Tin khắp nơi – 08/03/2019
Phi thuyền SpaceX Dragon
đáp thành công ngoài khơi bang Florida
Phi thuyền Crew Dragon trở về trái đất thành công và rơi xuống Đại Tây Dương, khu vực ngoài khơi bang Florida, lúc 8:45 sáng hôm 8/3, kết thúc một nhiệm vụ lịch sử đến Trạm không gian Quốc tế (ISS), theo Space.com.
Phi thuyền Dagron của Công ty SpaceX mang vật tư và thiết bị lên trạm vũ trụ ISS và lưu lại đó 5 ngày trong khi các phi hành gia tiến hành thí nghiệm và kiểm tra cabin của chiếc phi thuyền này.
Phi thuyền Dragon không chở theo người, mà mang theo một người nộm thử nghiệm có tên là Ripley, một nhân vật chính trong các bộ phim người ngoài hành tinh. Người nộm Ripley đã được thử nghiệm với các cảm biến để theo dõi xem con người sẽ cảm thấy ra sao khi bay trong phi thuyền này.
Dragon là tàu vũ trụ được chế tạo để hoạt động thương mại đầu tiên của Mỹ trong tám năm qua, kể từ khi kết thúc chương trình tàu con thoi.
Hoa Kỳ hiện đang dựa vào Nga để đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ, với chi phí khoảng 80 triệu đôla mỗi vé.
NASA cấp hàng triệu đôla cho công ty SpaceX và Boeing để thiết kế và vận hành một phi thuyền để đưa các phi hành gia lên quỹ đạo từ lãnh thổ Mỹ bắt đầu trong năm nay.
Đệ nhất Phu nhân Mỹ
vinh danh Phụ nữ Can đảm của thế giới
Đệ nhất Phu nhân Melania Trump vinh danh phụ nữ trên toàn thế giới với giải thưởng can đảm quốc tế.
Tại một buổi lễ ở Washington ngày thứ Năm 7/3, Đệ nhất Phu nhân nói can đảm là một trong những đức tính mà xã hội cần nhất. Bà nói can đảm là điều thúc đẩy thế giới tiến tới.
Đệ nhất Phu nhân cùng với Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải cho 10 phụ nữ từ các quốc gia Bangladesh, Djibouti, Ai Cập, Ireland, Jordan, Montenegro, Myanmar, Peru, Sri Lanka và Tanzania.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã vinh danh hơn 120 phụ nữ thuộc nhiều nước kể từ khi Bộ thành lập Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế vào năm 2007. Trong số những người từng được vinh danh có hai nhà hoạt động Việt Nam Tạ Phong Tần (2013) và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (2017).
Chuyến đi bộ trong không gian đầu tiên
do các nữ phi hành gia thực hiện
Cơ quan không gian Mỹ NASA xác nhận đã lên lịch một chuyến đi bộ trong không gian lần đầu tiên do các nữ phi hành gia thực hiện.
Một phát ngôn viên của NASA nói với CNN ngày 6/3 rằng “Theo lịch hiện nay, chuyến đi bộ trong không gian ngày 29/3 sẽ là chuyến đi bộ đầu tiên được thực hiện hoàn toàn bởi các nữ phi hành gia.”
Chuyến đi bộ trong không gian với nữ phi hành gia Anne McClain và Christina Koch sẽ là chuyến thứ nhì trong 3 chuyến trong Cuộc Thám hiểm 59, được phóng đi ngày 14/3.
Phi hành gia Koch là một thành viên của Cuộc Thám hiểm 59, trong khi phi hành gia McClain hiện là một trong ba phi hành gia của Trạm Không gian Quốc tế.
Ngoài ra, một phụ nữ khác là bà Kristen Facciol, kiểm soát viên phi hành của Cơ quan Không gian Canada, sẽ có mặt tại phòng kiểm soát ở Trung tâm Không gian Johnson ở Houston, Texas, để hỗ trợ cho chuyến đi bộ trong không gian kéo dài 7 giờ đồng hồ.
Hai nam phi hành gia Nick Hague và David Saint-Jacques sẽ tham dự chuyến đi bộ trong không gian thứ nhất và thứ ba.
Hiện chưa rõ điều gì sẽ được thực hiện trong chuyến đi bộ trong không gian. NASA nói những chuyến đi bộ trong không gian thường được thực hiện để sửa chữa, thử nghiệm dụng cụ và tiến hành các cuộc thí nghiệm.
Paul Manafort,
cựu giám đốc tranh cử của Trump bị 47 tháng tù
Ông Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump, vừa bị kết án 47 tháng tù vì tội gian lận thuế và ngân hàng.
Mùa hè năm ngoái, ông này bị kết án che giấu hàng triệu đô la thu nhập từ việc tư vấn chính trị ở Ukraine.
Trump giận dữ công kích Mueller
Michael Cohen khai Trump chỉ đạo ông nói dối
‘Đau đầu lớn nhất của Trump không phải là Mueller’
Mỹ: Hạ viện tìm bằng chứng cáo buộc ông Trump
Mueller nói tin của Buzzfeed về Trump không chuẩn
Paul Manafort sẽ bị kết án trong một vụ án khác vào tuần tới liên quan đến vận động hành lang bất hợp pháp.
Những cáo buộc này đến từ kết quả cuộc điều tra liệu Trump có thông đồng với Nga để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 hay không.
Công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Robert Mueller, được biết đang kết thúc cuộc điều tra kéo dài 22 tháng, theo sát chính quyền Tổng thống Trump.
Điều gì đã xảy ra tại tòa?
Ông Manafort, ngoài thời gian thụ án, cũng sẽ phải trả 24 triệu đôla tiền bồi thường và 50.000 đô la tiền phạt.
Ông Manafort, 69, phát biểu tại tòa án vào tối thứ Năm tại Alexandria, Virginia, rằng “hai năm qua là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”.
“Nếu nói là tôi bị sỉ nhục và thấy nhục nhã thì sẽ là nói giảm nói tránh,” ông nói thẩm phán “hãy cảm thông”.
Ông mô tả cuộc sống của mình “trong tình trạng hỗn loạn cả về sự nghiệp và tài chính”.
Thẩm phán TS Ellis cho biết ông rất ngạc nhiên khi Manafort không “tỏ ra hối lỗi gì về các hành vi sai trái”.
Tuy nhiên, ông nói rằng việc công tô viên đề nghị tuyên án theo luật là từ 19,5 đến 24 năm là “quá mức”.
Ông Manafort, nhà vận động hành lang vô cùng bảnh bao trước đây, bước vào tòa án trong đồng phục phạm nhân màu xanh lá và ngồi xe lăn và không bộc lộ chút cảm xúc nào khi biết bản án của mình.
Đội ngũ pháp lý của ông Manafort trước đây từng nói ông bị đau chân do bệnh gút – hậu quả của việc bị bắt giam.
Manafort đã bị biệt giam chín tháng qua tại một nhà tù địa phương kể từ bị tước quyền bảo lãnh do bị cáo buộc đã tác động đến nhân chứng (witness-tampering).
Bản án của ông Manafort đánh dấu sự sụp đổ ngoạn mục của một bậc thầy chính trị đảng Cộng hòa, người đã cố vấn cho bốn Tổng thống Mỹ, bao gồm ông Trump và các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Bối cảnh của vụ án là gì?
Một bồi thẩm đoàn ở Alexandria, Virginia, kết án ông Manafort vào tháng 8 năm ngoái về 5 tội gian lận thuế, hai tội gian lận ngân hàng và một tội không khai báo tài khoản ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, thẩm phán tuyên bố án oan cho 10 cáo buộc liên quan đến các gian lận khác.
Ông Manafort bị truy tố vì đã che giấu hơn 55 triệu đô la trong các tài khoản ngân hàng nước ngoài ở Đảo Síp, tiền ông được trả làm tư vấn cho các chính trị gia Ukraine thân Nga.
Công tố viên cho biết ông Manafort đã không đóng khoản tiền thuế hơn 6 triệu đôla trong khi sống một lối sống xa hoa, với một chiếc áo khoác da đà điểu 15.000 đôla và tu sửa biệt thự sang trọng tại Hamptons.
Ông Manafort là giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump trong ba tháng, từ tháng 6-8/2016, trước khi bị buộc phải từ chức do bị điều tra các công việc ông từng làm ở Ukraine.
Ông là cựu trợ lý đầu tiên của Trump bị bắt trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller vào tháng 10/2017.
Manafort có bị buộc tội thông đồng?
Tuy nhiên, Manafort không bị buộc tội gì liên quan đến cuộc điều tra này.
Thẩm phán Ellis nói với tòa án hôm thứ Năm: “Ông [Manafort] hầu tòa không liên quan bất cứ điều gì tới việc thông đồng với chính phủ Nga.”
Các luật sư của ông Manafort cho rằng việc điều tra ông ta về khả năng thông đồng với Điện Kremlin nằm ngoài phạm vi của ông Mueller.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ chỉ ra rằng một thẩm phán Washington DC tháng trước đã ủng hộ lập luận của ông Mueller rằng ông Manafort đã nói dối về những liên hệ của ông với Konstantin Kilimnik, một phụ tá được cho là có quan hệ với tình báo Nga.
Vào tháng Hai, các luật sư của ông Manafort đã vô tình tiết lộ trong hồ sơ tòa án rằng thân chủ của họ đã chia sẻ dữ liệu bỏ phiếu trong chiến dịch tranh cử của Trump năm 2016 với ông Kilimnik.
Giới chỉ trích Tổng thống cũng nhấn mạnh rằng ông Manafort đã có mặt trong cuộc họp tại Tháp Trump tháng 6/2016 giữa các nhân viên chiến dịch và một luật sư người Nga có liên quan đến Điện Kremlin, hứa hẹn “các trò bẩn” với ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ lúc đó là Hillary Clinton.
Vụ án khác là gì?
Ông Manafort sẽ bị kết án vào thứ Tư tới trong một vụ án khác do ông Mueller điều tra, lần này là ở Washington DC.
Ông Manafort đã nhận tội vào tháng 9/2018 với hai trọng tội – âm mưu chống lại Hoa Kỳ và âm mưu cản trở công lý – liên quan đến vận động hành lang bất hợp pháp.
Ông cũng đồng ý hợp tác với đội điều tra đặc biệt của ông Mueller để có thể đổi lấy một bản án nhẹ hơn.
Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau đó, thỏa thuận này sụp đổ khi các nhà điều tra cho biết ông Manafort đã nhiều lần nói dối chính phủ.
Ông ta sẽ phải đối mặt với mức án tù tối đa là 10 năm trong vụ kiện này.
Thẩm phán Amy Berman Jackson sẽ quyết định xem ông Manafort sẽ thi hành hai bản án liên tiếp hay cùng một lúc.
Tổng thống Trump, người thường xuyên tố cáo cuộc điều tra Mueller, đã không loại trừ việc ân xá Manafort.
Điều gì đang xảy ra với cuộc điều tra của ông Mueller?
Công tố viên đặc biệt Mueller dự kiến sẽ sớm nộp báo cáo điều tra của mình cho Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr.
Giới chính khách đang sốt sắng dự đoán kết quả điều tra liệu Trump có thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử hay không, hoặc có phải ông Trump đã tìm cách cản trở cuộc điều tra hay không.
Ông Trump phủ nhận việc thông đồng và cản trở; Nga bác bỏ can thiệp bầu cử.
Năm trợ lý khác của Trump bị buộc tội liên quan đến cuộc điều tra của ông Mueller.
Giống như Manafort, không ai bị kết tội âm mưu phá hoại cuộc bầu cử năm 2016.
Cựu nhân viên chiến dịch Rick Gates và George Papadopoulos, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Michael Flynn và cựu luật sư riêng của Trump, Michael Cohen, đều đã nhận tội.
Cố vấn lâu năm của Trump, Roger Stone, không nhận tội.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47492716
Cựu luật sư của TT Trump kiện, đòi tiền tư vấn pháp lý
Cựu luật sư của Tổng thống Donald Trump, ông Michael Cohen, hôm 7/3 đã đệ đơn kiện Trump Organization phá vỡ cam kết trả các khoản thanh toán tiền phí tư vấn pháp lý trị giá khoảng 1,9 triệu đôla.
Đơn kiện nộp lên tòa án ở New York nói rằng Trump Organization đã ngưng trả ông Cohen các khoản phí tư vấn sau khi ông bắt đầu hợp tác với các công tố viên liên bang trong cuộc điều tra về các giao dịch của ông Trump ở Nga cũng như nỗ lực bịt miệng các phụ nữ có thông tin có thể gây tổn hại tới đời tư của ông Trump, theo AP.
Đơn kiện nói rằng công ty trên ngưng trả các khoản phí khoảng hai tháng sau khi FBI đột kích vào nhà và văn phòng của ông Cohen năm ngoái.
Ủy ban Hạ viện Mỹ điều tra khả năng TT Trump ‘cản trở công lý’
Đơn kiện cũng nói thêm rằng đó là vào khoảng thời gian ông Cohen bắt đầu nói riêng với bạn bè và gia đình rằng ông tính hợp tác với công tố viên đặc biệt Robert Muller và các công tố viên liên bang ở New York.
AP dẫn lời ông Cohen nói trong một tuyên bố thông qua luật sư của ông rằng “khi có tin là tôi có thể hợp tác với các công tố viên, Trump Organization phá vỡ thỏa thuận và ngưng trả các khoản phí”.
Ông Cohen nhận tội hồi tháng Tám năm ngoái về các tội danh liên quan tới thuế, nói dối quốc hội và các vi phạm về tài chính trong chiến dịch tranh cử.
AP đưa tin rằng ông sẽ bắt đầu thụ án ba năm tù vào tháng Năm.
Công bố kết quả điều tra về Trump: quyết định khó khăn
Ông William Barr, tân Bộ trưởng Tư pháp Mỹ vừa nhận nhiệm sở, sẽ phải có một quyết định hết sức khó khăn về mặt chính trị và pháp lý về chuyện công bố bao nhiêu nội dung bản báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, các chuyên gia pháp lý nhận định.
Ông sẽ phải cân bằng đòi hỏi đối nghịch nhau từ phía Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ ở Quốc hội.
Quyết định này sẽ đặt ra cho ông Barr, một người kỳ cựu hiểu rõ nội tình Washington, thử thách lớn đầu tiên kể từ khi trở thành quan chức thực thi pháp luật hàng đầu nước Mỹ hồi tháng trước – một vị trí đầy rủi ro. Hồi cuối năm ngoái, ông Trump đã sa thải ông Jeff Sessions, người tiền nhiệm của ông Barr sau khi than phiền trong nhiều tháng về quyết định của ông Sessions từ chối giám sát cuôc điều tra về sự can thiệp bầu cử của Nga.
“Tôi nghĩ rằng ông Barr đang ở trong tình huống tồi tệ đứng trên quan điểm ông ấy phải làm hài lòng hai ông chủ vốn có mong muốn hết sức khác nhau,” ông Michael Zeldin, một cựu công tố viên liên bang, nhận định. “Trên tay ông ấy là một cơn ác mộng chính trị.”
Ông Mueller, người dẫn đầu cuộc điều tra kể từ tháng 5 năm 2017, sắp sửa trình lên cho ông Barr bản báo cáo mật về việc liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có âm mưu cùng với Nga hay không và liệu vị Tổng thống Đảng Cộng hòa này có tìm cách cản trở cuộc điều tra một cách bất hợp pháp hay không.
Đảng Dân chủ, vốn quan ngại rằng ông Barr sẽ tìm cách bảo vệ ông Trump và che giấu một số phần của bản báo cáo, đã đe dọa sẽ ra trát đòi trình báo cáo và sẽ ra tòa nếu cần để buộc ông Barr phải công bố báo cáo. Về phần mình, ông Trump có thể sẽ gây sức ép với ông Barr để che giấu những nội dung có hại trong báo cáo và công bố những phát hiện giúp ‘giải tội’ cho ông.
Phe Dân chủ đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện từ đầu năm nay và giờ đây nắm quyền ra trát. Một số ủy ban chuyên trách của Hạ viện đang điều tra ông Trump. Những kết quả của cuộc điều tra của ông Mueller sẽ rất quan trọng đối với bất cứ động thái nào ở Quốc hội để luận tội và phế truất Tổng thống Trump.
Nếu bản báo cáo chứa đựng ‘bằng chứng cho thấy sai trái của một Tổng thống Mỹ tại nhiệm’ thì “tôi nghĩ anh nên tin rằng sự quan tâm của công chúng là hết sức mãnh liệt đến nỗi sẽ có cơ chế để công bố bản báo cáo đó, và tôi nghĩ rằng cách giải quyết dễ dàng của Barr là nói rằng: ‘Tùy vào Quốc hội’,” ông Matthew Jacobs, một cựu công tố viên liên bang nay làm việc cho công ty luật Vinson & Elkins, nhận định.
Ông Barr, 68 tuổi, từng làm Bộ trưởng Tư pháp từ năm 1991 cho đến 1993 dưới thời cựu Tổng thống George H.W. Bush. Ông có quan điểm hết sức cởi mở về quyền lực Tổng thống. Vào năm ngoái, khi ông Sessions vẫn còn là Bộ trưởng Tư pháp, ông Barr đã gửi một bản ghi nhớ không được yêu cầu đến Bộ Tư pháp trong đó ông phủ nhận quyền lực của ông Mueller trong việc điều tra ông Trump cản trở công lý.
Trên phương diện pháp lý, ông Barr có một lộ trình dưới dạng các quy định của Bô Tư pháp về việc bổ nhiệm Công tố viên đặc biệt. Những quy định này đòi hỏi ông phải thông báo cho các thành viên Dân chủ và Cộng hòa hàng đầu ở các Ủy ban Tư pháp của Hạ viện và Thượng viện sau khi ông Mueller hoàn tất cuộc điều tra.
Tuy nhiên, những quy định này không yêu cầu phải công bố toàn bộ báo cáo điều tra và rõ ràng ngăn không cho ông Barr giao nộp nó cho Quốc hội. Tuy nhiên, ông Barr được quyền theo quy định công bố một phần nội dung bản báo cáo nếu như nó nằm trong lợi ích của công chúng.
Với việc quyết định nội dung nào sẽ công bố, ông Barr sẽ đối diện các vấn đề pháp lý gai góc về tính bí mật của phiên điều trần của bồi thẩm đoàn, bảo vệ những thông tin mật, những trao đổi với Nhà Trắng có khả năng tuân theo nguyên tắc đặc ân vốn bảo đảm cho một số thông tin không được tiết lộ, và giữ kín những lý do bí mật về việc tại sao một số cá nhân không bị truy tố.
Một số nhân vật trong ban vận động tranh cử của ông Trump đã nhận tội hay thậm chí bị kết tội trong cuộc điều tra của ông Mueller trong khi một số người không bị truy tố. Nếu báo cáo này đưa ra bằng chứng rằng ông Trump đã phạm tội cản trở công lý hay những tội khác, ông Barr phải quyết định công bố bao nhiêu nội dung của nó.
Bộ Tư pháp tuân theo một chính sách đã có hàng chục năm rằng một Tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố hình sự mặc dù một số luật sư chất vấn kết luận đó. Cũng là vấn đề chính sách, Bộ Tư pháp cũng không phải công khai giải thích tại sao một cá nhân nào đó không bị truy tố.
“Tôi không biết rằng Bộ Tư pháp có bao giờ gặp tình huống này chưa khi mà lý do một người không bị truy tố về tội danh nào đó là vì người đó được miễn trừ do chức vụ và do đó người đó sẽ bị luận tội,” ông Robert Litt, người từng là cựu cố vấn của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia và hiện làm việc cho công ty Morrison & Foerster, nói.
“Bản báo cáo này càng tai hại cho Tổng thống chừng nào, thì áp lực đối với ông Barr phải công bố nó càng lớn và đương nhiên là nếu nó giải tội hoàn toàn cho Tổng thống thì ông Trump sẽ muốn công bố nó,” ông Litt nói thêm.
Facebook phát giác mạng ‘tin giả’ đóng tại Anh
Facebook đã xóa hơn 130 tài khoản, trang và nhóm mà họ cho là một phần của một mạng thông tin sai lệch có trụ sở đóng tại Anh.
Công ty cho biết đây là lần đầu tiên họ hạ được một nhóm chuyên nhắm mục tiêu vào các công dân Anh mà lại đóng trụ sở tại chính nước này.
Chính nhóm này đã thiết lập các trang nhắm vào các nhóm cực hữu và các nhà hoạt động chống phát xít.
Zuckerberg hứa một Facebook tôn trọng ‘quyền riêng tư’
Tin giả ‘bay nhanh’ hơn tin thật
Châu Á trong cuộc chiến chống ‘tin giả’: cấm hay không?
Facebook cho biết họ đã chia sẻ phát giác của mình với cơ quan thực thi pháp luật và chính phủ.
Chúng tôi gỡ bỏ các trang và tài khoản này dựa trên hành vi của chúng, chứ không phải nội dung mà chúng đã đăngCông ty Facebook
Nhóm tin giả đã kiếm được lượng người theo dõi bằng cách thiết lập các trang và nhóm trông vô hại. Sau đó đổi tên chúng, và bắt đầu đăng nội dung có động cơ chính trị.
Nghị sĩ Damian Collins, chủ tịch một ủy ban điều tra tin giả, cho biết đó là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Facebook cho biết khoảng 175.000 người đã theo dõi ít nhất một trong số các trang tin giả, bao gồm 35 hồ sơ trên Instagram.
Phát ngôn thù hận
Công ty cho biết các trang này có các “phát ngôn thù hận và lan truyền những bình luận gây chia rẽ ở cả hai phía của cuộc tranh luận chính trị ở Anh”.
“Các trang thường đăng bài về tin tức địa phương và chính trị bao gồm các chủ đề như nhập cư, tự do ngôn luận, phân biệt chủng tộc, vấn đề cộng đồng đồng tính, chính trị cực hữu, vấn đề giữa Ấn Độ và Pakistan, và tín ngưỡng tôn giáo bao gồm Hồi giáo và Kitô giáo.
“Chúng tôi gỡ bỏ các trang và tài khoản này dựa trên hành vi của chúng, chứ không phải nội dung mà chúng đã đăng.
“Trong mỗi trường hợp này, những người đứng sau hoạt động này đã phối hợp với nhau và sử dụng tài khoản giả đánh lừa, và đó là cơ sở cho hành động của chúng tôi. “
BBC hiểu rằng Facebook đã phát hiện ra mạng lưới các tài khoản không xác thực trong khi công ty này cũng điều tra các phát ngôn có tính thù hận được nhắm vào Bộ trưởng Nội vụ Anh, ông Sajid Javid.
Facebook cho biết các trang đã chi tiền cho các quảng cáo của mình.
Quảng cáo sớm nhất được đặt từ tháng 12/2013 và gần đây nhất là vào tháng 10/2018.
Facebook nói chưa hoàn thành việc đánh giá hết nội dung đến từ các tài khoản này.
Trong một động thái riêng rẽ, công ty này cho biết cũng đã xóa 31 trang, nhóm và tài khoản can dự vào những “hành vi không trung thực được phối hợp” ở Romania.
Các tài khoản này, tuy không liên kết với mạng của Anh, nhưng đã đăng những tin tức được cho là có tính thiên vị đảng phái chính trị.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47496547
Zuckerberg hứa một Facebook tôn trọng ‘quyền riêng tư’
Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, cho biết có thể sẽ phát triển Facebook theo hướng nhắn tin riêng tư, bảo mật thay cho nền tảng mở hiện tại.
Trong một bài viết blog gần đây, Zuckerberg đã vạch ra hoạch định biến Facebook thành một “nền tảng tập trung vào quyền riêng tư”.
Facebook đang chịu nhiều sự chỉ trích sau hàng loạt các bê bối bảo mật cá nhân.
Năm ngoái, dữ liệu của khoảng 50 triệu người dùng Facebook đã bị thu thập và chuyển cho một hãng tư vấn chính trị.
Vì sao nhiều Facebook của giới phản biện bị xóa?
VN yêu cầu Facebook lưu trữ ‘quan điểm chính trị’
Tranh cãi việc blogger Việt bỏ Facebook chọn Minds
Các nhà phê bình thì cho rằng những đề xuất mới của Zuckerberg là cách Facebook có lẽ thoái thác trách nhiệm của mình, theo phóng viên công nghệ Bắc Mỹ của BBC, Dave Lee.
Nếu những gì xảy ra trên Facebook trở nên riêng tư và mang tính tạm thời hơn, thì sẽ khó để khiến công ty mạng xã hội này phải chịu trách nhiệm về những thông tin và hành vi sai trái lan truyền trên trang web của nó.
Zuckerberg nói gì?
“Facebook và Instagram đã giúp mọi người kết nối với bạn bè, cộng đồng và người cùng sở thích trong một không gian điện tử rộng lớn như quảng trường một thị trấn,” nhà sáng lập tỷ phú của Facebook cho biết.
“Nhưng mọi người ngày càng muốn kết nối riêng tư hơn trong một không gian điện tử của một căn phòng khách.”
Zuckerberg nói anh muốn phát triển mạng xã hội thành một trang tập trung vào quyền riêng tư, giảm tính chất lâu dài và bảo mật dữ liệu an toàn.
Vì mục tiêu bảo mật, anh cho biết Facebook sẽ không “lưu trữ dữ liệu nhạy cảm ở các quốc gia có hồ sơ yếu kém về nhân quyền như quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận”.
“Việc gìn giữ nguyên tắc này có thể có nghĩa là các dịch vụ của chúng tôi sẽ bị chặn ở một số quốc gia hoặc chúng tôi có thể sẽ không sớm xuất hiện ở một số quốc gia khác. Đó là một sự đánh đổi mà chúng tôi sẵn sàng thực hiện,” anh nói.
Zuckerberg nói thêm rằng tin nhắn mã hóa cũng sẽ tạo ra phạm vi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các công cụ về thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử.
Ông chủ Facebook không đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho kế hoạch này, nhưng cho biết những thay đổi sẽ diễn ra “trong vài năm tới”.
“Tôi tin rằng chúng ta nên làm việc hướng tới một thế giới nơi mọi người có thể nói chuyện riêng tư và sống tự do khi biết rằng thông tin của họ sẽ chỉ được nhìn thấy bởi những người họ muốn nhìn thấy và sẽ không bao giờ tồn tại mãi mãi.”
“Nếu chúng ta có thể giúp đưa thế giới đi theo hướng này, tôi tự hào về sự thay đổi mà chúng ta đã tạo ra,” Zuckerberg viết.
Phân tích của Zoe KleinmanPhóng viên công nghệ của BBC
Những gì chúng ta đang thấy có khả năng là một hướng đi rất mới cho Facebook.
Bạn có thể lập luận rằng cuối cùng thì họ cũng đã lắng nghe những gì người dùng muốn, thay vì tự đưa ra ý tưởng riêng và sau đó phản ứng với các phản hồi sau đó.
Hoặc bạn có thể trở nên nghi ngờ lo ngại hơn mối đe dọa từ các chính phủ trên thế giới tìm cách kiểm soát sự thâm nhập của mạng xã hội.
Và biện pháp không-tiếp cận-dữ liệu này (chúng tôi sẽ không lưu trữ nó, chúng tôi thậm chí sẽ không thể để xem nó) có thể giúp Facebook thoát khỏi sự truy vấn về cách nó khai thác thông tin người dùng.
Việc chuyển các phương thức liên lạc sang các nhóm nhỏ hơn, khiến các cuộc trò chuyện đó trở nên riêng tư ngay cả với chính Facebook và việc các dữ liệu sẽ không được lưu trữ lâu dài chắc chắn là để giải quyết tai tiếng bảo mật cá nhân kém cỏi của gã khổng lồ công nghệ trong thời gian gần đây.
Như chính Mark Zuckerberg thừa nhận: “Thành thật mà nói chúng tôi hiện không có uy tín cao trong việc xây dựng các dịch vụ bảo vệ quyền riêng tư”.
Chuyện gì xảy ra với Facebook?
Facebook đã bị chỉ trích gay gắt vì thiếu tính bảo mật riêng tư của người dùng và sự lan truyền của nội dung phản cảm và “tin tức giả”.
Giá trị cổ phiếu của Facebook đã mất gần 80 tỷ USD chỉ trong vài ngày vào tháng 3 năm ngoái về vụ bê bối Cambridge Analytica.
Công ty tư vấn chính trị có trụ sở tại Anh này bị cáo buộc lạm dụng dữ liệu của hàng triệu thành viên Facebook Hoa Kỳ.
Cambridge Analytica phủ nhận sử dụng dữ liệu này để hỗ trợ cho chiến dịch bầu cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2016 và tuyên bố họ đã xóa dữ liệu theo chính sách của Facebook.
Facebook bị cáo buộc ‘vi phạm’ Luật An ninh mạng VN
Một số blogger VN nói Facebook ‘xóa bài vô cớ’
Facebook ‘đồng ý hợp tác với VN’
Tuy nhiên, giám đốc điều hành của công ty đã sớm bị đình chỉ vì những cáo buộc sau đó.
Bất chấp vụ bê bối, Facebook cho biết số người dùng của họ vẫn tiếp tục tăng. Theo Facebook, số người đăng nhập vào trang web của họ ít nhất một lần một tháng đã tăng 9% trong năm ngoái lên 2,32 tỷ người.
Số người dùng ở Mỹ – thị trường lớn thứ hai của nó – đã giảm 15 triệu kể từ năm 2017, theo công ty nghiên cứu thị trường Edison Research.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47479667
Ông Trump sẵn sàng “thỏa thuận lớn” với Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng nối lại đàm phán với Triều Tiên về giải trừ hạt nhân sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa ông với Chủ tịch Triều Tiên cuối tháng 2 không đạt được thỏa thuận.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News ngày 7/3, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, Tổng thống Donald Trump sẵn sàng cho một “thỏa thuận lớn” để đổi việc Triều Tiên giải trừ hạt nhân hoàn toàn lấy một “tương lai tươi sáng” cho nước này.
“Tổng thống rõ ràng để ngỏ khả năng nối lại đàm phán. Chúng ta hãy chờ xem sự kiện đó sẽ được lên kế hoạch ra sao và diễn ra thế nào. Tuy nhiên Tổng thống cho rằng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận nếu Triều Tiên sẵn sàng hướng đến một bức tranh rộng lớn hơn”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vừa kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội hôm 27-28/2. Tuy nhiên, hai bên không thể đạt được thỏa thuận về giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Liên quan đến hội nghị này, hãng tin CNN dẫn nguồn thạo tin nói rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nỗ lực vào phút chót để cứu vãn cuộc đàm phán trước khi Tổng thống Trump rời đi. Theo đó, ông Kim Jong-un đã cử người gửi đến phái đoàn Mỹ thông điệp về việc Bình Nhưỡng sẵn sàng dỡ bỏ tất cả các cơ sở trong tổ hợp hạt nhân chủ chốt Yongbyon. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị phía Mỹ từ chối. Tổng thống Trump sau đó nói rằng: “Chúng tôi phải có nhiều hơn thế”.
Ông Bolton, người cũng tham dự cuộc họp mở rộng giữa phái đoàn Mỹ và Triều Tiên trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lần hai, nói rằng ông không hề hay biết sự việc đó. “Tôi nghĩ không có bất cứ nỗ lực nào vào phút chót như vậy. Ông Kim Jong-un đã đưa ra đề nghị mà phái đoàn Triều Tiên từng đưa ra trước đó. Điều đó là không thỏa đáng. Quý vị biết là họ muốn được dỡ bỏ trừng phạt, nhưng đổi lại họ phải đáp ứng yêu cầu của chúng tôi đó là giải trừ hạt nhân hoàn toàn”, ông Bolton cho biết.
Ngoài ra, cố vấn an ninh Nhà Trắng cũng nhắc lại bình luận trước đó của Tổng thống Trump rằng ông sẽ “rất, rất thất vọng” nếu thông tin Triều Tiên đang khôi phục lại một bãi phóng tên lửa là đúng. “Rõ ràng chúng tôi có nhiều cách để thu thập thông tin. Chúng tôi sẽ tìm hiểu vấn đề này một cách kỹ lưỡng”, ông Bolton nhấn mạnh.
Theo lời ông Bolton, mặc dù Mỹ để ngỏ khả năng nối lại đàm phán với Triều Tiên, song cũng sẵn sàng áp các lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến liên quan khác, Yonhap dẫn nguồn thạo tin nói rằng, Mỹ đã lên kế hoạch cử một phái đoàn tới Bình Nhưỡng để nối lại đàm phán vào tháng tới. Tuy nhiên, hiện hai bên chưa thể thống nhất về thời gian và địa điểm.
Một quan chức cấp cao giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết với các phóng viên ngày 7/3 rằng, Mỹ muốn Triều Tiên giải trừ hạt nhân ngay trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump và đó phải là một quá trình giải trừ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Cụ thể, Washington muốn Triều Tiên phải từ bỏ toàn bộ kho đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa và nguyên liệu phân hạch, đồng thời đóng băng các chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
http://biendong.net/bi-n-nong/26751-ong-trump-san-sang-thoa-thuan-lon-voi-trieu-tien.html
Vì sao Mỹ và TQ khó đạt được
một thỏa thuận thương mại đáng kể?
Thuế quan không đem lại đòn bẩy thương lượng mà ông Trump tìm kiếm. Khá nhiều trong số những nhượng bộ của Trung Quốc có vẻ được đưa ra chỉ để xoa dịu lo ngại từ phía Mỹ.
Vẫn là ẩn số!
Mặc dù giới chức Mỹ và Trung Quốc đều phát đi những tín hiệu lạc quan về khả năng sớm đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy bất kỳ quan hệ thương mại thực sự biến đổi nào.
Chính sách hỗ trợ các ngành kinh doanh mà Trung Quốc áp dụng lâu nay, cùng những cáo buộc rằng nước này lấy công nghệ Mỹ một cách bất hợp pháp vẫn là những lực cản chính đối với bất kỳ thỏa thuận thương mại có ý nghĩa nào giữa Washington và Bắc Kinh.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố rằng thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc – khoảng cách giữa giá trị hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc nhập vào và giá trị hàng hóa mà Trung Quốc xuất sang Mỹ – chạm mức kỷ lục 419,2 tỉ USD hồi năm ngoái.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump khẳng định có tiến triển trong những cuộc đàm phán thương mại suốt 2 tuần qua, nhưng thừa nhận rằng kết quả cuối cùng vẫn còn là ẩn số.
Quan chức Mỹ và Trung Quốc đã bóng gió rằng một thỏa thuận nào đó có thể sẽ được thông qua vào cuối tháng 3, và có thể lãnh đạo hai nước sẽ gặp nhau để hoàn tất thỏa thuận tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump tại Florida.
Sự nhượng bộ của Trung Quốc và lo ngại của Mỹ
Bắc Kinh đã công khai bày tỏ ý định xử lý những chính sách lâu nay vốn tạo điều kiện cho các công ty và quan chức địa phương Trung Quốc ép các doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài chia sẻ công nghệ như một cái giá để tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những tuyên bố công khai ấy vẫn còn quá xa vời so với những cam kết cải cách chính sách khả thi mà các nhà đàm phán Mỹ đang tìm kiếm.
Năm ngoái, ông Trump đã áp đặt một loạt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc với hy vọng gây áp lực buộc Bắc Kinh ủng hộ những điều khoản có lợi hơn cho Mỹ.
Hồi tháng 6, Nhà Trắng đã áp mức thuế 25% lên 50 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Tới tháng 9, Washington lại áp 10% thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa khác. Tổng cộng, thuế của Mỹ đã có hiệu lực với gần nửa số hàng hóa mà Mỹ mua từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phản tác dụng từ các mức thuế của Trump – và những mức thuế nhập khẩu mà Trung Quốc áp trả đũa lên hàng hóa Mỹ – vẫn được ghi nhận đều đặn, ở cả trong nước và nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ hiện đang phải trả chi phí cao hơn để nhập linh kiện và hàng hóa khác từ Trung Quốc, vốn không được sản xuất ở Mỹ. Các mức thuế khiến người tiêu dùng Mỹ mất 1,4 tỉ USD/tháng và các doanh nghiệp mất 3 tỉ USD/tháng tính đến cuối năm ngoái (theo nghiên cứu của nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York Mary Amity).
Khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta thì phát hiện ra rằng các mức thuế đã khiến nhiều công ty của Mỹ phải cắt giảm khoảng 1,2% chi tiêu đối với thiết bị, tương đương với khoảng 32,5 tỉ USD trong năm ngoái.
Những số liệu này khá khiêm tốn, xét trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ sản xuất được 20 nghìn tỉ USD hàng hóa và dịch vụ trong 1 năm. Tuy nhiên, cũng có những ảnh hưởng thứ cấp. Thị trường chứng khoán đã giảm 19% vào mùa thu năm ngoái, phần nào là do lo ngại cuộc thương chiến sẽ gây tổn thất nghiêm trọng.
Thuế quan không đem lại đòn bẩy thương lượng mà ông Trump tìm kiếm. Khá nhiều trong số những nhượng bộ của Trung Quốc có vẻ được đưa ra chỉ để xoa dịu một số lo ngại từ phía Mỹ, chứ không phải để thiết lập những đường lối thương mại mà mỗi nước sẽ tuân theo.
Bắc Kinh đã đề nghị mua thêm các mặt hàng nông sản và năng lượng của Mỹ – một đề xuất mà ông Tập đưa ra với ông Trump khi họ gặp nhau tại Buenos Aires hồi tháng 12 với ý tưởng thu hẹp lỗ hổng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc.
Cơ quan lập pháp của Trung Quốc được cho là đang ủng hộ một đạo luật nhằm ngăn cản các quan chức địa phương gây áp lực buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Đây là biện pháp phản ứng đối với những lo ngại về việc Trung Quốc không tôn trọng tài sản trí tuệ mà ông Trump đã nêu ra khi lần đầu áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, không rõ liệu Trung Quốc có thực sự thực thi cam kết này hay không. Mối lo ngại này có khả năng ngăn cản thỏa thuận thương mại có ý nghĩa giữa hai bên.
Phát biểu trước một hội đồng Hạ viện hồi tuần trước, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho hay, “Tôi có thể chỉ ra nhiều ví dụ” về việc Bắc Kinh ký kết một thỏa thuận thuận “và trong rất ít trường hợp họ thực sự có thể giữ vững những giao ước của mình”.
Lighthizer cũng nhấn mạnh rằng điều đó không đủ để Bắc Kinh chấp nhận mua thêm đậu nành, khí đốt tự nhiên, cũng như những hàng hóa khác của Mỹ.
Ông cho rằng, bất cứ thỏa thuận khó đạt được nào cũng cần tính tới những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc về vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ ép buộc và việc Bắc Kinh hỗ trợ cho những công ty của mình.
Erin Ennis, phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung thì đánh giá: Việc thống nhất cơ chế thi hành là thách thức khổng lồ.
Chính quyền ông Trump muốn có khả năng áp thuế đối với Trung Quốc nếu nước này vi phạm quy ước trong bất cứ thỏa thuận nào đạt được trong tương lai – mà không bị đáp trả. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ coi một cơ chế như vậy là xâm phạm chủ quyền.
Bắc Kinh cũng kháng cự những yêu cầu thay đổi chính sách công nghiệp của phía Mỹ – nhà phân tích chính trị của Đại học Hong Kong Willy Lam nhận định.
“Người Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý thỏa hiệp về vấn đề này, bởi nó là chìa khóa cho tương lai của đất nước”, Lam nói, “Toàn bộ đường lối thúc đẩy công nghệ cao đều liên quan tới nhà nước và nhà nước đóng một vai trò quan trọng. Người Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ điều đó”.
Ký giả bị bắt ở Venezuela: Tôi bị ép ủng hộ Maduro
Các giới chức an ninh Venezuela cầm giữ một ký giả Mỹ hơn 12 giờ đồng hồ đã ép nhà báo này phải lên tiếng ủng hộ cho Tổng thống xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro, theo lời ký giả Cody Weddle thuật lại với báo giới.
Đáp chuyến bay xuống phi trường quốc tế Miami về lại Mỹ, ông Weddle chia sẻ với các nhà báo ra đón ông rằng ông bị các viên chức thẩm vấn phía Venezuela bịt mặt và cáo buộc ông có liên lạc với các giới chức quân sự cao cấp.
“Họ muốn tôi nói một số điều, các vấn đề chính trị, họ muốn tôi nói ông Nicolas Maduro vẫn là Tổng thống,” ông Weddle, một ký giả tự do, cho biết.
“Họ hỏi tới hỏi lui rằng tôi có liên lạc với quân đội hay không, tôi có liên lạc với lực lượng cảnh sát địa phương hay lực lượng cảnh sát quốc gia hay không.”
Vụ bắt giữ ông Weddle diễn ra 1 tuần sau khi Venezuela trục xuất một toán ký giả làm việc cho mạng lưới truyền hình tiếng Tây Ban Nha Univision tại Mỹ.
Vụ này đe dọa làm mối quan hệ giữa Venezuela với Mỹ càng thêm căng thẳng. Mỹ đã giảm sự hiện diện ngoại giao tại Venezuela sau khi ông Maduro tuyên bố sẽ phá vỡ mối quan hệ hồi tháng Giêng.
Nhà báo Weddle nói ông tin là các viên chức thẩm vấn ông đã tìm cách buộc ông phát ngôn những nội dung có thể bóp méo trong video. “Chúng ta từng thấy trước đây rằng khi các đoạn video này được thu hình, họ có thể phát những bản chỉnh sửa để trông như tôi phát biểu những điều mà tôi chẳng hề nói.”
https://www.voatiengviet.com/a/ky-gia-bi-bat-o-venezuela-noi-ong-bi-ep-ung-ho-maduro-/4818531.html
Venezuela mất điện trên diện rộng,
chính phủ nói có ‘phá hoại’
Venezuela hôm 7/3 xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng và chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro ngay lập tức đổ lỗi cho sự “phá hoại” tại một đập thủy điện cung cấp phần lớn điện cho nước này.
Mất điện thường xuyên xảy ra tại Venezuela, nơi nền kinh tế sụp đổ vì mức siêu lạm phát, kèm theo tình trạng thiếu hụt lương thực và thuốc men kinh niên, theo Reuters.
Những người chỉ trích cho rằng tham nhũng và mức đầu tư thấp đã khiến lưới điện của nước này không thể hoạt động, trong khi ông Maduro nói rằng vấn đề này là do các đối thủ chính trị cố tình gây ra.
Reuters miêu tả các đám đông tràn ngập một đại lộ chính ở thủ đô Caracas.
Tổng thống Venezuela tuyên bố sẽ đánh bại phe đối lập
Nhiều người nói rằng họ có lẽ phải đi bộ vài tiếng để về nhà vì một số ít xe buýt trên phố đã chật cứng hành khách, trong khi hệ thống tàu điện ngầm ngưng hoạt động.
Reuters dẫn lời ông Pedro Fernandez, 44 tuổi, nói rằng “người chịu trách nhiệm cho chuyện này tên là Nicolas Maduro”.
“Đây chỉ là phần nổi của tảng băng nếu xét về tất cả mọi thứ chúng tôi đang phải chịu đựng”, ông nói tiếp trong khi đang đi bộ tới phía bên kia của thành phố.
Truyền thông địa phương và người sử dụng Twitter nói rằng tình trạng mất điện ảnh hưởng tới Caracas và 15 trong số 23 bang của nước này.
Chính quyền Venezuela nhất quyết trục xuất đại sứ Đức
Bất chấp lời kêu gọi xem xét lại của Liên Hiệp Châu Âu, chính quyền tổng thống Nicolas Maduro vào hôm qua, 07/03/2019, đã phê chuẩn lệnh trục xuất ông Daniel Kriener, đại sứ Đức tại Venezuela, bị chính quyền Caracas xem là « nhân vật không được hoan nghênh – persona non grata ».
Trên mạng Twitter, ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza khẳng định rằng việc trục xuất hoàn toàn đúng theo Công Ước Vienna về quan hệ ngoại giao. Trong khi đó, lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu, bà Federica Mogherini, kêu gọi Caracas xem xét lại quyết định trục xuất đại sứ Đức.
Bị kết tội « can thiệp vào công việc nội bộ » của Venezuela, đại sứ Daniel Kriener, vào hôm thứ Tư 06/03, đã bị buộc rời nước Nam Mỹ này trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Theo thông tín viên RFI, Benjamain Delille, tại Caracas, đại sứ Đức đã là một trong 13 đại sứ phương Tây ra sân bay đón tổng thống tự phong Juan Guaido, khi ông trở về Caracas vào hôm thứ Hai 04/03.
« Có thể nói đây là đòn phản công của chính quyền Nicolas Maduro sau vụ trở về toàn thắng của Juan Guaido. Daniel Kriener, đại sứ Đức, được mời rời Venezuela trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Ông bị tố cáo ‘can thiệp’ vào công việc nội bộ quốc gia này, vì hôm 04/03, ông đã ra đón lãnh đạo đối lập, người bị dọa bắt vì đã rời đất nước bất chấp lệnh cấm xuất cảnh.
Berlin cho biết là không hiểu quyết định trục xuất trên và tái khẳng định sự hậu thuẫn đối với ông Juan Guaido.
Đối với chính quyền Venezuela thì không thể chấp nhận việc một nhà ngoại giao hành động như một lãnh đạo chính trị, nhất là để hậu thuẫn cho ‘âm mưu của phe cực đoan đối lập tại Venezuela’.
Quyết định trục xuất này giống như một lời đe dọa gởi đến các đồng minh quốc tế của ông Guaido, vì không chỉ có một mình ông Daniel Kriener ra đón Guaido : Hơn một chục nhà ngoại giao Âu – Mỹ khác cũng có mặt, nhưng không bị trục xuất.
Đối với ông Nicolas Maduro, đây là một cách cho thấy ông không nhượng bộ ».
Juan Guaido kêu gọi Châu Âu gia tăng trừng phạt Venezuela
Trả lời báo Đức Der Spiegel hôm qua, 07/03/2019, ông Juan Guaido cho biết đã yêu cầu đại sứ Đức tiếp tục ở lại Venezuela. Đối với ông, chính quyền Maduro là một chế độ độc tài và Châu Âu phải gia tăng trừng phạt đối với chế độ hiện nay, nhất là về tài chính, để tránh việc tiền của người dân được dùng vào việc đàn áp đối lập, giết hại thổ dân như ở biên giới với Brazil. Ông Guaido cũng vẽ lên một bức tranh đáng ngại : GDP Venezuela sụt giảm 50%, lạm phát bùng nổ, đẩy 5-6 triệu dân Venezuela vào cảnh lưu vong.
Venezuela bị mất điện chưa từng thấy
Venezuela hôm qua đã chìm vào bóng tối, theo đúng nghĩa đen : điện bị mất hoàn toàn tối hôm qua ở Caracas và phần lớn lãnh thổ, trên một quy mô rộng chưa từng thấy. Theo chính quyền, đây là một vụ “phá hoại” nhắm vào nhà máy điện chính của đất nước này. Bộ trưởng Năng Lượng Venezuela cho là nhà máy thủy điện Guri ở miền nam đã bị tấn công.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190308-venezuela-chinh-quyen-maduro-kien-quyet-truc-xuat-dai-su-duc
Công nghệ số tại Pháp:
Con đường đến bình đẳng giới còn xa
Trong vòng 30 năm, tại Pháp, số lao động là nữ trong lĩnh vực tin học đã giảm từ khoảng 33% xuống còn 15%. Điều đáng lo ngại hơn nữa là sự sụt giảm nói trên lại diễn ra trong bối cảnh Nhà nước Pháp những năm qua đã có nhiều chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia vào lĩnh vực này.
Theo Quỹ Femmes@numérique, cho dù phụ nữ chiếm 33% nhân lực trong lĩnh vực tin học, nhưng chỉ có 15% số này đảm nhiệm các công việc liên quan đến kỹ thuật trong sản xuất hoặc khai thác các dự án tin học. 75% làm về nhân sự, hành chính, marketing, truyền thông … Rất ít phụ nữ là kỹ sư phát triển phần mềm.
Báo Le Monde ngày 05/03/2019 cho biết ngay từ năm 2002, theo điều tra của nhà xã hội học Mỹ Jane Margolis và kỹ sư tin học Allan Fisher, thì từ năm 1980, trong xã hội đã lan truyền một chuyện mà họ xem là « hoang đường », theo đó những « người hùng » trong lĩnh vực tin học đều là nam giới, vốn đam mê công nghệ. Máy tính được bày bán như đồ chơi cho các bé trai. Trên phim ảnh, máy tính được xem như công cụ quyền lực gắn liền với nam giới.
15 năm sau đó, theo khảo sát của Cécile Favre, nhà nghiên cứu về tin học và giới thuộc đại học Lyon II của Pháp, thì quan niệm rập khuôn, những định kiến như vậy đã ăn sâu bám rễ vào các gia đình và nhất là các trường học. Nhiều học sinh phổ thông kể lại là các nhà tư vấn hướng nghiệp nói là ngành tin học không dành cho nữ giới.
Tuy nhiên, theo Le Monde, tình trạng trên chỉ diễn ra nhiều ở châu Âu và Mỹ, còn tại các khu vực khác trên thế giới như châu Á và Bắc Phi, tình hình khả quan hơn nhiều.
Nữ giới và trí thông minh nhân tạo
Nhà xã hội học Thierry Benoit, tác giả cuốn sách « Cuộc sống của phụ nữ, cuộc sống bấp bênh» dự báo trí thông minh nhân tạo phát triển mạnh sẽ đe dọa những ngành nghề nữ giới thường tham gia, khiến cuộc sống của nhiều phụ nữ càng trở nên bấp bênh hơn. Ngoài ra, công nghệ trí thông minh nhân tạo sẽ tạo ra những công việc đòi hỏi trình độ cao, hiện chủ yếu do nam giới đảm nhiệm.
Bà Marie-Anne Magnac, người sáng lập công ty nhiếp ảnh For Company lo ngại là nếu phụ nữ không tham gia tích cực vào lĩnh vực này, họ sẽ bị gạt ra ngoài lề thế giới tương lai. Marie-Anne Magnac đã cùng blogger Olivier Ezratty thực hiện một bộ ảnh về phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ số để tạo cảm hứng cho các nữ sinh hướng tới ngành tin học.
Chia sẻ kinh nghiệm, đỡ đầu, định hướng, trao học bổng cho các nữ sinh … Những năm gần đây, có rất nhiều ý tưởng như trên được thực hiện để đảo ngược xu hướng « nhiều nam, ít nữ »trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ số. Nhiều nhóm tập hợp phụ nữ như « Duchess France », « Women on rails », « Les hackeuses », « Girl in Tech » cũng phát triển nhằm giúp phát huy năng lực của các thành viên và trao đổi các thông tin tuyển dụng.
Nhà nghiên cứu đại học Isabelle Collet ủng hộ các ý tưởng trên, xem đó là điều cần thiết : « Trong các doanh nghiệp, sự thăng tiến của nhiều người thường được quyết định ngoài giờ làm việc, khi nam giới cùng nhau uống bia, chơi bóng … Mạng lưới xã hội của chị em phụ nữ tạm thời bù khuyết cho việc họ không tiếp cận được thông tin ở những nơi mà nam giới thường tụ tập ».
Về phía doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp là nữ cũng tập hợp với nhau. Chẳng hạn từ hai năm nay, hiệp hội Femmes Business Angels tập hợp 150 nhà đầu tư là nữ giới, mỗi năm tổ chức một cuộc gặp để tìm kiếm nguồn tài chính cho các start up do phụ nữ đứng đầu. Theo số liệu của hiệp hội StartHer chuyên đấu tranh cải thiện vị thế của nữ giới trong ngành tin học, thì trong năm 2017, giới đầu từ chỉ dành 14,5 % nguồn tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp do phái nữ lãnh đạo. Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp là nữ tham gia mạng lưới Sista tố cáo là phải chịu nạn bất bình đẳng trước nam giới khi kêu gọi nguồn vốn đầu tư và điều này là một thiếu sót không thể tiếp diễn trong hệ thống kinh tế – xã hội.
Nếu những ý tưởng nói trên phát huy tác dụng, thì cũng không đủ để thay đổi mọi chuyện. Thibault Luret, giám đốc truyền thông của Cigref, mạng lưới các doanh nghiệp lớn về tin học, thành viên của Tổ chức Femmes@numérique, hy vọng hoạt động hỗ trợ nữ giới trong ngành công nghệ thông tin sẽ vươn lên tầm mức cao hơn. Được sự hỗ trợ của chính phủ Pháp, tổ chức Femmes@numérique tập hợp 196 cơ quan nhà nước và 42 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Làm thế nào để tăng tỉ nệ nữ trong ngành công nghệ số ?
Tại đại học Khoa học và Công nghệ Trondheim, Na Uy, số cán bộ nghiên cứu giảng dạy và nhân viên nữ đã tăng từ 7% lên thành 40% sau khi áp dụng chỉ tiêu nam – nữ. Nước Pháp có Grande Ecole du Numérique, mạng lưới do chính phủ thành lập, gồm 750 chương trình đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ số, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng tin học trên thị trường. Grande Ecole du Numérique có tham vọng 30% người được tuyển là nữ. Con số này là 24% vào năm 2017. Grande Ecole du Numérique cũng có chính sách ưu tiên tài trợ cho phái nữ.
Theo Le Monde, nhiều nhà quan sát xem đó là « thái độ phân biệt đối xử » tích cực và cần thiết cho nữ giới, cho dù việc áp đặt chỉ tiêu tuyển dụng nam – nữ có thể khiến có thể khiến nhiều phụ nữ trúng tuyển phải băn khoăn vì không biết họ được doanh nghiệp tuyển vì năng lực hay chỉ vì họ thuộc phái nữ.
Liệu có thể thay đổi định kiến xã hội rằng công nghệ chỉ dành cho nam giới ?
Để xóa bỏ định kiến là lĩnh vực công nghệ chỉ dành cho nam giới, bà Salwa Toko, tân chủ tịch của Hội đồng quốc gia về công nghệ số (CNNum), đang khởi động công tác vận động để làm thay đổi suy nghĩ của xã hội về vấn đề này. Là một nhà đấu tranh về bình đẳng nam – nữ trong lĩnh vực công nghệ số, vào năm 2014, bà Salwa Toko đã thành lập Wi-Filles, một chương trình đào tạo về lập trình dành cho nữ sinh phổ thông và trung học ở vùng Seine-Saint-Denis, ngoại ô Paris. Bà cũng là lãnh đạo hiệp hội Becomtech hoạt động vì sự bình đẳng giới trong các ngành nghề tin học.
Rất có thể năm 2020 sẽ là năm bước ngoặt, với việc đưa vào trường trung học chứng chỉ nghề nghiệp về tin học và khóa học nhập môn về các thuật toán cho học sinh lớp 12, không phân biệt nam – nữ. Bà Cécile Favre, nhà nghiên cứu về tin học và giới thuộc Đại học Lyon 2, đánh giá đây là một ý tưởng hay, với điều kiện giáo viên không có định kiến về giới. Hiện nay, ở trường học, các em học sinh vẫn thường nghe thấy giáo viên nam nói : « Các em nữ phải thật chú ý, sẽ khó lắm đấy ! » Le Monde kết luận con đường đi đến bình đẳng giới trong lĩnh vực công nghệ tại Pháp vẫn còn xa !
http://vi.rfi.fr/phap/20190308-cong-nghe-so-tai-phap-con-duong-den-binh-dang-gioi-con-xa
Pháp : Tổng giám mục Lyon
bị kết án tù treo vì bao che tội ấu dâm
Ngày 07/03/2019, hồng y Philippe Barbarin, tổng giám mục Lyon, bị kết án sáu tháng tù treo vì đã không tố giác hành vi lạm dụng tình dục của một linh mục. Hồng y Barbarin sẽ đệ đơn từ chức và sẽ được giáo hoàng Phanxicô tiếp trong vài ngày tới.
AFP cho biết tòa kết án hồng y Barbarin vì tổng giám mục Lyon đã giữ im lặng từ năm 2014 sau khi nạn nhân đầu tiên trình báo về các vụ ấu dâm của cha Bernard Preynat đối với hướng đạo sinh xảy ra trước năm 1991. Cha Preynat cho tới nay chưa bị đưa ra xét xử.
Bản cáo trạng nêu rõ hồng y Barbarin đã chọn cách « không nói gì với cơ quan tư pháp để bảo vệ thể chế mà ông quản lý ». Vì « để tránh gây tai tiếng », tổng giám mục Barbarin bị xem là « đã ngăn cản tư pháp phát hiện ra rất nhiều nạn nhân bị lạm dụng tình dục khác và cấm họ thể hiện nỗi đau của mình ». Phía luật sư của hồng y Barbarin cho biết sẽ kháng cáo.
Giữ chức tổng giám mục Lyon từ năm 2002, và được phong hồng y năm 2003, hồng y Barbarin là quan chức cao nhất của Giáo Hội Pháp bị kết án. Trước đó, vào năm 2001 và 2018, đã có hai giám mục khác bị kết án vì những tội tương tự, nhưng vụ tai tiếng Lyon phán ảnh rõ cuộc khủng hoảng của Giáo Hội trước nạn ấu dâm của các tu sĩ, linh mục.
Ông François Devaux, đồng sáng lập viên của hội « La Parole libérée » bảo vệ nạn nhân ấu dâm, đánh giá bản án trên là « một thắng lợi lớn về bảo vệ trẻ em » và « gửi một tín hiệu mạnh đến rất nhiều nạn nhân khác và giúp họ hiểu rằng họ được lắng nghe ».
Tai tiếng ấu dâm ở Lyon còn được đạo điễn François Ozon chuyển thể thành phim Grâce à Dieu (tạm dịch : Tạ ơn Thiên Chúa), thuật lại cuộc chiến tư pháp của các nạn nhân. Bộ phim đã nhận được Giải thưởng lớn của Hội đồng Giám khảo tại Liên Hoan Phim Berlin 2019.
http://vi.rfi.fr/phap/20190308-phap-tong-giam-muc-lyon-bi-ket-an-tu-treo-vi-bao-che-toi-au-dam
Nga trục xuất hai công dân Mỹ
Nga ngày 7/3 loan báo bắt giữ hai người Mỹ và trục xuất hai người khác cũng là công dân Mỹ vì vi phạm luật di trú, tiếp sau những bản tin của truyền thông địa phương xác nhận những người này là tín đồ của giáo hội Mặc-Môn (Mormon).
Thông tấn xã Interfax nêu tên hai người bị trục xuất là Kole Brodowski và David Udo Hague và cho biết thêm là họ được lệnh rời khỏi Nga vào ngày 7/3 theo một phán quyết của Tòa án tại Novorossiysk, một cảng miền nam nước Nga.
Interfax nói hai người vừa kể là những tình nguyện viên của giáo hội Mặc-môn.
“Tôi có thể xác nhận tin giam giữ công dân Mỹ vì vi phạm luật di trú,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói. “Bốn người bị bắt giữ, hai người bị trục xuất theo lệnh của Tòa án.”
Giáo hội Mặc-Môn chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Trong những tháng gần đây có nhiều vụ bắt giữ công dân Mỹ tại Nga.
Ông Paul Wheland, một cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ bị cáo buộc tội gián điệp, và việc cầm giữ ông vào tháng trước đã được gia hạn thêm 3 tháng nữa để nhà cầm quyền tiếp tục điều tra vụ việc.
Một nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ, ông Michael Calvey, bị bắt giữ tháng trước vì bị cáo buộc lấy cắp 2,5 tỉ rúp (37,79 triệu đô la). Ông phủ nhận những cáo buộc.
Đài truyền hình KSL, tiểu bang Utah nơi giáo hội Mặc-Môn đặt trụ sở, trích lời thân phụ của một trong hai người bị giam giữ nói rằng những người này bị bắt ngày thứ Sáu tuần trước vì bị nghi giảng dạy không giấy phép.
Thông tấn xã Interfax trích lời luật sư của một trong những người này nói Tòa án không nêu ra được bằng chứng là những người này được trả công do việc làm của họ và cũng không chứng minh được họ dùng bất kỳ sách vở giáo khoa nào.
Luật sư Sergey Gliznutsa được dẫn lời cho biết hiến chương của giáo hội được đăng ký tại Bộ Tư pháp Nga và được quyền tổ chức những sinh hoạt văn hóa và giáo dục, kể cả những cuộc tranh luận với người nước ngoài bằng tiếng nước ngoài.
Nhật Bản và Philippines thảo luận
về hợp tác quốc phòng và an ninh ở Biển Đông
Trong cuộc gặp giữa Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản Tướng Koji Yamazaki và Tham mưu trưởng Quân đội Philippines Macairog S. Alberto (4/3), hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, ông Macairog S. Alberto và ông Koji Yamazaki đã thảo luận về an ninh khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông, vấn đề chống khủng bố và các vấn đề khác cùng quan tâm. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận các vấn đề như ứng cứu nhân đạo và thảm họa, kế hoạch huấn luyện hậu cần chung và kế hoạch về việc Philippines mua thiết bị quốc phòng từ Nhật Bản vốn cần thiết cho hậu cần và hỗ trợ hậu cần.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản và Philippines liên tục gia tăng các hoạt động hợp tác trong vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm Philippines, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (11/2018) đã tái khẳng định mục tiêu duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, khu vực vận chuyển hàng hóa quan trọng cho các quốc gia Đông Nam Á. Trước đó, hai nhà lãnh đạo Philippines và Nhật Bản đã có cuộc hội đàm song về các vấn đề tồn đọng trên Biển Đông, trong đó Tổng thống Duterte nhấn mạnh cam kết của Philippines trong việc duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và các hoạt động hợp pháp khác, thực hiện sự tự kiềm chế, cũng như giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Mặc dù Nhật Bản không phải một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nước này luôn coi vùng biển này là một khu vực quan trọng cho thương mại của khu vực.
Không những vậy, Nhật Bản còn tăng cường viện trợ cho Philippines. Khi các dự án bồi lấp, xây dựng (và quân sự hóa) đảo nhân tạo (bất hợp pháp) mà Trung Quốc tiến hành cùng với hoạt động tuần tra tự do hàng không hàng hải của Mỹ trên Biển Đông, căng thẳng đã leo thang. Nhật Bản đang tăng cường hợp tác với Philippines. Hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản (ODA) đang đóng một vai trò quan trọng. Nhật Bản và Philippines đã trở thành “đối tác chiến lược” từ năm 2011, hợp tác an ninh đã được tăng cường từ đó. Gần đây Cảnh sát biển Nhật Bản trúng thầu cung cấp cho Philippines tàu tuần tra đa năng tổng trị giá khoảng 200 triệu USD, chủ yếu đến từ ODA của Nhật Bản, chính phủ Philippines chỉ có khoảng 30 triệu USD để mua 10 tàu tuần tra. Việc giao hàng dự kiến sẽ diễn ra từ năm 2016 đến 2018. Hải quân Nhật Bản và Philippines cũng lần đầu tiên tập trận chung ở Biển Đông.
Theo giới chuyên gia, Nhật Bản tăng cường hợp tác với Philippines ở Biển Đông là do: Theo điều lệ mới, Nhật Bản được phép gửi viện trợ cho quân đội nước ngoài để họ sử dụng vào mục đích phi chiến đấu, mặc dù viện trợ quân sự vẫn phải tránh. Tùy thuộc vào cách hiểu điều lệ, Nhật Bản vẫn có thể giải thích cho việc cung cấp các công cụ phi quân sự như hệ thống ra đa giám sát, máy bay giám sát hàng hải và các phần cứng thông minh khác. Hợp tác với Philippines có lẽ đến một cách tự nhiên vì Nhật Bản và Philippines là đồng minh hiệp ước. Nhật Bản quan tâm đến những gì Trung Quốc tuyên bố và theo đuổi ở Biển Đông và cách thức giải quyết tranh chấp với nhiều lý do. Đầu tiên, Nhật Bản lo ngại về tác động
của căng thẳng trên Biển Đông đối với hoạt động hàng hải của tàu Nhật Bản cũng như nền kinh tế của mình; Thứ hai, Nhật Bản muốn giảm thiểu những tác động của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ven biển trong trường hợp cán cân lực lượng mất cân bằng. Thứ ba, Nhật Bản đang bị ám ảnh bởi những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, ngăn chặn Trung Quốc thiết lập một tiền lệ tiêu cực, dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Tiền lệ này có thể ảnh hưởng, có hậu quả đối với tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Thứ tư, Nhật Bản muốn Mỹ cam kết lớn hơn đối với việc đảm bảo an ninh cho Nhật Bản bằng cách chứng minh rằng, Nhật sẵn sàng và có khả năng chia sẻ gánh nặng với Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với những lý do này, có thể mong đợi hợp tác giữa Nhật Bản với Philippines thông qua ODA, chuyển giao thiết bị quốc phòng và các phương tiện đó sẽ vẫn tiếp tục.
Trước việc Nhật Bản và Philippines tăng cường hợp tác ở Biển Đông, Trung Quốc nhiều lần lên tiếng phản đối và “cáo buộc” Manila lôi kéo các nước can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Quân đội Trung Quốc từng ám chỉ Philippines đang tìm cách “lôi kéo” các quốc gia khác vào tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng khu vực. Cáo buộc này của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Nhật Bản tham gia vào một cuộc tập trận chung với Philippines trên Biển Đông. Theo hãng tin Reuters, giới chức Nhật Bản và Philippines nói rằng trong cuộc tập trận chung nói trên, một máy bay trinh sát của Nhật mang theo 3 binh sỹ Philippines đã bay lượn ở độ cao 1.524 mét phía trên bãi Cỏ Rong thuộc Biển Đông. Đi cùng với máy bay Nhật Bản là một máy bay tuần tra nhỏ hơn của Philippines. Trước động thái này, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho rằng hợp tác quân sự song phương giữa các quốc gia nên “mang lại lợi ích cho hòa bình và an ninh khu vực, thay vì làm ảnh hưởng đến lợi ích của các bên thứ ba”, đồng thời nhấn mạnh “một số quốc gia nhất định đang lôi kéo các nước khác ngoài khu vực tham gia vào vấn đề Biển Đông, mở một cuộc phô diễn sức mạnh lớn, cố tình làm gia tăng căng thẳng bầu không khí trong khu vực”, cáo buộc “cách hành động như vậy sẽ không mang lại lợi ích cho tình hình trên Biển Đông”.
Ý đồ của Bình Nhưỡng khi xây lại bãi phóng tên lửa
Triều Tiên đã bắt đầu xây lại các cơ sở mà họ sử dụng để phóng vệ tinh vào quỹ đạo và thử nghiệm động cơ cũng như các công nghệ khác cho chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của họ, theo các nhà phân tích quân sự Mỹ và các quan chức tình báo Hàn Quốc.
Tiết lộ này được đưa ra vài ngày sau khi cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội, Việt Nam, sụp đổ. Đó có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị kết thúc lệnh tạm ngưng các cuộc thử tên lửa vốn được ông Trump xem là một thành tích ngoại giao quan trọng.
Triều Tiên đã bắt đầu tháo dỡ Bãi phóng Vệ tinh Sohae ở Tongchang-ri gần biên giới tây bắc với Trung Quốc hồi mùa hè vừa qua, sau khi ông Kim có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với ông Trump hồi tháng 6 ở Singapore. Họ đã dỡ bỏ một phần khu thử động cơ, bệ phóng tên lửa và một tòa nhà nơi các kỹ sư sử dụng để lắp ráp các phương tiện phóng và đưa chúng đến bãi phóng.
Tuy nhiên, Triều Tiên không hề phá dỡ hoàn toàn cơ sở này và khi ông Kim gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 9, ông đã hứa sẽ phá hủy chúng trước sự hiện diện của các chuyên gia Mỹ.
Tuy nhiên lời hứa hẹn đó giờ đây đã trở nên đáng nghi ngờ sau khi cuộc gặp thứ hai giữa ông Kim và ông Trump ở Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận nào để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Ở Hà Nội, ông Kim đã yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc để đổi lấy việc tháo dỡ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nằm ở phía bắc Bình Nhưỡng cũng như các cơ sở ở Tongchang-ri. Ông Trump đã bác bỏ yêu cầu đó, và cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận là cái giá quá đắt để đổi lại những bước tiến một phần hướng đến phi hạt nhân hóa.
Mặc dù khu phức hợp Yongbyon đã từng được sử dụng để sản xuất năng lượng cho bom hạt nhân, Triều Tiên được tin là có các cơ sở sản xuất nhiên liệu ở nơi khác cũng như vật liệu phân hạch, đầu đạn hạt nhân và tên lửa mà họ đang cất giấu ở những địa điểm bí mật.
Các phân tích gia đang tự hỏi bước tiếp theo của ông Kim sẽ là gì sau khi cuộc gặp ở Hà Nội đổ vỡ. Trong bài diễn văn năm mới, ông Kim đã từng cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ tìm ‘con đường mới’ nếu Mỹ cứ một mực duy trì các lệnh cấm vận.
Tin tức về việc khôi phục lại cơ sở Tongchang-ri được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Kim Jong Un về nước hôm 5/3 sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội.
Phát biểu trước các đại biểu Quốc hội trong phòng họp kín hôm 5/3 ở Seoul, các quan chức Sở Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho thấy Triều Tiên đang xây dựng lại bãi phóng Tongchang-ri thậm chí trước thượng đỉnh ở Hà Nội, truyền thông Hàn Quốc đưa tin hôm 6/3.
Ông Kim Jong-un đã thị sát Tongchang-ri hồi năm 2017. Một động cơ mà các kỹ sư thử nghiệm vào lúc đó được tin là đã được sử dụng trong các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Bình Nhưỡng phóng đi vài tháng sau đó.
Triều Tiên có lẽ muốn xây dựng lại cơ sở này để cho sau này nếu họ cần tháo dỡ nó trong trường hợp họ đạt được thỏa thuận với Mỹ ở Hà Nội thì việc tháo dỡ sẽ gay cấn hơn, các quan chức tình báo Hàn Quốc được dẫn lời nói. Hoặc là họ muốn có lựa chọn khôi phục lại các vụ thử tên lửa nếu cuộc đàm phán ở Hà Nội sụp đổ, họ nói them.
Triều Tiên đã không tiến hành bất cứ vụ thử tên lửa hay hạt nhân nào kể từ tháng 11 năm 2017. Ông Trump gọi đó là thành tích chủ yếu của chính sách trừng phạt cứng rắn của ông mà ông cho là đã buộc Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hà Nội hồi tuần trước, ông Trump cho biết ông Kim đã hứa không nối lại các vụ thử tên lửa hay hạt nhân. Sau đó, Hoa Kỳ đã hủy hai cuộc tập trận chung ở quy mô lớn với Hàn Quốc để hỗ trợ con đường ngoại giao với ông Kim.
Cơ sở thử Tongchang-ri có vai trò trọng yếu đối với chương trình tên lửa và không gian của Triều Tiên. Họ đã sử dụng cơ sở này để phóng những tên lửa mang theo vệ tinh. Mỹ đã gọi chương trình vệ tinh này là vỏ bọc để phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Các tin tức hôm 5/3 về việc xây dựng lại cơ sở Tongchang-ri là dựa trên những hình ảnh vệ tinh chụp trước đó vài ngày nhưng các chuyên gia cho rằng công việc này có thể đã khởi động sớm như vào giữa tháng Hai.
“Dựa trên hình ảnh vệ tinh thương mại, các nỗ lực tái xây dựng những cấu trúc này bắt đầu vào khoảng thời gian giữa 16/2 và 2/3 năm 2019,” trang mạng 38 độ Bắc chuyên phân tích các vấn đề Triều Tiên, cho biết trong một báo cáo về cơ sở Tongchang-ri.
Bên kia Vĩ tuyến, một trang web do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington điều hành, đã công bố một báo cáo với những nhận xét tương tự hôm 5/3.
“Các hình ảnh vệ tinh thương mại chụp được vào ngày 2/3 năm 2019 cho thấy Triều Tiên đang nhanh chóng xây dựng lại bãi phóng tên lửa tầm xa,” họ cho biết. Hành động này ‘có thể cho thấy Triều Tiên muốn thể hiện quyết tâm’ sau thượng đỉnh Hà Nội, cũng theo trang web này.
Về mặt chính thức, Triều Tiên nói không cần thực hiện các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa nữa bởi vì họ đã hoàn tất việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân và bắt đầu sản xuất hàng loạt. Nhưng các quan chức và các phân tích gia phương Tây nghi ngờ việc nước này đã có thể làm chủ được các công nghệ cần thiết để có thể dùng tên lửa tấn công một mục tiêu ở bên kia đại dương một cách đáng tin cậy.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore với ông Trump, ông Kim đã đưa ra cam kết mơ hồ rằng ông ‘sẽ làm việc hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên’. Tuy nhiên, kể từ đó Bình Nhưỡng đã không chịu có những hành động cụ thể để giải tỏa các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ trong khi chỉ trích điều mà họ gọi là ‘yêu cầu đơn phương mang tính côn đồ’ của Washington về giải trừ hạt nhân và khăng khăng rằng họ sẽ không phi hạt nhân hóa trừ phi phía Mỹ có những bước đi ‘thích ứng’.
Hàn Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán Mỹ-Triều
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói ông sẵn sàng nhảy vào làm nhà trung gian hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên sau khi hai nước này không thể đạt được thỏa thuận ở Hà Nội hồi tuần trước. Tuy nhiên, vẫn phải chờ xem nhà lãnh đạo Hàn Quốc có thể làm gì để kéo Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến gần một thỏa thuận mà cả hai bên đều hài lòng.
Ông Kim Joon-hyung, giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Toàn cầu Handong, nói với VOA rằng có hy vọng rằng ‘một thỏa thuận lớn’ có thể sẽ đạt được giữa ông Trump và Kim mà không phải đi qua ‘các giai đoạn trung gian’ – tức là cách làm được biết đến rộng rãi như là ‘đi từ trên xuống’ trong các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, sau khi không đạt được thỏa thuận ở Hà Nội, ông Kim nói: “Vai trò của Tổng thống Moon cho đến nay vẫn không tích cực, ông chỉ đóng vai trò liên lạc giữa hai phía để tạo điều kiện cho các cuộc gặp khi có bế tắc, nhưng giờ đây ông cần phải đóng vai trò tích cực hơn.”
Tuy nhiên, ông Shin Beom-chul, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viên Nghiên cứu Chính sách châu Á, nhận định rằng hành động của Moon có thể phải trả giá.
“Nếu ông Moon tiếp tục đề xuất dỡ bỏ cấm vận trước khi phi hạt nhân hóa, thì nó sẽ làm suy yếu liên minh,” ông Shin nói, ý nhắc đến lời kêu gọi của ông Moon bãi bỏ hay cho miễn một số trường hợp đối với các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên để cho phép các dự án liên Triều được thúc đẩy.
Hôm 5/3, Tổng thống Moon đã yêu cầu nội các của ông theo đuổi mọi phương cách để giúp nối lại các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington.
“Chúng tôi trông đợi tiếp tục đối thoại giữa hai nước, và tôi hy vọng rằng hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau một lần nữa trong tương lai gần và lần này sẽ đạt được thỏa thuận,” ông Moon phát biểu hồi đầu tuần khi ông chủ trì một phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia.
Ông Moon gọi việc Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận ở Hà Nội là ‘đáng tiếc’ nhưng bày tỏ sự lạc quan rằng đã có ‘những tiến bộ có ý nghĩa’.
Trong một thông cáo báo chí, ông Moon nói: “Chính phủ Hàn Quốc sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để đảm bảo rằng Mỹ và Triều Tiên có thể duy trì thời cơ đối thoại trong khi tiếp tục liên lạc và hợp tác chặt chẽ.”
Sau khi Thượng đỉnh Hà Nội không đem tới thỏa thuận nào được ký kết giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim, ông Moon nói vai trò của Seoul đã trở nên quan trọng và chỉ thị cho các Bộ trưởng phải hành động.
Tại một phiên họp Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 5/3, ông Moon đã yêu cầu các quan chức ‘xác nhận những khác biệt trong lập trường của hai phía’ và ‘tìm cách để thu hẹp khoảng cách’.
“Tôi tin rằng cuộc đàm phán giữa Mỹ và miền Bắc cuối cùng sẽ được giải quyết ổn thỏa và sẽ là điều rất không mong muốn nếu có khoảng trống và bế tắc trong thời gian dài, do đó các quý vị xin hãy cùng nhau làm việc tích cực để nối lại cuộc đàm phán Mỹ và miền Bắc,” ông Moon nói.
Nằm trong nỗ lực đó là ông Lee Do-hoon, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, người đã ghé thăm Washington trong tuần này để gặp ông Stephen Biegun, đặc sứ Mỹ về Triều Tiên, cũng như cuộc gặp ba bên với người đồng cấp Nhật Bản Kenji Kanasugi.
“Trước thượng đỉnh Hà Nội, những mặt được của cách làm từ trên xuống đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, giờ đây nó đã cho thấy mặt trái,” Giáo sư Kim Joon-hyung nói.
Ông Shin Beom-chul thì gay gắt hơn. Ông nói rằng cách làm đi từ trên xuống đã không còn ý nghĩa nữa và rằng nó ‘làm tình hình tồi tệ hơn’.
Ông Kim cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các nhóm ở cấp độ làm việc để cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa có thể tiến triển.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng ông hy vọng sẽ sớm gửi một phái đoàn đến Triều Tiên để tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo với giới chức ở Bình Nhưỡng.
Ông Shin gọi thế bế tắc hiện tại với Bình Nhưỡng là ‘thế bí khó khăn’.
“Triều Tiên kiểm soát kết quả, do họ là phía cần phải quyết định thay đổi,” ông Shin nói.
Ông nói Washington sẽ tiếp tục áp lực Bình Nhưỡng hoàn tất giải trừ hạt nhân trước khi dỡ bỏ các lệnh cấm vận.
Ông nói thêm điều này sẽ khiến cho vai trò của Hàn Quốc trở nên quan trọng trong việc ‘liên lạc với miền Bắc và đem lại kết quả tích cực’ vốn sẽ giúp Seoul có thể để thuyết phục Washington hành động.
Kết quả là, ông Shin nói: “Tổng thống Moon đang đánh cược tất cả vốn liếng chính trị vào ván cờ này.”
Phát biểu hôm 5/3 tại Học viện Hải quân Hàn Quốc, ông Moon nói: “Nếu chúng ta kiên trì theo đuổi hòa bình với ý chí quyết tâm, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hòa bình vĩnh viễn chắc chắn sẽ đến.”
Ông Kim cũng đưa ra một số lời khuyên đối với Washington: “Hoa Kỳ không nên đối xử với Triều Tiên như là một quốc gia bại trận hay bêu xấu họ, bởi vì Triều Tiên không thể chấp nhận đầu hàng hoàn toàn.
Đài Loan chính thức đặt mua
chiến đấu cơ mới của Mỹ để ‘tự vệ’
Đài Loan vừa chính thức yêu cầu mua các chiến đấu cơ mới của Mỹ để tự vệ trước các mối đe dọa từ Trung Quốc, Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Shen Yi-ming nói với báo chí hôm 7/3.
“Chúng tôi đặt mua chiến đấu cơ bởi vì Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự khiến cho cán cân quyền lực bị mất thăng bằng, đặc biệt trong khả năng phòng không của mình”, AFP dẫn lời ông Shen nói.
Nếu được chấp thuận, yêu cầu của Đài Loan có thể làm tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan, vốn đã tách ra khỏi Hoa lục từ cuộc nội chiến năm 1949, là một phần lãnh thổ của mình.
Yêu cầu mua chiến đấu cơ của Đài Loan được đưa ra giữa lúc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng leo thang những luận điệu gay gắt chỉ trích hòn đảo tự trị này.
Trong một bài phát biểu hồi tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc công khai tuyên bố không loại trừ việc sử dụng vũ lực chống lại các hoạt động đòi độc lập của Đài Loan. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lâu nay vẫn mạnh mẽ chống lại mối đe dọa đối với quyền tự trị của Đài Loan.
Trong cuộc họp báo công bố yêu cầu mua chiến đấu cơ, Thứ trưởng quốc phòng Đài Loan Shen Yi-ming cho biết mục tiêu của đơn đặt hàng này là để cung cấp cho phi công Đài Loan những thiết bị tinh vi hơn, và một phần nhằm “thể hiện quyết tâm và khả năng tự vệ của chúng tôi”.
Huang Wen-chi, Giám đốc hoạch định chiến lược của Bộ Quốc phòng Đài Loan, cho biết các phản lực cơ được yêu cầu mua có thể là bất cứ loại chiến đấu cơ nào từ F-15, F-16, F-18 cho đến các chiến đấu cơ tàng hình F-35 tiên tiến, “miễn là chúng đáp ứng nhu cầu chiến đấu của chúng tôi”.
“Chúng tôi không đề cập đến bất kỳ mô hình nào trong yêu cầu này”, ông Huang nói. “Điều đó phụ thuộc vào mô hình mà Hoa Kỳ đề xuất cho chúng tôi, và sau đó chúng tôi sẽ chọn”.
Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã khiến Bắc Kinh tức giận. Trong khi Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan vào năm 1979 để củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh, hai bên vẫn tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao và quân sự không chính thức. Những mối quan hệ này được củng cố bởi Luật Quan hệ Đài Loan, quy định Hoa Kỳ phải đảm bảo là Đài Loan có đủ khả năng tự vệ.
Hồi tháng 1, quân đội Đài Loan công bố một loạt các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn để tự vệ chống lại nguy cơ xảy ra một “cuộc xâm lược từ Trung Quốc”.
https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-mua-chien-dau-co-cua-my/4817783.html
Hoàn cầu nói tàu TQ ‘cứu năm ngư dân Việt’,
bác tin của Việt Nam
Tàu Trung Quốc đã “cứu năm ngư dân” từ một tàu cá Việt Nam bị chìm ở Biển Đông, Hoàn Cầu Thời Báo đăng tin hôm 7/3/2019, qua đó bác bỏ các tường thuật nói tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu của các ngư dân Việt.
Trước đó, truyền thông Việt Nam trích nguồn từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn nói rằng vào sáng hôm 6/3, một tàu cá đã bị tàu Trung Quốc mang số hiệu BKS44101 “đâm chìm” và “chỉ còn nổi phần mũi”.
Quanh vụ báo VN nói TQ ‘cưỡng chiếm Hoàng Sa’
Quanh việc USS McCampbell tới Hoàng Sa và phản ứng của VN
Trung Quốc đã đuổi 852 tàu cá ‘nước ngoài’
Tàu cá VN ‘bị 2 tàu TQ đâm chìm’
Được biết vị trí xảy ra vụ việc nằm cách Đà Nẵng khoảng 198 hải lý về phía đông, ở khu vực Đá Lồi (Discovery Reef) thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Sau khoảng hai giờ đồng hồ “phải bám mũi tàu”, theo báo Người Lao động, năm ngư dân đã được một tàu cá khác của Việt Nam “cứu vớt an toàn”.
Tuy nhiên, Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời ông Lục Khảng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với báo này, rằng chính là một tàu ngư chính của Trung Quốc đã ngay lập tức liên hệ với Trung tâm Tìm kiếm và Cứu hộ Trên biển của Trung Quốc sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá Việt Nam sáng hôm thứ Tư.
Khi tàu Trung Quốc tiếp cận tới tàu cá Việt Nam, thì tàu này đã chìm, và phía Trung Quốc đã cứu các ngư dân trong buổi chiều, ông Lục Khảng được Hoàn Cầu Thời Báo trích lời.
Quần đảo Hoàng Sa là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam, và Đài Loan. Bắc Kinh hiện đang nắm quyền kiểm soát nơi này.
Hoàn Cầu Thời Báo cũng trích lời Trần Tương Miểu (Chen Xiangmiao), nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nam Hải, đóng tại đảo Hải Nam, theo đó nói Việt Nam thường cho tàu cá tới vùng biển thuộc Quần đảo Hoàng Sa. Ông Chen nói trong số này có nhiều tàu làm gián điệp.
Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội cáo buộc Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam.
Chỉ riêng trong tháng Tư và tháng Năm năm ngoái, đã có hơn 10 tàu cá bị đâm và bị cướp khi đang đánh bắt hải sản trên Biển Đông, theo trang tin News.com.au.
Tuy nhiên, Hoàn Cầu Thời Báo dẫn nguồn Bộ Ngoại giao nói phía Trung Quốc luôn thiện chí cứu các tàu cá Việt Nam dẫu cho phía Việt Nam “nhầm lẫn nói rằng tàu Trung Quốc đâm vào họ”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47490714
Nhìn lại quá trình triển khai và thực trạng của cái gọi là
“hoạt động đầu tư tư nhân” của TQ ở Biển Đông hiện nay
Trong quá trình theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc ngoài các hành động quân sự hóa, bồi đắp đảo còn tiến hành nhiều biện pháp, phương thức khác nhau. Một trong số đó chính là hình thức kêu gọi đầu tư tư nhân trên các đảo không người ở tại Biển Đông. Mặc dù tiến hành đã lâu, song do tính phi pháp của hoạt động này vẫn là vấn đề thời sự được dư luận các nước đặc biệt quan tâm.
Quá trình triển khai và kết quả đạt được của TQ
Hoạt động kêu gọi tư nhân đầu tư vào các đảo ở Biển Đông của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2011, khi đó Cơ quan quản lý hải dương Trung Quốc đã công bố danh sách 176 đảo “không người ở” ở Biển Đông để kêu gọi đầu tư theo nội dung phát triển hải đảo của Trung Quốc trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015). Hoạt động kêu gọi đầu tư tư nhântrên các đảo không người ở tại Biển Đông chính thức được hợp thức hóa khi Trung Quốc tháng 7/2012 ngang nhiên tuyên bố thành lập phi pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm nhằm thâu tóm toàn bộ các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc ráo riết đầu tư và kêu gọi đầu tư hạ tầng cho “thành phố” này vì phần lớn trong số các đảo và bãi đá tại đây đều không có người ở.
Tiếp đến đầu năm 2016, Trung Quốc đã lần đầu tiên kêu gọi hình thức “đầu tư tư nhân” theo chương trình “đối tác công tư” nhằm củng cố, phát triển các đảo, đá tranh do nước này cưỡng chiếm ở Trường Sa và Hoàng Sa. Theo một công trình nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore công bố cho biết, Bắc Kinh đã dùng các tập đoàn Nhà nước làm công cụ lấn chiếm và áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Các hoạt động của các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng cơ sở, du lịch cũng như dầu khí, mà một số nằm trong vùng tranh chấp với các láng giềng. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Bắc Kinh đã khuyến khích hoạt động của các tập đoàn
này. Đối với một số chuyên gia và nhà ngoại giao, hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ cản trở bất kỳ giải pháp tương lai nào cho khu vực nếu Bắc Kinh bảo vệ họ bằng quân sự và chính trị. Tâp Đoàn Xây Dựng Viễn Thông Trung Quốc CCCC (China Communications Construction Corporation) và các công ty con, tận dụng chính sách được Chủ tịch Tập Cận Bình ban hành năm 2012 để phát triển năng lực hoạt động trên biển nhờ các hợp đồng ở Biển Đông, trong đó có việc đóng tàu nạo vét thuộc loại lớn nhất thế giới. Tập đoàn CCCC đã lập ra những đơn vị kinh doanh mới tập trung khai thác vùng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhắm vào lãnh vực du lịch, cơ sở hậu cần, đánh cá, xây dựng. Tập đoàn đã cam kết đầu tư 15 tỷ đô la vào những lãnh vực khác nhau. CCCC cũng hợp tác với những tập đoàn Nhà nước khác, trong đó có tập đoàn du lịch China Travel Service Group (CTSG), để phát triển tuyến du lich đến Hoàng Sa bằng tàu thủy, sau khi giới lãnh đạo không còn ngần ngại ủng hộ những hoạt động như trên.
Tháng 7/2018, Trung Quốc tiếp tục loan tin kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông với nhiều mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm. “Việc phát triển trên các hòn đảo không người ở sẽ đảm bảo sự ổn định của Nam Hải và loại bỏ các mục đích xâm lược và xâm chiếm của các nước khác đối với chủ quyền lãnh thổ của chúng ta”, một nghiên cứu sinh tại Học viên quốc gia Hải Nam của Trung Quốc bao biện.
Mục đích, ý đồ của TQ và phản ưng, dư luận từ các nước
Mặc dù Trung Quốc không công khai đến tình hình đầu tư của tư nhân tại các đảo, đá ở Biển Đông theo những lời kêu gọi, mời chào đầu tư trên. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, cộng đồng quốc tế, khu vực đã chứng kiến một quá trình xây dựng ồ ạt, quy mô lớn và quân sự hóa tại các đảo, đá ở Biển Đông của Trung Quốc. Nhiều công trình được Trung Quốc bao biện và khoác lên vỏ bọc “dân sự” như sân bay, cầu cảng, hệ thống hạ tầng cơ sở khác (điện, nước, mạng di động…). Song thực tế, giới chuyên gia các nước cho rằng đây đều là các công trình phục vụ cho mục đích quân sự. Theo đó,Việc Trung Quốc kêu gọi đầu tư tư nhân tại các đảo không người ở ở Biển Đông là nhằm củng cố và đạt được các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động này giúp Trung Quốc huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường hiện diện của Trung Quốc các đảo, đá do nước này đang chiếm đang trái phép ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc muốn sử dụng danh nghĩa hoạt động kêu gọi đầu tư tư nhân để “lách luật”, hướng lãi dư luận rằng các hoạt động xây dựng, cải tạo của Trung Quốc chỉ đơn thuần là phục vụ “mục đích dân sự”. Tuy nhiên dù mục đích gì thì những hoạt động này đều diễn ra tại các đảo, đá do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Ngoài ra, cũng giống như trong các hoạt động khác, Trung Quốc cũng muốn tuyên truyền theo chủ ý, đánh lạc hướng dư luận về hoạt động mở rộng, bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Cũng có thể Trung Quốc sẽ kêu gọi và cho phép một số tư nhân nước ngoài tham gia đầu tư tại một số đảo này.
Giới chuyên gia cũng cho rằng hoạt động kêu gọi đầu tư tư nhân tại các đảo, đá không người ở trên Biển Đông của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông ký kết năm 2002 (DOC). Các chuyên gia dẫn ra tại Điều 121 của UNCLOS quy định rất rõ rằng “các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa”. Tại điểm 7, Điều 60 của UNCLOS quy định “không được xây dựng những đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó khi việc đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế”. Còn tại Điều 5 của DOC quy định “các bên không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng”.
Xuất khẩu TQ sụt giảm mạnh
trong vòng ba năm vào tháng Hai
Xuất khẩu Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng ba năm trong tháng Hai, làm gia tăng lo lắng về sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dữ liệu chính thức cho thấy xuất khẩu từ Trung Quốc giảm 20,7% so với năm trước, khi chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ gây thiệt hại đáng kể.
Các nhà kinh tế cảnh báo dữ liệu trong hai tháng đầu năm có thể bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
TQ tăng chi phí quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế
Canh bạc kinh tế thật to của Trung Quốc
TQ lần đầu thừa nhận kinh tế sụt giảm vì thuế Mỹ
TQ: Tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong gần 30 năm
Xuất khẩu giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo giảm 4,8% trong một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế do Reuters thực hiện.
Dữ liệu cho thấy nhập khẩu cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh hơn so với dự kiến là 5,2% so với năm trước.
Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp của Trung Quốc tại Capital Economics cho biết ngay cả khi tính đến các biến đổi theo mùa, các số liệu vẫn “ảm đạm”.
“Thuế quan đang ảnh hưởng lên các chuyến hàng đến Mỹ,” ông viết trong một bài nghiên cứu.
Mỹ và Trung Quốc đã áp đặt thuế quan lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau kể từ tháng Bảy, gây ra bóng tối cho nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù giới chức có vẻ tích cực đàm phán hơn với Hoa Kỳ gần đây, việc không đạt được thỏa thuận sẽ chứng kiến việc tăng thuế quan trị giá 200 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc gần như ngay lập tức và có thể thấy Mỹ áp thuế quan mới.
Ba điều Mỹ và Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp
Trump ‘phàn nàn về Trung Quốc’
Tuy nhiên, ông Evans-Pritchard nói rằng “điểm yếu lớn hơn trong nhu cầu toàn cầu có nghĩa là ngay cả khi Trump và Tập hoàn tất sớm thỏa thuận thương mại, triển vọng xuất khẩu vẫn ảm đạm.”
Dữ liệu được đưa ra khi Bắc Kinh tuần này công bố cắt giảm thuế trị giá 298 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng chậm.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47495886
Vành đai Con đường thắng đậm vì kết nạp được
thành viên “khủng”: Nhà Trắng cau mày ái ngại
Thành viên mới tham gia sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới xét theo GDP.
Quyết định của Italy
Italy được cho là đang chuẩn bị tham gia sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) – siêu dự án kinh tế của Trung Quốc với mục tiêu kết nối các quốc gia xuyên suốt châu Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ thông qua cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đầu tư, xây dựng.
Việc Italy tham gia Vành đai Con đường sẽ là một chiến thắng lớn cho Trung Quốc. Hiện tại, Italy là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới xét theo GDP. Đây sẽ là quốc gia lớn nhất có mặt trong siêu dự án của Trung Quốc.
Theo Financial Times, các quan chức Italy đã lên kế hoạch kí một Biên bản ghi nhớ (MOU) để ủng hộ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng với Bắc Kinh khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Rome vào ngày 22/3 tới.
Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italia Michele Geraci nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các sản phẩm ‘Made in Italy’ sẽ đạt được thành công với khối lượng xuất khẩu lớn tới Trung Quốc, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.”
Ông cũng nói thêm rằng MOU “chưa hoàn thiện, nhưng sẽ được kí kết để kịp chuyến thăm của ông Tập.”
Hiện chưa rõ nội dung cụ thể của MOU. Các hợp đồng được kí kết giữa Trung Quốc và các đối tác trong khu vực hầu hết đều được giữ kín.
Medi Telegraph, một trang web chuyên đăng tải nội dung về giao dịch tại Địa Trung Hải, cho biết các nhà chức trách Italy tại cảng Genova đang chuẩn bị thành lập một công ty mới với Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) để vận hành “các công việc quy mô lớn liên quan đến cảng Genoa.”
Được triển khai từ năm 2013, sáng kiến Vành đai Con đường được chia làm 6 tuyến đường trên bộ với tên gọi Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa, và một tuyến đường biển gọi là Con đường Tơ lụa Trên biển. Xuyên suốt các con đường này là hệ thống đường sắt, đường ống dẫn gas, tuyến vận chuyển hàng hải và những dự án cơ sở hạ tầng khác.
Trung Quốc được cho là đã đầu tư khoảng 1 nghìn tỷ USD tới 8 nghìn tỷ USD cho siêu dự án này. Đây là một trong những ưu tiên cao nhất của ông Tập, và được viết trong hiến pháp Trung Quốc năm 2017.
Những nền kinh tế lớn khác trên thế giới, bao gồm Mỹ và Ấn Độ, không muốn tham gia Vành đai Con đường và có những mối lo ngại rằng tham vọng quân sự và chính trị của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng theo cùng với những dự án thương mại và trao đổi công nghệ giữa bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn chưa chấm dứt.
Trung Quốc đã bị cáo buộc cho các quốc gia vay nợ với mức lãi suất cao tới mức khó trả được. Sri Lanka là ví dụ điển hình nhất, khi nước này trong năm 2017 đã phải cho phép Trung Quốc sử dụng hoàn toàn một cảng biển quan trọng vì không trả được nợ.
Năm ngoái, Malaysia đã hủy bỏ dự án cơ sở hạ tầng trị giá 22 tỉ USD với Trung Quốc với lí do liên quan tới khoản nợ quốc gia khổng lồ.
“Bởi người Trung Quốc, cho người Trung Quốc”
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tại Nhà Trắng đã đưa ra cảnh báo với quyết định của Italy.
Phát ngôn viên Garrett Marquis nói: “Chúng tôi coi dự án Vành đai Con đường là sáng kiến ‘sáng lập bởi Trung Quốc, nhằm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc'”.
“Chúng tôi bày tỏ lo ngại và không cho rằng quyết định của chính phủ Italy sẽ đem lại bất kì lợi ích kinh tế nào cho người dân Italy, mà sẽ gây tổn hại tới danh tiếng toàn cầu của Italy về mặt lâu dài,” ông Marquis nói.
Các nước EU đã có thái độ khác nhau đối với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Đức và Pháp đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hạn chế sức ảnh hưởng từ Trung Quốc, ví dụ như tăng cường các biện pháp quản lí đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, các nước như Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã đón chào đầu tư Trung Quốc. Cảng Piraeus, cảng biển lớn nhất của Hy Lạp, hầu như nằm dưới sự quản lí của Công ty Vận tải Đại dương Trung Quốc (COSCO).
Trung Quốc: Ngoại bang can thiệp vào Venezuela
‘đang trượt vào vết xe đổ’
Hôm 8/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo một cách nghiêm khắc về việc can thiệp và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela. Hãng tin Reuters trích lời ông nói lịch sử đã cho chúng ta một bài học đắc giá rằng “chớ theo đuổi con đường thảm khốc cũ rích.”
Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi nước ngoài không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Venezuela.
Hoa Kỳ và hầu hết các nước phương Tây đã công nhận ông Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập, là người đứng đầu nhà nước hợp pháp của Venezuela. Ngoài ra, Hoa Kỳ cam kết mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Venezuela, đặt ra nhiều chế tài hơn đối với các ngân hàng đã hậu thuẫn cho chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc có còn công nhận ông Maduro, hay đã có liên hệ với phe đối lập của Venezuela, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị cho rằng “chủ quyền và độc lập của các nước Mỹ Latinh cần được tôn trọng.”
Ông Vương Nghị nói bên lề kỳ họp Quốc vụ viện: “Các vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia nên được chính người dân của họ quyết định. Sự can thiệp và trừng phạt từ bên ngoài sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng, và chỉ làm cho luật rừng hoành hành.”
“Lịch sử đã từng cho chúng ta một số bài học, và chúng ta không nên đi theo con đường thảm khốc cũ rích.”
Cũng hôm 8/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo viết trên Twitter rằng các chính sách của ông Maduro “đã không mang lại điều gì trừ bóng tối.”
“Không có thức ăn. Không có thuốc chữa bệnh. Và nay là không có điện. Bước tiếp theo là không có ông Maduro,” ông Pompeo viết như vậy khi đề cập đến sự cố mất điện trên diện rộng ở Venezuela vào hôm 7/3.
Trung Quốc ủng hộ Huawei kiện chính phủ Mỹ
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, hôm 8/3 nói rằng Bắc Kinh ủng hộ tập đoàn Huawei trong cuộc chiến pháp lý ở Mỹ.
Reuters dẫn lời ông Vương nói thêm rằng các công ty Trung Quốc nên sử dụng “các vũ khí pháp lý” và không nên là “những con cừu im lặng”.
Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc mới kiện chính phủ Mỹ vì cho rằng một điều luật của nước này giới hạn hoạt động của hãng ở Hoa Kỳ là trái hiến pháp, trong bối cảnh Washington tìm cách chống lại điều chính quyền này coi là mối đe dọa ngày càng lớn của Trung Quốc đối với kinh tế cũng như an ninh của Mỹ.
Phát biểu tại buổi họp báo bên lề cuộc họp quốc hội thường niên, ông Vương nói rằng các hành động vừa qua nhắm vào một số người và công ty là hành động “áp chế chính trị có chủ ý”.
Tập đoàn Trung Quốc Huawei kiện chính phủ Mỹ
Nhà ngoại giao này cũng nói rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tiến hành “mọi biện pháp cần thiết” nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
“Đồng thời, chúng tôi cũng hủng hộ các công ty và cá nhân liên quan nắm lấy các vũ khí luật pháp để bảo vệ quyền và quyền lợi của họ và để không trở thành những con cừu im lặng”, ông Vương nói.
“Điều chúng tôi cần phải bảo vệ ngày nay không những chỉ là các quyền và quyền lợi của công ty mà còn là quyền lợi phát triển hợp pháp của một đất nước và người dân của nước đó”.
Huwei trong hai tháng qua đã thực hiện các hoạt động về công chúng và pháp lý, trong bối cảnh Washington vận động các đồng minh từ bỏ Huawei khi xây dựng mạng điện thoại 5G vì lo ngại về một điều luật của Trung Quốc năm 2017, yêu cầu các công ty hợp tác với Bắc Kinh về vấn đề liên quan tới tình báo quốc gia.
Người sáng lập và giám đốc điều hành của Huawei, ông Ren Zhengfei, nói rằng tập đoàn của ông chưa từng và sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.
Mua F-35 của Mỹ, Singapore có thể khiến TQ lo
Singapore đang muốn trở thành nước thứ tư sở hữu công nghệ máy bay tàng hình hiện đại nhất của Mỹ, có khả năng kết nối không giới hạn lực lượng phi công để triển khai các nhiệm vụ phối hợp.
Việc Singapore sẽ mua các máy bay tàng hình F-35 để hoạt động trên vùng biển Đông được cho là sẽ khiến Trung Quốc lo lắng.
Trong bài phát biểu trước quốc hội vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen thông báo kế hoạch sẽ mua 12 chiếc máy bay tàng hình F-35 của Mỹ. Nếu thương vụ này diễn ra suôn sẻ, Singapore sẽ trở thành đồng minh thứ 4 của Mỹ ở Thái Bình Dương sở hữu loại máy bay hiện đại này.
Thương vụ này sẽ cần được quốc hội Mỹ phê chuẩn, nhưng ông Ng nói rằng cả chính quyền Trump và Lầu Năm góc đã ủng hộ.
“Lực lượng vũ trang Singapore sẽ trở nên lợi hại hơn trên mọi phương diện”, ông Ng khẳng định trong bài thuyết trình trước các nghị sĩ. Bài phát biểu cũng nêu ra hàng chục phương tiện quân sự mà Singapore có kế hoạch mua thêm vào năm 2030 nhằm nâng cao năng lực quốc phòng.
Các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ nằm vị trí cao nhất trong danh sách Singapore định mua. Lầu Năm góc gọi F-35, được trang bị những vũ khí, động cơ và hệ thống điện tử hàng không hiện đại nhất thế giới, là dòng máy bay hỗ trợ nhiều nhất, sống sót tốt nhất, lợi hại nhất và giá cả hợp lý nhất từng được sử dụng.
Singapore nằm ở phía tây biển Đông. Các nhà phân tích nói rằng việc nước này quyết định mua công nghệ F-35 cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng của Singapore trước tình hình châu Á.
“Singapore có thể không tin tưởng sự bảo đảm của Trung Quốc rằng những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông là tử tế, không có ý đồ quân sự và sẽ không dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát tuyến vận tải và hàng không quan trọng ở vùng biển này”, CNN dẫn lời ông Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch tại Trung tâm tình báo phối hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.
Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý trên hầu khắp vùng biển Đông rộng khoảng 1,3 triệu dặm vuông. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh quyết liệt bồi đắp và quân sự các đảo mà họ đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Mỹ định kỳ đưa các tàu chiến ra tuần tra gần các đảo này và thường xuyên điều các máy bay do thám, đôi khi là máy bay ném bom, ra biển Đông.
Sau khi mua các máy bay F-35, Singapore sẽ gia nhập nhóm các đồng minh của Mỹ khác là Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu phương tiện này. Mỹ đã đặt các máy bay F-35 tại Nhật Bản, và chúng có thể hoạt động phối hợp với các tàu của hải quân Mỹ.
Ngay cả nước Anh đầu năm nay cũng nói sẽ đưa một tàu sân bay mang theo các máy bay F-35 ra vùng biển này vào năm 2020.
“Bắc Kinh nên coi điều này như bằng chứng cho thấy hiện vẫn còn nhu cầu mạnh mẽ đối với sự hiện diện của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương”, ông Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corp, một tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu của Mỹ, đánh giá.
“Mạng lưới không quân sử dụng F-35 mở rộng khả năng các quân đội có thể phối hợp với nhau để tạo thành liên minh trong trường hợp cần thiết. Diễn biến này có thể là một thông điệp răn đe mạnh mẽ đối với Trung Quốc trước những hành động của họ trên biển Đông và Hoa Đông”, ông Heath nói.
Bộ thiết bị tác chiến điện tử của F-35 có thể cho phép các phi công cùng phe phối hợp không giới hạn. Điều này có thể khiến Bắc Kinh lo ngại.
CNN dẫn lời ông Peter Layton, một nhà phân tích quốc phòng tại Viện châu Á Griffith ở Úc, nói rằng năng lực chiến tranh điện tử và tàng hình của F-35 giúp nó có khả năng tăng hiệu ứng lực lượng. F-35 có thể vượt qua các hệ thống phòng không và gửi thông tin cụ thể về mục tiêu cho các máy bay phía sau mang theo tên lửa tầm xa hay tới các hệ thống tên lửa chống hạm dưới đất.
“Việc Singapore mua loại máy bay này có thể khiến Trung Quốc nghĩ cách cải thiện mạng lưới phòng không ở biển Đông và trên các tàu để phát hiện và tấn công máy bay tàng hình như những chiếc F-35 của Singapore”, ông Layton nói.
Bộ trưởng Ng không nhắc đến Trung Quốc khi nói về kế hoạch mua các máy bay mới. Bài trình bày của ông trước quốc hội chỉ nói rằng những máy bay này sẽ “góp phần đáng kể để nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh của Singapore”.
Dù Singapore là một đồng minh gần gũi và lâu đời của Mỹ, đến mức cho cả Mỹ duy trì một cơ sở quân sự ở đây, nước này có xu hướng không tham gia nhiều vào các vấn đề quân sự.
“Dù có quan hệ tốt với Mỹ, Singapore nhìn chung không thích đóng vai trò đi đầu trong nỗ lực thách thức sức mạnh Trung Quốc vì họ có nền kinh tế quy mô nhỏ và quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc”, ông Heath nói.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Singapore yếu về quân sự.
Năm ngoái, Viện Lowy tại Úc xếp sức mạnh quân sự của Singapore vào vị trí thứ 10 trong tổng số 25 nước châu Á, chỉ đứng sau Úc nhưng đứng trước nhiều nước lớn hơn khác như Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Singapore có các phương tiện quân sự chất lượng cao và quan hệ quốc phòng mạnh mẽ ở khu vực.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26755-mua-f-35-cua-my-singapore-co-the-khien-tq-lo.html
Xung quanh lô đất “tốt đến khó tin”
Campuchia cho TQ thuê 99 năm: Chuyên gia nghi ngờ
TQ có ý đồ quân sự mờ ám
Lô đất rộng 45.000ha tại Koh Kong được Campuchia cho Trung Quốc thuê với những điều khoản “tốt đến khó tin” trong vòng 99 năm.
“Có rất nhiều khói, nhưng lại chưa thấy lửa”
Việc Trung Quốc hứng thú với đầu tư phát triển du lịch tại một quốc gia khác như Campuchia có vẻ là điều rất đỗi bình thường.
Tuy nhiên theo nhận định của nhà báo Andrew Nachemson về dự án đầu tư mới nhất của một công ty tư nhân Trung Quốc tại Campuchia, thì đằng sau những lời hứa hẹn về những khu resort sang trọng, sân golf đẳng cấp và khu casino hoành tráng có thể còn ẩn chứa những điều mờ ám khác.
Campuchia đã dành 45.000 ha đất ở vị trí đắc địa tại tỉnh Koh Kong và 20% diện tích bờ biển ở khu vực này cho dự án phát triển du lịch do Tập đoàn (tư nhân) Union Development của Trung Quốc đầu tư. Hơn nữa, khu vực này có giá thuê mặt bằng rẻ đến mức khó tin, khi mức khởi điểm chỉ vào khoảng 1 triệu USD/năm.
Tất nhiên đó chỉ là những thông tin bề nổi. Bên cạnh những luồng ý kiến đón nhận dự án này, cũng có rất nhiều người hoài nghi về những điều khoản thỏa thuận được cho là “tốt đến khó tin”, và cho rằng Bắc Kinh còn có mục đích khác khi rót tiền vào dự án du lịch này, chẳng hạn như mục đích quân sự.
Trước đó, từng có nhiều ý kiến cho rằng cảng nước ngầm được xây dựng tại khu du lịch Koh Kong có thể được sử dụng cho các hoạt động liên quan đến quân sự của Trung Quốc, và giới chức Campuchia đã phải rất nỗ lực để bác bỏ những nghi ngờ này.
Tuy vậy, sự hoài nghi ấy ngày càng gia tăng khi những hình ảnh vệ tinh chụp khu vực này được công bố. Cụ thể, những hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho thấy đường băng được xây dựng tại khu vực được cho là để phục vụ mục đích du lịch này dài hơn rất nhiều so với các đường băng dành cho máy bay dân sự.
“Đường băng [tại khu du lịch Koh Kong] dài khoảng 3.400m và rộng hơn đường băng của sân bay quốc tế tại Phnom Penh. Bất kỳ máy bay quân sự thuộc lực lượng không quân của Trung Quốc đều có thể sử dụng đường băng này”, ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
“Bên cạnh đó, một sân bay lớn như vậy được xây dựng ở một khu vực khá xa trung tâm thì có phần không hợp lý lắm đối với mục đích phục vụ nhu cầu dân sự. Gần sân bay đó chỉ có duy nhất dự án casino và khu resort nghỉ dưỡng Koh Kong, nhưng khu vực này có vẻ khá hẻo khách”, ông Poling nói.
Theo một số báo cáo, việc xây dựng tại dự án Koh Kong đã bị trì hoãn trong nhiều tháng nay.
Bình luận về khả năng địa điểm trên được khai thác cho mục đích quân sự, ông Poling nói rằng “đã có rất nhiều khói, nhưng lại chưa thấy lửa”. Tuy nhiên ông cũng không phủ nhận về khả năng này.
Được biết, sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gửi một bức thư bày tỏ quan ngại với lãnh đạo Campuchia về mục đích thực sự của dự án Koh Kong, các hoạt động xây dựng đường bay đã được phía nhà thầu tiếp tục tiến hành và thậm chí đẩy nhanh tiến độ.
Phần lớn đường băng này đã được hoàn thiện chỉ trong vòng 2 tháng, và có kích thước dài-rộng hơn rõ rệt so với các thông số do Cục Hàng không Liên bang (FA) khuyến nghị là 2.800m cho mẫu máy bay chở khách Boeing 787-900.
Mặc dù Tập đoàn Union Development là một công ty tư nhân của Trung Quốc, nhưng từ lâu công ty này đã bị nghi ngờ có liên quan tới chính phủ Bắc Kinh.
Ông Trương Cao Lệ, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc và hiện là Tổ trưởng Tiểu tổ lãnh đạo công tác xây dựng thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường, đã ủng hộ dự án Koh Kong ngay từ đầu, và là người đứng ra chủ trì lễ ký kết thỏa thuận giữa Union Development và Campuchia.
Bên cạnh đó, nhiều nhân vật cấp cao của rung Quốc như ông Vương Khâm Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Một chuyên gia quân sự phương Tây từng nhận xét: “Quy mô phát triển của Tập đoàn Union Development không phù hợp với tiềm năng thương mại của khu vực, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về khả năng tài chính và tính bền vững của địa phương, cũng như khả năng khu vực này được sử dụng cho mục đích quân sự và ý đồ của các bên liên quan”. Cùng với sự phát triển của Koh Kong, có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về mục đích thực sự của dự án này.
Trung Quốc vẫn dùng chiêu bài cũ?
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) cho biết họ không thể liên lạc với phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chum Socheat về vấn đề này. Trong khi đó, phát ngôn viên của chính phủ Phay Siphan khẳng định ông “không biết” liệu phía Campuchia có giám sát dự án này hay không.
Tuy nhiên, Paul Chambers, một nhà phân tích địa phương hiện đang công tác tại trường Đại học Naresuan đã chỉ ra điểm tương đồng giữa dự án Koh Kong với những dự án của Trung Quốc tại Lào và Sri Lanka, đồng thời cảnh báo Campuchia về viễn cảnh tương tự khi nhận tiền đầu tư của Trung Quốc.
Sri Lanka đã chấp nhận cho Trung Quốc thuê Cảng Hambantota trong vòng 99 năm để cấn trừ khoản nợ khổng lồ với Bắc Kinh. Hiện nay chính phủ Campuchia đang cho công ty Trung Quốc thuê mặt bằng dự án UDG với giá khá thấp (khởi điểm 1 triệu USD/năm), và thời hạn kết thúc hợp đồng là năm 2108.
Năm 2016, khoản viện trợ kinh tế mà Campuchia nhận được từ Trung Quốc chiếm 36% tổng giá trị viện trợ kinh tế và 30% số vốn đầu tư nước ngoài của nước này. Và mới đầu năm nay, Bắc Kinh đã cam kết viện trợ thêm 558 triệu USD Mỹ và nhập khẩu 400.000 tấn gạo từ Campuchia.
Các chuyên gia dự đoán Campuchia có thể sẽ càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc khi Mỹ và EU gia tăng các biện pháp cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Phnom Penh.
Một số chuyên gia cho rằng việc tranh cãi giữa Trung Quốc và Campuchia về vấn đề sử dụng cơ sở hạ tầng thuộc dự án là điều sớm muộn sẽ xảy ra, bởi dự án Koh Kong nằm trên một vị trí đắc địa và mang ý nghĩa chiến lược đối với nhiều vấn đề nhạy cảm, trong đó có vấn đề Biển Đông, Đài Loan, và vấn đề nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Chambers, gần đây mối quan hệ quân sự giữa Campuchia và Trung Quốc ngày càng trở nên thân thiết, như việc Bắc Kinh đưa tàu chiến đến Campuchia sau lễ kỷ niệm 40 năm lật đổ chế độ Khmer Đỏ hay tổ chức tập trận chung… rất có thể là dấu hiệu cho thấy ý định hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Campuchia.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen từng tuyên bố rằng việc cho Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự sẽ là trái với Hiến pháp nước này.