Tin khắp nơi – 08/05/2018
Di dân TQ kết hôn giả để sang Costa Rica
Nhiều dân di cư Trung Quốc trả tiền để kết hôn giả với người Costa Rica nhằm tìm cách sinh sống tại châu Mỹ, như Tamara Gil của BBC Mundo tường thuật:
‘Ai muốn kiếm tiền?’
Đó chỉ là một câu hỏi đơn giản, nhưng đủ để thuyết phục María (không phải tên thật) bước vào một thỏa thuận đơn giản.
Một người môi giới ra giá 100.000 Colon (175 đô la Mỹ) trả cho một phụ nữ 46 tuổi người Costa Rica để bà này kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc, nhờ thế ông ta có thể được quyền cư trú ở đất nước Trung Mỹ.
Vào thời điểm đó, María sống tại một trong những khu vực nghèo nhất của thủ đô Costa Rica, San José, và tuyệt vọng trông chờ giúp đỡ để nuôi sống gia đình.
“Chúng tôi không có gì để ăn,” María nói về quyết định ‘đồng ý’.
‘Tìm con mồi’
Khu phố của María không phải là một nơi an toàn. “Xung quanh đây, bạn càng biết ít, bạn càng sống lâu”, một người dân cảnh báo.
Điều xảy ra với María không phải hiếm ở đây. Một luật sư hoặc người trung gian đến đây tìm kiếm những người tuyệt vọng nhất và thuyết phục họ kết hôn với một người nước ngoài mà họ thậm chí chưa từng gặp.
“Họ tìm kiếm con mồi … Người dân ở đây đang rất cần. Dù họ có trả ít như thế nào, thì mọi người chấp nhận mà không nghĩ gì thêm,” một người khác giải thích.
Giới trẻ Trung Quốc ‘ngại hôn nhân và sinh con’
Tòa Đài Loan ủng hộ hôn nhân đồng giới
Giới trẻ Trung Quốc ‘ngại hôn nhân và sinh con’
María đã kết hôn mà không rời khỏi khu phố của mình. Bà vừa mới bước vào một chiếc xe hơi, nơi bà ký một giấy chứng nhận kết hôn và nhận 100.000 đồng Colon đổi lại biết rằng là bà sẽ ly hôn càng sớm càng tốt.
Bà nói đó là tất cả những lời giải thích mà bà nhận được. “Họ chỉ cho tôi xem một bức ảnh của người đàn ông Trung Quốc và nói với tôi: “Bà María, bà kết hôn với người đàn ông Trung Quốc này.”
Trong trường hợp của María, người trung gian sẽ tiếp tục quay trở lại với giấy tờ ly hôn một thời gian sau đó.
Một vài năm sau, bà lại kết hôn với một người Trung Quốc khác để kiếm tiền. Các con gái bà cũng làm vậy. Và cả người yêu của bà.
Chợ đen
Chính phủ nói rằng trường hợp của María là một phần của một vấn đề nghiêm trọng, khó để kiểm soát.
Công tố viên Guillermo Fernández cho biết văn phòng của ông hiện đang điều tra hơn 1.000 trường hợp nghi ngờ hôn nhân giả.
Ông Fernández lo ngại con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Giám đốc văn phòng di dân của Costa Rica, Gisela Yockchen, nói về một “chợ đen” cho các cuộc hôn nhân giả mạo do các mạng lưới tội phạm Costa Rica điều hành.
Bà nói những “mafia” hoạt động theo những cách khác nhau, một số thậm chí ăn cắp danh tính của người dân để kết hôn họ với người nước ngoài tìm kiếm cư trú hợp pháp hoặc thậm chí quốc tịch thông qua hôn nhân.
Đầu tiên nạn nhân của trò lừa đảo này sốc khi biết tình trạng hôn nhân của họ đã bị thay đổi từ “độc thân” thành “kết hôn” mà họ không biết hoặc không đồng ý.
Trong những trường hợp khác, những người chấp nhận một cuộc hôn nhân giả để đổi lấy tiền phát hiện ra lời hứa về việc ly hôn không được thực hiện, khiến họ bị bỏ lại trong cuộc hôn nhân với đối tác mà họ chưa từng và thậm chí không biết cách nào để tìm hiểu.
Một tài liệu chính thức mà BBC được xem cho thấy một người Trung Quốc – người không hề nói chút tiếng Tây Ban Nha nào – đã ký vào một văn bản mà ông nghĩ là một đơn xin cư trú trong khi đó thực tế là giấy chứng nhận kết hôn.
Luật chặt chẽ hơn
Bà Yockchen nói rằng bộ luật nhập cư nghiêm ngặt hơn năm 2010 đã giải quyết phần nào đó vấn đề. Theo đó, các công chứng viên và những người liên quan đến việc sắp xếp các cuộc hôn nhân giả có thể bị kết án tối đa 5 năm tù giam.
Kể từ đó, thường trú nhân không còn được cấp tự động cho người nước ngoài chỉ vì đã kết hôn với một công dân Costa Rica.
Công dân nước ngoài vẫn có thể nộp đơn xin giấy phép cư trú sau khi kết hôn với một người Costa Rica và đã có giấy đăng ký kết hôn tại Cơ quan đăng ký dân sự, nhưng giấy phép này chỉ giới hạn trong một năm.
Nó có thể được gia hạn hàng năm nếu cặp đôi cung cấp bằng chứng họ đang sống chung với nhau như vợ chồng. Sau ba năm, đối tác nước ngoài có thể nộp đơn xin thường trú.
‘Cửa vào Hoa Kỳ’
Hầu hết người Trung Quốc di cư đến Costa Rica đến từ Quảng Đông, nhà nghiên cứu Alonso Rodríguez nói.
Nhiều người chọn Costa Rica vì chính sách nhập cư thân thiện và nổi tiếng là một quốc gia tương đối an toàn.
Ngoài ra Costa Rica còn có một lịch sử nhập cư lâu dài, với người Trung Quốc đầu tiên đến đây năm 1855 để làm việc thuê ở nông trại.
Nhưng điểm đến cuối cùng của người di cư Trung Quốc ngày nay không nhất thiết là Costa Rica.
“Đối với nhiều người, đó là một cánh cửa để vào Mỹ,” ông Rodríguez giải thích.
Nếu họ ở Costa Rica, họ thường mở và điều hành các doanh nghiệp nhỏ. “Họ thích nghi rất tốt với lối sống ở đây,” ông nói.
Li Zhong là một trong những người định cư ở Costa Rica. Bà điều hành một cửa hàng tiện lợi ở San José.
Khi được hỏi về cách bà đến Costa Rica, bà nói rằng bà “đã mua đường vào Panama”.
Sau khi có “vấn đề” với chính quyền ở Panama, bà chuyển đến Costa Rica. Con trai chuyển đến cùng bà và mở cửa hàng của riêng mình.
Khi đề cập đến chủ đề cuộc hôn nhân giả, bà Li lảng tránh nhưng khẳng định bà biết nhiều cặp vợ chồng người Trung Quốc-Costa Rican.
Giống như nhiều người Trung Quốc, bà Li có một người Costa Rica trong gia đình. Chỉ khác là trong trường hợp của bà, đó không phải là người chồng mà bà kết hôn để có thể có được nơi cư trú mà là cháu trai của bà, sinh ra ở đất nước Trung Mỹ này.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44036405
Duterte nói ‘TQ hứa sẽ bảo vệ Philippines’
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố Trung Quốc cam kết sẽ bảo vệ Philippines trước những mối đe dọa bên ngoài, truyền thông nước này đưa tin.
Hôm thứ Sáu 4/5, vị tổng thống nổi tiếng với những phát ngôn mạnh miệng đã tỏ ý đứng về phía Trung Quốc và chỉ trích Mỹ trong một bài phát biểu tại thành phố Davao quê hương ông.
“Nếu Mỹ đồng ý giúp, điều mà tôi nghi ngờ, họ có tên lửa. Nhưng lính bộ binh, Mỹ dị ứng với điều đó. Họ đã thua rất nhiều cuộc chiến.
“Trung Quốc thì nói, Chúng tôi sẽ bảo vệ các bạn. Chúng tôi sẽ không để cho Philippines bị tàn phá. Chúng tôi ở đây và các bạn có thể kêu gọi sự trợ giúp của chúng tôi bất kỳ lúc nào,” tờ the Phillippines Star dẫn lời ông Duterte hôm 7/5.
“Mỹ sẽ không bảo vệ chúng ta…Tôi biết cách suy nghĩ của người Mỹ,” ông nói thêm.
TQ: Lúc này là ‘thời vàng son’ với Philippines
Philippines-TQ sẽ ‘sớm hợp tác ở Biển Đông’?
Người Philippines vẫn tin Mỹ hơn TQ
Philippines và Mỹ là các đồng minh quân sự, nhưng có vẻ ông Duterte đang muốn xa lánh Mỹ vì nước này bày tỏ quan ngại về hàng ngàn người bị giết trong cuộc chiến ma túy tàn bạo của ông.
Ông đã nhiều lần tuyên bố sẽ ‘ly khai’ Mỹ, chẳng hạn tại một diễn đàn kinh tế ở Trung Quốc hồi tháng 10/2017.
‘Cảm ơn Trung Quốc và Nga’
Cũng tại cuộc họp ở Davao hôm 4/5, ông Duterte cảm ơn Trung Quốc và Nga đã cấp vũ khí cho Philippines mà không yêu cầu gì đổi lại.
“Cho đến ngày hôm nay, Trung Quốc và Nga chưa yêu cầu tôi phải đưa một mảnh giấy hay một cái bút chì.”
Nhưng ông Duterte cũng nói ông chưa sẵn sàng tham gia liên minh quân sự.
“Và tôi nói với họ là tôi chưa sẵn sàng tham gia các liên minh quân sự vì chúng ta đã có thỏa thuận với Mỹ. Nếu chúng ta có thỏa thuận với họ, tôi không thể tham gia vào các thỏa thuận khác,” ông nói.
Sau khi có tin Trung Quốc vừa lắp đặt tên lửa hành trình và hệ thống tên lửa đất-đối-không trên ba tiền đồn ở Biển Đông, Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Sung Kim đã khẳng định lại cam kết của Mỹ trong thỏa thuận liên minh quân sự với Phillippines hôm thứ Năm 3/5.
Hãng CNBC hôm 2/5 dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng theo đánh giá của tình báo Hoa Kỳ, các tên lửa đã được chuyển đến Đá Chữ Thập, Đá Xubi và Đá Vành Khăn. Phillippines tuyên bố chủ quyền với cả ba bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa này.
Vị thế Philippines trong chiến lược của Hoa Kỳ
Biển Đông: Philippines không bỏ phán quyết PCA
Philippines ‘sẽ khai thác dầu khí’ tại Biển Đông
Đại sứ Kim nói phía Mỹ sẽ ‘làm tất cả những gì có thể’ để bảo vệ tự do hàng hải, đường bay và thương mại ở Biển Đông.
“Chúng tôi đã kêu gọi các nước kiềm chế không bồi đắp và quân sự hóa các vùng đất được bồi đắp, và chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi,” tờ Manila Standard trích lời ông Kim hôm 3/5.
Ông Kim nói sự có mặt gần đây của các tàu chiến và hàng không mẫu hạm Mỹ, các tàu USS Carl Vinson và USS Theodore, Roosevelt, cũng như tàu thủy phi cơ USS Bonhomme Richard tới Philippines là “liên quan trực tiếp đến tình hình hiện có ở Biển Đông.”
“Sự hiện diện của Mỹ qua những chuyến thăm này…không chỉ thể hiện cam kết của chúng tôi đối với liên minh Philippines – Mỹ trong khu vực mà còn với cam kết làm tất cả những gì có thể để bảo vệ tự do hàng hải, tự do bay, và thương mại, những điều không chỉ là các quyền quan trọng với Mỹ và còn quan trọng với tất cả các nước kể cả Philippines. Vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì chúng tôi có thể để bảo vệ các quyền này,” Đại sứ Kim nói.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44029401
Trung Quốc xử tù chung thân ông Tôn Chính Tài
Cựu quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tôn Chính Tài, vừa bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ.
Ông Tôn Chính Tài, 54 tuổi, cựu quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng được đề xuất vào một vị trí lãnh đạo hàng đầu, bị kết tội nhận hối lộ hơn 26,7 triệu đô la Mỹ và đã nhận tội vào tháng Tư.
Ông Tôn, cựu thành viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Trùng Khánh, là nhân vật cao cấp mới đây nhất rơi vào chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình.
VN: Chống tham nhũng cần nhất điều gì?
VN: Cuộc chiến chống tham nhũng ‘có đà’ làm tốt hơn
Báo Sóng Thần chống tham nhũng trước 1975
Việt Nam ‘tiến bộ trong chống tham nhũng’
Theo Xinhua, “những khoản thu bất hợp pháp” của ông Tôn sẽ bị tịch thu.
Trong chiến dịch chống tham nhũng đang lan rộng của Tập Cận Bình, hơn một triệu quan chức đã bị trừng phạt kể từ khi ông Tập lên nắm quyền.
Nhưng giới chỉ trích cáo buộc ông Tập sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để bịt miệng các đối thủ chính trị và kiềm chế các quan chức thách thức vị trí của ông.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44036410
Bắc Hàn: Sự khiêu khích của Mỹ
ảnh hưởng đến hòa bình Triều Tiên
Bắc Hàn cảnh báo Hoa Kỳ về việc sử dụng “các áp lực và đe dọa quân sự” đối với nước này khi cả hai nước đang chuẩn bị cho cuộc hội nghị thượng đỉnh lịch sử.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Bắc Hàn cho biết Hoa Kỳ đã cố ý kích động miền Bắc bằng cách đề xuất rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không được gỡ bỏ cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp nhau trong vài tuần tới.
Đây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước.
Nam Hàn tắt loa phát thanh nhắm vào Bắc Hàn
‘Ngừng chiến tranh tâm lý’ nơi biên giới Hàn-Triều
Mỹ tính rút quân ở Nam Hàn, TQ sang thăm Bắc Hàn
Hai nhà lãnh đạo Bắc và Nam Hàn đã đồng ý vào tháng trước về việc phi hạt nhân hóa khu vực, tại cuộc hội đàm biên giới sau nhiều tháng khẩu chiến giữa Bắc Hàn và ông Trump.
Ông Kim đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Bắc Triều Tiên đặt chân đến Hàn Quốc kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953.
Bắc Hàn thường xuyên chỉ trích Hoa Kỳ – nhưng những tuần gần đây các cuộc đả kích ít dần, khi các kế hoạch cho cuộc hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra.
Tuyên bố mới nhất này là một lời nhắc nhở rằng các cuộc hội đàm giữa hai nước sẽ diễn ra một cách không dễ dàng, biên tập viên Châu Á của BBC, Michael Bristow bình luận.
Các quan chức Bắc Triều Tiên, được dẫn bởi thông tấn nhà nước KCNA, cho rằng Washington đã “đánh lạc hướng công chúng” khi nói cam kết phi hạt nhân là kết quả của các biện pháp trừng phạt và các áp lực khác.
Mỹ cũng đã làm trầm trọng thêm bầu không khí khi triển khai lực lượng quân sự trên bán đảo Triều Tiên, KCNA cho biết thêm.
“Hoa Kỳ đang cố ý kích động [Triều Tiên] vào thời điểm tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang tiến tới hòa bình và hòa giải nhờ vào hội nghị thượng đỉnh Bắc-Nam lịch sử và Tuyên bố Bàn Môn Điếm,” tuyên bố nói.
“Hành động này không thể được hiểu khác hơn là một nỗ lực nguy hiểm để hủy hoại bầu không khí của cuộc đối thoại vốn rất khó đạt được và đưa tình hình trở lại điểm khởi đầu.”
“Sẽ không có lợi khi Mỹ cho rằng ý định yêu hòa bình của [Triều Tiên] là một dấu hiệu của ‘sự yếu đuối’ và tiếp tục theo đuổi các áp lực và các mối đe dọa quân sự chống lại Bắc Hàn.”
Ông Trump đã nói ông sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt và áp lực khác ở miền Bắc và đề xuất lập trường cứng rắn của ông đã giúp tạo điều kiện hòa giải.
Hôm 27/4, ông Kim đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại làng biên giới Bàn Môn Điếm.
Họ nói rằng họ sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán với Mỹ và Trung Quốc để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, kết thúc vào năm 1953 với một thỏa thuận ngừng bắn, không hoàn toàn hòa bình, và cam kết với mục tiêu “bán đảo Triều Tiên không hạt nhân”.
Ông Trump cho biết ngày và địa điểm cho các cuộc đàm phán đã được quyết định, nhưng không tiết lộ chi tiết.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44035865
Gina Haspel và các vụ CIA ‘tra tấn ở Thái Lan’
Khi Gina Haspel được đề cử là người đứng đầu tiếp theo của CIA vào tháng 3, nó đã mở lại cuộc tranh luận về một thời kỳ u ám của lịch sử Hoa Kỳ gần đây – việc sử dụng các nhà tù bí mật ở nước ngoài để tra tấn các nghi phạm khủng bố.
Như phóng viên Đông Nam Á của BBC Jonathan Head đưa tin, sự chú ý hướng tới Thái Lan, một ‘cơ sở đen’ mà bà Haspel đã từng điều hành.
Trump sa thải ngoại trưởng, thay bằng giám đốc CIA
Cựu giám đốc FBI: Trump ‘không đủ đạo đức’
Trump thay HR McMaster bằng John Bolton
Đầu tháng 4/2002, một chiếc máy bay cất cánh từ một căn cứ không quân không được tiết lộ ở Pakistan, trên đường đến Thái Lan. Trên máy bay là một hành khách đặc biệt. Abu Zubaydah, 31 tuổi, người Palestine gốc Arập, được cho là một trong những trợ tá hàng đầu của Osama Bin Laden, đã bị bắt một vài ngày trước đó trong một cuộc đột kích chung của Mỹ-Pakistan vào nhà Al Qaeda ở Faisalabad.
Ông hiện đang ở trong tay các điệp viên CIA, những người đã quyết định biến ông thành ‘tù nhân có giá trị cao’ đầu tiên để tham gia vào những gì họ gọi là “kỹ thuật thẩm vấn nâng cao”, mà các nhóm nhân quyền cho là không khác gì tra tấn.
Nhưng họ cần nơi nào đó để thực hiện.
Tháng 12/2014, Ủy ban Thượng nghị sĩ về Tình báo Hoa Kỳ (SSCI) đã công bố bản tóm tắt của một báo cáo bí mật dày 6.000 trang về các kỹ thuật này.
Nơi mà Abu Zubaydah và ít nhất hai ‘tù nhân có giá trị cao’ khác bị thẩm vấn chỉ được biết đến với cái tên Trại giam Xanh.
Thái Lan không được coi là nước chủ nhà. Các quan chức Hoa Kỳ và Thái Lan đã liên tục bác bỏ sự tồn tại của một cơ sở như vậy, mặc dù sự phủ nhận của Thái Lan đôi khi không chắc chắn.
Nhưng một cựu quan chức an ninh quốc gia Thái Lan đã xác nhận với BBC rằng Trại giam Xanh nằm bên trong căn cứ Không quân Hoàng gia Thái Lan ở Udon Thani thuộc phía đông bắc nước này.
Nó không lớn – chỉ là một căn cứ an toàn của CIA, ông nói.
Mỹ có thể hoạt động ở đó miễn là chính phủ Thái Lan được duy trì thông báo.
“Bất cứ khi nào một ai đó bị bắt bởi Mỹ, kể cả ở các nước khác hoặc trong Thái Lan, họ được đưa tới khu vực này, và sau đó bị gửi đi một lần nữa trên một máy bay Mỹ,” vị quan chức nhớ lại.
Tại sao là Thái Lan?
Báo cáo của SSCI đưa ra các lý do cho việc lựa chọn Thái Lan:
Việc giam giữ của quân đội Hoa Kỳ bị từ chối vì họ sẽ phải báo Ủy ban chữ thập đỏ Quốc tế.
Cơ sở giam giữ lớn tại Vịnh Guantanamo ở Cuba cũng không phù hợp, vì họ tin rằng bí mật sẽ khó duy trì ở đó, và cả FBI hay quân đội Mỹ có thể phải chịu trách nhiệm thẩm vấn.
Tổng thống Donald Trump cách chức giám đốc FBI
Mỹ: Andrew McCabe ‘nộp ghi chú về Trump-Nga’
Cựu nhân viên CIA bị bắt giữ trong vụ ‘gián điệp Trung Quốc’
Tổng thống Bush đã thông qua việc chuyển Abu Zubaydah đến Trại giam Xanh vào ngày 29/3/2002. Chính phủ Thái Lan đã được thông báo và đồng ý, cùng ngày.
Việc chọn Thái Lan, và Udon Thani, có ý nghĩa vì nhiều lý do:
Giữa hai nước có hiệp ước đồng minh.
Hợp tác gần gũi giữa Mỹ và Thái Lan trong các vấn đề quân sự và tình báo đã trở lại những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh.
Trong thập niên 1960, Thái Lan cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân trên lãnh thổ của mình để đánh bom các mục tiêu cộng sản ở Việt Nam, Lào và Campuchia.
Udon Thani là một trong những căn cứ chính của Mỹ, và được CIA sử dụng rất nhiều vào thời điểm đó, có đội bay của riêng mình.
Vào thời điểm đó, CIA đang xem xét đưa các nghi phạm Al Qaeda đến Thái Lan vào năm 2002, khi mà quốc gia này có một thủ tướng mới, Thaksin Shinawatra, một nhà lãnh đạo liều lĩnh nhưng hà khắc muốn đưa đất nước theo một hướng khác.
Ông đã công khai tỏ ra lạnh nhạt hơn với người Mỹ so với những người tiền nhiệm, một phần do sự oán giận của nhiều doanh nghiệp Thái Lan đối với Hoa Kỳ vì sự thất bại rõ ràng trong việc hỗ trợ Thái Lan đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.
Ông Thaksin cũng tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Ông chủ trương giữ vai trò trng lập của Thái Lan trong cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống George Bush và kiên quyết rằng Thái Lan không có vấn đề về khủng bố.
Sau đó, ông chê trách Mỹ vì các chỉ trích đối với hồ sơ nhân quyền của mình, phàn nàn rằng ông không phải là “tay sai” của Washington.
Nhưng đằng sau vẻ mặt công khai thách thức của ông Thaksin, các mối quan hệ giữa hai nước, và đặc biệt là giữa quân đội, tình báo và các cơ quan thực thi pháp luật của họ vẫn duy trì quan hệ gần gũi.
Thái Lan hợp tác hay chống lại?
Vài tháng trước vụ tấn công 11/9 ở New York, CIA đã thành lập một cơ quan bí mật mới được gọi là Trung tâm Tình báo Chống khủng bố, tập hợp nhân sự từ ba cơ quan của Thái Lan cùng với các đối tác từ Hoa Kỳ để theo dõi các chiến binh Hồi giáo ở Đông Nam Á.
Mặc dù vậy, khi CIA lần đầu tiên yêu cầu sử dụng Trại giam Xanh để thẩm vấn các nghi phạm, rõ ràng đã có một số khó khăn với người Thái.
Báo cáo của SSCI đề cập đến một yêu cầu được đưa ra cho CIA đối với một số “hỗ trợ” từ các quan chức chịu trách nhiệm về trại giam.
Sự “hỗ trợ” này dường như đã được đưa ra, nhưng sau đó các quan chức Thái Lan được thay thế bằng những người ít phục tùng mệnh lệnh hơn, gần như buộc CIA phải đóng cửa cơ sở.
Người đứng đầu CIA, theo báo cáo, có thể đã đàm phán để duy trì trại giam.
Báo cáo cũng đề cập đến ít nhất tám quan chức Thái Lan, có lẽ là cao cấp, những người biết về cơ sở bí mật, và cơ quan này cho rằng nhiều người có lẽ cũng biết về nó.
Với việc các tờ báo lớn bắt đầu thu thập thông tin về trại giam giữ, CIA tin rằng việc gia tăng công khai, và sự bối rối này sẽ khiến người Thái, cuối cùng buộc phải đóng cửa trại giam.
Đây là thực tế những gì đã xảy ra trong tháng 12/2002, hai tháng sau khi Gina Haspel được cho là giữ vai trò phụ trách.
Không có kết quả từ tra tấn
Trong thời gian bị bắt tại Pakistan, Abu Zubaydah bị thương nặng và phải đến bệnh viện ngay sau khi đến Thái Lan. Nhưng đến ngày 15/4 ông bị chuyển đến Trại giam Xanh.
Xà lim của ông được mô tả trong một điện tín của CIA là “trắng không có ánh sáng tự nhiên hoặc cửa sổ, nhưng có bốn đèn halogen chiếu vào xà lim …” Nhân viên an ninh mặc tất cả đồng phục đen, bao gồm ủng, găng tay, mũ chùm đầu và cổ, và kính bảo hộ để không cho Abu Zubaydah nhận dạng được các nhân viên, cũng như để ngăn Abu Zubaydah “nhìn thấy các nhân viên bảo vệ như những cá nhân mà ông ta có thể cố gắng thiết lập mối quan hệ hoặc nói chuyện với”.
Nhân viên an ninh sử dụng ngôn ngữ cử chỉ để giao tiếp khi ở cùng với Abu Zubaydah và sử dụng còng tay và cùm chân để kiểm soát.
Ngoài ra, nhạc rock to được phát hoặc máy phát tiếng ồn được sử dụng để tăng “cảm giác tuyệt vọng” của Abu Zubaydah. Theo báo cáo:
Lần đầu ông bị cô lập trong 47 ngày, trong thời gian đó ông ta cũng bị FBI thẩm vấn.
Từ ngày 4/8, trong ít nhất 20 ngày, ông bị các nhân viên CIA sử dụng các biện pháp mạnh hơn, giam giữ hơn 200 giờ trong một chiếc hộp hẹp, giống như quan tài, và gần 30 giờ trong một hộp nhỏ hơn chỉ rộng 50cm.
Anh ta cũng bị ném sầm vào tường, và bị ‘tra tấn nước’ 83 lần – bị trói trần truồng trên băng ghế, phủ miếng vải trên mặt, rồi bị xối nhiều nước, khiến cho nghẹt thở và nôn mửa.
Vai trò không rõ ràng của Haspel
Vào thời điểm Gina Haspel tiếp quản Trại giam Xanh, cuộc thẩm vấn chuyên sâu của Abu Zubydah đã kết thúc. Một nghi phạm al Qaeda, al Rahim al Nashiri, cũng bị ‘tra tấn nước’.
Các phương pháp gây tranh cãi được sử dụng với Abu Zubaydah không tạo ra bất kỳ thông tin hữu ích nào.
Theo những thông tin thu thập được, ông đã chịu hợp tác trong quá trình thẩm vấn nhẹ nhàng hơn của FBI.
Vai trò chính xác của Gina Haspel vẫn chưa rõ ràng.
BBC đã liên hệ với CIA để làm rõ vai trò của bà ở Thái Lan.
CIA nói rằng họ không thể bình luận về các câu hỏi của chúng tôi, nhưng đã hướng chúng tôi đến một sự điều chỉnh trong một bài viết khác về Gina Haspel, trong đó có tuyên bố rằng bà đã đảm nhận vai trò giám sát của mình ở Thái Lan sau khi việc ‘tra tấn nước’ với Abu Zubaydah kết thúc.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, cựu chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, đã yêu cầu rằng vai trò của Gina Haspel trong việc điều hành Trại giam Xanh, và trong một mệnh lệnh của CIA năm 2005 về việc hủy bỏ 92 băng hình về các cuộc thẩm vấn được tiến hành ở đó, phải được công khai để Thượng viện có thể đưa ra một đánh giá thông báo liệu bà có phù hợp với vai trò đứng đầu cơ quan.
Khi Trại giam Xanh bị đóng cửa vào tháng 12/2002, Abu Zubaydah bị đưa đến một trại giam bí mật khác của CIA tại Ba Lan.
Cuối cùng, ông bị đưa đi, qua một số địa điểm khác, đến Vịnh Guantanamo, nơi ông được nhìn thấy lần đầu tiên vào tháng 8/2016, 14 năm sau khi ông bị bắt.
Mỹ hiện nay thừa nhận rằng ông không quan trọng trong Al Qaeda như họ nghĩ ban đầu.
Tòa nhà chính xác được sử dụng để giam giữ và thẩm vấn ông trong căn cứ không quân Udon Thani vẫn chưa được tiết lộ.
Kể từ khi đóng cửa Trại giam Xanh, quan hệ Thái Lan – Hoa Kỳ đã bị căng thẳng bởi hai cuộc đảo chính quân sự, nhưng hợp tác quân sự và tình báo chặt chẽ vẫn tiếp tục, bất kể vị trí ngoại giao công khai của mỗi nước.
Trong khi đó Nhà Trắng đưa ra tuyên bố ngày 3/5 kêu gọi Thượng viện ủng hộ việc đề cử bà Haspel càng sớm càng tốt.
Nhà Trắng trích dẫn cựu giám đốc Sở mật vụ CIA John Bennet nói rằng bà đã thực hiện một số nhiệm vụ “đòi hỏi nhiều nhất và ít bổ ích nhất” trong sự nghiệp của mình, “bởi vì bà cảm thấy đó là nhiệm vụ của mình”.
“Lòng yêu nước ấy”, tuyên bố của Nhà Trắng, “chính xác là những gì người Mỹ xứng đáng được nhận trong vai trò giám đốc CIA.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-44028895
Hội đàm bí mật Tập Cận Bình- Kim Jong Un ở Đại Liên
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vừa mở một cuộc hội đàm ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh thuộc khu vực đông-bắc Trung Quốc trong hai ngày 7 và 8/5, báo Xinhua của nhà nước Trung Quốc xác nhận hôm 8/5, sau khi rộ lên tin đồn về một cuộc gặp bí mật giữa lãnh đạo hai nhà nước cộng sản này.
Báo Xinhua miêu tả cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí thân mật và hữu nghị và cho biết là sau cuộc hội đàm, chủ tịch Tập Cận Bình đã mở tiệc thiết đãi ông Kim. Nguồn tin này cho biết hai nhà lãnh đạo đã sánh bước bên nhau tới dự bữa tiệc trưa.
Về nội dung cuôc họp, Xinhua chỉ cho biết lãnh đạo hai nước Cộng sản đã có một cuộc trao đổi quan điểm sâu rộng về quan hệ Trung-Triều và các vấn đề lớn mà hai bên đều quan tâm.
Cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc còn tiết lộ rằng có mặt trong các hoạt động xung quanh cuộc họp thượng đỉnh Triều Tiên-Trung Quốc có ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), thuộc Ủy Ban Thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước khi Xinhua xác nhận tin tin này đã rộ lên tin đồn trong giới truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc về cuộc gặp gỡ không báo trước khi ông Tập Cận Bình bất ngờ tới thành phố Đại Liên để gọi là “gặp một quan chức rất cao cấp” của Triều Tiên.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc tường trình rằng chiếc máy bay Triều Tiên đã hạ cánh hôm 7/5 trong các điều kiện an ninh nghiêm ngặt. Đài NHK của Nhật Bản thì tải một tấm hình chiếc máy bay của hãng Air Koryo nằm trên đường băng của sân bay Đại Liên hôm 8/5.
Hãng tin Kyodo cho biết chiếc máy bay đã rời Đại Liên vào cuối ngày hôm 8/5.
Đại Liên từng là địa điểm lịch sử nơi từng diễn ra các cuộc họp bí mật giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc và Triều Tiên. Ông Kim Nhật Thành và ông Kim Jong Il, ông nội và cha của đương kim lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un từng tới nhà khách của thành phố Đại Liên để dự các cuộc gặp bí mật với các lãnh đạo của Trung Quốc.
Cuộc gặp bí mật trên đất Trung Quốc diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và lãnh tụ Triều Tiên dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6. Tin cho biết cuộc gặp này có thể diễn ra tại Singapore.
https://www.voatiengviet.com/a/hoi-dam-bi-mat-tap-can-binh-kim-jong-un-o-dai-lien/4384414.html
Giá dầu thế giới giảm trước khi có tuyên bố của Mỹ
về thỏa thuận hạt nhân Iran
Giá dầu vào ngày 8/5 giảm tại Châu Á; đây là mức giảm sau ba năm rưỡi tăng cao do các nhà đầu tư lo ngại trước quyết định của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về thỏa thuận Hạt Nhân Iran. Hãng tin AFP loan tin này trong cùng ngày 8 tháng 5.
Trong một tweet mới đây, tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ đưa ra thông báo về quyết định liên quan tới thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Quyết định từ phía Hoa Kỳ có thể khiến cho nguồn cung dầu thô bị sụt giảm.
Mặc dù lãnh đạo các quốc gia khác kêu gọi tổng thống Mỹ tiếp tục duy trì hoà bình, nhiều khả năng Mỹ vẫn sẽ rút khỏi Thoả thuận hạt nhân đã ký năm 2015 với Iran và điều này khiến lo ngại về tình hình bất ổn sẽ gia tăng tại khu vực Trung Đông.
Theo ông Greg McKenna, nhà quản lý chiến lược thị trường của AxiTrader thì việc Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái tại Trung Đông và làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ do Iran sản xuất. Bên cạnh đó giá dầu tăng còn là do Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt mới đối với Venezuela.
Ðảng Cộng hòa tranh cử sơ bộ quyết liệt
tại Indiana và West Virginia
Cuộc đua quyết liệt tại bang West Virginia và Indiana giữa các ứng cử viên nỗ lực chứng tỏ trung thành với Tổng thống Donald Trump sẽ nổi bật trên danh sách ứng cử của các cuộc đua tranh sơ bộ gây cấn của Ðảng Cộng hòa tại bốn tiểu bang trong ngày 8/5.
Cử tri tại hai bang Ohio và North Carolina cũng bầu chọn ứng cử viên trong ngày 8/5 để ra tranh cử vào Quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 11, khi mà Ðảng Dân chủ sẽ cố chiếm hai ghế ở Thượng viện và 23 ghế ở Hạ viện để giành lại quyền kiểm soát Quốc hội và khống chế nghị trình của Tổng thống Trump.
Ông Trump đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 tại cả bốn bang tranh cử sơ bộ hôm 8/5. Ðảng Cộng hòa đang nhắm mục tiêu vào hai chiếc ghế Thượng viện trong cuộc bầu cử tháng 11 hiện do Ðảng Dân chủ nắm giữ — đó là Thượng nghị sĩ Joe Manchin của bang West Virginia và Thượng nghị sĩ Joe Donnelly của bang Indiana, cả hai bang mà Tổng thống Trump đã giành thắng lợi với tỉ lệ cách biệt trên mười phần trăm hồi năm 2016.
Nhưng triển vọng giành được ghế tại Thượng viện ở cả hai bang này có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc tranh cử sơ bộ nhiều thương tổn của Ðảng Cộng hòa khi các ứng viên hàng đầu ra sức chứng tỏ gần gũi với ông Trump nhất hoặc tỏ ra ít giống một chính trị gia kiểu mẫu ở Washington.
Ông Trump đã tìm cách xen vào cuộc đua ở bang West Virginia hôm thứ Hai bằng việc kêu gọi các cử tri Cộng hoà loại bỏ cựu điều hành trong ngành than đá là ông Don Blankenship, người vừa ra tù hồi năm ngoái vì trước đó vi phạm quy định an toàn để dẫn đến tại nạn năm 2010 làm 29 thợ mỏ thiệt mạng.
Ông Trump bày tỏ lo ngại rằng ông Blankenship không có khả năng thắng nổi ông Manchin trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Ông Trump ủng hộ hai đối thủ hàng đầu của ông Blankenship hơn – đó là là dân biểu Evan Jenkins hoặc là tổng chưởng lý tiểu bang Patrick Morrisey.
“Còn nhớ chuyện Alabama không,” ông Trump cảnh báo cử tri – ám chỉ đến chuyện Ðảng Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử đặc biệt cho chiếc ghế Thượng viện hồi năm ngoái tại tiểu bang cực kỳ bảo thủ này sau khi người được Ðảng Cộng hòa đề cử là ông Roy Moore bị cáo buộc quấy rối tình dục và tấn công các thiếu nữ khi ông ở tuổi ngoài ba mươi.
Ông Blankenship từng công kích Thủ lãnh khối đa số Thượng viện Mitch McConnell, tố cáo ông McConnell không ủng hộ Tổng thống Trump, tạo công ăn việc làm cho “người Trung Quốc,” quảng bá trên truyền hình cố tình nêu bật di sản Ðài Loan của vợ ông McConnell, khiến dư luận lên án.
Tại bang Indiana, ba ứng cử viên hàng đầu của Ðảng Cộng hòa tranh quyền ra đấu với ông Donnelly cũng quyết liệt công kích nhau và cùng ca ngợi ông Trump. Ba ứng cử viên của bang này gồm hai Dân biểu Luke Messer và Todd Rokita, và doanh nhân tự ra ứng cử Mike Braun.
“Hoàn toàn chẳng có gì khác biệt nhau giữa các ứng viên này về các vấn đề,” Giáo sư Marjorie Hershey môn khoa học chính trị ở đại học Indiana nhận xét. “Cuộc đua chỉ hoàn toàn là những công kích cá nhân.”
Nhưng ông Braun, trước là nhà lập pháp của tiểu bang đã chi ra hơn 5 triệu đôla tiền túi để vận động tranh cử, đang vượt trội hơn hai ứng cử viên kia.
Ông Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã lên kế hoạch tham dự các cuộc vận động ở bang Indiana vào ngày thứ Năm nhằm chứng tỏ ưu tiên của Tòa Bạch Ốc đặt vào bang này trong cuộc đua, và tỏ ý sẽ ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào nổi bật trong tranh cử sơ bộ.
Tại bang Ohio, Thượng nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown là mục tiêu mà bên Cộng hoà nhắm đến. Dân biểu Jim Renacci được ông Trump hậu thuẫn được xem là có nhiều khả năng vượt qua nhà kinh doanh ngân hàng Michael Gibbons để giành quyền để cử của Ðảng Cộng hòa ra tranh ghế Thượng viện.
Ông Gibbons đã đệ đơn tố cáo ông Renacci nói xấu và vu cáo ông chống ông Trump.
Bên Ðảng Dân chủ cũng tranh đua quyết liệt để giành quyền ra tranh chức thống đốc bang, kế vị ông John Kasich của Ðảng Cộng hòa. Ông Richard Cordray, cựu lãnh đạo Cục bảo vệ khách hàng tài chính, tranh đua với ông Dennis Kucinich, cựu thị trưởng thành phố Cleveland, dân biểu Quốc hội và là ứng cử viên tổng thống.
Ông Cordray được Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren ủng hộ, trong khi ông Kucinich được sự ủng hộ của các đồng minh then chốt của cựu ứng cử viên tổng thống năm 2016 Bernie Sanders.
Bên Ðảng Cộng hòa trong cuộc đua tranh chức thống đốc bang Ohio, tổng chưởng lý bang, ông Mike DeWine và Phó Thống đốc Mary Taylor sẽ tranh đề cử của đảng.
Ông Trump sắp ra quyết định về thỏa thuận với Iran
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chiều 8/5 sẽ thông báo quyết định liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran.
Theo Reuters, nguyên thủ Mỹ đã nhiều lần tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận đạt được năm 2015 vì nó không đề cập tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, hay vai trò của nước này trong cuộc chiến ở Syria và Yemen, cũng như không vĩnh viễn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Các lãnh đạo châu Âu từng cảnh báo rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ gây lãng phí nhiều năm nỗ lực để đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn vũ khí hạt nhân rơi vào tay Iran.
Theo Reuters, động thái của Mỹ cũng có thể thổi bùng căng thẳng tại khu vực nơi xung đột thường có nhiều bên tham chiến như ở Syria. Sự hiện diện của Iran tại nước này đã dẫn tới cuộc đối đấu giữa Tehran và Israel.
Ngoài ra, hành động của Washington cũng có thể gây tác động lên các thị trường dầu mỏ vì Iran là một nước xuất khẩu lớn.
Viết trên Twitter hôm 7/5, ông Trump cho biết sẽ đưa ra quyết định vào 2 giờ chiều (giờ Washington) ngày 8/5.
Trong khi đó, Iran tuyên bố rằng bất kể chuyện gì xảy ra, nền kinh tế của mình sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng theo Reuters, hiện đồng nội tệ của nước này hiện ở mức gần thấp kỷ lục so với đồng đôla.
Theo hãng tin Anh, người dân Iran đang tìm cách mua ngoại tệ do lo ngại về tình trạng bất ổn tài chính nếu ông Trump rút khỏi thỏa thuận.
Một quan chức cấp cao của Mỹ có liên quan được trích lời nói rằng Pháp, Đức và Anh đã tìm cách hóa giải các quan ngại của ông Trump về chương trình tên lửa đạn đạo.
Nhưng theo Reuters, hiện chưa rõ các nỗ lực cuối cùng đó có đủ để thuyết phục ông Trump duy trì thỏa thuận với Iran hay không.
Tổng thống Trump sắp loan báo quyết định về Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ loan báo quyết định về tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran vào ngày 8/5 trong khi các nước Châu Âu đang dồn áp lực kêu gọi Washington lưu lại thỏa thuận 2015 mà ông Trump thường xuyên lên án.
Ông Trump đã đe dọa rút ra khỏi thỏa thuận này trừ phi các bên ký kết ở Châu Âu điều chỉnh điều mà ông Trump gọi là những thiếu sót trong thỏa thuận vốn dỡ bỏ chế tài kinh tế cho Iran để đổi lấy việc Tehran giới hạn tham vọng hạt nhân của họ.
“Tôi sẽ công bố quyết định về Thỏa thuận Iran vào ngày mai từ Tòa Bạch Ốc lúc 2 giờ chiều,” ông Trump viết trên Twitter ngày 7/5.
Thời hạn chót để Tổng thống Trump quyết định xem có nên áp đặt lại chế tài lên Iran hay không là ngày 12/5.
Nếu ông Trump quyết định ban hành lại chế tài Iran thì không chỉ là một đòn giáng mạnh đối với thỏa thuận 2015 mà còn có thể khiến Iran ‘trả đũa’ bằng cách tái tục chương trình võ khí hạt nhân hoặc trừng phạt các đồng minh của Mỹ ở Syria, Iraq, Yemen, và Li-băng, theo các nhà ngoại giao.
Theo thỏa thuận 2015 với Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nga, và Trung Quốc, Iran giới hạn khả năng làm giàu uranium một cách nghiêm ngặt để chứng tỏ là họ không tìm cách phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, Iran được tháo gỡ chế tài kinh tế.
Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, ngày 7/5 tỏ dấu cho thấy cho dù Mỹ có rút chân, Iran có thể vẫn lưu lại trong thỏa thuận nhưng nhấn mạnh rằng Tehran sẽ mạnh mẽ kháng cự áp lực của Mỹ nhằm giới hạn ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.
Anh, Pháp, và Đức vẫn cam kết với thỏa thuận 2015. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói dù thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 có những nhược điểm nhưng có thể sửa chữa, đồng thời kêu gọi Tổng thống Trump chớ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-trump-sap-loan-bao-quyet-%C4%91inh-ve-iran-/4383673.html
Trung Quốc truyền bá tư tưởng cộng sản
cho sinh viên hải ngoại
Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho là đang mở rộng các hoạt động nhắm vào sinh viên Trung Quốc ở Mỹ và các quốc gia khác.
Đài Á Châu tự do (RFA) tường thuật rằng sự khuếch trương này là nỗ lực để giữ vững hệ tư tưởng của đảng cộng sản trong tâm trí công dân Trung Quốc du học ở nước ngoài và cũng là để tìm cách chống lại “những tư tưởng xấu” góp nhặt từ các nước có thể ảnh hưởng đến sinh viên Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cơ cấu tại những trường đại học ở hải ngoại theo cách tương tự như ở Trung Quốc, theo RFA. Những nỗ lực này là một phần của một chiến dịch tư tưởng được gọi là Mặt trận Thống nhất, nhằm đưa các nhóm người cụ thể vào đảng.
Tin nói các chi nhánh nước ngoài được dùng để truyền bá thông điệp tư tưởng của đảng trên toàn thế giới. Một chi nhánh như vậy đã được thành lập năm ngoái bởi các sinh viên Trung Quốc trong một chương trình trao đổi tại Đại học California Davis ở miền bắc California.
Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tại thành phố Đại Liên, loan báo trên trang web của mình rằng bảy sinh viên Trung Quốc đã thành lập chi nhánh đảng cộng sản tại trường đại học này.
Nhóm này – gồm các sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau – đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 11/2017, trang web này cho biết. Theo đó, cuộc họp đầu tiên tập trung vào việc dạy sinh viên cách chống lại “các loại ảnh hưởng tiêu cực” đối với suy nghĩ của họ trong lúc học tập ở nước ngoài.
Nhóm này dự kiến sẽ họp hai lần một tháng để nghiên cứu “tư duy tư tưởng mới nhất” của đảng cộng sản, tờ báo Ming Pao của Hồng Kông đưa tin. Tổ chức này cũng có mục đích cung cấp “sự giúp đỡ và quan tâm” cho sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài.
Một bài báo gần đây trên tờ Foreign Policy xuất bản ở Mỹ cho hay các chi nhánh đảng cộng sản Trung Quốc được người Trung Quốc thiết lập tại các trường đại học ở một số tiểu bang Mỹ, bao gồm Illinois, Ohio, New York, Connecticut, Bắc Dakota và Tây Virginia.
Một chi nhánh đảng cộng sản được thành lập vào tháng 7 năm 2017 bởi một nhóm gồm chín sinh viên và giáo viên Trung Quốc từ Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong của Trung Quốc, bài báo nói.
Các sinh viên này đã tham gia vào một chương trình mùa hè tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign. Họ tổ chức các cuộc họp để thảo luận về các giáo lý của đảng và cung cấp “hướng dẫn tư tưởng” cho các sinh viên Trung Quốc, tờ Foreign Policy tường thuật.
Một bức ảnh của nhóm đã được đăng trên trang web của Đại học Huazhong cùng với một bài báo về các hoạt động của họ.
Tháng 10 năm ngoái, một tờ báo ở tỉnh Chiết Giang loan tin “các chi nhánh tạm thời” của đảng Cộng sản được thành lập ở Canada, Singapore và New Zealand.
Tờ Tin tức hàng ngày Chiết Giang cho biết các chi nhánh được thành lập bởi Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại Yiwu để phục vụ các sinh viên ở hải ngoại. Mục tiêu của đảng là cung cấp các dịch vụ để giáo dục và quản lý sinh viên nước ngoài, tờ báo đưa tin.
Theo RFA, nhiều người trong số những vị điều hành các chi nhánh của đảng là các giáo viên Trung Quốc được đưa tới các trường đại học nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình trao đổi giáo dục.
Khoảng 350.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học ở Hoa Kỳ, theo ước tính của Viện Giáo dục Quốc tế, chiếm khoảng 35% trong số gần 1 triệu người nước ngoài đang du học tại Mỹ.
Tình báo Trung Quốc trên giảng đường Mỹ
Vào tháng Hai, Giám đốc FBI Christopher Wray thông báo với Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ rằng FBI đang điều tra về khả năng có các đặc vụ tình báo Trung Quốc trong các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Ông cho biết FBI đã theo dõi các “giáo sư, nhà khoa học và sinh viên” Trung Quốc đang học tập, nghiên cứu trên khắp nước Mỹ.
Ông Wray nói Trung Quốc sử dụng rất nhiều đặc vụ phi truyền thống thu thập tình báo và công nghệ, cả trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong các trường đại học. Ông Wray cho rằng nhiều quan chức đại học Mỹ không hề hay biết về các hoạt động này.
Ông Wray lưu ý rằng việc thu thập thông tin tình báo như vậy lợi dụng sự cởi mở trong nghiên cứu và phát triển tại các trường đại học ở Hoa Kỳ.
Ông cũng bày tỏ quan ngại về các Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại nhiều trường đại học Mỹ. Các viện này cung cấp các khóa học về ngôn ngữ và văn hóa cho sinh viên Mỹ. Trung Quốc nói chương trình được thiết kế để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trong các cơ sở giáo dục trên toàn thế giới.
Nhưng ông Wray cho biết FBI hiện đang theo dõi sự phát triển của các viện này và trong một số trường hợp đã thực hiện “các bước điều tra”.
Một báo cáo năm 2017 của Hiệp hội Các học giả quốc gia có trụ sở tại Mỹ tố cáo các Viện Khổng tử giới hạn quyền tự do giáo dục và giảng dạy “một cái nhìn méo mó” về lịch sử và văn hóa Trung Quốc.
Mỹ-Trung tuần tới tái thương thuyết mậu dịch
tại Washington
Giới chức kinh tế hàng đầu của Trung Quốc sẽ đến Washington vào tuần tới để tái tục các cuộc thảo luận thương mại với chính quyền ông Trump, Tòa Bạch Ốc cho biết hôm thứ Hai 7/5, sau những cuộc thảo luận tại Bắc Kinh trong tuần qua không đưa đến thỏa thuận về danh sách đòi hỏi của Mỹ.
“Chúng ta đang làm việc về những điều chúng ta nghĩ là sẽ tốt đối với mọi người,” phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói trong một cuộc họp báo hàng ngày.
Bà Sanders nói tiếp “Cố vấn cao cấp về kinh tế của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ đến đây tuần tới để tiếp tục các cuộc thảo luận với toán kinh tế của Tổng thống.”
Bà Sanders không cho biết thêm chi tiết về việc dàn xếp những cuộc thảo luận.
Một phái đoàn gồm 7 thành viên của Mỹ do Bộ trưởng Tài chánh dẫn đầu đã trao cho ông Lưu và các giới chức Trung Quốc một danh sách yêu cầu giải quyết về những cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ và những chính sách thương mại khác mà Washington xem như không công bằng.
Những yêu cầu này bao gồm cắt giảm 200 tỉ đô la thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc, cắt giảm thuế quan và bãi bỏ trợ cấp cho công nghệ tiên tiến, theo các nguồn thạo tin.
Trung Quốc yêu cầu tổng thống Donald Trump rút lại những đe dọa áp đặt thuế quan, cứu xét lại lệnh của Bộ Thương mại cấm bán các phụ tùng và phần mềm cho công ty sản xuất trang bị viễn thông Trung Quốc ZTE, và đối xử bình đẳng với đầu tư Trung Quốc.
Hai bên không đạt được thỏa thuận nào cả sau hai ngày thảo luận nhưng đồng ý tiếp tục thương thuyết.
Cuối tuần qua, truyền thông Trung Quốc bày tỏ lạc quan khi nhật báo China Daily nói một cơ chế đối thoại cởi mở về mậu dịch là “một phát triển tích cực, dù vẫn còn những khác biệt lớn.”
Thương thuyết về NAFTA
bước vào thời điểm quyết định
Những cuộc thương thuyết để nâng cấp thỏa thuận thương mại NAFTA ngày 7/5 bước vào tuần lễ quyết định giữa lúc các giới chức cao cấp Canada, Hoa Kỳ và Mexico tìm cách giải quyết bế tắc trong những lãnh vực quan trọng trước những cuộc bầu cử tại Mexico và Hoa Kỳ làm phức tạp thêm tiến trình.
Những cuộc thảo luận tại Washington sẽ đặt trọng tâm vào những qui định nguyên thủy rằng bao nhiêu phần trăm của một chiếc xe cần được chế tạo tại vùng NAFTA để tránh thuế quan, cơ chế giải quyết tranh chấp, và đòi hỏi của Mỹ về một điều khoản có thể tự động chấm dứt thỏa thuận sau 5 năm.
Tuần trước, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cảnh báo là nếu những cuộc thảo luận quá lâu, việc chấp thuận của Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ “khó xảy ra”. Mục tiêu là hoàn tất việc bỏ phiếu trước khi Quốc hội mới được bầu vào tháng 11 năm nay.
Những nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận cho biết những bế tắc về những vấn đề quan trọng nhất đang tạo một cảm giác không chắc chắn và bi quan tại vòng đàm phán mới.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer. Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland nói trừ phi một thỏa thuận trên nguyên tắc được đồng ý vào giữa tháng 5, thì hầu như không có cơ may là Quốc hội Mỹ hiện nay có thể bỏ phiếu về thỏa thuận này.
Mexico tổ chức bầu cử Tổng thống vào ngày 1/7 và ứng cử viên đang dẫn đầu thuộc cánh tả Andres Manuel Lopez Obrador nói ông muốn góp phần vào việc tái soạn thảo NAFTA nếu ông thắng cử.
Trọng tâm của việc sửa đổi lại NAFTA là mong muốn của Tổng thống Donald Trump điều chỉnh lại các qui định trong lãnh vực ô-tô để mang việc làm và đầu tư trở về Mỹ từ Mexico là nước có nhân công rẻ. Dù đã trải qua nhiều tháng thảo luận về vấn đề này, nhưng các bên vẫn còn cách biệt.
Ông Guajardo nói nếu không đạt được thỏa thuận, “chúng tôi sẽ hoạt động về một ‘NAFTA nửa sống nửa chết’ một thỏa thuận không chết nhưng cũng không hiện đại hóa.”
Ông Flavio Volpe, chủ tịch Hiệp hội Chế tạo các Bộ phận xe ô tô Canada tiên đoán sẽ có “một loạt các cuộc họp gay cấn về vấn đề này.”
Đề nghị của Mỹ đòi hỏi là 40% giá trị các xe chở hành khách hạng nhẹ và 45% xe tải nhỏ phải được sản xuất tại những khu vực với mức lương 16 đô la một giờ hay cao hơn nữa.
Đây dường như là một giải pháp khó được Mexico chấp nhận. Trung tâm Nghiên cứu Ô tô Ann Arbor, có trụ sở tại Michigan, ước lượng là các công nhân lắp ráp ô-tô chỉ có mức lương trung bình dưới 6 đô la một giờ, và công nhân làm việc tại những nhà máy chế tạo bộ phận ô-tô trung bình chỉ kiếm được dưới 3 đô la một giờ.
https://www.voatiengviet.com/a/thuong-thuyet-ve-nafta-buoc-vao-thoi-diem-quyet-dinh/4383618.html
Người Mỹ muốn bớt di dân
Di dân vẫn là một vấn đề nóng bỏng trong chính trường Mỹ vào lúc cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 đến gần, và những cuộc thăm dò cử tri cho thấy đại đa số người Mỹ ủng hộ việc hạn chế di dân hợp pháp.
Theo một cuộc thăm dò tháng 4 của Polling Company, một công ty nghiên cứu bảo thủ, gần 2/3 người Mỹ ủng hộ việc giảm bớt di dân hợp pháp.
Công ty có trụ sở tại Washington này hỏi những người có thể đi bỏ phiếu trong kỳ bầu cử giữa kỳ sắp tới rằng, “Chính sách liên bang hiện hành thêm khoảng một triệu di dân mới vào Mỹ mỗi năm với giấy phép làm việc trọn đời. Vậy con số nào gần nhất với số di dân mới mà chính phủ nên thêm vào mỗi năm?”
64% những người trả lời nói “chính phủ liên bang nên bớt nhận di dân với giấy phép làm việc trọn đời.” Các cử tri nam, nữ, đảng viên Cộng hòa, Dân chủ, hay Độc lập, và các cử tri Châu Mỹ La Tinh đều chia sẻ cảm nghĩ này.
Những người được thăm dò được yêu cầu chọn trong 6 con số về mức nhận di dân: hơn 2 triệu, 1,5 triệu, một triệu (mức hiện hành), 750.000, 500.000, hay 250.000 hoặc ít hơn. Có khoảng 49% người trả lời chọn 250.000 người hay ít hơn, 11% chọn 500.000 và 4% chọn 750.000. 17% đồng ý với mức hiện tại là 1 triệu người mỗi năm.
Kết quả thăm dò của Polling Company tương tự như cuộc thăm dò của Harvard/Harris vào tháng 1 năm nay về thái độ của người Mỹ đối với di dân.
Thăm dò của Harvard/Harris cho thấy 81% những người được hỏi ủng hộ nhận ít di dân hơn mức hiện hành. 9% không muốn Mỹ nhận thêm di dân, 35% muốn Mỹ nhận ít hơn 250.000 di dân. 19% muốn từ 250.000 đến 499.999 và 18% muốn từ 500.000 đến 999.999 di dân.
Kết quả thăm dò của Polling Company cho thấy khoảng 60% ủng hộ con đường tiến tới nhập tịch Mỹ của những người được gọi là Dreamer nếu thân nhân của họ không được ưu tiên vào nước Mỹ.
Thăm dò của Harvard/Harris xác nhận 77% người Mỹ cho rằng các Dreamer nên được dành cho một con đường tiến đến công dân, nhưng 60% cũng không muốn thân nhân của những người này được ưu tiên về di trú.
Dreamer là những người được đưa vào nước Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ và được phép ở lại Mỹ, nhưng không phải là thường trú nhân hợp pháp. Theo luật Mỹ, công dân hay thường trú nhân có thể bảo lãnh thân nhân ở nước ngoài vào Mỹ.
Những người chống đối gọi việc bảo lãnh thân nhân vào Mỹ là “di dân dây chuyền” và những người ủng hộ gọi là “di dân căn cứ vào gia đình.”
Khoảng 60% người trả lời trong hai cuộc thăm dò nói di dân chỉ được mang vào Mỹ vợ chồng và con cái vị thành niên. Hiện nay, cha mẹ, anh chị em, và một số thân nhân không phải là cha mẹ và con cái có thể vào Mỹ.
Tổng thống Donald Trump thường lên tiếng muốn cải cách sâu rộng hệ thống di dân. Ông đã giao trách nhiệm cho Quốc hội tìm một giải pháp cho vấn đề Dreamer.
Đáp lại, Lãnh tụ Khối thiểu số ở Hạ viện, Nancy Pelosi, nói ngôn từ của ông Trump về di dân “khiến Tượng Nữ thần Tự do phải rơi lệ.”
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-my-muon-bot-di-dan/4383600.html
Lo ngại khủng bố, Úc nâng cấp an ninh sân bay
Australia hôm 8/5 công bố ngân sách thường niên, trong đó dự tính chi gần 300 triệu đôla Úc để nâng cấp an ninh sân bay, giữa bối cảnh có nhiều lo ngại về các vụ tấn công khủng bố do các cá nhân thực hiện.
Nhiều năm qua, theo Reuters, quốc gia đồng minh của Mỹ đã trong tình trạng cảnh giác cao về khả năng xảy ra các vụ tấn công của các chiến binh trở về nước sau khi chiến đấu ở Trung Đông, hay của những người hậu thuẫn họ.
Úc thời gian qua đã ngăn chặn nhiều âm mưu tấn công của những người dân bị cực đoan hóa.
Gây nhiều chú ý nhất là vụ bắt và truy tố nhiều người âm mưu mang thiết bị nổ lên một chiếc máy bay chuẩn bị rời sân bay ở Sydney hồi tháng Bảy năm ngoái.
Reuters dẫn lời ông Peter Dutton, Bộ trưởng Nội vụ Australia, nói rằng khoản ngân quỹ trong ngân sách 2018/2019 sẽ được dùng để lắp các máy quét toàn thân và các máy X-quang tối tân tại tất cả các phi trường quốc tế lớn và 64 sân bay khu vực.
Chính phủ cũng cam kết gần 7 triệu đôla Úc để tăng cường nhân sự an ninh tại 19 sân bay nước ngoài thêm hai năm nữa.
Reuters trích lời ông Dutton nói rằng các nhân viên tại các sân bay quốc tế mà ông không nêu tên đã ngăn chặn hơn 1 nghìn người tới Australia bằng giấy tờ giả trong vòng 5 năm qua.
Ngoài ra, chính phủ còn chi 59,1 triệu đôla Úc để phát triển một dữ liệu toàn quốc để nhận diện các nghi can khủng bố tại các nơi công cộng bằng việc sử dụng công nghệ nhận dạng mặt.
Bình Nhưỡng đề nghị
mở đường bay xuyên Bán đảo Triều Tiên
Hàn Quốc hôm 8/5 cho hay Bắc Triều Tiên đề nghị mở một đường hàng không giữa hai nước trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên đang cải thiện, tiếp theo sau cuộc gặp gỡ đột phá của lãnh đạo hai nước hồi tháng trước.
Tại cuộc họp thượng đỉnh lịch sử đó, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đồng ý chấm dứt các hoạt động quân sự thù địch với miền nam trên mọi lãnh vực, trong đó có không phận, nối lại các trao đổi với Hàn Quốc, mặc dù hai bên trên cơ bản vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với nhau.
Cơ quan hàng không của Liên hiệp quốc hôm thứ Sáu vừa qua cho hay rằng họ sẽ cử các giới chức đến Bắc Triều Tiên trong tuần này để bàn thảo về đề nghị của Bình Nhưỡng mở đường bay sang Hàn Quốc.
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản nói hai giới chức của cơ quan Liên hiệp quốc đã đến phi trường ở Bắc Kinh hôm thứ Hai để đi tiếp đến Bình Nhưỡng. Một trong các giới chức đó nói rằng họ sẽ thảo luận về vấn đề an toàn hàng không với Bắc Hàn.
Hồi tháng 10, cơ quan hàng không của Liên hiệp quốc lên án Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo đe doạ đến an toàn hàng không dân dụng quốc tế.
“Chúng tôi hiểu rằng đề nghị của Bắc Triều Tiên là mở một đường bay quốc tế từ phi trường quốc tế Bình Nhưỡng nối với phi trường quốc tế Incheon rồi sang một nước thứ ba, chứ không phải đường bay trực tiếp giữa Bình Nhưỡng và Incheon,” phát ngôn viên bộ ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk nói trong cuộc họp báo thường kỳ.
Nếu được thành lập thì đó sẽ là đường hàng không chính cho bất cứ máy bay nào bay xuyên qua không phận của hai nước – một giới chức chính phủ ở Seoul có liên hệ trực tiếp đến vấn đề này cho biết.
Giới chức này nói tiếp rằng Hàn Quốc đang xem xét đề nghị của Bắc Triều Tiên và chưa đưa ra quyết định.
Các nước như Anh, Pháp, Đức và Mỹ khuyến cáo các hãng hàng không không bay qua không phận Bắc Triều Tiên vì việc phóng tên lửa không thông báo có thể đe doạ nguy hiểm cho các máy bay thương mại.
Sau “giương đông kích tây”,
Putin IV tập trung chấn hưng kinh tế Nga
Điều hành nước Nga từ 18 năm qua, tổng thống Nga Putin tiếp tục cầm quyền thêm ít nhất 6 năm nữa (đến 2024) để tiếp tục « nhiệm vụ và ý nghĩa cuộc đời (ông) là làm mọi việc trong khả năng vì nước Nga, vì hiện tại và tương lai của quốc gia », như ông phát biểu sau lễ tuyên thệ tại điện Kremlin.
Kết quả 76,7% trong cuộc bầu cử tổng thống, và cũng là kết quả cao nhất từ 18 năm qua, càng khẳng định vị trí mạnh mẽ của ông Putin, người đã vực nước Nga thành cường quốc hàng đầu trên trường quốc tế, bất chấp căng thẳng nảy sinh với phương Tây sau nhiều sự kiện : sáp nhập bán đảo Crimée (2014), can thiệp vào miền đông Ukraina, yểm trợ cho chế độ Bachar Al Assad trong cuộc chiến Syria (2015), nghi án can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Trong bài diễn văn hùng hồn, sống động với hình ảnh minh họa, đọc trước Quốc Hội lưỡng viện vào tháng 03/2018, tổng thống Putin còn khiến thế giới phải tập trung chú ý đến kho vũ khí, trang thiết bị quân sự tối tân của quân đội Nga.
Chính chiến lược này đã giúp tổng thống Nga trở thành nhân vật đối trọng trên bàn cờ địa chính trị quốc tế và người dân Nga sống lại niềm tự hào dân tộc. Sau bốn năm phục hồi « nước Nga vĩ đại » trên trường quốc tế, tổng thống Putin đặt mục tiêu chấn hưng kinh tế trong nhiệm kỳ này. Đây cũng là mục tiêu từng được ông nhấn mạnh trong bài diễn văn trước Quốc Hội, theo nhận định với RFI (08/05/2018) của chuyên gia Florent Parmentier, giảng dạy tại đại học Sciences Po :
« Ông Vladimir Putin hiện phải đối mặt với một thách thức mới, về bản chất có lẽ ít tính chính trị hơn, và thực sự mang tính kinh tế. Trong bài diễn văn trước Quốc Hội lưỡng viện hồi tháng 03/2018, chúng ta thấy ông Putin nhấn mạnh đến các loại vũ khí mà ông muốn giới thiệu. Nhưng phần lớn bài phát biểu, trên thực tế, nhấn mạnh đến mong muốn thực hiện một số dự án hiện đại hóa nền kinh tế, các vấn đề liên quan đến nạn tham nhũng, ý định phát triển một chương trình kỹ thuật số, cũng như nhu cầu tất yếu trong việc đa dạng nền kinh tế Nga.
Và trong bối cảnh này, tổng thống Vladimir Putin muốn tìm kiếm những người thân tín mà ông có thể dựa vào để triển khai chính sách của mình. Điều này cũng giải thích nhu cầu cần đến những người biết rõ bộ máy hành chính. Vì vậy, cựu thủ tướng Dmitri Medvedev trở thành nhân vật không thể thiếu được trong tình hình hiện nay của Nga.
Thách thức thật sự trong tương lai đối với tổng thống Nga là phải đa dạng hóa được nền kinh tế, ngoài lợi nhuận từ năng lượng chủ yếu thu được nhờ xuất khẩu. Điều này có nghĩa là Nga cần xuất khẩu những mặt hàng khác, hoặc thay thế xuất khẩu năng lượng bằng hàng hóa xuất khẩu của mỗi vùng ».
Còn theo ông Arnaud Dubien, giám đốc Viện Quan Sát Pháp-Nga tại Matxcơva, khi trả lời RFI, việc tái bổ nhiệm thủ tướng Dmitri Medvedev sẽ kéo theo « quá trình thay đổi thành phần ở cấp thấp hơn, hàng thứ trưởng, thậm chí cả trong chính phủ, và tầng lớp lãnh đạo các tập đoàn nhà nước đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga ».
Trong vòng sáu năm tới, tân thủ tướng Dmitri Medvedev sẽ là người thi hành sắc lệnh « giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống, thịnh vượng, an ninh », kể cả « tăng tuổi thọ lên 78 tuổi vào năm 2024, thay vì 72 tuổi như hiện nay ». Đây là một số mục tiêu trọng tâm trong chính sách mới, được tân tổng thống Nga ban hành ngay sau khi nhậm chức. Có lẽ vì vậy, tổng thống Putin tuyên bố giảm ngân sách quốc phòng Nga trong năm 2018 và 2019 và khẳng định « không chạy đua vũ trang ».
Như để chứng minh tinh hoa của nền công nghiệp Nga, lần đầu tiên, ông Putin đến lễ nhậm chức bằng xe limousine « Aurus » do Viện Nghiên cứu Khoa học và Xe hơi Trung ương Nga sản xuất. Chiếc xe sơn đen dài hơn 6 mét, được bán với giá tương đương một chiếc Bentley hay Rolls-Royce. Theo AFP, quyết định sử dụng xe hơi do Nga sản xuất còn hàm ý nhắc lại truyền thống thời Xô Viết, khi các nhà lãnh đạo chỉ sử dụng phương tiện do Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết sản xuất : xe limousine ZIL dành cho các nguyên thủ, còn cấp dưới thường dùng xe Chaika (Hải âu).
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180508-sau-giuong-dong-kich-tay-putin-iv-tap-trung-tran-hung-kinh-te-nga
Lãnh đạo đối lập Armenia
được Quốc Hội bầu làm thủ tướng
Sau ba tuần có các cuộc biểu tình chống chính phủ, hôm nay, 08/05/2018, Quốc Hội Armenia cuối cùng đã bầu lãnh đạo đối lập Nikol Pachinian làm tân thủ tướng. Là ứng cử viên duy nhất, ông Pachinian đã được 59 nghị sĩ ủng hộ, trong khi ông chỉ cần thu đủ 53 phiếu bầu.
Trước cuộc bỏ phiếu hôm nay ở Quốc Hội Armenia, từ Erevan, đặc phái viên RFI Daniel Vallot gởi về bài tường trình :
« Vào tuần trước, Quốc Hội Armenia cuối cùng đã bỏ phiếu chống việc bổ nhiệm Nikol Pachinian làm thủ tướng, mặc dù ông là ứng cử viên duy nhất. Nhưng lần này lãnh đạo đối lập bảo đảm là ông nhận được nhiều ủng hộ, nên sẽ thu được 53 phiếu cần thiết để được bầu làm thủ tướng. Ông Nikol Pachinian đã yêu cầu những người ủng hộ ông ngưng các cuộc phong tỏa đường phố, vẫn diễn ra cho tới nay nhằm gây áp lực với các nghị sĩ.
Phiên họp của Quốc Hội sẽ được cả nước theo dõi, sau ba tuần biểu tình phản kháng và vận động ôn hòa. Tại thủ đô Erevan, theo dự kiến sẽ có một cuộc tập hợp trên Quảng trường Cộng Hòa. Những người ủng hộ Nikol Pachinian sẽ mặc quần áo màu trắng, màu biểu tượng của sự đổi mới mà họ mong muốn cho đất nước và cũng là biểu tượng của cuộc chiến chống tham nhũng, vốn là một trong những động lực của phong trào phản kháng.
Cho dù được bầu làm thủ tướng hôm nay, Nikol Pachinian sẽ phải lãnh đạo đất nước cùng với một Quốc Hội mà Đảng Cộng Hòa chiếm đa số, tức là một Quốc Hội đối nghịch với ông. Cho nên ông sẽ rất khó thực hiện các cải cách theo mong muốn của những người ủng hộ ông. Như vậy chắc là ông sẽ phải tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn. Ông Pachinian muốn sửa đổi luật bầu cử, nhưng việc này sẽ rất phức tạp, vì ông không có đa số ở Quốc Hội.
Tuy vậy Nikol Pachanian tin tưởng rằng ông có đủ khả năng lãnh đạo đất nước. Ông biết mình có sự ủng hộ của quần chúng, trong khi Đảng Cộng Hòa thì hoàn toàn mất uy tín. Ông cũng biết rằng tối nay, nếu mọi chuyện diễn ra như dự kiến, một đám đông khổng lồ sẽ ăn mừng việc ông được bầu làm thủ tướng, ở thủ đô Erevan cũng như ở những nơi khác của Armenia. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180508-lanh-dao-doi-lap-armenia-duoc-quoc-hoi-bau-lam-thu-tuong
Đài Loan tố cáo
WHO chịu thua áp lực của Trung Quốc
Đài Loan hôm nay 08/05/2018 tố cáo Tổ chức Y tế Thế giới (OMS, WHO) đã lùi bước trước áp lực của Trung Quốc, sau khi không được mời tham dự cuộc họp toàn thể thường niên của tổ chức này.
Hội nghị tổ chức từ ngày 21 đến 26/5 tại Genève đã hết thời hạn đăng ký từ hôm qua, trong khi Đài Bắc vẫn chưa nhận được thư mời. Năm ngoái, Đài Loan lần đầu tiên đã phải vắng mặt, sau tám năm liên tiếp dự hội nghị WHO với tư cách quan sát viên kể từ 2009.
Hội đồng phụ trách các vấn đề Hoa lục của Đài Loan tuyên bố : « Chúng tôi cho rằng WHO là một tổ chức phi chính trị, có mục đích tìm kiếm các tiêu chuẩn y tế cao nhất cho nhân loại, chứ không phải chỉ nhằm phục vụ ý đồ chính trị của Bắc Kinh ».
Bộ Ngoại Giao Đài Loan « tỏ ý tiếc » là Đài Bắc không được mời, trong khi theo hiến chương WHO thì Đài Loan có quyền tham dự tất cả mọi hoạt động một cách bình đẳng. Thông cáo của bộ này nêu rõ : « Sức khỏe là một quyền cơ bản của con người, một giá trị phổ quát, độc lập với chủng tộc, tín ngưỡng, niềm tin chính trị, tình hình kinh tế xã hội ».
WHO chưa trả lời câu hỏi của AFP về việc Đài Loan bị bỏ ngoài lề.
Hôm qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Đài Loan được dự hội nghị từ 2009 đến 2016 vì chính phủ Đài Bắc thời kỳ đó chấp nhận nguyên tắc « chỉ có một nước Trung Hoa », còn đương kim tổng thống Thái Anh Văn lại từ chối.
Được biết chính phủ cũ của Đài Loan coi thỏa thuận này là phương tiện để tạo điều kiện cho các trao đổi với Hoa lục, nhưng đối với Bắc Kinh thì đó là sự thừa nhận Đài Loan thuộc « nước Trung Hoa ».
Không chỉ có thế, Bắc Kinh còn gây áp lực buộc các công ty hàng không phải ghi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc thay vì quốc gia. Thứ Bảy tuần trước Nhà Trắng tố cáo hành động này mang tính « độc đoán một cách vô nghĩa ».
Thương lượng bế tắc,
tổng thống Ý đề nghị tạm lập chính phủ kỹ trị
Hai tháng sau cuộc bầu cử Quốc Hội, các chính đảng Ý vẫn chưa thỏa thuận được về một liên minh cầm quyền. Sau nhiều tuần lễ thương lượng bất thành, hôm qua, 07/05/2018, tổng thống Ý Sergio Matarella loan báo ý định tạm thời lập chính phủ phi chính trị, để lãnh đạo đất nước cho đến cuối năm, nếu không cử tri Ý sẽ phải đi bầu lại. Các thành viên chính phủ kỹ trị phải cam kết không ra ứng cử.
Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Tréca cho biết thêm chi tiết :
« Họ đã thương lượng với nhau. Hoặc cánh hữu với cánh tả, cánh tả với đảng 5 Sao chống đối hệ thống, hoặc đảng 5 Sao với phe cực hữu… Họ đã vui cười, bực tức, đã loan báo hết tin vui này đến tin buồn nọ… Việc đàm phán đã kéo dài từ hai tháng qua.
Có trách nhiệm chỉ định thủ tướng, tổng thống Ý đã lắng nghe tất cả mọi người và rồi ông quyết định : sẽ không có chính phủ mang màu sắc chính trị, vì không có được đa số. Tổng thống Sergio Matarella đề nghị các đảng chấp nhận một chính phủ kỹ trị, phi chính trị trong một thời gian giới hạn. Nếu không sẽ phải tiến hành các cuộc bầu cử mới, với nguy cơ lại gặp phải tình trạng bế tắc như hiện nay.
Các lãnh đạo của hai đảng được nhiều phiếu nhất là đảng 5 Sao và Liên Minh Phương Bắc đều cho rằng tốt nhất nên bầu lại, thậm chí còn đề nghị ngày bầu cử là 8 tháng Bảy.
Nước Ý đã từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng định chế, nhưng đây là lần đầu tiên một nhiệm kỳ Quốc Hội có thể sẽ kết thúc ngay trước khi bắt đầu ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180508-thuong-luong-be-tac-tong-thong-y-de-nghi-tam-lap-chinh-phu-ky-tri
Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản,
Bắc Triều Tiên bình thường hóa quan hệ
Nhật Bản và Bắc Triều Tiên nên nối lại đối thoại và bình thường hóa quan hệ song phương để đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực. Ngày 08/05/2018, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã trả lời bằng văn bản như trên với một tờ báo Nhật Bản, trước khi đến Tokyo dự hội nghị cấp cao Nhật-Trung-Hàn khai mạc ngày 09/05.
Trong bài trả lời báo Yomiuri, tổng thống Moon Jae In còn nhấn mạnh, nếu quan hệ Nhật Bản-Bắc Triều Tiên được tái lập, « việc này sẽ đóng góp rất lớn vào hòa bình và an ninh ở vùng Đông Bắc Á, chứ không chỉ ở bán đảo Triều Tiên ».
Tổng thống Moon Jae In sẽ tham dự hội nghị cấp cao thường niên ba bên cùng với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Vấn đề Bắc Triều Tiên có thể là trọng tâm của hội nghị.
Reuters nhắc lại, tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã cam kết « phi hạt nhân hóa hoàn toàn » bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình « vĩnh viễn » và « chắc chắn » giữa hai miền, mà trên lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh từ năm 1953 đến nay.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180508-moon-jae-in-nhat-ban-bac-trieu-tien-nen-binh-thuong-hoa-quan-he