Tin khắp nơi – 07/02/2017
Sắc lệnh của Tổng thống Trump cấm du hành
bị kiện ra tòa
WASHINGTON —
Sau khi thẩm phán liên bang Robart ra phán quyết chận việc thực thi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump hồi tuần trước, chính quyền của Tổng thống Trump đã yêu cầu một hội đồng phúc thẩm gồm ba thẩm phán lật ngược phán quyết đó. Trong khi tòa án còn đang xem xét vụ này, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc chọn lựa ra các quốc gia được ghi vào danh sách cấm nhập cảnh và tại sao các nước khác không được đưa vào danh sách đó.
Trong lúc sắc lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gặp phải sự chống đối ngày càng lan rộng hơn, hai câu hỏi lớn được đặt ra là:
Làm thế nào mà bảy nước Hồi giáo đã được đưa vào danh sách bị hạn chế du hành theo sắc lệnh này?
Và tại sao các nước Hồi giáo khác trước đây có liên hệ với khủng bố lại không bị đưa vào danh sách cấm?
Tòa Bạch Ốc nói họ làm quyết định căn cứ vào một danh sách đã được bàn giao lại từ chính quyền tiền nhiệm.
Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc giải thích:
“Điều đó có nghĩa là gì? Là để đảm bảo những người từ bảy nước đã được chính quyền Obama nêu danh, khi đến đây sẽ phải được rà soát và kiểm tra kỹ lưỡng.”
Cái gọi là danh sách “các nước đáng quan tâm” xuất phát từ một sắc luật ít ai biết đến, đó là Luật năm 2015 ngăn chặn khủng bố du hành và cải thiện chương trình miễn thị thực.
Luật này được ban hành với mục tiêu ngăn chặn “các chiến binh nước ngoài” mang hộ chiếu Âu châu đã từng du hành đến các chiến trường Iraq, Syria hay bất cứ quốc gia đáng quan tâm nào khác, rồi lợi dụng luật miễn thị thực để du hành sang Mỹ.
Bộ Nội an sau đó đã ghi thêm tên các nước Iran, Sudan, Somalia, Libya và Yemen vào danh sách.
Bênh vực các biện pháp giới hạn du hành, sắc lệnh của Tổng thống Trump nói “rất nhiều” cá nhân sinh ra ở nước ngoài có liên hệ với nạn khủng bố tại Hoa Kỳ kể từ sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Ông Charles Kurzman, nhà nghiên cứu tại Đại học North Carolina, nói nếu mục tiêu của sắc lệnh này là để “ngăn các phần tử khủng bố nước ngoài vào Mỹ,” thì chính quyền có lẽ đã chọn sai các nước bị cấm. Ông nói:
“Chưa có một ca tử vong nào tại Mỹ do các phần tử cực đoan từ 7 nước được nêu tên gây ra.”
Cuộc nghiên cứu của ông Kurzman về sự can dự của Hồi giáo trong các vụ bạo động khủng bố ở Hoa Kỳ cho thấy các cuộc tấn công do các phần tử cực đoan Hồi giáo Mỹ thực hiện đã gây ra 123 cái chết kể từ sau các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9.
Giáo Sư Kurzman nói tiếp:
“Mức độ tham gia vào các vụ bạo động khủng bố của những người Hồi giáo tại Hoa Kỳ tính ra vẫn quá thấp so với tổng số án mạng và bạo động xảy ra ở Mỹ.”
Ông Adnan Kifayat, một chuyên gia về chống chủ nghĩa cực đoan bạo động, đưa ra một giải thích khác tại sao bảy nước Hồi giáo này là những mục tiêu dễ nhắm đến:
“Không có chuyện Somalia hay chính phủ trung ương Somalia có thể thách thức Hoa Kỳ hữu hiệu về mặt chính trị, hay như trường hợp Libya, một nước không có một chính phủ trung ương thực sự hoạt động, hay cả Syria, một nước đang chìm ngập trong nội chiến.”
Ông Kifayat nói rằng chính quyền của Tổng thống Trump có phần chắc sẽ mở rộng danh sách các nước bị hạn chế du hành.
Nhưng trong bối cảnh sắc lệnh di trú đang bị thách thức tại các tòa án ở Mỹ, tương lai của sắc lệnh này vẫn chưa rõ ràng.
http://www.voatiengviet.com/a/sac-lenh-cua-tt-trump-cam-du-hanh-bi-kien-ra-toa/3709473.html
Sắc lệnh di trú của TT Trump có hợp pháp?
Một toà phúc thẩm liên bang Mỹ đang chuẩn bị lắng nghe những lập luận trong cuộc chiến pháp lý về sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, ra lệnh đình chỉ chương trình nhận người tị nạn và cấm nhập cảnh vào đất Mỹ những người đến từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo.
Chính phủ của Tổng thống Trump đang tìm cách lật ngược phán quyết do Thẩm phán James Robart của bang Washignton công bố hôm thứ Sáu, chặn đứng chỉ thị của Tổng thống Trump đình chỉ các chuyến đi Mỹ của tất cả những người tị nạn, đặc biệt là những người đến từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói với các nhà báo hôm thứ Hai rằng chính phủ tự tin là sẽ thắng thế trong thách thức pháp lý này. Ông nói:
“Chúng tôi không xét lại chiến lược của mình, tôi nghĩ toà án đã yêu cầu cả hai bên trình bày lập luận của mình. Nên nhớ rằng điều mà chúng ta đang thảo luận ngay bây giờ không có liên hệ gì đến sự chính đáng của sắc lệnh hành pháp, luật pháp rất rõ ràng về vấn đề này: Tổng thống có quyền hạn lớn để bảo vệ sự an toàn của nhân dân và các định chế quốc gia, liên hệ tới những ai được quyền nhập cảnh.”
Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới đã bắt đầu cho phép khách du hành có thị thực nhập cảnh hợp lệ được vào lãnh thổ Mỹ, theo phán quyết của thẩm phán Robart.
Tổng thống Trump lên án phán quyết của thẩm phán Robart trong một tin nhắn trên trang Twitter hôm Chủ nhật, nói rằng phán quyết ấy “đẩy đất nước chúng ta vào tình trạng nguy hiểm,” và ông thẩm phán sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tấn công khủng bố.
Hai bang Washington và Minnesota là bên đứng ra khiếu kiện. Ủng hộ hồ sơ khiếu kiện của hai bang này có các tổng chưởng lý của 15 tiểu bang khác, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ và gần 100 tập đoàn công ty.
Hai cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông John Kerry và bà Madeleine Albright, miêu tả sắc lệnh hành chính của Tổng thống Trump là “không chín chắn, thi hành không hữu hiệu và không được giải thích một cách thoả đáng.”
http://www.voatiengviet.com/a/sac-lenh-di-tru-cua-tt-trump-co-hop-phap/3709387.html
Nga: Các liên bộ Nga-Mỹ nên khôi phục liên lạc trực tiếp
Một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Nga ngày 6/2 kêu gọi các bộ thuộc chính phủ hai nước Nga-Mỹ nên vực dậy các kênh liên lạc trực tiếp với nhau như một phần trong bước đầu xây dựng lại các mối quan hệ song phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng nhiệm phía Nga, Vladimir Putin, đều đã tuyên bố muốn tìm cách hàn gắn quan hệ Mỹ-Nga đã bị trượt xuống thấp điểm thời hậu Chiến tranh lạnh sau khi Moscow sáp nhập lãnh thổ Crimea của Ukraine vào năm 2014.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov, trong cuộc phỏng vấn với báo giới ngày 6/2 nhấn mạnh khôi phục lại các mối quan hệ liên bộ, liên cơ quan giữa hai nước là việc hết sức cấp thiết hiện nay.
Ông Ryabkov cho biết đề nghị của Nga muốn thảo luận các vấn đề an ninh mạng ở cấp liên cơ quan với Mỹ đang còn trên bàn thương nghị.
Moscow bị các cơ quan tình báo Mỹ tố cáo rằng đã tài trợ cho các tin tặc tìm cách gây ảnh hưởng, tạo thuận lợi cho ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái, nhưng Nga bác các cáo buộc này.
Ngược lại, Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov nói Moscow cũng có nhiều câu hỏi về an ninh mạng đối với giới chức Mỹ, viện dẫn các cuộc tấn công tin tặc nhắm vào các trang mạng của Nga.
http://www.voatiengviet.com/a/nga-cac-lien-bo-nga-my-nen-khoi-phuc-lien-lac-truc-tiep/3709094.html
Ông Trump sẽ gặp lãnh đạo NATO vào tháng 5
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đồng ý tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo NATO vào tháng Năm trong một cuộc điện đàm hôm Chủ nhật với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc điện đàm còn bàn về cuộc xung đột của những người đòi ly khai ở miền đông Ukraine.
Vẫn theo thông báo của Tòa Bạch Ốc, ông Trump và Tổng thư ký NATO “đã thảo luận làm thế nào để khuyến khích tất cả các đồng minh NATO thực hiện các cam kết chi tiêu quốc phòng của họ”.
Trong thời gian vận động cho đến khi trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Trump đã chỉ trích NATO là “lỗi thời”, khiến một số lãnh đạo châu Âu lo ngại về mức độ cam kết của ông đối với NATO. Nhưng trong cuộc điện đàm hôm Chủ nhật, ông Trump đã bày tỏ “sự ủng hộ mạnh mẽ” đối với NATO.
Ông Trump và ông Stoltenberg cũng “thảo luận về khả năng có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dọc theo biên giới Ukraine”, thông báo của Tòa Bạch Ốc cho biết thêm.
Ông Trump đã bị chỉ trích từ cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa về mong muốn hâm nóng lại mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Những phát biểu này cũng khiến cho một số lãnh đạo châu Âu cảm thấy khó chịu.
Chính quyền tiền nhiệm Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014 vì đã sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine và để trả đũa cho việc Moscow hậu thuẫn cho các phần tử ly khai ở vùng Donetsk, nơi có hơn 9.750 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột nổ ra gần 3 năm trước.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-se-gap-lanh-dao-nato-vao-thang-5/3708468.html
Nhật tái tục thi công căn cứ Mỹ ở Okinawa
Chính phủ Nhật ngày 6/2 tái tục thi công căn cứ Mỹ trên đảo Okinawa, khơi mào các cuộc biểu tình phẫn nộ và đụng độ với cảnh sát.
Chính phủ Mỹ và Nhật muốn dời căn cứ không quân Futenma từ một nơi thị tứ trên đảo tới một khu vực ít dân cư hơn ở phía Bắc vì lý do an toàn, nhưng nhiều cư dân địa phương muốn đẩy căn cứ này ra khỏi hòn đảo.
Thống đốc Takeshi Onaga đã tìm cách ngăn trở các nỗ lực khai hoang cho cơ sở mới và ông đã đệ đơn kiện tìm cách giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, cuối năm ngoái, Tòa Tối cao Nhật đã ra phán quyết ủng hộ chính quyền trung ương, bật đèn xanh cho xúc tiến dự án thi công.
Phát ngôn nhân hàng đầu của chính phủ, Yoshihide Suga, cho biết trong chuyến thăm của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm thứ sáu và thứ bảy tuần rồi, hai nước đã tái xác nhận rằng cơ sở mới là giải pháp duy nhất.
Những người chống đối nói họ muốn căn cứ mới đặt nền móng chỗ khác hoặc ở hải ngoại vì họ không còn chịu nổi sự hiện diện quá đông của quân đội Mỹ ở Okinawa.
Ngày 6/2, hàng chục người biểu tình đã tìm cách ngăn không cho các xe tải và máy móc hạng nặng tiến vào địa điểm thi công. Đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát.
http://www.voatiengviet.com/a/nhat-tai-tuc-thi-cong-can-cu-my-o-okinawa/3709082.html
Campuchia cấm treo cờ Đài Loan, Tây Tạng
Thủ tướng Campuchia tuyên bố sẽ không cho phép giương cờ Đài Loan và Tây Tạng tại Campuchia.
Phát biểu tại tiệc tối thân mật với Hiệp hội Campuchia-Trung Quốc tối ngày 4/2, ông Hun Sen mô tả Đài Loan đơn thuần là một tỉnh thuộc Trung Quốc.
Ông Hun Sen nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không làm điều gì phương hại đến chủ quyền và độc lập của Trung Quốc chỉ vì Đài Loan.”
Thủ tướng Campuchia nói Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, độc lập của Campuchia và vì vậy Campuchia phải đối lại với Trung Quốc tương tự như thế.
Ông Hun Sen nói các hoạt động của Đài Loan được hoan nghênh với mục tiêu thương mại và trao đổi mua bán, chứ không phải là các hoạt động chính trị hay ngoại giao.
Ông Hun Sen nói thêm rằng chính phủ Campuchia cũng ủng hộ chính sách ‘một nước Trung Hoa’ trong vấn đề Tây Tạng. Thủ tướng Campuchia cho biết đã từ chối đề nghị của các vị sư Tây Tạng muốn tới thăm Campuchia.
Là người nắm quyền cai trị Campuchia trong 32 năm qua kể từ 1985, ông Hun Sen được xem là một trong những ủng hộ viên mạnh mẽ nhất của Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc đã trở thành nguồn đầu tư và hậu thuẫn tài chính lớn nhất cho các dự án phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của Campuchia.
http://www.voatiengviet.com/a/campuchia-cam-treo-co-dai-loan-tay-tang/3708615.html
Hé lộ phi đạn tối tân trong tập trận Tết ở Trung Quốc
Phi đạn đạn đạo có độ chính xác cao của Trung Quốc có khả năng đe dọa các căn cứ của Mỹ và Nhật tại Châu Á vừa xuất hiện trong cuộc diễn tập gần đây của Lực lượng Hỏa tiễn thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Phi đạn tầm trung Đông Phong-16 xuất hiện trong một video trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào tuần trước. Các phi đạn này được chở trên những xe phóng lưu động 10 bánh, được triển khai vào rừng sâu trong những cuộc diễn tập diễn ra ngay khi Tết Nguyên đán vừa kết thúc.
Dù Lực lượng Hỏa tiễn sở hữu một kho phi đạn lớn với nhiều tầm bắn khác nhau, Đông Phong-16 đóng một vai trò đặc biệt trong việc mở rộng tầm bắn của Trung Quốc tới những vùng biển mà nước này tìm cách kiểm soát trong phạm vi cái mà họ gọi là “chuỗi đảo thứ nhất.”
Lần đầu tiên được phô bày tại một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh vào năm 2015, phi đạn này được cho là có tầm bắn 1.000 km. Okinawa, nơi có nhiều cơ sở quân sự của Mỹ, cũng như những đảo chính của Nhật Bản, Đài Loan và Philippines đều nằm trọn trong tầm bắn của phi đạn này.
Phi đạn Đông Phong-16 hai giai đoạn thay thế phi đạn Đông Phong-11 cũ hơn và có tầm bắn ngắn hơn, với giai đoạn cuối có thể điều chỉnh quỹ đạo của nó để tấn công những mục tiêu di chuyển chậm và tránh được những hệ thống phòng thủ chống phi đạn như hệ thống Patriot của Mỹ được Đài Loan triển khai.
Phi đạn này còn có thể chở tới ba đầu đạn nặng tới một tấn và chở theo chất nổ cao hợp quy ước hoặc vũ khí hạt nhân. Đông Phong-16 được cho là có độ chính xác trong phạm vi cách mục tiêu ít nhất là 5 mét, tương tự như độ chính xác của phi đạn hành trình, vốn làm tăng thêm tính sát thương.
Lãnh đạo Mỹ – Nhật kết thân bằng cách đánh golf chung
Cuối tuần này khi có mặt tại Hoa Kỳ để thảo luận với Tổng Thống Mỹ Donald Trump, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ dành thì giờ để đi đánh golf với tân lãnh đạo của nước Mỹ.
Tin tức chúng tôi ghi nhận được đều nói thượng đỉnh Mỹ-Nhật sẽ diễn ra vào ngày thứ Sáu tới đây tại Nhà Trắng, sau đó Thủ Tướng Nhật sẽ lên Air Force One để cùng với Tổng Thống Trump đi Florida, nơi ông Trump có nhà riêng, được truyền thông quốc tế gọi là Dinh Điện Mùa Đông, vì khí hậu bang Florida ấm áp hơn khí hậu mùa đông lạnh lẽo của Washington.
Đến ngày thứ Bảy, hai ông Trump và Abe sẽ đi đánh golf, vừa chơi thể thao vừa bàn tiếp chuyện tình hình thế giới, về quan hệ đồng minh chiến lược giữa 2 nước, và xây dựng tình bạn.
Chưa thấy Tokyo nói gì về tin này, nhưng trong cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh Westwood One của Mỹ chuyên loan tin thể thao, Tổng Thống Trump nói rằng đánh golf giúp ông làm thân với người bạn mới, thay vì ngồi ăn trưa, nói chuyện với nhau ở Nhà Trắng.
Buổi gặp gỡ vào thứ Sáu tới đây là lần thứ nhì ông Abe và ông Trump gặp nhau. Lần trước diễn ra hồi tháng Mười Hai ở New York, sau khi ông Trump mới đắc cử, và Thủ Tướng Nhật Bản xin gặp để trình bày cho vị tổng thống tương lai biết tình hình an ninh khu vực và tầm quan trọng của quan hệ chiến lược Mỹ-Nhật.
Tuần trước, Thủ Tướng Abe có nói khi sang Hoa Kỳ, ông cũng trình bày với Tổng thống Trump về quan hệ kinh tế, và hy vọng thuyết phục ông Trump tham gia trở lại Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Đài Loan tự chế tạo võ khí bảo vệ lãnh thổ
Chính phủ Đài Loan sẽ chế tạo 66 phi cơ huấn luyện, giúp bảo vệ an ninh lãnh thổ trước mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Hôm nay trong buổi lễ diễn ra ở Đài Bắc, Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng chính phủ sẽ bỏ ra 2 tỷ 200 triệu dollars cho kế hoạch vừa nêu, để tăng cường khả năng chiến đấu của không quân, đồng thời cũng để mở rộng hoạt động của kỹ nghệ chế tạo máy bay.
Kế hoạch được thực hiện bởi Bộ Quốc Phòng và Tổ Hợp Phát Triển Kỹ Nghệ Hàng Không, là công ty chuyên sản xuất phi cơ chiến đấu cho Đài Loan.
Bà Tổng Thống Đài Loan cũng thông báo chiếc phi cơ đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Singapore tăng cường an ninh quốc phòng
Chính phủ Singapore duy trì lệnh buộc thanh niên phải đi nghĩa vụ 2 năm, để đảm bảo an ninh quốc phòng trong bối cảnh thế giới vẫn chưa ổn định.
Điều này mới được ông Ng Eng Hen, Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore nêu lên ngày hôm nay, trong bài nói chuyện đánh dấu 50 năm ngày lệnh nghia vụ quân sự được ban hành, buộc thanh niên 18 tuổi phải đi nghĩa vụ 2 năm.
Ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore nói rằng là một nước nhỏ, Singapore có trách nhiệm phải tự bảo vệ, không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của những nước khác.
Singapore là một trong những nước có võ khí hiện đại nhất Châu Á, kể cả tầu ngầm, phi cơ chiến đấu F-16 và F-15, cùng với những phi đội trực thăng chiến đấu loại Apache mua được của Mỹ.
Ngoại trưởng Vương Nghị:
Mỹ Trung đối đầu thiệt hại cả hai
Chỉ có thiệt hại chứ không có người chiến thắng nếu đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra. Đó là điểm quan trọng nhất mới được ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói đến trong cuộc họp báo diễn ra tại Sydney cách đây vài giờ đồng hồ.
Theo lời Ngoại Trưởng Trung Quốc, chính phủ Bắc Kinh theo đuổi chủ trương hòa bình, không muốn đối đầu với bất kỳ nước nào, kể cả Hoa Kỳ. Ông Vương Nghị nhấn mạnh đối đầu chỉ đem lại thất bại, xem đó là điều cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không muốn thấy.
Cũng trong cuộc họp báo, Ngoại Trưởng Trung Quốc cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nên mở rộng thị trường, chia sẻ lợi nhuận, thay vì chủ trương bảo hộ mậu dịch.
Tuyên bố này được xem là nhắm vào Tân Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đang thực hiện chính sách kinh tế theo đường hướng nước Mỹ trên hết mà ông đã cam kết với cử tri khi vận động tranh cử cũng như khi tuyên thệ nhậm chức.
Cùng có mặt trong cuộc họp báo, Ngoại Trưởng Úc Julia Bishop nêu đề nghị Trung Quốc tham gia hiệp định kinh tế chung với các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, tương tự như bản hiệp định kinh tế được gọi là TPP đã được 12 nước thông qua, trong đó có Hoa Kỳ, nhưng Tân Tổng Thống Trump quyết định bãi bỏ, cho rằng TPP không có lợi, khiến công nhân Mỹ mất việc làm.
Vụ tấn công ở bảo tàng Louvre – Paris :
Thủ phạm xác nhận danh tính
Theo nguồn tin từ các nhà điều tra được hãng tin AFP trích dẫn ngày 07/02/2017, thủ phạm vụ tấn công trước viện bảo tàng Louvre, Paris ngày 03/02/2017, tự xác nhận tên là Abdallah El-Hamahmy, 29 tuổi, quốc tịch Ai Cập và như vậy xác nhận những thông tin do cảnh sát đưa ra từ cách đây vài ngày.
Bị tạm giam trong bệnh viện, hung thủ, bị một quân nhân bắn trọng thương, cho tới nay vẫn từ chối nói chuyện với cảnh sát, nhưng hôm qua đã chịu trả lời thẩm vấn.
Ngay từ tối Thứ Sáu 03/02, biện lý Paris François Molins đã cho biết hung thủ mang quốc tịch Ai Cập, 29 tuổi, đã đến Pháp một cách hợp pháp ngày 26/01 trên một chuyến bay từ Dubai.
Đến ngày 03/02/2017, hung thủ đã vác hai mã tấu lao đến chém vào người lính đầu tiên trước viện bảo tàng Louvre, vừa hô to « Allah Akbar » (Thượng đế là Đấng vĩ đại nhất). Người lính thứ hai đã phải nổ súng bắn trọng thương hung thủ.
Hiện giờ, nhà chức trách Pháp tiếp tục điều tra về quá khứ của hung thủ mà người ta được biết là có bằng đại học luật khoa, làm việc cho một công ty ở Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Các nhà điều tra còn phải xác định xem động cơ nào đã thúc đẩy hung thủ hành động như vậy và hành động một mình, tự phát hay có sự chỉ đạo.
Cho tới nay chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công trước bảo tàng Louvre. Kết quả khám xét căn hộ mà hung thủ thuê ở Paris cũng không cho thấy là người này tuyên thệ trung thành với tổ chức nào. Nhưng trên trang Twitter mang tên Abdallah El Hamahmy, người ta đọc được những câu cho thấy dường như hung thủ ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Người cha của hung thủ là một sĩ quan cảnh sát Ai Cập về hưu và khẳng định con ông không hề có dấu hiệu cực đoan hóa và ông vẫn tưởng con đang đi nước ngoài công tác cho công ty.
http://vi.rfi.fr/phap/20170207-vu-tan-cong-o-bao-tang-louvre-thu-pham-xac-nhan-danh-tinh
Syria : 13.000 người bị treo cổ trong vòng 5 năm
Ngày 07/02/2017 tổ chức nhân quyền Amnesty International cáo buộc chính phủ của tổng thống Syria Bachar Al Assad treo cổ khoảng 13.000 người trong một nhà tù gần Damas trong giai đoạn 2011-2015. Amnesty International gọi đây là một ” chính sách hủy diệt “.
Báo cáo của tổ chức nhân quyền Amnesty International được đặt tên là ” Lò sát sinh : treo cổ và hủy diệt hàng loạt ở nhà tù Saydnaya “. Báo cáo này dựa trên các cuộc trao đổi với 84 nhân chứng, trong đó có các quản giáo, tù nhân và cả các thẩm phán.
Từ năm 2011 đến năm 2015, mỗi tuần ít nhất là 1 lần, một nhóm tù nhân, có khi lên tới cả 50 người bị đưa ra khỏi phòng giam, bị xét xử tùy tiện, bị đánh đập rồi treo cổ « vào ban đêm và hoàn toàn bí mật ».
Đa phần các nạn nhân là thường dân nhưng bị chính phủ của tổng thống Syria Bachar Al Assad coi là phe đối lập.
Đối với Amnesty International, đây là những tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại và có thể vẫn tiếp diễn cho tới giờ.
Pháp : Ứng viên Fillon « xin lỗi », nhưng tiếp tục tranh cử
Bị suy yếu do bị nghi tạo việc làm giả cho vợ, ứng viên tổng thống Pháp của cánh hữu François Fillon hôm qua, 06/02/2017, thừa nhận đã phạm « sai lầm », nhưng vẫn cố khởi động lại chiến dịch tranh cử.
Uy tín của cựu thủ tướng Fillon đã sụt giảm mạnh kể từ khi báo chí Pháp tiết lộ rằng vợ của ông, bà Penelope Fillon, đã nhận được hơn 800 000 euro từ năm 1998 đến 2013, với tư cách trợ lý nghị sĩ, nhưng trên thực tế đã không làm gì hoặc làm rất ít. Ứng viên cánh hữu cũng đã sử dụng hai người con làm trợ lý, với số tiền lương tổng cộng 84 000 euro.
Trong cuộc họp báo hôm qua, ông Fillon thừa nhận đã phạm « sai lầm » khi để cho vợ con làm trợ lý và ông « xin lỗi » dân Pháp về điều này. Nhưng ứng viên đảng cánh hữu Những người Cộng hòa khẳng định ông đã không hề vi phạm pháp luật. Ông Fillon tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử, bác bỏ mọi khả năng cánh hữu chọn người thay thế.
Tuy nhiên, ngay trong ngày hôm qua, tờ Le Monde lại đăng những thông tin mới trong các cuộc điều tra về ông Fillon, đặc biệt là những nghi vấn chung quanh vụ cựu thủ tướng Pháp đã nâng hạng Bắc đẩu bội tinh lên hạng nhất cho một nhà doanh nghiệp, chủ một tạp chí mà vợ ông đã « làm việc » và được lãnh lương tổng cộng 100 000 euro, trong thời gian từ 05/2012 đến tháng 12/2013.
Cựu tổng thống Pháp Sarkozy sẽ lại ra tòa
Theo hãng tin AFP hôm nay, ngành tư pháp của Pháp vừa ra lệnh đưa cựu tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy ra tòa trở lại trong khuôn khổ cuộc điều tra về những chi tiêu cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012, có liên quan đến một mạng lưới làm hóa đơn giả. Ông Sarkozy bị cáo buộc đã cố tình vượt quá mức giới hạn chi tiêu theo luật định cho cuộc vận động tranh cử, cho nên sẽ ra tòa trở lại với tội danh « tài trợ bất hợp pháp cho việc tranh cử ».
http://vi.rfi.fr/phap/20170207-phap-ung-cu-vien-fillon-%C2%AB-xin-loi-%C2%BB-nhung-tiep-tuc-tranh-cu
Pháp: Bạo động ở Aulnay-sous-Bois,
24 người bị cảnh sát chất vấn
Đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay, 07/02/2017, tại thành phố Aulnay-sous-Bois, ngoại ô Paris, 24 người bị cảnh sát chất vấn sau khi hàng chục xe hơi và nhiều thùng rác bị phóng hỏa. Cảnh sát cũng ghi nhận hai vụ đốt phá nhà hàng.
Đây là đêm thứ ba liên tiếp xảy ra rắc rối ở thành phố Aulnay-sous-Bois. Căng thẳng bùng phát bắt nguồn từ hôm thứ Năm 02/02, khi một thanh niên 22 tuổi bị thương nặng sau khi bị bốn cảnh sát hành hung bằng dùi cui. Một cảnh sát bị cáo buộc hiếp dâm và ba cảnh sát khác bị cáo buộc hành hung tập thể.
Còn nạn nhân Théo hiện vẫn đang nằm viện sau các cuộc phẫu thuật thì cho biết khi kiểm tra giấy tờ của anh, cảnh sát đã cố tình hành hung bằng cách chọc dùi cui vào hậu môn của anh và chửi bới, lăng nhục anh.
Sau khi xảy ra vụ việc, cả bốn cảnh sát này đều bị đình chỉ công tác. Cuộc điều tra hiện đang vẫn tiếp tục.
http://vi.rfi.fr/phap/20170207-cang-thang-bung-phat-o-aulnay-sous-bois-24-nguoi-bi-canh-sat-chat-van
Lo ngại khủng hoảng tài chính
sau sắc lệnh ngân hàng của Donald Trump
Ngày 03/02/2016, tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh bãi bỏ chính sách kiểm soát ngân hàng đã được người tiền nhiệm đưa ra sau khủng hoảng tài chính 2008. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định của tổng thống Trump là một sai lầm « nghiêm trọng », làm tăng nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng giống như năm 2007-2008.
Theo AFP, sắc lệnh mà tổng thống Mỹ vừa ký nhằm xét lại toàn bộ các luật về tài chính, đặc biệt là luật mang tên « Dodd-Frank », được Barack Obama ban hành hồi 2010, với mục tiêu ngăn ngừa khủng hoảng và bảo vệ dân chúng chống lại sự lạm dụng của giới tài chính. Sắc lệnh của tân chính quyền Trump yêu cầu bộ Tài Chính, trong vòng 120 ngày, phải chuẩn bị xong các khuyến nghị cải cách. Nhà Trắng cho biết Hạ viện, do đa số Cộng Hòa kiểm soát, sẽ chuẩn bị một « văn bản lập pháp » để điều chỉnh luật Dodd-Frank.
Tân tổng thống Donald Trump lên án luật Dodd-Frank là đã « giới hạn khả năng các doanh nghiệp và gia đình vay tiền ngân hàng », ngăn cản tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù không đưa ra nhiều chi tiết, nhưng ngay sau khi sắc lệnh nói trên được ban bố, đã có nhiều dấu hiệu tán thưởng từ phía các thị trường tài chính. Hiệp hội ngân hàng Mỹ (ABA – American Bankers Association) ca ngợi đây là một sáng kiến « sẽ cho phép cởi trói cho ngành ngân hàng », trong khi Financial Services Roundtable, một lobby hùng mạnh của giới các nhà băng lớn, tuyên bố sẽ hợp tác với tân chính quyền với các đề xuất cải cách « mang tính xây dựng ».
Trong khi đó, trả lời Reuters, cựu dân biểu Dân Chủ Barney Frank, nguyên chủ tịch Ủy ban Tài Chính Hạ viện, đồng tác giả luật Dodd-Frank, nhấn mạnh là sắc lệnh nói trên của ông Trump « không thể mang lại các thay đổi triệt để đối với luật cải cách tài chính, mà không có sự tham gia của Quốc hội », nhưng mục tiêu của nó là « nhằm làm suy yếu luật này ». Trong khi đó thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đảng Dân Chủ, lên án mưu toan của tân tổng thống, khi khẳng định : « nhân dân Mỹ không quên cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và sẽ không quên những gì đang diễn ra hiện nay ».
Với các điều luật ban hành sau khủng hoảng tài chính 2007-2008, chính quyền Obama đặc biệt buộc các ngân hàng phải duy trì mức vốn an toàn tối thiểu, tránh các khoản cho vay mạo hiểm, không được đầu tư vào một số hoạt động đầu cơ… Cuộc cải cách của tổng thống Obama cũng dẫn đến sự ra đời của một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính (CFPB – Consumer Financial Protection Bureau). Sắc lệnh của Donald Trump được các nhà quan sát ghi nhận là một nỗ lực nhằm hủy bỏ luật Dodd-Frank của Obama, điều mà ông Trump nhiều lần khẳng định.
Hôm qua, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu Mario Draghi tuyên bố trước Ủy ban kinh tế của Nghị viện châu Âu, họp tại Bruxelles : « Chủ trương tái lập các điều kiện (của ngành ngân hàng tài chính) trước khủng hoảng là đáng ngại » và nguy hiểm, ông nhấn mạnh là chính sự thả lỏng lĩnh vực ngân hàng là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng cách nay 10 năm. Ông Andreas Dombret, một thành viên ban lãnh đạo Ngân Hàng Liên Bang Đức thì cho rằng đây sẽ là « một sai lầm nghiêm trọng », làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính.