Tin khắp nơi – 07/11/2018
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Dân chủ thắng Hạ viện
Điểm qua một số nhân vật nổi bật có liên quan đến Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Đảng Dân chủ giành đủ số ghế để nắm quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 6/11.
Kết quả sẽ quyết định phe nào sẽ kiểm soát Quốc hội và ảnh hưởng đến nghị trình của Tổng thống Donald Trump.
Đảng Dân chủ ghi bàn thắng sớm tại Hạ viện, giành thắng lợi tại hai khu vực bầu cử thuộc bang Virginia và Florida.
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Ồn ào chiến dịch vận động ‘bẩn’
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Phòng phiếu ở Bờ Đông bắt đầu mở
Một số nhân vật nổi bật có liên quan đến Việt Nam
Bà Janet Nguyễn, đảng Cộng Hòa, tái thắng cử khu vực 34 vào Thượng viện tiểu bang California.
Bà Stephanie Murphy (Đặng Thị Ngọc Dung), tái thắng cử dân biểu Liên Bang với 57% số phiếu tại khu vực 7 thuộc bang Florida, Mỹ.
Phó thị trưởng Westminster Tyler Diệp, đảng Cộng Hòa lần đầu tiên đắc cử dân biểu cấp tiểu bang California, khu vực 72.
Tom Malinowski, đảng Dân chủ và là cựu trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, người từng đón và trợ giúp một loạt nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam, vừa thắng cử lần đầu làm dân biểu Hạ viện liên bang từ New Jersey.
Trước cuộc bầu cử Đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện.
Cuộc bầu cử hôm 6/11 cũng được xem là cuộc trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ tổng thống Trump.
Nghị sĩ Dân chủ Jennifer Wexton giành được một ghế trong Hạ viện từ người của phe Cộng hòa Barbara Comstock tại khu vực bầu cử số 10 bang Virginia, trong khi một nghị sĩ Dân chủ khác, Donna Shalala giành phần thắng trước Maria Salazar.
Tất cả 50 tiểu bang và Washington DC đều đã bỏ phiếu, và các chuyên gia nói tỷ lệ cử tri đi bầu giữa kỳ có thể là cao nhất trong 50 năm qua.
Với các cáo buộc sử dụng vấn đề sắc tộc để lôi kéo sự ủng hộ, các chiến dịch vận động bầu cử giữa kỳ 2018 đang trở thành các chiến dịch xấu xí trong lịch sử gần đây của chính trường Hoa Kỳ.
Cuộc bỏ phiếu lần này được xem như cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho vị tổng thống đương nhiệm, với hai đảng lớn tìm cách giành giật lại quyền kiểm soát Quốc hội.
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Có thể đoán ai có lợi thế chưa?
‘Đừng nghe Trump nói, hãy nhìn những gì Trump làm’
Toàn bộ 435 ghế trong Hạ viện và 35 trong tổng số 100 ghế Thượng viện được bầu lại trong dịp này.
Nhưng gần đây các hãng truyền thông lớn của Mỹ đã hủy chiếu một quảng cáo của Tổng thống Donald Trump với nội dung về người nhập cư bất hợp pháp chuyên giết cảnh sát.
Trong khi đó thì xuất hiện nhiều cuộc gọi cài tự động với các thông điệp phân biệt chủng tộc nhắm vào các đại diện gốc Phi tại bang Florida và Georgia.
Hôm thứ Hai, Facebook, NBC và thậm chí cả kênh truyền hình yêu thích nhất của ông Trump, Fox News, tuyên bố họ sẽ ngừng phát sóng quảng cáo 30 giây cho chiến dịch vận động bầu cử của ông Trump.
Đoạn phim quảng cáo đã đưa ra một thông tin sai lệch rằng đảng Dân chủ cho phép một người nhập cư Mexico bất hợp pháp vào Mỹ và người này đã sát hại hai phó cảnh sát trưởng California vào 2014.
Các cú điện thoại với lời lẽ phân biệt chủng tộc?
Đã xuất hiện nhiều cú điện thoại tự động với những thông điệp phân biệt chủng tộc được cho là nhắm vào hai ứng cử viên có thể trở thành thống đốc Mỹ gốc Phi đầu tiên của hai bang Florida và Georgia.
Trong đó có một thông tin vô cùng sai lệch cho rằng ngôi sao nổi tiếng Oprah Winfrey sỉ nhục ứng cử viên Stacey Abrams trong khi đó, chính bà Winfrey đang đi vận động tranh cử cho bà Abrams.
Tổng thống Trump đang kêu gọi sự ủng hộ với lập luận rằng nếu đảng Dân chủ nắm kiểm soát được Quộc hội thì sẽ gây ra một làn sóng nhập cư bất hợp pháp và kèm theo đó là một làn sóng tội phạm.
Ông Trump cũng đe dọa rằng đảng Dân chủ sẽ phá hủy nền kinh tế Mỹ đang lành mạnh nếu họ giành được quyền lực.
Hầu hết các ứng viên Dân chủ có xu hướng tránh đối đầu trực tiếp với tổng thống, thay vào đó tập trung vào các vấn đề như chăm sóc sức khỏe và bất bình đẳng kinh tế.
Người Việt San Jose có thể mất ghế Khu vực 7
Chiến thuật tấn công truyền thông của Trump
Đảng Dân chủ đã tung ra vũ khí lớn nhất của họ: cựu Tổng thống Barack Obama, người đã đến Virginia hôm thứ Hai để kêu gọi cuộc bỏ phiếu cho các ứng viên của mình.
“Tính cách nước Mỹ nay nằm trong lá phiếu,” ông Obama nói.
Tỷ lệ đi bầu
Tỷ lệ bỏ phiếu ở các kỳ bầu cử giữa kỳ thường khá thấp, với cuộc bầu cử năm 2014 thấp kỷ lục, chỉ 37%.
Nhưng năm nay, tỷ lệ bỏ phiếu nhiều khả năng là sẽ cao.
Khoảng 34,3 triệu người đã bỏ phiếu và con số thực tế có thể cao hơn, theo Dự án Bầu cử Hoa Kỳ của Đại học Florida.
Con số trong năm 2014 chỉ là 27,5 triệu.
Tại Texas, con số cử tri bỏ phiếu sớm đã vượt quá số toàn bộ cử tri đi bỏ phiếu vào 2014.
Tuy nhiên, giông bão được dự báo vào thứ Ba dọc theo bờ biển phía đông và bão tuyết ở vùng Trung Tây, có thể làm giảm số lượng cử tri đi bầu.
Dự đoán
Các cuộc thăm dò ý kiến cho rằng đảng Dân chủ có thể giành được 23 ghế mà họ cần để nắm Hạ viện và có thể có thêm 15 ghế nữa.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ được cho là sẽ thiếu hai ghế mà họ cần để kiểm soát Thượng viện từ tay Cộng hòa.
Thống đốc bang cũng đang được bầu chọn ở 36 trong số 50 tiểu bang.
Các phòng phiếu đầu tiên sẽ đóng cửa lúc 23:00 GMT thứ Ba( 6 giờ sáng thứ Tư giờ Việt Nam).
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46109654
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: 5 nhận xét quan trọng
Bụi đang bắt đầu lắng xuống trên kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ, và đó là câu chuyện về hai viện của Quốc hội.
Liệu kết quả bầu cử giữa kỳ có giúp đảng Dân chủ trong việc định hình và chuẩn bị cho năm 2020? Câu trả lời là có thể!
Người Việt San Jose có thể mất ghế Khu vực 7
Vì sao bầu cử giữa kỳ ở Mỹ quan trọng?
Cuối cùng, kết qủa đúng như điều nhiều người dự đoán – Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện lần đầu tiên kể từ năm 2010, và đảng Cộng hòa giữ quyền kiểm soát Thượng viện.
Không có cú sốc lớn nào, nhưng rất nhiều lý thú, và dấu hiệu về những gì có thể xảy ra trong hai năm tới.
Dưới đây là những nhận xét của BBC.
Kỷ lục cho ứng cử viên nữ
Số phụ nữ tranh cử năm nay ở mức cao nhất từ trước đến giờ, và triển vọng thắng cử của họ cũng cao chưa từng thấy.
Trước thứ Ba, có 107 phụ nữ trong Quốc hội, và cho đến giờ số người đắc cử đang vượt con số đó.
Trong số nhiều người được mệnh danh “đầu tiên” là: Hai nữ dân biểu Hồi giáo đầu tiên (Rashida Tlaib của Michigan và Ilhan Omar của Minnesota); phụ nữ trẻ nhất được bầu vào Quốc hội New York, Alexandria Ocasio-Cortez; và những phụ nữ người Mỹ bản địa đầu tiên trong Quốc hội, Debra Haaland của New Mexico và Sharice Davids của Kansas.
Cũng không thể quên Jared Polis của Colorado, người trở thành vị thống đốc đồng tính đầu tiên ở Mỹ.
Và phải vạch ra vai trò quan trọng của phụ nữ đảng Dân chủ trong việc chiếm lãnh địa của đảng Cộng hòa. Những ứng cử viên này thu hút cử tri đến phòng phiếu y như có ai thổi một luồng năng lượng mới vào chính trường.
Một làn sóng xanh nhẹ nhàng
Vào khoảng 7:45 tối giờ miền Đông nước Mỹ, ứng cử viên đảng Dân chủ Jennifer Wexton tuyên bố thắng cử dân biểu Khu vực 10 của Virginia, một vị trị được đảng Cộng hòa chiếm giữ từ năm 1980.
Ngay vào thời điểm đó, người ta cho rằng có vẻ đảng Dân chủ sẽ có một đêm tuyệt vời với làn sóng xanh lớn mạnh.
Nhưng thực tế không được như thế!
Có một làn sóng màu xanh, nhưng làn sóng ấy không vũ bão, mà lăn nhẹ nhàng đến bờ. Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện như kỳ vọng, hoàn toàn không có cú sốc nào lớn.
Nhưng lợi thế khá thoải mái để dẫn đến chiến thắng cho đảng Dân chủ rất quan trọng, bởi vì họ càng chiếm được nhiều ghế thì càng dễ cho việc thông qua hay ngăn chặn nhiều bộ luật.
Tuy nhiên những chiến dịch vận động tranh cử mang đến nguồn cảm hứng cho giới cấp tiến – Cuộc đua vào Thượng viện của Beto O’Rourke chống lại Ted Cruz, các ứng cử viên cho ghế thống đốc ở Georgia và Florida – đã không mang lại được kết qủa như ý muốn, mặc dù số phiếu sai biệt khá nhỏ.
Ở cấp độ địa phương hơn, những khuôn mặt mới của đảng Dân chủ gặt hái được thành qủa tốt, nhưng không thấy có dấu hiệu nào rõ ràng hơn cho thấy liệu đảng Dân chủ sẽ tập hợp xung quanh một ứng cử viên cấp tiến cho mùa bầu cử năm 2020.
Có “thành công lớn” như Trump tuyên bố?
Đó là một đêm hỗn hợp – bị mất Hạ viện, nhưng thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện lại tăng lên.
Hạ viện bây giờ có thể khởi động các cuộc điều tra nhắm vào tổng thống, yêu cầu ông phải công bố hồ sơ thuế, và có thể, mặc dù họ có thể sẽ quyết định không làm như vậy, luận tội (impeach) ông.
Trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ, với đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện Quốc hội, ông Trump đã có một thời gian khá dễ dàng, thoải mái. Điều này giờ đây đã chấm dứt.
Trump chắc chắn sẽ trải qua những cuộc chiến mà ông phải đối mặt trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự, và chắc chắn sẽ cần phải có một ông ba bị nào đó để đổ lỗi.
Nhưng đó cũng là một đêm tốt cho đảng Cộng hòa. Họ không chỉ giữ được đa số, mà còn tăng ghế ở Thượng viện.
Tổng thống Trump gọi đó là một “thành công lớn”!
Cuộc bầu cử vừa rồi là một cuộc trưng cầu dân ý về Trump.
Kết quả một cuộc thăm dò của CBS phổ biến hôm thứ Ba cho thấy tổng thống là nhân tố khiến cho 65% người tham gia đi bầu (39% trong số này phản đối, và 26% ủng hộ Trump).
Ông Trump đặt mình ngay vào giữa ánh đèn sân khấu trước cuộc bầu cử, đi khắp đất nước để vận động tranh cử, thường là hơn một lần một ngày. Điều đó vừa có lợi vừa gây bất lợi cho ông.
Tuy nhiên, chiến lược của đảng Cộng hòa trong việc tăng đa số tại Thượng viện và lật một vài ghế của Dân chủ đã khá thành công. Một cách tổng quát, các khu vực ủng hộ Trump mạnh mẽ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 kỳ này tiếp tục ủng hộ ông.
Thành thị và nông thôn
Có vẻ đây chính là cuộc bầu cử của nông thôn chống lại thành phố và điều này tiếp tục đào sâu sự phân rẽ ngày càng lớn trên đất nước Mỹ. Những khu vực Cộng hòa truyền thống bên ngoài các thành phố lớn đã bắt đầu rời khỏi đảng.
Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra ở một số khu vực của tiểu bang Virginia, nơi đảng Cộng hòa giữ được khu vực 10 và khu vực 7 phía ngoài của Washington trong khi Richmond rơi vào tay đảng Dân chủ.
Tình trạng tương tự lặp đi lặp lại ở nhiều tiểu bang trên toàn quốc, thường là trong những cú sốc lớn, như ở Illinois, Texas và Pennsylvania, chẳng hạn.
Vậy, điều này có nghĩa gì?
Đây có thể là một dấu hiệu báo trước những khó khăn của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Những cử tri tốt nghiệp đại học đảng Cộng hòa có lẽ đã miễn cưỡng ủng hộ Trump vào năm 2016. Dường như trong cuộc bầu cử này họ không làm như vậy nữa. Vậy thì đảng Cộng hòa phải làm thế nào để chinh phục họ?
Số phận các thống đốc của Trump
Có một phát triển thú vị trong cuộc đua của các thống đốc. Một số tiểu bang bỏ phiếu ủng hộ Trump trong năm 2016 đã không ủng hộ đảng Cộng hòa lần này.
Tiểu bang Illinois – với gần 13 triệu người và thành phố Chicago, lớn thứ ba của Mỹ, đã chuyển sang đảng Dân chủ dưới sự lãnh đạo của JB Pritzker. Ở tiểu bang Kansas, đồng minh của Trump, Kris Kobach đã thua đậm trong cuộc đua vào chức thống đốc.
Nhưng cũng có một số dấu hiệu tốt cho Trump. Những người ra mặt ủng hộ Trump đã giành được ghế thống đốc ở tiểu bang Georgia và Florida, sau chiến dịch tranh cử với những lời đầy rẫy phân biệt chủng tộc, và đứng vững để hỗ trợ ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Các thống đốc đảng Cộng hòa ở tiểu bang Iowa và Ohio, những tiểu bang quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống, cũng đắc cử. Lý do là thống đốc có thể giúp gây quỹ và tìm tình nguyện viên trước cuộc bầu cử tổng thống, và đây là một tin tốt cho Trump.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46122217
Cuộc bầu cử giữa kỳ có thể
làm thay đổi cán cân quyền lực nước Mỹ
Cử tri Mỹ sẽ bầu ra đại diện mới tại quốc hội và cơ quan chính quyền, có thể tác động lớn tới toàn bộ nền chính trị nước này.
Cử tri trên khắp nước Mỹ hôm 6/11 sẽ đi bỏ phiếu trong đợt bầu cử giữa kỳ để lựa chọn người đại diện cho họ ở nhiều vị trí khác nhau, từ lưỡng viện quốc hội cho tới thị trưởng, cảnh sát trưởng nơi họ sinh sống, theo Washington Post.
Không giống như nhiều quốc gia khác, Mỹ có hệ thống bầu cử với các quy tắc, quy định khá phức tạp và cuộc bầu cử giữa kỳ không phải là ngoại lệ. Cuộc bầu cử này diễn ra vào giữa nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống đương nhiệm và chứng kiến hàng loạt cuộc đối đầu giữa các ứng viên, từ các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ ở Washington cho tới ủy viên hội đồng trường học ở thôn quê.
Cuộc bầu cử các ghế ở hạ viện và thượng viện Mỹ diễn ra hai năm một lần được coi là cuộc đua tranh khốc liệt nhất và đáng chú ý nhất. Trong đợt bầu cử giữa kỳ này, toàn bộ 435 ghế trong hạ viện Mỹ sẽ được bầu lại và có thể chứng kiến tình thế đảo chiều ngoạn mục giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong việc nắm quyền kiểm soát hạ viện.
Trong khi đó, chỉ có 1/3 số ghế ở thượng viện được bầu lại, do nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ Mỹ kéo dài tới 6 năm. Năm nay, chỉ 35 trong tổng số 100 ghế ở thượng viện Mỹ có thể sẽ được đổi chủ. Tất cả những quy định về nhiệm kỳ và ngày bỏ phiếu đều được quy định trong hiến pháp Mỹ.
Hiến pháp quy định một đảng cần nắm giữ ít nhất 51 ghế để kiểm soát thượng viện và 218 ghế để kiểm soát hạ viện. Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đang kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ, bởi đảng Dân chủ hiện chỉ nắm 49 ghế ở thượng viện và 193 ghế tại hạ viện.
Việc bầu lại các ghế ở hạ viện và thượng viện như vậy được coi là cơ hội lớn nhất giữa hai cuộc bầu cử tổng thống để cử tri Mỹ thể hiện quan điểm của mình về năng lực của tổng thống đương nhiệm sau hai năm cầm quyền. Nếu đa số các cử tri không hài lòng với những gì tổng thống đã làm, họ có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực của nước Mỹ bằng lá phiếu của mình.
Tuy nhiên, quá trình bầu các đại biểu quốc hội Mỹ chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Trong khi hiến pháp quy định mỗi bang được “chốt cứng” hai ghế tại thượng viện, số ghế ở hạ viện của mỗi bang lại tùy thuộc vào dân số của bang đó. Bang nào càng đông dân lại càng có nhiều đại biểu trong số 435 ghế ở hạ viện.
Mỗi đại biểu tại hạ viện đại diện cho một khu vực bầu cử riêng tại nơi mình sinh sống, tuy nhiên bản đồ khu vực bầu cử nhiều khi lại không dựa trên yếu tố địa lý mà được vẽ theo mức độ ủng hộ với từng đảng, dẫn tới hiện tượng nhiều khu vực bầu cử có hình dạng “không giống ai”.
Sự thay đổi của Khu vực Bầu cử Quốc hội số 12 bang Bắc Carolina qua các thời kỳ. Đồ họa: Wired.
Sự thay đổi của Khu vực Bầu cử Quốc hội số 12 bang Bắc Carolina qua các thời kỳ. Đồ họa: Wired.
Hiến pháp Mỹ quy định cứ 10 năm lại tiến hành tổng điều tra dân số một lần và số ghế ở hạ viện của mỗi bang được phân chia theo kết quả điều tra dân số này, với hậu quả là một số bang được thêm hoặc mất ghế tại hạ viện do những thay đổi về dân số. Đảng cầm quyền có thể lợi dụng điều này để vẽ ra những khu vực bầu cử có lợi nhất cho mình và gây trở ngại lớn nhất cho đảng đối lập.
Đảng đối lập có thể khiếu nại việc vẽ bản đồ khu vực bầu cử lên tòa án và nếu nhận thấy hành động đó là bất công, thẩm phán có thể yêu cầu vẽ lại bản đồ khu vực bầu cử, nhưng thường sẽ kéo theo nhiều hỗn loạn.
Dựa trên kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, bình luận viên Aaron Blake của Washington Post dự đoán sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay, đảng Dân chủ sẽ giành lại được quyền kiểm soát hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa vẫn giữ vững vị thế của mình ở thượng viện, thậm chí là có thể có thêm 1-2 ghế.
Đảng Dân chủ hiện nay chỉ cần có thêm 23 ghế là sẽ giành quyền đa số tại hạ viện Mỹ. Cuộc thăm dò do Cook Political Report tiến hành cho thấy họ sẽ lấy lại được ít nhất 16 ghế từ phía đảng Cộng hòa, và chỉ cần thêm 7 ghế trong tổng số 30 ghế “dao động” là sẽ kiểm soát được hạ viện, kịch bản được Blake đánh giá là hoàn toàn khả thi.
Trong khi đó, cuộc “lật đổ” ở thượng viện sẽ khó khăn hơn rất nhiều, dù đảng Dân chủ chỉ cần có thêm hai ghế để chiếm thế đa số. Các cuộc thăm dò cho thấy bản đồ bầu cử thượng nghị sĩ có lợi cho đảng Cộng hòa và các ứng viên đảng này thậm chí có thể giành được thêm 2-3 ghế từ những bang trước đây bầu cho đảng Dân chủ để bù cho nguy cơ bị mất ghế ở Arizona và Nevada.
Tác động tới Trump và nền chính trị Mỹ
Ứng viên đảng Dân chủ Beto ORourke chạy đua ghế thượng nghị sĩ bang Texas
Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ có thể có tác động rất lớn tới bối cảnh chính trị của nước Mỹ, đặc biệt là với những chính sách gây tranh cãi trong hai năm qua của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Với việc giành được quyền kiểm soát quốc hội, mỗi đảng đều có lợi thế đáng kể để thông qua chương trình nghị sự của mình hoặc cản trở các đề xuất của đối thủ cũng như bác bỏ những ứng viên được Tổng thống đề cử vào Tòa án Tối cao.
Một số chương trình hành động và cam kết tranh cử có thể được Trump hồi sinh nếu đảng Cộng hòa bảo vệ được quyền kiểm soát quốc hội của mình. Tổng thống Mỹ từng nhiều lần tuyên bố sẽ bãi bỏ và thay thế đạo luật Obamacare, thậm chí nỗ lực đưa đạo luật mới ra trước thượng viện hồi năm ngoái nhưng chưa thành công.
Nếu sau cuộc bầu cử giữa kỳ này, đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số tại hạ viện và thượng viện, nỗ lực bãi bỏ Obamacare của Trump được dự đoán là sẽ thuận lợi hơn nhiều và đạo luật thay thế có thể được thông qua ngay trong năm tới.
Trong khi đó, nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng sau cuộc bầu cử giữa kỳ, họ có thể cản trở hàng loạt biện pháp do đảng Cộng hòa đưa ra bằng cách ngăn cản việc thực thi chúng. Khi nắm quyền kiểm soát hạ viện, đảng Dân chủ thậm chí còn có thể khởi động tiến trình luận tội Trump, kịch bản có thể khiến Tổng thống bị phế truất nếu ông bị kết luận là thông đồng với Nga.
Dù đây là kịch bản được rất nhiều người nhắc đến, các chuyên gia cho rằng nó sẽ rất khó xảy ra trong tình hình chính trị nước Mỹ hiện nay. Hiến pháp Mỹ quy định luận tội là tiến trình gồm hai bước, trong đó bước đầu tiên diễn ra ở hạ viện, nơi các nghị sĩ đưa ra những lời buộc tội chống lại tổng thống.
Nếu đa số nghị sĩ tại hạ viện nhất trí với lời buộc tội này, tổng thống gần như chính thức bị truy tố. Lúc đó, thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu và tổng thống chỉ bị phế truất khi 2/3 thượng nghị sĩ đồng ý với lời buộc tội.
Kịch bản này chỉ xảy ra khi đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ, điều khó có thể diễn ra trong cuộc bầu cử giữa kỳ này. Ngay cả khi chiếm đa số tại hạ viện và thượng viện, các lãnh đạo đảng Dân chủ cũng không mặn mà với việc luận tội Trump, khi người đứng đầu đảng Dân chủ ở hạ viện Nancy Pelosi từng tuyên bố việc luận tội Tổng thống “không phải là một ưu tiên”.
Điều đảng Dân chủ có thể làm sau khi kiểm soát hạ viện là tiến hành cuộc điều tra quyết liệt hơn với cáo buộc Trump thông đồng với Nga cùng các thương vụ của ông hay bất cứ vấn đề nào mà họ tin rằng đã bị đảng Cộng hòa cho “chìm xuồng”. Những cuộc điều tra như vậy có thể đưa ra bằng chứng mới hoặc tạo bão dư luận gây bất lợi đáng kể cho nỗ lực tái tranh cử của Trump vào năm 2020.
Blake cũng cảnh báo rằng nếu cuộc bầu cử giữa kỳ này giúp đảng Dân chủ kiểm soát được hạ viện nhưng ưu thế đa số ở thượng viện vẫn thuộc về đảng Cộng hòa, nền chính trị Mỹ có thể sẽ lâm vào tình trạng bế tắc trong hai năm tiếp theo. “Khi hai đảng đấu đá lẫn nhau, sẽ khó có thể có một đạo luật lớn nào được thông qua”, bình luận viên này nhận định.
TT Trump đối mặt khó khăn
sau khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện
Ông Donald Trump đối mặt với những trở ngại lớn hơn trong nhiệm kỳ tổng thống của mình sau khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ và cam kết sẽ buộc vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa phải chịu trách nhiệm giải trình sau hai năm có nhiều xáo trộn trong Tòa Bạch Ốc.
Ông Trump và những người cùng đảng Cộng hòa đã mở rộng quyền kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm 6/11, sau một chiến dịch vận động bầu cử gây chia rẽ được đánh dấu với các cuộc đụng độ dữ dội về vấn đề chủng tộc và nhập cư.
Nhưng họ đã mất thế đa số ở Hạ viện, một trở ngại cho ông Trump sau một chiến dịch vận động có ý nghĩa tương tự như cuộc bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm về vai trò lãnh đạo của ông.
Tuy còn một số nơi vẫn chưa ngã ngũ, đảng Dân chủ nắm chắc sẽ có thêm 30 ghế, cao hơn con số 23 ghế mà họ cần để đạt thế đa số ở Hạ viện có 435 dân biểu, lần đầu tiên họ đạt được điều này sau 8 năm.
Việc chiếm thế đa số ở Thượng viện không phải là một viễn cảnh khả quan đối với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử này, và trên thực tế, họ đã không nhận được một làn sóng ủng hộ từ cử tri để có thể kiểm soát cả hai viện của Quốc hội.
Mặc dù vậy, đảng Dân chủ giờ đây sẽ lãnh đạo các ủy ban ở Hạ viện có thể điều tra tổng thống về việc ông khai thuế, có thể có xung đột lợi ích trong kinh doanh, và chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông có thể có mối liên hệ với Nga.
Đảng Dân chủ cũng có thể buộc ông Trump phải giảm các tham vọng về lập pháp của ông, có thể làm tiêu tan các lời hứa của ông về thu xếp ngân quỹ cho việc xây bức tường biên giới giữa Mỹ với Mexico, thông qua một gói cắt giảm thuế lớn thứ hai, hoặc thực hiện các chính sách cứng rắn về thương mại.
“Ngày hôm nay có tầm vóc lớn hơn là chuyện Dân chủ hay Cộng hòa, mà nó có ý nghĩa về việc khôi phục sự kiểm soát và cân bằng hiến định đối với chính quyền của ông Trump”, bà Nancy Pelosi, lãnh đạo khối đảng viên Dân chủ ở Hạ viện, nói với những người ủng hộ tại bữa tiệc mừng chiến thắng.
BẾ TẮC?
Với thẩm quyền lãnh đạo bị chia sẻ trong Quốc hội và một tổng thống có quan điểm bành trướng về quyền hành pháp, Washington có thể phải chịu sự phân cực chính trị và bế tắc lập pháp sâu sắc hơn nữa.
Chứng khoán châu Âu tăng trở lại hôm 7/11 sau khi các cuộc bầu cử ở Mỹ không mang lại điều gì bất ngờ lớn.
“Với việc người của đảng Dân chủ chiếm quyền kiểm soát Hạ viện, chúng ta giờ đây sẽ phải theo dõi xem bế tắc ở Quốc hội có ý nghĩa thế nào đối với các chính sách. Về tác động đến thị trường, lịch sử cho thấy một Quốc hội bị phân chia thường giúp cổ phiếu tăng giá và chúng tôi hy vọng sẽ lại thấy hình thái này”, Torsten Slok, nhà kinh tế quốc tế hàng đầu của Deutsche Bank, nói.
Các nhà đầu tư thường ủng hộ tình trạng bế tắc của Washington vì nó giữ nguyên trạng và làm giảm sự bất định, mặc dù nhiều người trên thị trường trong giai đoạn này đã hy vọng nghị trình của đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục.
Việc đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện sẽ thử thách khả năng thỏa hiệp của ông Trump, một điều mà ông tỏ ra ít quan tâm đến trong hai năm qua khi đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện của Quốc hội.
Đảng Cộng hòa vẫn có thể làm việc chung với đảng Dân chủ về các vấn đề được cả hai đảng ủng hộ, như gói cải thiện cơ sở hạ tầng hoặc biện pháp bảo vệ chống tăng giá thuốc được kê theo toa.
Toàn bộ số ghế tại Hạ viện đều được bầu lại hôm 6/11. Còn trong cuộc đua vào Thượng viện, đảng Cộng hòa đã có lợi thế vì chỉ có 35 ghế được bầu lại tại Thượng viện gồm 100 thành viên, và nhiều người trong số họ ở các tiểu bang thường ủng hộ đảng Cộng hòa.
Đảng Cộng hòa đã cải thiện được thế đa số mỏng manh của họ tại Thượng viện và đánh bật 4 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đương nhiệm: Bill Nelson ở Florida, Joe Donnelly ở Indiana, Heidi Heitkamp ở Bắc Dakota và Claire McCaskill ở Missouri.
Trong 36 cuộc đua đến chức thống đốc, đảng Dân chủ đã giành được quyền kiểm soát ở các bang ủng hộ ông Trump vào năm 2016 nhưng đã thua trong các cuộc đua ở hai bang được chú ý nhiều là Florida và Ohio.
Người ta dự báo rằng sau khi giành chiến thắng, các đảng viên Dân chủ ở Hạ viện sẽ cố gắng làm cho chính sách của Mỹ trở nên cứng rắn hơn đối với Ả-rập Xê-út, Nga và Triều Tiên, đồng thời duy trì hiện trạng đối với các khu vực nóng như Trung Quốc và Iran.
Họ có thể gây khó khăn cho ông Trump bằng cách tiến hành một cuộc điều tra mới của quốc hội về những cáo buộc là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 có liên quan đến ông. Đảng Dân chủ đang chờ kết quả của một cuộc điều tra cấp liên bang hiện vẫn đang diễn ra, do Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ Robert Mueller đứng đầu, về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử đó.
Moscow phủ nhận về sự can thiệp và ông Trump phủ nhận đã có bất kỳ sự thông đồng nào.
Chỉ cần thế đa số ở Hạ viện là đủ để luận tội ông Trump nếu có bằng chứng về việc ban vận động tranh cử của ông có sự thông đồng, hoặc có bằng chứng là tổng thống cản trở cuộc điều tra liên bang. Nhưng Quốc hội không thể bãi nhiệm ông nếu không được sự ủng hộ từ 2/3 Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, đây là một kịch bản khó xảy ra.
Hầu hết các ứng cử viên Dân chủ trong các cuộc đua sít sao đều đã tránh chỉ trích gay gắt ông Trump trong giai đoạn cuối của chiến dịch vận động bầu cử giữa kỳ, thay vào đó, họ tập trung vào các vấn đề thiết thực như duy trì bảo hiểm y tế cho những người bị các bệnh từ trước, bảo vệ tiền hưu trí từ quỹ an sinh xã hội và chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare cho người già.
Việc đảng Cộng hòa thắng lợi ở Thượng viện chắc chắn sẽ thúc đẩy các nỗ lực của đảng về việc chuẩn thuận bổ nhiệm các thẩm phán liên bang có tư tưởng bảo thủ trong phiên họp cuối của Quốc hội nhiệm kỳ cũ sẽ bắt đầu vào tuần tới, cũng như khi Quốc hội nhiệm kỳ mới triệu tập từ tháng 1 năm sau.
Bầu cử Mỹ giúp phát hiện
một lớp nghị sĩ mới tiêu biểu
Cuộc bầu cử giữa kỳ ngày hôm qua, 06/11/2018, đã đưa nhiều gương mặt mới vào các định chế dân cử Mỹ, đặc biệt là vào một trong hai cơ quan lập pháp tối cao của Hoa Kỳ là Hạ Viện, Đó là các gương mặt phụ nữ, tuổi còn trẻ, và nhất là phản ánh được sự đa dạng của nước Mỹ.
Tại hai tiểu bang Michigan và Minnesota chẳng hạn, cử tri đã bầu làm dân biểu hai người theo Hồi Giáo trong độ tuổi ba mươi : đó là nữ luật sư Rashida Tlaib, có cha mẹ là người tị nạn Palestine, và nhà hoạt động xã hội Ilhan Omar, sinh ra ở Somalia, đã từng phải lang thang trong các trại tị nạn từ năm tám tuổi trước khi di cư sang Hoa Kỳ. Thuộc xu hướng thiên tả trong đảng Dân Chủ, bà Ilhan Omar chủ trương giáo dục miễn phí, cải cách hệ thống tư pháp và nhà ở cho tất cả mọi người.
Tại New York, cô Alexandria Ocasio-Cortez, 29 tuổi, cũng thuộc cảnh tả của đảng Dân Chủ là một gương mặt tiêu biểu biểu. Ở tuổi 29, cô trở thành người trẻ nhất được bầu vào Hạ Viện Mỹ. Là con gái của một phụ nữ giúp việc nhà người Puerto Rico, cô Ocasio-Cortez đã tiến hành một cuộc vận động tranh cử rất thiên về cánh tả, bảo vệ người nhập cư, và từ chối nhận tài trợ từ những nhà bảo trợ lớn của đảng Dân Chủ.
Cuộc bầu cử lần này cũng chứng kiến chiến thắng đầu tiên của một phụ nữ gốc thổ dân da đỏ, bà Sharice Davids. Điểm đáng chú ý là bà Davids đã đắc cử tại một bang nổi tiếng là bảo thủ là Kansas, cho dù bà là một người đồng tinh.
Tại bang Colorado, nam ứng viên đảng Dân Chủ Jared Polis đã trở thành thống đốc đồng tính đầu tiên của nước Mỹ. Jared Polis không hề che giấu là mình đồng tính.
Chủ nhà thổ đã chết vẫn được bầu
vào hội đồng quận hạt ở Nevada
Một chủ nhà thổ ở Nevada và cũng là ngôi sao truyền hình thực tế đã qua đời hồi tháng trước song vẫn giành chiến thắng tại một khu vực lập pháp ủng hộ mạnh mẽ cho đảng Cộng hòa.
Ông chủ nhà thổ này, có tên là Dennis Hof, đã tranh cử với tư cách là ứng cử viên đảng Cộng hòa và đi theo phong cách của ông Donald Trump
Ông Dennis Hof đã đánh bại nhà giáo theo đảng Dân chủ Lesia Romanov hôm 6/11 trong cuộc đua giành chiếc ghế trong hội đồng của quận hạt số 36 của Nevada, là nơi bao gồm các cộng đồng nông thôn và một dải sa mạc rộng lớn ở miền nam của tiểu bang. Các viên chức quận hạt sẽ chỉ định một người của đảng Cộng hòa để thay thế ông Hof nắm chiếc ghế.
Người ta phát hiện ông Hof đã chết hôm 16/10 sau các buổi tiệc tùng cuối tuần mừng sinh nhật lần thứ 72 của ông. Các quan chức vẫn đang xác định nguyên nhân cái chết của ông, nhưng họ không nghi ngờ đã có gì mờ ám xảy ra.
Ông Hof sở hữu một số nhà thổ ở Nevada, tiểu bang duy nhất cho phép các nhà thổ hoạt động hợp pháp.
Ông cũng đóng vai chính trong bộ phim thực tế dành cho người lớn của HBO có tên “Cathouse” và đã viết một cuốn sách có tiêu đề “Nghệ thuật của ma cô”, nhái theo tên cuốn sách của ông Trump “Nghệ thuật của thỏa thuận”.
Người ta tìm thấy ông Hof đã chết tại nhà chứa Love Ranch của ông, cách Las Vegas khoảng 1 giờ đi bằng ô tô. Người phát hiện ra là diễn viên phim khiêu dâm Ron Jeremy và cũng là một gái điếm tại nhà chứa.
Ông Hof đã dành bốn ngày trước đó để tiệc tùng với những người nổi tiếng trong ngành mại dâm và giới chính trị để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 72 của mình.
Ông Hof đã tranh cử vào năm 2016 như là một ứng cử viên tự do nhưng đã thua.
Năm nay, ông ấy tranh cử với tư cách là một người của đảng Cộng hòa và giành được sự ủng hộ từ cộng sự của ông Trump là Roger Stone và từ nhà hoạt động đòi cắt giảm thuế Grover Norquist.
Hội đồng quận hạt số 36 của Nevada lâu nay vốn là nơi người của đảng Cộng hòa nắm được ghế.
Quận hạt này tiếp giáp cả California lẫn Utah và bao gồm Địa điểm An ninh Quốc gia ở bang Nevada, nơi vũ khí hạt nhân đã từng được thử nghiệm.
(AP, NBC)
Nữ tiếp viên quầy rượu ở Manhattan 29 tuổi
trở thành dân biểu Mỹ
Cô Alexandria Ocasio-Cortez được bầu vào Quốc hội Mỹ ở tuổi 29, sau khi giành chiến thắng áp đảo tại bang New York với 78% phiếu ủng hộ hôm 6/11.
Alexandria Ocasio-Cortez, một ngôi sao đang lên của đảng Dân Chủ, đã giành chiến thắng ở Địa hạt Bầu cử 14 của bang New York và trở thành người phụ nữ trẻ nhất được bầu vào quốc hội Mỹ.
Hãng tin AFP dẫn lời cô nói tối 6/11 khi cùng đám đông ăn mừng chiến thắng: “Tối nay chúng ta đã làm nên lịch sử.” Một năm trước đây cô còn là một nhân viên pha chế quầy bar ở một nhà hàng trong khu Manhattan.
Vừa tròn 29 tuổi vào giữa tháng trước, Ocasio-Cortez là phụ nữ trẻ nhất được bầu vào quốc hội trong lịch sử Mỹ. Người nắm giữ kỷ lục này trước đó là dân biểu New York Elise Stefanik, người được bầu vào quốc hội năm 30 tuổi, theo CNN.
Cô luôn tự hào về xuất thân từ tầng lớp lao động và từ chối các nhà tài trợ lớn. Cô ủng hộ chính sách chăm sóc sức khỏe miễn phí cho mọi người dân, mức lương tối thiểu 15 đôla một giờ, miễn học phí đại học và bãi bỏ cơ quan Thực thi Nhập cư và Hải quan liên bang.
Ocasio-Cortez sinh năm 1989 tại khu Bronx, thành phố New York. Mẹ cô là công nhân vệ sinh kiêm tài xế xe buýt trường học gốc Puerto Rico, còn bố cô là kiến trúc sư người New York. Sau khi ông qua đời vì ung thư phổi ở độ tuổi 40 vào năm 2008, cô Ocasio-Cortez và mẹ gặp khó khăn về kinh tế và từng bị siết nhà.
Năm 2011, Ocasio-Cortez tốt nghiệp cử nhân ngành kinh tế và quan hệ quốc tế đại học Boston nhưng sau khi ra trường, cô trở thành nhân viên pha chế và tiếp viên nhà hàng. Cô còn thành lập một công ty xuất bản văn học trẻ em và là một nhà giáo dục tại tổ chức phi lợi nhuận của cộng đồng người gốc Tây Ban Nha.
Ocasio-Cortez là thành viên của tổ chức các nhà xã hội chủ nghĩa Mỹ của đảng Dân chủ và là nhà tổ chức cho chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ năm 2016 Bernie Sanders.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi tháng 6 của đảng Dân chủ, Ocasio-Cortez trở thành tâm điểm trên báo chí Mỹ khi đánh bại dân biểu New York kỳ cựu Joe Crowley. Ông Crowley đã tham gia Hạ viện 10 nhiệm kỳ, thậm chí là gương mặt tiềm năng cho vị trí chủ tịch Hạ viện, theo VOX.
Cô Ocasio-Cortez cũng là một trong vài phụ nữ làm nên lịch sử tối 6/11, trong đó có Rashida Tlaib và Ilhan Omar, những phụ nữ Hồi giáo đầu tiên trúng cử vào quốc hội Mỹ, và Ayanna Pressley, phụ nữ da màu đầu tiên được bầu vào quốc hội của bang Massachusetts.
Sau bầu cử giữa kỳ:
chạy đua vào Toà Bạch Ốc 2020
Cuộc bầu cử giữa kỳ hôm thứ Ba 6/11 là phát súng khởi đầu cho cuộc chạy đua đầy kịch tính và tốn kém giữa đông đảo ứng viên tranh giành chức Tổng thống Mỹ năm 2020, theo hãng tin Reuters.
Lấy đà từ những thành quả bầu cử chọn đại diện vào Hạ viện Hoa Kỳ, Đảng Dân chủ sẽ bước vào cuộc đua trong khi chưa có một ứng cử viên dẫn đầu nào nổi bật một cách rõ rệt, lần đầu tiên tình huống này xảy ra tính từ chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2004.
Hơn hai mươi ứng cử viên tiềm tàng, trong đó có cựu Phó Tổng thống Joe Biden và nhiều thượng nghị sĩ, thống đốc, thị trưởng cũng như lãnh đạo doanh nghiệp, đã vận động trong nhiều tháng trời để thu phục các nhà tài trợ và cân nhắc khả năng được Đảng Dân chủ đề cử ra đại diện cho đảng trong cuộc đua giành chiếc ghế trong Toà Bạch Ốc vào năm 2020.
Nhân vật đó hầu như chắc chắn sẽ phải đối diện với ông Donald Trump, đối thủ bên Đảng Cộng hoà, vị Tổng thống mà mức độ được tán thành về phần lớn vẫn luôn nằm dưới mức 50% kể từ khi lên nhậm chức, tuy rằng trong nôi bộ đảng thế đứng của ông sẽ khiến cho khó có ai trong Đảng Cộng hoà có thể thách thức ông để giành sự đề cử của đảng.
Ông Trump là nhân vật phủ bóng lên các cuộc bầu cử giữa kỳ hôm thứ ba, là yếu tố thúc đẩy cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đi bầu để bác bỏ các chính sách của ông, nhưng cùng lúc cũng là yếu tố thúc đẩy các ứng cử viên Cộng hòa phải cam kết ủng hộ ông, bằng không sẽ đối mặt với phản ứng dữ dội của các thành phần bảo thủ trong đảng.
Về phần Đảng Dân chủ, đảng này đang chật vật với những câu hỏi về ứng viên nào, cùng với chiến lược và cách tiếp cận nào có khả năng đánh bại được ông Trump vào ngày 3 tháng 11 năm 2020. Dự kiến trong vài tháng tới sẽ có nhiều thành viên đảng Dân chủ sớm nhảy vào cuộc đua.
Bất cứ ai nổi lên trong tiến trình dai dẳng để được Đảng Dân chủ đề cử ra tranh chức Tổng thống, khởi đầu ở bang Iowa vào đầu năm 2020, sẽ phải trực diện với ông Trump, một đối thủ nặng ký.
Các dấu hiệu tích cực
Đảng Dân chủ tin rằng các cuộc bầu cử giữa kỳ vừa rồi cung cấp nhiều dấu hiệu đáng khích lệ cho cuộc chạy đua 2020, vì sự nhiệt tình của các thành phần nòng cốt trong đảng chống lại ông Trump đã giúp cho Đảng Dân chủ chiếm được thế đa số trong Hạ viện,
Các cuộc bầu cử giữa kỳ cũng cho thấy yếu tố Trump và phong trào #MeToo là động cơ đối với phụ nữ, khơi dậy một phong trào chưa từng thấy khiến đông đảo phụ nữ ra ứng cử, đồng thời khuyến khích một số phụ nữ cân nhắc việc tham gia cuộc đua vào Toà Bạch Ốc năm 2020, trong số này có các Thượng nghị sĩ Kamala Harris, Elizabeth Warren, Kirsten Gillibrand và Amy Klobuchar.
Tham gia cuộc tranh giành nội bộ còn có nhiều khuôn mặt quen thuộc như cựu Phó Tổng thống Joe Biden, 75 tuổi, bà Warren, 69 tuổi, và ông Bernie Sanders, 77 tuổi.
Với mức ủng hộ 29%, ông Biden hiện đang dẫn đầu đảng Dân chủ trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos thực hiện trong ngày bầu cử, về nhì là ông Sanders, với mức ủng hộ 22%. Theo dự kiến, cả hai ông đều có khả năng đánh bại ông Trump trong một cuộc đối đầu tay đôi.
Cho tới nay chỉ có một thành viên đảng Dân chủ, Dân biểu John Delaney của bang Maryland, chính thức tuyên bố sẽ ra tranh cử. Bên Đảng Cộng hoà, ông Trump đã đệ nạp hồ sơ tái tranh cử ngay trong ngày ông lên nhậm chức Tổng thống. Tính cho tới giờ, ông đã gây quỹ được 106 triệu đô la cho cuộc bầu cử Tổng thống kế tiếp.
https://www.voatiengviet.com/a/sau-bau-cu-giua-ky-cuoc-chay-dua-vao-toa-bach-oc-2020/4648333.html
Hoa Kỳ hoãn cuộc gặp với nhà ngoại giao Triều Tiên
Cuộc họp giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo với một quan chức cấp cao của Triều Tiên dự kiến diễn ra vào thứ Năm 8/11 tại thành phố New York đã bị hoãn.
Hôm 7/11, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố nói rằng cuộc họp “sẽ diễn ra vào một ngày khác. Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc gặp này khi thời gian cho phép.” Tuyên bố của Mỹ không đưa ra lý do tại sao cuộc họp bị hoãn.
Ngoại trưởng Pompeo dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với ông Kim Yong Chol, cố vấn cấp cao của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, để thảo luận về những nỗ lực hướng tới việc Triều Tiên “phi hạt nhân dứt điểm và hoàn toàn có thể xác minh được.” Đây là một thỏa thuận được nêu trong tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore.
Tuần trước Triều Tiên cảnh báo rằng họ sẽ xem xét khôi phục chương trình vũ khí hạt nhân nếu Hoa Kỳ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đang làm tê liệt chế độ Bình Nhưỡng.
https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-hoan-cuoc-gap-voi-nha-ngoai-giao-trieu-tien/4648508.html
Vụ Skripal : Mỹ đe dọa tiếp tục trừng phạt Nga
Vụ cựu điệp viên Nga Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh Quốc tiếp tục khiến quan hệ Mỹ-Nga xấu đi. Hôm qua 06/11/2018, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga, do Matxcơva không đáp ứng một số điều kiện mà Washington đề ra, đặc biệt là việc phải mở cửa cho thanh tra các cơ sở bị tình nghi cất giữ vũ khí hóa học.
Căn cứ trên một bộ luật của Mỹ về vũ khí hóa học năm 1991, Washington hẹn cho Matxcơva 90 ngày để ra một tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hóa học hay sinh học và cho phép thanh tra cơ sở bị tình nghi. Tối hậu thư của Mỹ hết hạn vào hôm qua, 06/11.
Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ cho hãng tin AFP biết là Nhà Trắng đã thông báo với Hạ Viện không có đủ điều kiện để chứng nhận là Liên Bang Nga « thỏa mãn các điều kiện », được dự kiến trong bộ luật 1991. Luật này cho phép chính quyền Mỹ có các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung, sau loạt trừng phạt hồi tháng 8.
Cùng lúc với thông báo tại Washington, một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Mỹ có mặt tại Bruxelles, để hối thúc Liên Hiệp Châu Âu duy trì các trừng phạt chống lại Matxcơva, mà theo Hoa Kỳ, đang tiếp tục là « một đe dọa không ngừng gia tăng ». Viên chức ngoại giao Mỹ David Tessler, cộng sự của ngoại trưởng Pompeo công du nhiều nước châu Âu để bảo vệ lập trường này.
Một bộ phận trong nội bộ đảng Cộng Hòa Mỹ bất bình trước việc tổng thống Mỹ Donald Trump không có thái độ cứng rắn hơn với Nga. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ Viện Ed Royce, dân biểu đảng Cộng Hòa, phê phán mạnh mẽ thái độ chần chừ của Nhà Trắng, có thể khiến Matxcơva có thêm những hành động gây hấn mới.
Nhiều chính trị gia Cộng Hòa nghi ngờ thái độ thỏa hiệp của tổng thống Mỹ với Nga, đặc biệt thể hiện rõ qua cuộc thượng đỉnh tại Helsinki hồi tháng Sáu. Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin vào Chủ Nhật tới, 11/11, bên lề lễ tưởng niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất, tổ chức tại Paris.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181107-vu-skripal-my-de-doa-co-them-cac-bien-phap-moi-trung-phat-nga
Hơn 5,100 binh lính Hoa Kỳ
được điều động đến biên giới
Donna, Texas – Vào Thứ Hai (5 tháng 11), Ngũ giác Đài cho biết hơn 5,100 binh lính Hoa Kỳ hiện đang đóng quân tại biên giới Mexico. Nhiệm vụ của họ là ngăn chặn các đoàn người di dân Trung Mỹ vượt biên trái phép. Phóng viên Mireya Villarreal thuộc đài CBS News cho biết bà đã thấy đoàn xe quân sự Hoa Kỳ tiến đến thị trấn biên giới nằm ở phía nam tiểu bang Texas.
Chỉ mới một tuần trước, thị trấn này còn là một cánh đồng trống, nhưng hiện tại đã có ít nhất 300 binh lính Hoa Kỳ đang dựng trại tại đây. Những binh lính này là những đơn vị hỗ trợ cho các nhân viên tuần tra biên giới. Nhiệm vụ lớn đầu tiên của các binh lính nói trên là củng cố các vị trí nhập cảnh bẳng cách thiếp lập các hàng rào dây thép gai.
Tổng thống Trump đã gửi thêm binh lính đến biên giới như một phần của chiến dịch Faithful Patriot. Trong quá khứ, Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích việc di dân bất hợp pháp và đề cao tầm quan trọng của an ninh biên giới.
Trong những buổi vận động bầu cử của tổng thống trước cuộc bầu cử giữa mùa, vấn đề đoàn người di dân đang đến gần biên giới tiếp tục trở thành một chủ đề được liên tiếp nhắc lại của Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, Tổng thống còn đe dọa sẽ cắt viện trợ cho một số nước Trung Mỹ vì đã không ngăn được đoàn người di dân. Hiện tại, phần lớn di dân của đoàn lữ hành đang tạm trú tại một sân vận động gần thành phố Mexico, cách biên giới Hoa Kỳ khoảng 650 dặm.
Một số người sống trong khu vực cho rằng việc điều động thêm binh lính chỉ là một cách thể hiện trước cuộc bầu cử giữa mùa. Nhưng cơ quan tuần tra biên giới và cơ quan hành pháp địa phương cho biết đây là một khu vực nguy hiểm thường được lạm dụng bởi những kẻ buôn lậu, vì vậy họ hoan nghênh sự giúp đỡ từ những binh lính bổ sung. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hon-5100-binh-linh-hoa-ky-duoc-dieu-dong-den-bien-gioi/
Cấm vận Nga, EU đang ‘tự trừng phạt mình’,
tổn thất hơn 100 tỉ euro
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đang trừng phạt chính mình và hứng tổn thất ước tính hơn 100 tỉ euro (2,6 triệu tỉ đồng) khi áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga.
Theo lời ngoại trưởng Nga, các chính sách cấm vận không gây hậu quả cho Mỹ nhưng lại làm EU thiệt hành hàng tỉ euro.
“Các ước tính tổn thất các nước EU hứng phải từ biện pháp trừng phạt rất khác nhau. Theo một số ước tính, tổn thất có thể lên tới hơn 100 tỉ euro. Điều quan trọng là các chính trị gia châu Âu phải nhận thức được tình trạng này”, Ngoại trưởng Lavrov cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo El País.
EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành ngân hàng và công nghiệp quân sự Nga cũng như quan chức chính quyền, doanh nhân và chính trị gia cấp cao.
Hồi tháng 7, Hội đồng EU quyết định duy trì biện pháp trừng phạt nhắm vào kinh tế Nga cho đến 1.2019 và sau đó lại gia hạn đến tháng 3.2019.
Nga cũng đã đáp trả bằng cách hạn chế nhập hàng hóa châu Âu từ năm 2014, nhưng đang sẵn sàng dỡ bỏ biện pháp này. “Chúng tôi nhiều lần nói rằng sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp đáp trả đó”, Ngoại trưởng Lavrov cho hay, nhưng nhấn mạnh EU phải có động thái trước, theo Đài RT. Ông Lavrov còn nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt không có lợi cho Nga lẫn EU.
Phương Tây cảnh giác giới khoa học TQ
Phương Tây đang rà soát kỹ những dự án nghiên cứu có sự tham gia của các nhà khoa học Trung Quốc trước lo ngại để lọt công nghệ quan trọng.
Giữa lúc sự cạnh tranh chiến lược của các cường quốc ngày càng quyết liệt, các trường đại học (ĐH) phương Tây có thể đang vô tình giúp Trung Quốc củng cố năng lực về công nghệ thông qua các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học mà không hề hay biết.
Theo báo cáo mới công bố của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI), quân đội Trung Quốc (PLA) trong 10 năm qua đã đưa 2.500 nhà khoa học quân sự và kỹ sư ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Những người này được gửi đi cộng tác ở nhiều cơ sở trên thế giới và tham gia những dự án có thể ứng dụng vào lĩnh vực quân sự như tên lửa bội siêu thanh, công nghệ hàng hải, vật lý học lượng tử hay mật mã học.
Theo báo cáo, phần lớn chuyên gia được điều đi đều thuộc các cơ sở có liên hệ với PLA như ĐH Công nghệ quốc phòng quốc gia, ĐH Kỹ thuật quân đội. Họ chủ yếu tìm cách cộng tác với các trường ĐH ở những nước thuộc liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ nhãn (gồm Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Úc).
Trong nhiều trường hợp, các nhà khoa học của PLA tìm cách che giấu lý lịch quân sự của mình khi khai trong hồ sơ rằng đến từ một tổ chức dân sự bình phong nhằm xin thị thực dễ dàng hơn. “PLA đã dùng cách này trong một thời gian dài và có chủ đích rõ ràng nhằm học hỏi và sở hữu kiến thức chuyên môn rồi mang về nước để thúc đẩy phát triển công nghệ và hiện đại hóa quân đội”, chuyên gia về Trung Quốc Adam Ni tại ĐH quốc gia Úc nói trên tờ The New York Times. Chính quyền Bắc Kinh chưa có phản ứng về những thông tin trên nhưng tờ Hoàn Cầu thời báo đã đăng bài xã luận gọi báo cáo của ASPI là “nực cười và thể hiện mối lo âu của phương Tây về sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nước tỏ ra lo ngại về nguy cơ từ Trung Quốc về gián điệp công nghệ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như gây ảnh hưởng chính trị thông qua hợp tác trao đổi giáo dục và nghiên cứu khoa học. Theo tờ South China Morning Post, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã bắt đầu cuộc điều tra quy mô lớn để xem xét những dự án do cơ quan này tài trợ có chia sẻ kết quả nghiên cứu với nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, hay không. Giám đốc NIH Francis Collins bày tỏ lo ngại công nghệ quan trọng và quyền sở hữu trí tuệ bị rơi vào tay giới cộng tác viên nghiên cứu nước ngoài và kêu gọi hơn 10.000 viện nghiên cứu, trường ĐH về y khoa tại Mỹ tiến hành rà soát kỹ lưỡng.
South China Morning Post dẫn các nguồn tin tiết lộ Trường Y Johns Hopkins, một trong những cơ sở đào tạo y khoa hàng đầu thế giới, quyết định tạm ngừng tiếp nhận nhà khoa học nước ngoài cộng tác nghiên cứu. Trường này từ chối bình luận về thông tin nói trên nhưng cho biết đã yêu cầu các khoa kiểm tra và tuân thủ chặt chẽ chính sách của NIH liên quan đến những dự án nghiên cứu có yếu tố nước ngoài.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24584-phuong-tay-canh-giac-gioi-khoa-hoc-tq.html
Bầu cử giữa kỳ Mỹ : Nga dè dặt,
nhiều lãnh đạo Liên Âu vui mừng
Kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ gây nhiều phản ứng khác nhau. Nếu như chính quyền Nga tỏ ra hết sức dè dặt, thì nhiều lãnh đạo châu Âu hân hoan.
Theo AFP, bình luận về kết quả bầu cử giữa kỳ Mỹ, người phát ngôn điện Kremlin tỏ ra dè dặt. Theo ông Dmitri Peskov, « ít có khả năng » là việc đảng Dân Chủ kiểm soát Hạ Viện sẽ « còn làm phức tạp thêm » quan hệ giữa Matxcơva và Washington. Người phát ngôn Nga nhấn mạnh là Matxcơva « hoàn toàn không có thích thú gì » can dự vào công việc nội bộ của nước Mỹ, dù hay, dù dở đây là điều cử tri Mỹ quyết định, « tổng thống Putin chỉ có một đối tác, đó là tổng thống Trump. Và họ sẽ tiếp tục đối thoại ».
Về phía Liên Hiệp Châu Âu, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, ông Frans Timmermans, nhà cựu ngoại giao Hà Lan, có thông điệp vui mừng qua Twitter : « Các cử tri Hoa Kỳ đã chọn hy vọng thay vì nỗi sợ, văn minh thay vì thô bạo, mở cửa thay vì phân biệt chủng tộc, bình đẳng thay vì kỳ thị. Họ đã bảo vệ các giá trị của mình. Được hành động của cử tri Mỹ gây cảm hứng, đến lượt mình, chúng ta cũng sẽ làm như vậy ».
Cũng trên Twitter, ủy viên phụ trách kinh tế và tài chính châu Âu Pierre Moscovici gửi thông điệp : « Các ứng cử viên Dân Chủ đã giành được Hạ Viện lần đầu tiên kể từ 8 năm nay, cho dù các đơn vị bầu cử bị phe Cộng Hòa chia lại ». Ủy viên châu Âu nhại lại lời tổng thống Mỹ : « Donald Trump có lý (khi ông nói) “Thành công tối nay thật là vang dội” ».
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thì nhấn mạnh : « Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng có một thay đổi chính trị từ phía Donald Trump, sau cuộc bầu cử giữa kỳ này… Hoa Kỳ vẫn là đối tác ngoài châu Âu quan trọng nhất của chúng ta. Chúng ta cần phải xem xét lại và điều chỉnh lại quan hệ với nước Mỹ để bảo vệ quan hệ đối tác này ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181107-bau-cu-giua-ky-my-nga-de-dat-nhieu-lanh-dao-lien-au-vui-mung
Dự án phòng vệ châu Âu :
9 nước lần đầu tiên thảo luận tại Paris
Đại diện quân đội 9 quốc gia châu Âu họp lần đầu tiên tại Paris hôm nay, 07/11/2018, để thảo luận về dự án Sáng kiến can thiệp chung châu Âu (IEI). Nhân dịp này, tổng thống Pháp kêu gọi thành lập một « quân đội châu Âu thực thụ » để bảo vệ châu lục, trong bối cảnh đe dọa từ Nga gia tăng và chính quyền Trump ngày càng tỏ ra ít đáng tin cậy.
Cuộc thảo luận hôm nay của bộ trưởng Quốc Phòng 9 quốc gia tham gia IEI – bao gồm Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Estonia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh Quốc – có mục tiêu xác định rõ « các ưu tiên » (khu vực địa lý, nguy cơ, đe dọa…), để quân đội các nước phối hợp trong các can thiệp nhanh, trong các chiến dịch quân sự « cổ điển », cũng như đối phó thảm họa thiên nhiên, hay sơ tán dân cư. Phần Lan cũng dự định tham gia sáng kiến này.
Cuộc họp hôm nay là một nỗ lực nhằm cụ thể hóa dự án tăng cường lực lượng phòng vệ châu Âu IEI, được khởi sự theo sáng kiến của tổng thống Pháp, đưa ra hồi năm ngoái trong bài phát biểu tại Đại học Sorbone.
Một nguồn tin thân cận với chính phủ Pháp cho biết dự án IEI này có lợi thế là mang lại cho các nước châu Âu « một khuôn khổ hợp tác mang tính mềm dẻo, ngược lại với các cơ chế đã có, vốn đòi hỏi phải có sự thống nhất tuyệt đối của toàn bộ các thành viên châu Âu ».
Phát biểu trên đài phát thanh radio Europe 1 hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh là « Đối diện với nước Nga nằm sát biên giới, từng chứng tỏ có thể là một mối đe dọa… cần phải có một châu Âu có thể tự bảo đảm về mặt quân sự, không phụ thuộc vào Hoa Kỳ ». Tổng thống Pháp cũng nói đến nguy cơ Trung Quốc, và kể cả nước Mỹ của Donald Trump, với ý định rút khỏi một thỏa thuận giải trừ hạt nhân với Nga mới đây.
Dự án tăng cường phòng vệ châu Âu có một số bước tiến trong thời gian gần đây, với hai cơ chế mới của Liên Âu. Thứ nhất là cơ chế hợp tác thường trực bao gồm 25 quốc gia thành viên, và Quỹ phòng vệ châu Âu, với 13 tỉ euro. Trong bài phát biểu năm ngoái tại Sorbonne, tổng thống Pháp muốn đi xa hơn với chủ trương các nước châu Âu cần tăng cường phối hợp bên ngoài các cơ chế sẵn có của NATO và Liên Hiệp Châu Âu, để hướng tới một « sự tự trị về chiến lược ».
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, dự án phòng vệ châu Âu độc lập mà tổng thống Pháp mơ ước chắc chắc sẽ vấp phải các trở lực rất lớn trong nội bộ châu lục. Đức vốn rất gắn bó với Hiệp Ước Quân Sự Bắc Đại Tây Dương – NATO. Quyết định mới đây của Bỉ mua nhiều máy bay F-35 của Mỹ thay vì của châu Âu bị tổng thống Pháp chỉ trích là, « về mặt chiến lược », đi ngược lại các lợi ích của châu lục. Chủ tịch đảng đối lập cánh hữu LR Laurent Wauquiez dự án của tổng thống Pháp chỉ là một « ảo tưởng ».
http://vi.rfi.fr/phap/20181107-du-an-phong-ve-chau-au-9-nuoc-lan-dau-tien-thao-luan-tai-paris
Lego thắng kiện 4 công ty TQ nhái sản phẩm
Bốn công ty Trung Quốc bị tuyên ‘nhiều lần vi phạm bản quyền của Lego và có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh’ và phải bồi thường 4,5 triệu tệ (650.000 USD).
Nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch Lego ngày 5-11 cho biết đã thắng kiện 4 công ty Trung Quốc chuyên làm giả đồ chơi lắp ráp của hãng này.
Niels B. Christiansen, giám đốc điều hành của Lego, nói: “Chúng tôi tin bản án được đưa ra dựa trên chứng cứ và luật pháp. Nó cho thấy rõ chính quyền Trung Quốc đã có những nỗ lực liên tục trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.
Hãng Lego cho biết tòa án quận Việt Tú, thành phố Quảng Châu đã tuyên 4 công ty Trung Quốc “đã nhiều lần vi phạm bản quyền của Lego và có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi sản xuất và phân phối đồ chơi lắp ráp thương hiệu LEPIN”.
Tòa yêu cầu các công ty này ngay lập tức ngừng “sản xuất, bán, trưng bày hoặc quảng cáo các sản phẩm vi phạm”. Ngoài ra, Lego nhận được khoản bồi thường khoảng 4,5 triệu tệ, khoảng 650.000 USD.
Thị trường game và đồ chơi của Trung Quốc trị giá 31 tỉ USD, do đó đây là thị trường rất quan trọng với hãng sản xuất đồ chơi của Đan Mạch.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24585-lego-thang-kien-4-cong-ty-tq-nhai-san-pham.html
Phát hiện ra 15 trẻ em ‘đến từ VN’
trong xe tải từ Pháp sang Anh
Cảnh sát Anh tìm ra 21 người gồm 15 trẻ em ‘đến từ Việt Nam’ trong một xe tải lạnh chở nước đóng chai đang đi vào Vương quốc Anh.
Nhóm này, được cho là từ Việt Nam, được giấu trong một xe tải tại cảng Newhaven ở Sussex hôm thứ Năm tuần trước.
Thông tin chi tiết của Cục Biên phòng Anh Quốc chỉ mới được công bố, nhưng một cuộc điều tra tội phạm ngay lập tức được tiến hành.
Cảnh sát Anh tìm 13 ‘trẻ Việt nhập cư lậu’
Trẻ em Việt Nam và nỗi lo sợ biến đổi khí hậu
Một người đàn ông Romania tên Andrut Duma, được cho là lái xe, bị buộc tội hỗ trợ nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh.
Chiếc xe tải này, khởi hành từ cảng Dieppe ở Pháp, bị cảnh sát chặn lại và bị phát hiện đang chứa 15 trẻ em và sáu người lớn, tất cả đều nói rằng họ đến từ Việt Nam.
Các trẻ em này không yêu cầu điều trị y tế và đã được chuyển đến các cơ sở chăm sóc xã hội.
Một thanh niên 18 tuổi và một phụ nữ 27 tuổi được tìm thấy trên xe tải đã bị đưa ra khỏi Anh.
Bốn người lớn khác đang ở trong các trại tạm giam cho người nhập cư trong khi chờ cơ quan chức năng thẩm định trường hợp của họ.
Ông Andrut Duma đã xuất hiện trước các thẩm phán hôm thứ Bảy, bị cáo buộc vi phạm luật nhập cư và vẫn đang bị tạm giam.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46120538
Tổng thống Pháp kêu gọi châu Âu
chống lại Trung Cộng, Nga, và cả Hoa Kỳ
Paris, Pháp – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vào Thứ Ba (6 tháng 11), đã kêu gọi các quân đội của châu Âu nên tự vệ chống lại Nga và thậm chí cả Hoa Kỳ. Ông Macro nói, châu Âu cần giảm phụ thuộc vào sức mạnh của Hoa Kỳ, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo rút lui khỏi hiệp ước hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.
Trong bài nói chuyện đầu tiên trên radio kể từ khi trở thành tổng thống vào tháng 5/2017, ông Macron nói rằng châu Âu cần tự bảo vệ mình trước Trung Cộng, Nga, và cả Hoa Kỳ. Lãnh đạo Pháp khẳng định, khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi hiệp ước nguyên tử, nạn nhân của quyết định này chính là châu Âu và an ninh của khu vực.
Tổng Thống Macron đang vận động để thành lập một lực lượng châu Âu với thành viên từ 9 quốc gia, có khả năng thực hiện các chiến dịch quân sự chung một cách nhanh chóng, đồng thời có thể hỗ trợ di tản người dân khỏi vùng chiến sự hoặc giúp đỡ cứu nạn trong trường hợp thiên tai.
Bộ trưởng Quốc phòng của 9 nước này sẽ gặp mặt lần đầu tiên tại Paris vào Thứ Tư (7 tháng 11), để thảo luận chi tiết về cách hoạt động của quân đội châu Âu. Tổ chức EU sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ năm 2021, chi khoảng 15 tỷ Mỹ kim trong vòng 7 năm để nghiên cứu và phát triển các thiết bị mới. Ngân sách hiện tại của EU chỉ dành chưa tới 680 triệu Mỹ kim cho quốc phòng.
Lời kêu gọi hôm Thứ Ba của Tổng Thống Macron được đưa ra trong lúc hàng chục lãnh đạo thế giới sẽ đến thăm Pháp vào Chủ Nhật này, bao gồm cả Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Đệ Nhất Thế Chiến. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-phap-keu-goi-chau-au-chong-lai-trung-cong-nga-va-ca-hoa-ky/
Tổng thống Pháp kêu gọi châu Âu
thành lập quân đội riêng
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói châu Âu là nạn nhân chính của quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút ra khỏi một thỏa thuận vũ khí với Moscow cho nên lục địa này cần phải tự vệ.
Ông Macron hôm 6/11 đã kêu gọi thành lập ‘một quân đội châu Âu thật sự’ để có thể tự vệ tốt hơn trước Nga và ngay cả đối với Hoa Kỳ.
Macron nói rằng châu Âu cần phải giảm sự lệ thuộc vào sức mạnh của Mỹ, ít nhất không phải sau khi ông Trump loan báo sẽ rút Mỹ ra khỏi một hiệp ước hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.
“Chúng ta phải tự bảo vệ mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí là Hoa Kỳ,” ông Macron phát biểu trên Đài Europe 1 trong cuộc phỏng vấn qua đài phát thanh đầu tiên kể từ khi trở thành tổng thống hồi tháng 5 năm 2017.
“Khi tôi thấy Tổng thống Trump công bố ông sẽ rút ra khỏi một hiệp định giải giáp quan trọng vốn được ký kết sau cuộc khủng hoảng tên lửa ở châu Âu vào những năm 1980, ai sẽ là nạn nhân chính? Châu Âu và an ninh của chúng ta.”
Cuộc khủng hoảng tên lửa ở châu Âu – cuộc chạy đua vũ trang phạm vi nhỏ trong thời Chiến tranh Lạnh mà khi đó Hoa Kỳ triển khai tên lửa ở châu Âu – là yếu tố chính thúc đẩy việc ra đời của Hiệp định Lực lượng Hạt nhân Tầm trung.
“Chúng tôi sẽ không bảo vệ được dân châu Âu trừ phi chúng ta quyết định xây dựng một quân đội châu Âu thật sự,” ông Macron nói.
Đối mặt với một nước Nga ‘ở ngay sát nách chúng ta và đã cho thấy rằng họ là mối đe dọa,” ông lập luận, “Chúng ta cần một châu Âu có thể tự mình bảo vệ mình mà không cần phải dựa vào Mỹ.”
Tổng thống Macron đã thúc đẩy thành lập một lực lượng vũ trang bao gồm chín nước châu Âu vốn có thể nhanh chóng triển khai một chiến dịch quân sự chung, sơ tán người dân từ vùng chiến sự hay cứu trợ sau một thảm họa thiên nhiên.
Bộ trưởng Quốc phòng của chín nước này sẽ gặp nhau ở Paris lần đầu tiên vào ngày mai 7/11 để bắt đầu phác thảo ra chi tiết lực lượng này sẽ hoạt động như thế nào.
Khối EU dự tính sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng kể từ năm 2021 để dành khoảng 13 tỷ euro (15 tỷ đô la Mỹ) trong vòng bảy năm để nghiên cứu và phát triển thiết bị mới – tăng lên từ ít hơn 600 triệu đô la trong ngân khoản hiện nay.
Ông Bruno Alomar, giáo sư tại Trường Chiến tranh Pháp vốn đào tạo những sỹ quan quân sự hàng đầu, nói rằng tầm nhìn của ông Macron về một lực lượng phòng vệ gắn kết của châu Âu vẫn còn lâu mới đạt được.
“Ý tưởng thành lập một văn hóa chiến lược chung không phải là ý tưởng tồi,” ông nói. “Nhưng vẫn có khoảng cách lớn giữa viễn cảnh về quốc phòng châu Âu mà ông Emmanuel Macron mong muốn và thực tế là sự bất đồng sâu sắc giữa các đối tác châu Âu… Hòa bình ở châu Âu đang gặp nguy hiểm.”
Vào lúc ông Macron đang chuẩn bị đón tiếp hàng chục lãnh đạo thế giới đến Pháp vào cuối tuần này để kỷ niệm 100 này ngày kết thúc Đệ nhất Thế chiến, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông đã đả kích chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng ở châu Âu và trên thế giới.
Ông lặp lại lời cảnh báo về sự tương đồng giữa tình trạng thế giới ngày nay với cuộc khủng hoảng tài chính và ‘chủ nghĩa dân tộc lợi dụng nỗi sợ hãi của người dân’ vào những năm 1930.
Pháp bắt giữ 6 nghi phạm
âm mưu tấn công ông Macron
Các điệp viên an ninh của Pháp hôm 6/11đã bắt giữ sáu người bị tình nghi tấn công Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một quan chức tư pháp của Pháp cho biết.
Các công tố viên đã mở cuộc điều tra ban đầu về hành vi cáo buộc có liên hệ với tội phạm khủng bố, vị quan chức này nói.
Vị quan chức này nói với điều kiện giấu tiên cho biết các điệp viên tình báo đã bắt giữ sáu nghi phạm ở ba khu vực khác nhau: một ở Alps, một ở Brittany và bốn người khác ở Moselle gần biên giới với Bỉ.
Kế hoạch tấn công ông Macron dường như còn mơ hồ và chưa hoàn tất nhưng đó là một vụ tấn công bạo lực, vị quan chức này cho biết.
Giới chức cho biết sáu nghi phạm này trong độ tuổi từ 22 đến 62, trong đó có một phụ nữ.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner nói với các phóng viên rằng những nghi phạm này là phần tử cực hữu.
Trong nhiều thập niên, các tổng thống Pháp đã là mục tiêu tấn công một vài lần. Hồi năm 2002, một cảm tình viên cực hữu đã tìm cách tấn công Tổng thống Jacques Chirac trên Đại lộ Champs-Elysees Avenue ở Paris trong ngày lễ Quốc khánh.
Ông Macron đang có mặt ở thành phố Verdun ở đông bắc trong khuôn khổ các hoạt động tưởng niệm tròn 100 năm kết thúc Đệ nhất Thế chiến.
Âm mưu tấn công này được phát hiện chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo thế giới khác đến Paris để dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày ký hiệp ước đình chiến kết thúc Đệ nhất Thế chiến.
Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ lệnh cấm vận Iran
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 6/11 nói rằng nước ông sẽ không tuân thủ luật trừng phạt mà Mỹ mới áp đặt lên ngành dầu mỏ và vận chuyển của Iran do những lệnh trừng phạt này có mục tiêu là ‘làm mất cân bằng thế giới’.
Washington hôm 5/11 đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt để từ bỏ một thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và các cường quốc hồi năm 2015. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ tạm thời cho phép một số khách hàng lớn của Iran, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, được tiếp tục mua dầu thô của Iran.
Tuy nhiên ông Erdogan lên án các lệnh trừng phạt này. “Đây là những biện pháp nhằm để gây mất cân bằng cho thế giới. Chúng tôi không muốn sống trong một thế giới đế quốc. Những vấn đề này sẽ được đưa lên bàn tại cuộc gặp thượng đỉnh cuối tuần này ở Paris (nhân kỷ niệm 100 năm kết thúc Đệ nhất Thế chiến),” ông nói với các phóng viên.
“Chắc chắn chúng tôi sẽ không tuân thủ lệnh cấm vận này. Chúng tôi sẽ mua 10 tỷ mét khối khí đốt. Chúng tôi không thể để người dân của mình chết cóng trong giá lạnh.”
Thổ Nhĩ Kỳ dựa rất nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và nước láng giềng Iran là một trong những nhà cung cấp dầu chính cho Ankara do vị trí gần gũi, chất lượng dầu thô và giá cả hữu nghị.
Syria : Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích
lực lượng Kurdistan ở biên giới
Căng thẳng lại gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Kurdistan ở Syria. Ngày 06/11/2018, pháo binh của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn phá thành phố biên giới Ras Al Ain, thuộc tỉnh Hassaké, phía đông bắc Syria, bất chấp việc lực lượng tuần tra hỗn hợp Kurdistan và Mỹ được triển khai trong khu vực.
Từ Beyrouth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh cho biết thêm :
« Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, hôm qua (06/11) quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn vào các vị trí do dân quân YPG chiếm giữ. Lực lượng dân quân này đang kiểm soát đông bắc Syria nhờ có sự hỗ trợ của quân đội Mỹ.
Pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn nhiều pháo cối vào thành phố biên giới Ras Al Ain, ở tỉnh Hassaké, được coi là thành trì của lực lượng nổi dậy Kurdistan.
Sự leo thang quân sự này diễn ra trong bối cảnh vào tuần trước, Hoa Kỳ thông báo triển khai nhiều đội tuần tra hỗn hợp Mỹ và Kurdistan dọc biên giới để giảm bớt căng thẳng.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rắn giọng chống lực lượngYPG bị Ankara coi là « khủng bố », đồng thời đe dọa triển khai một chiến dịch lớn tại phía đông sông Euphrate.
Các vụ đụng độ dữ dội vẫn xảy ra giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Kurdistan tại nhiều điểm dọc biên giới. Vì vậy, Lực lượng Dân Chủ Syria, một liên quân thân Mỹ với phần lớn là người Kurdistan, phải tạm ngừng chiến dịch chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở phía đông sông Euphrate để bảo vệ các vùng đất của họ.
Thứ Ba 06/11, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã khẳng định rằng các đội tuần tra hỗn hợp giữa quân đội Mỹ và chiến binh Kurdistan là chuyện « không chấp nhận được » ».
Iran khẳng định nước này
vẫn có thể bán đủ lượng dầu cần thiết
Geneva/London – Vào Thứ Ba (6 tháng 11), Iran cho biết nước này vẫn có thể bán đủ lượng dầu cần thiết, bất chấp áp lực từ phía Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Iran vẫn yêu cầu các nước châu Âu phản đối các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ Iran.
Vào Thứ Hai, Hoa Kỳ đã khôi phục các lệnh trừng phạt nhắm vào các lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng và vận tải của Iran, đồng thời đe dọa nhiều hành động hơn để ngăn chặn những chính sách mà Washington xem là “ngoài vòng pháp luật.” Các biện pháp này là một phần kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm kiềm chế các chương trình hỏa tiễn và nguyên tử của Iran và làm giảm ảnh hưởng của Cộng hòa Hồi giáo ở Trung Đông. Tổng Thống Trump đang nhằm vào nguồn thu chính của Iran – là xuất cảng dầu mỏ – cũng như các lĩnh vực tài chính của nước này, làm cho 50 ngân hàng của Iran và các công ty con của họ bị giới hạn ở các ngân hàng ngoại quốc, cũng như mất quyền truy cập vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.
Về phía Iran, hãng tin Tasnim dẫn lời của Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri tuyên bố, Hoa Kỳ luôn nói rằng họ sẽ làm giảm sản lượng xuất cảng dầu mỏ của Iran tới con số 0, nhưng đến hiện tại, Iran vẫn bán được lượng dầu cần thiết. Phó Tổng thống Jahangiri cho biết ông đã nói chuyện với một số nhà quản trị từ các công ty trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ, và một số người đã đưa ra kế hoạch về cách giải quyết các biện pháp trừng phạt từ Hoa Kỳ.
Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo dẫn lời Giám đốc ngân hàng trung ương Iran Abdolnasser Hemmati, cho biết các ngân hàng Iran nên sử dụng kinh nghiệm đối phó với các biện pháp trừng phạt trong quá khứ để hỗ trợ quá trình ngoại thương cũng như chuyển khoản. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/iran-khang-dinh-nuoc-nay-van-co-the-ban-du-luong-dau-can-thiet/
Bộ trưởng Quốc phòng TQ tới Mỹ,
đàm phán an ninh
Cuộc họp là dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang giảm dần sau nhiều tháng leo thang do xung đột về thương mại.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ tiếp các quan chức cấp cao Trung Quốc tại Washington vào ngày 9/11 trong khuôn khổ Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ – Trung, AFP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay cho biết.
Phía Trung Quốc có sự góp mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa và Dương Khiết Trì, cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là lần thứ hai cuộc đối thoại này được tổ chức, sau sự kiện hồi tháng 6/2017.
Cuộc họp sẽ tập trung vào vấn đề an ninh, trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Trung Quốc thực hiện những động thái ngày càng hung hăng trên Biển Đông và khiêu khích tàu chiến Mỹ trong các vùng biển quốc tế.
Hồi đầu tháng 10, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ chuyến thăm Trung Quốc của Mattis bị hủy bởi Bắc Kinh từ chối cuộc gặp giữa Mattis và ông Ngụy. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuần trước cho biết người đồng cấp Trung Quốc sẽ sớm tới Washington, nói thêm rằng “sự cạnh tranh chiến lược không đồng nghĩa với thù địch”.
Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh rơi vào bế tắc sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố muốn chấm dứt những hoạt động thương mại không công bằng kéo dài nhiều năm với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trump tỏ ra dịu giọng hơn vào tuần trước khi ca ngợi cuộc điện đàm “rất tốt” với ông Tập, đồng thời tuyên bố rằng ông mong đợi xung đột thương mại giữa hai bên sẽ kết thúc với “một thỏa thuận thật tốt”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24583-bo-truong-quoc-phong-tq-toi-my-dam-phan-an-ninh.html
TQ chi hàng tỷ USD xây trại giam ở Tân Cương
Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu an ninh trong năm 2017 tại khu vực Tân Cương ở miền viễn tây, nơi có hàng trăm ngàn người Hồi giáo bị cho là đang bị giam giữ, theo nội dung một bản phúc trình mới.
Chi tiêu cho các khu vực ”có các công trình cơ sở xây dựng liên quan đến an ninh” của Trung Quốc tăng lên 213% trong thời gian từ 2016 đến 2017, Quỹ Jamestown có trụ sở tại Mỹ nói.
Dữ liệu từ vệ tinh cũng chỉ ra có sự tăng đột biến về các cơ sở an ninh mới trong năm 2017.
Trung Quốc nói đó chỉ là những trung tâm đào tạo nghề.
Tìm hiểu chuyện ‘người Hồi giáo ở TQ bị trấn áp’
Trung Quốc chặn các học giả nước ngoài ra sao?
Tuy nhiên, theo dữ liệu về ngân sách mà tác giả bản phúc trình, Andrian Zenz, một nhà nghiên cứu người Đức, rà soát, thì chi tiêu cho đào tạo nghề tại Tân Cương trên thực tế là giảm 7% trong năm 2017.
Trong khi đó, chi tiêu cho những công trình liên quan đến mục đích an ninh tăng gần 20 tỷ nhân dân tệ (2,9 tỷ đô la).
Các số liệu về ngân sách Tân Cương “phản ánh hạng mục chi tiêu tương ứng với việc xây dựng và vận hành các trại cải tạo chính trị, được thiết kế để giam giữ hàng trăm nghìn người Uighurs với quy trình tối giản,” ông nói.
Dựa trên tài liệu về đấu thầu của chính quyền địa phương, ông Zenz trước đó đã nhận định “ít nhất hàng trăm ngàn người, mà có thể là lên tới hơn một triệu người Uighurs cùng với các sắc tộc thiểu số khác theo Hồi giáo có thể đang bị giam giữ tại Tân Cương”.
TQ: Bắc Kinh phủ nhận giam giữ một triệu người Hồi giáo Uighur
Người Philippines vẫn tin Mỹ hơn TQ
Người Tân Cương bị tịch thu hộ chiếu
Những ước tính trên cũng đã được trích dẫn tại một ủy ban nhân quyền của Liên hiệp quốc hồi đầu năm nay.
Trung Quốc bác bỏ việc gọi các cơ sở này là trại giam giữ.
Quan chức đứng đầu khu vực nói rằng “chương trình giáo dục và đào tạo nghề” giúp mọi người “nhận ra những sai lầm của mình , thấy rõ được bản chất và tác hại của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong tôn giáo”.
Theo các quan chức địa phương, các lớp học tập trung giảng về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
Các cựu tù nhân người Uighur hiện đang sống ở nước ngoài nói với BBC rằng họ phải hát những bài hát của Đảng Cộng sản trong các trại cải tạo, và học thuộc lòng những điều luật, nếu không sẽ bị đánh đập.
Một người đàn ông cho hay ông đã bị giam giữ vào năm 2015 sau khi cảnh sát tìm thấy bức ảnh người phụ nữ đeo mạng che mặt trong điện thoại của ông.
TQ diễu hành ‘chống khủng bố’ tại Tân Cương
TQ: ‘Giam triệu người Uighur’, phá đền thờ Hồi giáo
TQ: ‘Giam triệu người Uighur’, phá đền thờ Hồi giáo
TQ: cấm râu dài, mạng che mặt ở Tân Cương
Ông Zenz, một nhà nhân chủng học và là chuyên gia về chính sách dân tộc Trung Quốc ở Trường Văn hóa và Thần học Châu Âu ở Đức, cũng phát hiện ra rằng các trại cải tạo được xây dựng bởi cùng một tổ chức vốn chuyên theo dõi hệ thống lao cải của Trung Quốc, là hệ thống nay đã bị bãi bỏ.
Trong một diễn biến riêng rẽ, hôm thứ Ba (06/11), hồ sơ về nhân quyền của Trung Quốc được đưa ra xem xét tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva.
Để đáp trả mối quan ngại của Anh, Pháp, Đức và Mỹ về những vụ nghi là bắt giữ hàng loạt, đại diện Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho biết nước ông “sẽ không chấp nhận những cáo buộc mang động cơ chính trị từ một số quốc gia đầy thành kiến”.
Ông nói Trung Quốc cần phải được tự do “lựa chọn con đường của riêng mình” trong vấn đề nhân quyền.
Mỹ nói sẽ cân nhắc việc áp lệnh trừng phạt lên Trung Quốc do các chính sách của Bắc Kinh, điều mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói đã vi phạ quyền tự do biểu đạt, tự do tín ngưỡng và quyền riêng tư.
Người Uighur là ai?
Người Uighur chủ yếu theo Hồi giáo, là cộng đồng có khoảng 11 triệu người sinh sống tại vùng Tân Cương của Trung Quốc, chiếm khoảng 45% dân số nơi đây.
Họ tự coi mình gần gũi với các quốc gia Trung Á về mặt văn hóa và sắc tộc. Ngôn ngữ của họ giống với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, đã có tình trạng di cư ồ ạt của người Hán tới Tân Cương, và người Uighur cảm thấy văn hóa, đời sống của họ bị đe dọa.
Tân Cương được chính thức coi là một vùng tự trị trong Trung Quốc, giống như vùng Tây Tạng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46111178
Trung Quốc hứng bão tại LHQ
vì giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ
Hôm qua 06/11/2018 tại Genève, trong suốt cả buổi sáng, phái đoàn đông đảo của Trung Quốc do thứ trưởng ngoại giao Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) làm trưởng đoàn, đã phải hứng chịu một trận bão chỉ trích trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) ở Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Đại diện Mỹ Mark Cassayre đòi hỏi Bắc Kinh « chấm dứt tất cả các kiểu bắt giam tùy tiện, trả tự do ngay lập tức cho hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương ». Đại sứ Pháp François Rivasseau cũng yêu cầu « kết thúc việc giam giữ người hàng loạt trong các trại tập trung », và đề nghị cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet giám sát tình hình tại chỗ.
Trong lúc đại sứ các nước liên tục đặt câu hỏi, đả kích, chất vấn đoàn Trung Quốc, bên ngoài trụ sở Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khoảng 500 người biểu tình với các khẩu hiệu đòi « Chấm dứt diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ».
Phía Trung Quốc, như thường lệ, bác bỏ các cáo buộc mà họ cho là « đầy định kiến » đối với « cuộc chiến chống khủng bố » của Bắc Kinh.
Một phóng sự trước đó của hãng tin Pháp AFP ghi nhận, nếu cứ tin vào các hình ảnh trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, thì một trong những « trung tâm huấn nghiệp » dành cho những người Hồi giáo ở miền tây bắc nước này là một trường học hiện đại, nơi đó học viên được dạy tiếng Hoa, một môn thể thao hay múa cổ truyền.
Trại tập trung được giới thiệu trên kênh truyền hình nhà nước CCTV vào tuần rồi là một trong số 181 trại cải tạo được lập ra tại Tân Cương kể từ năm 2014, theo điều tra của AFP. Đài CCTV nói rằng việc nhập trại là tự nguyện, chiếu cảnh các học viên đang vui vẻ học tiếng Hoa, và học các nghề may mặc hay chế biến thực phẩm.
Ma trắc, còng…tại các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ
Nhưng cơ quan chính quyền phụ trách về trung tâm này ở thành phố Hòa Điền (Hotan) nơi các hình ảnh trên được quay, hồi đầu năm đã đặt mua cả một kho vũ khí chẳng liên quan gì đến giáo dục. Có thể kể : 2.768 cây ma-trắc, 1.367 bộ còng tay, 2.792 bình xịt hơi cay.
Danh sách trên đây nằm trong số hàng ngàn đơn đặt hàng của các chính quyền địa phương ở Tân Cương, từ hai năm qua phải chịu trách nhiệm về việc thiết lập một mạng lưới « các trung tâm huấn nghệ », nhằm đối phó với các phong trào Hồi giáo và ly khai đang tăng lên tại khu vực đại đa số dân cư là người theo đạo Hồi, nằm cách Bắc Kinh 2.200 km về phía tây.
Theo các nhà tranh đấu lưu vong, thực ra đó là những trại cải tạo, đang giam giữ đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ, trên tổng số 11,5 triệu người thuộc sắc tộc này. Bên cạnh đó, các sắc tộc thiểu số khác theo đạo Hồi như người Kazakhstan mang quốc tịch Trung Quốc, cũng nằm trong tầm ngắm.
Do bị đả kích tại Liên Hiệp Quốc cũng như từ các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, Bắc Kinh sau nhiều tháng chối cãi sự hiện diện của các trại giam này, đã tung ra một chiến dịch truyền thông nhằm giới thiệu các trại cải tạo trên đây như là các trung tâm dạy nghề. Mục tiêu lập ra, theo chế độ cộng sản Trung Quốc là : ngăn ngừa khủng bố trỗi dậy, trong bối cảnh người Duy Ngô Nhĩ là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tấn công đẫm máu trong những năm gần đây.
Tuy nhiên một cuộc điều tra của AFP dựa theo trên 1.500 tài liệu có thể tham khảo trên mạng – gồm cáo thị gọi thầu, dự chi ngân sách, báo cáo công tác – cho thấy các trung tâm trên là nhà tù thay vì trường học.
Hàng ngàn quản giáo được trang bị hơi cay, ma-trắc, súng điện giám sát các trại cải tạo bao quanh là những hàng rào thép gai và camera hồng ngoại. Những trại này phải « giảng dạy như ở trường học, được quản lý như trong quân đội và được canh gác như nhà tù » – một văn bản dẫn lời bí thư tỉnh ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) chỉ đạo như trên.
Một tài liệu khác nhấn mạnh, « các biện pháp đặc biệt rất cần thiết để chấm dứt nạn khủng bố ».Để tạo ra các công dân tốt, những trung tâm này phải giúp « cắt đứt việc tạo ra các thế hệ (khủng bố) mới, cội rễ, các quan hệ và nguồn lực của họ ».
Chỉ tiêu mỗi gia đình một người đi cải tạo
Các trại cải tạo loại này trở nên phố biến từ năm ngoái, sau khi có chỉ thị của chính quyền Tân Cương. Một danh sách 25 thái độ « khả nghi » về tôn giáo và 75 dấu hiệu « cực đoan » đã được phổ biến, trong đó có việc bỏ hút thuốc, để râu dài hay mua một căn lều « mà không có lý do chính đáng »…Hoặc những người đã sống « quá lâu » ở nước ngoài, những gia đình có thành viên bị công an bắt hoặc giết chết.
Theo báo cáo của Human Rights Watch, các quy định mới được đưa ra từ năm 2014 cấm hàng loạt hành động, mơ hồ cho đến nỗi muốn bắt ai cũng được. Nhiều nhân chứng khẳng định có những người Duy Ngô Nhĩ bị bỏ tù chỉ vì đi học tiếng Ả Rập ở Ai Cập, hoặc công an tìm thấy những văn bản tôn giáo trong máy tính của họ, thậm chí chỉ do tiếp xúc với người nước ngoài. Có công an viên cho biết họ phải « hoàn thành chỉ tiêu ». Một chỉ thị cho chính quyền địa phương đòi hỏi mỗi gia đình phải có ít nhất một người vào trại cải tạo trong thời gian tối thiểu ba tháng.
Số vụ bị bắt vào trại cải tạo đã tăng vọt, và vào mùa xuân năm 2017 chính quyền các địa phương bắt đầu đưa ra nhiều cáo thị gọi thầu để xây dựng thêm các trại mới. Trong số các đơn đặt hàng có : các loại giường tầng, máy điều hòa, chén bát… Vào đầu năm nay, chỉ trong vòng một tháng, riêng cơ quan phụ trách « huấn nghệ » ở Hòa Điền đã đặt mua 194.000 sách dạy tiếng Hoa, và 11.310 đôi giày. Có cả camera giám sát, thiết bị nghe trộm điện thoại, cảnh phục, nón bảo hộ, khiên chống bạo động, lựu đạn cay, ma-trắc dùng điện và loại có gai nhọn được mệnh danh là « răng chó sói ».
Có ít nhất một trại cải tạo đặt mua loại ghế có thể trói tay chân các nghi can vào. Các cán bộ đảng ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương đã đòi được cung cấp ngay súng điện cho các trại cải tạo, giải thích rằng nhằm « bảo đảm an toàn cho nhân viên ». Loại vũ khí không sát thương này giúp « giảm bớt nguy cơ xảy ra sự cố khi không cần thiết phải dùng đến súng ».
Hãng tin Pháp đã liên lạc với các cơ quan chính quyền địa phương về các thông tin trên nhưng không được trả lời.
Theo một chỉ thị vào cuối năm 2017, học viên phải thường xuyên được trắc nghiệm về tiếng Hoa, về chính trị và làm các bản tự kiểm thảo, bày tỏ lòng trung thành với đảng Cộng sản. Suốt cả ngày, họ phải « hô khẩu hiệu, hát những bài ca cách mạng và học thuộc lòng Tam Tự Kinh ca ngợi chế độ », như thời mao-ít trước đây (1949-1976).
Các cán bộ được lệnh phải thường xuyên đi thăm gia đình các « học viên » để quảng bá việc giáo dục « chống cực đoan » và phát hiện kịp thời các dấu hiệu phẫn nộ trước khi đối tượng trở thành người chống đối đảng Cộng Sản Trung Quốc. Một số cơ quan được lập ra năm 2017 để tập trung quản lý các trại cải tạo, bảo đảm « an toàn tuyệt đối » tại đây, tránh các vụ vượt ngục.
Học viên được phân loại theo mức độ « nhiễm độc ý thức hệ » để tẩy não. Nếu phản kháng, họ sẽ bị trừng phạt như bỏ đói, không cho ngủ, biệt giam, bị đánh đập. Một bài điều tra trên báo Libération dẫn lời Omurbel Eli, một người Duy Ngô Nhĩ bị đi cải tạo khoảng 20 ngày mô tả : « Trong xà lim có khoảng 40 tù nhân, tất cả đều là người đạo Hồi, có hai camera giám sát. Ngủ thì phải thay phiên, mỗi tháng chỉ được tắm một lần. Việc đánh đập thường xuyên diễn ra, có những người không chịu nổi đã tự sát ».
Bị đàn áp như thế, nhưng theo chuyên gia Thierry Kellner trên Le Monde, khả năng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đứng lên đấu tranh vũ trang là rất thấp. Ngoài sự bênh vực từ các tổ chức phi chính phủ, ít có Nhà nước nào muốn chọc giận Bắc Kinh. Chuyên gia này lý giải, do là vùng đất bản lề trong dự án « Con đường tơ lụa mới », nên Trung Quốc muốn kiếm soát toàn bộ Tân Cương, không chấp nhận bất kỳ một rủi ro nào.
TQ trưng bày trạm ‘Thiên cung’ mới
vào lúc trạm ISS sắp hết hạn
Trung Quốc hôm 6/11 công bố một bản sao của trạm vũ trụ có người vận hành lâu dài đầu tiên của nước này. Đây là trạm sẽ thay thế phòng thí nghiệm trên quỹ đạo của cộng đồng quốc tế và nó tượng trưng cho tham vọng lớn của Trung Quốc bên ngoài trái đất.
Mô-đun chính dài 17 mét được trưng bày tại Triển lãm hàng không Trung Quốc hai năm một lần được tổ chức ở thành phố biển Chu Hải, miền nam Trung Quốc, là địa điểm triển lãm chính về ngành hàng không vũ trụ của nước này.
Mô-đun hình trụ của trạm vũ trụ có tên là Thiên cung bao gồm các khu sinh sống và làm việc. Ngoài ra, nó cũng sẽ có hai mô-đun khác dành cho các thí nghiệm khoa học và sẽ được trang bị các tấm pin mặt trời.
Ba phi hành gia sẽ làm việc lâu dài trong phòng thí nghiệm nặng 60 tấn quay quanh quỹ đạo, cho phép phi hành đoàn tiến hành nghiên cứu sinh học và vi trọng lực.
Việc lắp ráp dự kiến sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2022 và trạm này sẽ có thời hạn hoạt động khoảng 10 năm.
Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) – dự án hợp tác giữa Hoa Kỳ, Nga, Canada, Châu Âu và Nhật Bản – đã đi vào hoạt động từ năm 1998 nhưng sẽ hết hạn vào năm 2024.
Sau đó, Trung Quốc sẽ là nước duy nhất có trạm vũ trụ trên quỹ đạo, tuy nó sẽ nhỏ hơn nhiều so với ISS nặng 400 tấn và lớn bằng một sân bóng đá.
Nước này đã tuyên bố hồi tháng 5 rằng phòng thí nghiệm vũ trụ của họ sẽ mở cửa cho “tất cả các nước” tiến hành các thí nghiệm khoa học.
Các viện nghiên cứu, trường đại học và các công ty công lẫn và tư đã được mời nộp các dự án. Khoảng 40 kế hoạch từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được tiếp nhận, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã cử các phi hành gia đến Trung Quốc để được huấn luyện, sẵn sàng làm việc bên trong trạm vũ trụ Trung Quốc khi nó được phóng lên.
Bắc Kinh đang đổ hàng tỷ đô la vào chương trình vũ trụ do quân đội của họ điều hành, với kế hoạch đưa con người lên mặt trăng trong tương lai gần.
Nói đến Trung Quốc như một mối đe dọa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động kế hoạch để tạo ra quân chủng vũ trụ mới với mục đích bảo đảm là Mỹ vẫn chiếm ưu thế so với các đối thủ trong vũ trụ.
(Phys.org, Sciencealert.com)
Hong Kong điều tra làn sóng khách Trung Quốc
tràn vào qua dịch vụ chui
Một làn sóng khách du lịch Trung Quốc tràn vào Hong Kong và cảnh sát địa phương đang điều tra các cáo buộc rằng các hãng lữ hành Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp ở Hong Kong, theo người đứng đầu thành phố cho biết hôm 6/11.
Lần đầu tiên phát biểu với tư cách là quyền trưởng đặc khu hành chính đồng thời là Thư ký của Bộ trưởng Tư pháp, bà Trịnh Nhược Hoa nói bà đã ghi nhận các báo cáo của cảnh sát về vấn đề này và hứa rằng các giới chính chính quyền sẽ xem xét, theo báo Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP). Bà Trịnh nói thêm rằng chính phủ Hong Kong đang nói chuyện với giới chức đại lục về vấn đề này.
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga hiện đang ở Thượng Hải.
Ủy ban Du lịch hôm 5/11 nói rằng họ rất quan ngại về một số hãng du lịch được cho là đang có các tour lữ hành đưa khách vào Hong Kong mà không có giấy phép và rằng họ đã yêu cầu các quan chức đại lục điều tra việc này.
Các hãng du lịch bất hợp pháp được cho là đã góp phần gây ra sự hỗn loạn về lượng khách du lịch tới thành phố Tung Chung, khu dân cư gần nhất với trạm kiểm soát của cây cầu mới nối liền Hong Kong-Chu Hải-Macau. Kể từ khi cây cầu vượt đại dương dài nhất thế giới khánh thành cuối tháng trước, thành phố yên tĩnh Tung Chung tràn ngập khách du lịch từ bên kia biên giới, theo SCMP.
Hôm 4/11, người dân thành phố này đã lên tiếng phản đối khi con số kỷ lục khách du lịch – hơn 100.000 người – đi qua cảng Hong Kong để vượt qua cây cầu 55km tới Tung Chung để mua sắm, ăn uống và ngắm cảnh.
Đã có những than phiền về các cửa hàng đông nghịt khách, các hàng dài người chờ lên xe bus, sự ồn ào và việc xả rác. Một số nhóm địa phương cảnh báo ngày hôm sau rằng họ sẽ hành động để “lấy lại” khu vực như trước nếu vấn đề này không được giải quyết.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch Hong Kong, Timothy Chui Ting-pong, ước tính có 20.000 người đã được đưa đến Hong Kong qua các nhóm du lịch của đại lục mà không đăng ký với thành phố, và một nửa trong số đó đã tới Tung Chung.
Có khoảng 1.500 công ty du lịch lữ hành đã đăng ký ở Hong Kong, trong đó khoảng 50 công ty đang hoạt động, theo Ủy ban Du lịch Hong Kong.
ASEAN dự định bày tỏ quan ngại
về tình hình Biển Đông
Theo tin từ đài truyền hình Nhật Bản NHK ngày hôm qua, 06/11/2018, lãnh đạo 10 nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) đã dự định tuyên bố quan ngại trước các hoạt động liên tục của Trung Quốc tại Biển Đông. Ý kiến này được ghi trong một bản dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, sẽ mở ra từ ngày 13/11 tới đây tại Singapore.
Theo NHK, dự thảo bản tuyên bố của chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, sẽ ghi nhận « một số quan ngại » về những hoạt động cải tạo đảo đá và các hoạt động khác ở Biển Đông. Theo khối ASEAN, thì các hành vi đó đã “làm xói mòn lòng tin, có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh, ổn định khu vực”, tuyên bố chung viết.
Hãng NHK nhắc lại : Khi Philippines tổ chức Thượng Đỉnh ASEAN vào năm ngoái, tuyên bố của chủ tịch ASEAN không bao gồm từ ngữ « quan ngại » vì nước chủ nhà, đồng thời là chủ tịch luân phiên khối Đông Nam Á muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, với sự kiện Singapore là chủ tịch ASEAN năm nay, từ ngữ này được sử dụng trở lại để phản ánh quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế của Singapore.
Dự thảo dĩ nhiên cũng hoan nghênh tiến bộ trong việc đàm phán nhằm sớm tiến tới một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc trên Biển Đông.
Xin nhắc lại là ngoài hội nghị thượng đỉnh của riêng ASEAN, tại Singapore sẽ có một loạt cuộc họp với các đối tác của ASEAN như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, và các nước khác trong khu vực.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181107-asean-co-du-dinh-bay-to-thai-do-quan-ngai-ve-tinh-hinh-bien-dong
Facebook ‘bị sử dụng
để kích động bạo lực tại Myanmar’
Facebook nói hãng đồng ý với một bản phúc trình theo đó nói mạng xã hội này đã thất bại trong việc ngăn chặn nền tảng này được sử dụng để “kích động bạo lực trong thực tế” ở Myanmar.
Một báo cáo độc lập, được Facebook đặt hàng thực hiện, nói nền tảng này đã thiết lập một “môi trường tạo điều kiện” để làm sinh sôi phát triển tình trạng lạm dụng nhân quyền.
Facebook ở Myanmar ‘trở nên một dã thú’ ra sao?
Facebook khóa tài khoản tướng Myanmar
Bản phúc trình được đưa ra sau khi bạo lực lan rộng chống lại người thiểu số Rohingya, điều mà Liên Hợp Quốc nói rằng có thể cấu thành tội diệt chủng.
Bản phúc trình cũng nhấn mạnh Facebook sẽ phải ‘xử lý vấn đề này cho đúng’ trước cuộc bầu cử 2020 ở Myanmar.
Facebook có hơn 18 triệu người dùng ở Myanmar.
Đối với nhiều người, trang mạng xã hội này là hình thức chính hoặc là cách duy nhất để đón nhận và chia sẻ tin tức.
Facebook cho hay họ đã có những tiến triển trong việc giải quyết vấn đề ở Myanmar, nhưng cũng nhấn mạnh “còn nhiều việc phải làm hơn nữa”.
Năm ngoái, quân đội Myanmar có chiến dịch trấn áp đầy bạo lực ở bang Rakhine sau khi các tay súng Rohingya tiến hành các cuộc tấn công chết người nhắm vào các đồn cảnh sát.
Hàng ngàn người thiệt mạng và hơn 700.000 người Rohingya đã bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh.
Cũng có những cáo buộc rộng rãi về tình trạng lạm dụng nhân quyền, trong đó có cả việc giết người bừa bãi, hãm hiếp và đốt phá nhà cửa.
Người Rohingya bị coi là di dân bất hợp pháp ở Myanmar.
Họ đã bị chính phủ và người dân Myanmar kỳ thị trong nhiều thập kỷ.
ICC mở cuộc điều tra vụ Rohingya
VN yêu cầu Facebook lưu trữ ‘quan điểm chính trị’
Facebook video call ‘theo sát’ chuyển động người dùng
Vì sao nhiều Facebook của giới phản biện bị xóa?
Bản phúc trình mới được đưa ra sau khi Liên hiệp quốc cáo buộc Facebook là “chậm chạp và không hiệu quả” trong việc phản ứng với tình trạng lan truyền “lòng thù hận trên mạng”.
Bản báo cáo dài 62 trang của tổ chức NGO Business for Social Responsibility (BSR) cho thấy Facebook “đã trở thành một phương tiện cho những người tìm cách truyền bá long thù hận và gây tổn hại” tại Myanmar.
“Một số ít người dùng đang tìm cách lợi dụng Facebook như một nền tảng để làm suy yếu nền dân chủ và kích động bạo lực.”
Báo cáo – chỉ ngắn gọn nhắc đến những người Rohingya – cũng cảnh báo rằng cuộc bầu cử năm 2020 tiềm tàng rủi ro nghiệm trọng về tình trạng lạm dụng nhân quyền hơn nữa, và cảnh báo Facebook cần chuẩn bị ngay từ bây giờ cho “vô số tình huống có thể xảy ra”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46111176
Thái Lan: Gia tộc Shinawatra
và đồng minh lập đảng mới
Hôm 7/11, người thân và đồng minh của hai cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra đã thành lập một đảng chính trị mới sẵn sàng tranh cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào đầu năm tới, theo hãng tin Reuters.
Chính quyền quân sự Thái Lan thông báo sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử từ tháng 2 đến tháng 5/2019 sau nhiều lần trì hoãn. Đây là cuộc đua giữa một bên là những người ủng hộ quân đội và những người trung thành với hoàng gia và một bên là các đảng chính trị dân túy hiện do Đảng Puea Thai lãnh đạo – đảng này bị quân đội lật đổ vào năm 2014.
Đảng chính trị mới thành lập của gia tộc Shinawatra và đồng minh có tên gọi là Thai Raksa Chart, bao gồm cháu trai, cháu gái, trợ lý thân cận và thế hệ đồng minh chính trị trẻ của ông Thaksin và bà Yingluck. Ông Preechapol Pongpanich, cựu thành viên quốc hội và Đảng Puea Thai sẽ lãnh đạo đảng này.
Reuters dẫn lời nhà khoa học chính trị Yuttaporn Issarachai cho biết đây là chiến lược để Đảng Puea Thái giành được nhiều ghế hơn dựa trên hệ thống bầu cử mới.
Hiện Đảng Puea Thai đang đối mặt với sự tan rã sau khi chính quyền quân sự ra lệnh cho Ủy ban Bầu cử điều tra xem liệu ông Thaksin còn kiểm soát đảng này hay không.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra vẫn còn rất lớn, đặc biệt là ở nông thôn Đông Bắc Thái Lan.
Ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm 2006, kể từ đó sống ở nước ngoài để tránh bị kết án vào năm 2008. Ông bị cáo buộc tham nhũng từ năm 2008 và 2012.
Trong khi đó, bà Yingluck rời khỏi Thái Lan vào tháng 8 năm ngoái trước khi tòa án tuyên bố bà phải chịu trách nhiệm vì sơ suất trong chương trình trợ giá lúa gạo của chính phủ. Bà bị kết án vắng mặt 5 năm tù giam.
https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-gia-toc-shinawatra-va-dong-minh-lap-dang-moi/4648502.html