Tin Khắp Nơi – 08/05/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Khắp Nơi – 08/05/2017

Bản quyền hình ảnhCAOPHONGPHAM@YMAIL.COMImage captionEmmanuel Macron đã bỏ Đảng Xã hội để ‘tiến bước’ bằng lực lượng mới

 

‘Phải bỏ Đảng để tiến bước và hy vọng’

Thắng lợi tranh cử của Emmanuel Macron tại Pháp tạm thời ngăn được bước tiến của phe cực hữu nhưng cũng đặt ra câu hỏi về tương lai của Đảng Xã hội Pháp và phe tả châu Âu.

Từng làm bộ trưởng trong chính phủ Francois Hollande, ông Macron đã phải vứt bỏ nhãn hiệu Đảng Xã hội để lập ra lực lượng riêng mới có thể thắng lợi.

Đảng Cộng sản Anh không ra tranh cử

Bầu cử Tổng thống Pháp: Những điều đáng chú ý

Đồng euro ổn định sau kết quả bầu cử tại Pháp

TBT Trọng: ‘Công an phải bảo vệ Đảng’

Đảng của một Macron trẻ trung chỉ có cái tên là ‘En Marche’ – Tiến Bước, và hứa trao cho quần chúng niềm Hy Vọng mà không cần nền tảng tư tưởng gì hết.

Sụt phiếu khắp nơi

Ngược lại, ứng viên kiểu cổ điển của của Đảng Xã hội, Benot Hamon, chỉ giành được có 6% phiếu trong vòng một bầu cử tổng thống, bằng một nửa số 12% phiếu bỏ cho Lionel Jospin hồi 2002.

Đây là một bước tụt lùi nghiêm trọng cho đảng lớn ở Pháp từng lấy cảm hứng từ phong trào Marxist.

Cũng tuần qua, tại cuộc bầu cử địa phương ở Anh, Đảng Lao động (Labour) thua thảm hại, mất 550 ghế trong các hội đồng địa phương về tay Đảng Bảo thủ.

Nhiều báo nói phe Lao động thua là vì cách điều hành của ông Jeremy Corbyn, người hồi trẻ từng viết bài cho tạp chí cộng sản Anh và cũng đã có lúc gọi Hamas và Hezbollah là “những người bạn”.

Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, sau thời kỳ hoàng kim Clinton – Blair, phe tả dần mất dân, mất ghế.

Từ Mỹ, Niall Ferguson, giáo sư chính trị người Scotland hiện giảng tại Đại học Stanford nói rằng nhìn lại cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ta cũng không nên chỉ đổ lỗi cho bà Hillary Clinton.

Ông viết trên trang Sunday Times 08/05:

“Một chương trong lịch sử cánh tả đã khép lại. Vấn đề không phải là Clinton hay Corbyn mà phái dân chủ xã hội (social democracy) thực ra đã chết.”

Từ Pháp, nhà phân tích chính trị Pascal Perrineau đồng ý:

“Một lực lượng chính trị có từ lâu như đang chết trước mắt chúng ta.”

Nhưng sự đi xuống của các đảng cánh tả châu Âu đã xảy ra không phải từ bây giờ.

Giã từ ý thức hệ

Brian Wheeler viết trên BBC News rằng phe tả châu Âu, một thời ủng hộ Liên Xô, đã mất đi nhiều sự ủng hộ cùng lúc khối cộng sản Đông Âu tan rã đầu thập niên 1990.

“Ý thức hệ Marxist khi đó không còn là thời thượng trong các trường đại học, và ngay cả trong các đảng cánh tả vẫn còn có cảm hứng muốn giành quyền tại Phương Tây, như đảng Lao động ở Anh.”

Trước khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, một cây đa cây đề của phe tả châu Âu, Tổng thống thuộc Đảng Xã hội Pháp, Francois Mitterand, đã ký vào Luật ‘Single Market Act’ ở châu Âu, chấp nhận kinh tế thị trường.

Khi đã bỏ tư duy xã hội chủ nghĩa, ‘bình quân cào bằng’ kiểu cũ và chung sống với thị trường, phe tả muốn tăng thuế để điều tiết lại lợi tức xã hội, đảm bảo mạng lưới an sinh cho người lao động.

Nhưng với chủ nghĩa tư bản sang thế kỷ 21 trở thành dạng toàn cầu hóa, kiểm soát thuế và giữ việc làm trong khuôn khổ một quốc gia ngày càng khó.

Mặt khác, muốn có tiền để chi tiêu công cao thì nhà nước phải ‘chung sống với doanh nghiệp’, ra đường lối ‘pro-business’.

Tony Blair ở Anh đã thấy sự mâu thuẫn này và đề ra Con đường Thứ Ba (Third Way), không phải tư bản, cũng chẳng theo chủ nghĩa xã hội.

Thắng cử của ông Blair chủ yếu nhờ uy tín cá nhân đã giúp Đảng Lao động Anh cầm quyền hơn hai nhiệm kỳ.

Nhưng mâu thuẫn nội bộ khiến phái ‘thân doanh nghiệp’ của Tony Blair và Gordon Brown thua trước phái cổ điển cứng rắn của Jeremy Corbyn và John McDonnell.

Xa rời quần chúng

Các phong trào xã hội dân chủ hình thành nhờ mối liên hệ truyền thống giữa tầng lớp lao động (working class), và đại diện của họ là các nhóm trí thức đô thị thiên tả.

Nhưng nay, mối liên hệ này đã không còn.

Giới trí thức thiên tả (ở Mỹ gọi là ‘tự do’ – liberal) ham đấu tranh vì quyền đồng giới, vì các nhóm nhập cư, và tự do thảo luận cao siêu hơn là bảo vệ người lao động bản địa.

Vì thoái lui trước làn sóng tự do kinh tế, khái niệm tự do dần dần được một số người thuộc phái tả hiểu là quyền bảo vệ các khoái cảm cá nhân.

Chẳng hạn, hợp pháp hóa cần sa là một khẩu hiệu của Benoit Hamon của Đảng Xã hội Pháp ra tranh cử tổng thống.

Quyền hút cần sa có thể làm hài lòng một số nhỏ văn nghệ sỹ và giới trẻ đô thị nhưng không phải là quan tâm hàng đầu của hàng triệu người thất nghiệp, nhất là người ở nông thôn, thành phố nhỏ.

Mặt khác, các đòi hỏi bảo vệ quyền của người tỵ nạn, hoặc di dân nhập cư là đúng đắn về mặt nhân đạo nhưng thiếu câu trả lời lấy đâu ra tiền nuôi họ nếu con số lên hàng trăm nghìn.

Có bảo vệ được việc làm?

Khủng hoảng tài chính thế giới 2008 đáng ra đã tạo cơ hội cho phe tả nhấn mạnh vào mặt trái của chủ nghĩa tư bản toàn cầu và đề xuất giải pháp.

Nhưng họ đã không làm được điều đó trong khi phe cực hữu, bài ngoại, mị dân lại giành tiếng nói.

Nhưng phe tả từ khi chấp nhận kinh tế thị trường đã không giành lại việc làm bị chuyển sang các nước Thế giới thứ ba.

Theo Niall Ferguson thì trong 28 nước hiện thuộc EU, các đảng phái tả vẫn có mặt trong 20 liên minh cầm quyền, nhưng chỉ là đối tác phụ và chỉ còn 8 thủ tướng thuộc Liên minh các đảng xã hội châu Âu (PES).

Các đảng trung tả tại những nước đông dân trong EU như Đức, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Anh… đều thất cử những năm qua.

Chỗ đứng của cánh tả châu Âu vẫn còn, nhưng họ phải trở lại với dân chúng, bắt đầu lại từ công việc cấp cơ sở.

Thibaut Rioufreyt, nhà phân tích từ Lyon nhận định rằng Đảng Xã hội Pháp đang biến thành một liên minh của các chính trị gia cấp vùng.

Họ sẽ tiếp tục tồn tại nhưng phải thay đổi quan điểm, ông viết trên báo La Croix.
www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39848526

Chuyện tham nhũng và Bắc Hàn làm ‘nóng’ bầu cử ở Nam Hàn

Nam Hàn sẽ có cuộc tổng tuyển cử vào thứ Ba ngày 9/5, sớm hơn dự kiến vài tháng, sau vụ lùm xùm tham nhũng khiến Tổng thống Park Geun-hye bị truất quyền.

Các cuộc thăm dò dư luận diễn ra trong bối cảnh có tình trạng căng thẳng nghiêm trọng Bắc Hàn, trong lúc tại Nam Hàn tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ tăng cao và dân chúng bức xúc vì tình trạng tham nhũng.

Ông Moon Jae-in, một luật sư nhân quyền theo khuynh hướng tự do, là ứng viên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Hai đối thủ theo sát ông nhất là Ahn Cheol-soo, một triệu phú ngành công nghệ thông tin theo đường lối trung tả, và Hong Joon-pyo, ứng viên của đảng cầm quyền.

Dự kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ rất cao.

Phe tả Hàn Quốc: ‘Cần ngưng THAAD’

Mỹ lắp đặt hệ thống Thaad ở Nam Hàn

Vì sao người dân bức xúc?

Người dân Nam Hàn vẫn còn tức giận vì vụ lùm xùm đổi tiền lấy ảnh hưởng liên quan đến bà cựu tổng thống, người đang chờ ra tòa xét xử sau khi bị phế truất.

Người dân đã biểu tình phản đối bà Park, bày tỏ tức giận vì bất bình đẳng và đặc quyền dành cho giới tinh hoa Nam Hàn.

Trong nhiều tháng biểu tình, các cử tri lớn tuổi ủng hộ bà, tuy nhiên điều này lại bộc lộ sự chia cách sâu sắc giữa các thế hệ.

Bất kể ai là người chiến thắng trong cuộc đua tới đây thì người đó cũng sẽ phải đảm nhận trọng trách tạo sự đoàn kết trong xã hội, giải quyết các vấn đề kinh tế và dịch chuyển xã hội, là những điều khiến các cử tri trẻ quan tâm và đi bỏ phiếu.

Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của Nam Hàn ở mức 9,8%, đưa ra nhiều thách thức tìm công ăn việc làm cho giới trẻ.

Trong khi đó, Bắc Hàn vẫn tiếp tục là thách thức lớn.

Bình Nhưỡng đã đẩy mạnh việc thử hạt nhân trong mấy tháng qua và có thể sẽ sớm tiến hành cuộc thử nghiệm thứ sáu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lập trường cứng rắn; căng thẳng trong khu vực đang ở mức cao nhất trong vài năm qua.

Các ứng cử viên chính là ai?

Moon Jae-in, ứng viên của Đảng Dân chủ theo đường lối tự do hiện đang dẫn trước.

Từng là trợ lý của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, ông đang thử vận may lần thứ hai sau khi thua bà Park trong cuộc bầu cử hồi năm 2012.

Là một nhà hoạt động chính trị thời sinh viên, ông bị đuổi khỏi trường luật hồi thập niên 1970 vì tham gia biểu tình chống cha bà Park, Tổng thống Park Chung-Hee.

Sau khi lấy được bằng hành nghề, ông làm luật sư nhân quyền trong nhiều năm rồi bước chân vào chính trị khi ông Roh lên làm tổng thống.

Đối thủ mạnh nhất của ông Moon là Ahn Cheol-soo, một nhà tài phiệt phần mềm và người đồng sáng lập Đảng Nhân dân theo đường lối trung tả. Được coi là “Bill Gates của Nam Hàn”, ông Ahn xây dựng một hình ảnh là người không dính vào tham nhũng.

Ứng viên thứ ba là ông Hong Joon-pyo từ Đảng Tự do Hàn Quốc theo đường lối bảo thủ, người đang từng bước giành thêm ủng hộ của cử tri.

Các thách thức phía trước?

Vấn đề Bắc Hàn là thách thức chính cho tổng thống Nam Hàn trên trường quốc tế, nhưng đối với người Nam Hàn, chuyện trong nước như công ăn việc làm, tính minh bạch và quản trị quốc gia tốt là những điểm người dân muốn vị lãnh đạo mới phải nhanh chóng cải thiện.

Nhưng nhiều người nói các ứng viên dẫn đầu chưa đưa ra những chính sách cụ thể.

Trong quan hệ với miền Bắc, vị tổng thống sắp lên sẽ phải đương đầu với nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng đang quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân, một Nhà Trắng muốn dùng vũ lực quân sự nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, và toàn bộ cử tri có thể bị kẹt giữa hai làn đạn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc bắt đầu chính sách kinh tế với Bắc Hàn là rất khó trong bối cảnh này.

Động thái cân bằng quan hệ với Mỹ, đồng minh chính của Seoul, giờ đây càng thêm phức tạp khi Trung Quốc có phản ứng tức giận về hệ thống tên lửa Thaad được lắp đặt ở Nam Hàn.

www.bbc.com/vietnamese/world-39844966 

 

Lo ngại Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris

Những lo ngại về khả năng Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Paris có thể sẽ là trọng tâm các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Bonn, Đức.

Các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia đang nhóm họp trong gần hai tuần đàm phán để phát triển các quy tắc thực thi thỏa thuận.

Nhưng mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sớm rút khỏi thỏa thuận năm 2015 đang phủ bóng các cuộc thảo luận.

Một số đại biểu cho rằng động thái này sẽ là đòn giáng cho thỏa thuận mang tính bước ngoặt.

Thỏa thuận thay đổi khí hậu Paris có hiệu lực

Trump ký lệnh bỏ chính sách môi trường

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu thường là sự kiện không gây nhiều chú ý nhưng đây là cuộc họp đầu tiên của các đại biểu từ khi ông Trump nắm quyền.

Nhiều người lo ngại rằng đây có thể là thời điểm tổng thống Mỹ quyết định Mỹ ngưng tham gia Thỏa thuận Paris.

Thoriq Ibrahim, Bộ trưởng Môi trường của Maldives, cho biết: “Đây là hội nghị nhằm mục tiêu đưa ra chi tiết cho Hiệp định Paris. Tuy nhiên, rõ ràng tâm trí của các đại biểu bây giờ là sự suy đoán động thái của Washington.”

“Chúng tôi tiếp tục tin rằng thỏa thuận này không chỉ nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, mà còn là khả năng giải quyết các vấn đề khi cộng đồng quốc tế phối hợp với nhau.”

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump chỉ trích Thỏa thuận khí hậu Paris. Ông tuyên bố sẽ “hủy bỏ” thỏa thuận đã được hơn 140 quốc gia thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11/2016

www.bbc.com/vietnamese/world-39814351

 

Bầu cử Pháp 2017: “Cuộc cách mạng nhung” mang tên Emmanuel Macron

Với một chút may mắn, Emmanuel Macron “nẫng tay trên” chìa khóa vào phủ tổng thống của hai đảng chính trị truyền thống tả – hữu ở Pháp. Vừa tròn một năm tuổi, phong trào tập hợp tả hữu En Marche ! đang tiến hành một “cuộc cách mạng nhung”, vẽ lại bản đồ chính trị của nước Pháp.

Không đạp đổ tất cả để xây dựng lại từ đầu, không đoạn tuyệt với quá khứ để tìm một chỗ đứng trong tương lai, không khai thác công phẫn của cử tri hay lá bài dân tộc chủ nghĩa để kiếm phiếu, Emmanuel Macron với phong trào tập hợp tả – hữu En Marche ! / Tiến Bước ! đang tiến hành “nhiều cuộc cách mạng cùng một lúc”.

Ngày 07/05/2017, Emmanuel Macron trở thành vị tổng thống trẻ tuổi nhất của nước Pháp : ông chuẩn bị bước vào điện Elysée trước khi mừng sinh nhật 40 tuổi. Sinh năm 1977, trong một gia đình cả hai bố mẹ đều là bác sĩ, Emmanuel Macron đã yêu và kết hôn với cô giáo hơn mình đến 24 tuổi mà không sợ dư luận gièm pha.

Về sự nghiệp, Emmanuel Macron tốt nghiệp nhiều trường danh tiếng, Sciences Po Paris và Hành Chính Quốc Gia, là một công chức, rồi chủ ngân hàng, có địa vị cao trong xã hội, nhưng tổng thống Pháp tương lai không dừng lại ở đó. Năm 2012, Emmanuel Macron bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị, lúc đầu trong bóng tối, với tư cách cố vấn của tổng thống François Hollande, trước khi trở thành bộ trưởng Kinh Tế – Công Nghiệp và Công Nghệ Số.

Tháng 8/2016, ông từ chức bộ trưởng sau khi lập phong trào tập hợp tả – hữu lấy tên là En Marche !, bệ phóng chuẩn bị ra tranh cử tổng thống Pháp 2017.

Cùng với những người bạn đồng hành, Emmanuel Macron muốn xây dựng một mô hình chính trị mới cho nước Pháp, mà ở đó không còn biên giới tả – hữu, vốn trong tay hai đảng lớn là Xã Hội – PS bên cánh tả và Những Người Cộng Hòa – LR bên cánh hữu.

Phong trào Tiến Bước ! nảy sinh từ ý tưởng : Trong bối cảnh nước Pháp đang bế tắc, cả về phương diện kinh tế, chính trị lẫn xã hội, tại sao các nhân tài mà trên tuyến đầu là chính giới lại không cùng nhau xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn ? Tại sao mỗi lần đảng cầm quyền đưa ra một biện pháp cải tổ thì lại bị đối lập bác bỏ một cách gần như tự động ? Bế tắc đó là mảnh đất màu mỡ để cho hai cánh cực tả và cực hữu phát triển. Bằng chứng cụ thể là khi nhìn vào số phiếu mà cử tri Pháp dành cho Mặt Trận Quốc Gia trong 15 năm qua ở tất cả các kỳ bầu cử, người ta thấy đảng cực hữu bài ngoại lớn mạnh dần theo năm tháng.

Emmanuel Macron không phải là chính trị gia Pháp đầu tiên muốn xóa bỏ bức tường thành ngăn cách hai cánh tả – hữu. Trước ông, François Bayrou cánh trung hay Ségolène Royal, ứng cử viên tổng thống năm 2007 thuộc Đảng Xã Hội cánh tả, từng đấu tranh cho ý tưởng này. Nhưng cả hai đều đã thất bại.

Yếu tố may mắn 

Công bằng mà nói, trên đường vào điện Elysée, Emmanuel Macron đã gặp nhiều may mắn. Ông ra tranh cử tổng thống trong bối cảnh đặc biệt. Các đối thủ của ông quá tồi. Người già dặn nhất, chuyên nghiệp nhất là cựu thủ tướng cánh hữu François Fillon lại sa lầy vào tai tiếng được báo chí gọi là vụ “Penelope Gate”. Đảng Những Người Cộng Hòa tưởng chừng nắm chắc phần thắng nhưng cuối cùng lại để Điện Elysée vuột khỏi tầm tay.

Bên cánh tả, Đảng Xã Hội đang khép lại nhiệm kỳ tổng thống 5 năm dưới thời François Hollande đánh mất niềm tin. Kinh tế vẫn đình đốn, nạn thất nghiệp không thuyên giảm. Một phần lớn người dân cảm thấy bị bỏ rơi. Trong bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 ngày 23/04/2017, Đảng Xã Hội đau đớn nhận lấy kết quả chưa đầy 7 % số phiếu.

Đảng cực tả của Jean-Luc Mélenchon – La France Insoumise (Nước Pháp Bất Khuất) và đảng cực hữu Front National (Mặt Trận Quốc Gia) của Marine Le Pen khai thác tinh thần bài châu Âu và chống toàn cầu hóa để khẳng định vị trí trên sân khấu chính trị Pháp. Ứng cử viên Mélenchon huy động được số cử tri cao gấp ba lần so với ứng viên Benoît Hamon của Đảng Xã Hội, nhưng không thể đọ sức với bà Le Pen và ông Macron để vào chung kết. Cương lĩnh hành động của Nước Pháp Bất Khuất không thuyết phục được đông đảo cử tri.

Còn về phía ứng cử viên Marine Le Pen đại diện cho một đảng phái chính trị Pháp đã ra đời từ hơn 40 năm qua, chiêu bài dân túy và bài ngoại chỉ được một phần cử tri ủng hộ. Một phần lớn công luận xem chủ trương đặt quyền lợi của người Pháp lên trên hết của gia đình Le Pen là một mối đe dọa đối với những giá trị cơ bản “Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái” của nền Cộng Hòa Pháp.

Bối cảnh chính trị nhiễu nhương đó mở đường cho En Marche ! giành được thắng lợi trong mùa bầu cử tổng thống 2017. Không khua chiêng, gõ mõ ầm ĩ, Emmanuel Macron đang vẽ lại bản đồ chính trị của Pháp và tính toán táo bạo ban đầu của Emmanuel Macron đang trở thành một cuộc “cách mạng nhung”. Nhưng cuộc cách mạng đó còn phải vượt qua một thách thức lớn : Tiến Bước ! sẽ phải chiếm được đa số tại Quốc Hội trong cuộc bầu cử lập pháp sắp tới ngày 11 và 18 tháng 6 để không bị cản trở trong việc thực hiện các biện pháp cải tổ cần thiết cho nước Pháp.

vi.rfi.fr/phap/20170508-bau-cu-tt-phap-2017-cuoc-cach-mang-nhung-mang-ten-em.

 

Chính phủ Macron sẽ bắt tay ngay vào 5 công trình trọng điểm

Sau một chiến dịch vận động bầu cử căng thẳng, với chiến thắng vẻ vang vào tối hôm qua, ngay từ sáng nay, 08/05/2017, tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron đã phải bắt tay vào việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp trong khi chờ đợi bầu lại Quốc Hội vào tháng 6 tới đây. Dù chuyển tiếp, nhưng chính phủ này phải chuẩn bị thực hiện 5 trọng điểm từng được ứng viên Macron nêu bật.

Đó là 5 ưu tiên mà ông Macron cho biết sẽ làm ngay trong mùa hè này: Cải tổ Luật Lao Động, đạo đức hóa đời sống chính trị, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tái định hướng châu Âu và cải cách nền giáo dục tiểu học.

Trước mắt, sáng nay, tổng thống Pháp tân cử Macron đã chính thức trình diện quốc dân khi cùng với tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande ra đặt hoa tưởng niệm trước mộ «Chiến Sĩ Vô Danh » ở Khải Hoàn Môn, Paris nhân ngày lễ Chiến Thắng 08/05.

Ngay từ hôm nay, ông Emmanuel Macron từ chức lãnh đạo phong trào Tiến Bước, vì trên nguyên tắc, tổng thống là người lãnh đạo tất cả người Pháp.

Sau đó ông phải bắt tay vào việc thành lập chính phủ đầu tiên của ông, có trách nhiệm tiếp nhận quyền hành từ tay chính phủ của thủ tướng Bernard Cazeneuve, xử lý công việc Nhà nước cho đến khi nước Pháp bầu ra được một Quốc Hội mới vào giữa tháng Sáu.

Trong suốt cuộc vận động tranh cử vòng 2 vừa qua, đối thủ của ông là bà Le Pen, cũng như giới báo chí đều thúc ép ông Macron tiết lộ tên người sẽ là thủ tướng đầu tiên của ông, nhưng những yêu cầu này đều bị từ chối.

Dẫu sao thì chính phủ mới của ông Macron sẽ phải được hình thành trước ngày 14/05, là ngày mà tổng thống François Hollande kết thúc nhiệm kỳ và bàn giao chức vụ lại cho tổng thống tân cử. Chính phủ này sẽ điều hành công việc cho đến khi người Pháp bầu xong Quốc Hội mới, với một chính phủ mới được hình thành.

vi.rfi.fr/…/20170508-chinh-phu-macron-se-bat-tay-ngay-vao-5-cong-trinh-trong-die..

 

Indonesia giải tán nhóm Hồi Giáo cực đoan

Một tổ chức Hồi giáo có khuynh hướng cực đoan tên là Hizb ut-Tahrir (gọi tắt là HTI) có thể bị giải tán ở Indonesia.

Ông Bộ trưởng An ninh Indonesia Wiranto nói như vậy trong ngày 8 tháng 5 và giải thích rằng những hoạt động của HTI đe dọa an ninh quốc gia cũng như sự thống nhất của dân tộc Indonesia.

Ông Wiranto nói là sẽ dùng những biện pháp pháp lý, đưa HTI ra tòa để giải tán tổ chức này.

Tổ chức HTI hoạt động từ hàng chục năm qua ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, tổ chức này kêu gọi thực thi các giáo luật khắt khe của Hồi giáo tại Indonesia, cũng như thành lập một thể chế kiểu nhà nước Hồi giáo thời trung cổ, còn gọi là caliphate.

Vừa qua HTI đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình rộng lớn chống cựu thị trưởng Jakarta là ông Purnam, với lý do ông này báng bổ kinh thánh Koran. Kết quả là ông Purnama đã thất cử và vị trí đô trưởng Jakarta về tay 1 người Hồi giáo.

www.rfa.org/…/indo-to-disband-radical-islamist-group-05082017112147.html

 

Trung Quốc: Luật sư nhân quyền Tạ Dương nhận tội

Sáng ngày 8 tháng 5, trong phiên tòa diễn ra tại thủ phủ Trường Sa của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, luật sư nhân quyền Tạ Dương khai rằng ông không hề bị tra tấn, ép buộc phải nhận những tội danh mà ông không hề phạm.

Điều này trái ngược hẳn với những gì ông đã nói với luật sư đại diện cho ông hồi tháng Giêng vừa rồi.

Bị bắt giữ từ tháng Bảy năm 2015, luật sư Tạ Dương là một trong hàng chục nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền bị chính phủ Trung Quốc giam giữ về nhiều tội danh khác ông. Tội nhà nước Bắc Kinh cao buộc ông là tội âm mưu lật đổ chế độ.

Bên công tố còn nói trước tòa rằng ông Tạ Dương có liên hệ và bị lung lạc bởi những phần tử nước ngoài.

Tuần rồi, luật sư đại diện cho ông Tạ Dương cũng bị công an bắt tạm giam một ngày mà không cho biết lý do. Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng phản đối hành động này, cho rằng Bắc Kinh chủ trương gây khó khăn cho những người bảo vệ công lý.

Hôm nay 8 tháng 5, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối, cáo buộc Liên Hiệp Quốc tìm cách can dự vào chuyện nội bộ của Hoa Lục.

Trong khi đó bà Trần Quế Thu, vợ của luật sư nhân quyền Tạ Dương,  hiện đang cùng hai con bị giữ tại một trại giam ở Bangkok đang rất lo lắng về những biện pháp có thể được áp dụng cho trường hợp của bà.

Tin AP loan đi ngày 8 tháng 5 cho biết như vừa nêu. Tin cho biết sau thời gian vài tuần chạy trốn, bà Trần kiệt sức, và may mắn cho bà, các viên chức Đại sứ quán Hoa Kỳ đã kịp thời có mặt, đi vào trại giam để đưa bà Chen và các con của bà ra ngoài bằng cửa sau. Lực lượng an ninh Trung Quốc đóng bên ngoài phát hiện và đã truy đuổi họ.

Cuộc rượt đuổi kết thúc ở sân bay Bangkok. Tại đó, các quan chức Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ có cuộc tranh cãi gay gắt về vấn đề bắt giữ gia đình bà Trần.

The Associated Press là cơ quan báo chí được bà Chen và những người ủng hộ bà tiết lộ chi tiết về cuộc chạy trốn của gia đình bà lần đầu tiên vào tháng Ba.

www.rfa.org/…/lawyer-xie-yang-chinese-court-confession-wasnt-forced-0508201711

‘Một Vành đai, một con Đường’ và Afghanistan

Trung Quốc đang tìm cách mở rộng Sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường” (BRI) để bao gồm Afghanistan, khiến các nhà phân tích tự hỏi liệu Bắc Kinh đang cố gắng đẩy mạnh vai trò của Trung Quốc ở Trung Đông, và tự đặt mình vào tâm điểm cuộc chiến chống khủng bố quốc tế hay không.

Chương trình kết nối của Trung Quốc bao gồm mở rộng hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một phần trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (BRI), sang tới Afghanistan, rồi sau đó kéo rộng “vành đai” tới các nước láng giềng Afghanistan, như Tajikistan, Turkmenistan và Iran.

Kế hoạch bao gồm hai xa lộ, hai tuyến đường sắt và một đập thủy điện lớn trên sông Kunar. Với ý định xây một con đường nối liền thành phố Peshawar của Pakistan với thủ đô Kabul và vùng Kunduz ở Afghanistan, trước khi tiếp tục tiến vào Trung Á. Các tuyến đường sắt dự kiến sẽ chạy từ Landi-Kotal ở Pakistan tới thành phố Jalalabad của Afghanistan, và từ Chaman ở Pakistan tới Spin Buldak ở Afghanistan.

Ông Ahmad Bilal Khalil, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và khu vực cho biết, Trung Quốc cần tiến vào Afghanistan với các dự án kinh tế để đảm bảo tiến độ của dự án trị giá 50 tỷ USD đang được xúc tiến ở Pakistan, không bị cản trở.

Ông nói nếu Afghanistan tham gia hai dự án đường xa lộ, ảnh hưởng tích cực tới tình hình an ninh ở Afghanistan, thì giới đầu tư Pakistan và Trung Quốc sẽ đưa lợi ích kinh tế vào Afghanistan. Ông nói:

“Nếu Afghanistan không có an ninh, thì tình hình sẽ tác động tới hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) và cả sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường”.

Quyền lực trên thế gi

Các kế hoạch của Trung Quốc quả là hết sức tham vọng, động cơ đằng sau là chính sách đối ngoại Trung Quốc, cho rằng nước này phải được nghiêm túc công nhận là một cường quốc lớn. Đối với Trung Quốc điều quan trọng là chứng minh rằng họ có thể làm những gì mà Mỹ đã thất bại, không thực hiện được ở Trung Đông.

Nếu “Một Vành đai, một con Đường” chạy ngang qua Trung Đông, Afghanistan sẽ là khu vực mà Trung Quốc hy vọng sẽ “tạo ra sự khác biệt”.

Ông David Kelly, người đứng đầu một công ty tư vấn tại Bắc Kinh có tên là ‘China Policy’ nói ông hy vọng đầu tư vào những kết nối như thế sẽ giúp xoa dịu căng thẳng ở Afghanistan, và giúp Trung Quốc đạt được điều mà người Mỹ, và trước đó Liên Xô, không làm được, là giảm bạo lực và xung đột giáo phái.

Nhưng các kế hoạch đó dễ nói hơn làm. Những vụ đụng độ tại biên giới Pakistan và Afghanistan đã giết chết hơn 50 người trong hai ngày qua. Uzbekistan phản đối kế hoạch mở rộng tuyến đường sắt và xa lộ kết nối với Trung Á, nói rằng khủng bố sẽ sử dụng chúng để mở rộng hoạt động.

Mối nguy khng b

Gạt sang một bên các cao vọng đó, trong thực tế có những mối nguy liên quan tới khủng bố mà Trung Quốc muốn giải quyết bằng cách đưa ra một hình ảnh về Trung Quốc như là ân nhân của Afghanistan. Thành phần đòi ly khai bằng bạo lực ở Tân Cương được biết là có những liên hệ xuyên biên giới với phe Taliban ở Pakistan và Afghanistan, cũng như với các nhóm Hồi giáo ở Trung Á.

Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các mỏ đồng ở Afghanistan mặc dù kết quả không mấy đáng khích lệ, vì những thách thức về chính trị và cấu trúc hạ tầng.

Bắc Kinh muốn xây dựng những trục kết nối để có thể tiếp cận tài nguyên khoáng sản trong các vùng núi non. Theo ông M.K.Bhadrakumar, tác giả và cũng là một nhà ngoại giao Ấn Độ, mở rộng sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường” tới Afghanistan sẽ tạo điều kiện khai thác khoáng sản để phục vụ nền kinh tế Trung Quốc, và tạo điều kiện thuận lợi để nước này xuất khẩu thặng dư công nghiệp sang Afghanistan.

Các nhà phân tích nói Trung Quốc đang vạch ra con đường cho công nghiệp xây dựng quy mô của họ nhằm chuẩn bị tham gia, một khi công cuộc tái thiết Afghanistan được xúc tiến. Tuy nhiên mục tiêu chính của Bắc Kinh là thúc đẩy các lợi ích chiến lược và an ninh của Trung Quốc, bên ngoài Pakistan.

Các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm trong một phúc trình gần đây nói

“Quả vậy, sáng kiến “Một Vành đai, một con Đường” tương thích với các khái niệm an ninh ngày càng năng động của Trung Quốc, nhấn mạnh an ninh chung qua phát triển và hợp tác kinh tế.”

Nhưng đây không chỉ là một việc khó khăn.

Có một số rủi ro đi kèm với quan điểm của Trung Quốc về thế giới. Bắc Kinh tin rằng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo có thể được thay thế bằng cách mang lại những lợi ích kinh tế. Nhưng chính sách này đã bị chứng minh là sai lầm trong quá khứ, theo ông David Kelly, người đứng đầu công ty tư vấn ‘China Policy’.

www.voatiengviet.com/a/mot-vanh-dai-mot-con-duong…afghanistan/3842984.htm