Tin khắp nơi – 07/06/2017
Hàn Quốc trì hoãn triển khai THAAD
Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc Moon Jae-in nhận ra rằng tăng cường hoạt động ngoại giao và vận dụng luật pháp không mà thôi sẽ không giải quyết được thế tiến thoái lưỡng nan mà ông đang đối mặt liên quan tới Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối – gọi tắt là THAAD.
Ông Moon ủng hộ giải pháp mời gọi Bắc Hàn tham gia, và một lối tiếp cận ít đối đầu hơn để giảm căng thẳng với miền Bắc về chương trình hạt nhân của họ, so với Tổng thống tiền nhiệm có khuynh hướng bảo thủ, bà Park Geun-hye, người đã bị luận tội liên quan đến một vụ tai tiếng tham nhũng nhiều triệu đôla.
Hệ thống THAAD là một phép thử về chiến lược của Tổng thống Moon nhằm giảm căng thẳng trong khu vực bằng cách cân bằng sự hỗ trợ mạnh mẽ cho liên minh Hoa Kỳ với việc tăng cường hợp tác, vươn tới Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Washington coi hệ thống phòng thủ phi đạn tiên tiến THAAD, là cách để chống lại khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo đang phát triển của Bắc Hàn. Bác bỏ hệ thống THAAD có thể gây căng thẳng trong liên minh Mỹ – Hàn Quốc và phương hại tới chiến lược răn đe và kiềm hãm mà hai bên đã thỏa thuận trước đây.
Nhưng ủng hộ THAAD sẽ làm cho Bắc Kinh và Bình Nhưỡng càng xa lánh Hàn Quốc hơn. Hai nước này chống đối việc triển khai THAAD, vì cho rằng hệ thống này là một nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực.
Nhiều người dân sống gần địa điểm lắp đặt THAAD ở một vùng nông thôn Hàn Quốc đã lên tiếng lo ngại về những tác động đối với sức khoẻ do hệ thống radar này đặt ra, họ cũng lo sợ triển khai THAAD trong khu vực sẽ gây nguy hiểm vì họ có thể trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công từ Bắc Triều Tiên.
Tuần này, Tổng thống Hàn Quốc đã đình chỉ công tác một phó Bộ trưởng Quốc phòng vì không báo cáo đã nhận thêm bốn bệ phóng THAAD dường như với ý đồ là âm mưu để tránh sự giám sát của chính quyền mới ở Seoul. Ông Moon cũng ra lệnh tiến hành nghiên cứu về môi trường tại vị trí triển khai THAAD. Việc này có thể trì hoãn lịch trình triển khai lá chắn tên lửa này.
Hôm thứ tư, bà Kang Kyung-hwa, ứng cử viên do tổng thống chọn vào vị trí Ngoại trưởng kêu gọi Quốc hội thảo luận về vấn đề an ninh quốc gia.
Phát biểu trong buổi điều trần chuẩn thuận, bà Kang nói:
“Điểm mấu chốt của vấn đề THAAD là không công chúng trong nước không được thông tin đầy đủ, cho nên chúng ta không đạt được sự đồng thuận trên toàn quốc.”
Trong khi đó, Bắc Triều Tiên chưa ra dấu hiệu nào cho thấy là họ sẵn sàng ngay cả thảo luận việc tạm đình chỉ các cuộc thử tên lửa đạn đạo và công nghệ hạt nhân.
Chính quyền của Tổng thống Moon cho đến nay cho thấy là họ vẫn giữ vững lập trường bất chấp sự phản kháng ban đầu đối với các nỗ lực của họ. Tân ngoại trưởng vừa được đề cử hôm 7/6 nói chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi cả các biện pháp trừng phạt lẫn viện trợ nhân đạo để mang lại thay đổi ôn hòa trên bán đảo Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-tri-hoan-trien-khai-thaad/3890586.html
SDF được Mỹ hậu thuẫn
bắt đầu tấn công Raqqa, cứ địa của IS
Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn phát động cuộc tấn công hôm 6/6 để chiếm Raqqa, thành phố ở bắc Syria, từ các tay các phần tử Nhà nước Hồi giáo.
SDF đã chiến đấu từ tháng 11 năm ngoái để bao vây Raqqa, thủ đô trên thực tế của Nhà nước Hồi giáo, đã nằm trong tay nhóm này từ năm 2014.
Trong một thông báo của liên minh, Trung tướng Steve Townsend, Tư lệnh liên minh chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq do Hoa Kỳ đứng đầu, nói cuộc chiến để giành lấy Raqqa sẽ kéo dài và khó khăn, nhưng đây sẽ là “đòn quyết định” giáng xuống lời rêu rao của Nhà nước Hồi giáo rằng nhóm này nắm trong tay ‘một vương quốc’ trên thực tế.
Ông Townsend nói: “Rất khó thuyết phục các tân binh rằng ISIS đang trên đà chiến thắng khi chúng mất quyền kiểm soát của cả hai ‘thủ đô’ ở Iraq lẫn Syria”.
Các lực lượng Iraq, với sự yểmtrợ của liên minh, cũng đang chiến đấu để đẩy bật các phần tử Nhà nước Hồi giáo còn lại ra khỏi cứ địa chủ yếu của chúng ở Mosul, Iraq.
Thông báo của liên minh cho biết sẽ tiếp tục cung cấp trang thiết bị, huấn luyện, thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần cho SDF trong cuộc tấn công vào Raqqa. SDF đã khuyến khích thường dân nên rời khỏi thành phố.
Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh, vẫn theo dõi cuộc chiến ở Syria, cho biết các chiến binh SDF đã tấn công ở cả phía đông của Raqqa lẫn một căn cứ quân sự ở phía bắc thành phố.
Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo cho biết một khi tái chiếm Raqqa, SDF tỏ ý sẽ chuyển giao lại cho thường dân ở địa phương, thay vì chiếm giữ thành phố này.
https://www.voatiengviet.com/a/sdf-duoc-my-hau-tham-bat-dau-tan-cong-raqqa/3889300.html
Các Lực lượng Dân chủ Syria
tổng tiến công đánh chiếm Raqqa
Các lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn hôm 6/6 đã ào ạt tiến vào Raqqa, thành phố được Nhà nước Hồi giáo coi như thủ đô trên thực tế của họ, làm bùng ra cuộc giao tranh dữ dội, báo hiệu điểm khởi đầu của chiến dịch mà liên minh do Mỹ lãnh đạo nói rốt cuộc sẽ chấm dứt quyền kiểm soát của IS tại thành phố đang bị vây hãm này.
Các cấp chỉ huy các Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd cầm đầu cho biết trận chiến hôm thứ ba – trận đầu tiên bên trong thành phố trong nhiều tháng trời – cho thấy là cuộc chiến còn kéo dài và sẽ có nhiều tổn thất.
Bà Clara Raka, Chỉ huy trưởng Lực lượng Dân chủ Syria nói:
“Raqqa là thủ phủ của phiến quân Daesh (Nhà nước Hồi giáo) ở Syria, vì vậy họ đã chuẩn bị rất kỹ cho trận chiến này. Họ đào đường hầm, đặt mìn, chuẩn bị xe gài bom và những kẻ đánh bom tự sát, họ đã chuẩn bị rất chu đáo cho trận đánh này, cả dưới lòng đất và trên bộ. Chúng tôi sẽ đối mặt với những thách thức này vì chúng tôi cũng đã chuẩn bị tốt “.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu:
“Hậu thuẫn cho các tổ chức khủng bố giết thường dân, thanh tẩy chủng tộc và áp lực tất cả những ai có quan điểm khác biệt, trên thực tế đã buộc chúng ta sống như trên một quả bom đã tháo chốt an toàn. Những người biện minh cho các tổ chức khủng bố vì các chính sách khu vực của họ, miêu tả những kẻ khủng bố ấy là lực lượng dân quân, thay vì có lập trường dứt khoát với chúng, sẽ sớm nhận ra họ đã phạm một sai lầm vô cùng nghiêm trọng.”
Số thương vong trong vụ tấn công không được báo cáo, nhưng các viên chỉ huy người Kurd cho biết họ nghe nói IS đang cầm giữ hàng ngàn thường dân để làm bia đỡ đạn. Được biết IS đã cắt điện và đóng cửa các quán cà phê Internet trong thành phố. Uớc lượng dân số của thành phố hiện nay là vào khoảng 200.000 người, mặc dù số liệu này chưa được kiểm chứng.
Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo cho biết, một khi tái chiếm được thành phố Raqqa, thành phố này sẽ được bàn giao cho thường dân ở địa phương, chứ SDF – Các lực lượng Dân chủ Syria – không chiếm giữ thành phố này.
Tillerson:
TT Trump ra lệnh cho tôi xây dựng lại quan hệ Mỹ-Nga
Chỉ còn một ngày trước khi diễn ra cuộc điều trần của giám đốc FBI bị sa thải James Comey trước Quốc hội được được dư luận nóng lòng chờ đợi, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson cho biết Tổng thống Donald Trump yêu cầu ông phải đẩy mạnh nỗ lực xây dựng lại quan hệ của Mỹ với Nga, và không để bị cản trở bở những xáo trộn từ cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Những câu hỏi về cuộc điều tra về khả năng có sự thông đồng của ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đeo bám Ngoại trưởng Tillerson cho đến tận New Zealand.
Ông Tillerson nói rằng tổng thống chỉ thị cho ông phải tiếp tục tập trung vào việc xây dựng lại sự tin tưởng với Moscow, mà ông mô tả là đang ở một điểm thấp:
“Tổng thống nói rõ với tôi rằng đừng để các diễn biến chính trị ở đây cản trở công việc tôi cần phải làm cho mối quan hệ này, và tổng thống chỉ thị rõ ràng với tôi rằng tôi phải xúc tiến với bất cứ nhịp độ nào và trong các lãnh vực mà tôi cảm thấy cần phải thực hiện.”
Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói rằng cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo là một lãnh vực mà Mỹ và Nga có thể hợp tác:
“Chúng tôi sẽ xác định các lãnh vực cả hai bên cùng quan tâm để có thể cùng làm việc với nhau. Nhưng điều quan trọng cần phải hiểu rằng trong những lãnh vực mà chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với Nga, chúng tôi sẽ tiếp tục đứng lên bảo vệ lợi ích của chúng tôi, các giá trị của chúng tôi và các giá trị của các đối tác của chúng tôi.”
Nhưng các cuộc điều tra có nhiều khả năng sẽ gây ra xáo trộn lớn có thể khiến cho Ngoại trưởng Tillerson rất khó tìm được cách thức làm việc với Nga.
Ông Steven Pifer, chuyên gia của Viện nghiên cứu Brookings, nhận định:
“Tôi nghĩ ông Tillerson sẽ tìm cách thực hiện, nhưng về mặt chính trị thì điều đó không thực tế. Và trong một chừng mực nào đó, chính quyền vẫn đang bị một đám mây mù về những mối quan hệ đáng nghi ngờ với Nga bao phủ. Do đó tôi muốn chỉ ra rằng cách làm này là một đòn tự giáng để tung hỏa mù, bởi vì bản thân tổng thống và Tòa Bạch Ốc thật chẳng may đã xử lý các vấn đề này theo cách khiến cho dư luận nghi ngờ rằng họ đang cố giấu diếm một cái gì đó.”
Ông Pifer nhận định rằng bất cứ một cải thiện nào trong quan hệ Mỹ-Nga đòi hỏi phải có một sự thay đổi lớn trong chính sách Moscow về Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin.
Mỹ: Trung Quốc tăng cường xây căn cứ ở nước ngoài
Pakistan có thể là một địa điểm để Trung Quốc đặt căn cứ trong tương lai, theo phúc trình của Ngũ Giác Đài vừa công bố ngày 6/6, trong đó dự đoán Bắc Kinh có phần chắc sẽ xây thêm nhiều căn cứ ở nước ngoài sau khi lập cơ sở ở Djibouti, Châu Phi.
Báo cáo dài 97 trang đệ trình sang Quốc hội Mỹ xem xét những bước tiến của quân đội Bắc Kinh trong năm 2016.
“Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ lập thêm các căn cứ quân sự tại nhũng nước mà họ có quan hệ hữu nghị lâu dài và có cùng chung lợi ích chiến lược như Pakistan,” phúc trình nêu rõ.
Pakistan, báo cáo nói, đã trở thành thị trường chính ở Châu Á-Thái Bình Dương đối với võ khí xuất khẩu của Trung Quốc. Khu vực này chiếm 9 tỷ đô la trong tổng số 20 tỷ đô la xuất khẩu võ khí của Bắc Kinh từ 2011-2015.
Năm ngoái, Trung Quốc ký thỏa thuận với Pakistan bán thêm 8 tàu ngầm nữa.
Phúc trình của Ngũ Giác Đài dự đoán hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và sản xuất có thể đạt khả năng hoạt động sơ khởi vào năm 2020.
Iran ủng hộ Qatar, lên án Mỹ gây căng thẳng Trung Ðông
Các giới chức Hoa Kỳ tố cáo Iran can thiệp “tiêu cực” vào Syria, và khuấy động căng thẳng tại các nơi khác trong khu vực. Iran cũng liên can đến rạn nứt giữa Qatar với các nước láng giềng. Các cường quốc trong trong thế giới Ả Rập đã cắt đứt quan hệ với Doha hôm thứ Hai 5/6, lên án nước này ủng hộ các tổ chức khủng bố Hồi giáo. Iran tố cáo Mỹ dựng lên bối cảnh này để leo thang khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh trong chuyến công du mới đây của Tổng thống Donald Trump đến Ả Rập Xê-út. Người dân thường ở thủ đô Tehran bày tỏ lo ngại về việc Qatar bị cô lập hóa.
Một ngày sau khi Ả Rập Xê-út, Ai Cập, Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập, và các nước vùng Vịnh khác cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar, người dân Doha bắt đầu cảm thấy những mặt thiết yếu trở nên khan hiếm.
Một người dân Doha đi chợ kể lại: “Hôm nay tôi ra chợ và nhận thấy thiếu thịt gà tươi, thức ăn quen thuộc của chúng tôi. Do đó chúng tôi phải chuyển sang mua những thứ khác. Tôi thấy hình như sữa tươi cũng trở nên khan hiếm.”
Ông Foad Izadi, một nhà phân tích chính trị ở Tehran lên án các nước cô lập Qatar: “Cô lập một quốc gia có chủ quyền là một hình thức chiến tranh. Nhiều người sẽ bị ảnh hưởng. Iran mưu tìm cơ hội để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Đây có thể là một cơ hội để Iran tạo dựng quan hệ tốt hơn với chính phủ Qatar bởi vì cả hai đều bị các nước láng giềng ở phía nam, phía đông và phía tây cô lập. Cửa còn lại duy nhất cho họ là ở phía bắc, ở đó có Iran.”
Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê-út Adel bin Ahmed Al-Jubeir hôm thứ Ba bênh vực các biện pháp của nước ông đối với Qatar:
“Chúng tôi muốn nói rõ với mọi người rằng Iran là một thế lực chuyên gây bất ổn, Iran là một thế lực gây hỗn loạn, Iran là một thế lực gây chết chóc và tàn phá, và các chính sách của Iran đã châm ngòi cho bạo động giáo phái ở Trung Ðông, tham vọng của Iran là muốn khôi phục đế chế Ba Tư để trị vì các nước Trung Ðông và bành trướng trong khu vực, và đó là những chính sách không thể chấp nhận được.”
Nhưng một công chức Iran, ông Amir-Hussein Asghari, đỗi lỗi cho Mỹ gây ra những rạn nứt ở Trung Ðông:
“Theo tôi thì Mỹ chính là kẻ chủ mưu của mọi chuyện ở đây. Mỹ luôn âm mưu gây xung đột giữa các nước trong khu vực để họ bán vũ khí.”
Các dịch vụ giao thông vận tải đến Qatar bị cắt đứt từ mọi hướng trừ phía bắc, Qatar nay phải quay sang Iran và Iraq cho dịch vụ giao thông vận chuyển xuyên biên giới của họ. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm thứ Ba nói rằng nước ông sẽ không ngã về một bên nào trong những bất đồng này.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-ung-ho-qatar-len-an-my-gay-cang-thang-trung-dong/3890492.html
Ít nhất 12 người chết trong vụ tấn công kép tại Iran
Ít nhất 12 người chết và nhiều người khác bị thương sau vụ tấn công kép vào Quốc hội Iran và Lăng cố Giáo chủ Ayatollah Khomeini tại thủ đô Tehran.
Vụ tấn công vào tòa nhà quốc hội có vẻ như đã chấm dứt, sau khi có cuộc giao tranh nổ súng kéo dài vài tiếng. Một kẻ đánh bom tự sát đã chết trong lăng.
Các quan chức Iran nói họ đã chặn được vụ tấn công thứ ba.
Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) đứng ra nhận trách nhiệm các vụ tấn công này, chuyện lần đầu tiên xảy ra ở Iran.
Sau đó IS phát một video mà họ nói là quay cảnh bên trong tòa nhà quốc hội.
Truyền thông Iran đưa tin bốn kẻ tấn công trong tòa nhà quốc hội đã bị lực lượng an ninh bắn chết.
Hiện chưa rõ những kẻ tấn công có nằm trong số 12 người tử vong hay không, và tổng số nạn nhân là của cả hai vụ tấn công hay chỉ riêng ở quốc hội.
Theo người đứng đầu lực lượng cứu trợ khẩn cấp Pir Hossein Kolivand, khoảng 40 người bị thương ở cả hai địa điểm.
Những kẻ tấn công mang súng Kalashnikovs vào quốc hội sáng thứ Tư 7/6. Các hình ảnh từ hiện trường cho thấy cảnh sát bao vây nhà quốc hội, và có tiếng súng nổ.
Giới chức Iran phủ nhận đã có con tin bị bắt giữ trong nhà quốc hội. Người phát ngôn Ali Larijani giảm nhẹ tầm quan trọng của các vụ tấn công này. Ông nói đây chỉ là “vấn đề nhỏ”.
Tin cho hay những kẻ tấn công phục trang giả nữ và vào trong quốc hội qua cổng dành cho dân chúng.
Khoảng 10.40 giờ địa phương, những kẻ tấn công ở lăng cố Giáo chủ Khomeini nổ súng.
Thống đốc Tehran nói một kẻ tấn công ở đó đã châm ngòi một chiếc áo tự sát và một kẻ khác bị lực lượng an ninh hạ gục, hãng tin nhà nước Irib đưa tin.
Hình ảnh từ hiện trường lăng cho thấy lựu đạn và các băng đạn súng tự động được thu lại từ xác của kẻ tấn công.
Có tin người tấn công tự sát là một phụ nữ.
Một số du khách đến thăm lăng tại thời điểm đó đã bị thương.
Phân tích của BBC Monitoring
Năm nay IS đã công bố nhiều bài tuyên truyền nhằm kích động tấn công bên trong Iran.
Một video của IS hồi tháng Ba chiếu cảnh dân quân được giới thiệu là tay súng Iran chiến đấu cho IS ở Iraq.
Nói tiếng Farsi, họ lên án chính phủ Iran và giới lãnh đạo tôn giáo kể cả lãnh tụ tinh thần Ayatollah Ali Khamenei.
Khi tấn công thành công, IS có thể tự nhận đã thành công lớn trước kẻ thù truyền thống trong khi các nhóm Sunni khác như đối thủ al-Qaeda đều đã thất bại.
Jenny Norton, BBC
Đây là bạo lực khủng bố tồi tệ nhất tại Tehran kể từ những năm đầu bất an sau Cách mạng Hồi giáo 1979.
Mặc dù Iran tham gia tích cực đánh IS cả ở Iraq và Syria, nhóm Sunni này cho tới nay không có cuộc tấn công nào trong Iran, và có vẻ ít được ủng hộ ở đất nước có đa số dân Shia.
Nhưng những tháng gần đây, IS đã gia tăng tuyên truyền bằng tiếng Farsi, nhắm vào thiểu số người Sunni ở Iran.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40189627
Iran: IS nhận trách nhiệm
về cuộc tấn công quốc hội và đền thờ Khomeini
Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận trách nhiệm về hai cuộc tấn công gây nhiều chú ý, nhắm vào quốc hội Iran và đền thờ lãnh tụ quá cố Ayatollah Ruhollah Khomeini.
Tuyên bố nhận trách nhiệm của IS được hãng tin Amaq của nhóm loan báo hôm 7/6, vài giờ sau khi các cuộc tấn công bắt đầu.
Tin tức từ Iran nói tham gia cuộc tấn công vào đền thờ, có 3 tay súng và một kẻ đánh bom tự sát, người này đã giết chết ít nhất một người và làm bị thương nhiều người. Tin cho biết cảnh sát đã bắt một trong những kẻ tấn công và giết chết một kẻ khác.
Tại tòa nhà quốc hội Iran, một kẻ đánh bom tự sát đã ra tay bên trong tòa nhà, trong một cuộc tấn công có phối hợp với ba tay súng. Báo chí cho biết một nhân viên an ninh đã bị giết chết và nhiều người bị thương.
Tổ chức Hồi giáo cực đoan này đang giao chiến với các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Syria và Iran. Họ coi đa số tín đồ theo giáo phái Shia là những kẻ phản bội, bỏ đạo.
Máy bay Nga chặn máy bay Mỹ trên Biển Baltic
Nga ngày 6/6 đưa một phản lực chiến đấu ngăn chặn một máy bay ném bom chiến lược B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ mà Nga cho rằng bay vào không phận biển Baltic gần biên giới Nga, một sự kiện gợi nhớ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sự xuất hiện của máy bay ném bom tầm xa B-52, loại máy bay được đưa vào hoạt động trong những năm 1950, làm cho Moscow khó chịu. Một giới chức Bộ Ngoại giao Nga nói việc xuất hiện của máy bay này tại châu Âu không giúp làm giảm căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Một cựu chỉ huy Không lực Nga gọi hành động này là “thiếu tôn trọng.”
Hệ thống phòng không Nga phát hiện máy bay ném bom Mỹ vào khoảng 10 giờ, giờ Moscow, khi máy bay này bay trên vùng biển trung lập song song với biên giới Nga và Nga đã phái một máy bay phản lực Sukhoi Su-27 bay lên ngăn chặn, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.
Nga cho biết máy bay SU-27 cất cánh từ đơn vị phòng không thuộc hạm đội Baltic, đặt căn cứ tại Kaliningrad thuộc châu Âu.
Các thành viên NATO như Anh thường xuyên báo cáo đưa máy bay phản lực ngăn chặn máy bay ném bom có khả năng mang bom hạt nhân của Nga bay gần không phận của họ. Nga thường ít báo cáo về việc sử dụng máy bay phản lực của mình với cùng lý do.
Trong một diễn biến khác, Nga cho biết một máy bay phản lực chiến đấu MiG-31 đã ngăn chặn một máy bay tuần tra của Na Uy trên biển Baltic. Bộ Quốc phòng Nga nhận ra chiếc máy bay này là máy bay chống tàu ngầm P-3 Orion.
Bộ Quốc phòng Nga khiếu nại là máy bay Na Uy bay gần biên giới Nga, tắt hệ thống nhận và phát tín hiệu. Quân đội Na Uy xác nhận vụ này nhưng nói rằng đây là chuyện “bình thường”.
Moscow lo ngại hơn về sự xuất hiện của máy bay B-52.
Thông tấn xã Sputnik dẫn lời một giới chức Bộ Ngoại giao Nga, Mikhail Ulyanov, nói rằng Moscow tin một số máy bay B-52 đã chuyển từ căn cứ ở Louisana sang Anh để tham dự các cuộc tập trận.
https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-nga-chan-may-bay-my-tren-bien-baltic-/3890075.html
Bỉ truy quét khủng bố, 12 người bị bắt
Cảnh sát Bỉ bắt 12 người có liên hệ với những vụ đánh bom ở Brussels vào tháng 3 năm ngoái, sau một loạt các đợt truy quét, lùng sục, công tố viên liên bang cho biết trong một tuyên bố.
Cảnh sát thực hiện 14 vụ lục soát khám xét nhà. Thẩm phán sẽ quyết định xem 12 người vừa bị bắt có tiếp tục bị câu lưu hay không.
Những vụ đánh bom lấy cảm hứng từ Nhà nước Hồi Giáo xảy ra tại phi trường Brussels và hệ thống xe điện ngầm của thành phố vào tháng 3 năm 2016 đã làm 32 người thiệt mạng.
https://www.voatiengviet.com/a/bi-truy-quet-khung-bo-12-nguoi-bi-bat-/3889671.html
Trung Quốc chỉ trích báo cáo quốc phòng của Hoa Kỳ
Trung Quốc lên tiếng bác bỏ bản báo cáo quốc phòng hàng năm mà Hoa Kỳ mới công bố ngày 6 tháng 6, cho rằng những điểm được ghi trong báo cáo là thiếu trách nhiệm, không đúng với sự thật.
Trong báo cáo dày 97 trang gửi cho Quốc Hội Liên Bang hôm 6 tháng 6, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ viết rằng trong năm vừa qua, Trung Quốc đã sử dụng 180 tỷ dollars cho quốc phòng, vượt quá xa con số 140 tỷ mà nhà nước Bắc Kinh công bố.
Ngoài ra, báo cáo cũng viết rằng Trung Quốc sẽ xây nhiều căn cứ quân sự ở những nước đồng minh của họ, đặc biệt ở những quốc gia có cùng lợi ích chiến lược như Pakistan.
Cũng trong báo cáo vừa nêu, các chuyên viên quốc phòng Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự trên không cũng như trên biển.
Riêng về sự kiện tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho rằng Bắc Kinh tăng cường kiểm soát hiệu quả các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm giữ trong vùng biển đang tranh chấp, khéo léo tránh để căng thẳng leo thang dẫn tới xung đột.
Hình ảnh đi kèm với báo cáo ghi rõ Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng ở Gạc Ma, Gaven, Tư Nghĩa và Châu Viện, đồng thời đang nỗ lực mở rộng các căn cứ quân sự ở 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi ở Trường Sa, như xây đường băng, hải cảng, kho nhiên liệu, nhà chứa chiến đấu cơ v.v…, viết thêm rằng sau khi hoàn tất các cơ sở hạ tầng này, Bắc Kinh có thể đưa 3 trung đoàn không quân tới khu vực, hợp tác với lực lượng hải cảnh đang có mặt tại đó.
Xung đột Philippines: Nỗi kinh hoàng của cư dân ở Marawi
Trong hai tuần qua, quân đội Philippines đã giao chiến với các dân quân Hồi giáo tại thành phố Marawi ở miền nam nước này. Cho tới nay cuộc xung đột đã làm ít nhất 170 người thiệt mạng, trong đó có 20 thường dân và hơn 180.000 người dân đã rời bỏ thành phố. Phóng viên BBC ở Nam Á Jonathan Head tường thuật từ Marawi.
Suốt hơn tuần quan phát ngôn viên quân đội đã đưa ra hình ảnh lạc quan giống nhau về thành phố Marawi đang bị tàn phá vì giao tranh. Lực lượng Philippines kiểm soát gần như toàn bộ thành phố, họ nói; những dân quân mặc trang phục màu đen, nhưncg người đã làm họ sửng sốt khi chiếm giữ Marawi nhân danh cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm 23 tháng Năm, đang chịu những tổn thất nặng nề và đang bị bao vây.
Tất nhiên là quân đội cuối cùng sẽ giành lại kiểm soát trong thành phố. Thậm chí những chiến binh sẵn sàng chết vì Hồi giáo không thể chịu nổi tình trạng ném bom liên tục mãi mãi được.
Thế nhưng gần như toàn bộ thành phố vẫn ở trong tình trạng thường dân không được phép tới gần.
Philippines ‘không cắt quan hệ quân sự’
Philippines: thiết quân luật tại Mindanao
Đụng độ tại Marawi, nhiều người thiệt mạng
Philippines: Tay súng ngoại quốc về ‘đất mới’ của IS
Sự im lặng đáng e ngại
Ở giữa đường nơi ngã tư là một tấm bê tông màu cam tự hào tuyên bố bạn đã bước chân tới thành phố thực sự Hồi giáo ở Philippines, trung tâm văn hóa của người Moro.
Giờ chẳng còn ai ở đây, chỉ thấy những con chó và mèo hoang và những chiếc xe tải chở binh lính khuôn mặt cau có chạy tới chạy lui từ tiền tuyến. Các tòa nhà lỗ chỗ vết đạn.
Sự im lặng đáng ngại bị phá vỡ bởi tiếng trực thăng, và chúng tôi nhìn theo khi những chiếc trực thăng này bay về phía trung tâm thành phố. Vài giây sau hai tiếng nổ lớn vang lên theo sau là những cột khói trắng bốc lên trên các ngọn cọ khi rốc két của họ được phóng đi.
Thứ Bảy là ngày tốt cho các viên chức và những người tình nguyện tại tòa thị chính thành phố. Họ đã nhận được những cú điện thoại ngày càng tuyệt vọng của những người bị kẹt lại trong khu vực do phe dân quân kiểm soát ở Marawi. Ít nhất một vài người đã tìm cách vượt ra ngoài được.
Họ tới trên ba chiếc xe tải, gồm cả người Thiên chúa giáo, Hồi giáo, già trẻ, khuôn mặt thể hiện nối kinh hoàng, mệt nhục và thiếu đói sau những gì đã trải qua.
Đặc biệt những tin đồ Thiên chúa giáo sống trong tâm trạng kinh hoàng trước những gì những người Hồi giáo cực đoan có thể làm nếu tìm thấy họ; những người không phải là Hồi giáo thường xuyên bị giết hại.
Câu chuyện bỏ trốn
Những câu chuyện của họ thật rợn tóc gáy. Tôi nhìn thấy Anparo Lasola bước vào tòa thị chính, trông như người mộng du và ôm chặt đứa con bé nhất trong số sáu người con của bà.
Những người tình nguyện với nụ cười trên môi đưa cho họ nước uống và bánh quy, nhưng trẻ em đã ở trong tình trạng chớm suy dinh dưỡng sau 11 ngày không được ăn uống gì ngoài một bát cơm nhỏ mỗi ngày.
Anparo miêu tả cảnh họ đã trốn ở trong một tầng hầm cũng với 70 tín đồ Thiên chúa giáo khác và mọi người bị căng thẳng như thế nào khi trẻ em kêu khóc vì sợ sợ sẽ bị lộ trước những tay súng đang ở phía bên ngoài tầng hầm đó.
Một bà mẹ khác, một người Hồi giáo, cho biết bà đã phải cản đảm thuyết phục phe dân quân không bắt cậu con trai 14 tuổi của bà đi giao chiến.
Anparo được Norodin Alonto Lucman cứu giúp. Ông là người đứng đầu một cộng đồng có tiếng bộ tộc Maranao địa phương người được phép rời đi bất cứ lúc nào.
Ông chọn giấu 71 người này trong nhà mình, và dùng quyền lực của mình đối với các chiến binh trẻ, nhiều người cũng là người Maranaos, để ngăn chặn không cho họ lục soát ngôi nhà của ông.
Thế rồi ông đưa những tín đồ Thiên chúa giáo này tới nơi an toàn, sau khi vượt qua cây cầu đang có đọ súng giữa hai lực lượng. Ông tả lại cuộc gặp với một tay súng 28 tuổi vốn là một người bạn gia đình ông và đề nghị anh này hạ súng và từ bỏ bộ đồng phục màu đen và đề nghị sẽ đưa anh an toàn về phía quân chính phủ.
Người thanh niên này đã từ chối. Đây là jihad (cuộc chiến Hồi giáo) – chúng tôi muốn chết, tay súng này nói với ông.
Norodin và những lãnh tụ Maranao khác lo ngại về bao nhiêu thường dân sẽ bị thiệt mạng và có những tổn thất gì cho thành phố của họ trước khi phe dân quân bị đẩy lùi.
Hàng trăm, không phải chỉ hàng chục
Nhưng lúc này lo ngại của họ không phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của quân đội. Rowan Rimas là thiếu tá lục quân thủy chiến, người được điều động tới giúp quân đội đang gặp khó khăn. Ông miêu tả cuộc chiến ở thành thị lạ lẫm mà binh lính của ông đang tham gia gần giống như Cuộc chiến ở Mogadishu.
Làm sao họ xử lý được trước những dân quân trẻ đang chuẩn bị chiến đấu cho tới chết, tôi hỏi.
Nếu đây là điều mà họ muốn, chúng tôi sẽ giúp họ lên thiên đường, ông nói.
Phiến quân bao vây Marawi ‘tích lương’
Ông Duterte muốn thiết quân luật toàn quốc
Những ước tính liệu có bao nhiêu chiến binh Hồi giáo còn ở lại Marawi thật khác xa nhau. Nhưng chính phủ nay thừa nhận họ đang đương đầu với lực lượng dân quân hàng trăm người chứ không phải chỉ vài chục người như họ ban đầu tưởng như vậy.
Những điểm kiểm soát chặt chẽ trên các con đường dẫn ra khỏi Marawi. Tại đây chứng minh thư được kiểm tra kỹ lưỡng đối chiếu với các bức ảnh chân dung không rõ nét trong bảng danh sách mới nhất những người đang bị truy lùng cho thấy một nỗi sợ hãi khác, nó nói với mọi người rằng phe dân quân sẽ phá vỡ vòng vây và tấn công ở một nơi khác.
Liên minh IS
Norodin kể với tôi rằng nhiều chiến binh ông gặp ngay cửa nhà không phải người địa phương; họ là người sắc tộc Tausug và Yakan, ông nói, từ bán đảo Sulu ở phía tây nam nước này, một trọng điểm thuộc kiểm soát của một nhóm những jihadist tàn bạo khác, Abu Sayyaf.
Đây là bằng chứng rõ ràng rằng liên minh được cho là hình thành hồi năm ngoái giữa bốn nhóm Hồi giáo theo đường lối cứng rắn tại Mindanao, tất cả đều thề trung thành với tổ chức gọi là Nhà nước Hồi giáo.
Nhà lãnh đạo được công nhận của liên mình này là Isnilon Hapilon, chỉ huy của nhóm Abu Sayyaf mà quân đội Philippines đang cố tìm cách truy bắt khi họ tình cờ làm gián đoạn cuộc chiếm đóng của phe dân quân tại Marawi hồi tháng trước.
Thế nhưng lực lượng đứng đằng sau liên inh này là hai anh em Maute, cả hai từng được giáo dục tại Trung Đông, và từ một gia đình Maranao danh giá.
Giống Norodin Alonto Lucman, Omar Solitario là từ một thế hệ những chiến binh Moro lớn tuổi, những người đã tiến hành nổi dậy theo kiểu truyền thống chống lại chính phủ vào những năm 1970 và 1980, và trở thành những nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh trong thời gian ngưng chiến kéo dài gần hai thập niên qua.
Ông từng là Thị trưởng Marawi, và giống ông Norodin, có quan hệ gia đình thân thiết với Mautes. Tổng thống Duterte đã yêu cầu ông vài lần cố làm trung gian nhưng phe dân quân trẻ không quan tâm, ông nói.
Ông Solitario miêu tả đã từng nhìn thấy con cái bạn ông bị kéo vào các nhóm cực đoan, những người bắt cha mẹ họ phải cung cấp tài chính cho phe dân quân để chứng tỏ sự toàn tâm toàn ý của họ với Hồi giáo.
“Khả năng họ lừa thanh thiếu niên – thật giống như ảo thuật vậy,” ông nói.
“Họ tìm cách xâm nhập vào trường học. Như virus vậy, bạn không thể ngăn chặn chỉ bằng súng ống.”
Khoảng cách giữa các thế hệ
Cả hai người đàn ông này đang thúc giục Tổng thống Duterte đẩy nhanh thỏa thuận về một nền tự trị Moro được ký kết bởi người tiền nhiệm của ông để những nhà lãnh đạo Moro lớn tuổi có cái chứng tỏ đã đạt được từ cuộc chiến đấu của họ.
Nhưng những nhà lãnh đạo này bị cáo buộc là ngày càng bớt cứng rắn và bị mua chuộc trong những năm dài hòa bình. Những thanh niên Hồi giáo đầy bất lực đang tìm kiếm sự khác biệt.
Trên một phương diện nào đó cuộc khủng hoảng giới lãnh đạo ở người Moro đang phản ánh thực trạng trên toàn bộ đất nước này. Hồi năm ngoái hàng triệu người Philippines, lo lắng trước một tầng lớp chính trị tham nhũng và vụ lợi, đã bầu chọn một thị trưởng ăn nói thẳng thừng từ Mindanao làm Tổng thống.
Nay ông Rodrigo Duterte phải tìm cách thực hiện lời hứa của mình, tìm một giải pháp lâu dài cho tình trạng bạo động đang tàn phá hòn đảo quê hương ông.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40187572
Cáo buộc về quan hệ Trump-Nga ‘lớn hơn bê bối Watergate’
Vụ bê bối Watergate hồi thập niên 1970 không lớn bằng vụ điều tra Trump-Nga, theo cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ.
“Watergate trở nên mờ nhạt” trước những gì nước Mỹ đang phải đối diện, ông James Clapper nói.
Cơ quan tình báo Hoa Kỳ tin rằng Nga đã can thiệp vào kỳ bầu cử Mỹ và đang tiến hành điều tra về các mối liên hệ bị cho là có tồn tại giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump và Moscow.
Trump: Sa thải ‘gã điên’ FBI ‘làm giảm áp lực’
Trump bị yêu cầu nộp bằng chứng về Comey
Quốc hội Mỹ yêu cầu FBI nộp hồ sơ vụ Comey-Trump
Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng nào được biết đến về sự thông đồng này, và Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ rằng câu chuyện đó là ‘tin giả’.
Những người đứng đầu các cơ quan tình báo Hoa Kỳ sẽ bị ủy ban tình báo của Quốc hội chất vấn về chuyện này vào hôm thứ Tư.
Các thượng nghị sỹ nói họ muốn hỏi Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Dan Coats, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, Đô đốc Mike Rogers, Quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe và Thứ trưởng Nội vụ, Tướng Rod Rosenstein xem liệu có phải ông Trump đang tìm cách làm lạc hướng cuộc điều tra bằng cách sa thải cựu giám đốc FBI James Comey hay không.
Lời tuyên thệ được đưa ra một ngày sau khi tờ Washington Post đưa tin ông Coats nói với các cộng sự rằng ông Trump đã tìm cách thuyết phục FBI ngưng cuộc điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là Michael Flynn, cùng các mối quan hệ của ông này với điện Kremlin.
Flynn ‘muốn quyền miễn trừ’ để làm chứng
Obama đã cảnh báo Trump về Flynn
Trump biết vụ của Flynn ‘nhiều tuần trước’
Trump ‘đã yêu cầu FBI ngừng điều tra Flynn’
Thế nhưng ông Coats thông qua phát ngôn viên nói hôm thứ Tư rằng ông chưa bao giờ cảm thấy bị áp lực từ phía ông Trump trong phải việc ngưng điều tra, và nói ông sẽ không tiết lộ các nội dung thảo luận giữa ông với tổng thống.
Ngày hôm sau sẽ diễn ra cuộc tuyên thệ được nhiều người quan tâm của ông Comey, người đã lãnh đạo cuộc điều tra cáo buộc liên quan tới Nga cho tới khi bị ông Trump sa thải.
Ông sẽ bị chất vấn về các trao đổi với tổng thống trước khi bị sa thải.
Tại sao cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức?
Ông Comey được cho là đã nói với Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions rằng ông không muốn bị để trong tình huống có mặt một mình cạnh tổng thống.
Sự so sánh của ông Clapper về vụ điều tra Trump-Nga với vụ Watergate sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên – Tổng thống Richard Nixon đã từ chức giữa cuộc bê bối chính trị không tiền khoáng hậu tại Hoa Kỳ, liên quan tới việc do thám, đánh cắp và che đậy thông tin.
Cựu giám đốc cơ quan tình báo phát biểu tại Úc và nói việc tìm hiểu cho tới tận gốc rễ các cáo buộc trên là điều “thực sự cấp bách” cho Hoa Kỳ và cho thế giới.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-40187508
Pháp : Chính phủ đưa ra lịch trình cải cách luật lao động
Chính phủ Pháp đã công bố chương trình và lộ trình cải cách luật lao động ngày 06/06/2017. Được trao cho các đối tác xã hội, bộ khung dự luật cải cách lao động tập trung chủ yếu đến định mức trần bồi thường hòa giải lao động, hợp nhất các cơ quan đại diện hay hợp nhất thỏa thuận doanh nghiệp và thỏa thuận ngành nghề.
Cải cách luật lao động là một trong những cam kết mà tổng thống Emmanuel Macron đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử. Theo « chương trình làm việc », các cải cách sẽ được thông qua bằng sắc luật. Do vậy, một dự luật cho phép chính phủ được quyền làm việc này sẽ được trình và thảo luận trong chính phủ ngày 28/06 và các sắc luật liên quan đến cải cách luật lao động sẽ được công bố trước ngày 21/09.
Để tránh sự phản đối của các nghiệp đoàn, đặc biệt sau đợt biểu tình chống luật lao động năm 2016, thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã « cam kết tôn trọng » mọi đối tác xã hội trong thời gian đàm phán vào mùa hè. Lịch trình đàm phán được chia thành hai giai đoạn nhỏ : khoảng 50 cuộc họp sẽ được tổ chức từ 09/06 đến 21/07, tiếp theo là một đợt đàm phán khác vào tháng Tám và đầu tháng Chín.
Các buổi làm việc sẽ đề cập đến ba chủ đề chính : « hợp nhất thỏa thuận ở cấp doanh nghiệp và thỏa thuận ở cấp ngành nghề », « đơn giản hóa và tăng cường đối thoại kinh tế và xã hội và các đối tác chủ chốt » và « bảo đảm quan hệ lao động ».
Dự thảo cải cách luật lao động cũng đề xuất sáp nhập ít nhất 3 trong số 4 cấp đại diện cho người lao động (Ủy ban doanh nghiệp – Comité d’entreprise/CE, Ủy ban vệ sinh, an toàn và điều kiện làm việc – Le comité d’hygiène, de sécurité et des conditions de travail/CHSCT, ban đại diện nhân sự – délégués du personnel và ban đại diện các công đoàn – délégués des syndicats).
Ngoài ra, dự luật cải cách lao động cũng đề các « mức bồi thường thiệt hại » làm cơ sở cho Hội Đồng Hòa Giải Lao Động ra quyết định trong trường hợp lạm dụng sa thải. Đây là một điểm nhạy cảm, nhưng dường như phần lớn các nghiệp đoàn sẵn sàng đàm phán, để đưa ra một mức trần cao và khả năng một thẩm phán có thể được quyền không tuân thủ mức trần này.
Sau cải cách luật lao động, ngay tháng Chín, một vấn đề quan trọng khác cũng được đề cập, đó là cải cách bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo chuyên ngành và học việc.
http://vi.rfi.fr/phap/20170607-phap-chinh-phu-dua-ra-lich-trinh-cai-cach-luat-lao-dong
Qatar :Khủng hoảng ngoại giao
và hệ lụy tới chiến lược ngoại giao thể thao
Bị các quốc gia vùng Vịnh nhất loạt cô lập, Qatar đang phải chịu những hậu quả nghiêm trọng cho chiến lược ngoại giao thể thao, trong đó có việc tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2022. Từ năm 2000, quốc gia vùng Vịnh này đã không tiếc tiền của đầu tư vào thể thao nhằm tạo dựng hình ảnh một đất nước Qatar phồn vinh và thân thiện với thế giới.
Hôm thứ Hai (05/06), Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Yemen, Bahrein và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar cùng với hàng loạt các biện pháp như đóng cửa biên giới trên không, trên biển và đất liền, cấm thông thương đi lại với quốc gia này. Năm quốc gia vùng Vịnh tố cáo Qatar « ủng hộ khủng bố », đồng lõa với Iran, quốc gia Hồi Giáo Shia, kẻ thù số 1 của các nước Hồi Giáo Suni.
Các biện pháp nhằm cô lập Qatar có thể đe dọa việc tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2022, một sự kiện thể thao đã được lãnh đạo quốc gia dầu mỏ này ấp ủ từ bao lâu nay, coi như là tiêu điểm của chiến lược dùng thể thao để nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước. Giành quyền tổ chức Cúp bóng đá thế giới FIFA là một thắng lợi lớn về ngoại giao của Dohar, chứng tỏ Qatar là đất nước ổn định và thân thiện nhất trong vùng Trung Đông bất ổn triền miên.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có lần này sẽ có thể gây những hệ lụy nghiêm trọng đối với việc xây dựng các sân vận động phục vụ Cúp bóng đá thế giới 2022. Các công trình hạ tầng cơ sở cho sự kiện này dự trù tiêu tốn khoảng 200 tỷ đô la. Nếu việc đóng cửa biên giới với các nước xung quanh kéo dài, tiến độ xây dựng, trang thiết bị cho các công trình chuẩn bị cho Qatar 2022 sẽ bị chậm lại, công việc tổ chức sự kiện sẽ bị xáo trộn.
Từ khi quyền đăng cai tổ chức Cúp thế giới được trao cho Qatar năm 2010, nhiều tranh cãi, chỉ trích đã nổi lên. Ban đầu là lịch trình thi đấu. Theo thông lệ Cúp bóng đá thế giới vẫn được tổ chức từ tháng 6 đến tháng 7, trước những tranh cãi về điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Qatar đã thành công khiến FIFA phải thỏa hiệp rời lịch thi đấu xuống tháng 11 và 12 cho phù hợp.
Chưa hết, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế liên tiếp tố cáo Qatar sử dụng lao động nước ngoài như nô lệ trong các công trường khổng lồ của Cúp thế giới. Nhưng rồi mọi việc lại lắng xuống nhanh chóng. Gần đây nhất, tư pháp Thụy Sĩ và Mỹ mở các cuộc điều tra về nghi vấn tham nhũng ở FIFA liên quan đến bỏ phiếu việc trao quyền đăng cai cho Qatar. Các cuộc điều tra đến nay đã được 2 năm nhưng vẫn không có thêm tình tiết nào mới.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao với các nước Ả Rập trong vùng lần này sẽ là cơ hội để khuấy lại những tranh cãi xung quanh quyền đăng cai Cúp thế giới cho Qatar. Đặc biệt đại bộ phận dư luận quốc tế vẫn bảo lưu ý kiến đòi chuyển sự kiện thể thao lớn này sang nước khác.
Bành trướng đầu tư thể thao ở nước ngoài
Ở Pháp, Qatar đã quá nổi tiếng qua thương vụ năm 2011 quỹ đầu tư Qatar Sport Investments mua lại câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain (PSG). Nhờ nguồn tài chính vô tận của các ông chủ dầu mỏ mà câu lạc bộ bóng đá thành Paris đang trong tình trạng chết đuối, đã nổi lên trở lại là đội bóng hàng đầu của Pháp, vươn ra đấu trường châu lục.
Một vấn đề mới nảy sinh từ vụ khủng khoảng Qatar. Hãng hàng không của Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Fly Emirates là nhà tài trợ chính, đầu tư 25 triệu euros mỗi mùa bóng để được hiện tên trên áo các cầu thủ PSG. Hợp đồng này kéo dài đến năm 2019. Trong bối cảnh Qatar bị phong tỏa như hiện nay, thiệt hại tài chính sẽ không nhỏ cho cả nhà tài trợ cũng như đội bóng của Paris nếu hợp đồng trên bị phá vỡ.
Ngoài ra, Vương quốc Qatar còn là chủ sở hữu nhiều cuộc đua ngựa nổi tiếng ở Pháp. Kênh truyền hình beIN Sport có mặt tại Pháp từ năm 2012 nhưng đã nhanh chóng thâu tóm bản quyền truyền hình các trận đấu của toàn bộ giải vô địch quốc gia bóng đá Pháp Ligue1 cũng như các giải đấu thể thao lớn của quốc tế.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay vừa nổ ra , beIn Sport ngay lập tức đã bị tẩy chay tại Ả Rập Xê Út hay Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, những thị trường chính của tập đoàn truyền thông Qatar. Theo thông tín viên thể thao của RFI tại Cairo, các câu lạc bộ bóng đá và Liên Đoàn Bóng Đá Ai Cập đã thông báo tẩy chay beIN Sport, hiện giữ độc quyền truyền hình các trận đấu bóng của Liên Đoàn Bóng Đá Châu Phi và nhiều giải vô địch quốc gia trong khu vực.
Ngoại giao thể thao, quyền lực mềm của Qatar
Chỉ trong vòng khoảng gần hai chục năm, thế giới đã chứng kiến sự bành trướng ngoại giao thể thao của Qatar. Chính quyền Doha đặt mục tiêu biến đất nước nhỏ bé vùng Vịnh này trở thành trung tâm thể thao của thế giới.
Không chỉ có Cúp thế giới 2022, năm 2015 Qatar đã là nơi tổ chức giải Vô địch thế giới môn bóng ném ; năm 2016 với giải Vô địch thế giới đua xe đạp trong nhà. Chỉ riêng trong năm 2017, Qatar dự kiến tổ chức 39 cuộc thi đấu thể thao quốc tế ở quy mô lớn nhỏ khác. Năm 2018, Qatar sẽ tổ chức các giải Vô địch thế giới về thể dục nghệ thuật và 2019 giải Vô địch điền kinh thế giới cũng sẽ đến với quốc gia dầu mỏ này và 2023 sẽ là giải Vô địch bơi thế giới. Nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các quốc gia trong vùng kéo dài, các chương trình sự kiện đã dự trù trên có thể bị đảo lộn.
Hồi cuối năm 2013, tổng thư ký Ủy Ban Olympic Quốc Gia Qatar, hoàng thân Saoud Addulrahman Al Thani trước báo giới đã ấn định tham vọng đến, vào năm 2030, Qatar sẽ là tổ chức 50 cuộc thi đấu quốc tế, tức là tuần nào cũng có một cuộc so tài thể thao quốc tế.
Người Qatar chỉ còn thiếu một sự kiện lớn khác, đó là Thế vận hội Olympic mùa hè. Ở mục tiêu này, Doha đang sử dụng chiến lược « lấn dần » và chiếm lĩnh trận địa. Ngay từ cuộc đua giành quyền đăng cai kỳ Thế vận hội mùa hè 2016 và 2020, Doha đã tham dự nộp đơn, nhưng hồ sơ của thành phố giàu có này đã bị Ủy Ban Olympic Quốc Tế loại ngay từ trước vòng bỏ phiếu. Thế nhưng Ủy Ban Olympic Qatar vẫn không từ bỏ giấc mơ, vẫn nhăm nhe tính toán cho các kỳ Olympic mùa hè 2028 hoặc 2032 cho dù không có nhiều hy vọng.
Là một quốc gia nhỏ bé, không thể có tiềm lực, phương tiện đủ mạnh để đối phó với các đe dọa từ bên ngoài, tức là quyền lực cứng ở ngoài tầm với của họ, vì thế Qatar chọn « quyền lực mềm » để được nhìn nhận trên trường quốc tế. Không chỉ đơn thuần là chính trị, tổ chức các sự kiện thể thao tầm thế giới cũng là dịp giúp Qatar bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Bỏ cả trăm tỷ đô la đầu tư cho Cúp bóng đá thế giới không chỉ là vấn đề hình ảnh, xa hơn là để Qatar dự trù khả năng nguồn dầu lửa và khí đốt giảm sút khi đó có thể chuyển qua nền kinh tế dựa chủ yếu vào du lịch.
Qatar có thực sự thành công trong thể thao ?
Dù có một chiến lược phát triển thể thao rộng lớn, nhưng Qatar không phải là quốc gia thành công trong lĩnh vực này. Đất nước nhỏ bé này chỉ có khoảng hai chục nghìn vận động viên thể thao cả chuyên nghiệp cũng như không chuyên. Đội tuyển bóng đá Qatar xếp thứ 88 trong bảng xếp hạng của FIFA.
Để lấp vào chỗ trống, Qatar thực thi song song chính sách phát triển đào tạo cùng với nhập khẩu nhân tài thể thao. Người ta giờ đây có thể thấy trong thành phần các đội tuyển của đủ các môn thể thao ở Vương Quốc vùng Vịnh này các vận động viên có gốc gác ở khắp thế giới, từ châu Phi, châu Mỹ, qua châu Âu. Một điều dễ hiểu vì quốc gia nhỏ bé chỉ có 2,4 triệu dân trong đó người nước ngoài chiếm tới 90% nhưng người Qatar thì có tiền và rất nhiều tiền.
(Tổng hợp từ AFO và RFI)
Khủng bố Luân Đôn : Paris xác nhận nạn nhân Pháp thứ ba
Hôm nay, 07/06/2017, tổng thống Emmanuel Macron vừa thông báo nạn nhân Pháp thứ ba thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tối thứ Bảy tuần trước tại Luân Đôn. Như vậy là có tổng cộng 8 người chết trong vụ tấn công khủng bố này. Trong số khoảng 50 người bị thương còn có 8 công dân Pháp.
Sáng nay, cảnh sát Anh đã vớt được một thi thể trên sông Tames vào lúc họ đang tìm kiếm một người Pháp còn bị mất tích trong vụ khủng bố ở Luân Đôn, đó là ông Xavier Thomas, 45 tuổi. Nhưng tổng thống Pháp chưa xác nhận thi thể đó là nạn nhân Pháp thứ ba.
Trong khi đó, bộ trưởng Nội Vụ Tây Ban Nha hôm nay kêu gọi nhà chức trách Anh Quốc đẩy nhanh việc tìm kiếm một công dân Tây Ban Nha mất tích trong vụ tấn công ở Luân Đôn. Đó là ông Ignacio Echeverria Miralles de Imeprial, một luật gia 39 tuổi làm việc tại Luân Đôn, đang đi dạo với bạn bè thì cuộc tấn công xảy ra. Từ 3 ngày qua, gia đình của ông vẫn sợ rằng ông nằm trong số những người thiệt mạng.
Hiện giờ, ngoài 3 người Pháp, người ta được biết trong số nạn nhân có 1 người Anh, 2 người Úc và một người Canada. Như vậy là còn một người chưa được nhận dạng.
Tối thứ Bảy vừa qua, ba kẻ khủng bố đã lái một xe tải nhỏ đâm vào nhiều người đi bộ trên cầu London Bridge, rồi dùng dao tấn công nhiều người tại khu phố Borough Market của Luân Đôn.
http://vi.rfi.fr/phap/20170607-khung-bo-luan-don-paris-xac-nhan-nan-nhan-phap-thu-ba-ok
Châu Âu dự định lập quỹ quốc phòng chung
Ủy Ban Châu Âu hôm nay 07/06/2017 công bố đề nghị chi tiết về một quỹ tài trợ cho quốc phòng của châu lục, trong bối cảnh thích hợp hơn bao giờ hết trước việc Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU) và mối nghi ngờ về những cam kết của đồng minh Hoa Kỳ.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker muốn EU có được sự « tự chủ chiến lược » về quốc phòng, chủ yếu thông qua một chính sách kỹ nghệ chung dựa trên nguồn tài trợ mà hiện nay đang rất cần. Quỹ quốc phòng này một phần được dành cho nghiên cứu công nghệ mới, phần khác dùng để mua chung các trang thiết bị.
Chương trình tài trợ nghiên cứu nhắm vào lãnh vực điện tử, các phần mềm mã hóa và tự động hóa. Theo dự thảo được tiết lộ cuối năm ngoái, thì ngân sách hàng năm kể từ 2020 là khoảng 500 triệu euro.
Chương trình thứ hai dự kiến mỗi năm huy động khoảng 5 tỉ euro, nhờ đó các nước châu Âu có thể mua được công nghệ máy bay không người lái, đặt mua trực thăng với số lượng lớn để có được giá rẻ hơn. Theo Ủy Ban Châu Âu, do thiếu hợp tác giữa các nước thành viên, lâu nay mỗi năm Liên Hiệp Châu Âu lãng phí từ 25 đến 100 tỉ euro.
Đề nghị về quỹ quốc phòng châu Âu được đưa ra chiều nay, cùng với một tài liệu bao quát hơn về tương lai quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu đến năm 2025 để cùng bàn bạc.
Sự ra đi của Anh quốc, vốn luôn phản đối mọi ý kiến về chính sách quốc phòng chung cho châu Âu, là một thuận lợi. Bên cạnh đó là thái độ mập mờ của Hoa Kỳ : tổng thống Donald Trump đòi hỏi Liên Hiệp Châu Âu phải chi nhiều hơn cho quốc phòng, nhưng lại không nhắc đến điều 5 trong hiệp ước NATO, quy định sẽ hỗ trợ trong trường hợp một nước đồng minh bị tấn công.
AFP dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu nhận định, đây là thời điểm lịch sử vì cách đây vài năm không thể nào hình dung được một sự đồng thuận về chiến lược quốc phòng châu Âu, và khả năng tài trợ các hoạt động quân sự từ ngân sách Liên Hiệp Châu Âu. Nay thì các cấm kỵ đã được dỡ bỏ, nhưng vấn đề chính là thiếu thốn nguồn tài trợ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170607-chau-au-du-dinh-lap-quy-quoc-phong-chung
Khủng bố : An ninh và tình báo Anh bị chỉ trích nặng nề
Vào lúc Anh Quốc chuẩn bị bầu Quốc Hội trước thời hạn vào ngày mai, 08/06/2017, các cơ quan an ninh và tình báo nước này đang bị chỉ trích ngày càng nặng nề sau khi có tin là hai trong số ba thủ phạm vụ tấn công khủng bố ở Luân Đôn thứ Bảy tuần trước đã từng được báo cho nhà chức trách.
Vụ xảy ra tại Luân Đôn tối thứ Bảy vừa qua khiến 8 người chết và 48 người bị thương là vụ tấn công khủng bố thứ ba trong vòng chưa tới 3 tháng mà tổ chức Nhà nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm. Cho nên, sau vụ tấn công ở Luân Đôn, dư luận Anh Quốc đang đặt vấn đề về hiệu quả của các cơ quan an ninh nước này trong việc ngăn chận khủng bố.
Hôm qua, cảnh sát Anh đã công bố danh tính của thủ phạm thứ ba, Youssef Zaghba, một thanh niên Ý gốc Maroc 22 tuổi. Họ khẳng định là trước đó không hề biết đến nhân vật này, và cơ quan tình báo Anh MI5 cũng không đặt trong diện theo dõi. Thế nhưng, theo nhà chức trách Ý, Zaghba đã được họ chú ý từ tháng 03/2016 sau khi kẻ này dường như tìm cách đi sang Syria và họ đã thông báo danh tính cho nhà chức trách Anh, xem đó là một nghi can khủng bố tiềm tàng.
Danh tính của hai thủ phạm kia đã được tiết lộ từ thứ Hai : Khuram Shazad Butt, 27 tuổi, công dân Anh sinh ở Pakistan và Rachid Radouane, 30 tuổi, mang hai quốc tịch Maroc và Libya.
Cũng giống như Khalid Masood, thủ phạm vụ khủng bố ở Westminster ngày 22/03 và Salman Abedi, kẻ khủng bố tự sát ở Manchester ngày 22/06, Khuram Butt đã được nhà chức trách Anh biết đến. Thậm chí nhân vật này còn đã xuất hiện trong một phim tài liệu của đài Channel 4 về quân thánh chiến, được phát vào năm ngoái !
Báo chí Anh hôm qua chất vấn là làm sao mà các cơ quan an ninh lại để lọt lưới một người đã công khai đứng trước lá cờ đen của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Ngay chính ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm qua trên đài SkyNews đã nhìn nhận rằng đó là những câu hỏi mà cảnh sát và tình báo phải trả lời.
Đáp lại, cảnh sát Luân Đôn biện bạch rằng, đúng là cảnh sát và cơ quan tình báo MI5 có chú ý đến Khuram Butt, nhưng đã không có những yếu tố nào cho thấy nhân vật đang chuẩn bị một cuộc tấn công.
Tuy vậy, hôm qua, thủ tướng Theresa May đã thông báo là các cơ quan cảnh sát và tình báo sẽ xem xét lại phương pháp làm việc sau vụ khủng bố ở Luân Đôn. Nhưng bản thân thủ tướng Anh cũng đang là đối tượng đả kích. Lãnh đạo đối lập Jeremy Corbyn hôm thứ Hai đã yêu cầu bà Theresa May từ chức vì trong thời gian là bộ trưởng Nội Vụ ( 2010-2016 ), bà đã cắt giảm mạnh số cảnh sát.
Những chỉ trích này gây bất lợi cho lãnh đạo chính phủ bảo thủ trước ngày bầu cử Quốc Hội trước thời hạn. Theo kết quả các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu, đảng bảo thủ vẫn dẫn đầu, nhưng khoảng cách với Công Đảng đang bị rút ngắn, chỉ còn hơn có 2 điểm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170607-khung-bo-an-ninh-va-tinh-bao-anh-bi-chi-trich-nang-ne-ok
Chuyên gia tư vấn NSA
bị bắt vì tiết lộ báo cáo về tin tặc Nga
Một chuyên gia tư vấn, làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ hôm qua 06/06/2017 vừa bị điều tra vì đã chuyển giao các tài liệu bí mật quốc phòng cho báo chí. Người phụ nữ 25 tuổi này bị bắt giữ vào thứ Bảy tuần trước, nguyên là quân nhân, bị cáo buộc đã phổ biến một bản báo cáo của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA) về các âm mưu tấn công tin học của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình :
« Đây là trường hợp đầu tiên bị đặt trong vòng điều tra, trong vụ được gọi là « hồ sơ Nga ». Reality Leigh Winner, 25 tuổi, bị cáo buộc đã chuyển giao một báo cáo mật của NSA cho một trang web thông tin.
Người phụ nữ là cựu quân nhân, trước đây được phép tham khảo các bí mật quốc phòng, được một công ty làm dịch vụ cho chính phủ Mỹ tuyển dụng.
Tài liệu này giờ đây đã được công khai, nêu chi tiết vụ tấn công tin học đại quy mô của cơ quan tình báo Nga, đánh vào các công ty phụ trách tổ chức bầu cử Mỹ. Matcxơva đã chính thức phủ nhận việc này.
Các thông tin được báo chí tiết lộ xác thực đến đâu không mấy quan trọng. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tố cáo các vụ rò rỉ tin tức từ trong bộ máy chính quyền cho các nhà báo. Chính quyền Trump có lẽ muốn dùng vụ này để làm gương. Theo tổng thống Hoa Kỳ, những người tiết lộ thông tin « phải bị coi là những kẻ phản quốc, chứ không phải những người cảnh báo ».
FBI khẳng định Reality Leigh Winner đã thừa nhận sự việc, nhưng luật sư của cô bác bỏ. Cô Winner có nguy cơ lãnh án đến 10 năm tù ».
Theo AFP, đây không phải là một sự ngạc nhiên vì các cơ quan tình báo Mỹ và những công ty làm dịch vụ cho các cơ quan này tuyển dụng nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học giỏi về tin học, mã hóa và ngoại ngữ. Dù chỉ làm việc không lâu, họ vẫn xoay sở để có được những thông tin thuộc loại bí mật quốc phòng. Mẹ của Reality Leigh Winner nói với CNN, cô nắm vững ba thứ tiếng được sử dụng tại Afghanistan, Pakistan và Iran.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170607-mot-nu-nhan-vien-nsa-bi-bat-vi-tiet-lo-bao-cao-ve-tin-tac-nga-ok