Tin khắp nơi – 07/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 07/02/2018

Em gái Kim Jong-un sẽ tới Seoul dự Olympic

Người em gái đầy quyền lực của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông vào thứ Sáu ngày 9/2, các quan chức Seoul cho hay.

Kim Yo-jong, đảng viên Đảng Lao động Bắc Hàn, người được tiến cử vào Bộ Chính trị năm ngoái, sẽ là thành viên đầu tiên của gia đình Kim vượt qua biên giới tới Nam Hàn.

Hai miền Nam và Bắc Triều Tiên sẽ diễu hành dưới một ngọn cờ chung tại lễ khai mạc.

Con gái của Tổng thống Donald Trump, bà Ivanka Trump dự tính cũng sẽ tới Nam Hàn để dự lễ bế mạc Olympic và một vài trận thi đấu trước đó.

Bà được cha mình và Ủy ban Olympic yêu cầu tới dự lễ bế mạc, theo một quan chức Nhà Trắng.

Bà Ivanka Trump sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ tại lễ bế mạc Thế vận hội Mùa đông 2018.

Bắc Hàn ‘dùng sứ quán mua công nghệ vũ khí’

Nam Bắc Hàn ‘chung lá cờ ở Olympics’

Đoàn Bắc Hàn đến Nam Hàn kiểm tra trước kỳ Olympic

Việc Bắc Hàn tham dự Thế Vận Hội được cho là làm tan băng quan hệ song phương giữa hai bên. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật và một số quốc gia khác cáo buộc Bắc Hàn đang sử dụng Olympic Mùa đông cho mục đích tuyên truyền.

Mỹ cũng sẽ cử Phó Tổng thống Mike Pence đến dự lễ khai mạc ở Pyeongchang để đối trọng.

“Chúng tôi tới dự Olympic để đảm bảo Bắc Hàn không sử dụng biểu tượng đầy ý nghĩa của Thế vận hội Mùa đông để che mắt sự thật về chế độ nước này,” ông Pence nói.

Kim Yo-jong là ai?

Sinh năm 1987, Kim Yo-jong là con gái út của cố lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-il và là em gái cùng cha cùng mẹ của Kim Jong-un.

Bà được cho là rất thân thiết với Kim Jong-un, người hơn bà khoảng bốn tuổi. Hai người từng sống và học tập tại Berne, Thụy Sĩ.

Bà kết hôn với con trai của Choe Ryong-hae, Bí thư của Đảng Lao động Bắc Hàn.

Kim Jong-un đưa em gái vào Bộ Chính trị

Kim Jong-un nhấn mạnh ‘quan hệ huyết thống’

Trong những năm gần đây, thỉnh thoảng bà xuất hiện trước công chúng với công việc bảo vệ hình ảnh của anh trai thông qua vai trò của bà trong bộ phận tuyên truyền của đảng cầm quyền.

Bà từng bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen liên quan đến những cáo buộc về lạm dụng nhân quyền ở Bắc Hàn.

Mang thông điệp của anh trai?

Phân tích: phóng viên BBC Laura Bicker từ Seoul

Đây là điều hết sức ngạc nhiên. Trước đó đã có đồn đoán bà Kim Yo-jong có thể đi cùng đoàn đại biểu Bắc Hàn nhưng ít người nghĩ điều này sẽ xảy ra. Động thái này được cho là dấu hiệu chứng tỏ Kim Jong-un nghiêm túc muốn cải thiện quan hệ với Nam Hàn.

Kim Yo-jong là một trong những trợ lý thân cận nhất của Kim Jong-un, và có người đoán bà có thể mang một thông điệp riêng của anh trai tới Seoul.

Nhưng còn một số trở ngại bà phải vượt qua trước khi bà tới được Pyeongchang. Bà bị Mỹ nhắm tới vì các cáo buộc lạm dụng nhân quyền, mặc dù bà không trong danh sách cấm đi lại của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Một vấn đề khác là bà sẽ tới dự Thế vận hội mùa đông bằng cách nào. Seoul phải xin Mỹ và cộng đồng quốc tế cấp phép đặc biệt để các vận động viên và diễn viên Bắc Hàn được vào Nam Hàn bằng xe buýt và phà. Họ có thể phải xin phép một lần nữa cho một thành viên của gia đình ông Kim Jong-un.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42974390

 

Tên lửa Falcon Heavy của Elon Musk phóng thành công

Elon Musk, CEO của SpaceX, công ty chuyên sản xuất thiết bị vũ trụ, đã phóng thành công tên lửa mới của mình, Falcon Heavy.

Vụ phóng tên lửa từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida tính đến trước thời điểm cất cánh được coi là một chuyến bay thử đầy rủi ro.

Musk nói những thách thức trong quá trình phát triển dẫn tới việc tỷ lệ thành công cho lần phóng thử đầu tiên này chỉ là 50-50.

“Tôi đã tưởng tượng trong đầu hinh ảnh một vụ nổ khổng lồ ngay trên bệ phóng, chiếc bánh thì nảy trên mặt đường. Nhưng thật may mắn là điều đó không xảy ra,” ông nói với các phóng viên sau sự kiện.

Kiện hàng được gửi lên vũ trụ trong thử nghiệm này là chiếc ô tô Tesla của chính Elon Musk, theo kế hoạch sẽ tới quỹ đạo sao Hoả.

Với lần phóng thử thành công này, Falcon Heavy đã trở thành tên lửa mạnh nhất thời điểm hiện tại.

Hai trong số ba tên lửa đẩy đã hạ cánh thành công sau khi tách ra, tiếp đất gần như đồng thời.

“Quả là một giây phút lịch sử,” Musk nói. “Đó là khoảnh khắc phấn khích nhất mà tôi từng chứng kiến.”

Phần tên lửa đẩy thứ ba theo kế hoạch lẽ ra hạ cánh xuống một sà lan trên biển, nhưng đã không thành công khi bộ phận giảm tốc hoạt động không hiệu quả. Tên lửa lao đã xuống nước với vận tốc 500km/h.

http://www.bbc.com/vietnamese/media-42972049

 

Chứng khoán châu Á bật tăng theo Wall Street

Chứng khoán châu Á hồi phục hôm 7/2 hưởng ứng phiên phục hồi vào đêm qua ở Wall Street.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 3,2% sau khi giảm gần 7% trong phiên giao dịch trước.

Sự hồi phục này là sự nối tiếp phiên đảo chiều ở Mỹ đóng cửa với chỉ số Dow Jones tăng 2,3%.

Chứng khoán Mỹ lao dốc khiến toàn cầu bán tháo

Bình luận về tỷ phú bất động sản ở VN

VN Index có bắt đầu lao dốc?

Công ty có vốn Thái mua nhiều cổ phần Sabeco?

Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 2,8%, trong khi S&P/ASX 200 của Úc tăng 1,3%, và chỉ số Kospi của Nam Hàn giữ ổn định.

Điều gì đã xảy ra ở Mỹ?

Tại Wall Street, Nasdaq đóng cửa tăng 2,1% và chỉ số S&P 500 tăng 1,7%.

Điều này đã giúp thị trường giảm căng thẳng sau làn sóng bán tháo toàn cầu bắt đầu vào tuần trước.

Các nhà đầu tư bán phá giá cổ phiếu sau khi có dự báo sự tăng trưởng vững vàng của kinh tế Mỹ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.

VN muốn tăng tốc cổ phần hóa DNNN

Vụ bán cổ phần Sabeco có diễn biến mới

Hãng túi khí Nhật Takata nộp đơn phá sản

Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh có cắt giảm thuế mới, căng thẳng thương mại khiến các nhà phân tích cho rằng có thể dẫn đến lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến.

Hôm 5/2, chỉ số Dow Jones sụt giảm gần 1.200 điểm (tương đương 4,6%), kéo theo thiệt hại ở thị trường châu Á và châu Âu.

Sự sụt giảm của chỉ số Dow Jones trong ngày 5/2 đạt mức lớn nhất kể từ tháng 8/2011, thời điểm thị trường giảm do hậu quả của “Thứ Hai Đen” – ngày hãng Standard & Poor hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ.

Nhà phân tích Oriano Lizza của CMC Markets cho biết: “Nhiều người cho rằng sự suy thoái gần đây là một điều cần thiết cho thị trường và xem đó là cơ hội để các nhà đầu tư tái đầu tư ở mức có thể quản lý được.”

Các nhà phân tích nói rằng trong ngắn hạn, các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý trước thị trường nhiều biến động hơn.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42935455

 

Đài Loan: Hàng loạt dư chấn sau động đất

Đã có ít nhất bốn người chết và hơn 200 người bị thương sau trận động đất làm rung chuyển Đài Loan đêm 6/2.

Trận động đất 6,4 độ Richter làm đổ nhà ở Hoa Liên thuộc vùng bờ biển phía Đông xảy ra lúc 23:50 (15:50 GMT).

Người dân trong thành phố được thông báo phải tránh xa các ngôi nhà hư hỏng.

Đài Loan: Động đất làm đổ nhà ở Hoa Liên

Châu Á-Thái Bình Dương: động đất và núi lửa

Động đất chết người ở Tứ Xuyên, Trung Quốc

Bắc Hàn: Động đất nhỏ gần nơi thử vũ khí

Khoảng 800 người đã và đang trú ẩn trong các tòa nhà công cộng.

Hoa Liên là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Đài Loan, dân số khoảng 100.000 người.

Các ảnh chụp từ thành phố cho thấy các công trình bị đổ nghiêng, các mảnh vỡ rải rác và nhiều con đường trong khu vực bị phá hủy.

Nhiêu tòa nhà bị hư hỏng nặng, bao gồm bệnh viên, truyền thông địa phương cho hay.

Đội cứu hộ, trong đó có quân đội, đã làm việc suốt đêm để giải cứu khoảng 150 người từ các tòa nhà hư hỏng. Tuy nhiên nỗ lực cứu hộ bị gián đoạn do các cơn dư chấn mạnh.

Tầng hầm và tậng trệt của khách sạn 10 tầng Marshal bị phá hủy sau trận động đất.

Một nhân viện được cứu thoát nhưng hai người khác được cho là vẫn mắc kẹt trong tòa nhà.

Trận động này xảy ra chính xác hai năm sau trận động đất trước đó ở vùng Đài Nam khiến ít nhất 116 người chết.

“Nhanh nhất có thể”

Ít nhất hai người đang bị mắc kẹt trong khu dân cư. Khoảng 40.000 căn nhà không có nước, đường cao tốc và cầu phải ngừng hoạt động.

Văn phòng và trường học trong thành phố sẽ vẫn đóng cửa vào Thứ Tư 7/2.

Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh đã đến Hoa Liên hôm 7/2.

“Nhóm chính phủ đã được huy động và sẽ thực hiện việc cứu trợ thiên tai nhanh nhất có thể”, một tuyên bố từ văn phòng Tổng thống cho hay.

Thông cáo cho hay người dân Đài Loan đã sơ tán cách khu vực động đất hơn 160km.

Đài Loan đã có tới hơn 100 trận động đất trong tháng này, theo thông báo của chính phủ. Hòn đảo này nằm gần một nút giao cắt của hai tầng kiến tạo và thường xuyên xảy ra động đất.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42970688

 

Canada bán trực thăng cho Philippines

Philippines vừa mua 16 trực thăng Bell của Canada, trị giá gần 235 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ công tác chống phiến quân Hồi giáo và các cuộc nổi dậy ở trong nước.

AFP dẫn lời của giới chức Bộ Quốc Phòng Philippines cho biết như vừa nêu vào ngày 7 tháng Hai.

Phát ngôn nhân Arsenio Andolong của Bộ Quốc Phòng Philippines cho AFP biết là Philippines đã ký hợp đồng với tập đoàn quốc doanh Canada Commercial Corp để mua 16 chiếc trực thăng Bell 412EPI và dự trù hàng sẽ được giao trong 9 tháng.

Ông Arsenio cho biết thêm những chiếc trực thăng này được sử dụng cho mục đích chống lại khủng bố cũng như có thể dùng để cứu trợ thiên tai.

Đại sứ Canada Hohn Holmes chia sẻ trên mạng xã hội Facebook rằng thương vụ này thật sự mang lại lợi ích cho người dân Philippines, giúp cho Manila trong công tác tìm kiếm và cứu trợ về thiên tai.

Philippines ký kết mua 16 trực thăng Bell của Canada chỉ trong vòng 3 tháng sau khi Thủ tướng Justin Trudeau phản đối Tổng thống Rodrigo Duterte trong chiến dịch chống ma túy ở Phi. Thủ tướng Trudeau, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Manila, hồi tháng 11 năm ngoái, đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Rodrigo hãy tôn trọng nhân quyền, luật pháp và không giết người chưa qua xét xử.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/canada-sells-16-helicopters-to-philippines-after-drug-war-row-02072018084007.html

 

Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời

để tránh đóng cửa chính phủ

Hạ viện Mỹ hôm 6/2 thông qua một dự luật chi tiêu có tính tạm thời để tránh tình huống chính phủ liên bang phải đóng cửa, vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông “không màng” chứng kiến cảnh chính phủ bị đóng cửa, nếu luật di trú không được thương lượng.

Hạ viện đã bỏ phiếu với tỉ lệ 245-182, thông qua dự luật chi tiêu tạm thời, và chuyển lên Thượng viện. Dự luật cấp ngân sách cho hầu hết các cơ quan chính phủ cho đến ngày 23/3.

Đây là biện pháp tạm thời thứ năm liên tiếp của tài khóa liên bang hiện nay, bắt đầu vào ngày 1/10 năm ngoái. Các biện pháp tạm thời là điều cần thiết khi Quốc hội không thông qua toàn bộ ngân sách vào ngày 1/10.

Thượng viện dự kiến sẽ xem xét dự luật của Hạ viện hôm 7/2 và có thể thay đổi nó, yêu cầu đưa nó trở lại Hạ viện để họ xử lý tiếp, trong khi thời hạn chót để Tổng thống Trump ký vào dự luật hoàn chỉnh là ngày 8/2 đang sắp đến.

Dự kiến các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện sẽ chống đối dự luật của Hạ viện bao gồm điều khoản tăng ngân quỹ cho Ngũ Giác Đài cho tới ngày 30/9, ngày cuối của tài khóa hiện tại, trong khi loại trừ bất cứ khoản tăng nào cho các chi tiêu phi quốc phòng.

Tuy nhiên, các thành viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ đều nói hai bên đang đạt tiến bộ hướng tới một thỏa thuận ngân sách sẽ đặt ra giới hạn chi tiêu mới và cao hơn cho các chương trình quốc phòng và phi quốc phòng.

Về vấn đề di trú, dự luật của Hạ viện không chứa đựng những thay đổi về luật di trú của Hoa Kỳ, đây là điểm chính trong cuộc tranh cãi giữa hai đảng đã dẫn tới việc đóng cửa chính phủ trong ba ngày vào tháng trước.

Các nhà lập pháp đang gặp nhiều khó khăn trong cố gắng đạt thỏa thuận về một dự luật di trú, dù có sự ủng hộ rộng rãi trong công chúng đối với việc giúp những người gọi là Dreamers, tức hàng trăm ngàn thanh thiếu niên gốc Châu Mỹ Latinh nhập cư vào Mỹ từ nhỏ mà không có giấy tờ hợp lệ, được phép học và làm việc tại Hoa Kỳ mà không sợ bị trục xuất, nhờ một chương trình do cựu Tổng thống Dân chủ Barack Obama lập ra.

Ông Trump nói bất kỳ thỏa thuận nào về nhập cư nào cũng phải bao gồm những thay đổi đối với các chương trình nhập cư hợp pháp, theo đó sẽ đánh giá đương đơn về kỹ năng của họ chứ không dựa trên nước xuất xứ hoặc mối quan hệ với người cư trú tại Hoa Kỳ. Đảng Dân chủ phản đối ý tưởng này.

https://www.voatiengviet.com/a/my-thong-qua-du-luat-chi-tieu-tam-thoi-de-tranh-dong-cua-chinh-phu/4242819.html

 

TT Trump muốn Bộ QP tổ chức duyệt binh ở thủ đô

Tổng thống Trump ra lệnh cho Ngũ Giác Đài xem xét tổ chức duyệt binh tại thủ đô Washington, tương tự như cuộc duyệt binh vào dịp Lễ Quốc khánh Pháp mà ông đã được dự hồi năm ngoái ở Paris – nhưng với quy mô lớn hơn và ấn tượng hơn, Tòa Bạch Ốc xác nhận thông tin này hôm 6/2.

Tối 6/2, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders cho biết trong một tuyên bố: “Tổng thống Trump rất ủng hộ các quân nhân can trường của Hoa Kỳ, những người đứng trước nguy cơ bị đe dọa tới mạng sống mỗi ngày để bảo đảm an ninh cho đất nước chúng ta”.

Bà nói thêm: “Ông đã yêu cầu Bộ Quốc phòng xem xét thực hiện một buổi lễ mà ở đó mọi người Mỹ đều có thể bày tỏ lòng cảm kích của họ”.

Ngày giờ cuộc duyệt binh chưa được xác định, nhưng Ngũ Giác Đài tỏ ý muốn chọn Ngày Cựu chiến binh thường được cử hành vào tháng 11, theo báo Washington Post.

Địa điểm cũng chưa được quyết định, nhưng tờ báo nói Tổng thống Trump muốn cuộc duyệt binh diễn ra dọc theo Đại lộ Pennsylvania, con đường chạy ngang qua Tòa Bạch Ốc, Điện Capitol và khách sạn Trump International.

Nhiều đời tổng thống Mỹ lâu nay vẫn tránh những màn phô diễn sức mạnh quân sự như vậy- gồm xe tăng, tên lửa và các cuộc diễn binh – vì lo ngại sẽ bị so sánh với các đối thủ của Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh, chẳng hạn như Nga (trước đây là Liên Xô), hay với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, nơi mà các cuộc duyệt binh là biểu tượng cho sức mạnh của nhà nước.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-muon-bqp-to-chuc-duyet-binh-o-thu-do/4242771.html

 

Hoa Kỳ mở Văn phòng đại diện Cục Kiểm dịch động thực vật

tại Việt Nam

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội hôm 6/2 khai trương Văn phòng đại diện Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. Phó giám đốc APHIS, bà Cheryle Blakely, Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink, và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Trần Thanh Nam chính thức khai trương văn phòng này.

Do trao đổi thương mại nông nghiệp đang tăng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, APHIS sẽ đóng vai trò quan trọng cho trong việc đảm bảo các cơ hội trao đổi thương mại mới được hiện thực hoá và các trao đổi thương mại hiện tại giữa hai nền kinh tế diễn ra suôn sẻ.

Văn phòng APHIS tại Hà Nội duy trì quan hệ hợp tác về mặt kỹ thuật với các đối tác Việt Nam để giải quyết các vấn đề về Vệ sinh và Kiểm dịch động thực vật (SPS) ngay khi chúng phát sinh. Ngoài ra, APHIS có vai trò điều tiết, giúp đảm bảo dòng chảy thương mại nông nghiệp giữa hai bên đạt tiêu chuẩn quốc tế về sức khoẻ động thực vật. Khía cạnh này trong sứ mệnh của APHIS đã giúp Việt Nam xuất khẩu nhiều loại trái cây, gồm trái vú sữa, mà giờ đã đến tay người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Trước đó vào tháng 4 năm ngoái APHIS đăng Công báo Liên bang cho biết quả vú sữa tươi của Việt Nam đã chính thức được chấp thuận nhập khẩu vào thị trường Mỹ và quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/1/2018. Báo Tuổi trẻ cho biết cho đến nay, Hoa Kỳ đã đồng ý nhập năm loại trái cây của Việt Nam gồm: thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa.

Đại sứ Kritenbrink phát biểu tại buổi lễ hôm 6/2 nói: “Việc mở văn phòng APHIS tại Việt Nam là minh chứng mới nhất cho những nỗ lực của chúng tôi trong việc tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước, và tạo mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa chính phủ và người dân hai nước chúng ta.”

Cục kiểm dịch động thực vật là một cơ quan đa chức năng với nhiều nhiệm vụ, bao gồm bảo vệ và cải thiện an toàn trong nông nghiệp Hoa Kỳ, giám sát các sản phẩm biến đổi gen, quản lý Đạo luật Phúc lợi Động vật và thực hiện các hoạt động quản lý động vật hoang dã. Những nỗ lực này hỗ trợ nhiệm vụ chung của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, đó là bảo vệ và cải thiện tình hình lương thực, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.

https://www.voatiengviet.com/a/4242759.html

 

Phó Tổng thống Mỹ

sẽ loan báo lệnh trừng phạt Triều Tiên nghiêm khắt nhất

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence hôm thứ Tư 7/2 nói rằng Hoa Kỳ sẽ sớm công bố các biện pháp chế tài kinh tế “mạnh mẽ và nghiêm khắc nhất” chưa từng có đối với Triều Tiên.

Phát biểu sau cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Pence nói Hoa Kỳ tiếp tục duy trì áp lực lên Triều Tiên cho đến khi nào Bình Nhưỡng chấm dứt và từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.”

Phó tổng thống Mỹ không cho biết chi tiết các ngành nào bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mới cũng như khi nào các lệnh trừng phạt được loan báo.

Phó Tổng thống Pence và Thủ tướng Abe, tại cuộc họp và sau đó trong tuyên bố chung tại dinh thủ tướng, đã nói về việc tăng cường liên minh quân sự giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ trước mối đe dọa của Triều Tiên.

“Hoa Kỳ cam kết cung cấp cho Nhật Bản thêm các hệ thống phòng thủ tối tân, và hai nước sẽ cùng làm việc với nhau để triển khai các hệ thống phòng thủ mới này càng sớm càng tốt,” ông Pence phát biểu. Trước đó trong ngày, phó tổng thống Mỹ đã chứng kiến tên lửa đánh chận PAC-3 được đưa vào bệ phóng để sẵn sàng hoạt động.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói ông và Phó Tổng thống Pence đã dành nhiều thời giờ hôm thứ Tư để thảo luận về Triều Tiên và “hoàn toàn nhất trí” về các chính sách đối với Bình Nhưỡng.

Ông Abe nói thêm rằng Triều Tiên tiếp tục các hành động gây hấn, và một cuộc diễu binh dự kiến sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng trong cùng ngày Thế vận hội mùa đông Pyeongchang khai mạc ở Hàn Quốc.

Cả hai ông Abe và Pence đều tỏ ra nghi ngờ về việc tình trạng căng thẳng giảm bớt giữa hai miền Triều Tiên sẽ kéo dài.

Ông Pence nói: “Triều Tiên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc không tôn trọng các cam kết, những mưu đồ xảo quyệt, và hành động leo thang gây hấn.”

Phó tổng thống Mỹ đang trong chuyến công du Đông-bắc Á, bao gồm sứ mạng dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến tham dự Olympic mùa Đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc.

Ông nói: “Chúng tôi đến đó để cổ vũ cho các vận động viên của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng đến đó để sát cánh với các đồng minh của chúng tôi và nhắc cho thế giới rằng Triều Tiên là một chế độ toàn trị và áp bức nhất hành tinh.”

Một số vận động viên Triều Tiên sẽ tham gia Olympic và sẽ diễu hành dưới một ngọn cờ chung với đoàn Hàn Quốc.

Ông Pence nói: “Chúng tôi sẽ không cho phép tuyên truyền của Triều Tiên cướp đi thông điệp và hình ảnh của Thế vận hội.”

Các giới chức Hoa Kỳ, trong đó có ông Pence và Ngoại trưởng Rex Tillerson, không loại trừ khả năng Phó Tổng thống Pence có thể gặp gỡ một giới chức của Triều Tiên trong dịp Thế vận hội này.

“Về việc tiếp xúc với phái đoàn Triều Tiên, tôi không đề nghị cuộc gặp gỡ nào hết,” ông Pence nói tại Alaska hôm thứ Hai. “Nhưng chúng tôi sẽ xem xét tình hình.”

Phái đoàn của Triều Tiên đến Pyeongchang có ông Kim Yong Nam, nhân vật lãnh đạo thường chịu trách nhiệm về các hoạt động ngoại giao mang tính nghi thức của chính phủ Bình Nhưỡng, và bà Kim Yo Jong, em gái có nhiều ảnh hưởng của lãnh tụ Kim Jong Un.

Trong phái đoàn Mỹ đến Pyeongchang có phu nhân phó tổng thống, bà Karen Pence; Đại tướng Lục quân Vincent Brooks, tư lệnh các lực lượng Mỹ và Liên hiệp quốc tại Bán đảo Triều Tiên; người tiền nhiệm của ông Brooks, Đại tướng Lục quân hồi hưu James Thurman; Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce; Đại biện lâm thời tại Ðại sứ quán Mỹ ở Hàn Quốc Marc Knapper; và nữ vận động viên huy chương vàng môn trượt băng nghệ thuật tại Olympic mùa đông 2002 Sara Hughes.

Ông Fred Warmbier, cha của Otto Warbier, một sinh viên Mỹ bị Triều Tiên giam tù và đã chết hồi năm ngoái sau khi được trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê, sẽ là khách mời đặc biệt của Phó Tổng thống Pence tại lễ khai mạc Olympic.

Theo một giới chức Tòa Bạch Ốc, hình ảnh ông Warmbier ngồi cạnh Phó Tổng thống Pence “nhắc cho thế giới về sự tàn bạo đang diễn ra ở Triều Tiên.”

Sau khi phát biểu trước các quân nhân Mỹ tại căn Căn cứ Không quân Yokota ở Nhật Bản sáng thứ Tư 7/2, phó tổng thống sẽ đáp máy bay sang Seoul, tại đó ông sẽ họp với Tổng thống Moon Jae-in của nước chủ nhà Olympic.

https://www.voatiengviet.com/a/pho-tong-thong-my-se-loan-bao-lenh-trung-phat-trieu-tin-nghiem-khac-nhat/4242707.html

 

Thâm thủng mậu dịch của Mỹ tăng cao

Trong năm 2017, thâm thủng mậu dịch của Mỹ lên đến mức cao nhất trong 9 năm, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump mang lại cân bằng nhiều hơn cho các quan hệ mậu dịch của nước Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 6/2 loan báo khoảng cách thương mại về hàng hóa và dịch vụ lên đến 566 tỉ đô la vào năm ngoái, mức cao nhất so với 708,7 tỉ đô la trong năm 2008. Nhập khẩu đạt mức kỷ lục 2.900 tỉ đô la so với xuất khẩu là 2.300 tỉ đô la.

Thâm thủng mậu dịch về hàng hóa của Mỹ là 810 tỉ đô la và thặng dư 244 tỉ đô la trong các ngành dịch vụ như ngân hàng và giáo dục.

Thâm thủng về hàng hóa với Trung Quốc đạt mức kỷ lục 375,2 tỉ đô la trong năm 2017 và thâm thủng đối với Mexico ở mức 71,1 tỉ đô la.

Ông Trump đã tìm cách giảm bớt thâm thủng với Trung Quốc và Mexico. Chính quyền của ông đang cân nhắc là có nên áp đặt chế tài về thương mại đối với Trung Quốc hay không vì nước này đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.

Mỹ cũng đang thương thuyết lại Hiệp ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada.

Tổng cộng thâm thủng mậu dịch tháng 12 về hàng hóa và dịch vụ lên đến 53,1 tỉ đô la so với 50,4 tỉ đô la trong tháng 11 và cao nhất kể từ tháng 10 năm 2008.

https://www.voatiengviet.com/a/tham-thung-mau-dich-cua-my-tang-cao/4242335.html

 

Mỹ tranh thủ Triển Lãm Hàng Không Singapore

để rao bán vũ khí

Trọng Nghĩa

Nhân Triển Lãm Hàng Không Quốc Tế mở ra tại Singapore hôm 06/02/2018, Hoa Kỳ đã có một động thái hiếm hoi : Lần đầu tiên kể từ năm 2009 đến nay, Washington cử nhà ngoại giao hàng đầu chuyên trách việc bán vũ khí đến tận nơi để quảng bá cho vũ khí Mỹ. Mục tiêu không ngoài việc rao bán cho các nước trong vùng, đặc biệt là Đông Nam Á.

Theo hãng tin Mỹ AP, bà Tina Kaidanow, nhân vật lãnh đạo bộ phận giám sát hồ sơ bán vũ khí tại bộ Ngoại Giao Mỹ, sẽ có mặt tại Singapapore trong suốt thời gian diễn ra cuộc triển lãm (6-10/02). Tháp tùng theo bà đến Singapore là một phái đoàn hùng hậu, trong lúc tại cuộc triển lãm đã có đến hơn 170 công ty Mỹ tham gia, với những gian hàng chiếm đến 1/3 không gian của hội chợ.

Phát biểu với hãng tin Mỹ, bà Kaidanow đã xác nhận hai mục tiêu đưa bà đến triển lãm Singapore. Đó là thúc đẩy việc bán vũ khí Mỹ, giúp người Mỹ có công ăn việc làm, đồng thời góp phần giúp các đối tác trong khu vực tăng cường an ninh. Một cách cụ thể, bà Kaidanow cho biết, phía Mỹ sẽ làm « tất cả có thể » để khuyến khích các chính phủ châu Á mua vũ khí Mỹ, như máy bay chiến đấu F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất và tên lửa của hãng Raytheon.

Tại Singapore, hãng Lockheed Martin chẳng hạn, đã cho ra mắt phiên bản F35B, có thể cất cánh hay hạ cánh trên một đường bay ngắn, thậm chí bay lên hay đáp xuống gần như theo chiều thẳng đứng.

Theo ghi nhận của hãng Reuters, động thái của Mỹ tại Singapore mang hai ý nghĩa :

– Trước hết, đây là một bài trắc nghiệm thực tế chiến lược mới của chính quyền Donald Trump, muốn hai bộ Quốc Phòng và Ngoại Giao Mỹ đóng một vai trò tích cực hơn trong việc bán vũ khí ra nước ngoài, dĩ nhiên là vẫn đòi hỏi sự chấp thuận của bộ Ngoại Giao.

– Nhìn xa hơn, động thái này được cho là nhằm giúp Hoa Kỳ hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, đã không ngần ngại cho thấy sức mạnh thông qua kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới, cũng như qua các hành động áp đặt chủ quyền tại Biển Đông.

Trên vấn đề này, hãng tin Mỹ AP nhắc lại rằng mới đây, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một chiến lược an ninh mới, trong đó có nhấn mạnh đến việc phải chống lại sự vươn lên của Trung Quốc và củng cố sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nơi mà Bắc Kinh và Washington đang tố cáo lẫn nhau là tăng cường tiềm lực quân sự, làm dấy lên căng thẳng.

Việc đẩy mạnh bán vũ khí nằm trong chiến lược an ninh đó. Tại Châu Á, vũ khí Mỹ hiện có những khách hàng lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc, Đài Loan, còn tại vùng Đông Nam Á, đó là Singapore, Indonesia, nếu chỉ kể đến những khách hàng quan trọng.

Gần đây, mối quan tâm của Mỹ cũng chuyển sang Việt Nam. Bản thân bà Kaidanow đã xác nhận rằng mới đây bà đã có một chuyến thăm “đặc biệt hữu ích” đến Việt Nam tham gia Đối thoại Chính trị và Quốc phòng Việt-Mỹ ở Hà Nội.

Sau khi nhắc lại việc chuyển giao tàu tuần tra cho Cảnh Sát Biển Việt Nam, bà đã tỏ hy vọng là Việt Nam « sẽ cân nhắc chọn các công ty Mỹ không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn ở các mảng khác ».

Tại Singapore, bà Kaidanow sẽ gặp các quan chức từ Nhật Bản, Canada và một số nước Đông Nam Á để thảo luận về việc mua vũ khí Mỹ. Theo bà, các nước Đông Nam Á nên hiểu rằng việc mua vũ khí của Hoa Kỳ « không chỉ là vấn đề an ninh, mà còn là vấn đề tương quan lực lượng khu vực ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180207-my-tranh-thu-trien-lam-hang-khong-singapore-de-rao-ban-vu-khi

 

Trung Quốc thử nghiệm thành công

tên lửa đánh chặn phi đạn

Trung Quốc ngày 6/2 loan báo thử nghiệm thành công một hệ thống phòng vệ đánh chặn phi đạn trong lãnh thổ nước này. Loan báo được đưa ra giữa những căng thẳng về chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên và việc phát triển quân sự của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong một tuyên bố ngắn trên trang mạng cho hay vụ thử nghiệm ngày 5/2 đã đạt được “mục tiêu định trước,” nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Ngăn chặn phi đạn trên đường bay liên hệ đến việc hủy diệt một phi đạn đạn đạo khi phi đạn này đang bay trong không gian trước khi trở lại bầu khí quyển.

Bộ Quốc phòng nói việc thử nghiệm này có tính cách phòng vệ và không nhắm vào bất cứ quốc gia nào cả.

Trung Quốc là đối tác kinh tế và ngoại giao thân cận nhất của Triều Tiên nhưng Bắc Kinh đã chấp thuận những chế tài ngày càng khắc nghiệt của Liên hiệp quốc nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Dù có mối đe dọa này, nhưng Trung Quốc vẫn cực lực chống lại việc triển khai hệ thống phòng vệ chống phi đạn tối tân có tên là THAAD của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc và cho biết Trung Quốc sẽ có những biện pháp đáp trả.

Bắc Kinh cũng đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện quân sự tại những đảo nhân tạo ở Biển Đông dù các nước khác trong vùng cũng đòi chủ quyền chồng chéo nhau.

Trung Quốc cũng liên tục điều động các tàu thuyền của lực lượng tuần duyên vào vùng biển do Nhật Bản kiểm soát chung quanh những đảo không người ở tại Biển Hoa Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ.

Theo mô tả, cuộc thử nghiệm ngày 5/2 là thử nghiệm hệ thống SC-19 đã được dùng để bắn hạ một vệ tinh Trung Quốc vào năm 2007, ông Sam Roggeveen, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney nói.

Tuy nhiên, vụ thử nghiệm này có thể không bao gồm việc ngăn chặn thực sự bằng việc dùng tên lửa hủy diệt phi đạn, nhưng có thể chỉ là việc thử nghiệm một bộ phận đẩy phi đạn, ông Roggeveen nói. Ông cũng cảnh báo chống lại những dự đoán là việc thử nghiệm nhằm vào Hoa Kỳ, thay vào đó, ông cho là nhắm vào các quốc gia khác trong vùng.

Ông Roggeveen nói “Hệ thống phi đạn này được thiết kế để ngăn chặn những phi đạn đạn đạo tầm trung, và Washington không triển khai loại này tại châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác, cả Triều Tiên lẫn Ấn Độ đều có loại phi đạn này nên vụ thử nghiệm là nhằm vào những loại phi đạn đó.”

Ấn Độ, nước láng giềng có vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, tranh chấp về biên giới với Bắc Kinh với hậu quả là một cuộc đối đầu kéo dài một tuần lễ vào năm ngoái giữa lực lượng vũ trang hai bên. Hai nước cũng tranh chấp về ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương.

Khả năng chế tạo độc lập các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và hệ thống phòng thủ phi đạn, là những yếu tố chính để Trung Quốc lớn mạnh trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu, ông Roggeveen nói.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-thu-nghiem-thanh-cong-ten-lua-danh-chan-phi-dan/4242326.html

 

Tai nạn trên biển Hoa Đông :

Nhật lo nhiều bãi biển đẹp bị xăng trắng tàn phá

Trọng Thành

Tai nạn tàu chở dầu ở biển Hoa Đông, đầu tháng Giêng 2018, một tháng sau thảm họa vẫn tiếp tục gây lo ngại, do các tác động đến môi trường chưa được xác định rõ. Trong lúc chính quyền Trung Quốc tuyên bố phạm vi dầu loang đang dần dần thu hẹp, một số thông tin cho biết dầu có thể lan đến nhiều vùng bờ biển Nhật Bản.

Đây không phải là lần đầu tiên tai nạn xảy ra tại khu vực được mệnh danh là « Tam giác Quỷ » mới (hay tam giác Bermuda) ở biển Hoa Đông, nơi ít nhất 33 tàu mất tích năm 2016. Tuy nhiên, thảm họa đắm tàu Sanchi gây lo ngại lớn, bởi loại dầu được chuyên chở trên tàu là « condensate » (thường gọi là xăng nhẹ hay xăng trắng).

Đây là tai nạn tàu chở xăng trắng lớn đầu tiên trên biển, cũng là tai nạn tàu dầu lớn đầu tiên tại biển Hoa Đông. Các tác động môi trường biển của loại hóa chất này còn rất được nghiên cứu, cho dù về mặt định lượng, số xăng dầu trên chiếc tàu gặp nạn ở biển Hoa Đông được coi là « chỉ bằng » khoảng 1 phần 5 so với lượng dầu thoát ra vùng Vịnh Mêhicô, trong thảm họa BP năm 2010.

Hiện tại không biết rõ bao nhiêu trong số 136.000 tấn xăng trắng đã hòa vào đại dương, còn bao nhiêu đã bốc cháy. Trả lời báo La Croixhôm 23/01/2018, ông Christophe Rousseau, phó giám đốc trung tâm Pháp CEDRE (Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về các tai nạn trên sông biển), cho biết thứ xăng thoát ra từ chiếc tàu dầu Iran là « một loại dầu thô rất nhẹ, độc hại và dễ bắt lửa ».

Khó dự đoán tác động của xăng trắng

Chuyên gia Christophe Rousseau giải thích : Xăng trắng không màu, ảnh hưởng rất khác đến môi trường, so với với các loại thảm họa mà chúng ta vẫn quen gọi là « thủy triều đen ». Xăng trắng bốc rất nhanh, thành các loại hơi độc. Xăng trắng, ít hòa tan trong nước biển, một phần lớn nổi lên trên mặt biển thành một lớp màng mỏng, lấp lánh như màu cầu vồng.

Để dễ hình dung, ta lấy một lượng xăng trắng bằng một thìa xúp, và đổ lên mặt nước phẳng, lượng xăng này sẽ mở rộng ra một diện tích tương đương với một sân bóng đá. Hãy tưởng tượng với hàng chục nghìn tấn ! (1)

Theo chuyên gia Pháp, về mặt lý thuyết, thảm dầu sẽ còn tiếp tục trải rộng ra, và bốc hơi, trước khi bị sóng biển làm tan đi, cùng với tác động của các vi khuẩn trong nước biển. Tuy nhiên đó chỉ là dự báo lý thuyết, vì đây là tai nạn tàu chìm đầu tiên với lượng xăng trắng lớn đến như vậy. Rất khó dự đoán điều gì xảy ra tiếp theo. Rất khó dự đoán về tác động của xăng trắng đến các loại chim biển, các loài sinh vật dưới biển, đặc biệt là loài phù du – thức ăn chính của nhiều sinh vật biển – sống ở tầng nước mặt.

Theo Le Monde, nếu như xăng trắng không tác động nhiều đến các tầng nước sâu, nguy hiểm đầu tiên là ô nhiễm không khí, và nguy cơ gây cháy gia tăng hơn nữa tại vùng biển giao thông tấp nập này. Bên cạnh đó, nếu lan về phía Trung Quốc, thảm dầu có thể đe dọa vùng biển Châu Sơn (Zhou Shan), vùng đánh cá lớn nhất của nước này, ngoài khơi tỉnh miền đông Chiến Giang (Zhejiang).

Năm 2016, khoảng 5 triệu tấn cá đã được khai thác ở đây. Châu Sơn cũng là nơi di trú của nhiều loài cá voi. Riêng các loài cá biển khơi sống ở các tầng dưới, sẽ tìm cách nhanh chóng lánh khỏi khu vực ô nhiễm trên bề mặt này, làm sụt giảm hơn nữa nguồn hải sản, vốn đã bị đánh bắt quá mức, như dự đoán của ông Christophe Rousseau.

Chính quyền Trung Quốc tỏ ra lạc quan về mức độ tác động môi trường của thảm họa đắm tàu dầu. Báo Japan Times, hôm 02/02, dẫn lời bộ Giao Thông Trung Quốc cho hay hơn 770 km² mặt nước bị ảnh hưởng « đã được phục hồi ». Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc loan báo đã trắc nghiệm hơn 100 mẫu nước biển (nhưng không rõ ở đâu), và khẳng định « không tìm thấy gì bất thường ». Tuy nhiên, việc đánh bắt bị cấm tại khu vực cách điểm xảy ra tai nạn trong phạm vi khoảng 30 hải lý.

Có dấu hiệu dầu loang tới bờ biển Nhật

Về phía Nhật Bản, có một số dấu hiệu là xăng dầu từ tàu Sanchi đã lan tới một số vùng bờ biển nước này, như tại các đảo Amami-Oshima, vốn nổi tiếng về các bãi biển nguyên sơ và các rạn san hô tuyệt đẹp. Reuters hôm 02/02 dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga, cho biết Tokyo đã thành lập một nhóm đặc biệt trực thuộc văn phòng thủ tướng, để điều phối các phản ứng đối phó với các diễn biến mới của tai nạn tàu Sanchi. Cụ thể là nghiên cứu về các mảng dầu vón cục mà người dân phát hiện được trên các bãi biển, và mức độ ảnh hưởng của hiện tượng này.

Thái độ nói trên của chính phủ Nhật là ngược lại với quan điểm bình chân như vại của bộ Môi Trường Nhật Bản hồi tháng trước, khi tai nạn mới xảy ra. Trả lời AFP, một giới chức đảo Takarajima, Nhật Bản, lo ngại dầu loang có thể ảnh hưởng đến việc sinh đẻ của các loài cá di cư, có thói quen đến khu vực này vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm.

Theo dự đoán của National Oceanography Centre và đại học Southampton, thảm xăng loang sẽ dạt vào bờ biển Nhật Bản trong vòng một tháng, theo dòng hải lưu Kuroshio.

Trung Quốc và Nhật Bản phản ứng “quá trễ”

Về phản ứng từ phía chính quyền trong vụ tai nạn tàu dầu ở biển Hoa Đông, AFP dẫn quan điểm của một số chuyên gia, chỉ trích việc Bắc Kinh và Tokyo giảm thiểu nguy cơ môi trường của tai nạn. Đại diện của tổ chức Greenpeace, ông Paul Johnston kêu gọi chính quyền các nước nỗ lực tẩy rửa khu vực thảm họa, và kiểm soát chặt chẽ các vùng bờ biển.

Chuyên gia người Mỹ Mark J. Valencia, cộng tác với viện nghiên cứu về Nam Hải (tức Biển Đông) của Trung Quốc, cũng phê phán « các phản ứng quá ít, và quá trễ » của hai chính quyền Trung Quốc và Nhật Bản. Theo nhà nghiên cứu, vốn được đánh giá là thân Bắc Kinh, nguyên nhân của sự chậm trễ này là do « các căng thẳng chính trị » giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cụ thể là các tranh chấp về chủ quyền tại vùng biển Hoa Đông, cũng như về các chồng lấn ở vùng đặc quyền kinh tế.

Theo nhà nghiên cứu Mỹ, Bắc Kinh và Tokyo cần tôn trọng các đòi hỏi của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), yêu cầu các bên tham gia, chia sẻ các nguồn lợi tại các khu vực chồng lấn, và có cơ chế hợp tác khoa học để dự báo các tác động môi trường, sau mỗi tai nạn nghiêm trọng. Nhà nghiên cứu nhấn mạnh là hai bên cần vượt qua các trở ngại chính trị, để hướng đến việc « hợp tác khẩn cấp ». Tai nạn này có thể được coi là một cơ hội, nếu không, hai bên cần chuẩn bị để chung tay đối phó với một tai nạn tương tự trong tương lai.

—-

(1) Diện tích bị ô nhiễm tại biển Hoa Đông lên đến khoảng 330 km² vào cuối tháng 1/2018 (tương đương với ba lần thành phố Paris).

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180207-bien-hoa-dong-nhat-ban-lo-ngai-hau-qua-moi-truong-tu-tau-dau-sanchi

 

Iran : Tổng thống Rohani

”không thương lượng” chương trình tên lửa

Tú Anh

Iran sẽ không đàm phán với « bất kỳ ai » về khả năng quân sự, mà đặc biệt là việc chế tạo tên lửa đạn đạo. Trên đây là cảnh báo của tổng thống Hassan Rohani trong bối cảnh Hoa Kỳ gây áp lực với các đồng minh châu Âu, để tìm cách ngăn cấm chương trình tên lửa của Teheran. Nghị quyết 2231 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cấm Iran chế tạo tên lửa có khả năng mang đầu đạn nguyên tử.

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường thuật :

Tổng thống Iran Hassan Rohani nhân một cuộc họp báo, vài hôm trước kỷ niệm 39 năm cách mạng Hồi Giáo, khẳng định lập trường của Teheran trong bối cảnh Hoa Kỳ gia tăng áp lực chống chương trình chế tạo tên lửa đạn đạo của Iran.

Ông tuyên bố : « Iran không tìm cách có được các loại vũ khí, đi ngược lại đạo lý tôn giáo. Tuy nhiên, đây là loại vũ khí mà nước cộng hoà Iran cần trang bị để tự vệ và sẽ sử dụng. Trong lãnh vực này, Iran không đàm phán với bất kỳ ai. Tên lửa Iran không bao giờ là vũ khí tấn công. Nó không được chế tạo để tấn công một quốc gia nào và sẽ không bao giờ được sử dụng cho mục tiêu này ».

Tổng thống Iran phát biểu như trên vào lúc nước Pháp, tuy xác định là vẫn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân 2015 và chống lại áp lực của Mỹ, đang kêu gọi mở lại đàm phán về chương trình tên lửa của Iran. Trong vài tuần lễ tới, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian sẽ sang Teheran để thảo luận về chương trình tên lửa đạn đạo và vai trò của Iran trong khu vực .

Trong bối cảnh này, tổng thống Rohani nhấn mạnh là Iran từ chối bàn thảo đến chương trình hạt nhân. Teheran cho rằng cần phải phát triển khả năng quân sự của mình, trong một khu vực đang có nhiều xung đột.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180207-iran-tong-thong-rohani-hong-thuong-luong-chuong-trinh-ten-lua

 

Đức: CDU và SPD đạt thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp

Mai Vân

Hai đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) của thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Xã Hội Dân Chủ (SPD) vào hôm nay, 07/02/2018, đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp. Một nguồn thạo tin cho biết kết quả trên đạt được sau 4 tháng đàm phán gay go, kể từ cuộc bầu cử Quốc Hội.

Theo thỏa thuận, đảng SPD sẽ nắm một số bộ then chốt như bộ Tài Chính, bộ Ngoại Giao và cũng có thể là bộ Xã Hội. Thỏa hiệp đã đạt được sau nhiều tuần lễ mặc cả gay go, và không ngơi nghỉ trong suốt 24 tiếng đồng hồ vừa qua.

Thông tin trên cũng được truyền thông Đức loan tải, nhưng chưa có thông báo chính thức.

Tuy nhiên, vẫn còn một cửa ải phải vượt qua : Thỏa thuận giữa giới lãnh đạo hai đảng còn phải được đưa ra trước khoảng 400.000 đảng viên SPD để bỏ phiếu thông qua trong những ngày tới. Do vậy, kết quả chỉ có thể được thông báo vào đầu tháng 3.

Cho đến giờ, các đảng viên SPD vẫn còn lưỡng lự trước việc có nên tiếp tục liên minh với CDU hay không, vì họ cảm nhận là sẽ tiếp tục bị lép vế. Nếu họ bác bỏ thỏa thuận đạt được một cách gay go, thì thủ tướng Đức Merkel hoặc là phải chấp nhận lập một chính phủ không vững chắc (tức chính phủ chỉ có được thiểu số trong Quốc Hội), hoặc cho tổ chức lại cuộc bầu cử Quốc Hội.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180207-duc-cdu-va-spd-dat-thoa-thuan-lap-chinh-phu-lien-hiep

 

Mỹ và Colombia thảo luận hồ sơ Venezuela và chống ma túy

Tú Anh

Nhằm huy động một mặt trận chung chống ma túy và đối phó với chế độ ngày càng độc tài ở Venezuela, ngoại trưởng Mỹ tiếp tục chuyến công du châu Mỹ Latinh. Chiều thứ Ba, 06/02/2018, tại Bogota, đồng minh truyền thống của Washington, ngoại trưởng Rex Tillerson cùng với tổng thống Colombia có cơ hội đề cập đến hai đề tài nóng bỏng : ma túy ở Colombia và chế độ Venezuela.

Từ Bogota, thông tín viên Marie-Eve Detoeuf tường thuật cuộc họp báo chung :

“Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cùng thảo luận về hồ sơ ma túy và nói đến tình hình Venezuela. Hai đề tài được chờ đợi. Hai bên trao đổi thân mật hơn nhiều người dự kiến. Phải nhớ là tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đe dọa Colombia là sẽ hủy danh hiệu quốc gia gương mẫu chống ma túy. Nói trắng ra là dọa cắt viện trợ Mỹ.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ hôm thứ Ba, ngoại trưởng Mỹ nhận định khác : ”Mỹ có bày tỏ quan ngại về tình trạng diện tích trồng cây cô-ca tăng thêm tại Colombia và số lượng ma túy sản xuất cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, tổng thống Santos đã cung cấp một bản báo cáo rất tốt. Ông ấy giải thích là các biện pháp mới bài trừ ma túy đã được thi hành và đạt được kết quả. Chúng tôi rất hài lòng với những báo cáo này và sẽ tiếp tục làm việc với Colombia. Hai nước phải cùng nhau đối đầu với thách thức”.

Washington cũng đang đối đầu với một thách thức khác tại châu Mỹ Latinh : đó là làm sao ”tống khứ” tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ? Ngoại trưởng Rex Tillerson nói đến áp lực ngoại giao. Về phần Colombia, tổng thống Santos tỏ ra cứng rắn hơn : Nicolas Maduro không bao giờ chấp nhận một cuộc bầu cử tự do và minh bạch, bởi vì ông ta sẽ thua. Do vậy, cần phải gấp rút vãn hồi dân chủ tại Venezuela.

Trong khi chờ đợi, tổng thống Colombia kêu gọi Hoa Kỳ trợ giúp để đối phó với làn sóng người dân Venezuela chạy sang Colombia tị nạn”.

Dường như để chứng minh chính sách hợp tác chống ma túy có kết quả, chính phủ Colombia ngày hôm qua loan báo tịch thu hơn 3 tấn cocaine trong một chiến dịch truy quét « tại Colombia và một số nước lân cận », với sự phối hợp của cơ quan Mỹ chống ma túy DEA.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180207-my-va-colombia-ban-chuyen-chong-ma-tuy-va-venezuela

 

TT Philippines loan báo

tẩy chay thượng đỉnh Á-Âu ở Bruxelles

Mai Vân

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào hôm qua, 06/02/2018, cho biết sẽ không dự hội nghị thượng đỉnh Á – Âu ASEM ở Bruxelles vào tháng 10 tới đây, bởi vì, theo ông Duterte, Liên Hiệp Châu Âu đã sỉ nhục ông trên vấn đề chiến dịch bài trừ ma túy tại Philippines.

Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu trước các thành viên chính phủ, tổng thống Philippines đã rất giận dữ, cho là ông « được Liên Âu mời, nhưng để làm gì ? », và ông sẽ không im tiếng trước những lời lên án của khối « ngu xuẩn đó » về chiến dịch chống ma túy của ông. Đối với ông Duterte, Liên Âu đã « sỉ nhục » ông.

Phái bộ của Liên Hiệp Châu Âu ở Manila xác nhận là đã có mời Philippines tham dự thượng đỉnh ASEM, nhưng không bình luận về phát biểu của lãnh đạo nước này.

Theo AFP, chiến dịch chống ma túy, với những vụ giết chóc đã ảnh hưởng đến giao dịch thương mại Philippines – Liên Âu, ưu đãi miễn thuế cho hàng tỷ đô la hàng hóa của Philippines nhập vào Liên Âu có nguy cơ cắt bỏ. Tuy nhiên vào tháng trước, Liên Hiệp Châu Âu loan báo là Philippines sẽ tiếp tục được hưởng chế độ ưu đãi đó.

Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Philippines tránh đi thăm các nước phương Tây. Hôm qua, ông Duterte đã nhắc lại việc ông từ chối lời mời sang Mỹ của tổng thống Donald Trump, vì không muốn bị các thượng nghị sĩ Mỹ phản đối một khi ông đặt chân đến Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180207-tt-philippines-loan-bao-tay-chay-thuong-dinh-a-au-o-bruxelles