Tin khắp nơi – 08/11/2016
Trung Quốc cấm hai nhà lập pháp Hong Kong làm dân biểu
Trung Quốc tuyên bố không nên cho phép hai nhà lập pháp dân cử có chủ trương đòi độc lập cho Hong Kong làm dân biểu quốc hội, sau khi cân nhắc tuyên thệ của hai người này tại lễ nhậm chức hồi tháng trước.
Hai chính trị gia đòi độc lập Yau Wai-ching và Baggio Leung quấn quanh mình khẩu hiệu “Hong Kong không phải là Trung Quốc” và hứa trung thành với quốc gia Hong Kong.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu nhà lập pháp bị ảnh hưởng bởi lệnh này, nhưng kết luận của Trung Quốc là một số nhà lập pháp không xứng đáng giữ chức vụ vì cách thức họ tuyên thệ đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong quần chúng.
Cũng đang có chia rẽ trầm trọng hơn giữa cư dân Hong Kong và Bắc Kinh, với một số cảnh báo là lệnh của Bắc Kinh đã làm rung chuyển nền tảng khuôn mẫu “một quốc gia, hai hệ thống” được đặt ra cho thành phố cảng này sau khi Anh trao trả cựu thuộc địa này lại cho Trung Quốc dưới sự cai trị của cộng sản vào năm 1997.
Khuôn mẫu này được thiết lập để đảm bảo là Hong Kong tiếp tục con đường tự do, nhưng Trung Quốc ngày càng bị chỉ trích vì đã ảnh hưởng nặng nề lên chính quyền Hong Kong và làm xói mòn việc cai trị theo luật pháp.
Một tòa án tại Hong Kong đã duyệt xét lại việc tuyên thệ gây tranh cãi, nhưng Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, ở Bắc Kinh hôm thứ Hai đưa ra một giải thích về luật căn bản. Luật căn bản là hiến pháp thu nhỏ của Hong Kong.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Li Fei, chủ tịch của Uỷ ban Luật căn bản của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc nói tòa án tại Hong Kong không có lựa chọn nào khác là thi hành lối giải thích của Bắc Kinh về luật căn bản. Khi được hỏi lệnh này có đe dọa đến tính độc lập của tư pháp Hong Kong, ông Li nói là chính Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, qua luật căn bản, ban tính độc lập cho hệ thống tư pháp Hong Kong.
http://www.voatiengviet.com/a/tq-cam-2-nha-lap-phap-hong-kong-lam-dan-bieu/3585007.html
Hồng Kông :
Hàng trăm luật sư biểu tình phản đối Bắc Kinh
Hôm nay, 08/11/2016, hàng trăm luật sư biểu tình tại trung tâm thành phố Hồng Kông để phản đối Quốc Hội Trung Quốc không cho hai nghị sĩ đòi độc lập vào nghị viện.
Các luật sư Hồng Kông và nước ngoài trong bộ trang phục đen tuần hành trong im lặng. Điểm xuất phát của cuộc tuần hành là trụ sở tòa án tối cao của Hồng Kông hay Tòa Chung Thẩm. Luật sư và nghị sĩ Dennis Kwok – Quách Vinh Khanh, người tổ chức cuộc tuần hành, cho Reuters biết : Giới luật sư không chấp nhận cách giải thích luật của Quốc Hội Trung Quốc về vụ việc nói trên, và « điều này là hoàn toàn không phù hợp với hệ thống tư pháp Hồng Kông ».
Hôm qua, Quốc Hội Trung Quốc ra một quyết định chưa từng có, buộc hai tân nghị sĩ Hồng Kông Du Huệ Trinh (Yau Wai Ching) và Lương Tụng Hằng (Leung Chun Ying) không được tham gia nghị viện, do họ đã từ chối gọi đúng tên nước Trung Quốc trong lần tuyên thệ đầu tiên.
Liên đoàn các luật sư Hồng Kông với hơn 1.000 thành viên, cũng phản đối quyết định nói trên của Quốc Hội Trung Quốc, một quyết định cho thấy Bắc Kinh đang siết chặt kiểm soát đặc khu hành chính, vốn được hưởng quy chế « một quốc gia, hai chế độ ». Công luận Hồng Kông lo ngại chính quyền Trung Quốc đang bóp nghẹt dần quyền tự trị của thành phố và quyền tự do của người dân đặc khu. Tối hôm qua, hai nghị sĩ trẻ La Quán Thông (Nathan Law) và. Chu Khải Di (Eddie Chu), ra một thông cáo chung khẳng định quyết định của Quốc Hội Trung Quốc là một hành động tấn công nhắm vào toàn bộ phong trào dân chủ Hồng Kông.
Đây là lần thứ tư, các luật sư Hồng Kông xuống đường, kể từ năm 1997, tức từ khi Hồng Kông được Anh Quốc trả lại cho Hoa lục. Lần gần nhất là vào mùa hè năm 2014, sau khi chính quyền Trung Quốc ra Sách Trắng, khẳng định Bắc Kinh có toàn quyền quyết định số phận Hồng Kông.
Tại Hồng Kông chỉ có ít người ủng hộ quan điểm đòi độc lập, nhưng phản ứng của Bắc Kinh gây lo ngại rất lớn. Các đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông hồi chủ nhật 06/11 vừa rồi báo trước nhiều căng thẳng trong tương lai.
Tòa Chung Thẩm Hồng Kông sẽ phải ra phán quyết về vụ này, theo đề nghị của chính quyền đặc khu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161108-hong-kong-hang-tram-luat-su-bieu-tinh-phan-doi-bac-kinh-0
Tổng thống Hàn Quốc để Quốc Hội bầu thủ tướng mới
Để tránh cho khủng hoảng vượt quá tầm kiểm soát, do các phản ứng dữ dội trong công luận về vụ bê bối Choi Soon-sil, hôm nay, 08/11/2016, tổng thống Hàn Quốc chấp nhận để cho Quốc Hội bầu một thủ tướng mới.
Theo Reuters, trong cuộc nói chuyện với chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc Chung Sye-kyun, tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye tuyên bố : « Nếu Quốc Hội giới thiệu một người tốt, được đảng cầm quyền và các đảng phái đối lập trong Quốc Hội chấp thuận, tôi sẽ bổ nhiệm người này vào vị trí thủ tướng, và để cho người đó điều hành chính phủ ».
Uy tín của tổng thống Park Guen-hye xuống thấp chưa từng có, chỉ còn 5% theo một số thăm dò dư luận. Bà Park Guen-hye đã phải xin lỗi hai lần trước công chúng, kể từ khi vụ bê bối bùng phát. Hồi tuần trước, để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, tổng thống Hàn Quốc đã bổ nhiệm ông Kim Byong-joon, một cựu bộ trưởng, làm thủ tướng. Tuy nhiên, quyết định này đã bị phản đối mạnh mẽ từ phía đối lập.
Tại Hàn Quốc, chức vụ thủ tướng mang tính chất biểu tượng nhiều hơn. Quyền lực thực sự tập trung trong tay tổng thống. Các nỗ lực tháo gỡ khủng hoảng của nguyên thủ Hàn Quốc dường như không mang lại kết quả. Ngày càng có nhiều tiếng nói yêu cầu tổng thống Hàn Quốc phải từ chức.
Sáng nay, theo hãng tin Yonhap, cơ quan tư pháp Hàn Quốc đã khám xét văn phòng của tập đoàn điện tử Samsung. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ cuộc điều tra về những quan hệ mờ ám giữa tổng thống Park Guen-hye và nữ cố vấn bí hiểm Choi Soon-sil, cũng là bạn lâu năm của tổng thống, bị cáo buộc lừa đảo, lạm dụng quyền lực. Bà Choi Soon-sil bị tình nghi lợi dụng quan hệ với tổng thống để ăn tiền hối lộ của nhiều công ty, trong đó có Samsung.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161108-thu-tuong-han-quoc-chap-nhan-de-quoc-hoi-bau-thu-tuong-moi
Philippines :
Cựu độc tài Marcos có thể được an táng như một anh hùng
Nhà cựu độc tài Philippines Ferdinand Marcos có thể được an táng tại nghĩa trang dành cho các anh hùng dân tộc. Quyết định này được Tòa Án Tối Cao Philippines đưa ra ngày 07/11/2016, nhưng gây nhiều tranh cãi vì những tội ác mà cố tổng thống Marcos bị quy trách nhiệm.
Với đa số ủng hộ, cơ quan tài phán tối cao của Philippines đã phê chuẩn quyết định của tổng thống Rodrigo Duterte về việc chuyển hài cốt của cố tổng thống Marcos (1917-1989) vào « Nghĩa trang dành cho các Anh hùng » ở thủ đô Manila.
Theo phát biểu của phát ngôn viên của Tòa Án Tối Cao, Theodore Te, được AFP trích dẫn : « Không có bất kì luật nào cầm việc an táng này ». Quyết định trên được đám đông ủng hộ cố tổng thống Marcos tập trung bên ngoài trụ sở của Tòa hoan nghênh nhiệt liệt.
Được bầu làm tổng thống năm 1965, sau đó tái cử vào năm 1969, ông Marcos đã ban hành thiết quân luật năm 1972 và điều hành đất nước với chính sách « bàn tay thép » cho đến khi cuộc cách mạng nổ ra năm 1986, buộc ông và gia đình phải trốn sang Hoa Kỳ. Nhà cựu độc tài bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trên quy mô lớn và biển thủ 10 tỉ đô la từ ngân quỹ nhà nước.
Sau khi nhà độc tài qua đời tại Hawaii vào năm 1989, gia đình Marcos được hồi hương. Thi hài của cố tổng thống được quàn tại khu mộ gia đình tại tỉnh Ilocos Norte, phía bắc Philippines.
Cũng từ đó, gia đình Marcos trở lại vũ trường chính trị. Tháng 05/2016, vợ của cố tổng thống, bà Imelda, đã được bầu thêm nhiệm kỳ thứ ba tại Quốc Hội và con gái Imee cũng được tái cử thống đốc. Riêng cậu con trai, thượng nghĩ sĩ Ferdinand Marcos Jr., đã thất bại trong cuộc tranh cử chức phó tổng thống Philippines.
Từ lâu, dòng tộc Marcos đấu tranh để cố tổng thống Ferdinand được an táng như một anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, các đời tổng thống trước của Philippines đều từ chối yêu cầu của họ, cho đến khi cựu thị trưởng Davao, Rodrigo Duterte, một đồng minh lâu năm của gia đình Marcos, trở thành tổng thống vào tháng 06/2016.
Dù luôn khẳng định đấu tranh chống nạn tham nhũng, ông Rodrigo Duterte lại không ngừng ca ngợi Ferdinand Marcos là « tổng thống tốt nhất » của Philipines.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161108-philippines-cuu-doc-tai-marcos-co-the-duoc-an-tang-nhu-mot-anh-hung
Samsung xin lỗi về vụ tai tiếng điện thoại bốc cháy
Sau vụ tai tiếng điện thoại bốc cháy, công ty điện tử Samsung của Hàn Quốc đã đăng lời xin lỗi gửi tới người tiêu dùng ở Mỹ trên những tờ báo lớn.
Điện thoại Galaxy Note 7 của Samsung đã bị thu hồi khắp toàn cầu do pin bị lỗi có thể khiến máy bốc cháy.
Quảng cáo được đăng trên ba tờ báo Wall Street Journal, New York Times và Washington Post và xin lỗi vì đã không “đem tới những công nghệ mang tính đột phá làm phong phú cuộc sống của con người.”
Quảng cáo trọn trang của Samsung viết: “Chúng tôi thành thật xin lỗi.” Quảng cáo nói thêm rằng Samsung sẽ tiến hành một cuộc điều tra về những vụ cháy do pin mà đã buộc công ty này thu hồi khoảng 2,5 triệu điện thoại.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra lại mọi khía cạnh của thiết bị, bao gồm phần cứng, phần mềm, quá trình sản xuất và cơ cấu pin tổng thể,” công ty cho biết. “Chúng tôi xúc tiến nhanh nhất có thể, nhưng sẽ cần phải có thời gian để tìm ra câu trả lời đúng đắn.”
Điện thoại không chỉ là vấn đề gây đau đầu đối với Samsung, Samsung cũng đã thu hồi ba triệu máy giặt với nắp bị lỗi mà có thể bật tung khi máy đang sử dụng.
Vụ thu hồi Galaxy Note 7 đã dẫn tới sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận trong quý ba của Samsung.
http://www.voatiengviet.com/a/samsung-xin-loi-ve-vu-tai-tieng-dien-thoai-boc-chay/3585323.html
TT Philippines hủy bỏ thương vụ mua súng trường từ Mỹ
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ Hai đã ra lệnh hủy bỏ thương vụ mua súng trường từ Mỹ cho cảnh sát nước này, sau khi những phụ tá trong Thượng viện Mỹ cho biết vào tháng trước rằng Washington sẽ ngừng thỏa thuận này do lo ngại về những vụ vi phạm nhân quyền.
“Chúng tôi sẽ không nhất mực mua vũ khí đắt tiền từ Mỹ. Chúng tôi luôn có thể mua chúng ở nơi khác. Tôi đang ra lệnh cho cảnh sát hủy bỏ thương vụ này. Chúng tôi không cần chúng,” ông Duterte nói trong một bài phát biểu trên truyền hình tại một sự kiện có sự tham dự của những nhà lãnh đạo phiến quân Hồi giáo.
“Chúng tôi sẽ chỉ cần tìm một nguồn khác rẻ hơn và có lẽ cũng bền và tốt như những vũ khí sản xuất ở nơi chúng ta đang đặt hàng,” ông Duterte nói.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines, nước đồng minh lâu năm, đã trở nên phức tạp trong thời gian gần đây vì phản ứng giận dữ của ông Duterte trước những chỉ trích của Washington về cuộc chiến đầy bạo lực của ông chống lại ma túy bất hợp pháp.
Hơn 2.300 người đã bị sát hại trong những hoạt động của cảnh sát hoặc bởi những người bị nghi là cảnh giới trong những nỗ lực chống ma túy của chính phủ, vốn là vấn đề cốt lõi trong chiến dịch tranh cử của ông Duterte.
Tháng trước, những phụ tá trong Thượng viện nói với hãng tin Reuters rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngưng kế hoạch bán khoảng 26.000 khẩu súng trường tấn công cho cảnh sát quốc gia của Philippines sau khi Thượng nghị sĩ Ben Cardin cho biết ông sẽ phản đối vì có những lo ngại về những vụ vi phạm nhân quyền.
Ông Duterte trước đây từng nói rằng Nga và Trung Quốc đã bày tỏ sự sẵn lòng bán vũ khí cho Philippines.
http://www.voatiengviet.com/a/tt-philippines-huy-bo-thuong-vu-mua-sung-truong-tu-my/3585338.html
Thượng nghị sĩ đối lập Campuchia bị kết án 7 năm tù
Ngày 7/11, một tòa án Campuchia đã kết án một Thượng nghị sĩ đối lập 7 năm tù giam vì những tài liệu ông đưa lên Facebook. Các người chỉ trích nói rằng đây là một ví dụ cho thấy những nỗ lực của chính phủ Campuchia nhằm đàn áp đối lập.
Ông Hong Sok Hour, một đảng viên của Đảng Cứu quốc Campuchia, bị bắt vào năm 2015 sau khi ông đưa lên mạng một bản sao của hiệp ước biên giới năm 1979 giữa Campuchia và Việt Nam. Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói tài liệu này ngụy tạo và cáo buộc ông Sok Hour phản quốc.
Tòa án Thành phố Phnom Penh xét thấy ông Sok Hour có tội vì ngụy tạo tài liệu, dùng các văn kiện giả mạo và xúi giục xáo trộn.
Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour không có mặt tại tòa để nghe xét xử.
Ông Son Chhay, một thành viên quốc hội cũng thuộc Đảng Cứu quốc Campuchia nói: “Bản án này một lần nữa cho thấy sự yếu kém của hệ thống Tòa án Campuchia. Tòa án đại diện công lý cho toàn thể người dân Campuchia, không mang lại công lý cho ông Hong Sok Hour, không chỉ cho ông nhưng trong nhiều vụ án có động cơ chính trị khác.”
Tháng trước, một nhà lập pháp đối lập khác, ông Um Sam Ann, bị kết án 2 năm rưỡi tù vì đưa lên mạng vấn đề biên giới với Việt Nam.
http://www.voatiengviet.com/a/thuong-nghi-si-doi-lap-campuchia-bi-ket-an-7-nam-tu/3585145.html
Đức bắt 5 nghi can tuyển mộ cho IS
Công tố viện liên bang Đức hôm nay cho biết, cảnh sát đã bắt 5 nghi can chủ chiến Hồi giáo bị cáo buộc là tuyển mộ chiến binh cho nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Syria.
Năm người đàn ông gồm 1 người Iraq, 1 người Thổ Nhĩ Kỳ, 1 người Đức, một người có hai quốc tịch Serbia và Đức và một người Cameroon. Các đương sự bị truy tố về tội thành lập một mạng lưới thánh chiến nhằm tuyển mộ các tín đồ Hồi giáo sang Syria để chiến đấu bên cạnh các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo.
Mạng lưới này đã đưa được một thanh niên và gia đình đến một khu vực do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát tại Syria. Các công tố viên cho biết như vậy nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Có khoảng 820 người đã rời nước Đức để đến các vùng giao tranh tại Syria và Iraq và các giới chức lo ngại là những người này có thể trở thành một mối đe dọa khi họ trở về.
Các công tố viên cho hay năm nghi can bị bắt trong những vụ bố ráp tại hai tiểu bang Lower Saxony và North-Rhine Westphalia. Họ đã đứng ra tổ chức những khoá học về tôn giáo và cung cấp những tài liệu cực đoan cho những người mà họ tin có thể tuyển mộ cho Nhà Nước Hồi giáo.
Các giới chức an ninh nói Cơ quan tình báo nội địa Đức ước lượng có khoảng 8.900 người Hồi giáo bảo thủ cực đoan tại Đức. 500 trong số những người này được xem như là một mối đe dọa về an ninh có nghĩa là họ muốn thực hiện những hành vi bạo động.
http://www.voatiengviet.com/a/duc-bat-5-nghi-can-tuyen-mo-cho-is/3586431.html
Lực lượng liên minh Iraq
tìm thấy 100 thi thể bị chặt đầu ở nam Mosul
Nhà chức trách Iraq nói rằng liên minh quân sự đang thực hiện cuộc tiến công lớn nhắm vào những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo gần thành phố Mosul đã phát hiện một nấm mồ tập thể chứa ít nhất 100 thi thể bị chặt đầu.
Những tin tức sơ khởi hôm thứ Hai từ những nhà báo phương Tây và người Kurd cho biết người chết được cho là thường dân.
Một phát ngôn viên của cảnh sát liên bang Iraq cho biết những thi thể được tìm thấy tại một trường đại học nông nghiệp bên ngoài thị trấn Hammam al-Alil, cách trung tâm thành phố Mosul 15 kilômét về phía nam. Cảnh sát cho biết những chuyên gia y tế đã được điều tới hiện trường để điều tra vụ thảm sát và cố gắng xác định những thi thể này là ai.
Những chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã kiểm soát Mosul và những thị trấn và làng mạc quanh thành phố này suốt hơn hai năm qua. Những thường dân trốn thoát hồi gần đây đã kể lại nhiều vụ hành quyết tập thể do những kẻ cực đoan thực hiện.
Trong một thông cáo riêng rẽ hôm thứ Hai, chính quyền Iraq cho biết các lực lượng liên minh tiến về Mosul từ phía đông đã giải phóng năm ngôi làng, trong khi một sư đoàn xe bọc thép gần đó tiến vào những khu phố ở phía đông Mosul. Đến cuối ngày thứ Hai vị trí của sư đoàn Iraq vẫn được giữ kín và không rõ lực lượng xe bọc thép còn trong thành phố hay không, hay đã rút lui.
Cuộc tiến công Mosul được chờ đợi từ lâu được phát động vào ngày 17 tháng 10 bởi một liên minh bao gồm lực lượng Iraq và người Kurd, với sự yểm trợ của lực lượng dân quân người Shia, những thành viên bộ tộc người Sunni và những cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu.
Tiến bộ của liên minh bao quanh thành phố này đã bị cản trở bởi những rào chắn bê tông và bom bên đường do những kẻ chủ chiến IS sắp đặt nhằm tìm cách làm chậm đà tiến của liên minh. Những nhà quan sát nói rằng những cuộc không kích yểm trợ cuộc tiến công về thành phố cũng đã được cắt giảm để bảo vệ thường dân tìm cách sống sót trong khu vực đô thị san sát, trong khi ở rất gần những phần tử cực đoan.
Nhà cải cách có tiếng của Ukraine
từ chức để phản đối tham nhũng
Mikheil Saakashvili, cựu tổng thống Gruzia được Ukraine chiêu mộ để quản trị tỉnh Odessa và dẹp sạch nạn tham nhũng, đã từ chức tỉnh trưởng vào ngày thứ Hai, dẫn ra lý do là tình trạng tham nhũng tràn lan ở cấp lãnh đạo chóp bu của chính phủ Kiev.
Ông Saakashvili được Tổng thống Petro Poroshenko bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Odessa vào năm ngoái, với trọng trách loại trừ tình trạng tham nhũng và ảnh hưởng của tội phạm có tổ chức, vốn được nhiều người coi là phổ biến trong khu vực, khỏi thành phố cảng thiết yếu này và khu vực xung quanh.
Nhưng hôm thứ Hai, trong một lời đả kích kịch liệt nhắm vào ông Poroshenko, ông Saakashvili, người đã từ bỏ quốc tịch Gruzia của mình để giữ chức vụ này ở Ukraine, cho biết ông đã chán ngán nhiều lần thất hứa của tổng thống.
“Ông có thể nói dối và lừa gạt tới mức nào đây?” ông hỏi ông Poroshenko.
Ông cũng nói với phóng viên ở Odessa rằng tổng thống “đích thân hỗ trợ hai gia tộc trong vùng Odessa.” Ông mô tả một trong số này là “một gia tộc tội phạm xã hội đen gồm những kẻ giết người từ những năm 1990,” và ông cáo buộc gia tộc này có liên hệ trực tiếp tới thị trưởng Odessa hiện tại. Ông cáo buộc gia tộc còn lại là một gia tộc tham nhũng do một quan chức chính phủ hàng đầu của vùng này điều hành.
“Toàn bộ quyền lực của vùng này là trong tay hai gia tộc này,” ông Saakashvili nói. Ông cho biết thêm rằng chính quyền vẫn chưa bổ nhiệm ba trong số bốn người cấp phó mà ông đề cử từ sáu tháng trước. “Và bây giờ họ đã bắt đầu rao bán những chức vụ này,” ông tiếp tục cáo buộc.
Hiện chưa có phát biểu chính thức từ ông Poroshenko về quyết định từ chức của ông Saakashvili. Nhưng những đồng minh của ông Poroshenko trước đây đã cáo buộc những người chỉ trích tổng thống có tiếng nhất là đổ lỗi cho đảng cầm quyền của Ukraine về những thất bại cải cách của riêng mình.
Là những người hay lớn tiếng chỉ trích Nga và tổng thống nước này là Vladimir Putin, ông Saakashvili và một số nhà cải cách chính yếu khác được đưa vào Ukraine sau cuộc cách mạng thân phương Tây năm 2014 lật đổ cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych được Moscow hậu thuẫn và chính phủ của ông ta.
Đầu năm nay, một nhà cải cách người Lithuania, Aivaras Abromavicius, đã từ chức bộ trưởng kinh tế của Kiev, nói rằng ông không muốn làm “vỏ bọc” cho tình trạng tham nhũng.
Mỹ đã tích cực hối thúc chính phủ Poroshenko theo đuổi những cải cách chính trị và kinh tế để giải quyết tình trạng tham nhũng mà Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối năm ngoái mô tả là “căn bệnh ung thư.”