Tin khắp nơi – 09/07/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 09/07/2019

Mỹ chuẩn thuận

bán 2,2 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chuẩn thuận việc có thể bán vũ khí cho Đài Loan với trị giá ước tính 2,2 tỷ đô la, Ngũ Giác Đài nói.

Thỏa thuận này nhằm mua bán 108 chiếc xe tăng Abrams, 250 tên lửa Stingers và các thiết bị liên quan.

TQ giận dữ về cuộc họp an ninh cao cấp Mỹ-Đài

Vì sao Mỹ luôn quyết liệt về Đài Loan?

Bắc Sơn Thành và cuộc chiến âm thanh Trung-Đài

Hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thúc giục Hoa Kỳ ngưng vụ mua bán, và gọi việc bán vũ khí là một quyết định “cực kỳ nhạy cảm và tai hại”.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, cần phải được tái thống nhất với lục địa, kể cả bằng việc sử dụng vũ lực, nếu cần.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng cũng kêu gọi Hoa Kỳ tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, theo đó Mỹ công nhận Trung Quốc và chỉ duy trì quan hệ chính thức với Trung Quốc thay vì với cả Đài Loan.

Việc bán vũ khí sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự căn bản trong vùng, Vụ Hợp tác An ninh Quốc phòng thuộc Ngũ Giác Đài (DSCA) nói trong một tuyên bố.

DSCA đã thông báo cho quốc hội về việc nay Mỹ có thể bán vũ khí cho Đài Loan.

Quốc hội sẽ có 30 ngày để phản đối. Tuy nhiên, dự kiến quyết định bán vũ khí sẽ không vấp phải sự phản đối nào.

Việc ra quyết định là Mỹ có thể bán vũ khí cho Đài Loan được đưa ra giữa lúc Washington và Bắc Kinh đang tiếp tục căng thẳng quan hệ, đặc biệt là trong vấn đề thương mại.

Phủ Tổng thống Đài Loan bày tỏ “lòng biết ơn chân thành” tới Mỹ, nhà cung ứng vũ khí chủ chốt cho Đài Loan.

Phát ngôn viên của tổng thống Đài Loan nói trong một tuyên bố gửi tới hãng tin Reuters rằng hòn đảo này sẽ “tiếp tục có mối quan hệ an ninh sâu sắc với Hoa Kỳ”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48920918

 

Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan : một công đôi ba việc

Tú Anh

Bất chấp thái độ giận dữ và đe dọa của Bắc Kinh, cuối cùng Washington quyết định cung cấp một loạt vũ khí mới, thỏa mãn một phần nhu cầu quân sự của Đài Loan. Ngoài lý do thương mại, hợp đồng tổng trị giá 2,2 tỷ đôla còn là vũ khí lợi hại của Washington trong ván cờ địa chiến lược tại Biển Đông và thương chiến Mỹ-Trung.

Tiếp theo quyết định của bộ Ngoại Giao, Lầu Năm Góc, ngày 08/07/2019 đã thông báo với Quốc Hội Mỹ danh sách vũ khí gồm 108 chiến xa Abrams M1A2 thế hệ ba, và 250 tên lửa phòng không Stinger trang bị hệ thống nhận dạng bạn-thù. Chỉ riêng 108 chiến xa mới nhất đã chiếm đến 90% tổng trị giá hợp đồng 2,2 tỷ.

Theo luật Hoa Kỳ, tiến trình bán vũ khí cho nước ngoài bắt đầu từ khi một quốc gia gửi thư đặt hàng. Bộ Ngoại Giao quản lý và phối hợp chặt chẽ với bộ Quốc Phòng, cơ quan chính phủ hợp tác với doanh nghiệp vũ khí. Chính phủ Mỹ xem xét và nếu chấp thuận thì Quốc Hội sẽ cho ý kiến chậm lắm là một tháng sau đó.

Trong trường hợp Đài Loan, vì những lý do nào mà hợp đồng đặt mua vũ khí được tiến hành rất nhanh, không đầy 6 tháng, đã được chính phủ Mỹ bật đèn xanh ?

Một thương vụ ba mục tiêu : kinh tế, địa chiến lược và thương chiến

Trên nguyên tắc, xuất khẩu vũ khí là một loại thương vụ được tổng thống Donald Trump xem là để làm giàu cho nước Mỹ và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ.

Theo thông báo của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng, bán chiến xa cho Đài Loan vừa phục vụ « kinh tế quốc gia » vừa giúp Đài Loan tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa lực lượng võ trang và duy trì khả năng phòng thủ. Tên lửa Stinger sẽ giúp Đài Loan « cân bằng tương quan lực lượng, bảo vệ ổn định để phát triển kinh tế trong vùng ».

Tuy nhiên, theo một viên chức Nhà Trắng được báo mạng l’Opinion của Pháp trích dẫn, bán vũ khí cho Đài Loan có thể cản trở tiến trình đàm phán hiệp định thương mại Mỹ-Trung đang ở giai đoạn tế nhị. Cho đến nay, Washington, tuy là nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự cho Đài Loan nhưng vẫn tôn trọng chính sách « một nước Trung Hoa duy nhất » của Bắc Kinh.

Thế nhưng, phe diều hâu, nhất là cố vấn an ninh John Bolton đã thắng thế và thuyết phục được tổng thống Donald Trump với lập luận « củng cố quan hệ với Đài Loan là nhu cầu cần kíp để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ tại châu Á ». Trong vấn đề an ninh, Đài Loan mạnh về quân sự sẽ « đối trọng » với tham vọng của Bắc Kinh : Sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ tại Đài Loan sẽ giúp hải đảo đương đầu với mọi dự án bành trướng của Trung Quốc ra ngoài biên giới.

Trong Quốc Hội, nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa còn xem việc ủng hộ nền dân chủ Đài Loan như là ưu tiên chính trị số một.

Cũng theo tạp chí l’Opinion, tổng thống Donald Trump rất đắc ý với các luận điểm này.Từ tháng Ba đến nay, chủ nhân Nhà Trắng xem Đài Loan là một lá chủ bài, song song với biện pháp áp thuế, trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Tháng Tư vừa qua, cố vấn an ninh John Bolton tuyên bố : những hành động khiêu khích của Bắc Kinh không những không chinh phục được tâm trí người dân Đài Loan mà còn giúp củng cố quyết tâm của những người trên khắp thế giới muốn phát huy nền dân chủ.

Tháng Tư, cố vấn an ninh John Bolton tiếp đồng nhiệm Đài Loan David Lee tại Nhà Trắng, sự kiện có một không hai từ khi Washington bỏ Đài Bắc để công nhận Bắc Kinh vào năm 1979.

Bộ Quốc Phòng Đài Loan cần 108 chiến xa thế hệ ba, 1240 hỏa tiễn chống tăng TOW, 409 tên lửa chống tăng Javelin và 250 hỏa tiễn phòng không Stinger, vũ khí tự vệ duy nhất có thể bắn hạ máy bay đối phương tại Hoa lục.

Đài Loan còn đặt mua 66 chiến đấu cơ F-16V và đã nhận được 4 chiếc. Cho đến nay Hoa Kỳ còn lưỡng lự không bán F-35. Lại thêm một lá chủ bài để đàm phán với Trung Quốc ?

Ông Tập phải gặp ông Trump

Theo nhận định của chuyên gia quốc phòng Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược CSIS, Bắc Kinh ngày càng lo ngại Washington sẽ không dừng lại ở mức quan hệ « không chính thức » với Đài Loan thậm chí « không còn ủng hộ nguyên tắc một nước Trung Quốc ».

Tuy nhiên, để thuyết phục Mỹ, chỉ có một cách duy nhất là tiếp xúc trực tiếp với Donald Trump. Bà Bonnie Glaser hiến kế « nếu muốn than phiền hợp đồng vũ khí, Tập Cận Bình phải đích thân lên tiếng ».

Phản ứng đe dọa của bộ Ngoại Giao Trung Quốc « tác hại quan hệ song phương » chứng tỏ tâm lý bất lực của chế độ Bắc Kinh trước chiến thuật « nhất cử lưỡng tiện » của chính quyền Mỹ.

Chủ Nhật vừa qua, tổng thống Donald Trump giải thích với báo chí là các biện pháp áp thuế đã góp phần thúc đẩy đàm phán Mỹ -Trung.

Chủ Nhật, tức là vài giờ trước khi bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo chấp thuận hợp đồng vũ khí bán cho Đài Loan.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190709-my-ban-vu-khi-cho-dai-loan-mot-cong-doi-ba-viec

 

Trợ lý BTQP Mỹ chắc nịch: Quân đội Mỹ

có thể đồng thời “chấp” cả Iran lẫn TQ

Ngày 7/7, Iran thông báo chính thức nâng mức làm giàu urani vượt ngưỡng cho phép theo thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký với nhóm P5+1 năm 2015.

Trước đó, chính phủ Iran hôm 1/7 tuyên bố trữ lượng uranium được làm giàu của nước này đã vượt quá giới hạn 300 kg theo JCPOA, trong khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa không bao giờ cho phép Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hồi tháng 6, Lầu Năm Góc xác nhận triển khai thêm 1.000 lính cùng trang thiết bị nguồn lực quân sự đến khu vực Trung Đông để đối phó với những động thái của Iran, mà Mỹ cáo buộc là ngày càng hung hăng.

Căng thẳng leo thang nhanh chóng giữa những cáo buộc qua lại về việc các tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13/6, cũng như lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắn hạ một máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ ngày 20/6.

Quan hệ Mỹ-Iran xấu đi đã làm gia tăng lo ngại về tình hình an ninh ở khu vực Trung Đông.

Bernard Cole – giáo sư nghỉ hưu của Học viện Quân sự Quốc gia Hoa Kỳ – đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, quân đội Mỹ không thể không chú ý nhiều hơn đến tình hình ở Trung Đông.

“Tôi nghĩ rằng quân đội Mỹ hiện đang hết sức lo lắng về tình hình ở Vịnh Ba Tư và Biển Ả Rập,” ông Cole trả lời đài VOA (Mỹ).

Báo cáo chiến lược quốc phòng được Mỹ công bố năm 2018 nhấn mạnh, Washington coi sự cạnh tranh giữa các nước lớn là trọng tâm chiến lược của quân đội Mỹ. Các quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc trực tiếp tuyên bố, Bắc Kinh chính là mối đe dọa lâu dài lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt.

Một số chuyên gia quốc phòng lo ngại, các cuộc xung đột có thể xảy ra ở khu vực Trung Đông sẽ một lần nữa phân tán sự tập trung của quân đội Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo quân sự thường niên do Quỹ Di sản (The Heritage Foundation), Mỹ, công bố cho biết, trong vài năm qua, quân đội Mỹ có khả năng giải quyết các cuộc xung đột quy mô lớn ở một khu vực, nhưng khó có thể đồng thời đối phó với các cuộc chiến lớn ở cả hai khu vực.

Walter Lohman, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á, thuộc Quỹ Di sản Mỹ bày tỏ lo lắng về khả năng quân đội Mỹ sẽ phải đồng thời đối phó với cả Iran và Trung Quốc trên hai mặt trận.

“Chúng ta cần một đội quân để bảo vệ lợi ích toàn cầu của Mỹ. Quỹ Di sản Mỹ trong một khoảng thời gian luôn cảm thấy lo lắng rằng [quân đội Mỹ] không có đủ lực lượng hoặc sự sẵn sàng để thực hiện sứ mệnh này, đó là tiến hành đồng thời hai cuộc chiến lớn cùng một lúc. Vấn đề đang được chính quyền tích cực giải quyết, tuy nhiên vấn đề vẫn tồn tại,” Lohman nói.

Phát biểu ngày 26/6 tại sự kiện có sự tham dự của Quỹ Di sản, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương ông Randall Schriver cho rằng, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực quan trọng hàng đầu đối với quân đội Mỹ.

Ông Schriver cho biết, quân đội Mỹ có đủ tự tin để đáp trả thách thức đến từ quân đội Iran, đồng thời vẫn có thể tập trung cho các vấn đề an ninh an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Chúng tôi không muốn chiến đấu. Tổng thống [Donald Trump] đã bày tỏ rõ lập trường này. Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi không phải cân nhắc [đối phó trước những thách thức tới từ cả Iran và Trung Quốc]. Nhưng nếu chúng tôi gặp phải một tình huống buộc phải thực hiện hành động, tôi tự tin rằng chúng tôi có thể đối phó với cả hai thử thách này cùng một lúc.”

http://biendong.net/doc-bao-viet/29205-tro-ly-btqp-my-chac-nich-quan-doi-my-co-the-dong-thoi-chap-ca-iran-lan-tq.html

 

Tổng thống Trump phản công

sau khi bị đại sứ Anh phê bình

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/7 tấn công Thủ tướng Anh Theresa May và đại sứ Anh tại Washington trong khi Anh lên tiếng tỏ ý đáng tiếc về vụ rò rỉ những ghi chú mật trong đó đại sứ Anh gọi chính quyền Trump là “khác thường” và “lạc lõng.”

Những ghi chú của đại sứ Anh tại Washington, Kim Darroch, được hé lộ với một nhật báo khiến Tổng thống Trump khó chịu và gây khó xử cho London.

“Chúng tôi đã liên lạc với chính quyền Trump, bày tỏ quan điểm rằng chúng tôi cho là vụ rò rỉ là không thể chấp nhận,” phát ngôn nhân của Thủ tướng Anh cho báo giới biết. “Dĩ nhiên chuyện này xảy ra là đáng tiếc.”

Ông Trump phản hồi trên Twitter, chỉ trích cách bà May xử lý vụ Brexit (Anh rời khỏi Liên hiệp Châu Âu) và nói rằng bà đã coi thường lời khuyên của ông.

“Bà ấy và các đại diện của bà ấy đã tạo ra một mớ hỗn độn,” ông Trump viết. “Tôi không biết ông đại sứ, nhưng ông ấy không được yêu thích hay được cảm mến ở Mỹ. Chúng tôi sẽ không làm việc với ông ấy nữa.”

“Tin tốt cho Vương quốc Anh là họ sẽ sớm có một tân Thủ tướng. Dù tôi thật sự thích thú chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng trước, nhưng Nữ hoàng mới là người tôi ấn tượng nhất!” ông Trump viết.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Anh đang hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại quan trọng với đồng minh thân cận nhất là Mỹ sau khi London rời khởi EU, dự kiến vào cuối tháng 10.

Trong các ghi chú mật gửi về chính quyền Anh từ năm 2017 tới hiện tại, đại sứ Darroch nói tin tức về các cuộc đấu đá ở Tòa Bạch Ốc “đa số là xác thực”.

“Chúng tôi không tin chính quyền này sẽ trở nên bình thường hơn; bớt khác thường; bớt lạc lõng; bớt khó đoán; bớt khó tiên lượng; bớt chia rẽ; bớt vụng về mặt ngoại giao,” đại sứ Darroch viết trong một memo.

Ngoại trưởng Jeremy Hunt nói: “Tôi đã nói rõ rằng tôi không chia sẻ cùng đánh giá của đại sứ về chính quyền Mỹ hay về quan hệ với chính quyền Mỹ, nhưng tôi bênh vực quyền của ông ấy đưa ra những đánh giá thẳng thắn.”

Ngoại trưởng Anh nói sẽ có “hậu quả nghiêm khắc” đối với ai đã làm rò rỉ thông tin.

https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump-ph%E1%BA%A3n-c%C3%B4ng-sau-khi-b%E1%BB%8B-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-anh-ph%C3%AA-b%C3%ACnh/4991812.html

 

Tổng Thống Trump ban hành tuyên bố

khẩn cấp sau các trận động đất ở Ridgecrest

Tin từ Ridgecrest – Vào hôm thứ Hai (8 tháng 7), Tổng thống  Trump phê duyệt tuyên bố khẩn cấp hỗ trợ các thị trấn ở khu vực Ridgecrest bị ảnh hưởng bởi động đất.

Sự phê chuẩn của Tổng thống sẽ cho phép Bộ Nội an và Cơ quan Cai Quản Khẩn cấp Liên bang (FEMA) cung cấp cứu trợ thảm họa và hỗ trợ khẩn cấp cho các quận Kern và San Bernardino. Theo đó, FEMA sẽ được ủy quyền sử dụng nguồn quỹ liên bang để cung cấp thiết bị và tài nguyên cần thiết nhằm giảm bớt các tác động của tình huống khẩn cấp.

Trong tin tweet tối thứ Hai, Tổng thống thông báo sẽ tích cực hợp tác với Dân biểu Cộng Hòa Kevin McCarthy và Thống đốc Gavin Newsom. Trước đó vào ngày 5 tháng 7, Thống đốc Gavin Newsom đã yêu cầu Tổng thống đưa ra tuyên bố khẩn cấp, để tiểu bang nhận mức Hỗ trợ Liên bang Trực tiếp, sau khi trận động đất mạnh 7.1 độ richter làm rung chuyển các thị trấn Ridgecrest và Trona vào tuần trước.

Vào ngày 4 tháng 7, ông Newsom cũng đã ban hành tuyên bố khẩn cấp do thiệt hại từ trận động đất đầu tiên mạnh 6.4 độ richter làm hư hỏng các tuyến đường, nhà cửa và gây ra nhiều vụ hỏa hoạn. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-ban-hanh-tuyen-bo-khan-cap-sau-cac-tran-dong-dat-o-ridgecrest/

 

Nhà tài phiệt Mỹ bị cáo buộc

 ‘buôn trẻ vị thành niên vì mục đích tình dục’

Nhà tài phiệt giàu có người Mỹ Jeffrey Epstein, người có nhiều mối quan hệ bạn bè với giới quyền lực, đã ra trước tòa ở New York với các cáo buộc điều hành “một mạng lưới rộng lớn” các bé gái vị thành niên để phục vụ tình dục.

Hôm thứ Hai, xuất hiện trong bộ quần áo tù màu xanh sẫm, ông Epstein không nhận tội.

Xâm hại tình dục trên thế giới bị xử lý thế nào?

MeTooVN: ‘Tôi đã lên tiếng nhưng không ai tin tôi’

Indonesia tiêm triệt dâm để ‘thanh toán nạn ấu dâm’

Nội dung cáo trạng nói rằng ông đã dụ dỗ trẻ vị thành niên tới thăm các dinh thự của mình tại Manhattan và Florida trong thời gian từ 2002 đến 2005.

Theo cáo trạng, các bé gái, có em mới chỉ 14 tuổi, đã được cho hàng trăm đô la để thực hiện những hành vi tình dục.

Ông nay đối diện với một tội danh buôn người vì mục đích phục vụ tình dục, và một tội danh âm mưu buôn người vì mục đích phục vụ tình dục.

Năm nay 66 tuổi, nhà quản lý quỹ đầu tư bị bắt hôm thứ Bảy tại Sân bay Teterboro sau khi bay từ Pháp tới trên chiếc phi cơ riêng.

Ông Epstein sẽ tiếp tục bị giam trong tù cho tới phiên tòa xem xét yêu cầu cho tại ngoại hầu tra, ngày 11/7.

Cáo trạng nói gì?

Nội dung cáo trạng nói rằng ông Epstein biết rõ các nạn nhân đều dưới 18 tuổi. Họ thường được mời có một màn massage khỏa thân trước khi bị lạm dụng tình dục, bản cáo trạng nói.

Người bị buộc tội “cũng trả cho một số nạn nhân để họ tuyển thêm các cô gái khác tới để họ cũng bị lạm dụng tương tự,” bản cáo trạng nói.

Ông ta âm mưu cùng những người khác “gồm cả những người làm thuê và các cộng sự”, là những người đã giúp lên lịch gặp gỡ tại dinh thự ở Manhanttan và tư dinh ở Palm Beach của ông ta, theo nội dung cáo trạng.

Epstein nói rằng ông tin là các cô gái đều ít nhất cũng đã 18 tuổi, và rằng việc tiếp xúc là đã được sự đồng ý.

Tại một cuộc họp báo, Chưởng lý Quận Nam New York, Geoffrey Berman, nói rằng cuộc bố ráp của cảnh sát tại khu nhà của Epstein tại Manhattan đã thu giữ được những hình ảnh các cô gái khỏa thân.

Ông nói rằng Epstein cho thấy có rủi ro sẽ bay trốn đi, và ông khuyến cáo bị cáo phải bị nhốt giữ chờ xét xử.

Ông Berman kêu gọi bất kỳ ai có thể là nạn nhân hoặc có thông tin gì về nạn nhân hãy ra trình báo.

Geoffrey Berman: “Nếu quý vị là nạn nhân của người đàn ông này… thì chúng tôi muốn nghe quý vị trình báo” (tiếng Anh)

Ông Epstein có liên hệ với ai?

Ông Epstein từng là bạn với Hoàng tử Andrew của Anh, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Tổng thống Donald Trump.

Ông Bill Clinton đã ra tuyên bố theo đó nói ông “không biết gì về những tội phạm kinh tởm này”.

Ông đã đi cùng trong “tổng số bốn chuyến trên chiếc phi cơ của Jeffrey Epstein” và có một cuộc họp với ông này hồi năm 2002, bản tuyên bố nói.

Nhưng ông Clinton nói ông “đã không nói chuyện với ông Epstein từ hơn chục năm qua.”

Trong một bài giới thiệu trên tạp chí New York hồi 2002, ông Trump đã gọi ông Epstein là “một tay rất hay ho” (“terrific guy”).

“Ở cùng ông ấy rất thú vị,” ông Trump nói. “Người ta thậm chí còn nói rằng ông ấy thích phụ nữ đẹp không kém gì tôi, và nhiều cô trong đó là các cô gái trẻ.”

Các cáo buộc trước kia thế nào?

Ông Epstein trước đây từng bị cáo buộc lạm dụng hàng chục bé gái tuổi teen trong thời gian từ 1999 đến 2007.

Nhưng ông đã đạt được thỏa thuận để tránh bị các cáo buộc buôn bán phụ nữ vì mục đích phục vụ tình dục.

Thay vào đó, ông ta đã nhận tội vào năm 2008 đối với các cáo buộc nhẹ hơn ở bang Florida, về các tội danh gạ gẫm và dẫn mối cho người dưới 18 tuổi bán dâm.

Ông ngồi tù 13 tháng và bị đăng ký là kẻ phạm tội tình dục, nhằm tránh nguy cơ bị tù chung thân.

Đầu năm nay, một thẩm phán ở Florida ra phán quyết rằng các công tố liên bang đã phạm luận khi không thông báo cho các nạn nhân của ông Epstein về thỏa thuận đã dàn xếp khi đó.

Thẩm phán Kenneth Marra hiện đang quyết định xem liệu thỏa thuận không truy tố ông Epstein về các cáo buộc nghiêm trọng hơn có giá trị hay không.

Tòa Bạch Ốc nói họ cũng đang “xem xét” vai trò của Bộ trưởng Lao động Alexander Acosta trong vụ đưa ra thỏa thuận trên, là thỏa thuận mà ông đã chuẩn thuận khi ông còn là một chưởng lý Hoa Kỳ.

Hồi tháng Mười Hai, ông Epstein đã tước đi của những người được cho là nạn nhân cơ hội lần đầu tiên đưa ra lời khai chống lại ông với việc đạt thỏa thuận phút chót thành dàn xếp vụ kiện dân sự.

Thân thế ông Epstein thế nào?

Hồi trẻ, ông Epstein, người chào đời tại New York, dạy môn toán và vật lý tại trường tư Dalton School ở Manhattan.

Ông chuyển sang lĩnh vực tài chính vào năm 1976, làm nhân viên ở mảng dịch vụ mua bán hợp đồng tại ngân hàng Bear Stearns. Trong vòng bốn năm, ông được trao vị trí thành viên hạn chế.

Sau đó ông thành lập hãng quản lý tài chính riêng, có tên là J Epstein & Co, được cho là quản lý tài sản khách hàng với giá trị ròng trên 1 tỷ đô la Mỹ.

Năm 1996, ông đổi tên công ty thành The Financial Trust Co, đóng tại Quần đảo Virgin của Mỹ để tránh thuế.

Lối sống xa hoa cũng những bí mật xung quanh danh sách khách hàng của ông và các thông tin chi tiết về việc kinh doanh của ông khiến Epstein nôi rtiếng là một người đàn ông lắm tiền nhưng đầy bí hiểm.

Tin tức nói là Epstein đã đặt hàng vẽ tranh tường ở nhà, miêu tả chính ông đang ngồi trong tù.

Bên cạnh việc có khối tài sản to lớn cùng danh sách bạn bè nổi tiếng, Epstein đã xây dựng hình ảnh mình như một người nhân ái.

Hồi 2003, ông xuất hiện trên các dòng tin chính khi đóng góp 30 triệu cho Đại học Harvard để xây dựng một chương trình nghiên cứu động lực tiến hóa và toán sinh.

Các tường thuật về khối tài sản hiện thời của ông đưa ra các số liệu khác nhau, và công ty của ông tại Quần đảo Virgin thì không có hồ sơ công khai nào.

Theo các bút lục tại tòa án Florida mà hãng tin NBC News trích dẫn, Epstein cũng có các bất động sản tại Quần đảo Virgin của Mỹ, Paris và Mexico.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48920920

 

Nằm trên vết đứt gãy San Andreas,

bang California hay bị động đất

Joaquin Nguyễn HòaGửi đến BBC Việt Ngữ từ San Francisco, California

Buổi sáng ngày lễ Độc Lập của nước Mỹ, đang ngồi cà phê với một số bạn hữu tại khu Little Saigon, quận Cam, miền Nam California, tôi bỗng có cảm giác chóng mặt vì mặt đất, bàn ghế chao đảo, tuy không có đổ vỡ gì.

Cảm giác ấy kéo dài khoảng 15 giây rồi chấm dứt.

Phải mất vài giây tôi mới nhận ra chúng tôi đang chứng kiến tác động của một trận động đất mạnh.

Tin cho biết trận động đất ấy hơn 6 độ/10, trên thước đo động đất quốc tế Richter (gọi tắt là độ Richter), có nghĩa là có thể gây ra những thiệt hại nặng.

California có thể có thêm các trận động đất mới

Nước Mỹ sẽ thế nào nếu California ly khai?

Cháy rừng California: Hơn 600 người mất tích

May mắn cho cư dân California là trung tâm của trận động đất (chấn tâm) nằm ở một vùng thưa thớt dân cư, thị trấn Ridgecrest, cạnh sa mạc Mojave, giữa hai trung tâm đô thị lớn là Las Vegas của tiểu bang Nevada, và Los Angeles của California. Chấn tâm này cách quận Cam, California hơn 100 dặm về phía Đông Bắc.

Không có thiệt hại gì về nhân mạng, chỉ có vài đám cháy nhỏ do ống khí đốt bị vỡ.

Hơn 24 giờ sau đó, cũng tại Ridgecrest, trận động đất thứ hai xảy ra với cường độ lớn hơn 7 độ Richter. Cũng không có thiệt hại gì về nhân mạng. Nhưng liền sau đó Thống đốc California, ông Gavin Newsom, tuyên bố trình trạng khẩn cấp cho vùng Ridgecrest và San Bernadino gần thành phố Los Angeles.

Tứ Xuyên lại có động đất, gây chết người, lở đất

Lạnh chết người ở Mỹ, vậy ‘trái đất nóng lên’ đâu?

Một kỹ sư xây dựng chuyên về chống động đất là ông Cao Nguyễn, làm việc cho một cơ quan chính phủ California, nói với chúng tôi rằng tình trạng khẩn cấp có nghĩa là thuốc men, nước uống được chuẩn bị cho các trung tâm tạm cư, các nhóm làm việc đánh giá thiệt hại, dự báo sóng thần được triển khai.

Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (US Geological Survey) đưa ra khả năng xảy ra một trận động đất 7 độ Richter trong tuần lễ tiếp theo chỉ ở vào khoảng 20%.

Như vậy chống động đất, cho tới giờ phút này, người ta chỉ làm một số việc như vừa kể sau khi nó xảy ra, và thiết kế những ngôi nhà sau cho nó có thể chịu đựng động đất, giảm hiệt hại tối đa.

Vậy tại sao có động đất?

Mọi người cũng đều biết tiểu bang California là một vùng thường xuyên xảy ra động đất.

Động đất xảy ra là do sự di chuyển của các lục địa và đại dương. Chúng chuyển động và va chạm vào nhau, gây ra động đất.

Cho tới hiện nay, việc hình thành các lục địa và sự chuyển động của chúng được giải thích bằng học thuyết lục địa trôi, được ông Alfred Wegener, một nhà địa vật lý người Đức đưa ra hồi đầu thế kỷ 20. Học thuyết này được tiếp tục nghiên cứu và phát triển cho đến này nay.

Theo học thuyết này chúng ta hiện sống trên một lớp vỏ vô cùng mỏng của quả đất. Những vật chất có trọng lượng nhẹ thì trồi lên làm thành những lục địa chúng ta đang sống, còn những phần nặng thì chìm xuống thành một lớp vỏ dưới những đại dương.

California nằm tại vùng tiếp nối giữa vỏ đại dương Thái Bình Dương bên dưới và vỏ lục địa Bắc Mỹ bên trên.

Hai cái vỏ này đều chuyển động, ép vào nhau, đến khi sức ép quá căng sẽ gãy vỡ và động đất xẩy ra.

Tuy không biết chắc chắn khi nào động đất xảy ra, nhưng người ta có thể biết chỗ nào động đất có thể xảy ra. Những chỗ đó người ta gọi là các vết đứt gẫy (fault).

Đó là nơi các mảng vỏ Trái Đất ép vào nhau, khi các mảng này chuyển động, động đất xảy ra.

Và vết đứt gẫy San Andreas, nổi tiếng nhất nước Mỹ và toàn thế giới lại nằm ở California.

Vết đứt gẫy này chạy dọc từ Bắc xuống Nam tiểu bang California. Các thành phố lớn và phồn thịnh của tiểu bang này đều nằm dọc theo Andreas: San Francisco, San Jose, San Mateo, Millbrae…

Nếu các bạn có dịp đến khu vực bán đảo phía Nam thành phố San Francisco, dọc theo xa lộ 280, các bạn sẽ thấy hồ nước San Andreas sâu thẳm, nằm giữa một cánh rừng thông, khung cảnh vô cùng ngoạn mục. Trông đẹp thế nhưng là cái đẹp chết người. Vết đứt gẫy San Andreas đấy.

Vào năm 1906, vết đứt gẫy San Andreas chuyển động, gây nên một trận động đất kinh hoàng tàn phá hầu như toàn bộ thành phố San Francisco, giết hại 3,000 người. Trận động đất này được đo trên địa chấn kế Richter là hơn 7 độ, tức tương đương trận động đất ở sa mạc Mojave sau ngày lễ Độc Lập vừa qua.

Các nhà địa chất từ lâu vẫn tin rằng phần phía Nam của vết đứt gẫy San Andreas chắc chắn sẽ sinh ra một trận động đất lớn, lớn hơn bất kỳ điều gì đã xảy ra ở Nam California trong lịch sử hiện đại.

Lý do là vì từ năm 1906 đến nay, vết đứt gẫy San Andreas không chuyển động gì cả. Giới địa chất e rằng hơn cả trăm năm qua, các mảnh lục địa và đại dương ép với nhau như vậy thì sức căng phải là rất lớn, có nghĩa là trận động đất sắp tới dọc theo San Andreas, đặc biệt miền bắc California phải là rất lớn.

Nhưng California cho đến giờ tương đối vẫn ổn.

Giới lạc quan bàn bạc rằng hay là trận động đất lớn tại California đã xảy ra rồi?

Vào năm 1989, tại Loma Prieta gần thành phố du lịch Santa Cruz, và cũng không xa thung lũng điện tử Silicon Valley, San Jose, một trận động đất 7 độ Richter đã xảy ra làm 63 người chết và hàng ngàn người bị thương.

Mới đây, vào năm 2014, một trận động đất vào khoảng 6 độ Richter tàn phá một phần thị trấn rượu vang của nước Mỹ là Napa.

Ông Danny Trần, một người Việt sống lâu năm tại thành phố San Jose, thành phố có số người nói tiếng Việt đông nhất ngoài Việt Nam, cho biết trong suốt thời gian sống ở đó ông nhiều lần chứng kiến những chấn động nhỏ dưới 5 độ Richter.

Hy vọng rằng những chuyển động như vậy giảm bới phần nào sức căng của Andreas, trận động đất lớn tới đây sẽ không quá kinh hoàng như hơn 100 năm trước đó tại San Francisco.

Dù nằm trên một vùng động đất lớn, California với khí hậu vô cùng dễ chịu, và với một tập hợp cư dân phóng khoáng đa văn hóa nhất thế giới, vẫn cứ tiếp tục là tiểu bang giàu mạnh nhất nước Mỹ.

Một trận động đất lớn có thể xảy ra trong chu kỳ vài chục năm, nhưng một sản phẩm công nghệ iphone, Tesla, Android… có thể ra đời liên tục trong vài năm. Nhà cửa California vẫn thuộc hàng đắt nhất nước Mỹ, và dĩ nhiên bảo hiểm động đất cũng vô cùng đắt, chả có mấy cư dân California mua loại bảo hiểm này.

Thay vì lo lắng, hãy như Tiến sĩ địa vật lý David K. Lynch viết trong trang SanAndreasFault.org, rằng hãy mua một cái bản đồ, lên một chiếc xe tốt, đến các địa điểm kỳ thú dọc theo Andreas mà chiêm ngưỡng thiên nhiên.

Tác giả Joaquin Nguyễn Hòa từng học và làm việc trong lĩnh vực địa chất học.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48904817

 

Ứng viên Tư lệnh Hải quân Mỹ đột ngột nghỉ hưu

Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Bill Moran đã bất ngờ thông báo quyết định nghỉ hưu hôm 7/7, chưa đầy 1 tháng trước khi ông chính thức nhậm chức Tư lệnh Hải quân vào ngày 1/8 theo đề cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hãng tin AP loan báo hôm 8/7.

AP trích tuyên bố của Đô đốc Moran xác nhận rằng ông sẽ nghỉ hưu, từ chối vị trí Tư lệnh Hải quân và lấy làm tiếc về “bất kỳ bất tiện nào” mà quyết định nghỉ hưu của ông gây ra đối Tổng thống Trump và Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer.

Ông Moran nói rằng mặc dù thật đau buồn khi đi tới quyết định trên nhưng ông không muốn trở thành một người “cản trở” sự thành công của Hải quân.

Động thái bất ngờ của Đô đốc Moran có thể gây thêm sự xáo trộn nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Lầu Năm Góc, chưa đầy một tháng sau khi ông Pat Shanahan đột ngột rút lui sau khi được đề cử làm lãnh đạo Ngũ Giác Đài sau sáu tháng đảm nhiệm quyền Bộ Trưởng Quốc phòng.

Ông Moran đã được Tổng thống Donald Trump đề cử để thăng tiến lên vị trí hàng đầu trong Hải quân, và được Thượng viện chuẩn thuận vào tháng 5 để kế nhiệm Đô đốc John Richardson làm Tư lệnh Hải quân và là thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân.

Ông Moran cho biết quyết định từ chối đề cử này và quyết định nghỉ hưu dựa trên điều ông gọi là một cuộc điều tra mở “về nội dung của một số thư từ email cá nhân trong vài năm qua.”

Các nguồn tin cho hay quyết định nghỉ hưu sớm của ông Moran diễn ra sau khi ông đối mặt với những hoài nghi về mối quan hệ công việc thân thiết với một cựu quan chức quân đội, người đã rời Hải quân sau một cuộc điều tra nhằm vào các hành vi tình dục sai trái.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với AP rằng ông Moran rút lui vì mối quan hệ với ông Chris Servello, một quan chức đã nghỉ hưu.

Ông Servello từng làm việc cùng và hỗ trợ ông Moran vài lần trong gần 10 năm, và ông Moran là người hướng dẫn của ông Servello.

Ông Servello bị Hải quân điều tra về các hành động tại một bữa tiệc Giáng sinh năm 2016 ở Lầu Năm Góc, nơi ông bị cáo buộc có các hành vi không thích hợp với các sĩ quan trẻ, trong khi ông mặc trang phục ông già Noel.

https://www.voatiengviet.com/a/ung-vietn-tu-lenh-hai-quan-my-dot-ngot-nghi-huu/4991273.html

 

Tổng thống Venezuela tuyên bố lạc quan

về đối thoại với đối lập

Trên truyền hình Nhà nước VTV, ngày hôm qua, 08/07/2019, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết là đại diện chính quyền Caracas và phe đối lập đã thảo luận với nhau trong vòng 5 tiếng, tại đảo Barbados và ông tuyên bố « rất lạc quan » vì từng bước, với sự kiên trì, hai bên có thể mở ra con đường hòa bình cho đất nước.

Thế nhưng, theo thông tín viên Benjamin Delille tại Caracas, rất ít người tin tưởng là việc nối lại đối thoại sẽ giúp giải quyết khủng hoảng.

« Ngoài bầu trời đầy mây xám xịt của mùa mưa, bế tắc chính trị làm cho hầu như tất cả mọi người trên đường phố Caracas nản chí. Carlos tự nhận là một nhà đối lập ôn hòa. Trái ngược với những người cực đoan, anh không muốn nước ngoài can thiệp quân sự vào Venezuela, để buộc Nicolas Maduro phải ra đi. Thế nhưng, anh cũng khó tin là các cuộc thương lượng giữa chính quyền vào đối lập sẽ có kết quả. Anh nói : Khi Nga, Mỹ, Trung Quốc hay thậm chí Cuba còn có những lợi ích của họ ở đây, thì tôi khó tin là các cuộc thương lượng tại Na Uy hay ở đảo Barbados sẽ giải quyết được các vấn đề của chúng tôi. Thế nhưng, hiện nay không có những lựa chọn nào khác trên bàn đàm phán cả…

Điều ngạc nhiên là Oscar, một người rất ủng hộ chính quyền, lại đồng ý như vậy. Tuy nhiên, theo anh, chính quyền hay đồng minh Nga, Trung Quốc, Cuba không phải là cội nguồn của vấn đề. Anh nhận định : chính phủ không chống mà thậm chí còn ủng hộ đối thoại. Thế nhưng, kết quả cuộc đối thoại này đã được Hoa Kỳ định sẵn từ trước. Bởi vì chính họ kiểm soát tất cả.

Chị Vanessa nhếch miệng cười một cách mệt mỏi khi nghe thấy những tranh luận mang tính chính trị của người này người kia. Theo chị, vấn đề rất đơn giản, đối lập cũng như chính phủ, không bên nào sẵn sàng đối thoại cả. Chị nói : đối lập và chính phủ chỉ quan tâm đến các lợi ích chính trị của họ. Đối với cả hai bên, cái họ muốn là quyền lực. Do vậy, chẳng có gì thay đổi cả và người dân sẽ tiếp tục hứng chịu khổ đau. Làm thế nào mà họ lại có thể đồng thuận với nhau được.

Ít ra thì các cuộc thương lượng giữa chính quyền và đối lập cũng cho thấy được một điều mà tất cả người dân tại Venezuela đều đồng ý : đó là hai bên không thể đối thoại được với nhau».

Trong khi đó, trên đài truyền hình Mỹ CNN, ngày hôm qua, tổng thống Panama Laurentino Cortizo, vừa nhậm chức ngày 01/07, tuyên bố chống lại việc can thiệp quân sự vào Venezuela và sẵn sàng đứng ra làm trung gian để hỗ trợ chính quyền Caracas và phe đối lập đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190709-tong-thong-venezuela-tuyen-bo-lac-quan-ve-viec-noi-lai-doi-thoai-voi-phe-doi-lap

 

Mexico tăng cường khám xét

các xe tải buôn lậu di dân

Tin từ MEXICO CITY, Mexico — Theo tin từ Reuters, các viên chức Mexico đã bắt giữ hơn 200 di dân trốn trong xe vận tải trong hai ngày qua, bao gồm hàng chục người nằm trong các khoang bí mật bị phát hiện bởi một máy chụp tia X lớn, khi nước này đẩy mạnh việc đàn áp dưới áp lực của Hoa Kỳ.

Các cảnh quay của tia X cho thấy một chiếc xe vận tải chứa đầy bóng dáng của những người di dân dọc theo hai tầng của các khoang xe vào hôm Chủ nhật (7/7). Bộ An ninh của Mexico cho biết 228 di dân lẩn trốn khác đã được tìm thấy trong một cuộc tìm kiếm thông thường tại một chiếc xe tải vận chuyển nước ngọt ở bang Chiapas miền nam vào hôm thứ Hai (8/7).

Các vụ bắt giữ này diễn ra vài tuần sau khi cựu giám đốc nhà tù Francisco Garduno được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan di trú mới của Mexico, Viện di dân quốc gia (INM). Dưới quyền ông Garduno, cơ quan này đã thực hiện một số vụ bắt giữ công khai đối với những di dân đi lậu trong các xe thương mại. Vào cuối tuần khi ông Garduno nhậm chức, INM đã tìm thấy 800 người trong bốn xe vận tải ở tiểu bang Veracruz phía đông.

Các nỗ lực tăng cường của Mexico nhằm ngăn chặn dòng di dân kỷ lục đến Hoa Kỳ đã được thực hiện sau thỏa thuận ngày 7 tháng 6. Theo thỏa thuận này, Mexico sẽ ngăn chặn các mức thuế do Tổng thống Hoa Kỳ Trump đe dọa bằng lời hứa sẽ sử dụng lực lượng an ninh để ngăn chặn các di dân không có giấy tờ. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/mexico-tang-cuong-kham-xet-cac-xe-tai-buon-lau-di-dan/

 

Thỏa hiệp Yalta:

Có thật Roosevelt, Churchill ‘bán rẻ Đông Âu’?

Hội nghị Yalta giữa Stalin, Churchill và Roosevelt ở Yalta, Liên Xô tháng Hai 1945 là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất thế kỷ 20.

So sánh hai nguyên soái Zhukov và Rokossovsky

Thế Chiến 2: Vì sao Đức phải đầu hàng hai lần?

Đức ‘nợ Ba Lan’ 850 tỷ USD vì tàn phá thời chiến?

Khi nhìn lại, diễn tiến trong và sau sự kiện dường như vẫn phù hợp với thời hiện nay, khi Nga và phương Tây đang lạnh giá.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hội nghị Yalta mang tiếng cực xấu ở phương Tây. Tại Mỹ, đảng Cộng hòa gọi đây là ví dụ của sự nhân nhượng dẫn tới việc Liên Xô khống chế Ba Lan và Đông Âu.

Tháng 5/2007, Tổng thống Mỹ George W. Bush lên án kết quả Yalta, nói rằng “nỗ lực hy sinh tự do cho ổn định đã đem lại một lục địa chia rẽ và bất ổn”.

Trước hội nghị Yalta, Churchill và Roosevelt đã gặp Stalin tại Tehran tháng 11/1943. Thủ tướng Anh Churchill cũng hai lần thăm Moscow, năm 1942 và 1944.

Hội nghị Tehran thường bị bỏ qua, nhưng về nhiều mặt, những thỏa thuận tại Tehran đã là nền tảng cho Yalta.

Cần nhớ rằng chính tại Tehran, Stalin và Roosevelt bỏ phiếu thuận, vượt qua phản đối của Churchill, để đồng ý rằng vào mùa xuân 1944, quân Đồng minh sẽ đổ bộ vào Normandy giải phóng Pháp – chiến dịch sẽ mang tên Overlord.

Đến lúc này, cuộc chiến trên bộ ở châu Âu đã chủ yếu được quyết định ở Mặt trận phía Đông. Từ tháng 6/1941 tới tháng 6/1944, 93% tổn thất của Đức là do Hồng quân Liên Xô. Cụ thể, 4,2 triệu người Đức chết, bị thương, mất tích ở Mặt trận phía Đông so với 329.000 ở Bắc Phi và Italy.

Ảnh hưởng của Stalin tại hội nghị Tehran đã phản ánh cục diện chiến trường khi đó.

Tháng 6/1944 không chỉ chứng kiến quân Đồng minh đổ bộ vào các bãi biển vùng Normandy, mà còn có cả chiến dịch Bagration của Liên Xô.

Tại phương Tây, ít người biết chiến dịch này, nhưng thành quả của nó cũng ngang với trận Normandy, mà còn diễn ra nhanh hơn.

Trong vòng 5 tuần, trong khi Đồng minh còn kẹt ở Normandy, Hồng quân đã đi 500 dặm về hướng Belarus và Ba Lan, hủy diệt 30 sư đoàn Đức.

Đến cuối tháng 7/1944, Hồng quân đã ở cửa ngõ Warsaw, Ba Lan.

Ngoài Bagration, Liên Xô còn tiến hành 4 chiến dịch trong hè và thu 1944, chiếm lại các nước Baltic, đi vào Romania, Bulgaria, Nam Tư và phần lớn Ba Lan.

Trong bối cảnh đó, Churchill có chuyến đi sang Moscow tháng 10/1944.

Trong tình tiết vô cùng nổi tiếng, hay tai tiếng, Churchill vạch ra cái gọi là thỏa thuận phần trăm với Stalin.

Trên một mảnh giấy, Thủ tướng Anh vẽ phần trăm ảnh hưởng ở từng nước tại đông và nam Âu, gồm cả Hy Lạp và Nam Tư.

Đến tháng 2/1945, khi Tam Đại gặp nhau ở Yalta, Liên Xô đã kiểm soát hầu hết Đông Âu.

Khi nhìn lại, nhiều sử gia nhận ra điều quan trọng ở Yalta không phải là Roosevelt và Churchill đã nhượng bộ, bởi Stalin đã kiểm soát hầu hết Đông Âu và chỉ có thể bị đuổi bằng vũ lực. Điều quan trọng là vì sao Mỹ và Anh vẫn nghĩ rằng họ có thể có quan hệ hợp tác với Stalin – sự đánh giá sai lầm của các chính khách là bài học cho tới hôm nay.

Roosevelt rất ghét Hitler, nhưng có cái nhìn hơi khác về Stalin và Liên Xô.

Tháng 4/1943, tổng thống Mỹ dự đoán Liên Xô sẽ phát triển theo hướng “chuyển hóa hiến pháp”. Sang năm 1944, Roosevelt nói ông “không sợ chủ nghĩa cộng sản” vì “có nhiều loại cộng sản, và không phải tất cả đều có hại”.

Lúc này Roosevelt muốn thuyết phục Nga đừng nghi ngờ thế giới phương Tây mà hãy hòa nhập.

Tháng 3/1942, Roosevelt nói với Churchill về Stalin: “Ông ta nghĩ rằng ông ta thích tôi hơn, và tôi hy vọng ông ta sẽ tiếp tục như thế.”

Tháng 5/1944, Roosevelt nói với đại sứ Mỹ ở Nga Averell Harriman rằng ông “không quan tâm liệu các nước có biên giới với Nga bị cộng sản hóa hay không”.

Mục tiêu của Roosevelt là đạt thỏa thuận mà khiến Stalin hài lòng, giúp bình ổn châu Âu.

Churchill có quan điểm khác Roosevelt về Stalin và Liên Xô. Ông luôn căm ghét ý thức hệ của Liên Xô.

Do Anh ở châu Âu, nên Churchill cũng không thể bàng quan nếu Liên Xô nuốt chửng Đông Âu.

Tuy nhiên, Churchill cũng tin rằng Stalin có thể mềm mỏng để nhượng bộ.

Việc cả Churchill và Roosevelt đều nghĩ họ có thể thuyết phục Stalin phản ánh sự thiếu thông tin của phương Tây về Liên Xô.

Và đến khi họ trực tiếp gặp Stalin, họ cũng bị chinh phục bởi nhà lãnh tụ.

Khi thăm Moscow tháng 10/1944, Churchill mô tả cho vợ: “Tôi đã có các cuộc nói chuyện rất dễ chịu với Ông Gấu (Old Bear). Càng gặp, tôi càng thích ông ta.”

Churchill càng tin tưởng khi Stalin tôn trọng lời hứa rằng để yên cho Anh chi phối tình hình Hy Lạp.

Còn với Stalin, có vẻ ông xem quan hệ đồng minh thời chiến là cuộc hôn nhân tạm thời.

Tháng 1/1945, ông nói Liên Xô nay đã tham gia lực lượng tư bản “dân chủ” chống phát xít, vì Hitler là đe dọa lớn hơn.

Stalin hiểu rằng ông cần quan hệ đồng minh với Anh, Mỹ để bảo đảm thắng lợi tại châu Âu và rồi đánh nhau với Nhật.

Cũng có sử gia cho rằng Stalin không muốn có chiến tranh với phương Tây, dù nóng hay lạnh. Ông muốn tiếp tục đối thoại với phương Tây nhưng ở thế chủ động, hy vọng rằng phương Tây sẽ nhượng bộ.

Hội nghị diễn ra ở lâu đài Livadia, nhìn ra Biển Đen. Tổng cộng có 8 phiên họp, mỗi ngày từ 4 đến 11/2.

Roosevelt có hai ưu tiên. Một, là đạt thỏa thuận về Liên Hiệp Quốc để một hội nghị sáng lập có thể diễn ra. Phía Mỹ tin rằng việc Liên Xô cam kết tham gia Liên Hiệp Quốc, trái ngược với sự xa lánh Hội Quốc Liên sau Thế chiến 1, sẽ thể hiện rằng Moscow sẵn sàng duy trì hợp tác thời hậu chiến.

Thứ hai, Roosevelt muốn Stalin cam kết sớm đánh Nhật Bản. Cần nhớ vào lúc này, không ai nghĩ rằng một quả bom nguyên tử sẽ là vũ khí kết thúc chiến tranh, còn Mỹ cho rằng họ chỉ có thể xâm lấn Nhật vào 1946.

Tại phiên họp ngày 6/2, Liên Xô đòi cả 16 nước cộng hòa Liên Xô phải có ghế trong Liên Hiệp Quốc.

Sang ngày hôm sau, Stalin bảo nay ông chỉ đòi 2 hay 3 ghế thôi. (Từ 1945 tới 1991, Liên Xô, Ukraine và Byelorussia có ghế trong Liên Hiệp Quốc.)

Roosevelt vui mừng, cảm giác Liên Xô đã nhượng bộ. Vấn đề Liên Hiệp Quốc xem như đã xong.

Về cuộc chiến Thái Bình Dương, Mỹ cũng hài lòng. Liên Xô xác nhận sẽ đánh Nhật.

Liên Xô đòi phải được giữ lại lãnh thổ Nga đã mất về tay Nhật, hoặc giữ lại nhượng bộ kinh tế tại Trung Quốc đã có từ thời Nga hoàng. Ngày 8/2, khi Roosevelt gặp riêng Stalin, tổng thống Mỹ chấp nhận trong một thỏa thuận bí mật.

Như vậy, về Liên Hiệp Quốc và cuộc chiến ở châu Á, Roosevelt nhận được cái ông muốn, nhưng cũng là thứ mà Stalin đồng ý.

Về vấn đề Đức, kết quả không làm Stalin thỏa mãn, nhưng Churchill hài lòng.

Tại Yalta, Stalin muốn thảo luận sẽ chia cắt Đức theo kiểu gì.

Roosevelt muốn chia Đức thành 5 hay 7 bang, còn Churchill không muốn cam kết cụ thể gì.

Rốt cuộc, các bên tại Yalta chỉ đồng ý về việc bồi thường lãnh thổ của Đức cho Ba Lan, và vùng Đông Phổ sẽ được chia giữa Liên Xô và Ba Lan.

Vấn đề Ba Lan

Khi Ba Lan bị Nga và Đức chiếm năm 1939, một chính phủ lưu vong được thành lập ở London.

Sau khi Liên Xô gia nhập Đồng minh năm 1941 và giải phóng Ba Lan năm 1944, Stalin cho thành lập một chính phủ cộng sản.

Tại Yalta, Stalin muốn Đồng minh công nhận chính phủ cộng sản này. Về đường biên giới, Stalin muốn giữ nguyên cái gọi là Đường Curzon do Anh đề xuất từ 1920. Thực thi việc này sẽ đưa Liên Xô tới gần Đức hơn khoảng 100 dặm so với năm 1938.

Để bù lại cho việc mất lãnh thổ phía đông về tay Liên Xô, Ba Lan sẽ được đền bù thêm đất ở bắc và tây, lấy đi của Đức – một điểm từng được chấp nhận về nguyên tắc ở Tehran.

Stalin giành được nhượng bộ về đất đai này.

Tuy vậy, Stalin cũng chấp nhận rằng sẽ có bầu cử để chọn ra chính phủ đoàn kết ở Ba Lan.

Khi rời khỏi Yalta, phái đoàn Mỹ vô cùng vui sướng vì cho rằng đã xong hai ưu tiên – chiến tranh với Nhật và vấn đề Liên Hiệp Quốc.

Khi Churchill quay về London ngày 19/2, ông bảo đảm Stalin “có thiện ý với thế giới và Ba Lan”.

Còn Roosevelt cũng hồ hởi nói với Quốc hội: “Chúng ta đã có khởi đầu tốt trên đường tới hòa bình thế giới.” Roosevelt nói về một nhà nước Ba Lan “độc lập, tự do, phồn thịnh”.

Những lời có cánh của Roosevelt và Churchill sau này sẽ bị đem ra làm bằng chứng rằng hai vị đã lừa dối dư luận về Yalta.

Dang dở

Một điều thường bị quên về Yalta, là hội nghị không có ý đưa ra quyết định chung cuộc về tương lai châu Âu.

Churchill và Roosevelt nghĩ sau đó sẽ có một hội nghị hòa bình khác. Khi đó Anh và Mỹ tưởng rằng Đức chỉ đầu hàng vào tháng 7, còn Nhật chỉ bị đánh bại sau một năm nữa.

Tóm lại, Anh và Mỹ tưởng rằng sẽ còn thêm nhiều cơ hội để mặc cả với Stalin.

Nhưng vào tháng Tư, Roosevelt qua đời đột ngột. Đức đầu hàng tháng Năm. Churchill thua trong tổng tuyển cử ở Anh tháng Bảy.

Ngoài ra, đến khi hội nghị Potsdam diễn ra tháng 7/1945, tương quan lực lượng các bên cho thấy phương Tây chỉ có thể bắt đầu một cuộc chiến mới với Stalin nếu muốn kiểm soát Đông Âu.

Hội nghị Potsdam khai mạc ngày 17/7/1945, với sự tham dự của tân tổng thống Mỹ Harry Truman, Joseph Stalin và Winston Churchill.

Stalin muốn Tây phương công nhận các chính phủ thân cộng sản đã dựng lên ở Đông Âu, nhưng Truman và Churchill bác bỏ.

Về Ba Lan, phe Đồng minh nhắc lại rằng Yalta đã thỏa thuận sẽ có bầu cử tự do “sớm” cho Ba Lan.

Nhưng kể từ sau Yalta, một chính phủ của phe cộng sản đã thành lập ở Ba Lan và không có kế hoạch tổ chức bầu cử tự do. Các thành viên của chính phủ Ba Lan lưu vong chống cộng đã bị bắt khi quay về từ London.

Đến tháng Tám, quốc hội Mỹ hỏi vì sao quân Liên Xô được phép chiếm quần đảo Kurile. Đó là lần đầu tiên, mật ước Yalta về vùng Viễn Đông được tiết lộ.

Đến hết năm 1945, nhiều người đã bắt đầu xem Yalta đồng nghĩa với thỏa hiệp và dối lừa.

Những đánh giá khác nhau về Yalta vẫn còn tác động đến cách phương Tây nhìn về Nga hiện nay.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48881893

 

LHCA tuyên bố ủng hộ Ukraina

nhân cuộc họp thượng đỉnh tại Kiev

Hôm qua, 08/07/2019, Liên Hiệp Châu Âu và Ukraina đã họp thượng đỉnh lần thứ 21 tại Kiev, với sự tham dự của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy. Đây là dịp để Bruxelles nhắc lại tình đoàn kết với Kiev, đi kèm với khoản hỗ trợ 119 triệu euro.

Từ Kiev, thông tín viên Sébastien Gobert gửi về bài tường trình :

« Thách thức của chúng ta, đó là gìn giữ tinh thần gắn bó với châu Âu tại Ukraina và tinh thần gắn bó với Ukraina tại châu Âu. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã tuyên bố như trên ngay sau khi cùng với tổng thống Volodymyr Zelenskiy đi quan sát chiến tuyến ở miền đông Ukraina. Trở về Kiev, ông Donald Tusk đã tái khẳng định sự ủng hộ không gì lay chuyển nổi của châu Âu đối với Ukraina hiện đang phải đối mặt với sự xâm lược của Nga. Châu Âu vừa quyết định kéo dài thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt Nga. Đối với Ukraina, tình đoàn kết này rất quan trọng, vào lúc Kiev lớn tiếng tố cáo sự phản bội sau khi Nga được tái hội nhập Hội Đồng Nghị Viện của Ủy Hội Châu Âu, một định chế riêng, có trụ sở tại Strasbourg, Pháp. Liên Hiệp Châu Âu cũng ủng hộ Ukraina thực hiện mục tiêu gia nhập khối này. Năm thỏa thuận tài chính đã được ký kết tại Kiev nhằm hỗ trợ các lĩnh vực phi tập trung hóa, xã hội dân sự, thực hiện thỏa thuận liên kết, tái thiết miền đông và đấu tranh chống tham nhũng. Lĩnh vực cuối cùng này rất nhậy cảm và là điều kiện để châu Âu có thể hỗ trợ thêm 500 triệu euro. Do vậy, từ nay đến hội nghị thượng đỉnh lần thứ 22, được tổ chức vào năm tới, các cải cách mà tân tổng thống Zelenskiy cam kết tại Kiev sẽ được quan tâm theo dõi kỹ càng ».

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Ukraina Zelenskiy đề nghị gặp nguyên thủ Nga Vladimir Putin để giải quyết cuộc khủng hoảng giữa hai nước.

Theo AFP, tổng thống Zelenskiy cũng gợi ý là một cuộc gặp thượng đỉnh Ukraina-Nga có thể được tổ chức tại Minsk, thủ đô Belarus, với sự hiện diện, làm trung gian của nhiều lãnh đạo phương Tây, như tổng thống Mỹ, Pháp, thủ tướng Đức, Anh…

Phát ngôn viên điện Kremlin nói với các nhà báo rằng « công thức » họp thượng đỉnh như vậy là hoàn toàn mới, chưa thể trả lời ngay và Matxcơva cần xem xét kỹ triển vọng một cuộc gặp như vậy.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190709-lien-hiep-chau-au-tuyen-bo-ung-ho-ukraina-nhan-cuoc-hop-thuong-dinh-tai-kiev

 

Đại sứ Anh tại Mỹ ‘

có sự ủng hộ tuyệt đối’ của bà Theresa May

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết đại sứ của Anh tại Mỹ, Sir Kim Darroch, có “sự ủng hộ tuyệt đối” của Thủ tướng, dù ông Donald Trump nói “không còn dính dáng gì” đến ông này nữa.

Tổng thống Mỹ phản hồi sau khi các email bị rò rỉ tiết lộ Sir Kim Darroch gọi chính quyền Trump là ‘bất tài’.

Trong một loạt tweet, ông Trump cũng chỉ trích cách xử lý vụ Brexit của Theresa May, nói rằng bà đã tạo ra “một mớ hỗn độn”.

Rò rỉ điện tín của đại sứ Anh về Trump

Nữ hoàng Anh đón TT Trump ở Điện Buckingham

Brexit: Trump Jr chê Anh và EU gia hạn ‘có điều kiện’

Trump ‘khuyên Anh kiện EU’

Văn phòng Thủ tướng Anh ở số 10 Phố Downing gọi vụ rò rỉ email là “không may” và cho biết Vương quốc Anh và Hoa Kỳ vẫn chia sẻ mối quan hệ “đặc biệt và lâu dài”.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ với Mỹ rằng sự rò rỉ email này đáng tiếc thế nào. Các rò rỉ có chọn lọc không phản ánh sự gần gũi và sự kính trọng mà chúng tôi nắm giữ: mối quan hệ.”

Nhưng vị này nói các đại sứ cần phải có khả năng đưa ra những đánh giá trung thực về chính trị ở các nước mà họ làm đại sứ, và Thủ tướng Anh luôn ủng hộ Ngài Kim.

“Vương quốc Anh có mối quan hệ đặc biệt và lâu dài với Hoa Kỳ dựa trên lịch sử và cam kết lâu dài của chúng tôi đối với các giá trị được chia sẻ và điều đó sẽ tiếp tục trong trường hợp này,” phát ngôn viên nói.

Các email rò rỉ nói gì?

Các email bí mật từ đại sứ của Anh quốc, bị rò rỉ hôm Chủ nhật, chứa một loạt chỉ trích về ông Trump và chính quyền của ông, mô tả Nhà Trắng là “vụng về và bất tài”.

Sir Kim Darroch, người trở thành đại sứ tại Mỹ vào tháng 1/2016 – khoảng một năm trước khi ông Trump nhậm chức, đã đặt câu hỏi liệu Nhà Trắng “có năng lực” hay không nhưng cũng cảnh báo rằng Tổng thống Mỹ không nên bị cách chức.

Các email, có từ năm 2017, cho biết tin đồn về “đấu đá và hỗn loạn” trong Nhà Trắng hầu hết là sự thật và chính sách về các vấn đề nhạy cảm như Iran là “không mạch lạc, hỗn loạn”.

Hôm Chủ nhật 7/7, Tổng thống Mỹ đáp trả rằng “chúng tôi không ưa gì ông ta và ông ấy đã không phục vụ tốt cho Vương quốc Anh” nhưng vào hôm thứ Hai 8/7, ông Trump phản ứng mạnh hơn với một loạt tweet chỉ trích bà May và cách xử lý vụ Brexit của bà.

Ông Trump cũng nói rằng đó là “tin tốt” cho Vương quốc Anh rằng họ sẽ sớm có một thủ tướng mới.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối bình luận về phát biểu của Tổng thống Trump, nhưng đã hủy lời mời đại sứ Anh tại Mỹ tới tham dự một bữa ăn tối được tổ chức tại Nhà Trắng vào tối thứ Hai cho Tiểu vương quốc Qatar.

Phóng viên BBC Nick Bryant tại New York cho biết Sir Kim vẫn đang dự định cùng Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liam Fox tham gia cuộc họp theo lịch trình với con gái tổng thống Mỹ, cô Ivanka Trump, trừ khi ông bị hủy thư mời một lần nữa.

Thủ tướng mới của Anh đương đầu thế nào với Trump?

Phân tích của James Landale, Phóng viên Ngoại giao của BBC

Phản hồi của Văn phòng Thủ tướng Anh là một kiểu ngoại giao kinh điển của Anh “cảm ơn, nhưng không cảm ơn”. Một sự phớt lờ bướng bỉnh để ăn miếng trả miếng hàng tràng các tweet của Tổng thống Mỹ, điều này thật kỳ dị ngay cả theo tiêu chuẩn của ông Trump.

Với việc thủ tướng hiện tại gần như đứng ngoài cuộc, và đại sứ Vương quốc Anh tại Washington cũng rời đi, những nhận xét của ông Trump không có khả năng mang lại những thay đổi trực diện, và điều này cho phép Văn phòng Thủ tướng Anh gạt bỏ những lời chỉ trích.

Ít chính thức hơn, mặc dù, có sự thất vọng thực sự, là khi ông Tory cảnh báo rằng “chúng ta không thể khuất phục trước hành động loạn trí này” khi lãnh đạo của một quốc gia khác cố

gắng sử dụng sự khoác lác trên mạng để tìm cách trả thù một trong những nhà ngoại giao của Vương quốc Anh.

Chính phủ Anh, tất nhiên, đã quen với việc xử lý các tình huống như vậy từ một người luôn không tuân theo các quy tắc của tổ chức. Nhưng sự việc này làm cho sự lựa chọn một đại sứ tiếp theo tại Hoa Kỳ trở thành một cuộc chờ đợi đầy tranh cãi.

Và việc này làm dấy lên câu hỏi về chính sách đối ngoại quan trọng đối với hai ứng cử viên đang chạy đua chắc thủ tướng Anh, mà họ có thể được hỏi trong cuộc tranh luận tối 9/7 – họ có cố gắng đương đầu với Donald Trump, chế ngự ông ta hay chỉ đơn thuần là khoan dung với ông ta?

Nhìn theo một cách khác, liệu vị thủ tướng Anh tiếp theo có không nhìn thấy những thiệt hại đã hiển hiện trước mắt?

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48918145

 

Nhà ngoại giao Đức kêu gọi Mỹ, EU

chớ để nông nghiệp cản trở thỏa thuận thương mại

Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu nên dùng lý trí thông thường để tiến tới với các cuộc thương thuyết chính thức về thương mại thay vì để những bất đồng về nông nghiệp ngăn cản tiến bộ, một nhà ngoại giao cao cấp của Đức nói với Reuters.

Ông Peter Beyer, thành viên trong phe bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel và cũng là điều phối viên xuyên đại tây dương của chính phủ Đức, đề nghị cả đôi bên nên bỏ những quan điểm cứng nhắc.

“Lời kêu gọi này nhắm thẳng tới các đối tác thương thuyết cả đôi bên: chớ dùng hay lạm dụng vấn đề nông nghiệp đang bao trùm tất cả mọi thứ làm chướng ngại vật,” ông Beyer phát biểu tại Washington trước các cuộc gặp với giới chức cao cấp từ Nhà Trắng và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và các nhà lập pháp Hoa Kỳ.

Mỹ một mực kiên quyết sẽ đạt thỏa thuận thương mại với EU nếu không bao gồm vấn đề nông nghiệp trong khi phía EU thì không muốn như thế.

“Trông có vẻ như một tình thế khó giải quyết nhưng có thể xử lý được bằng lý trí thông thường,” ông Beyer nói.

Vẫn theo lời ông, Pháp, Đức và các nước EU khác chung cuộc có thể phải lùi các lợi ích quốc gia của họ ra sau vì một thỏa thuận chung cho EU.

https://www.voatiengviet.com/a/nh%C3%A0-ngo%E1%BA%A1i-giao-%C4%91%E1%BB%A9c-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-m%E1%BB%B9-eu-ch%E1%BB%9B-%C4%91%E1%BB%83-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-c%E1%BA%A3n-tr%E1%BB%9F-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i/4991810.html

 

Khủng hoảng hạt nhân Iran : Pháp cử đặc phái viên

tới Teheran nhằm làm giảm căng thẳng

Ngày 08/07/2019, điện Elysée thông báo, ông Emmanuel Bonne, cố vấn đối ngoại của tổng thống Pháp, công du Teheran trong hai ngày 09 và 10/07/2019.

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran, được Reuters trích dẫn, đặc phái viên của tổng thống Pháp tới Teheran nhằm tập hợp các yếu tố làm giảm căng thẳng, đi kèm với những hành động cụ thể cần phải được thực hiện trước ngày 15/07.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết là tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump, trong ngày hôm qua, đã có một cuộc điện đàm về những nỗ lực đang được thực hiện nhằm ngăn chặn Iran có vũ khí hạt nhân và chấm dứt những hành vi gây bất ổn tại Trung Đông.

Theo một nguồn tin từ điện Elysée, điều quan trọng là phải tìm kiếm những yếu tố cho phép làm thay đổi tình hình hiện nay, cụ thể là từ tình trạng cực kỳ căng thẳng sang đàm phán.

Về phần mình, Iran đang hứng chịu những hậu quả nặng nề của các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Chính quyền Teheran lựa chọn giải pháp gây áp lực mạnh mẽ với châu Âu, để có thể giúp Iran xuất khẩu dầu lửa và có các quan hệ ngân hàng, thương mại bình thường với phần còn lại của thế giới.

Từ thủ đô Iran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình :

« Teheran đã quyết định lên gân mặc cả đe dọa, sau khi quyết định không tôn trọng ngưỡng làm giàu uranium ở mức 3,67%, bất chấp sự lên án của châu Âu, Hoa Kỳ và Israel.

Nếu châu Âu không thực hiện các cam kết, trong 60 ngày nữa, chúng tôi sẽ bước sang giai đoạn ba, còn mạnh mẽ hơn thế nữa. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran đã có phản ứng như trên nhằm đáp trả việc các nước châu Âu lên án quyết định của Teheran và đòi Iran lùi bước trong vấn đề làm giàu uranium.

Phát ngôn viên Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran còn khẳng định thêm là nước này có thể nâng mức làm giàu uranium lên 20%.

Iran yêu cầu các nước châu Âu thực hiện lời hứa và có các biện pháp cụ thể cho phép Iran xuất khẩu dầu lửa và có quan hệ ngân hàng, thương mại bình thường với phần còn lại của thế giới.

Quả thực là các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang ngày càng bóp nghẹt nền kinh tế Iran và chính quyền Teheran đòi châu Âu phải có những hành động cụ thể.

Trong bối cảnh đó, Iran thông báo là cố vấn đối ngoại của tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du Teheran nhằm làm giảm các căng thẳng ».

http://vi.rfi.fr/phap/20190709-khung-hoang-hat-nhan-iran-phap-cu-dac-phai-vien-toi-teheran-nham-lam-giam-cang-thang

 

Ý tăng cường ngăn chặn

các tổ chức nhân đạo cứu di dân ngoài khơi

Thu Hằng

Bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini đã triệu tập khẩn cấp Hội đồng Quốc gia vào tối 08/07/2019 để bàn về trật tự và an ninh. Nội dung cuộc họp tập trung vào vấn đề di dân và các biện pháp mà ông định đưa ra nhằm tăng cường sắc lệnh về an ninh nhắm vào các tổ chức phi chính phủ cứu di dân ở ngoài khơi Libya và đưa trái phép về cảng biển của Ý.

Cuộc họp diễn ra sau sự kiện, liên tiếp trong vài ngày, hai tầu cứu di dân của hai tổ chức phi chính phủ Sea Watch và Mediterranea đã cập cảng Lampedusa dù không được phép của chính quyền Ý.

Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Le Nir giải thích :

« Thêm một biện pháp siết chặt đối với các tổ chức phi chính phủ ở Địa Trung Hải. Nhận được đồng thuận của bộ Quốc Phòng, bộ trưởng Nội Vụ Matteo Salvini dự kiến sử dụng tầu của Hải Quân Ý để chặn tầu chở di dân trước khi những con tầu này thâm nhập vào lãnh hải Ý.

Ông Salvini cũng dự định tăng cường các tầu tuần tra của lực lượng hải quan ngay tại lối vào các cảng của Ý, đặc biệt là trên đảo Lampedusa. Ngoài ra, chính quyền Roma có ý định sử dụng hệ thống radar và máy bay để phát hiện những chiếc xuồng độc lập xuất phát từ Libya để kịp thời báo cho lực lượng tuần tra Libya can thiệp. Để làm được việc này, Ý dường như sẵn sàng tặng cho chính quyền Tripoli 10 tầu tuần tra mới.

Tuy không thể dựng được một bức tường nổi trên biển nhưng ý tưởng đã thành hình và điều này có nguy cơ mở rộng thêm nghĩa địa ở Địa Trung Hải ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190709-y-salvini-muon-chan-triet-de-cac-to-chuc-nhan-dao-cuu-di-dan-ngoai-khoi

 

Quan hệ kinh tế Nga – TQ

không thật sự ‘nồng ấm’ như họ thể hiện

Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg năm nay có sự xuất hiện đông đảo đáng chú ý của phái đoàn Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu, theo Nikkei.

Sự hiện diện của các quan chức cao cấp của Trung Quốc đã nói lên nhiều điều về mối quan hệ kinh tế đang mở rộng nhanh chóng giữa Moscow và Bắc Kinh. Ngược lại, sự kiện này hầu như không được người Mỹ chú ý, phản ánh sự đối đầu kéo dài giữa phương Tây và Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế vẫn được giữ vững.

Ông Tập rõ ràng là khách danh dự và xuất hiện trên một số bức ảnh quảng bá sự kiện cùng với nhà tổ chức. Trong phiên họp toàn thể, cả ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều nói rõ về liên minh chiến lược đang phát triển của họ.

“Nga không chỉ là láng giềng lớn nhất của chúng tôi mà còn là đối tác chiến lược toàn diện, quan trọng nhất và được ưu tiên nhất trong tất cả các lĩnh vực hợp tác”, ông Tập nói.

Putin cũng bộc lộ quan điểm tương tự: “Hiện nay, chúng tôi duy trì mối quan hệ rất sâu rộng và toàn diện với Trung Quốc. Chúng tôi không có quan hệ như vậy với bất kỳ quốc gia nào khác. Thật vậy, chúng tôi có thể nói không quá rằng chúng tôi đúng là đối tác chiến lược theo nghĩa đầy đủ nhất”.

Nga đang trở thành nhà cung cấp phụ thuộc cho Trung Quốc

Nhưng từ một góc nhìn cận cảnh về thương mại thực tế giữa hai nước, đã vẽ nên một bức tranh ít màu hồng hơn.

Trong một cuộc thảo luận về hợp tác kinh tế giữa hai nước, tỷ phú người Nga Viktor Vekselberg – ông trùm kinh doanh nhôm, sinh ra ở Ukraine, đã chủ trì phiên họp. Ông bắt đầu bằng câu hỏi nên làm gì để mở rộng quan hệ kinh tế song phương, hiện đang được thúc đẩy bởi thương mại dầu mỏ.

Năm 2018, lần đầu tiên tổng giá trị thương mại giữa Nga và Trung Quốc vượt 100 tỷ USD. Trong khi các quan chức chính phủ ở cả hai phía mô tả quyết liệt về những gì được gọi là quan hệ kinh tế “mẫu mực”, thì thật ra môi trường thương mại không tuyệt vời lắm, ít nhất là không dành cho Nga.

Dầu và các khoáng sản khác chiếm 76% tổng lượng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc, còn các sản phẩm từ gỗ và giấy chỉ chiếm 8%. Sau khi một đường ống dẫn dầu mới từ Đông Siberia đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương được hòa vào mạng lưới vận chuyển dầu năm 2009, xuất khẩu tài nguyên của Nga sang Trung Quốc đã tăng vọt. Năm 2018, giá dầu cao hơn đã làm gia tăng giá trị của các mặt hàng xuất khẩu này.

Trung Quốc hiện là thị trường nước ngoài lớn nhất đối với dầu của Nga, chiếm một phần tư trong số tổng lượng xuất khẩu dầu. Tỷ trọng tài nguyên khoáng sản trong xuất khẩu của Nga sẽ tăng hơn nữa khi một đường ống khí đốt tự nhiên mới chuyên để cung cấp cho Trung Quốc sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.

Mặt khác, hơn một nửa lượng nhập khẩu của Nga từ Trung Quốc là các máy móc và ô tô. Mặt hàng tiêu dùng như quần áo và giày dép cũng chiếm một phần lớn trong những hàng nhập khẩu này.

Tóm lại, Nga cung cấp tài nguyên cho Trung Quốc, sau đó Trung Quốc lại bán các sản phẩm giá trị gia tăng cho Nga.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/29194-quan-he-kinh-te-nga-tq-khong-that-su-nong-am-nhu-ho-the-hien.html

 

Hai báo Nga RT và Sputnik

bị Anh ”cấm cửa” tại một hội nghị truyền thông

Thụy My

Đài truyền hình Russia Today (RT) và trang web Sputnik của Nga hôm 08/07/2019 bị Luân Đôn từ chối cho tham dự một hội nghị quốc tế về tự do báo chí, do « vai trò chủ động trong việc bóp méo thông tin » của hai phương tiện truyền thông này.

Nhiều bộ trưởng và khoảng 1.000 nhà báo, đại diện cho xã hội dân sự sẽ tham dự hội nghị do Anh và Canada phối hợp tổ chức, diễn ra trong hai ngày 10 và 11/7 tại Luân Đôn. Nhưng phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Anh tuyên bố không chấp nhận cho RT và Sputnik tham gia với lý do nêu trên.

RT trong một thông cáo đã tố cáo Anh « đạo đức giả ». Đại sứ quán Nga ở Luân Đôn cho rằng đây là sự « phân biệt đối xử về chính trị, tiếp theo một chiến dịch vu khống từ nhiều tháng qua » của Ofcom, cơ quan quản lý các đài phát thanh và truyền hình Anh quốc.

Tháng 12 năm ngoái, Ofcom nhận định RT đã vi phạm các quy định về tính khách quan khi đưa tin về vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Serguei Skripal ở Salisbury, tây nam nước Anh, hồi tháng 3/2018.

Hội nghị quốc tế về tự do báo chí nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước về các vấn đề liên quan đến sự tự do của truyền thông và hiện tượng « fake news » (tin giả). Chỉ có ba nước không được mời tham dự, đó là Bắc Triều Tiên, Syria và Venezuela.

Năm 2017, Hoa Kỳ đã buộc RT phải đăng ký như « cơ quan nước ngoài », bị hạn chế tham gia các hoạt động của Quốc Hội. Về phía Pháp, chính phủ Macron từng coi RT và Sputnik là « cơ quan tuyên truyền ». Cũng từ năm 2017, mạng xã hội Twitter từ chối các quảng cáo của RT và Sputnik, còn Google News ít cho hiện lên những tin từ hai cơ quan được chính quyền Nga trang bị phương tiện hùng hậu này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190709-rt-va-sputnik-bi-anh-cam-cua-o-hoi-nghi-tu-do-bao-chi

 

Taliban và đại diện Afghanistan đồng thuận

 “một lộ trình tiến đến hòa bình”

Thu Hằng

Phe Taliban và phái đoàn đại diện cho xã hội Afghanistan đã kết thúc hai ngày đàm phán tại Qatar vào tối 08/07/2019 với cam kết lập một « lộ trình tiến đến hòa bình » tại Afghanistan.

Trong thông cáo chung gồm 700 từ, hai bên Taliban và Afghanistan đã thống nhất về một tiến trình hòa bình có kiểm soát, hồi cư người phải chạy lánh nạn sang những tỉnh khác ở trong nước, không để các lực lượng trong vùng can thiệp vào Afghanistan, cũng như bảo đảm an ninh cho các công trình công cộng như chợ, trường học, bệnh viện.

Ngoài ra, thông cáo cũng « bảo đảm quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục và văn hóa theo đúng những giá trị của đạo Hồi ». Theo bà Mary Akrami, giám đốc Mạng lưới Phụ nữ Afghanistan, khi trả lời AFP : « Đây không phải là một thỏa thuận mà là một nền tảng để bắt đầu thảo luận. Nhưng điểm đặc biệt là hai bên đã thống nhất được với nhau ».

Dự kỳ họp ở Qatar có khoảng 70 đại biểu đến từ Afghanistan. Ngoài phái đoàn Taliban, còn có khoảng 60 đại diện của xã hội Afghanistan, nhưng thực ra có nhiều thành viên của chính phủ Kaboul, giới chính trị gia, từ phía đối lập đến đại diện của xã hội dân sự, phụ nữ và truyền thông.

Được Qatar và Đức đồng tổ chức, cuộc họp diễn ra vào lúc Mỹ tìm cách rút quân khỏi Afghanistan sau 18 năm can thiệp quân sự và trở thành cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Chính quyền Washington muốn đạt được một thỏa thuận với phe Taliban trước kỳ bầu cử tổng thống Afghanistan dự kiến diễn ra ngày 28/09/2019. Taliban luôn từ chối đàm phán trực tiếp với chính quyền Kabul vì luôn coi đó là chính phủ « bù nhìn » phục vụ Mỹ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190709-taliban-va-dai-dien-afghanistan-dong-thuan-mot-lo-trinh-tien-den-hoa-binh

 

Nhật từ chối lời kêu gọi của Seoul

hủy bỏ giới hạn xuất cảng hàng công nghệ cao

 

Tin từ TOKYO/SEOUL — Vào hôm thứ Ba (9/7), Nhật Bản đã phản đối lời kêu gọi của Nam Hàn về việc giới hạn một số mặt hàng xuất cảng kỹ thuật cao.

Hành động này đã khiến tình hình căng thẳng gia tăng, trong một cuộc tranh chấp ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ, có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung thẻ nhớ và điện thoại thông minh toàn cầu. Hồi tuần trước, Tokyo cho biết họ sẽ thắt chặt các hạn chế đối với ba loại vật liệu được sử dụng trong màn hình và chip điện thoại thông minh, với lý do tranh chấp với Seoul về việc người Nam Hàn bị buộc phải làm việc cho các công ty Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Hành động này có thể gây thiệt hại cho các công ty kỹ thuật Samsung Electronics và SK Hynix.  Nó cũng đã thể hiện sức ảnh hưởng của Nhật Bản đối với một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu mà chính phủ hiện đang sử dụng như một quân bài thương lượng.

Khi tuyên bố trong cuộc họp báo sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hiroshige Seko cho biết việc Nhật Bản có thực hiện các biện pháp bổ sung này hay không hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng của Nam Hàn. Ông còn cho biết thêm rằng Tokyo đã “không hề nghĩ đến” việc thu hồi các giới hạn, và họ cũng không hề vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tại Seoul, một viên chức chính phủ cho biết một viên chức Bộ Ngoại giao Nam Hàn dự kiến sẽ thảo luận về các giới hạn này với người đồng cấp ở Washington. Bộ trưởng Thương Mại của họ cũng đang xem xét việc đưa vấn đề với Hoa Kỳ. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/nhat-tu-choi-loi-keu-goi-cua-seoul-huy-bo-gioi-han-xuat-cang-hang-cong-nghe-cao/

 

Những người ngoại quốc nào sống,

làm việc tại Bắc Hàn

Frances MaoBBC News

Một sinh viên người Úc sống và làm việc tại Bắc Hàn từ hơn một năm qua đã được thả sau thời gian ngắn bị bắt giữ.

Bắc Hàn nói Alek Sigley đã ‘làm gián điệp’ cho các trang tin tức.

Trong nhiều bài viết đã đăng, sinh viên 29 tuổi này luôn tránh chỉ trích Bắc Hàn. Thay vào đó, ông mô tả những sự kỳ quặc và vụn vặt trong xã hội.

Sinh viên Úc ‘mất tích tại Bắc Hàn’ được thả

Con trai cựu ngoại trưởng Nam Hàn chạy sang Bắc Hàn

Tàu cá Bắc Hàn vào Nam Hàn mà không bị phát hiện

Vậy nhưng trước tiên là làm thế nào mà ông lại tới Bình Nhưỡng? Và có bao nhiêu người nước ngoài sống tại quốc gia hầu như là đóng cửa với thế giới bên ngoài này?

Người nước ngoài sống tại Bắc Hàn là ai?

Nhìn chung, người nước ngoài sống tại Bắc Hàn có thể chia thành hai nhóm: người phương Tây và người Trung Quốc.

Trung Quốc là đồng minh mạnh nhất, gần gũi nhất của Bắc Hàn. Kể từ khi quan hệ giữa hai quốc gia được cải thiện, lượng du khách Trung Quốc tới nước này đã tăng vọt, Giáo sư Dean Ouellette từ Đại học Kyungnam ở Nam Hàn nói.

Ông ước tính rằng có tới 120 ngàn du khách Trung Quốc tới thăm trong năm ngoái. Thế nhưng chỉ có chưa tới 5 ngàn du khách phương Tây tới mỗi năm, và số người phương Tây sinh sống tại đó còn thấp hơn thế nhiều.

Andray Abrahamian, người chuyên nghiên cứu về Bắc Hàn, một người thường xuyên tới thăm nước này, ước tính chỉ có khoảng 200 người phương Tây sống tại đây.

Hầu hết họ sống tại thủ đô Bình Nhưỡng, và gắn với một số ít các cơ quan lãnh sự, các tổ chức cứu trợ nhân đạo, hoặc có liên hệ với các trường đại học, trong đó có Đại học Khoa học Kỹ thuật Bình Nhưỡng, nơi có chương trình trao đổi dành cho giáo viên.

Việc vào Bắc Hàn là rất khó khăn?

Hầu hết người phương Tây sống tại Bắc Hàn tới đó trong “những tình huống khá là đặc biệt”, Tiến sỹ John Nilsson-Wright, một chuyên gia về quan hệ quốc tế từ Đại học Cambridge và Chatham House, nói.

“Chuyện ai đó ở Bắc Hàn trong một thời gian rất dài là điều khá bất thường, thường là họ đến dưới dạng chương trình chính phủ nào đó trong một hạn thời gian nhất định, và số lượng người vào Bắc Hàn theo dạng này là khá ít,” ông nói với BBC.

Bên ngoài những phạm vi này thì kể cả chuyện lấy visa cho nhân viên của tổ chức phi chính phủ nào đó cũng là chuyện khó.

Các tổ chức cần có một đối tác hoặc một nhà bảo trợ nào đó ở Bắc Hàn, là bên sẽ bảo lãnh cho họ, Giáo sư Ouellette nói.

“Tiến trình rà soát sẽ càng được tiến hành cẩn thận, và có lẽ còn liên quan cả tới Bộ An ninh Quốc gia đối với bất kỳ ai muốn ở lại dài hạn,” ông nói.

Trường hợp Alek Sigley thì sao?

Alek lần đầu tiên tới Bắc Hàn là theo visa du lịch, hồi 2012, trước khi ông mở công ty du lịch riêng.

Bắc Hàn, Nam Hàn gặp rào cản ngôn ngữ?

Kim Jong-un chỉ trích màn trình diễn tập thể của Bắc Hàn

Thực hư vụ ‘Bắc Hàn xử tử quan chức’

Rồi ông dẫn đầu hàng chục các chuyến đi vào nước này, xây dựng những mạng lưới cần thiết để nộp đơn xin học tại Đại học Kim Nhật Thành, đại học tốt nhất của nước này.

“Không có thủ tục nộp đơn công khai, và việc được nhận vào học thường dựa vào việc có quan hệ trong nước này,” ông viết trong một bài blog.

“Tôi đã kết bạn được với một số người, những người sẵn lòng bảo lãnh tôi và giúp tôi nộp đơn, tuy vây việc về đích vẫn mất hai năm để trao đổi email qua lại, viết bản trình bày về cá nhân, làm đợt kiểm tra y tế, và xin xác nhận từ cảnh sát rằng tôi không có tiền án tiền sự.”

Tháng Tư năm ngoái, ông bắt đầu chương trình học hai năm để lấy bằng thạc sỹ ngành văn hóa Triều Tiên. Ông ghi nhận rằng ông là một trong ba sinh viên phương Tây tại trường đại học này. Hai người kia gồm một người Canada và một người Thụy Điển.

Theo truyền thông Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc cấp 60 suất học bổng toàn phần cho sinh viên theo học tại các trường đại học ở Bắc Hàn. Có thêm khoảng 70 sinh viên Trung Quốc bỏ tiền túi để tới đây học.

Cuộc sống nơi đó như thế nào?

Trong các bài đăng trên trang blog của mình, ông Sigley viết về sự tự do mà ông có, so sánh chuyện đó với việc các du khách phải theo sát hướng dẫn viên và chỉ được tới tham quan ở các khu vực định sẵn.

“Là người cư trú dài hạn bằng visa sinh viên, tôi được tiếp cận tới Bình Nhưỡng ở mức hầu như là chưa từng có,” ông viết. “Tôi được phép tự do đi lại quanh thành phố mà không có ai đi kèm.”

Bắc Hàn hạn hán nặng nề nhưng dân ‘hầu như không biết’

Tuy nhiên, ông Abrahamian nói rằng kể cả khi là cư dân, người phương Tây thường không được vào “khá nhiều nơi – các quán ăn, các tòa nhà và các khu cư dân” – một phần là bởi họ thiếu những thứ tem phiếu do nhà nước cấp, là thứ cần có để chi trả tại quán ăn.

Dân Bắc Hàn ‘mắc kẹt trong vòng vây tham nhũng’

Báo động về tình trạng hạn hán ở Bắc Hàn

‘Người dân Bắc Hàn sẽ lật đổ chế độ’

Họ cũng phải sống phù hợp với một bộ các quy tắc, quy định nhạy cảm. Trà trộn vào cư dân địa phương là không được. Chụp ảnh nơi công cộng là chuyện nhiều rủi ro.

“Bạn không bao giờ được phép coi mọi thứ là đương nhiên khi bạn ở đó,” Giáo sư Nilsson-Wright nói.

Ông nhắc tới trường hợp sinh viên người Mỹ Otto Warmbier, người bị bỏ tù 17 tháng ở Bắc Hàn, kể từ 2016, sau khi bị cáo buộc là đã đánh cắp một biển hiệu tuyên truyền trong chuyến tham quan kéo dài năm ngày.

Sinh viên này tử vong chỉ vài ngày sau khi được trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê.

Sau vụ đó, Mỹ cấm công dân nước mình tới thăm Bắc Hàn.

“Như quý vị thấy trong vụ Warmbier, những người phương Tây có ý tốt rất có thể sẽ bị coi là phạm lỗi theo luật pháp địa phương, bị trừng phạt theo cách thức rất hà khắc, thậm chí có thể dẫn đến chết người,” Giáo sư Nilsson-Wright nói.

Hầu hết người phương Tây sống tại đây đều nhận thức được các rủi ro, ông Abahamian nói.

“[Nhưng] càng khó thì càng đáng giá để bạn xây dựng các mối quan hệ trong xã hội đó,” ông nói. “Chúng tôi tin rằng các mối quan hệ đó chính là cách tốt nhất để làm giảm bớt mức độ nghi ngờ và mở cửa đất nước.”

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48881811

 

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam:

 Dự luật dẫn độ ‘đã chết’

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố rằng dự luật dẫn độ gây tranh cãi “đã chết”.

Trong cuộc họp báo sáng 9/7, bà Lam cho biết công việc của chính quyền về dự luật là “hoàn toàn thất bại”.

Nhưng bà không nói rằng nó đã bị rút hoàn toàn theo yêu cầu của người biểu tình.

Biểu tình chống TQ: Giới trí thức Hong Kong nghĩ gì, làm gì?

Hong Kong: Biểu tình 7/7 để giải thích cho người từ đại lục

Biểu tình Hong Kong và một góc nhìn từ Việt Nam

Hong Kong: Đợt biểu tình mới hôm 16/6

“Nhưng vẫn còn những hoài nghi về sự chân thành của chính quyền hay lo lắng về việc chính phủ dự luật sẽ được khởi động lại tại Hội đồng Lập pháp,” bà Lam nói với các phóng viên.

“Vì vậy, tôi nhắc lại ở đây, không có kế hoạch nào như vậy. Dự luật đã chết.”

Trước đây, bà nói dự luật “sẽ chết” vào năm 2020 khi hết thời hiệu.

Hong Kong 1/7: Người biểu tình đổ máu

Trước đó, hàng ngàn người Hong Kong đã xuống đường vào ngày 7/7 tại một khu vực có đông khách du lịch đại lục, trong một nỗ lực để giải thích mối quan ngại của họ về dự luật dẫn độ.

Nhiều người biểu tình cũng đang kêu gọi bà Lam từ chức và cảnh sát không truy tố những người biểu tình bị bắt.

Dự luật nêu trên gây ra nhiều tuần bất ổn trong thành phố và chính quyền đã đình chỉ nó vô thời hạn.

Biểu tình đã xảy ra bạo động khi cảnh sát dùng vòi rồng và đám đông người biểu tình chiếm Viện Lập pháp.

Những người chỉ trích dự luật cho rằng nó có thể làm suy yếu sự độc lập tư pháp của Hong Kong và có thể bị lạm dụng để nhắm vào giới chỉ trích Bắc Kinh.

Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh, là một phần của Trung Quốc nhưng được điều hành theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” nhằm đảm bảo cho thành phố một mức độ tự trị. Hong Kong có nền tư pháp riêng.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48898727

 

Dân Hồng Kông sẽ tiếp tục biểu tình

dù dự luật được tuyên bố đã ‘chết’

Các lãnh đạo biểu tình ở Hồng Kông chống đối chính quyền của Trưởng đặc khu Carrie Lam hôm 9/7 cho biết họ sẽ tiếp tục biểu tình, dù cho bà Lam đã tuyên bố rằng nỗ lực sửa đổi dự luật dẫn độ gây tranh cãi dữ dội đã “chết”, theo AP.

Người biểu tình vẫn kiên trì đòi phải chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ và phải mở một cuộc điều tra công khai về những chiến thuật mạnh tay mà cảnh sát đã sử dụng chống lại người biểu tình.

Hàng trăm ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình kéo dài cả tháng, bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về sự xói mòn của các quyền dân sự trong vùng đặc khu bán tự trị thuộc Trung Quốc.

“Chúng tôi không thấy chữ ‘chết’ trong bất kỳ luật nào ở Hồng Kông hay trong bất kỳ thủ tục pháp lý nào trong Hội đồng Lập pháp”, AP dẫn lời các lãnh đạo biểu tình Jimmy Sham và Bonnie Leung nói trong tuyên bố bằng tiếng Anh và tiếng Quảng Đông.

“Vì vậy, làm sao chính phủ có thể nói với chúng tôi rằng chúng tôi nên tuân thủ nền pháp trị, trong khi bản thân bà Carrie Lam không theo nguyên tắc của một nền pháp trị?”

Các lãnh đạo biểu tình còn nói bà Lam “đạo đức giả” khi tuyên bố rằng bà Lam đã đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình, trong khi trên thực tế bà không hề nói chuyện trực tiếp với họ.

“Thay vào đó, bà ấy nên đứng ra và nói chuyện với những người trẻ biểu tình”, AP dẫn lời ông Le Leung nói. “Những người trẻ tuổi đã xuống đường ngay trước cửa nhà bà, bên ngoài các trụ sở chính phủ trong nhiều tuần lễ, để gióng lên tiếng nói để được lắng nghe”.

Ông Leung cho biết thêm rằng thông tin về các hành động sắp tới sẽ được công bố sau.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba tuần trước, bà Lam thừa nhận rằng “có những nghi ngờ không dứt về mức độ thành thực của chính phủ, và những lo lắng liệu chính phủ có tìm cách lại đưa dự luật đó ra để bỏ phiếu hay không”, nhưng bà khẳng định: “Tôi nhắc lại ở đây, không có kế hoạch nào như vậy. Dự luật đã chết”.

Các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ cho thấy có nhiều lo sợ rằng Hồng Kông đang mất đi các quyền tự do đã được bảo đảm khi cựu thuộc địa của Anh được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Dự luật cho phép các nghi phạm hình sự bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Các nhà phê bình lo ngại các nghi phạm sẽ đối mặt với các phiên xét xử không công bằng và chính trị hóa, và những người chống đối Đảng Cộng sản cầm quyền sẽ là mục tiêu bị nhắm tới.

Trong cuộc biểu tình gần đây nhất vào hôm Chủ nhật, hàng chục ngàn người hô vang “Hồng Kông tự do” và một số người mang lá cờ Hong Kong của thời thuộc địa Anh, diễu hành tới một nhà ga đường sắt cao tốc nối liền Hồng Kông với lục địa Trung Quốc. Họ nói họ muốn mang thông điệp phản kháng của mình tới những người ở đại lục, nơi truyền thông nhà nước không hề đưa tin rộng rãi về các cuộc biểu tình, mà thay vào đó, tập trung vào các vụ đụng độ với cảnh sát và những thiệt hại về tài sản.

Vào ngày 1/7, kỷ niệm 22 năm Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc, một cuộc tuần hành ôn hòa đã thu hút hàng trăm ngàn người nhưng cuộc biểu tình đó đã bị lu mờ trước một cuộc tấn công vào tòa nhà lập pháp của Hong Kong. Vài trăm người biểu tình phá vỡ những tấm kính dày để vào tòa nhà và đập phá trong ba giờ, xịt sơn các khẩu hiệu trên tường, lật đổ đồ đạc và làm hỏng các hệ thống bỏ phiếu điện tử và phòng cháy chữa cháy.

Người biểu tình yêu cầu phải có một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc là cảnh sát sử dụng vũ lực quá tay đối với người biểu tình vào ngày 12/6, khi cảnh sát xịt hơi cay và bắn đạn cao su để giải tán những đám đông đang chặn những con đường lớn.

Hôm thứ Ba, bà Carrie Lam cho biết các cuộc điều tra sẽ diễn ra dưới quyền Bộ Tư pháp, “theo chứng cứ, pháp luật và thủ tục truy tố”.

https://www.voatiengviet.com/a/dan-hong-kong-tiep-tuc-bieu-tinh-/4992574.html

 

Trung Quốc lần đầu có biểu tình

‘quy mô hiếm thấy’ ở Vũ Hán

BBC NewsBắc Kinh

Trong khi thế giới đang hướng sự tập trung vào các cuộc biểu tình ở Hong Kong, Trung Quốc đại lục cũng vừa chứng kiến tình trạng bất ổn ở quy mô hiếm thấy.

Hàng ngàn người Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã xuống đường tuần trước trong vài ngày.

Carrie Lam: Dự luật dẫn độ ‘đã chết’

TQ đổ tội cho phương Tây về biểu tình Hong Kong

Báo TQ đổ lỗi cho Mỹ về các cuộc biểu tình ở Hong Kong

Họ tức giận về kế hoạch xây một nhà máy đốt rác thải mà theo họ sẽ khiến thành phố bị ô nhiễm mức nguy hiểm.

Nhưng khi các cuộc biểu tình gia tăng trong tuần, chính quyền Trung Quốc bắt đầu kiểm duyệt và tăng cường an ninh để cố gắng che đậy tình trạng bất ổn.

Tại sao họ tức giận?

Vũ Hán đã tuyệt vọng tìm cách xử lý rác thải ra từ 10 triệu cư dân thành phố. Vì vậy, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch xây một lò đốt rác khổng lồ, có trụ sở tại khu Yangluo của quận Tân Châu, nơi khoảng 300.000 người sinh sống.

Theo một tài liệu của chính quyền Vũ Hán công bố vào tháng Hai, lò đốt rác có công suất 2.000 tấn rác/ngày.

Huyện Tân Châu cũng đã sở hữu một bãi rác thải, mùi nồng nặc, theo một số người dân địa phương, có thể ngửi thấy ngay cả khi người ta đi ngang qua bằng xe buýt.

Nhưng người dân lo ngại rằng các lò đốt rác công nghệ tồi có thể thải ra dioxin, tàn phá hệ miễn dịch, biến đổi hormone và gây ung thư. Trong năm 2013, năm nhà máy như vậy ở thành phố Vũ Hán bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn và thải ra các chất gây ô nhiễm nguy hiểm, theo đài truyền hình CCTV của Trung Quốc.

Vào cuối tháng Sáu, tin đồn bắt đầu lan truyền rằng lò đốt rác mới bắt đầu được khởi công tại Yangluo, nơi được quy hoạch làm một khu công nghiệp, gần khu dân cư và hai trường học.

Người dân địa phương đã xuống đường trong vài ngày, yêu cầu phải xem xét lại địa điểm xây nhà máy đốt rác.

Họ giương cao các biểu ngữ với các khẩu hiệu như “ô nhiễm không khí sẽ hủy hoại thế hệ tiếp theo” và “chúng tôi không muốn bị đầu độc, chúng tôi chỉ cần hít thở không khí trong lành”. Họ không yêu cầu phải loại bỏ hoàn toàn mà chỉ cần nhà máy được di chuyển xa hơn.

Các cuộc biểu tình đã tăng lên trong nhiều ngày và theo một số người dân địa phương, thời điểm đông nhất đã có tới 10.000 người tham gia.

Chính phủ trả lời như thế nào?

Lúc đầu, chính quyền huyện Tân Châu đã cố gắng xoa dịu tình trạng bất ổn. Họ đưa ra một tuyên bố vào thứ Tư tuần trước phủ nhận việc bắt đầu xây nhà máy rác. Họ nói dự án thậm chí đã không được phê duyệt, và cũng chưa có bất kỳ đánh giá tác động môi trường nào.

Họ nói chính quyền địa phương sẽ “coi trọng tiếng nói của người dân” trong việc ra quyết định, nhưng cảnh báo rằng các cơ quan an sẽ trấn áp bất kỳ “hành vi bất hợp pháp nào như kích động và khiêu khích độc hại”.

Một số người dân địa phương được cho là đã bị giam giữ nhưng không kiểm chứng được con số chính xác.

Cuối tuần qua, chính quyền dường như đã thành công trong việc dẹp tan các cuộc biểu tình. Một số người dân địa phương cho biết có cảnh sát chống bạo động trên đường phố và các cửa hàng xung quanh các địa điểm biểu tình được lệnh đóng cửa trước 6 giờ tối.

Trong khi đó, cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc đã hoạt động.

Các ý kiến trên mạng xã hội biến mất nhanh chóng. Video và hình ảnh các con đường đầy người biểu tình và các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát có thể được kiểm duyệt trong vài giờ. Trong khi có một vài tường thuật trên truyền thông nhà nước về nhà máy đốt rác, không có tờ báo nào trong số đó đưa tin về các cuộc biểu tình.

Người dân địa phương cho biết họ không hài lòng với sự trấn an của chính quyền quận, bởi vì chính quyền thành phố phải là người có tiếng nói cuối cùng.

Nhưng chính quyền thành phố giữ im lặng cho đến nay.

Điều này khác thường như thế nào đối với Trung Quốc?

Trung Quốc thường thấy các cuộc biểu tình công khai như thế này, nhưng chủ yếu ở tầm vóc nhỏ hơn nhiều.

Trong khi người dân Trung Quốc hầu như tránh các cuộc biểu tình về cải cách chính trị kể từ khi phong trào Thiên An Môn bị nghiền nát năm 1989, thì các cuộc biểu tình liên quan đến các vấn đề môi trường trở nên phổ biến hơn.

Các phong trào dân sự chống lại các dự án gây ô nhiễm bắt đầu từ năm 2007 khi một cuộc biểu tình nổ ra ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, phản đối một nhà máy hóa chất công nghiệp.

Vụ việc trở nên nổi tiếng tại thời điểm kiểm duyệt vẫn nhẹ tay hơn bây giờ, và chính quyền địa phương cuối cùng đã đưa dự án này ra khỏi thành phố.

Năm 2015 có những cuộc biểu tình ở cả Thượng Hải và phía bắc Thiên Tân, phản đối kế hoạch xây các nhà máy sản xuất mà người dân địa phương cho rằng ‘đặt họ vào tình thế nguy hiểm’.

Năm 2017, thành phố Thanh Viễn thuộc tỉnh Quảng Đông cũng chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối một lò đốt rác.

Trong các cuộc biểu tình ở Thanh Nguyên, gần 10.000 người dân địa phương đã xuống đường và cảnh sát đã bắn hơi cay vào đám đông. Ba ngày sau, chính phủ hủy bỏ kế hoạch xây lò đốt rác.

Chính quyền Vũ Hán có thể học hỏi từ Thanh Nguyên?

Cho đến nay không có dấu hiệu của điều đó.

Thậm chí một tuần sau các cuộc biểu tình, chính quyền thành phố dường như vẫn bị điếc trước dư luận.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-48918146

 

Trung Quốc đòi Mỹ phải bỏ kế hoạch

bán hơn 2 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/7 lên tiếng phản đối và đòi Hoa Kỳ phải ngay lập tức bỏ kế hoạch bán 2.2 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt một hợp đồng bán các vũ khí cho Đài Loan bao gồm xe tăng, tên lửa bắn máy bay và những thiết bị liên quan.

Tuyên bố của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hợp đồng với Đài Loan sẽ bao gồm 108 xe tăng M1A2 T Abrams, 250 tên lửa Stinger. Tuyên bố cho biết vụ mua bán này sẽ không làm ảnh hưởng đến cân bằng quân sự cơ bản trong khu vực.

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về thương vụ này vào ngày 8/7, đồng thời cho biết thêm là hợp đồng có thể bao gồm cả súng máy, đạn, xe bọc thép Hercules để yểm trợ xe tăng, các thiết bị vận chuyển thiết bị hạng nặng và các trợ giúp có liên quan.

Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 9/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và là sự can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ của Trung quốc, làm phương hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc.

Nói tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng khẳng định: “Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và không một ai có thể đánh giá thấp sự kiên quyết của chính phủ và người dân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại những can thiệp từ nước ngoài”.

Văn phòng Tổng thống Đài Loan, trong khi đó, đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới chính phủ Mỹ về quyết định bán vũ khí.

Đài Loan sẽ gia tăng đầu tư quốc phòng và tiếp tục làm sâu hơn quan hệ an ninh với Mỹ và các quốc gia có cùng chung lý tưởng”, Chang Tun-han, phát ngôn nhân của văn phòng Tổng thống Đài Loan cho biết.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-calls-on-us-to-withdraw-arms-sales-to-taiwan-07092019082134.html

 

Một số phân tích về lý do TQ lẩn tránh

trước cáo buộc phóng thử tên lửa đạn đạo ở Biển Đông

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 5/7 đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng quân đội Trung Quốc gần đây đã bắn thử tên lửa ở Biển Đông và cho rằng nước này chỉ đang thực hiện các cuộc diễn tập định kỳ.

Thông báo ngắn gọn của Bộ Quốc phòng TQ

Trước thông tin từ phía Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 2/7 cho biết Trung Quốc có thể đã phóng thử ít nhất 5 quả tên lửa đạn đạo chống hạm lần đầu tiên ở gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam và cho rằng vụ thử tên lửa là hành động “gây rối” và trái với cam kết của Bắc Kinh

rằng họ sẽ không quân sự hóa vùng biển chiến lược, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra thông báo ngắn rằng “các báo cáo liên quan không đúng thực tế”. “Gần đây, Bộ tư lệnh miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân đã tổ chức diễn tập bắn đạn thật trên vùng biển xung quanh đảo Hải Nam, theo kế hoạch tập luyện thường niên. Những hoạt động này không nhắm đến bất cứ nước nào hay bất cứ mục tiêu cụ thể nào”.

Trước đó, NBC dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên đưa tin Trung Quốc đã tiến hành vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo diệt hạm đầu tiên vào cuối tuần qua. Ít nhất một tên lửa được bắn ra biển. Một quan chức cho biết hoạt động kéo dài đến ngày 3/7. Trong thông báo đăng tải ngày 29/6, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam cho biết quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận từ 29/6 đến 3/7, trên khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Lý do TQ phải lẩn tránh trước cáo buộc của các nước

Một là, giới chức Trung Quốc chắc chắn nhận thức rõ rằng hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông của nước này, nhất là việc thử tên lửa đạn đạo là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và đang bị dư luận các nước lên án mạnh mẽ. Trung Quốc vẫn liên tục có các hành động quân sự hóa và cải tạo đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Biển Đông thời gian qua. Cách hành xử gây leo thang căng thẳng vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp sự lên án của cộng đồng khu vực và quốc tế. Các báo cáo tình báo Mỹ cho biết tháng 5/2018, Trung Quốc âm thầm triển khai tên lửa hành trình diệt hạm và tên lửa đất đối không tại ba đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Trung Quốc cũng nhiều lần bị phát hiện triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong năm 2018. Những hệ thống này xuất hiện vào tháng 5 và tháng 6 trong ảnh chụp vệ tinh của tổ chức ImageSat International (ISI).

Hai là, việc thử tên lửa đạn đạo ở Biển Đông sẽ được coi là bước eo thang mới, nguy hiểm của Trung Quốc ở khu vực, có thể đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực này. Đặc biệt trong bối cảnh, Mỹ và các nước đang gia tăng hoạt động can dự ở Biển Đông nhằm thực thi chiến dịch tự do hàng hải, hàng không. Vì vậy, việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo được xem là động thái của Trung Quốc nhắm đến Mỹ và các nước.

Ba là, mặc dù Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự và đã từng có nhiều thông tin về việc Trung Quốc triển khai các vũ khí, phương tiện quân sự ở Biển Đông, trên các thực thể chiếm đóng phi pháp, song đây là lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo, điều mà nước này đang muốn triển khai nhằm tăng cường tác chiến các đảo với đất liền, giữa mặt đất với trên không. Do đó, Trung Quốc vốn không muốn thông tin về hoạt động này bị công khai. Và thực tế, thông tin về vụ việc là do Mỹ công bố. Điều khác với trước đây, khi Trung Quốc thường công khai để quảng bá sức mạnh.

Bốn là, nước này đã nhiều lần tuyên bố không quân sự hóa ở Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế, khu vực song phương và đa phương, gần đây nhất là tại Đối thoại Shangri-la 2018, hay trong các vụ việc liên quan Biển Đông. Vì vậy, những thông tin liên quan nước này quân sự hóa ở Biển Đông sẽ bị dư luận lên án mạnh mẽ vì đi ngược lại với chính những gì nước này cam kết. Điều này không có lợi cho Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với ASEAN hoặc các diễn đàn quốc tế, khu vực trong tương lai.

Cuối cùng, có thể Trung Quốc đang muốn thăm dò dư luận khu vực và các nước. Điều này lý giải việc sau khi có thông tin ngày 2/7 và sau đó dư luận các nước bày tỏ quan ngại, chỉ trích thì đến ngày 5/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đưa ra thông báo ngắn gọn, bác bỏ thông tin.

http://biendong.net/bien-dong/29200-mot-so-phan-tich-ve-ly-do-tq-lan-tranh-truoc-cao-buoc-phong-thu-ten-lua-dan-dao-o-bien-dong.html

 

Chủ tịch TQ trở thành ‘Chiến binh cô đơn’

ở G20 và sự tình ẩn giấu

Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Osaka, Nhật Bản đã kết thúc, nhưng những hình ảnh dễ khiến người ta hình dung người đứng đầu Trung Quốc bị cấp dưới coi thường được lưu lại khiến ông Tập Cận Bình không khỏi xấu hổ, theo Secret China.

Nguyên thủ của một cường quốc như ông Tập, lại ngồi trơ trọi một mình trước cuộc hội đàm với đoàn khách nước ngoài, chờ đợi đoàn đại biểu đi cùng lững thững bước vào chỗ, thậm chí còn có một lần bị đối phương thẳng thừng hủy bỏ cuộc hội đàm. Đó hẳn là những trải nghiệm không muốn nhớ của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc tại Osaka, Nhật Bản.

Quan chức Trung Quốc lặp lại vi phạm phép tắc ngoại giao đơn giản nhiều lần

Ngày 27/6, trước khi diễn ra cuộc hội đàm với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, chủ tịch Tập Cận Bình bị ký giả chụp được cảnh ngồi một mình lẻ loi ở bên dãy bàn hội nghị đối diện với ông Abe và các quan chức Nhật Bản khác, chỉ vì đoàn đại biểu Trung Quốc đến muộn. Nhà bình luận Trịnh Trung Nguyên trên trang Khán Trung Quốc (Secret China) đã nhận xét: “Thần sắc của ông Tập khi đó không khỏi có phần gượng gạo”.

Ngày 29/6, ông Tập có buổi hẹn trò chuyện với Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, nhưng đoàn đại biểu Trung Quốc, gồm cả ông Tập trong đó lần nữa lại đến khá muộn. Hai bên sau đó chuyện trò được 25 phút thì phía Brazil đã đơn phương tuyên bố hủy bỏ cuộc trò chuyện. Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở thành trò cười trên trường quốc tế. Tất nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc không hề đưa tin về việc này.

Từ đây, các trang mạng xã hội và truyền thông đã lặp lại nhiều lần biệt danh “chiến binh cô đơn” của ông Tập, vốn do Tổng thống Nga Putin đặt cho ông từ trước đó.

Cách đây hai năm, vào ngày 8/6/2017, ông Tập và ông Putin có cuộc gặp mặt tại Kazakhstan, đoàn đại biểu bên phía Trung Quốc khi đó đều đến muộn, chỉ có ông Tập Cận Bình và người phụ tá Đinh Tiết Tường đối mặt với đoàn đại biểu của Nga, gồm cả Tổng thống Putin trong đó. Ông Putin khi đó đã cười và dùng tiếng Nga gọi ông Tập là “chiến binh cô đơn”.

Trong buổi gặp mặt với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, ông Tập lần nữa rơi vào tình cảnh “chiến binh cô đơn”. Người lãnh đạo ĐCSTQ trước giờ vốn luôn rất xem trọng sĩ diện trên trường quốc tế, vì sao lại nhiều lần dễ dàng bỏ qua cho sự vô lễ, thiếu tôn trọng của cấp dưới như vậy.

Khoảnh khắc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối diện với phái đoàn Nga. (Ảnh: Reuters)

Văn hóa méo mó từ đại lục ra quốc tế

Nhà bình luận Trịnh Trung Nguyên đã nhận định, “khía cạnh này một phần là do giáo dưỡng của các quan chức ĐCSTQ xác thực là không được cao. Trung Quốc ngày xưa từng là ‘lễ nghi chi bang’ (một quốc gia của những lễ nghi), nhưng kể từ sau khi ĐCSTQ dựng lập chính quyền, đã phá bỏ toàn bộ văn hóa truyền thống, thay vào đó là một bộ văn hóa méo mó biến dị”.

“Biểu hiện của người Trung Quốc trong công tác và cuộc sống thường ngày chính là không xem trọng lễ tiết, cẩu thả tùy tiện, việc đến muộn từ lâu đã trở thành thói quen, toàn thể người Trung Quốc đều chịu độc hại sâu nặng”.

Tập thể các quan chức Trung Quốc nhiều lần đến muộn, cho thấy họ đã mang tác phong này từ trong nước ra đến trường quốc tế. Hơn nữa, theo ông Trịnh, các quan chức ĐCSTQ trước nay vẫn luôn quảng bá “văn hóa tranh đấu” trong ngoại giao, mà Hoa Kỳ gọi là “ngoại giao răn đe” với những hành vi thấp kém như lớn tiếng quát tháo, thượng cẳng chân hạ cẳng tay cũng không phải là điều gì hiếm hoi.

Josh Rogi của tờ Washington Post đã từng viết một bài về “Ngoại giao răn đe của Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh APEC” vào năm ngoái, chỉ ra các chính khách Trung Quốc cản trở Hội nghị Thượng đỉnh ra Tuyên bố chung. Trong thời gian hội nghị, đoàn đại biểu của TQ đã gây hàng loạt hành động hung hăng quái gở, muốn làm chủ hội nghị, ép buộc nước chủ nhà và những nước khác phải chấp nhận theo yêu cầu của họ.

Vì sao chính quyền Trung Quốc hành xử trái ngược với thế giới tự do

Nhưng bên cạnh văn hóa kỳ cục mang từ đại lục ra nước ngoài, ông Trịnh cho rằng, nhìn từ một góc độ khác, “hiện tượng này hẳn cũng có liên quan tới vấn đề cầm quyền chính thức sau loạt chính sách chống tham nhũng của ông Tập”.

Ông Trịnh cho biết: “Có thể thấy từ các nguồn tin chính thức rằng, mấy năm gần đây quan chức của ĐCSTQ đã rơi vào bầu không khí chính trị uể oải như ngày tận thế. Ngày càng nhiều các trường hợp quan chức liên quan đến đánh bạc, hút ma túy, chơi trò chơi điện tử, lướt web, xem phim khiêu dâm, thậm chí là ngoại tình ngay trong giờ làm việc bị phanh phui”.

Truyền thông Trung Quốc cũng nhiều lần đưa tin về thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhiều lần nổi giận ngay trong hội nghị công tác vì thấy các quan chức không tuân theo chủ trương, phán quyết của chính phủ, thậm chí có lần ông còn ném vỡ ly trà ngay trên bàn.

Ông Trịnh còn bình luận thêm rằng: “Trên báo chí dễ dàng bắt gặp ảnh ông Lý Khắc Cường với quầng mắt thâm đen, kỳ thực đều là do mệnh lệnh chính trị không ra khỏi Trung Nam Hải khiến ông thật sự mệt mỏi và bất lực”.

Tình trạng biếng nhác chính trị chốn quan trường ĐCSTQ cũng có liên quan với việc ông Tập chống tham nhũng trong mấy năm nay. Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình khiến rất nhiều quan chức Trung Quốc bị ngã ngựa (Ảnh: Tinhhoa)

Ông Trịnh bình luận tiếp: “Ở đây không phải nói là ông Tập chống tham nhũng không đúng, trong nhiệm kỳ đầu ông Tập đã dốc hết toàn lực chống tham nhũng, qua đó đã bắt giữ được không ít tham quan, khiến cho giới quyền quý ngày đêm thấp thỏm, bởi vậy đã kết không ít kẻ thù”.

“Mặt khác, ông Tập lại không muốn tiến hành cải tổ chính trị, dưới thể chế ĐCSTQ, càng chống tham nhũng lại càng nhiều tham nhũng, những băng nhóm lớn như Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng vốn là kẻ đối đầu chính trị và đứng đầu danh sách tham nhũng thì ông Tập lại không sờ đến, các quan chức bên dưới nhìn vào đó, không khỏi cười khẩy về chiến dịch chống tham nhũng giả tạo của ông, và tất nhiên sẽ không một lòng với ông”.

Tình trạng biếng nhác, khinh nhờn hiện nay có thể nói là một phương thức khác mà các quan chức lớn nhỏ các cấp áp dụng để đối kháng lại cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập.

Có người đã phân chia chốn quan trường ĐCSTQ thành ba loại người: Một là nhóm những người thích xem tuồng hay, hai là những người ngồi không hưởng lợi, ba là những kẻ mù quáng làm bậy. Có vẻ điều này đã được kiểm chứng trong các buổi họp ngoại giao của đoàn chính khách Trung Quốc. Đoàn thể các quan chức đến muộn có thể đang cố tình khiến ông Tập bị xấu mặt trên trường quốc tế.

Cuộc đấu đá trong nội bộ đảng

Ông Trịnh cũng cho rằng, các quan chức dám làm cho Tập Cận Bình xấu mặt, hẳn cũng có liên quan đến nhân tố đấu đá giữa các giới chức cấp cao trong nội bộ đảng. “Vì sao lại nói như vậy? Tranh đấu chính trị trong nội bộ ĐCSTQ xưa nay vẫn luôn là “một mất một còn”, từ trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cho đến hiện nay, vẫn luôn tồn tại sự uy hiếp từ kẻ đối địch chính trị”, ông Trịnh giải thích.

Ngày 24/6, trong hội nghị Bộ Chính trị, ông Tập nói đến nguy hiểm lay động gốc rễ của đảng “nơi đâu cũng có”. Nói về nguy hiểm của đảng, thực ra cũng chính là nguy hiểm của bản thân ông Tập Cận Bình.Ông Trịnh cho biết, “Chỉ riêng Thường ủy Bộ Chính trị chủ quản về tư tưởng và tuyên truyền Vương Hộ Ninh bên cạnh ông Tập Cận Bình, chính là một nhân vật nguy hiểm. Ông Vương Hộ Ninh được ba thế hệ lãnh đạo đảng trọng dụng vì đã có công chế ra một bộ hệ thống lý luận dùng để tẩy não toàn thể đảng viên và người dân cả nước”.

“Giới quan sát bên ngoài nhìn nhận rằng Vương là thân tín của ông Giang Trạch Dân. Hiện nay, ông Tập Cận Bình cố chấp bảo vệ đảng, có lẽ vẫn mơ hồ chưa ý thức được mình đang bị Vương kiểm soát. Còn ông Vương Hộ Ninh, sau khi có được quyền thế đã ngầm sắp đặt mọi thứ để đưa ông Tập vào bẫy”.

Dưới sự thúc đẩy của Vương Hộ Ninh, chính quyền Bắc Kinh, ngoài việc đáp trả cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung với lý thuyết của ĐCSTQ ban đầu, gần đây đã áp dụng thêm thủ pháp của Mao Trạch Đông. Ngày 1/7, báo nhà nước Trung Quốc đã cho đăng lại một bài viết cũ của ông Tập, trong đó có nhắc lại việc Mao Trạch Đông phát động “Chỉnh phong Diên

An” kéo dài liên tiếp 3 năm từ 1942, ý là nói ông Tập đang muốn làm trong sạch đảng, củng cố địa vị đứng đầu ĐCSTQ.

“Điều này cũng cho thấy, chính ông Tập cũng không thực sự có niềm tin đối với việc chống tham nhũng mà ông đã phát động trong nhiều năm, đặc biệt là trong tình hình nội bộ đảng có sự chia rẽ, không đồng lòng, thậm chí là trong tâm ông còn có sự sợ hãi”, ông Trịnh bình luận.

Những phen đấu trí đấu lực tinh tế giữa Vương Hộ Ninh và Tập Cận Bình cũng được thể hiện trong hệ thống tuyên truyền. Từ khi diễn ra cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ đến nay, ông Tập vẫn một lòng muốn đạt được thỏa thuận với Tổng thống Trump, nhưng giới truyền thông ĐCSTQ lại tuyên truyền kích động người dân chống Mỹ, khuấy động tình cảm yêu nước chống Mỹ của người dân.

Trước khi ông Tập tham dự hội nghị G20 lần này, trang Tân Hoa Xã – kênh truyền thông của ĐCSTQ ngày 26/6 có đăng bài viết, trong đó có đoạn: “Trong lúc Mỹ – Trung trải qua những phen đối đầu căng thẳng, cần phải nêu cao cảnh giác đề phòng những kẻ ‘ném lựu đạn sau lưng’”.

Ông Trinh lý giải: “Đây rốt cuộc là đang nhắc nhở ông Tập hay nhắc nhở ai khác? Tuyên truyền của ĐCSTQ trên thực tế hoàn toàn đi ngược lại với việc làm của ông Tập, thật không khó để người ta thấy có người gây rối đằng sau”.

Giữa bối cảnh như vậy, quá trình làm việc của ông Tập tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản chắc hẳn có gian nan. Trên mạng xã hội có video quay được cảnh ông Tập một mình lẻ loi đi lại giữa các chính khách quan trọng của các nước trong Hội nghị G20. Những áp lực lên ông Tập có thể phần nhiều là đến từ phe đối đầu chính trị trong nội bộ đảng.

“Ví như các viên chức đồng loạt đến muộn, có thể chính là cấp dưới cố tình mang ông Tập ra đùa cợt, nên cố tình nhớ sai giờ hẹn? Vẫn luôn có nhiều nguồn tin cho hay, cuộc chiến thương mại đã khiến cho ĐCSTQ chia năm xẻ bảy. Trước đó, có một nữ sĩ thuộc thế hệ ‘Hồng nhị đại’ xin được giấu tên tiết lộ với truyền thông bên ngoài rằng, ‘có những người trước mặt ông Tập đã đào sẵn cái hố, sau lưng đào sẵn cái hố”, ông Trịnh chia sẻ.

Nếu những lời này là thật, thì không khó hiểu khi gần đây luôn có tin đồn rằng bầu không khí nội bộ ĐCSTQ hiện nay rất khác lạ, và quyền lực trong tay ông Tập hiện giờ rốt cuộc thế nào vẫn còn là một ẩn đố.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/29172-chu-tich-tq-tro-thanh-chien-binh-co-don-o-g20-va-su-tinh-an-giau.html

 

Nhân viên Huawei liên hệ sâu sắc với quân đội TQ

Bản phân tích hồ sơ nhân viên của Tập đoàn Công nghệ Trung Quốc Huawei đã tiết lộ mối liên hệ sâu sắc giữa công ty này với các cơ quan quân đội và tình báo Trung Quốc, hơn cả sự thừa nhận trước đây của họ.

Văn bản vừa nêu kết luận rằng số nhân viên kỹ thuật then chốt được Huawei tuyển dụng có thể có mối liên kết chặt chẽ với việc thu thập thông tin tình báo và các hoạt động quân sự. Một số nhân viên có thể được gắn kết với các trường hợp cụ thể về tấn công mạng hoặc hoạt động gián điệp công nghiệp chống lại các công ty phương Tây.

Tiết lộ trên có thể làm gia tăng mối lo ngại giữa các chính phủ đang phân tích lời khẳng định rằng Huawei gây ra mối nguy cơ về an ninh quốc gia.

Một số quốc gia đang lo lắng rằng Huawei có thể cài đặt cái gọi là “cửa sau” trong thiết bị mạng viễn thông cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập dữ liệu người dùng. Huawei đã nhiều lần phủ nhận chuyện họ sẽ tham gia vào hoạt động này.

Nhóm thực hiện công trình – ông Christopher Balding, phó giáo sư tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam, và nhóm chuyên gia tư vấn Henry Jackson Society có trụ sở tại London – Anh – đã nghiên cứu kỹ hồ sơ của các nhân viên Huawei vốn bị rò rỉ trực tuyến từ các cơ sở dữ liệu và trang web không bảo mật được các công ty tuyển dụng điều hành.

Phản ứng trước tiết lộ trên, Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Hoàn Cầu Thời Báo tuyên bố rằng cựu nhân viên quân sự gia nhập các công ty tư nhân là chuyện bình thường.

Ông này cũng lên tiếng cáo buộc chuyên gia Balding và Henry Jackson Society đã thực hiện công trình nghiên cứu trên vì các mục đích chính trị.

 

“Chúng tôi không tranh luận rằng việc thuê cựu nhân viên quân sự (có nghĩa là) tổ chức của quý vị là một mặt trận gián điệp. Chỉ đơn giản là tôi không nói bất cứ điều gì thuộc thể loại đó nhưng đó là những gì họ đang cố gắng đúc kết thành một. Tôi nói rằng theo lời kê khai của nhân viên Huawei trong lý lịch của họ, họ nắm giữ các vị trí kép cho các đơn vị thu thập thông tin tình báo và chiến tranh điện tử của Trung Quốc trong khi làm việc cho Huawei hoặc nhận lệnh từ hoặc phối hợp với nhà nước Trung Quốc. Đó là điều đáng lo ngại sâu sắc” – ông Bal Balding nói với kênh CNBC.

http://biendong.net/doc-bao-viet/29209-nhan-vien-huawei-lien-he-sau-sac-voi-quan-doi-tq.html

 

Trung Quốc

cố bịt miệng đối lập Hồng Kông tại LHQ

Mai Vân

Nhà đối lập Hồng Kông Hà Vận Thi (Denise Ho) đã cố phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève (Thụy Sĩ) vào hôm qua 08/07/2019 về cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông. Cô là một ca sĩ nhạc pop-rock, đồng thời là gương mặt tiêu biểu của phong trào dân chủ Hồng Kông năm 2014. Dù bị đại diện Trung Quốc ngắt lời nhiều lần, cô đã kết luận phát biểu bằng yêu cầu tổ chức một cuộc họp khẩn cấp.

Từ trên bục dành cho diễn giả ở hội trường lớn của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, nữ ca sĩ Hà Vận Thi đã bắt đầu bài phát biểu với một vẻ kiên quyết, trước khi bị ngắt lời một cách nhanh chóng.

Cô nói : « Vào tháng trước, hai triệu người đã tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa chống lại dự luật dẫn độ mà tác dụng là xóa bỏ hàng rào bảo vệ cuối cùng của Hồng Kông chống lại sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc. Cảnh sát đã bắn đạn cao su và 152 quả lựu đạn hơi cay vào người biểu tình ».

Ngay khi ấy, đại diện Trung Quốc đã cố gắng ngắt lời người phát biểu bằng cách nói cùng một lúc để át tiếng của diễn giả, và chủ tịch cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố trao quyền phát biểu cho Trung Quốc.

Đại diện Trung Quốc đã phản đối diễn giả bằng lập luận : « Hồng Kông thuộc về Trung Quốc, nhưng người vừa nói đã đặt Trung Quốc và Hồng Kông ngang hàng với nhau. Vì vậy, tôi phản đối : Điều đó đặt lại vấn đề về nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất ».

Cô Hà Vận Thi đã bị ngắt lời hai lần trước khi kết luận được : « Liệu Liên Hiệp Quốc có tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để bảo vệ người dân Hồng Kông hay không ? Trước những vụ vi phạm, liệu Liên Hiệp Quốc có loại Trung Quốc ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền này hay không ? »

Theo nhà đối lập Hồng Kông, đã có 70 người bị bắt kể từ khi phong trào biểu tình bắt đầu hồi tháng 6. Sau khi tham gia phong trào Dù Vàng vào năm 2014, đĩa nhạc của ca sĩ đã bị cấm bán và bản thân ca sĩ bị liệt vào diện thành phần bất hảo tại Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190709-trung-quo%CC%81c-co%CC%81-bi%CC%A3t-mie%CC%A3ng-do%CC%81i-la%CC%A3p-ho%CC%80ng-kong-ta%CC%A3i-lien-hie%CC%A3p-quo%CC%81c

 

Philippines: Duterte lại thách Mỹ

triển khai Hạm Đội 7 ở Biển Đông

Thu Hằng

Sau khi thách Mỹ tuyên chiến trước với Trung Quốc, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại thách quân đội Hoa Kỳ triển khai Hạm Đội 7 ở Biển Đông. Hạm đội này của Mỹ hiện đóng căn cứ ở Nhật Bản và trực thuộc Hạm Đội Thái Bình Dương.

Phát biểu trước báo giới hôm 08/07/2019 tại phủ tổng thống Malacañang, Manila, ông Duterte tỏ vẻ thách thức : « Nếu Hoa Kỳ thật sự muốn đuổi Trung Quốc (ra khỏi Biển Đông), điều mà tôi không làm được, tôi sẽ yêu cầu Mỹ trợ giúp. Tôi muốn toàn bộ Hạm Đội 7 của Mỹ hiện diện ở đây (Biển Đông) ».

Trang Inquirer nhắc lại, trong một bài phát biểu hôm 05/07 tại Leyte, tổng thống Philippines từng thách Mỹ : « Khai hỏa trước đi và tôi sẽ hân hạnh làm bước tiếp theo ».

Bất chấp việc cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Philippines bị các tổ chức nhân đạo quốc tế lên án, ông Duterte vẫn là vị nguyên thủ được lòng dân nhất ở Philippines từ 33 năm nay.

Trang Nikkei Asian Review trích kết quả thăm dò công bố ngày 08/07 của viện Social Weather Stations, 68% người dân Philippines hài lòng về vị tổng thống đương nhiệm trong quý II/2019, trong khi tỉ lệ này ở quý I là 66%. Năm 2019 đánh dấu nửa nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190709-philippines-duterte-lai-thach-my-trien-khai-ham-doi-7-o-bien-dong

 

Bắc Kinh hung hãn, Mỹ ít đáng tin:

Chuyên gia Úc muốn phát triển vũ khí hạt nhân

Trọng Thành

Lo ngại tại Úc trước các đe dọa từ Trung Quốc ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Tiếp theo các hiểm họa về gián điệp, về các thao túng kinh tế, đến lượt mối lo về quân sự. Một số chuyên gia kêu gọi xem xét lại chiến lược quốc phòng hiệu quả hơn, nhằm đối phó với Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại hàng đầu của Úc, nhưng đang ngày càng trở nên kẻ thù tiềm tàng.

Một cựu chuyên gia quân sự, từng cố vấn cho nhiều đời thủ tướng Úc, trong một cuốn sách mới ra mắt, thậm chí lên tiếng kêu gọi xem xét khả năng trang bị vũ khí hạt nhân, để tự vệ. Thực hư ra sao ?

***

Khả năng Úc tự trang bị vũ khí hạt nhân được nêu cụ thể ra sao ?

Giáo sư Hugh White, chuyên gia kỳ cựu về quân sự, giảng viên Đại học Quốc gia Úc, trong cuốn sách mang tựa đề « How to Defend Australia / Làm thế nào để bảo vệ nước Úc », cùng lúc với việc nêu ra nhiều vấn đề về chính sách độc lập về chiến lược, đặt ra câu hỏi trực diện : « Vũ khí hạt nhân có cần thiết hay không ? ». Trả lời đài ABC Úc (1), cựu chuyên gia bộ Quốc Phòng, nhận định : bối cảnh chiến lược của Úc đang thay đổi triệt để », sức mạnh gia tăng của Trung Quốc tại khu vực buộc Úc phải xét lại chiến lược quân sự.

Cựu chuyên gia bộ Quốc Phòng Úc cùng thừa nhận là, trong hiện tại, việc phát triển vũ khí hạt nhân chỉ là một giải pháp cực đoan, khó có cơ trở thành hiện thực, và điều này sẽ chỉ được thực sự xem xét trong các điều kiện hết sức đặc biệt. Tuy nhiên trong tương lai, việc bác bỏ hoàn toàn phương án hạt nhân có thể sẽ khó khăn hơn. Cựu chuyên gia quân sự Hugh White cũng lưu ý đây lần đầu tiên kể từ thời thực dân châu Âu, an ninh của Úc không còn có được một đồng minh vững vàng bảo trợ, như Anh trước đây, và Mỹ hiện nay.

Trong tương lai, ông Hugh White dự đoán là « cái giá chiến lược » của việc từ chối vũ khí hạt nhân sẽ cao hơn nhiều so với hiện nay. Ông dự đoán là, nếu không có sự bảo đảm của Mỹ, chỉ cần một đe dọa răn đe hạt nhân duy nhất từ phía Trung Quốc cũng có thể buộc Úc phải đầu hàng trong một cuộc chiến tranh quy ước.

Đề xuất của cựu chuyên gia quân sự ngay lập tức bị bộ trưởng Quốc Phòng Linda Reynolds bác bỏ. Nữ bộ trưởng Úc giải thách : Canberra tiếp tục duy trì cam kết không phát triển hay tìm cách trang bị vũ khí hạt nhân của Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân, mà Úc là thành viên.

Theo chính chuyên gia Hugh White, từ hàng chục năm nay, nhiều chiến lược gia Úc đã bí mật xem xét về khả năng phát triển vũ khí hạt nhân mang tính răn đe, tuy nhiên cho đến nay Canberra luôn luôn cho rằng nguy cơ của việc phát triển vũ khí hạt nhân là quá lớn, và bất luận thế nào Washington vẫn là thế lực vững chắc bảo đảm an ninh cho Úc. Tuy nhiên, chính quyền của tổng thống Trump hiện nay với các quan điểm tiền hậu bất nhất dường như gây lo ngại cho Úc hơn bao giờ hết, trong bối cảnh áp lực từ Trung Quốc gia tăng.

Phải chăng người Úc đang ngày càng lo ngại trước sự hung hăng của Trung Quốc ?

Theo AFP, các tài liệu lịch sử cho thấy trước đây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giới chuyên gia quân sự chưa bao giờ nghĩ rằng Úc là mục tiêu của chiến tranh hạt nhân, trong trường hợp chiến tranh giữa Mỹ và Liên Xô bùng nổ. Ngược lại, các đụng độ giữa Úc với Trung Quốc đang có vẻ như ngày càng trở nên chuyện có thể xảy ra. Có hai khu vực trong không gian lợi ích của Úc đang trở thành điểm nóng : Đó là Biển Đông và vùng biển Nam Thái Bình Dương.

Tại Biển Đông, tàu thuyền Úc thường xuyên tuần tra vùng biển này trong các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, cùng với nước Mỹ, chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc, muốn độc chiếm vùng biển này, nơi có đến khoảng 50% hàng hóa lưu chuyển.

Tham vọng của Trung Quốc tại khu vực Nam Thái Bình Dương cũng là một mối đe dọa trực tiếp với nước Úc. Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây của viện tư vấn Lowy, 55% người Úc cho rằng nếu Bắc Kinh mở được một căn cứ quân sự tại một tiểu quốc đảo ở khu vực Nam Thái Bình Dương thì đây sẽ là một mối đe dọa thực sự với Úc, sau thông tin hồi năm ngoái cho thấy Bắc Kinh đang ve vãn quốc đảo Vanuatu để thiết lập một căn cứ quân sự thường trực tại vùng Nam Thái Bình Dương. 73% người trả lời cho rằng nước Úc cần phải có chính sách mạnh mẽ hơn để kháng cự lại việc Trung Quốc bành trướng tại Nam Thái Bình Dương.

Cuộc thăm dò dư luận của Viện Lowy dường như nói lên nhiều điều về suy nghĩ và tâm trạng của người Úc đối với Trung Quốc ?

Đúng vậy, kết quả điều tra dư luận của Viện Lowy (2), Viện tư vấn độc lập về chính trị, kinh tế và chiến lược quốc tế, cung cấp nhiều thông tin đáng lưu ý. So sánh với các kết quả điều tra hàng năm, tiến hành từ 15 năm nay, tỉ lệ tin tưởng của người Úc với Trung Quốc sụt giảm chưa từng có (với 32%, sụt đến 20% so với năm trước). Gần ba phần tư người Úc (74%) cho rằng Úc quá phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.

Kế hoạch Một vành đai, Một con đường (Nhất đới, nhất lộ) của Trung Quốc và việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông cũng là các vấn đề được người Úc quan tâm nhiều. Hơn ba phần tư người Úc cho rằng Canberra phải làm nhiều hơn nữa để kháng cự lại các hoạt động quân sự trong vùng, cho dù điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế Úc – Trung Quốc (77% tăng 11 % so với 2015). Đa số người Úc (60%) ủng hộ việc quân đội Úc tham gia các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông sát các khu vực tranh chấp mà Trung Quốc kiểm soát. Các dự án trong khuôn khổ kế hoạch Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc cũng bị 79% người Úc cho rằng là một thủ đoạn nhằm thống trị toàn khu vực.

Còn quan hệ Úc – Mỹ ra sao ? Phải chăng người Úc ít tin cậy hơn vào nước Mỹ ?

Thật ra, niềm tin của người dân Úc vào quan hệ hợp chiến lược với nước Mỹ về cơ bản vẫn ổn định. Kết quả thăm dò dư luận năm 2019 của viện Lowy khẳng định xu thế từ nhiều năm nay là đại đa số người Úc tin tưởng là dân chúng hai xã hội Úc và Mỹ chia sẻ nhiều giá trị và lý tưởng chung, và một liên minh mạnh mẽ và bền vững là sự tiếp nối tự nhiên của thực tế này. 73% người Úc (năm 2019, chỉ ít hơn 4% so với năm 2015) tin tưởng vào liên minh với Mỹ. Cũng 73% tin rằng nước Mỹ sẽ bảo vệ Úc, nếu Úc bị đe dọa. Đa số người Úc (56%) (kết quả không thay đổi từ năm 2011 đến nay) tin là liên minh với Mỹ giúp cho nước Úc được bảo vệ tốt hơn trước các áp lực từ phía Trung Quốc.

Vấn đề quan hệ Úc – Mỹ suy yếu hiện nay một phần rất lớn bắt nguồn từ niềm tin sụt giảm mạnh đối với chính quyền của tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh tương quan lực lượng Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thay đổi, với khoảng cách khác biệt Mỹ – Trung giảm bớt. Đa số người Úc (66%) cho rằng tổng thống Trump đang làm yếu đi liên minh giữa Úc với Mỹ. Tỉ lệ mất lòng tin của tổng thống Trump đặc biệt mạnh trong giới trẻ (78% trong số lớp tuổi từ 18 đến 29). Không có ai trong độ tuổi tuổi này khẳng định « Tin tưởng nhiều » vào tổng thống Mỹ.

***

Trở lại với vấn đề nước Úc có nên trang bị vũ khí hạt nhân hay không để đối phó với Trung Quốc, vừa được một chuyên gia quốc phòng xới lên. Cho dù vấn đề vũ khí hạt nhân được đại số các chuyên gia và chính giới Úc hiện nay coi là câu chuyện đắt đỏ, nguy hiểm và đầy ảo tưởng, nhưng có một điều không phủ nhận được là được là đối với đại số người dân Úc, quốc gia này đang trở thành một nước « ở tuyến đầu » trong mặt trận đề kháng lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc, như nhận định với AFP của nhà phân tích Malcolm Davis, Viện Chính trị Chiến lược Úc, cũng là một chuyên gia về quốc phòng. Trong việc điều chỉnh chiến lược an ninh, quốc phòng hiện tại này, để đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc, ngoài việc cải thiện quan hệ với đồng minh lâu năm Hoa Kỳ, đang trở nên khó lường hơn, nước Úc cũng đang tìm cách siết chặt quan hệ với các đối tác khác, như Pháp, Nhật…, để tăng cường thế trận phối hợp trong cộng đồng các quốc gia dân chủ.

Ghi chú

1. « Australia may need to consider nuclear weapons to counter China’s dominance, defence analyst says »ABC, 02/07/2019.

2. Giới thiệu Kết quả thăm dò dư luận của Viện Lowy, ngày 26/06/2019.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190709-bac-kinh-hung-han-my-it-dang-tin-chuyen-gia-uc-muon-phat-trien-hat-nhan