Tin khắp nơi – 05/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 05/12/2016

Thủ tướng Ý từ chức

ngay sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý

Anh Vũ

Ngay sau khi có kết quả đa số cử tri Ý bác bỏ dự định cải cách hiến pháp của ông trong cuộc trưng cầu dân ý hôm qua, sáng sớm hôm nay, 05/12/2016, thủ tướng Matteo Renzi đã thông báo từ chức.

Trong chương trình truyền hình trực tiếp từ phủ thủ tướng sáng nay, ông Matteo Renzi tuyên bố : “Tôi đã thua, trải nghiệm lãnh đạo chính phủ của tôi dừng lại ở đây”.

Như vậy là sau hơn 1000 ngày lãnh đạo đất nước, vị thủ tướng 41 tuổi, trẻ nhất trong lịch sử nước Ý đã phải rời khỏi chính trường, vì thất bại rõ rệt ở cuộc trưng cầu dân ý ngày 04/12/2016 về ý định cải tổ Hiến pháp.

Gần 60% cử tri đi bầu đã không chấp nhận dự thảo cải cách Hiến pháp của ông Matteo Renzi, dự kiến thu hẹp quyền của Thượng viện, giới hạn đặc quyền của cấp vùng.

Đa số trong chính giới, từ cánh hữu truyền thống, cho đến các đảng phái dân túy như Phong trào 5 sao ( M5S), hay đảng Liên đoàn Phương Bắc và cả không ít các thành phần chống đối ngay trong đảng Dân Chủ (PD) của ông Renzi đã vận động cử tri bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu dân ý, với lý lẽ là nội dung cải cách hiến pháp sẽ tập trung quá nhiều quyền lực trong tay lãnh đạo chính phủ.

Ông Matteo đã phải trả giá cho thất bại này bằng chức thủ tướng mà ông nắm giữ từ cuối tháng 2 năm 2014. Nhưng điều nghiêm trọng hơn là chính trường nước Ý bị chia rẽ.

Tổng thống Sergio Mattarella, một nguyên thủ quốc gia có quyền hành hạn chế, trong thời gian tới sẽ phải đóng vai trò quyết định. Các đảng đối lập và các phong trào dân túy hoặc chống châu Âu đòi tổng thống cho bầu cử trước thời hạn. Ngay trong tuần này, tổng thống phải chỉ định một một chính phủ lâm thời để xử lý thường vụ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161205-thu-tuong-y-tu-chuc-ngay-sau-that-bai-trong-cuoc-trung-cau-dan-y

 

Trưng cầu dân ý về Hiến Pháp Ý:

Cử tri ồ ạt bỏ phiếu chống chính quyền

Trọng NghĩaHuê Đăng

Trong cuộc trưng cầu dân ý về cải tổ Hiến Pháp nước Ý ngày 04/12/2016, cử tri đã nô nức đi bầu và kết quả rất dứt khoát : câu trả lời NO – “không đồng ý” – đã chiến thắng với gần 60% số phiếu. Hệ quả tức thời : người chủ trương cải tổ là thủ tướng Matteo Renzi đã lập tức tuyên bố từ chức, đẩy chính trường Ý vào tình trạng bất ổn quen thuộc.

Theo thông tín viên Huê Đăng tại Roma, khi ồ ạt bỏ phiếu bác bỏ đề nghị sửa đổi Hiến Pháp, người dân Ý thực ra muốn thể hiện thái độ bất bình với chính quyền đương nhiệm, và nhất là với thủ tướng Matteo Renzi.

Thông tín viên Huê Đăng tại Rôma05/12/2016 – Trọng NghĩaNghe

Huê Đăng : Sau vụ bầu cử vừa rồi ở Mỹ bây giờ đến trưng cầu dân ý ở Ý : tất cả các cuộc thăm dò ý kiến đều đoán sai các kết quả bầu cử. Theo các cuộc thăm dò ý kiến, nếu tỷ lệ đi bầu cao thì câu trả lời “SI” (đồng ý với các đề luật sửa đổi Hiến Pháp) có khả năng thắng. Thế nhưng hôm qua con số cử tri đi bỏ phiếu lên đến gần 70%, tỷ lệ tham gia cao nhất ở Ý kể từ hơn hai thập niên trở lại đây, và kết quả là “NO” vẫn thắng với tỉ số 59,1%, và thắng lớn, vì “SI” bị bỏ rơi ở 40,9%.

Yếu tố nổi bật trong cuộc bầu cử lần này là con số cử tri đi bầu cao, nhưng không phải để bày tỏ ý kiến trên nội dung của các đề nghị sửa đổi hiến pháp, mà là để bày tỏ thái độ đối với chính phủ, và nhất là đối với cá nhân Thủ tướng Matteo Renzi. Và kết quả cho thấy là đa số phản đối chính phủ.

Riêng với Matteo Renzi, đây là một cú đo ván chính trị nặng nề vì chính ông ngay từ lúc đầu của cuộc tranh cử, đã quá tin tưởng vào uy tín cá nhân của mình nên đã nâng cuộc trưng cầu dân ý lên thành một cuộc đầu phiếu để khẳng định thêm uy tín chính trị. Với tỷ lệ cử tri đi bầu cao gần đến 70% thì không thể nào phủ nhận hay chối cãi sự thất bại chính trị của ông Matteo Renzi.

RFI : Cử tri như anh nói, đã tích cực tham gia cuộc trưng cầu dân ý để tỏ thái độ phản đối thủ tướng Renzi. Và như vậy là nhân vật này đã biết rút ra kết luận ?

Huê Đăng : Trước khi nói đến phản ứng dư luận thì cần phải nói đến phản ứng của giới chính trị, và đặc biệt là ngay sau khi vừa có kết quả bầu cử Thủ tướng Matteo Renzi đã lấy quyết định từ chức với tuyên bố : “Tôi nhìn nhận mình đã thất cử, và chính phủ do tôi lãnh đạo chấm dứt ở đây”.

Về mặt hiến pháp không có một sự liên kết nào giữa kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý với “sinh mạng” của chính phủ. Chính Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella – nhân vật hiện nay sẽ đóng vai trọng tài để tìm giải pháp sau khi Renzi từ chức – từ trước đến nay vẫn chủ trương dù kết quả bầu cử như thế nào đi nữa thì cũng ráng giữ ổn định chính trị, và đã tuyên bố rằng không thể nào ví một cuộc trưng cầu dân ý như là một cuộc bầu cử chính trị.

Tuy nhiên, dù muốn dù không hệ lụy chính trị của kết quả bầu cử quá lớn và bản thân của Matteo Renzi cũng không thể nào chấp nhận tiếp tục “sống mòn”, cho dù Tổng thống Sergio Mattarella sẵn sàng đưa ra lá bài “chính phủ Renzi bis”.

RFI : Anh giải thích sao về nguyên nhân khiến cử tri ồ ạt bỏ phiếu “NO” như vậy?

Huê Đăng : Như vừa nói, cuộc trưng cầu dân ý về các đề luật cải tổ hiến pháp đã bị biến dạng thành một cuộc bầu cử chính trị, hay tệ hơn, là một cuộc phổ thông đầu phiếu để bày tỏ thái độ đối với chính phủ, và nhất là để xác định lại uy tín của cử tri dành cho cá nhân thủ tướng Matteo Renzi. Chỉ cần xem tỷ lệ cử tri đi bầu lên đến gần 70%, con số cao nhất trong khoảng hai thập niên trở lại đây, và cao như thế chỉ có trong các trường hợp bầu cử chính trị như bầu Quốc Hội, bầu Hội Đồng Thành Phố hay hàng tỉnh, hàng vùng.

Đa số cử tri khi bỏ phiếu “NO” chỉ là để bày tỏ thái độ của mình đối với chính phủ. Trong một bối cảnh chung trên thế giới trong đó các xu hướng chính trị dân túy đang “trỗi dậy” nhiều nơi, thì hầu như tất cả các cơ chế cầm quyền nhà nước dễ bị gộp vào chữ “establishment”, vào một thứ đẳng cấp cầm quyền, chỉ lo gìn giữ quyền lực và không màng đến những bất cập, khó khăn của xã hội, nhất là đối với những thành phần lao động nghèo khó, và giới trẻ không có khả năng hội nhập vào guồng máy kinh tế vì không tìm ra việc làm. Do đó các lực lượng dân túy đã cỡi làn sóng bất bình của đa số cử tri, chống lại các “quyền lực”.

Thêm vào đó, tình hình kinh tế khó khăn từ năm 2008, và tiếp theo là các chính sách thắt lưng buộc bụng của Châu Âu đã gây thêm những khó khăn về kinh tế xã hội cho nhiều nước Châu Âu, trong đó có Ý.

Dĩ nhiên, ở đây không ai phủ nhận những sai lầm của chính ông Renzi, nhất là khi ông ta là người đầu tiên đã biến cuộc trưng cầu dân ý trở thành một cuộc đầu phiếu xác định uy tín chính trị của ông ta, thậm chí ông ta cũng đã hy vọng rằng nếu “SI” thắng, ông ta sẽ càng có thêm sức mạnh để giải quyết những chia rẽ trong nội bộ của đảng Dân Chủ.

RFI : Tình hình chính trị nước Ý trong những ngày sắp tới có thể chuyển biến ra sao ?

Huê Đăng : Trước mắt ông Renzi đã từ chức. Theo Hiến Pháp thì người đứng ra “cầm cán” để nghiên cứu các khả năng để có thể lập ra chính phủ mới là tổng thống Sergio Mattarella. Thực ra thì theo các thông tin rò rỉ từ nhiều ngày nay, chính phía tổng thống cũng đã hình dung ra được tình huống này, nên đã có những kế hoạch đề phòng.

Trước khi nói đến những kịch bản có thể có, cần phải nhấn mạnh đến một điểm then chốt là tổng thống Sergio Mattarella muốn giữ ổn định chính trị cho nước Ý bằng mọi giá, tránh tối đa khả năng bế tắc có thể xảy ra. Ông cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng không thể nào xem kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý như là một cuộc bầu cử chính trị ảnh hưởng đến sinh mạng của chính phủ. Bản thân Tổng thống Mattarella cũng không phủ nhận từ đầu khả năng một chính phủ “Renzi bis”.

Nhưng chắc chắn là ngay chính Matteo Renzi sẽ không chấp nhận một chính phủ như thế vì lý do chính trị : Renzi không muốn tiếp tục ngồi lại trong một chính phủ để rồi trở thành mục tiêu công kích thường trực của các lực lượng đối lập, nhất là của các lực lượng dân túy và của các phe phái thiểu số ngay trong đảng Dân Chủ, các lực lượng này sẽ lớn tiếng tố cáo Renzi là “tham quyền cố vị”. Và cùng với những khó khăn kinh tế hằng ngày, uy tín chính trị của Renzi vốn đã xuống thấp, chắc chắn sẽ bị sói mòn tận gốc rễ, và như thế cho đến khi bầu cử Quốc Hội mới vào mùa xuân 2018 thì Renzi sẽ chẳng còn uy tín nào để có thể ra ứng cử.

Kịch bản Chính quyền Renzi mà không có Renzi

Như thế, trước mắt báo chí đang nói đến một kiểu “chính phủ Renzi mà không có Renzi”: cụ thể là một bộ trưởng nào đó của chính phủ Renzi có uy tín cao sẽ có thể đứng ra lập nội các mới : mục tiêu là để ổn định chính trị và nhất là để giữ chặt các quan hệ với Châu Âu.

Về mặt này thì nhân vật có khả năng nhiều nhất là bộ trưởng Kinh Tế Pier Carlo Padoan, người vừa có uy tín trong chính phủ, vừa là một nhà kinh tế đã từng làm việc trong các tổ chức Châu Âu, chẳng hạn như đã từng giữ chức vụ Phó Tổng Thư Ký của tổ chức OCSE. Như thế thì có thể tình hình chính trị sẽ tiếp tục có được ổn định và nhất là các quan hệ với Châu Âu sẽ không bị xáo trộn. Nhưng đó mới chỉ là một kịch bản, trong những ngày sắp tới sẽ còn có nhiều kịch bản khác.

Dĩ nhiên là các lực lượng đối lập như Phong Trào 5 Sao của hề Grillo đã lớn tiếng ca bài ca chiến thắng và tuyên bố là sẳn sàng đứng ra lập nội các mới. Nhưng đó chỉ là những khẩu hiệu khích động cử tri nhiều hơn là một kích bản chính trị, vì nếu Phong Trào 5 Sao muốn lập chính phủ, thì trước mắt Tổng thống Mattarella phải quyết định giải tán Quốc Hội trước nhiệm kỳ, cho đi bầu lại Quốc Hội mới, và nhân đó, Phong Trào 5 Sao mới có thể có hy vọng cỡi làn sóng bức xúc của cử tri thừa thắng xông lên chiếm được đa số trong Quốc Hội mới.

Nhưng khả năng giải tán Quốc Hội chỉ nằm trong tay của Tổng thống Mattarella, và chính ông đã tuyên bố là muốn giữ ổn định chính trị, nên kịch bản giải tán Quốc Hội rất khó xảy ra.

Phía Berlusconi thì ông ta đã lợi dụng thời cơ, tuyên bố rằng ông ta sẳn sàng tham gia một chính phủ đại đoàn kết chung với đảng Dân Chủ, mục tiêu là để trở lại cầm quyền. Nhưng đây không phải là một kịch bản có thể, mà chỉ là một ảo tưởng của chính Berlusconi, vì ngay trong nội bộ đảng Forza Italia và nhất là trong liên minh trung hữu, cũng đang có những chia rẽ sâu sắc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161205-trung-cau-dan-y-ve-hien-phap-y-cu-tri-o-at-bo-phieu-chong-chinh-quyen

 

Liên Hiệp Quốc

thảo luận nghị quyết về ngừng bắn tại Aleppo

Anh Vũ

Theo AFP, hôm nay 05/12/2016, tại New York Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thảo luận và bỏ phiếu về đề xuất ngừng bắn 7 ngày tại Aleppo để cứu trợ nhân đạo có thể đến với thường dân đang bị mắc kẹt trong vòng chiến sự. Nhiều khả năng nghị quyết bị Nga bác bỏ.

Dự thảo nghị quyết về ngừng bắn mới tại Aleppo do các nước Ai Cập, New Zeland và Tây Ban Nha đề xuất sau khi đã có nhiều cuộc thương lượng với Nga. Tây Ban Nha là nước vừa nắm cương vị chủ tịch Hội Đồng Bào An trong tháng 12.

Dự thảo nghị quyết này đề nghị thời hạn ngừng bắn 7 ngày nhằm đáp ứng cho các hoạt động nhân đạo khẩn cấp cho hàng chục nghìn người dân trong khu vực phía đông Aleppo do quân nổi dậy chiếm giữ, hiện đang bị quân đội chính phủ dưới sự hỗ trợ của không quân Nga thắt chặt vòng vây.

Hôm nay , trong một cuộc họp báo, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã chỉ trích dự thảo nghị quyết về ngừng bắn tại Syria này là một sự khiêu khích phá hỏng những nỗ lực của Nga và Mỹ. Ông Lavrov cũng thông báo Mỹ và Nga đã nhất trí gặp nhau tại Genève sớm nhất vào ngày mai để thảo luận về việc rút quân nổi dậy ra khỏi khu phía đông Aleppo. Theo ngoại trưởng Nga, chỉ khi nào quân nổi dậy rút khỏi Aleppo thì lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực.

Trong khi đó, Canada đã thay mặt 74 quốc gia thành viên đề nghị Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc triệu tập phiên họp toàn thể để bỏ phiếu thông qua nghị quyết tập trung vào vấn đề cứu trợ nhân đạo cho Aleppo. Có thể phiên họp sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Khác với Hội Đồng Bảo An, ở Đại Hội Đồng không có phiếu phủ quyết nhưng các quyết định lại không mang tính ràng buộc.

Tại hiện trường, theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, quân đội chính phủ Damas tiếp tục tiến quân vào trong các khu phố do quân nổi dậy chiếm giữ tại phía đông thành phố Aleppo. Hiện quân chính phủ kiểm soát khoảng 60% Aleppo.

Ít nhất 311 thường dân trong đó có 42 trẻ em đã bị thiệt mạng tại khu phía đông Aleppo từ khi quân đội của tổng thống Bachar al Assad mở tấn công hôm 15/11. Các cuộc giao tranh khốc liệt đã đẩy hơn 5 chục nghìn người dân ở đông Aleppo chạy lánh nạn trong thảm cảnh nhân đạo.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161205-lien-hiep-quoc-thao-luan-nghi-quyet-ve-ngung-ban-tai-aleppo

Hàn Quốc:

Lãnh đạo các đại tập đoàn điều trần trước Quốc Hội

Thùy Dương

Hôm nay 05/12/2016, tại Hàn Quốc bắt đầu diễn ra một loạt phiên điều trần chưa từng có trước Quốc Hội của llãnh đạo các đại tập đoàn. Các phiên điều trần này liên quan tới vụ bê bối tham nhũng đang nhấn chìm tổng thống Park Geun Hye, hiện có nguy cơ bị phế truất.

Theo hãng tin Pháp AFP, những nhà lãnh đạo quyền lực của các tập đoàn gia đình nổi tiếng, hay còn được gọi là các “chaebol”, chẳng hạn như Samsung và Hyundai, sẽ nằm trong số những người bị thẩm vấn trong khuôn khổ một cuộc điều tra của Quốc Hội Hàn Quốc, trước khi Quốc Hội bỏ phiếu phế truất tổng thống vào thứ Sáu 09/12/2016.

Vụ bê bối liên quan tới người bạn thân tín « trong bóng tối » Choi Soon-Sil của tổng thống Park Geun-Hye. Bà Choi Soon-Sil bị cáo buộc lạm dụng quyền lực để « ăn chặn » gần 70 triệu đô la mà các tập đoàn đóng góp vào hai quỹ bị coi là « đáng ngờ ». Còn tổng thống Park Geun-Hye bị cáo buộc tiếp tay cho bà Choi.

Bà Choi Soon-Sil đã bác bỏ tất cả các cáo buộc, nhưng bà sẽ bị thẩm vấn vào thứ Tư 07/12. Đây sẽ là phiên thẩm vấn công khai đầu tiên kể từ đầu vụ bê bối tới giờ.

Còn ngày mai 06/12, các nhà điều tra của Quốc Hội sẽ thẩm vấn nhiều nhà lãnh đạo của các công ty lớn, trong đó có ông chủ tập đoàn khổng lồ Samsung, Lee Jae-Yong, chủ tịch Chung Mong-Koo của tập đoàn Hyundai và bảy người đứng đầu các tập đoàn công nghiệp khác như LG, Lotte …

Những ông chủ tập đoàn đó nằm trong số những người giàu nhất và có thế lực nhất Hàn Quốc, nhưng vụ bê bối Choi Soon-Sil cho thấy  người dân Hàn Quốc cho rằng đặc quyền và ảnh hưởng sâu rộng của những người này đã khiến kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng chậm.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161205-han-quoc-tang-lop-tinh-hoa-kinh-doanh-phai-dieu-tran-truoc-quoc-hoi

 

Pháp : Thủ tướng Manuel Valls ra tranh cử tổng thống

Thanh Phương

Vào cuối chiều nay, 05/12/2016, thủ tướng Pháp Manuel Valls loan báo ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm tới, gia nhập hàng ngũ các ứng viên bên cánh tả, giành quyền đại diện ra tranh vị trí nguyên thủ quốc gia với cánh hữu và phe cực hữu.

Việc thủ tướng Valls ra tranh cử tổng thống đã được xem là chắc chắn kể từ khi tổng thống François Hollande ngày 01/12 vừa qua thông báo sẽ không ứng cử cho nhiệm kỳ hai.

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận được đăng trên tờ Journal du Dimanche hôm qua, thủ tướng Manuel Valls, 54 tuổi, gốc Tây Ban Nha, là nhân vật được các cảm tình viên cánh tả ủng hộ nhiều nhất để đại diện Đảng Xã hội ra tranh cử tổng thống. Nhưng là một nhân vật bị chỉ trích là độc đoán, mà lại có lập trường thân giới doanh nghiệp, chủ trương một Nhà nước thế tục cứng nhắc, ông Manuel Valls gặp sự chống đối của một bộ phận trong Đảng Xã hội.

Để giành quyền đại diện ra tranh cử tổng thống, ông Valls sẽ tham gia bầu cử sơ bộ bên cánh tả do Đảng Xã hội tổ chức trong 2 ngày 22 và 29/01/2017. Nhưng nếu vượt qua được bầu cử sơ bộ này, thủ tướng Manuel Valls sẽ còn phải đấu với hai nhân vật khác là ông Jean-Luc Mélenchon, theo xu hướng cực tả và cựu bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, nghiêng về cánh trung nhiều hơn. Cả hai người này đều không chịu tham gia bầu cử sơ bộ.

Trong tình trạng bị chia rẽ nặng nề như vậy, gần như chắc chắn là ứng cử viên cánh tả sẽ bị loại trong vòng đầu bầu cử tổng thống Pháp năm tới. Kết quả các cuộc thăm dò đều cho thấy là ứng cử viên cánh hữu François Fillon và lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen sẽ lọt vào vòng hai.

Ra tranh cử tổng thống, ông Manuel Valls sẽ buộc phải từ chức thủ tướng. Trong số những nhân vật có thể được chọn thay thế ông Valls, có các bộ trưởng như Bernard Cazeneuve ( Nội vụ ), Jean-Yves Le Drian ( Quốc phòng ), Stéphane Le Foll ( Nông nghiệp ), Marisol Tourraine ( Y tế ) hay Najat Vallaud-Belkacem ( Giáo dục ).

http://vi.rfi.fr/phap/20161205-phap-thu-tuong-manuel-valls-ra-tranh-cu-tong-thong

 

Điện đàm với Trump, tổng thống Đài Loan thắng lớn

Thanh Phương

Với cú điện thoại cho tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump ngày 02/12, nữ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã giành được một chiến thắng ngoại giao ngoạn mục. Cú điện thoại chỉ kéo dài khoảng hơn 10 phút, nhưng khi trực tiếp điện đàm như vậy với tổng thống Đài Loan, tổng thống tân cử Donald Trump đã làm trái với chính sách của Hoa Kỳ kể từ năm 1979, đó là chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất, mà Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời.

Nói cách khác, với cú điện thoại nói trên, chưa bao giờ Đài Bắc tiến gần như thế đến việc được Washington công nhận chính thức, đồng thời thu hút sự chú ý của quốc tế đến hòn đảo mà từ bao năm qua vận hành như là một quốc gia dân chủ, độc lập, nhưng vẫn bị cô lập trên trường quốc tế.

Theo văn phòng tổng thống Đài Loan, trong cuộc điện đàm với ông Donald Trump, bà Thái Anh Văn đã nhờ Hoa Kỳ giúp cho Đài Loan được “tham gia” và “đóng góp” nhiều hơn vào các hồ sơ quốc tế. Chủ trương của tổng thống Thái Anh Văn là Đài Loan đóng vai trò lớn hơn trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, cũng như của các tổ chức quốc tế. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn gây áp lực lên các nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (tổng cộng 170 nước, so với Đài Loan chỉ được 22 quốc gia công nhận), để ngăn chận các nỗ lực của chính quyền Đài Bắc nhằm có một chổ đứng vững chắc hơn trên trường quốc tế.

Trong cuộc điện đàm nói trên, tổng thống Thái Anh Văn cũng muốn Đài Loan được Hoa Kỳ trợ giúp nhiều hơn về mặt quân sự để có thể phòng thủ chống Trung Quốc. Mặc dù cắt đứt bang giao với Đài Bắc từ năm 1979, nhưng Washington vẫn bán nhiều vũ khí cho Đài Loan, và lần bán vũ khí nào cũng khiến Bắc Kinh giận dữ.

Cũng cần phải thấy rằng bà Thái Anh Văn đã điện thoại cho ông Trump vào lúc bà đang gặp nhiều khó khăn trong nước, với tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Đài Loan nay rơi xuống chỉ còn 26%, so với mức 47% vào tháng 6, ngay sau khi bà nhậm chức. Kinh tế Đài Loan thì đang trên đà sụt giảm, được dự báo sẽ chỉ đạt 1,87% vào năm tới. Với chiến thắng ngoại giao nói trên, tổng thống Thái Anh Văn hy vọng sẽ phục hồi uy tín của bà, vì đa số người dân Đài Loan ủng hộ hành động này.

Sau cú điện thoại nói trên, Bắc Kinh trút sự giận dữ về phía Hoa Kỳ hơn là về phía Đài Loan, thể hiện qua công hàm “lọng trọng phản đối” chính phủ Mỹ. Báo chí Trung Quốc hôm nay cũng chĩa mũi dùi về phía ông Donald Trump nhiều, chỉ trích nhà tỷ phú là “thiếu kinh nghiệm về ngoại giao”. Riêng Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì yêu cầu đưa hệ thống tên lửa đạn đạo Đông Phong 41 vào hoạt động ngay để đáp lại thái độ khiêu khích của Mỹ. Nhưng báo chí Trung Quốc cũng không quên cảnh cáo tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn rằng mọi mưu toan của chính quyền Đài Bắc gây căng thẳng sẽ gặp hậu quả ngược lại.

Chính phủ Đài Bắc hôm nay cũng đã cố làm dịu tình hình, khi kêu gọi Trung Quốc giữ bình tĩnh, nhắc lại rằng tổng thống Thái Anh Văn sẽ không đưa Đài Loan trở lại con đường đối đầu với Trung Quốc và cú điện thoại nói trên không phải là một hành động khiêu khích Bắc Kinh.

Tuy vậy, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống sẽ không dễ gì mà dịu đi, vì với lập trường không công nhận một nước Trung Quốc duy nhất, lãnh đạo Đài Loan vẫn là cái gai mà Bắc Kinh muốn nhổ đi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161205-dien-dam-voi-trump-tong-thong-dai-loan-thang-lon

 

Trump xoay ngược chính sách với Trung Quốc?

Cuộc điện đàm của ông Donald Trump với Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, từng bị coi là một hành động chứng tỏ Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ ‘thiếu kinh nghiệm’.

Nhưng sau khi ông Trump tiếp tục dùng Twitter để công khai phê phán Bắc Kinh về tiền tệ và các dự án xây cất ngoài Biển Đông, nhiều người tin rằng chính quyền Trump đang ra tín hiệu thay đổi chính sách với Trung Quốc một cách mạnh mẽ.

BBC Tiếng Việt điểm ra các ý kiến từ những người thân cận với ông Donald Trump về vai trò của Đài Loan và quan điểm sẵn sàng lật ngược quan hệ với Trung Quốc:

Trang Slate:

“Các tin nhắn trên Twitter của Tổng thống tân cử cho thấy cú điện đàm với Đài Loan không phải chỉ là cuộc nói chuyện xã giao mà nhằm gửi ra thông điệp rõ ràng cho Bắc Kinh về cách ông Trump sẽ hành xử khi vào Tòa Bạch Ốc.”

…Trước đó, Alexander Gray và Peter Navarro, hai cố vấn thân cận của ông Trump đã từng ca ngợi Đài Loan là ‘ngọn đèn dân chủ ở châu Á’.

“Họ từng viết trên Foreign Policy:

“Cách chính quyền Obama đối xử Đài Loan thật là tệ hại. Ngọn đèn dân chủ ở châu Á có lẽ là đối tác của Hoa Kỳ dễ bị tổn thương nhất về quân sự. Hồi 2010, tình báo quân sự của Mỹ đã cảnh báo rằng cán cân lực lượng trên vùng trời eo biển Đài Loan đã nghiêng về phía Bắc Kinh. Vậy mà Đài Loan liên tục bị từ chối một thỏa thuận vũ khí đồng bộ (từ Hoa Kỳ) họ rất cần để phòng ngừa cái nhìn thô bạo của Trung Quốc, bất chấp cả các đảm bảo anh ninh đã quy định trong Luật về quan hệ với Đài Loan.”

Washington Post viết vềnhững người đầy thiện cảm với Đài Loan trong nhóm của Trump:

“Bà Thái Anh Văn sẽ được lắng nghe ở Tòa Bạch Ốc. Ông Reince Priebus (sinh năm 1972, người được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc tương lai), đã từng thăm Đài Loan cùng một phái đoàn của Đảng Cộng hòa vào năm 2011 và tháng 10/2015, và gặp bà Thái trước khi bà thắng cử. Ngoại trưởng Đài Loan David Li cũng gọi ông Priebus là người bạn của Đài Loan và nói tin ông được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng cho ông Trump là tin vui cho hòn đảo…”

“Edward J. Feulner, chủ tịch lâu năm của Quỹ Heritage Foundation cũng từng vun đắp các quan hệ với Đài Loan trong nhiều thập niên qua. Ông nay là thành viên của nhóm chuyển tiếp quyền lực giúp ông Trump nhậm chức.”

Trang KPBS viết về Peter Navarro, cố vấn kinh tế chính của Donald Trump:

“Navarro viết một số cuốn sách về Trung Quốc như “Death by China: Confronting the Dragon – A Global Call to Action” (Chết vì Trung Quốc: Đối đầu Mãnh long – Lời kêu gọi hành động toàn cầu ); “Made in China: The Ultimate Warning Label” (Nhãn hiệu Trung Quốc: Điều cảnh báo Cuối cùng) và “The Coming China Wars — Where They Will Be Fought and How They Can Be Won” (Chiến tranh sắp đến với Trung Quốc: Ở đâu và Chiến đấu thế nào để chiến thắng).”

Theo BBC Tiếng Việt tìm hiểu, cuốn sách của Tiến sỹ Peter Navarro về các “cuộc chiến” với Trung Quốc liệt kê ra các mối nguy hiểm từ nước này, từ sản phẩm độc hại, thức ăn độc hại, sự tăng cường quân bị, mối đe dọa ‘chiến tranh nóng’, chương trình không gia của Trung Quốc và các vấn đề kéo theo.

Peter Navarro cho rằng cuộc chiến với Trung Quốc sẽ kéo dài nhiều thập niên và ở mọi lĩnh vực: việc làm, lương bổng (cho công nhân Mỹ), công nghệ cao, các nguồn tài nguyên. Tác giả cũng không quên nhắc “Trung Quốc liên tiếp trấn áp nhân quyền và tự do ngôn luận”.

Theo một số báo Mỹ, cuốn sách đã thu hút sự chú ý của ông Donald Trump.

Fox News:

“Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, John Bolton nói Tổng thống tân cử Donald Trump cần phải ‘làm rung chuyển’ quan hệ Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Trả lời về chuyện có cú điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn vốn gây ra khiếu nại từ Trung Quốc, ông Bolton (một trong số nhân vật được giới thiệu làm Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ – BBC), đã nói:

“Nói thẳng ra thì tôi nghĩ chúng ta cần phá tung quan hệ đó (với Trung Quốc). Trong những năm qua, Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố chủ quyền hung hãn ở biển Nam Trung Hoa.”

“Không ai ở Bắc Kinh có quyền ra lệnh là chúng ta nói chuyện với ai hay không. Đó thật là chuyện nực cười khi cho là một cú điện thoại lại như vậy làm thay đổi mấy chục năm quan hệ.”

Global Research (11/2016) trích John Bolton:

“Tiếp tục thất bại trong việc giải quyết cứng rắn thói phiêu lưu và ngang bướng của Trung Quốc sẽ chỉ khiến nhiều quốc gia châu Á cứ rơi vào vòng tay của Bắc Kinh và như Philippines có vẻ đang làm, là chấp nhận thân phận làm chư hầu cho đế chế Trung Hoa.”

AFP từ Bắc Kinh về phản ứng khá yên lặng cho tới nay của Trung Quốc:

“Các lãnh đạo Trung Quốc, vốn trông đợi một quan hệ ổn định, không bất ngờ với lãnh đạo Hoa Kỳ, hẳn đang tìm mọi cách để lý giải và tìm cách ứng phó với ông Trump”, theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia cao cấp từ trung tâm nghiên cứu Center for Strategic and International Studies ở Washington.

Theo bà, ông Tập Cận Bình sẽ tìm cách tránh bị coi như là ‘yếu đuối’ trước khi Đảng Cộng sản họp đại hội vào năm sau.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-38208774

 

Bầu cử tổng thống Áo: Đảng cực hữu thất bại

Thùy Dương

Ông Alexander Van der Bellen, ứng cử viên của đảng Xanh đã giành chiến thắng trong vòng hai cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Áo diễn ra vào ngày hôm qua, 04/12/2016, với 53,3% số phiếu ủng hộ.

Hãng tin AFP cho biết những người ủng hộ ứng viên Alexander Van der Bellen của đảng Xanh đã vừa ngạc nhiên, vừa vui sướng và cũng thở phào nhẹ nhõm khi biết tin Alexander Van der Bellen đắc cử tổng thống.

Còn ông Norbert Hofer, ứng cử viên của đảng cực hữu FPÖ, đã nhanh chóng thừa nhận thất bại và chúc mừng tổng thống tân cử Alexander Van der Bellen. Đồng thời, ông kêu gọi người dân Áo giữ vững đoàn kết và hợp sức nhau.

Với 46,7% số phiếu bầu, ông Norbert Hofer cũng đã thông báo ý định ra tranh cử trong cuộc bầu cử lập pháp tới đây và trong cả kỳ cầu cử tổng thống trong 6 năm tới.

Đối với cựu ngoại trưởng Áo Peter Jankowisch, chiến thắng của ứng cử viên của đảng Xanh, ông Alexander Van der Bellen, rất quan trọng đối với nước Áo, vì ông Alexander Van der Bellen có thể mang lại một hình ảnh hoàn toàn khác về nước Áo, ông ấy hướng ngoại và giữ quan hệ thường xuyên với các nhà ngoại giao, các nhà báo nước ngoài.

Cho dù tổng thống Áo chỉ có vai trò tượng trưng, nhưng với xu thế dân túy đang lên trên quy mô quốc tế, đặc biệt là sau Brexit và sau thành công của Donald Trump tại Mỹ, thắng lợi của ông Alexander Van der Bellen cũng là thất bại của phe cực hữu ở Áo đã khiến Liên Hiệp Châu Âu vui mừng.

Tổng thống Pháp François Hollande chúc mừng người dân Áo đã « chọn châu Âu và mở cửa đất nước ». Còn ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier thì gọi chiến thắng của ông Alexander Van der Bellen là một « điềm tốt cho châu Âu ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161205-bau-cu-tong-thong-ao-dang-cuc-huu-that-bai

 

New Zealand: Thủ tướng John Key từ chức

Thùy Dương

Hôm nay, 05/12/2016, thủ tướng New Zealand John Key bất ngờ thông báo từ chức vì lý do gia đình, sau 8 năm lãnh đạo chính phủ.

Hãng tin Pháp AFP cho biết, trong một buổi họp báo, thủ tướng New Zealand John Key tuyên bố : “Đây là quyết định khó khăn nhất mà tôi từng đưa ra, và tôi chưa biết sẽ làm gì trong thời gian tới đây”.

Theo thủ tướng New Zealand, một trong những lý do chính khiến ông từ chức là ông muốn có nhiều thời gian hơn cho vợ và hai con. Tuy nhiên, thủ tướng không cho biết thêm về những lý do khác.

Ông John Key đã giữ chức thủ tướng được tám năm, và năm nay là năm thứ mười ông lãnh đạo đảng trung hữu National Party. Đối với ông John Key, “vừa lãnh đạo chính phủ, vừa lãnh đạo đảng là một trải nghiệm ngoài sức tưởng tượng (…). Ông John Key cũng cho biết đối với cả ông và đảng National Party, giờ là lúc thích hợp để ông ra đi.

Ông John Key bước vào chính trường khá muộn, đắc cử dân biểu vào năm 2002 và trở thành lãnh đạo Đảng National Party bốn năm sau đó. Năm 2008, ông John Key đắc cử thủ tướng New Zealand.

Đảng trung hữu National Party sẽ họp trong vài ngày tới để bầu nhà lãnh đạo mới. Còn phó thủ tướng Bill English được nhiều người coi là ứng viên sáng giá cho chức thủ tướng, thay cho ông John Key.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161205-new-zealand-thu-tuong-john-key-tu-chuc

 

Thị trưởng Mexico mời Trump

tới gặp những công nhân thất nghiệp

Carolyn Presutti

INDIANAPOLIS, INDIANA —

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã ra một cảnh báo đối với những công ty của Mỹ đang có kế hoạch chuyển các hoạt động sản xuất của họ ra nước ngoài là: đừng có làm việc đó. Cảnh báo của ông Trump được đưa ra sau khi ông đi thăm một nhà máy ở Indiana và hứa hẹn chính phủ sẽ ưu đãi nếu công ty không đưa việc làm của nhà máy này sang Mexico.

“Sẽ không còn có việc các công ty rời khỏi nước Mỹ mà không lãnh hậu quả gì.”

Đó là Tổng thống đắc cử Donald Trump đang thực hiện lời hứa trong chiến dịch vận động tranh cử. Tại Indiana, việc công bố các khoản giảm thuế sẽ giữ được 800 việc làm tại tập đoàn Carrier để không bị đưa sang Mexico. Nhưng việc giữ việc làm ở lại Mỹ tại công ty sản xuất máy điều hòa nhiệt độ này chỉ là một phần khởi đầu của các kế hoạch của ông Trump. Hôm Chủ nhật, ông Trump đã đưa ra một loạt tin nhắn trên mạng Twitter đe dọa mức thuế 35% sẽ được áp đặt lên các mặt hàng sản xuất tại các công ty của Mỹ đặt ở nước ngoài.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với VOA, Thị trưởng thành phố Santa Catarina của Mexico, Hector Castillo-Olivares, đã ngỏ lời mời ông Donald Trump tới thăm nơi này. Ông nói:

“Chúng tôi mời ông ấy tới thăm để tìm hiểu thêm về người dân của chúng tôi, chất lượng của chính phủ của chúng tôi… hệ thống cơ sở hạ tầng của chúng tôi… và nguồn vốn nước ngoài mà chúng tôi có.”

Cho tới lúc này vẫn chưa có phản hồi gì từ nhóm đại diện của ông Trump trước lời mời này.

Nhà máy Carrier ở Mexico được đặt tại một thành phố công nghiệp bận rộn. Ông thị trưởng cho biết nếu một nhà máy đóng cửa, một nhà máy khác sẽ thế chỗ. Tại đây, mọi người ca ngợi những phúc lợi giành cho nhân viên của công ty Carrier nhưng yêu cầu chúng tôi không nêu danh tính của họ bởi vì họ không được phép phát biểu với truyền thông.

Một công nhân người Mexico của công ty Carrier nói:

“Vận chuyển, phòng ăn, học bổng, họ giúp cho giáo dục của chúng tôi. Đó là một trong những công ty trả lương tốt nhất ở đây.”

Còn tại Indianapolis, Carrier lại không phải là một công ty đặc trưng của Mỹ. Bên trong nhà máy là cả toàn bộ các gia đình và các thế hệ công nhân.

Một công nhân có tên Will Cornett nói với VOA:

“Tôi, bản thân tôi, mẹ tôi và tôi có một em trai và cả một người bác (ở đây).”

5 thành viên của gia đình Cornett cùng làm việc tại Carrier. Will Cornett là một người ủng hộ Trump ngay từ đầu. Ông Trump đã từng nhắc tới anh như một người bị mất việc làm tiêu biểu, vì các công ty chuyển việc sản xuất ra nước ngoài — trong một lần phát biểu khi vận động tranh cử hồi tháng 4.

Anh Cornett nói giờ đây việc làm của anh sẽ ở lại Indianapolis:

“Ông (Trump) gọi chúng tôi là bạn tốt của ông ấy và đó là những gì mà những người bạn làm cho nhau. Họ cùng nhau vượt qua.”

Nhưng đối với 500 người khác cộng thêm 700 người mất việc làm tại một nhà máy của Carrier, việc tìm kiếm một công việc tương tự ở Indianapolis là rất khó. Tại đây họ làm việc với mức lương trung bình 23 đô la một giờ.

Chuck Jones, chủ tịch nghiệp đoàn công nhân Steelworkers Local 1999, nói với VOA:

“Chúng tôi có thể cạnh tranh trên bất cứ mức độ nào nhưng khó mà có thể cạnh tranh với mức lương trung bình 3 đô la một giờ mà họ đang trả cho những công nhân ở Mexico.”

Nói về ông Trump, chủ tịch nghiệp đoàn này cho rằng đã đến lúc ai đó phải nói lên để giữ lại việc làm của các công ty Mỹ tại đất nước này, nhưng bằng một cái giá nào đối với những người đóng thuế? Trong động thái đầu tiên của ông Trump trước khi lên nắm quyền, công ty Carrier được hứa sẽ được khoanh thuế 7 triệu đô la do đã giữ lại một nửa số việc làm tại Mỹ.

http://www.voatiengviet.com/a/thi-truong-mexico-moi-trump-toi-gap-nhung-cong-nhan-that-nghiep/3623398.html

 

Tổng thống Putin: Ông Trump thông minh

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh NTV TV rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là một người đàn ông thông minh và sẽ nhanh chóng hiểu rõ các nhiệm vụ mới của mình.

Nguyên thủ Nga được Reuters dẫn lời nói: “Ông Trump là một chủ doanh nghiệp và là môt thương gia. Ông ấy đã là chính khách. Ông ấy đứng đầu nước Mỹ, một trong các quốc gia hàng đầu thế giới”.

“Vì ông ấy đã đạt được thành công trong kinh doanh, nó cho thấy ông ấy là một người thông minh. Và nếu ông ấy là một người đàn ông thông minh, ông ấy sẽ hiểu rõ và nhanh chóng về trách nhiệm ở một cấp độ khác”, Tổng thống Nga nói.

Hãng tin Reuters nhận định rằng bình luận của ông Putin dường như nhắm vào những người chỉ trích ông Trump thiếu chiều sâu trong các hành động và tuyên bố của mình.

Trung Quốc hôm 3/12 chính thức gửi công hàm phản đối Mỹ sau khi ông Trump điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ một tổng thống hoặc tổng thống đắc cử Mỹ làm vậy đối với người đứng đầu của Đài Loan, vốn bị Trung Quốc coi là một tỉnh của mình.

Còn về quan hệ giữa Nga với phương Tây, ông Putin nói rằng âm mưu kiến tạo một thế giới đơn cực đã thất bại. Ông cũng nói rằng khi xây dựng quan hệ với các nước khác, Nga luôn tôn trọng quyền lợi của họ.

Trước đây, ông Putin từng nói về hy vọng khôi phục quan hệ Hoa Kỳ và Nga.

Khi vẫn còn vận động tranh cử, ông Trump, hôm 7/9, một lần nữa lên tiếng bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Tổng thống Nga tại một diễn đàn an ninh quốc gia.

Ông Trump thậm chí còn cho rằng ông Putin xứng đáng nhận được lời khen ngợi hơn cả Tổng thống Mỹ Obama, và rằng một liên minh với Nga sẽ giúp tiêu diệt Nhà nước Hồi Giáo.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-nga-putin-khen-ong-trump-la-nguoi-thong-minh/3622581.html

 

Ông Trump lại cảnh báo với các công ty

về việc chuyển ra nước ngoài

Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump hôm Chủ nhật, 4/12, lại cảnh báo nghiêm khắc các doanh nghiệp Mỹ rằng nếu họ chuyển hoạt động ra nước ngoài họ sẽ phải đối mặt với thuế suất 35% nếu sau đó cố gắng bán sản phẩm của họ trở lại ở Hoa Kỳ.

Trong một loạt các bài ngắn trên Twitter, ông Trump nói ông có kế hoạch “giảm đáng kể” thuế và các quy định đối với doanh nghiệp. Nhưng ông nói rằng bất cứ công ty nào “sa thải nhân viên, xây dựng một nhà xưởng mới” ở một quốc gia khác “và sau đó nghĩ rằng họ sẽ bán sản phẩm trở lại vào Hoa Kỳ mà không bị trả đũa hoặc gặp hậu quả gì thì họ nghĩ sai rồi!”

Nhà tỷ phú đồng thời là đại gia bất động sản sẽ nắm quyền hôm 20/1. Ông nói thuế biên mậu đánh vào các sản phẩm sản xuất tại các nước khác “sẽ làm cho việc rời đi trở nên khó khăn về tài chính …. Quý vị hãy lưu ý đến lời cảnh báo này trước khi mắc một sai lầm đắt giá!”

Mỹ đã mất 5 triệu việc làm trong ngành chế tạo từ năm 2000, phần lớn vì tự động hóa và một phần vì các địa điểm ở nước ngoài nơi các chủ công ty trả lương công nhân ít hơn đáng kể hơn so với mức họ đã trả ở Hoa Kỳ. N

hưng trong chiến dịch kéo dài của ông để đi đến Tòa Bạch Ốc, ông Trump tuyên bố sẽ hạn chế sự ra đi của công ty và mang trở lại những công việc đã bị chuyển ra nước ngoài.

http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-lai-canh-bao-voi-cac-cong-ty-ve-viec-chuyen-ra-nuoc-ngoai/3622562.html

 

Lãnh đạo Afghanistan, Ấn Độ

thảo luận về song phương, khu vực

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị hòa bình Trái tim châu Á tại thành phố Amritsar ở phía bắc Ấn Độ hôm Chủ nhật, 4/12, để thảo luận các vấn đề song phương và khu vực.

Hai ông Ghani và Modi cùng mở màn sáng kiến có tên gọi Tiến trình Trái tim châu Á-Istanbul lần thứ 6, sáng kiến này ra đời năm 2011 để thúc đẩy những nỗ lực hòa bình ở Afghanistan.

Theo Reuters, các ngoại trưởng và đại biểu đến từ 30 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và Pakistan, tham dự hội nghị 2 ngày để thảo luận về hòa bình, hợp tác và phát triển kinh tế ở Afghanistan.
Các quan chức Ấn Độ và Afghanistan cho biết hôm thứ Bảy rằng hai nước đang có kế hoạch thiết lập một dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhằm giúp tăng cường thương mại mà cả hai bên cho biết đã bị cản trở vì các mối quan hệ chính trị căng thẳng với Pakistan, quốc gia nằm giữa họ.

Dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhằm mục đích cải thiện các con đường đến những thị trường trọng điểm ở nước ngoài của Afghanistan và thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của ngành thảm và hoa quả trong khi nước này chống phiến quân Taliban.

http://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-an-do-afghanistan-thao-luan-ve-song-phuong-khu-vuc/3622596.html

 

Tổng thống Afghanistan nói Taliban tồn tại nhờ Pakistan

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phát biểu hôm Chủ nhật, 4/12, tại một hội nghị quốc tế ở thành phố miền bắc Ấn Độ Amritsar rằng lực lượng phiến quân Taliban ở nước ông sẽ không tồn tại được nếu không có sự hỗ trợ từ Pakistan, và ông kêu gọi thành lập một quỹ để chống chủ nghĩa cực đoan.

Đề cập đến sự bùng nổ bạo lực của các nhóm chiến binh ở nước ông, nhà lãnh đạo Afghanistan cho biết: “Một số nước vẫn cung cấp nơi trú ngụ để trợ giúp hoặc dung túng cho các mạng lưới này. Như ông Kakazada, một trong những nhân vật chủ chốt của Taliban, mới đây đã nói, nếu họ không có nơi trú ẩn ở Pakistan, họ sẽ không trụ nổi một tháng”.

Quan hệ của Afghanistan với Pakistan đã bị căng thẳng vì nước này phải đương đầu với các cuộc tấn công quân sự gia tăng. Chỉ ra rằng nước ông đã phải chịu số thương vong dân sự và số tử vong liên quan đến quân đội cao nhất vào năm ngoái, ông Ghani nói điều này “không thể chấp nhận được”.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao Pakistan, Sartaj Aziz, cho biết tình hình an ninh ở Afghanistan thật phức tạp và việc đổ lỗi cho một nước về sự bùng phát bạo lực gần đây là “đơn giản hóa” sự việc. Ông Aziz kêu gọi cần có “một cái nhìn khách quan và toàn diện”.

“Hội nghị Trái tim Châu Á” là một sáng kiến ra đời năm 2011 để khuyến khích hợp tác kinh tế và an ninh giữa Afghanistan và các nước láng giềng. Các đại biểu đến từ hơn 20 quốc gia bao gồm cả quan chức chính sách ngoại giao hàng đầu của Pakistan, Sartaj Aziz, đã tham dự hội nghị.

http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-afghanistan-noi-taliban-ton-tai-nho-pakistan/3622593.html

 

Quân đội Syria chiếm lại một nửa khu vực phía đông Aleppo

Zlatica Hoke

WASHINGTON —

Tin cho hay hơn 20 người, kể cả trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích hôm Chủ nhật ở khu vực đông nam của Aleppo trong lúc các lực lượng của chính phủ tiếp tục cuộc hành quân chiếm lại quyền kiểm soát thành phố này. Quân đội Syria được Nga yểm trợ đã chiếm lại được khoảng một nửa khu vực phía đông của thành phố do phe nổi dậy kiểm soát trước đó, và kêu gọi dân chúng về lại nhà của họ. Nga đã đưa vật phẩm cứu trợ đến các khu vực chính phủ Syria vừa chiếm lại được.

Bộ Quốc phòng Nga phổ biến một video hôm Chủ nhật quay cảnh một đoàn xe mà họ nói là đang chở vật phẩm cứu trợ vào khu vực phía đông của Aleppo nơi giao tranh giữa các lực lượng chính phủ Syria và phe nổi dậy vẫn đang tiếp diễn.

Ông Nikolai Ponomaryov, sĩ quan quân đội Nga cho biết:

“Nga, như đã tuyên bố nhiều lần, đang bảo vệ người dân hiền hòa và giúp đỡ họ bằng mọi cách. Điều quan trọng đối với Nga là người dân ở đây không bị đói, và dân chúng cảm nhận rằng cả chính phủ Syria và Nga đều cần người dân.”

Chính phủ Syria đã nối lại các tuyến đường giao thông vào các khu vực mà quân đội Syria chiếm lại được từ phe nổi dậy. Các chiếc xe buýt chở đầy người di chuyển trên các con đường rất xấu.

Ông Hussain Suleiman, giám đốc cơ quan giao thông vận tải Syria, cho biết:

“Kể từ 7 giờ sáng tới giờ, đã có 10 chuyến xe buýt khởi hành, mỗi chuyến chở đến 100 người. Như vậy là khoảng 1.000 người đã từ phía tây Aleppo lên đường về phía đông. Chúng tôi tiếp tục làm việc. Đường đi an toàn, nhưng nếu nhà nước bắt đầu sửa chữa mặt đường thì sẽ an toàn hơn nữa.”

Chính phủ kêu gọi người dân đã chạy khỏi Aleppo về lại nhà của họ, và hứa hẹn sẽ chiếm lại hoàn toàn Aleppo trong vài tuần lễ tới. Trong mấy ngày qua, hàng trăm cư dân đã trở về lại nhà của họ mà họ đã bỏ đi để lánh nạn mấy năm qua.

Bà Fadia Harro, một cư dân ở quận Hanano, cho biết:

“Tôi thật là vui mừng khôn tả. Nhà cửa của chúng tôi đã bị phá hủy hết, nhưng chúng tôi đã giành thắng lợi để quay trở về.”

Các thủ lãnh nổi dậy Syria hôm thứ Bảy nói rằng họ sẽ không đầu hàng quân chính phủ. Con số thường dân thiệt mạng tiếp tục tăng. Các nhà quan sát nói rằng ít nhất 21 người, kể cả trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc oanh kích do các lực lượng chính phủ Syria được Nga yểm trợ thực hiện hôm Chủ nhật ở khu vực đông nam thành phố Aleppo. Tổng số người thiệt mạng theo ước tính có thể còn tăng nữa trong lúc các nhân viên cứu hộ đang rà tìm trong các đống đổi nát tại một khu chợ ở thị trấn Kaft Nabl thuộc khu vực Idlib, cách khu vực đông nam Aleppo khoảng 100 kilômét.

http://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-syria-chiem-lai-1-nua-khu-vuc-phia-dong-aleppo/3623326.html

 

Mỹ hài lòng với đóng góp của Nhật về chi phí quân đồn trú

Hoa Kỳ hài lòng với những đóng góp mà chính phủ Nhật Bản đang làm, để giúp Washington trang trải chi phí khi đưa quân đồn trú ở Nhật.

Lên tiếng với các nhà báo tháp tùng trên đường đến Tokyo, ông Ash Carter, Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết hàng năm, chính phủ Nhật Bản trả cho Mỹ số tiền lên tới 1 tỷ 600 trăm triệu USD, giúp Lầu Năm Góc trang trải phần lớn chi phí khi đưa 50.000 binh sĩ đồn trú ở Nhật, để bảo vệ an ninh quốc phòng cho đồng minh Nhật Bản, và duy trì ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ cũng nói rằng Washington hài lòng với sự đóng góp của Nhật Bản, vì Tokyo biết Hoa Kỳ không thể đơn phương gánh vác mọi chuyện, và điều đó giúp mối quan hệ chiến lược Mỹ-Nhật ngày một trở nên vững mạnh hơn.

Vài tháng trước đây khi còn vận động tranh cử, Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump có nói với đại ý rằng ông sẽ duyệt lại khoản tiền mà đồng minh chiến lược của Mỹ tại Đông Á là Nhật Bản đang đóng góp, nói thêm là có thể Hoa Kỳ sẽ rút quân ra khỏi Nhật Bản vì chi phí đóng quân quá tốn kém.

Tuy nhiên chỉ vài ngày sau khi đắc cử, ông Trump tiếp Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe, sau đó tin từ các cố vấn của ông Trump cho hay vị tổng thống tương lại của Hoa Kỳ coi trọng mối quan hệ chiến lược cần thiết phải có với Tokyo.

http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/pentagon-chief-says-satisfied-with-jp-contribution-to-alliance-12052016110013.html