Tin khắp nơi – 09/02/2017
Thượng viện Mỹ phê chuẩn tân bộ trưởng tư pháp
Thượng viện Mỹ phê chuẩn đề cử của Tổng thống Donald Trump cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp, Thượng nghị sĩ bang Alabama Jeff Sessions, với 52 phiếu thuận, 47 phiếu chống.
Việc phê thuận diễn ra sau một loạt cuộc điều trần gây chia rẽ. Các thành viên đảng Dân chủ tấn công ông Sessions về quá khứ liên quan đến dân quyền.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren gợi lại những lời cáo buộc ông Sessions phân biệt chủng tộc.
Việc đề cử Thượng nghị sĩ Alabama là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất của ông Trump.
Chỉ một Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ – Joe Manchin – bỏ phiếu ủng hộ ông Sessions.
Từ bây giờ, ông Sessions sẽ chịu trách nhiệm gánh vác Bộ Tư pháp và điều hành 113.000 nhân viên.
Sau cuộc bỏ phiếu, ông Sessions phát biểu: “Không có vinh dự nào lớn hơn khi được đại diện cho người dân Alabama tại Thượng viện.”
“Tôi đánh giá cao cuộc tranh luận và cảm ơn những người sau đó đủ tự tin để bỏ phiếu phê duyệt tôi vào vị trí tân bộ trưởng tư pháp.”
“Tôi thấu hiểu được trách nhiệm lớn lao của vị trí này.”
Tuy nhiên, ông Sessions nói thêm rằng “việc gièm pha những người không nhất trí với chúng ta là không tốt cho nền chính trị của chúng ta”.
Trong cuộc tranh luận trước khi bỏ phiếu, bà Warren và các thượng nghị sĩ Dân chủ khác gợi lại những lời chỉ trích ông Sessions từ phía góa phụ của Martin Luther King, người phản đối ông làm thẩm phán liên bang năm 1986 và cáo buộc ông dọa nạt cử tri da đen.
David Duke, cựu thủ lĩnh của KKK, hoan nghênh việc phê chuẩn và viết trên Twitter: “Việc ông Trump bổ nhiệm Bannon, Flynn và Sessions là những bước đầu tiên trong công cuộc đưa nước Mỹ trở lại”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38903414
Thủ tướng Nhật muốn gặp gỡ nội các Hoa Kỳ
Thủ tướng Shinzo Abe của chính quyền Tokyo sẽ đưa ra đề nghị tiến hành những cuộc gặp cấp nội các giữa hai phía bàn về nhiều vấn đề gồm thương mại, an ninh và các vấn đề vĩ mô khi gặp tổng thống Donald Trump tại Washington vào ngày mai.
Chiều tối hôm nay, ông Shinzo Abe lên đường sang Hoa Kỳ để củng cố liên minh Mỹ- Nhật.
Chánh văn phòng nội các chính quyền Tokyo, Suga Yoshihide, cho báo giới biết trong ngày hôm nay rằng khi tình hình an ninh tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương ngày càng trở nên căng thẳng thì cần phải chứng tỏ một liên minh Mỹ- Nhật vững chắc.
Hai phía cần có thảo luận xây dựng tạo nên mối quan hệ đôi bên cùng có lợi thông qua củng cố quan hệ mậu dịch.
Nguồn tin từ chính phủ Nhật cho biết thêm trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này của thủ tướng Shinzo Abe, có bộ trưởng tài chính Aso Taro và bộ trưởng ngoại giao Kishida Fumio tháp tùng.
Đoàn Nhật bản mang đến Hoa Kỳ kế hoạch gồm những bước giúp tạo ra 700 ngàn công ăn việc làm tại Mỹ thông qua hình thức đầu tư vào cơ sở hạ tầng như xây dựng các tuyến tàu cao tốc.
Ông Trump từng đánh đồng Nhật Bản với Trung Quốc và Mexico cho rằng đó là những nhân tố lớn gây nên thâm thủng mậu dịch của Mỹ.
Tổng thống Trump muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa gửi cho chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc lá thư với nội dung muốn cùng người đứng đầu nhà nước Hoa Lục phát triển mối quan hệ song phương Mỹ- Trung.
Phát ngôn nhân Nhà Trắng, Sean Spicer, ra thông cáo cho biết như vừa nêu vào ngày hôm qua và được báo chí loan đi hôm nay.
Thư của tổng thống Donald Trump gửi chủ tịch Tập Cận Bình được cho như là một nỗ lực từ phía Mỹ muốn cải thiện tình hình sau khi xảy ra vụ việc khiến Bắc Kinh nổi giận là trong giai đoạn chuyển giao chính phủ và trước khi tuyên thệ nhậm chức, ông Donald Trump có cuộc điện đàm với bà tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc từ năm 1979 để chuyển sang quan hệ với Bắc Kinh như là đại diện duy nhất của một đất nước Trung Hoa.
Việc ông Trump nhận cuộc gọi chúc mừng từ bà Thái Anh Văn là phá vỡ một tiền lệ ngoại giao có từ khi Washington và Bắc Kinh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau.
Kinh tế Trung Quốc không thể thay Hoa Kỳ
Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã lấy nhiều quyết định và có những phát biểu liên hệ đến quyền lợi của Hoa Kỳ y như khi ông tranh cử. Thí dụ là việc rút khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP hay đòi thương thuyết lại với từng nước các hiệp ước tự do mậu dịch nhằm đem lại việc làm cho công nhân Mỹ. Điều ấy khiến nhiều người cho là Hoa Kỳ đang từ bỏ vị trí lãnh đạo hệ thống giao dịch quốc tế và Trung Quốc sẽ trám vào khoảng trống đó với những mục tiêu chiến lược vượt ra khỏi khuôn khổ kinh tế.
Chân Như: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, các nước trên thế giới, từ Âu sang Á tới Châu Mỹ La Tinh đều bị chấn động bởi những gì đang xảy ra tại Hoa Kỳ khi vị Tổng thống thứ 45 vừa đắc cử đã thực hiện điều ông hứa hẹn khi tranh cử năm ngoái.
Trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP, đòi thương thuyết lại Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ là NAFTA và còn đả kích nước Đức đã cố tình hạ giá đồng Euro so với đô la Mỹ để chiếm lợi thế xuất khẩu.
Khi lãnh đạo Hoa Kỳ nêu ra quan điểm nhuốm mùi bảo hộ mậu dịch như vậy thì tại Thượng đỉnh của Diễn đàn APEC ở Peru, Chủ tịch Trung Quốc là Tập Cận Bình mau mắn đề cao toàn cầu hóa và tự do mậu dịch. Vì thế, nhiều người mới tự hỏi rằng liệu Hoa Kỳ có triệt thoái khỏi hệ thống thương mại toàn cầu và nhường chỗ cho Trung Quốc hay không? Ông nghĩ sao về mối lo này và liệu Trung Quốc có thay thế nước Mỹ để trở thành trung tâm của hệ thống giao dịch toàn cầu không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đây là loại đề tài khó hiểu nhất nên tôi xin đi từng bước để chúng ta cùng thấy ra sự thể, thay vì để cảm quan chi phối nhận thức. Một cách ngắn gọn, Hoa Kỳ có lý khi thay đổi lập trường như vậy và thứ hai, Trung Quốc chưa thể nào trám vào khoảng trống nếu nước Mỹ triệt thoái khỏi các hiệp ước thương mại quốc tế mà tìm giải pháp song phương như Chính quyền Trump đã đề nghị.
Thứ nhất, nói về sự thể khách quan thì ta cần nhớ lại vài ba khái niệm kế toán liên hệ đến luồng giao dịch toàn cầu. Một quốc gia có thể bị nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất khẩu, tức là cán cân thương mại bị khiếm hụt. Nhưng sự thật kế toán tài chính của sự khiếm hụt ấy là nền kinh tế đó lại được nhập siêu về tư bản, tức là nhập nhiều hơn xuất trong cán cân vãng lai.
Nhìn cách khác, kinh tế Mỹ bị nhập siêu quá nặng trong một giai đoạn quá lâu, nay đã lên tới khoảng 700 tỷ đô la một năm, nhưng thiếu hụt thương mại ấy cũng có nghĩa là Hoa Kỳ tiếp nhận tư bản và nguồn tư bản ấy lại yết giá bằng Mỹ kim, là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất. Người ta gọi đó là việc Mỹ mắc nợ, nhưng đấy cũng là một gánh nặng phụ trội cho Hoa Kỳ khi thế giới đều tìm đến tiền Mỹ khiến đô la lên giá. Nhìn trong trường kỳ thì sự thể không luôn luôn như vậy mà cũng chẳng đáng sợ như vậy.
Chính quyền Trump gạt TPP sang một bên
Chân Như: Quả thật là ông vừa phân tích một vấn đề hơi khó hiểu khi kết luận rằng sự thể không đáng sợ như vậy. Xin đề nghị ông giải thích thêm.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trên diễn đàn này, tôi có nhiều lần giải thích rằng việc đồng Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất không là ưu thế mà còn là gánh nặng cho kinh tế Mỹ. Nay Chính quyền Donald Trump đang thấy ra và than phiền các quốc gia bạn hàng là vì lẽ đó.
Chúng ta cần thấy ra một quy luật về tiết kiệm và đầu tư. Trong một thế giới khan hiếm tư bản để đầu tư thì các nước được thặng dư thương mại có thêm tư bản để đầu tư vào kinh tế. Sau hai trận Thế chiến, từ quãng 1920 tới 1970, các nước Âu Á bị tàn phá bởi chiến tranh đều thiếu tư bản để tái thiết và phát triển. Đấy là lúc kinh tế Hoa Kỳ tương đối giàu mạnh nhất đã liên tục đạt thặng dư thương mại, tức là được xuất siêu, nhờ vậy tư bản Mỹ góp phần tái thiết các nước kia. Tức là tiết kiệm tại Mỹ đã chảy qua đầu tư vào các nước đồng minh Âu-Á.
Nửa thế kỷ sau, là kể từ quãng 1970 trở đi cho tới nay, thì các nước Âu Á đó đều phát triển, chủ yếu là nhờ nguồn tiết kiệm tại Mỹ, và đạt xuất siêu trong khi kinh tế Mỹ bị nhập siêu và nay tiếp nhận tư bản chảy ngược về Mỹ. Như vậy, gần trăm năm qua, Hoa Kỳ vẫn là trung tâm của hệ thống giao dịch này, khi thì cung cấp đầu tư cho các nước bị tàn phá và thiếu tư bản, khi thì tiếp nhận hàng nhập khẩu của các nước, bị khiếm hụt thương mại nhưng cũng nhập cả tư bản hay tiết kiệm của các nước kia.
Ngày nay, Hoa Kỳ không muốn là thị trường số một của thiên hạ, không chấp nhận bị nhập siêu mãi và đòi vẽ ra luật chơi khác. Nhưng chẳng phải vậy mà kinh tế Trung Quốc sẽ là trung tâm thay thế Hoa Kỳ vì lý do đơn giản là Trung Quốc cần được xuất siêu để giữ đà tăng trưởng, chứ nếu bị nhập siêu như Hoa Kỳ thì sẽ lâm khủng hoảng. Chuyện này quá phức tạp nên nhiều người không hiểu cứ hay báo động về ngôi vị quá lớn của Trung Quốc khi nước Mỹ muốn giảm nhập siêu và gia tăng xuất khẩu.
Chân Như: Ông thường nói rằng kinh tế cũng là chính trị, như vậy việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước TPP không có hậu quả chính trị là nhường chỗ cho Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đang có nhiều vấn đề nên không thể là trung tâm giao dịch thương mại thay cho nước Mỹ phải không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Về Hiệp ước TPP, chúng ta không nên quên là các Chính quyền George W. Bush và Barack Obama tham gia đàm phán trong mục tiêu đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho sự hợp tác toàn diện với 11 nước kia. Lý do là các doanh nghiệp Mỹ bị luật lệ Hoa Kỳ chi phối rất mạnh, nào là về môi sinh hay quyền lợi lao động nên khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại quốc vốn dĩ không bị kiểm soát chặt chẽ như vậy.
Khi ấy, mục tiêu của Mỹ chỉ là trù hoạch một sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp cũng để bảo vệ quyền lợi của mình, chứ việc đàm phán này không chỉ có nghĩa là gạt Trung Quốc ra ngoài vì lý do chính trị. Ai cũng biết là doanh nghiệp Trung Quốc không bị kiểm soát hay phải tuân thủ những quy định khắt khe như doanh nghiệp Hoa Kỳ hay Nhật Bản.
Chân Như: Nhưng sau cùng Chính quyền Trump lại gạt bỏ kết quả thương thuyết của hai chính quyền tiền nhiệm. Ông giải thích thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra Quốc hội khóa 114 đã gạt Hiệp ước này qua một bên mà không đem ra thảo luận và phê chuẩn sau khi TPP được ký kết ngày bốn Tháng Hai năm ngoái, cách nay đúng một năm.
Ông Trump chỉ hợp thức hóa sự đã rồi mà thôi. Ngày nay, Chính quyền Trump không chỉ gạt Hiệp ước TPP sang một bên mà muốn đàm phán lại mọi hiệp ước thương mại để bảo đảm là quyền lợi của Hoa Kỳ được tôn trọng và để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ. Việc ông ta than phiền về trị giá quá cao của đồng Mỹ kim hay cách ấn định tỷ giá quá thấp của các ngoại tệ kia, như đồng Euro, đồng Yen và đồng bạc Trung Quốc, đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ cũng nằm trong hướng đó. Quả thật là kinh tế Đức quá cần xuất khẩu nên Chính quyền Đức có cố tình dìm giá đồng Euro cho rẻ và gây thiệt hại cho chính các nước thành viên của khối Euro ở miền Nam, như Hy Lạp hay Ý, hay Tây Ban Nha.
Nếu không hiểu thì người ta ngạc nhiên và bất mãn khi thấy ông Trump có vẻ gây hấn với mọi bạn hàng hay đồng minh. Ông ta chỉ chuẩn bị cho các cuộc thương thuyết sắp tới và khi thương thuyết thì không chỉ nhắm vào mục tiêu kinh tế mà quên vai trò rất đáng ngại của Trung Quốc tại khu vực Đông Á. Việc Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ vừa nhậm chức là bay qua thăm viếng hai đồng minh tại Đông Bắc Á là Nam Hàn và Nhật Bản có cho thấy ưu tiên của nước Mỹ nằm ở đâu. Cũng trong mạch đó, tôi không tin là Mỹ sẽ đột ngột áp đặt thuế suất nhập nội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam như đang dọa Mexico trong Hiệp ước NAFTA.
Thực tế sức mạnh Trung Quốc
Chân Như: Chúng ta bước qua phía bên kia để tìm hiểu vì sao Trung Quốc không thể nào thay thế Hoa Kỳ là cột trụ của luồng giao dịch toàn cầu. Thưa ông, nguyên nhân kinh tế là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta cứ cho rằng kinh tế Hoa Kỳ quá lệ thuộc vào tiêu thụ nên bị nhập siêu khi nước Mỹ nhập khẩu hàng rẻ để dân Mỹ xài cho sướng. Tự do mậu dịch có đem lại lợi ích tỏa rộng cho giới tiêu thụ và doanh nghiệp nhập khẩu nhưng gây thiệt hại tập trung cho thành phần thợ thuyền lao động bị mất việc hay sụt lương. Ông Trump quan tâm đến thành phần ấy nên đang vận động các doanh nghiệp Mỹ song song cùng việc đòi thương thuyết lại các hiệp ước thương mại. Trường hợp của Trung Quốc lại trái ngược.
Từ cả chục năm nay, kinh tế xứ này bị lệch lạc ngay bên trong và chưa thể cải cách từ sau Đại hội khóa 18 vào cuối năm 2012 vì sự cưỡng chống của các thế lực cao cấp ngay trong đảng. Hậu quả của sự lệch lạc đó là sức tiêu thụ quá thấp của các hộ gia đình, ở mức thấp nhất trong các nền kinh tế lớn.
Khi được tiêu thụ ít, các hộ gia đình tiết kiệm nhiều và nguồn tài nguyên ấy bị trưng dụng thành tín dụng nhẹ lãi cho các doang nghiệp. Tình trạng bất công xã hội ấy có mặt tương phản về kinh tế là Trung Quốc cần đầu tư, cần xuất khẩu và cần đạt xuất siêu, là xuất hơn nhập, và nay đang mắc nợ ngập đầu, có thể là gần 290% Tổng sản lương Nội địa mà chưa chắc đã đảm bảo được đà trăng trưởng khoảng 6-7% một năm. Lãnh đạo Bắc Kinh lúng túng với các bài toán nan giải ấy và trở lại với khả năng ứng phó duy nhất là giữ mức xuất siêu cao để duy trì đà tăng trưởng và tránh nạn thất nghiệp. Như vậy, vì những lý do nội tại về kinh tế lẫn chính trị, Trung Quốc không thể là một trung tâm của hệ thống giao dịch toàn cầu thay cho nước Mỹ!
Chân Như: Ông trình bày một số sự thể kinh tế hơi bất ngờ cho độc giả của chúng ta vì hầu như ai ai, kể cả giới học giả hay nghiên cứu quốc tế, cũng đều nói tới sự lớn mạnh đáng ngại của Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc đáng ngại ở những động thái quân sự, điều ấy rất đúng. Nhưng họ chưa thể thay thế vị trí của Hoa Kỳ cách nay trăm năm với luồng tư bản dồi dào chảy qua các nước khác để bành trướng ảnh hưởng. Và đáng ngại hơn vậy là xứ này đang lâm vòng bế tắc về kinh tế nếu không thể chủ động giảm đà tăng trưởng và cho người dân cơ hội tiêu thụ nhiều hơn. Họ tiếp tục bơm tín dụng và chất lên một núi nợ sẽ sụp đồ thì làm sau đồng Nguyên có thể giữ vị trí ngọai tệ dự trữ và Bắc Kinh giữ thế trung tâm của hệ thống giao dịch toàn cầu?
Tôi cho rằng chúng ta nên hiểu ra một thực tế là khi muốn giữ thế lãnh đạo thì quốc gia phải trả giá về kinh tế nên phải có khả năng đó. Từ trăm năm nay, Hoa Kỳ giữ thế lãnh đạo ấy trải qua hai trận Thế chiến rồi gần nửa thế kỷ chiến tranh lạnh. Ngày nay, nước Mỹ đang mệt mỏi và muốn lui về lo lấy cho quyền lợi của mình nhưng vẫn là một siêu cường kinh tế có khả năng vạch ra luật chơi mới. Trung Quốc thì chưa, và khi bên trong đang có vấn đề kinh tế xã hội mà bên ngoài lại đòi vạch ra luật chơi bằng phương tiện quân sự thì sẽ chẳng được thế giới chấp nhận.
Chân Như: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/no-eco-power-cn-nxn-02082017130038.html
Indonesia chấp nhận lời xin lỗi của Australia
Indonesia cho biết đã chấp nhận lời xin lỗi của Australia sau khi xảy ra sự cố gây gián đoạn hợp tác giữa quân đội hai phía.
Vụ việc bùng lên vào tháng rồi sau khi một sĩ quan quân đội Indonesia phát hiện tài liệu tại một căn cứ Australia bị cho là xúc phạm liên quan đến một số vấn đề như phong trào độc lập tại vùng Papua cũng như ý thức hệ nhà nước Indonesia.
Vụ việc vừa nêu là mới nhất gây trở ngại cho mối quan hệ Canberra- Jakarta trong thời gian qua khi mà hai phía căng thẳng về tranh cãi trong vấn đề Indonesia hành quyết tử tù buôn lậu ma túy là công dân Úc; cũng như chính sách cứng rắn của Australia trả về lại Indonesia những thuyền nhân đi tìm qui chế tỵ nạn.
Hôm qua, người đứng đầu quân đội Australia đến Jakarta gặp vị tương nhiệm Indonesia đưa ra một số biện pháp giải quyết vụ việc mới nhất và phía Indonesia đã chấp thuận.
TQ lấy dấu vân tay khách nước ngoài
để tăng kiểm soát an ninh
Trung Quốc sẽ bắt đầu lấy dấu vân tay tất cả khách nước ngoài nhằm tăng cường an ninh biên giới, Bộ An ninh Trung Quốc nói hôm thứ Năm 9/2.
Việc lấy dấu vân tay người nước ngoài sẽ bắt đầu thực hiện ở sân bay Thâm Quyến, thành phố phía Nam Trung Quốc giáp với Hong Kong, từ thứ Sáu ngày 10/2, và sau đó sẽ dần được áp dụng trên các cửa khẩu trên toàn Trung Quốc, bộ này viết trong một thông cáo.
Thông cáo này nói Bộ An ninh sẽ lấy dấu vân tay tất cả những người mang hộ chiếu nước ngoài ở độ tuổi 14 đến 70, nhưng không nói rõ họ còn thu thập những số liệu sinh trắc nào khác nữa.
Bộ An ninh nói yêu cầu lấy dấu vân tay là “một biện pháp quan trọng để tăng quản lý xuất nhập cảnh” tương tự như chính sách của nhiều nước khác, hãng AP cho hay.
Các nước như Mỹ, Nhật, Đài Loan và Campuchia cũng dùng biện pháp tương tự.
Dù các cửa khẩu Trung Quốc nhìn chung không có các thủ tục xuất nhập cảnh quá khắt khe, hầu hết du khách vẫn cần xin visa vào Trung Quốc. Tuy vậy, nhiều thành phố Trung Quốc có thỏa thuận miễn visa cho khách du lịch thăm thành phố trong ít ngày trong nỗ lực đẩy mạnh du lịch.
Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc ước tính có hơn 76 triệu người nước ngoài nhập cảnh và xuất cảnh Trung Quốc. Phần đông du khách đến từ Nam Hàn, Nhật, Mỹ và Nga.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38918398
TQ ‘chưa trả đũa quyết định triển khai THAAD’
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc hôm thứ Năm nói Trung Quốc chưa thực hiện bất kỳ biện pháp trả đũa nào đối với kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Hoa Kỳ, mặc dù Hàn Quốc sẵn sàng nộp hồ sơ khiếu nại chính thức nếu cần thiết.
Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Yoo Il-ho là để trả lời câu hỏi của các nhà lập pháp về liệu Trung Quốc đã có hành động nào chống các công ty Hàn Quốc vì kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trong những tháng tới trong năm nay hay không.
Trung Quốc lo ngại rằng máy radar cực mạnh của hệ thống lá chắn tên lửa có thể xâm nhập lãnh thổ nước này và đã lên tiếng phản đối việc triển khai lá chắn tên lửa này.
Bộ trưởng Yoo nói: “Nếu Trung Quốc chính thức có hành động bất công với Hàn Quốc, chúng ta sẽ hành động để công khai chống lại, nhưng chừng nào Trung Quốc còn nói là các động thái của họ không có liên quan gì đến THAAD, mà chỉ là những biện pháp có tính cách nội bộ, thì chính phủ Hàn Quốc không thể cáo buộc rằng Trung Quốc trả đũa”.
Hôm thứ Tư, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cho biết chính quyền Trung Quốc đã đình chỉ công trình xây cất một dự án bất động sản trị giá nhiều tỷ đôla của tập đoàn Lotte tại thành phố Thẩm Dương sau một cuộc thanh tra phòng chống hoả hoạn.
Ông Yoo cho biết giám đốc điều hành Lotte nói quyết định của chính quyền Trung Quốc đình chỉ dự án này, không liên quan trực tiếp đến việc triển khai lá chắn THAAD.
Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ nói hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ nhằm mực đích tự vệ chống hành động hiếu chiến của Bắc Triều Tiên.
Vài giờ trước khi sự ông Yoo đến quốc hội, Ngân hàng Hàn Quốc nói lượng du khách Trung Quốc đến tham quan đảo Jeju của Hàn Quốc đã giảm 6,7% trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán so với năm ngoái.
Trong một báo cáo, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc quy trách sự sụt giảm số du khách Trung Quốc, một phần là do “các biện pháp chống Hàn Quốc của Trung Quốc về quyết định triển khai lá chắn THAAD”.
Trước đó, các giới chức Hàn Quốc nói họ nghi rằng quyết định của Trung Quốc hồi tháng 12, bác hồ sơ của các hãng hàng không Hàn Quốc xin mở rộng các tuyến bay giữa 2 nước là một hành động trả đũa “gián tiếp” đối với vụ Hàn quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.
Trung Quốc không bình luận gì về việc này.
http://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-tq-chua-tra-dua-quyet-dinh-trien-khai-thaad/3716229.html
Bắc Kinh không vội điện đàm với Trump vì sợ ‘mất mặt’
Hôm thứ Năm, Trung Quốc nói nước này coi trọng mối quan hệ Trung-Mỹ, sau khi xác nhận đã nhận được lá thư của Tổng Hoa Kỳ Donald Trump.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói:
“Chúng tôi đánh giá cao lời chúc Tết của Tổng thống Trump gửi tới Chủ tịch Tập Cận Bình và nhân dân Trung Quốc”.
Khi được hỏi liệu đây có phải là một cử chỉ cố ý tỏ ra lạnh nhạt hay không khi ông Trump điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác sau khi lên làm tổng thống, nhưng lại không gọi điện thoại cho ông Tập, ông Lục trả lời: “Đây là một nhận xét vô nghĩa”.
Ông lặp lại rằng Trung Quốc và Mỹ đã duy trì “liên lạc chặt chẽ” kể từ khi ông Trump nhậm chức và sự hợp tác giữa hai bên là “chọn lựa đúng đắn duy nhất”.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết Trung Quốc rất lo lắng về việc ông Tập bị mất thể diện nếu cuộc điện đàm không suôn sẻ diễn ra với ông Trump và các chi tiết của cuộc đối thoại được tiết lộ cho giới truyền thông Mỹ.
Tuần trước, quan hệ giữa Mỹ với đồng minh Úc trở nên căng thẳng sau khi Washington Post công bố chi tiết về một cuộc điện đàm gay gắt giữa ông Trump và Thủ tướng Malcolm Turnbull.
“Đó là điều Trung Quốc không muốn xảy ra”, một nguồn tin thông thạo về quan hệ Trung-Mỹ nhận xét với Reuters. “Đây là điều gây nhiều bối rối đối với Chủ tịch Tập và người Trung Quốc, vốn đặt nặng vấn đề thể diện”.
Một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây khác nói có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không vội vàng lên kế hoạch cho một cuộc điện đàm như vậy. Nhà ngoại giao này nói:
“Những điều này cần diễn ra trong các điều kiện có thể kiểm soát được đối với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không thể đảm bảo điều này đối với một nhân vật khó có thể đoán trước như ông Trump”.
Nhà ngoại giao này nhận định thêm:
“Ông Trump có vẻ như đang quá phân tâm với những vấn đề khác trong lúc này nên không chú ý mấy tới Trung Quốc”
http://www.voatiengviet.com/a/tq-khong-voi-dien-dam-voi-ong-trump-bi-so-mat-mat/3716121.html
Quốc hội Mỹ cân nhắc 30 tỷ đô la thúc đẩy quốc phòng
Với cam kết của tân Tổng thống Donald Trump về kiến thiết lực lượng võ trang Mỹ, các quan chức cao cấp trong Ngũ Giác Đài vừa trao cho Quốc hội các kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng hơn 30 tỷ đô la để tậu thêm các máy bay chiến đấu và xe bọc thép mới, cải thiện huấn luyện và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Các đề nghị không chính thức mà hãng tin AP nắm được chứng tỏ nỗ lực đầu tiên của Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống Trump trong việc ngăn không để cho tính sẵn sàng tác chiến của quân đội Mỹ bị xói mòn.
Các phần của kế hoạch này có phần chắc sẽ được đưa vào ngân sách bổ sung chính thức cho năm nay mà chính quyền Trump sắp gửi cho Quốc hội.
Theo kế hoạch, các quan chức hàng đầu trong Bộ Quốc phòng sẽ điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện vào thứ ba tuần sau.
http://www.voatiengviet.com/a/quoc-hoi-my-can-nhac-30-ty-do-la-thuc-day-quoc-phong/3715674.html
Thượng nghị sĩ đề nghị cắt giảm số di dân vào Mỹ
Hai Thượng nghị sĩ bên đảng Cộng Hòa ngày 7/2 đề xuất dự luật cắt giảm một nửa số di dân hợp pháp tới Mỹ, chuyển hướng cuộc tranh luận giữa lúc Tổng thống Donald Trump đặt trọng tâm nhiều hơn vào việc hạn chế di dân bất hợp pháp.
Dự luật của Thượng Nghị Sĩ Tom Cotton (bang Arkansas) và David Perdue (bang Georgia) sẽ giảm số thẻ xanh được cấp hàng năm từ 1 triệu xuống còn 500 ngàn.
Ông Cotton lập luận rằng những vấn đề như nhập cư bất hợp pháp, an ninh biên giới và thực thi di trú rất quan trọng nhưng nước Mỹ cũng phải lưu ý đến ảnh hưởng của các di dân hợp pháp đối với người lao động Mỹ.
Dự luật Cải cách Di trú Mỹ vì Công ăn việc làm vững mạnh, gọi tắt là RAISE, sẽ giảm số thẻ xanh (cho thường trú nhân hợp pháp) bằng cách hạn chế các diện thân nhân được công dân Mỹ bảo lãnh, chấm dứt chương trình Sổ xố Thị thực Đa dạng mà Mỹ lâu nay dành cho các nước có ít di dân nhập cư Mỹ, và cắt lượng người tị nạn được phép vào Mỹ.
Thượng Nghị Sĩ Đảng Dân Chủ Jeanne Shaheen gọi dự luật này là “vô nghĩa” và “sát thủ việc làm.”
Mặc dù Tòa Bạch Ốc chưa cân nhắc về dự luật này, nhưng Thượng nghị sĩ Cotton cho báo giới biết ông đã thảo luận ý tưởng với Tổng thống Trump và ông Trump “ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng chung đưa hệ thống di trú hợp pháp của chúng ta trở thành một hệ thống dựa trên tính thích đáng.”
Thượng nghị sĩ Cotton bác các quan ngại về việc hạn chế các gia đình đoàn tụ tại Mỹ. Theo lập luận của ông, quan tâm rằng dự luật này làm cho các gia đình bị chia cắt là ‘nhìn sai hướng’, ‘nhìn về hướng có lợi cho người nước ngoài chứ không phải là về hướng có lợi cho công dân Mỹ.’
http://www.voatiengviet.com/a/thuong-nghi-si-de-nghi-cat-giam-so-di-da-vao-my/3715655.html
Nhật nỗ lực ‘giữ chân’ đồng minh Mỹ
Thủ tướng Shinzo Abe ngày 9/2 lên đường tới Washington với hy vọng rằng các cam kết giúp tạo ra công ăn việc làm cho người Mỹ và củng cố quân đội sẽ thuyết phục tân Tổng thống Donald Trump hạ nhiệt trong vấn đề mậu dịch và tiền tệ cũng như đứng về phía đồng minh lâu năm Nhật Bản.
Quan chức Nhật đã được các quan chức Mỹ trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis ‘trấn an’ nhưng họ e rằng Tổng thống Trump có thể sẽ ‘rẽ hướng’ khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào thứ sáu này tại Washington.
Tại Tokyo cũng xuất hiện một số quan ngại rằng ông Trump có thể sẽ đạt một số thỏa thuận với Trung Quốc, ‘bỏ rơi’ Nhật. Ngoài ra, cũng có người lo rằng ông Abe sẽ ‘thuyết phục’ ông Trump bằng những lời hứa khó thực hiện.
Khi tranh cử Tổng thống, ông Trump từng chỉ trích rằng Tokyo và Seoul chưa gánh vác đủ trách nhiệm đối với ô dù an ninh của Mỹ.
Ông cũng liệt kê Nhật cùng với Trung Quốc và Mexico là những quốc gia gây thâm thủng mậu dịch cho Mỹ. Ông nói ngành mậu dịch ô tô của Nhật cạnh tranh ‘không công bằng’ và tố cáo Tokyo hạ giá chỉ tệ hòng đẩy mạnh xuất khẩu.
Đáp lại, Nhật nói các doanh nghiệp Nhật đã đầu tư vào Mỹ đáng kể và tỷ lệ thâm thủng mậu dịch Mỹ-Nhật cũng đã giảm từ mốc cao lịch sử.
Thủ tướng Nhật trong chuyến công du Mỹ lần này sẽ mang theo gói hành động gồm các bước mà Tokyo nói sẽ giúp tạo ra 700 ngàn công ăn việc làm cho người Mỹ thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công-tư như xe điện cao tốc.
http://www.voatiengviet.com/a/nhat-no-luc-giu-chan-dong-minh/3715153.html
Washington lên án luật về khu định cư của Israel
Người Palestine và những người ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine, trong đó có Liên hiệp quốc, lên án luật mới của Israel cho phép chiếm đoạt đất riêng của người Palestine để xây dựng khu định cư Do Thái ở Khu Bờ Tây. Luật mới gây nhiều tranh cãi này được thông qua tiếp theo sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Ông Trump đã bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ cho Israel và Thủ tướng Benjamin Netanyahu, nhưng Tòa Bạch Ốc cũng nói trong một thông báo mới đây rằng “việc nới rộng các khu định cư hiện hữu vượt qua ranh giới hiện tại” có thể không giúp ích cho nỗ lực mưu tìm hòa bình cho khu vực.
Luật mới hợp thức hóa gần 4.000 căn nhà được xây trên đất thuộc quyền sở hữu tư nhân của người Palestine ở Khu Bờ Tây, và quy định rằng các chủ đất sẽ được đền bù bằng tiền hoặc bằng đất ở nơi khác. Người Palestine không chấp nhận đề nghị này.
Ông Mounir Mousa, một chủ đất người Palestine, nói:
“Chúng tôi không muốn nhận đất ở nơi khác để đổi cho đất đai của chính chúng tôi ở đây, và chúng tôi không muốn nhận tiền đền bù cho đất đai của chúng tôi ở đây.”
Liên hiệp quốc hôm thứ Ba 7/2 nói rằng luật của Israel vi phạm luật pháp quốc tế, và sẽ có những hậu quả pháp lý vượt ngoài tầm kiểm soát.
Ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, nói:
“Ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc kiên quyết rằng cần phải tránh mọi hành động làm chệch hướng giải pháp hai nhà nước. Mọi vấn đề cốt lõi cần phải được giải quyết giữa các bên thông qua đàm phán trực tiếp trên cơ sở của các nghi quyết của Hội đồng Bảo an có liên hệ và thỏa thuận giữa các bên.”
Các nhà lãnh đạo Palestine nói họ sẽ đi tìm công lý thông qua các tòa án quốc tế. Ngay cả một số người Israel cũng phản đối luật mới này.
Ông Isaa Herzog, một thủ lĩnh đối lập Israel, nói:
“Chính phủ hợp thức hóa luật này là hợp thức hóa mối nguy hiểm lớn cho Israel – luật này mở cửa cho việc sáp nhập chính thức các khu định cư trên thực tế, luật này sẽ khiến Hội đồng Bảo an bỏ phiếu chống các khu định cư, luật này sẽ mang lãnh đạo của các lực lượng quốc phòng Israel và cả nước ra Tòa án Hình sự Quốc tế.”
Người Palestine và nhiều người khác tin rằng Israel đang dựa vào sự ủng hộ của tân tổng thống Mỹ.
Bà Hanan Ashrawi, một giới chức kỳ cựu của Tổ chức Giải phóng Palestine, nói:
“Chính phủ hữu khuynh, phân biệt chủng tộc của Israel bắt đầu cảm nhận được tân chính quyền ở Mỹ khuyến khích hành động táo bạo hơn, và do đó họ tự cảm thấy có quyền hành động mà không sợ bị trừng phạt trong việc thông qua luật bất hợp pháp đó, để tiếp tục hành động cướp đất mở rộng khu định cư, và tiếp tục phá hoại tiềm năng hòa bình.”
Một giới chức Palestine kêu gọi Tổng thống Trump dùng ảnh hưởng của ông để thuyết phục các nhà lãnh đạo Israel bãi bỏ luật mới này.
Ông Saeb Erekat, Tổng thư ký của Tổ chức Giải phóng Palestine, nói:
“Dừng lại ngay! Đó là điều mà ông Netanyahu cần phải nghe Tổng thống Trump nói: ‘Dừng việc phá hoại giải pháp hai nhà nước.”
Nhiều người định cư Do Thái nói phát biểu của ông Trump chẳng có ảnh hưởng gì cả.
Ông Moshe Baruch, một người định cư Do Thái, nói:
“Việc có luật chỉ cần thiết cho châu Âu và Hoa Kỳ, vì họ cần phải có cơ sở pháp lý để biện minh cho việc đó. Nhưng với chúng tôi, Israel nói chung, chúng tôi phải sống ở đó bất chấp có hay không có luật. Máu của người Do Thái đã đổ ra ở đó.”
Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba từ chối bình luận về luật mới của Israel, và chỉ nói rằng vấn đề này sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Washington của Thủ tướng Netanyahu trong tuần tới. Thủ tướng Israel theo dự trù cũng sẽ đi thăm châu Âu và cũng sẽ tránh nói về luật mới này.
http://www.voatiengviet.com/a/washington-len-an-luat-moi-ve-khu-dinh-cu-cua-israel/3714751.html
Thêm hai bộ trưởng Canada đi thăm Mỹ
Thêm hai quan chức Canada đang có mặt ở Washington hôm thứ Tư để tìm hiểu về chính phủ mới của Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump. Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau và Bộ trưởng Ngoại giao Chrystia Freeland đang gặp gỡ các quan chức Mỹ để bàn về các vấn đề thương mại và an ninh.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Singh Sajjan đã gặp người đồng cấp phía Mỹ, ông James Mattis, hôm thứ Hai.
Hai nước chưa ấn định ngày giờ cho cuộc hội kiến giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Chính quyền của ông Trump nói họ dự tính sẽ đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA)với Mexico và Canada, một hiệp ước thương mại đã tồn tại 23 năm nay.
75% hàng xuất khẩu của Canada được đưa vào thị trường Hoa Kỳ.
Trong khi đó, báo Independent của Anh tường thuật rằng hệ quả của việc thay đổi chính sách di trú ở Mỹ là đông đảo người tị nạn ở Hoa Kỳ đang chạy sang Canada.
http://www.voatiengviet.com/a/them-hai-bo-truong-canada-di-tham-my/3714695.html
AIIB liệu có bảo vệ được Trung Quốc trước ông Trump?
Đang có những câu hỏi về liệu Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) có thể giúp Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại các hành động bất lợi mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đe dọa sẽ thực hiện hay không.
Ông Jacob Kirkegaard, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói với VOA:
“AIIB là một định chế sẽ giúp Trung Quốc vận động sự hỗ trợ từ các nước khác trong bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp nào với ông Trump”.
Ông cho rằng “thành lập AIIB và thể hiện ý định là Bắc Kinh sẽ vận hành theo các quy định đã áp dụng lâu năm, đã giúp Trung Quốc trong bối cảnh ông Trump ngày càng có những động thái quyết đoán, không những từ khước vai trò truyền thống của Mỹ, mà còn bác bỏ nhiều quy định quốc tế mà chính Hoa Kỳ đã góp phần lập ra”.
Nhưng theo nhà nghiên cứu, lợi thế đó chủ yếu là về mặt ngoại giao và chính trị, ông khuyến cáo AIIB sẽ không mang lại cho Trung Quốc bất cứ lợi thế kinh tế cụ thể nào trong cuộc đối đầu song phương với ông Trump.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần tiên đoán Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Trump sẽ lật ngược quyết định của chính quyền Obama, và chọn gia nhập ngân hàng này.
Chính quyền ông Trump vẫn chưa bình luận gì về AIIB và các nhà phân tích đặt nghi vấn về liệu ông Trump có thoả thuận để Hoa Kỳ gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á và qua đó giúp tăng thêm uy tín cho AIIB, vốn có trụ sở đặt ở Bắc Kinh.
Ông Kirkegaard nói:
“Không đời nào ông Trump đồng ý gia nhập AIIB”.
Lourdes S. Casanova, giám đốc học thuật của Viện nghiên cứu thị trường mới nổi thuộc Đại học Cornell, cũng đồng ý với nhận định đó. Bà nói:
“Tôi không tin chính quyền mới sẽ tham gia vì, cho đến nay, họ chỉ muốn co cụm lại, rút về nước và tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước. Cần có ý chí chính trị và về mặt này, Tổng thống Trump tỏ ra cứng rắn hơn, đối đầu với Mexico cũng như với Trung Quốc, ông còn chỉ trích các tổ chức đa phương, làm chúng tôi tin rằng ông không có ý định tham gia AIIB”.
http://www.voatiengviet.com/a/aiib-lieu-co-bao-ve-duoc-trung-quoc-truoc-ong-trump/3714662.html
Luật sư của TT Park từ chối cuộc thẩm vấn trực tiếp
Các luật sư bảo vệ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã từ chối dự tính của một công tố viên đặc biệt đang điều tra vụ án tham nhũng, thẩm vấn bà Park, viện lý do là một vụ rò rỉ thông tin cho báo chí, theo một phát ngôn viên của văn phòng công tố cho biết hôm thứ Năm.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Lee Kyu-chul cho biết là theo kế hoạch dự trù, buổi thẩm vấn bà Park sẽ diễn ra trong ngày thứ Năm tại một địa điểm không được tiết lộ.
Nhưng văn phòng bà Park đã báo cho công tố viên biết rằng họ đã hủy bỏ thỏa thuận về buổi thẩm vấn.
Ông Lee nói:
“Không có thay đổi về quan điểm cho rằng một cuộc thẩm vấn trực tiếp với tổng thống là điều cần thiết, nhưng chưa có quyết định cụ thể về lịch trình từ thời điểm này”.
Ông Lee cho biết các luật sư của bà Park đã thông báo cho phòng công tố về quyết định trên sau khi một đài truyền hình tường thuật trong buổi phát sóng hôm thứ Ba, rằng bà Park sẽ bị thẩm vấn trong ngày thứ Năm tại một văn phòng bên trong dinh tổng thống, tức Nhà Xanh.
Chưa rõ nguyên nhân tại sao bản tin của truyền thông lại dẫn đến quyết định hủy bỏ buổi thẩm vấn.
Bà Park bị quốc hội luận tội hôm 9 tháng 12 vì bị tình nghi là thông đồng với người bạn lâu năm tên Choi Soon-sil để gây áp lực với các doanh nghiệp lớn, đòi họ đóng góp tài chính cho hai quỹ được lập ra để hậu thuẫn những sáng kiến chính sách của tổng thống.
Cả Tổng thống Park lẫn người bạn, bà Choi đều phủ nhận lời cáo buộc, nói rằng họ không làm điều gì sai trái.
http://www.voatiengviet.com/a/luat-su-cua-tt-park-tu-choi-cuoc-tham-van-truc-tiep/3716252.html
TQ mời Anh dự thượng đỉnh Con đường Tơ lụa
Trung Quốc mời Thủ tướng Anh Theresa May tham dự thượng đỉnh quan trọng vào tháng 5 tới đây bàn về sáng kiến của Trung Quốc “Một Vòng đai, Một Con đường” nhằm xây dựng một Con đường Tơ lụa mới theo như các nguồn tin ngoại giao cho Reuters biết và London cũng nói Bà May sẽ thăm Trung Quốc trong năm nay.
“Một Vòng đai, Một Con đường” là một chương trình cột mốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đầu tư nhiều tỉ đô la vào những dự án hạ tầng cơ sở bao gồm đường xe lửa, bến cảng và những mạng lưới điện tại châu Á, châu Phi và châu Âu.
Trung Quốc đã dành 40 tỉ đô la cho Quỹ Con đường Tơ lụa và sáng kiến này là lực đẩy đằng sau việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở châu Á với vốn 50 tỉ đô la do Trung Quốc hậu thuẫn.
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, nói với tờ China Daily của nhà nước trong tuần qua là các nhà lãnh đạo của khoảng 20 quốc gia đã xác nhận sẽ tham dự, đại diện cho châu Á, châu Âu, châu Phi và Châu Mỹ La Tinh, dù ông không nêu tên của những người này.
Một nguồn tin ngoại giao có căn cứ tại Bắc Kinh với hiểu biết trực tiếp về danh sách khách mời nói với Reuters là bà May có tên trong danh sách những người được mời.
Hai nguồn tin ngoại giao khác cũng xác nhận tin này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh đang được tiến hành suôn sẻ, và chi tiết những người tham dự sẽ được loan báo trong một ngày tới.
Sri Lanka đã xác nhận Thủ tướng nước này sẽ đến và Trung Quốc nói Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng tham dự.
Các nhà lãnh đạo nước ngoài thường phối hợp việc tham dự những sự kiện đa phương quan trọng do Trung Quốc tổ chức với những chuyến thăm chính thức Trung Quốc.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-moi-anh-du-thuong-dinh-con-duong-to-lua/3715106.html
Chiến sự vẫn ác liệt ở miền Đông Ukraina
Tình hình Đông Ukraina vẫn rất căng thẳng, các cuộc xung đột tiếp diễn ở nhiều nơi dọc chiến tuyến. Một thủ lĩnh quân sự của lực lượng nổi dậy ở Donetsk bị ám sát càng làm cho ngọn lửa nội chiến khó dập tắt. Giới quan sát đều bi quan về một lối thoát ở vùng này.
Đặc phái viên RFI Sébastien Gobert tại Kramatorsk, tường thuật :
Tiếng đại bác vang vọng được nghe thấy hàng ngày ở Donbass. Vũ khí nặng đã tái xuất ở những vùng trên nguyên tắc được phi quân sự hóa. Các quan sát viên của tổ chức OSCE không che giấu nỗi lo ngại là chiến sự leo thang sau những trận đánh dữ dội mấy tuần qua.
Oanh kích gia tăng nhưng chiến tuyến không lay động, bên này hay bên kia. Người ta lo ngại lực lượng Nga và thân Nga tiến đánh ồ ạt như năm 2014. Hiện giờ nỗi lo này đã phần nào lắng xuống, như phó thống đốc vùng Donetsk, Yevhen Vilinsky, giải thích : « Quân đội Ukraina giờ đã khác rất nhiều so với 2014. Được huấn luyện kỹ càng hơn và trang bị tốt hơn. Sẽ không còn bị thất bại như cách đây hơn hai năm. »
Cho dù lính hai bên có thâm nhập qua chiến tuyến khoảng vài trăm mét, nhưng các lằn ranh phòng vệ vẫn vững chắc và những đợt tấn công đã thất bại.
Đối với nhiều nhà quan sát, cuộc chiến này ở Ukraina ngày càng giống chiến tranh hào lũy trong Thế Chiến Thứ Nhất. Không bên nào thất bại hay chiến thắng được bằng phương thức quân sự. Các cuộc đàm phán hòa bình thì bị đóng băng.
Cuộc đọ sức bằng trọng pháo gây thiệt hại nhân mạng ngày nghiêm trọng thêm : số tử vong và bị thương lên cao hàng tuần, nhưng không làm tình hình cuộc chiến ở đây thay đổi gì nhiều.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170209-chien-su-van-ac-liet-o-mien-dong-ukraina