Tin khắp nơi – 08/08/2020
Tình báo Mỹ: ĐCSTQ muốn Tổng thống Trump thất cử – Minh Tuệ
Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Mỹ (NCSC) vừa công bố một báo cáo tình báo trong đó kết luận rằng cả Trung Quốc, Nga và Iran đều đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo những cách khác nhau, theo Breit Bart.
Báo cáo ra ngày 7/8 kết luận rằng chính quyền của ĐCSTQ muốn Tổng thống Donald Trump thất cử trong cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tháng 11 tới.
“Chúng tôi đánh giá rằng Trung Quốc không muốn Tổng thống Trump – người mà Bắc Kinh coi là khó lường – tái đắc cử”, Giám đốc NCSC William Evanina viết trong báo cáo.
Ông Evanina cho biết Trung Quốc đã và đang tăng cường nỗ lực tạo ảnh hưởng lên cuộc bầu cử của Mỹ, trong đó có việc định hình môi trường chính sách ở Mỹ, gây áp lực đối với các nhân vật chính trị mà Bắc Kinh coi là đi ngược với lợi ích của Trung Quốc, đồng thời làm chệch hướng và chống lại những lời chỉ trích về Trung Quốc.
Cách ĐCSTQ chống Trump đã được bộc lộ rõ. Chính quyền Bắc Kinh chỉ trích ông Trump về những chuyện như cách ông xử lý đại dịch virus Vũ Hán, việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston và lập trường của chính quyền Trump về các hành động của Trung Quốc đối với Hong Kong và Biển Đông.
“Bắc Kinh nhận thấy những nỗ lực đó có thể tác động tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”, ông Evanina nói.
Cũng theo báo cáo, giới tình báo Mỹ phát hiện rằng Nga cũng đang can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ khi tìm cách bôi nhọ ông Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ.
Đây là điều dễ hiểu vì chính quyền Moscow đã từng công khai chỉ trích ông Biden, vì ông này ủng hộ Ukraine và phe đối lập chống Tổng thống Putin ở Nga, trong thời gian ông Biden còn làm phó tổng thống trong chính quyền Obama.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tinh-bao-my-dcstq-muon-tong-thong-trump-that-cu.html
Bầu cử Mỹ 2020: Trung Quốc, Nga và Iran
‘cố gắng gây ảnh hưởng’ đến việc bỏ phiếu
William Evanina, Giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Mỹ (NCSC), cảnh báo về sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử Mỹ 2020
Trung Quốc, Nga và Iran nằm trong số các quốc gia đang tìm cách tác động lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, một giám đốc tình báo hàng đầu của Mỹ cảnh báo.
Một tuyên bố do giám đốc tình báo Mỹ đưa ra cho biết các nước này đang sử dụng “các biện pháp ảnh hưởng bí mật và công khai” để gây ảnh hưởng tới cuộc bỏ phiếu.
Nhược điểm của Trump làm đối thủ yếu Biden trông mạnh
Đảng Cộng hòa của Trump: Không thể trì hoãn bầu cử 2020
Mỹ: Báo giới không được tham dự Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa
Các quốc gia này “có ưu tiên ai là người thắng cử”, báo cáo cho hay.
Các lãnh đạo tình báo Mỹ nói rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 để giúp chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.
Nga đã bác bỏ các cáo buộc này.
Khi được hỏi trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng ông dự định làm gì về báo cáo can thiệp bầu cử, Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông sẽ xem xét “rất kỹ”.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh ông Trump tuyên bố về sự nguy hiểm của các lá phiếu gửi qua thư hoặc qua bưu điện. Ông đã gợi ý rằng cuộc bầu cử năm nay nên được trì hoãn để ngăn chặn “sự không chính xác và gian lận nhất trong lịch sử”, gây ra phản ứng dữ dội ngay cả trong các thành viên trong đảng của ông.
Báo cáo nói trên cũng được công bố sau khiếu nại của các nhà lập pháp đảng Dân chủ rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ không tiết lộ thông tin cho công chúng về sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bỏ phiếu năm nay.
Tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông Trump đang tìm cách chiến thắng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Đối thủ của ông là thành viên đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden.
Tuyên bố nói gì?
William Evanina, người đứng đầu Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Mỹ (NCSC), đưa ra tuyên bố hôm thứ Sáu.
Ông Evanina nói, các nước nói trên đang cố gắng làm lung lay lựa chọn của cử tri, thay đổi chính sách của Hoa Kỳ, “gia tăng sự bất hòa” và làm xói mòn niềm tin của người dân Mỹ vào tiến trình dân chủ của chúng ta “.
Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan phản gián nói thêm rằng “đối thủ của chúng ta sẽ rất khó để can thiệp hoặc thao túng kết quả bỏ phiếu trên quy mô lớn”.
Ông nói, nhiều nước có “ưu tiên ai là người thắng cử”, nhưng giám đốc phản gián cho biết “chủ yếu quan ngại” về Trung Quốc, Nga và Iran:
Tuyên bố cho biết Trung Quốc “muốn Tổng thống Trump – người mà Bắc Kinh coi là không thể đoán trước – không tái đắc cử”, và đã “mở rộng nỗ lực ảnh hưởng của nước này” trước cuộc bỏ phiếu
Nga đang tìm cách “bôi nhọ” chiến dịch tranh cử của ông Biden và các thành viên khác của một nơi được coi là “tổ chức bài Nga”. Ông Evanina nói thêm rằng một số nhân vật có quan hệ với Nga “cũng đang tìm cách thúc đẩy việc ứng cử của Tổng thống Trump trên mạng xã hội và truyền hình Nga”
Iran đang cố gắng “phá hoại các thể chế dân chủ của Mỹ”, ông Trump, và “chia rẽ đất nước” trước cuộc bỏ phiếu bằng cách phát tán thông tin sai lệch và “nội dung chống Mỹ” trên mạng. Những nỗ lực của họ được thúc đẩy một phần bởi niềm tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Trump “sẽ dẫn đến việc Mỹ tiếp tục gây áp lực lên Iran trong nỗ lực thúc đẩy thay đổi chế độ”.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, ông Trump nói rằng Nga “có thể” can thiệp vào cuộc bầu cử năm nay, nhưng bác bỏ ý kiến rằng nước này có thể đang cố gắng giúp ông đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. “Tôi nghĩ người cuối cùng mà Nga muốn gặp tại nhiệm sở là Donald Trump”, ông nói thêm rằng “không ai cứng rắn với Nga hơn tôi”.
Tuyên bố được đưa ra sau khi các thành viên đảng Dân chủ bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của các quốc gia nước ngoài nhằm tác động đến cuộc bỏ phiếu.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hôm thứ Tư cho biết thông tin tình báo về những nỗ lực hiện tại nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu “nên được cung cấp cho người dân Hoa Kỳ”.
Trong tuyên bố của mình, ông Evanina cho biết cơ quan của ông “đã và sẽ tiếp tục cung cấp các báo cáo bí mật về mối đe dọa bầu cử” cho các ứng cử viên và chính trị gia.
“Các bước chúng tôi đã thực hiện cho đến nay để thông báo cho công chúng và các bên liên quan khác về các mối đe dọa bầu cử là chưa từng có đối với IC [cộng đồng Tình báo].”
Điều gì đã xảy ra trong năm 2016?
Một số cơ quan tình báo và quan chức Mỹ kết luận rằng Nga đã giúp tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Cựu giám đốc FBI Robert Mueller – được chỉ định làm cố vấn đặc biệt để điều tra cuộc bỏ phiếu đó – không cho rằng ông Trump thông đồng với nỗ lực đó, nhưng nói rằng tổng thống không được miễn trừ qua báo cáo của ông.
Một số người trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã bị bỏ tù do nhiều cáo buộc liên quan đến cuộc điều tra của ông Mueller.
Các cáo buộc chống lại cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn – bị kết tội nói dối về các liên hệ với các quan chức chính phủ Nga – đã được bãi bỏ vào tháng Bảy. Tòa phúc thẩm nghe lại các tranh luận vào cuối tháng này.
Và Roger Stone, một đồng minh lâu năm của ông Trump, đã phải nhận án tù vì mua chuộc nhân chứng và nói dối trước Quốc hội.
https://www.bbc.com/vietnamese/53689774
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Trung điện đàm 90 phút:
chỉ Đài Loan và Biển Đông
Bộ trưởng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa yêu cầu Mỹ ‘ngừng các hành động nguy hiểm làm leo thang tình hình’ Đài Loan và Biển Đông. Đáp lại, Bộ trưởng Mark Esper của Mỹ khẳng định Bắc Kinh mới là người ‘gây bất ổn khu vực’.
Theo hãng tin Reuters, đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc kể từ tháng 3 năm nay. Cuộc nói chuyện đã kéo dài hơn 90 phút, đề cập tới hai điểm nóng có nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự nhất hiện nay là Biển Đông và Đài Loan.
Cuộc điện đàm được tiến hành sau khi Mỹ thông báo Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar sẽ sớm thăm Đài Loan. Ông Azar sẽ là quan chức Mỹ cấp cao nhất từng thăm Đài Loan kể từ năm 1979.
Trong bản tin ngắn gọn được phát sau điện đàm ngày 6-8, Tân Hoa xã cho biết ông Ngụy Phượng Hòa đã “bày tỏ quan điểm chủ đạo của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Đài Loan cũng như chuyện Washington ‘bêu xấu’ Bắc Kinh”.
“Ông yêu cầu Mỹ chấm dứt các hành động và lời nói sai trái, cải thiện việc quản lý và kiểm soát rủi ro trên biển, tránh thực hiện các động thái nguy hiểm có thể leo thang tình hình và bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực”, Tân Hoa xã tường thuật.
Đáp lại bộ trưởng Trung Quốc, người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định Bắc Kinh mới là người “gây bất ổn khu vực”.
“Bộ trưởng Esper đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động gây bất ổn của Trung Quốc trên Biển Đông và Đài Loan. Ông cũng nhấn mạnh trong điện đàm tầm quan trọng của việc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp, quy tắc và thông lệ quốc tế, giữ vững các cam kết quốc tế của mình”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một thông cáo sau bản tin của Tân Hoa xã.
Mặc dù tiếp tục có sự khác biệt, cả ông Esper và ông Ngụy Phượng Hòa đều khẳng định tầm quan trọng của việc tránh xung đột từ các rủi ro trên biển.
Trong một tuyên bố khác phát ngày 7-8, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất trong điện đàm sẽ “phát triển các hệ thống cần thiết để liên lạc trong tình huống khủng hoảng và giảm thiểu rủi ro”.
Hồi tháng rồi, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã bày tỏ nguyện vọng sẽ tới Trung Quốc trước cuối năm nay để sắp xếp lại các cơ chế giải quyết khủng hoảng giữa hai nước. Giới quan sát nhận định điều này cho thấy cơ chế giải giải tỏa căng thẳng Mỹ – Trung đang có vấn đề.
Bộ Trưởng Quốc Phòng bày tỏ sự lo ngại
về hoạt động của Bắc Kinh ở biển Đông
Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Năm (6/8), Ngũ Giác Đài cho biết Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper bày tỏ lo ngại về hoạt động “gây bất ổn” của Bắc Kinh gần Đài Loan và Biển Đông trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Cộng Ngụy Phượng Hòa.
Đây là lần đầu tiên hai vị bộ trưởng này trò chuyện với nhau kể từ tháng Ba. Cuộc điện đàm này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Cộng nhanh chóng suy thoái trong năm nay vì một loạt các vấn đề, bao gồm cách Bắc Kinh giải quyết đại dịch coronavirus, vấn đề an ninh liên quan đến nhà sản
xuất thiết bị viễn thông Huawei, các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Cộng ở Biển Đông, và sự đàn áp của nước này đối với Hồng Kông.
Một tuyên bố riêng của Ngũ Giác Đài cho biết cả hai bên đồng ý về việc “phát triển các hệ thống cần thiết để liên lạc trong tình trạng khủng hoảng và giảm thiểu rủi ro”. Trước đây, ông Esper tuyên bố rằng ông hy vọng sẽ đến thăm Trung Cộng vào cuối năm nay để cải thiện các kênh “liên lạc khủng hoảng” và giải quyết các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.
Từ lâu, Hoa Kỳ phản đối các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông và thường xuyên cử tàu chiến đi qua tuyến đường thủy chiến lược này. Vào hôm thứ Năm (6/8), Trung Cộng đe dọa sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa đối với chuyến công du đến Đài Loan của Bộ trưởng Bộ Y tế và Xã Hội Hoa Kỳ Alex Azar, khi quốc đảo bị Trung Cộng tuyên bố chủ quyền chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức cao cấp nhất của Hoa Kỳ trong bốn thập niên. (BBT)
https://www.sbtn.tv/bo-truong-quoc-phong-bay-to-su-lo-ngai-ve-hoat-dong-cua-bac-kinh-o-bien-dong/
Mỹ trừng phạt các lãnh đạo Hồng Kông,
bước leo thang mới với Bắc Kinh
Thụy My
Hoa Kỳ hôm 07/08/2020 thông báo đóng băng tài sản của 11 nhà lãnh đạo ở Hồng Kông trong đó có trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), để trừng phạt việc hạn chế quyền tự trị Hồng Kông, quyền tự do ngôn luận và hội họp của người dân. Văn phòng đại diện Trung Quốc tại đặc khu gọi đây là hành động « tàn bạo » của Washington.
Thông tín viên Loubna Anaki tường trình từ New York :
« Tổng cộng có 11 nhà lãnh đạo Hồng Kông bị Washington trừng phạt. Đứng đầu danh sách là trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người đã bênh vực luật an ninh do Trung Quốc áp đặt, cho rằng đây là công cụ chủ chốt để chấm dứt tình trạng lộn xộn.
Trong số các quan chức bị nằm trong tầm ngắm còn có cảnh sát trưởng, người đứng đầu ngành an ninh và ngành tư pháp. Tất cả đều bị cáo buộc đã giúp cho Trung Quốc siết lại quyền tự trị của đặc khu và hạn chế tự do của cư dân Hồng Kông.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steve Mnuchin nhấn mạnh đó là « những hành động không thể chấp nhận được ». Ông cho biết các biện pháp trừng phạt mới này chủ yếu nhắm vào việc tịch thu tài sản của các nhà lãnh đạo Hồng Kông tại Hoa Kỳ.
Đây là lần đầu tiên Washington trực tiếp đánh vào các nhân vật đứng đầu cựu thuộc địa Anh. Hoa Kỳ cao giọng và một lần nữa lại leo thang trong cuộc xung đột Mỹ-Trung.
Hôm thứ Năm vừa qua, tổng thống Trump cũng đã ký sắc lệnh ấn định tối hậu thư cho TikTok và WeChat, hai ứng dụng do các công ty Trung Quốc sở hữu. Nếu không được các công ty Mỹ mua lại, TikTok và WeChat sẽ bị cấm hẳn trong vòng 45 ngày tới. »
Chính quyền Hồng Kông coi việc trừng phạt này là « đáng xấu hổ ». Văn phòng đại diện Trung Quốc tại Hồng Kông, mà giám đốc là Lạc Huệ Ninh (Luo Huining) nằm trong số quan chức bị trừng phạt, lên án hành động bị cho là « dã man và thô bỉ » của Mỹ. Bản thân ông Lạc Huệ Ninh khẳng định mình « không có một xu nào để gởi ra nước ngoài ».
Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhằm trả đũa việc Bắc Kinh ngang nhiên áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông, phá vỡ thỏa thuận với Anh lúc cựu thuộc địa được trao trả năm 1997.
Trung Quốc sẽ quyết định số phận của Nghị Viện Hồng Kông
Ủy ban thường vụ Quốc Hội Trung Quốc hôm nay 08/08/2020 bắt đầu một hội nghị kéo dài bốn ngày để tìm cách lấp đầy khoảng trống ở Nghị Viện Hồng Kông, do cuộc bầu cử dự kiến ngày 06/09 bị dời sang năm tới.
Ủy ban này sẽ quyết định có nên kéo dài nhiệm kỳ của các dân biểu, vốn sẽ kết thúc ngày 30/09, hay chỉ định một « cơ quan chuyển tiếp ». Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho rằng nên gia hạn nhiệm kỳ, tuy nhiên còn vướng mắc ở chỗ có bốn dân biểu đối lập đã bị bác hồ sơ, không cho ra tranh cử tiếp.
Nữ gián điệp Trung Quốc chuyên nghiên cứu
‘thuốc giải độc sinh học’
Quý Khải
Đường Quyên (Tang Juan), bác sĩ quân y Trung Quốc bị cáo buộc gián điệp và lẩn trốn trong Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, đã giữ im lặng trong buổi thẩm vấn hồi cuối tháng Bảy. Tuy nhiên, bản cáo trạng ngày 6/8 tiết lộ cô này chuyên bào chế “thuốc giải độc sinh học”. Hiện cô vẫn đang bị tạm giam do tình nghi bỏ trốn.
Tờ Los Angeles Times đưa tin Đường Quyên, một nữ quân nhân có quân hàm trong quân đội Trung Quốc, hiện đang là nhà nghiên cứu liên kết với Trung tâm Chuyển đổi Y học Phân tử Quốc gia trực thuộc Đại học Quân y Không quân Trung Quốc. Cô này đã nhập cảnh vào Mỹ hồi tháng 12/2019 và theo học tại Khoa Nghiên cứu Bức xạ Ung thư, Trường Y Davis thuộc ĐH California. Một tài liệu của quân đội Trung Quốc hé lộ Đường Quyên chủ yếu tham gia nghiên cứu “thuốc giải độc các tác nhân sinh học”.
Đại bồi thẩm đoàn phụ trách vụ việc đã đề cập trong bản cáo trạng được ban hành ngày 6/8 rằng Đường Quyên bị buộc tội nói dối nhân viên FBI, khai man và che giấu sự thật về việc cô này phục vụ trong quân đội Trung Quốc trong đơn xin thị thực.
Nếu bị kết án, cô Đường sẽ phải đối mặt với 15 năm tù giam cùng khoản tiền phạt lên đến 500.000 USD.
Bên cạnh đó, các công tố viên liên bang tin rằng Đại sứ quán Trung Quốc đã hỗ trợ đưa con gái của Đường Quyên về Trung Quốc. Không loại trừ khả năng Đại sứ quán Trung Quốc sẽ cấp một hộ chiếu mới cho Đường Quyên để giúp cô ta trốn về Trung Quốc. Trong bối cảnh sự hợp tác giữa Đường Quyên với quan chức ĐCSTQ vượt quá thẩm quyền của các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ, và nguy cơ bỏ trốn là rất cao, do đó thẩm phán hiện vẫn quyết định tạm giam Đường Quyên.
Sau khi chạy trốn vào Đại sứ quán Trung Quốc ở San Francisco lẩn trốn hôm 20/6, Đường Quyên không bén mảng ra ngoài. Cô được nhân viên đại sứ quán đưa đến bệnh viện vào ngày 23/7 do bệnh tật. Cô đã bị FBI bắt giữ sau đó.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nu-gian-diep-trung-quoc-chuyen-nghien-cuu-thuoc-giai-doc-sinh-hoc.html
TT Trump ký lệnh cấm WeChat, TikTok,
tăng căng thẳng với Bắc Kinh
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh cấm giao dịch thương mại với chủ nhân Trung Quốc của hai ứng dụng phổ biến We Chat và Tik Tok, leo thang căng thẳng trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh về tương lai của ngành công nghệ toàn cầu, Reuters đưa tin.
Sắc lệnh ký ban hành ngày 6/8 sẽ có hiệu lực trong 45 ngày nữa sau khi chính quyền ông Trump tuần này nêu bật cố gắng loại bỏ các ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc ra khỏi các mạng lưới của Mỹ. Ông Trump nói ứng dụng WeChat của Tencent Holding, và ứng dụng TikTok của Bytedance là “những mối đe dọa đáng kể” đối với an ninh quốc gia.
Trung Quốc hôm 7/8 nói các công ty vừa kể tuân thủ các luật pháp và quy định của Mỹ, và cảnh cáo Hoa Kỳ sẽ phải “nhận lãnh hậu quả” về hành động của họ.
“Hoa Kỳ đang viện cớ an ninh quốc gia và dùng quyền hành của nhà nước để ức chế các doanh nghiệp không phải của Mỹ. Đây là cách làm ăn của một nước bá chủ,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói tại một cuộc họp báo.
TikTok đã bị các nhà lập pháp Mỹ nhắm tới vì các quan ngại về an ninh quốc gia chung quanh việc thu thập các dữ liệu giữa lúc sự nghị kỵ giữa Bắc Kinh và Washington tăng cao. Hãng tin Reuters hôm Chủ nhật nói ông Trump đã cho công ty Microsoft 45 ngày đề hoàn tất việc mua lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ.
“Chúng tôi bị sốc vì sắc lệnh mới đây, được ban hành mà không qua các thủ tục pháp lý đúng đắn”, TikTok nói trong một tuyên bố hôm 7/8, và nói thêm rằng công ty này sẽ theo đuổi mọi biện pháp có thể để bảo đảm luật pháp không bị vứt bỏ.”
Lệnh cấm mọi giao dịch với Tencent, một trong các công ty internet lớn nhất thế giới, báo hiệu sự rạn nứt của mạng lưới toàn cầu, cắt đứt những liên hệ lâu dài giữa các công nghiệp công nghệ cao Mỹ và Trung Quốc.
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nới rộng một chương trình gọi là “Mạng Lưới Sạch” để ngăn chặn các ứng dụng và công ty viễn thông Trung Quốc tiếp cận thông tin nhạy cảm của người Mỹ và các công ty Mỹ.
Các sắc lệnh do Tổng Thống Trump ký mới đây dường như được phối hợp với loan báo của Ngoại trưởng Pompeo, theo chuyên gia công nghệ James Lewis của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế CSIS ở Washington.
Ông Lewis nói chắc chắn là Trung Quốc sẽ trả đũa.
Chuyên gia:
Lệnh cấm TikTok, WeChat có cơ sở hợp lý
Tổng thống Donald Trump ngày 7/8 ban hành một lệnh cấm toàn diện, nhưng chưa được xác định rõ, nhắm vào các giao dịch với hai công ty Trung Quốc sở hữu hai ứng dụng TikTok và WeChat. Một số chuyên gia nhận định rằng có cơ sở hợp lý về an ninh và bảo mật cho một lệnh cấm như vậy.
Hai sắc lệnh hành pháp có hiệu lực sau 45 ngày đối với TikTok và WeChat nói rằng các ứng dụng do Trung Quốc sở hữu “đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Mỹ.”
Đây là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump nhắm mục tiêu vào Trung Quốc. Trong vài năm qua, Washington đã khai chiến với Bắc Kinh về vấn đề thương mại, ngăn chặn các thỏa thuận sáp nhập liên quan đến các công ty Trung Quốc và kìm hãm hoạt động kinh doanh của các công ty Trung Quốc như Huawei, nhà sản xuất điện thoại và thiết bị viễn thông.
Các tin tặc do Trung Quốc hậu thuẫn bị cáo buộc đã xâm nhập các cơ sở dữ liệu liên bang của Mỹ và cơ quan tín dụng Equifax trong lúc chính phủ Trung Quốc hạn chế nghiêm ngặt những gì các công ty công nghệ Mỹ được phép làm ở Trung Quốc.
“Đây là sự mở rộng khá nhanh và khá rộng Chiến tranh Lạnh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc,” Steven Weber, giám đốc Trung tâm An ninh mạng Dài hạn Đại học California ở Berkeley, nói với AP. Ông nói thêm rằng “có một lý do hợp lý về an ninh quốc gia” cho các sắc lệnh vừa kể.
Giới lập pháp thuộc cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều chia sẻ chung mối lo ngại về TikTok từ việc ứng dụng này có thể bị kiểm duyệt hoặc được sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch cho đến sự an toàn của dữ liệu người dùng và quyền riêng tư.
Dù chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy TikTok đã cung cấp dữ liệu của người dùng ở Mỹ cho chính phủ Trung Quốc, nhưng có những lo ngại việc này có thể xảy ra vì luật pháp và quy định của Trung Quốc.
“Luật của Trung Quốc ban hành năm 2017 nói rằng tất cả công ty của Trung Quốc có trách nhiệm cung cấp bất cứ tài liệu nào gom góp được từ thị trường thế giới để giúp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc củng cố hệ thống tình báo,” Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một chuyên gia về kinh tế và tài chính ở Texas theo dõi sát diễn biến vụ việc, nhận định với VOA.
Ông nói rất nhiều thông tin có giá trị của người dùng có thể được thu thập từ ứng dụng này nhờ những công nghệ tiên tiến như những thuật toán, trí tuệ nhân tạo và công cụ sinh trắc theo dõi chặt chẽ những nhu cầu và thị hiếu của người sử dụng.
“Ấn Độ là một trong những quốc gia xài TikTok nhiều nhất. 43% người dùng TikTok là từ Ấn Độ mà Ấn Độ đã cấm ứng dụng này rồi. Tại sao? Đó là vì gần đây khi Trung Quốc đụng độ với Ấn Độ ở biên giới thì TikTok đã cho phép dùng ứng dụng này để biết những chuyển động của quân đội Ấn Độ. Nó liên quan tới vấn đề gián điệp và tình báo,” Giáo sư Lộc giải thích.
“Đó là chưa kể các quốc gia khác cũng đang cấm, Australia, Pakistan, Indonesia. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa của Mỹ cũng cấm trong mùa bầu cử này,” Tiến sĩ Lộc nói thêm, nhắc tới các dự luật ở Quốc hội cấm nhân viên liên bang Mỹ không được dùng ứng dụng TikTok của Trung Quốc trên các thiết bị của chính phủ.
TikTok cho biết họ có 100 triệu người dùng ở Mỹ và hàng trăm triệu người trên toàn cầu. Theo công ty nghiên cứu App Annie, TikTok chứng kiến con số 50 triệu người dùng tích cực hàng tuần ở Mỹ trong tuần lễ bắt đầu vào ngày 19 tháng 7, số liệu mới nhất hiện có. Con số đó tăng 75% so với tuần đầu tiên của năm.
Trước đó trong tuần này, Tổng thống Trump đã ra hạn chót là ngày 15 tháng 9 sẽ “đóng cửa” TikTok trừ phi Microsoft hay một công ty nào đó mua lại. Lời đe dọa này dường như đã được ông chính thức hóa bằng các sắc lệnh hành pháp mới.
Dù lệnh cấm dường như ngăn chặn các ứng dụng xuất hiện trong các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google, không rõ nó sẽ được cưỡng hành như thế nào, điều mà một số chuyên gia nói là gần như không thể thực hiện được.
“Nếu mục tiêu là khiến thanh thiếu niên ngừng sử dụng TikTok, tôi không chắc một sắc lệnh hành pháp sẽ ngăn họ,” Kirsten Martin, một giáo sư về đạo đức công nghệ tại Đại học Notre Dame, được AP dẫn lời nói. “Mọi thanh thiếu niên đều biết cách sử dụng VPN (mạng riêng ảo). Họ sẽ chỉ giả vờ rằng họ đang ở Canada.”
Và sẽ rất khó để cấm mọi người sử dụng ứng dụng này nếu họ đã cài nó vào máy, ngay cả khi lệnh cấm đối với cửa hàng ứng dụng có hiệu lực, giáo sư luật Timothy Meyer của Đại học Vanderbilt cho biết.
TikTok, được biết đến với những video ngắn, rất thịnh hành với giới trẻ ở Mỹ và các nơi khác. Ứng dụng này thuộc sở hữu của công ty ByteDance, Trung Quốc. TikTok có một phiên bản riêng cho thị trường Trung Quốc. TikTok khẳng định họ không lưu trữ thông tin khách hàng Mỹ ở Trung Quốc mà lưu trữ ở Mỹ và Singapore. TikTok cũng quả quyết sẽ không chia sẻ thông tin đó với chính phủ Trung Quốc.
WeChat và ứng dụng song hành tên là Weixin ở Trung Quốc là những ứng dụng cực kì phổ biến kết hợp nhắn tin, chuyển khoản tài chính và một loạt các dịch vụ khác, thu hút hơn một tỉ người dùng. Trên khắp thế giới, nhiều người gốc Hoa sử dụng WeChat để giữ liên lạc với bạn bè, gia đình và làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc đại lục.
Tại Trung Quốc, WeChat bị kiểm duyệt và được cho là phải tuân thủ các giới hạn nội dung do nhà chức trách đặt ra. Tổ chức giám sát internet Citizen Lab có trụ sở tại Toronto cho biết WeChat theo dõi các tập tin và hình ảnh được chia sẻ ở nước ngoài để hỗ trợ việc kiểm duyệt ở Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-lenh-cam-tiktok-wechat-co-so-so-hop-ly/5535200.html
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gỡ khuyến cáo
“không đi du lịch” trên toàn cầu được ban hành
từ tháng 03/2020 do COVID-19
Sau hơn bốn tháng, vào thứ Năm (6 tháng 8), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bỏ khuyến cáo công dân Hoa Kỳ không đi du lịch nước ngoài. Vào ngày 19/03/2020, Bộ Ngoại giao đã ban hành khuyến cáo du lịch cấp 4: Không đi du lịch, cấp cao nhất, để kêu gọi công dân Hoa Kỳ không đi du lịch nước ngoài do đại dịch coronavirus.
Tuy nhiên mới đây, Bộ Ngoại giao cho rằng do các điều kiện sức khỏe và an toàn được cải thiện ở một số quốc gia và có khả năng xấu đi ở các quốc gia khác, họ chuyển sang đưa ra khuyến cáo du lịch cụ thể theo từng quốc gia như trước đây, để cung cấp du khách thông tin chi tiết để đưa ra quyết định du lịch thích hợp.
Mặc dù hướng dẫn từ bộ ngoại giao đã được dỡ bỏ, du khách Hoa Kỳ vẫn bị nhiều quốc gia trên thế giới hạn chế đi lại, do số ca nhiễm coronavirus ở Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng. Liên minh châu Âu đã chặn du khách Hoa Kỳ nhập cảnh, trong khi Vương quốc Anh yêu cầu du khách từ Hoa Kỳ phải cách ly 14 ngày. Bên cạnh đó, hai quốc gia láng giềng Canada và Mexico vẫn áp dụng lệnh hạn chế việc đi lại không cần thiết với Hoa Kỳ cho đến ít nhất là cuối tháng 08/2020.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ vẫn khuyến cáo công dân không nên đi du lịch không cần thiết đến hơn 200 điểm đến do nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Khi các lựa chọn chuyến bay thương mại không còn và biên giới bị đóng cửa để chống lại sự lây lan của virus, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thực hiện nỗ lực hồi hương chưa từng có để đưa người Mỹ về nước.
Từ ngày 27/01/2020 đến ngày 10/06/2020, họ đã phối hợp đề hồi hương 101,386 người Mỹ trên 1,140 chuyến bay từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. (BBT)
Mỹ: Tử vong vì COVID vượt quá 160.000
Hơn 160.000 người chết vì đại dịch virus corona tại Mỹ, chiếm gần một phần tư số tử vong trên thế giới, theo số liệu của Reuters ngày 7/8 trong lúc nước Mỹ đang tranh luận về việc liệu các trường học có nên mở cửa dạy trực tiếp trong vài tuần tới hay không.
Nước Mỹ ghi nhận 160.003 người chết và 4,91 triệu ca nhiễm, cao nhất trên thế giới.
Con số người chết vì virus corona đang tăng tại 23 tiểu bang và số ca nhiễm leo thang ở 20 bang, theo một cuộc phân tích dữ liệu của Reuters trong hai tuần qua so với hai tuần lễ trước nữa.
Cột mốc u ám hôm 7/8 đánh dấu việc gia tăng lên tới 10.000 người chết trong 9 ngày tại Mỹ.
Nhiều ca tử vong trong số này xảy ra tại California, Florida và Texas, 3 tiểu bang đứng đầu tổng số ca nhiễm. Trong khi số ca nhiễm mới dường như giảm bớt tại những tiểu bang này, các đợt bùng phát mới đang trỗi dậy từ đông sang tây.
Tới đầu tháng 12, gần 300.000 người Mỹ có thể chết vì COVID-19, các chuyên gia y tế Đại học Washington cảnh báo hôm 6/8 dù họ cho rằng 70.000 sinh mạng có thể được cứu nếu người Mỹ nghiêm chỉnh chú ý đến việc mang khẩu trang.
Pfizer sản xuất thuốc chống COVID cho Gilead
Công ty Pfizer ngày 7/8 cho biết ký một thỏa thuận kéo dài nhiều năm để sản xuất thuốc remdesivir chữa trị COVID cho công ty dược Gilead Sciences vốn đang chịu áp lực về việc cung cấp thuốc chống virus.
Gilead nhắm sản xuất đủ thuốc vào cuối năm nay để chữa trị cho hơn 2 triệu bệnh nhân COVID-19 và đồng ý gởi gần hết nguồn dự trữ remdesivir tới Mỹ trong tháng 9.
Tuy nhiên, các nhân viện bệnh viện và các chính trị gia đã than phiền về những khó khăn tiếp cận thuốc này, là một trong hai loại chứng tỏ khả năng giúp ích cho bệnh nhân nhập viện vì COVID trong những thử nghiệm lâm sàng chính thức.
Gilead nói mạng lưới sản xuất thuốc của họ đã tăng lên hơn 40 công ty tại Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á để tăng thêm khả năng.
Pfizer với hãng dược BioNTech của Đức cũng đang khẩn trương phát triển vaccine chống COVID.
Chuyên gia: Vaccine chống COVID
có thể chỉ hữu hiệu một phần
Một vaccine được chuẩn thuận để chống COVID có thể chung cuộc hiệu quả chỉ 50-60%, nghĩa là vẫn cần các biện pháp y tế cộng đồng để kiểm soát đại dịch, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm tại Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, cảnh báo hôm 7/8.
“Chúng ta chưa biết hiệu quả tới đâu. Chúng ta chưa biết sẽ là 50% hay 60%. Tôi mong là ít nhất trên 75%,” bác sĩ Fauci nói trong hội thảo trực tuyến do Đại học Brown tổ chức. “Nhưng cơ may hiệu quả 98% không nhiều, nghĩa là chúng ta không bao giờ được bỏ các biện pháp y tế cộng đồng.”
Gần 5 triệu người Mỹ bị nhiễm COVID và hơn 160 ngàn người đã thiệt mạng.
Trong lúc các ca nhiễm vẫn còn tăng trên khắp nước Mỹ sau khi các tiểu bang bắt đầu mở cửa trở lại, các chuyên gia y tế cộng đồng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các bước mà người dân có thể thực hiện, bao gồm giãn cách xã hội, rửa tay và mang khẩu trang.
Mấy ngày trước, bác sĩ Fauci nói với Reuters ông kỳ vọng sẽ có hàng chục triệu liều vaccine chống COVID trước đầu năm sau và đến cuối năm sau sẽ có hàng tỉ liều.
Tổng thống Donald Trump dự báo lạc quan hơn. Hôm 6/8, ông Trump nói Mỹ có thể có vaccine chống COVID trước ngày bầu cử 3/11 tới đây.
Canada sẽ trả đũa
sau khi Hoa Kỳ áp thuế 10% lên nhôm
Ottawa sẽ áp thuế trả đũa đối với hàng hóa của Hoa Kỳ, để đáp lại quyết định của Tổng thống Trump về việc khôi phục mức thuế 10% đối với nhôm nhập cảng của Canada.
Hôm tối thứ năm (6/8), ông Justin Trudeau, thủ tướng Canada và bà Chrystia Freeland, phó thủ tướng đã công bố các biện pháp phù hợp, sau khi tổng thống Trump nói rằng sẽ áp thuế lên nhôm với lo lắng về an ninh quốc gia. Quyết định trên được tổng thống Trump đưa ra trong một bài phát biểu tranh cử tại một nhà máy ở Whirlpool, Ohio.
Theo đài CBC đưa tin, bà Freeland cho biết Canada có ý định nhanh chóng áp đặt các biện pháp trả đủa đối với hàng hóa Hoa Kỳ để đáp trả. Bên cạnh đó, bà cho rằng nhôm của Canada không làm suy yếu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Nó còn góp phần củng cố an ninh nhờ vào nhiều thập niên hợp tác giữa hai quốc gia. Ngoài ra, thủ tướng Trudeau cho biết sẽ luôn ủng hộ và đứng lên vì những người thợ nhôm của Canada.
Tuy nhiên, thủ tướng Trudeau và bà Freeland không nêu rõ loại hàng hóa nào của Hoa Kỳ sẽ có liên quan đến các biện pháp đáp trả đến từ Canada, cũng như việc liệu chính phủ có thực hiện một chiến lược nhằm vào hàng hóa được sản xuất tại các quận của Đảng Cộng hòa hay không.
Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực vào này 16/8 tới đây. Ông Jean Simard, chủ tịch Hiệp hội Nhôm Canada (AAC) cho rằng, chính sách thuế mới của Hoa Kỳ sẽ gây bất ổn cho ngành công nghiệp nhôm và chuỗi cung ứng của Canada, trong bối cảnh nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với sức nặng của đại dịch. (BBT)
https://www.sbtn.tv/canada-se-tra-dua-sau-khi-hoa-ky-ap-thue-10-len-nhom/
Khảo sát: Hơn 50% dân số Colombia không tin WHO
Hải Lam
Theo dữ liệu do Cơ quan Khảo sát Các Giá trị Thế giới công bố tuần này, hơn một nửa dân số Colombia không tin tưởng vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cuộc khảo sát đặt câu hỏi về nhiều chủ đề, trong đó có mức độ tin tưởng vào chính phủ ở các quốc gia trên thế giới. Kết quả cho thấy 56% người Colombia ít hoặc không tin tưởng vào WHO, một cơ quan của Liên Hợp Quốc.
Ban đầu, Colombia là quốc gia ít bị ảnh hưởng hơn từ dịch bệnh so với châu Âu, châu Á và Mỹ. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Colombia là một trong số nhiều quốc gia Mỹ Latinh ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về số ca bệnh. Tính đến 8h10 ngày 8/8 (giờ Việt Nam), Colombia là vùng dịch lớn thứ 9 trên thế giới với 367.196 ca bệnh, trong đó có 12.250 đã tử vong.
Dữ liệu cho thấy nhiều người ngày càng thiếu tin tưởng WHO. Danh tiếng của tổ chức này bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vì mối quan hệ thân thiết với chính quyền Trung Quốc. WHO nói chung và Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nói riêng phải hứng làn sóng chỉ trích trên khắp thế giới vì cách xử lý yếu kém trong dịch bệnh và quỵ lụy trước Bắc Kinh. Tính đến cuối tháng 4, một bản kiến nghị trực tuyến trên trang Change.org đã thu hút hơn 1 triệu chữ ký nhằm kêu gọi ông Tedros phải từ chức.
Breitbart cho biết, vào tháng 6, các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ rằng các quan chức của WHO biết về việc Bắc Kinh đã che giấu những thông tin quan trọng về sự bùng phát dịch bệnh hồi tháng 1. Trong khi đó, ông Tedros lại dành nhiều lời khen ngợi cho Bắc Kinh vì “sự minh bạch” và nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.
Theo dữ liệu từ Pew Research được công bố vào tháng 6, hơn một nửa người Mỹ cũng đánh giá cách WHO xử lý dịch Covid-19 thuộc mức “trung bình” hoặc “kém”. Chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc WHO “lấy Trung Quốc làm trung tâm”, tiếp tay cho Bắc Kinh che giấu dịch bệnh. Ông Trump ngày 7/7 đã chính thức bắt đầu rút Mỹ ra khỏi WHO.
https://www.dkn.tv/the-gioi/hon-50-dan-so-colombia-khong-tin-tuong-who.html
Covid-19 : Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê
có nhiều ca tử vong nhất thế giới
Thùy Dương
Dịch Covid-19 vẫn không ngừng lây lan khắp nơi trên thế giới. Hôm qua 07/08/2020, châu Mỹ Latinh và vùng Caribê vượt châu Âu, trở thành khu vực chịu nhiều tang thương nhất thế giới vì virus corona.
Theo số liệu hãng tin Pháp công bố tối ngày 07/08, dịch bệnh đã làm tổng cộng 715.000 người chết và có hơn 19 triệu người nhiễm virus. Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê hiện giờ đứng đầu thế giới về số ca tử vong : ít nhất 213.120 người, so với con số 212.660 ở châu Âu. Trong 7 ngày qua, 44% số ca tử vong là ở Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê. Đây cũng là khu vực có nhiều người được ghi nhận nhiễm virus corona nhất, đặc biệt là Brazil.
Hôm qua, Brazil đã gần chạm ngưỡng 100.000 ca tử vong (chính xác là 99.572) và 2,9 triệu ca dương tính với virus corona. Tuy nhiên, theo Domingos Alves, chuyên gia thống kê về dịch bệnh tại Brazil, con số thực tế cao gấp 6-7 lần so với số liệu chính thức.
Số ca tử vong tại Mêhicô cũng đã tăng vượt xa dự báo của chính quyền của tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador, lên thành 51.311 người. Hôm qua, một quan chức bộ Y Tế thông báo Mêhicô đã nhận khoản trợ giúp 3 triệu đô la của Mỹ để phát triển nghiên cứu, mua trang thiết bị bảo hộ và xét nghiệm Covid-19. Trong khi Colombia vượt ngưỡng 12.000 ca tử vong, thì hôm qua Cuba cũng ghi nhận số ca nhiễm mới thường nhật cao nhất tính từ 3 tháng nay. Còn Mỹ tiếp tục ghi nhận thêm 1.062 ca tử vong và hơn 52.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, theo số liệu của đại học Johns Hopkins vào lúc 00h30, giờ quốc tế hôm nay.
Châu Âu thắt chặt các biện pháp hạn chế, phong tỏa
Trở lại châu Âu, các biện pháp hạn chế, phong tỏa đang được thắt chặt ở nhiều nơi để hạn chế đà lây lan của dịch bệnh. Tại Tây Ban Nha, sau nhiều thành phố ở xứ Basque, vùng Catalunya và Aragon, hôm qua đến lượt thành phố Aranda de Duero, với 32.000 dân, cách thủ đô Madrid 150km về phía bắc, bị phong tỏa ít nhất trong vòng 14 ngày.
Tại Đức, hai trường học ở miền bắc phải đóng cửa sau khi xuất hiện nhiều ca nhiễm, chỉ vài ngày sau khi khai giảng. Berlin ra quy định từ hôm nay 08/08, tất cả những người trở về từ vùng có nhiều nguy cơ lây nhiễm bắt buộc phải làm xét nghiệm Covid-19.
Còn tại Anh Quốc, nhiều nơi như thành phố Preston, Leicester … các biện pháp phong tỏa cũng được thắt chặt. Kể từ hôm nay, du khách trở về từ Bỉ, Andorre và Bahamas sẽ bị cách ly 14 ngày. Nhìn sang Ireland, 3 vùng với 368.000 dân sẽ bị phong tỏa trở lại kể từ nửa đêm 08, rạng sáng 09/08.
Phương pháp xét nghiệm coronavirus của Nam Hàn
đang dần trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu
Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Phương pháp xét nghiệm drive-through sáng tạo của Nam Hàn đối với coronavirus, cho phép lấy mẫu từ các tài xế chỉ trong 10 phút, hiện đang dần trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu.
Đầu tuần này, Bộ Thương mại thông báo rằng “K-Quarantine drive-through” của họ vượt qua giai đoạn đầu tiên trong các thủ tục để được áp dụng như một tiêu chuẩn quốc tế mới. Bộ Thương mại cho biết Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế, một cơ quan thiết lập tiêu chuẩn, bỏ phiếu ủng hộ đề nghị này. Nhưng việc hoàn thành thủ tục và thiết lập chương trình thử nghiệm như một tiêu chuẩn quốc tế sẽ mất ba năm nữa.
Quá trình này đòi hỏi nhiều giai đoạn bỏ phiếu và thu thập ý kiến từ các chuyên gia trên khắp thế giới. Từng là quốc gia bị lây nhiễm nhiều thứ hai sau Trung Cộng, Nam Hàn khống chế đại dịch với mô hình xét nghiệm hàng loạt “3T”, tích cực truy tìm dấu vết tiếp xúc và điều trị hiệu quả.
Xét nghiệm drive-through, lần đầu tiên được thực hiện vào cuối tháng 2 để đối phó với một đợt gia tăng số lượng ca bệnh, cho phép những người có triệu chứng lái xe đến trung tâm thử nghiệm và hạ cửa kính xe để được lấy mẫu trong vài phút, thay vì chờ đợi hàng giờ xếp hàng trong bệnh viện.
Phương pháp này giúp các cơ quan y tế kiểm tra khoảng 20,000 người mỗi ngày. Kể từ đó, biện pháp này được các nước như Hoa Kỳ, Đức và Pháp áp dụng. Vào hôm thứ Sáu (7/8), Nam Hàn báo cáo tổng cộng 14,519 trường hợp nhiễm coronavirus, trong đó có 20 trường hợp mới. Số người thiệt mạng của nước này hiện đang là 303. (BBT)
Covid-19 : Châu Âu cố tránh làn sóng thứ hai
Thanh Phương
Bên cạnh hai vụ nổ kinh khủng ở Beyrouth tàn phá nặng nề thủ đô Liban, dịch Covid-19 vẫn là đề tài bao trùm thời sự tuần này. Vào lúc số ca tử vong trên thế giới đã vượt qua ngưỡng 700.000 và dịch bệnh vẫn hoành hành dữ dội ở châu Mỹ, các nước châu Âu đang cố tránh một làn sóng thứ hai.
Pháp: Bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời
Tại Pháp, ngày 04/08/2020, Hội đồng Khoa học, cố vấn cho chính phủ về phòng chống dịch virus corona, đã cảnh báo là dịch bệnh sẽ không thể kiểm soát được, nếu người dân lơ là các biện pháp giãn cách xã hội. Họ còn dự báo là rất có thể làn sóng dịch thứ hai sẽ đến vào mùa thu hoặc mùa đông năm nay.
Vấn đề là tại Pháp, việc xét nghiệm, truy tìm và cách ly các ca nhiễm virus corona còn quá chậm, theo nhận xét của Hội đồng Khoa học. Cho nên, họ yêu cầu chính phủ phải cải thiện hơn nữa việc tiếp cận các xét nghiệm vì hiện nay người dân phải chờ rất lâu mới được xét nghiệm.
Các thành viên của Hội đồng Khoa học cũng một lần nữa khẩn thiết kêu gọi dân Pháp nên tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp ngăn ngừa, như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng nước tẩy trùng… Các nhà lãnh đạo chính trị, từ tổng thống Emmanuel Macron, cho đến thủ tướng Jean Castex cũng đã ra lời kêu gọi như vậy, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Pháp đang tăng tốc: kể từ nay mỗi ngày lại có thêm hơn 1.000 người bị nhiễm Covid-19. Số bệnh nhân nặng phải nằm trong phòng hồi sức cũng đang tăng trở lại, sau khi đã giảm liên tục từ đầu tháng 4
Trước tình hình đó, ngày càng có nhiều thành phố của Pháp bắt buộc người dân đeo khẩu trang ngoài trời, bên cạnh quy định phải đeo khẩu trang tại những nơi công cộng khép kín, đã có hiệu lực từ ngày 20/07. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời đã được áp dụng từ ngày 03/08 tại một số thành phố như Lille, Nice, Biarritz và Saint-Malo. Từ ngày 05/08, tại Toulouse, khi đi đến những khu vực có đông người qua lại, người dân cũng phải mang khẩu trang.
Cũng từ hôm đó, quy định tương tự có hiệu lực tại hai thành phố của Hà Lan, cụ thể là khu “Đèn đỏ” ở Amsterdam và các khu thương mại ở Rotterdam. Về phần Ireland, chính phủ nước này cũng quyết định là kể từ ngày 10/08 sẽ bắt buộc đeo khẩu trang trong các cửa hàng và các thương xá.
Ireland : Số ca nhiễm tăng đáng ngại
Tại Ireland, tuy chưa phải là làn sóng thứ hai, nhưng đang có nhiều xu hướng đáng lo ngại. Số ca lây nhiễm Covid-19 tăng trở lại với mức độ chưa từng có từ hai tháng qua. Các giới chức y tế kêu gọi dân chúng nên cẩn trọng hơn bao giờ hết. Từ Dublin, thông tín viên Emeline Vin gởi về bài tường trình ngày 06/08/2020:
« Tính trung bình có gần 50 người được xét nghiệm dương tính với Covid-19 mỗi ngày. Điều gây quan ngại cho bác sĩ trưởng Ronan Glynn, đó là tuyệt đại đa số các ca nhiễm mới là những người dưới 45 tuổi, tức là những người khó mà tự cách ly, vì lý do gia đình, nghề nghiệm hoặc vì họ cảm thấy an toàn.
Một yếu tố khác gây lo ngại cho các bác sĩ : khi có người bị lây nhiễm, những người được biết là đã tiếp xúc với ca bệnh đó lại không chịu đi xét nghiệm, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm nhưng không có triệu chứng. Trong tuần qua, hơn 10% ca nhiễm mới không có liên quan gì đến một nhóm, điều này một lần nữa cho thấy là virus đang lan truyền một cách không thể kiểm soát được.
Trong một thông cáo, bác sĩ Ronan Glynn một lần nữa cảnh báo là tuyệt đối phải giữ khoảng cách an toàn và giới hạn các tiếp xúc. Ông viết : « Chúng ta phải bảo đảm là mọi người trong chúng ta nỗ lực hết mình để bảo vệ người khác ».
Xu hướng này, nếu được xác nhận trong tuần này, có thể đe dọa đến việc mở lại những khu vực cuối cùng nền kinh tế hiện còn bị đóng, đầu tiên là các quán rượu ( pub). Bộ trưởng Y Tế cho biết là chính phủ sẽ cố đạt được mục tiêu là toàn bộ trẻ em có thể trở lại trường vào cuối tháng này. »
Chính phủ Ireland cuối cùng đã quyết định tạm hoãn giai đoạn cuối của việc dỡ bỏ phong tỏa, tức là chưa mở lại các quán rượu và các khách sạn.
Anh Quốc tăng tốc xét nghiệm
Cũng trong nỗ lực ngăn chận làn sóng thứ hai, vào đầu tuần, chính phủ Anh thông báo là từ đây đến mùa thu sẽ tiến hành hàng triệu xét nghiệm Covid-19 nhờ vào các công nghệ mới, có thể giúp xét nghiệm nhiều người hơn trong một thời gian nhanh kỷ lục. Từ Luân Đôn, thông tín viên Elodie Goulesque gởi về bài tường trình ngày 04/08/2020 :
« Đây là một vấn đề nhạy cảm, thế nhưng lần này, chính phủ Anh có vẻ rất tự tin : khả năng xét nghiệm Covid-19 sẽ tăng từ 220 ngàn mỗi ngày lên thành nữa triệu từ đây đến tháng 10. Thông báo này do bộ trưởng Y Tế Matt Hancock đưa ra hôm 03/08 vào lúc mà Anh Quốc muốn tăng cường khả năng chống đở virus corona trong mùa đông này.
Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ Luân Đôn đã đầu tư vào 5.000 máy xét nghiệm có thể cho kết quả trong vòng 90 phút. Ngoài việc cho kết quả nhanh như vậy, công nghệ mới này còn xác định được là bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 hay chỉ bị cảm cúm, từ đó quyết định xem có cần cách ly người này không. Một công nghệ khác có thể giúp phân tích đến 15 ngàn xét nghiệm mỗi ngày và xác định được việc lấy
mẫu xét nghiệm có đã được lấy đúng cách hay không, và như vậy là tránh gặp phải những kết quả âm tính sai lạc.
Thông báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh rất phức tạp đối với chính phủ. Từ đầu khủng hoảng Covid-19 đến nay, nhà chức trách Anh Quốc đã bị chỉ trích rất nặng nề về tình trạng thiếu phương tiện xét nghiệm, nhất là trong các viện dưỡng lão. Anh Quốc hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất châu Âu, với hơn 300.000 người được xét nghiệm dương tính. »
Đức : Mùa tựu trường gây tranh cãi
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới cũng đang tăng trở lại từ hơn hai tuần qua tại Đức, mùa tựu trường đang gây nhiều tranh cãi. Tại nước này, tựu trường thường trải dài nhiều tuần lễ. Riêng trong vùng Mecklembourg, gần bờ biển Baltique, hôm 04/08/2020, 150.000 em đã là những học sinh đầu nhập học kể từ khi các trường ở Đức đóng cửa do tình hình dịch Covid-19.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibault gởi về bài tường trình ngày 05/08 :
« Khác với các bang khác ở miền đông nước Đức, vùng này ít bị dịch, cho nên chính quyền địa phương đã quyết định cho nhập học gần như bình thường. Trái với những gì được quyết định ở các vùng khác, chính quyền địa phương không bắt buộc phải mang khẩu trang cả bên ngoài, lên bên trong khuôn viên các trường và trong phòng học. Người dân chỉ được yêu cầu tuân thủ các biện pháp thông thường về vệ sinh và phòng ngừa dịch bệnh.
Để tránh phải đóng cửa hoàn toàn một trường nếu phát hiện các ca nhiễm Covid-19, họ đã lập các nhóm có thể lên tới 400 em, quy tụ nhiều lớp khác nhau. Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, nhóm này không được tiếp xúc với nhóm kia. Như vậy là khi có các ca nhiễm, chỉ có một bộ phận học sinh bị cách ly. Nhưng những em đã đi nghỉ hè tại các nước có nguy cơ lây nhiễm cao sẽ phải bị cách ly, trừ khi có kết quả xét nghiệm hai lần đều âm tính.
Giáo viên có quyền đi xét nghiệm mỗi hai tuần một lần nếu muốn. Tuy vậy, một số giáo viên không cảm thấy an tâm. Nhưng người thuộc nhóm có nguy cơ cao thì sẽ làm việc từ nhà. Các phụ huynh trong vùng hoan ngênh việc con em họ nhập học gần như bình thường.
Các bang khác thì ban hành các quy định khắt khe hơn, buộc thầy trò phải đeo khẩu trang khi di chuyển trong hành lang của trường. Có bang còn muốn bắt buộc đeo khẩu trang trong các phòng học. »
Peru vượt ngưỡng 20.000 ca tử vong
Dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành dữ dội tại các nước châu Mỹ Latinh, trong đó có cả Peru, nay đã trở thành một trong 10 quốc gia bị dịch nặng nhất thế, với gần 500.000 ca nhiễm virus corona. Ngày 04/08 vừa qua, số ca tử vong tại nước này đã vượt ngưỡng 20.000 người. Những lý do nào khiến tình hình dịch bệnh tại Peru trầm trọng như thế ? Từ Lima, thông tín viên Wyloën Munhoz- Boillot giải thích trong bài tường trình gởi về ngày 06/08:
« Tại Peru, kể từ khi chấm dứt phong tỏa toàn diện vào tháng 7, số người chết vì virus corona không ngừng tăng lên, đến mức trung bình 200 ca tử vong mỗi ngày. Đối với ông Farik Matul, nguyên là thành viên ủy ban chuyên gia về Covid-19 của bộ Y Tế và là cựu viện trưởng Viện Quốc gia Thống kê, sự gia tăng này rõ ràng có liên quan đến việc dỡ bỏ phong tỏa và khởi động lại một số hoạt động kinh tế vào tháng trước. Ông nói : « Khi chúng ta quyết định khởi động lại một số lĩnh vực kinh tế như vận tải hành khánh liên tỉnh, thủ đô Lima, tâm chấn của dịch Covid-19, đã « xuất khẩu » những ca nhiễm đến các tỉnh và các vùng mà cho tới nay không có dịch, hậu quả là có nhiều người chết tại những nơi này. »
Với 600 ca tử vong trên mỗi 1 triệu dân, Peru nằm trong số 5 quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, hơn cả Brazil và Hoa Kỳ ( theo thống kê của đại học Mỹ Johns Hopkins ). Ấy là chưa tính đến con số 30.000 ca tử vong « rất có thể » là do virus corona, mà bộ Y Tế đang điều tra.
Đối với nhà truyền nhiễm học Ciro Maguina, tỷ lệ tử vong cao như vậy không chỉ là do hệ thống y tế của Peru quá tồi tệ, mà còn vì có rất nhiều người chết do đã bị mắc những căn bệnh khác. Bà nói : « Bệnh béo phì đã gia tăng rất mạnh trong những năm gần đây ở Peru. Ở miền bắc, nơi mà hệ thống y tế đã suy sụp, cũng có rất nhiều người bị tiểu đường. Theo tôi, chính điều đó khiến cho Peru có tỷ lệ tử vong cao như thế. ».
Thật vậy, trên 20.000 ca tử vong do Covid-19 được thống kê cho đến nay ở Peru, có đến 85% bị béo phì, 43% bị tiểu đường và 27% bị huyết áp cao, theo thống kê của bộ Y tế. »
Nhưng quốc gia chiếm hạng đầu ở châu Mỹ Latinh vẫn là Brazil, hiện sắp vượt ngưỡng 100.000 ca tử vong và ngay từ tháng 10, số người chết sẽ tăng gấp đôi, tức là lên đến 200.000, nếu cứ theo đà gia tăng như hiện nay, theo lời cảnh báo của giáo sư Domingos Alves, chuyên gia về các số liệu thống kê Covid-19, khi trả lời hãng tin AFP ngày 06/08/2020.
Bất bình với Mỹ, Đức-Pháp
rời các cuộc thảo luận về cải tổ WHO
Đức và Pháp rút lui khỏi các cuộc thảo luận bàn về cải cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì bất bình với những nỗ lực của Mỹ muốn dẫn đầu các cuộc thương thuyết dù là Mỹ đã quyết định rời WHO, ba giới chức nói với Reuters.
Động thái này bất lợi cho Tổng thống Donald Trump vào lúc Washington, hiện là chủ tịch luân phiên của khối G7, hy vọng công bố một lộ trình chung cải cách sâu rộng WHO vào tháng 9, hai tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Hoa Kỳ vào tháng 7 báo trước cho WHO một năm để rời khỏi cơ quan Liên hiệp quốc-vốn được thành lập để cải thiện y tế toàn cầu- sau khi ông Trump cáo buộc WHO quá thân với Trung Quốc và xử lý sai lầm đại dịch virus corona.
WHO bác bỏ những cáo buộc này. Các chính phủ Châu Âu cũng chỉ trích WHO nhưng không đi xa như Mỹ. Quyết định của Paris và Berlin rời bàn thương thuyết diễn ra sau những căng thẳng về việc mà các nước này cho rằng nỗ lực của Washington muốn ‘thống lĩnh’ các cuộc đàm phán.
“Không ai muốn bị lôi kéo vào một tiến trình cải tổ để có một phác họa cải tổ từ một nước mà chính bản thân đã rời bỏ WHO,” một giới chức cao cấp Châu Âu có liên hệ đến những cuộc thảo luận nói.
Bộ Y tế Đức và Pháp xác nhận với Reuters là hai nước chống lại việc Mỹ hướng dẫn các cuộc thảo luận sau khi loan báo ý định rút lui.
Một phát ngôn viên Bộ Y tế Ý nói việc soạn thảo tài liệu cải tổ đang được tiến hành, tuy nhiên ông nói thêm là lập trường của Ý phù hợp với Paris và Berlin.
Được hỏi về lập trường của Pháp và Đức, một giới chức cao cấp trong chính quyền Mỹ nói: “Tất cả các thành viên G7 đều công khai ủng hộ cốt lõi những sáng kiến cải tổ WHO.”
“Dù sao, thật đáng tiếc là Đức và Pháp cuối cùng quyết định không tham gia ủng hộ lộ trình này,” ông nói.
Các cuộc thảo luận về việc cải tổ WHO bắt đầu cách đây 4 tháng. Đã có gần 20 cuộc họp trực tuyến giữa các Bộ trưởng Y tế nhóm 7 nước công nghiệp G7, cùng hàng chục cuộc họp của các nhà ngoại giao và những giới chức khác.
Các giới chức Mỹ không cho biết các cải cách Washington mưu tìm là gì. Tuy nhiên, một lịch trình cải tổ sơ khởi do Washing đề nghị được nhiều đồng minh Mỹ xem là quá khắt khe, với một giới chức Châu Âu liên hệ đến những cuộc thương thuyết mô tả là “thô bạo”.
Dù có những thay đổi trong văn bản nguyên thủy, nhưng thúc đẩy của Washington vẫn không chấp nhận được, chính yếu là đối với Đức, các nguồn tin thân cận với những cuộc thương thuyết nói.
Tổng Thống Pháp
đến thăm hiện trường vụ nổ ở Beirut
Tin từ BEIRUT, Lebanon – Khi đến thăm một khu phố bị tàn phá bởi vụ nổ khổng lồ trong tuần này tại cảng ở Beirut, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhìn thẳng vào mắt các cư dân, cam kết sẽ gửi thực phẩm và theo đuổi một sáng kiến chính trị mới, đồng thời bày tỏ sự đau buồn cho những người thiệt mạng và đẩy một vệ sĩ sang một bên để ôm một người phụ nữ.
Theo tin từ NYTIMES, Chưa đầy 48 giờ sau vụ nổ làm rung chuyển thủ đô của Lebanon, giết chết ít nhất 145 người và khiến toàn bộ khu dân cư gần như không thể cư trú được, vào hôm thứ Năm (6/8), tổng thống Emmanuel Macron thực hiện điều mà không một chính trị gia Lebanon cao cấ[ nào từng làm: Ông đến hiện trường để tận mắt chứng kiến sự đau khổ của người dân.
Sự khác biệt không hề bị người dân Lebanon phớt lờ. Khi họ dọn dẹp đống đổ nát khỏi đường phố và nhà cửa, chôn cất người thiệt mạng và suy nghĩ về hàng tỷ mỹ kim cần thiết để sửa chữa tài sản, họ không nhận thấy dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo chính trị của họ sẽ giúp đỡ trong lúc hoạn nạn. Khi thiệt hại từ vụ nổ vào hôm thứ Ba – và những dấu hiệu cho thấy sự thờ ơ của chính phủ dẫn đến vụ nổ – trở nên ngày càng rõ ràng, nỗ lực phục hồi đa phần là do người dân Lebanon gánh vác, trong khi các quốc gia trên toàn cầu góp phần hỗ trợ. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-phap-den-tham-hien-truong-vu-no-o-beirut/
Covid-19 : Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới
cao nhất tính từ tháng Năm
Thùy Dương
Tại Pháp, dịch bệnh có xu hướng lây lan nhanh. Theo tổng kết thường nhật vào chiều tối hôm qua 07/08/2020 của tổng vụ Y Tế, thuộc bộ Y Tế, nước Pháp ghi nhận 2.288 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, con số cao nhất tính từ tháng Năm đến nay.
Tổng vụ Y Tế lưu ý là « các chỉ số về dịch bệnh đều nghiêm trọng hơn và cho thấy virus corona đang lây lan mạnh hơn trên toàn lãnh thổ, đặc biệt là ở thanh niên ». Hôm qua, cơ quan y tế ghi nhận số ca tử vong trong vòng 24 giờ là 11 người. Số ổ lây nhiễm mới được phát hiện là 22. Trong tuần này, Pháp đã ghi nhận thêm 9.330 ca nhiễm mới. Số ca dương tính ở những người xét nghiệm cũng đã tăng 33% trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, điều an ủi là số bệnh nhân nặng điều trị tại khoa hồi sức tích cực đã giảm nhẹ xuống còn 383 ca.
Trong bối cảnh dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng ngoài trời ngày càng được áp dụng ở nhiều thành phố lớn đông dân, có nhiều lễ hội và các thành phố thu hút nhiều du khách.
Tại Marseilles, thành phố miền nam Pháp, nơi có đến 8 ổ lây nhiễm, kể từ hôm nay 08/08, người dân bắt buộc đeo khẩu trang ở những khu vực đông người qua lại. Ở khu du lịch Vieux-Port tại trung tâm thành phố, đeo khẩu trang là bắt buộc từ 10h sáng đến 4h sáng hôm sau. Còn ở những nơi có nhiều hoạt động vui chơi giải trí về đêm, biện pháp này có hiệu lực từ 19h đến 4h sáng hôm sau.
Tỉnh Ille-et-Vilaine, vùng Bretagne, cũng cho áp dụng biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang kể từ hôm nay tại các khu trung tâm, những nơi đông người qua lại ở các thành phố Rennes, Saint Malo, Cancale và Vitré. 50% số ca nhiễm mới ở vùng Bretagne tập trung tại tỉnh Ille-et-Vilaine. AFP cho biết, trong toàn tỉnh, biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang còn được áp dụng ở các khu chợ họp ngoài trời.
Freiburg, thành phố Đức ‘900 tuổi trẻ’ bên Rừng Đen
Kat Barber
‘Trẻ trung 900 tuổi’, câu khẩu hiệu táo bạo khắc vào bên hông xe điện khi nó lao xao chạy qua khu Phố Cổ lịch sử của thành phố Freiburg im Breisgau.
Kỷ niệm 900 năm ra đời kể từ khi bắt đầu là khu định cư của thương nhân vào năm 1120, thành phố có từ thời Trung Cổ của Đức nép mình dưới chân Rừng Đen, gần tam giác biên giới giữa Thụy Sĩ, Pháp và Đức này phải nói là khá lâu đời.
Cái nôi của sáng tạo
Tuy nhiên, thành phố này vẫn đầy sức sống thanh xuân.
Basel, thành phố Thuỵ Sĩ giàu có và ‘quậy ngầm’
Xây nhà vào lớp băng vĩnh cửu ở cực Bắc thế giới
Lord Howe, hòn đảo ‘khó tính’ nhất nước Úc
Khoảng 10% trong số 220.000 cư dân thành phố theo học tại Đại học Albert Ludwig danh giá, khiến nơi đây nằm trong nhóm dân số trẻ nhất nước Đức.
Thị trưởng Martin Horn còn chưa đến 34 tuổi khi ông khai trương tòa nhà Tòa Thị chính hồi năm 2018.
Những ngôi nhà bán mộc sặc sỡ và những con đường lát đá cuội không xe nằm dọc theo Phố Cổ, trên thực tế, còn khá mới, do chúng đã được tái thiết một cách khá nguyên bản sau khi bị đánh bom trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Tất cả những yếu tố này khiến Freiburg trở thành một trong những thành phố đáng sống, cấp tiến, bền vững và thân thiện với trẻ em nhất của Đức, nếu không muốn nói là của thế giới.
Vì vậy, vào lúc thành phố nhớ về lịch sử 900 năm qua của nó, tôi có mặt ở đó để tìm hiểu xem điều gì giúp Freiburg trở thành một thành phố của tương lai.
Đối với hầu hết mọi người, bước ngoặt bền vững của thành phố có thể được truy về tháng 2/1975.
Hàng ngàn người biểu tình đã cắm trại trong vòng chín tháng trên một miếng đất cách Freiburg 30km về phía bắc, nằm sâu trong Rừng Đen.
“Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa vào thời điểm đó có gốc rễ đoàn kết sâu xa,” Axel Mayer, người tham gia sự kiện này và hiện là giám đốc điều hành của BUND (Liên đoàn Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên Đức) cho biết.
Mặc dù phong trào này là do người dân địa phương dẫn đầu, nhưng nhóm biểu tình trung dung đã mở rộng ra để đón nhận các nhà hoạt động cánh tả, người trồng nho nấu rượu ở Alsace, người trượt tuyết, nông dân, kiến trúc sư, bác sĩ, nhà giáo dục, nhà báo, nhà soạn nhạc giao hưởng và cảnh sát Đức, tất cả đoàn kết trong sứ mạng ngăn chặn đề xuất xây dựng nhà máy điện hạt nhân Wyhl.
Khi những chiếc xe tải lăn bánh trở ra chín tháng sau đó và việc xây dựng bị dừng lại vĩnh viễn, ví dụ thành công của việc vận động do công dân lãnh đạo này đã khiến Freiburg trở thành cái nôi cho cách nghĩ sáng tạo và sản sinh ra phong trào xanh.
Trong những thập kỷ tiếp theo, Freiburg đã nhanh chóng phát triển thành trung tâm nghiên cứu kinh tế môi trường và năng lượng mặt trời với lý lịch xanh đầy ắp thành tích:
1994: xây Heliotrope, ngôi nhà bội năng lượng đầu tiên trên thế giới
2002: Bầu thị trưởng Đảng Xanh đầu tiên của nước Đức, Dieter Salomon
2002: Giành giải thưởng quốc tế Dubai Cách làm Tốt nhất dành cho phát triển bền vững
2010: Giành giải thưởng toàn quốc dành cho nỗ lực bảo vệ khí hậu
2012: Được vinh danh là thành phố bền vững nhất ở Đức
2017: Tòa thị chính mới trở thành công sở đầu tiên trên thế giới sản xuất năng lượng dư thừa
Thành phố của xe đạp
Năm ngoái, Freiburg đã mời khoảng 25.000 quan chức và nhà quy hoạch đô thị từ khắp nơi trên thế giới đến học tham khảo các dự án đột phá này.
Nhờ sự chia sẻ kiến thức này mà Padua, một thành phố chị em ở bắc Ý, đã thiết lập trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất Ý; trong khi thành phố Madison ở bang Wisconsin, Mỹ, hiện đang quy hoạch một Trung tâm Bền vững dựa trên mô hình Trung tâm Năng lượng Mặt trời ở Freiburg.
Lý do khiến người Phần Lan luôn trung thực
Lễ Quốc khánh của một quốc gia không tồn tại
Đâu là nơi phát minh ra đồng đô la?
Nhiều người trong số những vị khách này đã được hướng dẫn viên của tôi trong ngày, Andrea Philipp từ cơ quan bền vững Aiforia, đưa đi thăm các nơi.
“Chúng tôi tổ chức rất nhiều tour, đôi khi bốn tour một ngày,” cô nói với tôi. “Chúng tôi đã phải hứa với người dân địa phương là chúng tôi sẽ không mở tour vào các ngày Chủ Nhật nữa để cho họ nghỉ ngơi.”
Lúc đó chúng tôi đang ở trạm xe đạp Freiburg, một tòa nhà hình trụ đồ sộ ngay phía sau nhà ga xe lửa chính.
“Tôi không có xe hơi và tôi không cần xe hơi. Bạn có thể đạp xe đi khắp nơi ở Freiburg,” Philipp nói thêm, khi tôi mở khóa chiếc xe đạp thuê. Với 400km đường dành cho xe đạp và số lượng xe đạp gấp đôi ô tô, Freiburg là thiên đường của người đi xe đạp.
Thiết kế có chủ ý này có thể bắt nguồn từ thời kỳ hậu chiến. Trong khi các thành phố khác của Đức đang tập trung vào việc xây dựng lại thành phố hiện đại vốn xem xe hơi là trọng tâm của giao thông trong tương lai, thì các nhà quy hoạch ở Freiburg đã có cách tiếp cận khác, đưa thiết kế của họ tập trung vào giao thông công cộng.
Bởi vậy, họ mở rộng các con đường để xe điện có thể chạy và làn đường dành cho xe đạp, bao gồm cả khu vực rộng lớn dành cho khách bộ hành.
Tại thời điểm phần lớn nước Đức đang xây dựng đường cao tốc rộng lớn và những bãi đỗ xe trải rộng, Freiburg đã đưa ra chính sách giao thông đô thị đầu tiên vào năm 1969 vốn tập trung vào các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Sau khi tham khảo bản đồ Thành phố Xanh miễn phí trình bày tất cả các sáng kiến xanh của thành phố, chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan, băng qua cầu Wiwilíbrücke màu xanh mang đầy tính biểu tượng và đi tới Chợ Nhà Nông ở Quảng trường Thánh đường.
Dưới bóng của tòa tháp Gothic thế kỷ 13, mỗi buổi sáng (trừ Chủ Nhật), quảng trường tấp nập với các nông sản tại chỗ từ 96 chủ gian hàng địa phương.
Phần lớn các sản phẩm bày bán là nông sản hữu cơ, nhờ việc công ty đăng ký là thành viên của hệ thống hợp tác xã Bio-Städte của Đức, vốn khuyến khích canh tác hữu cơ.
Tốt với môi trường
Sau khi ăn thử món xúc xích Lange Rote (có nghĩa là đỏ dài) dài 35cm, biểu tượng yêu thích của thành phố, chúng tôi rời Phố Cổ dọc theo FR1, đường cao tốc dành riêng cho xe đạp vốn cho phép 15.000 người chạy xe mỗi ngày dọc theo lộ trình dài 10km.
Khi chúng tôi đạp xe dọc theo dòng sông Dreisam chảy xiết, Philipp nói với tôi về một dự án hồi phục thiên nhiên mang tính có qua có lại về môi trường để bù đắp cho việc mở rộng tuyến đường xe lửa gần đó.
“Họ đang để dòng sông tràn qua phía hữu ngạn để mở rộng gấp đôi lòng sông và chào đón chim chóc và côn trùng trở lại,” cô nói.
Vào những ngày có trận đấu bóng đá, một biển người hâm mộ bóng đá đi dọc theo đường FR1 để đến sân Schwarzwald-Stadion, sân cỏ 24.000 chỗ ngồi chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên của Đức, vốn là sân nhà của các người hùng địa phương của đội bóng SC Freiburg.
Kể từ khi các tấm pin mặt trời được lắp vào mái của khán đài chính vào năm 1993, sân bóng đã sản xuất 250.000 kilowatt giờ mỗi năm, cung cấp năng lượng cho sân bóng và chuyển lượng dư thừa nào vào lưới điện địa phương.
Cũng mượn phương châm thiết kế này, sân vận động Freiburg mới vốn rất được chờ đợi cũng tích hợp các tấm pin mặt trời lên mái nhà và tái chế năng lượng được tạo ra từ một nhà máy sản xuất gần đó để sưởi ấm sân vận động.
Mở rộng thêm 10.000 chỗ ngồi nữa, sân cỏ này sẵn sàng để tổ chức trận đấu đầu tiên vào cuối năm 2020.
Đối với người dân địa phương theo đuổi những sở thích gần với thiên nhiên hơn, Rừng Đen bao quanh thành phố là nơi ẩn dật chào đón họ.
Dãy núi rộng lớn có các lối đi bộ, vườn cộng đồng, vườn phân bổ, đường chạy BMX dành cho xe đạp và những túp lều nhỏ trong rừng của mấy trường mẫu giáo.
Konstantin Hoffmann, vốn sinh ra ở Freiburg thiết tha nhớ lại ông đã có mối liên hệ như thế này với thiên nhiên thời thơ ấu.
“Lớn lên ở Freiburg có nghĩa là cho dù ở bất cứ nơi đâu, bạn đều có thể thấy núi với rừng,” ông nói. “Khi tôi còn nhỏ xíu, trường mẫu giáo thường dẫn chúng tôi vào khu rừng gần nhất. Tôi có thể nói rằng bởi vì tôi có sự ràng buộc sớm với thiên nhiên như thế, môi trường và sự bền vững đã ăn sâu vào suy nghĩ của tôi.”
Nằm cách trung tâm thành phố chỉ 3km, khu dân cư Vauban được quy hoạch ở ngoại ô vốn được ca ngợi nhiều cốt lõi cũng có triết lý ý thức về môi trường như thế.
Ở đây, sự tham gia của công dân đi đôi với ‘công trình tập thể’ – nơi người dân cùng nhau mua một mảnh đất và xây dựng tòa nhà căn hộ, thay vì mỗi người mua một căn hộ từ một công ty phát triển địa ốc – và chính sách môi trường đầy tham vọng.
Về cơ bản, “người dân ở đây sống xanh hơn, tìm giải pháp thay thế nhiều hơn và mang tính xã hội hơn,” Hoffmann cho biết.
Cộng đồng 5.500 cư dân của Vauban sống trong các căn hộ tập thể, hộ cá thể hoặc nhà ở xã hội gắn kết chặt chẽ nằm trải rộng trên diện tích 40 ha ở ngoại ô.
Tất cả các nhà ở đều tuân thủ tiêu chuẩn xây dựng tiêu thụ ít năng lượng thấp của Freiburg là 65 kWh/m2, và năng lượng tối thiểu được đưa vào là năng lượng sản xuất tại chỗ từ các hệ thống sưởi ấm chạy bằng gỗ dăm nằm trong khu vực.
Thành phố không xe hơi
Các khu vườn giữa các sân thượng, kho trữ đựng thực phẩm dùng chung, bể phân hủy chất hữu cơ, hội thảo về cách giải quyết xung đột và siêu thị hợp tác xã, không thể nào mà liệt kê hết các dự án xã hội mà cộng đồng này điều hành, nên thay vào đó Philipp nói cho tôi nghe về một thứ mà thành phố không có: xe hơi.
Ở Vauban, tỷ lệ sở hữu xe hơi vào khoảng 172 xe trên 1.000 dân, so với 393 ở vùng Freiburg mở rộng và 531 ở khu đô thị công nghiệp Stuttgart gần đó.
Nhiều đường phố nơi bạn nghĩ là sẽ có xe đậu đã được mô phỏng lại như một sân chơi ngõ cụt dành cho trẻ em.
Điều hiển nhiên là sở hữu xe hơi là cách dễ dàng nhất để tự sát xã hội ở Vauban. “Thường xuyên xảy ra chuyện giữa hàng xóm với nhau nếu có ai đó đậu xe ở khu vực đó quá lâu hoặc không cho biết họ có xe hơi,” Philipp nói.
Những người khác còn đi xa hơn một bước là giấu xe của họ ở các thị trấn lân cận để tránh những ánh nhìn buộc tội.
Trong thị trấn, 50 Bugginger Strasse là địa chỉ của một trong những dự án trẻ hóa tham vọng nhất của thành phố.
Tòa cao ốc 16 tầng sừng sững trên đầu dường như không có gì ấn tượng, với sự kết hợp các ban công bên ngoài ốp các tấm màu xanh lá cây và xanh nước biển – yếu tố duy nhất bắt mắt.
Nhưng Philipp giải thích rằng thực ra đây là tòa cao ốc năng lượng thụ động đầu tiên trên thế giới mà trong đó nhiệt được tạo ra từ các thiết bị điện bên trong, thân nhiệt và những thứ như bóng đèn thay vì hệ thống sưởi ấm truyền thống.
Mười năm trước, các nhà quy hoạch đô thị Stadtbau đã bắt tay vào một dự án tái phát triển khổng lồ mà theo đó 90 căn hộ ban đầu được thiết kế lại để có chỗ cho 139 căn nhà trước tình trạng thiếu hụt nhà ở ở Freiburg.
Thông qua hệ thống chiếu sáng và thang máy tiết kiệm năng lượng, các tấm pin mặt trời, cửa sổ ba lớp và hệ thống năng lượng từ nhiệt thải thụ động mới trên gác mái, họ đã giảm sử dụng năng lượng đến 78%, giúp tòa nhà được xây vào năm 1968 này tuân theo những tiêu chuẩn ngặt nghèo của thành phố.
Mọi người thậm chí còn nghĩ đến tính kết dính xã hội. “Nếu ai đó chuyển đi, cư dân ở các tầng sẽ bỏ phiếu xem ai là người mà họ muốn cho chuyển vào ở. Cho nên, nếu bạn không muốn có một hàng xóm chơi guitar, bạn có thể nói không,” Philipp cười nói.
Nằm cách 2 km về phía đông, có lẽ không có bằng chứng nào thuyết phục hơn về cam kết bền vững của thành phố là Tòa Thị chính mới.
Bên trong thoáng và sáng, nơi này trông giống như sân trong rộng rãi của một thương xá hiện đại hơn là tòa nhà chính phủ.
Bên ngoài tòa nhà được lắp 4.000 mét vuông các module năng lượng mặt trời, đem lại cho nó vinh dự là công sở bội năng lượng đầu tiên trên thế giới – có nghĩa là nó sinh ra lượng năng lượng nhiều hơn nó cần và chuyển năng lượng dư thừa vào lưới điện của thành phố – khi nó khánh thành vào năm 2017.
Được thai nghén trong thời kỳ lãnh đạo 16 năm của cựu thị trưởng Đảng Xanh Dieter Salomon, các tấm pin mặt trời của tòa nhà sản xuất 560 megawatt giờ điện trong năm đầu tiên – bằng với mức sử dụng hàng năm của 140 hộ gia đình bốn người.
Vậy thì, tương lai đối một thành phố đã đẩy lùi các giới hạn sẽ như thế nào?
Thành phố này đã ghi nhận nhiều ca sinh hơn những người mới đến vào năm ngoái, vì vậy theo thời gian càng ngày nó lại càng trẻ hơn.
Với mục tiêu mới là phát thải CO2 ít hơn 50% trước năm 2030 và 100% năng lượng từ các nguồn tái tạo trước năm 2050, Freiburg đang tự tin tiếp tục hướng tới một tương lai xanh hơn nữa.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-53678084
Thảm họa nổ cảng Beyrouth :
TT Liban bác đề nghị điều tra quốc tế
Thùy Dương
Tổng thống Liban Michel Aoun bác bỏ đề nghị về một cuộc điều tra quốc tế về hai vụ nổ kinh hoàng ngày 04/08/2020 ở cảng Beyrouth khiến ít nhất 154 người chết, khoảng 60 người mất tích, hơn 5.000 người bị thương và 300.000 người lâm cảnh mất nhà cửa.
Thông báo trên được đưa ra vào ngày 07/08, trong khi theo dự kiến của tổng thống Michel Aoun và thủ tướng Hassan Diab, các kết quả đầu tiên của một cuộc điều tra sẽ được công bố vào hôm nay 08/08. Chủ tịch đoàn luật sư Beyrouth hy vọng đó là cuộc điều tra minh bạch và hiệu quả.
Từ Beyrouth, đặc phái viên RFI Pierre Olivier giải thích :
« Ngày hôm qua, 07/08, tổng thống Liban nêu ra hai khả năng để lý giải nguyên nhân vụ nổ chết người : Bất cẩn hoặc tên lửa. Các phát biểu như vậy gây rối ren thêm, trong khi các kết quả điều tra đầu tiên sẽ được công bố trong ít giờ nữa.
Melhem Khalaf, chủ tịch đoàn luật sư Beyrouth, cảnh báo ông sẽ không chấp nhận chuyện bao che trách nhiệm. Ông nói : « Cần phải điều tra nghiêm túc, độc lập và minh bạch. Chúng ta sẽ không chấp nhận tiếng nói có trách nhiệm lại không được lắng nghe. »
Ngay cả thời hạn 5 ngày có thể sẽ chưa giúp làm sáng tỏ mọi trách nhiệm về thảm họa. Melhem Khalaf đã hướng chú ý tới một số nhân vật chính trị. Ông đặt câu hỏi : « Không có bộ trưởng nào được biết sao ? Cho gọi tất cả những người đó đến để thẩm vấn ».
Nếu như điều tra không được tiến hành nghiêm túc, chủ tịch đoàn luật sư báo trước là Liban só thể bị coi như là một Nhà nước phá sản, không có khả năng bảo đảm các chức năng quản lý đất nước ».
Người dân biểu tình phản đối chính phủ
Trong khi đó, ngày 08/08, hàng ngàn, hàng chục ngàn người dân Liban chuẩn bị tham gia một cuộc biểu tình lớn để phản đối giới chính trị, tầng lớp mà họ cho phải chịu trách nhiệm về vụ nổ làm rung chuyển đất nước.
Về phía quốc tế, nhiều nước cũng như định chế quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong vài ngày qua đã gửi nhu yếu phẩm cứu trợ người dân Beyrouth, thuốc men, trang thiết bị y tế, thậm chí là lập bệnh viện khẩn cấp ở thủ đô.
AFP cho biết, ngày 07/08, Ủy Ban Châu Âu thông báo các định chế của Liên Hiệp Châu Âu sẽ tham gia một cuộc họp trực tuyến do Pháp tổ chức vào ngày 09/08 để huy động cứu trợ nhân đạo khẩn cấp giúp Liban. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều lãnh đạo khác trên thế giới cũng tham gia cuộc họp. Còn chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Micheal Charles, đến Beyrouth ngày 08/08 để bày tỏ tình liên đới của châu Âu với người dân Liban và trao đổi với giới lãnh đạo nước này.
Bầu cử Belarus :
Ba nhà đối lập nữ thách thức TT Loukachenko
Thùy Dương
Ngày 09/08/2020 là ngày bầu cử tổng thống Belarus. Trong những ngày qua, một điều bất ngờ đã xảy ra : Ba người phụ nữ hầu như không mấy tiếng tăm trên chính trường Belarus đã đoàn kết với nhau để tạo cơ hội đánh bại tổng thống đương nhiệm Alexandre Loukachenko, người đã tại vị suốt 26 năm qua.
Từ Minsk, thông tín viên đài RFI, Daniel Vallot tường trình :
« Maria Kolesnikova là phát ngôn viên của Victor Babariko, một trong những cử viên bị bắt giam gần kỳ bầu cử tổng thống. Bà Svetlana Tikhanovskaya có chồng cũng bị bắt và bà Veronika Tsepkalo thì có chồng buộc phải sống lưu vong. Họ tạo thành bộ ba nữ nhân làm sôi động đối lập Belarus trong vòng vài tuần lễ.
Bà Maria Kolesnikova nói : « Svetlana, Veronika và tôi, chúng tôi đã gặp nhau nói chuyện trong 15 phút. Rất nhanh chóng, chúng tôi đã hiểu là đều có chung một mục đích. Chúng tôi sẵn sàng đoàn kết để đạt mục đích đó ».
Mục tiêu của ba người phụ nữ, tất nhiên đó là đánh bại Alexandre Loukachenko. Ông tổng thống Belarus, người muốn tại vị suốt đời, không hề tưởng tưởng lại có thể bị bộ ba nữ nhân làm khó. Chính quyền cũng hoàn toàn bị bất ngờ.
Bà Maria Kolesnikova nói tiếp : « Họ đã không hiểu là chúng tôi rất nguy hiểm. Bây giờ thì họ hiểu và cố ngăn chặn chúng tôi, nhưng chúng tôi tránh được mọi chướng ngại vật ! »
Trong vài tuần, ba người phụ nữ liên tục tổ chức các cuộc mít tinh, tập hợp tới 60 nghìn người, đây là điều chưa từng thấy ở Belarus từ khi Liên Xô sụp đổ.
Maria giải thích: « Chúng tôi đem lại hy vọng cho mọi người lần đầu tiên từ 26 năm qua. Giờ đây, mọi người sẽ không bao giờ từ bỏ lý tưởng vì tương lai và một đất nước Belarus mới ! »
Đối lại phe đối lập bất ngờ này, Alexandre Loukachenko lên giọng cứng rắn, đe dọa đàn áp thô bạo mọi phản kháng đường phố đối với quyền lực của ông.
Ngày mai, Chủ nhật 09/08, đối lập đồ rằng sẽ có gian lận ồ ạt tại các phòng bỏ phiếu. Đối lập đề nghị cử tri gửi ảnh lá phiếu của mình cho họ để tổ chức kiểm phiếu song song với chính quyền ».
Lo sợ gian lận bầu cử
Mặc dù có khả năng huy động đám đông chưa từng có trong nước kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nhà đối lập Tikhanovskaia không muốn kêu gọi người dân biểu tình chống chính quyền, vì bà biết các cuộc biểu tình sẽ bị chính quyền đàn áp mạnh mẽ. Bà khẳng định không nhận tiền hay sự hỗ trợ của Nga để lật đổ tổng thống mãn nhiệm Loukachenko như ông từng tố cáo. Còn tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 07/08 trấn an đồng nhiệm Loukachenko là ông không muốn gây bất ổn định cho Belarus trước kỳ bầu cử.
Trong khi các nhà quan sát quốc tế độc lập, tổ chức An Ninh và Phát Triển Châu Âu (OSCE) và Hội Đồng Châu Âu đều không được chính quyền mời tham dự, nhà đối lập Tikhanovskaia không hy vọng là bầu cử sẽ diễn ra công bằng, không có chiêu trò gian lận. Ngày 07/08, Liên Hiệp Châu Âu, cũng như chính quyền Pháp, Đức và Ba Lan, kêu gọi tổng thống mãn nhiệm Alexandre Loukachenko bảo đảm là kỳ bầu cử tổng thống Belarus phải được tổ chức một cách hòa bình, đảm bảo tự do và công bằng.
Nga đề nghị giúp Philippines
vắc-xin chống Covid-19
Nga nói họ sẵn sàng cung cấp vắc-xin chống virus corona chủng mới cho Philippines, hoặc hợp tác với một công ty địa phương để sản xuất đại trà một loại vắc-xin chống Covid-19, Đại sứ Nga tại Manila cho biết hôm 7/8, giữa lúc các ca nhiễm dịch Covid-19 đang tăng vọt tại quốc gia Đông Nam Á này.
Nga dự kiến sẽ được chuẩn thuận để sản xuất một vắc-xin chống Covid-19 trong tháng này, với các liều đầu tiên được dành riêng cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống Covid.
Nhưng cuộc chạy đua toàn cầu để phát triển vắc-xin chống Covid-19 nhanh nhất có thể, đang gây lo ngại rằng đốt giai đoạn hầu tìm vắc-xin trong thời gian sớm nhất, sẽ phương hại tới sự an toàn của vắc-xin, trong bối cảnh một số nước đặt uy tín quốc gia lên trên một nền tảng khoa học vững chắc.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Đại sứ Nga tại Philippines, ông Igor Khovaev, đề nghị cung cấp vắc-xin cho Philippines. Ông nói Nga có thể đầu tư và hợp tác với một công ty địa phương để sản xuất vắc-xin.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết là đề nghị của Nga đã được chuyển tới các cơ quan thích hợp để đánh giá.
Ông Khovaev nói vắc-xin của nước ông ‘hữu hiệu và an toàn’, ông cho biết là có khoảng 20 quốc gia đã tỏ ý muốn hợp tác với Nga để tung ra các liều vắc-xin chống Covid-19.
Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte đã tìm cách thắt chặt quan hệ với Nga và cả với Trung Quốc, một phần vì ông Duterte ghét người Mỹ, đồng minh truyền thống của Philippines.
Tháng trước, ông Duterte khẩn khoản đối tác Trung Quốc hãy đặt Philippines vào thứ tự ưu tiên, nếu Bắc Kinh phát triển thành công một vắc-xin chống Covid-19.
Tính cho tới nay, Philippines ghi nhận 122.000 ca nhiễm virus Covid-19.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-de-nghi-giup-philippines-vaccin-chonng-covid/5535027.html
Sốc: 1/3 dân số Afghanistan bị nhiễm virus Vũ Hán
Phụng Minh
Đây là kết quả điều tra mới của chính phủ Afghanistan, con số rất đáng lo ngại.
Dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán tiếp tục lan rộng ra toàn cầu và nhiều quốc gia đang phải đối mặt với đợt bùng phát thứ hai. Bộ Y tế Afghanistan gần đây đã công bố một số liệu đáng báo động, ước tính rằng khoảng một phần ba dân số nước này, tương đương 10 triệu người, đã bị nhiễm bệnh viêm phổi ở Vũ Hán. Trong đó, thủ đô Kabul có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, ước tính hơn một nửa dân số đã bị nhiễm bệnh.
Theo AFP, Bộ trưởng Y tế Afghanistan, ông Ahmad Jawad Osmani cho biết tại một cuộc họp báo ngày 5/8 rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hỗ trợ kỹ thuật và các nhà chức trách Afghanistan đã xác định khoảng 9.500 người trên khắp đất nước để thử nghiệm kháng thể vi rút đã được nghiên cứu.
Ông Osmani chỉ ra rằng tỷ lệ lây nhiễm ở các trung tâm đô thị đông đúc cao hơn ở nông thôn. Theo kết quả của cuộc khảo sát ở nước này, ước tính có 31,5% dân số ở Afghanistan bị nhiễm virus viêm phổi ở Vũ Hán, nếu quy đổi dân số cả nước thì có khoảng 10 triệu người ở Afghanistan đã bị mắc bệnh. Trong đó thủ đô Kabul có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất, hơn một nửa dân số, khoảng 5 triệu người được cho là đã bị nhiễm bệnh.
Báo cáo cho biết vào tháng 2 năm nay, hàng nghìn người nhập cư đã quay trở lại Afghanistan từ nước láng giềng Iran, nguyên nhân khiến dịch bùng phát. Vào thời điểm đó, Iran là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Trung Đông.
Afghanistan có dân số hơn 30 triệu người, nhưng do khả năng kiểm tra rất hạn chế, các quan chức trước đó chỉ thống kê được hơn 36.000 trường hợp được xác nhận dương tính và hơn 1.200 trường hợp tử vong. Nếu ước tính của Bộ Y tế Afghanistan là đúng, đây sẽ là một dịch bệnh rất đáng báo động.
Sự lây lan của vi rút viêm phổi ở Vũ Hán rất kỳ lạ, và các quan chức Afghanistan cũng không tránh khỏi việc có thể trở thành nạn nhân. Theo một báo cáo của Reuters được trích dẫn bởi một quan chức y tế cấp cao ở Afghanistan vào tháng 4, ít nhất 20 quan chức trong Phủ Tổng thống Afghanistan đã bị nhiễm bệnh và nguyên nhân lây nhiễm là từ một tài liệu có virus được gửi đến Phủ Tổng thống ở Kabul.
Theo Secretchina
Phụng Minh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/soc-1-3-dan-so-afghanistan-bi-nhiem-virus-vu-han.html
Các nước dọc Sông Mê Kong được thúc giục
giải quyết tình trạng mực nước sông bị xuống thấp
Ủy Hội Sông Mê Kông hôm 7/8 kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, vì dòng nước ở sông Mê Kông xuống mức thấp kỷ lục sang năm thứ hai liên tiếp.
Giám đốc điều hành của Ban thư ký Ủy Hội Sông Mê Kông đưa ra kêu gọi vừa nêu dựa vào những thông tin từ báo cáo của Ủy Hội Sông Mê kong phát hành cùng ngày.
Theo báo cáo, mực nước xuống thấp và tình trạng hạn hán tại lưu vực hạ nguồn Sông Mê Kong do nhiều yếu tố gây nên. Ngoài những yếu tố như lượng mưa ít bởi hiện tượng khí hậu El Nino, còn có tác động của những đập thủy điện trên thượng nguồn và ở cả dưới hạ nguồn, gồm 2 đập ở Lào và 11 đập ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ban thư ký Ủy Hội Sông Mê Kông đã không thể có được dữ liệu và thông tin chính thức để xác minh các tác động tiềm tàng của hoạt động trữ nước lại tại khu vực thượng nguồn.
Bản báo cáo dài 32 trang chỉ ra rằng dòng chảy thấp có thể tác động nghiêm trọng đến cộng đồng ở các quốc gia thành viên có dòng Mê Kông chảy ngang bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Trong đó, Campuchia có thể bị tác động nghiêm trọng do mất thủy sản và tiềm năng thủy lợi. Việt Nam có thể bị giảm năng suất tại vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long. Lào và Thái Lan cũng có thể bị ảnh hưởng năng suất nông nghiệp.
Báo cáo cũng nói rằng nếu mực nước trong mùa lũ năm 2020 này không cải thiện đáng kể. Các quốc gia nên tìm kiếm nguồn nước thay thế để đảm bảo nguồn cung cấp nước. Đồng thời, nên yêu cầu các nhà khai thác thủy điện và nhà điều hành thủy lợi điều chỉnh các hoạt động ngắn hạn của họ và giám sát tiềm năng xói mòn.
Nếu dòng chảy thấp vẫn còn, theo báo cáo, bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nên xem xét yêu cầu Trung Quốc xả thêm nước, như họ đã làm trong năm 2016, để giảm bớt tình trạng thiếu nước tại lưu vực hạ lưu sông Mê Kông, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới.
Hong Kong: Mỹ áp dụng trừng phạt
đối với trưởng đặc khu Carrie Lam
Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa ra lệnh trừng phạt đối với Trưởng Đặc khu Hong Kong bà Carrie Lam và 10 quan chức hàng đầu của Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
Các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người làm hủy hoại sự tự trị của Hong Kong, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nói.
“Hoa Kỳ sát cánh cùng người dân Hong Kong,” ông Mnuchin nói thêm.
Động thái này diễn ra vài tuần sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia gây tranh cãi đối với Hong Kong, luật mà các ý kiến chỉ trích cho rằng đe doạ các quyền tự do của đặc khu.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ‘tái khẳng định quan hệ đối tác toàn diện’ với VN
Trump ký lệnh cấm TikTok, WeChat
Căng thẳng Mỹ-Trung vẫn tiếp tục leo thang. Hồi đầu tuần, chính quyền Trump cấm mọi giao dịch tại Mỹ với chủ sở hữu các ứng dụng WeChat và TikTok.
Trong số những người bị trừng phạt lần này, ngoài bà Carrie Lam còn có cảnh sát trưởng và một vài bí thư chính trị.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ trực tiếp lên án bà Lam đã “thi hành các chính sách đàn áp các quá trình tự do và dân chủ của Bắc Kinh”.
“Năm 2019, bà Lam kêu gọi cập nhật luật dẫn độ của Hong Kong để cho phép người Hong Kong bị dẫn độ sang đại lục, khơi mào cho một loạt các cuộc biểu tình phản đối ở Hong Kong,” Bộ Tài chính Hoa Kỳ viết thêm trong thông cáo.
Ông Trump sẽ cấm các app nào nữa của TQ, ngoài TikTok?
Cạnh tranh Mỹ-Trung đã chia rẽ internet như thế nào?
Hôm thứ Bảy, chính phủ Hong Kong gọi động thái của Hoa Kỳ là “sự xâm phạm trắng trợn vào công việc nội bộ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, sử dụng Hong Kong như một con tốt.”
Người phát ngôn của bà Lam nói bà sẽ không bị “doạ nạt”.
“Phát biểu thay mặt cho những đồng nghiệp cấp cao của bà, Trưởng đặc khu Bà Carrie Lam nói chúng tôi thực hiện nhiệm vụ cao cả để đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ cuộc sống và lợi ích của không những 7,5 triệu người Hong Kong mà còn của 1,4 tỷ người đại lục.”
Lạc Huệ Ninh, trưởng văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hong Kong, là một trong số những người bị trừng phạt. Ông nói các biện pháp này là kỳ cục.
Bộ trưởng Thương mại Hong Kong Edward Yau gọi các biện pháp trừng phạt này là không phù hợp và cảnh báo sẽ có trả đũa đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Hong Kong.
11 quan chức bị trừng phạt sẽ bị tịch thu toàn bộ bất động sản ở Mỹ và tài sản tài chính của họ sẽ bị phong toả.
Trung Quốc bảo vệ quan điểm rằng luật an ninh là cần thiết để ngăn can thiệp của nước ngoài vào Hong Kong và ngăn chặn các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ diễn ra năm ngoái.
Tuyên bố lệnh trừng phạt hôm thứ Sáu, ông Pompeo nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho thấy rõ rằng Hong Kong sẽ không bao giờ lại được hưởng mức độ tự trị trong 50 năm mà Bắc Kinh hứa hẹn trước người Hong Kong và Vương quốc Anh.
“Tổng thống Trump đã nói rõ rằng Hoa Kỳ, do đó, sẽ đối xử với Hong Kong như ‘một quốc gia, hai chế độ’ và có hành động đối với những cá nhân đã bóp nghẹt quyền tự do của người dân Hong Kong.”
Trước đó, bà Lam đã cười khẩy trước ý tưởng Mỹ trừng phạt bà. Bà nói hồi tháng trước: “Tôi không có bất kỳ tài sản nào ở Hoa Kỳ và tôi cũng không khao khát được chuyển tới sống ở Hoa Kỳ.”
Lệnh trừng phạt mới này được ông Trump ký pháp lệnh hành chính ban hành hồi tháng Bảy, nhằm trừng phạt Trung Quốc về vai trò của họ đối với các vấn đề Hong Kong.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53706600
Hậu quả của việc chính quyền TQ đào mộ tổ tiên?
Năm 1949 , ngay khi tiến vào Bắc Kinh, lãnh đạo TQ đã cho đập phá tường thành với quy mô lớn và muốn đào bới hết toàn bộ lăng mộ đế vương ở đó.
Người khai quật lăng mộ Hoàng đế phải chịu báo ứng thảm
Đầu tiên, người ta nhắm vào Trường lăng của Minh Thành Tổ – Vĩnh Lạc đại đế thời nhà Minh. Cuối năm 1955, Bắc Kinh thành lập một “Hội ủy viên khai quật Trường Lăng”, người đứng đầu là Ngô Hàm, phó thị trưởng của Bắc Kinh lúc đó, cũng là chuyên gia nghiên cứu lịch sử nhà Minh. Nhưng quy mô của Trường lăng quá lớn, vốn dĩ không ai có thể biết được giới hạn vị trị các ngôi mộ của Trường lăng. Không còn cách nào khác, họ đành phải chuyển mục tiêu sang Định lăng của Minh Thần Tông – hoàng đế Vạn Lịch.
Do khoảng cách niên đại tương đối gần nên quy mô của Định lăng cũng nhỏ hơn rất nhiều, việc đào bới thuận lợi hơn rất nhiều. Chỉ trong một thời gian ngắn, các công nhân viên đã phát hiện ra mộ đạo và “tường kim cang” của Định lăng, sau đó liền tìm được lối vào của địa cung, bắt đầu khai quật địa cung chìm trong giấc ngủ hơn 300 năm này. Nhưng song song với việc khai quật Định lăng là hàng loạt báo ứng liên tiếp diễn ra. Vào hôm bắt đầu khai quật, trên bầu trời sấm chớp liên hồi, những tượng thú bằng đá canh giữ lăng mộ trải qua mấy trăm năm đều còn nguyên vẹn, nhưng ngay vào lúc đó lại bị sét đánh vỡ mất một con. Ngoài ra, hai người canh giữ lăng mộ ngay trong đêm hôm đó cũng bị sét đánh chết.
Tổ tiên nhiều đời của hai người canh giữ lăng mộ đều sống bằng nghề này. Triều đình phân phát đất đai cho họ, miễn thuế, miễn lao dịch và đi lính cho họ, thậm chí còn trả lương cho họ. Người giữ lăng mộ còn gọi là lăng hộ, mỗi một lăng mộ đều có từ mấy chục đến mấy trăm lăng hộ. Nhiệm vụ của lăng hộ
là bảo vệ lăng mô, quét dọn và xây mộ… Nơi họ sống đều gọi là thôn hoặc vệ gì đó. Ví dụ như thôn Trường Lăng ở gần Trường lăng, thôn Hiến Lăng ở gần Hiến lăng đều là thôn của những người canh giữ lăng mộ. Còn Hiếu lăng của vua Minh Thái Tổ – Chu Nguyên Chương ở Nam Kinh, thôn của người giữ lăng mộ gọi là vệ Hiếu Lăng.
Minh Thập Tam Lăng là quần thể 13 lăng của hoàng gia nhà Minh. Vào thời nhà Thanh, nơi đây cũng từng được giữ gìn và tu sửa cẩn thận. Hàng năm triều đình nhà Thanh đều bỏ ra một số tiền lớn cho việc quản lý Thập Tam Lăng, những điều này đều được ghi chép chi tiết trong sử sách. Thậm chí là đến năm cuối cùng của Mãn Thanh, nhà Thanh đã rơi vào cảnh trong ngoài rối ren, đối mặt với nguy cơ sụp đổ rồi nhưng từ hình ảnh chụp tại thời điểm đó có thể thấy được vẫn có người canh giữ lăng mộ đang quản lý Thập Tam Lăng. Chứng tỏ những người canh giữ lăng mộ lúc đó vẫn làm tròn trách nhiệm bảo vệ. Nhưng một khi lăng mộ bị khai quật có nghĩa là người canh giữ lăng mộ đã không làm tròn chức trách bảo vệ Hoàng đế, tất nhiên là sẽ bị ông trời trừng phạt.
Sau khi khai quật địa cung, quan tài của Hoàng đế Vạn Lịch đã bị hư tổn nghiêm trọng, lãnh đạo yêu cầu đem vứt bỏ. Ngay sau đó, một đôi vợ chồng già ở trong thôn đã nhặt được, rồi đem sửa thành quan tài để cho mình sử dụng. Kết quả chiếc quan tài này vừa sửa xong, đôi vợ chồng già đó liền mất mạng. Thật ra trong dân gian từ lâu đã truyền rằng, những vật dụng mà các hoàng đế sử dụng thì không được tùy tiện đụng vào. Bởi vì người thường vốn dĩ không có đủ phước đó để mà hưởng, nếu sử dụng là sẽ rước họa vào thân, không chừng còn mất luôn tính mạng của mình.
Tai họa liên tiếp xảy ra, những người tham gia đào bới lăng mộ không một ai may mắn thoát nạn. Ví dụ như Ngô Hàm, chuyên gia nghiên cứu lịch sử nhà Minh, cũng là người đưa ra quyết sách quan trọng khi khai quật Định lăng, đã tự sát trong tù. Người chỉ huy phụ trách công việc khai quật bị tai nạn máy bay, nhiếp ảnh gia treo cổ và các nhân viên kỹ sư phụ trách tiêu hủy hài cốt của Hoàng đế Vạn Lịch đa số đều mất mạng. Do việc khai quật Định lăng dẫn đến hàng loạt các vụ tai họa khiến cho những quan chức vô Thần trong ĐCSTQ cũng cảm thấy chuyện này rất hệ trọng. ĐCSTQ không thể không ra công văn, yêu cầu dừng tất cả công tác khai quật các lăng mộ hoàng đế. Ý đồ khai quật lăng tẩm hoàng gia của các triều đại hoàng đế với quy mô lớn của ĐCSTQ cũng chấm dứt từ đó.
Tích đức hành thiện nhận phúc báo
“Xưa nay âm đức được báo đáp, động niệm cần biết có quỷ thần”. Từ xưa đến nay tích đức làm việc tốt đều sẽ được nhận phúc báo, bởi vì trong trời đất bao la này con người chỉ cần nảy sinh một ý nghĩ thôi là quỷ, Thần đều biết hết. Thời xưa có rất nhiều câu chuyện minh chứng cho đạo lý này. Dưới đây là câu chuyện về Bùi Độ thời nhà Đường, minh chứng cho đạo lý làm việc tốt sẽ được báo đáp xứng đáng.
Tương truyền Bùi Độ từ nhỏ sống nghèo khổ, không có gì trong tay cả. Một hôm ông đi tìm một thầy tướng số để xem bói, hỏi về chuyện công danh. Thầy tướng số nói: “Trên mặt tiên sinh có đường rắn chạy vào miệng, trong vòng vài năm tới, chắc chắn sẽ chết đói ở ngoài mương”. Sau khi nói xong, thầy tướng số còn cương quyết không lấy một đồng nào. Bùi Độ nghe xong chỉ cảm thấy có chút chán nản, nhưng trong lòng vẫn rất thoải mái, cũng không để tâm những lời mà thầy tướng số đó nói.
Vài ngày sau, Bùi Độ đi đến một ngôi chùa dạo chơi, đột nhiên nhìn thấy trên bàn thờ trong đại điện lấp lánh ánh vàng. Bùi Độ đi tới đó nhìn xem là gì, thì ra là một sợi thắt lưng bằng ngọc được nạm vàng. Bùi Độ nghĩ chắc chắn là người nào đó đã bỏ quên trong lúc thay áo để lễ Phật, chắc chắn người đó sẽ vô cùng lo lắng, lát nữa sẽ quay lại tìm kiếm. Vì vậy ông liền cất giữ sợi thắt lưng rồi đứng chờ dưới hành lang. Mãi cho đến chiều tối, chỉ nhìn thấy một cô gái hốt hoảng chạy thẳng vào bàn thờ nhìn ngó xung quanh, không ngừng kêu than rồi quỳ sụp xuống đất than khóc.
Thì ra cô gái đó muốn dùng sợi thắt lưng ngọc nạm vàng đáng giá ngàn vàng này đem đi cứu người cha bị kẻ khác hãm hại phải vào ngồi tù. Bùi Độ lấy sợi thắt lưng ra nói với cô gái rằng: “Cô nương không cần đau buồn, tôi nhặt được sợi thắt lưng này. Tôi ở đây chờ chủ nhân đến nhận lại, bây giờ tôi trả thắt lưng lại cho cô”. Cô gái đó vô cùng cảm kích muốn hỏi họ tên của Bùi Độ, để ngày sau báo đáp hậu hĩnh. Tuy nhiên Bùi Độ cho rằng trả lại đồ bị mất cho chủ nhân của nó vốn là chuyện hợp tình hợp lý, nên đã không trả lời, liền bỏ đi.
Vài ngày sau, Bùi Độ gặp lại ông thầy tướng số lần trước, thầy tướng số nhìn thấy Bùi Độ thì vô cùng kinh ngạc, liền hỏi có phải dạo này ông đã làm chuyện tốt gì không? Bùi Độ trả lời là không có. Thầy tướng số nói: “Tướng mặt của tiên sinh hôm nay so với hôm trước có sự khác biệt rất lớn. Đường âm đức của ngài hiện lên rất rõ, sau này chắc chắn sẽ làm một vị đại thần, phúc thọ song toàn đó!”. Lúc đó Bùi Độ không tin là thật nhưng về sau Bùi Độ quả nhiên là xuất chinh làm tướng soái, vào triều làm tể tướng. Ông phục vụ cho Hoàng đế bốn triều đại, được phong làm Tấn quốc công, hưởng thọ 73 tuổi.
Với tình cảnh khó khăn nghèo túng của Bùi Độ lúc đó, sợi thắt lưng bằng ngọc nạm vàng vô cùng giá trị đó có thể nói là một thử thách cực kỳ lớn mà ông trời muốn thử đạo đức và phẩm hạnh của Bùi Độ. Tuy nhiên Bùi Độ quả thật là một quân tử có tác phong chính trực, sau khi nhặt được dây ngọc, luôn nghĩ cho người khác, sau khi trả lại dây ngọc cho chủ nhân cũng không đòi bất cứ báo đáp gì, mà thản nhiên bỏ đi. Vận mệnh của Bùi Độ cũng vì có nghĩa cử cao quý này mà biến chuyển hoàn toàn. Câu nói “tướng do tâm sinh, mệnh do mình tạo” cũng chính là đạo lý này.
Từ xưa đạo Phật đã cho rằng quy luật nhân quả tồn tại một cách tự nhiên, không phải vì người ta không tin mà nó không hiệu nghiệm. Nghiệp là nhân, báo là quả, nhân và quả tương sinh qua lại với nhau, gọi là nhân quả báo ứng. Đại khái là trồng nhân lành sẽ được quả lành, trồng nhân dữ sẽ được quả dữ. Bạn chửi người, đánh người, hại người, ức hiếp người khác, những nghiệp lực này sẽ không tự nhiên mà biến mất, chúng sẽ được biểu hiện ra trong cuộc sống của bạn sau này bằng nhiều hình thức khác nhau, hoặc trong đời này, hoặc trong đời sau. Nhưng chắc chắn sẽ phải có lúc kết thúc. Cho nên mới nói thiện ác đến cuối cùng sẽ có báo ứng, chỉ là đến sớm hay đến muộn thôi!
Khi thời cơ đến, thiện ác tất cả đều có báo
Dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu về câu chuyện “trồng nhân dữ được quả dữ” của danh tướng Lý Quảng vào thời Tây Hán ở Trung Quốc. Lý Quảng chiến công hiển hách, rất giỏi cưỡi ngựa bắn cung lại gan dạ hơn người. Ông chiến đấu với Hung Nô tổng cộng hơn 70 trận lớn nhỏ đều giành được chiến thắng, được phong là “Phi tướng quân”. Quân Hung Nô vì khiếp sợ ông nên trong rất nhiều năm đều không dám xâm phạm bờ cõi nhà Hán.
Vào thời Hán Văn Đế, khi Lý Quảng tuổi còn rất trẻ đã thảo phạt thành công quân Hung Nô lập được công lớn, được phong làm Võ kỵ thường thị. Đến thời Hán Vũ Đế, ông đảm nhận chức Thái thú. Ông được xem là trụ cột của nước nhà. Nhưng trong “Đằng Vương các tự” của đại thi hào Vương Bột thời nhà Đường lại có một câu: “Than ôi! Thời vận không đủ, mệnh lắm gian truân, Phùng Đường dễ già, Lý Quảng khó phong”.
“Lý Quảng khó phong” là một câu thành ngữ, ý muốn nói tuy Lý Quảng có chiến công hiển hách, nắm giữ nhiều tướng sĩ trong tay, nhưng ông chỉ được làm một Thái thú, cả đời đều không được phong hầu. Trong khi rất nhiều binh lính bộ hạ của Lý Quảng đều liên tiếp được triều đình phong hầu, ngược lại địa vị còn cao hơn Lý Quảng.
Lý Quảng phẫn nộ cảm thấy bất bình liền đi tìm người giỏi xem tướng số là Vương Sóc để thỉnh giáo. Lý Quảng nói: “Ông xem tướng của tôi, có phải không thích hợp phong hầu không? Số tôi nên như vậy đúng không?”. Vương Sóc nói: “Tướng quân tự nghĩ lại xem, có từng làm chuyện gì hối tiếc trái với lương tâm không?”. Lý Quảng nói: “Tôi từng dụ dỗ lừa cho hơn 800 người Khương đầu hàng, kết quả lại giết chết hết bọn chúng, đến nay vẫn cảm thấy có lỗi với lương tâm, đây là chuyện tôi vô cùng hối hận”. Vương Sóc nói: “Không có lỗi nào lớn hơn việc giết người đã hàng, tướng quân giết những người đầu hàng, gieo trồng nhân dữ, cho nên không được phong hầu”.
Chuyện giết những người đầu hàng không chỉ khiến Lý Quảng không có hy vọng được phong hầu, mà còn gây ra họa sát thân cho ông. Có một lần Lý Quảng phụng lệnh đi tấn công Hung Nô, vì trong lúc hành quân bị đi lạc đường, làm lỡ thời cơ. Lại sợ quay về triều đình bị mọi người sỉ nhục, nên ông đã tự vẫn mà chết. Cháu trai của Lý Quảng là Lý Lăng vì thua trận nên bất đắc dĩ phải đầu hàng quân Hung Nô, kết quả bị triều đình tru di tam tộc, tức gia tộc của cha, gia tộc của mẹ, gia tộc của vợ, tổng cộng hơn một trăm người đều bị giết chết.
Từ câu chuyện này cho thấy, nếu tội ác quá lớn, báo ứng không phải chỉ xảy ra với bản thân mình, mà còn làm hại đến con cháu đời sau. Người xưa nói không sai: “Gia đình tích thiện nghiệp, con cháu có phước đức, gia đình tích ác nghiệp, con cháu gặp tai ương”.
Dân gian Trung Quốc xem việc thiện ác có báo ứng là thiên lý. Người dân Trung Quốc thường nói về nhân quả báo ứng như sau: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, không phải không báo, thời cơ chưa đến, khi thời cơ đến tất cả đều báo”. Vậy thật ra có nhân quả báo ứng hay không? Bất luận là trong giới học thuật hay là trong dân gian thì vẫn còn rất nhiều người nửa tin nửa ngờ. Nhưng trong tuyên truyền bằng miệng và sách giáo khoa của truyền thông Trung Quốc đại lục thì lại đảo ngược tất cả định nghĩa trên, cho rằng đó là phong kiến và mê tín. Tuy nhiên trên mảnh đất Trung Hoa suốt mấy ngàn năm qua vẫn lưu truyền rất nhiều câu chuyện về nhân quả báo ứng, cho nên mọi người vẫn luôn duy trì sự tin tưởng về quan niệm truyền thống này.
Chân lý thiện ác có báo ứng thật chất là khuyến thiện, cảnh báo chúng ta rằng trên đầu ba thước có thần linh. Người đang làm, trời đang nhìn. Vì vậy người xưa thường nói con người sống trên đời, lúc nào
cũng phải như đứng trên vực thẳm, như đạp trên mặt nước, mỗi ngày tự mình phản tỉnh, kiểm điểm những thiếu sót trong hành vi lời nói của mình để mà sửa đổi.
http://biendong.net/tham-su-bi-su/36214-hau-qua-cua-viec-chinh-quyen-tq-dao-mo-to-tien.html
Trại giam nữ Bắc Kinh
che giấu những tội ác kinh hoàng
Hải Long
Một bí mật đang bao trùm lên trại giam các tù nhân nữ tại Bắc Kinh. Vị trí trại giam này không được thể hiện trên hệ thống định vị toàn cầu.
Nơi giam giữ này đã bị cách ly do sự bùng phát của dịch Covid 19 đã ảnh hưởng đến nhiều nhà tù ở Trung Quốc đầu năm nay. Các tù nhân và những nhân viên canh giữ trại giam bị bắt buộc phải giữ im lặng để thông tin không bị lộ ra ngoài. Các nguồn tin từ bên trong đã miêu tả trại giam này là “địa ngục trần gian”.
Hoàn toàn ẩn trên hệ thống định vị toàn cầu
Huyện Daxing nằm ở phía Nam của Bắc Kinh có các tòa nhà được bao quanh bởi hệ thống an ninh và dây kẽm gai dọc theo sông Tiantang – đây chính là trại giam nữ của Bắc Kinh. Trại giam này không dễ bị phát hiện bằng hệ thống định vị. Trong đó có 400 nhân viên an ninh, nhân công và hàng ngàn nữ tù nhân.
Đầu năm nay, trại giam nữ tù nhân đã bị phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus Vũ Hán. Vào ngày 21/2, tổng số 505 nữ tù nhân đến từ 3 tỉnh của Trung Quốc đã bị nhiễm virus. Kể từ ngày 29/2, truyền thông Trung Quốc đã báo cáo rằng con số các ca được xác nhận là nhiễm virus đã tăng lên 806 trường hợp ở Vũ Hán, thành phố trực thuộc trung ương Trung Quốc, nơi virus viêm phổi Vũ Hán lần đầu tiên xuất hiện. Sau đó, không có bất kì thông tin chi tiết nào về các ca nhiễm virus trong hệ thống nhà tù được công bố.
Vụ việc gây chết người bị che giấu
Một nguồn tin nội bộ đã kể với Thời báo Epoch Times rằng khoảng vào trưa ngày 19/3/2003, một học viên Pháp Luân Công đã bị kéo lê vào một buồng giam biệt lập trong trại giam nữ ở Bắc Kinh mà không có bất kỳ một camera giám sát nào. Gần trại giam đó là một cái chòi quan sát có các lính canh được trang bị vũ khí đang đi tuần.
Pháp Luân Công, cũng được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn thực hành tâm linh và thiền định đã bị cấm vào tháng 7/1999 theo lệnh của cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân. Cô Đông, lúc đó 29 tuổi, là một cựu bác sỹ tại Bệnh viện chăm sóc sức khỏe Phụ nữ, Trẻ em và Người cao tuổi Shunyi tại Bắc Kinh. Cô đã bị cảnh sát bắt cóc một cách phi pháp vì thực hành Pháp Luân Công và bị kết án 7 năm tù giam. Cô chết vào ngày thứ 8 sau khi bị nhốt vào trong trại giam.
Kết quả khám nghiệm tử thi đã chỉ ra rằng cô Đông bị tắc mạch phổi (pulmonary thrombosis), và các vết thương trên người cô là “tự tổn thương”.
Tuy nhiên, chứng cứ lại tố cáo rằng cô Đông đã bị đánh đập dã man bởi những người cai tù trước khi cô được chở tới bệnh viện. Mẹ của cô Đông đã phát hiện chân và tay của cô đều bị sưng, đầy vết bầm tím và vai phải của cô bị gãy.
Trại giam đã đe dọa cha mẹ của Đông rằng họ không được kháng cáo hay liên lạc với bất kỳ học viên Pháp Luân Công nào về vụ việc này. Cha mẹ của Đông nhận được một khoản tiền bồi thường chưa đến 80,000 tệ (tương đương 11,246 đô la) với yêu cầu không được tiết lộ bất cứ thông tin nào về cái chết của con gái họ.
Trại giam nữ tù nhân Bắc Kinh tuyên bố “không có cái chết bất thường nào” của nữa tù nhân kể từ khi nó được xây dựng vào năm 1999.
Vào năm 2004, thông tin về cái chết của Đông bị rò rỉ ra ngoài sau khi một nữ tù nhân đề cập đến vụ việc này trong một lần về thăm gia đình. Kết quả là các nhà chức trách của trại giam đã áp đặt những quy định hà khắc lên toàn thể khu nhà giam đó (tức là khu nhà giam số 3), nơi Đông bị giam giữ. Ví dụ như các tù nhân bị cấm nói chuyện với nhau trong buồng giam của họ.
Khu vực quản lý quân sự của trại giam nữ tù nhân ở Bắc Kinh vào tháng 3 năm 2020.(Thời báo Epoch Times).
Bí mật bị che giấu
Bất kỳ thông tin nào về Trại giam nữ tù nhân ở Bắc Kinh cũng đều bị cấm tiết lộ một cách nghiêm ngặt và trách nhiệm của người quản lý trại giam là không được để lộ thông tin ra bên ngoài. Các tù nhân bị giám sát vào mọi lúc và họ giám sát lẫn nhau – mỗi một nữ tù nhân bị ba nữ tù nhân khác giám sát. Mỗi
một người trong số họ phải có một cuốn nhật ký để ghi chép lại những suy nghĩ của mình và báo cáo những suy nghĩ đó cho những người cai tù.
Những người cai tù cũng phải chịu một sự giám sát nghiêm ngặt bởi một bộ các quy tắc và quy định – hành vi và suy nghĩ của họ cũng bị giám sát một cách sát sao.
Những người cai tù được trang bị điện thoại di động. Nhưng điện thoại di động của họ không được phép mang vào trong khu vực nhà giam và phải để ở trong phòng thay đồ. Có lúc, những người cai tù bị bắt buộc phải sử dụng một túi nhựa trong vì lý do an ninh.
Thông tin bên ngoài trại giam cũng đều bị kiểm duyệt. Bất cứ tờ rơi, thư từ và tài liệu khác do cai tù lấy được đều phải nộp lại cho trại giam. Nguồn thông tin duy nhất là truyền thông nhà nước CCTV (tức là Đài truyền hình Trung ương trung Quốc).
Tất cả các điện thoại trong tù đều bị giám sát, và mạng Internet cũng vậy. Ứng dụng truyền thông xã hội WeChat bị cấm sử dụng. Những người cai tù cũng bị cấm đăng tải thông tin và bình luận trên WeChat và Weibo.
Các chủ đề nào mà ĐCSTQ cho là nhạy cảm, như dịch bệnh virus ĐCSTQ và Pháp Luân Công đều là những chủ đề cấm. Đội ngũ nhân viên quản tù đều bị giám sát chặt chẽ và họ phải thận trọng không được vượt tường lửa, một cơ chế kiểm duyệt trực tuyến tinh vi, để tìm kiếm thông tin.
Mỗi một cai tù có hai ngày sinh nhật
Theo nguồn tin nội bộ, có 400 cai tù tại trại giam nữ Bắc Kinh và 74% là đảng viên ĐCSTQ. Xing Mei, giám đốc hiện tại của trại giam tin rằng mỗi một đảng viên đều có 2 ngày sinh- một là ngày họ được sinh ra và một là “ngày sinh nhật chính trị” (nghĩa là ngày gia nhập ĐCSTQ). Vào ngày sinh nhật chính trị, họ phải củng cố thêm những lời thề với đảng. Nói cách khác là họ phải thề luôn trung thành với ĐCSTQ.
Hiện tại, khu nhà giam số 3 giam giữ tất cả các học viên Pháp Luân Công và những tín đồ Cơ Đốc giáo bị Bắc Kinh bắt cóc. Các nguồn tin nội bộ còn tiết lộ rằng các nữ tù nhân trong khu nhà giam số 3 phải đối mặt với tẩy não, lạm dụng thân thể, và lao động cưỡng bức. Các hình thức trừng phạt ở đây hết sức tàn bạo.
Ví dụ, Zhao Liuji, một học viên Pháp Luân Công đã bị đánh đập khi còn đang bất tỉnh, hai đùi của bà bị đánh bầm dập. Zhang Yinying, một học viên Pháp Luân Công đã trên 70 tuổi bị giam giữ trong buồng giam cùng những phạm nhân khác và thường bị họ bạo hành bằng cách nhồi quần đùi vào miệng với những lời lẽ phỉ báng Pháp Luân Công được viết lên đó.
Các học viên Pháp Luân Công không được phép nói chuyện với nhau. Ai vi phạm quy định này sẽ bị phạt bằng hình thức phải viết “hối quá thư” là một bài văn dài không dưới ba trang giấy trong hai tuần. Nếu người nào viết chưa đủ 3 trang giấy thì tất cả tù nhân trong khu nhà giam số 3 đó không được phép ngủ.
Các tù nhân là học viên Pháp Luân Công cũng không được phép giao tiếp bằng mắt, nếu làm thế họ sẽ bị những tù nhân khác thóa mạ và sẽ bị buộc phải chép “tư tưởng Tập Cận Bình”.
Hai năm qua, trại giam nữ Bắc Kinh đã tập trung vào việc tẩy não những nữ tù nhân bằng hệ tư tưởng chính trị của ĐCSTQ. Các tù nhân và cai tù bị ép buộc phải chấp nhận và bày tỏ quan điểm của họ về “những ưu điểm của hệ thống xã hội chủ nghĩa với các đặc trưng của Trung Quốc”. Những nữ tù nhân đã bị cải tạo để tuyên thệ trung thành với ĐCSTQ. Các chương trình truyền hình chỉ chiếu một kênh duy nhất của nhà nước, giáo dục chính trị và các màn biểu diễn ca ngợi ĐCSTQ. Trước mỗi bữa ăn, các tù nhân đều phải hát các bài hát ca ngợi ĐCSTQ.
Trong suốt thời gian dịch bệnh virus Vũ Hán, các tù nhân dừng lao động cưỡng bức. Thay vào đó, họ phải nghe lãnh đạo trại giam thuyết giảng những tuyên truyền của chế độ về việc kiểm soát dịch bệnh. Bắc Kinh đã đẩy mạnh các chiến dịch bóp méo thông tin nhắm vào nước Mỹ để nâng hình ảnh của nó lên trong một nỗ lực chuyển dời sự tập trung của thế giới ra khỏi sự kiểm soát dịch bệnh đầy bê bối của nó. Theo một nguồn tin nội bộ, một số nữ tù nhân đã nói: “Thà làm việc còn hơn bị tẩy não mỗi ngày”.
Những người cai tù không có tự do
Nguồn tin nội bộ còn cho biết những người cai tù cũng phàn nàn với nhau. Họ nói họ có cảm giác họ cũng là những tù nhân do họ phải làm việc nhiều giờ đồng hồ, bị mất tự do, và nỗi sợ bị trừng phạt vì vi phạm nội quy, chẳng hạn như nói chuyện về các chủ đề nhạy cảm, trong đó có cả dịch bệnh.
Trong thời gian dịch bệnh, nhiều cai tù làm việc liên tục trong hai tháng mà không được nghỉ ngơi. Trong thời gian này, họ không thể liên lạc với gia đình thông qua WeChat. Họ chỉ có thể sử dụng điện thoại của tù nhân để nói chuyện với gia đình của mình. Những người cai tù khi được nghỉ phép cũng
không được ra khỏi nhà. Khi họ quay lại làm việc, họ phải tự cách ly trong khu tập thể của trại giam 14 ngày trước khi bước vào khu vực giam tù nhân.
Theo Jin Ming, Epoch Times
Hải Long biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/trai-giam-nu-bac-kinh-che-giau-nhung-toi-ac-kinh-hoang.html
Học giả Trung Quốc nói bị ép quyên tiền
cho phong trào ‘tự nguyện’ của ông Tập
Vũ Dương
Chuyên gia phân tích, đây là hành động thường thấy của chính quyền Trung Quốc, chính là “biến tang sự thành hỷ sự”.
Ngô Nghi Xán (Wu Yican), viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết rằng, trong thời gian dịch bệnh, bản thân ông đã bị buộc phải quyên góp tiền hai lần, việc quyên tiền “hoàn toàn không phải tự nguyện”.
Trước đó, 7 Ủy viên Thường vụ Cục Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) do ông Tập Cận Bình dẫn đầu yêu cầu các đảng viên phải “vui vẻ tự nguyện” quyên tiền.
Theo truyền thông tiếng Hoa hải ngoại Epoch Times đưa tin, ông Ngô Nghi Xán, giám đốc Viện Nghiên cứu Kỹ thuật An toàn Năng lượng Hạt nhân (Viện Nghiên cứu Hạt nhân) thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Vật chất thành phố Hợp Phì, cho biết trong thời gian dịch bệnh bùng phát, bản thân ông bị buộc phải quyên tiền, hoàn toàn không phải là bản thân ông tự nguyện, người ta nói rằng ông là viện sĩ tại Viện Nghiên cứu Khoa học Vật chất, vậy nên hãy quyên góp chút tiền.
Ông Ngô Nghi Xán nói rằng ông đã quyên góp 5.000 Nhân dân tệ. Khi quyên góp tiền, ông được yêu cầu điền vào tờ khai được đưa ra, mục đích là đợi sau khi viện sĩ quyên tiền rồi, tờ khai có thể được sử dụng để tuyên truyền, chính là mấy vị viện sĩ đã quyên góp bao nhiêu tiền, mục đích chính là truyền cảm hứng cho những người khác cũng hưởng ứng hoạt động quyên tiền do ĐCSTQ khởi xướng.
Ông Ngô nói: “Thật ra, tôi vốn không thích như vậy”; “Quyên tiền hay không ấy là việc tự nguyện của bản thân mỗi người, nguyên vấn đề này phải là quốc gia đứng ra giải quyết mới phải. Tôi có quan điểm cá nhân về vấn đề này như vậy”.
Ông nói thêm: “Theo lý, chính phủ nên phải đứng ra giải quyết vấn đề này mới đúng, cớ sao bắt người ta phải quyên tiền, không phải chính phủ có ngân sách quốc gia sao? Điều này nói rõ công tác phòng chống dịch bệnh đã không được thực hiện tốt”; “Nhưng tuyên dương một loại tinh thần cũng không phải là điều không được, vậy nên tôi đã quyên góp”.
Kênh Tân Hoa Xã của ĐCSTQ ngày 29/2 có đưa tin rằng, giới lãnh đạo ĐCSTQ ngày 26/2 đã tổ chức cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Cục Chính trị để ứng phó với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. 7 Ủy viên Thường vụ Cục Chính trị do ông Tập Cận Bình đứng đầu đã đi đầu trong việc quyên góp hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, nhưng trước sau vẫn không tiết lộ số tiền quyên góp được là bao nhiêu.
Bà Tôn Xuân Lan – phó Thủ tướng Quốc Vụ viện ĐCSTQ và Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã đến Hồ Bắc chỉ đạo tổ quyên góp. Ngày 28/2, bà Tôn cũng quyên góp tiền để ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh. Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của chính quyền ĐCSTQ tại 31 tỉnh, thành phố và thành phố trên cả nước cũng “đi đầu” trong việc quyên góp tiền.
Trước đó, Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ đã ra thông báo yêu cầu các tổ chức của ĐCSTQ ở tất cả các cấp ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, tuyên bố “phải làm tốt công việc hướng dẫn quyên góp tự nguyện từ các đảng viên”, mọi việc phải kiên trì tự nguyện tự giác, không ép buộc.
Tuy nhiên, những người quá quen với tình hình chính trị của ĐCSTQ cho rằng đây là một động thái “làm màu” chính trị. ĐCSTQ tuyên bố rằng việc quyên góp là tự nguyện, nhưng trên thực tế chính là bị buộc phải quyên góp, chính như ĐCSTQ trước nay vẫn luôn tuyên truyền rằng người dân có thể tự do thoái xuất khỏi đảng, nhưng thực tế lại không được thoái.
Có phân tích của truyền thông hải ngoại cho rằng 7 Thường ủy quyền lực nhất của Ủy ban Thường vụ Trung ương ĐCSTQ đã trình diễn “màn kịch quyên góp” này, trên thực tế có nhiều dụng ý, quan trọng nhất là muốn mượn cơ hội này để tuyên truyền, tô vẽ hình ảnh vinh quang cho giới chức cao tầng của ĐCSTQ, mượn nhờ điều này kích động lòng yêu nước của người dân, thực hiện chiến dịch quyên góp toàn quốc để đạt mục đích quen dùng của ĐCSTQ là “biến tang sự thành hỷ sự”, chuyển dời cuộc khủng hoảng chính trị do chính bản thân ĐCSTQ che giấu dịch bệnh gây nên.
Cũng có người so sánh sự kiện 7 Thường ủy ĐCSTQ đi đầu trong việc quyên góp tiền lần này với việc Sùng Trinh Đế – vị hoàng đế cuối cùng của triều Minh yêu cầu chúng đại thần và hoàng thân quốc thích đứng ra quyên góp tiền.
Tháng 3/1644, quân đội của Lý Tự Thành đã bao vây kinh thành, hoàng đế Sùng Trinh vì muốn phát quân lương cho các binh sĩ đang trấn giữ thành Bắc Kinh cổ vũ nhuệ khí chiến đấu, nên đã yêu cầu chúng đại thần và hoàng thân quốc thích đứng ra quyên góp tiền. Kết quả toàn bộ văn võ bá quan trong triều đều giả ngây giả dại, chỉ quyên góp một chút cho có lệ, căn bản không giải quyết được vấn đề. Ngày 18/3/1644, kinh thành bị thất thủ, hoàng đế Sùng Trinh tự sát thân vong, nhà Minh bị diệt.
Theo Secretchina
Vũ Dương biên dịch
Doanh nghiệp thuộc tốp 500 Trung Quốc
đi kêu oan, lại bị đàn áp
Phụng Minh
Người đứng đầu doanh nghiệp này cũng đã từng bị kết án trong một bản án khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng.
Tập đoàn Đại Ngọ, một doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã bị đàn áp dữ dội kể từ ngày 4/8. Nhân viên bị cảnh sát chống bạo động đánh đập, sử dụng hơi cay và nước tiêu nóng tấn công, nhiều người đã bị thương, 39 người trong đó có vợ của người sáng lập tập đoàn Đại Ngọ đã bị bắt cùng một lúc.
Soundofhope trích dẫn thông tin cho biết, nhân viên của tập đoàn, bà Giả nói rằng khu đất trước của nông trường quốc doanh (trước đây là nông trường Bảo Định) do chính quyền giữ lại mà không trả phí hay tiền mua đất. Hàng ngàn mẫu đất bị chiếm dụng trong hơn 60 năm qua mà dân làng không được trả khoản phí nào. Dân làng hy vọng sẽ thu hồi đất và đổi nó thành của Tập đoàn Đại Ngọ. Sáng sớm ngày 4/8, người của nông trường quốc doanh bất ngờ dùng xẻng phá bỏ tòa nhà văn phòng của Tập đoàn Đại Ngọ và xảy ra xô xát với dân làng và nhân viên Tập đoàn Đại Ngọ đến can ngăn.
Theo tài khoản công khai trên Weibo của Tập đoàn này có tên “Đại Ngọ Thái Phong”, sau khi xảy ra xung đột, cảnh sát địa phương đã cử một lượng lớn cảnh sát đến đánh nhân viên và dân làng, xịt nước tiêu cay và bắn bom khói. Nhiều người bị thương và một số người bị thương nặng.
Chiều ngày 4/8, các nhân viên của Tập đoàn Đại Ngọ đã đến chính quyền địa phương và cơ quan công an huyện để phản đối, cho rằng lực lượng ngầm chỉ huy cảnh sát đánh người và yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc những kẻ gây án. Nhưng cuối cùng họ lại bị đàn áp dữ dội. Nhiều người đã bị bắt.
Bà Giả nói rằng trong hai cuộc xung đột, một nhân viên của Tập đoàn Đại Ngọ đã bị đánh gẫy xương sườn và 39 nhân viên đã bị bắt. “Sau đó, nhờ sự đàm phán quyết liệt của các nhà lãnh đạo của chúng tôi, tất cả đều được thả vào lúc 10 giờ tối. Nhưng cho tới giờ, vẫn không ai đưa ra bất kỳ lời giải thích nào”, bà cho biết.
Một người trong cuộc khác, bà Đặng, nói rằng cảnh sát thậm chí đã bắt giữ vợ của người sáng lập Tập đoàn Đại Ngọ và người phụ trách chi nhánh. Sau đó, do nhân viên và dân làng quá phẫn nộ, cảnh sát đã thả người bị bắt vào đêm hôm đó.
Tôn Đại Ngọ, người sáng lập Tập đoàn Nông nghiệp và Chăn nuôi Hà Bắc Đại Ngọ, khởi nghiệp với 1.000 con gà và 50 con lợn. Đến năm 1995, tập đoàn này đã trở thành một trong 500 công ty tư nhân hàng đầu Trung Quốc.
Ông Tôn người ủng hộ tự do hóa các lệnh cấm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quốc hữu hóa quân đội, được biết đến với những lời lẽ táo bạo. Ông bị chính quyền buộc tội “quyên góp tiền bất hợp pháp” vào năm 2003. Tuy nhiên, lý do có liên quan đã gây ra phản ứng dữ dội từ giới kinh doanh tư nhân, giới pháp lý và học thuật Trung Quốc. Cuối cùng, Tôn Đại Ngọ bị kết án 3 năm tù giam, 4 năm tù treo và bị phạt 100.000 nhân dân tệ, công ty bị phạt 300.000 nhân dân tệ.
Năm ngoái, Tôn Đại Ngọ lại được chú ý. Vào thời điểm quan trọng khi viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc bước vào vòng bầu cử thứ hai, ông Tôn đã công khai báo cáo ứng cử viên, viện sĩ Dương Ninh về tội “ăn cắp bản quyền”. Ông cho biết công nghệ được cấp bằng sáng chế của công ty ông, cũng là một công nghệ quan trọng trong lĩnh vực chăn nuôi gà đẻ lông đỏ thế giới, đã bị Dương Ninh ăn cắp bản quyền.
Một số người gọi ông là “lương tâm của doanh nhân Trung Quốc”.
Theo Han Mei, Soundofhope
Phụng Minh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/doanh-nghiep-thuoc-top-500-trung-quoc-di-keu-oan-lai-bi-dan-ap.html
Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm
tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên trên biển
Tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên của Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm trên biển và sẽ sớm được đưa vào vận hành.
Tờ South China Marning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) đưa tin này hôm 7/8.
Theo các video được chia sẻ trên mạng xã hội, Trung Quốc đã ghi lại hình ảnh một tàu đổ bộ Type 075 nặng 40.000 tấn khởi hành từ một nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải dọc theo sông Hoàng Phố.
Được đánh giá là là tàu đổ bộ lớn nhất châu Á, Type 075 sẽ có thể mang theo 30 máy bay trực thăng, từ phiên bản tàu Z-8 đến hải quân Z-20, cũng như một số xe tăng lội nước, xe bọc thép, tàu phản lực và hàng trăm của quân thủy.
Type 075 là tàu đổ bộ cỡ lớn đầu tiên của Hải quân Trung Quốc, được cho là có thể sánh ngang với tàu đổ bộ lớp America và lớp Wasp của Mỹ.
Hình ảnh được chụp vào tuần trước cho thấy các máy bay cánh quạt nhỏ không người lái (UAV) và các mô hình máy bay trực thăng chống ngầm Ka-27/28 cũng đã được nhìn thấy trên tàu Type 075 nhằm thử nghiệm trên boong trước khi đưa ra thử nghiệm trên biển.
Ông Tống Trung Bình, một nhà bình luận về các vấn đề quân sự có trụ sở tại Hồng Kông, cho rằng để bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài, chiếc tàu tấn công đổ bộ Type 075 thậm chí còn có giá trị hơn một tàu sân bay bình thường.
Theo South China Morning Post, khi các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông đang tranh chấp bị thách thức và với mối quan hệ với Đài Loan căng thẳng, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đặt hàng một số tàu đổ bộ cỡ lớn trong những năm gần đây, bao gồm năm tàu đổ bộ Type 071 với trọng lượng 25.000 tấn/chiếc.
Bên cạnh các tàu đã đang được triển khai, đã có tin đồn về một dự án mới để phát triển tàu đổ bộ cỡ lớn Type 076 thế hệ tiếp theo.
Báo TQ ví quan hệ với Mỹ như “phu thê”
Tờ báo tự tin rằng “cỗ máy sản xuất khổng lồ” của Trung Quốc sẽ giúp Mỹ chống lại đại dịch COVID-19, vượt qua tình trạng suy thoái kéo dài tàn khốc.
Thời báo Hoàn cầu không tin vào sự “chia tách” với Mỹ.
Sự tự tin của Bắc Kinh
Trong bài bình luận mới đây về mối quan hệ với Mỹ, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đặt câu hỏi liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có những bất đồng không thể hòa giải, giống như hai vợ chồng bất mãn đầy cay đắng?
Tờ báo Trung Quốc nhận định, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu nỗ lực tách rời khỏi Trung Quốc với nhận thức “cứng nhắc” rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu đựng tổn thất nhiều hơn và sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ bị kiềm chế.
Thời báo Hoàn cầu thừa nhận mối quan hệ giữa hai nước đang ngày càng trở nên căng thẳng liên quan tới các vấn đề thương mại, công nghệ, Hong Kong, Biển Đông và đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tờ báo này cho rằng mối quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc vẫn tồn tại và thỏa thuận thương mại giai đoạn một của hai nước sẽ được giữ nguyên.
Thời báo Hoàn cầu tự tin rằng “cỗ máy sản xuất khổng lồ” của Trung Quốc sẽ tiếp tục chế tạo các thiết bị y tế rất cần thiết và những vật dụng thiết yếu hàng ngày khác để giúp người Mỹ chống lại đại dịch COVID-19 và vượt qua tình trạng suy thoái kéo dài và tàn khốc.
Người Trung Quốc coi việc yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston bang Texas là sự “ngạo mạn” của chính quyền ông Trump và lý do liên quan tới những kết quả thăm dò không thuận lợi trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Căng thẳng gia tăng liên tục nhưng Thời báo Hoàn Cầu cho rằng sẽ rất khó để hai cường quốc trên thế giới tách rời khỏi nhau vì hai nền kinh tế đã được hội nhập chặt chẽ và đan xen trong 40 năm qua. Theo đó, hàng chục nghìn công ty Mỹ và Trung Quốc đang phát triển mạnh nhờ mối quan hệ này và cùng góp phần vào cùng một tuyến cung ứng.
Cũng theo Thời báo Hoàn cầu, hàng tỷ công nhân ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế khác – bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Canada, Mexico, Australia và New Zealand – cũng cùng dựa vào mối quan hệ này để hỗ trợ gia đình họ. Tờ báo tự tin rằng nền kinh tế của Trung Quốc rất quan trọng và không thể thiếu đối với nhiều quốc gia.
Dẫn chứng được đưa ra là đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) coi nền kinh tế như một động cơ chính, đóp góp tới 30% tăng trưởng hàng năm của thế giới trong suốt 5 năm qua. Washington kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ trở về nước và tạo việc làm sản xuất tại Mỹ song Thời báo Hoàn cầu cho rằng lời kêu gọi đã bị bỏ ngoài tai.
Bằng chứng là tất cả các công ty lớn của Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu viết: “Chỉ cần hỏi các giám đốc điều hành của General Motors, Tesla, Apple, Honeywell, Qualcomm và Microsoft tại sao họ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc, câu trả lời rất đơn giản và thuyết phục: thị trường Trung Quốc rất khổng lồ và vẫn đang phát triển, nên không ai sẵn sàng rời đi”.
Tờ báo Trung Quốc nhắc lại một câu nói cũ rằng, Thái Bình Dương đủ lớn để hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ cùng tồn tại và tương tác hòa bình. Theo đó, hàng nghìn tỷ của cải mới sẽ được tạo ra và mang lại lợi ích cho 2 dân tộc. Lời kêu gọi được đưa ra là cả hai phải tuân theo cùng một bộ quy tắc ứng xử để tránh rủi ro trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và kiềm chế.
Mỹ “tấn công” trong bị động
Những phân tích của Thời báo Hoàn cầu được đưa ra trong bối cảnh Mỹ vẫn là bên chủ động “tấn công” còn Trung Quốc có vẻ như muốn “câu giờ” để đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Ngày 4/8, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) tuyên bố Trung Quốc không muốn thấy căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang hơn nữa sau những vụ đóng cửa lãnh sự quán của nhau trong vài tuần qua.
Theo hãng tin Reuters, khi được hỏi về mối quan hệ song phương đang ngày một xấu đi, với giọng điệu hòa giải, Đại sứ Thôi Thiên Khải phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen trực tuyến rằng hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cần nỗ lực hợp tác thay vì đối đầu nhau.
Ông Thôi Thiên Khải nêu rõ: “Tôi không nghĩ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ phục vụ lợi ích của bất kỳ bên nào. Vì sao chúng ta lại cho phép lịch sử tái diễn… khi mà chúng ta phải đối mặt với quá nhiều thách thức mới”. Ông cũng bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc Trung Quốc hoạt động gián điệp tại Tổng lãnh sự quán nước này ở Houston.
Cùng ngày 4/8, tờ Wall Street Jorunal đưa tin Mỹ và Trung Quốc nhất trí tổ chức cuộc thảo luận thương mại cấp cao vào ngày 15/8 tới, với mục đích đánh giá thỏa thuận thương mại mà hai nước ký hồi đầu năm nay. Dự kiến, tham gia cuộc đàm phán sẽ có Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Còn từ Bắc Kinh, cũng trong ngày 4/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc Washington gây khó khăn cho các doanh nghiệp không phải của Mỹ, đồng thời cho rằng cách làm của Washington vi phạm các quy định về kinh tế thị trường và các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về cởi mở, minh bạch và không phân biệt đối xử.
Trả lời khi được hỏi về yêu cầu mới đây của Mỹ với ứng dụng chia sẻ TikTok, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Trong một thời gian, không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào, Mỹ luôn quy chụp cái cớ an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực của mình để chèn ép các doanh nghiệp không phải của nước mình”.
Ông Uông Văn Bân nhấn mạnh thêm: “Những động thái như vậy đi ngược lại với quy định của kinh tế thị trường và các nguyên tắc của WTO. Đó là một hành động bắt nạt trắng trợn mà chúng tôi cực lực phản đối. Chúng tôi cũng nhận thấy hành động đó đã kéo theo những chỉ trích và nghi ngờ tại Mỹ cũng như từ cộng đồng quốc tế”.
Phản ứng của Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/8 cho biết ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok của Trung Quốc sẽ “không được kinh doanh” ở Mỹ nếu không bán chi nhánh tại nước này vào giữa tháng 9 tới, đồng thời bày tỏ đồng ý với việc hãng Microsoft đề nghị mua chi nhánh của TikTok.
Theo tờ Thời báo Los Angeles của Mỹ, Chính quyền của Tổng thống Trump đang tìm cách thay đổi căn bản cách tiếp cận đối với Trung Quốc. Sau khi Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào năm
1979, Mỹ về cơ bản đã ủng hộ sự trỗi dậy hòa bình của quốc gia này. Sự đồng thuận lưỡng đảng kéo dài suốt 6 đời tổng thống đã dẫn đến những trao đổi hàng hóa, sinh viên và cả ý tưởng đem lại lợi ích cho cả hai phía.
Theo tờ báo Mỹ, nước này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Trung Quốc trở thành thành viên WTO vào năm 2001, giúp mở ra những thị trường mới mẻ cho ngành công nghiệp xuất khẩu quy mô của quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, sự đồng thuận này đang dần biến mất.
Thời báo Los Angeles nhận định, mối quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ gây ra nhiều thất vọng và thiếu tính xây dựng, song con đường khiêu chiến và leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc là lựa chọn không nên tính đến.
http://biendong.net/diem-tin/36226-bao-tq-vi-quan-he-voi-my-nhu-phu-the.html
Sói chiến dịu giọng: Dương Khiết Trì ‘kiên quyết
gìn giữ’, Vương Nghị ‘từ chối tách rời’ với Mỹ
Vũ Dương
Theo phân tích từ giới quan sát bên ngoài, chính quyền Tổng thống Trump đã tìm được “tử huyệt” của ĐCSTQ.
Chính quyền Tổng thống Trump gần đây liên tục tung đòn nặng nhằm vào các quan chức và doanh nghiệp lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thái độ của Bắc Kinh đã dịu đi đáng kể. Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị và Giám đốc Văn phòng Ngoại giao ĐCSTQ Dương Khiết Trì đã liên tục có lời phát biểu, yêu cầu “đối thoại thẳng thắn” với Hoa Kỳ. Ông Vương Nghị thì tuyên bố “từ chối tách rời”, còn ông Dương Khiết Trì “kiên quyết gìn giữ” mối quan hệ Trung-Mỹ.
Ngày 7/8, Giám đốc Văn phòng Ngoại giao ĐCSTQ Dương Khiết Trì đã đăng một bài viết có ký tên với tựa đề “Kiên định gìn giữ và ổn định quan hệ Trung-Mỹ bằng mọi giá” trên trang Tân Hoa Xã, toàn văn vượt quá 6.300 từ.
Bài viết theo thường lệ phản đối cái gọi là “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, “công kích ĐCSTQ và hệ thống chính trị của Trung Quốc”, “xúi giục chia rẽ quan hệ máu thịt giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc”… của phía Hoa Kỳ, tuy nhiên những nội dung này chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ.
Phần lớn nội dung bài viết đều gợi nhớ lại 41 năm “Hữu nghị Trung – Mỹ”, thảo luận về cái gọi là “hợp tác sẽ có lợi cho cả hai, còn như đấu đá sẽ gây tổn hại cho cả hai”, đồng thời cho rằng cần phải “hợp tác và cùng có lợi” với Mỹ, triển khai đối thoại và gắn kết với nhau trên nhiều lĩnh vực, “Bên phía Trung Quốc trước sau vẫn mở rộng cánh cửa đối thoại và thắt chặt tình hữu nghị với Hoa Kỳ”.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị trong buổi phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa Xã vào ngày 5/8, hứa rằng ĐCSTQ “sẽ không can thiệp bầu cử và công việc nội bộ của Hoa Kỳ”, đặt ra “khuôn khổ quan hệ Trung – Mỹ”: “tránh đối đầu”, “đối thoại thẳng thắn”, “từ chối tách rời” và “tiếp tục hợp tác”.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Vương Nghị nhiều lần nhấn mạnh đối thoại và tuyên bố “sẵn sàng tiến hành đối thoại thẳng thắn và hiệu quả với Hoa Kỳ một cách đường hoàng công khai”.
Trước đó, ngày 4/8, ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, cũng đưa ra lời kêu gọi với chính phủ Mỹ thông qua tờ New York Times, nói rằng Trung Quốc không muốn nhìn thấy căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang thêm một bước sau khi hai bên đóng cửa lãnh sự quán của nhau, và nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ “tuân thủ giai đoạn đầu của hiệp định thương mại”.
Trước đó, ông Thôi Thiên Khải từng tiết lộ rằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc “đã không có đối thoại trong vài tháng”.
Những ngày gần đây, chính phủ Hoa Kỳ đã liên tục tung đòn nặng đáp trả ĐCSTQ, bao gồm thúc đẩy mạnh chiến dịch loại bỏ các ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc” thông qua chương trình “Mạng lưới sạch”, cấm TikTok, WeChat và công ty mẹ của chúng giao dịch với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức cấp cao ở Hồng Kông.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tách bạch rõ ràng giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc trong các bài phát biểu của mình, và nêu rõ sự ủng hộ của ông đối với cuộc đấu tranh vì dân chủ của người dân Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cũng chỉ ra rằng điều ĐCSTQ lo sợ nhất không phải Hoa Kỳ, mà là người dân Trung Quốc. Đồng thời, chính phủ Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc việc chế tài đối với các đảng viên ĐCSTQ. Theo phân tích từ giới quan sát bên ngoài, chính quyền Tổng thống Trump đã tìm được “tử huyệt” của ĐCSTQ.
Theo Ming Xuan, NTDTV
Vũ Dương biên dịch
Trung Quốc nói Hoa Kỳ tiêu chuẩn kép, dân nói
chẳng phải đã cấm Twitter, Youtube… từ trước sao
Phụng Minh
Người Hoa để lại bình luận: “Cảm giác như không còn chiêu nào cả, có chút bất lực rồi”.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký lệnh hành pháp chống lại TikTok và WeChat vào ngày 6/8. Các chuyên gia tin rằng WeChat có thể còn thảm hại hơn cả TikTok khi có thể bị Hoa Kỳ cấm hoàn toàn. Hiện tại, Tencent mới chỉ đưa ra phản hồi ngắn gọn đối với lệnh hành chính liên quan, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhảy vào cuộc một lần nữa, thu hút sự cười chê của công chúng.
Tổng thống Mỹ Trump đã ký hai sắc lệnh vào ngày 6/8, sẽ cấm bất kỳ cá nhân hoặc công ty nào ở Hoa Kỳ giao dịch với TikTok và công ty mẹ ByteDance, WeChat và công ty mẹ Tencent trong 45 ngày .
Ông Trump tuyên bố trong lệnh hành pháp rằng TikTok tự động lấy một lượng lớn thông tin từ người dùng, chẳng hạn như dữ liệu vị trí, trình duyệt và lịch sử tìm kiếm. Giống như TikTok, WeChat cũng tự động nắm bắt một lượng lớn thông tin về người dùng của mình. Việc thu thập dữ liệu như vậy có thể cho phép chính quyền Trung Quốc lấy được thông tin cá nhân của người Mỹ. Ngoài ra, ông Trump cũng đề cập rằng WeChat có thể lấy thông tin cá nhân của các công dân Trung Quốc đã đến Hoa Kỳ, những người có thể được hưởng những lợi ích của một xã hội tự do lần đầu tiên trong đời.
Ngay khi những tin tức liên quan xuất hiện, giá cổ phiếu của Tencent giảm 10% và vốn hóa trị thị trường của doanh nghiệp này đã bốc hơi hơn 500 tỷ đô la Hồng Kông. Một phát ngôn viên của Tencent đã trả lời vào thứ Sáu (7/8) rằng Tencent đang đánh giá sắc lệnh của Hoa Kỳ để có được sự hiểu biết đầy đủ.
Cùng ngày, ba mục liên quan đến vấn đề này đã xuất hiện trên danh sách tìm kiếm nóng của Weibo đại lục, bao gồm “WeChat”, “Tencent phản ứng với lệnh cấm giao dịch thông tin của Trump” và “Giá cổ phiếu Tencent lao dốc làm bốc hơi 500 tỷ đô la Hồng Kông”. Hàng triệu cư dân mạng đại lục bày tỏ sự lo lắng về vụ việc này. Trên Twitter cũng có nhiều nhà phân tích Hoa kiều đưa ra bình luận.
Cư dân mạng phân tích: “Chỉ cần ByteDance bán TikTok trong vòng 45 ngày, miễn là có thể thoái toàn bộ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, thì sẽ không bị lệnh hành chính của Trump kiểm soát. Tencent thì về căn bản không thể rời bỏ WeChat do không có dịch vụ độc lập ở nước ngoài, không có cách nào bán, chỉ có thể bị chặn”. “Trong thời gian 45 ngày, TikTok có Microsoft, còn ai sẽ tiếp quản WeChat của Tencent đây?”. Có người còn phân tích rằng, sau khi WeChat bị xử lý thì sẽ đến Alibaba.
Khi trả lời các tin tức liên quan tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 7/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã sử dụng luận điệu nhất quán của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cáo buộc Mỹ “đàn áp các công ty không phải của Mỹ với lý do an ninh quốc gia”. Uông Văn Bân cũng tuyên bố rằng “Trung Quốc kiên quyết phản đối”.
Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ quan điểm về phản ứng này, họ chế giễu: “Bao biện cho bản thân, đổ lỗi cho người khác, đây là đặc tính Trung Quốc”; “Có thể làm gì được Hoa Kỳ đây? Lên án? Phản đối?”; “Biện pháp đối phó là ở đâu?”; “Cảm giác như không còn chiêu nào cả, có chút bất lực rồi”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/8, ông Uông Văn Bân cũng phản ứng gay gắt trước các hành động của Hoa Kỳ đối với các phần mềm của Trung Quốc như Douyin và WeChat. Uông Văn Bân cáo buộc Hoa Kỳ là sử dụng tiêu chuẩn kép điển hình. Nhưng cư dân mạng đại lục lại đặt câu hỏi rằng phải chăng chính Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thực hiện tiêu chuẩn kép. “Chẳng phải chúng ta đã cấm Twitter, Youtube, INS… từ lâu rồi sao?”; “Tôi cảm thấy như [các vị ấy] đang bị rối loạn tâm thần, cái gì tạo ra tiêu chuẩn kép đây? Chính mình tự mắng mình rồi”.
Theo Duan Mushan, Secretchina
Phụng Minh biên dịch
Trung Quốc sắp tập trận bắn đạn thật
ở phía bắc Đài Loan
Hải Lam
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) đưa tin, Trung Quốc sẽ tổ chức hai cuộc diễn tập bắn đạn thật ở biển Hoa Đông trong hai tuần tới, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm 6/8 ra thông báo cho biết, hai cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ được tổ chức gần quần đảo Chu San (Zhoushan), cách Đài Loan 550km về phía bắc. Cuộc tập trận đầu tiên kéo dài ba ngày, bắt đầu vào thứ Ba tới (11/8), còn cuộc tập trận thứ hai bắt đầu vào ngày 16/8.
Các cuộc tập trận sẽ diễn ra từ 6h sáng đến chiều mỗi ngày. Các tàu thuyền khác bị cấm đi vào khu vực quy định trong thời gian tập trận.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang tăng cường các hoạt động quân sự trong những tháng gần đây. Quân đội Trung Quốc đã tiến hành một loạt cuộc tập trận không quân gần Đài Loan, trong khi Hải quân Mỹ cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ở eo biển hòn đảo này.
Tháng trước, Đài Loan đã kết thúc cuộc tập trận bắn đạn thật, Tổng thống Thái Anh Văn gọi đây là động thái thể hiện quyết tâm tự vệ của hòn đảo. Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, và cần phải được thống nhất với đại lục, kể cả viện đến vũ lực nếu cần thiết.
Chính quyền Trung Quốc cũng phản đối việc Mỹ tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan. Hôm 7/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Mỹ nên ngừng bán vũ khí cho hòn đảo sau khi Reuters đưa tin Washington đang đàm phán để bán ít nhất 4 máy bay vũ trang không người lái cho phía Đài Loan.
Trong khi đó, Mỹ bày tỏ quan ngại về “hoạt động gây bất ổn” của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng quốc phòng hai nước.
Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar dẫn đầu một phái đoàn dự kiến tới đảo Đài Loan vào ngày 9/8. Ông Azar sẽ là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm hòn đảo kể từ năm 1979, khi Washington chính thức thiết lập ngoại giao với Bắc Kinh. Tờ SCMP bình luận, động thái này khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng hơn nữa.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-sap-tap-tran-ban-dan-that-o-phia-bac-dai-loan.html
Ảnh chụp vệ tinh hé lộ nhiều thành phố
Trung Quốc bị nhấn chìm trong mưa lũ
Hương Thảo
Sau những trận lũ lụt tồi tệ nhất mà Trung Quốc đã chứng kiến trong nhiều thập kỷ cả ở thượng lưu và hạ lưu đập Tam Hiệp dọc sông Dương Tử, nhiều bức ảnh chụp vệ tinh đã hé lộ tình trạng lũ lụt thực sự ở các thành phố lớn trong “Trận lũ số 2” trong năm của hệ thống sông này, theo Taiwan News.
Sau hai tháng mưa lũ xối xả trên sông Dương Tử, sông Hoàng Hà và sông Hoài, cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã hôm 29/7 dẫn lời Bộ Quản lý Khẩn cấp cho biết “lũ lụt do mưa gây ra” đã tác động đến 54,8 triệu người tại 27 khu vực cấp tỉnh, tính đến ngày 28/7. Mặc dù thiên tai có quy mô rộng, chính phủ chỉ báo cáo 158 người chết hoặc mất tích, một con số thấp một cách khó hiểu, giảm 53,9% so với mức trung bình 5 năm trở lại đây.
Tân Hoa xã cho biết 3,76 triệu người đã được sơ tán khỏi các khu vực bị lũ lụt tàn phá. Trong một cuộc tấn công dữ dội, 41.000 ngôi nhà đã bị sập, và 368.000 ngôi nhà bị hư hại.
Tổng cộng 5,28 héc-ta đất canh tác đã bị hư hại, thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 144,43 tỷ nhân dân tệ (khoảng 20,66 tỷ USD). So với mức trung bình cùng kỳ trong 5 năm trở lại đây, số người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm nay đã tăng 23,4%, số lượng người sơ tán tăng 36,7%, và thiệt hại kinh tế trực tiếp tăng 13,8%.
Theo yêu cầu, công ty ảnh chụp vệ tinh Canada ProImagery đã cung cấp hình ảnh chụp các thành phố Vũ Hán, Nam Xương và Trùng Khánh trước khi các trận lũ lớn bắt đầu và sau khi “Trận lụt số 2” bắt đầu tàn phá khu vực.
Trùng Khánh
Trùng Khánh, nằm ở đầu nguồn con đập trên sông Dương Tử, bắt đầu hứng chịu mưa lũ xối xả nghiêm trọng từ ngày 15/7. Những trận mưa như trút nước từ hôm đó đã gây lũ lụt nghiêm trọng trên khắp thành phố, với 188.025 người ở 19 quận và quốc gia bị ảnh hưởng, cũng như 1.000 ngôi nhà bị phá hủy và 6.000 ha hoa màu bị ngập, theo China News Service.
Theo ảnh chụp vệ tinh thời điểm trước và sau tại các quận Yuzhong và Nan’an của Trùng Khánh, những khu vực từng là bãi cát, đảo và bến tàu vào tháng 4 đã được thay thế vào tháng 7 bằng một lớp bùn màu nâu, đặc bao phủ toàn bộ các cây cầu, đe dọa ‘nuốt chửng’ chúng. Lưu lượng tàu thuyền chở hàng hóa
trên sông dường như đã rớt xuống con số không vào tháng Bảy, làm dấy lên nghi vấn về khả năng duy trì mức tăng trưởng GDP 3,2% mà thành phố này này tuyên bố trong quý II.
Vũ Hán
Vũ Hán, nơi bùng phát đại dịch COVID-19, nằm bên bờ sông Dương Tử thuộc hạ lưu đập Tam Hiệp. Chính vì vậy khu vực này đã hứng chịu tổn thất nặng nề do con đập khổng lồ mở cửa xả lũ gây ra. Mực nước dâng cao đáng kể ở Vũ Hán hồi cuối tháng 6 khiến người dân nghi ngờ Hồ chứa Tam Hiệp mở cửa xả vì lo ngại lũ lụt ở thượng nguồn gây vỡ đập, đe dọa đến sinh kế của 400 triệu người dân.
Ngày 17/7, Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc đưa tin “Trận lũ số 2” năm 2020 đã hình thành trên thượng nguồn sông Dương Tử. Khi trận lũ lớn tác động đến đập Tam Hiệp, dòng chảy vào đạt 61.000 mét khối/giây hồi 8 giờ sáng ngày 18/7, khiến nó trở thành trận lũ lớn nhất tác động đến con đập trong thời điểm đó.
Bên cạnh tốc độ nước lũ đổ vào đạt mức kỷ lục 61.000 mét khối/giây, tốc độ dòng chảy ra đạt 33.000 mét khối/giây. Như các bức ảnh chụp vệ tinh dưới đây, mực nước sông Dương Tử hôm 23/7 cao hơn nhiều lần so với thời điểm cách đây hai tháng, khi người ta vẫn có thể quan sát những ngọn cây nổi lên trên bề mặt.
Nam Xương
Nam Xương nằm trên hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, nằm ở hạ lưu sông Dương Tử và chịu ảnh hưởng bởi dòng nước chảy ra từ đập Tam Hiệp. Trong những năm trước, con đập này được cho là nguyên nhân khiến hồ Bà Dương bị thu hẹp và gần như bốc hơi hoàn toàn vào năm 2016.
Ngày 18/7, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin các nhân viên cứu hỏa đã hoàn thành việc lấp đầy một vết nứt dài 188 mét trên đê hồ Bà Dương. Trước đó 9 ngày, con đê này đã vỡ gây lũ lụt trên diện rộng tại 15 ngôi làng và các cánh đồng nông nghiệp ở tỉnh Giang Tây. Hơn 14.000 người đã được sơ tán.
Các hòn đảo nổi và các khóm cây xanh ven bờ trong ảnh chụp ngày 19/5 đã hoàn toàn bị nhấn chìm bởi một dòng nước màu xanh lá cây ngày 17/7.
Với mức độ tàn phá không kém những trận lũ trên, Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang thuộc Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc ngày 26/7 đã ra thông báo “Trận lũ số 3” đang tấn công vùng thượng lưu lưu vực sông Dương Tử. Trận lũ khổng lồ đã tràn xuống sông Gia Lăng, một phụ lưu của sông Dương Tử, nhấn chìm thị trấn cổ Từ Khí Khẩu và làm ngập các khu vực trũng của siêu đô thị Trùng Khánh, bao gồm địa danh nổi tiếng Triều Thiên Môn.
https://www.dkn.tv/the-gioi/anh-chup-ve-tinh-he-lo-cac-thanh-pho-trung-quoc-chim-trong-mua-lut.html
Một người tử vong vì dịch hạch,
Trung Quốc phong tỏa cả làng ở Nội Mông
Hải Lam
Giới chức Trung Quốc đã phong tỏa làng Sujixin, thành phố Bao Đầu, Nội Mông sau khi một người dân ở đó qua đời vì bệnh dịch hạch, theo bản tin ngày 7/8 của The Epoch Times.
Ủy ban y tế thành phố Bao Đầu cho biết nạn nhân tử vong do nhiễm trùng đường ruột gây suy hệ tuần hoàn. Cơ quan này cũng cách ly 9 F0 và 26 F1, đồng thời đưa ra cảnh báo cấp độ ba cho đến cuối năm.
Cho đến nay, tất cả người dân ở làng Sujixin, nơi bệnh nhân sống, đều có kết quả xét nghiệm âm tính và không có “triệu chứng bất thường” nào như sốt. Ủy ban cho biết họ hàng ngày sẽ “khử trùng triệt để” nơi ở của người bệnh đã qua đời và những khu vực lân cận. Chính quyền Nội Mông đã ra lệnh cho tất cả 12 trung tâm kiểm soát dịch bệnh cấp thành phố và 57 quận, huyện điều thêm cán bộ và thành lập các bộ phận để phòng chống bệnh dịch hạch.
Đây là ca bệnh dịch hạch thứ 2 và là ca tử vong đầu tiên mà chính quyền Trung Quốc xác nhận trong năm nay. Ca bệnh trước đó ở Ba Ngạn Náo Nhĩ (Bayannur), một thành phố khác ở Nội Mông, được báo cáo hồi tháng 7. Ba Ngạn Náo Nhĩ cũng đã phải ban hành cảnh báo cấp độ 3, kéo dài đến cuối năm và đóng cửa một số điểm du lịch. Các quan chức cảnh báo công chúng tránh săn bắn, ăn hoặc mang theo động vật hoang dã có thể mang mầm bệnh.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin, vào ngày 1/7, Mông Cổ đã xác nhận hai trường hợp mắc bệnh dịch hạch. Cả hai đều đã ăn thịt sóc marmot mà họ bắt giữ trái phép. Vào ngày 14/7, Bộ Y tế Mông Cổ cho biết một thiếu niên 15 tuổi đã qua đời sau khi ăn thịt sóc marmot nhiễm dịch hạch với hai người bạn khác.
Bệnh dịch hạch do vi khuẩn gây ra và lây truyền qua vết cắn của bọ chét và các động vật nhiễm bệnh khác. Căn bệnh này đã giết chết khoảng 50 triệu người ở châu Âu trong đại dịch “Cái chết Đen” thời Trung cổ.
Ngoại trưởng Philippines
khẳng định lập trường về Biển Đông trước TQ
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. hôm nay 6.8 khẳng định lập trường của nước này về Biển Đông sau khi Bắc Kinh hoan nghênh việc Tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh cấm hải quân Philippines tham gia tập trận chung ở Biển Đông.
Hôm 3.8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay Tổng thống Duterte đã ra lệnh cho quân đội nước này tránh xa các cuộc tập trận với hải quân nước khác ở Biển Đông, ngoại trừ những cuộc tập trận diễn ra trong phạm vi 12 hải lý từ bờ biển Philippines, theo báo Philippine Daily Inquirer.
Đến ngày 4.8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Bắc Kinh đánh giá cao quyết định nói trên của Tổng thống Duterte, theo mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên Twitter hôm nay 6.8, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr viết rằng ông Uông đang “suy diễn quá nhiều” về một “chỉ thị đơn giản” của Tổng thống Duterte, theo Philippine Daily Inquirer.
Ngoại trưởng Locsin nhấn mạnh rằng lập trường của Philippines về Biển Đông vẫn “nhất quán và rõ ràng”. “Cái gì của chúng tôi là của chúng tôi theo phán quyết của tòa trọng tài quốc tế và không ai có thể bảo chúng tôi làm khác”, ông Locsin nhấn mạnh, ý nhắc phán quyết ngày 12.7.2016 của tòa trọng tài quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Trước đó, báo Rappler ngày 12.7 dẫn lời Ngoại trưởng Locsin tái khẳng định rằng Philippines sẽ luôn theo phán quyết về Biển Đông nói trên và không thỏa hiệp với Trung Quốc.
Cảnh sát Thái bắt giữ hai lãnh đạo sinh viên biểu tình
Nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ một lãnh đạo sinh viên và một nhà tư vấn pháp lý hôm thứ Sáu 7/8 về các cuộc biểu tình chống chính phủ, một tổ chức tư vấn pháp lý cho biết giữa lúc giới trẻ biểu tình nói họ muốn phát triển phong trào và leo thang các hoạt động chống chính phủ.
Đám đông biểu tình do các nhóm sinh viên dẫn đầu lại xuống đường, kêu gọi lật đổ chính phủ bảo thủ do hai chính khách ủng hộ quân đội lãnh đạo, chưa đầy 2 tháng sau cuộc tổng tuyển cử.
Cảnh sát bắt giữ Anon Nampa, 35 tuổi, một luật sư nhân quyền, và Panupong Jadnok, lãnh đạo sinh viên vốn là những khuôn mặt nổi bật trong các cuộc tuần hành do sinh viên dẫn đầu trên khắp nước từ ngày 18/7, tổ chức tư vấn pháp luật Thai Lawyers for Human Rights – Luật sư Thái Lan vì Nhân quyền, nói với Reuters.
Anon kêu gọi cải cách chế độ quân chủ đầy quyền lực, một chủ đề rất nhạy cảm ở Thái Lan, trong một cuộc biểu tình hôm thứ Hai 6/8, nhưng lệnh bắt giữ mà Reuters được xem qua, không đề cập đến chi tiết này.
Tài liệu này nói Anon bị truy nã vì đã vi phạm điều 116 của bộ luật hình sự khi làm tăng bất ổn và gây bất mãn trong xã hội theo cách có thể gây xáo trộn và khích động dân vi phạm luật vào ngày 18/7, khi các đám biểu tình tập trung tại Đài tưởng niệm Dân chủ Bangkok.
Lệnh bắt giữ còn viện ra những quy định chống dịch, hạn chế tụ họp nơi công cộng.
Luật sư nhân quyền Weeranan Huadsri nói với Reuters rằng lãnh đạo sinh viên Panupong cũng đã bị bắt nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Phát ngôn viên cảnh sát Kritsana Pattanacharoen xác nhận hai vụ bắt giữ vừa kể.
https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-thai-bat-giu-hai-lanh-dao-sinh-vien-bieu-tinh/5534993.html