Tin khắp nơi – 09/09/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 09/09/2018

Obama: Tháng 11 là thời cơ

để khôi phục ‘sự tỉnh táo’ chính trị

Cựu Tổng thống Barack Obama nói cuộc bầu cử giữa kì vào tháng 11 sẽ cho người Mỹ cơ hội – theo lời ông – “khôi phục phần nào sự tỉnh táo trong nền chính trị của chúng ta” bằng cách thay đổi quyền kiểm soát Quốc hội.

Ông đến bang California hôm thứ Bảy trong một nỗ lực nhằm tiếp sức cho một nhóm các ứng cử viên Đảng Dân đang thách thức những ghế được nắm giữ bởi các dân biểu Đảng Cộng hòa.

Bốn trong số những khu vực bầu cử quốc hội ở Quận Orange (nơi tập trung đông đảo người gốc Việt và được gọi là Quận Cam) ở nam California đã ngả về ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton hồi năm 2016. Khu vực này trước đây thường xuyên bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa.

“Chúng ta đều đồng hội đồng thuyền và điều làm cho nước Mỹ độc nhất vô nhị và độc đáo là từ khắp nơi trên thế giới … mọi người đến đây bởi vì họ tin vào những lí tưởng nhất định,” ông Obama nói với đám đông ở Anaheim.

“Tin tốt là, trong hai tháng nữa, chúng ta có cơ hội khôi phục phần nào sự tỉnh táo trong nền chính trị của chúng ta… Các bạn có thể cảm thấy người ta đang nói đã quá đủ rồi,” ông phát biểu trước tiếng reo hò.

Cựu tổng thống nói “chúng ta đang ở trong một thời điểm đầy thử thách” khi những thay đổi to lớn đang diễn ra. Ông nói “mọi người cảm thấy bất an, mọi người cảm thấy sợ hãi,” và họ lo lắng về tương lai của con cái họ.

Ông nói rằng không có vấn đề gì không thể giải quyết được nếu “chúng ta cùng chung sức và chúng ta tuân theo những truyền thống tốt đẹp nhất ở Mỹ.” Nhưng ông cũng cảnh báo rằng “các chính trị gia luôn muốn thử xem họ có thể chia rẽ mọi người, đưa họ ra giơ đầu chịu báng hay không.”

Khi điều đó xảy ra, ông nói, người ta trở nên ngờ vực và quyết định không tham gia vào quá trình chính trị – tạo nên một khoảng trống mà những người vận động hành lang và các nhóm lợi ích lấp đầy.

Ông sẽ đến thành phố Cleveland vào ngày thứ Năm này để vận động cho ông Richard Cordray, ứng cử viên Đảng Dân chủ đang tranh chức thống đốc bang Ohio, và các ứng cử viên khác của Đảng Dân chủ.

Hôm thứ Sáu, ông Obama phê phán gay gắt Tổng thống Donald Trump trong một bài phát biểu tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign.

Lưu ý rằng các cựu tổng thống thường tránh lên tiếng trong những cuộc đấu đá chính trị, ông thừa nhận phát biểu của ông trái với truyền thống nhưng nói thời khắc chính trị này đòi hỏi một sự phản biện.

https://www.voatiengviet.com/a/obama-thang-11-la-thoi-co-de-khoi-phuc-su-tinh-tao-chinh-tri/4563288.html

 

Mỹ : Cử tri Cộng Hoà động viên ủng hộ Trump

Tú Anh

Những người một lòng tin tưởng chủ nhân Nhà Trắng tập họp về quảng trường National Mall nơi được xem là « diễn đàn chính trị » ở Washington hôm 08/09/2018. Những vụ việc bê bối, những tai tiếng tác hại đến nhiệm kỳ tổng thống, những tuyên bố thiếu cẩn trọng và tính khí thất thường không làm tổng thống Donald Trump mất đi sự ủng hộ của thành phần cử tri cơ sở.

Từ Washington, thông tín viênAnne Corpet tường thuật :

“Họ hô to khẩu hiệu « USA, USA » như trong các cuộc mít-tinh của Donald Trump. Nhiều người mặc y phục màu cờ nước Mỹ. Tất cả đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ tuyệt đối tổng thống. « Ông ấy thực hiện được nhiều việc ngoài sức tưởng tượng : nào là giảm thuế, cởi trói kinh tế, tạo ra công ăn việc làm cho tất cả mọi người, da đen, người Mễ, phụ nữ… », Kenneth Owens, một giám đốc công ty ở Virginia giải thích.

Không quyển sách công kích nào, kể cả bài báo sát thủ đăng trên mục diễn đàn của New York Times hay các vụ án tư pháp đang đe dọa Donald Trump làm lay chuyển được lòng tin của cử tri ủng hộ chủ nhân Nhà Trắng.

« Tổng thống của chúng tôi vô tội. Người ta sẽ không bới ra được chứng cớ nào để hại ông ấy. Báo chí đi chỗ khác ». Bà Dana Robinson, một cử tri ở Pennsylvania khẳng định : « Chúng tôi có một đất nước cần phải được bảo vệ và chúng tôi không để mất thời giờ vì những điều phi lý ».

Ngay những kết quả thăm dò ý kiến dự báo đảng Cộng Hoà bị mất đa số trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cũng không hề làm những người ngưỡng mộ ông Trump lo ngại : « Người ủng hộ tổng thống đông hơn nhiều những con số mà báo chí không bao giờ muốn nói ». Steve Moore, công nhân cơ khí ở Georgia tin như vậy và dự báo một « làn sóng đỏ », màu cờ của đảng Cộng Hoà trong cuộc bầu cử tới.

Và khi trên diễn đàn, một người nhắc đến tên Hillary Clinton, cả đám đông hô to « nhốt bà ta lại » như để tự thuyết phục, một lần nữa sẽ có phép lạ như trong kỳ bầu cử tổng thống 2016″.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180909-my-cu-tri-cong-hoa-dong-vien-ung-ho-trump

 

Vì sao ông Trump

muốn hãng Apple sản xuất ở Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/9 kêu gọi tập đoàn Apple sản xuất sản phẩm tại Hoa Kỳ nếu muốn tránh thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một ngày trước đó, theo Reuters, hãng này viết trong một lá thư gửi các quan chức thương mại Mỹ rằng kế hoạch áp thuế sẽ tác động lên giá của “một loạt” các sản phẩm của Apple trong đó có Apple Watch, nhưng không đề cập tới iPhone.

Phát biểu trên chuyên cơ Air Force One cùng ngày, ông Trump nói rằng chính quyền Mỹ có kế hoạch đánh thuế lên thêm hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 267 tỷ đôla.

Ông Trump viết trên Twitter: “Giá cả của Apple có thể tăng vì việc áp thuế lớn của chúng ta đối với Trung Quốc, nhưng có một giải pháp đơn giản mà không bị đánh thuế và thực ra là có ưu đãi thuế. Hãy sản xuất các sản phẩm ở Mỹ thay vì Trung Quốc. Hãy bắt đầu xây các nhà máy mới ngay từ bây giờ”.

Reuters đưa tin rằng Apple từ chối bình luận.

Hãng tin này cho rằng ngành công nghệ nhiều khả năng sẽ chịu tổn hại nhiều nhất vì việc áp thuế sẽ khiến các bộ phận máy tính nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Tai nghe AirPods cũng như loa thông minh HomePod của Apple sẽ bị ảnh hưởng vì thuế.

“Mỹ sẽ chịu gánh nặng từ kế hoạch áp thuế hơn là Trung Quốc”, lá thư của Apple viết.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-muon-hang-apple-san-xuat-o-my/4563834.html

Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ

thực tập không kích trên sa mạc Syria

Syria- Hãng tin Fox News dẫn lời hai viên chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, hơn 100 quân nhân thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc không kích tại sa mạc phía nam Syria với sự hỗ trợ của pháo binh, để gửi một “thông điệp dứt khoát” tới Nga, và cảnh báo nước này không được điều quân đến khu vực bị giới hạn gần tiền đồn quân sự Hoa Kỳ.

Hành động phô trương thanh thế này được tiến hành khi các nhà lãnh đạo Iran, Nga và Turkey gặp nhau trong hôm Thứ Sáu tại thủ đô Tehran, để đưa ra kế hoạch cho các bước tiếp theo trong cuộc nội chiến 7 năm của Syria, trước cuộc tấn công dự kiến của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào vùng Idlib. Theo ông Putin thì mục đích của hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Tehran giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Turkey Recep Tayyip Erdogan là để hoàn tất các kế hoạch quân sự nhằm “loại trừ triệt để những kẻ khủng bố ở Syria”.

Nhưng chính quyền Donald Trump đã cảnh báo Syria, Nga và Iran không được bắt đầu cuộc tấn công, vì lo sợ rằng thương vong dân sự sẽ khiến cuộc nội chiến bảy năm này tiếp diễn.

Trong hai ngày  1 tháng 9 và 6 tháng 9, quân đội Nga đã cảnh báo quân đội Hoa Kỳ về ý định tiến hành một hoạt động quân sự ở miền nam Syria, gần nhà tù At Tanf, nơi các lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ đang đóng quân. Cả hai lần, quân đội Hoa Kỳ đều yêu cầu Nga rút lui. Đại tá William Urban thuộc Hải quân Hoa Kỳ, kiêm phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ không muốn đối đầu với Nga, cũng như chính phủ Syria hay bất kỳ nhóm nào có thể hỗ trợ Syria trong cuộc nội chiến Syria. Đồng thời Hoa Kỳ không cần bất kỳ sự trợ giúp nào trong nỗ lực tiêu diệt ISIS. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/thuy-quan-luc-chien-hoa-ky-thuc-tap-khong-kich-tren-sa-mac-syria/

 

Mỹ Đưa Thêm Quân Tới Syria Bảo Vệ

Căn Cứ Quân Sự; Lãnh Đạo 3 Nước Nga, Iran, Thổ

Họp Trươc Chiến Dịch Vây Hãm Idlib

TEHRAN   –   Trong lúc chiến dịch vây hãm căn cứ cuối cùng của quân nổi dậy Syria ló dạng, nguyên thủ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran họp tại Tehran.

Hội nghị thượng đỉnh Tam Phương này có thể quyết định: vận động ngoại giao tránh được tắm máu tại Idlib hay không.

Cả 3 phe có những quyền lợi khác nhau sau hơn 7 năm nội chiến đẫm máu tại Syria – không có hậu thuẫn của Nga và Iran, chính quyền của Assad không sống còn tới ngày nay. Moscow muốn duy trì sự hiện diện quân sự trong vùng. Với cả Tehran và Moscow, tái chiếm Idlib là nhu cầu quan yếu, để hoàn tất chiến thắng của chế độ toàn trị Assad.

Tại thủ đô Tehran, truyền thông trong nước Iran báo trước hội nghị thượng đỉnh Tay Ba có thể đưa tới thỏa thuận về hòa bình và an ninh tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đang chứa khoảng 3.5 triệu nạn nhân chiến tranh từ Syria chạy sang, chiến dịch đánh đuổi quân nổi dậy tại Idlib cũng xua đuổi thường dân chạy qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại vùng đông nam Idlib, phi cơ bay đến thực hiện hàng loạt không tập, ít nhất 1 chiến binh nổi dậy tử thương.

Trong khi đó, tại LHQ, ĐS Nikkei Haley tuyên bố “Đánh Idlib là leo thang bạo động là tắc trách”. Hoa Kỳ chủ tọa 1 phiên họp về Idlib tại HĐ bảo An trong ngày Thứ Sáu.

Trong khi đó một bản tin hôm Thứ Sáu của Đài Fox News  cho biết rằng hơn 100 lính Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã được bố trí tại một phi trường trong sa mạc miền nam Syria được hỗ trợ bởi pháo binh để gửi đi một “thông điệp mạnh” tới Nga không được đưa lực lượng quân sự của họ vào khu vực giới hạn gần cứ điểm quân sự của Mỹ, theo 2 viên chức bộ quốc phòng Hoa Kỳ nói với Fox News.

https://vietbao.com/p122a285275/my-dua-them-quan-toi-syria-bao-ve-can-cu-quan-su-lanh-dao-3-nuoc-nga-iran-tho-hop-truoc-chien-dich-vay-ham-idlib

 

Venezuela : Mỹ chuẩn bị lật đổ chế độ Maduro ?

Tú Anh

Theo báo New York Times, phía chính quyền Mỹ đã tiếp xúc mật với một số sĩ quan Venezuela để bàn chuyện đảo chính, lật đổ chế độ của tổng thống Nicolas Maduro, mà đường lối cai trị đã đưa đất nước vào một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế chưa từng thấy.

Dựa trên tiết lộ của nhiều viên chức Mỹ xin ẩn danh và một cựu sĩ quan cao cấp Venezuela, báo New York Times ấn bản ngày 08/09/2018 xác định là trong năm 2018, đã có nhiều cuộc tiếp xúc bí mật nhưng không cho biết chi tiết chính xác.

Caracas phản ứng ngay lập tức. Qua Twitter, ngoại trưởng Jorge Arreaza « tố cáo kế hoạch can thiệp và âm mưu đảo chính của Mỹ nhắm vào Venezuela mà bằng chứng do chính báo chí Mỹ cung cấp ».

Về phần Washington, ông Garett Marquis, một phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia cho rằng chủ trương « nhất quán » của chính phủ Mỹ là « tái lập trong hoà bình và trật tự chế độ dân chủ ở Venezuela, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ».

Theo nhận định của AFP, nếu thông tin của báo New York Times chính xác, Hoa Kỳ lập « kênh liên lạc » bí mật với đối lập để chuẩn bị một cuộc đảo chính, thì tiết lộ này sẽ gây sóng gió. Trong quá khứ, Hoa Kỳ vẫn thường bí mật can thiệp vào tình hình châu Mỹ Latinh.

Vào mùa hè 2017, tổng thống Donald Trump đã gây ra một làn sóng phản đối ở Nam Mỹ và làm Caracas tức giận khi ông nói đến « khả năng một giải pháp quân sự » tại Venezuela.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180909-venezuela-my-chuan-bi-lat-do-che-do-maduro

 

Lần thứ hai oanh tạc cơ Nga

bị ngăn chặn tại tiểu bang Alaska

Alaska- Theo Cơ Quan Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), hai phi cơ của Hoa Kỳ đã thành công trong việc ngăn chặn 2 oanh tạc cơ từ Nga gần bờ biển tiểu bang Alaska.

Đây là lần thứ hai oanh tạc cơ của Nga bị phát hiện tại bờ biển tiểu bang Alaska, lần thứ nhất là vào giữa tháng 5. Vào trưa Thứ Bảy ngày 1 tháng 9, hai oanh tạc cơ TU-95 “Bear” của Nga đã bay vào Vùng Nhận Diện Phòng Không Alaska (ADIZ) phía nam quần đảo Aleutian, và đã bị chặn bởi 2 chiến đấu cơ F-22 của Hoa Kỳ. Phát ngôn viên của cơ quan NORAD cho biết hai chiếc TU-95 đã được ngăn chặn và áp giải bởi phi cơ của Hoa Kỳ cho đến khi hai oanh tạc cơ này rời khỏi vùng ADIZ.

NORAD cho biết các oanh tạc cơ của Nga chưa lúc nào xâm phạm vào lãnh thổ của Hoa Kỳ hay Canada.

Theo hãng thông tấn TASS, một hãng tin của Nga, cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận sự việc này. Bộ Quốc Phòng Nga cho biết các oanh tạc cơ tầm xa TU-95 MS thuộc Lực Lượng Không Quân Nga đã thực hiện các chuyến bay theo lịch trình trên các vùng biển trung lập của Bắc Băng Dương (Arctic Ocean), Biển Bering và Biển Okhotsk và tại một số giai đoạn của lịch trình. Hai oanh tạc cơ này đã được áp giải bởi hai phi cơ chiến đấu F-22 của Không quân Hoa Kỳ ra khỏi khu vực. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/lan-thu-hai-oanh-tac-co-nga-bi-ngan-chan-tai-tieu-bang-alaska/

 

Nga bắt gần 300 người

phản đối cải cách chế độ hưu trí

Hàng nghìn ủng hộ viên của lãnh tụ đối lập bị cầm tù, ông Alexei Navalny, biểu tình khắp nước Nga hôm 9/9 để phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu.

Reuters dẫn lời một tổ chức nhân quyền nói rằng ít nhất 291 người đã bị cảnh sát bắt.

Hãng tin này cũng đưa tin về việc cảnh sát dùng dùi cui để giải tán người biểu tình.

Kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, vốn đang được đưa ra quốc hội, đã khiến Tổng thống Vladimir Putin sụt giảm 15 điểm ủng hộ.

Đây được coi là một kế hoạch gây tranh cãi nhất kể từ năm 2005. Khi đó, một kế hoạch bãi bỏ các chế độ thời Xô Viết đã dẫn tới các cuộc biểu tình của người nghỉ hưu khắp đất nước.

Ông Navalny từng lên kế hoạch dẫn đầu cuộc biểu tình ở Moscow hôm 9/9 nhưng một tòa án tháng trước đã kết án ông 30 ngày tù giam vì vi phạm luật biểu tình.

Lãnh tụ đối lập từng bị cấm cạnh tranh với ông Putin trong cuộc bầu cử đầu năm nay cho rằng bước đi trên nhằm phá các cuộc biểu tình diễn ra ở hơn 80 thị trấn và thành phố, trong đó có Moscow và St Petersburg.

Sau khi vấp phải phản đối, chính phủ Nga cho biết sẽ cắt giảm độ tuổi nghỉ hưu cho nữ giới từ mức dự kiến là 63 xuống 60. Hiện thời phụ nữ Nga nghỉ hưu ở tuổi 55.

Trong khi đó, kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu cho nam giới từ mức 60 lên 65 tuổi vẫn giữ nguyên.

https://www.voatiengviet.com/a/nga-bat-gan-300-nguoi-phan-doi-cai-cach-che-do-huu-tri/4563869.html

 

Syria : Nga gia tăng oanh kích Idleb

và tố phe nổi dậy chuẩn bị « khiêu khích »

Tú Anh

Không quân Nga và Syria gia tăng các cuộc oanh kích vào Idlib, căn cứ địa cuối cùng của phe nổi dậy. Cùng lúc, Matxcơva cáo buộc các nhóm võ trang cố thủ « chuẩn bị kịch bản khiêu khích » nhưng không nói rõ chuyện gì.

Theo AFP, trong hai ngày 8 và 09/09/2018, tỉnh Idleb liên tục bị máy bay Nga oanh kích dữ dội. Không quân Syria ném khoảng 50 thùng chất nổ và đạn pháo vào nhiều khu dân cư làm cho 9 thường dân, trong đó có hai trẻ em tử thương.

Nga và đồng minh Damas gia tăng oanh tạc Idlib một ngày sau khi hội nghị ba bên Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về số phận của tỉnh này thất bại. Tổng thống Vladimir Putin bác bỏ đề nghị ngưng bắn của tổng thống Erdogan.

Liên Hiệp Quốc bất lực và thụ động trước một thảm họa nhân đạo không tránh khỏi nếu quân đội Syria cùng hai đồng minh Nga và Iran tấn công vào Idlib. Pháp và Mỹ chỉ cảnh cáo Damas không được dùng vũ khí hóa học.

Trong khi đó, Matxcơva, khẳng định « có bằng chứng không chối cãi được » là phe nổi dậy chuẩn bị khiêu khích ». Theo lời phát ngôn viên quân đội Nga Igor Konachenkov, chỉ huy của các nhóm thánh chiến thuộc Al Qaida cũ, của nhóm võ trang Turkestan và tổ chức cứu hộ Mũ trắng Syria đã gặp nhau hôm 07/09/2018 « để hội ý dàn dựng một kịch bản ». Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội Nga không cho biết kịch bản đó như thế nào.

Bầu cử địa phương Nga :

Bị cấm tham gia, đối lập xuống đường

Trọng Thành

Ngày 09/09/2018 Nga tổ chức bầu cử địa phương ở Matxcơva và 16 khu vực. Tỉ lệ cử tri không đi bỏ phiếu dự kiến sẽ rất cao, trong bối cảnh hầu hết ứng cử viên đối lập bị gạt ra lề.

Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Matxcơva :

« Hiếm có một cuộc bầu cử nào tại Nga lại ít gây chú ý và nhạt nhẽo đến như vậy. Tại Matxcơva, thị trưởng mãn nhiệm Serguei Sobianine chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ Nhật này. Điều này không chỉ do kết quả nhiệm kỳ vừa qua, mà còn bởi vì nhiều ứng cử viên đối lập không được tham gia. Tình trạng tương tự tại phần lớn các vùng của nước Nga, nơi các ứng cử viên của đảng cầm quyền đều chắc chắn sẽ đắc cử, hoặc tái đắc cử.

Theo Golos, một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi bầu cử tại Nga, số lượng ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử hôm nay chỉ bằng một nửa so với cách nay năm năm.

Do không có cạnh tranh của đối lập, ẩn số duy nhất của cuộc bầu cử chỉ là tỉ lệ cử tri tham gia. Tỉ lệ người không tham dự bỏ phiếu có thể sẽ rất cao, do việc dân chúng bất bình vì cuộc cải cách hưu trí của chính quyền.

Lãnh đạo đối lập Alexeil Navalny kêu gọi biểu tình hôm nay chống lại cuộc cải cách này. Cách nay 5 năm, ứng cử viên đối lập đã ra ứng cử thị trưởng Matxcơva. Hiện tại, ông đang chịu phải án tù, không biết là lần thứ mấy. Về phía những người ủng hộ lãnh đạo đối lập, thay vì đến phòng phiếu, họ sẽ xuống đường phản đối ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180909-bau-cu-dia-phuong-nga-doi-lap-bi-gat-ra-le

 

Nhật Bản lần đầu tiên

 vô địch giải quần vợt Mỹ US Open

Ngày 08/09/2018 tay vợt nữ Naomi Osaka, làm rạng danh nền quần vợt Nhật Bản. Trên sân Flushing Meadows-New York, vận động viên mang hai dòng máu Haiti và Nhật Bản này đã bất ngờ lập kỳ công, hạ tay vợt kỳ cựu Serena Williams với tỷ số 6-2, 6-4.

Một ngôi sao mới trên vòm trời thể thao Nhật Bản vừa chớm nở. Naomi 20 tuổi, không run tay trước một tượng đài của làng quần vợt thế giới là Senera. Cô đã bình tĩnh giành từng điểm một, ghi từng bàn thắng trước một tay vợt đàn chị giàu kinh nghiệm như Williams. Trong cuộc tranh tài ở New York hôm 08/09/2018, nữ vận động viên người Mỹ, 36 tuổi, đã nổi nóng, đấu khẩu với trọng tài, đập gẫy vợt, bị trừ điểm và nhà vô địch quần vợt 23 lần đoạt giải Grand Chelem này đã mất hẳn tinh thần chiến đấu.

Cuối cùng, giải US Open 2018 về tay một đối thủ trẻ tuổi là Naomi Osaka. Khi trận đấu kết thúc, cả hai nữ vận động viên đều đã mất nhiều nước mắt. Williams khóc vì tức tối và thất vọng, còn Osaka thì xúc động vì vừa đạt được một giấc mơ mà cô không mấy dám nghĩ tới.

Naomi Osaka, đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng của thế giới vừa mở ra một trang sử mới cho bộ môn quần vợt Nhật Bản. Cô là vận động viên Nhật đầu tiên đoạt giải Grand Chelem. Chiến thắng của nữ vận động viên châu Á này lại càng có ý nghĩa, bởi trong trận chung kết ở Flushing Meadows, cô đã so tài với thần tượng của mình là Serena Williams.

Sinh năm 1997 tại Nhật Bản, bố là người Haiti, mẹ Nhật Bản. Naomi mang họ của mẹ. Năm lên ba, cô và bố mẹ cùng em gái sang Mỹ định cư. Về sống ở New York, bố của Naomi đam mê môn quần vợt. Tương tự như cha của hai chị em Venus và Serena Williams, ông dẫn dắt hai cô con gái đến với bộ môn tennis. Naomi chóng lọt vào mắt xanh của huấn luyệt viên, cô được mời về Florida, lò đào tạo mầm non quần vợt của Mỹ.

Sự nghiệp của nữ vận động viên có cái tên rất Nhật Bản này như diều gặp gió. Từ năm 2016 Osaka hiện diện tại hầu hết các giải đấu lớn quốc tế, từ giải Úc mở rộng đến Roland Garros. Tại cuộc tranh tài ở Miami hồi tháng 3/2018 Naomi Osaka đã hạ Serena Williams với tỷ số không thể tranh cãi 6-3,6-2. Đấy là lần đầu tiên tay vợt Nhật Bản được so tài với Serena Williams. Naomi luôn xem Serena là một tấm gương sáng để noi theo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180909-nhat-ban-lan-dau-tien-vo-dich-giai-quan-vot-my-us-open

 

TQ đạt thặng dư thương mại kỉ lục với Mỹ,

tranh chấp càng thêm gay gắt

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng lên mức kỉ lục trong tháng 8 ngay cả khi tăng trưởng xuất khẩu của nước này giảm nhẹ, một kết quả có thể sẽ khiến Tổng thống Donald Trump gia tăng áp lực lên Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp thương mại ngày càng gay gắt giữa hai nước.

Thặng dư thương mại Trung-Mỹ, một vấn đề chính trị nhạy cảm, đạt 31,05 tỉ đôla trong tháng 8, tăng từ 28,09 tỉ đôla trong tháng 7, theo số liệu của hải quan Trung Quốc công bố vào ngày thứ Bảy, vượt qua kỉ lục trước đó đạt được vào tháng 6.

Trong tám tháng đầu năm nay, thặng dư của Trung Quốc với thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này đã tăng gần 15 phần trăm, càng tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc trong tháng 8 tăng nhẹ lên mức 9,8 phần trăm, theo số liệu. Đây là tỉ lệ thấp nhất kể từ tháng 3 nhưng chỉ thấp hơn một chút so với các xu hướng gần đây.

Con số này không cao bằng con số dự báo của các nhà phân tích cho rằng hàng hóa từ nước xuất khẩu lớn nhất thế giới sẽ tăng 10,1 phần trăm, chỉ giảm nhẹ từ mức 12,2 phần trăm trong tháng 7.

Ngay cả với thuế quan của Mỹ nhắm mục tiêu vào 50 tỉ đôla xuất khẩu của Trung Quốc có hiệu lực hết trọn tháng đầu tiên vào tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn tăng, tăng 13,2 phần trăm so với một năm trước đó từ mức 11,2 phần trăm trong tháng 7.

Hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ chỉ tăng 2,7 phần trăm trong tháng 8, giảm đi từ mức 11,1 phần trăm trong tháng 7.

Ông Trump hôm thứ Sáu cảnh báo sẽ áp thuế quan lên hầu hết hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, đe dọa đánh thuế lên thêm 267 tỉ đôla giá trị hàng hóa ngoài 200 tỉ đôla hàng nhập khẩu sắp chịu thuế trong những ngày tới.

Washington từ lâu đã chỉ trích thặng dư thương mại to lớn của Trung Quốc với Mỹ và đã yêu cầu Bắc Kinh thu hẹp con số này. Tuy nhiên, những bất đồng giữa hai cường quốc kinh tế lớn liên quan tới nhiều vấn đề hơn là chỉ mỗi cân bằng thương mại, và căng thẳng vẫn còn liên quan tới những giới hạn đối với các công ty Mỹ trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc, bảo vệ tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ và đầu tư.

Dù không ai dự đoán một cú giáng mạnh đột ngột từ các mức thuế quan của Mỹ, song số liệu xuất khẩu chính thức của Trung Quốc cho thấy sức chống chịu đáng ngạc nhiên tính tới nay, với tăng trưởng vượt quá kì vọng của các nhà phân tích trong năm tháng liên tiếp, Reuters cho biết.

Các quan chức Trung Quốc thừa nhận các nhà xuất khẩu Trung Quốc vẫn đang hối hả đẩy các lô hàng đi trước khi Mỹ áp đặt thuế quan mới và vì thế nâng các chỉ số tăng trưởng, trong khi một số công ty như các nhà máy thép đang đa dạng hóa và bán nhiều sản phẩm hơn cho các nước khác.

Các nhà kinh tế đã lưu ý rằng những gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể sẽ tùy theo từng công ty, và phải mất một khoảng thời gian để những gián đoạn đó được phản ánh trong số liệu kinh tế rộng lớn và trong các báo cáo thu nhập của các công ty.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-dat-thang-du-thuong-mai-ki-luc-voi-my-tranh-chap-cang-them-gay-gat/4563133.html

 

Bắc Hàn không phô diễn tên lửa

 trong cuộc duyệt binh

Bắc Hàn đã không trưng bày bất kỳ tên lửa đạn đạo liên lục địa nào (ICBM) tại một cuộc duyệt binh kỷ niệm mừng quốc khánh lần thứ 70, theo nhiều nguồn tin.

Cũng không rõ là lãnh đạo Kim Jong-un có phát biểu tại sự kiện này hay không.

Cuộc duyệt binh đang được xem xét kỹ lưỡng để tìm manh mối về kho vũ khí của Bắc Hàn và cam kết của nước này trong việc phi hạt nhân hoá.

Giới phân tích đã dự đoán rằng Kim Jong-un sẽ giảm mức phô trương quân lực trong cuộc duyệt binh sau hội nghị thượng đỉnh của ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong các lần kỷ niệm Quốc khánh của Triều Tiên những năm trước đây, người ta thường thấy xuất hiện hình ảnh những vụ phóng tên lửa đạn đạo và vụ thử hạt nhân, dưới sự thị sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Năm nay, cuộc trưng bầy tên lửa đạn đạo – có thể bắn tới lục địa Hoa Kỳ, có khả năng mang theo một đầu đạn hạt nhân – sẽ được xem là khiêu khích.

Truyền thông Bắc Hàn ca ngợi ‘cuộc gặp gỡ lịch sử’

Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’

Hoa Kỳ đang đối thoại trực tiếp với Bắc Hàn

Không có khúc phim cuộc duyệt binh nào được phát hành nhưng hãng tin AFP, có một phóng viên tại hiện trường, và NK News, có hình ảnh từ truyền hình nhà nước Bắc Hàn, cho biết không thấy cỏ ICBM nào được nhìn thấy.

Vào tháng Sáu, ông Kim và ông Trump đã ký một thỏa thuận mơ hồ về việc hủy bỏ vũ khí hạt nhân của bán đảo Triều Tiên nhưng nó không quy định một thời gian, chi tiết hoặc cơ chế để xác minh quá trình tiêu hủy.

Các cuộc đàm phán cao cấp và những chuyến viếng thăm đã tiếp diễn nhưng chuyến đi gần đây nhất của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã được hủy bỏ vào phút chót và cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về việc làm cho các cuộc đàm phán bị đình trệ trong khi khẳng định họ vẫn giữ vững cam kết.

Phóng viên của BBC tại Seoul, Laura Bicker, cho biết bất kỳ sự phô trương ICBM nào cũng có thể đặt các cuộc thảo luận tương lai và bất kỳ thỏa thuận nào để tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên vào thế bấp bênh.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-45464048