Tin khắp nơi – 06/12/2019
Mỹ tính kế đập tan mộng ‘bá chủ vũ trụ’ của TQ
Mỹ tìm cách kiềm chân Trung Quốc khi Bắc Kinh ngày càng cho thấy khát khao bá chủ vũ trụ.
Trong báo cáo thường niên công bố hồi tháng 9, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung Quốc (USSCC) cảnh báo nền kinh tế thứ 2 thế giới đang muốn thống trị một khu vực giữa Trái đất và Mặt trăng, như một phần trong tham vọng ” giấc mơ vũ trụ “.
Báo cáo cho biết Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ thường trực trên Mặt trăng – một phần của chương trình kết hợp quân sự với thương mại và rằng Bắc Kinh nắm rất rõ quan điểm quốc gia nào dẫn đầu trong không gian sẽ có ưu thế về mặt kinh tế và quân sự dưới Trái đất.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 6, Chỉ huy Bộ tư lệnh Vũ trụ Mỹ John Raymond tiết lộ Lầu Năm Góc đang nghiên cứu phát triển các loại vũ trí không gian để phục vụ cho các chiến dịch tấn công và phòng thủ trong không gian.
Vị tướng 4 sao cho biết Trung Quốc và Nga là mối đe dọa không gian chính và Mỹ cần nhanh chóng phát triển khả năng tấn công và phòng thủ để ngăn chặn vũ khí của 2 quốc gia này và có thể chiến đấu nếu cần.
Theo Washington Times, song song với các vũ khí không gian đáng gờm hiện tại như tên lửa, thiết bị gây nhiễu sóng điện từ, vũ khí laser, tàu vũ trụ không người lái X-37B, Washington vẫn đang âm thầm phát triển các loại vũ khí mới
Trên thực tế, từ những năm 50, chính quyền Mỹ và Quốc hội nước này luôn tìm cách ngăn chặn và hạn chế phát triển các loại vũ khí vũ trụ vì lo ngại nguy cơ “vũ khí hóa” vũ trụ. Nhưng việc Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây liên tục chế tạo và cho ra đời tên lửa, laser chống vệ tinh, robot sát thủ khiến Mỹ không thể ngồi yên chờ bị qua mặt.
Báo cáo của USSCC khẳng định các chiến lược gia quân sự Trung Quốc coi không gian là đỉnh cao chỉ huy phải thống trị trong trường hợp xảy ra xung đột.
“Trung Quốc coi không gian vũ trụ là lỗ hổng quan trọng về quân sự và kinh tế của Mỹ nên trang bị hàng loạt các loại vũ khí không gian trực tiếp, trực tuyến, điện từ và đồng quỹ đạo có khả năng nhắm mục tiêu vào gần như mọi loại tài sản vũ trụ của Mỹ. Mục tiêu của Trung Quốc là thiết lập vị trí hàng đầu về kinh tế và quân sự ngoài vũ trụ hay như cái mà Bắc Kinh gọi là giấc mơ không gian – phần cốt lõi trong mục tiêu “đại trẻ hóa Trung Quốc”, báo cáo nhấn mạnh.
Larry Wortzel, cựu quan chức tình báo quân đội và là thành viên của USSCC nhận định Trung Quốc nổi lên như một đối thủ cạnh tranh với Mỹ trong nhiều lĩnh vực từ quân sự cho đến thương mại.
“Nói về khả năng tấn công trong không gian, Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ. Nếu cần phải đi tới một hành động, Trung Quốc có lợi thế hơn vì quân đội nước này chỉ cần xin phép một cơ quan đứng đầu là Đảng Cộng sản. Quân đội Mỹ sẽ phải thông qua một nhóm luật sư, Hội đồng An ninh Quốc gia và các quan chức Nhà Trắng và các lãnh đạo Quốc hội trước khi hành động”, ông Wortzel nhận định.
Ông này cũng cho biết Trung Quốc đang sử dụng hệ thống định vị riêng Bắc Đẩu nhằm giảm phụ thuộc hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ.
Trong khi đó, Tướng Raymond cảnh báo Trung Quốc đang nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ thống trị trong không gian với một loạt vũ khí tối tân của mình.
Ông này khẳng định Trung Quốc đang đạt được những thành tựu đáng kể trong khi những lợi thế của Mỹ đang bị thu hẹp.
“Trung Quốc đang theo đuổi một loạt các mối đe dọa đối với năng lực không gian của chúng ta. Trung Quốc từng chứng minh khả năng của mình vào năm 2007 và nguy cơ đối với năng lực không gian của Mỹ sẽ tăng lên nếu Trung Quốc theo đuổi các loại vũ khí bổ sung có khả năng phá hủy các vệ tinh lên quỹ đạo đồng bộ địa lý”, ông này cho hay.
Vị tướng 4 sao của Mỹ nhấn mạnh đây là thời điểm Mỹ cần tăng cường các hệ thống vũ khí để chống lại các mối đe dọa không gian tới từ Trung Quốc hay đúng hơn là tăng cường năng lực phòng thủ không gian của Mỹ.
Theo Washignton Times, cùng với chiến lược phát triển hệ thống vũ khí đối trọng với Trung Quốc, chìa khóa để Washington ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc trong không gian là không để Bắc Kinh có cơ hội kiểm soát Mặt trăng và khu vực không gian giữa nó và Trái đất.
http://biendong.net/doc-bao-viet/31921-my-tinh-ke-dap-tan-mong-ba-chu-vu-tru-cua-tq.html
Hải quân Mỹ mua 9 tàu ngầm tấn công hạt nhân
lớp Virginia đối phó với TQ
Hải quân Mỹ (2/12) công bố hợp đồng quân sự đắt đỏ với khoản tiền lên tới 22,2 tỷ USD để đầu tư vào hệ thống tàu ngầm hiện đại nhất thế giới. Hợp đồng này bao gồm 9 tàu tấn công hạt nhân lớp Virginia, được cho là để tập trung đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Theo thông tin trên, Hải quân Mỹ sẽ mua 9 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia để đối phó với việc Trung Quốc tăng cường đáng kể lực lượng hải quân. Các tàu ngầm lớp Virginia là nền tảng hoạt động đa nhiệm dưới biển quan trọng của Hải quân Mỹ. Chúng có khả năng chống các tàu ngầm, tàu trên mặt biển và các mục tiêu đất liền, cũng như tiến hành các chiến dịch đặc biệt, trong đó có việc thu thập thông tin tình báo và trinh sát. Các tàu ngầm mới sẽ được đóng bởi nhà thầu chính General Dynamics Electric Boat tại Groton, bang Connecticut và nhà thầu phụ Huntington Ingallls Industries. Hiện 18 tàu ngầm đã sẵn sàng hoạt động trong hạm đội của Hải quân Mỹ trong khi 10 tàu ngầm khác đang nằm trong những giai đoạn xây dựng khác nhau. Tuy nhiên, 9 tàu ngầm mới sẽ cho thấy sự nâng cấp đáng kể đối với những hệ thống tiền nhiệm của nó trong lớp Virginia này. Theo các nhà thầu, các tàu ngầm mới sẽ lớn hơn với lượng giãn nước 10.200 tấn, nhiều hơn so với lượng giãn nước 7.800 tấn của các tàu ngầm hiện tại. Các tàu ngầm mới có chiều dài 140 mét, dài hơn so với chiều dài 115 mét của các tàu ngầm hiện tại. Ngoài ra, các tàu ngầm mới cũng được trang bị hỏa lực mạnh hơn, với khả năng tấn công bằng 40 tên lửa hành trình Tomahawk, so với 12 tên lửa trên các tàu ngầm đang hoạt động. Những tàu ngầm này cũng có thể tự tạo ra nước và oxy cũng như chìm dưới nước liên tục trong nhiều tháng. 9 tàu ngầm mới sẽ là các tàu được bổ sung vào hạm đội và thay thế một số tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles đã lỗi thời của Hải quân Mỹ, vốn được đưa vào hoạt động từ thập niên 1970. Ngoài ra, Hải quân cũng có lựa chọn sẽ tăng thêm tàu ngầm thứ 10 trong hợp đồng này và nếu điều này xảy ra, giá trị của thỏa thuận quân sự này có thể lên tới 24 tỷ USD.
Trên trang web của Hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc David Goggins, giám đốc điều hành chương trình tàu ngầm của Hải quân Mỹ cho rằng việc sắm thêm 9 tàu ngầm mới này là một “bước nhảy vọt quan trọng về năng lực tàu ngầm cho Hải quân”. Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas B. Modly cho biết, “lực lượng tàu ngầm là nền tảng cho sức mạnh và tầm hoạt động của lực lượng hải quân phối hợp của chúng ta. Thông báo ngày hôm nay đã khẳng định cam kết của chúng ta với sức mạnh tương lai của đất nước chúng ta, sức mạnh dưới biển và trên toàn thế giới”. Thượng nghị sĩ Jack Reed tại bang Rhode Island, thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cũng ca ngợi hợp đồng tàu ngầm mới, đồng thời nhấn mạnh “các tàu ngầm thế hệ tiếp theo sẽ mang lại cho các lực lượng của chúng ta lợi thế riêng về an ninh quốc gia. Chúng là công cụ răn đe vô địch”; cho biết hợp đồng mới sẽ bảo đảm công việc ổn định cho 4.000 công nhân tại nhà máy đóng tàu của Electric Boat ở Rhode Island trong nhiều năm tới.
Các chuyên gia nhận định rằng Mỹ đang đối mặt với sức ép chưa từng có tiền lệ tại Thái Bình Dương, chủ yếu đến từ hải quân Trung Quốc khi lực lượng này đang có những bước nhảy lớn cả về số lượng và chất lượng hạm đội tàu ngầm. Cựu Giám đốc chiến dịch tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Carl Schuster nhận định, thỏa thuận quân sự mới này “đánh dấu sự phản hồi gần đây nhất của Hải quân Mỹ với sự gia tăng ảnh hưởng về quân sự và các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương; cho biết Hải quân Trung Quốc đang ngày càng mạnh hơn và lớn hơn khiến Hải quân Mỹ phải tìm cách đối phó. “Điều ấy không biến Trung Quốc thành một kẻ thù song các hành động của Bắc Kinh sẽ nằm trong sự giám sát”.
Trước đó có nhiều ý kiến cho rằng hải quân Mỹ đang tìm cách tăng cường tốc độ sản xuất tàu ngầm để tái thiết năng lực dưới biển. Bởi tính tới năm 2029, lực lượng tàu ngầm của hải quân Mỹ sẽ bị giảm xuống còn 41 tàu ngầm tấn công do tàu ngầm lớp Los Angeles về nghỉ hưu. Trước đó, nhiều nguồn tin cho rằng hải quân Mỹ sẽ cần tới 66 chiếc tàu ngầm tấn công lớp Virginia mới có thể đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng của tình hình an ninh thế giới. Còn hiện tại, hải quân Mỹ đang có ý định sản xuất tới 48 chiếc tàu ngầm tấn công lớp Virginia. Ngoài việc đảm bảo tốc độ sản xuất hai tàu ngầm lớp Virginia, hải quân Mỹ còn phải đóng thêm các tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo lớp Columbia để thay thế các tàu ngầm lớp Ohio đã lỗi thời.
Theo một tài liệu năm 2018, Mỹ hiện có 71 tàu ngầm, tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân. Các tàu này bao gồm lớp Ohio, được đóng trong những năm 1980, trang bị tên lửa đạn đạo Trident D-5. Có 18 chiếc tàu ngầm lớp Ohio còn đang trong biên chế hải quân Mỹ. Ngoài ra hải quân Mỹ còn có hai lớp tàu ngầm chủ lực khác là Los Angeles (24 tàu) và Virginia (16 tàu). Chỉ có các tàu lớp Virginia là được đóng từ những năm 2000 tới gần đây. Tàu lớp Los Angeles ra đời trong giai đoạn 1972-1996 nên đã dần lạc hậu.
Theo số liệu thống kê không chính thức, Trung Quốc hiện đứng thứ ba trên thế giới về số lượng tàu ngầm với 69 tàu, trong đó có 5 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và khoảng 64 tàu diesel-điện. Số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tuy không được thiết kế và tính năng ưu việt như tàu ngầm Nga hoặc Mỹ, nhưng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược của Trung Quốc vẫn có thể bắn những tên lửa hạt nhân tầm xa. Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc mang 12 tên lửa đạn đạo chiến lược, chiếm 1,1% số tên lửa này của Trung Quốc. Các tàu ngầm khác mang 146 tên lửa chống hạm (chiếm 9,9%), 1.182 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.608 thủy lôi (31,5%). Trang tin topwar.ru (Nga) cho biết, tàu ngầm của Trung Quốc được chia thành một số loại sau: Tàu ngầm lớp Tấn (Type 094), đây là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, dài 133m, trọng tải rẽ nước gần 9.000 tấn, được trang bị tên lửa Cự Lãnh-2 (JL-2)hai tầng sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn 8.000 – 9.000 km. Tàu ngầm lớp Thương (Type 093), đây là loại tàu ngầm đa năng, có sức rẽ nước từ 7,5 – 8.000 tấn, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm và có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm YJ-82 với tầm bắn 129 km. Tàu ngầm lớp Nguyên (Type 041), đây là loại diesel – điện, được đóng từ đầu những năm 2000, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm, có thể dùng cho tên lửa chống hạm YJ-8 hoặc CX-1. Tàu ngầm lớp Tống (Type 039), đây là loại tàu ngầm điện – diesel không lớn, chiều dài 75 mét, lượng giãn nước là 3.500 tấn, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm kết hợp với tên lửa chống hạm YJ-8. Trung Quốc có khoảng 13 – 15 tàu ngầm loại này. Ngoài ra, Trung Quốc còn một số loại tàu ngầm cũ như 02 chiếc tàu ngầm lớp Hán (Type 091), 5 tàu ngầm lớp Minh, gần 30 tàu loại Romeo (Type 033). Trung Quốc cũng tích cực mua tàu ngầm của nước ngoài, đặc biệt là tàu ngầm đa năng chạy bằng điện và diesel Kilo 636 do Nga sản xuất, được trang bị hệ thống tên lửa tiến công Club-S tầm bắn 222 km. Trung Quốc đã mua của Nga 12 tàu loại này.Giữa năm 2015, hải quân Trung Quốc đã đưa vào hoạt động 3 tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp Thương cải tiến Shang (Type 093A/093G). Giống như các tàu khu trục lớp Type 052D, các tàu này có thể cũng được trang bị tên lửa chống hạm YJ-18 và tên lửa tấn công mặt đất CJ-10 phóng thẳng đứng. Trong vài năm tới, Trung Quốc có khả năng sẽ phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Tấn cải tiến (Type 096), tạo ra cho Trung Quốc sức mạnh răn đe hạt nhân và khả năng tấn công trước tiên đáng tin cậy hơn. Ngoài ra, các tàu ngầm thông thường mới nhất của Trung Quốc thuộc lớp Tống và lớp Nguyên với hệ thống động lực không cần không khí (AIP) cũng trú đóng tại vịnh Á Long.
Trung Đông: Hoa Kỳ dự kiến tăng quân
để đối phó với Iran
Hoa Kỳ dự định triển khai thêm từ 5.000 đến 7.000 quân tại vùng Trung Đông để đối phó với Iran. Điều trần trước Ủy Ban Quân Lực của Thượng Viện Mỹ hôm 05/12/2019, thứ trưởng Quốc Phòng John Rood bày tỏ “quan ngại” trước các hành động của Iran trong khu vực.
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một viên chức xin giấu tên cho biết là bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper có dự kiến một kế hoạch gởi từ 5.000 đến 7.000 quân đến vùng Trung Đông. Tuy nhiên viên chức này không nói rõ là lực lượng tăng viện sẽ đóng ở đâu và trong khuôn khổ nào, mà chỉ giải thích bối cảnh theo đó những nhóm võ trang thân Iran tấn công vào quyền lợi Mỹ.
Nhật báo Mỹ Wall Street Journal trước đó có nói đến khoảng 14.000 binh lính được chuẩn bị triển khai, một con số mà cả ông John Rood lẫn bộ trưởng Mark Esper đều phủ nhận.
Căng thẳng Mỹ và Iran nghiêm trọng dần từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt Iran vào năm 2018 và tái lập trừng phạt nhắm vào Iran. Từ tháng 5/2019 đến nay, đã có nhiều vụ bắt giữ tàu dầu, tấn công nhà máy lọc dầu của Ả Rập Xê Út, bị cho là do Iran tiến hành.
Căn cứ của Mỹ tại Irak cũng thường xuyên bị pháo kích. Riêng trong tuần này, hôm thứ Ba, 03/12, 5 quả rocket rơi xuống căn cứ Al Assad, 4 ngày sau chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ Mike Pence, và tối hôm qua, 05/12, đến lượt căn cứ không quân Al-Balad, phía bắc Bagdad bị trúng hai quả pháo Katyusha. May là đến giờ không có ai thiệt mạng hay bị thương. Đại sứ quán Mỹ ở Bagdad cũng là đối tượng bị tấn công.
Theo viên chức Mỹ, tác giả các cuộc tấn công, phá rối là những phần tử cực đoan của lực lượng Hashed al Shaabi ở Irak chịu ảnh hưởng lớn của Iran vì cùng thuộc hệ phái Shia. Lực lượng này bị xem là mối đe dọa đối với quân đội Mỹ, có khi còn lớn hơn cả Daech.
Washington: Hơn 1000 người chết do đàn áp biểu tình ở Iran
Cũng trong ngày 05/12/2019, phái viên Mỹ đặc trách Iran, ông Brian Hook, trong một cuộc họp báo tại Washington có cho rằng « dường như chế độ Teheran đã sát hại hơn 1000 công dân Iran từ đầu cuộc biểu tình » trong các cuộc biểu phản đối tăng giá xăng dầu hồi trung tuần tháng 11/2019. Đây là con số cao nhất được đưa ra. Tuy nhiên ông cũng công nhận là không chắc về con số này vì thông tin tại Iran bị bưng bít.
Nhưng ngược lại, ông tin chắc là có « hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị thương và ít nhất 7000 người biểu tình bị bắt giam ».
Cho đến giờ, các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng nêu lên con số hàng trăm người chết nhưng không cao bằng số liệu của Washington. Ân Xá Quốc Tế nói đến 208 người thiệt mạng, nhưng công nhận số lượng thực tế có thể cao hơn, do chính quyền kiểm soát thông tin.
Điều tra luận tội Trump: Những ý kiến bênh và chống
Giới chuyên gia pháp lý đang tranh luận về những gì Hiến pháp Hoa Kỳ nói về luận tội, trong bối cảnh cuộc điều tra về cáo buộc lạm quyền của Tổng thống Donald Trump liên quan đến Ukraine đang diễn ra.
Hiến pháp Hoa Kỳ quy định trong Điều II, Mục 4, rằng tổng thống, phó tổng thống và tất cả những vị dân cử, có thể bị buộc tội vì “tội phản quốc, hối lộ, hoặc các tội ác và tội nhẹ khác”.
Nhưng điều này thực sự có nghĩa gì, từ lâu đã là một đề tài tranh luận.
Hạ viện Mỹ soạn điều khoản luận tội Donald Trump
Chứng cứ luận tội Trump quá choáng ngợp – báo cáo của Hạ viện
Luận tội một tổng thống có dễ không?
Hôm thứ Tư, bốn luật sư hiến pháp xuất hiện trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện để đưa ra quan điểm của họ – ba người do đảng Dân chủ mời và một người do đảng Cộng hòa.
Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc điều tra luận tội khi ủy ban xem xét việc đưa ra các điều khoản luận tội – tương tự như một bảng liệt kê các cáo buộc. Sau khi một tổng thống bị luận tội tại Hạ viện, Thượng viện sau đó bỏ phiếu về việc kết án và bãi nhiệm.
Trong trường hợp này, tổng thống Mỹ bị cáo buộc lạm dụng quyền lực khi áp lực để được sự ủng hộ chính trị của Ukraine bằng cách từ chối viện trợ quân sự và cuộc họp tại Nhà Trắng với tổng thống Ukraine.
Nhưng hành vi này có xứng đáng bị luận tội và tổng thống Trump có thể bị loại khỏi văn phòng không? Dưới đây là những gì các học giả luật pháp nói.
Ý kiến ủng hộ luận tội
Hành vi của Tổng thống Trump được mô tả qua các lời khai và bằng chứng cho thấy ông rõ ràng phạm cả trọng tội và tội nhẹ không thể chối cãi theo Hiến pháp. Theo lời khai và bản ghi cuộc điện đàm thoại ngày 25/7/2019 giữa hai tổng thống được công bố, Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực của văn phòng mình, bằng cách đề nghị Tổng thống Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joe Biden để mình đạt được ưu thế chính trị cá nhân, bao gồm cả trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Hành động này tự nó đủ điều kiện là một tội trọng và tội nhẹ.
Noah Feldman, trường Luật của đại học Harvard
Hành vi sai trái nghiêm trọng của tổng thống, bao gồm hối lộ, nhờ một lãnh đạo nước ngoài giúp cho cá nhân mình để đổi lấy việc thực thi quyền lực của ông ta, cản trở công lý cũng như cản trở Quốc hội là những hành vi tồi tệ hơn bất kỳ tổng thống nào trước đây đã làm, kể cả những gì các tổng thống phải đối mặt với luận tội đã làm hoặc bị cáo buộc đã làm.
Khi chúng ta áp dụng hiến pháp cho các sự kiện được tìm thấy trong Báo cáo Mueller và các nguồn công khai khác, tôi không thể không kết luận rằng tổng thống này đã tấn công từng biện pháp bảo vệ của Hiến pháp trong việc chống lại sự thiết lập chế độ quân chủ ở đất nước này. Cả bối cảnh và sự nghiêm trọng của hành vi sai trái của tổng thống đều rõ ràng: “Sự ưu ái” mà ông đòi tổng thống Ukraine phải trao cho ông – để đổi lấy việc ông thông qua các khoản tiền mà Ukraine rất cần – thông báo là Ukraine sẽ có một cuộc điều tra hình sự về một đối thủ chính trị.
Cuộc điều tra không phải là hành động quan trọng đối với tổng thống; nhưng thông báo về cuộc điều tra này mới là điều quan trọng, bởi vì sau đó thông báo có thể được sử dụng ở Hoa kỳ để lôi kéo công chúng gạt bỏ đối thủ chính trị của tổng thống vì lo ngại về những cáo buộc tham nhũng.
Michael Gerhardt, trường Luật của Đại học University of North Carolina
Nancy Pelosi: “Tổng thống phải chịu trách nhiệm. Không ai ở trên luật pháp”
Quý vị không thấy ngay bằng trực giác là một vị tổng thống như vậy đã lạm dụng chức vụ của mình, phản bội lợi ích quốc gia và cố gắng làm hỏng quá trình bầu cử hay sao? Tôi tin rằng hồ sơ của các chứng cứ cho ta thấy hành vi sai trái nghiêm trọng này. Nó cho thấy một tổng thống trì hoãn việc gặp một nhà lãnh đạo nước ngoài, trì hoãn tiền hỗ trợ quân sự mà Quốc hội và các cố vấn riêng của ông đồng ý là phục vụ lợi ích quốc gia trong việc thúc đẩy dân chủ và hạn chế sự xâm lược của Nga. Và nó cho thấy một tổng thống àm điều này để ép một nhà lãnh đạo nước ngoài bôi nhọ một trong những đối thủ của tổng thống trong mùa bầu cử đang diễn ra tại Hoa kỳ.
Dựa trên hồ sơ chứng cứ, những gì đã xảy ra trong vụ này là điều mà tôi không nghĩ chúng ta từng thấy trước đây: một vị tổng thống đã nhân đôi việc vi phạm lời thề của mình để “thực thi một cách trung thực” luật pháp và “bảo vệ và bảo vệ Hiến pháp”. Bằng chứng cho thấy một tổng thống đã sử dụng quyền hạn của văn phòng mình để yêu cầu một chính phủ nước ngoài tham gia vào việc phá hoại một ứng cử viên tranh cử cho chức tổng thống.
Pamela Karlan, Trường Luật tại Đại học Stanford
Ý kiến phản đối luận tội
Tổng thống Trump sẽ không là tổng thống cuối cùng của chúng ta và những gì còn lại sau khi vụ bê bối này qua đi sẽ định hình nền dân chủ của chúng ta cho các thế hệ sau. Tôi lo ngại về việc hạ thấp các tiêu chuẩn luận tội để phù hợp với một ít bằng chứng và rất nhiều sự giận dữ. Nếu Hạ viện tiến hành việc luận tội chỉ dựa trên các cáo buộc về Ukraine, thì bản luận tội này sẽ nổi bật trong các bản luận tội hiện đại là vụ kiện ngắn nhất, với hồ sơ chứng cứ mỏng nhất, và căn cứ hẹp nhất từng được sử dụng để luận tội một tổng thống. Điều đó không tốt cho các tổng thống tương lai, những người phải lãnh đạo một quốc gia đôi khi có sự chia rẽ rất gay gặt và cay đắng.
Jonathan Turley, trường Luật tại Đại học George Washington vàcông tác viên của BBC.
Ông Jonathan nói tiếp:
”Tôi hiểu. Quý vị đang giận dữ. Tổng thống giận dữ. Bạn bè Dân chủ của tôi giận dữ. Bạn bè Cộng hòa của tôi giận dữ. Vợ tôi giận dữ. Con tôi giận dữ. Ngay cả con chó của tôi dữ … và Luna là một loại chó không bao giờ giận dữ. Tất cả chúng ta đều giận dữ và sự giận dữ này đã đưa chúng ta đi đâu? Một cuộc
luận tội trơn tru sẽ làm cho chúng ta bớt giận dữ hơn hay nó sẽ chỉ đưa ra một lời mời cho sự giận dữ cho mọi chính quyền tương lai?”
”Đó là lý do tại sao điều này sai. Nó không sai vì Tổng thống Trump đúng. Cuộc điện đàm của ông không hề “hoàn hảo” và việc ông ta nói đến gia đình nhà Biden rất không phù hợp. Nó không sai vì Hạ viện không có lý do chính đáng để điều tra nghi vấn Ukraine. Việc sử dụng viện trợ quân sự cho một trao đổi để điều tra đối thủ chính trị của một người, nếu được chứng minh, là một hành vi phạm tội không thể chối cãi. Điều đó không sai vì chúng ta đang trong một năm bầu cử. Không có lúc nào là thời gian tốt cho một bản luận tội, nhưng quá trình này liên quan đến quyền được giữ chức vụ trong nhiệm kỳ này, không phải là nhiệm kỳ tiếp theo.”
”Điều này sai bởi vì đây không phải là cách một tổng thống Mỹ nên bị luận tội. Trong hai năm, các thành viên của Ủy ban này đã tuyên bố rằng các hành vi tội phạm và bị buộc tội đã được thiết lập cho tất cả mọi thứ, từ tội phản quốc đến âm mưu đến cản trở công lý. Tuy nhiên, không có hành động nào được đưa ra để luận tội. Đột nhiên, chỉ vài tuần trước, Hạ viện tuyên bố sẽ bắt đầu một cuộc điều tra luận tội và cuối cùng thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu luận tội chỉ trong vòng vài tuần.”
”Để làm được như vậy, Ủy ban Tình báo Hạ viện tuyên bố họ sẽ không yêu cầu một loạt các nhân chứng có kiến thức trực tiếp về bất kỳ sự trao đổi nào. Thay vào đó, ủy ban xúc tiến việc luận tội trên một hồ sơ bao gồm một số ít nhân chứng với kiến thức chủ yếu là nghe lại. Ba cuộc trò chuyện trực tiếp duy nhất với Tổng thống Trump không có tuyên bố về một sự trao đổi nào và hai cuộc trò chuyện trực tiếp khác rõ ràng đã bác bỏ việc có một đòi hỏi như vậy.”
Tại sao phải có quan điểm của các chuyên gia pháp lý?
Phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ
Đảng Dân chủ – vì họ nắm đa số – đã chọn ba chuyên gia pháp lý trong số những người tham gia. Không có gì đáng ngạc nhiên, tất cả những chuyên gia này đều đồng ý rằng Donald Trump đã có những vi phạm có thể bị luận tội.
Jonathan Turley, được đảng Cộng hòa chọn, thừa nhận rằng hành động của tổng thống không “hoàn hảo”, nhưng than thở về sự giận dữ trong chính trị Mỹ và cảnh báo rằng luận tội trong trường hợp này sẽ hạ thấp tiêu chuẩn cho các hành vi bị buộc tội cho các tổng thống tương lai. Lời của Turley, tuy nhiên, không phải là sự bảo chữa toàn diện mà tổng thống muốn có từ các đồng minh chính trị của mình.
Nhiệm vụ đã nêu của Ủy ban Tư pháp trong những ngày tới sẽ là xác định xem các sự kiện được thiết lập trong phiên điều trần của Ủy ban Tình báo trước đó có tạo thành các hành vi bị buộc tội hay không.
Đây là lý do các chuyên gia pháp lý có mặt để giúp ủy ban quyết định. Trong thực tế, có vẻ hầu hết thành viên các ủy ban – cũng như các nhân chứng – đã có quyết định của họ trước đó.
Tại sao các tổng thống trước đây bị luận tội?
Luận tội và phế truất Tổng thống Trump: Dễ hay khó?
Hai tổng thống từng bị luận tội và một người khác từ chức trước khi luận tội có thể xảy ra.
Nhưng không có tổng thống nào từng bị cách chức – điều đó đòi hỏi phải chiếm 2/3 đa số tại Thượng viện.
• Năm 1998, Bill Clinton bị luận tội với lý do khai man và cản trở công lý khi nói dối về bản chất mối quan hệ của mình với Monica Lewinsky và sau đó bị cáo buộc là yêu cầu bà nói dối về điều đó.
• Tổng thống duy nhất khác bị luận tội là Andrew Johnson vào năm 1868. Ông bị luận tội, vì bãi nhiệm thư ký chiến tranh chống lại ý chí của Quốc hội, và một số những vi phạm khác.
• Richard Nixon từ chức năm 1974 trước khi ông có thể bị luận tội về vụ bê bối Watergate.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50669573
Chủ tịch Hạ viện Mỹ chỉ đạo
soạn điều khoản luận tội TT Trump
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 5/12 cho biết đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp của Hạ viện thảo ra các điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump vì đã gây áp lực cho Ukraine điều tra một đối thủ chính trị, theo Reuters.
Bà được hãng tin Anh trích lời nói trên truyền hình: “Sự thật không thể chối cãi. Tổng thống đã lạm dụng quyền lực để tư lợi chính trị bất chấp tổn hại về an ninh quốc gia của chúng ta, khi giữ viện trợ quân sự cũng như một cuộc gặp quan trọng ở Phòng Bầu dục để đổi lấy việc thông báo điều tra đối thủ chính trị của ông”.
Bà Pelosi được Reuters trích lời nói thêm rằng “các hành động của tổng thống đã vi phạm nghiêm trọng hiến pháp”.
Bà cũng cho hay đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler tiến hành soạn thảo “các điều khoản luận tội”.
Trong khi đó, AP dẫn lời bà nói thêm: “Nền dân chủ của chúng ta đang lâm nguy. Tổng thống khiến chúng tôi không có một lựa chọn nào khác là phải hành động”.
Luận tội Tổng thống Trump tiến thêm một bước nữa
Theo Reuters, thông báo của bà Pelosi được đưa ra một ngày sau khi Ủy ban Tư pháp tổ chức một cuộc điều trần mà tại đó, ba chuyên gia luật hiến pháp được phe Dân chủ mời tới nói rằng Tổng thống Trump đã có hành động có thể bị luận tội theo hiến pháp.
Trong khi đó, một chuyên gia luật thứ tư được các nhà lập pháp Cộng hòa mời tới cho rằng cuộc điều tra luận tội của phe Dân chủ “vội vàng” và “có lỗ hổng”.
Hãng tin AP đưa tin rằng phe Dân chủ tại Hạ viện đang tiến nhanh tới một cuộc bỏ phiếu mà nhiều khả năng sẽ được tiến hành vào dịp Giáng sinh.
Trung tâm của cuộc điều tra luận tội là cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi tháng Bảy vừa qua.
Theo AP, Tổng thống Trump bị cho là đã thúc ép nguyên thủ Ukraine mở cuộc điều tra liên quan tới ứng viên tổng thống hàng đầu của phe Dân chủ, ông Joe Biden, trong khi giữ khoản viện trợ dành cho Ukraine.
Tổng thống Trump đã nhiều lần lên tiếng rằng ông không làm điều gì sai trái.
Chính quyền Trump bị kiện
vì buộc khai tài khoản xã hội khi xin visa
Hai tổ chức làm phim tư liệu ngày 5/12 kiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump về yêu cầu buộc người nước ngoài phải khai báo tài khoản mạng xã hội khi xin visa vào Mỹ, kể cả những tên giả họ dùng trên mạng xã hội để đảm bảo an toàn cá nhân.
Đơn kiện của Hội Phim tư liệu ở Brooklyn và Hội Phim tư liệu Quốc tế ở Los Angeles, hai tổ chức thường chủ trì các hội nghị-hội thảo tại Mỹ quy tụ sự tham dự của các nhà làm phim và các nhà hoạt động xã hội trên thế giới.
Đơn nêu bật vấn đề quyền riêng tư và sự giám sát trong kỷ nguyên truyền thông xã hội, thách thức quy định của Bộ Ngoại giao đưa vào áp dụng trong năm nay.
Đơn nói rằng buộc những người từ các nước độc tài phải khai báo những tên giả họ dùng trên mạng xã hội để trao đổi các vấn đề nhạy cảm chính trị có thể gây nguy hiểm cho đương sự, tạo rủi ro các thông tin này có thể trở ngược về các chính phủ nước họ. Và như vậy, đơn kiện nói, những người này có phần chắc sẽ bớt thể hiện quan điểm trên mạng xã hội hoặc sẽ không xin visa tới Mỹ. Đơn kiện cho rằng quy định vừa kể vi phạm hiến pháp Mỹ bằng việc ảnh hưởng tới quyền tự do ngôn luận.
Chính quyền Trump loan báo quy định vừa kể vào năm 2018 và khởi sự thi hành trong năm nay.
Bộ Ngoại giao đã đổi các mẫu đơn xin visa để yêu cầu ứng viên phải khai báo tất cả các tên mà họ dùng trên bất kỳ diễn đàn truyền thông xã hội nào trong 5 năm qua, trong đó có Twitter, Facebook và Instagram. Quy định này ảnh hưởng khoảng 14,7 triệu người xin visa tới Mỹ mỗi năm.
Đơn đệ nạp lên tòa liên bang ở thủ đô Washington DC kiện cả Bộ Ngoại giao, cơ quan giải quyết đơn xin visa, và Bộ An ninh Nội địa, cơ quan mà đơn kiện tố cáo là dùng dữ liệu xin visa cho các mục đích khác kể cả cho việc thực thi luật di trú.
Chính quyền Trump chưa bình luận về vụ kiện này.
(NYT/WSJ)
Thiếu niên di dân chết trong nhà giam Mỹ
‘nhiều giờ’ mới được phát hiện
Một đoạn video mới được công bố cho thấy cảnh một thiếu niên 16 tuổi đến từ Guatemala bị cảm cúm quằn quại trong đau đớn và sau đó ngã gục tại một phòng giam của Biên phòng Hoa Kỳ. Phải vài giờ sau, người ta mới phát hiện ra cậu bé đã chết.
Đoạn video đang làm dấy lên những câu hỏi về cách đối xử của chính quyền Trump đối với các gia đình nhập cư, theo AP.
Đoạn video được ProPublica công bố hôm 5/12 cho thấy những giờ phút cuối cùng của Carlos Hernandez Vasquez, cậu bé được phát hiện đã chết vào ngày 20/5.
Hernandez là một trong số ít nhất sáu trẻ em đã chết kể từ tháng 12 năm ngoái sau khi bị đặc vụ biên giới giam giữ.
Theo ProPublica, Hernandez đã lảo đảo đi vào nhà vệ sinh trong phòng giam của mình vào giữa đêm tại đồn Biên phòng ở Weslaco, bang Texas, và ngã gục xuống gần đó. Cậu bé đã nằm yên như vậy trong hơn 4 giờ cho đến khi bạn cùng phòng thức giấc vào lúc 6:05 sáng và phát hiện cậu bé trên sàn nhà.
Báo cáo của cảnh sát Weslaco mà ProPublica có được nói rằng một trợ lý bác sĩ đã nhanh chóng xác định cậu bé đã chết.
Hồi đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump đã phải đối mặt với những chỉ trích về hàng ngàn cuộc chia tách gia đình gây ra bởi chính sách không khoan nhượng của ông ở biên giới phía nam nước Mỹ và các điều kiện giam giữ tồi tệ tách biệt cha mẹ và con cái.
Trong một tuyên bố hôm 5/12, Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ nói rằng họ không thể bình luận cụ thể về cái chết của thiếu niên trên vì lý do đang trong thời gian điều tra, nhưng cơ quan này cùng với và Bộ Nội An “đang xem xét tất cả các khía cạnh của vụ này để đảm bảo tuân thủ mọi thủ tục”.
Nhưng một cựu quan chức của Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, John Sanders, nói với ProPublica rằng ông tin rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể “làm nhiều hơn nữa” để ngăn chặn cái chết của Hernandez và ít nhất là 5 trẻ em khác đã chết sau khi bị các đặc vụ biên giới bắt giữ.
Chính phủ Guatemala hôm 5/12 đưa ra một tuyên bố nói rằng cái chết của Hernandez vẫn đang được điều tra và “thủ tục pháp lý” đang được tiến hành. Tuyên bố không đề cập đến các chi tiết trong video hay các báo cáo về nguyên nhân cái chết của Hernandez.
Hạt nhân : Châu Âu và Iran tìm cách duy trì đối thoại
Ngày 06/12/2019, đại diện các nước châu Âu và Iran gặp nhau để cố gắng duy trì đối thoại, vào lúc mà chính quyền Teheran gia tăng các hoạt động hạt nhân và ngày càng ít tuân thủ các cam kết quốc tế trong khuôn khổ hiệp định năm 2015.
Cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao Anh, Đức, Pháp, Trung Quốc, Nga và Iran diễn ra tại Vienna, thủ đô Áo nơi ký kết hiệp định lịch sử, đặt chương trình hạt nhân của Iran dưới sự giám sát của quốc tế.
Việc Hoa Kỳ vào năm 2018 đơn phương rút ra khỏi hiệp định này đã mở ra một giai đoạn căng thẳng mới với Iran, quốc gia mà tổng thống Donald Trump muốn duy trì « áp lực tối đa ». Đáp lại các biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế Iran, chính quyền của nước Cộng Hòa Hồi Giáo này từ tháng 5/2018 đã liên tục vi phạm các quy định về những hoạt động hạt nhân như đã được ghi trong hiệp
định 2015. Trong bối cảnh đó, các nước châu Âu và Iran có những lời lẽ ngày càng gay gắt với nhau và cuộc họp hôm 06/12/2019 tại Vienna được cho là rất căng thẳng.
Bầu không khí giữa hai bên càng nóng thêm sau khi ba nước Anh, Pháp, Đức hôm 05/12 ra một tuyên bố chung lên án Teheran phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, vi phạm một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trên mạng Twitter, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngay lập tức phản ứng, cho rằng tuyên bố nói trên của ba nước châu Âu là « một lời dối trá vô vọng để che giấu sự bất lực của họ trong việc tuân thủ mức tối thiểu các nghĩa vụ của họ ».
Tình hình nghiêm trọng đến mức vào tháng 11/2019, lần đầu tiên, các nước châu Âu nêu lên khả năng khởi động một cơ chế được dự trù trong hiệp định hạt nhân 2015. Việc khởi động cơ chế này có thể dẫn đến khả năng tái lập các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran. Theo nhiều nhà quan sát, trong trường hợp này, hiệp định 2015 xem như bị khai tử. Và Iran rất có thể cũng sẽ rút ra khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT.
Teheran đe dọa « sẽ nghiêm túc xét lại » các cam kết của Iran đối với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế AIEA. Chiếu theo hiệp định hạt nhân 2015, các thanh tra viên của AIEA được quyền đến Iran để kiểm tra các hoạt động hạt nhân của nước này. Đây không phải là một công việc đơn giản.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP ngày 03/12, tân giám đốc AIEA Rafael Grossi đã lên tiếng cảnh cáo Teheran không được can thiệp vào công việc của các thanh tra viên thuộc cơ quan này, sau khi chính quyền Iran từ chối cấp giấy phép hoạt động cho một nhân viên của AIEA.
Ngoài các hoạt động hạt nhân, đối thoại giữa Iran với các nước châu Âu còn gặp rắc rối do một loạt bất đồng khác : nhiều nhà nghiên cứu Pháp bị bắt giam ở Iran, Teheran tịch thu các tàu dầu, chính quyền Iran bị tố cáo đàn áp, giết chết nhiều người biểu tình phản đối tăng giá xăng dầu.
Cuộc họp tại Vienna lần này chưa biết sẽ ra sao, nhưng theo nhận định của nhà phân tích Iran Ali Vaez, được hãng tin AFP trích dẫn, « hai bên đang trong vòng xoáy leo thang, thật khó mà tưởng tượng họ sẽ làm cách nào để chặn đứng vòng xoáy đó ».
Hiện giờ, ít ra là Teheran còn nói chuyện với châu Âu, trong khi với Mỹ thì không. Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm thứ Tư 04/12 tuyên bố Teheran sẵn sàng trở lại bàn đàm phán với Washington, nhưng với điều kiện tiên quyết là Washington phải bãi bỏ các biện pháp trừng phạt, một điều kiện mà tổng thống Trump khó thể chấp nhận.
Dân biểu Châu Âu chỉ trích Việt Nam
khi thảo luận việc phê chuẩn EVFTA
Ỷ Lan
Trong ba ngày 2, 3 và 4 tháng 12 vừa qua Quốc hội Châu Âu đã khẩn trương họp bàn và thảo luận việc đặt bút phê chuẩn hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam (EVFTA) được ký kết tại Hà Nội cuối tháng 6 năm nay.
Ba cơ cấu quan trọng của Quốc hội Châu Âu đã họp bàn. Gồm có Uỷ ban Thương mại Quốc tế (INTA), và Phân ban Nhân quyền Quốc hội (DROI) họp suốt hai ngày 2 và 3 tháng 12, và Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội họp ngày 4 tháng 12.
Cạnh ba cơ cấu này, hai tổ chức phi chính phủ là Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), và Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Năm Châu (CSW) tổ chức Hội nghị “Nhân quyền & Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam” cũng trong khuôn viên Quốc hội. Một Hội nghị khép kín dành riêng cho các vị Dân biểu và quan chức Liên Âu để trình bày quan điểm của xã hội dân sự đối với Hiệp ước.
Hai vấn đề nổi cộm tại cuộc họp của Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu là bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được Hà Nội thông qua cuối tháng 11, và đặc biệt, việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn hôm 21 tháng 11.
Bà Maria Arena, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội, mở đầu cuộc thảo luận bằng một thông tin. Bà nói:
“Nhân danh Chủ tịch Phân ban Nhân quyền, tôi có bổn phận chia sẻ các thông tin gửi đến tôi về hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt về tình trạng những người hoạt động bảo vệ nhân quyền tại
Việt Nam. Tôi cần thông báo để quý vị biết rằng ông Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập, bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 21 tháng 11 vừa qua. Đài Quan sát Nhân quyền đã tung lời kêu gọi khẩn – nhất là lời kêu gọi này được báo New York Times chuyển đi. Hôm 10 tháng 11 ông Dũng gửi một Kiến nghị đến các thành viên Quốc hội Châu Âu, yêu cầu « hoãn » phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch với Việt Nam khi chính quyền Việt Nam chưa có những cải thiện nhân quyền quan trọng.”
“Ông Dũng không là trường hợp độc nhất. Rất nhiều các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền cũng bị bắt vì họ là những người đối thoại với Liên Âu về hai hiệp ước mậu dịch và đầu tư. Ấy chỉ vì họ là thành viên xã hội dân sự, và họ tham gia thảo luận về các hiệp ước EVFTA và IPA”.
Dân biểu Bernard Guetta thuộc Đảng Tân Tiến, Pháp, liền cất lời đề nghị:
“Yêu cầu bà Chủ tịch viết thư gửi đến tất cả đại diện các Nhóm chính trị tại Quốc hội về việc ông Phạm Chí Dũng bị bắt vừa qua, cùng với những nhà bất đồng chính kiến khác, để tất cả mọi Dân biểu được thông tin về những vi phạm nhân quyền mới”.
Bà Arena đồng ý và hứa sẽ viết ngay thư gửi đi trong cùng ngày.
Dân biểu Raphael Glucskmann, Phó chủ tịch Phân ban Nhân quyền, thuộc Đảng Xã hội Dân chủ, nhấn mạnh bổn phận của Phân ban Nhân quyền, ông nói :
“Chúng ta buộc phải nhận định rằng, vào lúc chúng ta thảo luận, nhà cầm quyền Việt Nam bắt những người can dự trong tiến trình thảo luận với Liên Âu. Triệu chứng này rất xấu, cho chúng ta thấy điều chúng ta hoài nghi là đúng, và chúng ta cần đặt những điều kiện mạnh mẽ để có thể chấp nhận phê chuẩn Hiệp ước hay không. Chúng ta thuộc Uỷ ban Nhân quyền, bổn phận chúng ta là gửi đi một thông điệp rõ ràng, rằng trong khi chúng ta đang thảo luận về hiệp ước, thì Việt Nam lại tiếp tục cư xử như bạo chúa (despote) đối với giới bất đồng chính kiến”.
Phê bình Luật Lao động vừa được Hà Nội thông qua, nữ Dân biểu Irina Von Weise thuộc Đảng Tân Tiến, Đức, nói :
“Quý vị nhắc đến Bộ Luật Lao động sửa đổi mà Tổ chức Lao động Thế giới tỏ ý hoan nghênh. Nhưng tôi thì quan tâm đến những điều sửa đổi chẳng thiết thực như chúng ta mong. Điều 172 nói rằng công đoàn do công nhân thiết lập chỉ hợp pháp nếu chịu gia nhập Tổng Công đoàn Lao động Việt Nam, hoặc chịu đăng ký với nhà cầm quyền. Chúng ta cần nêu câu hỏi về sự độc lập thực sự của loại công đoàn như thế. Ngoài ra, Luật Lao động được thông qua hôm 20 tháng 11, thì một ngày sau, ngày 21 tháng 11 Phạm Chí Dũng bị bắt. Ông không là người duy nhất bị bắt. Theo báo cáo của các tổ chức Phi chính phủ, mà còn có 10 nhà bất đồng chính kiến khác bị bắt hay bị xử án giữa thời gian từ ngày 5 đến ngày 28 tháng 11, bốn trong số người này bị bắt sau khi Luật Lao động thông qua.”
“Điều này báo hiệu rằng, trong mọi trường hợp, Việt Nam chẳng chú ý gì đến những thúc ép nhân quyền của Liên Âu. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần suy nghĩ bằng cách nào chúng ta có thể áp lực nhà cầm quyền Việt Nam. Nhóm chính trị chúng tôi sẽ thảo luận việc này để lấy quyết định phê chuẩn hay không hiệp ước EVFTA”.
Dân biểu Reinhard Butikofer thuộc Đảng Xanh nêu rõ lập trường của Đảng ông về việc phê chuẩn hiệp ước :
“Tôi xin phép phát biểu nhân danh nhóm Đảng Xanh. Chúng tôi không đồng ý cho việc phê chuẩn Hiệp ước EVFTA vào lúc Việt nam đang mở cuộc đàn áp những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền. Chúng tôi nghĩ rằng Quốc hội Châu Âu nên lấy quyết định minh bạch về những điều chúng ta thảo luận trước khi nghĩ đến việc phê chuẩn hiệp ước”.
Kết thúc cuộc thảo luận, Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu đã đồng thanh thông qua bản Ý kiến chung nêu cao các điều kiện yêu sách : Việt Nam phải sửa đổi Bộ Luật Hình sự, Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, trả tự do cho các tù nhân chính trị trước khi Hiệp ước EVFTA được phê chuẩn. Bản Ý kiến sẽ được công bố trong hai ba ngày tới.
Chúng tôi đã tìm gặp Nữ Dân biểu Saskia Bricmont, là Báo cáo viên cho Đảng Xanh về Hiệp ước EVFTA, để hỏi thăm kết quả cuộc thảo luận tại Uỷ ban Thương mại (INTA). Bà cho biết :
“Đối với chúng tôi, ngay lúc này, chẳng bao giờ khác – chúng tôi phải áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền cụ thể. Tại cuộc thảo luận của Uỷ ban Thương mại Quốc tế, chúng tôi đưa ra năm điều cần sửa đổi để yêu sách nhà cầm quyền Việt Nam chấp thuận như một số trong những cải cách chủ yếu. Chúng tôi yêu cầu tạm ngưng án tử hình, trả tự do cho tù nhân chính trị, sửa đổi bộ Luật Hình sự và Luật An ninh Mạng.”
“Cải tiến Luật Hình sự là điều tối quan trọng, vì hiện nay luật cho phép bắt và giam những ai biểu tỏ chính kiến bất đồng với chế độ. Đây là điều trái chống với các quyền tự do biểu đạt và quyền lập hội. Luật Lao động sửa đổi của Việt Nam thật vô nghĩa nếu công nhân không được tự do biểu đạt ý kiến họ. Đó là lý do vì sao cuộc bắt giam Phạm Chí Dũng là tín hiệu xấu, nhà cầm quyền Việt Nam dư biết rằng Liên Âu đang đòi hỏi sự thực thi quyền con người. Tôi không tin lắm Việt Nam chịu nỗ lực thay đổi tình hình nhân quyền”.
Ỷ Lan: Nhân thể xin hỏi bà nghĩ sao lời ông Phạm Chí Dũng yêu cầu Liên Âu hoãn phê chuẩn hiệp ước EVFTA cho đến khi nào nhân quyền được cải thiện tại Việt Nam ?
Saskia Bricmont : “Chúng tôi đã có một yêu sách hoãn phê chuẩn cho đến khi nào Việt Nam chịu thực thi nhân quyền. Đảng Xanh chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng, Liên Âu không nên phê chuẩn hiệp ước EVFTA cho đến khi nào có sự thực thi nhân quyền cụ thể trong thực tế”.
Cuộc thảo luận về Hiệp ước EVFTA hết sức sôi nổi ít khi được thấy. Từ đó câu hỏi đặt ra, là : Phê chuẩn hay không phê chuẩn ? Bao giờ ?
Theo sự thăm dò của chúng tôi, thì vào tháng 2 năm tới, 2020, sẽ có khoá họp khoáng đại bàn cãi lần nữa để lấy quyết định phê chuẩn hay không.
Dùng drone tìm thuyền đưa di dân lậu vào bờ biển Anh
Bộ Nội vụ Anh thông báo camera bay (drone) đã bắt đầu được triển khai để truy tìm thuyền chở di dân lậu từ Pháp sang bờ biển Đông Nam của Anh, từ Eastbourne đến Margate.
Các chuyến bay của drone này được công bố để các hãng hàng không qua vùng eo biển giữa Anh và Pháp chú ý.
Theo Bộ Nội vụ Anh thì dùng drone là cách “hiệu quả nhất phát hiện ra các chuyến thuyền nhỏ đi sang Anh”.
Úc phát hiện thuyền buôn người từ VN
Nghị sĩ Anh: Vụ 39 người chết là ‘hồi chuông thức tỉnh’
Thánh lễ đặc biệt ở London cầu nguyện cho 39 nạn nhân
Từ ngày 28/12/2018 đã có hơn 1700 người nhập cư lậu vào Anh bằng thuyền qua eo biển.
Chiến dịch dùng drone này bắt đầu từ 02/12 và sẽ kéo dài đến hết tháng 3/2020.
Nhà chức trách Anh cho hay các chuyến bay của drone sẽ hạn chế độ cao ở trần bay 365 mét trên mực nước biển và không ảnh hưởng đến các chuyến bay hàng không thương mại.
Được biết drone xuất phát từ sân bay Lydd, gần Ashford, hạt Kent, ở phía Đông Nam của London.
“Cuộc chiến” của nhà chức trách Anh chống lại nạn nhập cư lậu và buôn người đã diễn ra nhiều năm qua.
Các báo Anh cho hay, phương tiện để đưa người nhập cư lậu vào Anh gồm thuyền, xuồng, xe tải, phà và cả xe hơi cá nhân.
Ngoài buôn người, đây cũng là cách vận chuyển ma tuý vào Anh từ lục địa châu Âu hoặc từ đảo Ireland.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50691535
Anh tuyên án tù ba người đàn ông
đưa 4 người Việt nhập cư bất hợp pháp
Ba người Anh vừa bị tuyên án tổng cộng 22 năm 6 tháng tù về tội ‘âm mưu hỗ trợ nhập cư trái phép’ khi đưa lậu 4 người Việt từ Pháp vào Anh.
Truyền thông trong và ngoài nước loan tin, trích kết quả phiên tòa hình sự Snaresbrook, phía đông London diễn ra ngày 5/12.
Theo đó, hai bị cáo Christian King và Henry Dunn bị tuyên án mỗi người 9 năm tù, còn James Davis bị 4 năm 6 tháng tù.
Cảnh sát London cho biết vào tháng 11/2017, 3 người đàn ông này đã đón 4 người Việt có tuổi từ 14-23 tại ngoại ô Boulogne của Pháp sang Anh bằng xuồng cao su.
Khi đến Anh, Davis dẫn nhóm người đến một chiếc xe đã chờ sẵn ở cảng thị trấn Folkestone, hạt Ken để đi tiếp. Davis bị bắt ngay tại đây, còn King bị bắt ngay sau đó, chiếc xe chở 4 người Việt bị chặn trên cao tốc M20.
Ba thiếu niên Việt tuổi 14, 15, 16 bị đưa vào trung tâm xã hội. Người còn lại cho biết được đưa sang Pháp ở vài tháng trước khi lên xuồng vượt biên sang Anh.
Đến tháng 5/2018, Dunn cũng tự ra đầu thú.
Cảnh sát cho biết chiếc xuồng đưa 4 thanh niên Việt vượt biên từ Pháp sang Anh trong đêm tối rất tồi tàn, không có đèn cảnh báo hay bộ đàm khẩn cấp, thậm chí không có cả phao cứu sinh và có nguy cơ phát nổ.
Trong khi đó, họ lại đi qua tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới. Vì vậy cả cảnh sát và thẩm phán đều cho rằng 3 người đàn ông Anh đã đẩy 4 thanh niên Việt vào tình trạng nguy hiểm.
Tin vừa nêu được loan đi sau khi toàn bộ xác cũng như tro cốt của 39 nạn nhân người Việt chết trong xe tải đông lạnh phát hiện ở Essex, London đã được đưa về quê nhà vào cuối tháng 11 vừa qua.
Vụ việc được Cảnh sát Anh phát hiện vào ngày 23 tháng 10 và sau đó có 7 người bị Cảnh sát Xứ Sương mù bắt vì có liên quan đến việc đưa lậu người vào nước này.
Cơ quan chức năng Việt Nam cũng bắt giữ 11 người ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với cáo buộc liên quan buôn người.
Cảnh sát Pháp bắn hơi cay
vào đoàn biểu tình phải đối cải cách lương hưu
Tin từ Paris.– Cảnh sát đã bắn hơi cay vào người biểu tình ở trung tâm Paris hôm thứ Năm , và hệ thống giao thông công cộng phải ngừng hoạt động trong một cuộc đình công lớn nhất ở Pháp trong nhiều thập niên, nhằm buộc Tổng thống Emmanuel Macron phải từ bỏ kế hoạch cải cách lương hưu.
Cuộc đình công là một trận chiến đối đầu giữa tổng thống Macron, một cựu nhân viên đầu tư ngân hàng 41 tuổi, lên nắm quyền vào năm 2017 với lời hứa sẽ mở ra nền kinh tế có hiệu quả cao cho Pháp, và bên kia là các nghiệp đoàn hùng mạnh cho rằng tổng thống Macron sẽ hủy bỏ các biện pháp bảo vệ công nhân. Kết quả phụ thuộc vào phe nào lùi bước trước. Các nghiệp đoàn có nguy cơ mất sự ủng hộ của công chúng nếu sự gián đoạn diễn ra quá lâu, hoặc chính phủ lo ngại các cử tri có thể đứng về phía các nghiệp đoàn và đổ lỗi cho các viên chức vì tạo ra tình trạng bế tắc. Các công nhân hỏa xa đã bỏ phiếu kéo dài cuộc đình công của họ đến thứ Sáu, trong khi các nghiệp đoàn lao động điều hành xe buýt và tàu điện ngầm Paris RATP cho biết họ tiếp tục đình công cho đến thứ Hai. Các nghiệp đoàn đã đạt được mục tiêu ban đầu vào thứ năm, khi các công nhân tại các doanh nghiệp vận xe tải, trường học và bệnh viện trên khắp nước Pháp cùng tham gia cuộc đình công. Ở Paris, những người đi làm phải dùng những chiếc xe đạp cũ, xử dụng các ứng dụng gọi xe hoặc chỉ ở nhà. Tháp Eiffel đã phải đóng cửa và không tiếp đón du khách.
Bạo động nổ ra từ cuộc biểu tình chính khi những người đeo mặt nạ và mặc đồ đen lục soát một trạm xe buýt gần Place de la Republique, xé đồ đạc trên đường phố, đập vỡ cửa sổ cửa hàng và ném pháo bông vào cảnh sát. Cảnh sát đã đáp trả bằng cách bắn hơi cay. Gần đó, cảnh sát đã dùng những chiếc dùi cui để tự vệ trước những người biểu tình mặc áo đen xông vào họ. Các công tố viên cho biết có 57 người đã bị giam giữ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/canh-sat-phap-ban-hoi-cay-vao-doan-bieu-tinh-phai-doi-cai-cach-luong-huu/
Pháp : Ngành giao thông công cộng tiếp tục đình công
Hôm nay, 06/12/2019, cuộc đình công trong ngành giao thông công cộng bước sang ngày thứ hai, sau ngày đầu tiên đình công và biểu tình rầm rộ trên toàn nước Pháp để phản đối dự án cải tổ hệ thống hưu bổng của chính phủ.
Tại Paris, mười trong tổng số 14 tuyến metro ngưng hoạt động hoàn toàn. Ở cấp độ toàn quốc, Công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF thông báo hủy 90% chuyến xe lửa cao tốc và 70% chuyến xe lửa liên vùng. Trong ngành hàng không, hãng Air France thông báo hủy 30% chuyến bay nội địa và 10% chuyến bay đường trung. Các hãng hàng không giá rẻ cũng buộc phải hủy nhiều chuyến bay.
Hôm 05/12, theo khẳng định của công đoàn CGT, hơn một triệu rưỡi người biểu tình trên toàn nước Pháp, yêu cầu chính phủ rút lại dự án cải tổ hệ thống hưu trí. Tuy nhiên, theo tính toán của bộ Nội Vụ Pháp, chỉ có khoảng hơn 800 ngàn người xuống đường trong ngày đình công đầu tiên.
Hãng tin AFP cho biết, riêng tại Paris, do lo ngại bạo động và cướp phá tái diễn như trong các cuộc biểu tình của những người Áo Vàng, các công đoàn đã huy động một lực lượng hùng hậu để giữ trật tự trên đường tuần hành. Đồng thời, nhà chức trách Pháp cũng đã triển khai đến 6 ngàn cảnh sát và hiến binh để bảo đảm an ninh cho thủ đô.
Tuy vậy, đụng độ đã xẩy ra giữa lực lượng an ninh với những kẻ lợi dụng đập phá tại một địa điểm gần quảng trường République và tại quảng trường Nation, nơi kết thúc cuộc tuần hành của những người phản đối cải tổ hưu bổng. Cảnh sát đã câu lưu hàng trăm người tại Paris.
Tại Toulouse, vào cuối cuộc biểu tình cũng đã xảy ra đụng độ khiến 5 người bị thương nhẹ, trong đó có 3 cảnh sát.
Tuy có những sự cố nói trên, hôm qua, thủ tướng Edouard Philippe đã hoan nghênh các công đoàn và ghi nhận là tại rất nhiều thành phố, các cuộc biểu tình đã diễn ra tốt đẹp vì được tổ chức tốt.
Ngoài các nhân viên trong ngành giao thông công cộng, nhân viên nhiều ngành khác cũng đã tham gia bãi công, bãi khóa, biểu tình, như giáo viên, người về hưu, sinh viên, luật sư, nhân viên ngành năng lượng và cả cảnh sát.
Phong trào đình công lần này sẽ kéo dài cho đến ít nhất là thứ Hai 09/12 tới để gia tăng áp lực buộc chính phủ phải chấp nhận những nhượng bộ trong dự án cải tổ hưu bổng. Dự án của chính phủ là nhằm tiến tới thiết lập một hệ thống hưu bổng « phổ quát » tính theo điểm, « công bằng hơn », để thay thế cho 42 chế độ hưu trí hiện có.
Kế hoạch cải tổ này bị nhiều người cho làm sụt giảm mức lương hưu. Tổng thống Macron tuyên bố là ông sẽ không từ bỏ dự án. Cũng trong ngày 05/12, điện Elysée thông báo là vào tuần tới, thủ tướng Philippe sẽ công bố những nét đại cương của dự án cải tổ hưu trí.
Hai tin tặc Nga bị buộc tội thực hiện
vụ ‘tấn công lịch sử’ vào nước Mỹ
Hai công dân Nga vừa bị các công tố viên liên bang Hoa Kỳ cáo buộc thực hiện một trong những vụ tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử bằng một loạt các cuộc tấn công vào hệ thống máy tính tại Mỹ và nhắm vào các nạn nhân ở ít nhất 11 bang, theo NBC News.
Các bị cáo bị quy chịu trách nhiệm về thiệt hại lên đến hàng chục triệu đô la, và các cuộc tấn công đã giúp họ kiếm được hơn 3 triệu đô la, theo tài liệu của tòa án.
Maksim Yakubets và Igor Turashev bị buộc tội cài đặt phần mềm độc hại vào máy tính, tấn công nhiều tổ chức ở Pennsylvania, bao gồm 1 ngân hàng, 1 học khu và nhiều công ty, ngoài các mục tiêu ở các bang khác gồm 1 công ty gỗ, 1 công ty khí đốt tự nhiên và 1 tổ chức nhỏ của các nữ tu ở Chicago, theo một khiếu nại được tiết lộ hôm 5/12.
Tin cho hay Yakubets là kẻ chủ mưu và có dính dáng tới cơ quan tình báo Nga (FSB). Còn Turashev là trợ lý của anh ta.
Cả hai bị truy tố ở Pittsburgh nhưng không rõ hiện đang ở đâu.
Hai kẻ tấn công mạng đã giành được quyền truy cập vào hệ thống máy tính của Mỹ thông qua các email lừa đảo tự xưng là từ các tổ chức và công ty hợp pháp.
Các cuộc tấn công là một trong “những vụ hack máy tính và lừa đảo ngân hàng tồi tệ nhất trong thập niên qua”, NBC News dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Brian A. Benczkowski nói tại một cuộc họp báo.
Theo ông Benczkowski, Yakubets là “một tội phạm thế kỷ 21 thực thụ” và là “thủ lĩnh của một băng đảng tội phạm mạng”, người được cho là đã dàn dựng “tất cả các loại mưu đồ tội phạm táo bạo và tinh vi đến mức khó tưởng tượng ra là chúng có thật”.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa tên các bị cáo vào danh sách của cơ quan Kiểm soát Tài sản Nước ngoài, nơi điều hành và thực thi các biện pháp trừng phạt.
Bộ Ngoại giao và FBI đang trao phần thưởng trị giá 5 triệu đô la cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ và kết án Yakubets.
Ukraina : Putin – Zelensky
hội kiến lần đầu tiên tại Paris
Hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraina có cuộc gặp nhau lần đầu tiên và tại Paris vào thứ Hai 09/12/2019. Ngoài cuộc họp bốn bên theo công thức « Normandie » do Pháp và Đức bảo trợ, hai ông Vladimir Putin và Volodimyr Zelensky còn có một cuộc đối thoại riêng, với hy vọng vực dậy tiến trình hoà bình bị tê liệt từ ba năm nay.
Theo AFP, không ai chờ đợi sẽ có kết quả cụ thể vào ngày thứ Hai tới đây, tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho phép lạc quan. Đích thân hai lãnh đạo Pháp và Đức, Emmanuel Macron và Angela Merkel kích hoạt thỏa thuận Minks và bản thân lãnh đạo hai nước trong cuộc là Vladimir Putin và Volodimyr Zelensky đều muốn gặp nhau.
Trước hết, trong cuộc họp bốn bên tại Paris, lãnh đạo bốn nước sẽ tập trung vào nội dung của hiệp định Minks, ký kết hồi tháng 05 năm 2015 tại thủ đô Belarus, gồm các điều khoản : ngưng bắn, triệt thoái vũ khí nặng, tái lập quyền kiểm soát của Kiev ở biên giới với nước Nga và trao thêm quyền tự trị cho các vùng đông Ukraina hiện do phe ly khai thân Nga kiểm soát.
Cho đến nay, phương Tây và Kiev tố cáo Matxcơva trợ giúp quân sự cho phe ly khai đưa đến cuộc chiến làm hơn 13.000 người chết.
Thỏa thuận hưu chiến cùng với sự kiểm soát của các thanh tra thuộc Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác châu Âu (OSCE) cho phép ngưng những trận đánh lớn nhưng phần chính trị vẫn bế tắc.
Từ khi Volodimyr Zelensky đắc cử tổng thống, quan hệ Matxcơva và Kiev bớt phần nào căng thẳng : trao trả 70 tù nhân, Nga trả cho Ukraina ba chiến hạm, lực lượng chính phủ và phe ly khai rút khỏi một số điểm nóng…
Theo nhà phân tích an ninh quốc phòng Mark Galeoleti, không khí hiện nay khá thuận lợi cho đối thoại.
Trong thời gian gần đây, tổng thống Putin bắn nhiều tín hiệu sẵn sàng đàm phán, mô tả đồng nhiệm là « một người nghiêm túc » và « dễ mến ».
Tổng thống Ukraina, trước sức ép của công luận trong nước, giữ thái độ thận trọng : « chỉ cần đối thoại là thành công rồi ».
Về phần Paris, thượng đỉnh vào thứ Hai 09/12 cho phép thẩm định cơ may của tổng thống Macron trong nỗ lực cải thiện quan hệ Nga với Liên Hiệp Châu Âu.
Châu Phi: Địa bàn cạnh tranh chiến lược
giữa các cường quốc
Từ gần hai thập niên nay, sự hiện diện của các quân đội nước ngoài ngày càng đông đảo tại châu Phi. Cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ các lợi ích kinh tế – thương mại là những động cơ chính cho các chiến dịch can thiệp của nhiều cường quốc tại châu lục.
Theo nhà báo Tirthankar Chanda, trên trang mạng RFI, các siêu cường phương Tây chưa phải là những thế lực duy nhất đang tìm cách khẳng định tầm ảnh hưởng của mình tại mặt trận châu lục đen này.
Tác giả nhắc lại, sau khi các nước châu Phi thuộc địa giành được độc lập trong những năm 1950 – 1960, quân đội các nước phương Tây vẫn tiếp tục nắm giữ một vai trò thiết yếu, như Pháp chẳng hạn. Trong thời gian dài, được ví như là “sen đầm của châu Phi”, quân đội Pháp là cường quốc duy nhất còn duy trì lực lượng tại châu lục, nhờ vào các thỏa thuận hợp tác quân sự hay quốc phòng được ký kết với các nước cựu thuộc địa.
Trong suốt giai đoạn chiến tranh lạnh, sự hiện diện của quân đội Pháp cho phép giữ những nước châu Phi nói tiếng Pháp vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng của phương Tây. Kể từ những năm 1990, mối lo bảo vệ lợi ích quốc gia đi kèm với các chính sách chống cướp biển và khủng bố đã dẫn đến việc nhiều nước phương Tây tăng cường hiện diện ở châu Phi. Những cường quốc mới trỗi dậy cũng nhanh chân tham gia cuộc chơi gây ảnh hưởng lớn chưa từng có, phản ảnh rõ mối tương quan lực lượng địa chính trị trên thế giới.
Pháp có những cơ sở quân sự nào tại châu Phi?
Khi cho rằng hạ Sahara là “một vùng không gian chiến lược quan trọng do tính chất gần gũi địa lý, chính trị và văn hóa”, và để dễ bề thanh trừ mối họa thánh chiến tại Mali, nước Pháp năm 2013 mở chiến dịch Serval, điều 1.700 binh sĩ, nhiều chiến đấu cơ và trực thăng đến nơi đây.
Năm 2014, “Serval” được thay thế bằng “Barkhane”, huy động 4.500 binh sĩ và phạm vi hoạt động mở rộng ra khỏi biên giới Mali, bao phủ toàn vùng Sahel – Sahara, liên quan đến 5 nước trong khu vực là Burkina Faso, Mali, Niger, Mauritania và Tchad. “Barkhane” có tổng hành dinh đặt tại thủ đô N’Djamena của Niger và nhiều căn cứ quân sự tạm thời nằm rải rác tại nhiều nước khác, trong đó có căn cứ không quân Niamey.
Ngoài ra Pháp còn có hai khu căn cứ quân sự tác chiến chính thức khác, ở Djibouti (1.450 quân) và Côte d’Ivoire (900 quân) và hai khu căn cứ cũ gọi là “vùng hợp tác tác chiến” tại Senegal (350 người) và ở Gabon (350 người). Trong số này, Djibouti được cho là khu căn cứ chiến lược quan trọng nhất của Pháp tại châu lục. Từ đây, Pháp có thể tiếp nhận hay triển khai quân nhanh về hướng Ấn Độ Dương hay vùng Trung Đông trong trường hợp xảy ra khủng hoảng trong khu vực.
Lực lượng tại Côte d’Ivoire có nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích của Pháp ở sườn phía tây châu Phi. Các đơn vị tại Gabon và Senegal đóng vai trò nguồn dự trữ cho các lực lượng trên bộ, hải quân và không quân cho các tiền đồn ở vùng tây và trung Phi.
Ngoài ra, hải quân Pháp từ năm 1990 thực hiện một chiến dịch mang tên “Nhiệm vụ Corymbe”, nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế của Pháp trong khu vực và chống nạn cướp biển. Chiến dịch huy động 250 binh sĩ hoạt động từ ngoài khơi Senegal cho đến vùng duyên hải phía bắc của Angola, đi qua cả lãnh hải Côte d’Ivoire, Benin, Ghana, Togo, Nigeria, Cameroun, Gabon hay quần đảo Sao Tomé-et-Principe.
Mỹ mở rộng sự hiện diện
Mỹ bắt đầu mở rộng sự hiện diện trên quy mô lớn kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001, với mục tiêu chính thức là ủng hộ cuộc chiến chống thánh chiến cực đoan (quân khủng bố Shebab ở Somali, Boko Haram xung quanh khu vực hồ Tchad hay al-Qaida tại Sahel) và chống cướp biển (vùng Vịnh Guinea và vùng Sừng châu Phi).
Năm 2007, tổng thống Georges W. Bush cho thành lập bộ chỉ huy châu Phi Africom, đóng trụ sở tại Stuttgart, ở Đức. Bộ chỉ huy này huy động đến 7.200 người (quân nhân và dân sự), có hai căn cứ thường trực (một ở Djibouti và một căn cứ khác tại đảo Ascension của Anh), 12 căn cứ không thường trực (cooperative security locations) và 20 điểm hỗ trợ tác chiến nhưng lính Mỹ không hiện diện liên tục (contingency locations).
Tại châu Phi, Djibouti là nơi Mỹ có số quân đồn trú lớn nhất (hơn 4.000 người). Căn cứ Camp Lemonnier rộng 200 ha, được chính phủ Djibouti cho thuê dài hạn, được trang bị các cơ sở hạ tầng phù hợp cho việc tiếp nhận các máy bay vận tải cỡ lớn của không quân Mỹ. Đây cũng là điểm xuất phát của nhiều chiếc drone trong các chiến dịch oanh kích al-Qaida tại vùng bán đảo Ả Rập ở Yemen hay tấn công quân nổi dậy Hồi giáo cực đoan Shebab tại Somalia.
Ngoài ra, còn có khoảng 30 căn cứ thứ cấp và không thường trực khác của Mỹ nằm rải rác trên khắp châu lục, chủ yếu để phục vụ cho ba mặt trận chống thánh chiến: Vùng Sừng châu Phi, Libya và Sahel. Quan hệ hợp tác quân sự giữa Africom với Niger đặc biệt mật thiết. Chỉ riêng tại Niger, Hoa Kỳ có đến ít nhất là 5 căn cứ quân sự, trong đó có hai trung tâm hợp tác an ninh.
Tuy nhiên, mật độ lính Mỹ hiện diện đông đảo tại quốc gia tây Phi này, vốn được cho là “giao lộ bất ổn khu vực”, nằm giữa Libya, hồ Tchad và Sahel, chỉ được biết đến sau vụ bốn binh sĩ Mỹ tử nạn trong lần bị phục kích tại biên giới với Mali. Vụ việc cũng làm lộ rõ công trình xây dựng một căn cứ drone tinh vi nhất do Mỹ đầu tư trị giá khoảng 100 triệu đô la. Một khi hoàn tất, căn cứ này rất có thể sẽ được dùng để thay thế cho căn cứ Djibouti về mặt tầm quan trọng chiến lược và khả năng hậu cần.
Tạp chí The Intercept, dựa vào các thông tin từ các tài liệu giải mật của Africom cho biết, châu Phi là địa bàn thứ hai cho các chiến dịch chiến lược của Mỹ sau Trung Đông.
Trung Quốc, Nga, Nhật Bản hay Ấn Độ cũng bắt đầu nhập cuộc
Những năm gần đây, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi. Diện mạo trong khu vực cũng vì thế bắt đầu thay đổi trên phương diện hợp tác an ninh – quân sự. Nhờ vào việc cung cấp vũ khí hay đề nghị đào tạo và luyện tập chung cùng các đối tác châu Phi với những điều kiện rất hấp dẫn, các cường quốc mới hiện diện này đã trở thành những đối thủ gây rắc rối cho các nước phương Tây, vốn dĩ có một truyền thống hiện diện lâu đời tại châu Phi.
Năm 2017 đánh dấu một cột mốc quan trọng với việc Trung Quốc khai trương căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, gần với căn cứ Camp Lemonnier của Mỹ. Về mặt chính thức, Trung Quốc chỉ có 400 binh sĩ đồn trú tại đây để bảo đảm khâu hậu cần cho các lực lượng hải quân Trung Quốc hoạt động tại vịnh Aden. Tuy nhiên, theo giới phân tích, kể từ năm 2026, căn cứ này sẽ tiếp nhận đến 10.000 quân và Trung Quốc có tham vọng biến vùng lãnh thổ nhỏ bé này thành một tiền đồn quân sự của mình tại châu Phi.
Là đối tác thương mại hàng đầu trong khu vực, Trung Quốc có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn tại châu Phi. Bắc Kinh đã đầu tư nhiều vào châu Phi trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng và khai thác quặng mỏ. Trong tổng số 54 quốc gia châu Phi, có đến 39 nước tham gia vào dự án đối tác Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc, nối liền Á-Âu, Trung Đông và châu Phi nhờ vào mạng lưới hệ thống hạ tầng cầu đường, cảng biển và viễn thông.
Thế nhưng, Hoa Kỳ xem những dự án đầy tham vọng mà Trung Quốc đề nghị với các đối tác châu Phi như là một “mối đe dọa thật sự cho các lợi ích an ninh quốc gia (của Mỹ)”. Các chuyên gia cho rằng cạnh tranh Mỹ – Trung tại châu Phi có nguy cơ gây bất ổn toàn châu lục, đặc biệt là vùng Hồng Hải chiến lược, một trong những con đường hàng hải có mật độ lưu thông dày đặc nhất thế giới.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng ghi nhận sự trở lại đầy ngoạn mục của Nga sau một thời gian gián đoạn tại một số nước như Algeri, Ai Cập, Angola, Ouganda, Zimbabwe, Nam Phi, Ethiopia hay Mozambic. Tại những nước này, Nga không chỉ cung cấp vũ khí, mà còn gởi cả những cố vấn đào tạo, nhất là tại Cộng Hòa Trung Phi. Từ năm 2018, Matxcơva gởi khoảng 200 cố vấn quân sự thuộc các đội đặc nhiệm đến huấn luyện cho các lực lượng Trung Phi, để đối đầu với các nhóm nổi dậy thiện chiến. Phía Mỹ cho rằng, trên thực tế đó là những nhóm lính đánh thuê có liên hệ mật thiết với điện Kremlin, được gởi đến Bangui, Khartoum hay tại Libya để bảo đảm an ninh cho các chính phủ và bảo vệ các hoạt động kinh tế chủ yếu như khai thác mỏ kim cương, mỏ vàng và dầu hỏa…
Cuối cùng trong số những nước không thuộc phương Tây nhưng có sự hiện diện quân sự tại châu Phi, còn phải kể đến Thổ Nhĩ Kỳ (2017) tại Mogadiscio, thuộc Somalia với 200 sĩ quan và các cố vấn đào tạo để huấn luyện cho quân đội nước này. Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất với một trung tâm hậu cần ở vùng Sừng Phi Châu.
Nhật Bản cũng có một căn cứ quân sự tại Djibouti với 180 binh sĩ làm nhiệm vụ chống cướp biển tại vịnh Aden, hay như Ấn Độ cũng có tham vọng gia tăng ảnh hưởng. Vốn đã có một trạm nghe do thám tại Madagascar để giám sát các hoạt động tầu thuyền và bảo vệ các tuyến đường hàng hải của mình, hải quân Ấn Độ đã đề nghị các cuộc tập trận chung với các đối tác châu Phi như Tanzania, Kenya và Nam Phi vào tháng 3/2020.
Tác giả bài viết kết luận: Trong lĩnh vực an ninh tại châu Phi, cuộc chạy đua chiến lược giữa các cường quốc cũ và mới cũng chỉ mới bắt đầu mà thôi!
Iran thề tiếp tục chương trình phi đạn
Iran ngày 5/12 bác áp lực đòi họ phải ngưng chương trình phi đạn đạn đạo sau khi có thư của Châu Âu gửi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tố cáo Iran phát triển phi đạn có khả năng mang bom hạt nhân.
Trong lá thư hôm 4/12, đại sứ Anh, Đức, Pháp tại Hội đồng kêu gọi Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres trong báo cáo sắp tới hãy nêu rằng chương trình hạt nhân của Iran không phù hợp với nghị quyết Liên hiệp quốc chiếu theo thỏa thuận hạt nhân 2015 đạt được giữa Iran với 6 cường quốc thế giới.
Iran đáp trả quyết liệt, cho biết quyết tâm xúc tiến chương trình hạt nhân mà họ lâu nay mô tả là có mục đích phòng vệ, không liên quan tới hoạt động hạt nhân.
Đặc sứ Iran tại Liên hiệp quốc, Majid Takhte Ravanchi, trong thư gửi Tổng thư ký Guterres nói Iran dứt khoát tiếp tục các hoạt động liên quan tới phi đạn đạn đạo trong khi Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif, lên án sự can thiệp của các cường quốc Châu Âu.
Những “điểm nóng” về an ninh, quân sự
ở châu Á năm 2020
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang ngày càng có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, khiến các điểm nóng về an ninh, quân sự trong khu vực tiếp tục căng thẳng, dễ bùng phát xung đột quân sự.
“Điểm nóng” dễ bùng phát xung đột
Trong năm 2020, các điểm nóng về an ninh, quân sự ở khu vực châu Á sẽ tiếp tục được duy trì như những năm trươc. Theo đó, căng thẳng tập trung tại khu vực Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan và Iran. Tất cả những địa điểm này có khả năng tiềm tàng châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự. Ngoài ra, còn một số điểm nóng ở quy mô nhỏ lẻ giữa các nước như vùng biên giới giữa Ấn Độ – Trung Quốc, tình hình an ninh nội bộ Afghanistan, khả năng mất kiểm soát do tranh chấp biên giới tại Nam Á; sự gia tăng đối đầu về hải quân giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan trên Ấn Độ Dương.
Nhìn chung, năm 2020 sẽ chứng kiến sự khuếch trương về năng lực quân sự tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mà không có nước nào đủ khả năng thống trị khu vực bằng quân sự. Trung Quốc vẫn là cường quốc quân sự đứng đầu khu vực nhưng chất lượng vẫn chưa thể cạnh tranh với các nước bé hơn như Hàn Quốc, chưa kể đến quân đội Mỹ. Ngược lại, Mỹ cũng không còn năng lực thống trị khu vực như đã từng làm trong thời kỳ những năm 1990 – 2000. Do đó, sự cân bằng về quyền lực “hơi mong manh” sẽ chiếm ưu thế trong khu vực.
Khu vực Biển Đông tiếp tục được coi là một trong những “điểm nóng” hàng đầu ở châu Á. Cùng với việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khảo sát trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông; gia tăng tần suất, quy mô các cuộc tập trận trên biển; sử dụng lực lượng chấp pháp và bán chấp pháp đâm va, cướp tài sản của ngư dân các nước trên Biển Đông; điều lực lượng hải quân, không quân và tên lửa tiến hành tập trận phi pháp tại Biển Đông; triển khai trái phép các loại trang thiết bị vũ khí tới các đảo, đá chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa… khiến các nước trong khu vực phải gia tăng năng lực chấp pháp, đẩy mạnh hoạt động tuần tra bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải. Không những vậy, Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác trong khu vực sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải FONOP để thách thức những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này sẽ khiến việc tìm kiếm giải pháp giải quyết hòa bình cá tranh chấp trên Biển Đông đi vào bế tắc. Không những vậy, Trung Quốc sẽ chủ động tiến hành các hoạt động khiêu khích, đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông, cũng như ngăn chặn hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, buộc các nước phải có biện pháp đối phó và dễ dẫn đến xung đột, qua chạm trên biển.
Tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và được cải thiện trong tương lai gần. Năm 2019, Triều Tiên đã 13 lần phóng thử các loại hình tên lửa (tầm ngắn, tầm trung, tên lửa chống hạm…). Trong khi đó, tiến trình đối thoại cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục gặp khó khăn và đi vào bế tắc. Tuy hai nước đều có mong muốn thông qua đàm phán để giải quyết vấn đề phi hạt hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, song đây là vấn đề lợi ích chiến lược cũng như “quân bài mặc cả” của Chính quyền Bình Nhưỡng để đối lấy các lợi ích thiết thực. Do đó, ít khả năng Triều Tiên sẽ chịu “nhún nhường” khi
đàm phán với Mỹ. Điều này sẽ khiến tình hình khu vực bán đảo Triều Tiên tiếp tục duy trì căng thẳng như hiện tại và không loại trừ khả năng sẽ được phía Triều Tiên đẩy lên cao vào những giai đoạn khác nhau, nhằm phục vụ ý đồ, mục đích trong từng giai đoạn.
Trong năm 2019, tình hình căng thẳng tại eo biển Đài Loan gia tăng nhanh chóng. Ngay từ đầu năm, Chính quyền Tập Cận Bình gia tăng sức ép vế kinh tế, chính trị, quân sự để buộc Đài Loan chấp nhận thống nhất với Trung Quốc. Trong khi đó, Đài Bắc một mặt tăng cường năng lực quốc phòng như đầu tư mua sắm trang thiết bị vũ khí, tiến hành tập trận để đề phóng Bắc Kinh, mặt khác củng cố quan hệ hợp tác với Mỹ. Để thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan, Mỹ và một số nước đồng minh liên tục điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, đưa ra các tuyên bố ủng hộ Đài Loan chống lại việc Trung Quốc lôi kéo, cô lập trên diễn đàn quốc tế. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, “chiến dịch tích cực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở hai bên eo biển, bao gồm cả việc lôi kéo các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, là có hại và làm xói mòn sự ổn định khu vực”; đồng thời nhấn mạnh “Trung Quốc đang hủy hoại khuôn khổ giúp duy trì hòa bình, ổn định và phát triển suốt nhiều thập kỷ”. Ngoài ra, về quân sự, Mỹ (20/8) thông báo đã phê chuẩn bản hợp đồng bán 66 chiếc tiêm kích F-16V, 75 động cơ và trang thiết bị đi kèm trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan. Đây cũng chính là bản hợp đồng có trị giá lớn nhất của Đài Loan trong hơn một thập kỷ qua. Điều này khiến Trung Quốc “không hài lòng” và giới chức cấp cao của Bắc Kinh đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn, cảnh cáo sẽ thống nhất với Đài Loan bằng bất cứ biện pháp nào.
Tình hình căng thẳng tại Iran đang có nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực này có thể xảy ra xung đột bất cứ thời điểm nào. Căng thẳng leo thang tại Vùng Vịnh từ đầu tháng 5, khi Mỹ triển khai thêm quân và khí tài tới Trung Đông, cáo buộc Iran có kế hoạch tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ. 4 tàu chở dầu ngày 12/5 bị hư hại trong các cuộc phá hoại bí ẩn ở ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Washington và Riyadh đổ lỗi cho Iran trong khi Tehran bác bỏ cáo buộc.Ngày 13/6, hai tàu chở dầu bị tấn công ở vịnh Oman. Trump và Arab Saudi tiếp tục cáo buộc Iran đứng sau vụ phá hoại. Tehran phủ nhận có liên quan và bày tỏ nghi ngờ Mỹ gây ra vụ tấn công để đổ lỗi cho họ nhằm gia tăng áp lực. Một tuần sau, Iran bắn hạ máy bay không người lái trị giá 200 triệu USD của Mỹ, cáo buộc nó xâm phạm không phận Iran gần eo biển Hormuz. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nói rằng máy bay này hoạt động ở vùng trời quốc tế. Trump ngày 20/6 ra lệnh không kích vào ba địa điểm quân sự của Iran để trả đũa nhưng hủy chiến dịch vào phút chót. Đáng chú ý, Iran ngày 7/7 thông báo họ bắt đầu vượt qua giới hạn làm giàu uranium 3,67% được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. (3,67% là mức vừa đủ để sản xuất năng lượng và thấp hơn nhiều so với mức hơn 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân). Các cường châu Âu chỉ trích động thái của Iran là vi phạm quy định, kêu gọi nước này giữ đúng cam kết. Ngày 14/7, Iran bắt tàu dầu Riah treo cờ Panama ở eo biển Hormuz với cáo buộc buôn lậu dầu. 4 ngày sau, Mỹ cho biết một máy bay không người lái Iran tiếp cận tàu đổ bộ USS Boxer ở phạm vi nguy hiểm và tàu chiến Mỹ đã bắn hạ nó để tự vệ. Tuy nhiên, Iran bác thông tin này, nói rằng họ không mất máy bay không người lái nào. Nguyên nhân căng thẳng trong khu vực này là do chiến dịch “gây áp lực tối đa” của Mỹ đang bóp nghẹt kinh tế Iran. Nguồn thu dầu mỏ của Iran giảm, giao dịch thương mại của họ bị kìm hãm vì chính quyền Trump đe dọa sẽ áp lệnh trừng phạt với bất kỳ thực thể nào làm ăn với Tehran. Vì vậy, Iran gần đây tiến hành các động thái cứng rắn nhằm thể hiện họ đã hết kiên nhẫn. Họ muốn đẩy căng thẳng trong khu vực lên cao, khiến các nước khác lo lắng và phải can thiệp để kiềm chế Mỹ. Mục tiêu của Tehran là buộc Washington chấm dứt chiến dịch gây áp lực tối đa và trở lại với thỏa thuận hạt nhân. Nguy cơ đụng độ giữa hai bên càng lớn hơn nữa khi Mỹ muốn thành lập một liên minh gồm tàu chiến của nhiều quốc gia để hộ tống tàu dầu, tàu hàng đi qua eo biển Hormuz. Sự gia tăng hiện diện của tàu chiến nước ngoài ở eo biển này sẽ bị các tướng Iran coi là động thái khiêu khích từ phương Tây. Tuy nhiên, Mỹ và Iran đều để ngỏ khả năng đối thoại. Trump nói rằng chiến dịch gây áp lực tối đa có thể dẫn đến các cuộc đàm phán và nhấn mạnh tất cả những gì Mỹ muốn là “một thỏa thuận công bằng”.
Chạy đua vũ trang trong khu vực
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hiện nay châu Á chiếm gần một nửa chi tiêu mua sắm vũ khí của thế giới, nhiều hơn hai lần tổng mua sắm của các nước ở Trung Đông và nhiều hơn 4 lần so với châu Âu. SIPRI cho biết, hiện nay Singapore là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ và Pakixtan, Hàn Quốc. Cùng với Singapore, hầu hết các nước ở Đông Nam Á đã bắt đầu một quá trình tăng cường lực lượng vũ trang tương tự, khiến nó trở thành một trong những khu vực có chi tiêu quốc phòng gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một cơ quan tư vấn chính sách ở London, lần đầu tiên, ít nhất là trong lịch sử hiện đại, chi tiêu quân sự của châu Á sắp vượt qua châu Âu.
Trung Quốc đang là nước dẫn đầu về đầu tư quốc phòng trong khu vực. Hiện nay Hải quân Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về số lượng tàu ngầm chạy diesel, tàu khu trục, tàu tên lửa và tuần tra, tàu đổ bộ (nhưng kém hơn so với Mỹ về trọng tải và công suất tàu đổ bộ); đứng thứ ba thế giới về số lượng các tàu ngầm hạt nhân và tàu khu trục (tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo đứng sau Mỹ và Nga, trong khi tàu khu trục xếp sau Mỹ và Nhật Bản); đứng đầu thế giới về số lượng tàu chiến cỡ nhỏ. Trung Quốc có khoảng 700 tàu chiến các loại, trong đó có 02 tàu sân bay, 29 tàu tuần dương, 49 tàu khu trục, 34 tàu hộ vệ, 68 tàu ngầm tấn công và hơn 100 tàu tên lửa; đáng chú ý các tàu mặt nước lớn của Trung Quốc đều có khả năng triển khai tên lửa tấn công và một số chiếc có còn khả năng chiến khai cả vũ khí hạt nhân chiến thuật. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào năm 2017, từ năm 2002 đến nay, Trung Quốc đã chế tạo 10 tàu ngầm hạt nhân, gồm 6 tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân Type-093, lớp Shang I/II có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm và 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094, lớp Jin. Ngoài ra, hiện Trung Quốc đang có khoảng 54 tàu ngầm điện-diesel. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, Trung Quốc có thể gia tăng hạm đội tàu ngầm lên khoảng 70 tàu vào năm 2020. Trong khi đó, Không quân của Hải quân Trung Quốc có 346 máy bay (đứng thứ hai trên thế giới về số lượng, đứng sau Mỹ), trong đó có khoảng 30 máy bay ném bom chiến lược Tây An H-6; 8 máy bay cảnh báo sớm KJ-200, 5 máy bay Y-8 ELINT được trang bị các khí tài trinh sát điện tử, 3 máy bay bay tuần tra chống ngầm tầm xa Y-8MPA trang bị các hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống định vị thủy âm tìm kiếm tàu ngầm, 32 máy bay vận tải hạng trung Y-8 (có thể chở 96 lính thường hoặc 82 lính dù hoặc 20 tấn hàng hóa); 20 máy bay J-15, 20 máy bay chiến đấu J-10, 24 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 24 máy bay chiến đấu J-11BH, 120 máy bay chiến đấu JH-7 và JH-7A; 48 máy bay J-8II, 35 máy bay J-7D/E (loại cũ, tính năng hạn chế, sản xuất từ những năm 1970); 26 trực thăng vận tải kiêm nhiệm vụ tuần tra biển Z-8.
Nhật Bản đã sửa đổi điều 9 Hiến pháp về quân sự, từ chỗ chỉ là lực lượng phòng vệ tập thể, giờ đây quân đội Nhật Bản có thể tham chiến để bảo vệ đồng minh. Tính đến nay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản được trang bị nhiều tàu hiện đại. Mặc dù hiện không sở hữu tàu sân bay nào, nhưng Nhật Bản có 2 tàu khu trục lớp Hyūga trọng tải 18.000 tấn có thể chở 11 máy bay trực thăng cùng đơn vị đổ bộ và 1 tàu lớp Izumo có lượng giãn nước tới 27.000 tấn có thể chở 9 trực thăng trên boong và 14 trực thăng trong kho chứa. Tokyo còn có 1 tàu lớp Shirane trọng tải 7.500 tấn có thể mang 3 máy bay trực thăng. Nhóm tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển (DDG) gồm 2 tàu lớp Atago trọng tải 10.000 tấn (đầy tải), 4 tàu lớp Kongō trọng tải 9.500 tấn (chuẩn bị lắp hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3), 2 tàu lớp Hatakaze trọng tải 4.600 tấn. Nhóm tàu khu trục thông thường (DG) gồm 4 tàu lớp Akizuki trọng tải 6.800 tấn, 5 tàu lớp Takanami trọng tải 6.500 tấn, 9 tàu lớp Murasame trọng tải 6.100 tấn, 8 tàu lớp Asagiri trọng tải 4.900 tấn, 8 tàu lớp Hatsuyuki trọng tải 3.000 tấn,6 tàu lớp Abukuma trọng tải 2.500 tấn. Về tàu ngầm, dù không có tàu ngầm hạt nhân, nhưng Nhật Bản là một trong số các quốc gia có nhiều tàu ngầm diesel-điện ở châu Á cũng như trên thế giới với những đặc điểm kỹ – chiến thuật tương đối cao và sở hữu vũ khí điện tử, ngư lôi và tên lửa hiện đại. Hiện tại, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang sở hữu 9 tàu ngầm tấn công lớp Sōryū, 10 tàu lớp Oyashio và 2 tàu lớp Harushio (dùng cho nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ). Dự kiến tàu ngầm lớp Soryu sẽ có 11 chiếc đến năm 2020. Chính phủ Nhật Bản hiện có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm số lượng từ 17 lên 22 chiếc và nâng số tàu khu trục lên 48-50 chiếc. Ngoài ra, Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản cũng đang có kế hoạch mua khoảng 100 máy bay chiến đấu mới để thay thế đội máy bay F-2 sẽ ngừng hoạt động vào khoảng năm 2030. Không những vậy, Nhật Bản hiện cũng có một thỏa thuận với Lockheed Martin mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lockheed Martin, để thay thế cho đội máy bay F-4. Trong năm 2019, Nhật Bản quyết định mua máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng F-35B để chuyển tàu khu trục cho máy bay trực thăng hạ cánh lớp Izumo thành tàu sân bay cho loại máy bay mới.
Nga là một quyền lực quân sự quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2019, quân khu phía đông của Nga – cánh quân chịu trách nhiệm cho các chiến dịch trên Thái Bình Dương, nhận hơn 6.240 loại vũ khí khí tài mới hoặc được nâng cấp; biên chế tàu ngầm năng lượng hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo Knyaz Vladimir cho hạm đội Thái Bình Dương – Đây là phiên bản tàu ngầm nâng cấp của Hải quân Nga thuộc dự án 955A Borei II-class. Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga cũng được biên chế tên lửa siêu thanh HGV. Về không quân, lô máy bay chiến đấu Su-57 đầu tiên – loại máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 do Nga thiết kế và chế tạo cũng đã được đưa vào không quân cuối 2019. Cuối cùng, Nga đưa tàu phá băng năng lượng nguyên tử lớn nhất vào hoạt động, nhiệm vụ chính của tàu là dọn đường cho các tuyến đường trên Biển Bắc, chạy từ bờ biển Bắc Cực ở biển Kara tới eo Bering.
Trong khi đó, ngân sách quốc phòng chính thức của Ấn Độ giai đoạn 2012-2017 chiếm khoảng 2,5% GDP. Năm 2012, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới; từ năm 2007 đến năm 2011, tiền mua vũ khí của Ấn Độ chiếm 10% tổng phí tổn dành cho mua sắm vũ khí quốc tế. Phần lớn chi tiêu quân sự tập trung vào phòng thủ chống Pakistan và chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Ấn Độ đang có khoảng 15 tàu ngầm trong biên chế. Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên INS Arihant được đưa vào sử dụng cuối năm 2016. Tàu ngầm hạt nhân tiếp theo INS Aridaman được hạ thủy vào cuối năm 2017. INS Kalvari, tàu ngầm điện-diesel đầu tiên chế tạo trong nước theo giấy phép từ Pháp đã được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2017. Trong năm 2019, Ấn Độ đã đưa vào biên chế tên lửa đạn đạo liên lục địa tân tiến nhất có khả năng tấn công hạt nhân Angi-V. Với tầm bắn và độ chính xác được nâng cao, việc ra mắt hệ thống vũ khí mới này tạo ra vấn đề về ổn định chiến lược lâu dài tại châu Á. Sự ổn định chiến lược lâu dài cũng sẽ bị xói mòn bởi nỗ lực của Pakistan triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Babur-3 và một tên lửa đạn đạo tầm trung gắn đa đầu đạn phân hướng (MIRV).
Ngoài ra, trong Sách trắng quốc phòng vừa công bố, Australia cho biết ngân sách dành cho quân đội trong năm 2016-2017 sẽ lên đến 32,4 tỷ đô la Australia, tương đương khoảng 23 tỷ đô la Mỹ và đến năm 2025-2026, con số này sẽ tăng tới 58,7 tỷ đô la Australia, chiếm hơn 2% tổng thu nhập của nước này. Với ngân sách 50 tỷ đô la, từ nay đến năm 2030, hải quân Australia có kế hoạch đặt đóng 12 tàu ngầm, trang bị thêm ba khu trục hạm, 9 hộ tống hạm và 12 tuần dương hạm; mua thêm 72 máy bay chiến đấu F-35.
http://biendong.net/bien-dong/31961-nhung-diem-nong-ve-an-ninh-quan-su-o-chau-a-nam-2020.html
Các nước Châu Á Thái Bình Dương
ngày càng có ấn tượng xấu với Trung Cộng
Tin Washington DC – Ý kiến toàn cầu đối với Trung Cộng vẫn còn khá lẫn lộn, khi nhiều nước nói chung đều chào đón sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh, nhưng lại lo ngại trước quân đội hùng mạnh của nước này. Tuy nhiên, tại châu Á Thái Bình Dương, ấn tượng về Trung Cộng đã xấu đi đáng kể trong những năm gần đây, theo báo cáo mới nhất của tổ chức phi đảng phái Pew Research ở Hoa Kỳ, dựa trên cuộc thăm dò tại 34 quốc gia về ý kiến toàn cầu đối với Trung Cộng.
Tại vùng châu Á Thái Bình Dương, nhiều người tin rằng tiền đầu tư của Trung Cộng sau này sẽ trở thành khoản nợ lớn cho quốc gia, đồng thời cho rằng Bắc Kinh đã gây ảnh hưởng quá lớn tới nền kinh tế nội địa. Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng cũng không được người dân châu Á Thái Bình Dương ưa thích. Cuộc thăm dò của Pew Research chủ yếu tập trung vào ý kiến toàn cầu về sự phát triển của Trung Cộng. Tổ chức này đã phỏng vấn 38,426 người từ ngày 13 tháng 5 đến 2 tháng 10 năm nay. Trong 34 quốc gia được thăm dò có 6 quốc gia thuộc châu Á Thái Bình Dương gồm Úc, Indonesia, Nam Hàn, Philippines, Ấn Độ, và Nhật Bản. Các nước này có cái nhìn thiện chí hơn với Hoa Kỳ và cũng tỏ ra thoải mái hơn trước sự ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ đối với quốc gia của họ. Hoa Kỳ được người dân của 21 nước coi là nền kinh tế hàng đầu, trong khi Trung Cộng được xếp hạng đầu tại 12 quốc gia.
Về yếu tố đồng minh, phần lớn người dân các nước đều coi Hoa Kỳ là quốc gia đáng tin cậy hơn so với Trung Cộng. Trên thực tế, Trung Cộng bị coi là mối đe dọa hàng đầu tại vùng châu Á Thái Bình Dương, bởi 40% người Úc, 50% người Nhật, và 62% người Philippines.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cac-nuoc-chau-a-thai-binh-duong-ngay-cang-co-an-tuong-xau-voi-trung-cong/
Nhật dự định gửi 270 thuỷ thủ
đến Trung Đông để bảo vệ tàu chở dầu
Tin từ TOKYO, Nhật Bản – Nhật báo kinh doanh Nikkei cho biết Nhật Bản đang thực hiện kế hoạch gửi khoảng 270 thủy thủ đến Trung Đông để bảo vệ các tàu cung cấp cho Nhật Bản, theo một luật cho phép bố trí quân đội để nghiên cứu và thu thập tình báo.
Theo Reuters, thủ tướng Shinzo Abe đang xem xét việc thực hiện một chuyến thăm tháng 1 tới Trung Đông, bao gồm Saudi Arabia và Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Nhật Bản duy trì mối quan hệ thân thiện với cả Hoa Kỳ và Iran, và tuyên bố sẽ không tham gia bất kỳ liên minh nào của Hoa Kỳ để bảo vệ các tàu buôn trong khu vực.
Tờ báo Nikkei cho biết chính phủ sẽ đề nghị bố trí một tàu hộ tống và một máy bay tuần tra từ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong một nhiệm vụ một năm có thể được tiếp diễn hàng năm. Họ dự tính sẽ hoàn thành kế hoạch này vào cuối năm nay. Việc giao dịch hàng hóa toàn cầu bị chấn động trong năm nay bởi các cuộc tấn công vào các tàu buôn quốc tế mà Nhật Bản các đồng minh phương Tây quy trách nhiệm cho Iran.
Phía Tehran phủ nhận sự liên quan đến các vụ tấn công này. Tình hình căng thẳng gia tăng giữa Tehran và Washington kể từ năm ngoái, khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận nguyên tử năm 2015 của Tehran với sáu quốc gia và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này, làm tê liệt nền kinh tế của họ. Nhật Bản, nước ngừng mua dầu từ Iran vì lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, rất mong được nhìn thấy sự ổn định ở Trung Đông, nơi nước này nhận được phần lớn lượng dầu nhập cảng. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nhat-du-dinh-gui-270-thuy-thu-den-trung-dong-de-bao-ve-tau-cho-dau/
Hàn Quốc và Trung Quốc
nỗ lực “bình thường hóa” quan hệ
Ngày 05/12/2019, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kết thúc chuyến thăm hai ngày tại Hàn Quốc.
Đây là chuyến công du Hàn Quốc đầu tiên của ngoại trưởng Trung Quốc từ khi quan hệ hai nước xấu đi vào năm 2017 do việc Seoul cho Washington đặt hệ thống chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tại Seoul, ông Vương Nghị đã tiếp xúc với đồng nhiệm Hàn Quốc Kang Kyung Wa và tổng thống Moon Jae In.
Chuyến thăm Hàn Quốc của ngoại trưởng Trung Quốc là dịp để hai nước tìm cách cải thiện trở lại quan hệ. Trong buổi hội kiến với tổng thống Moon Jea In hôm 05/12/2019, ông Vương Nghị đã có những lời lẽ hòa dịu đối với Seoul, trong lúc vẫn lớn tiếng đả kích Washington, đồng minh của Hàn Quốc. Về phần mình, tổng thống Hàn Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh giúp đỡ trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Thông tín viên RFI tại Seoul, Frédéric Ojardias, tường thuật :
« Trung Quốc và Hàn Quốc là bạn và đối tác, ngoại trưởng Trung Quốc đã khẳng định như trên. Lãnh đạo Hàn Quốc thì thông báo là hai bên sẽ tăng cường trao đổi để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ.
Nhưng sau những lời nhã nhặn ngoại giao, căng thẳng vẫn dai dẳng. Bắc Kinh vẫn tiếp tục trừng phạt kinh tế Hàn Quốc từ khi Seoul cho Mỹ triển khai một hệ thống lá chắn chống tên lửa, nhắm vào cả Bắc Triều Tiên lẫn Trung Quốc vào năm 2017.
Kể từ khi ấy, sản phẩm văn hóa của Hàn Quốc, từ trò chơi điện tử cho đến phim ảnh truyền hình, đã bị Bắc Kinh cấm đoán. Tập đoàn phân phối Lotte đã phải rời Trung Quốc, để mất hàng tỷ đô la đầu tư. Số du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc tuột giảm. Máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc.
Seoul ở trong một tình thế khó khăn: Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc và nắm chìa khóa mọi giải pháp đối với khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Còn đồng minh Hoa Kỳ thì đòi phải chi trả thêm gấp 5 lần cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, khiến cho liên minh Mỹ-Hàn phần nào bị lung lay.
Trung Quốc dĩ nhiên muốn lợi dụng tình hình này để củng cố ảnh hưởng trên bán đảo. »
Nhân viên tình báo Nam Hàn
bị buộc tội cưỡng bức người đào tẩu Bắc Hàn
Hyung Eun KimBBC News Hàn Quốc
Hai nhân viên tình báo Nam Hàn bị buộc tội cưỡng bức một phụ nữ Bắc Hàn đào tẩu, trong đó một người thừa nhận đã cưỡng bức cô rất nhiều lần.
Thêm tin về nhóm người Bắc Hàn ‘bị giữ ở Lạng Sơn’
Han Sung-ok: Một người Bắc Hàn ‘chết đói’ ở Nam Hàn?
Số phận của những quan chức Bắc Hàn đào tẩu
TQ: Đột kích nhắm vào người đào tẩu Bắc Hàn
Người được cho là nạn nhân, đang thuộc sự giám sát của hai người đàn ông này , đã bị ép phải phá thai hai lần, các luật sư của cô cho hay.
Các cán bộ này, một trung tá và một thượng sỹ, đã bị đình chỉ và một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Những phụ nữ Bắc Hàn đào tẩu thường dễ bị lạm dụng tình dục hơn phụ nữ Nam Hàn, các nhà hoạt động nhân quyền cho hay.
Tình trạng kinh tế khó khăn có thể khiến họ chần trừ không muốn lên tiếng.
Các lời cáo buộc
Cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc có nhiệm vụ điều tra người đào tẩu Bắc Hàn và thu thập thông tin tình báo.
Đầu năm nay, hai nghi phạm được chỉ định coi giữ người phụ nữ nói trên, công ty luật Good Lawyers nói với BBC Bắc Hàn.
Theo như công ty này, lần đầu tiên người phụ nữ này bị cưỡng bức là khi cô bất tỉnh do uống rượu.
Bộ Quốc phòng cho hay cuộc điều tra đang tập trung vào các cáo buộc và đã gửi trường hợp này tới các công tố viên của lực lượng vũ trang.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo nói hai người đàn ông nói trên “sẽ được xử lý thích hợp dựa trên kết quả điều tra”.
Tại sao người đào tẩu dễ bị tổn thương?
Hơn 72% trong số 33.000 người đào tẩu Bắc Hàn ở Nam Hàn là phụ nữ.
Một nhà hoạt động nhân quyền thường tư vấn cho các phụ nữ Bắc Hàn nói với BBC News Hàn Quốc rằng “nhiều người đào tẩu Bắc Hàn đã bị xâm phạm tình dục ở Trung Quốc trước khi đến Hàn Quốc.”
“Họ chịu đựng điều đó và khi họ tới Hàn Quốc, một số người có quan niệm rằng họ đã bị ô uế.”
Nhóm nhân quyền Sáng kiến Tương lai Hàn Quốc cho hay hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái Bắc Hàn bị ép làm việc trong ngành công nghiệp tình dục ở Trung Quốc, và nhiều người bị đẩy vào cảnh nô lệ tình dục ít nhất một lần trong vòng một năm họ rời quê hương.
Khi các nhà hoạt động hỏi các phụ nữ Bắc Hàn nghĩ gì về phong trào MeToo ở Hàn Quốc năm 2018, một số trả lời: “Điều đó thì mang lại ích lợi gì?”, “Nó chỉ mang lại sự sỉ nhục”; hoặc “Họ chỉ nên chịu đựng chúng.”
“Họ không quen nói về những điều này, cũng không được giáo dục về xâm hại tình dục, và đòi hỏi quyền của mình,” nhà hoạt động nói. “Họ không biết rằng khi họ bị lạm dụng tình dục thì đó là tội phạm và rằng người ta có thể phải chịu trách nhiệm hoặc được đền bù.”
Trên thực tế, lý do lớn nhất khiến các phụ nữ Bắc Hàn im lặng, các chuyên gia nhân quyền nói, là bởi kiếm sống là ưu tiên số một của họ.
“Họ nói với tôi: “Tôi cần sống sót. Tôi cần ăn và tôi cần sống. Đó phải là những điều trước hết,” nhà hoạt động cho hay.
Những phụ nữ Bắc Hàn trốn thoát hai lần
Theo số liệu của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc năm 2017, thu nhập trung bình hàng tháng của những người đào tẩu Bắc Hàn vào khoảng 1,9 triệu won, so với người Nam Hàn là 2,4 triệu won.
Tỷ lệ người đào tẩu Bắc Hàn thất nghiệp là 6,9%, gần gấp hai lần tỷ lệ người thất nghiệp Nam Hàn.
Bất chấp điều này, một cuộc khảo sát của Trung tâm Dữ liệu về Nhân quyền Bắc Hàn, thực hiện trên 400 người đào tẩu, cho thấy khoảng 61% gửi tiền về cho gia đình ở Bắc Hàn và 58% nói họ có kế hoạch tiếp tục làm vậy.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50682705
Bình Nhưỡng sợ Donald Trump « lẩm cẩm » gây chiến
Bình Nhưỡng lại dùng lời lẽ thóa mạ tổng thống Mỹ sau khi bị trả đũa. Thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Choe Son Hui cho là những lời đe dọa của tổng thống Donald Trump tấn công Bắc Triều Tiên là một « thách thức rất nguy hiểm » do « bệnh già lú lẫn ».
Liệu quan hệ Mỹ – Triều có đứng trước viễn cảnh trở lại thời kỳ đấu khẩu và thóa mạ tiền thượng đỉnh Singapore 2017 hay không ?
Theo KCNA, trong một phản ứng tức giận hôm thứ Năm 05/12/2019, thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Choe Son Hui cáo buộc tổng thống Donald Trump « thiếu kính trọng lãnh đạo tối cao » khi nhắc lại biệt danh « kẻ thích bấm nút » mà chủ nhân Nhà Trắng từng gán cho chủ tịch Bắc Triều Tiên.
Một ngày trước đó, Bình Nhưỡng đặt điều kiện buộc Washington đến « trước cuối năm nay », phải quyết định nhượng bộ nếu muốn Bắc Triều Tiên đàm phán về hạt nhân.
Tham dự thượng đỉnh NATO tại Luân Đôn, tổng thống Donald Trump kêu gọi Bắc Triều Tiên và lãnh đạo Kim Jong Un « tôn trọng lời cam kết phi hạt nhân hóa, nếu không Washington có thể dùng vũ lực nếu cần ». Ông tuyên bố thêm : rõ ràng Kim là người thích phóng tên lửa cho nên tôi gọi là « rocket man ».
Tuyên bố trên đây làm Bình Nhưỡng phẫn nộ. Theo AFP, tham mưu trưởng quân đội Bắc Triều Tiên Park Jong Chon lên tiếng đầu tiên, đe dọa « sẽ dùng biện pháp mạnh đáp trả tương xứng ». Tiếp theo là lời lăng nhục của thứ trưởng Ngoại Giao Choe Son Hui khi bà ám chỉ tuổi già của vị tổng thống 73 tuổi.
Tuy nhiên, theo phân tích của hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, thứ trưởng Bắc Triều Tiên dường như vẫn muốn duy trì đối thoại khi lưu ý tổng thống Mỹ : lãnh đạo Kim không bao giờ dùng lời lẽ nặng nề như thế với tổng thống Donald Trump.
Những người đòi dân chủ ở Hong Kong
sẽ biểu tình lớn vào cuối tuần,
cảnh báo “cơ hội cuối” cho chính quyền
Những nhà hoạt động đòi dân chủ cho Hong Kong hôm 6/12 cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc tập trung lớn vào cuối tuần, đòi chính quyền phải đáp ứng đủ các đòi hỏi của những người biểu tình đưa ra trong nhiều tháng qua.
Suốt 6 tháng qua, Hong Kong đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình có lúc kéo đến hơn 1 triệu người tham gia. Có những lúc, những cuộc biểu tình đã dẫn đến bạo lực. Hàng ngàn người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ.
Tuy nhiên, sau những thắng lợi của phe ủng hộ dân chủ cho Hong Kong trong cuộc bầu cử quận gần đây, suốt hai tuần qua, các cuộc biểu tình dường như đã lắng xuống.
Anh Jimmy Sham, đại diện cho Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF) tại Hong Kong nói với báo giới hôm 6/12 rằng những người biểu tình hy vọng chính phủ không ôm ấp hòa bình trong vài tuần qua mà nhầm lẫn rằng người dân đã bỏ những đòi hỏi của mình. Anh nói thêm, đây là cơ hội cuối của người dân dành cho bà Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam.
Theo AFP, cảnh sát Hong Kong đã làm một việc bất thường sau nhiều tuần qua là chấp nhận đơn xin biểu tình của CHRF vào Chủ Nhật này. Đây là lần đầu tiên nhóm này có được giấy phép biểu tình kể từ hồi giữa tháng 8.
Mặc dù chính quyền cấm các cuộc biểu tình, tập trung trong nhiều tháng bất ổn ở Hong Kong, nhưng nhiều người vẫn xuống đường.
Hong Kong cho phép người biểu tình
tiến hành cuộc diễn hành vào ngày chủ nhật
Tin từ Hong Kong – Vào hôm thứ Năm (5/12), các nhà tổ chức cho biết chính quyền Hong Kong cho phép người biểu tình diễn hành vào cuối tuần này, bật đèn xanh cho một cuộc biểu tình được xem là thước đo của phong trào ủng hộ dân chủ sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử địa phương.
Theo tin từ Reuters, Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền, nhóm tổ chức các cuộc diễn hành hàng triệu người ở Hong Kong hồi tháng 6, cho biết họ nhận được sự cho phép của cảnh sát cho một cuộc biểu tình Ngày Nhân quyền Quốc tế theo kế hoạch vào hôm Chủ nhật (8/12). Trong sáu tháng biểu tình chống Bắc Kinh ngày càng dữ dội vừa qua, chính quyền từ chối yêu cầu của nhóm này về việc tổ chức các cuộc biểu tình. Thành phố này tạm yên bình kể từ các cuộc bầu cử quận vào ngày 24 tháng 11, khi các ứng cử viên dân chủ giành được gần 90% số ghế. Các cuộc biểu tình bị khởi động bởi một dự luật dẫn độ gây tranh cãi, và phát triển thành lời kêu gọi rộng rãi hơn cho các quyền tự do dân chủ lớn hơn. Những tháng ngày bất ổn này đặt ra thách thức phổ biến lớn nhất đối với chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Đài phát thanh địa phương RTHK cho biết vào hôm thứ Năm (5/12), một kế hoạch để loại bỏ đặc khu trưởng Carrie Lâm không được thông qua trong Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông, vì bị các nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh bác bỏ.
https://www.sbtn.tv/hong-kong-cho-phep-nguoi-bieu-tinh-tien-hanh-cuoc-dien-hanh-vao-ngay-chu-nhat/
Cảnh sát trưởng Hong Kong đề nghị
mọi người biểu tình ôn hòa dịp cuối tuần
Cảnh sát trưởng Hong Kong đề nghị mọi người hãy biểu tình một cách ôn hòa vào Chủ nhật 8/12 sắp tới. Các nhà tổ chức tiên liệu sẽ có nhiều người tham gia cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ nhắm mục đích thể hiện rằng phong trào này vẫn có động lực mạnh mẽ.
Với động thái hiếm hoi, cảnh sát bật đèn xanh cho cuộc biểu tình, do Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF) tổ chức, nhóm này cũng từng đứng ra tổ chức cuộc tuần hành nhìn chung là ôn hòa hồi mùa hè.
“Chúng tôi hy vọng các công dân có thể cho cả thế giới thấy người dân Hong Kong có khả năng tổ chức một cuộc mít tinh quy mô lớn một cách có trật tự và ôn hòa”, Ủy viên cảnh sát Chris Tang phát hiểu hôm thứ Sáu 6/12 trước khi lên đường đi “thăm xã giao” Bắc Kinh.
Ông Tang dự kiến sẽ gặp các quan chức cấp cao của Bộ Công an Trung Quốc và sẽ quay trở lại Hong Kong vài giờ trước cuộc biểu tình vào Chủ nhật.
Cuộc tuần hành sẽ là thước đo về sự ủng hộ dành cho phong trào dân chủ sau chiến thắng của phong trào này trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng trước.
“Chúng tôi muốn nói với Trưởng đặc khu, bàCarrie Lam, rằng có kết quả bầu cử rồi không có nghĩa là kết thúc phong trào”, phó chủ tịch CHRF Eric Lai nói.
Cảnh sát nói họ sẽ can thiệp vào ngay lập tức nếu cuộc tuần hành vào Chủ nhật trở nên bạo lực. Tình trạng bất ổn ở Hong Kong là thách thức lớn nhất từ đông đảo người dân xứ này đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-truong-hong-kong-de-nghi-bieu-tinh-on-hoa/5195671.html
Người Trung Quốc lo lắng
việc gia tăng nhận dạng khuôn mặt
Sam SheadPhóng viên Công nghệ
Khảo sát của một viện nghiên cứu Bắc Kinh cho thấy ngày càng có nhiều người phản đối nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc.
74% người được hỏi cho biết họ muốn chọn sử dụng các phương thức nhận diện truyền thống thay vì công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác minh danh tính của họ.
Lo lắng về dữ liệu sinh trắc học bị tấn công, rò rỉ là mối quan tâm hàng đầu của 6.152 người được hỏi.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt đang được triển khai tại các nhà ga, trường học và trung tâm mua sắm khắp Trung Quốc.
Lộ tài liệu TQ ‘tẩy não’ cả dân tộc ở Tân Cương
Công nghệ mới giúp chống tình trạng bị giám sát, theo dõi
Trung Quốc buộc người dùng điện thoại phải quét mặt
TPHCM: Lắp camera nhận dạng mặt người
Cuộc khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Thông tin cá nhân Nandu công bố vào thứ Năm.
Đây được coi là một trong những nghiên cứu lớn đầu tiên lấy ý kiến dư luận về vấn đề nhận diện khuôn mặt ở Trung Quốc đại lục.
Khoảng 80% số người được hỏi cho biết họ lo ngại các nhà khai thác hệ thống nhận diện khuôn mặt chỉ có các biện pháp bảo mật lỏng lẻo.
Nghiên cứu riêng biệt cho thấy rằng họ có lý do chính đáng để lo ngại.
Trung Quốc bị xếp hạng tồi tệ nhất trong số 50 quốc gia trong một cuộc khảo sát để tìm hiểu xem hệ thống giám sát và sinh trắc học được triển khai rộng rãi và lấn lướt tới mức nào. Cuộc khảo sát này do công ty an ninh mạng Comparitech thực hiện.
Nghiên cứu trên cho thấy Trung Quốc không có “luật cụ thể để bảo vệ sinh trắc học của công dân” và nhấn mạnh quốc gia này “thiếu biện pháp bảo vệ an toàn cho nhân viên tại nơi làm việc”.
Lo ngại về giám sát
Khảo sát của Nandu được thực hiện qua internet từ tháng 10 đến tháng 11.
Trong đó, 57% số người được hỏi bày tỏ quan ngại về việc mọi bước đi của họ đều bị theo dõi.
Ngoài ra, 84% người được hỏi nói rằng họ muốn được xem lại dữ liệu mà các hệ thống nhận dạng khuôn mặt đã thu thập và có thể yêu cầu xóa dữ liệu.
Đa số cho biết họ muốn được lựa chọn sử dụng thẻ căn cước, giấy phép lái xe hoặc hộ chiếu. Nhưng cuộc khảo sát cũng cho thấy khoảng 60 đến 70% người Trung Quốc tin rằng nhận dạng khuôn mặt giúp nơi công cộng an toàn hơn.
Khó tránh
Trung Quốc có nhiều camera nhận dạng khuôn mặt hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và rất khó để tránh chúng.
Đầu tuần này, tin địa phương cho biết Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, đã trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc phổ biến nhận diện mặt ở các ga tàu điện ngầm.
Người đi tàu có thể sử dụng công nghệ này để thanh toán tự động thay vì quét mã QR trên điện thoại. Hiện tại, đây là một lựa chọn không bắt buộc, theo China Daily.
Đầu tháng này, giáo sư đại học Guo Bing tuyên bố ông đang kiện Công viên Safari Hàng Châu vì đã bắt buộc khách phải qua nhận dạng khuôn mặt.
Giáo sư Guo, có vé năm của công viên, đã sử dụng dấu vân tay để vào cửa nhiều năm qua, nhưng giờ không thể dùng vân tay nữa.
Vụ việc được đưa tin trên truyền thông nhà nước, cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng cho dư luận tranh cãi về việc tư nhân sử dụng công nghệ này.
TQ tăng cường camera nhận diện khuôn mặt
Nhưng nhà nước tiếp tục bắt buộc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong một số trường hợp nhất định.
Đầu tháng 11, một quy định mới có hiệu lực yêu cầu các thuê bao điện thoại di động phải quét khuôn mặt khi ký hợp đồng mới với nhà cung cấp.
Chính quyền cho biết động thái này là để ngăn chặn việc bán lại thẻ sim, chống gian lận.
Nhưng những người quan sát cũng lên tiếng rằng công nghệ này cũng có thể được sử dụng để cảnh sát và các quan chức theo dõi dân.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50683005
TQ mở đối thoại Á-Âu tìm cách lôi kéo
các nước tham gia Sáng kiến “Vành đai, con đường”
Ngày 2/12, tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc tổ chức Đối thoại Hợp tác Á-Âu lần thứ 2 nhằm mở rộng các mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc với các nước và thúc đẩy cho Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI), trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều thách thức do cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Theo truyền thống Trung Quốc, có khoảng hơn 400 đại diện đến từ 21 nước và vùng lãnh thổ và 3 tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị, trong đó tập trung thảo luận về bố cục mới quản trị hợp tác Á-Âu, thúc đẩy hợp tác quốc tế “Vành đai, con đường” và các liên kết liên quan. Diễn đàn này khiến dư luận dễ nhầm lẫn với Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), một cơ chế hợp tác đối thoại đa phương quan trọng hiện nay của các nước. Từ khi được công bố vào năm 2013, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã trở thành dự án chính sách đối ngoại đặc trưng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sáng kiến này thể hiện những tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở trong và ngoài nước và đã chính thức được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc tại Đại hội XIX của Đảng. Cũng trong Đại hội này, Tập Cận Bình đã đưa ra tuyên bố về “kỷ nguyên mới” và “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. BRI là biểu tượng của chính sách đối ngoại tự tin hơn của Trung Quốc, khác xa chiến lược khiêm tốn “giấu mình chờ thời” mà từ lâu đã là đặc trưng của sự can dự toàn cầu của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, hiện BRI đang vấp phải những chỉ trích tại nhiều nước. Các dự án BRI quá thường xuyên có xu hướng vướng vào tham nhũng, đồng thời thiếu nghiêm trọng tính bền vững kinh tế, tính minh bạch pháp lý và sự quản trị tốt. Cùng với nhau, những thiếu sót này dẫn tới các dự án đe dọa chủ quyền, các chuẩn mực và thông lệ dưới chuẩn trong xuất khẩu và gây quan ngại về những tác động địa chiến lược của sáng kiến này. Nhiều ý kiến hiện cho rằng Trung Quốc áp dụng ngoại giao bẫy nợ thông qua BRI, khiến các nước đang phát triển lệ thuộc vào nợ và sau đó chuyển sự lệ thuộc đó thành ảnh hưởng địa chính trị. Trung tâm Phát triển toàn cầu chọn ra 8 quốc gia được coi là “đặc biệt có nguy cơ vỡ nợ” do tham gia BRI của Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc tại Sri Lanka, Pakistan và Malaysia có vai trò trung tâm đối với các cuộc tranh luận về bẫy nợ. Thiếu sự minh bạch làm gia tăng những quan ngại rằng các dự án BRI có thể khuyến khích sự quản trị yếu kém và trở thành những thỏi nam châm thu hút tham nhũng. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, nhiều quốc gia thuộc phạm vi của BRI vốn đã nằm trong danh sách các nước tham nhũng nhất thế giới. Bản chất không rõ ràng của các dự án BRI khiến chúng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tình trạng tham ô và quản lý sai nguyên tắc. Trong điều kiện như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị ở các nước BRI có thể cho rằng những dự án được Trung Quốc hậu thuẫn đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Các nhà lãnh đạo có thể tuyên bố rằng họ đang mang lại sự phát triển trong khi vẫn bòn rút ngân sách thông qua các khoản “lại quả” và các giao dịch tài chính mờ ám.
Nga nước đầu tàu trong các sáng kiến hợp tác Á-Âu hiện cũng có những tính toán nước đôi đối với BRI của Trung Quốc. Một mặt Nga ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy BRI của Trung Quốc, song Nga cũng tích cực theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở các nơi khác thuộc khu vực châu Á-Âu, từ Pakistan đến Ba Lan, để hiểu được quy mô tham vọng của Bắc Kinh và cách thức hoạt động của nước này với tư cách một bên tham gia toàn cầu. Matxcova sẽ còn tiếp tục đối đầu với Washington và xa lánh EU trong nhiều năm. Trong giai đoạn đó, Trung Quốc sẽ là đối tác kinh tế và chiến lược chính của Nga. Tuy nhiên, Điện Kremlin không muốn chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong động thái mới nhất giưa Bắc Kinh và Matxcova, hai bên đã khai thông và đưa vào hoạt động đường ống dẫn khí đốt tuyến phía Đông Trung Quốc-Nga sau 5 năm triển khai.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về Tân Cương,
BNG TQ lập tức chỉ trích bằng những từ ngữ nặng nề
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, việc Hạ viện Mỹ thông qua đạo luật liên quan Tân Cương cho thấy, Mỹ mang “bộ mặt giả tạo và ý đồ nham hiểm” về chống khủng bố.
Sáng nay, ngay sau khi thông tin Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật chính sách nhân quyền của của người Duy Ngô Nhĩ 2019″ (tức Dự luật UIGHUR), phía Trung Quốc lập tức lên tiếng phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cáo buộc, dự luật này “cố tình xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Tân Cương, trắng trợn bôi nhọ nỗ lực của Trung Quốc trong dập tắt cực đoan và chống chủ nghĩa khủng bố, ác ý công kích chính sách lãnh thổ của chính phủ Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế”.
Bà Hoa cho biết, Trung Quốc bày tỏ sự tức giận mạnh mẽ và kiên quyết phản đối.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định rằng, vấn đề liên quan đến Tân Cương không phải là vấn đề nhân quyền, quốc tịch hay tôn giáo, mà là vấn đề chống khủng bố và chống ly khai. Đồng thời bà nhấn mạnh, trước các hoạt động khủng bố cực đoan và bạo lực nghiêm trọng, chính quyền Khu tự trị Tân Cương đã tiến hành trấn áp các hoạt động khủng bố bạo lực theo luật pháp, bên cạnh việc liên tục thúc đẩy phát triển kinh tế, đoàn kết dân tộc và ổn định xã hội.
“Chúng tôi nghiêm khắc nhắc nhở với phía Mỹ rằng các vấn đề Tân Cương hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không cho phép sự can thiệp của nước ngoài”, bà Hoa cảnh báo, dự luật trên càng giúp người dân Trung Quốc hiểu thêm “bộ mặt giả tạo và ý đồ nham hiểm” của Mỹ về chống khủng bố.
Bà này cũng cho biết, Trung Quốc yêu cầu Mỹ “sửa chữa sai lầm, ngăn dự luật trở thành luật” và khẳng định Bắc Kinh sẽ đưa ra phản ứng tiếp theo dựa trên sự phát triển của tình hình.
Bị chặn đường vì thương chiến, “ông lớn”
viễn thông TQ tìm được ánh sáng cuối đường hầm
Trong 6 tháng trở lại đây, ít nhất 8 trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Nga đã công bố kế hoạch hợp tác với Huawei.
Cánh cửa Mỹ đóng lại
Trước ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Washington đối với Huawei, trong vòng 18 tháng qua, hàng loạt các trường đại học lớn tại Mỹ như Princenton, Stanford và University of California, đang cân nhắc việc tiếp tục các chương trình hợp tác nghiên cứu với tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc.
Không chỉ các hoạt động nghiên cứu, những hợp đồng hợp tác và đầu tư đến từ các đối tác Mỹ cũng đang bị đình trệ sau khi chính quyền Mỹ nâng cảnh báo về những mối lo đối với an ninh quốc gia, cùng với đó là những cuộc điều tra cấp liên bang về hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ và vi phạm luật pháp.
Đứng trước tình thế này, Huawei đã nhanh chóng tìm kiếm cơ hội từ các thị trường khác, trong đó, đáng chú ý là những hoạt động hợp tác với Nga, đặc biệt khi Moscow coi hoạt động hợp tác trong mảng khoa học và kĩ thuật với Bắc Kinh là một ưu tiên hàng đầu. Tận dụng cơ hội này, Huawei đã bày tỏ tham vọng muốn các trường đại học ở Nga tham gia nghiên cứu các mảng quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu, công nghệ quang học, và điện toán đám mây.
Trong 6 tháng trở lại đây, ít nhất 8 trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Nga đã công bố kế hoạch hợp tác với Huawei.
“Mục tiêu của chúng tôi là biến kiến thức thành tiền bạc và ngược lại. Chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp tài chính cho các hoạt động nghiên cứu, kể cả khi điều này không giải quyết những vấn đề cụ thể, nhưng vẫn là một bước tiến về phía trước”, Zhou Hong, Chủ tịch Viện nghiên cứu của Huawei tại châu Âu, phát biểu trong một buổi gặp mặt vào tháng 7 vừa qua tại trường Đại học Kĩ thuật Novosibirsk ở vùng Siberi.
Trường Novosibrisk sau đó đã đồng ý sẽ cùng “hợp tác đào tạo và triển khai nghiên cứu” với Huawei. Chương trình này nằm trong chiến lược của Huawei trong việc sẽ chi ra 300 triệu USD hàng năm cho các trường đại học trên toàn thế giới để phát triển các công nghệ mới cho điện thoại và nền tảng viễn thông.
Tại Nga, Huawei đang tập trung vào việc phát triển hệ sinh thái AI, bắt đầu với việc phát triển các sản phẩm thuộc nền tảng điện toán mang tên Atlas AI, vốn được tập đoàn kì vọng sẽ hỗ trợ cho các dự án về AI quy mô lớn, ví dụ như thành phố thông minh.
“Huawei đặt mục tiêu sẽ hợp tác với các tổ chức công nghiệp và hơn 100.000 kĩ sư phát triển AI, hơn 100 các công ty sản xuất phần mềm, và hơn 20 trường đại học để xây dựng một hệ sinh thái về AI trong vòng 5 năm tới, qua đó đưa các ứng dụng của AI vào các ngành công nghiệp”, kiến trúc sư chiến lược của Huawei Dang Wenshuan nhấn mạnh trong một sự kiện tại Matxcova vào đầu tháng 12.
Để thực hiện chiến lược này, Huawei đã khuyến khích các trường đại học của Nga tham gia chương trình nghiên cứu đổi mới sáng tạo do công ty này khởi xướng, trong đó cam kết tài trợ lên tới 70.000 USD cho mỗi dự án.
Chương trình được áp dụng cho 18 quốc gia và từng được coi là kênh hợp tác chính của Huawei đối với các trường đại học tại Mỹ. Các mảng nghiên cứu chính bao gồm dữ liệu lớn, AI, công nghệ quang học, internet vạn vật (IoT), công nghệ không dây…
Vào tháng 6, Huawei đã kí hợp đồng hợp tác với công ty viễn thông Nga MTS để phát triển mạng 5G, trong khi doanh số điện thoại di động của tập đoàn Trung Quốc tại Nga đã vượt Samsung kể từ đầu năm nay.
Cánh cửa Nga rộng mở
Việc Huawei đẩy mạnh các hoạt động tại Nga diễn ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến nghiên cứu và công nghệ.
Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định năm 2020 và 2021 sẽ là năm 2 nước hợp tác về “khoa học, kĩ thuật và sáng tạo”.
“Việc Huawei tăng cường sự hiện diện ở Nga có thể cho thấy thực tế công ty đang phụ thuộc vào các chương trình hợp tác nghiên cứu và tuyển dụng nhân tài từ Bắc Mỹ, đặc biệt là Mỹ và châu Âu”, Elsa Kania, trợ lý nghiên cứu về chương trình an ninh công nghệ quốc gia tại trung tâm An Ninh Mỹ có trụ sở ở Washington, nhận định.
Dẫu cho Nga có thể không cạnh tranh được với Mỹ về số lượng tài năng trong lĩnh vực khoa học, sự lớn mạnh của các viện nghiên cứu của nước này trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình và toán học vẫn cho thấy sức hấp dẫn lớn đối với Huawei, nhất là khi “công ty này đang phải đối mặt với rủi ro bị ngăn tiếp cận với Thung lũng Silicon và các trường đại học Mỹ”, Alexander Gabuev, Giám đốc Chương trình “Nước Nga với khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, thuộc Trung tâm Carnegie Moscow.
“Ở Nga, họ sẽ có thể tiếp cận những tài năng dù có thể không xuất sắc hơn hẳn các kĩ sư Trung Quốc, nhưng có cách thức tư duy và cách tiếp cận vấn đề khác biệt”, Gabuev nói thêm.
Để đổi lại Huawei sẽ chuyển giao các kĩ năng về sản xuất và marketing cho các viện nghiên cứu và thí nghiệm khoa học của Nga, vốn hiện đang gặp khó khăn trong việc thương mại hoá các dự án nghiên cứu.
Igor Pivovarov, nghiên cứu trưởng tại Trung tâm AI thuộc Viện Nghiên cứu Vật lý và Công nghệ Matxcova cho rằng không có động cơ chính trị đằng sau các hoạt động hợp tác với Huawei. “Khoa học không phải là chính trị, và chúng tôi muốn được hợp tác với mọi đối tác, bất kể đó là Trung Quốc hay Mỹ”.
“Điều tốt nhất mà nước Nga có thể làm là tập trung vào thế mạnh của mình, đó là nghiên cứu và phát triển công nghệ. Với kinh nghiệm và tiềm năng lớn từ các công ty Trung Quốc, việc hợp tác sẽ mang lại lợi ích lớn cho các bên,” Pivovarov khẳng định.
Một hoạt động hợp tác đáng chú ý khác của Trung Quốc tại Nga là với Trường Đại học Khoa học và Kĩ thuật Skolkovo tại Matxcova, còn được biết đến với tên gọi Skoltech, vốn cũng đang hợp tác với một loạt các đối tác về công nghệ lớn trên toàn cầu, bao gồm Philips và Samsung.
Sự hợp tác này đã tăng tốc trong thời gian gần đây từ chỉ 1 hợp đồng nghiên cứu vào năm 2013 lên 10 chương tình hợp tác trị giá 2 triệu USD mỗi năm, chưa kể một cơ sở nghiên cứu về thuật toán vừa được khánh thành vào tháng 6 vừa qua. Cơ sở này được kì vọng sẽ giúp cải thiện hiệu năng các vi xử lý và camera trong hệ sinh thái sản phẩm của Huawei.
Ivan Khlebnikov, đại diện trung tâm nghiên cứu, cho biết các sản phẩm trí tuệ được phát triển theo nguồn vốn tài trợ của Huawei sẽ được 2 bên đồng sở hữu.
Trong khi đó, Gabuev cho rằng cho dù các vấn đề về an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ đang là mối lo lớn trong vấn đề hoạt động của Huawei tại Mỹ, điều này không được quá coi trọng tại Nga. Các viện nghiên cứu của Nga coi Trung Quốc như một đối tác có thể khỏa lấp những thiếu sót của họ, ông nói.
“Người Nga biết rằng mình không có một công ty đại diện quốc gia tương tự như Huawei, và chúng tôi sẽ không bao giờ có một công ty như thế. Vậy làm thế nào để Nga có thể hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo dựng môi trường tốt cho nhân tài ở lại?”
“Đây chính là lý do khiến Nga nhìn ra nhiều lợi ích trong việc hợp tác với Huawei và các công ty Trung Quốc khác. Điều này sẽ giúp chúng tôi cùng với Trung Quốc có thể là một phần của những sản phẩm toàn cầu, trong đó Nga đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển”.
Điều này đồng thời mang lại các lợi ích cho Huawei, khi họ và các tập đoàn lớn của Trung Quốc đang nỗ lực “gia tăng sự hiện diện trên thị trường quốc tế, cũng như thúc đẩy khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài”, thông qua việc hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trên toàn cầu, Andrew Kennedy, giáo sư tại trường đại học Quốc gia Australia, nói.
“Nước Mỹ không cần những khoản đầu tư của Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ cao, do đó, quan điểm của họ là làm thế nào để kìm hãm sự phát triển của các công ty Trung Quốc, nhưng đối với các nước khác, đây lại là yếu tố ưu tiên hàng đầu, nhất là khi họ không có các công ty công nghệ lớn mạnh có thể triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển quy mô lớn”, Kennedy nói.
Tại trường Skoltech ở Matxcova, các nghiên cứu sinh tiến sĩ có cơ hội được làm việc với các kĩ sư tại Trung tâm nghiên cứu của Huawei ở Matxcova, đây là cơ hội không chỉ giúp họ tăng kiến thức chuyên môn, tìm kiếm cơ hội việc làm mà còn tiếp cận môi trường làm việc trong các tập đoàn quốc tế, Khlebnikov nói tiếp.
Trung Cộng dự trữ chip Hoa Kỳ
do lo sợ quan hệ thương mại xấu đi
Trung Cộng đang tích trữ chip máy tính của Hoa Kỳ, một dấu hiệu cho thấy các công ty kỹ thuật đang chuẩn bị cho tình huống quan hệ thương mại xấu đi có thể khiến họ bị cô lập khỏi kỹ thuật Hoa Kỳ. Phân tích dữ liệu chính thức mới nhất của Trung Cộng cho thấy lượng chất bán dẫn, vi mạch và trang bị sản xuất vi mạch nhập cảng từ Hoa Kỳ vào Trung Cộng tăng mạnh trong ba năm qua, dù tổng lượng mua từ Hoa Kỳ giảm mạnh kể từ năm 2018 trong cuộc chiến thương mại.
Lượng nhập cảng chip và máy móc liên quan từ Hoa Kỳ đạt gần 1.7 tỷ mỹ kim trong tháng 8, mức cao nhất kể từ tối thiểu là đầu năm 2017, và đạt gần mức đó một lần nữa vào tháng Mười. Khi cuộc chiến thuế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với Trung Cộng biến thành một cuộc đối đầu tổng quát hơn về kỹ thuật trong tương lai, nguy cơ “bức màn silicon” hạ xuống là có thật đối với nhiều công ty Trung Cộng chưa có khả năng thu thập linh kiện kỹ thuật cao trong nước. Trung Cộng đầu tư hàng tỷ mỹ kim vào nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Nhưng họ vẫn bị bỏ xa trong các lĩnh vực chính như vi xử lý hiệu năng cao và chip đồ họa.
Việc Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen các công ty Trung Cộng bao gồm Huawei Technologies là một yếu tố thúc đẩy lượng nhập cảng tăng vọt, do nhu cầu dự trữ. Sự xuất hiện của các thương hiệu điện thoại thông minh trong nước như Huawei và Oppo cùng việc nhanh chóng áp dụng điện toán đám mây cũng đang giúp thúc đẩy việc nhập cảng silicon hiệu suất cao.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/trung-cong-du-tru-chip-hoa-ky-do-lo-so-quan-he-thuong-mai-xau-di/
TQ đang đau đầu vì “một năm kinh tế buồn”,
TT Trump lại có phát biểu đáng lo ngại về thương chiến
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/12 bất ngờ tuyên bố rằng việc ký kết thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ phải đợi đến sau cuộc bầu cử năm 2020, CNBC đưa tin.
“Tôi cũng thích ý tưởng chờ đợi đến sau cuộc bầu cử rồi mới ký thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng họ muốn có thỏa thuận ngay lúc này, nên chúng tôi sẽ xem xét liệu điều đó có khả thi hay không”, Tổng thống Trump trả lời báo giới tại London hôm 3/12, nơi đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO.
Được biết, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức sẽ được tổ chức vào tháng 11/2020. Nhiều nhà phân tích vốn cho rằng ông Trump cần thỏa thuận thương mại với Trung Quốc để tăng cơ hội tái đắc cử, tuy nhiên tuần trước nhà lãnh đạo này đã bất ngờ vượt quyền Quốc hội để thông qua gói viện trợ trị giá 20 tỉ USD cho những nông dân tại các bang trọng yếu bị ảnh hưởng bởi thương chiến.
Tuyên bố trên của ông Trump đã trở thành cú sốc đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 100 điểm ngay trong phiên giao dịch đầu giờ sáng ngày thứ 3 (3/12), theo giờ Washington), và tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua.
Các chỉ số khác như SPX và NASDAQ thậm chí giảm xuống mức âm. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ cũng trượt sâu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 vừa qua, The Guardian đưa tin.
Khi được hỏi liệu ông Trump có thời hạn cho thỏa thuận thương mại với Trung Quốc hay không, vị Tổng thống Mỹ đã đáp: “Tôi không có thời hạn nào cả”. Tuy nhiên, không rõ liệu đây là câu trả lời dành cho một thỏa thuận thương mại toàn diện, hay thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc.
Washington và Bắc Kinh đã liên tục giáng đòn thuế nhập khẩu nhằm vào số hàng hóa trị giá hàng tỉ USD của đối phương kể từ năm 2018, khiến các thị trường tài chính chao đảo, doanh nghiệp và người tiêu dùng hoang mang.
Thời hạn giáng đòn thuế quan tiếp theo của Mỹ là ngày 15/12. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trước thời hạn này, thì 156 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc – trong đó bao gồm điện thoại thông minh và laptop – sẽ phải gánh thêm mức thuế 15%.
Trả lời báo giới tại London, Tổng thống Trump cũng đã chỉ trích những chính quyền tiền nhiệm của Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ trước việc Trung Quốc “trục lợi từ Mỹ trong bao nhiêu năm trời”, và nguyên nhân gây ra điều đó là do các chính quyền tiền nhiệm “thiếu khả năng lãnh đạo”.
“Quan hệ của chúng tôi [Mỹ] và Trung Quốc hiện giờ rất tốt, và nó sẽ còn tốt hơn nữa khi chúng tôi đặt bút ký [vào thỏa thuận]”, ông Trump khẳng định. Thế nhưng sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ lại nói rằng Trung Quốc “đang trải qua năm tồi tệ nhất trong vòng 57 năm qua”.
“Năm kinh tế buồn” của Trung Quốc
Quả thực, những số liệu được các cơ quan chính phủ Trung Quốc công bố gần đây đã xác nhận nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang thật sự gặp khó khăn. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống 6% trong Quý III năm nay – thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua – và có xu hướng tiếp tục giảm trong Quý IV này.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các nhà hoạch định của nước này cũng đã thừa nhận nền kinh tế đang đứng trước sức ép đi xuống.
Chưa dừng lại ở đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) còn dự báo viễn cảnh tồi tệ hơn đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc: Nếu như 6% là mức đáy trong mục tiêu tăng trưởng cả năm nay, thì đến năm 2020, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 5,8% – rất khó “ngóc đầu”.
Dù chỉ là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc đi xuống, nhưng rõ ràng cuộc chiến thương mại với Mỹ kéo dài thêm sẽ là điều bất lợi cho nước này.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 2/12 đã ngụ ý rằng các nhà đàm phán Mỹ chưa thực sự hài lòng về những điều kiện phía Trung Quốc đưa ra, và cho biết phía Washington sẽ tiếp tục quan sát thêm thái độ của Bắc Kinh trước khi đưa ra quyết định.
Campuchia và Việt Nam tổ chức tập trận quân sự chung
Campuchia và Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung kéo dài một ngày vào ngày 18/12, nhằm tăng cường quan hệ và hợp tác về các nỗ lực cứu hộ cứu nạn, một nỗ lực mà giới quan sát cho là “nhằm xua tan những lời đồn đoán cho rằng Campuchia đang lạnh nhạt đối với Việt Nam và thân thiết hơn với Trung Quốc”.
Trang Khmer Times hôm 6/12 loan tin Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh sẽ chủ trì lễ khai mạc cuộc tập trận dọc biên giới giữa tỉnh Svay Rieng và tỉnh Long An của Việt Nam.
Trang này dẫn lời tướng Moeng Samphan, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Campuchia, cho biết: “Có tổng cộng 1.000 binh sĩ, mỗi quốc gia 500 người, sẽ tham gia tập trận này và máy bay trực thăng cũng sẽ được sử dụng”.
Theo thông tin từ Quân khu 7, Lữ đoàn 87 thuộc Bộ Tư lệnh Hóa học sẽ tham gia diễn tập cứu hộ, cứu nạn khu vực biên giới đất liền giữa huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, Việt Nam, và huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Rieng, Campuchia.
Trang Long An Online cho biết vào tháng trước, Thiếu tướng Lê Bửu Tuấn, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, đã có buổi làm việc với tỉnh Long An để kiểm tra một số công tác chuẩn bị cho cuộc diễn tập.
Trang Khmer Times trích lời ông Kin Phea, Tổng Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Học viện Hoàng gia Campuchia, cho biết Campuchia-Việt Nam là bạn bè tốt và láng giềng tốt nên các cuộc tập trận quân sự chung trong khuôn khổ hợp tác lân bang sẽ đảm bảo an ninh dọc biên giới.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng các cuộc tập trận quân sự chung sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực quân sự và tăng cường năng lực của cả hai quân đội”.
Báo Khmer Times dẫn lời ông Phea nhận định rằng cuộc diễn tập này cũng nhằm xua tan những lời đồn đoán cho rằng Campuchia đang lạnh nhạt đối với Việt Nam và thân thiết hơn với Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/campuchia-va-vietnam-to-chuc-tap-tran-quan-su-chung/5195611.html
Liên tục tăng cường sức mạnh hải quân,
Philippines đang tạo cuộc chạy đua vũ trang
trong khu vực
Hải quân Philippines đang có kế hoach mua một số tàu tên lửa tấn công nhanh FAICM đã qua sử dụng của Israel, nhằm nâng cao năng lực tác chiến cho lực lượng quốc phòng của Manila.
Phó đô đốc Hải quân Philippines Robert Empedrad cho biết, nước này đang dự định đặt mua các tàu tên lửa tấn công nhanh FAICM đã qua sử dụng của Israel. Tàu FAICM có thiết kế rất lạ mắt, lượng giãn nước đầy tải của tàu chưa tới 500 tấn, nằm trong khoảng 488 – 498 tấn (tùy phiên bản) với chiều dài 61,7 m; chiều rộng 6,7 m; mớn nước 2,8 m; thủy thủ đoàn 53 người. àu được trang bị 4 động cơ diesel MTU 16V956 TB91 công suất 4.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 34 hải lý/h, tầm hoạt động lớn nhất 4.800 hải lý nếu chạy ở vận tốc 19 hải lý/h, hoặc 2.200 hải lý (4.100 km) khi chạy với tốc độ 30 hải lý/h. Hệ thống điện tử của tàu gồm radar cảnh giới đường không và bề mặt Neptune của Thales, radar điều khiển hỏa lực EL/M-2258 và EL/M-2221và tổ hợp thiết bị đối kháng điện tử do Elbit Systems chế tạo. Dàn vũ khí trên tàu gồm 1 pháo Oto Breda cỡ 76,2 mm, 1 module pháo phòng không bắn nhanh Phalanx cỡ 20 mm, 4 tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon, 2 pháo tự động Oerlikon 20 mm và 2 súng máy hạng nặng M2HB 12,7 mm. Bên cạnh khẩu pháo Oto Breda thì chiến hạm Sa’ar 4.5 còn được trang bị dàn phóng rocket gây nhiễu với cơ số rất lớn lên tới 72 quả đạn sẵn sàng khai hỏa. Một số tàu còn được nghiên cứu tích hợp cả 6 ống phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ đi kèm cụm thiết bị định vị thủy âm, khiến nó trở thành chiến hạm 500 tấn đa năng nhất thế giới.
Dù số lượng tàu chiến Hải quân FAICM dự kiến đặt mua không được công bố, nhưng giới truyền thông Philippines cho biế, nước này có thể mua ít nhất 8 chiếc FAICM. Liên quan tới hợp đồng này, đại diện phía Israel cho biết, nếu việc ký kết mua sắm các tàu chiến FAICM diễn ra ngay trong cuối năm 2019, thì quá trình chuyển giao sẽ hoàn thành trước năm 2022.
Hiện tại, Quân đội Philippines đang thực hiện chương trình hiện đại hóa quy mô lớn giai đoạn thứ 2. Ở giai đoạn này, Hải quân Philippines được phân bổ nguồn tài chính đặt mua ít nhất 2 tàu hộ tống và 6 tàu tuần tra hiện đại. Đây là sự bổ sung cần thiết khi năng lực tác chiến của Hải quân Philippines đã suy giảm đáng kể do phần lớn trang bị đều đã cũ, lạc hậu, thậm chí là không có khả năng hoạt động. Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phê duyệt kế hoạch mua hai tàu ngầm, tám tàu tấn công nhanh mới có khả năng mang tên lửa với tốc độ lên tới 40 hải lý/giờ, sáu tàu tuần tra xa bờ mới, hai tàu hộ tống mới, tân trang, sửa chữa hai tàu hộ tống lớp Pohang và tàu BRP Conrado Yap. Bên cạnh việc trang bị thêm các tàu này, Hải quân Philippines cũng đang cố gắng thúc đẩy khả năng tự đóng tàu. Bốn trong số tám tàu tấn công nhanh có khả năng mang theo tên lửa cũng sẽ được chế tạo tại nước này. Theo Philstar, Chính phủ Philippines đã quyết định mua 2 chiếc tàu ngầm thông thường tối tân hàng đầu hiện nay là Type 212 do Đức sản xuất. Dù không rõ bản hợp đồng đã chính thức được ký kết hay chưa nhưng Hải quân Philippines đã điều đến Đức (một số lượng không xác định) sĩ quan hải quân để học vận hành tàu ngầm. Theo giới thiệu của nhà sản xuất, Type 212 được trang bị hàng loạt công nghệ quân sự đỉnh cao NATO. Đặc biệt nhất là hệ thống đẩy không khí độc lập AIP giúp tàu ngầm Type 212 có lặn với thời gian lâu hơn, vượt xa thời gian lặn tối đa của lớp tàu ngầm Kilo 636 của Nga hay Scorpene của Pháp. Điều làm nên sự khác biệt của Type 212 là việc chúng được thiết kế thủy động lực học độc đáo cho phép tàu ngầm này hoạt động ở những vùng nước sâu chỉ 17m. Điều đó cho phép nó tiếp cận bờ biển gần hơn so với bất kỳ loại tàu ngầm nào trên thế giới. Về hỏa lực, tàu ngầm Type 212 được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm có thể triển khai nhiều loại ngư lôi hiện đại như ngư lôi dẫn đường bằng
cáp quang DM2A4 có tầm bắn lên tới 50km; ngư lôi WASSS A184 Mod 3; ngư lôi Black Shark và tên lửa hành trình chống hạm Harpoon. Tuy kém hơn Kilo 636 ở hệ thống tên lửa hành trình, nhưng bù lại Type 212 sở hữu hảo lực phòng không đáng gờm với hệ thống tên lửa IDAS dẫn đường bằng cáp quang có tầm phóng tới 20km (xa hơn hệ thống phòng không kiểu vác vai trên các tàu ngầm Nga). Đặc biệt hơn, Type 212 thiết kế bệ phóng cho 3 UAV làm nhiệm vụ trinh sát, cũng như một khẩu pháo nhỏ 30mm Murane có thể hỗ trợ hoạt động tác chiến dưới nước. Căn cứ vào nhiệm vụ có thể hoàn thành của Type 212 cho thấy, một khi Philippines chính thức được trang bị, Type 212 sẽ là tàu ngầm điện-diesel hàng đầu thế giới vùng vẫy tại Biển Đông. Trong khi đó, BRP Conrado Yap được đánh giá là tàu chiến mạnh nhất của Hải quân Philippines. BRP Conrado Yap dài 88,3m, trục ngang 10m, độ mớn nước 2,9m; khi đầy tải, trọng lượng của con tàu vào khoảng 1.216 tấn. Nó có thể chở theo một thủy thủ đoàn gồm 118 người và hoạt động liên tiếp trong 20 ngày; được trang bị 2 tuabin khí, con tàu có thể đạt tốc độ tối đa là 59 km/h với tầm hoạt động lên tới 7.400 km. Hệ thống vũ khí được trang bị trên BRP Conrado Yap gồm 2 khẩu pháo OtoMelara 76mm, 2 khẩu pháo Otobreda 40 mm, 2 ống phóng ngư lôi giúp tàu có khả năng chống hạm, chống ngầm và phòng không mạnh mẽ.
Hải quân Thái Lan (9/9) đã ký hợp đồng mua tàu đổ bộ Type 071E do Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) đóng nhằm tăng cường năng lực hải quân và thúc đẩy quan hệ quân sự giữa hai nước. Tàu đổ bộ Type 071E có lượng giãn nước đầy tải 22.000 tấn, chiều dài 210 m, chiều rộng 28 m, mớn nước 17,4 m. Hệ thống động lực của Type 071E là động cơ CODAD (kết hợp diesel – diesel) với 4 máy chính, cho vận tốc tối đa 23 hải lý/h, tầm hoạt động 8.000 hải lý khi chạy ở tốc độ kinh tế 18 hải lý/h. Type 071E cung cấp một mặt sàn cực kỳ rộng giúp tăng sức chứa và có đủ diện tích để dựng bệnh viện dã chiến hoặc các phòng chỉ huy tạm ngay trên tàu. Tàu có tổng cộng ba tầng bao gồm tầng cuối cùng để phương tiện đổ bộ qua lối cửa mở phía sau, tầng giữa đặt các phương tiện vận tải, trang thiết bị đổ bộ và tầng trên cùng bao gồm cấu trúc thượng tầng, sân đỗ và nhà chứa trực thăng. Sân đỗ trên tàu đổ bộ Type 071E có thể tiếp nhận cùng lúc 2 trực thăng và sàn đáp có thể đỗ cùng luc 3 chiếc trực thăng. Hỏa lực chính trên tàu bao gồm một khẩu hải pháo H/PJ-26 cỡ 76 mm. Đây là biến thể từ pháo AK-176 do Liên Xô sản xuất, có tầm bắn tối đa 15,5 km và tốc độ bắn lên tới 120 phát/phút. Ngoài ra tàu còn trang bị 4 khẩu pháo cao tốc AK-630 cỡ nòng 30 mm. Vũ khí này có tốc độ bắn lên tới 6.000 phát/phút và là lớp phòng thủ cuối cùng của tàu đổ bộ tấn công Type 071. Type 071E còn được lắp thêm một module tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn FL-3000N. Ngoài ra, Type 071E có biên chế thủy thủ đoàn và sĩ quan chỉ huy đầy đủ là 150 người, có thể chở theo tối đa tới 800 lính thủy đánh bộ, mang theo từ 15 tới 20 phương tiện thiết giáp, bao gồm xe chiến đấu bộ binh hoặc xe tăng lội nước tùy chủng loại. Ngoài việc mua tàu 071E, Hải quân Thái Lan trước đó cũng đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Trung Quốc để mua ba chiếc tàu ngầm thông thường lớp S-20T Kirin với tổng trị giá 1,03 tỷ USD. S-20T được phát triển trên cơ sở tàu ngầm Type 039A do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo. Loại tàu này có lượng giãn nước từ 2.300 tấn đến 2.600 tấn, với thủy thủ đoàn khoảng 65 người và được trang bị sáu ống phóng ngư lôi 533mm và có thể phóng tên lửa chống hạm YJ-83. Quân đội Hoàng gia Thái Lan (2017) cũng đã mua 28 xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 từ Trung Quốc với chi phí 150 triệu USD và sau đó chi thêm 58 triệu USD để đặt mua thêm 10 chiếc nữa.
Bộ Quốc phòng Indonesia (4/2019) vừa đặt hàng thêm ba chiếc tàu ngầm 1.400 tấn theo một hợp đồng ký trong ngày hạ thủy con tàu ngầm đầu tiên được lắp ráp trong nước. Theo các hợp đồng đã ký, Indonesia sẽ có tổng cộng 8 tàu ngầm. Hiện công ty đóng tàu PT PAL của Indonesia hạ thủy tàu KRI Alugoro (số hiệu 405), tàu ngầm lớp Nagapasa thứ ba, được lắp ráp tại Indonesia theo thỏa thuận chuyển giao ký với công ty đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) của Hàn Quốc. Hợp đồng vừa ký, khi thực hiện xong, sẽ giúp nâng số tàu ngầm trong hải quân Indonesia lên con số 8 (có nghĩa là cùng con tàu vừa được hạ thủy, hiện Indonesia có 5 tàu ngầm). Hải quân Indonesia hiện vận hành hai tàu ngầm nhỏ hơn thuộc lớp Cakra mang tên KRI Cakra và KRI Nanggala, được đóng từ hơn 30 năm trước. DSME đã nhận được hợp đồng nâng cấp các tàu ngầm lớp Cakra (lớp tàu Type-209 do Đức sản xuất), bao gồm hiên đại hóa đài quan sát và hệ thống kinh tiềm vọng, hệ thống tác chiến mới. Các tàu tiên tiến hơn thuộc lớpNagapasa có chiều dài 61m, lượng choán nước 1.400 tấn, do thủy thủ đoàn 40 vận hành. Chúng có tầm hoạt động khoảng 18.000km, tốc độ tối đa đạt 21 hải lý khi lặn.
Trong khi đó, Malaysia đang “thay máu” toàn bộ Lực lượng Hải quân. Theo đó, chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng và nhiều kinh phí sẽ thay thế toàn bộ 50 tàu chiến và tàu ngầm đang phục vụ RMN. Trong những thập niên tới, Hải quân Malaysia dự kiến mua sắm khoảng 118 tàu tuần duyên (LMS), một số tàu tuần duyên chiến đấu thông thường (LCS), 3 tàu hộ tống đa chức năng mới (MRSS) và 2 tàu
ngầm. Các đơn vị chính của RMN hiện tại gồm có 2 tàu ngầm, 2 tàu khu trục (6 tàu mới đang được đóng), 6 tàu hộ tống, 10 tàu tuần tra ngoài khơi, 8 tàu tên lửa và 27 tàu cao tốc tấn công nhanh.
Ngoài ra, chiếc tàu ngầm điện-diesel Type 218SG đầu tiên trong tổng số 4 chiếc được Singapore đặt mua từ Đức (2/2019) đã chính thức được hạ thủy tại xưởng đóng tàu đặt tại thành phố Kiel của Tập đoàn công nghiệp Đức ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS). cả bốn tàu ngầm Type 218SG được phát triển và điều chỉnh theo yêu cầu đặt hàng từ phía Hải quân Singapore, qua đó sở hữu độ bền cao hơn 50%, hỏa lực mạnh hơn, khả năng cảm biến và tự động hóa tân tiến hơn so với hạm đội tàu ngầm hiện tại của Hải quân nước này. Cụ thể, những điều chỉnh bao gồm việc nâng cấp cảm biến cho phép thủy thủ có được nhận thức tình huống tốt hơn, hệ thống tự động hóa cho phép Type 218SG hoạt động với số lượng nhân sự tương đối ít – chỉ 28 người. Tàu ngầm Invincible sẽ phải trải qua chuỗi các thử nghiệm trên biển trước khi chính thức được chuyển giao cho Hải quân Singapore vào năm 2021. Ba chiếc còn lại với tên gọi là Impeccable, Illustrious và Inimitable đang được chế tạo và sẽ lần lượt được biên chế từ năm 2022. Hiện nay, Hải quân Singapore đang đưa vào hoạt động 2 tàu ngầm lớp Challenger và 2 tàu ngầm Archer được mua lại từ Thụy Điển và tân trang lại từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.
Aung San Suu Kyi
‘bảo vệ Myanmar trước tòa quốc tế’
Cố vấn Nhà nước Myanmar, Aung San Suu Kyi, sẽ có mặt ở tòa án quốc tế tại The Hague, Hà Lan tuần sau, biện hộ cho Myanmar trong vụ kiện về tội diệt chủng.
Bà Suu Kyi đối đầu vụ kiện diệt chủng tại Tòa quốc tế
LHQ: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’
Gambia, với sự ủng hộ của 57 nước trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, nộp đơn kiện lên Tòa Công lý Quốc tế, cáo buộc Myanmar tội diệt chủng vì chiến dịch chống người Hồi giáo Rohingya.
Bà Aung San Suu Kyi đồng ý có mặt tại The Hague từ ngày 10/12 để “bảo vệ lợi ích quốc gia”.
Người phát ngôn cho Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của bà, nói bà “phải giải thích chuyện gì thật sự xảy ra ở bắc Rakhine”.
Nhiều người ngạc nhiên vì quyết định của chính khách Myanmar.
Tuy vậy, quyết định của bà nhận được sự ủng hộ của dân chúng Myanmar, ca ngợi bà đã không ngại thách thức để bảo vệ uy danh đất nước.
Năm 1991, bà Aung San Suu Kyi được giải Nobel Hòa bình.
Từ 1989 tới 2010, bà đã nhiều lần bị quản thúc vì kêu gọi dân chủ.
Tháng 11/2015, bà đưa đảng của mình đến chiến thắng trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau 25 năm.
Sau khi trở thành nhà lãnh đạo gần như chính thức của Myanmar năm 2016, bà vẫn còn được Mỹ và Tây Âu ca ngợi khi đi thăm các nước.
Nhưng kể từ đó, khủng hoảng người Rohingya đã khiến chính phủ và các tổ chức nhân quyền phương Tây lên án Myanmar và bà.
Hơn 730.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh từ tháng Tám 2017.
Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc tuyên bố cuộc bỏ chạy này là kết quả của một chiến dịch quân sự “có ý định diệt chủng”.
Myanmar giận dữ bác bỏ kết luận này, nói rằng hoạt động của họ là phản ứng hợp pháp vì cuộc tấn công của dân quân người Rohingya làm chết 13 an ninh.
Những tuần gần đây ở Myanmar đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành ủng hộ Cố vấn Nhà nước Myanmar, Aung San Suu Kyi, trước khi diễn ra phiên tòa ở Hà Lan.
Myanmar sẽ có bầu cử vào năm 2020.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50691715
Không giống các nước Đông Nam Á, Ấn Độ sẵn sàng
rượt đuổi tàu khảo sát TQ trong EEZ
Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Karambir Singh (3/12) cho biết Hải quân Ấn Độ đã xua đuổi một tàu nghiên cứu của Trung Quốc vì tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép trong Vùng Đặc quyền kinh tế của Ấn Độ.
Theo thông tin trên, sự việc xảy ra cách đây vài tuần khi tàu Shi Yan 1 của Trung Quốc bị trực thăng tuần tra của Hải quân Ấn Độ phát hiện đang tiến hành các hoạt động khảo sát gần cảng Blair trong vùng biển của Ấn Độ mà chưa được sự cho phép. Ngay sau đó Hải Quân Ấn Độ đã điều một chiến hạm đến nơi, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ. Sau khi bị cảnh cáo, chiếc Shi Yan 1 đã di chuyển về hướng khác, có thể là về Trung Quốc. Chiếc tàu khảo sát của Trung Quốc có thể được Bắc Kinh gởi đến để dọ thám các hoạt động của Ấn Độ tại vùng biển quanh các đảo thuộc Ấn Độ, nơi New Delhi quan sát chặt chẽ giao thông hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á.
Trước hành vi trên của Bắc Kinh, Đô đốc Hải quân Ấn Độ Karambir Singh tuyên bố “quan điểm của chúng tôi là nếu bạn phải làm bất cứ điều gì trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi, bạn phải thông báo cho chúng tôi và xin phép”. Đô đốc Singh cũng cho biết Hải quân Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Ngoài ra, ông Karambir Singh cho biết, Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc diễn tập đa quốc gia Milan ngoài khơi bờ biển phía Đông vào năm tới và Trung Quốc không nằm trong số 41 quốc gia được mời. Theo Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, New Delhi chỉ mời những quốc gia có cùng chí hướng; đồng thời nhấn mạnh, kế hoạch dài hạn của Ấn Độ là sở hữu 3 tàu sân bay và tàu sân bay đầu tiên do nước này tự chế tạo (tàu sân bay thứ 2 của Ấn Độ) sẽ đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2022.
Cảng Blair là thủ phủ của quần đảo Andaman và Nicobar, vùng lãnh thổ của Ấn Độ nằm ở phía đông nam vịnh Bengal. Quần đảo này hiện nắm giữ vị trí quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ do nó nằm gần với một vài tuyến đường biển đông đúc nhất trên thế giới. Ngoài ra, quần đảo Andaman và Nicobar còn là khu vực Ấn Độ hiện có những nỗ lực giám sát hoạt động mở rộng tầm ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc trong vùng. Hồi đầu năm nay, Ấn Độ đã cho mở cửa căn cứ không quân thứ ba trên quần đảo Andaman và Nicobar nhằm tăng cường năng lực trinh sát hoạt động của hạm đội hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Trong những năm qua, nhiều báo cáo cũng cho biết các tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc đã tiến vào khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng hoạt động triển khai các chiến hạm và tàu ngầm tới Ấn Độ Dương là một phần trong sứ mệnh chống hải tặc quy mô quốc tế.
Gần đây, một trực thăng P-8i của Hải quân Ấn Độ cũng phát hiện 7 tàu hải quân Trung Quốc hoạt động quanh Ấn Độ Dương. Trực thăng chuyên làm các nhiệm vụ trinh thám hàng hải tầm xa và có năng lực chống ngầm này cũng đã chụp lại các hình ảnh của tàu Trung Quốc triển khai ở khu vực. Trong khi Bắc Kinh nói rằng các tàu hải quân của họ hoạt động ở vùng biển Ấn Độ nhằm thực hiện các nhiệm vụ chống cướp biển ở khu vực, thì New Delhi lo ngại sự hiện diện đó là một phần trong chính sách bành trướng của Trung Quốc ở khu vực.
Được biết, Hải quân Ấn Độ, cùng với Trung Quốc là 2 quốc gia duy nhất ở châu Á vận hành tàu sân bay. INS Vikramaditya được thiết kế lại từ nguyên bản là tàu tuần dương Đô đốc Gorshkov của Nga. Tàu được đưa vào hoạt động từ năm 2014 trong một hợp đồng mua sắm và tân trang gây nhiều tranh cãi. Tàu sân bay này với nòng cốt là tiêm kích MiG-29K được đánh giá có năng lực chiến đấu vượt trội hơn so với Liêu Ninh của Trung Quốc. Trong khi đó, nắm đấm hỏa lực mạnh nhất của Hải quân Ấn Độ là tàu khu trục lớp Kolkata do công nghiệp đóng tàu Ấn Độ chế tạo. Kolkata có lượng choán nước 7.400 tấn. Tàu được trang bị hệ thống hỏa lực mạnh mẽ, đặc biệt lớp chiến hạm này mang theo tên lửa chống hạm đáng sợ nhất thế giới là BrahMos. 3 tàu khu trục này đang hoạt động. Chiến hạm uy lực khác của Ấn Độ là tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Delhi. Tàu có lượng choán nước 6.200 tấn. Nó từng là chiến hạm lớn nhất của Ấn Độ cho đến khi Kolkata đi vào vận hành. Delhi được trang bị 16 tên lửa chống hạm Kh-35E, 16 tên lửa đối không Barak-1, 2 hệ thống phóng tên lửa đối không Shtil với 48 tên lửa, 2 hệ thống rocket chống ngầm RBU-6000, pháo 100 mm, ngư lôi chống ngầm. Không những vậy, Ấn Độ còn sở hữu tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Rajput với 5 tàu đang hoạt động. Nó là bản sửa đổi từ tàu khu trục lớp Kashin của Liên Xô. Vũ khí chính của tàu là 4 tên lửa chống hạm P-15 Termit. 3 trong số 5 tàu đã được nâng cấp và thay thế bằng tên lửa siêu thanh BrahMos, giúp nâng cao hiệu suất chiến đấu. Tàu có lượng choán nước 4.900 tấn. Tiếp đến, Shivalik là lớp tàu hộ vệ tàng hình đầu tiên của Ấn Độ. Tàu được thiết kế dựa trên tàu hộ vệ tên lửa lớp Krivak III của Hải quân Nga. Tàu được trang bị hệ thống radar hiện đại của Israel, cải thiện tính năng tàng hình cùng hệ thống hỏa lực cực mạnh. Tàu có lượng choán nước 6.200 tấn với 3 tàu đang hoạt động. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang sở hữu nhiều loại hình tàu hộ vệ tên lửa hiện đại. Tàu hộ vệ tên lửa lớp Talwar, phiên bản xuất khẩu cho Ấn Độ từ tàu hộ vệ lớp Krivak III của Nga. Tàu có tính năng tàng hình nhẹ. Nó được trang bị hệ thống vũ khí mạnh mẽ với tên lửa chống hạm BrahMos, pháo 100 mm, tên lửa phòng không Shtil-1 của Nga, một thống rocket cùng 2 cụm phóng ngư lôi cho nhiệm vụ chống ngầm. 10 tàu đã được lên kế hoạch, trong đó 6 tàu đang hoạt động. Tàu hộ vệ tên lửa lớp Brahmaputra với 3 tàu đang hoạt động. Tàu có lượng choán nước 3.800 tấn. Vũ khí chính là 16 tên lửa chống hạm Kh-35E của Nga. 24 tên lửa phòng không Barak-1 của Israel. Brahmaputra là một thiết kế của những năm 1990, nhưng với hệ thống hỏa lực mạnh mẽ, nó vẫn là một chiến hạm đáng ghờm trên biển. Ngoài ra, Ấn Độ còn vận hành một tàu hộ vệ tên lửa lớp Godavari. Lớp chiến hạm này đã được phát triển thành lớp Brahmaputra hiện đại hơn. Hải quân Ấn Độ dự kiến sẽ ngưng hoạt động chiến hạm này trong tương lai gần.
Hải quân Ấn Độ là lực lượng thứ 2 ở châu Á và thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Arihant được đưa vào hoạt động từ năm 2016, đã giúp Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ các nước sở hữu bộ 3 răn đe hạt nhân, cùng với Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ấn Độ còn sở hữu 9 tàu ngầm phi hạt nhân lớp Sindhughosh, phiên bản chế tạo cho Ấn Độ từ tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Kilo được Hải quân Mỹ đặt cho biệt danh “hố đen đại dương” bởi khả năng hoạt động rất êm của nó. Tuy vậy, loại tàu ngầm này trong biên chế Hải quân Ấn Độ lại xảy ra khá nhiều sự cố, trong đó có vụ nổ nghiêm trọng vào năm 2013. Ấn Độ đã đặt mua 6 tàu ngầm phi hạt nhân lớp Kalvari, phiên bản xuất khẩu cho Ấn Độ dựa trên tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp. Tàu được đóng mới tại Ấn Độ theo giấy phép và công nghệ chuyển giao từ Pháp. Một tàu đã đi vào hoạt động cùng 3 tàu khác đang xây dựng. Ấn Độ còn mua 4 tàu ngầm lớp Type-209 của Đức và đặt tên là lớp Shishumar, đưa họ trở thành một trong những quốc gia có hạm đội tàu ngầm đa quốc tịch nhất thế giới. Shishumar sử dụng ngư lôi do Ấn Độ chế tạo, tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất.
Ngoài ra, Ấn Độ đã mua lại tàu đổ bộ có sàn đáp cho trực thăng lớp Austin của Mỹ và đặt tên là INS Jalashwa (L41). Nó là tàu đổ bộ lớn nhất của Ấn Độ tính đến hiện tại với lượng choán nước 16.500 tấn. Tuy nhiên, Ấn Độ không được phép sử dụng nó cho mục đích chiến đấu nếu không có sự đồng ý của Mỹ. Ấn Độ còn vận hành 3 tàu đổ bộ xe tăng lớp Shardull, lượng choán nước 5.600 tấn. Tàu có thể mang theo 500 binh sĩ, 11 xe tăng, 10 xe thiết giáp cùng 4 xuồng đổ bộ để triển khai quân vào bờ. Lực lượng đổ bộ còn có 2 tàu đổ bộ xe tăng lớp Magar, lượng choán nước 5.600 tấn. Tàu có thể chở theo 15 xe tăng, 8 xe thiết giáp chở quân, 500 binh sĩ và 4 xuồng cao tốc để triển khai binh lính vào bờ. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng.
Từ những vấn đề trên cho thấy, Ấn Độ hoàn toàn không hề e ngại khi điều tàu xua đuổi tàu Trung Quốc hoạt động tr
Ấn Độ xua đuổi tàu TQ lại gần nhóm đảo
có căn cứ quân sự
Hải quân Ấn Độ đã xua đuổi một tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển nước này trên vịnh Bengal.
Theo kênh truyền hình India Today, vụ việc xảy ra cách đây vài tuần khi một tàu Trung Quốc có tên Shi Yan 1 được phát hiện tiến hành hoạt động nghiên cứu gần khu vực cảng Blair mà không hề thông báo và xin phép trước. Do đó, hải quân Ấn Độ đã xua đuổi tàu Trung Quốc.
Tướng hải quân Ấn Độ, Đô đốc Karambir Singh nhấn mạnh, “Nếu bất cứ ai muốn hoạt động trong khu vực của chúng tôi, họ cần phải thông báo cho chúng tôi trước”.
Cảng Blair là thủ phủ của quần đảo Andaman và Nicobar, vùng lãnh thổ của Ấn Độ nằm ở phía đông nam vịnh Bengal.
Quần đảo này hiện nắm giữ vị trí quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ do nó nằm gần với một vài tuyến đường biển đông đúc nhất trên thế giới. Ngoài ra, quần đảo Andaman và Nicobar còn là khu vực Ấn Độ hiện có những nỗ lực giám sát hoạt động mở rộng tầm ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc trong vùng.
Hồi đầu năm nay, Ấn Độ đã cho mở cửa căn cứ không quân thứ ba trên quần đảo Andaman và Nicobar nhằm tăng cường năng lực trinh sát hoạt động của hạm đội hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Trong những năm qua, nhiều báo cáo cũng cho biết các tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc đã tiến vào khu vực Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng hoạt động triển khai các chiến hạm và tàu ngầm tới Ấn Độ Dương là một phần trong sứ mệnh chống hải tặc quy mô quốc tế.
http://biendong.net/doc-bao-viet/31920-an-do-xua-duoi-tau-tq-lai-gan-nhom-dao-co-can-cu-quan-su.html