Tin khắp nơi – 08/11/2019
Mỹ-Trung sẽ bỏ thuế quan
nếu đạt bất cứ thỏa thuận thương mại nào
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan như là một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào được ký kết.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh hai nước được kỳ vọng sẽ ký một hiệp ước tuyên bố chấm dứt một cuộc chiến thương mại đã phá vỡ nền kinh tế toàn cầu.
Các quan chức đã mô tả thỏa thuận đang được xây dựng này như một thỏa thuận “giai đoạn một”, không có khả năng giải quyết đầy đủ các vấn đề liên quan đến trộm cắp công nghệ vốn châm ngòi cho cuộc chiến thương mại.
Trump lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Thương chiến Mỹ – Trung: Mỹ dừng áp thuế bổ sung sau hai ngày đàm phán
Hụt nhân lực khiến VN khó tận dụng cơ hội từ cuộc thương chiến
Ngày ký thỏa thuận hiện chưa được ấn định.
Hai bên dự kiến sẽ đưa ra thỏa thuận giai đoạn một tại cuộc họp của lãnh đạo hai nước Mỹ, Trung ở Chile trước cuối năm nay, nhưng Chile đã hủy hai hội nghị thượng đỉnh – theo dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần tới – sau các cuộc biểu tình trong nước.
Trung Quốc đã thúc ép Mỹ dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa của mình như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hai bên đã đồng ý hủy bỏ thuế quan “theo từng giai đoạn” khi thỏa thuận được thực thi.
Hôm thứ Năm 7/11, Reuters và Bloomberg cho hay một quan chức thương mại Mỹ xác nhận rằng một số mức thuế sẽ được dỡ bỏ, nếu hai bên đạt được thỏa thuận.
Nhưng các nhà đàm phán Mỹ đã không công khai xác nhận thông tin này và Reuters sau đó đưa tin rằng kế hoạch này vấp phải sự phản đối “khốc liệt” từ nội bộ.
Theo các tường thuật, thị trường chứng khoán leo dốc, được xem như một dấu hiệu cho thấy hai bên đang tiến gần hơn tới việc đạt được một thỏa thuận.
Tăng trưởng toàn cầu
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã áp thuế lên hàng hóa của nhau, trị giá hàng tỷ đô la thương mại hàng năm, kể từ năm ngoái.
Cuộc chiến thuế quan đã làm tổn thương thương mại, đóng vai trò là lực cản đối với nền kinh tế của cả hai nước và gây áp lực lên các nhà lãnh đạo hai nước để đạt được một thỏa thuận.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính rằng thương chiến Mỹ-Trung sẽ làm giảm gần một phần trăm tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50342154
Nhà Trắng lục đục
vì chuyện dỡ bỏ thuế cho Trung Quốc?
Một thỏa thuận Mỹ-Trung nhằm rút lại các mức thuế quan hiện nay, một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, đang đối mặt với sự phản đối quyết liệt tại Nhà Trắng và từ các cố vấn bên ngoài, Reuters dẫn nhiều nguồn tin am hiểu các cuộc đàm phán cho biết.
Ý tưởng dỡ bỏ thuế quan không phải là một phần của thỏa thuận “bắt tay” ban đầu được khởi sự từ tháng 10 giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Reuters dẫn các nguồn tin nói.
Trước đó, hôm thứ Năm 7/11, các quan chức Trung Quốc cho biết việc cắt giảm thuế đã đạt được thoả thuận và việc này được một quan chức Hoa Kỳ xác nhận vào đầu giờ chiều ngày 7/11.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời các cựu quan chức và các quan chức đương nhiệm của chính quyền Mỹ cho biết có một sự chia rẽ trong chính quyền về việc liệu gỡ bỏ thuế quan có hạ thấp vị thế của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán hay không.
Trong khi đó, cựu cố vấn Nhà Trắng Stephen Bannon, cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng tái đàm phán thỏa thuận.
Ông nói thêm rằng việc quay trở lại mức thuế quan trước đó đang đi ngược lại với bản chất của thỏa thuận ban đầu vào tháng 10.
“Không có gì mà ông Trump ghét hơn là việc ai đó đi ngược lại trong một thỏa thuận”, ông nói.
Reuters cho biết không ai trong Nhà Trắng xác nhận có sự chia rẽ này, và văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cũng không bình luận về việc có hay không chuyện dỡ bỏ thuế quan.
Christian Whiton, cựu cố vấn của chính quyền Trump về các vấn đề Đông Á, nói rằng điều này “rất đậm chất Bắc Kinh”.
Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng “chiến lược đàm phán siêu năng nổ để cố gắng tái xác định thực tế”, Reuters dẫn lời ông Whiton nói.
“Dù sao, ông Trump cũng là người rất ‘diều hâu’ trong thương mại với Trung Quốc”, ông Whiton nói thêm. “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ấy đồng ý chuyện này”.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thăm Việt Nam
Hôm 8/11, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross và một phái đoàn đại diện cho 17 doanh nghiệp Mỹ đến Hà Nội, gặp gỡ Bộ trưởng Công thương Việt Nam và chứng kiến lễ ký kết giữa một tập đoàn năng lượng Mỹ và đối tác Việt Nam để xây dựng một nhà máy điện khí hóa lỏng trị giá 1,7 triệu đôla.
Bộ trưởng Wilbur Ross và phái đoàn gồm 34 giám đốc điều hành các doanh nghiệp đã có buổi gặp mặt Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh để thảo luận về các lĩnh vực hợp tác đầu tư và thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, thành phố thông minh, y tế và giao thông vận tải, theo thông báo của Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Reuters và TTXVN cho biết Tập đoàn năng lượng Hoa Kỳ AES Corp. chiều ngày 08/11 đã ký một biên bản ghi nhớ với chính phủ Việt Nam để xây dựng nhà máy điện chạy bằng khí hóa lỏng Sơn Mỹ 2 trị giá 1,7 tỷ đôla tại Bình Thuận, với sự chứng kiến của Bộ trưởng Ross và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội.
Một nhà máy điện 2,2 gigawatt, nâng cao năng lực điều trị ung thư, thăm dò dầu khí bổ sung, bảo dưỡng động cơ hiệu quả cho Vietnam Airlines và hệ thống đặt chỗ hàng không thân thiện với du khách là một số lợi ích mà các công ty sẽ mang lại cho Việt Nam sau khi 5 thỏa thuận kinh doanh được ký kết hôm nay, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, theo thông tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội.
Trang Chính phủ hôm 8/11 cho biết: “Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ; mong muốn đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
“Thủ tướng hoan nghênh những tiến triển ngày càng thực chất, hiệu quả của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ trên tất cả cảc lĩnh vực, trong đó quan hệ kinh tế, thương mại tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, đóng vai trò trọng tâm và là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ song phương…” trang này cho biết thêm.
Trước đó, một thông cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết Bộ trưởng Ross và phái đoàn gồm các quan chức chính phủ Mỹ và giám đốc các công ty hàng đầu của Mỹ đã đến Hà Nội từ ngày 7/11.
Chuyến thăm này là một phần trong chương trình lớn hơn của bộ trưởng thương mại Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với các điểm dừng trước đó ở Bangkok, Thái Lan và Jakarta, Indonesia.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-thuong-mai-my-wilbur-ross-tham-vietnam/5157992.html
Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương
tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung”:
Mỹ lên án “đường 9 đoạn”
Bộ Ngoại giao Mỹ (4/11) công bố Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung”, trong đó nhấn mạnh, các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là “đường 9 đoạn” là bất hợp pháp, không có giá trị pháp lý và gây thiệt hại đối với các quốc gia khác.
Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” cung cấp chi tiết về các sáng kiến ngoại giao, kinh tế, giám sát nhà nước và an ninh trong 2 năm qua, từ đó cho thấy cam kết tiếp diễn của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và cách Mỹ đã và đang củng cố quan hệ giao lưu nhân dân cũng như quan hệ song phương. Tài liệu dài hơn 30 trang đã mô tả cách chính phủ Mỹ làm việc với các nước đồng minh và đối tác để thực hiện tầm nhìn về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Mở đầu báo cáo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết vào tháng 11/2017 khi tham dự APEC tại Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu về chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” vạch ra tầm nhìn mới cho Washington. Mỹ cam kết tiếp tục tham gia sâu vào khu vực này, cùng với các đồng minh tiên phong trong việc đảm bảo an ninh trong khu vực, giải quyết các thách thức. Báo cáo nhấn mạnh các nguồn lực của Mỹ hướng đến khu vực với sự hỗ trợ của Quốc hội và chỉ ra các bước cụ thể mà Washington đã thực hiện cùng với các đồng minh và đối tác để hiện thực hóa tầm nhìn chung của Mỹ. Báo cáo được xây dựng trên Báo cáo Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó nêu rõ vai trò của Bộ Quốc phòng Mỹ trong chiến lược này.
Báo cáo cho hay, Mỹ muốn xây dựng một mạng lưới vững chắc, linh hoạt gồm các đối tác an ninh cùng chí hướng để giải quyết các thách thức chung. Mỹ chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực của các lực lượng an ninh để đối phó với tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ chủ quyền hàng hải, giải quyết các thách thức môi trường và cùng đối phó với các mối đe dọa đang nổi lên. Mỹ cũng đảm bảo rằng quân đội nước này và các đồng minh duy trì các khả năng tương tác để ngăn chặn các địch thủ. Cam kết lâu dài của Mỹ đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương được chứng minh hàng ngày bằng sự hiện diện trong khu vực của gần 375.000 quân nhân thuộc khu vực quản lý của Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Washington hợp tác với các đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm duy trì tự do hàng hải và cách sử dụng hợp pháp khác của vùng biển để tất cả các quốc gia được tiếp cận và hưởng lợi từ các lợi ích hàng hải chung. Tại Biển Đông, Mỹ hối thúc các bên liên quan giải quyết các tranh chấp hòa bình, không ép buộc và tuân thủ luật pháp quốc tế. Báo cáo cho biết, trong 2 năm qua, Mỹ đã hoan nghênh các hợp tác hàng hải lịch sử đầu tiên. Vào tháng 5/2019, Mỹ đã tham gia vào cuộc diễn tập chung đầu tiên với hải quân Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines ở Biển Đông. Vào tháng 9/2019, Mỹ đồng chủ trì với Thái Lan cuộc diễn tập hàng hải Mỹ – ASEAN đầu tiên nhằm tăng cường các mối quan hệ và chia sẻ thông tin giữa hải quân các nước ASEAN và Mỹ. Trong năm 2018, Mỹ đã mở rộng Sáng kiến thực thi pháp luật hàng hải Đông Nam Á.
Theo báo cáo, kể từ khi Tổng thống Trump lên nhậm chức, Mỹ đã cung cấp hơn 1,1 tỷ USD cho hợp tác an ninh của Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Đông Nam Á và Nam Á. Khoản này bao gồm 365 triệu USD cho các chương trình như Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á và Sáng kiến Vịnh Bengal của Bộ Ngoại giao. Các chương trình này cung cấp thiết bị và sự huấn luyện cho phép các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á tăng cường phát hiện các mối đe dọa, chia sẻ thông tin và phản ứng phối hợp với các cuộc khủng hoảng thiên nhiên và do con người gây ra.
Liên quan vấn đề Biển Đông, Báo cáo trên cho biết, “các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ phi lý là không có cơ sở, bất hợp pháp và không hợp lý. Các đòi hỏi chủ quyền này, vốn không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, lại gây ra các thiệt hại thực tế đối với các quốc gia khác”; đồng thời khẳng đinh “thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại nhằm áp đặt ‘đường 9 đoạn’, Bắc Kinh đang cản trở các quốc gia thành viên ASEAN tiếp cận với các nguồn dự trữ năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ USD, đồng thời góp phần vào sự mất ổn định và nguy cơ xung đột”. Không những vậy, Washington khẳng định Mỹ hợp tác cùng các nước trong khu vực để duy trì tự do hàng hải và tận dụng nhiều biện pháp khác nhau để tất cả các quốc gia có thể cùng chia sẻ lợi ích từ biển. Washington kêu gọi các nước liên quan cần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng những biện pháp hòa bình, không cưỡng ép và phải dựa trên luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, báo cáo “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung”, Mỹ khẳng định sẽ tăng cường quan hệ hợp tác cùng Việt Nam – quốc gia giữ vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo trên, Chủ tịch chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ Patrick Cronin (5/11) cho biết, Báo cáo trên mang ý nghĩa quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Theo ông Patrick Cronin, “một loạt các bộ trưởng quốc phòng Mỹ qua nhiều thời kỳ từng nhấn mạnh rằng Washington sẽ không ngồi yên khi một cường quốc nào đó đang tìm cách viết lại luật lệ trên Biển Đông. Bây giờ Bộ Ngoại giao là cơ quan có thẩm quyền đã chính thức đưa ra một tuyên bố như thế để khẳng định chính sách đối ngoại của Mỹ là sẽ tìm cách giữ gìn cả hòa bình lẫn các tuyên bố chủ quyền hợp pháp tại khu vực này”.
Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng đó là cách Washington đưa ra một hồ sơ pháp lý. “Về mặt pháp lý, tuyên bố của Mỹ nhằm khẳng định việc Trung Quốc đưa ra chủ quyền “đường lưỡi bò” là không có cơ sở”; đồng thời nhận định báo cáo trên còn hàm chứa một nỗ lực để củng cố một “liên minh ở Đông Nam Á” nhằm ứng phó tình hình hiện tại. Ông James Holmes cho rằng “Mỹ đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc tấn công trực tiếp vào lợi ích của các nước trong khu vực về những khía cạnh như an ninh năng lượng, kinh tế. Đây đều là các lợi ích sát sườn của chính phủ lẫn người dân của các nước liên quan. Khi trân trọng những lợi ích này, lãnh đạo của các quốc gia trong khu vực sẽ nhìn thấy được lợi ích chung với cả những nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Khi đứng cùng nhau, các nước sẽ cùng có lợi”. Ngoài ra, Tiến sỹ James Holmes cho rằng lâu nay, các nước Đông Nam Á dường như chưa thực sự chia sẻ những lợi ích chung đó, nhưng với những gì đang diễn ra thì đừng chậm trễ phối hợp với nhau nữa. Đó là cách để vượt qua các thách thức hiện tại.
Bộ trưởng QP Mỹ thăm VN
trong chuyến công du châu Á từ ngày 13/11
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper sẽ bắt đầu chuyến công du các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Việt Nam từ ngày 13/11, Lầu Năm Góc cho biết trong một thông cáo hôm 7/11.
“Tại Việt Nam, Bộ trưởng Esper dự kiến gặp người đồng cấp và các lãnh đạo cấp cao khác, thảo luận về môi trường an ninh khu vực và cách thức tăng cường quan hệ quốc phòng”, thông cáo cho biết thêm.
Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Esper sẽ tham dự Cuộc họp tham vấn về an ninh Mỹ – Hàn lần thứ 51. Ông sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, thảo luận về quan hệ đồng minh, thúc đẩy xử lý các vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tại Thái Lan, ông Esper dự cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Mỹ đánh giá đây cơ chế hiệu quả nhất trong hợp tác giữa các bên, nơi các lãnh đạo cao cấp thảo luận về các vấn đề quốc phòng khu vực, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Tại Philippines, Bộ trưởng Esper sẽ gặp người đồng cấp và thảo luận tăng cường hợp tác an ninh khu vực để tuân thủ các quy tắc và luật lệ quốc tế.
Trước đó, hôm 9/10, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Randall Schriver cho hay trong chuyến thăm sắp đến của ông Esper tới Việt Nam, hai nước sẽ đưa ra nhiều hoạt động, chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 17/10 cho biết quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ tiếp tục phát triển trên cơ sở các cơ chế hiện có và khuôn khổ Đối tác Toàn diện.
Vụ tiêu diệt trùm khủng bố Baghdadi
cho thấy Mỹ nghi kỵ Thổ Nhĩ Kỳ
Trong vòng hai ngày 05 – 06/11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp loan báo đã bắt được chị và vợ của thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi Giáo Daech. Thông báo được đưa ra với vẻ như “oán hờn” Mỹ vì đã gạt Ankara ra khỏi chiến dịch truy sát Abou Bakr al-Baghdadi.
Vì sao Mỹ không phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công thủ lĩnh Daech? Kênh truyền hình France 24 nhận định việc xác định vị trí và cách thức lập kế hoạch cũng như cách tiến hành vụ tấn công của quân đội Mỹ cho thấy rõ Washington thiếu tin tưởng vào Ankara.
Triệt hạ quân thánh chiến ở Idleb: Một thất bại của Ankara
Trên bàn cờ chiến sự Syria, khu vực vị trí làng Baricha được cho là “dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ”. Đây là nơi sinh sống của khoảng ba triệu người, phần đông là dân thường, sống chung một mớ lẫn lộn các nhóm thánh chiến, trong đó có nhánh Al-Qaida Syria, nhưng cũng có một số nhóm nổi dậy đồng minh hay tham chiến, chủ yếu là những kẻ tử thù của Daech.
Tại Idleb, Thổ Nhĩ Kỳ lập đến hơn một chục chốt gác, chuyên trách theo dõi khu vực quân nổi dậy chống chế độ Damas. Sau khi đã đàm phán được một lệnh ngừng bắn với Nga và Iran, trong khuôn khổ tiến trình Astana, Thổ Nhĩ Kỳ tự xem như là phía “bảo trợ” cho khu căn cứ Idleb.
Thỏa thuận dự trù việc thành lập một vùng đệm, theo yêu cầu của Ankara, để bảo vệ cư dân Idleb trước các cuộc tấn công từ các lực lượng chế độ Damas. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết đánh bật các nhóm thánh chiến ra khỏi tỉnh, kể cả Al-Qaida và các nhóm đòi ly khai chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo France 24, sự hiện diện của Abou Bakr al-Baghdadi tại Idleb qua chiến dịch truy sát của lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã góp phần làm sáng tỏ thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thực thi cam kết của mình.
Căn cứ Incirlik không được màng đến
Nhìn từ góc độ vị trí phòng thủ và chiến đấu chống khủng bố, điểm xuất phát chiến dịch của Mỹ cũng đặt ra vấn đề và làm lộ rõ những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thành viên của khối NATO.
Incirlik – căn cứ không quân lớn thứ hai của NATO ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cách Baricha 200 km. Nhưng hôm Chủ Nhật, các chiếc trực thăng của Mỹ, chở đầy lính đặc nhiệm và các trang thiết bị của Delta Force lại cất cánh từ căn cứ không quân Al-Assad, nằm ở tỉnh Anbar (miền tây Irak). Căn cứ này nằm cách Baricha đến 800 km. Quân đội Mỹ đi theo một hành trình xuyên Syria từ Đông sang Tây trên một vùng lãnh thổ nguy hiểm do kẻ thù kiểm soát.
Theo nhận xét của Washington Post, sự việc cho thấy quân đội Mỹ “không mấy tin tưởng” vào “một đồng minh mà ông Trump nói là có thể trông cậy để ngăn chận sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo”.
Về điểm này, ông Nicholas Heras, thuộc Center For A New American Security khi trả lời phỏng vấn France 24 nhận thấy là “chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lấy làm phật ý về việc chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) của người Kurdistan”.
Theo phân tích của ông, “vì những lý do tác chiến, Hoa Kỳ cho rằng tốt hơn hết nên xuất phát từ Erbil, an toàn hơn cho Mỹ để phối hợp tấn công khiến cho nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo bị bất ngờ không kịp trở tay. Nếu nghe kỹ những gì các quan chức Mỹ tuyên bố, rõ ràng là chúng ta không mấy gì tin tưởng vào Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp chặt chẽ”.
Kết hợp với FDS, kẻ thù truyền kiếp của Thổ Nhĩ Kỳ
Một điểm tương phản khác đáng chú ý: Nhiều báo cáo mới đây cho thấy rõ vai trò quan trọng của Lực lượng Dân chủ Syria (FDS), kẻ thù “không đội trời chung” của Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ tấn công dẫn đến cái chết của Abou Bakr al-Baghdadi.
Hôm thứ Ba 29/10, ông Polat Can, cố vấn cấp cao cho FDS tiết lộ trên mạng Twitter rằng một trong những nguồn thu thập thông tin của phe này đã đánh cắp thành công các bộ đồ lót cũ cũng như là một mẫu máu của Abou Bakr al-Baghdadi. Những mẫu vật này sau khi được chuyển giao cho tình báo Mỹ đã cho phép xác định sự tương đồng về ADN và chuyển qua giai đoạn hành động với tốc độ cao hơn, “cách đây hơn một tháng”, như ông Polat Can khẳng định. Thế nhưng, đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào phía đông bắc Syria này 09/10/2019 đã làm cho “chiến dịch bị hoãn lại”, ông Polat Can giải thích tiếp.
Hơn nữa, cũng trong ngày thứ Ba 29/10, Washington xác nhận thông báo của FDS – đăng vài giờ sau khi loan báo cái chết của Abou Bakr al-Baghdadi – theo đó, một cuộc tấn công phối hợp chung giữa FDS và Mỹ tại Jarablous (phía bắc tỉnh Alep) đã hạ gục một nhân vật quan trọng khác: Abou Hassan al-Mouhajir, phát ngôn viên của nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Thổ Nhĩ Kỳ và NATO: “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”
Thổ Nhĩ Kỳ, vì chỉ lo tập trung đánh các lực lượng người Kurdistan trong khu vực, đã tỏ ra không mấy hào hứng chống các nhóm thánh chiến đang hoạt động ở phía bắc Syria.
Từ khi Ankara tham gia vào khối NATO năm 1952, tổ chức này đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu căn cứ quân sự Incirlik. Một cầu nối chiến lược đến các vùng biển Hắc Hải và Địa Trung Hải trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Tầm quan trọng còn được nâng lên một mức khi Nga cho sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014.
Theo nhận định của France 24, chiến dịch quân sự hạ sát Abou Bakr al-Baghdadi cho thấy là NATO đã gạt Thổ Nhĩ Kỳ sang một bên vào lúc Ankara, về phần mình, đã tăng cường các mối liên kết quân sự với Matxcơva và Bắc Kinh.
Ông Nicholas Heras cho biết thêm “Hoa Kỳ đã lập nhiều khu căn cứ khác có thể cất trữ vũ khí và giảm bớt tầm quan trọng của Incirlik. Họ có các khu căn cứ tại Qatar, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ở Erbil, một khu căn cứ tác chiến cấp tiến ở Hy Lạp và tại nhiều nơi khác của khu vực”.
Vẫn theo phân tích của ông Nicholas Heras, thái độ nghi kỵ của Hoa Kỳ đối với Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nhiều điểm tương đồng với mối quan hệ căng thẳng mà Mỹ từng duy trì với Pakistan trong một chiến dịch bắn hạ Oussama Ben Laden năm 2011 ở Islamabad.
Pakistan, đồng minh của Mỹ trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh và là đối tác chống khủng bố, chỉ được thông báo về chiến dịch sau khi nhà sáng lập Al-Qaida đã chết và nhóm đặc nhiệm Mỹ trở về khu căn cứ không quân ở Afghanistan.
Sau hơn 60 năm hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác phương Tây của NATO, khối Liên Minh này giờ có vẻ đang trong giai đoạn “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Chỉ có điều cả hai bên không ai dám công khai nói lên lời “giã biệt”!
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191108-vu-tan-cong-baghdadi-cho-thay-my-nghi-ky-tho-nhi-ky
Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris ‘sẽ không ảnh hưởng gì’
Việc Mỹ rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu ‘sẽ không ảnh hưởng nhiều’ đến nỗ lực chung của nhân loại vì nước này ‘có cơ chế tự kiểm soát’, một nhà nghiên cứu về môi trường nói với VOA.
Hôm 4/11, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo đã đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc xin rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu mà chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama đã ký kết vào năm 2016, khởi động quy trình rút ra kéo dài đúng một năm.
Mỹ tự kiểm soát?
Trao đổi với VOA về liệu việc rút lui của Mỹ có ảnh hưởng đến nỗ lực chung của nhân loại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay không, Tiến sỹ Mai Thanh Truyết, nhà nghiên cứu môi trường ở Houston, bang Texas, Mỹ, nhận định là ‘không ảnh hưởng gì cả’.
Theo cam kết của Mỹ với Hiệp định Paris dưới thời Tổng thống Barack Obama thì nước này đặt mục tiêu giảm 26 – 28% lượng phát thải vào năm 2025 so với mức 2005.
“Dù có hay không sự ký kết của Mỹ thì EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ) vẫn kiểm soát rất kỹ lưỡng những biện pháp hạn chế phát thải carbon của các nhà sản xuất Mỹ,” ông Truyết phân tích.
“Theo luật bảo vệ môi trường trong sản xuất của EPA thì các nhà máy khi sản xuất ra 1 đô la thành phẩm thì phải chi thêm 50 cent để giải quyết phế thải rắn, lỏng và khí. Do đó giá thành thật sự của sản phẩm Mỹ đội lên thành 1,5 đô la trong khi các nước khác không có tiêu chuẩn đó,” ông giải thích.
Ông cũng lưu ý là mặc dù Mỹ chỉ xếp sau Trung Quốc về lượng phát thải nhưng ‘tỷ lệ bình quân trên mỗi đơn vị sản phẩm’ thì ‘thấp hơn nhiều so với Trung Quốc’. Ông đưa ra số liệu trong năm 2014 cho thấy Mỹ phát thải 7 tỷ tấn CO2 và sản xuất 22% sản phẩm của thế giới trong khi Trung Quốc phát thải 10 tỷ tấn nhưng chỉ sản xuất 19% sản phẩm của thế giới.
Về câu hỏi của VOA liệu các động thái của Tổng thống Trump nới lỏng các quy định chặt chẽ về môi trường từ thời Tổng thống Obama hay khuyến khích khai thác nhiên liệu hóa thạch và cho phép các nhà máy nhiệt điện than đá hoạt động có phải là đi ngược lại các nỗ lực bảo vệ môi trường hay không, ông Truyết cho rằng không có gì đáng lo bởi vì ‘phương pháp sản xuất của Mỹ giảm thiểu 90% lượng phát thải’ so với công nghệ dùng ở các nước đang phát triển.
Bị cô lập?
Về quyết định của Tổng thống Trump rút ra khỏi Thỏa thuận Paris, ông Truyết cho rằng ông ‘một nửa ủng hộ, một nửa không ủng hộ’.
“Trong điều kiện chính trị hôm nay thì đó là quyết định đúng đắn, nhưng trên phương diện kinh tế và địa chính trị với sự lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu thì nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực,” ông giải thích.
Hiệp định Paris cho đến nay đã được 197 quốc gia ký kết và 185 nước phê chuẩn. Với việc rút ra này thì Mỹ, vốn là quốc gia phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai trên thế giới, là nước duy nhất trên thế giới đứng ngoài thỏa thuận.
Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định này của ông Trump khiến Mỹ bị cô lập với phần còn lại của thế giới, làm ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ và làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này, nhất là trên hồ sơ biến đổi khí hậu trong lúc Trung Quốc đang vươn lên nắm lấy vai trò lãnh đạo này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 6/11 ở Bắc Kinh đã cùng tuyên bố rằng Thỏa thuận Paris là ‘không thể đảo ngược’ trong một hành động thể hiện mặt trận thống nhất trước sự thoái lui của Washington, theo hãng tin AFP.
Trong một tuyên bố chung bằng văn bản, hai ông Tập và Macron tái khẳng định ‘sự ủng hộ kiên định đối với thỏa thuận Paris’.
Tại buổi tiếp của ông Tập ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, mặc dù không trực tiếp nêu tên Mỹ, ông Macron nói ông ‘lên án lựa chọn của những nước khác’ và rằng ‘ông xem đó là lựa chọn bên lề’.
Với sự ủng hộ của Liên minh châu Âu, Nga và Trung Quốc thì ‘quyết định đơn lẻ, cô lập của nước này hay nước khác là không đủ để thay đổi hướng đi của thế giới mà nó chỉ khiến nước đó bị gạt ra bên lề’, ông Macron được dẫn lời nói.
Về phần mình, ông Tập kêu gọi cộng đồng quốc tế ‘cùng chung tay bảo vệ hành tinh của chúng ta’ và rằng ‘chúng tôi chống lại nỗ lực đặt lợi ích riêng của quốc gia lên quyền lợi chung của nhân loại’. Mặc dù không nêu đích danh Mỹ nhưng rõ ràng đây là lời chỉ trích nhắm vào chính sách ‘Nước Mỹ Trên hết’ của Tổng thống Donald Trump.
Trong một văn bản có tựa đề ‘Lời kêu gọi của Bắc Kinh về Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Biến đổi Khí hậu’, hai nhà lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm tăng cường hợp tác quốc tế để ‘đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận Paris’.
Các cường quốc khác trên thế giới cũng bày tỏ lấy làm tiếc và quan ngại sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định đệ đơn xin rút khỏi Thỏa thuận Paris mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng về những chuyển biến cực đoan của khí hậu.
Mặc dù không còn sự lãnh đạo của Mỹ, các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ đưa ra những bước đi kế tiếp để giảm phát thải carbon nhiều hơn nữa tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sắp diễn ra ở Madrid, Tây Ban Nha, vào tháng tới, theo Washington Post.
“Nếu chúng ta muốn tuân thủ Hiệp định Paris thì vào năm tới chúng ta cần phải tăng cường cam kết giảm phát thải và chúng ta cần phải đưa ra các cam kết mới cho các thời hạn 2030 và 2050,” Tổng thống Macron phát biểu ở Trung Quốc.
Hy vọng vào Trung Quốc?
Với việc rút ra của Mỹ thì nỗ lực của Trung Quốc, với tư cách là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, trở thành then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới.
Trong Thỏa thuận Paris, Trung Quốc đưa ra cam kết vô điều kiện là sẽ ‘giảm 60-65% phát thải carbon trên mỗi đơn vị GDP đến năm 2030 so với mức 2005’. Đây được gọi là mục tiêu cường độ phát thải carbon, khác với mục tiêu cắt giảm 26-28% tổng lượng carbon của Mỹ.
Trong một phúc trình có tên là ‘Sự thật Đằng sau những Cam kết về Khí hậu’ của các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới vừa được công bố về mức độ thực hiện cam kết của các nước trong Thỏa thuận Paris, thì Trung Quốc được đánh giá là ‘có khả năng thực hiện đúng những gì đã cam kết’ do nước này đã giảm cường độ phát thải carbon kể từ năm 2005.
Mặc dù trong cam kết của mình, Trung Quốc cho rằng lượng phát thải carbon của họ ‘sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2030 và sau đó sẽ đi xuống’ nhưng phúc trình này nhận định nước này sẽ ‘tiếp tục tăng phát thải carbon trong ít nhất thêm một thập niên nữa’ dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế dự đoán của nước này.
Do đó, phúc trình kết luận rằng cam kết của Trung Quốc là ‘không đủ’ để góp phần vào mục tiêu giảm 50% lượng phát thải trên toàn cầu vào năm 2030.
‘Tiền lệ xấu’
Theo tờ Washington Post thì việc ông Trump bác bỏ sự đồng thuận toàn cầu về khí hậu ‘đã dọn đường cho các lãnh đạo hoài nghi khác cũng theo chủ nghĩa dân tộc làm theo’. Tờ báo này chỉ ra trường hợp Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vốn bổ nhiệm những người hoài nghi về khí hậu vào những vị trí chủ chốt trong nội các của ông và ‘việc chính phủ này có tìm cách đạt được những cam kết phát thải đầy tham vọng mà những người tiền nhiệm đưa ra hay không là điều đáng nghi ngờ’.
“Khi nền kinh tế lớn nhất thế giới và là nước phát thải chủ chốt nói rằng chúng tôi không quan tâm đến biến đổi khí hậu thì đó là tín hiệu cho các nước khác không cần phải làm gì nhiều,” bà Helen Clark, cựu thủ tướng New Zealand, được Washington Post dẫn lời nói bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9. Bà Clark cũng ca ngợi nỗ lực của các thống đốc và thị trưởng ở Mỹ đã tìm cách ‘lách khỏi’ sự cứng nhắc của chính quyền Trump và thực thi những cải cách về khí hậu trong phạm vi quyền hạn của họ.
Hồi tháng 9, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antoniao Guterres đã nói rằng ‘phí tổn lớn nhất là trợ cấp cho ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch đang chết’ và ‘xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than nữa và phủ nhận một điều rõ ràng như ban ngày rằng chúng ta đang trong hố sâu khí hậu’ và để thoát ra hố sâu đó, theo ông, ‘trước hết là phải ngưng khai mỏ’.
Những người chỉ trích ông Trump ở Mỹ nói rằng bên cạnh việc ông phủ nhận khoa học một cách nguy hiểm, ông còn quay lưng với cơ hội làm cho Mỹ trở thành nước đi đầu về năng lượng gió, mặt trời và các dạng năng lượng tái sinh khác.
“Bằng cách dựng lên các rào cản cho việc chuyển đổi cần thiết sang nền kinh tế ít carbon, ông Trump đang làm cho các doanh nghiệp Mỹ trở nên ít cạnh tranh hơn và để các cơ hội kinh tế và công việc mới rơi vào tay các nước khác,” cựu Ngoại trưởng John Kerry và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel viết trong một lá thư chung được Washington Post dẫn lời.
Kết quả bầu cử tại Virginia, Kentucky
mang ý nghĩa gì cho 2020?
Anthony ZurcherPhóng viên Bắc Mỹ
Kết quả các cuộc bầu cử cấp tiểu bang ở Mỹ có khi không mang ý nghĩa rõ ràng, nhưng cũng có thể là điềm báo cho những điều sắp tới.
Những vị trí đảng Dân chủ đoạt được tại hai tiểu bang Virginia và New Jersey năm 2017 tạo ra một làn sóng vào năm 2018, và cuối cùng đã trao quyền kiểm soát của Hạ viện Hoa Kỳ cho đảng Dân chủ lần đầu tiên sau 8 năm.
Ai đang dẫn đầu cuộc đua vào Nhà trắng của đảng Dân chủ?
‘Vì sao chúng tôi muốn Trump tái đắc cử năm 2020?’
Mỹ: ƯCV tổng thống tranh cãi nảy lửa về bảo hiểm sức khỏe
Hôm thứ Ba, cử tri ở một số tiểu bang lại kéo nhau đi bầu – và thông điệp họ đưa ra, một lần nữa cho thấy Donald Trump và Đảng Cộng Hòa cần phải quan tâm.
Dưới đây là một vài bài học từ một đêm bỏ phiếu chỉ cách cuộc bầu cử tổng thống 2020 chưa đầy một năm.
Một thống đốc yêu Trump đối mặt với thất bại
Bốn năm trước, thành viên đảng Cộng hòa Matt Bevin đã giành được quyền cai trị tiểu bang Kentucky bằng cách vận động tranh cử như một nhà kinh doanh nói thẳng, đứng ngoài thế giới chính trị. Ông vượt mặt nhiều ứng cử viên kỳ cựu hơn để được đảng đề cử, và đánh bại đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử phổ thông, nhờ sự hỗ trợ rộng rãi từ cử tri thuộc các vùng nông thôn của tiểu bang.
Nói tóm lại, ông là ứng cử viên theo phong cách Donald Trump một năm trước khi Donald Trump giành được chức tổng thống.
Khi còn đương chức, Bevin cũng cư xử rất giống Trump.
Ông sử dụng sự đa số của đảng Cộng hòa trong cơ quan lập pháp tiểu bang để thúc đẩy những luật pháp gây tranh cãi, bao gồm dỡ bỏ một chương trình chăm sóc sức khỏe công cộng thời Obama. Ông cũng đôi khi bị sa lầy trong tranh cãi và thường chủ yếu phục vụ cho những người ủng hộ trung thành của mình.
Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ ngày càng xuống thấp trong, ông vẫn đinh ninh mình sẽ giành chiến thắng một cách thoải mái.
Ông đã không tái đắc cử.
Phép nhiệm màu nào đó mà ông có được vào năm 2015 giờ đã bị hủy hoại bởi cuộc bầu cử tối thứ Ba. Bevin dường như đã bị đánh bại trong gang tấc bởi Bộ Trưởng Tư pháp Dân chủ trẻ tuổi và lôi cuốn Andy Beshear.
Sức mạnh của Bevin ở các vùng nông thôn của tiểu bang không đủ để vượt qua sự ủng hộ Beshear có được ở các thành phố và – đặc biệt đáng quan tâm đối với đảng Cộng hòa – cũng như ở những khu vực ngoại ô, điều cũng là chìa khóa cho nhiều chiến thắng của đảng Dân chủ năm 2018.
Mặc dù Kentucky có lịch sử bầu các thống đốc đảng Dân chủ (cha của Beshear là thống đốc trước Bevin), tiểu bang này có một xu hướng bảo thủ vững chắc trong những năm gần đây. Năm 2016, Trump đã thắng đối thủ 30% ở đây- chiến thắng lớn nhất của ông ở bất cứ tiểu bang nào.
Chính Trump đã hỗ trợ Bevin trong những ngày cuối, tổ chức một cuộc vận động tranh cử ở Lexington hôm thứ Hai – và cảnh báo rằng sự thất cử của Bevin có thể giúp các lực lượng thúc đẩy luận tội ông.
“Nếu ông thất cử, họ sẽ nói Trump chịu thất bại lớn nhất trong lịch sử thế giới”, tổng thống nói trong cuộc vận động đó. “Ông không thể để điều đó xảy ra với tôi, và không thể để điều đó xảy ra với tiểu bang tuyệt vời của mình.”
Tổng thống đã không sai.
Đảng Cộng hòa đã làm tốt trong các cuộc đua khác ở Kentucky và sự thất bại của Bevin có thể ở biên độ hẹp nhất (và có thể dẫn đến một cuộc đếm phiếu lại theo lệnh của tòa án), nhưng nó sẽ được trích dẫn làm bằng chứng về cơ bắp chính trị đang suy yếu của Trump.
Virginia thành tiểu bang xanh
Vào năm 2017, đảng Dân chủ ở Virginia đã đoạt được chức thống độc đồng thời suýt giành được quyền kiểm soát viện lập pháp lần đầu tiên sau 18 năm – một kết quả mà ít ai có thể dự đoán được.
Hôm thứ Ba, đảng này đã hoàn tất công việc, giành được cả hai viện trong cơ quan lập pháp của tiểu bang và hoàn toàn kiểm soát chính quyền Virgnia lần đầu tiên kể từ năm 1993.
Hai năm trước, Danica Roem trở thành ứng cử viên chuyển giới công khai đầu tiên đắc cử trong cuộc đua vào tòa nhà lập pháp của tiểu bang. Hôm thứ Ba, các thành viên đảng Dân chủ đã giành chiến thắng trong các cuộc tái tranh cử với số phiếu 14% cao hơn phe đối thủ.
Ở một vùng ngoại ô của thành phố Richmond, Ghazala Hashmi, đảng Dân chủ, đã chiến thắng bất ngờ để trở thành người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên tại thượng viện của tiểu bang.
Đảng Dân chủ cũng đánh bại nhà lập pháp Cộng hòa cuối cùng còn sót lại ở ngoại ô Washington DC – một dấu hiệu khác cho thấy Đảng Cộng hòa đã mất sự ủng hộ vì Donald Trump trong những khu vực nghiêng ngửa chính.
Cả hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ của Virginia cũng thuộc đảng Dân chủ, như đa số trong Hạ viện của tiểu bang (nhờ các chiến thắng năm 2018).
Nói cách khác, Virginia – nơi từng là tiểu bang an toàn của đảng Cộng hòa và gần đây được xem là một tiểu bang dao động – giờ đã thuộc về màu xanh của đảng Dân chủ.
Đảng Dân chủ giờ đây sẽ có thể hoạch địch hướng đi lập pháp của tiểu bang trong thập niên tới để củng cố quyền lực của họ, và thông qua các luật kiểm soát súng mới và luật lương tối thiểu.
Đầu năm nay, thống đốc tiểu bang đã bị sa lầy trong vụ bê bối về bức ảnh một người bị bôi đen trong niên giám trường y của mình, khiến các thành viên đảng Dân chủ lo ngại rằng họ sẽ phải trả giá cho triển vọng đắc cử.
Điều đó đã không xảy ra.
Thay vào đó, xu hướng bắt đầu vào năm 2017 ở Virginia đã tiếp tục đến năm 2019. Như một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy, Trump vẫn có một con đường dẫn đến chiến thắng với Đại cử tri đoàn và cuộc bầu cử lại tổng thống vào năm 2020, nhưng rất nghi ngờ rằng con đường đó sẽ chạy qua tiểu bang Virginia.
Một hy vọng của đảng Cộng hòa
Cuộc chạy đua vào dinh thống đốc khác xảy ra hôm thứ Ba là ở tiểu bang Mississippi bảo thủ sâu sắc. Đã có một số lo ngại trong số những người đảng Cộng hòa rằng ứng cử viên của họ có thể ở trong một cuộc đua suýt soát hơn họ muốn.
Nỗi lo sợ của họ dường như không có cơ sở, khi Tate Reeves thắng với một biên độ thoải mái so với Jim Hood của đảng Dân chủ.
Giành chiến thắng trong một cuộc đua toàn tiểu bang ở Mississippi có thể không phải là lý do để ăn mừng trước kết quả của Virginia và Kentucky, nhưng vào những lúc nản lòng, một bữa tiệc sẽ giúp mang lại sự an ủi khi có thể.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50327878
Michael Bloomberg nộp hồ sơ
tranh cử tổng thống 2020 cùng đảng Dân Chủ
Tin từ Washington, DC – Theo CBS News, Michael Bloomberg có kế hoạch tham gia tranh cử tổng thống 2020 trong chiến dịch của đảng Dân chủ.
Ông Bloomberg, 77 tuổi, đã gửi phụ tá đến nộp hồ sơ tranh cử tại tiểu bang Alabama. Theo CBS, tiểu bang này không giữ vai trò quan trọng cho chiến dịch tranh cử sớm của đảng Dân Chủ, nhưng lại có thời hạn nộp hồ sơ tranh cử sớm nhất. Việc gửi hồ sơ tranh cử thể hiện thái độ rất nghiêm chỉnh của cựu thị trưởng tỷ phú New York trong việc tranh cử chiếc ghế lãnh đạo Tòa Bạch Ốc.
Cố vấn lâu năm của ông Bloomberg, Howard Wolfson cho biết rằng ông Bloomberg lo lắng ứng cử viên hiện nay không đủ sức cạnh tranh với tổng thống Trump. Trong buổi phỏng vấn với ký giả Margaret Brennans trong chương trình “Face the Nation” hồi cuối tháng 10, ông Bloomberg từng bày tỏ mong muốn vận động chiến dịch tranh cử với đảng Dân Chủ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/michael-bloomberg-nop-ho-so-tranh-cu-tong-thong-2020-cung-dang-dan-chu/
Viên chức ngoại giao: luật sư Giuliani điều hành
chiến dịch vu khống đại sứ Mỹ tại Ukraine
Tin từ Washington, DC – George Kent, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao vừa điều trần trước Ủy ban Hạ Viện phụ trách cuộc điều tra luận tội tổng thống Trump.
Viên chức này nói rằng luật sư Rudy Giuliani đã tiến hành một chiến dịch vu khống một cựu đại sứ của Hoa Kỳ ở Ukraine, và chiến dịch này là không có cơ sở và không đúng sự thật. Hôm thứ Năm (07 tháng 11), các ủy ban Hạ Viện công bố bản ghi chép phiên điều trần kín trước Quốc hội hôm 15/10/2019 của ông George Kent – phó phụ tá Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Âu Châu và Á-Âu. Ông Kent đã bày tỏ sự lo lắng về chiến dịch nhằm hạ uy tín cựu đại sứ Marie Yovanovitch. Ông Kent cho biết bộ trưởng tư pháp của Ukraine lúc bấy giờ, Yuriy Lutsenko đã cùng làm việc với luật sự Giuliani nhằm đưa ra các cáo buộc khiến bà Yovanovitch bị sa thải. Tháng 03/2019, ông Kent cho rằng thật khó để quên được chiến dịch vu khống cựu đại sứ Yovanovitch, và cho rằng những cáo buộc của luật sư Giuliani là không có cơ sở và không đúng sự thật.
Ông cũng điều trần rằng có ba viên chức phụ trách các chính sách với Ukraine sau cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc hồi tháng Năm gồm có Gordon Sondland- đại sứ Hoa Kỳ tại Châu Âu, bộ trưởng Năng lượng Rick Perry, và đặc phái viên ở Ukraine Kurt Volker.
Những lời khai của ông Kent đã củng cố cho lời khai của ông William Taylor, quyền đại sứ của Hoa Kỳ tại Ukraine, rằng có một đường dây liên lạc bất thường của những người phụ trách các chính sách đó, bao gồm ông Perry, Sondland và Volker. (Mộc Miên)
Tổng thống Mỹ bị phạt 2 triệu đô la
Tòa án New York ngày 07/11/2019 phạt tổng thống Mỹ 2 triệu đô la tiền bồi thường thiệt hại cho một số hội từ thiện. Quyết định này đưa ra trong khuôn khổ một thỏa thuận mà tổng thống Trump đã thương lượng để chấm dứt một vụ kiện nhắm vào ông.
Ông Trump tổ chức một dạ hội từ thiện ở bang Iowa, nhưng đã sử dụng tiền quyên góp này cho cuộc vận động tranh cử của ông. Hội từ thiện của ông đã bị giải tán vào tháng 12/2018, ngay sau khi vụ kiện được tiến hành.
Thông tín viên RFI, Anne Corpet, giải thích :
“Donald Trump đã nhiều lần khẳng định là không nhượng bộ trong hồ sơ này, nhưng cuối cùng thì ông đã quyết định thương lượng hơn là để bị xét xử. Theo từ ngữ của thỏa thuận, tổng thống đã công nhận sai lầm, một lời thú nhận rất hiếm hoi đối với ông.
Tháng Giêng 2016, vài ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa, hiệp hội từ thiện của ông Trump đã tổ chức một dạ hội từ thiện tại đây và thu được 2,8 triệu đô la. Nhưng sự kiện này lại do ê kíp vận động tranh cử của ông Trump tổ chức, và tiền thu được chỉ trung chuyển qua hiệp hội từ thiện của ông mà thôi.
Tổng thống Mỹ cũng công nhận là đã sử dụng hiệp hội từ thiện cho các công ty tư của ông. Hiệp hội đã mua một bức chân dung của Donald Trump với giá 10.000 đô la và sau đó trưng bày trong một khách sạn của ông ở Florida.
Đối với Công tố viên ở New York, « Hiệp hội từ thiện của Donald Trump thật ra chỉ là “một tập ngân phiếu” nhằm phục vụ quyền lợi chính trị và tài chính của tổng thống ».
Hai triệu đô la tiền phạt mà tổng thống sẽ chi ra, sẽ được rót vào 8 tổ chức từ thiện, và ông Trump đã cam kết không tái phạm.”
Trong một tin nhắn Twitter vào tối hôm qua, tổng thống Mỹ đã bác bỏ cách mà vị công tố viên New York trình bày thỏa thuận mà ông đã ký. Ông tố cáo vị công tố là đã « bóp méo sự kiện vì mục tiêu chính trị ». Tổng thống Trump đồng thời khẳng định là đã phải chịu « 4 năm truy bức của tư pháp New York ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191108-tong-thong-my-bi-phat-2-trieu-do-la
Người gốc Á áp đảo người da trắng
tại Thung lũng San Gabriel
Elizabeth Lee
Tới California, khi thấy xuất hiện các biển quảng cáo bằng tiếng Hoa cùng với các cửa tiệm Hàn Quốc, Nhật Bản phục vụ khẩu vị của hầu hết tất cả các nước châu Á, đó là những dấu hiệu cho thấy bạn đang bước vào Thung lũng San Gabriel.
Đối với một số người đây là nơi sinh hoạt, làm việc của Los Angeles. Đối với những người khác, khu châu Á này là một ngôi nhà khi xa quê.
Được người dân địa phương gọi là “SGV,” Thung lũng San Gabriel trải dài 36 km phía đông trung tâm Los Angeles, với gần nửa triệu người gốc Á sinh sống tại đây. Chín thành phố trong khu vực có đa số cư dân là gốc Á, trong đó có thành phố Walnut, nơi gia đình của Mike Chou định cư vào năm 1989 khi họ từ Đài Loan đến.
Lúc đó Walnut đã lập nên một cộng đồng gốc Hoa.
“Lúc bấy giờ, cha mẹ tôi không nói được tiếng Anh, do đó dễ cho họ sinh hoạt ở nơi này,” ông Chou nói. Khi cha mẹ ông đến Mỹ, ông mới lên 5. “Gần tất cả các trung tâm mua bán. Rất gần với các tiệm tạp hóa Trung Hoa. Do đó thích nghi với nơi này rất dễ.”
Người Hoa tới đây từ thập niên 70
Theo Phúc trình Dự báo Kinh tế và Tổng quan vùng Thung lũng San Gabriel, khu này có lượng lớn dân số gốc Hoa vốn bắt đầu từ những năm 1970 với làn sóng di dân từ Đài Loan.
Ông Chou hiện là một nhân viên địa ốc với 80% khách hành là người gốc Á-phân nửa là người Hoa. Thông thạo tiếng Quan thoại và tiếng Anh, ông Chou rất thành công trong ngành địa ốc. Ông đang lãnh đạo một toán nhân viên đa ngôn ngữ, trong đó có bà Roxane Sheng. Bà Sheng đến Mỹ vào năm 2005 để theo học hậu đại học và ở lại luôn.
Bà Sheng nói “Hầu hết khách hàng của tôi là người Hoa nói tiếng Quan thoại. Họ đến đây để sống, làm việc hay đi học. Hay họ đến Mỹ chỉ để đầu tư, mua tài sản đầu tư. Nhưng họ vẫn trở về Trung Quốc và sống ở đó.”
Trong 10 tới 15 năm qua, người đến từ Hoa lục đã trở thành những di dân mới của Thung lũng San Gabriel.
Khí hậu ôn hòa, đất đai trù phú
Bà Sheng nói khí hậu ôn hòa và tương đối gần với Trung Quốc đã khiến Nam California thu hút những người mua nhà gốc Trung Quốc. Tiếng nói chung cũng là một điểm thu hút khác.
Bà Sheng nói thêm “Mọi người nói tiếng Quan thoại, họ có thể vào ngân hàng, bưu điệu, tiệm tạp hóa—họ có thể làm đủ mọi việc mà không cần nói tiếng Anh.’
Đối với những di dân phần lớn trong những cao ốc đắt tiền ở Trung Quốc, Thung lũng San Gabriel là một điểm hấp dẫn nữa.
Bà Sheng giải thích “Ở đây có nhiều nhà. Họ chỉ cần tìm một ngôi nhà. Họ có đất, có sân vườn và chẳng có láng giềng ở trên hay ở dưới. Và giá nhà còn rẻ hơn nếu họ dọn từ Bắc Kinh hay Thượng Hải.”
Khu thương xá tại Valley Road ở Thung lũng San Gabriel, California, là một khu buôn bán sầm uất với nhiều nhà hàng, tiệm tạp hoá, cửa hàng bán lẻ và những dịch vụ khác.
Không chỉ có người Hoa
Di dân thuộc các quốc gia Đông Nam Á cũng sống tại vùng này.
Bà Annie Xu, một nhân viên địa ốc khác của ông Chou, trưởng thành tại Philippines có cha mẹ gốc Trung Quốc. Bà nói tiếng Tagalog, Phúc Kiến, Quan thoại và tiếng Anh.
“Tôi làm nghề địa ốc đã 3 năm, vì tôi là một bà mẹ ở nhà.” Bà Xu đến Mỹ cùng với chồng. Bà cho biết “Khi đứa con nhỏ nhất của tôi được 2 tuổi, tôi quyết định muốn làm cái gì đó. Địa ốc là một ngành bạn không cần có nhiều tiền để bắt đầu.”
Là một nhân viên địa ốc, bà làm việc với những di dân Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Indonesia.
Một trong những khách hàng của bà là Shabana Khan, di dân Ấn Độ lai Pakistan đang kiếm một ngôi nhà có sân. Bà Khan từ New York chuyển đến Thung lũng San Gabriel.
Bà Khan nói “New York đầy năng lượng và nhiều thứ, nhưng ở đây cũng có. Nhưng khi bạn có con, tôi nghĩ California là nơi tốt nhất để định cư. Thung lũng San Gabriel thật tuyệt vời, có nhiều nền văn hóa khác nhau của châu Á.”
Nhiều di dân, kể cả di dân bất hợp pháp
Di dân gốc Nam Á nằm trong số các nhóm người Mỹ gốc Á tăng trưởng nhanh nhất tại Thung lũng San Gabriel, theo phúc trình năm 2018 của tổ chức quyền dân sự Asian Americans Advancing Justice-Los Angeles.
Dùng con số của Văn phòng Điều tra Dân số Hoa Kỳ, Asian Americans Advancing Justice cho biết hơn 67% người Mỹ gốc Á tại Thung lũng San Gabriel là di dân, trong đó có khoảng 58.000 không giấy tờ hợp lệ. Gần một phần ba số người sống trong vùng này có lợi tức thấp, theo phúc trình.
Bà Sheng nói “Một số người mới di cư đến đây, và không tìm được việc làm ổn định. Hay là tiếng Anh của họ không đủ nên họ phải tìm một việc không như ý.”
Bất kể tình trạng kinh tế xã hội như thế nào, phúc trình cho thấy dân số Thung lũng San Gabriel tiếp tục gia tăng.
“Có nhiều nhà hàng, tiệm tạp hóa của người Hoa. Và một số nhân viên chỉ nói tiếng Hoa, không nói được tiếng Anh. Điều đó giúp cho cuộc sống dễ dàng nếu bạn là di dân đến đây, bạn sẽ cảm thấy như đang sống tại quê nhà,” ông Chou nói.
NATO : Thủ tướng Đức
bác bỏ đánh giá của tổng thống Pháp
Trong bài trả lời phỏng vấn cho tuần báo Anh The Economist được đăng ngày 07/11/2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một đánh giá triệt để về NATO, theo đó Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đang ở trong tình trạng « chết não ». Nhận định đã khiến nước Đức, một thành viên quan trọng của NATO bất bình.
Trong cuộc gặp với tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, thủ tướng Đức Angela Merkel, đã không ngần ngại nói thẳng là bà không chia sẻ chút nào quan điểm của ông Macron :
« Tổng thống Pháp đã sử dụng những từ ngữ triệt để nói về NATO. Điều đó không phù hợp với quan điểm của tôi về hợp tác trong NATO. Những tuyên bố như thế đối với tôi là không cần thiết cho dù chúng ta (tức là khối NATO) đang gặp một số vấn đề.
NATO đã hoạt động cho lợi ích của Đức, đóng góp vào an ninh của chúng ta. Tôi đã từng nói là châu Âu phải nắm lấy số phận của mình nhiều hơn là trong quá khứ, nhưng quan hệ xuyên Đại Tây Dương là điều không gì thay thế được.
NATO đã làm rất tốt trong nhiều lãnh vực, đã mở rộng thêm hoạt động trong những năm qua. Tôi thấy điểm tích cực là chúng ta có một tầm nhìn có tính chất chính trị hơn là cách đây 10 năm. Chúng ta phải đào sâu hơn chuyển biến này và cải tổ những gì cần thay đổi. Nhưng tôi không chia sẻ quan điểm của tổng thống Pháp. »
Về phần tổng thư ký NATO, ông Stoltenberg đánh giá rằng NATO vẫn « vững mạnh », qua việc châu Âu và Mỹ « làm việc cùng với nhau một cách khắng khít hơn là trong những thập niên qua ».
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, đang viếng thăm thành phố Đức Leipzig, cũng cho rằng khối NATO, thành lập vào năm 1949, vẫn là một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất. Nhưng ông cũng nhắc lại đòi hỏi của tổng thống Mỹ, từng đánh giá vào năm 2017 cho rằng NATO là một tổ chức lỗi thời, muốn các thành viên « chia sẻ gánh nặng » tài chính.
Riêng Nga, hôm 07/11, hoan nghênh « những lời chân thật » của tổng thống Pháp. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, trên trang Facebook, cho đấy là « những lời vàng ngọc, chân thật và phản ánh đúng tình trạng hiện tại của NATO ».
http://vi.rfi.fr/phap/20191108-nato-thu-tuong-duc-danh-gia-tong-thong-phap
Berlin : Vị đắng từ một cuộc Cách Mạng thành công
Đức kỷ niệm 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ trong đêm 09/11/1989. Nhưng có không ít người dân Đông Đức cho rằng phương Tây cướp đoạt cuộc Cách Mạng Hòa Bình của người dân tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức tiến hành năm xưa.
Nói đến sự kiện 09/11, hình ảnh đầu tiên là làn sóng người từ Đông Đức tràn qua biên giới trong sự hân hoan và trước mặt họ là những vòng tay đang mở rộng, những nụ cười trong nước mắt của những người dân ở phía Tây Berlin, là hình ảnh đô trưởng Berlin ăn mặc đơn sơ ra đón những đồng bào ở bên kia bức tường, cùng họ đi những bước đầu trên mảnh đất tự do, đưa họ đi tham quan « phần bên này » của thành phố. Mười một tháng sau, Cộng Hòa Dân Chủ Đức bị khai tử khi nước Đức thống nhất. Thủ tướng Tây Đức thời bấy giờ Helmut Kohl đi vào lịch sử. Có mấy ai nhắc nhiều đến Lothar de Maizière vị thủ tướng cuối cùng của Đông Đức và cũng là người từng chung sức với chính quyền Bonn trong quá trình thống nhất đất nước ?
Truyền thông quốc tế dồn dập đổ về Berlin nhân kỷ niệm 30 năm một cuộc Cách Mạng Hòa Bình nhưng không mấy ai màng đến Leipzig, nơi khai sinh phong trào phản kháng cho phép dẫn tới kết quả tốt đẹp đó ? Đúng một tháng trước ngày người lính biên phòng Harald Jäger mở hàng rào cho người dân Đông Đức bước sang bờ Tây, 70.000 người tại Leipzig đã xuống đường đòi tự do và dân chủ. Phong trào không bị đàn áp. Đấy là nhát cuốc đầu tiên đào mồ chôn chủ nghĩa Cộng Sản ở Đông Âu và kể cả đảng Cộng Sản của Liên Bang Xô Viết.
Một nhà nghiên cứu về lịch sử đương đại của Đức từng có mặt tại Leipzig đêm ấy kể lại rằng, theo chỗ ông biết, có ít nhất « 6 nhân sĩ trí thức tại thành phố này đã đàm phán và thuyết phục chính quyền không can thiệp ». Mới trước đó vài tháng, chính quyền Honecker đã ủng hộ Bắc Kinh đàn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc.
Cuộc « Cách Mạng Hòa Bình » trước hết là cuộc cách mạng của những người dân Đông Đức và nước Đức Thống Nhất, nhưng tiến trình thống nhất nước Đức lại do phương Tây định đoạt. Chính quyền Bonn trực tiếp đối thoại với Liên Xô, rồi Mỹ và các đồng minh Tây Âu là Pháp và Anh. Trong quá trình đàm phán, Đông Đức gần như không có tiếng nói. Cựu đại sứ Thụy Sĩ tại Đức trong thời gian từ năm 2010 đến 2015, Tim Guldimann cho rằng, đó là nguyên nhân khiến 30 năm sau nhìn lại, một phần người dân Đông Đức cảm thấy bị « cướp công », họ cảm thấy « một phần lịch sử của chính người dân Đông Đức bị cưỡng đoạt hay bị chối bỏ ». Hans, người đàn ông ngoài 60 tuổi, sống với cô con gái tại một căn hộ tập thể xây gần một nhà máy công nghiệp bị bỏ hoang, xót xa nói với phóng viên của RFI tiếng Việt rằng, ông đã « trả giá đắt » cho tiến trình thống nhất đất nước đó và với ông Bức Tường vẫn tồn tại trong tâm khảm.
Harald Jäger, người đã mở bức màn sắt của Berlin năm nào, khi trả lời báo Die Welt ngày 06/11/2019, hồi tưởng lại : đêm mồng 09/11/1989 là đêm « đẹp nhất và hãi hùng nhất trong cuộc đời ». Hãi hùng bởi vì vào giờ phút lịch sử đó ông ý thức được rằng « Đảng đang bỏ rơi nhân dân và thế là cả một thế giới của ông bị sụp đổ ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191108-berlin-vi-dang-tu-mot-cuoc-cach-mang-thanh-cong
Macron tin rằng Putin không muốn
Nga thành “chư hầu” của Trung Quốc
Trong một bài phỏng vấn báo chí đăng ngày 07/11/2019, tổng thống Pháp Macron đã biện hộ cho chủ trương hòa giải với Nga khi cho rằng Matxcơva không có chọn lựa nào khác ngoài “quan hệ đối tác” với châu Âu. Một lý do được ông Macron nêu bật là tổng thống Nga Putin không có ý định trở thành “chư hầu của Trung Quốc”.
Trả lời tuần báo Anh The Economist, tổng thống Emmanuel Macron đã thừa nhận rằng hiện nay lãnh đạo nước Nga đang phát triển một chiến lược đối kháng với châu Âu. Chủ trương đó xuất phát từ quan điểm bảo thủ của chủ nhân điện Kremlin, nhưng về lâu về dài, đường lối đó chắc chắn phải theo hướng hợp tác với châu Âu.
Theo đánh giá của tổng thống Pháp, GDP nước Nga hiện nay chỉ “tương đương với Tây Ban Nha”, trong lúc dân số đang trong chiều hướng “suy giảm và lão hóa”. Tuy nhiên, về quân sự, Nga lại đang tăng cường võ trang, với một nỗ lực “nhiều hơn bất kỳ một quốc gia châu Âu nào khác”, theo một “mô hình quân sự hóa quá mức, và gia tăng các cuộc xung đột” như ở Ukraina chẳng hạn. Đối với ông Macron, đó là một mô hình phát triển mà nước Nga không thể duy trì lâu dài.
Về tương lai nước Nga, tổng thống Pháp cho rằng Matxcơva sẽ không thể tự mình khôi phục vai trò cường quốc, kể cả khi nhờ vào các sai lầm của phương Tây trong thời gian qua, như tại vùng Cận Đông,
trở thành trọng tài trong cuộc khủng hoảng ở Syria kể từ khi can thiệp quân sự tiếp tay cho chính quyền của tổng thống al-Assad năm 2015.
Nga cũng có thể đi theo “mô hình Á-Âu”, chuyển trục qua châu Á và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nhưng theo ông Macron, vấn đề đối với Nga là trong mô hình đó, có một quốc gia giữ vai trò thống trị là Trung Quốc, và “sẽ không bao giờ có sự cân bằng”.
Tổng thống Pháp đã nêu ra một ví dụ : “Tôi đã nhìn cách sắp xếp chỗ trong các cuộc họp về con đường tơ lụa mới và thấy rằng tổng thống Nga ngày càng ít thấy gần chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.
Tổng thống Pháp đã kết luận như sau : “Tôi không tin, dù chỉ trong một giây, rằng chiến lược của ông Putin là trở thành chư hầu của Trung Quốc, và như vậy liệu ông ấy còn giải pháp nào khác hơn là khôi phục chính sách cân bằng với châu Âu ?”
Đây không phải là lần đầu tiên mà tổng thống Pháp nêu lên vấn đề cần phải lôi kéo nước Nga về với châu Âu, thay vì để cho Matxcơva trôi dạt về phía Trung Quốc.
Nhân cuộc họp thượng đỉnh với ông Putin tại Brégançon, miền am nước Pháp, nơi ông đang nghỉ hè, rồi sau đó là trong phát biểu trước các đại sứ ngày 27/08 vừa qua, tổng thống Macron đã gợi lên chủ trương xích lại gần Matxcơva, trong đó có mục tiêu là phải lôi kéo Nga ra khỏi vòng tay Trung Quốc.
Ngay từ khi ấy, một số chuyên gia phân tích đã tỏ ý hoài nghi về khả năng tách được Matxcơva ra khỏi Bắc Kinh.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế François Heisbourg, cố vấn đặc biệt cho Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, trả lời báo La Croix ngày 10/09, cho rằng tổng thống đã phán đoán sai.
Theo ông Heisbourg, quan hệ đối tác Nga-Trung không hề hình thành trong bối cảnh Nga bị phương Tây gây sức ép, mà là một lựa chọn đã có từ lâu và tự nguyện của hai nước. Đối với chuyên gia này, ông Putin còn chia sẻ với ông Tập Cận Bình xu hướng độc tài, phủ nhận dân chủ theo kiểu phương Tây, ủng hộ các nhà độc tài trên thế giới…
Chuyên gia Heisbourg còn nhắc lại rằng Nga và Trung Quốc đã cùng nhau dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong nhiều trường hợp liên quan đến tình hình Syria, và rất lâu trước khi quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga xấu đi về vụ bán đảo Crimée vào năm 2014.
Báo chí chính thống của Nga cũng không giấu quan điểm hoài nghi. Trang tin RT của Nga vào hôm qua 07/11, khi loan tin về nhận định của ông Macron, đã cho rằng tổng thống Pháp như đã quên rằng liên minh chiến lược Nga-Trung đã có từ rất lâu, và đã được thể chế hóa trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, thành lập từ năm 2001.
http://vi.rfi.fr/phap/20191108-macron-putin-nga-chu-hau-trung-quoc
Cyprus thu hồi ‘hộ chiếu vàng EU’
của người TQ, Nga và Campuchia
Cyprus tước ‘hộ chiếu vàng’ đã trao cho nhà đầu tư TQ, Campuchia và một số nước vì bị phê phán ‘bán quốc tịch’.
Cộng hòa Cyprus (đảo Síp, nước thành viên EU) đã thu hồi “hộ chiếu vàng” được mua bởi 26 nhà đầu tư nước ngoài giàu có cho bản thân và thân nhân vốn là dân các nước ngoài khối EU.
Theo nguồn tin, những người này gồm chín người Nga, tám người Campuchia và năm người Trung Quốc.
Số còn lại đến từ Malaysia, Kenya và Iran.
Cộng hòa Cyprus cấp hộ chiếu EU cho các khoản đầu tư trị giá ít nhất hai triệu euro.
Hồi đầu năm 2019, Liên hiệp châu Âu (EU) đã yêu cầu các quốc gia thành viên thắt chặt việc kiểm tra công dân ngoài EU tìm cách nhận hộ chiếu EU thông qua các khoản đầu tư.
Có những lo ngại rằng “hộ chiếu vàng” có thể là một cửa hậu vào EU cho các băng đảng tội phạm hoặc các quan chức chính phủ tìm cách rửa tiền, hoặc trốn thuế tại nước của họ.
Điều tra của hãng tin Reuters tháng trước cho thấy có cộng sự và người thân của Thủ tướng Campuchia Hun Sen bị cho là liên quan đến hộ chiếu CH Cyprus.
Điều tra của Reuters nêu ra danh sách những người giàu có ở Campuchia mà hãng tin này nói, đã nhận quốc tịch đảo Cyprus, gồm cả cháu gái thủ tướng lâu năm Hun Sen, bà Hun Kimleng và chồng, đại tướng công an Neth Savoeun.
Di dân TQ kết hôn giả để sang Costa Rica
Tới 20% dân Nga ‘muốn di cư’ sang nước khác
5 cách di cư chính của dân Việt thời nay
Hộ chiếu Việt ‘yếu hơn hộ chiếu Cuba’
Người Việt ở Anh: Lỗ hổng thiên đàng và căn bệnh mãn tính
Hộ chiếu đẹp là tấm vé vào châu Âu
Cũng liên quan đến việc dùng hộ chiếu nước ngoài, một số nghị sĩ Quốc hội VN từng bị cho là “có quốc tịch EU”.
Hồi tháng 7/2016, Đảng đối lập chính tại Malta, Đảng Quốc gia, yêu cầu chính phủ giải thích vì sao một đại biểu quốc hội Việt Nam có được hộ chiếu Malta, theo truyền thông Malta, đảo quốc thành viên EU.
Đây là trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, người đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Hội đồng bầu cử Quốc gia Việt Nam nói luật Việt Nam chỉ cho phép công dân có một quốc tịch, trong khi bà Nguyệt Hường không kê khai quốc tịch Malta trong hồ sơ ứng cử.
Sang tháng 6/2018, ở Warsaw, Ba Lan có cuộc biểu tình của một nhóm vận động người gốc Việt đã yêu cầu điều tra làm rõ việc có phải đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân có hai quốc tịch Việt Nam và Ba Lan hay không.
Hôm 17/06, ông Phạm Quốc Khánh, quyền Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình cho BBC biết ông “không rõ về vấn đề quốc tịch của ông Thân”.
Ông Nguyễn Văn Thân “quốc tịch gốc vẫn là người Việt Nam”, ông Phạm Quốc Khánh nói, bởi “trước khi vào quốc hội, hồ sơ lý lịch các ứng viên đã được điều tra làm rõ”.
Cùng lúc, việc dùng hộ chiếu giả hoặc thật của các nước láng giềng như Trung Quốc được cho là cách để một số người Việt Nam không phải là triệu phú dùng để di dân trái phép.
Một chuyên gia về tình trạng buôn người, Georges Blanchard, người Pháp sống ở Hà Nội cho rằng nhận xét đường đi và kỹ thuật đưa đi của các tổ chức buôn người từ Việt Nam sang Anh đã thay đổi trong thời gian qua.
Trước đây Anh Quốc thường kiểm tra rất kỹ các chuyến bay đến từ Việt Nam, nhưng bây giờ “người ta đổi hộ chiếu và sẽ đi như người Trung Quốc vì bên nước Anh kiểm tra người Việt Nam là nhiều hơn”, ông nói với BBC News Tiếng Việt.
“Vì thế, báo cáo mới nhất của IMO (Tổ chức Di dân Quốc tế) chứng minh đường buôn bán từ Việt Nam sang Anh đã là chuyện cũ.
“Người ta sẽ đổi kỹ thuật đi. Có thể tương lai là sẽ thấy người Việt Nam mang hộ chiếu Nhật, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan chẳng hạn,” ông Blanchard nói.
Theo một bảng phân hạng hộ chiếu trên toàn cầu 2016, dựa vào số quốc gia cho phép miễn thị thực thì hộ chiếu Việt Nam ở vào vị trí 77/95, kém Cuba và Zimbabwe.
Các dòng người di dân lậu từ Việt Nam tăng lên, và vụ 39 công dân nước này chết thảm trong xe tải trên đường vào Anh lập tháng 10/2019 sẽ chỉ khiến việc kiểm soát người mang hộ chiếu Việt Nam ở các cửa khẩu châu Âu chặt chẽ thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50339338
ASEAN: Làm thế nào để đoàn kết
khi người xây, kẻ phá?
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan diễn ra ngày 2-4/11 với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và đối tác. Lãnh đạo nhiều nước đã có phát biểu liên quan đến Biển Đông.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương nhằm đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và nỗ lực hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad chỉ nói rằng “Trung Quốc cũng tỏ ra ủng hộ hòa bình trên Biển Đông” mà không giải thích gì thêm.[1]
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói Philippines sẵn sàng hợp tác với các bên để đàm phán thành công bộ quy tắc ứng xử COC có tính ràng buộc trên Biển Đông. Ông cũng nhấn mạnh thắng lợi của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, khẳng định hòa bình là con đường duy nhất tại Biển Đông, các nước cần phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Ông kêu gọi ASEAN phải đoàn kết và giữ vững môi trường thuận lợi cho việc đàm phán và thương lượng công bằng.[2]
Tuy nhiên, ngay tại Manila, Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Salvador Panelo nói rằng vụ tàu hải quân Trung Quốc quấy rối một tàu chở dầu của Hy Lạp gần Bãi cạn Scarborough không liên quan tới Philippines. “Miễn là họ [Trung Quốc] không động vào tàu của Philippines thì đó sẽ vẫn là vấn đề của chỉ quốc gia mà tàu đó treo cờ.”
Phát ngôn này của ông Panelo gặp sự phản ứng dữ dội từ các chuyên gia, luật sư và chính trị gia ở Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng pháp luật hàng hải quốc tế và kêu gọi các nước tôn trọng quyền tự do hàng hải ở Biển Tây Philippines. Ông nhấn mạnh rằng Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nghị sĩ Philippines Panfilo Lacson cũng tỏ ra bất bình trước vụ việc – làm sao mà tàu nước ngoài “qua lại trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines bị chính quyền Trung Quốc chặn lại thì không liên quan tới Philippines?”
Trong bối cảnh đang diễn ra cuộc họp cấp cao ASEAN lần thứ 35 và trước phát biểu của Tổng thống Duterte, phát ngôn của ông Panelo dường như đang thể hiện một mặt khác trong chính sách của Philippines – chỉ tỏ vẻ bất bình suông trước các hành vi xâm lấn ở Biển Đông của Trung Quốc. Liệu lời kêu gọi ASEAN đoàn kết của Tổng thống Duterte còn có giá trị trong khi chính Philippines lại làm ngơ như vậy?[3]
Thêm vào đó, khi nói đến nhân tố làm chia rẽ ASEAN thì không thể không nói đến Campuchia với sự kiện Hội nghị ASEAN lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung năm 2012. Các nước khác trong ASEAN hoặc là ít lên tiếng, hoặc không dám lên tiếng chỉ trích trực tiếp Trung Quốc. Dường như Việt Nam vẫn là nước duy nhất kiên quyết, kiên trì với các tranh chấp tại Biển Đông và kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế và ASEAN khó có thể thống nhất quyết định và có tiến triển tích cực trong các vấn đề Biển Đông.
http://biendong.net/dam-luan/31371-asean-lam-the-nao-de-doan-ket-khi-nguoi-xay-ke-pha.html
Vấn đề phi hạt nhân hóa
trên bán đảo Triều Tiên năm 2019:
Khó khăn, thách thức tiếp tục kéo dài
Trong năm 2019, với nỗ lực của cộng đồng quốc tế khiến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên “hạ nhiệt”, Mỹ và Triều Tiên đã tích cực thúc đẩy các vòng đàm phán về chương trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bế tắc kéo dài do mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm và cách tiếp cận khác nhau giữa hai nước.
Đàm phán liên tục thất bại
Đàm phán lần 2: Đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều đã bế tắc kể từ cuộc gặp giữa Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội tháng 2/2019. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho: Trong 2 ngày hội đàm, các lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc… Mục tiêu của hội nghị Thượng đỉnh lần hai là xây dựng lòng tin, cùng giải quyết các thách thức, trở ngại còn lại sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và đưa ra những đề xuất giúp đem lại kết quả tốt đẹp. Các lệnh cấm vận hiện nay đang gây tổn hại một phần đến nền kinh tế và cuộc sống của dân thường ở Triều Tiên. Chúng tôi đã đưa ra một đề xuất thực tế. Nếu Mỹ dỡ bỏ một số lệnh cấm vận đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân chúng tôi, chúng tôi sẽ ngay lập tức và vĩnh viễn tháo dỡ các cơ sở hạt nhân, cả làm giàu uranium và plutonium ở khu vực Yongbyon, trước sự chứng kiến của các chuyên gia Mỹ và các chuyên gia kỹ thuật đến từ những quốc gia khác. Chúng tôi không đề nghị dỡ bỏ mọi lệnh cấm vận, mà chỉ một phần các lệnh cấm vận đó. Hiện có tổng cộng 11 lệnh cấm vận của Mỹ chống Triều Tiên, nhưng chúng tôi chỉ đề xuất gỡ bỏ 5 nghị quyết cấm vận mà Liên hợp quốc đã thông qua trong năm 2016 và 2017, căn cứ vào những gì chúng tôi đã thực hiện và mức độ tin tưởng đã đạt được giữa Triều Tiên và Mỹ. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, đó là một “đề xuất thực tế”. Song, phía Mỹ “không sẵn sàng
chấp nhận đề xuất của chúng tôi”. Washington đòi thêm một biện pháp nữa ngoài việc giải giáp cơ sở Yongbyon và điều đó là quá nhiều đối với Bình Nhưỡng. Ông Ri thông tin thêm, Triều Tiên cũng đề xuất các bảo đảm bằng văn bản về việc vĩnh viễn dừng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa. Ngoài ra, phía Triều Tiên yêu cầu giảm cấm vận vì tin Mỹ hiện vẫn chưa sẵn sàng đưa ra các bảo đảm an ninh cho nước này; đồng thời khẳng định “các đề xuất của chúng tôi chưa bao giờ thay đổi dù Mỹ đề nghị tái đàm phán trong tương lai”.
Tại cuộc họp báo diễn ra trước khi rời Hà Nội, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ – Triều Tiên thấy đây chưa phải thời điểm để ký kết thỏa thuận nào. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các cuộc thảo luận với Chủ tịch Kim Jong-un “diễn ra trong không khí thân thiện và không ai ra về trong giận dữ”. Trong khi đó, trả lời trên kênh truyền hình Fox News, ông John Bolton nhấn mạnh: “Tôi không cho rằng kết quả của Hội nghị thượng đỉnh là thất bại”. Ông Bolton cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không có được những cam kết của Triều Tiên về giải trừ hạt nhân nên được coi là “thành công xét trên khía cạnh là nhà lãnh đạo Mỹ đang bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích quốc gia”.
Đàm phần lần 3: Ngày 5/10, Mỹ và Triều Tiên tiến hành đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tại Stockholm (Thụy Điển). Tuy nhiên, vòng đàm phán trên tiếp tục không đạt được thỏa thuận nào. Phát biểu sau cuộc đàm phán, ông Kim Myong Gil, nhà đàm phán hàng đầu của Triều Tiên cho biết, “các cuộc đàm phán đã không đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi và cuối cùng đã kết thúc”; khẳng định “sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán với việc hai bên không đạt được bất cứ kết quả nào do Mỹ không từ bỏ thái độ và quan điểm cũ đối với Triều Tiên. Mỹ đã tạo ra sự hi vọng bằng các gợi ý đề xuất như cách tiếp cận linh hoạt, biện pháp mới hay các giải pháp sáng tạo. Tuy nhiên, họ đã khiến chúng tôi thất vọng và làm giảm sự nhiệt tình của chúng tôi trong các cuộc đàm phán bằng việc chẳng đưa điều gì mới mẻ đến bàn đàm phán”; đồng thời nhấn mạnh, “chúng tôi đã giải thích rõ với Mỹ về các biện pháp cần thiết và cho họ thời gian. Nhưng Mỹ đã đến cuộc đàm phán với hai bàn tay trắng. Điều này cho thấy Washington không sẵn sàng giải quyết vấn đề”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng, bình luận của Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong Gil sau cuộc gặp không phản ánh hết nội dung và tinh thần của “các cuộc thảo luận tốt đẹp” kéo dài hơn 8,5 giờ; cho biết phái đoàn Mỹ đã nghiên cứu trước một số sáng kiến mới, mở đường cho tiến triển trong các cuộc đối thoại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia sâu sắc hơn để giải quyết nhiều vấn đề chia rẽ giữa hai bên. Ngoài ra, bà Morgan Ortagus cho biết Mỹ cũng đã nhận lời mời từ Thụy Điển trở lại Stockholm trong hai tuần nữa để tiếp tục các cuộc thảo luận.
Triều Tiên liên tục thử tên lửa
Triều Tiên (2/10) đã phóng các “vật thể bay không xác định” từ thành phố ven biển Wonsan, tỉnh Kangwon về phía biển Nhật Bản. Tên lửa này bay được 450 km và đạt độ cao tối đa 910 km. Theo quân đội Hàn Quốc, nhiều khả năng vật thể được phóng là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là vụ phóng thử tên lửa SLBM đầu tiên của Triều Tiên trong 3 năm qua, kể từ ngày 24/8/2016. Trong cuộc thử nghiệm đó, tên lửa Pukkuksong-1, còn được gọi là KN-11, đã bay khoảng 500 km trên Biển Nhật Bản.
Theo quân đội Hàn Quốc, nhiều khả năng vật thể được phóng là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong. Phía Hàn Quốc cũng tin rằng quả tên lửa đã được bắn ở góc cao và có thể đạt tầm bắn lớn hơn nhiều nếu được khai hỏa ở góc bình thường. . Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo nhận định tên lửa vừa phóng dường như được điều chỉnh viễn điểm nhằm giảm tầm bắn (vốn lên đến khoảng 1.300km). Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngay lập tức ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo xác nhận Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản; cho biết Tokyo lên án mạnh mẽ vụ việc và sẽ kiến nghị biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản cũng rằng hành động của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Abe nêu rõ sẽ tăng cường liên kết với cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Mỹ, để đối phó với vụ việc. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết nỗ lực hết sức để bảo vệ tính mạng cho người dân nước này. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng xác nhận họ đang theo dõi các tên lửa của Triều Tiên và chưa thấy có bất kỳ mối đe dọa nào đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Yoshi DA Suga lưu ý một trong những “vật thể bay không xác định” đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật và một “vật thể bay không xác định” khác đã rơi ngoài vùng EEZ của Nhật Bản. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết Thủ tướng Shinzo Abe đã ra chỉ thị cho các lực lượng chức năng nhanh chóng thu thập, phân tích thông tin và sớm thông báo tình hình cho người dân, xác nhận sự an toàn đối với tàu thuyền và máy bay, đồng thời chuẩn bị sẵn
sàng cho các tình huống khẩn cấp. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cũng đã phát đi tín hiệu cảnh báo tàu thuyền cần lưu ý tới vụ việc và kêu gọi liên lạc với JCG trong trường hợp phát hiện ra các mảnh vỡ của tên lửa.
Không những vậy, kể từ Tháng 5/2019 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 13 lần phóng thử tên lửa nhằm kiểm tra loại vũ khí mới và nâng cao năng lực tác chiến cho lực lượng quân sự của nước này. Trong đó, giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc (25/7) cho biết, Triều Tiên đã phỏng thử 2 tên lửa đạn đạo tầm trung về phía Biển Nhật Bản nhằm “cảnh cáo” một số động thái gần đây của Hàn Quốc.
Theo thông tin trên, Bình Nhưỡng đã phóng hai tên lửa vào đầu ngày hôm nay (25/7) về phía Biển Nhật Bản (Biển Đông theo cách gọi của Hàn Quốc). Tên lửa đầu tiên bay khoảng 430 km, trong khi tên lửa thứ hai bay tới 690 km. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cũng khẳng định hai vật thể bay CHDCND Triều Tiên phóng gần bờ biển phía Đông vào sáng sớm nay 25/7 là tên lửa tầm ngắn. Tên lửa đầu tiên được phóng khoảng 5 giờ 34 phút (giờ địa phương) và một quả khác vào lúc 5 giờ 57 phút từ bán đảo Hodo gần thị trấn duyên hải phía Đông Wonsan vào Biển Đông (tên Hàn Quốc gọi vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản). JCS cho biết, hai quả tên lửa được phóng từ bệ phóng di động và rơi xuống vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Trong khi đó, Kyodo News dẫn một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho rằng vật thể bay nói trên là tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, Tình báo Hàn Quốc cho biết đây cả hai tên lửa này đều có tầm bắn khoảng 600 km, đủ sức vươn tới mọi mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc, trong đó có Humphreys, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Á, nằm cách trung tâm thủ đô Seoul hơn 60 km về phía Nam.
Nghi kỵ chiến lược Mỹ – Triều gia tăng
Bộ Quốc phòng Mỹ (17/1) công bố Báo cáo Phòng thủ tên lửa (MDR) 2019, trong đó tập trung chiến lược vào các nước như Iran và Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump cho biết, mục tiêu chính của MDR là “phát hiện và tiêu diệt bất kỳ tên lửa nào được phóng đi nhằm vào nước Mỹ”, nhấn mạnh Mỹ từ nay sẽ thay đổi bố trí phòng thủ để “tự vệ trước mọi vụ tấn công tên lửa, bao gồm cả tên lửa hành trình và siêu thanh”. Ngoài ra, ông Donald Trump còn đề cập tới mục tiêu thành lập “Lực lượng Vũ trụ” và nhân cơ hội này gây sức ép với các nước thành viên của NATO khác về vấn đề chi phí quốc phòng. Được biết, Mỹ đã chi tiêu hơn 360 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa trong mấy chục năm nay.
Tuy nhiên, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng: “Mặc dù chúng ta đang tạo ra một con đường hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, các tên lửa của Triều Tiên vẫn là một mối lo ngại đáng kể và Iran cũng vậy”. Ông khẳng định, năng lực tên lửa của những nước như Iran và Triều Tiên tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Washington. Báo cáo MDR cũng gọi Triều Tiên là “mối đe dọa đặc biệt” cho dù 7 tháng trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố đã loại bỏ được mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Tài liệu trên nêu rõ: “Dù đã có lộ trình hướng tới hòa bình với Triều Tiên, nhưng nước này vẫn tỏ ra là mối đe dọa đặc biệt và Mỹ cần phải hết sức cảnh giác”. Đáng chú ý trong bản báo cáo, Mỹ cho rằng Triều Tiên đã sở hữu các công nghệ phòng thủ tên lửa từ Nga và hiện Bình Nhưỡng đang phát triển khả năng phòng thủ tên lửa di động. Cũng theo tài liệu này, Mỹ sẽ củng cố các cấu trúc phòng thủ tên lửa khu vực tại châu Âu, Trung Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Washington sẽ triển khai thêm nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và trên đất liền.
Yếu tố Trung Quốc trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên
Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là nhân tố quan trọng, then chốt trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Để đối phó với Mỹ và đồng minh, Triều Tiên và Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy quan hệ song phương. Nổi bật nhất là chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20-21/6) thăm chính thức Triều Tiên theo lời mời của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên cầm quyền và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Bình Nhưỡng sau 14 năm. Chuyến thăm là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi quan điểm về các mối quan hệ song phương, tình hình bán đảo Triều Tiên, cùng tiến tới nhiều đồng thuận quan trọng, góp phần mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Hai bên nhất trí quan điểm cho rằng, việc cùng bảo vệ, củng cố, phát triển các mối quan hệ song phương là mối quan tâm của nhân dân và hai nước Triều Tiên, Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc và Triều Tiên cũng thúc đẩy các nỗ lực đàm phán, hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa, bảo đảm hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua cơ chế đàm phán, tham vấn. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì đầy đủ các hoạt động trao đổi giữa hai đảng, tăng cường các hình
thức tiếp xúc chiến lược và thúc đẩy niềm tin tưởng lẫn nhau dựa trên nền tảng bảo đảm các lợi ích chung.
Trung Quốc là đồng minh thân cận và duy nhất của Triều Tiên. Các hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên từng khiến Trung Quốc không hài lòng nhưng đột phá trong mối quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và phương Tây khiến Bắc Kinh phải có điều chỉnh trong quan hệ với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, bên cạnh vai trò đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc cũng có lợi ích chiến lược khi đảm bảo Triều Tiên là vùng đệm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, bởi hiện nay có đến 28.500 đơn vị quân đội Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc. Hai quốc gia cũng từng có quan hệ mật thiết trong lịch sử. Trung Quốc và Triều Tiên đã nhiều lần gọi nhau là “đồng minh xương máu” từng kề vai sát cánh trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 – 1953. Sau Chiến tranh Triều Tiên, hai nước vẫn tiếp tục là đồng minh thân cận trong vài thập kỷ, trước khi ông Kim Jong-un kế nhiệm người cha quá cố.
Việc Triều Tiên ráo riết phát triển vũ khí hạt nhân và tăng cường thử nghiệm tên lửa hạt nhân năm qua đã khiến quan hệ song phương đi xuống nhanh chóng. Khi Trung Quốc ủng hộ những nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, các cơ quan truyền thông trung ương Triều Tiên liền chỉ trích công khai và thậm chí đe dọa Trung Quốc. Gần đây, Triều Tiên và Hàn Quốc liên tục có những dấu hiệu “làm lành” trong Thế vận hội mùa đông và kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trung Quốc đã “bắt” được những tín hiệu này và muốn nối lại quan hệ với Triều Tiên. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh với ông Kim Jong-un rằng các lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên thường xuyên thăm viếng lẫn nhau “như những người họ hàng” và đề nghị lãnh đạo hai bên thiết lập các kênh liên lạc mới. Tân Hoa Xã cũng khẳng định Trung Quốc có vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump.
Nhìn chung, do mâu thuẫn về lợi ích chiến lược và quan điểm không đồng thuận giữa Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục rơi vào bế tắc trong năm 2019. Hy vọng tại vòng đàm phán sắp tới, Mỹ và Triều Tiên sẽ có tiến triển tích cực nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, góp phần duy trì, bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Trường hợp tử vong đầu tiên
của sinh viên Hồng Kông tham gia biểu tình
Tin từ HỒNG KÔNG – Chow Tsz-lok, một sinh viên tại một trường đại học ở Hồng Kông bị ngã trong các cuộc biểu tình vào cuối tuần qua đã qua đời vào sáng hôm thứ Sáu (8/11).
Sự việc này đánh dấu vụ sinh viên thiệt mạng đầu tiên trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gây chấn động thành phố. Nó sẽ tạo tiền đề cho tình trạng bất ổn mới. Theo Reuters, bệnh viện xác nhận rằng anh Chow Tsz-lok, 22 tuổi, sinh viên tại Đại học Khoa học và Kỹ Thuật Hồng Kông, qua đời do nhiều vết thương.
Cái chết của anh Chow dự kiến sẽ châm ngòi cho các cuộc biểu tình mới và thổi bùng sự phẫn nộ chống lại cảnh sát, những người chịu áp lực nặng nề giữa những cáo buộc về việc sử dụng vũ lực quá mức khi thành phố đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Trong tuần này, người biểu tình đến bệnh viện để cầu nguyện cho anh Chow, để lại những bông hoa và hàng trăm tin nhắn chúc bình phục trên tường và bảng thông báo bên trong tòa nhà. Các sinh viên cũng tổ chức các cuộc biểu tình tại các trường đại học trên khắp thuộc địa cũ của Anh Quốc.
Các sinh viên và thanh niên dẫn đầu hàng trăm ngàn người xuống đường kể từ tháng 6 để đấu tranh cho một nền dân chủ lớn hơn, trong số các yêu cầu khác, và biểu tình chống lại sự can thiệp của Trung Cộng vào trung tâm tài chính châu Á. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến anh Chow bị thương. Nhưng cảnh sát tuyên bố rằng anh rơi từ tầng này xuống tầng khác tại một bãi đậu xe trong các hoạt động giải tán đám đông cuối tuần ở một quận phía đông của bán đảo KowLoon (Cửu Long). (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/truong-hop-tu-vong-dau-tien-cua-sinh-vien-hong-kong-tham-gia-bieu-tinh/
Người biểu tình khắp Hong Kong
thương tiếc sinh viên tử vong
Người biểu tình đã tụ tập khắp đặc khu Hong Kong, bày tỏ thương tiếc một sinh viên đại học chết hôm thứ Sáu 8/11 sau khi anh này bị ngã trong một bãi đậu xe, vào lúc đang diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong tuần này. Theo Reuters, cái chết của sinh viên này có thể gây thêm nhiều bất ổn.
Chow Tsz-lok, sinh viên tại Đại học Khoa học và Công nghệ (UST), đã ngã từ tầng ba xuống tầng hai của một bãi đậu xe vào hôm 4/11, khi những người biểu tình đang bị cảnh sát giải tán.
Đây là cái chết đầu tiên của một sinh viên trong suốt nhiều tháng biểu tình vừa qua ở Hong Kong.
Chow, 22 tuổi, đã chết đúng vào ngày tốt nghiệp của nhiều sinh viên. Cái chết của anh có nhiều khả năng sẽ làm gia tăng phẫn nộ đối với cảnh sát, hiện đang chịu áp lực trước những cáo buộc hành động bạo lực quá mức giữa lúc thành phố do Trung Quốc cai trị đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Các sinh viên UST đã đập phá một chi nhánh Starbucks trong trường, một cơ sở nhượng quyền thương mại được cho là thân với Bắc Kinh, và dự kiến sẽ có các cuộc biểu tình trên toàn lãnh thổ vào cuối tuần.
Vào tối 8/11, hàng trăm sinh viên, hầu hết đeo khẩu trang và mang nến, đã xếp hàng trong thinh lặng tại UST để đặt hoa trắng tưởng niệm, sau khi sinh viên tập trung lại tại các trường đại học trên khắp lãnh thổ cựu thuộc địa của Anh.
Hàng ngàn người cũng đến đặt hoa nơi Chow đã ngã xuống tại bãi đậu xe ở Tseung Kwan O, phía đông của bán đảo Kowloon, và hát thánh ca.
Một số người hô khẩu hiệu “Người Hong Kong, hãy trả thù”, nhưng đã bị những người khác chặn lại, họ nói: “Chúng ta không tới đây để biểu tình”.
Trong khu mua sắm ở Vịnh Causeway, hàng trăm người xếp hàng trên đường phố trong thinh lặng, trên nền những tiếng ầm ì của thành phố.
Ở khu vực đông đúc Kowloon, ngoại ô Mong Kok, hàng trăm người hô lớn “Đồng hành với Hong Kong” và “Người Hong Kong, hãy trả thù”.
Ben, 25 tuổi, một sinh viên UST và là bạn của Chow, cho biết chàng sinh viên ngành điện toán là một người yêu thể thao và thích chơi bóng rổ.
“Chúng tôi đã chơi bóng rổ với nhau được một năm”, Ben nói với Reuters trong hàng nước mắt. “Tôi cầu mong bạn ấy yên nghỉ. Tôi thực sự rất nhớ bạn ấy”.
Trung Quốc lại nói Việt Nam ‘làm phức tạp’
vấn đề ở Biển Đông
Trung Quốc, vào ngày 8/11 kêu gọi Việt Nam không ‘làm phức tạp’ vấn đề ở Biển Đông, sau khi một giới chức cấp cao Việt Nam tuyên bố Hà Nội có thể cân nhắc biện pháp pháp lý trong tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Reuters cho biết thông tin vừa nêu trong cùng ngày, dẫn lời của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc hy vọng Việt Nam đối diện với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận cao giữa hai nước là giải quyết tranh chấp bằng đối thoại và tham vấn, tránh những hành động có thể dẫn đến làm phức tạp tình hình gây ảnh hưởng đến sự ổn định và hòa bình ở Biển Đông cũng như các mối quan hệ song phương.
Phát ngôn nhân Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 6 tháng 11 tuyên bố rằng Việt Nam đang cân nhắc các biện pháp giải quyết căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc trong đó có cơ chế trọng tài và kiện.
Căng thẳng giữa hai nước láng giềng có cùng ý thức hệ Cộng sản gia tăng trong suốt chừng 4 tháng qua sau khi Trung Quốc điều các tàu hải cảnh, dân binh, và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí lâu dài của Việt Nam.
Giám đốc AMTI:
Muốn độc chiếm Biển Đông, TQ mất nhiều hơn được
Theo Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Greg Poling, Trung Quốc đang “mất nhiều hơn được” khi cố áp đặt tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc quá tự tin vào tiềm lực quân sự
Đây là nhận định được các chuyên gia, học giả quốc tế đưa ra trong khi thảo luận về những diễn biến gần đây trên Biển Đông khi Trung Quốc có những động thái làm leo thang căng thẳng khiến các quốc gia trong khu vực và trên thế giới buộc phải lên tiếng bày tỏ quan ngại và phản ứng gay gắt.
Phó Đô đốc Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, cho rằng, trong thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa trên các bãi đá mà nước này đã cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo ở Trường Sa nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Với tiềm lực sức mạnh quân sự của mình, Trung Quốc tin rằng, nước này hoàn toàn có thể thách thức mọi quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Một khi Trung Quốc hoàn tất tiến trình quân sự hóa ở Biển Đông, sẽ khó có nước nào có thể ngăn chặn được các bước đi chiến lược của Trung Quốc trong tương lai.
Giáo sư – Tiến sĩ Leszek Buszynski thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định, “sự trỗi dậy và bành trướng” của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang gây ra rất nhiều lo ngại cho các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo GS. TS. Buszynski, Trung Quốc rất tin tưởng vào sức mạnh của mình và luôn tự tin cho rằng tham vọng của Trung Quốc là “không thể ngăn chặn” hoặc ít nhất là sẽ “rất khó bị kiềm chế” bởi bất kỳ quốc gia nào. Chính vì thế, không chỉ dừng lại ở Biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc còn đang nhắm tới việc mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nicola Casarini thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Italy, cho rằng những căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực mà còn có tác động không nhỏ đến an ninh và thịnh vượng của Liên minh châu Âu (EU) do EU có quan hệ hợp tác về chính trị, kinh tế và thương mại với nhiều nước trong khu vực.
Tiến sĩ Nicola Casarini cũng cho rằng, việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông chính là “tiếng chuông cảnh tỉnh” để các quốc gia EU có những động thái quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn những hành vi sai trái của Trung Quốc.
Làm thế nào để đẩy lùi mưu đồ của Trung Quốc
Dù có chung quan điểm rằng, tiềm lực quân sự của Trung Quốc là “không thể xem thường” và Trung Quốc sẽ có thêm những động thái khác nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình, các chuyên gia nhận định, không phải là không có cách để ngăn chặn mưu đồ độc chiếm Biển Đông và bành trướng ra ngoài khu vực của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất hiện nay chính là các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những nước chịu tác động trực tiếp từ những hành động phi pháp của Trung Quốc cần lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) chia sẻ: “Cách duy nhất để đẩy lùi mưu đồ của Trung Quốc là khiến nước này phải trả giá về ngoại giao, kinh tế… thông qua sự hợp tác, nhất trí của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới khi đối phó với Trung Quốc.
Sẽ rất khó để mỗi quốc gia riêng lẻ có thể thực hiện được điều này. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ và từng bước thuyết phục Trung Quốc rằng họ đang “mất nhiều hơn được” khi cố áp đặt tham vọng độc chiếm Biển Đông”.
Cùng chung quan điểm với ông Poling, GS. TS. Leszek Buszynski cho rằng: “Các nước trong khu vực cần công khai với thế giới về những gì đang diễn ra ở Biển Đông và không chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc. Chỉ có làm như vậy mới khiến Trung Quốc không thể tiếp tục đẩy mạnh yêu sách chủ quyền phi lý của mình.
Trung Quốc luôn lo ngại các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản và cả cộng đồng quốc tế có thể sẽ có những phản ứng quyết liệt hơn nếu như các nước trong khu vực cùng lên tiếng chỉ trích những hành động sai trái của nước này. Đây cũng là cách hiệu quả để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc”.
TQ ôm giấc mộng hoang đường:
“Hất cẳng” Mỹ khỏi Trung Đông?
Ngay cả trong trường hợp Quân đội Mỹ rút hoàn toàn lực lượng ra khỏi vùng Vịnh thì Hải quân Trung Quốc cũng không có đủ khả năng lấp đầy khoảng trống này.
Việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện chính trị, kinh tế và an ninh ở Trung Đông diễn ra vào thời điểm nhiều nước trên thế giới đang tỏ ra lo lắng trước kế hoạch Mỹ rút quân khỏi khu vực.
Diễn biến này khiến giới quan sát đặt ra câu hỏi liệu Nga hay Trung Quốc có khả năng thế chỗ Mỹ với tư cách là một trong những nước bảo trợ an ninh cho khu vực hay không?
Moscow có thể đang rất thu hút sự chú ý của quốc tế qua hoạt động can thiệp vào Syria nhưng thực tế thì nước này chưa thể có đủ khả năng tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trong khu vực trong thời gian kéo dài.
Với nền kinh tế chỉ khoảng 400 tỷ USD, ít hơn cả GDP của bang Texas, Nga thiếu khả năng thực hiện cùng lúc các hoạt động quan trọng ở nhiều quốc gia.
Về phía Trung Quốc, mặc dù quân đội nước này đã nhanh chóng được hiện đại hóa, nền kinh tế tiếp tục phát triển nhưng hiện tại cũng khó có thể tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải lâu dài ở Vịnh Ả Rập vì những lo ngại chính trị của Bắc Kinh.
Khả năng quân sự
Về năng lực quân sự, đúng là Trung Quốc hoàn toàn có khả năng triển khai tới khu vực một lực lượng đáng kể. Với 33 tàu khu trục, 54 khinh hạm và 42 tàu hộ tống trong kho vũ khí của mình, trong đó hơn 80% được coi là hiện đại, Trung Quốc có đủ lực lượng tàu chiến mặt nước cần thiết để duy trì một cơ cấu khá lớn ở vùng Vịnh.
Mặc dù đến nay Trung Quốc vẫn chưa có tàu sân bay hoạt động đầy đủ (tàu sân bay hiện tại của họ chủ yếu phục vụ mục đích huấn luyện) nhưng đội tàu mặt nước, nếu được một quốc gia bạn bè nào đó cho phép sử dụng cảng thì Bắc Kinh có thể duy trì sự hiện diện thường xuyên trong khu vực.
Theo quân đội Ấn Độ, Hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện đang liên tục duy trì một lực lượng gồm từ 6 -8 tàu chiến cỡ lớn ở phía bắc Ấn Độ Dương. Ngoài ra, trong mùa Hè năm 2017, 14 tàu chiến của PLAN cũng đã được phát hiện ở Ấn Độ Dương để tiến hành tập trận bắn đạn thật.
Trong biến động chính trị ở Maldives vào tháng 2/2018, một liên đội gồm 11 tàu chiến của PLAN đã tiếp cận quốc đảo này, mà theo các nhà phân tích Ấn Độ là nhằm ngăn cản New Delhi can dự vào cuộc khủng hoảng.
PLAN đã có hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong việc thực hiện các cuộc tuần tra chống cướp biển ở vùng Vịnh và tính đến tháng 4/2019, họ đã thực hiện 32 nhiệm vụ hộ tống thành công hơn 6.600 tàu treo cờ Trung Quốc và cờ nước ngoài.
Bắc Kinh cũng đã tăng đáng kể hoạt động ngoại giao quân sự trên khắp thế giới và đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương, nơi các cuộc tập trận quân sự chung của họ đã tăng từ 3 cuộc năm 2013 lên đến 47 cuộc vào năm 2016.
Dựa trên khả năng khuếch trương sức mạnh và sự tham gia của PLAN vào các cuộc tuần tra chống cướp biển ở Ấn Độ Dương trong suốt thập kỷ qua thì rõ ràng Bắc Kinh hoàn toàn đủ năng lực quân sự để thực hiện một số hình thức khuếch trương sức mạnh hoặc duy trì tự do hàng hải ở vùng Vịnh.
Cho dù Trung Quốc thiếu các căn cứ không quân như của Mỹ, nhưng họ có thể xây dựng những cơ sở quân sự như vậy nếu được các chính quyền khu vực mời chào.
Một yếu tố quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là khả năng bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Khái niệm “phòng thủ biên cương” của Trung Quốc đòi hỏi PLAN phải có khả năng chiến đấu trên toàn cầu, và do vậy có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở những nơi xa xôi trên thế giới.
Trên thực tế, năm 2015, chính phủ Bắc Kinh từng tuyên bố rằng Trung Quốc cần có khả năng “bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải”.
Ý chí chính trị
Mặc dù Quân đội Trung Quốc gần như không thể mạnh bằng quân đội Mỹ nhưng một câu hỏi quan trọng hơn đặt ra ở đây là: Liệu Bắc Kinh có đủ ý chí chính trị để can dự nhiều hơn vào các vấn đề trong khu vực?
Những năm gần đây, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cho thấy vấn đề an ninh hàng hải là yếu tố vô cùng cần thiết đối với quốc gia này.
Sách trắng về chiến lược quân sự của Trung Quốc năm 2015 lập luận rằng, Bắc Kinh cần phải bảo vệ các tuyến đường lưu thông trên biển cũng như các lợi ích hàng hải và yêu cầu PLAN tham gia vào quá trình “bảo vệ các vùng biển mở.” Hiện tại, Trung Quốc đang được hưởng lợi rất nhiều từ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Trung Đông.
Bắc Kinh thường coi quân đội Mỹ là một ví dụ điển hình về chủ nghĩa bá quyền nhưng chính điều đó lại là nhân tố đảm bảo cho các tuyến đường biển an toàn và cởi mở. 95 – 100% trao đổi thương mại của Trung Quốc với Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu phụ thuộc vào các vùng biển mở này.
Nếu Bắc Kinh thực sự muốn can dự sâu hơn vào khu vực, để qua đó bảo vệ được các nguồn cung cấp dầu và thách thức sự hiện diện của Mỹ thì họ cần phải thiết lập các căn cứ quân sự tại đây. Khi đó, đối thủ mà Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối diện chính là Iran.
Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc tham giao vào một số dạng hành động quân sự nào đó chống Iran, nước mà Bắc Kinh đã rót hơn 27 tỷ USD đầu tư giai đoạn từ 2005 – 2018 và lại duy trì các quan hệ chính trị và quân sự mạnh mẽ thì điều đó khó có thể xảy ra.
Việc Mỹ ráo riết thành lập một liên minh bảo vệ hoạt động vận tải biển ở vùng Vịnh với tên gọi “Chiến dịch Sentinel” đã thu hút sự chú ý của Bắc Kinh. Ni Jian, Đại sứ Trung Quốc tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từng phát biểu: Trung Quốc đang “nghiên cứu đề xuất của Mỹ về các kế hoạch hộ tống ở vùng Vịnh”.
Ông Jian cũng nói thêm: “Nếu xảy ra tình huống không an toàn, chúng tôi sẽ xem xét việc điều lực lượng hải quân tới hộ tống các tàu thương mại của chúng tôi.”
Tuy nhiên, điều đó rất khó xảy ra xét tới bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ hiện nay. Làm gì có chuyện Mỹ sẽ nghiêm túc hỗ trợ lực lượng chuyên trách đó của Hải quân Trung Quốc!
Kết luận
Cho dù việc Mỹ rút quân khỏi Syria đã khiến các đồng minh và đối tác của họ ở Trung Đông phản ứng khá gay gắt, thậm chí là chỉ trích thì cũng đừng kỳ vọng Washington sẽ rút hoàn toàn khỏi Bán đảo Ả Rập.
Sự phân bổ quy mô lực lượng Mỹ trong khu vực suốt thập kỷ vừa qua cần phải được phân tích và so sánh một cách đúng mức chứ không thể chỉ dựa vào các ngôn từ ở Nhà Trắng.
Ngay cả trong trường hợp Mỹ rút khỏi khu vực, Hải quân Trung Quốc cũng khó mà có khả năng lấp đầy khoảng trống này. PLAN đang tăng cường khả năng hoạt động xa bờ nhưng vẫn còn rất thiếu năng lực không quân yểm trợ cần thiết.
Về mặt chính trị, Bắc Kinh thích ngồi đó để nhìn Mỹ đảm trách vai trò đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển phục vụ hoạt động nhập khẩu dầu và xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Nếu không bị buộc phải làm khác thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc, dù vẫn lên tiếng chỉ trích Mỹ nhưng thực tế thì khá hài lòng với nguyên trạng.
http://biendong.net/bi-n-nong/31363-tq-om-giac-mong-hoang-duong-hat-cang-my-khoi-trung-dong.html
ĐCSTQ đang dùng kế sách
“quần chúng đấu quần chúng” tại Hồng Kông?
Tuần trước, một nhóm người tự xưng là “3 huynh đệ Đông Bắc” đã tấn công người dân Hồng Kông tại đường Nathan rồi bị dân chúng vây đánh. Sau khi 3 người này về lại Đại Lục đã biểu thị sự ủng hộ cảnh sát Hồng Kông trên Weibo. Những người Đại Lục không hiểu tình hình còn tâng bốc họ lên thành “anh hùng”. Có nhận định cho rằng đây là kế sách “dùng quần chúng đấu quần chúng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cố ý tạo mâu thuẫn, gây chia rẽ người dân, khiến xã hội Hồng Kông tiếp tục hỗn loạn.
“3 huynh đệ Đông Bắc” đánh người tại Hồng Kông, kết quả bị đám đông vây đánh lại. Tuy nhiên khi về Đại Lục, họ lại được cư dân mạng không hiểu sự thực tâng bốc như anh hùng.
Ngày 2/11, tại đường Nathan ở Tiêm Sa Chủy Hồng Kông, 3 người đàn ông đến từ Đông Bắc Trung Quốc Đại Lục đã chụp ảnh và thậm chí còn sử dụng bạo lực tấn công người biểu tình, sau đó bị công chúng vây đánh lại.
Tại Đại Lục có kênh truyền thông đưa tin rằng 3 du khách này nhìn không thuận mắt hành vi “côn đồ” của người biểu tình Hồng Kông nên có ý ngăn lại, kết quả xảy ra xung đột. Những du khách Đại Lục này bị đám đông đánh thê thảm, bị thương ở đầu và đã được đưa đến bệnh viện điều trị.
Tuy nhiên, phóng viên của Apple Daily đã kiểm tra video hiện trường và phát hiện một trong số ba người này đã chủ động đoạt lấy ô và tấn công liên tiếp người biểu tình. Sau đó người biểu tình tản ra, và 3 người này bị quần chúng vây đánh rồi cảnh sát đến và đưa họ đi bệnh viện.
Ngày 4/11, ba người này trở về Đại Lục, lên Weibo thông báo biểu thị sự ủng hộ cảnh sát Hồng Kông.
Nhiều cư dân mạng tại Đại Lục không hiểu rõ sự tình đã liên tiếp khen ngợi sự nhanh nhẹn dũng cảm của “3 huynh đệ Đông Bắc”, họ thậm chí còn thảo luận xem người thuộc vùng miền nào thì đánh đấm lợi hại hơn, cũng có người lên tiếng nhục mạ những người biểu tình Hồng Kông. Bên cạnh đó cũng có cư dân mạng nghi ngờ: “Vì sao 3 ‘huynh đệ’ kia lại đến Hồng Kông du lịch trong giai đoạn này?”
ĐCSTQ thuê côn đồ đánh người?
Thực tế, từ khi phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ bùng nổ đến nay, nhiều người Đại Lục đã liên tiếp xuất hiện trên đường phố Hồng Kông và cố ý tấn công người dân phản đối Dự luật Dẫn độ.
Trước đó, trên mạng lan truyền ảnh chụp màn hình một đoạn hội thoại trên WeChat, cho thấy Hội Đồng hương Thạch Sư Phúc Kiến tại Hồng Kông đã kêu gọi đồng hương Đại Lục đến Hồng Kông đánh người, mỗi người được 1.200 tệ mỗi ngày, mỗi hương làng đều phải có người đi.
Trên WeChat tại Đại Lục cũng lan truyền rộng rãi tuyên bố chung của Thi Năng Sư – Hội trưởng Hội Đồng hương Tấn Giang và Nghiêm Can Thành – Hội trưởng Phân hội An Hải: Tuyển dụng 500 tráng đinh ở quê nhà An Hải, ngoài “chi phí tay chân” từ 1.300 – 1.500 đôla Hồng Kông, người tham gia được ở khách sạn Sheraton, Shangri-La, kêu gọi mọi người hãy hăng hái đăng ký.
Tháng trước, tại khu vực đường hầm ở Tai Po nơi có Tường Lennon, một nam thanh niên Hồng Kông 19 tuổi phát tờ rơi về cuộc đại diễu hành ở Cửu Long đã bị một người đàn ông mặc áo đen đến xé các thông điệp dán trên tường, thậm chí cầm dao đâm vào bụng của thanh niên Hồng Kông này, làm ruột bên trong lộ cả ra ngoài. Cuối cùng truyền thông Hồng Kông xác nhận, hung thủ cầm dao là một người Đại Lục có giấy thông hành đi qua lại Hồng Kông và Macau.
Ngày 3/11, bên ngoài City Plaza ở khu vực Tai Koo, một người đàn ông nói tiếng phổ thông Trung Quốc đã xảy ra xung đột với người biểu tình, sau đó người đàn ông này rút dao ra chém nhiều người bị thương, thậm chí còn cắn đứt tai của Nghị viên Hội đồng quận Triệu Gia Hiền. Sự kiện này đã khiến 5 người bị trọng thương phải đưa đến bệnh viện, sau sự kiện, hung thủ được chỉ ra là người Chiết Giang.
Lần này, “3 huynh đệ Đông Bắc” đánh người ở Hồng Kông và trở về Đại Lục, lại được tâng bốc thành anh hùng, sự việc khiến cho cư dân mạng ngoài Trung Quốc liên tiếp lên tiếng chế nhạo, “Trở về vừa được lên sóng CCTV lại vừa nhận được tiền thưởng”, “Ủng hộ 3 huynh đệ Đông Bắc trở về Trái Đất giả, không nên tiếp tục đến Hồng Kông, Trái Đất giả không có tự do nhân quyền mới phù hợp với các người”, “Anh hùng tổ quốc ở Đại Lục đối diện với thực phẩm độc, vắc-xin độc, cưỡng chế phá dỡ nhà, cưỡng chế di dời mà im lặng không nói gì, sao lại chạy đến nơi xa như Hồng Kông để đóng vai chính nghĩa?”, “3 người ở quốc gia không có nhân quyền tự do, lại chạy đi giáo dục người ở thành phố tự do ư? Thật nực cười!”
Biển Đông trong Chính sách Hành động Hướng Đông
và Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 16, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên biển Đông, trong đó có các hoạt động quân sự hóa, các hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế trên biển.
Theo Thủ tướng Narendra Modi khẳng định cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ với ASEAN và nhấn mạnh ASEAN nằm ở trung tâm Chính sách Hành động Hướng đông (LEP) và Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ, tích cực ủng hộ quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP); đồng thời cho biết, Biển Đông có liên quan trực tiếp với những tính toán chiến lược của Ấn Độ, do vùng biển này nằm ở giữa tuyến đường hàng hải trải dài từ đông Ấn Độ Dương đến tây Thái Bình Dương, giúp Ấn Độ tiếp cận với các thị trường lớn trên thế giới.
Chính sách can dự của Ấn Độ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nền tảng từ những năm 1990. LEP được Chính quyền Narasimha Rao đưa ra trong bối cảnh kinh tế và chính trị Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của LEP là thúc đẩy hợp tác kinh tế, ngoại giao với Đông Nam Á, mở rộng các mối quan hệ an ninh và quốc phòng với toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách này nhằm giúp Ấn Độ làm sâu sắc hơn nữa các mối liên kết chính trị và thể chế của Ấn Độ ở khu vực. Kể từ đó, LEP là cấu phần quan trọng trong hợp tác quốc tế của Ấn Độ. Động lực chính sách LEP một phần bị thúc đẩy bởi chiến lược cân bằng với Trung Quốc, đồng thời thể hiện mong muốn đóng vai trò lớn hơn nữa của Ấn Độ trên trường quốc tế cả về kinh tế và chính trị.
Khi Thủ tướng Narenda Modi lên cầm quyền tiếp tục tạo đà cho Ấn Độ khẳng định vai trò chiến lược lớn hơn ở châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương và những hành vi quyết đoán của nước này trong tranh chấp biển ở Đông Á càng khiến cho vai trò của Ấn Độ ở Đông Á và Đông Nam Á trở nên quan trọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2014 ở Myanmar, Thủ tướng Narenda Modi đã chính thức tuyên bố “nâng cấp” LEP thành Chính sách Hành động hướng Đông (AEP). Mục tiêu và thực tiễn triển khai AEP là để đảm bảo những lợi ích của mình tại Biển Đông, mục tiêu bao trùm của Ấn Độ là tự do hàng hải và hàng không, giao thương không bị cản trở; giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, duy trì hòa bình, ổn định khu vực; và tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Hướng tới mục tiêu này, Ấn Độ trước mắt sẽ muốn ngăn chặn sự hung hăng cũng như những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của Trung Quốc. Mối quan ngại này chủ yếu xuất phát từ việc Trung Quốc gia tăng hành vi cải tạo đảo cũng như hoạt động tuần tra trên biển ngày càng quyết đoán. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng hy vọng Mỹ và các đồng minh Đông Á sử dụng đến những chiến lược quân sự ôn hòa hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đây có lẽ là lý do Ấn Độ không tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ, tập trận song phương, đa phương có sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông. Ấn Độ mong muốn tất cả các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố Ứng xử DOC, tiến tới hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử COC mang tính ràng buộc pháp lý.
Trong trung và dài hạn, Ấn Độ hợp tác tăng cường khả năng hoạt động trên biển cho các nước Đông Nam Á để cân bằng sức mạnh, tăng cường hiện diện và phát biểu tại các diễn đàn đa phương khu vực, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với ba quốc gia chủ chốt là Mỹ, Nhật Bản và Australia. Điều này sẽ giúp Ấn Độ phục vụ mục tiêu lớn hơn là tạo sự ổn định, cân bằng ở Biển Đông nói riêng và hệ thống chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung. Đối với khu vực, trên cơ sở chính sách “Hành động hướng Đông”, Ấn Độ chủ động tăng cường các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị, quốc phòng; tham gia các cơ chế đa phương khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích ở Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cũng tính đến các yếu tố quan trọng khác liên quan đến nhân tố Trung Quốc như vị trí địa lý (có đường biên giới chung gần 3.500km), mối quan hệ thương mại (Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ) cũng như truyền thống trong chính sách đối ngoại (độc lập, không liên minh, liên kết). Vì vậy, cách tiếp cận của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông tương đối mềm mỏng, gián tiếp, tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc. Theo đó, trên cơ sở AEP, Ấn Độ chủ yếu phối hợp, hợp tác với các quốc gia khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, Indonesia, tích cực nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương. Lĩnh vực hợp tác chính là nâng cao năng lực biển, tăng cường năng lực cho các quốc gia, tuần tra chung, tập trận chung (ở các khu vực khác như eo biển Malaccar), phối hợp phát biểu trên các diễn đàn đa phương và các dự án kết nối cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh hợp tác song phương với các quốc gia ASEAN, Ấn Độ cũng tập trung đẩy mạnh hợp tác biển đa phương với ASEAN. Các hợp tác này thể hiện trên 3 lĩnh vực chính là: an ninh hàng hải, phát triển kinh tế xanh dương, và kết nối biển. Tiếp nối từ chính sách LEP, chính sách AEP của Ấn Độ lấy ASEAN làm trọng tâm. Như phát biểu của Thủ tướng Modi tại Shangri – La năm 2018, cho rằng vấn đề an toàn và an ninh biển là hết sức quan trọng và các quốc gia cần hợp tác để đối phó với các thách thức, trong
đó điểm tựa là các cơ chế do ASEAN dẫn dắt tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mối quan tâm về lợi ích biển, cả về kinh tế và địa chính trị, của Ấn Độ ngày càng được chú trọng đã tạo không gian và động lực cho lĩnh vực biển trong AEP. Trong bối cảnh đó, vai trò của Hải quân và Cảnh sát biển rất đáng chú ý. Hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn tham gia tuần tra và tập trận hải quân chung, hoạt động chống cướp biển, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn. Các hoạt động này diễn ra theo cả hai chiều: các hoạt động do Ấn Độ tổ chức và hoạt động do ASEAN tổ chức. Tập trận MILAN do Hải quân Ấn Độ tổ chức theo định kỳ 2 năm/lần có sự tham gia đa số các quốc gia ASEAN. Tháng 2/2016, Ấn Độ đã thực hiện Diễn tập Đội hình Quốc tế với sự tham gia của 12 tàu từ các quốc gia EAS, trong đó có 5 tàu từ 6 quốc gia thành viên ASEAN. Với các hoạt động do ASEAN chủ trì, Ấn Độ cũng tích cực tham gia. Hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn tham gia các cuộc tập trận do các quốc gia thuộc hội nghị ADMM+ tổ chức cũng như hàng năm vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến viếng thăm tàu hải quân tới các quốc gia EAS. Hàng năm, các quan chức cấp cao Ấn Độ vẫn tham dự Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF), một diễn đàn ngoại giao kênh 1.5 tập trung thảo luận về các vấn đề quan tâm chung trên biển.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang tích cực đẩy mạnh hợp tác và gắn kết với khu vực thông qua phát triển tổng thể về kinh tế xanh dương (blue economy). Điểm đặc biệt của kinh tế xanh dương là việc khai thác nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Cả Ấn Độ và ASEAN đều có chung tầm nhìn và mong muốn cùng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 11, Thủ tướng Ấn Độ đã đề xuất chia sẻ kinh nghiệm của Ấn Độ và thiết lập đối tác bảo vệ nguồn tài nguyên biển, tận dụng tiềm năng mà nền kinh tế xanh mang lại. Hiện tại, Ấn Độ và ASEAN đã tổ chức được hai hội thảo về kinh tế xanh dương ASEAN – Ấn Độ, lần đầu vào năm 2017 tại Việt Nam và lần thứ hai năm 2018 tại Ấn Độ.
Một lĩnh vực quan trọng trong AEP nhằm đẩy mạnh hợp tác biển với ASEAN chính là kết nối biển. Đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa hai bên. Cả Ấn Độ và ASEAN đều là các quốc gia ven biển với bề dày lịch sử về thương mại biển. Do đó, việc khôi phục và phát huy mối liên kết vốn có này là hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy thịnh vượng, phát triển và lòng tin giữa hai bên. Ấn Độ cam kết thực thi Kế hoạch Tổng thế về Kết nối ASEAN (MPAC) theo tuyên bố của Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN năm 2000, đồng thời đưa ra tầm nhìn về An ninh và Tăng trưởng cho Tất cả ở Khu vực (SAGAR) với mục đích kết nối các các biển của Ấn Độ với tất cả các quốc gia khu vực. Để thực hiện điều này, Ấn Độ đang thực hiện các bước đi nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng và năng lực tất cả các cảng quan trọng ở phía đông Ấn Độ, đồng thời hỗ trợ, đầu tư với các cảng biển các quốc gia ASEAN, như cảng Dawei (Myanmar). Để tạo thuận lợi cho giao thương biển, Ấn Độ đã đưa đề xuất đàm phán Hiệp định Hợp tác Vận tải Biển ASEAN – Ấn Độ. Mục tiêu của Hiệp định là giúp thúc đẩy tiếp cận dịch vụ trên biển thông qua sự minh bạch hơn nữa về quy định, chính sách và thực tiễn biển của các đối tác thương mại; thúc đẩy mua bán hàng hóa trên biển và tại các cảng; mở đường thiết lập các doanh nghiệp liên doanh về các lĩnh vực vận tải biển, đóng tàu và sửa chữa, huấn luyện, và công nghệ thông tin.
Mặc dù có sự thay đổi về chính sách biển và tăng cường can dự hơn vào vấn đề Biển Đông, mức độ, cường độ quan tâm và hành động ở Biển Đông của Ấn Độ phụ thuộc thứ tự ưu tiên chiến lược; năng lực tài chính; và những tương tác trong mối quan hệ Ấn – Trung.
Trong trung và dài hạn, Biển Đông sẽ vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng cường hiện diện, tiến tới kiểm soát hiệu quả khu vực này. Do đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục can dự, tăng cường hiện diện ở Biển Đông, tạo ra những cơ hội thuận lợi cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng như hợp tác song phương giữa hai nước, cụ thể: Thứ nhất, góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng, nâng cao năng lực biển cho Việt Nam. Với cách tiếp cận ôn hòa, mềm mỏng, việc Ấn Độ can dự vào Biển Đông nói chung, tăng cường hợp tác với Việt Nam nói riêng sẽ hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc. Điều này giúp mở rộng không gian hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng như mua sắm vũ khí, huấn luyện, nâng cấp trang thiết bị, hỗ trợ tín dụng, tập trận chung trên biển, tăng cường năng lực cho lực lượng chấp pháp biển của Việt Nam, tăng cường các chuyến thăm viếng của các tàu quân sự… Thứ hai, tăng cường hợp tác về kinh tế. Hoạt động hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, đặc biệt là tại các lô nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn”, vừa đóng vai trò hợp tác kinh tế vừa mang ý nghĩa chính trị. Trong tháng 7/2017, Việt Nam đã gia hạn quyền khai thác dầu khí của Ấn Độ (công ty ONGC) ở Biển Đông thêm 2 năm và đã bắt đầu cho phép khoan ở các khu vực khác mặc dù Trung Quốc phản đối. Những hoạt động như vậy vừa thúc đẩy lòng tin chính trị giữa hai nước đồng thời bảo đảm sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Thứ ba, tăng cường hợp tác về chính trị. Việt Nam chiếm vị trí quan trọng trong AEP của Ấn Độ. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có nhiều điểm tương đồng trong mối quan hệ với Trung Quốc: tranh chấp lãnh thổ, xung đột
quân sự trong quá khứ. Do đó, đây là cơ hội tốt để hai bên tăng cường hơn nữa mối quan hệ, tăng cường phối hợp và hỗ trợ trong vấn đề Biển Đông trên thực địa cũng như tại các diễn đàn song phương và đa phương. Thứ tư, duy trì sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Gần đây, cộng đồng quốc tế có xu hướng giảm quan tâm đến vấn đề Biển Đông: Singapore và đặc biệt là Philippines thay đổi cách tiếp cận theo hướng thỏa hiệp hơn; ASEAN không có bước chuyển mới, thậm chí bị Trung Quốc thao túng gần như hoàn toàn trong năm Chủ tịch của Philippines; Mỹ quá tập trung vào vấn đề Triều Tiên. Vì vậy, vấn đề Biển Đông ít nhận được sự chú ý hơn so với trước đây. Ấn Độ là cường quốc đang nổi, có vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt, tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế, đồng thời có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Do đó, việc Ấn Độ quan tâm, lên tiếng và can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm kiềm chế hành vi và ý định của Trung Quốc là điều hết sức cần thiết.
Thời gian gần đây, để đảm bảo lợi ích của minh trong khu vực, Ấn Độ đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Theo Tiến sỹ quan hệ quốc tế Mark Rosen nhận định trong bối cảnh các diễn biến căng thẳng ở biển Đông, Ấn Độ đã và đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc thi hành LEP. Quyết định của Ấn Độ muốn tự tham gia vào một môi trường phức tạp như vậy, ngay cả khi có nguy cơ kích động nước láng giềng khổng lồ của mình, cho thấy mức quan tâm đáng kể mà New Delhi đặt vào khu vực này.
Đầu tiên, năng lượng là một yếu tố quan trọng Ấn Độ quan tâm ở biển Đông. Năm 2015, Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, các chuyên gia trong ngành dự đoán mức tiêu thụ năng lượng của nước này sẽ tiếp tục tăng 4,2% mỗi năm. 80% tổng nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ là từ nhập khẩu nên nước này nhiều khả năng sẽ cần phải đảm bảo các nguồn năng lượng mới khi nhu cầu trong nước tăng lên. Các trữ lượng năng lượng tiềm năng ở biển Đông đã thu hút được sự quan tâm của New Delhi. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính khu vực này có thể chứa tới 11 tỉ thùng dầu và 19.000 tỉ khối khí đốt dự trữ. Như vậy, Ấn Độ đã và đang liên tục tham gia các dự án phát triển năng lượng ngoài khơi ở biển Đông kể từ đầu những năm 1990, đấu thầu các lô dầu khí mới và tiến hành thăm dò dầu mỏ trong khu vực này.
Không những vậy, tầm quan trọng kinh tế của khu vực này đã chuyển thành lợi ích an ninh quốc gia đối với New Delhi. Với một nửa thương mại đường biển của mình đi qua eo biển Malacca, bất kỳ sự bất ổn nào ở biển Đông sẽ tác động tiêu cực đến các tuyến đường vận chuyển và gây ảnh hưởng đến kinh tế Ấn Độ. Tương tự, nếu toàn bộ biển Đông nằm dưới sự kiểm soát của một quốc gia cụ thể nào đó (mà ở đây nhiều khả năng là Trung Quốc), nó có thể đe dọa việc Ấn Độ tiếp cận tuyến đường biển sống còn. Do đó, sự tham gia của New Delhi vào biển Đông tập trung vào ba mục tiêu: (i) Để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực và giữ cho các tuyến đường biển sống còn này luôn rộng mở; (ii) Để duy trì quan hệ thân thiết với các cường quốc khu vực; (iii) Để đảm bảo rằng không có sức mạnh bên ngoài hung hăng tiềm ẩn nào chi phối khu vực này.
Thông qua LEP, New Delhi đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN. Bên cạnh hợp tác kinh tế, hợp tác chiến lược cũng được mở rộng thông qua các cuộc tập trận chung, huấn luyện quân sự và bán vũ khí cho các nước trong khu vực. Hơn nữa, sự hiện diện mạnh mẽ của các khí tài quân sự của Ấn Độ trong khu vực không chỉ để bảo vệ các tuyến đường biển này mà còn mang lại “nhận thức lĩnh vực” về những phát triển tiềm năng của khu vực. Sự hợp tác này cũng là để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trong lịch sử, cả hai nước đều bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp biên giới kéo dài, từng dẫn đến một cuộc chiến tranh vào năm 1962 và cho đến ngày nay vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng đôi lúc dẫn đến những cuộc khủng hoảng. Cuộc đối đầu ở Doklam trong năm 2017 cho thấy cuộc xung đột giữa hai bên vẫn là một viễn cảnh thực sự. Do đó, theo quan điểm của New Delhi, điều cấp bách là Biển Đông không trở thành một cái “hồ của Trung Quốc”.
Nguyên nhân các cuộc biểu tình của sinh viên
khiến Indonesia chấn động
Tin từ JAKARTA, Indonesia – Manik Marganamahendra từng là một hướng đạo sinh và là thành viên của một đội kéo cờ ở trường trung học. Nhưng với các cuộc biểu tình của sinh viên càn quét Jakarta và các thành phố khác trong những tháng gần đây trong tình trạng bất ổn dân sự tồi tệ nhất ở Indonesia trong nhiều thập kỷ, Manik nổi lên như một biểu tượng chống chính quyền.
Theo Reuters, Hàng ngàn sinh viên hô to khẩu hiệu, mặc áo khoác màu vàng, đỏ và xanh lá cây của trường đại học của họ, tụ tập để nghe ông phát biểu. Nguyên nhân của các cuộc biểu tình này là vì dự luật của chính phủ nhằm tước bỏ một phần quyền lực của cơ quan chống tham nhũng. Chính quyền còn thông qua một bộ luật hình sự mới mà các nhà phê bình xem là một sự đảo ngược của các cải cách chính trị và xã hội đạt được sau sự sụp đổ của Chính phủ độc tài Suharto.
Nhưng các cuộc biểu tình này cũng thu hút một lượng lớn các nhà hoạt động đang đấu tranh vì một loạt các nguyên nhân khác, làm nổi bật một quan điểm đang phát triển ở Indonesia rằng giới tinh hoa chính trị và kinh doanh đang ngày càng trở nên quan tâm đến lợi ích riêng, và kém trách nhiệm với người dân.
Giới công nhân đang yêu cầu điều kiện làm việc tốt hơn. Các nhà môi trường muốn các công ty dầu cọ và gỗ có trách nhiệm hơn đối với các vụ cháy rừng thường xuyên bao trùm khu vực này trong khói. Các nhà nữ quyền đang kêu gọi việc thông qua dự luật chống bạo lực tình dục bị chặn bởi các chính trị gia vì sợ phản ứng dữ dội từ những người Hồi giáo bảo thủ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nguyen-nhan-cac-cuoc-bieu-tinh-cua-sinh-vien-khien-indonesia-chan-dong/