Tin khắp nơi – 08/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 08/08/2017

LHQ cảnh báo Venezuela ‘sử dụng vũ lực quá mức’

Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cảnh báo “việc sử dụng vũ lực quá mức một cách rộng rãi và có hệ thống” với người biểu tình ở Venezuela.

Cơ quan này cũng lên tiếng về các vi phạm nhân quyền khác, trong đó có “khám nhà thô bạo, tra tấn và đối xử tàn tệ”.

Các lực lượng an ninh Venezuela được cho là chịu trách nhiệm về ít nhất 46 người chết trong các vụ bạo lực có liên quan đến biểu tình.

Con số này dựa trên các cuộc phỏng vấn.

Venezuela: Trump cảnh báo Maduro

Venezuela: đụng độ chết người

PetroVietnam vẫn hy vọng dự án ở Venezuela?

“Bạo lực gây chết người”

Tuyên bố được Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm thứ Ba 8/8 nói “vì giới chức Venezuela không đáp lại yêu cầu tiếp cận làm việc [của chúng tôi], Cao ủy về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Ra’ad Al Hussein triển khai một nhóm các chuyên gia về nhân quyền để tiến hành theo dõi từ xa tình hình nhân quyền tại nước này”.

Nhóm chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tiến hành các cuộc phỏng vấn từ xa vì yêu cầu tiếp cận của họ không được giới chức Venezuela trả lời.

Những người làm chứng nói với Liên Hiệp Quốc rằng các lực lượng an ninh đã xịt hơi cay và bắn đạn chì mà không báo trước.

“Các lực lượng an ninh cũng được cho là dùng bạo lực gây chết người đối với những người biểu tình”, bản tuyên bố viết.

Khủng hoảng Venezuela: Đụng độ, triệu người đình công

Mỹ chế tài 13 quan chức Venezuela

“Đối xử tàn tệ và tra tấn”

“Từ khi làn sóng biểu tình bắt đầu hồi tháng Tư, đã có cách thức dùng vũ lực quá mức chống lại người biểu tình. Hàng ngàn người đã bị bắt giữ tùy tiện, nhiều người bị đối xử tàn tệ và thậm chí tra tấn, còn hàng trăm người bị đưa ra tòa án binh thay vì tòa án dân sự,” ông Husein nói.

Ông chỉ ra rằng “một số nhóm biểu tình cũng dùng bạo lực, và có tin họ tấn công các sỹ quan an ninh.”

Nhóm nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết ước tính có hơn 5000 người đã bị bắt giữ tùy tiện từ ngày 1/4, khi các cuộc biểu tình bắt đầu, đến ngày 31/7.

Ngài cao ủy giục giới chức Venezuela “lập tức ngừng sử dụng vũ lực quá mức với những người biểu tình, dừng ngay việc bắt người tùy tiện và thả tất cả những người đã bị bắt tùy tiện.”

Ngay sau khi bản tuyên bố được đưa ra, Tòa án Tối cao Venezuela đã ra lệnh bắt quận trưởng theo phe đối lập Ramón Muchacho.

Tòa án đã kết án ông 15 tháng tù giam và cấm ông đến văn phòng sáng sớm thứ Ba ngày 8/8.

Quận trưởng quận Chacao bị bắt

Tòa nói ông Ramón Muchacho không ngăn cản người biểu tình dựng chướng ngại vật chắn đường trong các cuộc biểu tình xảy ra ở quận Chacao, thành trì của phe đối lập mà ông cai quản.

Sau chín tiếng tranh luận, Tòa án Tối cao kết luận ông Muchacho, 44 tuổi, phạm tội không thực thi lệnh của tòa về việc ngăn chặn người dân chắn đường.

Chacao là một trong những quận của thủ đô Caracas nơi là tâm điểm của những cuộc biểu tình chống chính phủ đã diễn ra trên khắp cả nước Venezuela trong bốn tháng qua.

Tăng số người chết vì biểu tình ở Venezuela

Biểu tình Venezuela: Phụ nữ phản đối Maduro

Quận này là nơi tập trung của người biểu tình và đường phố trong quận thường bị chắn bởi những chướng ngại vật mà lực lượng chống đối dựng lên để thể hiện sự phản kháng của họ đối với chính phủ.

Hôm 24/5, sau tám tuần biểu tình chống chính phủ, Tòa án Tối cao ra lệnh cho ông Muchacho và bảy quận trưởng khác phải ngăn không cho người biểu tình lập chướng ngại vật chắn đường, và dỡ bỏ chướng ngại vật ở những con đường đã bị chắn.

Tòa cảnh báo nếu các quận trưởng không làm theo lệnh, họ sẽ nhận án tù từ 6 đến 15 tháng.

Ngoài ông Muchacho, ba vị quận trưởng khác cũng bị kết tội không ngăn được người biểu tình dựng chướng ngại vật.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40865211

 

Diễn đàn ASEAN có lợi cho Trung Quốc?

Các bộ trưởng Ngoại giao của Đông Nam Á và Trung Quốc đã thông qua khuôn khổ đàm phán cho một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, một động thái mà họ đánh giá là tiến bộ nhưng các nhà phê bình cho là chiến thuật mua thời gian để Trung Quốc củng cố quyền lực trên biển, theo Reuters.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bộ trưởng Vương Nghị cho biết việc thông qua khuôn khổ này đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán có thể bắt đầu trong năm nay, nếu “tình hình ở Nam Hải (Biển Đông) nhìn chung ổn định và giả thuyết rằng không có sự can thiệp lớn từ bên ngoài”.

Tờ Diplomat phân tích rằng dựa vào câu trả lời của ông Vương Nghị, có vẻ như Trung Quốc đã xem Diễn đàn Khu vực ASEAN năm nay là một phi vụ ngoại giao thành công.

ASEAN không có thông cáo chung ‘do Việt Nam’

TQ ‘bực bội vì hành động của VN ở Asean’

Asean tạo dịp hiếm có cho cuộc gặp giữa Mỹ và Bắc Hàn

Trả lời báo chí, ông Vương nhấn mạnh “thực sự chỉ có một hoặc hai bộ trưởng bày tỏ mối quan ngại”.

Ông cũng chỉ ra rằng “Trung Quốc đã hoàn thành việc bồi đắp cách đây hai năm. Vì vậy, nếu có bất kỳ quốc gia nào tiến hành bồi đắp, chắc chắn không phải là Trung Quốc – có lẽ đó là chính quốc gia sẽ đưa ra vấn đề mới đang làm việc đó,” ông nói thêm.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đã thực hiện hoạt động bồi đắp ở hai khu vực trong vùng biển đang tranh chấp trong những năm gần đây, theo Reuters.

Trong khi đó Trung Quốc đã xây dựng bảy đảo nhân tạo trong vùng biển đang tranh chấp, ba trong số đó được trang bị đường băng, tên lửa đất-đối-không và radar.

Ngôn ngữ khuôn khổ bộ quy tắc ‘bất đồng’

Thỏa thuận khung bộ quy tắc ứng xử chưa được công bố nhưng một bản kế hoạch hai trang mà Reuters có được cho thấy có nhiều bất đồng.

Tài liệu kêu gọi cam kết “các mục tiêu và nguyên tắc” của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng không nêu rõ về việc tuân thủ. .

Một văn kiện riêng của ASEAN, được ghi từ tháng Năm và Reuters thu thập cho thấy Việt Nam thúc đẩy ngôn ngữ mạnh mẽ, cụ thể hơn, đề cập tới cơ chế giải quyết tranh chấp và tôn trọng “chủ quyền, các quyền chủ quyền và thẩm quyền”.

Quyền chủ quyền bao gồm các quyền được đánh bắt và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và Philippines, cho biết họ vẫn ủng hộ việc ràng buộc pháp lý cho bộ quy tắc, tuy nhiên một số chuyên gia cho biết Trung Quốc không có vẻ sẽ đồng ý.

Theo Reuters, các nhà phê bình nói việc không xác định một mục tiêu ban đầu để bộ quy tắc có tính chất ràng buộc pháp lý và thi hành được hoặc có một cơ chế giải quyết tranh chấp, đã gây nghi ngờ về tính hiệu quả của nó.

Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ yêu cầu ‘ràng buộc pháp lý’

Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ kêu gọi Đông Nam Á và Trung Quốc có một bộ quy tắc có ràng buộc pháp lý và mạnh mẽ phản đối “hành động cưỡng chế đơn phương”.

TQ ‘vững vàng giữ chủ quyền’ ở Biển Đông

Trung Quốc đồng thời cũng phản đối mạnh mẽ cái mà họ gọi là can thiệp của các nước ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông.

Trong một cuộc gặp bên lề với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono Manila hôm 7/8, ông Vương kêu gọi Nhật Bản tôn trọng những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN và đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và ổn định khu vực.

“Đừng luôn gây rắc rối sau lưng các nước khác và gây ra những mâu thuẫn,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương.

Trước đó, ông Vương Nghị vào phút chót đã hủy một cuộc họp với Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh.

Các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc không đưa ra lý do gì về việc hủy cuộc họp. Trong khi đó báo Tuổi Trẻ cho biết hai bộ trưởng đã có một cuộc gặp “kéo qua một bên” và trao đổi quan điểm. Báo này cũng cho thấy hình ảnh ông Nghị và ông Minh bắt tay.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40860506

 

Bắc Hàn muốn Hoa Kỳ ‘phải trả giá’

Bắc Hàn thề sẽ trả đũa và bắt “Hoa Kỳ phải trả giá” cho việc soạn thảo các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc do chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Các biện pháp trừng phạt, được thông qua với biểu quyết tuyệt tối tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ Bảy, là một sư “vi phạm có bạo lực đối với chủ quyền của chúng tôi,” KCNA, hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn, cho biết.

Trong khi đó Nam Hàn cho biết Bắc Hàn đã từ chối đề nghị tái khởi động đàm phán và bác bỏ đề nghị này và gọi đó là giả dối.

Các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm giảm khoảng một phần ba doanh thu xuất khẩu của Bắc Hàn.

Làm sao ‘xử lý’ Bắc Hàn?

Hoa Kỳ ‘sẽ cấm công dân du lịch Bắc Hàn’

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua sau khi Bắc Hàn liên tiếp thử tên lửa và làm leo thang căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.

Trong phản ứng chính đầu tiên vào hôm thứ Hai, Bắc Hàn khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của mình.

‘Gặp chớp nhoáng’

Hãng thông tấn KCNA của nhà nước Bắc Hàn cho biết Bình Nhưỡng sẽ “không dùng biện pháp răn đe hạt nhân tự vệ của chúng tôi ra để đàm phán,” trong khi họ phải đối mặt với mối đe dọa từ Hoa Kỳ.

Bắc Hàn đe dọa sẽ bắt Hoa Kỳ “trả giá cho tội ác của mình … ngàn lần,” khi dẫn chiếu tới vai trò của Washington trong việc soạn thảo nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Phát biểu với các phóng viên tại một diễn đàn khu vực ở thủ đô Manila, Philippines, người phát ngôn của Bắc Hàn Bang Kwang Hyuk cho biết: “Tình hình trên bán đảo Triều Tiên xấu đi, cũng như các vấn đề hạt nhân, là do Hoa Kỳ gây ra.

“Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi sẽ không bao giờ đặt chương trình tên lửa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình lên bàn đàm phán, và sẽ không nhích một li về nỗ lực tăng cường trang bị vũ khí hạt nhân.”

Phát biểu này được đưa ra sau khi có tin ngoại trưởng Bắc và Nam Hàn gặp nhau chớp nhoáng bên lề cuộc họp thượng đỉnh của Asean tại Manila vào tối hôm Chủ nhật.

Truyền thông Nam Hàn cho biết Ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha đã bắt tay người đồng nhiệm phía Bắc Hàn Ri Yong Ho trong một cuộc gặp ngắn ngủi và không được lên lịch tại buổi ăn tối chính thức.

Một quan chức Nam Hàn nói với BBC rằng ông Ri đã bác bỏ đề nghị đàm phán của bà Kang là “giả dối”.

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên vào hôm thứ Hai: “Cảm giác của tôi là Bắc Hàn đã không hoàn toàn bác bỏ các đề xuất tích cực của Nam Hàn.”

Ông Vương Nghị nói thêm rằng Trung Quốc cũng ủng hộ các sáng kiến của Nam Hàn, và cam kết “100%” thực thi các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn của Liên Hợp Quốc.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40841839

 

Nhật lo Bắc Hàn dùng vũ khí nguyên tử

Nhật Bản cảnh báo mối đe dọa nghiêm trọng do Bắc Hàn tiếp tục thử vũ khí.

Vào hôm thứ Ba Nhật công bố Sách Trắng Quốc phòng hàng năm của mình.

Bắc Hàn vào tháng trước bắn hai quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và rơi ngoài khơi bờ biển phía tây của Nhật Bản.

“Có thể hình dung rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn đã có tiến bộ đáng kể và có thể là Bắc Hàn đã đạt được việc phiên bản nhỏ của vũ khí hạt nhân và đã có được đầu đạn hạt nhân, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết.

Bắc Hàn muốn Hoa Kỳ ‘phải trả giá’

Asean tạo dịp hiếm có cho cuộc gặp giữa Mỹ và Bắc Hàn

TQ thúc giục Bắc Hàn ‘ngưng thử tên lửa’

Việc Bắc Hàn thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng có thể dùng tên lửa bắn tới hầu hết lãnh thổ tại Hoa Kỳ, hai quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters.

Các mối đe dọa ngày càng tăng đã khiến một số thành phố của Nhật Bản tổ chức diễn tập sơ tán trong trường hợp xảy ra tấn công bằng tên lửa, và thúc đẩy nhu cầu có hầm tránh vũ khí nguyên tử.

Với việc Bắc Hàn tiếp tục thử tên lửa, một nhóm các nhà lập pháp do ông Itsunori Onodera, người sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào hôm thứ Năm, kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng Ba cân nhắc các giải pháp tấn công vào căn cứ của đối phương.

Nếu được thực hiện, đây sẽ là thay đổi mạnh trong thế trận quốc phòng của Nhật Bản. Cho đến nay Tokyo tránh dùng các bước gây nhiều tranh cãi và tốn kém như việc mua máy bay ném bom hoặc tên lửa hành trình có khả năng tấn công các nước khác.

“Tên lửa của Bắc Hàn mối đe dọa sâu sắc và cùng với hành vi lấn lướt tiếp tục của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, là mối quan ngại chính đối với Nhật Bản,” ông Onodera phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40860510

 

Ngoại trưởng Mỹ thúc đẩy Thái Lan cấm vận Bắc Hàn

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã đến Thái Lan để thúc đẩy chính phủ Bangkok có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Hàn.

Trước khi Ngoại Trưởng Tillerson gặp Thủ Tướng Thái Prayuth Chan Ocha, một viên chức tháp tùng ông cho hay hiện vẫn còn nhiều công ty Bắc Hàn hoạt động ở Thái Lan, và Washington sẽ thuyết phục chính phủ Bangkok đóng cửa những công ty này.

Trích dẫn lời các giới chức Bangkok, hãng thông tấn Reuters đưa tin cho biết chính phủ Thái ủng hộ các nghị quyết cấm vận Bình Nhưỡng mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đưa ra, đồng thời Bộ Trưởng Ngoại Giao Thái là ông Don Pramudwinai cũng cho báo chí biết là trong năm vừa qua, mức trao đổi thương mại giữa Thái và Bắc Hàn đã giảm tới 94%.

Tính từ khi quân đội Thái Lan lật đổ chính phủ dân sự hồi năm 2014 đến giờ, Ngoại Trưởng Mỹ Tillerson là viên chức cao cấp nhất của Mỹ ghé Bangkok. Đầu năm nay, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng gọi điện thoại nói chuyện với Thủ Tướng Prayuth Chan Ocha, mời ông sang thăm Hoa Kỳ, nhưng thời điểm chuyến viếng thăm chưa được ấn định.

Cũng liên quan đến Bắc Hàn, hôm ngày 8 tháng 8 chính phủ Nhật Bản cho phổ biến sách trắng quốc phòng hàng năm, trong đó viết rằng quan tâm về hiểm họa Bắc Hàn có thể gây nên ngày một cao hơn trước.

Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản có đoạn viết rằng chương trình chế tạo võ khí hạt nhân của Bắc Hàn có những tiến bộ đáng kể, cũng như có thể Bình Nhưỡng đã có phiên bản nhỏ của võ khí hạt nhân hay có đầu đạn võ khí hạt nhân.

Khi cho công bố văn bản quan trọng này, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Bản là ông Itsunori Onodera nói rằng bên cạnh chuyện Trung Quốc tiếp tục có những hành động đe dọa ở Biển Đông và biển Hoa Đông, thì hiểm họa đến từ Bắc Hàn là mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản.

Cũng chính vì hiểm họa này nên một số thành phố của Nhật đã tổ chức diễn tập sơ tán để đề phòng trường hợp bị Bắc Hàn tấn công bằng tên lửa, đồng thời thúc đầy chính phủ trung ương phải xây hầm trú ẩn võ khí hạt nhân cho người dân.

Hồi tháng Ba vừa rồi, một nhóm nghị sĩ thuộc đảng đương quyền đã kêu gọi Thủ Tướng Shinzo Abe đánh phủ đầu Bắc Hàn, tấn công những căn cứ quân sự của Bình Nhưỡng.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-japan-nk-update-08082017110233.html

 

Indonesia đổi nông sản lấy máy bay chiến đấu Nga

Indonesia vào ngày 8 tháng 8 cho biết sẽ đổi dầu cọ, cà phê và trà để lấy chiến đấu cơ của Nga. Biện pháp này nhằm tận dụng tình trạng quốc tế trừng phạt Moscow.

Phát ngôn nhân Marolop Nainggolan của Bộ Thương Mại Indonesia cho biết Indonesia và Nga hồi tuần trước đã ký bản ghi nhớ cho việc trao đổi 11 máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga với những mặt hàng chính của Indonesia như vừa nêu.

Bộ trưởng Thương Mại Indonesia Enggartiasto Lukita nói rằng trong khi Nga bị Hoa Kỳ và Châu Âu áp đặt biện pháp cấm vận do cáo buộc Moscow nhúng tay vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng như sát nhập khu vực Crimea của Ukraine thì Indonesia và Nga tận dụng cơ hội này  để có thể mở ra quan hệ thương mại song phương trong lãnh vực năng lượng và hàng không vào khi Nga tìm kiếm thị trường nhập khẩu mới.

Tuy nhiên người đứng đầu Bộ Thương Mại của Indonesia không cho biết thông tin chính xác về khung thời gian và giá trị của các thương vụ giữa hai quốc gia. Vào ngày 8 và 9 tháng 8 Ngoại trưởng Sergei Lavrov của Nga sẽ đến thăm Indonesia.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/indo-barter-palm-oil-coffee-for-russian-fighter-jets-08082017105722.html

 

Mỹ thắt chặt kiểm soát tỷ phú TQ phạm tội hối lộ

Một thẩm phán liên bang tại New York đã thắt chặt các điều kiện quản thúc tại gia đối với một tỷ phú người Trung Quốc bị kết tội hối lộ các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc.

Thẩm phán đã ra lệnh ông Ng Lap Seng phải ở trong căn hộ hạng sang của ông Manhattan 24/24 giờ, đồng nghĩa là ông ta không còn có thể đi ăn mỗi ngày một bữa tại một nhà hàng ở khu phố Tàu.

Thẩm phán cũng ra lệnh phải mở cửa phòng ngủ khi nhân viên massage của ông Ng đến gặp và nhân viên này phải ngừng nấu ăn cũng như đưa đồ ăn cho những người canh gác.

Toà án sẽ xét duyệt mọi cuộc thăm viếng không thuộc diện gia đình tại căn hộ và một thông dịch viên phải theo dõi tất cả các cuộc trò chuyện.

Các công tố viên lập luận rằng có nguy cơ ông Ng bỏ trốn và ông có thể cố trở lại Trung Quốc trước khi ông có thể bị kết án. Nhưng thẩm phán đã từ chối lời đề nghị của các công tố viên về việc đưa ông Ng vào nhà giam.

Ông Ng đã bị kết tội hồi tuần trước về việc hối lộ các nhà ngoại giao LHQ với số tiền hơn một triệu đôla để được họ phê duyệt về một trung tâm hội nghị LHQ mà ông muốn xây dựng ở Macau. Dường như ông hy vọng công trình này sẽ kéo theo nhiều hạng mục khác, bao gồm cả các khách sạn và trung tâm mua sắm.

https://www.voatiengviet.com/a/3976955.html

 

Nếu Bắc Triều Tiên ngưng thử nghiệm phi đạn,

Mỹ sẽ đàm phán

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 7/8 mở ngỏ đối thoại với Bắc Triều Tiên, nói rằng Washington sẵn sàng nói chuyện với Bình Nhưỡng nếu đối phương ngưng loạt phóng thử nghiệm phi đạn của họ.

Phát biểu của ông Tillerson tại diễn đàn an ninh khu vực ở Philippines là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm kìm chế chương trình phi đạn và hạt nhân của Bình Nhưỡng sau những lời lẽ cứng rắn của Tổng thống Donald Trump.

Hôm thứ bảy, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ban hành vòng trừng phạt mạnh tay nhất từ trước tới nay chống lại Bình Nhưỡng vì 2 vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7.

Hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ dường như tỏ ra ‘hòa giải’ hơn.

Ông nói Mỹ cũng mở ngỏ các cách thức liên lạc khác với Bình Nhưỡng ngoài các cuộc đàm phán.

Tuần trước, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố Bình Nhưỡng phải ngưng cả các cuộc thử nghiệm võ khí hạt nhân lẫn phóng thử phi đạn thì mới có đàm phán.

https://www.voatiengviet.com/a/neu-bac-trieu-tien-ngung-thu-nghiem-phi-dan-my-se-dam-phan-/3976145.html

 

Quân đội Mỹ

sẽ bắn hạ máy bay không người lái gần các căn cứ

Ngũ Giác Đài cho phép hơn 130 căn cứ quân sự trên khắp nước Mỹ được bắn hạ các máy bay không người lái tư nhân và thương mại có thể gây nguy hại an toàn hàng không hoặc đề ra các mối đe dọa khác.

Số máy bay không người lái trên không phận Hoa Kỳ đang ngày càng gia tăng nhanh chóng kéo theo mối lo ngại rằng các máy bay nguy ại và thù địch có thể tiếp cận quá gần những địa điểm như các căn cứ quân sự, sân bay, sân vận động thể thao.

Các hành động được Ngũ Giác Đài cho phép bao gồm phá hủy hay tịch thu các máy bay không người lái tư nhân hay thương mại gây ra mối đe dọa, theo phát ngôn nhân Jeff Davis ngày 7/8.

Các máy bay không người lái ở Mỹ phổ biến như món đồ chơi hay thú tiêu khiển. Về mục đích thương mại, chúng còn được dùng để quay phim, chụp hình từ trên không. Các hãng lớn như Amazon còn muốn sử dụng máy bay không người lái để giao hàng.

Ước tính tới năm 2021 đội máy bay không người lái dùng cho mục đích thương mại sẽ có khoảng 442 ngàn chiếc so với con số 42 ngàn hồi cuối năm ngoái.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-my-se-ban-ha-may-bay-khong-nguoi-lai-gan-cac-can-cu-/3976137.html

 

Dân Mỹ ủng hộ can thiệp quân sự

nếu Bình Nhưỡng tấn công Hàn Quốc

Đa số dân Mỹ ủng hộ việc triển khai lính Mỹ nếu Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, theo kết quả một cuộc khảo sát vừa công bố.

Một phần lớn dân Mỹ xem chương trình võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa nguy hiểm đối với Mỹ, theo cuộc thăm dò.

Lần đầu tiên trong gần 30 năm, đa số người Mỹ (62%) tỏ ra ủng hộ hành động quân sự nếu Bình Nhưỡng tấn công Seoul.

Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hội đồng Chicago chuyên về Quốc tế Sự vụ. Chỉ 2 năm trước, 55% dân Mỹ xem Bắc Triều Tiên là mối đe dọa nguy kịch, nhưng giờ đây, cứ 100 người thì có 75 người có quan điểm đó và Bình Nhưỡng trở thành mối đe dọa hàng đầu trong cảm nhận của dân Mỹ trong số các mối đe dọa khác được liệt kê trong cuộc thăm dò.

Dù nhiều các nhà phân tích cho rằng thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ võ khí hạt nhân có lẽ là bất khả thi, nhưng dân Mỹ không mấy người chấp nhận việc cho phép Bình Nhưỡng duy trì những võ khí mà họ đã có, theo cuộc khảo sát.

Dù nghi ngờ tỷ lệ thành công của các biện pháp chế tài đang áp dụng với Bình Nhưỡng, 76% dân Mỹ ủng hộ việc tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên. Tỷ lệ ủng hộ này cao ở cả hai đảng Cộng hòa (84%) và Dân chủ (76%).

Phân tích của Hội đồng Chicago dựa trên dữ liệu thăm dò thu thập từ ngày 27/6 đến 19/7.

Tổng cộng 2020 người trên khắp nước Mỹ được hỏi ý kiến trong cuộc khảo sát này.

Nguồn: Washington Post/ Chicago Council on Global Affairs

https://www.voatiengviet.com/a/dan-my-ung-ho-can-thiep-quan-su-neu-binh-nhuong-tan-cong-han-quoc-/3976131.html

 

TT Trump

công kích TNS Blumenthal là ‘cựu chiến binh VN dỏm’

Tổng thống Trump hôm thứ Hai 7/8 lại tấn công Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, gọi nghị sĩ Dân chủ này trên Twitter là “kẻ đạo cựu chiến binh Việt Nam,” sau khi thượng nghị sĩ bang Connecticut xuất hiện trên truyền hình.

Các dòng bình luận như trên của ông Trump xuất hiện sau khi ông Blumenthal lên tiếng trên CNN ủng hộ việc tiếp tục cuộc điều tra về cáo buộc can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, bày tỏ quan ngại việc Bộ Tư pháp tăng cường loại bỏ các viên chức chính quyền làm rò rỉ thông tin gây thiệt hại cho ông Trump, theo Washington Post.

Ông Blumenthal nói: “Chính trị hóa Bộ Tư pháp vì các mục đích cá nhân, theo tôi nghĩ, là một hành động phá hoại luật pháp, và có khả năng vi phạm tinh thần của Tu chính án Thứ nhất.” Ông cho rằng bộ này đã “vũ trang hóa” luật chống lại các thông tin nhạy cảm.

Việc công kích ông Blumenthal liên quan đến cuộc chiến Việt Nam không phải là điều mới mẻ đối với ông Trump –ông Trump đã hai lần nói như thế. Trong khi đó, ông Trump cũng đã nhiều lần trì hoãn quân dịch trong Chiến tranh Việt Nam, và ông chưa bao giờ phục vụ trong quân đội, theo trang USA Today.

Trong chiến dịch tranh cử vào Thượng viện, ông Blumenthal đã bị chỉ trích gay gắt vì đã nhiều lần tuyên bố ông ta “đã phục vụ” ở Việt Nam, mặc dù ông thực sự là quân nhân hiện dịch của Thủy quân Lục chiến tại Hoa Kỳ.

Ông Blumenthal đáp lại ông Trump trên Twitter vào sáng Thứ Hai như sau: “Thưa Tổng thống: Lối bắt nạt của ông trước đây không có tác dụng gì và hôm nay cũng vậy. Không có ai được phép ở trên luật pháp cả.”

(Nguồn: USA Today, Washington Post)

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-cong-kich-tns-blumenthal-la-cuu-chien-binh-vn-dom/3975794.html

 

Australia tìm thấy máy bay quân sự Mỹ mất tích

Hải quân Australia cho biết đã tìm thấy chiếc máy bay Mỹ bị mất tích khi rơi xuống biển vào thứ Bảy 5/8 ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nói trong một tuyên bố rằng chiếc máy bay đã được định vị “ngay sau khi” tàu thăm dò của Hải quân Hoàng gia Australia HMAS Melville đến Vịnh Shoalwater.

Báo Sydney Morning Herald loan tin rằng các thợ lặn hải quân đang làm việc với thủy thủ đoàn của tàu Melville tại khu vực xảy ra sự cố và đang sử dụng các phương tiện dưới nước được điều khiển từ xa.

Chiếc máy bay bị nạn trước đó cất cánh từ tàu chiến của Mỹ USS Bonhomme Richard và tham gia vào các hoạt động thường xuyên khi bị rơi.

23 binh sĩ trên máy bay MV-22 Osprey đã được cứu sống, nhưng 3 lính thủy quân lục chiến vẫn còn mất tích.

Quân đội Hoa Kỳ đã phát động nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ các binh sĩ thủy quân lục chiến bị mất tích, nhưng cuối cùng đã thay đổi hoạt động đó thành nỗ lực phục hồi cùng với các lực lượng phòng vệ của Australia. Các gia đình của binh sĩ thủy quân lục chiến bị mất tích đã được thông báo.

Chiếc máy bay này đã có mặt ở Australia sau khi hoàn thành một cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ-Úc ít nhất hai tuần trước đây ở Vịnh Shoalwater. Cuộc tập trận hai năm diễn ra một lần có đến khoảng 30.000 quân và 200 máy bay tham gia. Các binh lính Australia nằm trong số các lực lượng liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo chiến đấu ở Afghanistan và Iraq.

Thủy quân lục chiến Mỹ không cho biết nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, nhưng nói rằng vụ việc đang được điều tra.

https://www.voatiengviet.com/a/australia-tim-thay-may-bay-quan-su-my-mat-tich/3975777.html

 

Người Úc sắp bỏ phiếu về hôn nhân đồng tính

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói chính phủ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu trong thời gian còn lại của năm nay. Động thái này có thể đưa đất nước này tiến gần hơn đến việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.

Ông Turnbull nói với các phóng viên hôm 8/8 rằng chính phủ của ông sẽ trình một dự luật lên Thượng viện Úc để tổ chức một cuộc trưng cầu bắt buộc vào tháng 11.

Nếu Thượng viện bác bỏ dự luật, chính phủ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu tự nguyện qua đường bưu điện với thời hạn chót để gửi phiếu bầu là vào khoảng giữa tháng 11. Chi phí cho hoạt động này là 97 triệu đôla.

Trong bất cứ trường hợp nào, nếu đa số cử tri chọn ô “có”, quốc hội sẽ bỏ phiếu về dự luật này vào tháng 12.

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-uc-sap-bo-phieu-ve-hon-nhan-dong-tinh/3976982.html

 

Quốc hội Nam Phi

sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Tổng thống Zuma

Các nhà lập pháp Nam Phi bắt đầu tranh luận về kiến nghị biểu quyết bất tín nhiệm mà có thể sẽ khiến Tổng thống Jacob Zuma bị phế truất.

Tổng thống Zuma đã vượt qua hai lần bỏ phiếu bất tín nhiệm trước đây kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2009, bất chấp thường xuyên có những cáo giác ông tham nhũng và thường bị chỉ trích về quản lý kinh tế yếu kém. Nam Phi bị lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và điểm tín dụng bị hạ xuống kể từ khi ông Zuma sa thải Bộ trưởng Tài chánh Pravin Gordham hồi tháng 3.

Kiến nghị hôm thứ Ba nếu được thực hiện sẽ là cuộc biểu quyết bất tín nhiệm kín đầu tiên cho phép các nhà lập pháp đối lập hy vọng rằng sẽ có đủ số đảng viên của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ACN) đương quyền biểu quyết chấp thuận phế truất tổng thống. Đảng ACN nắm giữ 249 trong tổng số 400 ghế quốc hội, có nghĩa là cần phải có 50 đại biểu thuộc đảng ACN theo 151 đại biểu đối lập bỏ phiếu thuận.

Biểu tượng đảng ANC lãnh đạo phong trào chống chủ nghĩa apartheid của Nam Phi tiếp bước cố Tổng thống Nelson Mandela đã tan vỡ dưới thời của ông Zuma. Đảng ANC đã bị thất bại nặng nhất trong các cuộc bầu cử cấp địa phương hồi năm ngoái.

Cho dù ông Zuma bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội, ông vẫn giữ chức chủ tịch đảng ANC cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 12 năm nay.

https://www.voatiengviet.com/a/quoc-hoi-nam-phi-se-bo-phieu-bat-tin-nhiem-doi-voi-tong-thong-zuma/3976974.html

 

Trung Quốc tập trận ‘cảnh cáo’ Bình Nhưỡng?

Lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành hơn 10 loại tập trận khác nhau và phóng hàng chục phi đạn trong 4 ngày diễn tập bắn đạn thật ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, theo truyền thông nhà nước.

Các cuộc thao dượt này sẽ kết thúc vào ngày 8/8. Chi tiết được công bố chưa tới 2 tuần sau khi Bắc Triều Tiên bắn thử phi đạn tầm xa lần thứ nhì trong vòng 1 tháng.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV hôm 7/8 loan tin các lực lượng hải quân tham gia trong các cuộc tập trận vừa kể ở Hoàng Hải sẽ tiến hành các cuộc thao dượt tấn công lẫn phòng thủ cùng với tàu chiến, tàu ngầm, hỗ trợ từ trên không, và các lực lượng tuần duyên.

Lần tập trận này sẽ mô phỏng các điều kiện tác chiến thực thụ, trắc nghiệm việc huấn luyện võ khí, chiến thuật, và tác chiến, CCTV cho biết.

Vẫn theo nguồn tin này, nội dung thao dượt cũng sẽ bao gồm nghênh cản phi đạn trên không và tấn công đường bộ, đường biển.

Địa điểm tập trận diễn ra tại vùng biển giữa duyên hải Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông và Liên Vân Cảng thuộc tỉnh Giang Tô, theo thông báo từ Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng cuộc biểu dương lực lượng tuần này của Trung Quốc trong vùng địa chiến lược gần Bắc Triều Tiên là một cách phản hồi đáng ngạc nhiên của Bắc Kinh trước vụ thử phi đạn hôm 28/7 từ Bình Nhưỡng.

Chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, ông Malcolm Davis, nói với tờ South China Morning Post rằng động thái này là một lời cảnh cáo với Bình Nhưỡng.

Nguồn: SCMP/ Global Times

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-tap-tran-canh-cao-binh-nhuong-/3976134.html

 

Quân đội Venezuela chặn cuộc tấn công của phe đối lập

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm Chủ nhật 6/8 nói rằng các lực lượng vũ trang của ông đã phá vỡ một cuộc tấn công nhỏ do một cựu quân nhân nổi dậy chỉ huy nhắm vào một căn cứ quân sự.

Ông Maduro gọi cuộc tấn công này là một hành động khủng bố do Hoa Kỳ và Colombia tài trợ, nhưng ông không đưa ra bằng chứng cho tuyên bố này khi ông phát biểu trên một chương trình truyền hình vào tối Chủ nhật 6/8.

Ít nhất hai người của nhóm tấn công đã thiệt mạng trong cuộc chạm súng vào sáng Chủ Nhật, khi ấy các đơn vị quân đội đã khống chế được nhóm tấn công tại một căn cứ gần thành phố Valencia, miền trung Venezuela.

Các nguồn tin từ ông Maduro và các viên chức Venezuela khác cho biết có khoảng 20 người tham gia cuộc tấn công nhắm vào căn cứ quân sự Paramacay.

10 người trong số này chạy trốn trước khi các đơn vị quân đội của Venezuela ập đến, một số có mang vũ khí, trong khi những người còn lại đã đọ súng với quân đội cho đến lúc khoảng 8 giờ sáng. Tất cả những người này đã bị giết hoặc bị bắt.

Ông Maduro cho biết giới hữu trách “đang ráo riết truy lùng” những người trốn thoát.

Tổng thống Maduro nói trên truyền hình: “Tôi không thể nói theo cách khác. Đó là một cuộc tấn công chống lại lực lượng vũ trang.” Ông chúc mừng các đơn vị quân đội đã “phản ứng một cách thống nhất, với quyết tâm cao.”

Một sĩ quan quân đội tự xưng là đại tá Juan Caguaripano đăng tải một video trên mạng xã hội, trong đó ông cùng với hơn một chục nhân viên mặc quân phục đứng quanh, dường như họ là thành viên của lực lượng nổi dậy. Ông tự tuyên bố tham gia vào “cuộc nổi dậy hợp pháp” chống lại cái mà ông gọi là “bạo chúa giết người” Maduro.

Ông Caguaripano tuyên bố: “Chúng tôi nói rõ rằng đây không phải là một cuộc đảo chính. Đây là hành động dân sự và quân sự để khôi phục lại trật tự hiến pháp, và hơn thế nữa, để cứu đất nước khỏi bị hủy diệt hoàn toàn. Ông được cho là một người đào ngũ và ủng hộ “những kẻ cực đoan cánh hữu.”

Một số cư dân thành phố Valencia ủng hộ những kẻ tấn công, nhưng đã bị cảnh sát giải tán.

Bốn tháng chống lại các cuộc biểu tình chống chính phủ đã giết chết hơn 120 người Venezuela. Hỗn loạn xã hội và chính trị đã trở nên trầm trọng hơn vào tuần trước khi ông Maduro lập quốc hội mới để viết lại hiến pháp. Quốc hội đã thực hiện bước đi đầu tiên quan trọng là bãi chức bà Luisza Ortega, một cựu bộ trưởng của chính quyền Maduro, nhưng vì đã chuyển sang phe đối lập.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-venezuela-chan-cuoc-tan-cong-cua-phe-doi-lap/3975656.html

 

Trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc

đối với Bắc Triều Tiên lại vô hiệu ?

Trọng Nghĩa

Ngay sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua « gói » trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên ngày 05/08/2017, Hoa Kỳ đã nhiệt liệt hoan nghênh một quyết định trừng phạt mạnh chưa từng thấy, có thể cắt giảm 1/3 xuất khẩu Bắc Triều Tiên.

Mục tiêu của biện pháp trừng phạt này là buộc Bình Nhưỡng chấm dứt thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa vốn đã đạt những bước tiến rất xa. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát được hãng tin Mỹ AP ngày 08/07 trích dẫn, không có gì cho thấy là sức ép kinh tế mới này sẽ thành công hơn những nỗ lực trước đây, và những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất vẫn có thể không ngăn chặn được tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trước hết, quyết tâm của Bắc Triều Tiên rất lớn. Cho dù chế độ Bình Nhưỡng phải chịu khó khăn kinh tế như thế nào, chính quyền Kim Jong Un vẫn tỏ ra không mấy quan tâm đến việc thương lượng về kho vũ khí đang phát triển nhanh chóng của họ, được cho là bao gồm đến 20 quả bom hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo cần thiết để mang những quả bom đó. Đối nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, lượng vũ khí đó cần thiết để chế độ Bình Nhưỡng sống còn, cho dù sẽ bị cô lập thêm về ngoại giao và làm cho cuộc sống người dân Bắc Triều Tiên thêm cùng cực.

Trừng phạt có thể sẽ tiếp tục vô hiệu. Từ hàng thập niên qua, Bắc Triều Tiên đã rút kinh nghiệm về nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập họ, và đã biết luồn lách qua khe hở trong các biện pháp hạn chế thương mại và tài chính áp đặt trên họ. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn có những đối tác như Bắc Kinh, thường tỏ ra miễn cưỡng khi phải trừng phạt đồng minh của mình.

Scott Snyder, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên ở trung tâm nghiên cứu Mỹ Council on Foreign Relations, cho là « trên giấy tờ thì Bắc Triều Tiên bị kềm chế rất chặt chẽ về kinh tế… Nhưng nước này đã có thể né tránh trừng phạt và theo tôi thì không rõ là lần này sẽ có khác biệt gì không ».

Phát biểu tại Philippines hôm qua sau khi gặp các ngoại trưởng ASEAN, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho là cả Mỹ lẫn các đối tác đều không tin là Bắc Triều Tiên sẽ đi đến việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng ông cũng nhanh chóng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều áp dụng các biện pháp trừng phạt mới mạnh mẽ hơn.

Trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm cắt 1 tỷ trong 3 tỷ đô la xuất khẩu của chế độ Bình Nhưỡng, bằng cách cấm các nước nhập than, sắt, chì, và hải sản Bắc Triều Tiên, cũng như không cho nhận thêm lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên, vì những người này sẽ gởi tiền về nước, và qua đó giúp chính quyền Bình Nhưỡng. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc bà Nikki Haley đã gọi đấy là « gói trừng phạt kinh tế lớn nhất ban hành đối với Bắc Triều Tiên ».

Cho dù thế, trong kịch bản tốt nhất, trừng phạt sẽ tác hại đến kinh tế Bắc Triều Tiên và làm chế độ Bình Nhưỡng suy yếu. Thế nhưng câu hỏi vẫn là bước tiếp theo thì phải làm gì ? Bắc Triều Tiên có thể từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, bỏ việc đe dọa Mỹ và các đồng minh, Nhật Bản và Hàn Quốc hay không ? Nếu không, thì Mỹ có biện pháp gì khác hay không ? Dẫu sao thì Donald Trump cũng chỉ là tổng thống gần đây nhất chọn trừng phạt, thay vì đối đầu quân sự với Bắc Triều Tiên và không đối thoại ngoại giao, chừng nào Bình Nhưỡng không nhượng bộ về hạt nhân.

Đối với các nhà phân tích, thành công hay không phần lớn còn dựa vào quyết tâm Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại chủ chốt của Bắc Triều Tiên. Trung Quốc phản đối vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, và đã nói rõ một cách bất thường vào tuần này. Nhưng Bắc Kinh vẫn e ngại nguy cơ Bắc Triều Tiên sụp đổ, gây hỗn loạn ở vùng biên giới, hoặc kịch bản hai miền Triều Tiên thống nhất, tạo điều kiện cho lính Mỹ đến ngưỡng cửa của mình.

Để thuyết phục Trung Quốc mạnh tay hơn, trong những cuộc tiếp xúc riêng, phía Mỹ đã nói với Bắc Kinh là vũ khí Bắc Triều Tiên sẽ gây bất ổn định trong vùng. Một quan chức Mỹ xin giấu tên, cho biết là phía Mỹ đã lập luận rằng một Bắc Triều Tiên bị thả lỏng có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mà Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả Việt Nam, có thể tự trang bị vũ khí hạt nhân.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170808-trung-phat-moi-cua-lien-hiep-quoc-doi-voi-bac-trieu-tien-lai-vo-hieu

 

Đàm phán Brexit : Dân Anh mất lòng tin vào chính phủ

Minh Tâm

Theo một thăm dò ý kiến của viện nghiên cứu khảo sát quốc tế ORB công bố ngày 07/08/2017, sáu trên mười người dân Anh không tán thành cách thức mà thủ tướng Anh Theresa May tiến hành các đàm phán về việc Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Cũng theo nghiên cứu này, chỉ số lòng tin của người dân vào chính phủ Anh đang trên đà giảm mạnh.

Thông tín viên RFI Marina Daras tại London cho biết thêm chi tiết :

« Theo một bài báo đăng trên tờ Sunday Telegraph, số ra Chủ nhật, 06/08, các thành viên của chính phủ Anh đã nói tới khả năng London có thể phải trả trung bình 10 tỷ đô la một năm trong vòng ba năm, sau khi rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 3 năm 2019. Nhưng một lần nữa bà Theresa May trả lời rằng không bao giờ có chuyện đó và bác bỏ ngay ý kiến này của một số bộ trưởng trong nội các.

Theo lời cựu ngoại trưởng Anh Simon Fraser đã phát biểu trên đài BBC, chính sự chia rẽ nội bộ trong chính phủ đã cản trở vương quốc Anh có lập trường thống nhất đối mặt với các nhà đàm phán của Bruxelles và thậm chí có thể làm trì hoãn lâu dài quá trình đàm phán.

Tuy nhiên phía Liên Hiệp Châu Âu đã tỏ thái độ rất rõ ràng, không thể tiến hành các cuộc thảo luận nào, nếu như chưa giải quyết được ba vấn đề then chốt. Đó là các quyền của những công dân châu Âu định cư tại Anh, giải quyết vấn đề tài chính liên quan đến Brexit và vấn đề biên giới Bắc Ailen.

Nhưng bà Theresa May, hiện vẫn phải gánh chịu phần nào hậu quả của sự thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua, không đưa ra được đường hướng hành động cho chính phủ và ngày càng đánh mất niềm tin của người dân Anh.

Theo một thăm dò gần đây, 61% cử tri Anh không chấp nhận cách thức của chính phủ trong đàm phán với Bruxelles, trong khi hai tháng trước, tỉ lệ này chỉ là 46% ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170808-dam-phan-brexit-dan-anh-mat-long-tin-vao-chinh-phu

 

Trừng phạt Bình Nhưỡng, Bắc Kinh chấp nhận “tổn thất lớn”

Gia Hưng

Phát biểu tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) hôm qua, 07/08/2017, tại Manila, Philippines, khi đề cập đến lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) nói rằng Trung Quốc là nước chịu tổn thất nhiều nhất. Nhưng ông cũng bày tỏ cam kết của Bắc Kinh chấp thuận lệnh trừng phạt một cách “nghiêm túc”.

Tuần vừa rồi, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ bị cấm xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Nghị quyết còn bao gồm các biện pháp ngăn chặn quốc tế đầu tư vào Bắc Triều Tiên. Ước tính tổn thất kinh tế của Bình Nhưỡng có thể lên tới 1 tỉ đôla.

Reuters trích lời ông Vương Nghị: ”Do là bạn hàng lâu năm với Bắc Triều Tiên, chính Trung Quốc sẽ là bên chịu tổn thất nhiều nhất khi áp đặt lệnh trừng phạt”, “ Nhưng để giữ gìn an ninh khu vực, Trung Quốc sẽ thực thi lệnh cấm vận một cách đầy đủ và nghiêm túc.”

Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã bày tỏ cam kết trừng phạt theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn duy trì quan điểm cho rằng không nên để các trừng phạt nhắm vào chính quyền Kim Jong Un ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Bắc Triều Tiên.

Còn trong lĩnh vực quân sự, theo thông cáo được đăng tải trên trang mạng của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, vào tối hôm qua, hải quân và không quân Trung Quốc đang tập trận tại vịnh Bột Hải thuộc vùng biển Hoàng Hải, gần với bán đảo Triều Tiên.

Theo Bắc Kinh, cuộc tập trận này có mục đích thử vũ khí và luyện tập khả năng tấn công bờ biển cũng như đối phó với các mục tiêu trên không. Hiện chưa rõ ý đồ của buổi tập trận này, nhưng trong quá khứ, Trung Quốc đã không ít lần chỉ trích các buổi tập trận phô trương nhằm đe dọa Bắc Triều Tiên giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc, và cho rằng làm vậy chỉ gây căng thẳng trong khu vực.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170808-trung-phat-binh-nhuong-bac-kinh-sang-%E2%80%9Cton-that-lon%E2%80%9D