Tin khắp nơi – 07/11/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 07/11/2019

Mỹ-Trung có thể hoãn ký

thỏa thuận thương mại tạm thời tới cuối năm

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký một thỏa thuận thương mại tạm thời có thể được trì hoãn tới tháng 12 trong lúc hai bên còn đang thảo luận về các điều kiện và địa điểm diễn ra, một giới chức cấp cao của Mỹ cho Reuters biết hôm 6/11.

Nguồn tin ẩn danh này nói có thể là sẽ không đạt được thỏa thuận ‘giai đoạn 1’ nhằm chấm dứt cuộc thương chiến, nhưng khả năng có được một thỏa thuận lớn hơn là không có.

Hàng chục địa điểm đã được đề nghị cho cuộc gặp Trump-Tập lần này mà trong đó có London, nơi hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau sau thượng đỉnh NATO mà ông Trump dự kiến tham dự từ 3-4/12. “Địa điểm này đang được cân nhắc nhưng chưa có quyết định nào cả,” nguồn tin của Reuters cho biết.

Các nơi khác có thể là ở Châu Âu hay Châu Á , Thụy Điển và Thụy Sĩ nằm trong số các nơi khả dĩ. Địa điểm mà ông Trump đề nghị là bang Iowa dường như đã bị loại, vẫn theo giới chức vừa kể.

“Các cuộc thương lượng vẫn tiếp diễn và đang có tiến bộ về văn bản của thỏa thuận giai đoạn 1,” phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Judd Deere, nói. “Chúng tôi sẽ cho quý vị biết khi nào có loan báo về địa điểm ký kết.”

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington chưa bình luận gì.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-trung-c%C3%B3-th%E1%BB%83-ho%C3%A3n-k%C3%BD-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-t%E1%BA%A1m-th%E1%BB%9Di-t%E1%BB%9Bi-cu%E1%BB%91i-n%C4%83m/5155543.html

 

Khối RCEP của Trung Quốc

là ‘sự cảnh tỉnh đối với Mỹ’

Một hiệp định tạo điều kiện cho thương mại tự do mà Trung Quốc vừa mới thỏa thuận với 14 nước ở châu Á là ‘lời cảnh tỉnh’ đối với chính quyền Mỹ trước ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực và việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm 2016 là ‘điều sai lầm,’ một chuyên gia kinh tế nhận định với VOA.

Các quan chức cao cấp từ 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand vừa giải quyết hầu hết các khác biệt trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ở Bangkok và dự định sẽ ký kết vào năm sau, chính phủ Thái Lan loan báo hôm 4/11.

Tuy nhiên, Ấn Độ cuối cùng đã quyết định không tham gia vào khối này khiến RCEP mất đi một thành viên quan trọng và không còn đầy đủ 16 nền kinh tế như kế hoạch ban đầu.

Bắt đầu đàm phán ở Campuchia hồi năm 2012 với 26 vòng đàm phán, RCEP là ý tưởng của Trung Quốc để nhằm tăng cường mậu dịch giữa Trung Quốc, các nước châu Á khác với các nước ASEAN. Nó sẽ giúp giảm thuế quan cũng như các rào cản phi thuế quan khác đối với hàng hóa của các nước tham gia.

‘Mỹ cần suy nghĩ lại’

Trao đổi với VOA, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa đến từ California, Mỹ, nhận định rằng tác động của khối RCEP này ‘không lớn như mọi người tưởng’.

Mặc dù chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế thế giới và gần 40% xuất nhập khẩu toàn cầu, nhưng khối RCEP này ‘chỉ tạo điều kiện để các nước buôn bán với nhau cho dễ dàng hơn thôi’, ông Nghĩa nói với hàm ý so sánh với TPP.

“Nó chỉ giới hạn trong lĩnh vực không đánh thuế xuất nhập khẩu vào nhau thôi chứ không tạo ra chế độ giao dịch tự do giữa 15 nền kinh tế với nhau,” ông nói.

Trong khi đó, hiệp định TPP mà Mỹ đàm phán với Nhật, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Peru, Chile, Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam ngoài việc cắt giảm thuế quan còn đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ…

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross từng nhận định rằng RCEP là hiệp định thương mại ‘ở cấp rất thấp’ vốn không có được quy mô như TPP.

“Đây là lời cảnh báo cho Mỹ vì họ đã rút khỏi TPP, tạo ra khoảng trống để cho Bắc Kinh muốn lấp vào khoảng trống đó,” ông Nghĩa nói và cho biết từ năm 2012, ý định của Trung Quốc khi tạo ra RCEP là ‘muốn đối trọng với TPP’.

“Mỹ đã sai khi rút ra khỏi TPP nên RCEP cũng là điều hay vì nó sẽ làm cho Mỹ suy nghĩ lại,” ông nói.

Theo ông phân tích thì với RCEP này, các nước trong khu vực muốn gửi thông điệp đến Mỹ là ‘nếu không có nước Mỹ thì chúng tôi vẫn phải làm ăn với nhau’ và rằng ‘trong khi nước Mỹ đi theo con đường bảo hộ mậu dịch (với chiến tranh quan thuế) thì các nước lại đi theo con đường tự do mậu dịch’.

Khi được hỏi với việc Mỹ rút ra khỏi TPP và Trung Quốc lập nên RCEP thì có phải là ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á đã trở nên không bằng Trung Quốc hay không, ông Nghĩa nói rằng ‘Bắc Kinh mơ ước như vậy nhưng thực tế không phải vậy’.

Ông giải thích là ngoài chuyện RCEP không đạt tầm một thỏa thuận lớn như TPP mà ngay cả một ‘mục tiêu nhỏ’ là ‘tập trung vào vấn đề thuế quan’ mà ‘vẫn chưa xong sau 7 năm’ và chỉ ra việc Ấn Độ, một nền kinh tế lớn và là thị trường khổng lồ, rút ra như là bước lùi lớn của RCEP.

Ông so sánh RCEP không có Ấn Độ phần nào giống như TPP thiếu Mỹ (Hiện TPP trở thành CPTPP chỉ còn 11 nước dưới sự lãnh đạo của Nhật Bản).

Theo lời ông Nghĩa thì New Delhi rút ra ‘vì lợi ích của chính họ’ trong bối cảnh nước này ‘đang bị nhập siêu hàng chục tỷ đô la Mỹ với Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng nếu tham gia RCEP thì thị trường Ấn Độ sẽ tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

Về tác động của RCEP đối với xuất khẩu các nước thành viên, ông Nghĩa cho là ‘không đáng là bao’. “Các nước đó không chỉ buôn bán với nhau mà còn phải mở ra thế hội nhập nền kinh tế của toàn bộ 15 nước để có thể đi vào tiến trình hợp tác sâu rộng và lâu dài hơn,” ông giải thích và cho rằng điều đó được thể hiện trong TPP.

“Cải cách mới là điều quan trọng còn thuế quan chỉ là chuyện nhỏ thôi’.

Về lợi ích của RCEP đối với Việt Nam, ông Nghĩa lưu ý rằng ngoài RCEP, Việt Nam đã có EVFTA vừa ký với châu Âu, CPTPP với 10 nước khác.

“Đây là cơ hội để Việt Nam cải tổ lại cơ chế, hệ thống để có được thế mạnh khi nói chuyện với Mỹ rằng chúng tôi đang cải cách hệ thống theo tiêu chuẩn của TPP và nếu quý vị quyết định quay trở lại TPP thì chúng tôi vẫn ở trên tuyến đầu,” ông nói.

Ông nói mặc dù RCEP ‘cũng giúp cho tăng trưởng của Việt Nam’ nhưng trong khuôn khổ CPTPP ‘cũng đã có những quy định giúp cho nền kinh tế Việt Nam rồi’.

‘Tác động hạn chế’

Tờ Wall Street Journal nhận định rằng tác động của RCEP đối với các nước thành viên là ‘rất nhỏ’.

Đối với các quốc gia đã có các thỏa thuận chặt chẽ với nhau từ trước, RCEP hầu như không có ý nghĩa gì, theo tờ báo này. Thuế quan trung bình của các nước thành viên ASEAN đối với nhau đã gần như ở mức zero.

Wall Street Journal trích dẫn nghiên cứu của Renuka Mahadevan thuộc Đại học Queensland và Anda Nugroho ởBộ Tài chính Indonesia, cho thấy lợi ích hạn chế của RCEP. Theo đó, RCEP không có Ấn Độ sẽ chỉ giúp tăng 0,08% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2030.

Hai quốc gia mà RCEP giúp tăng hơn 0,5% GDP trong cùng kỳ là Hàn Quốc, vốn cắt giảm mạnh nhất thuế quan và Việt Nam, vốn sẽ có được cú hích đối hàng dệt may và điện tử.

“Do RCEP sẽ không mở rộng hợp tác thương mại một cách có ý nghĩa đối với các quốc gia đã có mức thuế quan song phương thấp và không còn bao gồm quốc gia có dư địa rộng nhất để giảm thuế quan là Ấn Độ nên sẽ có tác động hạn chế,” Wall Street Journal viết.

Tờ New York Times cũng nhận định rằng việc Ấn Độ, quốc gia đã tham gia đàm phán ngay từ đầu, rút ra là ‘bước lùi lớn của RCEP’. Theo tờ báo này thì lợi ích chính của RCEP là mở cửa thị trường Ấn Độ do các nước còn lại đã có các hiệp định thương mại tự do với nhau.

Tờ báo này chỉ ra những yêu cầu của Ấn Độ mà Trung Quốc không thể đáp ứng như ‘xuất khẩu một lượng lớn thuốc men thông thường giá rẻ của Ấn Độ sang Trung Quốc’ – điều mà ngành công nghiệp dược của Trung Quốc phản đối.

Ấn Độ cũng yêu cầu được tiếp cận rộng nhiều hơn thị trường Trung Quốc cho ngành công nghiệp thuê ngoài (outsourcing) mà họ rất mạnh, bao gồm cả việc cấp visa dễ dàng cho các kỹ sư phần mềm Ấn Độ để làm việc trong các dự án ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận được phản ứng lạnh nhạt của Bắc Kinh, cũng theo New York Times.

Tờ Print của Ấn Độ cho rằng nước này ‘bị thâm hụt thương mại’ với hầu hết các nước RCEP, bao gồm một số nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc và Úc. Tỷ lệ xuất khẩu sang các nước RCEP trong tổng xuất khẩu của Ấn Độ là 20% trong khi nhập khẩu đến 35%, theo tờ báo này.

Đáng lo hơn nữa cho Delhi, theo tờ báo này, là việc Trung Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều hơn tất cả các nước còn lại trong RCEP.

Tờ báo này dẫn ra sau khi hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN được ký kết, thương mại của Trung Quốc với ASEAN đã tăng lên 5-6 lần trong khoảng thời gian từ năm 1995 cho đến 2017, hay nói cách khác thị phần của Trung Quốc trong nhập khẩu của ASEAN đã tăng rất nhanh so với xuất khẩu của khối này sang Trung Quốc. Điều này cho thấy Trung Quốc tiếp cận thị trường ASEAN nhiều hơn so với chiều ngược lại.

“Với RCEP, Ấn Độ không muốn là ASEAN thứ hai,” tờ báo này nhận định.

https://www.voatiengviet.com/a/kh%E1%BB%91i-rcep-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c-l%C3%A0-s%E1%BB%B1-c%E1%BA%A3nh-t%E1%BB%89nh-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9-/5155522.html

 

Thượng Đỉnh Đặc Biệt với Mỹ

không hẳn là lô “an ủi” cho ASEAN

Trọng Nghĩa

Tại cuộc họp cấp cao thường niên Mỹ-ASEAN trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN vừa kết thúc hôm 04/11/2019 tại Thái Lan, đại diện Mỹ là cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien đã chính thức chuyển lời mời của tổng thống Donald Trump tới toàn thể lãnh đạo 10 nước trong khối ASEAN qua Hoa Kỳ dự một Hội Nghị Thượng Đỉnh Đặc Biệt vào quý 1 năm 2020.

Lời mời bất ngờ này đã lập tức thu hút sự chú ý trong bối cảnh nhiều tiếng nói đã vang lên chỉ trích thái độ lơ là Đông Nam Á của ông Donald Trump, qua việc chỉ gởi một phái đoàn cấp thấp đi dự Thượng Đỉnh ASEAN ở Thái Lan vừa qua.

Theo một số nhà quan sát, quyết định tổ chức Thượng Đỉnh Đặc Biệt Mỹ-ASEAN chỉ là một lô “an ủi” mà ông Trump dành cho các nước Đông Nam Á, nhưng cũng có ý kiến cho rằng điều đó phản ánh một mối quan tâm có thật của Hoa Kỳ đối với khu vực. Đây chính là nội dung phân tích của tạp chí Nhật Bản The Diplomat trong bài viết ngày 06/11 mang tựa đề “Trump và Đông Nam Á: Một Thượng Đỉnh Đặc Biệt Mỹ-ASEAN sẽ mang lại được gì? – Trump and Southeast Asia: What Would a US-ASEAN Special Summit Do?

Thượng Đỉnh Đặc Biệt để khẳng định sự quan tâm của Mỹ

Ghi nhận trước tiên của The Diplomat là một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN, tách biệt với cuộc họp cấp cao thường niên ASEAN+1 trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN, không phải là một sáng kiến mới lạ.

Vào năm 2016, người tiền nhiệm của ông Donald Trump là Barack Obama đã từng mời các lãnh đạo ASEAN đến họp tại Sunnylands để nhấn mạnh hồ sơ Đông Nam Á trong chính sách châu Á của Hoa Kỳ.

Từ ngày ông Trump lên làm tổng thống, các quan chức Mỹ, theo The Diplomat, cũng đã từng xem xét khả năng tổ chức lại một thượng đỉnh tương tự, vừa để công nhận tầm quan trọng của khu vực đối với Mỹ, vừa giúp tổng thống Trump khỏi nhức đầu với việc năm nào cũng phải bố trí thời gian, vốn rất hạn hẹp của ông, để qua Đông Nam Á dự các hội nghị thượng đỉnh của ASEAN.

Chính vì lý do lịch trình mà tổng thống Trump chỉ mới tham dự các cuộc họp của ASEAN vào năm 2017, qua năm sau 2018, ông đã phải cử phó tổng thống Mike Pence đi thay, và năm nay là một phái đoàn cấp thấp nhất của Hoa Kỳ tới dự thượng đỉnh kể từ khi Washington tham gia khối Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) vào năm 2011.

Dĩ nhiên, trước một phái đoàn Mỹ chỉ ở cấp thấp, đối tác ASEAN cũng hạ thấp cấp độ đại diện của mình nhân “Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN” ở Bangkok hôm 04/11 vừa qua: Chỉ cử ngoại trưởng đến tham dự, bên cạnh 3 thủ tướng đại diện cho các nước bắt buộc phải có mặt là Thái Lan trong tư cách chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, Việt Nam, nước chủ tịch vào năm tới 2020, và Lào, quốc gia chịu trách nhiệm điều phối quan hệ Mỹ-ASEAN.

Một loạt cử chỉ để bù đắp việc ông Trump không đến Thái Lan

Đối với The Diplomat, quyết định cấp tốc tổ chức một Thượng Đỉnh Đặc Biệt Mỹ-ASEAN ngay vào đầu năm 2020 nằm trong một loạt động thái mạnh mẽ của Mỹ tại hội nghị ASEAN để chứng tỏ tầm quan trọng mà Washington dành cho khu vực Đông Nam Á

Bức thư mời của tổng thống Mỹ gởi các lãnh đạo ASEAN mà cố vấn an ninh Robert O’Brien đọc trong cuộc họp hôm 04/11 đã đề nghị tổ chức họp ngay “quý 1 năm 2020”, vào thời điểm thuận tiện cho cả hai bên. Theo ông Trump, hội nghị đó sẽ là “một cơ hội thật tốt” để Mỹ và ASEAN “mở rộng và tăng cường hợp tác trên các vấn đề có tầm quan trọng to lớn”.

Theo The Diplomat, lời mời là một trong một loạt những cử chỉ nhằm thuyết phục ASEAN về quyết tâm dấn thân của Mỹ vào vùng Đông Nam Á. Bản báo cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ về các tiến bộ đạt được trong việc triển khai chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ công bố vào đúng hôm 04/11 là một dấu hiệu khác.

Cả Mỹ lẫn ASEAN đều có lợi nhờ hội nghị thượng đỉnh đặc biệt

Đối với The Diplomat, nếu thực sự diễn ra, một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt mới giữa Mỹ và ASEAN sẽ không phải là không có ý nghĩa.

Đối với Hoa Kỳ, hội nghị sẽ tạo cơ hội cho chính quyền Trump củng cố thêm tầm quan trọng dành cho vùng Đông Nam Á nói chung và một các quốc gia Đông Nam Á cụ thể nói riêng trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm hình thành một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở (FOIP).

Hội nghị đặc biệt này cũng nhằm nêu bật tầm quan trọng của Đông Nam Á trong dư luận Mỹ vì lẽ khu vực này không được công chúng Hoa Kỳ chú ý bằng các cường quốc châu Á khác như Trung Quốc hay Nhật Bản.

Còn đối với các quốc gia Đông Nam Á, bất kể những lo ngại mà họ có về chính quyền Trump, Thượng Đỉnh Đặc Biệt đó sẽ là một minh chứng sống động cho cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực, nơi đang phải đối mặt với một Trung Quốc quyết đoán vào lúc mà tâm lý hoài nghi về vai trò của Washington đang tồn tại.

Hội nghị cũng là dịp để Đông Nam Á để làm sâu sắc hơn quan hệ với các lực lượng khác nhau tại Mỹ, bao gồm các tác nhân phi chính phủ gắn bó với lợi ích của khu vực như giới doanh nhân, các tổ chức giáo dục và cộng đồng người Đông Nam Á tại Hoa Kỳ.

Các thách thức đặt ra

Tuy nhiên, theo The Diplomat, việc tổ chức gấp rút một hội nghị thượng đỉnh như vậy không phải là không gặp những thách thức.

Trước hết là việc đưa tất cả 10 nhà lãnh đạo ASEAN đến Hoa Kỳ trong một năm bầu cử sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Về mặt hành chính, không phải dễ dàng khi phải điều phối lịch trình giữa các ưu tiên khác, trên tất cả các mặt, của 11 lãnh đạo.

Ngoài ra, trong địa hạt chính trị, cũng sẽ có những vấn đề được các thế lực có liên can tại Mỹ nêu lên. Quốc Hội Hoa Kỳ hay các nhóm bảo vệ nhân quyền chẳng hạn, chắc chắn sẽ thắc mắc về sự hiện diện của một số nhà lãnh đạo ASEAN tại Hoa Kỳ, chẳng hạn như thủ tướng Cam Bốt Hun Sen bị đánh giá là đang chạy theo Trung Quốc, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với cuộc chiến chống ma túy đẫm máu, hay lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Ky với cách tiếp cận vấn đề người Rohingya đầy tranh cãi.

Hơn nữa, theo The Diplomat, hội nghị thượng đỉnh mở ra trong một năm bầu cử ở Hoa Kỳ cũng có nguy cơ bị lợi dụng vào mục tiêu tranh cử, và xu hướng “Nước Mỹ trên hết” trong chính quyền Trump có thể tác động đến diễn tiến và kết quả của hội nghị.

Đối với chuyên san Nhật Bản, ngay cả khi những thách thức này được xử lý tốt, một hội nghị thượng đỉnh đơn lẻ khó có thể giải tỏa toàn bộ các vướng mắc, nghi ngại của các nước ASEAN về chính sách Đông Nam Á của Mỹ hiện nay, về tương quan lực lượng đang thay đổi trong vùng châu Á, và về cách thức bản thân ông Trump xử lý các vấn đề thương mại và liên minh.

Cho dù vậy, The Diplomat vẫn cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh Đặc Biệt Mỹ-ASEAN vẫn hàm chứa những yếu tố tích cực của cả Mỹ lẫn các nước Đông Nam Á.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20191107-thuong-dinh-dac-biet-voi-my-khong-han-la-lo

 

Tổng Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam:

Tương lai của nước Mỹ gắn trực tiếp

với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Tổng Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam Marie C. Damour (29/10) cho biết tương lai của nước Mỹ gắn trực tiếp với hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Bà Marie C. Damour tái khẳng định tương lai của nước Mỹ gắn trực tiếp với hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong tầm nhìn của Mỹ, khu vực này được định hình bởi quan hệ đối tác giữa các quốc gia vững mạnh, độc lập tự chủ và thành công; nhấn mạnh Mỹ tìm kiếm đối tác chứ không phải bá quyền trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Mỹ không tìm kiếm quốc gia vệ tinh, quốc gia phụ thuộc; cho rằng tuyên bố chủ quyền của các nước cần dựa trên luật pháp quốc tế và tất cả các nước cần được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không. Bà Marie C. Damour cho biết, Mỹ tìm kiếm những đất nước như Việt Nam, cùng chia sẻ tầm nhìn của Washington và cùng chia sẻ những lợi ích từ một khu vực ổn định – nơi tất cả các nước đều tuân thủ đúng luật chơi, không chịu sự cưỡng ép và bắt nạt, có thể đưa ra những quyết định của riêng họ. Đồng thời, bà Marie C. Damour cũng cho biết phía Mỹ kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần trở thành một cường quốc khu vực có trách nhiệm và có những đối sách ngoại giao đúng đắn, phù hợp, đóng góp vào hoà bình, ổn định chung.

Ngoài ra, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam cho biết Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng vô cùng lớn. Không một quốc gia nào đủ sức một mình đáp ứng nhu cầu này. Nguồn vốn duy nhất đủ sức cung ứng chính là khu vực tư nhân toàn cầu, trong đó bao gồm nhiều công ty tại Mỹ. Đó là cách duy nhất để các nước trong khu vực giải quyết được nhu cầu về đầu tư và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, bằng cách tập trung vào dòng vốn từ khu vực tư nhân, bà cho rằng mọi quốc gia có thể bảo đảm được chủ quyền, độc lập và quyền tự do lựa chọn trong quá trình này. Những nước vay nợ quá nhiều từ chính phủ nước ngoài thường cuối cùng phải thỏa hiệp về độc lập và chủ quyền.

Về quan hệ Mỹ – Việt Nam, bà Marie C. Damour cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới trong những năm vừa qua và là một đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ. Việt Nam cũng là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ nhờ vào sự năng nổ và đóng góp tích cực của khu vực tư nhân từ phía hai quốc gia. Nhiều năm qua, nền kinh tế giữa hai nước đang ngày càng gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau. Mỹ liên tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 130 lần kể từ năm 1994 đến nay. Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử… Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Mỹ có nguồn cung dồi dào. Hiện các doanh nghiệp Mỹ luôn coi Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn. Vì thế, Mỹ mong muốn tiếp tục duy trì đối tác hiệu quả với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cũng như các đối tác khác và cộng đồng doanh nghiệp để tạo điều kiện tối ưu nhất cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. Tổng Lãnh sự Mỹ cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được môi trường đầu tư ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Mỹ nói

riêng cũng như các doanh nghiệp nước ngoài nói chung. Ngoài ra, Mỹ cũng hoan nghênh Việt Nam đảm trách một vai trò lớn hơn cả trong khu vực và trên trường quốc tế.

Để thúc đẩy hợp tác quan hệ song phương hơn nữa, bà Marie C. Damour cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần: Nâng cấp các hệ thống trung chuyển và hậu cần, nhất là tuyến trung chuyển hàng hải; kiến tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thân thiện, cởi mở, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết.

Quan hệ hợp tác Việt – Mỹ được cải thiện trên nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 12/7/1995), đến nay, quan hệ Việt Nam – Mỹ đã chuyển đổi thành công từ đối đầu sang bạn bè, và trở thành đối tác toàn diện từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, đến quốc phòng-an ninh; với động lực hợp tác ngày càng củng cố, mạnh mẽ hơn, các lĩnh vực hợp tác ngày càng rộng, sâu, đa dạng, thực chất, hiệu quả và lợi ích hài hòa có tầm quan trọng chiến lược.

Sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã khai trương Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội (vào tháng 8/-1995). Sau đó, vào tháng 7/2013, trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định xu thế phát triển tất yếu của quan hệ Việt Nam – Mỹ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai. Tiếp đó, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015) đánh một dấu mốc quan trọng mới, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước.

Trong Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam – Mỹ được công bố sau cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Mỹ Barack Obama có đoạn: “Việc thực hiện tốt, đầy đủ và không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ phát triển lên một tầm cao mới”.

Tháng 5/2016, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục tạo ra một dấu mốc mới trong quan hệ hai nước, khi Tổng thống Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Như vậy, vật cản cuối cùng trong quan hệ song phương đã được xóa bỏ, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ, đồng thời gửi đi một thông điệp nhiều ý nghĩa về việc tăng cường lòng tin chiến lược và sự thắt chặt quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong tương lai. Nói chung, chuyến thăm được đánh giá đã “thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ với Việt Nam”.

Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngay từ cuối tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Mỹ, trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên và thứ ba ở châu Á có cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, “để đề ra lộ trình cho quan hệ Việt Nam – Mỹ, dựa trên những động lực tích cực của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, quan hệ Việt Nam – Mỹ trên lĩnh vực chính trị-ngoại giao nhìn chung tiếp tục diễn tiến thuận lợi. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2017 của Tổng thống Donald Trump, hai nước tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ trên cơ sở những Tuyên bố chung trước đây giữa hai nước; tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Có thể thấy rõ, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước thời gian qua đã thực sự làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Mỹ, thúc đẩy đà phát triển quan hệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau. Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác, phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; phối hợp về chương trình nghị sự toàn cầu, củng cố đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN, thúc đẩy quan hệ ASEAN – Mỹ.

Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam – Mỹ được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước. Hiện Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 24 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 100 lần, từ 451 triệu USD (năm 1995) lên 45,1 tỷ USD (năm 2015), 47,15 tỷ USD (năm 2016), 50,8 tỷ USD (năm 2017) và đạt kỷ lục 60,3 tỷ USD (năm 2018). Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đưa ra dự báo kim ngạch thương mại hai nước có thể đạt 80 tỷ USD vào năm 2020. Về đầu tư, Hoa Kỳ hiện đứng thứ 11 trong số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 908 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 9 tỷ USD.

Hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Mỹ được xác lập ngay từ khi bình thường hóa năm 1995. Trong 24 năm qua, hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước có những thay đổi ấn tượng. Nếu như lúc ban đầu, hai nước mới chỉ dừng ở các cuộc tiếp xúc song phương tập trung vào giải quyết vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh và người Mỹ mất tích (POW/MIA) trong chiến tranh tại Việt Nam, thì sau đó bắt đầu diễn ra các chuyến viếng thăm lẫn nhau của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước và đi cùng với đó là những tiến triển tích cực, thực chất trong việc xử lý hậu quả chiến tranh và những hợp tác trên các phương diện khác. Tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Mỹ. Đặc biệt, ngày 23/5/2016, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thực hiện một bước tiến có ý nghĩa, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin giữa hai bên để tăng cường hợp tác đối phó hữu hiệu với các nguy cơ về an ninh trong khu vực. Hiện hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại song phương và tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực. Hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động 3 năm về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2021.

Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác về khoa học-công nghệ vào năm 2000 và thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học-công nghệ. Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) chính thức được ký kết ngày 6/5/2014 đã mở ra cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hạt nhân dân sự đầy tiềm năng.

Mỹ và Việt Nam bước đầu hợp tác về khoảng không vũ trụ: Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký Tuyên bố ý định chung về trao đổi hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu không gian (tháng 12/2011); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) ký Tuyên bố hợp tác về khoa học công nghệ (tháng 3/2015), Dàn xếp Hành chính trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (tháng 5/2016). Tháng 3/2018, hai bên lần đầu tiên tổ chức Đối thoại về An ninh năng lượng tại Hà Nội.

Ngoài ra, hợp tác về giáo dục-đào tạo là nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Hiện có trên 30.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Mỹ. Hai bên tích cực triển khai dự án Đại học Fulbright tại Việt Nam; trao đổi về Hiệp định thực thi Chương trình Hòa Bình, cho phép các tình nguyện viên Mỹ vào dạy tiếng Anh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

http://biendong.net/bien-dong/31354-tong-lanh-su-my-tai-viet-nam-tuong-lai-cua-nuoc-my-gan-truc-tiep-voi-khu-vuc-an-do-duong-thai-binh-duong.html

 

Luận tội Trump: Hạ viện mở

phiên điều trần công khai đầu tiên vào tuần tới

Đảng Dân chủ Mỹ công bố phiên điều trần công khai đầu tiên vào tuần tới trong cuộc điều tra luận tội có thể loại ông Donald Trump khỏi chức vụ tổng thống.

Ba quan chức bộ ngoại giao sẽ ra làm chứng trước. Cho đến nay các nhà lập pháp từ ba ủy ban chính của Hạ viện đã được nghe lời khai từ các nhân chứng.

Cuộc điều tra luận tội tập trung vào cáo buộc rằng ông Trump đã gây áp lực để Ukraine phải công khai tuyên bố điều tra đối thủ chính trị Joe Biden.

Ông Trump phủ nhận mọi hành vi lạm quyền.

Luận tội: Đại sứ Mỹ tại Ukraine cảm thấy ‘bị đe dọa’ bởi Trump

Trung tá Mỹ khai là đã cảnh báo về cuộc gọi Ukraine

Hạ viện Mỹ thông qua việc điều tra luận tội ông Trump

Cần gì để có thể luận tội một tổng thống

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, ông Adam Schiff, người đang giám sát cuộc điều tra, nói với các phóng viên hôm thứ Tư 6/11 rằng hồ sơ luận tội tổng thống đang được thiết lập.

Ông nói: “Tổng thống đã dùng toàn bộ các cơ quan chính phủ nhằm mục đích áp lực Ukraine bôi nhọ đối thủ chính trị.”

Ông Trump đã đưa ra những tuyên bố làm mất uy tín của cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden – người có con trai là Hunter Biden từng làm việc cho một công ty khí đốt của Ukraine.

Các phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ sẽ được truyền hình trực tiếp. Các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ đặt câu hỏi cho nhân chứng.

Một trong những người đầu tiên xuất hiện sẽ là Bill Taylor, quyền đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, người đã đưa ra một số lời khai kín ‘gây bão’ nhất vào tháng trước.

Hôm thứ Tư – một tuần trước phiên điều trần công khai của ông Bill Taylor – Đảng Dân chủ đã công bố bản ghi chép lời khai của ông.

Bản ghi chép cho thấy ông Taylor nói với các nhà lập pháp rằng “ông biết rõ” tổng thống đã giữ lại gần 400 triệu đôla viện trợ quân sự của Hoa Kỳ vì muốn Ukraine điều tra ông Biden.

Ông Joe Biden là ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Cũng dự kiến ra làm chứng công khai vào thứ Tư tới là phó trợ lý ngoại trưởng George Kent.

Ông Kent được cho là đã nói với các nhà lập pháp rằng một số quan chức bị loại ra bên lề khi Nhà Trắng đưa các nhân vật chính trị được chỉ định để phụ trách chính sách của Ukraine.

Ông Kent làm chứng rằng ông đã bị một cấp trên cảnh báo “mất việc” sau khi bày tỏ lo ngại về luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, người vận động hành lang để Ukraine điều tra cha con ông Biden.

Ông Giuliani đã phủ nhận hành vi sai trái.

Điều tra luận tội: Lời khai ‘đáng sợ” của Đại sứ Mỹ tại Ukraine

Điều tra luận tội Trump: những ‘kịch bản’ khả dĩ

Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Marie Yovanovitch, người được triệu hồi tháng Năm sau khi rời Nhà Trắng, sẽ ra làm chứng vào thứ Sáu tuần tới.

Bà Yovanovitch nói với phiên điều trần hồi tháng trước rằng bà cảm thấy bị đe dọa bởi lời nhận xét của ông Trump với Tổng thống Ukraine rằng bà “sẽ trải qua một số chuyện”.

Mỹ đã cấp viện trợ quân sự cho Ukraine vào tháng Chín, sau khi một người tố giác đưa ra cảnh báo về cuộc điện thoại ngày 25/7, trong đó ông Trump đã yêu cầu tổng thống Ukraine điều tra cha con ông Bidens.

Khiếu nại của người tố giác đã thúc đẩy Đảng Dân chủ Hạ viện mở cuộc điều tra luận tội.

Chúng tôi biết gì về cáo buộc tham nhũng Biden-Ukraine

Thông tin nhanh về luận tội

Luận tội là phần đầu tiên – các cáo buộc – của một quá trình chính trị gồm hai giai đoạn mà Quốc hội Hoa Kỳ có thể bãi nhiệm một tổng thống.

Nếu Hạ viện bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội, Thượng viện buộc phải tổ chức một phiên tòa.

Một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện đòi hỏi đa số 2/3 phải đồng ý kết án – đó là điều được cho là không thể xảy ra trong trường hợp này, do đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát Thượng viện.

Chỉ có hai tổng thống Mỹ trong lịch sử – Bill Clinton và Andrew Johnson – đã bị luận tội, nhưng cả hai đều không bị kết án và không bị bãi nhiệm.

Tổng thống Richard Nixon đã từ chức trước khi ông có thể bị luận tội.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50327488

 

Bầu cử 2020: Ai đang dẫn đầu cuộc đua

 vào Nhà trắng của đảng Dân chủ?

Visual JournalismBBC News

Chỉ còn 12 tháng nữa là đến Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, BBC điểm qua những ứng cử viên có thể là đại diện của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà trắng với TT đương nhiệm Donald Trump.

Cựu Phó tổng thống Joe Biden là người dẫn đầu từ điểm xuất phát, nhưng trong những tháng gần đây, dấu hiệu dẫn trước của ông đã bắt đầu mờ nhạt dần.

Các số liệu gây quỹ gần đây cho thấy ông Biden đang chật vật để huy động tiền tranh cử, nên đây sẽ là một cuộc đua dài cho ông.

Chúng tôi thu thập và phân tích số liệu từ các khoản tiền mà các ứng cử viên đã gây quỹ, các cuộc thăm dò trên cả nước và tác động từ các buổi tranh luận.

Mặc dù có 17 ứng cử viên đảng Dân chủ ra tranh cử, nhưng chúng tôi sẽ tập trung vào 11 ứng viên đạt tiêu chuẩn tham gia các cuộc tranh luận sắp tới – và loại bỏ Beto O’Rourke, người vừa tuyên bố kết thúc chiến dịch tranh cử của ông.

Hiện tại, 11 ứng cử viên đó được chia thành ba nhóm hạt giống:

Nhóm số 1: Joe Biden cùng với hai thượng nghị sĩ nổi tiếng, Bernie Sanders của tiểu bang Vermont và Elizabeth Warren của tiểu bang Massachusetts.

Nhóm số 2: Pete Buttigieg, thị trưởng trẻ tuổi, đồng tính, của thành phố South Bend, Indiana, và Thượng nghị sĩ tiểu bang California Kamala Harris.

Nhóm số 3: Doanh nhân công nghệ Andrew Yang, thượng nghị sĩ Amy Klobuchar từ Minnesota và Cory Booker từ New Jersey, nữ nghị sĩ Hawaii Tulsi Gabbard, cựu thị trưởng Texas Julian Castro, và tỷ phú quỹ đầu tư Tom Steyer.

Khi bạn nhìn vào số người ủng hộ họ trong các cuộc khảo sát trong biểu đồ bên dưới, dễ dàng nhận thấy bà Warren là ứng cử viên đang có đà rất lớn, từ mức trung bình khoảng 5% trong tháng 1, đến tháng 11 bà đã đạt 20% người ủng hộ.

Bernie Sanders vẫn là một ứng cử viên nặng ký và tỷ lệ người ủng hộ luôn dao động từ 15-20% kể từ đầu năm. Đáng chú ý, số lượng ủng hộ ông hầu như không bị ảnh hưởng sau khi có tin ông bị lên cơn đau tim vào đầu tháng 10.

Tỷ lệ ủng hộ cho ông Buttigieg tăng nhẹ sau khi một diễn đàn trên sóng truyền hình cáp vào tháng 3 và chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ mà ông có được.

Ứng cử viên châu Á Andrew Yang, trong khi đó, đã dần dần xây dựng một lực lượng ủng hộ ông trong suốt một năm qua.

Harris cũng thấy tỷ lệ ủng hộ nhích lên đôi chút, đáng chú ý nhất là sau khi bà chỉ trích hồ sơ của Joe Biden về quyền công dân trong cuộc tranh luận tháng Sáu, nhưng sự ủng hộ này tụt hẳn ngay sau đó. Hiện tại, bà có nguy cơ rơi vào nhóm thứ ba.

Năm ứng cử viên khác không nhận được nhiều sự ủng hộ và có thể phải bỏ cuộc trước cuối năm nay.

Bernie gây quỹ được nhiều nhất

Số tiền ứng cử viên gây quỹ được không phải là dấu hiệu chắc chắn cho sự thành công – như, Jeb Bush, đã dẫn đầu cuộc gây quỹ trong đợt tranh cử của đảng Cộng hòa năm 2016, nhưng vẫn bị Donald Trump đánh bại.

Tuy nhiên, những con số này vẫn là một chỉ dấu cho thấy mức độ ủng hộ của các cử tri đối với mỗi ứng cử viên và trong trường hợp của Bernie Sanders, vẫn còn rất nhiều nguồn ủng hộ bền bỉ trung thành dành cho ông.

Như biểu đồ trên cho thấy, ông Sanders kiếm được nhiều tiền nhất từ các nhà tài trợ cá nhân kể từ đầu năm, và số tiền 25,2 triệu đôla của ông trong quý ba là tổng số cao nhất trong số các ứng cử viên năm 2020. Joe Biden chỉ huy động 15,7 triệu đôla.

Phần lớn sức mạnh của Sanders đến từ mạng lưới những người ủng hộ mà ông đã xây dựng trong cuộc đua với Hillary Clinton năm 2016.

Một phân tích chi tiết của New York Times hồi đầu năm nay cho thấy mạng lưới này trải dài trên toàn nước Mỹ – trong khi hầu hết các ứng cử viên còn lại phần lớn nhận sự hỗ trợ đến từ các tiểu bang mà họ đại diện.

Một điều khác cần lưu ý là Pete Buttigieg đã gây quỹ thành công như thế nào. Ông đã huy động được 51,4 triệu đôla cho đến nay, nhiều hơn 1,6 triệu đôla so với Elizabeth Warren và hơn 10 triệu đôla so với Joe Biden – mặc dù cựu phó tổng thống tham gia cuộc đua sau quý đầu.

Yang Gang giúp ông tiếp tục cuộc đua

Pete Buttigieg cho đến giờ là ngôi sao bất ngờ của cuộc đua, nhưng doanh nhân hầu không ai biết đến Andrew Yang cũng vượt quá mong đợi.

Yang đủ điều kiện để tham dự các cuộc tranh luận và theo kịp tài chính với các thượng nghị sĩ giàu kinh nghiệm như Amy Klobuchar và Cory Booker. Trên thực tế, trong quý thứ ba, ông đã kiến được số tiền bằng cả hai ứng cử viên này cộng lại.

Như biểu đồ dưới đây cho thấy, chính các nhà tài trợ nhỏ (những người cho ít hơn 200 đôla) đang tiếp sức cho chiến dịch của Yang – chủ yếu được thúc đẩy bởi một mạng internet tận tụy có tên là “Yang Gang”. Ông Yang sẽ cần nhóm ủng hộ này gây được quỹ bên ngoài mạng lưới internet nếu ông muốn tiếp tục chiến dịch của mình vào năm 2020.

Bernie Sanders và Elizabeth Warren cũng được các nhà tài trợ nhỏ hỗ trợ, nhưng tỷ lệ này của họ nhỏ hơn vì hai người này chuyển tiền từ tài khoản chiến dịch tranh cử vào Thượng viện của họ sang chiến dịch tranh cử tổng thống.

Điểm đáng chú ý khác là Tom Steyer tự tài trợ cho cuộc tranh cử. Ông huy động được chỉ 2 triệu đôla từ các nhà tài trợ cá nhân nhưng đã đầu tư 46,7 triệu đôla tiền của chính. Hãy nhớ Steyer là một tỷ phú trong ngành đầu tư.

Ông có một vài người bạn trong Đảng Dân chủ, vì từng chi 100 triệu đôla để hỗ trợ các ứng cử viên của đảng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm ngoái, nhưng con đường đến với chức tổng thống của ông có vẻ không rõ ràng, ngay cả trong tình huống tốt nhất.

Kho bạc của Trump vẫn bành trướng

Trong khi các ứng cử viên Dân chủ đang đối đầu với nhau, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã tạo được một khoản dự trữ 83,2 triệu đôla – nhiều hơn tổng số tiền của ba ứng cử viên dẫn đầu của đảng Dân chủ.

Đó là nhờ kết quả gây quỹ phá kỷ lục trong quý thứ ba cho chiến dịch của ông và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, người đã huy động được 125 triệu đôla – nhiều hơn 70 triệu đôla của Barack Obama và Ủy ban Quốc gia Dân chủ cùng kỳ năm 2011.

Một dấu hiệu đáng lo ngại cho Joe Biden là ông kết thúc quý thứ ba chỉ với 9 triệu đôla trong ngân hàng, một số tiền rất nhỏ cho một ứng cử viên dẫn đầu đang phải đối mặt với một đối thủ mạnh mẽ. Ngược lại, các đối thủ theo sát ông như Sanders, Warren và Buttigieg – tất cả đã bước vào quý IV năm 2019 với số tiền rất khả quan.

Warren đang là ứng cử viên hàng đầu

Cuộc tranh luận vào tháng 10 cho thấy một loạt ứng cử viên đảng Dân chủ tìm cách giáng một đòn mạnh vào những người đang dẫn đầu, và tỷ lệ ủng hộ đang tăng lên, mục tiêu bị tấn công chính là Elizabeth Warren.

Các ứng cử viên có một giới hạn thời gian nghiêm ngặt khi trả lời câu hỏi, nhưng được cho thì giờ phản bác mỗi khi tên của họ được đối thủ đề cập – điều này giải thích tại sao Warren nói nhiều hơn năm phút so với bất kỳ ai khác trên sân khấu.

Thượng Nghị sĩ Warren bị chỉ trích nhiều lần vì không rõ ràng về kế hoạch chăm sóc sức khỏe của bà sẽ được chi trả như thế nào, đặc biệt là bởi Pete Buttigieg và Amy Klobucher.

Sau đó, bà đã cung cấp thêm chi tiết về việc tài trợ cho kế hoạch của mình, nói rằng chi phí phần lớn sẽ được trả bởi các doanh nghiệp và những người giàu có. Nhưng một số đối thủ của bà cáo buộc rằng tính toán của bà không hợp lý.

Hiện giờ 9 trong số 12 ứng cử viên tranh luận trong tháng 10 đủ điều kiện tham gia cuộc tranh luận cuối tháng này – nhưng chỉ có năm người đủ điều kiện cho ngày 12/12, vì cuộc tranh luận này có các tiêu chí khó hơn, được thiết kế để thu nhỏ số người tham dự.

Cuộc đua sẽ tiếp tục ra sao?

Trong lúc năm 2019 sắp kết thúc, trọng tâm cuộc tranh cử bắt đầu chuyển từ gây quỹ và tranh luận sang bỏ phiếu.

Cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào tháng Hai, khi những thành viên đảng Dân chủ ở Iowa sẽ là người đầu tiên tham gia vào một loạt các cuộc đi bầu được gọi là bầu cử sơ bộ và họp đảng. Những sinh hoạt này diễn ra trong vòng vài tháng, với kết quả là một người sẽ được đề cử là ứng viên của đảng tại hội nghị đảng toàn quốc vào tháng Bảy.

Hiện giờ, việc bỏ phiếu tại các bang bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên – Iowa, New Hampshire, Nevada và South Carolina – có dấu hiệu cho thấy một cuộc đua rất cởi mở. Ví dụ, tại Iowa, Warren dẫn đầu với 22% nhưng theo sát là Buttigieg với 17%, Biden trên 16% và Sanders trên 15%.

Dưới đây là những mốc quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới:

2019

20 tháng 11: Cuộc tranh luận thứ năm tại Georgia

19 tháng 12: Cuộc tranh luận thứ sáu tại Los Angeles

2020

Sáu cuộc tranh luận nữa sẽ được tổ chức, nhưng chưa định ngày cụ thể.

3 tháng 2: Iowa họp đảng – bắt đầu cuộc bầu cử kéo dài năm tháng cho các ứng cử viên Dân chủ trên khắp Hoa Kỳ

3 tháng 3: Thứ ba Trọng đại- bầu cử sơ bộ và họp đảng tại hơn 12 tiểu bang

13-16 tháng 7: Hội nghị Toàn quốc của đảng Dân chủ – nơi ứng cử viên tổng thống của đảng được xác nhận

3/11: Ngày bỏ phiếu

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50312520

 

Mẹ bị bắn, cậu bé Mỹ cứu anh chị em,

đi bộ 22 km để tìm trợ giúp

Sau khi mẹ bị bắn trong một cuộc phục kích gần biên giới giữa Mỹ và Mexico, một cậu bé 13 tuổi đã đưa các anh chị em mình đi trốn và đi bộ khoảng 6 giờ đồng hồ để tìm người cứu, CNN đưa tin, dẫn lời gia đình.

Devin Blake Langford đưa 6 anh chị em của mình trốn trong bụi rậm và dùng cành cây để “giữ an toàn cho họ trong khi đi tìm người giúp”, người nhà là Kendra Lee Miller viết trên Facebook.

Các hãng tin của Mỹ đưa rằng mẹ của cậu bé, Dawna Ray Langford, lái một trong ba chiếc xe bị tấn công ở bang Sonora của Mexico làm 9 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng hôm 4/11.

Theo CNN, bà Dawna Langford và hai bà mẹ khác mỗi người lái một chiếc xe. Họ bị giết hại cùng với bốn trẻ nhỏ và hai trẻ sơ sinh.

XEM THÊM:

Trùm ma túy khét tiếng ‘El Chapo’ bị kết tội ở Mỹ

Kênh truyền hình này dẫn lời cô Miller nói rằng sau khi thấy mẹ và hai anh em trai thiệt mạng, Devin đã đi bộ khoảng 14 dặm (khoảng 22 km) tới La Mora để báo tin đầu tiên về vụ tấn công.

5 trong sáu em được Devin đưa đi trốn đã được đưa tới một bệnh viện địa phương rồi sau đó được đưa về Mỹ bằng đường hàng không.

Một đứa trẻ thứ sáu, em gái chín tuổi của Devin, bị mất tích sau khi cô bé cũng đi tìm người giúp.

Các thân nhân và các binh sĩ Mexico đã tìm thấy cô bé sau khi tìm kiếm khoảng hai giờ đồng hồ.

Theo AP, các nhà điều tra tin rằng ba chiếc xe ô tô bị các băng đảng tội phạm Mexico phục kích và tấn công.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BA%B9-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFn-c%E1%BA%ADu-b%C3%A9-m%E1%BB%B9-c%E1%BB%A9u-anh-ch%E1%BB%8B-em-%C4%91i-b%E1%BB%99-22-km-%C4%91%E1%BB%83-t%C3%ACm-tr%E1%BB%A3-gi%C3%BAp/5156445.html

 

Las Vegas cấm ngủ ngoài đường,

bị lên án là ‘chống người nghèo’

Hội đồng thành phố Las Vegas vào tối hôm 6/11 thông qua sắc lệnh hình sự hóa việc dựng lều trại hoặc ngủ trên đường phố ở khu trung tâm khi các nhà tạm trú có thể cung cấp giường.

Sắc lệnh được thông qua với tỉ lệ phiếu là 5-2, trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra trong và xung quanh tòa thị chính.

Những người biểu tình tràn vào các phòng của Hội đồng thành phố Las Vegas với các biểu ngữ như “Nghèo không phải là một tội” và “Hãy ăn của người giàu”, trong khi nhiều người hô các khẩu hiệu phản đối các thành viên hội đồng và Thị trưởng Carolyn Goodman, người bảo trợ cho dự luật.

Nhưng tất cả những điều đó không làm hội đồng dao động. Sắc lệnh mới sẽ được áp dụng cho khu trung tâm thành phố.

“Sắc lệnh này còn chưa ổn nhưng đó là một sự khởi đầu”, bà Goodman phát biểu, và lưu ý rằng nền kinh tế Las Vegas dựa vào hình ảnh là một địa điểm thu hút khách du lịch quốc tế. “Chúng ta đã đối thoại về chuyện này trong 20 năm và chúng ta phải có kết quả”, bà nói.

Sắc lệnh này cho thấy một bước đi nữa trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của thành phố nhằm quét sạch những người vô gia cư khỏi đường phố ở khu trung tâm – một chiến dịch bao gồm một số chiến thuật khắc nghiệt nhất ở Mỹ.

Hội đồng đã hình sự hóa việc phát thực phẩm cho người dân ở các khu vực công cộng, đóng cửa các công viên và cấm ngủ trong khoảng cách 15 m tính từ hàng rào – biện pháp này bị xem lài sai lầm và đã bị bãi bỏ.

Cựu thị trưởng, ông Oscar Goodman, một luật sư hay bào chữa cho những tay tội phạm cộm cán, là chồng bà Carolyn Goodman, thậm chí từng đề xuất đưa người vô gia cư đến một nhà tù bỏ hoang cách đó 50 km.

Hôm 6/11, người dân Las Vegas và những người vô gia cư phải vật lộn để sống sót trên đường phố đã lên tiếng phản đối sắc lệnh khi nó còn ở dạng dự thảo.

Sắc lệnh này “hoàn toàn là một lớp ngụy trang để người ta không làm gì cả”, Gerald Gillock, một luật sư ở Las Vegas nói. Văn phòng của ông ở trên một con phố nơi ông gặp người vô gia cư trên đường phố hàng ngày. “Sắc lệnh chẳng yêu cầu thành phố phải làm một việc nào cả”, ông nói.

(USA Today, FOX 5 Vegas)

https://www.voatiengviet.com/a/las-vegas-cam-ngu-ngoai-dung-bi-len-an-chong-nguoi-ngheo/5156356.html

 

Nghi can giả mạo hơn 10 cơ quan chính phủ liên bang

 để lừa gạt dân Canada

Hãng tin CBC News phát hiện rằng những kẻ lừa đảo đang sử dụng số điện thoại từ hơn một chục cơ quan chính phủ liên bang để lừa gạt người dân Canada, bằng cách giả mạo các cuộc gọi từ các cơ quan chính phủ và sở cảnh sát.

Một số cuộc gọi thông báo với các nạn nhân  rằng số bảo hiểm xã hội của họ đã bị đánh cắp. Những người khác được thông báo rằng họ nợ tiền của chính phủ và đang gặp rắc rối về mặt pháp lý. Để đánh lừa các nạn nhân kiểm tra các số điện thoại trong các cuộc gọi đến, những kẻ lừa đảo giả mạo các cuộc gọi của họ để hiển thị số điện thoại của các cơ quan chính phủ liên bang. Trong nhiều trường hợp, nghi can lừa đảo thông báo với một nạn nhân rằng họ sẽ nhận được một cuộc gọi từ một cảnh sát, rồi giả mạo cuộc gọi đến từ cảnh sát địa phương trong vài phút sau đó.

Hình thức lừa đảo này có ảnh hưởng đến khả năng phục vụ công chúng của các cơ quan chính phủ. Vì họ đang bị cản trở bởi các cuộc gọi từ người dân Canada muốn kiểm tra xem liệu các cuộc gọi mà họ nhận được có chính đáng hay không. Các viên chức chính phủ liên bang không thể xác định được có bao nhiêu bộ phận và cơ quan bị ảnh hưởng cho đến nay bởi vụ lừa đảo này. Nhưng CBC News xác định được hơn mười vụ – bao gồm các cơ quan như Trung tâm Chống lừa đảo Canada, các bộ phận RCMP địa phương, Cơ Quan Cạnh tranh và Trung tâm An ninh mạng. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/nghi-can-gia-mao-hon-10-co-quan-chinh-phu-lien-bang-de-lua-gat-dan-canada/

 

Bruxelles đẩy nhanh

tiến trình thành lập Ủy Ban Châu Âu

Minh Anh

Tân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von Der Leyen, ngày 06/11/2019, đã viết thư đề nghị Boris Johnson tiến cử một người làm ủy viên. Đây là hệ quả của việc hoãn ngày Brexit.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI, Pierre Benazet giải thích :

« Trong thỏa thuận mới cho Brexit có được vào phút chót tại kỳ họp thượng đỉnh cuối cùng, nước Anh cam kết là một đối tác trung thực và không gây xáo trộn trong hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu chừng nào việc hoãn Brexit mới vẫn còn kéo dài.

Do vậy, bà Ursula Von Der Leyen có lý do để có thể hy vọng một phản hồi tích cực và nhanh chóng từ phía Luân Đôn về việc bà đề nghị một ủy viên mới người Anh.

Boris Johnson được mời gọi nên ưu tiên đề cử một phụ nữ bởi vì Nghị Viện Châu Âu đã từ chối bà Sylvie Goulard. Người này đã được phía Pháp thay thế bằng ông Thierry Breton, và điều này đã gây khó khăn cho việc cân bằng nam – nữ mà bà Ursula Von der Leyen đặc biệt ưu tiên trong thành phần của ủy ban tương lai.

Một khi ủy viên người Anh được chỉ định, Ủy Ban sẽ có đầy đủ người bởi vì hôm thứ Tư (06/11) tân chủ tịch cũng đã chọn đề cử nữ nghị sĩ châu Âu người Rumani, Adina Valean, làm ủy viên phụ trách Công Nghiệp. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Bà Valean chính là người phụ trách cuộc điều trần của bà Sylvie Goulard.

Tại Nghị Viện Châu Âu, Ủy Ban Pháp Lý sẽ bắt đầu xem xét các lời khai về lợi ích của bốn người được đề cử vào vị trí ủy viên và các phiên họp điều trần mới sẽ được tổ chức. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191107-bruxelles-day-nhanh-tien-trinh-thanh-lap-uy-ban-chau-au

 

Chở lậu 15 người trong xe tải,

tài xế bị cảnh sát Anh bắt giữ

Mười lăm người bị bắt giữ vì tình nghi vào Anh quốc trái phép sau khi họ được phát hiện trốn trong chiếc xe tải trên đường cao tốc.

Người lái xe, một người đàn ông ở độ tuổi 50, từ Ireland, bị giữ vì tình nghi hỗ trợ người nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh tại hiện trường gần thị trấn Chippenham, hạt Wiltshire.

Cảnh sát hạt này thông báo tất cả 15 người trên xe đều là nam và ở độ tuổi từ 16 đến 30.

“Ở thời điểm này, chúng tôi không rõ về quốc tịch của họ,” thông cáo mới nhất của Cảnh sát Wiltshire cho biết.

Cảnh sát cũng cho biết lực lượng cứu thương đã kiểm tra sức khỏe sơ bộ của 15 người này – 14 người trong tình trạng khỏe mạnh và được đưa vào nơi tạm giữ ở Melksham và Swindon, còn một người được đưa tới Bệnh viện Great Western ở Swindon, nhưng sau đó đã được ra viện và đưa tới vào nơi tạm giữ.

Tất cả 15 người đàn ông bị bắt giữ vì tình nghi đã vào Anh quốc trái phép.

Bàn tròn BBC: Cập nhật vụ 39 nạn nhân Essex và phân tích, bình luận

Vụ 39 người chết ở Anh: Tranh cãi về trách nhiệm

Nghị sĩ Anh: Vụ 39 người chết là ‘hồi chuông thức tỉnh’

Một người dân đã cảnh báo cảnh sát Wiltshire về hoạt động đáng ngờ vào khoảng 20:30 GMT tối thứ Tư.

Sau đó, các sĩ quan cảnh sát đã đưa xe tải rời hiện trường, nhà báo Andrew Plant xác nhận.

Cảnh sát trưởng trực ban Steve Cox nói: “Người dân có thể thấy sự hiện diện của nhiều lực lượng khẩn cấp trong khu vực gần đường A350 đêm qua khi chúng tôi xử lý vụ việc này và xa lộ này bị đóng khoảng bốn tiếng trong lúc chúng tôi tiến hành điều tra tại hiện trường và khám chiếc xe tải, một xe chở hàng cỡ lớn.

Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan đối tác trong khi tiến hành điều tra thêm. Tôi hoàn toàn hiểu rằng các sự kiện đau thương gần đây ở nước Anh sẽ khiến cho có nhiều quan tâm và lo ngại về vụ việc này”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50327618

 

Nghị Viện Anh lo ngại

việc Trung Quốc lũng đoạn các trường đại học

Thụy My

Một báo cáo của Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Anh công bố hôm 06/11/2019 bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động của các trường đại học Anh Quốc, dẫn ra những « bằng chứng đáng báo động ».

Trong số những chứng cứ thu thập được, có việc đại sứ quán Trung Quốc làm áp lực đối với hiệu phó một trường đại học để ngăn cản các thành viên trong trường phê phán Bắc Kinh về chính trị.

Báo cáo cũng nêu ra trường hợp những viên chức thuộc Viện Khổng Tử tịch thu các tài liệu có nhắc đến Đài Loan – mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai – trong một hội nghị của giới đại học.

Theo cơ quan tư vấn chuyên về vấn đề an ninh RUSI, hiệp hội sinh viên và học giả người Trung Quốc (CSSA), được Bắc Kinh ủng hộ và tài trợ một phần, giám sát các sinh viên người Hoa và ngăn trở thảo luận về những chủ đề nhạy cảm đối với Trung Quốc như Đài Loan, Tây Tạng, cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Một phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ tích cực hoạt động chính trị tại Anh nói với Nghị Viện là bà bị chính quyền Bắc Kinh theo dõi, và gia đình ở Hoa lục bị sách nhiễu.

Hiện có trên 100.000 sinh viên Trung Quốc du học tại Anh, học phí của họ góp phần đáng kể vào ngân sách các trường đại học. Tuy nhiên báo cáo của Ủy Ban Đối Ngoại cảnh báo, trường đại học được khuyến khích lập các quan hệ đối tác với nước ngoài, nhưng cần phải cân nhắc những rủi ro về tự do giảng dạy và nghiên cứu của nhà trường.

Các tác giả bản báo cáo cho rằng bộ Ngoại Giao Anh chưa xử lý đúng đắn vấn đề, đề nghị nên cùng với các trường đại học vạch ra một chiến lược để đối phó.

Hôm nay 07/11 Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc của Nghị Viện Anh, nói rằng đó là « tưởng tượng ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20191107-nghi-vien-anh-lo-ngai-viec-trung-quoc-lung-doan-cac-truong-dai-hoc

 

Tổng thống Macron:

“NATO trong trạng thái chết não”

Minh Anh

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn và được tuần báo kinh tế Anh The Economist đăng tải ngày 07/11/2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo “những gì người ta đang nhìn thấy, chính là cái chết não của khối NATO”.

Trong suốt một giờ trả lời cuộc phỏng vấn dành riêng cho tuần báo kinh tế Anh, được thực hiện tại điện Elysée vào ngày 21/10/2019, nguyên thủ Pháp đã chỉ trích các quyết định của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho rằng đã đến lúc châu Âu phải “thức tỉnh”.

Ông nói : “Không hề có một sự điều phối nào về các quyết định chiến lược từ Mỹ với các đối tác của NATO. Rồi chúng ta chứng kiến một thái độ hung hăng từ một đối tác khác của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ tại một khu vực mà các lợi ích của chúng ta bị thách thức mà không có một sự phối hợp nào”.

Đặc biệt khi được hỏi về tương lai của điều khoản số 5 trong hiệp ước Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, liên quan đến tình liên đới giữa các thành viên liên minh khi một trong số nước này bị tấn công, ông Macron đã tỏ ra hoài nghi:

Về tương lai của điều khoản số 5 ư ? Nếu chế độ Bachar al-Assad quyết định trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ, liệu chúng ta có dấn thân vào hay không ? Đó thật sự là một vấn đề. Chúng ta cam kết cùng nhau chống Daech. Điều nghịch lý là chính quyết định của Mỹ và cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ trong cả hai trường hợp đều có cùng một hậu quả : Sự hy sinh của các đối tác của chúng ta trên địa bàn, những người đã chiến đấu chống lại Daech, Lực Lượng Dân Chủ Syria”.

Do vậy theo nguyên thủ Pháp, châu Âu cần phải “xác định rõ đâu là những mục tiêu chiến lược tối hậu của khối NATO”. Một mặt, ông kêu gọi củng cố hơn nữa hệ thống “phòng thủ chung châu Âu” độc lập và tự lực về mặt quân sự. Mặt khác, châu Âu nên mở lại đối thoại chiến lược, nhưng không chút ngây thơ, với Nga.

Nguyên thủ Pháp cảnh báo : “Tổng thống Trump, tôi vốn rất tôn trọng ông ấy về điểm này, đang đặt vấn đề NATO như là một dự án thương mại. Theo ông ấy, đây là một kế hoạch mà Hoa Kỳ bảo đảm một hình thức phòng vệ địa chính trị nhưng đổi lại, cần phải có một đặc quyền thương mại, một cái cớ để mua vũ khí Mỹ. Nước Pháp không tán thành điều đó”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191107-tong-thong-macron-nato-trong-trang-thai-chet-nao

 

Iran làm giàu uranium trở lại,

Pháp đe dọa tăng cường áp lực

Thụy My

Iran hôm nay 07/11/2019 đã thực sự bước sang một giai đoạn mới trong việc rút dần ra khỏi hiệp định nguyên tử, khi tái khởi động làm giàu uranium tại nhà máy Fordow đặt ngầm dưới lòng đất. Đang công du Trung Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron loan báo sẽ « tăng cường » áp lực đối với Teheran.

Thông cáo của tổ chức năng lượng nguyên tử Iran (OIEA) cho biết đã tái khởi động « ngay từ những phút đầu tiên của ngày hôm nay » việc làm giàu uranium tại nhà máy nằm cách Teheran 180 km. Theo Iran, hoạt động này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (AIEA), tuy nhiên đã rút giấy phép một nữ thanh tra của AIEA vì « một sự cố vào tuần trước ».

Đây là lần thứ tư nước cộng hòa Hồi Giáo thông báo không tôn trọng các cam kết. Nhưng theo tổng thống Pháp, đây là lần đầu tiên Iran ra khỏi khuôn khổ hiệp định « một cách rõ ràng và không hạn chế », và là « một sự thay đổi sâu sắc ».

Ông Macron dùng đến những từ ngữ mạnh mẽ vì Pháp đang cố gắng đóng vai trò trung gian giữa Iran và Hoa Kỳ nhằm giảm bớt căng thẳng trong hồ sơ nguyên tử.

Nhìn chung, việc Teheran khởi động làm giàu uranium gây lo ngại cho các nước còn gắn bó với hiệp định nguyên tử Iran (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc).

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố thông báo của Iran là « không thể chấp nhận được ». Ông kêu gọi Teheran từ bỏ những biện pháp từ tháng Bảy đến nay, tiếp tục tôn trọng hoàn toàn những cam kết quốc tế. Liên Hiệp Châu Âu khuyến cáo Iran không nên có những động thái mới gây khó khăn thêm cho việc cứu vãn hiệp định Vienna. Nga cho biết đang « theo dõi với đầy quan ngại ».

http://vi.rfi.fr/phap/20191107-iran-lam-giau-uranium-tro-lai-phap-de-doa-tang-cuong-ap-luc

 

Phi công vô tình nhấn chuông báo động không tặc,

phi trường Amsterdam thắt chặt an ninh

Tin từ AMSTERDAM, Hòa Lan – Một phi công vô tình nhấn chuông báo động không tặc/bắt giữ con tin trong phòng lái máy bay, và gây ra một vụ thắt chặt an ninh lớn vào hôm thứ Tư 6 tháng 11 tại phi trường Schiphol của Amsterdam, một trong những phi trường bận rộn nhất châu Âu.

Quân cảnh Hòa Lan cho biết họ đang tiến hành một cuộc điều tra về sự việc này. Hãng hàng không Air Europa thuộc sở hữu của Tây Ban Nha cho biết trong một chiếc máy bay sắp bay từ Amsterdam đến Madrid vào tối hôm đó, một chiếc chuông báo động vô tình được bấm vào, kích hoạt các giao thức an toàn tại phi trường. Tín hiệu báo động được kích hoạt mà không có lý do. Tất cả hành khách đều trở lại phi trường và chờ chuyến bay cất cánh. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/phi-cong-vo-tinh-nhan-chuong-bao-dong-khong-tac-phi-truong-amsterdam-that-chat-an-ninh/

 

Nga luôn theo dõi Trung Quốc để thay đổi chiến lược:

Bắc Kinh thêm đối thủ ở châu Phi?

Kremlin luôn chú ý, theo dõi các hoạt động của TQ ở châu Phi trong những năm qua nên các chiến lược của Moscow ở châu Phi cũng luôn được điều chỉnh, chuyên gia Nga nói.

Nga biệt đãi và phô trương sức mạnh quân sự

Vào ngày 24/10, Hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi diễn ra trong thời gian hai ngày (24-25/10) đã khai mạc tại Sochi (Nga). Như vậy, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Nga lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia châu Phi. Đây là sự kiện chính thức đánh dấu sự trở lại của Moscow ở Lục địa đen.

Tại hội nghị thượng đỉnh Sochi, điện Kremlin đã biệt đãi trọng thể các đại biểu châu Phi với món trứng cá đen nổi tiếng và các món ăn địa phương khác, đồng thời trưng bày các loại máy bay dân dụng, máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không khác nhau v.v…

Theo VOA (Mỹ), quốc phòng an ninh và mua bán vũ khí được coi là thế mạnh trong sự hợp tác giữa Nga với các nước châu Phi. Được biết, châu Phi hiện chiếm 30% đến 40% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga. Nhưng trong lĩnh vực này, Nga đồng thời cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ Trung Quốc và các nước khác.

Song song với phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh Sochi, Nga cũng không quên phô trương sức mạnh quân sự trước các đại biểu châu Phi. Hai máy bay ném bom chiến lược Tu-160 – lực lượng chủ lực trong các cuộc tấn công hạt nhân không quân chiến lược, đã cất cánh từ Nga, bay qua biển Caspian, biển Ả Rập, Ấn Độ Dương và hạ cánh xuống Nam Phi sau hơn 10 giờ bay và tiếp nhiên liệu trên không. Để phối hợp với lần hành động này, các máy bay vận tải quân sự quy mô lớn của Không quân Nga, như Il-62 và An-124, đã đến Nam Phi trước đó.

Tại hội nghị thượng đỉnh Sochi, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu Nga sẽ bước vào châu Phi và mở rộng trao đổi thương mại với Lục địa đen, đồng thời miễn cho các nước châu Phi khoản nợ 20 tỷ USD, con số này tương đương với kim ngạch thương mại hàng năm hiện nay giữa Nga và châu Phi.

Nga-TQ hiện không xung đột lợi ích ở châu Phi

VOA cho biết, khác với Trung Quốc, Nga sử dụng một cách khác để tăng tường các mối quan hệ châu Phi.

So với nhiều cường quốc phương Tây đã hiện diện hoạt động ở châu Phi trong một thời gian dài, kim ngạch thương mại giữa Nga và các nước châu Phi vẫn còn khiêm tốn, không thể so sánh với kim ngạch thương mại giữa Mỹ và châu Phi, Pháp và châu Phi, càng ít hơn rất nhiều so với kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi.

Nhưng so với Trung Quốc, hiện đang hoạt động tích cực ở châu Phi, Nga có một cách tiếp cận hoàn toàn khác để tương tác với các nước châu Phi.

Quân đội Nga đang hiện diện và thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi, quốc gia được xem là vùng đệm quan trọng về mặt chiến lược. Tính đến thời điểm hiện nay, có khoảng 20 quốc gia châu Phi Kremlin ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga. Như vậy, Nga có điều kiện mở rộng sự hiện diện ở khắp châu Phi, các công ty Nga có cơ hội ký các hợp đồng khai thác khoáng sản, dầu mỏ với các doanh nghiệp châu Phi.

Một số học giả châu Phi ở Nga nói rằng, những cách làm khác nhau đã khiến Nga và Trung Quốc không có xung đột lợi ích ở châu Phi. Hơn nữa, các yếu tố lịch sử cũng ảnh hưởng đến các sự hiện diện của Nga và Trung Quốc ở Châu Phi.

Ví dụ, Angola có truyền thống thân Liên Xô và Nga, điều đó khiến các hoạt động của Nga trở nên tích cực hơn Trung Quốc. Cộng hòa Trung Phi, từng là thuộc địa của Pháp và Nga đang đẩy lùi ảnh hưởng của Paris ở đây, truyền thông Nga cho biết.

Ngoài ra, Nga, Trung Quốc và Châu Phi và Nam Phi hiện là thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Điều này cũng tạo điều kiện tích cực cho sự mở rộng ảnh hưởng của Nga-Trung ở châu Phi.

Nga luôn theo dõi hoạt động của TQ ở châu Phi

VOA dẫn lời nhà bình luận chính trị Nikolsky cho biết, vào những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga gần như biến mất ở châu Phi. Sau năm 2000, các hoạt động của Nga ở Châu Phi bắt đầu sôi nổi hơn. Đặc biệt sau xung đột với phương Tây từ năm 2014, điện Kremlin đã chuyển hướng chiến lược mạnh mẽ sang châu Phi.

Chuyên gia Nga cho rằng một yếu tố khác kích thích Moscow trở lại châu Phi là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở lục địa này. Ông tiết lộ, Kremlin và các tổ chức nghiên cứu châu Phi của Nga vẫn luôn chú ý và theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở châu Phi trong những năm qua nên các chiến lược của Nga ở châu Phi cũng luôn được thay đổi, điều chỉnh.

“Trong nhiều năm qua, giới quan chức cấp cao Nga cũng tin rằng nhiều dự án và hoạt động của Liên Xô ở châu Phi thời điểm đó đã không thành công. Họ thậm chí còn cho rằng, Nga nên nhường ảnh hưởng cho Trung Quốc ở khu vực miền trung và miền nam châu Phi. Nhưng bây giờ rõ ràng là họ đã từ bỏ ý tưởng này”, ông nói.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, châu Phi được coi là vũ đài cạnh tranh quan trọng giữa Liên Xô và phương Tây, nhưng vào thời điểm đó, các hoạt động của Liên Xô ở Châu Phi đặc biệt chú trọng đến ý thức hệ. Ảnh hưởng của Liên Xô ở Châu Phi đạt đến đỉnh cao vào đầu những năm 1980. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự tương tác giữa Nga và châu Phi đã giảm đi rất nhiều sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng nó vẫn chưa bị dập tắt, điều này tạo điều kiện cho Nga trở lại châu Phi ngày nay.

http://biendong.net/doc-bao-viet/31330-nga-luon-theo-doi-trung-quoc-de-thay-doi-chien-luoc-bac-kinh-them-doi-thu-o-chau-phi.html

 

Saudi Arabia tuyển dụng hai nhân viên Twitter

 để theo dõi các nhà phê bình chế độ

Tin từ San Francisco – Hôm Thứ Tư (ngày 6 tháng 11), các công tố viên của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết chính phủ Saudi Arabia đã tuyển dụng hai nhân viên Twitter để lấy thông tin tài khoản cá nhân của một số nhà phê bình của chính phủ nước này.

Một đơn khiếu nại được Tòa Án Quận Hoa Kỳ tại San Francisco đã nêu chi tiết về nỗ lực của các viên chức chính phủ Saudi Arabia để tuyển dụng hai nhân viên của Twitter, nhằm tìm kiếm dữ liệu riêng tư

của hàng ngàn tài khoản người dùng. Các tài khoản bị theo dõi bao gồm của một nhà báo nổi tiếng với hơn 1 triệu followers, và các nhà phê bình chính phủ nổi tiếng khác.

Đơn khiếu nại còn cho biết thù lao của hai nhân viên này là một chiếc đồng hồ đắt tiền, và hàng chục ngàn mỹ kim được chuyển vào một tài khoản ngân hàng bí mật. Họ bị buộc tội trở thành gián điệp cho Saudi Arabia mà không ghi danh với chính phủ Hoa Kỳ.

Ông Ahmad Abouammo- người đã rời vị trí giám đốc hợp tác truyền thông khu vực Trung Đông của Twitter vào năm 2015- cũng bị buộc tội làm sai giả các tài liệu và nói dối khi bị các nhân viên FBI thẩm vấn. Ông bị cáo buộc đã thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn để nhận 100,000 mỹ kim được chuyển đến bởi một viên chức ngoại giao đến từ Saudi Arabia. Trong vòng một tuần kể từ khi gặp gỡ viên chức nói trên tại London, ông Abouammo bắt đầu truy cập thông tin những người dùng Twitter mà hoàng gia Saudi Arabia lưu tâm đến. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/saudi-arabia-tuyen-dung-hai-nhan-vien-twitter-de-theo-doi-cac-nha-phe-binh-che-do/

 

Hai ngư dân Bắc Hàn vừa được trao trả

cho Bình Nhưỡng sau khi bị nghi đã giết 16 người

trên tàu rồi trốn sang Hàn Quốc.

Hàn Quốc và tinh thần tự cường của Xa lộ Gyeongbu

Thăm Bảo tàng Chiến tranh Triều Tiên ở Seoul

Họ đã vượt biên thứ Bảy tuần trước, nhưng bị bắt giữ tại miền Nam.

Hàn Quốc thường đồng ý cho người chạy trốn được tị nạn, nhưng nói hai người này là đe dọa cho an ninh quốc gia.

Họ bị xem là tội phạm và đã bị trả lại cho Bình Nhưỡng.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn lời giới chức nói hai người đã khai rằng họ, và một người nữa, đã giết thuyền trưởng vào cuối tháng 10 vì bị đối xử tệ bạc.

Sau đó họ giết tất cả những thủy thủ phản đối.

Đây là lần đầu tiên Seoul trục xuất người Bắc Hàn qua Bàn Môn Điếm, là giới tuyến phân cách hai nước.

Hai nước không có thỏa thuận dẫn độ.

Năm 2017, có 1.127 vụ đào tẩu từ Bắc Hàn sang Hàn Quốc, theo thống kê của Seoul.

Những người đào tẩu thường bị tình báo Hàn Quốc thẩm vấn, trải qua trại cải tạo rồi được phép sống tại Hàn Quốc.

Đa số người Bắc Hàn chạy trốn qua ngả Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50322123

 

Đài Loan cảnh báo TQ có thể tấn công

nếu kinh tế giảm tốc nghiêm trọng

Bắc Kinh có thể ra tay tiến hành xung đột quân sự với Đài Loan tự trị để chuyển hướng áp lực trong nước, nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại đe dọa tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.

“Nếu sự ổn định nội bộ là vấn đề rất nghiêm trọng, hoặc suy thoái kinh tế đã trở thành vấn đề rất nghiêm trọng mà các nhà lãnh đạo hàng đầu phải giải quyết, đó là diễn biến mà chúng tôi cần phải hết sức cẩn thận”, ông Wu nói hôm 6/11.

“Chúng tôi cần chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất xảy ra … là xung đột quân sự”, ông nói.

Nền kinh tế Trung Quốc, dù vẫn tăng trưởng, được dự báo sẽ giảm tốc trong năm nay xuống mức thấp trong gần 30 năm qua, điều đó cho thấy rõ một thách thức lớn đối với Bắc Kinh trong việc đẩy mạnh kích thích để duy trì tăng trưởng vốn là nền tảng cho tính chính danh chính trị của Đảng Cộng sản.

Ông Wu nói tình hình kinh tế ở Trung Quốc hiện vẫn ổn, nhưng ông thúc giục các nước khác theo dõi điều mà ông coi là những vấn đề ở Trung Quốc, như thất nghiệp và sự bất mãn của dân chúng.

“Có lẽ chính ông Tập Cận Bình đang bị truy vấn về tính chính đang của ông ta, khi không thể duy trì nền kinh tế Trung Quốc phát triển”, ông Wu nói, đề cập đến chủ tịch Trung Quốc.

“Đây là một yếu tố có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định thực hiện một hành động ra bên ngoài để chuyển hướng sự chú ý trong nước”, ngoại trưởng Đài Loan nói.

Ông Wu nhận xét rằng sự hung hăng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực đã trở thành một nguồn gây căng thẳng “rất nghiêm trọng”, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, nhưng ông nói thêm rằng Đài Loan đang cố gắng làm bất cứ điều gì có thể để đảm bảo hòa bình ở vùng eo biển Đài Loan.

“Chúng tôi chắc chắn hy vọng rằng Đài Loan và Trung Quốc có thể chung sống hòa bình với nhau, nhưng chúng tôi cũng thấy có những vấn đề do Trung Quốc gây ra, và chúng tôi sẽ cố gắng đối phó với điều đó”, ngoại trưởng Đài Loan nói.

https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-canh-bao-trung-quoc-co-the-tan-cong/5156266.html

 

TQ đang mở chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn,

có chủ đích cho “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông

Hàng loạt vụ việc liên quan công nghệ số gần đây cho thấy Bắc Kinh đang tiến hành một chiến dịch quảng bá rầm rộ cho yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông, trong đó luôn tìm mọi cách thâm nhập vào Việt Nam.

Cài cắm “đường lưỡi bò” trong các ứng dụng bản đồ xe hơi

Ngày 19/10, các loại ôtô Zotye, Baic… do Trung Quốc sản xuất, xuất khẩu sang Việt Nam bị phát hiện được cài phần mềm bản đồ có “đường lưỡi bò”, mặc du không sử dụng được.Giám đốc Kylin (Đại lý nhập khẩu và phân phối các dòng xe mang thương hiệu Haima, Geely, Zotye và Baic của Trung Quốc tại Việt Nam) cho biết, các xe do Trung Quốc sản xuất đều được nước này cài phần mềm ứng dụng bản đồ định vị vệ tinh trên trang Web Navigation.

Không chỉ dừng lại ở những hãng xe hơi Trung Quốc, Bắc Kinh con tác động để đưa các phần mềm tương tự vào các hãng xe hơi nổi tiếng châu Âu. Ngày 27/10, khách hàng Việt Nam tiếp tục phát hiện chiếc Volkswagen Touareg của Đức có bản đồ “đường lưỡi bò” trong ứng dụng điều hướng. Đại diện hãng xác nhận đây là sơ suất khi không kiểm tra kỹ trước khi mang xe đi trưng bày tại triển lãm.Tổng giám đốc Volkswagen Việt Nam cho biết, xe được đặt hàng hãng mẹ tại Đức theo diện tạm nhập tái xuất để phục vụ triển lãm. Hãng mẹ sau đó chỉ định cho đại lý Việt Nam nhập chiếc Touareg từ Trung Quốc.Các doanh nghiệp sau đó cam kết sẽ nâng cấp phần mềm để hủy bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” trong phần Navigation hoặc thay thế toàn bộ phần nội thất xe liên quan.

Lồng ghép tinh vi “đường lưỡi bò” trong phim ảnh giải trí

Gần nhất có thể kể là vào tháng 3/2018, bộ phim “Điệp Vụ Biển Đỏ” và tháng 10/2019 là phim “Everest -Người tuyết bé nhỏ”, đã được Trung Quốc lồng ghép “đường lưỡi bò” phi pháp một cách rất tinh vi. Trong đó Bộ phim “Everest -Người tuyết bé nhỏ” do hãng “DreamWorks” của Mỹ hợp tác sản xuất với Công ty “Pearl” của Trung Quốc. Bộ phim kể về hành trình của cô bé gốc Hoa tên Yi cứu Người tuyết thoát khỏi sự giam cầm của một nhóm các nhà khoa học và đưa nó trở về quê hương trên đỉnh Everest. Mặc dù là bộ phim có quốc tế có bản quyền chiếu tại các rạp ở nhiều nước, nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc đã tác động để bộ phim sau đó sử dụng hình ảnh “đường lưỡi bò” thay vì hình ảnh bản đồ bình thường như bao bộ phim khác.

Hay như bộ phim “Điệp Vụ Biển Đỏ” do phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc đầu tư, sản xuất công phu nhằm đánh bóng cho hình ảnh quân đội Trung Quốc. Phim có hai phút cuối cùng nhạt nhòa, nhưng lại hàm chứa ý đồ thâm sâu của phía sản xuất. Sau khi các sự kiện chính kết thúc, bộ phim xuất hiện hình ảnh một vùng biển với chú thích “Nam Hải” (cách Trung Quốc gọi Biển Đông). Tại vùng biển đó là hình ảnh một con tàu không rõ quốc tịch, bị bao vây bởi các tàu chiến và hải giám Trung Quốc. Phía quốc gia tỷ dân dùng loa thông báo rằng đây là hải phận của Trung Quốc và yêu cầu con tàu phía trước ngay lập tức rút lui khỏi vùng biển.

Cài đặt trong các trò chơi trực tuyến và ứng dụng thời tiết

Cũng trong tháng 10, khách hàng Việt Nam đã phát hiện trong trò chơi “Âm Dương Sư” tài về và cài đặt trên điện thoại thông minh hay máy tính có sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò”. Ngay sau đó, trò chơi đã bị người dùng Việt Nam tẩy chay. Ngày 16/10, Công ty Dịch vụ phần mềm Bình Minh, nhà phát hành trò chơi Âm Dương Sư tại Việt Nam, thông báo đóng cửa trò chơi này vì bản cập nhật mới nhất

của trò chơi xuất hiện bản đồ “đường lưỡi bò” có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Trước đó, Việt Nam cũng nhiều lần phát hiện trong các trò chơi cho trẻ em của Trung Quốc cũng được lồng ghép các bản đồ “đường lưỡi bò”.

Những người dùng iPhone, iPad tiếng Việt hoặc tiếng Trung, khi tra bản đồ thời tiết Weather.com, được cài đặt sẵn trên thiết bị, sẽ nhìn thấy “đường lưỡi bò” bao trùm toàn bộ Biển Đông. Điều đáng chú ý là đường lưỡi bò này chỉ hiển thị trên phiên bản tiếng Việt Nam, tiếng Indonesia, tiếng Nhật Bản, tiếng Trung Quốc của bản đồ thời tiết, không hiển thị trên bản đồ tiếng Anh, Pháp hay tiếng Hindi. Cá biệt, nếu ta chọn phiên bản tiếng Trung Quốc từ vùng lãnh thổ Đài Loan, bản đồ Weather cũng không hiển thị “đường lưỡi bò” bao phủ Biển Đông. Bằng việc cắm “đường lưỡi bò” vào đây và chỉ thể hiện trên phiên bản của một số ngôn ngữ, rõ ràng Trung Quốc đã chọn lựa đối tượng tuyên truyền của mình – những quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc hoặc những quốc gia đã bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của nước này.

Rõ ràng những sự cố như trên là nhằm tuyên truyền có chủ ý của TQ

“Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “Đường chín đoạn”, “Đường chữ U”, “Đường chín khúc”, dùng để chỉ đường quốc giới hải vực bao trọn Biển Đông mà Trung Quốc chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền. Vào ngày 12/7/2016, trong vụ kiện chủ quyền của Philippines, Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 bác bỏ với lý do “không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong đường chín Đoạn”.

Kết luận:

Mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đến nay đã quá rõ ràng qua những hành động hung hăng trên biển và những chiêu thức âm thầm trên đất liền, trên không gian mạng, trong suốt rất nhiều năm qua. Chính Trung Quốc, chứ không phải ai khác, đang giẫm đạp lên những phát ngôn của họ về việc trỗi dậy hòa bình, kết bạn với thế giới, hành xử có trách nhiệm với an ninh, ổn định trong khu vực… Trong nỗ lực hợp thức hóa ‘đường lưỡi bò’ (đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực PCA phán quyết là vô giá trị từ năm 2016) phi pháp của mình, Trung Quốc đã kiên trì thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn, bao gồm chỉnh sửa sách giáo khoa để nhồi nhét lịch sử sai lệch vào đầu thế hệ trẻ Trung Quốc, tuyên truyền về “đường lưỡi bò” qua phim ảnh, sách báo, các mặt hàng thời trang… ra khắp thế giới.

http://biendong.net/bien-dong/31349-tq-dang-mo-chien-dich-tuyen-truyen-quy-mo-lon-co-chu-dich-cho-duong-luoi-bo-phi-phap-o-bien-dong.html

 

Quyền lịch sử của TQ tại Biển Đông

Những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là đi ngược lại với UNCLOS 1982.

Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) GS. Stanislaw Michal Pawlak đã dành một phần quan trọng trong bài diễn văn của mình tại Phiên đặc biệt kỷ niệm 25 Năm Hiến chương của Đại dương để khẳng định những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là đi ngược lại với UNCLOS 1982.

Phiên đặc biệt này diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì Hòa bình và Phát triển tại khu vực” từ ngày 6-7/11 tại Hà Nội. UNCLOS là văn kiện pháp lý quan trọng đóng vai trò là nền tảng của trật tự dựa trên luật lệ trên Biển trong suốt một phần tư thế kỷ. UNCLOS 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994.

Trong diễn văn tại phiên họp, Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak nhấn mạnh: “UNCLOS là công ước đã tạo ra hệ thống pháp luật toàn diện, góp phần vào việc định hình trật tự tại các đại dương và biển trên thế giới, thiết lập các nguyên tắc điều chỉnh về việc sử dụng tài nguyên biển và đại dương. HIện nay, Công ước này đã được công nhận trên toàn thế giới và giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng liên quan tới luật Biển. Trong vòng ¼ thế kỷ qua, Công ước đã đóng góp nhiều vào việc góp phần đảm bảo hòa bình, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới”.

Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak đã nhắc lại một số nội dung chính của Công ước đối với các vùng biển như lãnh hải, đặc quyền kinh tế. Đặc biệt, Thẩm phán nhấn mạnh tới cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước. Theo Công ước, các quốc gia thành viên sẽ giải quyết bất cứ tranh chấp nào giữa các bên liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước thông qua các biện pháp hòa bình theo điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Một tòa có thẩm quyền theo Công ước có thể áp dụng quy định của Công ước và quy định khác của cộng đồng quốc tế mà không trái với Công ước.

“Thông thường, theo Công ước và theo luật quốc tế, các quốc gia không thể buộc phải giải quyết tranh chấp nếu không có sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, UNCLOS 1982 là một Công ước đặc biệt vì chứa đựng những điều khoản quy định các quy chế giải quyết tranh chấp bắt buộc và có tính ràng buộc pháp lý liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước trong phần 15 mục 2 của Công ước.

Việc chấp nhận các điều khoản của Công ước này thì các quốc gia đồng ý bị ràng buộc bởi các thủ tục khi trở thành thành viên của Công ước, các thủ tục này được tiến hành mà không cần sự tham gia của một bên tranh chấp. Phụ lục 7 điều 3 của Công ước quy định, nếu một bên không chỉ định trọng tài thì trọng tài sẽ được chỉ định bởi chủ tịch Tòa luật Biển quốc tế”, Thẩm phán nói.

Theo GS. Stanislaw Michal Pawlak, trong thời gian qua, ITLOS đã xây dựng được uy tín và danh tiếng, chứng minh là một cơ quan tài phán hoạt động hiệu quả. Việc quyết tranh chấp theo Công ước cũng như xây dựng nhiều thông lệ trong công pháp quốc tế, Tòa đã củng cố quan điểm và thực hiện vai trò, góp phần vào việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật trên biển cũng như duy trì hòa bình công lý và tiến bộ trong quan hệ quốc tế.

Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak cho biết, ITLOS đã kết luận rằng, yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với tài nguyên tại Biển Đông không phù hợp với những quyền cụ thể và các vùng biển quy định trong Công ước. Các yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại với quy định của Công ước và không có hiệu lực pháp lý vì Trung Quốc đã mở rộng quá lớn về giới hạn địa lý và các quyền trên vùng biển của mình.

Sau Diễn văn, các nhân chứng lịch sử của UNCLOS 1982 đã điểm lại quá trình đàm phán và các thỏa thuận trong UNCLOS, đánh giá tính hiệu quả của UNCLOS, tập trung trả lời câu hỏi liệu UNCLOS có còn phù hợp với thực trạng tranh chấp biển hiện nay và liệu có nên đàm phán một phần hoặc toàn bộ Công ước để thích ứng với cục diện chiến lược mới trên biển hay không.

http://biendong.net/bi-n-nong/31340-quyen-lich-su-cua-tq-tai-bien-dong-khong-phu-hop-voi-unclos-1982.html

 

Lý do quân đội TQ chưa thể thay thế Mỹ ở Trung Đông

Trong trường hợp quân đội Mỹ rút khỏi Trung Đông, ít có khả năng quân đội Trung Quốc sẽ lấp đầy khoảng trống này.

Sự hiện diện của Trung Quốc về chính trị, kinh tế và an ninh ở Trung Đông đang gia tăng trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực quan ngại Mỹ đang chuẩn bị rút lui khỏi vùng này. Trước tình hình đó, giới quan sát đặt câu hỏi liệu Nga và Trung Quốc có khả năng nhảy vào thay thế Mỹ với tư cách là người bảo trợ an ninh hay không.

Mặc dầu Moscow đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới với việc can thiệp vào Syria, thực tế là Nga đang thiếu năng lực tham gia các hoạt động kéo dài trên diện rộng ở đây. Đơn giản vì nền kinh tế của Nga có GDP còn nhỏ hơn cả bang Texas của Mỹ, nên Nga không thể thực hiện các hoạt động lớn ở nhiều nước. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc đã hiện đại hóa nhanh chóng và nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng nhưng Trung Quốc hiện nay vẫn ít có khả năng thực hiện hoạt động tự do hàng hải lâu dài ở Vịnh Arabia do các quan tâm chính trị của Bắc Kinh.

Khả năng Mỹ rút lui khỏi Trung Đông

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi Syria là ví dụ mới nhất về ý định của Mỹ muốn rút hẳn khỏi Trung Đông. Trong gần 15 năm qua, các tổng thống Mỹ đã thảo luận việc rời khỏi khu vực này nhưng chính quyền Trump đã khiến cho mối quan ngại của các quan chức Trung Đông cao hơn khi nào hết.

Câu hỏi mà giới lãnh đạo Trung Đông thân Mỹ hiện nay đặt ra là liệu Trung Quốc có thể thay thế Mỹ để cung cấp các bảo đảm an ninh? Lợi ích chiến lược của Mỹ ở vùng Vịnh vốn xoay quanh việc bảo đảm dòng chảy dầu mỏ đều đặn không bị ngắt quãng sang Mỹ. Nhưng các lợi ích này có thể không còn là mối quan tâm lớn của Mỹ khi mới đây nước này đã trở thành một nhà xuất khẩu dầu ròng lần đầu tiên trong 75 năm, vào tháng 12/2018.

Mặc dù việc Mỹ bớt phụ thuộc vào dầu Trung Đông chỉ kéo dài thời gian ngắn, ở đây vẫn có một xu hướng: Mỹ không còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn dầu ở hải ngoại. Năm 2018, chỉ có 11% lượng dầu của họ là nhập khẩu, mức thấp nhất kể từ năm 1957.

Tương phản với điều này, 43% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc là đến từ vùng Vịnh. Do quy mô của tầng lớp trung lưu Trung Quốc mở rộng nhanh chóng, nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên mức ước tính là chiếm 80% tổng lượng dầu tiêu thụ của nước này vào năm 2030. Hiện nay dầu nhập khẩu đang chiếm 70% lượng dầu tiêu thụ của Trung Quốc.

Câu hỏi về khả năng Trung Quốc thay thế Mỹ ở Trung Đông xoay quanh 2 vấn đề chính là năng lực quân sự của Trung Quốc để hoàn thành vai trò đó và ý chí chính trị của nước này trong việc thực hiện nhiệm vụ đó.

Năng lực quân sự

Về khoản này, Trung Quốc có khả năng đưa một lực lượng đáng kể vào Trung Đông. Với 33 khu trục hạm, 54 tuần phòng hạm và 42 hộ vệ hạm, trong đó trên 80% được coi là hiện đại, Trung Quốc có các vũ khí mặt nước cần thiết để duy trì lực lượng hải quân đáng kể ở vùng Vịnh, với sự chấp nhận của một quốc gia thân thiện nào đó, dù cho Trung Quốc chưa có một tàu sân bay với chức năng đầy đủ.

Trên thực tế, theo nguồn tin quân đội Ấn Độ, hải quân của Quân giải phóng Trung Quốc (PLAN) đã duy trì một lực lượng thường trực gồm 6-8 chiến hạm ở bắc Ấn Độ Dương, nơi họ tiến hành tập trận bắn đạn thật. Trong thời gian xảy ra bất ổn chính trị ở Maldives vào tháng 2/2018, một đội 11 tàu PLAN đã đến gần đảo quốc này trong một động thái mà giới phân tích Ấn Độ cho là nhằm ngăn New Delhi can thiệp vào cuộc khủng hoảng.

PLAN có hơn một thập kỷ kinh nghiệm tuần tra chống hải tặc ở vùng Vịnh và vào tháng 4/2019 hải quân Trung Quốc đã tiến hành 32 sứ mệnh hộ tống thành công cho trên 6.600 tàu Trung Quốc và tàu các nước khác. Bắc Kinh cũng đã gia tăng đáng kể ngoại giao quân sự trên khắp thế giới, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương, nơi các cuộc diễn tập quân sự của nước này đã tăng từ 3 vào năm 2013 lên 47 vào năm 2016.

Dựa trên năng lực phóng chiếu sức mạnh của PLAN và sự tham gia của lực lượng này vào hoạt động tuần tra chống cướp biển ở Ấn Độ Dương trong thập kỷ qua, có thể thấy rõ rằng Bắc Kinh có đủ năng lực tiến hành một dạng phóng chiếu sức mạnh nào đó hoặc các hoạt động tự do hàng hải ở vùng Vịnh. Dù thiếu các căn cứ không quân như Mỹ, Trung Quốc hoàn toàn có thể xây các căn cứ tương tự nếu được các chính phủ trong khu vực chấp thuận.

Các vụ tấn công gần đây nhằm vào các tàu chở dầu ở ngoài khơi bán đảo Arabia đã khiến giới chức Trung Quốc lo ngại. Trước tình hình này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố “Trung Quốc hy vọng tất cả các bên liên quan bình tĩnh, kiềm chế và hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định ở vùng Vịnh”.

Một khía cạnh quan trọng của sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) cũng là bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở hải ngoại. Khái niệm của Trung Quốc về phòng thủ biên giới đòi hỏi hải quân nước này phải có năng lực chiến đấu ở những vùng xa xôi của thế giới. Năm 2015, chính phủ Trung Quốc tuyên bố nước này cần có khả năng bảo vệ các lợi ích hàng hải của mình.

Ý chí chính trị

Tất nhiên quân đội Trung Quốc không mạnh ngang với quân đội Mỹ. Câu hỏi quan trọng hơn là liệu Trung Quốc có ý chí chính trị để dính líu nhiều hơn vào Trung Đông? Trong các năm gần đây, Bắc Kinh đã bắn đi tín hiệu rằng an ninh hàng hải trở thành thiết yếu đối với an ninh Trung Quốc.

Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2015 lập luận rằng Trung Quốc cần bảo vệ các tuyến giao thông trên biển và lợi ích hàng hải của mình. Hiện tại Bắc Kinh hưởng lợi lớn từ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Trung Quốc thường gọi sự hiện diện quân sự của Mỹ là ví dụ tiêu biểu về sự bá quyền của Mỹ nhưng chính cái gọi là bá quyền này lại đem lại an toàn cho các tuyến hàng hải mà Trung Quốc dựa vào để đảm bảo từ 95-100% thương mại của mình với Trung Đông, châu Phi, và châu Âu.

Nếu Bắc Kinh quyết định đẩy mạnh hiện diện quân sự ở Trung Đông để tự bảo vệ các nguồn cung ứng dầu của mình và cạnh tranh với Mỹ thì họ cần phải thiết lập các căn cứ quân sự.

Trung Quốc chú ý đến nỗ lực của Mỹ trong việc hình thành một liên minh bảo vệ hàng hải ở vùng Vịnh có tên gọi Chiến dịch Sentinel. Đại sứ Trung Quốc ở UAE Ni Jian đề cập rằng Trung Quốc đang nghiên cứu đề xuất của Mỹ về việc hộ tống tàu thương mại tại vùng Vịnh. Tuy nhiên với quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng hiện nay, ít khả năng Mỹ sẽ nghiêm túc hỗ trợ hải quân Trung Quốc trong vấn đề này.

Kết luận

Nhìn chung các quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Trump về chính sách đối ngoại thường xuyên tự mâu thuẫn và có thể bị lật ngược lại bất cứ lúc nào. Trong khi các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Trung Đông lo ngại trước việc Mỹ rút khỏi Syria, triển vọng Mỹ rút khỏi bán đảo Arabia là thấp.

Sự gia tăng cấu trúc lực lượng Mỹ trong vùng trong thập kỷ qua cần được phân tích thấu đáo và đối chiếu với lời lẽ phát đi từ Nhà Trắng.

Ngay trong trường hợp Mỹ rút hẳn khỏi vùng này, hải quân Trung Quốc vẫn ít khả năng sẽ trám vào khoảng trống đó. Dẫu PLAN đang tăng nhanh năng lực nước xanh, họ vẫn thiếu sự yểm trợ phòng không đáng tin cậy và họ không muón bị mang tiếng là thế chỗ vào sự bá quyền của Mỹ trong khu vực này.

Về mặt chính trị, Bắc Kinh ưa thích ngồi yên và để cho Mỹ cung cấp an ninh cho các tuyến hàng hải mà dầu nhập khẩu và hàng xuất khẩu của Trung Quốc đi qua. Tức là trừ phi bị ép phải làm khác, nói chung giới lãnh đạo Trung Quốc hài lòng với việc giữ nguyên trạng ở Trung Đông.

http://biendong.net/bi-n-nong/31338-ly-do-quan-doi-tq-chua-the-thay-the-my-o-trung-dong.html

 

Vành đai và Con đường của TQ

lại có thêm “kỳ phùng địch thủ” mới:

Mỹ công bố sáng kiến đầy hứa hẹn

Sau nhiều lần chỉ trích sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là “ngoại giao bẫy nợ”, Mỹ và một số quốc gia khác đã quyết định hành động.

Nhằm cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc, Washington đã kết hợp với Nhật Bản và Australia và cho ra đời sáng kiến đánh giá hạ tầng mang tên “Blue Dot Network” (BDN – Mạng lưới Điểm Xanh), được tạo ra với mục đích đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng “bền vững”, báo ABC News (Australia) đưa tin.

Thông tin về sáng kiến BDN đã được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross công bố bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 hôm thứ 3 (5/11) vừa qua. Được biết, các đơn vị chủ trì dự án này là Tập đoàn Đầu tư tư nhân ngoài nước (OPIC) của Chính phủ Mỹ, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Bộ Ngoại giao – Thương mại Úc (DFAT).

Tên gọi của dự án này được lấy ý tưởng từ cuốn sách “Pale Blue Dot” (Chấm xanh Mờ nhạt) của nhà khoa học quá cố Carl Sagan và tấm ảnh tàu Voyager 1 chụp Trái đất từ ngoài vũ trụ.

Theo thông cáo được đăng tải trên website của OPIC, dự án BND được tạo ra nhằm kết hợp các công ty, tổ chức thuộc chính phủ và tư nhân nhằm “thúc đẩy các tiêu chuẩn chất lượng cao, đáng tin cậy dành cho phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn cầu, trong một khuôn khổ cởi mở và toàn diện”.

Theo đó, “BDN sẽ đánh giá và cung cấp chứng nhận cho các dự án cơ sở hạ tầng dựa trên các quy chuẩn chung, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở hạ tầng theo định hướng thị trường, minh bạch và bền vững về tài chính tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới”, theo thông cáo của OPIC.

Tuyên bố của ông Ross được cho là nhằm xoa dịu những nghi ngờ về việc chính quyền Mỹ “lơ là” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khi ông Trump đã vắng mặt tại hội nghị ASEAN trong 2 năm liên tiếp và chỉ gửi Bộ trưởng Thương mại cùng cố vấn an ninh quốc gia tham dự sự kiện này.

“Chúng tôi không định từ bỏ vị thế địa chính trị hay quân sự của mình”, ông Ross cho biết nhiều người đã hiểu nhầm khi cho rằng Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng nghĩa với việc Mỹ giảm quan tâm tới khu vực này.

“Chúng tôi còn ở đây lâu dài; chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm và sẽ nỗ lực có thêm các thỏa thuận thương mại song phương, và tôi sẽ giành nhiều thời gian hơn tại khu vực này”, ABC dẫn lời ông Ross.

Câu trả lời dành cho chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ O’Brien cho biết sáng kiến BDN của Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ là đối trọng của các công trình cơ sở hạ tầng mà Mỹ cho là “chất lượng không tốt” thuộc BRI của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ.

Mỹ đã nhiều lần chỉ trích các dự án BRI và cáo buộc các dự án này ngầm phá hoại chủ quyền và ổn định tài chính tại các quốc gia nhận vốn đầu tư của Trung Quốc.

Bên cạnh Mỹ, nhiều nước khác cũng đã lên án sáng kiến BRI của Trung Quốc là “ngoại giao bẫy nợ”, do Bắc Kinh thường có động thái đòi các quốc gia “gán nợ” bằng một số điều kiện có lợi cho họ, khi các quốc gia này không thể trả nợ.

Vấn đề này đã trở thành tâm điểm tranh luận vào năm 2017, sau khi Sri Lanka buộc phải trao quyền kiểm soát cảng Hambantota của nước này cho Trung Quốc trong vòng 99 năm để được xóa khoản vay 1 tỉ USD đã nhận từ Bắc Kinh để phát triển cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết sáng kiến BDN hiện nay tuy mới ở giai đoạn khởi phát, nhưng chắc chắn nó sẽ thu hút các quốc gia cam kết “phát triển cơ sở hạ tầng bền vững” tham gia.

Khoản đầu tư 17 tỉ USD

Theo ABC, sáng kiến BDN là một phần trong chính sách đối ngoại tập trung vào “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở” của chính quyền Tổng thống Trump, được Mỹ đưa ra tại hội nghị cấp cao ASEAN 2 năm trước, tổ chức ở Manila, Philippines.

Theo các số liệu chính thức của Washington, giá trị trao đổi thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lên đến 1.900 tỉ USD vào năm 2018, và giúp duy trì việc làm cho 3 triệu lao động Mỹ.

Tại diễn đàn về BDN ở Bangkok, Nhật Bản và Mỹ đã kí kết một bản cam kết hợp tác đầu tư 10 tỉ USD trong các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Ngoài ra, hai nước còn kí kết một số thỏa thuận khác như thỏa thuận kết hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng khác của châu Á.

Được biết, ngoài Thái Lan, sáng kiến BDN cũng sẽ có sự tham gia của Indonesia và Việt Nam.

http://biendong.net/doc-bao-viet/31337-vanh-dai-va-con-duong-cua-tq-lai-co-them-ky-phung-dich-thu-moi-my-cong-bo-sang-kien-day-hua-hen.html

 

TQ ra quyết định liên quan đến Đài Loan:

Thống nhất hai bờ eo biển gần thêm một bước?

Phương án thống nhất Đài Loan đã được đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc quán triệt tại Hội nghị trung ương 4 vừa qua

Vào ngày 5/11, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã công bố quyết định của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 4 khóa XIX (gọi tắt Hội nghị trung ương 4), trong đó đề cập đến việc kiên định duy trì và hoàn thiện hệ thống thể chế “một quốc gia, hai chế độ”.

Theo đó, thông báo khẳng định, việc nhất thiết phải duy trì “một quốc gia” là tiền đề và nền tảng để thực hiện “hai chế độ”. “Hai chế độ” lệ thuộc và chuyển hóa từ “một quốc gia” và thống nhất trong “một quốc gia”.

“[Bắc Kinh] sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành vi nào thách thức giới hạn “một quốc gia, hai chế độ” và sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động phân rẽ quốc gia”, Tân Hoa Xã đưa tin.

Ngoài ra, Trung Nam Hải cho biết, nước này cần phải hoàn thiện phải hệ thống và cơ chế liên quan đến việc thực thi Hiến pháp và Luật cơ bản ở các đặc khu hành chính và tuân thủ nguyên tắc “người Hồng Kông quản lý Hồng Kông” và “người Macau quản lý Macau”.

“Hoàn thiện sự hội nhập của Hồng Kông và Macau với tình hình chung của phát triển quốc gia, hỗ trợ bổ sung ưu thế với Đại lục và hợp tác cơ chế phát triển, thúc đẩy xây dựng khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông, Hồng Kông và Macau, tập trung giải quyết các mâu thuẫn và vấn đề sâu sắc ảnh hưởng tới sự ổn định và phát triển lâu dài của xã hội. Tăng cường giáo dục Hiến pháp và Luật cơ bản, tình hình trong nước, lịch sử Trung Quốc và giáo dục văn hóa Trung Hoa, đặc biệt đối với đội ngũ viên chức và thanh thiếu niên Hồng Kông, Macau, nhằm nâng cao ý thức quốc gia và tinh thần yêu nước của đồng bào Hồng Kông và Macau. Kiên quyết phòng ngừa và ngăn chặn các lực lượng bên ngoài can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông và Macau, tiến hành các hoạt động ly khai, lật đổ, xâm nhập và phá hoại, qua đó đảm bảo sự ổn định lâu dài ở Hồng Kông và Macau”, thông báo Hội nghị trung ương 4 Trung Quốc khẳng định.

Hội nghị này còn nhấn mạnh về sự thúc tiến quá trình hòa bình thống nhất quốc gia: “Dưới tiền đề đảm bảo chủ quyền, an ninh và phát triển lợi ích quốc gia, sau khi hòa bình thống nhất, chế độ xã hội và lối sống của đồng bào Đài Loan sẽ được tôn trọng đầy đủ, sở hữu tư nhân, tín ngưỡng tôn giáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan sẽ được đảm bảo đầy đủ”.

Trước đó, vào tối ngày 4/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (tức Carrie Lam) tại Thượng Hải. Ông Tập khẳng định bà Lâm đã

dẫn dắt chính quyền đặc khu làm tròn chức trách, nỗ lực ổn định tình hình, cải thiện bầu không khí xã hội, thực hiện khối lượng lớn công việc khó khăn.

Trước sự hỗn loạn ở Hồng Kông, ông Tập chỉ ra rằng ngăn chặn “cơn bão chính trị” và lập lại trật tự vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất ở Hồng Kông. Đây là lần đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình – phản đối dự luật dẫn độ tội phạm hình – sự xảy ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói chuyện và khen ngợi công khai các hoạt động của bà này.

Theo giới quan sát, sau cuộc họp, chính quyền Hồng Kông chắc chắn sẽ chuẩn bị đầy đủ và tăng cường các biện pháp giải quyết triệt để tình hình hiện nay của đặc khu.

Ngoài Hồng Kông, vào ngày 4/11, Văn phòng sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Một số biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trao đổi, hợp tác kinh tế và văn hóa giữa hai bờ eo biển (gọi tắt là 26 biện pháp). Bắc Kinh hy vọng thúc đẩy trao đổi, hợp tác cũng như làm sâu sắc thêm sự hội nhập giữa hai bờ eo biển.

Đây là động thái lớn tiếp theo của Đại lục đối với Đài Loan, kể từ sau 31 biện pháp được thông qua vào ngày 28/2/2018.

Giới phân tích cho rằng, trong tình trạng quan hệ hai bờ eo biển bế tắc như hiện nay, 26 biện pháp này mang tính biểu tượng hơn. Đây là cam kết bằng giấy trắng mực đen của chính phủ đại lục cam kết với các doanh nhân và người Đài Loan, thông qua các khuyến khích kinh tế để thúc đẩy hội nhập hai bờ eo biển.

Do đó, tuyên bố “kiên quyết duy trì và hoàn thiện hệ thống “một quốc gia, hai chế độ” do Bắc Kinh ban hành lần này cũng có nghĩa là tất cả mọi khía cạnh của các hành động trong tương lai sẽ được thực hiện theo khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”.

http://biendong.net/doc-bao-viet/31333-tq-ra-quyet-dinh-lien-quan-den-dai-loan-thong-nhat-hai-bo-eo-bien-gan-them-mot-buoc.html

 

TQ đối diện viễn cảnh đáng sợ: Tăng trưởng

“thủng đáy”, lời hứa tham vọng của ông Tập rủi ro đổ bể

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc được cho là chưa đánh giá đúng mức độ tình hình khi chỉ số tăng trưởng kinh tế nước này thấp kỷ lục trong Quý 3.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, hơn 1/3 số tỉnh thành của Trung Quốc cho đến nay đang không đạt được các mục tiêu tăng trưởng của năm. Những khu vực khó khăn truyền thống phải nhận tổn thất lớn nhất, theo các số liệu của chính phủ Trung Quốc.

Ví dụ, ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc – gồm Liêu Ninh, Hắc Long Giang, và Cát Lâm – tăng trưởng trong ba quý đầu năm 2019 lần lượt là 5.7%, 5.3% và 1.8%. Các chỉ số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng của ba tỉnh, lần lượt là 6-6.5%, 5% và 5-6%.

Nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng GDP Trung Quốc tụt xuống mức 6% trong Quý 3 không phải là điều đáng ngạc nhiên, do hệ quả của nền kinh tế phát triển chậm lại dưới những tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ. Các nhà hoạch định Trung Quốc, bao gồm thủ tướng Lý Khắc Cường, thừa nhận công khai trên một số diễn đàn rằng kinh tế nước này đang đối mặt với sức ép đi xuống.

Theo SCMP, suy luận tuyến tính từ các số liệu hiện có, kinh tế Trung Quốc có thể sớm chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng dưới 6% – mức đáy trong chỉ tiêu tăng trưởng cả nước năm 2019 (6-6.5%).

Nếu chỉ tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu năm nay là 6% không đạt được, ông Lý sẽ trở thành thủ tướng Trung Quốc đầu tiên báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp vào đầu năm sau, với “vết đen” không hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Mục tiêu tăng gấp đôi GDP vào năm 2020 sẽ thất bại?

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012, mục tiêu tham vọng được đặt ra là đến năm 2020 nước này sẽ tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người so với năm 2010, như một phần trong cam kết của ban lãnh đạo mới – do ông Tập Cận Bình đứng đầu – về xây dựng “xã hội khá giả toàn diện”.

Ông Tập cũng tuyên bố tại Đại hội XIX của đảng vào năm 2017 về mục tiêu đến năm 2020 Trung Quốc sẽ hoàn toàn không còn hộ nghèo, đạt bước tiến cơ bản để hướng tới mục tiêu “xã hội khá giả”.

Đây cũng được xem là chỉ dấu trong hành trình của Trung Quốc trở thành một siêu cường.

Tuy nhiên, các tính toán chỉ ra rằng nếu chỉ số tăng trưởng tiếp tục thấp hơn mức 6% vào năm 2020 thì Trung Quốc có rủi ro không thể hoàn thành kịp mục tiêu đề ra vào thời hạn này.

Trong khi giới chức Trung Quốc những năm gần đây không còn đề cập nhiều đến mục tiêu nói trên, thị trường có xu hướng tin rằng mức độ tăng trưởng xác định cần được duy trì, bởi điều này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc.

Theo SCMP, với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc thời gian qua, thị trường có thể cần đánh giá lại về nước này. Chiến tranh thương mại với Mỹ là một diễn biến “thay đổi cuộc chơi” và làm suy yếu đáng kể khả năng phản ứng của Bắc Kinh.

Sau hơn 1 năm đối đầu bằng thuế quan, hai nước chỉ mới đang ngấp nghé trước thỏa thuận “giai đoạn 1”. Đối đầu thương mại nhiều khả năng sẽ tiếp diễn, và các nhà hoạch định Trung Quốc cần hành động cẩn trọng, cũng như dự trữ “đạn dược” cho cuộc giằng co trường kỳ.

Điều này lý giải việc giới chức Trung Quốc chững lại trong nới lỏng chính sách thời gian vừa qua, khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng, đặc biệt là các nhà buôn trái phiếu.

Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 20/10 bất ngờ thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm ở mức 4.2%, kể từ khi đưa ra loại lãi suất này trong tháng 8/2019. LPR kỳ hạn 5 năm cũng giữ nguyên ở mức 4.85%.

Mới đây nhất, PBOC ngày hôm qua (5/11) thông báo hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) lần đầu tiên kể từ năm 2016, từ 3.30% xuống 3.25%, nhằm thúc đẩy nổ lực vực dậy nền kinh tế do lượng cầu trong và ngoài nước đều giảm. Động thái này được cho là mở đường để tiếp tục hạ LPR trong vài tuần tới, theo lịch trình được công bố ngày 20 hàng tháng.

Dù vậy, sự tiết chế của các nhà quyết sách phản ánh nghi ngại về tính hiệu quả của những giải pháp kích cầu truyền thống. Vấn đề nợ nần của Trung Quốc là một trong những mối lo hiện hữu rõ nhất, trong khi thương chiến cũng khiến việc chuyển tải chính sách tiền tệ trở nên kém hữu hiệu.

Ví dụ, các doanh nghiệp vấp phải nhiều khó khăn để đưa ra kế hoạch dài hạn cụ thể, bởi tất cả phương án thương mại đều tiềm ẩn bất ổn. Điều này đang có xu hướng lan rộng thành hiện tượng toàn cầu, khi hoạt động đầu tư sản xuất suy giảm ở khắp các nền kinh tế lớn.

Mọi người đều tìm kiếm phương án thay thế. Một giải pháp khả thi cho các công ty Trung Quốc là chuyển dây chuyền tới các nước ASEAN. Song, các nước ASEAN cũng có thể trở thành “điểm đến” tiếp theo của thương chiến nếu như thặng dư thương mại với Mỹ được nới rộng, và do đó các công ty vẫn sẽ phải lo lắng về rủi ro khi tìm kiếm giải pháp dự phòng.

Bởi vậy, nếu không đạt được cách giải quyết căn bản cho mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung Quốc, tâm lý cảnh giác vẫn sẽ đeo bám nền kinh tế, và kéo viễn cảnh tăng trưởng tổng thể đi xuống.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại là tất yếu

Sự sụt giảm sâu hơn của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai gần dường như là điều tất yếu, cho nên 6% khó có khả năng là mức tăng trưởng nền trung-dài hạn của nước này.

Đáng lo ngại hơn là, bất kỳ sự nới lỏng chính sách mạnh mẽ nào cũng khó có thể phát huy khả năng tái thiết đáng kể, mà thay vào đó là gây ra bong bóng tài sản – đặc biệt là trên thị trường nhà đất.

Điều quan trọng, theo SCMP, là thị trường cần chấp nhận rằng hướng đi mới của Trung Quốc đang được định hình. Bắc Kinh sẽ tìm kiếm cân bằng giữa tăng trưởng, ổn định tài chính và động lực bên ngoài.

Không giống như thập kỷ trước – khi Trung Quốc có lợi thế lớn nhờ điều kiện bên ngoài, nước này giờ đây sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để khắc phục những thách thức toàn cầu.

Từ góc độ như vậy, chỉ số tăng trưởng sẽ trở nên ít quan trọng hơn, và việc thiếu “một chút” chỉ tiêu có thể sẽ trở thành thường thái mới tại Trung Quốc. Với logic này, không có gì ngạc nhiên nếu đến một thời điểm nào đó Trung Quốc có thể hủy bỏ mục tiêu chính thức, và đây là điều cần thiết để cầm cự trong xung đột thương mại lâu dài.

http://biendong.net/doc-bao-viet/31332-tq-doi-dien-vien-canh-dang-so-tang-truong-thung-day-loi-hua-tham-vong-cua-ong-tap-rui-ro-do-be.html

 

Nhờ Mỹ, Trung Quốc kết án

9 người buôn ma túy tổng hợp

Một tòa án Trung Quốc hôm 7/11 kết án tù 9 người, trong đó có hai án chung thân, vì buôn lậu ma túy tổng hợp vào Mỹ, theo Reuters.

Theo hãng tin Anh, đây là vụ hợp tác điều tra đầu tiên liên quan tới fentanyl, một loại ma túy tổng hợp gây nghiện cao, mạnh hơn heroin gấp 50 lần.

Reuters cũng nói thêm rằng fentanyl thường được dùng để sản xuất ma túy giả vì giá thành tương đối rẻ.

XEM THÊM:

Trump ký dự luật lưỡng đảng ứng phó với nạn lạm dụng opioid

Ngoài ra, nó cũng đóng vai trò chính trong cuộc khủng hoảng liên quan tới ma túy ở Mỹ.

Vụ việc được điều tra từ năm 2017 sau khi văn phòng ở New Orleans của Bộ An ninh Nội địa Mỹ được một người cung cấp thông tin về một người Trung Quốc bán ma túy có biệt danh là “Diana”.

Một trong số những người bị kết án có một người bị án tử hình treo mà theo Reuters, sau đó thường được giảm xuống tù chung thân.

https://www.voatiengviet.com/a/nh%E1%BB%9D-m%E1%BB%B9-trung-qu%E1%BB%91c-k%E1%BA%BFt-%C3%A1n-9-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-bu%C3%B4n-ma-t%C3%BAy-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/5156594.html

 

Bắc Kinh đòi Hồng Kông mạnh tay chống biểu tình:

Nói dễ nhưng làm khó

Thu Hằng

Bắc Kinh ủng hộ chính quyền Hồng Kông đưa ra «những biện pháp triệt để hơn» để loại trừ tận gốc tình trạng hỗn loạn tại đặc khu từ 22 tuần qua, do các cuộc biểu tình đòi dân chủ của đại đa số người dân. Như để tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với trưởng đặc khu Hồng Kông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 04/11/2019, bên lề Hội chợ Quốc tế Thượng Hải.

Bắc Kinh tiếp tục khẳng định sẽ không dung thứ « bất kỳ hành động ly khai nào ». Phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng), khi tiếp trưởng đặc khu Hồng Kông ngày 06/11, nhấn mạnh : « Phải chấm dứt tình trạng bạo lực và bất ổn và tái lập trật tự, là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay ». Bắc Kinh « khuyến khích mạnh mẽ chính quyền của “Đặc khu hành chính” thông qua những biện pháp chủ động hơn và hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề xã hội ».

Vấn đề ở chỗ, giải quyết cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông như thế nào? Dường như cả Bắc Kinh lẫn chính quyền đặc khu Hồng Kông đều chưa tìm ra được biện pháp khả thi. Những phát biểu của phó thủ tướng Hàn Chính quá chung chung và rất khó áp dụng được, theo nhận định của nhà báo Chris Buckley trên báo New York Times (06/11).

Thực vậy, Bắc Kinh đã sử dụng chiến lược hăm dọa, mạnh tay trấn áp người biểu tình Hồng Kông. Một mặt, Bắc Kinh gây sức ép từ bên ngoài khi điều động quân đội đến biên giới giữa Hoa Lục và đặc khu hành chính, sẵn sàng can thiệp nhằm « bảo vệ an ninh quốc gia » trước « những thế lực thù nghịch nước ngoài » giật dây người biểu tình Hồng Kông. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá chiến lược này là « phi thực tế ». Mặt khác, chính quyền trung ương không ngừng ủng hộ lực lượng cảnh sát Hồng Kông. Bất chấp vòi rồng, hơi cay và thậm chí là đạn thật của cảnh sát, người biểu tình vẫn không lùi bước và luôn thích ứng với những kiểu biểu tình mới.

Về chính sách, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy nhiều cải tổ sâu rộng thông qua cơ quan lập pháp do đảng kiểm soát. Tuy nhiên, trung ương khó có thể áp đặt trực tiếp luật chống tội phạm an ninh quốc gia đối với Hồng Kông do đặc khu có hệ thống lập pháp riêng. Theo điều 23 của Luật Cơ bản Hồng Kông, đặc khu hành chính « phải tự thông qua luật cấm mọi hành động phản bội, ly khai hoặc nổi loạn » chống chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn không có luật an ninh riêng. Chính điểm này đã «đè nặng lên tâm trí các nhà lãnh đạo Trung Quốc » và giải thích ý đồ của Bắc Kinh can thiệp vào chính trị nội bộ Hồng Kông. Vào tuần trước, tại Hội nghị Trung ương 4, khóa 19, các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản đã phê chuẩn một loạt đề xuất nhằm củng cố chính phủ, trong đó có một đề xuất liên quan đến việc Trung Quốc sẽ « xây dựng và cải thiện hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi để bảo vệ an ninh quốc gia » ở Hồng Kông.

Quyết định này cũng nhằm gây sức ép để nội các của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhanh chóng thông qua luật an ninh Hồng Kông. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù các nghị viên thân Bắc Kinh chiếm đa số tại Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông (LegCo), họ vẫn sẽ do dự thông qua đạo luật an ninh gây tranh cãi, như đã từng làm tương tự vào năm 2003.

Một số chuyên gia nêu lên điều 18 của Luật Cơ Bản Hồng Kông, theo đó Bắc Kinh có thể áp đặt một số luật chống lại các mối đe dọa đối với an ninh ở Hồng Kông, bằng cách đưa vào phụ lục của Luật Cơ Bản. Thế nhưng, « nói thì dễ, làm thì khó », vì không phải cứ được ghi vào phụ lục của Luật Cơ Bản là đủ, mà cần phải được trưởng đặc khu hoặc Hội Đồng Lập Pháp thông qua để có hiệu lực.

Nếu thông qua luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông để ban hành tình trạng khẩn cấp, « tình hình ở Hồng Kông sẽ khó được cải thiện », theo nhận định của giáo sư Wei, viện sĩ luật Trung Quốc. Các cuộc biểu tình phản đối sẽ rầm rộ hơn, nguy cơ bạo lực tăng mạnh hơn và Hồng Kông sẽ mất đi hình ảnh của trung tâm tài chính thế giới. Chính quyền Bắc Kinh cũng như đặc khu hành chính vẫn loay hoay trong mớ bòng bong, chưa tìm thấy lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20191107-trung-quoc-thuc-giuc-hong-kong-manh-tay-tran-ap-bieu-tinh-noi-thi-de-lam-thi-kho

 

Tổng thống Duterte không thể “một tay che trời”

để ăn chia 60/40 với TQ

Ngay sau chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Philippines Duterte đã đồng ý thành lập các nhóm làm việc khai thác thỏa thuận thương mại dầu khí ở Biển Đông và “ăn chia” theo tỷ lệ 60/40. Tuy nhiên, hành động này của Chính quyền ông Duterte đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ trong nội bộ, cũng như người dân Philippines.

Theo Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo (28/10), “tiền đề cho việc thỏa thuận với Trung Quốc là việc nước này phải thừa nhận quyền chủ quyền và chủ quyền của Philippines trong các khu vực sẽ khai thác chung”; đồng thời nhắc lại chiến thắng mang tính bước ngoặt của Philippines trước Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hague, phán quyết chống lại các yêu sách lịch sử phi pháp của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông năm 2016; cho rằng việc Manila thắng lớn ở vụ kiện trên có nghĩa là Philippines sẽ không tham gia hợp tác với Trung Quốc trong các khu vực nằm trong phán quyết, trừ khi Bắc Kinh thừa nhận chủ quyền của Manila trong khu vực. Trước đó, bà Leni Robredo (9/2019) cũng lên án việc Tổng thống Duterte có ý định gạt phán quyết Biển Đông sang một bên để đổi lấy thỏa thuận khai thác dầu khí với Bắc Kinh là đáng thất vọng và cực kỳ vô trách nhiệm; đồng thời nhấn mạnh: “Tham gia vào bất cứ thỏa thuận nào không nên trả giá bằng việc duy trì các quyền của Philippines đối với Biển Đông. Đảm bảo tương lai tốt đẹp cho thế hệ sau là một trong những trọng trách quan trọng và khó khăn nhất của bất cứ chính quyền nào”. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8, Bà Leni Robredo thậm chí nói rằng người dân Philippines lo ngại Tổng thống Duterte “bán mình” cho Trung Quốc và “không hiểu tại sao chính quyền mới thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ cần có một đường lối rõ ràng để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của Manila. Tổng thống đã đưa ra rất nhiều tuyên bố mang lại cảm giác chúng tôi đang quen với những gì mà Trung Quốc muốn”.

Cùng đồng hành với Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo, nhiều chính trị gia và dư luận Philippines cũng phản đối gay gắt ý định gác phán quyết Biển Đông đổi lấy thỏa thuận khai thác chung với Bắc Kinh của chính quyền ông Duterte. Trong đó, Ngoại trưởng Philippines Philippines Teodoro Locsin Jr. lên tiếng khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài là vượt lên trên thỏa hiệp giữa ông Duterte và Tập Cận Bình, do đó không thể gạt phán quyết sang một bên. Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpion khẳng định, ông Duterte không có thẩm quyền “gạt sang một bên” phán quyết Biển Đông theo luật pháp Philippines; đồng thời nhấn mạnh kể cả tạm gác phán quyết sang một bên và đưa ra sau này, Philippines vẫn phải phản đối bất cứ hoạt động nào của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền của Manila ở Biển Đông.  Theo ông Antonio Carpion, “bất cứ sự đồng ý hoặc ngụ ý đồng ý nào cũng đều có thể dẫn tới việc đánh mất các quyền chủ quyền của Philippines theo phán quyết của Tòa Trọng tài. Chính quyền và người dân Philippines phải luôn cảnh giác để tránh điều này”. Trong khi chỉ trích Tổng thống, thẩm phán Antonio Carpion lại lời ngợi khen cho Ngoại trưởng Teodoro Locsin vì đã làm rõ vấn đề và góp phầnngăn chặn ý định từ bỏ chủ quyền của chúng ta theo phán quyết của Tòa

Trọng tài. Cựu Tổng thống Benigno Aquino III thì cho rằng khu vực biển Tây Philippines (Biển Đông) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila nên quốc gia này không có nghĩa vụ phải chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc; đồng thời khẳng định không thể tin tưởng Bắc Kinh và nhấn mạnh đề xuất của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho Philippines. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario (11/9) cho biết, chính phủ Philippines không cần gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) để tiến hành hoạt động thăm dò chung với Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trích dẫn đề xuất của Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio, ông Rosario giải thích, hoạt động thăm dò chung giữa hai nước ở Biển Đông sẽ “hợp hiến và nhất quán” với phán quyết của Tòa trọng tài nếu Trung Quốc có thể ký hợp đồng dịch vụ với Philippines với tỷ lệ phân chia doanh thu 60-40, trong đó Philippines nhận phần nhiều hơn; đồng thời nhấn mạnh nếu một thỏa thuận hợp đồng dịch vụ được đưa ra, theo đó công ty Trung Quốc tham gia với tư cách là chủ sở hữu cổ phần hoặc nhà thầu phụ, thì Tổng thống sẽ vẫn thể hiện được sự trung thành với hiến pháp và phán quyết của tòa. Theo cách này, Tổng thống sẽ không quay lưng lại với cam kết với người dân Philippines ông đã đưa ra vào tháng 10/2016 khi ông bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc và Brunei. Ngoài ra, ông Albert del Rosario viện dẫn kết quả cuộc khảo sát mới đây của SWS (Social Weather Stations – tổ chức nghiên cứ xã hội độc lập của Philippines) cho biết, 87% số người được hỏi đều nhất trí quan điểm, chính phủ nên khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, cho rằng các quan chức Philippines nên bắt giữ và truy tố ngư dân Trung Quốc đã gây ra sự hủy hoại các nguồn tài nguyên biển ở Biển Đông; nhấn mạnh “chúng ta thường xuyên phải chứng kiến các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc, bao gồm ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt tại bãi cạn Scarborough và tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ngăn chặn Philippines phát triển các nguồn tài nguyên, phá hủy môi trường biển, xây dựng các căn cứ quân sự và đối đầu với nhà lãnh đạo của chúng ta bằng lời đe dọa chiến tranh”; khẳng định “chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc bảo toàn lãnh thổ quốc gia, trong đó có EEZ, có giá trị hơn nhiều so với hoạt động kinh tế sắp được tiến hành tại khu vực này. Khả năng hoạt động kinh tế tại EEZ vẫn luôn ở đó. Nhưng nếu chúng ta mất EEZ, chúng ta sẽ mất nó mãi mãi”; nhấn mạnh “vùng EEZ của Philippines không thuộc về Trung Quốc, nó thuộc về người Philippines, con cái chúng ta và các thế hệ người Philippines chưa được sinh ra. Theo quy định của Hiến pháp và là vấn đề danh dự quốc gia, người Philippines có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn quyền lợi của đất nước mình”.

Trước đó, hàng ngàn người dân Philippine đã thể hiện phản đối Tổng Thống Rodrigo Durterte vì Chính phủ Philippine hoàn toàn không có tiếng nói gì trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời phản đối việc Chính phủ Philippine vay nợ từ Trung Quốc; họ gọi phát ngôn của ông Duterte là “yếu đuối” và “nhu nhược” trước Trung Quốc; ngoài ra, họ cáo buộc ông Duterte “thân Trung Quốc” và phản bội người lao động Philippines vì cho phép người nhập cư trình độ thấp của Trung Quốc làm những công việc lẽ ra là của người dân địa phương. Đáng chú ý, theo kết quả của cuộc khảo sát mới nhất do Social Weather Stations (16/7) công bố, cứ 5 người Philippines thì có 4 người không tán thành Chính phủ nước này không hành động đối với sự xâm nhập của Trung Quốc ở vùng biển phía Tây Philippines, cụ thể: 81% trong số 1.200 người tham gia khảo sát nói rằng hoàn toàn không đúng đắn khi để Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và quân sự hóa các đảo này; 80% những người được hỏi khẳng định chính phủ có quyền tăng cường năng lực hải quân. Trong khi đó, 74% cho biết chính phủ nên đưa vấn đề này tới các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, ASEAN cho các cuộc đàm phán hòa bình và ngoại giao với Trung Quốc để xử lý tranh chấp Biển Đông; 73% người tham gia khảo sát nói rằng hoàn toàn đúng đắn khi tiến hành đàm phán song phương trực tiếp với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ trong khi 68% cho rằng chính phủ Philippines nên đề nghị các nước khác làm trung gian hòa giải. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 18% người được hỏi nói rằng họ tin tưởng Trung Quốc, 53% rất ít tin tưởng và 27% chưa quyết định. Đáng chú ý, 81% người được hỏi biết về tranh chấp trên Biển Đông trong khi 19% người mới chỉ biết về vấn đề này khi được phỏng vấn trong cuộc khảo sát. Sự thiếu tin tưởng đối với Trung Quốc có chiều hướng cao hơn ở những người biết nhiều hơn về tranh chấp.

Trong khi đó, để biện minh cho Chính quyền Duterte, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. lại cho rằng thỏa thuận “ăn chia” 60/40 của Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông là “công bằng”. Vị quan chức này lý giải vì Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm thăm dò và xây dựng cơ sở hạ tầng, vì thế Manila sẽ có lợi khi Trung Quốc phải chịu phần lớn chi phí.

Giới quan sát cho rằng ông Duterte và đồng minh đã “sập bẫy” tâm lý của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh hoàn thành việc xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo, triển khai quân chiếm đóng bãi cạn Scarborough, quân sự hóa các đảo nhân tạo, triển khai lực lượng tàu chiến vây quanh một số thực tế do Philippines

kiểm soát, đưa tàu hải cảnh và dân quân biển vào các vùng biển thuộc chủ quyền Philippines,… đã khiến ông Duterte cho rằng “không thể ngăn cản ông Tập Cận Bình nếu ông ấy muốn” và tốt hơn nên bắt tay ăn chia với Bắc Kinh.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cũng đưa ra nhận định các chủ trương bắt tay Trung Quốc của Philippines có thể làm suy yếu giá trị thực tế của phán quyết năm 2016 vốn có lợi cho Philippines. Sở dĩ phe đối lập ông Duterte khẳng định không ủng hộ “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà ông Duterte và ông Tập Cận Bình đang hào hứng là vì. Thứ nhất, phán quyết năm 2016 cho thấy Manila không cần phải khai thác chung với Trung Quốc vì các khu vực hai bên định “ăn chia” 60/40 đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Điều đó có nghĩa là không tồn tại tranh chấp, nên nếu gọi là “gác tranh chấp, cùng khai thác” chính là sập bẫy của Trung Quốc – “biến của người khác thành của chung”. Thứ hai, ông Duterte chủ trương ăn chia 60/40 và cho rằng có lợi với Manila – đó là quan điểm sai lầm. Nếu việc hợp tác thành hiện thực, tạm chưa bàn đến việc ông Duterte có khả năng vi hiến (vì vượt thẩm quyền cho phép nước ngoài vào EEZ khai thác tài nguyên) thì khả năng tiếp theo là Trung Quốc sẽ lấn tới và chiếm các vùng biển của Philippines. Hậu quả là ngư dân lẫn các lực lượng chấp pháp của Manila bị đẩy ra khỏi khu vực.

Được biết, từ đầu tháng 6 đến này, nội bộ Philippines bắt có dấu hiệu rạn nứt và mâu thuẫn gia tăng do cách ứng xử của Chính quyền Tổng thống Duterte trong quan hệ vói Trung Quốc và vấn đề Biển Đông. Cách Chính quyền của Tổng thống Duterte ứng xử trong vụ tàu Trung Quốc (9/6) đâm chìm tàu cá Philippines như giọt nước tràn lý, khiến các quan chức và người dân Philippines thể hiện thái độ bất bình, phản đối chính quyền. Đầu tiên, thái độ hờ hững của Chính quyền Duterte khi xảy ra vụ đâm chìm tàu cá ở bãi Cỏ Rong. Ngay sau khi vụ việc được truyền thông công bố, chỉ có giới chức Quốc phòng, Ngoại giao đưa ra các tuyên bố thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với hành động thái quá của Trung Quốc; đồng thời cảnh báo sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao nếu xác minh ra tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm và bỏ mặc ngư dân Philippines trên biển. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Duterte lại “im lặng” một cách khó hiểu, ông không hề đưa ra bất cứ phản ứng gì về vụ việc. Chỉ đến khi bị người dân và cộng đồng quốc tế dồn vào thế khó, ông Duterte (17/6) lần đầu tiên lên tiếng và khẳng định đây chỉ là “một vụ va chạm nhỏ”; đồng thời cảnh báo tránh làm tình hình căng thẳng leo thang, cho rằng “những gì xảy ra chỉ giống như một vụ va chạm. Đây là một vụ va chạm hàng hải. Đừng tin vào những chính trị gia ngu dốt, những người muốn triển khai lực lượng hải quân tới đó”; nhấn mạnh “đừng làm cho nó trở nên tồi tệ hơn” và Philippines chưa sẵn sàng đấu lại Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định, tuyên bố “mềm yếu” và chịu “lép vế” của Tổng thống Philippines Duterte cho thấy ông không dám đứng ra bảo vệ ngư dân trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông; cho rằng Chính quyền của ông Duterte đã bị Trung Quốc chi phối hoàn toàn.

Thứ hai, những tuyên bố thể hiện sự nhu nhược, yếu thế trước Trung Quốc. Không chỉ thể hiện sự hờ hững, ít quan tâm tới ngư dân, ông Duterte còn đưa ra một số tuyên bố thể hiện sự nhu nhược trước Trung Quốc. Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết ông “không thể triệu tập Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa” để phản đối vụ việc và rằng ông Triệu Giám Hoa đã làm hết sức của minh, nên Philippines không có gì để gây sức ép với ông Triệu. Ngoài ra, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng việc “mời” phái viên Trung Quốc tới Phủ Tổng thống sẽ gây ra cảm giác rằng phía Philippines có “định kiến” với Trung Quốc. Không những vậy, ông Duterte còn chấp nhận và hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về việc mở cuộc điều tra chung giữa hai nước liên quan vụ đâm chìm tàu cá Gem-Ver 1.

Thứ ba, chấp nhận đánh đổi tất cả để đối lấy “tình hữu nghị” với Trung Quốc. Tổng thống Philippines Duterte (25/6) cho biết Trung Quốc có thể khai thác hải sản ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines “vì tình hữu nghị giữa hai nước” và rằng Trung Quốc cũng có cùng quan điểm với Manila là việc khai thác hải sản không nên dẫn đến bất cứ sự đối đầu gây đổ máu nào. Tuyên bố trên của ông Duterte đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề của chính giới, cũng như người dân Philippines. Nhiều quan chức chính phủ Manila đã ngay lập tức cảnh báo rằng cho phép Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là một hành động vi hiến. Theo một số nhà phân tích, với tuyên bố nói trên, ông Duterte có thể bị truất phế vì không bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Trái ngược với thái độ cần có, Tổng thống Philippines (27/6) lại dọa bỏ tù người đòi luận tội ông vì “làm bạn” với Trung Quốc và cho phép Trung Quốc đánh bắt tại vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Philippines. Theo Tổng thống Duterte, điều khoản được quy định trong hiến pháp về vùng EEZ của Philippines chỉ dành cho những kẻ “thiếu suy nghĩ và điên khùng” vì ông cho rằng hiến pháp sẽ chỉ trở thành mảnh giấy lộn nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra vì vùng EEZ; đồng thời cảnh báo tên lửa Trung Quốc có thể

bay tới thủ đô Manila của Philippines chỉ trong 7 phút và nhấn tất cả những gì ông đang làm là “bảo vệ đất nước và 110 triệu dân Philippines”.

Thứ tư, “giận cá chém thớt”, đẩy quan hệ với Mỹ và đồng minh đi xa. Để biện minh cho các tuyên bố được cho là thể hiện sự “yếu thế” trước Trung Quốc, Tông thống Duterte (26/6) cho rằng đến ngay cả những nước lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc nhất như Mỹ cũng không làm gì để ngăn chặn Trung Quốc khi Bắc Kinh bắt đầu thực hiện các hoạt động cải tạo phi pháp trên các vùng biển tranh chấp. Ông Duterte cho rằng: “Mỹ là quốc gia duy nhất có đủ tiềm lực để ngăn chặn Trung Quốc, nhưng không bao giờ nhấc đến một ngón tay. Mỹ thực sự không làm bất cứ điều gì bởi nếu muốn, họ hoàn toàn có thể mang Hạm đội 7 tới, đối đầu với Trung Quốc và nói các người không thể xây dựng một hòn đảo trên biển. Kể cả Anh hay Pháp. Họ cũng có thể gửi chiếm hạm tới và nói với Trung Quốc rằng đây không phải là lãnh hải của các người. Các người không thể tuyên bố chủ quyền với một hòn đảo”.  Vị Tổng thống Philippines thách thức các quốc gia phương Tây “nếu đủ can đảm” nên giúp Manila tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển có tranh chấp.

http://biendong.net/bien-dong/31355-tong-thong-duterte-khong-the-mot-tay-che-troi-de-an-chia-60-40-voi-tq.html

 

Ấn Độ âm thầm gia tăng sự hiện diện ở biển Đông

Biển Đông có liên quan trực tiếp với những tính toán chiến lược của Ấn Độ, do vùng biển này nằm ở giữa tuyến đường hàng hải trải dài từ đông Ấn Độ Dương đến tây Thái Bình Dương, giúp Ấn Độ tiếp cận với các thị trường lớn trên thế giới.

Sáng 3-11, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 16, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên biển Đông, trong đó có các hoạt động quân sự hóa, các hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế trên biển.

Ông Modi khẳng định cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ với ASEAN và nhấn mạnh ASEAN nằm ở trung tâm Chính sách Hành động Hướng đông (LEP) và Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ, tích cực ủng hộ quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP).

Trong một bài viết cho tạp chí The National Interest, TS quan hệ quốc tế Mark Rosen nhận định trong bối cảnh các diễn biến căng thẳng ở biển Đông, Ấn Độ đã và đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc thi hành LEP. Trung Quốc (TQ), nước đã nhiều năm cố kiềm chế sự can dự gia tăng của New Delhi vào biển Đông, dường như lại không quá tập trung vào động thái này của Ấn Độ.

Quyết định của Ấn Độ muốn tự tham gia vào một môi trường phức tạp như vậy, ngay cả khi có nguy cơ kích động nước láng giềng khổng lồ của mình, cho thấy mức quan tâm đáng kể mà New Delhi đặt vào khu vực này.

An ninh dầu khí – mục tiêu của Ấn Độ ở biển Đông

Năng lượng là một yếu tố quan trọng Ấn Độ quan tâm ở biển Đông. Năm 2015, Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, các chuyên gia trong ngành dự đoán mức tiêu thụ năng lượng của nước này sẽ tiếp tục tăng 4,2% mỗi năm. 80% tổng nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ là từ nhập khẩu nên nước này nhiều khả năng sẽ cần phải đảm bảo các nguồn năng lượng mới khi nhu cầu trong nước tăng lên.

Các trữ lượng năng lượng tiềm năng ở biển Đông đã thu hút được sự quan tâm của New Delhi. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính khu vực này có thể chứa tới 11 tỉ thùng dầu và 19.000 tỉ khối khí đốt dự trữ. Như vậy, Ấn Độ đã và đang liên tục tham gia các dự án phát triển năng lượng ngoài khơi ở biển Đông kể từ đầu những năm 1990, đấu thầu các lô dầu khí mới và tiến hành thăm dò dầu mỏ trong khu vực này.

Tầm quan trọng kinh tế của khu vực này đã chuyển thành lợi ích an ninh quốc gia đối với New Delhi. Với một nửa thương mại đường biển của mình đi qua eo biển Malacca, bất kỳ sự bất ổn nào ở biển Đông sẽ tác động tiêu cực đến các tuyến đường vận chuyển và gây ảnh hưởng đến kinh tế Ấn Độ.

Tương tự, nếu toàn bộ biển Đông nằm dưới sự kiểm soát của một quốc gia cụ thể nào đó (mà ở đây nhiều khả năng là TQ), nó có thể đe dọa việc Ấn Độ tiếp cận tuyến đường biển sống còn. Do đó, sự tham gia của New Delhi vào biển Đông tập trung vào ba mục tiêu: (i) Để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực và giữ cho các tuyến đường biển sống còn này luôn rộng mở; (ii) Để duy trì quan hệ thân

thiết với các cường quốc khu vực; (iii) Để đảm bảo rằng không có sức mạnh bên ngoài hung hăng tiềm ẩn nào chi phối khu vực này.

Tăng cường hợp tác, gia tăng hiện diện

Thông qua LEP, New Delhi đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN. Bên cạnh hợp tác kinh tế, hợp tác chiến lược cũng được mở rộng thông qua các cuộc tập trận chung, huấn luyện quân sự và bán vũ khí cho các nước trong khu vực. Hơn nữa, sự hiện diện mạnh mẽ của các khí tài quân sự của Ấn Độ trong khu vực không chỉ để bảo vệ các tuyến đường biển này mà còn mang lại “nhận thức lĩnh vực” về những phát triển tiềm năng của khu vực.

Sự hợp tác này cũng là để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ trong khu vực. Trong lịch sử, cả hai nước đều bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp biên giới kéo dài, từng dẫn đến một cuộc chiến tranh vào năm 1962 và cho đến ngày nay vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng đôi lúc dẫn đến những cuộc khủng hoảng. Cuộc đối đầu ở Doklam trong năm 2017 cho thấy cuộc xung đột giữa hai bên vẫn là một viễn cảnh thực sự. Do đó, theo quan điểm của New Delhi, điều cấp bách là biển Đông không trở thành một cái “hồ của TQ”.

Kiềm chế những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực đòi hỏi phải có nhận thức ngoại giao khôn ngoan và cân bằng tinh tế từ Ấn Độ. Một mặt, quốc gia Nam Á này muốn duy trì quan hệ hữu nghị với các bên có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Mặt khác, nước này phải tránh gây kích động thái quá cho người láng giềng TQ.

Theo quan điểm của New Delhi, trong khi các hoạt động như thăm dò năng lượng và bán vũ khí cho khu vực sẽ bị Bắc Kinh phản ứng thì những việc mạo hiểm như trên sẽ khó có thể gây ra gì hơn ngoài một tuyên bố ngoại giao từ TQ.

Vào cuối năm 2017, đối thoại an ninh Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã bất ngờ xuất hiện trở lại, cho thấy lo ngại ngày càng gia tăng đối với sự trỗi dậy của TQ. Chiến lược quân sự của Mỹ được công bố gần đây cho thấy sự thay đổi trọng tâm đối với TQ và Nga.

Mỹ nhiều khả năng sẽ tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với Ấn Độ để đối trọng với hiện diện của TQ trong khu vực. Hơn nữa, nó cũng có thể báo hiệu sự quan tâm mới của Washington để ngăn chặn hành vi của Bắc Kinh ở biển Đông. Dù có hay không có Mỹ, Ấn Độ vẫn phải tiếp tục tăng cường quan hệ với khu vực này và đóng một phần vai trò trong việc quản lý vùng biển khó kiểm soát này.

http://biendong.net/bi-n-nong/31341-an-do-am-tham-gia-tang-su-hien-dien-o-bien-dong.html

 

GS Kerry Brown:

Úc đang tiến thoái lưỡng nan với Trung Quốc

Úc và Trung Quốc vẫn liên tục cáo buộc và chỉ trích nhau trong bối cảnh một mâu thuẫn kéo dài đem theo nhiều hệ lụy lâu dài.

Nhưng bên cạnh những chỉ trích về Bắc Kinh, Úc từ lâu đã không tự soi xét lại chính mình, chuyên gia về Trung Quốc Kerry Brown viết:

Mao Trạch Đông, người thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), từng gọi là Úc là “lục địa cô đơn”.

Nhưng ngày nay, qua những thăng trầm gần đây trong mối quan hệ song phương, cô đơn chắc chắn không là điều nước Úc đang cảm thấy.

Trung Quốc đang cho Úc một lượng lớn khách du lịch, du học sinh, và kể từ 2010, là đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này.

Chính khách Úc ‘ví’ Trung Quốc như phát xít Đức

Sinh viên TQ đại lục ‘tấn công’ sinh viên Hong Kong ở Úc

Úc: Thượng nghị sĩ sẽ từ chức vì ‘thỏa thuận với TQ’

Bộ trưởng Úc nói Trung Quốc hành xử tồi tệ

Các khoản đầu tư của Trung Quốc tại quốc đảo này cũng tăng theo cấp số nhân nhưng đang đặt ra các vấn đề ngày càng gây lo ngại cho Canberra về vấn đề an ninh và can thiệp nội bộ.

Chuyện gì đã xảy ra với mối quan hệ này?

Trong thập kỷ qua, Úc đã có tới 5 nhà lãnh đạo quốc gia. Các thủ tướng từ người nói thạo tiếng Quan thoại Kevin Rudd đến Scott Morrison hiện nay đều có một điểm chung – tất cả đều thấy rằng, việc đối phó với Trung Quốc không bao giờ là đơn giản.

Điều này không phải là vì sự thiếu tìm ra phương án thích hợp. Ông Rudd đã thử cách “bạn bè thật sự sẽ nói chuyện thẳng thắn với nhau”. Nhưng phương pháp này đã thất bại trước những lời cáo buộc của Bắc Kinh rằng ông thực ra quá gần gũi với Mỹ, khi cho phép lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ luân chuyển đồn trú ở cảng Darwin, Bắc Úc.

Bà Julia Gillard thì đã cố gắng hướng đến một cách tiếp cận toàn diện hơn ở châu Á. Nhưng thực tế đơn giản là hiện diện của Trung Quốc quá lớn ở châu này khiến việc đó trở nên khó thực hiện và Tony Abbott đã nhanh chóng loại bỏ cách tiếp cận này khi ông đắc cử năm 2013.

Ông Abbott đã cố gắng đến gần Nhật Bản hơn. Và giải pháp đó có thể thành công nếu như ông tồn tại hơn hai năm trong bầu không khí chính trường tàn khốc ở Canberra, hay nếu như Tokyo thực sự đưa ra một đề xuất tài chính hấp dẫn như Bắc Kinh.

Đối với Malcolm Turnbull, những lời hứa những năm đầu khi ông là một luật sư và chiến lược gia cấp cao về mối quan hệ cân bằng, thực dụng, đã bị nhận chìm bởi những cáo buộc của các chính trị gia bị Bắc Kinh gây ảnh hưởng. Đạo luật chống can thiệp nước ngoài đã theo sau đó.

Bây giờ ông Morrison đang đi theo con đường ngoằn ngoèo tương tự – cứng rắn với Trung Quốc trong lời lẽ, nhưng đang cần chấp nhận thực tế phũ phàng rằng vì sự thịnh vượng trong tương lai của đất nước, Trung Quốc vẫn đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn nhất.

Và như cuộc gặp của ông với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần này cho thấy, thái độ hòa hoãn nhã nhặn luôn luôn trở lại.

Tại sao đây lại là một vấn đề?

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Úc vào năm 2014, ông đứng trước quốc hội ở Canberra và nói rằng họ cần phải có tham vọng và mạo hiểm hơn trong tầm nhìn với Trung Quốc. Và Trung Quốc thích những thứ như pháp quyền và khả năng dự đoán về thể chế của Úc. Sao Trung Quốc lại tìm cách phá vỡ những điều này chứ?

Một phần của vấn đề chỉ đơn giản là kích thước. Sự xuất hiện của Trung Quốc như một siêu cường quan trọng, có khi là siêu cường chính, đối với Úc – một quốc gia chỉ có 24 triệu người để kiểm soát một không gian rộng lớn bao quanh là bờ biển, và hải quân chỉ có 27.000 người – thì sẽ luôn thấy mất phương hướng.

Thêm vào đó hiện tượng này phơi bày một số lỗ hổng sâu sắc, nhưng thường được che giấu, đó chính là tâm lý quốc gia dễ bị tổn thương của Úc. Đây là một quốc gia chưa bao giờ, cho đến gần đây, tự coi mình là một đất nước châu Á, mặc cho vị trí địa lý của nó.

Châu Âu là nguồn dân di cư chính của Úc cho đến những thập kỷ gần đây và Mỹ là nguồn đảm bảo về an ninh và phần lớn sự tăng trưởng kinh tế. Bây giờ Úc đang tiếp nhận một số lượng lớn công dân mới có gia đình đến từ nhiều khu vực, gồm cả từ Trung Quốc.

Các trường đại học Úc là một trường hợp điển hình. Một số trường có hàng ngàn sinh viên Trung Quốc, có nghĩa là những học viện thường cấp tiến này phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ từ một quốc gia có các giá trị rất khác.

Hai ứng cử viên người Úc gốc Trung Quốc đang mong làm nên lịch sử cho cuộc bầu cử vào tháng 5

Một bộ phim tài liệu trong chương trình Four Corners gần đây của đài truyền hình quốc gia ABC có nhiều tuyên bố gần như hoang tưởng rằng, một số lượng lớn của lực lượng này đang gây ra nguy cơ về bảo mật bằng sự can thiệp chính trị của họ và họ có khả năng là gián điệp công nghệ.

Và phóng sự có nói về một số học giả Úc đã bị gây áp lực về các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong hoặc Tân Cương. Chính phủ Trung Quốc và các đặc vụ của họ đôi khi đã có một số hành động tác động.

Dù vậy, thật dễ dàng để hiểu tại sao một số người Trung Quốc có thể cảm thấy hoang mang khi sự đóng góp của họ cho đất nước mà họ đang theo học và đào tạo được diễn giải theo cách đáng ngại như vậy.

Thử thách cho Úc

Một thực tế đơn giản là không có nhà lãnh đạo Úc nào thực sự đề cập đến phần khác của phương trình Trung Quốc. Họ rất muốn nói, nhưng chỉ khi thuận tiện cho họ, về những mối đe dọa từ đối tác mới to lớn này và và sự khác biệt về các giá trị và thế giới quan. Nhưng họ ít quan tâm về những nỗi sợ hãi của đất nước họ, và những vấn đề của nước Úc với chính nước Úc.

Chỉ có ông Abbott mới đưa ra cái nhìn sâu sắc thực sự nào về vấn đề này. Trong một khoảnh khắc chân thực không được công khai, khi ống kính camera đã tắt, ông nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel, rằng thái độ của Úc đối với Trung Quốc được đánh dấu bằng “sự sợ hãi và tham lam”.

Úc có thể tránh nhận nguồn đầu tư, sinh viên và cơ hội từ Trung Quốc, và thực tế đã làm điều này như Huawei là một ví dụ. Nhưng một nỗ lực làm như thế một cách toàn diện và tìm kiếm sự hợp tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, có nghĩa là một hy sinh lớn và một tái định hướng quan trọng.

Có vẻ như tại thời điểm này, ông Morrison đang đi theo bước chân của những người đi trước và có thái độ rất mâu thuẫn. Đó có thể là một thực tế khắc nghiệt rất đơn giản rằng, mặc cho tất cả những lời tuyên bố tự tin trước mối đe dọa Trung Quốc, chính quyền và đất nước của ông, không có lựa chọn nào khác.

Kerry Brown là giáo sư nghiên cứu chuyên về Trung Quốc, Giám đốc của Viện Lau China tại Đại học King’s College, London. Từ năm 2012 đến 2015, ông là giáo sư về chính trị Trung Quốc và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-50312537