Tin khắp nơi – 08/07/2020
Tổng thống Trump: Trung Quốc đang nhúng tay vào cuộc bầu cử 2020 – Quý Khải
Một nền kinh tế đang bùng nổ với chỉ số xếp hạng ổn định từng khiến Tổng thống Trump tin chắc rằng ông sẽ có một nhiệm kỳ thứ hai. “Tôi đã từng gần như nắm chắc trong tay khả năng tái đắc cử”, ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với báo giới tại Phòng Bầu Dục. “Nhưng giờ đây, nó đã trở thành một cuộc chiến”.
Có thể thấy rất rõ ràng nhân tố thay đổi tình hình: một đại dịch đã giết chết nửa triệu người dân trên khắp thế giới và làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu. Ai là người có lỗi trong việc này? Đó là Trung Quốc, theo quan điểm của ông Trump.
Trong cuộc phỏng vấn tại Phòng Bầu dục, tổng thống Trump đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc “hoàn toàn” lợi dụng sự hỗn loạn do virus corona tạo ra để cản trở chiến dịch của ông và đưa cựu Phó Tổng thống Joe Biden trở lại Nhà Trắng.
Trước đó trên các bình luận Twitter cá nhân, ông Trump từng nói rằng Trung Quốc “khao khát” ông Biden đắc cử tổng thống, bởi “trong 50 năm qua, không ai yếu đuối về Trung Quốc hơn Joe Biden”. Ông Trump từng chỉ trích ông Biden “đã cho họ (Trung Quốc) mọi thứ họ muốn, trong đó gồm cả những thỏa thuận thương mại mang tính cướp bóc”, và nhiệm vụ của ông là đem mọi thứ quay trở lại theo đúng trật tự.
Ông Biden cũng từng bị chỉ trích khi ngăn chặn Hải quân Hoa Kỳ tuần tra thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông khi làm cựu phó dưới thời Obama, song song với đó là mối quan hệ mờ ám giữa gia đình Biden và Bắc Kinh khi con trai thứ của ông ta từng có thương vụ giao dịch trị giá 1,5 tỷ USD với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Trung Quốc đã nhúng tay vào cuộc bầu cử này”, ông Trump nhấn mạnh. “Bạn biết đấy, mọi người cứ không ngừng nói về việc Nga [can thiệp bầu cử]. Nhưng vấn đề nằm chính ở Trung Quốc, đây là vấn đề lớn hơn rất nhiều”, ông nói. Sự thù địch của Bắc Kinh, theo cách nhìn của ông Trump, bắt nguồn từ các tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa hai nước:
“Trung Quốc không muốn thấy tôi tái đắc cử vì tôi đã lấy hàng tỷ đô la của họ”.
“[Trong cuộc thương chiến] tình hình của chúng ta đang đi lên, trong khi họ thì đang đi xuống, nhưng đột ngột, chúng ta lại phải đối mặt con virus Trung Quốc (nCoV) này”, ông nói.
Các nhà khoa học hiện đang tiếp tục điều tra nguồn gốc của đại dịch chết người, được công khai chính thức lần đầu bởi Bắc Kinh tại thành phố Vũ Hán hồi tháng 1. Một nghiên cứu của Trường Y Harvard sau đó gợi ý dịch bệnh này có thể đã lan rộng ngay từ hồi đầu tháng 8, khiến giới quan sát buộc tội chính phủ Trung Quốc cố gắng che đậy nguồn gốc và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Kể từ đó, các cơ quan tình báo Mỹ đã điều tra xem liệu virus có bắt nguồn từ phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc ở đó hay không, mặc dù các nhà virus học chưa đi đến kết luận thống nhất cho vấn đề này.
Tổng thống không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Ông cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc đã hành động có chủ đích trong vấn đề này. “Luôn luôn tồn tại một khả năng như vậy”, ông nói. “Có lẽ không phải vậy, nhưng luôn luôn tồn tại một khả năng – một khả năng có lẽ thực tại hơn đáng kể so với mọi người nghĩ”.
Bất kể việc virus Vũ Hán có bắt nguồn từ phòng thí nghiệm hay không, Tổng thống Trump đã nhiều lần lên án Trung Quốc chủ mưu gây ra “đại dịch toàn cầu” khi giấu dịch tại đại lục, khiến dịch bệnh cục bộ bùng phát ra toàn thế giới.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-trung-quoc-dang-nhung-tay-vao-cuoc-bau-cu-2020.html
Giám đốc FBI:
Trung Quốc là ‘mối đe dọa lớn nhất’ đối với Mỹ
Giám đốc FBI nói rằng các hoạt động tình báo và trộm cắp tài sản trí tuệ của chính phủ Trung Quốc là “mối đe dọa lâu dài lớn nhất” đối với tương lai của Hoa Kỳ.
Phát biểu tại Viện Hudson ở Washington, ông Christopher Wray mô tả một chiến dịch gây rối đa mục tiêu do chính phủ Trung Quốc thực hiện.
Ông nói Trung Quốc đã bắt đầu nhắm vào các công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài, ép buộc họ quay trở lại và đang tìm cách để làm hỏng việc nghiên cứu virus corona của Hoa Kỳ.
“Trung Quốc có một nỗ lực toàn quốc để trở thành siêu cường duy nhất của thế giới bằng mọi cách”, ông nói thêm.
Facebook, Google, Twitter ‘ngưng’ cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Hong Kong
Hong Kong: Anh quốc mở cửa, hứa hẹn cho dân Hong Kong nhập quốc tịch
TikTok chia tay Hong Kong, để ‘lấy niềm tin người dùng quốc tế’?
Trong bài phát biểu dài gần một giờ hôm thứ Ba, Giám đốc FBI đã phác thảo một bức tranh rõ ràng về sự can thiệp của Trung Quốc, một chiến dịch gián điệp kinh tế, trộm cắp dữ liệu và tiền tệ, các hoạt động chính trị bất hợp pháp, sử dụng hối lộ và tống tiền để gây ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ.
“Đến mức mà bây giờ cứ khoảng 10 tiếng đồng hồ FBI lại phải mở một cuộc điều tra gián điệp mới liên quan đến Trung Quốc,” ông Wray nói. “Trong số gần 5.000 vụ điều tra gián điệp đang được thực hiện trên cả nước, gần một nửa liên quan đến Trung Quốc.”
Giám đốc FBI nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lãnh đạo một chương trình có tên là “Săn Cáo”, nhắm vào các công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài được coi là mối đe dọa đối với chính phủ Trung Quốc.
“Chúng tôi đang nói về các đối thủ chính trị, các nhà bất đồng chính kiến và giới chỉ trích đang tìm cách vạch trần các vi phạm nhân quyền sâu rộng của Trung Quốc”, ông nói. “Chính phủ Trung Quốc muốn buộc họ quay trở lại Trung Quốc, và các chiến thuật của Trung Quốc để thực hiện điều đó thực sự gây sốc.”
Ông tiếp tục: “Khi không thể tìm ra chỗ ở của một đối tượng bị “Săn Cáo” nhắm tới, chính phủ Trung Quốc cho người đến gia đình của người này tại Hoa Kỳ. Thông điệp mà họ gửi đi? Đối tượng có hai lựa chọn: trở về Trung Quốc lập tức hoặc tự sát.”
Washington bây giờ coi Bắc Kinh là đối thủ cho vai trò lãnh đạo toàn cầu
Phân tích của Zhaoyin Feng, BBC News Tiếng Trung, Washington
Đây không phải là lần đầu tiên Giám đốc FBI Christopher Wray xếp Trung Quốc vào “mối đe dọa tình báo hàng đầu” đối với Mỹ, nhưng hôm thứ Ba, ông đã tăng cường chỉ trích bằng cách tập trung vào “nỗ lực toàn quốc” của Bắc Kinh để trở thành siêu cường duy nhất của thế giới.
Điều này rõ ràng báo hiệu rằng Washington bây giờ thấy Bắc Kinh không chỉ là một kẻ thù hung hăng, mà còn là một đối thủ đầy tham vọng cho vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ, chính quyền Trump đã trút giận lên Trung Quốc từ phản ứng ban đầu với virus corona, gián điệp kinh tế, cho tới luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hong Kong. Phát biểu của ông Wray nằm trong một loạt các bài phát biểu nặng ký của các quan chức cấp cao Hoa Kỳ về chủ đề này.
Chính quyền Trump nói rằng đã đến lúc phải thức dậy sau 40 năm thất bại về chính sách liên quan đến Trung Quốc, trong khi giới chỉ trích coi đây là một nỗ lực nhằm làm chệch sự chú ý khỏi thất bại của chính tổng thống và tăng cơ hội giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử.
Điều chắc chắn là các tương tác quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thay đổi về cơ bản, và bất kể ai sẽ là tổng thống Mỹ tiếp theo, những bế tắc căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục.
Trong bài phát biểu bất thường, ông Wray đã yêu cầu những người gốc Hoa sống ở Mỹ liên lạc với FBI nếu các quan chức Trung Quốc buộc họ trở về.
Chính phủ Trung Quốc từng lên tiếng bảo vệ chương trình “Fox Hunt”, nói rằng đây là một phần của nỗ lực chống tham nhũng hợp pháp.
Mối đe dọa do Trung Quốc gây ra sẽ được tiếp tục trình bày bởi Bộ trưởng Tư pháp và Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong những tuần tới, ông Wray nói.
Bài phát biểu của Giám đốc FBI được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích nặng nề Trung Quốc giữa cơn đại dịch virus corona, liên tục đổ lỗi cho nước này gây ra đại dịch toàn cầu. Trong một động thái khác, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong tuần này rằng chính quyền Mỹ đang xem xét việc cấm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc – bao gồm cả TikTok.
Các ứng dụng “này được sử dụng như là một phần trong hệ thống giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Pompeo nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53330797
FBI: Trung Quốc hăm dọa,
cưỡng bức Hoa kiều chống Bắc Kinh về nước
Giám đốc FBI Christopher Wray hôm thứ ba 7/7 kêu gọi những người sinh ra ở Trung Quốc đang cư ngụ tại Hoa Kỳ hãy liên lạc với FBI nếu bị các giới chức Trung Quốc áp lực hoặc cưỡng chế họ về nước trong một chiến dịch cưỡng bức hồi hương mà ông Wray nói do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cầm đầu.
Giám đốc FBI Christopher Wray đưa ra lời kêu gọi ‘bất thường’ này trong một bài diễn văn đọc tại Viện Hudson, một tổ chức nghiên cứu và cố vấn chính sách Mỹ. Trong bài phát biểu, ông Wray lặp lại các cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc tung gián điệp, đánh cắp thông tin trên mạng, tống tiền và dùng các thủ đoạn khác trong một chiến lược nhằm thay thế Hoa Kỳ trong vị trí cường quốc kinh tế và công nghệ đứng đầu thế giới.
Giám đốc FBI nói ông Tập dẫn đầu một chương trình tên Fox Hunt nhằm cưỡng bức những người sinh ra ở Trung Quốc nhưng sống ở ngoài nước, bị Bắc Kinh coi là một mối đe dọa, trở về nước để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh về nhân quyền và chính trị.
Gia đình của những người từ chối trở về bị hăm dọa, có người bị bắt ở Trung Quốc để mang ra mặc cả.
Hàng trăm nạn nhân của chương trình Fox Hunt bị TQ nhắm đến đang sống ở Mỹ, nhiều người là công dân Mỹ hoặc đã có thẻ xanh. Ông Wray nói nhà nước Trung Quốc muốn buộc họ hồi hương, và chiến thuật được dùng để thực hiện mục đích của Bắc Kinh thực sự “gây sốc”.
Ông Wray thuật lại một trường hợp trong đó chính quyền Trung Quốc gửi người đến ‘thăm’ một gia đình ở Hoa Kỳ. Người đại diện TQ để lại một thông điệp cho nạn nhân, rằng nạn nhân “có hai sự lựa chọn. Một là trở về Trung Quốc, hai là tự sát”.
Giám đốc FBI nói nếu bị nhà nước Trung Quốc nhắm tới trong chiến dịch Fox Hunt, hãy liên hệ với văn phòng FBI ở địa phương ngay.
Mỹ trừng phạt quan chức Trung Quốc
dính líu đến đàn áp Tây Tạng
Thụy My
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua 07/07/2020 tuyên bố giới hạn nhập cảnh đối với một số quan chức đảng Cộng Sản Trung Quốc, vì Bắc Kinh liên tục ngăn cấm các nhà ngoại giao, nhà báo và khách du lịch Trung Quốc đến Tây Tạng.
Trong thông cáo, ngoại trưởng Mỹ coi các hành động ngăn cản là sự vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ quyền tự trị đúng mực của người Tây Tạng, và tôn trọng các quyền căn bản của họ.
Thông cáo viết, Hoa Kỳ tìm kiếm sự đối xử công bằng, minh bạch, nhưng Bắc Kinh cản trở một cách có hệ thống việc đi đến khu tự trị Tây Tạng. Việc tiếp cận này là quan trọng đối với sự ổn định khu vực, do Trung Quốc vi phạm các quyền của dân địa phương, để mặc môi trường là đầu nguồn các con sông bị suy thoái. Washington cũng khẳng định cần phải bảo tồn bản sắc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ của người Tây Tạng.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) khẳng định « không chấp nhận sự can thiệp của nước ngoài vào Tây Tạng », và đòi hỏi Hoa Kỳ không nên tiếp tục có thái độ tương tự.
Đến nay đã có khoảng 150 người Tây Tạng tự thiêu để phản đối ý đồ của Trung Quốc đồng hóa dân tộc mình.
Người Duy Ngô Nhĩ đòi điều tra về tội diệt chủng của Trung Quốc
Không chỉ có người Tây Tạng bị đàn áp. Hôm qua những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đã đề nghị Tòa án Hình sự Quốc tế mở điều tra về về các tội ác của Trung Quốc, mà theo họ là tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại.
Tập thể này đã chuyển giao cho tòa án ở La Haye các bằng chứng về việc Trung Quốc buộc triệt sản phụ nữ, tống giam 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại cải tạo. Salih Hudayar, thủ tướng chính phủ Đông Thổ lưu vong tự xưng tuyên bố hôm qua là một ngày lịch sử đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Hoa Kỳ mở cuộc điều tra ngay sau khi phát hiện
Trung Cộng ồ đạt đổ tiền đầu tư vào Việt Nam
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 7 tháng 7 năm 2020 loan tin, sau khi phát hiện các công ty Trung Cộng liên tục đổ tiền đầu tư vào mặt hàng gỗ dán ở Việt Nam, bộ Thương mại Hoa kỳ ngay lập tức đã ra quyết định điều tra mặt hàng này của Việt Nam. Quyết định điều tra được bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra vào ngày 9 tháng 6 vừa qua, dựa trên những cáo buộc về gian lận thương mại liên quan đến mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam xuất cảng sang nước này.
Theo báo Vietnamnet thì phải mất một thời gian để bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra phán quyết, nhưng hành động này của Hoa Kỳ sẽ làm ảnh hưởng lớn đến các công ty sản xuất gỗ dán, cũng như ngành gỗ Việt Nam trong đó có cả những người nông dân trồng rừng làm nguyên liệu.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có thêm 35 dự án mới của ngoại quốc đầu tư vào ngành gỗ dán với số tiền ghi danh là 173.37 triệu Mỹ kim. Và tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 53 dự án của ngoại quốc đầu tư trực tiếp vào mặt hàng gỗ dán với tổng số vốn là 276.45 triệu Mỹ kim.
Trong đó, Trung Cộng chiếm 29 dự án với tổng số vốn đầu tư là 150.87 triệu Mỹ kim, chiếm 55% trong tổng các dự án về gỗ dán. Hành động mờ ám này đã khiến cho Hoa Kỳ và Nam Hàn đã thực hiện các vụ kiện chống bán phá giá và chống tránh thuế của phía Việt Nam. Sau các vụ kiện, Nam Hàn đã áp mức thuế mới tăng lên từ 9.18% đến 10.56% đối với mặt hàng gỗ dán Việt Nam.
An Nhiên
Hoa Kỳ đang “xem xét” việc cấm Tiktok
và các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Cộng
Vào hôm thứ Hai (6/7), ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo với Fox News rằng Hoa Kỳ đang “xem xét” việc cấm TikTok và các ứng dụng truyền thông xã hội khác của Trung Cộng. Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, và khi sự giám sát kỹ lưỡng đối với TikTok và các công ty kỹ thuật Trung Cộng tiếp tục gia tăng.
Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn của Fox News, rằng liệu Hoa Kỳ có nên xem xét việc cấm TikTok và các ứng dụng truyền thông xã hội khác của Trung Cộng hay không, ông Pompeo cho biết Hoa Kỳ đang rất lưu ý về vấn đề này. Washington đang thực hiện một chiến dịch chống lại các công ty kỹ thuật Trung Cộng. Huawei đặc biệt rơi vào tầm ngắm.
Hoa Kỳ vẫn khẳng định rằng thiết bị của Huawei có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh và dữ kiện người dùng có thể bị xâm phạm. Phía Huawei nhiều lần phủ nhận những cáo buộc đó. Nhưng TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng bị chú ý từ năm ngoái. Washington lo sợ rằng nền tảng này kiểm duyệt nội dung và dữ kiện của nó có thể bị Bắc Kinh truy cập.
TikTok cố gắng giữ khoảng cách với công ty mẹ của Trung Cộng. Công ty này thuê cựu giám đốc điều hành của Disney, ông Kevin Mayer, làm CEO của TikTok, hồi đầu năm nay. Ưu tiên của ông được xem là xây dựng lại niềm tin với các nhà quản trị. (BBT)
Trump chính thức
xúc tiến việc rút Mỹ khỏi WHO giữa đại dịch
Tổng thống Donald Trump đã chính thức có động thái rút khỏi WHO.
Tổng thống đã thống báo rõ ý định này vào cuối tháng Năm khi cáo buộc WHO đã chịu sự kiểm soát của Trung Quốc trong đại dịch virus corona.
Bất chấp các lời kêu gọi từ EU và những bên khác, ông nói rằng ông sẽ rút khỏi cơ quan Liên Hiệp Quốc và chuyển hướng hỗ trợ tiền cho các quỹ ở nơi khác.
Bây giờ ông đã thông báo chính thức cho Liên Hiệp Quốc và Quốc hội về ý định của mình, mặc dù quá trình này có thể mất ít nhất một năm.
Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, xác nhận việc Mỹ thông báo về việc rút tiền. Thông báo này có hiệu lực từ ngày 6 tháng 7 năm 2021.
Virus corona: Mỹ sẽ tạm dừng tài trợ cho WHO
Tổng thống Trump dọa rút Hoa Kỳ ra khỏi WTO
Bill Gates nói việc Trump ngưng tài trợ cho WHO rất ‘nguy hiểm’
Thượng nghị sĩ Robert Menendez, người đứng đầu Đảng Dân trong Ủy ban Đối ngoại, viết trên Twitter: “Quốc hội nhận được thông báo rằng Tổng thống Hoa Kỳ đã chính thức rút Mỹ khỏi WHO giữa đại dịch.
”Điều này để cho người dân Mỹ bị bệnh thành ra đơn độc.”
Một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ nói với CBS News rằng Washington đã nêu chi tiết về các cải cách mà họ yêu cầu WHO thực hiện và trực tiếp cùng tham gia với tổ chức này, nhưng WHO đã từ chối đáp ứng.
“Bởi vì họ đã thất bại trong việc thực hiện những cải cách được yêu cầu rất cần thiết, nên hôm nay chúng tôi sẽ cắt đứt mối quan hệ này”, trích dẫn lời quan chức này.
Về phần mình, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, đối thủ của Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới, hứa sẽ đưa Mỹ gia nhập WHO trở lại nếu đắc cử.
“Người Mỹ sẽ an toàn hơn khi Mỹ gia nhập hệ thống y tế toàn cầu ngày càng được củng cố. Vào ngày đầu tiên làm tổng thống, tôi sẽ đưa nước Mỹ gia nhập lại WHO và khôi phục sự lãnh đạo của chúng ta trên trường quốc tế”, ông Biden bình luận trên Twitter.
Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất của cơ quan y tế toàn cầu, chi hơn 400 triệu đôla vào năm 2019, khoảng 15% tổng ngân sách.
Theo nghị quyết chung của Quốc hội Mỹ năm 1948, Mỹ có thể rút khỏi WHO nhưng phải đưa ra thông báo một năm và phải chi trả các khoản đóng góp chưa thực hiện. Hiện vẫn chưa rõ ông Trump sẽ thực hiện điều này thế nào. Ông Dujarric nhấn mạnh rằng những điều kiện đó cần được đáp ứng.
Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ đặt câu hỏi về khả năng tài chính của tổ chức này trong tương lai về những chương trình thúc đẩy chăm sóc sức khỏe và giải quyết bệnh tật.
Ông Trump nói gì về WHO?
Ông Trump tuyên bố lần đầu tiên vào tháng Tư rằng ông sẽ ngừng các khoản tài trợ của Mỹ cho WHO trừ khi họ tiến hành “cải cách đáng kể” trong vòng 30 ngày.
Sau đó, vào cuối tháng Năm, ông nói: “Chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới và chuyển hướng những khoản tài trợ” cho các tổ chức từ thiện y tế công cộng toàn cầu khác.
Covid-19: Tổng thống Trump ra tối hậu thư cho WHO và Tedros
Covid-19: Không ngạc nhiên khi Tổng thống Donald Trump ‘cắt tài trợ’ WHO
“Thế giới hiện đang hứng chịu hậu quả từ những hành động sai trái của chính phủ Trung Quốc”, ông nói và thêm rằng Trung Quốc đã “châm ngòi một đại dịch toàn cầu”.
Tổng thống Mỹ cáo buộc Trung Quốc gây sức ép khiến WHO “lừa dối thế giới” về virus nhưng ông không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc của mình.
“Trung Quốc đang điều khiển hoàn toàn Tổ chức Y tế Thế giới”, Tổng thống Mỹ nói.
Các quốc gia khác, bao gồm Đức và Anh, cho biết họ không có ý định rút khỏi WHO, tổ chức này đang phối hợp sáng kiến toàn cầu để phát triển vaccine chống lại Covid-19.
Cho đến nay đã có gần 12 triệu trường hợp nhiễm virus corona và hơn 540.000 trường hợp tử vong được ghi nhận trên toàn thế giới, theo thống kê của Reuters. Trong đó, có khoảng 25% cả hai con số này là ở Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, trong cuộc phỏng vấn của Fox News Channel khi được hỏi liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để rút khỏi WHO hay không. Ông Pence trả lời: “Đây là thời điểm thích hợp. Tổ chức Y tế Thế giới khiến cho thế giới thất vọng… Họ phải nhận hậu quả cho việc này”.
Trích Reuters, WHO là cơ quan quốc tế độc lập làm việc với Liên Hợp Quốc. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng vai trò của WHO là “quan trọng tuyệt đối đối với nỗ lực của thế giới để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống Covid-19.”
Kể từ khi đắc cử tổng thống, ông Donald Trump cũng đã rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc, thỏa thuận toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông cũng cắt giảm tài trợ cho quỹ dân số Liên Hợp Quốc và cơ quan của Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53331030
Mỹ: Quyết định rút Visa
du học sinh học trực tuyến gặp nhiều chỉ trích
Một số chính trị gia và học giả chỉ trích việc Mỹ quyết định rút Visa của các sinh viên nước ngoài đang theo học các khóa học hoàn toàn trực tuyến.
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) cho biết du học sinh có thể đối mặt với việc bị trục xuất, trừ khi họ đổi sang một trường đại học phải có chương trình giảng dạy tại lớp.
Một số trường đại học Hoa Kỳ đang xét việc giảng dạy hoàn toàn trực tuyến trong niên học mới vì virus corona.
Không rõ bao nhiêu du học sinh sẽ bị ảnh hưởng.
Chương trình Sinh viên và Học sinh Giao lưu, được điều hành bởi ICE, đã đưa ra một miễn trừ tạm thời, cho phép du học sinh có các khóa học đã chuyển sang trực tuyến trong học kỳ mùa xuân và mùa hè, được ở lại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, việc miễn trừ này sẽ không được gia hạn cho năm học mới. Quyết định này ảnh hưởng đến du học sinh ảnh hưởng đến du học sinh đang ở Mỹ với Visa diện F-1 và M-1, theo tuyên bố của ICE.
Mỹ: Du học sinh chỉ học trực tuyến sẽ bị rút visa
Mỹ hủy visa của vài nghìn sinh viên TQ ‘có liên hệ với quân đội’?
Đại học Anh: Dạy online nhưng không giảm tiền cho sinh viên
Quyết định trên được công bố cùng ngày đại học Harvard tuyên bố rằng tất cả các lớp học sẽ được chuyển qua online trong năm học mới, bao gồm cả số ít sinh viên được phép sống trong khuôn viên trường.
Theo Chronicle of Higher Education, 9% các trường đại học Hoa Kỳ đang dự định chuyển tất cả mọi lớp học qua trực tuyến vào mùa thu, mặc dù điều này có thể thay đổi trong những tháng tới.Hiệu trưởng Đại học Harvard, ông Larry Bacow, nói trong một tuyên bố được trích dẫn bởi truyền thông Hoa Kỳ:
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc rằng hướng dẫn do Cơ quan Di trú và Thực thi Hải quan Hoa Kỳ đưa ra là một tiếp cận thô thiển, một giải pháp cứng nhắc cho một vấn đề phức tạp, khiến sinh viên quốc tế, đặc biệt là những em trong các chương trình học trực tuyến, có ít lựa chọn ngoài việc rời khỏi Mỹ hoặc phải chuyển trường.”
Ông nói thêm rằng quyết định này “làm suy yếu sự lựa chọn cần nhiều suy nghĩ của các sinh viên, trong đó có sinh viên Harvard, để có thể tiếp tục chương trình học trong khi cân bằng thách thức về sức khỏe và an toàn của đại dịch toàn cầu”.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren nói: “Đá sinh viên quốc tế ra khỏi Hoa Kỳ giữa đại dịch toàn cầu vì trường của họ đang chuyển sự giảng dạy qua online để giãn cách xã hội, là điều có hại cho sinh viên.”
”Thật vô nghĩa, tàn nhẫn và bài ngoại.” TNS này nói.
Bình luận của TNS Warren được Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Samantha Power, biểu đồng tình, nói rằng quyết định này “không có ý nghĩa và không khả thi đối với hầu hết sinh viên đại học”.
Nhà báo Elizabeth Spiers, giảng viên tại Đại học New York, cho biết nhiều sinh viên của bà phụ thuộc vào việc có Visa và sẽ không thể theo học dõi một chương trình trực tuyến do sự khác biệt về thời gian giữa Mỹ và nước họ, và các cân nhắc khác.
Noah Furlonge-Walker, 20 tuổi, đến từ Trinidad, đang chờ khai giảng năm thứ hai tại Đại học Harvard khi nghe quyết định này.
Chàng trai 20 tuổi đã quay trở lại Trinidad vào tháng Ba khi trường quyết định là các lớp học sẽ chuyển sang trực tuyến trong phần còn lại của năm học.Furlonge-Walker – người đang có visa F-1 – nói với BBC: “Tôi không thấy bất kỳ ý nghĩa hay lý do nào đằng sau quyết định này.”
“Vào thời điểm như thế này, khi mọi người đang cố gắng lấy lại tinh thần và trở lại bình thường, tại sao họ lại làm điều gây nguy hiểm cho mọi người?”
Ai có thể bị ảnh hưởng?
Shruti Menon, BBC Reality Check
Quyết định này áp dụng cho các loại Visa được cấp cho nghiên cứu học thuật. Số liệu của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy năm ngoái, hơn 373.000 Visa loại này đã được cấp.
Hoa Kỳ có hơn một triệu sinh viên quốc tế đang ở trong các chương trình cao học và cử nhân trong niên khóa 2018-19, theo Viện Giáo dục Quốc tế (Institute of International Education – IIE). Con số này chiếm khoảng 5,5% trong tổng số sinh viên trên toàn quốc.
Trong số này, gần ba phần tư là từ châu Á – 48% người Trung Quốc và 26% người Ấn Độ.
IIE nói rằng, theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, sinh viên quốc tế đã đóng góp 45 tỷ đôla cho nền kinh tế nước này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53304048
Harvard và MIT kiện chính quyền của TT Trump
về quy định visa mới
Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã nộp đơn lên một tòa án liên bang, yêu cầu ra phán quyết tạm ngưng thực thi một quy định mới của chính quyền TT Trump, theo đó các sinh viên nước ngoài phải về nước nếu trường họ học không tổ chức việc giảng dạy trực tiếp ở lớp, theo Reuters.
Động thái trên được đưa ra hai ngày sau khi chính quyền của ông Trump ra chỉ thị mà hãng tin Anh nói là có thể buộc hàng chục nghìn sinh viên nước ngoài phải rời Hoa Kỳ nếu trường của họ chỉ tổ chức việc học trực tuyến.
Theo Reuters, Harvard trước đó thông báo sẽ tổ chức việc học trên mạng trong học kỳ mùa thu sắp tới.
Tin cho hay, có hơn một triệu sinh viên hiện theo học tại các trường đại học và cao đẳng của Mỹ, và nhiều trường trong số đó phụ thuộc vào nguồn thu từ các sinh viên vốn phải trả toàn bộ học phí.
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) nói rằng tới ngày 15/7, các trường chuyển sang học trực tuyến toàn bộ sẽ phải trình kế hoạch cho cơ quan này.
Còn các trường sẽ chỉ áp dụng việc học trực tiếp tại lớp hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến thì tới ngày 1/8 sẽ phải trình kế hoạch.
Quy định mới áp dụng với các sinh viên có visa F-1 và các sinh viên sang Mỹ học nghề theo visa M-1.
Tổng thống Trump hôm 7/7 đã thúc ép các quan chức tiểu bang và địa phương mở cửa trường lớp vào mùa thu sắp tới, cho rằng một số trường đóng cửa vì lý do chính trị, chứ không phải vì các nguy cơ từ virus Corona, theo AP.
“Họ nghĩ rằng nó sẽ tốt cho họ về mặt chính trị, nên họ đóng cửa trường học”, ông Trump nói trong cuộc thảo luận tại Nhà Trắng về kế hoạch cho năm học mới. “Không thể được. Chúng tôi chắc chắn sẽ gây áp lực lên các thống đốc và tất cả mọi người phải mở cửa trường học”.
TT Trump thúc ép
tái mở cửa trường lớp trong năm học mới
Tổng thống Trump hôm 7/7 đã thúc ép các quan chức tiểu bang và địa phương mở cửa trường lớp vào mùa thu sắp tới, cho rằng một số trường đóng cửa vì lý do chính trị, chứ không phải vì các nguy cơ từ virus Corona, theo AP.
“Họ nghĩ rằng nó sẽ tốt cho họ về mặt chính trị, nên họ đóng cửa trường học”, ông Trump nói trong cuộc thảo luận tại Nhà Trắng về kế hoạch cho năm học mới.
“Không thể được. Chúng tôi chắc chắn sẽ gây áp lực lên các thống đốc và tất cả mọi người phải mở cửa trường học”.
Tin cho hay, hội nghị ở Nhà Trắng có sự tham gia của các lãnh đạo giáo dục và y tế khắp nước Mỹ, vốn cho rằng các cơ sở giáo dục sẵn sàng mở cửa một cách an toàn vào mùa thu này.
Theo AP, họ cho rằng nguy cơ từ việc giữ học sinh, sinh viên ở nhà còn lớn hơn các nguy cơ liên quan tới virus Corona vì việc cần tiếp cận các chương trình bữa ăn miễn phí cũng như các dịch vụ về sức khỏe.
“Chúng tôi muốn tái mở cửa trường học”, ông Trump nói. “Mọi người đều muốn điều đó. Cha mẹ cũng như bọn trẻ đều muốn điều đó. Đã đến lúc phải thực hiện điều đó”.
Tuy nhiên, theo AP, vẫn có các ý kiến hoài nghi. Chủ tịch của liên đoàn giáo dục lớn nhất Hoa Kỳ nói rằng thay vì giữ cho các học sinh, sinh viên an toàn, ông Trump chỉ quan tâm tới việc lấy điểm cho cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Tại sự kiện ở Nhà Trắng, ông Trump lặp lại cáo buộc rằng phe Dân chủ muốn trường học đóng cửa vì lý do chính trị, chứ không phải vì sức khỏe.
Theo AP, tuy nhiên, ông Trump không đưa ra các bằng chứng cho cáo buộc trên. Hãng tin này cũng dẫn lời các chuyên gia y tế nói rằng việc chính trị hóa sẽ khiến chuyện tái mở cửa trường học trở nên khó khăn hơn.
Học trực tuyến hay trực tiếp:
Lựa chọn cho niên học mới tại Mỹ
Trong khi nhà chức trách giáo dục ở Mỹ đang cân nhắc tiếp tục duy trì việc dạy học trực tuyến hay mở cửa lại trường học giữa dịch virus corona, một số phụ huynh gốc Việt có con đang theo học các trường trung học ở Mỹ cho biết họ đồng ý cho con cái quay trở lại trường để các em có thể gặp lại bạn bè và có được chất lượng giáo dục tốt hơn.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm nay, học khu trên cả nước Mỹ đóng cửa trường học các cấp để ngăn chặn sự lây lan của virus. Giáo viên và học sinh thực hiện việc giảng dạy và tương tác thông qua Internet, phần nào giúp duy trì tiến độ và hạn chế những gián đoạn do dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên, việc đóng cửa trường học kéo dài đã khơi lên lo ngại từ cha mẹ học sinh cũng như nhà chức trách các cấp từ địa phương cho tới liên bang. Nhà Trắng hôm 7/7 tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn nhằm mục đích thúc đẩy việc mở cửa lại trường học, NPR đưa tin.
Trong cuộc thảo luận, Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania dự kiến cùng các quan chức chính quyền và giáo viên bàn về việc mở cửa trở lại với trọng tâm là “nhu cầu tổng quát về y tế và học tập của học sinh Mỹ,” theo các quan chức cao cấp của chính quyền.
“Mục tiêu của chúng tôi bây giờ là hợp tác với các khu vực có thẩm quyền pháp lí địa phương để giúp họ thấy những cách tốt nhất để mở cửa lại trường học và quay trở lại việc giáo dục học sinh mang tính chủ động, điều mà chúng ta đã không có suốt mùa xuân năm nay,” một quan chức nói.
Tổng thống Trump đầu tuần này nêu rõ ý muốn của ông bằng cách viết trên Twitter, “Trường học phải mở cửa vào mùa thu này!!!” Dòng tweet của ông nhanh chóng được Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy Devos đăng lại với những lời ủng hộ, “Nền giáo dục Mỹ phải mở lại và hoạt động hoàn toàn vào mùa thu này.”
Các quan chức chính quyền thừa nhận nguy cơ học sinh lan truyền virus cho những nhóm người dễ bị tổn thương hơn, nhưng nhấn mạnh đóng cửa trưòng học “làm gián đoạn các dịch vụ cấp thiết cho trẻ em và gia đình các em,” theo NPR.
Tại Học khu Quận Gwinnett ở bang Georgia, các trường học sẽ mở cửa lại vào ngày 5 tháng 8 và phụ huynh được quyền lựa chọn hoặc là học trực tuyến hoặc là đến lớp trực tiếp, theo bà Phạm Ngọc Trinh, cư dân thành phố Lawrenceville.
1’25 “Mình có ba đứa con, mình cho tụi nó chọn vì tụi nó cũng lớn rồi, đứa lớp 8, đứa lớp 10, đứa lớp 12. Các em chọn đi học trở lại vì tụi nó nhớ bạn bè, nhớ trường,” bà nói.
Bà cho biết bà không quá lo ngại về dịch bệnh vì số lượng học sinh quay trở lại trường sẽ không quá đông do một số học sinh chọn học trực tuyến. Hơn nữa, các biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay vẫn sẽ được thi hành để cha mẹ có thể yên tâm đưa ra sự lựa chọn, bà nói thêm.
Bà Trần Thị Thanh Hà, cư dân Quận Fairfax của bang Virginia, cho biết học khu của các con bà cũng cho phụ huynh hai sự lựa chọn: học trực tuyến hoặc hai ngày trực tiếp đến lớp. Bà nói bà chọn cho hai người con của bà, học lớp 9 và 12, đến lớp vì các em là những người năng động, muốn được gặp lại bạn bè và tiếp tục các hoạt động xã hội.
Bà Hà nói bà không hài lòng về chất lượng của việc giáo dục trực tuyến vì khả năng tiếp thu của học sinh ở nhà không cao bằng ở trong lớp học và tính kỉ luật cũng lỏng lẻo hơn.
Phụ huynh này cho biết bà cũng không quá lo ngại về virus corona vì các trường học đều phải áp dụng các biện pháp phù hợp để giữ an toàn cho học sinh và giáo viên.
“Con mình bây giờ lớn nên cũng hiểu chuyện. Mình thường xuyên dặn dò con phải tự chăm sóc cho bản thân, cho gia đình,” bà nói.
Nhà Trắng đang dựa vào hướng dẫn mở cửa lại của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và một báo cáo từ Viện Nhi khoa Hoa Kỳ nêu chi tiết về tầm quan trọng của việc học trực tiếp và “ủng hộ mạnh mẽ tất cả những cân nhắc chính sách cho năm học tới bắt đầu với mục tiêu đưa học sinh quay lại trường.”
Nỗ lực của chính quyền Trump thúc đẩy mở cửa lại trường học theo sau những quy định mới được ban hành bởi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ, mà qua đó, du học sinh quốc tế tại các trường đại học nào chỉ giảng dạy trực tuyến trong mùa thu tới đây sẽ không thể lưu lại Mỹ. Quy định này, trên thực tế, buộc các trường phải cân đo lợi-hại giữa nguy cơ của việc mở các lớp học trực tiếp với việc mất sinh viên quốc tế.
Số ca nhập viện ở California tăng 50%
giữa thời điểm số ca nhiễm coronavirus tăng mạnh
Tin từ Sacramento – Hôm thứ Hai (6 tháng 7), chính quyền California cho biết do số ca nhiễm coronavirus của tiểu bang tăng mạnh trong cuối tuần lễ Độc lập, hệ thống bệnh viện đang bị tràn ngập và tòa nhà quốc hội tiểu bang ở Sacramento phải đóng cửa để tổng vệ sinh.
Theo thống đốc Gavin Newsom, số người nhiễm COVID-19 phải nhập viện đã tăng 50% trong 2 tuần qua, tức khoảng 5,800 người. Khoảng 1/3 số người nhập viện là ở quận Los Angeles, với khoảng 630 bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt. Theo các viên chức y tế, 25% số ca nhập viện trong tháng 07/2020 của quận là những người từ 18 đến 40 tuổi. Ngày càng nhiều người trẻ tuổi nhiễm trong những tuần gần đây do thờ ơ trước các biện pháp phòng ngừa an toàn.
Ở nhà tù tiểu bang San Quentin, gần 1,400 tù nhân tại đã nhiễm virus, gây áp lực lên các bệnh viện ở quận Marin. Tổng cộng, California có 271,684 người nhiễm virus, trong đó có 11,529 ca mới trong 24 giờ qua và 6,300 ca tử vong.
Quyết tâm làm chậm sự lây lan của dịch bệnh vào cuối tuần lễ, các quản trị viên rượu của tiểu bang đã ghé thăm gần 6,000 quán bar và nhà hàng để bảo đảm họ tuân thủ các quy định mới, cấm ăn uống trong nhà và đóng cửa các quán bar không phục vụ thức ăn.
Gần nửa triệu công ty đã được chính quyền tiểu bang liên lạc vào cuối tuần qua và khuyến cáo rằng họ sẽ bị phạt nếu không tuân thủ các hướng dẫn khoảng cách xã hội, kể cả lệnh toàn tiểu bang phải đeo khẩu trang. Virus cũng đã xâm nhập vào tòa nhà quốc hội tiểu bang khi hôm thứ Hai (06/07/2020), nữ dân biểu Autumn Burke, đăng trên Twitter nói rằng bà và con gái đã dương tính với virus. (BBT)
Thị Trưởng Atlanta Keisha Lance Bottoms
xét nghiệm dương tính với COVID-19
Trong một tweet đăng vào hôm thứ hai (6 tháng 7), Thị trưởng Atlanta Keisha Lance Bottoms cho biết bà đã xét nghiệm dương tính với coronavirus, mặc dù không biểu hiện triệu chứng.
Theo Bộ Y tế Georgia, Quận Fulton, nơi Atlanta tọa lạc, đã báo cáo gần 9,000 ca nhiễm coronavirus. Bà Bottoms, một ngôi sao đang lên trong Đảng Dân chủ, gần đây đã trở thành tâm điểm chú ý tại Hoa Kỳ, khi các cuộc biểu tình phản đối nạn kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát bắt nguồn từ cái chết của ông George Floyd cũng lan rộng đến Atlanta. Bà nằm trong danh sách những người có thể trở thành ứng cử viên phó Tổng thống cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden.
Bên cạnh đó, cuộc biểu tình nói trên càng lan rộng tại thành phố này sau cái chết của anh Rayshard Brooks, một người da đen 27 tuổi, khi bị cảnh sát bắn hai phát vào lưng trong bãi đậu xe của nhà hàng Wendy’s vào tháng 6. Vụ nổ súng này đã buộc cảnh sát trưởng Atlanta phải từ chức và hai cảnh sát có liên quan bị buộc tội hình sự. Bà Bottoms đã ban hành hàng loạt lệnh hành pháp để cải cách Sở cảnh sát Atlanta. (BBT)
https://www.sbtn.tv/thi-truong-atlanta-keisha-lance-bottoms-xet-nghiem-duong-tinh-voi-covid-19/
Novavax nhận 1.6 tỷ USD
để phát triển vắc-xin chống Covid-19
Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp cho công ty Novavax 1,6 tỷ USD để hỗ trợ một chương trình thử nghiệm và sản xuất một vắc-xin chống virus corona chủng mới ở Hoa Kỳ. Theo mục tiêu đề ra, Novavax sẽ giao 100 triệu liều vắc-xin vào khoảng tháng 1 năm tới.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) loan báo ngân khoản hỗ trợ tài chính lớn nhất tính cho tới nay của “Operation Warp Speed,” một sáng kiến của Tòa Bạch Ốc nhằm tăng tốc khả năng tiếp cận vắc-xin và phương pháp điều trị chống Covid-19.
Giá cổ phiếu của công ty Novavax có trụ sở đặt ở Gaithersburg, Maryland, đã tăng 29% lên tới 102 đô la trong các giao dịch vào buổi sáng hôm nay.
Khoản hỗ trợ tài chính Warp Speed được dùng để trang trải chi phí sản xuất 100 triệu liều vắc-xin, bắt đầu giao từ quý IV năm nay, và dự kiến hoàn tất vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm tới, Giám đốc điều hành Novaxax Stanley Erck nói với Reuters.
Ngân khoản này cũng được dùng để trả chi phí thử nghiệm giai đoạn III, giai đoạn cuối của thử nghiệm vắc-xin trên người.
Novavax dự kiến nội trong tuần tới sẽ có kết quả thử nghiệm giai đoạn I, kiểm tra mức độ an toàn của vắc-xin. Công ty dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn II vào tháng 8 hoặc tháng 9, và giai đoạn III sẽ bắt đầu vào tháng 10.
Thông báo của HHS được công bố sau ngân khoản 456 triệu USD đầu tư cho vắc-xin của tập đoàn Johnson & Johnson hồi tháng 3, 486 triệu USD cho công ty Moderna hồi tháng 4, và 1,2 tỷ USD cho vắc-xin AstraZeneca của PLC được phát triển cùng với Đại học Oxford vào tháng 5.
Ngoài ra công ty Emergent Biosolutions cũng nhận khoản hỗ trợ tài chính trị giá $630 triệu USD để nhân rộng năng lực sản xuất trong nước để tìm một loại vắc-xin chống virus corona và thuốc điều trị COVID-19.
Bên cạnh việc bơm tiền mặt cho công ty Novavax, chính phủ Hoa Kỳ còn ký một hợp đồng trị giá 450 triệu đô la với công ty Regeneron Enterprises Inc. để sản xuất hỗn hợp kháng thể cho COVID-19.
Vào tháng Năm, Novavax đã nhận được khoản tài trợ phụ trội $ 388 triệu USD của Liên minh CEPI, một quỹ đầu tư tư nhân, để phát triển vắc-xin COVID-19 sau ngân khoản 4 triệu USD vào tháng 3. Vào tháng 6, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cung cấp cho công ty Novavax 60 triệu đô la để sản xuất 10 triệu liều vắc-xin trong năm 2020.
Tổng Thống Brazil dương tính với coronavirus
Tin Brasilia, Brazil – Tổng Thống Brazil Jair Bolsonaro đã được xét nghiệm dương tính với coronavirus vào thứ Ba, 7 tháng 7, không lâu sau khi phủ tổng thống thông báo ông Bolsonaro có triệu chứng bệnh. Tổng Thống Bolsonaro đã công bố kết quả xét nghiệm của ông cho các phóng viên, và nói rằng ông bắt đầu cảm thấy không khỏe từ Chủ Nhật.
Nhà lãnh đạo 65 tuổi của Brazil cũng xác nhận rằng ông đang dùng thuốc hydroxychloroquine và thuốc azithromycin. Cả hai loại thuốc này đều chưa được xác nhận là có khả năng ngăn ngừa hay chữa trị Covid-19. Tổng Thống Bolsonaro lâu nay vẫn hạ thấp nguy cơ của virus, nói rằng căn bệnh này cũng chỉ tương tự như một trận cúm nhẹ. Ông cũng khẳng định quá trình tập luyện thể thao thời tuổi trẻ sẽ giúp ông miễn nhiễm với các triệu chứng tồi tệ nhất của Covid-19.
Brazil hiện là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất thế giới, với hơn 1.6 triệu ca nhiễm coronavirus và hơn 65,000 ca tử vong, chỉ đứng sau Hoa Kỳ trong bảng thống kê của Đại học Johns Hopkins. Con trai của tổng thống Brazil, ông Eduardo Bolsonaro, cũng xác nhận cha ông bị bệnh, nhưng nói rằng căn bệnh không có biến chứng, và việc dùng chloroquine tỏ ra rất có hiệu quả trong giai đoạn đầu của căn bệnh.
Chính phủ Brazil vào thứ Hai nói rằng Tổng Thống Bolsonaro cảm thấy không khỏe và bị sốt 38 độ C, tức khoảng 100.4 độ F. Ông Bolsonaro được xét nghiệm virus sau khi xuất hiện triệu chứng bệnh. Trước khi phát bệnh, vào thứ Bảy vừa qua, Tổng Thống Bolsonaro đã gặp gỡ ông Todd Chapman, đại sứ Hoa Kỳ tại Brazil, cùng một số viên chức tòa đại sứ Hoa Kỳ tại thủ đô Brasilia. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-brazil-duong-tinh-voi-coronavirus/
JK Rowling và nhiều nhà văn cảnh báo
‘tự do ngôn luận bị bóp nghẹt’
Khoảng 150 nhà văn, học giả, nhà hoạt động, trong đó có JK Rowling, Salman Rushdie và Margaret Atwood – ký thư ngỏ lên án “hạn chế tranh luận”.
Anh Quốc: Phong trào xóa bỏ tượng ‘thực dân’ và chủ nô lệ lên cao
Vì sao các cuộc biểu tình tại Mỹ lần này mạnh mẽ như vậy?
Họ nói họ hoan nghênh “sự thức tỉnh cần thiết” về công bằng sắc tộc nhưng nói nó đang bóp nghẹt tranh luận.
Lá thư lên án “sự làm nhục trước công chúng và tẩy chay”.
Nhiều người tham gia lá thư trước đó bị công kích vì bình luận của họ.
Lá thư cho rằng sự trao đổi thông tin tự do “đang trở nên hạn chế mỗi ngày”.
Những người tham gia lá thư có cả Noam Chomsky, Gloria Steinem, Garry Kasparov và Malcolm Gladwell.
JK Rowling, tác giả loạt sách Harry Potter, mới đây bị lên án trên mạng vì bình luận gây tức giận cho người chuyển giới.
Lá thư nói: “Các biên tập viên bị đuổi vì đăng các bài tranh cãi, sách bị rút lại vì tố cáo không chân thật, nhà báo bị cấm viết một số chủ đề…”
Một người tham gia lá thư đã rút lại chỉ vài giờ sau khi lá thư công bố.
Jennifer Finney Boylan, một nhà hoạt động cho người chuyển giới, nói trên Twitter: “Tôi không biết có những ai tham gia lá thư đó.”
“Tôi xin lỗi.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53335464
Căng thẳng Pháp – Thổ : Vì sao NATO im lặng ?
Minh Anh
Ngày 01/07/2020, Pháp thông báo tạm ngừng tham gia các chiến dịch quân sự trong khuôn khổ chương trình giám sát an ninh hàng hải Sea Guardian của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO. Paris phản đối thái độ im lặng của tổ chức quân sự này liên quan đến một sự cố hải quân giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Địa Trung Hải. Vì sao NATO lại im lặng ?
Bất chấp việc thông báo mở điều tra của NATO, hầu hết giới chuyên gia tại Pháp đều có chung một nhận định, trong cuộc tranh cãi này, Paris rơi vào thế đơn độc. Sự việc một lần nữa xác nhận phát biểu của tổng thống Macron khi ông cho rằng « NATO trong trạng thái chết não ». Những cuộc tranh cãi giữa hai nước thành viên, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, đang đặt khối quân sự này trong thế khó xử, ít nhất cũng vì hai lý do.
Thứ nhất, theo quan điểm của ông Hadrien Desuin, chuyên gia về quan hệ quốc tế và quốc phòng nói với báo Le Figaro, NATO vẫn còn duy trì một tầm nhìn chiến lược cố hữu, có từ khi mới thành lập năm 1949. Nước Nga vẫn luôn là đích ngắm đầu tiên nên mục tiêu chính là đẩy Nga càng xa càng tốt.
Do vậy, các hoạt động của NATO tại vùng Trung Đông được xem như là một sự nối dài của chiến lược chính, nghĩa là chiến đấu ở Trung Đông, trước hết là để ngăn cản sự trở lại hay đà tiến của Nga trong khu vực. Và cuộc chiến chống khủng bố chỉ là nhiệm vụ thứ yếu, là một con tốt quèn trong ván cờ chống Matxcơva. Xu hướng này càng được củng cố khi các nước Đông Âu gia nhập khối NATO và tầm nhìn luôn hướng về Đông.
Trong vụ tầu chiến Courbet của Pháp bị hải quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếu ra-đa dẫn bắn khi đang thi hành nhiệm vụ của NATO trên biển Địa Trung Hải, những nước Đông Âu đó đã ngầm ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, để đánh đổi lấy việc thông qua những kế hoạch phòng thủ mới của khối, mà đích ngắm chính vẫn là nước Nga.
Thứ hai, vẫn theo chuyên gia Hadrien Desuin, NATO « rất ghét » đề cập đến đề tài Thổ Nhĩ Kỳ, một điều cấm kỵ chiến lược thật sự. Xuất phát từ chiến lược cố hữu trên, bộ Quốc Phòng Mỹ và NATO cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một mảng ghép chủ đạo. Chuyên gia Didier Billion, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, trên đài Euronews phân tích :
« Bởi vì NATO cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tuy đôi khi bướng bỉnh, thỉnh thoảng gây vấn đề, nhưng lại là một nước có một tầm quan trọng chiến lược hoàn toàn thiết yếu. Là thành viên duy nhất trong khối NATO có văn hóa Hồi giáo, có một vị trí chiến lược có thể mở cửa đi sang Iran, Irak, Syria và đối diện với vùng biển phía nam của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ thật sự có một tầm quan trọng đáng kể ».
Vị thế chiến lược quan trọng này giải thích phần nào cho việc NATO nhắm mắt làm ngơ trước việc tổng thống Erdogan ủng hộ các nhóm dân quân thánh chiến và phe Huynh Đệ Hồi Giáo tại Mistara và Tripoli. Với NATO và Hoa Kỳ, việc Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào Libya sẽ giúp phá tan mưu đồ biến Libya của ông Haftar thành một chế độ dưới sự bảo hộ của Nga tại vùng Địa Trung Hải theo mô hình của Syria.
Chính vì những tính toán này, mà Mỹ và NATO để cho Thổ Nhĩ Kỳ gậm nhấm lãnh thổ Syria, Irak và giờ là Libya, mà không chút mảy may quan tâm đến hành động ngày càng độc tài chuyên chế của chính quyền Ankara. Một quan điểm đương nhiên đã không được Paris đồng chia sẻ khi tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ đang « Syria hóa » tình hình tại Libya.
Chỉ có điều khi « chiều chuộng » Thổ Nhĩ Kỳ, liệu Washington và NATO có nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ rơi vào tình cảnh « nuôi ong tay áo » ? Chuyên gia Hadrien Desuin cảnh báo NATO đang nhầm đối thủ. Thổ Nhĩ Kỳ mới thật sự là mối nguy hiểm cho an ninh Địa Trung Hải và châu Âu hơn là nước Nga. Ai cũng biết rằng, khống chế được Libya, một lần nữa Thổ Nhĩ Kỳ làm chủ được chiếc « cổng » di dân thứ hai, đóng – mở theo ý muốn, đủ để làm áp lực với một Liên Hiệp Châu Âu thiếu đoàn kết.
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200708-nato-ph%C3%A1p-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3
Hè 2020 : « Cuộc chiến » của ngành du lịch Pháp
và « tinh thần ái quốc » của khách nội địa
Thùy Dương
Sau những tháng ngày bị phong tỏa bí bách, kỳ nghỉ hè năm nay được nhiều người dân Pháp ngóng chờ. Được thảnh thơi tắm nắng ở bãi biển, đùa giỡn với những con sóng, nghỉ ngơi ở miền thôn quê hay vùng núi vắng vẻ, thoáng mát, hít thở không khí trong lành … là mơ ước của biết bao người. Còn đối với ngành du lịch Pháp, mùa hè năm nay họ bước vào một cuộc chiến đầy khó khăn để thu hút khách trong bối cảnh vừa trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Năm 2019, có tới 9 triệu du khách Pháp, tương đương gần 7% dân số, ra nước ngoài nghỉ hè. Nhưng năm nay, cho đến giờ, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn đang rất phức tạp, khó lường, hàng không quốc tế vẫn chưa vận hành bình thường trở lại, chính phủ Pháp rất nhiều lần khuyên người dân nên đi nghỉ trong nước vừa để bảo đảm an toàn, vừa để thể hiện « tinh thần ái quốc về du lịch », chung tay góp sức cứu ngành du lịch sau giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất trong lịch sử.
Đây là một cơ hội nhưng cũng là một thử thách cho ngành du lịch Pháp, bởi họ đang phải cạnh tranh với nhiều « cường quốc du lịch » đối thủ khác ở Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, những nước được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết tươi đẹp, nhiều bãi biển, giá cả sinh hoạt lại không quá đắt đỏ … Cuộc ganh đua giành khách giữa các nước được dự báo diễn ra gay gắt đến mức báo chí Pháp gọi đây là « một cuộc chiến du lịch ». Nước nào cũng sẽ tìm đủ cách để níu kéo khách nội địa và vẫy gọi khách từ các nước láng giềng trong khi du khách phương xa như châu Á, nhất là khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc … và khách từ châu Mỹ (tâm dịch Covid-19) đặc biệt là người Mỹ, sẽ chưa sớm có thể trở lại châu Âu.
Còn ngay trong nước Pháp, nhiều người cũng lo ngại về nguy cơ « một cuộc chiến giữa các vùng ». Một mối lo khác sau cuộc khủng hoảng, nhiều người lâm cảnh thất nghiệp, nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, không còn tâm trí nào nghĩ đến du lịch, nghỉ dưỡng. Điều quan trọng trước hết đối với họ là có thu nhập để ổn định lại cuộc sống chứ không phải tận hưởng kỳ nghỉ hè.
Năm nay, nước Pháp chính thức bước vào kỳ nghỉ hè vào ngày 06/07/2020. Trước đó, ngày 19/06, RFI Việt ngữ có dịp trò chuyện với ông Jean-Pierre Mas, chủ tịch tổ chức Các công ty lữ hành để hiểu thêm về ý định đi nghỉ hè của người Pháp cũng như công tác chuẩn bị của ngành du lịch Pháp.
RFI : Liên Hiệp các Công ty du lịch đã thực hiện một cuộc khảo sát về ý định đi nghỉ hè của người dân Pháp. Ông có thể cho biết kết quả ?
Jean-Pierre Mas : Chúng tôi đã đặt cơ quan nghiên cứu và tư vấn BVA tiến hành một cuộc khảo sát về ý định đi nghỉ hè của người Pháp. Năm nào chúng tôi cũng cho tiến hành cuộc thăm dò ý kiến như thế này trong cùng thời kỳ. Năm nay, khi đợt phong tỏa chấm dứt, số người nói muốn đi nghỉ hè cao hơn so với mọi năm : 59%, tức là cứ 10 người được hỏi thì có gần 6 người, có ý định đi nghỉ hè vào tháng 07-08. Bình thường thì tỉ lệ này là 55%. Sự khác biệt so với các năm trước là trong số những người có ý định đi nghỉ hè thì có tới 9/10 người muốn có kỳ nghỉ hè tại Pháp. Bình thường thì số người muốn nghỉ hè tại Pháp là 60%, 40% còn lại muốn đi nghỉ hè ở nước ngoài. Như vậy là nghỉ hè tại Pháp đang là một xu hướng diễn ra mạnh mẽ.
Vậy những người đi nghỉ hè ở Pháp, họ muốn đi đâu ? Chúng tôi từng nghĩ rằng mọi người muốn đến những vùng đất rộng rãi và họ sẽ ưu tiên chọn đi nghỉ ở nông thôn hay vùng núi, nhưng không phải vậy. Cũng giống như mọi năm, đi nghỉ hè ở vùng biển được mọi người ưu tiên lựa chọn. Chính xác là 54% số người định đi nghỉ hè ở Pháp nói rằng họ sẽ đi đến nơi có biển.
RFI : Chính quyền Pháp và nhà chức trách các vùng lãnh thổ đã làm gì để khuyến khích người dân ở lại trong nước vào mùa hè năm nay ?
Jean-Pierre Mas : Chính phủ đã nói nhiều về chuyện này. Tổng thống, thủ tướng, quốc vụ khanh đặc trách về Du Lịch của Pháp Jean-Baptiste Lemoyne đã có nói về cách thể hiện lòng ái quốc qua việc đi nghỉ hè ở Pháp để cứu vãn nền kinh tế du lịch, ngành khách sạn, nhà hàng, các khu cắm trại, các khu nhà cho thuê phục vụ du lịch trong mùa hè này, bởi vì năm nay sẽ có ít du khách ngoại quốc hơn là mọi năm. Đó là điều đầu tiên. Tôi muốn nói rằng đó là câu chuyện chính trị.
Nhưng bên cạnh đó, các vùng, đôi khi là các tỉnh, cũng đã đầu tư rất mạnh, họ đã làm tất cả để người dân sinh sống trong vùng đi nghỉ hè ngay trong vùng và thu hút người dân từ các vùng khác đến địa phương mình. Chúng tôi đang chứng kiến một kiểu ganh đua nhau giữa các địa phương để níu chân du khách Pháp ở lại thăm thú nước Pháp và thu hút họ đến vùng này hay vùng kia. Dường như mọi người đang trong một cuộc chiến kinh tế, bởi vì Tây Ban Nha cũng làm điều tương tự, Bồ Đào Nha, Đức và Ý cũng làm giống như vậy.
Các vùng đã đầu tư, hoặc là thông qua việc ủng hộ các dự án về các kỳ nghỉ, công tác tổ chức các kỳ nghỉ, hoặc là thông qua hoạt động tài trợ với rất nhiều loại séc chuyên dùng trong các kỳ nghỉ hè, hay séc du lịch, hoặc là với các chiến dịch truyền thông để thúc đẩy người Pháp đi du lịch, thăm thú các vùng lãnh thổ nội địa.
RFI : Vậy còn về phía ngành du lịch Pháp, ông có thể nói thêm về các chiến dịch thu hút du khách của các công ty lữ hành, các nhà làm du lịch Pháp ?
Jean-Pierre Mas : Có rất nhiều hoạt động, chiến dịch đặc biệt nhắm tới các mạng xã hội để níu chân người Pháp ở lại nghỉ hè trong nước. Chương trình « Je vous dis la France » do tạp chí chuyên ngành du lịch Tourmag đã làm lan tỏa tại Pháp hastag #PARTEZ EN FRANCE (Hãy đi nghỉ trong nước Pháp). Còn Tổ chức Les Entreprises du voyages (Các công ty lữ hành) của chúng tôi đã có một chiến dịch tuyên truyền trên các mạng xã hội và thông qua những người có ảnh hưởng, tạo cảm hứng trên mạng xã hội. Chiến dịch có tên là « Tous vos envies de France sont dans vos agences de voyage » (tạm dịch là Tất cả những gì bạn muốn về nước Pháp đều có ở các công ty du lịch). Cơ quan phát triển du lịch Pháp, Atout France, cũng có chiến dịch thúc đẩy người Pháp đi du lịch trong nước và thu hút người nước ngoài đến Pháp.
Như vậy là có rất nhiều đầu tư và các mạng xã hội được sử dụng nhiều, rất nhiều, bởi vì chúng tôi hiểu rõ là các chiến dịch của chúng tôi cần có nhiều tương tác, phản ứng, trong khi chiến dịch thông tin, chẳng hạn như qua đài phát thanh, thì lại không được hiệu quả lắm trong việc tạo ra khả năng phản ứng, tương tác như trên các mạng xã hội. »
RFI : Trong thời gian qua, các công ty lữ hành có thấy có thêm nhiều khách đăng ký đi nghỉ hè hay không ?
Jean-Pierre Mas : Câu trả lời là có ! Chúng tôi không chỉ thấy số khách đặt chuyến đi nghỉ hè tăng mà còn thấy các công ty du lịch thiết kế các chuyến đi với những hoạt động mà mọi năm họ không làm, bởi vì thường thì họ hướng đến các kỳ nghỉ ở nước ngoài. Năm nay vì sẽ chỉ có ít du khách ngoại quốc do biên giới vẫn đóng, còn người Pháp chỉ có thể đi du lịch châu Âu, nên các công ty lữ hành bắt đầu hướng đến nước Pháp, đến du lịch sinh thái.
Chúng tôi biết rất nhiều trường hợp như thế, chẳng hạn một công ty du lịch có tên là Deltour ở vùng Bretagne thì gợi ý kỳ nghỉ ở quanh Pornichet với nhiều hoạt động khám phá rất độc đáo. Tương tự như vậy, ở vùng Bordeaux du khách được tham gia sản xuất loại rượu vang của riêng họ … Những đề xuất, gợi ý dịch vụ kiểu như vậy của các công ty lữ hành là rất nhiều. Các công ty lữ hành có nhiều ý định để cho thấy họ đang hiện diện, để cho thấy họ có tồn tại và đã sẵn sàng để đón khách Pháp ngay tại nước Pháp.
RFI : Theo ông, giá cả dịch vụ, chi phí du lịch năm nay ở các công ty du lịch có tăng hay không ?
Jean-Pierre Mas : Câu trả lời của tôi là không. Hiện nay, trong lĩnh vực hàng hóa, tức là lĩnh vực khách sạn, khu cắm trại, nhà trọ du lịch, thì giá cả không tăng, không nhúc nhích chút nào. Trái lại, các cá nhân cho thuê nhà riêng, biệt thự có bể bơi ở ven bờ biển thì rất cơ hội. Trong lĩnh vực thương mại hợp tác, các dịch vụ cho thuê nhà trọ du lịch như Airbnb, Abritel rất cơ hội và nâng giá với lập luận kiểu như « nhu cầu sẽ tăng mạnh nên tôi sẽ tăng giá để tranh thủ kiếm thêm một chút từ việc cho thuê biệt thự ».
RFI : Ngành du lịch Pháp năm nay phải đối đầu với nhiều khó khăn. Vậy theo ông, thách thức đặt ra cho ngành trong thời gian tới đây là gì ?
Jean-Pierre Mas : Về các thách thức đối với chúng tôi, thứ nhất là phải làm thế nào để trụ vững được. Thứ hai là thích nghi với việc du khách sẽ thay đổi phương thức tiêu dùng. Ngay cả nếu như không phải là chúng ta đang sống trong một thế giới hậu khủng hoảng y tế, thì cũng vẫn có những thay đổi về tập tính. Cuộc khủng hoảng y tế đã khiến mọi người hướng đến kỹ thuật số để tránh hình thức tiếp xúc trực tiếp trong các hoạt động trong đời sống thường nhật. Điều này không phải là không có hệ quả đối với phương thức vận hành của ngành du lịch.
Vì thế, trên cương vị là chủ tịch Tổ chức Các công ty lữ hành, mục tiêu của tôi là đẩy nhanh công tác số hóa lĩnh vực, bảo đảm là các công ty lữ hành và các nhà làm du lịch vừa hiện diện tại cơ sở trong các khu phố để làm khách hàng cảm thấy yên tâm, vừa hiện diện trên mạng internet để thường xuyên duy trì giao tiếp với hành khách. »
Xin chân thành cám ơn ông Jean-Pierre Mas đã trả lời phỏng vấn của đài RFI Việt ngữ.
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200708-ph%C3%A1p-du-l%E1%BB%8Bch-%C3%A1i-qu%E1%BB%91c
Đức đảm nhiệm chủ tịch luân phiên Liên Âu :
Cải cách quy chế nhập cư là hồ sơ trọng tâm
Trọng Thành
Hôm nay, 08/07/2020, nước Đức chính thức đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu trong sáu tháng. Đối với Berlin, trọng tâm của nhiệm kỳ này sẽ là cải cách các quy chế về tị nạn, nhập cư tại biên giới bên ngoài của khối.
Theo AFP, sau cuộc họp trực tuyến hôm qua với các đồng nhiệm châu Âu, bộ trưởng Nội Vụ Đức Horst Seehofer khẳng định lập trường của Berlin là tiến hành nhiều cải cách quan trọng trong chính sách nhập cư và tị nạn của châu Âu trong những tháng tới. Vào tháng 9/2020, Ủy Ban Châu Âu sẽ đưa ra một đề xuất về vấn đề rất được trông đợi này.
Vụ 180 thuyền nhân vượt Địa Trung Hải phải đợi đến 10 ngày trên biển, sau khi được tàu nhân đạo Ocean Viking vớt lên, trước khi được chính quyền Ý cho phép cập bến cách đây ít hôm, càng cho thấy Liên Hiệp Châu Âu phải khẩn trương có một chính sách tiếp nhận người tị nạn, nhập cư chung.
Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ Berlin :
« Gần như tất cả các quốc gia đều sẵn sàng đi đến một giải pháp thống nhất. Bộ trưởng Nội Vụ Đức Horst Seehofer cho biết : tôi đã được nghe những tuyên bố từ nhiều đại diện của nhóm Visegrad, điều mà tôi chưa từng nghe thấy từ nhiều năm nay. Bộ trưởng Nội Vụ Đức muốn nói đến các nước như Ba Lan và Hungary, các quốc gia vốn có quan điểm phản đối việc phân chia số lượng người nhập cư cần tiếp nhận cho mỗi thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Vào mùa thu năm ngoái, chỉ có một vài nước đạt được đồng thuận về việc tiếp nhận những người tị nạn vượt biển Địa Trung Hải, được cứu thoát. Hiện nay, theo ông Horst Seehofer, đã có 12 nước đồng ý. Bộ trưởng Nội Vụ Đức muốn chấm dứt các thương lượng dai dẳng và tìm ra một giải pháp tổng thể. Theo đó, các quốc gia nào không muốn tiếp nhận dân nhập cư, có thể đóng góp tài chính hoặc nhân lực cho việc thực thi một chính sách tiếp nhận người tị nạn chung của khối.
Bộ trưởng Horst Seehofer nói : Tôi hy vọng là các yêu cầu xin tị nạn được xem xét ngay tại đường biên giới bên ngoài của Liên Hiệp Châu Âu và việc hồi hương những người không được hưởng quy chế tị nạn sẽ được tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, điều thứ ba là, cũng cần phải có một thể thức pháp lý cho phép những di dân vì lý do kinh tế có thể vào châu Âu, mà không cần thông qua quy chế tị nạn ».
Vẫn liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu, hôm nay, kế hoạch chấn hưng kinh tế của khối trị giá 750 tỉ euro sẽ được các lãnh đạo châu Âu thảo luận qua cầu truyền hình. Tham gia thảo luận có chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, chủ tịch Nghị Viện Châu Âu David Sassoli và tân chủ tịch Hội Đồng của Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Đức Angela Merkel.
Putin trẻ làm lãnh đạo
Đảng Nhân dân chống tham nhũng ở Nga
Doanh nhân, cựu nhân viên an ninh Roman Putin, cháu gọi Tổng thống Nga bằng bác họ, lên lãnh đạo một đảng chính trị Nga.
Ông Putin đã ‘trở thành nước Nga’
Chuyện gì đang xảy ra giữa Nga, Hoa Kỳ và Afghanistan?
Có danh xưng là ‘Nhân dân chống Tham nhũng’, đảng này có cơ hội giành phiếu vì đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất đang bị tụt điểm tín nhiệm trong cử tri, theo tờ Moscow Times 06/07/2020.
Là con trai của Igor Putin, em họ ông Vladimir Putin, ông Roman (sinh năm 1977), từng làm việc trong Cục An ninh Liên bang Nga (FSB), hậu thân của KGB.
Bản thân ông Vladimir Putin xuất thân từ ngành an ninh Liên Xô (KGB) và lãnh đạo FSB một thời gian.
Sau khi rời cơ quan an ninh, ông Roman Putin làm doanh nhân và người sáng lập ra công ty tư vấn Putin Consulting Ltd.
Các báo Nga viết ông Roman Putin còn là chủ tịch Liên đoàn Taekwondo của Liên bang Nga.
Mới hồi tháng 3 ông khai trương Đảng Nhân dân Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ ở Nga.
Theo RIA-Novosti, ông Roman Putin dự định ra tranh cử vào tháng 9 năm nay, và đảng chống tham nhũng của ông, qua lời lãnh đạo đ̣ảng, tin rằng gương mặt của ông sẽ giúp họ thu hút cử tri.
Hồi đầu thập niên 2010, Roman Putin có làm cố vấn về đầu tư cho hai thống đốc các vùng Novosibirsk và Yamalo-Nenets.
Nga: Vladimir Putin thực sự là ai?
Gia đình gốc St Petersburg
Cha của Roman Putin, ông Igor là con trai của chú ruột tổng thống Putin, ra đời năm 1953 cũng ở St Petersburg, trẻ hơn tổng thống Vladimir Putin một tuổi.
Sau thời gian phục vụ trong quân đội, ông Igor Putin trở thành doanh nhân, và từng là một lãnh đạo cấp địa phương của Đảng Nước Nga Thống nhất ở Ryazan. Tuy nhiên, sau đó ông bỏ đảng này.
Ông cũng từng có chân trong hội đồng quản trị của ngân hàng Master Bank với chức phó chủ tịch.
Năm 2013, chính quyền Nga phải rút giấy phép hoạt động của nhà băng này vì các vấn đề liên quan đến biển thủ tiền bạc, theo trang New York Times (20/11/2013).
Vụ việc khiến một quan chức ngân hàng ở Nga bị bắt năm 2017.
Đầu tháng 7 năm nay, cử tri Nga với đa số áp đảo đã bỏ phiếu chấp nhận sửa đổi bản Hiến pháp Liên bang, cho phép tổng thống Vladimir Putin có thể làm thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa, tới năm 2036, khi ông 84 tuổi.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53335594
Nghị sỹ Litva:
Quốc hội các nước cần liên kết chống Bắc Kinh
Lục Du
Bitter Winter gần đây có cuộc phỏng vấn nghị sỹ Mantas Adomėnas của Cộng hòa Litva, một người có quan điểm cứng rắn về chính quyền Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn, ông nói rằng quốc hội (hay nghị viện) của các nước cần liên kết với nhau nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Ông Adomėnas nói cần thành lập Liên minh nghị viện về Trung Quốc (IPAC), nhằm “thúc đẩy sự hợp tác sâu sắc hơn giữa các nhà lập pháp cùng chí hướng” trong việc chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của chính quyền Trung Quốc đối với thế giới.
Ông Adomėnas cho biết hoạt động của IPAC sẽ nhắm vào 5 lĩnh vực lớn: (1) bảo vệ các quy tắc quốc tế dựa trên trật tự, buộc chính quyền Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế; (2) giữ vững quyền con người; (3) thúc đẩy công bằng thương mại; (4) tăng cường an ninh – phát triển các chiến lược bảo mật bổ sung để giải quyết các thách thức do Bắc Kinh gây ra; (5) bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Khi được hỏi về việc Bắc Kinh cáo buộc IPAC đang “thúc đẩy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, ông Adomėnas cho biết: “Thuật ngữ ‘Chiến tranh lạnh’ được các chế độ cầm quyền ở Liên Xô và Trung Quốc sử dụng bất cứ khi nào họ thấy rằng thế giới tự do đang chỉ trích họ về các hành vi xâm lược hay vi phạm nhân quyền. Đó là một ‘con ngáo ộp’ mà họ thường dùng để răn đe đối thủ khi họ lo sợ rằng sẽ phải đối mặt với một phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế”.
Ông Adomėnas nói ông không phản đối thuật ngữ “Chiến tranh lạnh mới”, vì rốt cuộc chiến tranh lạnh đã làm thế giới thoát khỏi Liên Xô. Ông bày tỏ: “Nếu Chiến tranh lạnh mới mang lại cơ hội dân chủ cho người dân Trung Quốc, những nạn nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì tôi hoàn toàn đồng ý”.
Bitter Winter đề cập đến việc liên quân 8 nước chinh phạt Trung Quốc năm 1899, sau khi triều đại nhà Thanh lợi dụng phong trào bạo lực “Nghĩa Hòa đoàn” để chống lại các thế lực nước ngoài, dẫn đến các vụ tấn công các đại sứ quán, tiêu diệt các đặc phái viên và giết chết các nhà truyền giáo nước ngoài và giáo dân Trung Quốc.
Khi được hỏi, liệu ĐCSTQ có tuyên truyền với người dân rằng IPAC là một “nhóm đế quốc” đang tìm cách xâm lược Trung Quốc hay không, ông Adomėnas trả lời: “ĐCSTQ sẽ thúc đẩy bất cứ tuyên truyền nào để đạt được mục đích của nó, lực lượng này sở hữu phương tiện và coi thường sự thật một cách trơ tráo, họ sẽ đưa ra bất kỳ phiên bản nào của các sự kiện mà họ muốn nói cho những người dân bị nhốt trong vòng cương tỏa của chế độ”. Ông cho rằng rất khó tránh khỏi việc IPAC bị Trung Quốc tuyên truyền theo kiểu này.
Dù vậy, ông cho biết điều đó không khiến IPAC lạc mất sứ mệnh của mình, vì thực tế Trung Quốc là nguồn gốc chủ yếu của các hành vi gây hấn và xâm chiếm chủ quyền của các nước thông qua các công cụ kinh tế và tuyên truyền.
Nghị sỹ Litva cũng đề cập đến tình trạng bức hại tín ngưỡng ở Trung Quốc, trong đó một trong những trường hợp bị bức hại nghiêm trọng nhất là nhắm vào Pháp Luân Công, môn khí công mà người Litva tự do tập luyện nhưng chính quyền Trung Quốc đàn áp từ năm 1999 đến nay.
Nghị sỹ Adomėnas cho biết các cuộc đàn áp như vậy khiến người Litva có ấn tượng xấu về chính quyền Trung Quốc, ông nói: “Tôi nghĩ rằng nó là một thành tố quan trọng trong việc hình thành phản ứng của cộng đồng người Litva, vốn đang ngày càng trở nên ghê sợ cách hành xử của chính quyền Trung Quốc”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nghi-sy-litva-quoc-hoi-cac-nuoc-can-lien-ket-chong-bac-kinh.html
Hội nghị chính sách an ninh ARF:
Tình hình Biển Đông gây lo ngại
Trọng Thành
Hôm nay, 08/07/2020, Hội nghị thường niên về chính sách an ninh khu vực (ASPC) lần thứ 17 đã được tổ chức qua phương tiện video truyền hình, trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cùng với vấn đề đại dịch, các căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng, bị chỉ đích danh như là yếu tố chủ yếu đe dọa « hòa bình và ổn định » của khu vực và thế giới.
Hội nghị hàng năm về chính sách an ninh, chuyên về hợp tác quốc phòng ở cấp thứ trưởng hoặc tương đương (ASPC) ra đời từ năm 2004, trong khuôn khổ Diễn đàn an ninh khu vực châu Á (ARF). ASPC bao gồm đại diện của 26 quốc gia (10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các đối tác) với mục tiêu chính là đẩy mạnh hợp tác, xây dựng lòng tin trong giới quân sự, an ninh, thúc đẩy mở thêm các kênh đối thoại và trao đổi.
Việt Nam là chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay. Do vậy, ASPC lần thứ 17 do thứ trưởng bộ Quốc Phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, chủ trì.
Báo chí trong nước dẫn lời thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, nhấn mạnh : « An ninh mạng, an ninh bán đảo Triều Tiên, an ninh biển, trong đó an ninh Biển Đông đang là điểm nóng trong khu vực. Vì thế phải xây dựng niềm tin, giải quyết mọi khúc mắc bằng hòa bình, vì lợi ích quốc gia và thế giới ».
Đại diện phái đoàn Nhật Bản, ông Nishida Yasunori, thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại, cho rằng những thay đổi hiện trạng một cách đơn phương là không thể chấp nhận được, gây ảnh hưởng đến những nỗ lực hợp tác của các quốc gia trong khu vực và trong bối cảnh Covid-19.
Các hoạt động quân sự hóa quy mô lớn của Trung Quốc tại Biển Đông, trong những năm gần đây, là đối tượng chỉ trích gián tiếp, cũng như hàng loạt các hành động khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại nhiều khu vực tranh chấp ở Biển Đông (như tiến hành tập trận, đặt tên cho đơn vị hành chính mới), đưa tàu thuyền xâm nhập, gây hấn tại khu vực đặc quyền kinh tế của nhiều nước láng giềng…
Đại diện Nhật Bản ủng hộ lập trường của ASEAN, đặc biệt là tuyên bố chung của lãnh đạo ở hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vừa qua, giải quyết các vấn đề một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Về phần mình, đại diện của Liên Hiệp Châu Âu, ông Guillaume Décot, quan chức của cơ quan Đối ngoại Liên Âu, kêu gọi « các bên không sử dụng vũ lực và tránh các hành động gây gia tăng căng thẳng khu vực. Liên Hiệp Châu Âu cũng ủng hộ quan điểm của ASEAN về thiết lập một trật tự dựa trên luật lệ và cũng như quản trị biển dựa trên luật lệ. Đây là cách duy nhất để duy trì lòng tin và sự đồng thuận ».
Cũng liên quan đến an ninh khu vực, hôm qua, 07/07, Việt Nam chủ trì Hội nghị trực tuyến Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+), với sự tham gia của tám quốc gia khác, ngoài ASEAN, gồm có Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, và Ấn Độ và New Zealand. Biển Đông cũng là một trong các hồ sơ nổi bật tại hội nghị này.
Hai hội nghị mở rộng của khối ASEAN về an ninh diễn ra ngay sau khi Trung Quốc tiến hành tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa (từ ngày 1 đến ngày 5/7), hoạt động bị Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ lên án là gây thêm bất ổn cho tình hình khu vực. Cùng vào thời điểm này Quân đội Mỹ tiến hành thao dượt tại Biển Đông, với sự tham gia cùng lúc của hai hàng không mẫu hạm, như một tín hiệu khẳng định vai trò trụ cột của nước Mỹ trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định, tự do hàng hải tại Biển Đông.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ trì hội nghị an ninh ASEAN
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hôm 8/7 chủ trì một hội nghị trực tuyến của ASEAN về chính sách an ninh.
Có tổng số 26 đoàn tham dự cuộc họp được tổ chức tại Hà Nội, gồm cả đại diện từ các nước không thuộc khối ASEAN như Nhật Bản, New Zealand, EU.
Biển Đông: TQ dồn dập tập trận trong khi Mỹ phô trương hỏa lực
Mỹ đưa tàu sân bay và nhiều tàu chiến đến Biển Đông
Việt Nam, Mỹ nói về nâng cấp quan hệ, phản đối Trung Quốc
TQ: ‘Xong dự thảo Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông’
Từ lâu nay, ASEAN đã tập trung vào vấn đề hòa bình và ổn định trong khu vực và đã từng tìm cách đề cập tới cuộc xung đột ở Biển Đông.
Kể từ 2002, khối ASEAN đã nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông với Trung Quốc và bản dự thảo sơ khởi đã được đồng ý hồi năm 2018.
Sóng gió ở Biển Đông
Năm nay, Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC) diễn ra vào lúc quân đội Trung Quốc tiến hành diễn tập tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp.
Việt Nam và Philippines đã mạnh mẽ chỉ trích cuộc tập trận và lo sợ về những tuyên bố đòi chủ quyền ngày càng tiến xa hơn của Trung Quốc.
Hoa Kỳ cũng đã phản ứng với việc phô trương sức mạnh bằng hoạt động diễn tập của hai hàng không mẫu hạm ở Biển Đông.
Carl Thayer nhận định việc Mỹ mời VN tập trận Vành đai Thái Bình Dương
Biển Đông: TQ phản ứng trước ba nhóm mẫu hạm Mỹ
Đài Loan, Mỹ ‘cảnh giác’ với tin Trung Quốc sắp tập trận ‘chiếm Đông Sa’
Phát biểu tại Hội nghị, Tướng Vịnh nêu ra “các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống” bên cạnh đại dịch Covid-19.
“Trong khu vực cũng có nhiều thách thức làm chúng ta quan ngại. Như vấn đề an ninh mạng, vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên, vấn đề khủng bố, vấn đề an ninh biển, trong đó Biển Đông là một trong những điểm nóng,” trang VOV trích Tướng Vịnh.
Tham gia họp từ Nhật Bản, Thứ trưởng Quốc phòng Nishida Yasunori nói việc đơn phương thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được.
“Chúng tôi tin vào một trật tự hàng hải mở, tự do dựa trên luật lệ ở Biển Đông,” ông Yasunori được VietnamNet trích lời, nói.
EU cũng có quan điểm tương tự.
“EU cũng ủng hộ quan điểm của ASEAN về thiết lập một trật tự dựa trên luật lệ và cũng như quản trị biển dựa trên luật lệ. Đây là cách duy nhất để duy trì lòng tin và sự đồng thuận”, Guillaume Décot, Cơ quan Hành động đối ngoại, Liên minh Châu Âu (EU), được truyền thông Việt Nam dẫn lời.
Việt Nam sẽ muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông trong hội nghị ngày hôm nay tại Hà Nội, dẫu cho khó có khả năng đạt được tiến triển gì.
Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục bỏ lửng việc đàm phán, bởi nước này không đạt được mấy ích lợi từ việc cho ra Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.
Người ta cho rằng căng thẳng sẽ còn tiếp tục dâng cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Biển Đông, trong lúc ASEAN vẫn bế tắc về việc làm sao để điều tiết tình hình khu vực.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53335675
Lính TQ tại Hong Kong tập bắn súng, ném lựu đạn
Truyền thông quân đội Trung Quốc công bố video binh sĩ thuộc lực lượng đồn trú tại Hong Kong huấn luyện bắn súng, ném lựu đạn và đọc bản đồ.
Video dài hai phút được lực lượng đồn trú Hong Kong của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc đăng tối qua trên mạng xã hội Weibo, quay cảnh binh sĩ huấn luyện bắn đạn thật ngày 5/7 tại một thao trường ở đặc khu.
Các binh sĩ PLA luyện tập khoa mục ném lựu đạn, bắn súng ngắn cùng súng trường QBZ-95 và đọc bản đồ trong điều kiện mưa lớn, bùn lầy. Đợt huấn luyện nhằm “kiểm tra khả năng của binh sĩ khi được điều động khẩn cấp, hành quân, liên lạc và sử dụng vũ khí”, đồng thời tăng khả năng chịu đựng của các binh sĩ.
Video được công bố trong bối cảnh Trung Quốc vừa ban hành luật an ninh Hong Kong. Trước đó, lực lượng đồn trú Hong Kong của PLA công bố hai video quay cảnh binh sĩ diễn tập bắn tỉa tại một thao trường, cứu hộ cứu nạn, lục soát tàu và truy bắt người đào tẩu.
Các chuyên gia nhận định lực lượng đồn trú Hong Kong của PLA công bố nhiều video diễn tập trong thời gian qua nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới những ai bị Bắc Kinh xem là “người biểu tình cực đoan” tại đặc khu.
PLA triển khai lực lượng đồn trú tại Hong Kong sau khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Lực lượng này gồm khoảng 6.000 binh sĩ thuộc ba quân chủng, do Chiến khu phía Nam của PLA quản lý. Theo Luật Cơ bản của Hong Kong, binh sĩ PLA có nhiệm vụ phòng thủ và không can thiệp vào các vấn đề tại đặc khu.
Luật an ninh Hong Kong có hiệu lực từ ngày 1/7, hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các “trường hợp nghiêm trọng” thuộc về chính quyền trung ương.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/35680-linh-tq-tai-hong-kong-tap-ban-sung-nem-luu-dan.html
Nhà hoạt động Joshua Wong tuyên bố
luật an ninh “đang ảnh hưởng
đến cuộc sống hàng ngày của người Hồng Kông”
Vào hôm thứ Hai (6/7), nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong lên tiếng chống lại luật an ninh quốc gia mới ở Hồng Kông trước khi xuất hiện tại tòa án vì có liên quan đến một cuộc biểu tình hồi năm ngoái bên ngoài trụ sở cảnh sát. Sự việc này đánh dấu lần xuất hiện công khai thứ hai của anh Wong sau khi luật mới được thông qua.
Các nhà phê bình cho rằng các luật này sẽ hủy hoại các quyền tự do được bảo đảm trong hiến pháp của Hồng Kông, Luật cơ bản. Cuối tuần qua, một cuộc tìm kiếm những quyển sách do anh Wong hoặc chính trị gia dân chủ Tanya Chan viết trên trang web của thư viện công cộng cho thấy những quyển sách này, bao gồm “Unfree Speech”, do anh Wong đồng tác giả, không còn.
Vào hôm Chủ nhật (ngày 5 tháng 7), một cơ quan của chính phủ cho biết những quyển sách này đang được xem xét để xem liệu chúng có vi phạm luật mới hay không. Anh Wong không nhận tội đối với ba tội danh bao gồm xúi giục, tổ chức và tham gia vào một cuộc tụ họp bất hợp pháp. Nhà hoạt động ủng hộ anh Wong, cô Agnes Chow, người đứng cạnh anh trong khi anh trò chuyện với truyền thông và bị buộc tội kích động và tham gia vào cùng một cuộc tụ tập trái phép, thừa nhận các cáo buộc chống lại cô.
Cùng ngày hôm đó, một cư dân Hồng Kông khác bị buộc tội theo luật an ninh mới vì lái xe máy vào cảnh sát trong một cuộc biểu tình trong khi mang biểu ngữ với các khẩu hiệu chính trị hiện bị cấm không được đóng tiền thế chân tại ngoại sau khi xuất hiện tại Tòa án West Kowloon Courts. (BBT)
Trung Quốc biến khách sạn thành văn phòng
cho đặc vụ hoạt động công khai ở Hồng Kông
Minh Hòa
Chính quyền Trung Quốc hôm nay (8/7) đã khánh thành một văn phòng mới cho các đặc vụ tình báo của họ hoạt động công khai tại Hồng Kông, một động thái rõ ràng nhằm kiểm soát chặt chẽ thành phố được mệnh danh trung tâm tài chính lớn trong khu vực.
Văn phòng mới này được chuyển đổi từ khách sạn Metropark Hotel Causeway Bay, một tòa nhà nhìn ra Công viên Victoria, nơi từng tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong nhiều năm qua, trong đó có cả những buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989.
SBS đưa tin, Trưởng đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đã ca ngợi lễ khánh thành là “thời khắc lịch sử”, đồng thời tuyên bố bộ máy tình báo của Trung Quốc sẽ là “đối tác quan trọng” trong việc giúp Hồng Kông bảo vệ an ninh quốc gia.
Báo Hong Kong Free Press (HKFP) cho biết, các phóng viên tới đưa tin về sự kiện đã bị yêu cầu phải đứng bên ngoài rào chắn trong suốt buổi lễ. Hầu hết các khu vực của phố Tung Lo Wan – nơi có khách sạn Metropark Hotel Causeway Bay – đã bị rào kín bởi các hàng rào to bằng nhựa và chứa đầy nước.
HKFP cho biết chính quyền không đưa ra thông báo công khai về việc thành lập văn phòng đặc vụ. Tuy nhiên, công chúng đã tìm ra vị trí của văn phòng này vào chiều thứ Ba (7/7).
Buổi tối cùng ngày, các nhân viên đã lắp đặt quốc huy Trung Quốc và 2 ống cắm cờ vào bên ngoài khách sạn.
Một phóng viên của HKFP cho biết, tuần trước khách sạn Metropark đã đặt một tấm biển thông báo: “Khách sạn đang có công trình sửa chữa nhỏ”. Website của khách sạn này đang ngừng hoạt động để “bảo dưỡng”. Một nhân viên tiếp tân tại khách sạn nói với Apple Daily rằng họ sẽ không nhận đặt phòng trong ít nhất sáu tháng tới.
SBS cho biết Trung Quốc “đại lục nằm dưới chế độ độc tài, các mật vụ Trung Quốc là mũi nhọn của một bộ máy an ninh hiệu quả và tàn nhẫn”, chuyên truy lùng những người phê bình chính phủ và loại bỏ những người bất đồng chính kiến.
Các mật vụ vẫn hoạt động ở Hồng Kông từ lâu nay, nhưng giờ đây họ đã có một văn phòng công khai ở vị trí “đắc địa”. Văn phòng này xuất hiện sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, trong đó các nội dung của luật được giấu kín cho đến khi nó được ban hành vào 11 giờ đêm 30/6.
Luật an ninh quốc gia hình sự hóa và trừng phạt nặng nề 4 tội danh được quy định mơ hồ là “chia rẽ đất nước, lật đổ chính quyền quốc gia, hoạt động khủng bố, thông đồng với các lực lượng nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Hàng chục quốc gia phương Tây đã mạnh mẽ lên án Bắc Kinh về luật an ninh, coi đây là dấu chấm hết cho chính sách “một quốc gia, hai chế độ” mà ĐCSTQ hứa hẹn đảm bảo cho Hồng Kông khi tiếp quản thành phố từ Anh Quốc vào năm 1997. Theo chính sách này, Hồng Kông phải được duy trì các quyền tự do, dân chủ theo chế độ tư bản chủ nghĩa, ít nhất cho đến năm 2047.
Trung Quốc khai trương
văn phòng an ninh quốc gia tại Hồng Kông
Thụy My
Một tuần sau khi luật an ninh quốc gia về Hồng Kông có hiệu lực, hôm nay 08/07/2020 Trung Quốc tưng bừng khai trương văn phòng bảo vệ an ninh quốc gia tại đặc khu. Lần đầu tiên, các nhân viên tình báo Trung Quốc có thể chính thức hoạt động tại Hồng Kông.
Việc khai trương rầm rộ nhằm chứng tỏ quyền kiểm soát của Bắc Kinh ngày càng lớn rộng tại Hồng Kông. Địa điểm của văn phòng cũng rất ý nghĩa : đặt tại một khách sạn nhìn ra công viên Victoria, nơi tập hợp truyền thống từ nhiều năm qua để tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn.
Lá cờ Trung Quốc được treo bên ngoài, tấm bảng tên cơ quan an ninh được gắn lên với sự chứng kiến của chính quyền Hồng Kông và cảnh sát. Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie
Lam) tuyên bố đây là « thời điểm lịch sử ». Theo bà, cơ quan tình báo Trung Quốc sẽ là « đối tác quan trọng » để duy trì an ninh.
Cho đến trước khi ra luật này, chỉ cảnh sát và tư pháp Hồng Kông mới có toàn quyền hoạt động tại đặc khu. Tuy vai trò của văn phòng mới khai trương vẫn còn mơ hồ, nhưng việc Bắc Kinh bổ nhiệm Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong) làm trưởng văn phòng là dấu hiệu răn đe.
Ông Trịnh là người cứng rắn, nổi tiếng về việc đàn áp vụ nổi dậy của dân làng Ô Khảm ở Quảng Đông, giáp với Hồng Kông. Hai người phó của ông là Lý Giang Chu (Li Jiangzhou), một sĩ quan an ninh và Lạc Huệ Ninh (Luo Huining) một quan chức tình báo cao cấp Trung Quốc – theo South China Morning Post.
Trong lễ khai trương, Trịnh Nhạn Hùng khẳng định sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan ở Hoa lục tại Hồng Kông hiện nay, nhất là quân đội Trung Quốc đang đóng tại đặc khu. Theo luật vừa ban hành, các nhân viên của « Văn phòng bảo vệ an ninh quốc gia » không bị chi phối bởi luật pháp Hồng Kông.
Nhà lãnh đạo Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay cho rằng Hồng Kông đang trên đường trở thành một Tây Tạng mới. Trang Hong Kong Free Press cho biết hôm qua có 8 người biểu tình trong im lặng, mỗi người chỉ cầm một tờ giấy trắng nhưng cũng bị bắt !
Về phía Hoa Kỳ, sau khi bắt đầu dỡ bỏ quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông, một số cố vấn của tổng thống Donald Trump còn muốn chấm dứt việc đồng đô la Hồng Kông gắn với đô la Mỹ thông qua tỉ giá hối đoái liên kết như lâu nay. Tuy nhiên hãng tin Bloomberg cho biết ý kiến này gặp phải nhiều chống đối, sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng của Mỹ và Hồng Kông. Một nguồn tin nói rằng biện pháp này nằm dưới cùng trong danh sách các khả năng trả đũa của Mỹ.
Tại Paris, trên Facebook đã xuất hiện lời kêu gọi xuống đường vào ngày thứ Bảy 11/07 tới, để ủng hộ người dân Hồng Kông trước sự đàn áp của Trung Quốc và việc Bắc Kinh không tôn trọng thỏa ước trao trả năm 1997. Các nhà tổ chức cổ vũ « tất cả những ‘Áo Vàng’ ở Pháp, người Hồng Kông lưu vong, người ủng hộ và những ai phản đối chính sách độc tài của Tập Cận Bình » biểu tình tại thủ đô nước Pháp. Cuộc biểu tình đã được Sở Cảnh sát Paris cho phép.
Thế giới cuối cùng đã đoàn kết chống lại TQ
Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc mà ông lãnh đạo đã chơi quá tay đến nỗi, chỉ trong sáu tháng, đã hoàn thành những gì mà Tổng thống Donald Trump không thể làm trong gần bốn năm: cả thế giới thống nhất chống lại Trung Quốc.
Hai mươi binh sĩ Ấn Độ bị sát hại trong một cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Một tàu đánh cá của Philippines bị đánh chìm trong vùng lãnh hải của chính mình bởi các tàu Trung Quốc ngày càng “săn mồi”. Những người biểu tình ủng hộ dân chủ hòa bình ở Hong Kong bị cảnh sát chống bạo động đánh đập đẫm máu theo lệnh của Bắc Kinh. Nông dân và những người khai thác mỏ của Úc bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thương mại sau khi Canberra cho thấy rằng virus, xuất phát từ Trung Quốc, có thể thực sự có nguồn gốc từ… Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rõ ràng đã quyết định rằng bây giờ là thời gian để khẳng định sự thống trị đối với một thế giới bị đo ván về kinh tế, hậu đại dịch. Nhưng thay vì đầu hàng, ngày càng nhiều quốc gia đang phản đòn trở lại.
Ấn Độ, một ví dụ điển hình rõ ràng là không bị đe dọa. Để đối phó với cuộc tấn công chưa được kiểm chứng của Trung Quốc, nền dân chủ lớn nhất thế giới đã di chuyển 30.000 quân tới biên giới tại Himalaya. Nhiều người Ấn Độ hiện đang tẩy chay các sản phẩm “Made in China”, một nhiệm vụ dễ dàng hơn vì các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon đã được New Delhi yêu cầu làm rõ với người mua về nơi sản phẩm được sản xuất.
Thủ tướng Narendra Modi cũng đã tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, hạn chế đầu tư của Trung Quốc và cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc khỏi điện thoại Ấn Độ.
Trong khi đó, người dân Philippines đang sẵn sàng chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc vào các khu vực Biển Đông do Manilla tuyên bố chủ quyền. Khi Tổng thống chống Mỹ Rodrigo Duterte được bầu vào năm 2016, ban đầu ông đã phớt lờ thái độ chung của công chúng và tuyên bố “một trục xoay hướng tới Bắc Kinh” dựa trên lời hứa đầu tư 24 tỷ đô la của Trung Quốc.
Bốn năm sau, tất cả đã thay đổi. Với việc hải quân Trung Quốc tiến gần hơn đến bờ biển Philippines và một vài dự án của Trung Quốc đang được tiến hành, ông Duterte đã đảo ngược quyết định trước đó của mình để chấm dứt Thỏa thuận Lực lượng Tham quan của đất nước với Hoa Kỳ. Đưa ra lựa chọn giữa việc các tàu hải quân Mỹ hoặc Trung Quốc neo đậu tại Vịnh Subic, quyết định này khá rõ ràng.
Cảnh tượng 7,3 triệu người Hong Kong tự do bị nghiền nát dưới gót giày của Trung Quốc là một điều mà thế giới sẽ không dễ quên. Nó đã khiến Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đề nghị trao quyền công dân Anh cho 3 triệu người Hong Kong, chưa kể ông có một đường lối cứng rắn hơn đối với chính Trung Quốc. Huawei, ví dụ, có thể hôn tạm biệt doanh nghiệp 5G của mình ở Anh.
Biển người biểu tình trên đường phố Hồng Kông
Người Úc cũng chán ngấy với những nỗ lực trần trụi của Bắc Kinh trong việc do thám và phá rối chính phủ, cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp của đất nước họ. Để chống lại sự gia tăng gần đây trong các cuộc tấn công mạng, Canberra đã hứa sẽ tuyển dụng ít nhất 500 chiến binh không gian mạng, củng cố hệ thống phòng thủ trực tuyến của đất nước. Trong khi đó, một con số đáng kinh ngạc 94% người Úc nói rằng họ muốn nền kinh tế của họ bắt đầu “thoát Trung”.
Câu chuyện tương tự đang được lặp lại trên toàn cầu. Từ Thụy Điển đến Nhật Bản đến Cộng hòa Séc, ngày càng có nhiều quốc gia hiểu được mối đe dọa tồn vong từ Trung Quốc đối với trật tự thế giới dân chủ, tư bản tự do sau chiến tranh.
http://biendong.net/bi-n-nong/35682-the-gioi-cuoi-cung-da-doan-ket-chong-lai-tq.html
TQ Là mối nguy hiểm cho cả thế giới
Trung Quốc trỗi dậy bằng lời kêu gọi của Đặng Tiểu Bình; “mèo trắng, mèo đen miễn là bắt được chuột”. Nhà nhà ở Trung Quốc tham gia sản xuất hàng hóa. Nếu như các nước sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao, mẫu mà đẹp thì Trung Quốc dựa vào sản phẩm của thế giới để sản xuất hàng chất lượng thấp, bất chấp vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ. Từ đồ chơi trẻ em đến hàng may mặc , điện tử… vì chất lượng thấp nên Trung Quốc bán giá rất rẻ. nhiều tập đoàn trên thế giới lao đao vì hàng nhái giá rẻ của Trung Quốc.
Khi đã là nền kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc đã dùng tiền đầu tư làm mồi nhử đối với các nước kém phát triển. Nhiều nước ở Châu Phi, Trung Á đang khó khăn về giao thông, về khai mỏ đã lập tức đón nhận những món đầu tư khổng lồ đến từ Trung Quốc. Nhưng hầu hết các công trình hiệu quả kinh tế không cao như mong muốn, trong khi phải gánh khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc. Lúc này Trung Quốc mới gây sức ép phải trả nợ. Nhiều nước đã phải gán hải cảng, hầm mỏ cho Trung Quốc. Thế giới gọi đây là bẫy nợ từ Trung Quốc.
Một số nước ở Châu Á đã sớm nhận ra mối nguy hiểm khi vay nợ hoặc để Trung Quốc đầu tư. Malaysia đã thẳng thừng từ chối việc Trung Quốc đầu tư vào đường sắt hàng tỉ đô la. Australia cũng đã mất nhiều mỏ quý cho Trung Quốc rồi mới ngăn chặn. Một số nước ở gần Trung Quốc đã cho họ thuê đất trồng trọt như Nga. Người Trung Quốc đã tràn vào vùng viễn đông của Nga để khai phá. Nhiều người Nga đã cảnh báo chính quyền nguy cơ có thể mất vùng Viễn Đông cho Trung Quốc.
Đối với Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật …Sau nhiều năm bị Trung Quốc ru ngủ với thuyết “ẩn mình chờ thời” đã để cho Trung Quốc đưa người vào các cơ sở nghiên cứu, các tập đoàn để ăn cắp công nghệ. Mãi đến gần đây các nước này mới giật mình và đang tìm cách ngăn chặn kẻ ăn cắp khổng lồ Trung Quốc.
Không chỉ lũng loạn thế giới về kinh tế, Trung Quốc còn tìm cách lũng loạn thế giới về quân sự. Khi có tiền, Trung Quốc liên tục đầu tư lớn vào quân sự, từ hạt nhân, tàu sân bay, tàu ngầm, tên lửa … Với tiềm lực quốc phòng hiện nay Trung Quốc đang thách thức các cường quốc như Mỹ, Nga, Nhật.
Nguy hiểm hơn, Trung Quốc tìm cách xây dựng các căn cứ quân sự trên phạm vi toàn cầu. Với các nước ở xa, Trung Quốc tìm cách thuê đất để xây dựng căn cứ hải quân, không quân. Với các nước ở gần như Đông Nam Á, Trung Quốc tìm cách đánh chiếm các đảo để làm căn cứ, điển hình là việc chiếm các đảo của Việt Nam, Philippin.
Bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đến hơn 80% diện tích Biển Đông hòng làm chủ quyền hàng hải, hàng không quan trọng nhất thế giới.
Mối hiểm họa từ Trung Quốc đang lớn dần có thể nhấn chìm thế giới. Họ có thể giết cả thế giới bằng virut gây bệnh mà mở đầu bằng Covid – 19. Thế giới hơn bao giờ hết phải đoàn kết, cảnh giác ngăn chặn thảm họa từ Trung Quốc
http://biendong.net/bi-n-nong/35693-tq-la-moi-nguy-hiem-cho-ca-the-gioi.html
Mưa lớn gây ngập lụt khắp miền nam Trung Cộng
Hôm thứ Hai (6 tháng 7), Trung Cộng đã nâng mức khuyến cạo lũ lụt ở miền trung và miền nam quốc gia này, khi mùa mưa lớn bất thường tiếp tục gây ra lũ lụt khắp nơi. Thành phố Vũ Hán ở trung tâm của Trung Cộng, tâm chấn của đại dịch coronavirus, đã nâng mức khuyến cáo lũ lụt khi mưa xối xả và giông bão đã nhấn chìm nhiều vùng đất tại đây, bao gồm cả khu vực dòng sông Dương Tử.
Vũ Hán đã nâng mức ứng phó lũ khẩn cấp từ cấp III lên cấp II, mức cao thứ hai trong tháng đo 4 mức, sau nhiều ngày mưa lớn nhấn chìm nhiều con đường. Cùng ngày, những cơn mưa xối xả tiếp tục vùi dập Trung Cộng, từ Trùng Khánh ở phía tây nam Trung Cộng đến Thượng Hải trên bờ biển phía đông. Các tỉnh Chiết Giang, An Huy và Giang Tô đều ra tuyên bố “báo động vàng”.
Theo dữ kiện của Bộ Tài nguyên, vào hôm thứ Hai (6 tháng 7) mực nước tại hơn 50 địa điểm dọc theo các con sông của Trung Cộng đã vượt quá mức báo động. Hôm thứ Sáu (3 tháng 7), các viên chức của Cơ quan Khí tượng Trung Cộng (CMA) cho hay lượng mưa trong tháng 06/2020 cao hơn 13.5% so với tiêu chuẩn theo mùa. Ngoài ra, mức mưa xối xả và giông bão cao hơn 43% so với trung bình năm 2017 và 2019. (BBT)
https://www.sbtn.tv/mua-lon-gay-ngap-lut-khap-mien-nam-trung-cong/
Động đất gần đập mới khánh thành
trên thượng du Dương Tử,
100 học sinh thi đại học ùa chạy khỏi phòng thi
Phụng Minh
Tâm chấn ở ngay bên dòng sông Kim Sa, một nhánh thượng lưu sông Dương Tử.
Vào lúc 10h39 ngày 8/7, một trận động đất mạnh 4,2 độ richter xảy ra ở quận Đông Xuyên, thị trấn Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Những nơi như Khúc Tĩnh, Hội Trách, Côn Minh đều cảm nhận được rung chấn. Hôm nay là ngày thứ hai diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học tại Trung Quốc, khoảng 100 thí sinh đang làm bài thi tại trường trung học Minh Nguyệt, Đông Xuyên đã ùa chạy ra khỏi phòng thi khi động đất xảy ra.
Theo Mạng địa chấn Trung Quốc vào ngày 8/7, trận động đất này xảy ra ở tọa độ 26,02 độ vĩ Bắc, 103,13 độ kinh Đông, với độ sâu tâm chấn là 14km.
Rung chấn khá mạnh, nhiều cư dân mạng ở Đông Xuyên cho biết họ đã bị sốc. “Cha tôi nói rằng ông đang sợ đến chết ngất rồi”, “Người ở Đông Xuyên đang bị làm cho sợ chết khiếp đây”.
Một cư dân mạng khác nói: “Ở Khúc Tĩnh cũng cảm thấy chấn động, khiến trẻ nhỏ sợ hãi”, “Ở đại học Dương Lâm, Côn Minh cũng cảm thấy chấn động”, “Những nơi sát ngay cạnh sông đang lo sợ”.
Tâm chấn nằm ngay cạnh sông Kim Sa, một nhánh ở thượng lưu sông Dương Tử (Trường Giang). Cách đây đúng 1 tuần, vào 1/7, Trung Quốc đã khánh thành đập thủy điện lớn thứ 4 đại lục và lớn thứ 7 thế giới, cao gấp rưỡi đập Tam Hiệp trên dòng Kim Sa. Đập Ô Đông Đức cách tâm chấn vụ động đất ngày hôm nay khoảng 20km.
Tâm chấn cách Hội Trạch 47 km, cách Tung Minh 76 km, cách Khúc Tĩnh 89 km và cách Thành phố Côn Minh 116 km.
Tài khoản mạng xã hội Weibo có tên “Chưởng Thượng Xuân Thành” cho biết sau vụ việc, khoảng 100 thí sinh đã chạy ra khỏi phòng thi của trường Minh Nguyệt để chánh bị thương do chấn động từ vụ động đất. Khoảng 7 phút sau kỳ thi mới trở lại bình thường.
Theo dữ liệu của Mạng địa chấn Trung Quốc, kể từ ngày 2/7, tổng cộng 14 trận động đất nông đã xảy ra ở Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Tân Cương, Tây Tạng và các nơi khác, với độ sâu tâm chấn khoảng 8 đến 14 km và cường độ trung bình trên dưới 3 độ richter. Trong đó có 4 trận động đất trên cấp 4.
Trong số đó, vào lúc 4h07 sáng ngày 2/7, một trận động đất mạnh 3,2 độ richter đã xảy ra ở huyện Ruoergai, A Bá, Tứ Xuyên (tọa độ 34,10 độ vĩ Bắc, 102,68 độ kinh Đông), với độ sâu tâm chấn là 8 km. Tỉnh A Bá nằm ở thượng nguồn của đập Tam Hiệp.
Theo Epochtimes
Phụng Minh biên dịch
TQ sắp đón đợt mưa lũ mới,
đập Tam Hiệp đối mặt thử thách
Mạng lưới phòng chống lũ của Trung Quốc trên sông Dương Tử, với đập thủy điện Tam Hiệp là xương sống, vẫn đang tiếp tục bị thử thách với đợt mưa lớn dự báo sắp đến.
Đập thủy điện Tam Hiệp đã 2 lần xả lũ trong tuần qua
Theo SCMP, mưa lũ bắt đầu từ cuối tháng 5 đến nay đã tác động đến đời sống của 20 triệu người Trung Quốc ở các tỉnh dọc theo những con sông.
Ước tính ít nhất 121 người thiệt mạng hoặc mất tích ở Trung Quốc vì mưa lũ kéo dài, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc hôm 6.7 phát đi cảnh báo mưa lũ lớn sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn, trải dài từ Trùng Khánh ở tây nam cho đến Thượng Hải ở bờ đông, trong vòng 5 ngày tới.
Thành phố Vũ Hán, nơi từng là vùng tâm dịch Covid-19, đã trải qua mưa xối xả suốt tuần qua. Đến ngày 6.7, chinh quyền thành phố đã nâng mức cảnh báo lũ từ cấp 3 lên cấp 2, cấp cao thứ hai trong thang cảnh báo lũ 4 cấp độ ở Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.
Vũ Hán là trung tâm giao thông vận tải ở miền trung Trung Quốc, ghi nhận lượng mưa tới hơn 250mm từ ngày 5.7 cho đến sáng ngày 6.7, gây ngập lụt trên diện rộng.
Tính đến 4 giờ sáng ngày 6.7, mực nước trên sông tại một trạm đo đạc ở Vũ Hán đã lên tới 26,79 mét, cao hơn 1,79 mét so với mức an toàn.
Trong khi đó, mưa lớn tiếp tục xảy ra ở Trùng Khánh hôm 6.7. Thành phố với 30 triệu người sinh sống này nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử. Ước tính 40.000 người sống gần sông ngòi đã được đưa đi sơ tán.
Ning Lei, quan chức Ủy ban Quản lý Nguồn nước Trường Giang nói Trung Quốc có mạng lưới 40 hồ chứa nước, bao gồm cả hồ thủy điện của đập Tam Hiệp, có tác dụng trữ nước, giảm bớt tác động của lũ lụt.
“Sau nhiều năm, lưu vực sông Dương Tử đã một hệ thống kiểm soát lũ toàn diện với đập Tam Hiệp – công trình thủy điện lớn nhất thế giới là xương sống”, ông Ning nói.
Ông Ning nêu ví dụ rằng ủy ban đã điều chỉnh lưu lượng nước vào hồ thủy điện Tam Hiệp nhiều lần trong tuần qua để giảm áp lực cho vùng trung và hạ lưu của sông Dương Tử, từ đó giúp tàu thuyền có thể di chuyển một cách an toàn.
Nhưng Fan Xiao, kỹ sư trưởng của Cục Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên ở Thành Đô, nói mạng lưới phòng chống lũ với đập Tam Hiệp là xương sống vẫn còn chịu nhiều thử thách.
Ông Xiao nói mỗi con đập đều phải tự mình đứng vững trước mưa lũ lớn kéo dài.
“Nếu mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, như những gì xảy ra năm 1998, không thể nói trước mức độ chống lũ hiệu quả của những con đập, bao gồm cả đập Tam Hiệp”, ông Xiao nói. “Tình hình ở các con đập hiện tại vẫn tốt, thử thách thực sự vẫn chưa đến”.
Ông Xiao cho rằng Trung Quốc có thể phòng chống lũ một cách tốt hơn bằng cách sớm có kế hoạch sơ tán và nâng cao năng lực hậu cần.
Yang Wenfa, một quan chức khác tại ủy ban Quản lý Nguồn nước Trường Giang, nói với Tân Hoa Xã rằng, Trung Quốc đã lắp đặt hơn 30.000 trạm giám sát dọc sông Dương Tử, giúp dự đoán chính xác tình hình mưa lũ.
“Chúng tôi có thể ngay lập tức đề ra kế hoạch ứng phó khẩn cấp dựa trên tình hình thực tế chỉ trong 3-5 phút”, Yang nói.
http://biendong.net/bien-dong/35687-tq-sap-don-dot-mua-lu-moi-dap-tam-hiep-doi-mat-thu-thach.html
Đỉnh lũ còn chưa tới, Thành phố cuối cùng
của hạ du Tam Hiệp ngập nặng
Như vậy từ Nghi Xương cho tới Thượng Hải, từ thành phố đầu tiên cho tới thành phố cuối cùng nằm trên hạ lưu Dương Tử đều đã chìm trong nước.
Thượng Hải liên tiếp ra ba cảnh báo màu vàng, đỉnh lũ sông Dương Tử chưa đến, thành phố đều đã bị ngập lụt.
Ngày 6/7, Thượng Hải khắp nơi xảy ra mưa lớn, Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra những cảnh báo màu vàng liên tiếp về mưa to, gió lớn và sấm sét. Thêm vào đó, do mực nước sông Dương Tử dâng cao, hệ thống kiểm soát lũ và thoát nước không ứng phó kịp, khiến thành phố Thượng Hải bị ngập trên diện rộng, xe cộ nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Từ 10h05 phút sáng đến 10h25 phút sáng ngày 6/7, Trạm Khí tượng Trung ương Thượng Hải đã liên tiếp đưa ra ba tín hiệu cảnh báo trong vòng 20 phút.
Vào lúc 10h05 phút, tín hiệu màu xanh cảnh báo mưa bão đã được chuyển sang tín hiệu báo màu vàng. Do ảnh hưởng bởi đám mây giông, lượng mưa tích lũy của thành phố dự kiến sẽ đạt hơn 80 mm trong 6 giờ sau đó.
Lúc 10h05 phút, một tín hiệu cảnh báo màu vàng cho gió mạnh cũng được đưa ra. Do chịu ảnh hưởng của những đám mây giông, 24 giờ tới trong thành phố dự kiến sẽ có 7 đến 9 cơn giông và gió mạnh.
Lúc 10h25 phút, Trạm Khí tượng Trung ương Thượng Hải đã đưa ra tín hiệu cảnh báo sấm sét màu vàng.
Ngay sau đó, một đoạn video cho thấy quận Từ Hối của Thượng Hải bị ngập lụt được lan truyền trên mạng. Có thể thấy trong đoạn video, con đường trong quận đều đã biến thành sông, có những nơi nước sâu đến nửa mét.
Huyện Từ Hối là khu vực trung tâm của Thượng Hải, gần sông Hoàng Phố. Tuy nhiên, do nước sông Dương Tử tăng cao nên mực nước của sông Hoàng Phố cũng theo đó dâng lên, nước mưa không thể thoát được, gây ngập úng trên diện rộng.
Theo quy định khí tượng Trung Quốc, lượng mưa được chia thành ba cấp, nghĩa là, trong 24 giờ, lượng mưa vượt quá 100 mm là mưa lớn; và hơn 250 mm là mưa cực lớn. Về lượng mưa trong 24 giờ, nông trường Đông Bình ở Sùng Minh có lượng mưa cao nhất, đạt 206,3 mm. Sùng Minh, Gia Định, Bảo Sơn, Phổ Đà, Hoàng Phố, Từ Hối, Hồng Khẩu, Trường Ninh, đều có lượng mưa lớn vượt mức 100mm.
Theo dữ liệu mới nhất từ Văn phòng kiểm soát lũ lụt Thượng Hải có được từ 686 trạm đo đạc, 74 trạm đã đạt đến mức mưa cực lớn, chiếm 10,8%, 279 đã đạt đến mức mưa lớn, chiếm 40,7%, có tới 256 trạm có mưa to, chiếm khoảng 37,6%. Lượng mưa chủ yếu tập trung ở Sùng Minh, Gia Định và Bảo Sơn.
4 trạm đo đạc được nước tù đọng phân bố chủ yếu ở 3 quận gồm: Gia Định, Mẫn Hành và Kim Sơn. Trong đó nơi nước tù đọng sâu nhất là đường cao tốc G15 Đại Niễn. Đến 10h11 phút sáng ngày 6/7, độ sâu đã đạt đến 370 mm.
Trong số các trạm thủy văn trong thành phố, có 18 trạm vượt mực nước cảnh báo, chủ yếu là Liên Thành, Mão Cảng, Chu Kinh, Phong Vi, cảng Lô Triều.
Vũ Hán phát cảnh báo mưa lũ ‘màu đỏ’,
mức nghiêm trọng
Triệu Hằng
Nhà chức trách Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm thứ Ba (7/7) phát cảnh báo mưa to lên mức cao nhất là “màu đỏ” khi nước tiếp tục dâng cao trong thành phố, tờ Taiwan News đưa tin.
Vũ Hán, nơi bắt nguồn của đại dịch virus corona, nằm ở hạ lưu sông Dương Tử và bên dưới đập Tam Hiệp, nơi mà chính quyền địa phương thừa nhận đã xả lũ để giảm tải cho các hồ chứa.
Cảnh báo màu đỏ là mức nghiêm trọng trong thang cảnh báo thời tiết 4 cấp độ theo mã màu của Trung Quốc. Màu đỏ là mức cao nhất, tiếp đó là màu cam, màu vàng và cuối cùng là màu xanh.
Ngoài ra đoạn sông Dương Tử chảy qua Vũ Hán đang tiếp tục dềnh lên vì nước lũ.
Mưa lớn hôm 6/7 đã dẫn đến nền chùa Longwang cũng bị ngập, đây là một danh thắng ở Vũ Hán, Tân Hoa Xã đưa tin.
Còn Văn phòng khí tượng thành phố Vũ Hán đã cảnh báo mưa lớn cho thành phố bị vây hãm bởi nước ngay từ hôm 5/7, trong thông báo, họ nói thêm rằng lượng mưa ở quận Hoàng Pha (Huangpi) của Vũ Hán đã vượt mốc 60 mm.
Sáng ngày 7/7, Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang (CWRC) thông báo rằng mực nước tại trạm Hán Khẩu (Hankou) trên sông Dương Tử đạt mức cảnh báo 27,3 m và sức nước đạt 53.900 mét khối mỗi giây và khuyên mọi người không mạo hiểm vì khả năng cao là lũ lụt.
Hôm 6/7, nước lũ đã tràn vào bãi ven sông Wuchang ở Vũ Hán, nhấn chìm một phần lớn cây cối và các tác phẩm điêu khắc, trong khi khuôn viên của Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc cũng trải qua tình cảnh ngập úng.
Cư dân mạng Trung Quốc than rằng, Vũ Hán quả là đã có một năm tồi tệ, đầu năm là virus, nay giữa năm là trận lụt.
Nguồn ảnh minh họa cho bài viết: Taiwannews.
https://www.dkn.tv/the-gioi/vu-han-phat-canh-bao-mua-lu-mau-do-muc-nghiem-trong.html
Tai ương tấn công TQ:
Dịch bệnh, lũ lụt, mưa đá, tuyết rơi giữa mùa hè
Hàng loạt thảm họa thiên nhiên xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau tại Trung Quốc vào thời điểm quốc gia tỷ dân đang phải chống chọi trước đại dịch.
Nhiều khu vực ở Bắc Kinh, Trung Quốc bị phong tỏa vì làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2.
Gần như ở cùng một thời điểm, hàng loạt các thảm họa, tai ương diễn ra trên khắp Trung Quốc. Từ đợt bùng phát dịch mới ở Bắc Kinh, lũ lụt liên tục ở miền Nam, thảm họa mưa đá lan rộng ở Cam Túc, Hà Bắc, Thiên Tân cho tới đợt tuyết rơi bất thường ở Tân Cương hay nạn châu chấu hoành hành ở nhiều tỉnh vùng Đông Bắc.
Lũ lụt kéo dài
Ở phía Tây Nam của đại lục, tình hình mưa lũ vẫn diễn ra phức tạp.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết, kể từ 2/7, mực nước của 304 con sông đã vượt mức báo động. Lũ lụt nghiêm trọng ở 26 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc ảnh hưởng tới cuộc sống của 19.380.000 người trên 26 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc. 875.000 người phải di dời khẩn cấp, 235.000 ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng, 1.560.000 ha hoa màu bị tàn phá, thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới gần 42 tỷ NDT (gần 6 tỷ USD).
Trưa 2/7, Cục Thủy văn của Ủy ban Bảo tồn Nước sông Dương Tử cảnh báo trận lũ đầu tiên trong năm có thể sẽ hình thành ở thượng nguồn sông Dương Tử. Thượng nguồn sông Dương Tử là nơi có Đập Tam Hiệp- đập thủy điện lớn nhất thế giới.
14h cùng ngày, lưu lượng nước đổ về hồ chứa Tam Hiệp lên tới mức 53.000m3/s, cao hơn cả lưu lượng trong đợt lũ lịch sử năm 1998 khiến 4.150 người thiệt mạng (50.000m3/s).
Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ vỡ đập nếu mưa lũ vẫn diễn ra trong những ngày tiếp theo, nhưng giới chức Trung Quốc phủ nhận kịch bản này. Guo Xun – nhà nghiên cứu tại Viện Cơ học kỹ thuật Trung Quốc khẳng định, đập Tam Hiệp vẫn an toàn kể cả khi mực nước tại hồ chứa cao tới 175m và lưu lượng nước đổ về đạt 75.000 m3/s.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc, từ tối 3/7 đến tối 4/7, mưa lớn và bão sẽ xảy ra tại các tỉnh Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Sơn Tây, Thiểm Tây và Vân Nam. Một số khu vực sẽ có lượng mưa lên tới 70 mm, kèm theo giông lốc và gió giật mạnh, trong đó đặc biệt cảnh báo một số địa điểm thuộc Giang Tây và An Huy có thể có lượng mưa lên tới 150 mm.
Dịch bệnh
Khi lũ lụt tấn công miền Nam, Bắc Kinh những ngày qua vẫn đang phải nỗ lực đối phó với đợt bùng phát dịch mới. Làn sóng lây nhiễm mới lây bệnh cho khoảng 300 người ở thủ đô Trung Quốc.
Hàng loạt các khu vực ở Bắc Kinh phải sống dưới lệnh phong tỏa lần 2. Chính quyền kêu gọi cư dân không rời thành phố và đóng cửa các trường học trở lại.
Các tuyến xe liên tỉnh cũng bị buộc dừng hoạt động. Thông báo khẩn ban hành khắp Trung Quốc nhấn mạnh người dân không tới Bắc Kinh trừ khi có việc quan trọng, đồng thời tăng cường giám sát những người trở về từ Bắc Kinh.
Không chỉ có dịch bệnh, Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo từ tối 3/7 tới trưa 4/7, Bắc Kinh sẽ đón “trận mưa lớn nhất kể từ khi bước vào mùa lũ”.
Chính quyền thành phố này mới đây cũng đưa ra cảnh báo xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Mưa đá, tuyết rơi giữa mùa hè
Nhiều địa điểm ở Tân Cương như Kanas, Nalati, Bayanbulak, Kalajun, quốc lộ Duku, thảo nguyên Yili và hồ Thiên Trì ghi nhận các đợt tuyết rơi dày đặc vào cuối tháng 6.
Đặc biệt khu vực thảo nguyên Bayanbulak vừa đón một cơn bão tuyết mạnh với độ dày trung bình của tuyết lên tới 30 cm, có nơi lên tới 70 cm.
Trong khi đó, Cam Túc, Hà Bắc, Thiên Tân và một số tỉnh thành khác ở Trung Quốc ghi nhận các trận mưa đá dữ dội.
Người dân ở Hà Bắc cho biết đá từ mưa làm vỡ nhiều cửa kính ô tô đậu trên đường.
Tại Bảo Định, Hà Bắc, hạt mưa đá to như quả cà chua cỡ lớn. Nhiều hạt mưa với phần ngoài gồ ghề được người dân ví như virus SARS-CoV-2.
Ở Cam Túc, trận mưa đá với hạt mưa to như quả trứng rơi xuống với mật độ dày và liên lục gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng, nhà cửa và các cơ sở công cộng.
Không phải đối mặt với mưa đá hay tuyết rơi nhưng các tỉnh Cát Lâm, Hắc Long Giang, Hồ Nam, Quảng Tây đang phài hứng chịu thảm họa khi châu chấu trở lại.
Ngoài châu chấu nội địa, Cục Lâm nghiệp Trung Quốc cảnh báo châu châu sa mạc châu Phi có thể vào Trung Quốc theo 3 con đường, từ Pakistan đến Tây Tạng, từ Myanmar đến Vân Nam và từ Kazakhstan đến Tân Cương.
Tháng 7 thường là dịp châu chấu hoành hành mạnh nhất trong năm vì đây là giai đoạn chúng trưởng thành.
Trên diện tích 1 km2, đàn châu chấu có thể ăn mất số lương thực cần cho 35.000 người mỗi ngày.
Tại sao người dân Trung Quốc nhất quyết
không quyên tiền cho chính phủ cứu trợ lũ lụt?
An Hòa
Giới chức Trung Quốc gần đây liên tục kêu gọi người dân quyên tiền hỗ trợ chính phủ ứng phó với lũ lụt, nhưng số tiền huy động được cho đến nay là rất nhỏ. Tại sao người dân Trung Quốc lại không quyên tiền cho chính phủ?
Nhiều người dân đại lục cho biết, một mặt họ không đủ dư giả để có thể quyên góp, mặt khác họ nghi ngờ số tiền quyên góp sẽ rơi vào tay các quan chức tham nhũng. Hơn nữa, một số người còn chỉ ra nghịch lý rằng các quan chức Trung Quốc chuyển tiền tham ô ra nước ngoài, nhưng lại xin tiền của người dân ở trong nước.
Ngày 12/6, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã bắt đầu gây quỹ trực tuyến mang tên “Hòm cứu trợ gia đình”, với mục tiêu thu hút 600.000 nhân dân tệ (gần 2 tỷ đồng). Giám đốc Trung tâm Dự án cứu trợ cứu nạn của Hội Chữ thập đỏ cho biết, việc gây quỹ đã được triển khai trong 20 ngày và mới chỉ quyên góp được hơn 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,6 triệu đồng).
Ngày 11/6, Hội Chữ thập đỏ đã khởi động một chương trình khác trên Weibo, có tên Quỹ “Viện trợ khẩn cấp để khắc phục thiệt hại do lũ lụt ở Nam Quảng Tây và các khu vực khác”, với mục tiêu huy động được 385.000 nhân dân tệ (khoảng 1,3 tỷ đồng). Đến thời điểm hôm 7/7, thì quỹ này mới chỉ thu được 106.000 nhân dân tệ, chưa đến một phần ba so với mục tiêu.
Ngoài ra, ngày 9/6, Quỹ Thâm Quyến kêu gọi quyên tiền “Cứu trợ vùng lũ phía Nam”, với hy vọng thu được 242.500 nhân dân tệ, nhưng tới nay mới chỉ thu được 71.700 nhân dân tệ. Còn một quỹ khác huy động từ đầu tháng 6, được quảng bá trên Tencent, Alipay, Weibo, Easy Charity, Water Drop Charity v.v… có mục tiêu gây quỹ 8 triệu nhân dân tệ, nhưng hiện mới chỉ huy động được khoảng một phần mười.
Quỹ xóa đói giảm nghèo của chính quyền Trung Quốc cũng phát động một chiến dịch quyên góp cho vùng lũ phía Nam trên mạng xã hội Tencent, với mục tiêu đạt được 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,3 tỷ đồng). Đến đầu tháng 7, nó mới chỉ huy động được khoảng 360.000 nhân dân tệ, còn thiếu 60%. Ngày
1/7, Quỹ Ái Đức đã phát động trên Weibo chiến dịch gây quỹ cho “các khu vực thiệt hại do lũ lụt”, với mục tiêu đạt được 1 triệu nhân dân tệ, nhưng mới chỉ huy động được 3.000 nhân dân tệ.
Cư dân mạng Weibo đã thảo luận sôi nổi về tình hình gây quỹ của chính quyền Trung Quốc. Ngày 6/7, một cư dân mạng bình luận: “Người dân đã thức tỉnh, số tiền quyên góp đều bị các quan chức dùng để mua nhà, ô tô và nuôi bồ nhí”.
Cư dân mạng khác nhận định: “Lý do không thể quyên được tiền là vì tín dụng xã hội đã suy giảm tới mức gần như sụp đổ, và lý do khác nữa là mọi người thực sự không có tiền”. Một số cư dân mạng cho biết, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, họ bị cưỡng chế quyên góp bằng cách bị khấu trừ vào tiền lương.
Một cư dân mạng bày tỏ: “Tiền của các quan chức vung khắp thế giới, tại sao khi gặp khó khăn lại lấy tiền của người dân?”
Còn có người nhắc nhở người dân đại lục rằng, trước kia Hồng Kông luôn quyên góp nhiều nhất. Ví dụ, trận lụt ở Đông Trung Quốc năm 1991 được quyên góp hơn 600 triệu đô la Hồng Kông, còn trận động đất ở Vấn Xuyên là khoảng 23 tỷ đô la Hồng Kông. Nhưng “bây giờ chính quyền khiến Hồng Kông thành ra như thế này, thật đáng buồn”.
Một số cư dân mạng thẳng thắn chỉ ra rằng nguyên nhân chính gây ra thương vong nặng nề từ lũ lụt như hiện nay chính là do sự giấu diếm, che đậy ngay từ ban đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giống hệt như tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán.
Một số cư dân mạng Weibo cho biết, một tháng kể từ khi xảy ra các trận lũ lụt ở phía Nam thì người này mới được biết. Cư dân mạng bình luận rằng giới truyền thông Trung Quốc “chỉ cho người dân xem những bất hạnh của người nước ngoài để tăng thêm cái cảm giác hạnh phúc”.
Theo Epoch Times
An Hòa dịch và biên tập
Hết thời, Trung Quốc ‘xuất khẩu siêu đập’
sang các nước ‘khát’ điện
Triệu Hằng
Thời kỳ xây dựng các “siêu đập” ở Trung Quốc đã tới hồi kết khi nước này đã hết chỗ để xây những công trình thủy điện lớn như trước đây và chuyển hướng sang xây siêu đập ở các quốc gia đang “khát” nguồn điện.
Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc vào cuối tháng 6 đã khởi động tổ máy phát điện đầu tiên của siêu đập thủy điện Ô Đông Đức (Wudongde) nằm sâu trong vùng núi cao thuộc tỉnh Vân Nam ở phía tây nam Trung Quốc.
Nhà máy đập thủy điện Ô Đông Đức đặt trên sông Kim Sa (Jinsha) nơi thượng nguồn Trường Giang, tại ranh giới tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam. Khoảng 170 km xuôi về phía hạ nguồn dòng Kim Sa là nơi có đập Bạch Hạc Than (Baihetan), đây là nhà máy cuối cùng của Trung Quốc thuộc thể loại “siêu đập” và dự kiến nó sẽ đi vào hoạt động trong năm tới. Khi vận hành hết công suất, hai nhà máy thủy điện này sẽ sản xuất nhiều điện hơn mọi nhà máy điện ở Philippines cộng lại.
Hai đập thủy điện này được xem là những “siêu đập” cuối trong thời kỳ bùng nổ xây dựng của Trung Quốc đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, là một vấn đề ngày càng gây tranh cãi giữa việc đánh đổi lợi ích của năng lượng tái tạo, phòng chống lũ lụt và xã hội cũng như thiệt hại môi trường.
Giờ đây, ngành công nghiệp thủy điện của Trung Quốc đang chuyển hướng sang các dự án nhỏ hơn và thủy điện tích năng (pumped-storage hydroelectricity).
“Chi phí phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng đốt than rất rẻ, tại sao lại phải bơm một khoản tiền khổng lồ để phát triển thủy điện 2.000 km sâu trong cao nguyên Tây Tạng”, Frank Yu, một nhà phân tích tại Wood Mackenzie Ltd. nói. “Tương lai của thủy điện sẽ là thủy điện tích năng và quy mô cũng sẽ ngày nhỏ hơn nữa”.
Thời đại xây dựng đập của Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1950, ngay sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc thắng thế, và nó đã đạt cao trào trong hai thập niên qua. Tới khi Bạch Hạc Than đi vào hoạt động
và vận hành hết công suất vào cuối năm 2022, Trung Quốc sẽ hoàn thành 5 trong 10 đập thủy điện lớn nhất thế giới chỉ trong 10 năm.
Các đập nước của Trung Quốc trong năm 2017 tạo ra nhiều điện hơn tổng nguồn cung của mọi quốc gia khác trên thế giới, trừ Mỹ và Ấn Độ.
Khai thác thủy điện từ các con sông, từ những nguồn nước chảy từ các đỉnh núi tuyết ở phía tây cho đến các đồng bằng màu mỡ ở phía đông ở Trung Quốc, luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo nước này.
Theo tờ Bloomberg, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lợi dụng trận lụt thảm khốc trong năm 1931 để vin lấy cái cớ đổ lỗi cho chính phủ Quốc Dân đảng, và khi Mao Trạch Đông tiếp quản trong năm 1949, việc xây dựng đập là ưu tiên hàng đầu. Nhưng các công trình và nguồn điện năng thường không được như mong đợi, còn gây ra nhiều thảm họa hơn như vỡ đập Bản Kiều (Banqiao) và Shimantan trong năm 1975 khiến khoảng 240.000 người chết.
Khi Trung Quốc bắt đầu nổi lên trên toàn cầu vào cuối những năm 1990, ngành công nghiệp xây dựng đập thủy điện cũng theo đó mà đi lên.
“Kể từ đầu thế kỷ, quốc gia này đã tăng gấp bốn lần công suất lắp đặt và chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng thủy điện toàn cầu”, Samuel Law, nhà phân tích của Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA) cho biết.
Thời kỳ xây dựng các siêu đập hiện đại bắt đầu với dự án dài hơn chặn sông Dương Tử tại vị trí đặt đập Tam Hiệp, nơi có một chuỗi các nhánh hẹp giữa các ngọn núi bao quanh con sông dài nhất của Trung Quốc.
Dự án đã gây tranh cãi ở Trung Quốc. Những người đề xuất ca ngợi lợi ích về năng lượng sạch, cải thiện giao thông đường thủy và cơ hội chế ngự một trong những con sông dễ bị lũ lụt nhất quốc gia. Những người phản đối lại cho rằng việc xây đập sẽ khiến hàng triệu người mất kế sinh nhai và buộc phải di dời từ dải đất màu mỡ dọc theo bờ sông đến những môi trường khắc nghiệt hơn trên vùng đất cao hơn, cùng với việc mất đi các di tích văn hóa và khảo cổ.
Đập Tam Hiệp được khởi công vào năm 1994 và khi máy phát điện cuối cùng được vận hành vào năm 2012, nó đã trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới với công suất 22,5 gigawatt. Thêm hai dự án lớn nữa là Hướng Gia Bá (Xiangjiaba) công suất 6,4 gigawatt và Khê Lạc Độ (Xiluodu) công suất 13,9 gigawatt đã được hoàn thành trong năm 2014 cũng trên sông Kim Sa, nhánh ăn sâu vào sông Dương Tử. Tính cả Ô Đông Đức và Bạch Hạc Than thì chỉ trên đoạn sông dài 1.200 km đã có 5 trong số 10 nhà máy thủy điện lớn nhất trên Trái đất.
Các nhà máy thủy điện lớn đòi hỏi dòng nước như thác đổ xuống từ các địa hình phân tầng ở độ cao nhất định và Trung Quốc đã khai thác hầu hết các địa điểm tốt nhất có thể dễ dàng tiếp cận.
Sau Ô Đông Đức và Bạch Hạc Than, không có con đập nào có công suất lớn hơn 10 gigawatts đang được xây hoặc đang trong kế hoạch, Bloomberg dẫn lời Pavan Vyakaranam, nhà phân tích điện cao cấp tại GlobalData cho biết.
“Mặc dù đất nước này có một hệ thống các đường ống dẫn mạnh từ các siêu đập thủy điện, nhưng nó gần như đã cạn kiệt các vị trí tiềm năng của chính mình”, Vyakaranam nói.
Trung Quốc đã hoàn toàn cạn kiệt không gian cho thủy điện. Nhưng có rất nhiều điểm tiềm năng cho các nhà máy công suất từ 1 đến 3 gigawatt ở các quốc gia khác mà Trung Quốc có thể ký kết dự án.
Hứa hẹn nhất là đập Motuo trên sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng, có thời điểm được xem là một nhà máy thủy điện có tiềm năng sản xuất 38 gigawatt, gần gấp đôi Tam Hiệp. Chính phủ Trung Quốc đang nghiên cứu tính khả thi của địa điểm này, tờ Bloomberg dẫn lời một người quen thuộc về vấn đề này cho biết với điều kiện ẩn danh.
Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, triển khai một dự án như vậy là khó khả thi. Đưa vật liệu và nhân công đến một khu vực hẻo lánh như vậy sẽ rất tốn kém. Và yếu tố địa chính trị đó cũng phần nào gây tác động khi việc xây đập sẽ phá hủy một nhánh dẫn vào con sông lớn ở Ấn Độ, bao gồm sông Brahmaputra.
Những nhà xây đập Trung Quốc đã gói ghém dụng cụ xây dựng ở đất nước mình và đang mang nó ra nước ngoài. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston cho biết, các ngân hàng phát triển lớn của Trung Quốc đã cấp vốn cho các dự án thủy điện trị giá gần 44 tỷ USD trên toàn cầu kể từ năm 2000.
“Các công ty thủy điện của Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các quốc gia khác ở Nam Á, Đông Nam Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh”, Vyakaranam nói.
Lào là một điển hình, trong nỗ lực trở thành “cục pin” của Đông Nam Á, Lào chấp nhận nhiều khoản vay của Trung Quốc hơn để xây đập thủy điện, khiến quốc gia vốn đang nợ nần này trượt sâu vào túi nợ của Trung Quốc.
Trung Quốc mới đây đã ký hợp đồng 2,5 tỷ USD xây siêu đập cho Pakistan trên phần đất do Pakistan kiểm soát ở Kashmir, nơi mà cả Pakistan và Ấn Độ đang tranh chấp chủ quyền.
https://www.dkn.tv/the-gioi/het-thoi-trung-quoc-xuat-khau-sieu-dap-sang-cac-nuoc-khat-dien.html
Thảm họa châu chấu
đã chính thức tấn công Trung Quốc
Phụng Minh
Ngày 3/7, một số người sử dụng mạng đã đăng tải lên các nền tảng xã hội Trung Quốc video cho thấy một số lượng lớn châu chấu xuất hiện ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, huyện Giang Thành, thành phố Pu’er, tỉnh Vân Nam và những nơi khác. Châu chấu bay kín trên trời, che phủ dày đặc dưới mặt đất.
Huyện Tuyền Châu, một quận nông nghiệp lớn ở Quế Lâm, Quảng Tây, cũng bị châu chấu tấn công. Từ video được cư dân mạng đăng tải, có thể thấy rằng hoa màu bị cắn nham nhở và thậm chí quần áo của nông dân cũng bị châu chấu phủ kín.
Ông Triệu, một người dân ở thị trấn Thiệu Thủy, huyện Tuyền Châu, Quế Lâm, Quảng Tây, nói: “Mấy cánh đồng của chúng tôi ở đây đều đã bị châu chấu ăn mất. Lá cũng chẳng còn. Tổn thất vô cùng lớn. Năm nay chính là thảm họa châu chấu, trước đây không có, năm nay mới thấy có, chúng tôi trồng dâu, ngô, gạo và đậu nành ở đây. Châu chấu đã ăn hết, kể cả những cây bên dưới cũng bị chúng ăn hết”.
Đầu tháng 6, các tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm đã ra thông báo khẩn cấp để kiểm soát châu chấu. Thông báo cho biết khu vực đất nông nghiệp bị ảnh hưởng quanh Cáp Nhĩ Tân là khoảng 24.631 mẫu. Đàn châu chấu cũng xuất hiện ở vùng ngoại ô của thành phố Giai Mộc Tư và huyện Hoa Xuyên. Khoảng 13,4 hecta đất ở Cát Lâm cũng bị châu chấu xâm hại.
Ngoài ra rất nhiều châu chấu cũng đã xuất hiện ở huyện Ninh Nguyên, thành phố Vĩnh Châu, Hồ Nam. Video cho thấy chúng ở khắp mọi nơi trên các cánh đồng lúa địa phương, trên các bức tường của các ngôi nhà.
Trang NTD có thực hiện phỏng vấn với người dân địa phương.
Phóng viên NTD: “Ở đây không chỉ trồng trà đúng không ạ?”
Ông Trương, một người dân ở thôn Ngưu Lạc Hà, thành phố Phổ Nhị Giang, tỉnh Vân Nam cho biết: “Bây giờ trà, ngô và cà phê được trồng đan xen với nhau”.
Phóng viên: “Bác có rắc thuốc trừ sâu không?”
Ông Triệu: “Vâng, sử dụng máy móc để phun thuốc trừ sâu”.
Phóng viên: “Châu chấu đã xâm hại bao lâu rồi?”
Ông Triệu: “Khoảng chừng ba ngày nay”.
Với lũ lụt ở miền nam Trung Quốc và dịch châu chấu bùng phát ở nhiều nơi, kèm theo đó là một số hành động chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như cho thấy dấu hiệu thiếu lương thực ở đại lục.
Gần đây, Văn phòng Nông nghiệp và Nông thôn Thành Đô Tứ Xuyên đã ban hành một tài liệu để khuyến khích người dân trở về khôi phục việc trồng lúa nước, đảm bảo lương thực. Đồng thời hứa sẽ cung cấp cho nông dân các vườn cây một khoản 3.000 nhân dân tệ mỗi mẫu để đối phó với các nguy cơ liên quan đến lương thực có thể xảy ra.
Các quan chức ở thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc cũng tiết lộ với đài nước ngoài rằng thành phố đã huy động dân làng trồng trọt và hứa trợ cấp 150 nhân dân tệ cho mỗi mẫu lúa. Tuy nhiên, do thâm hụt nghiêm trọng giữa đầu vào và thu nhập từ nông nghiệp, nhiều nông dân không muốn canh tác.
Ông Vu, một công dân thành phố Hiếu Cảm, Hồ Bắc cho biết: “Một số nơi có trợ cấp. Chúng tôi cũng có trợ cấp ở đây, nhưng trợ cấp rất ít. Trên thực tế, đối với những người có thể làm việc bên ngoài, trợ cấp này thực sự không đáng kể. Một số nơi có thể có trợ cấp tương đối nhiều, nhưng cũng là do diện tích trồng tương đối lớn (nên nhân lên được con số tổng tiền lớn – PV) cuối cùng chúng tôi nhận được rất ít. Nó vô dụng, quá ít tiền trợ cấp, thực sự là không làm tăng được nhiệt tình của nông dân đối với việc trồng ngũ cốc”.
Các quan chức của Cục Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Thành Đô cho biết, việc thực hiện “lùi canh bảo đảm lương” (quay về làm nông nghiệp bảo đảm lương thực) là một nhiệm vụ quốc gia và các tiêu chuẩn trợ cấp ở các khu vực khác nhau là khác nhau.
Giới quan sát cho rằng chi phí sản xuất cao khiến nông dân phải từ bỏ vườn cây và việc trồng lúa vốn ít lợi nhuận, điều này cho thấy dự trữ lương thực của Trung Quốc có thể đang gặp khủng hoảng.
Ông Vu cho biết thêm: “Tôi cảm thấy rằng có thể có một số vấn đề trong nửa sau của năm âm lịch. Lũ lụt trong nửa đầu năm đã là câu chuyện đầy khó khăn rồi. Trong nửa cuối năm, không thể nói rằng sẽ có một đợt hạn hán. Nếu mà thật sự có hạn hán nữa, thì với rất nhiều nông dân mà nói là sẽ bị làm cho ngắc ngoải, đến lúc đó nói không chừng sẽ xuất hiện làn sóngg cướp lương thực. Một khi tình huống đó xuất hiện, thì những người ở dưới đáy xã hội có thể phải chịu đựng nhiều nhất”.
Loại châu chấu lần này là châu chất đất, hầu hết trứng của chúng nằm trong đất qua hết mùa đông, tầm giữa đến cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 và giữa tháng 7 là thời kỳ cao điểm của giai đoạn trưởng thành và cũng là thời kỳ cao điểm về thiệt hại đối với mùa màng. Khi tuổi của côn trùng tăng lên, lực lượng di cư tăng lên và dần dần chúng sẽ lan sang đất nông nghiệp. Nếu không được kiểm soát kịp thời, nó có thể ăn hết những cây trồng lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Dịch châu chấu đang diễn ra trên diện rộng, lại thêm 26 tỉnh thành miền nam Trung Quốc bị lũ lụt bao vây, ảnh hưởng đến việc sản xuất các loại cây lương thực chính như lúa và ngô sẽ là rất lớn. Cùng với việc giảm sản lượng xuất khẩu của các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn quanh Trung Quốc như Việt Nam và Thái Lan, giá ngũ cốc tăng, cuộc khủng hoảng ngũ cốc của Trung Quốc xem ra đang tới rất gần.
Theo Trần Hán, NTDTV
Phụng Minh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/tham-hoa-chau-chau-da-chinh-thuc-tan-cong-trung-quoc.html
TQ đã sai lầm khi “chọc giận” Ấn Độ
Trung Quốc chỉ muốn căng thẳng với quốc gia láng giềng Ấn Độ giới hạn ở phạm vi tranh chấp biên giới, nhưng Ấn Độ đã tẩy chay toàn diện hàng hóa và các dự án đầu tư của Trung Quốc.
Người Ấn Độ biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Theo SCMP, các nhà quan sát từ lâu nhận định một cuộc chiến tranh lạnh mới một khi xảy ra sẽ là căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Nhưng căng thẳng biên giới Trung-Ấn lên tới đỉnh điểm hồi tháng trước đã kéo theo nhiều hệ lụy sâu rộng.
Hàng hóa Trung Quốc ở Ấn Độ bị tẩy chay, các công ty Trung Quốc mất hợp đồng làm ăn với Ấn Độ. Bộ Thương mại Trung Quốc đã phải lên tiếng bày tỏ hi vọng Ấn Độ sẽ sớm “chấm dứt phân biệt đối xử” và tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
Các nhà quan sát nhận định, Trung Quốc có thể đối mặt với kịch bản ác mộng khi một mặt phải đối phó với làn sóng tẩy chay ở Ấn Độ, mặt khác vẫn phải đương đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại và cạnh tranh ảnh hưởng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Hồi tuần này, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phải lên tiếng trấn an khi khẳng định Trung Quốc chưa đưa ra bất kì đòn trừng phạt kinh tế nào nhằm vào Ấn Độ.
Việc Ấn Độ ngày càng trỗi dậy trong khu vực, làm thay đổi cán cân quyền lực giữa Ấn Độ và Pakistan, cũng như triển vọng Ấn Độ liên minh với Mỹ, khiến New Delhi chiếm vị trí lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Pang Zhongying, nhà phân tích quan hệ quốc tế tại Đại học Đại Dương ở Trung Quốc, đánh giá, trong vòng 2 thập kỷ qua, Ấn Độ đã chuyển mình từ gã khổng lồ ở Nam Á trở thành cường quốc châu Á.
“Quan hệ Trung-Ấn ngày càng chiếm vị thế quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đáng tiếc rằng Bắc Kinh đã không kiểm soát được vấn đề biên giới để tình hình trở nên nghiêm trọng, trong khi vẫn phải căng mình đối phó với Mỹ”, ông Pang nói.
“Đối với Trung Quốc, viễn cảnh đối mặt với quân đội Mỹ trên biển và đương đầu với Ấn Độ ở biên giới phía tây và Ấn Độ Dương là kịch bản rất nghiêm trọng và ngày càng trở thành sự thật”, Yun Sun, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson ở Washington, Mỹ, nói.
“Trung Quốc muốn giành chiến thắng về mặt chiến thuật, giống như kết cục cuộc chiến biên giới năm 1962. Nhưng dường như tình hình đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát”, Sun nói.
Viễn cảnh Trung Quốc dựa vào Ấn Độ để đối phó Mỹ hay trông cậy vào Ấn Độ trong các hiệp định thương mại khu vực, lôi kéo Ấn Độ vào Sáng kiến Vành đai, Con đường nay đã đổ vỡ.
Dibyesh Anand, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Westminster ở London, Anh, nói Trung Quốc đã làm tổn hại lòng tin của người Ấn Độ.
“Trung Quốc coi mình như ‘anh cả’, muốn chiếm ưu thế hơn Ấn Độ. Nhưng đối với Ấn Độ, New Delhi muốn xây dựng mối quan hệ ngang hàng với Bắc Kinh và được tôn trọng”, Anand nói.
Theo các chuyên gia, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là tránh biến căng thẳng biên giới Trung-Ấn bùng phát thành chiến tranh toàn diện. Bởi đó sẽ là kịch bản ác mộng khi Trung Quốc phải đương đầu ở cả hai mặt trận, đó là với Ấn Độ và Mỹ.
“Trung Quốc có thể giành thắng lợi trước Ấn Độ trên phương diện chiến thuật mà không chịu tổn hại gì nhiều. Nhưng làm đổ vỡ quan hệ Trung-Ấn chỉ càng khiến Bắc Kinh để lộ thêm điểm yếu trước Washington”, Sun nói.
http://biendong.net/doc-bao-viet/35688-tq-da-sai-lam-khi-choc-gian-an-do.html
Trung – Nhật ‘nguội lạnh’ vì Hong Kong và Covid-19
Kế hoạch thăm Nhật của ông Tập trở nên bấp bênh, khi quan hệ hai nước vốn phức tạp giờ thêm căng thẳng vì tình hình Hong Kong và Covid-19.
Tình hình hiện nay được cho là rất khác so với tháng 12 năm ngoái, khi Thủ tướng Nhật Abe Shinzo gặp mặt và dùng bữa tối cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Đây là cuộc gặp thứ tư giữa hai lãnh đạo, kể từ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của ông Abe hồi tháng 10/2018.
Tại sự kiện đó, ông Tập cho biết hai nước nên “thúc đẩy quan hệ song phương phát triển liên tục theo lộ trình đúng đắn, với tinh thần biến cạnh tranh thành hợp tác”, Xinhua đưa tin.
Cuối năm ngoái cũng là thời điểm Bắc Kinh và Tokyo phối hợp chặt chẽ để sắp xếp kế hoạch chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của ông Tập, dự kiến diễn ra vào tháng 4. Nếu được tổ chức, đây sẽ là chuyến thăm Nhật cấp nhà nước đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 2008. Nhiều người đã kỳ vọng một văn bản chính trị quan trọng giữa hai nước sẽ được ký, đặt nền móng cho quan hệ song phương trong tương lai.
Tuy nhiên, chuyến thăm bị hoãn vô thời hạn do sự bùng phát của Covid-19. Cũng từ đó, quan hệ Trung – Nhật bắt đầu nguội lạnh vì nhiều lý do khác nhau, từ những tranh cãi liên quan đến nguồn gốc đại dịch, cho tới vấn đề luật an ninh Hong Kong.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cảnh báo luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc mới áp đặt tại Hong Kong “sẽ ảnh hưởng đáng kể” đến kế hoạch đón tiếp ông Tập.
Hôm 3/7, các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật cũng kêu gọi Tokyo hủy chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, viện dẫn tình hình Hong Kong hiện nay. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã thể hiện phản ứng gay gắt trước động thái này, tuyên bố Bắc Kinh phản đối Tokyo “can thiệp vào vấn đề Hong Kong”.
“Một số người tại Nhật Bản lâu nay quen với việc đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về nội bộ của quốc gia khác, phóng đại vấn đề chính trị. Điều tôi muốn nói là những bộ phim chống Trung Quốc của họ không có ý nghĩa gì với Bắc Kinh. Chúng tôi không có thời gian và cũng không hứng thú với việc làm trò giải trí cho họ”, ông Triệu phát biểu.
Theo bình luận viên Laura Zhou của SCMP, Nhật Bản đã phản ứng gay gắt bất thường với cách Trung Quốc xử lý vấn đề Hong Kong. Tại một cuộc họp báo hôm 30/6, khi được hỏi về luật an ninh mới, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga gọi việc Bắc Kinh thông qua đạo luật là động thái “đáng tiếc”, cụm từ có sắc thái mạnh thứ hai trong ngôn ngữ ngoại giao Nhật Bản, sau từ “lên án”.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo vốn không êm ấm liên quan đến tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông từ năm 2010. Tuy nhiên, trong hai năm qua, hai nước đã có những động thái “hâm nóng” rõ ràng, được cho là xuất phát từ sự lạnh nhạt trong quan hệ với Mỹ, cũng như thực tế Bắc Kinh và Tokyo ngày càng tìm thấy nhiều lợi ích chung.
Các nhà quan sát nhận định những phát ngôn gần đây của giới chức Nhật Bản cho thấy họ đang mất lòng tin sâu sắc trở lại trong quan hệ với Trung Quốc. “Niềm hy vọng ngày càng tăng lên rằng việc hai nước hợp tác chống Covid-19 sẽ giúp cải thiện hơn nữa quan hệ song phương, nhưng ẩn dưới đó là một đợt sóng ngầm mạnh mẽ. Mối quan hệ đã sụp đổ hoàn toàn vào thời điểm nguy hiểm”, Liu Jiangyong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.
Một số nghị sĩ bảo thủ thuộc đảng cầm quyền của ông Abe đã thúc đẩy việc hủy chuyến thăm của ông Tập, với những lý do như vấn đề nhân quyền ở Hong Kong và khu tự trị Tân Cương. Thái độ công khai chống lại Trung Quốc cũng ngày càng tiêu cực trong vài tháng qua.
Quyết định hoãn Thế vận hội Tokyo 2020 do Covid-19, sau 7 năm chuẩn bị và hàng chục tỷ USD đầu tư, là một đòn giáng mạnh mẽ vào nền kinh tế Nhật Bản cũng như chính phủ của ông Abe, khiến mức tín nhiệm giảm xuống thấp nhất trong vòng hai năm.
Giới phê bình tại Nhật Bản đổ lỗi cho ông Abe vì không cấm du khách Trung Quốc ngay từ khi Covid-19 bùng phát, khiến Thế vận hội bị hoãn. Sau khi đại dịch xuất hiện, ông Abe và ông Tập cũng chưa từng lên tiếng về phía bên kia, ngay cả khi công chúng Trung Quốc hoan nghênh Nhật Bản vì hỗ trợ khẩu trang và vật tư y tế. Đây cũng được coi là một trong những dấu hiệu đầu tiên của căng thẳng song phương.
Trong khi đó, ông Tập đã điện đàm ba cuộc với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và hai cuộc với Tổng thống Mỹ Donald Trump, bất chấp tình hình căng thẳng giữa hai nước. Giới lãnh đạo Trung Quốc được cho là còn tức giận với việc Nhật Bản nằm trong số các quốc gia G7 ký tuyên bố chung hôm 17/6, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về luật an ninh Hong Kong.
Benoit Hardy-Chartrand, chuyên gia các vấn đề quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo, cho rằng Nhật Bản đang bị bủa vây bởi áp lực từ cả Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ, và Mỹ, một đồng minh lâu năm.
“Một mặt, Nhật không thể hạ thấp tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc, vốn đang trên đà đi lên từ năm 2018. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt áp lực từ Mỹ và các đồng minh phương Tây trong việc thể hiện sự đoàn kết và đồng lòng phản đối luật an ninh Hong Kong”, ông giải thích.
Chuyên gia cho hay ông Abe còn hứng chỉ trích vì không đủ cứng rắn để bảo vệ kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Tập. “Giờ đây, khi hội nghị vẫn nằm ngoài kế hoạch, cùng với căng thẳng bùng phát trên biển Hoa Đông, Tokyo có khả năng cảm thấy thoải mái hơn khi cùng các nước phản đối Bắc Kinh”, Hardy-Chartrand đánh giá.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng Nhật vẫn cố gắng kiềm chế. Yakov Zinberg, giáo sư nghiên cứu Đông Á tại Đại học Kokushikan ở Tokyo, cho rằng việc Nhật Bản dùng cụm từ “đáng tiếc” khi đề cập tới luật an ninh Hong Kong thể hiện những tính toán xa hơn.
“Nhật Bản những năm gần đây không tích cực chỉ trích Trung Quốc. Tình trạng đó được duy trì do những lo ngại kinh tế đối với Tokyo, cũng như mong muốn tăng cường hợp tác thương mại. Những vấn đề quan trọng hơn khiến Tokyo sẽ không đi quá xa. Thương mại và những mối liên hệ khác giữa họ với Bắc Kinh rất quan trọng”, Zinberg nêu ý kiến.
Mặc dù vậy, các chuyên gia đều đồng tình rằng quan hệ Trung – Nhật có thể tiếp tục căng thẳng trong vài tháng tới, bởi sự gần gũi giữa họ dựa trên mục đích thực dụng thay vì thực sự chung quan điểm.
Hồi năm 2018, Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên theo chân Mỹ ngăn tập đoàn viễn thông Huawei xây dựng mạng 5G. Tuần trước, họ diễn tập hải quân cùng Ấn Độ, quốc gia đang căng thẳng với Trung Quốc vì vụ đụng độ ở biên giới, động thái này được coi là một phần trong nỗ lực lâu dài của Tokyo nhằm đối đầu với Bắc Kinh, Hardy-Chartrand nhận định.
http://biendong.net/doc-bao-viet/35686-trung-nhat-nguoi-lanh-vi-hong-kong-va-covid-19.html
TQ điều tàu tới sát quần đảo tranh chấp
với Nhật Bản, nguy cơ xung đột tăng cao
Philippines hồi tuần trước đã gửi lời cảnh báo mạnh mẽ nhất đến Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, dấy lên đồn đoán rằng Manila đã thay đổi lập trường, xích lại gần Mỹ hơn.
Theo SCMP, hôm 3.7, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr đăng video dài 5 phút trong đó ông bày tỏ quan ngại về cuộc tập trận quân sự phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Locsin cảnh báo Philippines sẽ phản ứng thích đáng nếu Trung Quốc có ý lợi dụng tập trận để bao vây chủ quyền lãnh thổ Philippines. Ông Locsin cũng chỉ trích các hoạt động phi pháp khác gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cuộc tập trận quân sự phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã kết thúc hôm 5.7 mà không xảy ra bất cứ sự cố nào. Nhưng căng thẳng trong khu vực vẫn ở mức cao vì tàu chiến Mỹ và Trung Quốc đều duy trì sự hiện diện.
Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ đã tập trận ở Biển Đông từ ngày 4.7, với sứ mệnh thúc đẩy tự do hàng hải.
Giữa căng thẳng Mỹ-Trung, tuyên bố khác lạ của Ngoại trưởng Philippines dẫn đến đồn đoán rằng Manila đã ngừng chính sách ngả về Bắc Kinh và quay trở lại với đồng minh truyền thống là Washington.
Năm 2016, trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng tuyên bố “tách khỏi liên minh với Mỹ”
Một quan chức giấu tên trong chính phủ Philippines, nói tuyên bố của Ngoại trưởng Locsin thể hiện “sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Philippines”.
Trước đây, Manila thường tỏ ra bi quan, khi giới chức Philippines nói rằng “khó có thể làm gì để phản đối Trung Quốc”.
Giáo sư Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải về Luật Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines, nói ông cảm thấy bất ngờ về những tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Locsin.
“Giọng điệu của ông ấy cứng rắn hơn so với những tuyên bố trước đây”, giáo sư Batongbacal nói. “Đúng là có cải thiện hơn những tuyên bố kiểu ‘chẳng biết làm gì cả’, nhưng còn phải xem đó chỉ là phản ứng nhất thời hay chính phủ Philippines đã thực sự thay đổi lập trường”.
Bắc Kinh không lên tiếng bình luận về những tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Philippines. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang tập trung đối phó với sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ ở Biển Đông nên không bận tâm đáp trả Philippines.
Giáo sư Batongbaca nói thêm rằng Philippines không cần đưa ra tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc như vậy trừ khi “có sự thay đổi trong liên minh Mỹ-Philippines”.
Tập trận cùng lúc ở Biển Đông,
TQ tuyên bố “sẵn sàng đáp trả Mỹ”
Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang có “động cơ ngầm” khi điều hai nhóm tàu sân bay tấn công tới tập trận ở Biển Đông, đồng thời quả quyết Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả thách thức từ Washington.
Hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz cùng các chiến hạm tháp tùng của hải quân Mỹ đã tới Biển Đông để bắt đầu tập trận hôm 4/7, đúng vào thời điểm Trung Quốc đang tổ chức các cuộc diễn tập quân sự tại vùng biển này.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, đây là một trong số những cuộc tập trận lớn nhất của hải quân Mỹ trong vài năm qua. Rất hiếm khi cả Mỹ và Trung Quốc xúc tiến tập trận cùng lúc, trong cùng một khu vực như vậy.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay, 6/7 tuyên bố, tình hình ở Biển Đông vẫn ổn định. Song, ông cáo buộc phía Mỹ đang âm mưu khuấy đảo căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á.
“Mỹ cố tình triển khai binh lực cho các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông và nhằm thị uy. Họ có các động cơ ngầm. Mỹ đang gây chia rẽ giữa các quốc gia trong khu vực và quân sự hóa Biển Đông”, ông Triệu Lập Kiên nói.
Động thái mới của Mỹ diễn ra khi Trung Quốc đang xúc tiến kế hoạch tập trận kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ 1/7 ở Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng.
Chuẩn đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tàu tấn công USS Ronald Reagan cho biết, mục đích sứ mệnh của họ không phải nhằm thách thức các cuộc tập trận của Trung Quốc, mà để đáp trả sự quả quyết ngày càng tăng về mặt quân sự của nước này trong khu vực. Động thái cũng “nhằm truyền tải tín hiệu rõ ràng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi biết rằng, chúng tôi cam kết ủng hộ an ninh và ổn định ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Trong các thông điệp đăng tải trên Twitter, quân đội Mỹ cho hay, các máy bay ném bom B52 cũng tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông và hai nhóm tàu sân bay tấn công sẽ không để Trung Quốc đe dọa.
Thời báo Hoàn cầu trích dẫn lời các nhà phân tích quân sự Trung Quốc nói, Bắc Kinh đang hoàn toàn kiểm soát tình hình. Theo Wang Yunfei, một sĩ quan hải quân về hưu, quân đội Trung Quốc (PLA) đã
thực hiện các cuộc tập trận với tên lửa đạn đạo, tên lửa không đối hạm và tên lửa chống hạm ở khu vực giữa Biển Đông trong năm qua, để chuẩn bị cho các cuộc tập kích chống tàu sân bay của nước ngoài.
Ông Wang lưu ý, cuộc tập trận mới nhất của Mỹ sẽ cung cấp mục tiêu thực tế cho hải quân PLA thử nghiệm các khả năng. PLA cũng có thể thực hiện thêm một đợt tập trận nữa ở Biển Đông vào tháng 8 tới đây.
TQ thất bại trong việc xâm nhập
Trung Âu và Nam Âu về kinh tế?
Trung Quốc đã xâm nhập rất hiệu quả châu Phi, châu Mỹ Latin, và Trung Á về mặt đầu tư… Nhưng khu vực Trung-Nam Âu lại không dễ dàng đối với họ.
Nếu hỏi 3 chuyên gia đến từ Mỹ, Trung Quốc, và khu vực Trung và Nam Âu (CEE) về quan hệ giữa Trung Quốc và CEE, ta có thể sẽ nhận được 3 câu trả lời khác nhau. Chuyên gia Trung Quốc sẽ nói rằng quan hệ này rất tốt, chuyên gia Mỹ thì cho rằng Trung-Nam Âu “đồng sàng” với Trung Quốc, còn chuyên gia ở vùng CEE sẽ nói rằng mối quan hệ này phần lớn là sự thất vọng.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Wess Mitchell cho rằng vùng Trung-Nam Âu rất phụ thuộc vào Trung Quốc – đất nước có ảnh hưởng lên các chính phủ tại khu vực này. Quan điểm này được nhiều nước phương Tây chia sẻ. Nhưng thực địa khác hẳn
Không phải nước nào cũng thân Trung Quốc
Trước tiên, Trung-Nam Âu không phải là một khối gắn kết mà là một nhóm gồm hơn 12 nước có nền tảng khác nhau. Coi khu vực này như một khối là không đúng. Bản thân Trung Quốc đã mắc sai lầm này 8 năm trước đây khi họ tạo ra cơ chế 16+1 với 16 nước CEE (chưa tính các nước Moldova, Ukraine và Belarus). Trung Quốc xem khu vực này là thuận lợi để họ xuất khẩu công nghệ, tri thức, tiền bạc, các khoản cho vay, và lực lượng lao động nhằm trám vào khoảng trống tại khu vực và giành lấy ảnh hưởng. Giai đoạn đó, Trung Quốc không nghĩ tới các đặc điểm riêng của mỗi nước và chắc chắn đã không tính đến nhân tố Nga.
Trong các nước CEE, một số nước là đồng minh thân cận của Mỹ (như Romania, Ba Lan, Litva, Latvia, hay Estonia), một số thân Trung Quốc (như Serbia hay Hungary), và một số nước linh hoạt (như Bulgaria và Croatia).
Cộng hòa Séc, Slovakia, Litva, Latvia, và Estonia nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới có nhóm ủng hộ Tây Tạng trong quốc hội.
Mỹ và EU lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc ở CEE do họ mặc định rằng các nước “nhược tiểu” ở đây không đủ can đảm để kháng cự lại ảnh hưởng của một đại cường quốc như Trung Quốc. Nhưng một nước nhỏ như Séc, thậm chí một thành phố như Praha đã chứng minh điều ngược lại. Nhận định sai lầm ban đầu là do họ xem tất cả các nước CEE như một khối và mặc định rằng CEE phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nước thân Trung Quốc cũng không hẳn…
Nếu trong khu vực CEE có 3 nước được xem là thân thiện hơn với Trung Quốc (Séc, Hungary, và Serbia) thì mỗi nước lại có câu chuyện riêng đằng sau quan hệ của họ với Trung Quốc và trên thực tế không nước nào trong số này phụ thuộc vào Trung Quốc.
Serbia có lẽ là nước duy nhất được xem là “đồng sàng” với Trung Quốc. Trong trường hợp Hungary, lý do của ngôn từ thân Trung Quốc có thể là do Thủ tướng nước này Viktor Orban nỗ lực giành được thêm ảnh hưởng bên trong Liên minh châu Âu. Năm 2018, ông Orban cảnh báo rằng nếu EU không cung cấp thêm cho Hungary tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng thì chính quyền của ông sẽ quay sang Trung Quốc nhờ giúp đỡ. Nhưng trên thực tế, Hungary đã thu hút chưa đến 1 tỷ USD dưới dạng đầu tư của Trung Quốc kể từ năm 2012.
Câu chuyện Cộng hòa Séc còn thú vị hơn nữa. Tổng thống Séc, Milos Zeman, là một người bạn lớn của Trung Quốc nhưng thị trưởng Praha (thủ đô của Séc) lại không như vậy và Quốc hội Séc có một nhóm nghị sĩ ủng hộ Tây Tạng.
Nhưng ngay cả Tổng thống Zeman dù thân Trung Quốc nhưng vẫn có chừng mực trong quan hệ này. Tổng thống Zeman đã quyết định công khai từ chối lời mời dự Hội nghị Thượng đỉnh 17+1 sẽ diễn ra ở Bắc Kinh trong năm nay, với lý do Trung Quốc đã không hoàn thành các lời hứa về đầu tư.
Trong tổng số 126 tỷ USD đầu tư của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (không tính Liên hiệp Anh) từ năm 2000-2019, chưa đến 10 tỷ USD là dành cho khu vực Trung-Nam Âu, trong đó riêng Ba Lan, Hungary, và Séc chỉ nhận được 5,5 tỷ USD. Trong khi đó, cùng thời kỳ này, Đức nhận được khoảng 25 tỷ USD, Anh nhận 57 tỷ USD, và Mỹ tới 149,9 tỷ USD từ các gói đầu tư của Trung Quốc.
Thực tế đầu tư của Trung Quốc không như kỳ vọng
Nếu đầu tư của Trung Quốc vào CEE tiếp tục xu hướng như hiện nay thì khu vực này sẽ phải mất hơn 100 năm mới đạt đến trình độ kết nối kinh tế với Trung Quốc như Tây Âu với Trung Quốc ngày nay. Sau 8 năm Trung Quốc gia tăng hiện diện ở CEE, chỉ có 4 trong số khoảng 40 dự án Trung Quốc đã được hoàn thiện. Để gỡ thể diện, vào năm 2019, Trung Quốc đã quyết định thêm Hy Lạp vào cơ chế 16+1 để biến nó thành cơ chế 17+1.
Romania có lẽ là trường hợp điển hình cho tình hình ở CEE. Năm 2013, người ta có thể cho rằng Romania “đồng sàng” với Trung Quốc. Khi ấy, Romania đăng cai hội nghị thượng định 16+1, đề xuất và ký khoảng một tá dự án với Trung Quốc. Thủ tướng Romania khi ấy là chỗ gần gũi với Trung Quốc, đã tuyên bố Romania là cánh cổng để Trung Quốc đi vào châu Âu, và muốn nâng quan hệ song phương lên cấp độ đối tác chiến lược. Nhưng 7 năm sau, qua 6 đời chính phủ, vào năm 2020, không dự án nào trong số này được khởi công.
Ngày nay, các số liệu thống kê chính thức cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Romania chưa đến 500 triệu USD.
Romania không lớn tiếng như Litva hay Cộng hòa Séc nhưng Romania là nước đầu tiên ký biên bản ghi nhớ với Mỹ, với nội dung nhắm vào hãng Huawei của Trung Quốc. Ba tháng sau, Ba Lan ký một biên bản tương tự với Mỹ. Ba Lan còn mạnh tay hơn nữa với hãng Huawei và Trung Quốc. Ba Lan đã bắt 2 người nghi là gián điệp của Trung Quốc ở Warsaw, một trong số đó là nhân viên của Huawei.
Một trong các dự án lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực là việc xây 2 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Cernavoda (Romania). Hãng CGN của Trung Quốc trúng thầu để thực hiện dự án này vào năm 2014. Nhưng 6 năm sau, chính phủ Romania đã từ bỏ thỏa thuận này với CGN.
Giống như Romania, nhiều nước CEE không ở vào thế phụ thuộc Trung Quốc.
Một dự án lớn của cơ chế “17+1” – dự án đường sắt Budapest-Belgrade (liên quan đến 2 nước thân cận với Trung Quốc là Hungary và Serbia), cũng là một thất bại lớn. Sau 7 năm, dự án này vẫn chưa được hoàn thành, phía Hungary thậm chí còn chưa bắt đầu triển khai xây dựng.
Một ví dụ khác là Montenegro. Đất nước này mong muốn cháy bỏng có một tuyến quốc lộ. Sau nhiều nghiên cứu tiền khả thi, các ngân hàng phương Tây không đoái hoài đến việc cấp vốn cho dự án không sinh lợi này. Trung Quốc thì không quan tâm đến nghiên cứu tiền khả thi, đã vào cuộc, khiến nợ của Montenegro tăng vọt. Nhưng tình trạng nợ nần đó không dẫn tới việc Trung Quốc gây ảnh hưởng được lên Montenegro về mặt chiến lược. Việc Montenegro gia nhập NATO vào năm 2017 đã chứng minh nước này nghiêng về phương Tây nhiều hơn.
Như vậy nhận định của phương Tây về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung-Nam Âu đã bị thổi phồng.
Hầu hết các nước CEE có xu hướng đứng về phía Mỹ do lo ngại Nga; các nước này cũng thích EU hơn do các khoản đầu tư của Trung Quốc khó có tầm tác động lớn như nguồn vốn của EU.
Vét sạch mực ở biển Nam Mỹ,
Bắc Kinh áp đặt luôn ‘lệnh cấm đánh bắt’
Trung Quốc đã ban lệnh cấm câu mực kéo dài 3 tháng trên vùng biển Nam Mỹ với lý do “thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá ở vùng biển mở”. Sản lượng mực tại các vùng biển này gần như cạn kiệt vì tàu cá Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh áp lệnh cấm đánh bắt hải sản tại vùng biển quốc tế. Mọi tàu cá Trung Quốc sẽ bị cấm câu mực trong khu vực ngoài khơi Argentina từ tháng 7 đến hết tháng 9 năm nay và từ tháng 9 đến hết tháng 11-2020 ngoài khơi Chile.
Trong giai đoạn thí điểm này, các tàu công vụ Trung Quốc sẽ được cắt cử tới khu vực để giám sát việc thực thi lệnh cấm và bắt các tàu vi phạm.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc sau đó sẽ lắp hệ thống thu thập số liệu sản lượng mực để đánh giá mức độ hiệu quả của lệnh cấm. Trung Quốc khẳng định lệnh cấm này là cần thiết và cho thấy trách nhiệm của nước này đối với việc “thúc đẩy phát triển bền vững nghề cá ở vùng biển mở” – tức các vùng biển quốc tế.
Tuy nhiên, theo tạp chí Maritime Executive, tác động của lệnh cấm này sẽ rất hạn chế trừ khi Trung Quốc lập hẳn một Cục bảo vệ mực Nam Mỹ.
“Hạm đội” tàu cá của Trung Quốc mỗi năm đánh bắt từ 50 tới 70% tổng sản lượng đánh bắt hải sản trên các vùng biển quốc tế. Mực ống chiếm 1/3 tổng sản lượng đánh bắt của Trung Quốc và trong 9 năm liên tiếp, các tàu cá Trung Quốc câu mực nhiều hơn bất kỳ nước nào khác.
Có khoảng 10 loại mực phổ biến đang được khai thác thương mại, trong đó mực ống tua ngắn illex Argentine và mực Humboldt bị tàu cá Trung Quốc săn lùng nhiều nhất. Sản lượng hai loài mực này đã sụt giảm nhanh chóng trong những năm gần đây và chính người Trung Quốc cũng phải thừa nhận điều này.
Lấy ví dụ như mực ống tua ngắn illex Argentine. Hội tàu cá xa bờ Chu San ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết trong năm ngoái chỉ câu được 50 tấn mực illex Argentine ngoài khơi Argentina, trong khi những năm trước lên tới 2.000 tấn. Sự khan hiếm đẩy các tàu Trung Quốc tới những vùng biển của Thái Bình Dương.
Seafood Watch, một tổ chức uy tín chuyên đánh giá nguy cơ cạn kiệt các loài hải sản, đã xếp mực illex Argentine vào “danh sách đỏ” – nghĩa là việc đánh bắt đang diễn ra quá mức và không bền vững. Một hệ quả dễ thấy là các siêu thị ở Bắc Mỹ gần như không thể tìm thấy loại mực này.
Một số nước như Chile và Mexico đã áp đặt hạn ngạch và lệnh cấm câu mực trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, đặc tính của mực là không ở yên một chỗ. Chúng có thể sinh ra trong vùng biển của quốc gia này nhưng lại phát triển ở vùng biển quốc tế, nơi tàu thuộc mọi quốc tịch đều có thể đánh bắt.
Việc Bắc Kinh áp lệnh cấm đánh bắt để tái tạo nguồn hải sản trong vùng biển quốc tế là điều nên làm, nhưng theo các chuyên gia, đáng lẽ ra Trung Quốc nên làm điều này từ lâu.
Ra luật an ninh mới, con đường trước mặt Tập Cận Bình
xem chừng ‘càng ngày càng mù mịt’
Tâm Thanh
Phiên bản luật an ninh Hồng Kông gây nhiều tranh cãi bên ngoài Trung Quốc đã được nhất trí thông qua vào ngày 30/6 tại Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngay lập tức ông Tập Cận Bình đã ký và ban hành. Thế giới cho rằng đây là án tử hình cho nền tư pháp độc lập tự do của Hồng Kông.
Ngụy Tấn ngày 5/7 có bài trên Khán Trung Quốc cho rằng, Tập Cận Bình ban đầu dựa vào chống tham nhũng để củng cố quyền lực, nhưng quyền lực càng lớn, càng bất an. Gần đây, ông Tập đích thân ban hành “Luật an ninh mới” để đàn áp nhân quyền ở Hồng Kông. Có thể có người cho rằng ông Tập đã bị ép buộc ở một mức độ nhất định, thời cuộc đã xô đẩy đưa ông đến tình hình như hiện nay.
Nhưng theo Ngụy Tấn, sự thật không phải như vậy, sau khi thâu tóm hết quyền lực, bước tiếp theo cần phải đi như thế nào, các nhân sĩ có hiểu biết đã từng đưa ra lời khuyên cho Tập Cận Bình. Lịch sử cũng đã cho ông và ĐCSTQ rất nhiều cơ hội, nhưng những gì là thực sự tốt đẹp cho nhân dân Trung Hoa, ĐCSTQ lại không hề mảy may chú ý đến. Dưới sự cai trị, tẩy não của chính quyền, tư tưởng của người dân trở nên suy đồi, nhân tâm méo mó đến mức không còn ra hình thù gì nữa. Sau thiệt hại nặng nề của dịch viêm phổi Vũ Hán, thêm vào đó là luật an ninh Hồng Kông nhanh chóng được thông qua đã khiến cho Tập Cận Bình phải đối mặt với những nguy hiểm cận kề, sự chống lại của liên minh các nước cũng như sự sụp đổ của chính quyền ĐCSTQ. Có thể ví ĐCSTQ và Tập Cận Bình giống như những “vật thể đang rơi tự do”. Đi theo quỹ đạo của chế độ chuyên chế của ĐCSTQ, chính là sẽ có một kết cục như thế, thậm chí còn thê thảm hơn nữa.
Ngụy Tấn cho rằng, điều ấy có chút gì đó liên quan tới một chi tiết hiếm hoi đáng nhớ về việc Tập Cận Bình tuyên thệ chống tham nhũng khi ông mới nhậm chức. Đầu tháng 9/2013, ngay sau khi xét xử vụ án Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang đã bị điều tra. Cuộc đấu đá quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ đang hồi gay cấn. Phương tiện truyền thông Đức lúc đó tiết lộ rằng, trong hội nghị Bắc Đới Hà, ông Tập Cận Bình vừa nhậm chức chưa đầy một năm, đã vô cùng tức giận vì sự tham nhũng của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Trong suốt hội nghị, Ông chủ yếu tập trung nói về việc chống tham nhũng, đồng thời nói đến các trường hợp cụ thể mà Ủy ban Trung ương chuẩn bị lập án. Do tâm tình bị kích động, ông Tập từng đột nhiên đứng dậy khỏi ghế, làm cúc áo sơ mi bật tung gần hết.
Hội nghị Bắc Đới Hà là một cuộc họp quan trọng quyết định sức mạnh nội bộ và triển khai chính sách của ĐCSTQ, được tổ chức theo nguyên tắc hàng năm, tuy nhiên, thời gian là không cố định vì Bắc Kinh không bao giờ tiết lộ thông tin về thời gian diễn ra hội nghị.
Ngụy Tấn cho biết, hội nghị Bắc Đới Hà luôn được coi là nơi để những lão niên trong ĐCSTQ làm chính trị, nhưng sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, thì sắc khí chính trị của những lão niên này dường như ngày càng yếu đi. Đặc biệt là sau Đại hội 19 của ĐCSTQ năm 2017, ông Tập đã thông qua sửa đổi Hiến pháp. Cùng với việc dần lấy lại quyền lực thông qua chống tham nhũng và cải cách quân sự, cuối cùng ông tuyên bố Trung Quốc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho chức Chủ tịch nước và ông Tập sẽ là “lãnh đạo trọn đời”.
Tuy nhiên, mọi người thấy rằng tham nhũng trong quan trường ĐCSTQ vẫn tiếp diễn, nó chỉ tác động được lên một số người nhất định chứ không phải là tất cả. Ví như gia đình Giang Trạch Dân bị buộc tội đầu tiên nhưng không ai dám động tới. Nhiều quan chức cấp cao của các phe phái khác nhau bị tai tiếng nhưng vẫn còn tại vị, thậm chí ngày càng trở nên suy đồi.
Trong hai năm qua, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã bước vào một cuộc khủng hoảng lớn hơn, từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đến các tranh chấp quốc tế, từ sự truy tố trách nhiệm do giấu giếm bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán đến luật an ninh phiên bản Hồng khiến quốc tế lên án không ngừng. Các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Hoa Kỳ cũng như sự bài xích ĐCSTQ bên ngoài Trung Quốc đã trở thành làn sóng bài Trung rộng khắp trên trường quốc tế. Chưa kể sự phẫn nộ của ông trời khi giáng bệnh dịch, thiên tai xuống vùng đất Trung Hoa Thần Châu đã bị chế độ độc tài làm cho mịt mù tối tăm. Những bất bình, oán giận trong lòng dân chúng, cùng với sự đấu đá trong nội bộ ĐCSTQ sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền trong tương lai không xa?
Ngụy Tấn kết luận, số lượng thành viên ĐCSTQ được ông Tập Cận Bình công bố là “91,914 triệu” người. Cư dân mạng khi đọc lên, nhận thấy rằng từ đồng âm của các con số này có nghĩa là “mệnh sắp vong”. Sự trùng hợp tưởng chừng như là ngẫu nhiên này có lẽ một lần nữa lại là thiên ý chăng? Trên Thế Giới đã có không ít dự ngôn tiên tri về ngày tàn của chính quyền ĐCSTQ như “Thiết bản đồ”, “Mai Hoa Thi”… Đặc biệt là tảng đá “Tàng Tự Thạch” có khắc chữ “Trung Quốc Cộng Sản Đảng Vong”. Chắp nối tất cả những sự kiện đã và đang diễn ra, phải chăng những lời dự ngôn đều đang ứng nghiệm?
Theo Ngụy Tấn, Khán Trung Quốc,
Tâm Thanh biên dịch
Tỷ phú Quách: Đối đầu Trung Quốc,
cần phá hủy Tường Lửa phong tỏa Internet tại đại lục
Quý Khải
Tỷ phú lưu vong người Trung Quốc tại Mỹ Quách Văn Quý (Guo Wengui), nói rằng một trong những biện pháp thiết yếu để đối đầu với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là phá vỡ sự phong tỏa mà nó đã áp đặt lên mạng lưới internet Trung Quốc.
Tỷ phú bất động sản Trung Quốc Quách Văn Quý, còn được biết đến với tên gọi Miles Kwok, sang Mỹ tị nạn cách đây 5 năm sau khi một đối tác của ông bị bắt về tội tham nhũng. Quách là một trong những gương mặt bị truy nã gắt gao nhất Trung Quốc vì hàng loạt tội danh, bao gồm hối lộ và cưỡng dâm. Quách nói ông vô tội và cho rằng các cáo buộc trên của Bắc Kinh mang động cơ chính trị, theo Vnexpress.
Quách, đang xin tị nạn chính trị tại Mỹ, từ lâu tự quảng bá bản thân như là một tiếng nói bất đồng chính kiến bị chính phủ Trung Quốc săn lùng bởi ông phản kháng vai trò cầm quyền của đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Một khi phong tỏa mạng Internet bị phá vỡ, thị trường 1,4 tỷ người dân Trung Quốc sẽ đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế Hoa Kỳ?” ông Quách đặt câu hỏi trong một video đăng trên trang Youtube cá nhân. Ông cho rằng các khoản đầu tư có thể lên tới hàng nghìn tỷ đô la, hoặc thậm chí nhiều hơn, theo the BL.
Những con số ước tính này nên được báo cáo lên Nghị viện Hoa Kỳ, để các nhà lập pháp Mỹ nhận ra rằng nền kinh tế Mỹ không cần phải bị ĐCSTQ lũng đoạn và thao túng. Nếu có thể phá vỡ phong tỏa Internet, nhu cầu thực hiện các thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh sẽ biến mất và mức lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều, theo quan điểm của ông Quách..
Ông Quách tin rằng Tổng thống Trump nên từ bỏ các thỏa thuận thương mại đã ký với ĐCSTQ, bởi chúng sẽ trở nên không cần thiết một khi việc kiểm duyệt mạng lưới internet Trung Quốc bị vô hiệu hóa.
Theo quan điểm của ông Quách, các thỏa thuận này có thể mang lại khoản lợi nhuận hàng trăm tỷ USD trong nhiều năm, tuy nhiên nếu giải phóng mạng internet thì sẽ cho phép thu về hàng nghìn tỷ đô la ngay lập tức.
Tương tự, khoản tài trợ cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào ĐCSTQ nên bị đình chỉ, và những công ty như vậy nên bị xử phạt theo luật vừa được Nghị viện Mỹ thông qua. Các tài sản của các quan chức và doanh nhân của ĐCSTQ nên bị đóng băng, và họ nên bị trục xuất khỏi Mỹ.
Trong một loạt các khuyến nghị nhắm vào ĐCSTQ, tỷ phú Quách đề nghị tuyên bố ĐCSTQ là một chính thể bất hợp pháp tại Trung Quốc và tịch thu tất cả tài sản của họ ở nước ngoài.
“Tịch thu tài sản của họ và đuổi họ ra khỏi nước Mỹ”, ông Quách nói.
Cách đây không lâu, ông Quách cùng danh thủ bóng đá Trung Quốc Hác Hải Đông đã tuyên bố thành lập “Nhà nước Liên bang Trung Quốc mới”, một cơ chế nhằm tiếp quản Trung Quốc một khi ĐCSTQ rơi khỏi vũ đài lịch sử.
Buổi lễ thành lập thực thể này đã diễn ra với sự tham gia của tỷ phú Quách, danh thủ bóng đá Hác cùng cựu cố vấn cấp cao cho tổng thống Trump ông Steve Bannon vào ngày 4/6, đúng ngày kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn, trước Tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng ở khu vực New York.
Ông Quách cùng ông Steve Banon đọc bản tuyên ngôn thành lập Nhà nước Liên bang Trung Quốc mới trước tượng Nữ thần Tự do tại New York hôm 4/6 (ảnh chụp màn hình/Youtube).
Ông Quách và các đồng minh hy vọng rằng Mỹ sẽ giúp họ lật đổ ĐCSTQ, “Tôi muốn nói với người Mỹ và đồng bào Trung Quốc của tôi rằng hạ bệ ĐCSTQ không có nghĩa là loại bỏ 90 triệu thành viên của nó, mà đó là sự cứu sống họ, và cứu sống 1,4 tỷ người dân Trung Quốc cũng như cứu rỗi toàn thế giới, ông Quách nhấn mạnh.
“Những gì chúng ta phải làm là vô hiệu hóa [ảnh hưởng] của một vài gia đình [nắm quyền lực chính trị và nguồn tài sản tham ô khổng lồ tại Trung Quốc đằng sau hậu trường], chính xác là ít hơn mười gia đình như vậy, đồng thời khoan hồng cho tất cả các tù nhân của chính quyền Trung Quốc ngoại trừ các tội phạm, và trả lại đất cho người dân”, Đây là một vài biện pháp cần thực hiện để tái tổ chức Trung Quốc, theo đề xuất của ông Quách.
Vị tỷ phú bảo vệ nền độc lập và quyền tự chủ của người dân Trung Quốc này cũng khẳng định rằng ĐCSTQ đã dùng tiền để mua chuộc lòng trung thành của 56 quốc gia ủng hộ nó, và không ai trong số họ là bạn tốt của Bắc Kinh, và họ sẽ sẵn sàng tiêu diệt nó ngay khi có thể.
ĐCSTQ sẽ không chỉ phải đối phó với hàng chục quốc gia mà nó đã khởi xướng các cuộc xung đột với, mà nó sẽ còn phải đối mặt với các nhà bất đồng chính kiến với chính quyền của họ, nhưng hiện đang đoàn kết xung quanh Nhà nước Liên bang Trung Quốc mới.
Trung Quốc kêu gọi Mỹ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân
Một nhà ngoại giao cấp cao tuyên bố Trung Quốc sẵn lòng tham gia vào các cuộc đàm phán ba bên về kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga nếu Washington sẵn sàng cắt giảm kho hạt nhân bằng mức của Trung Quốc, theo Reuters.
Mỹ trước đó nhiều lần kêu gọi Trung Quốc gia nhập cuộc đàm phán ba bên để mở rộng hiệp ước START mới.
Hiệp ước về vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga này sẽ hết hạn vào tháng Hai năm sau.
Trả lời các phóng viên hôm 8/7, ông Fu Cong, người đứng đầu cơ quan kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không muốn gia nhập các cuộc đàm phán với hai cựu cường quốc thời Chiến tranh Lạnh vì kho hạt nhân của Mỹ lớn gấp 20 lần Trung Quốc, theo Reuters.
Quan chức này nói rằng việc Mỹ mời Trung Quốc tham gia chỉ là “một mưu đồ nhằm chuyển hướng sự chú ý” và là cái cớ để Mỹ rút khỏi hiệp ước.
Ông Fu nói rằng Trung Quốc không “tránh né tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế” và sẵn sàng đàm phán tất cả các vấn đề liên quan tới việc giảm các nguy cơ hạt nhân trong khuôn khổ của năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc hạn chế visa, trả đũa Mỹ vì Tây Tạng
Trung Quốc hôm 8/7 tuyên bố sẽ áp đặt hạn chế visa đối với các công dân Mỹ có hành vi bị coi là “quá mức” về Tây Tạng.
Reuters nhận định rằng đây rõ ràng là hành động trả đũa Mỹ hạn chế visa đối với các quan chức Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 7/7 thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ hạn chế visa đối với một số quan chức Trung Quốc vì Bắc Kinh cản trở các nhà ngoại giao Mỹ, phóng viên và khách du lịch tới Tây Tạng cũng như gây ra “các vi phạm nhân quyền” ở đó.
Hành động đáp trả nhau được đưa ra giữa lúc quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi vì tranh cãi quanh vấn đề thương mại, công nghệ, COVID-19 và Hong Kong, theo Reuters.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo thường kỳ rằng Hoa Kỳ “nên chấm dứt gây thêm sai lầm để tránh làm tổn hại thêm quan hệ Mỹ – Trung và sự trao đổi cũng như hợp tác giữa hai nước”.
Ngoại trưởng Pompeo nói trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ cam kết ủng hộ “quyền tự trị có ý nghĩa” cũng như việc tôn trọng nhân quyền của người dân Tây Tạng.
ĐCSTQ che giấu một loại virus tương tự nCoV
trong phòng thí nghiệm Vũ Hán từ năm 2012
Quý Khải
Tờ The Sunday Times của Anh vừa đưa ra một tiết lộ chấn động: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã che giấu một chủng virus corona rất giống với Covid-19 trong phòng thí nghiệm gây tranh cãi ở Vũ Hán từ năm 2012.
Một báo cáo được công bố ngày 4/7 bởi một kênh truyền thông uy tín của Anh nhấn mạnh rằng 8 năm trước, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy chủng virus corona này trong một mỏ đồng bị bỏ hoang có nhiều dơi và chuột.
Các chuyên gia đã tìm thấy chủng loại virus gần giống với nCoV sau khi nó gây ra cái chết của sáu công nhân làm việc tại mỏ Tongarin thuộc quận Mo Giang nằm ở phía tây nam Trung Quốc.
Theo báo cáo, 3 công nhân đã xuất hiện các triệu chứng sốt, ho và các vấn đề về hô hấp, các triệu chứng tương thích với Covid-19.
Các nghiên cứu tại thời điểm đó cho thấy 4 trong số 6 người bệnh đã có kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể được tạo ra bởi virus corona, trong khi hai người còn lại đã qua đời trước khi được xét nghiệm.
Điều gây sốc nhất, theo nhận định của tờ The Sunday Times, là việc chủng virus corona này, được phát hiện vào tháng 8/2012, được lưu trữ trong phòng thí nghiệm virus gây tranh cãi ở Vũ Hán, thành phố tâm chấn đại dịch.
Bên cạnh đó, tờ The Sunday Times cho biết có bằng chứng cho thấy ĐCSTQ không công khai dữ liệu về loại virus này, mặc dù khám phá này có thể là chìa khóa trong việc chống dịch.
Thông tin này được đưa ra ánh sáng thông qua luận án của một bác sĩ trẻ, mà người hướng dẫn của anh là một vị giáo sư mà vào năm 2012 từng làm việc trong khu cấp cứu của bệnh viện nơi các thợ mỏ bị nhiễm bệnh được điều trị.
Nguồn gốc của nCoV
Việc xác định nguồn gốc của nCoV, đã lây nhiễm cho hơn 11 triệu người và khiến hơn 531.000 người tử vong, hứa hẹn sẽ tiếp tục hé lộ những dữ liệu mới.
Trên thực tế, thông tin này đã được công khai ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sẽ cử một phái đoàn đến Trung Quốc trong tuần này để tìm hiểu xem liệu nCoV có bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không. Đây là một diễn biến đáng ngờ, trong bối cảnh tồn tại mối liên hệ gần gũi giữa giới chức WHO và giới lãnh đạo ĐCSTQ. Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên án WHO giúp Trung Quốc che giấu dịch bệnh.
Trên thực tế, nhiều cáo buộc chỉ ra rằng các thí nghiệm có nguy cơ cao liên quan đến việc chỉnh sửa các chủng virus corona để gia tăng khả năng lây nhiễm đang được tiến hành tại phòng thí nghiệm Vũ Hán,.
Tờ The Sunday Times nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, các nhà khoa học của Viện Virus học Vũ Hán đã thu thập hàng trăm mẫu virus corona từ các khu vực cách xa Trung Quốc để tiến hành các cuộc điều tra này.
Những thực tế này trái ngược hoàn toàn với lời giải thích được đưa ra bởi ĐCSTQ.
Hồi tháng 2, Tiến sĩ Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) của Viện Virus học Vũ Hán đã công bố công trình học thuật sâu rộng nhất về virus corona chủng mới từ trước đến nay.
Bên cạnh việc cung cấp một mô tả di truyền toàn diện về virus này, nghiên cứu của bà Thạch – được xuất bản trên tạp chí Nature – đã chỉ ra rằng phòng thí nghiệm Vũ Hán có chứa một mẫu dơi có tên là RaTG13, tương thích 96,2% với nCoV.
Nhưng phát hiện mới được The Sunday Times hé lộ cho thấy mẫu RaTG13 đã được tìm thấy trong mỏ đồng vào năm 2012, và tệ hơn, khi thông tin này mãi vẫn không được công bố cho đến tận bây giờ.
Hướng ánh nhìn về Trung Quốc
Ngay trong tháng Tư, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ ra rằng, sau khi xem qua một số kết quả thử nghiệm, ông đã có một “mức độ tin tưởng khá cao” rằng nCoV bắt nguồn từ Viện Virus học Vũ Hán.
Vị tổng thống cho biết Washington đang “xem xét điều này rất, rất kỹ càng”.
“Chúng ta sẽ tìm hiểu xem nó đến từ đâu. Có rất nhiều giả thuyết. Trung Quốc thậm chí có thể nói cho chúng ta biết đấy”, Tổng thống Trump nói.
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba (7/7) đã chính thức đưa Mỹ ra khỏi WHO với lý do tổ chức này “lấy Trung Quốc làm trung tâm” và yếu kém trong việc xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán COVID-19.
Trước đó vào hồi tháng 5, Tổng thống Trump đã cảnh báo ông sẽ đưa Mỹ rời khỏi WHO với lý do tổ chức này đã thất bại trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và là một con rối của Trung Quốc. Tổng thống Trump cũng tuyên bố chấm dứt tài trợ cho WHO, bất chấp lời kêu gọi “xem xét lại” của tổ chức này.
Đầu tháng 5, tình báo Đức tiết lộ thông tin cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân đề nghị WHO trì hoãn tiết lộ thông tin quan trọng về việc virus corona lây lan từ người sang người, khiến thế giới “đã bị lỡ ít nhất 4 tuần, nếu không muốn nói là 6 tuần, trong cuộc chiến chống virus này”, theo kết luận của BND, Cơ quan Tình báo Liên bang Đức.
Trong cuộc họp báo riêng về Trung Quốc vào cuối tháng 5, Tổng thống Trump lên án WHO nhận phần lớn tài trợ từ Hoa Kỳ nhưng lại “lấy Trung Quốc làm trung tâm”. Ông cũng lên án Trung Quốc đã chủ mưu gây ra “đại dịch toàn cầu” bằng việc cho phép virus corona lây lan khắp thế giới.
Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua vaccine chống COVID
Trung Quốc đang dẫn đầu trong cuộc đua tìm vaccine kiểm soát đại dịch COVID-19 với vaccine thử nghiệm của Sinovac Biotech’s trở thành ứng viên thứ hai của nước này và thứ ba trên thế giới bước vào giai đoạn thử nghiệm chót vào cuối tháng này.
Trong khi là một nước tụt hậu trong công nghệ vaccine, Trung Quốc, nơi được cho là khởi phát virus corona chủng mới, đã mang các lãnh vực nhà nước, quân đội và tư nhân đến với nhau nhằm chống lại dịch bệnh.
Nhiều nước khác, kể cả Mỹ, đang phối hợp chặt chẽ với lãnh vực tư để cố thắng trong cuộc đua chế tạo vaccine, và Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức.
Sự thành công của Trung Quốc trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 đã làm nước này gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thử nghiệm vaccine trên quy mô lớn, và cho tới nay chỉ có một ít nước khác đồng ý làm việc với Trung Quốc.
Sau những vụ tai tiếng về vaccine trong quá khứ, Bắc Kinh sẽ cũng phải thuyết phục thế giới là vaccine Trung Quốc đáp ứng được tất cả những đòi hỏi về an toàn và chất lượng.
Tuy nhiên việc Trung Quốc sử dụng những công cụ của nền kinh tế chỉ huy cho tới nay đã đạt được kết quả.
Chẳng hạn như một thực thể do nhà nước kiểm soát đã hoàn thành hai nhà máy vaccine trong thời gian được gọi là “tốc độ thời chiến” trong vòng vài tháng, trong khi các xí nghiệp quốc doanh và quân đội đã cho phép chích ngừa thử nghiệm trên nhân viên.
Đơn vị nghiên cứu y học của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, là lực đẩy trong những nỗ lực của Trung Quốc chống những bệnh truyền nhiễm, cũng đang làm việc với những công ty tư trong đó có CanSino để chế tạo vaccine ngừa COVID-19.
Thách thức sự chế ngự truyền thống của Tây phương trong công nghiệp này, Trung Quốc đứng đằng sau 8 trong số 19 ứng viên vaccine thử nghiệm trên người, với vaccine thử nghiệm của Sinovac và một vaccine khác do quân đội phối hợp với CanSino bào chế nằm trong số những ứng viên vaccine dẫn đầu.
Trung Quốc cũng chú trọng chính yếu đến công nghệ vaccine không hoạt động-một công nghệ nổi tiếng và đã được sử dụng để bào chế vaccine chống lại các chứng bệnh như cúm và sởi-một điều có thể nâng cao cơ may thành công.
Ngược lại, một vài đối thủ Tây phương như Moderna có trụ sở tại Mỹ và CureVac và BioNTech của Đức đang sử dụng công nghệ mới mang tên sứ giả RNA.
Bốn trong số các ứng viên vaccine của Trung Quốc thử nghiệm trên người là vaccine không hoạt động, trong đó có vaccine của Sinovac và hai vaccine của National Biotech Group, một đơn vị của tập đoàn dược phẩm quốc doanh Trung Quốc.
Hiện chỉ có hai vaccine thử nghiệm trong Giai đoạn 3 cuối cùng: một của Sinopharm và một của AstraZeneca và Trường đại học Oxford. Sinovac sẽ trở thành vaccine thứ ba vào cuối tháng này.
Để tăng tốc tiến trình, Trung Quốc cho phép Sinopharm và Sinovac kết hợp Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2 đối với các ứng viên vaccine của họ.
Đối với vaccine thử nghiệm của CanSino, viện nghiên cứu của Quân đội Giải phóng Nhân dân đóng môt vai trò quan trọng.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có tiến trình chấp thuận riêng đối với “thuốc cần thiết đặc biệt cho quân đội” và tháng trước đã chấp thuận sử dụng cho quân đội loại vaccine do đơn vị nghiên cứu của quân đội phối hợp cùng CanSino bào chế.
Những thách thức
Trung Quốc có những thách thức khi dịch bệnh giảm dần trong nước gây trở ngại cho những nỗ lực thử nghiệm rộng lớn.
Vì vậy nên Trung Quốc chuyển trọng tâm ra nước ngoài, nhưng chỉ có một số ít quốc gia chứng tỏ muốn hợp tác, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Canada, Brazil, Indonesia và Mexico.
Các nước lớn châu Âu cũng như Mỹ không quan tâm gì đến vaccine của Trung Quốc trong lúc họ chú trọng đến những dự án riêng.
Trung Quốc cũng phải giải quyết những quan ngại về chất lượng và an toàn của vaccine sau một vài tai tiếng về những vaccine dưới tiêu chuẩn trong những năm gần đây.
Năm ngoái, Trung Quốc ra luật để quản lý ngành công nghiệp vaccine. Hành vi buôn bán, sản xuất vaccine giả hay kém chất lượng bị phạt nặng so với các loại dược phẩm khác.
Siem Reap trở thành tỉnh đầu tiên
của Campuchia cấm ăn thịt chó
Một tỉnh của Campuchia trở thành địa phương đầu tiên của nước này ra lệnh cấm bán và tiêu thụ thịt chó.
Siem Reap là địa danh nổi tiếng với khu quần thể đền Angkor Wat, nhưng một nhóm bảo vệ quyền động vật nói nơi đây đã trở thành một “cổng kinh doanh” thịt chó.
Hà Nội muốn dân ngừng ăn thịt chó
Một người HN ‘không còn ăn thịt chó’
Nơi nào giữa châu Âu vẫn ăn thịt chó?
Lệnh cấm mới gồm cả các hình phạt tới năm năm tù, hoặc phạt tiền tù 7 đến 50 triệu riel (12.200 đô la Mỹ), AFP tường thuật.
Quyết định trên được đưa ra sau khi một số nơi khác ở Á châu áp dụng chính sách tương tự trong những tháng gần đây.
Ăn thịt chó không phải là thói quen phổ biến ở khắp Campuchia, với chỉ chưa đến 12% người dân thường xuyên ăn món này, theo tổ chức thiện nguyện bảo vệ quyền động vật Four Paws.
Tuy nhiên, Four Paws xác định tỉnh Siem Reap là “điểm nóng chủ chốt” của hoạt động buôn bán món này.
Giám đốc Sở Nông Lâm Ngư Siem Reap, Tea Kimsoth, nói với hãng tin Reuters rằng ngành du lịch đã khiến nhu cầu ăn thịt chó tăng lên trong khu vực.
“Thịt chó trở nên phổ biến hơn rất nhiều sau khi người nước ngoài tới nhiều, nhất là những người Hàn Quốc,” ông nói.
Tổ chức thiện nguyện Four Paws hoan nghênh lệnh cấm.
Số phận ‘chó du hành vũ trụ’ của Liên Xô
Hàn Quốc: Những chú chó được giải cứu từ trang trại lấy thịt
TQ: Lệ Chi Cẩu Nhục vẫn tưng bừng?
“Chúng tôi hy vọng là Siem Reap sẽ trở thành hình mẫu cho cả nước trong việc bảo vệ sự sống cho hàng triệu chú chó,” Tiến sỹ Katherine Polak, giám đốc phụ trách vùng đông nam Á của Four Paws, nói.
Theo tổ chức Humane Society International (HSI), trên toàn châu Á có 30 triệu con chó bị làm thịt mỗi năm.
Trong tháng Tư, Thâm Quyến trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc cấm ăn thịt chó mèo, còn bang Nagaland ở miền đông bắc Ấn Độ thì cấm việc nhập khẩu, buôn bán thịt chó từ đầu tháng Bảy.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53335679
Cảnh báo mạnh mẽ TQ ở Biển Đông,
Philippines tự tin vì có “chống lưng”?
Philippines hồi tuần trước đã gửi lời cảnh báo mạnh mẽ nhất đến Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, dấy lên đồn đoán rằng Manila đã thay đổi lập trường, xích lại gần Mỹ hơn.
Theo SCMP, hôm 3.7, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr đăng video dài 5 phút trong đó ông bày tỏ quan ngại về cuộc tập trận quân sự phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Locsin cảnh báo Philippines sẽ phản ứng thích đáng nếu Trung Quốc có ý lợi dụng tập trận để bao vây chủ quyền lãnh thổ Philippines. Ông Locsin cũng chỉ trích các hoạt động phi pháp khác gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cuộc tập trận quân sự phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã kết thúc hôm 5.7 mà không xảy ra bất cứ sự cố nào. Nhưng căng thẳng trong khu vực vẫn ở mức cao vì tàu chiến Mỹ và Trung Quốc đều duy trì sự hiện diện.
Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ đã tập trận ở Biển Đông từ ngày 4.7, với sứ mệnh thúc đẩy tự do hàng hải.
Giữa căng thẳng Mỹ-Trung, tuyên bố khác lạ của Ngoại trưởng Philippines dẫn đến đồn đoán rằng Manila đã ngừng chính sách ngả về Bắc Kinh và quay trở lại với đồng minh truyền thống là Washington.
Năm 2016, trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng tuyên bố “tách khỏi liên minh với Mỹ”
Một quan chức giấu tên trong chính phủ Philippines, nói tuyên bố của Ngoại trưởng Locsin thể hiện “sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Philippines”.
Trước đây, Manila thường tỏ ra bi quan, khi giới chức Philippines nói rằng “khó có thể làm gì để phản đối Trung Quốc”.
Giáo sư Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải về Luật Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines, nói ông cảm thấy bất ngờ về những tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Locsin.
“Giọng điệu của ông ấy cứng rắn hơn so với những tuyên bố trước đây”, giáo sư Batongbacal nói. “Đúng là có cải thiện hơn những tuyên bố kiểu ‘chẳng biết làm gì cả’, nhưng còn phải xem đó chỉ là phản ứng nhất thời hay chính phủ Philippines đã thực sự thay đổi lập trường”.
Bắc Kinh không lên tiếng bình luận về những tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Philippines. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang tập trung đối phó với sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ ở Biển Đông nên không bận tâm đáp trả Philippines.
Giáo sư Batongbaca nói thêm rằng Philippines không cần đưa ra tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc như vậy trừ khi “có sự thay đổi trong liên minh Mỹ-Philippines”.
Covid-19: AirAsia gặp vấn đề lớn về tài chính
Tương lai của AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á, đang gặp vấn đề nghiêm trọng, hãng kiểm toán Ernst & Young cho biết.
Virus corona: Suy thoái kinh tế sẽ theo mô hình nào?
Covid 19: Nhà hàng ‘thiệt hại nặng’, ông chủ Deliveroo nói
Cổ phiếu của hãng hàng không có trụ sở tại Malaysia giảm hơn 10% vào thứ Tư sau khi bị ngưng giao dịch trước đó.
Ernst & Young nêu ra các khoản nợ khổng lồ của hãng hàng không trong một thông cáo gửi tới sàn giao dịch chứng khoán Kuala Lumpur vào cuối ngày thứ Ba.
Họ cho biết các khoản nợ hiện tại của AirAsia đã vượt quá tài sản hiện tại của hãng ở mức 1.84 tỷ ringgit (430 triệu đô la) vào cuối năm 2019, trước khi bắt đầu đại dịch.
Thực trạng tài chính và dòng tiền của hãng đã bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi việc cho máy bay nghỉ khai thác trong bối cảnh hạn chế đi lại và phong tỏa.
Sự sụt giảm này và thực trạng tài chính của AirAsia “cho thấy tồn tại những bất ổn vật chất có thể gây nghi ngờ và quan ngại đáng kể về khả năng tiếp tục của Tập đoàn cũng như Công ty,” Ernst & Young nói.
Virus corona: Suy thoái kinh tế sẽ theo mô hình nào?
Hôm thứ Hai, AirAsia đã báo mức lỗ kỷ lục hàng quý là 803,8 triệu ringgit. Hãng này bắt đầu đình chỉ bay vào cuối tháng Ba.
“Đây là một thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt kể từ khi chúng tôi bắt đầu thành lập vào năm 2001,” ông Mr Fernandes nói trong một tuyên bố.
“Mỗi cuộc khủng hoảng là một trở ngại phải vượt qua, và chúng tôi đã tái cấu trúc nhóm thành một con tàu gọn gàng và chặt chẽ hơn.”
“Chúng tôi rất tích cực trong những bước tiến mà chúng tôi đã đạt được khi giảm chi phí tiền mặt ít nhất 50% trong năm nay và điều này sẽ khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn khi trở thành hãng hàng không giá rẻ hàng đầu trong khu vực,” ông nói thêm.
AirAsia cho biết họ đang đàm phán về khả năng liên doanh và hợp tác có thể dẫn đến việc bổ sung đầu tư. Hãng cũng đã nộp đơn đi vay ngân hàng và đang cân nhắc các đề xuất để tăng thêm vốn.
Người sáng lập và CEO của hãng hàng không là Tony Fernandes, người cũng đồng sở hữu câu lạc bộ bóng đá Queens Park Rangers (QPR) ở Anh.
Các hãng hàng không thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hành khách giảm mạnh do hạn chế đi lại nghiêm ngặt vì dịch Covid-19.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-53335895
Nhiều lao động Bangladesh bị bán sang Việt Nam
Sau tiết lộ về một vụ buôn người cao cấp ở Kuwait, hàng chục người Bangladesh đã lên tiếng về việc họ bị bán sang Việt Nam bởi một tổ chức môi giới hoạt động cả ở 2 quốc gia. Những người này cho biết, họ phải trả cho tổ chức trên một khoản tiền và được hứa hẹn sẽ có công việc với mức lương hằng tháng từ 500 đến 600 Mỹ kim. Tuy nhiên, khi được đưa đến Việt Nam, họ được điều đến làm việc cho nhiều công ty khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn, và được trả lương ít hơn một nửa mức lương mà họ đã hứa hẹn trước đó.
Theo tờ The Daily Star đưa tin, anh Shariful Islam cho biết, ban đầu anh được hứa sẽ có công việc với mức lương 600 Mỹ kim, nhưng sau đó anh phải làm công việc khác với mức lương chỉ 300 Mỹ kim. Hôm 2/7, anh và 10 người khác đã trở lại Bangladesh sau khi thông báo về tình trạng việc làm của họ với Tòa đại sứ Bangladesh tại Hà Nội.
Hôm 6/7, Bộ Ngoại giao cộng sản Việt nam cho biết, 27 công dân Bangladesh trên hiện đang tạm trú tại một khách sạn do nhà cầm quyền cung cấp. Ngoài ra, bộ cho biết thêm rằng, 11 người Bangladesh đã được hồi hương qua chuyến bay vào ngày 2/7, nhưng 27 người còn lại đã từ chối lên chuyến bay này và cho biết chính phủ Bangladesh cần phải trả tiền vé cho họ. Tuy nhiên, chính phủ Bangladesh không có nhiệm vụ để trả tiền vé cho lao động bất hợp pháp trở về nước. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nhieu-lao-dong-bangladesh-bi-ban-sang-viet-nam/
Căng thẳng với TQ, Ấn Độ kiên quyết
không xem xét lại lựa chọn rút khỏi RCEP
Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn kiên trì với quyết định không tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và sẽ “không xem xét lại” các lựa chọn của mình.
Các nguồn tin cấp cao trong chính quyền nêu rõ, New Delhi đã quyết định sẽ không tham gia bất kỳ hiệp định thương mại nào có Bắc Kinh là thành viên, vì vấn đề đã trở nên tồi tệ hơn đối với Ấn Độ, đặc biệt sau khi bùng phát đại dịch Covid-19 và cuộc đối đầu căng thẳng đang diễn ra với Trung Quốc ở biên giới.
Các nguồn tin cho biết, Ấn Độ sẽ không xem xét lại quyết định đưa ra vào năm ngoái khi Thủ tướng Modi tuyên bố rút khỏi đàm phán về RCEP. Một quan chức giấu tên nói: “Không có chuyện tham gia Hiệp định này, khi mà Thủ tướng Modi đã đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ về việc xây dựng một Ấn Độ tự cường”.
Trong khi đó, một quan chức thứ hai cho hay, New Delhi đã “khước từ” RCEP sau khi nổ ra cuộc đối đầu ở biên giới với Trung Quốc, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong vụ đụng độ ác liệt ở Thung lũng Galwan vào đêm 15/6. Người này nói: “Cũng liên quan đến yếu tố chính trị, Chính phủ Ấn Độ sẽ không sẵn sàng tham gia RCEP ngay cả khi New Delhi được tạo một số điều kiện thuận lợi”.
Vụ việc ở Galwan cũng dẫn đến làn sóng kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc của các thương nhân Ấn Độ và lệnh cấm hàng chục ứng dụng di động Trung Quốc do Chính phủ của Thủ tướng Modi ban hành. Hồi tháng 4, Ấn Độ đã đặt ra các hạn chế đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt nhằm vào Trung Quốc.
Chỉ vài ngày trước đó, Thái Lan cho biết tất cả các nước thành viên RCEP đã quyết định ký kết Hiệp định trước cuối năm 2020 mà không có Ấn Độ và thỏa thuận có thể có hiệu lực vào giữa năm tới. Ấn Độ sẽ có lựa chọn ký RCEP vào một thời điểm sau đó.