Tin khắp nơi – 06/05/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 06/05/2020

Bầu cử Mỹ 2020: Pence và Harris sẽ tranh luận phía sau tấm kính chắn

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và đối thủ thuộc đảng Dân chủ Kamala Harris của ông sẽ được ngăn cách bởi vách kính trong suốt trong cuộc tranh luận vào tuần này.

Các ứng cử viên sẽ ở cách nhau ít nhất 12ft (3,6m) trong sự kiện vào thứ Tư tại Thành phố Salt Lake, Utah, nhằm hạn chế nguy cơ lây truyền Covid.

Việc này được tiến hành sau khi Tổng thống Donald Trump và một số người thân cận với ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.

Cả hai ứng cử viên phó tổng thống mới đây đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân dương tính với Covid-19

Tổng thống Donald Trump nhập viện để điều trị Covid-19

Thông tin về sự kiện được Ủy ban phụ trách các cuộc tranh luận tổng thống (CPD) đưa ra hôm thứ Hai cho biết “tấm kính chắn sẽ được sử dụng làm một phần trong các phương pháp tổng thể của CPD để đảm bảo sức khỏe và an toàn”.

Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, nhóm của bà Harris đã đưa ra kiến nghị này.

Phản hồi lại thông báo, phát ngôn viên của ông Pence, Katie Miller, nói: “Nếu Thượng nghị sĩ Harris muốn sử dụng một pháo đài xung quanh mình, hãy cứ dùng nó.”

Thư ký báo chí của bà Harris, Sabrina Singh, sau đó đã tweet rằng “thật thú vị khi Katie Miller chế giễu việc chúng tôi muốn có một tấm chắn trên sân khấu tranh luận”, và bổ sung rằng ông Pence “được xem là phụ trách lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 lẽ ra nên ủng hộ việc này“.

Đây không phải là lần đầu mà tấm kính chắn xuất hiện trong một cuộc tranh luận. Vào cuối tuần, ứng cử viên Thượng viện đảng Dân chủ ở Nam Carolina Jaime Harrison đã sử dụng tấm kính chắn của riêng mình trong cuộc tranh luận với đối thủ đảng Cộng hòa Lindsey Graham.

Các biện pháp khác được CPD đưa ra bao gồm việc yêu cầu khán giả phải xét nghiệm Covid và đeo khẩu trang trong suốt buổi tranh luận. Ủy ban cho biết thêm, bất kỳ ai từ chối đeo khẩu sẽ bị “áp giải ra ngoài”.

Thứ Ba tuần trước, ông Trump và đối thủ Joe Biden đã xung đột nảy lửa suốt hơn 90 phút trong cuộc tranh luận phục vụ cho việc chạy đua vào Nhà Trắng được xem là hỗn loạn và gay gắt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Tranh luận Trump – Biden: Truyền thông thế giới phản ứng thế nào

Làm thế nào để tránh ‘vết xe đổ’ tranh luận Trump-Biden

Các quy định địa phương ở Cleveland, Ohio, yêu cầu tất cả mọi người trong phòng phải đeo khẩu trang – nhưng trong số những thành viên của gia đình tổng thống có mặt, chỉ có Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump đeo khẩu trang xuyên suốt cuộc tranh luận.

Ivanka, Donald Trump Jr, Eric và Tiffany Trump đều không thấy đeo khẩu trang trong suốt buổi tối.

Cuộc tranh luận tổng thống thứ hai được dự kiến diễn ra vào ngày 15/10, và cuộc tranh luận thứ ba sẽ diễn ra vào ngày 22/10.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54431464

 

Ông Trump vẫn muốn tranh luận

lần hai với Biden dù đang điều trị Covid

Hải Lam

Tổng thống Mỹ Donald Trum vẫn muốn tham gia tranh luận lần hai với ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden vào ngày 15/10 theo kế hoạch, dù ông đang điều trị Covid-19.

Ông Tim Murtaugh, giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump nói với CNN hôm 5/10 rằng: “Tổng thống dự định tham dự cuộc tranh luận kế tiếp”.

Cuộc tranh luận tổng thống lần hai sẽ diễn ra tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Adrienne Arsht ở thành phố Miami, bang Florida. Đây là nơi đã tổ chức các cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ trong vòng sơ bộ năm ngoái.

Fox News đưa tin, Symone Sanders, cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của ông Biden, ngày 4/10 cho biết cựu phó tổng thống Mỹ “mong chờ” cuộc tranh luận tiếp theo. Joe Biden hy vọng ông Trump sẽ kịp hồi phục và tham gia sự kiện.

Không giống như cuộc tranh luận đầu tiên, cuộc tranh luận thứ hai sẽ diễn ra dưới hình thức tòa thị chính và cư dân khu vực Miami sẽ đặt câu hỏi cho các ứng viên thay vì người điều hành.

Người điều hành cuộc tranh luận thứ hai là Steve Scully. Ông Scully có mối quan hệ mật thiết với Joe Biden, điều này có thể gây bất lợi cho Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump sáng 6/10 (theo giờ Việt Nam) đã rời Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed sau 4 ngày nhập viện vì nhiễm Covid-19 và trở về Nhà Trắng để tiếp tục điều trị.

Trước đó, ông Trump thông báo trên Twitter về việc xuất viện. Tổng thống nhấn mạnh ông còn cảm thấy “khỏe hơn so với 20 năm trước”.

Ông cũng cho biết sẽ sớm quay lại chiến dịch tranh cử trong dòng tweet sau đó. “Sẽ sớm trở lại chặng đường tranh cử. Tin giả chỉ cho thấy những cuộc thăm dò giả”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-trump-van-muon-tranh-luan-lan-hai-voi-biden-du-dang-dieu-tri-covid.html

 

Háo hức với tương lai của Trump,

 số người Mỹ bỏ phiếu sớm tăng kỷ lục

Lục Du

Trước cuộc bầu cử chính thức ngày 3/11, nhiều người Mỹ đang đi bỏ phiếu sớm bầu tổng thống với số lượng người tham gia chưa từng có, theo Reuters.

Còn bốn tuần nữa mới đến ngày bầu cử chính thức, tuy nhiên đã có hơn 4 triệu người Mỹ đi bỏ phiếu, gấp hơn 50 lần so với 75.000 người vào thời điểm này năm 2016, theo dữ liệu tổng hợp bầu cử sớm của Ban tổ chức Bầu cử Hoa Kỳ.

Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi sự mở rộng của việc bỏ phiếu sớm và hình thức bỏ phiếu thông qua thư ở nhiều bang nhằm hạn chế sự lây lan virus Vũ Hán. Bên cạnh đó người dân cũng háo hức muốn biết tương lai chính trị của Tổng thống Trump, ông Michael McDonald người tham gia trong ban tổ chức bầu cử nhận định.

McDonald đưa ra dự đoán rằng số người bỏ phiếu sớm sẽ đạt kỷ lục khoảng 150, chiếm 65% số cử tri đủ điều kiện, đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1908.

Ông McDonald cho biết, con số được báo cáo cho đến nay được tổng hợp từ 31 tiểu bang và sẽ tăng lên nhanh chóng khi nhiều tiểu bang bắt đầu cho bỏ phiếu trực tiếp sớm. Đa số các tiểu bang ở Mỹ đều cho bỏ phiếu trực tiếp sớm ở một mức độ nào đó.

Ông McDonald đánh giá rằng việc bỏ phiếu sớm thường bắt đầu một cách sôi nổi, sau đó lắng xuống trước khi tăng lại ngay trước ngày bầu cử chính thức. Nhưng ở kỳ bầu cử lần này, ở một số bang, tỷ lệ tham gia bỏ phiếu sớm đã tăng vọt sau một tháng.

https://www.dkn.tv/the-gioi/hao-huc-voi-tuong-lai-cua-trump-so-nguoi-my-bo-phieu-som-tang-ky-luc.html

 

Bà Pelosi đề cập tới khả năng trở thành

quyền Tổng thống giữa lúc bầu cử hỗn loạn

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã đưa ra khả năng (dù chỉ có ít cơ hội trở thành hiện thực) rằng bà có thể trở thành quyền Tổng thống nếu cả Tổng thống Donald Trump hoặc ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đều không nhận được đủ số phiếu đại cử tri để tuyên bố chiến thắng vào tháng 11.

Vào ngày 1 tháng 10, Chủ tịch Hạ viện nói với các phóng viên rằng bà ấy đang chuẩn bị cho Hạ viện đóng vai trò trong việc xác định người chiến thắng bằng cách cho phép phái đoàn của mỗi tiểu bang bỏ phiếu. Bà đã cho biết: “Chúng tôi có tất cả các loại cơ hội”.

Bà Pelosi nói, nếu đa số phiếu bầu không dành cho một trong hai ứng cử viên, “thì nó sẽ dẫn tới một khả năng khác mà Chủ tịch Hạ viện sẽ trở thành [tổng thống]”, bà tự ám chỉ chính mình.

“Chuyện sau đó sẽ rất phức tạp”, bà Pelosi nói.

Khoảng 150 năm trước, Hạ viện đóng vai trò quyết định kết quả của một cuộc bầu cử tổng thống. Theo Tu Chính Án 12, nếu Đại Cử tri hòa phiếu (269–269) hoặc có một cuộc tranh chấp khác ngăn cản việc xác định người chiến thắng rõ ràng thì sẽ dẫn đến một cuộc bầu cử ngẫu nhiên khác.

Đảng Dân Chủ bao gồm đa số các nhà lập pháp độc lập trong Hạ viện, mặc dù Đảng Cộng Hòa lại chiếm đa số các phái đoàn Đại biểu của tiểu bang, vì 26 tiểu bang chiếm đa số trong Đảng Cộng Hòa và 22 tiểu bang chiếm đa số trong Đảng Dân Chủ. Nhưng tỉ lệ này là hoà ở Pennsylvania, trong khi Michigan có 7 đảng viên Dân Chủ, 6 đảng viên Cộng Hòa và một đảng độc lập.

Tổng thống Trump đã nói về cuộc bầu cử vào tuần trước: “Và tôi không muốn kết thúc ở Tòa án Tối cao, và tôi cũng không muốn quay lại Quốc hội, mặc dù chúng tôi có lợi thế hơn nếu chúng tôi quay lại Quốc hội – mọi người hiểu điều này chứ?

“Tôi nghĩ đó là 26 với 22 hoặc đại loại thế vì mỗi phiếu bầu được tính cho mỗi tiểu bang, vì vậy chúng tôi thực sự có lợi thế hơn.”

Tại cuộc họp báo của Chủ tịch Hạ viện, bà Pelosi nói, “Có thể bạn còn nhớ, tôi đã nói… rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng”, bà nói thêm rằng có một số tình huống có thể xuất hiện.

Nếu cuộc bỏ phiếu của phái đoàn Hạ viện có kết quả hòa hoặc nếu cuộc bỏ phiếu của phái đoàn Thượng viện có kết quả hòa, bà Pelosi sẽ trở thành quyền tổng thống của Hoa Kỳ, theo Đạo luật Kế vị Tổng thống năm 1947.

Bà Pelosi đã tham chiếu đến kịch bản cuộc bầu cử gây tranh cãi vào đầu tuần trước.

Bà đã nói trong một cuộc phỏng vấn: “Bất cứ điều gì chúng tôi làm là để tăng số lượng của chúng tôi trong Hạ viện, cho dù đó là các phái đoàn tiểu bang hay thành viên Quốc hội ở bất cứ đâu, sẽ giúp chúng tôi nắm giữ Hạ viện và mở rộng quy mô của mình, giành được Thượng viện và bầu Joe Biden làm tổng thống Hoa Kỳ vào Ngày bầu cử – hoặc vài ngày sau đó.”

Trong cuộc phỏng vấn, bà xác nhận đã gửi một lá thư cho đảng Dân chủ Hạ viện để chuyển tài trợ đến các quận chiến trường.

Hiến pháp yêu cầu Quốc hội xác nhận tổng số phiếu bầu của Cử tri đoàn vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Quốc hội đã không được can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 1877.

Jack Phillips

Chính Tâm biên dịch

https://etviet.com/us/ba-pelosi-de-cap-toi-kha-nang-tro-thanh-quyen-tong-thong-giua-luc-bau-cu-hon-loan.html

 

Mỹ – Covid-19: TT Donald Trump xuất viện

 và trở về Nhà Trắng dù chưa bình phục

Minh Anh

Tối thứ Hai, 05/10/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump đã xuất viện, về lại Nhà Trắng, sau vài ngày điều trị Covid-19 tại quân y viện Walter Reed, ngoại ô Washington DC. Điều lo ngại là Nhà Trắng giờ đang trở thành một ổ dịch do số ca lây nhiễm virus corona chủng mới đang gia tăng.

Có mặt trước cổng bệnh viện quân y Walter Reed, thông tín viên đài RFI, Anne Corpet gởi về bài phóng sự :

« Hàng chục người, có thể là khoảng 100 ủng hộ viên của tổng thống, đứng chen chúc trên vỉa hè, vẫy cờ và vỗ tay khi chiếc trực thăng Hải Quân 1 chở tổng thống Trump lượn một vòng phía trên đám đông.

Một phụ nữ về hưu đầu đội chiếc mũ mầu đỏ, mầu của chiến dịch vận động tranh cử tỏ ra phấn khích : « Tổng thống của chúng tôi thật là mạnh, ông ấy đã đánh gục virus corona và ông ấy sẽ hạ gục Joe Biden ».

Rất nhiều người ủng hộ Donald Trump nhìn thấy trong việc nhanh chóng rời bệnh viện như là một điềm báo và báo trước một đợt thủy triều trong cuộc bỏ phiếu ngày 03/11. Một thanh niên đến cổ vũ sau khi rời sở làm cho rằng « ngay cả khi bệnh, ông ấy vẫn sung sức hơn cả Joe Biden ».

Tuy nhiên, bác sĩ quân y điều trị tại Walter Reed cảnh báo : Donald Trump chưa hoàn toàn bình phục, ông ấy sẽ phải tiếp tục điều trị. Dẫu sao thì lần nhập viện ngắn ngủi của ông cũng không góp phần nâng cao cảnh giác trong số các ủng hộ viên.

Nhiều người trong số họ đến cổ vũ cho ông hiếm thấy đeo khẩu trang. Nhiều người hy vọng sắp tới sẽ lại được tham dự một cuộc mit-tinh của Donald Trump. Chủ nhân Nhà Trắng khẳng định trên Twitter rằng ông sẽ sớm mở lại chiến dịch vận động tranh cử ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201006-covid-19-tt-m%E1%BB%B9-donald-trump-xu%E1%BA%A5t-vi%E1%BB%87n

 

TT Trump đã trải nghiệm ‘trực tiếp’ chiến đấu

với virus Vũ Hán

Triệu Hằng

Erin Perrine, giám đốc truyền thông báo chí của Chiến dịch Trump cho biết, Tổng thống Trump đã có trải nghiệm mắt thấy tai nghe “trực tiếp” chiến đấu với virus corona, điều này ứng viên Dân chủ Joe Biden không có.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm thứ Hai (5/9), cô Perrine nói rằng “ông Trump đã kinh qua những thách thức trong vai trò một Tổng tư lệnh, đã trải qua những thử thách cam go khi là một doanh nhân, ông ấy nay có thêm trải nghiệm cá nhân khi chiến đấu với virus corona. Với những trải nghiệm trực tiếp này, Joe Biden, ông ta không có những điều đó”, tờ Independent đưa tin.

“Những kinh nghiệm trực tiếp đó là những gì sẽ giúp Tổng thống Trump có thêm 4 năm nữa”, cô bổ sung.

Tổng thống Trump đã xét nghiệm dương tính với virus vào hôm thứ Năm, nhập viện hôm thứ Sáu tuần trước tại Trung tâm Y tế quân sự Quốc gia Hoa Kỳ Walter Reed, và ở đó đến chiều thứ Hai tuần này.

Ông Trump đã rời Trung tâm Y tế Walter Reed để trở lại Nhà Trắng vào lúc 5:38 sáng hôm nay theo giờ VN (6:38 tối thứ Hai theo giờ Mỹ).

Ông đã đăng trên Twitter cho biết rằng ông cảm thấy “thực sự khỏe”.

“Đừng sợ Covid. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn. Dưới thời của chính quyền Trump, chúng tôi đã phát triển một số loại thuốc & sự hiểu biết thực sự tuyệt vời. Tôi cảm thấy khỏe hơn cả so với 20 năm trước đây!!”, ông viết.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tt-trump-da-trai-nghiem-truc-tiep-chien-dau-voi-virus-vu-han.html

 

Trump hạ thấp sự nguy hiểm của Covid-19?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quay trở lại Nhà Trắng một cách đầy kịch tích để tiếp tục điều trị bệnh sau 3 đêm nằm viện.

Tổng thống đã tháo khẩu trang trên ban công của Nhà Trắng, nơi một số nhân viên và phụ tá có kết quả xét nghiệm dương tính với virus trong những ngày gần đây.

“Tôi cảm thấy rất khỏe!” Ông Trump tweet trước đó. “Đừng sợ Covid. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn.”

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump bệnh quá nặng để làm tổng thống?

Covid gây nguy hiểm tới đâu cho sức khoẻ ông Trump?

Làm thế nào để tránh ‘vết xe đổ’ tranh luận Trump-Biden

Mỹ đã có 7,4 triệu ca nhiễm Covid-19 và 210.000 ca tử vong.

Người ta đặt ra câu hỏi về mức độ nghiêm trọng của bệnh tình ông Trump sau khi có những tuyên bố trái ngược nhau.

Điều gì xảy ra khi Trump quay trở lại?

Nói với người Mỹ đừng sợ căn bệnh này trong một dòng tweet trước khi rời bệnh viện vào tối thứ Hai, ông Trump nói: “Tôi cảm thấy khỏe hơn so với 20 năm trước !!”

Ông cũng tweet: “Sẽ sớm trở lại chiến dịch!”

Mặc vest màu xanh lục, đeo cà vạt và khẩu trang, ông Trump bước ra khỏi Trung tâm Y tế Quân sự Quốc gia Walter Reed ở ngoại ô Washington DC.

“Cảm ơn mọi người rất nhiều”, ông nói, bỏ qua những câu hỏi từ giới truyền thông, trong đó có một phóng viên hỏi: “Ông có phải là bệnh nhân siêu lây truyền không, thưa Tổng thống?”

Sau chuyến đi bằng trực thăng, ông Trump được chụp ảnh đứng một mình trên Ban công Truman của Nhà Trắng. Ông tháo khẩu trang, trước khi giơ ngón tay cái lên và chào kiểu quân đội.

Vài giờ sau, ông Trump tweet một đoạn clip theo phong cách chiến dịch tranh cử về sự trở lại của mình với âm nhạc khuấy động.

Ông Trump cũng đã ghi lại một video thông điệp gửi tới người dân Mỹ, kêu gọi họ quay trở lại làm việc.

“Quý vị sẽ đánh bại nó [virus corona],” ông nói. “Chúng tôi có thiết bị y tế tốt nhất, chúng tôi có các loại thuốc tốt nhất, tất cả đều được phát triển gần đây.”

“Chúng tôi sẽ ở tuyến đầu. Là người lãnh đạo của quý vị, tôi phải làm điều đó. Tôi biết có nguy hiểm nhưng tôi phải làm điều đó. Tôi đi trước và dẫn đầu”

Ông Trump cũng suy đoán: “Bây giờ tôi đã khỏe hơn, có thể tôi đã miễn dịch, tôi không biết”.

Ông cũng hứa rằng vaccine sẽ “có trong giây lát”, mặc dù Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết không có vaccine nào dự kiến sẽ được phổ biến rộng rãi cho tới giữa năm sau.

Một thông điệp gần như của ‘đấng cứu thế’

Donald Trump nói rằng ông đã chiến thắng virus corona- và bạn cũng có thể làm được.

Trong thông điệp video của mình từ Nhà Trắng, ông Trump không đeo khẩu trang nói với công chúng Mỹ: “Đừng sợ nó. Bạn sẽ đánh bại nó.”

Và do đó, thông điệp của tổng thống trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tái tranh cử của ông đã thành hình. Ông nhiễm virus corona vì ông ta là một nhà lãnh đạo ở tuyến đầu và ông ta “phải làm điều đó”.

“Không ai là lãnh đạo sẽ không làm những gì tôi đã làm,” ông nói.

Đó là một thông điệp gần như của ‘đấng cứu thế’ – một thông điệp mà đảng của ông Trump đang khuếch đại. Tổng thống đã chịu đựng và vượt qua, và sẽ dẫn dắt cả nước đến một miền đất hứa không còn virus.

Nhà báo Miranda Devine của chuyên mục New York Post, được tổng thống trích lời trên tweet, nói rằng ông Trump sẽ trở lại tranh cử với tư cách là một “anh hùng bất khả chiến bại”. Thượng nghị sĩ Georgia Kelly Loeffler đã tweet một đoạn video về việc ông Trump xử lý một kẻ chống đối về vấn đề virus.

Tất nhiên, có rủi ro chính trị và cá nhân đối với tổng thống. Ông ấy có thể bị tái phát hoặc có vấn đề sức khỏe về lâu dài. Những người Mỹ đã mất người thân vì căn bệnh này có thể thấy những lời nói và hành động của ông ta là xúc phạm.

Tổng thống, tuy nhiên, dường như quyết tâm biến điểm yếu gần đây của mình thành sức mạnh.

Các bác sĩ của Trump nói gì?

Sean Conley, bác sĩ của Nhà Trắng, cho biết vào chiều thứ Hai rằng tình trạng của ông Trump “có thể chưa hoàn toàn hết nguy hiểm”.

Nhưng ông cho biết đội ngũ y tế đã đồng ý rằng tình trạng của tổng thống cho phép ông “trở về nhà an toàn, nơi ông sẽ được vây quanh bởi dịch vụ chăm sóc y tế đẳng cấp thế giới 24/7”.

Bác sỹ Conley từ chối trả lời các câu hỏi về thời điểm ông Trump nhận được kết quả xét nghiệm âm tính lần cuối cùng hoặc đi sâu vào chi tiết điều trị của ông Trump. Ông sẽ không cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến việc tổng thống chụp cắt lớp để kiểm tra bệnh viêm phổi, viện dẫn luật bảo vệ bệnh nhân.

Bác sĩ của Nhà Trắng đã xác nhận rằng ông Trump vẫn đang sử dụng steroid dexamethasone và đã nhận được ba liều thuốc kháng virus remdesivir. Ông Trump sẽ nhận liều thứ trước khi được xuất viện và liều thứ năm tại Nhà Trắng.

Khi được hỏi về việc liệu ông Trump có an toàn để đi đến các sự kiện tranh cử hay không, bác sỹ Conley nói: “Chúng ta hãy chờ xem.”

Ông cũng khẳng định rằng ông lo ngại về việc bản thân tiếp xúc với virus khi ở trên máy bay Air Force One.

Nhưng đội ngũ y tế của ông Trump liên tục nhấn mạnh tổng thống đang khỏe mạnh như thế nào, trong cuộc họp giao ban hôm thứ Hai.

“Chúng tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng”, bác sỹ Conley nói và nói thêm rằng ông Trump đã nhận được các liệu pháp điều trị từ rất sớm.

Sự bùng phát dịch Covid-19 trong Nhà Trắng?

Tổng thống được xuất viện khi có thêm nhiều ca mắc mới được báo cáo trong đội ngũ nhân viên Nhà Trắng.

Thư ký báo chí Kayleigh McEnany trở thành nhân vật cấp cao thân cận với tổng thống mới nhất được xác định dương tính với virus corona hôm thứ Hai.

Truyền thông Mỹ cho biết hai trợ lý khác của thư ký báo chí đã có kết quả khả quan. Bà McEnany đã được nhìn thấy nói chuyện với các nhà báo mà không đeo khẩu trang vào Chủ nhật nhưng cho biết không có nhà báo nào được ban y tế Nhà Trắng liệt kê vào nhóm tiếp xúc gần.

Đệ nhất phu nhân Melania Trump, các trợ lý cấp cao và ba thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng đã cho kết quả dương tính.

Bà Trump, 50 tuổi, bị cách ly tại Nhà Trắng, được cho là có các triệu chứng nhẹ. Trong một dòng tweet, bày nói: “Tôi đang cảm thấy khỏe [và] sẽ tiếp tục nghỉ ngơi ở nhà”.

Ít nhất 12 người thân cận với ông Trump hiện đã có kết quả dương tính, cùng một số nhân viên cấp dưới.

Nhiều người trong số những người tham dự một buổi nhóm họp tại Vườn Hồng của Nhà Trắng vào ngày 26/9 đang được theo dõi sát sao như một “sự kiện siêu lan truyền”.

Trường hợp nhiễm virus mới nhất sau khi tham dự sự kiện này, nơi tổng thống tiết lộ người được đề cử vào Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, là một mục sư Cơ đốc giáo từ California.

Mục sư Greg Laurie, người được cho là có các triệu chứng nhẹ, cũng đã có mặt với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence trước đó trong một buổi tuần hành cầu nguyện ở trung tâm Washington DC.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54430502

 

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc cùng hai phụ tá

dương tính với coronavirus

Tin Washington DC – Theo bản tin của hãng CNBC, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany và 2 phụ tá của cô đã có xét nghiệm dương tính với coronavirus, trong lúc Tổng Thống  Trump vẫn đang ở trong bệnh viện để theo dõi bệnh tình.

Cô McEnany và 2 phụ tá, Chad Gilmartin và Karoline Leavitt, thuộc nhóm ít nhất 18 người có làm việc tại Tòa Bạch Ốc, hoặc có liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã dương tính với Covid-19 từ cuối tuần trước đến nay. Cô McEnany thông báo nhiễm bệnh vào sáng thứ Hai, 5 tháng 10, trên Twitter. Hiện chưa rõ 2 phụ tá của cô McEnany bị nhiễm virus khi nào. Tình trạng của họ chỉ được thông báo sau khi cô McEnany tiết lộ kết quả xét nghiệm của cô.

Từ thứ Năm tuần trước đến nay, nhiều người có liên hệ với Tổng Thống Trump và các sự kiện gần đây tại Tòa Bạch Ốc đã dương tính với virus. Trong số những người này có người quản lý tranh cử của tổng thống, ông Bill Stepien, nữ chủ tịch Ủy Ban Cộng Hòa Quốc Gia Ronna McDaniel, cố vấn Tòa Bạch Ốc Kellyanne Conway, cùng nhiều nhân vật có tiếng khác. Ngoài ra, ít nhất 3 ký giả từng có mặt tại Tòa Bạch Ốc vào tuần trước đã được xác nhận nhiễm bệnh, theo Hiệp hội báo chí Tòa Bạch Ốc.

Vào thứ Năm trước, cô McEnany đã có buổi họp báo tại Tòa Bạch Ốc chỉ vài giờ trước khi cố vấn của tổng thống, cô Hope Hicks, tiết lộ đã nhiễm virus. Theo đài CNBC, cô Hicks có kết quả xét nghiệm vào sáng thứ Năm, nhưng đến chiều cùng ngày, tin tức này mới được báo cho cô McEnany. (BBT)

https://www.sbtn.tv/thu-ky-bao-chi-toa-bach-oc-cung-hai-phu-ta-duong-tinh-voi-coronavirus/

 

CDC: COVID có thể lây lan

qua virus lơ lửng trong không khí

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 5/10 tuyên bố COVID-19 có thể lây lan qua các virus lơ lửng trong không khí, đôi khi trong nhiều giờ, công nhận những quan ngại sâu rộng của các chuyên gia y tế về việc COVID lây lan trong không khí.

Hướng dẫn của CDC được đưa ra nhiều tuần lễ sau khi cơ quan công bố- rồi sau đó gỡ bỏ- một cảnh báo tương tự, gây ra tranh luận về cách COVID lây lan như thế nào.

Trong hướng dẫn ngày 5/10, CDC nói có chứng cớ là người nhiễm COVID có thể lây cho người khác cách xa hơn 2 mét, trong môi trường khép kín với hệ thống thông gió kém.

Trong tình huống như vậy, CDC nói các nhà khoa học tin là một lượng các hạt nhỏ và phân tử nhỏ hơn, còn được gọi là khí dung, phát xuất từ người bệnh sẽ đủ ‘tập trung’ để lan truyền virus.

Lâu nay, CDC cảnh báo về việc lây nhiễm qua những giọt nhỏ văng trong không khí và thường rớt xuống đất, đưa đến kết quả là có quy định giãn cách xã hội 2 mét. Những hạt khí dung nhỏ hơn nhiều, và có thể lơ lửng trong không khí, như khói.

Trong khi CDC nhấn mạnh là lây nhiễm bằng tiếp xúc cận kề thông thường hơn là qua không khí, một nhóm các nhà khoa học Mỹ cảnh báo trong một thư ngỏ đăng trên tạp chí y khoa Science ngày 5/10 rằng khí dung lơ lửng trong không khí có thể là nguồn lây lan COVID-19 chính yếu.

“Thực tế chính là lây nhiễm trong không khí là con đường chính để lây nhiễm diễn ra trong khoảng cách gần khi tiếp xúc lâu,” các nhà khoa học nói.

Virus trong khí dung có thể vẫn ở trong không khí từ nhiều giây đến cả giờ, đi xa hơn 2 mét và tích tụ trong bầu không khí không thông thoáng, dẫn đến siêu nhiễm, các nhà nghiên cứu nói.

Vì các cá nhân nhiễm COVID-19 làm phát sinh hàng ngàn hạt khí dung chứa virus nhiều hơn là làm văng ra các giọt nhỏ li ti khi thở và nói chuyện, các nhà khoa học nói trọng tâm phải là bảo vệ chống lại lây lan trong không khí.

Họ cũng khuyến cáo rằng giới chức y tế công cộng nên phân biệt rõ rệt giữa các hạt nhỏ bắn ra từ ho hay hắc xì và các hạt khí dung có thể mang virus đi xa hơn.

Các giới chức y tế công cộng phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc dời các hoạt động ra ngoài trời và cải thiện không khí trong những không gian kín cửa, cùng với việc mang khẩu trang và giãn cách xã hội, thư ngỏ nêu rõ.

https://www.voatiengviet.com/a/cdc-covid-c%C3%B3-th%E1%BB%83-l%C3%A2y-lan-qua-virus-l%C6%A1-l%E1%BB%ADng-trong-kh%C3%B4ng-kh%C3%AD/5610360.html

 

Thống đốc New York đóng cửa trường học

 tại những điểm nóng COVID

Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo, ra lệnh đóng cửa trường học bắt đầu từ ngày 6/10 tại một vài điểm nóng virus corona trong bang, trong đó có nhiều phần của khu Brooklyn và Queens thuộc thành phố New York.

Trong khi đó, Thị trưởng Thành phố New York, Bill de Blasio, lên kế hoạch đóng cửa trường học tại 11 khu vực bắt đầu vào ngày 7/10 sau khi tỉ lệ xét nghiệm dương tính với virus corona tăng trên 3% tại những khu vực đó trong 7 ngày liên tiếp.

Ông Cuomo nói tiểu bang sẽ thay thế chính quyền địa phương trong việc thực thi những quy định giãn cách xã hội tại những điểm nóng.

New York đã đối mặt với một trong những đợt bùng phát COVID sớm nhất và tác hại nhất vào mùa xuân năm nay nhưng sau đó đã phần lớn chế ngự được virus lây lan.

Thống đốc cho biết hôm 5/10 rằng 1,01% các cuộc xét nghiệm COVID trên toàn tiểu bang cho kết quả dương tính.

https://www.voatiengviet.com/a/th%E1%BB%91ng-%C4%91%E1%BB%91c-new-york-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-h%E1%BB%8Dc-t%E1%BA%A1i-nh%E1%BB%AFng-%C4%91i%E1%BB%83m-n%C3%B3ng-covid-/5610355.html

 

Covid-19 và Kinh doanh :

Donald Trump có cùng một cung cách xử lý

Minh Anh

Sau bốn ngày nhập viện ngắn ngủi để điều trị Covid-19, ngày 05/10/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump xuất viện và trở về Nhà Trắng dù chưa hoàn toàn bình phục. Thế nhưng, điều gây ấn tượng cho giới quan sát là tổng thống Mỹ xử lý dịch bệnh như cách ông ứng xử trong cuộc sống cá nhân, điều hành đất nước trong nhiệm kỳ tổng thống và cả khi tiến hành chiến dịch vận động tái tranh cử : Đó là Tấn công và Mạo hiểm.

Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời

Bằng cách nào Donald Trump sẽ kết thúc cuộc chiến chống Covid-19 ? Không ai biết cả. Virus corona chủng mới, cũng giống như chủ nhân Nhà Trắng, là một đối tượng « khó đoán khó lường ». Thoắt ẩn, thoắt hiện. Với Donald Trump, thế giới phập phồng lo lắng dõi theo những dòng tweet nhắn của ông.

Giống như virus corona chủng mới, chủ nhân Nhà Trắng nhập viện, thoáng ló dạng, xuất hiện rồi lại xuất hiện. Cũng giống như Covid-19, ông Trump như trêu tức đối thủ cho đến mụ người, như quan sát của thông tín viên Eric de Salve tại California.

« Ngay khi về đến Nhà Trắng, Donald Trump ngay lập tức xuất hiện ở ban công Truman. Trước sự chứng kiến của mọi người, ông công khai gỡ chiếc khẩu trang và kiêu hãnh chụp hình, hai ngón tay cái giơ cao, dấu hiệu chiến thắng virus corona. Rồi ông trở vào Nhà Trắng không khẩu trang, không bận tâm đến rủi ro lây nhiễm cho các nhân viên phủ tổng thống. Thái độ này của ông ngay tức thì bị nhiều nhà bình luận đánh giá là vô trách nhiệm. Donald Trump bị xét nghiệm dương tính cách nay bốn hôm, thế nên, ông vẫn còn khả năng lây nhiễm ».

Nhưng Donald Trump là thế ! Nhà tỷ phú thành phố New York phản ứng và xử lý dịch bệnh như ông đang xử lý cả cuộc đời ông, cả nhiệm kỳ tổng thống và cả chiến dịch tái vận động tranh cử, theo như nhận xét của nhà báo Laure Mandeville trên tờ Le Figaro (06/10/2020). Luôn luôn tấn công và không ngại mạo hiểm, ông đang tạo ra – theo bản năng của nhà kinh doanh mà ông chưa bao giờ từ bỏ – cái gọi là hình ảnh một con người năng động, mạnh mẽ, tràn đầy sức sống và lạc quan ngay cả khi ngã bệnh.

Không có chuyện chấp nhận những chỉ trích của phe Dân Chủ, cho rằng tổng thống Mỹ đang gặt lấy hậu quả của việc xem nhẹ dịch Covid-19 và trong cách chỉ đạo xử lý có trách nhiệm. Một hình ảnh trái ngược với đối thủ Joe Biden, luôn tỏ ra tuân thủ việc đeo khẩu trang và giữ giãn cách xã hội.

Mạo hiểm hơn là cẩn trọng !

Nguyên thủ Mỹ khẳng định ông không còn chọn lựa nào khác, ông không thể tự giam hãm mình trong Nhà Trắng, là một nhà lãnh đạo phải biết đương đầu với mọi vấn đề… Một lời chỉ trích nhắm vào đối thủ, ứng viên phe Dân Chủ Joe Biden.

Triết lý cuộc sống của ông là phải biết mạo hiểm, tự do cá nhân hơn là kế hoạch quốc gia kỹ trị. Và chính với triết lý đó là tổng thống Mỹ cho rằng bất chấp dịch bệnh, cần phải làm việc và mở cửa trường học trở lại và kinh tế phải được hồi phục.

Liệu rằng chiến lược « mạo hiểm » mà một số chuyên gia và phe Dân Chủ cho là « vô trách nhiệm » này có dẫn đến thất bại của Donald Trump hay không ? Liệu virus corona có là một lá phiếu sau cùng giáng đòn chí tử cho nhà tỷ phú hay không ? Thăm dò của Ipso cho thấy hiện Biden đang dẫn trước Trump 10 điểm. Tuy nhiên, bài học năm 2016 vẫn còn đó hẳn thế giới vẫn chưa quên.

Nhưng nhà báo Laure Mandeville chắc chắn một điều : Cách tiếp cận cẩn trọng của Joe Biden, thể hiện lối duy tư của người Pháp, chú trọng đến việc tập trung phân tích các rủi ro, nên không có gì bảo đảm là cũng nguyên tắc cẩn trọng này lại phù hợp với lối tư duy của Mỹ, vốn hằn sâu trong ADN : Duy ý chí hơn và gắn bó với ý tưởng mạo hiểm cá nhân hơn.

Đây cũng chính là cuộc đánh cược của Donald Trump, luôn tư duy và hành động theo bản năng và tin tưởng rằng xét cho cùng, nước Mỹ ưa thích dùng sức mạnh hơn là tính toán cẩn trọng. Nhà báo Laure Mandeville kết luận : « Ngay cả Covid-19 cũng không thể làm thay đổi được Trump » !

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201006-covid-19-v%C3%A0-kinh-doanh-donald-trump-c%C3%B3-c%C3%B9ng-m%E1%BB%99t-cung-c%C3%A1ch-x%E1%BB%AD-l%C3%BD

 

Mike Pompeo ở Nhật họp ‘Bộ Tứ’

để đối phó Trung Quốc

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Ba đã gặp người tương nhiệm của Australia, Ấn Độ và Nhật Bản tại Tokyo để thảo luận về cách đối phó với Trung Quốc.

“Cuộc họp Bộ Tứ” diễn ra trong bối cảnh cả bốn nước đang tìm cách tạo lập một mặt trận chống lại một Trung Quốc ngày càng lấn lướt.

Trước khi rời Hoa Kỳ, ông Pompeo nói rằng cuộc gặp là “điều mà chúng tôi đã lên lịch để thực hiện bấy lâu nay”.

Quan hệ song phương Mỹ – Trung trong những tháng gần đây đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Điều này khiến Washington đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh trong khu vực.

Nhóm Bộ tứ – đại diện bởi các ngoại trưởng Motegi Toshimitsu của Nhật Bản, Marise Payne của Úc và Subrahmanyam Jaishankar của Ấn Độ – dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề bao gồm đại dịch Covid-19 và an ninh mạng.

“Hy vọng sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác để thúc đẩy tầm nhìn chung của chúng ta về một Thái Bình Dương -Ấn Độ Dương tự do và mở, bao gồm các quốc gia độc lập, mạnh và thịnh vượng,” ông Pompeo viết trên Twitter khi rời Hoa Kỳ.

Trước cuộc họp, Trung Quốc đã cảnh báo chống lại “thói bè phái” để nhắm vào các bên thứ ba.

“Chúng tôi hy vọng các nước liên quan có thể hướng tới lợi ích chung của các nước trong khu vực và làm nhiều việc có lợi hơn cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, chứ không phải ngược lại,” AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết.

Trung Quốc có âm mưu thôn tính Senkaku?

Trung Quốc cáo buộc quân Ấn Độ nổ súng ‘khiêu khích’

Bộ Tứ là gì?

Sáng kiến Tứ giác – được gọi theo không chính thức là “Bộ Tứ” – khởi đầu vào tháng 5 năm 2007 với cuộc họp giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc tại thủ đô Manila của Philippines.

Nhóm không chính thức, do Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Abe Shinzo khởi xướng, được giới phân tích xem là một nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác khi đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng.

Tuy nhiên, khi Bắc Kinh đã phản đối chính thức về Bộ Tứ, các thành viên cho biết “quan hệ đối tác chiến lược” của họ chỉ nhằm duy trì an ninh khu vực và không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

Bộ Tứ sau đó mất đà và chỉ được tái nhóm trở lại cách đây vài năm.

Tại sao Bộ Tứ gặp nhau bây giờ?

Cuộc gặp mới nhất này diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ, Ấn Độ và Australia đều nhận thấy căng thẳng gia tăng trong quan hệ của họ với Trung Quốc.

Kể từ năm 2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có một cuộc chiến thương mại gay gắt và trong những tháng gần đây, họ đã xung đột về nhiều vấn đề bao gồm bắt giữ gián điệp, đại dịch Covid-19 và bác thị thực du học sinh Trung Quốc.

Mối quan hệ của Úc với Trung Quốc cũng đang xấu đi.

Vào tháng 9, hai phóng viên cuối cùng làm việc tại Trung Quốc cho truyền thông Australia đã phải sơ tán sau 5 ngày căng thẳng ngoại giao.

Và ngày càng có nhiều căng thẳng giữa Bắc Kinh và Delhi dọc theo biên giới tranh chấp của họ ở khu vực Himalaya. Giao tranh vào tháng 6 đã chứng kiến cuộc đối đầu chết người đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 1975.

Alexander Neill, một phân tích gia an ninh châu Á – Thái Bình Dương có trụ sở tại Singapore, cho rằng “mấu chốt thực sự” cho động lực mới của Bộ Tứ chính là “việc Ấn Độ đồng ý tham gia vào”.

“Trong những năm gần đây, đã có nhiều suy đoán về việc Bộ Tứ trở thành một khuôn khổ được chính thức hóa. Nhưng nó đã bị hạn chế bởi Ấn Độ, vốn là quốc gia có truyền thống mạnh của phong trào không liên kết,” ông nói.

Mặt khác, Hoa Kỳ đã “rất nhất quán” với thông điệp của mình dưới thời Tổng thống Donald Trump, ông nói thêm.

Washington nói “các hành động lấn lướt của Trung Quốc sẽ không chỉ dẫn đến việc nước này tự cô lập mà còn thúc đẩy những người bạn và đồng minh có cùng chí hướng đoàn kết lại với nhau. Bộ Tứ là một biểu hiện của điều này.”

Ông Neill trông đợi Bắc Kinh “sẽ cáo buộc Hoa Kỳ có tâm lý khống chế và Chiến tranh Lạnh” và xây dựng các liên minh “để ngăn chặn sự trỗi dậy chính đáng của Trung Quốc”.

Thủ tướng mới của Nhật Bản Suga Yoshihide được cho là sẽ phải đối mặt với một hành động cân bằng tinh vi hơn. Tokyo đã thấy mối quan hệ với Bắc Kinh được cải thiện ổn định trong khi Nhật Bản cũng duy trì mối quan hệ thân thiết với Hoa Kỳ, Ấn Độ và Australia.

Ông Suga nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng ông sẽ tìm cách “thúc đẩy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở” và cũng “xây dựng mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng bao gồm Trung Quốc và Nga”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54435753

 

Đại sứ Mỹ: ĐCSTQ đang đấu một trận đấu

chưa có ai từng thắng trong lịch sử nhân loại

“Loài người, trong lịch sử hàng ngàn năm, đã từng cố gắng giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Nhưng họ không thể thắng, và họ chưa từng giành được chiến thắng trong quá khứ”.

Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Sam Brownback, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công và buộc người Duy Ngô Nhĩ triệt sản là cuộc đấu với đức tin, tín ngưỡng. Cuộc chiến này nhất định thất bại.

Ông cho biết: “Tôi đã nói ở Hồng Kông một năm rưỡi trước, rằng [Đảng Cộng sản] Trung Quốc đang chống lại đức tin. Nó sẽ không thể chiến thắng trong cuộc chiến này. Loài người, trong lịch sử hàng ngàn năm, đã từng cố gắng giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Nhưng họ không thể thắng, và họ chưa từng giành được chiến thắng trong quá khứ”.

Ông Brownback từng là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và Thống đốc bang Kansas. Ông nói rằng ĐCSTQ đang phát động một cuộc “chiến tranh tín ngưỡng”, nhưng nó nhất định sẽ thất bại.

“Tự do của sự tôn nghiêm là quyền thiên bẩm của con người. Tôi nghĩ rằng, bất kỳ chính phủ nào, trong một thời gian dài, cũng không thể chiến thắng trong cuộc chiến tước đoạt quyền tự do của người dân”, ông nói.

Ông Brownback nói rằng ĐCSTQ luôn cố gắng lãnh đạo thế giới, nhưng nó luôn dẫn đầu thế giới trong cuộc bức hại nhân quyền. Ông đề cập rằng các bằng chứng ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống là rất xác thực, và cộng đồng quốc tế không còn có thể đứng im.

“Bạn sống trong một quốc gia giống như nhà tù của cảnh sát, đâu đâu cũng có camera, hệ thống nhận dạng khuôn mặt và các loại hạn chế đối với bạn. [ĐCSTQ] phá hủy nhà thờ tư gia, khống chế nhà thờ Công giáo, bức hại Pháp Luân Công. Các báo cáo đáng tin cậy nói rằng nội tạng của họ vẫn đang bị thu hoạch. Và Hồng Kông, nơi ĐCSTQ cam kết duy trì ‘một quốc gia, hai chế độ, đang trở thành ‘một quốc gia, một chế độ’, ông nói.

“Trong nhiều năm, thế giới đã ngó lơ trước những tố cáo về việc mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống. Mọi người nói rằng, tôi không chắc điều này có đáng tin hay không. Đó là sự thật, các bạn sẽ thấy, các bạn có thể đi tìm hiểu. Con số là rất lớn. Có chứng cứ tường tận, và hiện hai tổ chức đáng tin cậy bên ngoài Trung Quốc khẳng định rằng, nạn mổ cướp nội tạng sống vẫn đang diễn ra”.

Đáp lại những báo cáo gần đây về việc ĐCSTQ buộc phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đang mang thai phải phá thai, và thậm chí giết cả những đứa trẻ sơ sinh Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, ông Brownback khẳng định rằng những báo cáo này là đáng tin cậy:

“Chúng tôi đã chứng kiến ​​tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ suy giảm nhanh chóng. Chúng tôi có những nhân chứng ​​còn sống sót trong khu vực này đã chứng kiến tận mắt, mức độ tương đương khủng bố”.

Ông Brownback nói rằng trong hai thập kỷ qua, một số chính phủ thực sự đã đàn áp nhân quyền, đặc biệt là về tự do tôn giáo, nhưng hiện nay tình hình đang bắt đầu thay đổi. Ông cho rằng chỉ khi các quyền cơ bản của con người như tự do tôn giáo được thực hiện, thì những quyền khác như tự do ngôn luận và tự do hiệp hội mới được thể hiện rõ rệt.

“Nếu bạn không đứng lên chống lại cuộc bức hại, cuộc bức hại sẽ tiếp tục lan rộng. Mọi người có thể nói, ‘Ồ, đó không phải là nhóm tôn giáo của tôi, tôi không học Pháp Luân Công. [ĐCSTQ] bức hại họ, nhưng tôi là người theo đạo Hồi, hoặc tôi là người Công giáo, tôi là Phật tử, hoặc tôi không tin vào bất kỳ tôn giáo nào, vì vậy điều đó không liên quan gì đến tôi. Nhưng trong lịch sử, chúng ta đã thấy quá nhiều bài học. Nếu bạn không sớm đứng lên, nó [ĐCSTQ] sẽ không ngừng lấn tới bức hại chính bạn”, ông nói.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dai-su-my-dcstq-dang-dau-mot-tran-dau-chua-co-ai-tung-thang-trong-lich-su-nhan-loai.html

 

Hoa Kỳ không cấp quyền thường trú

cho các đảng viên đảng cộng sản

Hoa Kỳ vừa ban hành hướng dẫn về luật di trú của quốc gia này, có thể sẽ khiến các thành viên Đảng Cộng sản hoặc tổ chức tương tự không thể được cấp quyền thường trú hoặc quốc tịch Hoa Kỳ.

Thông báo trên được đưa ra trong một khuyến cáo chính sách do Sở Di trú và Công dân Hoa Kỳ (USCIS) ban hành hôm thứ sáu (2/10). Cơ quan này cho biết, ngoài các trường hợp được miễn trừ, bất kỳ người nào có ý định di trú, và là thành viên hoặc hội viên của Đảng Cộng sản hoặc bất kỳ đảng toàn trị nào trong nước hoặc ngoại quốc đều không thể được Hoa Kỳ chấp nhận.

Các trường hợp ngoại lệ có thể được xét duyệt nếu một đảng viên chứng minh được họ tham gia đảng chỉ vì mục đích kiếm việc làm. USCIS cho biết thêm, việc sửa đổi chính sách trên là một phần của bộ luật bao quát hơn, đã được Quốc hội thông qua nhằm giải quyết các mối đe dọa đối với sự an toàn và an ninh của Hoa Kỳ.

Theo tờ Tin Sáng Hoa Nam đưa tin, mặc dù khuyến cáo chính sách của Hoa Kỳ không đề cập đến Đảng Cộng sản Trung Cộng, nhưng nó tạo thêm một khía cạnh mới cho sự cạnh tranh đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington.

Chủ bút tờ Global Times của Trung Cộng cho hay, một điểm tích cực của sự thay đổi trên là các hạn chế di trú sẽ giữ chân nhiều nhân tài ở lại Trung Cộng hơn vì nhiều nhân vật xuất chúng tại quốc gia này là đảng viên. Reuters và The New York Times đưa tin rằng, vào đầu năm 2020, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ còn cân nhắc cả việc cấm các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Cộng nhập cảnh vào Mỹ.  (BBT)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-khong-cap-quyen-thuong-tru-cho-cac-dang-vien-dang-cong-san/

 

Vì sao Chính quyền Trump thắt chặt

 chính sách cấm đảng viên cộng sản nhập cư?

Giới chuyên gia luật di trú nói với VOA rằng quy định cấm đảng viên đảng cộng sản nhập cư Hoa Kỳ đã có từ thập niên 1950 nhưng động thái mới nhất của Cơ quan Di trú và Nhập tịch (USCIS) cho thấy sự cứng rắn của Chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với mối de dọa ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Quy định mới của USCIS ngày 2/10 không đề cập đến một quốc gia cụ thể, tức đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) hay Đảng Cộng sản Việt Nam (CPV) hay Đảng Cộng sản Cuba (PCC)… nhưng nhấn mạnh rằng quy định này áp dụng cho “Đảng Cộng sản của bất kỳ quốc gia nước ngoài nào, hoặc bất kỳ phân khu chính trị hoặc địa lý nào của bất kỳ quốc gia nước ngoài nào.”

Trong thông cáo báo chí, USCIS cho biết “ngoại trừ trường hợp được miễn trừ, các đảng viên, hoặc người liên kết với Đảng Cộng sản hoặc bất kỳ đảng toàn trị nào” sẽ bị cấm nhập cảnh với mục đích định cư, và “cơ sở cấm nhập cảnh đối với tư cách thành viên hoặc người liên kết với Đảng Cộng sản hoặc bất kỳ đảng độc tài nào khác là một phần của bộ luật rộng hơn được Quốc hội thông qua nhằm giải quyết các mối đe dọa đối với sự an toàn và an ninh của Hoa Kỳ.”

Theo định nghĩa của USCIS, “Chế độ độc tài toàn trị” hay “Chủ nghĩa toàn trị” đề cập đến các hệ thống chính phủ có hai đặc trưng: sự tồn tại của một đảng chính trị duy nhất, được tổ chức trên cơ sở độc tài, có sự đồng nhất giữa đảng đó với các chính sách của đảng đó và các chính sách của chính phủ của quốc gia mà đảng đó tồn tại, đến mức đảng và chính phủ đó tạo thành một đơn vị không thể phân biệt được; và có sự đàn áp cưỡng bức đối với đảng đối lập.

Vào tháng 9/2020, một báo cáo của nhóm các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ở Hạ viện Hoa Kỳ có tên Lực lượng Đặc nhiệm Trung Quốc (CTF) chỉ ra rằng: “Các đảng viên Cộng sản Trung Quốc tìm cách thực hiện các hành vi bất hợp pháp ở Hoa Kỳ; họ đã sử dụng, và sẽ tiếp tục sử dụng, các chương trình định cư và lỗ hổng của luật pháp Mỹ và chính sách nhập cư để nhập cảnh vào đất nước, ở đây lâu dài và cuối cùng trở thành công dân Hoa Kỳ.”

XEM THÊM:

Mỹ siết chặt quy định cấm đảng viên cộng sản nhập cư, nhập tịch

Trong báo cáo, nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng thắc mắc tại sao Luật Nhập cư và Quốc tịch Hoa Kỳ (INA) không nêu cụ thể thành viên ĐCSTQ bị cấm nhập cảnh cho mục đích định cư: “INA không ngăn cản cụ thể các thành viên của ĐCSTQ sử dụng Hệ thống nhập cư của Hoa Kỳ để lưu trú tại Hoa Kỳ.”

INA không ngăn cản cụ thể các thành viên của ĐCSTQ sử dụng Hệ thống nhập cư của Hoa Kỳ để lưu trú tại Hoa Kỳ.

Nhóm China Task Force của Quốc hội Hoa Kỳ

Báo cáo còn dẫn lời Giám đốc FBI Christopher Wray nói: “Chính phủ Trung Quốc cố gắng lôi kéo các nhà khoa học để bí mật mang kiến thức và sự đổi mới của chúng ta vào Trung Quốc…. Và họ sử dụng hệ thống nhập cư của Hoa Kỳ để làm điều này.” Trường hợp nhà khoa học Trung Quốc Đàm Hoành Tiến (Tan Hongjin) đánh cắp bí mật của Mỹ là một ví dụ, báo cáo cho biết.

Ngoài ra, Báo cáo của nhóm CTF nói rõ rằng chương trình định cư nhận thẻ xanh bằng hình thức đầu tư EB-5 là một trong những chương trình được nhiều đảng viên ĐCSTQ sử dụng, theo đó có đến 80% trong số gần 10.000 visa EB-5 trong giai đoạn 2012-2018 đã cấp cho các nhà đầu tư sinh ra ở Trung Quốc.

Còn theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS), trong giai đoạn 2000-2018 có đến 695.425 người Trung Quốc được nhận quy chế thường trú nhân tại Mỹ, nhiều nhất là năm 2011 có đến 51.510 người. Riêng quý I/2020 có 15.428 người Trung Quốc được cấp thẻ xanh ở Mỹ.

Thống kê của DHS cho thấy có 11.772 người Việt Nam, 3.998 người Cuba nhận thẻ xanh ở Mỹ trong quý I/2020.

Nhận định chương trình EB-5 được các đảng viên từ Trung Quốc, Việt Nam sử dụng để nhận thẻ xanh tại Mỹ, luật sư Jennifer Hà ở Salt Lake City, Utah, chia sẻ với VOA:

“Hiện giờ một phong trào có rất nhiều người khi có điều kiện thì họ đi đạng đầu tư, theo đó các nhà môi giới khuyến khích họ đầu tư trước rồi sau họ rút tên ra khỏi đảng sau – vì thời giam chờ phỏng vấn visa cho dạng đầu tư hiện giờ là khoảng 5 năm.

“Sau đó họ nộp một bức thư có công chứng nói rằng họ chính thức được chấp thuận rút tên ra khỏi đảng và đến khi phỏng vấn thì họ chính thức công khai: trước đây từng là đảng viên và nay đã ra khỏi đảng. Và như vậy hồ sơ của họ vẫn được chấp thuận như bình thường.”

Luật sư Jennifer Hà cho biết thêm rằng có một hình thức nữa là các đảng viên không trực tiếp đầu tư mà để con cái của họ đứng tên đầu tư sau khi con của họ có visa du học tại Mỹ và như vậy các con của họ cũng có thẻ xanh sau đó.

Với thời gian 5 năm chờ phỏng vấn visa EB-5, hay một khoảng thời gian ngắn hơn cho các hình thức con là công dân Mỹ bảo lãnh cho cha mẹ, thì các đảng viên bình thường hoàn toàn có đủ thời gian để tự nguyện xin ra khỏi tổ chức đảng, miễn là trước ngày phỏng vấn 2 năm theo quy định về các trường hợp miễn trừ của INA. Cũng theo INA, quy định này đối với các đảng viên là quan chức đảm nhận vai trò quản lý nhà nước và chính quyền là 5 năm.

XEM THÊM:

Vì sao quan chức Việt ‘ra đi tìm đường cứu nước’ qua EB-5?

Luật sư Jennifer Hà nhận định rằng “quy định mới” của USCIS thật ra cũng đã từ lâu, nay chỉ nhắc lại.

“Hướng dẫn của USCIS cũng không có sự khác biệt gì so với những quy định trước đây. Trước nay Sở Di trú cũng như chính quyền Hoa Kỳ đã cấm những người đã là thành viên của Đảng Cộng sản nhập cư vào Mỹ. Từ năm 1952 INA đã có quy định này rồi.”

Luật sư di trú Khanh Phạm hiện đang hành nghề tại bang Texas cũng nhận định với VOA rằng “quy định này đã có lâu nay và đã được áp dụng nhiều lần rồi” và bây giờ “chỉ là siết chặt hơn mà thôi.”

Luật sư Jennifer Hà nêu nhận định:

“Tôi nhận thấy ngay trước kỳ bầu cử đưa ra thông tin này chỉ để nhắc nhở những người đi bỏ phiếu rằng “chúng tôi đang phản đối Trung Quốc” để kêu gọi lá phiếu của họ.”

Trong một nỗ lực khác của các nhà lập pháp Hoa Kỳ, từ tháng 6 năm nay, các dân biểu Hạ viện đã vận động dự luật HR 7224 End Chinese Communist Citizenship Act nhằm sửa đổi một phần của Đạo luật INA trong đó cấm đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thẻ xanh ở Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-chinh-quyen-trump-that-chat-chinh-sach-cam-dang-vien-cong-san-nha/5610926.html

 

Mỹ: Trung Quốc, Nga và các nhóm

Da Trắng Thượng Đẳng là đe dọa hàng đầu

Trọng Thành

Bộ An Ninh Nội Địa Mỹ ra báo cáo, điểm mặt các đe dọa mà nước Mỹ phải đối mặt. Trung Quốc, Nga và các nhóm chủ trương Da Trắng Thượng Đẳng được chỉ đích danh là « các đe dọa lớn nhất ».

Nhân dịp công bố bản báo cáo, quyền bộ trưởng bộ An Ninh Nội Địa Mỹ Chad Wolf có cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS News, ngày hôm qua 05/10/2020. Ông nhấn mạnh là đối với an ninh nội địa của người Mỹ, Trung Quốc là « mối đe dọa chiến lược quan trọng nhất về dài hạn », « lối sống Mỹ thực sự bị Trung Quốc đe dọa ».

Trong hiện tại, gián điệp mạng và tấn công tin học là các hiểm họa đáng lo nhất, cùng với nạn hàng y tế giả mạo. Riêng trong đợt dịch Covid-19, đã có hơn 1 triệu bộ xét nghiệm Covid do Trung Quốc sản xuất bị cơ quan chức năng Hoa Kỳ cấm sử dụng, 75.000 khẩu trang giả bị tịch thu. Nhưng điều nghiêm trọng hơn, theo bộ An Ninh Nội Địa Mỹ, là Bắc Kinh lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng y tế để gây áp lực buộc chính phủ Mỹ phải đưa ra các chính sách có lợi cho Trung Quốc.

Về phía nước Nga, báo cáo nhấn mạnh các nỗ lực của Matxcơva nhằm tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 là mối đe dọa lớn. Báo cáo không chỉ rõ chính quyền Nga muốn hậu thuẫn cho ứng cử

viên nào chiến thắng, nhưng khẳng định Matxcơva đang nỗ lực phá hoại hoạt động tranh cử của ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden. Báo cáo cho biết : « Nước Nga sử dụng nhiều biện pháp gây chia rẽ công luận Mỹ, bao gồm việc bôi nhọ cựu tổng thống Joe Biden ».

Nhìn chung, nước Nga bị cáo buộc tiến hành nhiều hoạt động bóp méo thông tin trong giai đoạn tranh cử tổng thống Mỹ, tuy nhiên, về « cơ sở hạ tầng » của bầu cử, báo cáo của bộ An Ninh Nội Địa Mỹ khẳng định, vào thời điểm hiện tại, các cuộc tấn công tin học không gây tổn thất nào, khác hẳn với tình hình kỳ bầu cử tổng thống 2016.

Lãnh đạo bộ An Ninh Nội Địa Mỹ khẳng định cơ quan này hoạt động độc lập, không chịu sự chi phối của đảng phái hay thế lực chính trị nào. Tổng thống Donald Trump vốn bị nhiều người cáo buộc là thân Nga. Ông Chad Wolf nêu ra trường hợp nước Nga như một ví dụ cho thấy tính độc lập của bộ, xác định rằng trong bản báo cáo nói trên « nước Nga đã bị điểm mặt khoảng từ 30 đến 40 lần », hoàn toàn không có chuyện hạ thấp mối đe dọa từ Nga.

Báo cáo của Mỹ chỉ ra nguy cơ khủng bố sát sườn nhất với người dân Hoa Kỳ, đến từ « các nhóm tội phạm nhỏ, hoạt động biệt lập, có động cơ ý thức hệ », trong đó các thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan ưa dùng bạo lực là « nguy cơ khủng bố số một » của nước Mỹ. « Các nhóm cực đoan với động cơ chủng tộc, sắc tộc, đặc biệt là các nhóm Da Trắng Thượng Đẳng Cực Đoan (WSEs), là đe dọa lâu dài nhất và có nguy cơ gây nhiều tổn thất nhân mạng nhất ».

Giới quan sát ghi nhận điểm thiếu hụt đặc biệt quan trọng trong báo cáo của bộ An Ninh Nội Địa Mỹ. Báo cáo đã không hề nhắc đến biến đổi khí hậu là hiểm họa lớn hàng đầu đối với an ninh của người Mỹ, cho dù có nhắc đến các thiệt hại do cháy rừng và bão lớn « hàng ngàn tỉ đô la ». Theo giới chuyên gia, khí hậu bị hâm nóng làm gia tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng khí hậu bất thường như bão lũ hay khô hạn. Ông Donald Trump không thừa nhận hoạt động của con người ảnh hưởng đến khí hậu, khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa Thuận Khí Hậu Paris 2015.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201006-m%E1%BB%B9-trung-qu%E1%BB%91c-nga-va%CC%80-ca%CC%81c-nh%C3%B3m-da-tr%E1%BA%AFng-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BA%B3ng-l%C3%A0-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-h%C3%A0ng-%C4%91%E1%BA%A7u

 

Nhóm về Quyền cá nhân kêu gọi dừng điều tra

giáo sư sử dụng thuật ngữ ‘virus ĐCSTQ’

Một nhóm tự do ngôn luận đã kêu gọi Đại học Syracuse hủy bỏ cuộc điều tra về một giáo sư hóa học đã gọi loại virus gây ra bệnh COVID-19 là “virus ĐCSTQ” và “bệnh cúm Vũ Hán” trong giáo trình khóa học của ông.

Hôm 25/8, Đại học Syracuse, một trường cao đẳng tư thục ở bang New York, thông báo rằng họ đã cho một giáo sư nghỉ hành chính, chờ điều tra, vì sử dụng “ngôn ngữ xúc phạm” trong một giáo trình khóa học “gây tổn hại đến môi trường học tập” đối với sinh viên. Nhà trường cho biết từ ngữ “xúc phạm đến người Trung Quốc, người Mỹ gốc Á và quốc tế ở khắp mọi nơi, những người này đã phải chịu những lời nói thù địch, lời lẽ và những hành động căm thù kể từ khi đại dịch bắt đầu.”

Giáo sư đang được nói đến là ông Jon Zubieta, ông đã dạy hóa học tại trường cao đẳng này trong 30 năm. Bên dưới tiêu đề mục của giáo trình có ghi, “Những chú ý đặc biệt liên quan đến đại dịch COVID-19,” ông đưa vào trong ngoặc đơn các từ: “cúm Vũ Hán hoặc virus ĐCSTQ”. Hình ảnh của cuốn giáo trình được lan truyền trên mạng xã hội, khiến một số sinh viên phản đối kịch liệt.

Ông Zubieta cho biết trong một tuyên bố do Tổ chức phi lợi nhuận về Quyền cá nhân trong Giáo dục (FIRE) đưa ra: “Ý định của tôi là nhằm chế nhạo các quy ước văn hóa chính trị (PC) quanh co hơn là người Trung Quốc hay di sản và những truyền thống tuyệt vời của họ. Các hành động của trường đại học trong việc buộc tôi bị đình chỉ dạy và trên thực tế họ dường như ủng hộ các cáo buộc phân biệt chủng tộc và chứng sợ Trung Quốc là những điều vô cùng đáng lo ngại”.

Trường đại học đang điều tra ông Zubieta về hành vi không phù hợp, môi trường làm việc thù địch, và phân biệt đối xử, FIRE cho biết.

Hôm 22/9, FIRE đã viết thư cho Hiệu trưởng Đại học Syracuse Kent Syverud yêu cầu hủy bỏ cuộc điều tra và phục hồi chức vụ cho ông Zubieta. Nhóm này cho biết mặc dù trường đại học không bị ràng buộc bởi Tu chính án thứ nhất vì đó là một tổ chức tư nhân, nhưng trường vẫn nên thực hiện các chính sách tán thành một cam kết tự do ngôn luận của riêng mình.

“Nếu bạn định hứa với các giáo sư của mình quyền tự do ngôn luận, quyền tự do học thuật, bạn phải giữ vững những lời hứa đó, ngay cả khi điều đó khó để thực hiện hoặc không được nhiều người ưa chuộng,” ông Zach Greenberg, người viết bức thư và là nhân viên chương trình tại FIRE, nói với The Epoch Times.

Ông Greenberg nói rằng ông Zubieta đã nhận được nhiều tin nhắn trực tuyến kêu gọi sa thải ông.

Ông Greenberg cho biết giáo sư hóa học này “theo tất cả các đánh giá vốn là một nhân viên kiểu mẫu,” ông cũng lưu ý rằng trong ba thập kỷ tại trường đại học trước khi có sự việc này ông Zubieta chưa bao giờ có bất kỳ trường hợp hành vi sai trái nào hoặc các cáo buộc về hành vi sai trái chống lại ông.

Ông Greenberg nói rằng trong khi các trường đại học được tự do lên án công khai lời nói thù hận, sự tin tưởng mù quáng và bài ngoại, quan điểm của FIRE là “câu trả lời cho lời nói khó chịu, căm thù là nói nhiều hơn. Chứ đó không phải là sự kiểm duyệt hay bạo lực, hay trong trường hợp này là sa thải các giáo sư”.

Lên tiếng Hỗ trợ

Trong khi một số sinh viên Trung Quốc tại Syracuse bày tỏ bị xúc phạm bởi những mô tả đại dịch của ông Zubieta, gần đây một sinh viên Trung Quốc từ Đại học Buffalo gần đó đã viết một bức thư chỉ trích động thái của trường Syracuse.

“Là một người Trung Quốc bản địa, tôi không cảm thấy bị xúc phạm khi nghe [đúng như nguyên văn] những lời này,” Liu Tianyu, một sinh viên tốt nghiệp tại khoa lịch sử của đại học Buffalo, viết trong một bức thư gửi cho chủ bút tờ báo trường The Spectrum và  đã được đăng vào ngày 14/9. Sinh viên này nói rằng “nhiều người Trung Quốc sử dụng các từ “cúm Vũ Hán” và “virus ĐCSTQ”, và lưu ý rằng trước đó trong đại dịch, người Trung Quốc thường gọi đợt bùng phát dịch là “cúm Vũ Hán” trước khi chế độ ĐCSTQ cấm sử dụng nó.

Anh Liu cũng viết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngăn cản các bác sĩ phát ra cảnh báo về dịch bệnh bùng phát trong giai đoạn đầu, làm trầm trọng thêm sự lây lan của dịch bệnh.

“Hai từ “cúm Vũ Hán” và “virus ĐCSTQ” dễ dàng nhắc nhở mọi người về những khuyết điểm của hệ thống Đảng Cộng sản, và đó là lý do mà Đảng Cộng sản Trung Quốc cấm mọi người sử dụng [nó],” anh viết.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, anh Liu cho biết anh đã “rất ngạc nhiên” khi lần đầu tiên thấy tin tức về trường hợp của ông Zubieta.

“Nếu điều này xảy ra ở Trung Quốc đại lục, một giáo sư bị sa thải vì nói virus ĐCSTQ thì đơn giản là một chuyện thường thấy. Mọi người đã trở nên tê liệt với điều này,” anh nói.

“Nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng điều gì đó như thế này có thể xảy ra ở Hoa Kỳ.”

Anh Liu nói sự ngạc nhiên ban đầu này sau đó chuyển thành tức giận. Anh tin rằng quyết định của trường Syracuse tương đương với việc trừng phạt một cá nhân vì “tội phát ngôn”, một động thái mà anh Liu cho là một “sai lầm lớn”. Anh Liu nói anh đã viết thư cho người chủ bút vì anh thấy lo lắng điều gì đó tương tự có thể xảy ra tại Đại học Buffalo.

“Theo ấn tượng của tôi, Mỹ là một quốc gia coi trọng quyền tự do ngôn luận và mọi người có thể tự do bày tỏ suy nghĩ của mình… Bạn không nên nhận một hình phạt hành chính chỉ vì một từ hoặc một câu nói,” anh Liu nói.

Anh tin rằng cách diễn đạt của giáo sư không liên quan đến phân biệt chủng tộc, vì nó không nhằm vào bất kỳ nhóm chủng tộc nào hoặc các nhóm sinh viên khác. Thay vào đó, nó liên quan đến việc bày tỏ “những lo ngại về cách cai trị của chế độ Trung Quốc hiện tại và những lời chỉ trích về cách xử lý sự bùng phát dịch của ĐCSTQ.”

“Ông ấy đã nêu ra quan điểm cá nhân và có lẽ ông ấy muốn sử dụng điều này để khiến mọi người suy nghĩ sâu sắc hơn về cách mà đại dịch này bùng phát và mối liên hệ của virus với hệ thống ĐCSTQ. Dù thế nào đi nữa, ông ấy có quyền bày tỏ những quan điểm này,” anh Liu nói.

The Epoch Times xem loại virus này là virus ĐCSTQ. Việc lựa chọn từ ngữ này, như đã giải thích trong một bài xã luận hồi tháng 3, là để buộc chế độ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc che đậy sự bùng phát dịch đã dẫn đến sự lây lan toàn cầu của dịch bệnh.

Đại học Syracuse đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Cathy He và Eva Fu

Cẩm An biên dịch

https://etviet.com/us-china/nhom-ve-quyen-ca-nhan-keu-goi-dung-dieu-tra-giao-su-su-dung-thuat-ngu-virus-dcstq.html

 

Tối Cao Pháp Viện bắt đầu nhiệm kỳ mới,

sẽ quyết định số phận của Obamacare,

và có thể cả cuộc bầu cử

Tin từ Washington – Tương lai của Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng Obamacare và quyền tự do tôn giáo là một trong những vấn đề nổi bật mà Tối cao Pháp viện cần giải quyết trong nhiệm kỳ mới bắt đầu vào thứ Hai (5 tháng 10).

Tòa án cũng có thể bị lôi kéo vào các tranh chấp về cuộc bầu cử tổng thống trước khi năm 2020 kết thúc. Việc Thượng viện đẩy nhanh thông qua đề cử thẩm phán Amy Coney Barrett kế nhiệm cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg có thể tạo ra sự khác biệt lớn, khi tòa án xét xử đơn kiện Obamacare của 18 tiểu bang Cộng hòa đối với điều khoản yêu cầu hầu như mọi người dân Hoa Kỳ phải có bảo hiểm y tế hoặc phải trả tiền phạt thuế thu nhập.

Nếu thẩm phán Barrett được thông qua đề cử vào thời điểm tòa án xét xử vụ án vào ngày 10/11/2020, bà có thể sẽ nghiêng về phán quyết có lợi cho các tiểu bang Cộng hòa. Nhưng ngay cả khi tòa án phán quyết rằng điều khoản đó vi phạm Hiến pháp, các thẩm phán vẫn phải quyết định xem có phải bãi bỏ toàn bộ luật hay không, hay giữ nguyên phần còn lại đạo luật.

Các thẩm phán có thể cũng sẽ được yêu cầu giải quyết các tranh chấp phát sinh sau ngày bầu cử và có thể xác định người thắng cử, như phán quyết hồi năm 2000 đối với vụ kiện từ Florida về việc kiểm phiếu bầu bằng cách đục lỗ thẻ đọc máy tính. (BBT)

https://www.sbtn.tv/toi-cao-phap-vien-bat-dau-nhiem-ky-moi-se-quyet-dinh-so-phan-cua-obamacare-va-co-the-ca-cuoc-bau-cu/

 

Ủy ban Thượng viện có kế hoạch gửi trát hầu tòa

 cho CEO của Twitter, Facebook và Google

Một chủ tịch Thượng viện có kế hoạch gửi trát đòi hầu tòa cho CEO của 3 gã khổng lồ công nghệ trong bối cảnh thúc đẩy thay đổi các biện pháp bảo vệ trách nhiệm pháp lý mà hiện đang bảo vệ các công ty khỏi các vụ kiện.

Chủ tịch Thương mại Thượng viện Roger Wicker (R-Miss.) cho biết trong phiên điều trần tại Washington hôm thứ Năm (1/10) rằng Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã từ chối lời mời làm chứng trước ủy ban của ông, vì vậy cần có trát đòi hầu tòa.

Nhiều nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa, cũng như chính phủ của TT Donald Trump, đang tập trung vào việc thay đổi các biện pháp bảo vệ trách nhiệm pháp lý được thi hành từ năm 1996 theo Mục 230 của Đạo luật Giao tiếp và Khuôn phép.

Bộ Tư pháp đã đệ trình một đề xuất vào tuần trước nhằm hạn chế mạnh mẽ các biện pháp bảo vệ, với lý do các công ty công nghệ lớn như Google, Twitter và Facebook đang ngày càng đàn áp một số người dùng, trong một số trường hợp nhất định do thiên vị chính trị.

Mục 230 “không thể phủ nhận được đã cho phép Internet hiện đại phát triển”, ông Wicker nói trước cuộc bỏ phiếu về trát đòi hầu tòa.

“Tuy nhiên, sau các báo cáo lặp đi lặp lại và nhất quán về thành kiến chính trị và sự kìm hãm một số quan điểm nhất định, tôi e rằng các biện pháp bảo vệ trách nhiệm pháp lý sâu rộng của Mục 230 đối với nhóm công ty công nghệ lớn (big tech) đang cản trở sự đa dạng của các cuộc thảo luận chính trị trên internet”, ông nói thêm, chỉ ra rằng các cuộc khảo sát của Pew Research cho thấy phần lớn người trưởng thành ở Hoa Kỳ nói rằng có khả năng các trang mạng xã hội kiểm duyệt các quan điểm chính trị.

“Trước thềm một cuộc bầu cử quan trọng và đòi hỏi trách nhiệm cao, bắt buộc ủy ban này và người dân Hoa Kỳ phải nhận được một bản giải thích đầy đủ từ những người đứng đầu các công ty trên về hoạt động kiểm duyệt nội dung của họ.”

Ông Wicker chỉ ra rằng cả TT Trump và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ Joe Biden đều nói rằng các biện pháp bảo vệ ở Mục 230 cần được xem xét lại.

Thượng nghị sĩ Maria Cantwell (D-Wash.), thành viên xếp hạng trong ủy ban, người đã phản đối trát hầu tòa trong tuần trước cho biết bà đã thay đổi ý định.

“Tôi thực sự không thể chờ đợi để hỏi ông Zuckerberg thêm những câu hỏi”, bà nói và cho biết thêm rằng, “các vấn đề mà chúng ta đang thảo luận về cách chúng ta hoạt động trong thời đại thông tin là cực kỳ quan trọng”, cũng như quyền riêng tư và “sự thống trị của phương tiện truyền thông dựa trên các nền tảng.”

Bà Cantwell cho biết bà lo lắng rằng việc giám sát có thể có “hiệu ứng lạnh” đối với cách các nền tảng đang cố gắng trấn áp “lời nói căm thù” nhưng hoan nghênh cuộc tranh luận về Mục 230 và hy vọng nó sẽ được xem xét trong một quá trình lâu dài và thận trọng.

Ba đề nghị cho phép trát hầu tòa được thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu bằng giọng nói, không có thượng nghị sĩ nào phản đối.

Zuckerberg, Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos, Pichai và Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã làm chứng trước Tiểu ban Chống độc quyền Hạ viện vào tháng Bảy.

Phiên điều trần tại Thượng viện dự kiến sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử ngày 03/11.

Zachary Stieber

Anh Minh biên dịch

https://etviet.com/us/uy-ban-thuong-vien-co-ke-hoach-gui-trat-hau-toa-cho-ceo-cua-twitter-facebook-va-google.html

 

Cháy rừng ở California thiêu rụi hơn 4 triệu mẫu

 trong năm nay, gấp đôi kỷ lục trước đó

Thanh Hải

Bang California, Mỹ năm nay ghi nhận đợt cháy rừng lớn kỷ lục đã thiêu rụi hơn 4 triệu mẫu Anh (khoảng 1,6 triệu ha), nhiều hơn gấp đôi so với 1,8 triệu mẫu từng là kỷ lục thiệt hại năm 2018, theo Reuters.

Theo giới chức California, đã có ít nhất 31 người thiệt mạng trong các vụ cháy rừng trong năm nay. Hơn 8.454 căn nhà và các cấu trúc công trình khác đã bị phá hủy trong thảm họa.

Kỷ lục tồi tệ nhất trước đây về thiệt hại do cháy rừng ở California từng được ghi nhận năm 2018. Khi đó gần 2 triệu mẫu rừng bị thiêu rụi, ít nhất 85 người chết và gần 19.000 cấu trúc công trình trong và xung quanh thị trấn miền núi Paradise bị phá hủy.

https://www.dkn.tv/the-gioi/chay-rung-o-california-thieu-rui-hon-4-trieu-mau-trong-nam-nay-gap-doi-ky-luc-truoc-do.html

 

Covid-19: 10% dân số địa cầu bị lây nhiễm,

Tổ Chức Y Tế Thế Giới lo âu

Tú Anh

Siêu vi corona chủng mới đã truyền nhiễm 10% dân số thế giới, khoảng 780 triệu người nhiều gấp 20 lần hơn so với các báo cáo chính thức. Trên đây là thẩm định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong phiên họp đặc biệt tại Thụy sĩ hôm thứ Hai 05/10/2020 kèm theo lời dự báo bi quan: Chúng ta đang bước vào một thời kỳ khó khăn với xu hướng lây nhiễm gia tăng khắp nẻo địa cầu. Vì sao Tổ Chức Y Tế Thế Giới đưa ra lời báo động đáng lo này ?

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche phân tích :

35 triệu 319 ngàn ca dương tính là con số do đại học Mỹ Johns Hopkins báo cáo. 35.243.000, theo AFP. Phần lớn các bản tổng kết đều gần như nhau về số ca lây nhiễm. Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng không nói gì khác và chính thức kiểm kê được 35.109.000 ca.

Đó là số liệu chính thức, còn không chính thức, thì phải nhân lên hơn 20 lần để có thể mường tượng quy mô hoành hành của đại dịch Covid-19. Đó là tuyên bố của bác sĩ Mike Ryan, giám đốc các chiến dịch khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

Ông nói: « Theo ước định mới của chúng tôi thì có đến 10% dân số địa cầu bị lây nhiễm. Tỷ lệ này thay đổi tùy theo quốc gia, tùy theo là ở thành phố hay nông thôn. Nhưng dù như thế nào thì phần lớn dân chúng trên thế giới đang bị đe dọa ».

Bác sĩ Mike Ryan không giải thích bằng cách nào mà Tổ Chức Y Tế Thế Giới đi đến thẩm định trên. Tuy nhiên, cách thức thông tin rất đáng ngạc nhiên từ một tổ chức y tế  mà thông  thường rất thận trọng trong các dự phóng.

Có lẽ Tổ Chức Y Tế Thế Giới đang tìm cách động viên các thành viên vào lúc mà vấn đề quản lý đại dịch Covid-19 được đưa ra bàn thảo.

Ủy ban độc lập đặc trách đánh giá phản ứng của tổ chức sẽ phát biểu trong ngày 06/10/2020.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201006-covid-19-10-d%C3%A2n-s%E1%BB%91-%C4%91%E1%BB%8Ba-c%E1%BA%A7u-b%E1%BB%8B-l%C3%A2y-nhi%E1%BB%85m-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-y-t%E1%BA%BF-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-lo-%C3%A2u

 

Các quán bar ở Paris sẽ đóng cửa khi thủ đô của Pháp

 được đặt ở mức khuyến cáo COVID tối đa

Tin từ PARIS, Pháp – Văn phòng thủ tướng cho biết Paris sẽ được đặt trong tình trạng khuyến cáo COVID-19 tối đa, có nghĩa là các quán bar sẽ buộc phải đóng cửa trong hai tuần kể từ hôm thứ Ba và các nhà hàng sẽ phải áp dụng các quy định vệ sinh mới để duy trì hoạt động.

Văn phòng của Thủ tướng Jean Castex cho biết khu vực Paris không có sự cải thiện kể từ khi thủ đô vượt qua cả ba yêu cầu của chính phủ để được đưa vào mức khuyến cáo cao nhất vào giữa tuần trước. Trong một tuyên bố, văn phòng của ông Castex cho biết việc làm việc tại nhà nên được ưu tiên “hơn bao giờ hết” ở khu vực Paris và các giảng đường đại học không được vượt quá một nửa sức chứa. Các hạn chế tăng cường sẽ có hiệu lực từ hôm thứ Ba (6/10).

Đối với một thành phố được đặt trong tình trạng khuyến cáo tối đa, tỷ lệ lây nhiễm phải vượt quá 100 ca nhiễm trên 100,000 người cao niên và 250 trên 100,000 trong cộng đồng nói chung, trong khi ít nhất 30% số giường chăm sóc đặc biệt được dành cho bệnh nhân coronavirus.

Một tuần trước, các nhà hàng và quán bar đóng cửa trong hai tuần ở Marseille, thành phố phía nam tại tâm điểm của đợt dịch thứ hai, kích động các cuộc biểu tình và thách thức pháp lý bất thành. Các nhà hàng ở Marseille sẽ được phép mở cửa trở lại sớm theo cùng các quy định mới.

Vào hôm Chủ nhật (4/10), Pháp báo cáo 12,565 trường hợp nhiễm coronavirus mới, trong khi 893 bệnh nhân COVID-19 được đưa vào chăm sóc đặc biệt trong tuần qua. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cac-quan-bar-o-paris-se-dong-cua-khi-thu-do-cua-phap-duoc-dat-o-muc-khuyen-cao-covid-toi-da/

 

Công nghiệp quốc phòng Pháp trước bão tố

Thanh Hà

Có một nghịch lý là vào lúc các vùng xảy ra tranh chấp hoặc xung đột càng lúc càng tiến đền cửa ngõ Liên Âu, cộng thêm với viễn cảnh không còn được lá chắn phòng thủ của Mỹ bảo vệ trong tương lai thì đây cũng là thời điểm mà các nhà sản xuất vũ khí của Pháp trông thấy tương lai bất định.

Pháp là nguồn cung ứng thứ ba trang thiết bị quân sự cho toàn cầu, với gần 8 % thị phần quốc tế, lĩnh vực này bảo đảm công việc làm cho 165.000 người lao động và năm ngoái đem về 8,3 tỷ euro cho các nhà sản xuất.

Nhiều chuyên gia về quốc phòng của Pháp tham gia chương trình Địa Chính Trị trên đài RFI tìm cách giải mã vì sao ngày càng có nhiều tiếng nói báo động « nền công nghiệp vũ khí » của Pháp có nguy cơ bị « suy sụp » trong lúc mà nhu cầu tiêu thu không hề thuyên giảm ? Đại dịch Covid-19 phải chăng là yếu tố then chốt buộc các quốc gia rà soát lại chiến lược an ninh ?

Nguy cơ chết não ?

Thổ Nhĩ Kỳ đang làm mưa làm gió ngay tại khu vực phía đông Địa Trung Hải, ở bên kia bờ nam vùng biển này, tình hình không yên ổn tại Libya hay trên dải Sahel trải dài từ miền đông sang miền tây châu Phi. Nhìn rộng ra hơn một chút nữa là giao tranh khốc liệt ở vùng Thượng Karabakh gần sát với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Iran. Xa hơn nữa về phía đông, chót vót trên đỉnh cao dẫy Himalaya, xung đột ở đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ và cả Trung Quốc, Ấn Độ cùng thông báo tăng ngân sách quốc phòng. Chỉ riêng Lầu Năm Góc bơm thêm « hàng trăm tỷ đô la » vào cỗ máy an ninh. Ngần ấy yếu tố vẫn không đủ để các tập đoàn sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự cảm thấy an tâm.

Tập hợp Vauban bao gồm khoảng 20 chuyên gia Pháp về vấn đề phòng thủ trên báo kinh tế La Tribune cuối tháng 9/20210 nói đến « một tình trạng chết não được báo trước » của nền công nghiệp vũ khí Pháp. Một trong những lý do chính dẫn đến kịch bản này là « sau đại dịch, các khách hàng của Pháp nghèo đi, trang bị thêm chiến đấu cơ Rafale hay tàu ngầm đời mới, xe tăng … không còn là ưu tiên hàng đầu ».

Trả lời trên RFI các chuyên gia tuy có lo ngại nhưng không bi quan đến như vậy. Trước hết nhà kinh tế Claude Serfati đại học Versailles và cũng là thành viên viện nghiên cứu về các xung đột Cemotev của Pháp tin rằng, nhu cầu trang bị vũ khí và thiết bị quân sự vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm trong tương lai :

« Có một số lý do cho thấy ngân sách quốc phòng có thể sẽ giảm sụt : ngân sách Nhà nước ngày càng bị thâm hụt, nợ công tăng cao với đại dịch Covid-19. Chính phủ phải đầu tư trở lại vào hệ thống y tế, tăng thêm giường cho bệnh viện đến tăng cường trang thiết bị y tế … Đó là điều tất yếu đã lộ rõ với khủng hoảng lần này. Tuy nhiên chúng ta biết rằng ngân sách phòng thủ của châu Âu đã tăng 10 % từ năm 2010 nhưng trong hoàn cảnh địa chính trị càng lúc càng căng thẳng kể từ những năm 2000 : nào là khủng hoảng kinh tế hồi 2008, trước đó nữa Mỹ mở các mặt trận ở Afghanistan hay Irak, đến đầu những năm 2010 thì bùng lên phong trào mùa xuân Ả Rập và gần đây nhất là vế địa chính trị, vế địa kinh tế từ cuộc đọ sức Mỹ -Trung và hiện tại là hậu quả đại dịch đang gây ra… Tôi e rằng trong mọi trường hợp, ngân sách phòng thủ tiếp tục có khuynh hướng tăng lên thêm nữa ».

Một giải pháp kích cầu

Giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS đặc trách về các vấn đề phòng thủ Jean- Pierre Maulny nêu bật trường hợp của Pháp và theo ông cần phân biệt giữa ngắn và dài hạn :

« Nhìn chung trong cả khối Liên Hiệp Châu Âu, chi tiêu quốc phòng không phải là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên có những khác biệt tùy theo mỗi quốc gia và tùy theo thời gian. Thí dụ như Pháp với một nền công nghiệp vũ khí quan trọng, thì việc đầu tiên là Paris đã dùng ngân sách để hỗ trợ các tập đoàn sản xuất vũ khí và trang thiết bị của mình. Chính phủ tăng ngân sách quốc phòng và trong một chừng mực nào đó, điều khoản này nằm trong gói kích cầu của Pháp cho giai đoạn hậu Covid-19. Bộ Quân Lực đặt mua chiến đấu cơ, trang bị thêm máy bay cho quân đội. Khuynh hướng này sẽ được tiếp tục kéo dài trong hai hay ba năm sắp tới. Nhưng sau đó thì Pháp và nhiều quốc gia khác, cũng sẽ bắt buộc phải giải quyết bớt nợ nần, đó là những khoản nợ mà chúng ta đang đi vay để khắc phục hậu quả virus corona. Khi đó, Pháp sẽ có những ưu tiên khác. Tôi không chắc là ngân sách phòng thủ vẫn cứ được tăng lên đều đặn ».

An ninh và sức mạnh quân sự không nhất thiết đi đôi với nhau

Đành rằng hồi mùa xuân vừa qua khi nước Pháp đụng đến đỉnh dịch chính phủ đã huy động quân đội tiếp tay với các bệnh viện, nhất là vùng Grand Est (đông bắc) nhằm giải tỏa bớt áp lực cho các bệnh viện dân sự tại các thành phố như Mulhouse hay Strasbourg … Nhưng Benoit Muracciole chủ tịch hiệp hội bảo vệ nhân quyền ASER lưu ý khủng hoảng y tế lần này cho thấy các trang thiết bị quân sự và vũ khí không cho phép bảo toàn sinh mạng của các công dân trước một kẻ thủ vô hình là siêu vi corona chủng mới.

« Tôi nghĩ rằng khủng hoảng y tế lần này cho thấy an ninh của các công dân không nhất thiết tùy thuộc vào trang thiết bị quân sự. Trong rất nhiều thế kỷ chúng ta đã đánh đồng hai khái niệm « an ninh » và « sức mạnh quân sự ». Nhưng ở đầu thế kỷ 21, bắt đầu có một sự thay đổi và nhất là giờ đây dịch Covid-19 đang chứng minh rằng, an ninh của chúng ta không hẳn chỉ lệ thuộc vào khối lượng xe tăng hay tên lửa có được và chúng đã không giúp ích được gì cho công dân các nước trong đại dịch lần này. Do vậy chiến lược an ninh phải được tính lại. Chúng ta thấy Mỹ có số thiệt hại nhân mạng cao nhất thế giới cho dù Hoa Kỳ là quốc gia có ngân sách quốc phòng đồ sộ nhất địa cầu với hơn 750 tỷ đô la – mà con số thật sự theo tôi còn cao hơn thế rất nhiều, và Washington tiếp tục tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc. Theo tôi sớm muộn gì các công dân cũng sẽ nhận thấy rằng quyền được chữa trị khi đau ốm cũng thuộc về an ninh của mỗi cá nhân. Đây là một thay đổi lớn bắt ngành công nghệ quốc phòng phải suy nghĩ ».

Tiết kiệm tiền triệu để cái giá phải trả lên tới hàng trăm tỷ euro

Do vậy theo ông Benoit Muracciole từng bước, các quốc gia trên thế giới sẽ xét lại chiến lược an ninh và mở rộng khái niệm an ninh đó đến các lĩnh vực khác trong đó bao gồm từ y tế song song với những thách thức khác như an ninh mạng.

Chuyên gia kinh tế Claude Serfati trung tâm nghiên cứu Cemotev tiếc là Pháp sãn sàng đầu tư bạc tỷ để trang bị vũ khí nhưng lại tiết kiệm vài chục triệu đầu tư vào hệ thống y tế để rồi, như đã bị một con siêu vi tấn công bất ngờ, làm tê liệt toàn bộ kinh tế trong 8 tuần lễ như nhiều nước khác trên thế giới :

« Chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe trước đây thẩm định rằng để đối mặt với đại dịch, Pháp cần 14.000 giường trong khoa hồi sức cấp cứu, trong lúc trên toàn quốc chỉ có 5.000 chỗ mà thôi. Để khắc phục thiếu sót đó Pháp cần phải chi ra thêm 54 triệu euro. Đây là một số tiền chỉ bằng 1/6 phí tổn trong chiến tranh Libya. Số tiền này tương đương với khoảng vài chục tên lửa trong lúc Pháp đang nắm giữa vài ngàn loại vũ khí này. Tôi muốn chứng minh ở đây rằng 54 triệu euro không là cái gì cả nhưng do không chịu đầu tư để đến nỗi toàn bộ nền kinh tế Pháp đã bị tê liệt trong hai tháng, thiệt hại về tài chính không biết đâu mà lường. Cần cấp tốc phải tính tới kế hoạch là an ninh và y tế phải là hai vế đi song song với nhau. Đương nhiên là bên canh đó thì còn có rất nhiều yếu tố chính trị và địa chính trị, có những hiềm khích cả về quân sự lẫn kinh tế mà chúng ta không thể lơ là. »

Châu Âu, ngõ thoát hiểm quý giá

Nhìn lại thống kê của năm 2018 Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và Ai Cập là những nước mua vào nhiều vũ khí nhất. Thế nhưng theo giới quan sát virus corona đã làm đảo lộn trật tự ưu tiên tại các quốc gia này. Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI, công bố hồi tháng 3/2020, trong giai đoạn 2010-2014 tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Pháp tăng 72 % mà chủ yếu là nhờ nhu cầu tiêu thụ tại Trung Đông tăng mạnh với một bước nhảy vọt hơn 60 %. Đây cũng là nơi mua vào 35 % trang thiết bị quân sư của toàn cầu. Với dịch Covid-19 và kèm theo đó là thị trường dầu hỏa ảm đạm liệu rằng các nhà sản xuất của Pháp có còn tiếp tục trông cậy được vào các nước Trung Đông đứng đầu là Ả Rập Xê Út nữa hay không ?

Hy họng cho giai đoạn sắp tới là Liên Âu. Theo thông báo của bộ Quân Lực Pháp, 45 % xuất khẩu của các tập đoàn quốc gia hướng đến các thị trường châu Âu. Bruxelles đã thông báo kế hoạch « tái thiết sau Covid-19 » 750 tỷ euro và theo đuổi mục đích tăng cường khả năng phòng thủ, giảm bớt lệ thuộc vào những chuyển biến trên trường chính trị Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là Liên Âu sẽ là một ngõ thoát cho các nhà sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự của Pháp. Năm 2019, 3 trong số 5 khách hàng quan trọng nhất của các tập đoàn chế tạo vũ khí Pháp là Bỉ, Hungary và Tây Ban Nha. Theo thứ tự Brxuelles đặt mua 1,8 tỷ euro ; hóa đơn gửi tới Budapest là 631 triệu euro và sau cùng Madrid chi ra 435 triệu để mua thiết bị quân sự của Pháp.

https://www.rfi.fr/vi/kinh-t%E1%BA%BF/20201006-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-ph%C3%A1p-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-b%C3%A3o-t%E1%BB%91

 

Thành phố Đức dựng tượng

để ghi công Gorbachev

Tượng của nguyên lãnh đạo Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev được khai trương ở thành phố Rosslau, bang Saxony-Anhalt nhân kỷ niệm 30 năm Thống nhất nước Đức.

Những nhà đấu tranh đã lật đổ chính quyền Đông Đức

‘Biết ơn Gorbachev đã khiến Liên Xô sụp đổ’

Mikhail Gorbachev có ân hận vì để mất Liên Xô?

Ông Gorbachev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và tổng thống Liên Xô cuối cùng (1990-91) được giải Nobel Hòa bình vì các nỗ lực hóa giải Chiến tranh Lạnh ở châu Âu.

Bức tượng ông Gorbachev bằng người thật do nhà điêu khắc Đức Bernd Gobel thực hiện được dựng ở trước Tòa Thị chính Rosslau.

Tiền đúc tượng do người dân địa phương quyên góp, theo hãng thông tấn TASS của Nga và các đài Đức.

Chính quyền Rosslau nói ông Gorbachev có công lao “tạo điều kiện cho cải cách ‘perestroika và glasnost’ và cho phép cuộc cách mạng hòa bình tại Đức diễn ra năm 1989, dẫn tới thống nhất nước Đức”.

Phản bội hay có công?

Hiện tại Việt Nam vẫn có ít nhất hai luồng quan điểm trái ngược nhau về ông Mikhail Gorbachev.

Một số giới có kinh nghiệm về Liên Xô cũ và khối Đông Âu thường chia sẻ quan điểm phổ biến ở châu Âu đánh giá cao vai trò của ông Gorbachev giúp châu lục này chấm dứt Chiến tranh Lạnh.

Nhưng quan điểm chính thống của Đảng CSVN đăng trên đài báo do đảng này chỉ đạo, gọi ông là “kẻ phản bội”.

Hồi tháng 10/2017 nhân một sự kiện kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga (1917-2017) ở Hà Nội, một nhà lý luận của ĐCSVN, ông Tạ Ngọc Tấn trong phát biểu được chiếu trên kênh VTV1, đã gọi ông Gorbachev là “kẻ phản bội Đảng, bán rẻ chế độ Xô – Viết vĩ đại”.

Trên thực tế, khi lên cầm quyền Gorbachev thấy Liên Xô trì trệ quá lâu về kinh tế, công nghệ và đã tin rằng dân chủ hóa xã hội Liên Xô là hình thức làm mới lại tinh thần công dân xã hội chủ nghĩa, nhưng lại mở đường cho các lực lượng rất trái ngược nhau bùng lên.

Chính nước Nga muốn bỏ Liên Xô và lãnh đạo ĐCS Nga, Boris Yeltsin và các lãnh đạo các nước cộng hòa thuộc châu Âu, nói tiếng Nga, Ukraine và Belarus ra quyết định giải tán Liên Xô sau bảy thập niên tồn tại.

Đầu năm 1991, Gorbachov cho mở trưng cầu dân ý ngày 17/03 nhằm cứu Liên Xô sau khi thành viên chủ chốt là Nga đơn phương tuyên bố độc lập vào tháng 6/1990.

Các nước lớn nhất thuộc Liên Xô là Ukraine, Belarus, Kazakhstan đều có các vấn đề khác nhau, và ba cộng hòa Baltic cũng muốn đặt lại vị trí của mình.

Cuộc trưng cầu dân ý duy nhất trong lịch sử Liên Xô có câu hỏi

Bạn có thấy là cần thiết việc duy trì Liên bang CHXHCN Xô Viết như một thể chế liên bang đổi mới gồm các nước cộng hòa bình đẳng nhằm đảm bảo quyền tự do của từng cá nhân, bất kể dân tộc nào?”

Chừng 113 triệu cử tri đã đồng ý như vậy nhưng xu thế ly khai không giảm đi.

Trên thực tế, sau khi Nga tách ra dưới quyền của Bí thư Đảng Cộng sản Nga đầy tham vọng Boris Yeltsin, Liên Xô chỉ còn tồn tại ở 14 nước còn lại.

Vào thời điểm đó, ở vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev không còn nhiều quyền lực thực tế.

Cuộc đảo chính của phe bảo thủ trong quân đội và an ninh Liên Xô vào tháng 8/1991 dù không thành đã đánh tan chút uy tín cuối cùng của chế độ Liên bang.

Ngày 26/12/1991, lãnh đạo ba cộng hòa là Nga, Ukraine và Belarus đồng lòng tuyên bố giải tán Liên Xô.

Họ chỉ thừa nhận thực tế sau cuộc đảo chính tháng 8 là có hai cơ quan duy nhất của Liên Xô còn tồn tại: Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Trên trường quốc tế, CH LB Nga tiếp quản vị trí của Liên Xô tại LHQ và kho vũ khí nguyên tử và Ukraine, Belarus cam kết chuyển giao cho Nga các đầu đạn hạt nhân.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54433291

 

Berlin chuẩn bị loại Hoa Vi

ra khỏi hệ thống 5G của Đức

Mai Vân

Cho đến nay, Đức vẫn chưa công bố chính thức quyết định của nước này liên quan đến việc thiết lập mạng 5G. Quyết định của Berlin đang đặc biệt được Trung Quốc chờ đợi vì Đức từng là thị trường hải ngoại chủ chốt của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi. Theo nhật báo Anh Financial Times ngày 30/09/2020, trong những tuần lễ sắp tới đây, chính phủ Đức sẽ thông qua một đạo luật về an ninh tin học, quy định một loạt rào cản khó thể vượt qua đối với Hoa Vi.

Theo các nghị sĩ Đức có biết về dự thảo luật, dự luật về an ninh trong lãnh vực công nghệ thông tin mà nội các của thủ tướng Angela Merkel dự định sẽ không hoàn toàn cấm cửa Hoa Vi nhưng sẽ tạo ra những trở ngại hành chính không thể vượt qua đối với công ty Trung Quốc.

Động thái này của chính phủ Đức sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng quốc tế của tập đoàn Trung Quốc. Giống như Vương Quốc Anh, Đức là một trong những thị trường quan trọng của Hoa Vi để mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ Hoa lục, và các hợp đồng với các đại công ty Đức như Vodafone và Deutsche Telekom đã giúp Hoa Vi trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Quy định chặt chẽ về “độ tin cậy” của nhà cung cấp

Dự luật mới về công nghệ thông tin của Đức dự trù một quy trình phê duyệt hai giai đoạn đối với thiết bị viễn thông, bao gồm việc kiểm tra kỹ thuật các thành phần riêng lẻ kết hợp với đánh giá chính trị về “độ tin cậy” của nhà sản xuất.

Ông Nils Schmid, phát ngôn viên về đối ngoại của đảng Dân Chủ Xã Hội Đức SPD, một đối tác trong chính phủ liên hiệp của bà Merkel, cho biết: “Nghị Viện Đức đòi hỏi các phương tiện pháp lý để có thể loại trừ các nhà cung cấp không đáng tin cậy như Hoa Vi ra khỏi quá trình xây dựng hệ thống 5G và luật mới này có thể cho phép điều đó”. SPD là đảng đã chủ trương một cách tiếp cận cứng rắn với Hoa Vi.

Dự luật vẫn chưa được hoàn thiện và vẫn có thể có những thay đổi kỹ thuật, nhưng rõ ràng sẽ khiến Hoa Vi gần như không thể tham gia vào chương trình 5G của Đức.

Một nghị sĩ đã tham gia các cuộc thảo luận về dự luật mới, không ngần ngại nêu câu hỏi “Làm thế nào Hoa Vi, một công ty có liên hệ khả nghi với nhà nước Trung Quốc, có thể vượt qua bài kiểm tra về độ tin cậy chính trị?“. Theo nhân vật này: “Điều đó là không thể.”

Vai trò quan trọng của tình báo Đức

Dự luật cũng dự kiến ​​một vai trò quan trọng đối với tình báo của Đức, vốn từ lâu đã rất hoài nghi về Hoa Vi. Thorsten Frei, một nghị sĩ thuộc CDU/CSU của bà Angela Merkel cho biết: “Theo hình thức hiện tại [dự luật] dự kiến ​​rằng khi có nghi ngờ về độ tin cậy của một công ty thì chính phủ có thể điều tra bằng cách sử dụng thông tin do các cơ quan tình báo cung cấp”.

Đức tham gia vào nhóm ngày càng đông của các quốc gia đã áp đặt các hạn chế đối với Hoa Vi, mà các nhà quan sát cho rằng có thể bị Bắc Kinh sử dụng để hoạt động gián điệp hoặc phá hoại mạng. Washington đã nhiều lần viện dẫn luật buộc các công ty và công dân Trung Quốc phải hỗ trợ Nhà nước trong việc thu thập thông tin tình báo. Hoa Vi đã phủ nhận việc họ là công cụ của chính phủ Trung Quốc.

Vào tháng 7, chính phủ Vương Quốc Anh đã cấm các nhà giao dịch mạng mua thiết bị 5G mới của Hoa Vi từ cuối năm nay, trong khi Pháp đã tạo ra các rào cản pháp lý được thiết kế để “gợi ý” cho các nhà khai thác viễn thông tránh sử dụng thiết bị của Hoa Vi.

Trong thời gian gần đây, chính phủ Mỹ đã thúc ép các đồng minh ở châu Âu tẩy chay Hoa Vi. Năm ngoái, Mỹ cảnh báo họ sẽ giảm mức độ chia sẻ thông tin tình báo với Đức trừ phi Berlin chặn Hoa Vi. Một quan chức cấp cao của Đức cho biết: “Áp lực của Mỹ thật sự rất thô bạo”.

Gần đây, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tranh thủ chuyến ghé Roma để cảnh báo chính phủ Ý rằng các công ty công nghệ Trung Quốc “có quan hệ với Đảng Cộng Sản Trung Quốc” là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Ý và quyền riêng tư của công dân nước này.

Thủ tướng Đức bị sức ép phải cứng rắn đối với Trung Quốc

Bà Merkel đã chống lại áp lực của Hoa Kỳ trong việc áp đặt một lệnh cấm rõ ràng đối với công ty Trung Quốc. Vào đầu năm nay, bà đã khẳng định với nhật báo Anh Financial Times rằng việc “đơn thuần loại trừ ai đó” là sai. Thay vào đó, bà đã tìm cách thắt chặt các yêu cầu an ninh của đất nước đối với tất cả các nhà cung cấp thiết bị viễn thông và đa dạng hóa các nhà cung cấp.

Nhưng bà đã phải đối mặt với sự phản đối từ trong chính đảng của mình, vốn đã yêu cầu một đường lối cứng rắn hơn đối với Hoa Vi – cũng như Đảng Dân Chủ Xã hội và Đảng Xanh trong phe đối lập.

Hoa Vi từ chối bình luận về dự luật mới của Đức, nhấn mạnh rằng dự luật vẫn chưa được hoàn thiện, và nhắc lời biện minh cố hữu rang họ là một “công ty tư nhân thuần túy”, đang hợp tác với các cơ quan an ninh Đức, vì thế “không có lý do chính đáng nào để hạn chế quyền tiếp cận thị trường [Đức] của họ”.

Deutsche Telekom và Telefónica, hai trong số các nhà khai thác di động lớn nhất của Đức, từ chối bình luận. Vodafone cho biết họ sẽ “tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ luôn tuân thủ các quy định”. Cả ba công ty đều đã sử dụng thiết bị Hoa Vi cho mạng di động và mạng cố định của họ và điều đó đã tiếp tục với 5G.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi dự luật mới được hoàn thiện, các công ty trên đã bắt đầu rời bỏ việc sử dụng thiết bị Hoa Vi trong phần “cốt lõi” của mạng 5G trên đất Đức.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201006-berlin-chu%C3%A2%CC%89n-bi%CC%A3-loa%CC%A3i-hoa-vi-ra-kho%CC%89i-h%C3%AA%CC%A3-th%C3%B4%CC%81ng-5g-cu%CC%89a-%C4%91%C6%B0%CC%81c

 

Nobel Vật lý 2020:

Vinh danh 3 nhà khoa học nghiên cứu về “hố đen”

Trọng Thành

Giải thưởng Nobel Vật lý học năm nay 2020 được trao tặng cho ba nhà khoa học, nghiên cứu về “hố đen”, đã mang lại « bổ sung quan trọng nhất » cho Thuyết tương đối tổng quát của Einstein. Nhà khoa học Anh Roger Penrose được trao tặng một nửa giải thưởng. Một nửa giải thưởng còn lại được trao cho nhà khoa học Mỹ Andrea Ghez và nhà khoa học Đức Reinhard Genzel.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển thông báo : nhà khoa học Anh Roger Penrose, sinh năm 1931, tốt nghiệp Đại học Cambridge và hiện là giáo sư Đại học Oxford, đã được trao giải thưởng vì đã phát hiện ra « quá trình hình thành của hố đen ». « Năm 1965, tức 10 năm sau khi Einstein qua đời, ông Roger Penrose đã chứng minh là các hố đen có thể ra đời và (dựa trên các mô hình toán học) ông đã mô tả chi tiết quá trình hình thành các hố đen ». Ủy Ban Nobel khẳng định các công trình của giáo sư Roger Penrose là « đóng góp quan trọng nhất vào Thuyết tương đối tổng quát, kể từ Einstein đến nay ».

Hai nhà khoa học Reinhard Genzel, sinh năm 1952, và Andrea Ghez, sinh năm 1965, được ghi nhận là đã có các đóng góp quan trọng vào việc phát triển các kỹ thuật mới, cho phép phát hiện ra một vật thể khổng lồ siêu đặc ở trung tâm của giải Ngân Hà, chi phối quỹ đạo của các vì sao trong giải Ngân Hà. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, các nghiên cứu mang tính tiên phong của hai nhà khoa học Viện vật lý thiên văn Max-Planck (Đức) và trường Đại học Californie ở Berkeley, Los Angeles (Mỹ) đã cung cấp « các bằng chứng thuyết phục nhất cho tới nay về sự hiện diện của một siêu hố đen ở trung tâm của giải Ngân Hà ».

Theo chủ tịch Ủy Ban Nobel Vật lý học, ông David Haviland, « các phát hiện của những người được trao giải năm nay đã mở ra nhiều chân trời mới cho việc nghiên cứu về các vật thể khổng lồ – siêu đặc trong vũ trụ, các vật thể kỳ lạ này đặt ra nhiều câu hỏi, cần đến các lời giải mới ».

Giải Nobel Vật lý là giải được trao thứ hai, sau giải Nobel Y học. Ngày mai, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ công bố người đoạt giải Nobel Hóa học.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201006-nobel-v%E1%BA%ADt-l%C3%BD-2020-ba-nh%C3%A0-khoa-h%E1%BB%8Dc-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-v%E1%BB%81-h%E1%BB%91-%C4%91en

 

Nobel Y học 2020 vinh danh khám phá

về virus viêm gan C

Thanh Hải

Hai nhà khoa học người Mỹ là Harvey J. Alter và Charles M. Rice cùng nhà khoa học người Anh Michael Houghton là chủ nhân của giải Nobel Y học năm 2020 với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.

Trong thông báo ngày 5/10, Ủy ban Nobel thuộc Viện Karolinska của Thụy Điển cho biết giải thưởng vinh danh 3 nhà khoa học vì “đóng góp mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại căn bệnh viêm gan truyền qua đường máu, một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng toàn cầu, có thể gây ra bệnh xơ gan và ung thư gan cho nhiều người trên khắp thế giới”.

Ủy ban Nobel cho biết thêm, khám phá của bộ ba này đã mở đường cho phương pháp xét nghiệm máu và các loại thuốc kháng virus có thể cứu sống hàng triệu người.

Hội đồng giám khảo cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, căn bệnh này có thể được chữa khỏi, làm dấy lên hy vọng virus viêm gan C sẽ bị xoá sổ khỏi cộng đồng thế giới”.

Sau giải Nobel Y học, giải Nobel Vật lý được công bố vào ngày 6/10, Nobel Hóa học ngày 7/10, Nobel Văn học ngày 8/10, Nobel Hòa bình ngày 9/10 và Nobel Kinh tế vào ngày 12/10.

Hiện tại, mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD).

https://www.dkn.tv/the-gioi/nobel-y-hoc-2020-vinh-danh-kham-pha-ve-virus-viem-gan-c.html

 

Armenia và Azerbaijan

giao tranh ác liệt ở vùng Nagorno-Karabakh

Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan, hai nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ ở vùng Caucasus, đã bùng lên trong những ngày gần đây.

Hai quốc gia đụng độ quanh vùng đất Nagorno-Karabakh có tranh chấp, nơi chính thức là thuộc Azerbaijan nhưng do người sắc tộc Armenia nắm quyền điều hành.

Azerbaijan và Armenia đụng độ vũ trang tại khu vực tranh chấp

Metsamor, lò phản ứng hạt nhân cổ lỗ thời Liên Xô vẫn hoạt động

Đập bỏ thành phố thời Liên Xô xây lại từ đầu

Cách mạng Tháng 10 ‘bi thảm mà chẳng đạt gì’

Cuộc giao tranh hiện thời là vụ đụng độ tồi tệ nhất kể từ hàng thập niên qua. Hai bên đổ lỗi cho nhau về tình hình bạo lực lúc này.

Armenia và Azerbaijan đã có chiến tranh trong thời gian 1988-94 và rốt cuộc đạt lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, hai bên chưa bao giờ có được dàn xếp nào về vùng đất đang tranh chấp.

Hình ảnh này, do Bộ Quốc phòng Armenia công bố, cho thấy một trong những cỗ súng của Armenia nhả đạn hồi đầu tuần.

Cả hai bên đã đưa vào sử dụng pháo hạng nặng. Một số căn nhà, tòa nhà bị phá hủy ở các khu vực dân sự.

Các lực lượng Azerbaijan đã nã pháo vào thủ phủ của Nagorno-Karabakh là Stepanakert.

Nhiều người thương vong nặng nề trong thành phố, nơi hiện không có điện, hãng tin Armenpress tường thuật.

Người phụ nữ này ngồi bên ngoài cửa nhà mình.

Trong lúc đó, giới chức Nagorno-Karabakh nói họ đã nã pháo vào một sân bay quân sự tại Ganja, thành phố lớn thứ hai của Azerbaijan.

Lính cứu hỏa đã được đưa tới Ganja và các thị trấn, làng quê khác để dập tắt các đám cháy.

Đã có những lo ngại rằng con số binh lính và dân thường tử vong thực sự của các bên có thể cao hơn nhiều; số liệu được nêu ra hiện nay vẫn chưa được kiểm chứng độc lập.

Người phụ nữ này đã được đưa vào bệnh viện ở Ganja hồi đầu tuần.

Quân đội Azerbaijan nói rằng các lực lượng của họ đã tái chiếm quyền kiểm soát một số ngôi làng, còn Nagorno-Karabakh thì nói rằng binh lính của họ đã “củng cố” được các vị trí tiền tuyến.

Việc sử dụng pháo hạng nặng đã gây hư hại trầm trọng các con đường của thành phố, như hình ảnh này tại Stepanakert.

Tòa nhà này tại Ganja đã bị hư hại nghiêm trọng do đạn pháo.

Chính quyền Azerbaijan nói “các cơ sở hạ tầng dân sự và các tòa nhà cổ mang tính lịch sử đã bị hư hại” trong cuộc giao tranh mới đây.

Nhà cửa bị phá hủy, bị hư hại và bỏ trống ở cả hai bên của cuộc xung đột.

Người ta thấy nhiều đồ đạc cá nhân nằm ngổn ngang trong những đống đổ nát.

Đây là tầng thượng của một tòa nhà chung cư ở Nagorno-Karabakh sau khi bị tấn công.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54437842

 

Thượng Karabakh:

Mỹ, Pháp và Nga kêu gọi các bên đình chiến

Trọng Thành

Tại Thượng Kabarakh và vùng phụ cận, chiến sự vẫn tiếp diễn. Hôm qua, 05/10/2020, Pháp, Mỹ và Nga ra thông cáo chung lên án các cuộc tấn công nhắm vào thường dân tại Thượng Karabakh.

Ngoại trưởng ba nước Pháp, Mỹ và Nga, ra thông cáo chung « cực lực lên án bạo lực, đang leo thang ở quy mô chưa từng có tại vùng xung đột Thượng Karabakh và bên ngoài khu vực này », và khẳng định đây là « một mối đe dọa không thể chấp nhận được với sự ổn định của khu vực ». Ba ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, Mike Pompeo và Serguei Lavrov kêu gọi các bên ngay lập tức trở lại với tiến trình giải quyết các tranh chấp giữa trên luật pháp quốc tế.

Pháp, Mỹ và Nga là ba quốc gia đồng chủ tịch nhóm Minsk, thành lập từ năm 1992, có sứ mạng tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Thượng Karabakh.

Hôm qua, khối NATO kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ « sử dụng ảnh hưởng » của mình để tháo gỡ xung đột. Chính quyền Ankara ủng hộ Azerbaijan trong xung đột hiện nay tại Thượng Karabakh.

Về tình hình tại chỗ, chiến sự đã bước sang ngày thứ chín. Hôm nay, thủ phủ vùng Thượng Karabakh, Stepanakert, với 50.000 dân cư, tiếp tục bị quân đội Azerbaijan pháo kích. Ngược lại, theo chính quyền Azerbaijan, thì nhiều khu dân cư của Gandjia, thành phố lớn thứ hai của Azerbaijan, cũng bị tấn công bằng đạn pháo. Gandjia là nơi có một sân bay quân sự của Azerbaijan. Theo số liệu chính thức của các bên, kể từ khi xung đột bùng nổ đến nay, đã có tổng cộng, 19 thường dân Armenia và 44 thường dân Azerbaijan thiệt mạng.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201006-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-karabakh-m%E1%BB%B9-ph%C3%A1p-v%C3%A0-nga-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-c%C3%A1c-b%C3%AAn-%C4%91%C3%ACnh-chi%E1%BA%BFn

 

Kyrgyzstan: Ủy ban bầu cử

hủy kết quả chiến thắng của phe chính quyền

Tú Anh

Nước Cộng hòa Trung Á Kyrgyzstan trải qua một đêm biểu tình bạo động hậu bầu cử Quốc Hội hôm Chủ Nhật, 04/10/2020. Trụ sở chính phủ bị tấn công, một người chết, 120 người bị thương. Sáng thứ Ba 06/10/2020, Ủy ban bầu cử thông báo hủy kết quả cuộc bỏ phiếu mà phe đối lập cho là gian lận.

Tình hình tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan hai ngày sau bầu cử như thế nào ?

Theo tổng thống thân Nga Sooronbai Jeenbekov, ông vẫn kiểm soát được tình hình và « không cho nổ súng bắn vào người biểu tình và tránh làm đổ máu » cho dù trong đêm, hàng ngàn người tấn công vào một loạt công sở trong đó có trụ sở của chính phủ, đập phá nhiều bàn ghế, theo AFP.Cũng theo tổng thống Kyrgyzstan, ông đã yêu cầu Ủy ban bầu cử trung ương « xem xét và hủy bỏ những kết quả có gian lận ». Sáng nay, toàn bộ kết quả bầu cử, theo đó các đảng thân chính quyền chiếm đa số, đã bị Ủy ban bầu cử hủy bỏ.

Các quyết định này được thông báo sau khi lực lượng biểu tình tấn công vào nhà giam, giải thóat cho cựu tổng thống Almazbek Atambaiev, đang lãnh án 11 năm tù với các tội danh « giết người, tổ chức gây rối loạn » vào năm 2019.

Nhiều nhà chính trị khác đang ở tù cũng được giải thóat.

Theo trưởng phái bộ quan sát bầu cử của Tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu, Thomas Boserup, những lời tố cáo « bầu cử gian lận »  của đối lập là đáng tin cậy.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201006-kyrgyzstan-%E1%BB%A7y-ban-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-h%E1%BB%A7y-k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-chi%E1%BA%BFn-th%E1%BA%AFng-c%E1%BB%A7a-phe-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n

 

Nhật phản đối Trung Cộng

tuyên bố chủ quyền với đảo tranh chấp

Tin Tokyo, Nhật Bản – Chính phủ Nhật vào thứ Hai, 5 tháng 10, cho biết đã gởi lời than phiền chính thức đến Trung Cộng, sau khi Bắc Kinh mở một trang web bảo tàng trên mạng và tuyên bố chủ quyền với quần đảo đang tranh chấp với Tokyo trên biển Hoa Đông. Trung Cộng cũng cáo buộc Nhật đã đánh cắp quần đảo này trong thời kỳ Minh Trị 1872.

Trong cuộc họp báo sáng thứ Hai, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói, quần đảo Senkaku đã được lịch sử và luật pháp quốc tế công nhận là lãnh thổ Nhật Bản, và chính phủ Nhật cũng đang duy trì quyền kiểm soát đối với quần đảo này.

Ông Kato thêm rằng Trung Cộng không có căn cứ để tạo ra trang web về nơi mà nước này gọi là đảo Điếu Ngư, và Tokyo yêu cầu Bắc Kinh nên xóa trang web mới. Theo giới quan sát, việc Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với quần đảo tranh chấp có thể sẽ khiến chính phủ mới của Thủ Tướng Yoshihide Suga có thái độ cứng rắn hơn với Trung Cộng.

Tân Thủ Tướng Suga được cho là người không có tư tưởng cực hữu như người tiền nhiệm Shinzo Abe, và có thể sẽ muốn khởi đầu một chương mới trong quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của trang web Trung Cộng sẽ bị phe truyền thống trong đảng cầm quyền LDP coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không thật lòng muốn đàm phán với Nhật Bản. Điều này khiến Thủ Tướng Suga phải chịu thêm nhiều áp lực, do chính quyền của ông mới đây đã đồng ý hợp tác với Trung Cộng để sắp xếp chuyến thăm Tokyo cấp quốc gia cho Chủ Tịch Tập Cận Bình. (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/nhat-phan-doi-trung-cong-tuyen-bo-chu-quyen-voi-dao-tranh-chap/

 

Doanh nhân Triều Tiên: Kim Jong Un

từng mắng Tập Cận Bình trước mặt binh sĩ

Phụng Minh

Đây là phản ứng sau khi ông Kim nhận tin ông Tập sẽ đến thăm Hàn Quốc.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần. Vào đầu tháng Mười năm nay, Kim Jong Un cũng tuyên bố trong thông điệp chúc mừng của mình để chủ động phát triển tình bạn giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng một doanh nhân đến từ Triều Tiên đã thông tin rằng quan hệ cấp lãnh đạo Trung – Triều không thân thiện, thậm chí Kim Jong Un đã từng mắng nhiếc Tập Cận Bình trước mặt binh lính Triều Tiên .

Theo tờ báo lớn của Hàn Quốc Chosun Ilbo, vào ngày 2/10, Lee Hyun Sung (리현승), một “người đào tẩu Bắc Triều Tiên” ở độ tuổi 30 trốn hỏi Bắc Triều Tiên vào năm 2014 và định cư tại Hoa Kỳ từ năm 2016, đã đề cập đến vấn đề này trong một bài giảng học thuật trực tuyến về chủ đề “Thống nhất Bán đảo Triều Tiên” được Voakorea tường thuật lại. Khi Kim Jong Un nghe tin Tập Cận Bình dẫn đầu phái đoàn đến thăm Hàn Quốc gặp tổng thống lúc đó là bà Park Geun Hye vào tháng 7/2014, ông Kim đã nói những lời lẽ không hay về ông Tập.

Lee Hyun Sung cho biết, trước đây, mọi người luôn tin rằng ĐCSTQ là nhà nước anh em của Triều Tiên và có thể gây ảnh hưởng quan trọng đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, đây là định kiến ​​sai lầm, Triều Tiên vốn đã trở thành cái gai trong mắt ĐCSTQ.

Vào thời điểm khi ông Tập đến thăm Hàn Quốc, ông đã phá vỡ thông lệ và đến thăm Hàn Quốc trước Triều Tiên. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập tới Triều Tiên diễn ra vào tháng 6 năm ngoái, 5 năm sau chuyến thăm Hàn Quốc.

Kim Jong Un mắng Tập Cận Bình

Theo Lee, khi Kim Jong Un biết được Tập đến thăm Hàn Quốc, ông đã mắng Tập Cận Bình là “tên khốn” (개새끼) trước mặt nhiều sĩ quan và tướng lĩnh.

Báo cáo cho biết ông Kim Jong Un tỏ ra khó chịu và ra lệnh đình chỉ ngay lập tức mọi hoạt động hợp tác, trao đổi giữa Triều Tiên và Trung Quốc, thay vào đó là phát triển quan hệ tốt đẹp với Nga và các nước Đông Nam Á.

Có thông tin cho rằng chính Lee Hyun Sung, người “đào tẩu khỏi phương Bắc”, đã vạch trần vụ việc. Sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại ngữ Bình Nhưỡng, anh đến Đại học Kinh tế Tài chính Đông Bắc ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào năm 2006 để dành hơn 7 năm học tập ở đây. Sau khi trở về từ Trung Quốc, anh đã thực hiện nghĩa vụ quân sự ba năm và tham gia Đảng Công nhân Hàn Quốc. Kể từ đó, Lee là phó đại diện chi nhánh Trung Quốc của một công ty vận tải biển Bắc Triều Tiên, phụ trách thương mại Bắc Triều Tiên-Trung Quốc. Năm 2014, Lee Hyun Sung đến Hàn Quốc sau khi rời Triều Tiên và chuyển đến Mỹ vào năm 2016.

Lee Hyun Sung tiết lộ rằng sau khi Kim Jong Un xử tử người chú của mình là Jang Sung Taek vào tháng 12/2013, Lee và cha của mình là người ở Phòng 39 của Đảng Công nhân Hàn Quốc, đã tuyệt vọng về chế độ độc tài của gia đình họ Kim và quyết tâm thoát khỏi Triều Tiên đi lưu vong.

Kim Jong Un mắng ĐCSTQ là “kẻ thù của thiên niên kỷ”

Kim Jong Un lên nắm quyền sau khi vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bị quốc tế trừng phạt, do đó, đã bị Bắc Kinh gạt bỏ, Triều Tiên nguyền rủa ĐCSTQ là “kẻ thù của thiên niên kỷ”. Và ông Tập Cận Bình cũng không giấu giếm bày tỏ thái độ không thích Kim Jong Un cho đến năm 2019, khi ông đến thăm Triều Tiên lần đầu tiên, theo NTDTV.

Sau khi Kim Jong Un thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 3/2018, ông đã gặp Tập Cận Bình 4 lần trong vòng chưa đầy một năm, và quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên dần ấm lên. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng đó chỉ là do Bắc Kinh và Bình Nhưỡng mỗi bên nắm lấy những gì họ cần, và họ cùng nhau giữ ấm mối quan hệ trước sức ép từ Hoa Kỳ và các nước trên thế giới.

https://www.dkn.tv/the-gioi/doanh-nhan-trieu-tien-kim-jong-un-tung-mang-tap-can-binh-truoc-mat-binh-si.html

 

Đài Loan tố cáo Trung Quốc

gia tăng áp lực quân sự để thay đổi nguyên trạng

Tú Anh

Quân đội Đài Loan đã gia tăng gấp đôi các phi vụ ngăn chặn máy bay Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay so với 2019. An ninh hải đảo bị đe dọa nghiêm trọng trước áp lực quân sự của Hoa lục, theo bản báo cáo của bộ Quốc Phòng.

Trong những tuần lễ vừa qua, máy bay quân sự Trung Quốc liên tục vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, được xem là vùng trái độn chính thức giữa hải đảo và Hoa lục, cũng như nhiều lần xâm nhập vùng nhận dạng phòng không ở phía tây nam Đài Loan.

Một bản báo cáo của bộ Quốc Phòng trình Quốc Hội Đài Loan cho biết, từ đầu năm đến nay, không quân Đài Loan đã phải can thiệp 4.132 lần để ngăn chặn máy bay Trung Quốc, tăng 129% so với toàn năm 2019.

Theo lược thuật của Reuters, bộ Quốc Phòng Đài Loan tố cáo Bắc Kinh sử dụng sức mạnh quân sự  với ba mục tiêu : Tìm cách làm thay đổi « nguyên trạng » trong eo biển Đài Loan, trắc nghiệm khả năng ứng phó của quân đội hải đảo và thu hẹp không gian hoạt động của Đài Loan.

Bản báo cáo thẩm định, chiến lược phát triển sức mạnh của quân đội Hoa lục được tiến hành song song với các hoạt động quân sự nhắm vào Đài Loan.

Cũng theo Reuteurs, với dân số  vỏn vẹn 23 triệu người, chính phủ Đài Bắc tiến hành một chương trình hiện đại hóa quân đội để các binh chủng của hải đảo linh động hơn, khó bị  phát hiện và tấn công.

Theo nhận định của thứ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, tướng Trương Quan Quần (Chang Guan Chung), trong một cuộc hội thảo về an ninh quốc phòng Mỹ-Đài Loan vào ngày 05/10/2020, Trung Quốc đang  gia tăng « tập luyện tấn công Đài Loan một cách thực tế ».

Nhưng vị tướng ba sao này cho biết thêm là Đài Loan có một hệ thống phòng thủ đa hiệu với các đặc tính lợi hại : nhỏ nhưng rất nhiều, thông minh, tàng hình, cơ động, ít tốn kém, bền bỉ, hiệu quả, phát huy dễ dàng, bảo trì đơn giản và che mắt được đối phương.

Thứ trưởng Trương Quan Quần kêu gọi Hoa Kỳ, ngoài các hợp đồng vũ khí, cần hợp tác chặt chẽ hơn Đài Loan trong nỗ lực đào tạo, tham mưu, thẩm định các khả năng, hợp tác tình báo và vũ khí…

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201006-%C4%91%C3%A0i-loan-t%E1%BB%91-c%C3%A1o-trung-qu%E1%BB%91c-gia-t%C4%83ng-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-%C4%91%E1%BB%83-thay-%C4%91%E1%BB%95i-nguy%C3%AAn-tr%E1%BA%A1ng

 

Mỹ-Đài đẩy mạnh hợp tác,

Bắc Kinh gia tăng tuyên truyền

Lục Du

Khi Đài Loan và Mỹ xích lại gần nhau, Bắc Kinh đã tăng cường tuyên truyền trực tuyến và thông qua các công cụ truyền thông nhà nước rằng họ sẽ không lùi bước và chấp nhận các hành vi ly khai của hòn đảo mà họ cho rằng là một phần lãnh thổ không thể tách rời với Đại lục.

Hãng tin Đài Loan Taiwan News cho hay, Quân đội Trung Quốc đã phát hành các video mô phỏng việc họ không kích đảo Guam của Mỹ, tuy nhiên có nhiều cảnh trong video này lấy từ các phim như “The Rock”, “The Hurt Locker” và “Transformers”.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có bài viết cảnh báo Washington rằng họ đang “đùa với lửa” khi ủng hộ Đài Loan, và đe dọa rằng Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ bị “xóa sổ” nếu bà vi phạm Luật chống ly khai của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã nhiều lần chỉ trích sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan, cáo buộc Washington khuyến khích hòn đảo đòi độc lập trong khi phớt lờ thái độ của chính quyền Trung Quốc đối với điều này. Tờ Times cho biết, chính quyền Trung Quốc cũng đang lo lắng sau một cuộc thảo luận mới giữa Washington và Đài Bắc về việc Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu quân đội Trung Quốc thực sự tấn công Đài Loan.

Cũng theo tờ báo của Đài Loan, hoạt động tuyên truyền chống Mỹ mới nhất của Trung Quốc trùng với lễ kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến mà ĐCSTQ đã phái quân sang giúp lực lượng của Kim Nhật Thành, ông nội Kim Jong Un, chống lực lượng Nam Hàn và quân đội Mỹ. Bắc Kinh cũng thường tuyên truyền rằng quân đội Trung Quốc tham gia cuộc chiến này là “chí nguyện” đi gúp người Triều Tiên chống đế quốc Mỹ. Lâu nay họ vẫn mượn cuộc chiến này để tuyên truyền nhằm kích động tình cảm chống Mỹ.

Một bảo tàng tưởng niệm về Chiến tranh Triều Tiên gần đây đã mở cửa trở lại ở thành phố Đan Đông của Trung Quốc, trong khi một loạt bài viết về cuộc chiến này đang được loan truyền “nhằm tiếp nối tinh thần vĩ đại chống lại sự xâm lược của Hoa Kỳ”, tờ Times đưa tin. Một bộ phim truyền hình mới về một đơn vị lính Trung Quốc bảo vệ được nguyên vẹn một cây cầu quan trọng ở một trong những trận chiến cuối cùng của cuộc chiến Triều Tiên cũng đã được phát hành.

https://www.dkn.tv/the-gioi/my-dai-day-manh-hop-tac-bac-kinh-gia-tang-tuyen-truyen.html

 

Tiêm kích Trung Quốc đang răn đe Đài Loan

 thì bị rơi vì đâm phải… chim?

Triệu Hằng

Sau nhiều tuần các máy bay chiến đấu Lực lượng Không quân Trung Quốc (PLAAF) liên tục xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, thì một chiến đấu cơ Trung Quốc đã bị rơi do đâm phải chim, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Tờ Taiwan News bình luận về vụ việc rằng, hình ảnh “bất khả chiến bại” của PLAAF như bấy lâu họ trau chuốt nay đã tạo tiếng vang khi một trong các máy bay phản lực của họ bị hạ gục sau khi va phải đối thủ gia cầm.

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND), các máy bay của Lực lượng Không quân Trung Quốc (PLAAF) đã xâm phạm ADIZ của Đài Loan hơn 10 lần trong 18 ngày, từ 16/9 đến ngày 3/10. Tổng cộng đã có 50 lần máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ.

Vào ngày 5/10, Nhật báo Quân đội Trung Quốc đưa tin rằng, chiến đấu cơ do phi công Wang Jiandong điều khiển bị đâm phải chim ngay sau khi cất cánh. Động cơ ngừng hoạt động, máy bay liên tục phát tín

hiệu cảnh báo. Màn hình hiển thị chỉ là một màu đen. Sau 5 giây, hệ thống cấp điện dự phòng khẩn cấp được kích hoạt và màn hình hiển thị buồng lái sáng trở lại.

Phi công Wang sau đó cố gắng tăng tốc nhưng máy bay không phản ứng vì lúc này động cơ đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

Khi chỉ còn cách mặt đất 272,7 mét, người phi công nhận ra rằng không còn thời gian để quay trở lại căn cứ để hạ cánh và máy bay phản lực của anh sẽ sớm gặp sự cố. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Wang đã điều khiển máy bay tránh xa các khu vực đông dân cư “ba lần” trong vòng 37 giây và nhắm vào một cánh đồng lúa trước khi bay cách mặt đất chỉ 75,9 mét và hạ cánh an toàn xuống một vườn cây ăn quả gần đó.

Nhật báo Quân đội Trung Quốc không cho biết sự việc xảy ra khi nào và loại máy bay nào gặp sự cố. Nhật báo Quân đội Trung Quốc chỉ xác nhận Wang Jiandong là phi công của Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ. Các chiến đấu cơ Trung Quốc cất cánh từ chiến khu này liên tục quấy rối vùng ADIZ của Đài Loan trong thời gian qua. Tờ báo không nêu cụ thể loại máy bay, cũng như chi tiết thời điểm máy bay rơi mà chỉ nói sự cố này xảy ra “vào đầu mùa thu”, và tờ báo quân đội Trung Quốc dùng ảnh chiến đấu cơ J-10 để minh họa cho bài viết.

Hôm 4/9, một video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một chiến đấu cơ Su-35 rơi ở Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, một trong những tỉnh nằm trong Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ. Cuộc điều tra của Quân đội Trung Quốc xác nhận rằng vụ tai nạn hi hữu là do một con chim bay lạc vào động cơ của máy bay chiến đấu trong quá trình cất cánh khiến máy bay bị chết máy.

Tin giả lan truyền ngày hôm đó cho rằng chiến đấu cơ này bị Đài Loan bắn rơi. Nhưng Bộ Quốc phòng Đài Loan sau đó đã lên tiếng bác bỏ. Chưa rõ đây có phải là vụ rơi máy bay do đâm phải chim mà tờ Nhật báo Quân đội Trung Quốc nhắc đến hay không.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tiem-kich-trung-quoc-dang-ran-de-dai-loan-thi-bi-roi-vi-dam-phai-chim.html

 

Trung Quốc: Đưa Tư tưởng Tập Cận Bình

vào Đại học có thể ‘dục tốc bất đạt?’

Trong thời đại dân chủ, văn minh và mở rộng, mở cửa tư tưởng, việc đảng cộng sản Trung Quốc và lãnh đạo đương kim của đảng này quyết định đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào tuyên truyền ‘sâu rộng’ và giảng dạy, hoc tập ở các đại học Trung Quốc là trái quy luật và có thể ‘dục tốc bất đạt’, hai nhà bình luận từ Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Hai.

Tin cho hay, từ học kỳ này 37 đại học ở Trung Quốc, trong đó có các đại học thuộc nhóm tinh hoa như Bắc Kinh, Thanh Hoa, Nam Khai v.v… sẽ chính thức đưa môn học được biết đến như là “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho thời đại mới” vào giảng dạy trong chương trình đào tạo với dự kiến sẽ trở thành môn bắt buộc.

‘Quá muộn để kiềm chế ảnh hưởng toàn cầu của TQ’

ĐH 13: VN định vị thế nào trước ‘Giấc mộng Trung Hoa’?

‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ ghi vào Điều lệ Đảng?

Động thái này diễn ra gần ba năm sau khi tư tưởng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình được biểu quyết để đưa vào Điều lệ đảng tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 24/10/2017, khiến ông trở thành nhà lãnh đạo thứ hai trong lúc còn sống, sau Mao Trạch Đông, được đưa tư tưởng kèm tên tuổi của mình vào điều lệ đảng.

Bình luận về diễn biến mới này, hôm 05/10/2020, từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà nghiên cứu Trung Quốc, nói với BBC:

“Động thái này làm tôi nhớ lại thời Cách mạng Văn hóa , ông Mao Trạch Đông cũng đã từng làm như thế, với Cách mạng Văn hóa, người ta đã đem quyển ‘Ngữ lục Mao Trạch Đông’ phát cho tất cả mọi người.

“Hồi tôi học ở bên Trung Quốc, tôi phải mang bốn tập dày về Việt Nam, tức là họ phổ cập trong cả nước Trung Quốc. Động thái của ông Tập Cân Bình bây giờ tôi thấy chẳng khác gì hồi Cách mạng Văn hóa cả.

“Mà tôi nghĩ rằng Cách mạng Văn hóa họ làm đến như thế mà cuối cùng vẫn bị sụp đổ, vẫn gây ra bao nhiêu khó khăn, trong đó gây cho kinh tế Trung Quốc đứng bên bờ vực thẳm. Phải chăng ông Tập Cận Bình đang muốn làm ‘Hoàng đế’ kiểu mới và liệu con đường cầm quyền của ông ấy sẽ cũng kéo dài và giống như ông Mao?”

Có khác gì Mao?

Nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng lãnh đạo đương kim của Trung Quốc đã áp dụng nhiều tư tưởng của Mao Trạch Đông trong bối cảnh mới, tình hình mới về cả nội trị và bang giao, bà nói:

“Thực ra, tôi thấy ông Tập Cận Bình đã áp dựng rất nhiều tư tưởng của ông Mao, ví dụ như ông Mao nói là ‘Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc đại trị’, tức là ông ấy khuấy động tất cả thiên hạ cho rối loạn lên, để Trung Quốc được bình ổn, nhưng đó là tưởng tượng của Mao.

“Còn bây giờ, dưới thời Tập Cận Bình, tôi thấy cụ thể là Trung Quốc bây giờ đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế do cuộc chiến tranh thương mại đụng đầu với nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump, bên cạnh những vấn đề về thiên tai, bệnh dịch mà nhiều người nói cũng có liên quan tới hậu quả của phát triển quá tham vọng và thiếu quan tâm, hoặc có trách nhiệm hơn.

“Thế nhưng, dường như ông Tập không chú trọng để khắc phục những khó khăn ở bên trong, ở gốc rễ, trong đó có khó khăn như trên, mà ông cứ khuấy động những mâu thuẫn với nhiều nước trên thế giới và khu vực, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông, tranh chấp với Trung Quốc, đối đầu với phương Tây v.v…, rồi đưa ra tham vọng Nhất Đới Nhất Lộ, đầu tư hợp tác ‘bẫy nợ’ v.v… thì bài bản tôi thấy về bản chất cũng giống với tư tưởng của Mao Trạch Đông.

“Mà ông Mao đã thất bại rồi, thì chắc gì ông Tập Cận Bình có thể thành công nếu đi theo con đường tham vọng và khuấy động như vậy.”

‘Cực đoan, lạ lùng’?

Từ Sài Gòn, nhà quan sát thời sự và tâm lý chính trị – xã hội Mạc Văn Trang, đưa ra nhận định của mình với BBC:

“Tôi chỉ cảm thấy buồn cười khi được biết về động thái mới này của ông Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi không hề ngạc nhiên.

“Lý do là bởi vì khi ông Tập Cận Bình đưa ra việc sửa Hiến pháp để ông có thể làm Tổng Bí thư và Chủ tịch Trung Quốc không có giới hạn nhiệm kỳ, thời gian, thứ hai là đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào trong Hiến pháp, Điều Lệ đảng, rồi ông dường như muốn trở thành Mao Trạch Đông, thì với lô-gíc như vậy ông đem tư tưởng của ông truyền bá vào trong các trường Đại học, rồi sẽ làm lên một quyển sách nhỏ, kiểu như cuốn ‘Mao tuyển’, thành ‘Tập tuyển’ để cho hàng ngày đảng viên phải học tập.

“Trước đây, tôi đã nghe nói là các chi bộ đảng hàng ngày phải đọc những câu tư tưởng Tập Cận Bình rồi kiểm điểm, rồi phải báo cáo cho chi bộ, chi ủy, cả các giảng viên cũng vậy, thì nó thể hiện một quan điểm độc tài, cực đoan, toàn trị tới đỉnh điểm như là thời Mao Trạch Đông, rõ ràng đây là một điều rất lạ lùng trong một thế giới ở thời đại đã văn minh hơn trước như hiện nay.

“Ngày này là thời đại của 4.0, mạng Internet toàn cầu, thời đại rộng mở, người ta đào tạo học sinh, sinh viên trở thành những công dân toàn cầu, công dân quốc tế, mà lại trở lại giáo dục những tư tưởng theo lối cực đoan, đảng trị, rồi dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cực đoan, toàn trị, độc tài như thế, thì rất là lạ và rất là nguy hiểm.”

Dục tốc bất đạt?

Khi được hỏi liệu đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình sẽ có thành công hay không với chính sách đưa tư tưởng của nhà lãnh đạo đương kim này vào hệ thống chính trị, vào xã hộ và cộng đồng và về mặt nội trị, lẫn bang giao, hệ quả có thể ra sao, bà Nguyễn Nguyên Bình nói với BBC:

“Tôi e rằng tất cả ý đồ này sẽ thất bại và đó là tất yếu, lý do là trong khi các nước khác phát triển theo xu thế dân chủ, dựa vào kinh tế thị trường và những quy luật khách quan thực sự của nó, thì ông Tập Cận Bình qua cách làm đã thể hiện của mình, từ đối nội tới đối ngoại, trong đó có tung ra tư tưởng Tập Cận Bình như thế, đã ‘dục tốc bất đạt’.

“Ông Tập đã muốn dùng mọi mánh lới, ở đây họ nói là ‘tư tưởng Tập Cận Bình’, nhưng tôi nói thật là chẳng thấy tư tưởng gì cả, mà nó chỉ là những mánh lới thôi.

“Đó là những mánh lới để cai trị đất nước, gọi là nội trị, hay là những mánh lới để sử dụng sức mạnh, chiến tranh, hăm dọa, những mánh lới để đục nước béo cò v.v… chẳng có gì xứng để gọi là tư tưởng cả.

“Mà nếu chỉ là những mánh lới thì cũng chẳng có gì là mới mẻ vì từ trước tới nay, những người tiền nhiệm của ông ấy cũng đã từng làm và cũng đã từng thất bại.

“Bây giờ, ông ấy đứng trước nguy cơ thất bại cao hơn, vì ông ấy còn tỏ ra nóng vội hơn, và người ta đã nói là ‘dục tốc bất đạt’, ông ấy càng nóng vội thì lại càng chóng chuốc lấy thất bại và ông ấy lại dùng tất cả những biện pháp mánh lới, quyền mưu, cường quyền, kể cả lòe bịp v.v… để đạt mục đích, thực hiện những tham vọng, những ảo vọng như là ‘Trung Hoa mộng’ đầy tham vọng của ông ấy, thì làm sao mà không thất bại.

“Bởi vì ông đã thể hiện quá sớm và quá rõ, tự lộ bộ mặt tham vọng quá rõ, nên rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và phương Tây và kể cả ở khu vực, đã nhìn thấy rõ bộ mặt và mưu đồ của ông.

“Trước kia còn có thể lừa phỉnh được một số người, nhưng bây giờ Trung Quốc và Tập Cận Bình càng ngày càng lộ những điều đó ra, người ta càng thấy rõ chân tướng, động cơ xấu xa của chính quyền của ông ta và ông ta, thì ai lại dại gì hợp tác với Trung Quốc và ông ấy nữa để làm lợi cho Trung Quốc và suy yếu bản thân?”

Bế tắc, lo sợ?

Từ Sài Gòn, ông Mạc Văn Trang bình luận thêm:

“Tôi nghĩ rằng đây là một sự thể hiện cực đoan mà đi đến chỗ bế tắc. Họ lo sợ trước làn song mà các đảng viên, rồi sinh viên Trung Quốc ở trong nước hướng về những giá trị toàn cầu.

“Cho nên chính quyền Tập Cận Bình và đảng cầm quyền cố gắng làm sao để bưng bít thông tin, trong khi nhồi nhét tư tưởng, để bảo vệ sự tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Nhưng tôi nghĩ điều đó càng đẩy mạnh hơn quá trình phản ứng của nhân dân, bởi vì không thể nào ngăn nổi làn sóng thông tin, những làn sóng văn minh của nhân loại, dòng chảy văn minh nhân loại tràn vào.

“Và những cái đó sẽ chống lại những gì đi ngược lại xu thế của văn minh nhân loại.

“Cho nên theo tôi, nó sẽ càng làm đẩy nhanh quá trình đổ vỡ của đảng cộng sản Trung Quốc và chính quyền mà thôi, chứ không phải là ngược lại.

“Tức là nhồi sọ như thế sẽ càng làm tạo ra sự bức xúc, sự phản ứng, sự mất lòng tin và trên bình diện chung càng làm cho tình thế của đảng cộng sản Trung Quốc càng bất lợi.

“Mặt khác khi cảm thấy càng bị nguy ngập, càng bị đe dọa sự tồn vong, thì họ càng bằng mọi giá tìm mọi biện pháp khiên cưỡng để củng cố, như thế mâu thuẫn sẽ lại càng dâng cao hơn.

“Và có thể như thế sẽ lại càng sớm dẫn đến sự thay đổi hơn, sự sụp đổ sớm hơn của đảng này và quyền lực cùng chính quyền của họ.”

Tin cho hay, các khóa học ở bậc đại học tại Trung Quốc về tư tưởng Tập Cận Bình sẽ diễn ra tại Trường chính trị Marixm, một tổ chức liên kết 37 trường, viện đại học.

Tư tưởng Tập Cận Bình được đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên truyền kêu gọi vươn mạnh sức mạnh kinh tế của Trung Quốc vào mốc định hướng 2035, đồng thời nâng cao mạnh mẽ một cách đáng kể năng lực khoa học, công nghệ quốc gia với mục tiêu quan trọng đặt ra là đưa Trung Quốc trở thành một “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại” vào thời điểm nước này đánh dấu niệm 100 năm lập quốc vào năm 2049.

“Thực ra đây là cách nói bên ngoài cho bóng bảy thôi, bên trong là Trung Quốc tuyên bố các mốc vào năm 2035 rồi 2049 sẽ loại bỏ và thay thế sức mạnh kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ, rồi chính trị, quân sự của phương Tây vào các thời điểm được định rõ đó trong kế hoạch của Trung Quốc, nhưng quan trọng nhất là qua các mốc đó họ có kế hoạch thay thế trật tự thế giới hiện nay bằng trật tự của Trung Quốc, điều mà phương Tây và thế giới đang tỏ ra quan ngại,” nhà nghiên cứu Trung Quốc Nguyễn Nguyên Bình nói thêm với BBC hôm 05/10 từ Hà Nội.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54425426

 

Chuyên gia Trung Quốc

vạch chiến thuật đối phó UAV của Mỹ

Thanh Hải

Sau khi Mỹ tập trận máy bay không người lái (UAV) mô phỏng tấn công đảo. Chuyên gia quân sự Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch để đối phó.

Theo SCMP, Zhou Chenming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cho biết biện pháp  để đối phó với UAV là tìm cách bắn hạ ít nhất một chiếc, sau đó thu thập dữ liệu rồi phản công. Ông Zhou cho hay:

“Quân đội Trung Quốc có thể xác định vị trí căn cứ của UAV sau khi bắn hạ nó và thu thập dữ liệu. Biện pháp đối phó hiệu quả nhất là tấn công phá hủy căn cứ và tiêu diệt toàn bộ số UAV tại đó”.

Tuyên bố được Zhou đưa ra sau khi tạp chí Không quân Air Force, có trụ sở tại Mỹ, đưa tin quân đội nước này tổ chức một cuộc diễn tập mô phỏng tấn công đảo ở California hồi tháng 9 với UAV MQ-9. Các binh sĩ Mỹ tham gia diễn tập đeo biểu tượng hình UAV MQ-9 chồng lên bản đồ Trung Quốc màu đỏ, hình ảnh bị truyền thông Bắc Kinh coi là động thái “khiêu khích”.

Tạp chí Không quân Air Force cho biết cuộc diễn tập là sự kiện huấn luyện đầu tiên tập trung vào chiến thuật sử dụng UAV ở khu vực Thái Bình Dương, phù hợp với xu hướng rút dần hoạt động ở Trung Đông của quân đội Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc lo ngại Mỹ có thể sử dụng UAV như MQ-9 tấn công vào các đảo nhân tạo nước này bồi đắp và quân sự hóa trái phép trên Biển Đông.

https://www.dkn.tv/the-gioi/chuyen-gia-trung-quoc-vach-chien-thuat-doi-pho-uav-cua-my.html

 

Hoa Xuân Oánh định ‘làm khó’ ông Trump,

quan chức Trung Quốc lại chịu trận

Phụng Minh

Người dân Trung Quốc quay lại chất vấn bà Oánh về chế độ đãi ngộ đặc biệt của quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị nhiễm virus Vũ Hán nhập viện, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh liền tweet cho biết bà hy vọng tất cả người bệnh COVID-19 ở Mỹ đều có thể được điều trị hạng nhất như tổng thống Mỹ. Ngay sau khi tuyên bố này được đưa ra, cư dân mạng Trung Quốc đã hồi đáp: “Tôi cũng muốn được hưởng sự điều trị như của một quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Ngày 5/10, Hoa Xuân Oánh đã đăng trên Twitter, “Hoa Kỳ thông báo ngày hôm qua rằng có hơn 47.000 trường hợp mới được xác nhận và 600 trường hợp tử vong. Tôi rất đau lòng cho hoàn cảnh của những bệnh nhân này và chân thành mong đợi tất cả những bệnh nhân này có thể được điều trị y tế ‘tốt nhất’ như Tổng thống Hoa Kỳ”.

Dòng tweet của bà Hoa Xuân Oánh đã thu hút bình luận từ cư dân mạng đại lục, và nhiều người đặt câu hỏi về tư cách của Hoa Xuân Oánh khi chỉ trích Hoa Kỳ. Cư dân mạng Trung Quốc nói, “Tôi hy vọng rằng tất cả người dân Trung Quốc có thể được hưởng các quyền con người như cư dân Mỹ và được đối xử tốt như các đảng viên ĐCSTQ”.

Một số bình luận được Vision Times tổng kết:

“Tôi thực sự hy vọng rằng người dân nước ta sẽ được đối xử giống như đối với các cán bộ hưu trí”.

“Hủy bỏ phòng bệnh cho cán bộ cao cấp đi, hủy bỏ hệ thống kép về quyền lợi hưu trí, và hủy bỏ hệ thống đa tuyến của bảo hiểm y tế nữa”.

“Bác gái Hoa à, người dân Trung Quốc cũng muốn được lên phòng bệnh ở khu cao cấp, và họ cũng muốn khám bệnh miễn phí, người dân đã khổ tâm lắm rồi, bác gái có thể lên tiếng được sao?”

“Cán bộ nghỉ hưu hàng tháng báo cáo một đống tiền thuốc men, một người ốm đau là cả nhà được uống thuốc, được hỗ trợ từ thuế quốc gia”.

“Hệ thống chế độ cho quan lại ĐCSTQ là vợ chồng đều được nhờ, một người được thăng chức để cả nhà được hưởng phúc, ‘một người đắc đạo, gà chó thăng thiên’, chế độ đãi ngộ suốt đời đối với các cán bộ cấp cao của ĐCSTQ phải bị bãi bỏ”.

Triệu Sĩ Lâm, một giáo sư đã nghỉ hưu ở Trung Quốc đại lục, đã viết trên Twitter: “Hoa Xuân Oánh nói rằng bà ấy hy vọng những bệnh nhân Mỹ bình thường có thể được đối xử như tổng thống. Tôi rất đồng ý. Mạn phép hỏi một câu, chúng ta đều là người Trung Quốc, sao không đầu tiên là yêu cầu người Trung Quốc cũng được đi coi bệnh như cán bộ cấp cao”.

Ông triệu viết: “Chúng tôi không dám mong đợi đến khu phòng bệnh cấp cao. Chúng tôi chỉ mong rằng khu cấp cao bị hủy bỏ. Việc này sẽ giải quyết ngay vấn đề khó coi trong khám chữa bệnh và gây tốn kém cho người dân Trung Quốc. Trước tình hình y tế hiện nay ở Trung Quốc, bà có hy vọng gì mà lo lắng cho tình hình Mỹ quốc?”

https://www.dkn.tv/the-gioi/hoa-xuan-oanh-dinh-lam-kho-ong-trump-quan-chuc-trung-quoc-lai-chiu-tran.html

 

Truyền thông Mỹ đồng loạt ‘khơi lại’ phát ngôn

 khiến tổng biên tập Trung Quốc phải giấu nhẹm

Phụng Minh

Một lời nói thiếu suy nghĩ của Tổng Biên tập Global Times đã khiến làn sóng đòi ĐCSTQ chịu trách nhiệm về đại dịch bắt đầu.

Hồ Tích Tiến, được xem như “phát ngôn viên” về tuyên truyền đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cũng là tổng biên tập của Global Times (Thời báo Hoàn cầu), đã đăng trên trang mạng xã hội của mình rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị nhiễm bệnh và ông đang phải trả giá.

Sau dòng tweet đó, phát ngôn của ông Hồ đã được báo chí Mỹ đưa tin rộng rãi. Người dẫn chương trình Fox News thậm chí đã hỏi ý kiến ​​các dân biểu Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ về vấn đề này và câu trả lời là “Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm”.

Fox News hôm nay phát đi dòng tweet của Hồ Tích Tiến chế nhạo ông Trump vì bị nhiễm virus Vũ Hán. Người dẫn chương trình ngay lập tức hỏi Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Devin Nunes: “Xin lỗi, Dân biểu và các đồng nghiệp khác thấy vấn đề này nên được xử lý như thế nào?” Nunes trả lời, “Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm”. Không chỉ Fox News mà hàng loạt các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đã đăng tải lại dòng tweet của Hồ Tích Tiến.

Vào sáng sớm ngày 2/10 theo giờ miền Đông, Tổng thống Mỹ Trump tiết lộ trên Twitter rằng ông và phu nhân đã được chẩn đoán dương tính với virus Vũ Hán (SARS Cov 2). Tổng Biên tập tờ Global Times Hồ Tích Tiến tweet rằng: “Tổng thống Trump và vợ đã phải trả giá vì đã đánh giá thấp [mức độ nguy hiểm] của COVID-19”

Dòng tweet của Hồ Tích Tiến bị cáo buộc là “cố tình hả hê”. Ông Blair Brandt, Chủ tịch Ủy ban Gây quỹ Chiến dịch Trump ở Florida đã thúc giục hành động mạnh mẽ để bắt ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về sự lây nhiễm của tổng thống. Ông nói: “ĐCSTQ đã thực hiện một cuộc tấn công sinh học nhằm vào Tổng thống của chúng ta”; “Tổng thống Trump phải có hành động ngay lập tức chống lại Trung Quốc (ĐCSTQ)”; “Từ Vũ Hán đến Nhà Trắng, Trung Quốc (ĐCSTQ) phải trả giá cho việc này”.

Khảo sát thu hút hơn 6.000 lượt bình chọn của ông Brandt cũng cho thấy 87,8% số người tham gia bình chọn cho rằng Tổng thống Trump nên bắt Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm trước cuộc bầu cử.

Thượng nghị sĩ bang Georgia Kelly Loeffler cũng đã tweet: “Trung Quốc (ĐCSTQ) nói dối về virus và khiến WHO đồng lõa với sự che đậy của họ. Giờ đây virus này đã khiến Tổng thống và Đệ nhất phu nhân của chúng ta bị lây nhiễm. Chúng ta PHẢI buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc gây nguy hiểm cho hàng triệu sinh mạng – bao gồm cả Tổng tư lệnh của chúng ta”.

Là một phần trong hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ, nhưng có vẻ như Hồ Tích Tiến vẫn chưa nắm bắt được xu hướng bày tỏ thái độ của các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ. Trong khi ông Tập Cận Bình và Nhân dân nhật báo cũng chưa có thái độ cụ thể nào, thì Hồ Tích Tiến đã trực tiếp phát biểu đầy thù địch. Nhưng sau đó ông này đã phải lặng lẽ xóa bài đăng liên quan, đồng thời “chữa cháy” hô hào người dân Trung Quốc bình tĩnh thảo luận trước vấn đề về chẩn đoán của ông Trump.

Điều đáng chú ý là lãnh đạo nhiều nước đã gửi lời chia buồn và chúc phúc tới Tổng thống Trump, ông Tập Cận Bình nằm trong nhóm gửi lời chia buồn cuối cùng. Trong một báo cáo giới thiệu lời chào của các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia tới Trump, Đài tiếng nói Hoa Kỳ đặc biệt chỉ ra: “Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu thuộc Nhân dân Nhật báo đã đăng một bình luận chỉ trích, cho rằng điều này có thể dẫn đến tác động tiêu cực tới việc ông ấy tái đắc cử”.

Khi nhận xét của Hồ Tích Tiến xuất hiện trên Fox News, cư dân mạng đã mỉa mai rằng: “Tiếp tục gia tốc đừng dừng lại, như vậy mới có thể nhìn thấy khoảnh khắc thua cuộc lăn lộn khắp đất Hoa Hạ trong đời này”; “Nơi nơi đều đang phát lại lời hắn ta, kế tiếp bị thế tốt chính là hắn”; “Đừng quên hắn còn rao giảng rằng Trung Quốc sẽ chế tạo hàng nghìn quả bom hạt nhân, ngày chặt đầu kẻ cơ yếu không còn xa nữa, phải không? Chủ nhân của hẳn sẽ bị giết bởi hắn”.

Vài ngày trước, nhà kinh tế Đài Loan Ngô Gia Long cho biết trên Facebook, dự báo ông Trump sẽ bắt ĐCSTQ phải trả giá một cách nghiêm túc hơn. Ông tin rằng ông Trump có thể mô tả ĐCSTQ là một tổ chức khủng bố và một nhóm tội phạm xuyên quốc gia; sau đó Hoa Kỳ có thể rút lại quyền miễn trừ có chủ quyền, đóng cửa lãnh sự quán của ĐCSTQ hoặc đơn giản là trục xuất đại sứ của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ hoặc thậm chí cắt đứt quan hệ ngoại giao. Trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ tuyên bố chống lại ĐCSTQ. Hơn nữa, một số lượng lớn các yêu sách sẽ xuất hiện, và Mỹ cũng sẽ kết hợp với các quốc gia khác để yêu cầu bồi thường. Số tiền yêu cầu bồi thường ước tính vượt quá 100 nghìn tỷ đô la Mỹ và có thể lên tới 130 nghìn tỷ đô la Mỹ. Một khi ĐCSTQ không đủ khả năng chi trả, có lẽ Hoa Kỳ sẽ tịch thu tài sản ở nước ngoài của các quan chức cấp cap ĐCSTQ. Trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nắm giữ cũng có thể bị hủy bỏ, theo Vision Times.

https://www.dkn.tv/the-gioi/truyen-thong-my-dong-loat-khoi-lai-phat-ngon-khien-tong-bien-tap-trung-quoc-phai-giau-nhem.html

 

Bị Mỹ chế tài, 6 dự án bán dẫn lớn nhất

Trung Quốc hiện đã tạm dừng hoạt động

Hương Thảo

Thêm một loạt tin xấu cho ngành công nghiệp bán dẫn còn non trẻ của Trung Quốc!

Theo Taiwan News, nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC đã xác nhận tin đồn hôm Chủ nhật (4/10) rằng Mỹ đang đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các nhà cung cấp của họ, và cảnh báo về khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong tương lai.

Tờ Financial Times đưa tin vào cuối tháng 9 rằng các công ty Mỹ hiện cần phải có giấy phép để gửi các mặt hàng nằm trong diện kiểm soát của chính phủ cho Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC). Nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải này cho biết trong thư rằng họ sẽ tiếp tục liên lạc với giới chức Hoa Kỳ, nhưng thừa nhận lệnh cấm này khi đi vào hiệu lực này sẽ khiến triển vọng kinh doanh của họ thêm ảm đạm.

Công ty phân tích thị trường TrendForce nhận xét rằng Đài Loan vẫn là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới với thị phần 65%, tiếp theo là Hàn Quốc 16% và Trung Quốc 6%, trong đó SMIC đóng góp 4%. Các hạn chế xuất khẩu mới có khả năng có tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển chip tiên tiến và khả năng tự cung cấp chip của Trung Quốc.

Sự phấn khích của các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã tăng lên trong vài năm qua trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu tự lực tự cường về công nghệ. Dữ liệu cho thấy có khoảng 45.300 công ty ở Trung Quốc đầu tư sản xuất hoặc thiết kế chip tính đến ngày 20/7, khi một số dự án bán dẫn cao cấp đã bị tạm dừng hoặc chính thức chấm dứt.

Lĩnh vực chip của Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép về các hạn chế xuất khẩu mới của Mỹ và sự đứt gãy chuỗi vốn do các đánh giá tài chính không đầy đủ và thiếu khả năng tiếp cận nguồn chip, bên cạnh các lý do khác.

Nhiều dự án bán dẫn của Trung Quốc, với sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương và có giá trị hàng tỷ nhân dân tệ, ban đầu nhằm mục đích cạnh tranh với Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Samsung của Hàn Quốc.

Theo ấn bản mới nhất của tạp chí kinh doanh Outlook Weekly, một chi nhánh của cơ quan ngôn luận nhà nước Tân Hoa Xã, sáu trong số các dự án bán dẫn này đã bị tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động  trong năm qua.

https://www.dkn.tv/the-gioi/bi-my-che-tai-6-du-an-ban-dan-lon-nhat-trung-quoc-hien-da-tam-dung-hoat-dong.html

 

Người dân mọi tầng lớp Trung Quốc tháo chạy

khỏi đại lục, di cư đến Châu Âu

Hương Thảo

Mục lục bài viết

Hộ chiếu Vàng

Hồ sơ đảo Síp

Giới trung lưu Trung Quốc

Buôn lậu

Một tài liệu bị rò rỉ tiết lộ một số chính trị gia, tỷ phú và tội phạm Trung Quốc đã có được hộ chiếu Síp – hộ chiếu EU – bằng cách đầu tư hơn 2 triệu USD vào nước này.

Trên thực tế, người Hoa thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau đang cố gắng chạy trốn khỏi Trung Quốc. Bên cạnh việc nhập cư thông qua thị thực đoàn tụ gia đình hoặc thị thực lao động, những người Hoa giàu có đã đầu tư tiền của họ ra nước ngoài, trong khi những người trung lưu hoặc có nguồn tài chính ít hơn lại chọn đi con đường bất hợp pháp, theo The Epoch Times ngày 2/10.

Viện Chính sách Di cư Hoa Kỳ báo cáo vào ngày 15/1 rằng có 2,5 triệu người Hoa lục nhập cư hợp pháp vào Mỹ trong năm 2018.

Trong khi đó, ngày càng nhiều người Hoa lục nhập cư đến Canada, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, các nước châu Âu và nhiều nước đang phát triển, theo Ủy ban Dân số của Liên Hợp Quốc.

“Trên thực tế, cả người giàu lẫn người nghèo Trung Quốc ở đại lục đều đang cố gắng nhập cư ra nước ngoài một cách hợp pháp hay bất hợp pháp trong những năm gần đây, dựa trên thông tin tôi nhận được từ Trung Quốc”, nhà bình luận Tang Jingyuan ở Mỹ nói với tờ The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Những người Hoa lục đều có chung nỗi lo sợ”.

Ông Tang giải thích rằng hệ thống tín dụng xã hội của chế độ Trung Quốc và những hạn chế chặt chẽ về ngôn luận trên internet đã khiến cuộc sống ở Trung Quốc ngày càng trở nên ngột ngạt.

“Chúng ta có thể thấy rằng người Hoa lục thậm chí không có các quyền con người cơ bản”.

Chính quyền Trung Quốc đã cài đặt một hệ thống giám sát khổng lồ, sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và các công nghệ khác để gán cho mỗi người một ‘tín chỉ xã hội’. Nếu có điểm số thấp, một người có thể bị trừng phạt bằng cách bị hạn chế tham gia giao thông công cộng hoặc những trường học nào mà con cái họ có thể nhập học.

Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng tồi tệ, điều này đã được lãnh đạo Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận.

“Chúng tôi đã chứng kiến ​​chế độ Trung Quốc sử dụng danh nghĩa cải cách hoặc phát triển một khu vực mới như một cái cớ để tước đoạt nhà cửa, nhà máy … của những người giàu và trung lưu. Người dân cảm thấy tài sản của họ có thể bị chế độ lấy đi trong một sớm một chiều”, ông Tang nói thêm.

Trong vài tháng qua, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã đuổi người dân ra khỏi các các căn nhà mà họ đã mua cách đây hơn mười năm, chính quyền tỉnh Sơn Tây thì tịch thu các cửa hàng và cửa hiệu từ các chủ sở hữu, và tuyên bố rằng khu đất thuộc về chính phủ.

“Cảm thấy bị đe dọa bởi chính phủ và tình trạng nền kinh tế, nhiều người Hoa lục đã chọn rời khỏi [Trung Quốc]”, ông Tang kết luận.

Hộ chiếu Vàng

Kể từ năm 2010, ngày càng nhiều quốc gia châu Âu triển khai chương trình “Thị thực Vàng”, cấp giấy phép di trú cho những người không phải là cư dân Liên minh châu Âu nếu họ đầu tư một số tiền nhất định vào đây.

Công dân Trung Quốc là một trong những nhóm lớn nhất tham gia vào các chương trình thị thực này.

Lấy ví dụ, Bồ Đào Nha lần đầu ra mắt “Giấy phép cư trú vàng” vào tháng 10/2012 và đây là chương trình phổ biến nhất châu Âu, theo trang web Golden Visa của Bồ Đào Nha. Thông qua chương trình, một gia đình có thể nhận được giấy phép cư trú, bao gồm cả cho con cái họ, sau khi đầu tư 500.000 euro (591.900 đô la) hoặc 350.000 euro (414.330 đô la) vào bất động sản ở Bồ Đào Nha. Thị thực Vàng có thể được gia hạn hai năm một lần dựa trên các yêu cầu cư trú nhất định. Người nộp đơn có thể xin giấy phép thường trú nhân hoặc hộ chiếu sau khi có giấy phép cư trú trong năm năm.

Vào tháng 9, Cơ quan Biên giới và Người nước ngoài Bồ Đào Nha (SEF — Serviço de Estrangeiros e Fronteiras) đã công bố số liệu thống kê mới nhất về chương trình Thị thực Vàng của nước này. Số liệu cho thấy 9,015 người đã nhận được Giấy phép thường trú của Bồ Đào Nha thông qua đầu tư từ tháng 10/2012 đến tháng 7/2020.

Trong số đó, 4.652 hay 51,6% người đến từ Trung Quốc, tiếp theo là 956 từ Brazil, 433 từ Thổ Nhĩ Kỳ, 370 từ Nam Phi và 340 từ Nga.

Đảo Síp có một chính sách nhập cư hấp dẫn đối với những người không phải là cư dân EU. Nó cung cấp quyền công dân, vốn có chế độ đầu tư khác với giấy phép cư trú.

Để có được hộ chiếu Síp, người nộp đơn cần đầu tư hai triệu euro (2,37 triệu đô la) vào bất động sản và đóng góp 100.000 euro (117.000 đô la) cho quỹ Nghiên cứu và Phát triển của chính phủ, cộng với 100.000 euro cho Tổ chức Phát triển Đất đai, theo chính sách.

Để có được giấy phép thường trú ở Síp cho cả gia đình (bao gồm cha mẹ của cả người nộp đơn chính và vợ/chồng cộng với con cái phụ thuộc từ 25 tuổi trở xuống), người nộp đơn cần đầu tư 300.000 euro (352.000 USD) vào bất động sản.

Síp là một quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Công dân của nước này có thể làm việc và sinh sống ở bất kỳ quốc gia nào trong Liên minh Châu Âu và thường trú nhân của họ có thể đi khắp Khối Schengen mà không cần thị thực.

Để giúp việc đi lại xuyên biên giới dễ dàng hơn, 26 quốc gia châu Âu đã tham gia Khối Schengen – một cơ cấu được lập từ ngày 14/6/1985. Theo đó các nước thành viên bãi bỏ biên giới quốc gia của họ và cho phép công dân đi lại tự do mà không cần xin thị thực.

Hồ sơ đảo Síp

Hãng thông tấn Al Jazeera có trụ sở chính tại Qatar hôm 26/8 đưa tin rằng họ đã thu thập được dữ liệu hồ sơ xin cấp hộ chiếu đảo Síp từ các tài liệu rò rỉ có tên là “Cyprus Papers (Hồ sơ đảo Síp)”.

Hãng tin Al Jazeera đưa tin có hơn 500 công dân Trung Quốc và 350 người Ả Rập đã lấy được quốc tịch Síp thông qua chương trình Hộ chiếu Vàng của quốc đảo là thành viên EU này, theo Hồ sơ đảo Síp. Tuy nhiên, một số người nộp đơn có tiền án tiền sự.

Trong số 500 người Trung Quốc, có Li Jiadong bị buộc tội rửa hơn 100 triệu USD tiền điện tử ở Mỹ vào ngày 2/3. Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người này.

Li, 33 tuổi, là người tỉnh Liêu Ninh. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, tin tặc Triều Tiên đã truy cập vào một sàn giao dịch tiền ảo năm 2018 và đánh cắp số tiền ảo trị giá gần 250 triệu USD trước khi rửa tiền thông qua một số giao dịch.

Li và một công dân Trung Quốc khác, Tian Yinyin, đã rửa tiền điện tử từ tháng 12/2017 đến tháng 4/2019. Họ cũng kinh doanh ở Mỹ nhưng không đăng ký với Bộ Tài chính nước này theo yêu cầu của pháp luật, các công tố viên Hoa Kỳ cho hay. Li có quốc tịch Síp vào năm 2018 bằng cách đầu tư vào thị trường bất động sản địa phương.

Giới thượng lưu Trung Quốc có tiền án cũng đã được chấp thuận cấp hộ chiếu Síp.

Trương Khắc Cường, 60 tuổi, là cựu thành viên Quốc hội Trung Quốc và là tỷ phú đến từ thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Ông và vợ đã có hộ chiếu Síp vào năm 2018.

Trương bị bắt vào tháng 1/2011 tại Trung Quốc, vì bị tình nghi lừa đảo trong thương vụ mua lại một công ty khai thác mỏ của nhà nước. Ông đã bị kết án 4 năm tù giam và mất tư cách đại biểu quốc hội vào năm 2011.

Chế độ Trung Quốc không cho phép công dân mang hai quốc tịch, và cũng yêu cầu các đại biểu, quan chức cấp cao và lãnh đạo chủ chốt của các công ty nhà nước phải là người có hộ chiếu Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Hồ sơ đảo Síp, một số đại biểu hiện tại của Trung Quốc và chủ tịch các doanh nghiệp nhà nước có sở hữu quốc tịch Síp.

Al Jazeera đã liệt kê danh sách một số chính trị gia Trung Quốc, bao gồm đại biểu Quốc hội của thành phố Thành Đô Lu Wenbin, ủy viên thường trực cơ quan cố vấn chính trị quận Huangpi (nằm ở thành phố Vũ Hán) Chen Anlin, ủy viên thường trực cơ quan cố vấn chính trị thành phố Binzhou Zhao Zhenpeng, và phó chủ tịch Trung tâm Phát triển Kinh tế Zheshang tại tỉnh Chiết Giang Fu Zhengjun.

Cổ đông đa số và đồng chủ tịch công ty bất động sản Country Garden Holdings Dương Huệ Nghiên và chồng bà này, Chen Chong, cũng có tên trong danh sách. Bà Dương được tạp chí Forbes xếp vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc năm 2007. Năm 2020, Forbes xếp bà Dương là người Trung Quốc giàu thứ 5 với tài sản ròng 20,3 tỷ USD. Chồng bà, ông Chen là ủy viên thường trực cơ quan cố vấn chính trị tỉnh Quảng Đông.

Việc cấp hộ chiếu Châu Âu cho những cá nhân có tiền án tiền sự hoặc che giấu nhà chức trách là vi phạm các quy định của EU.

Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu đã trả lời The Epoch Times qua email vào ngày 31/8 rằng, mỗi quốc gia EU phải tuân theo luật của Liên minh, và “ủy ban đã thường xuyên nêu lên quan ngại của mình về các chương trình đầu tư lấy quốc tịch và một số rủi ro cố hữu, đặc biệt các rủi ro liên quan đến an ninh, rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng”.

Người phát ngôn này cho biết ủy ban đã nêu quan ngại trực tiếp với các cơ quan chức năng đảo Síp theo sau vụ rò rỉ tài liệu, bởi vì “những hoạt động như vậy có ngụ ý [không tốt] đối với Liên minh nói chung”. Chính phủ Síp đã thông báo rằng họ sẽ xem xét tất cả các đơn đăng ký trước đó.

Giới trung lưu Trung Quốc

Những người Hoa lục trung lưu cũng đang cố gắng nhập cư vào các nước phương Tây. Trong những tháng gần đây, một kênh nhập cư mới đã trở nên phổ biến.

Bà Sun và cậu con trai 11 tuổi của bà đã rời khỏi Trung Quốc và hiện đang định cư tại một quốc gia nhỏ ở Đông Nam Châu Âu. Họ đến từ Quảng Đông, một trong những vùng phát triển nhất Trung Quốc.

Bà Sun nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) vào tháng 8 rằng, “Nền kinh tế Trung Quốc đang rất tồi tệ. Ngay cả những người trẻ tuổi cũng thất nghiệp. [Chế độ Trung Quốc] đang thu hoạch của cải của người dân [mà không có lý do chính đáng]”.

Bà Sun sau đó đưa ra một ví dụ: “Một người bạn của tôi là một doanh nhân giàu có ở thành phố Phật Sơn. Ông ấy có ba nhà máy. Hai nhà máy đã bị chính quyền đóng cửa [tịch thu]. Ngay cả của cải ông chuyển đến Hồng Kông cũng bị tịch thu”.

“Tôi không có kế hoạch quay trở lại [Trung Quốc]. Tôi đang lên kế hoạch cho tương lai của mình ở đây,” bà Sun nói thêm. “Những người bạn giàu có của tôi cũng có ý định bỏ trốn”.

Trung Quốc có thỏa thuận miễn thị thực với một số nước nhỏ ở Balkan, như Serbia, Bosnia và Herzegovina, và Albania trong mùa du lịch.

Nắm được chính sách này, bà Sun đã rời Trung Quốc vào ngày 30/6 bằng máy bay, tại sân bay, cô và con trai đã bị hải quan Trung Quốc tra hỏi, họ nói dối rằng họ đến Balkan du lịch.

“Hơn mười người Trung Quốc đã đến thành phố này trước chúng tôi [vào tháng 6]. Như tôi biết, một số lượng lớn người Trung Quốc sẽ sớm đến đây”, bà Sun nói với RFA. “Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là các nước Tây Âu”.

Bà Sun không cho biết bà sẽ làm cách nào để gia nhập Liên minh Châu Âu từ quốc gia nhỏ bé không thuộc EU này. Bà cho biết chi phí sinh hoạt ở đây tương đối thấp, nhưng bà vẫn muốn sống ở EU.

“Người giàu Trung Quốc đang di cư đến các quốc gia thành viên của Liên minh Ngũ Nhãn [Úc, Canada, New Zealand, Anh và Hoa Kỳ]. Người Trung Quốc trung lưu đang cố gắng chuyển đến sống ở Khối Schengen của Châu Âu. Những người Trung Quốc ít giàu hơn như tôi cũng đang cố gắng thoát khỏi Trung Quốc”, bà Sun chia sẻ.

Giống như bà Sun, nhiều người Hoa lục thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn đã rời Trung Quốc nhưng họ không có tư cách pháp nhân ở nước ngoài.

Buôn lậu

Arnold Song (bút danh) là một đầu bếp tại một nhà hàng ở Paris. Anh này đã đi lậu vào Pháp từ quê nhà ở thành phố Công Chúa Lĩnh, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc vào năm 2018. Chi phí đi lậu khiến anh mất khoảng 180.000 nhân dân tệ (26.200 USD). Lý do anh rời Trung Quốc là để kiếm thêm tiền cho cha mẹ già và con gái nhỏ.

Song, một người cha đơn thân, đã nói với The Epoch Times qua điện thoại vào ngày 29/8 rằng hành trình nhập cư lậu đầy gian khổ.

Chuyến đi bắt đầu tại thành phố Thâm Quyến, Quảng Đông, giáp ranh Hồng Kông. Kẻ buôn lậu đã sắp xếp cho Song và hơn 10 người Trung Quốc đến sân bay Hồng Kông bằng xe buýt, sau khi giúp họ có được giấy phép du lịch Hồng Kông cho người Hoa lục.

Tại sân bay Hồng Kông, tên buôn lậu đưa cho mỗi người một hộ chiếu Nhật Bản, Song cho biết hộ chiếu được đưa cho anh có ảnh của anh với một cái tên tiếng Nhật. Sau vài giờ, họ đáp chuyến bay đến Kiev, Ukraine.

Tại sân bay Kiev, một người đàn ông đã đón Song và những du khách khác và thu lại hộ chiếu Nhật Bản của họ. Bảy hoặc tám giờ sau, họ được đưa đến một ngôi nhà nằm trong rừng.

“Người lái xe là người Hoa. Anh ta yêu cầu tất cả chúng tôi ngồi vào phía sau xe tải. Chúng tôi chỉ được phép xuống xe tải một lần trong suốt chuyến đi dài. Thật khó thở vì có hơn mười người bên trong và đường đi rất gập ghềnh, Song nói.

Nhưng những thử thách thực sự đến sau đó.

Song cho biết ngôi nhà cách biên giới Ba Lan khoảng một giờ lái xe và xung quanh không có tòa nhà nào khác. Khi họ đến, có tám hoặc chín người Hoa ở trong nhà. Họ nói với Song rằng họ đã đợi ở đó nửa tháng.

Những ngày sau đó thật buồn tẻ. “Không có thức ăn tươi, không có nước nóng, không có giường, không có kết nối internet, không có gì để đọc hay xem.… Cứ ba hoặc bốn ngày, người lái xe lại gửi một ít bánh mì khô. Tôi đã sống ở đó một tháng”, Song nói.

Cuối cùng, Song và bốn người đàn ông khác được đón bởi một người lạ, một người Hoa, người đã cùng họ vượt biên bằng cách đi bộ xuyên rừng.

“Chúng tôi đã dành khoảng một tuần trong rừng … Tôi không muốn đề cập đến chi tiết. Nó quá khổ”, Song nói. “Ở Ba Lan, một tài xế khác đã đón chúng tôi và đưa chúng tôi đến Slovakia. Sau đó, một tài xế khác đã đưa chúng tôi đến Hungary”.

Song cho biết kẻ buôn lậu đã hứa đưa anh đến Hà Lan, nhưng lại để anh ở Budapest sau khi hắn ta nhận đủ tiền. Sau đó, Song thuê một người đàn ông Trung Quốc chở anh ta đến Paris.

Bên trong khối Schengen, các nhân viên biên phòng vẫn kiểm tra hộ chiếu và thị thực của hành khách nếu họ đi xe buýt hoặc tàu hỏa. Nhưng các nhân viên không kiểm tra giấy tờ tùy thân của người lái xe trên ô tô riêng.

Song cho biết nếu mọi thứ dễ thở hơn ở Trung Quốc, anh đã không bỏ trốn để sống lưu vong. “Tôi chắc chắn sẽ quay lại nếu chính quyền Trung Quốc có thể chăm lo cho người già và trẻ nhỏ”, Song nói.

https://www.dkn.tv/the-gioi/nguoi-dan-trung-quoc-thao-chay-khoi-dai-luc-di-cu-den-chau-au.html

 

Video: Cảnh sát Trung Quốc bị dân đánh,

dư luận nói ‘nồi áp suất nổ rồi’

Phụng Minh

“Ba chọi một, có vẻ như là đa số (đánh thiểu số). Nhưng một khi quần chúng thức tỉnh, họ (cảnh sát) sẽ lập tức trở thành thiểu số”.

Ngày 5/10, người dùng mạng Trung Quốc đã đăng tải một đoạn video tiết lộ rằng ở Long Hoa, Thâm Quyến, ba cảnh sát đã đánh một người đàn ông ngã xuống đất, đám đông quần chúng xung quanh thật sự nhìn không chấp nhận nổi cảnh đó, đã vây đánh ba cảnh sát, có thông tin cho rằng xe cảnh sát cũng bị lật đổ.

Trong đoạn video, một người đàn ông trung niên mặc áo xanh đang nằm trên mặt đất, chân không đi giày, tố cáo ba cảnh sát về cái gọi là “thực thi pháp luật”. Sau đó, cảnh sát bắt đầu đánh người đàn ông, khơi dậy sự tức giận của người xem, đám đông hét lên: “Đánh người kìa”. Đám đông có mặt đã lao tới và đánh ba cảnh sát, người đăng tải lại đoạn video cho biết có thông tin rằng chiếc xe cảnh sát cũng bị lật đổ.

Bình luận của cư dân mạng bên dưới đoạn video được SOH tổng hợp lại như sau:

“Cuối cùng nồi áp suất cũng nổ rồi!“

“Ba nhân viên thực thi pháp luật đánh một người, và những người xem cuối cùng đã bắt đầu phản kháng!“

“Làm tôi ướt hết cả mắt. Những người thuộc tầng lớp dưới đáy dưới sự trị vì của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực sự sống dở chết dở! Không có nhân phẩm gì cả! Tôi không có thù hằn cá nhân với ĐCSTQ. Tôi cũng là con cháu của Hồng quân, một nửa gia đình là quan chức trong chính phủ, trong nhà có một nhà khoa học. ĐCSTQ và tôi vốn không oán không cừu. Tôi chỉ ghét xã hội ăn thịt người ngột ngạt và mất nhân tính dưới sự cai trị của ĐCSTQ“.

“Lục lâm phỉ cộng đã mở rộng tới 4 triệu cảnh sát. Khi dân chúng thức tỉnh, nếu tăng lên thành 40 triệu cảnh sát cũng vô dụng!“

“Ba chọi một, có vẻ như là đa số (đánh thiểu số). Nhưng một khi quần chúng thức tỉnh, họ (cảnh sát) sẽ lập tức trở thành thiểu số“.

“Chẳng hiểu sao, nhìn thấy cảnh trong nước kháng chiến chống cự lại thấy nhiệt huyết sôi trào“.

“Để hạ bệ ĐCSTQ đòi hỏi phải có nhiều nhân sĩ chính nghĩa như vậy hơn“.

“Chỉ cần có người lãnh đạo, đoàn kết lại, thì ĐCSTQ cũng thành cặn bã“.

“Dân chúng trong lòng tràn đầy thù hận với họ, xuất phát từ sợ hãi mà không có biểu hiện ra bên ngoài, nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại“.

“Đáng đánh! Loại tình huống này, tôi tin tưởng tương lai sau này càng ngày càng nhiều“.

https://www.dkn.tv/the-gioi/video-canh-sat-trung-quoc-bi-dan-danh-du-luan-noi-noi-ap-suat-no-roi.html

 

Bắc Kinh bắt mẹ cô Diêm Lệ Mộng

Hải Lam

Giới chức Trung Quốc gần đây đã bắt giữ mẹ của nhà virus học Diêm Lệ Mộng, người nhiều lần tố cáo tội ác của Bắc Kinh trong đại dịch Covid-19.

Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng xác nhận việc mẹ cô bị bắt với The Epoch Times vào ngày 5/10, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Cô Diêm đã đào thoát khỏi Hồng Kông và xin tị nạn ở Mỹ vào tháng 4 vì vì lo ngại tính mạng bị đe doạ khi cô nắm giữ nhiều bí mật về virus Vũ Hán. Gần đây nữ tiến sĩ đã cung cấp những chứng cứ đầu tiên về nguồn gốc nhân tạo của virus viêm phổi Vũ Hán (Covid-19).

Nhà virus học Diêm Lệ Mộng từng làm việc tại một trường đại học danh tiếng của Hồng Kông, một trong những trung tâm hàng đầu thế giới chuyên nghiên cứu về các loại bệnh truyền nhiễm và là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới dịch tễ học toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tiến sĩ Diêm cho biết cô là một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về loại virus corona chủng mới. Cô cho biết, vào cuối tháng 12/2019, cô đã được cấp trên yêu cầu bí mật điều tra một ổ dịch giống SARS xuất hiện ở Trung Quốc đại lục.

Nghiên cứu đã khiến cô đi đến kết luận rằng tình hình còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì Bắc Kinh thừa nhận, và vị tiến sĩ bắt đầu bí mật cung cấp thông tin cho thế giới phương Tây về dịch viêm phổi Vũ Hán.

Xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông, tiến sĩ Diêm nhận định nCov là nhân tạo và chính quyền Trung Quốc đã cố ý phát tán loại virus này, cũng như bưng bít thông tin về dịch bệnh. Trong cuộc phỏng vấn

với kênh London Real vào ngày 28/9, cô Diêm cáo buộc phòng thí nghiệm virus của ĐCSTQ sẽ không chỉ tạo ra một mà nhiều loại virus, đồng thời nCov có khả năng đột biến cực cao.

Lo sợ bị “bịt miệng”, cô đã bỏ trốn khỏi Hồng Kông. Tiến sĩ Diêm cho biết, chính quyền Trung Quốc đe dọa gia đình cô ở Trung Quốc đại lục, trong khi cảnh sát Hồng Kông truy vấn thông tin về cô từ bạn bè bằng cách tuyên bố cô “có liên quan đến một vụ án hình sự”.

Cộng đồng khoa học đã bác bỏ tuyên bố của cô liên kết nguồn gốc của virus với một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán trong báo cáo mới nhất của mình, khi gọi đó là suy đoán cá nhân của cô. Twitter nhanh chóng đóng tài khoản của cô sau khi cô công bố báo cáo trong một dòng tweet.

https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-bat-me-co-diem-le-mong.html

 

Đoàn Thanh niên Trung Quốc ăn mừng ông

Trump bị bệnh, dân nói sớm muộn cũng phản tác dụng

Phụng Minh

Có người bình luận: “Đây là phong cách của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản? Thật quái gở không bình thường!”

Gần đây, Weibo chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức màn ăn mừng “Đạn mạc” của các “tiểu phấn hồng” hướng tới sự việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiễm virus Vũ Hán, hả hê vui sướng khi người khác gặp nạn, chế diễu “sự hiểu biết” về virus của ông Trump. Động thái này bị cư dân mạng đại lục chỉ trích công khai.

“Đạn mạc” là một từ đang phổ biến trong tiếng Trung, đề cập đến cửa sổ bật lên trong khi xem video trên web, trong đó có phụ đề bình luận.

Vào chiều ngày 2/10, blog chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã tung ra một video công kích, tuyên bố rằng “cuối cùng virus đã tìm ra người hiểu rõ nhất về nó”. Đồng thời kêu gọi các thanh niên “trình diễn kiến thức của mình trên màn hình công cộng”. Nhiều tiểu phấn hồng (cụm từ được dùng để chỉ những người trẻ Trung Quốc yêu nước, xem mạng xã hội như chiến trường chống lại những ai chỉ trích, nói xấu quê hương) bị xúi giục, đã tung ra nhiều lời lẽ liên quan đến “sự hiểu biết”, một số nói: “Ông vua hiểu biết đã bị cách ly”, “Giờ thì ông ta hiểu rồi”… theo Epoch Times.

Tài khoản mạng xã hội chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đưa ra những lời lẽ hả hê về việc ông Trump dương tính với virus Vũ Hán.

Trong toàn bộ đoạn video dài 51 giây, Weibo chính thức của Đoàn Thanh niên còn đưa ra bình luận: “Được rồi, chúng ta hãy lấy thêm hai chai thuốc khử trùng”. Tiểu phấn hồng tung ra “đạn mạc” hiển thị nội dung về cụm từ “hiểu biết”; “Quà Quốc khánh”; “Phu thê phế phiến” (một cách chơi chữ về bệnh phổi của hai vợ chồng ông Trump và món ăn làm tử lá phổi nổi tiếng của Tứ Xuyên).

Dưới video được đăng trên Weibo của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, một nhóm cư dân mạng cũng bày tỏ sự bất mãn một cách công khai mà không cần e ngại. Một tài khoản có tên @”Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc” nói: “Những điều do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc phát đi, tôi hy vọng các bạn cũng có thể ‘hiểu’ nó có ý tứ gì” (dùng chính từ ‘hiểu’ mà các tiểu phấn hồng chế giễu ông Trump để nói).

Một số cư dân mạng trực tiếp mắng mỏ: “Các người ở bên này đại dương hoan hô nhảy nhót, cho cử tri bên kia đại dương một cơ hội thêm thù ghét không muốn đội trời chung, các người thật xuẩn ngốc như heo”.

Người khác nói: “Thử thách sự hiểu biết về điểm mấu chốt của đạo đức con người một lần nữa”; “Phong cách của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản? Quái gở không bình thường!”; “Bên ngoài người ta đều chúc phúc cho ông sớm khang phục, còn trong nước thì quái gở không giống ai“; “Càng hoang đường thì càng gần bình minh thôi” (ý nói sau hoàng hôn của một triều đại cũ sẽ là bình minh triều đại mới).

Một số cư dân mạng đã nói rõ ràng với Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc rằng: “Chúng tôi chơi đùa thì còn được, truyền thông cấp trung ương mà chơi đùa như vậy quả là không thể được. Trình độ thực sự thấp, bên trong các vị nghĩ thế nào cũng không quan trọng, nhưng hiện tại là thể diện cũng không còn. Khi người khác có chuyện thì vui vẻ hả hê, còn giảng đạo nghĩa, giảng bá quyền bị thương tổn, các người có điểm dừng và sĩ diện không? Các người có hiểu ‘chí ít cũng phải thể hiện những phẩm chất tốt đẹp’, phải phơi bày quý đức, có hiểu không? Dân thì chỉ biết đón ý

nói hùa, sinh ra kiêu dân, chính quyền thì không muốn trau dồi nâng cao dân trí, đạo đức, sớm muộn cũng phản tác dụng”.

Sinh viên họ Ngô từ Đại học Bắc Kinh giới thiệu với phóng viên Epoch Times rằng tài khoản Weibo và tài khoản Zhihu của “Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc” là cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ để ươm mầm hồng cho thế hệ dư luận viên trẻ tuổi, mặc dù các thành viên trong nhóm của họ không được học hành bài bản.

“Bởi vì mặc dù nhà cầm quyền ĐCSTQ đang bí mật vui mừng về căn bệnh viêm phổi ở Vũ Hán của Trump, nhưng họ không thể công khai điều đó vì sợ sẽ làm tổn hại thêm quan hệ Trung-Mỹ. Về cơ bản, Bộ Ngoại giao chỉ có thể lặp lại những lời lẽ ngoại giao đơn giản. Và nói chung, chỉ có tiểu phấn hồng là có thể công khai bày tỏ. Ảnh hưởng của lòng căm thù truyền thông của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ đã kích động sự hả hê đối với việc mắc dịch bệnh của ông Trump“.

“ĐCSTQ đã để lực lượng ‘ngũ mao’ (dư luận viên được trả tiền để bảo vệ chính quyền – PV) từ các phương tiện truyền thông như Weibo của Đoàn Thanh niên Cộng sản để hướng dẫn tình cảm này và tăng cường hơn nữa ‘định hướng ngôn luận và tư tưởng‘”, Ngô cho biết.

“Nhưng tôi nghĩ sự hả hê của ĐCSTQ và những tiểu phấn hồng thật lố bịch. Bệnh viêm phổi Vũ Hán của Trump sẽ chỉ khiến ông ấy càng nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm và sự lật lọng của ĐCSTQ đối với thế giới, khiến ông ấy từ bỏ ảo tưởng của mình về ĐCSTQ và thậm chí mạnh mẽ hơn đối với ĐCSTQ. Đây không phải là điều tốt cho ĐCSTQ”.

Ngô cũng nhấn mạnh rằng ngay cả khi ông Trump thực sự gặp chuyện không hay, phó tổng thống kế nhiệm ông thực sự là cánh tay phải của ông Trump và cứng rắn hơn đối với ĐCSTQ. Là một người theo đạo, ông Pence cũng quan tâm hơn đến tự do tôn giáo ở Trung Quốc. “Tôi hy vọng rằng ai đó sẽ dịch màn trình diễn trên Weibo của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc và sự hả hê của các tiểu phấn hồng sang tiếng Anh và phổ biến nó đến Hoa Kỳ, để xóa tan ảo tưởng của người Mỹ về ĐCSTQ và khiến họ đối xử nghiêm khắc hơn với thế lực tà ác này”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/doan-thanh-nien-trung-quoc-an-mung-ong-trump-bi-benh-dan-noi-som-muon-cung-phan-tac-dung.html

 

Cam Bốt mở rộng căn cứ Ream

cho Hải Quân Trung Quốc sử dụng?

Trọng Nghĩa

Phải chăng nỗi lo ngại của Mỹ về khả năng Cam Bốt cho quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream nhìn ra Vịnh Thái Lan đang biến thành hiện thực. Trước mắt chính quyền Phnom Penh tiếp tục phủ nhận việc sẽ cho Bắc Kinh dùng cơ sở đó, nhưng theo điều tra của tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review, thì Cam Bốt đang chuẩn bị mở rộng căn cứ Ream, đặc biệt với sự trợ lực của Trung Quốc.

Trong một bài viết ngày 03/10/2020, tạp chí Nhật Bản đã trích lời một sĩ quan hàng đầu của Hải Quân Cam Bốt hôm thứ Bảy 03/10 vừa qua xác nhận rằng chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ một dự án mở rộng cảng và phát triển một cơ sở sửa chữa tàu tại căn cứ Ream bên Vịnh Thái Lan.

Bắc Kinh sẽ xây dựng một cảng nước sâu tại căn cứ Ream

Theo phó đô đốc Vann Bunlieng, phó tư lệnh kiêm tổng tham mưu trưởng lực lượng Hải Quân Cam Bốt, trong dự án, có kế hoạch nạo vét để làm sâu thêm vùng biển xung quanh căn cứ, nơi hiện chỉ có thể tiếp nhận các loại tàu nhỏ. Bắc Kinh sẽ giúp Phnom Penh xây dựng một hải cảng và một cơ sở sửa chữa các loại tàu của Cam Bốt.

Đối với ông Bunlieng, các cơ sở mới sẽ giúp Cam Bốt tiết kiệm chi phí sửa chữa tàu nếu nước này mua được các loại tàu lớn hơn. Nhân vật này cho biết các cơ sở mới cũng có thể được sử dụng để phục vụ tàu tư nhân nhằm tạo ra doanh thu.

Tổng tham mưu trưởng Hải Quân Cam Bốt một lần nữa đã lên tiếng bác bỏ các thông tin báo chí theo đó căn cứ Hải Quân Ream sẽ được quân đội Trung Quốc sử dụng. Trước đó, cả thủ tướng Cam Bốt Hun Sen lẫn các quan chức Trung Quốc đã phủ nhận thông tin này.

Giấu đầu lòi đuôi

Theo Nikkei Asian Review, kế hoạch nâng cấp căn cứ Ream với sự giúp đỡ của Trung Quốc đã từng được Tập đoàn Luyện Kim Trung Quốc, một doanh nghiệp Nhà nước trụ sở ở Bắc Kinh, công bố trên trang web của họ.

Bản kế hoạch này sau đó đã bị gỡ xuống nhưng dựa theo phiên bản được lưu trữ trong bộ nhớ cache, tập đoàn này cho biết là vào tháng 6 năm 2016 họ đã ký một “thỏa thuận khung về hợp tác” với các cơ quan quốc phòng Cam Bốt cho một “Dự án mở rộng cảng.”

Đi sâu vào chi tiết, dự án mở rộng “căn cứ quân sự hải quân” này bao gồm việc bổ sung một ụ tàu khô 5.000 tấn và đường trượt cơ khí bên hông 1.500 tấn, cùng với việc xây dựng một cầu tàu, một xưởng sửa chữa và bồi đắp thêm 7,4 ha đất.

Tình trạng hiện thời của thỏa thuận này chưa được biết, và phó đô đốc Bunlieng đã từ chối cho biết công ty nào có liên quan đến dự án mà chuyển câu hỏi lên bộ Quốc Phòng. Cả bộ trưởng Quốc Phòng Tea Banh và phát ngôn viên của bộ này trước mắt chưa thấy trả lời.

Đuổi Mỹ để đón Trung Quốc?

Tin tức về việc Trung Quốc đứng ra “giúp đỡ” Cam Bốt mở rộng căn cứ Hải Quân Ream xuất hiện đúng vào lúc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington công bố một số ảnh vệ tinh mới cho thấy một tòa nhà trong căn cứ Ream do Mỹ tài trợ để xây dựng cho Hải Quân Cam Bốt đã bị phá hủy vào tháng 9.

Trong bài phân tích kèm theo các bức ảnh công bố hôm 02/10, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc CSIS ghi nhận: “Tòa nhà là một trong số các cơ sở do Hoa Kỳ tài trợ nằm bên trong căn cứ được cho là sẽ bị dời đi nơi khác sau khi Cam Bốt ký một thỏa thuận bí mật với Bắc Kinh để cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream. Việc phá hủy tòa nhà gần đây dường như xác nhận rằng các thay đổi đang được tiến hành tại căn cứ hải quân và một lần nữa làm dấy lên trở lại thông tin được đồn đại về quyền tiếp cận dành cho Trung Quốc”.

AMTI đã nhắc lại thông tin do nhật báo Mỹ The Wall Street Journal tiết lộ vào tháng 7 năm 2019 theo đó Cam Bốt đã ký với Trung Quốc một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc sử dụng Ream để đổi lại việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới tại căn cứ này. Bài báo trích dẫn các quan chức Mỹ xin giấu tên đã được đọc bản thảo đầu tiên của thỏa thuận cho phép Trung Quốc đưa quân đội, vũ khí và tàu vào căn cứ này trong vòng 30 năm, sau đó sẽ tự động triển hạn thêm, mỗi lần 10 năm.

Theo WSJ, thái độ nghi ngờ của Washington về ý đồ của Phnom Penh càng tăng cao sau khi Cam Bốt từ chối tài trợ của Hoa Kỳ để sửa chữa các cơ sở do Mỹ xây dựng tại Ream, đáp ứng yêu cầu của Cam Bốt.

Theo CSIS, tòa nhà bị phá hủy nguyên là Tổng Hành Dinh Chiến Thuật của Ủy Ban An Ninh Hàng Hải Quốc Gia Cam Bốt, vốn đã được dời hoàn toàn ra khỏi căn cứ, đến một nơi cách Ream khoảng 20km về phía bắc. Còn một cơ sở khác cũng do Mỹ tài trợ ở gần đó vẫn còn nguyên vì là nơi chứa các tàu tuần tra nhỏ mà Mỹ tặng cho Hải Quân Cam Bốt.

Tập đoàn Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt tham gia dự án Ream

Trong bài phân tích, AMTI cũng ghi nhận là nhiều khu đất rộng lớn xung quanh căn cứ đã được các công ty Trung Quốc thuê, trên danh nghĩa để làm các khu nghỉ dưỡng.

Đáng chú ý là Tập Đoàn Phát Triển khu Canopy Sands ở Vịnh Ream chỉ cách căn cứ hải quân khoảng 5 km về phía bắc. Ảnh vệ tinh cho thấy là tập đoàn đã bắt đầu công việc nạo vét và cải tạo đất trong khu vực kể từ tháng Hai vừa qua, và đến nay đã cải tạo được khoảng 100 mẫu.

Theo Nikkei Asian Review, công việc cải tạo đất của dự án tại Vịnh Ream do China Harbour, một công ty con của Tập Đoàn Xây Dựng Truyền Thông Trung Quốc CCCC, mới đây đã bị Mỹ trừng phạt vì đã tham gia việc bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Chính quyền Cam Bốt tiếp tục phủ nhận việc cho Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream. Trả lời hãng tin Pháp AFP ngày 04/10/5020, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh cho rằng việc Trung Quốc tài trợ cho dự án mở rộng căn cứ hải quân của Cam Bốt không có nghĩa là Bắc Kinh có quyền tiếp cận căn cứ một cách rộng rãi hơn.

Cam Bốt tiếp tay cho Trung Quốc để bao vây Việt Nam ?

Giới phân tích vẫn hoài nghi về các lời phủ nhận này. Trong một tin nhắn Twitter ngày 04/10, chuyên gia Singapore Collin Koh cho rằng quy mô hạn chế của Hải Quân Cam Bốt hiện nay đâu có cần đến những công trình đồ sộ như ụ tàu khô 5000 tấn trong kế hoạch ban đầu vào năm 2016 ? Còn trong một bài viết ngày 05/10, báo mạng Hồng Kông Asia Times nói thẳng “Cam Bốt mở đường cho sự hiện diện của Hải Quân Trung Quốc” tại nước này.

Chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 17/09 đã nhận định : “Việc cho Trung Quốc quyền tiếp cận căn cứ trên bờ biển phía nam Cam Bốt sẽ kéo theo một thay đổi cơ bản về mặt địa chính trị”. Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc bao vây – trên bộ ở phía bắc và trên biển ở phía đông – sẽ thấy sườn phía nam của mình bị đe dọa.

Ngoài ra, căn cứ hải quân ở Cam Bốt bên bờ Vịnh Thái Lan cũng sẽ cho phép tàu Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn các đảo đá đang tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20201006-cam-b%C3%B4%CC%81t-m%C6%A1%CC%89-r%C3%B4%CC%A3ng-c%C4%83n-c%E1%BB%A9-ream-cho-ha%CC%89i-qu%C3%A2n-trung-qu%C3%B4%CC%81c-s%C6%B0%CC%89-du%CC%A3ng