Tin khắp nơi – 08/05/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 08/05/2016

Bắc Hàn ‘không dùng vũ khí hạt nhân’ trước

Nhà lãnh đạo của Bắc Hàn nói nước này sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi chủ quyền bị đe dọa, theo truyền thông nhà nước.

Bắc Hàn lần đầu tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 2006, sau khi rút khỏi một hiệp ước quốc tế.

Bắc Hàn đã lặp lại nhiều lần các đe dọa tấn công hạt nhân nhắm vào Hàn Quốc và Mỹ.

Thế nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nói với Đại hội Đảng Lao động ở Bình Nhưỡng rằng ông sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với các nước trước đây thù địch.

Là một quốc gia vũ khí hạt nhân có trách nhiệm, nước Cộng hòa của chúng ta sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân, trừ khi chủ quyền bị xâm phạm bởi bất cứ thế lực thù địch hung hăng nàoLãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un

Phóng viên BBC ở Bắc Hàn nói ông Kim có xu hướng gửi đi các thông điệp lẫn lộn và chuyển động quan sát được tại khu vực hạt nhân của nước này phù hợp với việc chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân khác.

Truyền thông nhà nước dẫn lời ông Kim nói phải có thêm nhiều cuộc đàm phán với Hàn Quốc để xây dựng lòng tin và sự hiểu biết.

Và ông nói nước này sẽ “thành thực thực hiện nghĩa vụ không phổ biến hạt nhân và phấn đấu giải trừ hạt nhân toàn cầu”.

Bài phát biểu của lãnh đạo Bắc Hàn dài dòng ‘hùng biện’, nhưng thiếu chi tiết, theo phái viên của BBC News, Stephen Evans, BBC News, từ Bình Nhưỡng

Nó mô tả các mục tiêu nhưng không phải là phương tiện để đạt được chúng – điểm đến mong muốn nhưng không phải là con đường.

Dấu hỏi đặt ra

Ông Kim Jong-un được trích dẫn nói chẳng hạn ông muốn Bắc Hàn “xây dựng một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và phát triển nền kinh tế của nhân dân”.

Liệu điều này có nghĩa là cho phép có thêm các doanh nghiệp tư nhân và đi theo con đường mà Trung Quốc phát triển kinh tế hay không?

Không có dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Bắc Hàn đã lựa chọn cho điều đó, vẫn theo phóng viên của chúng tôi từ thủ đô Bắc Hàn.

Ngoài ra còn có sự mơ hồ trong thông báo của Bình Nhưỡng về vũ khí hạt nhân.

Mục tiêu của Đảng ta là xây dựng một thế giới hòa bình, không có chiến tranh và đây là lập trường kiên định của Đảng ta và chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tranh đấu cho hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầuLãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un

Các đối thủ của nước này có thể hỏi Bắc Hàn định nghĩa “xâm lấn chủ quyền” là như thế nào?

“Liệu ông Kim Jong-un muốn nói rằng Bắc Hàn sẽ chỉ tấn công hạt nhân nếu bị tấn công hay khi bị một điều gì đó có cấp độ ít hơn thế, thật là không phải là rõ ràng,” Stephen Evans bình luận.

Ông Kim Jong-un được trích thuật nói về hòa bình:

“Mục tiêu của Đảng ta là xây dựng một thế giới hòa bình, không có chiến tranh và đây là lập trường kiên định của Đảng ta và chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tranh đấu cho hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu.”

Phát biểu này không rõ có thể gây ra một số hoài nghi nào hay không ở Washington, phóng viên của chúng tôi đặt câu hỏi.

Cải thiện quan hệ

Được biết, sự kiện chính trị đang diễn ra là Đại hội đầu tiên của đảng cầm quyền của Bắc Hàn kể từ năm 1980.

Ông Kim Jong-un là lãnh đạo tối cao của Bắc Hàn.

Hãng tin KCNA dẫn lời ông Kim nói:

“Là một quốc gia vũ khí hạt nhân có trách nhiệm, nước Cộng hòa của chúng ta sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân, trừ khi chủ quyền bị xâm phạm bởi bất cứ thế lực thù địch hung hăng nào.”

Chính phủ sẽ cải thiện và bình thường hóa quan hệ với những nước tôn trọng chủ quyền của CHDCND Triều Tiên và thân thiện, mặc dù từng là thù địch trong quá khứÔng Kim Jong-un

Ông Kim nói:

“Chính phủ sẽ cải thiện và bình thường hóa quan hệ với những nước tôn trọng chủ quyền của CHDCND Triều Tiên và thân thiện, mặc dù từng là thù địch trong quá khứ”.

Bắc Hàn rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2003 và bắt đầu thử nghiệm vũ khí hạt nhân ba năm sau đó.

Các biện pháp trừng phạt của quốc tế với Bắcc Hàn đã được thắt chặt vào tháng Ba năm nay sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử nghiệm một trái bom hydro và phóng hỏa tiễn vào không gian.

Chế tài trừng phạt bao gồm các lệnh cấm xuất khẩu đối với nguyên, vật liệu được sử dụng trong sản xuất hạt nhân và quân sự, cũng như những hạn chế về hàng xa xỉ và hoạt động ngân hàng.

Trong một diễn biến, mới đây đã có một nhóm các nhà khoa học từng được trao giải thưởng Nobel lên tiếng đề nghị quốc tế nới nhẹ các biện pháp trừng phạt với quốc gia cộng sản độc đảng đã nhiều lần vi phạm các cam kết quốc tế về vũ khí hạt nhân với nhiều vụ thử nghiệm bom và phóng hỏa tiễn ở khu vực gây quan ngại chung.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160508_nkorea_kim_jong_un_message

 

Cần nới lỏng lệnh trừng phạt Bắc Hàn

Lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn gây nguy hại đến sức khỏe và khoa học và lệnh trừng phạt này cần được nới lỏng, theo một nhóm ba người được giải Nobel.

Họ phát biểu tại Bắc Kinh, Trung Quốc sau khi đến thăm Bình Nhưỡng trong một động thái được cho là để thúc đẩy đối thoại.

“Bạn không thể biến thuốc kháng sinh thành bom hạt nhân”, một trong số những người này nói.

Lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn đã được thắt chặt thêm vào năm nay sau khi nước này tuyên bố đã tiến hành thử bom hydro và phóng tên lửa đạn đạo.

Bạn không thể biến thuốc kháng sinh thành bom hạt nhân… Bạn không gây sức ép cho người khác bằng cách làm họ trở nên đau ốmAaron Ciechanover, được giải Nobel hóa học

Chuyến thăm của những nhà khoa học gần với dịp Đại hội đảng hiếm có tại Bắc Hàn, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un ca ngợi “đại thành công” của đất nước về lĩnh vực hạt nhân.

Sự kiện này được nhìn nhận là cơ hội cho ông Kim củng cố sức mạnh của mình. Hàn Quốc thúc giục đoàn đại biểu nước ngoài hủy bỏ chuyến thăm, lo ngại đây là hoạt động tuyên truyền cho Bắc Hàn.

“Chúng tôi đến đây không phải để chỉ trích họ,” Aaron Ciechanover, người giành giải Nobel Hóa học năm 2004 nói.

“Chúng tôi thực sự đến để đối thoại và trao đổi với sinh viên.”

Về lệnh trừng phạt, ông này nói thêm:

“Bạn không thể biến thuốc kháng sinh thành bom hạt nhân… Bạn không gây sức ép cho người khác bằng cách làm họ trở nên đau ốm.”

Khá ấn tượng

Chuyến thăm của khách nước ngoài đến Bắc Hàn được kiểm soát nghiêm ngặt trong khi tiếp cận công cộng đến Internet bị hạn chế.

Người được giải Nobel Y khoa, Richard Roberts nói ông “khá ấn tượng” với những gì các nhà khoa học Bắc Hàn đạt được bất chấp lệnh trừng phạt.

“Sự cấm vận này thực sự làm tổn thương những nhà khoa học và đó là một điều đáng xấu hổ,” ông nói.

Sự cấm vận này thực sự làm tổn thương những nhà khoa học và đó là một điều đáng xấu hổRichard Roberts, người được giải Nobel Y khoa

Chuyến thăm này được tổ chức bởi Qũy Hòa Bình thế giới (IPF) có trụ sở tại Vienna.

Người tham gia bao gồm giáo sư Finn Kydland người đoạt giải Nobel kinh tế, Hoàng tử Afred của Liechtenstein và Chủ tịch IPF ông Uwe Morawetz.

Lệnh trừng phạt gần nhất được Liên Hợp Quốc chấp thuận vào tháng Ba, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu sử dụng cho việc sản xuất quân sự và hạt nhân, cũng như hạn chế hàng xa xỉ và lĩnh vực ngân hàng.

Nghị quyết này nhấn mạnh mục đích của lệnh trừng phạt loại trừ “tác động nhân đạo không mong muốn” đối với dân thường, những người hiện đang đối mặt với khó khăn về tài chính và thiếu thốn thực phẩm.

.Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160507_nkorea_sanctions_eased

 

Hội chợ Paris : Ứng dụng theo dõi bệnh tháo đường được trao giải Lépine

Đúng theo truyền thống hàng năm, giải thưởng Lépine được trao cho phát minh hay nhất trong năm. Năm 2016, có hơn 550 sáng chế tham dự cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ-Triển lãm Paris. Cuối cùng, giải thưởng cao quý nhất đã được trao cho ứng dụng hỗ trợ theo dõi người mắc bệnh tháo đường.

Nhà phát minh Benoît Mirambeau là người dành giải thưởng của tổng thống nước Cộng Hòa Pháp với phát minh ứng dụng cho điện thoại thông minh, được đặt tên là « Diabète protocole » (tạm dịch : Định mức bệnh tháo đường). Ông giải thích với RFI : « Tên của sản phẩm không mang vẻ tiếp thị lắm, nhưng thể hiện đúng tên muốn gọi ».

Nhờ ứng dụng này, người mắc bệnh tháo đường có thể đo nồng độ insulin dễ dàng hơn rất nhiều. Và giống như những nhà phát minh khác, ý tưởng của Benoît Mirambeau được nảy sinh từ chính trường hợp mắc bệnh của người mẹ.

Với chiến thắng này, nhà sáng chế hi vọng sẽ kinh doanh được ứng dụng theo dõi bệnh tháo đường trong một ngày gần đây. Bước tiếp theo này chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn.

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160508-hoi-cho-paris-ung-dung-theo-doi-benh-thao-duong-duoc-trao-giai-lepine

 

Biển Đông: Một cựu đô đốc Mỹ muốn Nhật, Đông Nam Á và Hoa Kỳ hợp sức

Nguyên tư lệnh Hải Quân Mỹ, hiện đã về hưu, vừa yêu cầu hai quân đội Mỹ và Nhật xem xét khả năng cùng hành động tại Biển Đông, nơi mà các hành vi của Trung Quốc đang làm dấy lên căng thẳng. Nhân vật này đồng thời thúc giục các nước Đông Nam Á cân nhắc khả năng hành động chung với Mỹ để đối phó một cách có hiệu quả hơn với các vấn đề hàng hải.

Trong một cuộc phỏng vấn được hãng tin Nhật Kyodo công bố hôm nay, đô đốc Jonathan Greenert, nguyên tư lệnh Hải Quân Mỹ đã nhắc đến hiệp định an ninh chung Mỹ-Nhật, ký kết năm 1960 để xác định rằng Washington và Tokyo là hai đồng minh thân thiết, và « đồng minh có quyền hoạt động ở bất cứ nơi nào họ chọn ».

Quân đội Mỹ và Nhật từng tập trận chung ở Biển Đông, và tuyên bố của ông Greenert hàm ý cho rằng hoạt động chung của Mỹ và Nhật cần phải đi xa hơn là sự tập luyện đơn thuần.

Ông Greenert nhấn mạnh : « Nói rằng chúng ta không hoạt động chung ở Biển Đông vì “Trung Quốc sẽ không thích”, đối với tôi, đó không phải là một điều hay ».

Tuy nhiên, theo đô đốc Greenert, mặt khác, Mỹ và Nhật cũng nên tránh làm Trung Quốc bất bình bằng cách cho tàu thuyền cùng đi vào vùng biển mà không thông báo trước ý định.

Hoa Kỳ nên tiếp tục các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, cho tàu tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh những nơi mà Trung Quốc đơn phương giành chủ quyền, và theo cựu tư lệnh Hải Quân Mỹ, những nước khác có thể tham gia chiến dịch của Mỹ nếu bảo đảm được sự minh bạch.

Đối với ông Greenert, với Trung Quốc, một cách tiếp cận đa phương có nhiều khả năng thành công hơn. Cùng hành động với Mỹ có thể có khối Đông Nam Á – ASEAN, hoặc là những hiệp hội, tổ chức mà Trung Quốc cũng là thành viên.

Từng là tư lệnh Hạm Đội 7 của Mỹ, hoạt động từ khu vực Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, ông Greenert gợi ý là các hoạt động chung đầu tiên có thể là các chiến dịch cứu trợ nhân đạo và thiên tai.

Washington đã chỉ trích Bắc Kinh cho xây phi đạo, đặt thiết bị quân sự ở những vùng tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp các nước có liên quan khác như Philippines, Việt Nam. Ngoài ra, Hải Quân Mỹ cũng đã cho tàu tiến vào các vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ.

Đối với đô đốc Greenert : « Trung Quốc hành xử theo luật lệ riêng của họ và điều đó không phù hợp với phần còn lại của thế giới ».

Trọng Nghĩa

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160508-bien-dong-mot-cuu-do-doc-my-muon-nhat-dong-nam-a-va-hoa-ky-hop-suc

 

Nhật Bản : Doanh nghiệp được thưởng tiền để nhân viên nghỉ ngơi

Chính phủ Nhật Bản muốn thưởng tiền cho các doanh nghiệp để nhân viên nghỉ ngơi. Một lần nữa, Tokyo muốn khắc phục tình trạng lao động quá sức, được cho là nguyên nhân làm giảm năng suất nền kinh tế thứ ba thế giới.

Thông tín viên RFI Frédéric Charles từ Tokyo giải thích :

« Rất nhiều nhân viên được tuyển dụng chẳng để làm gì. Một phần tư trong số họ ở lại văn phòng hơn 49 giờ mỗi tuần vì sợ thiếu tận tâm với ông chủ. Chính phủ cho rằng đây không phải là cuộc sống.

Vậy biện pháp là gì ? Đó là khuyến khích các doanh nghiệp để nhân viên nghỉ ngơi. Những doanh nghiệp thuyết phục được nhân viên của mình giảm số lượng ngày làm việc sẽ được hưởng một khoản trợ cấp của nhà nước.

Hệ thống mới có thể được áp dụng từ năm 2017. Khoản tiền thưởng được cấp cho các doanh nghiệp còn tùy thuộc vào số giờ nghỉ mà họ đàm phán được với nhân viên. Tập đoàn viễn thông KDDI đã “ép” được nhân viên của mình nghỉ ít nhất 8 tiếng giữa hai ngày làm việc. 

Theo nhật báo Nikkei, biện pháp này sẽ giúp giảm bớt số trường hợp tử vong do lao lực, vì rất nhiều nhân viên không dùng đến bất kỳ ngày nghỉ phép nào mà họ được hưởng.

Thế nhưng, những biện pháp bắt buộc này cũng không giúp họ tăng khả năng làm việc hơn. Xét về năng suất, Nhật Bản xếp hạng thứ 20 trong số các nước thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) và nằm ở vị trí cuối cùng trong số các nước thuộc khối G7, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Ý và Canada ».

Thu Hằng

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160508-nhat-ban-doanh-nghiep-duoc-thuong-tien-de-nhan-vien-nghi-ngoi

 

Canada : Quy mô hỏa hoạn tại Fort McMurray tăng gấp đôi

Vụ cháy rừng tại Fort McMurray (Canada) vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Cả ngày 07/05/2016, người dân bị nạn tưởng đã tìm được nơi trú ẩn tại phía bắc thành phố, song lại phải tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Một số người được cảnh sát di tản bằng máy bay, một số khác theo đường bộ.

Thông tín viên RFI Pasacal Guéricolas từ Québec miêu tả tình hình :

Đây đúng là một cuộc chiến không cân sức giữa một bên là lực lượng cứu hỏa và một bên là « Quái vật », tên được đặt cho vụ hỏa hoạn lắm đầu này. Dù đã nỗ lực hết sức cùng với sự hỗ trợ của máy bay thả nước, khu rừng xung quanh McMurray hầu như bị lửa thiêu rụi. Do bị lửa vây từ nhiều mặt, lực lượng cứu hỏa ưu tiên bảo vệ các tòa nhà công, những khu dân cư và để lửa quét những khu vực không có người ở.

Ngoài ra, gió cũng khiến lửa lan sang bên ngoài thành phố. Theo một trong số các nhà phụ trách, phải mất nhiều tháng để có thể dập tắt vụ hỏa hoạn này mà hiện vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Quy mô vụ cháy rừng đang tàn phá miền tây Canada đã tăng gấp hai lần vào thứ Bẩy 07/05. Chính quyền địa phương nhận định tình hình tại Alberta vẫn « không lường trước được và nguy hiểm ». Hơn nữa, ít nhất có một khu khai thác dầu khí, Suncor, nằm trên hướng mà lửa có thể lan ra. Tuy nhiên, những công ty kiểu này thường được trang bị kỹ lưỡng để đối mặt với mối đe dọa như hỏa hoạn.

Mối bận tâm của chính quyền hiện nay là chắc chắn rằng mọi người dân ở Fort McMurray rời khỏi nhà. Người già và người bệnh vừa mới được di chuyển. Trong bản tổng kết mới nhất của cơ quan quản lý khẩn cấp tại Alberta, vào nửa đêm, lửa tiếp tục lan nhanh và có thể đã thiêu trụi hơn 200.000 ha.

Fort McMurray là thành phố nổi tiếng trong lĩnh vực khai thác cát dầu của Canada. Khoảng mười công ty hiện phải ngừng sản xuất, làm giảm khoảng 1/3 sản lượng dầu thô của Canada.

Thu Hằng

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160508-canada-quy-mo-hoa-hoan-tai-fort-macmurray-tang-gap-doi

 

Ba Lan : Dân chúng xuống đường rầm rộ chống chính phủ bảo thủ

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Ba Lan từ khi chế độ Cộng Sản cáo chung. Ngày thứ bảy 07/05/2016, gần 250.000 người đã tuần hành ở thủ đô Vacxava để bảo vệ chỗ đứng của Ba Lan trong châu Âu và tố cáo chính sách bảo thủ của chính quyền cánh hữu.

Từ Vacxava, thông tín viên Damien Simonart tường thuật :

Đây không phải là cuộc biểu tình đầu tiên chống chính phủ trong năm nay. Nhưng đây là lần đầu tiên dân chúng tham gia đông đảo với đoàn tuần hành dài nhiều cây số.

Tất cả phe đối lập, từ xu hướng tự do đến thân tả, đã cùng kêu gọi người dân Ba Lan đi biểu tình. Cựu tổng thống Bronislaw Komorowski cũng có mặt. Khẩu hiệu của đoàn biểu tình là « Chúng tôi là dân châu Âu và luôn ở trong Liên Hiệp Châu Âu ». Ý chí được biểu hiện với một rừng cờ châu Âu nền xanh dương.

Giới lãnh đạo chính trị kêu gọi bảo vệ nền dân chủ Ba Lan mà theo họ đang bị chính sách độc đoán của chính quyền bảo thủ đe dọa. Đối lập cũng kêu gọi chính phủ Ba Lan tôn trọng các phán quyết của Toà Bảo Hiến bác bỏ các biện pháp bị xem là vi hiến.

Họ cũng yêu cầu chính quyền cánh hữu tôn trọng chế độ tam quyền phân lập. Sự kiện bộ trưởng tư pháp được bổ nhiệm vào ghế biện lý (công tố) cho thấy có sự chồng chéo giữa tư pháp và hành pháp Ba Lan.

Trong cuộc đối thọai trực tuyến với cộng đồng mạng vào trưa thứ bảy, chủ tịch đảng cánh hữu Luật Pháp và Công Lý, Jaroslaw Kaczynski bất chấp lời kêu gọi này. Ông cho rằng cần phải tiếp tục cải cách và không sợ dân biểu tình.

Tú Anh

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160508-ba-lan-dan-chung-xuong-duong-ram-ro-chong-chinh-phu-bao-thu

 

Irak : Phát hiện 50 hố chôn tập thể của Daech

Một phái đoàn của Liên Hiệp Quốc tại Irak thông báo đã phát hiện khoảng 50 hố chôn tập thể trên các vùng đất trước đây do tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech – kiểm soát. Trong các phát hiện mới nhất ,có nhiều mộ trong thành phố Ramadi theo hệ phái Suni, nằm ở phía tây Irak với khoảng 40 thi thể.

Thành phố Ramadi bị rơi vào tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ngày 15/05/2015 trước khi được quân đội Irak giành lại vào tháng 12 cùng năm.

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau cho biết thêm :

« Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo dường như đã tăng cường bạo lực tại các vùng đất nằm dưới quyền kiểm soát của mình, tại Irak cũng như nước láng giềng Syria. Việc phát hiện các hố chôn tập thể trở nên gần như thường xuyên sau khi các thành phố bị tổ chức thánh chiến chiếm giữ được giải phóng.

Sau Tikrit, Palmyra và Sinjar, nơi cộng đồng người Yezidi trở thành nạn nhân của các cuộc thảm sát, bắt cóc và hãm hiếp mà theo Liên Hiệp Quốc là âm mưu diệt chủng, tới lượt Ramadi, thành phố của Irak nằm cạnh biên giới với Syria. Tại đây, một hố chôn tập thể khác đã được phát hiện.

Theo nhân viên của Liên Hiệp Quốc, những ngôi mộ trên được che giấu dưới một sân bóng cũ và có khoảng 40 thi thể được chôn trong đó. Những người xấu số có thể là các tộc trưởng, thành viên của chính phủ và lực lượng an ninh Irak, phụ nữ và người thuộc các cộng đồng tôn giáo thiểu số. Đây là những đối tượng thường bị tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhắm tới.

Trước Hội Đồng Bảo An, ông Jan Kubis, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc tại Irak, nhận định là hành vi này phải bị khép vào tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, thậm chí là diệt chủng. Ông cũng nhắc lại rằng nếu tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hiện đang bị thất bại tại Irak, thì lực lượng này vẫn là một kẻ thù quả quyết, biết tranh thủ tình hình bất ổn chính trị và nhân đạo tại đất nước này ».

Thu Hằng

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160508-irak-phat-hien-50-ho-chon-tap-the-cua-daech

 

Biên giới Áo-Ý: Dân biểu tình xô xát với cảnh sát vì hàng rào chống nhập cư

Nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra ngày 07/05/2016 tại Brenner, nằm giữa Ý và Áo. Gần 500 người đã phản đối đe dọa đóng cửa biên giới của Vienna nhằm ngăn chặn người nhập cư. Theo thông tấn xã Ý Ansa, 5 người biểu tình đã bị bắt. Cùng ngày, cả Roma và Vienna đều nhắc lại sẽ không có bức tường nào hết nếu như hai nước cùng nhau hợp tác.

Từ Roma, thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou giải thích thêm :

Khẩu hiệu « Cùng phá đường biên giới » ngân vang tại Brenner ngày thứ Bẩy. Hàng trăm người từ Ý, Áo, thậm chí là từ Đức đến tham gia tuần hành và mặc một mầu đen.

Tình hình trở nên xấu đi vào giữa buổi chiều khi nhiều người biểu tình đi về phía một ga tầu hỏa và ném đá và vật gây khói về phía cảnh sát. Lực lượng này đáp trả bằng hơi cay. Đúng lúc đó, một nhóm nhỏ người biểu tình đi lên xa lộ trước khi bị lực lượng an ninh giải tỏa.

Đèo Brenner là nguồn gốc căng thẳng giữa Ý và Áo vì Vienna lo ngại làn sóng nhập cư. Nhưng sáng thứ Bẩy, bộ trưởng Nội Vụ Áo lại sử dụng lá bài trấn an khi khẳng định sẽ không có bức tường nào ở Brenner. Ông nhắc lại: Nếu Ý làm những việc cần làm, thì thậm chí sẽ không có cả kiểm soát tại biên giới.

Tuyên bố của bộ trưởng Nội Vụ Áo đã được đồng nhiệm Ý hoan nghênh ngay buổi chiều cùng ngày: « Tôi đã chứng minh cho họ thấy là họ sẽ phí tiền nếu xây một hàng rào ngăn cản ». 

Nhưng thứ Năm vừa qua (05/05), thủ tướng Ý Matteo Renzi đã cảnh cáo Áo. Người đứng đầu chính phủ Ý chỉ trích đó là một thái độ sai lầm và một lập trường lỗi thời.

Thu Hằng

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160508-y-nguoi-bieu-tinh-va-canh-sat-dung-do-tai-bien-gioi-voi-ao-vi-hang-rao-chong-nhap-c

 

Thái Lan : Mẹ một nhà đối lập bị cầm tù vì tội khi quân

Mẹ của một trong những nhà đối lập nổi tiếng với chính phủ quân sự Thái Lan đã bị bắt ngày 07/05/2016 vì tội khi quân. Theo tổ chức Human Rights Watch, vụ việc này đánh dấu thêm một tai tiếng lạm quyền của tập đoàn quân sự đang cầm quyền.

Bà Patnaree Chankij, 40 tuổi, bị truy tố vì vi phạm điều 112 bộ luật hình sự quy định phạt tới 15 năm tù giam đối với bất kỳ cá nhân nào phỉ báng hoàng gia. Theo các luật sư bào chữa, bà bị bắt chỉ vì ghi mỗi từ « ja » (có nghĩa là « Đúng ») khi trả lời các tin nhắn cá nhân trên Facebook và bị quy là thóa mạ hoàng tộc.

Ông Poonsuk Poonsukcharoen, một trong số luật sư của nghi phạm khẳng định với AFP : « Tôi đã xem cuộc nói chuyện và tôi có thể nói rằng bà Patnaree Chankij không hề chia sẻ ý kiến của mình về hoàng gia ».

Đối với Human Rights Watch, chính quyền quân sự đã « chạm đáy » với vụ truy tố này. Ông Brad Adams, phụ trách khu vực châu Á của tổ chức, nhận xét : « Truy tố một ai đó chỉ vì một câu trả lời mơ hồ cho một thông điệp trên Facebook là tai tiếng mới nhất của tập đoàn quân sự về tội khi quân ».

Ngày 07/05, cảnh sát đã biện minh vụ bắt giam trong một cuộc họp báo và cho biết « còn có những hành động khác liên quan nhưng không thể nêu ra được ».

Nhà đối lập, người đã gửi những thông tin trên cho bà Patnaree, cũng đã bị thẩm vấn. Còn con trai của bà, Sirawith Seritiwat, đã nhiều lần bị bắt giữ. Sinh viên này là một trong số các lãnh đạo của phong trào sinh viên phản đối chế độ quân sự từ gần hai năm nay.

Sắp đến kỳ trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến Pháp mới, được dự kiến vào tháng 08/2016, tập đoàn quân sự càng tỏ ra căng thẳng và cấm mọi cuộc tranh luận hay vận động về văn bản này. Phía đối lập luôn phản đối bản dự thảo Hiến Pháp bị cho là phi dân chủ.

Thu Hằng

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160508-thai-lan-me-mot-nha-doi-lap-bi-cam-tu-vi-toi-khi-quan

 

Biển Đông : Luật gia Trung Quốc bác bỏ quyền trọng tài của Tòa quốc tế

Truyền thông Trung Quốc ngày 08/05/2016 cho biết : Hơn 300 thành viên Hội Luật Quốc tế Trung Quốc đã họp thường niên tại thành phố Trường Xuân (Changchun), tỉnh Cát Lâm (Jilin), đông bắc Trung Quốc. Đơn kiện về Biển Đông của Philippines lên Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye là chủ đề nghị sự chính trong cuộc họp. Các chuyên gia Trung Quốc dĩ nhiên đã phủ nhận thẩm quyền của tòa án quốc tế.

Theo Tân Hoa Xã, các chuyên gia này đều thống nhất : Trung Quốc không nên tham gia vụ kiện vì tòa án trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Họ cho rằng Trung Quốc có quyền hợp pháp chiểu theo luật pháp quốc tế để bác bỏ thẩm quyền xét xử của tòa án.

Giáo sư Mã Thừa Nguyên (Ma Chenyuan), thuộc đại học Khoa Học Chính Trị và Luật, nhận xét : « Đó là bởi vì tòa án xét xử tranh chấp hàng hải theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển không có thẩm quyền đối với những khiếu nại của Manila. Và đơn kiện đơn phương của một quốc gia đã phá vỡ thỏa thuận với chúng ta (Trung Quốc) theo đó các tranh chấp phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương ».

Vào tháng 10/2015, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đã ra phán quyết công nhận thẩm quyền xét xử của mình trên 7 vấn đề được Philippines nêu ra trong đơn kiện. Trung Quốc đã tuyên bố quyết định của tòa án không có hiệu lực ràng buộc đối với nước này.

Ông Âu Dương Ngọc Tĩnh (Ouyang Yujing), lãnh đạo Cục Biên Giới và Đại Dương thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, xác định rằng không phải Trung Quốc không muốn giải quyết vấn đề, nhưng « Chúng tôi muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán, như đã nêu rõ trong thỏa thuận với Philippines và trong bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông với ASEAN (DOC). Việc đơn phương viện đến trọng tài là bất hợp pháp ».

Trung Quốc mới đây tuyên bố là đã đạt được đồng thuận với Brunei, Cam Bốt và Lào về Biển Đông, theo đó 4 bên có liên quan đã đồng ý chống lại mọi mưu toan đơn phương áp đặt một giải pháp nào đó để buộc nước khác phải chấp nhận.

Các chuyên gia Trung Quốc tại cuộc họp cho rằng đó là một ví dụ mà Philippines nên noi theo : Tranh chấp lãnh thổ và hàng hải có thể được giải quyết thông qua tham vấn và đàm phán tay đôi để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Thu Hằng

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160508-bien-dong-luat-gia-trung-quoc-bac-bo-quyen-trong-tai-cua-toa-quoc-te

 

Quân đội Iran công nhận bị thiệt hại nặng tại Syria

Hôm 07/05/2016, báo chí Iran loan báo « 13 cố vấn » Iran bị tử trận và 21 người bị thương trong những ngày qua ở phía bắc thành phố Aleppo của Syria. Liên quân Iran-Syria bị Al Qaida đánh bật ra khỏi một thành phố nhỏ cho dù có lệnh ngưng bắn.

Theo AFP, các « cố vấn » bị tử trận là chiến binh của lực lượng Vệ Binh Hồi Giáo mà Iran gửi qua Syria hỗ trợ quân đội của Damas. Họ bị chết trận hoặc bị thương ở Khan Toumane, một địa danh cách Aleppo chừng 10 km.

Một phát ngôn viên của lực luợng tinh nhuệ này đã xác nhận với hãng tin Isna của Iran đây là thiệt hại nặng nhất từ khi Teheran tham chiến cùng Damas.

Trong 6 tháng qua, hàng chục « cố vấn » của Iran chết trận tại Syria trong đó có nhiều sĩ quan cấp tướng , trong khuôn khổ cuộc phản công do Nga yểm trợ.

Thiệt hại nặng nề của Iran phản ảnh tình hình chiến sự ác liệt tại đây.

Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Syria OSDH, Khan Toumane và nhiều ngôi làng lân cận đã bị mặt trận Al Nostra đánh chiếm hồi rạng sáng 06/05. 57 chiến binh Hồi Giáo và 62 chiến binh phe chính quyền tử thương.

Thông tin lực luợng vệ binh Iran bị thiệt hại nặng được loan báo vào lúc cố vấn đối ngoại của Ayatolha Ali Khamenei gặp tổng thống Syria Bachar al Assad để bảo đảm là Iran đã « huy động hết khả năng » để giúp đồng minh Damas..

Tú Anh

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160508-chien-binh-iran-nhin-nhan-bi-thiet-hai-nang-tai-syria