Tin khắp nơi – 08/09/2018
Obama đả kích Trump, kêu gọi cử tri đi bầu
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Sáu ngày 7/9 đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt người kế nhiệm và công kích việc Tổng thống Donald Trump gây áp lực lên Bộ Tư pháp, gây chia rẽ đất nước, đe dọa nền dân chủ, phá hoại quan hệ đồng minh trong khi xun xoe với Nga và nhắc nhở cử tri rằng nền kinh tế Mỹ đã phục hồi – một trong điểm mà ông Trump thích khoe nhất – từ khi ông còn nắm quyền.
Ông kêu gọi các cử tri hãy dùng lá phiếu của mình để kiểm soát mạnh mẽ ‘sự lạm dụng quyền lực’ và phục hồi lại sự tỉnh táo cho nền chính trị Mỹ.
Bài diễn văn của ông Obama tại Đại học Illinois tại Urbana-Champaign được đưa ra chưa tới hai tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ vốn sẽ quyết định phương hướng tiếp theo của chính quyền ông Trump.
“Mọi việc không bắt đầu với Donald Trump,” ông Obama nói. “Ông ấy chỉ là triệu chứng chứ không phải nguyên do. Ông ấy chỉ lợi dụng sự thù hận mà các chính trị gia đã thổi bùng trong nhiều năm.”
Lưu ý tiền lệ trong lịch sử rằng các cựu tổng thống thường tránh né sóng gió chính trị sau khi về hưu, ông Obama thừa nhận rằng việc ông phê phán ông Trump là đi chệch khỏi truyền thống. Nhưng ông nói rằng thời khắc chính trị hiện nay đòi hỏi phải phản công.
“Lợi dụng sắc tộc, lợi dụng nỗi sợ, để nhóm này đối đầu với nhóm kia, nói với mọi người nếu không phải là vì những người không giống như chúng ta, không nói như chúng ta hay không cầu nguyện như chúng ta thì trật tự và an ninh sẽ được vãn hồi – đó là trò cũ rích,” ông nói. “Nó xưa như quả đất vậy. Và ở một nền dân chủ lành mạnh, nó sẽ không có tác dụng. Kháng thể của chúng ta sẽ kích hoạt và những người có thiện ý thuộc khắp các phe phái chính trị sẽ điểm mặt những kẻ mù quáng và những kẻ gieo rắc nỗi sợ và sẽ làm việc để nhượng bộ và đạt được mục tiêu và thúc đẩy những mảng tốt trong bản chất con người chúng ta.”
Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh rằng khi nền dân chủ có khoảng trống thì ‘những tiếng nói khác sẽ lấp đầy. Nền chính trị sợ hãi, thù hận và thoái lui sẽ có chỗ đứng’.
Trong bài diễn văn, ông Obama nói rõ ông theo dõi sát sao những dòng tít báo liên tục tường thuật về những gì xảy ra trong chính quyền của ông Trump và nói rằng những tin tức đó là lời nhắc nhở điều gì sẽ lâm nguy trong kỳ bầu cử giữa kỳ sắp tới.
“Chỉ cần lướt qua các tít báo gần đây quý vị sẽ biết rằng lúc này thật sự rất khác,” ông nói. “Nguy cơ thật sự cao hơn. Hậu quả của việc chúng ta ngồi ngoài còn khốc liệt hơn nữa.”
“Trong vòng hai tháng nữa chúng ta sẽ có cơ hội phục hồi vẻ ngoài tỉnh táo của nền chính trị chúng ta. Chỉ có một chốt chặn đối với sự lạm quyền, đó chính là các bạn và lá phiếu của các bạn.”
“Nếu quý vị cho rằng chuyện bầu cử chẳng có quan hệ gì đâu, thì tôi hy vọng rằng những gì xảy ra trong hai năm vừa qua sẽ giúp quý vị suy nghĩ lại,” ông nói thêm. “Nền chính trị chia rẽ, thù hận và hoang tưởng không may là đã tìm được nơi trú ẩn trong Đảng Cộng hòa.”
Ông đặc biệt nghiêm khắc khi lên án xu hướng của ông Trump gây sức ép lên các quan chức thực thi pháp luật, vốn đi ngược lại nguyên tắc tam quyền phân lập của nền dân chủ Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Ông Trump đã liên tục kêu gọi ông Sessions đuổi việc Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, vốn đang theo đuổi cuộc điều tra về việc ban vận động tranh cử của ông có sự thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Hồi đầu tuần, ông Trump còn lên án Bộ Tư pháp đã truy tố hai nghị sỹ Cộng hòa đương nhiệm với lý do rằng động thái này sẽ khiến họ mất ghế.
“Đó không phải là chuyện đảng phái khi anh gây áp lực cho Bộ Tư pháp hay FBI phải sử dụng hệ thống pháp lý hình sự như là một công cụ để trù dập các đối thủ chính trị,” ông Obama nói. “Hay công khai kêu gọi Bộ trưởng Tư pháp phải bảo vệ cho các thành viên thuộc phe đảng của anh khỏi bị truy tố vì sắp đến kỳ bầu cử. Tôi không bịa ra chuyện đó đâu. Đó không phải là giả thiết.”
Về bài xã luận giấu tên trên tờ New York Times, ông Obama nhận định ‘đó không phải là cách nền dân chủ chúng ta nên vận hành’.
“Lập luận rằng mọi việc cuối cùng cũng sẽ ổn thôi bởi vì có những người bên trong Nhà Trắng đang âm thầm không làm theo lệnh tổng thống, đó không phải là kiểm soát quyền lực,” ông Obama nói. “Tôi đang nói nghiêm túc. Đó không phải là cách nền dân chủ chúng ta nên vận hành. Những người này không được dân bầu. Họ không phải có trách nhiệm trước dân.”
Ông Obama cũng ‘giũa’ ông Trump trên hồ sơ kinh tế mà ông Trump thường ca ngợi như là một trong những thành tích tốt nhất của ông. Cựu tổng thống nhắc các cử tri rằng nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu phục hồi dưới nhiệm kỳ của ông và bảo vệ cách ông xử lý sự sụp đổ của nền kinh tế vào năm 2008 – cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất nước Mỹ kể từ Đại suy thoái – sau khi ông lên nắm quyền.
“Khi quý vị nghe thấy rằng nền kinh tế hiện giờ đang vận hành tốt như thế nào, hãy nhớ xem nó bắt đầu từ khi nào,” ông nói.
Ông cũng lên án cách Trump phản ứng trước bạo lực của những người chủ trương da trắng thượng đẳng hồi năm ngoái ở Charlottesville, Virginia, khiến cho một người chết.
“Chúng ta phải đứng lên chống lại sự kỳ thị,” Obama nói. “Và chúng ta cũng chắc như đinh đóng cột rằng chúng ta cần phải đứng lên một cách rõ ràng và không hề mơ hồ để chống lại những kẻ thông cảm với Đức Quốc xã. Nói Quốc xã là xấu xa là khó lắm sao?”
Ngay sau bài diễn văn của ông Obama, Tổng thống Trump đã có phản hồi.
“Xin lỗi nhé. Tôi có xem, nhưng tôi ngủ gục,” ông Trump mỉa mai tại một sự kiện vận động bầu cử tại Fargo, bang North Dakota. “Tôi nhận thấy ông ấy ru ngủ rất hay.”
Ông Trump nói rằng ông Obama ‘muốn nhận công cho những điều tuyệt vời đang diễn ra trên đất nước chúng ta’.
Các quan chức Đảng Cộng hòa nói rằng họ không thấy lập luận của ông Obama có sức thuyết phục.
“Hồi năm 2016, cử tri đã bác bỏ các chính sách của ông Obama và việc ông không ngó ngàng gì đến một nửa đất nước,” ông Michael Ahrens, phát ngôn nhân của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, bình luận. “Tiếp tục kiên trì chiến lược đó sẽ vẫn không có tác dụng trong năm 2018.”
Hoa Kỳ rút các nhà ngoại giao ra khỏi
những nước quay lưng lại với Đài Loan
Washington DC – Hôm Thứ Sáu (7 tháng 9), Hoa Kỳ ra lệnh triệu hồi các nhà ngoại giao cao cấp tại Cộng hòa Dominica, El Salvador và Panama, vì các quốc gia này không còn công nhận Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết những viên chức được gọi trở về nước bao gồm bà Robin Bernstein, Đại sứ Hoa Kỳ tại Cộng hòa Dominica, bà Jean Manes, Đại sứ Hoa Kỳ tại El Salvador và bà Roxanne Cabral, Tham tán Hoa Kỳ tại Panama. Bộ Ngoại Giao tuyên bố rằng các nhà ngoại giao này sẽ quay về Mỹ. Họ sẽ có các cuộc thảo luận cách thức Hoa Kỳ ủng hộ các thể chế mạnh mẽ, độc lập và dân chủ trên khắp Trung Mỹ và Caribbean.
Washington bày tỏ mối lo lắng về việc ngày càng có nhiều quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, để đổi lại mối quan hệ với Trung Cộng. El Salvador chuyển mối quan hệ sang Bắc Kinh vào tháng trước. Cộng hòa Dominica đã làm điều đó hồi tháng 5 năm nay, còn Panama thay đổi quan hệ từ hồi năm ngoái. Đài Loan hiện chỉ còn mối quan hệ chính thức với chỉ 17 quốc gia, hầu hết trong số đó là các nước nhỏ và kém phát triển ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương.
Mặc dù Washington không có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, nhưng là quốc gia cung cấp vũ khí chính, và là nước hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho hòn đảo dân chủ này. Hồi tháng trước, Tòa Bạch Ốc cảnh báo rằng “Trung Cộng thu hút các quốc gia bằng việc khích lệ kinh tế, nhưng thật ra điều này chỉ làm gia tăng mối quan hệ phụ thuộc, chứ không phải quan hệ đối tác”.
Hôm Thứ Tư (ngày 5 tháng 9), các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ giới thiệu dự luật mới, cho phép Bộ Ngoại giao hạ cấp quan hệ của Hoa Kỳ với bất kỳ chính phủ nào từ bỏ Đài Loan, cũng như đình chỉ hoặc thay đổi viện trợ của Hoa Kỳ với các nước đó. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-rut-cac-nha-ngoai-giao-ra-khoi-nhung-nuoc-quay-lung-lai-voi-dai-loan/
Trump dọa áp thuế lên thêm 267 tỉ đôla hàng TQ
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/9 cảnh báo sẵn sàng áp thuế quan lên 267 tỉ đôla giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc ngoài 200 tỉ đôla hàng hóa của nước này vốn đang đối mặt với nguy cơ bị đánh thuế.
Ban hành cả hai đợt thuế quan này sẽ gần như đánh thuế lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang chiến tranh thương mại liên quan tới đòi hỏi của ông Trump rằng Bắc Kinh phải thực hiện những thay đổi chính sách kinh tế lớn.
“200 tỉ đôla mà chúng ta đang nói tới có thể xảy ra rất sớm tùy thuộc vào những gì xảy ra với họ. Ở một mức độ nhất định, chuyện này sẽ tùy thuộc vào Trung Quốc,” ông Trump nói. “Và tôi ghét phải nói điều này, nhưng đằng sau đó là 267 tỉ đôla khác sẵn sàng chịu thuế nếu tôi muốn. Điều đó làm thay đổi cục diện.”
Ông Trump đã áp thuế quan 25 phần trăm lên 50 tỉ đôla giá trị hàng hóa của Trung Quốc, chủ yếu là máy móc công nghiệp và các linh kiện điện tử trung gian, bao gồm các chất bán dẫn. Một giai đoạn lấy ý kiến công chúng đã kết thúc vào cuối ngày thứ Năm với một danh sách 200 tỉ đôla hàng tiêu dùng và các mặt hàng khác của Trung Quốc có thể sẽ chịu mức thuế từ 10 đến 25 phần trăm.
Mỹ nhập khẩu 505 tỉ đôla hàng hóa từ Trung Quốc vào năm ngoái, và hàng nhập khẩu Trung Quốc năm 2018 tính đến tháng 7 đã tăng gần 9 phần trăm so với cùng kì năm 2017, theo số liệu của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ.
Trước đó trong ngày 7/9, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói chính quyền Trump sẽ thẩm định ý kiến của công chúng trước khi đưa ra bất kì quyết định nào về danh sách thuế quan trị giá 200 tỉ đôla.
Ông Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia, nói với đài CNBC rằng chính quyền vẫn đang thương thuyết với Trung Quốc về các vấn đề thương mại nhưng cho đến giờ Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu của Mỹ.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc bảo vệ tốt hơn tài sản trí tuệ của Mỹ, giảm thặng dư mậu dịch với Mỹ, cho phép các công ty Mỹ tiếp cận thị trường của Trung Quốc và hạn chế các chương trình trợ cấp công nghiệp công nghệ cao.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-doa-ap-thue-len-them-267-ti-dola-hang-trung-quoc/4562464.html
Cựu phụ tá tranh cử của Trump bị tuyên án tù 14 ngày
George Papadopoulos, cựu phụ tá cho ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump hồi năm 2016, bị tuyên án tù 14 ngày vào ngày thứ Sáu sau khi nhận tội khai man với các đặc vụ FBI vào năm ngoái khi họ điều tra liệu các thành viên của ban vận động tranh cử có thông đồng với Nga trước cuộc bầu cử hay không.
Các công tố viên cho Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller nói anh Papadopoulos đã khai man với các đặc vụ FBI về những liên hệ của anh với những người Nga trong chiến dịch vận động tranh cử “để hạ giảm tối thiểu vai trò của anh ta như một nhân chứng và phạm vi hiểu biết của ban vận động về những đầu mối liên lạc của anh ta,” theo bản ghi nhớ kết án của chính phủ.
Trong số những đầu mối liên lạc đó có giáo sư Joseph Mifsud ở London, người đã nói với anh rằng người Nga có “thông tin có hại” về đối thủ Đảng Dân chủ của ông Trump, Hillary Clinton, dưới hình thức “hàng ngàn email.”
Anh Papadopoulos tự biện hộ và đưa ra phát biểu trái ngược với lập luận của các quan chức Nhà Trắng trong một chương trình đặc biệt của CNN phát sóng vào tối ngày thứ Bảy mang tên “Vụ việc bí ẩn của George Papadopoulos.”
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Jake Tapper của CNN, anh Papadopoulos nói anh đã nêu ra khả năng ông Trump và các quan chức ban vận động của ông gặp gỡ những người Nga.
“Ứng cử viên (Trump) gật đầu, nhưng không quyết định có gặp hay không,” anh nói.
Ông Trump phủ nhận có biết bất cứ điều gì về sự tiếp xúc với những người Nga và ban vận động của ông.
Nga đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng họ can thiệp vào cuộc bầu cử và ông Trump đã phủ nhận mọi sự thông đồng.
Anh Papadopoulos có mặt trong một tấm hình được chụp vào tháng 3 năm 2016 ngồi cùng bàn với ông Trump, cố vấn chiến dịch tranh cử khi đó Jeff Sessions, người mà sau này trở thành bộ trưởng tư pháp Mỹ, cùng các cố vấn chiến dịch tranh cử khác phụ trách chính sách đối ngoại.
Tại cuộc họp đó, anh Papadopoulos đã đề xuất một cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Sessions khi ra điều trần trước Quốc hội đã nói rằng ông phản bác đề xuất này, nhưng bản ghi nhớ do luật sư của anh Papadopoulos đệ trình mâu thuẫn với lời khai của ông Sessions, nói rằng cả ông Trump và ông Sessions đều có vẻ sẵn lòng chấp nhận ý tưởng này.
Nhưng anh Papadopoulos, khi nhắc tới ông Sessions trong cuộc phỏng vấn với CNN, nói: “Tôi nhớ rằng ông ấy rất hào hứng về một cuộc gặp gỡ tiềm năng.”
Kí giả Tapper của CNN lưu ý rằng các luật sư của ông Sessions cho biết ông vẫn giữ nguyên lời khai và phủ nhận đã khuyến khích một cuộc gặp gỡ với những người Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/cuu-phu-ta-trnh-cu-cua-trump-bi-tuyen-an-14-ngay/4562989.html
Trump đòi Bộ Tư pháp
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/9 yêu cầu Bộ Tư pháp phải xác định danh tính của người viết bài bình luận ẩn danh phê phán ông trên tờ New York Times. Bài viết này được nói là của môt thành viên ‘phản kháng’ bên trong chính quyền Trump tìm cách chặn đứng những cơn bốc đồng nguy hiểm của ông Trump.
Trả lời phỏng vấn các phóng viên trên chiếc Không lực Một, ông Trump viện lý do ‘an ninh quốc gia’ khi kêu gọi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions mở cuộc điều tra để lật mặt tác giả bài bình luận. Ông còn cho biết đang nghiên cứu khả năng có hành động pháp lý đối với tờ New York Times vì đã đăng bài viết đó hai ngày trước đây.
“Jeff nên điều tra ai là kẻ viết bài đó bởi vì tôi thật sự tin rằng đó là an ninh quốc gia,” Trump nói. “Nếu kẻ đó có quyền tiếp cận an ninh ở cấp độ cao. Tôi không muốn người ấy dự các cuộc họp.”
Tuy nhiên hoàn toàn không có khả năng Bộ Tư pháp có thể mở cuộc điều tra về bài xã luận đó. Mặc dù nó chỉ trích Trump nặng nề, nhưng không có thông tin mật nào được nêu trong bài viết hay tiết lộ đến tờ báo – vốn là một yêu cầu quan trọng cần phải có trước khi thậm chí một cuộc điều tra về rò rỉ thông tin được cân nhắc.
Tuy nhiên, lời kêu gọi của Trump là phép thử mới nhất đối với tính độc lập của Bộ Tư pháp theo quy định của luật pháp Mỹ. Cơ quan này phải tự mình có quyết định điều tra và truy tố mà Nhà Trắng không có quyền can thiệp.
Một ngày trước đó, những thuộc cấp hàng đầu của ông Trump đã lần lượt lên tiếng bác bỏ bài viết này trong một màn thể hiện lòng trung thành với ông Trump. Các quan chức chủ chốt về an ninh quốc gia và kinh tế cáo buộc tác giả bài viết là ‘hèn nhát’, ‘bất trung’ và ‘chống lại lợi ích của nước Mỹ’ – những từ ngữ nặng nề vốn rập khuôn theo cách nói của ông Trump.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 6/9, ông Trump nói tác giả bài viết ‘có lẽ không phải là người Cộng hòa, có lẽ không phải là người bảo thủ, mà có thể là một người có gốc rễ và vươn vòi trong bộ máy (deep state) vốn đã nằm trong hệ thống lâu nay.”
Tuy nhiên, danh sách những quan chức của chính quyền Trump có thể là tác giả rất dài. Nhiều người trong số họ đã từng thổ lộ với đồng nghiệp, bạn bè và phóng viên rằng họ cũng có cùng mối quan ngại như thế về năng lực của ông Trump.
Giới chức Nhà Trắng không phản hồi trước câu hỏi làm rõ yêu cầu của Trump là tác giả bài bình luận đó phải được giao nộp cho chính phủ cũng như về lý do an ninh quốc gia không có cơ sở mà ông đưa ra. Một số người đồng ý với lập luận của bài viết cho rằng phản ứng dữ dội của ông Trump càng xác nhận thêm những gì được nêu trong bài viết.
Ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của ông Trump, cho rằng việc ông Trump yêu cầu điều tra chính thức về danh tính tác giả bài viết ‘là phù hợp’.
“Giả sử đó là người có quyền tiếp cận an ninh. Nếu họ cảm thấy viết như thế là đúng đắn thì có lẽ họ cảm thấy tiết lộ những bí mật an ninh quốc gia cũng là điều phù hợp. Phải tìm cho ra người đó và ngăn chặn người đó lại,” ông Giuliani nói.
Khi mà những nỗ lực ban đầu để lật mặt tác giả trở nên vô vọng, sự chú ý giờ đây chuyển sang vấn đề được nêu lên trong bài viết: Có phải Tổng thống Trump đang thật sự cầm cương chính phủ? Và liệu nhánh hành pháp rối loạn như thế có đặt ra mối nguy cho an ninh quốc gia hay không? Đây không phải là những điều mới mẻ mà đã được bàn tán ở Washington hơn cả năm nay.
Cựu giám đốc CIA John Brennan, một người chỉ trích Trump quyết liệt, nói với kênh NBC: “Trong nhánh hành pháp mà các nhân viên không hề tuân theo mệnh lệnh của người tổng điều hành thì không hề bền vững… Một con sư tử bị thương là con vật rất nguy hiểm, và tôi nghĩ Donald Trump đã bị thương.”
Tác giả khuyết danh viết rằng ‘Nhiều người do Trump chỉ định đã nguyện làm mọi thứ có thể để giữ gìn những định chế dân chủ của chúng ta trong khi ngăn chặn những cơn bốc đồng lệch phương hướng của ông ấy cho đến khi nào ông ấy về vườn’.
“Có thể cũng là an ủi được chút nào trong thời kỳ hỗn loạn này nhưng người dân Mỹ nên biết rằng vẫn còn có người lớn trong Nhà Trắng,” tác giả viết. “Chúng tôi hoàn toàn nhận ra những gì đang xảy ra. Và chúng ta đang tìm cách làm những gì đúng đắn trong khi Donald Trump thì không.”
Tác giả này nói các trợ lý của ông Trump ý thức được những sai lầm của ông ấy và ‘nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền của ông ấy đang làm việc cật lực từ bên trong để ngăn chặn một phần nghị trình và những xu hướng tệ hại nhất của ông ấy’.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói ông không biết Quốc hội có thể có vai trò gì trong cuộc điều tra này trong khi dân biểu Mark Meadows của tiểu bang North Carolina, một đồng minh của ông Trump, nói rằng Quốc hội nên tham gia.
Hoa Kỳ sẵn sàng ứng phó với khả năng
Syria sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai
New Delhi, Ấn Độ – Vào hôm Thứ Bảy (8 tháng 9), tướng Joseph Dunford của Hoa Kỳ cho biết ông đã tham gia vào cuộc trao đổi định kỳ với Tòa Bạch Ốc, nhằm thảo luận về các phương án quân sự, trong trường hợp Syria bỏ qua khuyến cáo của Hoa Kỳ về việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công vào thành phố Idlib.
Tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng cho biết Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra quyết định về việc điều động lực lượng quân sự để đối phó với cuộc tấn công hóa học trong tương lai ở Syria. Nhưng trong chuyến đi đến Ấn Độ, ông cho biết vẫn trao đổi thường lệ với tổng thống, nhằm bảo đảm rằng ông Trump hiểu rõ vị thế của Hoa Kỳ trong việc xây dựng kế hoạch đối phó với trường hợp vũ khí hóa học được sử dụng.
Ông Dunford còn cho biết ông Trump hy vọng phía quân đội sẽ đưa ra các phương án về mặt chiến lược quân sự, và phía quân đội cũng đã cập nhật thông tin cho ông Trump về những tiến triển của những chiến lược quân sự này.
Vừa qua, tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tập hợp quân đội và các lực lượng đồng minh trên các mặt trận phía tây bắc, đồng thời các máy bay Nga cũng đã tham gia vào cuộc oanh tạc lực lượng dân quân ở khu vực này. Đây được xem là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công được nhiều người dự đoán, bất chấp sự phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. (Mộc Miên)
Hé lộ lá thư cho thấy
Vatican che giấu lạm dụng tình dục
Một lá thư năm 2006 của một quan chức cấp cao Vatican xác nhận rằng Tòa thánh đã được tin về hành vi không đứng đắn về tình dục của một hồng y có thế lực ở Mỹ từ năm 2000 – khiến cho cáo buộc động trời rằng hành vi che giấu diễn ra ở tầng cao nhất của Giáo hội Công giáo càng thêm có sức nặng.
Trang tin Công giáo (Catholic News Service), cơ quan thông tin của hội nghị các giám mục Mỹ, hôm 7/9 đã cho đăng lá thư của tổng giám mục lúc đó là Leonardo Sandri gửi cho linh mục Boniface Ramsay ở New York – người đầu tiên đưa ra cáo buộc.
Hồi tháng 11 năm 200, linh mục Ramsay đã viết thư thông báo cho Tòa thánh Vatican về hành vi lạm dụng tình dục của Hồng y Theodore McCarrick đối với các chủng sinh tại Chủng viện Vô nhiễm Nguyên tội của Đại học Seton Hall. Linh mục Ramsay, người vào năm 2000 là thành viên ban giảng huấn tại chủng viện, cho biết ông đã gửi lá thư này theo yêu cầu của khâm sứ Vatican tại Mỹ vào lúc đó bởi vì ông ấy đã nghe quá nhiều lời tố cáo của các chủng sinh rằng Hồng y McCarrick đã mời họ đến ngôi nhà bên bờ biển của ông và đưa họ lên giường.
Tổng giám mục Sandri, giờ đây là một hồng y hàng đầu của Vatican, lúc đó là nhân vật số ba trong Phủ Quốc vụ khanh của Tòa thánh, đã viết thư cho Ramsay vào ngày 11/10 năm 2006 để hỏi ý kiến giới thiệu của ông cho một cựu chủng sinh muốn một công việc ở Vatican.
Trong lá thư đó, ông Sandri đã đề cập đến lá thư của Ramsay hồi năm 2000: “Tôi hỏi đặc biệt về các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến một số chủng sinh tại Chủng viện Vô nhiễm Nguyên tội mà hồi tháng 11 năm 2000 cha đã rất có lòng khi bí mật nêu lên cho khâm sứ lúc đó tại Mỹ, cố Tổng giám mục Gabriel Montalvo.”
Tổng giám mục Carlo Maria Vigano, người đang ở trung tâm của cơn bão đang làm nghiêng ngả nhiệm kỳ của Đức Giáo hoàng Francis, đã nêu lá thư hồi năm 2000 của linh mục Ramsay trong lá thư tố cáo của ông về những việc che giấu cho Hồng y McCarrick. Ông nêu Sandri nằm trong số một danh sách dài các quan chức Vatican vốn biết về việc McCarrick có xu hướng quan hệ tình dục với các chủng sinh. Ông Vigano cũng cáo buộc Giáo hoàng Francis đã biết về hành vi sai trái của McCarrick hồi năm 2013 nhưng đã giúp ông phục hồi trước những lệnh trừng phạt mà Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã áp đặt.
Lá thư của Sandri có tầm quan trọng bởi vì nó chứng minh cho câu chuyện của linh mục Ramsay cũng như cáo buộc của Tổng giám mục Vigano. Nó cho thấy Vatican đã biết về những cáo buộc đối với McCarrick hồi năm 2000 – một năm trước khi ông này được cố Giáo hoàng John Paul Đệ nhị tấn phong Hồng y, và nó cũng liên đới triều đại của Đức Giáo hoàng Benedict XVI vì đã không có hành động trừng phạt McCarrick trong nhiều năm ngay cả khi xuất hiện thêm nhiều cáo buộc chống lại ông này.
Vigano nói rằng Giáo hoàng Benedict XVI cuối cùng cũng đưa ra một số biện pháp trừng phạt đối với McCarrick vào năm 2009 hay 2010. Tuy nhiên, việc Sandri tự nhiên đề cập lại việc này trong thư gửi cho linh mục Ramsay cho thấy nó không hề bị thất lạc trong chồng thư từ của ông mà bởi vì nó liên quan đến việc giới thiệu công việc cho chủng sinh đó.
Điều quan trọng nữa là trong lá thư này Sandri dường như có vẻ quan tâm nhiều hơn đến sự trinh bạch của người chủng sinh đó hơn là việc McCarrick đã có hành vi lạm dụng tình dục hay quấy rối hay lạm dụng quyền lực đối với anh ta.
« Vùng lên vì khí hậu » tại 90 quốc gia
Hôm nay, 08/09/2018, những người bảo vệ môi trường tại khoảng 90 quốc gia trên thế giới xuống đường, theo lời kêu gọi của phong trào « Rise for climate » ( Vùng lên vì khí hậu ).
Ngày hành động vì khí hậu này, được tổ chức ít hôm trước Thượng đỉnh thế giới vì khí hậu của các thành phố và doanh nghiệp, tại Hoa Kỳ, có mục tiêu gia tăng áp lực để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu chia tay với năng lượng hóa thạch, chuyển sang năng lượng tái tạo.
Theo AFP, ở châu Á, nhiều cuộc tập hợp đã diễn ra tại Melbourne, Manila, hay Bangkok, để đánh động công luận về tính cấp thiết của hành động vì khí hậu. Tại Bangkok, gần 200 người biểu tình tập hợp trước trụ sở khu vực của Liên Hiệp Quốc, nơi đang diễn ra các cuộc họp trù bị cho thượng đỉnh về khí hậu COP 24, tháng 12/2018, tại Ba Lan. Người biểu tình lên án chính quyền Trump rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Cuộc tuần hành tại Manila là đông đảo nhất, với khoảng 1.000 người. Philippines là quốc gia rất phụ thuộc vào than đá, và quốc gia quần đảo này cũng là một trong những nơi hứng chịu nhiều nhất các hiện tượng thời tiết cực đoan, có xu hướng gia tăng, do biến đổi khí hậu. Tại Úc, hàng trăm người biểu tình tập hợp trước văn phòng của thủ tướng, để kêu gọi chính phủ chấm dứt chính sách hậu thuẫn cho than đá.
Tại Hoa Kỳ, các tổ chức phi chính phủ chờ đợi một cuộc tuần hành khổng lồ chưa từng thấy tại bờ tây nước Mỹ, ở San Francisco, nơi sẽ diễn ra Thượng đỉnh thế giới vì khí hậu của các thành phố và doanh nghiệp, bắt đầu từ ngày 12/09. Thượng đỉnh San Francisco do thống đốc bang California tổ chức, nhằm đáp lại chính sách « chống khí hậu » của tổng thống Donald Trump.
Pháp là một trong những nước diễn ra nhiều hoạt động nhất, với khoảng 130 sự kiện dự kiến được tổ chức. Trả lời RFI, bà Clemence Dubois, phụ trách các hoạt động cổ vũ cho khí hậu tại Pháp của mạng lưới tranh đấu vì môi trường 350.org, cho biết : Mục tiêu của cuộc vận động hôm nay là nhằm hướng đến một « phong trào công dân toàn cầu » nhằm hóa giải các thách thức về khí hậu, tạo thế « đối trọng » với các tập đoàn kinh tế hùng mạnh, vốn có ảnh hưởng rất lớn đối với giới cầm quyền.
Hai hôm trước đó, các hiệp hội đứng ra tổ chức Ngày hành động vì khí hậu hôm nay tại Pháp, trong đó có 350.org, ATTAC, Oxfam France hay Les Amis de la Terre, ra thông cáo kêu gọi « rút vốn khỏi các năng lượng hóa thạch, cấm phát triển các dự án và hạ tầng cơ sở cho năng lượng hóa thạch, (…) để hướng đến một nền kinh tế tiêu thụ năng lượng ít, năng lượng tái tạo do công dân kiểm soát, và nền công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch phải chịu trách nhiệm về các thảm họa sinh thái mà họ gây ra ».
Thượng đỉnh Teheran về Syria thất bại
Tại thượng đỉnh ba bên Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về tình hình Syria, mà chủ yếu là về số phận của tỉnh Idlib, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã không thuyết phục được hai lãnh đạo Nga và Iran ngừng bắn, để mở đường cho việc tìm giải pháp tránh thiệt hại cho khoảng 3 triệu thường dân. Nga và Iran thống nhất chỉ có một phương án, đó là quét sạch các lực lượng « khủng bố » ra khỏi lãnh thổ Syria.
Thông tín viên Shiavos Ghazi tường trình từ Teheran :
« Hai tổng thống Nga và Iran thống nhất bác bỏ yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Idlib, như đòi hỏi của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nhiều lần đòi là yêu cầu ngừng bắn lập tức tại Idlib phải được đưa vào bản tuyên bố chung của thượng đỉnh. Các phát biểu của ông Erdogan được truyền hình trực tiếp tại Iran. Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Iran Hassan Rohani bác bỏ các đề nghị này.
Theo tổng thống Nga, chính quyền Syria ‘‘có quyền’’ kiểm soát lại toàn bộ lãnh thổ của mình. Phát biểu của ông Putin được đưa ra vào lúc chính quyền Damas và các đồng minh đang chuẩn bị khởi sự chiến dịch đánh chiếm lại Idlib, căn cứ cuối cùng của quân nổi dậy tại Syria.
Tổng thống Iran, có vẻ khó xử trước tình huống này, cuối cũng đã đưa ra giải pháp là bản tuyên bố chung của thượng đỉnh sẽ yêu cầu tất cả các nhóm khủng bố có mặt tại Idlib hạ vũ khí. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Rohani bổ sung là phải quét sạch toàn bộ các nhóm khủng bố khỏi vùng Idlib. ‘‘Khủng bố’’ là từ mà Damas và Teheran dùng để chỉ các nhóm vũ trang hoạt động tại Syria.
Tổng thống Iran cũng khẳng định là Iran sẽ tiếp tục hiện diện tại Syria, và các lực lượng Iran đến Syria là theo yêu cầu của chính phủ Damas. Ngược lại, ông Rohani yêu cầu Mỹ rút hết quân khỏi Syria ».
Hội Đồng Bảo An vẫn bất lực
Cũng trên hồ sơ Syria, ngày 07/09/2018 tại New York, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc một lần nữa thất bại trong nỗ lực gia tăng áp lực lên chính quyền Damas. Thông tín viên Marie Bourreau từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tường trình :
“Thời gian trôi qua, những giải pháp để cứu Idlib tránh khỏi một cuộc tấn công đẫm máu của quân đội Syria càng hạn hẹp. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura cố gắng đề xuất một kế hoạch cho phép phân biệt giữa một bên là các nhóm khủng bố, ước tính khoảng 10.000, và bên kia là thường dân Syria. Ông de Mistura cũng yêu cầu đề ra một tối hậu thư buộc quân khủng bố phải rút khỏi các vùng đông đúc dân cư. Thế nhưng, các nhà ngoại giao không mấy tin tưởng vào phương án này.
Ngược lại, họ trông đợi vào Nga và Iran để thuyết phục Damas tránh dùng giải pháp quân sự tấn công Idlib, nơi có dân số đông gấp 11 lần so với ở Aleppo. Giải pháp quân sự có nguy cơ gây ra một thảm họa nhân đạo cho dân cư Idlib, miền bắc Syria, sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà ngoại giao biết rõ Idlib là trận đánh cuối cùng cho phép Damas chiếm lại toàn bộ lành thổ Syria, cho nên họ đã sử dụng lá bài cuối cùng, khi nêu lên kế hoạch tài trợ cho công cuộc tái thiết Syria.
Phía Mỹ, Anh và Pháp không chấp nhận khoán trắng cho Syria nếu không có một tiến trình tại quốc gia này. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng “không một quốc gia nào nên làm chuyện đó”. Đây là một thông điệp mà Hoa Kỳ ngầm nhắn gửi tới Trung Quốc.»
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180908-thuong-dinh-teheran-ve-syria-that-bai
Paris tố Matxcơva theo dõi
một vệ tinh quân sự của Pháp
Hôm qua, 07/09/2018, bộ trưởng Quân Lực Pháp mạnh mẽ cáo buộc Nga đã có « hành động gián điệp » nhắm vào một vệ tinh quân sự Pháp-Ý. Lãnh đạo quốc phòng Pháp thông báo một số biện pháp mới nhằm thúc đẩy khả năng phòng thủ của Pháp trong lĩnh vực không gian.
Trong chuyến đi thăm Trung Tâm Nghiên Cứu Không Gian Quốc Gia (CNES), tại Toulouse, bộ trưởng Quân Lực Florence Parly cho biết, hồi năm ngoái, một vệ tinh của Nga đã tiếp cận « quá gần » vệ tinh Athena-Fidus. Chỉ đích danh thủ phạm là vệ tinh Nga Louch-Olymp, bộ trưởng Quân Lực Pháp nhấn mạnh đây không chỉ là một « hành vi không thân thiện », mà còn chính là một « hành động gián điệp ». Bà Parly cũng cho biết Pháp đã có các biện pháp đề phòng trong trường hợp này, nhưng đồng thời đặt câu hỏi : Nếu sự việc tái diễn thì sao ?
Theo CNES, vệ tinh Athena-Fidus là một vệ tinh bán quân sự được Pháp và Ý phát triển nhằm phục vụ cho các liên lạc viễn thông của hai quân đội Pháp và Ý, cũng như cho ngành an ninh dân sự của hai nước.
Nhờ vệ tinh địa tĩnh này, nằm cách Trái đất khoản 36.000 cây số, phía trên Ấn Độ Dương, bộ tư lệnh quân đội Pháp và Ý có thể thường xuyên tổ chức các cuộc họp qua truyền hình. Vệ tinh Athena-Fidus còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác, như tiếp nhận các hình ảnh gửi về từ máy bay không người lái, chẩn đoán y học từ xa, cũng như cung cấp phương tiện cho việc giải quyết các khủng hoảng.
Theo Reuters, cũng trong chuyến thăm cơ quan không gian quốc gia CNES, bộ trưởng Quân Lực Florence Parly cảnh báo « chiến tranh giữa các vì sao » không còn là chuyện viển vông nữa, nước Pháp cần phải tự trang bị cho mình khả năng tự vệ trên không gian, một khu vực mà một số cường quốc đang mưu toan quân sự hóa.
Theo bộ trưởng Pháp, nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường khả năng theo dõi và thu thập tin tình báo, đặc biệt thông qua việc đưa lên quỹ đạo nhiều vệ tinh cỡ nhỏ, hoặc siêu nhỏ. Hôm thứ Năm vừa qua, tại Luxembourg, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các đối tác châu Âu tham gia cùng với Pháp vào chiến lược phòng vệ trên không gian.
http://vi.rfi.fr/phap/20180908-paris-to-matxcova-theo-doi-mot-ve-tinh-quan-su-cua-phap
Chiến lược của chính phủ Trump
đang làm cho tương lai Trung Cộng bất định
Bắc Kinh, Trung Cộng – Cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, được dẫn dắt bởi Tổng Thống Trump, đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế đại lục, theo một nguồn tin trong chính phủ Bắc Kinh cho biết.
Chính phủ của Chủ Tịch Tập Cận Bình đang muốn nhanh chóng thoát khỏi tình hình này, nhưng mọi việc hoàn toàn không dễ dàng. Các nền tảng chiến lược chung giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng hiện đã bị xói mòn, và chiêu trò ngoại giao của Bắc Kinh về việc khẳng định nước này là bạn của Washington đã không còn hiệu quả. Vào đầu mùa hè năm nay, truyền thông đại lục vẫn không có chủ đề gì đặc biệt, ngoài việc liên tục ca tụng Chủ Tịch Tập. Tuy nhiên, sau đó, các hãng truyền thông bắt đầu kêu gọi duy trì ổn định kinh tế và xã hội.
Một viên chức của đảng cộng sản Trung Hoa nói, Tổng Thống Trump đã thay đổi tất cả, và người dân đại lục nhận ra họ đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Sự căng thẳng của Bắc Kinh được thể hiện trong một bài viết gần đây của tờ Nhân Dân Nhật Báo, tờ báo của đảng cầm quyền Trung Cộng, cáo buộc rằng Hoa Kỳ luôn tìm cách chèn ép những quốc gia đứng thứ 2 thế giới, như trước đây là Liên Xô và Nhật, và nay là Trung Cộng.
Hiện tại, chưa có dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng sẽ sớm được giải quyết. Trước tình hình này, Chủ Tịch Tập đã lệnh duy trì ổn định trong nhiều lĩnh vực như thị trường lao động, tài chính, thương mại, và xã hội, trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối mặt với một tương lai không chắc chắn.(Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/chien-luoc-cua-chinh-phu-trump-dang-lam-cho-tuong-lai-trung-cong-bat-dinh/
Bắc Hàn: Tập dượt sáu tháng,
duyệt binh 10 phút
Laura BickerBBC News, Seoul
Chủ nhật này, sẽ có buổi lễ diễu binh hoành tráng kỷ niệm quốc khánh Bắc Hàn. Những màn trình diễn có tính kỷ luật cao và đầy nhiệt huyết được trông đợi sẽ diễn ra trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Hàng chục ngàn người Bắc Hàn sẽ tham gia lễ duyệt binh đã được tập dượt công phu. Trong lễ duyệt binh chắc chắn sẽ có ít nhất một số vũ khí của quân đội Bắc Hàn. Ngay cả các đoàn quay phim nước ngoài cũng được phép vào đất nước vốn nổi tiếng bí mật này.
Các camera gần như chắc chắn sẽ được chỉ đạo nhắm vào đâu để quay. Nhưng cái mà họ không quay được là hàng tháng, thập chí hàng năm tập dượt khổ luyện của những người tham gia duyệt binh.
Bắc Hàn ve vãn TQ nhưng ‘muốn học VN’
Hãy tưởng tượng một gia đình Bắc Hàn…
“Những lễ duyệt binh này là tượng trưng cho ‘nhà nước sân khấu’ của Bình Nhưỡng, với hàng chục ngàn người được huy động trong các màn trình diễn không có tính cá nhân, thể hiện lòng yêu nước, ngưỡng mộ lãnh tụ và các khẩu hiệu về lý tưởng xưa cũ,” ông Sokeel Park từ tổ chức Tự do ở Bắc Hàn, một tổ chức phi chính phủ quốc tế làm việc với những người Bắc Hàn đào tẩu, cho biết.
“Người Bắc Hàn phải có hình nhưng không có tiếng. Nhưng mỗi khuôn mặt trong đám đông diễu hành trên Quảng trường Kim Nhật Thành đại diện cho một cá nhân có thể có những ý kiến khác nhau, nếu họ có cơ hội được nói.”
‘Áo chúng tôi bị cháy’
Kim Ji-young giờ đây đã có cơ hội. Người phụ nữ 36 tuổi đào tẩu sang Nam Hàn cách đây sáu năm. Cô từng là một sinh viên ở Bình Nhưỡng và tham gia duyệt binh với tư cách người cầm đuốc. Mục đích là để tái tạo lại các trận đánh ban đêm của vị Lãnh tụ Tối cao Kim Nhật Thành, người được cho là đã đấu tranh giải phóng dân tộc từ ách cai trị của Nhật.
“Đó kiểu như là một lễ hội pháo hoa với các ngọn đuốc xếp thành hình chữ cái. Chắc là từ trên cao nhìn xuống, các dòng chữ bằng đuốc rực cháy khi những sinh viên trẻ duyệt binh thì khá là tuyệt. Nhưng thỉnh thoảng áo chúng tôi lại bị cháy.”
“Chúng tôi tập dượt sáu tháng liền, và chỉ có mỗi chuyện cầm đuốc và duyệt binh thôi. Người chỉ huy đội duyệt binh hô “Hoan hô Đồng chí Kim Nhật Thành vị lãnh tụ vĩ đại!” và chúng tôi phải hô to ba lần “Hoan hô, hoan hô, hoan hô.’
Các vụ ám sát và bắt cóc của Bắc Hàn
Bộ đội Bắc Hàn vượt tuyến có giun 27cm
“Mắt chúng tôi phải nhìn lên lễ đài khi duyệt binh và cầm đuốc theo hàng thẳng và bước theo nhịp đều tuyệt đối.”
Nhưng để có được bước đi đều như máy như vậy không phải là chuyện dễ, bà Kim cho biết.
“Bạn phải nhấc chân sau lên cùng lúc chân trước chạm xuống mặt đất. Điều này rất khó. Nếu luyện tập trong sáu tháng, mọi người sụt chừng 5 kg.”
Các cán bộ tổ chức duyệt binh luôn muốn sự hoàn hảo. Những ai làm tốt sẽ được huy chương. Những người khác, tôi được biết, bị khiển trách nặng nề nếu họ làm sai.
‘Mọi người đều khổ vì nó’
Noh Hee-Chang là thư ký Đảng Lao động, một quan chức cao cấp. Ông đào tẩu từ Bắc Hàn bốn năm trước vì lý do chính trị. Ông từng là người chọn những người trung thành nhất để tham gia duyệt binh.
“Giờ nhìn lại, thực sự là một điều đau đớn. Người dân khổ mà cả các quan chức của Đảng cũng khổ vì chúng tôi phải đảm bảo buổi lễ thành công từ đầu đến cuối.”
Những người duyệt binh thường đến từ các học viện quân sự hay các đơn vị quân đội tinh tú. Các ca sỹ, nghệ sỹ múa và vận động viên thể dục tài năng cũng được chọn. Tất cả được chọn vì lòng trung thành của họ đối với dòng họ Kim.
“Tôi phải kiểm tra từng người một,” ông Noh kể. “Điều quan trọng nhất là lý lịch gia đình. Họ phải có một lý lịch sạch sẽ, trung thành với nhà nước, kể từ đời họ hàng xa trở đi.”
Những gián điệp Bắc Hàn muốn trở về quê hương
Những người đào tẩu nói với tôi họ phải tập luyện tới 10 tiếng một ngày trong vài tháng liền. Có người bị ốm hay bị thương và họ phải tìm người thay thế. Ông Noh nói việc cung cấp đồ ăn cho tất cả những người tham gia, nhất là trong những năm có nạn đói, là một thách thức không nhỏ.
Hiệp định hòa bình vẫn chưa có
Vậy điều này có liên quan gì tới nhà lãnh đạo người từng hứa sẽ cải thiện đời sống của người dân Bắc Hàn? Kim Jong-un tuyên bố Bắc Hàn giờ đây là một quốc gia hạt nhân và đất nước sẽ tập trung vào phát triển kinh tế. Truyền thông nhà nước cũng gọi ngày lễ này là “dịp kỷ niệm người chiến thắng và tiếp tục mở rộng thành quả của bước tiến lớn về phát triển kinh tế”.
Nhưng có tin nói người ta kỳ vọng ông Kim sẽ đưa ra những tuyên bố to tát hơn, mạnh mẽ hơn trong dịp lễ kỷ niệm long trọng này. Nhiều nhà phân tích tin rằng ông Kim muốn đạt được điều mà cha ông và ông nội ông chưa bao giờ làm được – tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Cuộc chiến giữa hai miền kết thúc năm 1953 với thỏa thuận ngừng chiến. Nhưng chưa bao giờ có một hiệp định hòa bình.
Trump và Kim thực sự đạt được gì ở Singapore?
Kim, ngôi sao mới nổi trong lớp lãnh đạo 2018
Khi các cuộc đàm phán với Mỹ đã bị trì hoãn, ông Kim đón tiếp nồng hậu một đoàn đại biểu Hàn Quốc trong tuần này và khẳng định lại mong muốn “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” của ông. Theo các quan chức từ Seoul, ông cảm thấy nản là ông đang có những bươc đi để giải trừ quân bị nhưng thế giới lại không tin ông.
Tin cho hay ông Kim nói ông ước gì có thể xóa bỏ 70 năm lịch sử thù địch với nước Mỹ, cải thiện quan hệ Bắc Hàn – Mỹ và thực hiện phi hạt nhân hóa trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump.
Ít ra, đó là các mốc thời gian chính và có vẻ như ông Kim rất mong có thỏa thuận với tổng thống Mỹ, người đã trả lời bằng một dòng tweet là họ sẽ “cùng nhau làm việc đó”.
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề lớn. Kim Jong-un có vẻ như là một vị lãnh đạo Bắc Hàn cởi mở hơn nhưng ông dường như vẫn không muốn cho thế giới được nhìn thấy những gì ông không muốn họ thấy.
Và trong dịp này, ông chỉ muốn cho họ thấy buổi lễ diễu binh.
Những gì camera không được quay
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng khoảng 40% dân số Bắc Hàn, hay hơn 10 ngàn người, cần trợ giúp nhân đạo và khoảng 20% trẻ em nước này bị suy dinh dưỡng.
Năm nay là năm nóng nhất từ khi có thu thập số liệu trên bán đảo Triều Tiên. Truyền thông Bắc Hàn mô tả đợt nắng nóng năm nay là “thiên tai chưa từng có”. Liên đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế cảnh báo rằng lúa, ngô và các giống cây khác đang khô héo trên đồng, “với hậu quả có thể gây thảm họa,” khiến đất nước này có rủi ro của “một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sâu rộng.”
Vài trận lũ lụt hồi cuối tháng Tám do bão cũng làm 76 người chết, với số người tương tự bị thương và hàng ngàn người bị mất nhà cửa.
Ít có khả năng các hãng truyền thông được mời vào Bắc Hàn lần này sẽ được xem những cảnh tượng bị tàn phá. Khả năng tiếp cận của báo chí vẫn được kiểm duyệt rất nghiêm ngặt mặc dù ông Kim Jong-un đã có những cuộc gặp thượng đỉnh với các vị tổng thống Mỹ và Hàn Quốc.
Ông Noh Hee-Chang nhớ lại những ngày ông đứng ra tổ chức các cuộc diễu binh trong cái nắng đổ lửa với rất ít thức ăn.
“Cái đói. Điều tôi nhớ nhất là thấy đói. Nhất là trong thời kỳ ông Kim Jong-il lãnh đạo, chúng tôi không đủ ăn. Tất cả 100.000 con người phải làm việc từ sáng tới đêm và khó khăn lớn nhất của họ là ăn không đủ no.”
Nhưng khi tôi hỏi ông rằng với tư cách là sếp của họ, ông có thấy thương những người đi duyệt binh không, ông trả lời dứt khoát là không.
“Ở Bắc Hàn, chúng tôi được giáo dục rằng nếu một bức tường lung lay, cả quả núi cũng phải lung lay. Ý nghĩa của câu nói đó là, nếu ông Kim Il-sung hay Kim Jong-il nói ‘a’, thì kể cả những người dân thấp hèn nhất cũng phải nói ‘a’ và nhận mệnh lệnh. Chúng tôi chỉ biết nói ‘vâng thưa ngài’. Và toàn bộ hệ thống được xây dựng như thế.”
Vấn đề sống còn
Màn thể hiện lòng trung thành và tự hào được coi là trọng tâm cho thành công của các cuộc diễu binh và của cả dân tộc. Bà Kim Ji-young nhớ lại những tiếng hô “Muôn năm” của bạn bè trong quân đội khi họ diễu qua lễ đài nơi vị lãnh tụ đứng.
“Họ hô to đến nỗi họ mất giọng sau cuộc diễu hành 100 mét này. Chúng tôi cố nói chuyện với họ nhưng họ không nói được vì đã mất giọng hoàn toàn.”
Ngoài chuyện được có mặt trong buổi lễ hoành tráng, bà kim Nói tham gia diễu binh còn là vấn đề sống còn.
“Chúng tôi đều là con của các cán bộ trung và cao cấp của Đảng. Nên nếu có kêu ca phàn nàn và bị phát hiện, thì chúng tôi có thể biến mất. Vì thế không ai dám kêu ca.
“Người nước ngoài chắc hẳn thấy rất thú vị. Nhưng tôi muốn nói với họ, những người này đã luyện tập rất vất vả suốt sáu tháng mà không được ăn no. Họ đổ mồ hôi và rèn luyện trong sáu tháng trời vì cái gì- 10 phút duyệt binh? Thật là đau đớn. Tôi ước gì mọi người được thấy những gì ẩn giấu đằng sau, nhất là các phóng viên”.
Tuy vậy, lòng tự hòa dân tộc vẫn còn.
Ông Noh chẳng hạn, sẽ quay lại Bắc Hàn ngay lập tức nếu ông được phép.
“Tôi sẽ trở lại 100%. Tôi muốn khóc khi nghĩ đến thành phố quê hương tôi. Tất nhiên tôi muốn quay lại. Tôi luôn luôn muốn trở lại Bình Nhưỡng. Có ai mà không muốn về thành phố quê hương mình?”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45458495
Chính phủ Myanmar thoái thác trách nhiệm
vụ bỏ tù ký giả Reuters
Một phát ngôn viên chính phủ Myanmar thoái thác trách nhiệm của chính phủ về án tù của hai ký giả Reuters.
Trong một cuộc họp báo ở Naypyitaw hôm 7/9, phát ngôn viên chính phủ Zaw Htay nói tòa án xét xử độc lập và tự đưa ra phán quyết về hai nhà báo này.
Wa Lone và Kyaw Soe Oo bị tuyên án bảy năm tù giam sau khi bị kết tội sở hữu trái phép văn kiện của nhà nước.
Ông Zaw Htay nói tòa án có “quyền đưa ra quyết định của mình. Chúng tôi không thể can thiệp được.”
Ông cũng thừa nhận tự do báo chí ở Myanmar vẫn chưa phát triển đầy đủ.
Cùng ngày 7/9, chính phủ Myanmar bác một phán quyết của Tòa Hình sự Quốc tế nói rằng họ có thẩm quyền pháp lí để điều tra những cáo buộc lực lượng an ninh của Myanmar vi phạm luật quốc tế khi đuổi hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya khỏi nhà của họ.
Một thông cáo của văn phòng Tổng thống Myanmar Win Myint nhắc lại lập trường rằng Myanmar không có nghĩa vụ tôn trọng phán quyết của Tòa hình sự Quốc tế vì Myanmar không phải là một bên trong hiệp ước sáng lập định chế này.