Tin khắp nơi – 07/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 07/12/2017

Anh có đủ đôi hàng không mẫu hạm đời mới

Nữ hoàng Elizabeth II và các quan chức vừa dự lễ đưa hàng không mẫu hạm lớn nhất và thuộc thế hệ mới nhất của Hải quân Anh vào hoạt động.

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionNữ Hoàng Elizabeth II lên tàu mang tên bà dự lễ đưa chiếc hàng không mẫu hạm lớn nhất của Hải quân Anh vào hoạt động

Tàu mang tên Nữ hoàng Elizabeth được đặt hàng từ năm 2008 và đóng xong tháng 7/2014.

Sau khi lắp thiết bị và bơi thử từ tháng 6/2017, chiếc tàu nay được bàn giao cho Hải quân để vận hành.

Nữ hoàng Elizabeth II cùng các đô đốc hải quân và bộ trưởng quốc phòng Gavin Williamson đã ra cảng Portsmouth dự lễ hôm 7/12/2017.

Nhật cử tàu chiến lớn nhất đi hỗ trợ Mỹ

5 điều cần biết về đảo Tri Tôn

Tàu hải quân TQ cập cảng Cam Ranh

Năm 2018, tàu sẽ cho phi cơ F35 bay thử để có thể tác chiến từ năm 2021.

Anh Quốc cũng đã đóng xong cơ bản chiếc tàu sân bay nhỏ hơn mang tên Hoàng tử xứ Wales, HMS Prince of Wales, thuộc lớp Elizabeth.

Chiếc này dự kiến sẽ chạy thử và bàn giao cho Hải quân vào năm 2019.

Tàu HMS Queen Elizabeth được thiết kế để chuyên chở 36 chiếc phi cơ F35, mỗi chiếc trị giá khoảng 100 triệu bảng Anh.

Hải quân Anh tin rằng chiếc tàu là biểu tượng của sức mạnh hải quân nước này vốn một thời đã làm chủ các đại dương.

Chi phí thiết kết và đóng mất 3,1 tỷ bảng Anh, tàu HMS Queen Elizabeth có trọng tải 5 nghìn tấn, đem theo quân số 700 người, và bãi đáp cho phi cơ dài 280 mét.

Tuy thế, khi cần, con tàu có thể tăng số thủy thủ đoàn lên 1600 người.

Vì sao luôn cần hai chiếc?

Trả lời BBC hồi tháng 9/2017, thuyền trưởng Ian Groom từ tàu HMS Prince of Wales, chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì, của Anh giải thích vì sao nước này cần hai tàu sân bay:

“Lý do đầu tiên là vì hoạt động quân sự và năng lực tác chiến. Hàng không mẫu hạm là để chuyển chở phi cơ F-35. Chính phủ Anh sẽ luôn có một tàu sân bay đang ngoài khơi. Và nó có thể đi đến bất cứ điểm nào trên các đại dương, với tốc độ một ngày di chuyển được 500 hải lý.”

“Lý do thứ nhì tất nhiên hàng không mẫu hạm là một công cụ chính trị. Anh Quốc sẽ luôn có thể dùng nó tạo uy lực, gây sức ép, hoặc để hỗ trợ đồng minh, và cũng để tham gia hoạt động cứu trợ quy mô lớn.”

Theo nguyên tắc sử dụng hàng không mẫu hạm, quân lực một quốc gia cần ít nhất hai chiếc để hỗ trợ nhau, và luôn có một chiếc “sẵn sàng chiến đấu” khi chiếc kia đang được bảo trì, tu sửa.

Hàng không mẫu hạm là để chuyển chở phi cơ F-35. Chính phủ Anh sẽ luôn có một tàu sân bay đang ngoài khơi. Và nó có thể đi đến bất cứ điểm nào trên các đại dương, với tốc độ một ngày di chuyển được 500 hải lýIan Groom

Tàu HMS Prince of Wales được đóng từ 2011 đến tháng 4/2016 thì hoàn tất phần vỏ và thân tàu, tại cảng Rosyth.

Hiện tàu vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất phần lắp đặt thiết bị để chạy thử trước khi bàn giao cho Hải quân Hoàng gia vào năm 2019.

Tàu có thể chuyên chở 40 phi cơ cánh gấp và các loại trực thăng chiến đấu.

Trong lịch sử, Anh Quốc đã có nhiều thế hệ hàng không mẫu hạm mà chiếc đầu tiên là HMS Argus chở được 18 phi cơ, hoạt động từ năm 1918 đến 1946.

Ba chiếc gần đây nhất, thuộc lớp tàu Invincible, đã ngưng hoạt động trong các năm 2010, 2012 và 2016.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42270099

 

Trung Quốc bắn rơi thiết bị bay không người lái của Ấn Độ

Trung Quốc chính thức phản đối Ấn Độ về một thiết bị bay không người lái (drone) của nước này bay sang không phận Trung Quốc và bị rơi.

Tin này được nhiều hãng thông tấn loan tải như là một biến cố mới trên đường biên giới giữa hai quốc gia châu Á khổng lồ vốn căng thẳng bấy lâu nay.

Bắc Kinh nói rằng việc này xảy ra gần đây trên vùng núi non biên địa khu vực Đống Bắc Ấn giáp với Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát, nhưng không nói rõ chuyện này diễn ra lúc nào và chính xác ở đâu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là ông Cảnh Sảng nói rằng hành động của Ấn Độ đã xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc, sẽ dẫn đến chuyện không thiết lập hòa bình và ổn định trên vùng biên giới, và Trung Quốc không hài lòng về việc này.

Chưa thấy phản hồi chính thức từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ, tuy nhiên quân đội nước này nói rằng họ đã làm theo qui định là báo cho phía Trung Quốc biết ngay khi thiết bị không người lái của họ bay lạc vào không phận Trung Quốc do vấn đề kỹ thuật. Quân đội Ấn cho biết thêm là nguyên nhân của việc này đang được điều tra.

Biến cố mới vừa nêu trên đường biên giới Ấn- Trung xảy ra chỉ vài tháng sau khi quân đội hai nước đối mặt nhau cũng tại vùng biên giới này.

Căng thẳng xảy ra sau khi phía Trung Quốc cho tiến hành xây dựng một con đường trong khu vực cao nguyên Doklam.

Sau khi căng thẳng được giải quyết, một vị tướng Ấn Độ nói rằng Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược gọi là tằm ăn dâu để lấn dần đất đai của Ấn Độ.

Hai quốc gia lớn nhất châu Á này đã có một cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu vào năm 1962, mà kết quả là quân đội Trung Quốc chiếm đóng một phần lãnh thổ trước đó do Ấn kiểm soát.

Việc thương lượng để xác lập đường biên giới giữa hai quốc gia đến nay vẫn chưa hoàn tất.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-says-indian-drone-invaded-its-airspace-crashed-12072017080620.html

 

Ảrập Saudi lên án tuyên bố của Trump

Ảrập Saudi lên án quyết định của Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, trong bối cảnh những lời chỉ trích quốc tế tăng cao. Thông cáo của vương quốc Vùng Vịnh cho biết tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “phi lý và vô trách nhiệm”.

Netanyahu lên án diễn văn của Kerry

Trump sắp công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi động thái này là “một ngày lịch sử”.

Động thái của Tổng thống Trump đảo ngược chính sách của Hoa Kỳ từ hàng thập kỷ trước. Quyết định về Jerusalem là một trong những vấn đề gai góc nhất giữa Israel và người Palestine.

Tám trong số 15 quốc gia hiện đang là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi tổ chức cuộc họp khẩn cấp về quyết định của Mỹ trước cuối tuần này.

Phân tích tuyên bố của Tổng thống Trump về Jerusalem

Ông Trump nói Mỹ vẫn ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho xung đột giữa Israel và người Palestine.

Nhưng ông nói việc công nhận thủ đô Israel là “bước đi phải làm từ lâu”.

“Hôm nay, chúng tôi rốt cuộc thừa nhận điều rõ ràng: rằng Jerusalem là thủ đô Israel.”

“Đây chỉ là thừa nhận thực tế. Đây cũng là điều đúng phải làm,” ông Trump tuyên bố tại Nhà Trắng hôm 6/12.

Lãnh đạo người Palestine Mahmoud Abbas lên án, nói Mỹ không còn có thể là phía giúp đàm phán hòa bình.

Người Palestine xem Đông Jerusalem là thủ đô cho một nhà nước tương lai.

Theo hiệp định hòa bình Israel-Palestine 1993, quy chế của Jerusalem sẽ chỉ được bàn sau này.

Quốc tế lâu nay không công nhận chủ quyền của Israel với Jerusalem, và mọi quốc gia – kể cả Mỹ – vẫn đặt sứ quán ở Tel Aviv.

Tại Nhà Trắng hôm 6/12, ông Trump tuyên bố việc công nhận phù hợp với “lợi ích của Mỹ, và sự theo đuổi hòa bình giữa Israel và người Palestine”.

Ông nói bộ ngoại giao Mỹ sẽ bắt đầu chuẩn bị chuyển sứ quán sang Jerusalem.

Cuộc chiến sáu ngày làm thay đổi Trung Đông

Phản ứng

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh tuyên bố và nói Israel biết ơn Tổng thống Trump.

Còn lãnh đạo người Palestine, ông Mahmoud Abbas, nói Jerusaelm là “thủ đô vĩnh cửu của nhà nước Palestine”.

Phong trào Hồi giáo Hamas tuyên bố quyết định của ông Trump sẽ “mở ra cánh cửa địa ngục” cho lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Thế giới Hồi giáo, kể cả những nước đồng minh của Mỹ, đã phản đối.

Vua Salman của Ả Rập Saudi nói việc này sẽ “khiêu khích người Hồi giáo toàn thế giới”.

Thủ tướng Anh Theresa May nói bà không đồng tình với Mỹ, một quyết định mà bà nói “không có lợi cho triển vọng hòa bình khu vực”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói Pháp không ủng hộ và kêu gọi bình tĩnh.

Kênh CNN của Mỹ dẫn nguồn “các viên chức cao cấp” nói rằng có sự chia rẽ trong cố vấn chính phủ Mỹ.

Theo các nguồn này, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis, Giám đốc CIA Mike Pompeo và Ngoại trưởng Rex Tillerson không đồng tình. Nhưng Phó tổng thống Mike Pence, Đại sứ ở LHQ Nikki Haley và Đại sứ Mỹ ở Israel David Friedman ủng hộ việc công nhận.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42261085

 

Hoa Kỳ cấm viên chức Campuchia nhập cảnh

Chính phủ Hoa Kỳ quyết định không cho một số viên chức Cambodia nhập cảnh vào Mỹ, để phản dối việc Phnom Penh dàn áp dối lập và bào chí.

Quyết định được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo ngày hôm thứ Tư mùng 6 tháng Mười Hai 2017, nói rõ dây là phản ứng trực tiếp của Washington trước những hành động chính phủ Mỹ gọi là “phản dân chủ” của chính quyền Phnom Penh.

Khi thông báo quyết định này, phát ngôn viên Heather Nauert của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhắc lại đòi hỏi Phnom Penh phải để đảng đối lập Cứu Quốc hoạt dộng trở lại, trả tự do cho lãnh tụ Kem Sokha của đảng vừa nói, đồng thời cũng đòi chính phủ Campuchia phải cho các tổ chức xã hội dân sự và báo chí được quyền tự do hoạt động.

Thông báo của Bộ Ngoại Giao Mỹ không nêu tên những viên chức Campuchia bị Washington cấm nhập cảnh, nhưng theo lời bà phát ngôn viên Nauert, thân nhân của những người này cũng bị liên lụy, tức cũng không được vào Mỹ.

Washington đưa ra quyết định cứng rắn này sau khi Tòa Tối Cao Campuchia ra phán quyết giải tán đảng đối lập Cứu Quốc, những ghế đại biểu đảng này đang có ở quốc hội được chia cho các đảng phái thân với chính phủ của Thủ Tướng Hun Sen.

Trước đó, chính phủ Hun Sen cũng ra lệnh bắt giữ lãnh tụ Kem Sokha của đảng Cứu Quốc, cáo buộc ông này vào tội phản quốc. Một số thành viên cao cấp của đảng đã phải bỏ chạy ra nước ngoài xin tá túc vì lo sợ sẽ bị Thủ Tướng Hun Sen bắt giam.

Bên cạnh chuyện đàn áp đối lập, chính phủ của Thủ tướng Hun Sen còn tìm cách để giới hạn tối đa hoạt động của những tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, đồng thời còn ngăn cấm không cho các nhà báo được tự do hành nghề.

Một trong những dẫn chứng được các giới chức Mỹ đưa ra là việc chính phủ Campuchia quyết định đóng cửa văn phòng Đài Á Châu Tự Do ở Phnom Penh, và bắt giữ 2 nhà báo từng làm việc với Đài, cáo buộc họ tội làm gián điệp.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-cambodia-relations-12072017082004.html

 

Trung Quốc tổ chức diễn đàn nhân quyền

Khoảng 300 người tham dự một sự kiện được Trung Quốc gọi là Diễn Đàn Nhân quyền được khai mạc vào ngày 7 tháng 12 tại Đại sảnh đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Chủ đề được khách mời đến lắng nghe là Sự phát triển quyền con người mang màu sắc Trung Quốc.

Bộ trường Ngoại giao Trung Quốc là ông Vương Nghị nói rằng có rất nhiều cách tiếp cận về nhân quyền khác nhau, và không ai có quyền thuyết giảng cho người khác về vấn đề nhân quyền.

Bắc Kinh nói rằng một trong những chuẩn mực phát triển nhân quyền của họ là hạ thấp mức nghèo đói của dân chúng.

Tuy nhiên một giáo sư ở Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng nếu so sánh chuẩn mực nghèo đói của Trung Quốc với các quốc gia khác thì ông thấy rằng nó rất thấp, vì thế phải nâng chuẩn mực này lên. Điều đó có nghĩa là số người thực sự nghèo đói của Trung Quốc nhiều hơn cách tính toán của chính phủ Bắc Kinh.

Một tổ chức theo dõi nhân quyền có tên là Bảo vệ quyền làm người Trung Quốc có trụ sở bên ngoài Trung Quốc nói rằng việc chú trọng phát triển kinh tế của Trung Quốc đã trả một giá đắt về nhân quyền khi có rất nhiều người bị bóc lột, bị phân biệt đối xử, và không được bảo vệ.

Theo quan sát của các tổ chức nhân quyền quốc tế thì có đến hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc bị cầm tù trong thời gian qua, nhất là từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền từ năm 2012 đến nay. Các tổ chức này nói rằng chính quyền đặc biệt nhắm vào giới luật sư nhân quyền và tăng cường kiểm soát mạng Internet.

Phong trào đòi quyền chính trị tại lãnh thổ Hồng Kong do Trung Quốc kiểm soát vào năm 2014 cũng bị đàn áp, và thủ lĩnh của phong trào này là anh Hoàng Chi Phong đã bị giam và có thể sẽ phải đối diện với một bản án nặng hơn

Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất cho đến nay từ thời Đức quốc xã, cầm tù một người được giải Nobel về nhân quyền và để cho người đó chết là ông Lưu Hiểu Ba. Ông qua đời hồi tháng Bảy vừa rồi.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-accused-of-abuses-hosts-human-rights-forum-12072017080201.html

 

Hamas kêu gọi nổi dậy

phản đối quyết định công nhận Jerusalem

Tổ chức Hồi giáo Hamas hôm thứ Năm 7/12 kêu gọi người Palestine phát động một phong trào nổi dậy intifada mới để phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Hãng tin Reuters loan tin các cuộc biểu tình diễn ra tại dải Gaza, nhưng phần lớn trong ôn hòa.

Hàng chục người Palestine tụ tập tại hai điểm ở hàng rào biên giới trên dải Gaza với Israel và ném đá vào các binh sĩ ở phía bên kia. Bên trong dải Gaza, hàng ngàn người Palestine tập hợp, có người đốt vỏ xe, một số hô to những khẩu hiệu chống Mỹ:

“Chết chóc cho nước Mỹ! Kẻ điên khùng Trump, đi chết đi!”

Người Ả rập và người Hồi giáo trên khắp vùng Trung Đông hôm 6/12 lên án việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nói rằng động thái này sẽ gây bất ổn khu vực. Người Palestine nói Washington đã từ bỏ vai trò lãnh đạo và hòa giải trên thế giới của mình.

Liên minh châu Âu và LHQ cũng lên tiếng báo động về quyết định của Tổng thống Trump, ra lệnh chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv về Jerusalem và những hậu quả của quyết định đó đối với cơ may khôi phục tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Pháp bác bỏ quyết định “đơn phương” của Mỹ, trong khi kêu gọi các bên hãy bình tĩnh.

Anh nói bước hành động này không giúp ích gì cho các nỗ lực hòa bình, và đúng ra, Jerusalem nên được cả hai quốc gia Israel và Palestine cùng quản lý trong tương lai.

Đức nói quy chế của thành phố Jerusalem chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở một giải pháp hai quốc gia.

Tổng thống Trump hôm thứ Tư 6/12 đảo ngược chính sách lâu năm của Mỹ khi ông tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, phương hại tới các nỗ lực hòa bình Trung Đông, và làm xáo trộn thế giới Ả rập và các đồng minh phương Tây.

https://www.voatiengviet.com/a/hamas-keu-goi-noi-day-phan-doi-quyet-dinh-cong-nhan-jerusalem/4153585.html

 

California cảnh báo hỏa hoạn,

có thể lan nhanh tới  Los Angeles

Nhà chức trách ở Nam California hôm thứ Năm 7/12 cảnh báo về các điều kiện hỏa hoạn cực kỳ nguy hiểm trong khi tình trạng khô hạn và gió mạnh cản trở và làm thêm phức tạp nỗ lực dập tắt các đám cháy bùng phát trong trong tuần này gần Los Angeles.

Dự kiến gió mạnh lên đến 120 km/giờ sẽ thổi tới vào buổi tối, Cảnh sát trưởng Quận Los Angeles, ông Daryl Osby, khuyến cáo mọi người phải đề cao cảnh giác. Ông và các giới chức khác kêu gọi công chúng phải di tản ngay khi thấy có dấu hiệu nguy hiểm.

Thị trưởng Los Angeles, ông Eric Garcetti, cho biết hơn 230.000 người đã sơ tán ra khỏi các quận Los Angeles và Ventura.

Ông nói: “Đây là những ngày đau thương, nhưng cũng là những ngày chứng minh được khả năng chịu đựng của thành phố chúng ta.”

Sáng sớm thứ Năm 7/12, đã xảy ra bốn đám cháy rừng tại các quận Los Angeles và Ventura.

Đám cháy nghiệm trọng nhất là ở khu Thomas, cách thành phố Los Angeles 90 km về hướng tây-bắc, đã thiêu rụi một khu rừng rộng hơn 36.000 ha và phá hủy 150 căn nhà.

Các trận hỏa hoạn đã buộc hàng trăm trường học ở Los Angeles phải đóng cửa hôm thứ Năm.

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư đã dùng trang mạng Twitter đẻ kêu gọi cư dân hãy thận trọng và thi hành lệnh di tản khi có yêu cầu tại các khu vực bị ảnh hưởng.

Cục Lâm nghiệp và Phòng chống cháy rừng California hôm thứ Ba 5/12 cho biết là hơn 400.000 ha diện tích rừng đã bị thiêu hủy bởi các đám cháy rừng trong năm nay.

https://www.voatiengviet.com/a/california-canh-bao-hoa-hoan-co-the-lan-nhanh-den-los-angeles/4153439.html

 

Thủ tướng Israel: ‘các nước khác

sẽ hưởng ứng Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô’

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 7/12 nói ông tin rằng các nước khác sẽ hưởng ứng lập trường của Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, và rằng một khi đại sứ quán Hoa Kỳ dời tới thành phố này thì những nước khác cũng sẽ theo chân.

Phát biểu tại Bộ Ngoại giao Israel, ông Netanyahu cho biết chính phủ của ông đang tiếp xúc với các nước khác, nhưng ông không nêu đích danh nước nào.

Quân đội Israel loan báo sẽ triển khai thêm binh sĩ tại vùng Bờ Tây trong khuôn khổ một chiến dịch gọi là để “sẵn sàng ứng phó với những diễn biến có thể xảy ra.”

Quyết định của Tổng thống Donald Trump, đảo ngược chính sách của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên về Jerusalem, và bắt đầu quá trình dời sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem đã bị giới lãnh đạo Palestine chỉ trích kịch liệt.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói kế hoạch của ông Trump có nghĩa là Hoa Kỳ đã từ bỏ vai trò của mình trong tư cách một nước đứng ra làm trung gian hòa giải để đạt một giải pháp hòa bình.

Lãnh tụ Hamas Ismail Haniyeh kêu gọi một cuộc nổi dậy bạo lực mới của người Palestine chống lại Israel bắt đầu từ ngày thứ Sáu 8/12.

Ông Haniyeh nói trong một bài phát biểu hôm Thứ Năm 7/12 ở dải Gaza: “Chúng tôi muốn cuộc nổi dậy kéo dài và tiếp diễn để ông Trump và quân chiếm đóng (Israel) phải hối hận về quyết định này.”

Ông Trump công bố quyết định công nhận Jerusalem trong một bài diễn văn gây nhiều chú ý từ Tòa Bạch Ốc hôm 6/12.

Ông nói: “Hôm nay, rốt cuộc chúng ta phải thừa nhận một điều tất nhiên: Jerusalem là thủ đô của Israel. Làm như vậy không có gì khác hơn là thừa nhận một thực tế.”

trong bài diễn văn dài 11 phút được truyền hình trực tiếp, ông Trump nói:

“Đó là một việc làm đúng đắn và phải thực hiện. Tôi cũng đang chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu chuẩn bị việc dời chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv tới Jerusalem, phù hợp với Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem.”

https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-israel-cac-nuoc-khac-se-huong-ung-my-cong-nhan-jerusalem-la-thu-do/4153269.html

 

Những điều cần biết

về quyết định công nhận Jerusalem của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm gì liên quan tới Israel?

Donald Trump đã quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, là tổng thống đầu tiên của Mỹ làm như vậy kể từ khi Israel được sáng lập vào năm 1948. Tel Aviv hiện là nơi Mỹ và nhiều nước khác đặt đại sứ quán.

Ông Trump dự định dời đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, nhưng việc này có thể mất đến hai năm. Luật của Mỹ quy định tổng thống ký sắc lệnh đặc miễn sau mỗi sáu tháng xác định đại sứ quán vẫn đặt tại Tel Aviv. Tuần này, ông Trump lỡ mất thời hạn 6 tháng gần đây nhất, nhưng các quan chức Mỹ nói rằng ông sẽ ký vào sắc lệnh đặc miễn và cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao bắt đầu tiến trình dời đại sứ quán.

Tại sao ông Trump công nhận Jerusalem?

Ông Trump đang hoàn thành một lời hứa lúc vận động tranh cử rằng ông sẽ dời đại sứ quán Mỹ ở Israel về Jerusalem. Ông theo đuổi lập trường ủng hộ Israel mạnh mẽ khi còn là ứng cử viên để lấy lòng cơ sở ủng hộ lớn của ông là những người theo phái Phúc Âm và những người Mỹ gốc Do Thái ủng hộ Israel.

Lời hứa của ông Trump rất được lòng hai nhóm cử tri đó, bao gồm cả ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson, người đã quyên góp 25 triệu đôla cho một ủy ban hành động chính trị ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử.

Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng việc công nhận Jerusalem là thừa nhận “thực tế lịch sử và hiện trạng” của Jerusalem.

Vì sao Jerusalem, lâu nay là nguồn gốc của tranh cãi quyết liệt, lại quan trọng như vậy?

Người Israel và người Palestine đều tuyên bố Jerusalem thuộc về họ. Thành phố này cũng là nơi Israel đặt chính quyền của mình. Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của họ trong khi người Palestine xem khu vực phía đông thành phố, bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, là thủ đô của một nhà nước Palestine tương lai.

Xung đột tập trung vào Cổ thành Jerusalem, nơi có điện thờ thiêng liêng thứ ba của Hồi giáo và địa điểm thiêng liêng nhất của Do thái giáo. Thành phố này lâu nay đã là một vấn đề gây tranh cãi đối với người Do Thái và người Hồi giáo khắp thế giới. Mặc dù Israel kiểm soát thành phố, việc Israel sáp nhập đông Jerusalem không được cộng đồng quốc tế công nhận. Cộng đồng quốc tế muốn cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên này được giải quyết tại bàn đàm phán.

Jerusalem cũng là nơi có Nhà thờ Mộ Thánh, được xây dựng tại nơi mà nhiều Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh và được chôn cất. Các giáo phái Công giáo Armenia và Công giáo Roma và Chính thống giáo Hy Lạp chia nhau quyền trông coi nhà thờ này, nơi căng thẳng thường bùng lên về quyền kiểm soát những khu vực khác nhau.

Những hệ quả tiềm năng là gì?

Quyết định của ông Trump đảo ngược chính sách đối ngoại gần 70 năm qua của Mỹ và các nhà phân tích cảnh báo rằng nó có thể đe dọa những nỗ lực điều giải một thỏa thuận hòa bình giữa người Israel và người Palestine.

Các nhà lãnh đạo Ả-rập cảnh báo rằng nó có thể khơi mào các vụ bộc phát bạo lực mới, và Nhà Trắng đang chuẩn bị cho viễn cảnh này bằng cách điều phối các kế hoạch bảo vệ công dân Mỹ ở nước ngoài.

Các quan chức an ninh Israel nói họ đã chuẩn bị cho mọi tình huống.

Ngoài việc khiến các đồng minh quan trọng trong thế giới Ả-rập tức giận, bước đi này cũng đe dọa làm các đồng minh phương Tây của Mỹ giận dữ.

https://www.voatiengviet.com/a/nhung-dieu-can-biet-ve-quyet-dinh-cong-nhan-jerusalem-cua-my/4152879.html

 

Putin nói

lệnh cấm Nga tham dự Olympic có động cơ chính trị

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Nga sẽ không ngăn cản các vận động viên của mình tham dự Thế vận hội 2018, sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế cấm toàn đội Nga vì cáo buộc sử dụng chất cấm để cải thiện thành tích thi đấu (doping).

Mặc dù các vận động viên Olympic của Nga sẽ không được phép tranh tài dưới lá cờ nước họ, ông Putin nói rằng ông sẽ không ngăn cản các vận động viên tranh tài trong “tư cách cá nhân” tại Thế vận hội Mùa đông sắp tới ở Pyeongchang, Hàn Quốc.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hôm thứ Ba quyết định rằng các vận động viên người Nga vẫn có thể tranh tài trong tư cách “Vận động viên Olympic từ Nga.”

Quyết định được chờ đợi lâu nay của IOC trừng phạt Nga vì chiến dịch doping được nhà nước bảo kê tại Thế vận hội 2014 ở Sochi, Nga được đưa ra hơn hai tháng trước Thế vận hội Mùa đông diễn ra ở các địa điểm trên núi và dọc theo bờ biển của Hàn Quốc.

Nói chuyện với các phóng viên sau khi phát biểu trước công nhân nhà máy ô tô ở Nizhny Novgorod, nơi ông tuyên bố ông tranh cử cho nhiệm kỳ tổng thống thứ tư vào năm sau, ông Putin nói quyết định của IOC có động cơ chính trị.

“Quyết định này trông có vẻ như hoàn toàn được dàn dựng và có động cơ chính trị … Tất cả chúng ta đều thấy điều này, đối với tôi không còn nghi ngờ gì về việc này,” ông nói.

Ngoài lệnh cấm tham gia Thế vận hội 2018, IOC cũng phạt Ủy ban Olympic Nga 15 triệu đôla và đình chỉ tư cách thành viên IOC của chủ tịch Ủy ban Olympic Nga, Alexander Zhukov.

Ông Zhukov nói với hãng tin AFP rằng ông “đã xin lỗi” IOC hôm thứ Ba vì “những vi phạm chống doping” ở nước ông trong những năm gần đây.

Trong khi đó Pyotr Tolstoy, phó chủ tịch Duma Quốc gia, hạ viện của Nga, kêu gọi tẩy chay Olympic. “Họ làm nhục toàn thể nước Nga qua việc không cho trưng cờ và cử quốc thiều,” ông này nói trong một phát biểu được chiếu trên truyền hình.

Alexander Zubkov, chủ tịch Liên đoàn Đua xe trượt tuyết Nga, nói với truyền hình Nga rằng quyết định của IOC là “một sự hạ nhục … một cú đấm thẳng vào bụng.”

Alexei Kravtsov, Chủ tịch Liên đoàn Trượt băng Nga, nói, “Quyết định này có tính xúc phạm, sỉ nhục và hoàn toàn vô căn cứ … Tôi cho rằng quyết định này sẽ giáng một cú mạnh vào toàn bộ phong trào Olympic.”

IOC đã tước 11 huy chương Thế vận hội Sochi của đội Nga và đã áp đặt lệnh cấm thi đấu suốt đời đối với 20 vận động viên Nga.

Tòa án Trọng tài Thể thao cho biết họ đã nhận được khiếu nại từ 22 vận động viên Nga về các lệnh cấm, và rằng họ đã yêu cầu Tòa án ra phán quyết trước khi Thế vận hội Pyeongchang khai mạc.

Nga đã nhiều lần phủ nhận họ tiến hành một chiến dịch doping rộng khắp. Họ quy trách cho Grigory Rodchenkov, cựu giám đốc phòng xét nghiệm Moscow và Sochi, là nhân viên bất hảo.

Nhà khoa học này hiện đang sống dưới sự bảo vệ liên bang ở Mỹ.

Trước đây cũng từng có các nước bị cấm tham dự Thế vận hội, đáng chú ý là Nam Phi trong những năm mà nước này thi hành hệ thống chính quyền apartheid mang tính kỳ thị chủng tộc. Nhưng chưa có một lệnh cấm toàn diện nào nhắm vào một nước nào vì vấn đề doping.

https://www.voatiengviet.com/a/putin-noi-lenh-cam-nga-tham-du-olympic-co-dong-co-chinh-tri/4152479.html

 

Bắc Kinh: Chiến dịch đuổi lao động di cư khỏi thủ đô

Tiếp theo sau trận hỏa hoạn trong đó 19 người bị thiệt mạng, gần phân nửa là trẻ em, chính quyền Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch quy mô, viện lý do nâng cao sự an toàn trong thành phố, để đuổi hàng chục ngàn lao động di cư ra khỏi nơi cư ngụ.

Tiến trình này đang tiếp diễn tại hàng chục ngôi làng trên khắp thủ đô, nhiều nơi cách xa địa điểm xảy ra hỏa hoạn. Trong một số trường hợp, nhiều dãy nhà đã bị san bằng. Tại nhiều cộng đồng khác, các cửa hàng và nhà hàng ở tầng trệt bị buộc phải đóng cửa, khiến cư dân ở gần đó không có hàng quán để ăn cùng những tiện nghi khác.

​Mất mát lớn, tương lai đầy bất định

Sau trận hỏa hoạn, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ đã phát động một chiến dịch kéo dài 40 ngày để gọi là dẹp bỏ những tình huống rủi ro đe dọa sự an toàn của thành phố. Nhưng trên thực tế, đối với nhiều người, chiến dịch này là một cuộc tấn công toàn diện nhắm vào thành phần lao động nhập cư, là những người đã từng giúp thành phố hoạt động. Chiến dịch này còn là một nỗ lực quyết liệt để kiểm soát cư dân được sống trong thủ đô.

Gần đây, nhiều người phải hối hả đi tìm nơi cư ngụ mới. Nếu không, họ chờ đợi trong lo âu để lắng nghe những tiếng gõ cửa ban đêm, và có thể, được lệnh phải ra khỏi nhà.

Một số nơi như làng Xinjian gần nơi xảy ra hỏa hoạn, trông không khác nào như một vùng chiến sự.

Nhiều tòa nhà trong làng Xinjian đã bị phá hủy, hoặc nếu không bị phá hủy, thì các tòa nhà cũng bị làm hư hại tới mức không còn có thể ở được, với những cửa sổ bị đập vỡ và nhiều bức tường bị phá hủy dở dang.

Xục xạo để vớt vát những gì còn lại từ một nhà hàng ở Daxing, nơi ông từng làm việc, một người đàn ông lớn tuổi tên Sun đang tìm cách cậy một tấm che tường bằng kim loại.

Nhiều mảnh kính vỡ vương vãi kháp sàn nhà giữa những bàn ghế bị bỏ lại. Chẳng còn lại gì từ đống đổ nát của quán ăn cũ. Chủ cửa hàng, cũng là một người đồng hương của ông đến từ tỉnh Hồ Bắc, không có lựa chọn nào khác hơn là về quê.

Ông Sun kể:

“Họ bây giờ đang làm việc đồng áng trong khi chờ xem có bất kỳ công việc nào khác ở nơi nào khác hay không”.

Giữa lúc chiến dịch bắt đầu đi vào giai đoạn quyết liệt, nhiều người bị buộc phải gấp rút rời bỏ địa điểm kinh doanh hoặc nhà ở, ngay sau khi được lệnh.

Trong một số trường hợp, lao động di cư chỉ có một vài giờ để thu gom đồ đạc để ra đi.

Đối với một số người, bỏ lại hết để về quê không chỉ là bỏ lại công việc sau lưng. Ông Sun nói ông chủ nhà hàng, như nhiều người khác, kể như mất trắng số tiền đã đầu tư.

“Có một cửa hàng ở đàng kia, họ mới mở ra cách đây có một năm”, ông Sun nói.

“Chủ đầu tư đã đổ vào đấy khoảng 36.000 đô la, giờ thì cái nhà hàng đó đã bị phá hủy, ai biết được liệu họ có nhận được bất cứ khoản tiền bồi thường nào hay không”.

Không có điện, không có máy suởi

Bên kia thành phố tại một làng khác, làng Xianning Hou, tất cả các cửa hàng ở tầng trệt đều bị đóng cửa. Nhân viên an ninh địa phương đi tuần trên các đường phố, và người ta thấy mấy người đàn ông bê một một chiếc tủ lạnh soda và thiết bị khác lên môt chiếc xe tải.

Trong một cửa hàng dọc theo con đường chính của Xianing Hou, các chủ nhân của một nhà hàng tụm lại bên trong quán ăn đã đóng cửa. Họ nói trước đó, hàng chục nhân viên an ninh đã tới nhà hàng, lấy mang đi các thùng chứa khí đốt để họ không còn có thể tiếp tục kinh doanh. Nếu chống cự, họ sẽ bị bắt. Họ dự tính rời khỏi Bắc Kinh để quay về Hắc Long Giang.

“Tại nơi chúng tôi cư ngụ, không có chỗ để ăn, không thể nấu bất cứ thứ gì và máy sưởi đã bị tắt”, một người đàn ông kể. “Không được dùng than, khí đốt hoặc điện, không có cách nào để nấu ăn.”

Không chỉ có các làng mạc, nhà ở và nhà hàng đang bị nhắm mục tiêu, mà ngay cả các trung tâm thương mại cũng thế. Trong một số trường hợp, một số chủ nhà hoặc cán bộ địa phương hình như đã lợi dụng chiến dịch này như một cái cớ để đuổi sạch cư dân ra khỏi nơi ở của họ. Trong một số trường hợp, mục tiêu duy nhất là để tăng giá cho thuê hoặc phá hủy toàn bộ khu phức hợp để xây dựng lại.

Một nguồn thu nhập chính cho chính quyền địa phương ở Trung Quốc là các giao dịch địa ốc.

Tại một khu phức hợp ở phía đông thành phố, một hàng rào kim loại cao và bóng loáng đã được dựng lên bao quanh hơn một chục cửa hàng. Một số cửa hàng hình như đã bị bỏ trống trong một thời gian, nhưng nhân viên tại các cửa hàng khác, một cửa hàng ô tô và dịch vụ chuyển hàng, vẫn bận rộn.

Như trong nhà tù

Các chủ doanh nghiệp không biết họ có thể cầm cự bao lâu tại đó, hoặc tại sao hàng loạt cửa hàng sắp sửa bị san bằng.

Một người đàn ông nói:

“Có cảm giác như chúng tôi đang ở trong tù.”

Một nhân viên của dịch vụ chuyển hàng nói mặc dù công ty có giúp đôi chút, như hỗ trợ tiền di chuyển và trợ cấp sinh hoạt, những ngày vừa rồi đối với ông vô cùng bận rộn.

“Chủ nhà đang đuổi tôi ra khỏi nhà, tôi không biết sẽ đi đâu”, ông nói. “Sau khi giao xong món hàng này, tôi lại phải đi tìm một căn hộ.”

Gần làng Nam Shuangshu, hơn một chục cư dân bị đuổi nhà đang chờ bên ngoài văn phòng quản lý của một khu chung cư mới xây, để được trả lại tiền đặt cọc.

Một chiếc xe tải di chuyển chậm chạp vì trên đó chất đầy đồ đạc của những người đang rời thành phố.

Một người tên Trương cho biết ông đã bỏ ra hàng ngàn nhân dân tệ để mua nhiên liệu, chỉ để lái xe đi tìm một nơi ở mới.

Cuối cùng, ông tìm thấy một ngôi nhà bên ngoài thành phố để sinh sống, tiền thuê vào khoảng 220 đồng một tháng.

Ông nói:

“Tôi không nói tới một nơi mà những người giàu có ở, chỉ cần một nơi có phòng tắm, ấm áp, nơi tôi có thể nấu ăn và sinh hoạt ăn uống, thế là đủ rồi”.

Tại khu chung cư không thấy có dấu hiệu gì cho thấy toà nhà sẽ bị phá hủy hoặc vi phạm các quy định về an toàn. Tuy nhiên, cư dân ở đó cũng bị cuốn vào chiến dịch “làm thành phố an toàn này”.

Thành phần thấp kém

Cách nhà chức trách cưỡng bức dân phải khăn gói ra đi ngay sau khi được lệnh, đã gây phản ứng dữ dội trên mạng và từ các học giả có lập trường cấp tiến. Ngay cả các phương tiện truyền thông của nhà nước cũng lên tiếng.

Ông Hu Xingdou, một nhà kinh tế thuộc Học viện Công nghệ Bắc Kinh cho biết, trong khi ông bất đồng với các phương pháp của nhà chức trách, nhìn từ quan điểm của chính quyền, việc kiểm soát cư dân là điều cần thiết, bởi vì thành phần lao động di cư được coi như một nguồn gây bất ổn xã hội tại các thành phố lớn.

Ông nói:

“Bắc Kinh dự tính thay đổi tận gốc một số ngành công nghiệp cấp thấp, mà nhà chức trách tin là phù hợp hơn với vị thế của một thủ đô.

“Bắc Kinh không phải là một trung tâm kinh tế, mà là một thủ đô, dân số và các điều kiện giao thông phải được kiểm soát.”

Tuy nhiên, đối với những nạn nhân bị cuốn vào cơn lốc của chiến dịch, thì những gì đang xảy ra không được công bằng và nhắm trực tiếp vào cá nhân họ, một số người cho rằng chính quyền thành phố đang nhắm vào “giai cấp thấp kém”, một cụm từ mà các phương tiện truyền thông nhà nước từng sử dụng để mô tả thành phần lao động nhập cư.

Một công nhân di cư trẻ tuổi mới bị đuổi ra khỏi nhà đang chờ lấy lại tiền đặt cọc. Anh đặt câu hỏi:

“Làm thế nào để xác định thành phần thấp kém? Chúng tôi tất cả đều là công dân Trung Quốc, cấp thấp hay cấp cao là gì? Các ông không thể xác định giai cấp bằng số tiền mà một người làm ra.”

Chiến dịch được phát động hơn một tháng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết xây dựng một đất nước công bằng hơn tại một hội nghị chính trị cấp cao. Ông còn hứa sẽ làm cho Đảng Cộng sản trở nên nhạy cảm hơn và đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Chính quyền phủ nhận việc mô tả thành phần lao động nhập cư là “cấp thấp ” và cụm từ này đã bị chặn trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Nhưng đối với nhiều người, thông điệp của chiến dịch dọn quang thủ đô rất rõ ràng: đó là hãy về quê đi.

https://www.voatiengviet.com/a/bac-kinh-chien-dich-duoi-lao-dong-di-cu-khoi-thu-do/4151917.html

 

Ý bị chỉ trích không hào hiệp

với di dân bị bắt làm nô lệ tại Libya

Ngày 07/12/2017, RFI dành một ngày đặc biệt cho người tị nạn bị bắt làm nô lệ. Tuy đón tiếp nhiều thuyền nhân tị nạn, nhưng Ý vẫn bị Liên Hiệp Quốc chỉ trích không hào phóng với những người nhập cư bị bắt làm nô lệ tại Libya.

Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir gửi về bài tường trình:

« Tại Ý, không cần phải nhìn thấy ảnh hay video thì mới phẫn uất về tình hình tại các trại di dân Libya. Các tổ chức phi chính phủ cũng như giới bác sĩ là những người đầu tiên trực tiếp chứng kiến những cảnh bạo hành mà người nhập cư phải hứng chịu.

Bác sĩ Pietro Bartolo, từ năm 1992, đã chăm sóc những người nhập cư tới Lampedusa và ông đã nhìn thấy những cảnh tàn bạo khủng khiếp, ví dụ một nam thanh niên Nigeria bị cắt bộ phận sinh dục. Thế nhưng, người dân không tỏ thái độ bất bình.

Theo một cuộc thăm dò gần đây, chỉ có 17% dân Ý cho rằng nên giúp đỡ người nhập cư. Năm 2003, có tới 60% số người được hỏi ủng hộ việc đón di dân. Đương nhiên, nước Ý năm 2003 không phải là nước Ý năm 2017.

Có một suy nghĩ sai lệch cho rằng di dân ồ ạt đổ vào tràn ngập nước Ý. Thực ra, trong số 60 triệu dân, chỉ có 5 triệu dân nhập cư. Theo dự báo trong bản Báo cáo về di dân gần đây nhất thì đến năm 2033, số người nhập cư có giấy tờ hợp lệ không vượt quá 5,3 triệu, tức là dưới 10% dân số ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171207-y-bi-chi-trich-khong-hao-hiep-voi-di-dan-bi-bat-lam-no-le-tai-libya

 

Jerusalem : Thế cô lập của Donald Trump

Thanh Hà

Israel rất hài lòng với tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ. Thủ tướng Benjamin Netanyahu xem ngày 06/12/2017 như một “ngày lịch sử”. Thị trưởng thành phố Jerusalem Nir Barkat ca ngợi quyết định “can đảm và đúng đắn” của chính quyền Trump.

Trong lúc cả thế giới chỉ trích tổng thống Mỹ làm tiêu tan viễn cảnh hòa bình cho Cận Đông. Chính quyền Palestine cho rằng với quyết định này, Washington “hủy hoại hòa bình”.

Phản ứng gay gắt nhất đến từ Thổ Nhĩ Kỳ : Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngay hôm 06/12/2017 thông báo triệu tập đại diện 57 nước thành viên của Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo (OCI). Thông tín viên đài RFI Alexandre Billette từ Istanbul tường trình :

“Rõ ràng là Recep Tayyip Erdogan muốn dẫn đầu phong trào chống Washington. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã tiếp quốc vương Jordani, điện đàm với lãnh đạo 7 nước Hồi Giáo. Trong bối cảnh Ankara đang giữ chức chủ tịch luân phiên OCI, hôm qua, chính quyền thông báo sẽ triệu tập các nước thành viên tại Istanbul vào thứ Tư tuần tới (13/12). Đây sẽ là một cuộc họp bất thường chỉ nhằm để bàn về quyết định của Mỹ về quy chế Jerusalem.

Chính giới Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả phe đối lập, đồng thanh lên án chính sách của Mỹ, xem đây là “một sai lầm nghiêm trọng”, hay tệ hơn nữa, như lời bộ trưởng Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ, quyết định của Hoa Kỳ về Jerusalem là một “đám cháy khó dập tắt”.

Đối với ông Erdogan, giải quyết được khủng hoảng này sẽ giúp ông tăng uy tín đối với công luận trong nước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm hài lòng thành phần cử tri thuộc cánh bảo thủ luôn rất quan tâm đến vấn đề của Palestine. Recep Tayyip Erdogan không thể lơ là với số này trong lúc mà tỷ lệ tín nhiệm của ông đang chựng lại kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến Pháp hồi tháng Tư vừa qua”.

Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia tuyên bố “không bao giờ chấp nhận” Jerusalem là thủ đô của Israel. Còn nước Hồi Giáo đông dân nhất thế giới là Indonesia thì bày tỏ mối lo ngại “sâu sắc” về ổn định tại vùng Cận Đông.

Ả Rập Xê Út, một đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, lên án một hành động “vô trách nhiệm” của Nhà Trắng. Iran nói tới viễn cảnh một “cuộc chiếm ném đá Intifada” khác sắp mở ra.

Anh, Pháp, Đức đều không tán đồng quyết định của tổng thống Mỹ. Về phía Liên Hiệp Quốc, họp báo chiều 06/12, tổng thư ký Antonio Guterres đã mạnh mẽ lên án một quyết định “đơn phương” từ phía Hoa Kỳ. Ngày 07/12, Hội Đồng Bảo An họp khẩn tại New York về hồ sơ này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171207-the-co-lap-cua-donald-trump

 

Luân Đôn muốn “thủ tiêu”

những công dân chiến đấu cho Daech

Minh Anh

Các công dân Anh Quốc chiến đấu cho Daech sẽ phải được xác định vị trí, bị thủ tiêu và không được phép hồi hương. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Anh Quốc đã có phát biểu như trên khi trả lời phỏng vấn nhật báo Daily Mail ngày 07/12/2017.

Ông Gavin Williamson cho rằng « một tên khủng bố đã chết thì không thể làm hại đất nước ». Do đó, « nước Anh sẽ phải thực hiện những gì có thể để dập tan và trừ khử mối đe dọa này ».

Tân bộ trưởng Anh còn nói thêm rằng « chúng tôi khẳng định là cho dù quân khủng bố có bị chia rẽ và bị phân tán lực lượng tại Irak, Syria và nhiều vùng khác trong khu vực, chúng tôi vẫn tiếp tục truy đuổi chúng ».

Vẫn theo ông Williamson, chính phủ Anh phải làm sao cho « quân khủng bố không còn đất dung thân, họ không thể đến nước nào khác để rao giảng thù hận, và gieo rắc tử thần ».

AFP cho biết cuộc phỏng vấn này diễn ra vài giờ sau khi có hai người phải ra trình diện trước tòa với cáo buộc âm mưu ám sát thủ tướng Theresa May.

Theo ước tính, hiện có khoảng 800 người mang quốc tịch Anh đến tham chiến tại Irak và Syria cho Daech. 130 người trong số này đã bị giết chết, khoảng 400 người đã về nước và khoảng 270 người vẫn còn ở lại Trung Đông.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171207-luan-don-muon-%C2%AB-thu-tieu-%C2%BB-nhung-cong-dan-chien-dau-cho-daech

 

Bắc Triều Tiên bán ngư trường, dân chài trôi dạt

Tú Anh

Hiện tượng tàu ma trôi dạt ngoài khơi Nhật Bản phản ánh tình trạng thiếu lương thực và ngoại tệ ở Bắc Triều Tiên. Chế độ Kim Jong Un buộc dân đánh cá phiêu lưu xuống phương Nam bất chấp an nguy sóng dữ. Trên đây là nhận định của giới phân tích Nhật Bản và Hàn Quốc về số phận của ngư dân láng giềng phương Bắc, cũng mong manh như những con thuyền của họ.

Mỗi năm, hàng chục tàu đánh cá bằng gỗ, cũ kỹ, trang bị đơn sơ, trôi dạt trên biển hoặc bị đắm phơi xác trên bờ biển Nhật Bản. Nhưng năm 2017, chỉ trong tháng 11, tuần duyên Nhật Bản đã kiểm kê được 28 trường hợp, một kỷ lục tính từ năm 2014, khi hiện tượng này bắt đầu được thống kê.

Ngoài 48 ngư dân Bắc Triều Tiên lâm nạn được cứu cấp và chăm sóc, thỉnh thoảng chính quyền Nhật còn phát hiện xác người hay chỉ có những bộ xương trên các chiếc tàu vô chủ, do vậy mới có tên là « tàu ma ». 18 chiếc được ghi vào sổ trong năm 2017.

AFP tìm hiểu hiện tượng này và được giáo sư Toshimitsu Shigemura, đại học Waseda ở Tokyo, giải thích như sau : Từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, Kim Jong Un ra lệnh « gia tăng năng suất ngư nghiệp, áp đặt chỉ tiêu đánh bắt hải sản mỗi năm mỗi cao ».

Kim Jong Un « bán » biển

Vấn đề là năm vừa qua, Bắc Triều Tiên đã bán một phần quyền đánh cá trên biển Hoàng Hải cho Trung Quốc để đổi lấy ngoại tệ làm cho ngư dân mất phần lớn ngư trường để sinh sống. Theo phóng viên Pyon Jinil, người Nhật gốc Hàn, Bình Nhưỡng bắt buộc ngư dân đổ về biển Nhật Bản đánh bắt. Nhưng đi xa với những chiếc tàu thô sơ và ít xăng dầu, cuối cùng bị trôi dạt về các đảo Nhật Bản.

Thực ra, ngư dân Bắc Triều Tiên phải liều mình tìm sự sống trong cái chết, cũng vì nạn đói, một trong những hệ quả của lệnh cấm vận Liên Hiệp Quốc trừng phạt tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cũng theo nhà báo Pyon Jinil, khẩu phần lương thực cho mỗi công dân Bắc Triều Tiên chỉ còn 300 gram mỗi ngày. Cho dù có muốn nhập khẩu hai món hàng cơ bản là gạo và ngô bắp Trung Quốc không thôi, Bình Nhưỡng cũng không có đủ tiền vì trữ lượng ngoại tệ, do bị cấm vận tài chính và xuất khẩu, chỉ còn một phần ba so với một năm trước.

Tuần vừa qua, một chiếc tàu gỗ bị sóng lớn đẩy vào một đảo nhỏ ở Hokkaido (Bắc Hải Đạo). 10 ngư dân tự xưng là người Bắc Triều Tiên lên bờ xin tạm trú tránh biển động. Khi biển lặng, tàu ra đi thì một nhân viên canh đảo mới phát hiện TV, tủ lạnh, pin mặt trời, chăn mền và cả một bích chương quảng cáo truyện tranh treo tường cũng biến mất. Trước khi bị cảnh sát biển Nhật Bản bắt lại, nhóm ngư dân đã ném xuống biển phi tang một số đồ vật đánh cắp, theo tường thuật của truyền thông Nhật Bản.

Báo chí Nhật luôn loan tin rộng rãi mỗi khi có một tàu cá Bắc Triều Tiên trôi dạt. Một vài tờ báo còn suy đoán đây là tàu gián điệp. Tuy nhiên, theo giáo sư Toshimitsu Shigemura trích dẫn bên trên, điệp viên Bình Nhưỡng không bao giờ dùng thuyền thô sơ như thế.

Tàu gián điệp ?

Điều chắc chắn là với số tàu cá lâm nạn ngày càng nhiều và hành động « cầm nhầm » kiếm tiền bằng mọi giá, ngư dân Bắc Triều Tiên đã lâm vào ngõ cụt. Không đi thì đói mà đi thì may ít rủi nhiều.

Giáo sư Toshimitsu Shigemura e rằng, nhóm ngư dân « đạo tặc » nói trên, một khi trở về nhà an toàn, họ có thể bị chính quyền hành quyết vì bị nghi ngờ trở thành « gián điệp » cho Nhật Bản.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171207-bac-trieu-tien-ban-ngu-truong-dan-chai-troi-dat

 

Bình Nhưỡng : Chiến tranh với Mỹ sẽ xảy ra

Tú Anh

Theo bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên, một cuộc chiến tranh với Mỹ « không thể tránh được. Vấn đề là lúc nào ? »

Các cuộc tập trận của liên quân Mỹ-Hàn cộng với lời đe dọa « tấn công phòng ngừa » của Washington làm cho nguy cơ chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên trở thành « sự thật ». Ẩn số duy nhất là « khi nào thì chiến tranh bùng nổ ?». Trên đây là thẩm định của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên do hãng thông tấn nhà nước KCNA trích dẫn ngày 07/12/2017.

Bình Nhưỡng cho biết thêm là « không sợ chiến tranh và sẵn sàn đáp trả vũ khí hạt nhân của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân ».

Đe dọa an toàn hàng không dân dụng

Trong khi đó, các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, vi phạm nghị quyết ngăn cấm của Liên Hiệp Quốc, bị cộng đồng quốc tế lẫn giới hàng không dân dụng lên án. Theo AFP, nhiều máy bay của Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản trong đêm 29/11/2017 đã nhìn thấy ánh sáng phát đi từ tên lửa của Bắc Triều Tiên bị bốc cháy khi trở vào bầu khí quyển.

Điều nguy hiểm là từ năm 2014, Bình Nhưỡng không loan báo trước các vụ thử nghiệm. Ngày 28/07/2017, 323 hành khách trên chuyến bay Air France AF 293 thoát hiểm nhờ may mắn. Một tên lửa liên lục địa của Bình Nhưỡng bay lên, chỉ cách chiếc máy bay của Air France có 100 km. Nếu chuyến bay AF 293 khởi hành từ Tokyo đi Paris bị trễ 10 phút thì không biết chuyện gì đã xảy ra.

Sau vụ này, Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế, cơ quan đặc trách an toàn hàng không trực thuộc Liên Hiệp Quốc, lên án các vụ phóng tên lửa không báo trước và đã kêu gọi Bắc Triều Tiên tôn trọng các luật định quốc tế để tránh chuyện không may.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171207-binh-nhuong-chien-tranh-voi-my-se-xay-ra