Tin khăp nơi – 09/07/2017
Quân Iraq triệt hạ ổ kháng cự cuối cùng của IS
Các lực lượng Iraq đang quét sạch các ổ kháng cự cuối cùng của các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Mosul, sau một trận chiến dài để chiếm lại thành phố.
Một tuyên bố chính thức về chiến thắng của chính phủ dự kiến sẽ sớm được đưa ra.
Các lực lượng Iraq, được hậu thuẫn bởi các cuộc không kích của Mỹ, đã cố gắng tái chiếm thành phố từ ngày 17 tháng Mười năm ngoái.
Quân đội Iraq được dự kiến sẽ kiểm soát hoàn toàn khu vực trong vòng vài giờTruyền hình Iraq
Quân Iraq tấn công Cổ thành Mosul
Cư dân Mosul bỏ chạy trước không kích
Lực lượng chống IS tấn công gần Mosul
IS chiếm giữ Mosul vào tháng 6/2014 trước khi tràn qua hầu hết khu vực trung tâm có nhiều cư dân Arab theo hệ phái Sunni của Iraq và tuyên bố một “đế chế” Hồi giáo nằm giữa Iraq và Syria.
Nhưng Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã liên tục mất đất trong suốt 9 tháng qua, khi các lực lượng của chính phủ tiến vào căn cứ của IS ở Iraq.
Những chiến binh người Kurd Peshmerga, các bộ lạc Arab dòng Sunni và các binh sỹ Shia, được các phi cơ chiến đấu của liên quân do Mỹ dẫn đầu cùng các cố vấn quân sự hậu thuẫn, đã tham gia cuộc chiến.
‘Trong vòng vài giờ’
Vào thứ Bảy, 08/7/2017, các chiến binh thánh chiến đang tuyệt vọng níu giữ một khu vực nhỏ gần khu vực Cổ Thành.
Truyền hình nhà nước nói rằng quân đội Iraq được dự kiến sẽ kiểm soát hoàn toàn khu vực trong vòng vài giờ.
Chính phủ đã công bố “giải phóng” toàn bộ miền Đông Mosul vào tháng Giêng, nhưng phía tây của thành phố là một thách thức khó khăn lớn hơn, với địa thế là những con đường hẹp, quanh co.
Tháng 10/2016, quân đội Iraq nói có 6.000 người dân ở trong thành phố.
Khoảng 900.000 người đã được di dời khỏi thành phố từ năm 2014 – chiếm khoảng một nửa dân số trước chiến sự, theo các tổ chức viện trợ dân sự.
Tháng trước, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói việc phá hủy nhà thờ Hồi giáo cổ ở thành phố Mosul là “tuyên bố chính thức về thất bại” của IS.
Các lực lượng Iraq nói IS đã cho nổ tung Đền thờ Hồi giáo lớn của al-Nuri và công trình ‘tháp nghiêng’ nổi tiếng của đền này trong lúc quân thánh chiến kháng cự nhằm ngăn chặn đà tiến quân của các binh sỹ chính phủ và liên quân.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40548361
Báo Mỹ:
Nga tấn công tin tặc các công ty năng lượng, hạt nhân Mỹ
Báo Washington Post đưa tin rằng những tin tặc (hacker) xâm nhập vào các mạng lưới kinh doanh của các công ty năng lượng và hạt nhân Mỹ trong những tuần gần đây là những kẻ làm việc cho chính phủ Nga.
Bài báo tối 8/7 cho hay các quan chức chính phủ Mỹ không nêu danh tính xác nhận rằng những hacker đó làm việc cho chính phủ Nga.
Các quan chức nói với Washington Post rằng không rõ về động cơ của phía Nga vì các công ty bị ảnh hưởng không bị gián đoạn hoạt động.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ nói ông xem cuộc tấn công trên mạng là “nỗ lực do thám” để tìm ra các điểm thâm nhập vào các công ty. Ông nói: “Đó là tất cả những gì mà những kẻ xấu trên mạng làm”.
Các cuộc tấn công vào các hệ thống quản lý và kinh doanh của các công ty đã được xác nhận vào tuần trước khi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết họ đang giúp các công ty bảo vệ mình trước sự xâm nhập.
Hồi cuối tháng 6, Bộ Nội an Hoa Kỳ và FBI cảnh báo các công ty năng lượng rằng các hacker không rõ danh tính đang nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực hạt nhân, năng lượng và các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Hai cơ quan này cho biết vào mọi thời điểm đều không có bất kỳ nguy cơ nào đối với an toàn công cộng.
Tillerson:
Mỹ nói Nga hãy xuống thang bạo lực ở đông Ukraine
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Kiev hôm 9/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho biết Hoa Kỳ đã nói với Nga rằng họ phải thực hiện các bước đi đầu tiên xuống thang bạo lực ở Đông Ukraina.
Ông Tillerson phát biểu cùng với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sau khi hai ông thảo luận các cách thức giúp chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine và ủng hộ các nỗ lực cải cách đang diễn ra của nước này.
Ông Tillerson nói: “Miễn là các bên cam kết với những mục tiêu này, tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được tiến bộ”. Ý ông đề cập đến thỏa thuận của Minsk – là thỏa thuận ngưng bắn mà Moscow và Kyev đạt được năm 2015.
Ông Tillerson đã bổ nhiệm cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Kurt Volker làm Đại diện đặc biệt về đàm phán Ucraina.
Ông Volker, hiện đang tháp tùng chuyến đi của ông Tillerson tới Ukraine, sẽ thường xuyên can dự với tất cả các bên xử lý các cuộc đàm phán ở Ukraine, trong đó có Đức, Pháp, Nga và Ukraine.
Mặc dù ông Tillerson đang tìm cách xây dựng lại lòng tin với người Nga, Washington đã bác bỏ tin đồn rằng họ sẽ đạt một thỏa thuận với Moscow qua mặt Kyev.
Một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong tuần qua: “Chắc chắn không có ý định hoặc mong muốn làm việc riêng với Nga. Đây là một vấn đề gồm nhiều bên, giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine”.
Trump nói hai lần hỏi dồn Putin về can thiệp bầu cử
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã hai lần “dồn ép mạnh mẽ” Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm ngoái của Hoa Kỳ, nhưng với việc ông Putin kịch liệt phủ nhận, đã đến lúc phải “tiếp tục tiến về phía trước và làm việc một cách xây dựng” với Moscow.
Trong một loạt các ý kiến đăng trên Twitter sau khi trở về Washington từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, ông Trump cho biết ông và nhà lãnh đạo Nga “đã thảo luận về việc thành lập một đơn vị an ninh mạng không thể xâm nhập được cốt để ngăn chặn tấn công tin tặc vào bầu cử và nhiều việc xấu khác, bảo đảm an toàn cho bầu cử và các hoạt động khác”.
Ông Trump gọi hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới là “một thành công lớn đối với Hoa Kỳ”. Ông nói ông “đã giải thích rằng Mỹ phải sửa lại nhiều thỏa thuận thương mại tồi tệ mà Mỹ đã ký” và rằng các thỏa thuận đó sẽ được soạn lại.
Ông đã không đề cập đến hiệp định thương mại lớn của Liên hiệp châu Âu với Nhật Bản được công bố vào tuần trước, hoặc sự kiện 19 quốc gia khác tại hội nghị thượng đỉnh đã lên tiếng phản đối việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận quốc tế đạt được vào năm 2015 ở Paris nhằm kiềm chế phát thải khí nhà kính trong những năm tới.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-hai-lan-hoi-don-putin-ve-can-thiep-bau-cu/3934666.html
Nguyên thủ Mỹ, Trung Quốc bàn về Bắc Hàn
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8/7 nhấn mạnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump về cam kết xử lý vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn thông qua đàm phán.
Reuters trích lại tin của Tân Hoa Xã nói rằng nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới nói với ông Trump rằng trong khi có “các phản ứng cần thiết” trước việc Bắc Hàn vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, cũng cần phải tăng cường các nỗ lực thúc đẩy đối thoại.
Hãng tin của Anh cũng trích lời ông Trump nói hôm 8/7 rằng ông đã thúc giục ông Tập sử dụng “đòn bẩy kinh tế” để thúc ép Bắc Hàn.
“Ông chủ” Nhà Trắng cũng nói rằng có lẽ phải mất thời gian để khống chế các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng bày tỏ tự tin rằng rốt cuộc Washington và Bắc Kinh có thể làm được chuyện đó.
Trong khi ông Trump từng bày tỏ sự mất kiên nhẫn về việc này sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Bắc Hàn, ông không cho thấy điều đó hôm 8/7, theo Reuters.
Cùng ngày, hai máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã thực hiện các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở Hàn Quốc nhằm chứng tỏ sức mạnh trước Bình Nhưỡng.
https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-thu-my-va-trung-quoc-ban-chuyen-bac-han/3934120.html
Lưu Hiểu Ba chưa quá yếu để đi chữa bệnh
Hai bác sĩ phương tây đến thăm khôi nguyên giải Nobel Hoà bình Lưu Hiểu Ba đang ốm nặng tại một bệnh viện Trung Quốc hôm 8/7. Hai bác sĩ nói vẫn chưa quá muộn để ông ra nước ngoài chữa bệnh.
Tuy nhiên, hai bác sĩ, một người đến từ Đức và một người từ Hoa Kỳ, nói trong một tuyên bố rằng chuyến đi vì lý do y tế cần phải được thực hiện “càng nhanh càng tốt”.
Ông Joseph Herman thuộc Trung tâm Ung thư M.D. ở Mỹ và ông Markus Buchler thuộc Đại học Heidelberg của Đức cho biết ông Lưu Hiểu Ba và gia đình ông đã đề nghị ông được điều trị ở Đức hoặc Hoa Kỳ.
Ông Lưu, 61 tuổi, đã bị kết án 11 năm tù vào năm 2009 vì “đấu tranh trong thời gian dài và bất bạo động vì các quyền con người cơ bản ở Trung Quốc”, trước khi ông được đưa tới bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc, để điều trị ung thư gan giai đoạn cuối.
Bệnh viện Số Một của Đại học Y Trung Quốc cho biết hai bác sỹ đã chấp thuận biện pháp điều trị hiện thời dành cho ông Lưu.
Ông Lưu đã bị bỏ tù sau khi bị kết án “kích động lật đổ quyền lực nhà nước” sau khi ông tham gia viết bản kiến nghị có tên Hiến chương 08 kêu gọi cải cách dân chủ tại Trung Quốc.
Ông đã được tạm tha vì lý do y tế và nhập viện vào cuối tháng 6.
https://www.voatiengviet.com/a/luu-hieu-ba-chua-qua-yeu-de-di-chua-benh/3934737.html
Bác sĩ Trung Quốc
khẳng định không thể đưa Lưu Hiểu Ba ra nước ngoài
Các bác sĩ Trung Quốc đang điều trị nhà ly khai Lưu Hiểu Ba người đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010bị ung thư giai đoạn cuối, hôm qua 08/07/2017 khẳng định với các chuyên gia Mỹ và Đức tới Trung Quốc để thăm Lưu Hiểu Ba là tình trạng sức khỏe của ông Lưu không cho phép di chuyển ông đi xa.
Theo AFP, sau khi kiểm tra hồ sơ bệnh án và nghiên cứu phác đồ điều trị, cũng như trực tiếp kiểm tra tình trạng sức khỏe của ông Lưu hiểu Ba, các bác sĩ chuyên khoa ở bệnh viện số 1, thành phố Thẩm Dương cho biết việc chuyển bệnh nhân đi xa có thể sẽ gây nguy hiểm.
Cũng theo thông cáo của bệnh viện trên, « các chuyên gia Hoa Kỳ và Đức đã hoàn toàn đồng ý với phác đồ điều trị và các biện pháp của nhóm chuyên gia Trung Quốc ».Tuy nhiên, theo tin mới nhất từ Reuters, hai bác sĩ người Mỹ và Đức nói trên hôm nay khẳng định là với các phương tiện y học tối tân, vẫn có thể chuyển ông Lưu Hiểu Ba ra nước ngoài chữa bệnh nhưng chuyến đi phải được thực hiện càng sớm càng tốt.
Cũng theo hai chuyên gia, bản thân Lưu Hiểu Ba và gia đình ông muốn ông được điều trị ở Đức hoặc Hoa Kỳ. Bệnh viện đại học Texas (Mỹ) và đại học Heidelberg (Đức) cho biết đã sẵn sàng tiếp nhận ông Lưu sang điều trị.
Khi ông Lưu Hiểu Ba nhập viện, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Pháp, Đức và Liên Hiệp Châu Âu liên tục kêu gọi Bắc Kinh để cho chủ nhân giải Nobel Hòa Bình 2010 được ra nước ngoài trị bệnh.
Fin publicité dans 25 s
Nhiều tổ chức nhân quyền và những người thân của Lưu Hiểu Ba chỉ trích Bắc Kinh chỉ cho ông Lưu ra khỏi trại giam khi bệnh tình của ông đã quá nặng, khó cứu chữa. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc khẳng định ông Lưu Hiểu Ba đã được các chuyên gia giỏi điều trị bệnh ung thư chăm sóc.
Sau bạo loạn,
biểu tình ôn hòa đánh dấu kết thúc hội nghị G-20
Hàng chục ngàn người biểu tình ôn hoà đã xuống đường để biểu tình chống lại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nước (G-20) tại Hamburg hôm thứ Bảy, vài giờ sau khi những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ đụng độ với cảnh sát, đốt xe hơi và cướp bóc các cơ sở kinh doanh.
Tuần hành trên một tuyến đường gần tới nơi mà một số vụ bạo lực nghiêm trọng nhất diễn ra suốt đêm tới sáng, người biểu tình hô khẩu hiệu, hát, nhảy múa và chơi nhạc trong khi các nhà lãnh đạo thế giới khép lại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thành phố cảng này của Đức.
Một đám đông nhiều thành phần, bao gồm các gia đình đẩy xem nôi em bé, những nhóm người Kurd, những người theo phái chủ nghĩa xã hội và vô chính phủ Scotland vẫy cờ và hô lớn các khẩu hiệu chống chủ nghĩa tư bản, đi qua các ngả đường trong với hàng ngàn cảnh sát đi cùng.
Dù bạo loạn nổ ra vào tối thứ Sáu và rạng sáng thứ Bảy, nhiều cảnh sát viên tuần tra tháo mũ bảo hiểm và có vẻ thoải mái khi đám đông khổng lồ đi ngang qua. Ban tổ chức cho biết có khoảng 78.000 người biểu tình tham gia, trong khi cảnh sát ước tính có khoảng 50.000 người.
Cuộc tụ tập lớn diễn ra sau những vụ bạo loạn dữ dội trong khu Schanzenviertel của thành phố, chỉ cách khuôn viên hội nghị vài trăm mét. Hàng trăm cảnh sát đặc nhiệm chống bạo động đã đi vào các tòa nhà để bắt giữ những người gây bạo loạn đeo mặt nạ từ trên nóc nhà trong khi bị tấn công bằng thanh sắt và bom xăng. Khoảng 500 người đã cướp bóc một siêu thị trong khu phố này cũng như những cửa hàng nhỏ hơn. Xe hơi bị phóng hỏa và những đám cháy bùng lên trên đường phố trong khi người biểu tình dựng rào chắn bằng thùng rác và xe đạp.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ sự bàng hoàng và tức giận về tình trạng “bạo lực và hung bạo không bị chế ngự” bùng ra ở Hamburg.
“Không hề có sự biện mình nào cho những vụ cướp bóc, đốt phá và tấn công tàn bạo nhắm vào sinh mạng của cảnh sát,” nói rằng lực lượng an ninh đã “làm việc xuất sắc và cảm ơn họ thay mặt cho tất cả những người tham dự hội nghị.”
Vài ngàn người bạo loạn, một số người đến từ những nơi khác ở Châu Âu, đã gây nên cảnh tàn phá trong thành phố. Họ chiến đấu với cảnh sát chống bạo động hai ngày liên tiếp, bày tỏ giận dữ đối với chủ nghĩa tư bản và sự toàn cầu hóa và kêu gọi mở rộng biên giới để cho tất cả người tị nạn nhập cảnh Châu Âu.
Sự tức giận của họ không hẳn tập trung vào Tổng thống Donald Trump hay các nhà lãnh đạo khác, mà vào cảnh sát như biểu tượng của quyền hành.
Cảnh sát đã bắt giữ 143 người, và 122 nhà hoạt động đã bị tạm giam. Khoảng 213 cảnh sát viên bị thương kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tối thứ Năm. Cảnh sát và nhân viên cứu hỏa nói rằng họ không có thông tin về số người biểu tình và thường dân khác bị thương.
Lãnh đạo đối lập Venezuela được thả khỏi tù,
bị quản thúc tại gia
Lãnh đạo phe đối lập Venezuela Leopoldo Lopez đã được thả ra khỏi tù và chuyển sang quản thúc tại gia vì lý do sức khoẻ, sau ba năm bị giam giữ trong nhà tù quân đội, luật sư của ông Lopez và Tòa án Tối cao Venezuela cho biết hôm thứ Bảy.
Một thông cáo của tòa án nói rằng “biện pháp nhân đạo” này được thực hiện đối với ông Lopez vì lý do sức khỏe, và trên tài khoản Twitter tòa án nói rằng hành động này được Chánh án Tòa án Maikel Moreno cấp phép.
Ông Lopez, 46 tuổi, bị bắt giữ vào tháng 2 năm 2014 vì cáo buộc kích động bạo lực trong các cuộc biểu tình chống chính phủ mà trong đó ba người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Một năm sau ông bị kết án gần 14 năm tù giam.
“Leopoldo Lopez đang ở nhà ông ấy ở Caracas với [vợ] Lilian và các con,” luật sư người Tây Ban Nha Javier Cremades của ông Lopez phát biểu tại Madrid. “Ông ấy vẫn chưa được tự do nhưng bị quản thúc tại gia. Ông ấy được thả ra vào lúc bình minh.”
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-venezuela-duoc-tha-khoi-tu-bi-quan-thuc-tai-gia/3934024.html
Irak : Bagdad loan báo « giải phóng » Mossul
Sau nhiều ngày tuyên bố « chiến thắng gần kề », truyền hình Irak hôm nay 09/07/2017, cho biết quân đội đã hoàn toàn tái chiếm Mossul, sau gần một năm phản công.
Theo AFP, thủ tướng Irak, Haider al-Abadi đến tận nơi khen ngợi « quân đội và nhân dân giành được chiến thắng quan trọng ». Thành phố lớn thứ hai và cũng là trung tâm văn hóa, ngoại giao, kinh tế ở miến bắc Irak rơi vào tay Daech vào mùa xuân 2014 mà không giao chiến.
Chiến dịch tái chiếm Mossul, « thủ đô» của quân thánh chiến, bắt đầu từ ngày 17/10/2016 đã huy động các đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Irak, với sự yểm trợ của liên quân quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Chiến dịch phản công gây ra một cuộc khủng hoảng và thiệt hại cho thường dân mà theo Liên Hiệp Quốc, có đến gần 400 ngàn người chạy loạn.
Mossul cũng có giá trị biểu tượng đối với Daech. Từ thành phố này, thủ lĩnh Abou Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập đế chế Hồi Giáo trên toàn lãnh thổ vừa chiếm được ở Irak và Syria. Thủ phủ thứ hai của Daech, thành phố Raqa ở Syria, có thể thất thủ trong nay mai.
Fin publicité dans 27 s
Tuy mất Mossul, Daech vẫn còn kiểm sóat một vài khu vực tại Irak, miền đông và miền trung Syria. Chiến tranh vẫn tiếp diễn
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170709-irak-bagdad-loan-bao-%C2%AB-giai-phong-%C2%BB-mossul
Mông Cổ : Cựu võ sĩ đô vật đắc cử tổng thống
Lãnh đạo đối lập Mông Cổ Khaltmaa Battulga, 54 tuổi, đắc cử tổng thống sau khi đối thủ nhìn nhận thất bại trong cuộc bầu cử vòng hai hôm thứ bảy 08/07/2017. Mông Cổ cũng vừa quyết định bỏ án tử hình.
Là ứng cử viên về nhất sau vòng đầu ngày 26/06, doanh nhân địa ốc Khaltmaa Battulga, cựu võ sĩ đô vật và nhu đạo, lãnh đạo đảng Dân Chủ đối lập đã đánh bại chủ tịch quốc hội Mieygombo Enkhbold ở vòng chung kết hôm thứ Sáu 07/07/2017. Theo kết quả gần như chính thức, Khaltmaa Battulga được 50,6%. Đối thủ Mieygombo Enkhbold 41%. Hơn 8% cử tri bỏ phiếu trắng.
Giữa hai vòng bầu cử, Mông Cổ trở thành quốc gia thứ 105 trên thế giới chính thức bỏ án tử hình. Tổng thống mới đắc cử tuyên bố sẽ bắt tay vào việc giải khó khăn kinh tế và những món nợ quốc tế như đã hứa khi tranh cử. Quốc hội Mông Cổ vẫn do đảng Nhân Dân chiếm đa số.
Với 3 triệu dân, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia nhiều tài nguyên thiên nhiên và chăn nuôi lên đến 9% dân chúng ở tuổi lao động. Đầu năm nay, Oulan-Bator vay IMF 5,5 tỷ đôla.
Do nguyên liệu đồng bị sụt giá và kinh tế Trung Quốc, bạn hàng chính giảm đà, tăng trưởng kinh tế Mông Cổ bị tác động theo, từ 17% năm 2011 rơi xuống1% trong năm 2016.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170709-mong-co-cuu-vo-si-do-vat-dac-cu-tong-thong
Thổ Nhĩ Kỳ :
Đối lập mít tinh khổng lồ chống chế độ độc tài tại Istanbul
Tại Thổ Nhĩ Kỳ , bất chấp tình trạng khẩn cấp, phe đối lập đã huy động thành công một cuộc tuần hành khổng lồ từ thủ đô Ankarra đến Istanbul lên án chế độ của tổng thống Recep Tayyip Erdogan « bất công, độc tài ». Chiều tối nay, 09/07/2017, hàng trăm nghìn người tham gia cuộc tuần hành suốt gần một tháng qua, tới Istanbul, tham gia cuộc mít tinh khổng lô do lãnh tụ đảng đối lập chỉ trì.
Cuộc tuần hành và mít tinh diễn ra trong không khí căng thẳng và được đặt dưới sự kiểm soát an ninh cao độ của chính quyền.
Đặc phái viên RFI tại Istanbul, Alaxandre Billette tường trình :
Sau 24 ngày đi bộ trên 450 km đường, được khoảng 50 nghìn người ủng hộ vây quanh, lãnh đạo đảng đối lập (CHP) Kemal Kiliçdaroglu đa tới Itanbul trước khi tổ chức cuộc mít tinh khổng lồ « vì công lý » dự kiến vào tối ngày Chủ nhật.
Một số nhà tổ chức dự trù sẽ có khoảng hơn một triệu người tham gia. Đây là một cuộc tập hợp lớn chưa tùng có do phe đối lập kêu gọi kể từ sau vụ đảo chính hụt hồi tháng 7 năm ngoái.
Cuộc biểu tình diễn ra trong sự giám sát an ninh cao độ, trong khi những đe dọa khủng bố nhằm vào những người tuần hành đã được nhắc tới trong những ngày qua, ngoài ra có khả năng những nhóm quá khích muốn tấn công vào người biểu tình.
Dù gì thì ông Kemal Kiliçdaroglu, lãnh tụ đảng đối lập, dường như đã đạt được mục đích là lên án chính quyền mà ông gọi là độc tài chuyên chế. Nếu như cuộc biểu tình diễn ra thành công tối nay, ông Kemal Kiliçdaroglu sẽ chứng tỏ được vai trò thủ lĩnh đối lập với tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Nhưng dù sao vẫn còn phải xem phe đối lập tận dụng ra sao từ cuộc đại tuần hành này và liệu đối lập có sẵn sàng tiếp tục chiến dịch chống chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trên đường phố hay không.
Bình Nhưỡng cảnh báo nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân
Tiếp theo cuộc biểu dương lực lượng của không quân Mỹ-Hàn sát vĩ tuyến 38, Bắc Triều Tiên cảnh báo nguy cơ chiến tranh nguyên tử đang « tiến gần đến điểm không thể lùi lại được».
“Đừng đùa với lửa trên thùng thuốc nổ”. Nhật báo Rodong, cơ quan tuyên truyền của đảng cầm quyền duy nhất tại Bắc Triều Tiên trong số Chủ nhật, 09/07/2017, lên án Mỹ và Hàn Quốc gia tăng áp lực qua các cuộc tập trận hỗn hợp.
Rodong mô tả bán đảo Triều Tiên là một thùng thuốc nổ « lớn nhất thế giới » còn Washington và Seoul là những chế độ phiêu lưu quân sự đang làm cho nguy cơ xả ra chiến tranh hạt nhân ngày càng tiến gần đến điểm « không thể lùi lại được».
Ngày thứ Bảy, 08/07/2017, để đáp trả vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bắc Triều Tiên, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã phô trương sức mạnh răn đe qua một cuộc tập trận không kích bằng đạn thật, với sự tham gia của hai oanh tạc cơ chiến lược B1-B ném bom 900 kg gần vùng giới tuyến chia đôi Nam-Bắc Hàn.
Đối với Bình Nhưỡng, những cuộc tập trận như thế là « chiến thuật khiêu khích nguy hiểm nhằm gây ra chiến tranh hạt nhân với hệ quả là đưa đến thế chiến thứ ba ». Bắc Triều Tiên cho rằng thừa sức « xơi tái » Hàn Quốc.
Bắc Triều Tiên vẫn có thói quen đưa ra những lời đe dọa hung hăng. Nhưng rõ ràng là với khả năng chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được cải tiến, cũng như được Bắc Kinh và Matxcơva ủng hộ ngoại giao, Bình Nhưỡng tỏ ra tự tin hơn.
Theo AFP, hôm thứ Bảy, trong cuộc hội kiến với chủ tịch Trung Quốc bên lề thượng đỉnh G20, tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi ông Tập Cận Bình là đã đến lúc « phải có hành động » giải quyết khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, lãnh đạo Mỹ cũng phải nhìn nhận là « cần nhiều, thật nhiều thời gian ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170709-binh-nhuong-canh-bao-nguy-co-bung-no-chien-tranh-hat-nhan
Thượng đỉnh G20 bế mạc với đồng thuận tối thiểu
Hầu hết những vấn đề nghiêm trọng đe dọa thế giới đều trống vắng trong văn kiện kết thúc Thượng đỉnh G20 ngày 08/07/2017 tại Hambourg. Sau hai ngày đàm phán gay go, trừ hợp tác chống khủng bố, lãnh đạo 20 quốc gia giàu nhất trái đất đồng ý đưa ra một bản tuyên bố chung gồm những thỏa hiệp tối thiểu, cội nguồn gây xung khắc trong tương lai.
Từ Hambourg, đặc phái viên Mounia Daoudi tổng kết :
« Được tổ chức lần đầu năm 2008 để tìm giải pháp cho một trong những cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nghiêm trọng nhất bắt nguồn từ sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers, giờ đây thượng đỉnh G20 dường như không thể đáp ứng yêu cầu trước những thách thức lớn đang làm rung chuyển hành tinh. Đó là các vấn đề như nguy cơ bảo hộ mậu dịch, làn sóng di dân nhập cư, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang ở Syria và Ukraina, mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Ở Hambourg, các nhà lãnh đạo G20 chỉ đạt được đồng thuận trong việc ngăn chặn nguồn kinh tài của khủng bố. Thỏa hiệp về thương mại quốc tế, từ chống bảo hộ mậu dịch cho đến bài trừ các thủ đoạn cạnh tranh bất chính, chỉ là bề ngoài và do vậy sẽ dẫn đến những cuộc đọ sức trong tương lại .
Còn điều được gọi là « mặt trận 19 nước ủng hộ Hiệp Định Khí Hậu Paris » mà chúng ta vẫn cho là rất đoàn kết để chống lại Hoa Kỳ trong hồ sơ chống biến đổi khí hậu thì thực ra đã bắt đầu có những rạn nứt.
Mặc dù có rất nhiều tham vọng, nhưng thượng đỉnh Hambourg lại không giữ được hứa. Vì thế, nhiều lãnh đạo, chẳng hạn tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói tới một thượng đỉnh G20 chuyển tiếp.
Achentina, nước tổ chức thượng đỉnh G20 lần tới, phải có sáng kiến mới, để diễn đàn G20 ngày càng đáp ứng được những khát vọng của người dân các nước. »
Trong bối cảnh nước Mỹ của Doanld Trump tự cô lập với quyết định đơn phương bỏ Hiệp Định Khí Hậu Paris COP 21, nước Pháp tiếp tục đóng vai trò chủ động.
Thượng đỉnh khí hậu tại Paris trước cuối năm
Trong cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh G20, tổng thống Pháp Emmanuel Macron loan báo triệu tập một thượng đỉnh khí hậu trước cuối năm nay (vào ngày 12/12/2017 để tổng kết thành quả hai năm sau ngày ký kết COP21. Theo tổng thống Pháp, đây là cơ hội để các nước thành viên xem xét vấn đề tài chính thực thi các cam kết. Cho dù Hoa Kỳ rút lui, thế giới tiếp tục đi tới vì không có một phương án nào khác để cứu trái đất, tổng thống Pháp tái khẳng định.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170709-thuong-dinh-g20-be-mac-voi-dong-thuan-toi-thieu
Con trai và con rể tổng thống Trump
từng gặp một luật sư Nga có liên hệ với Kremlin
Washington, DC. (CBS) – Con trai cả, con rể của Tổng Thống Donald Trump, và chủ tịch ủy ban vận động từng gặp một luật sư Nga, không lâu sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Đây dường như là cuộc gặp riêng sớm nhất được biết giữa các phụ tá quan trọng của tổng thống với một người Nga. Đại diện của Donald Trump Junior và Jared Kushner xác nhận cuộc gặp gỡ vào tháng 6 năm 2016 với hãng tin AP, sau khi tờ New York Times đưa tin về cuộc gặp giữa hai người và luật sư người Nga Natalie Veselnitskaya tại Trump Tower.
Theo thông cáo từ Donald Trump Junior, chủ tịch ủy ban vận động lúc đó là ông Paul Manafort cũng tham dự. Ông miêu tả đây là một cuộc họp giới thiệu ngắn, trong đó ba người thảo luận về chương trình bị bãi bỏ, từng được sử dụng để cho phép công dân Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi. Nga chấm dứt chương trình nhận con nuôi để đáp trả các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ, sau khi một luật sư bị bỏ tù, người lên tiếng về bê bối tham nhũng, qua đời vào năm 2009. Trump Junior nói họ không thảo luận về vấn đề vận động tranh cử vào thời gian đó.
Luật sư của Kushner cho biết thân chủ của bà đã thông báo về cuộc họp trong hồ sơ sửa đổi, buộc ông phải liệt kê các cuộc gặp gỡ với nhân viên ngoại quốc.
Không giống như Kushner, Trump Junior không phục vụ trong chính phủ và không buộc phải công bố liên hệ với người ngoại quốc. (Nguyên Trân)
Hàng trăm gia đình phải di tản vì cháy rừng ở California
Santa Barbara, California. (CBS) – Theo các viên chức hạt Santa Barbara, cháy rừng gần khu vực giải trí ở California dẫn tới lệnh di tản mới.
Đám cháy Alamo lan rộng trên 19,000 mẫu, gần xa lộ 166 và mới chỉ khống chế được 10%. Khoảng 150 cho tới 200 căn nhà gặp nguy hiểm. Phát ngôn viên hạt Santa Barbara cho biết khu vực bị ảnh hưởng chưa từng bị cháy trong nhiều năm. Khói từ đám cháy có thể được nhìn thấy từ Santa Maria, thành phố với hơn 100,000 cư dân. Sở cảnh sát thông báo, một đám cháy khác, được gọi là Whittier Fire, gần với rừng quốc gia Los Padres, đe dọa các cấu trúc tại Camp Whittier và Lake Cachuma. Đám cháy hoành hành cả hai phía của xa lộ 154, gần San Marcos Pass.
Các nhà dự báo thời tiết cho biết nhiệu độ cao trong ngày hôm nay 9 tháng 7 sẽ lên tới gần 95 độ F. Gió có thể mạnh tới 20 dặm một giờ. Chỉ có 20% cơ hội có mưa.
Trong khi đó, tại Bắc California, các viên chức ra lệnh di tản hơn 300 căn nhà tại Quận Butte do một đám cháy khác. Vụ hỏa hoạn, mang tên Wall Fire, bắt đầu từ Thứ Sáu 7 tháng 7 và đã thiêu rụi 2,700 mẫu. Cho tới ngày hôm qua 8 tháng 7, nhân viên cứu hỏa mới chỉ khống chế được 20% diện tích đám cháy. (Nguyên Trân)
http://www.sbtn.tv/hang-tram-gia-dinh-phai-di-tan-vi-chay-rung-o-california/
Trung Cộng
đã không thể dập tắt phong trào bảo vệ nhân quyền
Bắc Kinh, Trung Cộng. (Reuters)- Các nhà vận động dân chủ và ngoại giao ở ngoại quốc cho biết, Trung Cộng đã thất bại sau hai năm đàn áp giới luật sư vận động nhân quyền.
Những luật sư này bị giới chức thẩm quyền Trung Cộng đặt ra ngoài vòng pháp luật, nhưng đã không im lặng, và thay vào đó là quay sang tìm kiếm sự hậu thuẫn ở ngoại quốc.
Vào ngày 9 tháng 7 2015, giới chức thẩm quyền Trung Cộng đã mở một chiến dịch đàn áp, hòng dập tắt phong trào đòi tôn trọng nhân quyền qua việc bắt hàng trăm luật sư và nhà vận động tranh đấu cho nhân quyền. Truyền thông của nhà nước Trung Cộng gọi các nhà vận động dân chủ là thành viên của “băng đảng tội phạm huỷ hoại trật tự xã hội”.
Hai năm trôi qua, hầu hết những người bị giam đã được phóng thích và bị quản thúc tại nhà riêng. Trong số này có nhiều người công khai nhận tội, và bị kết án tại các phiên toà bí mật với sự biện hộ của luật sư do nhà nước Trung Cộng chỉ định.
Không chịu dừng hoạt động, nhiều nhà dân chủ quay sang thành lập tổ chức để phối hợp hoạt động, tố cáo Bắc Kinh lạm dụng nhân quyền. Tổ chức này quy tụ thân nhân của những người bị Bắc Kinh bắt giữ, do vợ của các luật sư bị bắt cầm đầu để đòi chính quyền Trung Cộng trả tự do cho người thân của mình cùng với các nhà bất đồng chính kiến khác. Nhiều người trong số họ hiện nay không biết sống chết ra sao.
Áp lực quốc tế đã đóng vai trò quan trọng để bảo vệ các nhà vận động nhân quyền tại Trung Cộng. Những gì đang diễn ra ở Trung Cộng về nhân quyền cũng tương tự như cách hành xử của chính quyền CSVN. (Song Châu)
http://www.sbtn.tv/trung-cong-da-khong-the-dap-tat-phong-trao-bao-ve-nhan-quyen/
Tiếp viên hàng không Delta Airlines
đập vỡ chai rượu vào đầu hành khách gây rối
Seattle, Washington. (CBS) – Nhân viên FBI viết trong bản cáo trạng, được nộp vào ngày hôm qua 7 tháng 7, rằng một tiếp viên hàng không đập vỡ chai rượu vào đầu một hành khách, khi ông này lao tới cửa thoát hiểm và vật lộn với những hành khách khác trong chuyến bay của hãng Delta Airlines từ Seattle tới Bắc Kinh.
Joseph Daniel Hoodek, 23 tuổi, cư dân Tampa, Florida, xuất hiện tại tòa án, mặc quần áo tù và có vết thâm dưới mắt phải. Nhà chức trách cho biết ông bị bắt vào tối Thứ Năm 6 tháng 7, sau khi gây xáo trộn, buộc phi cơ phải quay trở lại phi trường Quốc Tế Seattel-Tacoma.
Hoodek bị truy tố với tội danh gây rối với phi hành đoàn, với mức án lên tới 20 năm tù và phạt là 250,000 Mỹ kim. Anh dự trù bị tạm giam ít nhất cho tới phiên tòa tiếp theo vào ngày 13 tháng 7. Nhà chức trách cho biết, một tiếp viên và một hành khách được đưa tới bệnh viện do bị thương nặng ở mặt, nhưng không đe dọa tới tính mạng.
Có khoảng 210 hành khách và phi hành đoàn gồm 11 người trên chuyến bay. Không lâu sau khi phi cơ cất cánh, hành khách gây rối này bất ngờ lao ra cửa và bắt đầu kéo nắm đấm cửa. Các tiếp viên với sự trợ giúp của hành khách cố gắng đưa ông ta về chỗ, nhưng người này bắt đầu đánh họ và ném vào họ các chai rượu. Để đối phó, một tiếp viên hàng không cầm hai chai rượu đánh vào đầu hành khách gây rối, nhưng chỉ đánh vỡ một chai. Rõ ràng, kẻ gây rối đã không bị chấn thương nghiêm trọng, mà hét lên đe dọa: “Các người có biết ta là ai không?”. Kết quả là phi công quyết định trở về Seattle và giao nộp Hoodek cho cảnh sát. (Nguyên Trân)
http://www.sbtn.tv/tiep-vien-hang-khong-delta-airlines-dap-vo-chai-ruou-vao-dau-hanh-khach-gay-roi/