Tin khắp nơi – 06/11/2018
Bầu cử giữa kỳ Mỹ:
Phòng phiếu ở Bờ Đông bắt đầu mở
Người dân Mỹ bắt đầu đi bỏ phiếu trên toàn quốc.
Các phòng phiếu đã mở ở Bờ Đông, giữa lúc cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đang quyết liệt nỗ lực giành quyền kiểm soát lưỡng viện.
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Có thể đoán ai có lợi thế chưa?
Đảng ở nước Mỹ và Đảng ở Việt Nam
Vì sao bầu cử giữa kỳ ở Mỹ quan trọng?
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi lần cuối các cử tri bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa vào đêm trước ngày bầu cử toàn quốc.
Đây là sự kiện được xem như cuộc trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ tổng thống của ông.
“Mọi thứ chúng ta đạt được có thể bị đe dọa vào ngày mai,” ông phát biểu tại một trong số ba cuộc vận động cử tri cuối cùng.
Bầu cử giữa kỳ diễn ra vào thời điểm giữa nhiệm kỳ 4 năm của ông tại Nhà Trắng, và sẽ xác định liệu ông có thể nắm quyền như thế nào trong hai năm tiếp theo.
Tỷ lệ đi bầu dự kiến sẽ cao.
435 ghế Hạ Viện và 35 trong số 100 ghế Thượng viện sẽ được bầu lại.
Thống đốc các bang cũng sẽ được bầu ở 36 trong số 50 tiểu bang.
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Trump đã hùng biện mạnh mẽ về các vấn đề đang gây chia rẽ, nhằm nỗ lực củng cố vị thế đảng Cộng hòa.
Cựu tổng thống Barack Obama viết trên Twitter “cuộc bầu cử lần này có lẽ là quan trọng nhất trong cuộc đời người dân Mỹ”.
Kết quả bầu cử liệu sẽ ra sao?
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ quyết định đảng nào nắm quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện Mỹ, qua đó quyết định các điều luật của liên bang.
Nếu đảng Cộng hòa vẫn nắm quyền kiểm soát lưỡng viện thì đảng này có thể xây dựng chương trình nghị sự theo cách mà họ và Tổng thống muốn.
Nhưng nếu đảng Dân chủ kiểm soát được một hoặc cả hai viện, họ có thể cản trở hoặc thậm chí đảo ngược các kế hoạch của ông Trump.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Dân chủ có thể thắng được 23 ghế mà họ cần để nắm quyền ở Hạ viện, và thậm chí có thể giành thêm được 15 ghế nữa.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ được trông đợi là sẽ thiếu hai ghế để chiếm được ưu thế ở Thượng viện.
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Con ứng cử viên chỉ trích cha
Mỹ-Trung sẽ đàm phán an ninh cấp cao
Ghét hay cuồng Trump: góc nhìn một người gốc Việt
TT Trump cắt viện trợ Mỹ vì khủng hoảng nhập cư
Điều gì diễn ra vào ngày bầu cử?
Sau nhiều tháng vận động, nghiên cứu và hàng tỷ đô la đã được chi cho quảng cáo, tờ rơi và những tờ rán, các cử tri sẽ có cơ hội cuối để bầu cử vào ngày thứ Ba (6/11).
Các ứng viên từ đảng Dân chủ đã gây quỹ đươc 649 triệu đô la Mỹ từ các nhà tài trợ các nhân, nhiều hơn gấp đôi số tiền 312 triệu đô la Mỹ dành cho đảng Cộng hòa.
Đảng Dân chủ đang hy vọng đạt được một ‘làn sóng ủng hộ giữa kỳ’ – một chiến thắng rộng rãi làm thay đổi bản đồ chính trị ở Mỹ.
Khoảng 34,3 triệu người dân đã bỏ phiếu sớm và số lượng thực tế có thể cao hơn, theo một tổ chức theo dõi bầu cử Mỹ US Elections Project.
Hồi năm 2014, con số này chỉ khoảng 27.5 triệu người dân.
Tại Texas, bỏ phiếu sớm đã vượt quá tỷ lệ đi bầu trực tiếp vào năm 2014.
Tuy nhiên, giông bão được dự báo vào ngày thứ Ba (6/11) dọc theo bờ biển phía đông, cũng như bão tuyết ở khu vực Trung Tây có thể ảnh hưởng đến số lượng cử tri đi bầu.
Cuộc thăm dò đầu tiên sẽ kết thúc vào lúc 18:00 giờ địa phương.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46111175
Bầu cử giữa kỳ: Bài trắc nghiệm
của tổng thống Trump trước dân Mỹ và quốc tế
Chống hay ủng hộ ông Donald Trump ? Chưa bao giờ một kỳ bầu cử giữa kỳ lại có tác động như một bài trắc nghiệm với người đứng đầu hành pháp Mỹ như kỳ bầu cử giữa kỳ 2018. Đây cũng là cuộc bỏ phiếu thu hút sự chú ý đặc biệt của cả thế giới không kém gì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Hôm nay 06/11/2018, hơn 200 triệu cử tri Mỹ được kêu gọi tham gia cuộc bầu cử giữa kỳ quy mô, đồng thời gây chia rẽ sâu rộng đến như vậy. Và cuộc bỏ phiếu lần này đã nhanh chóng chuyển hướng thành một “hàn thử biểu” đối với tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Năm 2016, nhà tỷ phú Donald Trump bất ngờ đắc cử tổng thống. Trong hai năm qua – nửa nhiệm kỳ tổng thống- ông Trump đã lãnh đạo nước Mỹ theo cách riêng của mình. Không ít lần cả thế giới sững sờ bởi phong cách cũng như những quyết định của vị tổng thống Mỹ trung thành đường lối « Nước Mỹ trước tiên ». Chính hai năm cầm quyền đầy sóng gió và gây nhiều tranh cãi đã là lý do để cuộc bầu cử giữa kỳ này biến thành bài trắc nghiệm để người dân Mỹ đánh giá những gì mà ông Trump đã theo đuổi và thực hiện từ khi bước chân vào Nhà Trắng.
Ý thức được tầm mức quan trọng của kỳ bầu cử này đối với hai năm còn lại của nhiệm kỳ, đích thân tổng thống Trump đã can dự vào chiến dịch vận động tranh cử cho các ứng viên Cộng Hòa, cứ như bản thân ông là ứng viên chủ chốt. Theo nhật báo Le Monde, hơn một tháng qua, tổng thống Trump liên tiếp có mặt ở 15 cuộc mít tinh vận động cử tri. Nếu tính từ mùa hè này, là khoảng ba chục cuộc, để truyền năng lượng đến hàng trăm triệu người ủng hộ trên khắp cả nước. Cựu phát ngôn viên Hạ Viện, Newt Gingrich, một người thân cận với ông Trump, được le Figaro trích dẫn trong số báo hôm 30/10 nói : « Đây là chiến dịch tranh cử tổng thống thứ 2. Ông (Trump) áp đặt sự thống trị ở đảng Cộng Hòa kiên quyết hơn bất kỳ tổng thống nào thời hiện đại ».
Đây cũng là cuộc bỏ phiếu sôi động nhất nước Mỹ kể từ hai thập niên trở qua và được giới quan sát đánh giá là một kỳ bầu cử gây chia rẽ nghiêm trọng nhất tại Hoa Kỳ. Thậm chí đã xuất hiện bóng dáng bạo lực giữa chiến dịch tranh cử, như nhiều vụ bom thư gửi đến nhà Obama, Clinton, rồi tiếp đó là vụ xả súng kinh hoàng trong nhà thờ Do Thái giáo ở Pittsburgh.
Phía đảng Dân Chủ nhân cơ hội này chỉ đích danh tổng thống Trump là người đã chia rẽ nước Mỹ một cách có chủ ý. Những vụ bùng phát bạo lực sát ngày bầu cử đã làm dấy lên trong dư luận Mỹ cuộc tranh luận phải chăng những phát ngôn dữ dằn, gây sốc của tổng thống Mỹ đã ít nhiều gây hiệu ứng kích động trong một đất nước đa chủng tộc vốn đã bị phân hóa sâu sắc.
Hàng loạt các chủ đề khác cũng nổi lên thành mối quan tâm lớn của cử tri trong đợt này, như chuyện đối xử với phụ nữ, người nhập cư, cuộc chiến tranh thương mại hay bảo hiểm y tế. Tất cả đều liên quan đến những chủ trương, chính sách gây tranh cãi của tổng thống Trump.
Về đối nội, kết quả bầu cử sẽ phản ánh niềm tin mà người dân Mỹ dành cho ông chủ Nhà Trắng, hay cũng có thể là cơ hội cho ông Trump kéo dài chiến thắng cho cuộc chạy đua ở nhiệm kỳ tiếp theo.
Trên phạm vi quốc tế, cuộc bầu cử giữa kỳ lần này của nước Mỹ thu hút sự chú ý nhiều nhất của thế giới. Không chỉ có các đồng minh mà ngay cả các đối thủ của Mỹ đều theo dõi sát sao, ngóng đợi kết quả của cuộc bầu cử hôm nay. Bởi vì, tương quan lực lượng sau cuộc bầu cử sẽ tác động đến bàn cờ chính trị quốc tế cũng như phản ứng của nhiều quốc gia từng bị ảnh hưởng của các quyết sách đối ngoại gần đây của tổng thống Trump, như tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran – vốn đã bị tổng thống Trump xé bỏ, viễn ảnh lệnh cấm vận Nga cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và chiến lược bảo hộ mậu dịch sẽ đi về đâu.
Các cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ trước ngày bầu cử đều có chung một xu hướng: hệ thống lập pháp, kiểm soát quyền lực của Mỹ, sẽ được chia lại. Đảng Dân Chủ có thể giành lại được đa số ở Hạ Viện, phe Cộng Hòa của tổng thống tiếp tục nắm đa số ở Thượng Viện.
Thế nhưng, đó vẫn chỉ là dự báo. Những gì đã diễn ra trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016 buộc các nhà quan sát phải thận trọng.
Bầu cử giữa kỳ Mỹ:
Có thể đoán ai có lợi thế chưa?
Đây là giây phút quyết định. Sau những cuộc bầu cử sơ bộ, các buổi tranh luận, vô số các cuộc thăm dò, vận động tranh cử và bao nhiêu là suy đoán, cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ cuối cùng đã tới.
Ở một số tiểu bang, các cuộc đi bầu sớm đã diễn ra từ nhiều tuần này và số cử tri đi bầu đã vượt qua những con số kỷ lục trước đó cho những mùa không bầu tổng thống.
Tại thời điểm này, đảng Dân chủ đang lạc quan một cách thận trọng về cơ hội lấy lại một số quyền lực lập pháp. Nữ Dân biểu Nancy Pelosi tuyên bố là đảng của bà sẽ giành quyền kiểm soát Hạ viện.
Một kết quả như vậy sẽ có ý nghĩa lập tức và quyết liệt cho khả năng thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của tổng thống, và sự giám sát của đảng Dân chủ với chính quyền của ông.
“Làn sóng giữa kỳ” – một chiến thắng lớn của cuộc bầu cử định hình lại bản đồ chính trị quốc gia – là một hiện tượng thường được lặp lại trong chính trị Mỹ.
Liệu đảng Cộng hòa ở Washington đang sắp bị một chiến thắng như vậy đè bẹp?
Làn sóng giữa kỳ là gì?
Cho mục đích của bài phân tích này, làn sóng giữa kỳ là sự kiện một đảng giành thêm được ít nhất 20 ghế trong Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ.
Điều đó đã xảy ra 8 lần trong 70 năm qua, đặc biệt là vào năm 1994 (một làn sóng Cộng hòa chống lại Bill Clinton) và năm 2010 (làn sóng chống lại Barack Obama).
Hiện Đảng Cộng hòa đang chiếm gần như số ghế cao kỷ lục trong Hạ viện, 241 so với 194 của đảng Dân chủ.
Thượng viện có thể là nơi thân thiện hơn với đảng Cộng hòa.
Đảng Dân chủ phải bảo vệ 10 ghế ở các tiểu bang mà ông Trump thắng năm 2016, nhưng bầu không khí chính trị năm nay khiến người ta cho rằng cơn bão bầu cử có thể đang từ từ kéo đến.
Đảng Dân chủ có những ngọn gió chính trị ở phía sau, nhưng những sự kiện – như cuộc chiến xác nhận Brett Kavanaugh làm thẩm phán của Tối cao Pháp viện – có khả năng làm rung chuyển mọi thứ.
Tình hình bây giờ ra sao?
Những thước đo – và các bài học lịch sử dưới đây – sẽ cho chúng ta manh mối.
1. Quỹ vận động tranh cử
Tiền làm nên thế giới chính trị.
Mức tiền đổ vào cho các ứng cử viên, đảng phái và nhóm độc lập là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của số phiếu sẽ có thể giành được từ nỗ lực quảng cáo, tổ chức, và kêu gọi người đi bầu.
Tiền cũng phản ánh sự nhiệt tình của khối ủng hộ tài chánh của mỗi bên.
Việc gây quỹ tranh cử đặc biệt liên quan chặt chẽ với mọi làn sóng bầu cử giữa kỳ trong 25 năm qua, là thời gian mà tầm quan trọng của tiền bạc tăng vọt trong các chiến dịch tranh cử.
Hồi 1994, tiền quyên góp từ cá nhân cho các ứng cử viên Hạ viện – bị giới hạn theo luật tài chính – nghiêng về phía đảng Cộng hòa. Đảng này sau đó lần đầu tiên nắm quyền kiểm soát Hạ viện kể từ năm 1955.
Năm 2006, lợi thế gây quỹ và việc kiểm soát Hạ viện nghiêng về Đảng Dân chủ.
Bốn năm sau, đảng Cộng hòa lại quyên được nhiều tiền – và giành quyền kiểm soát Hạ viện.
Trong năm 2014, họ đã chiếm được đa số lớn nhất, với 83 ghế, và giành luôn quyền kiểm soát Thượng viện.
“Trong những làn sóng bầu cử giữa kỳ, những vị dân cử lâu năm có thể bị mất lợi thế khi họ phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh tài chính,” ông Geoffrey Skelley thuộc Trung tâm Chính trị của Đại học Virginia cho biết.
Triển vọng 2018: Những khởi đầu có vẻ như là lợi thế gây quỹ đối với các ứng cử viên Dân chủ đã trở thành một thành quả đáng kinh ngạc.
Con số mới nhất cho thấy đảng Dân chủ quyên được số tiền cao hơn gấp đôi tiền đóng góp của các nhà tài trợ cá nhân đảng Cộng hòa.
Tính đến ngày 2/11, đảng Dân chủ đã quyên được 649 triệu đôla, so với “chỉ” 312 triệu đôla của đảng Cộng hòa.
Sự ủng hộ đảng Dân chủ một cách nhiệt tình được thể hiện bằng những hầu bao mở rộng – và một cơn sóng triều vĩ đại đang nâng cao tất cả các tàu bè của đảng Dân chủ.
Dẫu sao thì không phải đảng Cộng hòa chỉ có những viễn tượng u ám và thảm vọng.
Họ có rất nhiều nhà tài trợ giàu có đổ tiền cho những chi tiêu độc lập, và Đảng Cộng hòa thì đang dồn tiền vào các cuộc đua quan trọng trên khắp nước Mỹ.
Tuy nhiên, khi nói đến sự nhiệt tình của thường dân và các nhà tài trợ nhỏ, thì tất cả sự phấn khích rõ ràng đến từ cánh hữu. Chỉ trong vòng riêng một tháng qua, đảng Dân chủ đã nhấn ga vụt xe đi, để đảng Cộng hòa đứng sau một đám bụi mờ trời.
2. Mức ủng hộ tổng thống
Cuộc bầu cử giữa kỳ được cho là cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống đương nhiệm.
Khi tổng thống không được ưa chuộng lắm, cử tri trút sự thất vọng của họ lên những dân biểu cùng đảng với ông.
Nếu vị lãnh đạo quốc gia được lòng dân, đảng của ông được thưởng bằng lá phiếu (hoặc, ít nhất, không bị trừng phạt quá mức).
Mỗi khi một tổng thống phải đối mặt với mức ủng hộ thấp trong tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ – Ronald Reagan năm 1982, Bill Clinton năm 1994, George Bush năm 2006 và Barack Obama năm 2010 và 2014 – thì lần đó đèn cho đảng của ông sẽ bị tắt tính theo lá phiếu vào tháng Mười Một.
Các trường hợp ngoại lệ cũng cho thấy nhiều điều thú vị.
Mức ủng hộ Tổng thống Gerald Ford được tăng thêm 24 điểm vào tháng 10/1974, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông – sau khi quyết định ân xá gây đầy tranh cãi cho Tổng thống Richard Nixon tháng trước – đã bị sụt hẳn đi, giảm 15 điểm trong ba tháng kế tiếp. Đảng Dân chủ đạt thêm được 48 ghế tại Hạ viện và 5 ghế tại Thượng viện – những người sau này được gọi là “thành phần Watergate” của Quốc hội.
Lyndon Johnson vào năm 1966 có mức ủng hộ vừa phải, nhưng tình hình bất an về chiến tranh Việt Nam và tình trạng bất ổn dân quyền, kết hợp với số dân biểu quá lớn của đảng của ông sau một chiến thắng lớn hai năm trước đó, khiến đảng Dân chủ ở vào vị trí bị lật.
Triển vọng 2018: Mức ủng hộ Tổng thống Donald Trump ổn định đáng kể, bất chấp việc nội các ông trong một năm rưỡi đầu tiên của nhiệm kỳ đã có nhiều xáo trộn. Ông không có nhiều thời gian “tuần trăng mật” sau khi đắc cử, vì vậy không có nhiều thay đổi đột ngột.
Vào cuối tháng Tám, mức ủng hộ đối với tổng thống là 40%. Vào đêm trước cuộc bầu cử giữa kỳ, mức này vẫn là… 40%
Đó không phải là một dấu hiệu tốt cho đảng Cộng hòa.
Tổng thống Trump từng thách thức trọng lực chính trị trong quá khứ, nhưng sự không được lòng dân của ông có thể sẽ khiến cán cân trở nên bất lợi hơn cho đảng Cộng hòa vào tối thứ Ba.
3. Thăm dò dư luận tổng quát
Thăm dò này liên quan đến việc chỉ đơn giản yêu cầu mọi người cho biết là họ ủng hộ ứng viên của đảng nào trong cuộc bầu cử.
Có 435 cuộc đua vào Hạ viện trong mỗi cuộc bầu cử giữa kỳ, có nghĩa là có ít nhất 870 ứng cử viên từ hai đảng chính, cộng với một số ứng cử viên độc lập nổi bật và các chính trị gia bên thứ ba.
Mỗi cuộc đua có đặc điểm riêng, mọi cử tri đều có những lợi ích riêng cần bảo vệ, và mỗi ứng cử viên vào quốc hội có một bản sắc nhân khẩu học độc đáo như một dấu vân tay.
Do đó, dường như rất khó tin là có thể tiên đoán kết quả của tất cả các cuộc đua dựa vào thăm dò đơn giản hỏi là cử tri có ủng hộ một ứng cử viên vô danh của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, thăm dò tổng quát từng được chứng minh là một yếu tố dự báo chính xác đáng kể về triển vọng bầu cử giữa kỳ cho hai đảng chính.
Ông Alan Abramowitz, giáo sư khoa học chính trị tại Emory University, người đã phác thảo một mô hình dự đoán bầu cử phần lớn dựa vào kết quả của thăm dò tổng quát, nhận định:
“Tôi xem nó như một thước đo về tâm trạng chính trị của giới cử tri.”
Vào năm 1958, 1982 và 2006, kết quả thăm dò chung nghiêng về đảng Dân chủ đã bùng nổ trước các chiến thắng của đảng này trong ngày bầu cử.
Khi các làn sóng của đảng Cộng hòa năm 1994, 2010 và 2014 quét qua, lợi thế của đảng Dân chủ bị thu hẹp xuống dưới 10 ghế, hoặc thậm chí, đôi khi biến mất hoàn toàn.
Năm nay, ông Abramowitz nói, điểm nghiêng về sự giành kiểm soát Hạ viện của đảng Dân chủ nằm xung quanh một lợi thế bảy điểm của thăm dò tổng quát. Một lợi thế lớn hơn thế nữa, thì làn sóng có thể thấy được ở trên đường chân trời.
Triển vọng 2018: Thăm dò tổng quát của đảng Dân chủ đã thay đổi trong suốt năm qua.
Vào cuối mùa xuân, lợi thế này thu hẹp đến mức có vẻ đảng Cộng hòa đã ở trong tình trạng tuyệt vời, sẵn sàng bước vào tháng 11.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 9, đảng Dân chủ dẫn điểm với mức vượt trên Cộng hòa tới gần đạt mức 10 điểm. Lợi thế đó hiện đang thu hẹp một chút, nhưng biên độ tám điểm hiện tại nằm trong khu vực tiên đoán là sẽ có làn sóng xanh, dù đây có thể không phải là một cơn sóng thần.
4. Kinh tế
Donald Trump và các cộng sự của ông đang thúc đẩy các con số kinh tế tích cực và lấy đó làm lý do để chứng minh rằng họ xứng đáng được thêm hai năm kiểm soát hoàn toàn kiểm soát chính quyền tại Washington.
Tuy nhiên, xét theo lịch sử, một nền kinh tế đang phát triển không đảm bảo thành công cho đảng của tổng thống.
Năm 1994, khi đảng Dân chủ cầm quyền phải nhượng lại Quốc hội, nền kinh tế đã phát triển hơn 4%, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cao hơn một chút so với mức hiện tại, ở mức 5,8%.
Trong những năm sóng khác, 2006 và 2014, nền kinh tế cũng không xấu.
Ngược lại, một nền kinh tế thảm hại có thể sẽ là một bản án tử hình cho triển vọng giữa kỳ của đảng đương nhiệm.
Năm 1958, đảng Cộng hòa trong Quốc hội phải đối mặt với một cuộc tắm máu phần lớn là do suy thoái kinh tế năm đó, trong đó bao gồm việc GDP bị thu hẹp -10% trong quý đầu tiên.
Tăng trưởng âm trong năm 1974 và 1982 cũng có thể đã góp phần khiến cho đảng Cộng hòa mất ghế trong những năm qua.
“Bạn muốn có một nền kinh tế mạnh hơn là một nền kinh tế tồi tệ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ thoát khỏi sự phẫn nộ của cử tri,” Abramowitz nói.
Triển vọng 2018: Mức tăng trưởng của tổng sản lượng quốc gia trong quý ba giảm một chút, sau khi quý II đạt 4,2%. Kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 49 năm và các dấu hiệu tăng lương, tuy nhiên, chắc chắn là các con số kinh tế tốt.
Ông Trump đã quyết định dùng việc kiểm soát nhập cư là lập luận cuối cùng của ông với cử tri trong cuộc bầu cử giữa kỳ – trước sự thất kinh của một số dân cử đảng Cộng hòa, những người vốn chỉ muốn ông tập trung vào nền kinh tế mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ lịch sử, tổng thống có thể đã đúng khi đi tìm kiếm một vấn đề khác để cổ động, vì chỉ kinh tế phát triển không chưa đảm bảo cho một bầu cử giữa kỳ thành công.
5. Chính trị gia về hưu
Hãy bỏ các kết quả thăm dò ý kiến, cũng như số liệu kinh tế và các chuyên gia phân tích qua một bên.
Ai bắt được nhịp đập của khí hậu chính trị tốt nhất? Có lẽ chính là các chính trị gia!
Họ là những người có tên trên lá phiếu, và họ là những người có thể bị mất việc nếu bị làn sóng cuốn trôi đi.
Đối mặt với viễn cảnh bị ngượng ngùng khi thất cử, một số chính trị gia có thể lựa chọn con đường nghỉ hưu sớm hoặc đi trước đồng nghiệp trong việc tìm kiếm việc làm khác sau khi hết nhiệm kỳ.
Một cái nhìn về xu hướng hưu trí hiện đại cho thấy một hình ảnh hỗn hợp. Các số liệu về hưu vào năm 2010 đã cho thấy ít dấu hiệu của cuộc tàn sát cho đảng của ông Obama.
Tuy nhiên, vào năm 1994, một sự bùng nổ của các dân biểu đảng Dân chủ về hưu có thể đã làm lu mờ những thắng lợi lớn của đảng Cộng hòa vào mùa thu đó.
Triển vọng 2018: Nếu những vụ nghỉ hưu năm 1994 là một dấu hiệu u ám cho đảng Dân chủ, thì con số những người về hưu năm 2018 có thể gây rắc rối cho đảng Cộng hòa.
Một số ghế ủy ban chủ chốt và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã tham gia danh sách kỷ lục hiện đại cho số người nghỉ hưu từ đảng hiện đang nắm đa số – một dấu hiệu cho biết họ nghĩ rằng đảng Cộng hòa có thể không còn giữ được đa số bao lâu nữa.
Một số dân cử đương nhiệm – cả ở phe tả lẫn phe hữu – cũng bị buộc phải nghỉ hưu, vì họ đã thất cử trong các cuộc tranh cử sơ bộ.
Đó có thể là một dấu hiệu khác của một tâm trạng chống tổng thống đương nhiệm của cử tri. Vì hiện có nhiều ứng cử viên đảng Cộng hòa đang tranh cử hơn đảng Dân chủ, ̣điều này có thể giúp thúc đẩy sự thay đổi quyền lực tại Washington.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46106725
Bầu cử giữa kỳ:
Ồn ào cáo buộc chiến dịch vận động ‘bẩn’
Với các cáo buộc sử dụng vấn đề sắc tộc để lôi kéo sự ủng hộ, các chiến dịch vận động bầu cử giữa kỳ 2018 đang trở thành các chiến dịch xấu xí trong lịch sử gần đây của chính trường Hoa Kỳ.
Cuộc bỏ phiếu lần này được xem như cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho vị tổng thống đương nhiệm, với hai đảng lớn tìm cách giành giật lại quyền kiểm soát Quốc hội.
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Phòng phiếu ở Bờ Đông bắt đầu mở
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Có thể đoán ai có lợi thế chưa?
‘Đừng nghe Trump nói, hãy nhìn những gì Trump làm’
Toàn bộ 435 ghế trong Hạ viện và 35 trong tổng số 100 ghế Thượng viện được bầu lại trong dịp này.
Nhưng gần đây các hãng truyền thông lớn của Mỹ đã hủy chiếu một quảng cáo của Tổng thống Donald Trump với nội dung về người nhập cư bất hợp pháp chuyên giết cảnh sát.
Trong khi đó thì xuất hiện nhiều cuộc gọi cài tự động với các thông điệp phân biệt chủng tộc nhắm vào các đại diện gốc Phi tại bang Florida và Georgia.
Hôm thứ Hai, Facebook, NBC và thậm chí cả kênh truyền hình yêu thích nhất của ông Trump, Fox News, tuyên bố họ sẽ ngừng phát sóng quảng cáo 30 giây cho chiến dịch vận động bầu cử của ông Trump.
Đoạn phim quảng cáo đã đưa ra một thông tin sai lệch rằng đảng Dân chủ cho phép một người nhập cư Mexico bất hợp pháp vào Mỹ và người này đã sát hại hai phó cảnh sát trưởng California vào 2014.
Các cú điện thoại với lời lẽ phân biệt chủng tộc?
Đã xuất hiện nhiều cú điện thoại tự động với những thông điệp phân biệt chủng tộc được cho là nhắm vào hai ứng cử viên có thể trở thành thống đốc Mỹ gốc Phi đầu tiên của hai bang Florida và Georgia.
Trong đó có một thông tin vô cùng sai lệch cho rằng ngôi sao nổi tiếng Oprah Winfrey sỉ nhục ứng cử viên Stacey Abrams trong khi đó, chính bà Winfrey đang đi vận động tranh cử cho bà Abrams.
Tổng thống Trump đang kêu gọi sự ủng hộ với lập luận rằng nếu đảng Dân chủ nắm kiểm soát được Quộc hội thì sẽ gây ra một làn sóng nhập cư bất hợp pháp và kèm theo đó là một làn sóng tội phạm.
Ông Trump cũng đe dọa rằng đảng Dân chủ sẽ phá hủy nền kinh tế Mỹ đang lành mạnh nếu họ giành được quyền lực.
Hầu hết các ứng viên Dân chủ có xu hướng tránh đối đầu trực tiếp với tổng thống, thay vào đó tập trung vào các vấn đề như chăm sóc sức khỏe và bất bình đẳng kinh tế.
Người Việt San Jose có thể mất ghế Khu vực 7
Chiến thuật tấn công truyền thông của Trump
Đảng Dân chủ đã tung ra vũ khí lớn nhất của họ: cựu Tổng thống Barack Obama, người đã đến Virginia hôm thứ Hai để kêu gọi cuộc bỏ phiếu cho các ứng viên của mình.
“Tính cách nước Mỹ nay nằm trong lá phiếu,” ông Obama nói.
Tỷ lệ đi bầu
Tỷ lệ bỏ phiếu ở các kỳ bầu cử giữa kỳ thường khá thấp, với cuộc bầu cử năm 2014 thấp kỷ lục, chỉ 37%.
Nhưng năm nay, tỷ lệ bỏ phiếu nhiều khả năng là sẽ cao.
Khoảng 34,3 triệu người đã bỏ phiếu và con số thực tế có thể cao hơn, theo Dự án Bầu cử Hoa Kỳ của Đại học Florida.
Con số trong năm 2014 chỉ là 27,5 triệu.
Tại Texas, con số cử tri bỏ phiếu sớm đã vượt quá số toàn bộ cử tri đi bỏ phiếu vào 2014.
Tuy nhiên, giông bão được dự báo vào thứ Ba dọc theo bờ biển phía đông và bão tuyết ở vùng Trung Tây, có thể làm giảm số lượng cử tri đi bầu.
Dự đoán
Các cuộc thăm dò ý kiến cho rằng đảng Dân chủ có thể giành được 23 ghế mà họ cần để nắm Hạ viện và có thể có thêm 15 ghế nữa.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ được cho là sẽ thiếu hai ghế mà họ cần để kiểm soát Thượng viện từ tay Cộng hòa.
Thống đốc bang cũng đang được bầu chọn ở 36 trong số 50 tiểu bang.
Các phòng phiếu đầu tiên sẽ đóng cửa lúc 23:00 GMT thứ Ba( 6 giờ sáng thứ Tư giờ Việt Nam).
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46109124
Nga áp dụng chiến thuật mới để phá bầu cử Mỹ
Tình báo Nga được cho là phối hợp chặt chẽ với chính phủ đã ra sức phát tán nội dung chia rẽ và quảng bá các chủ đề cực đoan trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ, và đang tìm cách giấu kín mọi vết tích, Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà điều tra chính phủ, các viện nghiên cứu và công ty bảo mật cho biết hôm 6/11.
Các nhà nghiên cứu tìm hiểu về việc phát tán thông tin trên Facebook, Twitter, Reddit và các nền tảng khác cho biết các chiến thuật mới và khéo léo đã giúp phát tán thông tin phá hoại bầu cử tránh được kiểm duyệt của các công ty truyền thông xã hội lớn và tránh sự giám sát của chính phủ.
“Người Nga chắc chắn không để yên”, Reuters dẫn lời ông Graham Brookie, giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu về điều tra kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương nói. “Họ cải biến theo thời gian để đối phó với việc Mỹ tăng cường tập trung vào các hoạt động gây ảnh hưởng bầu cử”.
Các cơ quan công lực và tình báo Mỹ cho biết Nga đã sử dụng thông tin đánh lạc hướng và các chiến thuật khác để hỗ trợ cho chiến dịch năm 2016 của Tổng thống Donald Trump.
Chính phủ Nga đã bác bỏ các cáo buộc can thiệp bầu cử.
Hôm 6/11, ngày người dân Mỹ đi bầu cử giữa kỳ, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối bình luận về cáo buộc can thiệp hơn nữa vào cuộc tranh cử sắp tới và bầu cử giữa kỳ.
“Chúng tôi không thể phản ứng với một số những nhà phân tích an ninh mạng mơ hồ, bởi vì chúng tôi không biết họ là ai và liệu họ có hiểu biết gì về an ninh mạng hay không”, Reuters dẫn lời ông Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
Theo ông Peskov, Moscow dự kiến sẽ không có sự cải thiện đáng kể trong mối quan hệ căng thẳng với Washington sau cuộc bỏ phiếu.
Một dấu hiệu rõ ràng về quyết tâm của Nga trong việc tiếp tục quấy rối chính trị của Mỹ được đưa ra trong những cáo buộc không được tiết lộ hồi tháng trước đối với một phụ nữ Nga, người từng làm kế toán tại một công ty ở St. Petersburg có tên là Cơ quan Nghiên cứu Internet.
Sau khi chi 12 triệu đôla cho dự án gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của Hoa Kỳ thông qua truyền thông xã hội hồi năm 2016, công ty này đã chi 12,2 triệu đôla cho năm ngoái và sau đó đề xuất chi 10 triệu đôla chỉ trong nửa đầu năm 2018, Reuters trích dẫn hồ sơ tòa án.
Bản cáo trạng còn cho biết Cơ quan Nghiên cứu Internet đã sử dụng các tài khoản truyền thông xã hội giả để đăng lên cả hai mặt của các vấn đề mang tính chính trị như phân biệt chủng tộc, kiểm soát súng và vấn đề nhập cư. Các hướng dẫn được đưa ra một cách chi tiết, nhẹ nhàng để chế nhạo các chính trị gia cụ thể trong một chu kỳ tin tức cụ thể.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong trường hợp các mục tiêu của việc truyền bá nội dung chia rẽ vẫn giữ nguyên, thì các phương pháp được phát triển theo nhiều cách.
Chẳng hạn, mọi người ít tin vào những câu chuyện hư cấu hoàn toàn. Người ta nhạy cảm trong việc tìm đến những câu chuyện hoàn toàn sai lệch, và Facebook cũng sử dụng các bộ kiểm tra thực tế bên ngoài để ít nhất giảm tốc độ lan truyền của chúng trên các trang của mình.
“Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về tin giả và mọi người ngày càng hiểu rõ hơn về nó. Vì vậy, nó trở nên kém hiệu quả hơn về chiến thuật”, Priscilla Moriuchi, cựu quan chức Cơ quan An ninh Quốc gia và hiện đang là nhà phân tích tại công ty bảo mật mạng Recorded Future nói.
Thay vào đó, các tài khoản của Nga dùng cách khuếch đại các câu chuyện và “meme” trên internet mà ban đầu đến từ cánh cựu hữu hay cực tả Mỹ. Các bài đăng như vậy có vẻ chân thực hơn, khó xác định được là từ nước ngoài và dễ đưa ra hơn là các câu chuyện tự tạo.
Renee DiResta, giám đốc nghiên cứu tại công ty bảo mật New Knowledge, cho biết công ty của bà đã biên soạn một danh sách các tài khoản bị nghi ngờ của Nga trên Facebook và Twitter tương tự như những tài khoản đã bị đình chỉ sau chiến dịch năm 2016.
Bà Brookie nói rằng trong khi các tài khoản của Nga có thể nhảy vào một chủ đề nóng, thì hiệu quả thường đến bằng cách đưa ra các vấn đề liên quan.
Tuy vậy, điều đó không cần thiết khi chủ đề chính đủ sức chia rẽ.
Chẳng hạn, ý tưởng về “Blexit” là một lời kêu gọi người da đen thoát khỏi Đảng Dân chủ. Theo Daily Beast, ý tưởng này đã có được 250.000 tweet với Blexit hashtag trong 15 giờ bùng nổ vào tuần trước, và phát hiện 40.000 trong số đó đến từ tài khoản mà trước đó đã tham gia vào các chiến dịch thông tin của Nga.
Các chiến thuật mới khác được cho là phức tạp hơn.
Trong bản cáo trạng hồi tháng 10 và một hoạt động trước đó mà Facebook phát hiện cho thấy những kẻ chủ mưu sử dụng dịch vụ Messenger của Facebook để dụ người khác mua quảng cáo cho họ và tuyển dụng những người cực đoan ở Mỹ để cổ xúy cho các cuộc biểu tình trong thế giới thực.
Những động thái này cho phép người Nga tránh được các hệ thống phát hiện được tăng cường và hòa nhập vào đám đông.
“Họ đang dụ dỗ người Mỹ vào các nội dung chia rẽ và cay độc hơn”, chuyên gia Brookie nói.
“Bất kỳ giải pháp nào đưa ra cũng cần phải tập trung vào việc đặt nền tảng chính trị của chúng ta dựa trên thực tế, trước tiên và trên hết, và tập trung vào những điều đã giúp đất nước chúng ta gần nhau hơn”.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-ap-dung-chien-thuat-moi-de-pha-bau-cu-my/4646847.html
Bầu cử giữa kỳ: Mỹ cảnh báo cử tri
về ý đồ can thiệp nước ngoài
Nỗi lo cuộc bầu cử giữa kỳ bị nước ngoài can thiệp vẫn ám ảnh nước Mỹ sát ngày bỏ phiếu. Hôm qua, 05/11/2018, nhiều bộ trưởng và lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ đã ra thông cáo cảnh báo cử tri về việc một số thế lực nước ngoài vẫn còn ý đồ can thiệp, làm nhiễu loạn cuộc bỏ phiếu.
Tuy trấn an hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy hệ thống bầu cử bị tác động, thông cáo chung của bộ trưởng An Ninh Nội Địa, Tư Pháp và giám đốc FBI nhấn mạnh : « Người Mỹ phải ý thức được rằng các nhân tố nước ngoài, đặc biệt là Nga, tiếp tục tìm cách gây ảnh hưởng lên dư luận và cử tri qua các hành động nhằm reo rắc bất hòa ».
Nêu ra các hành vi phát tán tin giả về tiến trình bầu cử hoặc về các ứng cử viên, qua các mạng xã hội cũng như nhiều phương pháp khác, các quan chức Mỹ khẳng định chính quyền đã làm việc tích cực chưa từng thấy để đấu tranh chống lại các mưu đồ từ bên ngoài muốn tác động lên cuộc bầu cử và để giúp các địa phương bảo đảm an ninh hệ thống bầu cử của mình.
Hồi tháng 9, tổng thống Donald Trump đã ra sắc lệnh xác định khuôn khổ trừng phạt các âm mưu của nước ngoài nhằm gây nhiễu loạn bầu cử Mỹ.
Trong khi đó, hôm qua, Facebook thông báo đã khóa 115 tài khoản mạng xã hội bị nghi có liên quan đến một số cơ sở nước ngoài và được sử dụng vào mục đích can thiệp bầu cử Mỹ. Đó là các tài khoản do nhà mạng xã hội này quản lý, gồm 30 tài khoản Facebook và 85 tài khoản chia sẻ ảnh Instagram.
Trước đó, hôm thứ Bảy (03/11), mạng Twitter thông báo đã xóa nhiều tài khoản tự động viết các thông điệp có nội dung can ngăn cử tri đi bầu cử. Báo chí Mỹ nêu nêu con số 10 000 tài khoản như vậy bị xóa.
Facebook chặn 115 tài khoản
vào đêm trước bầu cử giữa kỳ
Công ty Facebook đã chặn xóa khoảng 115 tài khoản người dùng sau khi nhà chức trách Hoa Kỳ phát hiện các hành vi đáng ngờ trên mạng có thể có câu kết với một tổ chức nước ngoài. Facebook thông báo việc chặn các trang này hôm thứ Hai 5/11, vài giờ trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ.
Reuters dẫn thông báo của công ty Facebook cho biết công ty cần phải phân tích sâu hơn để quyết định xem các tài khoản này có cấu kết với Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga hay một nhóm khác hay không. Từ trước nay, Hoa Kỳ cáo buộc cơ quan này của chính phủ Nga đã can thiệp vào chính trị Mỹ thông qua các bài viết đăng trên phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá thông tin sai lạc và có mục đích gây rối.
Trong số 115 tài khoản bị chặn xóa có 85 tài khoản đăng bằng tiếng Anh trên trang Instagram của Facebook và 30 tài khoản khác trên Facebook và được liên kết với các trang bằng tiếng Pháp và tiếng Nga, thông báo của Facebook cho biết.
Thông báo cho biết thêm rằng một số tài khoản có nội dung “tập trung vào những người nổi tiếng” và những người khác về “tranh luận chính trị.”
Ông Nathaniel Gleicher, người đứng đầu về chính sách an ninh mạng của Facebook viết trong thông báo rằng các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ vào đêm Chủ nhật 4/11 đã cung cấp cho Facebook các nguồn tin để chặn xóa các tài khoản này.
Trong một thông báo hôm 6/11, nhà chức trách liên bang Mỹ nói: “Người Mỹ cần lưu ý rằng các nhân viên hoạt vụ nước ngoài, và đặc biệt là Nga, vẫn đang tiếp tục cố gắng gây ảnh hưởng đến công chúng và cử tri thông qua các hoạt động nhằm gây bất hòa,” bao gồm thủ đoạn thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.
Các công ty truyền thông xã hội cho biết họ hiện đang thận trọng hơn đối với việc can thiệp bầu cử từ nước nước ngoài sau khi nhận thức rằng trong cuộc bầu cử cách nay 2 năm họ chưa chuẩn bị để đối phó với các cuộc tấn công qua mạng.
Pompeo gặp quan chức cao cấp Bắc Hàn hôm 8/11
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tổ chức cuộc đàm phán mới với một quan chức cấp cao Bắc Hàn tại New York hôm 8/11, sự kiện mà Washington hy vọng mở đường cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai.
Pompeo và Kim Yong-chol, trợ lý cấp cao của nhà lãnh đạo Bắc Hàn dự kiến “thảo luận về tiến độ của bốn điểm chính trong tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Singapore, gồm việc đạt mục tiêu phi hạt nhân cuối cùng”, Reuters dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 5/11 cho biết.
Thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn ‘sau bầu cử giữa kỳ’
Trump mong có hội nghị thứ hai với Kim Jong-un
Mỹ: Bắc Hàn sẵn sàng chào đón thanh sát viên
Bắc Hàn đồng ý đóng cơ sở thử tên lửa
Tại Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6/2018, Kim Jong-un cam kết hướng tới mục tiêu phi hạt nhân nhưng các bước của ông đến nay không đáp ứng được yêu cầu của Mỹ.
Hôm 2/11, Bắc Hàn cảnh báo họ có thể tiếp tục nối lại chương trình hạt nhân nếu Hoa Kỳ không bỏ việc chế tài.
Trong cuộc gặp ở Singapore, Kim và Trump cũng cam kết xây đắp “một chế độ hòa bình bền vững và ổn định”, nhưng Bình Nhưỡng thất vọng khi Mỹ miễn cưỡng trước tuyên bố kết thúc chính thức Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và nhắc lại yêu cầu Bắc Hàn phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tướng Vincent Brooks, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Nam Hàn lên tiếng ủng hộ các biện pháp gây tranh cãi nhằm giảm hoạt động quân sự dọc theo biên giới với Bắc Hàn.
Ông Brooks cho biết các bước gần đây của hai miền để giải giáp các khu vực dọc theo khu phi quân sự ở biên giới nhận được “sự trợ giúp và tán thành của Hoa Kỳ”.
Bắc Hàn ‘sẽ không giải trừ nếu tiếp tục bị phạt’
Mỹ sẵn sàng ‘tái đàm phán’ với Bắc Hàn
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hội nghị thượng đỉnh lần hai với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ được tổ chức sau cuộc bầu cử giữa kỳ hôm 6/11.
Trả lời phóng viên trong lúc bay tới Iowa để chủ trì một buổi vận động, ông Trump nói: “Sự kiện này sẽ diễn ra sau bầu cử giữa kỳ. Tôi không thể đi vụ đó lúc này. “
Hồi đầu tháng 10/2018, ông Trump nói rằng kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai đã được sắp xếp và ông cho rằng tiến trình đàm phán với quốc gia bị cô lập diễn ra “đáng kinh ngạc”.
Ông cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc đàm phán rất tốt với ông Kim vào cuối tuần trước và rằng “ba, bốn địa điểm đã được cân nhắc”.
Trong lúc đến Nhà Trắng, ông Pompeo nói: “Trong khi vẫn còn một chặng đường dài để đi và nhiều việc phải làm, bây giờ chúng ta có thể thấy con đường giúp chúng ta đạt được mục tiêu tối thượng, đó là việc phi hạt nhân hoàn toàn và được xác nhận ở Bắc Hàn.”
Bắc Hàn vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân?
Bắc Hàn ‘ngưng thử nghiệm tên lửa và hạt nhân’
Trump dọa hủy thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông Kim Jong-un sẵn sàng cho phép các thanh sát viên quốc tế vào các điểm thử hạt nhân và tên lửa.
Đây là một trong các vấn đề chính còn vướng mắc của cam kết phi hạt nhân trước đó.
Pompeo, người đã gặp ông Kim trong một chuyến đi ngắn đến Bình Nhưỡng hôm 7/10, cho biết các thanh sát viên sẽ đến thăm một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa và điểm thử hạt nhân Punggye-ri ngay sau khi hai bên thống nhất về công tác hậu cần.
“Có rất nhiều việc hậu cần phải hoàn tất trước khi thực hiện điều đó,” Pompeo nói trong cuộc họp báo tại Seoul trước khi đi thăm Bắc Kinh.
Viên chức ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ cũng cho biết cả hai bên “gần” đạt thỏa thuận về chi tiết của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn thứ hai theo đề xuất của ông Kim.
Trước đó, Ngoại trưởng Bắc Hàn cảnh báo “không đời nào” nước ông giải trừ hạt nhân trong khi Mỹ tiếp tục áp các lệnh trừng phạt.
Ri Yong-ho nói tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng các biện pháp trừng phạt đào sâu thêm sự ngờ vực của Bắc Hàn về Mỹ.
Bình Nhưỡng nhiều lần kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ và điều này được Nga và Trung Quốc ủng hộ.
Nhưng chính quyền Trump nói rằng các biện pháp trừng phạt nên được duy trì cho đến khi Bắc Hàn tiến hành phi hạt nhân.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46088079
Mỹ-Trung sẽ đàm phán an ninh cấp cao
Quan chức cao cấp hai nước Mỹ, Trung sẽ có một loạt các cuộc đàm phán ngoại giao và an ninh cấp cao vào cuối tuần này, theo AFP.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ tiếp đón các đối tác Trung Quốc hôm thứ Sáu (9/11) tại Washington để thực hiện một loạt các cuộc đàm phán ngoại giao và an ninh cấp cao, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố.
Cuộc đàm phán ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung lần thứ hai sẽ có sự góp mặt của ông Mattis, ông Pompeo, quan chức ngoại giao cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa.
TQ tham vọng đánh thuế thu nhập toàn cầu
TQ lần đầu thừa nhận kinh tế sụt giảm vì thuế Mỹ
Các cuộc đàm phán, tiếp nối cuộc họp đầu tiên được tổ chức vào tháng 6/2017, là dấu hiệu mới nhất về sự bình thường hóa quan hệ an ninh Mỹ-Trung, sau khi mối quan hệ giữa hai nước xuống dốc nhanh chóng do căng thẳng thương mại và các vấn đề Biển Đông.
Vào đầu tháng 10, một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay chuyến thăm theo dự kiến của ông Mattis tới Trung Quốc đã bị hủy bỏ vì Bắc Kinh không để ông Ngụy Phượng Hòa xuất hiện thời điểm đó.
Washington và Bắc Kinh đã ở trong tình trạng bế tắc trước các động thái của Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt việc Trung Quốc nhiều năm cạnh tranh thương mại không công bằng.
Ông Trump đã áp mức thuế mới lên khoảng một nửa lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong mùa hè này trong khi Bắc Kinh cũng đáp trả bằng cách đánh thuế hầu hết các sản phẩm của Mỹ.
Ông Trump tiếp tục cho leo thang mối hiềm khích này bằng cách tấn công toàn diện Trung Quốc, như thúc đẩy ủng hộ quân sự đối thủ Đài Loan, cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ, đẩy mạnh tố cáo Bắc Kinh vi phạm nhân quyền và giới hạn quyền tiếp cận truy công nghệ hạt nhân của Mỹ.
Nhưng cuối tuần trước, Trump đã tỏ ra hòa giải hơn, cho hay cuộc gặp gỡ với ông Tập Cận Bình là ‘tốt đẹp’, và sau đó tuyên bố rằng ông mong đợi cuộc xung đột thương mại của họ chấm dứt với “một thỏa thuận tốt”.
https://www.bbc.com/vietnamese/46106853
Trump sắp đề cử đại sứ mới tại Liên Hiệp Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/11 nói rằng ông sẽ đề cử một đại sứ mới tại Liên Hiệp Quốc trước cuối tuần và rằng sắp tới sẽ có nhiều thay đổi trong nội các của ông.
Hồi tuần trước, ông Trump nói rằng ông đang nghiêm túc nghiên cứu đề cử bà Heather Nauert, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ vào vị trí này để thay thế bà Nikki Haley, người đã cho biết hôm 9/10 rằng bà sẽ từ chức vào cuối năm nay.
“Tôi sẽ công bố đại sứ tại Liên Hiệp Quốc trước cuối tuần này,” ông Trump nói với các phóng viên trước khi rời Washington cho một loạt các cuộc vận động chỉ một ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ.
“Các chính quyền thường cải tổ nội các sau các kỳ bầu cử giữa kỳ, và có thể chúng ta cũng sẽ nằm trong diện đó,” ông nói thêm. “Tôi nghĩ rằng đó là điều thông lệ. Không có lịch trình. Nhìn chung tôi yêu nội các của mình. Chúng tôi có những người thật sự tài năng.”
Bà Haley là nhân vật mới nhất trong một loạt các nhân vật cấp cao trong chính quyền của ông Trump rời bỏ chức vụ, mặc dù bà đưa ra tuyên bố này trong phòng Bầu dục khi bà ngồi kế ông Trump, người đã ca ngợi bà ‘đã làm việc tuyệt vời’.
Hồi tháng Tám, Cố vấn Nhà Trắng Don McGahn cũng công bố mình sẽ ra đi và ông đã rời chức vụ. Ông Scott Pruitt, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA, đã từ chức hôm 5/7 sau khi bị chỉ trích xung quanh những tranh cãi đạo đức.
Phản hồi trước câu hỏi của phóng viên trước khi ông lên đường vận động tranh cử ở Cleveland, Ohio, ông Trump nói rằng ông không có kế hoạch thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Hồi tháng trước, ông Trump nói ông Mattis ‘có thể ra đi’ và rằng ông xem Mattis là ‘một dạng người Dân chủ’.
Ông cũng nói Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke đang làm việc ‘rất tốt’. Ông Zinke đang dính ít nhất ba cuộc điều tra của tổng thanh tra Bộ Nội vụ về vấn đề đạo đức. Hồi tháng trước, tổng thanh tra đã chuyển một trong các cuộc điều tra này đến Bộ Tư pháp, làm tăng khả năng Zinke có thể đối mặt điều tra hình sự.
Ông Trump không trả lời khi được hỏi về Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, người mà ông thường xuyên chỉ trích.
Một thị trưởng Mỹ bị bắn chết ở Afghanistan
Một thị trưởng của Utah đồng thời là một thiếu tá thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Utah tới huấn luyện các biệt kích ở Afghanistan đã bị một trong những học viên của ông ở Afghanistan bắn chết, các quan chức cho biết hôm 4/11.
Ông Brent Taylor, 39 tuổi, đã tạm nghỉ một năm không làm thị trưởng thành phố North Ogden, thuộc phía bắc Salt Lake City của tiểu bang Utah, để đi làm nhiệm vụ ở Afghanistan.
Ông Taylor là một viên chức tình báo quân sự tại Trụ sở Lực lượng Hỗn hợp của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Utah, và dự kiến sẽ trở lại công việc thị trưởng của mình vào tháng Một năm sau.
Một thành viên quân đội Mỹ chưa được công bố tên cũng đã bị thương trong cuộc tấn công hôm 3/11, trong đó ông Taylor tử vong vì những vết thương do đạn bắn ra từ loại súng nhỏ, các quan chức quân đội cho biết.
Thiếu tướng Jefferson S. Burton, Tổng chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Utah, nói với các phóng viên rằng sứ mệnh của ông Taylor là giúp đào tạo và xây dựng năng lực của quân đội quốc gia Afghanistan.
“Anh ấy ở cùng với những người mà anh ấy đang giúp đỡ và đào tạo. Đó là điều rất đau đớn về việc này. Thật cay đắng, ” Thiếu tướng Burton nói. “Tôi tin rằng thiếu tá Taylor cảm thấy anh ấy là một trong những người bạn của những người anh ấy cùng làm việc chung.”
Các phương tiện truyền thông của Utah trích dẫn một tuyên bố từ NATO nói rằng ông Taylor đã bị bắn bởi một trong các biệt kích đang được huấn luyện và rằng kẻ tấn công đã bị lực lượng Afghanistan giết chết.
Thị trưởng Taylor để lại một người vợ và bảy con. Thi hài của ông dự kiến sẽ được đưa đến Căn cứ Không quân Dover ở Delaware vào tối 5/11.
Thống đốc bang Utah Gary Herbert nói ông Taylor “đã có mặt để giúp đỡ. Anh ấy là một nhà lãnh đạo. Anh ấy yêu người dân Afghanistan… Đây là một ngày buồn cho Utah, cho nước Mỹ. ”
Thị trưởng Taylor đã hai lần tham chiến ở Iraq và đang phục vụ quân đội Mỹ lần thứ hai ở Afghanistan trước khi bị giết hại.
Hàng trăm cư dân của thành phố North Ogden đứng hai bên đường để đưa tiễn thị trưởng Taylor khi cảnh sát hộ tống thi hài ông và gia đình qua các khu vực của North Ogden, một cộng đồng có khoảng 17.000 cư dân. Ông Taylor trở thành thị trưởng của thành phố vào năm 2013.
https://www.voatiengviet.com/a/mot-thi-truong-my-bi-ban-chet-o-afghanistan/4645430.html
Mỹ cho phép Iran tiếp tục
ba dự án nguyên tử dân sự
Hoa Kỳ hôm 05/11/2018 loan báo cho phép Iran tiếp tục ba dự án về nguyên tử dân sự hiện có. Quyết định này giúp hiệp ước hạt nhân năm 2015 có thể tạm sống sót, dù Mỹ đã rút khỏi.
Trước hết là dự án lò phản ứng nước nặng ở Arak, đã được sửa đổi dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế để không thể sản xuất ra plutonium dùng cho mục đích quân sự.
Dự án thứ hai là nhà máy điện nguyên tử duy nhất ở Bouchehr, nơi Nga đã xây dựng một lò phản ứng và bắt đầu xây thêm hai lò khác.
Cuối cùng là địa điểm làm giàu uranium dưới lòng đất ở Fordo.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhấn mạnh quyết định này chỉ mang tính tạm thời, tùy thuộc vào « sự hợp tác giữa nhiều nhân tố khác nhau ».
Hiệp ước do Washington và các cường quốc ký với Teheran năm 2015 nhằm ngăn cản Iran sở hữu bom nguyên tử, không cấm các chương trình hạt nhân dân sự nhưng quy định rất chặt chẽ để bảo đảm được sử dụng vào mục đích hòa bình.
Cho rằng văn bản này có nhiều khiếm khuyết, chính quyền Donald Trump đã rút khỏi hiệp ước hồi tháng Năm ; sau đó lần lượt tái lập các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được dỡ bỏ trước đây. Đợt trừng phạt cuối được thực hiện từ hôm qua, nhắm vào lãnh vực dầu khí và tài chính của Iran.
Về dầu lửa, Hoa Kỳ cho phép 8 nước được tạm thời nhập khẩu dầu của Iran. Đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, riêng Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Đài Loan được nhập tiếp trong sáu tháng.
Trên lãnh vực tài chính, có 50 ngân hàng Iran bị cho vào danh sách đen. Hệ thống SWIFT (Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế) từ hôm qua thông báo đã cắt liên lạc với một số ngân hàng Iran.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181106-my-cho-phep-iran-tiep-tuc-ba-du-an-nguyen-tu-dan-su-ok
Venezuela tìm cách đưa 14 tấn vàng từ Anh về nước
Venezuela đang tìm cách chuyển về nước khoảng 550 triệu đôla vàng thỏi từ Ngân hàng Anh vì lo sợ số vàng này có thể bị kẹt lại vì các biện pháp trừng phạt quốc tế, Reuters dẫn hai nguồn tin trực tiếp cho biết hôm 5/11.
Các tài sản tiền tệ mạnh của Venezuela đã giảm đi khi lệnh trừng phạt tài chính hiện tại của Hoa Kỳ ngăn chặn chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro vay mượn trên các thị trường quốc tế.
Chính quyền ông Trump hôm thứ Năm ban hành một vòng trừng phạt mới, cấm các công dân Hoa Kỳ giao dịch với bất kỳ ai liên quan đến việc bán vàng “lừa đảo hoặc tham nhũng” từ Venezuela, một phần nỗ lực gia tăng áp lực lên ông Maduro.
Chính phủ của ông Maduro đang tìm cách đưa 14 tấn vàng được cất giữ tại Ngân hàng Anh trở lại Venezuela, Reuters dẫn nguồn tin từ hai quan chức ẩn danh hiểu biết trực tiếp về hoạt động này.
Ngân hàng Anh đang muốn làm rõ xem Venezuela muốn làm gì với số vàng này, một trong hai quan chức cho biết.
Ngân hàng trung ương Venezuela không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Còn Ngân hàng Anh thì từ chối bình luận.
Kế hoạch bị trì hoãn gần hai tháng do những khó khăn trong việc có được bảo hiểm cho lô hàng, yếu tố cần thiết để di chuyển một lượng vàng lớn, một trong các quan chức nói với Reuters.
“Họ vẫn đang cố gắng tìm bảo hiểm, vì chi phí cao”, quan chức này cho biết thêm.
Venezuela đang ở trong năm thứ năm suy thoái, với mức lạm phát hàng năm lên đến hơn 400.000%, dẫn đến gia tăng tỷ lệ đói và bệnh tật, tạo ra một cuộc di cư của khoảng 2 triệu người.
Tổng thống Maduro nói chính phủ của ông là nạn nhân của một “cuộc chiến kinh tế” do phe đối lập lãnh đạo và được thúc đẩy bởi các biện pháp trừng phạt của Washington. Các nhà phê bình của ông đổ lỗi cho mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo, ngăn sông cấm chợ và quốc hữu hóa các công ty tư nhân.
Mất vàng sẽ là cú giáng đáng kể vào tài chính của nước này. Thiếu tiền tệ mạnh có thể tạo ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu, từ thực phẩm cho đến thuốc và phụ tùng ô tô.
Số tiền này tương đương với năm lần tổng số ngoại tệ mạnh mà Venezuela bán ra vào năm 2018 thông qua các cuộc đấu giá tiền tệ được thực hiện qua hệ thống kiểm soát trao đổi đã có từ 15 năm của nước này, theo số liệu do công ty tư vấn địa phương Sintesis Financiera biên soạn.
Các đồng minh
Chính phủ hứa sẽ bán đấu giá 2 tỷ euro trên thị trường ngoại hối trong một khung thời gian không xác định, và cũng không nói làm sao có được số tiền này.
Tuy nhiên, theo Reuters, ngay cả khi Venezuela có thể hồi hương số vàng trên, thì các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ cũng có thể làm cho việc bán vàng để tăng tiền tệ mạnh gặp khó khăn.
“Nếu chính phủ muốn làm gì với số vàng dự định mang về, họ sẽ phải làm với các nước đồng minh vì sự ràng buộc của các chế tài”, Reuters dẫn lời kinh tế gia Tamara Herrera của Sintesis Financiera nói.
Venezuela xuất khẩu vàng sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm qua, ngành kinh doanh đang phát triển khi Tổng thống Maduro xây dựng mối quan hệ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Việc bán vàng trực tiếp từ Ngân hàng Anh cho khách hàng nước ngoài sẽ dễ dàng hơn so với việc vận chuyển, nhưng cũng có thể có nguy cơ bị xử phạt.
Venezuela dự trữ vàng trong nhiều thập niên, tạo nên trữ lượng ngân hàng trung ương ở các kho tiền của ngân hàng nước ngoài, vốn rất phổ biến ở các nước đang phát triển.
Cố lãnh đạo xã hội chủ nghĩa của nước này là Hugo Chavez, viện dẫn nhu cầu Venezuela cần kiểm soát tài sản ngân hàng trung ương, vào năm 2011 đã hồi hương khoảng 160 tấn vàng từ các ngân hàng ở Hoa Kỳ và châu Âu về ngân hàng trung ương ở Caracas.
Nhưng một số vàng của Venezuela vẫn còn ở Ngân hàng Anh.
Bắt đầu từ năm 2014, Venezuela sử dụng số vàng này cho các hoạt động “hoán đổi”, trong đó các ngân hàng toàn cầu cho Venezuela vay nhiều tỷ đôla và dùng vàng để thế chấp.
Thống kê của ngân hàng trung ương Venezuela cho thấy lượng vàng nắm giữ của ngân hàng trung ương vào tháng 6 năm nay giảm xuống còn 160 tấn từ 364 tấn trong năm 2014, khi một số thỏa thuận hoán đổi hết hạn mà Venezuela không trả lại tiền, để lại vàng trong tay các ngân hàng.
Năm 2017, các thỏa thuận hoán đổi dạng này trở nên khó khăn vì các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, trong đó ngăn chặn các tổ chức tài chính Hoa Kỳ tài trợ cho bất kỳ hoạt động tài chính mới nào.
https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-tim-cach-dua-14-tan-vang-tu-anh-ve-nuoc/4645702.html
EU gia hạn lệnh trừng phạt Venezuela
Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Ba 6/11 đã gia hạn lệnh trừng phạt đối với Venezuela cho đến tháng 11/2019 vì những gì mà EU nói là chính quyền nước này vi phạm nhân quyền, phá hoại nền dân chủ, và pháp quyền dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro.
Hãng tin Reuters cho biết EU đã trừng phạt Venezuela bằng cách cấm vận vũ khí và các “thiết bị dùng để đàn áp nội bộ,” cấm 18 quan chức Venezuela du hành và đóng băng tài sản của họ.
EU cáo buộc các hành vi lạm dụng quyền lực của các quan chức an ninh quốc gia Venezuela đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ vào tháng 1, và cuộc bầu cử tổng thống tháng 5 đã giúp cho ông Maduro thắng cử nhiệm kỳ thứ hai nhưng EU nhấn mạnh việc thắng cử là giả tạo.
Cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế sâu sắc ở Venezuela đã khiến hơn hai triệu người dân nước này phải di tản ra nước ngoài, theo LHQ.
Hoa Kỳ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức Venezuela nên ông Maduro cáo buộc rằng Washington đã điều hành một âm mưu quốc tế chống lại ông.
https://www.voatiengviet.com/a/eu-gia-han-lenh-trung-phat-venezuela/4646755.html
Pháp và Nhật
dẫn đầu danh sách phim ngoại ngữ hay nhất
Báo Le Figaro hôm 04/11/2018 công bố danh sách 100 bộ phim tiếng nước ngoài hay nhất mọi thời đại, qua đó khẳng định ưu thế của hai nền điện ảnh Pháp và Nhật Bản. Cuộc bình chọn này do cơ quan truyền thông Anh BBC thực hiện. Từ ‘‘ngoại ngữ’’ ở đây được dùng để chỉ các bộ phim không sử dụng tiếng Anh.
Danh sách 100 bộ phim ngoại ngữ hay nhất được đúc kết từ cuộc trưng cầu ý kiến của 209 nhà phê bình đến từ 43 nước trên thế giới. Cách đây vài năm, Viện phim Mỹ American Film Institute cũng như hãng truyền thông BBC đã thực hiện những cuộc bình chọn tương tự, ưu thế của các bộ phim nói tiếng Anh qua lăng kính của các nhà phê bình Anh-Mỹ, có thể giải thích vì sao cuộc trưng cầu ý kiến lần này được dành riêng cho các bộ phim không dùng tiếng Anh.
Theo kết quả bình chọn năm 2018, có tới 67 đạo diễn nổi tiếng đến từ 24 quốc gia khác nhau. Nền điện ảnh Pháp đứng đầu với tổng cộng 27 bộ phim của mọi thời kỳ : xưa nhất là các tác phẩm L’Atalante của Jean Vigo (1934), Les Règles du Jeu (Luật chơi – 1939) của Jean Renoir, gần đây hơn là bộ phim Amour (Tình yêu – 2012) của đạo diễn người Pháp gốc Áo Michael Haneke.
Điện ảnh Nhật Bản cũng nổi bật không kém vì có đến 11 bộ phim nằm trên danh sách 100 bộ phim ngoại ngữ hay nhất mọi thời đại, nhưng quan trọng hơn nữa là có tới 3 bộ phim của Nhật nằm trong số 5 tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng. Hạng nhất là Seven Samurai (Bảy võ sĩ samurai – 1954) của Akira Kurosawa, hạng ba là bộ phim Voyage à Tokyo (Chuyến đi Tokyo – 1953) của Yasujiro Ozu và hạng tư là Rashomon (La Sinh Môn – 1950) cũng của đạo diễn Akira Kurosawa.
100 phim của 67 đạo diễn, điều đó có nghĩa là một số tác giả được vinh danh nhiều lần. Ngoài Kurosawa, các đại thụ của làng điện ảnh quốc tế vẫn là Ingmar Bergman (Thụy Điển), Luis Bunuel (Tây Ban Nha) mỗi người có tới 5 phim trên danh sách. Về phần mình, Andrei Tarkovski (Nga) và Federico Fellini (Ý) có tới 4 tác phẩm được đề cao. Abbas Kiaostami (Iran), Jean Luc Godard (Pháp) và Vương Gia Vệ (Đài Loan) mỗi người đều có 3 phim trên danh sách.
Nhìn chung, đã có hơn 200 nhà phê bình quốc tế đã tham gia cuộc trưng cầu ý kiến năm 2018. Đại đa số là các ngòi bút chuyên viết về điện ảnh cho các tờ báo lớn hay các nguyệt san văn hóa đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới. Trong số này, có khoảng 10% là giáo sư đại học từng nghiên cứu, giảng dạy hay viết tiểu luận về nghệ thuật thứ bảy.
Phần lớn các nhà phê bình quốc tế đều công nhận tầm ảnh hưởng lớn của nền điện ảnh Pháp, với 27 phim Pháp trên tổng số 100 phim được bình chọn. Đối với họ, điện ảnh Pháp sáng chói từ thời hậu chiến với các đạo diễn như Max Ophuls (Madame de – 1953), Jules Dassin (Rififi – 1955), Alain Resnais (Hiroshima mon amour – 1959). Thế nhưng, thời kỳ quan trọng nhất vẫn là những năm 1960, thời của những đạo diễn thuộc phong trào Nouvelle Vague (Làn sóng mới).
Điều này giải thích vì sao có tới 12 trong số 27 bộ phim Pháp nổi tiếng trên danh sách được quay vào thập niên 1960. Đây là thời kỳ đăng quang của các đạo diễn François Truffaut (Les 400 coups, Jules & Jim), Robert Bresson và Jean Luc Godard (À bout de souffle – 1960). Cặp vợ chồng đạo diễn Jacques Demy (Les Parapluies de Cherbourg – 1964) và Agnès Varda (Cléo de cinq à sept – 1962) cũng thành danh vào thập niên này.
Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của làn sóng điện ảnh Pháp có vẻ thoái trào trong những năm 1980-1990 vì hầu như không có phim nào được bình chọn. Mãi tới những năm đầu thế kỷ XXI, Jean Pierre Jeunet làm xiêu lòng khán giả trở lại với “Số phận phi thường của cô bé Amélie Poulain” (2001). Còn Michael Haneke thuyết phục giới phê bình tại Cannes cũng như tại nhiều liên hoan khác với câu chuyện thật đau lòng khi đặt lại vấn đề “trợ tử”, tự do chọn lựa ngày chết trong bộ phim đề tựa “Amour” (2012).
Khép lại danh sách này, người ta ghi nhận sức sáng tạo của nền điện ảnh châu Á nói chung, bởi vì có tới 25 tác phẩm tức là một phần tư trong số 100 bộ phim ngoại ngữ đến từ lục địa này. Ngoài một số tác phẩm của Hàn Quốc và Ấn Độ, còn có thêm 12 bộ phim tiếng Hoa hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả Hoa lục, Đài Loan và Hồng Kông (Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Hầu Hiếu Hiền, Lý An, Dương Đức Xương). Gương mặt nổi trội bên cạnh các bậc thầy Nhật Bản là đạo diễn Vương Gia Vệ với tổng cộng 3 phim có tên trên danh sách.
100 bộ phim ‘‘ngoại ngữ’’ đến từ mọi thời đại, thật ra cũng chỉ là hạt muối trong vùng đại dương bao la mênh mông của làng điện ảnh thế giới. Tùy theo góc nhìn, danh sách của một nhà phê bình này vẫn không thể nào mà đầy đủ, nếu không nói là bất cập, thiếu sót trong mắt của một nhà phê bình khác. Chẳng hạn như trên danh sách này, điện ảnh Ý rất được coi trọng (De Sica, Fellini, Visconti, Bertolucci, Antonioni) với tổng cộng là 11 tác phẩm được kể tên, trong khi điện ảnh sử dụng tiếng Tây Ban Nha (ngoại trừ trường hợp của Almodovar hay Alfonso Cuarón) và nhất là các nước châu Mỹ La tinh (Argentina, Mêhicô, Chilê, Brazil) gần như là thiếu vắng, trong khi điện ảnh Nam Mỹ về mặt sáng tạo, trong những thập niên gần đây được xem như là vùng đất tràn đầy sức bật ……
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181106-phap-va-nhat-dan-dau-danh-sach-phim-ngoai-ngu-hay-nhat
Berlin tiếp tục can thiệp
cho Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức
Trong cuộc hội đàm với thứ trưởng thường trực Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ngày 01/11/2018 tại Berlin, quốc vụ khanh bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis, một lần nữa, lên án rõ ràng và rành mạch rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một sự vi phạm công pháp quốc tế hoàn toàn không thể chấp nhận được, phá vỡ lòng tin trong quan hệ giữa hai nước.
Từ Berlin, thông tín viên Trung Khoa cho biết thêm thông tin:
Một nguồn tin xin ẩn danh thuộc bộ Ngoại Giao Đức, trong quá khứ chính phủ Liên bang Đức đã can thiệp mạnh mẽ cho Trịnh Xuân Thanh, và sẽ tiếp tục nói chuyện với phía Việt Nam về trường hợp này.
Theo nguồn tin trên, trong quá trình trao đổi tích cực và chặt chẽ từ hơn một năm nay, Đức và Việt Nam đã làm việc để khôi phục quan hệ song phương. Để làm việc này, chính phủ Đức đã lưu ý đến các đáp ứng tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền. Quan hệ giữa hai nước, giờ đây, đang đứng trước một sự khởi đầu mới.
Bản tin chính thức đăng trên Cổng thông tin điện tử chính phủ cho biết, quốc vụ khanh Andreas Michaelis sẽ thu xếp sớm thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp để tiến hành đối thoại chiến lược giữa hai bộ Ngoại Giao.
Trong buổi gặp gỡ, giao lưu với người Việt tại chợ Đồng Xuân ở Berlin, thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã nói: Qua chuyến công tác lần này, quan hệ hai nước Việt Nam và Đức đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang từng bước cải thiện. Ông khẳng định, bộ Ngoại Giao Việt Nam và Đức đều đang nỗ lực hết mình để thúc đẩy sự hợp tác và đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo như trước đây.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181106-berlin-tiep-tuc-can-thiep-cho-trinh-xuan-thanh-duoc-tro-lai-duc
Ngừng bắn tại Idleb bị đe dọa,
Nga đưa nhiều tầu chiến đến Syria
Căng thẳng tăng thêm một nấc mới tại tỉnh Idleb, Syria. Lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận Nga – Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17/09 có nguy cơ bị phá vỡ. Các vụ chạm súng giữa lực lượng thánh chiến và quân đội Syria tiếp tục diễn ra hàng ngày với mức độ ngày thêm khốc liệt.
Cùng lúc từ vài ngày qua, chiến hạm Nga được triển khai ngoài khơi nam Địa Trung Trung Hải.
Thông tín viên RFI tại Beyrouth Paul Khalifeh tường trình:
Dấu hiệu căng thẳng gia tăng nguy hiểm tại tỉnh Idleb. Trong vài ngày qua Nga đã triển khai ngoài khơi Syria nhiều tàu chiến. Bốn tàu tuần dương và một tàu hộ tống trang bị tên lửa cùng một tàu đổ bộ đã tới nam Địa Trung Hải, theo truyền thông Nga.
Hôm qua, bộ Quốc Phòng Nga khẳng định các nhóm thánh chiến đã không rút ra khỏi vùng phi quân sự rộng từ 15 đến 20 km được thiết lập theo sáng kiến của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một nguồn tin quân sự Syria, được trang tin almasdarnews trích dẫn cho biết việc tăng cường quân nói trên là để chuẩn bị đáp trả vô số các vụ vi phạm ngừng chiến trong vùng đệm, nơi mà lực lượng thánh chiến phải rút ra.
Cuối tuần qua, bốn binh sĩ Syria đã thiệt mạng, một người khác bị thương trong một cuộc tấn công được quy trách nhiệm cho Hayat Tahrir al-Cham, một phân nhánh cũ của al-Qaida tại Syria.
Các vụ đấu súng bị hạn chế nhưng các hoạt động vi phạm vẫn diễn ra gần như hàng ngày từ cả tuần nay trên khắp các mặt trận ở Idleb. Diễn biến trên khiến lệnh ngừng chiến ký hôm 17/09 dưới sự bảo trợ của tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trở nên mong manh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181106-ngung-ban-tai-idleb-bi-de-doa-nga-dua-nhieu-tau-chien-den-syria
Chứng khoán TQ gửi tín hiệu đáng sợ
về nền kinh tế đất nước
Khi các nhà xuất khẩu cảm nhận được sức nóng của cuộc chiến thương mại, nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã hy vọng rằng sức tiêu thụ mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ là tấm chắn bảo vệ họ trong thị trường. Tuy nhiên, kỳ vọng này có vẻ không khả quan cho lắm.
Câu chuyện thu hút sự chú ý của các nhà giao dịch trong những tuần qua là “sự lao dốc tiêu thụ” trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Số liệu chính thức cho thấy tăng trưởng doanh thu bán lẻ chậm lại và nhà đầu tư càng lúc càng thận trọng, theo Bloomberg.
Cụ thể, hãng sản xuất rượu lớn nhất Trung Quốc, Kweichow Moutai Co., vừa báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất trong gần ba năm. Moutai đã thiệt hại 212 tỷ nhân dân tệ (30 tỷ đô la Mỹ) về giá trị thị trường trong sáu tháng qua. Cổ phiếu của những công ty bán các mặt hàng khác thậm chí còn tồi tệ hơn. Chỉ số CSI 300 của người tiêu dùng Thâm Quyến giảm 22% trong tháng 10, đánh dấu tháng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Dai Ming, một chuyên gia quản lý quỹ tại Công ty Quản lý Tài sản Hengsheng ở Thượng Hải cho biết: “Chúng tôi đã không thể tìm ra lý do xác thực” cho những thay đổi đáng kể trong thói quen tiêu dùng.
Một vài lý giải mà giới tài chính Trung Quốc đưa ra là:
Giá bất động sản và tiền thuê nhà tăng đã làm tăng giá các mặt hàng khác
Nền tảng cho vay ngang hàng P2P sụp đổ đã giáng một đòn mạnh đánh vào tài chính của một số cá nhân
Niềm tin người tiêu dùng sụt giảm trước những tin tức tiêu cực về quan hệ thương mại với Hoa Kỳ
Cùng những dấu hiệu cho thấy hành vi người tiêu dùng ngày càng trở nên tinh vi, với những khách hàng trở nên khôn ngoan hơn để tìm kiếm những món hời.
Thu nhập từ Moutai, hãng sản xuất rượu Bạch Tửu, một trong những món hàng cao cấp và xa xỉ, là “bằng chứng cụ thể về sự suy giảm tăng trưởng tiêu thụ của Trung Quốc”, ông Dai nói.
Những phép thử tiếp theo đối với thị trường là Ngày lễ độc thân (11/11), ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc, được quảng bá bởi ông hoàng bán lẻ Alibaba Group Holding Ltd và chi tiêu trong những ngày nghỉ Tết âm lịch, ông nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence vẫn khá thận trọng về triển vọng chi tiêu trong ngày Lễ độc thân sắp tới, khi mà doanh số bán hàng trực tuyến của Trung Quốc vào tháng 10 khá thấp.
Giới đầu tư không phải là những người duy nhất bi quan về tình hình tiêu dùng Trung Quốc. Các nhà chức trách đang nỗ lực đẩy mạnh các bước để khuyến khích nhu cầu tiêu dùng. Những lý do nội tại cùng với áp lực từ chiến tranh thương mại đã đẩy các thước đo sản xuất xuống mức thấp nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 2015-2016 của Trung Quốc.
Thị trường ô tô suy yếu cũng là một trong những lý do chính cho sự giảm tốc của doanh số bán lẻ năm nay, và cơ quan kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đang đề xuất giảm một nửa thuế mua xe hơi xuống còn 5%, Bloomberg News đưa tin. Các khoản cắt giảm thuế thu nhập cá nhân cũng đã được đặt ra để thảo luận.
“Có khả năng sẽ có nhiều hành động hơn,” Laura Wang, chiến lược gia vốn cổ phần của Trung Quốc tại Morgan Stanley, Hồng Kông dự đoán. “Hiện tại, chúng tôi vẫn xem đây là một đà giảm tiêu thụ trong chu kỳ tương đối ngắn hạn thay vì suy giảm cấu trúc dài hạn,” bà nói. Những cải thiện có thể sẽ đến ngay sau quý đầu tiên của năm 2019, Wang nói.
Tuy nhiên, Wang đề nghị thiên về phía các công ty vật liệu và năng lượng vào lúc này. “Chúng tôi không khuyến khích mọi người tăng tiếp cận với các lĩnh vực liên quan đến phạm vi tiêu thụ rộng”, chẳng hạn như ô tô và bán lẻ, bà nói.
Một số công ty bị ảnh hưởng bởi tình hình chi tiêu tiêu dùng u ám có thể kể đến:
Công ty bia Thanh Đảo chỉ tăng 0.4% doanh số trong quý 3.
Midea Group Co., nhà sản xuất thiết bị lớn nhất thế giới của Trung Quốc, cho biết doanh thu quý III chỉ tăng 1%, cách biệt quá xa so với dự báo tăng 8,9% của các chuyên gia phân tích.
SAIC Motor Corp Ltd. chứng kiến sự sụt giảm doanh số bán hàng năm đầu tiên kể từ năm 2012 trong quý III.
Cổ phiếu ngành tiêu dùng của Trung Quốc đã bị “thổi bay” 302 nghìn tỷ USD giá trị vốn hoá vào hôm thứ Năm từ ngày 12/6, trong khi đó các lĩnh vực tự định và nguyên vật liệu thuộc chỉ số CSI 300 đều đạt mức cao trong thời gian gần đây, theo dữ liệu của Bloomberg. Cổ phiếu của cả hai nhóm này đều tăng điểm vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu, và tương tự như các ngành thuộc chỉ số CSI 300.
Điều này cho thấy thị trường đã gửi những tín hiệu khả quan đáp lại thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu nội các soạn thảo một thoả thuận thương mại với Trung Quốc. Dù vậy, nhiều người vẫn không bớt lo lắng về tình hình tiêu dùng của Trung Quốc đang trong tình trạng hỗn loạn.
Jinghua Lin, một nhà phân tích đến từ Capital Securities, cho biết: “Mọi người chưa từng có quan điểm tiêu cực đến thế này, tâm lý người tiêu dùng không vững chắc và họ không dám tiêu tiền. Chúng ta có thể sẽ phải chờ đến thời điểm kết thúc đợt bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 [ở Mỹ] và cuộc [gặp của hai nhà lãnh đạo Trump – Tập] ở thượng đỉnh G-20” thì mới thấy được những thay đổi về tâm lý.
Quốc tế quan ngại
vụ Hong Kong trục xuất phóng viên
Andy Chan, 28 tuổi, là lãnh đạo của một đảng phái chính trị chỉ có vài chục thành viên ở Hong Kong.
Chan dẫn dắt Phong trào Hong Kong Độc lập theo đuổi mục tiêu to lớn và đầy tranh cãi: muốn Hong Kong tách khỏi Trung Quốc.
Giới chức địa phương đã tính chuyện đặt đảng phái của Chan ra ngòai vòng pháp luật. Bản thân Chan từng bị quấy rối, cả ở ngoài phố, trước cửa nhà, thậm chí đến mẹ của ông cũng bị theo dõi, theo một tường thuật đăng trên Time.com hồi tháng Tám.
Thế nhưng Chan là một cái tên trước đây ít ai biết tại Hong Kong.
Trục xuất phóng viên Anh
Những tuần gần đây, mọi chuyện đổi khác: Vì Chan mà một phóng viên có tiếng của Anh bị Hong Kong trục xuất.
Hong Kong bác thị thực cho biên tập viên FT
Bị giam 5 ngày do phát live-stream ‘sỉ nhục quốc ca’ TQ
Trung Quốc chặn các học giả nước ngoài ra sao?
Chuyện bắt đầu vào cuối tháng Bảy, khi Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài (FCC) ở Hong Kong quyết định sẽ mời Chan tới nói chuyện tại trụ sở FCC.
Lời mời khiến Bắc Kinh giận dữ.
Đòi hỏi phải hủy buổi nói chuyện không được FCC đáp ứng.
Giới chức Hong Kong đáp trả bằng việc không gia hạn visa làm việc của Victor Mallet, biên tập viên của tờ Financial Times, đồng thời là phó chủ tịch FCC, người đã quyết định tổ chức buổi nói chuyện trên.
Đầu tháng 10 là lúc visa làm việc của ông Mallet cần gia hạn.
Chính quyền từ chối cấp visa mới.
Trung Quốc, Hong Kong và giới hạn của ‘tự do báo chí’
Nếu như chính phủ Trung Quốc từng trục xuất một số phóng viên nước ngoài trong những năm gần đây sau khi không hài lòng về cách đưa tin của họ, thì đây là lần đầu tiên việc trục xuất xảy ra ở Hong Kong.
Vùng đặc khu hành chính từ trước tới nay vẫn là nơi các phóng viên được quyền tự do viết về các sự kiện xảy ra ở Trung Quốc.
Đó cũng là lý do khiến nhiều hãng tin, tờ báo quốc tế chọn Hong Kong làm nơi đặt văn phòng để đưa tin về khu vực.
Nay, vụ trục xuất ông Mallet có thể sẽ làm thay đổi mọi thứ.
Chính phủ Anh coi việc trục xuất ông Mallet là “mang động cơ chính trị” và thúc giục giới chức địa phương cân nhắc lại quyết định này.
“Nếu không có sự giải thích từ giới chức thì chúng tôi chỉ có thể kết luận rằng đây là bước đi mang động cơ chính trị,” trang Hong Kong Free Press dẫn lời quan chức phụ trách mảng châu Á trong Bộ Ngoại giao Anh, Mark Field nói hồi cuối tháng 10.
Fu Hualing, giáo sư luật từ Đại học Hong Kong, thì nhìn nhận vấn đề nghiêm trọng hơn.
“Tôi cho rằng đây là sai lầm lớn nhất từ trước tới nay của chính quyền Hong Kong,” tờ New York Times dẫn lời ông. “Nó có tác động vô cùng to lớn. Tôi không rõ liệu là cố ý hay không, nhưng tác động của nó được mọi người cảm nhận được ở mọi nơi.”
Bản thân Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài ở Hong Kong trong một thông cáo ra ngay khi có tin về việc ông Mallet bị bác đơn xin gia hạn visa viết rằng việc này gây ra “mối quan ngại sâu sắc” ở cả Hong Kong lẫn trên thế giới.
“Quyết định từ chối visa này cho thấy tự do ngôn luận không được phép diễn ra trong một số lĩnh vực nhất định,” tuyên bố viết.
Không chỉ Anh quốc mà cả Mỹ và Liên hiệp châu Âu cũng đòi Hong Kong phải giải thích.
Tác động đến tương lai Hong Kong?
Thậm chí một số phóng viên đã nói tới “cái chết của Hong Kong”, một cách nói thường được nghe trước khi vùng đất từng là thuộc địa của Anh Quốc được trả cho Trung Quốc hồi 1997, cuối cùng đã đến.
Bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), lãnh đạo Hong Kong, bác bỏ “lời đồn đoán thuần túy” ở Hong Kong theo đó cho rằng việc ông Mallet buộc phải ra đi là do sự trả đũa và là một tín hiệu về sự hạn chế mới về quyền tự do phát biểu về các vấn đề chính trị. Thế nhưng bà không đưa ra lời giải thích nào khác.
Vụ trục xuất phóng viên Mallet có thể cũng sẽ phủ bóng lên tương lai Hong Kong trong vị trí là một cổng tài chính, thương mại quốc tế.
Các doanh nghiệp đa quốc gia nay lo sợ cho tương lai Hong Kong, rằng liệu rồi đây nơi này có còn là một căn cứ tin cậy trong khu vực nữa hay không.
Một số người trong giới kinh doanh cho rằng vụ việc sẽ khiến các công ty vốn đang phân vân thì nay sẽ nghiêng nhiều hơn sang phía chọn Singapore thay vì Hong Kong, tuy chưa có ngân hàng hay hãng luật lớn nào ở Hong Kong lên tiếng công khai.
Tin cho hay Financial Times đang kháng cáo về quyết định không gia hạn visa cho ông Mallet.
Điều này có thể sẽ khiến chính quyền Hong Kong phải đưa ra lời giải thích, New York Times dẫn lời Robert Tibbo, một luật sư chuyên về nhập cư và nhân quyền, nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46110364
Trung Quốc bị chất vấn ở Liên Hiệp Quốc
về các trại cải tạo Duy Ngô Nhĩ
Hôm nay 06/11/2018 tại Genève, Trung Quốc bị các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc chất vấn về việc giam giữ gần một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo, một chủ đề ngày càng bị thế giới chỉ trích.
Trong khuôn khổ cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền (UPR theo tiếng Anh, EPU theo tiếng Pháp) tổ chức bốn năm một lần đối với 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc trình bày bản báo cáo và tất cả các nước đều có thể đặt câu hỏi.
Một số nước đã công khai các chất vấn. Chẳng hạn Hoa Kỳ vốn nắm vững vấn đề này, đã đòi hỏi Bắc Kinh làm rõ căn cứ của việc hình sự hóa việc tiến hành các nghi lễ tôn giáo, và giải thích vì sao lại cưỡng bức người dân đi cải tạo. Washington cũng yêu cầu công bố số lượng tù nhân bị giam giữ tại tất cả các trại cải tạo ở Tân Cương trong năm năm qua.
Anh quốc muốn biết khi nào Trung Quốc mới thực hiện khuyến cáo của một ủy ban Liên Hiệp Quốc, nhằm « chấm dứt việc giam giữ người không thông qua xét xử ». Hoa Kỳ và Đức đòi hỏi Liên Hiệp Quốc phải được vào điều tra tại Tân Cương và Tây Tạng.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm nay cũng bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về việc cả triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đi cải tạo, và sẽ đề cập vấn đề này với người đồng nhiệm Vương Nghị trong chuyến thăm Bắc Kinh hai ngày 8 và 9/11.
Ban đầu Trung Quốc chối cãi là không có trại cải tạo nào, nhưng sau khi các hình ảnh vệ tinh được công bố, cùng với bằng chứng là các văn bản chính thức của chính quyền địa phương trên internet, lại nói rằng đó là những « trại dạy nghề » cho người Duy Ngô Nhĩ tiếng Hoa, các môn thể thao và múa.
Tuy nhiên AFP tham khảo trên 1.500 cáo thị đấu thầu công khai trên mạng đã nhận thấy 181 trại được cho là « dạy nghề » ở Tân Cương đặt mua chủ yếu là ma-trắc, còng tay hoặc bình xịt hơi cay. Nhiều người bị tống vào trại cải tạo chỉ vì để râu dài, choàng khăn hoặc chúc mừng các lễ hội Hồi giáo trên internet.
Ngoài Tân Cương, các vấn đề khác về nhân quyền ở Trung Quốc cũng được nêu ra trong UPR lần này. Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, những tiếng nói ly khai bị đàn áp mạnh mẽ và việc giám sát bằng kỹ thuật số tăng cao. Tháng 07/2017, giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba đã chết trong tù. Về phía Bắc Kinh, trong báo cáo UPR khẳng định « Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa vấn đề nhân quyền ».
Triển lãm hàng không Trung Quốc
bị dính tai tiếng ăn cắp công nghiệp
Triễn lãm hàng không Trung Quốc sẽ diễn ra ở thành phố ven biển Châu Hải (Zhuhai) kể từ ngày hôm nay, 06/11/2018 cho đến ngày Chủ nhật 11/11.
Cuộc triển lãm hai năm một lần này là dịp để Bắc Kinh phô trương tiến bộ công nghệ hàng không Trung Quốc trước thế giới. Thế nhưng năm nay, mây đen như đã kéo đến che phủ bầu trời hội chợ hàng không Châu Hải, với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đang diễn ra gay gắt và việc Bắc Kinh bị tố cáo hoạt động gián điệp công nghiệp. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng khiến các hãng hàng không thận trọng
Theo hãng tin Anh Reuters, với Triển Lãm Hàng Không Châu Hải, Bắc Kinh muốn chiêu dụ các lãnh đạo hàng không không gian, các khách hàng mua vũ khí đến từ 40 quốc gia. Nhưng giới phân tích nhìn thấy trước là năm nay sẽ khó mà có những thông báo long trọng hay những đàm phán mua bán lớn.
Trên các sân bãi, sẽ có đầy những loại máy bay như của hãng Airbus SA và Embraer, biểu tượng chính của cao vọng hàng không thương mại Trung Quốc, nhưng chiếc C919, máy bay đường trường mà tập đoàn chế tạo phi cơ dân dụng COMAC (Commercial Aircraft Corp of China) của Trung Quốc sản xuất, thì sẽ không được đưa ra vì như một viên chức cao cấp Trung Quốc đã giải thích, phi cơ này đang trong quá trình bay thử.
Không chỉ vắng bóng chiếc máy bay mới mà Trung Quốc tự sản xuất, mà phi cơ của các tập đoàn khác như Boeing cũng vậy. Tập đoàn chế tạo phi cơ Mỹ đã mở một xưởng lắp ráp hoàn chỉnh loại phi cơ 737 tại Trung Quốc, nhưng sẽ không đưa đến triển lãm bất kỳ máy bay nào, mà chỉ trưng bày máy bay mẫu ở gian hàng của mình mà thôi.
Tác động của hiệu quả kinh tế không mỹ mãn
Chuyên gia về hàng không Trung Quốc, ông Lí Hiểu Tân (Li Xiaojin), thừa nhận rằng Bắc Kinh không chờ đợi là Triển Lãm Hàng Không Châu Hải năm nay sẽ có nhiều người tham dự. Lý do: kinh tế Trung Quốc không có thành quả mỹ mãn cho nên các tập đoàn ngoại quốc, bình thường vẫn cử 10 người tham dự, thì năm chỉ cử 5 người.
Trung Quốc đã trở thành « trường săn » của các tập đoàn nước ngoài, đổ xô đến Trung Quốc tìm kiếm hợp đồng bán máy bay do việc các hãng hàng không Trung Quốc gia tăng đội máy bay nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại gia tăng mạnh. Dự kiến Trung Quốc sẽ là thị trường hàng đầu, vượt cả Mỹ trong thập niên tới đây.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi do hai nguyên nhân : Một là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã yếu đi, xuống đến mức thấp nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính, và hai là quan hệ của Trung Quốc với các nước khác cũng đã bị thử thách do tham vọng của Bắc Kinh muốn phát triển các loại phi cơ do chính Trung Quốc chế tạo.
Hiện thời, các loại máy bay do Hoa Kỳ chế tạo vẫn chưa bị vướng vào vòng áp thuế của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích cho biết là họ vẫn đợi xem những tập đoàn Mỹ như Boeing, Honeywell và Gulfstream sẽ bị cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng ra sao. Đây là những tập đoàn đang chịu cạnh tranh rất mạnh ở Trung Quốc trước các đối thủ như Airbus hay các hãng chế tạo phi cơ khác.
Vào năm ngoái 2017, Hoa Kỳ đã xuất được 16,3 tỷ đô la máy bay dân sự sang Trung Quốc. Đây là loại mặt hàng có trị giá lớn nhất theo số liệu công bố của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang St Louis.
Marc Szepan, một chuyên gia về hàng không Trung Quốc ở Đại Học Oxford cho là có khả năng Trung Quốc sẽ mua Airbus trong tương lai hơn là Boeing. Một chọn lựa chiến lược. Và họ cũng sẽ đánh giá lại, chọn đối tác công nghiệp cho những chương trình máy bay tương lai, như chiếc CR929, có thể thiên về thiết bị, linh kiện châu Âu hơn là Mỹ.
Cho đến giờ này, Trung Quốc cố tránh không cho thấy là họ thiên hẳn về bên nào trong bối cảnh mà những cuộc đàm phán, thương lượng của các hãng của Trung Quốc để mua máy bay nước ngoài đang được giữ kín hoặc đã bị dời lại.
Cáo buộc gián điệp công nghiệp
Những cáo buộc liên tiếp gần đây của Washington nhắm vào Bắc Kinh, theo đó Trung Quốc đã tìm cách đánh cắp công nghệ hàng không của Mỹ cũng phủ bóng đen lên Triển Lãm Châu Hải
Theo ghi nhận của Reuters, tư pháp Mỹ mới đây lại tố cáo tình báo Trung Quốc tìm cách ăn cắp thông tin về một động cơ phản lực cánh quạt đẩy Mỹ- Pháp dùng cho máy bay thương mại dân sự. Phía Mỹ không cho biết đó là loại gì, nhưng theo hãng tin Anh, đó rõ ràng là là động cơ Safran-General Electric LEAP.
Mỹ không chỉ tố cáo mà còn truy tố những nghi can cụ thể. Trong một thông báo chính thức công bố hôm 30/10 vừa qua, bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã truy tố 10 người bị cho là điệp viên Trung Quốc tìm cách thâm nhập vào hệ thống máy tính của một công ty Mỹ và một công ty Pháp có văn phòng tại thành phố Tô Châu (Trung Quốc), để ăn cắp công nghệ liên quan đến loại động cơ phản lực cánh quạt do liên doanh Pháp-Mỹ này sản xuất.
Theo phía Mỹ, mục tiêu của hành vi trộm cắp đó là nhằm cung cấp dữ liệu thiết yếu cho các công ty Trung Quốc, để các hãng này có thể sản xuất một động cơ tương tự mà không phải bỏ tiền và thời gian nghiên cứu.
Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc bị tố cáo đích danh
Điểm đáng nói là trong số những người bị truy tố, có hai đặc vụ của Bộ An Ninh Trung Quốc tại tỉnh Giang Tô, một cơ chế được cho là tương đương với cơ quan CIA tại Mỹ. Bản khởi tố đã nêu rõ tên của hai nhân viên tình báo này là Tra Vinh (Zha Rong) và Sài Mạnh (Chai Meng).
Đây là lần thứ ba trong không đầy hai tháng, nhân viên tình báo của chính quyền Trung Quốc bị tư pháp Mỹ cáo buộc về tội đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại của Hoa Kỳ.
Thậm chí vào thượng tuần tháng 10, Hoa Kỳ đã dẫn độ được về Mỹ một nhân viên tình báo Trung Quốc tên là Từ Ngạn Quân (Xu Yan Jun), bị gài bẫy và bắt tại Bỉ vào tháng Tư. Sau khi bị dẫn độ qua Mỹ, điệp viên Trung Quốc này đã bị truy tố về âm mưu đánh cắp thiết kế kỹ thuật của một động cơ máy bay do hãng Mỹ General Electric Aviation chế tạo. Từ Ngạn Quân sẽ trở thành điệp viên Trung Quốc đầu tiên có quan hệ chính thức với một cơ quan chính quyền Trung Quốc bị xét xử trước một tòa án Mỹ.
Trước vụ Từ Ngạn Quân, vào cuối tháng 9, Mỹ cũng đã bắt một công dân Trung Quốc tên là Kỷ Siêu Quần (Ji Chao Qun) tại Chicago, bị cáo buộc là đã hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh, dưới sự chỉ đạo của quan chức tình báo thuộc Sở An Ninh Quốc Gia Giang Tô.
Đối với ông John Brown, lãnh đạo văn phòng FBI tại San Diego, « các mối đe dọa từ các hoạt động tin tặc do chính phủ Trung Quốc bảo trợ là có thật và diễn ra liên tục ». Còn ông Adam Braverman, công tố liên bang tại Nam California thì tố cáo đích danh bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc.
Bắc Kinh từ lâu đã coi hàng không là ngành quan trọng trong kế hoạch mang tên Made in China 2025 nhằm biến Trung Quốc thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng các chuyên gia cho rằng công nghệ hàng không của nước này đang tụt hậu, đi sau 20-30 năm so với các quốc gia khác. Để đuổi kịp Mỹ, đánh cắp công nghệ là một trong những biện pháp.
TQ dồn tổng lực phát triển xe tăng “hàng nhái”:
Đâu là đối thủ chính?
Trái ngược hẳn với các mẫu xe tăng mới nhất của Mỹ và Nga, triết lý sử dụng xe tăng của Quân đội Trung Quốc thực chất chưa biết đối phó với đối thủ nào, Mỹ hay Nga, hay cả hai?
Xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99 của Trung Quốc
Một khía cạnh thú vị là những xe tăng hiện nay của Trung Quốc đều là những thiết kế mới; nếu so sánh với hầu hết các thiết kế xe tăng chiến đấu chủ lực của các nước châu Âu, Mỹ hoặc Nga đều phát triển vào cuối thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Hai loại xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hiện nay của Trung Quốc là Type-96 và Type-99 được thiết kế bắt đầu vào cuối những năm 1980, kéo dài đến những năm cuối của thập niên 2000. Tận dụng độ trễ về thời gian, liệu các nhà thiết kế Trung Quốc đã kịp ứng dụng những tiến bộ trong công nghệ để hoàn thiện hơn MBT của họ?
Type-96: Xe tăng thời kỳ quá độ
Xe tăng Type-96 có thể được xem là loại MBT hiện đại đầu tiên mà Trung Quốc tự lực phát triển. Nhưng Type-96 chỉ là dòng tăng trong giai đoạn quá độ, lấp chỗ trống giữa dòng xe tăng thế hệ 2 của Trung Quốc là Type-88 với một dòng tăng ngang tầm với các MBT hàng đầu thế giới như T-90 của Nga hay M1A1 Abram của Mỹ.
Chiếc Type-96 đầu tiên được đưa vào biên chế trong quân đội Trung Quốc vào năm 1997 và đến năm 2008 đã có khoảng 1.500 chiếc được trang bị cho quân đội Trung Quốc.
Tuy tự nhận là một MBT hoàn toàn do các nhà thiết kế Trung Quốc tự phát triển, nhưng giới quan sát vẫn dễ dàng nhận ra ảnh hưởng của cả trường phái tăng Liên Xô và phương Tây. Type-96 kết hợp giữa khung gầm và tháp pháo kiểu Liên Xô với công nghệ phương Tây.
Type-96 được trang bị pháo nòng trơn 125 mm ZPT98, một bản sao của khẩu 2A46M của Liên Xô/ Nga (trang bị từ dòng T-72 trở đi). Hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS) dựa trên các hệ thống Marconi trước đó được nhập khẩu từ Italia.
FCS bao gồm một máy đo cự ly bằng laser (LRF), hệ thống ổn định pháo và ổn định kính ngắm của xạ thủ. Tuy nhiên với một chiếc MBT ra đời muộn, nhưng động cơ chỉ có công suất thấp (780hp), dẫn đến khả năng cơ động của Type-96 hạn chế.
Đánh giá chung, Type-96 là một thiết kế chấp nhận được trong tình hình Trung Quốc bị phương Tây cấm vận nghiêm ngặt về công nghệ quốc phòng. Điểm yếu của xe đó là lớp giáp khá mỏng, vẫn là một thiết kế theo công nghệ cũ, không thể sánh với các thiết kế hiện đại của Nga và phương Tây.
Để so sánh, các thế hệ MBT của Mỹ vào thời điểm đó được bảo vệ bằng lớp giáp M829A2; xe tăng của Nga với giáp composite, những chỗ cần tăng cường bảo vệ được lắp thêm giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-5 hạng nặng phía trước; trong khi đó Type-96 phiên bản cơ bản thậm chí không có ERA hạng nhẹ.
Từ những điểm yếu về giáp bảo vệ, Trung Quốc đã tiến hành nâng cấp giáp xe bằng cách lắp thêm ERA hạng nặng lên các vị trí trọng yếu. Phiên bản mới nâng cấp có tên gọi Type-96A và có hình dạng tháp pháo khác biệt đáng kể so với Type-96.
Những giáp hộp có độ bảo vệ yếu trên Type-96 được thay thế bằng các tấm ERA (một số công nghệ sau này đã được áp dụng cả trên Type-99). Việc cải tiến nâng cấp giáp của Type-96 giúp nâng cao đáng kể mức độ bảo vệ xe.
Hệ thống điều khiển hỏa lực và tháp pháo cũng được nâng cấp nhỏ, mặc dù không có gì quá quan trọng. Một máy thu cảnh báo bằng laser cũng được thêm vào phía sau tháp pháo để cải thiện khả năng phòng thủ. Một màn hình nhiệt cũng được thêm vào trong cho vị trí trưởng xe.
Sau khi nâng cấp, trọng lượng của Type-96A tăng lên; do vậy động cơ với công suất khá khiêm tốn 780hp không thể đáp ứng yêu cầu; tuy nhiên việc nâng cấp động cơ khá chậm chạp.
Quân đội Trung Quốc đã sử dụng chiếc Type-96A trong cuộc thi đấu thể thao quân sự Biathlon tổ chức tại Nga năm 2014. Kíp xe phàn nàn rằng công suất động cơ quá yếu, không thể sánh được với chiếc T-72B3 sử dụng động cơ 1.000 hp; do vậy chiếc Type-96A thất bại là điều đã được dự báo trước.
Do vậy, chiếc Type-96A được tiếp tục nâng cấp lên phiên bản Type-96B, thay thế động cơ cũ bằng động cơ mới có công suất đến 1.130hp. Xe cũng nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực; lắp thêm điều hòa không khí, đảm bảo cho kíp xe có thể hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết và một trạm vũ khí điều khiển từ xa.
Phiên bản nâng cấp Type-96B nó thể là phiên bản nâng cấp mới nhất của dòng MBT này của Trung Quốc.
Type-99: Xe tăng chủ lực của PLA trong tương lai
Như đã đề cập ở trên, Type-96 là MBT thời kỳ quá độ, là gạch nối giữa MBT thế hệ cũ và MBT thế hệ mới ngang tầm đẳng cấp với những loại xe tăng tốt nhất của Mỹ và Nga và phương Tây như Abrams, Leopard 2 và T-80.
Mục đích của Trung Quốc là hướng tới thiết kế MBT hiện đại mang tên Type-99, để có thể cạnh tranh được với các loại MBT chủ lực hàng đầu của Nga và phương Tây.
Thiết kế của Type-99 đầu tiên đã được hoàn thành vào khoảng năm 1998, và chiếc xe tăng lần đầu tiên được thấy trong cuộc diễu hành vào năm 1999. Các mẫu sản xuất thử nghiệm này được trang bị cùng một khẩu pháo 125mm mà Type-96 sử dụng.
Thiết kế cơ bản của Type-99 được trang bị hệ thống quan sát toàn cảnh cho cả trưởng xe, lái xe và pháo thủ; hệ thống có khả năng tìm và diệt, theo dõi – nhận diện mục tiêu; trưởng xe có thể bắn bên cạnh pháo thủ…
Đây là một cải tiến đáng kể so với Type-96 và tương đương với tính năng của M1A1, Leopard 2A4 và T-72B3.
Xe được trang bị động cơ có công suất 1.200 hp trong phiên bản thử nghiệm, công suất đó mạnh hơn so với T-72B3 và cả T-90.
Tuy nhiên, thiết kế này đã không đi vào sản xuất do những sai sót trong thiết kế và bố trí lớp giáp của nó. Type-99 phải tiến hành thiết kế lại. Một phiên bản sửa đổi được gọi là Type-99 Phase-I được hoàn thành năm 2008. Phiên bản Type-99 mới này với tháp pháo góc cạnh tương tự như MBT Leopard 2A5 và các tấm giáp ERA được lắp trên tháp pháo và quanh thân xe.
Sau khi được thiết kế lại toàn bộ, phiên bản mới có tên là Type-99A với động cơ có công suất lên tới 1.500 hp; hình dáng của thân xe cũng được thay đổi, Type-99A giống với chiếc MBT M1 Abrams của Mỹ, chứ không giống hình dạng tháp pháo tròn như các loại xe tăng của Liên Xô trước kia.
Tháp pháo cũng được thiết kế lại, rộng hơn và có lớp giáp dày hơn; Type-99A có tất cả các tính năng trên một chiếc xe tăng hiện đại: đó là hệ thống quan sát toàn cảnh độc lập, kính ngắm ảnh nhiệt, hệ thống phòng hộ chủ động APS gắn với bộ thu cảnh báo laser.
Đánh giá tính năng kỹ chiến thuật 2 MBT chủ lực của Trung Quốc
Nếu so sánh chiếc Type-96B (phiên bản cải tiến hiện đại nhất của Type-96) vẫn còn tương đối yếu so với các xe tăng “tiền tuyến” của các quốc gia khác; do lớp giáp lạc hậu, các tấm ERA chỉ có thể cải thiện khả năng bảo vệ cho lớp giáp chính của Type-96B.
Ưu điểm của Type-96B chính là khẩu pháo 125mm và hệ thống kiểm soát hỏa lực hiện đại, đây sẽ là mối đe dọa nguy hiểm các mục tiêu, mặc dù lớp giáp của nó dễ bị đánh bại.
Nhưng chiếc Type-99A mới thì là một MBT hoàn chỉnh. Với hệ thống giáp bảo vệ và hệ thống cảm biến được nối mạng tiên tiến, nó có thể là một đối thủ khó chịu. Tuy nhiên, chất lượng hệ thống quan sát ảnh nhiệt của Trung Quốc chưa được kiểm chứng về chất lượng.
Hiện nay, xe tăng M1A2C mới nhất của Mỹ được trang bị hệ thống quan sát ảnh nhiệt thế hệ thế hệ thứ ba, có khả năng phát hiện và nhận diện mục tiêu trong phạm vi nhiệt độ môi trường; đây là một lợi thế với xe tăng Mỹ. Tương tự, các xe tăng hàng đầu của Nga cũng được trang bị hệ thống quan sát như vậy.
Type-96 và Type-99A đều thiết kế hệ thống nạp đạn tự động theo kiểu xe tăng của Liên Xô; nhưng do cấu tạo đạn pháo để xung quanh xe, nếu xe bị trúng đạn, sẽ rất nguy hiểm cho kíp xe.
Cuối cùng, Type-99A có thể là mối đe dọa nguy hiểm cho các loại xe tăng cũ có trong biên chế của quân đội Mỹ và phần lớn MBT của Nga, nhưng cả hai phiên bản mới nhất của xe tăng Mỹ và Nga (M1-A2C và T14 Armata) đều có khả năng đánh bại Type-99A trong một trận đấu tăng tay đôi.
Thực chất, Type 99A được sao chép từ nhiều mẫu xe tăng khác như T-72, Leopard và M1. Động cơ nhái kiểu diesel MTU 871 Đức; nòng pháo, thân xe và giáp ERA kiểu T-72 nguyên thủy; tháp pháo Leopard; khoang đuôi kéo dài chứa đạn kiểu M1 và nặng cỡ M1A2.
Quan trọng là triết lý sử dụng xe tăng của quân đội Trung Quốc thực chất chưa biết đối phó với đối thủ nào (Mỹ hay Nga), trái ngược hẳn với các xe tăng mới nhất của Mỹ và Nga ngay từ đầu, các nhà thiết kế đã xác định được đối thủ để xác định các thông số kỹ chiến thuật.
Chiến lược phát triển điện hạt nhân của TQ:
Từ đất liền đến Biển Đông
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump (10/2018) đã thông qua quyết định sẽ hạn chế bán công nghệ hạt nhân sử dụng trong lĩnh vực dân sự cho Trung Quốc vì lo ngại rằng Bắc Kinh đang chuyển mục đích sử dụng các công nghệ này sang lĩnh vực quân sự và các lĩnh vực trái phép khác. Chính sách mới này của Mỹ được thông báo sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Phía Mỹ ban hành các hướng dẫn thực hiện chính sách đối với tất cả đối tượng liên quan, bao gồm hoạt động chuyển giao công nghệ đang diễn ra, chuẩn bị diễn ra hay các kế hoạch chuyển giao trong tương lai giữa các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc.
Quá trình phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc
Năm 1970, Trung Quốc bắt đầu chuyển trọng tâm của các chương trình hạt nhân quân sự sang mục đích dân sự khi bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Năm 1991 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Tần Sơn thuộc Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc bắt đầu hoạt động. Đây là loại lò nước áp lực (PWR) có tên là CNP-300 với công suất 288 MW. Cách tiếp cận công nghệ điện hạt nhân của Trung Quốc khá đặc biệt: Một mặt nỗ lực tự thiết kế chế tạo một số nhà máy như Tần Sơn giai đoạn 1 và 2, mặt khác tìm cách nhập khẩu công nghệ điện hạt nhân từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là lò PWR của Pháp cho các nhà máy Đại Á và Lĩnh Áo, lò VVER của Nga cho nhà máy Điền Loan, lò CANDU của Canada cho nhà máy Tần Sơn giai đoạn III, lò AP1000 của Westinghouse Hoa Kỳ cho nhà máy Tam Môn và Hải Dương.
Thông qua việc cam kết chuyển giao công nghệ qua các dự án, Trung Quốc đang vươn tới trình độ độc lập xây dựng lò PWR cải tiến thế hệ 2 vào năm 2010 và PWR thế hệ 3 vào những năm sau đó. Tổng công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã hợp tác với tập đoàn Areva NP (Pháp) và Công ty Westinghouse (Mỹ) để phát triển một thiết kế tiêu chuẩn của Trung Quốc CNP-1000 với lò PWR 3 vòng tải nhiệt, độ cháy cao và chu kỳ nạp liệu 24 tháng. Ngoài ra, CNNC ký thoả thuận với Công ty Năng lượng hạt nhân Canada (AECL) cùng phối hợp phát triển thiết kế ACR dựa trên công nghệ lò CANDU. Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm tới công nghệ ABWR của Mỹ và Công ty GE Nuclear. Tháng 2/2006, Uỷ ban Năng lượng Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc công bố lò PWR cải tiến cỡ lớn và lò HTR (lò phản ứng làm mát bằng khí gas) cỡ nhỏ là hai loại dự án được ưu tiên phát triển trong 15 năm sau.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến ngày 20/9/2016, Trung Quốc đã có 35 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động (tổng công suất là 31.617 MW), 20 tổ máy khác đang được xây dựng (tổng công suất là 22.956 MW) và có 42 dự án tổ máy điện hạt nhân khác nằm trong kế hoạch xây dựng (tổng công suất là 47.930 MW). Kế hoạch dài hạn của Trung Quốc cho chương trình phát triển điện hạt nhân là xây mới khoảng 170 tổ máy điện hạt nhân, có tổng công suất khoảng 195.000 MW (vào năm 2050) nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng và giảm dần lượng khí phát thải gây nóng lên toàn cầu.
Ngành điện hạt nhân của Trung Quốc đã có chỗ đứng trên thế giới
Vào năm 2012, hai tập đoàn nhà nước Trung Quốc, gồm Tập đoàn Điện nguyên tử Trung Quốc (CGN) và Tổng công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), đã dựa trên hai loại công nghệ là CPR-1000 và CAP1000 để cùng phối hợp với nhau và cho ra đời một công nghệ có tên Hoa Long 1 với mục tiêu xuất khẩu các lò phản ứng thế hệ thứ ba sản xuất tại Trung Quốc- loại lò dựa một phần vào công nghệ Pháp. Đây là loại lò có vòng đời vận hành 60 năm và có công suất 1.150 MW. Dù liên doanh này đã xuất khẩu được 6 lò phản ứng ở nước ngoài nhưng Trung Quốc vẫn muốn gia tăng số lượng này lên nhiều hơn nữa. Các quốc gia mà Trung Quốc đã xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân và dự kiến xuất khẩu là: Pakistan, Romania, Argentina, Anh, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Kenya, Ai Cập, Sudan, Armenia, Kazakhstan.
Năm 2015, tại Nam Phi, Chính phủ Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật hạt nhân. Tại Romania và Argentina, CNNC cũng đã ký một bản ghi nhớ cho việc xây dựng hai lò phản ứng CANDU-6 do Canada thiết kế với số tiền 15 tỷ USD, nhưng phần lớn số tiền này do Trung Quốc hỗ trợ. Ngoài ra chính phủ Argentina đã cho phép xây dựng một lò phản ứng Hoa Long 1 tại Atucha, Buenos Aires. Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Quốc gia (SPIC), doanh nghiệp hạt nhân lớn thứ ba Trung Quốc, hiện đang đàm phán với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc xây dựng 2 lò phản ứng CAP1400. Tháng 8/2015, dự án xây dựng Hoa Long 1 ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc đã khởi công tại Karachi (Pakistan). Các dự án cao cấp nhất của CNNC được thực hiện tại Pakistan, với 2 lò phản ứng cỡ nhỏ đã đi vào hoạt động và hai lò khác đang triển khai xây dựng. Tuy Trung Quốc tuyên bố rằng thiết kế lò phản ứng Hoa Long 1 là một trong những lò phản ứng an toàn nhất trên thế giới, nhưng công nghệ này hiện chưa được kiểm chứng.
Ngoài việc phát triển và xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân, Trung Quốc hiện bắt đầu tham gia xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C tại Anh có trị giá 18 tỷ bảng Anh (tương đương 24 tỷ USD). Dự án này, ngày 15/9/2016, được Chính phủ Anh thông báo đồng ý cho triển khai. Đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân mới nhất ở Anh được xây dựng kể từ sau khi nhà máy điện hạt nhân Sizewell B được đưa vào vận hành thương mại năm 1995. Dự án gồm 2 tổ lò phản ứng nước áp lực thế hệ III+ EPR (European Pressurized Reactor), có công suất điện lắp đặt mỗi tổ máy là 1670 MWe.
Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) là chủ đầu tư và Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) giữ 33,5% cổ phần trong dự án. Bên cạnh đó, 2 tập đoàn còn có kế hoạch phát triển các dự án nhà máy điện hạt nhân mới sử dụng công nghệ lò phản ứng của Trung Quốc (Hoa Long 1) sẽ được xây dựng tại Sizewell ở Suffolk và Bradwell ở Essex (Anh). Theo đà của Trung quốc, các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Lào và Campuchia hiện cũng đang rất quan tâm tới việc xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng và để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế bền vững. Hiện Lào và Campuchia đã có những bước đi đầu tiên như việc ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân với Nga, một cường quốc về phát triển và xây dựng công nghệ điện hạt nhân.
Nguồn nguyên liệu hạt nhân của Trung Quốc
Trữ lượng được biết về Urani ở Trung Quốc ước tính 70.000 tấn Urani, sản lượng hàng năm là 840 tấn/năm, khai thác ở 5 mỏ chính ở các tỉnh Giang Tây, Tân Cương, Thiểm Tây, Liêu Ninh thuộc vùng Bắc và Tây Bắc Trung Quốc. Ngoài ra còn nhập khẩu Urani của Kazakhstan, Nga, Namibia (châu Phi) và gần đây là Australia.
Nhà máy làm giàu Urani bằng phương pháp khuyếch tán chất khí (gazous diffusion) bắt đầu hoạt động vào năm 1964 với công nghệ của Liên Xô (cũ) tại Lan Châu, thuộc tỉnh Cam Túc, chủ yếu sử dụng vào mục đích quân sự. Một nhà máy làm giàu bằng phương pháp khuyếch tán chất khí công suất lớn hơn do Trung Quốc tự xây dựng được vận hành từ 1975, chủ yếu dùng cho quân sự.
Nhà máy làm giàu Urani bằng phương pháp ly tâm do Nga xây dựng bắt đầu hoạt động từ 1997 tại Hanzhun, tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Trung Quốc. Nhà máy này chủ yếu cung cấp Urani giàu cho các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.
Năm 1982, nhà máy chế tạo thanh nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân được đưa vào hoạt động ở Yibin thuộc tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Trung Quốc. Công suất của nhà máy này vào cuối năm 2008 là 400 tấn tU/năm và dự kiến sẽ đưa lên 600 tU/năm hay hơn nữa vào năm 2020.
Với tổng công suất các lò phản ứng là 20 triệu kW vào năm 2010 và 40 triệu kW vào năm 2020, số nhiên liệu đã cháy hàng năm tính ra là 600 tấn vào năm 2010 và 1000 tấn vào năm 2020, tích luỹ lại là 3.800 tấn vào năm 2010 và 12.300 tấn vào năm 2020. Việc xây dựng một cơ sở tích trữ nhiên liệu đã cháy tại Tổ hợp nhiên liệu hạt nhân Lan Châu (Lanzhou Nuclear Fuel Complex) ở tỉnh Cam Túc đã bắt đầu từ năm 1994. Giai đoạn đầu có thể tích trữ được 500 tấn và sau có thể tăng gấp đôi.
Một số nhà máy điện hạt nhân lớn của Trung Quốc
Nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn ở tỉnh Triết Giang có 5 lò phản ứng, lò thứ nhất công suất 279 MW do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo, khởi công tháng 3.1985, đưa vào vận hành thương mại tháng 4.1994. Lò thứ hai và thứ ba cũng thuộc loại lò nước áp lực như lò thứ nhất, công suất mỗi lò là 610 MW, do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo, đưa vào vận hành thương mại năm 2002 và 2004. Lò thứ tư và thứ năm dùng lò kiểu CANDU.6 PHWR (Pressurized Heavy Water Reactor – Lò phản ứng nước nặng dưới áp lực) do Công ty năng lượng Nguyên tử Canada (Atomic Energy of Canada – AECL) xây dựng theo phương thức chìa khóa trao tay. Công suất của mỗi lò phản ứng là 665 MW. Lò thứ tư được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 9.2002 và lò thứ năm vào tháng 4.2003.
Nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại á trên bờ biển tỉnh Quảng Đông có 2 lò phản ứng nước áp lực (Pressurized Water Reactor – PWR), mỗi lò 944 MW do Công ty Pháp Framatome cung cấp, Công ty Điện lực Pháp (EDF – Electricité de France) xây dựng theo phương thức chìa khóa trao tay. Việc xây dựng khởi đầu vào tháng 8.1987, lò thứ nhất vận hành thương mại vào tháng 2.1994, lò thứ hai vào tháng 5.1994. Nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại á mỗi năm sản xuất điện năng 13 tỷ kWh , trong đó 70% cho Hồng Công và 30% cho tỉnh Quảng Đông.
Nhà máy điện hạt nhân Linh áo trên bờ biển tỉnh Quảng Đông ở sát cạnh NMĐHN Daya Bay, có 2 lò phản ứng PWR do Công ty Pháp Framatome cung cấp nhưng được nội địa hóa 30%.
Nhà máy điện hạt nhân Điền Loan ở tỉnh Giang Tô gồm hai lò phản ứng kiểu VVER (giống như PWR) do Nga cung cấp, mỗi lò công suất 1060 MW. Lò thứ nhất được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 6.2007 và lò thứ 2 vào tháng 8.2007.
Tham vọng điện hạt nhân trên Biển Đông của Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc nghiên cứu, chế tạo trạm điện hạt nhân nổi trên biển từ những năm đầu của Thế kỷ 21. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, chế tạo gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu nhỏ và làm chủ công nghệ hạt nhân của Bắc Kinh còn hạn chế. Vì vậy, Trung Quốc đã tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nga – đối tác chiến lược quan trọng của Bắc Kinh và cũng là cường quốc đi đầu về hạt nhân trên thế giới. Tháng 5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga V.Putin đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi giữa Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga về việc hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Đến cuối tháng 7/2014, Tập đoàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) quyết định ký Ý định thư về việc hợp tác phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi với Công ty Rusatom Overseas của Nga – một trong những công ty tiên phong hàng đầu trên thế giới về chế tạo trạm điện hạt nhân nổi trên biển. Cũng trong năm 2014, Cục năng lượng quốc gia Trung Quốc thành lập Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật năng lượng hạt nhân để tập trung nghiên cứu chuyên sâu về trạm điện hạt nhân trên biển. Đồng thời, Bộ Khoa học kỹ thuật quốc gia Trung Quốc cũng thành lập “Hạng mục 863” nhằm nghiên cứu tính an toàn và kỹ thuật liên quan tàu động lực hạt nhân và hạng mục nắm bắt kỹ thuật “mô phạm ứng dụng và kỹ thuật sử dụng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ để phát điện”.
Quá trình triển khai các hoạt động nghiên cứu, chế tạo của Trung Quốc được đẩy mạnh từ đầu năm 2015. Tại triển lãm “Phát triển thành quả ứng dụng công nghệ kỹ thuật khoa học quốc phòng quân dụng và dân dụng”, Trung Quốc lần đầu tiên trưng bày mô hình điện hạt nhân trên biển do Bắc Kinh tự nghiên cứu. Theo quảng cáo của Bắc Kinh, mô hình trên do Viện 719 nghiên cứu và đưa ra 02 phương án kỹ thuật dành cho nhà máy điện hạt nhân trên biển. Phương án đầu là trạm điện di động, lắp đặt lò phản ứng điện hạt nhân nổi trên biển. Phương án hai là vừa đáp ứng được các yêu cầu về trạm điện hạt nhân nổi, vừa có khả năng lặn xuống biển trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt hoặc “yêu cầu công việc”. Tại lần triển lãm này, Trung Quốc đã giới thiệu lò phản ứng cỡ nhỏ ACP100 do Tập đoàn Hạt nhân Trung Quốc tự nghiên cứu, hạng mục này đã được Cục Năng lượng quốc gia phê duyệt năm 2011. Trong cả hai phương án trên, các lò phản ứng hạt nhân sẽ được đặt trên tàu chuyên dụng có chiều dài 140m, rộng 30m và lượng giãn nước vào khoảng 21.500 tấn. Đến tháng 5/2015, Viện 719 thông báo đã thử nghiệm thành công phương án tàu trở lò phản ứng hạt nhân trên biển tại bể thử nghiệm của Đại học Công nghiệp Đại Liên và Phòng thử nghiệm công trình gần bờ trọng điểm quốc gia.
Từ đầu năm 2016, Trung Quốc gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các hoạt động phản biện khoa học, đánh giá về nhà máy điện hạt nhân trên biển: Ủy ban cải cách phát triển quốc gia Trung Quốc đã có văn bản chính thức đồng ý đưa Nhà máy điện hạt nhân nổi di động ACP100S (biến thể trên biển của loại nhà máy ACP100) vào Quy hoạch năng lượng thuộc Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (giai đoạn 2016 – 2020). Được biết, ACP100S là loại lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ trên biển, có công suất khoảng 200MW do Tập đoàn Trung Hạch tự nghiên cứu, thiết kế, phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của loại nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 3, có thể đáp ứng được nhu cầu về điện, lọc nước biển thành nước ngọt, kho lạnh cho các dàn khoan dầu, các đảo trên biển. Đầu tháng 2/2016, Cục trưởng Cục Công nghiệp kỹ thuật quốc phòng quốc gia Trung Quốc Hứa Triết Đạt từng cho biết, trong Sách Trắng “Ứng phó khẩn cấp vấn đề hạt nhâ của Trung Quốc” đã đề cập vấn đề ứng phó đối với nhà máy điện hạt nhân trên biển khi xảy ra sự cố và rằng Trung Quốc đang quy hoạch, nghiên cứu, chế tạo nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển đầu tiên. Cuối tháng 2/2016, Ủy ban Phát triển cải cách Trung Quốc, Cục An toàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc và Cục Công nghệ khoa học quốc phòng Trung Quốc cho biết Viện 719 đã nhận được bằng sáng chế “Công trình mô phạm nhà máy điện hạt nhân trên biển” do Cục Năng lượng quốc gia cấp, đây được coi là “giấy thông hành”, văn bản chấp thuận ban đầu của Ủy ban phát triển cải cách quốc gia về việc triển khai công trình nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Trong tháng 4/2016, Trung Quốc tuyên truyền cho rằng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế – IAEA đã thông qua thiết kế nhà máy điện hạt nhân trên biển ACP100 do Tập đoàn Hạt nhân Trung Quốc đề trình và đang xem xét, đánh giá về báo cáo phân tích sơ bộ liên quan vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân trên. Trong cùng năm 2016, một số quan chức điện hạt nhân Trung Quốc tiết lộ tiến độ thi công nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Theo đó, năm 2016 Trung Quốc hoàn thành thiết kế ban đầu và bắt đầu thi công công trình nhà máy điện hạt nhân nổi ACP100S; năm 2017 hoàn
thiện thiết kế thi công hệ thống chủ lực và hạ thủy; năm 2018 hoàn thiện lắp đặt trạm điện hạt nhân; năm 2019 hoàn thành việc chạy thử và đưa vào sử dụng nhà máy điện hạt nhân nổi. Dự kiến Trung Quốc sẽ chế tạo khoảng 20 nhà máy điện trên. Theo Chủ tịch CNNC Tôn Cần, tổng giá thành cho một nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển vào khoảng 3 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 461 triệu USD).
Trong năm 2017, Công ty Điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (8/2017) thông báo góp vốn cùng Tập đoàn Quốc Thịnh Thượng Hải, Tập đoàn Đóng tàu Giang Nam, Công ty Điện khí Thượng Hải và Công ty Điện Triết năng Triết Giang thành lập “Công ty TNHH phát triển năng lượng hạt nhân trên biển”. Công ty trên có vốn điều lệ vào 1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 150 triệu USD), hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, kinh doanh và quản lý trang bị năng lượng hạt nhân biển. Đây có thể là bước đệm để các công ty Trung Quốc thúc đẩy chế tạo các nhà máy điện hạt nhân nổi.
Mỹ và cộng đồng quốc tế đang có các biện pháp cứng rắn đáp trả và ngăn chặn Trung Quốc triển khai nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông
Mỹ đang ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ hạt nhân tiên tiến phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Một quan chức chính phủ Mỹ khẳng định Trung Quốc “đang tích cực theo đuổi các công nghệ hạt nhân tiên tiến của Mỹ và chuyển mục đích sử dụng sang lĩnh vực quân sự, cụ thể là trong việc phát triển hệ thống tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ ba, phát triển tàu sân bay và trong việc sử dụng các nền tảng năng lượng hạt nhân mang tính chiến lược kép, chẳng hạn các lò phản ứng hạt nhân nhỏ kiểu môđun và các nhà máy năng lượng hạt nhân nổi có thể triển khai ở Biển Đông”. Phía Mỹ khẳng định Washington biết rõ Bắc Kinh đang sẵn sàng sử dụng năng lượng hạt nhân trên các thực thể đã bị Trung Quốc chiếm giữ, bồi lấp, xây dựng trái phép thành các đảo nhân tạo ở Biển Đông. “Chúng tôi biết rằng Trung Quốc đang phát triển các cơ sở năng lượng để phục vụ các đảo này và cho các tàu phá băng chạy bằng điện hạt nhân, đồng thời đưa các nhà máy năng lượng hạt nhân nổi ra biển để có thể triển khai bất kỳ phương tiện nào thích hợp”. Xuất phát từ vấn đề trên, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump (10/2018) đã thông qua quyết định sẽ hạn chế bán công nghệ hạt nhân sử dụng trong lĩnh vực dân sự cho Trung Quốc vì lo ngại rằng Bắc Kinh đang chuyển mục đích sử dụng các công nghệ này sang lĩnh vực quân sự và các lĩnh vực trái phép khác. Chính sách mới này của Mỹ được thông báo sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Phía Mỹ ban hành các hướng dẫn thực hiện chính sách đối với tất cả đối tượng liên quan, bao gồm hoạt động chuyển giao công nghệ đang diễn ra, chuẩn bị diễn ra hay các kế hoạch chuyển giao trong tương lai giữa các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry, Mỹ không thể phớt lờ các tác động đến an ninh quốc gia trước khả năng Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ hạt nhân cho các mục đích bên ngoài các lĩnh vực đã ký kết trong thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Mỹ, nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa các rủi ro trong dài hạn đối với an ninh quốc gia của Mỹ và các lợi ích về kinh tế, cũng như những ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Mỹ. Mỹ đặc biệt lưu ý đến các hợp đồng liên quan công nghệ được sử dụng cho tàu ngầm, tàu sân bay và các lò phản ứng hạt nhân nhỏ kiểu môđun có thể được sử dụng trong các nhà máy sản xuất năng lượng hạt nhân nổi trên Biển Đông.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ (16/8) công bố Báo cáo thường niên mang tên “Phát triển quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc”, trong đó cho biết “Trung Quốc dự định đưa các nhà máy điện hạt nhân nổi tới cung cấp điện cho các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Hoạt động này được cho là sẽ bắt đầu trước năm 2020”. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Bắc Kinh đã hoàn thành cơ sở hạ tầng trên bộ ở 4 tiền đồn chiếm đóng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gồm đá Gạc Ma, đá Ken Nan, đá Ga Ven và đá Châu Viên. Sau khi Trung Quốc tuyên bố đã ngừng hoạt động bồi lấp và cải tạo trái phép (làm tăng thêm 12.94 km2 diện tích trên 7 thực thể chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Bộ quốc phòng Mỹ cho biết Bắc Kinh có thể đặt trạm hạt nhân để cấp năng lượng cho các thực thể này.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque (23/8) đã bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân của Trung Quốc ở Biển Đông, cho biết Philippines lo ngại về việc đưa bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào vào lãnh thổ của Philippines vì Hiến pháp Philippines đã quy định rõ rằng Philippines là một khu vực phi hạt nhân. Cùng quan điểm trên, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà cho biết, Việt Nam cho rằng duy trì hòa bình ổn định an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung và cũng là nghĩa vụ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy tất cả các bên đều có nghĩa vụ đóng góp cho mục tiêu này.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tìm cách biện minh cho hành động của mình ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc (18/8) đã bác bỏ báo cáo này của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng Washington đang đưa ra những lời bình luận vô trách nhiệm về sự phát triển quốc phòng của Bắc Kinh, khẳng định Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi con đường phát triển hòa bình và chính sách quốc phòng mang bản chất phòng vệ; ngang ngược cho rằng “mọi hành động của Trung Quốc trên biển Đông “là hợp pháp và không thể tranh cãi”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (17/8) ngang nhiên cho rằng Trung Quốc “kiên quyết phản đối báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về các hoạt động quân sự và an ninh của Trung Quốc”, “cho rằng báo cáo này đã giải thích sai lệch về mục tiêu chiến lược của Trung Quốc và thổi phồng cái gọi là “mối đe dọa quân sự Trung Quốc”.
TQ công bố tổ hợp vũ khí laser mới
Tổ hợp vũ khí laser LW-30 có khả năng vô hiệu hóa máy bay hạng nhẹ và hệ thống quang điện tử của đối phương.
Tổ hợp vũ khí laser LW-30 sẽ được giới thiệu lần đầu trước công chúng tại Triển lãm Hàng không Chu Hải khai mạc vào ngày 6/11 tại Quảng Đông, Trung Quốc, Defence Blog hôm nay đưa tin. Tổ hợp LW-30 bao gồm một xe chỉ huy và liên lạc, xe chiến đấu với pháo laser và thiết bị hỗ trợ.
LW-30 là tổ hợp vũ khí laser chính xác hiện đại được thiết kế để theo dõi và vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái (UAV), các loại máy bay hạng nhẹ và hệ thống dẫn đường quang điện tử trên vũ khí đối phương. Pháo laser của LW-30 có thể phát chùm tia có công suất lên tới 30 kW, phá hủy mục tiêu ở khoảng cách 25 km.
Trung Quốc gần đây đầu tư nhiều vào phát triển vũ khí laser trong nỗ lực hiện đại hóa công nghệ và trang thiết bị quân sự. Một số mẫu vũ khí laser đã được Trung Quốc được giới thiệu như súng laser, hệ thống vũ khí laser công suất thấp Guard-I chuyên diệt UAV, hệ thống vũ khí laser năng lượng cao Silent Hunter…
Hồi tháng 5, Lầu Năm Góc cáo buộc vũ khí laser của Trung Quốc tại căn cứ Djibouti bị nghi là thủ phạm khiến hai phi công Mỹ bị tổn thương mắt và các sự cố tương tự xảy ra tại khu vực này trong nhiều tuần. Các quan chức Mỹ đã gửi kháng thư qua kênh ngoại giao đến Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc.
Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đầu tư vào phát triển vũ khí laser. Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 3 công bố hình ảnh tổ hợp vũ khí laser Peresvet, được cho là có lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ cung cấp năng lượng cho vũ khí laser trên xe chiến đấu.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24556-tq-cong-bo-to-hop-vu-khi-laser-moi.html
‘Bức chân dung chính thức đầu tiên’ của Kim Jong-un
Bắc Hàn vừa công bố bức hình chân dung được cho là hình vẽ chính thức đầu tiên ông Kim Jong-un, đưa nhà lãnh đạo Bắc Hàn lên một tầm sùng bái cá nhân mới.
Các bức hình vẽ những người tiền nhiệm ông được trưng khắp nơi trên cả nước, nhưng Kim Jong-un lâu nay vẫn được xây dựng hình tượng như một gương mặt kế thừa thay vì là một nhà lãnh đạo tự thân.
Thế giới kỳ quặc của những Kim Jong-un giả
Bắc Hàn: Ai dám cưỡi lên lưng Kim Jong-un?
Vai trò của ông được đánh giá là đã dần thay đổi theo thời gian, dẫu cho chủ yếu điều này là nhờ vào một loạt các chuyến thăm quốc tế trong năm 2018.
Bức tranh mới, khổ lớn, được trưng bày trong chuyến thăm của Chủ tịch Cuba tới Bình Nhưỡng.
Chưa từng có bức chân dung chính thức nào trước đây?
Chưa hề. Nếu như bạn nhớ rằng mình đã từng thấy các bức hình ông Kim thì đó chỉ là các ảnh chụp chứ không phải tranh vẽ, cũng không phải tác phẩm nghệ thuật gì.
Bức tranh mới, vẽ to hơn kích thước thật, thể hiện hình ông mỉm cười, hơi nhìn sang bên trái, mặc đồ Âu phục và thắt cà vạt.
“Việc vẽ một bức chân dung ông Kim Jong-un theo phong cách này là một chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy chế độ Bình Nhưỡng bắt đầu có các bước đi nhằm đẩy mạnh việc sùng bái cá nhân đối với ông,” Oliver Hotham, phân tích gia của NK News, nói với BBC.
Kiểu vẽ tranh thế này cũng gợi nhớ tới các bức tranh vẽ các ông Kim đời ông, đời cha của ông Kim Jong-un, rằng “người dân Bắc Hàn chắc chắn sẽ hiểu về tính biểu tượng của việc này”.
Bản quyền hình ảnhREUTERS
Tính biểu tượng và sức tưởng tượng là những điều vô cùng quan trọng tại Bắc Hàn: các hình chân dung cha và ông của Kim Jong-un được trưng bày khắp nơi trên cả nước.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi 2011, nhà lãnh đạo hiện thời đã được xây dựng hình ảnh như một người kế thừa, là học trò của hai đời lãnh đạo trước, thay vì là một người dẫn dắt có vị trí tương đương.
Hình ảnh Kim Jong-un’s đã thay đổi thế nào?
Kim Jong-un lên nắm quyền sau cái chết bất ngờ của cha mình hồi 2011.
Ông khá non về kinh nghiệm chính trị và chưa được đào tạo đầy đủ để trở thành lãnh tụ trong tương lai.
Thế nhưng qua thời gian, hình ảnh về ông dần thay đổi.
Nếu như cha của ông theo đuối chính sách coi quân sự là số một, thì Kim Jong-un lại đẩy mạnh chính sách song song phát triển vũ khí hạt nhân và phát triển kinh tế.
Cho đến nay, bức chân dung mới của ông mới chỉ được chiếu trên truyền hình trong chuyến thăm của Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Cane tới Bình Nhưỡng.
Hiện chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ làm gì với bức tranh này trong tương lai, hay liệu họ có trưng nó ra thường xuyên hay không.
Vào lúc này thì bức tranh nhiều khả năng sẽ được đem cất đi ở nơi được canh giữ nghiêm ngặt, và sẽ chỉ được đưa ra trưng bày trogn những dịp dặc biệt, theo nhận xét của ông Andray Abrahamian từ Việ Nghiên cứu Á châu Griffith.