Tin khắp nơi – 06/06/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 06/06/2017

TTK NATO:

Phải cứng rắn với Nga nhưng đối thoại vẫn quan trọng

Người đứng đầu NATO nói rằng các thành viên trong liên minh đều đoàn kết trong lập trường đối với Nga, một sự đồng thuận mà Liên minh Bắc Đại Tây Dương từ nhiều năm nay không có được.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban tiếng Serbia của VOA, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Hai khẳng định quyết tâm của NATO, đẩy mạnh công cuộc phòng thủ chung trong khi vẫn tiếp tục đối thoại với Nga.

Ông Stoltenberg nói:

“Cách tiếp cận song song, có nghĩa là chúng ta phải đủ mạnh để có thể vừa răn đe vừa phòng thủ, là lý do tại sao chúng ta đang thực thi một chương trình quy mô nhằm củng cố sức mạnh phòng thủ chung trong lúc này, như một phản ứng trước những gì Nga đã làm ở Ukraine. Đây không phải là một cuộc đối thoại dễ dàng, nhưng đó chính là lý do tại sao đối thoại lại quan trọng.”

Lối tiếp cận này là một hình thức hiện đại của quyết định “song song” của NATO trong thời Chiến tranh Lạnh, liên kết việc triển khai các lực lượng hạt nhân tầm xa của Mỹ với những đề nghị đàm phán với Moscow về các lực lượng Liên Xô ở Đông Âu.

Trong những tháng gần đây, phòng thủ NATO là trọng tậm trong nghị trình khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Châu Âu và kêu gọi các quốc gia NATO khác hãy tăng ngân sách quốc phòng.

Trước sự thất vọng của nhiều đồng minh NATO, ông Trump không đề cập đến sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Điều 5, nguyên tắc sáng lập của NATO là phòng thủ tập thể, khi ông phát biểu trước cuộc họp thượng đỉnh quy tụ các nguyên thủ quốc gia NATO tại Brussels hồi tháng trước.

Tuy nhiên ông Stoltenberg nói rằng các thành viên trong chính quyền Trump, kể cả tổng thống, đã lên tiếng ủng hộ NATO trong nhiều dịp khác.

“Tổng thống Trump đã khẳng định trong nhiều cuộc họp khác nhau và trong một cuộc họp báo với tôi tại Toà Bạch Ốc hồi tháng Tư, rằng ông duy trì cam kết đối với NATO”, ông Stoltenberg nói.

Ông nói thêm rằng cam kết đó không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng hành động.

“Đề nghị ngân sách do chính quyền Trump đề xuất cách đây một tuần gồm một khoản tăng 40% tiền tài trợ cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Châu Âu. Thêm quân, thêm các cuộc diễn tập, đầu tư nhiều hơn vào cấu trúc hạ tầng và tăng cung cấp thiết bị. Tất cả những điều đó nêu bật, và cho thấy sự cam kết của Hoa Kỳ đối với NATO. ”

Bây giờ thì quyết định nằm trong tay quốc hội Mỹ, thông qua một tiến trình lâu dài, sẽ quyết định bao nhiêu phần trăm đề xuất ngân sách của ông Trump sẽ trở thành chi tiêu trên thực tế, nhưng ông Trump đã nói rõ rằng ông muốn tăng ngân sách quốc phòng.

Về lời kêu gọi của ông Trump, yêu cầu các nước đồng minh làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố, Tổng Thư Ký Stoltenberg nói liên minh NATO đã đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống khủng bố.

“Quý vị phải nhớ rằng nỗ lực quân sự lớn nhất từ trước tới nay của chúng tôi là sự hiện diện của chúng tôi ở Afghanistan. Lý do chúng tôi có mặt ở Afghanistan là để ngăn chặn đất nước này trở thành một nơi trú ẩn an toàn cho những phần tử khủng bố quốc tế”, ông nói.

“Chúng tôi đã quyết định tham gia liên minh quốc tế chống ISIL trong khuôn khổ một kế hoạch hành động rộng lớn hơn chống lại chủ nghĩa khủng bố. Đây là một tín hiệu chính trị mạnh mẽ, nhưng cùng lúc, nó cung cấp một nền tảng cho sự hợp tác và phối hợp tốt hơn với các nỗ lực của liên minh.”

Tổng Thư Ký Stoltenberg nói các cuộc tấn công khủng bố như cuộc tấn công ở London và Manchester hồi gần đây không còn chỉ là một vấn đề an ninh cho châu Âu.

“Chúng ta cần có một hướng tiếp cận toàn diện. Tất nhiên, chúng ta cần có cảnh sát, lực lượng thực thi pháp luật, tình báo dân sự, nhưng chúng ta cũng cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chính trị và ý thức hệ chống lại hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan như thế này. Chúng ta còn cần phải giải quyết một phần sự bất ổn, tình huống đã trở thành một động lực, hậu thuẫn cho các cuộc tấn công mà chúng ta đang chứng kiến xảy ra trên các đường phố của chúng ta.

“NATO đã thành lập một bộ phận đặc biệt để tăng cường chia sẻ tin tình báo giữa các đồng minh để có thể chống khủng bố từ Trung Đông hay những nơi khác, một cách hữu hiệu hơn.”

Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO, đã chứng kiến một số cuộc tấn công khủng bố, ông Soltenberg lưu ý rằng không một đồng minh NATO nào hứng chịu nhiều gian khổ hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này đã chứng kiến một cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái, nhưng ông Stoltenberg nêu lên rằng các quan tâm về an ninh không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ làm bất cứ điều gì họ muốn. Ông nói:

“Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ chống các cuộc tấn công khủng bố, và có quyền truy tố những kẻ đứng sau cuộc đảo chính bất thành. Thế nhưng cùng lúc, họ phải làm những việc ấy dựa trên quyền pháp trị và trên căn bản các giá trị dân chủ của chúng ta, tôi đã nêu rõ những điểm ấy trong các cuộc họp ở Ankara.”

Chiến dịch đàn áp của Thổ Nhĩ Kỳ đối với phe đối lập và báo chí trong nước đã gây căng thẳng cho mối quan hệ với một số quốc gia NATO. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một thành viên quan trọng để đối phó với những thách thức mà NATO đang phải đối mặt.

Tổng Thư Ký NATO kết luận:

“Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng không những vì vị trí địa chiến lược – giáp ranh với Syria và Iraq, và giáp với Nga trong Biển Đen – Thổ Nhĩ Kỳ còn là một nước có vai trò thiết yếu giúp châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng di dân. Các tàu hải quân của NATO đang có mặt trên Biển Aegean, giúp ngăn chặn làn sóng người di dân, đó là điều không thể nào thực hiện được nếu không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai nước thành viên NATO.”

https://www.voatiengviet.com/a/ttk-nato-phai-cung-ran-voi-nga-nhung-doi-thoai-van-quan-trong/3889076.html

 

Tuồn tài liệu mật cho một trang tin, một phụ nữ bị bắt

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa bắt giữ một nhân viên hợp đồng của chính phủ. Bộ nói người này đã gửi tài liệu mật tới một hãng tin trực tuyến.

Thông báo này được đưa ra hôm 5/6 cùng lúc trang tin The Intercept loan tin một tài liệu mật họ nhận được cho thấy quân báo Nga đã tìm cách xâm nhập vào các hệ thống đăng ký cử tri của Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử năm ngoái.

Một biên bản do một đặc vụ FBI nộp cho biết người phụ nữ bị bắt, tên là Reality Leigh Winner, thừa nhận đã in thông tin tình báo mật và gửi tới một hãng tin.

Biên bản cũng cho hay một cơ quan thuộc ngành tình báo Mỹ đã điều tra và xác định có sáu người đã in tài liệu, kể cả bà Winner, và bà này đã liên lạc qua email với một hãng tin không được nêu tên.

Tài liệu được đề cập trong biên bản và tài liệu được The Intercept nói đến đều có ngày tháng giống nhau.

https://www.voatiengviet.com/a/tuon-tai-lieu-mat-cho-mot-trang-tin-mot-phu-nu-bi-bat/3888981.html

 

Trump hối thúc phán quyết

về lệnh cấm du hành tại Toà Tối cao

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã sử dụng Twitter tối 5/6 để kêu gọi áp dụng lệnh cấm du hành đối với với người đến từ “các quốc gia nguy hiểm”, theo cách gọi của ông, đồng thời ông chỉ trích những nỗ lực gọi là “có tính cách xoa dịu về mặt chính trị” nhằm làm giảm mức độ nghiêm ngặt của lệnh cấm du hành ban đầu của ông, đề nghị ngăn chặn, không cho những người đến từ một số nước có đa số dân theo Hồi giáo nhập cảnh.

Ông Trump viết: “Đúng vậy, chúng ta cần lệnh cấm du hành đối với một số quốc gia NGUY HIỂM, chứ không phải một thuật ngữ mực thước về mặt chính trị chẳng giúp gì cho chúng ta để bảo vệ người dân của mình!”

Đoạn tweet đó được đăng tiếp sau các tweet trước đó trong ngày 5/6 về cùng chủ đề, đổ lỗi cho Bộ Tư pháp là đã tìm cách xoa dịu, làm cho lệnh cấm du hành trở nên bớt nghiêm ngặt, trong khi chính ông ký lệnh sửa đổi sau khi lệnh ban đầu bị thách thức tại tòa.

Sắc lệnh hành pháp đầu tiên cấm người Iraq, Iran, Syria, Libya, Yemen, Somalia và Sudan nhập cảnh trong 90 ngày và cấm người tị nạn từ Syria vô thời hạn, đồng thời chấp nhận ngoại lệ đối với các nhóm tôn giáo thiểu số. Lệnh sửa đổi đã bỏ Iraq ra khỏi danh sách, thay đổi lệnh cấm người tị nạn Syria thành 120 ngày và loại bỏ các ngoại lệ về tôn giáo.

Nhiều tòa án liên bang đã cấm nhà chức trách thực thi lệnh, cho rằng lệnh này vi hiến vì có tính cách kỳ thị đối với Hồi giáo.

Hôm 5/6, ông Trump nói: “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi đều RÀ SOÁT CỰC KỲ KỸ LƯỠNG những người nhập cảnh vào Mỹ để giữ cho đất nước chúng ta được an toàn. Các toà án rất chậm chạp và mang tính chính trị!”

Ông viết thêm: “Bộ Tư pháp nên đưa Lệnh cấm du hành đã bị nới lỏng ra Tòa Tối cao để sớm được phân xử – và đòi phải có một lệnh cấm gắt gao hơn!”

Bộ Tư pháp tuần trước đã đệ đơn kháng cáo lên Toà Tối cao, đề nghị tòa phân xử vụ Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 4 của Hoa Kỳ ra phán quyết chống lại lệnh cấm du hành của chính quyền. Các trường hợp khác vẫn đang chờ phán quyết của Toà Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-hoi-thuc-phan-quyet-ve-lenh-cam-du-hanh-tai-toa-toi-cao/3888952.html

 

Trump nhắm mục tiêu

vào di sản của Obama về Iran, Cuba, và khí hậu

William Gallo

Thỏa thuận hạt nhân Iran, hiệp định khí hậu Paris, nối lại quan hệ Mỹ-Cuba – đó là tất cả những sáng kiến về chính sách ngoại giao quan trọng nhất trong di sản của cựu Tổng thống Barack Obama. Tất cả những di sản đó hiện đang bị Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đả phá.

Ông Donald Trump chưa bao giờ ngần ngại đả kích chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm:

“Thực tế là chúng tôi thừa hưởng một thực trạng nát bét. Một mớ hổ lốn.”

Trong thực tế, suốt thời gian qua ông Trump chưa thực sự thay đổi những phần chính yếu trong chính sách ngoại giao của ông Obama, tính đến giờ này.

Nhưng nay, từ việc tăng áp lực lên Iran trong các cuộc gặp gỡ của ông với các nhà lãnh đạo Ả Rập cho đến quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris, ông Trump đang hùng hổ đả phá những phần quan trọng nhất trong di sản chính sách ngoại giao của ông Obama.

Bà Christy Goldfuss, chuyên gia của Viện nghiên cứu Tiến bộ Mỹ, nhận định:

“Rõ ràng là trong chính quyền này, quý vị sẽ được đánh giá cao nếu quý vị chứng tỏ là không thực hiện những gì mà chính quyền tiền nhiệm cố công làm.”

Bà Goldfuss, người đảm trách chính sách môi trường trong Tòa Bạch Ốc của chính quyền nhiệm, xem hiệp định khí hậu Paris 2015 là một trong những thành tựu then chốt trong chính sách ngoại giao của cựu Tổng thống Obama. Mặc dù 195 nước tham gia hiệp ước, chưa có quốc hội của nước tham gia nào thông qua hiệp định này. Điều đó càng khiến cho hiệp định Paris dễ bị chính quyền kế nhiệm đảo ngược.

Đó cũng là tình huống tương tự đối với thỏa thuận hạt nhân mà ông Obama đã ký với Iran. Ông Trump cũng chỉ trích thỏa thuận này mặc dù chưa phả bỏ.

Một mục tiêu khác dễ bị tấn công, đó là chính sách tái quan hệ với Cuba của ông Obama. Tòa Bạch Ốc đang sắp rà soát xong toàn bộ chính sách với Cuba của ông Obama.

Ông John Kavulich, chuyên gia của Hội đồng Kinh tế, Thương mại Mỹ-Cuba, nhận định với đài VOA rằng chưa ai biết được những thay đổi sẽ sâu rộng cỡ nào, nhưng chắc chắn là không có điều gì cản trở ông Trump quay ngược lại toàn bộ

Ông Kavulich nói: “Tất cả những gì ông Trump cần là một cây viết mực. Như chúng ta chứng kiến, ông ấy thích cầm viết lên lắm. Ông ấy thích mấy vây viết lắm và ông ấy sẽ có rất nhiều viết.”

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã bày tỏ quan điểm cứng rắn đối với Cuba, và ông đe dọa sẽ đảo ngược các chính sách của ông Obama.

Trong thời gian này, hình như ông Trump đang tập trung vào các vấn đề trong nước, và một giới chức Tòa Bạch Ốc nói với đài VOA rằng chưa thấy có một quyết định gì lớn sắp đưa ra.

Nhưng với nhiều người trong chính quyền cũ của ông Obama, những thay đổi mới chỉ bắt đầu.

Chuyên gia Goldfuss nhận định tiếp: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy có nhiều nỗ lực hơn thực sự đe dọa nghiêm trọng đến những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được trong 8 năm qua. Hình như đó đang là một ưu tiên, và không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền đương nhiệm giảm bớt tốc độ hay không làm nữa.”

Tất nhiên, để lật ngược các chính sách của ông Obama, bản thân ông Trump đang đơn phương hành động. Có nghĩa là những thay đổi của ông Trump một ngày nào đó sẽ bị người kế nhiệm ông đảo ngược lại.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-nham-muc-tieu-vao-di-san-cua-obama-ve-iran-cuba-khi-hau/3888950.html

 

Mỹ nhanh chóng cập nhật luật lệ cho xe tự lái

Chính phủ Mỹ trong vài tháng tới sẽ tiết lộ những chỉ dẫn bổ sung quy định về xe tự hành, đáp kêu gọi của các nhà sản xuất đòi hỏi sớm có luật lệ để xe tự lái sớm được xuất hiện trên đường phố, theo tin Bộ Giao thông Vận tải Mỹ.

Bộ trưởng Elaine Chao ngày 5/6 loan báo các chỉ dẫn mới sẽ được công bố chậm nhất là trong vài tháng nữa.

Các nhà sản xuất xe tự hành bao gồm General Motors, Ford, tập đoàn kỹ thuật Uber, Tesla cùng nhiều công ty khác đang ráo riết theo đuổi kỹ nghệ xe tự lái.

Chủ tịch điều hành công ty xe Ford, ông Bill Ford Jr, cho biết ông tự tin rằng đến năm 2021, mọi phần cứng lẫn phần mềm vận hành xe tự lái sẽ sẵn sàng.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng đang nỗ lực hoàn tất gói luât lệ để tạo điều kiện cho xe tự hành dễ dàng lưu thông trên đường phố.

Trong tháng này, một ủy ban Thượng viện cũng lên kế hoạch tổ chức điều trần về xe tự hành.

https://www.voatiengviet.com/z/1812

 

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Trung Quốc từ nhiệm

Đại biện lâm thời của tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, David Rank, rời bỏ Bộ Ngoại giao sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định rút lui khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris 2015, một giới chức cấp cao của Mỹ cho biết ngày 5/6.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận tin từ nhiệm của ông Rank, nhưng nói rằng bà không thể xác minh các tin tức đăng trên Twitter rằng ông Rank từ chức vì cảm thấy không thể thông báo chính thức với Trung Quốc về quyết định Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris tuần trước.

“Ông ấy đã từ nhiệm, phát ngôn nhân Anna Richey-Allen thuộc Văn phòng phụ trách Đông Á trong Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết. “Đó là quyết định cá nhân. Chúng tôi cảm kích những năm tháng ông tận tụy cống hiến cho Bộ Ngoại giao.”

Thống đốc bang Iowa, ông Terry Branstad, người được Tổng thống Trump chọn làm đại sứ Mỹ kế tiếp tại Bắc Kinh, dự kiến sẽ đảm nhiệm công tác cuối tháng này.

Một tin nhắn từ một chuyên gia về Trung Quốc, ông John Pomfret, dẫn các nguồn tin không nêu danh cho biết ông Rank từ nhiệm vì không thể ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris.

Một giới chức cấp cao khác của Mỹ xác nhận những thông tin trên các dòng tin Twitter và cho biết thêm rằng sau khi ông Rank loan báo ý định từ chức hôm 5/6 ở Bắc Kinh, ông được chỉ thị của Bộ Ngoại giao yêu cầu rời khỏi nhiệm sở ngay tức khắc.

Ông Rank có tổng cộng 27 năm phục vụ trong Bộ Ngoại giao Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/nha-ngoai-giao-hang-dau-cua-my-tai-trung-quoc-tu-nhiem-/3888120.html

 

Ông Putin: Tôi chưa bao giờ gặp ông Trump

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông chưa bao giờ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đồng thời bác bỏ cáo buộc cho rằng Moscow đã thu thập thông tin về người đồng cấp Mỹ.

Phát biểu của Tổng thống Nga được đưa ra trong cuộc phỏng vấn vào tuần trước với nhà báo Megyn Kelly của kênh tin tức NBC. Một phần của buổi phỏng vấn được phát sóng vào đêm Chủ nhật (4/6).

Khi ông được hỏi rằng liệu ông có bất cứ điều gì gây tổn hại cho ông Trump không, ông Putin nói “lại thêm một điều vô nghĩa khác”.

“Chúng tôi lấy những thông tin này từ đâu? Tại sao chúng tôi có một mối quan hệ đặc biệt với ông ta? Chúng tôi không có một mối quan hệ nào cả. Có lần ông ấy đến Moscow, nhưng quý vị biết đấy, tôi chưa bao giờ gặp ông ấy. Chúng tôi có rất nhiều người Mỹ đến thăm. Hiện nay, tôi nghĩ chúng tôi có đại diện từ 100 công ty Mỹ đến Nga. Quý vị có cho rằng chúng tôi đang thu thập những thông tin nhạy cảm về tất cả họ hay không? Quý vị bị mất trí hết cả rồi sao?”

Tổng thống Nga một lần nữa bác bỏ cáo buộc việc Điện Kremlin can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái qua việc xâm nhập các email của Đảng Dân chủ.

Ông nói: “Các hacker có thể ở bất cứ nơi nào, có thể ở Nga, châu Á, thậm chí ở Mỹ, ở Mỹ Latinh. Thậm chí có thể đó là tin tặc ở Hoa Kỳ, vốn rất khéo léo và chuyên nghiệp, đẩy trách nhiệm về phía Nga. Liệu quý vị có chấp nhận điều đó hay không? Trong một cuộc chiến chính trị đã được mưu tính, tiết lộ thông tin sẽ thu lợi, vì vậy họ đã tiết lộ thông tin rồi gán cho Nga.”

Ông Putin nói không có lý gì mà Nga lại can thiệp vào vấn đề này. Bởi vì, theo ông, bất kể ai là tổng thống, thì Nga cũng biết phải trông đợi gì từ một nhà lãnh đạo Mỹ.

Ông cũng phủ nhận có bất cứ tiếp xúc nào với vị tướng hồi hưu Michael Flynn, người đã bị sa thải khỏi chức cố vấn an ninh quốc gia hồi tháng Hai.

Hiện có một bức ảnh chụp ông Flynn và ông Putin đang ngồi trong cùng một bàn tiệc ở Moscow vào năm 2015, khi ông Flynn đang cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Ông Putin có mặt trong bữa tiệc tối vì có một bài phát biểu tại đó. Ông nói với nhà báo Kelly rằng ông gần như không nói chuyện với ông Flynn và sau đó mới được biết đó là ông Flynn.

Ông Trump sa thải ông Flynn vì đã giấu giếm việc gặp gỡ các giới chức Nga.

https://www.voatiengviet.com/a/ong-putin-toi-chua-bao-gio-gap-ong-trump/3887649.html

 

Bầu cử cấp xã Campuchia: đối lập đạt thắng lợi

Mặc dù phải đến ngày 25 tháng 6 kết quả chính thức mới được công bố, cuộc bầu cử hội đồng cấp xã ở Campuchia cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của phe đối lập. Đây cũng là dấu hiệu báo trước cuộc bầu cử toàn quốc năm 2018 sẽ là một cuộc chạy đua giữa hai đảng.

Nhà phân tích chính trị Ou Virak, chủ tịch Diễn đàn Tương lai, một tổ chức cố vấn ở Phnom Penh, hôm 5/6 nói với chương trình hỏi đáp qua điện thoại có tên Hello VOA rằng cuộc bầu cử năm 2018 sẽ có tính cạnh tranh cao. Ông tiên liệu đây sẽ là cuộc chạy đua giữa hai đảng.

“Trong cuộc bầu cử năm 2018, các đảng nhỏ hơn sẽ không có cơ hội. Đó là vì sự cạnh tranh giữa hai đảng lớn diễn ra rất sít sao. Vì vậy, cử tri sẽ coi đảng thứ ba là một thành phần gây xáo trộn. Họ sẽ không bỏ phiếu cho đảng thứ ba để làm hỏng lá phiếu của họ”.

Kết quả không chính thức đăng trên Fresh News, một trang tin thân chính phủ, cho biết đảng CPP cầm quyền đã giành được 1.158 ghế xã trưởng so với 487 ghế về tay đảng CNRP đối lập. Đảng Đoàn kết Dân tộc Khmer, một trong 10 đảng nhỏ tham gia cuộc bầu cử ngày 4/6, giành được một ghế.

Nếu được chứng thực, kết quả này cho thấy phe đối lập Campuchia đã có bước tiến lớn. Đảng này chỉ giành được có 40 ghế trong cuộc bầu cử năm 2012.

Hôm 5/6, Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) thừa nhận sự trỗi dậy mạnh mẽ của phe đối lập trong ngày 4/6 nhưng CPP vẫn không tỏ ra lo ngại.

Sok Isan, người của CPP, nói với Ban tiếng Khmer của VOA: “Chúng tôi cho rằng mức ủng hộ tăng hay giảm ở từng nơi đơn thuần chỉ là chuyện thua ở một số trận chiến, không phải là thất bại trong toàn bộ cuộc chiến. Nhìn chung, chúng tôi đã thắng trong toàn cuộc chiến”.

Ông Kem Sokha, Chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), nói ông hy vọng kết quả bầu cử địa phương là dấu hiệu về mức độ ủng hộ của cử tri, trong thời gian dẫn đến cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

Ủy ban Bầu cử Quốc gia đã nhận được hơn 60 đơn khiếu nại về những vi phạm trong thời gian vận động tranh cử và trong bầu cử. Bất chấp những hăm dọa và sách nhiễu chính trị, lãnh đạo CNRP cho biết đảng đã đạt được kết quả tích cực.

Trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Hun Sen cảnh báo Campuchia có thể rơi vào chiến tranh trở lại, nếu CPP thất cử.

Trong những tháng trước bầu cử, nhiều nghị sĩ đối lập đã bị hành hung, luật về phỉ báng bị hình sự hóa, và chính phủ cấm bất cứ ai có tiền án tham gia bầu cử. Ông Hun Sen cũng hạn chế các cuộc mít tinh chính trị trên đường phố.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Penh đã ra tuyên bố trên trang Facebook của sứ quán, nói rằng cuộc bầu cử hôm 4/6 là “một mốc điểm quan trọng trong tiến trình phát triển dân chủ ở Campuchia”.

https://www.voatiengviet.com/a/bau-cu-cap-xa-campuchia-doi-lap-dat-thang-loi/3889010.html

 

Báo động giả ở London

Một vật vô thừa nhận khiến đường phố ở trung tâm London bị phong tỏa hôm 5/6 là một vụ báo động giả, theo nguồn tin cảnh sát.

Công chúng đưa lên Twitter hình ảnh cảnh sát phong tỏa đường Jermyn, và cho biết các văn phòng và cửa hàng gần đó đã được di tản. Cảnh sát cho biết đang điều tra một vật vô thừa nhận được phát hiện trên đường Babmaes lân cận.

Cảnh sát Westminter cho biết trên Twitter rằng vụ việc tại đường Babmaes đã kết thúc và rằng chỉ là một báo động giả.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-dong-gia-o-london-/3888555.html

 

Trung Quốc phản pháo đề nghị của Đài Loan

Đáp đề nghị của nhà lãnh đạo Đài Loan, Thái Anh Văn, muốn giúp Bắc Kinh chuyển tiếp sang dân chủ, Trung Quốc nói “những giá trị và những tư tưởng” do đảng của bà Thái thúc đẩy đã gây nên xáo trộn trên hòn đảo tự trị Đài Loan.

Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc nói chỉ những người dân Hoa lục mới có quyền nói đến những vấn đề của Hoa lục, đồng thời khuyến cáo bà Thái nên bỏ thì giờ suy gẫm về “những bất bình sâu rộng” tại Đài Loan và “những lý do khiến cho các mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan bị bế tắc.”

Bắc Kinh không tin tưởng bà Thái và Đảng Dân tiến đương quyền vì lập trường truyền thống muốn Đài Loan độc lập. Bắc Kinh nói đảo này là một phần của Trung Quốc và chưa bao giờ từ bỏ sử dụng vũ lực để Đài Loan chịu sự kiểm soát của Trung Quốc.

“Chúng ta ngày càng gần hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử về mục tiêu vĩ đại hóa nhân dân Trung Quốc,” phát ngôn viên Ma Xiaoguang của Văn phòng nói trong một tuyên bố gởi Reuters.

“Nhà cầm quyền Đài Loan không nên làm chệch hướng sự chú ý và né tránh trách nhiệm trong khi làm tăng thêm đối kháng qua eo biển.”

Phát biểu hôm 4/6 kỷ niệm 28 năm cuộc đàn áp tàn bạo những cuộc biểu tình đòi dân chủ do sinh viên lãnh đạo tại Quảng trường Thiên An Môn, bà Thái nói cách biệt lớn nhất giữa Đài Loan và Trung Quốc là dân chủ và tự do, chọc tức Bắc Kinh vào lúc quan hệ giữa hai bên xuống đến mức thấp nhất.

Bà Thái nói trên truyền thông xã hội “Nói về dân chủ, một số quốc gia đến sớm, những quốc gia khác đến chậm, nhưng chúng ta tất cả đều đi đến đích.”

“Mượn kinh nghiệm Đài Loan, tôi tin Trung Quốc có thể thu ngắn những khó khăn trong việc cải cách dân chủ.”

Sau gần 40 năm thiết quân luật do Quốc dân đảng thiết lập tại Đài Loan, đảo này vào cuối những năm 1980 bắt đầu chuyển tiếp sang dân chủ và tổ chức bầu cử Tổng thống trực tiếp kề từ năm 1996.

Trong khi hàng ngàn người tập họp thắp nền cầu nguyện tại Hong Kong hôm 4/6, kỷ niệm Thiên An Môn vẫn còn là điều cấm kỵ tại Hoa lục, nơi những lễ kỷ niệm công cộng bị cấm.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-phan-phao-de-nghi-cua-dai-loan-/3888540.html

 

Australia: Vụ tấn công Melbourne là khủng bố

Cảnh sát Australia ngày 6/6 loan báo xem vụ vây hãm ở Melbourne là một hành động khủng bố sau khi Nhà nước Hồi giáo tuyên bố thành viên của họ là tay súng thực hiện vụ này.

Trong vụ đọ súng trước đó, cảnh sát hạ sát người mà họ tố cáo đã cầm giữ một phụ nữ làm con tin bên trong một tòa chung cư ở Melbourne.

Nhà nước Hồi giáo, trên thông tấn xã Amaq của họ, công bố vụ tấn công được tiến hành vì Australia là một thành viên trong liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại IS.

“Chúng tôi xem đây là hành động khủng bố,” cảnh sát bang Victoria nhấn mạnh

Cảnh sát cũng đang điều tra về cú điện thoại gọi tới phòng tin của kênh truyền hình Seven trong thời gian diễn ra vụ vây hãm. Một giọng nam đã gọi tới đài nói rằng vụ tấn công có liên hệ tới Nhà nước Hồi giáo.

Australia, một đồng minh của Mỹ, đang trong tình trạng cảnh giác cao độ đối với các cuộc tấn công của những phần tử chủ chiến trở về từ Trung Đông hoặc các ủng hộ viên của họ.

Kể từ năm 2014, cảnh sát đã phát hiện hàng chục âm mưu khủng bố và bắt trên 60 nghi phạm, Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull, cho biết.

https://www.voatiengviet.com/a/australia-vu-tan-cong-melbourne-la-khung-bo-/3888111.html

 

Những quan ngại về Trung Quốc

khiến Úc xem lại luật gián điệp

Australia vừa có yêu cầu rà soát lại luật gián điệp của nước này cũng như điều tra về tình hình can thiệp từ chính phủ nước ngoài khi mà mối quan ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền chính trị nước Úc.

Biện pháp vừa nêu được đưa ra tiếp theo điều tra cho thấy một cơ quan điệp báo của Australia cách đây hai năm từng có cảnh báo giới chính trị về việc nhận tài trợ từ hai tỷ phủ có mối liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cuộc điều tra do ABC và Fairfax Media tiến hành cho thấy mặc dù được lưu ý nhưng hai đảng Tự Do và Lao động ở Úc tiếp tục nhận những khoản tiền lớn.

Kết quả điều tra được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng vào tối thứ hai 5 tháng 6 cho thấy các cơ quan tình báo vô cùng quan ngại về việc Trung Quốc can thiệp vào các định chế tại Australia và sử dụng hệ thống tài trợ chính trị để tiếp cận.

Thủ tướng Malcolm Turnbull cho báo giới Australia biết vào đầu tháng qua ông yêu cầu tổng chưởng lý rà soát lại luật gián điệp, những luật liên quan hoạt động của các chính phủ nước ngoài tại Úc. Vị tổng chưởng lý sẽ trình những thay đổi cần thực hiện.

Theo thủ tướng Úc thì chủ quyền đất nước, nền dân chủ và không để nước ngoài can thiệp là vấn đề quan tâm hàng đầu.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng điều tra đó là vô căn cứ và nói thêm là truyền thông Australia không nên mất thời gian cho những câu chuyện vô nghĩa và hiểm ác như thế.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/cn-concerns-spark-australia-spy-law-review-06062017113437.html

 

Rạn nứt Qatar với láng giềng vùng Vịnh

‘không ảnh hưởng chống khủng bố’

Zlatica Hoke

Hoa Kỳ kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh và Ai Cập giải quyết các bất đồng với Qatar. Ả Rập Xê-út, Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập, Bahrain, Yemen, Maldives và Ai Cập vừa cắt đứt các mối quan hệ với Qatar với cáo buộc nước này quan hệ với các tổ chức khủng bố và đặt nghi vấn về sự thù địch của Mỹ với Iran. Tất cả các nước này đều là đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo và chống chủ nghĩa bành trướng của Iran. Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng rạn nứt này sẽ không ảnh hưởng đến các nỗ lực chung đó.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Hai kêu gọi các bên trong cuộc xung khắc hãy ngồi lại nói chuyện với nhau để giải quyết các vấn đề. Nhưng ông nói tất các các nước này phải tiếp tục duy trì cam kết hợp tác chống khủng bố.

Ngoại trưởng Tillerson nói: “Tôi hy vọng những bất đồng này không gây ra tác động đáng kể, không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đối với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố khu vực và toàn cầu. Tất cả những nước này đã hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố và chống Nhà nước Hồi giáo, và họ đã tuyên bố cam kết đó trong lần mới đây nhất là tại hội nghị thượng đỉnh ở Riyadh.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói rằng rõ ràng Iran đang nỗ lực gây bất ổn cho khu vực:

“Từ Syria, nơi ông Assad tiếp tục nắm quyền đến ngày hôm nay là do hành động của Iran, cho đến Yemen, nơi họ can thiệp tiêu cực vào cuộc chiến tranh đang cô lâp hàng triệu người và đẩy họ đến nguy cơ chết đói, bệnh tật và bạo động. Do đó tôi cho rằng những hành động của Iran gây phương hại lớn nhất.”

Xung khắc giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh không phải là điều mới lạ.

Ông Gerald Feierstein, chuyên gia của Viện nghiên cứu Trung Ðông, nhận định:

“Các Tiểu Vương quốc Ả Rập và Ả Rập Xê-út nói rõ ràng và công khai rằng họ phản đối Qatar quan hệ với Huynh đệ Hồi giáo, và việc Qatar dung chứa người tuyên truyền thánh chiến Hồi giáo Ai Cập. Và đó là những vấn đề kéo dài lâu nay.”

Chuyên gia Trung Ðông Feierstein nói rằng bất chấp những căng thẳng, Qatar và các nước láng giềng vẫn luôn nhất trí với nhau rằng điều quan trọng là phải đẩy lui chủ nghĩa bành trướng của Iran.

Những ông nhận định rằng sự thống nhất của các lân bang vùng Vịnh là thiết yếu để duy trì an ninh và ổn định khu vực, và Hoa Kỳ luôn giúp các đồng minh vùng Vịnh vượt qua những bất đồng.

Ông Feierstein nói: “Tôi hy vọng một lần nữa Kuwait và Oman lại đóng một vai trò tích cực trong nỗ lực giải quyết cuộc xung khắc này. Tôi được tin Hoàn thân Sheikh Tamin của Qatar sang Kuwait hồ tuần trước. Tôi đoán là ông ấy mưu tìm sự hỗ trợ của Kuwait để tiến tới giải quyết những bất đồng, và Hoa Kỳ một lần nữa phải ủng hộ cho nỗ lực đó.”

Trước đó các nước Ả Rập đã tạm đình hoãn quan hệ ngoại giao với Qatar, nhưng hôm thứ Hai một số nước đã cắt các dịch vụ giao thông vận tải đường bộ, đường không và đường biển với Qatar.

https://www.voatiengviet.com/a/3888794.html

 

Thế giới Ả Rập cắt quan hệ với Qatar

Những cường quốc lớn nhất trong thế giới Ả Rập đã cắt đứt các quan hệ với Qatar hôm 5/6 vì cáo buộc nước này ủng hộ các phần tử Hồi Giáo. Việc này càng làm căng thẳng tình hình chỉ hai tuần sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu các quốc gia Hồi Giáo chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Ả Rập Xê-út, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain, trong một động tác phối hợp, cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Qatar. Yemen và chính phủ có căn cứ tại miền đông Libya gia nhập sau đó. Các liên lạc giao thông ngưng lại khiến cho hàng hóa khan hiếm.

Qatar, một quốc gia bán đảo nhỏ với 2,5 triệu dân, tố cáo hành động này căn cứ vào sự dối trá cho rằng nước này ủng hộ các phần tử hiếu chiến. Qatar thường bị cáo buộc là nguồn tài trợ cho những phần tử Hồi Giáo, cũng như Ả Rập Xê-út.

Iran từ lâu xích mích với Ả Rập Xê-út và là một mục tiêu ‘sau cánh gà’ của hành động này, đã đổ lỗi cho chuyến đi thăm Riyagh của ông Trump trong tháng qua và kêu gọi các bên vượt qua những khác biệt.

https://www.voatiengviet.com/a/the-gioi-a-rap-cat-quan-he-voi-qatar-/3888149.html

 

Donald Trump ‘ủng hộ cô lập Qatar’

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng về cuộc khủng hoảng ngoại giao sau khi nhiều nước Ả Rập cắt đứt quan hệ với Qatar.

Đăng một loạt tin trên Twitter, ông Trump dường như ủng hộ việc cô lập Qatar.

Ông Trump viết trên Twitter rằng ông “vui mừng” khi chuyến thăm Ả Rập Saudi gần đây “đang có kết quả”.

Máy bay Qatar bị cấm vào không phận Ai Cập và Saudi

Năm điều về Qatar có thể bạn chưa biết

“Họ nói sẽ cứng rắn với việc cấp tiền cho cực đoan, và tất cả đều chỉ vào Qatar. Có lẽ đây sẽ bắt đầu để chấm dứt khủng bố.”

Ông Trump nói khi thăm Ả Rập Saudi mới đây, ông được cho hay Qatar đang tài trợ “ý thức hệ cực đoan”.

Diễn văn của ông Trump tại thủ đô của Ả Rập Saudi, lên án Iran và thúc giục các nước Hồi giáo chống cực đoan, được xem là khuyến khích các nước vùng Vịnh chống lại Qatar.

Cùng trong tuần ông Trump thăm Ả Rập Saudi, các nước gồm Ai Cập, Ả Rập Saudi, Bahrain và UAE đã chặn các trang tin của Qatar gồm cả al-Jazeera.

Thứ Hai tuần này, Ả Rập Saudi, Bahrain, và UAE ra lệnh cho công dân Qatar phải ra đi trong vòng hai tuần.

Các nước này cũng cắt đứt mọi tuyến đường giao thông với Qatar.

Kuwait đã đề nghị làm trung gian đàm phán, còn Qatar nói họ sẽ hoan nghênh đối thoại.

Ả Rập Saudi và Bahrain đã rút giấy phép hàng không Qatar Airways, ra lệnh các văn phòng phải đóng cửa trong 48 tiếng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40178140

 

Khủng hoảng vùng Vịnh:

Qatar kêu gọi các đồng minh đối thoại

Thùy Dương

Bị Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein và Yemen cáo buộc « yểm trợ khủng bố » và cắt đứt quan hệ ngoại giao, ngày 06/06/2017, Qatar kêu gọi các nước trên « đối thoại cởi mở và trung thực » để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.

Phát biểu trên truyền hình, ngoại trưởng Qatar khẳng định, là một đồng minh lâu năm của cả Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út, Doha sẽ không có bất cứ hành động « leo thang » nào khiến căng thẳng gia tăng. Chính phủ Qatar khẳng định sẽ « tiến hành mọi biện pháp cần thiết để làm thất bại các mưu đồ làm hại đến đời sống người dân và nền kinh tế đất nước ».

Lãnh đạo ngoại giao cũng nói thêm là mối quan hệ Qatar – Hoa Kỳ mang tính chiến lược, các lĩnh vực hai nước hợp tác nhiều hơn các lĩnh vực Doha và Washington có bất đồng.

Về phản ứng quốc tế, Hoa Kỳ kêu gọi các nước vùng Vịnh « đoàn kết ». Tổng thống Nga Vladimir Putin khuyến khích các bên « tìm giải pháp thỏa hiệp ». Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov đã có cuộc điện đàm riêng rẽ với ngoại trưởng Qatar.

Còn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, một đồng minh thân cận của Qatar, cũng đã điện đàm với lãnh đạo các quốc gia có liên quan và với cả đồng nhiệm Nga Vladimir Putin nhằm góp phần giải quyết bất đồng giữa các nước được gọi là « anh em, bè bạn » ở vùng Vịnh.

Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1981, khi Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (CCG) được thành lập, gồm Ả Rập Xê Út, Bahrein, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Koweit, Oman và Qatar.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170606-khung-hoang-vung-vinh-qatar-keu-goi-a-rap-xe-ut-va-cac-dong-minh-doi-thoai

 

Khủng hoảng ngoại giao Qatar :

Những nguyên nhân sâu xa

Thanh Phương

Từ khi được thành lập năm 1981, chưa bao giờ Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh lại gặp khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. Về mặt chính thức các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, đã cắt đứt bang giao với Qatar vì nước này bị cáo buộc là yểm trợ khủng bố, cụ thể là yểm trợ tổ chức Nhà nước Hồi Giáo và Huynh Đệ Hồi Giáo. Nhưng quyết định nói trên thật ra xuất phát từ nguyên nhân sâu xa hơn, đó là nhằm làm suy yếu vai trò ngoại giao ngày càng lớn của Qatar, đồng thời khơi lại căng thẳng với Iran, quốc gia đang bành trướng thế lực trong vùng.

Từ nhiều ngày qua, giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh đã « cơm không lành, canh không ngọt », nhưng đỉnh điểm là ngày 23/05/2017, khi hãng tin chính thức của Qatar thông báo là trang web của họ đã bị tin tặc thao túng để phát đi những thông tin sai lạc, trong đó có những tuyên bố được cho là của lãnh đạo Qatar, Tamim al-Thani.

Lãnh đạo Qatar dường như đã cảnh báo các đồng minh vùng Vịnh là không nên đối đầu với Iran, cường quốc Hồi Giáo khu vực, đồng thời đã bênh vực cho tổ chức Hamas Palestine và Hezbollah Liban, hai tổ chức đều do Iran yểm trợ. Mặc dù phía Doha đã cải chính, những tuyên bố đó đã được các phương tiện truyền thông của Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập liên tục phát đi phát lại, cho nên đã gây lên làn sóng phẫn nộ trên các mạng xã hội của những nước đó.

Trước đó, ngày 21/05, tổng thống Mỹ Donald Trump đã viếng thăm Ả Rập Xê Út và đã được đón tiếp rất trọng thể. Khác với người tiền nhiệm Obama, đã cố hòa dịu với Iran để đạt được thoả thuận hạt nhân giữa quốc tế với Teheran, tại Riyad, ông Trump đã cực lực lên án Iran can thiệp gây mất ổn định các nước Ả Rập và yểm trợ khủng bố.

Tuyên bố như thế, tổng thống Mỹ coi như ủng hộ vai trò lãnh đạo khu vực của Ả Rập Xê Út và đồng tình với đường lối cứng rắn của Riyad đối với Iran.

Cho tới nay, Ả Rập Xê Út rất bực bội khi thấy đàn em Qatar vừa rất năng động về ngoại giao, vừa quá thân thiết với Mỹ. Vào lúc Ả Rập Xê Út muốn lập một liên minh các nước Hồi Giáo Sunni để đối đầu với nước Iran Hồi Giáo Shia, Qatar lại kêu gọi cải thiện quan hệ với Iran.

Không thể chịu được nữa, Ả Rập Xê Út đã lợi dụng ngay tuyên bố được cho là của lãnh đạo Qatar để cáo buộc chính quyền Doha yểm trợ khủng bố, rồi lấy cớ để cắt đứt bang giao. Vì Riyad cáo buộc Qatar yểm trợ tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, nên lôi kéo cả Ai Cập và Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập vào khủng hoảng ngoại giao.  Cairo và Abou Dabi vốn rất thù ghét Huynh Đệ Hồi Giáo. Nhất là Ai Cập đang rất cần đến trợ giúp tài chính của Ả Rập Xê Út nên lại càng tích cực tham gia « dạy một bài học » cho Qatar.

Nhưng khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với các láng giềng thật ra sẽ chỉ có lợi cho Iran, vì cho tới nay Teheran vẫn rất ngán ngại khối đoàn kết vùng Vịnh. Nay khối đoàn kết này đang tan rã, nhất là vì trong Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, Koweit và Oman đã không theo chân Ả Rập Xê Út trong việc trừng phạt Qatar.

Trước mắt, lợi dụng tình hình này, Iran tỏ ra mình là một cường quốc có trách nhiệm khi kêu gọi Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh « nối lại đối thoại để giải quyết các bất đồng ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170606-khung-hoang-ngoai-giao-qatar-nhung-nguyen-nhan-sau-xa

 

Vườn thú ở Trung Quốc cho hổ ăn lừa

Một nhóm các nhà đầu tư giận dữ đã cho một con lừa vẫn sống nguyên vào khu chuồng cọp cho hổ ăn thịt, sau khi tranh cãi với ban lãnh đạo sở thú.

Vụ việc xảy ra chiều thứ Hai tại thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô ngay trước mắt khách tham quan, khiến mọi người kinh sợ.

Sở thú nói rằng các cổ đông đã quăng con lừa vào khu chuồng cọp ‘trong cơn tức giận’, và xin lỗi công chúng về những gì đã xảy ra.

Những động vật tự ăn thịt mình

Nên đóng cửa các trại nuôi hổ?

Việt Nam: ‘Nuôi và giết cá sấu lấy da dã man’

Các video clip và ảnh chụp lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội ở Trung Quốc, tạo làn sóng tâm lý sốc cho nhiều người.

Người ta nhìn thấy cảnh con lừa bị đẩy từ chiếc xe tải ra, rồi đẩy vào cái hào trong khu nuôi hổ, nơi nó nhanh chóng bị bầy hổ phát hiện.

Đại diện của công viên Diêm Thành Safari từ chối trả lời các câu hỏi của BBC.

Tuy nhiên, trong tuyên bố viết bằng tiếng Trung và được đăng trên mạng tiểu blog Sina Weibo, vườn thú nói vụ việc bắt nguồn từ một vụ kiện pháp lý giữa sở thú và một công ty khác.

Vụ kiện khiến tòa phong tỏa tài sản của sở thú hồi hai năm về trước. Điêu đó có nghĩa là họ không thể bán bớt các con thú và khiến “các khoản tài chính đầu tư bị co lại”, theo nội dung tuyên bố.

Một số con thú, gồm hai hươu cao cổ và một con tinh tinh, đã chết bởi sở thú không xin được giấy phép để đưa chúng tới nơi khác chữa bệnh.

Các cổ đông đã “tức giận từ lâu” bởi họ không nhận được gì từ các khoản đầu tư, và cũng bực bõ về cái chết của các con thú.

Họ nghi rằng sở thú thông đồng với tòa án “lừa các cổ đông nhỏ, và trong cơn tức giận đã quyết định thả lừa và cừu… vào cho hổ ăn”, ban lãnh đạo sở thú nói.

Báo Xiandai Kuaibao viết bằng tiếng Trung rằng sau khi con lừa bị đẩy vào, nhân viên sở thú đã chặn được việc các cổ đông ném tiếp cừu vào chuồng cọp.

Một nhà đầu tư nói với báo Giấy (phát hành bằng tiếng Trung) rằng họ muốn lấy lại những thua lỗ, và có kế hoạch chuyển các con thú ra khỏi sở thú, đem bán cho nơi khác.

Nhưng nhân viên bảo vệ sở thú chặn lại, khiến các nhà đầu tư phản ứng giận dữ.

“Bởi chúng tôi chả được lợi gì, nên chúng tôi nghĩ thế thì sao mình không cho hổ ăn đi, ít nhất thì cũng đỡ được tiền nuôi chúng,” một nhà đầu tư không nêu danh nói.

Sở thú nói họ ‘rất lấy làm tiếc’ và sẽ đảm bảo không để chuyện tương tự tái diễn.

Họ nói họ đang làm việc để giải quyết tranh chấp pháp lý và giải tỏa các quan ngại của cổ đông.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40172102

 

Pháp bắn nghi phạm tấn công cảnh sát ở Paris

Cảnh sát Pháp bắn bị thương một người đàn ông bên ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris sau khi nghi phạm định dùng búa tấn công cảnh sát.

Khu vực quanh nhà thờ tạm thời bị phong tỏa.

Pháp đã ở trong tình trạng khẩn cấp từ 2015, khi xảy ra các vụ tấn công làm 130 người chết ở Paris.

Vụ tấn công ở Paris diễn ra ba ngày sau khi London chứng kiến ba kẻ cực đoan dùng xe tải và dao làm chết bảy người.

Các vụ khủng bố gần đây ở Pháp:

20/4/2017: Một tội phạm bắn cảnh sát ở Paris, giết chết một người trước khi bị bắn chết.

3/2/2017: Một người Ai Cập tấn công lính Pháp ở bảo tàng Louvre.

26/7/2016: Hai kẻ cứa cổ linh mục tại nhà thờ ở Normandy.

14/7/2016: Xe tải tông vào đám đông ở Nice, giết chết 86 người.

13/6/2016: Một kẻ cầm dao giết một cảnh sát và vợ ở Magnanville, Paris.

13/11/2015: Các vụ tấn công phối hợp tại Paris làm chết 130 người, 350 bị thương

7 đến 9/1/2015: Hai tay súng Hồi giáo tấn công tạp chí Charlie Hebdo, làm chết 17 người. Một kẻ khác giết một cảnh sát ngày hôm sau, và bắt con tin tại Paris. Bốn con tin thiệt mạng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-40179143

 

Khí hậu :

Bang California và Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác

Trọng Thành

Ngày 06/06/2017, đại diện cho bang California, thống đốc Jerry Brown ký kết với Trung Quốc một thỏa thuận về hợp tác phát triển năng lượng sạch trong khuôn khổ chuyến công du Trung Quốc một tuần nhằm đẩy mạnh các hợp tác với Trung Quốc, sau khi chính quyền Donald Trump tuyên bố rời bỏ hiệp định khí hậu Paris.

Theo Reuters, trả lời báo giới, lãnh đạo California cho biết bang này và Trung Quốc nhất trí thiết lập quan hệ Đối Tác Công Nghệ Sạch (California-China Clean Technology Partenership), nhằm mục tiêu thúc đẩy các công nghệ và nhanh chóng phổ biến ra thị trường. Cụ thể là trong lĩnh vực như thu giữ khí thải CO2, cũng như các công nghệ tiên tiến khác nhằm cắt giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính và đặc biệt là trong việc xây dựng một thị trường mua bán phát thải carbon.

Đài phát thanh tư nhân Europe 1 của Pháp cho biết thêm, cũng trong cuộc họp báo hôm nay, thống đốc California nhấn mạnh đến tính cấp thiết của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với nhận xét hiểm họa này có thể còn « nguy hiểm hơn chủ nghĩa phát xít ». Ông Jerry Brown kêu gọi Bắc Kinh xây dựng các tiêu chí mới, siết chặt hơn mức phát thải của các phương tiện vận tải.

Trong chuyến công du tại Trung Quốc, thống đốc California làm việc tại hai tỉnh Tứ Xuyên (Xichuan) và Giang Tô (Jiangsu), hai khu vực đi đầu trong việc phát triển năng lượng sạch tại nước này. Tứ Xuyên và Giang Tô cũng là hai tỉnh đầu tiên của Trung Quốc tham gia liên minh quốc tế chống biến đổi khí hậu, do California hậu thuẫn, cũng là liên minh quốc tế đầu tiên giữa các vùng trên thế giới trong lĩnh vực này. Liên minh Under2 Coliation tổ chức hội nghị vào ngày mai tại Bắc Kinh.

Năm 2015, GDP California với gần 2.500 tỉ đô la, đứng đầu nước Mỹ và xếp hạng thứ sáu toàn cầu.

Trung Quốc là nước gây ô nhiễm nhiều nhất, nhưng cũng là quốc gia đi đầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo, với khoảng 88 tỉ đô la đầu tư trong năm 2016, chủ yếu trong lĩnh vực điện gió và mặt trời.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170606-khi-hau-bang-california-va-trung-quoc-ky-thoa-thuan-hop-tac

 

Vuitton đặt tên phu nhân Macron cho túi xách?

Tuấn Thảo

Kể từ khi ông Emmanuel Macron nhậm chức tổng thống Pháp, đệ nhất phu nhân Brigitte Macron đã trở thành điểm nhắm của giới phóng viên săn ảnh và đặc biệt hơn nữa là các nhà nhiếp ảnh chuyên làm việc cho các tạp chí thời trang. Dù không nói thẳng, nhưng hầu hết các hiệu thời trang nổi tiếng Pháp đều thầm mong muốn bà Brigitte Macron chọn một kiểu trang phục của họ trong tủ áo của bà.

Màu sắc của bộ tailleur, chiều cao của gót giầy hay chiều dài của kiểu áo đầm, các bộ y phục cũng như kiểu trang điểm của bà Brigitte Macron đều được đem ra để đối chiếu, so sánh, như thể người ta muốn thỏa mãn tính hiếu kỳ : liệu cách ăn mặc như vậy có tạo thêm sức quyến rũ, có giúp cho cặp đôi thêm ”vừa lứa” khi mọi người đều biết sự chênh lệch tuổi tác giữa hai vợ chồng tổng thống Macron.

Trong tủ áo của bà Brigitte Macron, một thương hiệu thời trang giành lấy được một vị trí quan trọng nếu không nói là ‘‘chiến lược’’. Vào năm 2014, khi Brigitte Macron gặp cô Delphine Arnault, con gái của ông Bernard Arnault, tổng giám đốc của LVMH, bà Macron đã lập mối quan hệ hữu hảo rồi trở nên gắn bó với thương hiệu Louis Vuitton. Cô Delphine Arnault với tư cách là phó giám đốc điều hành đã trở thành một ‘‘cố vấn thời trang’’, hiệu Louis Vuitton cho bà Brigitte Macron mượn những bộ trang phục mỗi lần bà xuất hiện trước công chúng hay tham gia các sự kiện.

Tuy nhiên, bà Brigitte Macron nhấn mạnh đây là trang phục cho mượn chứ không phải là ‘‘quà biếu’’. Mỗi bộ áo quần đều được ghi vào sổ sách, sau khi dùng xong thì đem trả lại. Theo bà Brigitte Macron, ngay từ trước khi bà trở thành đệ nhất phu nhân Pháp, đó là cách để tôn vinh, để quảng bá hình ảnh thời trang Pháp. Sở dĩ bà phải nhắc đi nhắc lại một cách thận trọng như vậy có lẽ là vì bà muốn tránh gây ra một sự hiểu lầm đáng tiếc giữa đồ ‘’cho mượn’’ và ‘‘quà tặng’’.

Dù gì đi nữa, hình ảnh của bà Brigitte Macron diện đồ Vuitton đã gây sốt trên mạng. Chỉ cần liếc nhìn qua các trang video youtube, cộng đồng đăng hình instagram, hay ảnh chụp đăng lại trên trang twitter, thì ta sẽ thấy rất nhiều hình ảnh của chiếc túi xách tay capucines của hiệu Vuitton

Kể từ khi được tung ra thị trường, kiểu túi xách capucines (giá khoảng 3000€) đã là một sản phẩm đắt khách, nhưng kể từ khi bà Brigitte Macron đeo nó trên tay (màu túi xách đều thích nghi theo mỗi màu trang phục), thì kiểu capucines lại càng bán chạy, đặc biệt là kiểu túi màu xanh dương đậm, nếu muốn mua khách hàng phải đăng ký trên danh sách và thời gian chờ đợi cho mỗi khách hàng ít nhất là ba tháng.

Tuần báo thời trang Elle, rồi kế đến nữa là Vanity Fair (ấn bản tiếng Pháp) và mạng thông tin Huffington Post đều đã cho biết là hiệu Vuitton đang xem xét khả năng đổi tên capucines thành túi xách Brigitte, một cách để cảm ơn đệ nhất phu nhân Pháp. Điều này đã từng xẩy ra khi thương hiệu Hermès đã từng lấy tên của Kelly (Grace Kelly ngôi sao màn bạc và cũng là công nương Monaco) cũng như Birkin (ca sĩ kiêm diễn viên Jane Birkin) để đặt cho hai kiểu túi xách tay bằng da nổi tiếng là sang trọng.

Tuy thương hiệu Louis Vuitton chưa xác nhận nguồn tin trên, nhưng túi xách capucines đương nhiên trở thành đề tài ‘‘nóng bỏng’’ trên các blog thời trang, mặc dù kiểu túi này từng được chụp trên tay của nhiều nhân vật trứ danh khác như Angeline Jolie, Léa Seydoux, Miranda Ker, Sienna Miller, Jessica Chastain …… Sự kiện bà Brigitte Macron diện đồ Vuitton mỗi lần xuất hiện trước camera truyền hình hay ống kính của giới phóng viên nhiếp ảnh báo chí đã có tác dụng ‘‘chào hàng’’ mạnh hơn tất cả các đợt quảng cáo mà Louis Vuitton đã chịu đầu tư trước đây với các ngôi sao hay người mẫu nổi tiếng

http://vi.rfi.fr/phap/20170606-vuitton-dat-ten-de-nhat-phu-nhan-cho-tui-xach

 

Montenegro gia nhập NATO : Nga dọa trả đũa

Thùy Dương

Ngày 05/06/2017, Montenegro chính thức trở thành thành viên thứ 29 của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, bất chấp việc Nga đe dọa trả đũa.

Reuters cho biết thủ tướng Montenegro Dusko Markovic đã dự buổi lễ chào mừng sự kiện trên tại Washington, với sự có mặt của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Bộ Ngoại Giao Mỹ hoan nghênh Montenegro, vì nước này đã quyết tâm “thực hiện quyền lựa chọn các liên minh cho riêng mình bất chấp việc các nước khác hợp lực nhằm gây sức ép”.

Với 620.000 dân, Montenegro là một trong những thành viên nhỏ nhất của NATO, nhưng sự gia nhập của nước này cho phép NATO từ nay có thể kiểm soát được toàn bộ khu vực ven biển Bắc Địa Trung Hải, từ eo biển Gibraltar cho tới biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Vì thế, việc Montenegro gia nhập NATO đã khiến Matxcơva tức giận.

Điện Kremlin chỉ trích chính phủ Montenegro đi theo “con đường thù địch”. Trong một thông cáo đưa ra hôm qua, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov nói Matxcơva có quyền trả đũa trên cơ sở có đi, có lại.

Hồi tháng 04/2017, Matxcơva đánh giá việc quốc gia thành viên của Nam Tư cũ gia nhập Liên Minh “phản ánh đường lối đối đầu ở châu Âu, tạo ra các giới tuyến mới”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170606-montenegro-gia-nhap-nato-nga-doa-tra-dua

 

Đối Thoại Shangri-La:

Cơ hội để Pháp tỏ rõ hướng xoay trục qua châu Á

Mai Vân

Dù mới nhậm chức không được bao lâu, tân bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, giờ gọi là bộ Quân Lực, bà Sylvie Goulard, đã đến ngay Singapore để tham dự Đối Thoại Shangri-La (02-04/06/2017). Tại đấy, cùng với nữ đồng nhiệm Nhật Bản Tomomi Inada, bộ trưởng Pháp đã không ngần ngại cổ vũ cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, và thể hiện lập trường cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên. Và một lần nữa, bà Sylvie Goulard cũng kêu gọi tiếp tục bảo đảm « trật tự dựa trên luật pháp và tự do hàng hải trong vùng Biển Đông ».

Trong bài nhận định đăng trên trang mạng Pháp Asialyst ngày 03/06/2017, tiến sĩ Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về các vấn đề địa chính trị vùng Đông Á và Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, đã cho rằng sự hiện diện của người phụ trách quốc phòng Pháp tại Đối Thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh thường niên tập hợp hầu hết các lãnh đạo quốc phòng của khu vực cũng như các chuyên gia về an ninh châu Á, là một minh họa cụ thể cho đường lối ngoại giao quốc phòng của Pháp, muốn đóng một vai trò bền vững trong vùng, với chính phủ mới của tổng thống Macron không đi chệch hướng người tiền nhiệm.

Pháp cũng có một chiến lược xoay trục qua châu Á

Bà Boisseau du Rocher ghi nhận nhiều động thái xuyên suốt của Paris nhằm khẳng định tiếng nói và quan điểm của mình về châu Á :

– Về mặt đa phương : mong muốn tham gia tham gia cơ chế ADMM+, tập hợp bộ trưởng Quốc Phòng 10 nước ASEAN cùng 8 đối tác lớn của khu vực với mục tiêu củng cố hợp tác trong lãnh vực an ninh ;

– Về mặt song phương: tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước trong vùng qua cơ chế 2+2 – tức là hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao – bắt đầu với Nhật Bản từ năm 2014, và với Úc vào tháng 03/2017 ; đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược quan trọng với Ấn Độ.

Khi phái bộ trưởng Quân Lực của Pháp đến dự Đối Thoại Shangri-La, một trong những sự kiện lớn về ngoại giao quốc phòng ở Châu Á-Thái Bình Dương, tổng thống Macron muốn cho thấy ý muốn có tiếng nói về chiến lược trong một vùng then chốt cho thế cân bằng thế giới.

Đối Thoại Shangri-La : Địa bàn lý tưởng để thể hiện chính sách châu Á

Tân tổng thống Pháp đã tiếp tục đường lối « xoay trục » hướng về Châu Á-Thái Bình Dương mà người tiền nhiệm đã khởi xướng, với cựu bộ trưởng Quốc Phòng – giờ đây là ngoại trưởng – Jean-Yves Le Drian, đã từng là khách mời rất quen thuộc với Shangri-La.

Đối Thoại Shangri-La là một nơi trao đổi vô cùng thuận lợi. Chỉ trong vài ngày cuối tuần, bộ trưởng Pháp đã gặp được mọi đồng nhiệm quan trọng, từ Mỹ, Úc, cho đến Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Malaysia…, biết bao đối tác mà Pháp trong mấy năm qua đã thắt chặt thêm quan hệ, với công cuộc hợp tác sẽ tiếp tục phát triển trong hàng thập niên tới đây. Một ví dụ: chiếc tàu ngầm cuối cùng mà tập đoàn Pháp DCNS giao cho Úc là vào khoảng năm 2050.

Sự hiện diện của Pháp tại châu Á cho đến nay không phải là không đáng kể : Cả về thiết bị ( hơn 30% vũ khí xuất khẩu của Pháp là cho vùng Đông Á ), đào tạo, huấn luyện, cho đến hợp tác về an ninh hàng hải, chống khủng bố hay an ninh mạng, Pháp là nguồn cung cấp an ninh có trọng lượng trên sân khấu châu Á, với chất lượng, công nghệ học và sáng kiến cải tiến được các đối tác đánh giá cao.

Hai tuần trước khi khai mạc cuộc triển lãm hàng không Le Bourget gần Paris, sự có mặt của bà Sylvie Goulard tại Singapore đã giúp Pháp ghi điểm trong một lãnh vực mà cạnh trạnh rất dữ dội.

Pháp lôi cuốn châu Âu cùng đến với châu Á

Theo phân tích của bà Boisseau du Rocher, khi đến Shangri-La, bà Sylvie Goulard không chỉ mang thông điệp của riêng nước Pháp. Bà còn nổi tiếng là thân châu Âu, và các đối tác Châu Á-Thái Bình Dương đang chờ đợi hai đầu tàu Pháp-Đức của châu Âu khẳng định lại một quyết tâm tái dấn thân rõ ràng và mang tầm nhìn của châu Âu : An ninh và tương lai của khu vực không thể bị lệ thuộc vào hai đối thủ cạnh tranh nhau là Washington và Bắc Kinh.

Đối với chuyên gia Pháp, một châu Âu có « nhiều tham vọng » hơn, với sự thúc đẩy trở lại một công cuộc hợp tác quốc phòng có hiệu quả mà tổng thống Pháp Macron mong muốn và thủ tướng Đức Angela Merkel đã xác định là một thông điệp mạnh mẽ mà bà Sylvie Goulard gởi đến cho các đối tác châu Á.

Đấy cũng là lời giải cho những trăn trở của các lãnh đạo khu vực về sự độc lập chiến lược của họ. Vì cho dù không hoàn hảo, nhưng châu Âu không chỉ mang đến cho châu Á một thông điệp về tương lai, mà còn giúp cho khu vực có thêm không gian hành động cần thiết.

Sự lấn áp của Trung Quốc, với nào là Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR, nào là Biển Đông, hiện đại hóa quân đội, cộng thêm với sự trống vắng chiến lược đến từ một chính quyền Donald Trump khó lường nếu không muốn nói là phản tác dụng (bỏ TPP, không rõ ràng trên hồ sơ Bắc Triều Tiên…) đã tạo ra một khoảng trống mà châu Âu có thể lấp đầy. Trong bối cảnh đó, rõ ràng Pháp hiện là nước châu Âu dấn thân nhiều nhất vào lãnh vực quốc phòng và an ninh trong khu vực – hơn cả Vương quốc Anh – và Paris có ý định đóng vai trò đầu tàu kéo các nước khác đi theo.

Dĩ nhiên là Liên Hiệp Châu Âu không thể ngày một ngày hai trở thành một tác nhân quân sự có trọng lượng tại châu Á, nhưng ảnh hưởng chiến lược của châu Âu là một điều có thật trên bình diện cải tổ lại cấu trúc của an ninh và giúp giải quyết căng thẳng, từ Bắc Triều Tiên đến Biển Đông.

Chính là trên hồ sơ Biển Đông mà cựu bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Le Drian đã gây ấn tượng mạnh tại Đối Thoại Shangri-La lần thứ 14 (tháng 6 năm 2016) bằng cách đề nghị tổ chức những cuộc tuần tra hải quân của Liên Hiệp Châu Âu trong vùng biển này. Đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Liên Hiệp Châu Âu là một tác nhân đa chức năng, thực tế, và do đó hữu ích.

An ninh của châu Á không chỉ là an ninh của Trung Quốc

Đối thoại Shangri-La cũng rất hữu ích trong việc cho phép đo lường tầm quan trọng chiến lược của các liên minh ở châu Á. Trong địa hạt an ninh cũng như trong các lĩnh vực khác, Trung Quốc có xu hướng chiếm lĩnh không gian, dù cố ý hay không. Dĩ nhiên là sức mạnh chiến lược của họ, nỗ lực hiện đại hóa và tăng cường năng lực triển khai quân đi xa, thái độ quyết đoán mang tính chất dân tộc chủ nghĩa cứng rắn (đặc biệt là ở Biển Đông), đang làm thay đổi những mô hình an ninh… Thái độ mập mờ của Mỹ cũng có tác động.

Tuy nhiên, cho rằng an ninh châu Á chỉ tùy thuộc vào các yếu tố đó mà thôi là một điều nguy hiểm.

Nhật Bản của ông Abe đã sẵn sàng để trở thành một cường quốc quân sự khu vực, nếu thủ tướng nước này thành công trong việc sửa đổi Hiến Pháp cho phép biến quân đội Nhật, cho đến nay chuyên phòng thủ, thành một lực lượng tấn công.

Ấn Độ, nước đã mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp vào năm 2016, đã thúc đẩy một chính sách Hướng Đông hiện đang có kết quả mà thủ tướng Ấn Modi có ý định phát huy. Hàn Quốc là trung tâm của các cuộc đàm phán về tương lai bán đảo. Một số quốc gia Đông Nam Á đã trở thành những tác nhân an ninh thực thụ, ngay ở trung tâm vòng xoáy an ninh của châu Á.

Bà Boisseau du Rocher cuối cùng liệt kê những điều Paris cần thực hiện để phát huy hơn nữa vai trò của minh trong vùng : Trấn an các đối tác về quyết tâm dấn thân của Pháp nhằm phục vụ một Liên Hiệp Châu Âu có trách nhiệm tại Châu Á-Thái Bình Dương, duy trì một mạng lưới các mối quan hệ song phương và đa phương, thiết lập những mối quan hệ mới, nêu bật những ưu tiên của tổng thống Macron và thử nghiệm các sáng kiến bằng cách đo lường phản ứng trước các chủ đề nhạy cảm… sẽ vô cùng quan trọng để nâng cao uy tín và ảnh hưởng Pháp hiện có trong vùng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170606-doi-thoai-shangri-la-co-hoi-de-phap-to-ro-huong-xoay-truc-qua-chau-a

 

Vụ MH17: Thêm nhiều thông tin về vai trò của Nga

Trọng Thành

Báo cáo của mạng lưới điều tra Bellingcat công bố ngày 05/06/2017 tiết lộ nhiều thông tin mới cho thấy sự can dự hiển nhiên của Nga trong vụ máy bay của hãng Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 bị trúng tên lửa hồi tháng 7/2017. Toàn bộ 289 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Bellingcat là một mạng lưới điều tra độc lập do phóng viên người Anh Eliot Higgins chủ trì.

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết cụ thể :

« Về vụ chuyến bay MH17 rớt tại vùng Donbass ngày 17/07/2014, hàng loạt giả thuyết về những thủ phạm giấu mặt tiếp tục được tung ra. Tuy nhiên, các điều tra của tổ hợp các nhà báo độc lập Bellingcat chỉ rõ quân đội Nga đã tham gia trực tiếp trong việc vận chuyển tên lửa BUK, bắn hạ chiếc Boeing trên bầu trời Ukraina.

Mạng lưới điều tra Bellingcat công bố hôm qua một báo cáo mới, lần này cho thấy lộ trình di chuyển của tên lửa, từ một căn cứ quân sự ở vùng Koursk, Nga, đến biên giới với Ukraina.

Bellingcat đã xác định các địa điểm và tìm được những người tham gia dựa trên các bức ảnh được binh sĩ Nga đưa lên mạng xã hội. Ảnh vệ tinh cho thấy chính lữ đoàn hậu cần số 69 của quân đội Nga đã chuyển sang Ukraina  tên lửa đặc biệt này. Các nhà điều tra còn xác định là viên tài xế chuyến xe có tên Dimitry X.

Các dữ kiện nói trên đã được chuyến đến văn phòng của cơ quan điều tra. Tại Liên Hiệp Quốc, Nga tiếp tục chống lại việc thành lập một tòa án quốc tế đặc biệt về vụ MH17 ».

Tháng 9/2016, cơ quan công tố Hà Lan phụ trách điều tra đã công bố các kết luận sơ bộ, cho thấy tên lửa đã được chuyển từ Nga qua Donbass, miền đông Ukraina. Khoảng 100 người đã « tích cực » tham gia vào vụ này.

Theo báo The Australian hôm 17/05/2017, Hà Lan, Úc, Ukraina, Malaysia và Bỉ đang phối hợp xem xét các thủ tục pháp lý cần thiết để đưa vụ MH17 ra xét xử tại một tòa án quốc tế, cho dù có thể không dẫn độ được các bị cáo.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170606-vu-mh17-them-nhieu-thong-tin-ve-vai-tro-cua-nga