Tin khắp nơi – 09/06/2018
Cảnh sát Singapore
cấm Kim Jong Un giả đến khu thượng đỉnh
Nhà tấu hài Howard X, nổi tiếng trong các vai đóng Kim Jong Un, thông báo đã bị cảnh sát Singapore tạm giữ hôm qua, 08/06/2018, trong vòng hai giờ tại phi trường quốc tế Changi.
Ông Howard X đến Singapore từ Hồng Kông, với mục tiêu tham gia quảng cáo cho một trung tâm thương mại và một nhà hàng hải sản, theo AP. Howard X bị cấm không được đến khách sạn Sentosa, nơi sẽ diễn ra thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un. Cảnh sát Singapore giải thích là ông đã đến vào một « thời điểm nhạy cảm ».
Cũng trong ngày hôm qua, người giống Kim Jong Un đã gặp Dennis Alan, người thường đóng vai Donald Trump. Hai người cùng chụp ảnh chung tại công viên Merlion Park.
Dennis Alan, người thường đóng vai tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết, ông tin rằng thượng đỉnh Trump – Kim đã được tổ chức là nhờ lấy cảm hứng trực tiếp từ các quảng cáo của ông với Howard X, khi hai diễn viên này tham gia lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang, Hàn Quốc, tháng Hai năm nay. Dennis Alain nói ông tự hào là mọi sự đã khởi đầu như vậy, và nếu có một giải thưởng cho hòa bình, thì chắc chắn họ cũng sẽ được trao.
Về phần mình, bất chấp các cảnh cáo nghiêm khắc của cảnh sát Singapore, Howard X tin là ông sẽ không gặp vấn đề trong thời gian lưu lại ở Singapore. Ông nói đùa : Tôi không tin là họ sẽ trục xuất một nguyên thủ, điều đó không tốt cho uy tín của Singapore.
Hai nhà báo Hàn Quốc bị bắt tại nhà đại sứ Bắc Triều Tiên ở Singapore
Trước thượng đỉnh Trump-Kim, an ninh được siết chặt. Hai nhà báo của hãng truyền thông quốc gia Hàn Quốc KBS News bị bắt do xâm nhập nhà riêng đại sứ Bắc Triều Tiên, theo cảnh sát Singapore hôm 08/06/2018. Trả lời báo giới, KBS thông báo hiện tại không biết là các phóng viên có hoạt động “bất hợp pháp hay không”, và khẳng định “sẽ có biện pháp” sau khi kết quả điều tra được công bố. Người phát ngôn phủ tổng thống Hàn Quốc kêu gọi các phóng viên nên “thận trọng”. Khoảng 3.000 nhà báo dự kiến sẽ tham gia đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử 12/06.
Tin tặc Trung Quốc ăn cắp dữ liệu của hải quân Mỹ
FBI đang điều tra sau khi tin tặc Trung Quốc tấn công một nhà thầu Hải quân Mỹ và đánh cắp dữ liệu an ninh vô cùng nhạy cảm, theo truyền thông Mỹ.
Dữ liệu bị đánh cắp bao gồm các kế hoạch cho một dự án phát triển loại tên lửa chống hạm siêu thanh dùng cho tàu ngầm Mỹ năm 2020, các quan chức Mỹ nói với tờ Washington Post.
Các cuộc tấn công, vào tháng Giêng và tháng Hai năm nay, được xác nhận bởi hãng tin CBS News.
Tin tặc nhắm vào một nhà thầu hải quân liên kết với một tổ chức quân sự Mỹ chuyên tiến hành nghiên cứu và phát triển tàu ngầm và vũ khí dưới nước.
HRW: ‘Hãy phủ quyết dự Luật An ninh mạng’
Gián điệp mạng TQ ‘gia tăng tấn công VN’
Trong một diễn biến khác, một cựu sĩ quan tình báo Mỹ đã bị kết án về tội đưa các tài liệu tối mật cho một người Trung Quốc.
Kevin Mallory, 61 tuổi, bị kết tội theo Đạo luật Gián điệp Liên bang hôm thứ Sáu 8/6. Ông ta sẽ bị buộc tội vào ngày 21/9 và phải đối mặt với án chung thân, bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong một thông cáo.
Trong trường hợp của nhà thầu hải quân Hoa Kỳ, giới chức Mỹ nói với tờ Washington Post rằng công ty này làm việc cho Trung tâm Hải quân Chiến tranh Dưới biển, một tổ chức quân sự có trụ sở tại Newport, Rhode Island.
Họ nói thêm rằng trong số các tài liệu bị hacker truy cập có dữ liệu liên quan đến một dự án có tên Rồng Biển, cũng như thông tin được lưu trữ trong thư viện chiến tranh điện tử của đơn vị phát triển tàu ngầm hải quân.
Trong khi dữ liệu được lưu trữ trong hệ thống không được xếp loại ‘mật’ của nhà thầu, nó được coi là rất nhạy cảm do bản chất của công nghệ đang được phát triển và liên quan đến các dự án quân sự.
Hải quân Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của FBI, đang tiến hành cuộc điều tra.
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã ra lệnh rà soát các vấn đề an ninh mạng liên quan đến nhà thầu, CBS News đưa tin.
Tin tức này được đưa ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều tại Singapore, nơi Donald Trump sẽ đàm phán với Kim Jong-un – người coi Bắc Kinh là một trong số các đồng minh của mình.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44422702
G7: Trump bị cô lập
vì vấn đề thuế thương mại và Nga
Chia rẽ giữa Donald Trump và lãnh đạo các quốc gia G7 được phô bày vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh tại Quebec.
Ông Trump đã có cuộc điện thoại bất ngờ để Nga được tái nhập nhóm các quốc gia công nghiệp hàng đầu sau khi nước này bị loại khỏi G7 do Moscow dành quyền kiểm soát bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.
Căng thẳng vẫn còn, một phần liên quan đến việc Nga bị cáo buộc đầu độc một điệp viên tại Anh.
Vì sao Canada mời Việt Nam dự G7?
Việt Nam: Quản lý và điều hành DNNN ‘bị lẫn lộn’
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các thành viên EU tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Canada phản đối ý tưởng này.
Bà Angela Merkel nói Nga không thể được thừa nhận trừ khi có “tiến bộ” về vấn đề Ukraine. Canada cũng cho hay tiếp tục phản đối Nga.
Những hạn chế về chính sách thuế quan thương mại được chính quyền Trump áp dụng gần đây tiếp tục được thảo luận trong phiên họp thứ Sáu 8/6.
Việc ông Trump áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm khiến EU tức giận, đồng thời làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại.
Thủ tướng Anh Theresa May nói bà muốn EU hành động với sự kiềm chế và phù hợp trong việc trả đũa thuế quan của Mỹ.
Canada gọi chính sách thuế quan thương mại của ông Trump là ‘bất hợp pháp’ và ‘bất công’ trong khi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cảnh báo rằng quan điểm của ông Trump về thương mại, biến đổi khí hậu và Iran tạo thành một mối nguy hiểm thực sự.
Ông Trump gần đây bỏ qua thỏa thuận năm 2015 với Tehran nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này. Điều này làm những người từng ký tên ủng hộ thỏa thuận tức giận.
Ông Trump sẽ rời hội nghị G7 kéo dài hai ngày ở Quebec để đến Singapore tham dự hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang ở Bắc Kinh, nơi ông được Tập Cận Bình trao tặng huy chương hữu nghị.
G7 là gì?
Đây là hội nghị thượng đỉnh hàng năm tập hợp Canada, Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản và Đức, với GDP của các nước này chiếm hơn 60% tổng GDP toàn cầu.
Các nội dung về kinh tế được ưu tiền bàn thảo trong chương trình nghị sự, mặc dù hội nghị có bàn về các vấn đề toàn cầu.
G7 lần này diễn ra tại La Malbaie ở Quebec, Canada.
Ông Trump cho biết hôm thứ Sáu 8/6 rằng Hoa Kỳ và Canada đang làm việc về cắt giảm thuế quan để đạt được “công bằng cho cả hai nước”.
Sau khi gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Trump nói rằng có chút thử thách trong vấn đề thương mại, nhưng nói thêm là hai bên đang hợp tác giải quyết vấn đề này.
Về phần mình, ông Macron cho biết ông tin rằng tất cả các bên sẵn sàng tìm kiếm một thỏa thuận.
Hãng tin Reuters trích lời một trợ lý của Tổng thống Pháp nói rằng Hoa Kỳ đã đồng ý một cuộc đối thoại thương mại với EU ở cấp độ kỹ thuật trong hai tuần tới.
Năm chủ đề của G7 năm nay:
Tăng trưởng kinh tế hội nhập
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ
Hòa bình và an ninh thế giới
Việc làm của tương lai
Biến đổi khí hậu và đại dương
Theo chương trình dự kiến, ông Trump sẽ bỏ lỡ các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, môi trường và bình đẳng giới vào thứ Bảy.
Tại G7 ở Ý năm ngoái, ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Các cuộc họp G7 trước đây chứng kiến những cuộc biểu tình rầm rộ. Năm nay, khoảng 8.000 binh sĩ và cảnh sát dự kiến được triển khai trong sự kiện tại Quebec.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44422703
Merkel: EU chưa cho Nga trở lại G7
Đại diện của các nước Liên minh Châu Âu tại hội nghị G7 ở Québec nhất trí rằng các điều kiện để nhận lại Nga vào nhóm các nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới vẫn chưa được đáp ứng, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hôm thứ Sáu.
Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh, bà Merkel cho biết còn quá sớm để nói liệu các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra một tuyên bố chung hay không, nói thêm rằng các nhà lãnh đạo vẫn chưa bàn về vấn đề thương mại và khí hậu, hai trong số những vấn đề nhạy cảm nhất.
“Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng là chúng tôi không đồng ý ít hơn những gì mà chúng tôi đã đạt được vào năm ngoái,” bà nói với các phóng viên, đặt ra một tiêu chuẩn khiêm tốn để đạt được thành công tại sự kiện mà có thể là hội nghị thượng đỉnh G7 khó khăn nhất trong nhiều thập niên qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó trong ngày thứ Sáu đã kêu gọi cho Nga gia nhập lại nhóm các cường quốc kinh tế toàn cầu này (Moscow bị trục xuất sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014). Thủ tướng mới của Ý Giuseppe Conte sau đó cũng nhắc lại lời kêu gọi này trong một dòng tweet trên Twitter.
Nhưng bà Merkel nói tất cả các nhà lãnh đạo EU có mặt tại hội nghị thượng đỉnh – kể cả ông Conte – đều nhất trí trong các cuộc thảo luận trước hội nghị thượng đỉnh đầy đủ rằng không thể đưa chuyện này vào nghị trình.
“Ở đây tất cả chúng tôi đều nhất trí rằng sự trở lại của Nga với các hội nghị thượng đỉnh hình thức G7 không thể xảy ra cho đến khi có những tiến bộ đáng kể liên quan đến các vấn đề với Ukraine,” bà nói. “Đó là quan điểm chung.”
https://www.voatiengviet.com/a/merkel-eu-chua-cho-nga-tro-lai-g7/4431089.html
Taliban đồng ý ba ngày ngừng bắn ở Afghanistan
Taliban tuyên bố ngừng bắn ba ngày với các lực lượng chính phủ Afghanistan trong một dịp lễ tôn giáo vào cuối tháng này.
Đây là lần đầu tiên các phiến quân đồng ý ngừng bắn kể từ cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu năm 2001, và động thái diễn ra vài ngày sau một cuộc ngừng bắn đơn phương của quân đội chính phủ.
Nhóm phiến quân cho biết họ sẽ ngừng tất cả các hoạt động tấn công trong kỳ nghỉ, ngoại trừ chống các lực lượng ngoại quốc.
Nổ ở Afghanistan, 5 nhà báo và 16 dân thiệt mạng
Mỹ ‘không kích nhầm’ cảnh sát Afghanistan
Nhiều lính Mỹ bị thương trong vụ xả súng
Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi các chiến binh Taliban giết chết 19 cảnh sát Afghanistan ở tỉnh Kunduz.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani nói động thái Taliban là cơ hội để các chiến binh nhận ra “chiến dịch bạo lực” của họ “không giành được lòng dân mà còn đẩy người Afghanistan xa lánh khỏi sự nghiệp của Taliban nhiều hơn”.
Quân đội chính phủ sẽ không ngừng chiến đấu với các nhóm chiến binh khác, như nhóm nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
‘Hoan nghênh’
Việc ngừng bắn vô điều kiện của chính phủ Afghanistan sau một cuộc họp của các giáo sĩ, những người đầu tuần này đã ban hành một tuyên bố chung lên án bạo lực quân sự là không phải tinh thần của đạo Islam.
Phóng viên BBC thiệt mạng tại Afghanistan
Ngôi đền Hồi giáo rực rỡ nhất thế giới
Tấn công căn cứ quân sự Afghanistan
Các giáo sĩ đã bị nhắm mục tiêu trong một cuộc tấn công tự sát do IS tuyên bố gây ra vốn giết chết 14 người bên ngoài khu trại hòa bình của các giáo sĩ ở Kabul tuần này.
Eid-al-Fitr là sự kiện tôn giáo đánh dấu kết thúc của tháng lễ Ramadan trong đạo Islam.
Hiện chưa rõ ràng khi nào ngừng bắn sẽ bắt đầu, vào lúc lễ Eid bắt đầu khi lúc mặt trăng được nhìn thấy lần đầu tiên, tuy lịch của Afghanistan đánh dấu kết thúc tháng Ramadan vào ngày thứ Sáu ngày 15 tháng Sáu.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các lực lượng Hoa Kỳ và các đối tác liên minh ở Afghanistan sẽ “hoan nghênh việc ngừng bắn”.
Quy mô quân đội nước ngoài ở Afghanistan đã giảm xuống còn khoảng 15.000 người, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái tuyên bố mở nhiều hơn các cuộc không kích ở quốc gia châu Á này.
Các lực lượng tác chiến nước ngoài đã rút khỏi Afghanistan hồi năm 2014.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44424229
Gần 1.800 gia đình bị chia cắt ở biên giới Mỹ-Mexico
Gần 1.800 gia đình nhập cư đã bị chia cắt tại biên giới Mỹ-Mexico kể từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 2 năm nay, Reuters loan tin dẫn nguồn từ một quan chức chính phủ cao cấp, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump thi hành các chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn.
Reuters nói các con số là sự tiết lộ toàn diện đầu tiên của chính quyền về việc có bao nhiêu gia đình bị ảnh hưởng bởi các chính sách này. Trước đây, những con số duy nhất được cung cấp bởi các quan chức liên bang về việc chia cắt gia đình chỉ giới hạn trong khoảng thời gian hai tuần hồi tháng 5.
Quan chức chính phủ này, chỉ đồng ý phát biểu trong điều kiện ẩn danh, nói với Reuters ông không thể cung cấp số liệu thống kê cập nhật, nhưng thừa nhận số vụ chia cắt gia đình đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, chủ yếu là do các chính sách mới của chính quyền.
“Tại sao trước đây chúng tôi không tổng hợp những số liệu thống kê này? Vì lúc đó chuyện này chưa phải là một hiện tượng đủ lớn mà công chúng quan tâm,” quan chức này được Reuters dẫn lời nói. “Bây giờ nó đang gia tăng và nó là vấn đề công chúng quan tâm.”
Trong hầu hết 1.768 trường hợp gia đình bị các nhân viên tuần tra biên giới chia cắt từ giữa tháng 10 năm 2016 cho tới tháng 2 năm nay, trẻ em bị tách khỏi cha mẹ vì lý do y tế hoặc vì lý do an ninh, quan chức này nói, dẫn ra các trường hợp như cha mẹ cần nhập viện hoặc nhà chức trách khám phá ra tiền án hình sự ở Mỹ hoặc ở nước họ.
Quan chức này nói trong 237 trường hợp, trẻ em bị tách ra vì nhân viên tuần tra biên giới nghi ngờ người lớn giả đóng giả làm cha mẹ của trẻ vị thành niên mà họ coi sóc.
Khoảng thời gian mà số liệu thống kê được cung cấp bao gồm ba tháng cuối cùng của chính quyền Obama vào năm 2016, nhưng quan chức này không thể nói liệu có bất kỳ vụ chia cắt nào xảy ra vào thời điểm đó hay không, theo Reuters.
Phần lớn những vụ chia cắt gia đình liên quan đến người Trung Mỹ, những người chiếm phần lớn các gia đình băng qua biên giới phía tây nam. Một số người đã bị bắt giữ trong khi tìm cách vượt qua biên giới bất hợp pháp, trong khi những người khác vượt qua bất hợp pháp và sau đó trình diện với nhân viên tuần tra biên giới để xin bảo hộ tị nạn vì họ sợ phải trở về nhà.
Quan chức này lưu ý rằng số vụ chia cắt gia đình từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 2 năm nay chỉ chiếm ít hơn 2 phần trăm trong 106.700 đơn vị gia đình bị bắt dọc theo biên giới phía tây nam trong cùng thời gian đó.
Vào tháng 5, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions loan báo một chính sách ‘không khoan nhượng,’ trong đó tất cả những người bị bắt giữ khi nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp sẽ bị cáo buộc hình sự. Điều này thường dẫn đến việc trẻ em bị tách khỏi cha mẹ của chúng.
Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Liên Hiệp Quốc đã lên án việc chia cắt gia đình ở biên giới, nhưng chính quyền bênh vực hành động của mình với lý lẽ rằng họ đang bảo vệ trẻ em và nêu rõ rằng những người vượt biên giới bất hợp pháp sẽ bị truy tố bất kể hoàn cảnh gia đình.
https://www.voatiengviet.com/a/gan-1800-gia-dinh-bi-chia-cat-o-bien-gioi-my-mexico/4431096.html
Cuộc điều tra Nga-Trump
ngày càng hướng tới Điện Kremlin
Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller hôm thứ Sáu đệ trình các cáo buộc hình sự mới nhắm vào cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, Paul Manafort, đồng thời cáo buộc một cộng sự lâu năm của ông Manafort là có những mối liên hệ với tình báo Nga. Bước đi này đưa cuộc điều tra của ông Mueller về sự thông đồng khả dĩ của ban vận động tranh cử của ông Trump tiến gần đến cửa Điện Kremlin hơn.
Bản cáo trạng, được ông Mueller đệ trình tại tòa án liên bang ở thủ đô Washington, thêm tên một bị cáo nữa là Konstantin Kilimnik và cáo buộc hai người này cản trở công lý trong các nỗ lực của họ nhằm can thiệp lời khai của các nhân chứng về công việc vận động hành lang của họ cho Ukraine.
Đây là lần thứ ba ông Mueller bổ sung cáo buộc chống lại ông Manafort kể từ khi cựu phụ tá của ông Trump bị truy tố vào tháng 10. Những cáo buộc bổ sung có thể gia tăng áp lực lên ông Manafort để hợp tác với cuộc điều tra của ông Mueller, theo các chuyên gia pháp lý.
Nhưng quan trọng hơn, bản cáo trạng ngày thứ Sáu cũng đánh dấu lần đầu tiên ông Kilimnik bị nêu tên. Các hồ sơ đệ trình tòa án trước đó chỉ nhắc tới ông ta là “Người A” và mô tả ông ta có liên hệ với các cơ quan gián điệp của Nga.
Không thể liên lạc được ngay lập tức với ông Kilimnik để yêu cầu bình luận. Ông đã phủ nhận những cáo buộc như vậy trong các cuộc phỏng vấn trước đó với báo chí.
Bằng việc nêu tên ông Kilimnik, bản cáo trạng này có thể thay đổi nhận thức về việc truy tố ông Manafort và cuộc điều tra của ông Mueller về sự thông đồng khả dĩ giữa Nga và ban vận động Trump, theo lời cựu công tố viên liên bang Renato Mariotti.
Ông Trump đã nhiều lần gọi cuộc điều tra của ông Mueller là “săn phù thủy” (hàm ý truy bức chính trị) và phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào với Nga.
“Bản cáo trạng này có thể rất quan trọng nhìn từ quan điểm chính trị,” ông Mariotti, một người theo Đảng Dân chủ đang tranh cử cho chức tổng chưởng lý bang Illinois, nói. “Giờ cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Trump bị cáo buộc âm mưu với một người bị tình nghi là hoạt vụ tình báo của Nga. Điều này thật đáng kinh ngạc.”
Trong hồ sơ đệ trình tòa án trước đó trong tuần này, ông Mueller đã yêu cầu thẩm phán thụ lý vụ việc tại thủ đô Washington bãi bỏ hoặc sửa đổi một lệnh phóng thích ông Manafort trước phiên tòa vì các cáo buộc can thiệp lời khai nhân chứng. Các luật sư của ông Manafort đã được ra hạn chót là thứ Sáu này để đáp lại các cáo buộc đó.
Ông Mueller cáo buộc ông Manafort tìm cách gọi điện thoại, nhắn tin và gửi những tin nhắn được mã hóa vào tháng 2 cho hai người thuộc “Nhóm Hapsburg,” một nhóm thảo luận chính trị mà ông hợp tác để thúc đẩy lợi ích của Ukraine.
Những liên lạc của ông Manafort là “nhằm cố gắng gây ảnh hưởng đến lời khai của họ hoặc không thì là để che giấu bằng chứng,” một đặc vụ FBI viết trong một tuyên bố đệ trình tòa án trước đó trong tuần này.
Ông Manafort, người cũng bị truy tố tại một tòa án liên bang ở bang Virginia, bị cáo buộc với phạm một loạt tội từ rửa tiền và không đăng ký làm đại diện nước ngoài cho Ukraine, cho tới gian lận ngân hàng và thuế. Ông đã tuyên bố không có tội.
https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-dieu-tra-nga-trump-ngay-cang-huong-toi-dien-kremlin/4431079.html
Những phát hiện mới
hậu thuẫn giả thuyết có sự sống trên Sao Hỏa
Những khám phá mới về Sao Hỏa đang đẩy mạnh giả thuyết có thể có sự sống trên hành tinh đỏ trước đây hoặc thậm chí, ngay cả trong hiện tại.
Các nhà khoa học hôm thứ Năm cho biết xe tự hành Curiosity của NASA đã tìm thấy những dấu hiệu tiềm tàng của sự sống tại đáy một hồ nước của Sao Hỏa thời cổ đại. Trước đây đã tìm thấy một số dấu hiệu tiềm tàng, nhưng những phát hiện mới nhất được coi là bằng chứng tốt nhất về sự sống trên hành tinh này.
Các phân tử hữu cơ được bảo quản trong lớp đá 3.5 tỷ năm tuổi ở Gale Crater – được cho là đã từng chứa một hồ nước nông có kích thước tương đương với Hồ Okeechobee của bang Florida – cho thấy là các điều kiện tại đó có thể thuận lợi cho sự sống. Điều đó mở ra khả năng các vi sinh vật đã từng sinh sôi trên hành tinh đỏ, và có thể vẫn tồn tại ở đó.
Nhà khoa học Ashwin Vasavada thuộc dự án Xe tự hành Curiosity của Phòng thí nghiệm phản lực NASA ở Pasadena, California nhận định: “Cơ hội để có thể tìm thấy dấu hiệu đầu tiên của sự sống trên Sao Hỏa thời cổ đại trong các cuộc thám hiểm tương lai vừa tăng lên”.
Xe tự hành Curiosity cũng xác nhận sự gia tăng mạnh mẽ của khí methane theo mùa trong khí quyển sao Hỏa. Các nhà nghiên cứu cho biết họ không thể loại trừ một nguồn sinh học. Hầu hết khí methane trong khí quyển của Trái Đất đến từ động vật và thực vật, và chính môi trường.
Các nhà khoa học đồng ý rằng tàu vũ trụ tiên tiến hơn, và đá được đưa về Trái đất từ sao Hỏa – rất cần thiết để chứng minh liệu các sinh vật nhỏ bé như vi khuẩn, có tồn tại trên hành tinh đỏ hay không.
Xuất hiện lo ngại
về người Cô-dắc tham gia bảo vệ World Cup
Nga có kế hoạch triển khai hàng ngàn người Cô-dắc để bảo vệ Giải vô địch bóng đã thế giới (World Cup), nhưng các nhóm bán quân sự truyền thống này hiện đối mặt với những chỉ trích về tinh thần dân tộc chủ nghĩa thái quá của họ, cũng như về việc họ nhiều lần tấn công người biểu tình.
Những người Cô-dắc sẽ tuần tra cùng cảnh sát trong dịp World Cup tại thành phố Rostov trên sông Đông. Cứ mỗi cảnh sát sẽ có hai người Cô-dắc đi cùng.
Các nhà chức trách hy vọng người Cô-dắc sẽ bảo vệ người hâm mộ trong khi bổ sung màu sắc địa phương. Một số sẽ đội mũ lông truyền thống, và một nhóm khác sẽ biểu diễn trên lưng ngựa.
Nói chung, người Cô-dắc không có quyền bắt người hoặc phạt tiền, nhưng có những tai tiếng về việc một số người Cô-dắc sử dụng vũ lực thái quá.
Những người đàn ông mặc đồng phục Cô-dắc đã đấm và dùng roi tấn công những người Nga phản đối Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng trước tại trung tâm Moscow. Cảnh sát hầu như không làm gì để ngăn chặn họ. Tại Thế vận hội Sochi năm 2014, người Cô-dắc đã vụt các thành viên của ban nhạc Pussy Riot khi họ biểu tình.
Về mặt lịch sử, người Cô-dắc là sắc dân pha trộn giữa giới thực dân và tầng lớp quân sự ở các vùng biên giới phía nam và phía đông của Đế chế Nga. Sau nhiều thập niên bị đàn áp dưới thời Liên Xô, các nhóm tự xưng là người Cô-dắc phát triển như nấm sau mưa dưới thời ông Putin, thường là với sự tài trợ của chính phủ.
Tình trạng pháp lý của người Cô-dắc khá khác nhau. Một số nhóm là lực lượng phụ trợ chính thức của cảnh sát nhưng những nhóm khác về cơ bản chỉ là các câu lạc bộ xã hội. Hầu như không có mấy hình thức kỷ luật đối với những người Cô-dắc làm việc cho cảnh sát trong trường hợp họ đối mặt với cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức, thường là trong các vụ việc đối với những di dân hoặc các nhà hoạt động đối lập.
(AP)
Báo Trung Cộng đả kích lập trường Đài Loan của Hoa Kỳ,
kêu gọi Bắc Kinh đối đầu
Bắc Kinh, Trung Cộng – Hôm Thứ Sáu 8 tháng 6, tờ Global Times cho rằng Trung Cộng nên sẵn sàng cho cuộc đối đầu ở eo biển Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.
Trong tuần qua, nhiều oanh tạc cơ của Hoa Kỳ đã bay qua eo biển. Đây được xem là cách Hoa Kỳ gia tăng áp lực lên Trung Cộng ở Biển Đông. Tờ Reuter cho hay Washington có ý định điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan trong tương lai.
Giữa thời điểm Trung Cộng và Hoa Kỳ đang đàm phán thương mại, vấn đề quân sự hóa ở Biển Đông cũng thường xuyên được nhắc đến. Đây là vùng biển mà các nướcTrung Cộng, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines đều đang tranh chấp chủ quyền.
Sự gia tăng căng thẳng vì Đài Loan xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với bang giao Hoa kỳ-Trung Cộng, khi hai nước đang trong quá trình đàm phán để tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Trong năm nay, Trung Cộng đã thị uy Đài Loan bằng cách tăng cường các cuộc diễn tập quân sự, cho phi cơ ném bom và phi cơ quân sự bay quanh đảo và điều tàu phi trường vượt eo biển Đài loan. Hôm qua 7 tháng 6, Đài Loan đã mô phỏng cách đẩy lùi quân xâm lược và sử dụng phi cơ không người lái lần đầu tiên trong cuộc diễn tập quân sự hàng năm.
Trung Cộng luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ thiêng liêng của Bắc Kinh trong chính sách “Một Trung Cộng”, và Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực để kiểm soát hòn đảo nếu cần thiết. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bao-trung-cong-da-kich-lap-truong-dai-loang-cua-hoa-ky-keu-goi-bac-kinh-doi-dau/
Tư pháp Đức truy tố
một cố vấn thân cận của tổng thống Syria
Ngày 08/06/2018, tư pháp Đức phát lệnh truy nã quốc tế đối với một trong các quan chức cao cấp của chế độ Syria. Theo tuần báo Der Spiegel, đây là nỗ lực đầu tiên trên thế giới nhằm đưa một cộng sự của tổng thống Syria Bachar al-Assad ra tòa.
Chính quyền Assad từ nhiều năm nay vẫn bị giới bảo vệ nhân quyền tố cáo là thủ phạm của các vụ đàn áp tàn bạo chống lại người dân Syria. Thông tín viên Nathalie Versieux tường trình từ Berlin :
« Jamil Hassan, 64 tuổi, là một nhân vật quan trọng. Lãnh đạo cơ quan tình báo đáng sợ của không quân Syria có thể là một cố vấn thân cận của tổng thống Syria Bachar al-Assad. Theo tạp chí Spiegel, tư pháp Đức cáo buộc Jamil Hassan đã cho phép nhân viên dưới quyền đánh đập, cưỡng hiếp, tra tấn, sát hại hàng trăm người, ít nhất trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2013.
Điều tra của tư pháp Đức dựa trên một loạt bức ảnh, do một nhà nhiếp ảnh làm việc cho quân đội Syria cung cấp. Nhân chứng – chịu trách nhiệm chụp thi thể các tù nhân – đã chạy trốn năm 2013, cùng với hàng nghìn bức ảnh, mà ông đã chuyển cho tư pháp Đức sau đó.
Đức là một trong số vài quốc gia hiếm hoi trên thế giới áp dụng nguyên tắc công lý phổ quát, cho phép tư pháp một quốc gia truy tố các thủ phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, bất kể tội ác xảy ra tại nơi nào. Tư pháp Đức đặc biệt đã truy tố nhiều thủ phạm vụ diệt chủng tại Rwanda năm 1994 ».
Syria : Daech bị đẩy khỏi Boukamal
Về tình hình tại chỗ, hôm nay 09/06, lực lượng thân chính quyền Damas vừa đẩy lùi một cuộc tấn công của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ra khỏi thành phố Boukamal. Ít nhất 21 quân thánh chiến đã bị tiêu diệt.Trước đó, quân Daech đã chiếm được một phần thành phố này.
Boukamal, thành phố miền tây sát biên giới với Irak, là một địa điểm chiến lược mà Daech cố chiếm lĩnh. Chiến dịch đang diễn ra là đợt phản công quan trọng nhất của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria từ nhiều tháng nay. Hiện tại Daech chỉ còn kiểm soát được 3% lãnh thổ Syria, so với thời cao điểm gần 50%, cuối 2016.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180609-tu-phap-duc-truy-to-mot-co-van-than-can-cua-tong-thong-syria
Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải : Hạt nhân Iran,
Trung Quốc muốn làm trung gian
Với tư cách quan sát viên, tổng thống Iran được mời tham dự thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (SCO) diễn ra trong hai ngày 9 và 10/06/2018 tại Thanh Đảo. Hội nghị lần này mở ra trong bối cảnh Trung Quốc và Hoa Kỳ đọ sức trên vế thương mại. Teheran tìm kiếm hậu thuẫn của Bắc Kinh và Matxcơva về hạt nhân Iran.
Theo thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh Heike Schmidt chủ tịch Tập Cận Bình nỗ lực cứu vãn thỏa thuận Vienna 2015. Một tính toán có lợi cho cả Trung Quốc lẫn Iran.
“Liệu Tập Cận Bình có phải là một tay chơi cờ Poker ở cấp quốc tế như Donald Trump đã nhận xét hay không ? Có thể là như vậy. Chủ tịch Trung Quốc có khả năng giành được thắng lợi qua việc mời tổng thống Iran, Hassan Rohani (đến Thanh Đảo). Đây là cách để Bắc Kinh lấp chỗ trống mà Washington để lại sau khi rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran.
Thượng đỉnh tổ chức tại Thanh Đảo là cơ hội để lãnh đạo Trung Quốc sát cánh với Nga, đứng ra làm trung gian, cứu vãn thỏa thuận mà quốc tế đã phải đàm phán rất gay go mới đạt được.
Đã quá rõ, Bắc Kinh là đối tác thương mại quan trọng nhất của Teheran, là nguồn tiêu thụ dầu hỏa Iran lớn nhất. Trung Quốc hoàn toàn có lợi trên hồ sơ này. Iran là một lá chủ bài trong dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ XXI và Bắc Kinh đã bỏ ra hàng chục tỷ đô la đài thọ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án đầy tham vọng đó.
Không thể để khu vực này lại rơi vào tình trạng bất ổn vì những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Trái lại các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngấp nghé và đang được khuyến khích lợi dụng tình thế, lấp vào chỗ trống do các tập đoàn Mỹ và có thể là của cả các công ty châu Âu để lại. Đây là một nước cờ có lợi cho cả đôi bên. Trung Quốc thì muốn làm ăn, còn Iran thì đang cần có một điểm tựa về mặt ngoại giao để đối phó với Hoa Kỳ”.
Trung Quốc và Nga đã cùng với Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức đã ký kết vào thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 7/2015 tại Vienna.
Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải được thành lập năm 2001, bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan và 4 nước Trung Á là Ouzbékistan, Kazakhstan, Tadjikistan, Kirghizstan. Cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh đều xem tổ chức này là một công cụ làm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.