Tin khắp nơi – 06/02/2017
Hoa Kỳ cam kết bảo vệ đảo Senkaku cho Nhật
Nhật Bản cho hay hôm 6/02/2017, ba tàu hải tuần của Trung Quốc đã vào “vùng biển của Nhật Bản” gần các đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, sau phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis cam kết bảo vệ các đảo này cho Nhật.
Trước đó hai hôm, phát biểu tại Tokyo, ông Mattis nói Hoa Kỳ công nhận quyền quản lý nhóm đảo Senkaku tại biển Hoa Đông và các đảo này nằm trong phạm vi bảo vệ của hiệp ước quân sự Mỹ – Nhật.
Cùng thời gian, báo The Independent ở Anh đang đặt ra câu hỏi về chuyện nếu xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì bên nào sẽ bị thiệt hại hơn cả.
Thế chiến 3?
Báo The Independent trích lời giáo sư Trevor McCrisken, chuyên gia quan hệ quốc tế Đại học Warwick nói nếu xảy ra chiến tranh thì đó sẽ như là “Thế Chiến 3”.
Còn tiến sỹ Peter Roberts, Giám đốc chuyên về khoa học quân sự tại Viện nghiên cứu RUSI (Royal United Services Institute) ở London nói với The Independent:
“Hoa Kỳ sẽ bị thiệt hại quân sự, sẽ mất hàng nghìn quân nhưng Trung Quốc sẽ thảm bại. Nếu nước Mỹ tham chiến, họ sẽ giao chiến toàn diện, và với mức độ bạo lực chưa từng có.”
Hiện Hoa Kỳ có ưu thế trong cả bốn quân binh chủng: lục quân, thủy quân lục chiến, hải quân và không quân”, và họ được huấn luyện để phối hợp tác chiến, tiến sỹ Roberts nêu ra nhận định về khả năng thắng lợi quân sự chắc chắn của Mỹ.
Hoa Kỳ có ưu thế trong cả bốn quân binh chủng: lục quân, thủy quân lục chiến, hải quân và không quânPeter Roberts trên báo The Independent
Phía Trung Quốc, theo ông, hiện chưa có kinh nghiệm chiến đấu.
Còn giáo sư chuyên về Trung Quốc tại King’s College London, Kerry Brown cho rằng “ưu thế của Hải quân Mỹ là vượt trội”.
“Nếu có chiến tranh, Trung Quốc sẽ bị tổn thương hơn Hoa Kỳ…”
Nhưng ông cảnh báo chiến tranh sẽ ngăn các tuyến hải hành và dễ gây ra suy thoái toàn cầu, bất kể ai thắng về quân sự thì đó sẽ là cuộc chiến hai bên cùng thua (lose-lose).
Giáo sư Brown khuyên Trung Quốc “hành động có trách nhiệm hơn, bỏ đi chủ nghĩa phiêu lưu, còn Hoa Kỳ nên nhường không gian”.
Hôm 6/02, phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phát biểu trong chuyến đến Tokyo đã “khuấy động vấn đề ở châu Á và yêu cầu Washington “ngừng phát biểu như vậy”.
Quan điểm của Mỹ về Biển Đông
Thăm Hàn Quốc, ông Mattis nhấn mạnh lại cam kết an ninh cho Seoul và hai bên sẽ tiếp tục triển khai lá chắn tên lửa THAAD, chương trình bị Bắc Kinh phản đối.
Hàn Quốc và Hoa Kỳ nói THAAD nhằm bảo vệ miền Nam khỏi nguy cơ hỏa tiễn từ Bắc Triều Tiên.
Các báo quốc tế nhắc lại phát biểu của chiến lược gia trong Tòa Bạch Ốc, Stephen Bannon cách đây nửa năm về “chiến tranh phải đến tại Biển Đông” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Bannon, khi đó chưa có chức vụ trong chính quyền, phát biểu trên đài phát thanh rằng “trong 5 đến 10 năm nữa sẽ có chiến tranh” và Hoa Kỳ phải vào cuộc để ngăn Trung Quốc.
Trung Quốc đã xé nát niềm tin của các quốc gia trong vùngBộ trưởng James Mattis
Nay ông là chiến lược gia trưởng của Tổng thống Donald Trump.
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson khi trình bày trước Thượng viện Hoa Kỳ để nhậm chức cũng nêu khả năng Hoa Kỳ chặn Trung Quốc không cho vào các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Cũng trong chuyến thăm đến hai đồng minh Đông Bắc Á, ông James Mattis, cựu Tướng bốn sao của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, nói rất mạnh về Trung Quốc tại Biển Đông:
Ông cho rằng “Trung Quốc đã xé nát niềm tin của các quốc gia trong vùng, ra vẻ như có quyền phủ quyết đối với ngoại giao, an ninh và kinh tế của các nước láng giềng.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38879729
Trump kêu gọi kiểm tra biên giới ‘cẩn trọng’
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông khuyến cáo các quan chức biên phòng về việc kiểm tra người vào Mỹ “rất cẩn trọng”, trong lúc lệnh cấm đi lại vẫn bị tạm ngưng.
Ông cho biết Tòa phúc thẩm liên bang “làm khó việc này”, và sẽ bị khiển trách nếu có điều gì xảy ra.
Tòa phúc thẩm liên bang hôm 4/2 từ chối yêu cầu của chính quyền Trump đòi khôi phục lại lệnh cấm.
Lệnh cấm ảnh hưởng đến những người đến từ các quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo, đã bị thẩm phán liên bang ngăn chặn hôm 3/2.
Việc này nghĩa rằng chỉ thị của ông Trump sẽ vẫn bị treo và những người Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen có visa Mỹ sẽ được phép nhập cảnh vào Mỹ cho đến khi vụ việc được điều trần đầy đủ.
Tòa phúc thẩm cho Nhà Trắng và hai tiểu bang thách thức lệnh cấm của Tổng thống Trump hạn chót là hôm 6/2 để trình thêm các luận cứ.
Hôm 5/2, Tổng thống Trump tiếp tục chỉ trích Thẩm phán James Robart, người chặn lệnh cấm và bộ máy tư pháp.
Trong một loạt dòng tweet, ông Trump viết: “Tôi chỉ thị cho Bộ An ninh nội địa kiểm tra người vào nước Mỹ RẤT KỸ.”
“Không thể tin được một thẩm phán lại đặt nước Mỹ vào tình trạng nguy hiểm như vậy. Nếu có chuyện gì xảy ra hãy khiển trách ông ta và hệ thống tòa án. Người ta đổ vào Mỹ. Thật tệ!”
Tổng thống trước đó mô tả phán quyết của Thẩm phán Robart là “nực cười”, và nói ông này “người mang danh thẩm phán”.
‘Không thể vào Mỹ sau sắc lệnh của Trump’
Trong bản kháng cáo, Bộ Tư pháp lập luận rằng chỉ có Tổng thống mới có quyền quyết định ai có thể nhập cảnh hoặc ở lại Mỹ.
Hai tiểu bang thách thức lệnh cấm – Washington và Minnesota – lập luận rằng lệnh cấm này là vi hiến.
Nó cũng vi phạm quyền tự do tôn giáo khi nhắm mục tiêu người Hồi giáo, họ cho hay.
Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Washington nhận định: “Bước tiếp theo là hồ sơ phải được đệ trình bởi cả hai bên để xem xét chính thức việc Thẩm phán Judge Robart đình chỉ lệnh cấm hôm 6/2. Bộ Tư pháp có thể kháng cáo trực tiếp đến Tòa án Tối cao trong trường hợp khẩn cấp.
Nếu phiên điều trần quyết định việc treo lệnh cấm là hợp lệ, việc kháng cáo lên Tòa án Tối cao gần như sẽ xảy ra.
Trong khi đó, thủ tục di trú Hoa Kỳ tiếp tục như trước khi ông Trump ban hành sắc lệnh.
Nếu sắc lệnh gặp trở ngại, Tổng thống có thể sẽ sửa đổi thay vì cố bảo vệ tính hợp hiến của nó. Đó có thể là động thái khôn ngoan của ông”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38877568
Quốc tế muốn lập đoàn điều tra về nhân quyền Miến
Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch kêu gọi chính phủ Miến Điện ủng hộ ý kiến lập một đoàn điều tra quốc tế, để làm rõ hư thực những cáo buộc cho rằng binh sĩ và an ninh Miến đã có những hành động tàn bạo nhắm vào tập thể thiểu số Hồi Giáo Rohingya.
Trong thông cáo mới phổ biến sáng nay từ trụ sở trung ương ở New York, Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch cho biết đã nói chuyện với nhiều nạn nhân, thu thập được những bằng chứng cho thấy từ tháng Mười năm ngoái tới giờ, binh sĩ, an ninh Miến đã lợi dụng lý do truy lùng khủng bố để hãm hiếp, bắn giết, đốt nhà, cướp tài sản của người Rohingya cư ngụ ở bang Rakhine.
Thông cáo cũng viết rằng chính phủ Miến có trách nhiệm phải đưa những kẻ phạm pháp ra tòa xét xử, kể cả những viên chỉ huy đã để mặc cho nhân viên dưới quyền đàn áp người Rohingya.
Chính phủ Miến chưa nói gì về lời kêu gọi lập đoàn điều tra quốc tế.
Iran: Thử phi đạn ‘không phải là thông điệp’ cho ông Trump
Iran hôm thứ Hai nói vụ phóng thử phi đạn mới đây không có ý định gửi thông điệp hay “thử” tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Lý do là vì sau một loạt các tuyên bố chính sách, các giới chức Iran đã “biết khá rõ ông ấy”.
Tuần trước, Iran đã bắn thử một phi đạn đạn đạo mới, khiến Washington áp đặt một số biện pháp trừng phạt mới lên Tehran. Trên trang Twitter, ông Trump viết rằng Tehran đang “đùa với lửa”. Iran vốn đã cắt giảm chương trình hạt nhân theo một thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc thế giới để đối lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi được hãng thông tấn Tasnim trích lời nói: “Việc thử phi đạn của Iran không phải là một thông điệp gởi cho tân chính phủ Hoa Kỳ”.
Ông nói:
“Không cần phải thử ông Trump khi chúng ta đã nghe những quan điểm của ông ấy về các vấn đề khác nhau trong những ngày gần đây… Chúng tôi biết khá rõ về ông ấy”.
Iran đã bắn thử nhiều phi đạn đạn đạo kể từ thỏa thuận năm 2015, nhưng vụ thử mới nhất vào ngày 29/1 là vụ đầu tiên kể từ khi ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nói sẽ chặn chương trình phi đạn của Iran.
Ông Qasemi nhận định chính phủ Hoa Kỳ hiện “vẫn trong giai đoạn bất ổn” và những phát ngôn của ông Trump đầy “mâu thuẫn”.
Phát ngôn viên của Iran nói:
“Chúng tôi đang chờ đợi để xem chính phủ Hoa Kỳ sẽ hành động như thế nào trong các vấn đề quốc tế khác nhau để đánh giá về cách tiếp cận của họ”.
Bất chấp những lời lẽ căng thẳng giữa Tehran và Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis hôm thứ Bảy nói ông không xem xét đến việc tăng cường lực lượng Hoa Kỳ ở Trung Đông để giải quyết “những hành vi sai trái” của Iran.
Hôm thứ Hai, ông Hamid Aboutalebi, Phó chánh văn phòng của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, viết trên trang Twitter rằng chính phủ Hoa Kỳ “nên hạ giảm căng thẳng trong khu vực, không nên làm tăng thêm” và Washington nên “hợp tác với Iran” hơn là đối đầu với nước này.
Hôm thứ Bảy, Iran công bố sẽ cấp visa cho tuyển vật của Mỹ sẽ đến Iran tranh World Cup Vật Tự do. Thông báo này đảo ngược quyết định không cấp thị thực cho đội thể thao này của Mỹ để trả đũa lệnh của ông Trump cấm cấp thị thực cho công dân Iran.
http://www.voatiengviet.com/a/iran-thu-phi-dan-khong-phai-la-thong-diep-cho-ong-trump/3707966.html
Dự án tường thành biên giới Mỹ-Mexico
đụng phải rào cản pháp lý và hậu cần
SAN YSIDRO, CALIFORNIA —
Sắc lệnh xây tường thành dài 3.200 kilômét dọc biên giới Mỹ-Mexico của Tổng thống Donald Trump nay được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội để các nhà lập pháp quyết định liệu chính phủ liên bang sẽ tài trợ một phần cho dự án này hay không. Bộ trưởng Nội an John Kelly theo dự trù sẽ họp với một ủy ban của Hạ viện vào thứ Ba 7/2 để thảo luận về các kế hoạch bảo đảm an ninh biên giới ngắn hạn và dài hạn. Thông tín viên Ramon Taylor của đài VOA mới đây đã đến thăm miền nam bang California, nơi đã có một tường rào dọc theo biên giới với Mexico.
Nếu tường thành cao khoảng từ 10 đến 12 mét được xây dọc theo biên giới giữa Mỹ và Mexico như dự định của Tổng thống Trump, tường thành đó sẽ kéo dài suốt từ Vịnh Mexico cho đến bờ Thái Bình Dương ở phía tây.
Ông Enrique Morones là giám đốc của tổ chức Thiên thần Biên giới. Ông nói:
“Thật đáng buồn là nhiều người tìm cách vượt qua tường rào, bơi hay dùng mấy chiếc thuyền đánh cá nhỏ từ Thái Bình Dương vào, và đã chết đuối.”
Nhà sáng lập tổ chức Thiên thần Biên giới tích cực trợ giúp các di dân dọc biên giới phía nam của Mỹ. Có rất nhiều di dân bị chết khát trong sa mạc – nguyên nhân hàng đầu làm nhiều di dân thiệt mạng ở cả hai bên biên giới.
Ông Morones nói:
“Tường rào kiểm soát biên giới này từ năm 1994 đến nay đã dẫn đến cái chết của hơn 11.000 người. Biên giới Mỹ-Mexico dài khoảng 3.145 kilômét. Và một phần ba chiều dài đó đã có tường rào. Chỗ nào có thành phố là chỗ đó có tường rào.”
Tổng thống Trump nói tường rào biên giới là “hết sức cần thiết” để ngăn chặn di dân bất hợp pháp từ trung Mỹ vào Hoa Kỳ. Những nơi chưa có tường rào phần lớn là những nơi có địa thế hiểm trở. Những nơi đó được kiểm soát từ trên không.
Ông Ev Meade là giám đốc của Viện nghiên cứu Xuyên Biên giới. Ông nói:
“Nếu mọi người nghĩ rằng biên giới mở ngỏ hoàn toàn là không đúng. Đã có khoảng 1.000 km tường rào biên giới. Phần lớn tường rào đó rất kiên cố, bên cạnh đó còn có những rào cản thiên nhiên. Có nhiều nơi là những dãy núi có đỉnh cao đến 3.350 mét, chẳng hạn như ở khu vực Altar, một điểm vượt biên khá phổ biến ở Arizona. Địa hình ở đó cực kỳ hiểm trở.”
Cựu phó giám đốc sở cảnh sát thành phố San Diego, ông Sean Murphy cho biết kể từ khi có tường rào biên giới ở đây, số di dân bất hợp pháp băng qua biên giới ở nam California đã giảm xuống, nhưng họ di chuyển về phía đông:
“Đường đi của di dân bị đẩy sang khu vực sa mạc, và những tên đưa người lậu không quan tâm đến những nguy hiểm ở đó. Bọn chúng nói với những người vượt biên rằng: các anh đang ở trên đất Mỹ rồi, cứ theo hướng đó mà đi. Và rồi những người vượt biên chết vì khát, vì nóng và kiệt sức. Những tên đưa lậu người đó là những kẻ mà chúng ta muốn truy lùng.”
Dự định xây tường thành biên giới cho nửa chiều dài chưa có tường rào có thể sẽ tiêu tốn đến 25 tỉ đôla, theo như một nghiên cứu được báo Washington Post tổng hợp. Ước tính phí tổn xây tường rào được ông Trump đưa ra trong thời gian tranh cử là chưa tới một nửa con số đó.
Mỹ – Trung bất đồng về Đức Đạt Lai Lạt Ma
Một quan chức cấp cao của Trung Quốc vừa lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt sử dụng lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma để gây bất ổn cho Bắc Kinh, theo Reuters.
Tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời ông Chu Duy Quần, quan chức đứng đầu Ủy ban các vấn đề dân tộc và tôn giáo thuộc cơ quan cố vấn hàng đầu cho Quốc hội Trung Quốc, nói rằng việc làm của Mỹ sẽ không mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ mà thay vào đó, gây tổn hại cho quan hệ Bắc Kinh – Washington.
Đức Đạt Lai Lạt Ma bỏ chạy sang sống lưu vong ở Ấn Độ sau cuộc nổi dậy chống Trung Quốc bất thành năm 1959.
Bắc Kinh cáo buộc lãnh tụ tinh thần này tìm cách kích động người Tây Tạng ly khai, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma bác bỏ chỉ trích cho rằng ông kích động bạo lực, đồng thời tuyên bố chỉ đòi quyền tự trị cho Tây Tạng.
Đáp lại các câu hỏi bằng văn bản mới đây từ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, tân Ngoại trưởng Rex Tillerson có câu trả lời khẳng định, khi được hỏi rằng liệu ông có sẽ đón tiếp và gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma hay không.
Ông Tillerson cũng nói rằng ông sẽ tiếp tục khuyến khích đối thoại giữa Bắc Kinh và các đại diện của chính quyền lưu vong Tây Tạng và Đức Đạt Lai Lạt Ma, Reuters dẫn lời trang web thetibetpost.com đưa tin tuần trước.
Đáp lại, ông Chu nói với tờ Global Times rằng không thể có chuyện chính phủ Trung Quốc “đối thoại” với một nhóm bất hợp pháp nhằm tìm cách chia rẽ Trung Quốc.
Quan chức này cũng cho rằng những lời phát biểu của ông Tillerson cho thấy ông là người “hoàn toàn thiếu chuyên nghiệp” về các vấn đề liên quan tới Tây Tạng.
Ông Chu cũng tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi chính sách hỗ trợ phát triển xã hội Tây Tạng, hay sẽ không ngưng bảo vệ chủ quyền đối với khu vực này.
Trung Quốc không công nhận chính quyền lưu vong Tây Tạng ở Dharamsala, Ấn Độ.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-va-my-lai-bat-dong-ve-duc-dat-lai-lat-ma/3707091.html
Trung Quốc : Siêu cường số 1 trên biển về mặt dân sự ?
Trong bài « Trung Quốc xây dựng đế chế trên biển như thế nào ? », tuần báo Pháp Courrier International ngày 02/02/2017 ghi nhận việc , Bắc Kinh đã bỏ ra hàng tỷ đô la để xây dựng mạng lưới cảng và bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải mà tàu thuyền Trung Quốc sử dụng trên thế giới. Courrier International đã giới thiệu một phóng sự điều tra của nhật báo Anh Financial Times cho thấy rõ chiến lược Trung Quốc áp dụng để trở thành một siêu cường trên biển qua hai bước : kiểm soát mặt biển bằng các phương tiện dân sự, trước khi áp đặt quyền thống trị bằng Hải Quân. Theo tờ báo, bước một của Trung Quốc coi như đã hoàn thành.
Bài viết lấy khởi điểm từ cảng Gwadar, Pakistan, bên bờ biển Ả Rập, sát các con đường vận chuyển dầu hỏa nhập khẩu của Trung Quốc : tuyến đường này mà bị tắc nghẽn thì kể như nền kinh tế thứ hai thế giới bị nghẹt thở. Cảng này được Trung Quốc tài trợ, xây dựng và chiếm hữu đã trở thành một địa điểm chiến lược. Islamabad và Bắc Kinh từng cực lực chối cãi là không hề theo đuổi mục tiêu quân sự nào liên quan đến cảng Gwadar, cho đấy chỉ nhằm mục tiêu thương mại, thế nhưng mặt nạ đã bắt đầu rơi xuống.
Một viên chức ngoại giao ở Islamabad, thủ đô Pakistan, đã giải thích : « Với sự phát triển của Gwadar, việc các tàu Trung Quốc qua lại, thương thuyền cũng như tàu chiến, sẽ gia tăng trong khu vực. Dù không có dự án xây dựng một căn cứ Hải Quân Trung Quốc thường trực, nhưng quan hệ hai bên đang mở rộng qua lãnh vực biển ».
Thật ra thì Gwadar nằm trong một mô hình to lớn mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thiết kế để biến Trung Quốc thành một siêu cường trên biển. Cảng Gwadar còn nối liền với miền tây Trung Quốc bằng nhiều con đường trên bộ, đồng thời cũng nằm trong đề án « con đường tơ lụa mới » của Bắc Kinh.
Trung Quốc : Nhà điều hành hải cảng hàng đầu trên thế giới
Theo điều tra của Financial Times, Trung Quốc đã có rất nhiều tiến bộ trong việc thực hiện đề án này trong vòng 6 năm gần đây và nước này đã trở thành nhà điều hành hải cảng hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Nhờ đầu tư vào các cảng trên khắp thế giới, Trung Quốc đã trở nên những nhà quản lý và điều hành số một thế giới trong lãnh vực này. Các hãng hàng hải Trung Quốc chuyên chở ngày càng nhiều hàng hóa hơn bất cứ nước nào trên thế giới : 6 trong số 10 thương cảng quan trọng nhất trên thế giới đều nằm ở Trung Quốc, không kể đến Hồng Kông. Tuần duyên Trung Quốc có đội cảnh sát biển lớn nhất thế giới, lực lượng hải quân tăng mạnh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, và đội tàu đánh cá của họ không dưới 200.000 chiếc tung hoành trên biển khơi.
Sự vươn lên của Trung Quốc như một siêu cường biển cả không ngoài mục tiêu đối chọi lại ý muốn của Hoa Kỳ đóng vai trò thống trị trên biển cả, yếu tố thiết yếu để duy trì hòa bình mà phương Tây thừa hưởng từ sau Thế chiến Thứ II.
Hai mục tiêu của « mô hình Gwadar »
Theo bài nghiên cứu, quan niệm của Trung Quốc về ảnh hưởng trên biển không khác bao nhiêu với suy nghĩ của Alfred Thayer Mahan, một chiến lược gia Mỹ thế kỷ XIX, đã từng cho rằng : « Kiểm soát biển cả nhờ thế thượng phong thương mại và quân sự trên biển cho phép gây ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, không có gì hơn biển trong việc tạo điều kiện trên những trao đổi cần thiết, cho dù sự phồn thịnh của một lãnh thổ có như thế nào đi chăng nữa ».
Đối với Trung Quốc, « mô hình Gwadar » là bắt đầu bằng việc thâu tóm một căn cứ thương mại chiến lược nhờ kinh nghiệm thương mại và sức mạnh tài chính, để rồi sau đó chuyển sang mục tiêu quân sự. Mô hình này đã được sản sinh ở nhiều nơi trọng yếu khác.
Chẳng hạn như ở Sri Lanka, Hy Lạp hay Djibouti tại vùng Sừng Phi Châu, đầu tư của Trung Quốc đổ vào các cảng dân sự, nhưng tiếp theo đó lại có những bước triển khai hay viếng cảng của tàu Hải Quân Trung Quốc và cứ đều đặn như thế, đôi khi lại có thông báo về những đề án quân sự khẩn cấp.
Financial Times cũng trích chuyên gia Abhijit Singh, thuộc viện nghiên cứu Observer Research Foundation tại New Delhi nhận định : « Những cơ sở mà Trung Quốc thiết lập ở các cảng nước ngoài về căn bản nhằm hai mục tiêu : Ngoài bề mặt là các chức năng thương mại, thì chúng có thể nhanh chóng được cải thiện để phục vụ các nhiệm vụ căn bản về quân sự ». Theo chuyên gia này : « Trung Quốc rất giỏi trong việc âm thầm triển khai “quyền lực cứng” của họ ! »
Dữ liệu nghiên cứu của Financial Times đã cho thấy quy mô to lớn của sự thống trị của Trung Quốc trên hầu hết các lãnh vực liên quan đến biển.
Trung Quốc đã thống trị thế giới trên mặt vận chuyển container
Trong lãnh vực vận tải biển, các công ty Trung Quốc đã vận chuyển một lượng container lớn hơn bất kỳ nước nào khác Trong năm 2015, năm hãng vận tải lớn nhất Trung Quốc một mình kiểm soát 18% tổng số hàng chuyển vận bằng container mà 20 công ty vận chuyển lớn nhất toàn cầu chia nhau. Trung Quốc như vậy đã vượt qua Đan Mạch, quê hương của Maersk Line, hãng tàu chở container lớn nhất trên thế giới.
Về cảng container, thì Trung Quốc đã trở thành nước ấn định các luật lệ. Theo khảo sát của Financial Times, trong năm 2015, trong số 50 cảng container lớn nhất trên thế giới, gần hai phần ba đã nhận đầu tư của Trung Quốc, so với vỏn vẹn một phần năm trong năm 2010.
Theo cơ quan Lloyd’s List Intelligence, chuyên cung cấp thông tin về thương mại hàng hải, các cảng đó đã xử lý 67% lượng container toàn cầu, tăng 42% so với năm 2010.
Đầu tư của Trung Quốc vào ít nhất 50 vị trí chiến lược khắp nơi
Trung Quốc không chỉ đầu tư vào các cảng lớn nhất thế giới. Hàng chục cảng khác nhỏ hơn, trong đó có một số giữ một vị trí chiến lược cũng thu hút đầu tư Trung Quốc.
Đó là trường hợp của Djibouti, Hambantota ở Sri Lanka, Darwin tại Úc, đảo Maday ở Miến Điện, và các dự án đang nghiên cứu liên quan đến quần đảo São Tomé và Principe ở Đại Tây Dương, hoặc Walvis Bay ở Namibia.
Theo một nghiên cứu của Sam Beatson và Jim Coke, Viện Đại Học Hoàng Gia Luân Đôn, phối hợp với Financial Times, từ năm 2010, các công ty Trung Quốc và Hồng Kông đã ký thoả thuận hoặc loan báo việc ký kết hợp đồng trên ít nhất là 40 dự án cảng, trị giá tổng cộng khoảng 45,6 tỷ đô la. Ngoài ra còn có một chục thỏa thuận khác, trong đó có đảo Carey tại Malaysia và Chongjin ở Bắc Triều Tiên, nhưng không có chi tiết tài chính.
Để hoàn thành bức tranh về sự thống trị của đội tàu thương mại Trung Quốc, phải tính đến đội tàu cá hiện đông đảo nhất trên thế giới, theo một bài viết gần đây của Michael McDevitt, một cựu phó đô đốc Hải Quân Mỹ, hiện nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu chiến lược CNA của Mỹ.
Theo chuyên gia McDevitt : « Sức mạnh trên biển của Trung Quốc bao gồm nhiều thứ hơn là sức mạnh hải quân đơn thuần. Sức mạnh này bao gồm một lực lượng tuần duyên quan trọng và hữu hiệu, một đội thương thuyền và một hạm đội tàu cá có đẳng cấp thế giới, một ngành đóng tàu được công nhận trên toàn cầu và cuối cùng là năng lực thu hoạch hoặc khai thác các nguồn tài nguyên biển có lợi ích kinh tế to lớn, đặc biệt là cá ».
Chiến lược chuyển từ phòng thủ trên bờ qua tung hoành trên biển
Theo nhận xét của Financial Times, từ hàng nghìn năm qua, các hoàng đế Trung Quốc đã đặc biệt tập trung vào việc bảo vệ Trung Quốc trên đất liền… Nhưng vào năm 2015, một quyển Sách Trắng về chiến lược quân sự đã xác định một bước ngoặt, cho thấy các chuyển biến trong mục tiêu trên biển.
Các tác giả của tài liệu chính thức cho rằng kể từ nay, « cần phải dành ưu tiên cao nhất cho việc quản lý của các vùng biển và đại dương, và bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải ». Nhiệm vụ của Hải Quân Trung Quốc do đó phải là bảo vệ « sự an toàn của các tuyến giao thông trên biển và lợi ích của Trung Quốc mình ở hải ngoại ».
Một số nhà phân tích khẳng định rằng chiến lược hải quân của Trung Quốc có mục tiêu chủ yếu là ngăn không cho Hải Quân Mỹ tiếp cận một chuỗi đảo trải dài từ bán đảo Kamchatka ở Nga xuống bán đảo Mã Lai ở phía nam, một rào cản tự nhiên trên biển được mệnh danh là « chuỗi đảo thứ nhất », ranh giới xác định vùng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc ở bên trong.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170206-trung-quoc-sieu-cuong-so-1-tren-bien-ve-mat-dan-su
Pháp : Khởi động chiến dịch vận động tranh cử tổng thống 2017
Đảng Xã Hội, Mặt Trận Quốc Gia, Nước Pháp Bất Khuất hay phong trào Tiến Bước chính thức khởi động chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Pháp 2017. Riêng đảng Những Người Cộng Hòa vẫn lúng túng vì tai tiếng liên quan đến ứng cử viên François Fillon.
Chiều ngày 05/02/2017, trước 2.000 cảm tình viên tại rạp hát Mutualité- quận 5- Paris, Benoit Hamon chính thức được đề cử làm đại diện cho đảng Xã Hội mở rộng ra tranh cử tổng thống Pháp 2017. Sự kiện này diễn ra đúng một tuần lễ sau khi ông Hamon loại cựu thủ tướng Manuel Valls ở vòng 2 bầu cử sơ bộ bên cánh tả.
Trong hai ngày cuối tuần qua, thành phố Lyon được chọn là nơi để ba ứng viên tổng thống Pháp khởi động chiến dịch vận động tranh cử. Cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron, đại diện phong trào Tiến Bước- En Marche chưa đi sâu vào chi tiết chương trình hành động nhưng tuyên bố trước 10.000 cảm tình viên, ông vượt lên trên tranh cãi « tả hữu » truyền thống. Và hy vọng thu hút được cả cử tri của cả hai phía.
Trong khi đó bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN) trình bày gần 150 biện pháp cụ thể cho nhiệm kỳ tổng thống sắp tới nếu đắc cử. Cương lĩnh của đảng này là « nước Pháp trước tiên », tương tự như chủ trương của tổng thống Trump bên Hoa Kỳ.
Nhưng sự kiện được chú ý hơn cả là lần đầu tiên một chính khách Pháp, Jean Luc Mélenchon, sử dụng công nghệ mới « hologramme – ảnh ảo ba chiều » để hiện diện ở hai nơi, Lyon và Paris, cách xa nhau hàng trăm cây số.
Chương trình tranh cử của ứng viên cực tả, La France Insoumise – Nước Pháp Bất Khuất ít được mọi người quan tâm nhưng màn trình diễn hologramme của ông Mélenchon thu hút 12.000 cổ động viên ở Lyon và 6.000 người ở phòng hội Aubervilliers, ngoại ô phía bắc Paris.
Nhìn đến đảng Những Người Cộng Hòa –LR cánh hữu, ứng cử viên François Fillon tiếp tục đối mặt với tai tiếng bê bối tiền bạc, liên quan trực tiếp đến vợ và 2 con. Từ hơn mười ngày qua, chương trình vận động của ứng cử viên từng được coi là có nhiều triển vọng này đã hoàn toàn bị tê liệt. Chiều nay, François Fillon họp báo và trả lời đài truyền hình về những bước kế tiếp trong mùa tranh cử năm nay. Ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi Fillon bỏ cuộc, để đảng LR sớm chỉ định một ứng cử viên khác thay thế hòng cứu vãn uy tín của đảng.
http://vi.rfi.fr/phap/20170206-chinh-tri-phap-khoi-dong-chien-dich-van-dong-tranh-cu-tong-thong-2017
Phó tổng thống Mỹ
bênh vực sắc lệnh cấm nhập cư của Donald Trump
Sau quyết định của một thẩm phán Liên bang không cho áp dụng sắc lệnh cấm nhập cư đối với 7 nước, và kháng nghị nghị của Nhà Trắng bị bác bỏ, tổng thống Mỹ Donald Trump đã không giấu diếm sự tức tối. Hôm qua, 05/02/2017, phó tổng thống Mike Pence xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình Mỹ để giải thích về chiến lược của chính phủ trong lĩnh vực này.
Từ Washington, thông tín viên Anne Marie Capomaccio tường trình :
« Các luật sư đã kêu gọi thân chủ của mình tranh thủ khoảng thời gian không áp dụng sắc lệnh, để tới nước Mỹ. Về lý thuyết, quyết định của thẩm phán Robart và việc bác bỏ kháng nghị của chính quyền Washington sẽ cho phép công dân bảy nước, vốn là đối tượng của sắc lệnh cấm nhập cảnh, được vào nước Mỹ. Đó là chỉ thị của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Đối với các dân biểu, điều gây sốc nhất trong vụ việc này là phản ứng của tổng thống Donald Trump. Ông gọi thẩm phán Robart là một kẻ tự xưng là thẩm phán, và tuyên bố, vị thẩm phán này sẽ phải chịu trách nhiệm về việc để cho những kẻ có thể là khủng bố nhập cảnh nước Mỹ.
Hôm qua, phó tổng thống Mike Pence cố gắng giải thích những bình luận của tổng thống Donald Trump. Ông nói : Tổng thống hoàn toàn có quyền phê phán những trung tâm quyền lực khác. Chúng tôi vẫn thường xuyên làm như vậy. Trong trường hợp, này, vị thẩm phán đã ra một quyết định ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Đây là một quyết định làm cho tổng thống, chính phủ và hàng triệu dân Mỹ thất vọng.
Luật pháp của Mỹ rất phức tạp. Theo giải thích của giới chuyên gia, thẩm phán Robart dựa vào một phán quyết tương tự hồi năm 2015. Vào thời điểm đó, có một quyết định của tư pháp không cho áp dụng sắc lệnh của tổng thống Barack Obama muốn ngăn chặn trục xuất những người không có giấy tờ định cư hợp lệ, nhưng đã sống tại Hoa Kỳ từ hơn 5 năm. Sau đó là một cuộc chiến tư pháp kéo dài và Barack Obama đã thua ».
Mỹ-Nhật thử nghiệm thành công tên lửa chặn tên lửa
Theo đài truyền hình Mỹ CNN ngày 06/02/2017, Hoa Kỳ và Nhật Bản thử nghiệm thành công tên lửa bắn chặn tên lửa vào cuối tuần trước. SM-3 Block IIA được phóng đi từ một tàu khu trục của Mỹ ngoài khơi đảo Hawaii, với bài tập là chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung.
Đài truyền hình Mỹ trích dẫn thông cáo từ phía bộ Quốc Phòng Nhật Bản và cơ quan MDA của Hoa Kỳ cho biết vụ thử nghiệm đã diễn ra ngày 03/02/2017 đúng vào lúc bộ trưởng James Mattis đang có mặt tại Seoul và Tokyo.
Tên lửa SM-3 Block IIA do Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng chế tạo. Theo lời một giới chức quân sự Mỹ, đây là một bước tiến quan trọng đối với cả hai nước, cho phép « đôi bên cùng nâng cao khả năng phòng thủ trước những mối đe dọa ngày càng lớn bị tên lửa đạn đạo tấn công ».
Nhật Bản và Mỹ bắt đầu dự án hợp tác phát triển tên lửa từ năm 2006. Loại tên lửa chặn lửa SM-3 Block IIA được thiết kế để phóng đi từ các tàu có trang bị hệ thống radar Aegis của Mỹ. Đây là lần đầu tiên tên lửa mới này được bắn thử trên biển. Hai lần phóng thử từ mặt đất đã được tiến hành tại California –Hoa Kỳ vào năm 2015.
Aegis là hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo được Hải Quân Hoa Kỳ sử dụng, với những chức năng như theo dõi cùng lúc nhiều mối đe dọa, phát hiện mìn, ngư lôi, tàu ngầm, tên lửa chống hạm hay đạn đạo. Hải quân Nhật Bản và Hàn Quốc cùng được trang bị hệ thống Aegis của Mỹ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170206-my-nhat-thu-nghiem-thanh-cong-ten-lua-chan-ten-lua
Mỹ: Giới tin học đòi
tổng thống Trump hủy sắc lệnh cấm nhập cư
Nhiều tập đoàn công nghệ cao của Hoa Kỳ dự trù hôm nay (06/02/2017) gửi thư yêu cầu hủy sắc lệnh về di trú của tổng thống Donald Trump. Lý do là biện pháp này không thích hợp với mục đích tăng cường an ninh cho nước Mỹ, nhưng lại gây trở ngại cho hoạt động của các công ty. Apple, Google, Facebook, Twitter và Microsoft hay Yahoo cùng lên tiếng đánh động chủ nhân Nhà Trắng.
AFP trích dẫn nhiều nguồn tin xin được giấu tên vì cho tới hết ngày Chủ Nhật, các tập đoàn công nghệ tin học cao của Mỹ vẫn còn tiếp tục thảo luận về nội dung bức thư gửi đến tổng thống Donald Trump. Các bên tán đồng bộ An Ninh Quốc Nội và một bộ phận trong ngành tư pháp Hoa Kỳ tạm đình chỉ việc áp dụng sắc lệnh về di trú được ban hành hôm 27/01/2017.
Nhiều nhân viên có chuyên môn cao làm việc cho các hãng tên tuổi từ Apple đến Facebook, từ Google, đến Twitter, hay Microsoft, Yahoo là người nước ngoài. Chiếu khán của họ đã bị hoặc có nguy cơ bị hủy vì sắc lệnh nhập cư.
Ngoài việc yêu cầu tổng thống Trump hủy sắc lệnh đang gây nhiều tranh cãi này, các hãng tin học Mỹ cam kết sẵn sàng hỗ trợ chính quyền để tìm ra những biện pháp nhằm bảo đảm là nhân viên của họ không gặp trở ngại trong việc đi lại, gây cản trở đến công việc.
Hai tập đoàn lớn khác của Mỹ trong lĩnh vực phân phối là Expedia và Amazon đã ủng hộ chính quyền của tiểu bang Washington và Minnesota tiến hành thủ tục pháp lý, phản đối sắc lệnh di trú. Hậu quả là thẩm phán James Robart ngày 04/02/2017 đã quyết định cho phép những người có giấy tờ hợp lệ vào Mỹ.
Theo bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, giấy nhập cảnh của 60.000 người vốn bị đình chỉ do sắc lệnh của tổng thống Trump, nay lại có giá trị. Bộ An Ninh Quốc Nội của Hoa Kỳ cũng thông báo các thủ tục kiểm soát ở biên giới được áp dụng trở lại một cách bình thường.
Sắc lệnh nhập cư :
Tư pháp Mỹ tiếp tục thách thức Donald Trump
Mười ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm công dân bảy nước có đa số dân theo Hồi giáo vào nước Mỹ trong thời hạn 90 ngày, cuộc đọ sức giữa tư pháp và hành pháp vẫn tiếp tục. Hàng loạt di dân và sinh viên trong diện bị cấm, nhưng có visa hợp lệ nhân cơ hội sắc lệnh bị đình chỉ để bay sang hoặc hay trở lại nước Mỹ trước khi thắng bại được phân định.
Sắc lệnh di trú của nhà tỷ phú Donald Trump trong chiếc áo của tổng thống siêu cường tiếp tục bị công luận trong lẫn ngoài nước Mỹ công kích là kỳ thị và phân biệt đối xử. Đặc biệt, chính bên trong nước Mỹ, sắc luật bị xem là đi ngược lại truyền thống tự do và nhân đạo của Hoa Kỳ bị chống phá kịch liệt từ nhiều giới.
Trên mặt trận pháp lý, trận đấu diễn ra tại toà phúc thẩm liên bang San Francisco mà phần thua đầu tiên nghiêng về phía Nhà Trắng. Ngày Chủ nhật 05/02/2017, đơn kháng cáo của bộ Tư Pháp nộp vào chiều hôm trước, chống lại một phán quyết của thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle, tiểu bang Washington, đã bị toà phúc thẩm bác bỏ.
24 giờ trước, thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle , do tổng thống George W Bush bổ nhiệm, ra phán quyết đình hoãn sắc lệnh gây tranh cãi của tổng thống Donald Trump.
Như vậy, tân chủ nhân của Nhà Trắng bị thua keo đầu tiên. Công dân 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi ( Libya,Somalia,Iran, Irak, Syria,Yemen và Soudan) và dân tị nạn tiếp tục được sang Mỹ. Tuy nhiên, theo AFP, cánh cửa hé mở này có thể bị đóng lại nhanh chóng. Thật vậy, Donald Trump là một người đa mưu và không có thói quen nhượng bộ. Ông cho biết đã chỉ thị cho bộ An Ninh Quốc Nội « kiểm sóat nghiêm nhặt hơn những người đến Mỹ mà tư pháp làm công việc này trở thành rất khó khăn ».
Một cách chi tiết, tòa phúc thẩm liên bang San Francisco đòi hai bên xung khắc phải cung cấp thêm bằng chứng và lập luận. Kỳ hạn chót của hai tiểu bang Washington và Minnesota, bên nguyên đơn, vào lúc 11 giờ 59 phút đêm Chủ nhật 05/02/2017, giờ địa phương. Còn bộ Tư Pháp Mỹ thì đến trưa thứ Hai 06/02.
Chủ nhật, chính quyền Trump cử phó tổng thống Mike Pence đến các đài truyền hình để « giải thích và thuyết phục công luận về tính chính đáng của sắc lệnh nhằm bảo vệ Hoa Kỳ chống khủng bố ». Ông Mike Pence tuyên bố một cách tự tin : chính phủ sẽ thắng trên mặt trận pháp lý.
Phe chống đối cũng năng nổ huy động lực lượng biểu tình tại New York và ở các thủ đô Tây phương. Tại Mỹ, cựu ngoại trưởng Madeleine Albright (Dân Chủ) và cựu cố vấn an ninh Stephen Hadley (Cộng Hoà), trên đài truyền hình CNN, người thứ nhất chỉ trích tính chất « lừa dối và thiếu cơ sở » của sắc lệnh, còn người thứ hai nhấn mạnh đến « khuyết điểm chính trị của cách vận hành ».
Ngay trong các cuộc tranh tài thể thao hay trình diễn văn nghệ, điển hình là Cúp bóng bầu dục Super Bowl và đêm ca nhạc của Lady Gaga ngày Chủ nhật, đã tràn ngập thông điệp nhấn mạnh đến tinh thần bao dung và hào hiệp truyền thống của Hiệp Chủng Quốc.
Trong khi chờ đợi tòa phúc thẩm San Francisco ra phán quyết sau cùng với khả năng dây dưa, kẻ thua kéo người thắng lên tận Toà Án Tối Cao, bộ Ngoại Giao Mỹ mà trong nội bộ cũng chống lại Donald Trump, đã nhanh chóng xếp sắc lệnh nhập cư qua một bên. Hệ quả là khoảng 60.000 visa nhập cảnh bị đình chỉ đã được tái lập giá trị. Giới luật sư thúc giục thân chủ khẩn cấp lên máy bay còn các hãng hàng không quốc tế đón nhận lại hành khách từ 7 quốc gia trong danh sách đen trong các chuyến bay sang xứ « Nữ thần tự do » sau vài ngày gián đoạn.
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung bắt đầu?
Có hai công ty và hai công dân Trung quốc nằm trong danh sách 25 công ty và cá nhân bị Mỹ cấm vận vì buôn bán làm ăn với Iran.
Chính phủ Mỹ đưa ra danh sách này vào hôm thứ sáu nhằm mục đích siết chặt cấm vận lên Tehran sau khi Iran thử tên lửa đạn đạo.
Hai công ty này có trụ sở ở thành phố Thanh Đảo, và Ninh Ba miền duyên hải Trung quốc. Trên web site của hai công ty này người ta thấy họ xuất nhập khẩu các sản phẩm như lò đốt, ống nước, vỏ ruột xe gắn máy.
Những người đại diện của hai công ty này nói rằng họ không làm điều gì sai, vì chỉ xuất khẩu những sản phẩm bình thường phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của người dân mà thôi. Hiện nay những dịch vụ tài chính của họ với các ngân hàng Hoa Kỳ đã bị ngừng lại.
Bộ ngoại giao Trung quốc hiện chưa đưa ra lời bình luận nào về việc này, tuy nhiên trong quá khứ Bắc Kinh đã từng rất giận dữ khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên các công ty của họ có làm ăn với Bắc Hàn và Iran.
Xin được nhắc lại là Trung quốc là một trong những cường quốc đã thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và các cường quốc phương Tây cùng với Nga và Trung quốc.
Trong một diễn biến khác, vào ngày hôm qua, thứ bảy mùng 4 tháng hai, Bắc Kinh đã lên tiếng cáo buộc Washington vi phạm những luật lệ thương mại toàn cầu khi áp đặt mức thuế từ 63% đến 190% thép Trung quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố của Bộ thương mại Trung quốc đượcc hãng thống tấn nhà nhà nước Tân Hoa Xã trích lời thì Mỹ đã đối xử không công bằng với các công ty Trung quốc chỉ vì các công ty đó là các công ty nhà nước.
Được biết là cộng đồng châu Âu cũng áp đặt một mức thế lên đến 64,9% lên thép nhập khẩu từ Trung quốc.
Trung quốc là quốc gia sản xuất đến phân nửa lượng thép toàn cầu, nhưng do nền kinh tế phát triển chậm lại nên Trung quốc đã bán giá thấp lượng thép dư thùa và hành động này bị cho là phá giá. Bắc Kinh hứa là cho đến năm 2020 sẽ giảm một lượng thép sản xuất mỗi năm là từ 100 đến 150 triệu tấn trong tổng số 1 tỉ hai trăm triệu tấn hiện nay.
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/us-china-trade-war-02052017083640.html