Tin khắp nơi – 08/05/2019
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thăm Iraq
trong bối cảnh căng thẳng với Iran
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm Iraq đột xuất trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng với Iran.
Ông Pompeo hủy chuyến đi tới Berlin để gặp các nhà lãnh đạo Iraq trong chặng dừng chân bốn giờ ở thủ đô Baghdad.
Mỹ gọi Vệ binh Cách mạng của Iran là ‘khủng bố’ và đáp trả
Trump rút khỏi thỏa thuận Iran, Obama nói sai lầm
Mỹ tung chế tài ‘nặng nề nhất’ đối với Iran
Trump: tình báo Mỹ ‘ngây thơ’ và nên ‘đi học lại’
Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau khi một tàu sân bay Mỹ được triển khai tới khu vực mà các quan chức cho biết là để đối phó với các mối đe dọa nhắm vào quân đội Mỹ và các đồng minh từ Iran.
Hôm 7/5, có tin rằng Hoa Kỳ đã gửi máy bay ném bom B-52 đến khu vực này.
Hoa Kỳ đưa ra rất ít thông tin về “mối đe dọa”, điều mà Iran đã bác bỏ là vô căn cứ.
John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, nói rằng Hoa Kỳ hành động “để đáp trả một số dấu hiệu và cảnh báo đáng lo ngại và leo thang” trong thông báo triển khai chiếc USS Abraham Lincoln đến Trung Đông hôm 5/5.
Tại sao Mike Pompeo tới Iraq?
Được biết trong chuyến thăm, ông Pompeo có cuộc gặp Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi.
Nói với các phóng viên sau cuộc họp, ông nói chuyến thăm liên quan tới sự leo thang gần đây với Iran, nước láng giềng của Iraq.
Ông Pompeo nói rằng ông muốn “nói chuyện với lãnh đạo ở đó [ở Iraq], để đảm bảo với họ rằng chúng tôi đã sẵn sàng tiếp tục đảm bảo rằng Iraq là quốc gia độc lập, có chủ quyền”.
Ông cũng nói rằng muốn giúp họ trở nên ít phụ thuộc hơn vào các thỏa thuận năng lượng với Iran.
‘Công dân Mỹ cần cẩn trọng hơn khi đến Trung Quốc’
Tình báo Mỹ: Huawei được an ninh nhà nước TQ tài trợ
Bình Nhưỡng ‘vẫn giữ vũ khí hạt nhân’?
Thông cáo của quyền phát ngôn viên Lầu Năm Góc Charles Summers nói rằng Hoa Kỳ “không muốn gây chiến với chính quyền Iran, nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ binh lính Hoa Kỳ, các đồng minh và lợi ích của chúng tôi tại khu vực”.
Ông nói thêm: “Việc triển khai đội tàu sân bay USS Abraham Lincoln và máy bay ném bom được coi là một bước thận trọng để đáp trả các dấu hiệu sẵn sàng tăng cường của Iran để tiến hành các hoạt động chống lại quân đội Mỹ và lợi ích của chúng tôi.”
Iran phản hồi gì?
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif viết trên Twitter: “Nếu Mỹ và đồng minh không cảm thấy an toàn, thì đó là vì họ bị người dân trong khu vực khinh ghét – việc đổ lỗi cho Iran sẽ không đảo ngược được điều đó.”
Kênh truyền hình nhà nước Press TV của Iran cũng bác việc triển khai tàu sân bay là “theo lịch trình định kỳ” của Hải quân Hoa Kỳ, và rằng ông Bolton “quan trọng hóa vấn đề”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48197365
Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ quan ngại
về Iran với lãnh đạo Iraq
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm không báo trước tới Baghdad hôm 7/5 và đã gặp thủ tướng Iraq và các qua chức cấp cao khác để thảo luận về sự an toàn của người Mỹ ở Iraq cũng như giải thích về các quan ngại an ninh của Mỹ về hoạt động của Iran.
Chuyến thăm diễn ra hai ngày sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton thông báo rằng Mỹ triển khai hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln và máy bay ném bom tới khu vực vì một “mối đe dọa đáng tin cậy của các lực lượng của Iran”.
Washington đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Tehran về chương trình hạt nhân trong những tháng gần đây và liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách khủng bố.
Căng thẳng Mỹ-Iran đe dọa hiệp ước TNP
Tương lai của Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân ( gọi tắt theo tiếng Pháp là TNP ) sẽ ra sao ? Câu hỏi này đang được đặt ra ngày càng khẩn thiết, nhất là với việc Iran đang dọa sẽ rút ra khỏi hiệp ước này để đáp lại việc Hoa Kỳ đơn phương tái lập các trừng phạt đối với Teheran.
Trong một năm nữa sẽ diễn ra hội nghị nhằm xem xét việc thực hiện TNP, mà cộng đồng quốc tế đã đạt được vào năm 1968 và có hiệu lực kể từ năm 1970. Hiệp ước nay đã được hầu như toàn bộ các quốc gia trên thế giới ký kết, cụ thể là 188 trên 192 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đã tham gia TNP.
Mặc dù đã có một số tiến bộ ( từ 70 000 đầu đạt hạt nhân trên thế giới trong thập niên 1980 xuống còn 15 000 hiện nay ), cộng đồng quốc tế vẫn chưa đạt được mục tiêu loại trừ nguy cơ của bom nguyên tử. Vào năm 1968 chỉ có 5 cường quốc nguyên tử, nay con số này nay đã lên đến 9 quốc gia, với Israel, Ấn Độ, Pakistan và mới đây là Bắc Triều Tiên gia nhập câu lạc bộ các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Vào năm 2017, ICAN, liên minh của gần 500 tổ chức phi chính phủ hoạt động về giải trừ vũ khí hạt nhân, đã được trao giải Nobel Hòa bình, cho thấy là thế giới ý thức nhiều hơn về nguy cơ của bom nguyên tử, thế nhưng, thái độ của các cường quốc hạt nhân thì vẫn không có gì thay đổi.
Trong hội nghị xem xét việc thực hiện TNP vào năm 2015, các quốc gia ký kết đã không đồng ý được với nhau về những bước tiếp theo. Trong tuần này, các nước đang họp lại tại New York để chuẩn bị cho hội nghị năm 2020, với hy vọng có thể đạt được những tiến bộ cụ thể. Nhưng nếu hội nghị lần tới vẫn gặp bế tắc, liệu TNP sẽ còn giá trị ?
Theo nhận xét của ông Jean-Marie Collin, phát ngôn viên của tổ chức ICAN France, trả lời RFI Pháp ngữ, bối cảnh hiện nay rất là bất lợi :
« Có rất ít hy vọng. Bởi vì chúng tôi nhận thấy là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đã ký kết hiệp ước và trong những năm gần đây đã chấp nhận những biện pháp mà họ đã biểu quyết thông qua, nhưng họ lại không thực hiện các biện pháp đó.
Nếu vào năm tới, TNP lại gặp trắc trở, chúng ta sẽ gặp nguy cơ phổ biến hạt nhân thật sự, đó sẽ là một bước lùi lớn. Chúng ta sẽ quay trở lại thời kỳ của những thập niên 1950, 1960, với nguy cơ là sẽ có đến 25 quốc gia sở hữu bom nguyên tử. Và đó sẽ là lỗi của những quốc gia hiện đang có vũ khí hạt nhân. »
Bắc Triều Tiên đã rút khỏi TNP vào năm 2003 và từ đó đã dần dần trở thành một quốc gia sở hữu bom nguyên tử. Chính là để tránh nguy cơ tương tự mà các cường quốc đã thuyết phục Iran ký hiệp định hạt nhân 2015. Nhưng nay Teheran vừa thông báo ngưng thực hiện một số cam kết trong hiệp định này.
Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif vào cuối tháng Tư vừa qua đã tuyên bố một trong những phương án mà Iran dự trù để đáp lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đó là rút khỏi hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Teheran đã từng dọa rút khỏi TNP sau khi tổng thống Trump vào tháng 05/2018 quyết định đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190508-cang-thang-my-iran-de-doa-hiep-uoc-tnp
Mỹ tăng áp thuế lên hàng hóa TQ
vì Bắc Kinh không giữ lời?
Mỹ tiết lộ quyết định áp thêm thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc xuất phát từ việc Bắc Kinh rút lại một số cam kết trong quá trình đàm phán thương mại.
Các quan chức Mỹ ngày 6-5 (giờ địa phương) tiết lộ việc Trung Quốc rút lại một số cam kết trong quá trình đàm phán là nguyên nhân của lời đe dọa tăng áp thuế của tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nhóm quan chức này cho rằng Washington sẵn lòng duy trì việc đàm phán nếu Trung Quốc thay đổi thái độ.
Theo đó, Tổng thống Donald Trump ngày 5-5 cảnh báo sẽ tăng thuế quan đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, từ 10% lên 25%, vào cuối tuần này.
Trả lời báo chí, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói: “Trong những tuần qua, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc không giữ đúng cam kết của họ”. Ông Lighthizer cho rằng Bắc Kinh đã rút lại một số cam kết nhất định. Đây được cho là điều có thể gây ra những thay đổi quan trọng đối với nội dung thỏa thuận.
“Đối với chúng tôi, điều đó là không thể chấp nhận”, ông Lighthizer nói thêm.
Theo Reuters, đoàn đại biểu Trung Quốc sẽ có mặt tại Washington trong hai ngày 9 và 10-5. Đại diện Thương mại Mỹ cho biết ông mong Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng sẽ có mặt trong đoàn đàm phán này.
Ông Lighthizer khẳng định tổng thống Trump muốn nhìn thấy một bản thỏa thuận có các thay đổi đáng kể về cấu trúc. Thế nhưng cả hai bên vẫn chưa đạt được điều này ở thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói sẽ rất đáng tiếc nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này không thể đạt được một thỏa thuận chung. Đoàn đàm phán hi vọng sẽ chốt được một thỏa thuận vào cuối tuần.
Ngoài ra, ông Mnuchin khẳng định sẽ sớm thông báo với tổng thống Trump nếu phía Bắc Kinh có bất cứ thay đổi nào.
TQ thay đổi hầu hết
các điều kiện thỏa thuận thương mại với Mỹ
Bức điện ngoại giao gửi từ Bắc Kinh tới Washington vào tối thứ Sáu, với những sửa đổi có hệ thống trong bản thảo hiệp định thương mại dài gần 150 trang, được cho là thổi bay nỗ lực đàm phán trong nhiều tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Reuters dẫn ba nguồn tin từ chính phủ Hoa Kỳ và ba nguồn tin thuộc khu vực tư nhân thông thạo vấn đề cho biết hôm 8/5.
Tài liệu bị phía Trung Quốc thay đổi nhiều chỗ, đi ngược lại những yêu cầu cốt lõi của Hoa Kỳ, các nguồn tin trên nói với Reuters.
Trong tất cả 7 chương của dự thảo thỏa thuận thương mại, Trung Quốc đều xóa đi các cam kết thay đổi quy định để giải quyết các bất đồng vốt lõi, vốn là nguyên nhân khiến Hoa Kỳ phát động cuộc chiến thương mại, bao gồm: đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ; ép buộc chuyển giao công nghệ; cách chính sách cạnh tranh thương mại; mở cửa thị trường tài chính; và thao túng tiền tệ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Chủ nhật đã lên Twitter dọa sẽ áp thuế từ 10% đến 25% lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc ngày vào thứ Sáu tuần này, thời điểm rơi vào giữa chuyến thăm dự kiến của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Washington để tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại.
Việc loại bỏ những từ ngữ pháp lý mang tính ràng buộc trong dự thảo đã tác động trực tiếp vào ưu tiên hàng đầu của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, người xem những thay đổi trong các quy định của Trung Quốc là cần thiết để xác minh việc tuân thủ của Bắc Kinh, sau nhiều năm các quan chức Hoa Kỳ gọi cam kết cải cách của Trung Quốc là chỉ những lời “hứa suông”.
Ông Lighthizer mạnh mẽ thúc đẩy một cơ chế bắt buộc phải thi hành, giống như những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các chế độ như Triều Tiên hay Iran, hơn là một thỏa thuận thương mại thông thường.
Người phát ngôn của Nhà Trắng, Đại diện Thương mại và Bộ Tài chính Hoa Kỳ chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong một cuộc họp báo hôm 8/5 nói rằng giải quyết những bất đồng về thương mại là một “quá trình đàm phán” và Trung Quốc không “tránh né vấn đề”.
Ông Cảnh Sảng cũng không trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể của Reuters về các cuộc đàm phán, mà đẩy sang cho Bộ Thương mại.
Theo hãng thông tấn Anh, ông Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin đã bị “sốc” vì mức độ thay đổi trong dự thảo. Hai quan chức nội các hôm thứ Hai nói với các phóng viên rằng việc Trung Quốc quay lưng lại với các cam hết đã thúc đẩy lệnh áp thuế của ông Trump, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về phạm vi các sửa đổi.
Ông Lưu Hạc tuần trước nói với ông Lighthizer và ông Mnuchin rằng họ cần tin tưởng Trung Quốc trong việc thực hiện các cam kết của mình thông qua những thay đổi về hành chính và quy định, Reuters dẫn hai trong số các nguồn tin cho biết. Cả ông Mnuchin lẫn ông Lighthizer đều cho rằng điều đó không thể chấp nhận được, do Trung Quốc từng có lịch sử không thực hiện các cam kết cải cách.
Một nguồn tin trong khu vực tư nhân am hiểu về các cuộc đàm phán cho biết vòng đàm phán cuối cùng đã diễn ra một cách tồi tệ bởi vì Trung Quốc “quá tham lam”.
Dự kiến, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ đến Washington vào thứ Năm để tiếp tục đàm phán dự kiến kéo dài hai ngày, mà chỉ mới tuần trước được xem là cuộc đàm phán then chốt và có thể là vòng cuối cùng trước khi đạt được một thỏa thuận thương mại lịch sử.
Nhưng hiện giờ, các giới chức Hoa Kỳ có rất ít hy vọng rằng ông Lưu sẽ đưa ra bất kỳ đề nghị nào để mang cuộc đàm phán trở lại đúng hướng, Reuters dẫn hai trong số các nguồn tin cho biết.
Mỹ tăng thuế
với 200 tỷ đôla hàng hóa của Trung Quốc
Từ thứ Sáu, Hoa Kỳ sẽ nâng mức đánh thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc, theo một thông báo đăng trên trang Công báo Liên bang của Mỹ hôm 8/5.
Theo Reuters, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ thiết lập một tiến trình nhằm loại trừ một số sản phẩm nhất định sẽ bị tăng thêm thuế.
Phó Thủ tướng Trung Quốc sắp tới Mỹ đàm phán thương mại
Viết trên Twitter, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông “rất vui với hơn 100 tỷ đôla một năm tiền thuế cho kho bạc của Mỹ”.
Bình luận của ông Trump được đưa ra sau khi Reuters dẫn lời các nguồn tin chính phủ cũng như tư nhân nói rằng Trung Quốc đã quay đầu đối với gần như mọi khía cạnh của dự thảo thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Chứng khoán toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng năm tuần trong khi chiến tranh thương mại leo thang gây lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.
Mỹ từ chối ký thỏa thuận về Bắc Cực
Hoa Kỳ từ chối ký một thỏa thuận về những thách thức tại Bắc Cực vì những khác biệt về ngôn từ liên hệ đến biến đổi khí hậu, làm tổn hại đến sự hợp tác tại vùng cực giữa lúc trái đất đang ấm dần một cách đáng ngại. Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết hôm 7/5.
Nhiệt độ tại Bắc Cực đang tăng gấp hai lần nhiệt độ các nơi khác trên thế giới, và băng giá đang tan làm lộ ra những khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tiềm năng cho việc khai thác thương mại.
Hội nghị các quốc gia quanh Bắc Cực tại Rovaniemi miền bắc Phần Lan vào ngày 7/5 dự trù làm khung cho kế hoạch hai năm để cân bằng những thách thức của biến đổi khí hậu với sự phát triển bền vững của các nguồn khoáng sản phong phú.
Tuy nhiên Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini nói thông cáo chung không được thảo luận và sẽ được thay thế bằng một tuyên bố ngắn của các Bộ trưởng tham dự hội nghị.
Một nguồn tin ngoại giao biết về các cuộc thảo luận nói Hoa Kỳ cản trở việc ký kết vì không đồng ý với ngôn từ trong thông cáo chung nói rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa trầm trọng đối với Bắc Cực. Một nguồn tin thứ hai xác nhận việc này.
Đây là lần đầu tiên một thông cáo chung bị hủy bỏ kể từ khi Hội đồng Bắc Cực được thành lập vào năm 1996. Không thể tiếp xúc được với phái đoàn Hoa Kỳ để yêu cầu bình luận.
Phát biểu tại Hội đồng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói chính quyền của Tổng thống Donald Trump “chia sẻ sự cam kết sâu rộng của quí vị về việc bảo vệ môi trường tại Bắc Cực.” Tuy nhiên ông nói các mục tiêu tập thể không phải luôn luôn là câu trả lời.
“Những câu trả lời này không có ý nghĩa và thậm chí phản tác dụng nếu có một quốc gia nào không tuân thủ,” ông nói.
Hội đồng Bắc Cực gồm có Hoa Kỳ, Canada, Nga, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Iceland.
Thỏa thuận giữa các nước không có tính cách ràng buộc.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/5 nói nước này sẽ làm việc với tất cả các nước để đóng một vai trò xây dựng tại Bắc Cực vào lúc Hoa Kỳ cảnh báo về sự dính líu của Trung Quốc tại vùng này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Nga có thái độ hung hăng tại Bắc Cực và hành động của Trung Quốc tại đây cũng cần được theo dõi một cách chặt chẽ, giữa những chia rẽ ngày càng tăng tại vùng cực về hiện tượng trái đất ấm dần lên và việc tiếp cận các khoáng sản.
Phát biểu khi đến miền bắc Phần Lan để họp với các quốc gia có lãnh thổ tại Bắc Cực, ông Pompeo nói Bắc Kinh dường như có những mục đích về an ninh quốc gia tại đây, và những hành động của Nga, trong đó có kế hoạch mở những kênh hàng hải từ Châu Á đến Bắc Âu, cần phải được xem xét cẩn thận.
Tòa kháng án cho phép chính phủ tiếp tục
trao trả người tầm trú về Mexico
Tin từ Wilmington, Delaware – Vào hôm thứ Ba (7 tháng 5), một tòa kháng án đưa ra phán quyết cho phép chính quyền Tổng thống Trump có thể tiếp tục gửi những người tầm trú đến Mexico để chờ đợi phiên tòa di trú ở Hoa Kỳ. Chính phủ kháng án ở tòa cấp dưới, vì quan tòa cho rằng chính sách này vi phạm luật di trú Hoa Kỳ.
Theo nhận định của quan tòa, Bộ Nội An có khả năng bị tổn hại nghiêm trọng, vì lệnh cấm sơ bộ đã loại bỏ một trong số ít các biện pháp được ủy quyền để giải quyết tình trạng với khoảng 2,000 người di dân ở biên giới phía nam. Về việc người tầm trú lo sợ cho tính mạng khi ở Mexico, các quan tòa cho biết khả năng này đã giảm đi phần nào, do chính phủ Mexico cam kết tôn trọng các trách nhiệm của luật pháp quốc tế, cấp giấy phép lao động cho những người di dân này.
Vào đầu tháng 4, chính phủ Hoa Kỳ từng kháng án lệnh của tòa án Quận, vì đã ngăn cản chính sách di dân MPP. Chương trình này có hiệu lực vào tháng 1, đây là một trong nhiều chính sách nhằm cắt giảm số lượng người di dân đến biên giới. Chính phủ lập luận rằng chính sách MPP là cần thiết, vì rất nhiều người tầm trú sinh sống nhiều năm ở Hoa Kỳ và không bao giờ xuất hiện trong phiên tòa di trú, để nghe phán quyết về tình trạng xin tỵ nạn của họ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/toa-khang-an-cho-phep-chinh-phu-tiep-tuc-trao-tra-nguoi-tam-tru-ve-mexico/
Bạch Ốc Bất Tuân, DC Ở Hạ Viện Dọa Cắt Lương
WASHINGTON – Bạch Ốc tiếp tục hành động bất chấp trong 1 canh bạc may rủi, phe lập pháp DC lo ngại hậu quả của tình huống phải xử dụng vũ khí tối hậu.
Chính quyền Trump đã nhiều lần cưỡng lại nguyên tắc của hệ thống dân chủ Hoa Kỳ (là giám sát và cân bằng) trong hàng loạt đối đầu leo thang.
Bộ trưởng ngân khố Mnuchin từ chối cung cấp hồ sơ thuế Trump. Trong khi phe DC tại Hạ Viện định biểu quyết khả năng quy tội “bất tuân” với cố vấn McGahn nếu ông này không ra Hạ Viện điều trần về nhiều lần Trump chỉ thị cách chức Mueller.
Trump cũng đang gia tăng áp lực với bộ trưởng Barr để Mueller không đáp ứng yêu cầu điều trần từ ủy ban Hạ Viện.
Về dài hạn, tình thế này có thể làm lệch thế cân bằng giữa Lập Pháp và 1 TT ngày càng mất kiểm soát, theo tường thuật của CNN.
Dân biểu Lloyd Doggett (DC-Texas) tuyên bố “Chúng tôi không thể cho phép Trump tạo ra 1 tiền lệ xấu”. Ông giải thích: với khối dân cử CH im lặng và khối dân cử DC bị hù dọa, Trump vuợt quyền và xói mòn hệ thống dân chủ.
Nhưng Trump không quan tâm đến sự lành mạnh của cấu trúc dân chủ. Cung cách này có thể là chiến lược của Trump trong thời gian chuẩn bị cuộc bầu cử 2020.
Từ chối điều trần, từ chối cung cấp thông tin sẽ đưa tới đối đầu tại tòa án, nghĩa là tranh tụng nhiều tháng, là kịch bản thich hợp với Trump. Ngay cả khi thua 1 số vụ, phán quyết là quá muộn để phe DC tại Hạ Viện có thể vận dụng thế đa số, và có thể lạc hướng trước chu kỳ tuyển cử 2020.
Trong khi đó các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện liên tục muốn tấn công vào nơi các viên chức chính phủ dễ bị thiệt hại nhất — giữ lại tiền lương của các viên chức Bộ Nội An, Bộ Thương Mại và Bộ Tư Pháp là những người chận đứng cuộc điều tra của ủy ban tại Hạ Viện.
https://vietbao.com/a293839/bach-oc-bat-tuan-dc-o-ha-vien-doa-cat-luong
TNS McConnell:
Cuộc Điều Tra Của Mueller Đã Xong
WASHINGTON – Trump tìm cách sa thải Mueller, hù dọa nhân chứng, hạn chế cuộc điều tra “toa rập”, là nhận xét của 500 cựu công tố liên bang. Nghĩa là phải bị xét xử tội cản trở công lý nếu không là TT tại chức.
Trump hành động theo cách đưa tới nhiều tội cản trở công lý, theo 1 thư ngỏ phổ biến ngày 7-5 của các cựu công tố. Hơn 500 cựu công tố tham gia cuộc thẩm định về phúc trình Mueller tính vào ngày Thứ Ba 7 tháng 5, và số người tham gia đang tăng thêm.
Thư ngỏ nhận xét: Trump nhiều lần chỉ thị cho cố vấn McGahn cách chức Mueller, hay ngụy tạo xung đột quyền lợi lấy cớ để loại Mueller. Trump cũng gây áp lực với bộ trưởng Sessions ngược lại ý định đứng ngoài cuộc điều tra.
Phúc trình Mueller cũng cho thấy Trump tìm cách gây ảnh hưởng các nhân chứng quan trọng như William Cohen và Paul Manafort.
Trong khi các nhà lập pháp của đảng DC khẳng định thông tin về phuc trình Mueller gồm 1 số điểm bị bưng bít, thủ lãnh CH Thượng Viện tìm cách ngăn cản các điều tra bổ túc về TT Trump với tuyên bố “Hồ sơ đã đóng”.
Ông McConnell nhấn mạnh “Kết luận của đoàn Mueller đã là rõ”. Tại Bạch Ốc, tham vụ báo chí Sarah Sanders tuyên bố “Không trông đợi cựu cố vấn McGahn điều trần tại Hạ Viện”. Ngoài ra, tham vấn pháp lý Pat Cipollone thông báo ủy ban pháp chế “ông McGahn không phải tuân hành yêu cầu điều trần”.
Theo nghị sĩ McConnell, phe DC tại Hạ Viện không chấp nhận kết luận của đoàn Mueller là hoàn toàn “mất tự chủ”.
Lên tiếng sau ông McConnell, nghị sĩ DC Chuck Schumer mô tả ông Trump là TT vô luật pháp, và thủ lãnh CH muốn chôn vùi mọi cuộc điều tra về Trump.
Tin NBC cho hay : quyền chánh văn phòng Mick Mulvaney đã chỉ thị cho ông McGahn không điều trần. Mặt khác, luật sư William Burck, đại diện của McGahn, tuyên bố “McGahn sẽ điều trần khi có thỏa hiệp với Bạch Ốc”. Thời hạn để McGahn trả lời yêu cầu điều trần là ngày Thứ Ba 7-5.
https://vietbao.com/a293837/tns-mcconnell-cuoc-dieu-tra-cua-mueller-da-xong
Hạ Viện Mỹ thông qua luật bảo vệ Đài Loan,
Bắc Kinh tức tối
Hạ Viện Mỹ hôm 07/05/2019 đã nhất trí thông qua dự luật ủng hộ Đài Loan, vốn đang phải đối phó với áp lực quân sự và ngoại giao của Trung Quốc. Động thái này diễn ra vào lúc quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang căng thẳng, và Bắc Kinh giận dữ tuyên bố cần phải ngăn chận đạo luật.
Với 414 phiếu thuận và 0 phiếu chống, Hạ Viện đã đồng lòng tái khẳng định các cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, với một nghị quyết không mang tính ràng buộc.
Tất cả các dân biểu Mỹ cũng thông qua « Taiwan Assurance Act of 2019 », nhằm hỗ trợ Đài Loan và cổ vũ Đài Bắc gia tăng chi tiêu quốc phòng. Đạo luật lưu ý rằng Washington cần phải « thường xuyên bán vũ khí » cho Đài Loan, và ủng hộ sự tham gia của đảo quốc vào các tổ chức quốc tế. Dự luật này còn phải được trình lên Thượng Viện, nhưng thời điểm hiện chưa rõ.
Bộ Ngoại Giao Đài Loan hoan nghênh động thái « tích cực » trên đây, đồng thời bày tỏ lòng cảm kích. Thông cáo cho biết « Đài Loan sẽ tiếp tục sát cánh với chính quyền Hoa Kỳ để siết chặt thêm mối quan hệ đối tác giữa đôi bên ».
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng dự luật là một sự can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc, và Bắc Kinh đã « nghiêm khắc cảnh báo » Washington về việc này. Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ ngăn chận tiến trình của dự luật, « xử lý đúng đắn các vấn đề liên quan đến Đài Loan, để không gây phương hại nặng nề cho sự hợp tác Mỹ-Trung trên các lãnh vực quan trọng, cho hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan ».
Reuters cho biết trong tuần này, Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ dự kiến tổ chức năm buổi điều trần về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190508-ha-vien-my-thong-qua-luat-bao-ve-dai-loan
CEO của Huawei sắp ra tòa ở Canada
Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, sắp ra tòa ở Canada để bắt đầu điều được coi là cuộc chiến pháp lý lâu dài nhằm chống lại yêu cầu dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc về gian lận.
Theo Reuters, phiên tòa phần lớn mang tính thủ tục này là diễn biến mới nhất của vụ việc đã gây căng thẳng giữa Trung Quốc và với cả Mỹ cũng như Canada.
Bà Mạnh, 47 tuổi, là con gái của người sáng lập tập đoàn Huawei. Bà bị bắt tại sân bay ở Vancouver tháng 12 năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ và hiện đang tìm cách chống lại cáo buộc rằng bà đã lừa dối các ngân hàng trên thế giới về mối quan hệ của Huawei với một công ty hoạt động ở Iran.
Thủ tướng Anh sa thải bộ trưởng quốc phòng vì Huawei
Reuters nói rằng phiên xử có thể cho thấy cách thức cuộc chiến pháp lý này sẽ diễn ra, mà một số luật sư dự kiến sẽ phải mất hơn hai năm.
Theo Reuters, luật sư của bà Mạnh và phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ cũng như Huawei đều từ chối bình luận trước phiên xử.
Vụ việc liên quan tới bà Mạnh đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới và đã gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Ottawa. Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu Canada thả bà Mạnh.
Trong những tuần qua, Trung Quốc đã gia tăng áp lực lên Canada bằng cách ngưng nhập khẩu sản phẩm cũng như đình chỉ giấy phép của các nhà sản xuất của Canada.
Liên Hiệp Quốc lo ngại
nạn khai thác cát vô độ bất chấp hậu quả
Xã hội đen trên thị trường cát. Đây không phải là tựa của một chuyện trinh thám mà chính là một trong những mối đe dọa môi trường. Trong bản báo cáo vừa công bố tại Genève (07/05/2019), Liên Hiệp Quốc cảnh báo tệ nạn, cát, nguồn tài nguyên thiên nhiên thứ hai của trái đất, sau nguồn nước, bị khai thác một cách phí phạm.
Mỗi năm, khoản 50 triệu tấn cát được sử dụng trong đủ loại công trình xây dựng từ đường xá, cầu cống, nhà cửa cho đến chế tạo thủy tinh và mỹ phẩm. Cần phải chấm dứt tệ nạn khai thác bất hợp pháp đã tàn phá nhiều vùng duyên hải và sông ngòi qua một « chính sách quản lý toàn cầu ».
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường thuật :
Người ta tưởng lầm là không bao giờ thiếu cát bởi vì cát ở đầy trong sa mạc. Nhưng trên thực tế nguồn cát có giới hạn bởi vì không phải loại các nào cũng có thể sử dụng trong công nghiệp.
Thêm vào đó, mức cầu đã tăng gắp ba lần trong 20 năm trở lại đây một phần vì giá rẻ, ai cũng có thể cung cấp cho nhà thầu hay buôn lậu. Tình trạng khai thác bất kể hậu quả đã tàn phá nhiều vùng duyên hải và dòng sông.
Pascal Pedduzi, chuyên gia của Chương Trình Liên Hiệp Quốc Vì Môi Trường thẩm định : Lấy cát từ các bãi biển sẽ làm cho thiên nhiên mất đi khả năng tự tồn trước sức xâm thực của sóng biển và bão táp. Dần dần tình trạng lũ lụt ở các vùng ven biển sẽ nghiêm trọng hơn.
Khai thác cát ở các dòng sông cũng gây tác hại lớn, làm thay đổi luồng nước chảy chậm hơn hoặc chảy mạnh hơn khiến cho lụt lội xảy ra thường xuyên hơn hay khô hạn nhiều hơn.
Ở châu Á và châu Phi, nơi kinh tế tăng trưởng cao và dân số tăng nhanh, là hai nơi tiêu thụ cát hàng đầu thế giới. Chỉ một mình Trung Quốc mà mỗi năm « ngốn » hơn 50% lượng cát cung ứng trên toàn cầu.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi các chính phủ quản lý nghiêm túc hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên này và đình chỉ các dự án khổng lồ lần chiếm biển hay xây cất các toà nhà chọc trời mà không có ai thuê.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190508-lien-hiep-quoc-lo-ngai-nan-khai-thac-cat-vo-do-bat-chap-hau-qua
Quốc tế đề nghị Trung Quốc xem xét lại
việc cho các nước yếu kém vay tiền
Câu Lạc Bộ Paris với thành viên là các nước chủ nợ, ngày 07/05/2019, nhóm họp tại trụ sở bộ Kinh Tế, Tài Chính Pháp, tại Paris, để bàn về đầu tư tài chính vào các nước đang phát triển, với sự tham gia của đại diện 45 quốc gia, với khoảng 30 bộ trưởng tới từ nhiều nước, nhiều lãnh đạo của các định chế đa phương lớn và các ngân hàng tư nhân. Trung Quốc cũng cử đại diện tham gia.
Nhân dịp này, báo Le Monde giới thiệu bài viết« Trung Quốc được đề nghị xem xét lại việc cho các nước kém phát triển vay tiền ». Theo bộ trưởng Tài Chính Pháp, việc có nhiều nước đến dự Câu Lạc Bộ Paris lần này cho thấy chủ đề năm nay thu hút được sự quan tâm trên toàn cầu, trong khi việc vay nợ ở khắp nơi trên thế giới đã đạt mức cao lịch sử, nhất là tại các nước kinh tế mới nổi hoặc các nước có thu nhập thấp. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, 40% các nước nghèo (24/60 quốc gia) đang nợ quá nhiều hoặc sắp thành như vậy.
Áp lực gia tăng đối với Trung Quốc, nước cho vay « vô độ »
Trong bối cảnh này, áp lực đối với Bắc Kinh ngày càng gia tăng do Trung Quốc, trong những năm qua, là quốc gia cho các nước, từ châu Phi, châu Á cho đến cả châu Mỹ la tinh, vay tiền « vô tội vạ ». Bắc Kinh « rộng tay » cho vay mà không màng đến khả năng hoàn trả của các quốc gia hay năng lực quản lý của lãnh đạo tại các nước này. Đối với phương Tây, đã đến lúc phải đề ra các quy định chung về đầu tư tài chính.
Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh rằng mục đích không phải là để lên án một quốc gia, nhưng đương nhiên Trung Quốc là yếu tố chủ chốt trong cuộc thảo luận này. Nước Pháp, thành viên của nhiều định chế quốc tế, khích lệ Trung Quốc tính tới khả năng tài chính của các nước mà Bắc Kinh cho vay tiền, nhất là trong khuôn khổ Con đường tơ lụa mới – siêu dự án đầu tư của Trung Quốc.
Những lời chỉ trích
Không chỉ có Trung Quốc là « không minh bạch ». Theo bộ trưởng Tài Chính Pháp, cũng phải lưu ý tới các chủ nợ tư nhân, chẳng hạn các doanh nghiệp tư nhân, thậm chí là các ngân hàng quốc tế. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch trong đầu tư tài chính của Trung Quốc vẫn bị chỉ trích rất nhiều.
Đầu tư vào hạ tầng cơ sở vì mục đích thương mại và chiến lược, nhưng các dự án đầu tư của Trung Quốc đã góp phần khiến một số nước dễ bị tổn thương đi chệch đường và không thể trụ vững. Đó là trường hợp của Djibouti. Nước này đã ồ ạt vay tiền của Bắc Kinh để xây cảng biển, đường sắt, cầu dẫn nước … Chỉ trong vòng 5 năm, nợ công của Djibouti đã tăng gấp đôi lên thành 87% GDP, và 2/3 gánh nợ này là nợ Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, có thể chính sự lệ thuộc này đã buộc Djibouti phải nhượng nhiều tài sản chiến lược cho chủ nợ hùng mạnh Trung Quốc.
Djibouti không phải nước đầu tiên rơi vào tình cảnh đó. Vào cuối năm 2017, sau khi đã vay nhiều tiền của Trung Quốc để quy hoạch cảng nước sâu Hambantota, Sri Lanka đã phải nhượng lại cảng này cho Bắc Kinh với thời hạn 99 năm. Vụ việc đã làm dấy lên một làn sóng ngờ vực Trung Quốc không chỉ tại châu Á.
Bắc Kinh hứa minh bạch hơn về đầu tư
Kể từ đó, một số nước tham gia dự án Con đường tơ lụa mới, chẳng hạn Malaysia, đã đòi hỏi thương lượng lại về các dự án bị xem là quá tốn kém. Là đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc cả về thương mại và chiến lược, Hoa Kỳ đã tố cáo Bắc Kinh về việc « giăng bẫy nợ » cho các nước đối tác. Có vẻ dè dặt hơn, chính quyền Pháp nói đến cái được mất về chủ quyền, khi các quốc gia phải từ bỏ nhiều cơ sở hạ tầng mà họ sở hữu.
Trung Quốc không dửng dưng trước những lời chỉ trích. Hồi cuối tháng 04/2019, tại thượng đỉnh Bắc Kinh về Con đường tơ lụa mới, chủ tịch Tập Cận Bình hứa Trung Quốc sẽ có các dự án đầu tư « minh bạch hơn », « vững vàng hơn » và « có chất lượng ». Báo Le Monde nhận xét sự thay đổi này có thể là để phục vụ lợi ích của Trung Quốc, bởi vì vốn của Bắc Kinh không phải là « vô hạn » để đối phó được với các nguy cơ tài chính.
Theo một nghiên cứu Rhodium Group của Mỹ công bố ngày 26/04, các nước đã thương lượng lại ít nhất 38 khoản vay của Trung Quốc trong khuôn khổ dự án Con đường tơ lụa mới. Trong 14 trường hợp, Trung Quốc đã xóa nợ, trong 11 vụ khác, Bắc Kinh đã đồng ý để các nước đối tác trả nợ theo nhiều kỳ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190507-trung-quoc-cho-cac-nuoc-yeu-kem-vay-tien
Anh vẫn tổ chức bầu cử châu Âu
cho dù thông qua thỏa thuận Brexit
Phó thủ tướng Anh David Lidington, hôm 07/05/2019 tuyên bố vẫn sẽ tổ chức bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào ngày 23/5 tới, cho dù từ nay cho đến lúc đó các nghị sĩ Anh có thông qua thỏa thuận Brexit hay không.
Thủ tướng Theresa May muốn tránh kịch bản này, nhưng việc đàm phán với Công Đảng đối lập hiện chưa ra khỏi ngõ cụt. Ông Lidington, nhân vật số hai trong chính phủ Anh giải thích, trong trường hợp Nghị Viện thông qua thỏa thuận Brexit thì cũng không đủ thời gian để phê chuẩn.
Phát biểu trên truyền hình, ông David Lidington cho biết sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để đẩy nhanh Brexit sau cuộc bầu cử, và lý tưởng nhất là các đại biểu của Anh được bầu vào Nghị Viện Châu Âu sẽ không phải tham dự cuộc họp nào.
Được biết Nghị Viện mới được bầu ra trong các cuộc bỏ phiếu được tổ chức từ ngày 23 đến 26/5 tại các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU), sẽ họp phiên đầu tiên vào ngày 2/7.
Chính phủ bảo thủ của bà Theresa May từ hơn một tháng qua vẫn đang thương lượng với Công Đảng để cố gắng thông qua thỏa thuận Brexit – đã đạt được với Bruxelles vào cuối tháng 12/2018 nhưng ba lần bị Nghị Viện Anh bác bỏ.
Sau lần gia hạn đầu tiên (đến ngày 12/4 thay vì 29/3), Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định dành cho bà May một thời hạn linh hoạt để « ly dị ». Từ nay cho đến 31/10 Luân Đôn có thể ra khỏi EU bất kỳ lúc nào, một khi Nghị Viện Anh chịu thông qua thỏa thuận Brexit.
Pháp: EU sẽ tái lập chế tài
nếu Iran đi ngược lại thỏa thuận hạt nhân
Các nước Châu Âu sẽ tái áp đặt các chế tài lên Iran nếu nước này đi ngược lại các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân, Reuters dẫn một nguồn tin từ văn phòng Tổng thống Pháp cho biết hôm thứ Ba, sau khi Tehran tuyên bố sẽ hạn chế tuân thủ một năm sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận.
Iran nói thông báo của Mỹ điều một hàng không mẫu hạm đến Trung Đông là tin cũ xài lại cho chiến tranh tâm lý, và nói rằng họ sẽ sớm công bố kế hoạch rút lại một số cam kết của họ theo thỏa thuận năm 2015.
Căng thẳng đã tăng lên trước dịp kỉ niệm một năm tròn Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, theo đó Iran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các chế tài quốc tế.
Chính quyền Trump đã khôi phục các chế tài của Mỹ và mở rộng chúng, trên thực tế ra lệnh cho các quốc gia trên thế giới ngừng mua dầu của Iran hoặc đối mặt với các chế tài nhắm vào chính họ.
Iran vẫn tiếp tục tuân thủ thỏa thuận. Các đồng minh Châu Âu của Washington, vốn phản đối Mỹ rút đi, đã cố gắng nhưng không tìm được cách giảm bớt tác động kinh tế từ hành động của Mỹ trong khi thúc giục Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận.
Truyền thông Iran đưa tin Tehran sẽ viết thư cho các nước còn kí kết thỏa thuận – các đồng minh của Mỹ là Anh, Pháp và Đức cũng như Nga và Trung Quốc – vào ngày thứ Tư để cung cấp cho họ thông tin chi tiết về kế hoạch “thu hẹp các cam kết của mình” theo thỏa thuận.
Các bản tin của truyền thông nhà nước Iran cho biết Iran không định rút khỏi thỏa thuận, nhưng sẽ khôi phục một số hoạt động hạt nhân đã bị đình chỉ theo thỏa thuận.
Nguồn tin từ văn phòng Tổng thống Pháp cho Reuters biết các nước Châu Âu chưa biết chính xác những bước mà Iran hiện đang định thực hiện, nhưng họ sẽ phải tái áp đặt các chế tài lên Iran nếu những bước đó ngang với việc đi ngược lại thỏa thuận.
Các quan chức Mỹ những ngày gần đây đã nói về thông tin tình báo cho biết có mối đe dọa quân sự từ Iran, dù họ không đưa ra chi tiết cụ thể.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton hôm Chủ nhật nói rằng Mỹ đang triển khai nhóm hàng không mẫu hạm tấn công Abraham Lincoln và một lực lượng đặc nhiệm máy bay ném bom đến Trung Đông để cảnh báo về các mối đe dọa của lực lượng Iran.
Nhưng Keyvan Khosravi, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, nói tàu Abraham Lincoln vốn theo lịch trình sẽ tới Vùng Vịnh và cho rằng thông báo này là một nỗ lực “vụng về” xài lại tin tức cũ cho “chiến tranh tâm lý.”
Mỹ thường luân phiên điều hàng không mẫu hạm tới Vùng Vịnh để giữ vai trò dẫn đầu Hạm đội 5 đặt tại Bahrain. Hàng không mẫu hạm trước đó trong khu vực, John C Stennis, đã rời đi vào tháng 4 để về nhà khi hết đợt điều động.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hôm thứ Hai nói ông đã chấp thuận việc điều động nhóm hàng không mẫu hạm tấn công và máy bay ném bom do có các chỉ dấu của một “mối đe dọa khả tín từ lực lượng của chế độ Iran.” Ông không đưa ra chi tiết về thông tin tình báo làm căn cứ cho quyết định này.
Nga cùng lúc huấn luyện lính TQ,
Thổ Nhĩ Kỳ vận hành S-400
100 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được huấn luyện vận hành hệ thống S-400 trong khoảng năm tháng.
Một nguồn tin quân sự-ngoại giao nói với hãng tin TASS hôm 6-5 rằng khoảng 100 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 5 sẽ bắt đầu được huấn luyện vận hành hệ thống phòng không S-400 do Nga chế tạo tại một trung tâm quân sự ở Nga.
“Cuối tháng 5, khoảng 100 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu huấn luyện vận hành hệ thống phòng không S-400 tại một trung tâm quân sự Nga. Một trung đoàn S-400 sẽ được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019 theo hợp đồng”, nguồn tin nói, và cho biết thêm rằng “công tác huấn luyện sẽ kéo dài khoảng năm tháng”.
Cũng theo nguồn tin trên, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tập vận hành S-400 cùng với nhóm binh sĩ Trung Quốc (TQ). Nhóm binh sĩ Trung Quốc đã bắt đầu khóa huấn luyện vận hành S-400 từ giữa tháng 3 cũng tại trung tâm quân sự nói trên.
“Việc huấn luyện cùng lúc các xạ thủ phòng không từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là trường hợp chưa từng có trong lịch sử Liên Xô và nước Nga hiện đại”, nguồn tin cho hay.
Nga năm 2017 chính thức xác nhận nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Ankara trị giá 2,5 tỉ USD.
Iran bảo vệ việc điều chỉnh thỏa thuận hạt nhân
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói với người đồng cấp Nga hôm 8/5 rằng quyết định của Tehran về việc giảm bớt một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này là điều hợp pháp và có thể đảo ngược, hãng tin RIA của Nga đưa tin.
Ông Zarif, vốn có mặt tại Moscow để đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nói rằng các hành động của Iran không vi phạm các điều khoản ban đầu của thỏa thuận hạt nhân và rằng giờ là khoảng thời gian 60 ngày cho hoạt động ngoại giao về quyết định của họ.
Iran trước đó trong ngày 8/5 thông báo sẽ giảm bớt một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân theo thỏa thuận ký năm 2015 với các cường quốc trên thế giới và đe dọa sẽ thực hiện thêm, trong đó có cả việc làm giàu uranium lên cấp độ cao hơn, nếu các nước không bảo vệ Tehran khỏi các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
RIA dẫn lời ông Zarif nói rằng “ngày 4/5, Hoa Kỳ đã bắt đầu áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran và các biện pháp đó khiến khó có thể tuân thủ nhiều điểm trong thỏa thuận”.
Ông Zarif nói rằng chỉ có Nga và Trung Quốc là ủng hộ Iran và giúp nước này về thỏa thuận hạt nhân, nhưng cáo buộc các nước khác tham gia thỏa thuận như Anh, Pháp và Đức đã làm Tehran thất vọng.
Trung Quốc cử đoàn đàm phán cấp cao đến Mỹ
để tránh bị tăng thuế
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington để tham gia hai ngày đàm phán thương mại trong tuần này, theo Reuters.
Đây là nỗ lực cuối cùng của Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận nhằm tránh bị Hoa Kỳ đánh thêm thuế lên hàng hóa nước này như lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giới chức Hoa Kỳ trong tuần qua cáo buộc Trung Quốc là đã không giữ các cam kết, vốn đã đạt được sau nhiều tháng đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại.
Việc này khiến ông Trump đưa ra thời hạn mới để tăng thuế lên 25% từ mức 10% hiện nay đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ đô la của Trung Quốc.
Mỹ nói TQ quay đầu với cam kết thương mại
Chứng khoán TQ sụt giảm vì Mỹ dọa đánh thêm thuế
Tàu chiến Mỹ vào Trường Sa, Bắc Kinh tức giận
Vì sao Mỹ luôn quyết liệt về Đài Loan?
Mức thuế mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào 12:01 sáng EDT (11 giờ sáng Việt Nam) vào thứ Sáu 10/5, người phát ngôn văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho hay. Việc này sẽ xảy ra vào giữa chuyến thăm của ông Lưu Hạc.
Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng ông Lưu Hạc sẽ chỉ dành hai ngày ở Washington – Thứ Năm và Thứ Sáu – thay vì ba ngày theo kế hoạch trước khi ông Trump tuyên bố tăng thuế.
Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm thứ Hai đã bày tỏ hoài nghi về thành công của các cuộc đàm phán, và nói với các phóng viên rằng Trung Quốc đã quay đầu với các cam kết trước đó.
Tuyên bố tăng thuế của ông Trump đã làm rung chuyển Phố Wall, khiến các chỉ số chứng khoán chính sụt giảm hơn 1%. Tỷ giá trái phiếu và giá dầu cũng giảm khi kết quả dự kiến của cuộc đàm phán thương mại làm dấy lên mối lo ngại mới về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc kéo dài 10 tháng, Hoa Kỳ đã áp thuế lên hàng hóa trị giá 250 tỷ đôla của Trung Quốc, và Trung Quốc trả đũa bằng cách đánh thuế lên hàng hóa trị giá 110 tỷ đôla của Mỹ.
Ông Trump đã gây sức ép để buộc Trung Quốc có các thay đổi sâu rộng đối với các chính sách về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và tiếp cận thị trường.
Ông Trump chỉ trích thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc, đạt mức kỷ lục 419 tỷ đôla vào năm 2018, cho rằng nước này đánh cắp công việc sản xuất của Mỹ. Đường lối cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc gây ấn tượng tốt về mặt chính trị tại các bang công nghiệp và nông nghiệp ở miền Trung Tây Hoa Kỳ, khi ông Trump muốn tái cử vào năm tới.
Ông Trump ban đầu dự định tăng thuế lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc, bao gồm modem internet, bảng mạch in, máy hút bụi và đồ nội thất, vào tháng Giêng.
Ông trì hoãn cho đến ngày 1/3 để cho phép tiến hành các cuộc đàm phán, và sau đó hoãn vô thời hạn kế hoạch tăng thuế.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48196615
TQ rốt ráo “lên dây cót” tinh thần cho dân,
đàm phán thương mại thực sự vỡ trận?
Tờ Thời báo Hoàn Cầu sáng 7/5 đăng tải bài xã luận đáp trả việc chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trung Quốc trấn an dư luận rằng Mỹ chỉ hù dọa
Hoàn Cầu, tờ báo thuộc quản lý của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo, cho rằng việc Mỹ gây sức ép với Bắc Kinh ngay trước vòng đàm phán thương mại mới tại Washington tuần này là “bài cũ” từng được áp dụng trước đây.
Trong bài viết tiêu đề “Đối mặt với con sóng của Mỹ, câu trả lời tốt nhất là bình thản”, báo Trung Quốc khẳng định nước này đã tỉnh táo phản ứng trước động thái của Mỹ khi không bị cuốn vào cuộc chiến truyền thông với Washington.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chiều 6/5 xác nhận, đoàn đại biểu Trung Quốc vẫn đang chuẩn bị cho vòng đàm phán mới tại Washington. Tuy nhiên, tài khoản Twitter của tổng biên tập báo Hoàn Cầu, ông Hồ Tích Tiến, nhận định có nhiều khả năng phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc không tham gia thành phần đoàn lần này, như một tín hiệu trả đũa.
Trải qua 10 vòng đối thoại với những tiến triển đáng kể, giai đoạn đàm phán cuối cùng trở nên “khó nhằn”. Động cơ của Mỹ đằng sau hành động tăng thuế thể hiện Mỹ muốn từ bỏ đàm phán, hay chỉ là một đòn bồi thêm để thu được lợi ích tối đa, vẫn là điều chưa xác định.
Hoàn Cầu chỉ ra, điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc vào lúc này là bình tĩnh. Theo tờ này, công chúng tại Trung Quốc mong muốn hai nước đạt thỏa thuận thương mại, song vẫn luôn chuẩn bị tinh thần cho trường hợp đối thoại đi đến kết quả khác – bao gồm những rạn nứt mang tính tạm thời. Việc xã hội Trung Quốc không đặt kỳ vọng vào thỏa thuận cao như xã hội Mỹ giúp cho những tác động tiêu cực do đàm phán thất bại gây ra có thể được kiểm soát.
“Chúng tôi hiểu [Mỹ] đang cố gắng làm gì, nhưng điều đó sẽ không thay đổi lập trường của chúng tôi,” Bai Ming – phó giám đốc Viện nghiên cứu thị trường quốc tế thuộc Bộ thương mại Trung Quốc – nói với Hoàn Cầu. Ông Bai tin rằng hành động gây sức ép tối đa là một chiến thuật đàm phán điển hình của chính quyền Trump.
“Nhưng Mỹ lúc này nên hiểu là Trung Quốc không bao giờ đầu hàng trước áp lực,” ông nói.
Giới chức Trung Quốc tuyên bố mong muốn đàm phán cởi mở và đạt giải pháp có lợi cho đôi bên, nhưng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ những lợi ích cốt lõi.
Liang Haiming, hiệu trưởng Viện nghiên cứu Vành đai và Con đường, Đại học Hải Nam, Trung Quốc, “chắc chắn rằng Trung Quốc đã chuẩn bị các đối sách”. Ông khẳng định Bắc Kinh sẽ đáp trả tương xứng nếu Mỹ leo thang chiến tranh thương mại.
“Tất cả là do quyết định của Mỹ,” ông Liang nói.
Hoàn Cầu kêu gọi người dân ủng hộ chính phủ bất chấp kết quả đàm phán
Ngày 6/5, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và bộ trưởng tài chính Mỹ Steve Mnuchin đã chính thức xác nhận tuyên bố của tổng thống Trump trên Twitter hôm 5/5 về việc áp thuế quan 25% đối với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc.
Phát ngôn của Lighthizer khiến những nỗ lực trấn an dư luận của giới chức Trung Quốc – rằng đe dọa của ông Trump chỉ là chiến thuật đàm phán – không còn giá trị.
Tuy nhiên, Hoàn Cầu cảnh báo những tổn thất khi thương chiến leo thang sẽ là hai chiều, khi Mỹ tưởng rằng có thể “nâng yêu sách” với Trung Quốc nhờ nền kinh tế Mỹ có một năm nhiều thành tựu tích cực. Nhưng về tổng thể, chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng xấu đến đội ngũ cầm quyền của tổng thống Trump.
Theo Hoàn Cầu, xã hội Trung Quốc cần kiên định ủng hộ sách lược quốc gia trong thời điểm này, bất chấp mọi biến cố.
“Chúng ta cần có lòng dũng cảm và kiên nhẫn gánh chịu việc đổ vỡ đàm phán, tạo điều kiện tốt giúp chính phủ bảo vệ lợi ích cốt lõi của chúng ta,” bài xã luận có đoạn. “Đàm phán rõ ràng cần phải thu được kết quả tốt, nhưng nếu chúng ta không thể chịu được khả năng đổ vỡ thì kết quả tốt sẽ không xuất hiện.”
Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải bài viết vào sáng 7/5, trấn an dư luận rằng nền kinh tế Trung Quốc “có đầy đủ khả năng phục hồi”.
Theo báo này, trước những diễn biến phức tạp trong và ngoài nước thì nền kinh tế Trung Quốc từ đầu năm nay đã có sự mở màn tốt đẹp, các chỉ số duy trì ở mức hợp lý và có dự báo tốt, thể hiện đầy đủ khả năng phục hồi.
“Khả năng phục hồi phát triển dồi dào của nền kinh tế Trung Quốc đã tạo ra không gian chuyển dịch tương đối lớn cho phát triển chất lượng cao và ứng phó với các thách thức bên ngoài,” chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách cải cách phát triển nhà nước, ông Yuan Da nói. “Chúng ta hoàn toàn có tự tin, điều kiện, năng lực để bảo đảm nền kinh tế vận hành trong phạm vi hợp lý, thực hiện mục tiêu năm.”
Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp theo dự kiến diễn ra trong hai ngày 8-9/5 (giờ Mỹ). Và nếu không có sự thay đổi nào hoặc đột phá trong đàm phán, bắt đầu từ 0h01 ngày 10/5, thuế quan mới sẽ chính thức được áp đặt lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
TQ choáng váng vì những cán bộ “hai mặt”:
Vừa làm quan, vừa làm trùm xã hội đen
Thậm chí, 200 cảnh sát, trinh sát đã được triển khai để bắt giữ băng đảng xã hội đen do một cán bộ ở tỉnh Hải Nam cầm đầu.
Báo Thanh niên Bắc Kinh ngày 5/5 đưa tin, nguyên Viện phó Viện kiểm sát nhân dân thành phố Kê Tây, Hắc Long Giang – ông Lưu Lập đã bị khai trừ đảng và tước bỏ chế độ đãi ngộ hưu trí.
Theo thông báo, ông này đã vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình, sử dụng ma túy, tham giam, bao che cho tổ chức xã hội đen và nghi liên quan đến việc tổ chức, lãnh đạo tổ chức tội phạm này.
Không chỉ là “ô dù bảo vệ” mà còn trở thành đầu não của thế giới ngầm là sự việc vô cùng hiếm có, báo Trung Quốc bình luận về trường hợp của Lưu Lập.
Ở diễn biến liên quan, sáng ngày 6/5, Sở công an Hải Nam đã tổ chức cuộc họp báo lần thứ 6 về truy quét tội phạm năm 2019.
Theo đó, chiến dịch Lôi Đình 3 được tiến hành từ ngày 9/4 đã thu được kết quả vô cùng lớn.
Báo Thanh niên Bắc Kinh cho biết: “Chỉ trong 28 ngày, cơ quan an ninh toàn tỉnh Hải Nam đã triệt phá 25 băng nhóm tội phạm liên quan đến xã hội đen, xử lý 151 vụ án hình sự các loại, bắt giữ 324 kẻ tình nghi, niêm phong, tịch biên, đóng băng số tài sản lên tới gần 1,2 tỷ NDT liên quan đến các vụ án…”.
Đáng chú ý là trường hợp của Phan Hải Văn – Bí thư kiêm Chủ nhiệm chi bộ thôn Vĩnh Phạm, thị trấn Vạn Thành, thành phố Vạn Ninh, Hải Nam.
Theo điều tra, kể từ những năm 1990, băng đảng tội phạm liên quan đến xã hội đen do Phan Hải Văn cầm đầu đã dùng các biện pháp bạo lực để gây ảnh hưởng ở địa phương trong thời gian dài.
“Phan lợi dụng quyền lực ở chính quyền cơ sở, thực hiện loạt hành vi phạm pháp như xâm phạm bất hợp pháp vào tài sản công cộng và tư nhân, cản trở thi hành công vụ, tiến hành các giao dịch bất hợp pháp, mua bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã đang bị đe dọa v.v… phá vỡ trật tự kinh tế và trật tự xã hội”.
Trên cơ sở điều tra và thu thập chứng cứ trước đó, đêm ngày 3/5/2019, Sở Công an tỉnh Hải Nam đã triển khai 200 cảnh sát, đặc nhiệm tiến hành truy quét, bắt giữ băng đảng tội phạm của Phan Hải Văn.
Từ 19h00 đến 22h00 tối 3/5, lực lượng chức năng đã bao vây, bắt giữ 17 thành viên chủ chốt trong băng đảng của Phan.
Sau quá trình lục soát, cơ quan chức năng thu giữ nhiều tang vật có giá trị như 650.000 NDT, 180 thùng rượu ngoại, ngà voi, trầm hương, trang sức vàng bạc và loạt đồng hồ, túi hàng hiệu v.v…
Một số điểm nhấn tại Diễn đàn Cấp cao
Hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường” lần thứ 2
Từ 26-27/4, diễn ra Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường” lần thứ 2 tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc bài diễn văn khai mạc nhấn mạnh “mục đích của Sáng kiến ‘Vành Đai Và Con Đường’ (BRI) là tất cả các quốc gia cùng đối đầu với rủi ro và những thử thách, cùng nhau hợp tác để cùng có lợi; nhấn mạnh chúng ta sẽ tiếp tục phát huy việc xây dựng qua quỹ đầu tư của Con Đường Tơ Lụa và các quỹ đặc biệt khác, hướng dẫn việc vay nợ, mở rộng các nguồn tài chính đa phương và quản lý có hiệu quả; cam kết Trung Quốc chào đón các tổ chức tài chính từ các quốc gia khác nhau tham gia xây dựng cùng với vốn đầu tư và tài trợ của BRI”.
Ông Tập Cận Bình khẳng định: “Trung Quốc sẽ không phá giá đồng tiền của mình với mục đích thủ lợi và làm thiệt hại các nước khác; thay vào đó Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ; hứa hẹn Trung Quốc sẽ tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô với các nền kinh tế lớn khác. Trung Quốc sẽ để thị trường đóng một vai trò quyết định trong phân bố tài nguyên, thúc đẩy nền kinh tế thế giới ổn định; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc tôn trọng các lời hứa ‘có giá trị như vàng’”; cam kết Trung Quốc không cố tình tìm kiếm thặng dư thương mại và Bắc Kinh sẵn sàng nhập cảng nhiều sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp nước ngoài để thương mại hai bên cân bằng hơn; khẳng định Trung Quốc rất quan tâm đến việc thực hiện các hiệp định kinh tế và thương mại song phương và đa phương mà họ đã ký kết với các bên khác; cam kết “Vành Đai, Con Đường sẽ mang lại lợi ích cho tất cả những quốc gia thành viên chứ không riêng Trung Quốc”.
Để được những điều này, Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ duy trì các nguyên tắc tư vấn rộng rãi, đóng góp chung và chia sẻ lợi ích, duy trì quan hệ và phối hợp chặt chẽ với tất cả các bên để cùng làm việc cởi mở, toàn diện và minh bạch.
Hội nghị bàn tròn của Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường”
Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường” lần thứ hai đã họp Hội nghị bàn tròn tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Ngạn Thê Hồ Bắc Kinh, 37 nhà lãnh đạo nước ngoài và người phụ trách của Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã đến dự. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì Hội nghị và có bài phát biểu khai mạc với chủ đề “Cùng xây dựng ‘Vành đai, Con đường’ chất lượng cao”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra ba đề nghị, nhấn mạnh cần hoàn thiện hơn nữa quan niệm hợp tác, xác định rõ trọng tâm hợp tác, tăng cường cơ chế hợp tác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, một là, chúng tôi mong đợi các bên cùng hoàn thiện quan niệm hợp tác, dốc sức cùng xây dựng “Vành đai, một Con đường” với chất lượng cao. Cần đưa việc ủng hộ Chương trình nghị sự cho sự phát triển bền vững 2030 hoà nhập vào việc cùng xây dựng “Vành đai, Con đường”, kết nối quy tắc, tiêu chuẩn và thực tiễn tốt nhất được sự chấp nhận phổ biến trên quốc tế, thống nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, để cho các nước đều được lợi từ đó, thực hiện cùng nhau phát triển. Hai là, Trung Quốc mong đợi cùng các bên, xác định rõ trọng tâm hợp tác, dốc sức tăng cường kết thông suốt nối toàn diện. Thúc đẩy việc hình thành hiệu ứng tổng hợp dẫn dắt việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hội tụ ngành nghề, phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh. Ba là, Trung Quốc mong cùng các bên, tăng cường cơ chế hợp tác, ra sức xây dựng quan hệ đối tác kết nối. Chúng ta cần cùng thúc đẩy việc xây dựng kinh tế thế giới mở, phản đối chủ nghĩa bảo hộ, tiếp tục kết nối hữu hiệu giữa việc cùng xây dựng “Vành đai, Con đường” với chiến lược phát triển các nước, chương trình phát triển khu vực và quốc tế, tăng hiệu suất nhịp nhàng, làm to chiếc bánh ga-tô cùng chung lợi ích.
Thông cáo chung của Diễn đàn
Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và con đường” lần thứ hai đã bế mạc sau ba phiên Hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo và thông qua Thông cáo chung, đây sẽ là văn bản chỉ đạo cho việc hợp tác trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” thời gian tới. Theo đó, các bên khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng kiến này hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chất lượng cao góp phần cải thiện đời sống dân sinh, phù hợp với các tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế được công nhận rộng rãi, phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tuyên bố, các bên ủng hộ xây dựng Quan hệ đối tác kết nối toàn cầu và việc định kỳ tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và con đường”; khẳng định các bên liên quan đã xác định trọng tâm hợp tác xây dựng “Vành đai và Con đường” thời gian tới, quyết định tăng cường hợp tác toàn phương vị trên nhiều lĩnh vực, cam kết tiếp tục thúc đẩy kết nối cả trên bộ, trên biển, trên không và trên mạng, xây dựng cơ sở hạ tầng với chất lượng cao, bền vững, chịu được rủi ro, giá thành hợp lý, bao trùm và có thể tiếp cận.
Kết thúc Diễn đành Vành đai, Con đường, các nhà lãnh đạo của 37 quốc gia và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết bản tuyên bố chung, trong đó cam kết sẽ cùng hợp tác khi dự án toàn cầu tiến vào giai đoạn tiếp theo. Đáng lưu ý, tại diễn đàn đầu tiên năm 2017, các nước tham gia mới dừng lại ở con số 29. Được biết, Diễn đàn lần này là hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm nay. Diễn đàn đã đạt được 283 kết quả và ký kết các thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 64 tỷ USD.
Điểm nhấn tại Diễn đàn lần này
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra lần đầu tiên vào năm 2013 trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn tiếp tục là xu thế lớn trong đời sống kinh tế quốc tế. Mục đích của sáng kiến nhằm thúc đẩy kết nối trên 5 lĩnh vực về chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại – đầu tư, tài chính – tiền tệ và con người được đề ra trên cơ sở 5 nguyên tắc tham vấn, bình đẳng, cùng có lợi, hòa hợp và bao trùm, hoạt động dựa trên thị trường, cân bằng và bền vững. Đây là những lĩnh vực hợp tác phù hợp với lợi ích của các nước.
Với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn”, diễn đàn lần này do Trung Quốc chủ trì là hoạt động đa phương có quy mô lớn và chương trình nghị sự gồm nhiều lĩnh vực. Khoảng 5000 đại biểu từ 150 quốc gia và hơn 90 tổ chức quốc tế và 800 doanh nghiệp nhiều nước đã tham gia các hoạt động của Diễn đàn. Đặc biệt Diễn đàn có sự tham dự của Nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của 37 quốc gia, trong đó có 10 nước ASEAN. Sự kiện quan trọng nhất của Diễn đàn là Hội nghị Bàn tròn Thượng đỉnh – cuộc đối thoại chính sách giữa 37 Nguyên thủ và các nhà lãnh đạo thảo luận về ba chủ đề lớn là thúc đẩy kết nối, tăng cường cộng hưởng chính sách, và phát triển xanh và bền vững.
Về tổng thể, diễn đàn đạt nhiều kết quả, trong đó nổi lên ba kết quả lớn sau đây: Một là, việc tổ chức thành công diễn đàn và Thông cáo chung được thông qua đã góp phần tái khẳng định các cam kết thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối kinh tế, tự do hóa thương mại và tôn trọng chủ nghĩa đa phương. Điều này có ý nghĩa góp phần duy trì và thúc đẩy xu thế liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm, xu hướng bảo hộ thương mại, phản toàn cầu hóa đang gia tăng. Sau gần 6 năm thực hiện, mặc dù vẫn còn nhiều khía cạnh cần hoàn thiện, song cần tiếp tục triển khai 5 lĩnh vực hợp tác của sáng kiến, trên cơ sở các nguyên tắc chung, góp phần tăng cường liên kết kinh tế, kết nối trên nhiều mặt, từ cơ sở hạ tầng, kinh tế, khoa học – công nghệ đến văn hóa xã hội và giao lưu nhân dân.
Hai là, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã chia sẻ nhiều quan điểm thẳng thắn và xây dựng, góp phần thúc đẩy những điều chỉnh mới cho hợp tác Vành đai – Con đường theo hướng đem lại lợi ích cân bằng hơn cho các nước tham gia, nhấn mạnh đến các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, chú trọng nâng cao năng lực của các quốc gia, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất cả về môi trường, bền vững tài chính, lao động, mua sắm, đấu thầu, quản trị cũng như bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng và tính minh bạch tài chính.
Ba là, diễn đàn bàn tròn cấp cao và 12 diễn đàn chuyên ngành đã tạo cơ hội để các đại biểu từ nhiều thành phần khác nhau thảo luận các cơ hội hợp tác và phối hợp trong các lĩnh vực kết nối hạ tầng, cộng hưởng chính sách, thương mại, tài chính, đổi mới sáng tạo, kinh tế số và phát triển xanh. Hội nghị các nhà doanh nghiệp với khoảng 800 lãnh đạo doanh nghiệp từ nhiều nước trên thế giới là dịp tốt để thúc đẩy chia sẻ thông tin, kết nối doanh nghiệp và hợp tác công – tư.
Một số tuyên bố về Diễn đàn lần này
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (28/4) cho biết, cùng xây dựng “Vành đai, Con đường” chính là cần xây dựng con đường phát triển mở cửa, đồng thời chắc chắn cũng là con đường phá triển xanh; khẳng định đây là nhận thức chung quan trọng đã đạt được với các bên tham dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường” lần thứ hai. Trung Quốc mong cùng các nước, chung tay xây dựng quê nhà tươi đẹp, cộng đồng cùng chung vận mệnh loài người; kêu gọi mọi người cần bắt tay làm từ chính bản thân, bắt tay làm từ ngay lúc này, truyền gậy tiếp sức xây dựng văn minh sinh thái hết thế hệ này sang thế hệ khác.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (28/4) cho biết, Diễn dàn cấp cao là mặt bằng hợp tác quốc tế quy mô và tầm cỡ cao nhất trong khuôn khổ cùng xây dựng “Vành đai, Con đường”, bắt tay vào hình thành nhận thức chung quốc tế quy hoạch lộ trình hợp tác cùng xây dựng “Vành đai, Con đường”. Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Một vành đai, một con đường” lần thứ hai một lần nữa dấy lên phong trào trên quốc tế, trở thành điểm nóng được dư luận toàn cầu quan tâm. 6 năm qua, cùng xây dựng “Vành đai, Con đường” đã hoàn thành bố cục tổng thể, bước tiếp theo, căn cứ theo lộ trình do Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo các nước cùng quy hoạch trong diễn đàn cấp cao, Trung Quốc sẽ chung tay với các bên cùng thúc đẩy xây dựng “Vành đai, Con đường” không ngừng tiến lên phía trước theo định hướng chất lượng cao.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, cùng xây dựng “Vành đai, Con đường” không chỉ có thể giải quyết các vấn đề thắt nút cổ chai như cơ sở hạ tầng và vận tải giao thông kiềm hãm sự phát triển của các nước, mà còn có thể giải quyết vấn đề mất cân bằng trong sự phát triển giữa các nước, thúc đẩy giao lưu đối thoại văn minh. Malaysia mong đợi tăng nhanh phát triển đất nước mình qua việc cùng xây dựng “Vành đai, Con đường”.
Tổng thống Philippines Duterte cho biết, Philippines đang triển khai thi công các công trình xây dựng, hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Philippines. Đại diện Bộ trưởng Bộ Công nghệ thông tin-viễn thông Philippines Rio cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy tính không xác định, Philippines đã nhận xét đầy đủ giá trị của sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, Singapore mong đóng vai trò mang tính xây dựng về mặt dịch vụ tài chính, đầu tư nước thứ ba, phát triển nguồn nhân lực trong sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
“Mỏ vàng” lớn sắp lộ diện, TQ ngang nhiên
đặt ra định nghĩa lạ lùng để được “chia phần”
Những động thái gần đây của Trung Quốc tiếp tục nhận nhiều chỉ trích từ các nước, đặc biệt là Mỹ.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo
Phát biểu tại miền bắc Phần Lan trong cuộc họp với các nước có vùng lãnh thổ ở Bắc Cực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cần phải giám sát chặt chẽ hơn hoạt động có mục đích quân sự của Trung Quốc và những động thái của Nga – bao gồm mở những kênh hàng hải mới từ Châu Á sang Châu Âu – trong khu vực này.
“Mỹ và các quốc gia Bắc Cực rất mong muốn được đón nhận những khoản đầu tư kinh tế minh bạch của Trung Quốc, chứ không phải những ý định an ninh quân sự,” ông Pompeo nói.
Hiện tại, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã và đang khiến lớp băng khổng lồ ở Bắc Cực tan ra, làm lộ rất nhiều những mỏ dầu, mỏ khoáng sản đáng giá như nhôm, sắt, các kim loại hiếm trong lòng đất và chưa kể tới lượng hải sản dồi dào chưa được khai thác.
Các quốc gia lớn, bao gồm Nga và Trung Quốc, đã tăng cường hiện diện tại khu vực Bắc Cực trong thời gian gần đây – ông Pompeo cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Mỹ sẽ có động thái tương tự để kiểm soát hoạt động của các nước tại Bắc Cực.
“Khu vực này đã trở thành nơi tập trung và cạnh tranh của các cường quốc. Nhưng việc Bắc Cực là một vùng hoang vu không có nghĩa rằng không cần pháp luật tại đây.
Hoạt động hung hăng của Trung Quốc trên khắp thế giới sẽ phản ánh chiến lược của Bắc Kinh tại Bắc Cực. Tuần trước, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng Trung Quốc có thể tận dụng hoạt động nghiên cứu dân sự ở Bắc Cực để gia tăng hiện diện quân sự. Bắc Kinh đã điều tàu ngầm có khả năng chặn tấn công hạt nhân tới đây,” ông Pompeo tuyên bố.
Sau đó, ông Pompeo dẫn lại những ví dụ về việc các nước bị mắc kẹt trong bẫy nợ, tham nhũng, đầu tư kém chất lượng, bị Trung Quốc quân sự hóa và khai thác cạn kiệt không kiểm soát các loại tài nguyên thiên nhiên.
“Chúng ta có muốn Bắc Cực trở thành một Biển Đông phiên bản mới, với vô số khí tài quân sự và cạnh tranh chủ quyền lãnh thổ hay không?” – ông Pompeo đặt ra câu hỏi.
Định nghĩa “lạ” của Trung Quốc
Trong khi Mỹ và Nga là các nước thành viên của Hội đồng Bắc Cực, Trung Quốc chỉ có vai trò là quan sát viên.
Lấy dẫn chứng rằng điểm cực bắc của Trung Quốc cách Bắc Cực tới 1.450 km, ông Pompeo mỉa mai nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đặt ra định nghĩa “Quốc gia gần Bắc Cực” cho Trung Quốc.
“Chỉ có Quốc gia Bắc Cực và Quốc gia Không thuộc Bắc Cực. Không thể có định nghĩa thứ ba, và định nghĩa của Trung Quốc chẳng có nghĩa lý gì cả,” ông Pompeo nói.
Theo ông Pompeo, Bắc Kinh đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào khu vực – gần 90 tỉ USD trong khoảng năm 2012 và 2017 – và có ý định hưởng toàn bộ lợi nhuận từ đường hàng hải Biển Bắc.
Tàu biển đi qua tuyến đường này có thể cắt giảm một khoảng thời gian lớn để di chuyển giữa Thái Bình Dương và biển Atlantic. Gần đây, băng tan đã khiến hoạt động của tàu biển ở đây ngày càng dễ dàng hơn.
Ông Pompeo cho rằng Trung Quốc muốn bổ sung tuyến đường Biển Bắc vào dự án Con đường Tơ lụa mới. Đây là chương trình đầu tư mà một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, coi là nỗ lực nhằm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.
Gao Feng, đại biểu đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Bắc Cực, phản ứng: “Ông Pompeo nói rằng đây là cuộc đua quyền lực. Vậy hãy xem ai sẽ có nhiều đồng minh hơn”.
Cũng trong bài nói, ông Pompeo chỉ trích “hành động gây hấn” của Nga, nói Moskva muốn tái quân sự hóa khu vực.
“Nga đã để lại dấu chân trên tuyết dưới hình dạng vết giày của quân đội,” ông Pompeo nói.
Dưới thời tổng thống Vladimir Putin, Moskva đã tăng cường hoạt động ở Bắc Cực, mở lại một số căn cứ đã bị bỏ hoang từ sau khi Liên Xô tan rã.
Những tuyên bố gay gắt của ông Pompeo được đưa ra chỉ vài phút trước khi ông có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov để bàn luận về căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ – Nga về vấn đề Venezuela, và một số vấn đề khác.
Cả hai đã mỉm cười và bắt tay trước truyền thông, nhưng từ chối trả lời câu hỏi về tính chất và nội dung của cuộc đối thoại.
Cuối cùng, ông Pompeo nói Mỹ “đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự, củng cố sự hiện diện của quân đội, tái cơ cấu lại hạm đội tàu phá băng, và mở rộng quỹ Tuần duyên Hoa Kỳ”.
TQ báo động quân đội
sau khi tàu chiến Mỹ tuần tra ở Trường Sa
Quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đối phó hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.
Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Chiến khu Nam Bộ quân đội Trung Quốc (PLA), hôm nay tuyên bố lực lượng quân sự nước này sẽ được đặt trong “tình trạng báo động cao” và sẽ “áp dụng mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền quốc gia”, sau khi hai tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải gần đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
Li không nói rõ các “biện pháp cần thiết” này là gì, nhưng cho biết PLA đã triển khai nhiều tàu chiến và máy bay để “xua đuổi” tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon của hải quân Mỹ khi chúng tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép tại đá Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 6/5.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng chiến dịch tuần tra tự do hàng hải này của hải quân Mỹ là “hành động khiêu khích” và yêu cầu Washington chấm dứt các hoạt động tương tự. Trong khi đó, quân đội Mỹ khẳng định hành trình “đi qua vô hại” của hai chiến hạm trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven và Gạc Ma là “nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng và duy trì quyền tự do đi lại trên biển theo luật pháp quốc tế”.
“Các lực lượng Mỹ hoạt động hàng ngày ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông”, trung tá Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ, nói. “Mọi chiến dịch đều được tiến hành phù hợp với luật quốc tế và cho thấy Mỹ sẽ hoạt động trên các vùng trời, vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép. Đây là những gì diễn ra trên Biển Đông cũng như bất kỳ nơi nào trên thế giới”.
Doss khẳng định chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của hải quân Mỹ là “hoạt động thường lệ” và “không nhắm vào quốc gia nào, cũng không thể hiện tuyên bố chính trị nào”.
Đây là hoạt động mới nhất của hải quân Mỹ nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc. Đá Ga Ven và Gạc Ma nằm trong số 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo.
Trung Quốc cũng thúc đẩy hoạt động quân sự hóa tại các đảo nhân tạo này, xây dựng nhiều cơ sở quân sự và các đường băng đủ khả năng tiếp nhận tiêm kích và oanh tạc cơ hạng nặng.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, hải quân Mỹ tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Hồi đầu tháng 1, tàu khu trục USS McCampbell cũng áp sát quần đảo Hoàng Sa để thách thức những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.
Doanh nghiệp TQ
xem ông Trump là ‘sát thủ thương trường’
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà sản xuất nhỏ lẻ Trung Quốc lãnh đủ. Họ gọi tổng thống Mỹ là “sát thủ thương trường”, người có luật chơi kiểu “không chơi theo bất kỳ luật chơi nào hết”.
Những than vãn kiểu “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” của các doanh nghiệp Trung Quốc lại đang đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tổng thống Trump vừa đe dọa sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD xuất sang Mỹ.
Sự việc diễn ra ngay trước thềm vòng đàm phán cuối cùng nhằm kết thúc chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington trong tuần này.
Một số người nói đó là “đòn gió” của ông Trump – tác giả cuốn “Nghệ thuật đàm phán” được xếp vào dạng cháy hàng trước đây.
Song các doanh nghiệp Trung Quốc, những người đã trải qua một năm gánh thuế Mỹ tăng cao hơn, tin rằng đó không phải là lời nói suông.
“Họ phải mua thuốc giảm đau nữa rồi”, ông Liao Yu – giám đốc một công ty xuất khẩu túi xách và hành lý, nói về các nhà sản xuất Trung Quốc bán hàng chủ yếu cho Mỹ và châu Âu.
“Chi phí chuyển nhà máy sản xuất không hề rẻ, đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi. Nhưng nếu không chuyển thì làm sao sống nổi với đống thuế đó? Mức thuế 25% lận đó! Nó sẽ giết hết chúng tôi mất. Trump đúng là sát thủ mà!”, ông Yu than vãn trên báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong.
Theo ông Yu, các khách hàng ở Mỹ và châu Âu đã bắt đầu tìm nguồn cung mới từ các công ty khác ở Đông Nam Á do mức thuế ông Trump áp lên hàng hóa từ Trung Quốc.
“Ban đầu tôi còn nghĩ những sản phẩm của công ty tôi sẽ nằm ngoài danh sách bị áp thuế. Nhưng ông Trump chưa bao giờ chơi theo luật và dường như không ai ở Trung Quốc đủ cửa để chơi với ông ta”, ông Gloria Luo – quản lý một công ty chuyên sản xuất phụ tùng ôtô ở Quảng Châu, thừa nhận sức mạnh từ quyền áp thuế của Mỹ.
Một chủ doanh nghiệp khác đặt tại Thẩm Quyến cho biết ông không hiểu tại sao chứng khoán đỏ sàn vào ngày hôm qua, cho tới khi thấy người ta chuyền tay nhau dòng trạng thái đe dọa tăng thuế của ông Trump trên Twitter.
“Không nuốt trôi được tin tức đó, phải nói thật là như vậy. Truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục nói hai bên đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng và sẽ sớm đạt được một thỏa thuận cuối cùng”, ông này tỏ ra bức xúc.
Trong lúc Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7-5 tiếp tục nhấn mạnh việc Mỹ áp thuế sẽ không giải quyết được gì, các doanh nghiệp nước này lại bắt đầu tính đường sang các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.
Đại diện của một công ty chia sẻ với mức thuế 10% như cũ các khách hàng bên Mỹ vẫn còn bấm bụng chấp nhận vì nếu xuất khẩu đường vòng qua Việt Nam sẽ tốn thời gian hơn. Ông này khẳng định nếu tăng lên 25%, các khách hàng Mỹ của công ty sẽ dứt khoát bỏ Trung Quốc và đổ sang Việt Nam.
“Chi phí chuyển nhà máy sang Việt Nam đã tăng vọt trong năm nay và sẽ còn tăng nữa”, ông Gao Jian nói với báo SCMP. Ông là người đứng đầu một công ty tư vấn đã giúp nhiều công ty Trung Quốc chuyển nhà máy sang một trong số hơn 50 khu công nghiệp của Việt Nam.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27843-doanh-nghiep-tq-xem-ong-trump-la-sat-thu-thuong-truong.html
TQ vẫn đàm phán với Mỹ
nhưng sẽ…’không nhân nhượng nữa’
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ vẫn tới Washington vào tuần tới theo kế hoạch nhưng sẽ ở lại ngắn hơn.
Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định, Phó Thủ tướng nước này – Lưu Hạc sẽ đến Mỹ đàm phán ngày 9 và 10/5, theo lời mời của Đại diện Thương mại Mỹ – Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ – Steven Mnuchin.
South China Morning Post lưu ý, chuyến đi của ông Lưu Hạc diễn ra trong 2 ngày, ngắn hơn dự kiến.
Tuyên bố đưa ra sau khi có tin tức cho rằng Bắc Kinh có thể hủy chuyến thăm đến Washington sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/5 tuyên bố sẽ áp thuế quan tăng từ 10% lên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải các bài xã luận khẳng định, Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ Washington trong cuộc đàm phán sắp tới vì động thái của ông Trump.
Tờ Nhân dân Nhật báo nêu rõ: “Những điều gì có lợi cho chúng tôi, khi không có ai yêu cầu, chúng tôi cũng sẽ làm.
Những điều không có lợi với chúng tôi, thì dù có yêu cầu với điều kiện nào, chúng tôi cũng không lùi bước”.
Tờ báo Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh: Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ nữa.
Các cách tiếp cận của Bắc Kinh từ khi bắt đầu cuộc đối đầu thương mại cho đến nay cho thấy, Trung Quốc đã sẵn sàng cho mọi kịch bản, theo South China Morning Post.
Tờ báo Hồng Kông (Trung Quốc) gọi đòn áp thuế quan mới của ông Trump ngay trước cuộc đàm phán ở Washington là “điều khá bất ngờ”. Dường như Tổng thống Mỹ đã muốn tung ra một chiêu thức để xem họ có thể nhận được nhiều hơn từ cuộc đàm phán với Trung Quốc hay không.
Theo hãng tin CNBC, trong một cuộc họp báo ngày thứ Hai, Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer nói thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25% bắt đầu từ lúc 12h01 trưa ngày thứ Sáu theo giờ Mỹ.
Tuy nhiên, trong cùng buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói Mỹ sẽ xem xét lại việc tăng thuế nếu cuộc đàm phán trở lại đúng hướng.
Theo ông Lighthizer, lý do khiến ông Trump đi đến quyết định tăng thuế đối với hàng Trung Quốc là do Bắc Kinh rút lại một số cam kết đã đưa ra với Mỹ trên bàn đàm phán.
Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc đưa ra các cam kết tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, cho phép các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường nhiều hơn và thay đổi chính sách công nghiệp, bao gồm cả các khoản trợ cấp mà nước này cung cấp cho các Tập đoàn tư nhân.
Hai bên phải đối mặt với sự bế tắc về một cơ chế thực thi các thỏa thuận có thể đạt được.
Ông Trump đã đồng ý hoãn tăng thuế 2 lần vì thấy các tín hiệu tích cực từ đàm phán Mỹ- Trung. Nhưng đến hôm 6/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ dường như đã không còn kiên nhẫn.
Trong dòng tweet đăng trên Twitter cá nhân, nhà lãnh đạo Mỹ không quên nhắc tới khả năng sẽ áp tăng thuế nhập khẩu lên 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tức là gần như toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ sẽ bị tăng thuế hơn gấp đôi.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27837-tq-van-dam-phan-voi-my-nhung-se-khong-nhan-nhuong-nua.html
TQ không tham gia
đàm phán hạt nhân 3 bên với Mỹ, Nga
Trung Quốc ‘sẽ không tham gia’ các cuộc đàm phán hạt nhân ba bên với Hoa Kỳ và Nga theo đề nghị của Tổng thống Trump.
CNN dẫn lời một phát ngôn viên chính phủ hôm thứ Hai nói rằng Bắc Kinh sẽ không tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân ba bên. Quyết định này có thể phá hỏng kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump cho một thỏa thuận hạt nhân guy mô giữa ba quốc gia.
Hồi tháng Tư CNN đưa tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắm tới khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với Nga và Trung Quốc, sau khi ông miêu tả Hiệp định Tài giảm Vũ khí chiến lược (START) với Moscow trước đây là một “thỏa thuận xấu”.
Nhiều giới chức Toà Bạch Ốc nói với CNN rằng ê-kíp của ông Trump đang xem xét các lựa chọn cho một hiệp ước hạt nhân mới sau khi START đáo hạn vào năm 2021, hiệp ước mới sẽ có liên quan đến Trung Quốc và “bao gồm tất cả vcc ũ khí, tất cả các đầu đạn, tất cả các tên lửa.”
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Trump cho biết ông đã nói chuyện với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và chính phủ Trung Quốc về một thỏa thuận ba bên, động thái mà các quan chức chính phủ cho có thể là một trong những thành tựu chính sách đối ngoại mang dấu ấn của ông Trump.
“Tôi đã nói chuyện với Trung Quốc. Họ rất muốn tham gia thỏa thuận đó. Trên thực tế, trong các cuộc đàm phán thương mại, chúng tôi đã bắt đầu thảo luận về điều đó”, ông Trump nói.
Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai công khai phủ nhận rằng họ quan tâm đến bất kỳ thỏa thuận nào như vậy.
“Chúng tôi phản đối nỗ lực của bất kỳ nước nào gây khó khăn cho Trung Quốc về chuyện kiểm soát vũ khí và sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào để đạt một thỏa thuận giải trừ hạt nhân ba bên”, phát ngôn viên Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo hàng ngày.
Ông Cảnh Sảng nói trách nhiệm nằm ở Hoa Kỳ và Nga, trong tư cách là các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, phải giảm kho dự trữ vũ khí trước khi các nước khác tham gia.
Theo tổ chức theo dõi các mối đe dọa hạt nhân, Trung Quốc có khoảng 280 đầu đạn hạt nhân, so với hàng ngàn đầu đạn thuộc quyền sở hữu của Hoa Kỳ và Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-khong-tham-gia-dam-phan-hat-nhan-3-ben/4907704.html