Tin khắp nơi – 06/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 06/09/2017

Mỹ không rút khỏi hiệp ước hạt nhân dù Iran không tuân thủ

Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley hôm thứ Ba 5/9 nói rằng nếu Tổng thống Donald Trump quyết định không chứng nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 vào tháng tới thì điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp ước này. Phóng viên VOA tại LHQ Margaret Besheer có thêm chi tiết sau đây:

Thỏa thuận này được ký kết vào năm 2015 giữa Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Iran nhằm đảm bảo rằng Tehran không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đổi lại, cộng đồng quốc tế bãi bỏ trừng phạt tài chính đã áp dụng nhiều năm đối với Iran, và trả lại cho Tehran các tài sản bị phong tỏa trị giá hàng tỷ đôla.

Trong một thỏa thuận với Quốc hội Hoa Kỳ, cứ mỗi 90 ngày, tổng thống Mỹ sẽ chứng nhận Iran có tuân thủ hiệp ước hạt nhân hay không. Lần chứng nhận tiếp theo sẽ là vào tháng 10, nhưng Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng Tehran lần này sẽ không được chứng nhận.

Tổng thống Trump nói:

“… Tôi không nghĩ rằng Iran tuân thủ thỏa thuận. Chúng tôi đã gởi một báo cáo rất cứng rắn cho Quốc hội. Cá nhân tôi không nghĩ rằng Iran tuân thủ hiệp ước. Nhưng chúng tôi có thời gian. Chúng tôi không chứng nhận rất nhiều chỗ Iran chưa tuân thủ, và nhiều tình huống vi phạm tiềm ẩn. Tôi không nghĩ rằng họ tôn trọng tinh thần của thỏa thuận hạt nhân … “

Phát biểu tại một hội nghị tổ chức tại một viện nghiên cứu theo chủ trương bảo thủ ở Washington hôm thứ Ba 5/9, Đại sứ Nikki Haley nói bà không biết tổng thống sẽ quyết định như thế nào, dường như để giảm nhẹ lo ngại quốc tế rằng Hoa Kỳ có thể rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran, thường được gọi là JCPOA.

Đại sứ Mỹ Haley nói: “Điều này rất quan trọng, và gần như hoàn toàn bị bỏ sót. Nếu tổng thống quyết định không chứng nhận Iran tuân thủ hiệp ước hạt nhân, điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ đang rút khỏi JCPOA.”

Nếu Tổng thống Trump xác nhận Iran không tuân thủ, Quốc hội Hoa Kỳ sẽ có 60 ngày để xem xét liệu có nên áp dụng lại các biện pháp trừng phạt hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/my-khong-rut-khoi-hiep-uoc-hat-nhan-du-iran-khong-tuan-thu/4017478.html

 

Putin: Bắc Hàn ‘thà ăn cỏ còn hơn từ bỏ hạt nhân’

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt khắt khe lên Bắc Hàn là “vô ích”, và “họ thà ăn cỏ còn hơn là từ bỏ chương trình hạt nhân của họ”.

Mỹ tuyên bố hôm 4/9 rằng họ sẽ đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một nghị quyết về các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Hàn hôm 3/9.

Ông Putin cũng nói thêm rằng “cơn cuồng loạn quân sự” có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu.

Bia rượu và ẩm thực của người Bắc Triều Tiên

Ông nói phương án ngoại giao là câu trả lời duy nhất.

Trung Quốc, đồng minh chính của Bắc Hàn, cũng kêu gọi quay lại đàm phán.

Bắc Hàn đang ‘cầu xin chiến tranh’

Bắc Hàn: Vụ thử hạt nhân sẽ dẫn tới chiến tranh?

Trong khi đó, Đại sứ Bắc Hàn tại LHQ ở Geneva, Han Tae-song, cho biết “các biện pháp tự vệ” gần đây của nước ông là một “gói quà gửi tặng đến Hoa Kỳ”.

“Hoa Kỳ sẽ nhận được nhiều gói quà từ đất nước của tôi nếu tiếp tục khiêu khích liều lĩnh và có những nỗ lực vô ích để gây sức ép lên CHDCND Triều Tiên,” hãng tin Reuters dẫn lời ông Han.

Nhà lãnh đạo Nga đã phát biểu tại cuộc họp của nhóm Brics (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại Hạ Môn, Trung Quốc.

Mặc dù ông lên án cuộc thử nghiệm của Bắc Hàn là “khiêu khích”, ông Putin nói: “Các lệnh trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ vô dụng và không hiệu quả.

“Họ thà ăn cỏ còn hơn là bỏ mặc chương trình vũ khí hạt nhân của họ trừ khi họ cảm thấy an toàn. Và điều gì có thể thiết lập an ninh? Sự phục hồi của luật pháp quốc tế. Chúng ta nên thúc đẩy đối thoại giữa tất cả các bên liên quan.”

Đề cập đến khía cạnh nhân đạo, ông Putin nói rằng hàng triệu người sẽ phải gánh chịu các lệnh trừng phạt này.

Hôm 4/9, tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Đại sứ Mỹ Nikki Haley lập luận rằng chỉ những biện pháp chế tài mạnh nhất mới có thể giải quyết khủng hoảng này bằng ngoại giao.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ lập trường này hôm 5/9, nói rằng các biện pháp trừng phạt là rất khẩn cấp để chống lại “sự vi phạm một cách rõ rệt các công ước quốc tế” của Bắc Hàn.

Đại sứ Han Tae-song của Bắc Hàn nói rằng các lệnh trừng phạt sẽ không bao giờ có hiệu quả và đất nước của ông sẽ “không bao giờ trong bất kỳ trường hợp nào đặt chương trình hạt nhân của mình lên bàn đàm phán”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41170615

 

Lãnh đạo thế giới đau đầu

tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên

Các nhà lãnh đạo thế giới đang cố gắng tìm giải pháp để tránh một cuộc chiến tranh khốc liệt trên Bán đảo Triều Tiên, nơi mà chế độ Kim Jong Un đã khiến dư luận quốc tế phẫn nộ về vụ thử hạt nhân mới nhất. Trong khi đó, tin nói Bình Nhưỡng lại tiếp tục đe dọa Washington. Phóng viên Bill Gallo của đài VOA có bài tường trình chi tiết sau đây.

Chỉ vài ngày sau cuộc thử hạt nhân mới nhất, Triều Tiên lại đưa ra một mối đe dọa khác. Đại sứ Triều Tiên tại LHQ nói rằng Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc thử nghiệm mới.

Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Han Tae Song nói:

“Hoa Kỳ sẽ nhận được nhiều gói quà từ đất nước của chúng tôi nếu Hoa Kỳ còn khiêu khích, thiếu thận trọng và còn những nỗ lực vô ích gây áp lực lên Triều Tiên.”

Mỹ và các đồng minh đã giục Hội đồng Bảo an LHQ thắt chặt các biện pháp chế tài đối với Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6.

Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley cảnh báo áp lực kinh tế là lựa chọn hiệu quả nhất.

Bà Haley nói: “Chúng ta có nghĩ liệu thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sẽ có tác dụng? Không nhất thiết như vậy. Nhưng chế tài để làm gì? Các biện pháp chế tài cắt nguồn thu nhập tài chánh mà Bình Nhưỡng dùng để phát triển tên lửa đạn đạo.”

Không phải mọi người đều đồng ý, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin nói rằng trừng phạt nhiều hơn cũng “vô dụng.” Trung Quốc cũng tỏ ra hoài nghi, thay vào đó cảnh báo cả hai bên tránh leo thang căng thẳng.

Nhưng ông Donald Trump không lùi bước.

… ông viết trên Twitter rằng ông sẽ cho phép Nhật Bản và Hàn Quốc mua thêm thiết bị quân sự.

Nhưng mọi việc có thể không dễ dàng như vậy … theo nhận định của ông James Schoff thuộc Viện Carnegie Endowment for International Peace.

“Điều này không đơn thuần là tổng thống cho bán vũ khí, mà nó còn phụ thuộc vào việc Nhật Bản và Hàn Quốc có ngân sách để mua các hệ thống vũ khí đó hay không, liệu họ có cần những vũ khí đó hay không, họ đặt nhu cầu đó ở mức ưu tiên nào. Ngoài ra còn cần Quốc hội Mỹ bãi miễn nhiều trường hợp cấm chuyển giao những công nghệ đặc biệt.”

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng cảnh báo rằng Mỹ có áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các nước đang giao thương với Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-the-gioi-dau-dau-tim-giai-phap-ngoai-giao-cho-van-de-trieu-tien/4017232.html

 

Nga cho rằng cấm vận và áp lực

không đủ để giải quyết căng thẳng tại Bán Đảo Triều Tiên

Hôm nay, Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã tiếp Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in, bên lề hội nghị phát triển kinh tế do Nga tổ chức tại thành phố Vladivostok.

Sau cuộc thảo luận, Tổng Thống Putin nói với báo chí rằng chính phủ Nga lên án việc Bắc Hàn nổ thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa, nhưng ông Putin cũng cho rằng cấm vận và áp lực không đủ để giải quyết căng thẳng đang xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, ý muốn nói vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng đàm phán, thương thuyết.

Tin tức chúng tôi ghi nhận được cho hay Nga và Trung Quốc cùng ủng hộ giải pháp Hoa Kỳ và Nam Hàn ngưng ngay các cuộc tập trận hỗn hợp, đánh đổi lấy việc Bình Nhưỡng phải đình chỉ mọi hoạt động liên quan tới hạt nhân. Ý kiến này được đưa ra từ nhiều tháng trước, nhưng không được Washington và Seoul tán thành.

Trở lại với cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nam Hàn và Nga, tin xuất phát từ các nhà ngoại giao Nam Hàn cho hay trong cuộc thảo luận, Tổng Thống Moon Jae-in yêu cầu Nga ngưng bán dầu cho Bắc Hàn.

Câu trả lời của ông Putin là Nga sẽ không làm điều này, lấy lý do sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân Bắc Hàn.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/putin-says-sanctions-pressure-alone-wont-resolve-nkorea-crisis-09062017114849.html

 

Triều Tiên dọa ‘tặng thêm quà’ cho Mỹ

Một nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên ngày 5/9 cảnh cáo Bình Nhưỡng sẵn sàng ‘tặng thêm quà’ cho Mỹ trong lúc các cường quốc đang tìm cách đối phó với vụ thử võ khí hạt nhân mới nhất của quốc gia cộng sản này.

Ông Han Tae Song, đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc xác nhận rằng Bình Nhưỡng đã tiến hành thành công vụ thử bom hạt nhân lớn nhất, lần thứ sáu, hôm chủ nhật vừa qua.

“Các biện pháp tự vệ gần đây của đất nước tôi, CHDCND Triều Tiên, là một gói quà không tặng ai ngoài Mỹ,” đại sứ Triều Tiên phát biểu tại một hội nghị giải trừ võ khí.

“Mỹ sẽ nhận thêm ‘nhiều gói quà nữa’ từ đất nước tôi chừng nào mà Mỹ vẫn còn dựa vào các hành động khiêu khích liều lĩnh và các âm mưu vô ích để áp lực Triều Tiên,” ông Han nói tiếp.

Đầu tuần này, đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, thúc giục 15 thành viên trong Hội đồng Bảo áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh nhất có thể để chống lại nhà lãnh đạo Triều Tiên và ngăn chặn các đối tác thương mại với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Nga nói nỗ lực của Mỹ muốn biểu quyết tại Hội đồng Bảo an vào đầu tuần tới về các biện pháp chế tài mới là ‘chưa chín muồi.’ Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và có quyền phủ quyết.

“Tôi không nghĩ chúng ta có thể vội vã như thế,” đại sứ Nga Nebenzia nói.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, ngày 5/9 tuyên bố ban hành thêm chế tài Bình Nhưỡng sẽ chẳng đi về đâu.

Đại sứ Mỹ Haley cùng ngày thừa nhận rằng trừng phạt thêm Triều Tiên có phần chắc cũng chẳng thay đổi được cách hành xử của họ, nhưng có thể cắt đứt ngân quỹ cho các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng.

https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-doa-tang-them-qua-cho-my-/4016517.html

 

Quân đội Trung Quốc tập trận

đề phòng ‘tấn công bất ngờ’ gần Bán Đảo Triều Tiên

Truyền thông Trung Quốc đưa tin không quân nước này đang thực hiện một cuộc tập trận gần Bán Đảo Triều Tiên, với mục đích đo lường khả năng phòng chống những cuộc tấn công có thể bất ngờ xảy ra.

Cuộc tập trận khai diễn từ hôm qua, thứ Ba mùng 5 tháng Chín 2017, có cả sự tham dự của một đơn vị phòng không, phối hợp cùng với các đơn vị bộ binh.

Trích dẫn những nguồn tin khác nhau, truyền thông Trung Quốc cho hay trong cuộc tập trận này, các đơn vị tham gia đã sử dụng một số võ khí chưa từng được sử dụng để bắn hạ mục tiêu bay thấp trên mặt biển, nhưng không nói rõ đó là những loại võ khí nào.

Cuộc tập trận diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Hàn cho nổ thử nghiệm võ khí nhiệt hạch. Các viên chức quốc phòng Nhật Bản và Nam Hàn nói rằng đây là vụ nổ thử nghiệm lớn nhất, tạo sức chấn động mạnh nhất, tương đương với một trái bom có sức mạnh khoảng 100 kiloton, tức gấp 5 lần sức mạnh của trái bom hạt nhân mà Hoa Kỳ đã thả xuống Nagasaki, Nhật Bản, hồi tháng Tám năm 1945.

Ngoài ra, cũng có tin nói rằng Bình Nhưỡng dường như đang di chuyển tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Tây, để sửa soạn cho vụ phóng kế tiếp sẽ diễn ra vào ngày Quốc Khánh mùng 9 tháng Chín, hoặc ngày thành lập Đảng Lao Động mùng 10 tháng Mười.

Hôm qua khi lên tiếng trước một cuộc hội thảo về cắt giảm binh bị do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Geneve, Thụy Sĩ, Đại Sứ Bắc Hàn Han Tae Song xác nhận chính phủ nước ông thành công trong vụ nổ thử nghiệm, gọi đó là món quà mà Bình Nhưỡng gửi riêng cho một mình nước Mỹ.

Đại Sứ Han Tae Song cũng nói rằng ngày nào Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chính sách gây hấn, cô lập Bắc Hàn, ngày đó Bình Nhưỡng còn tiếp tục chương trình võ khí hạt nhân và tên lửa lửa đạn đạo, nói thêm áp lực chính trị, ngoại giao lẫn cấm vận kinh tế không thể lay chuyển được quyết tâm phải có võ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh lãnh thổ.

Trong khi đó tin từ Washington cho hay Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ chấp thuận bán thêm những loại võ khí tối tân cho hai đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản, giúp Seoul và Tokyo tăng cường khả năng quốc phòng trước nguy cơ có thể bị Bắc Hàn tấn công bằng quân sự.

Trong tin nhắn gửi qua trang mạng Twitter hồi sáng thứ Ba mùng 5 tháng Chín 2017, Tổng Thống Trump không cho biết Nhật và Nam Hàn sẽ được mua những loại võ khí nào, nhưng trước đó, Nhà Trắng có nói là Tổng Thống Hoa Kỳ sẵn sàng chấp thuận cho Nam Hàn được mua số khí cụ trị giá tới nhiều tỷ dollars, kể cả những đầu đạn hỏa tiễn công sức mạnh hơn loại đã bán cho Seoul trước đây.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/chinas-military-practices-over-sea-near-korea-09062017114056.html

 

Hun Sen: “Tôi sẽ cầm quyền thêm 10 năm”

Thủ tướng Campuchia hôm thứ Tư tuyên bố ông sẽ tại nhiệm thêm một thập niên nữa, AFP đưa tin.

Tuyên bố của ông Hun Sen được đưa ra sau vụ bắt giữ đầy kịch tính nhân vật đối lập hàng đầu của nước này, người bị cáo buộc phản quốc.

Ông cũng nói “các người đừng ghen tỵ nhé” khi tuyên bố ông sẽ cầm quyền thêm 10 năm.

Campuchia dự kiến sẽ có bầu cử Quốc hội vào tháng 7/2018.

Ông Hun Sen đã nắm quyền đến nay được 32 năm, và là một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới.

Campuchia: Lãnh đạo đối lập Kem Sokha bị bắt

Campuchia: Giới chỉ trích phải đóng thuế hoặc rời đi

Quê nhà Chủ tịch Quốc hội Campuchia ở VN?

Tuy nhiên, ông sẽ phải đối diện với một phép thử quan trọng trong kỳ tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào năm 2018, với phe đối lập chính đang ngày càng chiếm được nhiều sự ủng hộ trong lúc dân chúng ngày càng tức giận về nạn tham nhũng, bất bình đẳng và vi phạm nhân quyền.

Những người phản đối ông Hun Sen cùng các tổ chức NGO và báo chí đối lập đang ngày càng bị bịt miệng bằng các phiên xử tại tòa và bằng những lời đe dọa được đưa ra trong mấy tháng qua, trong lúc ông Hun Sen nói sẽ xảy ra bạo lực nếu ông mất quyền.

Hôm thứ Ba 5/9, lãnh đạo đối lập nổi tiếng nhất, ông Kem Sokha bị cáo buộc tội phản quốc, bị cho là có âm mưu cấu kết với những đối tượng nước ngoài không được nêu danh nhằm lật đổ chính quyền.

Có tin nói nhà lãnh đạo của Đảng Cứu nguy Campuchia hiện đã được đưa tới giam giữ tại một nhà tù ở ngay sát biên giới với Việt Nam.

Hôm thứ Tư, người ta thấy lực lượng an ninh hiện diện đông đảo phía trước cổng Trung tâm Trừng phạt số 3, tỉnh Tbong Khmum, và các phóng viên ảnh được yêu cầu không chụp hình nhà tù, theo Reuter.

Ông Hun Sen cáo buộc Hoa Kỳ đứng đằng sau âm mưu lật đổ, và nói ông không có ‎y định rời khỏi hoạt động chính trị trong thời gian tới.

“Sau khi chứng kiến sự kiện phản bội đầy đau đớn mà những người Campuchia thực hiện, những người đã bị bắt giữ, và sẽ có thêm những kẻ khác nữa bị bắt, tôi quyết định sẽ tiếp tục công việc của mình thêm ít nhất 10 năm nữa,” ông Hun Sen phát biểu trước hơn 10 ngàn công nhân may mặc tại Phnom Penh.

Phê phán Hoa Kỳ

Nhà lãnh đạo Campuchia mạnh mẽ chỉ trích Hoa Kỳ, cáo buộc nước này đang tìm cách xúi giục “các cuộc cách mạng màu” để chấm dứt việc cầm quyền của ông.

Washington có mối quan hệ khá là phức tạp với Campuchia.

Sam Rainsy muốn Hun Sen ‘thoát hiểm an toàn’ – BBC Tiếng Việt

Vì sao tờ Cambodia Daily phải đóng cửa?

Quân đội Mỹ từng ném bom nước này không tuyên bố trong thời Chiến tranh Việt Nam, nhưng sau trở thành một trong các nước cấp viện lớn nhất cho Phnom Penh, giúp tái thiết trong thời hậu Khmer Đỏ.

Đảng Cứu nguy Campuchia của ông Kem Sokha được cho là sẽ giành được sự ủng hộ mạnh mẽ trong kỳ tổng tuyển cử 2018 nhờ vào lá phiếu của các cử tri trẻ, những người cảm thấy mệt mỏi với sự cai trị của ông Hun Sen, AFP bình luận.

Tuy nhiên, nhà đương kim lãnh đạo đất nước vẫn nhận được sự ủng hộ to lớn thông qua đảng của ông.

Tại Campuchia, trong suốt 30 năm qua, người ta dường như không biết đến lãnh đạo nào khác ngoài ông.

Những người ủng hộ ông thì nói Hun Sen đã đem lại sự ổn định và sự phát triển kinh tế cho đất nước nghèo tới cùng cực, vốn bị cuộc nội chiến tàn phá, và bị nạn diệt chủng thời Khmer Đỏ làm mất đi một phần tư dân số.

Sẽ còn cầm quyền rất lâu

Ông Hun Sen là một trong những thủ tướng nắm quyền lâu nhất châu Á và thế giới.

Từng giữ các chức vụ quyền lực cao từ 1985, đến năm 1997, ông giành trọn quyền từ đồng thủ tướng Hoàng thân Ranarith.

Năm 2013 ông lại được Quốc hội bổ nhiệm thêm 5 năm.

Sinh năm 1952, ông vào Đảng Cộng sản hồi cuối thập niên 1960.

Từng là thành viên Khmer Đỏ, ông bác bỏ tin nói ông là một chỉ huy trong quân Khmer Đỏ và nói ông chỉ là lính trơn.

Khi chế độ Pol Pot bắt đầu bị Việt Nam tất công, ông Hun Sen gia nhập lực lượng chống lại Khmer Đỏ do Hà Nội yểm trợ và đóng trên lãnh thổ Việt Nam.

Từng rất gần gũi với các lãnh đạo Việt Nam ông Hun Sen gần đây nghiêng về Trung Quốc, nước viện trợ ngày càng nhiều cho Campuchia, cả về kinh tế và quân sự.

Ông Hun Sen từng nói ông sẽ cầm quyền cho đến khi ngoài 70 tuổi nhưng nay, lần đầu tiên ông xác nhận sẽ “nắm quyền thêm một thập niên”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41178661

 

Quân đội Arkan chống chính phủ Myanmar là gì?

Hiện đang có các cuộc vận động ở châu Á và trên thế giới phê phán chính quyền Myanmar vì cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine.

Ngay tại một nước Asean là Indonesia, các nhóm biểu tình liên tiếp tới trước Đại sứ quán Myanmar ở Jakarta lên án bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi trừng phạt Myanmar.

Tuy nhiên, chính quyền Myanmar nói vụ việc “chỉ là một phần của tảng băng chìm” về “nhiễu loạn thông tin” và đổ cho các nhóm vũ trang của người Rohingya gây ra bạo động.

Vậy nhóm vũ trang của người Rohingya là gì?

Lực lượng mang tên Quân đội Cứu thế Arakan Rohingya (Arsa) hoạt động trong bang Rakhine ở vùng Bắc Myanmar, nơi người Rohingya, đa số theo Hồi giáo, đang bị trấn áp.

Chính quyền Myanmar không công nhận quyền công dân của họ và coi họ chỉ là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh.

Aung San Suu Kyi: Anh hùng nhân quyền nay bị chỉ trích

Cảnh sát Bangladesh cho người tỵ nạn qua biên giới

Đôi lúc xung đột giữa các nhóm sắc tộc đã bùng lên nhưng từ năm 2016, một nhóm nổi dậy vũ trang người Rohinya hình thành và lớn mạnh.

Trước đó, tổ chức viết tắt là Arsa này từng có tên khác, như Harakah al-Yaqin, và họ đã giết 20 nhân viên cảnh sát và an ninh Myanmar.

Hôm 25/08, Arsa tấn công một số đồn công an tại Rakhine, giết 12 người trong vụ việc nghiêm trọng nhất cho tới thời điểm đó.

Vụ này cũng ngay lập tức khiến an ninh Myanmar tăng cường trấn áp bằng các biện pháp chống nổi dậy.

Chính quyền Myanmar gọi Arsa là tổ chức khủng bố, và nói các nhân vật lãnh đạo của nhóm này được huấn luyện ở nước ngoài.

Vì sao người Rohingya tràn qua biên giới Bangladesh?

Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (The International Crisis Group – ICG) cũng xác nhận nhóm vũ trang này có được huấn luyện ở bên ngoài và công bố một phúc trình năm 2016 nói nhóm này được lãnh đạo bởi người Rohingya sống ở Ả Rập Saudi.

ICG cũng nói lãnh đạo của Arsa là Ata Ullah, sinh ở Pakistan và trưởng thành tại Ả Rập Saudi.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41174579

 

Trump đóng chương trình bảo hộ nhập cư Daca

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa có một động thái gây tranh cãi sau khi ra quyết định đóng Daca, một chương trình bảo hộ dân nhập cư trái phép khi còn nhỏ.

Chương trình Quyết Định Hoãn dành cho Trẻ em vào Mỹ (Daca) đã bị huỷ bỏ hôm 5/9, trong một động thái có thể ảnh hưởng đến khoảng 800.000 người.

Theo Viện Chính sách Nhập cư ở Washington, DC, năm 2016, có khoảng 11,000 người Việt có đủ điều kiện đăng ký vào chương trình Daca. Tuy nhiên không có số liệu tỷ lệ người Việt nộp đơn vào chương trình này.

Vì trên tổng thể, số lượng người Việt đủ điều kiện cho Daca chỉ chiếm khoảng 1%. Hiện vẫn không rõ có bao nhiêu người Việt tại Mỹ thực sự bị ảnh hưởng.

Những đương đơn bảo hộ dưới Daca hay còn gọi là “Dreamers”, chủ yếu là người Mỹ Latinh, đã có thể xin giấy phép làm việc và học tập theo chính sách Daca mà Cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra cách đây 5 năm.

Ông Obama đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Trump và nói quyết định này “tàn nhẫn” và “sai lầm”.

Từ tháng 6/2012, Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ thông báo những cá nhân nhất định đã nhập cư Hoa Kỳ khi còn bé và đáp ứng một số tiêu chuẩn có thể làm đơn xin vào chương trình Daca.

Hầu hết những người nộp đơn đăng ký Daca phải là những người đến Hoa Kỳ trước 16 tuổi, đã nhập cư vào Hoa Kỳ một cách không hợp pháp, dưới 31 tuổi vào ngày 15/6/2012, và cư trú tại Hoa Kỳ liên tục từ ngày 15/6 đến hiện tại, cùng một số điều kiện khác.

Sau quyết định ngừng chương trình Daca của tổng thống Trump, các đương đơn mới sẽ không được tiếp nhận kể từ 5/9/2017, Bộ trưởng An ninh Nội địa, bà Elaine Duke, cho biết.

Những người hiện tại có giấy phép làm việc từ Daca sẽ có thể giữ giấy phép cho đến khi hết hạn trong khi những người có giấy phép hết hạn trong vòng chưa đầy sáu tháng có thể gia hạn trước ngày 1/10 để gia hạn cho hai năm tới.

Trên Twitter, Tổng thống Donald Trump viết, “Quốc hội hiện nay có 6 tháng để hợp pháp hóa Daca. Nếu họ không thể, tôi sẽ xem xét lại vấn đề này!”

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41170618

 

Obama: Xóa sổ DACA là ‘tàn nhẫn’

Cựu Tổng thống Barack Obama ngày 5/9 tuyên bố quyết định của chính quyền đương kim Tổng thống Donald Trump xóa sổ một chương trình dưới thời Obama nhằm bảo vệ các di dân bất hợp pháp tới Mỹ từ khi còn nhỏ khỏi bị trục xuất là ‘tàn nhẫn’ và ‘sai trái.’

“Nói đúng ra luật pháp không yêu cầu có hành động như ngày hôm nay,” ông Obama chia sẻ trên một tin nhắn đăng lên Facebook. “Đây là một quyết định mang tính chính trị và là một câu hỏi về mặt đạo đức,” ông Obama nhấn mạnh.

Cựu Tổng thống Obama nói: “Cho dù người Mỹ có quan ngại hay phàn nàn thế nào về di dân nhìn một cách tổng thể, chúng ta cũng không nên đe dọa tương lai của nhóm người trẻ này, những người hiện diện tại đây không phải lỗi của họ, những người không đề ra mối đe dọa nào, không tước đoạt bất kỳ thứ gì từ chúng ta cả.”

Chính quyền Mỹ ngày 5/9 tuyên bố chấm dứt chương trình bảo vệ 800.000 di dân không có giấy tờ nhập cư hợp lệ khỏi bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ (DACA), và cho Quốc hội 6 tháng để hành động nếu muốn tiếp tục cho phép thành phần di dân này ở lại Mỹ.

Với tuyên bố ngắn ngủi “DACA đã bị hủy”, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions kết thúc sắc lệnh hành chính của cựu Tổng thống Barack Obama được áp dụng trong 5 năm qua – là sắc lệnh tạo ra Chương trình Hoãn Hành động đối với những người nhập cư lúc còn nhỏ.

Tổng thống Donald Trump hôm 5/9 nói rằng Quốc hội cần phải hành động nếu muốn bảo vệ và không trục xuất 800.000 di dân không có giấy tờ nhập cư.

Chương trình DACA, ngoài bảo vệ những người theo gia đình nhập cảnh vào Hoa Kỳ từ thời niên thiếu khỏi bị trục xuất, còn cho phép họ được học tập và làm việc, cũng như phục vụ trong quân đội Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/obama-noi-xoa-so-daca-la-tan-nhan-/4016516.html

 

Bão cấp 5 Irma đang tiến vào vùng biển Caribe

Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ cho hay bão Irma đang được nâng cấp thành bão cấp 5 – cấp bão cao nhất.

Cư dân trên quần đảo Leeward trong vùng biển Caribbe đang chuẩn bị đối phó với bão Irma mà theo dự báo sẽ ập vào các khu vực phía tây bắc, từ Puerto Rico đến Cuba cho đến các vùng duyên hải nước Mỹ vào tối thứ Ba 5/9, hoặc sáng sớm thứ Tư 6/9.

Việc nâng cấp bão Irma lên thành bão cấp 5 có nghĩa là sức gió vượt quá 280 km/giờ, sẽ làm hư hại nghiêm trọng nhà cửa, cây cối và các trụ điện, làm mất điện ở các khu vực bị ảnh hưởng trong nhiều tuần liền.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-cap-5-irma-dang-tien-vao-vung-bien-caribe/4016158.html

 

Tòa án EU bác phản đối của Hungary,

Slovakia không nhận người tị nạn

Tòa án tối cao của Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết rằng các quốc gia thành viên có thể bị buộc phải tiếp nhận người xin tị nạn. Đồng thời tòa cũng bác bỏ thách thức của Hungary và Slovakia không muốn tham gia hệ thống mà EU đã khởi sự cách nay hai năm.

Hội đồng Châu Âu phê duyệt kế hoạch tái định cư bất chấp những phản đối của một số quốc gia Đông Âu. Hệ thống này giúp tái định cư 160.000 người tị nạn đã vượt biên sang Hy Lạp và Ý, nhằm giảm mức quá tải cho những nước này. Cho đến nay chỉ có khoảng 24.000 người đã được tái định cư.

Toà án Tư pháp châu Âu cho biết hôm thứ Tư 6/9 rằng Hội đồng châu Âu không cần phải hội đủ tỉ lệ tuyệt đối để thông qua kế hoạch này, và có thẩm quyền “ứng phó một cách hiệu quả và nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp.”

Hungary và Ba Lan đã từ chối nhận người tị nạn, trong khi Slovakia chỉ tiếp nhận một ít trường hợp.

Phản ứng về phán quyết này, hôm thứ Tư 6/9, Thủ tướng Hungary Peter Szijjarto nói quyết định này “đáng kinh ngạc và thiếu trách nhiệm.” Ông nói rằng quyết định này gây nguy hiểm cho an ninh và tương lai của châu Âu.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói với các phóng viên rằng đất nước của ông sẽ tôn trọng phán quyết của tòa án, nhưng họ không thay đổi quan điểm phản đối hệ thống phân bổ nhận người tị nạn bắt buộc.

https://www.voatiengviet.com/a/toa-an-eu-bac-phan-doi-cua-hungary-slovakia-khong-nhan-nguoi-ti-nan/4017539.html

 

Bắc Triều Tiên: 70 năm leo thang bạo lực

Thu Hằng

“Mọi chú ý của thế giới đang dồn vào Triều Tiên”, lời bình luận trên truyền hình Pháp từ năm 1950 vẫn còn hiệu lực trong bối cảnh hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 03/09/2017, chế độ Kim Jong Un tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch, còn gọi là bom H. Vài ngày trước đó, cũng Bắc Triều Tiên đã bắn một tên lửa bay qua miền bắc lãnh thổ Nhật Bản. Đây là sự kiện chưa từng có kể từ năm 2009.

Đầu tháng 08/2017, Bình Nhưỡng dọa bắn bốn hỏa tiễn đến gần đảo Guam của Mỹ ngoài Thái Bình Dương, sau khi đã thử hai tên lửa liên lục địa một tháng trước đó. Tất cả các vụ thử diễn ra trong một thời gian ngắn cho thấy những dấu hiệu đáng quan ngại của cuộc khủng hoảng kéo dài 70 năm trên bán đảo Triều Tiên. Website của Libération ngày 05/09/2017 điểm lại những sự kiện chính liên quan đến cuộc khủng hoảng này.

1945-thập niên 1990 : Cuộc khủng hoảng chủ yếu giữa hai miền Bắc-Nam

Sau Thế Chiến II, hai miền Triều Tiên bị chia cắt : miền Bắc được đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ cộng sản và miền nam được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Căng thẳng giữa khối cộng sản và phương Tây dẫn đến chiến tranh Triều Tiên, năm 1950 với sự kiện miền Bắc xâm chiếm miền Nam.

Chiến tranh tạm ngừng năm 1953 và đường biên giới vẫn không nhúc nhích : vĩ tuyến 38 nằm trong khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, chiến tranh chưa bao giờ chính thức chấm dứt tại Triều Tiên, như nhận định của giám đốc nghiên cứu Jean-Vincent Brisset, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (Iris) của Pháp và là chuyên gia về các vấn đề chiến lược tại châu Á, khi trả lời Libération.

Ông cho biết : “Không một hiệp định hoà bình nào được ký kết, hai miền vẫn đang trong tình trạng đình chiến” và Bắc Triều Tiên “vẫn trong tình trạng căng thẳng từ năm 1945”. Nếu như việc xích lại gần nhau từng được tính đến năm 1972, thì miền Bắc bắt đầu nghiên cứu một phiên bản của tên lửa Scud-B của Liên Xô ngay cuối những năm 1970.

Vụ bắn thử đầu tiên diễn ra vào năm 1984. Năm 1985, Bắc Triều Tiên ký hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhưng trong những năm sau đó, Bình Nhưỡng lại phát triển tên lửa đạn đạo với tầm bắn ngày càng xa : Scud-C (có tầm bắn 500 km), Rodong-1 (1.300 km), Taepodong-1 (2.500 km), Hwasong-10 (3 000 km), Taepodong-2 (6 700 km). Song song với chương trình tên lửa đạn đạo, hai lò phản ứng nghiên cứu nguyên tử cũng được lắp đặt tại Bắc Triều Tiên.

Bước ngoặt hạt nhân

Cho tới khi Kim Nhật Thành qua đời năm 1994, “các mối đe doạ chủ yếu nhắm vào Bắc Triều Tiên”, theo phân tích của chuyên gia Jean-Vincent Brisset. Vào năm đó, tổng thống Mỹ Bill Clinton đe dọa tấn công khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nơi chế độ Bình Nhưỡng tuyên bố đã làm giầu được uranium. Bắc Triều Tiên cam kết ngừng và từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự, mà chỉ phục vụ mục đích dân sự.

Vào cuối thập kỷ 1990, Bắc Triều Tiên tuyên bố một lệnh cấm về các vụ thử tên lửa tầm xa. Nhưng cuối cùng, ngay năm 2003, Bình Nhưỡng rút khỏi hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và tự nhận là một cường quốc nguyên tử. Hai năm sau, vào năm 2005, Bắc Triều Tiên khẳng định sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời chấm dứt lệnh cấm thử tên lửa tầm xa.

Năm 2006, chế độ Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Pháp, “trừ kết quả nhỏ nhoi của Clinton, Hoa Kỳ can thiệp từ năm 1993 với kết quả gần như là con số không”.

Ba năm sau, vào năm 2009, Bắc Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa, bay ngang lãnh thổ Nhật Bản và tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai dưới lòng đất. Năm 2010, căng thẳng tăng thêm một bậc khi 46 thủy thủ chết trong một vụ đắm tầu của Hàn Quốc, dù Bình Nhưỡng phủ nhận can thiệp. Ngày 23/11/2010, một trận mưa 170 quả đạn súng cối từ Bắc Triều Tiên rơi xuống đảo Yeonpyeong.

Năm 2012 : Kim Jong Un muốn thành “người cha giám hộ”

Năm 2012, Kim Jong Un kế nghiệp người cha là Kim Jong Il. Tháng 02/2012, lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên thông báo cấm các hoạt động làm giầu uranium, chấp nhận đội ngũ thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) quay lại đất nước, đổi lại là chương trình viện trợ lương thực của Mỹ. Chương trình này đã bị đình chỉ sau một vụ thử tên lửa.

Đầu năm 2013, Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba dưới lòng đất. Lần này, chính Liên Hiệp Châu Âu thông qua các biện pháp trừng phạt. Chuyên gia Jean-Vincent Brisset phân tích : “Để đảm bảo tính chính đáng, Kim Jong Un phải thể hiện được là người bảo vệ dân tộc. Ông tận dụng tình hình kinh tế tương đối được cải thiện và sử dụng mối đe dọa Mỹ vào chính sách nội địa để chứng tỏ mình có thể có sức răn đe. Điều này mang ý nghĩa nội bộ, ông cho truyền hình rộng rãi mọi vụ thử vũ khí và nguyên tử để áp đặt uy lực tinh thần và hiện lên như một người cha giám hộ”.

Khẳng định không đoái hoài đến loạt trừng phạt mới, Bắc Triều Tiên đe dọa và tuyên bố “trong tình trạng chiến tranh” với miền Nam. Tháng 07/2014, trước chuyến thăm Seoul của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bình Nhưỡng cho thử hai pháo phản lực tầm ngắn mới.

Trump và hồi kết của ngoại giao cổ điển

Tháng 01/2016, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Chính phủ thông báo lần đầu tiên thử thành công loại bom nhiệt hạch (bom H). Tuy nhiên, thông tin lúc đó còn bị nghi ngờ.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đồng loạt lên án vụ thử bom H của Bình Nhưỡng. Tháng 04/2016, chế độ Kim Jong Un cho thử thêm một tên lửa mới, lần này được bắn từ tầu ngầm. Washington và Seoul thông báo dự án triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Tháng 08/2017, Bình Nhưỡng bắn trực tiếp một tên lửa đạn đạo vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và đến tháng Chín, vụ thử hạt nhân lần thứ năm được tiến hành.

Hoa Kỳ bắt đầu triển khai hệ thống THAAD từ tháng 03/2017. Hai tháng sau, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa với tầm bắn được cho là có thể tấn công được các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam. Sau đó, vào tháng 07/2017, đến lượt hai quả tên lửa khác được thử với tầm bắn được cho là có thể tới Alaska và một phần trên lục địa Mỹ.

Ông Jean-Vincent Brisset phân tích : “Donald Trump lên nắm quyền (tháng 01/2017) với các biện pháp hùng hổ hơn. Tổng thống Mỹ phân vân giữa ngành công nghiệp quân sự Mỹ vẫn bán vũ khí cho Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng lại muốn làm điều gì đó”, liên kết với Bắc Triều Tiên, dường như điều này làm thay đổi quan điểm của tổng thống Mỹ về Bình Nhưỡng.

Năm 2016, chế độ của Kim Jong Un đã tiến hành 24 vụ thử tên lửa và hai lần thử bom nguyên tử. Từ đầu năm 2017, nhà lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên đã cho bắn 17 quả tên lửa. Trong khi đó, cha ông mới chỉ cho thử 16 lần trong suốt 17 năm đứng đầu nước Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170906-bac-trieu-tien-70-nam-leo-thang-bao-luc

 

Ukraina :

Putin muốn một lực lượng bảo vệ quan sát viên quốc tế

Tú Anh

Chủ nhân điện Kremlin làm các đối tác trong cuộc khủng hoảng Ukraina ngạc nhiên. Ngày 05/09/2017, tại New York, lần đầu tiên, Nga đề nghị với Hội Đồng Bảo An triển khai lực lượng duy trì hoà bình ở miền Đông của Ukraina nơi xung đột giữa phe ly khai thân Nga và quân đội chính phủ. Ngay lập tức, Kiev đặt điều kiện phải bố trí lực lượng trái độn đến sát biên giới Nga để chận nguồn tiếp liệu.

Từ Matxcơva, thông tín viên Daniel Vallot tường thuật :

« Lực lượng duy trì hòa bình ở miền đông Ukraina là đề nghị từ lâu nay của chính phủ Ukraina giờ đây được chính tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ. Tổng thống Nga xem đây là một biện pháp « có lợi » để giải quyết xung đột.

Đối với tổng thống Nga, bố trí những lực lượng bảo vệ hòa bình ở Ukraina thì chẳng có gì là « xấu », với điều kiện là chỉ bảo đảm an ninh cho các quan sát viên của Tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu – OSCE – mà nhiệm vụ là kiểm soát việc thực thi hiệp định hòa bình.

Khi đưa ra đề nghị này, Vladimir Putin ngáng chân hầu hết các đối tác trong cuộc chiến Ukraina, trước hết là tổng thống Petro Porochenko. Lãnh đạo Ukraina từ lâu nay yêu cầu phải triển khai một lực lượng bảo vệ hòa bình như thế, nhưng lực lượng này phải được hoạt động trên khắp lãnh thổ của phe ly khai và đến tận biên giới nước Nga. Matxcơva, luôn phủ nhận cáo buộc can thiệp vào cuộc chiến, đã phản bác đề nghị này.

Theo các cơ quan truyền thông Nga, Matxcơva dường như đã đệ trình Hội Đồng Bảo An một dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, điện Kremlin từ chối cho biết rõ hơn về phạm vi và thể thức hoạt động của lực lượng trái độn tương lai này ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170906-ukraine-tong-thong-nga-muon-mot-luc-luong-bao-ve-quan-sat-vien-quoc-te

 

Quốc tế “tiến thêm một bước”

đến việc xét xử tội ác chiến tranh ở Syria

Mai Vân

Thẩm phán Pháp vừa được Liên Hiệp Quốc chỉ định đứng đầu cơ chế điều tra về những tội ác ở Syria sau 6 năm nội chiến, vào ngày 05/09/2017, cho rằng quốc tế đã tiến thêm một bước đến việc xét xử các thủ phạm. Đó là việc Liên Hiệp Quốc thành lập một Cơ Chế Điều Tra Quốc Tế Vô Tư và Độc lập – MIII, ra đời tháng 12/2016, nhằm tạo điều kiện điều tra về những vi phạm nghiêm trọng ở Syria và trừng phạt những thủ phạm.

Theo bà Marchi-Uhel, người được tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ định đứng đầu cơ chế điều tra này vào tháng 07/2017, kinh nghiệm cho thấy là khi một chưởng lý hay một thẩm phán điều tra bắt đầu tập hợp bằng chứng trong một hồ sơ thì điều này luôn luôn « có hệ quả ».

Ngày 06/09, Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc về Syria công bố báo cáo thứ 14 về tình hình tại chỗ. Trong bản báo cáo tình hình mỗi 6 tháng, Ủy Ban này đã kết luận là các phe tham chiến đều phạm các tội ác, trong đó có tra tấn, hành quyết thô bạo…, và lần đầu tiên tố cáo thẳng thừng chế độ Damas sử dụng vũ khí hóa học, nêu trường hợp ở Khan Cheikoun vào tháng Tư vừa qua.

Bà Marchi-Uhel đã từng là thẩm phán quốc tế ở Kosovo, Cam Bốt và ở Tòa Án Quốc Tế La Haye về Nam Tư cũ. Bà cho biết sẽ có một ê kíp 50 người gồm luật gia, nhà phân tích, chuyên gia tin học, để phân tích những thông tin thu lượm được ở Syria.

Quân đội Syria phá vòng vây ở Deir Ezzor

Tại hiện trường, quân đội Syria vào ngày 05/09 đã phá được vòng vây quân thánh chiến ở Deir Ezzor, thành phố miền đông Syria. Khu vực chính phủ kiểm soát tại đây đã bị bao vây từ 3 năm. Theo giới quan sát, đây là một thắng lợi lớn đối với quân đội Syria trong việc chiếm lại Deir Ezzor, khu vực có nhiều trữ lượng dầu hỏa.

Tổng thống Nga Putin đã « khen ngợi » các ban chỉ huy của lực lượng Nga và quân đội Syria trong chiến thắng ngày 05/09. Không quân Nga đã hỗ trợ đắc lực quân đội Syria đẩy lùi quân thánh chiến.

Khu vực được giải vây này có từ 150.000 đến 200.000 dân, cho đến nay được tiếp tế nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men qua đường hàng không.

Tuy nhiên, một khu vực khác của chính quyền Damas, ở xa hơn về phía nam, có một sân bay quân sự thì vẫn còn bị bao vây. Một đơn vị quân đội Syria vào tối 05/09, đã tiến gần sát vùng này, cách khoảng 10 cây số.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170906-quoc-te-%E2%80%9Ctien-them-mot-buoc%E2%80%9D-den-viec-xet-xu-toi-ac-chien-tranh-o-syria

 

Miến Điện : Aung San Suu Kyi tố cáo

“tin thất thiệt” về người Rohingya

Mai Vân

Lần đầu tiên từ khi cuộc khủng hoảng về người Rohingya nổi cộm trở lại vào hạ tuần tháng 8, lãnh đạo chính quyền Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, ngày 06/09/2017 đã tố cáo điều được gọi là « tảng băng sơn của thông tin thất thiệt », đã bóp méo sự thật về cuộc khủng hoảng liên quan đến người Hồi Giáo Rohingya, khiến cho Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng báo động.

Trong một cuộc điện thoại với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, lãnh đạo chính quyền Miến Điện cho rằng niềm thương xót mà quốc tế dành cho người Hồi Giáo Rohingya xuất phát từ một « tảng băng sơn khổng lồ của thông tin sai lệch, được tạo ra để kích động hiềm khích giữa các cộng đồng khác nhau và để thúc đẩy lợi ích của những kẻ khủng bố ».

Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của người từng đoạt Giải Nobel Hoà Bình, trong thời gian qua đã bị phê bình gắt gao ở nước ngoài vì đã im lặng trước thảm cảnh mà cộng đồng thiểu số người Hồi Giáo Rohingya đang phải chịu, khiến hàng chục ngàn người đã phải bỏ chạy qua nước Bangladesh láng giềng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là người đã nhiều lần lên án các phản ứng của chính quyền Miến Điện trong cuộc khủng hoảng, tố cáo điều được gọi là « nạn diệt chủng » ở khu vực bang Rakhine, miền đông bắc Miến Điện, nơi cụ ngụ chủ yếu của người Rohingya.

Phản ứng của bà Aung San Suu Kyi còn xuất phát từ sự kiện vào cuối tháng 8, phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Mejmet Símsek đã cho đăng những bức ảnh thực hư không rõ ràng và tố cáo một cuộc ‘thanh lộc chủng tộc.’

Tuy những bức ảnh này được rút đi sau đó nhưng sự vụ đã làm dấy lên sự công phẫn ở Miến Điện.

Bạo lực tại bang Rakhine bùng lên trở lại ngày 25/08 với cuộc tấn công của phiến quân Rohingya thuộc lực lượng Arakan Rohingya Salvation Army (ARSA), nhắm vào hàng chục đồn cảnh sát. Quân đội Miến Điện đã phản công bằng một chiến dịch truy quét rộng lớn, đẩy hàng chục ngàn người vào con đường chạy loạn.

Theo các tổ chức nhân đạo, ngoài 125.000 người tị nạn ở Bangladesh kể từ ngày 25/08, hàng ngàn người được đang trên đường và một số vẫn còn bị chặn lại tại biên giới.

Hãng tin Anh Reuters ngày 06/09 trích nguồn tin chính phủ Bangladesh tố cáo Miến Điện cho gài mìn dọc theo biên giới giữa hai nước từ ba ngày nay nhằm ngăn chặn không cho người Hồi Giáo Rohingya quay về sau khi chạy loạn qua nước láng giềng.

Một thảm cảnh khác được ghi nhận : Ngày 06/09, thi thể 5 đứa trẻ bị chết đuối vì thuyền bị mắc kẹt ở phía bên Bangladesh và bị chìm. Theo chính quyền địa phương, có ba hoặc bốn chiếc thuyền bị chìm ở cửa sông Naf, đánh dấu biên giới tự nhiên giữa Miến Điện và mũi phía đông nam của Bangladesh.

Indonesia : Biểu tình chống áp bức người Rohingya

Ngày 06/09, hàng người đã biểu tình tại Jakarta, đòi hỏi ngưng bạo lực, áp bức đối với người Hồi Giáo Rohingya ở Miến Điện.

Đáp ứng lời kêu gọi của các tổ chức đạo Hồi ở Indonesia, khoảng 4.000 người theo cảnh sát, đã tập hợp trước sứ quán Miến Điện tại Jakarta, mang biểu ngữ đòi « chấm dứt việc giết người Hồi Giáo Rohingya ». Theo hãng tin Pháp AFP, 6.000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ sứ quán Miến Điện.

Vào ngày 05/09, ngoại trưởng Indonesia Reino Marsudi, kết thúc chuyến thăm Miến Điện, đã gặp bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi tìm phương cách giải quyết khủng hoảng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170906-mien-dien-aung-san-suu-kyi-to-cao-%E2%80%9Ctin-that-thiet%E2%80%9D-ve-nguoi-rohingya

 

Đức giáo hoàng đến Colombia

với thông điệp hòa bình, hòa giải

Mai Vân

Đức giáo hoàng Phanxicô đến Colombia ngày 06/09/2017 mở đầu chuyến công du 4 ngày nhằm củng cố một tiến trình hòa bình còn mong manh tại quốc gia Nam Mỹ này. Ngài sẽ đến cử hành thánh lễ tại Bogota, Villavicencio, Medellin, Cartagena de Indias, những thành phố đều là những nơi mà bạo lực còn hoành hành gần đây, với những vụ bắt cóc, giết người do các tổ chức buôn ma túy và phiến quân FARC tiến hành. Lực lượng FARC nay đã từ bỏ vũ khí. Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo sẽ lắng nghe nỗi đau khổ của dân chúng và cổ vũ cho sự tha thứ hòa giải.

Về phía người dân, như ghi nhận của thông tín viên RFI Marie-Ève Detoeuf tại Bogota, ai cũng náo nức chờ đợi Đức giáo hoàng :

“Đức giáo hoàng chưa đến Bogota mà chân dung của ngài đã xuất hiện khắp mọi nơi : Trên truyền hình, ở trang nhất các báo, nhưng cũng trên các xe buýt, bảng quảng cáo, trên tường của cao ốc 42 tầng Colpatria, được chiếu sáng vào ban đêm.

Cửa hàng của dây chuyền Exito đã bán ra những bộ vật dụng bao gồm một túi xách, một áo phông, một chiếc mũ với hình giáo hoàng. Jackie, một cô bán hàng rất bận bịu cho biết : « Khách hàng đến rất đông hôm nay để mua sản phẩm này ».

Bà Adelina, 56 tuổi, đã mua ba bộ như thế và cho biết bà sẽ đến thánh lễ vào ngày mai ở công viên lớn Bogota. Theo bà, mặc áo có hình đức giáo hoàng là « một cách diễn đạt tình yêu thương khi đến gặp ngài, cho thấy là ngài ở bên chúng tôi, cả ở trong tim lẫn bên ngoài ».

Các doanh nhân lợi dụng chuyến viếng Colombia của giáo hoàng để làm ăn, nhưng rõ ràng là sự kiện được đặt dưới dấu ấn hòa bình, hòa giải tại một đất nước đã chịu hàng thập niên chiến tranh“.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170906-duc-giao-hoang-den-colombia-voi-thong-diep-hoa-binh-hoa-giai