippe Pétain, cộng tác viên của Đức Quốc Xã, nhân các buổi kỷ niêm ngày chấm dứt Đệ Nhất Thế Chiến trong tuần này.

Theo ông Griveaux « Các thống chế được tưởng niệm đều là những người mà danh dự không bị hoen ố, và chỉ có những người đó mới được Cộng Hòa Pháp vinh danh… Nếu có một sự ngộ nhận nào đó, đó là vì chính phủ đã không đủ rõ ràng về điểm này».

http://vi.rfi.fr/phap/20181108-phap-tt-macron-bi-chi-trich-vi-muon-tuong-niem-thong-che-petain

 

Một ứng viên Đức có nhiều khả năng

làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu

Mai Vân

Nghị sĩ người Đức Manfred Weber, vào hôm qua, 08/11/2018, đã được chọn làm ứng viên của đảng cánh hữu Châu Âu PPE, để tranh chức chủ tịch Ủy ban Châu Âu, thay thế ông Jean-Claude Juncker sắp mãn nhiệm.

Với gần 80% phiếu bầu, ông Weber đã đánh bại đối thủ Phần Lan, Alexander Stubb.

Ứng viên người Đức không những được sự hậu thuẫn của đảng PPE, mà còn được sự ủng hộ của các nước lớn châu Âu, như Pháp và Đức. Nếu đảng PPE của ông thắng cử nhân cuộc bầu Nghị Viện Châu Âu sắp tới đây, thì ông có thể là người thay thế ông Juncker.

Nhưng ông Weber được đánh giá như thế nào tại Bruxelles, thông tín viên RFI, Laxmi Lota, tường trình:

Ứng viên Manfred Weber, 46 tuổi, đã nhấn mạnh đến các mối quan hệ của ông trong cuộc bỏ phiếu này… Ông đã vận động và giành được 79% phiếu tán đồng. Trong số những người ủng hộ ông Weber, có thủ tướng Hungari Viktor Orban, thủ tướng Áo Sebastian Kurz …

Đó là những mối quan hệ thân cận mà một số người không đánh giá tốt, như bộ trưởng Pháp đặc trách châu Âu, bà Nathalie Loiseau. Trên Twitter, bà đã viết: Như vậy là đảng PPE chọn một ứng viên mà chỉ cách nay vài tháng đã vận động cho Viktor Orban, bất chấp nguy cơ Hungary vi phạm những giá trị cơ bản của châu Âu.

Một số người khác thì cho rằng ông Weber hoàn toàn không có kinh nghiệm của một chính trị gia ở ngay trong nước:  ông chưa bao giờ làm thủ tướng hay bộ trưởng ở Đức… Ông còn bị chỉ trích là không có sức thu hút, hay không nói được tiếng Pháp, ngược với ông Juncker, thông thạo các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức…

Những người ủng hộ ông Weber thì nêu bật việc ông có quan hệ rộng rãi, am tường các định chế, luôn luôn tươi cười và biết lắng nghe người nói chuyện với mình.

Vấn đề là liệu những ưu điểm này có đủ để ông làm một ứng viên được mọi người ưng thuận hay không.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181109-mot-nguoi-duc-co-nhieu-kha-nang-lam-chu-tich-tuong-lai-uy-ban-chau-au

 

Bà Thái Anh Văn: Đài Loan không lùi bước

trước đe dọa từ Trung Quốc

Nữ tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan vào ngày 8 tháng 11 nhắc lại lập trường cứng rắn không lùi một bước nào trước đe dọa của Trung Quốc.

Tuyên bố của bà Thái Anh Văn được đưa ra khi bà chủ trì buổi lễ biên chế hai chiến hạm săn tàu ngầm lớp Perry có trang bị hệ thống siêu thanh SQR-19 của Mỹ.

Hai chiến hạm mới biên chế có tên PFG-1112 Minh Tuyền và PFG-1115 Phùng Giáp nhằm tăng cường khả năng của lực lượng Hải quân Đài Loan chống lại tàu ngầm của Trung Quốc khi mà đe dọa quân sự từ Hoa Lục đối với đảo quốc này ngày một gia tăng.

AP dẫn phát biểu của bà Thái Anh Văn tại buổi lễ diễn ra ở một căn cứ hải quân tại Cảng Cao Hùng rằng Đài Loan sẽ không lùi một bước nào trong công tác bảo vệ Cộng Hòa Trung Hoa Đài Loan và lối sống dân chủ tại đảo quốc này.

Cũng theo phát biểu của nữ tổng thống Thái Anh Văn thì khi biên chế hai tàu chiến mới vừa nêu, nhân dân đảo quốc Đài Loan lại phát đi tín hiệu cho toàn thế giới và cộng đồng quốc tế về khẳng định không lùi bước trước đe dọa của Trung Quốc.

Bà tổng thống Thái Anh Văn nói thêm ngoài những đe dọa mang tính truyền thống lâu nay của Trung Quốc, Bắc Kinh hiện đang cho loan truyền trên mạng những thông tin sai lạc với mục tiêu gây bất ổn cho xã hội Đài Loan, cho chính phủ cũng như các ngành công nghiệp của đảo quốc này.

Theo người đứng đầu chính phủ Đài Bắc thì đó là những thách thức lớn đối với an ninh quốc gia và là những nhiệm vụ mới đối với chính quyền cũng như các lực lượng vũ trang Đài Loan.

Hai chiến hạm lớp Perry PFG-1112 Minh Tuyền và PFG-1115 Phùng Giáp trước đây thuộc Hải Quân Hoa Kỳ và được đóng từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, nay được Đài Loan nâng cấp với những công nghệ tiên tiến nhất gồm có các hệ thống tác chiến dưới biển và siêu thanh.

Giới chức Hải quân Đài Loan đánh giá hai chiến hạm chống ngầm mới được biên chế có khả năng vượt xa 8 chiến hạm lớp Thành Công do chính đảo quốc này đóng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/taiwan-we-won-t-retreat-an-inch-11082018123022.html

 

Cấm nhà báo Anh nhập cảnh,

chính quyền Hồng Kông bị chỉ trích

Mai Vân

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền vào hôm nay, 09/11/2018, đã lên án việc Hồng Kông vừa từ chối visa nhập cảnh cho một biên tập viên của nhật báo Anh Financial Times.

Theo các tổ chức này, đây là một cú đánh mới của Trung Quốc nhắm vào quyền tự do báo chí, tại một vùng trên nguyên tắc vẫn còn được hưởng một số quyền tự do tương đối.

Theo hãng tin Pháp AFP, các viên chức sở di trú tại Hồng Kông vào hôm qua đã cấm không cho ông Victor Mallet, biên tập viên phụ trách châu Á của Financial Times nhập cảnh, vài tiếng đồng hồ sau khi một trung tâm nghệ thuật Hồng Kông quyết định hủy bỏ chương trình nói chuyện của Mã Kiến (Ma Jian), một nhà văn ly khai Trung Quốc, trong khuôn khổ một Festival văn học nổi tiếng ở Hồng Kông.

Đối với tổ chức Ân Xá Quốc Tế, đó là một « tín hiệu đáng buồn » về tình trạng tự do báo chí ở Hồng Kông, và là một hành vi « trả đũa » nhắm vào nhà báo Mallet.

Câu Lạc Bộ Phóng Viên Ngoại Quốc (Foreign Correspondents’ Club), tổ chức mà ông Mallet là phó chủ tịch thứ nhất, cũng bày tỏ thái độ bất bình, và mô tả hành động của chính quyền Hồng Kông là một « sự trừng phạt quá đáng, không cân xứng và có vẻ hoàn toàn vô căn cứ».

Giấy phép tác nghiệp tại Hồng Kông của ký giả kỳ cựu của tờ báo rất có uy tín tại Anh Quốc đã bị từ chối gia hạn hồi tháng 10. Ông đã phải rời Hồng Kông, và lần này bị cấm nhập cảnh khi ông xin giấy nhập cảnh du lịch ngắn ngày.

Quyết định cấm nhà báo Mallet đã gây nên phản ứng bất bình, vì theo quy định nhập cư hiện hành tại Hồng Kông, các công dân Anh Quốc được phép vào Hồng Kông và ở lại 180 ngày mà không cần thị thực.

Chính quyền đặc khu này từ chối giải thích việc từ chối gia hạn giấy phép tác nghiệp của nhà báo Mallet, nhưng giới quan sát cho rằng quyết định đó liên quan đến việc nhà báo này đã chủ trì một cuộc thảo luận của một nhà hoạt động vì độc lập của Hồng Kông tại Câu Lạc Bộ Phóng Viên Ngoại Quốc. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã từng yêu cầu hủy bỏ sự kiện đó.

Ông John Lee, quan chức phụ trách an ninh tại Hồng Kông đã lên tiếng biện minh cho quyết định cấm nhà báo Mallet nhập cảnh, cho rằng việc đó « không liên quan gì đến quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí », nhưng ông sẽ không tiết lộ lý do cấm nhập cảnh đối với ký giả Anh, viện cớ là « bảo mật dữ liệu » và tránh « gây hại » cho chính sách nhập cư.

Theo thỏa thuận ký kết trước khi được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông được hưởng một số quyền tự do không hề có tại Hoa Lục. Thế nhưng, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các quyền đó đang bị Bắc Kinh xóa bỏ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181109-chinh-quyen-hong-kong-bi-chi-trich-ve-vu-cam-mot-nha-bao-anh-nhap-canh

 

Các dự án đường sắt của Vành đai – Con đường

 chỉ dẫn vào “ngõ cụt”

Các chuyến đường sắt mới khai trương giữa Trung Quốc và châu Âu hầu như không được phản ánh về những bất cập mà chỉ có màn múa lân, cùng những tràng pháo tay nhiệt liệt.

Bài viết thể hiện quan điểm của nhà báo bình luận David Fickling đăng trên Bloomberg. David Fickling từng đưa tin cho Bloomberg News, Dow Jones, the Wall Street Journal, the Financial Times và the Guardian.

Những tuyến đường sắt chuyển hàng từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương đã có từ những năm 1916, xuyên Siberia. Thực tế, hiệu quả, tính linh hoạt, khối lượng và công tác hậu cần đơn giản của vận tải hàng hải “ăn đứt” đường sắt.

5 năm qua, sáng kiến hạ tầng Vành đai – Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khuyến khích khai thác các tuyến đường sắt bằng các khoản trợ cấp và ưu đãi.

Nhờ có sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga, lưu lượng hàng hóa qua 3 tuyến đường sắt chính xuyên Siberia đã tăng lên 278.000 container trong năm 2017 từ 43,900 container trong năm 2014.

Trong khi đó, tổng khối lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường biển trên các tuyến Đông – Tây đạt 15,9 triệu container trong năm ngoái, tương đương với gần 60 tuyến đường sắt xuyên Siberia.

Có những lý do khá cơ bản cho việc này. Đầu tiên là nhiên liệu. Sẽ mất khoảng 15 gram dầu diesel để di chuyển một tấn hàng hóa/km, dựa trên số liệu từ nhà điều hành hậu cần CSX Corp.

Trong khi đó, một tàu thủy có khả năng mang một tấn hàng hóa/km trên đường biển chỉ tốn khoảng 8 gram, và chi phí dầu nhiên liệu tiêu thụ của một tàu vận tải biển ít hơn 1/3 so với động cơ diesel tàu hỏa.

Cộng thêm khả năng gần như vô hạn của biển so với các tuyến đường sắt dễ dàng tắc nghẽn, vận tải biển hầu như luôn chiếm ưu thế.

Đó mới chỉ là khởi đầu. Khi Nga bắt đầu xây dựng mạng lưới đường sắt vào thế kỷ 19, một trong những mối lo ngại lớn nhất là khả năng xâm lược từ quân đội nước ngoài, vì vậy các quốc gia Liên Xô cũ vẫn sử dụng đường ray rộng hơn thước đo tiêu chuẩn ở Trung Quốc và châu Âu.

Hàng hóa vận chuyển từ châu Á đến châu Âu hoặc là phải được chuyển giao cho các tàu khác nhau tại mỗi trạm dừng hoặc gắn thêm các khung sắt gắn bánh xe để phù hợp với kích thước mới.

Ngoài ra, các chuyến hàng từ châu Á sẽ phải đi qua biên giới ít nhất là 3 nước trước khi đến được Ba Lan, đồng nghĩa với việc tăng thêm gánh nặng kiểm tra hải quan.

Mọi chuyến đường sắt mới khai trương dọc theo hành lang 12.000 km có lẻ giữa Trung Quốc và châu Âu không được phản ánh về những bất cập mà chỉ gồm các màn múa lân, sự tán dương của phương tiện truyền thông và các tràng pháo tay nhiệt liệt.

Bất lợi của các tuyến đường sắt còn tăng lên trong tương lai. Hiện tại, quãng đường biển ngắn nhất từ Trung Quốc đến châu Âu là 30 ngày, cho hải trình 10.000 hải lý. Nếu sự ấm lên

toàn cầu làm tan băng ở phía Bắc Bắc Băng Dương, tạo điều kiện cho di chuyển bằng đường thủy, quãng đường có thể giảm một nửa.

Tại ngay chính Trung Quốc, vận tải đường sắt đã đạt đỉnh vào năm 2013 và vẫn chưa tái lập kỷ lục đến nay, mặc dù nền kinh tế đã tăng trưởng hơn một nửa. Thương mại toàn cầu cũng không khác biệt là mấy.

http://biendong.net/diem-tin/24659-cac-du-an-duong-sat-cua-vanh-dai-con-duong-chi-dan-vao-ngo-cut.html

 

“Trái tim” của tiêm kích tàng hình J-20 TQ vẫn bất ổn

Một loại động cơ được chế tạo cho dòng tiêm kích tàng hình J-20 đã không được đưa ra trưng bày tại triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc sau khi nó không vượt qua được các bài test về độ tin cậy, SCMP trích nguồn tin từ giới chuyên gia quân sự cho hay.

Hai chiếc J-20 xuất hiện tại hội chợ Chu Hải vẫn dùng động cơ Nga (SCMP)

Trước đó, nhiều người đã ngóng chờ loại động cơ WS-15 Emei do Trung Quốc tự phát triển cho tiêm kích J-20 xuất hiện tại hội chợ hàng không Chu Hải (Quảng Đông), kéo dài gần một tuần. Nhưng trong ngày khai mạc, hôm thứ Ba vừa rồi, những người yêu thích quân sự Trung Quốc đã không thể được thỏa mãn.

“Hoạt động của động cơ này vẫn rất không ổn định nhưng các kỹ sư vẫn chưa nắm được nguyên nhân chính là gì, cho dù sức mạnh của các ống phụt vector đẩy đã được cải thiện rất nhiều”, một chuyên gia quân sự nói với SCMP.

Giới thạo tin quân sự nói động cơ WS-15, được phát triển ròng rã nhiều năm, vẫn không đạt được các chỉ số tin cậy tổng thể trong các cuộc thử nghiệm kéo dài hàng trăm giờ.

Hồi tháng 9, SCMP đưa tin rằng động cơ WS-15, với một cánh quạt turbine, được trông đợi sẵn sàng sản xuất hàng loạt vào cuối năm nay, trước khi Tập đoàn Hàng không Thành Đô, đơn vị chế tạo tiêm kích J-20 , khai trương dây chuyền sản xuất thứ tư.

Ba chiếc tiêm kích J-20 xuất hiện trong màn trình diễn 6 phút hôm khai mạc hội chợ Chu Hải vẫn dùng động cơ AL-31 Saturn do Nga sản xuất. Một nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh nói điều này cho thấy “kế hoạch sản xuất hàng loạt có vẻ đã bị ảnh hưởng, mặc dù vấn đề khẩn cấp đối với quân đội Trung Quốc (PLA) là có càng nhiều tiêm kích J-20 càng tốt”.

Hội chợ hàng không Chu Hải là dịp chủ chốt để quân đội Trung Quốc khoe các vũ khí tiên tiến nhất của họ. Sự kiện này cũng được xem là cơ hội để PLA “thể hiện nhuệ khí và thúc đẩy lòng yêu nước” ở Trung Quốc. “Tình thế đang khiến người Trung Quốc khá bối rối bởi nay họ có thể phải nhờ người Nga giúp đỡ”, vị chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói với SCMP.

Tuy nhiên, điều dễ hiểu là một cường quốc như Trung Quốc không hề muốn phụ thuộc vào người khác, kể cả đó là Nga.

“Trung Quốc có mối quan hệ hữu nghị với Nga nhưng Bắc Kinh sẽ phải làm gì nếu quan hệ đó xấu đi, hoặc nếu Nga rơi vào chiến tranh với một nước nào đó? Tất cả những yếu tố đó có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất động cơ AL-31 và cả kế hoạch sản xuất hàng loạt động cơ cho tiêm kích J-20”.

Năm ngoái, Trung Quốc đã cố đưa tiêm kích tàng hình J-20 vào hoạt động, sớm hơn kế hoạch nhằm đáp lại việc Mỹ triển khai tiêm kích tàng hình F-35 tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Hàn Quốc cũng sẽ nhận 40 chiếc trong năm nay.

Ban đầu, máy bay J-20 được lắp động cơ WS-10B, được thiết kế cho các dòng máy bay thế hệ cũ hơn là các tiêm kích J-10 và J-11. Tuy nhiên, đây chỉ là sự thay thế tạm thời và PLA bắt đầu nhập động cơ Nga bởi chúng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêm kích J-20.

Mặc dù động cơ WS-15 không thể ra mắt, điều an ủi nhiều người Trung Quốc là một phiên bản cải tiến của động cơ WS-10B cho tiêm kích J-10B đã được mang ra trưng bày, được chuyên gia quân sự đánh giá khá cao về khả năng cơ động.

Chuyên gia quân sự Chu Trần Minh ở Bắc Kinh nói: “Tiêm kích J-10 cuối cùng cũng đã có khả năng thể hiện năng lực tác chiến sau khi được trang bị động cơ mới”.

Ông Chu cũng nói động cơ mới sẽ giúp nhà sản xuất, Tập đoàn Hàng không Thành Đô, xuất khẩu dòng tiêm kích này. Nhưng cho dù người ta mang đến triển lãm mô hình máy bay J-20, Trung Quốc chưa thể bàn đến chuyện xuất khẩu loại tiêm kích này.

“Cho đến nay, J-20 vẫn là máy bay tiêm kích tàng hình tiên tiến nhất của Trung Quốc. Không nước nào xuất khẩu dòng tiêm kích tối tân của mình”, chuyên gia quân sự Lý Khiết ở Bắc Kinh nói.

Nhưng kể cả khi Trung Quốc muốn xuất khẩu tiêm kích J-20 thì việc này cũng chưa thể trở thành hiện thực bởi họ chưa thể chủ động trong việc sản xuất động cơ cho nó.

http://biendong.net/bi-n-nong/24642-trai-tim-cua-tiem-kich-tang-hinh-j-20-tq-van-bat-on.html

 

TQ “gửi thông điệp” đến Mỹ

khi phô diễn đủ loại máy bay nội địa

Trong triển lãm Zhuhai Airshow 2018, Trung Quốc đã trưng bày những chiếc máy bay lớn, máy bay chiến đấu tàng hình với công nghệ mới nhất được phát triển trong nước như một thông điệp họ sẽ không nhượng bộ trước áp lực của Mỹ, về kinh tế hay các vấn đề khác.

“Hãy sẵn sàng cho Jian-20”, người phát ngôn tuyên bố, thu hút những tiếng cổ vũ từ đám đông. Trong vài giây, ba chiếc máy bay chiến đấu tàng hình J-20 phóng cao trên bầu trời. Chiếc máy bay hiện đại, được chính thức triển khai vào tháng 2 năm ngoái, đã thực hiện một loạt vòng xoay và “leo trèo” trên không trong khoảng năm phút.

“Sự nhanh nhẹn và khả năng cơ động của máy bay đã được cải thiện từ một vài năm trước khi nó vẫn còn đang phát triển”, một quan chức không quân cấp cao từ một nước châu Á đến tham dự cho biết.

Diễn ra tại thành phố ven biển Chu Hải đến ngày 11/11, triển lãm Hàng không Quốc tế & Hàng không vũ trụ Trung Quốc năm nay cũng giới thiệu mẫu máy bay thử nghiệm J-10B, phiên bản mới nhất của máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc lần đầu tiên bay lên không trung vào năm 1998, trang bị bởi động cơ nâng cấp được phát triển trong nước.

Vòi phun vector đẩy khiến cho các chuyển động trở nên cực kỳ nhanh nhẹn trong các trận không chiến.

Xuất hiện trong triển lãm năm nay cũng có AG600, một trong những chiếc thủy phi cơ lớn nhất thế giới, chỉ mới tháng trước thực hiện thành công việc cất cánh và hạ cánh xuống nước.

Chiếc máy bay vận tải hạng nặng Y-20 cũng xuất hiện tại triển lãm. Máy bay có thể chuyên chở xe bọc thép và các thiết bị khác trong thời tiết khắc nghiệt.

Thông qua việc trưng bày vũ khí Made-in-China, có vẻ như Bắc Kinh đang phô trương khả năng phát triển quân sự trong nước của mình.

Một kỷ lục mới cũng được xác lập với khoảng 770 nhà triển lãm từ 43 quốc gia và khu vực đang tham gia vào chương trình. Trong lần triển lãm cuối cùng vào năm 2016, hợp đồng trị giá hơn 40 tỷ USD đã được ký cho 187 máy bay.

Năm nay, với chiếc máy bay không người lái Wing Loong, có nhu cầu mạnh ở nước ngoài, cũng như trực thăng tấn công Z-10, giá trị của các giao dịch có thể vượt quá mức của năm 2016.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng đánh giá cao khái niệm “hợp nhất quân sự-dân sự”, trong đó công nghệ được chia sẻ giữa quân đội và khu vực tư nhân. Điều này phù hợp với mục tiêu của đất nước để trở thành một cường quốc quân sự ngang bằng với Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng công nghệ bị đánh cắp từ quân đội Mỹ và bắt chước phần cứng của Mỹ.

http://biendong.net/bi-n-nong/24641-tq-gui-thong-diep-den-my-khi-pho-dien-du-loai-may-bay-noi-dia.html

 

Trung Quốc tiếp tục im lặng

về số phận cựu chủ tịch Interpol

Một tháng sau khi cựu chủ tịch Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), trở về Trung Quốc và bị bắt, người ta không hề có thông tin gì về nhân vật này.

Trong cuộc họp báo hôm qua, 08/11/2018, tổng thư ký Interpol, ông Jurgen Stock, tuyên bố rằng tổ chức Cảnh Sát Quốc Tế không còn lựa chọn nào khác là phải chấp nhận để cho ông Mạnh từ chức chủ tịch. Đương nhiên, theo thông tín viên RFI Stephane Lagarde, tại Bắc Kinh, báo chí Trung Quốc không hề đưa tin gì về cuộc họp báo nói trên của Interpol:

« Vợ của ông Mạnh Hoành Vĩ không hề có tin tức gì của chồng, các nhà ngoại giao châu Âu tại Trung Quốc dường như cũng không có. Kể từ sau cuộc họp báo của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, vào ngày mà ông chủ tịch Interpol được cho là từ chức, cho đến lúc này, Bắc Kinh hoàn toàn im lặng. Đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn giải quyết các vụ việc trong nội bộ. Liên quan đến cuộc điều tra về tham nhũng nhắm vào vị cựu thứ trưởng bộ Công An Trung Quốc, không có gì được tiết lộ cho báo chí chính thức hoặc trên các mạng xã hội. Bắc Kinh không chỉ kiểm soát thông tin ở trong nước, mà cả ở bên ngoài.

Theo các tài liệu nội bộ Interpol mà các phóng viên của báo Le Monde có được, dường như Bắc Kinh gây sức ép đối với gia đình ông Mạnh Hoành Vĩ vốn đang sống tại Pháp, và trực tiếp với cả ban lãnh đạo Interpol, bằng cách gửi thư điện tử yêu cầu phải cho Bắc Kinh biết trước mọi thông tin, tuyên bố về chủ đề này. Các hành động gây sức ép này làm hoen ố hình ảnh của chế độ Bắc Kinh, và có nguy cơ gây khó khăn cho các ứng viên sắp tới của Trung Quốc tại các tổ chức quốc tế khác.

Người kế nhiệm ông Mạnh Hoành Vĩ sẽ được chỉ định trong cuộc họp đại hội đồng Interpol, ở Dubai, trong thời gian từ ngày 18 đến 21/11/2018. Vào tháng 06/2019, tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) sẽ bầu chọn người đứng đầu. Tại tổ chức này, ứng viên người Trung Quốc được cho là có nhiều triển vọng nhất, cho đến khi xẩy ra vụ Mạnh Hoàng Vĩ tại Interpol».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181109-trung-quoc-tiep-tuc-im-lang-ve-so-phan-cuu-chu-tich-interpol

 

Philippines kết án tù nặng

phu nhân cựu độc tài Marcos vì tham nhũng

Anh Vũ

Theo AFP, hôm nay 09/11/2018, chính quyền Manila đã kết án tù nặng bà Imelda Marcos, vợ của nhà độc tài Ferdinand Marcos. Cựu đệ nhất phu nhân Philippines bị cáo buộc cùng chồng biển thủ hàng tỷ đô la từ công quỹ quốc gia.

Tòa án chuyên xử các vụ tham nhũng đã kết án cựu đệ nhất phu nhân Philippines 6 năm tù giam đối với 1 trong 7 tội danh. Bà Marcos cùng chồng, người đã chết tại Hawai vào năm 1989, bị buộc tội đã biển thủ 200 triệu đô la trong một vụ án được khởi tố từ năm 1991.

Tuy nhiên, ít có khả năng bà Imelda Marcos, nay đã 89 tuổi, phải ngồi tù lâu, vì bà có thể kháng án và đóng tiền thế chân để được tại ngoại.

Bà Marcos còn có nguy cơ phải chịu án hàng chục năm tù, nếu tòa kết án tất cả tội danh trong cáo trạng. Nhà cựu độc tài Ferdinand Marcos và những người thân cận bị tình nghi đã biển thủ 10 tỷ đô la từ ngân quỹ Nhà nước. Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2004 đã xếp cựu tổng thống Philippines là 1 trong 2 lãnh đạo tham nhũng nhất mọi thời đại.

Được bầu làm tổng thống từ năm 1965, sau đó tái đắc cử vào năm 1969, ông Ferdinand Marcos đã lãnh đạo Philippines bằng bàn tay sắt cho đến tận năm 1986, khi dân chúng vùng lên lật đổ chế độ độc tài, khiến ông và gia đình phải chạy sang Mỹ.

Sau khi ông Marcos chết tại Hawai, gia đình nhà Marcos được phép về Philippines, và gần đây bắt đầu chiến dịch quay lại chính trường.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181109-philippines-ket-an-tu-nang-phu-nhan-cuu-doc-tai-marcos-vi-tham-nhung

 

Lo ngại sập bẫy nợ Trung Quốc, tân TT Maldives

 quyết lôi từng khoản “mập mờ” ra ánh sáng

SCMP dẫn lời ông Solih cho biết, đảo quốc Maldives hiện đã tích lũy một khoản nợ khổng lồ sau 5 năm xây dựng hàng loạt các công trình dưới thời người tiền nhiệm Abdulla Yameen.

Khoản nợ lớn gấp đôi

Sau khi bất ngờ giành chiến thắng tại Maldives, tân tổng thống Ibrahim Mohamed Solih đã có một lời cảnh báo dành cho nền kinh tế đất nước này.

“Hãy chuẩn bị tinh thần vì mọi chuyện còn tệ hơn những gì chúng ta nghĩ,” một cố vấn nhớ lại lời của ông Solih.

Đây là điều hoàn toàn đúng. Sau cuộc bầu cử ngày 23/9, ông Solih đã gặp đại sứ Trung Quốc và biết được rằng Maldives không chỉ nợ Trung Quốc 1,5 tỉ USD như được công bố rộng rãi, mà khoản nợ đã lên tới gần 3 tỉ USD.

Số tiền này còn nhiều hơn nguồn thu của chính phủ Maldives trong hai năm – một tín hiệu báo động về các khoản cho vay khổng lồ trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh.

Dưới thời tổng thống Abdulla Yameen Abdul Gayoom, Maldives đã từng bước gia nhập vào “quỹ đạo” chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng trải dài tới hàng chục quốc gia của Trung Quốc.

Cụ thể, ông Yameen đã cho Bắc Kinh thuê một hòn đảo gần thủ đô với giá ưu đãi và mời các nhà thầu Trung Quốc tới xây dựng một cây cầu dài hơn 1,5 km, hàng nghìn căn hộ, một đường cao tốc mới, một trạm bơm nhiên liệu máy bay và nhà ga hành khách tại sân bay quốc tế.

Với số lượng công trình nói trên, hoạt động xây dựng đã xuất hiện nhiều và nhanh chưa từng thấy tại đảo quốc ở vùng Ấn Độ Dương chỉ với khoảng 500.000 dân này.

Theo những người trong cuộc, gần như tất cả các công trình đều được xây dựng dưới các điều khoản bí mật, không thông qua đấu thầu và với mức giá cao đến nỗi một số người không khỏi đặt ra nghi vấn về tình trạng tham nhũng.

Chi tiết cụ thể về tình trạng nợ nần sẽ chỉ được công bố sau khi ông Solih bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống vào ngày 17/11 tới và đội ngũ của ông có quyền truy cập hoàn toàn tới những tài liệu mà chính quyền ông Yameen không công bố cho những nhà lập pháp và công chúng biết.

Nhưng theo những số liệu mà quan chức dưới quyền ông Solih thu thập được, các khoản nợ lớn hơn con số được thông báo rất nhiều và không sớm thì muộn sẽ vượt quá khả năng chi trả của Maldives.

“Chúng ta phải tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, bởi không ai thực sự biết về những chuyện đó. Đó là khoản tiền rất lớn và chúng ta cần Trung Quốc hỗ trợ để biết chính xác sự tình,” cựu Ngoại trưởng Ahmed Naseem của Maldives nói.

Lo ngại về các khoản cho vay của Trung Quốc

Câu chuyện ở Maldives là một trong những ví dụ điển hình nhất về kế hoạch của Trung Quốc trong nỗ lực xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng và đường dây liên lạc trải dài gần 70 quốc gia.

Trung Quốc khẳng định đây là những gói hỗ trợ kinh tế thân thiện. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng những cây cầu, đường cao tốc, nhà máy điện và cảng biển hầu như được thiết kế để đảm bảo những mục tiêu an ninh và ngoại giao của Trung Quốc, chưa kể các nước nghèo sẽ buộc phải bàn giao lại đất và các tài nguyên khác để thế chấp.

Tại một số quốc gia Châu Á, những quan ngại về nợ Trung Quốc đã trở thành vấn đề chính trị nóng bỏng khi bộ máy chính quyền mới phải “xử lí” những thỏa thuận do chính quyền tiền nhiệm để lại.

Năm nay, thủ tướng mới của Malaysia đã hủy bỏ hai dự án trị giá 22 tỉ USD với Trung Quốc. Pakistan – nơi Trung Quốc dự định hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng với trị giá lên tới 60 tỉ USD – cũng đang trì hoãn và xem xét lại một số dự án.

Viễn cảnh khiến các nhà lãnh đạo tại Maldives lo lắng nhất chính là chuyện xảy ra tại Sri Lanka khi quốc gia này thất bại trong việc thỏa thuận lại các khoản nợ Trung Quốc và buộc phải cho Bắc Kinh sử dụng cảng biển quan trọng ở phía nam đất nước với thời hạn 99 năm.

Maldives có 1.192 đảo san hô và hầu hết đều không có người ở. Có khoảng 120 đảo được khai thác cho mục đích du lịch với hàng loạt những khách sạn cao cấp. Chính phủ Yameen đã thay đổi luật để cho phép các công ty du lịch thuê đảo, mở đường để biến những đảo không người ở trở thành khu nghỉ dưỡng mới.

Theo một quan chức, ít nhất 7 đảo đã được các công ty Trung Quốc thuê. Một hòn đảo gần thủ đô của Maldives đã được một nhà phát triển Trung Quốc sử dụng với mức giá 4 triệu USD cho 50 năm – thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

“Tôi không nghĩ rằng những thứ các công ty Trung Quốc làm tại Maldives hay bất kì nơi nào khác là hỗ trợ phát triển thương mại. Đó là chiếm đất,” cựu tổng thống Maldives Mohamed Nasheed nói.

Đáp trả lại phát biểu của ông Nasheed, Bắc Kinh đã gọi đó là “những nhận xét thiếu trách nhiệm” và khẳng định mối quan hệ với Maldives tiếp tục được phát triển dựa trên “nền tảng công bằng và lợi ích song phương”. Nhưng hiện tại, theo SCMP, Maldvies ngày hôm nay phụ thuộc vào Trung Quốc theo những cách ít ai biết.

Tám năm trước, Bắc Kinh không có đại sứ quán tại Maldives. Ngày nay, có tới 1/4 lượng khách du lịch Maldives là người Trung Quốc và 2/3 khoản nợ nước ngoài của Maldives là nợ Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn là điểm đến chính cho các mặt hàng xuất khẩu của Maldives, bên cạnh Ấn Độ.

“Nếu Trung Quốc quyết định dừng mọi kết nối với Maldives, đó sẽ là thảm họa,” một quan chức ngoại giao đề nghị giấu tên nói.

Giải tỏa bất đồng

Mối quan hệ Maldives – Trung Quốc cũng khiến Ấn Độ lo ngại. Năm ngoái, ông Yameen đã thúc giục quốc hội thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc với những điều khoản đặc biệt liên quan tới “thành lập cơ sở quân sự và cung cấp nguyên liệu hạt nhân”. Các quan chức Ấn Độ cho rằng Bắc Kinh sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân.

Một vài tháng sau, Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc từ các kênh truyền thông Ấn Độ rằng đài quan sát biển mà Trung Quốc xây tại vùng đảo san hô phía bắc Makunudhoo – cách bờ biển Ấn Độ 400km, dọc theo đường vận tải biển giữa châu Á và Trung Đông – sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.

Với mong muốn hạ nhiệt căng thẳng, chính quyền của ông Solih đã cam kết với chính phủ Ấn Độ rằng sẽ xem xét lại hoạt động cho thuê đảo nói trên và những đảo liên quan khác.

“Tôi không rõ mục đích của Trung Quốc nhưng hoạt động cho thuê cần phải được kiểm tra cẩn thận. Maldives không thể là trung tâm của chiến tranh lạnh tại Ấn Độ Dương,” cựu ngoại trưởng Naseem nói.

Tân tổng thống Solih cũng cam kết sẽ điều tra xem liệu người tiền nhiệm Yameen và đội ngũ thân cận có trục lợi từ những hợp đồng nước ngoài hay không. Những chi phi “trên trời” của dự án với Trung Quốc đã khiến nhiều người nghi ngờ và cáo buộc ông Yameen tham nhũng.

Năm năm trước, kế hoạch xây dựng cầu 6 làn, dài hơn 1,5km nối thủ đô Male với sân bay quốc tế được ước tính trị giá 100 triệu USD. Dưới thời ông Yameen, cây cầu được cắt giảm xuống còn 4 làn nhưng chi phí tăng lên tới gần 200 triệu USD – 2/3 trong số này được chi trả bởi khoản vay từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn, ông Solih cho biết ông sẽ cân nhắc mời FBI và những cơ quan tình báo Mỹ khác để giúp tìm lại những khoản tiền đã mất và hé lộ chi tiết các hợp đồng với Trung Quốc. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận “chính phủ Mỹ đã chuẩn bị để giúp đỡ Maldives”.

Đội ngũ của ông Solih đang cố gắng để xác định liệu khoản nợ với Trung Quốc có thể tăng lên tới 3 tỉ USD hay không.

“Chúng ta sẽ phải đàm phán với Trung Quốc – không nhất thiết về chuyện hủy bỏ thỏa thuận bởi Maldives cũng rất cần phát triển. Nhưng chúng ta sẽ nói về việc xem xét lại các điều khoản. Maldives không thể tốn ‘mồ hôi xương máu’ để đem lại lợi ích cho Trung Quốc được, đúng chứ?,” ông Naseem nói.

http://biendong.net/doc-bao-viet/24660-lo-ngai-sap-bay-no-trung-quoc-tan-tt-maldives-quyet-loi-tung-khoan-map-mo-ra-anh-sang.html

 

Khủng bố Melbourne: Nghi phạm bị bắn chết

khi gây nổ và đâm chết người

Một người đàn ông đốt cháy một xe hơi và đâm ba người, làm một người chết, tại thành phố Melbourne, Úc, vừa chết trong bệnh viện sau khi bị cảnh sát bắn.

Giới chức nói họ xử lý vụ này như một vụ việc có liên quan tới khủng bố.

Người đàn ông 31 tuổi bị bắn sau khi đối mặt với cảnh sát trên một đường phố đông đúc, các nhà chức trách cho biết. Gã bị bắt và đưa vào viện trong trạng thái nguy kịch.

Hai nạn nhân sống sót đang trong bệnh viện, cả hai đều không trong tình trạng nghiêm trọng. Nghi phạm hiện chưa được nêu tên.

Úc: Lao xe vào đám đông ở Melbourne

Melbourne: Máy bay rơi, 5 người chết

Cảnh sát nói họ không “tìm kiếm thêm ai nữa trong giai đoạn ban đầu này”.

“Chúng tôi không tin rằng có mối đe dọa đang tiếp diễn ở giai đoạn này, nhưng chắc chắn chúng tôi đang xử lý vụ việc như một vụ khủng bố,” Cảnh sát Trưởng tỉnh Victoria Graham Ashton nói.

Ông cũng cho biết nghi phạm, người có gốc Somali, là “một người được biết tới” đối với cảnh sát địa phương và tình báo liên bang.

Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố hôm thứ Sáu rằng một trong những “chiến binh” của họ đứng sau vụ tấn công này, hãng tin Amaq của IS đưa tin.

Chuyện gì xảy ra ở Melbourne?

Cảnh sát lúc đầu được gọi tới hiện trường vì có một vụ xe cháy gần Phố Bourke, một con phố đông người qua lại, vào khoảng 16:20 giờ địa phương (05:20 GMT), trước giờ cao điểm buổi tối.

Sau đó họ phát hiện ra chiếc xe chất đầy bình ga “kiểu BBQ”. Trên mạng xã hội, xuất hiện hình ảnh chiếc xe này đâm vào mặt tiền cửa hàng trong lúc cháy nghi ngút.

Tuy nhiên, các bình ga đã không phát nổ, cảnh sát cho biết.

“Khi họ ra khỏi xe, họ đối mặt với một người đàn ông khua dao và dọa đâm họ,” sỹ quan cảnh sát David Clayton nói tại một cuộc họp báo.

“Trong lúc đó, người qua đường la hét rằng có người dân bị đâm”.

Những hình ảnh khác trên mạng Twitter cho thấy ít nhất hai sỹ quan cảnh sát đang đối mặt với gã đàn ông, người đang khua một chiếc dao to. Có lúc, dường như có một người dân tìm cách giúp cảnh sát, dùng một chiếc xe đẩy siêu thị để đẩy lùi kẻ tấn công.

Nạn nhân là ai?

Cả ba người đàn ông được cho là bị đâm tại hiện trường đều chưa được công bố danh tính.

Tuy nhiên, Cảnh sát trưởng bang Tasmania ông Will Hodgman nói trên Twitter rằng thương gia địa phương Rod Patterson là một trong những người bị tấn công.

“Bạn không thể gặp ai dễ chịu hơn ông ấy,” ông Hodgman viết. “Không có gì ngạc nhiên là ông ấy đã dấn thân để giúp người khác. Chúng tôi đều mong ông ấy chóng hồi phục.”

Theo cảnh sát bang Victoria Police, một người 26 tuổi và một người 58 tuổi đều được đưa vào viện với các thương tích không nguy hiểm đến tính mạng.

Một sỹ quan cảnh sát cũng đang được chữa trị tại hiện trường.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-46151788