Tin khắp nơi – 06/05/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cảm nhận về xã hội Bắc Hàn

 Nhân Đại hội Đảng ở Bắc Triều Tiên, phóng viên Hồng Nga của BBC, người năm ngoái đã thăm Bình Nhưỡng, Kaesong và Bàn Môn Điếm, nói chuyệntrực tiếp qua Facebook vào lúc 19:30 tối 6/5.

Đại hội của Đảng cầm quyền bắt đầu khai mạc hôm 6/5. Đây là sự kiện được coi là nhằm để nhà lãnh đạo Kim Jong-un củng cố quyền lực ở quốc gia đầy bí mật này.

Đại hội Đảng được tổ chức tại Nhà Văn hóa 25 tháng Tư.

Thủ đô Bình Nhưỡng được trang hoàng bằng rất nhiều hoa rực rỡ chào đón kỳ đại hội lần thứ bảy.

Lần đại hội trước diễn ra hồi năm 1980, cách đây 36 năm, khi nhà lãnh đạo hiện nay Kim Jong-un còn chưa chào đời.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160506_facebook_live_nga_pham_bac_han

 

Bắc Hàn tiến hành Đại hội Đảng

Bắc Hàn đang tổ chức Đại hội Đảng lần đầu tiên trong nhiều thập niên.

Đây là sự kiện chính trị quan trọng, nơi để nhà lãnh đạo Kim Jong-un củng cố địa vị và vạch ra tầm nhìn cho tương lai.

Ông Kim được trông đợi là sẽ tái khẳng định tham vọng hạt nhân, giữa lúc có những đồn đoán về việc ông sẽ sớm tiến hành vụ thử hạt nhân thứ năm.

Hàng ngàn đại biểu đang dự một chương trình được dàn dựng như là lễ đăng quang không chính thức của ông Kim.

Chương trình và lịch trình của Đại hội Đảng chưa được công bố chi tiết.

Phóng viên BBC Stephen Evans ở Bình Nhưỡng nói rằng ông Kim đã có mặt bên trong hội trường và các vệ sĩ của ông đang xếp hàng bên ngoài.

“Đó là những cận vệ của ông Kim, nhìn thấy họ là chúng ta biết ông ta đang ở bên trong”.

Trước khi Đại hội diễn ra, người ta đã chứng kiến Bắc Hàn phóng tên lửa trong lúc có dự đoán nước này sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5.

Lệnh trừng phạt với Bắc Hàn đã được thắt chặt sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư vào tháng 1/2016 và các vụ phóng thử tên lửa sau đó.

Đại hội lần này được kỳ vọng có một thế hệ lãnh đạo mới được bổ nhiệm.

Tại Đại hội Đảng lần thứ bảy và cũng là lần đầu tiên từ năm 1980, các chuyên gia dự báo rằng Kim Jong-un có thể sẽ tuyên bố chính sách “Byongjin” đẩy mạnh đồng thời hướng phát triển kinh tế và năng lực hạt nhân.

Khoảng 100 nhà báo nước ngoài đã được mời đến Bình Nhưỡng tường thuật sự kiện, nhưng họ không được phép vào bên trong Nhà văn hóa 25/4, nơi diễn ra Đại hội Đảng.

Phóng viên BBC nói mỗi nhà báo nước ngoài đều bị theo dõi cẩn thận.

Kỳ họp sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, là cơ quan sẽ bầu ra Bộ Chính trị có chức năng ra mọi quyết định quan trọng của Đảng Cộng sản.

Nhiều người nói rằng những người trung thành với lãnh đạo hiện thời sẽ được tưởng thưởng bằng các vị trí quan trọng.

Những người được ông Kim Jong-un lựa chọn sẽ được theo dõi cẩn thận.

Hồi 2013, ông Kim đã xử tử người chú của mình về tội “phản bội”, sau đó tin tức nói đã có tình trạng thanh trừng hàng loạt ở các vị trí cấp cao.

Một số chuyên gia nói em gái của ông Kim là Kim Yo-jong, người cùng đi học với ông tại Thụy Sỹ, sẽ được thăng chức.

Đã không có kỳ đại hội đảng nào được tổ chức trong thời gian ông Kim Jong-il (Kim Chính Nhất), cha của ông Kim Jong-un, cầm quyền.

Cái chết của ông Kim Jong-il hồi 2011 đã đưa ông Kim Jong-un lên vị trí lãnh đạo, khi ông chưa tới 30 tuổi.

Kỳ đại hội hồi 1980, được tổ chức trước khi ông Kim Jong-un chào đời, là sự kiện theo đó ông Kim Jong-il được đưa ra kế vị cha ông là Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), nhà sáng lập nhà nước Bắc Triều Tiên.

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160506_nkorea_begins_party

 

Trung Quốc thay đổi chính sách một con

 Họ từng gây đau khổ cho hàng triệu người nhưng một số nhân viên ‘cảnh sát’ dân số vốn bị ghét tại Trung Quốc – những người suốt nhiều năm ròng thực thi chính sách một con này bằng việc ra lệnh cho các gia đình đi phá thai hoặc nộp những khoản tiền phạt rất lớn – nay có một nghề mới.

Bé Lưu Tứ Tề hai tuổi đang nằm gọn trong lòng bà ngoại kêu đau bụng. Trong khi đó một người đàn ông đang cố thu hút sự chú ý của bé bằng một con vịt nhựa kêu chút chít.

Dần dần cô bé trở nên vui vẻ hơn. Bé cười khúc khích và được thuyết phục cùng người đàn ông hát một điệu hát dành cho trẻ em.

Người đàn ông được bé gọi là Bác Lý thuộc đội ngũ cán bộ kế hoạch gia đình của Trung Quốc. Đặt tại mỗi thành phố, thị xã và thôn bản, trong 35 năm qua công việc của họ là săn lùng các gia đình bị nghi đã vi phạm luật lệ hà khắc ở Trung Quốc về việc mỗi cặp vợ chồng có thể có bao nhiêu con.

Nhưng khi chính sách một con kết thúc vào đầu năm nay, một số người, giống như ông Lý Ba, giờ đây được đào tạo lại với một vai trò mới. Nay ông thậm chí có thể bị nhầm là một Ông già Noel Trung Quốc đang đến thăm ngôi làng xa xôi ở vùng núi thuộc tỉnh Thiểm Tây với một túi đầy đồ chơi và truyện tranh.

Cùng với 68 đồng nghiệp của mình, ông Lý là một phần trong chương trình thí điểm của các học giả thuộc Đại học Thiểm Tây và Chương trình Hành động Giáo dục Nông thôn của Đại học Stanford. Công việc mới của ông là dạy cho cha mẹ và ông bà cách phát triển trí tuệ ở trẻ mới biết đi bằng cách trò chuyện, ca hát và đọc sách cho chúng nghe.

Ông làm việc tại vùng Đan Phương, cách Bắc Kinh 700 dặm (1,125km) về phía tây nam. Đây là một vùng nghèo khó, với hơn một nửa người lớn ở tuổi đi làm đã đi ra thành phố làm việc.

Giống như 61 triệu trẻ em khác, bé Lưu Tứ Tề “bị bỏ lại nhà”, và được ông bà nuôi dưỡng. Mẹ bé làm việc tại một nhà máy mì sợi cách nhà bốn tiếng lái xe và không thể về thăm thường xuyên. Cha bé làm việc ở một mỏ đá, chỉ về nhà hai lần mỗi năm.

Lúc đầu bà ngoại của bé, bà Trần Khôi Phận, tỏ ra hoài nghi về giá trị của việc đọc cho một trẻ nhỏ như vậy. “Tôi nghĩ thật lãng phí thời gian”, bà cười và nói. “Nhưng cháu thích chuyện và tôi đã rất ngạc nhiên trước những gì cháu nhớ được từ những câu chuyện đó.”

Bà Trần gần hai mươi tuổi khi chính sách một con được áp dụng vào năm 1979.

Bà có vẻ thư giãn bên cháu gái nhưng tôi tự hỏi không hiểu kinh nghiệm của chính bà như thế nào về các cán bộ kế hoạch hóa gia đình.

Khi người cán bộ này bước ra ngoài hút thuốc, bà nói với tôi cả làng “không tin tưởng và ghét” những người thi hành chính sách đó, họ tịch thu tài sản nếu các gia đình không có khả năng trả tiền phạt.

“Họ thường đến vào ban đêm và lấy đi đồ đạc của những gia đình có hơn một con”, bà nói. “Xe đạp, máy may, bất cứ cái gì họ có thể lấy được, thậm chí cả con bò và con lợn của chúng tôi.”

Bà Trần ghét những cán bộ kế hoạch hóa gia đình còn vì một lý do sâu sa hơn. Ở nhiều vùng nông thôn, các cặp vợ chồng được phép có con thứ hai nếu con đầu lòng là con gái.

Nhưng đứa con đầu của bà Trần là con trai vì thế bà có thai lần thứ hai, bà bị buộc phải phá thai. Khi bà mang thai một lần nữa bà đã đi trốn và sinh được một bé gái. Nhưng bà rất sợ khoản tiền phạt lớn vì đã vi phạm quy định, và con gái bà đã phải sống chui lủi.

Nếu không nộp tiền phạt, được gọi là khoản phí bảo trì xã hội, con của bạn sẽ không tồn tại trong con mắt nhà nước. Trên thực tế điều đó có nghĩa là không có quyền tới trường, không được hưởng chăm sóc y tế hoặc thậm chí không có quyền mua một vé xe lửa.

“Cháu sống với mẹ tôi trên núi suốt 12 năm trước khi chúng tôi xoay xỏa đăng ký được cho cháu”, bà Trần nói.

Kể từ đầu năm 2016, tất cả các cặp vợ chồng Trung Quốc được phép có hai con. Nhưng họ không thể có nhiều hơn, trừ khi là người dân tộc thiểu số – vì vậy ông Lý Ba vẫn dùng một phần thời gian của mình làm công việc của người thực thi kiểm soát sinh sản.

Tại phòng y tế của thị trấn ông bận rộn làm việc soi kiểm tra sức khỏe phụ nữ địa phương.

Tất cả phụ nữ ở tuổi có thể có thai bắt buộc phải đi kiểm tra sức khỏe bốn lần một năm để đảm bảo họ khỏe mạnh … và không mang thai mà không được phép. Nếu một cặp vợ chồng muốn sinh con, họ cần phải được sự chuẩn thuận chính thức trước khi tìm cách thụ thai. Hồ sơ y tế của người phụ nữ được ghi lại trong một cuốn sách nhỏ màu đỏ. Nó liệt kê cô có mấy con, biện pháp tránh thai cô sử dụng và những lần phá thai.

Tôi hỏi một phụ nữ đang dắt tay một bé trai sau khi cô được kiểm tra siêu âm, liệu cô có nghĩ tới việc sinh thêm không. “Chưa!” cô cười nói. “Chồng tôi nói rằng nó gây quá nhiều áp lực về tài chính.”

Khi tôi được mời đến nhà của ông Lý để gặp vợ và cô con gái chín tuổi của ông, tôi hỏi cùng một câu hỏi đó.

Ông nói với tôi rằng cha mẹ ông, đặc biệt là bà mẹ, đã giục ông nhiều năm nay hãy đẻ thêm và chịu tiền phạt. “Tôi muốn có thêm con,” ông cười, “mặc dù chúng tôi thực sự lo lắng về chuyện tiền bạc.”

Ông cho biết ông có thể nói chuyện rất dễ dàng với trẻ em vì ông thực sự “chỉ là một đứa trẻ to xác mà thôi”.

Nhưng ông Lý cũng là một đảng viên cộng sản trung thành, người tin rằng nhà nước biết rõ nhất và nhu cầu của xã hội lớn hơn các nhu cầu của mỗi cá nhân.

Vì vậy, ông rất rõ ràng và thực tế trong công việc chẳng mấy dễ chịu đó là nói với những người phụ nữ không có khả năng trả tiền phạt rằng hãy phá thai.

“Trung Quốc phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng với một dân số lớn,” ông nói. “Chúng tôi cũng nói với các cặp vợ chồng rằng nhiều con sẽ làm giảm mức sống của họ và nó không có lợi cho con cái họ.”

Khi tôi cố hỏi ông con số nạo phá thai mà ông có thể đã thuyết phục phụ nữ thực hiện, ông nói ông không biết và trở nên khá lúng túng, tay mân mê một tờ giấy ăn.

Ở một số làng người ta ném đá vào xe ô tô của các cán bộ kế hoạch hóa gia đình. Ông Lý thừa nhận rằng ở nhiều nơi, ông không được chào đón.

“Mọi người không chửi vào mặt chúng tôi nhưng có lẽ họ đã làm như vậy sau lưng chúng tôi,” ông nói. “Đó là điều rất tự nhiên thôi bởi vì chúng tôi thực hiện pháp luật và họ đã vi phạm luật vì thế nó giống như đụng độ giữa cảnh sát và kẻ trộm vậy.”

Ông nói thêm rằng chừng nào còn các hạn chế thì đụng độ như vậy sẽ vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, các quy định và số tiền phạt khác nhau đáng kể từ nơi này qua nơi khác và từ trường hợp này sang trường hợp khác. Giới chức trách thường đặt tiền phạt ở từ 3 tới 10 lần mức lương trung bình một năm.

Tại Trung Quốc, cán bộ kế hoạch gia đình đối xử với những người vi phạm các quy định này cũng khác nhau.

Mọi người không chửi vào mặt chúng tôi nhưng có lẽ họ đã làm như vậy sau lưng chúng tôiLý Ba

Sơn Đông, một tỉnh ven biển giữa Bắc Kinh và Thượng Hải, với dân số 96 triệu, nổi tiếng cho là đặc biệt hà khắc.

Trong những năm gần đây, một loạt những người bị cáo buộc có con trái phép đã bị giam giữ bất hợp pháp.

Nhiều người quá sợ hãi không dám nói ra, nhưng một gia đình trong số này đồng ý kể với tôi về trải nghiệm của họ.

Họ rất lo lắng và nói đến nhà họ là quá mạo hiểm nên chúng tôi gặp nhau ở một nhà hàng của một người bạn.

Tôi được một cặp vợ chồng ở tuổi 60 chào đón. Họ là nông dân, trồng ngô và đậu phộng và con trai họ làm việc trong một nhà máy địa phương.

Năm 2013 vợ của cậu con trai có bầu không có phép – cặp vợ chồng này đã có một cô con gái. Mặc dù các quy định này được nới lỏng tại nông thôn, họ đã bị cấm không được sinh con thứ hai vì con đầu lòng sinh ra trước khi người mẹ tròn 20 tuổi.

Vì vậy, gia đình họ đã tìm cách che giấu cô nhằm tránh con mắt dòm ngó của cán bộ kế hoạch hóa gia đình cho đến khi cô mang thai sáu tháng – thời điểm mà họ tin rằng chính quyền sẽ không thể buộc cô phải phá thai.

Họ đã nhầm.

Các cán bộ kế hoạch hóa gia đình và lãnh đạo của làng đã chặn người chồng trẻ tuổi trên đường anh từ nơi làm việc về nhà và hỏi vợ anh đâu. “Tôi nói với họ là tôi không biết,” ông nói. “Vì thế họ bắt đầu đánh tôi.”

Ông bị đẩy vào một chiếc minivan và đưa đến một khách sạn gần đó. Tại đây những trận đòn lại tiếp tục.

Người chị em gái của cô vợ cũng bị giam giữ ba ngày gây thêm áp lực. Cô không được thả cho đến khi gia đình nộp hơn 10.000 nhân dân tệ (tương đương $ 1.500) – được nói chi phí khách sạn.

Thế rồi bố cha mẹ người chồng bị tống giam và phải chứng kiến cảnh người con trai bị đánh. Họ đề nghị trả khoản tiền phạt hay phí bảo trì xã hội cao hơn mức trung bình, 70.000 nhân dân tệ (tương đương $10.700) hơn mức trung bình, để giữ em bé chứ không phá thai, nhưng vô ích.

“Họ đá con trai tôi và xô nó xuống sàn”, người mẹ nói. “Tôi không thể chịu nổi nữa vì vậy tôi gọi con dâu và nói ‘Đành bỏ em bé vậy.'”

Bà lấy tay áo lau nước mắt còn chồng bà trông thật khổ sở. Vì việc giam giữ là bất hợp pháp, tôi hỏi hai vợ chồng họ có báo với cảnh sát hay không.

“Tôi đã gọi điện thoại tới thanh tra về kỷ luật địa phương”, người cha nói. “Nhưng họ nói với tôi rằng họ không thể can thiệp vào công việc của các cán bộ kế hoạch hóa gia đình – những người có quyền lực tới mức họ làm bất cứ điều gì họ muốn.”

Gia đình đã liên hệ với một luật sư, ông Ngô Vũ Quải, người có tiếng chuyên điều tra tình trạng lạm dụng quyền lực của cán bộ kế hoạch hóa gia đình trên toàn Trung Quốc.

Đứa bé đã có hình hài. Thậm chí có thể nhìn thấy cả móng tay của nó. Nó hơi nhỏ một chút, nhưng phát triển tốt.Bà

Họ hy vọng những người có trách nhiệm sẽ bị đưa ra trước công lý và họ sẽ được hoàn trả lại một phần số tiền mà họ đã phải trả, nhưng người đàn ông trẻ cho biết gia đình anh đã bị tan nát vì những gì đã xảy ra.

Việc Trung Quốc giờ đây có chính sách hai con cũng chẳng an ủi được là bao cho anh và vợ.

“Thiệt hại thì đã rồi và không có cách nào để sửa chữa nó cả,” anh nói.

Người mẹ cho biết thêm rằng bà đã đến bệnh viện và nhìn thấy thai nhi bị hủy của cháu mình. Ba năm đã trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn nguyên.

“Đứa bé đã có hình hài,” bà nức nở khóc. “Thậm chí có thể nhìn thấy cả móng tay của nó. Nó hơi nhỏ một chút, nhưng phát triển tốt.”

Chính sách một con để lại một di sản cay đắng – nó gây đau khổ cho hàng triệu gia đình Trung Quốc. Sự trớ trêu tối thượng là vấn đề của đất nước này ngày nay không phải là tình trạng quá đông dân, mà là một lực lượng lao động bị thu nhỏ lại, đe dọa sự phát triển trong tương lai.

Ông James Liang, một tỷ phú doanh nhân Internet từ lâu đã cho rằng một lực lượng lao động già hóa sẽ bóp nghẹt sự sáng tạo trong các công ty.

“Chính phủ Trung Quốc nên thực sự lo lắng,” ông nói. “Những gì Trung Quốc cần là một chính sách ủng hộ sinh sản để khuyến khích người dân có thêm con, càng nhiều càng tốt.”

Còn với cán bộ kế hoạch hóa gia đình như ông Lý Ba, thì phần lớn thời gian của ông được tập trung vào thế hệ kế tiếp. Vào thời điểm khi Trung Quốc có thể có quá ít thanh niên để đối mặt với những thách thức ở phía trước thì mỗi cá nhân đều được tính đến.

Chúng tôi gặp nhau tại một trung tâm dành cho cha mẹ mới nuôi con tại làng của bé gái hai tuổi Lưu Tứ Tề.

Đó là một phần của dự án thí điểm tại tỉnh Thiểm Tây được thiết kế để khuyến khích trẻ em bị thiếu thốn ở vùng nông thôn và cho chúng một sự khởi đầu tốt nhất cho cuộc sống của chúng.

“Đây là thời điểm vàng để phát triển kỹ năng của các em,” ông nói. “Tôi thích công việc mới này và tôi nghĩ công việc của tôi là quan trọng, bởi vì những gì tôi làm bây giờ có thể sẽ ảnh hưởng đến việc các em sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai.”

Trên đường ra khỏi thị trấn tôi đi ngang qua văn phòng kế hoạch hóa gia đình cũ, một nơi với vẻ cấm đoán nằm sau cánh cổng sắt cao – nó đã bị đóng cửa và các nhân viên trở thành một phần của dịch vụ y tế địa phương.

Giờ đây tòa nhà trông bụi bặm, trống rỗng và có một bức tranh tường bong tróc có hình người mẹ, người cha, và đứa con duy nhất của họ trên nền trời màu xanh rất không tự nhiên.

Lucy AshBBC News, Trung Quốc

Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/05/160506_china_new_abortion_policy

 

Bầu cử tổng thống Philippines: Duterte làm đảo lộn bàn cờ

Tại một quốc gia có đa số dân theo Công giáo, ông Rodrigo Duterte đã không ngần ngại chửi cả Giáo hoàng. Thế mà thị trưởng thành phố Davao, 71 tuổi, từ vị trí “outsider”  ( người ngoài cuộc ) lại trở thành ứng cử viên có triển vọng đắc cử nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines ngày 09/05 tới.

Kể từ khi ra tranh cử, ông Duterte đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố gây sốc. Chẳng hạn như ông đã hứa sẽ hạ sát hàng chục ngàn tội phạm, rồi sau đó tự ân xá cho hành động này. Thị trưởng Davao còn dọa sẽ dẹp bỏ Quốc hội nào không nghe theo lệnh của ông. Ứng cử viên tổng thống này còn cáo buộc con gái của ông là đã ” thổi phồng sự việc “, khi cô nói đến việc mình đã từng là nạn nhân của những vụ lạm dụng tình dục.

Nhờ vận động tranh cử như vậy mà trái với mọi dự đoán, ông Duterte đã trở thành ứng cử viên có triển vọng đắc cử nhất và nhiều nhà phân tích đã so sánh ông với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Thật ra thì không hẳn là chỉ nhờ những tuyên bố mà Duterte đã qua mặt các ứng cử viên khác. Thị trưởng Davao đã khéo léo thể hiện mình như là một chính khách có thể đề ra những giải pháp để giải quyết cấp tốc mọi vấn đề cố hữu của Philippines như tình trạng tội phạm hay nạn nghèo đói.

Như nhận định nhà chính trị học Raon Casiple, được AFP trích dẫn hôm nay, Duterte đã trở thành biểu tượng của sự bất mãn, thậm chí của sự tuyệt vọng đối với những người đã đặt niềm tin vào giới lãnh đạo Philippines.

Kể từ khi nhà độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ năm 1986, Philippines, ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia, vẫn dưới sự điều hành của các gia đình, với sự hỗ trợ của giới tài phiệt. Hệ thống chính trị này càng khiến cách biệt giầu nghèo ở Philippines thêm nặng nề.

Tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino chính là sản phẩm đặc trưng của hệ thống chính trị đó. Trong thời gian cuối nhiệm kỳ, ông bị chỉ trích là đã thi hành một chính sách kinh tế có lợi cho người giàu. Kể từ khi ông Aquino lên làm tổng thống năm 2010, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Philippines đúng là đã đạt mức trung bình 6%. Nhưng một phần tư dân số của nước này vẫn sống dưới ngưỡng nghèo, như là cách đây 6 năm.

Nắm bắt tâm lý của những thành phần thấp cổ bé miệng, trong tuần này ông Duterte đã tuyên bố là là nếu Chúa cho làm tổng thống, ông sẽ “phục vụ người dân “, chứ không phục vụ thành phần đặc quyền đặc lợi.

“Liệu pháp” của thị trưởng Davao rất đơn giản : Muốn nhổ tận gốc nạn nghèo khó, thì phải tiêu diệt tội phạm. Mà muốn làm như thế thì không nên dựa vào hệ thống tư pháp nổi tiếng tham nhũng và không hiệu quả, mà chỉ cần ra lệnh cho cảnh sát bắn hạ mọi tên tội phạm.

Duterte khẳng định là trong vòng sáu tháng, Philippines sẽ giải quyết được cả hai vấn đề nói trên. Một lời hứa mà hàng triệu người Philippines sẳn sàng tin. Nhờ vậy mà theo kết quả thăm dò được công bố hôm nay, thị trưởng Davao vẫn về đầu, thu được đến 33% ý định bỏ phiếu, bỏ xa các đối thủ khác.

Trong khi đó, ông Manuel “Mar” Roxas, ứng cử viên được tổng thống mãn nhiệm Aquino ủng hộ, chỉ được 20% ý định bỏ phiếu, thua cả thượng nghị sĩ Grace Poe ( 22% ). Lý do chính vẫn là vì ông Manuel “Mar” Roxas bị xem là “không thương người nghèo”.

Thanh Phương

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160506-bau-cu-tong-thong-philippines-duerte-lam-dao-lon-ban-co

 

Nhật muốn Lào cùng tham gia vấn đề Biển Đông

Ngày 05/05/2016, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã hội đàm với thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Thông điệp của Tokyo là muốn hợp tác chặt chẽ với Viêng Chăn để giảm căng thẳng trên vấn đề Biển Đông.

Trong cuộc gặp tại Viêng Chăn, thủ tướng Thongluon đã nói với ông Kishadi rằng bản thân ông sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề. Trước đây, khi ở vị trí ngoại trưởng, ông đã cho biết Lào sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông một cách thân hữu, vì Lào là bạn bè thân thiết của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, việc Lào đứng giữa không hề đặt ra vấn đề.

Ông Thongluon được bầu làm thủ tướng Lào vào tháng trước. Lào đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2016.

Thủ tướng Lào theo dự kiến sẽ thăm Nhật vào ngày 26-27/05, nhân phiên họp mở rộng của nhóm G7 sẽ được tổ chức ở Shinma, miền trung Nhật Bản. Tại cuộc họp của nhóm G7 lần này, còn có lãnh đạo của các nước Bangladesh, Indonesia, Papua New Guinea, Sri Lanka và Việt Nam, và Cộng Hòa Tchad ở châu Phi.

Nhưng trong khi đó, quan hệ giữa Lào với Trung Quốc được thắt chặt thêm. Trong chuyến thăm Trung Quốc ba ngày của chủ tịch Lào ông Bounnhang Vorachit, kết thúc hôm qua 05/05 , nhiều thỏa thuận Lào-Trung đã được ký kết. Các thỏa thuận liên quan đến hợp tác kinh tế, kỹ thuật, và các chương trình trao đổi liên quan đến Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN được tổ chức ở Lào năm nay. Theo bộ Ngoại Giao Lào, lãnh đạo Lào-Trung đã tái khẳng định tăng cường hợp tác chiến lược và tương trợ, nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới.

Khánh Bình

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160506-nhat-muon-lao-cung-tham-gia-van-de-bien-dong

 

Nga-Trung tập trận chung để ngăn Mỹ triển khai THAAD

Ngay trước thềm đại hội đảng Lao Động Bắc Triều Tiên, sự kiện quan trọng nhất từ năm 1980, Trung Quốc và Nga đã thông báo tập trận chung vào tháng 05/2016. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu xích lại gần nhau hơn giữa hai cường quốc nhằm đối phó với quyết định triển khai hệ thống phòng chống tên lửa của Hoa Kỳ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt giải thích thêm :

« Đây là đợt tập trận quy mô nhất. Bộ trưởng Quốc Phòng Nga và Trung Quốc thông báo mục đích chính là các đội quân của hai nước luyện tập để đối phó với mọi cuộc tấn công tên lửa khiêu khích. Tuy nhiên, cả hai quan chức nhấn mạnh rằng cuộc tập trận này không « nhắm cụ thể tới bất kỳ quốc gia nào ».

Nhưng Washington hiểu thông điệp trên. Matxcơva và Bắc Kinh thể hiện sức mạnh để ngăn cản Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa trên bán đảo Triều Tiên. Cả hai nước đều phản đối kịch liệt hệ thống THAAD, có khả năng phá hủy tên lửa của Bắc Triều Tiên trên không trung, nhưng về lý thuyết, hoàn toàn có thể nhắm tới lãnh thổ của Trung Quốc và Nga. Theo phát biểu của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov, « việc triển khai hệ thống THAAD này tác động trực tiếp tới an ninh chiến lược của Trung Quốc và Nga ». 

Bước tiếp theo phụ thuộc vào Bắc Triều Tiên. Cả Mỹ, Nga và Trung Quốc theo dõi chặt chẽ thái độ của Kim Jong Un. Bắc Kinh, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng, dường như tỏ ra bất lực trong việc kìm hãm những tham vọng của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, hiện đang theo đuổi tới cùng chương trình hạt nhân của nước này ».

Thu Hằng

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160506-nga-trung-thong-bao-tap-tran-chung-de-ngan-my-trien-khai-he-thong-thaad

 

Thủ tướng Đức kêu gọi bảo vệ biên giới châu Âu

Rất nhiều lãnh đạo châu Âu đã đến Roma từ ngày 05/05/2016 để dự lễ trao giải thưởng Charlemagne cho giáo hoàng Phanxicô, được tiến hành vào cuối buổi sáng ngày 06/05 tại tòa thánh Vatican, vì những đóng góp của Ngài cho quá trình thống nhất châu Âu.

Ngay sau khi đến Roma vào hôm trước để tham dự sự kiện trên, thủ tướng Đức Angela Merkel đã làm việc với người đồng nhiệm Ý Matteo Renzi. Bà nhấn mạnh tới vấn đề nhập cư và ủng hộ việc bảo vệ đường biên giới của châu Âu.

Thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou từ Roma cho biết thêm chi tiết :

« ” Phải tránh quay lại khuynh hướng dân tộc. Bảo vệ đường biên giới, đó là thách thức đối với châu Âu “. Đây là thông điệp mà thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra chiều hôm qua tại Roma. Còn thủ tướng Matteo Renzi một lần nữa nhấn mạnh rằng cần phải khẩn cấp hành động từ gốc rễ của vấn đề, và giúp đỡ các nước xuất xứ của người di cư. 

Ông phát biểu : ” Cùng nhau làm việc để có cùng quan điểm trong thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỹ. Điểm thỏa thuận chính là phải đưa ra được một chiến lược đối với châu Phi, cũng như có một chiến lược khác đối với con đường Balkan. Chúng tôi ủng hộ một chiến lược mang tính dài hạn và Liên Hiệp Châu Âu phải đóng vai trò lãnh đạo “.

Tìm ra được một thỏa thuận với các nước xuất xứ của người di cư là điểm được Berlin chia sẻ và được thủ tướng Ý ủng hộ. Cả Ý và Đức đồng thuận về phương pháp mà thủ tướng Đức đã nhắc lại nhiều lần. Vấn đề quan trọng hiện cần giải quyết là tài chính. Và về chủ đề này, thủ tướng Matteo Renzi công nhận là vẫn còn nhiều bất đồng.

Theo nhà lãnh đạo Ý, từ đầu năm 2016, gần 26.000 người nhập cư đã đặt chân tới nước này ».

Thu Hằng

Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160506-thu-tuong-duc-keu-goi-bao-ve-duong-bien-chau-au-truoc-khuynh-huong-dan-toc

 

Tập Cận Bình lại chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc

Báo chí chính thức Trung Quốc hôm nay 06/05/2016 loan báo một số lượng đông đảo các nhà điều tra đã được điều thêm để trấn áp các vụ tham nhũng trong quân đội. Đây là dấu hiệu cho thấy ý đồ của chủ tịch Tập Cận Bình, một lần nữa muốn gia tăng quyền hành để thống lĩnh quân đội.

Mười ê-kíp thanh tra, vừa được Quân ủy Trung ương bổ nhiệm, sẽ điều tra trong 15 cơ quan chuyên môn và năm bộ tư lệnh quân khu của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (tức quân đội Trung Quốc).

China Daily cho biết, đây là lần đầu tiên Quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặt một đơn vị chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của mình.

Cho đến nay, ê-kíp chống tham nhũng vẫn được ban chỉ huy quân sự địa phương chọn lựa. Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) dẫn lời chuyên gia quân sự Song Zhongping cho rằng do thiếu độc lập nên họ hoạt động không hiệu quả.

Tập Cận Bình, chủ tịch Quân ủy Trung ương, tiến hành chiến dịch chống tham nhũng được tuyên truyền rầm rộ, đã đánh gục nhiều lãnh đạo cao cấp. Có thể kể : cựu bộ trưởng Công An Chu Vĩnh Khang đầy quyền lực, và khoảng năm chục chỉ huy quân đội, trong đó có tướng Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou), nguyên là các nhân vật số hai và số ba của Quân ủy Trung ương.

Theo các nhà phân tích, sau ba năm nỗ lực « làm trong sạch », việc tung ra một loạt các cuộc điều tra mới trong quân đội có thể là khởi đầu của một cuộc thanh trừng mạnh mẽ hơn nhắm vào lực lượng này, cho thấy Tập Cận Bình đang gặp những khó khăn khi muốn giới quân nhân phải quy phục.

Chuyên gia trên nhấn mạnh, các thanh tra mới đảm bảo rằng những mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương sẽ được « áp dụng tận lực ». Hoàn Cầu Thời Báo cho biết thêm, các điều tra viên này sẽ được luân chuyển sau vài năm để « tránh mọi sự thông đồng và tình trạng phe phái ». Ủy ban Thanh tra Kỷ luật của Quân ủy Trung ương được thành lập vào tháng Giêng với nhiệm vụ « xử lý các lãnh đạo cao cấp trong quân đội» và « thanh trừng » lực lượng này.
Các nhà điều tra trước đây đã đưa ra ánh sáng một hệ thống quy mô mua bán chức tước và thăng cấp bậc trong quân đội.

Quân đội Trung Quốc còn có được nhiều lợi ích thương mại lớn lao trong các ngành viễn thông, địa ốc, hậu cần hay dịch vụ y tế, những lãnh vực béo bở cho tham nhũng. Hồi tháng Ba, chính quyền đã ra lệnh cho quân đội chấm dứt « các dịch vụ có thu », tức hoạt động thương mại, trong kỳ hạn ba năm.

Thụy My

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160506-tap-can-binh-lai-chong-tham-nhung-trong-quan-doi-trung-quoc

 

Tập Cận Bình tấn công Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc

Là nơi ươm mầm các lãnh đạo, trong đó có thủ tướng Lý Khắc Cường, tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản danh giá nay dường như đã bị lọt vào tầm ngắm của chủ tịch Tập Cận Bình. Tình hình này cho thấy có thể đang diễn ra đấu đá nội bộ trên thượng tầng của chế độ Trung Quốc.

Được thành lập từ năm 1920 để phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin đến các thanh niên Trung Quốc tuổi từ 14 đến 28, Đoàn thanh niên Cộng sản, tổ chức thanh niên trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), xưa nay luôn là lò đào tạo những cán bộ tương lai cho Đảng.

Ngoài đương kim thủ tướng, người tiền nhiệm của Tập Cận Bình là cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào – nguyên bí thư Trung ương Đoàn – là biểu tượng thành công của phe Đoàn thanh niên, một tổ chức mà hầu như tất cả những người trẻ tuổi ở Trung Quốc phải gia nhập nếu muốn tiến thân.

Với 88 triệu đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn cũng có số lượng thành viên đông đảo như Đảng. Đoàn thanh niên thực sự là một phe trong ĐCSTQ, và theo truyền thống thì phe này có khuynh hướng cởi mở hơn là bảo thủ.

Nhưng Đoàn thanh niên Cộng sản Trung Quốc gần đây phải hứng chịu những cuộc tấn công liên tục, trong đó có những cảnh cáo từ chính tổng bí thư Đảng. Tập Cận Bình đang ra sức tăng cường quyền hành trên mọi phương diện, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng năm 2017, trong dịp này ông Tập sẽ được giao phó thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

Trong một thông cáo vào tuần rồi, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng vốn đầy quyền lực, đã lên án Đoàn thanh niên không hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản được Đảng giao cho : đó là tổ chức tuyên truyền giáo dục ý thức hệ nơi giới trẻ.

Đoàn phải tự kiểm thảo

Trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng – cơ quan do Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của Tập Cận Bình lãnh đạo – đã đăng tải một bản « tự kiểm thảo » dài dằng dặc của Trung ương Đoàn. Đoàn nhìn nhận là phải có « tinh thần trách nhiệm cao hơn và làm nhiệm vụ tốt hơn » để phục vụ yêu cầu của Đảng, cũng như « giới trẻ Trung Quốc nói chung ».

Việc tự kiểm chưa từng thấy này được công bố sau khi cuộc điều tra các hoạt động của Đoàn cho thấy đã có những vụ biển thủ công quỹ và mua bán chức quyền, theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo.

Các cáo buộc không thể kiểm tra được trên đây tung ra đúng vào lúc mà theo các nhà phân tích, nhằm phục vụ cho mục đích thực sự của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng : tăng cường vị trí của Tập Cận Bình trước Đại hội Đảng lần thứ 19. Trong dịp Đại hội, sẽ thay thế hầu như toàn bộ Thường trực Bộ Chính trị – cơ quan có quyền năng tối thượng – mà năm trong số bảy ủy viên thường trực sẽ về hưu.

Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan của trường đại học Tin Lành ở Hồng Kông nhấn mạnh : « Tung ra một cuộc điều tra về Đoàn thanh niên là hành động mang nặng tính chính trị. Chiến dịch này chắc chắn sẽ góp phần củng cố vị thế của Tập Cận Bình ».

Nhiều nhà nghiên cứu dự báo sẽ có một cuộc chiến giữa chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường trong việc chọn lựa các ủy viên thường trực mới, với mục đích bảo vệ vị trí của mình.

Ông Lâm Hòa Lập (Willy Lam), một chuyên gia khác về chính trị của trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, nhận định : « Tất cả cho thấy Tập Cận Bình cố gắng làm giảm sút ảnh hưởng của Đoàn thanh niên Cộng sản trước Đại hội ».

Ông cho rằng đối với Tập Cận Bình, tổ chức Đoàn là hiện thân của một « mối đe dọa chính trị ». Tương lai của Đoàn thanh niên có thể tóm gọn trong công thức « xúc tiến quan điểm chính trị và ý thức hệ đúng đắn nơi giới trẻ, và không còn là chiếc nôi cho những tài năng ».

Xung đột quan điểm

Sự thiếu minh bạch trong đời sống chính trị Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm, nên các chuyên gia đành phải quan sát kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ những sự kiện và hành động của giới chức cao cấp để tìm ra những chỉ dấu cho tương lai.

Ngược lại, những vụ tấn công liên tục vào Đoàn thanh niên Cộng sản trong những tháng gần đây lại mang một ý nghĩa rõ rệt.

Tháng Bảy năm ngoái, chính Tập Cận Bình đã chế nhạo tổ chức Đoàn, cho rằng quá « quý tộc ». Mỉa mai thay, sự tấn công này lại đến từ một « thái tử đảng » – cụm từ để chỉ con cái của các lãnh đạo cộng sản lão thành thuộc thế hệ trước. Tập Cận Bình là con của Tập Trọng Huân, một trong « Bát đại nguyên lão », cùng thời với Đặng Tiểu Bình.

Kể từ nay, Đoàn thanh niên phải « nghiên cứu sâu sắc và thấm nhuần tinh thần các bài diễn văn chính của tổng bí thư Tập Cận Bình » – theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng. Hồi tháng Hai, ủy ban này đã khiển trách tổ chức Đoàn vì đã lơi lỏng trong việc này.

Và theo Hoàn Cầu Thời Báo, Đoàn thanh niên sắp tới sẽ phải công bố « một kế hoạch chi tiết về cải cách tổ chức Đoàn ».

Đối với ông Hạ Phương Vệ (He Weifang), giáo sư luật thuộc trường đại học Bắc Kinh : « Cách nhìn của Tập Cận Bình về vai trò của Đoàn thanh niên Cộng sản rõ ràng là không giống như các lãnh đạo tiền nhiệm. Có sự xung đột quan điểm ở đây ».

Thụy My

Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160506-tap-can-binh-tan-cong-doan-thanh-nien-cong-san-trung-quoc