Tin khắp nơi – 08/01/2020
Trump phản ứng chừng mực
vụ Iran tấn công căn cứ Mỹ tại Irak
Anh Vũ|Thanh Phương|Thụy My
Sau vụ Iran oanh kích vào căn cứ quân sự ở Irak, theo thông báo của Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump đang theo dõi sát tình hình cùng với Hội đồng An ninh Quốc gia. Trên mạng Twitter tối 07/01/2020, ông Trump phản ứng khá chừng mực và thông báo là sáng nay (08/01) sẽ có tuyên bố về vụ này.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường trình:
“Mọi chuyện vẫn ổn. Iran đã bắn tên lửa vào 2 căn cứ quân sự tại Irak. Chúng tôi đang đánh giá thiệt hại. Cho đến giờ tất cả đều ổn. Bốn giờ sau vụ oanh kích của Iran, Donald Trump đã giảm nhẹ tầm mức của vụ việc qua Twitter. Tổng thống Mỹ nói thêm : Chúng ta có quân đội được trang bị tốt nhất thế giới, tôi sẽ có tuyên bố vào sáng mai.
Chiều hôm qua, Donald Trump đã cảnh cáo Teheran và quả quyết sẵn sàng đáp trả rất mạnh mẽ trong trường hợp Iran tấn công.
Buổi tối, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một người thân cận với tổng thống, sau cuộc nói chuyện với Donald Trump đã trực tiếp gửi đến người Iran thông điệp : Tối nay, hãy để tôi nói với quý vị, nếu quý vị đang xem truyền hình Iran. Tôi vừa điện thoại với tổng thống. Các vị tự quyết định số phận của mình, liên quan đến sức sống của nền kinh tế. Nếu các vị còn tiếp tục những chuyện dại dột như vậy, sẽ có ngày các vị thức dậy mà không còn gì.
Về phần mình, phe Dân Chủ tố cáo đó là bước leo thang thấy trước. Trong cuộc tập hợp tranh cử tại Philadelphia, ông Joe Biden nói đến sự hỗn loạn đã được báo trước. Lãnh đạo khối đa số tại Hạ Viện, bà Nancy Pelosi, phản ứng trên Twitter : Nước Mỹ và thế giới không thể chấp nhận chiến tranh”.
Phản ứng quốc tế
Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hôm 08/01/2020 lên án “một cách mạnh mẽ nhất vụ tấn công” của Iran vào các căn cứ Mỹ ở Irak. Anh quốc vốn có 400 quân nhân và 1.000 thường dân tại Irak, tố cáo hành động “thiếu thận trọng và nguy hiểm” của Teheran. Người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell coi đây là “ví dụ mới về sự leo thang” của Iran.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian lên án vụ tấn công của Iran, kêu gọi kềm chế, cho biết đang làm việc với tất cả các bên liên quan. Paris khẳng định không có ý định rút 160 quân nhân Pháp đang đóng tại Irak về nước, và nhấn mạnh ưu tiên phải dành cho việc chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech).
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh cáo sẽ “đáp trả một cách dữ dội nhất” tất cả các vụ tấn công vào lãnh thổ nước mình. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi “kềm chế”.
Các hãng hàng không hủy chuyến, đổi hành trình bay
Chỉ vài giờ sau vụ tấn công của Iran, ngay tối 07/01, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã ra lệnh cấm các máy bay dân sự của Mỹ bay ngang Irak, Iran và vùng Vịnh.
Các hãng hàng không Emirates, Flydubai hôm 08/01 hủy những chuyến bay đến Bagdad. Trước đó các hãng Gulf Air (Bahrein), Kuwait Airways cũng đã cho ngưng những chuyến bay đến thủ đô Irak. Hãng hàng không Pháp Air France thì ngưng tất cả những chuyến bay đi ngang qua không phận Iran, Irak. Vietnam Airlines loan báo những chuyến bay sang châu Âu sẽ tránh xa không phận Trung Đông.
Chính phủ Philippines cho biết sẽ gởi máy bay và tàu để đưa các công dân đang làm việc ở Irak về nước. Hiện nay có khoảng 1.600 lao động nhập cư người Philippines tại Irak, và tính trên cả Trung Đông là khoảng hai triệu người.
Thị trường tài chính thế giới hôm 08/01 đều sụt giảm, đồng yen và dầu lửa tăng nhẹ.
Cuộc tấn công ở Iran liệu có giúp Trump tái đắc cử?
Hệ lụy từ cuộc không kích của Hoa Kỳ giết chết tướng Qasem Soleimani của Iran chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chính trị Hoa Kỳ.
Những ngày này, dường như tất cả mọi thứ đều có khả năng sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống và vụ tấn công nói trên chắc chắn sẽ là một vấn đề lớn.
Với căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran, hậu quả lâu dài sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách phản ứng của Iran và cường độ của bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra sau đó.
Nếu kết quả cuối cùng là một cuộc rút quân của Hoa Kỳ khỏi Iraq, thì tình hình chính trị có thể đảo lộn, với những tên diều hâu tham chiến hú hét và những kẻ không liên quan ăn mừng.
Nhưng trước mắt, nó sẽ có một số tác động đáng kể lên cả các cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ra ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ vốn sẽ bắt đầu chưa đầy một tháng nữa, lẫn cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.
Máy bay Ukraine chở 180 người rơi ở Iran
50 người chết vì giẫm đạp tại lễ an táng tướng Iran
Mỹ phủ nhận việc rút quân khỏi Iraq sau lá thư ‘gửi nhầm’
Iran phóng tên lửa đạn đạo vào căn cứ của Mỹ ở Iraq
Một tổng thống thời chiến?
Thông thường, khi một tổng thống Mỹ đối mặt với một cuộc khủng hoảng về đối ngoại, tỉ lệ cử tri ủng hộ ông ta sẽ tăng lên một cách ngắn hạn.
Đây là hiệu ứng “vì quốc kỳ” (rally around the flag) giúp thúc đẩy vị thế của George H.W. Bush trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Còn con trai ông, George W Bush, thì cũng nhận được lượng ủng hộ tăng mức kỷ lục vài ngày sau vụ tấn công 11/9 và các vụ ném bom ở Afghanistan sau đó.
Tuy nhiên, điều đó phải liên quan đến những động thái lớn về quân sự. Còn khi nguy cơ không quá cao, thì lợi ích chính trị từ một khủng hoảng về đối ngoại lại không mấy rõ ràng.
Tỷ lệ tín nhiệm của Barack Obama gần như không thay đổi trong cuộc chiến tranh không kích năm 2011 ở Libya. Còn khi Donald Trump bắn tên lửa vào căn cứ không quân Syria để đáp trả việc nước này sử dụng vũ khí hóa học thì tuy tỉ lệ tín nhiệm với ông có tăng nhẹ nhưng nó lại không gây ra nhiều khác biệt khi mà trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, tỉ lệ tín nhiệm với ông lại tương đối ổn định.
Cuộc khảo sát đầu tiên sau cuộc tấn công giết chết tướng Soleimani cho thấy, công chúng bị chia rẽ mạnh mẽ về cách xử lý tình huống của Trump cũng như những việc khác mà vị tổng thống này đã làm. Đa số người tham gia khảo sát chấp thuận hành động, nhưng cũng từng đó người bày tỏ lo ngại rằng tổng thống đã không “lên kế hoạch một cách đủ cẩn thận”.
Một chiến thắng huy hoàng hay là một cuộc chiến đẫm máu kéo dài, cuối cùng thì cách nhìn của công chúng đối với tổng thống Trump có thể vẫn không thay đổi gì mấy.
Sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa
Ông Trump có thể được hưởng lợi từ vụ việc này, tuy nhiên, ông ta sẽ hưởng lợi bằng cách vận động từ chính những người ủng hộ mình.
Trong cuộc thăm dò của Huffington Post, 83% đảng Cộng hòa cho biết họ đồng ý với cuộc không kích. Trong khi đó, những người ủng hộ tổng thống coi cuộc tấn công ông Soleimani là cách mới nhất để “kích động” các đối thủ chính trị.
Trên mạng xã hội, phản ứng phổ biến của những người ủng hộ Trump đối với những người bày tỏ lo ngại về hậu quả của cuộc tấn công Soleimani là “xin lỗi vì sự mất mát của bạn”.
Babylon Bee, một trang web châm biếm của phe bảo thủ, đã nói đùa rằng đảng Dân chủ muốn treo cờ rũ để thương tiếc cho cái chết của Soleimani.
Căng thẳng ở Trung Đông cũng có thể giúp tổng thống bằng cách chuyển hướng của sự chú ý của công luận ra khỏi cuộc luận tội và phiên tòa sắp tới ở Thượng viện.
“Chim bồ câu” của Đảng Dân chủ
Về phía đảng Dân chủ, cuộc tấn công với Soleimani có thể tiếp thêm sinh lực cho một phong trào phản chiến ở bên trong đảng này, vốn đã khá yên ắng kể từ đỉnh điểm là cuộc chiến ở Iraq.
Bernie Sanders, một trong những ứng cử viên hàng đầu cho vị trí tổng thống của Đảng Dân chủ, đã nhanh chóng đưa ra quan điểm phản chiến, ủng hộ hòa bình của mình.
“Tôi đã đúng về Việt Nam. Tôi đã đúng về Iraq. Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn chiến tranh với Iran”, ông viết trong một tweet cùng một đoạn video nói về những nỗ lực chống phản chiến của mình.
Tulsi Gabbard, một ứng cử viên khác, cũng phản đối mạnh mẽ những gì mà bà coi là “cuộc chiến thay đổi chế độ” mà cả hai bên đang theo đuổi, nói rằng cuộc tấn công của Soleimani là một “hành động chiến tranh” vi phạm hiến pháp Hoa Kỳ.
Tuy nhiên những tuyên bố đó trái ngược với các ứng cử viên Dân chủ khác, cả hai đều lên án Soleimani, vốn đã tiếp tay cho các cuộc chiến ủy nhiệm chống lại các lực lượng Hoa Kỳ trong khu vực, nhưng cũng chỉ trích toan tính của cuộc tấn công.
“Có nhiều câu hỏi đặt ra về việc quyết định này được đưa ra như thế nào và liệu chúng ta đã chuẩn bị cho hậu quả hay chưa,” bà Pete Buttigieg nói. Còn Elizabeth Warren gọi Soleimani là “kẻ giết người,” và Amy Klobuchar thì bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực.
Trong khi đó, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg đã nhắm vào Sanders khi nói rằng thật “xúc phạm” khi thượng nghị sĩ bang Vermont gọi cuộc tấn công nói trên là “vụ ám sát” (một từ đượcmột số ứng cử viên Dân chủ sử dụng).
“Đây là một người đã nhuốm máu người Mỹ”, Bloomberg nói. “Những người tôi biết không au cho rằng chúng ta đã làm gì đó sai khi tấn công vị tướng này.”
Có một sự rạn nứt trong nội bộ Đảng Dân chủ giữa những người theo phe cấp tiến và những người ôn hòa luôn hiện rõ qua các cuộc tranh luận. Nếu cuộc khủng hoảng Iran trở nên nóng hơn, việc sử dụng lực lượng quân sự có thể trở thành một chủ đề cũng gây chia rẽ không kém.
Thách thức từ Biden
Theo cuộc thăm dò của Huffpost, cuộc tấn công của Soleimani lại là tin đặc biệt tốt cho ứng cử viên hàng đầu đảng Dân chủ Joe Biden, với 62% cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và thiên tả nói rằng họ “tin tưởng” ông Biden về vấn đề Iran. Ông Biden vượt xa Sanders và Warren, khi chỉ 47% cử tri cho biết họ tin tưởng hai ứng viên này về vấn đề này.
Một phản ứng như vậy sẽ không có gì là đáng ngạc nhiên. Ông Biden có kinh nghiệm lâu năm về chính sách đối ngoại, bao gồm tám năm làm phó tổng thống và và một nhiệm kỳ là chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện.
Tuy nhiên, hồ sơ đó không hoàn toàn là một điểm mạnh, vì nó cũng gây chú ý đến sự ủng hộ của Biden dành cho Chiến tranh Iraq năm 2003.
Trả lời câu hỏi của cử tri ở Iowa hôm thứ Bảy, ông Biden nói trong khi ông bỏ phiếu ủy quyền cho Chiến tranh Iraq, ông đã phản đối việc Tổng thống Bush xử lý cuộc xung đột “ngay từ lúc đó”.
Tuy nhiên, Biden đã lên tiếng ủng hộ cuộc chiến đó trước và sau khi nó được phát động, và chỉ lần đầu tiên bày tỏ sự hối tiếc từ 2005.
Ông Biden càng tìm cách quanh co về vấn đề Chiến tranh Iraq, giới truyền thông sẽ càng bới móc những thông tin sai lệch hay phóng đại của ông ta, và những đối thủ chính trị của ông sẽ tìm thấy điểm yếu họ có thể khai thác.
“Không đủ dưỡng khí”
Như thể cuộc chiến luận tội vào tháng 12 vẫn là chưa đủ với các ứng viên đảng Dân chủ nhằm thu hút sự chú ý của công luận, nhưng giờ đây, thông tin này còn phải cạnh tranh với Iran và một phiên tòa luận tội ở thượng viện.
Đó là tin xấu với các ứng cử viên như Cory Booker, Deval Patrick, Tom Steyer và một vài người khác vẫn còn trong cuộc đua nhưng đã gần như biến mắt trong các cuộc thăm dò và không đủ ngưỡng yêu cầu để tham gia các cuộc tranh luận quan trọng sắp tới nhằm tìm ứng viên ra tranh cử tổng thống.
Nó cũng có thể gây khó cho Klobuchar, dù đã có một sự tăng nhẹ trong số tiền gây quỹ và lượng người ủng hộ trong cuộc thăm dò muộn ở Iowa, nhưng điều đó sẽ chưa đủ nếu cử tri trở nên quá bận tâm với các sự kiện ở nước ngoài.
Trong chính trị tranh cử tổng thống, sẽ rất có lợi nếu ứng viên trở nên nổi bật ở gần cuối cuộc đua. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng Iran hiện tại, điều đó có thể là đã quá muộn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51016127
Ngũ Giác Đài nói sẽ không vi phạm luật chiến tranh,
bất chấp lời đe dọa của Tổng thống Trump
Tin từ Washington, DC – Hôm thứ Hai (06 tháng 01), bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Mark Esper đã đưa thông báo nhấn mạnh rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ không vi phạm luật xung đột vũ trang bằng cách không tấn công các địa điểm văn hóa của Iran, một biện pháp đe dọa của tổng thống Trump.
Theo luật pháp quốc tế, việc nhắm mục tiêu vào các địa điểm văn hóa bằng hành động quân sự được coi là tội ác chiến tranh, các luật cũng bao gồm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà chính quyền tổng thống Trump cam kết vào năm 2017, và Công ước Hague năm 1954 về việc Bảo vệ Di sản Văn hóa. Việc Hoa Kỳ không kích bằng máy bay không người lái hôm thứ Sáu (03 tháng 01) giết chết chỉ huy quân đội Iran, Qassem Soleimani, đã khiến căng thẳng với Iran leo thang, làm dấy lên lo lắng về cuộc xung đột vũ trang toàn diện.
Washington nói rằng họ giết Soleimani để tự vệ, nhằm phá vỡ kế hoạch tấn công nhân viên và lợi ích của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh Iran đe dọa trả thù cho Soleimani, hồi cuối tuần qua tổng thống Trump đã tweet rằng Hoa Kỳ đã nhắm vào 52 địa điểm văn hóa của Iran, trong đó có một số địa điểm rất linh thiêng và quan trọng đối nền văn hóa của Iran, nếu Iran tấn công vào bất kỳ tài sản nào của Hoa Kỳ hoặc người Mỹ để trả đũa.(BBT)
Nguy cơ Mỹ-Iran tính toán sai dẫn tới chiến tranh tổng lực
Nhiều chuyên gia cho rằng, cả Mỹ và Iran đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột toàn diện, nhưng không thể xem nhẹ khả năng chiến tranh bùng nổ, nhất là khi giới lãnh đạo thề sẽ trả thù cho tư lệnh Qassem Soleimani.
Quan hệ Mỹ-Iran hiện nay đang đu đưa trên lưỡi dao; sảy chân một cái là đứt, báo Mỹ Vox nhận định.“Điều này sẽ giống cơn biến động bạo lực tương tự sự hỗn loạn mà phong trào Mùa xuân Ả rập đã gây ra cho khu vực trong nhiều năm”, ông Ilan Goldenberg, lãnh đạo nhóm phụ trách vấn đề Iran của Bộ Quốc phòng Mỹ giai đoạn 2009-2012, so sánh.
Chiến thuật bạo lực hơnIran rất muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang làm què quặt nền kinh tế của mình nhưng có ít sự lựa chọn để khiến chính quyền Donald Trump đổi ý. Theo giới quan sát, các nhà lãnh đạo Iran có thể chọn một chiến thuật bạo lực hơn để phía Mỹ đổi ý, đặc biệt là sau cái chết của tướng Soleimani.Phía Iran có thể đánh bom, ốp mìn một tàu chở dầu của Mỹ đi qua eo biển Hormuz – tuyến đường biển sống còn đối với thương mại năng lượng toàn cầu, hiện do các lực lượng của Iran tuần tra gắt gao. Vụ đánh bom này sẽ gây tổn thất về nhân mạng hoặc gây sự cố tràn dầu nghiêm trọng.Các hacker khét tiếng của Iran có thể tổ chức một cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông như Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất…Ngoài ra, các lượng lượng ủy nhiệm của Iran có thể theo dõi, sát hại binh sĩ và nhà ngoại giao Mỹ ở Iraq. Sự lựa chọn này rất có khả năng xảy ra, các chuyên gia nhận định.Iran từng đánh bom trại lính thủy đánh bộ Mỹ ở Li-băng năm 1983 và hạ gục hơn 600 lính Mỹ trong chiến tranh Iraq. “Iran có thể tự thuyết phục bản thân rằng, họ có thể làm được điều đó”, ông Goldenberg (hiện công tác tại Trung tâm An ninh Mỹ mới) nói.Nếu Iran phá hủy một tàu chở dầu, khiến người chết, dầu tràn, Mỹ có thể sẽ đánh phá một số tàu của Iran. Nếu Tehran bắn hạ một máy bay không người lái nữa của quân đội Mỹ, Washington có thể phá hoại một số hệ thống phòng không của Tehran.Nếu lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn giết người Mỹ
ở Iraq, lính Mỹ đồn trú ở đó có thể triệt hạ các tay súng dân quân và căn cứ của họ để trả đũa. Thậm chí Mỹ có thể đánh bom một số cơ sở huấn luyện ở Iran, hoặc ám sát các quan chức cấp cao.Đến mức này, cả Mỹ và Iran sẽ cần liên lạc với nhau để bàn cách thức không vượt qua lằn ranh đỏ. Vấn đề là ở chỗ hiện hai nước không có kênh trao đổi trực tiếp và không tin tưởng lẫn nhau. Vì thế, tình hình có khả năng vượt tầm kiểm soát.
Sai một ly đi ngàn dặmVì Mỹ và Iran không nói chuyện với nhau nên chủ yếu họ phải đoán xem đối phương sẽ làm gì tiếp theo. Ông Eric Brewer, người có nhiều năm làm việc trong cộng đồng tình báo trước khi gia nhập Hội đồng An ninh quốc gia của Tổng thống Trump để làm việc về các vấn đề Iran, nói rằng, khi thiếu thông điệp của đối phương, Lầu Năm Góc và các cơ quan khác của chính phủ chủ yếu dựa vào các kế hoạch mà họ lập ra một cách kỹ càng nhất, nhưng vấn đề là chiến tranh thường nổ ra theo cách khó lường nhất.Đây là một kịch bản mà Mỹ có thể tính toán nhầm và mở cửa cho sự hỗn loạn. Sau khi Mỹ tung ra đợt tấn công trả đũa đầu tiên, Iran quyết định phóng tên lửa vào các khu vực khác nhau của Mỹ.Lúc này, chính quyền Trump phải tìm hiểu tại sao Iran lại làm như vậy. Một số người có thể nghĩ rằng, đó là vì Tehran có kế hoạch tấn công các đại sứ quán, căn cứ quân sự hoặc đồng minh của Mỹ trong khu vực và đang di chuyển các tên lửa của họ tới đúng vị trí để thực hiện điều đó.Một số người khác lại có thể tin rằng, đó đơn giản chỉ là để phòng vệ, Iran cố gắng bảo vệ kho tên lửa của mình khỏi bị Mỹ tấn công trong tương lai. Nếu phe tin Iran chuẩn bị phóng tên lửa thắng thế, họ có thể thuyết phục tổng thống đánh đòn phủ đầu, áp dụng kế “tiên phát chế nhân” (ra tay trước để chế ngự đối phương).Nếu dự đoán đúng, họ đã đảm bảo rằng Iran sẽ không thể thực hiện kế hoạch phóng tên lửa vào Mỹ. Nhưng nêu đoán sai (thực tế là Iran chỉ muốn di chuyển tên lửa sang chỗ khác vì sợ Mỹ tiếp tục không kích để phá hủy) thì Mỹ sẽ phải đánh bom Iran lần nữa và lần này chẳng có lý do gì, khiến Mỹ trông giống như kẻ xâm lược. Và điều này có thể khiến Iran trả đũa bằng một vụ tấn công lớn hơn, khởi động một vòng xoáy kết thúc bằng chiến tranh tổng lực.Iran cũng có thể mắc sai lầm nghiêm trọng. Thử tưởng tượng, Tổng thống Trump điều 25.000 quân cùng nhiều máy bay chiến đấu hiện đại tới Trung Đông với hy vọng răn đe Iran, để nước này không dám leo thang xung đột. Nhưng Iran lại coi động thái đó là chuẩn bị cho xâm lược nên chọn cách tấn công trước.Tất nhiên, những cái đầu lạnh có thể giữ cho tình hình nằm trong vòng kiểm soát. Nhưng các chuyên gia nói rằng, sức ép chính trị đối với cả Washington và Tehran rằng họ không bị tấn công trước, không bị xấu hổ hoặc không bị trông yếu thế có thể quá mạnh, khiến cái đầu của lãnh đạo nhà nước trở nên nóng hơn.“Thương vong dân thường ngoài ý muốn hoặc các tổn thất ngoài dự kiến luôn có thể xảy ra và hiện không rõ rằng, chính quyền Trump, hay bất kỳ chính quyền nào, có hiểu được lằn ranh đỏ của Iran là gì. Vì thế, rủi ro lớn nhất của một cuộc chiến tranh toàn diện đến từ một bên tính toán sai khả năng kiềm chế xung đột của bên kia”, bà Jasmine El-Gamal, công tác tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, nói.
Hạt giống xung độtHạt giống xung đột không phải được được gieo từ mỗi vụ không kích sân bay quốc tế Baghdad tối 3/1. Washington và Tehran lâm vào thế đối đầu bế tắc nhiều tháng qua và chỉ có xu hướng leo thang.Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế hồi năm ngoái, Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với kinh tế Iran với lý do nước này ủng hộ khủng bố, phát triển chương trình tên lửa… Iran “phản pháo” bằng cách vi phạm một phần của thỏa thuận hạt nhân, tấn công tàu chở dầu, bắn hạ một máy bay không người lái của quân đội Mỹ.Cuộc khủng hoảng leo thang sau khi Ketaib Hezbollah, một lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, tổ chức tấn công bằng rocket, sát hại một nhà thầu Mỹ và làm bị thương nhiều người khác. Vụ tấn công này dẫn tới việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công trả đũa nhằm vào 5 mục tiêu ở Iraq và Syria, khiến 25 tay súng dân quân thiệt mạng. Ketaib Hezbollah tổ chức biểu tình phản đối bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad; một số người lọt được vào khuôn viên và đốt phá…
Viễn cảnh chiến tranh Mỹ-Iran: Địa ngục trần gian
Sau khi tướng Qasem Soleimani bị Mỹ ám sát ở Iraq, Iran thề trả đũa dữ dội; nếu chiến tranh Mỹ-Iran bùng nổ, đây sẽ là một trong các cuộc xung đột tồi tệ nhất trong lịch sử.
Các chuyên gia nhận định, Tehran có mọi lý do, động lực để trả đũa Washington, sử dụng các lực lượng ủy nhiệm của mình để tấn công các lợi ích thương mại của Mỹ ở Trung Đông, các đồng minh của Mỹ, thậm chí các nhà binh sĩ, ngoại giao Mỹ tại các căn cứ quân sự, đại sứ quán trong khu vực, trang tin Mỹ Vox đưa tin. Eurasia Group, công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị toàn cầu, nhận định, xác suất xảy ra “một sự đối đầu quân sự quy mô lớn hoặc hạn chế” giữa Mỹ và Iran là 40%.Các mũi tiến công của MỹChiến lược của Mỹ gần như chắc chắn sẽ là sử dụng sức mạnh không quân và hải quân vượt trội để sớm chế ngự Iran. “Bạn không chọc tổ ong, bạn đánh rớt cả tổ”, ông Ilan Goldenberg, lãnh đạo nhóm phụ trách vấn đề Iran của Bộ Quốc phòng Mỹ giai đoạn 2009-2012, nói. Quân đội Mỹ sẽ đánh bom các tàu, máy bay chiến đấu đang đỗ, địa điểm tên lửa, cơ sở hạt nhân, cơ sở huấn luyện của Iran, đồng thời tấn công mạng vào hầu hết cơ sở hạ tầng quân sự của nước này. Mục tiêu là làm suy yếu các lực lượng truyền thống của Iran trong vài ngày, vài tuần đầu tiên, khiến Tehran gặp nhiều khó khăn hơn khi chống lại sức mạnh Mỹ.“Tuy nhiên, khó có khả năng người Iran sẽ đầu hàng. Một chiến dịch không quân lớn khó mà tạo ra kết quả mong muốn. Nó chỉ khiến xung đột leo thang”, ông Michael Hanna, chuyên gia Trung Đông tại Quỹ Century Foundation (Mỹ), nhận định. Các cuộc không kích dẫn tới thiệt hại nhân mạng, trong đó có dân thường vô tội và điều này có thể khiến người dân Iran ủng hộ chế độ và đoàn kết chống Mỹ.Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có tín hiệu rằng, ông không muốn gửi bộ binh tới Iran, hoặc tham chiến quá lâu ở đó. Ông có xu hướng giữ Mỹ tránh xa các cuộc chiến ở nước ngoài, đặc biệt tại Trung Đông. Nhưng các trợ lý có đường lối cứng rắn như Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể thuyết phục ông không tỏ ra yếu đuối, phải tham chiến và giành thắng lợi. Nhưng rủi ro có nhiều. Iran hiện có dân số gần gấp 3 dân số Iraq năm 2003 khi chiến tranh xảy ra và có diện tích gấp 3,5 lần Iraq. Iran có các dãy núi nhỏ dọc theo một phần biên giới. Vào từ ngả Afghanistan ở phía đông có nghĩa là phải đi qua 2 sa mạc.Vào từ ngả phía Tây cũng khó khăn vì Thổ Nhĩ Kỳ không muốn Mỹ sử dụng lãnh thổ của mình để xâm lược. Mỹ có thể vào Iran theo cách Saddam Hussein thực hiện trong chiến tranh Iran-Iraq: Tiếp cận vùng nước giáp biên giới tây nam. Nhưng đó là khu vực đầm lầy – nơi hai con sông Tigris và Euphrates gặp nhau và tương đối dễ bảo vệ.Nếu Tổng thống Trump chọn cách đột kích Iran bằng đường bộ, ông sẽ cần tới khoảng 1,6 triệu quân để giành quyền kiểm soát thủ đô Tehran và sau đó là toàn bộ Iran. Trong thực tế, lượng quân nhân Mỹ ở Iraq chưa bao giờ vượt quá 180.000 người. Giới phân tích ước tính, chiến tranh Mỹ-Iran có thể dẫn tới cái chết của hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người. Và nếu cưỡng bức thay đổi chế độ thì tổng số người chết có thể lên tới hàng triệu.Không muốn chiến tranhÔng Goldenberg, người mới đây gặp gỡ các quan chức ở vùng Vịnh, nói rằng, không quan chức nào muốn xảy ra chiến tranh Mỹ-Iran. Các nước châu Âu cũng lo hàng triệu người tị nạn sẽ tràn vào lục địa già, trong khi họ đang phải vật lộn với hậu quả khủng hoảng người tị nạn Syria. Israel cũng lo các lực lượng ủy nhiệm của Iran sẽ nhằm vào họ.Trong khi đó, các nước thân thiện với Iran như Nga, Trung Quốc sẽ cố gắng hạn chế giao tranh và tận dụng cơ hội, chuyên gia Hanna nói. Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào hàng hóa của họ đi qua eo biển Hormuz, nên sẽ kêu gọi các bên bình tĩnh, kêu gọi Iran không đóng cửa eo biển.Nga cũng có thể kêu gọi các bên kiềm chế và củng cố quan hệ với Iran. Vì cả Nga và Trung Quốc có quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nên họ có khả năng phá hủy tính hợp pháp chính trị cho cuộc chiến mà Mỹ có thể muốn giành được thông qua Hội đồng.Vì thế, hy vọng đối với chính quyền Trump sẽ là xung đột sớm chấm dứt sau loạt không kích đầu tiên, nếu không, sẽ chỉ còn lại những sự lựa chọn tồi tệ khiến tình hình trầm trọng hơn rất nhiều.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32535-vien-canh-chien-tranh-my-iran-dia-nguc-tran-gian.html
Công ty sản xuất thiệp Hallmark Cards
sẽ cắt giảm khoảng 400 việc làm
Tin từ Kansa, Missouri – Vào hôm thứ hai (ngày 6 tháng 1), công ty sản xuất thiệp Hallmark Cards cho biết họ sẽ cắt giảm khoảng 400 việc làm trên toàn cầu, bao gồm 325 việc làm tại các trụ sở của công ty này ở Thành Phố Kansas, Missouri. Công ty cho biết thêm rằng các công nhân bị ảnh hưởng sẽ nhận được trợ cấp thôi việc và hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới.
Giám đốc điều hành Hallmark Cards, ông Mike Perry, cho biết môi trường bán lẻ và tiêu dùng phát triển nhanh chóng đòi hỏi công ty phải thay đổi cách thức kinh doanh. Hallmark thuê khoảng 3,400 người tại Thành phố Kansas và 30,000 người trên toàn thế giới. Ngoài thiệp chúc mừng, công ty còn sở hữu Hallmark Channel trên truyền hình cable, cửa hàng Hallmark Gold Crown, nhãn hiệu bán dụng cụ nghệ thuật Crayola và một công ty phát triển bất động sản giám sát khu phức hợp Crown Center của Thành Phố kansas.
https://www.sbtn.tv/cong-ty-san-xuat-thiep-hallmark-cards-se-cat-giam-khoang-400-viec-lam/
IKEA bồi thường 46 triệu Mỹ kim
cho gia đình bé trai 2 tuổi bị tủ đồ đè chết
Công ty nội thất IKEA đã đồng ý bồi thường 46 triệu mỹ kim cho gia đình của một bé trai bị tủ đồ đè chết. Bé Jozef Dudek, 2 tuổi, đã chết vì thương tích vào năm 2017 sau khi bị đè bởi chiếc tủ “Malm” nặng 70 pound của IKEA. Các sản phẩm nội thật thuộc dòng Malm đã được IKEA thu hồi vào năm 2016 sau khi 3 đứa trẻ tại tiểu bang Pennsylvania, Washington và Minnesota cũng thiệt mạng sau khi bị tủ đè.
Gia đình của 3 đứa trẻ nói trên đã nhận được khoản tiền bồi thường trị giá 50 triệu mỹ kim từ công ty nội thất vào tháng 12 năm 2016. Trong một vụ kiện được đệ trình vào năm ngoái tại Philadelphia, gia đình của bé Jozef đã lập luận rằng IKEA biết rằng tủ thay đồ của họ có nguy cơ sẽ ngã và gây chấn thương cho người sử dụng, nhưng đã không nói với khách hàng rằng họ nên cố định chiếc tủ vào tường trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, thỏa thuận bồi thường từ gia đình bé Jozef còn yêu cầu IKEA phải có cuộc họp với tổ chức Parents Against Tip-Overs, đồng thời tìm cách thông báo với các khách hàng về các sản phẩm đã được thu hồi.
Theo báo cáo năm 2018 từ Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2017, đã có đến hơn 28,000 thương tích liên quan đến việc người tiêu dùng bị đè bởi đồ nội thất và có đến 542 trường hợp tử vong. Trong đó, có đến 80% các trường hợp tử vong là trẻ nhỏ hơn 14 tuổi.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/ikea-boi-thuong-46-trieu-my-kim-cho-gia-dinh-be-trai-2-tuoi-bi-tu-do-de-chet/
Cựu cố vấn Michael Flynn bị đề nghị 6 tháng tù
Tin Washington DC – Công tố viên vào thứ Ba, 7 tháng 1, đã đề nghị 6 tháng tù cho cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn, với lý do rằng ông Flynn đã không nhận trách nhiệm cho các hành động của ông và phá hoại một vụ án hình sự khác. Văn bản đề nghị hình phạt cho thấy Bộ Tư Pháp phản ứng khá gay gắt đối với các nỗ lực gần đây của ông Flynn, khi ông cố gắng giảm nhẹ các lời nhận tội trước đây trong cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Bộ Tư Pháp cũng nói rằng ông Flynn đã tìm cách ngăn cản cuộc điều tra của chính phủ đối với một cựu đối tác thương mại của ông. Văn bản của Bộ Tư Pháp viết, có vẻ như bị cáo Flynn vẫn không học được bài học cần thiết, và đã cư xử như thể luật pháp không được áp dụng cho ông ta, và ông ta không phải chịu trách nhiệm cho các hành động của ông. Theo các công tố viên, do tính nghiêm trọng của các vi phạm của bị cáo, sự vô trách nhiệm và sự phá hoại đối với một vụ án khác, và sự cần thiết của việc duy trì tính nghiêm minh của pháp luật, hình phạt thích hợp cho ông Flynn là từ 0 đến 6 tháng tù. Ông Flynn, 61 tuổi, dự kiến sẽ bị tuyên án vào ngày 28 tháng 1, hơn 2 năm sau khi ông nhận tội nói dối với các nhà điều tra liên bang. Bộ Tư Pháp nói bản án của ông Flynn phải có đủ tính răn đe, để người khác không dám nói dối với chính phủ liên bang.
Ông Flynn từng là cố vấn An ninh quốc gia cho Tổng Thống Donald Trump, nhưng chỉ làm việc trong vòng gần 1 tháng vào đầu năm 2017, sau đó phải từ chức vì bị cáo buộc có giao dịch với các viên chức nước ngoài.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cuu-co-van-michael-flynn-bi-de-nghi-6-thang-tu/
Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định
sẽ không tranh cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ
Vào thứ hai (ngày 6 tháng 1), Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã nói với Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell rằng ông sẽ không tranh cử vào Thượng viện.
Trước đó, Ngoại trưởng đã xem xét việc tranh cử ghế thượng nghị sĩ tiểu bang Kansas, và việc ông Pompeo liên tục viếng thăm tiểu bang này khiến nhiều người tin rằng ông sẽ tiến hành cuộc tranh cử. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với ông McConnell cho biết trong một cuộc nói chuyện giữa hai người diễn ra vào chiều thứ hai, ông Pompeo đã khẳng định sẽ không tranh cử vào Thượng Viện. Bên cạnh đó, ông McConnell tin rằng ông Pompeo đang làm rất tốt vai trò Ngoại Trưởng.
Tương lai chính trị của Ngoại Trưởng Pompeo đã trở nên phức tạp sau vụ vướng mắc của ông trong cuộc tranh cãi ở Ukraine, và sự thất bại của ông trong việc bảo vệ cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, bà Marie Yovanovitch, đã mang lại sự chỉ trích và lo ngại từ cộng đồng ngoại giao và đảng Dân chủ.
Theo CBS News, ông Pompeo đã hoãn một chuyến thăm Ukraine trong tháng này sau vụ tấn công Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Baghdad. (BBT)
https://www.sbtn.tv/ngoai-truong-mike-pompeo-khang-dinh-se-khong-tranh-cu-vao-thuong-vien-hoa-ky/
Thâm hụt thương mại của Mỹ
thấp nhất trong ba năm gần đây
Thâm hụt thương mại của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm vào tháng 11 khi nhập khẩu giảm hơn nữa, do chiến tranh thương mại của chính quyền Trump với Trung Quốc, và xuất khẩu tăng trở lại.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại giảm 8,2% xuống còn 43,1 tỉ đôla trong tháng 11, con số nhỏ nhất kể từ tháng 10 năm 2016. Cách biệt thương mại thu hẹp 0,7% trong tháng 11 và đang trên đà đạt mức sụt giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2013.
Khi điều chỉnh theo lạm phát, thâm hụt thương mại hàng hóa giảm 3,7 tỉ đôla xuống còn 75,3 tỉ đôla trong tháng 11, thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2017.
Các nhà kinh tế dự kiến thương mại sẽ thêm ít nhất 1,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong quý bốn sau hai quý liên tiếp đóng vai trò như lực cản, Reuters loan tin. Tuy nhiên, tăng trưởng từ thương mại dự kiến sẽ bị hạn chế phần nào bởi sự điều tiết trong tốc độ tích lũy hàng tồn kho.
Mỹ và Trung Quốc hiện đang vướng vào một cuộc chiến thương mại gay gắt, và Nhà Trắng cũng đã giằng co với các đối tác thương mại khác, bao gồm Liên minh Châu Âu, Brazil và Argentina, cáo buộc họ phá giá tiền tệ của họ gây tổn hại cho các nhà sản xuất Mỹ.
Dù Washington và Bắc Kinh vào tháng 12 đã soạn thảo một thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1,” song các chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tổng thống Donald Trump cho biết vào thứ Ba tuần trước rằng thỏa thuận một phần sẽ được kí vào ngày 15 tháng 1 tại Nhà Trắng.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài 18 tháng đã làm suy yếu đầu tư kinh doanh mà, cùng với tăng trưởng chậm lại ở nước ngoài, đã dẫn đến suy thoái trong sản xuất. Các nhà kinh tế dự kiến sản xuất sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì thuế quan chưa được bãi bỏ hoàn toàn. Những vấn đề trong lĩnh vực sản xuất dường như không lan tỏa đáng kể sang các ngành dịch vụ.
Động đất mạnh 6.4 độ richter ở Puerto Rico,
toàn đảo mất điện
Tin từ Puerto Rico – Hôm thứ Ba (07 tháng 01) một trận động đất mạnh 6.4 độ richter đã xuất hiện ngoài khơi Puerto Rico, khiến ít nhất một người thiệt mạng và toàn đảo mất điện. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (UGSG) cho biết trận động đất diễn ra ở phía nam của hòn đảo lúc 04 giờ 24 sáng ở độ sâu khoảng sáu dặm. Không có khuyến cáo về sóng thần. Ít nhất một người đã chết trong trận động đất.
Thị trưởng Mayita Meléndez nói với đài truyền hình WapA rằng có 8 người bị thương ở thành phố Ponce, gần tâm chấn của trận động đất. Jose Ortiz, Giám đốc điều hành của Cơ quan năng lượng điện ở Puerto Rico, xác nhận nhà máy điện Central Costa Sur ở phía nam của hòn đảo bị thiệt hại và họ hy vọng hệ thống hoạt động trở lại vào ngày hôm nay. Chính quyền cho biết toàn bộ nhà máy điện đã ngừng hoạt động do tính năng an toàn tự bảo vệ được kích hoạt sau trận động đất.
Trận động đất mới nhất xảy ra trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi trận động đất mạnh 5.8 độ xảy ra trước bình minh hôm thứ Hai (06 tháng 01). Trận động đất trước đó đã gây thiệt hại cho thị trấn ven biển Guanica. Nó cũng phá hủy vòm đá nổi tiếng Punta Ventana, một địa danh mang tính biểu tượng được mô tả là một kỳ quan thiên nhiên.
Một loạt các trận động đất ở khu vực phía nam của Puerto Rico đã bắt đầu vào đêm 28/12/2019. Victor Huerfano, giám đốc Mạng lưới địa chấn của Puerto Rico, cho biết các trận động đất xảy ra dọc theo ba điểm đứt gãy ở khu vực phía tây của Puerto Rico: Thung lũng Lajas Valley, Montalva Point và hẻm núi Guayanilla Canyon. (BBT)
https://www.sbtn.tv/dong-dat-manh-6-4-do-richter-o-puerto-rico-toan-dao-mat-dien/
Liên quân quốc tế chống Daech ở Irak
có dấu hiệu rạn nứt
Thanh Phương
Trong khi tổng thống Donald Trump nói rõ là Hoa Kỳ không hề có ý định rút quân khỏi Irak, một số nước đồng minh phương Tây của Mỹ đã thông báo triệt thoái một phần lực lượng, gây lo ngại là căng thẳng hiện nay giữa Teheran và Washington sẽ gây tác hại cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Liên quân quốc tế chống Daech chủ yếu bao gồm lực lượng Mỹ với 5.200 quân, còn lại là lực lượng Canada (500 quân), Anh (400 quân), Pháp (200 quân), Đức (120 quân).
Ngày 07/01/20120, tổng thống Trump và các bộ trưởng Mỹ đã cố cải chính thông tin về quyết định của Washington rút quân khỏi Irak như nội dung một bức thư được lan truyền trên mạng xã hội hôm 06/01. Đó là bức thư mà chính quyền Trump gởi nhầm cho chính phủ Bagdad thông báo các bước chuẩn bị cho việc triệt thoái quân Mỹ khỏi Irak. Bức thư có nhắc đến nghị quyết của Quốc Hội Irak yêu cầu chính phủ Bagdad « trục xuất » các lực lượng nước ngoài khỏi Irak sau vụ sát hại tướng Iran Soleimani.
Để giải tỏa cảm tưởng là « mạnh ai nấy chạy », chủ nhân Nhà Trắng hôm 07/01 tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Irak « sẽ là điều tệ hại nhất đối với Irak, do mối đe dọa của nước láng giềng Iran ». Ông Trump nói thêm : « Đến một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ rời đi, nhưng thời điểm đó chưa đến ». Gần như cùng lúc với tổng thống Trump, bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper nhấn mạnh trong một cuộc họp báo là chính sách của Mỹ không thay đổi : « Chúng tôi sẽ không rời khỏi Irak ».
Nhưng trong khi đó, liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Sau khi Quốc Hội Irak thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ « chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài », nhiều quốc gia đã xét lại sự tham gia của họ ở Irak.
Trước mắt, Pháp cho biết sẽ ở lại Irak, nhưng Canada và Đức hôm 07/01 đã thông báo tái bố trí một phần lực lượng của họ sang Jordani và Koweit.
Riêng về nước Đức, ủy viên của Quốc Hội đặc trách các lực lượng vũ trang Hans-Peter Bartels tuyên bố trên tờ Les Echos : « Chúng tôi rất muốn trợ giúp chính phủ Irak, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận những rủi ro quá lớn cho lực lượng của chúng tôi chừng nào mà tình hình chưa được làm sáng tỏ ».
Khối NATO cũng đã quyết định tạm thời rút một phần nhân viên khỏi Irak, vì nhận thấy tình hình an ninh ở nước này ngày càng xấu đi, với nguy cơ xảy ra ngày càng nhiều vụ tấn công khủng bố do Iran điều khiển từ xa nhắm vào các mục tiêu của Mỹ ở Irak, và các công dân phương Tây sẽ bị vạ lây.
Những hành động nói trên là một vố đau mới đối với liên minh quốc tế chống Daech ở Irak, vào lúc mà các chuyên gia liên tục cảnh báo về nguy cơ phe thánh chiến Hồi Giáo trỗi dậy trở lại. Cho dù lãnh thổ « califat » của họ trên đất Irak – Syria đã bị xóa sổ, nhưng Daech vẫn còn rất nhiều chiến binh hoạt động bí mật.
Trên thực tế, theo Les Echos, lực lượng Mỹ kể từ nay quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ các vị trí của họ và gần như đã bỏ rơi cuộc chiến chống Daech. Pháp, một thành viên rất tích cực của liên quân quốc tế, còn duy trì 200 quân ở Bagdad, nhưng lực lượng này hiện chỉ lo việc huấn luyện binh lính Irak.
Ngay cả Hoa Kỳ cũng đã có sẵn kế hoạch triệt thoái khỏi Irak, vô tình bị tiết lộ qua bức thư gởi nhầm cho chính phủ Bagdad hôm 06/01. Một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ đã trình bày chi tiết kế hoạch này cho hãng tin AFP : Các máy bay vận tải sẽ chở các thiết bị quân sự, còn binh lính sẽ rút bằng đường bộ về phía nam và sang nước Koweit láng giềng. Theo lời quan chức này, cuộc triệt thoái sẽ kéo dài nhiều tuần, nhưng nếu tình hình trở nên cấp thiết, có thể được hoàn tất trong nhiều ngày.
Nếu quân Mỹ rút đi, lực lượng của các nước khác trong liên quân chống Daech chắc chắn không thể trụ lại được. Ủy viên Quốc hội Đức Hans-Peter Bartels đã cảnh báo : « Nếu lực lượng quốc tế rút đi, Irak sẽ một mình đối đầu với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ». Trong trường hợp đó, không loại trừ khả năng là tình hình sẽ trở lại giống như năm 2014, khi phe thánh chiến Hồi Giáo chiếm đến một phần ba lãnh thổ Irak và nhiều vùng đất ở Syria
Lưỡi liềm Shia sứt mẻ
vì Soleimani chết khiến Putin phải sang
Ngay sau khi tướng Iran Qasem Soleimani bị Hoa Kỳ bắn chết ở Iraq (03/01/2020), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bận rộn ngay với nhiều hoạt động.
Bé gái Lebanon mặc đồ đen, phía sau là hình cố Giáo chủ đạo Hồi phái Shia của Iran trong một cuộc tuần hành ủng hộ lực lượng vũ trang Hezbollah. Tehran bị cho là có tham vọng lập Vành đai hình trăng lưỡi liềm Shia cắt ngang Trung Đông
Hôm 07/01, ông có chuyến thăm hiếm có và ngắn ngủi đến Damascus để hội đàm với tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Sang ngày 8/01, Kremlin tuyên bố ông Putin sẽ đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Moscow để bàn về Trung Đông ngay tuần sau.
Cũng trong tháng này, ông Putin dự kiến gặp mặt lãnh đạo Israel, Benjamin Netanyahu.
Trong ngày 08/01, khi chưa về Nga, ông Putin có lịch họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Istanbul.
Chính thức mà nói, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự lễ khai trương đường ống khí đốt xuyên Hắc Hải, TurkStream.
Cuộc tấn công ở Iran liệu có giúp Trump tái đắc cử?
Tướng Soleimani ‘đi đêm nhiều’ đến ngày gặp nạn
Iran phóng tên lửa đạn đạo vào căn cứ của Mỹ ở Iraq
Hơn 50 người chết vì giẫm đạp tại lễ an táng tướng Iran
Nhưng hai bên còn bàn về căng thẳng ở Libya, nơi lính đánh thuê người Nga đang giúp phe chống lại phái Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.
Tuy thế, vấn đề chính và cấp bách nhất của Nga mà ông Putin phải giải quyết là hậu quả địa chính trị của vụ Mỹ giết tướng Soleimani.
Cuộc gặp Assad – Putin có nội dung quân sự với sự tham gia của tướng lĩnh hai bên
TT Putin có chuyến thăm hiếm có tới đến Damascus để ủng hộ đồng minh Syria, ông Bashar al-Assad
David Lesch được trích lời trên trang Moscow Times ở Nga, giải thích về chuyến đi của ông Putin:
“Putin phải sang để củng cố vị thế của Nga ở Syria và vị thế của chính ông Bashar al-Assad, nhất là vì vai trò của Iran bị yếu đi đáng kể, vì Soleimani chính là hiện thân của Iran ở Syria.”
Cơ hội của Iran bị Hoa Kỳ tước đi?
Cho đến gần đây, nhờ thắng lợi của một tập hợp các lực lượng đồng sàng dị mộng như Nga, Hoa Kỳ, Iran và quân đội chính phủ Iraq và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và cả dân quân Kurd, tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại, mất lãnh thổ.
Đây là cơ hội ‘ngàn năm một thuở’ cho Iran thực hiện tham vọng lập ra tuyến an ninh Shia Crescent tức Vầng trăng lưỡi liềm Shia.
Nếu thành công, đây sẽ là vùng ảnh hưởng trải từ Ấn Độ Dương sang tận bờ Địa Trung Hải, gồm Iran, miền Nam Iraq, Syria, Yemen và một phần Lebanon, cắt ngang vùng của các nước và cộng đồng Hồi giáo phái Sunni vốn hiềm khích lâu đời với Shia.
Soleimani là nhân vật kiến tạo ra các chiến dịch giúp Giáo chủ Ali Khamenei thực hiện mục tiêu ‘đế quốc’ này của Iran.
Ông Soleimani cũng là người điều khiển các lực lượng chống IS tại Syria, phối hợp nhịp nhàng với quân Nga vốn tập trung vào không quân mà tránh giao tranh trên bộ.
Mất Soleimani, Iran có thể mất ảnh hưởng ở các quốc gia láng giềng kia và điều này làm thế đứng của Nga trong vùng bị yếu đi.
Một năm trước, khi tình hình Syria chuyển biến theo hướng Nga mong muốn, Dmitriy Frolovskiy viết trên trang Foreign Policy rằng ông Putin coi quyết định của ông Trump rút quân khỏi Syria là “thắng lợi lớn cho Nga”.
Nhưng nay mọi việc đột nhiên thay đổi.
Soleimani bị Hoa Kỳ quyết định giết để ngăn chặn vùng ảnh hưởng của Iran lan ra trong vùng, lấp chỗ trống IS để lại, theo một số đánh giá từ Hoa Kỳ.
Vì không kiểm soát trực tiếp các nhóm dân quân trong vùng, Moscow cần giúp Iran làm việc đó.
Thế nhưng Moscow chỉ muốn Tehran tiếp tục duy trì quyền lực trong vùng tới mức không để Iran xung đột lớn với Hoa Kỳ, hoặc tệ hơn là xung đột với Israel.
Leonid Bershidsky viết trên trang Bloomberg ‘Putin Now Needs a Plan B on Iran’ (Putin cần kế hoạch hai cho Iran), và lập luận rằng:
“Căng thẳng leo thang giữa Iran và Hoa Kỳ có thể xoay chuyển cán cân địa chính trị mà Nga đầu tư vào Syria để duy trì, và đó là điều ông Putin muốn can thiệp để giữ.”
Nguy hiểm hơn cho Nga là khả năng Iran đi quá đà và tấn công Israel, gây ra cuộc chiến trả đũa, ít ra là nhắm vào các lực lượng thân Iran tại Syria.
Nếu điều đó xảy ra, quân Nga đóng tại Syria có thể trở thành mục tiêu.
Các tay súng ‘tư nhân’ người Nga ở Libya
Người Nga cũng đã có mặt ở Libya, quốc gia hiện trên thực tế có hai chính quyền kình chống nhau.
Lính ‘tư nhân’ Nga đang ủng hộ cho ‘chính quyền’ của Nguyên soái Khalifa Haftar (Libyan National Army – LNA), ở miền Đông Libya.
Mới đầu tháng 12 năm ngoái, chính quyền GNA ở Tripoli tố cáo họ có bằng chứng ít nhất 800 quân nói tiếng Nga hỗ trợ quân đội của ông Haftar tiến chiếm thủ đô.
Lực lượng của Haftar – còn gọi là chính quyền Benghazi – được Ai Cập, Nga và cả Pháp ủng hộ, còn GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hỗ trợ.
Gần đây nhất, Ankara quyết định điều quân chính quy sang Libya sau khi tố cáo Moscow can thiệp vào Libya.
Theo New York Times (12/2019), Nga đã gửi cả phi cơ, hỏa tiễn, lính bắn tỉa sang Libya.
Chính thức mà nói, quân nói tiếng Nga ở Libya là do Wagner Group, một công ty tư nhân tuyển mộ.
Công ty này đã từng gửi lính đánh thuê sang cả Syria và miền Đông Ukraine.
Đây là lực lượng LNA của nguyên soái Haftar ở Libya được Nga ủng hộ
Theo trang Al Jazeera, Wagner Group là của Yevgeny Prigozhin “doanh nhân có quan hệ thân cận với quan chức Điện Kremlin”.
Hiện chưa rõ hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải quyết nguy cơ người nước họ xung đột tại Libya ra sao.
Các báo Nga tin rằng cuối cùng thì hai bên sẽ đạt một thỏa thuận chia vùng ảnh hưởng ở quốc gia Bắc Phi bị rơi vào hỗn loạn sau khi ông Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011.
Nhìn lâu dài thì mục tiêu chính của Putin ở Trung Đông là thông qua các hoạt động khu vực để nâng cao vị thế toàn cầu của Nga.
Trước mắt, kế hoạch này bị đứt một mắt xích quan trọng vì hỏa tiễn Mỹ.
Các tính toán của ông Putin tuy thế, còn tùy thuộc vào các động thái rất bất chợt của một tổng thống khác là Donald Trump.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51035888
Putin thăm Thổ Nhĩ Kỳ :
TurkStream và Libya là chủ đề chính
Thụy My
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 08/01/2020 thăm Istanbul, cùng khánh thành đường ống dẫn khí TurkStream với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Đường ống chạy qua Hắc Hải này giúp Matxcơva xuất khẩu khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu, tránh đi qua Ukraina. Hai tổng thống cũng thảo luận những hồ sơ quan trọng của khu vực, bắt đầu là cuộc xung đột Libya, nơi Ankara và Matxcơva ủng hộ hai phe đối địch.
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer tường trình :
« Chuyến thăm Istanbul của ông Vladimir Putin để khánh thành đường ống dẫn khí TurkStream đã được dự kiến từ lâu, nhưng lại diễn ra rất đúng lúc. Cuộc xung đột ở Libya dường như đã có bước ngoặt mới kể từ khi Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 02/01/2020 cho phép gởi quân sang hỗ trợ chính phủ thống nhất quốc gia, đối phó với lực lượng của Khalifa Haftar.
Các dân biểu Thổ Nhĩ Kỳ đã được triệu tập trong lúc đang nghỉ lễ để bỏ phiếu về quyết định trên. Văn bản vừa được đăng trên Công báo, thì tổng thống đã thông báo khởi đầu việc triển khai quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya. Tất nhiên, ông Tayyip Erdogan muốn nắm lấy lá bài này trong cuộc hội đàm với ông Vladimir Putin, vì Nga ủng hộ Khalifa Haftar.
Mạnh mẽ trên chiến trường, mạnh mẽ trên bàn đàm phán. Đó là phương châm của ông Erdogan, vốn muốn có tiếng nói trong việc giải quyết cuộc xung đột Libya và chia sẻ các mỏ dầu khí ở phía đông Địa Trung Hải. Trong khi đó, Vladimir Putin là một trong những người đối thoại ưu tiên của ông Erdogan.
Hai tổng thống khi cố gắng thỏa thuận về hồ sơ Syria cũng nỗ lực tìm một giải pháp về Libya. Ngoài việc biểu dương sức mạnh, cuộc họp song phương này đối với hai nguyên thủ còn có lợi điểm là loại phương Tây ra bên ngoài. »
Boeing 737 rơi ở Iran:
Ukraine rút tuyên bố ‘hỏng động cơ’
Chiếc Boeing-737 chở 176 người rơi ở Iran và giới chức nói không có khả năng tìm thấy ai sống sót.
Chuyến bay PS752 của Hàng không Quốc tế Ukraine đi Kiev rơi sau khi cất cánh từ sân bay Imam Khomeini ở Tehran lúc 06:12 sáng giờ địa phương.
Đa số hành khách trên chuyến bay là người Iran và Canada.
Sứ quán Ukraine tại Tehran lúc đầu nói nguyên nhân máy bay rơi là do động cơ hỏng, nhưng sau đó đã rút lại thông cáo này.
Thông báo ban đầu này có vẻ như ủng hộ kết luận của phía Iran rằng “một động cơ hỏng dẫn tới tai nạn”.
Các chuyên gia về hàng không trong ngày cũng nêu ra vấn đề là chiếc phi cơ “hoàn toàn có khả năng xử lý cháy, hỏng động cơ”, nhưng nó đã biến mất ngay lập tức khỏi màn hình sau khi đạt độ cao bình thường lúc cất cánh.
Tom Burridge, phóng viên giao thông cho BBC nói chiều 08/1 giờ London rằng, chiếc Boeing “không để lại tín hiệu là mất độ cao, mà biến mất [khỏi radar] luôn”.
Cuối ngày 08/01, dòng thông báo về nghi vấn hỏng động cơ đã bị xóa khỏi trang web của ĐSQ Ukraine ở Iran.
Phía Ukraine nói sẽ bất kỳ bình luận nào về nguyên nhân tai nạn trước khi có cuộc điều tra đều là không chính thức.
Truyền thông Iran nói vụ rơi máy bay được cho là ‘sự cố kỹ thuật’ và dẫn lời một quan chức nói tình trạng khẩn cấp chưa được tuyên bố.
Các mảnh vụn và bộ phận của động cơ chiếc Boeing 737-800 NG được tìm thấy cách sân bay chừng 10 km. Nhân viên cứu hộ đeo mặt nạ tìm kiếm thi thể nạn nhân giữa đống đổ vỡ.
Hiện chưa rõ thảm kịch này có liên quan tới cuộc xung đột Mỹ-Iran hiện nay hay không.
Những ai trên chuyến bay này
Trong số các nạn nhân có 82 người Iran, 63 Canada, 11 Ukraine (trong đó chín người là thành viên phi hành đoàn), 10 Thụy Điển, bốn Afghanistan, ba người Anh và ba người Đức, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Vadym Prystaiko cho biết.
Quan chức cho biết 169 người đã mua vé cho chuyến bay nhưng hai người đã không lên máy bay.
Không rõ vì sao lại có nhiều người Canada trên chuyến bay đến vậy, tuy nhiên hãng hàng không Ukraine có các chuyến bay giá cả phải chăng từ Tehran đi Toronto transit qua Kiev.
Người đứng đầu lực lượng cứu trợ khẩn cấp của Iran nói có 147 nạn nhân là người Iran. Nếu vậy, có 65 người có hai quốc tịch.
Iran phóng tên lửa đạn đạo vào căn cứ của Mỹ ở Iraq
Mỹ phủ nhận việc rút quân khỏi Iraq sau lá thư ‘gửi nhầm’
Tướng Soleimani ‘đi đêm nhiều’ đến ngày gặp nạn
Trong khi đó, Liên đoàn Hàng không Mỹ đã cấm các hãng hàng không bay qua không phận Iran, Iraq, Vịnh Oman, và vùng biển giữa Iran và Ả Rập Saudi, sau khi Iran phóng tên lửa vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq, theo Reuters.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cắt ngắn chuyến công du tới Oman và trở về Kyiv.
“Xin chia buồn với người thân và bạn bè của tất cả hành khách và phi hành đoàn,” ông Volodymyr Zelensky nói trong một thông cáo.
Dữ liệu chuyến bay từ sân bay cho thấy một chiếc Boeing 737-NG ba năm tuổi của hãng Hàng không Quốc gia Ukraine cất cánh vào sáng thứ Tư, sau đó ngừng gửi dữ liệu gần như ngay lập tức, theo trang web FlightRadar24.
Một phát ngôn viên của Boeing cho biết họ đã nhận được báo cáo về vụ một vụ tai nạn máy bay ở Iran và đang thu thập thêm thông tin.
Đã tìm ra hộp đen
Các đội cứu hộ của Iran đã tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay bị rơi, truyền hình nhà nước Iran IRIB đưa tin, theo Reuters.
Ukraine cũng ngưng toàn bộ các chuyến bay tới Tehran và cho hay chiếc may bay bị rơi vừa hoàn thành bảo dưỡng định kỳ hôm thứ Hai.
Hãng Hàng không Quốc gia Ukraine nói sẽ làm mọi điều có thể để tìm ra nguyên nhân chiếc máy bay gặp nạn.
Chuyên gia an toàn hàng không Todd Curtis nói với BBC rằng chiếc phi cơ mới xuất xưởng năm 2016 và được bán khi còn mới cho hãng hàng không Ukraine.
“Chiếc máy bay bị tan ra thành nhiều mảnh, cho thấy hoặc bị va đập rất mạnh trên mặt đất, hoặc có gì đó xảy ra trên không trung,”
“Từ những gì thấy được thì đây là một chiếc phi cơ được bảo hành rất tốt và không có vấn đề gì nổi cộm theo đúng yêu cầu của nhà chức trách châu Âu và Hoa Kỳ. Vì thế, cho đến thời điểm này, không có gì cho thấy phi cơ có vấn đề cụ thể nào cả.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51029777
Tên lửa Iran bắn về phía căn cứ Mỹ ở Iraq
có quả không nổ
Giá dầu tăng ngay trên thị trường thế giới hôm thứ Tư.
Truyền hình nhà nước Iran nói vụ tấn công này là đòn trả thù sau khi vị tướng hàng đầu của nước này, Qasem Soleimani bị giết trong một vụ không kích ở Baghdad, theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Có hai trái hỏa tiễn của Iran bắn trúng vào làng Sidan, tỉnh Irbil, một trái bắn trúng khu dân cư Bardah Rashsh, tỉnh Dohuk, theo truyền hình Iraq.
Cả thẩy 22 quả tên lửa được Iran bắn sang Iraq.
Trong số này, 17 trái bắn về phía căn cứ Al Asad. Hai quả rơi xuống phía tây thị trấn Hit và không nổ.
Truyền thông Iraq trong ngày thứ Tư đăng ảnh người dân ở ngoại ô Dohuk ra xem bom mà họ tin rằng do hỏa tiễn từ Iran bắn sang tạo ra.
Địa điểm này cách căn cứ thứ nhì của Mỹ tại tỉnh Irbil, mục tiêu của hỏa tiễn Iran, tới 112 km.
Mỹ phủ nhận việc rút quân khỏi Iraq sau lá thư ‘gửi nhầm’
50 người chết vì giẫm đạp tại lễ an táng tướng Iran
Tướng Soleimani ‘đi đêm nhiều’ đến ngày gặp nạn
Mỹ ‘sẽ nhắm vào’ 52 địa điểm của Iran nếu Tehran tấn công
Lầu Năm Góc nói ít nhất hai căn cứ đã bị tấn công, ở Irbil và Al-Asad.
Hiện chưa rõ có thương vong hay không.
“Chúng tôi đã nắm được thông tin về các vụ tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq. Tổng thống đã được thông tin và đang giám sát chặt chẽ tình hình và tham khảo ý kiến đội an ninh quốc gia của ông,” người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham nói trong một thông cáo.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nói vụ tấn công là để trả thù cái chết của ông Soleimani vào thứ Sáu.
“Chúng tôi cảnh báo toàn bộ đồng minh của Mỹ, những nước trao căn cứ của mình cho quân đội khủng bố, rằng bất cứ lãnh thổ nào là điểm khởi đầu của hành động gây hấn chống lại Iran sẽ bị nhắm mục tiêu,” lực lượng này cho hay trong một thông cáo được Thông tấn xã IRNA của IRAN phát đi.
Vụ tấn công xảy ra vài giờ sau đám tang của Soleimani. Vụ tấn công thứ hai diễn ra ở Irbil không lâu sau khi các tên lửa đầu tiên phóng vào Al-Asad, kênh truyền hình Al Mayadeen đưa tin.
Vào đầu giờ sáng 8/1, Tổng thống Trump nói rút quân của Mỹ khỏi Iraq sẽ là điều tồi tệ nhất đối với đất nước.
Ông Trump đưa ra bình luận này sau bức thư, mà quân đội Mỹ nói bị gửi nhầm, cho Thủ tướng Iraq, có vẻ đồng ý với đề nghị của các nghị sỹ Iraq về việc rút quân.
Mỹ hiện có khoảng 5.000 binh lính ở Iraq.
Văn phòng nước ngoài của Anh Quốc nói với BBC: “Chúng tôi khẩn trương thu thập thông tin ở hiện trường. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn của công dân Anh.”
Hải quân Hoàng gia và máy bay quân đội của Anh đã được đặt ở vị trí sẵn sàng giữa căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho hay.
Vì sao có vụ tấn công này?
Vụ ám sát Tướng Soleimani của Iran xảy ra vào ngày 3/1 là sự leo thang xung đột mấu chốt trong mối quan hệ đã ngày càng tồi tệ giữa Iran và Mỹ.
Soleimani – người lãnh đạo các lực lượng của Iran ở Trung Đông – bị chính phủ Mỹ xem là khủng bố, nói rằng ông ta phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm lính Mỹ và rằng ông ta đã âm mưu một cuộc tấn công “khẩn cấp”.
Iran đã thề “trả thù” cho cái chết của ông Soleimani.
Ông Trump, trong khi đó, cảnh báo Mỹ sẽ trả đũa nếu bị tấn công.
Hàng triệu người Iran đã xuống đường dự đám tang của Tướng Soleimani, hô vang khẩu hiệu “cái chết cho nước Mỹ” và “cái chết cho Trump”.
Một vụ dẫm đạp tại đám tang của Soleimani ở quê hương của ông này Kerman đã khiến 50 người thiệt mạng và 200 người bị thương hôm thứ Ba.
Sau đám tang, các quan chức hàng đầu Iran nhắc lại đe đọa trả thù.
Vì sao Iraq liên quan tới việc này?
Iran hỗ trợ nhiều nhóm bán quân sự Shia tại nước láng giềng Iraq. Vào thứ Sáu, Soleimani vừa xuống sân bay Baghdad và đang ngồi trong xe hơi với các đồng sự từ các nhóm này thì xe của họ trúng tên lửa của Mỹ.
Iraq hiện thấy mình đang ở trong một vị thế khó khăn khi là đồng minh của cả Mỹ và Iran. Hàng ngàn lính Mỹ vẫn còn ở Iraq để hỗ trợ cuộc đấu tranh chống lại nhóm Nhà nước hồi giáo Sunni (IS) nhưng chính phủ Iraq cho rằng Mỹ đã hành động vượt quá khuôn khổ của thỏa thuận chung.
Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã gọi vụ tấn công bằng tên lửa giết chết Tướng Soleimani là một “sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq và vụ tấn công tồi tệ vào phẩm giá quốc gia”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51029771
Tân chỉ huy lực lượng Quds của Iran tuyên bố
‘sẽ loại bỏ Mỹ khỏi Trung Đông’
Tân chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, Chuẩn tướng Ismail Ghaani ngày 6-1-2020 tuyên bố sẽ loại trừ quân đội Mỹ khỏi Trung Đông sau khi Thiếu tướng Qassem Soleimani thiệt mạng trong vụ không kích do Mỹ thực hiện ở Iraq.
“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục con đường của liệt sĩ Soleimani… và việc loại bỏ Mỹ khỏi khu vực là sự đền bù duy nhất cho chúng ta”, tân chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, Chuẩn tướng Esmail Qaani phát biểu trong quốc tang của Thiếu tướng Soleimani tại Thủ đô Tehran, Iran hôm 6-1.
Tướng Qaani được bổ nhiệm thay thế tướng Soleimani, người thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở sân bay Baghdad, Iraq hôm 3-1.
Ông Qaani đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh người dân Iran đổ về Thủ đô Tehran để tham dự lễ tang tướng Soleimani. Phụ nữ Iran trong bộ đồ tang đen cùng với đàn ông Iran cầm quốc kỳ đề tên các lãnh tụ Hồi giáo dòng Shiite tập trung bên ngoài Đại học Tehran, nơi nhà lãnh đạo tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei chủ trì lễ cầu nguyện cho vị tướng tử nạn. Tất cả các hoạt động tưởng niệm được truyền trực tiếp trên truyền hình.
Thiếu tướng Soleimani, Tư lệnh lực lượng Quads tinh nhuệ của Iran đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ ngày 3-1 ở gần sân bay Baghdad. Thi thể của vị tướng này đã được đưa về Iran ngày 5-1.
Mỹ cho rằng vụ không kích hạ sát tướng Soleimani đã ngăn được một số vụ tấn công khủng bố lớn nhằm vào quân nhân và người dân Mỹ, trong khi Iran xem đây là hành động khủng bố và thề sẽ trả thù.
Quan hệ Mỹ – Iran ngày càng căng thẳng sau cái chết của tướng Soleimani, người được coi là quan chức quyền lực thứ hai tại Iran sau lãnh đạo tinh thần tối cao Ali Khamenei và đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran ra khắp Trung Đông.
Soleimani là ai mà bị Mỹ triệt hạ ?
Thu Hằng
Iran đã thực hiện lời đe dọa « đáp trả » Mỹ khi bắn 22 tên lửa vào hai căn cứ quân sự tại Irak mà quân Mỹ đồn trú. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran khẳng định đó là « một cái tát trực diện » để trả thù cho vụ sát hại tướng Iran Qassem Soleimani.
Vị chỉ huy cao cấp của Iran đóng vai trò quân sự và chính trị như thế nào tại Iran và Irak ? Tại sao tổng thống Donald Trump chọn giải pháp « mạnh » nhất ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà báo Ehsan Manoochehri, trưởng ban tiếng Ba Tư, đài Phát thanh Quốc tế Pháp.
PV. Ehsan Manoochehri_Iran
RFI : Trong lễ tang tướng Soleimani, người ta thấy có hàng triệu người tham gia. Tướng Soleimani đóng vai trò quân sự và ngoại giao như thế nào tại Iran ?
Ehsan Manoochehri : Trước tiên, phải nói rằng Iran là một nước mà trong nhiều sự kiện, lễ hội, luôn có rất đông người tham gia. Vì thế, rất dễ cho chính phủ Iran huy động đông đảo người dân đến dự lễ tang tướng Soleimani, trong đó dĩ nhiên giới quân nhân và gia đình của họ đều được huy động. Chính phủ chi trả các đoàn xe chở người từ khắp nơi tới.
Tất nhiên điều này cho thấy tướng Soleimani giữ một vai trò quan trọng. Tôi muốn nhắc lại là khi Iran tham chiến ở Syria để cứu tổng thống Bachar Al Assad khỏi các nhóm thánh chiến, chính quyền Teheran giải thích quyết định đó là cam kết của Iran trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech), bảo vệ Iran trước nguy cơ bị Daech tấn công. Vì thế, điều quan trọng đối với Iran là phải đưa ra được một hình ảnh, giới thiệu được một nhân vật thể hiện cam kết của Iran. Và nhân vật đó chính là tướng Soleimani.
Trước khi Iran quyết định tham chiến ở Syria năm 2012, tướng Soleimani không đến mức nổi tiếng như vậy. Nhưng kể từ năm 2012, ông thường xuyên được giới thiệu trên báo chí và truyền thông chính thức để bảo vệ lập trường của Teheran cùng Bachar Al Assad chiến đấu.
Đó là vai trò quân sự của tướng Soleimani. Ông chỉ huy lực lượng Qods, chuyên thực hiện những chiến dịch ở nước ngoài, như ở Syria, Irak, Liban, sau này thêm Yemen và thỉnh thoảng ở Afghanistan. Ngoài ra, tướng Soleimani từng tổ chức, thậm chí là đào tạo nhiều lực lượng khác, gồm một phần là lực lượng dân quân Pakistan, hoặc những người theo hệ phái Shia đến từ những nước khác và phần kia là người Afghanistan, gồm khoảng 12.000 đến 20.000 người. Đó là những người nhập cư, được tuyển với lời hứa cấp nhà, thẻ cư trú, lương bổng sau khi chiến tranh kết thúc.
Chính sách ngoại giao của Iran tại Irak, Syria và Liban phần nào đó bị bỏ rơi vào tay các lực lượng mà tướng Soleimani chỉ huy. Vì thế, đại sứ quán Iran tại ba nước này đều có nguồn gốc từ lực lượng Qods, thường là cấp tướng thuộc lực lượng chiến đấu ở nước ngoài. Nói một cách nào đó, tướng Soleimani có vai trò như một « ngoại trưởng », nhưng chỉ đối với ba nước này, vì thế, người ta không thấy ngoại trưởng Iran công du Irak. Tôi xin nhắc lại sự kiện cách đây vài tháng, tổng thống Syria Bachar Al Assad công du Iran và đã gặp giáo chủ tối cao. Tổng thống và ngoại trưởng Iran thậm chí không biết tin. Vì thế, ngoại trưởng Iran đã xin từ chức, nhưng giáo chủ tối cao đã trấn an và đơn từ chức đã không được chấp nhận.
Tướng Qassem Soleimani đóng vai trò như nào tại Irak ?
Như tôi nói ở trên, tướng Soleimani đóng vai trò rất lớn ở Irak bởi vì Iran đóng vai trò quan trọng ở Irak. Chúng ta biết là sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, việc phân chia quyền lực tại Irak trở thành « phân chia công việc ». Vì cộng đồng người Shia chiếm đa số ở Irak, nên họ chiếm đa số ở Nghị Viện, do vậy quyền hành pháp được giao cho người Shia, thủ tướng luôn là một người Shia. Tổng thống Irak là một người Kurdistan, còn chủ tịch Nghị Viện là một người Sunni.
Một cách nào đó, người Shia ở Irak nghe theo « lệnh » từ Iran. Mỗi khi việc thành lập bộ máy chính quyền Irak gặp khó khăn hoặc có xung đột, Iran luôn đưa ra ý kiến. Ví dụ chính phủ Irak hiện đang gặp khủng hoảng vì những tên tuổi, hoặc danh sách được Iran đề xuất hoặc ủng hộ thì lại không được người dân chấp nhận. Cuộc khủng hoảng thành lập chính phủ này đã kéo dài từ ngày 01/10/2019. Người dân không chấp nhận những ứng viên do đa số Shia ở Nghị Viện, có nghĩa là Iran, đề xuất, vì thế dân chúng vẫn tiếp tục biểu tình phản đối. Đúng là Soleimani đóng một vai trò rất quan trọng, vừa về quân sự, vừa về ngoại giao tại Irak.
Tại sao tổng thống Donald Trump quyết định triệt tướng Soleimani, trong khi những tổng thống tiền nhiệm Mỹ luôn cố tránh ?
Tình hình đã thay đổi. Cần phải biết là chính phủ Mỹ nắm rất rõ những lần di chuyển đến Irak của tướng Soleimani. Sân bay quốc tế Bagdad gần như là do liên quân quốc tế quản lý nên Hoa Kỳ biết rõ mọi chuyến công du của tướng Soleimani, thậm chí vài lần trong một tháng trong thời gian gần đây do cuộc khủng hoảng chính trị ở Irak như nói ở trên. Vì thế, tướng Soleimani phần nào có cảm giác an toàn, được hưởng quyền miễn trừ từ phía Mỹ.
Hoa Kỳ cũng không muốn triệt hạ một vị tướng, trong quá khứ từng hợp tác với quân đội Mỹ khi Hoa Kỳ tham chiến ở Afghanistan sau năm 2001. Chính tướng Soleimani, thông qua thuộc cấp, tại một khách sạn ở Geneve (Thụy Sĩ), đã cung cấp các bản đồ bố trí quân sự của lực lượng Taliban ở Afghanistan. Thậm chí, ông còn đề xuất cung cấp cho phía Mỹ các kế hoạch tấn công, kiểu « Nếu là tôi, tôi sẽ làm như này ! ».
Tiếp theo, tại Irak, chính phủ lâm thời được thành lập sau khi Saddam Hussein bị giết chết là kết quả thảo luận trực tiếp giữa tướng Soleimani và các nhà ngoại giao Mỹ. Qua đó, chúng ta có thể thấy ông là một vị tướng rất thực dụng.
Khi cuộc chiến chống Daech nổ ra ở Irak, Mỹ không muốn triển khai lực lượng trên bộ, mà muốn tướng Soleimani mang quân đến. Mỹ oanh kích trên không, còn những lực lượng dưới quyền chỉ huy của tướng Soleimani chiến đấu trên thực địa. Cần phải nhắc lại là nếu không tấn công trên bộ thì sẽ không đẩy lùi được kẻ thù.
Như vậy là giữa tướng Soleimani và quân đội Mỹ đã có nhiều lần hợp tác. Vấn đề ở chỗ, giờ Daech gần như đã bị tiêu diệt, Iran, dĩ nhiên là cả tướng Soleimani, muốn Mỹ rút khỏi Irak. Chính vì thế, từ ngày 01/10/2019 đến thời điểm tướng Soleimani bị chết, đã có 13 vụ tấn công vào những cơ sở của Mỹ ở Irak. Quân đội Mỹ nhiều lần cảnh cáo chính quyền Teheran, vì các lực lượng dân quân Shia tại Irak, như Hezollah, Hash al-Chabi…, đều tuân theo lệnh của lực lượng Qods, do tướng Soleimani chỉ huy.
Vì thế, lúc đầu, trong những đề xuất được gửi lên tổng thống Donald Trump, đã có phương án triệt hạ tướng Soleimani. Nhưng tổng thống Trump không chấp nhận giết tướng Soleimani mà « oanh kích » những căn cứ quân sự của lực lượng dân quân. Chiến dịch được tiến hành ngày 29/12/2019 và có 25 dân quân bị thiệt mạng.
Vấn đề ở chỗ, hai ngày sau, lực lượng dân quân đã trả đũa khi tấn công đại sứ quán Mỹ ở Bagdad. Đối với tổng thống Trump, đây là điều không thể chấp nhận được, bởi vì một mặt, người ta chưa quên hình ảnh sứ quán Mỹ tại Teheran bị tấn công, 56 nhân viên bị bắt làm con tin trong suốt 444 ngày vào năm 1979, mặt khác là vụ quân thánh chiến tấn công và đốt hai sứ quán khác của Mỹ ở Nairobi (Kenya) và Dar es Salaam (Tanzania) khiến nhiều người thiệt mạng.
Trong khi chỉ còn chưa đầy đến một năm nữa là bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump không thể chấp nhận ngồi nhìn vụ tấn công khiến nhân viên ngoại giao Mỹ ở Bagdad gặp nguy hiểm. Vì thế, chủ nhân Nhà Trắng đã chọn phương án được cho là mạnh nhất, buộc Iran phải hiểu rằng Washington không chấp nhận nhìn thấy lợi ích của Mỹ bị tấn công.
Iran dọa trả đũa Mỹ, nhưng bằng cách nào vì tình hình kinh tế, tài chính Iran không phải là sáng sủa lắm do lệnh cấm vận của Mỹ và quốc tế ?
Đây là câu hỏi hay, vì về mặt tài chính, rất rất khó cho Iran đáp trả, nhưng mới đây Nghị Viện Iran đã thông qua một khoản ngân sách 200 triệu euro bổ sung thêm cho Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng. Khoản ngân sách này được trích từ quỹ chiến lược của Iran. Liệu 200 triệu euro có đủ hay không ? Liệu khoản tiền này có thực sự được chuyển cho quân đội hay không, hay chỉ là một hành động mang tính chính trị ? Tôi không thể trả lời câu hỏi này được. Ngoài ra, phải nói là tiền không phải là phương tiện duy nhất để tiến hành chiến tranh. Điều này muốn nói là Iran đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực sản xuất tên lửa. Đây là loại vũ khí duy nhất mà Iran có nhiều kinh nghiệm và có trữ lượng cần thiết. Tại vì không quân Iran gần như bị tiêu diệt trong cuộc chiến Irak.
Tuy nhiên, phía Iran có thể có phương tiện để tác động đến an ninh của lực lượng Mỹ trong khu vực. Nhưng nếu thực sự xảy ra một cuộc chiến lớn, tôi cho rằng Iran không có đủ khả năng đối mặt với quân đội Mỹ, mà chỉ có thể phản ứng theo kiểu chiến tranh bất tương xứng, như tấn công vào tầu bè… Chắc chắn là họ có khả năng quấy nhiễu nhưng tôi cho rằng Iran sẽ không có khả năng đối đầu trực diện, trong khi Hoa Kỳ có thể có thêm sự ủng hộ của những nước phương Tây khác.
Đâu là hình ảnh của Mỹ trong mắt người dân Iran ?
Tôi nghĩ đây là câu hỏi khó trả lời chính xác. Tại Iran, có một bộ phân dân chúng không có chút thù hận gì với người Mỹ, nước Mỹ hay với Donald Trump. Thậm chí, ngày mà tướng Soleimani bị giết, trên nhiều bức tường ở Teheran xuất hiện nhiều câu như « Hoan hô Trump »…
Giống như những dân tộc khác trên thế giới, người dân Iran có cách nhìn rất khác nhau, dù là về người Mỹ, nước Mỹ, tổng thống Trump hay tướng Soleimani. Hình ảnh người dân Iran thù nghịch với Mỹ là một hình ảnh không có ý nghĩa. Chắc chắn là có những người, như chúng ta chứng kiến trong đám tang Soleimani, kêu gọi « Giết chết người Mỹ », có thể đó là những người hận Hoa Kỳ. Dù có hơn 1 triệu người đến dự đám tang, nhưng so với dân số 83 triệu người ở Iran, kể cả có là 2 triệu người, tôi cho rằng số lượng đó rất ít, chỉ chiếm khoảng 3 hoặc 4% dân số. Tất nhiên tôi không nói là đa số người dân Iran yêu nước Mỹ. Nếu muốn có một cái nhìn toàn cảnh, tôi cho rằng người dân Iran, về tổng thể, không thù nghịch với Mỹ hay với những dân tộc khác.
RFI tiếng Việt chân thành cảm ơn nhà báo Ehsan Manoochehri, trưởng ban tiếng Ba Tư, đài Phát thanh Quốc tế Pháp.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200108-soleimani-la-ai-ma-bi-my-triet-ha
Ba đảng phái Đài Loan tranh cử Tổng thống 2020
nói gì về vấn đề Biển Đông?
Đại diện các đảng tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Đài Loan lên tiếng kêu gọi các bên có liên quan kiềm chế trong các hành động ở Biển Đông, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Đài Loan trong các đàm phán.
Ngày 11-1-2020 tới đây, hơn 19 triệu người dân Đài Loan sẽ bỏ phiếu để bầu cho vị trí Tổng thống và Phó Tổng thống lần thứ 15 của đảo quốc này. Các đảng phái đang thực hiện gấp rút những cuộc chạy đua cuối cùng cho ngày bầu cử.
Ba đảng có ứng cử viên ra tranh chức Tổng thống lần này gồm bà Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến, ông Hàn Quốc Du Đảng Quốc Dân và ông Tống Sở Du của Đảng Thân Dân.
Ông Kwei-Bo Huang, đại diện Quốc dân đảng trả lời câu hỏi của phóng viên RFA hôm 7-1-2020 về quan điểm của đảng này đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông.
“Các tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông-PV) sẽ không được giải quyết nếu không có sự tham gia của Đài Loan.
Vì vậy, hãy đối mặt với thực tế là bất kể sự phân chia chủ quyền giữa hai bên eo biển Đài Loan, bất kể ai có liên quan đến tranh chấp Biển Nam Trung Hoa thì cũng cần Đài Loan tham gia vào để tìm ra giải pháp khả thi cuối cùng”.
Đài Loan có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và trong thực tế đang kiểm soát đảo Thái Bình thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam gọi là đảo Ba Bình. Đây là đảo lớn nhất tại Trường Sa.
Bà Lien Yi-Ting, Phát ngôn nhân của đảng Dân Tiến (DPP) đảng cầm quyền từ năm 2016 đến nay ở Đài Loan hôm 7-1-2020 cho hay, Đài Loan chủ trương không khiêu khích nước khác.
“Rất nhiều người biết rằng Trung Quốc đã rất quyết đoán ở Biển Nam Trung Hoa vì chủ nghĩa bành trướng trên biển.
Sự quyết tâm của Đài Loan không thay đổi, rằng chúng tôi sẽ trở thành một nước có trách nhiệm trong khu vực, chúng tôi sẽ không có những động thái khiêu khích, hay cố gắng làm mất ổn định ở khu vực. Đây là lập trường rất rõ ràng của chúng tôi”, bà Lien Yi-Ting nói.
Ông Huang Kwei-Bo, người triệu tập cuộc họp của nhóm các vấn đề quốc tế thuộc Văn phòng tranh cử Tổng thống của thị trưởng Cao Hùng – ông Hàn Quốc Du thì nhắc lại việc Trung Hoa Dân Quốc, tức Đài Loan là tác giả của đường chữ U, tức đường đứt khúc 9 đoạn bao trùm biển Đông mà hiện giờ Trung Quốc đang dùng để tuyên bố chủ quyền. Ông nói:
“Tôi cũng muốn nhấn mạnh là Quốc dân đảng lúc nào cũng yêu cầu tất cả các bên tranh chấp thực hiện việc tự kiềm chế mạnh mẽ để có giải pháp hòa bình trong tranh chấp chủ quyền Biển Nam Trung Hoa.
Thật đáng tiếc là mặc dù Trung Hoa Dân Quốc kiểm soát hoàn toàn đảo Thái Bình (Ba Bình-PV) thuộc Quần đảo Trường Sa, tuy nhiên chưa bao giờ được mời trong bất kỳ cuộc đối thoại chính thức nào để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa”.
Ông Lee Hung-Chun, Tổng thư ký của đảng Thân Dân nói qua người phiên dịch rằng, đối thoại mang tính xây dựng là chìa khóa để giải quyết vấn đề Biển Đông.
“Chắc chắn, chúng ta không muốn kích động Trung Quốc, ủng hộ Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản. Chúng tôi muốn đóng một vai trò trung lập và dựa trên nền tảng của lực lượng gìn giữ hòa bình một cách rõ ràng.
Chúng tôi nghĩ chìa khóa trong chuyện này là làm sao có thể có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với lãnh đạo Trung Quốc như chúng tôi đã nhấn mạnh trước đó.
Tổng thống tiếp theo của Đài Loan sẽ không thể đạt được thành tựu giữ hòa bình trong khu vực nếu như chúng ta không có những cuộc đối thoại nghiêm túc đối với lãnh đạo các nước”.
Mặc dù là nước kiểm soát đảo lớn nhất ở Trường Sa, Đài Loan không được mời tham gia đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biên Đông giữa Trung Quốc và ASEAN.
Các nước ASEAN hiện công nhận chính sách một Trung Hoa của Trung Quốc. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ được thống nhất và chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao với nước nào công nhận chính sách một Trung Hoa.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông nói với phóng viên RFA qua tin nhắn cho rằng, bất kỳ ai lên làm Tổng thống Đài Loan lần này cũng sẽ có tác động không nhỏ đến các tranh chấp Biển Đông đặc biệt nếu là một ứng cử viên thân Trung Quốc giành chiến thắng.
TQ- Pakistan tập trận hải quân quy mô lớn
Theo giới quan sát, cuộc tập trận chung với Pakistan sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận gần hơn, cũng như gia tăng ảnh hưởng tại khu vực biển Ả Rập.
Trung Quốc và Pakistan hôm nay (6/1) bắt đầu cuộc tập trận hải quân lần thứ 6 mang tên “Người bảo vệ biển 2020” (Sea Guardians- 2020) ở phía Bắc biển Ả Rập nhằm tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước.
Biển Ả Rập là nơi kết nối giữa các quốc gia vùng Vịnh và những quốc gia châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc. Theo giới quan sát, cuộc tập trận chung với Pakistan sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận gần hơn, cũng như gia tăng ảnh hưởng tại khu vực, mà “đối thủ” Ấn Độ cũng đã và đang triển khai tàu ngầm và tàu chiến.
Trung Quốc đã điều 5 tàu lớn tham gia tập trận, trong đó có tàu khu trục tên lửa Ngân Xuyên hay tàu khu trục tên lửa dẫn đường Vận Thành. Về phía Pakistan có tàu khu trục F22P/F21 lớp Zulfiquar, hai tàu tấn công nhanh, một máy bay tuần tra chống ngầm cánh cố định, hai máy bay trực thăng từ tàu và hơn 60 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt.
Hai bên sẽ thực hiện các mục tiêu huấn luyện, trong đó có tuần tra chung, phòng không, chống ngầm chung, bắn đạn thật trên biển và huấn luyện chung trên biển.
Theo Hải quân Pakistan, cuộc tập trung là cơ sở để hải quân hai nước kiểm tra, cải thiện khả năng kỹ thuật, chiến thuật, duy trì an ninh hàng hải khu vực, học hỏi lẫn nhau, cũng như tăng cường mức độ hợp tác và sức mạnh tổng hợp.
http://biendong.net/bi-n-nong/32488-tq-pakistan-tap-tran-hai-quan-quy-mo-lon.html
Vì sao Trung Quốc ngần ngại
liên thủ với Nga và Iran để đối phó Mỹ?
Không có nhiều dấu hiệu cho thấy, cái chết của Tướng Iran Soleimani sẽ thúc đẩy Trung Quốc đi chệch hướng khỏi chiến lược cân bằng của nước này.
Phản ứng hạn chế của Trung Quốc trước cuộc tấn công của Mỹ khiến Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, Tướng Qassem Soleimani thiệt mạng, cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng cùng Nga thực hiện vai trò trực tiếp trong các cuộc xung đột tại Trung Đông.
Trung Quốc ở ngã ba đường
Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, Bắc Kinh “lấy làm quan ngại” trước cuộc tấn công của Mỹ, cho đây là động thái “không thể chấp nhận được”, nhưng ông không sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ như “lên án” hoặc “phản đối” giống Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hoặc Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Thay vì đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh chỉ nhấn mạnh Trung Quốc sẽ
“đóng vai trò xây dựng” giúp đảm bảo an ninh trong khu vực và kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế. Những bình luận mà ông Vương Nghị đưa ra phù hợp với các chiến lược của Trung Quốc từ trước đến nay, nhằm tránh đưa ra các cam kết tại một khu vực mà nước này dễ bề đụng độ với Mỹ và các đồng minh.
Đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh không có nhiều động thái chống lại nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm gia tăng sức ép lên Tehran, ngoài việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran và chỉ trích các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ. Trước đó hôm qua (6/1), Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc đứng về phía Nga tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn Nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án vụ tấn công vào đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq – nguồn cơn dẫn đến việc ông Trump quyết định ra lệnh tấn công Tướng Iran Soleimani. Phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết, động thái của Nga và Trung Quốc đã làm dấy lên câu hỏi về mức độ tín nhiệm của Hội đồng Bảo an.
Không có nhiều dấu hiệu cho thấy, cái chết của Tướng Iran Soleimani sẽ thúc đẩy Trung Quốc đi chệch hướng khỏi chiến lược cân bằng của nước này, đặc biệt khi Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách kết thúc các cuộc đàm phán thương mại giai đoạn đầu với Tổng thống Trump vào tháng 1/2020. Trung Quốc dù tăng cường hợp tác quân sự với Nga và mở rộng quan hệ với Iran, nhưng cũng phụ thuộc vào đối thủ của Tehran là Saudi Arabia, vốn được coi là nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu của nước này.
Shi Yinhong, chuyên gia phụ trách quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận định: “Trung Quốc bị vướng vào một tình huống khó xử, vừa không muốn khiêu khích chính quyền Tổng thống Trump, vừa muốn giữ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nga và duy trì những lợi ích riêng tại Iran. Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ giữ giọng điệu ôn hòa, kêu gọi các bên kiềm chế và ngăn chặn leo thang căng thẳng”.
Trung Quốc theo đuổi mục tiêu riêng?
Trung Quốc và Nga đã tăng cường quan hệ quân sự trong những năm gần đây với việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung thường niên, hợp tác về chính sách an ninh trên khắp khu vực Châu Á thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã gặp gỡ hơn 30 lần kể từ năm 2013. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi người đồng cấp Nga là “người bạn thân thiết nhất của tôi”. Ông Putin cũng nói rằng hợp tác Nga-Trung đạt đến một “tầm cao chưa từng thấy”. Tháng 12/2019, Trung Quốc đã tiếp đón Ngoại trưởng Iran. Nước này cũng tham gia các cuộc tập trận hải quân chung cùng Iran và Nga tại Ấn Độ Dương và Vịnh Oman.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, Trung Quốc và Nga sẽ không có khả năng hợp tác trong một cuộc xung đột tại Trung Đông. Mặc dù giới chức Trung Quốc liên tục chỉ trích hành động của Mỹ đối với các lợi ích về thương mại và an ninh của nước này nhưng họ lựa chọn một phản ứng “hạn chế hơn” trước những xung đột của Washington với các đối tác ngoại giao của mình.
Phát biểu với Bloomberg, ông Ian Bremmer, chủ tịch và là người đồng sáng lập Nhóm Eurasia hôm 6/1 cho biết, Trung Quốc theo đuổi mục tiêu khác Nga ở Trung Đông. “Nếu như Nga muốn giành lợi thế từ sự hỗn loạn thì Trung Quốc muốn sự ổn định”.
Trung Quốc đã cắt giảm đáng kể việc mua dầu mỏ của Iran kể từ khi Mỹ chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừng phạt đối với những quốc gia và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Tehran. Riêng trong tháng 11/2019, lượng dầu thô mà Bắc Kinh nhập khẩu từ Tehran chưa đến 548.000 tấn, ít hơn nhiều so với con số hơn 3 triệu tấn hồi tháng 4/2019. Trong khi đó, lượng dầu nhập khẩu của Saudi Arabia từ tháng 1 đến tháng 11/2019 đã tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Vẫn chưa rõ Trung Quốc – quốc gia có nền kinh tế và ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 thế giới, sẽ được lợi ích gì khi đóng vai trò tích cực hơn ở Trung Đông.
Ông Li Guofu, giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc nhận xét, các cường quốc nước ngoài có rất ít lựa chọn trong việc ngăn cản Tổng thống Trump ra quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong trường hợp căng thẳng Trung Đông leo thang như hiện nay, các quốc gia khác hầu như có ít khả năng làm thay đổi hiện trạng”.
Trong đoạn Tweet đăng tải vào tháng 6/2019, Tổng thống Trump cho biết. ông muốn thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đứng sang 1 bên trong các vấn đề ở Trung Đông, đồng thời cảnh báo, những quốc gia như Trung Quốc nên bắt đầu thực hiện các biện pháp bảo vệ tàu chở dầu của họ trên Vịnh Ba Tư. Trước đó hôm qua (6/1), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bỏ qua câu hỏi về việc liệu nước này có xem xét thực hiện vai trò an ninh sâu rộng hơn tại Trung Đông hay không. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Cảnh Sảng nêu rõ: “Tình hình ngày càng xấu đi tại vùng Vịnh không có lợi cho bất cứ ai. Chúng tôi phản đối việc lạm dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh gây leo thang căng thẳng và thực hiện các nỗ lực hạ nhiệt tình hình”.
Theo chuyên gia Shi Yinhong, Trung Quốc có thể sử dụng vai trò của nước này trên cương vị là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an để chỉ trích các hành động của Mỹ chống lại Iran. Tuy nhiên Bắc Kinh sẽ trì hoãn việc đưa ra động thái như vậy trong thời gian lâu nhất như có thể. “Trung Quốc sẽ không đứng về phía nào trong Hội đồng Bảo an trừ khi nước này phải lựa chọn”, ông Shi Yinhong.
Philippines và Trung Cộng sắp họp bàn
việc hợp tác khai thác dầu trên biển Đông
Tin Manila, Philippines – Các viên chức ngoại giao và năng lượng của Bắc Kinh và Manila sẽ sớm gặp nhau trong thời gian tới, để thảo luận việc cùng thăm dò khai thác dầu trên biển Đông, theo lời ông Sherwin Gatchalian, chủ tịch Ủy Ban Năng Lượng Thượng Viện Philippines.
Kế hoạch này trước đó đã bị bế tắc trong cuộc họp tại Bắc Kinh hồi tháng 10, 2019, về cách thực hiện và khuôn khổ pháp lý cần thiết để cai quản các bên liên quan. Thượng Nghị Sĩ Gatchalian dẫn lời Bộ Năng Lượng Philippines cho biết, vì khu vực Reed Bank nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, do đó, luật pháp Philippines sẽ được dùng để quản lý các hoạt động tại đây.
Cuộc đàm phán trước đây bị bế tắc là do Trung Cộng không đồng ý yêu cầu này. Các mâu thuẫn về pháp lý cũng là lý do cản trở một đề nghị hợp tác khai thác dầu tương tự vào năm 2011, giữa Bắc Kinh và chính phủ của cựu Tổng Thống Benigno Aquino đệ tam.
Ông Gatchalian nói, nếu Philippines và Trung Cộng đạt được thỏa thuận, đây sẽ là thông điệp mạnh mẽ cho thế giới rằng, hai nước có thể tìm ra một giải pháp thương mại có lợi cho cả đôi bên bất chấp các mâu thuẫn về chính trị. Tuy nhiên, đối với việc khai thác tại khu vực tranh chấp Reed Bank, ông Gatchalian nói toàn bộ số dầu và khí đốt tại đây phải được bán cho Philippines, để củng cố an ninh năng lượng của quốc gia.
Trong một bản ghi nhớ ký kết năm 2018, Trung Cộng và Philippines đã đồng ý rằng việc hợp tác khai thác dầu không có nghĩa là hai bên từ bỏ các tuyên bố chủ quyền tại biển Đông. (BBT)
https://www.sbtn.tv/philippines-va-trung-cong-sap-hop-ban-viec-hop-tac-khai-thac-dau-tren-bien-dong/
Tổng thống Indonesia:
‘Không có chuyện đàm phán chủ quyền với TQ’
Tổng thống Indonesia hôm thứ Tư tới thăm một hòn đảo nằm trong vùng biển đang có tranh cãi với Trung Quốc, nhằm xác quyết chủ quyền của Indonesia.
Ông Widodo nói với các phóng viên trên đảo Natuna Besar thuộc Quần đảo Natuna rằng vùng biển này hoàn toàn thuộc về Indonesia, và đây là điều không thể đàm phán.
Indonesia điều chiến đấu cơ, tàu chiến đối phó TQ
Biển Đông: Jakarta bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh
Biển Đông: Indonesia bắt tàu cá VN, phản đối tàu TQ
“Tôi đã nói nhiều lần rằng Natuna là lãnh thổ thuộc chủ quyền của chúng tôi,” ông Widodo nói.
“Không có gì phải tranh cãi thêm. Về mặt thực tế, về mặt pháp lý, Natuna là Indonesia.”
Ông Widodo cũng gặp các ngư dân trên đảo.
Tình hình vẫn đang rất căng thẳng trong khu vực.
Cuộc đối đầu nổ ra từ giữa tháng Mười Hai, khi một tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống các tàu cá tiến vào vùng biển ngoài khơi Quần đảo Natuna ở miền bắc Indonesia.
Đây là nơi Indonesia nói hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình theo Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Jakarta đã triệu tập đại sứ Trung Quốc lên để phản đối mạnh mẽ.
Trong hôm thứ Hai và thứ Ba, Indonesia đã triển khai bốn chiến đấu cơ và tăng cường bốn tàu chiến tới tuần tra ở vùng biển quanh Quần đảo Natuna.
“Tuy nhiên, người của chúng tôi đã được yêu cầu rằng chúng tôi sẽ không có những hành động khiêu khích mà chỉ bảo vệ lãnh thổ của mình,” Thiếu tướng Không quân Ronny Irianto Moningka nói.
Giới chức Indonesia nói tính đến hôm Chủ nhật 5/1 có khoảng 30 tàu Trung Quốc ở vùng biển này và không chịu rời đi, hãng thông tấn Antara của Indonesia tường thuật.
“Các tàu này được hai tàu tuần duyên và một tàu kiểm ngư Trung Quốc hộ tống,” Margono, phó đề đốc hải quân Indonesia được trang tin Bernar News dẫn lời nói.
Ông Margono nói các tàu Indonesia sẽ ở lại cho tới khi phía Trung Quốc rời khỏi EEZ của Indonesia.
Tin cho hay trong hôm thứ Tư, có ít nhất một tàu tuần duyên Trung Quốc hiện diện trong khu vực, và 10 tàu Indonesia tiến hành tuần tra.
Hôm thứ Ba 7/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Bắc Kinh đã “mở các kênh ngoại giao” với Indonesia kể từ khi vụ việc phát sinh, và nói “cả hai quốc gia cần phải gánh vác trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Hôm 31/12, Bắc Kinh tuyên bố vùng biển đó là thuộc Quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc nói rằng họ có chủ quyền. Trung Quốc cũng nói rằng cả Trung Quốc và Indonesia đang có các hoạt động nghề cá “bình thường” tại đó vùng biển mà Jakarta đề cập đến.
Nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dường như lui bước với việc làm giảm nhẹ mức độ trầm trọng của vụ việc và nói “không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ” giữa Bắc Kinh với Jakarta, tuy hai bên có “những tuyên bố về quyền khai thác biển chồng lấn” ở Biển Đông.
Trung Quốc không đòi Quần đảo Natuna, nhưng nói họ có quyền đánh bắt cá ở các vùng biển nằm trong Đường Chín Đoạn, một tuyên bố không được quốc tế công nhận.