Tin khắp nơi – 06/09/2018
Ông Trump yêu cầu báo Mỹ
tiết lộ danh tính tác giả giấu tên
Tổng thống Donald Trump tối 5/9 đã yêu cầu nhật báo New York Times ngay lập tức tiết lộ danh tính của một quan chức giấu tên trong chính quyền của ông để truy tố.
Trên Twitter, ông viết: “Nếu con người giấu tên hèn nhát này thực sự tồn tại, vì lý do an ninh quốc gia, tờ [New York] Times phải ngay lập tức chuyển ông\bà này cho chính phủ”.
Yêu cầu đó được đưa ra ít lâu sau khi ông Trump đặt câu hỏi cũng trên trang Twitter: “MƯU PHẢN?”
Tổng thống Mỹ và Nhà Trắng phản ứng đầy giận giữ sau khi tờ New York Times đăng một bài nêu ý kiến của người mà tờ báo nói là quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Trump.
Nhân vật này tiết lộ rằng chính các nhân viên của Tổng thống Trump đã thường xuyên phải ngăn chặn những cơn bốc đồng tồi tệ của ông.
Khi được hỏi về bài báo sau một sự kiện chiều 5/9 ở Nhà Trắng, ông Trump nói rằng đó là việc làm “hèn nhát”.
“Họ không thích Donald Trump và tôi cũng không ưa gì họ vì họ là những người rất không trung thực”, ông Trump nói với các phóng viên.
Trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói rằng New York Times cần phải lên tiếng xin lỗi.
Hiện có nhiều đồn đoán về tác giả giấu tên mà bà Sanders cũng coi là “kẻ hèn nhát”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 6/9 nói rằng ông không phải là nguồn tin giấu tên của tờ New York Times.
Trả lời trong chuyến thăm tới Ấn Độ, ông Pompeo nói bài báo đó là điều “đáng buồn” và rằng ông thấy “nỗ lực của báo chí nhằm gây tổn hại tới chính quyền hết sức đáng ngại”.
Trong khi đó, theo CBS, văn phòng của Phó Tổng thống Mike Pence cũng bác bỏ ông là tác giả của bài viết.
Ý kiến được New York Times đăng sau khi nhà báo kỳ cựu Bob Woodward ra mắt cuốn sách mới, trong đó nói rằng chính các nhân viên của ông Trump đã phải lấy đi các tài liệu quan trọng trên bàn của ông để “bảo vệ đất nước”.
Báo Mỹ đăng bài của một quan chức cao cấp
chỉ trích Trump
Ngày 05/09/2018, nhật báo New York Times đã đăng bài viết của một quan chức cao cấp ẩn danh trong chính quyền Donald Trump, giải thích vì sao, cùng với những người khác, tác giả bài viết phải kháng cự chống những “lệch lạc tệ hại nhất” của tổng thống Mỹ. Chủ nhân Nhà Trắng đã ngay lập tức lên án một bài viết “hèn nhát” và một lần nữa đả kích nặng nề tờ New York Times.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :
Mở đầu bài, tác giả viết: “ Tôi nằm trong số những người kháng cự bên trong chính quyền. Tôi làm việc cho tổng thống, nhưng tôi đã thề là sẽ bằng mọi cách ngăn cản những lệch lạc tệ hại nhất của ông ấy”. Tác giả khẳng định không chỉ có một mình. Lần đầu tiên, một quan chức cao cấp của Mỹ khẳng định: Bên trong nội các của Donald Trump, khả năng sử dụng tu chính án thứ 25, dự trù truất phế một tổng thống bị mất năng lực làm việc, đã được nhắc đến.
Tác giả vô danh viết tiếp: “Nguồn gốc của vấn đề chính là tính vô đạo đức của tổng thống. Chúng tôi nhìn nhận hoàn toàn những gì đang diễn ra. Và chúng tôi cố làm những điều đúng đắn ngay cả khi Donald Trump không làm điều đó. Người viết còn khẳng định: “ Người dân Mỹ cần phải biết là có những người lớn trong căn phòng”.
Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng có phản ứng. Rất bực tức, trước một cử tọa gồm các cảnh sát trưởng, ông Donald Trump lên án tính chất “hèn nhát” của việc viết bài bêu xấu ông. Tổng thống Mỹ tuyên bố: “Chưa có ai trong vòng hai năm đã làm được những gì mà chúng tôi đã làm. Vậy khi các vị nói về một nguồn tin ẩn danh trong chính quyền, thì đó chắc chắn là một kẻ thua cuộc, có mặt ở đó vì những lý do xấu xa. Và tờ New York Times đã lầm”.
Tổng thống Mỹ một lần nữa chỉ trích New York Times, tờ báo vẫn là mục tiêu đả kích của ông. Donald Trump khẳng định: “Nếu không có tôi, tờ New York Times có lẽ sẽ không tồn tại”.
Tờ New York Times đăng bài viết nói trên một ngày sau khi tờ Washington Post đăng các trích đoạn một cuốn sách của nhà báo kỳ cựu Bob Woodward, tựa đề “Fear” (Nỗi sợ hãi) mô tả tổng thống Trump là một người “vô giáo dục, dễ nổi khùng và hoang tưởng”, mà các cộng sự viên luôn phải cố kềm chế.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180906-bao-my-dang-bai-cua-mot-quan-chuc-cao-cap-chi-trich-trump
Viên chức cao cấp của Trump:
‘Tôi thuộc phe chống đối’
Anthony ZurcherNorth America reporter
Một quan chức cấp cao không nêu tên của ông Trump cho biết nhiều thành viên của nội các đang tìm cách vô hiệu hóa chương trình nghị sự của tổng thống để bảo vệ đất nước khỏi những khuynh hướng tệ hại nhất của ông.
Trong bài xã luận trên tờ New York Times, tác giả nói rằng “sự phi luân lý” và “bốc đồng” của Tổng thống Trump đã dẫn đến những quyết định thiếu thông tin và liều lĩnh.
Ông Trump nói tác giả nặc danh của bài báo “không có khí phách” còn tờ báo thì “giả mạo”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng nói người viết bài nặc danh là một “kẻ hèn nhát,” và nên từ chức.
New York Times bảo vệ bài xã luận trong một tuyên bố, nói: “Chúng tôi vô cùng tự hào khi đăng tải bài viết này, một bài viết bổ sung nhiều điều có giá trị đáng kể cho sự hiểu biết của công chúng về những gì đang diễn ra trong chính quyền Trump.”
Bài viết trên được phổ biến một ngày sau khi nhiều trích đoạn trong cuốn sách ‘Fear: Trump in the White House’ của Bob Woodward cho thấy các viên chức hàng đầu của ông đã bận rộn chuẩn bị cho một cuộc đảo chính hành chính để bảo vệ quốc gia khỏi tổng thống, bao gồm việc loại bỏ các tài liệu quan trọng khỏi bàn làm việc trước khi ông Trump có cơ hội ký tên.
Bài báo này chính là sự thừa nhận của người trong cuộc rằng cuộc đảo hành chính đề cập trong cuốn sách là có thật.
Tác giả bài viết nói rằng không phải là một người cấp tiến và đồng ý với nhiều chính sách chính quyền đang theo đuổi, nhưng những mục tiêu đó đang đạt được mặc dù có Tổng thống Trump, chứ không phải đạt được nhờ có Tổng thống Trump.
Viên chức cao cấp nói gì về Trump?
Danh sách những chỉ trích là những điều nghe quen thuộc với các đối thủ của tổng thống. Các cuộc họp vô tổ chức, một thái độ bốc đồng và nhỏ nhen, không có khả năng kiên quyết trong các quyết định, sự phản đối nền báo chí tự do và bản năng chống dân chủ.
Tác giả mô tả một “chính quyền hàng hai”, nơi những hành động của tổng thống, như thái độ hoà giải của ông đối với “các nhà độc tài và chế độ chuyên chế”, bao gồm Kim Jong-un và Vladimir Putin – bị hạn chế và những “người lớn trong phòng” chuyển hướng.
Trump chê ‘Brexit mềm’ và khen Boris Johnson
Bố mẹ vợ Trump thành công dân Mỹ
Bà Trump nói về chia tách gia đình nhập cư
Hơn thế nữa, tác giả nói rằng một số người trong chính quyền đã rỉ tai nhau về việc viện dẫn tu chính án 25, một điều khoản của hiến pháp Hoa Kỳ cho phép phó tổng thống và đa số các thành viên của nội các bỏ phiếu bãi nhiệm một tổng thống mà họ cho là “không có khả năng gánh vác quyền hạn và trách nhiệm của nhiệm sở”.
Việc viện dẫn tu chính án 25 của hiến pháp Hoa Kỳ, cho đến bây giờ, thường chỉ nằm trong các bài diễn văn về chính trị Mỹ và những ước mơ của các đối thủ giận dữ nhất của ông Trump.
“Không ai muốn gây nên một cuộc khủng hoảng hiến pháp,” tác giả viết. “Vì vậy, chúng tôi sẽ làm những gì có thể để lài léo cho chính quyền đi đúng hướng – cho đến khi vấn đề [Trump] được giải quyết, bằng cách này hay cách khác.”
Nhà Trắng phản ứng thế nào?
Có tin Nhà Trắng đang tìm mọi cách để tìm ra danh tánh những viên chức trong nội các của ông Trump đã đưa tin cho Bob Woodward, tác giả cuốn ‘Fear: Trump in the White House.’ Bài xã luận đăng trên báo Times chắc chắn là việc “đổ dầu vào lửa.”
Tổng thống nói rằng bài báo nặc danh “thực sự là một sự ô nhục”, và phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đã gửi đi một câu trả lời chính thức với thông điệp rõ ràng:
“Các cá nhân đằng sau bài viết này đã chọn lừa dối, chứ không phải hỗ trợ, tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ,” bà Sanders viết. “Tác giả ấy không đặt quốc gia trên hết, nhưng đặt bản thân và bản ngã của mình lên trên ý chí của người dân Mỹ.”
Cả bà Sanders và ông Trump cùng đả kích tờ New York Times trong việc cho đăng bài xã luận, với tổng thống nói thêm rằng “tất cả các phương tiện truyền thông giả mạo này sẽ sập tiệm” sau khi ông rời chức tổng thống, vì họ không còn đề tài gì để viết.
Trò chơi đoán – ai là tác giả ẩn danh?
Với giới ngoài chính quyền, bài xã luận trên sẽ tạo ra thêm một trong những trò chơi yêu thích của Washington – đoán xem ai là người tác giả nặc danh. Kể từ khi một tác giả “vô danh” viết cuốn “Primary Colors”, tiểu thuyết hư cấu giả tưởng nói về chiến dịch tranh cử tổng thống của Bill Clinton năm 1992, chưa có một bí ẩn hấp dẫn như thế này.
Do phần lớn trọng tâm của bài viết nói về những vấn đề quốc tế, đèn sẽ được soi rất kỹ vào các nhóm liên quan đến chính sách đối ngoại của tổng thống tại Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Quốc phòng.
Chắc chắn chính quyền ông Trump cũng sẽ kêu gọi viên chức cao cấp này lộ diện.
“Cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta là những người đang ở trong các vị trí quyền lực nhìn thấy một tổng thống có “khuynh hướng nghiêng về các nhà chuyên chế, độc tài”, và “khuynh hướng chống dân chủ’, nhưng không đứng lên phản đối, mà để cho tình trạng tiếp tục, Dân Biểu Don Beyer của Virginia phát biểu trong một tweet.
Một lời thú nhận vô danh chỉ khẳng định nỗi quan tâm của các nhà chỉ trích ông Trump không phải là thí dụ của một hành động can đảm. Tuy nhiên, đi kèm ngay sau cuốn sách Woodward, bài xã luận của tờ New York Times sẽ tạo ra một cú đấm liên hoàn rất khó chống đỡ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45429950
Bài báo nặc danh về Trump:
Quan chức Nhà Trắng đua nhau cải chính
Hiện giờ đang có rất nhiều lời đồn đoán về danh tính của quan chức cao cấp có bài viết trên tờ New York Times ngày 05/09/2018, chỉ trích nặng nề tổng thống Donald Trump. Một số quan chức cao cấp của Nhà Trắng đã buộc phải vội vàng lên tiếng cải chính.
Theo tờ Newsweek, tác giả có vẻ như là thuộc đảng Cộng Hòa, vì trong bài viết nhân vật này chất vấn tổng thống Trump về đảng Cộng Hòa và những giá trị của đảng. Tuần báo Mỹ liệt kê một số “nghi can”: Phó tổng thống Mike Pence, ngoại trưởng Mike Pompeo, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, chánh văn phòng Nhà trắng John Kelly, giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, và đặc biệt là bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, người vẫn bị ông Trump chê trách, thậm chí nhạo báng.
Nhưng theo Newsweek, tác giả cũng có thể là quan chức cấp thấp hơn, không nằm trong nội các của Trump nhưng cũng có thể tiếp cận được các hồ sơ và nắm được tình hình trong nội các này.
Tuyên bố trong cuộc họp báo tại New Delhi ngày 06/09, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định ông không phải là tác giả bài viết nói trên. Ông Pompeo nói: “Không ai lại ngạc nhiên khi thấy New York Times, một tờ báo xu hướng tự do, vốn liên tục tấn công chính quyền này, đã chọn đăng một bài viết như thế”.
Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp: “Nếu quí vị không thể thực hiện dự án của lãnh đạo, thì quý vị chỉ có một chọn lựa : rời khỏi chính quyền. Thay vào đó, kẻ này, theo tờ New York Times, đã chọn không những ở lại, mà còn phá hoại những gì mà tổng thống Trump và chính quyền của ông đang cố gắng làm”.
Giám đốc truyền thông của phó tổng thống Mike Pence, ông Jarrod Agen cũng viết ngay trên mạng xã hội Twitter : “Phó tổng thống bao giờ cũng ký tên vào các bài viết”. Ông Agen viết tiếp: “Tờ New York Times phải biết xấu hổ, cũng như kẻ đã viết bài với nội dung sai lạc, phi lý và hèn hạ”.
Tờ New York Times đăng bài viết nói trên một ngày sau khi tờ Washington Post đăng các trích đoạn một cuốn sách của nhà báo kỳ cựu Bob Woodward, tựa đề Fear (Nỗi sợ hãi) mô tả tổng thống Trump là một người “vô giáo dục, dễ nổi khùng và hoang tưởng”, mà các cộng sự viên luôn phải cố kềm chế.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180906-bai-bao-nac-danh-ve-trump-quan-chuc-nha-trang-thi-nhau-cai-chinh
Trump phản bác sách viết về ông
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/9 quả quyết rằng ông là ‘hình ảnh trái ngược’ với những gì mà nhà báo kỳ cựu Bob Woodward mô tả về ông trong cuốn sách mới như là ‘tên ngốc’ và ‘kẻ dối trá’.
Ông Trump than phiền trên Twitter rằng người ta có thể viết về ông như thế mà không bị hề hấn gì và đề xuất sửa đổi luật về vu khống.
Trong khi đó, nữ phát ngôn nhân Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói với kênh Fox News rằng bà chưa nói chuyện với Trump về đâm đơn kiện tội vu khống.
Ông Trump đã lên Twitter lên án những câu chuyện và những lời tường thuật trong cuốn sách có tựa đề: ‘Nỗi sợ: Trump trong Tòa Bạch Ốc’ là ‘lừa đảo, lường gạt công chúng’. Ông cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly đã bác bỏ họ đã có phát ngôn chỉ trích Tổng thống như trong sách thuật lại. Về chi tiết những phụ tá cấp cao của ông Trump chộp lấy những tài liệu nhạy cảm trên bàn ông và giấu chúng đi để ông không đặt bút ký vào những quyết định bốc đồng, ông Trump nói với tờ The Daily Caller: “Không có ai cất giấu cái gì không cho tôi thấy cả.”
Còn trên Twitter, ông Trump còn biện hộ mạnh mẽ hơn: “Tôi đối với mọi người cứng rắn ghê gớm và nếu tôi không như vậy thì không ai chịu làm việc cả.”
Bà Sanders nói với các phóng viên ở Nhà Trắng rằng cuốn sách này ‘không mô tả chính xác’ chính quyền Trump và cho biết nó đã ‘bị phản bác tương đối rộng rãi’.
Hôm 5/9, qua Twitter, luật sư riêng hiện nay của ông Trump, ông Rudy Giuliani đã phản công lại những lời mô tả về ông trong cuốn sách. Ông nói rằng ‘những việc liên quan đến tôi (trong sách) là hoàn toàn sai’ và tác giả Woodward ‘chưa từng gọi điện cho tôi’.
Cuốn sách có kể lại rằng, ông Trump đã sỉ vả ông Giuliani sau khi ông xuất hiện trên một chương trình trò chuyện trên truyền hình để biện hộ cho ông Trump khi đó còn là ứng viên Tổng thống sau vụ tai tiếng rò rỉ đoạn băng thâu âm trong đó ông Trump cho rằng ngôi sao có thể thoải mái có hành vi sàm sỡ với phụ nữ.
Gọi ông Giuliani là ‘em bé’, ông Trump mắng: “Trong đời tôi chưa thấy ai biện hộ cho tôi tệ như vậy. Bọn họ tháo tã cho ông ngay ở đó. Ông giống như một em bé cần được thay tã. Khi nào ông mới trở thành người lớn được đây?”
Vào tối ngày thứ Ba 4/9, ông Trump lại lên Twitter bác bỏ thông tin nêu trong sách rằng ông đã miệt thị Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, người mà ông đề cử, như là ‘kẻ thiểu năng trí tuệ’ và ‘tên miền Nam đần độn’.
Ông Jeff Sessions từng là thượng nghị sỹ đại diện cho tiểu bang miền Nam Alabama.
Ông Trump một mực cho rằng ông chưa hề dùng những từ ngữ như vậy để nói về bất cứ ai, kể cả ông Jeff Sessions. Ông còn nói rằng ‘được là người miền Nam là điều tuyệt vời’. Ông Sessions lâu nay vẫn là cái gai trong mắt ông Trump và hứng chịu nhiều lời thóa mạ từ Tổng thống sau khi ông quyết định không dính vào vụ điều tra ban vận động tranh cử của ông Trump có hay không có thông đồng với Nga để can thiệp bầu cử Mỹ.
Theo hãng tin AP thì các quan chức hiện tại và trước đây ở Nhà Trắng phỏng đoán rằng gần như toàn bộ các đồng nghiệp của họ đều hợp tác cung cấp thông tin cho nhà báo danh tiếng Woodward, người đã góp phần đưa ra ánh sáng bê bối Watergate khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.
Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đã phát đi thông cáo nói rằng cuốn sách của Woodward ‘không có gì hơn là những câu chuyện bịa đặt, nhiều câu chuyện trong số đó là do những cựu nhân viên Nhà Trắng bất mãn kể ra để bôi xấu Tổng thống’.
Cuốn sách còn cho thấy Tổng thống Trump đặc biệt ám ảnh với cuộc điều tra của ông Robert Mueller. Theo đó, luật sư cũ của ông, ông John Dowd, đã nghi ngờ về khả năng ông Trump có thể tránh bị buộc tội khai gian nếu ông ngồi xuống nói chuyện với ông Mueller. Ông Dowd đã giúp ông Trump có một cuộc nói chuyện mô phỏng với ông Mueller mà khi đó ông Trump ‘đã liên tục nói láo và nói năng bất nhất, nhục mạ cựu giám đốc FBI James B. Comey, sau đó nổi khùng lên và tuôn ra một tràng về cuộc điều tra là ‘trò mèo’ trong suốt nửa tiếng đồng hồ’. Ông Dowd đã cho rằng đó là lý do ông Trump không nên ra khai chứng trực tiếp với ông Mueller.
“Đừng có ra khai, nếu không ông sẽ phải mặc áo tù đấy,” luật sư Dowd được cuốn sách dẫn lời nói với Tổng thống. Tuy nhiên, ông Dowd hôm 4/9 đã bác bỏ có một buổi diễn tập khai chứng như thế với ông Trump. Ông cũng bác bỏ ông đã nói với ông Trump có thể đối diện với kết cục mặc áo tù.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, người mà trong sách cho rằng đã nói ông Trump ‘chỉ có hiểu biết có học sinh lớp năm hay lớp sáu’ đã ra thông báo nói rằng: “Những từ ngữ khinh miệt nói về Tổng thống trong cuốn sách của Woodward được cho là tôi nói không bao giờ được phát ra từ miệng tôi hay khi có mặt tôi.”
Thiếu úy Rob Manning, phát ngôn nhân Lầu Năm Góc, nói rằng ông Mattis chưa từng được Woodward phỏng vấn.
“Ông Woodward chưa từng bàn bạc hay xác nhận những câu trích dẫn đó với Bộ trưởng Mattis hay với bất cứ ai trong Bộ Quốc phòng,” ông Manning nói.
Trong một thông cáo báo chí, ông Woodward nói: “Tôi bảo lưu những gì tôi tường thuật.” Cuốn sách của ông dựa trên những cuộc phỏng vấn có ghi âm với hàng loạt các quan chức của Nhà Trắng đương nhiệm hoặc đã nghỉ việc.
Nhà báo Woodward nằm trong số những cây bút chính trị có sách bán chạy nhất trong vòng 40 năm qua, trong đó có tác phẩm kinh điển về vụ Watergate: ‘Tất cả những thuộc cấp của Tổng thống’. Tác phẩm mới về Tổng thống Trump là sự tiếp nối những truyền thống trước đây của ông tường thuật về hậu trường của một Tổng thống tại vị xuất bản vào mùa thu của năm bầu cử, trong đó có ‘Nghị trình: Bên trong Nhà Trắng của Tổng thống Bill Clinton’ và ‘Kế hoạch Tấn công: Tường thuật về Quyết định Xâm lược Iraq’ về Tổng thống George W. Bush.
Trên Amazon, cuốn sách mới của Woodward đã vọt lên hàng sách bán chạy nhất.
Trump sẽ ‘không sa thải James Mattis’
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư ngày 5/9 nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vẫn tại vị, một ngày sau khi có tin nói ông Mattis đã có lời miệt thị ông.
Khi được các nhà báo hỏi tại Nhà Trắng liệu ông có đang xem xét thay thế ông Mattis hay không, ông Trump nói: “Ông ấy vẫn sẽ ở đó. Chúng tôi rất hài lòng với ông ấy. Chúng tôi đã có rất nhiều thắng lợi.”
Trong một đoạn trích đăng trên tờ Washington Post của cuốn sắp sắp được xuất bản của tác giả Bob Woodward về nội tình Nhà Trắng dưới thời ông Trump, ông Mattis được dẫn lời nói với cấp dưới của ông rằng ông Trump có hiểu biết như ‘học sinh lớp năm hay lớp sáu’.
Cũng theo cuốn sách có tựa đề: “Nỗi sợ: Trump trong Nhà Trắng”, ông Trump được cho là đã nói với ông Mattis rằng ông muốn ám sát Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau khi ông Assad đã ra lệnh tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học hồi tháng Tư năm 2017.
Mattis khi đó đã nói với Trump ông ‘sẽ làm điều đúng đắn về việc này’, tuy nhiên sau đó đã xây dựng kế hoạch cho các cuộc không kích có giới hạn vốn không đe dọa bản thân ông Assad.
Ông Mattis đã ra thông cáo bác bỏ cuốn sách và gọi đó là ‘một kiểu văn học đặc thù của Washington’ và nói rằng những lời lẽ khinh miệt về Trump được cho là do ông nói ‘chưa bao giờ được phát ra từ miệng tôi hay khi có mặt tôi.”
Ứng viên thẩm phán tối cao Mỹ tiếp tục điều trần
Ông Brett Kavanaugh, nhân vật được đề cử vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, đối mặt với các câu hỏi cuối cùng ngày 6/9, giữa lúc các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ xoáy vào sự độc lập của ông đối với người đề cử mình, Tổng thống Donald Trump.
Ông Kavanaugh, từng là thẩm phán tòa án phúc thẩm và cựu trợ lý của Đảng Cộng hòa trong Nhà Trắng, đã nhấn mạnh tới sự độc lập của bản thân.
Nhưng theo Reuters, trong hơn 12 giờ bị chất vấn hôm 5/9, ông đã bỏ qua các câu hỏi về phạm vi quyền lực của tổng thống.
Cuộc điều trần tập trung vào vấn đề này trong bối cảnh một cuộc điều tra mở rộng về khả năng Nga can thiệp vào chính trường Mỹ đang tiếp diễn, cũng như giữa lúc có tin về những bất ổn trong Nhà Trắng, phủ bóng lên nhiệm kỳ của ông Trump.
Theo Reuters, đương kim Tổng thống Mỹ đang nỗ lực đưa thêm các thẩm phán có tư tưởng bảo thủ hơn vào các tòa án liên bang.
Nếu được chuẩn thuận vào vị trí làm việc trọn đời, ông Kavanaugh được cho là nhiều khả năng sẽ đẩy tòa án cấp cao nhất của Mỹ về phía cánh hữu.
Theo Reuters, khả năng đó đã khiến các đảng viên Dân chủ quan ngại, nhưng lại khiến phe Cộng hòa phấn chấn, nhất là liên quan tới việc xử lý các vấn đề nhạy cảm từ phá thai, kiểm soát súng ống tới quản lý doanh nghiệp.
https://www.voatiengviet.com/a/ung-vien-tham-phan-toi-cao-my-tiep-tuc-dieu-tran/4560282.html
Ông Trump cáo buộc
truyền thông xã hội can thiệp bầu cử
Trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 5/9 trước khi lãnh đạo các công ty truyền thông xã hội hàng đầu ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump cáo buộc các công ty truyền thông xã hội can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, dù không đưa ra bằng chứng.
Đề cập đến các công ty như Facebook Inc (FB.O) và Twitter Inc(TWTR.N), Tổng thống Donald Trump nói với Daily Caller trong cuộc phỏng vấn ngày 4/9 rằng “Tôi nghĩ họ đang” can thiệp vào cuộc bầu cử ngày 6/11.
Tuy nhiên ông Trump không đưa ra chi tiết nào khác.
Cáo buộc của ông Trump thêm vào những cáo buộc mới đây mà ông và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho rằng có sự thiên vị chống lại các chính trị gia bảo thủ được thực hiện bởi các công ty truyền thông xã hội và các công cụ tìm kiếm trên mạng.
“Sự can thiệp thực sự trong cuộc bầu cử vừa qua—nếu bạn nhìn vào tất cả, thì thấy rằng những công ty này là những công ty siêu cấp tiến thiên về Hillary Clinton,” ông Trump nói, ám chỉ đối thủ chính trị của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận là Nga can thiệp vào chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 nhằm mục đích có lợi cho ông Trump, điều mà Moscow phủ nhận.
Hoa Kỳ cũng nói các thực thể nước ngoài tiếp tục nỗ lực gieo rắc bất đồng trong hệ thống chính trị nước Mỹ.
Ông Obama quay lại chính trường,
vận động cho Đảng Dân chủ
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama dự định sẽ quay trở lại chính trường để vận động cho các ứng cử viên Dân chủ trên khắp cả nước vào mùa thu này trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.
Vào ngày 8/9, ông Obama sẽ dừng chân ở miền nam California để vận động cho bảy ứng viên vào Hạ viện, văn phòng của ông cho biết. Tiểu bang này đang giữ vai trò trọng yếu trong nỗ lực của Đảng Dân chủ giành thêm 23 ghế để tiến tới kiểm soát Hạ viện.
Tất cả những ứng viên này đang tranh cử tại các địa hạt hiện do dân biểu Cộng hòa đại diện nhưng lại bầu cho bà Hillary Clinton trong kỳ bầu cử Tổng thống hồi năm 2016.
“Giờ đây không còn tại nhiệm nữa, ông Obama có thể giúp củng cố cơ hội cho các ứng viên Dân chủ ở một số nơi trên đất nước, trước hết là ở những bang và địa hạt mà ông từng giành chiến thắng khi ra tranh cử,” ông Ford O’Connell, một chiến lược gia chính trị của Đảng Công hòa, nói.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Obama đã bị chỉ trích vì đã để cho Đảng Dân chủ mất nhiều ghế tại các kỳ bầu cử Quốc hội. Phe Cộng hòa đã lấy lại Hạ viện vào năm 2010 và sau đó kiểm soát Thượng viện vào năm 2014.
Lịch trình đi vận động của ông Obama vào mùa thu này sẽ bao gồm các chặng dừng chân ở các bang Ohio, Pennsylvania và Illinois, những tiểu bang mà ông đã giành chiến thắng hồi năm 2008 và 2012, văn phòng của ông cho biết.
Tuân theo truyền thống của các cựu Tổng thống, Obama hầu như tránh xa những tranh cãi chính trị trong thời gian cầm quyền đầy sóng gió của Tổng thống Donald Trump. Chuyến đi vận động tranh cử lần này sẽ đánh dấu nỗ lực nổi bật nhất và mạnh mẽ nhất của ông Obama nhằm phản công lại người kế nhiệm ông ở Phòng Bầu dục.
Số cử tri Dân chủ đi bầu, vốn thường ở mức thấp trong những cuộc bầu cử giữa kỳ, sẽ là trọng tâm của chiến dịch vận động của ông Obama, văn phòng của ông cho biết. Kỳ bầu cử năm nay, sự sốt sắng của các cử tri Dân chủ đã tăng mạnh để đáp trả lại ông Trump và các chính sách của ông.
Bản thân ông Trump, vốn từng chỉ trích gay gắt nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama, cũng đang hết sức tích cực vận động cho Đảng Cộng hòa. Vào ngày 6/9, ông Trump sẽ bay đến bang Montana và sau đó một ngày sẽ vận động ở bang North Dakota.
Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng nếu Đảng Cộng hòa để mất một trong hai viện Quốc hội vào tay Đảng Dân chủ thì nghị trình của ông sẽ bị chệch hướng nhiều và nhiều khả năng sẽ kích hoạt quy trình luận tội ông tùy thuộc vào kết quả điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Trước khi đi California, ông Obama sẽ có một bài diễn văn tại Đại học Illinois ở Urbana, bang Illinois. Trong bài diễn văn này, ông Obama dự kiến sẽ nói rằng ‘thời khắc này của đất nước là quá nguy hiểm để các cử tri Dân chủ ngồi nhà,” bà Katie Hill, phát ngôn nhân của ông Obama cho biết.
Bà Hill cũng nói rằng ông Obama ‘sẽ lặp lại lời kêu gọi các cử tri bác bỏ nền chính trị và những chính sách chuyên chế vốn đang ngóc đầu’.
Khi rời Nhà Trắng, ông Obama đã có tỷ lệ tán thành ở mức cao nhất trong suốt nhiệm kỳ của ông, và tỷ lệ ủng hộ ông sau khi ông về hưu cũng rất mạnh mẽ
Hạ viện Mỹ sắp biểu quyết về giảm thuế
Có thể tránh được việc chính phủ Mỹ bị đóng cửa vì thiếu tiền trong những tuần tới và Hạ viện sẽ bỏ phiếu vào trong tháng này về một vòng cắt giảm thuế nữa, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết ngày 5/9.
“Không ai được lợi cả,” ông Ryan nói với các phóng viên khi được hỏi về khả năng chính phủ đóng cửa mà Tổng thống Donald Trump đã ám chỉ xa gần.
Ông Ryan cũng cho biết thêm rằng trong tháng 9 này Hạ viện sẽ biểu quyết để biến luật cắt giảm tạm thời 1.100 tỉ đô la thuế cho các cá nhân, gia đình và các công ty tư trở thành vĩnh viễn. Luật này vốn sẽ hết hạn vào năm 2025.
Facebook, Twitter có thể bị điều tra
về việc ‘ngăn chặn tự do biểu đạt’
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 5/9 cho hay đã gặp các tổng chưởng lý các bang để thảo luận về mối quan ngại rằng các công ty truyền thông xã hội “cố ý ngăn chặn tự do trao đổi ý kiến trên mạng.”
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Devin O’Malley nói Bộ theo dõi buổi điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 5/9 trong đó các giám đốc điều hành của Facebook Inc (FB.O) và Twitter Inc (TWTR.N) bênh vực công ty của họ trước các nhà lập pháp. Nhiều thành viên Quốc hội đổ lỗi cho các công ty truyền thông xã hội là thất bại trong việc chống lại các nỗ lực nước ngoài ảnh hưởng đến chính trị Mỹ.
“Bộ trưởng Tư pháp đã triệu tập một phiên họp với một số tổng chưởng lý các tiểu bang trong tháng này để thảo luận về những quan ngại ngày càng tăng là những công ty này có thể làm tổn hại đến sự cạnh tranh và cố ý ngăn chặn tự do trao đổi ý kiến trên các trang mạng của công ty,” ông O’Malley nói trong một tuyên bố.
Các công ty bị chỉ trích về những điều mà người ta cho là một nỗ lực loại bỏ các tiếng nói bảo thủ.
Jon Kyl tuyên thệ nhậm chức thế chỗ của McCain
Thượng nghị sỹ về hưu Jon Kyl hôm thứ Tư ngày 5/9 đã quay trở lại Thượng viện tuyên thệ nhậm chức để thế chỗ cho Thượng nghị sỹ John McCain vừa qua đời.
Sự bổ nhiệm của ông vừa kịp lúc để giúp cho phe Cộng hòa xúc tiến nỗ lực phê chuẩn ông Brett Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện trong lúc ông này đang gặp phải sự chống đối quyết liệt từ phe Dân chủ.
Ông Kyl, 76 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức làm thượng nghị sỹ đại diện cho tiểu bang Arizona trong một buổi lễ ngắn tại Thượng viện. Phó Tổng thống Mike Pence, cũng đồng thời là chủ tịch Thượng viện, đã điều khiển buổi tuyên thệ.
Thượng nghị sỹ McCain qua đời hôm 25/8 sau một năm chống chọi với bệnh ung thư não. Ông đã được an táng hôm Chủ nhật sau các lễ viếng được tổ chức cả ở tiểu bang Arizona và thủ đô Washington.
Ông Kyl được Thống đốc Arizona Doug Ducey, vốn cũng là người Cộng hòa, chỉ định hôm thứ Ba ngày 4/9 để tạm thời giữ ghế của ông McCain.
Trong một buổi họp báo hôm 4/9, ông Kyl nói ông sẽ không ra ứng cử trong cuộc bầu cử đặc biệt vào năm 2020 để tìm người phục vụ cho hết nhiệm kỳ của McCain vào năm 2023.
Bốn thách thức lớn với giới tình báo Mỹ
Kinh tế, tội phạm, khủng bố và công nghệ là 4 thách thức lớn cộng đồng tình báo Hoa Kỳ phải đối mặt, ông Dan Coats, Giám đốc Tình báo Quốc gia, cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh Tình báo và An ninh Quốc gia 2018 được tổ chức tại National Harbor, Maryland.
Ông Coats mô tả thách thức thứ nhất là nhu cầu ngày càng tăng về tình báo kinh tế. Thông tin này có thể có những ứng dụng khác nhau về an ninh quốc gia. Thách thức thứ hai là cộng đồng tình báo phải tự thích nghi để đối mặt với vấn đề những tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức.
Thách thức thứ ba là cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố đã bước vào một giai đoạn mới, ông Coats nói. Các tổ chức như Nhà nước Hồi Giáo đã mất hầu hết tất cả các lãnh thổ họ kiểm soát trước đây, nhưng hiện nay họ đang chú trọng đến khả năng tấn công các tài sản phương Tây.
Và thách thức thứ tư là cộng đồng tình báo cần một chu kỳ thu thập và phân tích hữu hiệu hơn “giúp có được một bước tiến cách mạng về phía trước,” ông Coats nói.
Những thách thức này diễn ra trong bối cảnh một thế giới ngày càng nguy hiểm hơn. Trung Quốc tiếp tục theo đuổi một chính sách ngoại giao tích cực hơn, đặc biệt bên ngoài những lãnh vực hoạt động truyền thống của họ, ông Coats cho biết.
Ông Coats nói dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc trở nên ngày càng hung hăng hơn trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng và đẩy mạnh những quyền lợi của nước này trên toàn cầu. Ông Coats nói tham vọng chính của Trung Quốc là phá hoại hệ thống quốc tế hiện hành theo cách có lợi tối đa cho Trung Quốc.
Ông Coats đề cập đến “Sáng kiến Vành đai và Con đường” mà trên bề mặt là đẩy mạnh các quan hệ ngoại giao và kinh tế của Bắc Kinh trên toàn thế giới, nhưng theo ông thì đây cũng là một chương trình nhằm giúp cho Bắc Kinh những phương tiện bành trướng lực lượng quân sự của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Ông Coats cũng đề cập đến việc Trung Quốc xây dựng các đảo và chiến thuật quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông là cách thức để chế ngự một trong những khu vực quan trọng nhất thế giới về mậu dịch quốc tế.
Nga đang đối mặt với những bất bình ngày càng tăng vì kinh tế trì trệ có thể đưa đến việc Tổng thống Vladimir Putin hướng sự chú ý của công chúng ra ngoài biên giới Nga. Iran cũng đang gánh chịu những xáo trộn giữa lúc những điều kiện kinh tế trở nên tồi tệ hơn, và cam kết của Triều Tiên biểu hiện một thách thức to lớn cho cộng đồng tình báo.
Vũ khí giết người hàng loạt cũng chiếm một vị trí đáng kể trong danh sách theo dõi của cộng đồng tình báo. Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh trong vùng, ông Coats nói. Và ông bày tỏ quan ngại về việc phát triển vũ khí sinh học ngụy trang dưới hình thức nghiên cứu kỹ thuật y sinh. Ông cho biết cộng đồng tình báo đang theo dõi một cách chặt chẽ và tiên đoán là mối đe dọa sẽ ngày càng tăng.
Ông Coats cũng nêu lên những quan ngại về các đe dọa trên mạng “Tôi lo ngại sâu sắc về những đe dọa đối với cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên đe dọa trên mạng đối với nước Mỹ không chỉ giới hạn vào những cuộc bầu cử.” Ông nói thêm là mỗi một hoạt động trên mạng đều để lại dấu vết, và các nhà phân tích dùng những dấu vết này để tìm ra nguồn gốc. Ông tuyên bố “Hãy an tâm, chúng ta sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Mỗi ngày, chúng ta đều thu thập và phân tích tin tình báo về các đối thủ của chúng ta.”
“Nhiệm vụ của chúng ta phải là: Tìm sự thật và nói lên sự thật cho thế giới chúng ta đang nhìn thấy và cho những quyền tự do chúng ta phải bảo vệ.”
(Nguồn afcea.org/Taiwan News)
Nghị sỹ Mỹ ra luật ‘phạt’
nước nào bỏ Đài Loan theo Trung Quốc
Bốn thượng nghị sỹ Mỹ từ cả hai đảng hôm 5/9 đưa ra một dự luật mới để răn đe các đồng minh ngoại giao ít ỏi còn lại của Đài Loan chuyển sang công nhận Trung Quốc sau khi El Salvador trở thành quốc gia thứ ba trong năm nay có động thái xoay trục này.
Dự luật này, do các Thượng nghị sỹ Cory Gardner và Marco Rubio của Đảng Cộng hòa và Ed Markey và Bob Menendez của Đảng Dân chủ bảo trợ, sẽ cho phép Bộ Ngoại giao hạ cấp quan hệ của Mỹ với bất kỳ nước nào từ bỏ Đài Loan để quay sang Trung Quốc và sẽ dừng hay điều chỉnh viện trợ của Mỹ cho quốc gia đó.
Dự luật cũng yêu cầu chính quyền Mỹ có chiến lược tăng cường can dự với các nước để ủng hộ địa vị ngoại giao với Đài Loan và củng cố mối quan hệ không chính thức giữa Mỹ với Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho biết Washington ‘thất vọng sâu sắc’ trước quyết định của El Salvador và đang xem xét lại quan hệ với quốc gia Trung Mỹ này mà không nói rõ chi tiết.
Bản thân Washington cũng đã từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc từ bốn thập niên trước và chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Washington vẫn luôn xem hòn đảo này là một đồng minh thân cận ở Vành đai Thái Bình Dương.
Một vài thành viên Quốc hội vốn xem Bắc Kinh là mối đe dọa đối với an ninh và ảnh hưởng quốc tế của Mỹ đã bày tỏ sự bất mãn với điều mà họ cho rằng Tổng thống Trump đã không xây dựng được một chiến lược đối với Đài Loan.
Hoa Kỳ muốn thắt chặt trở lại quan hệ với Pakistan
Trên đường đi Ấn Độ tham gia cuộc đối thoại an ninh 2+2, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ghé Islamabad để thảo luận với các nhà lãnh đạo Pakistan, trong đó có tân thủ tướng Imran Khan. Ngày 05/09/2018, ông Pompeo đã tỏ ý « hết sức hy vọng về khả năng cải thiện quan hệ có phần căng thẳng với Pakistan, một đối tác then chốt trong xung đột tại Afghanistan ».
Lần đầu tiên viếng thăm Pakistan với tư cách ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo đã xác nhận với báo chí là hai bên đã bàn thảo rất nhiều chủ để, trong đó có nỗ lực « phát triển một giải pháp hòa bình ở Afghanistan ». Ông nói thêm : « Tôi hy vọng là cơ sở mà chúng tôi đã đặt ra hôm nay sẽ tạo điều kiện thành công lâu bền»… cho dù « con đường còn rất dài» trước khi Washington trợ giúp trở lại Islamabad về quân sự.
Theo hãng tin AFP, giọng điệu thay đổi này được đưa ra vài ngày sau khi Washington xác nhận kế hoạch ngưng khoảng 300 triệu đô la viện trợ quân sự cho Islamabad
Về phía Pakistan, thủ tướng nước này cũng tỏ ra lạc quan về bước khởi đầu mới trong quan hệ không mấy êm thắm giữa hai đồng minh.
Các viên chức Mỹ tố cáo Islamabad nhắm mắt làm ngơ hay thậm chí còn giúp đỡ các lực lượng như Taliban ở Afghanistan hay mạng lưới Haqqani, thường tấn công vào Afghanistan từ khu vực biên giới hai nước. Islamabad đã luôn phản bác những lời tố cáo trên.
Nhà Trắng cho là tình báo và quân đội Pakistan trợ giúp tài chính và vũ khí cho Taliban, một phần là do ý thức hệ nhưng cũng là để ngăn chận ảnh hưởng của Ấn Độ ở Afghanistan. Nếu Pakistan triệt hạ các nhóm chiến đấu thì sẽ tạo được khúc quanh quyết định cho cuộc chiến triền miên ở Afghanistan.
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi trả lời báo chí đánh giá cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ có kết quả « tích cực » trên việc hai bên giờ đây đều đồng ý là ở Afghanistan « không thể có giải pháp quân sự, mà phải đi đến một giải pháp chính trị ».
Ông còn đánh giá là phát biểu của ông Pompeo hàm ý Hoa Kỳ có thể xem xét việc đối thoại trực tiếp với phe Taliban tại Afghanistan.
Taliban từ lâu đã muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ, nhưng Washington vẫn luôn từ chối, cho là đàm phán phải do Afghanistan dẫn đầu. Thế nhưng, vào tháng 06/2018, ông Pompeo đã cho thấy có thay đổi trong chủ trương áp dụng bấy lâu nay, với cuộc gặp giữa viên chức Mỹ và Taliban tại Doha vào tháng 7.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180906-hoa-ky-muon-that-chat-tro-lai-quan-he-voi-pakistan
Bão nhiệt đới Gordon giảm mạnh cường độ
khi thổi vào đất liền
Bão nhiệt đới Gordon đã giảm mạnh cường độ vào ngày 5/9, nhiều giờ sau khi đổ bộ xuống phía tây biên giới bang Alabama-Mississippi và giết chết một người ở Florida, Reuters dẫn nguồn Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ (NHC) cho biết.
Cơn bão chỉ gây thiệt hại nhỏ, ở vào khoảng 25 dặm (40 km) về phía nam-đông nam Jackson, bang Mississippi, và có sức gió 35 dặm/giờ. Nhiều khả năng bão sẽ di chuyển xuống phía dưới thung lũng Mississippi trong ngày, mang theo mưa lớn và lũ lụt.
Tin cho hay một đứa trẻ chưa xác định được danh tánh đã bị thiệt mạng hôm thứ Ba sau khi cây đổ lên một ngôi nhà di động ở Pensacola, bang Florida, Văn phòng Cảnh sát trưởng quận Escambia cho biết trên trang Twitter.
Cảnh báo lũ có hiệu lực đối với các khu vực nội địa, trong khi việc theo dõi và cảnh báo liên quan đến bão Gordon dừng lại vào thời điểm này, Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ cho biết.
Trong một diễn biến riêng khác, NHC hôm 5/9 cho biết bão Florence, cách bờ đông-đông nam Bermuda khoảng 1.350 dặm (2.170 km), là cơn bão lớn đầu tiên của mùa bão năm 2018 ở Đại Tây Dương. Cơn bão này có sức gió 105 dặm/giờ (165 km/giờ) và đang di chuyển về phía tây bắc với tốc độ 13 dặm/giờ.
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Mississippi đã dỡ bỏ lệnh sơ tán và giới nghiêm cho cư dân nam Mississippi hôm 5/9, ông Ray Coleman, phát ngôn viên của cơ quan này cho biết.
Các thống đốc bang Louisiana, Mississippi và Alabama tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong tuần này do dự báo bão, trong khi các công ty đã cắt giảm 9% việc sản xuất dầu và khí đốt ở Vịnh Mexico của Hoa Kỳ.
Tập đoàn Dầu khí Anadarko Petroleum đã sơ tán công nhân và ngưng sản xuất tại hai khu vực ngoài khơi hôm thứ Hai. Các công ty khác có hoạt động sản xuất và tinh chế dầu khí dọc theo bờ Vịnh cho biết họ cũng đang gia cố các cơ sở.
Vịnh Mexico là nơi xuất xứ của 17% lượng dầu thô của Mỹ và 5% sản lượng khí đốt mỗi ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ.
Năm ngoái, các cơn bão đã tấn công vào bang Texas, Florida và Puerto Rico, gây tổn thất nặng nề và giết chết hàng ngàn nhân mạng.
Ít nhất 19 người đổ bệnh
trên chuyến bay của Emirates
Nhà chức trách cho hay ít nhất 19 người trên chuyến bay của hãng Emirates từ Dubai đến New York được xác nhận là bị ốm khi máy bay hạ cánh ở sân bay quốc tế John F. Kennedy hôm 5/9, sau khi có tới 100 hành khách và phi hành đoàn nói họ cảm thấy bị ốm.
10 người trong số 19 người trên chuyến bay số 203 của Emirates đã được đưa đến bệnh viện, trong khi 9 người còn lại đã từ chối điều trị, ông Raul Contreras, phát ngôn viên của văn phòng thị trưởng thành phố New York cho biết. Máy bay đã đáp xuống với ít nhất 521 hành khách vào khoảng 9 giờ sáng, giờ miền đông Hoa Kỳ (13h00, giờ GMT).
“Tất cả những người khác đều không sao”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn.
Khoảng 100 người phàn nàn là họ cảm thấy bị ốm trên chuyến bay từ Trung Đông, với các triệu chứng như ho và sốt, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết trong một thông báo.
Chiếc máy bay – một chiếc Airbus 380 hai tầng – được đưa đến một địa điểm cách xa nhà ga để các nhân viên ứng phó khẩn cấp có thể đánh giá tình hình, các quan chức thuộc Cảng vụ New York và New Jersey cho biết trong một tuyên bố.
Phát ngôn viên Benjamin Haynes nói trong tuyên bố rằng những hành khách không bị bệnh được phép đi tiếp theo kế hoạch của họ.
(Reuters)
Venezuela : Một số nguyên nhân
dẫn đến tình trạng siêu lạm phát
Khoảng 1,6 triệu người Venezuela phải bỏ xứ ra đi vì khủng hoảng kinh tế. Lạm phát tại Venezuela được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) thẩm định có thể lên đến 1 triệu phần trăm từ nay đến cuối năm 2018. Theo báo cáo được công bố ngày 05/09/2018 của Quốc Hội Venezuela, lạm phát đã tăng thêm 200% chỉ trong tháng Tám, có nghĩa là trong vòng một năm, vật giá đã tăng 200.000%.
Đồng tiền quốc gia bolivar như tờ giấy lộn, mang một đống tiền chỉ có thể mua được một cuộn giấy vệ sinh, hoặc một cân cà rốt, hoặc một con gà… Chính phủ phải phát hành tiền mới bỏ bớt 5 số 0, có hiệu lực từ ngày 20/08/2018, lập sổ yêu nước để có thể mua xăng dầu với giá ưu đãi, tăng lương tối thiểu thêm 34 lần, từ 52 bolivar/tháng lên thành 1.800 bolivar/tháng. Người nghỉ hưu xếp hàng hơn 5 tiếng để nhận được khoản lương hưu tương đương với một hộp cá mòi.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng chưa từng có ở Venezuela, kinh tế gia Eduardo Garzón, thành viên Hội đồng Khoa học Attac Tây Ban Nha, có một cách nhìn khác trong bài phân tích : “Nguyên nhân của tình trạng siêu lạm phát ở Venezuela”, được đăng trên trang Venesol (01/09/2018). RFI tiếng Việt tóm lược một số nội dung chính.
4 đặc điểm của nền kinh tế Venezuela
Theo kinh tế gia Eduardo Garzón, để hiểu được quá trình lạm phát phi mã tại Venezuela cần phải hiểu được nền kinh tế nước này vận hành như thế nào, cơ cấu sản xuất ra sao, cách thâm nhập ra thị trường nước ngoài, chế độ chính trị, thể chế và xã hội, hệ thống tiền tệ và tài chính… Vì vậy, ông khuyến cáo nên cẩn thận với những phân tích cho rằng nền kinh tế Venezuela lộn xộn hoặc so sánh với một nền kinh tế phát triển hoặc ở châu Âu.
Ông Eduardo Garzón nêu lên bốn đặc điểm chính của nền kinh tế Venezuela :
Thứ nhất, Venezuela luôn có tỉ lệ lạm phát rất cao. Trong những năm 1980, giá cả tăng còn nhanh hơn so với những năm cầm quyền của chính phủ theo chủ nghĩa Bolivar, ngoại trừ năm 2018. Điều này rất quan trọng để hiểu rằng đây không phải là trường hợp mới, có thể hoàn toàn bị tác động do những sự kiện diễn ra gần đây, mà vấn đề này đã có từ lâu.
Tình trạng lạm phát cao và bất thường có thể bắt nguồn từ nhiều vấn đề : Thị trường độc quyền, nhiều lĩnh vực quan trọng nằm trong tay các đại tập đoàn quyền lực, nhà nước không có khả năng điều tiết và kiểm soát cạnh tranh trong giới chủ, tình trạng tham nhũng, tội phạm…
Thứ hai, cần nhắc lại là chế độ Bolivar, bắt đầu từ tổng thống Chavez và đang được tổng thống Maduro tiếp nối, luôn bị đe dọa vì những đặc quyền của tầng lớp tinh hoa trong nước. Quá trình quốc hữu hóa và kiểm soát một phần lớn các lĩnh vực sản xuất chiến lược (đặc biệt là dầu lửa), cũng như việc phân phối rộng hơn về thu nhập (theo CEPAL, Venezuela là nước ít bất công nhất châu Mỹ Latinh) đã đánh vào quyền lực và sự giầu có của tầng lớp lãnh đạo Venezuela. Từ đó, tầng lớp này đã tập hợp dưới nhiều hình thức để cố lật đổ chính phủ và lấy lại những đặc quyền của họ.
Một số ví dụ tiêu biểu là cuộc đảo chính hụt năm 2002, các cuộc biểu tình có vũ trang, tạo khan hiếm nhiều mặt hàng có chủ đích và có kế hoạch trước các kỳ bầu cử, truyền tải hình ảnh xấu thông qua các cơ quan truyền thông quyền lực bên trong và ngoài nước… Tất cả những điều này không có gì mới và cũng chẳng đặc biệt : các nhóm quyền lực đã sử dụng chiến lược từ thời Chilê của tổng thống Allende trong những năm 1970-1973 và ở Nicaragua cuối những năm 1980.
Điểm thứ ba, cơ cấu sản xuất của Venezuela không giống cơ cấu của một nền kinh tế phát triển. Venezuela không có mạng lưới sản xuất đa dạng có khả năng chế tạo các sản phẩm đủ chủng loại, đủ mầu sắc… mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực sơ cấp, các ngành công nghiệp và dịch vụ thứ yếu. Vì vậy, người Venezuela phải mua gần như một nửa nhu yếu phẩm từ nước ngoài.
Dầu lửa là lĩnh vực khổng lồ của nền kinh tế, mang lại 95% ngoại hối cho đất nước, 4% còn lại là nhờ vào xuất khẩu nguyên liệu. Có nghĩa là, để người dân có thể có được nhu yếu phẩm hàng ngày, thì phải cần đến ngoại tệ, chủ yếu là đồng đô la Mỹ mà nền kinh tế Venezuela có được nhờ vào xuất khẩu dầu lửa. Đây là một nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào một lĩnh vực duy nhất và lĩnh vực này lại có điểm yếu vô cùng lớn. Thực vậy, giá dầu giảm vào năm 2014 đã gây ra một lỗ hổng trong nguồn thu bằng đô la. Điều này tác động đến nhập khẩu, gây khan hiếm hàng hóa, vật giá tăng nhanh trên thị trường nội địa.
Thứ tư, chính phủ Venezuela kiểm soát giá của nhiều mặt hàng cơ bản để bảo đảm cung cấp cho người dân nghèo khó nhất. Điều này lại dẫn đến tình trạng thị trường đen phát triển và chi phối các loại giá cả khác. Để tránh tình trạng người dân đổi đô la Mỹ mang ra nước ngoài, gây chảy máu vốn, vào năm 2003, chính phủ Venezuela áp dụng kiểm soát tỉ giá hối đoái, có nghĩa là áp dụng tỉ giá cố định đối với việc đổi đồng bolivar sang đô la Mỹ. Chính điều này lại dẫn đến việc xuất hiện thị trường đen, nơi đồng bolivar được đổi sang đô la với giá thấp hơn.
4 yếu tố giải thích tình trạng siêu lạm phát
Theo kinh tế gia Eduardo Garzón, bốn đặc điểm về nền kinh tế Venezuela được nêu ở trên giúp hiểu rõ vòng xoáy siêu lạm phát hiện nay, được giải thích theo bốn yếu tố chính :
Thứ nhất là tình trạng khan hiếm hàng hóa một cách có tổ chức và có chọn lọc. Các tập đoàn lớn đối lập với chính phủ Venezuela, có sức mạnh kiểm soát thị trường trong lĩnh vực của họ (như các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm vệ sinh kiểm soát đến 99% lĩnh vực) “hô biến” khỏi thị trường chính thức một lượng lớn hàng hóa nhưng lại được bán ở chợ đen. Điều này dẫn đến tình trạng giá cả tăng một cách chóng mặt do thiếu hàng hóa và lạm dụng giá trong mạng lưới phân phối bất hợp pháp.
Thứ hai là lạm phát nhập khẩu. Các công ty nhập hàng hóa từ nước ngoài thường thanh toán theo tỉ giá hối đoái chính thức, nhưng họ lại bán ra thị trường nội địa theo tỉ giá không chính thức. Vì vậy, họ vừa thu lợi từ tiền chênh lệch vừa khiến giá cả tăng giả. Đây là yếu tố chính giải thích tình trạng giá cả tăng chóng mặt tại Venezuela, đặc biệt là vào cuối năm 2017 : chỉ trong vòng hai tháng, từ 3.000 bolivar đổi được 1 đô la lên thành 52.000 bolivar một đô la. Chính quyền Venezuela cáo buộc các doanh nghiệp thao túng tỉ giá để thu lợi bất chính và gây bất ổn về kinh tế, xã hội.
Thứ ba, Hoa Kỳ cấm vận tài chính. Ngày 25/08/2018, “để chống lại chế độ chuyên quyền và tái lập nền dân chủ”, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng biện pháp phong tỏa về kinh tế, thương mại và tài chính đối với Venezuela.
Nói một cách khác, chính quyền Caracas gặp thêm khó khăn trong việc nợ bằng đô la và những nguồn thu bằng đô la (trên thị trường chính thức) để nhập khẩu hàng hóa. Điều này cũng dẫn đến việc phải tìm đô la trên thị trường đen với giá đắt hơn. Hậu quả là tình trạng khan hiếm hàng hóa thêm nghiêm trọng, đồng bolivar bị mất giá so với đồng đô la trên thị trường đen và giá cả không ngừng tăng.
Thứ tư, người dân không tin vào đồng tiền quốc gia. Đồng bolivar của Venezuela thực sự chưa bao giờ được ưa chuộng ở trong và ngoài nước vì từ trước đến giờ, đồng tiền của Venezuela vẫn bị mất giá nghiêm trọng và ngày càng bị sụt giá so đồng tiền quy chiếu truyền thống là đô la Mỹ. Điều này lại càng thôi thúc người dân Venezuela không muốn giữ tài sản vốn được định giá bằng bolivar và thay chúng bằng tài sản định giá bằng đô la. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đồng bolivar mất giá. Nền kinh tế bị đô la hóa, giá cả tăng thông qua nhập khẩu là những yếu tố cho thấy chính quyền bất lực trong việc bắt sử dụng đồng tiền quốc gia.
Kinh tế gia Eduardo Garzón nhận định tình trạng siêu lạm phát ở Venezuela là do nhiều yếu tố khác nhau, như cơ cấu sản xuất và xuất khẩu yếu kém, thế lực của các tập đoàn kinh tế đối lập… Vì vậy, việc in hàng loạt tiền không liên quan gì đến tình trạng siêu lạm phát hiện nay ở Venezuela. Đây không phải là nguyên nhân mà là hậu quả : để có thể thanh toán và mua hàng hóa ngày càng đắt do siêu lạm phát, cần phải có thêm nhiều tiền, chính vì thế khối lượng tiền không ngừng tăng ở Venezuela.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180906-venezuela-mot-so-nguyen-nhan-dan-den-tinh-trang-sieu-lam-phat
Paraguay sẽ dời tòa đại sứ ở Israel
về lại Tel Aviv
Paraguay sẽ dời tòa đại sứ của họ ở Israel từ Jerusalem về lại Tel Aviv sau khi nước này dưới thời cựu Tổng thống Horacio Cartes hồi tháng 5 năm nay đã làm theo Tổng thống Donald Trump của Mỹ là công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Ngoại trưởng quốc gia Trung Mỹ đã nói với các phóng viên hôm 5/9.
“Paraguay muốn góp phần tăng cường nỗ lực ngoại giao trong khu vực để đạt được hòa bình rộng rãi, công bằng và bền vững ở khu vực Trung Đông,” Ngoại trưởng Luis Alberto Castiglioni phát biểu.
Hồi tháng 5, Tổng thống Cartes đã bay đến Israel để khánh thành tòa đại sứ mới ở Jerusalem. Tuy nhiên, Tổng thống kế nhiệm Mario Abdo, vốn cùng Colorado Đảng bảo thủ và lên cầm quyền hồi tháng trước, đã đảo ngược quyết định này.
Vụ Skripal: Anh Quốc khó thuyết phục
đồng minh gia tăng trừng phạt Nga
Thuyết phục đồng minh Âu – Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga sau tiết lộ mới về “trách nhiệm” của Matxcơva trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Đây là nhiệm vụ khó hoàn thành của thủ tướng Theresa May. Ít có khả năng Âu – Mỹ đứng về phía Luân Đôn.
Ngay từ đầu, Luân Đôn quả quyết tổng thống Putin đứng đằng sau vụ ám sát hụt cựu điệp viên Nga, Serguei Skripal hôm 04/03/2018 bằng chất độc thần kinh Novitchok. Sáu tháng sau, những tiết lộ mới lại làm tăng thêm căng thẳng giữa hai nước.
Thủ tướng Theresa May yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho mở một phiên họp bất thường vào chiều ngày 06/09/2018 để “thông báo với các đối tác của Luân Đôn về những diễn tiến mới” trong vụ cựu điệp viên Skripal và con gái bị đầu độc tại Salisbury, cách thủ đô vương quốc Anh 125 cây số về phía tây nam.
Tuy nhiên, bộ trưởng An Ninh Anh, Ben Wallace, trả lời đài phát thanh BBC, không che giấu mục đích khi đưa hồ sơ này ra trước Hội Đồng Bảo An : Luân Đôn muốn “duy trì áp lực” đối với Nga để nhấn mạnh rằng “lối hành xử của Matxcơva là không thể chấp nhận được”. Một trong những giải pháp hướng tới, có thể là “gia tăng các biện pháp trừng phạt” Nga.
Trước Nghị Viện Anh ngày 05/09, thủ tướng Theresa May nhắc lại cam kết Luân Đôn sẽ sử dụng tất cả các biện pháp để duy trì áp lực đối với chính quyền của tổng thống Putin, trong đó gồm cả kịch bản thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu đưa ra một cơ sở pháp lý trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học.
Với tư cách thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, Nga đương nhiên sẽ dùng quyền phủ quyết, bác bỏ mọi đề xuất từ phía Luân Đôn. Hơn nữa, ngay từ đầu, Matxcơva luôn phủ nhận những cáo buộc về trách nhiệm trong vụ Skripal. Giữa tháng 08/2018 tân ngoại trưởng Anh, Jeremy Hunt, trông đợi Mỹ và các đối tác của Anh trong Liên Hiệp Châu Âu “đi xa hơn nữa”trong việc trừng phạt Matxcơva vì đã cho tiến hành một vụ “tấn công trên lãnh thổ châu Âu”.
Thực ra, chỉ vài tuần sau vụ cha con ông Skripal bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novitchok, phương Tây đã mạnh mẽ thể hiện đoàn kết với Luân Đôn qua việc trục xuất gần 100 nhân viên ngoại giao Nga. Đứng đầu trong số các nước phương Tây phải kể đến Hoa Kỳ, Canada, Ukraina và 14 nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng hầu hết các quốc gia nói trên đều tránh đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga vì hồ sơ Skripal.
Sáu tháng sau, liệu châu Âu và Mỹ có còn đoàn kết với thủ tướng May nữa hay không ? Trước mắt, lời kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga của Anh Quốc mới chỉ được đại sứ Mỹ và Úc tại Luân Đôn tuyên bố một cách chung chung là Washington và Canberra “ủng hộ” quan điểm của chính quyền Anh.
Với Liên Âu, sáu tháng trước khi Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đàm phán với Bruxelles về thủ tục Brexit bế tắc. Trong bối cảnh đó, dù thủ tướng Theresa May có bằng chứng là tình báo Nga nhúng tay vào vụ tấn công trên lãnh thổ Anh, không chắc bà đủ sức thuyết phục được 27 thành viên châu Âu đứng về phía Luân Đôn.
Một số nhà quan sát cho rằng, Bruxelles không còn nghi ngờ về trách nhiệm của Matxcơva trong vụ ám sát hụt Serguei Skripal và đã trục xuất một số các nhà ngoại giao Nga để cảnh cáo điện Kremlin. Nhưng phạt Nga lúc này không phải là ưu tiên của Liên Âu trong lúc khối này phải đối mặt với chiến tranh thương mại của Mỹ và cũng cần đến Vladimir Putin trên một số hồ sơ, từ Syria đến hạt nhân Iran. Thêm vào đó, một số nước trong Liên Âu, như Hy Lạp, đang muốn phát triển quan hệ tốt đẹp hơn với nước Nga của ông Vladimir Putin. Mùa đông sắp tới, châu Âu cần dầu hỏa và khí đốt của Nga.
Nhìn đến một điểm tựa khác của Anh Quốc là Hoa Kỳ. Chính quyền Washington, đang quá bận rộn vì những tiết lộ động trời từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, ít có khả năng quan tâm đến hồ sơ Skripal. Sau cùng, tổng thống Trump không che giấu thất vọng vì đường lối Brexit của Anh. Không hiểu, lần này tổng thống Mỹ có sốt sắng đứng về phía thủ tướng Theresa May nữa hay không.
Bóng đá : Tân và cựu vô địch thế giới
Pháp-Đức chính thức so tài lần đầu
Hơn 50 ngày sau khi đội tuyển Pháp đăng quang chức Vô Địch Bóng Đá Thế giới 2018 ở Nga, giới hâm mộ hôm nay, 06/09/2018 sẽ có dịp so sánh tài nghệ của tân vô địch Pháp với cựu vô địch Đức trong một trận đấu chính thức.
Cuộc so tài diễn ra trên sân Munich, trong khuôn khổ Giải Liên Đoàn Các Quốc gia Châu Âu, một giải đấu mới được Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu UEFA thành lập. Trận đấu này thu hút sự chú ý vì lẽ đây là lần đầu tiên mà hai đội tuyển vô địch thế giới mới và cũ chính thức gặp nhau.
Theo đặc phái viên Eric Chaurin tại Munich, cuộc so tài với Pháp, đương kim vô địch thế giới, là cơ hội phục hận tuyệt vời đối với đội tuyển Đức, để họ chứng tỏ đẳng cấp thực thụ của mình sau thất bại ê chề không ngờ là sớm bị loại khỏi Cúp Bóng Đá Thế Giới ở Nga.
“Khi đến Nga, Đức là đương kim vô địch thế giới, và chưa từng bị loại khỏi bộ tứ đứng đầu Cúp Thế Giới trong vòng 20 năm trước đó. Khó mà tưởng tượng nổi là họ lại phải về nhà sớm, ngay sau vòng loại, và đó là điều đã xẩy ra.
Kết quả là đội tuyển Đức đã bị mất hẳn tinh thần, thậm chí còn mất tin tưởng vào người lãnh đạo đội tuyển từ 12 năm là Joachim Low, một người chuộng lối chơi đẹp. Tuy nhiên, đối với huấn luyện viên đội Pháp Didier Deschamps, đừng nên lầm tưởng là Joachim Low đã hết thời : « Với ông ấy, nước Đức đã trở thành vô địch thế giới cách nay 4 năm, nước Đức là một trong những ứng viên nặng ký của Cúp Thế Giới tại Nga, cho dù thực tế không tốt đẹp đối với họ, nhưng tài năng của đội tuyển Đức vẫn còn đó ».
Tài năng vẫn còn đó, nhưng phải nói là cách chơi kiểu Đức không còn ăn tiền nữa, mà có vẻ như là đấu pháp thực tế, năng lực thích ứng với từng đối thủ một của đội Pháp mới mang lại hiệu quả mong muốn, và đây là điều mà huấn luyện viên Đức không làm được.
Một nhà báo thể thao Đức không ngần ngại xem đội tuyển của họ như là một con bệnh, cần phải được chữa trị khẩn cấp : « Đội tuyển Đức quả là hơi bị bệnh. Vả lại huấn luyện viên Joachim Low cũng đã tự phê bình về kết quả kém cỏi của gà nhà. Trong bối cảnh đó, trận đấu với đội Pháp hôm nay quan trọng đối với Đức hơn là đối với Pháp, vì là trận trong đó huấn luyện viên Đức phải cho thấy là ông đã cải thiện được một số điểm ».
Về câu hỏi đó là những điểm nào, nhà báo Đức phải công nhận là đó cũng là câu hỏi của ông, và cũng chính vì thế mà trận đấu hôm nay là một bài trắc nghiệm lớn đối với huấn luyện viên Đức. Đội tuyển Đức mà bị thua Pháp 2-0 hay 3-0, thì đó sẽ là một vấn đề lớn cho Joachim Low.
Tóm lại, hơn thua rất lớn đối với đội Đức, nhưng câu hỏi muôn thuở vẫn là liệu cuộc đấu có hấp dẫn hay không.
http://vi.rfi.fr/phap/20180906-bong-da-tan-cuu-vo-dich-the-gioi-phap-duc-chinh-thuc-so-tai-lan-dau
Bộ trưởng Israel: Không có thông tin
TT Trump ra lệnh giết ông Assad
Bộ trưởng tình báo Israel hôm 5/9 nói ông không hề có thông tin nào cho thấy đồng minh thân cận là Tổng thống Mỹ Donald Trump từng ra lệnh giết Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Một cuốn sách mới của phóng viên lôi ra vụ Watergate, ông Bob Woodward, có tên “Nỗi sợ: ông Trump trong Tòa Bạch Ốc”, viết rằng ông Trump đã nói với bộ trưởng quốc phòng rằng ông muốn cử người ám sát ông Assad để đáp trả một cuộc tấn công hóa học vào dân thường Syria vào tháng 4/2017.
Cuốn sách cho biết ông James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng, nói với ông Trump rằng ông ta sẽ “bắt tay làm việc đó ngay “, nhưng thay vào đó, ông ta đã xây dựng một kế hoạch không kích có giới hạn không gây đe dọa đến cá nhân ông Assad.
Ông Trump đã viết trên Twitter rằng các đoạn trong sách dẫn lại lời ông Mattis là “những lời gian trá bịa đặt, một cú lừa đối với công chúng”. Ông Mattis cũng chỉ trích cuốn sách.
Bộ trưởng Tình báo Israel Yisrael Katz nói với đài phát thanh Tel Aviv 103 FM: “Tôi không biết về bất kỳ chỉ thị nào như vậy. Ông Trump cũng phủ nhận điều đó”.
“Dù gì đi nữa, có thể nói là trong khuôn khổ sự phối hợp giữa Hoa Kỳ và Israel … chủ đề về chế độ Syria chắc chắn là một phần trong các cuộc thảo luận. Israel đã không đi đến quyết định lật đổ ông Assad”, vị bộ trưởng nói thêm.
Nairobi sôi sục vụ công dân TQ
gọi dân Kenya là ‘khỉ’
Một người Trung Quốc sẽ bị trục xuất sau khi có một đoạn video cho thấy người đàn ông này đã có những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc, cơ quan di trú Kenya nói.
Doanh nhân được xác định là Lưu Gia Kỳ bị ghi hình khi gọi người Kenya, gồm cả Tổng thống Uhuru Kenyatta, là “lũ khỉ”.
Kịch mừng Xuân của CCTV ‘phân biệt chủng tộc’
TQ chi cho châu Phi thêm 60 tỷ đôla
Trung Quốc ảnh hưởng Zimbabwe tới mức nào?
Liên minh châu Phi: Trump phải xin lỗi
Ông Lưu và đại diện của ông chưa đưa ra bình luận gì.
Giới chức đã hủy giấy phép lao động của ông Lưu và nói ông sẽ bị trục xuất “vì lời lẽ phân biệt chủng tộc”.
Một người lao động đã quay phim ông Lưu, một người kinh doanh xe máy, nói ông không ưa Kenya bởi nước này “có mùi hôi thối và [người dân nước này] nghèo nàn, ngu dốt và đen”.
Khi người làm công đó hỏi tại sao ông lại muốn ở đất nước này, thì ông Lưu nói ở chỉ để kiếm tiền.
Cảnh sát bắt giữ ông vài giờ sau khi đoạn video clip lan truyền trên mạng hôm 5/09.
Ông Lưu trong đoạn video dài ba phút có vẻ như đã dọa đuổi việc một nhân viên.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Kenya nói đoạn phim được quay hồi tháng Sáu.
Khi người nhân viên hỏi vì sao anh ta bị để ý thì ông Lưu nói bởi anh ta là người Kenya.
Thung lũng Silicon của TQ đe dọa nuốt Hong Kong
TQ chạy ‘hết công suất’ in tiền nước ngoài
Ông Mahathir sẽ bàn về ba dự án của TQ
Sau đó ông Lưu chửi bới, nói lý do khiến ông không ưa đất nước và con người nơi đây.
“Toàn bộ dân Kenya đều như khỉ, kể cả Uhuru Kenyatta,” ông Lưu nói.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Nairobi Trương Cường nói với hãng tin AFP rằng ông Lưu “đã bị công ty ông ấy trừng phạt về hành vi sai trái và đã xin lỗi đồng nghiệp người Kenya”.
“Câu chuyện cá nhân và cảm xúc cá nhân của người thanh niên này không đại diện cho quan điểm của đại đa số dân Trung Quốc,” ông nói.
Mạng xã hội Kenya hiện đang đăng tải tin này rộng rãi và có người tố cáo trên Twitter rằng công ty Sonlink ‘đã nhiều lần đối xử tệ với người làm công Kenya’ và sự việc được báo lên Bộ Lao động và Cục Di trú mà chưa thấy họ có hành động gì.
Trục xuất khi nào?
Hiện không rõ liệu cơ quan nhập cư có quyền trục xuất ai với lý do có chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay không.
Theo phóng viên BBC Anne Soy tại Nairobi, cơ quan nhập cư nói họ đang tiến hành thủ tục trục xuất, và điều đó có nghĩa là họ đang tìm lý do để buộc tội ông.
Việc phân biệt đối xử dựa trên màu da là vi phạm pháp luật, cô nói.
Đây là lần đầu tiên có chuyện có người bị trục xuất, nhưng trước đó đã từng có các cáo buộc về tình trạng phân biệt chủng tộc.
Hồi 2015, chủ một nhà hàng Trung Quốc tại Nairobi bị bắt sau khi công chúng giận dữ về việc nhà hàng cấm khách hàng người Phi đến vào buổi đêm.
Chủ nhà hàng đã bị buộc tội hoạt động mà không có giấy phép bán rượu và không đạt tiêu chuẩn về y tế công cộng, nhưng không bị cáo buộc về tội phân biệt chủng tộc, phóng viên BBC nói.
Hiện có khoảng 10 ngàn công dân Trung Quốc sống tại quốc gia Đông Phi này – là một phần trong mối liên kết đang ngày càng phát triển giữa hai quốc gia mà hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Kenya đem lại.
Trung Quốc đã đầu tư hàng triệu đô la vào Kenya trong những năm gần đây, trong đó có hoạt động trong dự án hỏa xa SGR nối thủ đô Nairobi với miền duyên hải.
Tổng thống Kenyatta hồi đầu tuần đã có mặt tại Bắc Kinh để tham dự hội nghị thượng đỉnh hợp tác Trung Quốc – châu Phi. Tại đây, ông nói: “Kenya đánh giá cao cam kết mà Trung Quốc trên thực tế đã thực hiện trong việc hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển của Kenya.”
Tin về vụ ông Lưu có thể bị trục xuất được đưa ra một ngày sau khi cảnh sát Nairobi bố ráp trụ sở chính tại châu Phi của hãng truyền hình Trung Quốc China Global Television Network (CGTN) nhằm xử lý người nhập cư bất hợp pháp.
Một số phóng viên đã bị bắt giữ trong một thời gian ngắn rồi được thả sau khi trình đầy đủ giấy tờ.
Đại sứ quán Trung Quốc nói sẽ bày tỏ quan ngại qua các kênh ngoại giao sau một số vụ công dân Trung Quốc có giấy tờ hợp pháp vẫn bị tạm giữ tại đồn cảnh sát, hãng tin AFP tường thuật.
Hồi tháng 2/2018, chương trình truyền hình đón Xuân của đài truyền hình trung ương Trung Quốc bị phê phán vì dùng diễn viên châu Phi đóng khỉ và diễn viên Trung Quốc bôi mặt nhọ làm người da đen.
Buổi chiếu tối thứ Năm, trước thềm Năm Mới theo Âm lịch kéo dài 4 tiếng trên kênh CCTV đã bị chỉ trích trên mạng xã hội ở Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45422404
‘ASEAN phân hoá nhưng còn hi vọng’
Mỹ HằngBBC, Bangkok
Buổi thảo luận nhân dịp ra mắt cuốn sách về ASEAN của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Indonedia vẽ nên bức tranh của một ASEAN đang bị phân hóa, nhưng còn hi vọng tiến bộ.
Trong đêm ra mắt cuốn sách mang tên “Does ASEAN matter?” của tác giả Marty Natalegawa tại Câu lạc bộ Nhà báo Quốc tế (FCCT) tại Bangkok, Thailand, khán phòng không còn chỗ trống.
Giới thiệu cuốn sách, ông Marty Natalegawa nói: “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từng bị chỉ trích và được ca ngợi, với các quan điểm khác biệt và các nguyên tắc đồng thuận. Lãnh đạo ASEAN cho tới nay đã chứng kiến những kết quả khác nhau trong nỗ lực cải tổ khuôn khổ hoạt động của tổ chức này.”
“Trong số các thách thức mà ASEAN đối mặt, phải kể đến sự bành trướng không ngừng của Trung Quốc, những bất ổn do chính quyền Trump mang lại, an ninh khu vực nhiều biến động.”
Trong bối cảnh đó, nguyên Bộ trưởng ngoại giao Indonesia hi vọng cuốn sách sẽ mang lại những câu trả lời cho câu hỏi về tương lai của ASEAN, đặc biệt là việc ASEAN có thể làm gì để đóng góp hiệu quả hơn cho hòa bình, an ninh, và thịnh vượng ở khu vực Đông Nam Á.
Nghị sĩ ASEAN đòi ICC ‘điều tra Myanmar’
Báo Singapore: Asean sắp thảo luận về COC
VN là đối tác thương mại lớn nhất của TQ ở ASEAN
‘Phân hoá’
Nói về sự phân hóa ‘rõ ràng’ hiện nay trong nội bộ ASEAN, ông Marty Natalegawa cho rằng đó chính là lời nhắc nhở “đừng coi sự đồng lòng, đoàn kết mà ASEAN từng có được là đương nhiên”.
“Mối quan ngại chính của tôi hiện nay không phải là sự phân hóa, mà là việc trong khi có một bề ngoài thống nhất, thì cũng có sự bất đồng trong hợp tác, đặc biệt là sự lưỡng lự giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong việc sử dụng các cơ chế mà chính họ tạo ra.”
“Bây giờ, nếu quý vị đọc các tuyên bố của ASEAN, quý vị sẽ nhận thấy nó không còn là một văn bản thể hiện quan điểm chung của các nước ASEAN.”
“Nó trở thành một bản tường thuật cuộc họp, nơi mà một số bộ trưởng bày tỏ lo ngại, số khác thì hoan nghênh.”
“Đây không phải là lần đầu tiên sự bi quan dấy lên. ‘Cáo phó’ cho ASEAN đã được viết nhiều lần trước đây. Nhiều người bày tỏ nghi ngờ về vai trò của nó trong quá khứ. Nhưng trong những năm qua chúng tôi đã rất kiên cường. Nhưng điều quan trọng là bản thân ASEAN phải nhận ra đây là thời điểm để suy nghĩ về tương lai. Chúng ta phải mở rộng các nỗ lực ngoại giao để khắc phục tình trạng này.”
Ông Bilahari Kaushikan, cựu thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore thì cho rằng cuốn sách của ông Marty “hay”, nhưng “quá lịch sự”.
Đặc biệt liên quan đến vấn đề phân hóa của ASEAN, ông Bilahari Kaushikan nhắc đến năm 2012, khi lần đầu tiên ASEAN không ra được bản thỏa thuận chung. Đó là thời điểm nước chủ nhà Campuchia không chấp nhận đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc ở biển Đông vào tuyên bố chung.
“Điều này khiến tôi nhìn ra vấn đề mấu chốt”, ông Bilahari Kaushikan nói, rằng cuốn sách của ông Marty nói đúng về niềm tin và ý nghĩa của một ‘cộng đồng’ trong khối ASEAN.”
“Tuy nhiên, tất cả những nghi ngờ, căng thẳng, xung đột và tranh chấp vẫn còn đó, ẩn dưới bề mặt, khiến vai trò của ASEAN dù cần thiết, nhưng sẽ rất khó để đạt được niềm tin và tính ‘cộng đồng’ mà nó mong muốn. Những điều này cần phải được giải quyết.”
Ông Bilahari Kaushikan cũng đề cập đến việc ASEAN từ năm thành viên trước đây, nay đã có 10 thành viên. Và để đạt được sự đồng thuận giữa 10 thành viên là điều vô cùng khó khăn, đặc biệt khi mỗi nước theo đuổi một mục đích riêng, một thể chế chính trị riêng.
Ông cũng cho rằng không thể có cách nào để xóa bỏ hoàn toàn căng thẳng ngay trong nội bộ ASEAN khi mà các nước thành viên có ngôn ngữ, văn hóa và chủng tộc khác nhau.
“Chúng ta cần có cơ chế để quản lý điều này,” ông nói.
Ngoài ra, thiếu sự hòa hợp giữa các nhà lãnh đạo của ASEAN cũng là một yếu tố dẫn tới sự phân rẽ trong nội bộ. “Nguyên nhân cơ bản là do các nước ASEAN không phải là nước dân chủ. Ví dụ, cả Thái Lan và Indonesia đều là các quốc gia độc tài quân sự. Hay Singapore là quốc gia độc đảng. Điều này khiến lãnh đạo các quốc gia thường giữ vị trí lâu năm và giữ các quan điểm cũ trong thời gian dài”, ông Bilahari Kaushikan nói.
Những ‘bước lùi’ trước Trung Quốc
Việc làm sao để giải quyết vấn đề Trung Quốc là mấu chốt của ASEAN, bởi vì Trung Quốc cũng quên mất nhiệm vụ trọng tâm của ASEAN là đoàn kết, tập trung – và những điều này không phải là bản chất tự nhiên của khối ASEAN, theo ông Bilahari Kaushikan,
Ông Bilahari Kaushikan cho rằng đã có những ‘bước lùi’ trong việc chống lại Trung Quốc, trong vấn đề Biển Đông. Chẳng hạn như việc Campuchia phản đối ký vào mọi điều khoản ràng buộc Trung Quốc vào các quy định quốc tế liên quan đến Biển Đông.
Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, ông Thitinan Pongsudhirak thì cho rằng hiện nay, các nước đang bị lôi kéo vào sự cai trị độc đoán của Trung Quốc. “Quốc gia này áp dụng chủ nghĩa tư bản thị trường trong khi duy trì độc đảng, và nó đang trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Hoa Kỳ.”
“Sự cạnh tranh quyền lực đang phân rẽ khu vực ASEAN. Chúng tôi đã thấy các phương pháp bảo hộ, sự rút lui của phe đối lập Campuchia… Đây là thời điểm mà ASEAN thực sự cần trở nên tốt nhất có thể, hoặc mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn,” ông Thitinan Pongsudhirak phát biểu.
Về sức mạnh của Trung Quốc và vai trò của ASEAN trong việc làm ‘đối trọng’ với siêu cường này, một câu hỏi gây chú ý đến từ nhà báo của Xinhua News Agency tại Bangkok:
“Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng, cùng các sáng kiến của ông Tập Cận Bình như Vành đai Con đường, có thể thấy sự mất cân bằng về sức mạnh trong vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, ASEAN có vẻ như khá yên lặng trước mọi vấn đề. Nước nào trong khối ASEAN sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc đối trọng với Trung Quốc?”
Ông Marty Natalegawa đáp lời: “Chúng ta cần phải hết sức tránh sa vào việc cố gắng để đối trọng với Trung Quốc. Đó có thể coi như là một nỗ lực vô nghĩa. Không phải chỉ có khối ASEAN, mà thậm chí ngay cả với Mỹ, chính trị và mọi chuyển động trong xã hội nước này cuối cùng đều sẽ bị ảnh hưởng bởi sức mạnh chưa từng thấy của Trung Quốc. Cho nên câu hỏi đặt ra không phải là đối trọng thế nào, mà làm sao để quản lý, để chung sống với tình trạng mất cân bằng này.”
‘Còn hi vọng’
Theo ông Marty Natalegawa, “trong 10 năm, ASEAN đã lớn mạnh đáng kể cả về năng lực và cấu trúc. Tuy nhiên, chúng hầu như không được sử dụng trừ khi có sự thúc đẩy đặc biệt. Ví dụ cuộc xung đột giữa Thái Lan và Campuchia năm 2011 tại khu vực biên giới. Với sự lãnh đạo cần thiết và lòng quyết tâm, chúng tôi đã có thể sử dụng các cơ chế của ASEAN để giải quyết vấn đề trong trường hợp đó.”
“Hoặc như vấn đề của Myanmar, trong những năm qua chúng ta đã chứng kiến vai trò của ASEAN trong quá trình dân chủ hóa của nước này. Nhưng vai trò này ngày càng vắng bóng khi vấn đề người Rohingya ở bang Rakhine bùng lên.”
“Giải pháp không phải là chôn vùi những kỳ vọng mà là tiếp tục làm việc cật lực hơn.”
Ông Marty Natalegaw nhấn mạnh rằng ông “thà có một ASEAN không hoàn hảo, nhưng một Đông Nam Á bình an, còn hơn là có một ASEAN hoàn hảo trong khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng, nhưng bù lại là một Đông Nam Á chia rẽ và xung đột.”
“Chia rẽ trong xu hướng chung của nội bộ ASEAN thì tốt hơn là những chia rẽ cơ bản ở bên ngoài ASEAN.”
“Thái Lan sẽ đảm nhiệm vai trò nước chủ nhà ASEAN trong năm 2019, và được kỳ vọng đóng vai trò lãnh đạo để định hình lại sự phát triển của ASEAN không chỉ qua một năm ở cương vị này,” nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45394330
Động đất mạnh trên đảo Hokkaido của Nhật,
ít nhất 7 người chết
Một trận động đất mạnh làm tê liệt đảo Hokkaido phía bắc Nhật Bản vào ngày 6/9, giết chết ít nhất 7 người, làm lở đất và khiến 5,3 triệu cư dân trên đảo bị mất điện.
Theo tường thuật của Reuters, số người chết trong trận động đất 6,7 độ richter xảy ra lúc bình minh có thể sẽ tăng lên khi nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm trong những ngôi nhà bị đất lở chôn vùi.
Đài truyền hình NHK của Nhật cho biết có khoảng 33 người mất tích và 300 người bị thương. Có 4 người được chính thức xác nhận đã bị ngừng tim.
Trận động đất là thảm họa mới nhất trong một loạt thảm họa đã giáng xuống Nhật Bản sau các cơn bão, lũ lụt và trời nóng bức trong vòng hai tháng qua.
Thủ tướng Shinzo Abe nói sẽ phái 25.000 binh sĩ của lực lượng phòng vệ đến làm công tác cứu hộ.
Đảo Hokkaido là một địa điểm du lịch nổi tiếng với núi non, hồ và hải sản. Hòn đảo đã bị mất điện khi công ty điện lực Hokkaido phải ngưng hoạt động tất cả các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sau trận động đất để phòng ngừa.
Đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện này kể từ khi công ty thành lập vào năm 1951.
Gần 12 giờ sau, điện đã được mở lại ở các khu vực Sapporo, thủ phủ của Hokkaido, và ở Asahikawa, thành phố lớn thứ hai của hòn đảo.
Chính phủ Nhật cho biết nhà máy điện Tomato-Atsuma của công ty điện lực Hokkaido, nơi cung cấp điện cho một nửa trong số 2,95 triệu hộ dân trên đảo, cũng bị thiệt hại.
Có thể sẽ phải mất đến một tuần để khôi phục điện trở lại cho tất cả các cư dân, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp Hiroshige Seko cho biết.
Tất cả các chuyến tàu trên khắp hòn đảo cũng đều bị đình chỉ.
Sân bay chính của Hokkaido cũng bị đóng cửa, ít nhất là trong ngày.
Hãng tin Kyodo cho biết hơn 200 chuyến bay và 40.000 hành khách bị ảnh hưởng trong ngày thứ Năm.
Vào thứ Sáu, Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Abe sẽ bắt đầu một cuộc thi về lãnh đạo nhưng cho biết sẽ không có chiến dịch vận động nào cho đến ngày Chủ nhật. Cả ông Abe lẫn đối thủ Shigeru Ishiba đều hủy bỏ các chiến dịch vận động bầu cử trên truyền thông dự kiến sẽ diễn ra hôm thứ Sáu.
Bắc Kinh viết lại lịch sử
để đánh bóng « Bác Tập kính yêu »
Cách đây mười năm, Đặng Tiểu Bình là khuôn mặt nổi bật trong cuộc triển lãm của Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh, tập trung cho việc kỷ niệm 30 năm cải cách kinh tế Trung Quốc năm 1978.
Nhà lãnh đạo quá cố được coi là cha đẻ của bước ngoặt chiến lược này, giúp Trung Quốc đạt được nhiều thập niên tăng trưởng chóng mặt và trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Nhưng mùa hè này, tại cùng địa điểm trong dịp kỷ niệm 40 năm, Đặng Tiểu Bình đã bị đánh sụt xuống hàng thứ nhì, trong cuộc triển lãm kéo dài 12 ngày.
Những bức tranh lớn nhất được dành cho đương kim chủ tịch Tập Cận Bình và…cha của ông ta là Tập Trọng Huân, một cán bộ cộng sản lão thành từng là nạn nhân bị Mao Trạch Đông thanh trừng và được phục hồi sau khi chết. Trên bức tranh có kích thước « hoành tráng » nhất, « Tập gia gia » được một đám đông nhiệt tình bao quanh ; còn ở tít đằng xa, chỉ loáng thoáng nhận ra một bức tượng mờ mờ của ông Đặng. Tất cả mang tính biểu tượng rất lớn.
Một tác phẩm khác vẽ ông Tập (cha) đang hướng dẫn trên bản đồ cho một Đặng Tiểu Bình ngoan ngoãn chăm chú ngồi nghe, nơi nào cần tiến hành cải cách. Wall Street Journal ghi nhận, việc viết lại lịch sử này tại một viện bảo tàng ở Thâm Quyến (Shenzhen) nhằm giảm thiểu vai trò của cựu lãnh đạo và làm tăng giá trị của hai cha con ông Tập Cận Bình.
Thông điệp không thể rõ ràng hơn. Julian Gewirtz, nhà nghiên cứu ở trường đại học Havard giải thích, việc mừng giai đoạn khởi đầu tự do hóa nền kinh tế « được tổ chức để phục vụ cho lợi ích của Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay. Tất cả những diễn dịch khác đều bị bác hoặc bị cấm đoán ».
Ông chủ Bắc Kinh, vốn khẳng định Trung Quốc đang bước vào « một kỷ nguyên mới », hứa hẹn một tương lai huy hoàng cho đất nước nhằm củng cố quyền lực của mình. Tuyên truyền của nhà nước đã « tạo ra một huyền thoại » xung quanh những đóng góp của ông Tập trong việc chuyển đổi Trung Quốc.
Báo chí ca ngợi những thành tựu của Tập Cận Bình ở tỉnh Phúc Kiến (Fujian), nơi ông lãnh đạo từ năm 1985 đến 2002. « Kinh nghiệm Tấn Giang (Jinjiang) », tên một thành phố tại đây được đẩy lên hàng luận thuyết để nghiên cứu và thực hiện, trong khi hồi mới được đưa ra năm 2002 không hề được chú ý. Chủ thuyết này « ngày nay vẫn đóng tiếp vai trò chỉ đạo » – Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), một trong bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị đã nhấn mạnh như thế trong một lần đi kinh lý địa phương.
Đối với Tập Cận Bình, nhân vật Đặng Tiểu Bình mà đảng đã đưa lên thành biểu tượng, đã trở nên vô dụng, thậm chí phiền hà. Nhân vật số một Trung Quốc rời xa một phần lớn di sản của Đặng, vốn muốn tránh cho đất nước phải chịu đựng một Mao Trạch Đông mới, khi thiết lập nguyên tắc lãnh đạo tập thể và thường xuyên thay đổi người đứng đầu chế độ. Đặng Tiểu Bình cũng đề cao thái độ « giấu mình chờ thời » trong đối ngoại. Tất cả những nguyên tắc này đã bị Tập Cận Bình xóa bỏ, khi đạt được việc làm chủ tịch trọn đời.
Để tăng cường tính chính danh của đảng Cộng sản, « Bác Tập » không bỏ lỡ một dịp nào để khơi dậy truyền thuyết cách mạng, theo bước Mao Trạch Đông. Nhưng ở đây quá khứ lại bị sáng tác thêm lần nữa. Chuyên gia về Trung Quốc ở trường đại học Báp-tít Hồng Kông, Jean-Pierre Cabestan cho biết : « Trong các sách giáo khoa lịch sử, tất cả những gì nói về bạo lực, tàn phá hay sai lầm của cuộc Cách mạng văn hóa đều bị xóa ». Tại Trung Quốc, lịch sử không phải là một khoa học chính xác…
Ấn Độ – Hoa Kỳ :
Họp bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng
Ngày 06/09/2018, hai phái viên hàng đầu của tổng thống Mỹ Donald Trump, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis và Ngoại Giao Mike Pompeo họp với hai đồng nhiệm Ấn Độ tại New Dehli nhằm tăng cường quan hệ đối tác và tìm cách giải quyết những vấn đề gay góc, đặc biệt là việc Ấn Độ mua vũ khí của Nga.
Vào năm 2016, Mỹ đã xem Ấn Độ là “đối tác quốc phòng quan trọng”, giúp cho hai nước buôn bán vũ khí dễ dàng hơn. Thế nhưng, New Dehli lại đang thương lượng một hợp đồng với Nga để mua các hệ thống vũ khí mới, trong đó có cả hệ thống tên lửa địa đối không S-400.
Theo hãng tin AFP, rất có thể là ông Mattis và ông Pompeo sẽ đề cập đến vấn đề này với các đồng nhiệm Ấn Độ, đồng thời yêu cầu New Delhi đừng quan hệ quá chặt chẽ với Matxcơva. Theo luật hiện hành của Mỹ, các quốc gia thứ ba có thể bị Hoa Kỳ trừng phạt nếu họ buôn bán với các công ty Nga trong lĩnh vực quốc phòng.
Một bất đồng khác giữa hai nước là vấn đề dầu hỏa của Iran. Tháng 05/2018, tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran và yêu cầu các nước khác, trong đó có Ấn Độ, phải ngừng mua dầu của Iran nếu không muốn bị Mỹ trừng phạt. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu hỏa nhập từ Iran.
Bên cạnh đó còn có vấn đề thặng dư thương mại của Ấn Độ đối với Hoa Kỳ, hiện lên tới 25 tỷ đô la. Chính quyền Trump đang thúc ép Ấn Độ mua thêm hàng của Mỹ để giảm bớt mức thặng dư này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180906-an-do-hoa-ky-hop-cac-bo-truong-ngoai-giao-va-quoc-phong