Tin khắp nơi – 09/04/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 09/04/2018

Bình Nhưỡng sẵn sàng ‘thảo luận phi hạt nhân hóa’

Bắc Hàn đã hứa với Hoa Kỳ sẽ thảo luận về tương lai kho vũ khí hạt nhân khi hai lãnh đạo gặp nhau, giới chức Mỹ cho hay.

Việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh bao gồm các cuộc gặp kín và đàm phán trực tiếp với Bắc Hàn, nguồn tin từ chính quyền Trump nói với CNN.

Tình báo Hoa Kỳ và Bắc Hàn được cho là đã thảo luận và gặp nhau nhiều lần ở một nước thứ ba.

Trump và Kim Jong-un sẽ gặp nhau ‘sớm nhất có thể’

TQ, Bắc Hàn xác nhận chuyến thăm của ông Kim

Kim Jong-un đi tàu thăm Bắc Kinh?

Hội nghị thượng đỉnh chưa có tiền lệ này dự kiến diễn ra vào tháng Năm.

Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Bắc Hàn.

Chi tiết về cuộc gặp, bao gồm địa điểm, vẫn chưa rõ ràng.

Nguồn tin của CNN cho hay Bắc Hàn đang thúc đẩy tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Pyongyang, hoặc một lựa chọn khác là thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ.

Không rõ Bình Nhưỡng có chấp nhận định nghĩa của Washington về phi hạt nhân hóa hay không – cái mà theo Nhà Trắng là kết thúc chương trình vũ khí hạt nhân.

Tin tức về các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Bắc Hàn được đưa ra trong tháng Ba làm nhiều người ngạc nhiên.

Sự kiện này xảy ra sau một năm đe dọa lẫn nhau, mỉa mai cá nhân, và chính sách bên miệng hố chiến tranh hạt nhân giữa lãnh đạo của hai nước.

Bắc Hàn từng ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân sau các cuộc đàm phán trước đây, và chỉ lại tiếp tục khi mất kiên nhẫn hoặc cảm thấy các nhu cầu của mình không được đáp ứng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43694793

 

Facebook gửi cảnh báo tới người dùng

Từ 23:00 hôm nay, giờ Việt Nam (9/4), người dùng Facebook bắt đầu được biết liệu họ có nằm trong số 87 triệu người bị xâm phạm dữ liệu cá nhân do Facebook chia sẻ với Cambridge Analytica không.

Tất cả tài khoản Facebook sẽ đều nhận được 1-2 thông báo cho biết là dữ liệu của họ có bị xâm phạm hay không.

Người dùng cũng sẽ được cho biết các ứng dụng nào họ sử dụng cùng những thông tin nào của họ mà các ứng dụng đó đã thu thập.

Bê bối Facebook ‘ảnh hưởng 87 triệu người’

Facebook ‘điêu đứng’ vì vụ bảo mật dữ liệu

Facebook sẽ khảo sát để tăng nguồn tin ‘đáng tin cậy’

Zuckerberg: Tôi vẫn là người tốt nhất để ‘chèo lái’ Facebook

Facebook cũng đã đình chỉ thêm một công ty phân tích dữ liệu khác là Cubeyou để tiến hành điều tra.

Người khổng lồ công nghệ này sẽ điều tra xem liệu Cubeyou có thu thập dữ liệu cho mục đích học thuật rồi sử dụng cho mục đích thương mại hay không sau khi hợp tác với Đại học Cambridge của Anh.

Việc điều tra được thực hiện sau các cáo buộc của CNBC, liên quan đến một đố vui cá nhân mang tên “You Are What You Like” hay còn gọi là “Apply Magic Sauce”.

Trong một email tuyên bố gửi tới Bloomberg, Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm của Facebook Ime Archibong cho biết các ứng dụng sẽ bị cấm từ nền tảng nếu công ty dữ liệu “từ chối hoặc không” kiểm toán.

Thông tin này xuất hiện khi Giám đốc Facebook Mark Zuckerberg chuẩn bị điều trần 2 ngày trước Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington do vụ bê bối dữ liệu người dùng gần đây.

Trang web You Are What You Like được Cubeyou cộng tác với Trung tâm Tâm lý học Đại học Cambrigde thiết lập.

Đại học Cambridge nói rằng những người tham gia đã đồng ý dữ liệu của họ được sử dụng “cho cả mục đích học thuật và kinh doanh” như đã được ghi trong các điều khoản và điều kiện trên trang web – và thêm rằng tất cả dữ liệu đều được ẩn danh.

Tuy nhiên, theo các điều khoản và điều kiện của Apply Magic Sauce, trường đại học này nói rằng trang web này chỉ được sử dụng cho mục đích “nghiên cứu phi lợi nhuận”.

Ông chủ Facebook điều trần trước ủy ban Hạ viện

Zuckerberg ‘rất tiếc’ vụ bảo mật dữ liệu

Thay đổi của Facebook làm giảm số người dùng

Zuckerberg bác bỏ ý kiến của Trump

“Cubeyou chỉ đơn thuần thiết kế giao diện cho một trang web sử dụng các mô hình của chúng tôi để cung cấp cho người dùng cái nhìn sâu sắc về dữ liệu của họ”, theo Đại học Cambridge.

“Chúng tôi đã không liên hệ với họ kể từ tháng 6/2015.”

Đại học Cambridge cũng liên quan đến vụ bê bối Cambridge Analytica, vì một trong các viện nghiên cứu của trường đã thiết lập câu đố thu thập dữ liệu theo yêu cầu thuộc quyền sở hữu của Cambridge Analytica.

Đại học Cambridge phủ nhận hợp tác với Cambridge Analytica hoặc công ty mẹ của nó là SCL và cho biết họ chưa bao giờ cung cấp dữ liệu, thuật toán hoặc bất kỳ sự thẩm định nào cho công ty này.

Cubeyou là gì?

Là một trong số các công ty được thành lập để giúp các doanh nghiệp như nhà xuất bản và nhà quảng cáo nhắm đến mục tiêu tiếp thị của họ. Không rõ liệu Cubeyou có tham gia các chiến dịch truyền bá thông điệp chính trị, giống như Cambridge Analytica đã làm.

Trên trang web của mình, công ty dữ liệu Cubeyou tự miêu tả là đang có “tất cả nguồn dữ liệu người tiêu dùng tốt nhất ở một nơi.”

“Xác định người tiêu dùng không chỉ bởi nhân khẩu học hoặc thói quen tiêu dùng mà còn bằng cách tận dụng tất cả các mô tả về tính cách, sở thích và niềm đam mê của họ,” Cubeyou nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43697724

 

Thêm cựu tổng thống Nam Hàn bị truy tố

Cựu tổng thống Nam Hàn, ông Lee Myung-bak, chính thức bị truy tố tội tham nhũng.

Tin tức được công bố hôm thứ Hai, chỉ ít hôm sau khi người tiền nhiệm của ông, bà Park Geun-hye bị tuyên án với những cáo buộc tương tự.

Bà Park nay bị án tù 24 năm cho tội tham nhũng.

Cựu tổng thống Hàn Quốc bị án 24 năm tù

Bà Park Geun-hye bị truy tố với tội danh mới

Park Geun-hye: Từ danh vọng tổng thống đến sa cơ

Tổng thống Hàn Quốc ‘là người Bắc di cư’

Cơ quan công tố nói ông Lee bị buộc tội nhận hối lộ, biển thủ, trốn thuế và lạm quyền.

Ông bị cáo buộc là đã nhận hơn 10 triệu đô la tiền hối lộ, trong đó có những khoản từ cơ quan tình báo nước này và từ tập đoàn công nghệ khổng lồ Samsung.

Các đối tượng bị nêu danh đều phản bác cáo buộc

Ông Lee nói các bằng chứng chống lại ông đều là chuyện thêu dệt.

Nếu bị kết tội, ông Lee, người từng giữ chức tổng thống Nam Hàn trong thời gian từ 2008 đến 2013, có thể phải đối diện mức án tù chung thân.

Ông bị bắt giam từ cuối tháng trước, nhưng từ chối, không chịu để bên công tố thẩm vấn.

Hãng tin Yonhap của Nam Hàn nói phiên tòa xử ông dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng tới.

Các tổng thống Nam Hàn thường có xu hướng phải vào tù sau khi hết thời, nhất là khi các đối thủ chính trị của họ lên nắm quyền ở Nhà Xanh, hãng tin AFP bình luận.

Park Geun-hye: Từ danh vọng tổng thống đến sa cơ

Park Geun-hye và tình bạn đứng sau khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc

Tổng thống Park bị luận tội

Trước bà Park, hai ông Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo, vốn giữ chức tổng thống trong giai đoạn thập niên 1980 cho tới đầu thập niên 1990 đã bị các án tù về tội tham nhũng và mưu phản sau khi rời vị trí.

Tuy nhiên, cả hai ông đều được ân xá sau khi thụ án hai năm.

Một cựu lãnh đạo khác, ông Roh Moo-hyun, thì tự vẫn sau khi bị lôi vào một vụ điều tra tham nhũng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-43699553

 

Trung Quốc phản đối

chủ nghĩa đơn phương, khiêu khích của Mỹ

Trung Quốc hôm 9/4 lên tiếng sẽ mạnh mẽ đáp trả việc chính phủ Mỹ dọa áp thuế suất nhập khẩu hàng tỷ đôla lên hàng hóa Trung Quốc, đổ lỗi cho Washington gây ra căng thẳng thương mại, và tuyên bố rằng không thể đàm phán trong “tình hình hiện tại,” theo hãng tin Reuters.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo thường kỳ: “Trong tình hình hiện nay, cả hai bên thậm chí không thể đàm phán về những vấn đề này.”

Ông Sảng nói: “Hoa Kỳ một mặt đe dọa trừng phạt, mặt khác nói rằng họ sẵn sàng đàm phán. Tôi không biết Hoa Kỳ đang giả bộ như vậy với ai.”

Phát ngôn viên này nói thêm rằng những tranh chấp thương mại giữa hai nước “hoàn toàn là sự khiêu khích của Hoa Kỳ.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu nhận định này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/4 dự báo rằng Trung Quốc sẽ gỡ bỏ các rào cản thương mại và bày tỏ sự lạc quan rằng hai bên có thể giải quyết vấn đề thương mại thông qua đàm phán.

Theo một thông cáo của hội đồng nhà nước hôm 9/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng một cuộc chiến tranh thương mại đơn phương sẽ không chỉ gây tổn hại đến lợi ích song phương mà còn gây tổn hại đến lợi ích chung của thế giới.

Ông Lý Khắc Cường nói với Tổng Thư ký LHQ António Guterres trong một cuộc họp ở Bắc Kinh hôm 8/4 rằng giữa lúc kinh tế toàn cầu đang tồn tại những bất ổn, chúng ta cần phải chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Ông Lý Khắc Cường nói thêm rằng việc chủ nghĩa đa phương đối đầu với chủ nghĩa đơn phương sẽ đe doạ hòa bình và ổn định toàn cầu.

Trong khi đó, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Tiền Khắc Minh phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam rằng Bắc Kinh không muốn tham gia một cuộc chiến tranh thương mại, nhưng không hề sợ hãi trước một cuộc chiến như vậy.

Ngày 9/4, hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc đang cân nhắc giảm dần giá trị đồng Nhân dân tệ như một cách để đối phó với tình hình căng thẳng thương mại đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-phan-doi-chu-nghia-don-phuong-khieu-khich-cua-my/4338613.html

 

Indonesia bắt tàu đánh cá lậu có lưới dài 30 km

Indonesia, theo yêu cầu của Interpol, vừa bắt giữ một tàu đánh cá lậu chở theo 600 chiếc lưới đánh cá bất hợp pháp với tổng chiều dài khoảng 30 km. Bộ Ngư nghiệp Indonesia cho biết trước đó nhiều nước khác đã tìm cách bắt chiết tàu cá lậu này nhưng không được.

Bộ Ngư nghiệp nói rằng chiếc tàu mang số hiệu STS-50 nhắm mục tiêu đánh bắt cá răng Nam cực, một loại cá tuyết giữ một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Nam đại dương.

Đánh bắt cá bằng lưới giăng mắt nhuyễn bị cấm tại vùng biển Nam cực từ năm 2006. Australia xem cách đánh bắt bằng lưới giăng mắt nhuyễn này tạo ra một mối đe doạ khôn lường cho “hầu như mọi loài sinh vật biển.”

Thông báo của Bộ Ngư nghiệp hôm Chủ nhật nói rằng tàu STS-50 không có quốc tịch rõ ràng. Chiếc tàu này trốn thoát giới hữu trách bằng cách treo 8 cờ khác nhau vào những thời điểm khác nhau, bao gồm cờ của Sierra Leone, Togo, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Micronesia và Namibia.

Bộ trưởng Ngư nghiệp Susi Pudjiastuti nói trong thông báo rằng cơ quan hình cảnh quốc tế Interpol liên lạc với Indonesia hồi tuần trước và yêu cầu Jakarta điều tra con tàu này.

Ông Pudjiastuti nói: “Tàu hải quân Simeuleu đã chặn lại khám xét và bắt giữ chiếc tàu đánh cá lậu hôm thứ Sáu.”

Vẫn theo lời ông Pudjiastuti, chiếc tàu này trước đó đã từng bị Trung Quốc bắt giữ, những đã trốn thoát, rồi kế đến bị bắt giữ tại cảng Maputo của Mozambique, rồi lại trốn thoát.

Thông báo của Bộ Ngư nghiệp nói tiếp rằng trước khi bị bắt giữ ngoài khơi đảo Weh, thuộc tỉnh Aceh ở tây bắc Indonesia, chiếc tàu này đã sử dụng những tên khác nhau, bao gồm Sea Breeze, Andrey Dolgov, STD No. 2 và Aida.

Dữ liệu hàng hải của Reuters cho thấy chiếc tàu dài 54 mét, trọng tải 452 tấn được đóng vào nằm 1985.

Thông báo của Indonesia cho biết vào lúc bị bắt giữ, chiếc STS-50 có 20 thuỷ thủ người Indonesian và Nga trên tàu.

Hiện chưa có tin tức các thuỷ thủ này bị xử lý như thế nào.

Thông báo trích lời Phó Tham mưu Hải quân Achmad Taufiqoerrochman nói rằng các thuỷ thủ người Indonesia không có giấy tờ tuỳ thân đã làm việc trên tàu này trong một thời gian dài mà không được trả lương, ám chỉ những người này có thể là nạn nhân của bọn buôn người.

Đánh bắt cá răng nam cực được quản lý theo quy định của Công ước bảo tồn tài nguyên sống biển Nam cực. Quy định này cấm đánh bắt cá bằng lưới giăng mắt nhuyễn, và triệt để áp dụng các quy định đánh bắt cá ở Nam Đại dương.

Ông Pudjiastuti nói: “Chúng tôi muốn lấy vụ này làm một ví dụ để kêu gọi thế giới nhất quyết không khoan nhượng cho đáng bắt cá lậu.”

Indonesia đã tiêu huỷ hằng trăm tàu đánh bắt cá lậu của nước ngoài kể từ năm 2014 trong một nỗ lực bảo vệ nguồn hải sản và ngư dân của nước này.

Năm 2016, Indonesia đã giúp Interpol trong vụ bắt giữ một chiếc tàu lớn bị tình nghi đánh bắt cá lậu, mang cờ Trung Quốc, sau khi tàu này bị hải quân Argentina bắt nhưng trốn thoát được vào hải phận quốc tế.

Cũng trong năm 2016, Indonesia dùng chất nổ đánh chìm một chiếc tàu lớn chuyên đánh bắt lậu các răng Nam cực. Chiếc tàu đó sử dụng 12 tên khác nhau và mang cờ của ít nhất 8 nước.

https://www.voatiengviet.com/a/tau-danh-ca-lau-co-luoi-dai-30-km-bi-indonesia-bat/4338737.html

 

Syria và Nga tố cáo Israel

oanh kích căn cứ không quân gần Homs

Damascus, Syria. (Reuters)- Syria hôm nay 9 tháng 4 tố cáo Israel đêm qua đã bắn hoả tiễn vào căn cứ không quân của họ, và nghi ngờ Hoa Kỳ đứng đàng sau vụ tấn công.

Chính phủ Nga, đồng minh chính của chính phủ Damascus cũng đồng thời nói rằng hai chiến đấu cơ F-15 của Israel đã thực hiện hai đợt tấn công gần Homs ở miền trung Syria. Bộ quốc phòng Nga cho hay phi cơ Isarel đã thực hiện cuộc tấn công từ không phận Lebanon, và hệ thống hoả tiễn phòng thủ của Syria đã bắn hạ 5 trong tổng cộng 8 hoả tiễn.

Chính phủ Hoa Kỳ bác bỏ lời tố cáo liên can, trong khi một viên chức bộ Quốc phòng Pháp cũng tuyên bố họ không can dự cuộc tấn công nói trên.

Thông báo trên được công bố là sự kiện bất thường đối với người Nga. Vì họ thường tỏ ra thận trọng trước các vụ không kích của Israel tại Syria kể cả khi cố gắng chống đỡ cho chế độ Bashar al-Assad cầm quyền. Năm 2015, Nga và Israel đã thiết lập đường dây liên lạc khẩn cấp, để ngăn ngừa các cuộc đụng độ vô tình có thể xảy ra tại Syria. Nguồn tin từ giới ngoại giao của cả hai bên nói rằng Moscow muốn phớt lờ mọi hành động của Israel tại Syria miễn sao họ không gây bất ổn cho Damascus.

Israel hiếm khi mở đợt oanh kích tại Syria, nhưng từng tuyên bố rằng họ muốn ngăn chận Iran chuyển giao vũ khí cho Hezbollah. Trước đó, chính phủ Israel tố cáo Damascus đã cho phép Iran xây dựng khu phức hợp tại căn cứ quân sự để cung cấp vũ khí cho đồng minh của họ là Hezbollah, tổ chức Hồi giáo người Shi’ite của Lebanon.

Hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ phản ứng mạnh sau khi các tổ chức viện trợ y tế cho hay hàng chục thường dân bị thiệt mạng trong vụ tấn công bằng chất độc hoá học tại thị trấn của quân nổi dậy đang bị bao vây ở Syria. (Song Châu)

https://www.sbtn.tv/syria-va-nga-to-cao-israel-oanh-kich-can-cu-khong-quan-gan-homs/

 

Hungary : FIDESZ thắng lớn,

thủ tướng Orban hứa hẹn “báo thù”

Hoàng Nguyễn

Bầu cử Quốc hội Hungary diễn ra hôm qua 8/4/2018 mang lại chiến thắng áp đảo cho phe cánh hữu hiện đang cầm quyền ở nước này: tính đến thời điểm hiện tại, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ và Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo KDNP có khả năng giành được ít nhất 133 trên tổng số 199 ghế trong Nghị viện Hung.

Cho dù những dữ liệu được công bố chưa phải là kết quả chung cuộc, tuy nhiên có thể đoan chắc là liên minh cầm quyền hiện tại một lần nữa lại chiếm được tỷ lệ 2/3 số ghế trong Quốc hội, điều này trong thực tế khiến liên minh này có thể tự sửa đổi Hiến pháp và các đạo luật trọng yếu mà không cần tới sự tham dự của các dân biểu đối lập. Điều đã diễn ra ròng rã từ năm 2010 tới nay!

Thông tín viên Hoàng Nguyễn (Budepest) 09/04/2018 Nghe

Tranh cử hù dọa : Đảng cầm quyền thắng “quá áp đảo”, đối lập bị “hủy diệt”

Sau nhiều tuần vận động tranh cử hết sức gay gắt, khi các đảng phái ở Hungary không từ bất cứ thủ đoạn và ngôn từ gì để bôi nhọ lẫn nhau, khiến báo chí ngoại quốc cho rằng chưa bao giờ văn hóa chính trị của Hung xuống dốc thảm hại như vậy, phe cầm quyền hiện tại đã có được chiến thắng quá áp đảo mà chính họ cũng không tính đến, theo các bình luận của giới nghiên cứu chính trị nước này.

Bởi lẽ, trước đó, phe đối lập Hungary dù yếu ớt và bị chia rẽ trầm trọng, nhưng cũng đã nỗ lực hết mình với nhiều động thái phối hợp, như tìm cách dồn phiếu cho ứng viên dân biểu đối lập có khả năng nhất trong cuộc đọ sức với FIDESZ. Các đảng đối lập cũng tính tới chuyện nếu tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vượt mức 70%, thì có thể xảy ra những bất ngờ có lợi cho họ, do “lòng dân muốn thay đổi”.

Và trong thực tế, tỷ lệ cử tri tham gia kỳ bỏ phiếu lần này thực sự đã đạt mức kỷ lục từ mấy chục năm nay, tuy nhiên trái với tính toán của phe đối lập, và với nhận định trước đây của giới bình luận, kết quả đạt được lại chứng tỏ đường lối của Thủ tướng Orbán Viktor và đảng FIDESZ. Thậm chí, đây là kỳ bầu cử đầu tiên mà FIDESZ chiến thắng trong hoàn cảnh lượng cử tri đông đảo đi bỏ phiếu.

Với Đạo luật Bầu cử được sửa đổi theo hướng rất có lợi cho chính quyền hiện tại, tận dụng bộ máy truyền thông công ích hoàn toàn bị o ép và điều khiển phục vụ lợi ích của phe cầm quyền, FIDESZ đã thắng lợi mà không cần đưa ra bất cứ chương trình hành động gì, mà chỉ dựa trên chiến dịch tranh cử hết sức thô bạo mang tính hù dọa cử tri Hung trước viễn cảnh nước này bị di dân “xâm lược”.

Đặc biệt, với chính sách cho phép Hung kiều mang hai quốc tịch ở ngoại quốc có quyền cử tri, FIDESZ đã nhận được số phiếu của đại đa số thành phần này. Ngoại trừ một số khu vực bầu cử ở thủ đô, nơi các ứng viên đối lập giành được một số ghế trên tư cách cá nhân, các tỉnh thành nông thôn ở Hungary hoàn toàn ủng hộ FIDESZ, một phần do báo chí địa phương đã bị FIDESZ thâu tóm từ lâu.

Đảng đối lập lớn nhất JOBBIK, từng là một chính đảng cực hữu, nhưng đã thay đổi rất nhiều trong vài năm qua để được sự chấp nhận đông đảo hơn của cử tri Hungary, đã không đạt được tiến bộ gì đáng kể so với 4 năm trước. Phe đối lập bị hủy diệt trong thực tế, nhiều vị chủ tịch đảng đã tuyên bố từ chức, báo chí Hung nhận xét rằng các đảng đối lập nước này lâm vào cảnh khủng hoảng chưa từng có.

Lòng dân phân hóa

Trong phát biểu mừng chiến thắng, Thủ tướng Orbán Viktor khẳng định các cử tri Hung đã “bảo vệ Tổ quốc” bằng lá phiếu của mình, và nước Hung đã đi theo con đường riêng mà quốc gia này lựa chọn. Các lãnh đạo thượng đỉnh khác của FIDESZ cũng cho rằng, “đây là chiến thắng của người Hung”, cử tri Hung không để cho kẻ khác đưa ra quyết định thay cho họ, và “tương lai nước Hung đã được bảo vệ”.

Các đảng đối lập không giấu được sự cay đắng khi thừa nhận thua cuộc, nhưng đa số tỏ ra chấp nhận thất bại. Trong khi đó, giới bình luận nhấn mạnh, kể từ khi Hungary thay đổi thể chế năm 1989-1990, chưa bao giờ có một thế lực chính trị nào liên tục chiến thắng trong ba kỳ bầu cử Quốc hội liên tiếp, và trận thắng này của FIDESZ có thể coi là oanh liệt nhất, khiến đảng này có được tính “chính danh”.

Nắm trong tay quyền hành vô độ, phe cầm quyền FIDESZ đã tỏ ra coi thường tất cả những chuẩn mực trong ứng xử và đời sống chính trị dân chủ, thậm chí còn bỏ qua phán quyết của Tòa án Tối cao khi họ liên tục vi phạm luật trong quá trình vận động tranh cử. Đồng thời, lòng tin vào các đảng đối lập ngày càng suy giảm đáng kể, lòng dân nước này càng bị phân hóa theo những phản ứng đầu tiên hậu bầu cử.

Hướng tới thủ tiêu truyền thông độc lập và đối lập

Xã hội dân sự tiếp tục bị bài trừ và quản lý ngặt nghèo, sự độc lập của các cơ quan tư pháp tiếp tục bị hạn chế để dẫn tới bị thủ tiêu, truyền thông đối lập và độc lập tiếp tục bị thâu tóm, tham nhũng tầm nhà nước tiếp tục diễn ra, cùng sự “báo thù” mà Thủ tướng Orbán Viktor hứa sẽ thực hiện sau cuộc bầu cử… là những viễn cảnh mà nền chính trị Hungary có thể gặp phải với chiến thắng của phe cánh hữu.

Sau khi có nhiều động thái nhằm dán nhãn, gây khó dễ, bài trừ các tổ chức dân sự bị coi là “nhận tiền ngoại quốc”, “gián điệp ngoại bang”, “di dân hóa nước Hung”, “phản bội tổ quốc”, chính quyền Hung sẽ thông qua đạo luật mang tên Stop Soros với mục đích tạo điều kiện cho Bộ Nội vụ nước này dùng các phương tiện mật vụ để kiểm soát xã hội dân sự. Có thể Hiến pháp Hungary cũng sẽ bị sửa đổi cho việc này.

Gần như chắc chắn là ông Orbán Viktor sẽ đụng đến các đạo luật điều tiết sự hoạt động của tòa án các cấp, vì cho tới giờ tư pháp là nhánh quyền lực nhiều khi vẫn tỏ ra “bất trị” với những phán quyết khiến chính quyền đau đầu. Bên cạnh đó, mặc dù đã nắm giữ toàn bộ các cơ quan truyền thông ở các tỉnh, thành và nhiều cơ quan mang tầm toàn quốc, tuy nhiên vẫn còn đó một số ít báo chí độc lập luôn làm FIDESZ “nóng mặt”.

Sự dọa dẫm mà Thủ tướng Hungary nêu ra trong phát biểu trong ngày Đại lễ 15/3 vừa qua, thực ra đã được tiến hành từ vài năm nay. Cơ quan công tố và thuế vụ, hay Kiểm toán Nhà nước từng được sử dụng hữu hiệu như những vũ khí đáng sợ. Mới đây, FIDESZ còn coi những chính khách đối lập là mối nguy hiểm tới an ninh quốc gia, và ông Orbán còn cho rằng Hung hiện có kẻ thù là 2.000 “lính đánh thuê” của nhà tỷ phú Soros.

Theo giới quan sát, trên cương vị một lãnh đạo dân túy cầm quyền thâm niên nhất, đồng thời là người đi đầu trong việc xây dựng chủ thuyết “dân chủ phi tự do”, Thủ tướng Orbán Viktor kiến tạo một chế độ chính trị đặt tính chính đanh của mình trên kết quả những cuộc bầu cử hợp thức, nhưng cùng lúc đó sẵn sàng tấn công các định chế khác của nền dân chủ, như nhà nước pháp quyền, thể chế tam quyền phân lập, v.v…

Về mặt kinh tế, đặc điểm của thể chế “dân chủ phi tự do” là tạo điều kiện cho sự hình thành của các tập đoàn đặc quyền đặc lợi, khiến Hungary trở thành một trong vài quốc gia đội sổ Liên Âu về sự tham nhũng tầm nhà nước. Chiến thắng lần này của FIDESZ trong bầu cử sẽ khiến chuyện “làm ăn” của giới lãnh đạo với Nga trong hồ sơ năng lượng nguyên tử được tiếp tục, điều khiến Hungary có thể lâm vào cảnh nợ nần.

Thủ tướng Orbán có thể lái Liên Âu vào con đường dân túy

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, việc đảng của ông Orban chiến thắng tại Hungary có nhiều ảnh hưởng đến tương lai của Liên Hiệp Châu Âu.

Một câu hỏi lớn đặt ra là: sau khi tái đắc cử thủ tướng, Victor Orban sẽ thi hành chính sách nào với Liên Âu? Hai kịch bản có thể.

Một là Budapest sẽ đối đầu trực diện với Bruxelles, giống như đã làm kể từ năm 2015, khi chống lại chính sách chia sẻ gánh nặng đón tiếp người tỵ nạn. Hungary đã tích cực thúc đẩy lập trường dân tộc chủ nghĩa trong nhóm Visegrad, bao gồm ba thành viên Trung và Đông Âu khác (Cộng Hòa Séc, Ba Lan, Slovakia), chống lại chính sách liên hiệp của Liên Âu, với trụ cột là trục Pháp-Đức. Thủ tướng Orban cũng công khai muốn tìm kiếm liên minh với liên đảng cánh hữu và cực hữu cầm quyền tại Áo.

Kịch bản thứ hai được nhiều chuyên gia cho là điều có nhiều khả năng xảy ra hơn. Đó là, thay vì chống lại, thủ tướng Hung sẽ tìm cách thay đổi các định chế Liên Âu từ bên trong. Duy trì Liên Âu nằm trong lợi ích của Budepest, hiện tại Hungary là nước được hưởng nhiều tài trợ nhất từ Liên Âu, với tổng trị giá 6% GDP, vượt xa nước thứ hai là Bulgari với 4,5% GDP.

Không giống như các lãnh đạo dân túy truyền thống cỗ vũ cho việc rút khỏi Liên Âu và khu vực đồng euro, đặc điểm của làn sóng chính trị dân túy mới đang lên tại Châu Âu, với thủ tướng Orban là đại diện – là vượt qua đối lập truyền thống giữa “chống” và “ủng hộ” Liên Hiệp Châu Âu.

Hai nội dung chính trong chiến lược mới này là cổ vũ cho liên minh giữa Liên Âu với nước Nga Putin, và cuộc chiến chống lại điều mà ông Orban gọi là nguy cơ Châu Âu bị “Hồi Giáo hóa”, do làn sóng nhập cư từ các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi. Quan điểm tôn Thiên Chúa Giáo lên làm giá trị nền tảng của Châu Âu, và cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc bài ngoại của thủ tướng Hung đi ngược lại quan điểm dân chủ tự do và chủ nghĩa nhân văn, là nền tảng của các định chế châu Âu hiện nay.

Nhiều chuyên gia đánh giá quan điểm “hoài nghi châu Âu” của Orban là “khôn khéo hơn nhiều” và “nguy hiểm hơn nhiều” so với các thế lực chính trị dân túy truyền thống. Một số nhà bình luận nêu ra quan điểm bi quan nhất : Nếu các đảng hoài nghi châu Âu kiểu mới, như đảng FIDESZ của Hung và phong trào 5 Sao ở Ý, và các đảng dân túy truyền thống hợp sức lại trong cuộc bầu cử châu Âu sắp tới và giành được 40% phiếu bầu, một kịch bản dù khó nhưng có thể xảy ra, thì các thế lực dân túy có thể sẽ không cần phá bỏ Liên Âu, mà dùng chính các định chế hiện hành của Liên Hiệp Châu Âu để thi hành các chính sách cực đoan của mình.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180409-hungary-dang-fidesz-thang-lon-thu-tuong-orban-hua-hen-bao-thu

 

Đệ Nhất Thế Chiến : 100 năm trận đánh Lys,

Bồ Đào Nha một đồng minh bị lãng quên ?

Ngày 09/04/2018, Bồ Đào Nha tưởng niệm 100 năm trận đánh Lys, xảy ra trong thời kỳ Đệ Nhất Thế Chiến. Tham dự lễ tưởng niệm có sự hiện diện của tổng thống Bồ Đào Nha và đồng nhiệm Pháp. Trận đánh Lys là một giai đoạn bi thảm và là một sự dấn thân ít được biết đến của Bồ Đào Nha bên cạnh các đồng minh.

Thông tín viên Marie-Line Darcy khẳng định đây là một câu chuyện lịch sử không được biết đến, trong khi mà Bồ Đào Nha đã trả giá đắt : 300 sĩ quan bị giết chết và hơn 7.000 binh sĩ bị bắn hạ, bị thương hay bị bắt làm tù binh trong tổng số 15.000 người tham gia trận đánh ngày 09/04/1918.

Đó là một cuộc chiến tranh đường hào, diễn ra dọc theo sông Lys, phía bắc nước Pháp, một giai đoạn của cuộc chiến vùng Flandres. Nước Bồ Đào Nha vốn dĩ đứng ngoài ngay từ đầu cuộc chiến, cuối cùng cũng đã can dự vào kể từ năm 1916.

Kể từ khi chấm dứt các cuộc chinh phục của Napoleon cách đó 100 năm, Bồ Đào Nha lúc ấy chưa hề biết đến cuộc đối đầu nào trên lãnh thổ. Nhưng lần này, người Bồ Đào Nha đã dấn thân bên cạnh đồng minh truyền thống của mình là Anh Quốc.

Từ hơn sáu tháng, sư đoàn số 2 của Bồ Đào Nha đóng dọc theo sông Lys đã hứng chịu các vụ tấn công dồn dập của quân Đức. Họ bắt đầu kiệt sức, chỉ còn thiếu chút nữa là đầu hàng. Số phận trớ trêu, đúng vào lúc đưa ra quyết định rút quân, đại pháo của Đức nã vào quân Bồ Đào Nha. Có thể nói đây là kỳ bại trận đau đớn nhất của quân đội Bồ Đào Nha kể từ trận Alcaçar Quibir tại Maroc vào năm 1578.

100 năm sau, tranh luận dấy lên

Giờ đây tranh luận về sự dấn thân của đất nước bên cạnh các đồng minh đã dấy lên. Bồ Đào Nha lúc đó không hề bị de dọa về sự toàn vẹn lãnh thổ. Chính những lý do chính trị đã đẩy đất nước lao vào « cuộc chiến bẩn thỉu » đó.

Đất nước bị bất ổn chính trị, vào lúc mà Hiến Pháp Cộng Hòa đầu tiên chỉ mới bắt đầu vào năm 1911. Vậy mà, một sĩ quan cao cấp, Sidonio Pais đã quyết định đưa đất nước lao vào cuộc chiến. Nhưng ông ấy cần một chiến công lớn để khẳng định uy quyền mà ông chiếm được từ cú đảo chính.

Hơn nữa, các vùng thuộc địa Angola và Mozambique cũng đang bị Đức nhòm ngó. Việc huy động quân đã làm nổi dậy làn sóng phản đối của người dân. Một trong những tranh cãi quan trọng nhất liên quan đến vai trò mà nước Anh nắm giữ. Nước Anh dường như đã bỏ rơi những binh sĩ Bồ Đào Nha mà họ có trách nhiệm bảo vệ.

Trong khi đó, đối với nhiều sử gia khác, dường như chính các viên sĩ quan Bồ Đào Nha đã không để ý đến binh sĩ của mình, thậm chí tìm cách che giấu các vụ binh sĩ nổi loạn vì đói và hoảng sợ.

Tự hào về vai trò của mình trong cuộc chiến

Dù vậy, trận đánh Lys cũng đã mang lại cho Bồ Đào Nha một người anh hùng, binh sĩ Million. Biệt danh đến từ họ của anh, Milhais. Augusto Milhais là binh sĩ Bồ Đào Nha duy nhất được phong tặng huy chương tinh thần thượng mã (Ordre de la Tour et de l’Epée), danh hiệu quân đội cao quý nhất của đất nước.

Vào lúc vụ tấn công xảy ra bên dòng sông Lys, binh sĩ này một mình trong chiến hào. Với cây súng tiểu liên có biệt danh là « Luisa », anh đã « đơn thương độc mã » chống lại một đạo quân Đức. Cũng chính viên binh sĩ này sau đó đã cứu mạng một bác sĩ người Scotland, người đã thuật lại vụ việc và cử chỉ của binh sĩ Bồ Đào Nha.

Sau bốn ngày lang thang và trở về trại, tướng chỉ huy của anh đã trao tặng cho một biệt danh, tôn vinh tinh thần chiến đấu của Milhais. Kể từ đó, Milhais đã trở thành anh hùng dân tộc. Một bộ phim về người binh sĩ năm đó sẽ ra mắt công chúng Bồ Đào Nha trong tuần này. Nghĩa trang nơi diễn ra các lễ tưởng niệm chính thức là nơi yên nghỉ của 1.830 binh sĩ Bồ Đào Nha tham gia trận đánh năm đó.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180409-de-nhat-the-chien-100-nam-tran-danh-lys-bo-dao-nha-dong-minh

 

Pháp : SNCF thiệt hại 100 triệu euros

sau đình công đợt một

Tú Anh

Thứ Hai 09/04/2018, phong trào đình công của nhân viên hỏa xa Pháp SNCF bước vào tuần lễ thứ hai, đúng vào ngày dự luật cải cách quy chế từ công ty Nhà nước thành công ty vô danh được đưa ra Quốc Hội thảo luận.

Theo một phát ngôn viên của SNCF, chuyên chở công cộng tại Pháp tiếp tục bị rối loạn nhưng nhẹ hơn tuần trước. Đúng như dự kiến, với 43% nhân viên đình công, công ty đường sắt bảo đảm được nhịp tàu tối thiểu phục vụ các tuyến quốc gia và địa phương.

Tuy nhiên, chiến dịch đình công gây áp lực, cho dù theo nhịp hai ngày trên ba, có thể gây thiệt hại nặng cho kinh tế Pháp. Trước hết, theo chủ tịch tổng giám đốc Guillaume Pepy, SNCF đã bị thiệt 100 triệu euro sau hai ngày đình công trong đợt một tuần qua. Tại một vài nơi, công nhân đình công ngăn không cho xe ca thay thế các chuyến tàu nằm bến.

Hoạt động doanh nghiệp, do ảnh hưởng đình công, bị đình trệ đáng kể, không thể nhận hàng và chuyển giao hàng đúng hạn. Tổng liên đoàn các xí nghiệp vừa và nhỏ lên tiếng báo động và kêu gọi « tinh thần trách nhiệm » của giới công đoàn lao động.

Những lời kêu gọi và báo động này nhằm thúc giục các công đoàn và chính phủ gấp rút thương lượng khai thông bế tắc trong bối cảnh kể từ hôm nay, Quốc Hội Pháp bắt đầu xem xét dự luật cải cách SNCF.

Thứ Năm tới, đích thân tổng thống Pháp sẽ trực tiếp trả lời các câu hỏi của dân chúng trong một chương trình đặc biệt của đài TF1.

http://vi.rfi.fr/phap/20180409-phap-sncf-thiet-hai-100-trieu-euros-sau-dinh-cong-dot-mot

 

Căn cứ quân sự Syria bị tấn công, ai có lợi ?

Thanh Hà

Sân bay do quân đội Syria kiểm soát T-4 thuộc tỉnh Homs bị tấn công bằng tên lửa vào sáng sớm ngày 09/04/2018, 14 người thiệt mạng. Pháp và Mỹ phủ nhận là tác giả trong lúc quân đội Nga nêu đích danh trách nhiệm của Nhà nước Israel. Vì sao căn cứ quân sự ở miền trung Syria, nằm giữa thành phố Homs và Palmyra, là mục tiêu đợt không kích sáng nay và trong số các bên liên quan, ai có lợi khi mở cuộc tấn công lần này ?

Sau vụ tấn công vào sáng sớm hôm nay, Sana hãng thông tấn chính thức của chế độ Damas đưa tin “nhiều tên lửa đã bắn trúng phi trường quân sự T-4” và “nghi ngờ” có bàn tay của Hoa Kỳ trong vụ này. Chỉ vài giờ sau, Sana đã rút lại cáo buộc trên, cùng lúc bộ Quốc Phòng Mỹ khẳng định “không mở chiến dịch oanh kích tại Syria“. Phát ngôn viên Bộ tổng tham mưu quân đội Pháp, tướng Patrick Steiger xác định với hãng tin Pháp AFP là Paris không liên quan.

“Bàn tay” của Mỹ ?

Washington và Paris đã nhanh chóng lên tiếng, bởi vì trước vụ oanh kích nhắm vào phi trường quân sự Syria, ngày 08/04/2018, tổng thống Mỹ và đồng nhiệm Pháp trong một cuộc điện đàm đã “trao đổi thông tin và phân tích cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng” tại Đông Douma, Đông Ghuta. Trong những tuần lễ qua, cả Hoa Kỳ lẫn Pháp đều đe dọa trừng phạt đích đáng chế độ của tổng thống Bachar al Assad trong trường hợp có bằng chứng là Damas đã “vượt qua lằn ranh đỏ“, tức là quân đội sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân Syria, trong một cuộc chiến đã bước vào năm thứ tám.

Cách nay hai ngày, vào lúc mà không quân Syria tiếp tục oanh kích ở Đông Ghuta, tiêu diệt nhóm nổi dậy cuối cùng, nhiều nhân chứng tại chỗ và nhân viên cứu hộ tố cáo Damas sử dụng khí chlore nhắm vào dân cư ở Douma, thuộc Đông Ghuta. Tin này cũng đã được nhiều nguồn tin độc lập khác xác định. Douma cách không xa thủ đô Damas và là căn cứ cuối cùng của phe nổi dậy tại một vùng đất mà quân đội chính phủ Syria đã kiểm soát được tới 95 %. Tổng thống Hoa Kỳ không chút nghi ngờ về trách nhiệm của chế độ al Assad và tuyên bố là sẽ bắt chính quyền Damas “trả giá đắt” trong vụ này.

Nghi vấn đã dấy lên ở Damas về vai trò của Mỹ, do cách nay một năm tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra lệnh oanh kích căn cứ Shayrat để trừng phạt chế độ Damas dùng hơi độc sarin, nhắm vào thường dân, làm 80 người thiệt mạng tại thành phố Khan Cheikoun, miền tây bắc Syria. Hơn nữa, hôm nay cũng là ngày tân cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump, ông John Bolton chính thức nhậm chức. Ông này nổi tiếng là “diều hâu” và luôn chủ trương tấn công Syria. Có điều như một số nhà quan sát ghi nhận, tổng thống Hoa Kỳ chiều nay mới họp bàn về Syria với dàn cố vấn thân cận. Đành rằng, chủ nhân Nhà Trắng có nêu đích danh Nga và Iran hỗ trợ chính quyền Damas, nhưng trên hồ sơ Syria, Washington muốn “phối hợp” cùng với các đồng minh phương Tây, chứ không có ý định đơn phương bước lên tuyến đầu.

Căn cứ quân sự T-4

Về câu hỏi tại sao căn cứ quân sự T-4 lại là mục tiêu tấn công, hãng tin Reuters nhắc lại sân bay T-4 nằm ở miền trung Syria, giữa Palmyra và Homs, trong một vùng chiến lược, sát cạnh nhiều mỏ khí đốt của Syria. Đây cũng là nơi quân nhân Nga hiện diện. T-4 từng được lực lượng Al Qods của Vệ Binh Cộng Hòa Hồi Giáo Iran sử dụng trong cuộc nội chiến Syria.

Kể từ mùa xuân 2011, khi cuộc nội chiến ở Syria khai mào, Israel đã nhiều lần tấn công vào căn cứ quân sự này nhằm triệt hạ lực lượng Hezbollah Liban và các nhóm dân quân tại Syria được Iran yểm trợ. Đợt can thiệp gần đây nhất là vào tháng 02/2018. Tel Aviv khi đó đã oanh kích sân bay quân sự T-4 để trả đũa vụ một chiến đấu cơ F-16 của quân đội Israel bị bắn hạ và máy bay không người lái của Iran thâm nhập vào lãnh thổ Israel. Chính quyền của thủ tướng Netanyahu khi đó đã khẳng định rằng, căn cứ T-4 trên lãnh thổ Syria là nơi Iran dùng làm bàn đạp để tung những chiếc drone về phía lãnh thổ Israel. Iran, kẻ thù không đội trời chung của Israel, nhưng lại là một trong hai điểm tựa chính của chế độ Damas.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, tương tự như Pháp hay Hoa Kỳ, Israel đang có trong tay tên lửa hành trình. Tel Aviv có khả năng tấn công từ xa một cách an toàn, chẳng hạn như là sử dụng chiến đấu cơ F-15 hay F16 và thậm chí là phóng cả tên lửa từ tàu ngầm.

Cuối cùng, về câu hỏi tại sao quân đội Nga cũng đã nhanh chóng khẳng định về trách nhiệm của Israel trong vụ oanh kích nhắm vào căn cứ T-4 nói trên, giới phân tích nhắc lại rằng Matxcơva đang là điểm tựa của chế độ Bachar al Assad và quân đội Nga đang hiện diện trên lãnh thổ Syria.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180409-can-cu-quan-su-syria-bi-tan-cong-ai-co-loi

 

Mỹ : Nhân vật “Diều hâu” Bolton

nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia

Mai Vân

Kể từ hôm nay 09/04/2018, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton, 69 tuổi, đã chính thức nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Donald Trump.

Ông John Bolton là nhân vật thứ ba được cử vào chức vụ trọng yếu này, từ ngày Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ, thay vào chỗ của tướng McMaster, và trước đó là ông Michael Flynn.

Xuất thân từ một gia đình khiêm tốn, từng được đào tạo thành luật sư, ông Bolton đã lần lượt phục vụ dưới thời ba cựu tổng thống đảng Cộng Hòa Ronald Reagan và hai cha con George Bush. Ông cũng từng làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc trong một thời gian ngắn.

Trong vai trò cố vấn an ninh quốc gia, ông Bolton sẽ là người báo cáo về các vấn đề quốc phòng và đối ngoại lên tổng thống. Tại Washington, hiện có nhiều người đang lo ngại về những gì mà ông có thể rót vào tai tổng thống Trump.

Là một người chủ trương tung ra chiến dịch đánh phủ đầu, ông tuyên bố ủng hộ việc can thiệp quân sự vào Bắc Triều Tiên cũng như rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

John Bolton cũng căm ghét chủ nghĩa đa phương. Khẩu hiệu của tổng thống Donald Trump « Nước Mỹ trước đã » rất hợp với ông. Và đối với nhân vật « chủ chiến » này, chủ quyền của Hoa Kỳ nhất thiết phải được củng cố bằng sức mạnh quân sự.

Với một nhân vật nổi tiếng là « diều hâu » ở một vị trí then chốt, câu hỏi được đặt ra là liệu chính quyền Trump có thay đổi chiến lược trên các vấn đề quốc tế nóng bỏng hay không.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180409-%E2%80%9Cdieu-hau%E2%80%9D-john-bolton-nham-chuc-co-van-an-ninh-quoc-gia-my

 

Thương mại:

TT Mỹ tin tưởng sẽ đạt thỏa thuận với Bắc Kinh

Mai Vân

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 08/04/2018, cho biết là ông tin tưởng sẽ « tìm được một thỏa thuận » với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp thương mại kéo dài một tháng nay. Donald Trump đồng thời khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn là « bạn ».

Trong một tin nhắn Twitter, tổng thống Mỹ cho rằng : « Trung Quốc sẽ bỏ hàng rào thuế quan, vì đó là điều đúng đắn phải làm. Chính sách thuế sẽ trở nên có đi có lại và sẽ có thỏa thuận về sở hữu trí tuệ ». Ông Trump hứa hẹn một « tương lai huy hoàng cho hai nước ».

Tổng thống Mỹ còn nhắc lại rằng : « Cho dù chuyện gì xẩy ra trong cuộc tranh chấp thương mại, chủ tịch Tập Cận Bình và tôi vẫn là những người bạn ».

Cũng hôm qua, cố vấn thương mại của tổng thống Mỹ, Larry Kudlow, cũng có giọng điệu trấn an. Trả lời đài Fox News, ông cho biết là phía Mỹ vẫn « liên lạc thường xuyên với phía Bắc Kinh », và ông hy vọng là « hai bên sẽ tiến hành thảo luận và phía Trung Quốc sẽ thảo luận nghiêm túc trong hai tháng tới đây. »

Trong khi đó, tại Bắc Kinh, trong buổi họp báo thường kỳ hôm nay, 09/04, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã cảnh cáo rằng Trung Quốc không thể đàm phán thương mại song phương với Mỹ trong tình hình căng thẳng hiện nay. Đối với Trung Quốc, những biện pháp mà chính quyền Mỹ đề ra gây lo ngại cho cả cộng đồng quốc tế.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180409-thuong-mai-tt-my-tin-tuong-se-dat-thoa-thuan-voi-bac-kinh

 

Cựu điệp viên Nga Skripal và con gái

được hưởng quy chế bảo vệ nhân chứng

Vào lúc sức khỏe của cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal và cô con gái Yulia được cải thiện rõ nét, người ta được biết là hai người có thể được cấp nhân thân mới và sang sinh sống tại Hoa Kỳ. Bệnh viện vùng Salisbury nơi hai nạn nhân được chữa trị và chăm sóc sau vụ bị đầu độc, thông báo điều trị rất có hiệu quả và tình trạng sức khỏe của hai nạn nhân được cải thiện nhanh chóng.

Ông Skripal 66 tuổi và cô con gái Yulia 33 tuổi đã bị đầu độc ngày 04/03 vừa qua tại Salisbury, miền nam Anh Quốc.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Marina Daras gửi về bài tường trình :

« Sergei Skripal và cô con gái Yulia không còn ở trong tình trạng nguy kịch nữa. Do vậy, họ có thể giúp đỡ cơ quan chức năng thúc đẩy cuộc điều tra. Theo báo chí Anh Quốc, khi phục hồi, Sergei và Yulia Skripal có thể được hưởng quy chế bảo vệ nhân chứng. Nhật báo The Times đưa tin là các quan chức cao cấp của cơ quan tình báo Anh MI6, đã liên lạc với các đồng nghiệp Hoa Kỳ, đề nghị giúp cho bố con ông Skripal đến sinh sống tại Mỹ với nhân thân mới, để bảo vệ họ thoát được những âm mưu giết hại.

Hơn một tháng rưỡi qua, căng thẳng giữa Nga và Anh vẫn tồn tại. Matxcơva luôn luôn bác bỏ mọi cáo buộc và quay sang tố cáo các cơ quan tình báo Anh và Mỹ đứng đằng sau vụ tấn công này. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, bất chấp những chỉ trích về việc ông có thái độ rất cứng rắn trong vụ này, vẫn tiếp tục lên án hàng chuỗi điều phi lý của Nga và cáo buộc lãnh đạo phe đối lập Công Đảng, ông Jeremy Corbyn là một kẻ ngốc nghếch hữu ích của điện Kremlin, vì đã tỏ thái độ nghi ngờ trước những cáo buộc về trách nhiệm của Nga và kêu gọi cần thận trọng ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180409-cuu-diep-vien-nga-skripal-va-con-gai-duoc-huong-quy-che-bao-ve-nhan-chung