Tin khắp nơi /08/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hai người phụ nữ tranh chức thủ tướng Anh

Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom của Anh đã được lựa chọn để tranh chức thủ tướng của nước này.

Trong buộc bỏ phiếu thứ hai hôm thứ Năm, những thành viên Đảng Bảo thủ trong Nghị viện đã bỏ 199 phiếu cho bà May, 84 phiếu cho bà Leadsom và 46 phiếu cho Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove để lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Ông Gove bị loại và giờ hai người phụ nữ có cơ hội trở thành thủ tướng kế tiếp của đất nước.

Khoảng 150.000 thành viên của Đảng Bảo thủ khắp nước Anh giờ sẽ bỏ phiếu bằng đường bưu điện để quyết định bà May hay bà Leadsom sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Anh kể từ khi bà Margaret Thatcher bị buộc từ chức vào năm 1990.

Kết quả sẽ rõ vào ngày 9 tháng 9. Người đắc cử sẽ thay thế Thủ tướng David Cameron, người đã tuyên bố từ chức sau khi dân Anh bỏ phiếu vào ngày 23 tháng 6 để rời khỏi Liên minh Châu Âu.

Thủ tướng mới sẽ đảm trách việc dẫn dắt những cuộc đàm phán đưa nước Anh ra khỏi khối 28 quốc gia, cũng như lãnh đạo một đất nước bị chấn động vì phản ứng của thị trường toàn cầu đối với cuộc trưng cầu dân ý Brexit.

Bà Leadsom 53 tuổi, người đắc cử nghị sĩ sáu năm trước và ủng hộ chiến dịch vận động rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý, hôm thứ Năm nói rằng ưu tiên hàng đầu của bà là bảo đảm thương mại miễn thuế với EU sau khi rời khỏi khối này.

Bà May 59 tuổi, người ủng hộ phe ở lại EU, nói bà là người tốt nhất có thể đoàn kết đảng, giống như đất nước, đã bị chia rẽ về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

http://www.voatiengviet.com/a/hai-nguoi-phu-nu-tranh-chuc-thu-tuong-anh/3408319.html

 

Nổ súng ở Dallas, 5 cảnh sát thiệt mạng

Cảnh sát trưởng thành phố Dallas cho hay hồi sáng sớm thứ Sáu, 3 nghi can bị bắt và một nghi can thứ tư hình như đã chết vài giờ sau một cuộc biểu tình ôn hòa chuyển sang hỗn loạn, phản đối vụ hai người da đen bị các cảnh sát da trắng bắn chết tại những nơi khác. 5 trong số 11 cảnh sát viên bị bắn trong tình hình hỗn loạn ở Dallas đã chết.

Cảnh sát đã thương lượng với tay súng thứ tư, người đã đấu súng với cảnh sát trong vụ đương đầu tại một nhà để xe trong thành phố. Hiện chưa rõ tay súng này tự bắn vào mình hay bị cảnh sát bắn chết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Sáu nói rằng các vụ nổ súng bắn vào các nhân viên đang làm nhiệm vụ là “hành động tấn công đồi bại, có tính toán và hèn hạ”. Phát biểu tại Warsaw, nơi ông đang dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng thống Obama nói công việc của cảnh sát là “cực kỳ khó khăn” và những vụ nổ súng bắn vào cảnh sát này là “một lời nhắc nhở thương tâm” về những hiểm nguy mà cảnh sát phải đối diện.

Cảnh sát Trưởng David Brown cho biết một trong những nghi can bị bắt là phụ nữ. Ông nói hai nghi can kia đang bị thẩm vấn, được thấy có mang theo túi màu rằn ri và cảnh sát đã đuổi theo xe của họ.

Ông Brown nói rằng các nghi can này không đưa ra một dấu hiệu nào cho thấy tại sao họ tấn công cảnh sát.

Ông nói tiếp rằng ông “chưa hoàn toàn an tâm” là tất cả các nghi can đã bị bắt.

Các giới chức nói rằng những người tấn công này dự tính gây thiệt hại trên diện rộng và một các túi xách bị tình nghi đã được đội chống bom thu giữ.

Thị trưởng Dallas, ông Mike Rawlings, kêu gọi những người làm việc ở khu trung tâm thành phố trong ngày thứ Sáu nên tránh xa nơi đã xảy ra các vụ nổ súng.

Cảnh sát đã phổ biến hình của một người da đen có vũ trang mặc đồ rằn ri tham gia cuộc biểu tình và xem đó là “người tham gia” vụ nổ súng hôm thứ Năm. Người đàn ông này sau đó đã đến trình diện nhà chức trách. Các giới chức nói hình như ông ta không liên quan đến các vụ nổ súng.

Cảnh sát cho hay hai tay bắn tỉa đã nổ súng vào cảnh sát trong cuộc biểu tình vào chiều tối thứ Năm được tổ chức để phản đối vụ cảnh sát bắn chết hai người da đen trước đó trong tuần trong hai vụ khác nhau – một ở Minnesota và một ở Louisiana. Vụ hai người da đen bị bắn chết này là những vụ mới nhất trong hàng loạt vụ nổ súng ở Mỹ bị dư luận xem là những thí dụ của việc cảnh sát dùng vũ lực thái quá với người thiểu số.

http://www.voatiengviet.com/a/no-sung-o-dallas-5-canh-sat-thiet-mang/3409240.html

 

Siêu bão ập vào Ðài Loan, 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người chết và 66 người bị thương sau khi siêu bão Nepartak thổi vào vùng duyên hải miền đông của Ðài Loan hôm thứ Sáu.

Cơ quan khẩn cấp cho hay hơn 15.000 người sơ tán tránh bão vào sáng thứ Sáu và hơn 500 chuyến bay bị hủy.

Sau khi bão đổ bộ vào Đài Đông, siêu bão giảm cường độ xuống còn bão với sức mạnh trung bình. Gần 400.000 nhà cửa bị mất điện, phần lớn ở hai huyện Bình Đông và Đài Đông.

Dự báo bão sẽ đổ bộ vào Trung Quốc sau đó trong ngày thứ Sáu.

http://www.voatiengviet.com/a/sieu-bao-ap-vao-dai-loan-2-nguoi-thiet-mang/3409271.html

 

Bộ Ngoại giao Mỹ mở lại điều tra nội bộ về vụ email bà Clinton

Bộ Ngoại giao Mỹ mở lại cuộc điều tra nội bộ về liệu ứng cử viên tổng Thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton và các phụ tá hàng đầu của bà có xử lý sai trái thông tin mật thời bà còn là Bộ trưởng Ngoại giao dưới quyền Tổng thống Barack Obama hay không.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói:

“Chúng tôi sẽ cố gắng tiến hành điều tra trong thời gian nhanh nhất có thể, tuy nhiên chúng tôi sẽ không áp đặt những hạn chót không cần thiết trong tiến trình này”.

Ông Kirby lưu ý rằng cuộc điều tra nội bộ có thể tiến hành bây giờ, sau khi Bộ Tư pháp đã hoàn tất cuộc điều tra của họ và kết luận không khởi tố bà Clinton.

Động thái này diễn ra một ngày sau khi Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đồng ý với đề nghị của Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI) rằng sẽ không đưa ra những cáo buộc hình sự liên quan tới vụ việc này.

Các thành viên Đảng Cộng hòa, kể cả đối thủ của bà Clinton trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc Donald Trump, cực lực phản đối quyết định không khởi tố. Họ cho rằng nhờ ảnh hưởng của bà Clinton trong tư cách một chính khách nổi bật mà bà đã thoát bị khởi tố hình sự.

Trước đó hôm thứ Năm, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ James Comey đã biện hộ cho quyết định của ông, không theo đuổi cáo buộc hình sự nhắm vào bà Clinton, mặc dù ông nói những nhà điều tra nhận thấy bà Clinton đã “hết sức bất cẩn” trong việc sử dụng máy chủ email riêng tư không được bảo mật.

Phát biểu trước một ủy ban Hạ viện Mỹ sau cuộc điều tra kéo dài một năm, ông Comey nói rằng các nhà điều tra kết luận không có bằng chứng cho thấy bà Clinton, giờ là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, hay các phụ tá của bà có ý định phạm luật cấm tiết lộ những tài liệu mật của Mỹ. Các nhà điều tra tìm thấy 113 tài liệu mật trong hơn 30.000 email của bà Clinton mà họ xem lại trong thời gian từ năm 2009 tới năm 2013 khi bà Clinton là nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ.

Ông Comey còn nói rằng truy tố bà Clinton, người đang vận động để trở thành vị nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, là không thích hợp theo một luật của Mỹ năm 1917 xác định “cẩu thả nghiêm trọng” là một tội hình sự.

Ông cho biết luật này chỉ được sử dụng có một lần trong một vụ án về gián điệp, và các công tố viên của Bộ Tư pháp “có những lo ngại sâu sắc về liệu truy tố một người nào đó về sự cẩu thả nghiêm trọng có thích hợp hay không”.

Ông Comey ra điều trần trước ủy ban Hạ viện hai ngày sau khi ông loan báo các nhà điều tra kết luận rằng không nên đưa ra cáo buộc hình sự nhắm vào bà Clinton, một đề nghị mà Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đã chấp nhận hôm thứ Tư, kết thúc vụ việc mà không có bất kỳ cáo buộc nào đối với bà Clinton.

Bà Clinton vẫn chưa bình luận về những kết luận của FBI nói rằng bà và các đồng nghiệp của bà đã “cực kỳ bất cẩn” trong việc xử lý các tài liệu mật. Thứ Bảy tuần trước, bà đã trả lời những câu hỏi của các nhà điều tra FBI trong suốt ba tiếng rưỡi đồng hồ. Ông Comey nói “không có cơ sở để kết luận rằng bà Clinton đã nói dối với FBI”.

Dân biểu Đảng Cộng hòa Jason Chaffetz, Chủ tịch ủy ban, nói ông cảm thấy “thắc mắc và không hiểu được” làm thế nào FBI có thể kết luận rằng bà Clinton xử lý sai hàng chục tài liệu mật mà lại không nên cáo buộc bà về mặt hình sự. Ông nói: “Nếu tên của quý vị không phải là Clinton hoặc quý vị không thuộc tầng lớp thượng lưu có quyền thế, thì Nữ thần Công lý sẽ hành động theo cách khác. Hillary Clinton đã gây nên tình trạng lộn xộn này”.

Giám đốc FBI Comey ra khai chứng trước ủy ban Hạ viện trong bối cảnh một chiến dịch tranh cử tổng thống đang tới hồi quyết liệt. Bà Clinton sẽ đối mặt với ứng cử viên sắp được Đảng Cộng hòa đề cử, tỉ phú bất động sản Donald Trump, trong cuộc bầu cử toàn quốc tổ chức vào tháng 11 để chọn người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama, người sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1 năm tới.

Các cuộc thăm dò trên toàn quốc cho thấy bà Clinton dẫn đầu với đa số 5% so với ông Trump, vào lúc chỉ còn 4 tháng nữa trước cuộc bầu cử ngày 8/11.

http://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-my-mo-lai-dieu-tra-noi-bo-ve-vu-email-ba-clinton/3409181.html

 

Đánh bom đền thờ Hồi giáo Shia ở Iraq, 35 người thiệt mạng

Các giới chức an ninh Iraq hôm 8/7 cho hay các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo giết chết ít nhất 35 người và làm nhiều người bị thương trong vụ tấn công tại một đền thờ Hồi giáo Shia ở mạn bắc thủ đô Baghdad vào chiều tối thứ Năm.

Vụ tấn công nhắm vào đền thờ Sayyid Mohammed gồm nhiều vụ nổ bom tự sát, tấn công bằng súng và súng cối. Vụ này xảy ra chỉ vài ngày sau vụ hàng trăm người thiệt mạng và bị thương trong một cuộc tấn công nhắm vào một khu mua bán đông người ở Baghdad – vụ đánh bom đẫm máu nhất trong lịch sử của Iraq.

Vụ tấn công hôm thứ Năm xảy ra tại Balad, nằm cách Baghdad 75 kilômét về phía bắc, bắt đầu bằng một vụ pháo kích đạn súng cối, ngay sau đó 3 phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo xông vào đền thờ và nổ súng vào những người bên trong.

Hai kẻ tấn công sau đó đã kích nổ bom trong người tại một khu chợ gần đền thờ. Cảnh sát nói một kẻ chuẩn bị đánh bom khác định kích nố bom, nhưng bị hạ sát trước khi kịp hành động.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã cách chức người đứng đầu ngành an ninh ở Baghdad và các giới chức an ninh khác tiếp theo sau vụ đánh bom lớn hôm Chủ nhật ở thủ đô Baghdad.

http://www.voatiengviet.com/a/danh-bom-den-thoi-hoi-giao-shia-o-iraq-35-nguoi-thiet-mang/3409197.html

 

Mỹ cấp thêm 23 triệu đôla viện trợ nhân đạo cho Ukraine

Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm gần 23 triệu đôla viện trợ nhân đạo để giúp nước này đối phó với cuộc khủng hoảng ở miền đông.

Ngoại trưởng John Kerry loan báo gói viện trợ mới hôm thứ Năm tại Kiev, nơi ông hội kiến những quan chức hàng đầu bao gồm Tổng thống Petro Poroshenko và Thủ tướng Volodymyr Groysman, để thảo luận về những cải cách của Ukraine và thỏa thuận ngừng bắn mong manh ở miền đông Ukraine.

Viện trợ nhân đạo của Mỹ cho Ukraine kể từ đầu cuộc khủng hoảng vào năm 2014 giờ tổng cộng là hơn 135 triệu đôla.

Ngân quỹ này sẽ hỗ trợ cơ quan người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) và những tổ chức nhân đạo quốc tế khác bằng cách đáp ứng những nhu cầu sinh tồn cơ bản của hàng ngàn người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột đang diễn ra giữa quân đội chính phủ Ukraine và thành phần ly khai được Nga hậu thuẫn ở vùng Donetsk và Luhansk ở phía đông Ukraine.

Theo Liên Hiệp Quốc, có hơn 3,1 triệu người dễ bị tổn hại ở Ukraine, trong đó có nhiều người là trẻ em, người tàn tật và người già.

Phát biểu trước báo giới ở Kiev, ông Kerry nói có một “sự cấp bách” đối với việc thi hành đầy đủ thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine.

Ông Kerry nói rằng nhiều người vẫn thiệt mạng ở chiến tuyến phân cách lực lượng chính phủ Ukraine và phiến quân được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.

Giới chức Mỹ phủ nhận chuyến thăm của ông Kerry là nhằm gửi một thông điệp tới Moscow trước hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào thứ Sáu tại Warsaw, Ba Lan, trong đó những thành viên của liên minh sẽ bàn về mối đe dọa quân sự từ Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014.

Hôm thứ Tư, ông Kerry đến thăm thủ đô Tbilisi của Gruzia, nơi ông ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự giữ Mỹ và Gruzia.

Cũng như Ukraine, Gruzia lo ngại về những hoạt động của Nga trên lãnh thổ của mình và đã tìm cách liên kết với NATO và Liên minh Châu Âu.

http://www.voatiengviet.com/a/my-cap-them-23-trieu-dola-vien-tro-nhan-dao-cho-ukraine/3408325.html

 

Mỹ nhắm mục tiêu chế tài các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên

Những chế tài mới được công bố của Mỹ nhắm vào lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vì những vi phạm nhân quyền dự kiến sẽ không có bất kỳ tác động tức thời nào, nhưng những người ủng hộ nói rằng những biện pháp này sẽ tăng áp lực lên nhà nước áp chế này và tiếp tục cô lập giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Hàn Quốc hôm thứ Năm bày tỏ sự đoàn kết với quyết định của Washington đưa lãnh tụ Bắc Triều Tiên, cùng với 22 thực thể và cá nhân khác, vào danh sách đen vì vai trò của họ trong những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, vì truy lùng những người đào tị hoặc kiểm duyệt ở Bắc Triều Tiên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June-hyuck nói:

“Chúng tôi kỳ vọng rằng những chế tài này sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tình trạng nghiêm trọng của những vi phạm nhân quyền rộng lớn và có hệ thống ở Bắc Triều Tiên, đồng thời góp phần tăng cường những biện pháp có liên quan và thúc đẩy cuộc thảo luận về vấn đề này.”

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power cho biết trong một tuyên bố:

“Những nỗ lực này gửi một thông điệp rõ ràng, không chỉ tới những nhà lãnh đạo cấp cao mà còn những người quản lý trại tù và những lính gác, những người kiểm duyệt, những cảnh sát chìm, những người thẩm vấn, và những người đàn áp người đào tị, rằng thế giới đang ghi lại những vụ vi phạm của các người, và chúng sẽ không bị quên lãng.”

Vào năm 2014, một Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc công bố một bản báo cáo ghi lại những vi phạm nhân quyền tràn lan và có hệ thống của Bắc Triều Tiên, trong đó có những vụ giết người ngoài vòng pháp luật, cưỡng bức mất tích, bắt giữ tùy tiện, đánh đập, bỏ đói, tấn công tình dục, cưỡng bức lao động và tra tấn. Báo cáo lưu ý rằng nhiều trong số những vi phạm này được thực hiện trong những trại tù chính trị của đất nước, nơi giam giữ khoảng 80.000 đến 120.000 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

Tiền lệ về nhân quyền

Những biện pháp này của Mỹ công bố hôm thứ Tư đánh dấu lần đầu tiên Bắc Triều Tiên bị trừng phạt chỉ vì những vi phạm nhân quyền.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng những chế tài mới phản ánh sự chú trọng và mối lo ngại ngày càng tăng của quốc tế về những hành vi tàn bạo xảy ra ở Bắc Triều Tiên.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc bộ phận Châu Á của tổ chức này, nói:

“Điều chúng ta đang thấy bây giờ là mối lo ngại về những vi phạm nhân quyền của chính phủ Bắc Triều Tiên và những nhân vật thứ cấp trong chính phủ đó đã thực sự trở thành một phần của quan điểm chính thống trong sự giao tiếp của cộng đồng quốc tế đối với Bắc Triều Tiên.”

Từ năm 2006, Liên Hiệp Quốc đã áp đặt những chế tài ngày càng mạnh hơn nhắm vào Bắc Triều Tiên vì nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và chương trình phi đạn đạn đạo bị cấm.

Năm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt những biện pháp cứng rắn mới bao gồm đình chỉ những vụ chuyển giao tiền tệ và hạn chế hoạt động buôn bán khoáng sản sinh lời lớn của Bắc Triều Tiên, sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư và một vụ phóng phi đạn tầm xa sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo.

Bắc Triều Tiên thách thức

Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ phản ứng bằng sự thách thức đối với những chế tài mới của Mỹ. Sau khi có những chế tài mới nhất của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên đã tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân của mình và bắn thử nghiệm nhiều phi đạn tầm ngắn và tầm trung.

Tác động kinh tế tức thời của những biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ khá hạn chế, vì Mỹ hầu như không có mối quan hệ kinh doanh trực tiếp với Bắc Triều Tiên.

Và một số nhà phân tích nói rằng những biện pháp trừng phạt này sẽ chỉ càng củng cố thế đối đầu giữa hai đối thủ Bình Nhưỡng và Washington, và làm cho việc theo đuổi những cuộc thương thuyết ngoại giao trong tương lai trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù tác động của những biện pháp trừng phạt mới có thể mang tính tượng trưng, những quan chức Mỹ nói rằng điều quan trọng là tập trung sự chú ý vào chính phủ của Kim Jong Un vì những vi phạm tái diễn và liên tục của nước này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói:

“Nếu chỉ ngồi lặng thinh không nói gì, không làm gì và không trừng phạt gì thì việc này sẽ gửi đi một thông điệp hoàn toàn sai lạc tới ông ta và có thể khiến ông ta mạnh dạn tiếp tục những hành động vô đạo này đối với người dân của chính ông ta.”

Tài sản hoặc lợi ích tài chính của những người bị liệt vào danh sách được gọi là Những Công dân bị Định danh Đặc biệt và Những Người bị Ngăn chặn, nằm trong thẩm quyền tài phán của Mỹ, sẽ bị phong tỏa. Ngoài ra, những giao dịch của những công dân Mỹ liên quan tới những người bị định danh nhìn chung bị cấm chỉ.

Những quan chức Bắc Triều Tiên bị nêu tên trong danh sách đen bao gồm Choe Pu Il, Bộ trưởng Bộ An ninh Nhân dân; Ri Song Chol, một cố vấn trong Bộ An ninh Nhân dân; cũng như Kang Song Nam, một giám đốc văn phòng thuộc Bộ An ninh Quốc gia.

Giới chức Mỹ cho biết những hành động hôm thứ Tư sẽ tăng cường và mở rộng chế tài đối với Bắc Triều Tiên. Những hành động này nhất quán với Đạo luật Chế tài và Cải thiện Chính sách Bắc Triều Tiên năm 2016, đã được Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Barack Obama ký thành luật vào tháng 2.

Ngoài Kim Jong Un, Mỹ cũng đưa vào danh sách đen những nhân vật bao gồm Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

http://www.voatiengviet.com/a/my-nham-muc-tieu-che-tai-cac-nha-lanh-dao-bac-trieu-tien/3408422.html

 

TT Afghanistan hoan nghênh Mỹ duy trì lực lượng tại Afghanistan

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hoan nghênh quyết định của Mỹ, giảm tốc tiến độ rút quân tại Afghanistan và để lại 8.400 binh sỹ ở nước này khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.

Một tuyên bố của chính phủ Afghanistan cho hay: “Tổng thống Ghani nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mỹ như một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố. Chúng tôi đánh giá cao hợp tác kỹ thuật và an ninh của quân đội Mỹ với lực lượng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Afghanistan”.

Theo kế hoạch ban đầu, quân số của lực lượng Mỹ sẽ giảm xuống còn 5.500 người từ mức hiện tại là 9.800 vào cuối năm nay, nhưng Tổng thống Obama hôm 6/7 cho rằng tình hình an ninh của Afghanistan vẫn còn bấp bênh. Ông cho biết quyết định của ông “cũng sẽ gửi một thông điệp tới Taliban và tất cả những kẻ chống lại sự tiến bộ của Afghanistan”.

Ngỏ lời trực tiếp với các thành viên của Taliban, Tổng thống Obama nói:

“Các ông đã tiến hành chiến tranh chống lại nhân dân Afghanistan trong nhiều năm. Các ông đã thất bại. Các lực lượng an ninh Afghanistan tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Và cam kết của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, đối với đất nước và nhân dân Afghanistan sẽ tồn tại lâu dài”.

Từ năm 2014, Taliban đã giành nhiều thắng lợi chưa từng thấy trên chiến trường khi liên minh quân sự nước ngoài do Mỹ dẫn đầu thu hẹp sứ mệnh tác chiến ở Afghanistan sau hơn một thập kỷ, và chuyển giao các trách nhiệm về an ninh quốc gia cho các lực lượng Afghanistan.

Liên Hiệp Quốc ước tính Taliban hiện đang kiểm soát nhiều lãnh thổ Afghanistan nhất kể từ cuộc tiến quân do Mỹ lãnh đạo sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/tt-afghanistan-hoan-nghenh-my-duy-tri-luc-luong-tai-afghanistan/3408177.html

 

Gia đình Hun Sen có tài sản lên đến 200 triệu đôla

Một cuộc điều tra do tổ chức Global Witness có trụ sở tại London phát hiện một mạng lưới công ty phức tạp của Campuchia có giá trị khoảng 200 triệu đôla, liên hệ đến gia đình của Thủ tướng chuyên quyền Hun Sen. Từ Pnom Penh, Thông tín viên Luke Hunt của VOA gửi về bài tường thuật.

Phúc trình có tên là Hostile Takeover cho biết “Đây chỉ là phần nổi của một tảng băng”.

Phúc trình không bao gồm những bất động sản khổng lồ của gia đình Hun Sen nhưng trích lời các chuyên gia cho rằng giá trị tài sản của gia đình Hun Sen có thể lên tới từ 500 triệu đôla đến 1 tỉ đôla.

Đây là một tài sản khổng lồ so với số tiền 13.800 đôla một năm ông Hun Sen nói ông nhận được trong cương vị thủ tướng và lãnh tụ của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP).

Khoảng cách giàu nghèo

Khoảng 40% dân chúng Campuchia sống gần hay dưới mức nghèo khổ, 40% trẻ em bị suy dinh dưỡng và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo là một vấn đề xã hội nghiêm trọng.

Phúc trình mới công bố cho biết hai người con trai lớn Manet và Many cùng với bà Bun Rany, vợ ông Hun Sen, hiện đứng đầu Hội Chữ thập Đỏ Campuchia, ít che giấu những quan hệ chính trị và thường được đề cập đến như là “cánh nhân đạo” của CPP.

Tuy nhiên chính bà Mana, con gái lớn nhất của gia đình Hun Sen, nổi lên như là người thành công nhất trong gia đình. Bà là một trong hai người mà công ty của họ kiểm soát cả 3 ngành truyền thông chính là truyền hình, truyền thanh và báo chí. Người kia là Thượng nghị sĩ Ly Yong Phat thuộc đảng CPP, một đồng minh thân cận của ông Hun Sen.

Tổ chức Global Winess nói “Hostile Takeover vạch trần một mạng lưới khổng lồ về những giao dịch bí mật và tham nhũng làm cơ sở cho 30 năm cai trị độc tài bằng thủ tiêu, tra tấn và bỏ tù những đối thủ chính trị của ông.”

Gia đình Hun Sen có liên hệ với hàng chục công ty

Phúc trình cho thấy gia đình Hun Sen có liên hệ đến 114 công ty trong hầu hết các lãnh vực của nền kinh tế Campuchia bao gồm hầm mỏ, nông nghiệp, điện lực cho đến truyền thông, may mặc, lâm nghiệp và chuyên chở.

Trong số này có 103 công ty do người thân trong gia đình Hun Sen làm chủ tịch, trong khi 44 công ty khác những thân nhân của ông Hun Sen là chủ nhân có thế lực với tối thiểu 5% cổ phần, và 33 công ty trong đó một người thân trong gia đình là chủ nhân duy nhất.

Phúc trình cho biết là nhiều công ty có liên hệ đến những công ty quốc tế như Apple, Visa, Procter & Gamble, Tommy Hilfiger và Polo Ralph Lauren và nhiều dữ liệu khác thu thập được trên Internet cho thấy có nhiều công ty liên hệ đến những công ty quốc doanh. Tuy nhiên việc tiếp cận những dữ liệu này bị hạn chế.

Ông Patrick Alley, đồng sáng lập Global Withess, nói: “Con số 200 triệu đôla phản ánh trị giá được liệt kê của những công ty và chúng tôi tin là con số thực sự còn cao hơn nữa vì một vài lý do”.

Ông Patrick Alley nói tiếp: “Một trong những lý do là giá trị tài sản được liệt kê, là giá trị khi công ty được thành lập, và hiện nay giá trị này cao hơn nhiều và chúng tôi chỉ đề cập đến những công ty mà chúng tôi thấy có những mối liên hệ. Và chúng tôi tin là gia đình Hun Sen sở hữu nhiều công ty được che giấu sau những giám đốc được bổ nhiệm, những công ty do những người vô danh làm chủ mà chúng tôi chỉ có thể tìm cách phát hiện mà thôi. Trong nhiều năm, chúng tôi nghe đến con số từ 500 triệu đôla đến 1 tỷ đôla nhưng chúng tôi không thể kiểm chứng được việc này”.

Đàn áp đối lập

Phúc trình đề cập đến một điểm quan trọng tại Campuchia, nơi những người ủng hộ Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập bị bắt bớ tùy tiện và bị giam cầm. Năm ngoái, hai thành viên quốc hội của đảng Cứu quốc Campuchia bị hành hung bên ngoài quốc hội Campuchia.

Việc đàn áp của Đảng CPP diễn ra khi cả hai đảng bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch bầu cử thôn xã vào thời điểm này trong năm và cuộc tổng tuyển cử một năm sau đó.

Ông Hun Sen và đảng CPP của ông bị choáng váng vì kết quả ngược lại với dự tính của đảng trong cuộc bầu cử vào năm 2013, khi đảng cầm quyền chỉ chiếm một đa số ít ỏi vào lúc Đảng Cứu quốc Campuchia cho rằng chính phủ gian lận bầu cử bằng cách đe dọa cử tri bầu theo ý của đảng.

Cảnh báo đối với các doanh nhân nước ngoài

Ông Stephen Peel, một cựu thành viên của công ty tư TPG Capital và là một thành viên Hội đồng Quản trị của Global Witness, nói quá nhiều giới chức công ty xem tham nhũng như là một thách thức pháp lý và là một vấn đề cần phải luồn lách so với việc giao dịch đứng trên quan điểm đạo đức và luân lý.

Ông Peel nói: “Các công ty phải suy nghĩ kỹ càng trước khi bắt đầu có những mối giao dịch về mặt kinh doanh, dù đó là đầu tư hay liên doanh hay những thỏa thuận cấp quyền kinh doanh, thỏa thuận phân phối, với những chế độ như thế này”.

Phúc trình nêu lên những cáo buộc là gia đình ông Hun Sen có liên hệ đến tội phạm.

Hostile Takeover cũng đề cập đến ông Hun To, cháu trai của ông Hun Sen. Ông này phủ nhận những cáo buộc là ông có liên hệ đến buôn lậu ma túy và rửa tiền nhắm vào Australia.

Phúc trình cho biết “Trong gia đình ông Hun Sen, có nhiều người từng bị tố cáo là có dính líu trong các hoạt động buôn lậu ma túy trị giá 1 tỉ đôla, các vụ nổ súng, lái xe gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy, chiếm đất đai khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, khiến dân chúng vùng quê Campuchia lâm vào cảnh cơ hàn”.

Không thể tiếp xúc với phát ngôn viên chính phủ để yêu cầu bình luận về việc này, Global Witness cho biết đã gởi thư cho 25 thân nhân trong gia đình của thủ tướng để yêu cầu trả lời. Global Witness nhận được một câu trả lời, nhưng câu trả lời này không đáp ứng bất kỳ cáo buộc nào.

Global Witness nói phúc trình này là một cảnh báo đối với các nhà đầu tư, hối thúc họ nên hết sức cẩn trọng tại Campuchia và hãy báo cáo bất cứ chứng cớ nào về các hành vi tham nhũng với giới hữu trách quốc tế. Phúc trình của Global Witness còn kêu gọi gia đình Hun Sen hãy công bố công khai và đầy đủ những tài sản của họ.

http://www.voatiengviet.com/a/gia-dinh-hun-sen-co-tai-san-len-den-300-trieu-dola/3408129.html

 

Giám đốc FBI biện hộ cho quyết định không khởi tố bà Clinton

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ đã biện hộ cho quyết định của mình không theo đuổi cáo buộc hình sự nhắm vào bà Hillary Clinton về việc bà ta xử lý những thông tin an ninh quốc gia được bảo mật trong khi còn là ngoại trưởng, mặc dù ông nói rằng những nhà điều tra nhận thấy bà ta “hết sức bất cẩn” trong việc sử dụng máy chủ email riêng tư không được bảo mật.

Giám đốc FBI James Comey hôm thứ Năm cho một ủy ban của Hạ viện biết rằng sau cuộc điều tra kéo dài một năm, những nhà điều tra kết luận không có bằng chứng cho thấy bà Clinton, giờ là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, hay những phụ tá của bà có ý định phạm luật chống lại việc tiết lộ những tài liệu mật của Mỹ. Những nhà điều tra tìm thấy 113 tài liệu mật trong hơn 30.000 email của bà Clinton mà họ xem lại trong khoảng thời gian từ năm 2009 tới năm 2013 khi bà Clinton là nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước.

Ông Comey cũng nói rằng việc truy tố bà Clinton là không thỏa đáng theo một luật của Mỹ năm 1917 xác định “sự cẩu thả nghiêm trọng” là một tội hình sự. Ông cho biết luật này chỉ mới được sử dụng một lần để đưa ra cáo buộc trong một vụ gián điệp, và rằng những công tố viên của Bộ Tư pháp “có những lo ngại nghiêm trọng về việc liệu truy tố một người nào đó về sự cẩu thả nghiêm trọng có phải là điều thỏa đáng hay không.”

Lời khai chứng của ông Comey được đưa ra hai ngày sau khi ông tuyên bố những nhà điều tra kết luận rằng không nên đưa ra cáo buộc hình sự nhắm vào bà Clinton, một đề nghị mà Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đã chấp nhận hôm thứ Tư, kết thúc vụ việc mà không có bất kỳ cáo buộc nào đối với bà Clinton.

Bà Clinton vẫn chưa bình luận về những phát hiện của FBI nói rằng bà và những đồng nghiệp của bà “cực kỳ bất cẩn” trong việc xử lý những tài liệu mật. Thứ Bảy tuần trước bà đã trả lời phỏng vấn của những nhà điều tra FBI suốt ba tiếng rưỡi đồng hồ. Ông Comey nói “không có cơ sở để kết luận rằng bà ấy đã nói dối FBI.”

Dân biểu Đảng Cộng hòa Jason Chaffetz, chủ tịch của ủy ban, cho biết ông cảm thấy “bối rối và khó hiểu” về việc làm thế nào mà FBI có thể kết luận rằng bà Clinton xử lý sai hàng chục tài liệu mật mà lại không bị cáo buộc về mặt hình sự. Ông Chaffetz nói: “Nếu tên của quý vị không phải là Clinton hoặc quý vị không thuộc tầng lớp thượng lưu có quyền thế, thì Nữ thần Công lý sẽ hành động theo cách khác. Hillary Clinton gây nên tình trạng lộn xộn này.”

Giám đốc FBI Comey khai chứng giữa một chiến dịch tranh cử tổng thống toàn quốc đang diễn ra quyết liệt. Bà Clinton sẽ đối mặt với ứng cử viên sắp được Đảng Cộng hòa đề cử, tỉ phú bất động sản Donald Trump, trong cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra vào tháng 11 để chọn người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama, người sẽ li nhiệm vào tháng 1 năm sau.

http://www.voatiengviet.com/a/giam-doc-fbi-bien-ho-cho-quyet-dinh-khong-khoi-to-ba-clinton/3408395.html

 

Mỹ tạm thời chấp thuận thêm những chuyến bay tới Cuba

Chính quyền Obama hôm thứ Năm tạm thời chấp thuận cho tám hãng hàng không bắt đầu những chuyến bay thẳng từ Mỹ tới thủ đô Havana của Cuba, thăng tiến nỗ lực của Tổng thống Barack Obama nhằm tái lập quan hệ ngoại giao với quốc gia cộng sản này.

“Ngày hôm nay chúng ta tiến thêm một bước quan trọng nữa hướng tới việc thực hiện lời hứa của Tổng thống Obama tái giao tiếp với Cuba,” Bộ trưởng Giao thông Mỹ Anthony Foxx cho biết trong một thông cáo đăng trên website của Bộ. Mỹ đã chấp thuận những chuyến bay tới chín thành phố khác của Cuba, bao gồm Santa Clara và Santiago de Cuba, vào tháng 6.

Ông Foxx nói việc cung cấp dịch vụ hàng không thường xuyên lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua “có tiềm năng hết sức to lớn là giúp đoàn tụ những gia đình người Mỹ gốc Cuba, vun đắp giáo dục và những cơ hội cho những doanh nghiệp Mỹ thuộc mọi quy mô.”

Ông Foxx nói quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau 30 ngày lấy ý kiến của công chúng.

Tám hãng hàng không của Mỹ – Alaska, American, Delta, Frontier, JetBlue, Southwest, Spirit, và United – sẽ bắt đầu tổng cộng 20 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày đến Havana vào một lúc nào đó cuối năm nay.

Những thành phố nơi những chuyến bay này cất cánh đi Havana bao gồm Atlanta; Charlotte của bang North Carolina; Houston; Los Angeles; Newark, New Jersey; New York; và bốn thành phố ở bang Florida là Miami, Fort Lauderdale, Orlando và Tampa. Những chuyến bay từ các thành phố Chicago, Philadelphia và Minneapolis đến những thành phố khác của Cuba ngoài Havana đã được chấp thuận từ trước.

http://www.voatiengviet.com/a/my-tam-thoi-chap-thuan-them-nhung-chuyen-bay-toi-cuba/3408299.html

 

Cảnh sát Minnesota bắn chết một người đàn ông ngay trong xe

Một người đàn ông đã bị một cảnh sát viên bắn chết trong xe của ông tối 6/7 ở bang Minnesota, miền trung tây nước Mỹ.

Bạn bè và gia đình nói với truyền thông địa phương rằng nạn nhân là môt người da đen 32 tuổi tên Philando Castile. Anh là một nhân viên trường công lập. Anh được xác nhận đã tử vong khi đến bệnh viện. Nhà chức trách chưa chính thức xác nhận danh tính của nạn nhân.

Một phụ nữ và một đứa trẻ 7 tuổi, cũng ở trong xe, đang bị cảnh sát tạm giữ.

Một đoạn video được bạn gái của nạn nhân đăng tải trên mạng, nhưng cảnh sát chưa xác nhận đó là cùng một vụ việc. Người đàn ông trong đoạn video bị bắn, chảy máu, đổ sụp người trên ghế của tài xế khi đoạn ghi hình bắt đầu. Có tiếng nói của người bạn gái cho biết nạn nhân nói với cảnh sát rằng anh có một khẩu súng lục và có mang theo giấy phép sử dụng, cảnh sát bảo anh không được với tay lấy ví. Theo lời người phụ nữ, khi anh này giơ tay lên, anh bị bắn “bốn hoặc năm phát”.

Sở cảnh sát St. Anthony, Minnesota, chịu trách nhiệm về cộng đồng ở Falcon Heights, nơi vụ bắn súng xảy ra, đã ra tuyên bố viên cảnh sát trong cuộc đã được cho nghỉ phép có hưởng lương theo quy định “tiêu chuẩn”, nhưng không nói thêm chi tiết.

Chỉ một ngày trước, Alton Sterling, một người đàn ông da đen, đã bị cảnh sát ở bang miền nam Louisiana bắn chết. Đoạn video về vụ việc đã lưu hành trên mạng và làm dấy lên sự phẫn nộ trên toàn quốc cũng như các cuộc biểu tình và các buổi cầu nguyện tại thành phố Baton Rouge, thủ phủ bang Louisiana.

http://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-minnesota-ban-chet-mot-nguoi-dan-ong-ngay-trong-xe/3408145.html

 

Mỹ-Hàn triển khai hệ thống THAAD

Hoa Kỳ và Nam Hàn vừa thống nhất triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi giữa lúc đang có những mối đe dọa to lớn từ Bắc Hàn.

Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (Terminal High Altitude Area Defense – THAAD) sẽ được triển khai hoàn toàn chỉ nhằm đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, theo nội dung tuyên bố được đưa ra.

Hiện chưa rõ hệ thống này sẽ được đặt tại đâu và ai sẽ có quyền kiểm soát cuối cùng.

Việc bàn thảo đã được bắt đầu từ tháng Hai, sau khi Bắc Hàn phóng một tên lửa tầm xa, nhưng Trung Quốc liên tục phản đối.

Hệ thống THAAD có khả năng phát hiện và bắn hạ các tên lửa của Bắc Hàn, nhưng Trung Quốc nói điều đó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích an ninh của các nước trong khu vực.

“Trung Quốc vô cùng bất bình và dứt khoát phản đối việc này,” Trung Quốc nói trong một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao nước này.

Phóng viên BBC chuyên theo dõi tình hình bán đảo Triều Tiên, Stephen Evans, nói Bắc Kinh lo sợ các hệ thống radar của THAAD có thể nhìn sâu được vào lãnh thổ Trung Quốc.

Bắc Kinh, đồng minh thân thiết nhất của Bắc Hàn, đã ủng hộ các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc đối với các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn.

“Nam Hàn và Hoa Kỳ đã ra quyết định chung, triển khai hệ thống THAAD như một phần trong các hoạt động tự vệ, bảo đảm an ninh cho Nam Hàn,” Bộ Quốc phòng nước này nói hôm thứ Sáu.

Hệ thống phòng thủ sẽ được triển khai “càng sớm càng tốt”.

THAAD có vai trò “cấp bách” đối với chiến lược phòng thù của Hoa Kỳ, Trung tướng Thomas S. Vandal từ Quân Đoàn Số Tám của Mỹ đóng tại Nam Hàn nói với hãng tin AP.

Ông nói thêm rằng việc Bắc Hàn theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt khiến cho Nam Hàn và các đồng minh phải đảm bảo có biện pháp tự vệ.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Bắc Hàn lên án các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ áp dụng đối với ông Kim Jong-un và gọi đó là “lời tuyên chiến” sau khi nhà lãnh đạo của Bình Nhưỡng bị cáo buộc chà đạp nhân quyền.

Hoa Kỳ đã lần đầu tiên áp lệnh trừng phạt lên ông Kim và nói ông phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Bắc Hàn.

Bình Nhưỡng cảnh báo rằng họ sẽ đóng toàn bộ các kênh ngoại giao với Hoa Kỳ trừ phi danh sách đen những người bị trừng phạt phải bị hủy bỏ, hãng tin Yonhap của Nam Hàn tường thuật.

Trong số các biện pháp trừng phạt có việc phong tỏa tài khoản của các cá nhân đó tại Hoa Kỳ và cấm các công dân Hoa Kỳ làm ăn với những người này.

Ước tính có khoảng từ 80 ngàn đến 120 ngàn người bị giam giữ trong các trại tù của Bắc Hàn, nơi thường xuyên diễn ra cảnh tra tấn, xâm hại và hành quyết.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD là gì?

Nhằm bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung khi các tên lửa này ở trong giai đoạn cuối cùng sau khi được phóng đi

Sử dụng công nghệ hit-to-kill, dùng năng lượng động học để phá hủy đầu đạn đang trên đường bay tới

Có tầm hoạt động 200km và có thể lên tới độ cao 150km

Hoa Kỳ trước đây từng triển khai hệ thống phòng thủ này tại Guam và Hawaii để phòng chống các vụ tấn công có thể có từ Bắc Hàn

THAAD hoạt động thế nào?

Hệ thống radar của THAAD phát hiện được tín hiệu và sẽ gửi thông tin về trung tâm chỉ huy điều khiển

THAAD ra lệnh và điều khiển việc phóng tên lửa đánh chặn

Tên lửa đánh chặn sẽ trúng vào tên lửa của đối phương

Tên lửa đối phương bị phá hủy khi bay gần tới đích (giai đoạn cuối trước khi trúng mục tiêu)

Mỗi xe tải chở bệ phóng có thể mang theo tối đa tám tên lửa đánh chặn.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160708_us_skorea_thaad_defence_deployment

 

Nổ trên tàu điện ở Đài Loan

Một vụ nổ trên tàu lúc đông người đi tại Đài Bắc vào hôm thứ Năm làm ít nhất 24 người bị thương.

Cảnh sát nói vụ nổ tại ga Songshan xảy ra trước nửa đêm và làm một số người bị bỏng nặng.

Truyền thông Đài Loan đưa tin cảnh sát nói họ phát hiện một ống sắt dài 15cm có chất nổ bên trong.

Ống sắt này được cất trong một ba lô màu đen.

“Có tiếng nổ lớn và cả toa tàu đen ngòm. Mọi người hoảng loạn và la hét,” một hành khách nói với truyền thông địa phương.

Các nhân chứng khác được truyền thông dẫn lời nói họ thấy một người đàn ông mang một hộp hình chữ nhật vào toa ngay trước khi xảy ra vụ nổ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/07/160708_taiwan_blast

 

Thượng đỉnh NATO tại Vacxava : Nga là mối bận tâm

Khánh Bình

Hôm nay, 08/07/2016, các nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương -NATO – họp thượng đỉnh tại Vacxava. NATO sẽ tăng cường ở phía đông nhằm đối trọng với Nga sau vụ sáp nhập Crimée. Thượng đỉnh NATO được tổ chức ở Vacxava, nơi ký kết liên minh quân sự của khối Xô Viết năm 1955, mang ý nghĩa biểu tượng.

Tường trình của thông tín viên Damien Simonart :

« Thượng đỉnh NATO tại Vacxava không là ngẫu nhiên. Sau khi Nga sáp nhập Crimée, Ba Lan và các nước Baltic bị đe dọa. Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, sẽ chính thức thông báo kế hoạch tăng cường cho sườn phía đông của Liên minh. Ông thông báo: quyết định tăng cường cho các lực lượng hiện có của NATO với bốn tiểu đoàn tác chiến đa quốc gia, một ở Ba Lan, và mỗi nước Baltic một tiểu đoàn, là một thông điệp rõ ràng về việc NATO sẵn sàng phòng thủ bảo vệ từng ngóc ngách lãnh thổ của Liên minh.

NATO chưa quyết định các tiểu đoàn tác chiến đóng quân ở đâu, nhưng tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda vui mừng với thông báo này. Mặc dù có những căng thẳng với Matxcơva, tổng thống Ba Lan vẫn sẵn lòng đối thoại với Kremlin với những điều kiện nhất định. Ông giải thích: nếu Nga tôn trọng luật pháp quốc tế, chúng tôi coi Nga như một đối tác để có những đối thoại nghiêm túc.

Tuy nhiên, thông báo triển khai quân ở Đông Âu che giấu một thực tế khác. Theo tướng Hoa Kỳ Ben Hodges, mặc dù có các tiểu đoàn tác chiến NATO, các quân đoàn Nga, trong trường hợp tấn công, sẽ không cần tới ba ngày để đến được Tallinn hay Riga ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160708-thuo%CC%A3ng-di%CC%89nh-nato-ta%CC%A3i-vacxava-nga-la%CC%80-mo%CC%81i-ba%CC%A3n-tam

 

Báo Trung Quốc kêu gọi « không từ bỏ chủ quyền » tại Biển Đông

Tú Anh

Bắc Kinh sẽ « không lui một bước » tại Biển Đông. Trên đây là bình luận của Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan tuyên truyền của phe diều hâu trong bối cảnh hải quân Mỹ tuần tra gần những đảo nhân tạo của Trung Quốc và trước ngày Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về đơn kiện của Philippines.

Trong bài xã luận trên số báo ra ngày 07/07/2016, Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định nếu « Mỹ và Philippines có hành động gây sự, khiêu khích thì Trung Quốc không lui một bước » và « sẽ chiến đấu chống trả ». Phản ứng đáp trả Philippines mà Hoàn Cầu Thời Báo gọi là « giải quyết một lần cho xong » là biến bãi đá san hô Scarborough mà Trung Quốc cưỡng đoạt vào năm 2012 thành một « căn cứ tiền phương »  « dứt điểm» chốt chận của Manila trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa ( một tiểu đội trú phòng trong tầu chiến cũ mắc cạn).

Song song với luận điểm chủ chiến này, quân đội Trung Quốc tổ chức một tuần lễ tập trận ở quần đảo Hoàng Sa và ra lệnh cấm tàu thuyền qua lại cho đến ngày 11/07. Trong khi đó, theo bản tin của tạp chí hải quân Mỹ Navy Times, ba tàu chiến Mỹ gồm các khu trục hạm Spruance, Stethem và Momsen đang tuần tra gần Scarborough và quần đảo Trường Sa có lẽ để đề phòng mọi tình huống.

Tình hình Biển Đông căng lên trong bối cảnh Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, vào ngày 12/07, sẽ công bố phán quyết về Biển Đông. Trong chiều hướng này, Washington kêu gọi Bắc Kinh và Manila « tôn trọng quyết định của Tòa Trọng tài » và tránh « mọi hành động khiêu khích ».

Trong buổi điều trần tại Hạ viện Mỹ ngày 07/07, ông Abraham Denmark, một viên chức cao cấp của bộ Quốc Phòng đặc trách Đông Á sự vụ tuyên bố như trên và cho biết thêm chính phủ Mỹ « hộ trợ giải pháp ngoại giao » và sẽ cung cấp phương tiện « răn đe hành động vũ lực ».

Theo AFP, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và nhiều khu trục hạm đang có mặt trong vùng.

Manila sẵn sàng « hợp tác » với Bắc Kinh khai thác tài nguyên

Trong một diễn biến mới nhất, trả lời phỏng vấn AFP, nNgoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tuyên bố là Manila hy vọng sớm mở đối thoại với Bắc Kinh và thẩm định xem có thể « hợp tác » thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng biển tranh chấp.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160708-bao-dang-trung-quoc-khang-dinh-%C2%AB-khong-tu-bo-chu-quyen-%C2%BB-tai-bien-dong

 

NATO-Nga : «Hành lang Suwalki», tử huyệt vùng Baltic

Trọng Thành

Một trong những mục tiêu chính của thượng đỉnh khối NATO diễn ra trong hai ngày, 08 và 09/07/2016, tại Vacxava, thủ đô Ba Lan, là tăng cường khả năng phòng thủ của Liên minh Bắc Đại Tây Dương trước đe dọa từ Nga. Trên thực địa, điều khiến lãnh đạo quân sự các nước phương Tây đặc biệt lo ngại là Nga có thể sử dụng « hành lang Suwalki », một địa bàn hiểm yếu nằm giữa Ba Lan và các tiểu quốc vùng Baltic để tách lìa khối nước này với phần còn lại của NATO.

« Hành lang Suwalki » (“przesmyk Suwalski” trong tiếng Ba Lan), thuộc Ba Lan, kéo dài khoảng 65 km, sát với Litva, có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, với đồi, hồ, thung lũng, và nhiều ngôi làng có lịch sử lâu đời. Thế nhưng vùng đất du lịch nổi tiếng Suwalki cũng là một tử huyệt của khối NATO.

Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014, các nhà quân sự NATO lo ngại Matxcơva có thể sử dụng « hành lang Suwalki » để chia cắt ba nước Baltic với NATO, và dùng địa bàn này làm bàn đạp tấn công. Trong thế đối đầu với Nga hiện nay, « hành lang Suwalki » được so sánh với « hành lang Fulda » nằm ở miền trung nước Đức trước năm 1989, nơi hàng ngàn binh sĩ Mỹ luôn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, trước nguy cơ quân đội Liên Xô từ Đông Đức tràn sang.

Trả lời phỏng vấn báo Đức Die Zeit, tướng Ben Hodges, tư lệnh lục quân NATO tại châu Âu, nhận xét : « Nga có thể xâm chiếm các nước Baltic nhanh hơn khả năng phòng vệ của chúng ta ». Một báo cáo mới đây của Rand Corporation, một viện tư vấn về chính trị có trụ sở tại Hoa Kỳ, cũng đưa ra cảnh báo : « Quân đội Nga chỉ cần tối đa 60 giờ là có thể đánh được tới Tallinn (thủ đô Estonia) và Riga (thủ đô Latvia) ». Ông John R. Deni, chuyên gia ở Viện nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ, thuộc US Army War College, nhấn mạnh : chắc chắn là Nga sẽ nhắm vào hành lang Suwalki trong bất cứ xung đột nào với NATO, có liên quan đến các nước Baltic.

Một phân tích của NBC News hồi năm ngoái (Bài “Suwalki Gap Keeps Top U.S. General in Europe Up at Night”) dẫn lời tư lệnh lục quân NATO, theo đó, nếu muốn, quân đội Nga có thể nhanh chóng biến các cuộc tập trận thành một chiến dịch lấn chiếm đất đai. Lo ngại của lãnh đạo quân sự NATO xuất phát từ thực tế, ngay trong hiện tại Nga đã bố trí rất nhiều phương tiện quân sự hiện đại tại tỉnh Kaliningrad (Nga), phía bắc hàng lang Suwalki, và phía nam của hành lang này là Belarus, một trong những đồng minh mật thiết nhất của Nga.

Mặc dù, trong hiện tại xác suất của việc Nga tấn công vào « hành lang Suwalki » được đánh giá là hết sức thấp, nhưng theo nhiều chuyên gia, rất có thể Matxcơva sẽ sử dụng những căng thẳng giữa dân địa phương Ba Lan với người thiểu số Litva, tại khu vực này để lấy cơ can thiệp (Bài “NATO’s Vulnerable Link in Europe: Poland’s Suwalki Gap” trên trang mạng của viện tư vấn Atlantic Council).

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Ba Lan Antoni Macierewicz, quân đội Ba Lan sẵn sàng đối phó với các xâm nhập từ Nga, nhưng chắc chắn một mình sẽ không đủ sức. Việc triển khai các đơn vị lưu động, có khả năng triển khai nhanh, tại khu vực này, là sách lược chính của NATO để đối phó với Nga. Lực lượng này bao gồm bốn tiểu đoàn, với quân số từ 600 đến 800 người. Một tiểu đoàn triển khai nhanh sẽ do một quốc gia trụ cột của NATO đóng vai trò nòng cốt. Hoa Kỳ phụ trách tiểu đoàn bảo vệ Ba Lan, Đức phụ trách Litva, Anh Quốc phụ trách Estonia và tiểu đoàn Canada giúp Latvia.

Theo thứ trưởng Quốc Phòng Ba Lan, đơn vị can thiệp nhanh của NATO tại Ba Lan dự kiến sẽ được triển khai tại hành lang Suwalki.

Bên cạnh phương án bốn tiểu đoàn nói trên, hồi tháng 3/2016, bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra sáng kiến triển khai tại miền đông của châu Âu một lữ đoàn thiết giáp vận, với hơn 4.000 quân, kể từ đầu năm 2017. Hành lang Suwalki ắt hẳn cũng nằm dưới sự bảo vệ của lực lượng này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160708-nato-nga-%C2%AB-hanh-lang-suwalki-%C2%BB-tu-huyet-vung-baltic

 

Nghị Viện Châu Âu lên án Miến Điện đàn áp người Rohingya

Khánh Bình

Hôm qua 07/07/2016, Nghị Viện châu Âu đưa ra nghị quyết thúc giục Miến Điện chấm dứt đàn áp tàn bạo và có hệ thống người thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Trong bản nghị quyết, các dân biểu châu Âu bày tỏ «quan ngại sâu sắc » về tình trạng không quốc tịch của nhóm người Rohingya, được coi là một trong những nhóm thiểu số bị bức hại nhất thế giới. Nghị Viện Châu Âu cho biết, Miến Điện cần khẩn cấp đảm bảo tự do và không cản trở đi lại đối với nhóm người này, như yêu cầu của Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền ở bang Rakhine, nơi có khoảng 120,000 người Rohingya đang tạm trú trong hơn 80 trại tị nạn.

Cũng theo Nghị Viện Châu Âu, Miến Điện cần « dứt khoát lên án bất kỳ xúi giục nào gây ra thù hận về sắc tộc, tôn giáo ; triển khai những giải pháp cụ thể và các chính sách nhằm ngăn chặn hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp phân biệt chủng tộc nhắm vào người Rohingya trong tương lai »

Trong những tuần gần đây, bạo lực gia tăng ở khu vực bang Rakhine với những vụ tấn công vào đền thờ Hồi giáo và người Rohingya. Người Rohingya rơi vào tình trạng không quốc tịch theo luật Công dân Miến Điện 1982. Các nước lân cận lại không muốn chấp nhận họ.

Vấn đề người Rohingya nghiêm trọng đến mức Liên Hiệp Quốc gần đây đã có một báo cáo, quan ngại về việc người Rohingya không có quốc tịch, lao động cưỡng bức và bị xâm hại tình dục. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền cũng cảnh báo rằng người Rohingya có thể là nạn nhân của tội ác chống lại loài người. Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi và chính phủ ủng hộ dân chủ của Miến Điện bị chỉ trích nhiều vì không lên tiếng đủ mạnh để bảo vệ người Rohingya.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160708-nghi%CC%A3-vie%CC%A3n-chau-au-len-a%CC%81n-mie%CC%81n-die%CC%A3n-da%CC%80n-a%CC%81p-nguo%CC%80i-rohingya